Đức Thánh Cha về đến Roma bình an

Máy bay chở Đức Thánh Cha trở về Ý đã đáp xuống phi trường Fiumicino của Roma lúc 16:13. Đức Thánh Cha kết thúc chuyến tông du nước ngoài lần thứ 32, với chuyến viếng thăm hai quốc gia Thái Lan và Nhật Bản từ ngày 19-26/11.

Sau 12 giờ bay, chiếc máy bay Boeing 787 của hãng hàng không ANA (All Nippon Airways) của Nhật chở Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng và các ký giả từ Tokyo đã đáp xuống phi trường Roma lúc 16:13, gần 50 phút so với thời gian dự kiến.

Đức Thánh Cha kết thúc chuyến tông du nước ngoài lần thứ 32 và là chuyến viếng thăm châu Á lần thứ tư. Thái Lan và Nhật Bản, cả hai quốc gia đều có gốc rễ Kitô giáo từ nhiều thế kỷ, đã bày tỏ cho Đức Thánh Cha thấy niềm vui của đức tin và ý muốn tiếp tục hành trình truyền giáo và loan báo Tin Mừng của nhiều vị tử đạo và các chứng tá đã thực hiện trong lịh sử của họ.

Như thường lệ, khi về đến Roma, Đức Thánh Cha đã đến đền thờ Đức Bà Cả, cầu nguyện trước bức ảnh “Đức Bà là phần rỗi dân thành Roma”, trước khi trở về Vatican.

Hồng Thủy – Vatican

Đức Thánh Cha nguyện kinh với 500 nữ đan sĩ chiêm niệm Peru

Đức Thánh Cha nguyện kinh với 500 nữ đan sĩ chiêm niệm Peru

LIMA. Sáng chúa nhật 21-1-2017, ĐTC đã đến Đền Thánh Chúa làm phép lạ ở thủ đô Lima để nguyện kinh giờ nhỏ với khoảng 500 nữ tu chiêm niệm thuộc các đan viện ở Peru vào lúc 9 giờ 15.

Đền thánh này ở trung tâm lịch sử của thành Lima, dâng kính Bổn mạng của nước Peru là Chúa làm phép lạ. Đền thánh do các nữ đan sĩ Cát Minh nhặt phép coi sóc. Tại Đền thánh có bức bích họa Chúa Kitô chịu đóng đanh được vẽ trên tường hồi thế kỷ 17. Trận động đất dữ dội năm 1655 đã tàn phá bình địa phần lớn các dinh thự và nhà cửa ở Lima, nhưng bức tường có bức họa Chúa Kitô vẫn đứng nguyên. Cả những lần động đất sau đó cũng vậy. Các tín hữu rất sùng kính ảnh này và nhiều người được ơn lạ, phép lạ qua các thế kỷ. Vì thế, bích họa được đổi tên là ”Ảnh Chúa phép lạ”. Ngày nay ảnh được đặt trên bàn thờ chính của Đền Thánh Nazareno. Bản sao của ảnh này, mỗi năm được rước trong tháng 10 qua các đường phố ở Lima.

Khi ĐTC đến Đền thánh, 500 nữ đan sĩ chiêm niệm từ các nơi ở Peru đã tề tựu về đây để tham dự cuộc gặp gỡ với ĐTC. Ngài tiến lên bàn thờ và đứng cầu nguyện trong thinh lặng trước ảnh Chúa Phép Lạ.

Sau lời chào mừng của Mẹ Bề trên của các Đan sĩ cát minh nhặt phép ở Đền thánh, mọi người đã nguyện kinh giờ nhỏ.

Bài giảng của ĐTC

Giảng sau bài đọc ngắn (Rm 8,15-16), ĐTC nhấn mạnh chiều kích truyền giáo của kinh nguyện là nòng cốt đời sống chiêm niệm. Ngài nói:

”Kinh nguyện truyền giáo là kinh nguyện liên kết chúng ta với các anh chị em trong các hoàn cảnh khác nhau của họ và cầu nguyện để họ không bị thiếu tình yêu và hy vọng. Như thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã nói: Tôi hiểu rằng chỉ có tình yêu thúc đẩy các phần tử của Giáo hội hoạt động, và nếu tình yêu bị tắt lịm, thì các tông đồ sẽ không còn loan báo Tin Mừng nữa, các vị tử đạo sẽ không đổ máu đào nữa. Tôi hiểu và biết rằng tình yêu gồm tóm nơi mình tất cả các ơn gọi, tình yêu là tất cả, trải rộng qua mọi thời đại và mọi nơi, tóm một lời, tình yêu là vĩnh cửu [..]. Trong con tim của Giáo hội là Mẹ tôi, tôi sẽ là tình yêu” (Thư gửi chị Maria Thánh Tâm, 8-9-1986: Thủ bản tự thuật, Ms B, [3v])

ĐTC giải thích rằng ”Là tình yêu! Là biết ở cạnh đau khổ của bao nhiêu anh chị em và nói như tác giả thánh vịnh: ”Trong nguy nan con đã kêu cầu Chúa: Lạy Chúa, Chúa đã đáp lại, và đã cứu thoát con” (Tv 117,5). Vì thế, cuộc sống của chị em, trong đan viện, có được chiều kích truyền giáo và phổ quát, và có một ”vai trò cơ bản trong đời sống của Giáo Hội. Chị em hãy cầu nguyện và chuyển cầu cho bao nhiêu anh chị em đang bị cầm tù, cho người di dân, tị nạn và bị bách hại, cầu cho bao nhiêu gia đình bị thương tổn, cho những người không có công ăn việc làm, cho các bệnh nhân, cho các nạn nhân nghiện ngập, đó là một số hoàn cảnh cấp thiết nhất ngày nay. Chị em như những người đưa người bất toại đến trước Chúa để Ngài chữa lành” (Xc Mc 2,1-12). Qua kinh nguyện, ngày và đêm, chị em dẫn đến gần Chúa cuộc sống của bao nhiêu anh chị em, vì những hoàn cảnh khác nhau, không thể đến với Ngài để cảm nghiệm lòng thương xót chữa lành của Chúa, trong khi Chúa chờ đợi họ để ban ơn cho họ. Nhờ kinh nguyện, chị em có thể chữa lành những vết thương của bao nhiêu anh chị em” (Cost. ap. Vultum Dei quaerere, 16).

“Chính vì thế, chúng ta có thể khẳng định rằng đời sống trong đan viện không cầm hãm cũng chẳng thu hẹp con tim, nhưng mở rộng nó nhờ tương quan với Chúa và làm cho nó có khả năng tái cảm thấy sự đau đớn, khổ sở, bất mãn, sự phiêu lưu của bao nhiêu anh chị em là nạn nhân của thứ văn hóa gạt bỏ của thời đại ngày nay. Ước gì sự chuyển cầu cho những người túng thiếu là đặc tính kinh nguyện của chị em. Và khi có thể, chị em hãy giúp đỡ họ không những bằng lời cầu nguyện, nhưng cả bằng sự trợ giúp cụ thể nữa.

Sau cùng, ĐTC nhắn nhủ các nữ đan sĩ rằng: ”Chị em hãy dấn thân trong đời sống huynh đệ, làm sao để mỗi đan viện là một ngọn đèn pha có thể chiếu sáng giữa sự bất hòa và chia rẽ. Chị em hãy giúp nói lên rằng đó là điều có thể. Ước gì bất cứ ai đến gần chị em đều có thể nếm hưởng trước hạnh phúc do tình bác ái huynh đệ, như đặc tính riêng của đời sống thánh hiến và là điều rất cần trong thế giới ngày nay cũng như trong các cộng đoàn của chúng ta.

”Khi ta sống ơn gọi trong sự trung thành, thì cuộc sống trở thành lời loan báo Tình yêu của Thiên Chúa. Tôi xin chị em đừng bao giờ ngưng nêu chứng tá ấy. Trong nhà thờ này của các nữ tu Cát Minh Nhặt Phép Nazareno này, tôi mạn phép nhắc lại những lời của một bậc thầy về đời sống thiêng liêng, là thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu: ”Nếu chị em mất vị hướng đạo là Chúa Giêsu nhân lành, thì chị em sẽ không tìm được con đường […] vì chính Chúa Giêsu đã nói Ngài là Đường, Chúa cũng nói Ngài là ánh sáng, và không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Ngài” (Lâu đài nội tâm, VI, c.7,6)

Cuối giờ kinh, ĐTC chào thăm riêng 6 vị Bề trên và Viện mẫu, trước khi đến đến viếng nhà thờ chính tòa thánh Gioan Tông Đồ và Thánh Sử của tổng giáo phận thủ đô Lima. Tại đây ngài cầu nguyện trước hài cốt các 5 vị thánh người Peru, trước khi gặp gỡ 60 vị thuộc HĐGM nước này, rồi chủ sự kinh truyền tin trưa chúa nhật với các tín hữu tại Quảng trường Quân đội trước nhà thờ. Ban chiều lúc 4 giờ, ĐTC đến căn cứ không quân Lima để cử hành thánh lễ rồi ra phi trường đáp máy bay trở về Roma.

G. Trần Đức Anh OP

Đôi Dép

Đôi Dép

Tình ta tựa như đôi dép thôi.

Khắn khít bên nhau chẳng thể rời.

Đi đâu cũng có cặp, có đôi.

Gian nan nguy khó chẳng hề lơi.

Có lần dạo biển đùa sóng tấp.

Nước cuốn trôi xa, một chiếc kia.

Chiếc này, luống bước, với chơi vơi.

Lùa vào, đừng để cuốn xa khơi.

Nghĩ thôi, dép kia còn một chiếc!

Làm sao! Đi hết được quãng đường.

Một chiếc thôi, sẽ khập khểnh lẻ…

Con đường trước mắt,bao dài nữa…

Ý nghĩa không còn…có cặp đôi.

Tình tôi cũng chỉ có vậy thôi!

Xin thương, song hành luôn có cặp.

Như đôi dép Mộc vẫn có đôi.

Gắn bó bên nhau, vạn nẽo đường,

Lối mòn, đường lộ luôn có đủ.

Một đôi dép cũ, vẫn bên nhau.

   ***

 

Cô giáo Tống Hoa

Trường Việt ngữ và Văn Hoá Phan Bội Châu

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha – Tháng Chín 2017: Cầu nguyện cho các giáo xứ

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha – Tháng Chín 2017: Cầu nguyện cho các giáo xứ

VATICAN. Trong tháng Chín 2017, Đức Thánh Cha đặc biệt mời gọi cầu nguyện cho các giáo xứ, để các giáo xứ trở thành nơi thông truyền đức tin và thể hiện đức ái. Đức Thánh Cha chia sẻ trong Video rằng:

Các giáo xứ phải có liên hệ với các gia đình, với đời sống người dân, với đời sống xã hội. Các giáo xứ phải là những ngôi nhà với cánh cửa luôn rộng mở chào đón mọi người. Điều này rất quan trọng và là đòi buộc rõ ràng của đức tin.

Những cánh cửa phải luôn rộng mở, để Chúa Giêsu có thể đi ra với tất cả niềm vui trong sứ điệp của Người.

Hãy cầu nguyện cho các giáo xứ của chúng ta, để các giáo xứ không đơn thuần là những văn phòng công sở, nhưng được linh hoạt bởi tinh thần truyền giáo. Nhờ đó các giáo xứ trở thành nơi thông truyền đức tin và thể hiện đức ái.

 

Đức Thánh Cha dâng lễ tại nhà nguyện thánh Marta

Đức Thánh Cha dâng lễ tại nhà nguyện thánh Marta

Cử hành lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu tại nhà nguyện thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở mọi người: Để lắng nghe tiếng Chúa, cần phải trở nên bé nhỏ.

Thiên Chúa đã chọn chúng ta; Người đã hòa nhập với chúng ta trong hành trình của cuộc sống

Dựa vào bài đọc thứ nhất trích từ sách Đệ nhị luật, trong đó Môsê nói rằng Thiên Chúa đã chọn chúng ta là dân riêng của Người trong số các dân trên mặt đất, Đức Thánh Cha giải thích rằng người ta có thể ngợi khen Chúa bởi vì “trong trái tim Chúa Giêsu, Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn cử hành với niềm vui mừng các mầu nhiệm cứu độ lớn lao, các mầu nhiệm của tình yêu Người dành cho chúng ta, nghĩa là cử hành đức tin của chúng ta.”

Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh đến 2 từ trong đoạn sách Đệ nhị luật: chọn và sự bé nhỏ.

“Không phải chúng ta đã chọn Chúa, nhưng chính Người đã làm cho mình trở thành tù nhân của chúng ta.”

Thiên Chúa đã gắn kết với cuộc đời chúng ta, không thể tách rời. Người đã hành động mạnh mẽ! Và Người trung thành trong thái độ chọn lựa này. Chúng ta được chọn vì tình yêu và đây là căn tính của chúng ta.

Chúng ta thường nói ‘tôi chọn tôn giáo này, tôi đã chọn…’.  Đức Thánh Cha nói: “Không! Không phải bạn đã chọn. Chính Người đã chọn bạn, đã kêu gọi bạn và gắn chặt với bạn. Đây là đức tin của chúng ta. Nếu chúng ta không tin điều này, chúng ta không hiểu sứ điệp của Chúa Kitô là gì, chúng ta không hiểu được Tin mừng.”

Về từ ngữ thứ hai, sự bé nhỏ, Đức Thánh Cha nhắc lại, như Môsê đã nói rõ rằng Thiên Chúa đã chọn dân Israel bởi vì họ là “dân nhỏ nhất trong các dân tộc”.

“Thiên Chúa đã phải lòng sự bé nhỏ của chúng ta và vì thế Người đã chọn chúng ta. Người chọn những người bé nhỏ, không phải là những người cao trọng, nhưng là những người bé nhỏ. Người đã mạc khải chính mình cho những kẻ bé mọn: ‘Chúa đã dấu những điều này với những người khôn ngoan và hiểu biết, nhưng đã mạc khải cho những kẻ bé mọn’. Người cho những người bé nhỏ biết: nếu con muốn hiểu về mầu nhiệm của Chúa Giêsu, hãy tự hạ mình xuống thành người bé nhỏ. Hãy biết trở nên ‘số không’. Người không chỉ chọn và mạc khải cho những người bé nhỏ mà còn kêu gọi họ: ‘hãy đến với Ta, hỡi tất cả những ai mệt nhọc và bị áp bức: ta sẽ cho các người được nghỉ sức’. Các con là những kẻ bé nhỏ nhất – vì các đau khổ, vì mệt nhọc …”

Chúa có kêu gọi những người cao trọng không? Đức Thánh Cha trả lời có. Ngài giải thích: “Trái tim Chúa mở rộng, nhưng những người cao trọng thông thái không thể nghe tiếng của Người vì lòng họ chỉ quan tâm đến mình. Để nghe được tiếng của Chúa cần phải trở nên người bé nhỏ.”

Từ điều này, Đức Thánh Cha nói về Thánh Tâm Chúa Kitô. Ngài nhắc rằng Thánh Tâm, không phải như vài người nói,  là một tấm ảnh nhỏ dành cho những người sùng kính Thánh Tâm. Trái tim bị đâm thâu của Chúa Kitô là “trái tim mạc khải, trái tim của đức tin chúng ta bởi vì Người đã trở nên bé nhỏ, Người đã chọn con đường này.” Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Con đường tự hạ và tự hủy cho đến chết trên Thánh giá là một chọn lựa hướng đến sự bé nhỏ để cho vinh quang của Thiên Chúa có thể được tỏ bày.” Đức Thánh Cha hồi tưởng lại: Từ trái tim của Chúa Giêsu bị đâm thâu bởi lưỡi đòng của tên lính “nước và máu chảy ra”, và “đây là mầu nhiệm của Chúa Kitô”. Thánh lễ hôm nay cử hành “một trái tim yêu thương, chọn lựa, trung thành” và “gắn kết với chúng ta, mạc khải cho những người bé mọn, kêu gọi những người bé nhỏ, trở nên bé nhỏ”.

Đức Thánh Cha tiếp tục chia sẻ với câu hỏi: Chúng ta tin vào Thiên Chúa? Có. Tin vào Chúa Giêsu nữa? Có. Tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa?. Có. Nhưng mầu nhiệm là điều này. Đây là sự tỏ bày, là vinh quang của Thiên Chúa. Trung thành trong chọn lựa, trong việc gắn kết với chúng ta, trong việc  trở nên bé nhỏ: trở nên bé nhỏ, tự hủy. Vấn đề của đức tin là hạt nhân của cuộc sống chúng ta: chúng ta có thể rất nhân đức nhưng lại có ít đức tin; chúng ta phải bắt đầu từ đây, từ mầu nhiệm của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã cứu độ chúng ta với sự trung thành.

