Kinh Truyền Tin đầu năm 1/1/2019

Kinh Truyền Tin đầu năm 1/1/2019

Đức Thánh Cha chào và Chúc mừng năm mới các tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô. Ngài nói: “các mục đồng đã chăm chú nhìn Mẹ Maria và Hài Nhi được Mẹ bồng ẵm trên tay. Và như thế, Mẹ giới thiệu Chúa Giêsu cho chúng ta. Mẹ chúc lành cho chúng ta. Hôm nay Mẹ chúc lành cho tất cả chúng ta. Mẹ chúc lành cho hành trình của mỗi người trong năm mới này.

“Lời chúc lành của Thiên Chúa là cốt lõi của mọi lời chúc chúng ta dành cho nhau trong những ngày này. Phụng vụ hôm nay lấy lại lời chúc rất cổ xưa các tư tế chúc lành cho dân. Lời chúc thế này: ‘Nguyện ĐỨC CHÚA chúc lành và gìn giữ anh chị em. Nguyện ĐỨC CHÚA tươi nét mặt nhìn đến anh chị em và rủ lòng thương anh chị em! Nguyện ĐỨC CHÚA ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh chị em!’ (Ds 6,24-26).

“Ba lần tư tế lặp lại danh Đức Chúa và giơ tay chúc lành cho dân chúng. Điều đó có nghĩa là ban cho họ sức mạnh từ Thiên Chúa.”

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến hôm nay là Ngày Thế giới Hoà bình lần thứ 52, với chủ đề: “Chính trị tốt phục vụ hoà bình”. Ngài nói: “Chúng ta đừng nghĩ chính trị chỉ dành riêng cho những nhà lãnh đạo. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm với đời sống của ‘thành phố’, với lợi ích chung; và chính trị thật sự tốt khi mỗi người đóng góp phần của mình để phục vụ hoà bình.”

Văn Yên, SJ

ĐTC Phanxicô: Tham dự Thánh lễ để sống như Kitô hữu hơn

ĐTC Phanxicô: Tham dự Thánh lễ để sống như Kitô hữu hơn

Vì đang còn trong tuần lễ mừng Chúa Phục sinh, nên đã có hàng chục ngàn tín hữu hành hương từ khắp nơi trên thế giới tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư ngày 04/04/2018.

Sự phục sinh của Chúa Kitô khai hoa công chính và thánh thiện

Trước khi bắt đầu bài giáo lý cuối cùng về Thánh lễ, ĐTC đã dùng hình ảnh muôn ngàn hoa nở rực tại quảng trường để nói đến “Phục sinh nở hoa”, vì sự sống lại của Chúa Kitô làm nảy sinh bông hoa mới, nảy sinh sự công chính của chúng ta, nảy sinh sự thánh thiện của Giáo hội. Do đó, muôn vàn bông hoa này là niềm vui của chúng ta. Vì trong suốt cả tuần lễ này chúng ta mừng Phục sinh, ĐTC mời gọi mọi người cùng chúc mừng Phục sinh nhau. ĐTC cũng mời gọi các tín hữu chúc mừng Phục sinh Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức, nguyên là Giám mục của Roma; ngài đang theo dõi qua truyền hình. Các tín hữu đã vỗ tay thật lớn để chúc mừng ngài.

Bắt đầu bài giáo lý, ĐTC nhắc rằng, sau lời nguyện Hiệp lễ, Linh mục chúc lành cho cộng đoàn. Thánh lễ kết thúc như cách được bắt đầu, nghĩa là với dấu Thánh giá, nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần – Chúa Ba Ngôi, Đấng mời gọi chúng ta chia sẻ sự sống thần linh của Người qua sự chết và sống lại của Chúa Giêsu. Sau đó linh mục giải tán cộng đoàn với lời chúc ra đi bình an để mang chúc lành đến cho thế giới.

