Người bị loại trừ

Người bị loại trừ

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Đối với tâm lý người xưa nói chung và người Do Thái nói riêng, bệnh tật nếu không phải do tội lỗi thì cũng là trò ma chước quỷ bày ra. Xét theo diện nào, thì bệnh tật cũng đều đáng sợ. Và bệnh càng nặng, càng ghê tởm, người ta càng phải cẩn thận, đề phòng.

Ở đất Do Thái thời bấy giờ có lẽ không bệnh nào nan trị bằng bệnh phong cùi. Nó vừa ghê tởm vừa dễ lây. Xã hội lập tức đã phải có biện pháp đối với những người mắc bệnh phong cùi. Luật pháp Do Thái trục xuất người phong cùi ra khỏi đời sống cộng đồng xã hội. Người phong cùi phải ra khỏi nhà, đến ở những nơi hoang vu hẻo lánh, không được tiếp xúc với ai và cũng không được để cho ai đến gần mình. Gặp ai qua đường, bệnh nhân phải lên tiếng làm hiệu trước để cho mọi người tránh xa, kẻo bị ô nhiễm theo luật. Vô phúc cho ai bị ô nhiễm như vậy, vì sẽ bị tuyệt thông, không được tham dự các nghi lễ nữa, trước khi làm lễ thanh tẩy theo luật dạy. Còn chính người phong cùi, khi thấy thân xác lành sạch phải đến trình diện các Thầy Tư Tế để xin khám nghiệm. Nếu đúng đã lành bệnh thật, họ còn phải dâng lễ đền tội và thanh tẩy trước khi được cấp giấy chứng nhận phục hồi quyền hiệp thông với cộng đồng xã hội.

Anh chị em thân mến,

Có hiểu số phận thảm thương của người phong cùi trong xã hội Do Thái thời xưa, chúng ta mới hiểu được ý nghĩa đoạn Tin Mừng hôm nay: Một người phong cùi dám đến gần Chúa Giêsu, bất chấp pháp luật ngăn cấm. Anh đến quỳ xuống van lạy Chúa Giêsu. Thái độ đó chứng tỏ một lòng tin thật mạnh mẽ. Chúa Giêsu động lòng thương, Ngài cũng bất chấp pháp luật, Ngài giơ tay ra đụng đến người phong cùi và phán: “Ta muốn anh được sạch”, tức thì bệnh phong cùi biến mất, người phong cùi được lành sạch.

Ngày nay, quan niệm khắt khe đối với bệnh phong cùi đã chuyển biến. Nhiều người và nhiều tổ chức từ thiện đã và đang xả thân chăm sóc, giúp đỡ, điều trị những người phong cùi trên thế giới. Với đà tiến bộ của y khoa, người ta đã hy vọng sẽ một ngày không xa, sẽ bài trừ được hết bệnh phong cùi.

Tuy nhiên, có một thứ bệnh phong cùi mà khoa học không bao giờ chữa được, đó là bệnh phong cùi của tâm hồn, đó là tội lỗi: hận thù, kỳ thị chủng tộc, ý thức hệ, bạo lực. Chính bệnh phong cùi này mới đáng sợ, vì nó cô lập con người xa cách Thiên Chúa và cộng đoàn dân Chúa. Bệnh phong cùi này chỉ có Máu Thánh Chúa Kitô mới thanh tẩy được. Chúa Giêsu đã đến để giao hòa vạn vật với nhau, nhờ được giao hòa với Thiên Chúa. Vì Ngài đến để xóa bỏ tội lỗi và làm cho tất cả nhân loại được nên trong sạch, được đến gần Thiên Chúa, được nên dân Chúa. Chúa Giêsu đã chết và và sống lại để cho chúng ta được lành sạch, cho chúng ta được làm con Thiên Chúa và làm anh em hết mọi người. Không loại trừ ai và không bị ai loại trừ. Ngài đã giao hòa vạn vật trên trời dưới đất, không còn loài vật sạch hay dơ, không còn biên giới ngăn cách chúng ta với Chúa và với mọi người. Nhưng Chúa Giêsu cũng đã để lại trong Giáo Hội các Nhiệm Tích, nhất là Nhiệm Tích Hòa Giải là phương thế Chúa dùng để tẩy sạch bệnh phong cùi của chúng ta và giao hòa nối kết chúng ta lại với Chúa và với mọi người, để củng cố mối dây liên kết ấy ngày càng bền chặt hơn.