Cuối cùng Đức Thánh Cha cầu nguyện xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng để cử hành trong Thánh Tâm Chúa Giêsu Kitô “các cử chỉ lớn lao, các công trình cứu độ vĩ đại.” (REI 23/06/2017)

Hồng Thủy

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha – Tháng Hai 2017: Tiếp đón những ai đang cần trợ giúp

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha – Tháng Hai 2017: Tiếp đón những ai đang cần trợ giúp

VATICAN. Trong tháng hai năm 2017, Đức Thánh Cha đặc biệt mời gọi mọi người tiếp đón những ai đang cần trợ giúp, đặc biệt là người nghèo, người tị nạn và những ai đang ở bên lề xã hội. Đức Thánh Cha chia sẻ trong Video rằng:

Chúng ta đang sống trong thành phố, với những tòa nhà cao chọc trời, với các trung tâm mua sắm, và những sàn giao dịch bất động sản kếch xù… nhưng lại bỏ rơi một phần của chính mình tại những vùng ngoại biên.

Các hệ quả của tình trạng này là: phần lớn người dân bị loại trừ và chịu thiệt thòi. Người dân không có công ăn việc làm, không có lựa chọn, không có lối thoát.

Đừng bỏ rơi họ!

Hãy cùng Cha cầu nguyện cho tất cả những ai đang chịu cảnh khốn khó, đặc biệt là những người nghèo, người tị nạn và những ai đang ở bên lề xã hội, để họ có thể được đón nhận và được an ủi trong các cộng đồng của chúng ta.

Đừng lãng quên những ơn lành Chúa ban

Đừng lãng quên những ơn lành Chúa ban

Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, khỏi sự hèn nhát, khỏi sự sợ hãi. Chúng ta đừng quên những điều ấy. Chúng ta đã hãy sống với đầy hy vọng, can đảm và kiên nhẫn. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Hãy nhớ lại những ngày đầu tiên ấy

Bài đọc trích thư gửi tín hữu Do thái nói: “Anh em thân mến, anh em hãy nhớ lại những ngày trước”: những ngày đầy lòng nhiệt thành, những ngày tiến tới trong đức tin, những ngày vừa bắt đầu sống đức tin, những ngày phải đương đầu với bao đau khổ lớn lao… Anh em không thể hiểu đời sống Kitô hữu mà không ghi nhớ ký ức. Anh em cũng không thể hiểu đời sống thiêng liêng nếu không ghi nhớ ký ức. Anh em không thể sống đời sống Kitô hữu nếu không ghi nhớ ký ức.

Đó là ký ức về ơn cứu độ của Thiên Chúa trong cuộc sống của bản thân mình. Giữa những chao đảo của cuộc sống, Chúa đã cứu từng người chúng ta. Ký ức ấy là ơn ban và là ơn để nguyện xin. Chúng ta thưa lên: “Lạy Chúa, xin đừng quên dấu ấn của Ngài trong đời con; con sẽ không quên những giây phút sáng tươi cũng như khi tăm tối, những niềm vui và những thập giá”. Các Kitô hữu là những người luôn khắc ghi ký ức trong tâm khảm.

Nhìn tới tương lai với niềm hy vọng

Với niềm hy vọng, chúng ta nhìn tới tương lai. Bạn không thể là Kitô hữu nếu bạn không ghi khắc ký ức, cũng thế bạn không thể sống đời Kitô hữu nếu bạn không nhìn tới tương lai trong niềm hy vọng được gặp gỡ Chúa. Chúa có thể nói: “Một ít lâu nữa…” Ồ, sự sống tựa hơi thở phải không? Đổi thay. Khi một người còn trẻ, người ấy nghĩ rằng vẫn còn nhiều thời giờ phía trước, nhưng cuộc sống dạy cho chúng ta rằng thời gian đang trôi đi. Chẳng bao lâu nữa, tôi hy vọng gặp sẽ Ngài. Đó là cuộc sống luôn giằng co và đong đầy giữa ký ức và hy vọng, giữa quá khứ và tương lai.

Can đảm thoát khỏi tâm hồn nhu nhược

Đừng có tâm hồn co cụm chật hẹp… Có những điều răn dành cho mọi người. Điều ấy là phải, nhưng đừng để cho các điều răn ấy bóp nghẹt bạn. Vì nếu không cẩn thận, các điều luật sẽ lấy mất khỏi bạn những ơn phúc và hy vọng. Bạn đừng lãng quên biết bao ơn lành đã lãnh nhận. Hãy ghi khắc vào tâm can và bước đi với niềm hy vọng.

Cái hiện tại của người Kitô hữu tựa như một người đi trên đường và gặp cơn mưa bất chợt. Vì người ấy không đem theo áo đủ tốt, nên khi bị mưa làm cho ướt, người ấy co rúm lại… Và có những tâm hồn co rúm co cụm như thế… Đó là sự nhát đảm. Sự nhát đảm ấy làm cho chúng ta mất ký ức, mất hy vọng, mất đi lòng dũng cảm. Còn Thiên Chúa, Ngài tăng sức cho chúng ta mỗi ngày, để giúp chúng ta có một ký ức sống động, một niềm hy vọng lớn mạnh. Ngài giải thoát chúng ta khỏi sự nhu nhược nhát đảm, khỏi nỗi sợ hãi, khỏi sự co cụm của một tâm hồn chỉ lo tự vệ. Chúa Giêsu đã nói: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất.”

Tứ Quyết SJ

Tháng Giêng 2017 – Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha

Tháng Giêng 2017 – Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha

VATICAN. Trong tháng giêng năm 2017, Đức Thánh Cha đặc biệt mời gọi các Kitô hữu cùng nhau phục vụ con người. Đức Thánh Cha chia sẻ trong đoạn Video rằng:

Trong thế giới ngày nay, nhiều Kitô hữu từ các giáo hội khác nhau đã cùng nhau lao tác, để phục vụ những anh chị em cần được trợ giúp, để bảo vệ cuộc sống và phẩm giá con người, để bảo vệ công trình sáng tạo, và để tranh đấu chống lại bất công.

Ước mong cùng nhau tiến bước, cùng nhau cộng tác trong phục vụ và liên đới với những ai yếu đuối nhất và những ai đang đau khổ, ước muốn này là nguồn vui cho tất cả chúng ta.

Hãy hiệp lời của con với lời cầu nguyện của Cha, để mọi người sống đời cầu nguyện và bác ái huynh đệ, để tái lập tình hiệp thông trọn vẹn trong giáo hội, cùng nhau phục vụ con người và đáp lại những thách đố hiện nay của nhân loại.

Tứ Quyết SJ

Sự cứng nhắc và tinh thần thế gian là thảm họa cho các linh mục

Sự cứng nhắc và tinh thần thế gian là thảm họa cho các linh mục

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-09-12-2016

Các linh mục là những người làm trung gian cho tình yêu Thiên Chúa, chứ không làm trung gian cho những bận tâm của riêng mình. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta. Ngài tập trung vào những cám dỗ gây nguy hiểm cho đời phục vụ của các linh mục.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói về những người luôn bất mãn. Ngày nay có những Kitô hữu cũng thế, họ không bao giờ thỏa mãn, không hiểu được những gì Chúa dạy, không hiểu được mặc khải của Tin Mừng. Cũng thế, có nhiều linh mục không bao giờ thỏa mãn, mà luôn đi tìm những dự án mới, vì lòng các vị ấy ở xa đường lối của Chúa Giêsu. Do đó, các vị than phiền và sống cách khổ sở.

Các linh mục làm trung gian cho tình yêu Thiên Chúa  

Chúa Giêsu làm trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Chúng ta phải đi theo con đường của Đấng trung gian là Chúa Giêsu. Trong đời thường, có những người làm trung gian, đó là họ làm một nghề và nhận lại thù lao cho nghề ấy. Nhưng ở đây, người trung gian có nghĩa hoàn toàn khác.

Vị trung gian cần hy sinh chính bản thân mình để có thể nối kết con người với Đấng ban sự sống. Cái giá phải trả chính là toàn cuộc sống, là cả mạng sống, với tất cả sự cực nhọc, với công việc phục vụ và rất nhiều thứ khác. Đây chính là trường hợp của các linh mục coi xứ. Các vị sống như thế, để có thể kết nối với đoàn chiên, kết nối với người dân, và để dẫn đưa họ đến với Chúa Giêsu. Khi làm Đấng trung gian, Chúa Giêsu hoàn toàn trút bỏ chính mình, hoàn toàn khiêm nhường đến độ trở ra như không. Thư của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Philipphê (2:7-8) nói rất rõ về điều này: “Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang… Người lại còn hạ mình, vâng lời đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”. Đây chính là con đường của Chúa, con đường của hy sinh và khiêm nhường đến tận cùng, của việc tự vét cạn chính mình, tự làm rỗng chính mình, tự hóa ra không.

Sự cứng nhắc dẫn đến việc xa lánh người dân

Một linh mục đích thực, là người trung gian và rất gần gũi với dân chúng. Vị linh mục ấy không làm việc để rồi được nhận lại cái gì đó theo kiểu một quan chức.  

Thế nhưng, có những vị trung gian thích đi dạo quanh để được người ta nhìn thấy và tán thưởng. Để làm cho mình trở thành quan trọng, vị linh mục ấy đi theo con đường của cứng nhắc và xa lánh người dân. Vị ấy không biết đến nỗi khổ của con người. Vị ấy đánh mất những gì đã được hấp thụ nơi gia đình, nơi cha mẹ, nơi ông bà và anh chị em… Khi cứng nhắc như thế, các vị ấy chất gánh nặng lên người dân mà trong khi mình chẳng làm gì. Các vị nói với dân Chúa rằng: không thể thế này, không thể thế kia… Có nhiều người dân muốn tìm một chút an ủi, một chút hiểu biết, thế mà bị gạt đi.

Vị linh mục tốt cười vui với trẻ thơ

Khi xét mình, người linh mục có thể tự hỏi: Hôm nay tôi là một người trung gian của Chúa hay tôi chỉ là một quan chức? Tôi có sống phục vụ tha nhân không? Một vị linh mục tốt, thì có khả năng quan tâm, có khả năng vui chơi và mỉm cười với trẻ thơ… Vị ấy biết cách để gần gũi những gì là bé nhỏ, với những con người bé nhỏ. Có những vị luôn buồn rầu với vẻ mặt nghiêm trọng và sa sầm nét mặt, nhưng nếu là người trung gian của Chúa, vị linh mục tốt sẽ có những nụ cười, có sự thân thiện, sự thấu hiểu và lòng cảm thông.

Có ba vị thánh là mẫu gương cho đời linh mục. Thứ nhất, thánh Policarpo giữ vững ơn gọi và đi lên giàn để chịu thiêu sống. Khi lửa cháy lên, các tín hữu xung quanh ngửi thấy mùi bánh mì. Ngài đã kết thúc cuộc đời của người trung gian của Chúa và trở thành “bánh cho các tín hữu”. Thứ hai, thánh Phanxicô Xaviê chết đang khi tuổi còn trẻ. Ngài chết trên bãi biển trong khi vẫn hướng về Trung Hoa, nơi ngài ao ước đi tới. Thứ ba, thánh Phaolô Tre Fontane bị lính bắt và giải đi ngay từ sáng sớm. Ngài biết rằng có một số người trong cộng đoàn Kitô hữu đã phản bội. Ngài đã hiến dâng chính mạng sống mình như của lễ hy sinh lên Thiên Chúa. Đó là ba mẫu gương mà chúng ta tìm thấy về cuộc đời của một linh mục. Đó là cái kết của người linh mục, của vị trung gian của Thiên Chúa, cái kết trên thập giá.

Tứ Quyết SJ

Phần đầu cuộc phỏng vấn ĐTC Phanxicô

Phần đầu cuộc phỏng vấn ĐTC Phanxicô

dtc-phanxico-tra-loi-cac-nha-bao-quoc-te-tren-chuyen-bay-tu-malmoe-ve-roma-trua-ngay-1-11-2016

Trưa ngày mùng 1 tháng 11 vừa qua trên chuyến bay từ Malmoe về Roma ĐTC Phanxicô đã dành cho các nhà báo quốc tế một giờ  phỏng vấn về  chuyến viếng thăm Thụy Điển và một vài vấn đề khác. Sau đây là nội dung phần đầu bài phỏng vấn.

Mở đầu ông Greg Burke, Giám đốc phòng báo chí Toà Thánh, nói: Chúng con xin cám ơn và kính chào ĐTC.  ĐTC đã nói nhiều về việc các tôn giáo khác nhau “cùng bước đi”. Cả chúng ta cũng đã cùng đi với nhau, có người đây là lần đầu tiên. Chúng con có một nhà báo Thụy Điển. Con nghĩ là từ lâu rồi bây giờ mới có một nhà báo Thụy Điển cùng tháp tùng chuyến bay với ĐTC. Vì thế xin nhường lời cho chị Elin Swedenmark của hãng tin Thụy Điển “TT”.

Đáp: Trước hết tôi xin chào và cám ơn anh chị em về công việc anh chị em đã làm, và cái lạnh anh chị em đã phải chịu. Nhưng chúng ta đã khởi hành đúng giờ, vì người ta nói rằng chiều nay nhiệt độ sẽ xuống thêm 5 độ nữa. Chúng ta đã khởi hành đúng giờ. Xin cám ơn rất nhiều. Xin cám ơn anh chị em về sự đồng hành và về công việc của anh chị em.

Chị Elin Swedenmark hỏi:

Thưa ĐTC, hôm qua ĐTC đã nói về cuộc cách mạng của sự dịu hiền. Đồng thời chúng ta cũng ngày càng trông thấy nhiều người đến từ Siria hay Iraq tìm tỵ nạn tại các nước Âu châu. Nhưng một số người phản ứng với sự sợ hãi, hay tệ hơn có người nghĩ rằng các người tỵ nạn này có thể đe dọa nền văn hóa của Kitô giáo. Đâu là sứ điệp của ĐTC đối với những người lo sợ cho sự phát triển của tình trạng này, và đâu là sứ điệp ĐTC nhắn gửi Thụy Điển, là quốc gia có truyền thống dài tiếp đón người tỵ nạn, nhưng bây giờ bắt đầu đóng cửa biên giới của mình?

Đáp: Trước hết như là người Argentina và nam mỹ latinh tôi xin cám ơn nước Thụy Điển rất nhiều vì sự tiếp đón này, bởi vì có rất nhiều người Argentina, Chilê, Uruguay đã được tiếp nhận vào Thuỵ Điển trong thời các chế độ quân đội độc tài. Thụy Điển đã có một truyền thống lâu dài tiếp nhận người tỵ nạn. Nhưng không phải chỉ tiếp nhận thôi, mà còn hội nhập họ, tìm nhà cửa, trường học và công việc làm ngay cho họ, hội nhập họ vào cuộc sống của một dân tộc. Theo các thống kê người ta nói cho tôi – có lẽ tôi lầm, tôi không biết chắc – nhưng tôi có nhớ là – Thụy Điển có bao nhiêu dân? Chín triệu? Trong số 9 triệu đó có 850.000 người “Thuỵ Điển mới”, nghĩa là các người di cư hay tỵ nạn và con cái họ. Đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai, cần phải phân biệt người di cư và người tỵ nạn. Người di cư phải được đối xử với vài luật lệ nào đó, bởi vì di cư là một quyền, nhưng là một quyền được luật lệ xác định. Trái lại người tỵ nạn  đến từ một tình trạng chiến tranh, lo âu, đói khổ, một tình trạng kinh khủng, và quy chế tỵ nạn cần săn sóc họ nhiều hơn và cho họ công việc làm nhiều hơn. Cả trong điều này nữa Thụy Điển đã luôn luôn là một gương  mẫu trong việc lo lắng cho người tỵ nạn, được học tiếng, hiểu nền văn hóa, và hội nhập vào nền văn hóa. Liên quan tới khiá cạnh hội nhập các nền văn hóa chúng ta không có gì phải hoảng hốt, bởi vì Âu châu đã được tạo thành với một sự hội nhập liên tục của các nền văn hóa, biết bao nền văn hóa. Tôi tin rằng – điều này tôi không nói một cách xúc phạm, không đâu, nhưng như là một sự tò mò – sự kiện ngày nay tại Islen, một cách cụ thể một người Islen với tiếng Islen ngày nay, có thể đọc các tác giả cổ điển một ngàn năm trước mà không gặp khó khăn nào, có nghĩa nó là một nước có ít cuộc di cư, ít làn sóng di cư như Âu châu đã có. Âu châu đã được thành hình với các cuộc di cư. Thế rồi tôi nghĩ gì về những nước đóng cửa biên giới: tôi tin rằng trên lý thuyết không thể khép kín tâm lòng đối với một ngươi tỵ nạn, nhưng cũng cần sự thận trọng của giới lãnh đạo: họ phải rất rộng mở tiếp đón người tỵ nạn, nhưng cũng phải tính toán xem có thể ổn định người tỵ nạn như thế nào. Bởi vì không phải chỉ tiếp đón một người tỵ nạn mà thôi, nhưng cũng cần phải hội nhập họ nữa. Và nếu một nước có khả năng hội nhập 20 người thôi, chẳng hạn, thì hãy làm tới đó thôi. Một nước khác có khả năng nhiều hơn, thì làm nhiều hơn. Nhưng luôn luôn phải có con tim rộng mở: đóng cửa không phải là nhân đạo, đóng con tim không phải là nhân bản, và về lâu về dài phải tính sổ với điều đó. Ở đây là trả giá chính trị, cũng như phải trả giá chính trị khi không thận trọng trong các tính toán, nhận nhiều người hơn là số có thể hội nhập. Bởi vì đâu là nguy cơ khi một người tỵ nạn hay một người di cư – điều này có giá trị cho cả hai – không được hội nhập, không hội nhập được? Tôi xin được phép nói một từ có lẽ là một kiểu nói mới “họ bị ghetto hoá” – họ vào trong một ghetto, một khu vực đóng kín. Đó là một nền văn hóa không phát triển trong tương quan với nền văn hóa khác, điều này nguy hiểm. Tôi tin rằng cố vấn xấu đối với các quốc gia hướng tới chỗ đóng các biên giới là sự sợ hãi, và cố vấn tốt nhất là sự thận trọng. Tôi đã nói chuyện với một nhân viên chính quyền  Thụy Điển  trong các ngày này, và ông ta kể cho tôi nghe một vài khó khăn trong lúc này – điều này có giá trị cho câu hỏi cuối cùng  của chị – vài khó khăn, bởi vì có biết bao người tỵ nạn đến, nhưng không có thời giờ để định cư họ, tìm nhà ở, trường học và việc làm cho họ, để họ học tiếng. Sự cẩn trọng phải biết tính toán. Nhưng Thụy Điển, tôi không tin rằng nếu Thuỵ Điển giảm khả năng tiếp đón là vì ích kỷ hay vì đã đánh mất đi khả năng đó. Nếu có điều gì như thế, thì là vì điều cuối cùng tôi đã nói: ngày nay biết bao người nhìn vào Thuỵ Điển vì họ biết sự tiếp đón của nó, nhưng để sắp xếp, thì không có thời giờ thu xếp cho tất cả mọi người . Không biết tôi đã trả lời cho câu hỏi của chị chưa.

