Đôi Dép

Đôi Dép

Tình ta tựa như đôi dép thôi.

Khắn khít bên nhau chẳng thể rời.

Đi đâu cũng có cặp, có đôi.

Gian nan nguy khó chẳng hề lơi.

Có lần dạo biển đùa sóng tấp.

Nước cuốn trôi xa, một chiếc kia.

Chiếc này, luống bước, với chơi vơi.

Lùa vào, đừng để cuốn xa khơi.

Nghĩ thôi, dép kia còn một chiếc!

Làm sao! Đi hết được quãng đường.

Một chiếc thôi, sẽ khập khểnh lẻ…

Con đường trước mắt,bao dài nữa…

Ý nghĩa không còn…có cặp đôi.

Tình tôi cũng chỉ có vậy thôi!

Xin thương, song hành luôn có cặp.

Như đôi dép Mộc vẫn có đôi.

Gắn bó bên nhau, vạn nẽo đường,

Lối mòn, đường lộ luôn có đủ.

Một đôi dép cũ, vẫn bên nhau.

   ***

 

Cô giáo Tống Hoa

Trường Việt ngữ và Văn Hoá Phan Bội Châu

Đức Thánh Cha Phanxicô, nhà truyền thông xuất sắc. Một số nhận xét của hai nhà báo Mỹ

Đức Thánh Cha Phanxicô, nhà truyền thông xuất sắc. Một số nhận xét của hai nhà báo Mỹ

Ngày mùng 6 tháng 12 vừa qua Trung tâm nghiên cứu Hoa Kỳ tại Roma đã tổ chức ngày hội học về đề tài “Tình trạng của các phương tiện truyền thông”. Tham dự ngày hội học này có nhiều nhà báo quốc tế trong đó có ông Jeff Fager, giám đốc đài phát thanh truyền hình CBS và ông Ed O’Keefe, phó giám đốc đài phát thanh truyền hình CNN.

Sau đây là một số nhận định của hai nhà báo này đối với khả năng truyền thông của Đức Thánh Cha Phanxicô, qua bài phỏng vấn dành cho phái viên Alessandro Gisotti của đài Vaticăng. Đối với họ Đức Thánh Cha Phanxicô là một nhà truyền thông xuất sắc, vì với các lời nói, cử chỉ và cung cách sống và hành xử của mình ngài đã lôi cuốn được tín hữu và các đám đông dân chúng. Chỉ cần theo dõi các buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần và buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật với số người tham dự tới năm, sáu, bẩy chục ngàn hay đôi khi dông hơn, thì đủ hiểu sức thu hút của Đức Phanxicô. Đặc biệt là các buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần đã biến thành lễ hội, trong đó người già, ngưòi lớn, và nhất là trẻ em và giới trẻ không ngừng gân cổ lên gọi tên ngài, và tặng ngài đủ thứ, mũ calốt, áo thể thao, kể cả nước ngọt nữa. Và Đức Phanxicô vui vẻ uống ngay trước mặt mọi người. Niềm vui của các bà mẹ là đưa con cho các cận vệ bế chúng lên để cho Đức Giáo Hoàng hôn, chúc lành, xoa đầu và vuốt ve chúng. Khi có đông người đau yếu tàn tật ngồi trên xe lăn, Đức Thánh Cha dành cả giờ đồng hồ để bắt tay, ôm hôn, an ủi và nói chuyện với từng người. Đức Phanxicô cũng chân thành trả lời mọi câu hỏi của giới báo chí về mọi vấn đề, một cách rất thành thật, tự nhiên, mà không hề tránh né.

Sau đây là một số nhận xét của ông Jeff Fager.

Hỏi : Thưa ông Fager ông nhận thấy khả năng truyền thông của Đức Thánh Cha Phanxicô như thế nào ?