Thánh lễ kết thúc nhưng sứ vụ của Kitô hữu mang bình an cho người khác bắt đầu

Đặc biệt, chúng ta biết rõ rằng trong khi Thánh lễ kết thúc, sứ vụ làm chứng tá của người Kitô hữu bắt đầu. Có những người đi lễ như một công việc hàng tuần rồi thì quên đi. Không, chúng ta tham dự Thánh lễ để tham dự vào cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa và sống như Kitô hữu hơn nữa. Chúng ta ra khỏi nhà thờ để “ra đi bình an” và mang phúc lành của Chúa vào trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, vào trong gia đình chúng ta, vào nơi làm việc, giữa những lo toan của cuộc sống dương thế, chúng ta vinh danh Thiên Chúa bằng cuộc sống của chúng ta.” Nếu chúng ta dự lễ xong và bàn tán “xem người này kìa, nhìn người kia kìa…”, Thánh lễ không đi vào tâm hồn chúng ta. Mỗi lần chúng ta tham dự lễ xong, chúng ta phải tốt hơn trước khi tham dự Thánh lễ, sống động, mạnh mẽ hơn, và mong muốn làm chứng tá Kitô hữu hơn. Qua Thánh Thể, Chúa Giêsu đi vào trong con người chúng ta, trong trái tim và thân xác của chúng ta, để chúng ta có thể “diễn tả bí tích mà chúng ta đã lãnh nhận với đức tin trong đời sống”.

Tham dự Thánh lễ để học trở nên giống Chúa Kitô hơn

Do đó, từ việc cử hành đến cuộc sống, chúng ta ý thức rằng Thánh lễ được hoàn thành trong các chọn lựa cụ thể của những người tham dự trực tiếp vào các mầu nhiệm của Chúa Kitô. Chúng ta không được quên rằng chúng ta cử hành Thánh Thể để học trở thành những con người của Thánh Thể. Điều này có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là để Chúa Kitô hành động trong các hoạt động của chúng ta: để các tư tưởng của ngài trở thành tư tưởng của chúng ta, tâm tình của ngài trở thành tâm tình của chúng ta, chọn lựa của ngài cũng trở thành chọn lựa của chúng ta. Đây là sự thánh thiện: làm như Chúa Kitô đã làm, đó là sự thánh thiện Kitô giáo.

Thánh Phaolô đã diễn tả chính xác điều này khi nói về việc trở nên giống Chúa Giêsu thật sự: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Ðức Kitô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong xác phàm, là sống trong niềm tin vào con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi. (Gal 2,19-20). Kinh nghiệm của thánh Phaolô soi sáng cho chúng ta: trong chính cách thức mà chúng ta chết cho tính ích kỷ của mình – nghĩa là chúng ta làm chết đi  những gì trái ngược với Tin mừng và tình yêu của Chúa Giêsu – một không gian rộng lớn dành cho quyền năng của Thần Khí được tạo nên trong chúng ta. Các Kitô hữu là những người mở rộng tâm hồn mình với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, sau khi lãnh nhận Mình và Máu Chúa Kitô. Anh chị em hãy để  cho tâm hồn mình được mở ra. Không phải là tâm hồn chật hẹp đóng kín, nhỏ nhen ích kỷ. Nhưng là tâm hồn rộng lớn, với những định hướng rộng lớn. 

Sự hiện diện của Chúa Kitô không chấm dứt  khi Thánh lễ kết thúc nhưng tiếp tục trong cuộc sống chúng ta

Bởi vì sự hiện diên thật của Chúa Kitô trong Bánh được thánh hiến không kết thúc với Thánh lễ, Thánh Thể được giữ trong Nhà Tạm để cho các bệnh nhân rước lễ và để thờ kính Chúa trong thinh lặng; việc thờ kính Thánh Thể ngoài Thánh lễ, cách cá nhân hoặc cộng đoàn, giúp chúng ta ở lại trong Chúa Kitô.

Vì thế, hoa trái của Thánh lễ được chín mùi trong cuộc sống hàng ngày. Thánh lễ như hạt lúa lớn lên trong cuộc sống thường ngày, lớn lên và chín trong các việc thiện, trong các ứng xử mà làm cho chúng ta trở nên giống Chúa Giêsu. Thật thế, trong khi Thánh Thể làm gia tăng sự hiệp nhất của chúng ta với Chúa Kitô, Thánh Thể làm cho ơn sủng mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta qua Bí tích Rửa tội và Thêm sức được gia tăng mỗi ngày, để cho chứng tá Kitô của chúng ta trở nên đáng tin cậy (cfr ibid., 1391-1392).

