Quảng trường và đền thờ thánh Phêrô sẽ đóng từ ngày 10/03

Ngày 10/03, Phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo:

“Phối hợp với các biện pháp do chính quyền Ý đưa ra, một số biện pháp khác đã được đưa ra ngày hôm nay để tránh sự lây lan của virus corona.

Kể từ hôm nay, Quảng trường và đền thờ thánh Phêrô sẽ đóng cửa đối với các cuộc thăm viếng có hướng dẫn cũng như đối với khách du lịch. Hiệu thuốc và siêu thị thức ăn và đồ dùng của Vatican vẫn mở, nhưng giới hạn số người vào.

Cũng từ hôm nay, để ngăn ngừa, bưu điện di động tại quảng trường thánh Phêrô, hai tiệm sách của Nhà xuất bản Vatican, Dịch vụ Ảnh của báo Osservatore Romano – Quan sát viên Roma, vẫn sẽ có thể truy cập trực tuyến, và cửa hàng quần áo của Vatican sẽ đóng cửa.

Quán ăn dành cho nhân viên Vatican sẽ đóng cửa từ ngày mai, 11/03, nhưng sẽ có một dịch vụ giao đồ ăn theo yêu cầu của các văn phòng khác nhau của Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican.

Các biện pháp này sẽ vẫn có hiệu lực, trừ khi có quy định khác, cho đến ngày 03/04/2020.”

Trước đó, để tránh việc nhiều tín hữu xếp hàng kiểm tra an ninh để vào quảng trường đọc kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha vào trưa Chúa Nhật và dự buổi tiếp kiến chung với Đức Thánh Cha vào sáng thứ Tư, Đức Thánh Cha đã quyết định không xuất hiện ở cửa sổ Dinh Tông Tòa cũng như trong quảng trường trong hai dịp này. Thay vào đó, ngài sẽ đọc Kinh Truyền Tin và dạy giáo lý từ Thư viện Dinh Tông Tòa, và hai sự kiện này được livestream, chiếu trực tiếp cho các tín hữu hiệp thông.

Cho đến nay, mới chỉ có một trường hợp dương tính với virus corona được phát hiện trong lãnh thổ thành Vatican, liên quan đến một linh mục đến khám bệnh tại phòng khám Vatican. (REI 10/03/2020)

Hồng Thủy – Vatican

Đại lễ kính Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam

GARDEN GROVE – Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Giáo Phận Orange vừa tổ chức Đại Lễ Kính Các Thánh Tử Đạo Tại Việt Nam vào sáng thứ Bảy, ngày 23 tháng 11, 2019 tại Nhà Thờ Chánh Tòa Chúa Kitô. Đại Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam cũng là Bổn Mạng của Cộng Đồng Công Giáo VN Giáo Phận Orange nên hàng năm, đại lễ được cử hành long trọng và có sự tham dự của các vị Giám Mục, Linh Mục, tu sĩ và hàng chục ngàn tín hữu Công Giáo.
Những năm đầu tiên sau khi người Việt định cư đông đảo tại Nam Cali, đại lễ Các Thánh Tử Đạo Tại Việt Nam được tổ chức ở sân vận động Santa Ana, nhưng vì lý do thời tiết không thuận tiện, nên những năm sau đó được tổ chức tại hội trường trường đại học Long Beach rồi trường UCI, vì hai nơi này mới đủ chỗ cho hàng ngàn người tham dự.

Năm nay, lần đầu tiên, đại lễ kính Các Thánh Tử Đạo Tại Việt Nam được tổ chức tại một nơi xứng đáng nhất, như lời Linh Mục Giám Đốc Trung Tâm Công Giaó nói, “Năm nay cộng đồng chúng ta được chúc phúc cách đặc biệt: chúng ta được cử hành Đại Lễ tại Nhà Thờ Chánh Tòa Chúa Kitô. Một không gian thờ phượng khang trang và uy nghi lộng lẫy, nhưng không kém phần trang nghiêm và linh thánh. Nơi đây chắc chắn sẽ nâng tâm hồn chúng ta trong lời cầu nguyện lên Thiên Chúa cách sốt sắng hơn.”
Ngoài gần 2 ngàn giáo dân, ca đoàn và các linh mục, tu sĩ trực tiếp tham dự thánh lễ bên trong thánh đường, phía ngoài nhà thờ hàng ngàn giáo dân khác ngồi trong các lều trắng tham dự thánh lễ qua các màn hình lớn.

Trước thánh lễ, LM Phạm Ngọc Hùng, Giám Đốc Trung Tâm Công Giáo đến xông hương trước kiệu Chúa Chịu Nạn, Đức Mẹ La Vang và linh hài các vị tử đạo. Sau đó cuộc cung nghinh bắt đầu với Thánh Gía Nến Cao rồi đến các hội đoàn mặc đồng phục và mang cờ hiệu của hội đoàn mình. Đoàn rước thật trang nghiêm, trật tự, vừa đi vừa lần chuỗi và hát thánh ca.

Khi đoàn rước kiệu vào đến cửa thánh đường; theo sự hướng dẫn của LM Chu Vinh Quang, cha xứ giáo xứ St. Marys By The Sea (Huntington Beach) phụ trách nghi lễ, đoàn trống Thiên Ân chào mừng Các vị Thánh Tử Đạo một điệu trống hết sức rộn ràng. Sau đó, Linh Mục Nguyễn Uy Sỹ, nguyên Giám Đốc Trung Tâm Công Giáo hiện là cha xứ giáo xứ St. Martin De Porres (Yorba Linda) có bài giảng, nhắc nhở giáo dân về đức tin Công Giáo và khuyên mọi người đừng bao giờ nói dối Chúa. Cha đưa ra một vài mẫu chuyện có thật để làm cho bài giảng thêm sống động.  Sau bài giảng của cha Nguyễn Uy Sỹ, Ban Vũ Phụng Vụ của Cộng Đoàn Giáo xứ Saint Columban trình diễn một màn uyển chuyển, đẹp mắt dâng lên Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Các Thánh Tử Đạo. Sau một tràng pháo tay khen ngợi của mọi người, các nữ tu Mến Thánh Giá làm mọi người vô cùng xúc động qua màn diễn nguyện về phúc Tử Đạo của hai nữ tu Mến Thánh Giá, Soeur Soạn và Soeur Trị, nói lên niềm tin mãnh liệt vào Chúa Kitô, dù những lời dụ dỗ ngon ngọt, dù những đe dọa của quan, quân và những roi đòn của quân lính, hai nữ tu không sờn lòng, không kêu than, không xin xỏ; một lòng trung kiên theo Chúa cho đến khi gục chết trước sự tra tấn cực kỳ dã man của những kẻ bách hại đạo Chúa.



Sau màn diễn nguyện xuất sắc của các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá LA. Từ ngoài thánh đường, 18 vị Chủ Tịch Cộng Đoàn, mỗi vị cầm một lá cờ ghi tên Cộng đoàn mình tiến lên cung thánh, và 18 cờ hiệu được dựng ở hai bên bàn thờ. Các Linh Mục, Phó Tế và hai vị Giám Mục, Đức Cha Kevin Vann và Đức Cha Thomas Nguyễn Thái Thành lên hôn bàn thờ và thánh lễ bắt đầu với bài Ca Nhập Lễ do ca đoàn Chúa Kitô trình bày. Đức Giám Mục Kevin Vann chủ tế thánh lễ, Đức Giám Mục Nguyễn Thái Thành giảng. Trong bài giảng bằng hai thứ tiếng Anh – Việt, Đức Cha Thành nói, “Đối với riêng tôi, ngày này là ngày Giỗ Tổ của Giáo Hội Việt Nam. Quả đúng như vậy, vì các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những vị tổ tiên, tiền nhân của Giáo Hội Việt Nam. Từ những hạt giống Đức Tin của các ngài đã chịu chết đi để ngày nay nẩy sinh hoa trái xum xuê là bao nhiêu triệu người Công Giáo Việt Nam hiện nay. Chúng ta tề tựu về đây để tỏ lòng tri ân các Thánh Tử Đạo Việt Nam, đồng thời cầu xin các Ngài thêm lòng tin cho chúng ta hầu có đủ can đảm để chiến thắng những cám dỗ của thời đại mới này là lòng ích kỷ, tham vọng tiền bạc, danh vọng và sự thờ ơ vô cảm trước những nỗi khổ đau của người chung quanh.Xin cho mỗi người chúng ta sẽ trở thành những môn đệ của Chúa, sẵn sàng mang tình yêu đến cho những người thân yêu trong gia đình, trong cộng đoàn và cho mọi người mà chúng ta có cơ hội tiếp xúc. Có thế, chúng ta mới xứng đáng là con cháu của các Thánh Tử Đạo Việt Nam.”

Thánh lễ tiếp tục sau bài giảng của Đức Giám Mục Phụ Tá. Trước khi kết thúc thánh lễ, ông Vũ Viết Quyền, Chủ Tịch Cộng Đồng CGVN thay mặt ban tổ chức dâng lời cám ơn qúy Đức Cha, các Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ, qúy Ban Thường Vụ các Cộng Đoàn, Ban, Ngành, Đoàn Thể đã sốt sắng cộng tác và tham dự Đại lễ Kính Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam, Bổn Mạng Của Cộng Đồng Công Giáo VN Giáo Phận Orange. Đức Giám Mục Kevin Vann cũng ngỏ lời chúc mừng Cộng Đồng CGVN nhân đại lễ Bổn mạng, và khen ngợi tinh thần sống đạo rất sốt sắng của các tín hữu Việt Nam.

Trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo VN, dưới triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức trên 300 ngàn người Công Giáo đã bị giết vì nhất quyết không bỏ đạo, không chịu bước qua cây Thập Giá. Trong số đó có 117 vị vừa là các Giám Mục, Linh Mục Thừa Sai ngoại quốc đến giảng đạo, vừa là các linh mục, giáo dân Việt Nam đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolo Đệ Nhị phong Thánh tại Roma ngày 19/6/1988 và một vị thứ 118 là Anre Phú Yên, tử đạo ngày 26.7.1644 cũng được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo Đệ Nhị nâng lên bậc Chân Phước ngày 5 tháng 3 năm 2000. Vì thế, cách gọi đúng nhất phải là Các Thánh Tử Đạo Tại Việt Nam.
Trước ngày cử hành Đại Lễ Kính Các Thánh Tử Đạo, LM Phạm Ngọc Hùng, Giám Đốc TTCG đã gửi thư cho toàn thể tín hữu Công Giáo trong Cộng Đồng. Trong thư có đoạn Linh Mục Phạm Ngọc Hùng viết: “Không nơi nào cho chúng ta một cảm xúc trào dâng mãnh liệt như Đại Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, khi Tiếng nhạc oai hùng vang trên khắp cõi trời Việt Nam được cất lên. Là những người Công Giáo Việt Nam, chúng ta hãnh diện vì cha ông chúng ta là những người anh dũng tiến lên pháp trường để minh chứng niềm tin của các ngài nơi Chúa Giêsu Kitô. Máu đào của các ngài đã đổ ra đwể cho hạt giống đức tin được nẩy mầm và lớn mạnh…”
Cuối bức thư, LM Phạm Ngọc Hùng với tư cách Trưởng Ban Tổ Chức Đại Lễ viết: “Song song với tâm tình tạ ơn và ngợi khen Thiên Chúa, chúng tôi chân thành ghi ơn quý Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ, các hội đoàn, đoàn thể, cơ sở thương mại, và các cá nhân đã cầu nguyện và góp công của để chúng ta có thể mừng Lễ cách trang trọng. Kính xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho từng người trong chúng ta.”