Thưa anh chị em,

Chúng ta đã biết, theo luật pháp Do Thái, người mắc bệnh phong cùi phải ở riêng ngoài trại, cách ly mọi người, không được đến gần ai và cũng không ai được đến gần họ. Nhưng ở đây, với lòng tin mãnh liệt, người cùi đón đường và tiến đến bên Chúa Giêsu. Còn Chúa Giêsu, thay vì xa lánh bệnh nhân như luật buộc, “Ngài đưa tay ra đụng đến người phong cùi”. Đối với Chúa, không có vấn đề kỳ thị, cấm kỵ, loại trừ. Chúa là tất cả cho mọi người, không kỳ thị chủng tộc, văn hóa, giàu nghèo, bệnh tật…

Thái độ tin tưởng của người phong cùi và hành động nhân hậu của Chúa Giêsu cho chúng ta một bài học: chúng ta đừng bao giờ tự biến thành người mắc bệnh phong cùi nghĩa là đừng tự cô lập mình với anh em, đừng tự giam mình trong pháo đài ích kỷ, thù hận nhưng hãy biết quảng đại yêu thương bằng việc sẵn sàng quên mình vì mọi người.

Noi gương Chúa Giêsu, mỗi người chúng ta hãy biết nhìn người anh em đồng loại như một “cái mình khác” của chính mình. Một khi nhìn nhận như thế, chúng ta phải trở nên anh em của bất cứ người nào, không trừ một ai, và phải đi đến với mọi người để phục vụ trong tình yêu thương. Người già cả, người nghèo khó, người bệnh tật, người cô đơn hay hèn kém… Tất cả đều kêu gọi lương tâm Kitô giáo của chúng ta, và chúng ta hãy nhớ lại Lời Chúa: “Tất cả những gì anh em làm cho một người bé nhỏ nhất trong các anh em Ta, là anh em đã làm cho chính Ta” (Mt 25,40). Chúng ta hãy nhìn nhận trong mọi người sự có mặt của Chúa Kitô. Mọi người đều là anh em mà chúng ta phải yêu mến một cách thật tình. Bằng chính lời nói, hành động yêu thương mà chúng ta làm chứng cho tình yêu của Chúa Kitô và thông hiệp với những người khác trong mầu nhiệm tình yêu của Cha trên trời.

Có lẽ ông bà anh chị em đã được nghe nói đến Đức Cha Jean Cassaigne, nguyên Giám Mục Giáo phận Sài Gòn của chúng ta trước đây. Sau 15 năm làm Giám Mục Sài Gòn, Đức Cha Jean Cassaigne đã tình nguyện về sống giữa những bệnh nhân phong cùi thân yêu của ngài ở trại phong cùi Di Linh (Lâm Đồng), trong một ngôi nhà gỗ nhỏ hẹp. Tuy không giữ một địa vị nào trước mặt xã hội, nhưng ngài thật là một người bạn của người phong cùi, một chứng nhân của tình yêu Thiên Chúa, một con người hy sinh phục vụ người phong cùi, chấp nhận mang lấy bệnh phong cùi của họ và chết đi ở giữa họ.

Mười tám năm trời, ngài sống trong thinh lặng giữa rừng núi thâm u, với những bệnh nhân phong cùi, không mấy ai biết đến. Nhưng khi ngài mất đi vào năm 1973, mọi người hay biết đều cảm phục tấm gương hy sinh anh dũng của ngài, ngài đáng được gọi là: “Cha của người phong cùi”.