Thêm vào đó, trong khi thắp sáng tình yêu Chúa trong tâm hồn chúng ta, Thánh Thể tách chúng ta ra khỏi tội lỗi: “Chúng ta càng tham gia vào sự sống của Chúa Kitô và tiến triển trong tình bạn với Ngài thì việc tội trọng tách rời chúng ta khỏi Ngài càng khó khăn hơn (ibid., 1395).

Việc thường xuyên đến gần với Bàn tiệc Thánh Thể canh tân, củng cố và đào sâu mối liên hệ với cộng đoàn Kitô hữu mà chúng ta thuộc về, theo nguyên lý: Thánh Thể tạo nên Giáo hội; Thánh Thể liên kết mọi người với nhau.

Cuối cùng, việc tham dự vào Thánh Thể cũng là dấn thân cho người khác, đặc biệt là cho người nghèo, khi dạy chúng ta đi từ thân thể Chúa Kitô đến thân thể của anh chị em, nơi đó Ngừơi chờ đợi để được chúng ta nhận ra, được chúng ta phục vụ, tôn trọng và yêu mến.

Trong khi mang gia tài quý giá là sự kết hiệp với Chúa Kitô trong những chiếc bình sành dễ vỡ (cfr 2 Cor 4,7), chúng ta cần tiếp tục trở lại bàn thờ, cho đến khi, chúng ta sẽ nếm hưởng hoàn toàn phúc lành của bàn tiệc cưới của Con Chiên, ở trên thiên đàng (cfr Ap 19,9).

Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa về hành trình tái khám phá Thánh lễ mà Người đã cho chúng ta được cùng nhau thực hiện và hãy để chúng ta được lôi kéo, với đức tin được canh tân, đến với cuộc gặp gỡ thật sự với Chúa Giêsu, chịu chết và sống lại vì chúng ta, người anh em cùng thời với chúng ta. Cầu chúc cho cuộc sống của chúng ta luôn “nở hoa” như thế, như lễ Phục sinh, với các bông hoa của niềm hy vọng, của đức tin và việc thiện. Ước gì chúng ta luôn tìm thấy sức mạnh trong Thánh Thể, trong sự hiệp nhất với Chúa Giêsu. Chúc mừng Phục sinh tất cả anh chị em. (REI 04/04/2018)

Hồng Thủy

Đánh giá theo lý lịch

Đánh giá theo lý lịch

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Năm 1958, sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời, các báo chí mô tả ngài như một ngôi sao sáng chói đã lịm tắt, vì ngài xuất thân từ một gia đình quý tộc, hấp thụ một nền văn học uyên thâm và đã để lại bao nhiêu công trình lớn lao cho hậu thế, cho Giáo Hội.

Cơ Mật Viện đã bầu Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII lên kế vị. Giáo Hoàng này xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, với hình dáng mập mạp, quê mùa, chất phát. Người ta bảo, đây chỉ là vị Giáo Hoàng chuyển tiếp cho một vị Giáo Hoàng khác có tầm cỡ như vị tiền nhiệm của ngài. Nhưng có ngờ đâu con người khiêm tốn, bình dân, giản dị và vui tươi ấy đã thu hút mọi người. Và nhất là với Cộng đồng Vatican II mà ngài đã triệu tập, Giáo Hoàng Gioan XXII đã trở thành một “siêu sao”của thời đại, trổi vượt hơn các vị tiền nhiệm của mình.