Ông Greg Burke nói. Xin cám ơn ĐTC bây giờ tới câu hỏi của đài truyền hình Thuỵ Điển: chị Anna Cristina Kappelin thuộc đài truyền hình Sveriges:

Hỏi: Thưa ĐTC, Thụy Điển đã đón tiếp cuộc gặp gỡ đại kết quan trọng, có một phụ nữ lãnh đạo Giáo Hội của nó, ĐTC nghĩ gì về điều này? Có cụ thể không, khi nghĩ tới các phụ nữ linh mục trong Giáo Hội công giáo, trong các thập niên tới đây? Nếu không thì tại sao? Các linh mục công giáo sợ sự cạnh tranh của phụ nữ linh mục hay sao?

Đáp: Khi đọc lịch sử của vùng đất mà chúng ta đã viếng thăm, tôi thấy đã có một hoàng hậu bị goá tới 3 lần, và tôi đã nói: “Bà này mạnh thật”. Và người ta đã nói với tôi rằng “Phụ nữ Thụy Điển rất là mạnh khỏe, rất giỏi, vì thế có nam giới Thụy Điển tìm một người phụ nữ thuộc quốc tịch khác”. Tôi không biết có đúng không! Liên quan tới việc truyền chức cho phụ nữ trong Giáo Hội Công Giáo lời cuối cùng rõ ràng đã là lời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và lời đó tồn tại. Điều này tồn tại. Về việc cạnh tranh thì tôi không biết…

Nếu chúng ta đọc kỹ lời tuyên bố của Đức Gioan Phaolô II, thì nó đi theo đường hướng này. Vâng. Nhưng các phụ nữ có thể làm biết bao nhiêu việc, tốt hơn nam giới. Và cả trong lãnh vực tín lý – để minh giải – có lẽ để có một sự rõ ràng hơn – không phải chỉ quy chiếu một tài liệu thôi –   trong giáo hội học công giáo có hai chiều kích: chiều kích Phêrô là chiều kích của các Tông Đồ – Phêrô và Đoàn Tông Đồ là mục vụ của các Giám Mục – và chiều kích thánh mẫu Maria là chiều kích nữ giới của Giáo Hội. Và điều này tôi đã nói hơn một lần rồi. Tôi tự hỏi, ai quan trọng hơn trong nền thần học và trong nền thần bí của Giáo Hội: các tông đồ hay Đức Maria, trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống? Đó là Đức Maria! Còn hơn thế nữa: Giáo Hội là phụ nữ. Đó là “La” Chiesa giống cái, chứ không phải “Il” Chiesa giống đực. Đó là Giáo Hội phụ nữ. Đó là Giáo Hội hiền thê của Chúa Giêsu Kitô. Đó là một mầu nhiệm phu thê. Và dưới ánh sáng của mầu nhiệm này người ta hiểu cái tại sao của hai chiều kích này: chiều kích phêrô, nghĩa là giám mục và chiều kích thánh mẫu Maria, với tất cả những gì là chức làm mẹ của Giáo Hội, nhưng trong nghĩa sâu thẳm nhất. Không có Giáo Hội mà không có chiều kích nữ giới  này, bởi vì Giáo Hội là nữ giới.

Ông Greg Burke nói bây giờ tới một câu hỏi của anh Austen Ivereigh, hỏi bằng tiếng Tây Ban Nha:

Hỏi: Thưa ĐTC, mùa thu này đã rất phong phú với các cuộc gặp gỡ đại kết với các Giáo Hội truyền thống: Chính Thống, Anh giáo, và bây giờ là Luther. Nhưng đa số các tín hữu tin lành trên thế giới thuộc truyền thống tin lành pentecostal… Con đã  nghe nói là vào ngày vọng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm tới sẽ có biến cố cử hành 50 năm của Phong trào canh tân đặc sủng thánh linh tại Circo Massimo ở Roma. ĐTC đã đưa ra rất nhiều sáng kiến – có lẽ đây là lần đầu tiên đối với một Giáo Hoàng – trong năm 2014 với các vị lãnh đạo tin lành. Điều gì đã xảy ra với các sáng kiến này, và ĐTC chờ đợi có được điều gì nơi cuộc gặp gỡ vào năm tới?

Đáp: Với các sáng kiến này… Tôi đã có hai loại sáng kiến. Một sáng kiến tôi đã làm khi đến thăm nhà thờ đặc sủng Valdese tại Caserta, và trong cùng đường hướng này khi tôi thăm nhà thờ tin lành Valdese tại Torino. Đó là một sáng kiến nhằm sửa chữa và xin lỗi, vì một phần tín hữu của Giáo Hội Công Giáo đã không có cung cách hành xử theo tinh thần Kitô đối với các anh chị em tin lành. Và ở đó có việc xin lỗi và chữa lành một vết thương.

Sáng kiến kia đã là sáng kiến đối thoại, và điều này tôi đã làm ngay từ khi còn ở Buenos Aires. Chẳng hạn tại Buenos Aires  chúng tôi đã có 3 cuộc gặp gỡ tại Luna Park chứa được 7,000 người . Ba cuộc gặp gỡ giữa các tín hữu công giáo và tin lành trong đường hướng Canh Tân đặc sủng Thánh Linh, nhưng cũng rộng mở. Các cuộc gặp gỡ kéo dài suốt ngày: trong đó có các bài thuyết giảng của một mục sư, một giám mục tin lành và một linh mục hay một giám mục công giáo; hay cứ từng hai vị một, thay đổi nhau. Trong hai cuộc gặp gỡ này, nếu không phải là trong cả ba, nhưng chắc chắn là trong hai cuộc gặp gỡ  cha Cantalamessa là vị giảng thuyết của Toà Thánh đã thuyết giảng.

Tôi tin là điều này đã bắt nguồn từ các triều đại giáo hoàng trước, và từ khi tôi ở Buenos Aires, điều này đã sinh ích cho chúng tôi. Và chúng tôi cũng tổ chức các cuộc tĩnh tâm cho các mục sư và các linh mục chung với nhau, do các mục sư và một linh mục hay một giám mục thuyết giảng. Điều này trợ giúp rất nhiều cuộc đối thoại, sự thông cảm, việc xích lại gần nhau và hoạt động, nhất là trong việc trợ giúp người cần giúp đỡ. Cùng nhau và có sự kính trọng lớn giữa hai bên… Đó là các hoạt động tại Buenos Aires. Còn tại Roma tôi đã có nhiều cuộc họp với các mục sư, hai ba lần rồi. Một số vị tới từ Hoa Kỳ, các vị khác tới từ các nước Âu châu. Thế rồi có cuộc gặp gỡ mà anh đã nhắc tới đó là lễ của Phong trào canh tân đặc sủng thánh linh quốc tế, đuợc nảy sinh như là phong trào đại kết, vì thế đó sẽ là một cử hành đại kết được tổ chức tại Circo Massimo. Tôi dự kiến – nếu Chúa cho tôi còn sống – đến để phát biểu tại đại hội. Hình như đại hội kéo dài hai ngày, vì thế nó chưa có chương trình chi tiết. Tôi biết là nó sẽ bắt đầu ngày áp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, và tôi sẽ phát biểu trong một lúc nào đó. Liên quan tới Phong trào canh tân đặc sủng thánh linh, từ “pentecostale” , tên gọi “thánh linh” ngày nay hàm hồ không rõ ràng, bởi vì nó quy chiếu nhiều điều, nhiều hiệp hội, nhiều cộng đoàn giáo hội không giống nhau, trái lại đối chọi nhau. Vì thế cần phải chính xác hơn. Nghĩa là nó phổ biến tới độ nó đã trở thành một từ hàm hồ. Đây là điều đặc biệt xảy ra bên Brasil, nơi phong trào được phổ biến rộng rãi.

Phong trào canh tân đặc sủng thánh linh nảy sinh, và một trong những người đầu tiến chống đối bên Argentina là người đang nói chuyện với anh chị em đây. Bởi vì hồi đó tôi là Giám tỉnh dòng Tên, khi phong trào bắt đầu nảy sinh, tôi đã cấm các tu sĩ của dòng liên lạc với phong trào. Và tôi đã nói công khai rằng khi cử hành thánh lễ thì phải cử hành phụng vụ, chứ không phải là “một trường dậy nhảy samba” Tôi đã nói như vậy. Và ngày nay tôi nghĩ ngược lại, khi mọi sự được làm một cách tốt đẹp.

Còn hơn thế nữa tại Buenos Aires hàng năm Phong trào canh tân đặc sủng thánh linh đều tổ chức thánh lễ trong nhà thờ chính toà, và mọi người tới tham dự. Vì thế tôi cũng đã kinh nghiệm được một tiến trình hiểu biết điều tốt, mà phong trào cống hiến cho Giáo Hội. Và không được quên gương mặt vĩ đại của ĐHY Suenens, là người đã có thị kiến ngôn sứ và đại kết liên quan tới phong trào.

Linh Tiến Khải

 

Đức Thánh Cha đối thoại qua video với các bạn trẻ Ý hiện diện tại Krakow

Đức Thánh Cha đối thoại qua video với các bạn trẻ Ý hiện diện tại Krakow

Đức Thánh Cha ở Tòa Giám mục Krakow

Chiều hôm qua, khoảng gần 9 giờ tối, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nối kết qua video với các bạn trẻ Ý đang hiện diện tại Cracovia tham dự Ngày Quốc tế Giới trẻ. Các bạn trẻ họp nhau trong một buổi hòa nhạc mừng lễ trước thềm đền thờ Lòng Thương xót được dâng kính thánh nữ Faustina Kowalska.

Trước tiên, các bạn trẻ đã chào và cám ơn Đức Thánh đã dành thời gian cho họ, dù ngài chỉ mới đến Cracovia ban chiều nhưng vẫn không từ chối hiện diện với các bạn vào giờ này. Đức Thánh Cha đã trả lời một số câu hỏi của các bạn trẻ đặt ra.

Câu hỏi đầu tiên là của một thiếu nữ, mỗi ngày thường đến trường đại học bằng xe lửa, nhưng vào ngày 12 tháng 7 vừa qua, tình cờ cô lại không trên chuyến xe lửa bị tai nạn. Một trong các thợ máy xe lửa mà cô thường xuyên nói chuyện đã qua đời trong tai nạn. Cô đã bị một vết thương nội tâm. Cô hỏi làm sao để trở lại cuộc sống bình thường, làm sao để vượt thắng sự sợ hãi và tiếp tục hạnh phúc ngay cả trên những chuyến xe lửa mà các bạn đã xem như ngôi nhà thứ hai của mình. Đức Thánh Cha trả lời là các vết thương đem lại đau khổ nhưng cũng mang đến cơ hội vượt lên: “như luôn luôn xảy ra trong cuộc sống, khi chúng ta bị thương, những vết thâm tím hoặc vết sẹo lưu lại trên thân xác: cuộc sống đầy những vết sẹo”, dấu tích của vết thương. Nhưng sự khôn ngoan “tiến bước với những điều tốt đẹp cũng như xấu xí của cuộc sống. Có những điều không thể tiến tới và có những điều thật là đẹp, nhưng cũng xảy ra ngược lại: bao nhiêu bạn trẻ như các con không có khả năng đưa cuộc sống tiến lên với niềm vui của những điều tốt đẹp nhưng thích chọn để cho nó bị thống trị bởi ma túy và để cho họ bị cuộc sống chiến thắng! Cuối cùng, cuộc chơi là thế này: hoặc là con chiến thắng hoặc là cuộc sống chiến thắng con! Con thắng cuộc sống thì tốt hơn và hãy thực hiện điều này với sự can đảm và cả sự đau khổ. Và khi có niềm vui, hãy thực hiện nó với niềm vui, bởi vì niềm vui đưa con tiến lên và cứu con khỏi căn bệnh nguy hiểm: bị loạn thần kinh. Xin đừng, xin đừng để bị như vậy!

Một bạn nữ khác, Andrea, 15 tuổi, đã từng tự tử. Cô đến Italia khi mới 9 tuổi và đã bị các bạn cùng lứa tuổi chọc ghẹo với những lời lẽ gây tổn thương. Khi cô hiểu được những lời này cô cảm thấy đau khổ, cảm thấy mình vô dụng và quyết định tự tử vì cảm thấy bị hắt huỉ bởi mọi người. Được cứu sống trong bịnh viện và cô hiểu không phải mình là người cần được cứu chữa, nhưng là những người trẻ đã xúc phạm cô. Cô đã có thể đứng dậy từ đó và hiện đang tham dự Ngày Quốc tế Giới trẻ ở Cracovia. Cô muốn tha thứ cho những người xúc phạm mình nhưng vẫn khó khăn để thực hiện. Cô hỏi Đức Thánh Cha: làm thế nào để tha thứ?

Đức Thánh Cha trả lời: “Đôi khi ngay cả các trẻ em cũng tàn bạo và có khả năng làm thương tổn vào nơi mà con đau nhất, đó là thương tổn con tim, thương tổn phẩm giá, và cả quốc tịch.” “Sự tàn bạo là một thái độ của con người, đúng là nguồn gốc của tất cả chiến tranh, của tất cả. Sự tàn ác không để cho người khác lớn lên, nó giết chết người khác, mà cũng giết chết danh dự của người khác. Khi một người trò chuyện chống lại một người khác, đó là độc ác; là độc ác, vì nó phá hủy danh tiếng của người khác”. Đức Thánh Cha thích gọi sự độc ác của miệng lưỡi này là khủng bố; sự khủng bố của trò chuyện. Sự độc ác của miệng lưỡi như sự độc ác mà con đã kinh nghiệm, giống như ném một quả bom tiêu diệt con và tiêu diệt bất cứ ai và kẻ ném bom thì không bị tiêu diệt. Đây là khủng bố, một điều mà chúng ta phải chiến thắng. Làm sao để chúng ta chiến thắng nó? Nhưng con đã chọn con đường đúng đắn: thinh lặng, kiên nhẫn và kết thúc với một lời rất đẹp: tha thứ. Nhưng tha thứ không dễ dàng, vì một người có thể nói: tôi tha thứ nhưng tôi không quên nó. Và con đã luôn mang theo sự độc ác này, sự khủng bố bằng lời nói xấu, bằng những lời nói gây thương tổn và tìm cách ném con ra xa cộng đoàn…. Chúng ta phải làm gì để chiến đấu chống lại điều này? Con có can đảm phải không? Con đã can đảm trong việc này nhưng chống lai loại khủng bố nhiều chuyện, sỉ nhục, xua đuổi người khác… Người ta có thể tha thứ hoàn toàn không? Chúng ta cần phải cầu xin Thiên Chúa ban ơn này. Tự chúng ta không thể làm điều này; chúng ta nỗ lực, con đã nỗ lực; nhưng đó là một ơn mà Thiên Chúa đã ban cho con, ơn tha thứ để tha thứ cho kẻ thù, tha thứ những người làm con đau khổ. Trong Tin mừng, khi Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Ai vả con một cái, hãy đưa cả má kia cho họ vả, đúng không? Nó có nghĩa là hãy đặt trong tay Thiên Chúa sự khôn ngoan tha thứ này, một ân sủng. Nhưng chúng ta làm tất cả cố gắng của mình để tha thứ”.