Tấm gương bác ái cao cả đó, không phải ai cũng có thể noi theo được, nhưng trước mắt chúng ta, còn có những người, những tập thể mà chúng ta xa lánh kiểu dân Do Thái thời Cựu Ước xa lánh người phong cùi. Có khi chúng ta đã gán cho họ những nhãn hiệu thù nghịch, để rồi không bao giờ muốn tiếp xúc với họ, sợ mình trở thành “cùi” như họ. Có khi chúng ta đã từ chối tiếp xúc, hợp tác với cá nhân này hay tập thể nọ, chỉ vì họ không cùng tôn giáo hay lập trường với chúng ta. Nếu chúng ta làm như vậy là chúng ta khinh thường, làm nhục sứ mạng giao hòa mọi người mọi vật, sứ mạng mà Chúa Giêsu đã nhận lãnh từ Chúa Cha, đã thi hành bằng cách hiến mạng sống mình, đổ đến giọt máu cuối cùng trong trái tim của Ngài.

Trong Thánh Lễ hôm nay, khi chúng ta tưởng niệm Mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu, mầu nhiệm là cho chúng ta được giao hòa với Chúa và với nhau, chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta luôn xa lánh tội lỗi để được hiệp thông với Chúa và với anh em, biết sống quảng đại mối giao hòa với hết mọi người mà Chúa Giêsu Kitô đã đem đến cho chúng ta.

Hơn 40 ngàn người tham dự Đàng Thánh Giá trọng thể với Đức Thánh Cha

Hơn 40 ngàn người tham dự Đàng Thánh Giá trọng thể với Đức Thánh Cha

VATICAN. Lúc 9 giờ 15 phút tối thứ sáu tuần thánh, 18-4-2014, ĐTC Phanxicô đã chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hý trường Colosseo ở Roma với sự tham dự của hơn 40 ngàn người.

Nghi thức này được hơn 50 đài truyền hình trên thế giới truyền đi trên hệ thống Mondovisione. Chính quyền thành Roma đã bố trí một số màn hình khổng lồ tại khu vực Colosseo và trên đường Fori Imperiali để các tín hữu ở xa có thể theo dõi buổi lễ.

ĐHY Agostino Vallini, Giám quản Roma đã vác Thánh Giá chặng đầu tiên và chặng thứ 14 của Đàng Thánh Giá. Những người vác thập giá tại các chặng còn lại lần lượt các tín hữu khác, bắt đầu là một chủ xí nghiệp và một công nhân, 2 người ngoại quốc, hai người thuộc cộng đoàn cai nghiện, hai người vô gia cư, một gia đình, hai phụ nữ, hai bệnh nhân, ba trẻ em, hai người già, hai tu sĩ dòng Phanxicô từ Thánh Địa, hai nữ tu.

Các bài suy niệm trong Đàng thánh giá năm nay do Đức Cha Giancarlo Bregantini, TGM giáo phận Campobasso ở miền nam Italia biên soạn. Năm nay ngài 66 tuổi (1948), thuộc dòng các dấu thánh Chúa Giêsu (CSS) và nổi tiếng về lập trường quyết liệt chống các tổ chức bất lương mafia. Ngài nguyên là một công nhân trước đi đi tu và thụ phong LM năm 1978, rồi làm tuyên úy nhà tù lâu năm.

Qua 14 chặng đàng thánh giá, Đức TGM Brigantini đề nghị một suy tư về những đề tài khác nhau liên quan đến thực tại ngày nay, chính trị bế tắc, khủng hoảng kinh tế, nạn nghiện ngập ma túy và rượu, nạn tra tấn, lòng ích kỷ, sợ hãi và thất vọng vì những thất bại, nạn cho vay lãi quá cao. Đức TGM cũng nhắc đến thảm trạng những người tị nạn, và di dân và bao nhiêu người bị ung thư bì các chất độc phế thải chôn trong lòng đất; tình trạng các nhà tù đông nghẹt, nạn bàn giấy và nền tư pháp chậm như rùa, nạn tra tấn ở nhiều nơi trên thế giới, nạn bạo hành chống phụ nữ.