Đừng đánh giá con người theo lý lịch, tương tự như dân làng Nagiraret đã đánh giá Đức Giêsu Nagiarét: “Nagiarét mà có cái chi hay!”. Thế mà con người làng Nagiarét ấy là Đấng Cứu Thế môn dân trông đợi. Tin Mừng hôm nay kể lại: Chúa Giêsu trở về Nagiarét, quê hương của Ngài, trong tư thế một vị Ngôn Sứ, một bậc thầy, có các môn đệ tháp tùng. Ngày Sabbat, Ngài vào Hội đường đọc Sách Thánh và công bố giáo lý của Ngài. Dân làng Nagiarét lấy làm ngạc nhiên sững sốt. Họ hỏi nhau: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vây nghĩa là làm sao? Ông ta làm được nhiều phép lạ như thế nghĩa là gì?”. “Ông ta là ai?”. “Ông ta không phải là chú thợ mộc trong làng, con của bà Maria, không phải là anh em họ hàng với các ông Giacôbê, Giôxê, Giuđa và Simon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?”. Họ biết quá rõ lý lịch của Ngài, biết rõ họ hàng nhà Ngài, nên họ không thể nào để cho khôn ngoan và quyền năng của Ngài lay chuyển họ. Họ chẳng nhìn nhận Ngài là ai khác hơn là “chú thợ mộc trong làng”.

Đấng Thiên Sai Cứu Thế thì phải xuất thân từ dòng dõi “trâm anh thế phiệt”, phải là một “trang anh hùng xuất chúng” đầy uy thế và quyền lực chứ! Còn ông Giêsu này thì quá nghèo nàn, tầm thường. từ xuất xứ, lý lịch gia đình đến nghề nghiệp và địa vị xã hội. Tất cả đều trở thành “chướng ngại cho họ tin vào Ngài”. Nói cách khác đi, chưỡng ngại làm cho những người đồng hương vấp ngã chính là dáng vẻ đối nghịch giữa con người bên ngoài của Đức Giêsu và sứ mạng thần linh bên trong của Chúa. Vì thế, họ quay lưng lại với Ngài, với cả Thiên Chúa, Đấng đã sai Ngài, Cái tội lớn nhất của con người không phải là ngu dốt, không biết, nhưng thái độ kiêu ngạo, phản loạn, chống đối Thiên Chúa. Cuộc chống đối này lên đến tột độ khi con người đóng đinh Con Thiên Chúa trên thập giá dựng trên Núi Sọ. Ở đây, Thánh Marcô cho thấy thái độ của dân làng Nagiarét đối với Chúa Giêsu như thái độ chung của loài người. Ngài là nạn nhân của “chủ nghĩa lý lịch”. “Không tiên tri nào không bị khinh chê nơi quê hương mình, giữa họ hàng và trong nhà mình”. “Không Ngôn Sứ nào được quí trọng tại địa phương mình”. Biến cố này nói lên cái bi đát trong đời Chúa Giêsu: “Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận Ngài” (Ga 1,11). Những người ruột thịt, đồng hương, không muốn trở thành bà con họ hàng thật của Chúa Giêsu nhờ lòng tin, không muốn nhìn nhận Ngài là Đấng Thiên Chúa sai đến. Câu chuyện này còn tiếp nối trong lịch sử Giáo Hội: dân ngoại đón nhận Tin Mừng, còn những con cái trong nhà thì lại không chịu tin vào Ngài. Đó là một kinh nghiệm sống động của Giáo Hội sơ khai và làm cho mọi người ngạc nhiên như chính Chúa Giêsu đã phải ngạc nhiên.

Người đồng hương Nagiarét của Chúa Giêsu hôm nay là ai? Chính chúng ta là những người đồng hương mới của Chúa Giêsu. Chúng ta đã trở thành anh em của Chúa Giêsu nhờ Thánh Thần Ngài ban cho chúng ta. Nhưng hình như chúng ta lại biết Ngài quá rõ đến độ chẳng thấy ở nơi Ngài cái gì khác hơn là một Chúa Giêsu quen thuộc của các lời kinh, các bải giảng. Người ta nói: “quen quá hoá nhàm”. Chúng ta chẳng còn nhận ra sự khôn ngoan của Chúa trong Tin Mừng, quyền năng cứu độ của Chúa trong Giáo Hội. Chúng ta đi tìm sự khôn ngoan, tìm ơn cứu độ ở những người khác, ở những nơi khác. Chúng ta làm như thế Chúa Giêsu cũng chỉ là “một chú thợ mộc làng Nagiarét”, một người Do Thái của thế kỷ thứ nhất, không hơn không kém, chẳng có gì để đem lại cho chúng ta. Đọc Tin Mừng của Ngài có khi chúng ta cũng thấy hay, lý thú… nhưng chẳng thấy gì hơn. “Bụt nhà không thiêng” vẫn là số phận của Chúa Giêsu phải chịu hôm nay nơi các Kitô hữu.