Đức Thánh Cha nói thêm: “có một thái độ đúng đắn chống lại việc khủng bố của miệng lưỡi dù là nhiều chuyện hay xỉ nhục: đó là sự khiêm nhượng. Thinh lặng, xư xử tốt với người khác. Chúng ta đang sống trong một thế giới, việc đáp trả sỉ nhục bằng sỉ nhục là thói quen. Chúng ta sỉ nhục nhau và thiếu sự khiêm nhượng. Hãy cầu xin ơn khiêm nhượng, khiêm nhượng trong tâm hồn. Và đó cũng là ân sủng mở ra con đường tha thứ”.

Cuối cùng một bạn nam, người đã cùng với một Linh mục và hai người bạn chứng kiến vụ khủng bố sát hại ở Munich, đặt câu hỏi: Làm sao các người trẻ chúng con sống và loan truyền sự bình an trong thế giới đang đầy những thù hận này? Đức Thánh Cha trả lời: “Con đã nói đến 2 từ chìa khóa để hiểu tất cả: hòa bình và thù hận. Hòa bình xây dựng những cây cầu còn oán thù xây nên những bức tường. Trong cuộc sống, con phải chon lựa: con xây cầu hay xây tường. Các bức tường chia cắt và oán thù gia tăng: nơi nào có chia rẽ, thù hận tăng thêm. Các cây cầu liên kết và khi có cây cầu, oán thù sẽ xa đi bởi vì tôi có thể nghe được người khác, nói với người khác.

Cha thích nghĩ và nói rằng chúng ta có, trong khả năng hằng ngày của chúng ta, khả năng xây một cây cầu nhân loại. Khi con nắm tay một người bạn, một con người, con bắc một cây cầu con người. Ngược lại, khi con tấn công sỉ nhục một người khác, con dựng nên một bức tường. Oán thù luôn gia tăng với các bức tường. Có khi con muốn xây một cây cầu và người ta không nắm lấy bàn tay mở ra của con: đó là những sự hạ nhục mà chúng ta phải đón nhận để làm điều tốt hơn. Nhưng luôn luôn xây dựng những cây cầu. Con đã đến đây: con đã bị chặn lại và gửi trả về nhà và con đã chọn lựa quay lại đây lần nữa: đây là cách hành xử. Luôn luôn: có một khó khăn ngăn cản tôi làm gì đó? Quay lại đàng sau và tiến bước, quay lại và đi tới. Đó là điều mà chúng ta phải làm: xây dựng những cây cầu. Đừng để chúng ta ngã xuống đất, đừng đi như vậy… “nhưng tôi không thể….”. không, hãy luôn tìm kiếm cách thức để xây dựng những cây cầu. Nhưng các con ở đó: các con, hãy xây dựng những cây cầu với đôi tay. Tất cả. Hãy nắm các bàn tay… vậy đó. Cha muốn thấy nhiều cây cầu con người… Đó, như thế: giơ cao tay lên… Như vậy đó. Đây là một chương trình của cuộc sống: xây dựng những cây cầu, những cây cầu con người. Cám ơn các con.” (SD 27/7/2016)

Hồng Thủy Op

Giám mục Mai Thanh Lương về hưu và thánh lễ Tạ Ơn

Giám mục Mai Thanh Lương về hưu và thánh lễ Tạ Ơn

GM Mai Thanh Lương

GARDEN GROVE, Calif. (NV) – Thánh Lễ Tạ Ơn Giám mục Mai Thanh Lương, vị giám mục gốc Việt duy nhất tại Hoa Kỳ, được tổ chức long trọng tại nhà thờ Saint Columban vào chiều Thứ Hai, 18 Tháng Giêng, 2016 với sự tham dự của đông đảo các giám mục, linh mục trong và ngoài vùng Orange County cùng giáo dân thuộc nhiều sắc tộc quanh vùng.

Trong phần nói chuyện của mình, Giám Mục Mai Thanh Lương đã nhắc lại những kỷ niệm buồn vui kể từ khi ông chịu chức linh mục năm 1966 tại Buffalo, New York, rồi khi được gọi điện thoại báo trước về việc được thụ phong chức Giám Mục vào năm 2003. Vị Giám mục cũng nhắc lại những năm tháng làm việc giúp người Việt tị nạn được định cư tại Hoa Kỳ, xem đó như những dấu ấn đậm nét nhất trong quá trình 50 năm làm nhiệm vụ của “người mục tử chăn dắt đàn chiên.”

“Sách Giảng Viên trong Cựu Ước viết rằng, mọi sự đều có thời hạn của nó. Với tôi, thời điểm về hưu cuối cùng đã đến,” Giám Mục Mai Thanh Lương nói.

Trong Thánh Lễ Tạ Ơn này, Giám mục Mai Thanh Lương gửi lời “tri ân Thánh Giáo Hoàng John Paul II đã đặc cử tôi làm Giám Mục, phục vụ giáo Phận Orange.”

Thánh lễ tạ ơn GM Mai Thanh Lương

Giám mục Mai Thanh Lương cũng “cám ơn Đức Cha Tod Brown, Đức Cha Kevin Vann và toàn thể anh em linh mục thuộc giáo phận Orange đã đón tiếp, coi tôi như anh em trong nhà và cho tôi được hân hạnh cùng đồng hành trong công tác mục vụ suốt 12 năm qua, như những thợ gặt trong vườn nho của Chúa.”

Ông cũng dành lời bày tỏ lòng biết ơn về “những sự nâng đỡ, lòng tốt và những lời cầu nguyện mà anh chị em tín hữu đã dành cho tôi, nhất là trong những năm gần đây khi tôi phải trải qua những cuộc phẫu thuật tim.”

Không chỉ giáo dân mà nhiều vị linh mục khác cũng đã vây quanh Giám mục Mai Thanh Lương ngay sau khi Thánh lễ Tạ ơn kết thúc để được nói những lời chúc phúc, những lời thăm hỏi cũng như được chụp hình trong ngày đặc biệt này.

 

Nhớ nhất 28 năm làm việc với người di cư”

 

Trò chuyện với Nhật báo Người Việt khi dòng người mến mộ Ngài vẫn còn đang đứng chờ, vị giám mục gốc Việt duy nhất cho biết, “Tôi cảm thấy mọi việc rất tốt lành, tôi sẽ có nhiều thời giờ hơn, chắc chắn sẽ làm được nhiều việc hơn.”

Về những việc sẽ làm trong thời gian nghỉ hưu, Đức Cha Lương nói, “Tôi đang viết mấy cuốn sách bằng song ngữ về Thánh Kinh nhưng chưa xong. Tôi sẽ cố gắng làm xong điều đó.”

Trả lời cho câu hỏi “Ngay lúc này Đức Cha có thể nói kỷ niệm đáng nhớ nhất trong suốt cuộc đời làm linh mục của mình là gì?”, Đức Cha Lương trả lời ngay, “Làm việc với người di cư, 28 năm.”

“Tôi giúp định cư không biết bao nhiêu ngàn người, từ Lousiana, Mississippi, Florida, Houston,… Rất nhiều người di cư. Mình xuất hiện vào lúc họ cần mình nhất vì lúc bấy giờ đâu có ai nói được tiếng Anh, tôi là người duy nhất. Rồi sau đó tôi đi làm việc với các linh mục, đưa vào những cộng đoàn không có linh mục, không có các cha để có thánh lễ Việt Nam. Những điều đó là kỷ niệm tốt nhất,” ông nói tiếp.

Với vị Giám mục gốc Việt duy nhất tại Hoa Kỳ, điểm nhấn mà ông cho rằng sẽ “nhớ đời đời” chính là việc “thành lập một văn phòng để lo cho vấn đề mục vụ cho di dân cùng với Đức Tổng Giám Mục ở Geneve là Đức Cha Silvano Tomasi. Ngài mới viết cho tôi lá thư để chúc mừng tôi về hưu. Tôi cũng có nhiều dịp được gặp ngài bên Roma nữa.”

Giám Mục Lương khẳng định “chắc chắn có nhiều các linh mục trẻ cũng rất thông minh đạo đức, giỏi giang gốc Việt sẽ được bổ nhiệm vào vai trò giám mục tại Hoa Kỳ."

“Vấn đề rất quan trọng” mà Giám mục Mai Thanh Lương muốn gửi đến mọi người là, “Người Việt hải ngoại chúng ta cần đoàn kết với nhau, cố gắng để chúng ta sống hòa hoãn với nhau, nhất là trên thềm năm mới này, chúng ta cố gắng duy trì được sự hiệp nhất. Đấy là vấn đề rất quan trọng.”

 

Đức Cha là một người thánh thiện, vui tính, giản dị”


Vừa đứng nhìn Giám Mục Mai Thanh Lương mặc trang phục dành cho Thánh lễ, tay cầm gậy, ông Lê Thanh Xuân ở Garden Grove, một giáo dân của nhà thờ La Vang nói, “Tôi biết về Giám mục Mai Thanh Lương từ lâu lắm rồi. Có sự tích là ngày trước những người vượt biên qua ông giúp đỡ nhiều lắm.”

“Hôm nay tôi đến đây để tiễn ông về hưu, tôi rất là vui mừng khi thấy có tất cả các cha, các giám mục đến dự Thánh Lễ Tạ Ơn Ngài,” ông nói một cách ngưỡng mộ.

Là giáo dân thuộc Cộng đoàn Tam Biên, nhà thờ Chánh Tòa, ông Nguyễn Chí Long, nêu cảm nghĩ, “Nghe Đức Cha nghỉ hưu tôi cảm thấy cũng hơi buồn vì người Việt Nam mình có rất ít Đức Cha, thấy Đức Cha đâu đến nỗi bệnh lắm đâu. Tôi đến đây để gặp ngài lần cuối vì mai mốt ngài đi đâu mình đâu biết. Tôi đến với lòng ngưỡng mộ đối với một Đức Cha Việt Nam. Ngài sang đây rất lâu mà tiếng Việt của Ngài còn rất rành, trong khi có nhiều cha sang đây thì tiếng Việt quên mất tiêu.”

Theo ông Long, “Đức Cha là người rất vui tính, kể chuyện tiếu lâm như giáo dân bình thường vậy đó, nên đó cũng là niềm vui của chúng tôi. Đức Cha không tỏ vẻ của bề trên, khi sinh hoạt chung với mình thì rất là hòa đồng. Đó là điều tôi thấy quý mến ngài.”

“Điều đặc biệt ở Đức Giám Mục là ngài rất giản dị, Ngài vẫn tự nấu cơm, đi chợ. Khi chị thấy Đức Giám mục đi chợ mặc đồ thường thì chị không thể nào nhận ra được đó là Đức Giám mục đâu” là điều mà chị Hà Thị Gấm, giáo dân Cộng đoàn Saint Columban, nói về Giám mục Mai Thanh Lương.

“Ngài rất thánh thiện, vui vẻ tiếp đón hết mọi người, không phân biệt người giàu nghèo, không phân biệt người Công giáo hay không Công giáo, ngài vui vẻ với hết mọi người” cũng là những nhận xét của chị Gấm về vị Giám Mục gốc Việt vừa nghỉ hưu này.

Linh Mục Niên Trưởng Mai Khải Hoàn, quản nhiệm giáo xứ St. Nicolas, Laguna Woods, chia sẻ, “Đức Cha Mai Thanh Lương với tôi cùng một địa phận gốc bên Việt Nam, tức địa phận gốc Bùi Chu ở miền Bắc. Sau đó ngài vào miền Trung nhập địa phận Đà Nẵng, thì tôi cũng nhập địa phận Đà Nẵng luôn. Đó là hai điểm đặc biệt. Thứ ba, ngài và tôi cùng họ Mai. Những kỷ niệm mà tôi làm việc cùng với ngài qua những sinh hoạt của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ giúp tôi có nhiều dịp gần gũi với Ngài. Khi ngài về đây thì lại cùng làm việc sát cánh với nhau rất tốt đẹp.”

“Đức Giám mục Mai Thanh Lương về làm giám mục phụ tá của giáo phận Orange cũng mười mấy năm. Thực sự thời gian của ngài lúc này đúng là thời gian ngài cần về hưu vì không được khỏe nữa… Tuổi về hưu là 75 nên ngài về hưu lúc này rất là đúng lúc.” Cha Mai Khải Hoàn nói thêm.

 

***

Giám mục Mai Thanh Lương sinh ngày 20 Tháng 12, năm 1940 tại Ninh Cường, Bùi Chu. Năm 1956, khi được 16 tuổi, ông được Đức Cha Phạm Ngọc Chi, Giám Mục Đà Nẵng gửi sang Mỹ du học và thụ phong Linh mục năm 1966 tại Buffalo cho giáo phận Đà Nẵng. Tuy nhiên do tình hình chiến tranh, ông không thể về phục vụ tại Việt Nam nên tiếp tục làm việc tại Buffalo,New York.

Năm 1976, Linh mục nhập Tổng giáo phận New Orleans, tiểu bang Louisiana.

Năm 2003, Linh mục Mai Thanh Lương được Thánh Giáo Hoàng John Paul II bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá giáo phận Orange, tiểu bang California là giáo phận có đông tín hữu Công Giáo Việt Nam nhất tại Mỹ. Ông cũng là Giám mục gốc Việt đầu tiên tại Hoa Kỳ.

Ngày 20 Tháng 12, 2015, Tòa Thánh Vatican chính thức chấp thuận đơn xin nghỉ hưu của Giám mục Mai Thanh Lương.

Ngọc Lan – Người Việt

(Nguồn: Báo Người Việt)

Đánh giá theo lý lịch

Đánh giá theo lý lịch

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Năm 1958, sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời, các báo chí mô tả ngài như một ngôi sao sáng chói đã lịm tắt, vì ngài xuất thân từ một gia đình quý tộc, hấp thụ một nền văn học uyên thâm và đã để lại bao nhiêu công trình lớn lao cho hậu thế, cho Giáo Hội.

Cơ Mật Viện đã bầu Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII lên kế vị. Giáo Hoàng này xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, với hình dáng mập mạp, quê mùa, chất phát. Người ta bảo, đây chỉ là vị Giáo Hoàng chuyển tiếp cho một vị Giáo Hoàng khác có tầm cỡ như vị tiền nhiệm của ngài. Nhưng có ngờ đâu con người khiêm tốn, bình dân, giản dị và vui tươi ấy đã thu hút mọi người. Và nhất là với Cộng đồng Vatican II mà ngài đã triệu tập, Giáo Hoàng Gioan XXII đã trở thành một “siêu sao”của thời đại, trổi vượt hơn các vị tiền nhiệm của mình.

Đừng đánh giá con người theo lý lịch, tương tự như dân làng Nagiraret đã đánh giá Đức Giêsu Nagiarét: “Nagiarét mà có cái chi hay!”. Thế mà con người làng Nagiarét ấy là Đấng Cứu Thế môn dân trông đợi. Tin Mừng hôm nay kể lại: Chúa Giêsu trở về Nagiarét, quê hương của Ngài, trong tư thế một vị Ngôn Sứ, một bậc thầy, có các môn đệ tháp tùng. Ngày Sabbat, Ngài vào Hội đường đọc Sách Thánh và công bố giáo lý của Ngài. Dân làng Nagiarét lấy làm ngạc nhiên sững sốt. Họ hỏi nhau: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vây nghĩa là làm sao? Ông ta làm được nhiều phép lạ như thế nghĩa là gì?”. “Ông ta là ai?”. “Ông ta không phải là chú thợ mộc trong làng, con của bà Maria, không phải là anh em họ hàng với các ông Giacôbê, Giôxê, Giuđa và Simon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?”. Họ biết quá rõ lý lịch của Ngài, biết rõ họ hàng nhà Ngài, nên họ không thể nào để cho khôn ngoan và quyền năng của Ngài lay chuyển họ. Họ chẳng nhìn nhận Ngài là ai khác hơn là “chú thợ mộc trong làng”.

Đấng Thiên Sai Cứu Thế thì phải xuất thân từ dòng dõi “trâm anh thế phiệt”, phải là một “trang anh hùng xuất chúng” đầy uy thế và quyền lực chứ! Còn ông Giêsu này thì quá nghèo nàn, tầm thường. từ xuất xứ, lý lịch gia đình đến nghề nghiệp và địa vị xã hội. Tất cả đều trở thành “chướng ngại cho họ tin vào Ngài”. Nói cách khác đi, chưỡng ngại làm cho những người đồng hương vấp ngã chính là dáng vẻ đối nghịch giữa con người bên ngoài của Đức Giêsu và sứ mạng thần linh bên trong của Chúa. Vì thế, họ quay lưng lại với Ngài, với cả Thiên Chúa, Đấng đã sai Ngài, Cái tội lớn nhất của con người không phải là ngu dốt, không biết, nhưng thái độ kiêu ngạo, phản loạn, chống đối Thiên Chúa. Cuộc chống đối này lên đến tột độ khi con người đóng đinh Con Thiên Chúa trên thập giá dựng trên Núi Sọ. Ở đây, Thánh Marcô cho thấy thái độ của dân làng Nagiarét đối với Chúa Giêsu như thái độ chung của loài người. Ngài là nạn nhân của “chủ nghĩa lý lịch”. “Không tiên tri nào không bị khinh chê nơi quê hương mình, giữa họ hàng và trong nhà mình”. “Không Ngôn Sứ nào được quí trọng tại địa phương mình”. Biến cố này nói lên cái bi đát trong đời Chúa Giêsu: “Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận Ngài” (Ga 1,11). Những người ruột thịt, đồng hương, không muốn trở thành bà con họ hàng thật của Chúa Giêsu nhờ lòng tin, không muốn nhìn nhận Ngài là Đấng Thiên Chúa sai đến. Câu chuyện này còn tiếp nối trong lịch sử Giáo Hội: dân ngoại đón nhận Tin Mừng, còn những con cái trong nhà thì lại không chịu tin vào Ngài. Đó là một kinh nghiệm sống động của Giáo Hội sơ khai và làm cho mọi người ngạc nhiên như chính Chúa Giêsu đã phải ngạc nhiên.