Thanh Phong – Viễn Đông

ĐTC gởi thư nhân 525 năm Thánh Lễ đầu tiên được cử hành tại Châu Mỹ Latinh

ĐTC gởi thư nhân 525 năm Thánh Lễ đầu tiên được cử hành tại Châu Mỹ Latinh

Đặc Phái viên, ĐHY Gregorio Rosa Chávez, phụ tá giáo phận San Salvador, đã được bổ nhiệm ngày 17/11/2018, cùng với hai vị đồng hành: cha Carlos Manuel Abreu Frías, linh mục thuộc tổng giáo phận Santo Domingo và cha Bernardo Kiwi, một cha xứ của giáo phận Puerto Plata.

Nội dung thư viết: Từ thế kỷ 15, trong đợt du hành thứ hai của Cristoforo Colombo, ĐGH Alexandro VI đã gởi các nhà truyền giáo để loan báo Tin Mừng cho những con người trên mảnh đất này. Vào năm 1494, tại nơi gọi là Isabela, trong miền Hiển Linh, thuộc quyền Tây Ban Nha, cha Bernardo Boil đã cử hành Thánh Lễ đầu tiên tại đây. Từ sự khởi đầu hiện diện của Mình và Máu Đức Kitô, chính Ngài đã tiếp tục hiện diện trên toàn Châu Mỹ Latinh.

Văn Yên, SJ

Đức Thánh Cha mời người nghèo bữa cơm trưa mừng Chúa Giáng Sinh

Đức Thánh Cha mời người nghèo bữa cơm trưa mừng Chúa Giáng Sinh

Bữa ăn do các vận động viên Olympic của Tập đoàn Thể Thao Ngọn lửa Vàng (Fiamme gialle) khoản đãi, và được tổ chức tại trung tâm thể thao Cảnh Sát Tài Chính Italia ở Castelporziano, gần bờ biển.

Chính các vận động viên sẽ nấu ăn, phục vụ bàn ăn và tặng quà cho các vị khách, chia sẻ với họ một ngày Lễ đầy niềm vui trong bầu khí vui tươi gia đình. Các vận động viên làm tất cả điều này với một chủ đích tình cảm đặc biệt dành cho Đức Thánh cha nhân dịp sinh nhật lần thứ 82 vào thứ hai ngày 17/12/2018.

Với sáng kiến này đội Điền kinh Vatican, đại diện Tòa Thánh muốn làm sống lại lời kêu gọi của Đức Thánh cha Phanxicô; đó là sống tinh thần Giáng Sinh trong tình liên đới và sự quan tâm cụ thể đến những người thiếu thốn nhất. Và đây là một chứng từ của lòng bác ái và tình huynh đệ thông qua ngôn ngữ thể thao, mà tự bản chất cho thấy sự tôn trọng phẩm giá của những người bé nhỏ.

Tình liên đới là đặc điểm của hoạt động thể thao của đội Điền kinh Vatican: vào tháng 5, các vận động viên đã cùng 250 người nghèo tham dự các cuộc thi điền kinh quốc tế tại sân vận động Olympic và chào đón hai người di dân và hai thanh niên khuyết tật vào đội. Dọc theo đường phố trên hành trình cuộc đua họ cũng phân phát các bức hình trên đó có "lời cầu nguyện của vận động viên Marathon", được dịch ra 37 ngôn ngữ, trong khi ở các thành phố lớn, từ Rôma đến Florence và Valencia, họ quảng bá "Thánh lễ Marathon" vào đêm Chúa nhật trước cuộc thi. Các vận động viên nhận thức rằng đội Điền kinh Vatican là một hiệp hội, nhưng trước hết họ ước muốn trở thành một kiểu làm chứng "ra đi", như Đức Giáo hoàng Phanxicô thúc giục.

Ngọc Yến, Vatican

ĐGH tiếp phái đoàn Rabbi Do thái vùng Caucaso

ĐGH tiếp phái đoàn Rabbi Do thái vùng Caucaso

Đoàn 25 vị Rabbi đến từ miền Causaso, đặc biệt là từ cộng hòa Daghestan và những vùng ở mạn bắc nước Azerbaigian, và thuộc Hội đồng thế giới những người Do thái trên núi. Họ đến thăm ĐGH lần đầu tiên.

 Tầm quan trọng của việc tưởng niệm

 Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC đề cao tầm quan trọng của việc tưởng niệm quá khứ, đặc biệt là cuộc diệt chủng Do thái. Ngài nói: ”Nếu không có một ký ức sinh động thì sẽ không có tương lai, vì nếu chúng ta không học từ những trang đen nhất trong lịch sử để khỏi rơi vào cùng những sai lầm, thì phẩm giá con người sẽ chỉ là những chữ chết”.

 Cùng với biến cố Shoa, ĐTC nhắc đến hai biến cố đau thương: ngày 16-10 vừa qua là kỷ niệm 75 năm cuộc bố ráp tại Ghetto Do Thái ở Roma, Đức quốc xã bắt những người Do thái tại đây để đưa tới các trại tập trung. Và trong vài ngày nữa, 9-11, là kỷ niệm 80 năm biến cố gọi là ”đêm pha lê”, rất nhiều nơi thờ phượng của người Do thái bị Đức quốc xã phá hủy với ý đồ loại khỏi tâm hồn cá nhân và của một dân tộc một điều tuyệt đối bất khả xâm phạm là sự hiện diện của Đấng Tạo Hóa”.

 Tái lên án trào lưu bài Do thái

 ĐTC cũng lên án trào lưu bài Do thái vẫn còn và ngài nhắc lại rằng một Kitô hữu không thể là người bài Do thái. Chúng ta có cùng căn cội chung. Ngài không quên nhấn mạnh tầm quan trọng của tình thân hữu giữa người Do thái và Kitô, một tình huynh đệ ăn rễ sâu nơi lịch sử cứu độ, được cụ thể hóa trong sự quan tâm đối với nhau.

 ĐTC nói: ”Cùng với anh em, tôi muốn cảm tạ Đấng ban mọi ơn lành vì món quà tình bạn của chúng ta, được đẩy mạnh và cũng là động cơ cuộc đối thoại giữa chúng ta” (Rei 5-11-2018)

Giuse Trần Đức Anh, OP

Tổng thống Israel sẽ gặp ĐGH lần thứ 2 tại Vatican

Tổng thống Israel sẽ gặp ĐGH lần thứ 2 tại Vatican

Trào lưu bài Do thái đang bành trướng

 Tờ ”Jerusalem Điện Báo” (Jerusalem Post) ra ngày 29-10-2018 đưa tin trên đây, và cho biết trong số những đề tài của các cuộc hội kiến giữa Tổng thống Israel và Tòa Thánh có thể có vấn đề trào lưu bài Do thái đang gia tăng tại Âu Mỹ, Australia và Nam Mỹ. Trong chuyến đi Vatican, Tổng thống Rivlin cũng sẽ gặp Tổng thống Sergio Mattarella của Italia và thủ tướng nước này là Ông Giuseppe Conte.

 Cuộc gặp gỡ hồi năm 2015

 Trong cuộc hội kiến đầu tiên hồi tháng 9 năm 2015 giữa Tổng thống Israel và ĐTC Phanxicô, có bàn đến tình hình chính trị và xã hội tại những vùng sôi bỏng ở Trung Đông cũng như tình trạng các tín hữu Kitô. Cả hai bên đều nhấn mạnh đến sự cấp thiệt cần kiến tạo bầu không khí tín nhiệm nhau giữa người Israel và Palestine và mở lại các cuộc thương thuyết trực tiếp”.

 Quan hệ giữa Tòa Thánh và Israel

 Israel và Tòa Thánh đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1994. Hiệp định cơ bản đầu tiên giữa hai bên được ký kết hồi tháng 12 năm 1993. 4 năm sau đó có một hiệp định pháp lý được ký kết, nhưng cho đến nay, sau 24 năm, các cuộc thương thảo giữa hai bên về các vấn đề kinh tế và thuế khóa vẫn chưa kết thúc, trong đó có vấn đề miễn thuế địa phương cho các trường, nhà thương và các cơ sở dùng cho công ích, cũng như vấn đề qui chế của các nơi thánh ở 29-10-2018) Israel. (KNA)_

Giuse Trần Đức Anh, OP

Chứng tá đức tin đáng kinh ngạc của các tín hữu thành phố Idlib, Syria

Chứng tá đức tin đáng kinh ngạc của các tín hữu thành phố Idlib, Syria

Idlib là tỉnh cuối cùng của Syria vẫn bị kiểm soát bởi nhiều nhóm kháng chiến và thánh chiến. Hơn 1000 Kitô hữu, nếu không có sự hỗ trợ của cha Hanna Jallouf và Luai Bsharat dòng Phanxicô, thì đã bị chết vì đói và tuyệt vọng. Bị dọa giết, bị tước đoạt nhà cửa và đất đai, chỉ được phép cử hành phụng vụ với những hạn chế nghiêm ngặt, hai cha dòng Phanxicô thuộc phó tỉnh dòng tại thánh địa đã cố gắng hết sức bao nhiêu có thể để đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần của các tín hữu. Các cha là tiếng nói của họ trong các làng Knayeh, Yacoubieh và Gidaideh, nơi các Giáo hội Latinh, Chính thống Armenia và Chính thống Hy Lạp sống trong nỗi sợ hãi bị bắt cóc hoặc xử tử tập thể.

Nơi này, không xa biên giới Thổ nhĩ kỳ bao nhiêu, có 2,5 triệu dân Syria – phần lớn là người tản cư – bị bao quanh bởi cả chục ngàn các chiến binh của nhóm Hayat Tahrir al-Sham, một nhóm thánh chiến kết nối với Al-Qaida, kiên quyết không đầu hàng lực lượng chính quy của Siria và các đồng minh Nga và Iran của Siria. Trong những ngày này, một cuộc tấn công nhắm tái chiếm thành trì của quân đội thánh chiến Hồi giáo, đã được ngăn chặn sau một thỏa thuận giữa tổng thống Vladimir Putin của Nga và nhà lãnh đạo của Thổ nhĩ kỳ, Recep Tayyip Erdogan, để tạo ra một khu phi quân sự xung quanh đó.

Báo SIR của Hội đồng Giám mục Công giáo Ý cho biết là các Kitô hữu Idlib đã sống trong một bầu khí căng thẳng và sợ hãi liên tục từ năm 2011, đó là từ khi chiến tranh bắt đầu bùng nổ. Tất cả các nhóm phiến quân và khủng bố đều ở đó. Tất cả các linh mục đều bỏ đi hoặc bỏ trốn. Nhiều nhà thờ và nơi thờ phượng của Chính thống Armenia và Chính thống Hy Lạp và những nơi thờ phượng đã bị phá hủy hoặc đốt cháy. Hai linh mục dòng Phanxicô sống trong hai tu viện, thánh Giuse và Đức Mẹ Fatima ở Knayeh và Yacoubieh. Vào năm 2014, cha Hanna Jallouf với 16 giáo dân đã bị bắt cóc nhưng sau một vài ngày, họ được đưa trở về tu viện "mạnh mẽ hơn và nhiều động lực hơn trước đây", và như cha nói "gắn chặt" với đức tin của họ như với một mỏ neo, bất chấp các mối đe dọa bị cướp đoạt tu viện và kết thúc tồi tệ nữa nếu họ không chuyển sang Hồi giáo.