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta phải xác định lập trường, thái độ của mình đối với Đức Kitô. Chúng ta muốn đứng về phía dân làng Nagiarét hay muốn đứng về phía Chúa Giêsu? Đừng đánh giá con người theo lý lịch, theo thành kiến. Thiên Chúa đã đến chia sẻ thân phận nghèo hèn của con người nơi Đức Giêsu Kitô, người Nagiarét. Thiên Chúa đã mạc khải tình thương của Ngài không ở tiền tài và giàu sang hay chức quyền mà ở trong con người nghèo hèn. Điều này đã nên cớ vấp phạm cho người Do Thái, cho người đồng hương với Chúa Giêsu, nhưng lại mời gọi lòng tin của chúng ta có dám tin như thế không.

Ở đây, niềm tin mời gọi người phải vượt qua dáng vẻ tầm thường bên ngoài để đạt tới mầu nhiệm thâm sâu bên trong của Chúa Giêsu. Ngài là Ngôn Sứ tuyệt vời, là Lời Vĩnh cửu của Thiên Chúa. Ngài đã nói thay Thiên Chúa để đem đến cho nhân loại Tin Mừng cứu độ. Với cuộc tử nạn và phục sinh, Chúa Giêsu đã nói lên tiếng nói cuối cùng của tình yêu Thiên Chúa đối với con người phản bội, chống đối Thiên Chúa. Cái chết thập giá của Con Thiên Chúa không phải là một thất bại, nhưng là một chiến thắng của tình yêu, là quyền năng của Thiên Chúa được tỏ hiện trong sự yếu hèn của con người.

Cảm tạ Chúa đã cho chúng ta được biết Tin Mừng cứu độ qua Ngôn Sứ, qua chính Con Một Thiên Chúa, qua các Tông Đồ, qua Giáo Hội. Nhờ Tin Mừng này chúng ta được đến với Chúa, sống với Chúa và hoạt động cho Chúa.

Theo Thầy Giêsu

Theo Thầy Giêsu

Có câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: Một con chồn muốn vào một vườn nho, nhưng vườn nho lại được rào dậu cẩn thận. Tìm được một chỗ trống, nó muốn chui vào nhưng không thể được. Nó mới nghĩ ra một cách: nhịn đói để gầy bớt đi.

 Sau mấy ngày nhịn ăn, con chồn chui qua lỗ hổng một cách dễ dàng. Nó vào được trong vườn nho. Sau khi ăn uống no nê, con chồn mới khám phá rằng nó đã trở nên quá mập để có thể chui qua lỗ hổng trở lại. Thế là nó phải tuyệt thực một lần nữa.

 Thoát ra khỏi vườn nho, nó nhìn và suy nghĩ: “Hỡi vườn nho, vào trong nhà ngươi để được gì? Bởi vì ta đã đi vào với hai bàn tay không, ta cũng trở ra với hai bàn tay trắng”.

 Khi bước vào trong trần thế này, con người muốn mở rộng bàn tay để chiếm trọn mọi sự. Khi nhắm mắt xuôi tay, cũng đành phải ra đi với hai bàn tay trắng mà thôi.

 Chúa Giêsu dạy các môn đệ: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào có ích lợi gì?”. Xuất thân từ bụi đất, con người rồi cũng trở về với đất bụi. Chỉ có sự sống vĩnh cửu mới tồn tại muôn đời.

 Chúa Giêsu còn dạy rằng: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm được mạng sống ấy”. Ở đời ai cũng muốn được và sợ mất. Không phải cứ thu vào là được, buông ra là mất. Trái lại, nhiều khi phải chịu mất trước, rồi mới được sau. Mất nhỏ để được lớn. Mất ít để được nhiều. Sống ở đời ai cũng tranh phần được và không muốn mất. Vấn đề là phải xác định xem đâu là cái được thực sự, lâu bền, trọn vẹn, đâu là cái được quan trọng nhất, cần thiết nhất. Kitô hữu là người say mê cái được vĩnh cửu, vì thế họ chấp nhận những mất mát tạm thời. Họ tin rằng cuối cùng chẳng có gì mất cả. Mọi sự, nếu họ mất vì Thầy Giêsu, thì họ sẽ được lại. Mất tạm thời để giữ được mãi mãi. Từ bỏ chính mình là để tìm lại cái tôi trong suốt hơn, ngời sáng hơn.

 Chúa Giêsu cũng quả quyết: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình đi, vác thập giá mà theo”. Muốn làm môn đệ Chúa Giêsu, phải "đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo". Theo Thầy không phải để vinh thân phì gia. Theo Thầy để tìm một lẽ sống cho cuộc đời, vì Thầy là con đường dẫn về nguồn sống là Chúa Cha. Thầy là sự thật giải thoát muôn dân. Muốn theo Thầy, không những phải "từ bỏ chính mình", tức là "tư tưởng của loài người", mà còn phải mang thân phận như Thầy với thập giá riêng trên vai. Thực tế, theo hay không theo Thầy, con người vẫn không thoát khỏi khổ giá. Nhưng nếu theo Thầy, môn đệ sẽ tìm được hướng giải thoát. Muốn theo Thầy "anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa" (Rm 12,1).

Theo Thầy Giêsu là đi vào con đường từ bỏ.

Từ bỏ là một quy luật.

– Quy luật của sinh tồn: có nhiều thứ nếu ta không chịu bỏ, thì ta sẽ chết. Chẳng hạn ta có một khúc chân đang bị hoại tử. Nếu không cắt bỏ nó đi thì chứng hoại tử sẽ lan dần đến toàn cơ thể làm ta phải chết.

– Quy luật của phát triển: cơ thể ta hằng ngày hằng giờ hằng phút đều bỏ đi những chất thải, bỏ đi một số tế bào già nua để thu nhận vào những chất dinh dưỡng, để sinh những tế bào mới. Nhờ đó, cơ thể lớn dần lên. Trong quá trình phát triển, con người phải từng giai đoạn bỏ đi đứa bé sơ sinh, đứa trẻ con ấu trĩ… có thế mới phát triển dần thành người lớn.

– Quy luật của cải thiện: cải thiện là bỏ đi những cái chưa tốt để lấy vào những cái tốt hơn.

– Quy luật của tiếp nhận: có bỏ thì mới có nhận. Thí dụ ta có một cái chai đang đựng nước. Muốn có một lít rượu thì trước hết phải đổ bỏ một lít nước kia ra khỏi cái chai.

Chẳng những phải bỏ bớt, bỏ cái này, bỏ cái kia… mà có khi phải bỏ hoàn toàn, bỏ tất cả nữa. Chẳng hạn chiếc xe gắn máy của tôi đã hư quá nặng, nếu tiếp tục sử dụng thì có ngày sẽ gây tai nạn, có sửa bộ phận này bộ phận khác cũng không bảo đảm an toàn. Vì thế tôi phải bỏ hẳn để mua một chiếc xe khác. (sợi chỉ đỏ).

Làm môn đệ Thầy Giêsu là làm một người khác hẳn, cho nên không lạ gì khi Người bảo chúng ta phải "từ bỏ mình". Cái phần "mình" được bỏ đi bao nhiêu thì cái phần "Chúa" được gia tăng bấy nhiêu. "Từ bỏ mình" hoàn toàn thì sẽ trở thành "Kitô khác" hoàn toàn.

Như thế, từ bỏ nhưng không mất, mà lại được; không thiệt thòi mà lại có lợi hơn.

Theo Thầy Giêsu là đi vào con đường sự sống

 Theo Thầy Giêsu là đi vào con đường thánh giá dẫn đến phục sinh. Con đường từ bỏ là con đường dẫn đến vinh quang. Phải qua sự chết, mới đến sự sống. Phải qua tủi nhục, mới đến vinh quang. Phải qua gian khổ, mới đến hạnh phúc. Khi mời gọi “Hãy theo Thầy”, Chúa muốn chúng ta triển nở đến viên mãn.

 Theo Thầy Giêsu, các môn đệ bị người đời chê là khờ dại vì sống từ bỏ và vác thập giá hàng ngày. Thế nhưng họ vui mừng sống một nghịch lý căn bản "mất mạng sống mình vì Thầy". Con người ta cứ tưởng rằng, chiếm hữu càng nhiều thì càng làm cho mình giàu có thêm. Thực ra, chẳng có gì quí hơn mạng sống. Nhiều người đánh đổi mạng sống để có của cải vật chất. Thực tế chưa ai giàu có đến nỗi làm chủ được cả trần gian. Nhưng "nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình ?" (Mt 16,26). Chỉ một cách duy nhất có thể tìm lại được mình là "mất mạng sống mình vì Thầy" (Mt 16,25). Như thế, phải chăng Thầy có sức thu hút khiến người ta không thể cưỡng lại được? Giống như ngôn sứ Giêrêmia, họ phải thốt lên: "Lạy Ðức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng" (Gr 20,7). Thầy có sức quyến rũ mãnh liệt, vì đã vận dụng được nghịch lý của cây thập giá để "ngày thứ ba sẽ chỗi dậy" (Mt 16,21) từ cõi chết. Cả thế giới cũng không đem lại sự sống. Chỉ một mình Thầy mới có thể làm cho người môn đệ "tìm được mạng sống ấy" (Mt 16,25), vì Thầy là "sự sống lại và là sự sống" (Ga 11,25). Bởi thế, Thầy có sức quyến rũ hơn cả vũ trụ vì Thầy là "con đường, là sự thật và là sự sống" (Ga 14,6).

 Lời Chúa hôm nay gởi đến cho chúng ta sứ điệp: từ bỏ không phải để mất, mà để được, được lại một cách sung mãn, hoàn hảo và cao cả phong phú hơn gấp bội. Mất hiện tại, để được tương lai. Mất đời này, để được đời sau. Mất phàm tục, để được thần thiêng. Mất tạm bợ, để được vĩnh cửu.

 Thánh Phanxicô Assisi đã cảm nghiệm sâu xa chân lý này nên đã thốt lên lời ca bất hủ: “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

 Các vị tử đạo là những người say mê sự sống, đến nỗi dám chấp nhận cái chết. Các ngài coi trọng sự sống vĩnh cửu của mình hơn cả thế giới phú quý vinh hoa.

Cầu nguyện

"Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã chịu chết và sống lại, xin dạy chúng con biết chiến đấu trong cuộc chiến mỗi ngày để được sống dồi dào hơn.

Chúa đã khiêm tốn và kiên trì nhận lấy những thất bại trong cuộc đời cũng như mọi đau khổ của thập giá, xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách chúng con phải gánh chịu mỗi ngày, thành cơ hội giúp chúng con thăng tiến và trở nên giống Chúa hơn.

Xin dạy chúng con biết rằng, chúng con không thể nên hoàn thiện nếu như không biết từ bỏ chính mình và những ước muốn ích kỷ.

Ước chi từ nay, không gì có thể làm cho chúng con khổ đau và khóc lóc chỉ vì quên đi niềm vui ngày Chúa Phục Sinh.

Chúa là mặt trời tỏa sáng Tình Yêu Chúa Cha, là hy vọng hạnh phúc bất diệt, là ngọn lửa tình yêu nồng nàn; xin lấy niềm vui của Người mà làm cho chúng con nên mạnh mẽ và trở thành mối dây yêu thương, bình an và hiệp nhất giữa chúng con. Amen." (Mẹ Têrêxa Calcutta).

Lm Giuse Nguyễn Hữu An