Tuy nhiên, các bài suy niệm của Đức TGM Brigantini cũng nhấn mạnh rằng Thiên Chúa đứng về phía những người bị tổn thương và bị lạm dụng, Chúa Kitô chịu treo trên thập giá để cứu chuộc mọi tội nhân.

Trong lời kết thúc buổi đi Đàng Thánh Giá, ĐTC khẳng định rằng: ”Sự ác không có tiếng nói cuối cùng, nhưng là tình thương, lòng từ bi và tha thứ.. Thiên Chúa đã đặt trên thập giá của Chúa Giêsu tất cả gánh nặng của tội lỗi chúng ta, tất cả những bất công do mỗi Cain gây ra chống lại em mình, tất cả sự cay đắng do sự phản bội của Giuđa và Phêrô, tất cả sự kiêu kỳ của những kẻ cường quyền, tất cả sự kiêu hãnh của những bạn bè giả dối. Đó là một thập giá nặng nề, như đêm khuya của những người bị bỏ rơi, nặng nề như cái chết của những người thân yêu, thập giá ấy nặng nề vì gồm tóm trọn vẹn sự xấu xa của điều ác”.

”Nhưng đó cũng là một Thánh Giá vinh hiển như bình minh sau một đêm dài, vì tượng trưng tất cả tình yêu của Thiên Chúa lớn hơn những gian ác và phản bội của chúng ta. Trong Thánh Giá, chúng ta thấy sự quái đản của con người, khi họ để cho sự ác hướng dẫn; nhưng chúng ta cũng thấy lòng từ bi vô biên của Thiên Chúa, Đấng không đối xử với chúng ta theo tội lỗi của ta, nhưng theo lượng từ bi của Ngài. Đứng trước Thánh Giá Chúa Giêsu, chúng ta nhìn thấy, hầu như chạm thấy sự kiện chúng ta được yêu thương dường nào; đứng trước Thánh Giá, chúng ta cảm thấy mình là ”con cái” chứ không phải là những ”đồ vật” hoặc đối tượng, như thánh Grerogio Nazianzeno đã quả quyết khi thân thưa với Chúa Kitô qua lời kinh này: ”Lạy Chúa Kitô của con, giả sử không có Chúa, thì con sẽ cảm thấy mình là thụ tạo tàn lụi rồi. Con sinh ra và cảm thấy tiêu tán. Con ăn, ngủ, nghỉ và bước đi, con ngã bệnh và khỏi bệnh. Bao nhiêu ham hố và hành hạ vậy bủa tấn công con, con chết và thân xác trở thành tro bụi như xác thú vật, chúng không có tội. Nhưng con có gì hơn chúng? Chẳng có gì hơn, nếu không có Chúa. Lạy Chúa Kitô của con, giả sử không có Chía, thì con sẽ cảm thấy mình là thụ tạo tiêu đời rồi”.

ĐTC nói tiếp: ”Lạy Chúa Giêsu của chúng con, xin hướng dẫn chúng con từ Thánh Giá đến phục sinh, xin dạy chúng con rằng sự ác không có tiếng nói cuối cùng, nhưng chính là tình thương, lòng từ bi và tha thứ. Lạy Chúa Kitô, xin giúp chúng con tái thốt lên: ”Hôm qua tôi đã bị đóng đinh cùng với Chúa Kitô; hôm nay tôi được vinh hiển với Ngài. Hôm qua tôi đã chết với Ngài, hôm nay tôi sống với Ngài. Hôm qua tôi đã bị chôn táng với Ngài, hôm nay tôi sống lại với Ngài. Sau cùng, tất cả chúng ta cùng nhớ đến các bệnh nhân, nhớ đến tất cả những người bị bỏ rơi dưới gánh nặng của thập giá, để họ tìm được trong thử thách của thập giá sức mạnh của hy vọng, niềm hy vọng phục sinh và tình thương của Thiên Chúa”.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio