Ơn an ủi không phải là sự vui nhộn nhưng là bình an của Chúa

Ơn an ủi không phải là sự vui nhộn nhưng là bình an của Chúa

Thiên Chúa viếng thăm dân Ngài. Điều ấy rất quan trọng. Vì trong lịch sử cứu độ, mỗi lần Chúa viếng thăm, là mỗi lần Chúa giải phóng dân khỏi ách nô lệ. Mỗi lần Chúa viếng thăm, là mỗi lần Chúa cứu độ dân. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Chúa viếng thăm dân Ngài

Mỗi lần Chúa viếng thăm chúng ta, là Người ban cho chúng ta niềm vui, ban cho chúng ta ơn an ủi. Điều ấy làm cho chúng ta vui mừng. Vâng, chúng ta khóc lóc đau thương, nhưng giờ đây, Chúa an ủi chúng ta và ban cho chúng ta ơn an ủi. Ơn an ủi không phải chỉ là một lúc nào đó mà thôi, nhưng là ơn trong đời sống của người tín hữu. Toàn bộ Kinh Thánh chỉ cho chúng ta điều ấy.

Có điều cần thiết là chúng ta cần chờ đợi giây phút Chúa viếng thăm mỗi người chúng ta. Bởi vì, tuy có những lúc mạnh yếu khác nhau, nhưng Chúa luôn giúp chúng ta cảm thấy và nhận biết rằng, Chúa luôn hiện diện bên ta, luôn ban ơn an ủi thiêng liêng, luôn ban cho chúng ta niềm vui.

Hy vọng là nhân đức bé nhỏ

Do đó, đợi chờ trong hy vọng có lẽ là nhân đức “khiêm tốn nhất trong các nhân đức”. Đức cậy có lẽ là luôn là “nhân đức bé nhỏ”. Tuy bé nhỏ, nhưng kỳ thực, đức hy vọng tựa như than hổng ẩn kín dưới lớp tro. Nhìn thì có vẻ như đống tro tàn, nhưng thực ra là than hồng rực cháy bên trong. Thế nên, các Kitô hữu luôn sống trong sự hiện diện của Chúa, hướng về cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Nếu Kitô hữu không sống như thế, thì họ đang đóng kín cuộc sống, và sẽ không biết mình phải làm gì.

Tuy nhiên, chúng ta cần biết nhận ra đâu là ơn an ủi. Bởi lẽ, có những thứ an ủi giả tạo, vì chúng dường như muốn níu kéo chúng ta ở lại trong niềm an ủi nào đó, nhưng kỳ thực là đang lừa dối chúng ta. Ơn an ủi đích thật mang lại cho chúng ta loại niềm vui không thể mua bán đổi chác.

An ủi và bình an

Ơn an ủi của Thiên Chúa chạm vào tâm hồn chúng ta, biến đổi con tim chúng ta, thúc đẩy linh hồn chúng ta mạnh mẽ trong đức mến, đức tin, đức cậy, cũng như giúp chúng ta biết khóc lóc vì tội lỗi bản thân. Chúng ta cũng hãy nhìn vào Chúa Giêsu trong cuộc Thương Khó. Hãy khóc cùng Chúa Giêsu. Ơn an ủi của Thiên Chúa nâng linh hồn chúng ta hướng về những điều trên Trời, những điều thuộc về Thiên Chúa. Ơn an ủi của Thiên Chúa ấp ủ chúng ta trong bình an của Chúa. Tất cả những điều vừa kể là niềm an ủi đích thực. Tuy nhiên, ơn an ủi không phải là điều gì đó vui nhộn. Sự vui nhộn không có gì là xấu cả, nếu điều vui nhộn ấy là tốt đẹp, vì chúng ta đều là con người, và chúng ta cũng cần vui nhộn. Nhưng ơn an ủi ở đây thì khác điều gì đó vui nhộn, vì ơn an ủi được ban cho chúng ta, giúp chúng ta cảm thấy và nhận biết sự hiện diện của Chúa, giúp chúng ta khám phá ra rằng: Đây chính là Chúa.

Chúng ta hãy cầu nguyện, hãy tạ ơn Chúa. Tạ ơn Chúa vì Chúa vượt xa ngàn trùng đến viếng thăm chúng ta, vì Chúa đã vác Thập Giá vì chúng ta. Tạ ơn vì Chúa giúp chúng ta tiến về phía trước trong hy vọng. Chúng ta cần gìn giữ ơn an ủi đã nhận được. Ơn ấy được ban trong giây phút nào đó, lúc mạnh lúc không, nhưng đều để lại dấu vết. Chúng ta hãy nhận biết ơn ấy và khắc ghi những dấu vết. Ghi tâm khắc cốt giống như dân Israel đã nhớ biến cố Thiên Chúa giải phóng họ. Chúng ta hãy đợi chờ ơn an ủi, nhận biết ơn an ủi và gìn giữ ơn an ủi. Điều gì còn lại sau những giây phút được an ủi mãnh liệt? Đó là bình an. Cấp độ cao nhất của ơn an ủi chính là bình an.

Tứ Quyết SJ

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha – Tháng Hai 2017: Tiếp đón những ai đang cần trợ giúp

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha – Tháng Hai 2017: Tiếp đón những ai đang cần trợ giúp

VATICAN. Trong tháng hai năm 2017, Đức Thánh Cha đặc biệt mời gọi mọi người tiếp đón những ai đang cần trợ giúp, đặc biệt là người nghèo, người tị nạn và những ai đang ở bên lề xã hội. Đức Thánh Cha chia sẻ trong Video rằng:

Chúng ta đang sống trong thành phố, với những tòa nhà cao chọc trời, với các trung tâm mua sắm, và những sàn giao dịch bất động sản kếch xù… nhưng lại bỏ rơi một phần của chính mình tại những vùng ngoại biên.

Các hệ quả của tình trạng này là: phần lớn người dân bị loại trừ và chịu thiệt thòi. Người dân không có công ăn việc làm, không có lựa chọn, không có lối thoát.

Đừng bỏ rơi họ!

Hãy cùng Cha cầu nguyện cho tất cả những ai đang chịu cảnh khốn khó, đặc biệt là những người nghèo, người tị nạn và những ai đang ở bên lề xã hội, để họ có thể được đón nhận và được an ủi trong các cộng đồng của chúng ta.

Sứ điệp ĐTC Phanxicô nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ thứ 31 (2016)

Sứ điệp ĐTC Phanxicô nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ thứ 31 (2016)

Logo ngày giới trẻ 2016

VATICAN. Trong sứ điệp công bố sáng ngày 28-9-2015 nhân dịp Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 31 sẽ được cử hành cấp hoàn vũ vào cuối tháng 7 năm tới tại Cracovia, Ba Lan, TC Phanxicô mời gọi các bạn trẻ mang ngọn lửa từ bi thương xót của Chúa Kitô vào đời sống thường nhật và thực thi mỗi tháng một công việc bác ái.