Đáp : Đức Thánh Cha là một nhà truyền thông xuất sắc, một trong những nhà truyền thông xuất sắc nhất thế giới. Tôi tin rằng khi bạn có thể nói với các đám đông rộng rãi như thế – và cả khi bạn nói chuyện với các nhóm nhỏ đi nữa – thì là một cơ may phải được đánh giá cao và được sử dụng tốt nhất có thể. Tôi không nhớ đã có bình luận gia nào hay như vị Giáo Hoàng này: ngài đã thu hút thế giới một cách nhanh chóng như vậy, đến độ thay đổi các ý kiến về Giáo Hội. Chỉ một mình thôi mà ngài đã gây ra một va chạm rất mạnh trên cảm quan của người Mỹ đối với Giáo Hội công giáo trong vòng một thời gian thật rất là ngắn, và điều này có nghĩa ngài là một nhà truyền thông xuất sắc !

Hỏi : Ngài là một nhà truyền thông lớn mà người ta nhận thức được rằng ngài chân thành, đáng tin cậy, có đúng thế không thưa ông ?

Đáp : Vâng, đúng như vậy. Ngài đáng tin cậy, bạn tin tưởng nơi ngài, bạn tin ngài… và ngài mang tới một sứ điệp rất đơn sơ : ngài nói về loài người, về việc Giáo Hội đáng lẽ ra phải hành xử như thế nào trong thế giới, và điều đó được loan truyền. Tôi tin rằng Giáo Hội cần có một sự thay đổi lớn, và ngài là người có cung cách quản lý các biểu tượng bao quanh mình đã tạo được các thay đổi lớn : kiểu sống của Đức Phanxicô, kiểu ngài du hành, sự kiện ngài ở trong một ngôi nhà rất đơn sơ đã là điều đó… Qúy vị thấy không, tất cả những gì bao quanh con người nói lên rất nhiều về con người ấy và về sứ điệp ở đây là của Đức Phanxicô, và tôi tin rằng điều này vẽ nên một bức tranh rất tích cực về Giáo Hội.

Hỏi : Thưa ông, đề tài của ngày học hỏi là « Tình trạng của các phương tiện truyền thông xã hội » có cho chúng ta một ý tưởng liên quan tới các khuynh hướng quan trọng nhất ngày nay không, mặc dù điều này khó có thể truy lùng ra ?

Đáp : Ô, tất cả đều đang thay đổi rất là nhanh chóng và trên mức thang rộng rãi. Có các phương tiện truyền thông mới đang xâm lấn : đó là các phương tiện truyền thông số hay truyền thông vi tính. Chúng lớn mạnh và lớn lên với cả sự hứng khởi nữa. Tuy nhiên, trong chương trình của đài CBS dài 60 phút, điều thôi thúc chúng tôi đó là duy trì phẩm chất của nó. Chúng tôi theo sát nguyên tắc đó là cần phải tường thuật sự kiện một cách đúng đắn và để mọi người có thể hiểu được. Đó là điều mà các khán thính giả của đài mong chờ nơi chúng tôi. Người ta có thói quen thông tin một cách nhanh chóng, trong bầu không khí ngày nay với tất cả các sân chơi mới của truyền thông, và tất cả các phương tiện truyền thông xã hội người ta có ngày nay. Nhưng chúng tôi muốn chắc chắn luôn luôn cống hiến cho khán thính giả của chúng tôi việc hiểu biết tốt nhất về một sự kiện.

** Tiếp theo đây là một số nhận định của ông Ed O’Keele, phó giám đốc đài phát thanh truyền hình CNN của Hoa Kỳ.

Hỏi : Thưa ông O’Keele, ông nghĩ gì về gương mặt của Đức Thánh Cha Phanxicô ?

Đáp : Thật là hay, Đức Thánh Cha Phanxicô là một «
nhân vật-hiện tượng toàn cầu », bình dân kinh khủng, tới nỗi không cần phải có các phương tiện truyền thông lớn. Ngài có thể gọi một hãng thông tin Argentina, ít được biết tới, phỏng vấn hơn là để cho một mạng lưới lớn phỏng vấn ngài. Ngài không cần một cuộc phỏng vấn lớn toàn cầu. Dù sứ điệp của ngài có bất cứ là gì đi nữa, mà ngài diễn tả qua điện thoại cho bất cứ người nào trên thế giới, hay nói với một nhật báo nhỏ đi nữa, cũng vẫn nhận được sự chú ý trên bình diện quốc tế. Ngài là một «
người truyền thông hiện tượng ». Tôi tin rằng quyền năng to lớn của ngài là nơi sự kiện ngài là «
một người có thể đạt tới được », nó cho thấy khiá cạnh cá nhân nhất của ngài, là « chường mình ra » một cách chưa từng thấy.

Hỏi : Có lẽ chúng ta đã trông thấy với Đức Gioan Phaolô II, chứ thưa ông

Đáp : Có thể, vâng, tôi muốn nói. Tôi đã biết một số các nhà báo đã theo dõi các sinh hoạt của Đức Gioan Phaolô II, và họ đã có các cuộc nói chuyện lâu với Đức Giáo Hoàng. Họ đã du hành ra nước ngoài với ngài, và đã nói chuyện với ngài, vì trên máy chính ngài đã đi tìm các nhà báo và nói chuyện với họ, đó đã là các cuộc nói chuyện dài… Ngài là người có thể tiếp xúc và không sợ hãi phải đôi diện với giới báo chí và thông truyền tư tưởng, có khi trước cả khi các tư tưởng ấy thành hình nữa: không phải vì sự kiện đơn sơ Đức Giáo Hoàng đã nói mà nó phải trở thành giáo lý của Giáo Hội. Nhưng nếu bạn sợ phải nói bất cứ điều gì đó, thì bạn sẽ không bao giờ thành công trong việc làm một cuộc đối thoại. Và rõ ràng là ngài không sợ trao đổi các câu chuyện và linh hoạt một cuộc đối thoại.

Hỏi : Theo ý ông và theo kinh nghiệm của đài CNN, các phương tiện truyền thông đang nhào nắn lại kiểu thông tin của ngưởi ta như thế nào ?

Đáp : Các phương tiện truyền thông đã biến đổi hoàn toàn kiểu đạt tới khán thính giả của chúng tôi. Tương lai của các phương tiện truyền thông là «di động » và « xã hội ». Giờ đây chúng tôi đang tạo ra các nội dung chuyên nhất và ngay từ nguồn gốc chúng đã được nghĩ cho một đối tượng xã hội, bởi vì chúng tôi biết rằng ở đó có công chúng của mình. Chúng tôi sẽ tạo ra một chương trình khác cho truyền hình, cho trang Web, cho điện thoại di động, cho Facebook và cho Twitter…

Hỏi : Kiểu này thật là khó đối với các phương tiện truyền thông cổ điển, nó là một thách đố… Đài CNN là một đài truyền hình dùng dây cáp, hay ngày nay khó mà cho rằng đài CNN chỉ là một đài dây cáp ?

Đáp : Vâng, thật đúng như thế. Các phương tiện truyền thông cổ điển cần phải tự phá vỡ hay sẽ bị phá vỡ. Nếu một phương tiện truyền thông cổ điển chỉ tự coi mình là một mà thôi – chỉ là nhật báo, chỉ là truyền hình, chỉ là nguyệt san – thì sẽ đánh mất đi « thời vàng son » của nghành báo chí, bởi vì các người tiêu thụ đã quyết định rồi. Các người tiêu thụ, công chúng đang hướng tới sự « di động », và « xã hội » Họ nhận các tin tức chắc chắn là từ nhiều nguồn khác nhau, như chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại.

(RG 7.8-12-2014)

Linh Tiến Khải  – Vatican Radio

Công bằng hay bác ái?

Công bằng hay bác ái?

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Trong cuốn sách mang tựa đề: “Người đó, chính là bạn”, cha Louis Evely đã kể một câu truyện sau đây:

Trong một vở kịch, nhà đạo diễn Jean Anouilb đã dàn dựng cảnh ngày phán xét chung theo như ông tưởng: Những kẻ lành đang đứng trước cửa vào thiên đàng, chật ních, chen lấn để vào, chắc chắn thế nào cũng có chỗ sẵn. Hồi hộp, sốt ruột… Nhưng, bỗng nhiên, người ta bắt đầu xì xầm với nhau: “Hình như Thiên Chúa cũng tha thứ cho mấy người đứng bên kia nữa”. Thế là họ lại phải một mẻ ngẩn người ra. Họ nhìn nhau, không thể hiểu được. Họ la ó, phản đối. Họ bất mãn… “Vậy thì cần gì phải hy sinh khó nhọc cả đời…”. “Tôi mà biết vậy thì tôi đã ăn chơi cho đã đời…”. Gan mật họ sôi lên. Họ bắt đầu kêu la trách móc Thiên Chúa và cũng chính lúc đó, họ bị đày xuống hỏa ngục.

Cha Louis Evely giải thích: ‘Giờ phán xét đã điểm: họ đã tự xét xử lấy họ, đã tự tách mình ra khỏi hạnh phúc của Chúa. Tình yêu đã biểu hiện cho họ, nhưng họ đã từ chối không nhận tình yêu: “Tôi từ chối không chấp nhận cái thứ thiên đàng mà người ta vào như chợ. Tôi phản đối Thiên Chúa đã tha cho hết mọi người. Tôi không thích Thiên Chúa yêu thương cách mù quáng như thế”. Vì họ không thích Tình Yêu nên họ không nhận ra được Tình Yêu. Chỉ có Tình Yêu mới làm những chuyện như thế. Với Chúa, chúng ta phải luôn sẵn sàng để đón nhận những chuyện bất ngờ như vậy”.

Cũng thế, thưa anh chị em, có lẽ ai trong chúng ta cũng bị chưng hửng trước cách ứng xử của ông chủ vườn nho mà Chúa Giêsu diễn tả trong dụ ngôn của Tin Mừng hôm nay. Ông chủ vườn nho này không ai khác hơn là hình ảnh của chính Thiên Chúa mà Đức Giêsu diễn tả trong dụ ngôn của Tin Mừng hôm nay. Ông chủ vườn nho này không ai khác hơn là hình ảnh của chính Thiên Chúa mà Đức Giêsu muốn giới thiệu với chúng ta. “Tại sao ông chủ lại trả công cho mọi người bằng nhau, người chỉ làm có một giờ cuối ngày cũng được lãnh tiền bằng người đã làm trọn ngày nắng nôi nặng nhọc? Có phải ông chủ bất công hay không?”. Câu trả lời của ông chủ làm cho những công nhân và chúng ta phải ngạc nhiên thán phục: “Này anh, tôi đâu có xử bất công với anh. Anh đã chẳng thỏa thuận với tôi công nhật là một đồng sao? Cầm lấy phần của anh mà đi đi! Tôi không muốn cho người làm sau chót cũng được bằng anh. Tôi không có quyền làm thế sao? Hay anh ganh tị vì thấy tôi đối xử rộng rãi tốt lành với những người khác?”. Quả thật, Thiên Chúa hành xử không theo sự công bằng của con người, nhưng theo lòng thương xót và tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Qua đó, chúng ta khám phá được một điều quan trọng là suy nghĩ và hành động của Thiên Chúa khác xa với suy nghĩ và hành động của chúng ta. Ngôn sứ Isaia đã nói rõ: “Chúa phán: tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta: Trời cao hơn đất bao nhiêu thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi và tư tưởng Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi bấy nhiêu”.

Thưa anh chị em,

Nếu cứ theo lẽ công bằng thường tình của loài người chúng ta: người làm nhiều sẽ lãnh lương nhiều, người làm ít sẽ lãnh lương tí, thì hỏi rằng, người làm một tiếng đồng hồ sẽ được bao nhiêu tiền để đủ nuôi sống gia đình, con cái, đang túng thiếu, nghèo đói? Chính vì thương xót, thông cảm cảnh nghèo đói, thất nghiệp của các công nhân và vì muốn cho mọi người có công ăn việc làm, mà ông chủ đã mời gọi mọi người thất nghiệp vào làm việc bất cứ giờ nào, và đã trả lương cho mọi người bằng nhau, người đến sau cũng như người đến trước. Câu trả lời của ông chủ vườn: “Hay anh ganh tị vì thấy tôi đối xử rộng rãi, tốt lành với người khác?”đã vạch ra tâm địa ích kỷ, hẹp hòi của nhóm công nhân làm từ đầu ngày. Lời đó cho thấy chính họ mới là kẻ bất công, vì không chấp nhận cho người khác có quyền sống hạnh phúc như họ. Tâm địa xấu xa của họ càng làm nổi bật lòng nhân nghĩa cao vời của ông chủ. Ông không đối xử với người ta theo tương quan buôn bán, tính toán, nhưng theo tương quan tình nghĩa và mời gọi người ta bắt chước cách đối xử tình nghĩa của ông.

Anh chị em thân mến,

Cách ứng xử của ông chủ trong câu chuyện dụ ngôn chính là cách ứng xử của Thiên Chúa đối với chúng ta. Thiên Chúa của chúng ta hành động như thế đó. Thật là rộng lượng, nhân từ! Ngài mời gọi những người thu thuế, những người bị xã hội loài người khinh chê, loại trừ, những người tội lỗi, vào Nước Trời một cách rộng rãi, cho không, chẳng phải vì công trạng gì xứng đáng của họ. Người công chính, đạo đức, đừng vì thế mà ganh tị kêu trách Chúa bất công, giống như những người Biệt Phái Pharisêu đã kêu ca trách móc Chúa. Lòng thương xót của Thiên Chúa đón nhận tất cả mọi người không trừ mộ ai, vì bản chất của Ngài là Tình Yêu. Chúng ta thường làm ngạc nhiên và bị “sốc”trước cách hành xử Thiên Chúa. Đôi khi chúng ta cũng có những phản ứng như những công nhân làm việc giờ đầu tiên hoặc như những kẻ lành trước cửa Thiên Đàng trong vở kịch Ngày phán xét chung của nhà đạo diễn Jean Anouilh: “Sao! Những tên đã sống một cuộc đời bừa bãi, bê bối, lung tung kia cũng được Chúa tha sao? Thậm chí những kẻ đã bách hại đạo Chúa, nếu sau này ăn năn hối cải, cũng xứng đáng được hưởng Nước Trời như người Kitô hữu nhiệt thành cả đời sao? Tên gian phi bị treo trên thập giá bên cạnh Chúa Giêsu cũng được vào Thiên Đàng sao?” (x.Lc 23,43).

Thiên Chúa chúng ta như thế đó! Thật rộng lượng, nhân từ. Quả thật đường lối của Ngài khác hẳn đường lối ti tiện, hẹp hòi của chúng ta. Chúng ta hay so đo, tính toán, đánh giá từ sự so sánh của chúng ta. Chúng ta nhìn người khác với những cái-họ-có-hơn-mình hay cái-mình-không-có, để bực tức, ghen ghét. Nhiều khi chúng ta nhân danh công bằng để đối xử hẹp hòi, khắt khe, độc ác với kẻ khác. Công bằng là mức độ thấp nhất của bác ái. Công bằng mà không có bác ái là tàn nhẫn, là vô nhân đạo. Phải vượt hơn mức tối thiểu của công bằng, chúng ta mới có thể đối xử bác ái, tình nghĩa với nhau được, cuộc sống mới chan hòa tình người, đầy niềm vui và hạnh phúc.

Với những ai hay so đo, tính toán với anh em, Thiên Chúa sẽ cứ theo luật công bằng mà xét xử; còn những ai rộng rãi, biết thương xót người, thì sẽ được Ngài xét xử theo lòng nhân từ xót thương. Thiên Chúa luôn luôn tuyệt vời hơn những gì con tim nghèo nàn của chúng ta có thể tưởng tượng. Ước gì trái tim chúng ta trở nên giống như trái tim của Thiên Chúa Tình Thương. Chính trong tình thương, chúng ta sẽ gặp được Thiên Chúa.