Người đồng hương Nagiarét của Chúa Giêsu hôm nay là ai? Chính chúng ta là những người đồng hương mới của Chúa Giêsu. Chúng ta đã trở thành anh em của Chúa Giêsu nhờ Thánh Thần Ngài ban cho chúng ta. Nhưng hình như chúng ta lại biết Ngài quá rõ đến độ chẳng thấy ở nơi Ngài cái gì khác hơn là một Chúa Giêsu quen thuộc của các lời kinh, các bải giảng. Người ta nói: “quen quá hoá nhàm”. Chúng ta chẳng còn nhận ra sự khôn ngoan của Chúa trong Tin Mừng, quyền năng cứu độ của Chúa trong Giáo Hội. Chúng ta đi tìm sự khôn ngoan, tìm ơn cứu độ ở những người khác, ở những nơi khác. Chúng ta làm như thế Chúa Giêsu cũng chỉ là “một chú thợ mộc làng Nagiarét”, một người Do Thái của thế kỷ thứ nhất, không hơn không kém, chẳng có gì để đem lại cho chúng ta. Đọc Tin Mừng của Ngài có khi chúng ta cũng thấy hay, lý thú… nhưng chẳng thấy gì hơn. “Bụt nhà không thiêng” vẫn là số phận của Chúa Giêsu phải chịu hôm nay nơi các Kitô hữu.

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta phải xác định lập trường, thái độ của mình đối với Đức Kitô. Chúng ta muốn đứng về phía dân làng Nagiarét hay muốn đứng về phía Chúa Giêsu? Đừng đánh giá con người theo lý lịch, theo thành kiến. Thiên Chúa đã đến chia sẻ thân phận nghèo hèn của con người nơi Đức Giêsu Kitô, người Nagiarét. Thiên Chúa đã mạc khải tình thương của Ngài không ở tiền tài và giàu sang hay chức quyền mà ở trong con người nghèo hèn. Điều này đã nên cớ vấp phạm cho người Do Thái, cho người đồng hương với Chúa Giêsu, nhưng lại mời gọi lòng tin của chúng ta có dám tin như thế không.

Ở đây, niềm tin mời gọi người phải vượt qua dáng vẻ tầm thường bên ngoài để đạt tới mầu nhiệm thâm sâu bên trong của Chúa Giêsu. Ngài là Ngôn Sứ tuyệt vời, là Lời Vĩnh cửu của Thiên Chúa. Ngài đã nói thay Thiên Chúa để đem đến cho nhân loại Tin Mừng cứu độ. Với cuộc tử nạn và phục sinh, Chúa Giêsu đã nói lên tiếng nói cuối cùng của tình yêu Thiên Chúa đối với con người phản bội, chống đối Thiên Chúa. Cái chết thập giá của Con Thiên Chúa không phải là một thất bại, nhưng là một chiến thắng của tình yêu, là quyền năng của Thiên Chúa được tỏ hiện trong sự yếu hèn của con người.

Cảm tạ Chúa đã cho chúng ta được biết Tin Mừng cứu độ qua Ngôn Sứ, qua chính Con Một Thiên Chúa, qua các Tông Đồ, qua Giáo Hội. Nhờ Tin Mừng này chúng ta được đến với Chúa, sống với Chúa và hoạt động cho Chúa.

HUYỀN NHIỆM TÌNH YÊU

 HUYỀN NHIỆM TÌNH YÊU

Một sinh viên vô thần nói với một vị linh mục: thưa cha, tôi thấy trong Kitô giáo có một chân lý khó tin, lạ lùng gọi là “mầu nhiệm Ba Ngôi”. Phải hiểu thế nào kiểu nói “Thiên Chúa có một bản tính nhưng ba ngôi vị”? Một mà ba, ba mà một! Thật khó hiểu, nếu không nói là phi lý!

Vị linh mục hỏi: Anh còn trẻ, chắc đang sống kinh nghiệm tình yêu?

Ủa! Sao cha hỏi lại thế ? Đúng là tôi đang yêu thật!

Theo anh, tình yêu trước hết đòi hỏi phải có những gì?

Đòi hỏi phải có từ hai người trở lên! Tự ái chỉ là ích kỷ, không thể gọi là tình yêu được!

Đúng lắm! Nhưng tình yêu hướng đến cái gì?

Hướng đến sự hiệp nhất! Tất cả phải nên một! Tình yêu nam nữ hướng đến hiệp nhất tâm hồn, thể xác và cuộc sống. Tình đồng chí, tình bằng hữu… hướng đến hiệp nhất cuộc sống và tâm hồn!

Nhưng theo anh, sự hiệp nhất này có bao giờ đạt được chăng?

Phải nói ngay đó chỉ là ước vọng. Ví dụ, những năm đầu cuộc sống hôn nhân thì “anh nói em nghe, em nói anh nghe”, nhưng năm sau thì “cả hai cùng nói, hàng xóm nghe!”. Trong một tập thể nhiều người, đồng tâm nhất trí lại càng khó thực hiện.

Cái chỉ là ước vọng nơi con người, thì đã thành hiện thực nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa của Kitô giáo là Thiên Chúa độc nhất, nhưng vì Ngài là Tình Yêu nên có Ba Ngôi. Ngài là Ba Ngôi, nhưng vì là Tình Yêu, nên đã hợp nhất thành một Thiên Chúa.

Cho tôi hỏi câu cuối cùng: Tại sao là ba mà không phải là hai, như trong tình yêu nam nữ?

Sau này có gia đình, anh và vợ chỉ yêu nhau mà không muốn có con, sợ thêm hy sinh, thêm trách nhiệm, tình yêu anh chị có chân thật và bền vững không?

Thưa không! Tình yêu chúng tôi phải chảy tràn qua và thể hiện thành một đứa con, ít nhất một đứa; nếu không thì chỉ là tình yêu mình trong người bạn đời của mình. Ngoài ra, tình yêu ấy còn phải trải rộng cho mọi người chung quanh nữa!

Anh bạn thân mến, anh sắp hiểu được mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi rồi. Nhưng đừng áp dụng quá sít sao đấy nhé!

Trong cuộc sống, có nhiều điều lạ lùng mà trí khôn con người vẫn không bao giờ hiểu thấu. Để diễn tả các điều khó hiểu của cuộc sống, cha ông ngày xưa mới đố nhau:

Đố ai biết lúa mấy cây,
Biết sông mấy khúc, biết mây mấy tầng.
Đố ai quét sạch lá rừng,
Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây.

 
Có lẽ trong tất cả mọi điều khó hiểu của cuộc sống con người thì tình yêu là khó hiểu nhất. Chỉ nguyên định nghĩa tình yêu thôi cũng đủ để hao tổn bao công sức và giấy mực qua các thời đại mà vẫn không có được một định nghĩa diễn tả trọn vẹn ý nghĩa. Và vì không có được một định nghĩa nên người ta mới coi tình yêu như là mầu nhiệm.

Thế nhưng, mầu nhiệm tình yêu có đáng là gì so với các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Trong các mầu nhiệm của Thiên Chúa thì mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là cao cả nhất, khó hiểu nhất. Như sách giáo lý Giáo Hội Công Giáo khẳng định : Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu. Bởi vì đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa mà cũng là mầu nhiệm của Thiên Chúa “cho chúng ta”.

Trước mầu nhiệm Ba Ngôi, một mầu nhiệm cao sâu,trí khôn nhỏ bé của con người không thể hiểu nổi.Tại sao Một Chúa mà Ba Ngôi? 1 là 3 và 3 là 1?

Vậy phải hiểu và đón nhận mầu nhiệm quá cao siêu này như thế nào?

Ba Ngôi là một mầu nhiệm thuộc đời sống nội tại của Thiên Chúa, vượt qúa mọi khả năng hiểu biết và suy luận của trí khôn hữu hạn con người. Qua bao thời đại, trí khôn con người dựa vào mạc khải để tìm hiểu huyền nhiệm sâu thẳm này.

Thánh kinh có bàn nhiều về mầu nhiệm Ba Ngôi.

– Mạc khải Cựu ước chủ yếu là mầu nhiệm Thiên Chúa duy nhất nhưng cũng có mầm móng về mầu nhiệm Ba Ngôi.Niềm tin độc thần là tín điều lớn nhất của Cựu ước (Đnl 6,4-5). Điều này cần thiết cho bối cảnh đa thần giáo ở Trung đông thời bấy giờ.

– Mạc khải Tân ước dạy rõ ràng hơn về Thiên Chúa Ba Ngôi. Sứ thần Gabriel đến báo tin cho Đức Maria: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ che chở bà, vì thế Hài Nhi bà sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. Những lời đó cho biết: Đấng Tối Cao là Chúa Cha cùng với Chúa Thánh Thần sẽ lo cho Hài Nhi sắp sinh ra là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Hình ảnh đặc trưng nhất là khi Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan, chim bồ câu ngự xuống đậu trên Ngài (Ga1,32-34); tiếng Chúa Cha tuyên phán : Con là con Ta yêu dấu (Mt 1,11).Tiếng nói, chim câu,Chúa Giêsu,ba hình ảnh này tạo nên chân dung sống động về Ba Ngôi. Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu hứa với các tông đồ: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bàu Chữa khác, đó là Thần Khí sự thật…”. Chúa Giêsu xin Chúa Cha ban Đấng Bàu Chữa là Thần Khí sự thật, Ngài là Chúa Thánh Thần.

Trong Phúc âm Matthêu có câu nói nổi tiếng về Ba Ngôi “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”( Mt 28,19).Thánh Phaolô luôn cầu chúc: Ân sủng của Đức Kitô,tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em.

Chỉ có một Thiên Chúa nhưng Thiên Chúa có Ba Ngôi và là Ba Ngôi : Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần. Mỗi ngôi vị đều là Thiên Chúa, dù vậy vẫn chỉ có một Thiên Chúa mà thôi. Mỗi ngôi vị đều bằng nhau về thần tính và ưu phẩm, nhưng không có ba Thiên Chúa ngang nhau mà chỉ có một Thiên Chúa. Mỗi ngôi vị đều có trọn vẹn sự sống thần linh trong mình dù chỉ có một sự sống thần linh duy nhất.Nói theo từ ngữ của Công đồng Vatican II : Sáng kiến cứu độ là của Chúa Cha. Chúa Cha chia sẻ và bàn bạc sáng kiến ấy với Chúa Con và Chúa Thánh Thần.Việc thực hiện sáng kiến ấy giống như một bản trường ca gồm hai phần chính.Đức Kitô thực hiện phần đầu; Ngài nhập thể, mạc khải về Chúa Cha dâng lên Cha hy lễ thập giá để cứu độ. Phần hai, dựa vào công trình ấy mà nâng con người lên, đưa con người về cùng Cha, đó là phần vụ của Chúa Thánh Thần. Thánh Ignatio Loyola trong một lần cầu nguyện, bỗng nhiên nhận ra Ba Ngôi dưới hình dạng ba nốt nhạc tạo nên một hợp âm duy nhất.

Thiên Chúa duy nhất nhưng không phải là Thiên Chúa đơn độc mà là cộng đồng Ba Ngôi thương yêu nhau hướng về nhau.Ba Ngôi là một gia đình.Giáo hội là một gia đình của Thiên Chúa.Thiên Chúa là Cha, Đức Giêsu là Trưởng Tử, mọi người là anh chị em của nhau.Đạo lý Đông phương vốn trọng chữ trung chữ hiếu và chữ nhân, rất gần gũi với tinh thần Kitô giáo.Trung với Chúa, hiếu thảo với tổ tiên ông bà cha mẹ, nhân ái với mọi người.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và duy nhất là một mầu nhiệm vĩ đại thâm sâu mà trí tuệ con người không thể nào hiểu hết, chỉ có thể đón nhận bằng đức tin.Thực tại Ba Ngôi không là một điều nghịch lý nhưng là nghịch thường và siêu lý.Mầu nhiệm Ba Ngôi là ánh sáng chói loà rực rỡ, ánh sáng ban sự sống cho những ai khiêm nhường đón nhận và sẽ là bóng tối dày đặc đầy mâu thuẫn đối với những kẻ kiêu căng muốn dùng lý trí làm thước đo siêu việt.

Nhìn lên cung thánh, ta thấy Thánh Giá, Nhà Tạm, Bàn Thờ. Đó là trung tâm niềm tin của người Kitô hữu.Trên Thánh Giá, Đức Kitô đã tự hiến làm hy lễ dâng lên Chúa Cha.Ngài tự nguyện chịu đau khổ, chịu chết trong tinh thần vâng phục và yêu mến đối với Cha, để thiết lập giao ước mới với Giáo hội trong máu của Ngài. Ngài đã phục sinh về với Cha nhưng vẫn luôn ở lại với Giáo hội qua Bí Tích Thánh Thể mà Nhà Tạm là nơi Ngài hiện diện thường trực. Bàn thờ tượng trưng cho Chúa Kitô, khi linh mục cử hành thánh lễ là tưởng niệm hy lễ thập giá và cử hành mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô.

Ba Ngôi sống bằng một lương thực thần linh, cùng một sự sống, đó là tình yêu thần linh.Chúng ta được tham dự vào sự sống của Ba Ngôi khi đi vào cử hành mầu nhiệm vượt qua trong thánh lễ.Với chúng ta, sự sống ấy là sự sống của Đức Kitô, Mình và Máu Đức Kitô trao ban qua Thánh Thể “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì có sự sống đời đời” (Ga 6,34). Khi chia sẻ chén hiệp thông của Ba Ngôi,chúng ta được mời gọi hiệp thông với nhau để trở nên một như Ba Ngôi là một ( Ga 17,21).

Người tín hữu đến Nhà thờ để tìm Chúa và gặp Chúa. Đức Hồng y Henry de Lubac diễn tả: Con người tìm Chúa là một người bơi lội giữa đại dương.Mỗi lần tiến tới là đẩy lui một đợt sóng.Bơi lội giữa đại dương làm cho con người khiếp đảm lo sợ không tới bến.Nhưng Thiên Chúa vừa là bến bờ vừa là đại dương. Ai bơi lội trong đại dương là bơi lội trong Thiên Chúa. Hướng tới Chúa đã là ở trong Chúa,tìm Chúa gặp Chúa là hướng về Chúa. Không có sự tìm kiếm nào mà không phải phấn đấu,không gặp mâu thuẫn và đau khổ.Nhưng chúng ta tin vào Thiên Chúa đang ở với chúng ta trong Đức Kitô và lôi kéo chúng ta với sức mạnh Chúa Thánh Thần.

Qua phép rửa nhân danh Cha, Con và Thánh Thần, chúng ta trở thành nghĩa tử của Chúa Cha (x.Rm 8,15), em của Chúa Con (x. Rm 8,29) và đền thờ của Thánh Thần (x.1Cr 6,19), hợp thành Giáo Hội là “dân thánh được hiệp nhất nhờ sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi” (Hiến chế GH 4). Chúng ta được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu. Đời sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi biết yêu thương. Chúng ta chỉ được hạnh phúc khi tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong gia đình, cha mẹ, con cái yêu thương nhau thì càng hiệp nhất nên một. Tình yêu là dây liên kết mọi người nên một gia đình hạnh phúc ấm êm. Gia đình là nơi sống và diễn tả huyền nhiệm Ba Ngôi rõ nét nhất.

Sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là sống hiệp thông và chia sẻ, là ở lại trong tình yêu. Mỗi ngày người tín hữu chúng ta làm dấu Thánh giá nhiều lần trên thân xác “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Ước gì mỗi người cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi, hiệp thông chia sẻ trong cuộc sống hàng ngày của mình.

LM Giuse Nguyễn Hữu An

Dấu chân

Dấu chân

Nhạc sĩ Thông Vi Vu viết ca khúc: "Dấu Chân", giai điệu slow nhẹ nhàng thiết tha, ca từ thấm đẫm chất thơ, bài ca lấp lánh niềm tín thác.

1. Hôm nao dưới nắng reo vui, mình tôi rong chơi trên bãi biển. Chiều về nhìn sau lưng mình, hiển hiện hình một hàng dấu chân đôi. Này là dấu chân to, và kìa là dấu chân nhỏ. Cả hai cùng chiều đi tới, tựa hình với bóng bước song đôi.