Sau đây là toàn văn Sứ điệp của Đức Thánh Cha:

”Phúc cho ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được xót thương” (Mt 5,7)

 Các bạn trẻ rất thân mến,

 Chúng ta đã tới giai đoạn chót trong cuộc lữ hành tiến về Cracovia, nơi chúng ta sẽ cùng nhau cử hành Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 31 vào tháng 7 năm tới (2016). Hành trình dài và đòi nhiều cố gắng này được lời Chúa Giêsu hướng dẫn, rút từ ”Bài giảng trên núi”. Chúng ta đã khởi sự hành trình này hồi năm 2014, cùng nhau suy niệm về Mối Phúc thứ I: ”Phúc cho những người có tinh thần thanh bần vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Đề tài cho năm 2015 là ”Phúc cho ai có tâm hồn thanh khiết, vì họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8). Trong năm đang ở trước mặt, chúng ta muốn để cho mình được Lời này soi sáng: ”Phúc cho những ai có lòng thương xót vì họ sẽ được xót thương” (Mt 5,7).

 1. Năm Thánh Lòng Thương Xót

 Với chủ đề này, Ngày Quốc Tế giới trẻ Cracovia năm 2016 được tháp nhập vào Năm Thánh Lòng Thương Xót, trở thành một Năm Thánh thực sự và riêng cho người trẻ trên bình diện thế giới. Đây không phải là lần đầu tiên Đại hội giới trẻ quốc tế trùng vào một Năm Thánh. Thực vậy, chính trong Năm Thánh Cứu Độ 1983/1984, thánh Gioan Phaolô 2 đã triệu tập lần đầu tiên các bạn trẻ toàn thế giới vào Chúa Nhật Lễ Lá. Rồi trong Đại Năm Thánh 2000, hơn 2 triệu người trẻ từ 165 quóc gia đã họp mặt tại Roma để cử hành Ngày Quốc tế giới trẻ lần thứ 15. Như đã xảy ra trong 2 trường hợp trước đây, tôi chắc chắn rằng Năm Thánh giới trẻ ở Cracovia sẽ là một trong thời điểm nổi bật của Năm Thánh này!

 Có sẽ vài người trong các bạn tự hỏi: ”Năm Thánh này được cử hành trong Giáo Hội là gì? Sách Lêvi đoạn thứ 25 giúp hiểu ”Năm Vui Mừng đối với dân Israel có nghĩa là gì? Cứ 50 năm, người Do Thái thổi kèn hân hoan (jobel) triệu tập họ (jobil) cử hành một năm thánh, như một thời kỳ hòa giải (jobal) đối với tất cả mọi người. Trong thời kỳ này, người ta phải phục hồi quan hệ tốt với Thiên Chúa, với tha nhân và với thiên nhiên, dựa trên tinh thần nhưng không. Vì thế, trong số các vấn đề, người ta cổ võ sự tha thứ nợ nần, đặc biệt trợ giúp những ai lâm vào tình trạng lầm than, cải tiến các quan hệ giữa con người với nhau và giải phóng những người nô lệ. Chúa Giêsu Kitô đã đến để loan báo và thực hiện thời đại vĩnh cửu của ơn Chúa, mang đến cho người nghèo tin vui, sự giải thoát cho các tù nhân, cho người mù được thấy, cho kẻ bị áp bức được tự do (Xc Lc 4,18-19). Nơi Ngài, nhất là trong Mầu Nhiệm Vượt qua, ý nghĩa thâm sâu nhất của Năm Thánh được viên mãn. Khi Giáo Hội nhân danh Chúa Kitô tuyên bố Năm Thánh, tất cả chúng ta đều được mời gọi cống hiến dồi dào các dấu chỉ sự hiện diện và sự gần gũi của Thiên Chúa, thức tỉnh nơi các tâm hồn khả năng nhìn điều thiết yếu. Đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, ”là thời kỳ để Giáo Hội tìm lại ý nghĩa sứ mạng mà Chúa đã ủy thác trong Ngày Phục Sinh: đó là trở thành dụng cụ lòng thương xót của Chúa Cha” (Bài giảng Kinh Chiều I Chúa nhật kính Lòng Thương Xót Chúa, 11-4-2015)

 2. Thương Xót như Chúa Cha

 Khẩu hiệu Năm Thánh đặc biệt này là ”Thương xót như Chúa Cha” (Xc Misericordiae Vultus, 13), và chủ đề Ngày Quốc Tế giới trẻ lần tới cũng tương ứng với chủ đề của Năm Thánh. Vì thế chúng ta tìm cách hiểu rõ hơn ý nghĩa lòng thương xót của Chúa. Để nói về lòng thương xót, Cựu Ước dùng nhiều từ ngữ khác nhau, trong đó những từ ý nghĩa nhất là hesed và rahamim. Từ thứ nhất được áp dụng cho Thiên Chúa, diễn tả lòng trung tín không ngừng của Ngài đối với giao ước cùng dân Ngài, Dân mà Ngài yêu thương và tha thứ mãi mãi. Từ thứ hai, rahamim, có thể được dịch là ”lòng”, đặc biệt nhắc nhớ cung lòng người mẹ và làm cho chúng ta hiểu tình thương của Thiên Chúa đối với dân Ngài như tình thương của một người mẹ đối với con mình. Ngôn sứ Isaia diễn tả điều ấy với chúng ta: ”Một phụ nữ lại quên con mình đến độ không cảm động vì người con từ lòng mình sao? Cho dù họ có quên đi nữa, Ta sẽ không bao giờ quên con” (Is 49,15). Một tình yêu thuộc loại này bao hàm việc dành chỗ cho tha nhân ở trong lòng mình, cảm thấy, chịu đau khổ và vui mừng với tha thân. Trong ý niệm Kinh Thánh về lòng thương xót cũng bao hàm một tình yêu cụ thể, trung thành, nhưng không và biết tha thứ. Trong đoạn này của ngôn sứ Osean, chúng ta có một thí dụ rất đẹp về tình yêu Thiên Chúa, được so sánh với tình thương của một người cha đối với con mình: ”Khi Israel còn là một trẻ nhỏ, Ta đã thương yêu nó và đã gọi con Ta ra khỏi Ai Cập, nhưng hễ Ta càng gọi thì chúng càng xa Ta; […] Ta đã tập cho Efraim bước đi, Ta cầm tay nó, nhưng chúng không hiểu rằng Ta đã chăm sóc chúng. Ta đã lôi kéo chúng bằng những mối liên hệ nhân nghĩa, bằng những liên hệ ân tình, đối với chúng Ta như người nâng một đứa bé áp vào má, Ta cúi mình trên nó để đút nó ăn” (Hs 11,1-4). Mặc dù thái độ sai lầm của đứa con, đáng bị trừng phạt, nhưng tình yêu của người cha trung tín và luôn tha thứ cho người con thống hối. Như chúng ta thấy, trong lòng thương xót luôn kèm theo sự tha thứ; lòng thương xót không phải là một ý tưởng trừu tượng, nhưng là một thực tại cụ thể qua đó Chúa bày tỏ tình thương của Ngài như tình thương của một người cha và một người mẹ cảm động đến tận thâm tâm vì người con mình. […] Lòng thương xót đến từ thẳm sâu tâm hồn như một tình cảm sâu đậm, tự nhiên, đầy dịu dàng và cảm thương, nhân nhượng và tha thứ” (Misericordiae Vultus, 61).