"Là Kitô hữu cho đến chết"

Cha Hana cho biết: “Cuộc sống thật khó khăn, thiếu thốn tất cả mọi thứ, giá cả của các nhu yếu phẩm tăng rất cao. Chúng tôi không có điện cũng như nước dùng. Trợ giúp cho các Kitô hữu địa phương đến từ phó tỉnh dòng tại Thánh địa  và một tổ chức phi chính phủ, ‘Ủng hộ Thánh địa’. Mỗi tháng, chúng tôi sẽ cung cấp cho các gia đình khoảng 260 mặt hàng thiết yếu như thuốc và sữa, cũng như các phiếu mua dầu để chạy máy điện và sưởi ấm, quần áo và sách học.” Hai cha đã tổ chức được một dịch vụ để đưa các em đến trường. Cha Hana kể thêm: “Chúng tôi cũng cung cấp cho sinh viên của chúng tôi nhiều tài liệu học tập nhưng các nhóm cực đoan kiểm soát khu vực này không biết. Nếu họ biết điều đó, chúng tôi sẽ gặp rắc rối.” Vào ngày 19 tháng 9 vừa qua, một người đàn ông gần giáo xứ của họ đã bị giết. Lỗi duy nhất của anh ta là gì? Đó là đã giúp đỡ các Kitô hữu.

Nỗi đau khổ của các Kitô hữu này thì vô cùng, sự sợ hãi của họ thì cùng cực. Nhưng không gì có thể ngăn cản họ sống và làm chứng về đức tin của họ. Họ nói với những kẻ cực đoan: "Chúng tôi sẽ vẫn là Kitô hữu cho đến khi chết. Ngay cả trong đau khổ, chúng ta sống trong một thời gian ân sủng." Và khi nói đến Thánh lễ, tất cả những nỗi sợ hãi và đau khổ này dường như được đặt sang một bên. Hai cha vui mừng khi có ít nhất 50 đến 60 người đến nhà thờ mỗi ngày. Ngày Chúa nhật, thậm chí có nhiều tín hữu hơn bởi vì họ đến từ các làng lân cận.

Những cử hành tôn giáo chỉ được phép nếu diễn ra bên trong nhà thờ. Họ bị cấm trưng bày thánh giá, tượng thánh, các hình ảnh thánh hoặc đánh chuông. Một cha kể lại: "Hai tháng trước, tòa án tôn giáo triệu tập tôi và ra lệnh cho tôi ngừng mặc áo dòng của tôi, đó là một dấu hiệu tôn giáo được ám chỉ đức tin Kitô giáo của tôi. Vì vậy chúng tôi để bộ áo dòng trong một chiếc vali khi chúng ta phải di chuyển và mặc nó ở những nơi chúng tôi được phép.”

Cái nôi của Kitô giáo

Cha Hanna biết rằng đây là cái giá phải trả của những người đã chọn, cha nói: "Ở lại giữa người dân của chúng tôi, ở trong người dân của chúng tôi. Chúng tôi vẫn gắn liền với đức tin của chúng tôi với cộng đồng của chúng tôi. Đây là nơi Kitô giáo được sinh ra, đây là nguồn gốc của chúng ta.” Và Cha Jallouf kết thúc: “Tình hình nghiêm trọng nhưng chúng tôi tiếp tục cầu nguyện và cảm nhận mỗi ngày bàn tay của Thiên Chúa, Đấng dõi nhìn chúng tôi. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình ở Syria, để cuộc thảm sát vô lý này được chấm dứt.”

Hồng Thủy

ĐTC Phanxicô: Không dửng dưng trước tiếng kêu đói của dân chúng

ĐTC Phanxicô: Không dửng dưng trước tiếng kêu đói của dân chúng

Lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu đối với dân chúng

Tin Mừng hôm nay (Ga, 6 1-15) thuật lại câu chuyện hóa bánh và cá ra nhiều. Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: "Chúng ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?" (c.5). Thực vậy, số tiền mà Chúa và các tông đồ có không đủ để nuôi đám đông đó. Và rồi thánh Anrê, một người trong số Mười hai dẫn đến với Chúa Giêsu một cậu bé với tất cả những gì mà cậu có, đó là năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá; nhưng ông Anrê chắc chắn rằng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người (c.9). Tuy nhiên Chúa Giêsu ra lệnh cho các môn đệ bảo mọi người ngồi xuống, rồi Chúa Giêsu cầm lấy bánh và cá và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn (c.11), và tất cả mọi người được ăn no thỏa.

Với trang Tin Mừng này, phụng vụ dẫn chúng quay trở lại Chúa nhật tuần trước, Tin Mừng của thánh Marcô với ánh mắt của Chúa Giêsu, thấy dân chúng thật đông, Chúa Giêsu động lòng thương (Mc 6,34).

Chúa Giêsu quan tâm đến những nhu cầu thiết yếu nhất của con người

Hôm nay một lần nữa thánh Gioan cho chúng ta thấy Chúa Giêsu quan tâm đến những nhu cầu thiết yếu nhất của con người. Sự kiện xuất phát từ một thực tế cụ thể: dân chúng đang đói và Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải bận tâm đến vấn đề này của Ngài để cơn đói của dân chúng được thỏa mãn. Đối với đám đông, Chúa Giêsu trao ban một cách nhưng không, không có giới hạn. Ngài đã trao ban Lời của Ngài, sự au ủi, ơn cứu độ, và cuối cùng là sự sống của Ngài; nhưng một điều chắc chắn là Ngài quan tâm đến lương thực của thân xác. Và chúng ta, các môn đệ của Ngài, chúng ta không thể dửng dưng, xem như không có gì xãy ra. Chỉ cần lắng nghe những nhu cầu đơn giản nhất của dân chúng và ở gần bên những hoàn cảnh cụ thể của họ chúng ta sẽ có thể được lắng nghe khi chúng ta nói về những giá trị cao cả

Dấn thân quảng đại của tình liên đời hướng đến người nghèo

Tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại đang đói bánh ăn, đói tự do, công bằng, hòa bình, và trên hết đói ân sủng Thiên Chúa, không bao giờ dừng lại. Ngày hôm nay Chúa Giêsu tiếp tục nuôi dân người, hiện diện sống động và an ủi dân chúng. Ngài thực hiện điều này qua chúng ta. Bởi vậy Tin Mừng mời gọi chúng ta sẵn sàng và nhiệt thành. Đứng trước mọi hình thức của tiếng kêu đói, của biết bao nhiêu anh chị em ở khắp nơi trên thế giới, chúng ta không thể là những khán giả xa cách và thản nhiên. Lời công bố của Chúa Kitô, bánh của sự sống đời đời, đòi hỏi một sụ dấn thân quảng đại của tình liên đời hướng đến người nghèo, người yếu đuối, người rốt hết, người không có khả năng tự vệ. Hành động gần gũi và bác ái này là sự minh xác tốt nhất về phẩm chất đức tin của chúng ta, ở tầm mức cá nhân và cộng đoàn.
Tài nguyên của nhân loại không được bỏ phí

Vào cuối bài tường thuật, Thánh Sử cho biết khi tất cả đã no nê, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi" (c.12). Những lời này chỉ cho thấy Chúa Giêsu quan tâm đến những người đang bị đói, Ngài lo lắng chăm sóc cả đến những mẫu bánh nhỏ không bị mất đi, bị bỏ phí, bởi vì chính những mẫu bánh này Ngài đã nuôi dân chúng.
Noi gương Chúa Giêsu, toàn thể nhân loại được mời gọi làm như Ngài, các tài nguyên có trên thế giới không bị bỏ phí, chúng không thể được dành riêng cho những mục đích tự hủy diệt của con người, nhưng để phục vụ cho mục đích chính đáng và sự phát triển hợp pháp của nó.

Chúng ta cùng cầu xin Đức Trinh nữ Maria để các chương trình dành cho sự phát triển, lương thực, tình liên đới được chiếm ưu thế chứ không phải là các chương trình của hận thù, vũ trang và chiến tranh thắng thế.

Ngọc Yến

Nhiều vết máu trên Tấm Khăn liệm thành Turin là giả tạo?

Nhiều vết máu trên Tấm Khăn liệm thành Turin là giả tạo?

Ngày 16/07 vừa qua, tin tức loan truyền khắp thế giới rằng một nửa các vết máu in dấu trên Tấm Khăn liệm thành Turin (Ý) không tương thích với tư thế của một người bị đóng đinh và các vết máu khác thì không thể tương thích với tư thế trên thập giá và ở trong mồ. Kết luận này giống như một quả bom nổ.

Kết quả vừa nói trên được đăng trên  tạp chí Journal of Forensic Sciences, và đề cập đến các thí nghiệm được 2 nhà hóa học Matteo Borrini của trường đại học Liverpool và Luigi Garlaschelli của Ủy ban Italia về kiểm nghiệm các sự kiện khoa học giả mạo thực hiện năm 2014.

Hai nhà nghiên cứu nói trên đã cố gắng mô phỏng sự rỉ máu từ cánh tay của một người đàn ông "đóng đinh" và nghiên cứu các vị trí máu chảy đến. Các vết máu rỉ tương tự như máu trên Tấm Khăn liệm sẽ chỉ thu được, theo các thí nghiệm này, với một vị trí gần như thẳng đứng của cánh tay. Và các tiêu đề truyền thông trên toàn cầu là không hoàn toàn chính xác khi đăng: một nửa số vết máu là không thật, hay nói khác đi là giả mạo. Theo giáo sư Paolo Di Lazzaro, phó chủ tịch Trung tâm quốc tế về nghiên cứu Tấm Khăn liệm, và là người đã theo dõi sự kiện từ đầu, từ cuộc thử nghiệm vào năm 2014, thì cuộc thử nghiệm này thật thú vị, nhưng có lẽ sự nhấn mạnh mà các phương tiện truyền thông đưa ra là hơi phóng đại.

Theo giáo sư Lazzaro, những giới hạn của vấn đề là các điều kiện khi thực hành thử nghiệm này. Họ thực hiện với máu nhân tạo, và không xem xét bối cảnh thực sự của sự kiện Chúa bị đóng đinh: đó là của một người đàn ông không uống trong gần hai ngày, da bẩn, ướt đẫm mồ hôi, gần như đầy bụi đất. Còn nữa, trong một thí nghiệm thuộc loại này thì hầu như không thể có được sự co thắt của người sắp chết và ảnh hưởng của chúng đối với sự căng giãn của da. Tóm lại: một quan điểm nghiên cứu mà hy vọng là xứng đáng để được đào sâu hơn, nhưng để đưa ra những kết quả đáng tin cậy, thì cần một bối cảnh khoa học rộng hơn và chắc chắn hơn. (Avvenire (17/07/2018)

Theo nữ giáo sư Emanuela Marinelli, một chuyên gia nổi tiếng thế giới về Tấm Khăn liệm thành Turin , tin tức “bom nổ” này (kết luận rằng một nửa vết máu trên Tấm Khăn liệm là giả tạo) không làm bà nhảy dựng lên. Theo bà, cuộc thử nghiệm của hai nhà nghiên cứu không có tính khoa học. Họ lấy một hình nộm thường được sử dụng để trưng bày quần áo trong các tủ kính cửa tiệm, rồi nhúng một miếng bọt biển trong máu nhân tạo và gắn vào một mảnh gỗ, sau đó nhấn vào sườn phải của hình nộm để xem các dòng máu chảy đến chỗ nào. Việc thực hiện này không có sự nghiêm ngặt như những nghiên cứu được thực hiện cách đây 40 năm trên xác chết của những người chết vì xuất huyết màng ngoài tim (giả dụ là Chúa Giêsu), được đặt theo chiều dọc và các vết thủng được mở bằng dao mổ, giữa các xương sườn thứ 5 và thứ 6, như ngọn giáo của người lính Roma đã đâm.

Được hỏi tại sao một đại học uy tín như Liverpool lại xác nhận và cho xuất bản một nghiên cứu mà không chỉ có một vài nghi ngờ về phương pháp căn bản, có thể làm giảm sự đáng tin của nó, giáo sư Marinelli trả lời cách mạnh mẽ: để cố gắng chứng thực rằng Tấm Khăn liệm là giả, những nhóm ý thức hệ đã tài trợ bất kể những cuộc nghiên cứu với định kiến, được xây dựng sẵn ở trên bảng… Không thể phủ nhận rằng đằng sau một số cuộc nghiên cứu, có những nhóm muốn làm cho người ta tin rằng Tấm Khăn liệm là một sự kiện lịch sử giả tạo. Ví dụ, có một phim tài liệu hay có tên gọi “Đêm của Tấm Khăn liệm”. Phim tài liệu này không được đài RAI chiếu vì trong đó có một lời khẳng định mà có thể một số người không thích. Lời tuyên bố này được trình bày trên một lá thư viết trên giấy có tên của Văn phòng Giáo phận Turin, viết rằng Đức Hồng y Anastasio Ballestrero, lúc đó là giám sát viên Tấm Khăn liệm, đã gửi đến các nhà tư vấn khoa học, kỹ sư Luigi Gonella, trong đó ngài kiên quyết lập luận rằng trong vấn đề xác định thời gian bằng phương pháp carbon 14 (sau đó bị bác bỏ bởi một số nghiên cứu tiếp theo), đã có bàn tay của nhóm Tam điểm, là những người muốn bằng mọi giá chứng minh rằng Tấm Khăn liệm là từ thời Trung Cổ.”

Giáo sư Marinelli kết luận rằng có một sự "phiền phức" đối với một “Tấm Khăn liệm thật từ phía của những người muốn chối bỏ không chỉ Chúa Kitô mà cả sự phục sinh của Ngài." Như Đức Hồng y Giacomo Biffi nói: đối với một người Công giáo, việc khám phá ra Tấm Khăn liệm là giả không thay đổi bất cứ điều gì. Ngược lại, tất cả mọi thứ thay đổi đối với một người vô thần. Và có lẽ, những người mà bằng mọi giá, muốn cố gắng chứng minh sự giả tạo của Tấm Khăn liệm, họ sợ điều này. (Vatican News 17/07/2018)

Tấm Khăn liệm thành Turin là một tấm khăn vải trên đó có hình ảnh của một người đàn ông, với các dấu tích giống như người chết vì bị đóng đinh, in trên đó. Tấm Khăn liệm này hiện nay được lưu giữ trong nhà nguyện hoàng gia của Nhà thờ chính tòa Turin, miền bắc nước Ý. Hình ảnh trên tấm vải liệm được tin rằng Chúa Giêsu và đây chính là tấm khăn đã liệm Chúa khi ngài được đem xuống khỏi thập giá và mai táng trong mộ đá.

Hồng Thủy

ĐTC Phanxicô: Nhà truyền giáo đặt trung tâm sứ điệp vào Đức Giêsu và ra đi với một phương tiện khó nghèo

ĐTC Phanxicô: Nhà truyền giáo đặt trung tâm sứ điệp vào Đức Giêsu và ra đi với một phương tiện khó nghèo

Tin Mừng hôm nay (Mc 6: 7-13) tường thuật lại khoảnh khắc Chúa Giêsu sai Mười Hai Tông đồ ra đi thi hành sứ mạng. Sau khi gọi các ông từng người một, "để họ ở với Ngài" (Mc 3:14), lắng nghe Lời Ngài và quan sát cử chỉ chữa bệnh của Ngài, và bây giờ Ngài gọi các ông một lần nữa để "sai họ đi từng hai người," (6, 7) đến những ngôi làng mà Ngài sẽ đến. Đây là một cách "thực tập" cho những gì các ông sẽ được kêu gọi thi hành với quyền năng của Chúa Thánh Thần sau khi Chúa phục sinh.

ĐTC giải thích: Đoạn Tin Mừng tập trung vào phong cách của người truyền giáo, chúng ta có thể tóm tắt trong hai điểm: Truyền giáo có một trung tâm; truyền giáo có một khuôn mặt.

Người môn đệ được sai đi thi hành sứ vụ trước hết có một trung tâm để qui chiếu, đó là con người của Chúa Giêsu.

 Đoạn Tin Mừng chỉ cho thấy chính Chúa Giêsu là nhân vật chính trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng qua cách sử dụng một loạt các động từ: "Ngài gọi các ông", "sai đi", "trao quyền","truyền lệnh" “nói với họ"(câu 7.8.10). Tất cả những điều này CGS thực hiện để các ông ra đi và thi hành việc của nhóm Mười Hai; và điều này chỉ cho thấy các việc làm của nhóm Mười Hai bắt nguồn từ một trung tâm. Chính các ông đảm nhận sự hiện diện và công trình của Chúa Giêsu trong hành động truyền giáo của các ông. Các Tông Đồ không có gì để loan báo, cũng như khả năng để biểu lộ, nhưng các ông nói và hành động như là "những người được sai đi", là những sứ giả của Chúa Giêsu.

ĐTC nhận xét rằng: Đoạn Tin Mừng này cũng liên quan đến chúng ta, không chỉ các linh mục, mà là tất cả những ai đã lãnh nhận Bí tích Rửa tôi, chúng ta được kêu gọi làm chứng trong các môi trường khác nhau của cuộc sống, Tin Mừng của Chúa Kitô. Đối với chúng ta sứ mệnh này chỉ được xác thực khi nó được bắt đầu từ trung tâm không thay đổi đó là Chúa Giêsu. Loan báo Tin Mừng không phải là một sáng kiến của các tín hữu, của các nhóm hay thậm chí là một tập hợp lớn, nhưng đó là sứ mệnh của Giáo Hội và sứ mệnh này không thể tách rời khỏi sự hiệp nhất với Chúa. Không một Kitô hữu nào có thể loan báo Tin Mừng "một mình", nhưng chỉ được sai đi từ Giáo Hội, một Giáo Hội đã nhận được sự ủy thác từ chính Chúa Kitô.

Và ĐTC tiếp tục: Đặc điểm thứ hai của phong cách của người truyền giáo có thể nói đó là một khuôn mặt, trong đó bao gồm sự khó nghèo của phương tiện. Sự trang bị cho hành trình truyền giáo đáp ứng một tiêu chuẩn tiết kiệm. Thực tế, Nhóm Mười Hai có mệnh lệnh "không mang gì ngoài một cây gậy cho cuộc hành trình: không bánh mì hay túi xách, cũng không phải tiền trong thắt lưng" (c. 8). Vị Tôn sư muốn họ tự do và nhẹ nhàng, không có sự trợ giúp và đặc ân, chắc chắn chỉ có tình yêu của Ngài dành cho họ, và sức mạnh từ Lời mà họ nhận được từ Ngài và loan báo. Cây gậy và đôi dép, những gì dành cho những người hành hương, bởi vì các ông là sứ giả của vương quốc Thiên Chúa, không phải là những người quản lý toàn năng, không phải là các viên chức bất động, không phải đang thực hiện chuyến lưu diễn.

Và với "khuôn mặt" này cũng cho thấy sứ điệp mà các ông loan báo sẽ được đón nhận như thế nào. Thực tế điều có thể xảy ra: sứ điệp không được hoan nghênh hoặc lắng nghe (c. 11). Đó cũng là sự nghèo đói: kinh nghiệm thất bại. Câu chuyện của Chúa Giêsu, người đã bị từ chối và đóng đinh, cho thấy trước số phận của những người mang sứ điệp của Ngài. Và chỉ khi chúng ta hợp nhất với Ngài, Người đã chết và sống lại, chúng ta có thể tìm thấy lòng can đảm trong sứ vụ truyền giáo.

Đức Thánh Cha kết luận: Chúng ta cùng cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, người Tông đồ đầu tiên và là nhà thừa sai của Lời Chúa, giúp chúng ta mang sứ điệp Tin Mừng đến với thế giới với niềm hân hoan khiêm tốn và rạng ngời, vượt lên trên bất kỳ sự từ chối, hiểu lầm hay bách hại nào. (Rei 15/07/2018

Ngọc Yến

Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher – Ngoại trưởng Tòa Thánh – thăm Nam Hàn

Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher – Ngoại trưởng Tòa Thánh – thăm Nam Hàn

Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh, đang thực hiện chuyến viếng thăm Nam Hàn từ thứ tư, 04/07 đến thứ hai, 08/07/2018.

Sáng nay, 05/07, Đức Tổng Giám mục Gallagher đã gặp Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in; sau đó ngài cũng đã thăm khu vực phi quân sự phân cách hai miền Nam Bắc Triều tiên.

Ngày mai, theo chương trình, Đức Tổng Giám mục Gallagher sẽ có cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Kang Kyung-wha, và khoảng 40 đại biểu Công giáo. Ngày thứ 7, Đức Tổng Giám mục Gallagher sẽ phát biểu tại diễn đàn Công giáo về hòa bình và nhân quyền. Và cuối cùng, Đức Tổng Giám mục Gallagher sẽ chủ sự Thánh lễ tại nhà thờ chính tòa Mân Đông ở thủ đô Seul.

Trong thông cáo báo chí, Vatican cho biết cuộc gặp gỡ giữa Đức Tổng Giám mục Ngoại trưởng Tòa Thánh và Tổng thống Nam Hàn rất thân mật và đề cập đến nhiều vấn đề. Đức Tổng Giám mục Gallagher đã chuyển đến Tổng thống Nam hàn lời chào, sự hỗ trợ và lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô cho hành trình hòa bình và hòa giải trên bán đảo Triều tiên. Thông cáo cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tái khởi động tất cả các sáng kiến nhân đạo hữu ích, cũng như nhu cầu cấp thiết để thúc đẩy nền văn hóa hòa bình nơi giới trẻ.

Trong cuộc gặp gỡ, Tổng thống Nam Hàn đã nói với Đức Tổng Giám mục Ngoại trưởng Tòa Thánh rằng “Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đóng góp cho sự thành công của Hội nghị thượng đỉnh giữa hai miền Nam Bắc Triều tiên, nhờ sứ điệp hòa bình và hòa giải của ngài.

Đức Tổng Giám mục Gallagher đã được Đức Hồng y Andrew Yeom Soo-jung – Tổng Giám mục Seul, Đức Tổng Giám mục Alfred Xuereb – Sứ thần Tòa Thánh tại Nam Hàn, Đức Cha Hyginus Kim Hee-joong – Tổng Giám mục Gwangju và Đức cha Francis Xavier Yu Soo-il của giám hạt quân đội ở Hàn quốc tháp tùng viếng thăm Khu vực an ninh chung gần với biên giới của hai miền Nam bắc – nơi đã trở thành biểu tượng sau chiến tranh (1950/1953) và là một trong những dấu tích cuối cùng của cuộc chiến tranh lạnh. Đức Tổng Giám mục Gallagher đã bày tỏ hy vọng rằng miền biên giới sẽ trở thành nơi của hy vọng và hòa giải. Ngài cũng cầu nguyện, nhân danh Đức Thánh Cha Phanxicô, để trong tương lai, nơi này sẽ là nơ của hy vọng và hòa giải.

Trong buổi họp báo sau đó, Đức Tổng Giám mục Gallagher khẳng định rằng thỏa thuận đạt được giữa hai lãnh đạo Nam Bắc Triều tiên là một giây phút lịch sử, “một thời kỳ hy vọng và Đức Thánh Cha ủng hộ phong trào này. Chúng ta không nghi ngờ rằng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn, nhưng sự quyết tâm mà người Hàn Quốc luôn bày tỏ sẽ giúp họ trên hành trình và chờ đợi họ trong tương lai, tôi chắc chắn rằng với những lời cầu nguyện và sự hỗ trợ của các Kitô hữu và của những người nam nữ có đức tin tốt lành trên toàn thế giới, nhiều điều tốt đẹp sẽ đạt được trong những tháng tới. Chúng ta cầu nguyện cho điều này.”

Được hỏi nếu ngài có một thông điệp riêng cho người dân Bắc Hàn, Đức Tổng Gallagher nói: “Chúng ta hãy tiến lên, đối mặt với những thách thức của chúng ta: bất kể chúng ta từ phía nào của biên giới, bất kể chúng ta gặp hoàn cảnh nào, chúng ta phải cố gắng hành động để thúc đẩy sự phát triển của xã hội trên khắp bán đảo Triều Tiên, nhờ sự đóng góp của cả các nước bạn bè.”

Trong chuyến đi, Đức Tổng Giám mục Gallagher cũng viếng thăm địa điểm xây dựng nhà thờ Công giáo được xây dựng tại khu an ninh chung (JSA), dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 3 năm sau. Nhà thờ có từ nhiều thế kỷ hiện tại sẽ đóng cửa vào cuối thời gian xây dựng. (Sismografo 05/07/2018)

Hồng Thủy

90 năm tuổi đời và 65 năm linh mục của hai anh em sinh đôi nhà Sarzilla

90 năm tuổi đời và 65 năm linh mục của hai anh em sinh đôi nhà Sarzilla

Sáng ngày 30 tháng 5 vừa qua, tại nhà thờ giáo xứ Valgoglio, tỉnh Bergamo, miền Bắc nước Ý, hai anh em linh mục sinh đôi Attilio và Giovanni Sarzilla đã dâng Thánh lễ tại ơn, kỷ niệm 65 năm linh mục.

Attilio và Giovanni Sarzilla là hai anh em sinh đôi chào đời ngày 12 tháng 10 năm 1928. Cả hai anh em đều có đam mê leo núi, đặc biệt là những vách núi và sườn núi dốc của dãy Dolomiti. Từ khi chào đời, hai anh em sinh đôi Attilio gắn bó và không xa rời nhau, ngay cả khi họ gia nhập chủng viện. Và cách nay 65 năm, ngày 30 tháng 5 năm 1953, hai anh em Attilio và Giovanni đã được Đức cha Adriano Bernareggi, giám mục giáo phận Bergamo lúc đó, truyền chức linh mục. Sau Thánh lễ mở tay, hai cha được Đức giám mục bổ nhiệm đến những giáo xứ khác nhau, nhưng họ vẫn luôn cố gắng liên lạc và gặp nhau khi có thể. 65 năm Linh mục phục vụ Tin mừng, thi hành sứ vụ với sự khiêm nhường và nhiệt thành, giúp đỡ anh em và những người nghèo khổ. Hai cha tin rằng thiên nhiên và nghệ thuật giúp nâng tâm hồn con người và giúp cho con người gặp gỡ Thiên Chúa.

Trong Thánh lễ tại ơn mừng kỷ niệm 65 năm linh mục, cha Attilio đã xúc động chia sẻ: “Đây là một hồng ân, bởi vì dù cho những bệnh tật của tuổi già, Thiên Chúa đã ban cho chúng tôi cơ hội vẫn còn được ở đây và ở cùng với nhau. Cha Attilio kể tiếp: “Người vào chủng viện trước vào năm 1943 là em Giovanni của tôi. Hai năm sau đó tôi mới theo anh. Từ khi đó chúng tôi không bị cách xa nhau nữa, ngay cả trong kỳ nghỉ hè, cho đến ngày chúng tôi dâng Thánh lễ mở tay, vào mùa xuân năm 1953.”

Ngày lễ tạ ơn 65 năm linh mục của hai linh mục sinh đôi có nhiều tín hữu tham dự, và cũng có nhiều linh mục quen biết hai cha. Cha Marco Caldara, cha sở của cộng đoàn Valgoglio và Novazza kể về hai linh mục sinh đôi: “Họ là hai con người của Chúa. Hai nghệ sĩ yêu thích nghệ thuật vẽ tranh ngay từ khi họ còn nhỏ và do đó họ đã thánh hiến cho vẻ đẹp, cho sự hoàn hảo và cho Thiên Chúa. Hai cha còn là những người cộng tác mục vụ hiệu quả và quý giá cho cộng đoàn bé nhỏ của chúng tôi.”

Tháng 10 năm nay, hai cha Attilio và Giovanni sẽ tròn 90 tuổi. Hai cha đã trải qua suốt cuộc đời bên nhau, từ khi sinh ra cho đến khi chọn theo trở thành linh mục cùng một ngày và đến năm 2006, hai cha đã cùng nghỉ hưu, sau nhiều năm phục vụ tích cực trong các giáo xứ của giáo phận Bergamo. Họ chọn nghỉ hưu trong ngôi nhà của người chị họ Lionella ở Valgoglio. Nhớ lại ngày được thụ phong linh mục, hai cha tâm sự là không có ai thúc đẩy hai cha chọn đi trên hành trình linh mục, nhưng chính các cha được mời gọi và các ngài đã đáp lại tiếng gọi của Chúa.

Cho dù có những lần hai cha được bổ nhiệm đến những nơi phục vụ xa cách nhau, nhưng mỗi ngày các cha vẫn nói chuyện với nhau và khi có thể thì các ngài lại gặp nhau. Cha Attilio kể lại một câu chuyện cảm động: “Sau thánh lễ mở tay vào năm 1953, chúng tôi đã nói, giờ đây chúng ta phải thực sự xa nhau. Tôi đã đi đến Barzana, còn Giovanni thì đi Lallio. Nhưng chúng tôi dùng xe đạp để tiếp tục đi gặp nhau.” 

Bên cạnh đam mê dành cho những đỉnh núi cao, trong đó có một số đỉnh núi mà hai anh em đã chinh phục khi còn rất trẻ, với trang phục là áo chùng thâm, như quy luật chủng viện thời đó quy định, hai cha Attilio và Giovanni còn đam mê nghệ thuật tượng trưng. Hai cha là học trò của họa sĩ Pietro Servalli và đã vẽ hầu như khắp mọi nơi, các đền thờ, nhà thờ, nghĩa trang, đài phun nước, bàn thờ, trong đó có bàn thờ của chân phước Morosini và chân phước dòng Capuchinô Tommaso da Olera, chân dung và phong cảnh núi non. Hai cha cho biết các ngài chuyên vẽ chân dung và đã vẽ rất nhiều chân dung csc linh mục trong vùng. Năm 2013, hai cha đã tặng cho công đồng Valgoglio 25 tác phẩm và chính quyền thị trấn này đã đặt các tác phẩm trong một tòa nhà nơi có các trường học và thư viện.

Trong cuộc gặp gỡ với giáo dân, một nhóm thanh thiếu niên đã hỏi hai cha một số câu hỏi, trong đó có câu: Các cha muốn nói gì với các thiếu niên và người trẻ ngày nay?” Hai cha đã không lo lắng và do dự khi trả lời: “Những người trẻ tuổi ngày nay tỉnh táo ý thức và chúng tôi khuyên họ thử gia nhập chủng viện. Là linh mục thật là một điều tốt đẹp.” Cha Attilio đã chia sẻ những tâm tình cuối cùng: “Đối với chúng tôi, 65 năm cử hành Thánh lễ là một giây phút hồng ân và vui mừng về những điều chúng tôi đã lãnh nhân. Nhưng chúng tôi cũng cảm thấy sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ cuối cùng và hân hoan với Thiên Chúa.” (Avvenire 30/05/2018)

Hồng Thủy

ĐTC khích lệ củng cố liên hệ tình bạn giửa Giáo Hội công giáo và Giáo Hội chính thống Tchèque Slovacchia

ĐTC khích lệ củng cố liên hệ tình bạn giửa Giáo Hội công giáo và Giáo Hội chính thống Tchèque Slovacchia

VATICAN: ĐTC Phanxicô khích lệ Giáo Hội công giáo và Giáo Hội chính thống củng cố các liên hệ tinh thần và tình bạn để gia tăng việc chung xây hiệp nhất, noi gương hai thánh Cirillo và Metodio vượt thắng các chia rẽ giữa các cộng đoàn kitô và các truyền thống khác biệt.

ĐTC đã đưa ra lời khích lệ trên đây trong buổi tiếp Đức Thượng Phụ  Rastislav của Giáo Hội chính thống Tcheque Sloavacchia sáng 11 tháng 5 vừa qua. Ngài cảm tạ Chúa vì các mối dây liên lạc tinh thần hiệp nhất khuyến khích theo đuổi việc xây dựng cho nhau và tìm về hiệp nhất. Mộ của hai thánh Cirillo và Meetodio Tông đồ các dân tộc Slave trong vương cung thánh đường thánh Clemente ở Roma là một trong các chứng tích liên hệ tinh thần ấy. Hai thánh đã đem các thách tích của thánh Clemente, một trong các vị Giám Mục Roma tiên khởi, chết khi bị đi đầy dưới thời hoàng đế Traiano, từ Salonicco về cho ĐGH Adriano II. Cử chỉ của hai vị cho thấy gia tài chung của sự thánh thiện với chứng tích tử đạo của biết bao nhiêu vị kitô hữu  như thánh Clemente đã trung thành với Chúa Giê su, hay như các kitô hữu bị chế độ vô thần bách hại tại các nước đông âu trong đó có Tcheque và Slovacchia.  Cả ngày nay nữa các khổ đau của biết bao nhiêu anh chị em kitô bị bách hại vì Tin Mừng là lời mời gọi cấp bách  kiếm tìm một sự hiệp nhất lớn hơn.

** Điểm thứ hai có thể rút tỉa từ chứng tá của hai thánh Cirillo và Metodio là tương quan giữa việc rao truyền Tin Mừng và nền văn hóa. Là các người theo truyền thống Bisantin hai anh em thánh thiện này đã táo bạo dịch Phúc Âm ra thứ tiếng mà các dân tộc Slave vùng Moravia có thể hiểu được. Được Đức Gioan Phaolo II nâng làm đồng bổn mạng Âu châu hai thánh cũng là gương mẫu cho công việc rao truyền Tin Mừng ngày nay.  Để loan báo Chúa Kitô tái khẳng định các lược đồ quá khứ thôi không đủ, cần phải lắng nghe Thánh Linh luôn gợi hứng cho các con đường mới mẻ can đảm loan báo Chúa cho con người thời nay. Đây là điều Chúa cũng làm tại các nước ngày nay bị tục hóa và thờ ơ với tôn giáo.

Điểm thứ ba có thể học hỏi nơi thánh Cirillo và Metodio là việc thắng vượt các chia rẽ giữa các cộng đoàn kitô, các nền văn hóa và các truyền thống khác nhau. Trong nghĩa này hai vị đã là những người tiên phong đích thực của phong trào đại kết (Gioan Phaolo II, Slavorum Apostoli, 14). Hai thánh nhắc cho chúng ta biết rằng hiệp nhất không có nghĩa là đồng nhất, mà là hòa giải các khác biệt trong Chúa Thánh Thần. Các ngài khích lệ chúng ta sống sự khác biệt ấy trong sự hiệp thông, và không bao giờ mất cản đảm trên con đường tiến về hiệp nhất toàn vẹn.

ĐTC vui mừng về sự tham dự của Giáo Hội chính thống Tcheque và Slovacchia vào Ủy ban đối thoại hỗn hợp thần học công giáo chính thống. Ngài gửi lời chào thăm mọi tín hữu chính thống thuộc quyền Đức Thượng Phụ và xin Chúa cho hai Giáo Hội mau đạt sự hiệp nhất trọn vẹn qua lời bầu cử của hai thánh Cirillo và Metodio (REI 11-5-2018)

Linh Tiến Khải

 

ĐTC viếng đền thánh Đức Bà Tinh Yêu Thiên Chúa

ĐTC viếng đền thánh Đức Bà Tinh Yêu Thiên Chúa

ROMA: Hôm mùng 1 tháng 5 lễ thánh Giuse Thợ, cũng là ngày đầu tháng Kính Đức Mẹ, ĐTC Phanxicô đã viếng thăm đền thánh Đức Bà Tình Yêu Thiên Chúa và chủ sự buổi lần hạt Mân Côi cầu nguyện cho hòa bình tại đây.

ĐTC đã viết trên Twitter bằng 9 thứ thứ tiếng (Ý, Anh, Latinh, Pháp, Đức, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ba Lan và A rập) như sau: “Chúng ta cử hành thánh Giuse thợ, chúng ta hãy luôn luôn nhớ rằng công việc làm là một yếu tố nền tảng đối với phẩm giá con người.

Hôm nay, tại Đền thánh Đức Bà Tình Yêu Thiên  Chúa, chúng ta sẽ lần Hạt Mân Côi đặc biệt cầu cho hòa bình tại Siria và trên toàn thế giới. Tôi mời gọi kéo dài lời cầu Mân Côi cho hòa bình trong suốt tháng 5 này.

Đền thánh Đức Bà Tình Yêu Thiên Chúa cách Roma hơn 10 cây số. Đây không phải là nơi Đức Mẹ hiện ra, nhưng là nơi có một bức bích họa Đức Mẹ bồng Chúa Hài Đồng ngồi trên ngai bên trên có hình chim Bồ Câu biểu tượng cho Chúa Thánh Thần. Đó là lý do tên gọi của đền thánh Đức Bà Tình Yêu Thiên Chúa. Bức bích họa này được vẽ trên một tháp canh của lâu đài Sư Tử Leoni, bị đọc trại là Leva, thuộc thế kỷ XII.

Vào tiền bán thế kỷ XVIII lâu đài đã bị phá hủy và bỏ hoang. Mùa xuân năm 1740 có một người hành hương về Roma đi lạc đường trông thấy tháp canh nên tìm đến hỏi đường. Ông bị một đàn chó dại tấn công. Nhìn thấy hình Đức Mẹ bế Chúa Hài Nhi ông giơ tay cầu cứu: “Lạy Đức Bà, xin thương!”. Đàn chó dừng lại ngay không tấn công ông nữa,  như thể chúng vâng một mệnh lệnh nhiệm mầu nào đó. Nghe tiếng thét vài mục đồng chăn chiên gần đó chạy đến và được nghe chuyện xẩy ra. Họ chỉ đường cho ông và người hành hương ấy đi đến đâu cũng kể lại phép lạ Đức Mẹ cứu ông khỏi bầy chó dại. Từ đó tín hữu lũ lượt kéo nhau tới hành hương và nhận được rất nhiều ơn lành.

Nhà thờ đầu tiên dâng kính Đức Mẹ được xây năm 1745. Nhà thờ mới thứ hai được xây năm 1999.

Linh Tiến Khải

Một bệnh viện Công giáo ở Ấn Độ bị tấn công

Một bệnh viện Công giáo ở Ấn Độ bị tấn công

NEW DELHI – HĐGM Ấn Độ tố cáo trong một vài ngày trước, bệnh viện Pushpa, ở Ujjain, thuộc bang Madhya Pradesh Ấn Độ đã bị tấn công bởi một đám người gây rối. Các Giám mục nói các nhân viên nữ là mục tiêu đầu tiên của cuộc tấn công và đã không có cảnh sát can thiệp. Theo các Giám mục, một đám đông gần 60 người với dây xích và các dụng cụ khác tiến vào bệnh viện. Họ phá hủy bức tường bằng hai chiếc máy ủi. Những kẻ tấn công sau đó đã làm hỏng máy phát điện và máy móc để cung cấp điện và nước. Đây không phải là lần đầu tiên bệnh viện này bị tấn công, vào cuối tháng giêng năm ngoái, bệnh viện đã bị tấn công cũng bởi đám đông như vậy (L’Osservatore Romano 17-3-2018)

Ngọc Yến

Thánh Lễ tiễn biệt Đức Cố TGM Phaolô Bùi Văn Đọc tại Roma

Thánh Lễ tiễn biệt Đức Cố TGM Phaolô Bùi Văn Đọc tại Roma

 

VATICAN. Lúc 5 giờ chiều ngày 10-3-2018, ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã chủ sự thánh lễ tiễn biệt Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc mời qua đời đột ngột trong đêm 6-3-2018 tại Roma.

Đồng tế với ĐHY tại Nhà nguyện Cung nguyện của Kinh Sĩ Đoàn trong Đền thờ thánh Phêrô còn có 32 GM Việt Nam, Đức TGM Paul Gallagher, ngoại trưởng Tòa Thánh và khoảng 100 LM Việt Nam, trước sự hiện diện của hàng trăm nữ tu, chủng sinh và hơn 100 giáo dân. Nhiều người phải tham dự thánh lễ từ bên ngoài vì nhà nguyện không đủ chỗ.

Trước bàn thờ có di ảnh của Đức Cố TGM Phaolô, vì không chưa thể đưa di hài ngài ra khỏi bệnh viện.

Trong lời chào đầu thánh lễ, ĐHY Parolin đã chia buồn với cộng đoàn Giáo Hội Việt Nam, trong và ngoài nước, đồng thời ngài cũng nhận định rằng ”đối với một Giám Mục, được chết ở Roma nơi có mộ của hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô, thực là một hồng ân của Chúa”.

Bài giảng thánh lễ

Trong bài giảng ứng khẩu trong thánh lễ, Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, Giáo phận Nha Trang, đã diễn giảng bài Tin Mừng về các mối phúc thật, và kể lại chứng tá sống niềm tin của Đức Cố TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, người mà ngài đã quen biết từ gần 70 năm nay, khi còn nhỏ ở Đà Lạt.

Đức Cha Giuse Minh đã nêu bật 3 chứng tá của Đức Cố TGM Phaolô: sống niềm vui của Tin Mừng, chiêm niệm và cầu nguyện, sau cùng là tinh thần truyền giáo. Đức Cha kể lại ngày 26 tháng 3 năm 1999, hồi Đức Cha Phêrô Nhơn làm GM Đà Lạt, Cha Bùi Văn Đọc làm Tổng đại diện giáo phận, và ngài làm cha sở nhà thờ chính tòa Đà lạt. Chiều hôm đó công bố tin ĐTC Gioan Phaolô 2 bổ nhiệm Cha Đọc làm GM chính tòa Mỹ Tho. Cha Minh đã sang chia sẻ với Cha Đọc và trao đổi về chọn khẩu hiệu GM, Đức Cha Đọc đi đến quyết định chọn khẩu hiệu ”Chúa là niềm vui của con!”, và quả thực từ nhỏ và sau đó, Đức Cha Đọc vẫn luôn sống khẩu hiệu đó, sống niềm vui và chia sẻ niềm vui ấy cho tha nhân.

Đức Cha Đọc cũng là người chiêm niệm và cầu nguyện. Đức Cha Võ Đức Minh đã gợi lại những nét đặc biệt về điểm này trong cuộc sống của Đức Cố TGM Phaolo, đặc biệt trong ngày cuối cùng, 6-3, khi viếng mộ Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, tại Nhà thờ Đức Mẹ Scala. Đức Tổng đã mệt nhiều, nhưng ngài vẫn ngồi đó, cầu nguyện và lần hạt.

Đức Cha Minh đã bàn với ĐHY Phêrô Nhơn và đề nghị với Đức TGM Phaolô xem nếu muốn thì có thể chọn một Đức Cha khác chủ sự thánh lễ thay tại Đền Thờ thánh Phaolô ngoại thành, nhưng Đức TGM Phaolô vẫn quyết tâm chu toàn công tác đã được giao phó. Và khi ban phép lành kết thúc thánh lễ, với lời chúc mọi người ra đi bình an, Đức TGM đã ra đi sau đó trong an bình, không chào một ai.

Sau cùng, là tinh thần truyền giáo của Đức TGM Phaolô, ngài sống tinh thần của thánh bổn mạng, ra đi, tìm đến với mọi người, những ngừơi không biết Chúa và cả những người chống đối Giáo Hội, với ý hướng trao tặng niềm vui Tin Mừng của Chúa Giêsu cho họ.

Lời cám ơn

Cuối thánh lễ, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, TGM Huế, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, đã đại diện mọi ngừơi cám ơn ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã chia buồn và nhận lời đến chủ sự thánh lễ tiễn biệt Đức TGM Phaolô, cám ơn Đức TGM Gallagher ngoại trưởng của Tòa Thánh đã đến đồng tế thánh lễ. Sự hiện diện của hai vị nói lên lòng ưu ái và quan tâm của Tòa thánh đối với Giáo Hội Việt Nam.

Đức TGM Chủ tịch cũng cám ơn anh chị em trong Hội liên tu sĩ Roma, cũng như các anh chị em đã góp phần tổ chức thánh lễ và các công việc khác trong dịp các GM về Roma thăm Tòa Thánh. Ngài cũng đặc biệt cám ơn Ông đại sứ và sứ quán Việt Nam tại Roma đã chia buồn và giúp đỡ đặc biệt trong các thủ tục giúp hồi hương linh cữu của Đức Cố TGM và ngài xin Ông Đại sứ chuyển lời cám ơn đến Ban tôn giáo và chính phủ Việt Nam đã chỉ thị các cơ quan liên hệ tạo điều kiện cho việc tổ chức lễ an táng Đức Cố TGM Phaolô.

Sau cùng Đức Cha Chủ tịch cũng loan báo: nếu không có gì ngăn trở vào phút chót, ngày thứ ba, 13-3-2018 tới đây, linh cữu Đức Cố TGM Phaolô sẽ được đưa về Việt Nam và lễ an táng sẽ được cử hành lúc 8 giờ sáng ngày thứ bẩy 17-3-2018 tại Trung tâm Mục vụ của Tổng giáo phận Sàigòn.

Thánh lễ tiễn đưa Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc kéo dài 1 tiếng đồng hồ.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha thiết lập lễ nhớ Đức Mẹ Maria là Mẹ Giáo Hội

Đức Thánh Cha thiết lập lễ nhớ Đức Mẹ Maria là Mẹ Giáo Hội

VATICAN. ĐTC Phanxicô đã quyết định thiết lập lễ kính Đức Maria là Mẹ Giáo Hội và cử hành hằng năm vào ngày thứ hai sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, theo lịch chung của Giáo Hội.

Trong sắc lệnh công bố hôm 3-3-2018, DHY Robert Sarah, Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và kỷ luật bí tích cho biết ĐTC đưa ra quyết định trên đây xét vì việc thăng tiến lòng sùng kính này có thể giúp gia tăng cảm thức của các vị mục tử, các tu sĩ và tín hữu về Mẹ Giáo Hội, cũng như lòng kính mến chân thành đối với Đức Mẹ.

Chính Đức Giáo Hoàng Phaolô 6, ngày 21-11 năm 1964, khi bế mạc khóa III của Công đồng chung Vatican 2 đã tuyên bố Đức Trinh Nữ Maria là ”Mẹ Giáo Hội, nghĩa là của toàn thể dân Kitô giáo, các tín hữu cũng như các vị Chủ Chăn, họ gọi Đức Maria là Mẹ rất quí mến” và Ngài thiết định rằng ”toàn thể dân Kitô giáo ngày càng gia tăng lòng tôn kính Mẹ Thiên Chúa dưới danh hiệu rất dịu dàng này”.

Sắc lệnh của Bộ Phụng tự khẳng định: Lễ kính Đức Maria là Mẹ Giáo Hội, do ĐGH Phanxicô ấn định, ”sẽ giúp chúng ta nhớ rằng đời sống Kitô, để tăng trưởng, cần phải ăn rễ sâu nơi mầu nhiệm Thánh Giá, nơi hy tế của Chúa Kitô trong Tiệc Thánh Thể, nơi Đức Trinh Nữ hiến dâng, Mẹ Đấng Cứu Chuộc và Mẹ của những người được cứu chuộc”.

Vì thế, lễ này cần được ghi trong tất cả các lịch và sách phụng vụ để cử hành thánh lễ và phụng vụ các giờ kinh. Các văn bản phụng vụ liên hệ được đính kèm, sắc lệnh này và các bản dịch, được các HĐGM chấp thuận, sẽ được công bố sau khi Bộ Phụng Tự và kỷ luật bí tích phê chuẩn. Tại những nơi nào lễ kính Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Giáo Hội đã được cử hành theo luật riêng được phê chuẩn, vào một ngày khác, với bậc phụng vụ cao hơn, thì trong tương lai vẫn được cử hành theo cùng thể thức ấy”.

Theo quyết định trên đây, thứ hai 21-5-2018 sẽ là lễ kính Đức Maria là Mẹ Giáo Hội. (Rei 3-3-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Thư của Bộ Giáo Lý đức tin: Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế duy nhất

Thư của Bộ Giáo Lý đức tin: Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế duy nhất

VATICAN. Sáng 1-3-2018, Bộ giáo lý đức tin đã công bố thư gửi các GM trên thế giới về một số khía cạnh của ơn cứu độ Kitô giáo.

Văn kiện mang tựa đề ”Placuit Deo”, lấy từ đoạn 1 câu 9 trong thư thánh Phaolô gửi tín hữu thành Ephêsô, dạy rằng: ”Trong sự từ nhân và khôn ngoan, Thiên Chúa đã muốn tỏ mình và cho biết mầu nhiệm thiên ý của Ngài” (Ep 1,9). Thư tái khẳng định giáo huấn của Đức tin Kitô đứng trước những quan niệm chỉ tin vào sức riêng và kế hoạch phàm nhân trong việc tìm kiếm ơn cứu độ, đồng thời bác bỏ lập luận của người tin vào sự cứu độ nội tâm và phủ nhận Thân Mình Chúa Kitô là Cộng đoàn Giáo Hội.

Trong lời giới thiệu Văn kiện tại cuộc họp báo, Đức TGM Ladaria Ferrer, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, cho biết sau khi Tuyên ngôn Dominus Jesus Đức Giêsu là Chúa, được công bố hồi năm 2000, một số nhà thần học đã yêu cầu Bộ giáo lý đức tin đào sâu một số khía cạnh đã nói đến trong Tuyên ngôn ấy và đề nghị công bố một Văn kiện mới về ơn cứu độ Kitô giáo. Vì thế, sau khi đào sâu kỹ lưỡng đề tài quan trọng này với sự cộng tác của các chuyên gia cố vấn của Bộ, hôm nay Thư Placuit Deo được công bố.

Văn kiện gửi đến các GM trong Giáo hội Công Giáo và tới tất cả các tín hữu nói chung, đã được ĐTC phê chuẩn ngày 16-2 vừa qua (2018), và yêu cầu công bố càng sớm càng tốt.

Thư nhắm ”Tiếp nối đại truyền thống đức tin, đặc biệt là giáo huấn của ĐGH Phanxicô, nhắm làm nổi bật một số khía cạnh của ơn cứu độ Kitô giáo mà ngày nay người ta có thể thấy khó hiểu vì những biến chuyển văn hóa gần đây” (cap. I,n.1)

Hai chủ thuyết sai lầm

Vậy đâu là những biến chuyển văn hóa làm lu mờ sự tuyên xưng đức tin Kitô vốn công bố Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế duy nhất và đại đồng? ĐTC Phanxicô, trong giáo huấn thông thường của ngài, thường nhắc đến hai xu hướng, dưới một số khía cạnh, giống hai lạc giáo cổ xưa, đó là thuyết Pelage và thuyết ngộ giáo (gnosticisme), tuy rằng có một sự khác biệt lớn giữa nội dung lịch sử bị tục hóa ngày nay với nội dung của những thế kỷ thời đầu Kitô giáo”.

”Thời nay có chủ thuyết tân Pelage lan tràn, cho rằng mỗi người hoàn toàn tự trị, có thể cứu độ chính mình mà không cần nhìn nhận mình lệ thuộc Thiên Chúa và tha nhân trong thẳm sâu con người của mình. Vì thế việc cứu độ là điều tùy thuộc nỗ lực của mỗi người, hoặc những cơ cấu hoàn toàn phàm nhân, và không có khả năng đón nhận sự mới mẻ của Thánh Thần Chúa” (n.2). Trong nhãn giới này, Chúa Kitô bị coi như một gương mẫu nên noi them nhưng không phải là ”Đấng biến đổi thâm phần phàm nhân bằng cách tháp nhập chúng ta vào một cuộc sống mới đươc hòa giải với Chúa Cha và giữa chúng ta với nhau, nhờ Thánh Linh”.

Đàng khác, ”có một thứ tân thuyết ngộ giáo trình bày việc cứu độ hoàn toàn nội tâm, khép kín trong thái độ chủ quan. Người ta chủ trương giải thoát con người khỏi thân xác và vũ trụ vật chất, trong đó ta không còn khám phá những dấu vết bàn tay quan phòng của Đấng Tạo Hóa, nhưng chỉ thấy một thực tại vô nghĩa, có thể lèo lái được theo lợi ích của con người” (n.2). Xu hướng này quan niệm ”một sự cứu độ hoàn toàn nội tâm, sự cứu độ này khơi lên một xác tín bản thân mạnh mẽ, hoặc một tâm tình mạnh, được kết hiệp với Thiên Chúa, nhưng không đảm nhận, chữa lành và canh tâm những tương quan của chúng ta với người khác và với thế giới được tạo dựng”.

Trong bối cảnh trên đây, thư của Bộ giáo lý đức tin muốn đương đầu với những xu hướng thu hẹp ấy, đang đe dọa Kitô giáo ngày nay và tái khẳng định rằng ơn cứu độ, theo kế hoạch Giao Ước của Chúa Cha, hệ tại sự kết hiệp của chúng ta với Chúa Kitô (Cap. II, nn. 2-4).

Về bố cục, sau chương nhập đề, qua tổng động 15 đoạn, thư Placuit Deo lần lượt đề cập đến:

– Chương II: Ảnh hưởng của những biến đổi văn hóa ngày nay đối với ý nghĩa ơn cứu độ Kitô giáo

– Chương III: Khát vọng của con người đối với ơn cứu độ

– Chương IV: Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế và ơn cứu độ

– Chương V: Ơn Cứu độ trong Giáo Hội, Thân Mình của Chúa Kitô

– Sau cùng chương VI là phần kết luận nói về việc thông truyền đức tin, trong khi chờ đợi Đấng Cứu thế. (Rei 1-3-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

 

ĐTC mời gọi tiếp đón, thăng tiến và hội nhập người di cư tỵ nạn

ĐTC mời gọi tiếp đón, thăng tiến và hội nhập người di cư tỵ nạn

Mỗi một người ngoại quốc gõ cửa nhà chúng ta là một dịp gặp gỡ với Chúa Giêsu, Đấng đã tự đồng hoá mình với người ngoại quốc được tiếp đón hay khước từ thuộc mọi thời đại (x. Mt 25,35.43). Hôm nay Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta thắng vượt các sợ hãi để có thể đi gặp gỡ tha nhân, tiếp đón họ, hiểu biết họ và thừa nhận họ. Chỉ có một cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu mới làm nảy sinh ra con đường lòng tin và cuộc đời môn đệ.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ và bai huấn dụ trước Kinh Truyền Tin Ngày quốc tế di cư và tỵ nạn, cử hành trong đền thờ thánh Phêrô lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật hôm qua. Cùng đồng tế với ĐTC có 6 Hồng Y, 10 Tổng Giám Mục và Giám Mục, và 450 Linh Mục. Trong số 9,000 tín hữu tham dự thánh lễ có phái đoàn của 49 nước với các người di cư tỵ nạn đem theo quốc kỳ và khoảng 70 giới chức ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh. Trong số các tín hữu tham dự thánh lễ có 200 người Ấn Độ lễ nghi Latinh, 450 tín hữu lễ nghi Siro Malabar, 50 người Libăng lễ nghi maronít, 800 người Rumani lễ nghi latinh và Hy lạp công giáo, 30 người Madagascar, 60 người Siri Antiokia, hơn 1.200 người Ucraine lễ nghi công giáo Hy lạp và latinh, 150 người Sri Lanka, 200 người Capo Verde, hơn 2.000 người Philippines. Cũng có các tín hữu melkít, Tầu và nhiều nước khác.

Quảng diễn các bài đọc phụng vụ Chúa Nhật kể lại ơn gọi của ngôn sứ Samuel và ơn gọi của hai tông đồ Anrê và Gioan, ĐTC nói: như đã làm với Samuel hôm nay Chúa cũng gọi tên chúng ta, và xin chúng ta tôn kính sự kiện  chúng ta đã được tạo dựng như là các con người duy nhất không thể lập lại được, tất cả đều khác nhau và với một vai trò riêng biệt trong lịch sử thế giới. Khi hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả hỏi Chúa Giêsu “Lậy Thầy, Thầy ở đâu?” câu trả lời của Ngài “Hãy đến và xem” mở ra cho một cuộc gặp gỡ cá nhân chiêm ngắn một lúc thích hợp để tiếp nhận, hiểu biết và thừa nhận tha nhân.

Trong sứ điệp cho Ngày di cư tỵ nạn hôm nay tôi đã viết: “Mỗi một người ngoại quốc gõ cửa nhà chúng ta là một dịp cặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, Đấng tự đồng hoá mình với người ngoại quốc được tiếp đón hay bị khước từ thuộc mọi thời đại” . Và đối với người ngoại quốc, người di cư, tỵ nạn và xin tỵ nạn mỗi một cánh cửa của đất mới cũng là một dịp gặp gỡ Chúa Giêsu. Lời Ngài mời gọi “Hãy đến và xem” cũng được hướng tới tất cả chúng ta, các cộng đoàn địa phương và các người mới tới. Đó là một lời mời gọi thắng vượt các sợ hãi để có thể đi gặp tha nhân, để tiếp đón họ, hiểu biết họ và thừa nhận họ. Đó là một lời mời gọi cống hiến cơ may gần gũi người khác để xem họ ở đâu và sống thế nào.

ĐTC nói tiếp trong bài giảng: Trong thế giới ngày nay đối với những người mới tới, tiếp đón, hiểu biết và thừa nhận có nghĩa là hiểu biết và tôn trọng các luật lệ, nền văn hoá và các truyền thống của các nước tiếp đón họ. Nó cũng có nghĩa là hiểu các sợ hãi và học hỏi cho tương lai. Đối với các cộng đoàn địa phương tiếp đón, hiểu biết và thừa nhận có nghĩa là rộng mở cho sự phong phú, cho sự khác biệt mà không có các tiền ý niệm, hiểu biết các tiềm năng và các niềm hy vọng của những người mới tới, cũng như sự dễ tổn thương và các sợ hãi của họ.

Cuộc gặp gỡ đích thực với người khác không chỉ dừng lại ở việc tiếp đón, nhưng khiến cho tất cả chúng ta dấn thân  trong các hoạt động khác, mà tôi đã minh nhiên trong Sứ điệp cho ngày này: che chở, thăng tiến và hội nhập. Trong cuộc gặp gỡ đích thật với người lân cận, chúng ta sẽ có khả thể nhận biết Chúa Giêsu Kitô là Đấng xin được tiếp đón, che chở, thăng tiến và hội nhập. Nó sẽ là tiêu chuẩn của ngày phán xét sau hết: Cuộc gặp gỡ đích thật này với Chúa Kitô là suối nguồn của ơn cứu rỗi, một sự cứu rõi được loan báo và đem tới cho tất cả mọi người  như tông đồ Anrê cho chúng ta thấy. Sau khi cho anh mình là Simon biết ông đã tìm thấy Đấng Messia ông dẫn anh tới với Chúa Giêsu để cho anh có cùng kinh nghiệm gặp gỡ như ông.

Thật không dễ bước vào trong nền văn hoá của người khác, đặt mình trong hoàn cảnh của những người khác biệt với chúng ta, hiểu các tư tưởng và các niềm hy vọng của họ. Và chính vì thế chúng ta thường khước từ sự gặp gỡ với tha nhân và dựng lên các hàng rào để bảo vệ chính mình. Các cộng đoàn địa phương đôi khi sợ các người mới tới quấy rối trật tự đã có, sợ họ ăn trộm cái gì đã được xây dựng một cách vất vả. Cả những người mới tới cũng sợ sự đối chọi, phán đoán, kỳ thị, thất bại. Các nỗi sợ hãi này hợp pháp, vì dựa trên các nghi ngờ dễ hiểu trên bình diện nhân loại. ĐTC giải thích thêm sự sợ hãi như sau:

Có các nghi ngờ và sợ hãi không phải là một tội. Tội là để cho các sợ hãi đó xác định các câu trả lời của chúng ta, điều kiện hoá các lựa chọn của chúng ta, làm hại cho sự tôn trọng và lòng quảng đại, nuôi dưỡng sự thù hận và khước từ. Tội là từ chối gặp gỡ người khác, với sự khác biệt, với tha nhân, nhưng thực ra là một dịp đặc ân của sự gặp gỡ với Chúa.

Cuộc gặp gỡ của chúng ta hôm nay với Chúa Giêsu nơi người nghèo, người bị gạt bỏ, người tỵ nạn, người xin tỵ nạn làm nảy sinh ra lời cầu nguyện của chúng ta hôm nay. Một lời cầu nguyện cho nhau giữa các cộng đoàn tiếp đón và người di cư tỵ nạn… Chúng ta hãy phó thác cho sự bầu cử hiền mẫu của Mẹ Maria Rất Thánh các niềm hy vọng của mọi người di cư tỵ nạn trên thế giới để chúng ta tất cả học biết yêu thương tha nhân, yêu thương người ngoại quốc như chính mình, phù hợp với giới răn bác ái và yêu thương tha nhân của Thiên Chúa.

Lúc 12 giờ trưa ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin chung với mấy chục ngàn tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Giải thích trình thuật ơn gọi của hai tông đồ Anrê và Gioan ĐTC nói Phúc Âm hôm nay dẫn chúng ta vào thời gian phụng vụ thường niên giúp linh hoạt và kiểm thực con đường lòng tin của chúng ta trong cuộc sống thường ngày, vào trong một năng động di chuyển giữa việc hiển linh và đi theo, giữa việc biểu lộ và ơn gọi. Nó chứa đựng các đặc thái nòng cốt lộ trình lòng tin của các môn đệ thuộc mọi thời đại. Chúa Giêsu hỏi hai mộn đệ được Gioan Tẩy Giả khích lệ đi theo Ngài: “Các con tìm gì?”. Đó cũng là câu Chúa hỏi bà Maria Madalena sáng ngày phục sinh: “Bà tìm ai?” (Ga 20,15). Như là người ai trong chúng ta cũng đều kiếm tìm hạnh phúc, tình yêu, cuộc sống tốt đẹp tràn đầy. Thiên Chúa Cha đã cho chúng ta tất cả nơi Đức Giêsu Con của Ngài.

Trong cuộc kiếm tìm đó thật quan trọng vai trò của một nhân chứng đích thực, của một người đã đi trên con đường ấy và đã gặp Chúa. Thánh Gioan Tẩy Giả là người chứng ấy. Vì thế ngài mới có thể hướng các môn đệ tới Chúa Giêsu là Đấng lôi cuốn các ông vào trong một kinh nghiệm mới khi nói: “Hãy đến và xem!” Và hai môn đệ sẽ không quên vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ này đến độ họ ghi nhớ cả giờ gặp gỡ nữa : “lúc đó vào khoảng bốn giờ chiều”. Chỉ một cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu mới làm nảy sinh ra một con đường lòng tin và cuộc đời môn đệ. Chúng ta có thể sống biết bao kinh nghiệm. thực hiện nhiều điều, thiết định các tương quan với biết bao người, nhưng chỉ có cuộc hẹn hò với Chúa Giêsu, trong giờ Thiên Chúa biết, mới có thể trao ban một ý nghĩa tràn đầy cho cuộc sống chúng ta, và khiến cho các dự án và sáng kiến của chúng ta được phong phú.

Chỉ xây dựng một hình ảnh về Thiên Chúa theo những gì nghe nói thôi thì không đủ; cần phải kiếm tìm Thầy Chí Thánh và đến nơi Ngài ở. Câu hai môn đệ hỏi :”Lậy Thầy, Thầy ở đâu?” có một ý nghĩa rất mạnh mẽ: nó diễn tả ước mong được biết nơi Thầy ở để có thể ở lại với Thầy. ĐTC giải thích thêm như sau:

Cuộc sống đức tin hệ tại chỗ ước mong nồng nàn ở lại với Chúa, và vì thế trong một kiếm tìm liên tục nơi Chúa ở. Vì vậy chúng ta được mời gọi thắng vượt một thứ lòng tin theo thói quen và được hạ giá, bằng cách làm sống lại cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trong lời cầu nguyện, trong việc suy niệm Lời Chúa, và trong việc lãnh nhận các Bí Tích, để ở với Ngài và đem lại hoa trái nhờ Ngài, với sự trợ giúp và ơn thánh của Ngài.

Xin Đức Trinh Nữ Maria nâng đỡ chúng ta trong quyết định theo Chúa Giêsu, đi đến nơi Ngài ở để lắng nghe Lời sự sống của Ngài, gắn bó với Ngài là Đấng xóa bỏ tội trần gian để tìm lại nơi Ngài niềm hy vọng và sự hứng khởi thiêng liêng.

Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã nhắc tới Ngày quốc tế di cư và tỵ nạn và báo cho mọi ngưòi biết vì các lý do mục vụ, từ nay trở đi, ngày này sẽ được cử hành vào Chúa Nhật thứ hai tháng 9. Ngày quốc tế di cư và tỵ nạn lần thứ 105 sẽ là  Chúa Nhật mùng 8 tháng 9 năm 2019. ĐTC cũng cho mọi người biết thứ hai hôm nay ngài bắt đầu chuyến công du hai nước Chile và Perù, và xin mọi người cầu nguyện cho chuyến viếng thăm này.

Linh Tiến Khải

Trung quốc cấm khách du lịch thăm viếng Vatican

Trung quốc cấm khách du lịch thăm viếng Vatican

Roma – Hôm qua, Đài Á châu Tự do đã loan tin rằng một số công ty du lịch của Trung quốc nhận được lệnh hủy các tour du lịch thăm Vatican với lý do là giữa Trung quốc và Tòa Thánh không có quan hệ ngoại giao.

Đài Á châu Tự do dẫn lời một nhân viên của công ty du lịch quốc tế Phoenix Holidays: “Mỗi công ty du lịch quảng cáo về các điểm đến này trên các tờ quảng cáo hay các phương tiện quảng cáo khác sẽ bị phạt đến 300 ngàn nhân dân tệ, tức là hơn 39 ngàn euro.

Số khách du lịch Trung quốc đến Italia gia tăng trong những năm gần đây và hầu như khi đến Italia, họ đều thăm Vatican, đền thờ thánh Phêrô và viện bảo tàng Vatican. Trong số này có những người trẻ hiếu kỳ cũng như các Kitô hữu lợi dụng cơ hội đến Italia để hành hương viếng mộ hai thánh Tông đồ.

Có thể lệnh cấm thăm Vatican nhắm ngăn chặn sự truyền bá các tin tức về Kitô giáo do các nhóm Kitô hữu Trung quốc, những người muốn quảng bá đức tin của họ cho các đồng hương của mình, và việc truyền đạo cho khách du lịch. Cũng có thể là chính quyền trung ương muốn kiểm soát người dân của mình ngay cả khi họ ở nước ngoài. Một nhà điều hành du lịch Trung Quốc nhận xét rằng lệnh cấm này thật buồn cười. Làm sao mà chính quyền có thể kiểm soát hàng triệu người ở nước ngoài? Đặc biệt là những người trẻ khao khát tự do hơn so với những gì mà cha mẹ của họ được có.

Lệnh cấm này cũng đáng kinh ngạc đối với các nhà quan sát trên thế giới, vì mới hôm qua Phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo về một cuộc triển lãm được tổ chức đồng thời tại Viện bảo tàng Vatican và trong Cung điện hoàng gia ở Bắc Kinh. (Asia News 22/11/2017)

Hồng Thủy