ĐK. Bao nhiêu dấu chân qua, bấy nhiêu niềm cảm tạ. Đôi khi có những bước phôi pha, mà hình bên bóng chẳng rời xa. Hôm nao thấy dấu chân đôi: Đó là Chúa đi bên tôi. Hôm nào còn một dấu chân thôi: Là bởi vì Chúa ẵm tôi lên rồi.

2. Hôm nao giữa bước chân đi, chợt nghe dâng mênh mang nỗi buồn. Chiều về nhìn sau lưng mình, hiển hiện hình một hàng dấu chân đơn. Lạ lùng dấu chân to, và nặng nề vết in đậm. Mà sao chỉ còn một dấu, lại chẳng thấy có dấu chân tôi?

Ca khúc được dệt nhạc từ truyện "Footprints".

Có một người nọ ví cuộc đời của mình như một người lữ hành đang đi trên một bãi biển đầy cát. Khi nhìn lại cuộc hành trình, anh nhận ra hai điều kỳ lạ.

– Khi anh thành công, hạnh phúc, vui sướng… anh thấy có bốn dấu chân trên cát. Đó là hai dấu chân của anh và hai dấu chân của Chúa. Thiên Chúa đồng hành để chia sẻ niềm vui với anh.

– Khi anh thất bại, đau khổ, buồn sầu…anh chỉ thấy có hai dấu chân trên cát. Và anh nghĩ đó là hai dấu chân của mình. Thiên Chúa đã bỏ rơi khi anh thất bại. Thiên Chúa đã vắng bóng khi anh đau khổ.

Sau đó, anh thắc mắc với Chúa: "Khi con thành công, hạnh phúc…Chúa lại đồng hành với con, đi với con…Nhưng khi con thất bại, đau khổ…những lúc con cần Chúa nhất thì Chúa lại bỏ rơi con. Tại sao Chúa lại đối xử với con như thế?".

Chúa Giêsu trả lời: "Khi con vui thì Ta đi bên cạnh con, đi với con, song hành cùng con. Còn khi con buồn, đau khổ, thất vọng thì Ta lại vác con trên vai của Ta. Cho nên dấu chân trên cát là của Ta chứ không phải của con".

Câu chuyện gợi lên ý tưởng: Thiên Chúa luôn đồng hành với con người trên mọi nẻo đường trần thế. Ngài không bao giờ bỏ rơi con người. Khi con người gặp đau khổ và thất vọng, Ngài an ủi, đỡ nâng, ban thêm sức mạnh và tình yêu.

Câu chuyện "Trên đường Emmau" là một trong những câu chuyện Tin Mừng tuyệt tác và rất riêng của thánh sử Luca. Kể từ khi tảng đá to đã niêm phong cửa mộ thì đối với các môn đệ, tất cả đã hết, không còn gì ngoài những kỷ niệm xót xa chua chát. Một thực tế phủ phàng trĩu nặng nổi âu lo sợ hãi. Niềm hy vọng lớn lao xưa đã bị chôn vùi với Giêsu Nazareth. Bởi đó họ ở lại Giêrusalem để làm gì khi người ta đã đặt dấu chấm hết cho mọi hy vọng giải thoát dân tộc. Thập giá được giương cao và vị cứu tinh được chờ đợi với biết bao kỳ vọng đã kết thúc sự nghiệp bằng cái chết đớn đau ô nhục. Hai môn đệ quyết định trở về quê nhà. Bước chân mỏi mệt chán chường, tuyệt vọng và cô đơn trên cuộc lữ hành. Nổi buồn mất mát và nổi đau tuyệt vọng đã làm cho họ không còn nhạy cảm với những thực tại xung quanh. Các ông có biết đâu, trên hành trình thất vọng và cô đơn đó, có một người vẫn hằng dõi theo từng bước đi, chú ý từng tâm sự nhỏ to của các ông. Người ấy tiến về phía các ông, trò chuyện và đồng hành với các ông mà các ông nào hay biết. Các ông không nhận ra Người mặc dù Người vẫn có đó, vẫn hiện diện và chia sẻ với các ông. Các ông còn được vị khách này giải thích tường tận những gì đã nói về Đấng Messia mà Môisen và các Ngôn sứ, tức là toàn bộ Kinh thánh đã loan báo. Cho đến khi được đồng bàn với Người, tận mắt chứng kiến Người cầm bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, bẻ ra và trao cho, mắt các ông mới bừng sáng. Các ông hân hoan vui mừng. Tâm hồn các ông được Đấng Phục sinh chiếu dọi. Tâm trí các ông được Người khai mở. Đức Kitô, Thầy của các ông đã thực sự sống lại. Không nghi ngờ gì nữa, vị khách bộ hành, người đã giảng dạy Kinh Thánh và cùng với các ông chia sẻ nghi lễ Bẻ Bánh chính là Đức Kitô Phục Sinh. Niềm vui vì được gặp Chúa Phục Sinh, được Người dạy dỗ và chia sẻ bàn tiệc Thánh, khiến cho hai môn đệ Emmau quên hết nhọc nhằn. Các ông lập tức lên đường với niềm vui mừng trở về Giêrusalem. Hội ngộ với các môn đệ khác và công bố Tin Mừng Phục Sinh. Kể từ đó, Tin Mừng Phục Sinh theo dấu chân của các Tông Đồ lan rộng khắp hoàn cầu.

Đường Emmau thật kỳ lạ. Đường dẫn đưa những lữ khách từ Giêrusalem về Emmau sao xa xôi vạn lý, thế mà giờ đây lúc trở về lại hoá nên gần gũi thân quen. Cùng một con đường, cùng một buổi chiều mà hai môn đệ đi lại hai lần, mỗi lần lại mỗi dáng vẻ hoàn toàn khác nhau. Khi đi thì đường xa vời vợi, đi mãi không đến. Lúc về sao ngắn ngũi, chưa đi đã đến. Khi đi thì chán nản u sầu. Lúc về phấn khởi hân hoan. Khi đi chán chường chậm chạp. Lúc về nhanh nhẹn vui tươi. Điều kỳ diệu của đường về là hai môn đệ đã gặp được Chúa Kitô Phục Sinh. Chính Người làm nên khác biệt giữa hai lần đi về. Gặp Chúa Kitô Phục Sinh là bí quyết giúp thay đổi cuộc đời, giúp cuộc sống có ý nghĩa, có niềm vui, có hy vọng và có lẽ sống.

Sứ điệp Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay có thể được tóm kết trong ba chữ T: Thánh Kinh, Thánh Thể và Hội Thánh. Đó cũng là cũng chính là ba con đường chính yếu để chúng ta gặp gỡ Đấng Phục Sinh và thể hiện niềm tin của mình trong đời sống.

1. Gặp gỡ Chúa Phục Sinh nhờ Thánh Kinh

Chúa Giêsu Phục Sinh đến như người bạn đồng hành. Người chăm chú lắng nghe họ kể nổi đau buồn. Người đốt lên ngọn lửa bừng cháy trong tim họ khi giải thích Thánh Kinh "Bắt đầu từ Môisen và duyệt qua hết các Tiên tri, chú giải cho họ những gì liên quan đến Người trong các bản văn Thánh Kinh". Người đã giải thích cho các ông: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môisen, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm" (Lc 24, 44). Vậy thì cả lịch sử cứu độ hướng về Người và chỉ có ý nghĩa vì Người. Lịch sử vũ trụ, lịch sử nhân loại, mọi lịch sử chỉ là lịch sử cứu độ, lịch sử của "Đức Kitô hôm qua, hôm nay, mãi mãi vẫn là một". Nghe Lời Chúa, lòng họ bừng lên, nội tâm được biến đổi. Chúa Phục Sinh cũng soi lòng mở trí cho các môn đệ đang quy tụ ở Giêrusalem. Người giúp các ông hiểu được những lời Kinh Thánh loan báo cuộc Thương Khó và Phục Sinh. Người cũng giúp các ông hiểu những thành quả tinh thần của việc sám hối và ơn tha thứ tội lỗi mà Đấng Phục Sinh đem lại cho muôn dân nước. Bài đọc 1, sách CVTĐ kể lại diễn từ thứ hai ngỏ lời với đám đông dân chúng Giêrusalem, thánh Phêrô lớn tiếng công bố sự Phục Sinh của Đấng Chịu Đóng Đinh và chứng minh rằng Kinh Thánh đã tiên báo những đau khổ của Đấng Mêsia.

Thánh Giêrônimô đã nói: Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô.

Thánh Kinh là bức tâm thư Thiên Chúa gởi cho Dân được tuyển chọn.Cần có đức tin và lòng mến để tiếp nhận như giáo huấn của CĐVTC II đã dạy: "Trong các Sách Thánh,Chúa Cha trên trời bằng tất cả lòng trìu mến đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ.Vậy sức mạnh và quyền năng chứa đựng trong Lời Chúa lớn lao đến độ trở thành điểm tựa đầy năng lực cho Hội Thánh và là sức mạnh của đức tin,lương thực nuôi linh hồn,nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái của Hội Thánh" (MK21).

Học hỏi Thánh Kinh để tìm được nguồn năng lực cho sức mạnh đức tin, lương thực thần thiêng nuôi linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu (MK 21), trau dồi và phát triển kiến thức thần học, nhưng điều căn bản vẫn là để giúp biết rõ hơn về mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, Đức Giêsu Kitô (MK 26); Đấng mà cả hai Giao ước đều nhắm đến: Cựu ước nhìn với tất cả lòng mong đợi, Tân ước nhìn Người như Đấng hoàn tất các lời hứa cứu độ, cả hai đều đặt Người như trung tâm. Việc đọc và suy niệm Lời Chúa mang lại nguồn sáng, soi dẫn cuộc đời và lương thực thần thiêng cho cuộc sống, sau nữa là để "khi phải truyền đạt kho tàng bao la của Lời Chúa, không ai trở thành kẻ huênh hoang rao giảng Lời Chúa ngoài môi miệng vì không lắng nghe Lời trong lòng" (MK 26).

2. Gặp gỡ Chúa Phục Sinh trong Bí Tích Thánh Thể.

Thánh Luca tường thuật, suốt trên con đường đi về Emmau có một khách bộ hành đi cùng, hai môn đệ không nhận ra Thầy kính yêu của mình. Mãi đến lúc ngồi vào bàn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra trao ban thì hai ông mới nhận ra. Chính qua cử chỉ bẻ bánh mà các môn đệ nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh. Chúa Giêsu bẻ bánh, nhắc lại cử chỉ khi lập phép Thánh Thể. Nhờ phép Thánh Thể toàn bộ con người các ông đổi mới.

Chúng ta không thấy Chúa Kitô về mặt thể lý tự nhiên, nhưng có thể gặp Chúa Kitô Phục Sinh trong Bí Tích Thánh Thể.

Thánh Thể là trung tâm của cộng đoàn phụng vụ cử hành biến cố Vượt Qua của Chúa Giêsu. Thánh Thể quy tụ các tín hữu hiệp thông trong đức ái. Hội Thánh "duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền" biểu lộ căn tính của mình rõ nét nhất lúc cử hành Thánh Thể. Thánh Thể làm nên thân thể Chúa Kitô. Thánh Thể là thần lương nuôi dưỡng con cái Hội Thánh. Qua bí tích Thánh Thể, mọi tín hữu không những được hiệp nhất với Thiên Chúa mà còn được nên một với nhau trong Hội Thánh.Thánh Thể là một bài học yêu thương tuyệt hảo nhất, yêu thương đến tột cùng, trao ban đến tận cùng. Nhờ tham dự việc cử hành Thánh Thể, cộng đoàn tín hữu trở thành một thực thể sống động, hiệp thông, liên kết trong đức ái, làm nên một thân thể mầu nhiệm. (x.Tông Thư "Mane Nobiscum Domine", số 11-18, Đức Gioan Phaolô II, ban hành ngày 7.10.2004).

Chúng ta gặp Chúa Phục Sinh khi cử hành Bí Tích Thánh Thể: cầm bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho nhau. Điều quan trọng là chúng ta có cử hành Bí Tích Thánh Thể như một cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu không hay chỉ còn là một nghi thức.

Chúng ta vẫn gặp được Chúa Giêsu mỗi lần cùng nhau cử hành Bí Tích Thánh Thể. Miễn là có đủ lòng tin và có một cảm thức nhạy bén trước mầu nhiệm của Thiên Chúa để chúng ta có thể đón nhận sự hiện diện sống động của Người và đi vào cuộc gặp gỡ thực sự với Người.

3. Gặp gỡ Chúa Phục Sinh giữa lòng Hội Thánh

Hai môn đệ hân hoan trở về gặp các Tông đồ và kể lại cuộc gặp gỡ kỳ diệu với Đấng Phục Sinh. Tin vui phải được loan đi. Tin Mừng Phục Sinh phải được công bố. Từ nay, các ông sẽ là những chứng nhân cho Đấng cùng đồng hành với các ông, chia sẽ vui buồn, dẫn dắt tâm hồn, thắp sáng niềm tin, đốt nóng niềm hăng say cũng như sẽ đồng bàn và trao sự sống mới trong cử chỉ thân quen. Từ nay các ông sẽ là người loan báo Đấng Phục Sinh cho anh chị em của mình bằng chứng từ của một đời sống dấn thân phục vụ. Không có rào cản nào chắn được bước chân của các ngài nữa vì Đấng Phục Sinh đang cùng đồng hành trên khắp mọi nẻo đường trần thế.

Chính Đức Kitô đã củng cố niềm tin Phục Sinh cho các Tông Đồ. Thành thánh Giêrusalem là nơi Chúa Giêsu hoàn tất sứ mạng và cũng là nơi Hội Thánh khởi sự thi hành sứ mạng của mình. Tất cả những ai đã gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh giữa lòng Hội Thánh đều trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Tất cả các môn đệ đều đã lấy máu mình mà làm chứng cho lời rao giảng. Vì Chúa Kitô Phục Sinh là một Tin Mừng không thể không chia sẻ. Vì lệnh sai đi của Chúa Kitô là một lệnh truyền không thể chống cưỡng. Như Thánh Phaolô sau này đã nói: "Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng".

Mỗi Thánh Lễ, chúng ta được diễm phúc cử hành cao điểm của niềm tin, mầu nhiệm cái chết thập giá và sự sống lại của Đức Kitô Giêsu. Người đang ban Lời chân lý (Thánh Kinh) và Bánh Trường Sinh (Thánh Thể), đang ủi an và chia sẻ tình yêu, đang động viên và soi sáng giúp chúng ta trở thành một cộng đoàn huynh đệ hiệp nhất (Hội Thánh). Mỗi Thánh Lễ, chúng ta được đồng hành bên nhau trong tình hiệp nhất, được chia sẻ Lời Chúa và được rước lấy Thánh Thể. Chúa Giêsu luôn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường loan báo Tin Mừng Phục Sinh.

Chúa Giêsu Cứu Thế đã in dấu chân trên những nẻo đường truyền giáo "bao nhiêu dấu chân qua, bấy nhiêu niềm cảm tạ". Chúng ta bước theo Chúa trên hành trình sứ vụ, mỗi ngày đã qua như một dấu chân trên cát, nối lại những dấu chân, cuộc đời sẽ thành đường dài của niềm vui và hy vọng.

LM Giuse Nguyễn Hữu An

Người bị loại trừ

Người bị loại trừ

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Đối với tâm lý người xưa nói chung và người Do Thái nói riêng, bệnh tật nếu không phải do tội lỗi thì cũng là trò ma chước quỷ bày ra. Xét theo diện nào, thì bệnh tật cũng đều đáng sợ. Và bệnh càng nặng, càng ghê tởm, người ta càng phải cẩn thận, đề phòng.

Ở đất Do Thái thời bấy giờ có lẽ không bệnh nào nan trị bằng bệnh phong cùi. Nó vừa ghê tởm vừa dễ lây. Xã hội lập tức đã phải có biện pháp đối với những người mắc bệnh phong cùi. Luật pháp Do Thái trục xuất người phong cùi ra khỏi đời sống cộng đồng xã hội. Người phong cùi phải ra khỏi nhà, đến ở những nơi hoang vu hẻo lánh, không được tiếp xúc với ai và cũng không được để cho ai đến gần mình. Gặp ai qua đường, bệnh nhân phải lên tiếng làm hiệu trước để cho mọi người tránh xa, kẻo bị ô nhiễm theo luật. Vô phúc cho ai bị ô nhiễm như vậy, vì sẽ bị tuyệt thông, không được tham dự các nghi lễ nữa, trước khi làm lễ thanh tẩy theo luật dạy. Còn chính người phong cùi, khi thấy thân xác lành sạch phải đến trình diện các Thầy Tư Tế để xin khám nghiệm. Nếu đúng đã lành bệnh thật, họ còn phải dâng lễ đền tội và thanh tẩy trước khi được cấp giấy chứng nhận phục hồi quyền hiệp thông với cộng đồng xã hội.

Anh chị em thân mến,

Có hiểu số phận thảm thương của người phong cùi trong xã hội Do Thái thời xưa, chúng ta mới hiểu được ý nghĩa đoạn Tin Mừng hôm nay: Một người phong cùi dám đến gần Chúa Giêsu, bất chấp pháp luật ngăn cấm. Anh đến quỳ xuống van lạy Chúa Giêsu. Thái độ đó chứng tỏ một lòng tin thật mạnh mẽ. Chúa Giêsu động lòng thương, Ngài cũng bất chấp pháp luật, Ngài giơ tay ra đụng đến người phong cùi và phán: “Ta muốn anh được sạch”, tức thì bệnh phong cùi biến mất, người phong cùi được lành sạch.

Ngày nay, quan niệm khắt khe đối với bệnh phong cùi đã chuyển biến. Nhiều người và nhiều tổ chức từ thiện đã và đang xả thân chăm sóc, giúp đỡ, điều trị những người phong cùi trên thế giới. Với đà tiến bộ của y khoa, người ta đã hy vọng sẽ một ngày không xa, sẽ bài trừ được hết bệnh phong cùi.

Tuy nhiên, có một thứ bệnh phong cùi mà khoa học không bao giờ chữa được, đó là bệnh phong cùi của tâm hồn, đó là tội lỗi: hận thù, kỳ thị chủng tộc, ý thức hệ, bạo lực. Chính bệnh phong cùi này mới đáng sợ, vì nó cô lập con người xa cách Thiên Chúa và cộng đoàn dân Chúa. Bệnh phong cùi này chỉ có Máu Thánh Chúa Kitô mới thanh tẩy được. Chúa Giêsu đã đến để giao hòa vạn vật với nhau, nhờ được giao hòa với Thiên Chúa. Vì Ngài đến để xóa bỏ tội lỗi và làm cho tất cả nhân loại được nên trong sạch, được đến gần Thiên Chúa, được nên dân Chúa. Chúa Giêsu đã chết và và sống lại để cho chúng ta được lành sạch, cho chúng ta được làm con Thiên Chúa và làm anh em hết mọi người. Không loại trừ ai và không bị ai loại trừ. Ngài đã giao hòa vạn vật trên trời dưới đất, không còn loài vật sạch hay dơ, không còn biên giới ngăn cách chúng ta với Chúa và với mọi người. Nhưng Chúa Giêsu cũng đã để lại trong Giáo Hội các Nhiệm Tích, nhất là Nhiệm Tích Hòa Giải là phương thế Chúa dùng để tẩy sạch bệnh phong cùi của chúng ta và giao hòa nối kết chúng ta lại với Chúa và với mọi người, để củng cố mối dây liên kết ấy ngày càng bền chặt hơn.

Thưa anh chị em,

Chúng ta đã biết, theo luật pháp Do Thái, người mắc bệnh phong cùi phải ở riêng ngoài trại, cách ly mọi người, không được đến gần ai và cũng không ai được đến gần họ. Nhưng ở đây, với lòng tin mãnh liệt, người cùi đón đường và tiến đến bên Chúa Giêsu. Còn Chúa Giêsu, thay vì xa lánh bệnh nhân như luật buộc, “Ngài đưa tay ra đụng đến người phong cùi”. Đối với Chúa, không có vấn đề kỳ thị, cấm kỵ, loại trừ. Chúa là tất cả cho mọi người, không kỳ thị chủng tộc, văn hóa, giàu nghèo, bệnh tật…

Thái độ tin tưởng của người phong cùi và hành động nhân hậu của Chúa Giêsu cho chúng ta một bài học: chúng ta đừng bao giờ tự biến thành người mắc bệnh phong cùi nghĩa là đừng tự cô lập mình với anh em, đừng tự giam mình trong pháo đài ích kỷ, thù hận nhưng hãy biết quảng đại yêu thương bằng việc sẵn sàng quên mình vì mọi người.

Noi gương Chúa Giêsu, mỗi người chúng ta hãy biết nhìn người anh em đồng loại như một “cái mình khác” của chính mình. Một khi nhìn nhận như thế, chúng ta phải trở nên anh em của bất cứ người nào, không trừ một ai, và phải đi đến với mọi người để phục vụ trong tình yêu thương. Người già cả, người nghèo khó, người bệnh tật, người cô đơn hay hèn kém… Tất cả đều kêu gọi lương tâm Kitô giáo của chúng ta, và chúng ta hãy nhớ lại Lời Chúa: “Tất cả những gì anh em làm cho một người bé nhỏ nhất trong các anh em Ta, là anh em đã làm cho chính Ta” (Mt 25,40). Chúng ta hãy nhìn nhận trong mọi người sự có mặt của Chúa Kitô. Mọi người đều là anh em mà chúng ta phải yêu mến một cách thật tình. Bằng chính lời nói, hành động yêu thương mà chúng ta làm chứng cho tình yêu của Chúa Kitô và thông hiệp với những người khác trong mầu nhiệm tình yêu của Cha trên trời.

Có lẽ ông bà anh chị em đã được nghe nói đến Đức Cha Jean Cassaigne, nguyên Giám Mục Giáo phận Sài Gòn của chúng ta trước đây. Sau 15 năm làm Giám Mục Sài Gòn, Đức Cha Jean Cassaigne đã tình nguyện về sống giữa những bệnh nhân phong cùi thân yêu của ngài ở trại phong cùi Di Linh (Lâm Đồng), trong một ngôi nhà gỗ nhỏ hẹp. Tuy không giữ một địa vị nào trước mặt xã hội, nhưng ngài thật là một người bạn của người phong cùi, một chứng nhân của tình yêu Thiên Chúa, một con người hy sinh phục vụ người phong cùi, chấp nhận mang lấy bệnh phong cùi của họ và chết đi ở giữa họ.

Mười tám năm trời, ngài sống trong thinh lặng giữa rừng núi thâm u, với những bệnh nhân phong cùi, không mấy ai biết đến. Nhưng khi ngài mất đi vào năm 1973, mọi người hay biết đều cảm phục tấm gương hy sinh anh dũng của ngài, ngài đáng được gọi là: “Cha của người phong cùi”.

Tấm gương bác ái cao cả đó, không phải ai cũng có thể noi theo được, nhưng trước mắt chúng ta, còn có những người, những tập thể mà chúng ta xa lánh kiểu dân Do Thái thời Cựu Ước xa lánh người phong cùi. Có khi chúng ta đã gán cho họ những nhãn hiệu thù nghịch, để rồi không bao giờ muốn tiếp xúc với họ, sợ mình trở thành “cùi” như họ. Có khi chúng ta đã từ chối tiếp xúc, hợp tác với cá nhân này hay tập thể nọ, chỉ vì họ không cùng tôn giáo hay lập trường với chúng ta. Nếu chúng ta làm như vậy là chúng ta khinh thường, làm nhục sứ mạng giao hòa mọi người mọi vật, sứ mạng mà Chúa Giêsu đã nhận lãnh từ Chúa Cha, đã thi hành bằng cách hiến mạng sống mình, đổ đến giọt máu cuối cùng trong trái tim của Ngài.

Trong Thánh Lễ hôm nay, khi chúng ta tưởng niệm Mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu, mầu nhiệm là cho chúng ta được giao hòa với Chúa và với nhau, chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta luôn xa lánh tội lỗi để được hiệp thông với Chúa và với anh em, biết sống quảng đại mối giao hòa với hết mọi người mà Chúa Giêsu Kitô đã đem đến cho chúng ta.

Ra đi

Ra đi

(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Thiên Chúa không chỉ tỏ mình cho dân Israel. Ngài còn tỏ mình cho các dân tộc khác, vì Ngài muốn cứu độ mọi người chẳng trừ ai.

Các nhà chiêm tinh vùng Babylon là đại diện cho dân ngoại.

Đối với họ, bầu trời là một cuốn sách, các vì sao nói về những biến cố trên địa cầu. Có thể Thiên Chúa đã muốn dùng sự xuất hiện của một vì sao để báo hiệu Con Ngài chào đời.

Thiên Chúa chấp nhận dùng thứ ngôn ngữ đầy khiếm khuyết đó để mời họ lên đường đi gặp Đấng Cứu Độ.

Hôm nay, Ngài vẫn ngỏ lời với những ai chưa biết Ngài bằng muôn vàn cách thức khác nhau, khiến họ hiểu được.

Thiên Chúa vẫn làm sáng lên muôn ánh sao, không ở trên trời cao, nhưng ở trong lòng người.

Ánh sao có thể là một lý tưởng, một khát vọng mãnh liệt: khát vọng sự thật, tự do, ấm no, hạnh phúc?

Ánh sao đưa con người lên đường tìm kiếm, và Ngài không ngừng ban niềm vui trong suốt cuộc hành trình.

Các nhà chiêm tinh đã phải ra khỏi nhà, ra khỏi mình, ra khỏi những định kiến, để đón tiếp cái bất ngờ.

Họ chỉ mong được bái lạy vị Vua mới sinh. Nhưng vị Vua này chẳng ở Giêrusalem cao sang, mà lại ở vùng Bêlem bé nhỏ.

Vị lãnh tụ dân Israel chỉ là một hài nhi bình thường, sống trong một căn nhà bình thường.

Hêrôđê bối rối lo sợ khi nghe tin sinh hạ Vua Do thái.

Các thượng tế và kinh sư tuy biết rõ nơi Ngài sinh, nhưng họ không muốn lên đường tìm kiếm.

Các nhà chiêm tinh chỉ có một cái biết mơ hồ, nhưng họ đã can đảm ra đi, tích cực tìm kiếm, tin tưởng sấp mình bái lạy và cung kính dâng lễ vật.

Vẫn có đám đông những người không phải là Kitô hữu đang miệt mài nghiên cứu trong mọi lãnh vực, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật, tư tưởng…, đang gắng công tu tập trong các tôn giáo, hay đang tận tụy làm cho trái đất được tốt đẹp hơn. Có ánh sáng nào soi chiếu nẻo đường họ đi. Họ đã chấp nhận bao hy sinh từ bỏ, để nhẹ nhàng, thanh tịnh mà tiến bước.

Các nhà chiêm tinh ngày xưa đã gặp được Đấng họ tìm.

Hôm nay, còn bao người vẫn trên đường dong ruổi. Thiên Chúa đồng hành với họ mà họ chẳng hay. Họ đã ở gần Chúa ngay khi chưa gặp Ngài.

Lễ Chúa Hiển Linh mời ta nhận ra và trân trọng hoạt động của Thiên Chúa nơi anh chị em ngoài Kitô giáo.

Có khi chúng ta giống các thượng tế và kinh sư tự mãn với cái biết lý thuyết của mình về Thiên Chúa, nên chẳng muốn lên đường gặp mặt Ngài.

Ước gì chúng ta không coi mình như người đã tìm thấy, nhưng khiêm tốn học hỏi nơi những người đang tìm kiếm.

Gợi Ý Chia Sẻ

Bạn có nhìn thấy Thiên Chúa đang hoạt động nơi những anh chị em ngoài Kitô giáo không? Bạn có quen ai làm bạn cảm phục không?

Thiên Chúa đến với bạn qua những đại lộ (là Thánh Lễ, các Bí Tích…) Nhưng Ngài cũng đến với bạn qua các ngõ hẻm (một biến cố, một bài báo, một câu nói bâng quơ…). Đâu là những ngõ hẻm Chúa thường đến với bạn?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ, nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói, dễ thấy Chúa hiện diện và hoạt động trong đời con.

Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa, xin cho con đừng trở nên cứng cỏi, khép kín và nghi ngờ. Xin dạy con sự hiền hậu để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân. Xin dạy con sự khiêm nhu để con dám buông đời con cho Chúa. Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm, vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài, hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.

 

 

YÊU CUỘC ĐỜI, YÊU CON NGƯỜI

YÊU CUỘC ĐỜI, YÊU CON NGƯỜI

Jacques Duquesne là một văn hào hiện đại của nước Pháp có kể rằng: Trong một cuộc tranh luận ở thư viện ngoại ô Paris, với thành phần tham dự đủ mọi loại người, thuộc nhiều tầng lớp xã hội và tuổi tác khác nhau, đề tài được bàn đến là Đức Giêsu. Đang khi mọi người tranh luận, một thiếu niên Ả-rập giơ tay nói với Duquesne: thưa ông, một con người không thể là Thiên Chúa, một Thiên Chúa không thể là người.

Quả thật đây là vấn đề được đặt ra từ lâu. Không chỉ người thiếu niên Hồi Giáo đặt ra mà suốt 20 thế kỷ qua nhân loại vẫn luôn thao thức. Tin vào một Thiên Chúa thần linh thì hầu hết các tôn giáo đều làm như vậy. Nhưng tin vào một Thiên Chúa làm người, chấp nhận thân phận con người, không loại trừ bất cứ điều gì chỉ trừ tội lỗi là một điều vượt quá lý trí nhân loại. Làm sao một Thiên Chúa lại có thể làm những chuyện quá tầm thường, thậm chí không xứng đáng với bản tính thần linh của Ngài như là được cưu mang, được sinh hạ, phải ăn uống ngũ nghỉ, mệt mỏi, vui buồn?

Vậy mà Giáo Hội Kitô Giáo hơn 20 thế kỷ qua vẫn kiên trì bảo vệ niềm tin vững chắc của mình vào một Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật. Trong Phụng Vụ Lễ Giáng Sinh khi đọc đến câu Tin Mừng Ga 1, 14: "Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta" thì mọi người đều quì gối. Trong Lễ Truyền Tin, lúc đọc Kinh Tin Kính, mọi người đều quì gối khi đọc câu "Người đã nhập thể trong lòng Trinh nữ Maria và đã làm người"

Đức Giêsu, Thiên Chúa thật, người thật, là một mầu nhiệm thâm sâu. Đức Hồng Y Henri De Lubac bảo rằng: Mầu nhiệm Nhập thể là nghịch lý của mọi nghịch lý. Văn hào Tertuliano đã xác tín: Tôi tin vì nó phi lý. Thiên Chúa làm người, điều phi lý đối với lý trí nhưng ông đã tin vì Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa làm người là một nghịch lý, một điều không thể tin được, bởi lẽ, đã là Thiên Chúa thì phải là Đấng cao cả, tuyệt đối, hằng hữu, bất tử. Đối với triết lý Hy-lạp, các thần linh thuộc về một thế giới siêu phàm hoàn toàn khác biệt với thế giới phàm nhân. Các thần linh đều bất di bất dịch, bất động vô cảm đối với thế giới vật chất. Còn vật chất là một thực tại xấu xa. Thân xác con người là tù ngục nhốt kín linh hồn và linh hồn tìm cách thoát khỏi tù ngục thân xác để trở về thượng giới. Do đó họ không thể tin nổi một Thiên Chúa yêu thương con người tới mức làm người, sống với con người cách đơn sơ bé nhỏ. Vậy mà niềm tin Kitô Giáo lại khẳng định: Điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận được, dân ngoại cho là điên rồ (1 Cr 1, 23) thì lại là Niềm Tin căn bản nhất trong giáo lý Giáo Hội: Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta.

Chúa Nhật 4 Mùa Vọng hướng về Lễ Giáng Sinh. Giáo Hội chọn đọc đoạn Tin Mừng Lc 1, 26 – 38: Truyền tin cho Đức Maria để nói cho chúng ta về việc nhập thể lạ lùng của Con Thiên Chúa trong cung lòng một trinh nữ. Một trinh nữ thụ thai, sinh con, đồng trinh trọn đời, một giáo lý độc đáo nhất chỉ có trong Kitô Giáo. Đoạn Tin Mừng này được đọc trong các Lễ Đức Maria, nói lên sự thánh hiến tuyển chọn của Thiên Chúa đối với một thụ tạo được đặc ân vĩ đại nhất. Trang Tin Mừng được công bố trong Chúa Nhật này muốn hướng chúng ta đến Mầu Nhiệm Nhập Thể Làm Người của Con Thiên Chúa.

Trong cuộc đối thoại giữa sứ thần Gabriel và Đức Maria, chính sứ thần đã nói: "Quyền năng Đấng Tối Cao sẽ bao trùm lên bà, vì thế con bà sinh ra sẽ là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa". Từ ngữ quan trọng ở đây là "bao trùm lên". Trong Cựu Ước, sách Xuất Hành kể lại: Một đám mây mầu nhiệm bao trùm lên Lều Tạm, nơi dân Do-thái để Hòm Bia Giao Ước; Một giao ước được Thiên Chúa ký kết với Mô-sê trên núi Xinai. Hòm Bia, nơi chứa đựng Thập Giới; Xh 40, 34 nói rằng: Bao lâu đám mây còn bao phủ Lều Tạm thì Lều Tạm có Thiên Chúa hiện diện.

Thánh Luca dùng từ "bao trùm lên" không phải là ngẫu nhiên mà là có ý nghĩa thâm sâu. Lu-ca so sánh thân thể Đức Maria với Lều Tạm, nơi đặt Hòm Bia Giao Ước của Thiên Chúa. Cung lòng Đức Maria, nơi Đức Giêsu cư ngụ; Hòm Bia Giao Ước, nơi đặt hai phiến đá ghi 10 Giới Răn của Thiên Chúa, trung tâm Cựu Ước. Vậy khi quyền năng của Thiên Chúa bao trùm lên Đức Maria thì có Thiên Chúa hiện diện trong Ngài. Nhưng sự hiện diện của Thiên Chúa trong cung lòng Đức Maria thì vô cùng phong phú hơn làsự hiện của Thiên Chúa trong Nhà Tạm, vì nơi đó Đức Giêsu bằng xương bằng thịt hiện diện. Quyền năng Chúa Thánh Thần bao phủ và máu thịt Đức Maria tạo nên hình hài Đức Giêsu. Đức Giêsu mặc lấy thân xác con người nhờ máu thịt Đức Maria và Người vẫn là Thiên Chúa được Chúa Cha sinh ra từ muôn thuở. Cả hai bài đọc giúp chúng ta hiểu thêm về mầu nhiệm ấy.

Bài đọc 1 trong sách 2 Sm 7, 1-16: Thiên Chúa từ chối ngôi đền vật chất mà Đavít muốn xây cho Ngài; nhưng traí lại, Thiên Chúa hứa cho Đavít một ngôi nhà thiên thu là dòng dõi Đavít. Lời hứa này được thực hiện nơi Đức Maria, Đấng trở nên Hòm Bia Thiên Chúa, nơi đây Con Thiên Chúa đến với loài người. Đó cũng là mạc khải của mầu nhiệm được giữ kín từ muôn thuở nay được bày tỏ ra mà Thánh Phaolô đề cập đến trong bài đọc 2, Thư Rm 16, 25 – 27.

Qua lời "Xin Vâng" của Đức Maria, Thiên Chúa đã nhập thể làm người. Nói như Thư Do thái, Ngài đã muốn nên giống anh em mình về mọi phương diện, phải trải qua thử thách và đau khổ, phải nếm sự chết. Đau thương, thử thách, gian khổ, chết, đó làthân phận con người. Hữu sinh hữu tử. Đức Giêsu đã chấp nhận sinh làm con một người phụ nữ và sống dưới lề luật như Lời Thánh Phaolô trong Thư Gl 4, 4 thì Người cũng chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đinh trên cây thập giá và táng xác như chúng ta đã tuyên xưng trong kinh tin kính. Đó là niềm tin vững chắc của người Kitô hữu hơn 20 thế kỷ qua.

Đức Giêsu đã sinh ra và đã đi vào lịch sử. Thiên Chúa của chúng ta không phải là vị Chúa Tể xa cách uy nghi ngự chín tầng mây, mà qua, Đức Giêsu, Người đã trở thành Em-ma-nu-en, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Người đến không phải để được kẻ hầu người hạ mà là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn dân. Chính Người đã quì xuống rửa chân cho các môn đệ và tuyên bố với các học trò mình "Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ vì tôi tớ không biết việc chủ làm, nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu vì tất cả những gì Thầy nghe biết nơi Cha Thầy thì Thầy sẽ cho anh em biết" (Ga 15, 15).

Con Thiên Chúa làm người cũng lớn lên như hàng tỉ con người khác, cũng cần chín tháng mười ngày trong lòng mẹ để khóc chào đời mong manh yếu đuối. Người cũng đã đi hết hành trình cuộc đời với tất cả buốn vui, âu lo trăn trở. Như thế, Con Thiên Chúa làm người dạy cho mỗi người chúng ta yêu mến cuộc đời, yêu mảnh đời bé nhỏ âm thầm đơn sơ của mình. Cuộc đời Đức Giêsu không chỉ toàn màu hồng. Ngài đã phải long đong với phận nghèo, cũng ê chề vì thất bại chống đối khinh khi, bị tước đoạt đến tột cùng trên thập giá. Nhưng Ngài vững tin đến cùng vào tình yêu Chúa Cha ngay giữa lúc tối tăm nhất.

Con Thiên Chúa làm người dạy chúng ta yêu mến mọi người. Từ khi Đức Giêsu mang lấy khuôn mặt con người thì mọi người đều mang khuôn mặt Thiên Chúa. Mọi người đều là anh em trong Đức Giêsu. Yêu cuộc đời và yêu mọi người là thắp lên ngọn lửa Đức Tin để sưởi ấm cho xã hội đang mất dần niềm tin vào Thiên Chúa vào con người. Chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 trong Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Con Người đã mạnh mẽ nói rằng: Con người là con đường của Giáo Hội. con người là đối tượng phục vụ của Giáo Hội.

Xin Đấng Emmanuel giúp chúng con yêu mến con người và yêu mến cuộc đời.

LM Giuse Nguyễn Hữu An

Hối hận nên lại đi

Hối hận nên lại đi

(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

"Người thu thuế và gái điếm vào Nước Trời trước các ông."

Lời nói của Đức Giêsu như một trái bom nổ trước mặt các thượng tế, kinh sư, pharisêu, những người đáng kính vì đạo đức và học thức, những người đáng trọng vì chức vụ.

Làm sao những người hư hỏng và tội lỗi lại có thể qua mặt các bậc đáng kính như vậy?

Đức Giêsu đã soi sáng trước bằng một dụ ngôn.

Người cha sai hai đứa con đi làm vườn nho. Đứa con thứ nhận lời, nhưng sau lại không đi làm. Đứa con cả từ chối, sau hối hận nên lại đi.

Con thứ tượng trưng cho các nhà lãnh đạo Do Thái Giáo. Họ tuyên bố mình sống nghiêm chỉnh theo Lề Luật. Tiếc thay chính sự đạo đức của họ lại làm cho họ tự mãn và khép kín đến nỗi không thể tin vào Đức Giêsu và đón lấy Ngài như quà tặng bất ngờ của Thiên Chúa.

Đứa con cả tượng trưng cho những người tội lỗi, những người bị đặt bên lề xã hội và tôn giáo. Đời sống của họ là một sự nhơ nhuốc đáng buồn. Nhưng chính tội lỗi đã làm cho họ khiêm tốn và dễ dàng hoán cải trước lời mời của Gioan. Rốt cuộc, họ lại là những người tin vào Đức Giêsu và gặp được ơn cứu độ trước nhiều người khác.

Đi làm hay không đi làm vườn nho đồng nghĩa với tin hay không tin vào Đức Giêsu.

Niềm tin có khả năng biến đổi cuộc sống.

Niềm tin thực sự luôn chuyển thành hành động.

"Chúng tôi phải làm gì, dân chúng hỏi Đức Giêsu, để được gọi là làm việc của Thiên Chúa?"

"Làm việc của Thiên Chúa là tin vào Đấng Ngài sai đến"

Đó là câu trả lời của Đức Giêsu (Ga 6,28-29).

Tin là một việc làm, một dấn thân nghiêm túc.

Niềm tin vào Đức Giêsu đòi hỏi một sự hoán cải và từ bỏ.

Giới lãnh đạo Do Thái Giáo sợ tin vào Đức Giêsu. Họ sợ mất chỗ đứng và quyền lợi, sợ phải thay đổi quan niệm của họ về Thiên Chúa.

Kitô giáo là tôn giáo của lòng tin.

Lòng tin bên trong phải được biểu lộ ra bên ngoài: "Đức tin không có việc làm là đức tin chết" (Gc 2,17).

Lòng tin không phải chỉ là một tuyên xưng ngoài miệng nhưng là một tuyên xưng bằng cuộc sống: "Không phải mọi kẻ nói với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa, là sẽ được vào Nước Trời, nhưng là kẻ làm ý Cha Thầy" (Mt 7,21).

Tôi phải tránh lối giữ đạo hình thức: có tiếng là Kitô hữu, nhưng lại không thuộc về Đức Kitô, bởi có một khoảng cách rất xa giữa điều tôi tuyên xưng và điều tôi sống.

Gợi Ý Chia Sẻ

Đọc Lời Chúa, chia sẻ Lời Chúa là điều tốt, nhưng chưa đủ nếu không sống Lời Chúa. Bạn lượng giá thế nào về việc sống Lời Chúa của bạn trong đời thường đầy bon chen?

Bạn nghĩ gì về việc anh Giuse Nguyễn Đức Minh xin hiến thân xác anh cho y học? Bạn có coi đó là một hành vi đức tin cụ thể không?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

Sám hối không phải là điều dễ dàng, bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn để nhận mình lầm lỗi.

Chúng con ngỡ ngàng khi thấy Chúa là Đấng vô tội mà lại đứng chung với các tội nhân, chờ Gioan ban phép rửa.

Chúa đã muốn nên bạn đồng hành với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.

Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh lối nghĩ và lối sống của mình, tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng, thành thật để khỏi tự dối mình.

Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải, dám đi đến những hành động cụ thể, và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.

Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con niềm vui của Giakêu, hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.

Nghệ thuật sửa lỗi

Nghệ thuật sửa lỗi

Tuân Tử, một hiền triết Trung hoa đã nói rằng: Kẻ khen ta mà khen thật mới chỉ là bạn ta, kẻ chê ta mà chê thật là thầy ta, còn kẻ nịnh hót tâng bốc ta là những kẻ chỉ làm hại ta mà thôi.

Chê mà chê thật là sửa lỗi cho nhau trong tình huynh đệ. Là con người ai mà chẳng lầm lỗi. Không ai trên trần thế có thể tự hào mình vô tội. Chính Thánh Gioan đã quả quyết: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình và sự thật không ở trong chúng ta” (1Ga 1,8). Thú nhận mình tội lỗi không có nghĩa là chấp nhận thất vọng. Ngược lại ý thức được sự yếu đuối của mình sẽ giúp con người mạnh tin hơn. Thánh Gioan cũng viết: “Nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính” (1Ga 2,1b). Sửa lỗi huynh đệ là cần thiết để giúp nhau thăng tiến và trưởng thành. Vì thế sửa lỗi cho nhau là một nghệ thuật đòi hỏi người ta phải tuân theo một số kỹ thuật.

Trang Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy nghệ thuật từng bước sửa lỗi cho anh em và mời gọi hãy cùng nhau cầu nguyện.

1. Sửa lỗi cho nhau:

– Bước 1: “Nếu anh em ngươi phạm tội hãy đi sửa lỗi một mình ngươi với nó”. Một mình với anh em là rất kín đáo. Sửa lỗi cá nhân, tôn trọng và giữ thể diện, biểu lộ sự tin tưởng giữa hai người không để người thứ ba đựoc biết. Đây là cuộc nói chuyện riêng tư, không phải hạ nhục người có lỗi nhưng là giúp người ấy nhận ra lỗi lầm của mình. Phải nói sự thật, nhưng có những sự thật không nên nói hết.

Sự góp ý huynh đệ này đòi hỏi phải tế nhị, xây dựng:

+ Người góp ý: Nhẹ nhàng, nói đúng lúc, đúng chỗ, khôn khéo, thiện chí, nếu không sẽ phản tác dụng, khi đó góp ý chỉ là chỉ trích, phê phán.

+ Người được góp ý: Khiêm nhường nhận lời khuyên, không nóng nảy tự ái, sẵn sàng đón nhận, nhận ra sai lầm, không cố chấp cứng đầu, can đảm sửa đổi. Có như thế việc sửa đổi cho nhau mới có kết quả.

– Bước 2: “Nếu nó không chịu nghe thì hãy đem theo một hay hai người nữa để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba nhân chứng”. Như thế, nếu bước một không đem lại kết quả mong đợi, sẽ đến bước hai là gặp gỡ có hai hoặc ba nhân chứng. Đây không phải là gây áp lực. Sự hiện diện của các chứng nhân bảo đảm cho tính khách quan và cộng đoàn. Luật Môsê dạy: “Một nhân chứng duy nhất không thể đứng lên buộc tội một người về bất cứ tội lỗi nào, phải căn cứ vào lời của hai hay ba nhân chứng, sự việc mới được cứu xét” (Đnl 19,15). Tuy nhiên chỉ thị của Chúa Giêsu nói đây không phải là nhân chứng buộc tội nhưng là những người trợ lực có uy tín để giúp tội nhân dễ dàng sữa lỗi. Cần kiên nhẫn đối vơi người cố chấp.

+ Người sửa lỗi chú ý hình thức xây dựng và bác ái. Có nhiều khuyết điểm có thể tự nhiên được sửa chữa qua tính trung gian, nhất là những khuyết điểm nhỏ.

+ Người được sửa lỗi chú ý nội dung được góp ý.

– Bước 3: “Nếu nó không chịu nghe họ thì hãy đi thưa Hội Thánh”. Hai bước không đạt kết quả, đưa ra trước cộng đoàn Hội Thánh địa phương vì Hội Thánh được Chúa ban cho quyền cầm buộc tháo cởi (x. Mt 18,18). Đưa ra Hội Thánh không phải để bị xét xử nhưng để tỏ lòng sám hối và sẽ được ân xá. Nhưng nếu kẻ đó vẫn cố chấp không chịu sữa lỗi thì tự loại mình ra khỏi Hội Thánh không còn thuộc về cộng đoàn.

– Bước 4: “Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe thì hãy kể nó như một người ngoại”. Cộng đoàn mà không chịu nghe thì phải chấp nhận thái độ tự cô lập của họ. Họ cố chấp không muốn ở trong Hội Thánh thì họ sống trong lầm lạc về đức tin và luân lý. Hội Thánh không còn trách nhiệm trực tiếp phải lo cho họ nữa, chỉ còn phó thác họ cho lòng nhân từ của Chúa mà thôi.

2. Hiệp lời cầu nguyện:

Nếu nhìn cách sửa lỗi anh em của Chúa Giêsu là một cách diễn tả tình yêu thì hiệp thông trong lời cầu nguyện lại là một diễn tả khác của tình yêu “Khi hai hoặc ba người họp lại nhân danh Thầy thì có Thầy ở giữa họ”.

Khi yêu ai, chúng ta không dửng dưng để mặc người ấy lún sâu vào sự dữ. Ta sẽ tìm dịp cảnh tỉnh, nhắc nhở, khuyên bảo, không “makeno”, không “đèn nhà ai nấy sáng”. Tương quan bác ái huynh đệ này rất cần trong cộng đoàn, trong Giáo xứ. Chúa Giêsu nhấn mạnh đến mục đích của việc sửa lỗi. Đó là chinh phục, cứu lấy anh em để nó đừng hư mất, liên đới trách nhiệm sữa lỗi cho nhau để nhờ đó cộng đoàn “lợi thêm một người anh em”. Thánh Giacôbê nhấn mạnh tới tình bác ái đáng khen của việc sửa sai huynh đệ “Ai đưa một người tội lỗi ra khỏi sai lầm của họ là đã cứu được linh hồn người ấy khỏi chết và đã bù đắp được vô số tội lỗi”.

Chúa Giêsu còn xác định rằng: “Thầy bảo thật các con: nếu ở dưới đất hai người trong anh em hiệp ý cầu xin bất cứ sự gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời sẽ ban cho họ”. Đây không đơn thuần là một giải quyết giữa anh em loài người, nhưng là cùng nhau đến trước tình yêu Thiên Chúa. Sự hiện diện của Chúa sẽ xóa giải mọi bất hòa giữa anh em. Chúng ta tin và can đảm sống điều đó “Vì ở đâu có có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ”.

Trong Đạo Phật người ta thường nói “Phật tại tâm”. Trong Đạo Thiền, người ta sống cuộc sống con người cách đơn sơ thanh thản, không chấp mê, sống tự nhiên như bông hoa nở, như dòng suối chảy, như áng mây bay, như làn gió thổi. Sống an bình với chính mình an hoà với tha nhân, là “phá chấp ngã” nghĩa là không chấp, không chấp cả cái không chấp.

Đạo lý Chúa Kitô tự bản chất sâu xa là Đạo nhân, Đạo của lòng nhân ái, Đạo của tình thương. Tình thương không phải là một tư tưởng, cũng chẳng phải là một học thuyết. Tình thương là con đường ta phải đi, một tình yêu để ta sống, để chia sẻ với người khác.

Đức Kitô đã làm người để chia sẻ tình yêu của Chúa Cha cho chúng ta. Người mời gọi chúng ta chia sẻ lại tình yêu ấy cho anh em. Tất cả đạo lý Chúa Kitô nằm gọn trong chân lý đó. Trong điều mà Người gọi là điều răn mới: “Anh em hãy yêu thương như Thầy đã yêu thương anh em”.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn can đảm để con nhận sự sửa lỗi của anh em, và ban cho con ơn khôn ngoan để con biết chân thành sửa lỗi cho nhau, nhờ đó con xứng đáng nhận được lòng nhân từ Chúa xót thương.

Lạy Chúa Giêsu, trước khi sửa lỗi ai, xin Chúa nhắc con nhớ rằng con cũng là tội nhân, cũng yếu đuối và hay lầm lỗi, có khi còn nặng nề hơn họ. Nếu vì bổn phận, con phải sưả lỗi cho người khác, xin cho con biết lấy tinh thần bác ái và tôn trọng nhân vị mà cư xử, nâng đỡ hơn là chỉ trích thoá mạ anh em. Xin cho cúng con luôn biết rộng lượng, bao dung với người khác vì con biết chắc rằng Chúa vẫn tha thứ cho con từng ngày. Amen.

LM Giuse Nguyễn Hữu An