 Tân Ước nói với chúng ta về lòng thương xót của Chúa (eleos) như tổng hợp ”công trình mà Chúa Giêsu đã đến để thực hiện trong trần thế nhân danh Chúa Cha” (Xc Mt 9,13). Lòng thương xót của Chúa chúng ta được biểu lộ trên hết khi Ngài cúi mình trên sự lầm than của con người và chứng tỏ sự cảm thương của Ngài đối với người cần được cảm thông, chữa lành và tha thứ. Trong Chúa Giêsu tất cả đều nói về lòng thương xót. Đúng hơn, chính Chúa là lòng thương xót. Trong chương 15 của Tin Mừng Luca, chúng ta có thể thấy 3 dụ ngôn về lòng thương xót: dụ ngôn con chiên lạc, dụ ngôn đồng tiền bị mất, và dụ ngôn được biết đến như ”dụ ngôn người con trai hoang đàng”. Trong 3 dụ ngôn ấy, điều gây ấn tượng mạnh cho chúng ta là niềm vui của Thiên Chúa, niềm vui mà Ngài cảm thấy khi tìm lại một người tội lỗi và tha thứ cho họ. Đúng vậy, niềm vui của Thiên Chúa là tha thứ! Ở đây có tổng hợp toàn thể Tin Mừng. ”Mỗi người chúng ta là con chiên lạc, là đồng tiền bị mất; mỗi người chúng ta là người con trai hoang đàng đã làm hư mất tự do của mình ”khi theo những thần tượng giả dối, những ảo ảnh hạnh phúc, và đã mất tất cả. Nhưng Thiên Chúa không quên chúng ta, Chúa Cha không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngài là người cha kiên nhẫn, luôn chờ đợi chúng ta! Ngài tôn trọng tự do của chúng ta, nhưng luôn trung tín. Và khi chúng ta trở về cùng Ngài, Ngài đón nhận chúng ta như những người con, trong nhà Ngài, vì không bao giờ Ngài ngừng chờ đợi chúng ta với tình yêu thương, dù là một lúc. Và con tim của Ngài vui mừng vì mỗi người con trở về. Con tim Ngài mừng rỡ vì Ngài hân hoan. Thiên Chúa có niềm vui ấy, khi một trong chúng ta là những kẻ tội lỗi đến cùng Ngài và xin lỗi” (Angelus 15-9-2013).

 Lòng thương xót của Thiên Chúa rất cụ thể và tất cả chúng ta được kêu gọi đích thân cảm nghiệm. Khi tôi 17 tuổi, một hôm phải đi với các bạn, tôi đã quyết định ghé vào một nhà thờ trước. Tại đó tôi đã thấy một linh mục mở tâm hồn tôi trong tòa giải tội. Cuộc gặp gỡ ấy đã thay đổi đời tôi! Tôi đã khám phá thấy rằng khi chúng ta cởi mở tâm hồn với lòng khiêm tốn và minh bạch, chúng ta có thể chiêm ngắm cụ thể lòng thương xót của Thiên Chúa. Tôi đã xác tín rằng nơi con người của vị linh mục ấy, Thiên Chúa đang chờ đợi tôi, trước khi tôi đi bước đầu để đến nhà thờ. Chúng ta tìm Chúa, nhưng chính Chúa luôn đi trước chúng ta, Ngài luôn tìm kiếm chúng ta, và thấy chúng ta trước. Có lẽ có người trong chúng ta có một gánh nặng trong tâm hồn và nghĩ: tôi đã làm điều này, tôi đã làm điều kia. Các bạn đừng sợ! Chúa đang chờ đợi các bạn! Chúa là Cha, Ngài luôn chờ đợi chúng ta! Thật là đẹp dường nào khi gặp trong bí tích hòa giải vòng tay thương xót của Chúa Cha, khám phá tòa giải tội như nơi chốn của lòng Thương Xót, để cho mình được tình thương từ bi của Chúa đánh động, Đấng luôn tha thứ cho chúng ta!

 Còn bạn, hỡi người bạn trẻ, nam và nữ, bạn chẳng bao giờ thấy cái nhìn yêu thương vô biên đặt trên bạn sao, cái nhìn yêu thương vượt lên trên mọi tội lỗi, giới hạn, thất bại của bạn, và tiếp tục tín nhiệm bạn và nhìn cuộc sống của bạn với niềm hy vọng sao? Bạn có ý thức về giá trị của bạn trước mặt một Thiên Chúa, vì yêu thương, đã ban cho bạn tất cả sao? Như thánh Phaolô đã dạy chúng ta, ”Thiên Chúa chúng tỏ tình thương của Ngài đối với chúng ta qua sự kiện, khi chúng ta còn là ngừơi tội lỗi, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta” (Rm 5,8). Nhưng chúng ta có thực sự hiểu sức mạnh của những lời ấy không? Tôi biết thánh giá Giới Trẻ thật là quí giá đối với các bạn, thánh giá này là món qua của thánh Gioan Phaolô 2 và ngay từ năm 1984 đã tháp tùng tất cả cuộc gặp gỡ thế giới của các bạn. Bao nhiêu thay đổi, bao nhiêu cuộc hoán cải chân thành và đích thực đã nảy sinh trong cuộc sống của bao nhiêu bạn trẻ từ cuộc gặp gỡ với thánh giá trơ trụi ấy! Đây là câu trả lời: thánh giá là dấu chỉ hùng hồn nhất về lòng thương xót của Thiên Chúa! Thánh gia làm chứng cho chúng ta về mức độ tình thương của Thiên Chúa đối với ”nhân loại là yêu thương vô biên! Trong thánh giá, chúng ta có thể động chạm đến lòng thương xót của Thiên Chúa và để cho mình được chính lòng thương xót động chạm đến! Ở đây tôi muốn nhắc đến giai thoại 2 kẻ bất lương bị đóng đanh cạnh Chúa Giêsu: một người ngạo mạn, không nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi, chế nhạo Chúa. Trái lại người khác nhìn nhận mình đã lầm lỗi, ngỏ lời với Chúa và nói: ”Lạy Đức Giêsu, xin nhớ đến con khi Ngài vào trong Nước của Ngài. Chúa Giêsu nhìn ông ta với lòng thương xót vô biên và trả lời ông: ”Ngày hôm nay, anh sẽ được ở cùng tôi trên thiên đàng” (Xc Lc 23,32.39-43). Chúng ta đồng hóa mình với ai trong hai người ấy? Với kẻ ngạo mạn và không nhìn nhận lỗi lầm của mình ư? Hay là với người kia, nhìn nhận mình cần lòng thương xót của Chúa và khẩn cầu với tất cả tâm hồn? Nơi Chúa, Đấng đã hiến mạng sống vì chúng ta trên thánh giá, chúng ta luôn tìm được tình yêu vô điều kiện, nhìn nhận cuộc sống chúng ta như một thiện ích và luôn ban cho chúng ta cơ hội bắt đầu lại.

 3. Niềm vui đặc biệt được là dụng cụ lòng thương xót của Chúa

 Lời Chúa dạy chúng ta rằng ”Cho đi thì phúc hơn là nhận lãnh” (Cv 20,35). Chính vì lý do đó, Mối Phúc thứ 5 tuyên bố: phúc cho những người có lòng thương xót. Chúng ta biết rằng Chúa yêu thương chúng ta trước. Nhưng chúng ta chỉ thực sự có phúc, hạnh phúc, nếu chúng ta đi vào lý luận của Thiên Chúa về việc trao tặng, theo tiêu chuẩn tình yêu nhưng không, nếu chúng ta khám phá rằng Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta vô biên để làm cho chúng ta có thể yêu mến như Ngài, vô giới hạn. Như thánh Gioan đã nói: ”Hỡi các con rất quí mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu là bởi Thiên Chúa: ai yêu thương, thì được sinh ra bởi Thiên Chúa và biết Thiên Chúa. Ai không yêu mến, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu. [..] Tình yêu hệ tại điều này: không phải chúng ta yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta và đã sai Con của Ngài như hy tế đền tội cho chúng ta. Hỡi các con rất quí mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, cả chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1 Ga 4,7-11).

 Sau khi đã giải thích một cách rất tóm tắt cách thức Thiên Chúa thực thi lòng thương xót của Ngài đối với chúng ta, tôi muốn đề nghị với các bạn cách thức cụ thể để chúng ta có thể trở thành dụng cụ của lòng thương xót của Chúa đối với tha nhân.

 Tôi nghĩ đến gương của chân phước Piergiorgio Frassati. Người đã nói: ”Chúa Giêsu viếng thăm tôi mỗi buổi sáng trong khi rước lễ, tôi viếng thăm đáp lễ Ngài một cách nghèo nàn mà tôi có thể, khi viếng thăm những người nghèo”. Piergiorgio là một người trẻ đã hiểu thế nào là có một con tim từ bi, nhạy cảm đối với những người túng thiếu nhất. Người trao tặng họ hơn cả những điều vật chất; Người tặng họ chính bản thân mình, dành cho họ thời giờ, lời nói, khả năng lắng nghe. Piergiorgio phục vụ người nghèo một cách rất kín đáo, không bao giờ tỏ cho người khác thấy. Người sống thực lời dạy của Phúc Âm: ”Trong khi con làm phúc, tay trái đừng biết việc tay phải của con làm, để việc làm phúc của con ở trong vòng kín đáo” (Mt 6,3-4). Các bạn hãy nghĩ rằng một ngày trước khi qua đời, vì bị bệnh nặng, Piergiorgio còn căn dặn về cách thức giúp đỡ những người bạn nghèo túng của mình. Trong lễ an táng, thân nhân và các bạn hữu kinh ngạc vì thấy sự hiện diện của bao nhiêu người nghèo mà họ không biết, những người nghèo ấy đã được thanh niên Piergiorgio quan tâm và giúp đỡ.

 Tôi luôn thích liên kết các Mối Phúc của Tin Mừng với chương thứ 25 của Phúc Âm theo thánh Mathêu, khi Chúa Giêsu trình bày cho chúng ta những công việc từ bi và nói rằng chúng ta sẽ bị phán xét dựa trên các công việc ấy. Vì thế tôi mời gọi các bạn hãy tái khám phá những công việc bác ái về thể lý: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ trần trụi y phục, đón tiếp những người ngoại kiều, giúp đỡ các bệnh nhân, viếng thăm những người bị cầm tù, chôn kẻ chết. Và chúng ta đừng quên những công việc bác ái tinh thần: khuyên bảo kẻ ngờ vực, giảng dạy kẻ dốt nát, cảnh giác kẻ có tội, an ủi kẻ sầu muộn, tha thứ những xúc phạm, kiên nhẫn chịu đựng những người làm phiền ta, cầu xin Chúa cho kẻ sống và kẻ chết. Như các bạn thấy, lòng từ bi thương xót không phải là thái độ xề xòa cái gì cũng tốt, và cũng chẳng phải là tình cảm ủy mị. Ở đây có một sự kiểm chứng xem chúng ta có phải là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu hay không, chúng ta có đáng tín nhiệm trong tư cách là Kitô hữu trong thế giới ngày nay hay không?

 Với các bạn trẻ là những người rất cụ thể, tôi đề nghị trong 7 tháng đầu của năm 2016, mỗi tháng các bạn hãy chọn một công việc từ bi bác ái thể lý và tinh thần để thực thi. Hãy để cho kinh nguyện của thánh nữ Faustina soi sáng, thánh nữ là tông đồ lòng thương xót của Chúa trong thời đại chúng ta ngày nay:

 ”Lạy Chúa, xin giúp con làm cho đôi mắt con trở nên từ bi, làm sao để con không bao giờ nuôi dưỡng ngờ vực và không xét đoán theo những vẻ bề ngoài, nhưng biết nhận ra điều đẹp đẽ trong tâm hồn tha nhân và trợ giúp họ (..).

 Xin làm cho thính giác của con từ bi, để con cúi mình trên những nhu cầu của tha nhân, cho đôi tai con không dửng dưng đối với những đau khổ và tiếng rên xiết của tha nhân (..)

 Xin làm cho lưỡi con được từ bi và không bao giờ nói xấu người khác, nhưng có một lời an ủi và tha thứ đối với mỗi người (…).

 Xin làm cho đôi tay con từ bi và đầy những hành động tốt (..) cho đôi chân con từ bi, để con luôn chạy đến giúp đỡ tha nhân, chiến thắng sự lười biếng và mệt mỏi của con (…)

 Xin làm cho tâm hồn con từ bi, để con tham phần vào mọi đau khổ của tha nhân (Nhật ký 163).

 Vì thế sứ điệp Lòng thương xót của Chúa trở thành một chương trình sống rất cụ thể và yêu sách, vì bao hàm những công việc. Và một trong những công việc từ bi hiển nhiên nhất, nhưng có lẽ thuộc vào số những việc khó thực hành nhất, đó là tha thứ cho người đã xúc phạm tới chúng ta, người ta gây điều ác cho chúng ta, những người mà chúng ta coi là kẻ thù. ”Bao nhiêu lần tha thứ dường như là điều khó khăn dường nào! Nhưng tha thứ chính là dụng cụ được đặt trong bàn tay yếu đuối của chúng ta để đạt tới sự thanh thản trong tâm hồn. Từ bỏ sự oán hận, giận dữ, bạo lực và trả thù, chính là những điều kiện cần thiết để sống hạnh phúc” Dung mạo thương xót, 9).

 Tôi gặp bao nhiêu người trẻ nói mình mệt mỏi vì thế giới đang chia rẽ dường nào, trong đó các phe đụng độ nhau, bao nhiêu là chiến tranh, và có cả những kẻ dùng tôn giáo của mình để biện minh cho bạo lực. Chúng ta phải cầu xin Chúa ban cho chúng ta được từ bi thương xót với những kẻ làm điều ác cho chúng ta. Như Chúa Giêsu trên thánh giá đã cầu nguyện cho những kẻ đã đóng đinh Ngài: ”Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,34). Con đường duy nhất để chiến thắng sự ác chính là lòng từ bi thương xót. Công lý là cần thiết, nhưng tự nó không đủ. Công lý và từ bi phải đi song đôi với nhau. Tôi mong ước dường nào cho tất cả chúng ta được hiệp nhất trong một kinh nguyện chung, từ thâm tâm chúng ta, khẩn cầu xin Chúa thương xót chúng ta và toàn thế giới!

 4. Cracovia đang chờ đợi chúng ta!

 Chỉ còn vài tháng nữa là đến cuộc gặp gỡ của chúng ta ở Ba Lan. Cracovia, thành phố của thánh Gioan Phaolô 2 và thánh nữ Faustina Kowalska, đang chờ đợi chúng ta với vòng tay và con tim rộng mở. Tôi tin rằng Chúa Quan Phòng đã hướng dẫn chúng ta cử hành Năm Thánh giới trẻ tại đó, nơi hai vị đại tông đồ lòng thương xót của Chúa thời nay đã sống. Đức Gioan Phaolô 2 đã trực giác thấy rằng đây là thời đại của lòng thương xót. Vào đầu triều đại Giáo Hoàng của ngài, ngài đã viết thông điệp ”Thiên Chúa giàu lòng xót thương”. Trong Năm Thánh 2000, ngài đã phong thánh cho nữ tu Faustina, và thiết lập lễ kính Lòng Thương Xót của Chúa, vào chúa nhật thứ hai Phục Sinh. Và năm 2002, ngài đã đích thân khánh thành tại Cracovia Đền thánh Chúa Giêsu Thương xót, phó thác thế giới cho lòng Thương Xót của Chúa và cầu mong sứ điệp này đi tới tất cả mọi người trên trái đất và được tràn đầy niềm hy vọng trong tâm hồn. Cần thông truyền cho thế giới ngọn lửa thương xót ấy. Trong lòng thương xót của Chúa, thế giới sẽ tìm được an bình, và con người tìm được hạnh phúc!” (Bài giảng lễ cung hiến Đền Thánh Lòng Thương Xót Chúa ở Cracovia, 17-8-2002).

 Các bạn trẻ rất thân mến, Chúa Giêsu thương xót, được họa trong bức ảnh mà dân Chúa tôn kính ở Đền thánh Cracovia dâng kính Ngài, đang chờ đợi các bạn. Chúa tín nhiệm và chờ đợi các bạn! Chúa có bao nhiêu là điều quan trọng để nói với mỗi người các bạn.. Đừng sợ ngắm nhìn đôi mắt đầy tình thương vô biên của Ngài đối với các bạn và hãy để cho cái nhìn thương xót của Chúa đi tới các bạn, Người sẵn sàng tha thứ tội lỗi của các bạn, một cái nhìn có khả năng thay đổi cuộc đời của các bạn và chữa lành những vết thương trong tâm hồn các bạn, một cái nhìn thỏa mãn khát vọng sâu xa trong tâm hồn trẻ trung của các bạn:

 ”Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa!”. Các bạn hãy để cho lòng thương xót vô biên của Chúa đánh động để trở thành những tông đồ của lòng thương xót qua các công việc, lời nói và kinh nguyện, trong thế giới chúng ta bị thương vì lòng ích kỷ, oán thù và bao nhiêu điều tuyệt vọng. Hãy mang ngọn lửa tình thương xót của Chúa Kitô mà thánh Gioan Phaolô 2 đã nói, vào trong các môi trường đời sống thường nhật của các bạn và cho đến tận bờ cõi trái đất. Trong sứ mạng này, tôi tháp tùng các bạn bằng những lời cầu chúc và kinh nguyện, tôi phó thác tất cả các bạn cho Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Từ Bi thương xót, trong giai đoạn chót của hành trình chuẩn bị tinh thần cho Ngày Quốc Tế giới trẻ sắp tới tại Cracovia. Tôi thành tâm chúc lành cho tất cả các bạn.

 Vatican ngày 15 tháng 8 năm 2015

 Lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời

 Phanxicô

 G. Trần Đức Anh OP, dịch từ nguyên bản tiếng Ý

Phần đầu bài phong vấn ĐTC Phanxicô dành cho các nhà báo quốc tế

Phần đầu bài phong vấn ĐTC Phanxicô dành cho các nhà báo quốc tế

ĐTC nói chuyện với các nhà báo trên phi cơ lúc trở về Rome từ Philadelphia ngày 27-09-2015

Nội dung phần thứ nhất bài phỏng vấn ĐTC Phanxicô trên máy bay trở về Roma (SD 28-9-2015)

Cũng như trong mọi chuyến công du khác, trên chuyến bay từ Philadelphia về Roma chiều ngày 27 tháng 9 vừa qua ĐTC Phanxicô đã dành cho các nhà báo quốc tế một bài phỏng vấn dài về nhiều vấn đề khác nhau liên quan tới chuyến viếng thăm mục vụ cũng như tình hình thế giới và các vấn đề của Giáo Hội.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị phần đầu bài phỏng vấn này. Cha Federico Lombardi Giám đốc Phòng Báo Chí Toà Thánh, đã ngỏ lời chào ĐTC như sau: “Thưa ĐTC, xin chào mừng ĐTC đến giữa chúng con và dành thời giờ cho chúng con sau chuyến viếng thăm rất mệt nhọc đòi hỏi nhiều dấn thân. Chúng con xin bắt đầu ngay với các câu hỏi. Người đầu tiên là một chị ở đây đã viết một bài về ĐTC trên báo Times nên chị đã được chuẩn bị rất kỹ về chuyến công du của ĐTC. Chị sẽ hỏi bằng tiếng Anh và anh Matteo sẽ dịch ra tiếng Ý cho ĐTC. “

ĐTC chào các nhà báo và nói: “Xin cám ơn anh chị em rất nhiều vì công việc của anh chị em. Anh chị em phải chạy từ chỗ này tới chỗ nọ. Còn tôi thì ngồi ở trong xe… Xin cám ơn  anh chị em nhiều lắm.

Xin cám ơn ĐTC rất nhiều., Con là Elisabetta Dias của báo Time Magazine, Chúng con rất tò mò muốn biết: đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của ĐTC tại Hoa Kỳ. Cái gì tại Hoa Kỳ đã khiến cho ĐTC ngạc nhiên nhất, và có cái gì khác với các chờ mong của ĐTC hay không?

Đáp: Vâng, đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của tôi: tôi chưa bao giờ đến Hoa Kỳ. Điều khiến tôi ngạc nhiên đó là sự nồng ấm của dân chúng, họ thật là dễ thương: đây là một điều đẹp và cũng khác nữa. Tại Washington có một sự tiếp đón nồng nhiệt nhưng hơi hình thức một chút; tại New York thì một chút qúa mức, và tại Philadelphia thì rất rõ ràng. Ba cách thức khác nhau, nhưng cùng một sự tiếp đón. Tôi rất bị đánh động bởi lòng tốt, sự tiếp đón, và trong các lễ nghi tôn giáo bởi lòng đạo đức và sùng đạo. Người ta thấy là dân chúng cầu nguyện, và điều này đã đánh động tôi rất nhiều, nhiều lắm. Thật là đẹp!

ĐTC có nhận thấy một thách đố từ phía Hoà Kỳ mà ĐTC đã không chờ đợi không? Có vài khiêu khích nào không?

Đáp: Không. Cám ơn Chúa, không. Không. Không. Mọi sự đểu tốt đẹp. Không có khiêu khích nào. Mọi người đều rất có giáo dục, không có lời nguyền rủa nào, không có điều gì xấu xa. Không, Không. Nhưng chúng ta phải tiếp tục làm việc với dân tộc có đức tin này, như họ đã làm việc cho tới nay, đúng không? Bằng cách đồng hành với dân tộc trong tươi vui và trong những lúc khó khăn, khi không có việc làm, khi bị ốm đau… Thách đố của Giáo Hội – bây giờ thì tôi hiểu đúng – thách đố của Giáo Hội ngày nay là sống như Giáo Hội vẫn luôn luôn sống: gần gũi dân chúng, gần gũi nhân dân Hoa Kỳ. Chứ không phải một Giáo Hội cách biệt dân chúng. Không. Gần gũi, gần gũi. Và đây là một thách đố mà Giáo Hội Hoa Kỳ đã hiểu rõ, đã hiểu rõ và muốn làm.

** Cha Lombardi giới thiệu nhà báo thứ hai là anh David O’Reilly của báo “Philadelphia Inquirer” là một trong các nhật báo lớn của Philadelphia. Anh hỏi

– Thưa ĐTC, Philadelphia như ĐTC biết – đã trải qua một giai đoạn xấu với các vụ lạm dụng tính dục: nó còn là một vết thương mở. Con biết có nhiều người tại Philadelphia ngạc nhiên vì trong bài nói chuyện với các Giám Mục tại Washington ĐTC đã cống hiến cho các vị sự an ủi và củng cố. Con tin rằng tại Philadelphia người ta muốn hỏi: “Tại sao ĐTC lại đã cảm thấy cần phải củng cố và an ủi các Giám Mục như vậy?

 Đáp: Tại Washington tôi đã nói chuyện với tất cả các Giám Mục Hoa Kỳ. Đã có tất cả các Giám Mục toàn nước. Tôi đã cảm thấy cần bầy tỏ sự cảm thương, bởi vì đã xảy ra một điều hết sức xấu xa, và biết bao Giám Mục đã đau khổ, bởi vì các vị đã không biết điều này, và khi chuyện bùng nổ ra, các vị đã rất là đau khổ: là các người của Giáo Hội, của cầu nguyện và chủ chăn đích thực.. Và tôi đã nói bằng cách trích sách Khải Huyền rằng tôi biết các vị “đang đến từ một nỗi khổ tâm lớn lao”. Nhưng không phải chỉ là nỗi khổ đau tình cảm: đó là điều hôm nay tôi đã nói với các người đã bị lạm dụng. Nó đã là .. tôi không nói là “một việc chối đạo”, nhưng hầu như là một việc phạm thánh! Khi… nhưng chúng ta biết là các lạm dụng tính dục xảy ra khắp nơi: trong môi trường gia đình, trong môi trường hàng xóm, trong các trường học, trong các nơi tập thể thao thể dục, khắp nơi… Nhưng khi một linh mục phạm một lạm dụng như thế, thì là điều rất nặng, bởi vì ơn gọi linh mục là làm cho đứa bé trai bé gái đó lớn lên, hướng về Thiên  Chúa, hướng tới sự trưởng thành tình cảm, hướng tới sự thiện. Thay vì làm điều đó, thì vị linh mục lại đè bẹp nó, lại làm điều dữ. Chính vì vậy mà nó như là một sự phạm thánh. Và vị linh mục đó đã phản bội ơn gọi của mình, phản bội tiếng gọi của Chúa. Vì thế Giáo Hội mạnh tay trong lúc này: không được bao che, cả những người bao che cũng có lỗi trong các chuyện này. Cả vài Giám Mục đã che dấu điều này cũng có lỗi! Đây là một điều vô cùng xấu xa. Và các lời an ủi không phải để nói rằng: “Thôi, cư yên trí, không là gì đâu!”: không, không, không! Đã là điều đó, nhưng thật là một điều xấu xa biết bao nhiêu, và tôi tưởng tượng được  anh em đã khóc biết chừng nào”: các lời nói của tôi đã ở trong nghĩa đó. Và hôm nay tôi đã nói rất mạnh.

** Câu hỏi tiếp theo là của chị Maria Antonietta Collins

– Thưa ĐTC, ĐTC đã nói tới sự tha thứ, rằng Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta và chúng ta thường là những người xin tha thứ. Con muốn hỏi ĐTC khi trông thấy ĐTC ở trong đại chủng viện, có rất nhiều linh mục đã phạm tội lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên và đã không xin lỗi các nạn nhân của mình. ĐTC có tha thứ cho các vị ấy không? Và ĐTC hiểu, từ phiá bên kia, các nạn nhân và gia đình họ không tha thứ được hay không muốn tha thứ thì sao?

Đáp: Nếu một người đã hành động xấu, ý thức được điều mình đã làm và không xin lỗi, thì tôi xin Thiên Chúa giữ người đó trong sổ. Tôi tha thứ, nhưng người đó không nhận được sự tha thứ, họ bị đóng kín với ơn tha thứ rồi. Trao ban tha thứ là một chuyện, nhưng nhận được ơn tha thứ lại là chuyện khác. Và nếu vị linh mục đó đóng kín với ơn tha thứ, thì không nhận được sự tha thứ, bởi vì đã dùng khóa đóng cửa từ bên trong, và điều còn lại chỉ là cầu nguyện để Chúa mở cánh cửa đó ra. Cần phải sẵn sàng tha thứ, nhưng không phải tất cả mọi người đều nhận được nó, biết nhận nó, hay sẵn sàng nhận nó. Thật là nặng nề điều tôi đang nói.  Và điều này giải thích tại sao có người kết thúc cuộc sống mình một cách nặng nề, xấu xa, không nhận được một sự vuốt ve của Thiên  Chúa. Câu hỏi thứ hai đã là?

Đó là ĐTC có hiểu các nạn nhân và gia đình họ không thể tha thứ hay không muốn tha thứ cho tội lạm dụng đó hay không?

Đáp: Có, tôi hiểu họ, tôi cầu nguyện cho họ, và tôi không xét đoán họ. Tôi không xét đoán họ, tôi cầu nguyện cho họ. Có một lần trong các buổi họp này tôi đã gặp nhiều người khác nhau và có một bà đã hỏi tôi: “Khi mẹ chồng con, không đó đã bà…,  khi mẹ con biết là họ đã lạm dụng tính dục con, bà đã nguyền rủa Thiên Chúa, bà đã mất đức tin và đã chết như người vô thần”. Tôi hiểu người đàn bà ấy. Tôi hiểu bà ta. Và Thiên  Chúa còn tốt hơn tôi hiểu bà ấy. Tôi chắc chắn như vậy. Thiên  Chúa đã chấp nhận bà ấy. Bời vì cái đã bị rờ tới, cái đã bị tàn phá đã là chính thịt xác của bà, thịt xác của con gái bà. Tôi hiểu bà ấy. Tôi không xét đoán người nào đó không thể tha thứ. Tôi cầu nguyện và xin Thiên  Chúa, bởi vì Thiên Chúa là một người vô địch trong việc tìm một con đường hưóng tới giải pháp – tôi xin Ngài sửa nó. Xin lỗi tôi đang nói tiếng Tây Ban Nha…

Anh Andres Beltramo của hãng tin Notimex hỏi:

– Thưa ĐTC, tất cả chúng con đã nghe ĐTC nói nhiều về tiến trình hoà bình tại Colombia, giữa lực lượng FARC và chính quyền. Giờ đây đã có một thoả hiệp lịch sử. ĐTC có cảm thấy mình có một chút phần trong thỏa hiệp này không? Và ĐTC đã nói là sẽ đi Colombia, khi có được một thoả hiệp: bây giờ có nhiều người dân Colombia đang chờ đợi ĐTC… Và con có một câu hỏi nhỏ nữa: ĐTC cảm thấy gì sau một chuyến viếng thăm dầy đặc như vậy và giờ đây máy bay ra đi?

Đáp: Xin trả lời câu hỏi thứ nhất: khi tôi nhận được tin hồi tháng 3 là thỏa hiệp sẽ được ký kết, tôi đã thưa với Chúa: “Chúa ơi, xin cho chúng con tới tháng 3, và cho họ tới với ý hướng tốt đẹp này”, bởi vì còn thiếu các điều nhỏ nhặt, nhưng mà có ý chí. Từ cả hai phía. Có ý chí. Kể cả từ phía nhóm nhỏ có ý chí: cả ba lực lượng đều đồng ý. Chúng ta phải tới tháng ba, tới thoả hiệp vĩnh viễn. Đó đã là đích điểm của công lý quốc tế – như anh biết – Tôi đã vô cùng hài lòng. Và tôi đã cảm thấy mình là thành phần, trong nghĩa tôi đã luôn luôn muốn điều này, và tôi đã nói chuyện với tổng thống Santos về vấn đề này, và Tòa Thánh – chứ không phải chỉ có mình tôi – Toà Thánh rất cởi mở và trợ giúp như Toà Thánh có thể.

Câu hỏi thứ hai, nhưng điều này hơi cá nhân một chút, nhưng tôi phải thành thật. Khi máy bay rời phi trường sau chuyến viếng thăm của tôi, nhiều cái nhìn của biết bao người đến với tôi và tôi muốn cầu nguyện cho họ và thưa với Chúa: Con đã đến đây để làm một cái gì đó, đề làm điều lành. Có lẽ con đã làm điều dữ, xin tha lỗi cho con. Nhưng xin Chúa giữ gìn tất cả dân chúng đã nhìn con, dã nghĩ những điều con đã nói, đã nghe cả những lời chỉ trích con, tất cả mọi người… Tôi cảm nhận được điều đó . Tôi không biết. Nó đến như vậy. Nhưng xin lỗi nó hơi cá nhân một chút. Điều này không thể nói trên báo…

** Tiếp đến là anh Thomas Jansen của hãng tin công giáo Đức

– Thưa ĐTC, con muốn hỏi một điều liên quan tới cuộc khủng hoảng di cư vào Âu châu: nhiều nước đang xây dựng các hàng rào ngăn cách mới với kẽm gai. ĐTC nói gì về tiến triển này?

Đáp: Anh đã dùng từ “cuộc khủng hoảng”. Nó trở thành một tình trạng khủng hoảng sau một tiến trình dài. Điều này đã bùng nổ từ nhiều năm nay rồi, bởi vì các chiến cuộc khiến cho dân chúng phải ra đi, phải trốn chạy, là các cuộc chiến đã kéo dài nhiều năm trời. Đói: cái đói đã là cái đói từ nhiều năm rồi… Nhưng khi tôi nghĩ tới Phi Châu – điều này hơi đơn sơ quá, nhưng tôi xin nói như thí dụ – tôi nghĩ Phi châu là lục địa bị khai thác bóc lột. Và giờ đây thay vì khai thác một lục địa hay một quốc gia hoặc một vùng đất, thì đầu tư để người dân có công ăn việc làm hầu tránh được cuộc khủng hoảng này. Đúng thế, có một cuộc khủng hoảng người tỵ nạn, như tôi đã nói tại Quốc Hội Mỹ, chưa từng thấy kể từ Đệ Nhị Thế Chiến tới nay. Nó là cuộc khủng hoảng lớn nhất. Liên quan tới các hàng rào, anh biết các bức tường kết thúc như thế nào. Mọi bức tường, mọi bức tường đều sụp đổ, hôm nay, ngày mai, trong 100 năm nữa. Nhưng chúng sẽ sụp đổ. Đó không phải là một giải pháp. Bức tường không phải là một giải pháp. Trong lúc này đây Âu châu gặp khó khăn: đúng thật như thế. Chúng ta phải thông minh, bởi vì có cả làn sóng di cư tràn tới và không dễ tìm ta các giái pháp. Nhưng với sự đối thoại giữa các quốc gia, cần phải tỉm ra giải pháp. Các bức tường không bao giờ là các giải pháp. Trái lại, các cây cầu thì luôn luôn là giải pháp. Luôn luôn. Tôi không biết, điều mà tôi nghĩ về các bức tường, các hàng rào … chúng kéo dài ít lâu, không lâu, nhưng chúng không phải là một giải pháp. Vấn đề còn đó, còn đó với nhiều thù hận hơn. Đó là điều tôi nghĩ.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Luôn luôn trợ giúp, an ủi, và gần gũi các bệnh nhân

Luôn luôn trợ giúp, an ủi, và gần gũi các bệnh nhân

Bệnh tật của những người thân yêu khiến cho cuộc sống gia đình khổ đau và khó khăn hơn, nhưng chúng cũng củng cố các liên hệ gia đình và có thể là trường học của đời sống, của lời cầu nguyện, tình liên đới và sự gần gũi săn sóc yêu thương đối với nhau.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 40,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến sáng thứ tư hôm qua. Trong bài huấn dụ ĐTC đã khai triển đề tại giáo lý gia đình và bệnh tật. Ngài nói:

Bệnh tật là một kinh nghiệm về sự giòn mỏng, mà chúng ta sống đặc biệt trong gia đình, từ khi là trẻ em, rồi nhất là khi già yếu, với các đau nhức liên miên. Trong bối cảnh của các tương quan gia đình, bệnh tật của các người chúng ta thương mến gia tăng nỗi khổ đau và lo lắng. Chính tình yêu khiến cho chúng ta cảm nhận điều này nhiều hơn. Biết bao nhiêu lần đối với một người cha và một người mẹ việc chịu đựng bệnh tật của một đứa con trai hay con gái khó khăn hơn là chịu đựng bệnh tật của riêng mình. Chúng ta có thể nói rằng gia đình đã luôn luôn là nhà thương gần nhất. Cả ngày nay nữa, trong biết bao nhiêu phần trên thế giới này, nhà thương là một đặc ân cho ít người và thường khi ở xa. Chính mẹ cha, các anh chị em và bà nội bà ngoại bảo đảm các săn sóc và giúp chúng ta khỏi bệnh.

Trong các Phúc Âm có nhiều trang kể lại các cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với các bệnh nhân và dấn thân của Ngài chữa lành họ. Chúa được giới thiệu một cách công khai như là một người chiến đấu chống lại bệnh tật và đến để chữa lành con người khỏi mọi bệnh tật: bệnh tật tinh thần và bệnh tật thân xác. Thật rất cảm động cảnh vừa được nhấn mạnh trong Phúc Âm thánh Marcô. Nó kể như thế này: “Lúc chiều đến, sau khi mặt trời lặn, người ta đem đến cho Chúa mọi bệnh nhân và những người bị quỷ ám” (Mc 1,29). Nếu tôi nghĩ tới các thành phố lớn ngày nay, tôi tự hỏi đâu là các cửa nhà trước đó có thể đem các người bệnh tới, với niềm hy vọng là họ được chữa lành? Chúa Giêsu đã không bao giờ lảng tránh việc chữa lành họ; Ngài đã không bao giờ đi qua, Ngài đã không bao giờ ngoảnh mặt đi nơi khác. Và khi một người cha hay một người mẹ, hay chỉ một cách đơn sơ các bạn hữu, đem một người bênh tới trước mặt Ngài để Ngài đụng vào họ và chữa họ lành, thì Ngài không bắt chờ đợi. Việc chữa lành đến trước luật lệ,. kể cả luật thánh như việc nghỉ ngơi ngày sabát (x. Mc 3,1-6). Các tiến sĩ luật quở trách Chúa Giêsu, bởi vì Ngài chữa lành ngày thứ bẩy, làm việc lành ngày thứ bẩy. Nhưng tình yêu của Chúa Giêsu là trao ban sức khỏe, làm việc lành: và điều này luôn luôn chiếm chỗ nhất!

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi thành toàn công trình của chính Ngài, và ban cho các ông quyền chữa lành, hay tới gần người bệnh và săn sóc họ cho tới cùng (x. Mt 10,1). Chúng ta phải chú ý tới điều Chúa nói với các môn đệ trong giai thoại người mù bình sinh (Ga 9,1-5). Các môn đệ, với người mù từ lúc mới sinh đứng trước mặt, thảo luận xem ai là người đã phạm tội, anh ta hay cha mẹ anh ta, đến khiến cho anh bị mù. Chúa nói rõ ràng là không phải anh ta, cũng không phải cha mẹ anh, mà như thế là để cho các công trình của Thiên Chúa được biểu lộ nơi anh. Và Ngài chữa anh lành. Đó là vinh quang của Thiên Chúa! Đó là nhiệm vụ của Giáo Hội! Trợ giúp các bệnh nhân, chứ không mất hút đi trong các bép xép, luôn luôn trợ giúp, an ủi, làm vợi nhẹ, gần gũi các bệnh nhân: đó là bổn phận.

Tiếp đến ĐTC nhấn mạnh bổn phận phải cầu nguyện cho các người ốm yếu bệnh tật như sau:

Giáo Hội mời gọi  liên lỉ cầu nguyện cho những người thân bị bệnh. Không bao giờ được thiếu lời cầu nguyện cho các bệnh nhân. Tráí lại, chúng ta phải cầu nguyện cho họ nhiều hơn, một cách cá nhân cũng như trong cộng đoàn. Chúng ta hãy nghĩ tới giai thoại người đàn bà xứ Canaan (c. Mt 15,21-28) Bà là một người ngoại đạo, không phải tín hữu do thái, nhưng là người ngoại đạo. Bà khẩn nài Chúa Giêsu chữa lành con gái của bà. Để thử lòng tin của bà trước hết  Chúa Giêsu cứng cỏi trả lời: “Tôi không thể, tôi phải nghĩ tới các chiên của nhà Israel trước”. Người đàn bà không tháo lui – một bà mẹ khi xin trợ giúp cho con mình thì không bao giờ tháo lui – chúng ta tất cả đều biết các bà mẹ chiến đấu cho con cải của họ – và bà trả lời: “Cả chó con khi chủ đã no nê cũng cho chúng cái gì đó”, như thể bà nói “Ít nhất hãy đối xử với tôi như mộ con chó con!” Khi đó Chúa Giêsu trả lời: “Bà ơi, lòng tin của bà thật lớn lao! Hãy xảy ra cho bà như bà mong ước” (c. 28).

Trước tật bệnh, cả trong gia đình cũng nổi lên các khó khăn, vì sự yếu đuối nhân loại cùa chúng ta. Nhưng nói chung, thời gian bệnh tật làm gia tăng sức mạnh của các dây liên kết gia đình. Và tôi nghĩ tới việc quan trọng phải giáo dục con cái từ nhỏ biết sống tình liên đới trong thời gian bệnh tật. Một nền giáo dục mà che chở chúng khỏi sự nhậy cảm đối với bệnh tật, thì làm cho con tim của chúng khô cằn đi. Phải làm sao để người trẻ đừng bị gây mê đối với nỗi khổ đau của người khác, không có khả năng đối đầu với khổ đau và sống kinh nghiệm sự hạn hẹp.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Biết bao nhiêu lần chúng ta thấy một người đàn ông một phụ nữ đến làm việc với gương mặt mệt mỏi, vói một thái độ mệt mỏi và khi người ta hỏi “Chuyện gì xảy ra vậy?”, thì họ trả lời: “Tôi đã chỉ ngủ được có hai giờ, bởi vì ở nhà chúng tôi thay phiên nhau để ở gần cháu bé trai, bé gái, gần người bệnh, gần ông nội ông ngoại, bà nội bà ngoại” Và họ tiếp tục ngày sống với công việc. Những người này là những anh hùng: đó là sự anh hùng của các gia đình! Các anh hùng dấu ẩn đó khiên cho chúng ta mềm lòng và can đảm khi trong nhà có ai đau yếu.

Sự yếu đuối và khổ đau của các tình yêu mến thân thương và thánh thiêng nhất của chúng ta, đối với con cái cháu chắt chúng ta, có thể là một trường học dậy sống. Thật quan trọng giáo dục con cái cháu chắt hiểu sự gần gũi này trong gia đình, khi có người đau yếu –  và chúng trở thành như vậy, khi chúng được tháp tùng bởi lời cầu nguyện và sự gần gũi trìu mến và sốt sắng của các người trong gia đình trong những lúc yếu đau. Cộng đoàn kitô biết rõ rằng gia đình không bị bỏ rơi một mình trong thử thách của bệnh tật. Và chúng ta phải cám ơn Chúa vì những kinh nghiệm hay đẹp của tình huynh đệ trợ giúp các gia đình trải qua lúc khó khăn của khổ đau. Sự gần gũi kitô đó, từ gia đình này với gia đình kia, là một kho tàng đích thật cho giáo xứ; một kho tàng của sự khôn ngoan giúp các gia đình trong các thời điểm khó khăn và làm cho người ta hiểu Nước Thiên  Chúa hơn biết bao nhiêu điễn văn!

ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ các nưóc Bắc Mỹ và châu Âu, cũng như các nhóm hành hương đến từ Trung Quốc, Cộng hòa Dominicana, Argentina, Mexico và Brazil.

Ngài xin mọi người đặc biệt nâng đỡ các gia đình với lời cầu nguyện và các công tác cụ thể trợ giúp vật chất và tinh thần cho các gia đình đang phải đương đầu với bệnh tật của người thân. Ngài cũng chào một nhóm tín hữu giáo phận Saint Denis Pháp do ĐGM sở tại Pascal Delannoy hưỡng dẫn, cũng như một nhóm người mù trường Carl-Strehl tỉnh Marburg bên Đức, và các thành viên hiệp hội nam giới công giáo tỉnh Fribourg Thụy Sĩ, các tu huynh tôi tớ Mẹ Maria và các tu sĩ Salesien Hiệp hội thánh Jose de Nazaré bên Angola, các kitô hữu tỵ nạn Nigeria và Ghana. Ngài cầu chúc chuyến viếng thăm mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và hành hương củng cố đức tin của mọi người, và tăng cường tình liên đới đối với những người cần trợ giúp nhất.

Chào các bạn trẻ người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc cho mọi người nhớ thứ bẩy tới này là lễ Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria. Ngài xin Mẹ giúp người trẻ hiểu tầm quan trọng của tình yêu trong sạch, nâng đỡ các người bệnh trong những lúc khó khăn, và trợ lực các đôi tân hôn trên con đường cuộc sống hôn nhân.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio