ĐTC cầu nguyện xin Đức Mẹ bảo vệ Roma, nước Ý và thế giới khỏi đại dịch corona

Đức Thánh Cha tham dự cách thiêng liêng trong Thánh lễ cầu nguyện với Đức Mẹ tại đền thánh. Tại nơi này, vào năm 1944, Đức Giáo hoàng Pio XII và dân thành Roma đã cầu xin Đức Mẹ cứu Roma trong cuộc rút lui của quân Đức Quốc xã. Hơn 75 năm sau, cũng trong một hoàn cảnh khẩn cấp và đầy đe dọa như thế, Đức Thánh Cha Phanxicô khẩn cầu Đức Mẹ và chia sẻ tâm tình của Đức Hồng y Giám quản Roma khi cử hành Thánh lễ.

Thánh lễ được truyền trực tiếp qua đài truyền hình TV 2000 của Hội đồng giám mục Ý, đài truyền hình Tele Pace, livestream trên trang Facebook của giáo phận Roma. Đây là lựa chọn trước tình trạng các tín hữu buộc phải ở nhà để tránh lây nhiễm virus corona.

Lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha

Đức Thánh Cha cầu nguyện: “Lạy Mẹ Maria, Mẹ luôn tỏa sáng trên hành trình của chúng con như dấu chỉ của ơn cứu độ và niềm hy vọng. Chúng con tín thác nơi Mẹ, là Sức khỏe của những người đau bệnh; cạnh bên Thánh giá, Mẹ đã hiệp thông với đau khổ của Chúa Giêsu và giữ vững đức tin. Lạy Mẹ, Phần Rỗi của dân thành Roma, Mẹ biết điều chúng con cần và chúng con chắc chắn rằng Mẹ sẽ ban cho chúng con, để giống như ở Cana miền Galilê, sau thời gian thử thách này, niềm vui và lễ hội sẽ có thể trở lại. Lạy Mẹ của Tình yêu Chúa, xin giúp đỡ chúng con biết vâng theo thánh ý Chúa Cha và làm điều mà Chúa Giêsu sẽ nói với chúng con rằng Ngài đã mang lấy trên mình Ngài các nỗi đau của chúng con và Ngài gánh lấy những đau thương của chúng con để qua Thánh giá, đưa chúng con đến niềm vui Phục Sinh.

Lạy Mẹ Thiên Chúa, dưới sự che chở của Mẹ, chúng con tìm nương ẩn. Xin đừng chê bỏ lời khấn xin của chúng con đang trong cơn thử thách, và lạy Đức Trinh nữ vinh hiển và được chúc phúc, xin giải thoát chúng con khỏi mọi nguy hiểm. Amen. (REI 11/03/2020)

Hồng Thủy – Vatican

ĐTC Phanxicô: Gọi Chúa là Cha như em bé gọi ba của mình

ĐTC Phanxicô: Gọi Chúa là Cha như em bé gọi ba của mình

Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư, ngày 16.01, ĐTC Phanxicô tiếp tục loạt bài giáo lý về Kinh Lạy Cha. Liên kết với từ “Abbà”, cách Chúa Giêsu gọi Chúa Cha, ĐTC nhắc các tín hữu rằng Chúa Cha như người cha trong dụ ngôn người cha nhân lành, không bao giờ thôi yêu thương con cái mình, ngay cả khi con cái lỗi phạm. ĐTC mời gọi các tín hữu trong những thời điểm khó khăn, khi cảm thấy lạc xa Thiên Chúa, khi bị đè nặng trong cảm giác tội lỗi, khi cảm thấy bị bỏ rơi trong thế giới này, hãy tìm sức mạnh cầu nguyện với Chúa Cha, bằng tiếng gọi thân thương “Abbà”, như một đứa trẻ gọi cha của mình với tất cả sự tin tưởng phó thác.

Cốt yếu của lời cầu nguyện: gọi Thiên Chúa là “Abbà” – Cha

 

Bắt đầu bài giáo lý ĐTC nhận định rằng trong Tân ước, việc cầu nguyện dường như muốn đạt đến điều cốt yếu, đến độ chỉ chú trọng đến một lời: “Abbà, lạy Cha.” Và ĐTC giải thích: Trong thư gửi các tín hữu Rôma thánh Phaolô viết: “Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: ‘Áp-ba! Cha ơi’ (8,15). Và trong thư gửi các tín hữu Galát, thánh Phaolô nói: “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: ‘Áp-ba, Cha ơi!’ (Gl 4,6).

Lời cầu nguyện này được lặp lại 2 lần và cô đọng toàn bộ Tin mừng. Sau khi đã nhận biết Chúa Giêsu và lắng nghe lời giảng dạy của Người, Kitô hữu không còn xem Thiên Chúa như là một bạo chúa đáng sợ, không còn sợ hãi nữa nhưng cảm thấy trong tâm hồn mình nảy sinh sự tín thác nơi Người: anh ta có thể gọi Đấng Tạo Hóa là “Cha” khi thưa chuyện với Người. Thành ngữ này rất quan trọng đối với các Kitô hữu đến nỗi nó thường được giữ ở nguyên ngữ tiếng Aramaico “Abbà”.

Rất hiếm khi các thành ngữ tiếng Aramaico trong Tân ước không được dịch sang tiếng Hy lạp. Chúng ta phải tưởng tượng rằng các từ tiếng Aramaico này như được ghi âm lại từ tiếng nói của chính Chúa Giêsu: họ tôn trọng ngôn ngữ của Chúa Giêsu. Trong từ đầu tiên của Kinh Lạy Cha chúng ta gặp thấy ngay sự mới mẻ tận căn của kinh nguyện Kitô giáo.

Gọi Thiên Chúa là Cha như em bé gọi ba mình

Tiếp đến, ĐTC giải thích ý nghĩa của việc gọi Thiên Chúa là Cha. Nó không phải chỉ là cách dùng biểu tượng – trong trường hợp này là nhân vật người cha – để nối kết với mầu nhiệm của Thiên Chúa; ngược lại, có thể nói, toàn bộ thế giới của Chúa Giêsu ở trong trái tim của Người. ĐTC khẳng định rằng nếu chúng ta thực hiện hành động này, chúng ta có thể đọc Kinh Lạy Cha thật sự, vì như ĐTC nói: Việc thưa “Abbà” là điều gì đó thân thiết và cảm động hơn chỉ đơn giản gọi Thiên Chúa là “Cha”. Đó là lý do một vài người đã đề nghị dịch từ gốc Aramaico này thành từ “ba” hay “bố”. Thay vì gọi “Cha chúng con” thì nói “ba”, “bố”. Chúng ta tiếp tục đọc “Lạy Cha chúng con” nhưng với trái tim chúng ta được mời gọi gọi “Ba ơi”, được mời gọi có mối liên hệ với Thiên Chúa như một em bé với ba của mình, người mà em gọi là “ba” hay “bố”. Thật ra các cách gọi này gợi lên tình yêu thương, sự ấm áp, một điều gì đó đưa chúng ta vào trong khung cảnh của tuổi thơ: hình ảnh một em bé được vòng tay của người cha ôm choàng cho thấy sự dịu dàng chăm sóc vô vàn của người cha dành cho đứa con. Vì thế, để cầu nguyện tốt, cần có trái tim của một em bé, như một em bé trong vòng tay của người cha, của ba mình, của bố mình.

Thiên Chúa là Cha chỉ biết yêu thương

Nhưng chắc chắn rằng các Tin mừng dẫn đưa chúng ta đến ý nghĩa còn sâu xa hơn của từ này. Lời này có nghĩa gì đối với Chúa Giêsu? Kinh Lạy Cha có ý nghĩa và hay đẹp nếu chúng ta học đọc kinh này sau khi đã đọc dụ ngôn người cha thương xót trong chương 15 của Tin mừng thánh Luca (x. Lc 15,11-32). Chúng ta hãy tưởng tượng rằng kinh này được đứa con hoang đàng đọc, sau khi đã cảm nghiệm được vòng tay ôm của người cha, người đã chờ đợi suốt cả thời gian dài, một người cha không nhắc đến những lời bất hiếu mà đứa con nói với mình, một người cha giờ đây khiến đứa con hiểu cách đơn giản là ông đã nhớ mình bao nhiêu. Do đó, chúng ta khám phá ra những lời đó có sức sống, có sức mạnh thế nào. Và chúng ta tự hỏi: làm sao có thể là Ngài, hay Chúa, chỉ biết có yêu thương? Chúa không biết hận thù sao? Thiên Chúa sẽ trả lời. “Không! Ta chỉ biết tình yêu. Sự trả thù, đòi công lý, sự giận dữ vì danh dự bị tổn thương, nằm ở đâu nơi Chúa? Thiên Chúa trả lời: Ta chỉ biết tình yêu.

Người cha của dụ ngôn đó có những cách thức hành động mà làm chúng ta nhớ đến tấm lòng của một người mẹ.  Điều đặc biệt là các bà mẹ tha thứ cho con cái họ, che dấu cho chúng, không mất đi sự đồng cảm đối với con cái, để tiếp tục yêu thương, ngay cả khi các con không còn xứng đáng với bất cứ điều gì.

Chỉ cần cầu nguyện với từ này – Abbà – bởi vì nó trở thành lời cầu nguyện Kitô giáo. Và thánh Phaolô, trong các thư của ngài, theo cùng hành trình này, và không thể khác hơn, bởi vì đó là con đường mà Chúa Giêsu đã dạy: trong lời cầu xin này có một sức mạnh thu hút tất cả phần còn lại của lời cầu nguyện.

Thai nghén của tình yêu

ĐTC nhấn mạnh đến tình yêu của Thiên Chúa, Cha chúng ta. ĐTC nói: Thiên Chúa tìm kiếm bạn, ngay cả khi bạn không kiếm tìm Người. Thiên Chúa yêu thương bạn, ngay cả khi bạn lãng quên Người. Thiên Chúa nhìn thấy một vẻ đẹp trong bạn, ngay cả khi bạn nghĩ rằng bạn đã phung phí tất cả tài năng của bạn một cách vô ích. Thiên Chúa không chỉ là một người cha, Người giống như một người mẹ không bao giờ ngừng yêu đứa con mình tạo nên. Đàng khác, có một "sự thai nghén" tồn tại mãi mãi, vượt trên chín tháng mang thai thể lý; đó là một sự thai nghén hình thành nên một mạch tình yêu vô tận.

Đối với một Kitô hữu, cầu nguyện đơn giản là thưa “Abbà”, thưa “ba”, thưa “bố”, gọi Chúa là “Cha” nhưng với sự tin tưởng của một đứa trẻ.

Trong khó khăn, hãy can đảm gọi Chúa “Abbà!”

Có thể là chúng ta cũng đang đi trên con đường xa cách Thiên Chúa, như đã xảy ra với đứa con hoang đàng; hoặc là trong sự cô đơn, chúng ta cảm thấy bị bỏ rơi trong thế giới; hay là chúng ta sai lỗi và bị tê liệt trong cảm giác tội lỗi. Trong những lúc này, chúng ta vẫn có thể tìm thấy sức mạnh để cầu nguyện bằng cách bắt đầu với từ “Abbà”. Thiên Chúa không dấu mặt đối với chúng ta; Người sẽ không khép mình trong sự im lặng: Người sẽ nói với chúng ta rằng Người không bao giờ không dõi theo chúng ta, và Người luôn ở đó, trung thành với tình yêu dành cho chúng ta.

Cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu

Vào cuối buổi tiếp kiến, ĐTC đã mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. ĐTC nói:

"“Thứ sáu này, với buổi đọc Kinh Chiều tại đền thờ thánh Phaolô ngoại thành,  Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Kitô hữu sẽ bắt đầu, với đề tài: “Anh em hãy cố gắng trở nên người công chính đích thực ”. Trong năm nay, chúng ta cũng được mời gọi cầu nguyện, để tất cả Kitô hữu trở về với một gia đình duy nhất, theo mong ước của Chúa Giêsu, Đấng muốn “xin cho chúng nên một!” (Ga 17, 21). Mục đích của tuần cầu nguyện là phát triển một chứng tá chung và nhất quán trong việc khẳng định một nền công lý đích thực và hỗ trợ những người yếu đuối nhất, thông qua các hành động cụ thể, phù hợp và hiệu quả."

Hồng Thủy – Vatican

ĐTC Phanxicô gặp các nhân viên cảnh sát Italia cạnh Vatican

ĐTC Phanxicô gặp các nhân viên cảnh sát Italia cạnh Vatican

Trong bài phát biểu, Đức Thánh Cha nhắc đến lễ Giáng Sinh và Hiển Linh vừa được cử hành chứng tỏ sự gần gũi của Thiên Chúa và tình yêu vô hạn của Ngài dành cho con người. Chính sự hiện diện của Ngài làm nên ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta, và giúp chúng ta có niềm hy vọng trước những khó khăn trong cuộc sống thường ngày. Cùng lúc đó, Thiên Chúa cũng thúc đẩy chúng ta sống yêu thương, và tương quan với những người xung quanh bằng thái độ huynh đệ và thương xót.

Đức Thánh Cha nhắc đến việc phục vụ của họ, với tư cách là các nhân viên an ninh, gắn với thái độ gần gũi với con người. Đó là đặc tính công việc của họ. Đức Thánh Cha ghi nhận: “Nhờ công việc đáng quý của anh chị em mà các khách hành hương và những du khách từ khắp nơi trên thế giới đến viếng thăm Đền Thờ Thánh Phêrô được thuận lợi và an toàn. Người ta có thể nhận thấy sự khôn ngoan và khả năng chuyên môn của anh chị em khi đối diện với nhiều tình huống khác nhau, ngay cả nguy hiểm. Về điều này, chính tôi cũng nhận thấy sự đóng góp lớn lao của anh chị em. Tôi cảm ơn anh chị em về khả năng chuyên môn và về lòng quảng đại. Tôi khuyến khích anh chị em luôn trao dồi phong cách làm việc, cố gắng đón nhận tất cả mọi người bằng sự kiên nhẫn và thông cảm, ngay cả đôi khi cũng làm cho anh chị em cảm thấy mệt mỏi hay gánh nặng trong những tình huống khó chịu.”

Kế đến, Đức Thánh Cha kể đến một số công việc của các nhân viên an ninh cạnh Toà Thánh như một cách để cảm ơn họ: đó là việc canh giữ an ninh tại quảng trường thánh Phêrô và các khu vực của Vatican cả ngày lẫn đêm trong mọi hoàn cảnh thời tiết. Bên cạnh đó là việc hỗ trợ của an ninh trong các chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại các giáo xứ hay nhiều cộng đoàn khác nhau ở Roma.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha chúc mừng năm mới và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người tham dự và những người thân của họ.

Văn Yên, SJ

Lễ Chúa Giêsu chịu Phép rửa 13/01/2019

Lễ Chúa Giêsu chịu Phép rửa 13/01/2019

Bắt đầu bài giảng Đức Thánh Cha hỏi cha mẹ các em: “Các con xin gì cho các con của các con?” Và tất cả cùng trả lời “Xin đức tin”. ĐTC tiếp tục: Các con xin Hội thánh đức tin cho con cái, và hôm nay các em sẽ lãnh nhận Thánh Thần, món quà đức tin trong chính tâm hồn, trong chính linh hồn. Nhưng đức tin này phải được lớn lên, phải được phát triển. Vâng, có người nói với cha rằng: “Vâng, vâng chúng con và con cái chúng con phải học biết đức tin…”

Đức tin phải được thông truyền

ĐTC nói với các cha mẹ: Đúng, khi các em đi đến các lớp giáo lý các em sẽ được học biết về đức tin, nhưng trước khi được học giáo lý,  đức tin phải được thông truyền, và đây là công việc của các con, các cha mẹ. Bổn phận mà hôm nay các con lãnh nhận đó là thông truyền đức tin. Và điều này phải được thực hiện tại gia đình. Bởi vì đức tin luôn luôn được thông truyền qua thổ ngữ: thổ ngữ của gia đình, trong bầu khí gia đình. Bổn phận của các con: thông truyền đức tin bằng gương lành, bằng lời nói, hãy dạy các em làm dấu Thánh Giá. Điều này rất quan trọng. Nhưng hãy quan sát…có những trẻ em không biết làm dấu Thánh Giá… “Hãy làm dấu Thánh Giá”: và các con hãy lãm một lần như vậy, các em không hiểu điều các con làm. Nhưng đầu tiên hãy dạy chúng điều này.

Đừng bao giờ cãi nhau trước mặt con trẻ

Và ĐTC tiếp tục: Điều quan trọng là thông truyền đức tin bằng chính đời sống đức tin của các con: các em sẽ nhìn thấy tình yêu giữa các con, đó chính là sự bình an của gia đình, và chúng sẽ nhìn thấy Chúa Giêsu ở đó trong gia đình. Cho phép cha cho các con một lời khuyên: đó là đừng bao giờ cãi nhau trước mặt con trẻ. Đừng bao giờ. Tất nhiên đây là chuyện bình thường nếu vợ chồng cãi nhau. Nhưng chỉ giữa hai vợ chồng, và không được để cho con cái nghe thấy được điều này. Các con không biết nỗi đau khổ mà một em bé phải chịu đựng như thế nào khi chúng thấy cha mẹ cãi nhau: lời khuyên của cha giúp các con thông truyền đức tin cho con cái đó là không cãi nhau trước mặt chúng.
Và ĐTC nói: trước khi tiếp tục cử hành phụng vụ cha muốn nói với các con một điều khác: các con biết rằng ngày nay trẻ em cảm thấy mình sống trong một môi trường khác lạ: Các em cảm thấy bị hơi nóng bao phủ nhiều hơn, các em cảm thấy không khí oi bức…Và đây là lý do đầu tiên làm cho các em khóc; lý do thứ hai các em khóc bởi vì các em đói; lý do cuối mà các em khóc là vì “phòng ngừa”. Đây là một sự kỳ lạ, không? Đó là một sự bảo vệ. Cha nói cho các con biết các em ổn cả. Nếu chúng khóc vì đói, hãy cho chúng bú. Với các bà mẹ cha muốn nói với các con “Hãy cho các em bú, không có vấn đề gì, Thiên Chúa muốn điều đó”. Đối với các trẻ em nếu một em bắt đầu khóc, em khác đáp lại, và lại một em khác, và chúng trở thành một ca đoàn khóc. Cha nhắc lại hãy thông truyền đức tin cho các em bằng mẫu gương sống trong gia đình.
Sau đó ĐTC tiếp tục thánh lễ với việc cử hành Bí tích Rửa tội cho các em, có các Giám mục giúp ĐTC xức dầu thánh và trao áo trắng cho các em.

Ngọc Yến, Vatican

Đức Thánh Cha: Lễ Hiển Linh mở ra cho chúng ta sự mới mẻ của Chúa Giêsu

Đức Thánh Cha: Lễ Hiển Linh mở ra cho chúng ta sự mới mẻ của Chúa Giêsu

Hôm nay lễ Chúa Hiển Linh, ánh sáng là biểu tượng của Ngài. Nơi bài đọc trong sách ngôn sứ, ánh sáng này là lời hứa. Isaia đã hướng về Giêrusalem và nói: “Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu tỏ trên ngươi.” (60,1). Lời mời này của ngôn sứ hôm nay nói lại với chúng ta qua việc mừng Giáng Sinh của Chúa Giêsu và khích lệ chúng ta đến ánh sáng ở Bêlem.

Ánh sáng mà Isaia tiên báo, trong Tin Mừng, đó là sự hiện diện và gặp gỡ. Đức Giêsu, sinh ra ở Nagiaret, trong thành Vua Đavit, đã mang đến ơn cứu độ cho tất cả, những người ở gần cũng như ở xa. Thánh sử Maccô đã cho thấy nhiều cách thức phản ứng khác nhau trước sự kiện này. Hêrôđê và các kinh sư ở Giêrusalem thì cứng lòng, và từ chối viếng thăm Hài Nhi, một cử chỉ đóng lại với ánh sáng. Có thể chúng ta cũng vậy, đóng con tim với anh chị em đang cần giúp đỡ. Ngược lại, các nhà Đạo sĩ, đại diện cho những người ở xa, đã để cho ngôi sao dẫn đường, đã đi quãng đường dài và nguy hiểm để biết sự thật về Đấng Mêsia. Và sau khi gặp Ngài, họ đã chọn lối khác để về. Mỗi lần một người gặp được Giêsu, thì sẽ đổi con đường, trở về cuộc sống với một cách thức khác. Và họ mang theo trên mình mầu nhiệm của vị Vua khiêm nhường và nghèo khó.

Chúng ta cũng vậy, cần chút thinh lặng trong tâm hồn để được ánh sáng của Chúa Giêsu chiếu giải. Đừng để con tim chúng ta đóng lại, nhưng can đảm mở ra cho ánh sáng này, chỉ đơn sơ và bé nhỏ.

Sau khi buổi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nhắc đến những ngày gần đây, 49 người được cứu trên hai con tàu của tổ chức phi chính phủ. Đức Thánh Cha kêu gọi các nhà lãnh đạo Châu Âu thể hiện sự liên đới cụ thể với những anh chị em này.

Kế đến, một số Giáo hội Đông phương, Công giáo cũng như Chính thống giáo, sử dụng niên lịch Giuliano, sẽ cử hành lễ Giáng Sinh vào ngày mai (tức thứ 2, 7/1). Đức Thánh Cha gởi lời chúc mừng trong tình hiệp thông huynh đệ Kitô hữu.

Lễ Hiển Linh cũng là Ngày Truyền Giáo của Thiếu Niên, năm nay mời các nhà truyền giáo rất trẻ trở thành “những vận động viên của Chúa Giêsu”, để làm chứng cho Tin Mừng trong gia đình, nơi trường học và cả những nơi giải trí.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha chào thăm những khách hành hương, đặc biệt đoàn diễu hành truyền thống đến quảng trường thánh Phêrô.

Hôm nay lễ Chúa Hiển Linh, ánh sáng là biểu tượng của Ngài. Nơi bài đọc trong sách ngôn sứ, ánh sáng này là lời hứa. Isaia đã hướng về Giêrusalem và nói: “Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu tỏ trên ngươi.” (60,1). Lời mời này của ngôn sứ hôm nay nói lại với chúng ta qua việc mừng Giáng Sinh của Chúa Giêsu và khích lệ chúng ta đến ánh sáng ở Bêlem.

Ánh sáng mà Isaia tiên báo, trong Tin Mừng, đó là sự hiện diện và gặp gỡ. Đức Giêsu, sinh ra ở Nagiaret, trong thành Vua Đavit, đã mang đến ơn cứu độ cho tất cả, những người ở gần cũng như ở xa. Thánh sử Maccô đã cho thấy nhiều cách thức phản ứng khác nhau trước sự kiện này. Hêrôđê và các kinh sư ở Giêrusalem thì cứng lòng, và từ chối viếng thăm Hài Nhi, một cử chỉ đóng lại với ánh sáng. Có thể chúng ta cũng vậy, đóng con tim với anh chị em đang cần giúp đỡ. Ngược lại, các nhà Đạo sĩ, đại diện cho những người ở xa, đã để cho ngôi sao dẫn đường, đã đi quãng đường dài và nguy hiểm để biết sự thật về Đấng Mêsia. Và sau khi gặp Ngài, họ đã chọn lối khác để về. Mỗi lần một người gặp được Giêsu, thì sẽ đổi con đường, trở về cuộc sống với một cách thức khác. Và họ mang theo trên mình mầu nhiệm của vị Vua khiêm nhường và nghèo khó.

Chúng ta cũng vậy, cần chút thinh lặng trong tâm hồn để được ánh sáng của Chúa Giêsu chiếu giải. Đừng để con tim chúng ta đóng lại, nhưng can đảm mở ra cho ánh sáng này, chỉ đơn sơ và bé nhỏ.

Sau khi buổi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nhắc đến những ngày gần đây, 49 người được cứu trên hai con tàu của tổ chức phi chính phủ. Đức Thánh Cha kêu gọi các nhà lãnh đạo Châu Âu thể hiện sự liên đới cụ thể với những anh chị em này.

Kế đến, một số Giáo hội Đông phương, Công giáo cũng như Chính thống giáo, sử dụng niên lịch Giuliano, sẽ cử hành lễ Giáng Sinh vào ngày mai (tức thứ 2, 7/1). Đức Thánh Cha gởi lời chúc mừng trong tình hiệp thông huynh đệ Kitô hữu.

Lễ Hiển Linh cũng là Ngày Truyền Giáo của Thiếu Niên, năm nay mời các nhà truyền giáo rất trẻ trở thành “những vận động viên của Chúa Giêsu”, để làm chứng cho Tin Mừng trong gia đình, nơi trường học và cả những nơi giải trí.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha chào thăm những khách hành hương, đặc biệt đoàn diễu hành truyền thống đến quảng trường thánh Phêrô.

Văn Yên, SJ

40 thừa sai bị sát hại trong năm 2018

40 thừa sai bị sát hại trong năm 2018

Sau 8 năm liên tiếp châu Mỹ là lục địa có số thừa sai bị sát hại cao nhất, thì trong năm 2018 này, châu Phi là nơi đứng đầu về con số thảm kịch này.

40 nhà truyền giáo bị sát hại

Theo số liệu thống kê của hãng tin Fides, 40 thừa sai bị sát hại trong năm 2018 gồm 35 linh mục, 1 chủng sinh và 4 giáo dân.

Tại châu Phi, có 19 linh mục, 1 chủng sinh và một giáo dân, tổng số là 21 vị bị sát hại; tại Mỹ châu có 12 linh mục và 3 giáo dân (15 vị); Á châu có 3 linh mục; châu Âu có 1 linh mục.

Nguyên nhân

Trong năm 2018 này cũng thế, nhiều nhà truyền giáo bị sát hại trong những vụ cướp bóc dã man trong bối cảnh xã hội nghèo khổ, xuống cấp, nơi mà bạo lực là quy luật của cuộc sống, còn chính quyền thì suy thoái vì tham nhũng, thỏa hiệp, hoặc nơi mà tôn giáo được sử dụng vì những mục đích khác.

Ở mọi nơi, các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân chia sẻ với dân chúng cuộc sống thường nhật bằng cách làm chứng cho Tin mừng bằng tình yêu và phục vụ mọi người, như dấu chỉ của hy vọng và hòa bình, khi tìm cách xoa dịu các đau khổ của những người yếu đuối và lên tiếng bảo vệ những quyền lợi của họ đang bi chà đạp bằng cách tố cáo các sự ác và bất công.

Ngay cả khi phải đối mặt với các tình huống nguy hiểm đến sự an ninh của chính mình, trước những lời kêu gọi của chính quyền dân sự hoặc của các bề trên dòng tu, các nhà truyền giáo vẫn ở lại nơi chốn của họ, dù nhận thức được những rủi ro mà họ gặp phải, để trung thành với sứ vụ của họ.

Hồng Thủy

Chúc mừng ĐTC Phanxicô tròn 82 tuổi

Chúc mừng ĐTC Phanxicô tròn 82 tuổi

ĐTC Phanxicô sinh ngày 12/12/1936 tại Buenos Aires, Argentina, với tên gọi Jorge Mario Bergoglio. Ngài là con của một gia đình di dân người Ý gốc miền Piemonte. Khi còn trẻ, cậu bé Jorge muốn sẽ trở thành một người bán thịt. Jorge cũng có đam mê ca hát, niềm đam mê xuất phát từ thói quen nghe chương trình ca nhạc nhẹ trên radio mỗi ngày. Ngay từ thời niên thiếu, cậu Jorge đã được cha dạy về tầm quan trọng của lao động. Học nhiều nghề khác nhau và cậu Jorge đã tốt nghiệp kỹ thuật viên hóa học.

Ơn gọi

Nhưng điều quan trọng nhất trong cuộc đời của cậu Jorge chính là đức tin, được người bà Rosa Margherita Vassallo nuôi dưỡng, và chính đức tin này đã làm nảy sinh ơn gọi của cậu Jorge.

Năm 1958, cậu Jorge gia nhập chủng viện và sau đó chọn vào nhà Tập của dòng Tên. Trong thời gian này, thầy Jorge bị viêm phổi nặng và nhờ sơ Cornelia Caraglio, một ý tá, đã thuyết phục bác sĩ sử dụng đúng liều kháng sinh, mà thầy Jorge được cứu sống.

Linh mục

Năm 1968, thầy Jorge được lãnh nhận thiên chức linh mục. Trong ngày đó, bà của cha Jorge đã trao cho cha Jorge một lá thư và vị linh mục trẻ đã giữ trong sách nguyện của mình; trong lá thư đó bà của cha nói với tất cả các cháu: “Chúng ta đã có một cuộc sống lâu dài và hạnh phúc. Nhưng nếu một ngày mà nỗi đau, bệnh tật hay việc mất một người thân yêu khiến cho các cháu bị thất vọng, các cháu hãy nhớ rằng một hơi thở trước Nhà Tạm Mình Thánh Chúa, nơi có vị tử đạo vĩ đại và mạnh mẽ nhất, và một cái nhìn về Mẹ Maria, người đã đứng dưới chân thập giá, có thể ban xuống sự xoa dịu trên các vết thương sâu thẳm và đau đớn nhất.”

Giám mục Buenos Aires

Năm 1973, cha Jorge được bổ nhiệm làm giám tỉnh dòng tên ở Argentina. Năm 1991, cha được tấn phong Giám mục và ngày 28/02/1998, Đức cha Jorge Bergoglio được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Buenos Aires, Giáo chủ Argentina.

Trong Công nghị Hồng y ngày 21/02/2001, thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm Đức cha Jorge Bergoglio làm Hồng y

Kế vị thánh Phêrô

Sau khi ĐGH Biển đức XVI từ chức, trong mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng, vào ngày 13/03/2013, các Hồng y đã chọn ĐHY Bergoglio làm Giáo hoàng.

Vào ngày 19/02/2017, trong lần viếng thăm một giáo xứ ở Roma, một cậu bé đã hỏi ĐTC Phanxicô tại sao ngài được bầu làm Giáo hoàng, ngài trả lời: “Người được chọn làm Giáo hoàng không nhất thiết phải là người thông minh nhất. Nhưng là người mà Thiên Chúa muốn chọn vào thời điểm đó của Giáo hội.”

ĐTC Phanxicô đã giải thích lý do ngài chọn tên hiệu Giáo hoàng là Phanxicô; ngài đã nghĩ đến thánh Phanxicô thành Assisi, “con người của sự nghèo khó, con người của hòa bình, con người yêu thương và bảo vệ thụ tạo”.

Lời chúc mừng của Hội đồng Giám mục Ý

Trong ngày sinh nhật lần thứ 83, ĐTC Phanxicô nhận được nhiều lời chúc mừng. Hội đồng Giám mục Ý đã gửi sứ điệp chúc mừng đến ĐTC, trong đó có lời chúc: “Kính thưa ĐTC, trong ngày lễ hôm nay, chúng con xin chúc ĐTC cảm thấy  lòng biết ơn của toàn Giáo hội và cảm nhận sự phong phú vô cùng mà Ân sủng khơi dậy trong thời đại chúng ta. ĐTC đã không ngừng yêu cầu chúng con cầu nguyện cho ĐTC và đó là món quà quý giá nhất mà chúng con bảo đảm với ĐTC, nhân danh tất cả cộng đoàn Giáo hội ở Ý.

Lời chúc mừng của Tổng thống Ý

Tổng thống Ý, ông Sergio Mattarella, nhân danh toàn thể nhân dân Ý, cũng gửi sứ điệp chúc mừng ĐTC Phanxicô. Trước hết ông Mattarella đề cao lời ĐTC mời gọi các dân tộc đối diện với các thách thức ngày nay cách can đảm và công bình, tìm kiếm đối thoại và cảm thông để xoa dịu các vết thương xã hội và đưa các dân tộc đến hòa giải. Ông cũng biết ơn sự quan tâm của ĐTC dành cho nước Ý, đặc biệt trong biến cố tuyên thánh cho ĐGH Phaolô VI.

Trong sứ điệp, Tổng thống Ý viết: “Với lòng biết ơn, trong những tuần tới đây, hàng triệu người nam nữ, các tín hữu cũng như những người không phải là tín hữu, hướng về Roma và lắng nghe những lời của ngài, là những lời mang thông điệp về niềm hy vọng phổ quát và mời gọi là chứng tá xác thực hơn về các giá trị tinh thần và đạo đức chứa đựng trong lễ Giáng sinh.”

“Ad multos annos”, “cầu chúc ĐTC sống lâu”. Đó là lời cầu chúc của Tổng thống Ý. Ông cũng gửi đến ĐTC những lời chúc mừng lễ Giáng sinh tốt đẹp và những lời bày tỏ sự quan tâm cao nhất và tình cảm chân thành của tất cả người dân Ý.

Bánh sinh nhật: ĐTC và giới trẻ

Như truyền thống, tiệm bánh ngọt và kem Hedera ở đường Borgo Pio, đã làm một cái bánh mừng sinh nhật ĐTC Phanxicô.

Ông chủ tiệm bánh, Francesco Ceravolo, và các nhân viên của mình không chỉ đơn giản làm một cái bánh mừng ĐTC nhưng còn là một sứ điệp, như mỗi năm.

Ngọc Yến, Vatican

ĐTC Phanxicô: “Này con đây” nghĩa là tín thác nơi Chúa mỗi ngày

ĐTC Phanxicô: "Này con đây" nghĩa là tín thác nơi Chúa mỗi ngày

Tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin với ĐTC tại Quảng trường Thánh Phêrô có khoảng 20 ngàn tín hữu và khách hành hương. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã quảng diễn đoạn Tin Mừng thuật lại cuộc truyền tin cho Đức Maria, đặc biệt là lời thưa của Mẹ: ”Eccomi”, Này con đây!

Lời thưa của Adam và lời thưa của Mẹ Maria

ĐTC bắt đầu bài huấn dụ bằng việc so sánh lời thưa với Thiên Chúa của Adam trong bài đọc thứ nhất trích từ sách Sáng thế và lời thưa của Đức Mẹ trong bài Tin mừng theo thánh Luca. Trong bài đọc thứ nhất, có một con người ngay từ ban đầu nói không với Thiên Chúa. Trong bài Tin mừng thì chính Đức Mẹ Maria, vào buổi Truyền tin, đã thưa vâng với Thiên Chúa. Trong cả hai bài đọc, chính Thiên Chúa tìm kiếm con người. Nhưng trong trường hợp thứ nhất, Thiên Chúa đến với Adam, sau khi ông đã phạm tội, và hỏi ông: “Ngươi đang ở đâu?” (St 3,9) và ông đáp lại: “Tôi đang ẩn trốn” (c.10). Ngược lại, trong trường hợp thứ hai, Thiên Chúa đến với Mẹ Maria, tinh tuyền vô tội, và Mẹ đã thưa với Chúa: “Này con là tôi tớ Chúa” (Lc, 1,38). Lời thưa “này con đây” trái ngược với câu đáp “tôi đang ẩn trốn”. Thưa “Này con đây” là mở lòng mình ra với Chúa, trong khi tội lỗi thì đóng lại, khép kín, làm cho người ta cô đơn với chính mình.

Mỗi ngày bắt đầu với lời thưa “này con đây”…

 “Này con đây” là từ khóa của cuộc sống. Nó đánh dấu sự chuyển đổi từ cuộc sống theo chiều ngang, quy hướng về chính mình và các nhu cầu của mình, đến một cuộc sống theo chiều dọc, hướng đến Thiên Chúa. “Này con đây” là sẵn sàng với Chúa, đó là phương dược chữa lành sự ích kỷ, là thuốc giải cho một cuộc sống bất mãn, trong đó người ta luôn thiếu một cái gì đó. “Này con đây” là cách chữa trị chống lại sự già nua của tội lỗi, là cách trị liệu để giữ được sự trẻ trung nội tâm. “Này con đây” là tin rằng Thiên Chúa thì hơn cái tôi của tôi. Đó là chọn đặt cược vào Chúa, ngoan ngoãn trước những bất ngờ Chúa đưa đến. Vì vậy, thưa “Này con  đây” với Thiên Chúa là lời ngợi khen lớn lao nhất mà chúng ta có thể thưa với Người. Tại sao chúng ta không bắt đầu những ngày sống của mình như thế? Thật là đẹp khi mỗi sáng chúng ta nói: “Lạy Chúa, này con đây, ngày hôm nay xin thánh ý Chúa được thể hiện trong con”. Chúng ta sẽ thưa điều này trong Kinh Truyền Tin, nhưng bây giờ chúng ta đã có thể cùng nhau lặp lại: “Lạy Chúa, này con đây, ngày hôm nay xin thánh ý Chúa được thể hiện trong con”.

Cám dỗ nguyên thủy: đừng tin vào Thiên Chúa

Mẹ Maria nói với Sứ Thần Chúa: “Xin xảy ra cho con theo lời Ngài.” Mẹ không nói: “Xin xảy ra như ý con”, nhưng “theo ý Ngài”. Mẹ không đặt giới hạn cho Chúa. Mẹ không suy nghĩ: “tôi dành cho Người một ít, tôi làm nhanh nhanh và rồi tôi làm điều tôi muốn.” Không! Mẹ Maria không chỉ yêu Chúa khi sự việc xảy ra hợp ý Mẹ. Mẹ sống tín thác vào Chúa trong tất cả và vì tất cả. Đây là bí quyết của cuộc sống. Tất cả những ai tín thác vào Chúa trong tất cả thì có thể thực hiện được. Thật ra Thiên Chúa đau khổ khi chúng ta thưa với Người như Adam đã thưa: “Tôi sợ hãi và tôi đã ẩn trốn. Thiên Chúa là Cha, người cha hiền lành nhất trong các người cha, và mong muốn các con tin tưởng nơi mình. Ngược lại, đã bao nhiêu lần chúng ta nghi ngờ Thiên Chúa, chúng ta nghĩ rằng Người có thể gửi đến cho chúng ta những thử thách, lấy đi sự tự do của chúng ta, bỏ rơi chúng ta. Nhưng đây là một sự lừa dối khủng khiếp, là sự cám dỗ từ nguyên thủy, cám dỗ của ma quỷ: đừng tín thác nơi Chúa. Mẹ Maria vượt qua cám dỗ đầu tiên này với lời thưa “này con đây”. Và hôm nay chúng ta chiêm ngắm vẻ đẹp của Đức Mẹ, sinh ra và sống không tội lỗi, luôn ngoan ngoãn và trong sáng đối với Thiên Chúa.

Không để tâm đến những đồn đoán nhưng tin tưởng vào Thiên Chúa

ĐTC khẳng định rằng không thể nói là cuộc sống của Mẹ thật dễ dàng. Việc ở cùng Thiên Chúa không giúp giải quyết các vấn đề cách kỳ diệu như ảo thuật. Đoạn kết của Tin mừng hôm nay nhắc: “Thiên Thần từ biệt bà” (c. 38). Từ biệt: một động từ mạnh mẽ. Thiên thần để Đức Trinh nữ một mình trong tình cảnh khó khăn. Đức Mẹ biết là Mẹ sẽ trở thành Mẹ của Thiên Chúa theo cách thức đặc biệt nhưng thiên thần không giải thích điều này với những người khác. Và các rắc rối xuất hiện ngay lập tức: chúng ta nghĩ đến những trường hợp không hợp luật lệ, đến sự khó chịu đau khổ của thánh Giuse, đến những kế hoạch sống bị hủy bỏ, đến những điều mà thiên hạ có thể nói…

Cách giải quyết của Mẹ Maria là đặt niềm tin nơi Thiên Chúa trước những vấn đề. Thiên thần đã giã từ Mẹ, nhưng Mẹ tin rằng Thiên Chúa ở với Mẹ và trong Mẹ. Và Mẹ tin tưởng tín thác. Và chắc chắn rằng với Chúa, ngay cả trong cách thức không được chờ đợi, mọi sự sẽ tốt đẹp. Đây là thái độ khôn ngoan: không sống dựa trên các vấn đề – một vấn đề kết thúc thì người ta sẽ đưa ra một vấn đề khác – nhưng tín thác vào Thiên Chúa và phó thác mọi sự cho Người: “này con đây!”. Chúng ta cầu xin Mẹ Vô nhiễm ơn để sống như thế.

Hồng Thủy, Vatican

ĐTC Phanxicô: Học cầu nguyện từ Chúa Giêsu

ĐTC Phanxicô: Học cầu nguyện từ Chúa Giêsu

Trong buổi tiếp kiến chung dành cho khoảng 10 ngàn tín hữu vào sáng thứ tư 05/12, ĐTC bắt đầu loạt bài giáo lý mới về “Kinh Lạy Cha”. Kinh Lạy Cha xuất phát từ đời sống cầu nguyện của chính Chúa Giêsu và Chúa đã dạy cho các môn đệ.

Chúa Giêsu là người cầu nguyện

Các Tin mừng trình bày cho chúng ta những bức chân dung rất sống động của Chúa Giêsu: như một con người cầu nguyện. Dù cho những khẩn cấp của sứ vụ và các nhu cầu khẩn thiết của dân chúng đang kêu cầu Người cứu giúp, Chúa Giêsu cảm thấy cần tách mình ra khỏi họ, sống trong cô tịnh và cầu nguyện.

Tin mừng thánh Marco thuật lại với chúng ta về chi tiết này ngay từ trang đầu nói về sứ vụ công khai của Chúa Giêsu (x. 1,35). Ngày khai mạc sứ vụ của Chúa Giêsu tại Caphácnaum đã kết thúc cách thành công. Khi mặt trời lặn, nhiều người đau yếu đã tìm đến nơi Chúa Giêsu đang ở: Đấng Cứu Thế giảng dạy và chữa lành. Những lời tiên tri xưa kia và các chờ mong của dân chúng đang đau khổ được thực hiện: Chúa Giêsu là Thiên Chúa gần gũi, một Thiên Chúa giải phóng. Nhưng đám đông đó vẫn chỉ là một số nhỏ so với nhiều đám đông khác sẽ tụ họp xung quanh vị ngôn sứ của Nadarét; đôi khi là đám đông ở bờ biển và Chúa Giêsu ở trung tâm của tất cả, là niềm mong chờ của dân chúng, là chung cục của niềm hy vọng của Israel.

Đấng Cứu Thế đúng nghĩa, không gắn chặt với dân chúng

Tuy nhiên Chúa Giêsu đã không để mình bị bó buộc; Người không trở thành con tin của những mong đợi của những người đã chọn Người làm lãnh đạo. Có một nguy hiểm đối với những người lãnh đạo, đó là quá gắn chặt với dân chúng, không giữ khoảng cách. Chúa Giêsu nhận ra điều này và không trở thành con tin của dân chúng. Từ đêm đầu tiên ở Caphácnaum, Chúa Giêsu đã chứng tỏ mình là một Đấng Cứu Thế đúng nghĩa. Khi đêm gần qua, khi mà bình minh đang bắt đầu ló dạng, các môn đệ vẫn đang tìm kiếm Chúa nhưng vẫn không thể tìm thấy Người. Cuối cùng, Phêrô tìm thấy Người ở một nơi vắng vẻ, hoàn toàn đắm mình trong cầu nguyện. Ông nói với Chúa Giêsu: “Tất cả mọi người đang tìm Thầy!” (Mc. 1,37). Câu than vãn cho thấy sự thành công được mọi người nhìn nhận, chứng cứ của sự thành công tốt đẹp của một sứ vụ.

Nhưng Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người rằng Người phải đi nơi khác; không phải là dân chúng tìm kiếm Người nhưng trên hết, chính Người sẽ đi tìm kiếm họ. Đối với Chúa, không được bén rễ ở một nơi nhưng cần tiếp tục là một người hành hương trên những nẻo đường xứ Galilê (cc. 38-39). Và cũng là người hành hương về với Chúa Cha, nghĩa là bằng cầu nguyện. Trong hành trình cầu nguyện. Tất cả xảy ra trong một đêm cầu nguyện.

Cầu nguyện hướng dẫn tất cả các hoạt động của Chúa Giêsu

Trong một số trang Kinh thánh, dường như việc Chúa Giêsu cầu nguyện, sự gắn bó thân mật của Người với Chúa Cha hướng dẫn tất cả các hoạt động của Chúa Giêsu; ví dụ trong đêm ở vườn Ghết-sê-ma-ni. Bức tranh cuối cùng về cuộc hành trình của Chúa Giêsu (chắc chắn là giờ phút khó khăn nhất trong số những điều Chúa Giêsu đã làm cho đến nay) dường như được thấy rõ nghĩa trong việc Chúa Giêsu liên tục lắng nghe Chúa Cha. Chắc chắn đó là một lời cầu nguyện không dễ dàng, thật ra là một cơn hấp hối thật sự, hổn hển như các vận động viên trong cuộc thi, nhưng là một lời cầu nguyện có thể nâng đỡ cuộc hành trình thập giá.

Chúa Giêsu đã cầu nguyện

Chúa Giêsu đã cầu nguyện sốt sắng trong những buổi cầu nguyện chung khi chia sẻ phụng vụ với dân của Người nhưng Người tìm những nơi để suy tư, tách biệt khỏi cơn lốc của thế giới, những nơi cho phép đi vào sâu thẳm của linh hồn mình: Người là vị tiên tri biết những hòn đá của sa mạc và trèo lên núi cao. Những lời cuối cùng của Chúa Giêsu, trước khi thở hơi cuối cùng trên thập giá, là các lời của các thánh vịnh, nghĩa là những lời cầu nguyện của người Do thái: Người cầu nguyện bằng những kinh nguyện mà mẹ đã dạy cho Người.

Chúa Giêsu là thầy dạy cầu nguyện

Chúa Giêsu đã cầu nguyện như mọi người trên thế giới. Tuy nhiên, trong cách thế cầu nguyện của Người, có một điều mầu nhiệm, một điều gì đó mà chắc chắn các môn đệ của Người đã nhìn thấy, do đó họ xin: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11,1). Họ thấy Chúa cầu nguyện và họ muốn học cầu nguyện như Người. Và Chúa Giêsu không từ chối lời cầu xin của họ, Người không ghen tương nếu các môn đệ có mối liên hệ mật thiết với Chúa Cha, nhưng Người đã đến chính là để giới thiệu với chúng ta mối tương quan này. Và như thế Chúa đã trở thành thầy dạy cầu nguyện của các môn đệ, và chắc chắn Người cũng muốn là thầy dạy cầu nguyện cho tất cả chúng ta. Cả chúng ta cũng phải cầu xin: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”.

Luôn phải học cầu nguyện!

Ngay cả nếu dường như chúng ta đã cầu nguyện từ nhiều năm, chúng ta luôn phải học cầu nguyện! Lời cầu nguyện của con người, khao khát này nảy sinh cách tự nhiên từ linh hồn con người, có lẽ là một trong những bí ẩn sâu xa nhất của vũ trụ. Và chúng ta thậm chí không biết nếu những lời cầu nguyện mà chúng ta thưa với Chúa có thực sự là những điều mà Người muốn nghe chúng ta thưa không.

Lời cầu nguyện khiêm nhường được Thiên Chúa lắng nghe

Kinh Thánh cũng cho chúng ta thấy những lời cầu nguyện không xứng hợp, cuối cùng bị Thiên Chúa từ chối: chỉ cần nhớ dụ ngôn của người Pha-ri-sêu và người thu thuế. Chỉ người thu thuế từ đền thờ trở về nhà được nên công chính, vì người Pha-ri-sêu kiêu ngạo và thích được dân chúng thấy mình cầu nguyện và họ giả vờ cầu nguyện: trái tim của họ thì lạnh giá. Và Chúa Giêsu nói: người này không được nên công chính, "vì ai tự tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên" (Lc 18,14). Bước đầu tiên để cầu nguyện là khiêm nhường, đến với Chúa Cha và thưa: “Nhưng, thưa Cha…”, đến với Đức Mẹ: “Nhưng, xin Mẹ nhìn con, con là đứa tội lỗi, con yếu đuối, con xấu xa…”. Nhưng chúng ta luôn bắt đầu với sự khiêm nhường và Chúa lắng nghe chúng ta. Lời cầu nguyện khiêm nhường được Thiên Chúa lắng nghe.

“Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện!”

Vì thế, khi bắt đầu loạt bài giáo lý về việc cầu nguyện của Chúa Giêsu, điều đẹp nhất và thích hợp nhất mà tất cả chúng ta phải làm đó là lập lại lời cầu xin của các môn đệ: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện!”. Chắc chắn Chúa sẽ không để cho lời cầu xin của chúng ta rơi vào trong hư không.

Hồng Thủy

Đức Mẹ Maria không thể là mẹ của những kẻ tham nhũng

Đức Mẹ Maria không thể là mẹ của những kẻ tham nhũng

Nói về chủ đề tham nhũng trong buổi phát sóng thứ 7 trong chương trình “Ave Maria”, ĐTC nói rằng nếu tôi nói đó không phải là kẻ tội lỗi thì tôi sẽ là kẻ tham nhũng hơn.”

Những kẻ tham nhũng

ĐTC nói: “Đức Mẹ Maria không thể là mẹ của những kẻ tham nhũng bởi vì họ bán đi người mẹ, bán đi sự thuộc về dân tộc, thuộc về gia đình. Họ chỉ tìm lợi ích kinh tế, trí tuệ và chính trị của riêng họ. Họ chọn lựa cách ích kỷ, tôi có thể nói nó thuộc về satan. Họ đóng cánh cửa từ bênt rong và Mẹ Maria không thể vào được. Họ không để cho người mẹ đi vào.” ĐTC giải thích: “Vì thế, họ khép kín chính mình, họ không cần một người mẹ, không cần người cha, không cần thuộc về dân tộc, quốc gia, hay gia đình. Họ sống trong chủ nghĩa cá nhân và cha của thứ này, kẻ dạy cho họ điều này, chính là ma quỷ.”

ĐTC cầu nguyện rằng “cầu cho có một trận động đất có thể lay chuyển họ đến mức họ nhận ra rằng thế giới không này không được bắt đầu với họ và sẽ không kết thúc với họ.”

Mẹ Maria đón nhận tất cả

Tuy nhiên, Đức Mẹ đón chào tất cả. ĐTC giải thích thêm về điều này, ngài nói: “Đức Maria đồng hành với chúng ta là những kẻ tội lỗi, mỗi người với tội lỗi của mình và cầu nguyện cho những kẻ tội lỗi chúng ta. Chúng ta phải nói với Mẹ Maria: ‘Con là kẻ tội lỗi, nhưng xin Mẹ gìn giữ con.’ Và Đức Mẹ gìn giữ chúng ta”.

ĐTC minh chứng điều này bằng câu chuyện về tuổi thơ của ngài. Ngài kể: “Mẹ của tôi, khi nói với 5 đứa con chúng tôi, bà nói: ‘Các con của tôi giống như các ngón tay của bàn tay: tất cả đều khác nhau, nhưng nếu một ngón tay của tôi bị thương thì nó cũng đau như thể một ngón tay khác bị thương.”

Hồng Thủy, Vatican

ĐTC Phanxicô: Giới luật giúp nhận ra mình cần được cứu độ và mở lòng ra với Chúa

ĐTC Phanxicô: Giới luật giúp nhận ra mình cần được cứu độ và mở lòng ra với Chúa

Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 21/11, ĐTC Phanxicô đã giải thích về các lệnh truyền cuối cùng trong Mười Giới răn: chớ muốn vợ chồng người và chớ tham của người. Ngài nhấn mạnh rằng những lời cuối cùng của Mười Điều răn không chỉ là những lời kết thúc bản văn nhưng nó hoàn tất cuộc hành trình xuyên suốt Mười Giới răn, khi đi đến trọng tâm của tất cả những gì Mười Giới răn dạy chúng ta. Hai lệnh truyền cuối cùng này không phải là một nội dung mới được thêm vào, vì các chỉ dẫn “chớ muốn vợ chồng người và chớ tham của người” đã tiềm ẩn trong các giới răn chớ ngoại tình và chớ trộm cắp.

Gốc rễ của tội lỗi là các ham muốn xấu

 

ĐTC giải thích ý nghĩa của hai giới răn này, ngài nói: tất cả các lệnh truyền đều nhắm chỉ ra ranh giới của cuộc sống, giới hạn mà nếu vượt qua nó thì con người hủy hoại chính mình và tha nhân của mình, làm hư hoại mối quan hệ của mình với Thiên Chúa. Những lời cuối cùng của Mười Giới răn nhấn mạnh rằng mọi sự vi phạmđều phát sinh từ một gốc rễ chung là “các mong muốn gian ác.”

Theo ĐTC, mọi tội lỗi xuất phát từ ham muốn xấu. Ham muốn đó lay động trái tim con người và người ta bị cuốn vào cơn sóng đó và vi phạm giới luật. Nó không phải là một vi phạm bình thường mà là vi phạm luật pháp: khi vi phạm giới luật, người ta làm thương tổn chính mình và người khác.

Cần giải phóng con tim khỏi những điều gian ác xấu xa

ĐTC nhắc rằng trong Tin mừng, Chúa Giêsu đã nói rõ rằng: “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7,21-23).

Do đó chúng ta hiểu rằng tất cả hành trình của Mười Giới răn sẽ không có ích lợi gì nếu không đạt đến mức độ trái tim con người. Mười Giới răn nói một cách rõ ràng và sâu sắc về điểm này: điểm đến của hành trình là trái tim con người. Nếu trái tim không được tự do thì những điều khác không giúp được gì. Đây là một thách đố: Giải phóng con tim khỏi những điều gian ác xấu xa. Những giới luật của Chúa có thể bị giảm nhẹ đến mức chỉ còn là bề mặt đẹp đẽ của một cuộc sống mà thật ra chỉ còn là nô lệ chứ không phải là con cái. Đàng sau chiếc mặt nạ giả hình của sự đúng đắn làm cho người ta ngộp thở thường có che đậy điều gì đó xấu xa và không được giải quyết.

Hai giới răn cuối giúp nhận ra sự nghèo khó thiêng liêng

ĐTC nhắc nhở chúng ta phải để cho mình được các giới răn về ước muốn này lột đi lớp mặt nạ, để  chúng có thể chỉ cho chúng ta thấy sự nghèo khó của chúng ta và dẫn chúng ta đến một sự khiêm hạ thánh thiện. Mỗi người chúng ta tự hỏi. nhưng những ao ước xấu xa nào thường xuất hiện nơi tôi? Ganh tị, tham lam, nói hành? Tất cả những điều này xuất phát từ trong lòng tôi. Con người cần sự khiêm nhường được chúc phúc này: nhờ sự khiêm hạ này con người khám phá ra rằng tự mình không thể giải phóng chính mình, mà với sự khiêm hạ này, con người kêu lên cùng Thiên Chúa để được cứu độ. Thánh Phaolô đã giải thích điều này một cách tuyệt với khi nói đến giới răn đừng ham muốn (x. Rm 7,7-24).

Để sửa mình, cần có ơn Chúa Thánh Thần

Tiếp tục bài huấn dụ, ĐTC nhấn mạnh đến ơn Chúa Thánh Thần trong việc hoán cải sửa mình vì thật là vô ích khi nghĩ rằng mình có thể tự sửa mình. Cũng thật vô ích khi nghĩ rằng mình có thể thanh tẩy con tim của mình bằng nỗ lực to lớn theo ý chí của mình. Cần cởi mở mình ra trong tương quan với Thiên Chúa, trong sự thật và trong tự do: chỉ như thế những mệt mỏi của chúng ta mới có thể sinh kết quả, bởi vì chúng ta có thể tiến bước khi có Chúa Thánh Thần.

Giới luật đưa con người đến với chân lý – nhận ra sự nghèo khó của mình

ĐTC giải thích về vai trò của các giới luật như sau: Luật lệ thánh kinh không phải để khiến cho con người ảo tưởng rằng chỉ cần vâng lời cách triệt để, từng chữ thì có thể được hưởng ơn cứu độ nhân tạo mà sẽ không thể đạt được bằng cách khác. Giới luật là để đưa con người đến với chân lý, tức là sự nghèo khó của mình, một sự nghèo khó chân thật và của cá nhân, được mở ra trước lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng biến đổi và canh tân chúng ta. Chỉ mình Thiên Chúa có thể canh tân con tim chúng ta miễn là chúng ta mở lòng ra với Người; đó là điều kiện duy nhất: Chúa làm tất cả nhưng chúng ta phải mở lòng ra với Người.

Những lời cuối cùng của Mười Giới răn dạy chúng ta nhận biết mình là những người hành khất, những kẻ ăn mày; nó giúp chúng ta đặt mình trước sự hỗn loạn của con tim mình, để thôi sống cách cá nhân ích kỷ và để trở thành những người nghèo trong tinh thần, những người nghèo thật sự bên cạnh Chúa Cha khi để cho mình được Chúa Con cứu chuộc và được Chúa Thánh Thần dạy dỗ. Chúa Thánh Thần là thầy dạy chúng ta: chúng ta hãy để cho Người giúp chúng ta. Chúng ta là những người ăn mày, chúng ta xin ơn nhận ra điều này.

Thông cảm và thương xót vì chính mình đã được xót thương

ĐTC kết thúc bài giáo lý bằng những lời trong Tám mối Phúc thật: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (MT 5,3). Đúng thế. Phúc cho những ai thôi lừa dối mình khi tin rằng mình có thể được cứu độ nhờ sự yếu đuối mà không cần lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng duy nhất có thể chữa lành. Chỉ có lòng thương xót của Thiên Chúa chữa lành được con tim. Phúc cho những ai nhận ra những ước muốn xấu của mình và với con tim thống hối và khiêm nhường, họ không đứng trước Thiên Chúa và tha nhân như những người công chính, nhưng như các tội nhân. Điều thánh Phêro thưa với Chúa Giêsu thật hay: “Xin hãy tránh xa con, lạy Chúa, vì con là người tội lỗi.” Thật là đẹp lời cầu nguyện này: “Xin hãy tránh xa con, lạy Chúa, vì con là người tội lỗi.” Đây là những người biết có sự thương cảm, lòng thương xót với người khác bởi vì chính họ đã trải nghiệm điều đó.

Cầu nguyện cho các nữ tu chiêm niệm

Trong lời chào các tín hữu hiện diện tại quảng trường, ĐTC cũng nhắc rằng hôm nay phụng vụ mừng lễ Đức Mẹ Maria dâng mình vào Đền thánh, chúng ta cử hành ngày “Vì đời sống cầu nguyện”, được dành để nhớ đến các cộng đoàn dòng tu chiêm niệm. Đây là cơ hội thuận tiện hơn lúc nào hết để tạ ơn Chúa về món quà bao nhiêu người. trong các đan viện cũng như những nơi ẩn tu, dâng mình hoàn toàn cho Thiên Chúa trong cầu nguyện, trong thinh lặng và trong sự ẩn mình. ĐTC mời gọi của toàn thể Giáo hội đừng quên yêu thương, gần gũi và trợ giúp cả về vật chất cho các cộng đoàn đan tu.

Hồng Thủy – Vatican

ĐTC Phanxicô cử hành Thánh lễ Ngày Thế giới Người Nghèo lần II

ĐTC Phanxicô cử hành Thánh lễ Ngày Thế giới Người Nghèo lần II

Trong Thánh lễ Ngày Thế giới Người Nghèo lần II, ĐTC Phanxicô mời gọi các tín hữu noi gương Chúa Giêsu yêu thương vô vị lợi. Ngài nhấn mạnh rằng gia tài thật sự là Thiên Chúa và tha nhân.

Lúc 10 giờ sáng Chúa nhật hôm qua, ĐTC Phanxicô đã chủ sự Thánh lễ tại đền thờ thánh Phêrô nhân ngày thế giới người nghèo lần thứ hai. Đồng tế với ĐTC trong Thánh lễ có 15 HY, 35 GM và khoảng 200 LM, cùng với sự hiện diện tham dự của khoảng 6000 người nghèo.

Trong bài giảng, dựa trên đoạn Tin mừng theo thánh Mt 14,22-33, kể lại việc Chúa Giêsu, sau khi đã hóa bánh ra nhiều cho dân chúng ăn no, Ngài yêu cầu các môn đệ rời đi, rồi Ngài giải tán dân chúng, và Ngài lên núi cầu nguyện, rồi khi các môn đệ đang ở trên thuyền và lo sợ vì bão tố giữa đêm đen thì Chúa Giêsu xuất hiện, trấn an họ, ĐTC mời gọi các tín hữu quan sát 3 hành động của Chúa Giêsu trong đoạn Tin mừng nói trên và học theo Chúa Giêsu: biết rời đi khi thành công để không dính bén với thành công của cải; biết trấn an, an ủi người khác khi họ gặp khó khăn; và cuối cùng là biết đưa tay ra, giúp đỡ những người khốn khổ.

Thứ nhất: Rời bỏ sự thành công và yên hàn

Đầu tiên là rời đi. Chúa Giêsu rời bỏ đám đông khi đang trên đỉnh điểm thành công, khi được dân chúng tung hô sau khi đã hóa bánh ra nhiều. Trong khi các môn đệ của Ngài muốn tận hưởng giây phút vinh quang thì Ngài lại yêu cầu họ rời đi và Ngài giải tán đám đông (x Mt 14,22-23). Khi được đám đông tìm kiếm thì Ngài lại tìm ở một mình; khi mà sự nôn nóng thúc đẩy mọi người đi xuống đồng bằng gặp Chúa Giêsu thì Ngài lại lên núi cầu nguyện; rồi giữa đêm tối Chúa đến với các môn đệ trên mặt nước. Trong tất cả mọi sự kiện, Chúa Giêsu luôn đi ngược dòng: đầu tiên là rời bỏ sự thành công và tiếp đến là thanh thản. Qua đó, Ngài dạy chúng ta biết can đảm rời bỏ: rời bỏ sự thành công làm cho con tim hãnh diện tự mãn và rời bỏ sự thanh thản làm cho tâm hồn ngủ quên.

Đi lên với Chúa bằng cầu nguyện và đi xuống với tha nhân qua yêu thương

 

Nhưng rời bỏ để đi đâu? Để đến với Chúa qua việc cầu nguyện và đến với những người nghèo khổ bằng cách yêu thương, ĐTC nói: vì “kho tàng thật sự của cuộc sống chính là: Thiên Chúa và tha nhân. Đi lên với Thiên Chúa và đi xuống đến với tha nhân, đây là con đường Chúa Giêsu đã chỉ.” Chúa Giêsu đã tách các môn đệ của Ngài ra khỏi tình trạng tiện nghi thoải mái, khỏi sự nhàn rỗi của những thỏa mãn nhỏ nhặt thường ngày. Các môn đệ không được chọn để sống tĩnh lặng trong cuộc sống bình thường. Họ cũng được mời gọi như Thầy của mình, dong duổi trên đường, hành trang gọn nhẹ, sẵn sàng rời bỏ giây phút vinh quang, cảnh giác để không bị dính bén với của cải chóng qua. Kitô hữu biết rằng quê hương của mình ở trên trời như thánh Phaolô đã nhắc trong thư gửi tín hữu Êphêsô: “là đồng hương với các thánh và người nhà của Thiên Chúa.” (Ep 2,19).

Giáo hội bước đi, biết rời bỏ và trung thành phục vụ

ĐTC mời gọi các tín hữu như những người lữ hành, chúng ta không thu góp của cải; vinh quang của chúng ta nằm ở chỗ bỏ lại sau lưng những thứ sẽ qua đi để nắm chặt lấy những điều sẽ tồn tại mãi. Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta trở nên như Giáo hội trong bài sách Công vụ tông đồ: luôn luôn bước đi, biết rời bỏ và trung thành phục vụ (x. Cv 28,11-14).

Lạy Chúa xin nâng chúng con dậy từ sự thanh thản lười biếng, từ sự ru ngủ thinh lặng của những bến cảng an toàn của chúng con. Xin hãy giải thoát chúng con khỏi sự gắn chặt vào việc tự quy chiếu nơi mình làm giảm nhẹ cuộc sống; xin giải phóng chúng con khỏi thái độ luôn tìm kiếm thành công. Xin dạy chúng con biết cách “rời bỏ” để khởi hành trên con đường mà Chúa đã chỉ cho chúng con: đến với Chúa và tha nhân.

Thứ hai: Bảo đảm, trấn an

Thái độ thứ hai của Chúa Giêsu là bảo đảm, trấn an. Trong đêm đen, Chúa Giêsu đi trên mặt biển đến với các môn đệ (c.25). Biển ở đây, với độ sâu thăm thẳm của nó, muốn nói đến các thế lực của sự ác. Chúa Giêsu đến gặp các môn đệ của Người bằng cách chà đạp những kẻ thù kiểm ác của con người. Đây là ý nghĩa của dấu chỉ: thay vì sự biểu diễn chiến thắng của sức mạnh, nó là mạc khải về sự chắc chắn rằng Chúa Giêsu, chỉ có Chúa Giêsu, chiến thắng các kẻ thù mạnh mẽ nhất của chúng ta: ma quỷ, tội lỗi, sự chết và sợ hãi. Hôm nay Ngài nói với chúng ta: “Hãy can đảm, chính Thầy đây; đừng sợ.”

Để Chúa lèo lái con thuyền cuộc đời ta

Chiếc thuyền đời của chúng ta thường bị giông bão thổi lật. Ngày cả khi biển có vẻ lặng thì nó nhanh chóng nổi sóng. Khi chúng ta bị kẹt trong giông bão, nó dường như là vấn đề của riêng chúng ta. Vấn đề không phải là thời điểm giông bão, nhưng là cách thức chúng ta vượt qua cơn bão. ĐTC nói: Chỉ có Ngài ban sự sống trong sự chết và hy vọng trong đau khổ; mình Ngài chữa lành trái tim của chúng ta bằng sự tha thứ của Ngài và giải thoát chúng ta khỏi sợ hãi bằng cánh truyền cho chúng ta sự tự tin.

ĐTC nhắc nhở các tín hữu hãy mời Chúa Giêsu lên con thuyền cuộc đời của chúng ta. Như các môn đệ, chúng ta sẽ nhận ra rằng một khi Chúa ở trên thuyền thì giông gió sẽ lặng im và thuyền sẽ không bị đắm chìm. Chỉ có Chúa Giêsu mới có thể ban cho chúng ta sự bảo đảm này. Chúng ta cần biết bao những người có thể an ủi người khác không chỉ bằng lời nói trống rỗng nhưng với lời sự sống. Nhân danh Chúa Giêsu, chúng ta có thể trao tặng sự an ủi thật sự. Nó không phải là những lời động viên trống rỗng nhưng là sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng ban sức mạnh.

Lạy Chúa, xin trấn an chúng con: được Chúa an ủi, chúng con sẽ có thể đem sự an ủi thật sự đến cho người khác.

Thứ ba: Đưa tay ra

Việc thứ ba Chúa Giêsu làm là đưa tay ra. Giữa bão táp, Ngài đã đưa tay ra cho Phêrô (c.31). Chúng ta có thể đặt mình vào chỗ của Phêrô: chúng ta là những người kém lòng tin và chúng ta là những hành khất của ơn cứu độ. Chúng ta là người nghèo sự sống thật và chúng ta cần bàn tay giơ ra của Chúa, kéo chúng ta ra khỏi sự dữ. Đây là khởi đầu của đức tin: tẩy sạch lòng mình sự tin chắc kiêu ngạo  cho rằng mình đang an vị, mình có khả năng, tự lập và nhận ra chúng ta cần ơn cứu độ. Đức tin lớn lên trong bối cảnh này, bối cảnh trong đó chúng ta hòa mình đứng bên cạnh bao nhiêu người không đang đứng trên các bục cao nhưng đang cần và cầu xin sự giúp đỡ. Vì thế, sống đức tin trong sự giao tiếp với những người nghèo khổ là điều quan trọng đối với tất cả chúng ta. Đây không phải là một chọn lưạ xã hội học, không phải là cách thế của một giáo hoàng, mà là một yêu cầu thần học. Nhận ra mình là hành khất cầu xin ơn cứu độ. Bằng cách này, chúng ta nhận lấy Thần khí của Tin mừng. “Thần khí của sự nghèo khó và tình yêu – công đồng nói – thật sự là vinh quang và chứng tá của Giáo hội của Chúa Kitô” (Vui mừng và hy vọng, 88).

Tiếng kêu của người nghèo

Chúa Giêsu nghe tiếng kêu của Phêrô. Chúng ta cầu xin ơn để biết nghe tiếng kêu của những người bị nhấn chìm bởi những đợt sóng của cuộc sống. Tiếng kêu của người nghèo: đó là đó là tiếng kêu gào thét của đứa trẻ chưa được sinh ra, của những trẻ em bị chết đói, của những người trẻ tuổi được sử dụng để làm bom người hơn là tiếng reo vui hò hét của sân chơi. Đó là tiếng kêu của người già, bị hất hủi và bỏ rơi. Đó là tiếng kêu của tất cả những người phải đối mặt với những cơn bão của cuộc sống mà không có sự hiện diện của một người bạn. Đó là tiếng kêu của tất cả những người bị buộc phải chạy trốn khỏi nhà của họ và quê hương để rồi có một tương lai bất định. Đó là tiếng kêu của mọi người dân, bị tước đoạt ngay cả những nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có của họ. Đó là tiếng kêu của tất cả những Ladarô, những người khóc trong khi một số ít người giàu có hội hè ăn mừng,  về tất cả những gì thuộc về họ . Bất công là gốc rễ của nghèo đói. Tiếng kêu của người nghèo hàng ngày trở nên mạnh mẽ hơn nhưng ít được nghe hơn, bị nhấn chìm bởi sự ồn ào huyên náo của số ít người giàu, những người ngày càng ít hơn nhưng càng giàu có hơn.

Kitô hữu không thể dửng dưng đứng im hay đầu hàng trước sự ác

Đứng trước sự coi thường nhân phẩm, chúng ta thường đứng im khoanh tay hoặc giơ tay tỏ vẻ vô vọng trước sức mạnh ác nghiệt của sự ác. Nhưng Kitô hữu chúng ta không thể đứng khoang tay dửng dưng hay dang tay cách bất lực. Chúng ta phải giơ tay mình ra như Chúa Giêsu đã làm với chúng ta. Tiếng kêu của người nghèo tìm thấy sự lắng nghe của Chúa, nhưng còn chúng ta thì sao? Chúng ta có mắt để thấy, có tai để nghe, tay để đưa ra giúp đỡ không? Chính Chúa Kitô đã kêu gọi lòng bác ái của các môn đệ nơi những người nghèo. Ngài yêu cầu chúng ta nhận ra Ngài nơi những người đói khát, nơi khách lạ và những người bị tước đoạt nhân phẩm, nơi các bệnh nhân và tù nhân (x. Mt 25,35-36).

Yêu thương vô vị lợi

Chúa Giêsu đã đưa tay ra, cách tự do, chứ không vì bổn phận. Và chúng ta cũng phải thế. Chúng ta không được mời gọi chỉ làm điều tốt cho người mình thích. Chúa Giêsu yêu cầu hơn: cho những người không có gì để cho lại chúng ta, yêu thương vô vị lợi (x. Lc6,32-36). Hãy nhìn quanh chúng ta. Những gì chúng ta làm, chúng ta có làm cách tự do, cho người không thể trả lại cho chúng ta không? Đó sẽ là cánh tay dang ra của chúng ta, gia tài thật sự của chúng ta ở trên thiên đàng.

Lạy Chúa, xin hãy dang tay ra với chúng con và nắm lấy chúng con. Xin giúp chúng con yêu như Chúa yêu. Xin dạy chúng con để lại đàng sau những gì đang qua đi, dạy chúng con là nguồn bảo đảm cho những người quanh chúng con và trao ban cách tự do cho những người nghèo khổ.

Hồng Thủy

 

Công bố đề tài Ngày Hòa Bình thế giới: 1-1-2019

Công bố đề tài Ngày Hòa Bình thế giới: 1-1-2019

Một đoạn bình luận ngắn được Phòng Báo Chí Tòa Thánh phổ biến trong dịp này khẳng định rằng:

 Bình luận

 ”Trách nhiệm chính trị là điều thuộc về mỗi công dân và đặc biệt là những người đã nhận lãnh sứ mạng bảo vệ và cai quản. Sứ mạng này hệ tại bảo tồn luật pháp và khuyến khích đối thoại giữa các tác nhân trong xã hội, giữa các thế hệ và các nền văn hóa. Không có hòa bình nếu không có sự tín nhiệm nhau. Và lòng tín nhiệm đòi điều kiện đầu tiên là tôn trọng lời đã cam kết. Sự dấn thân chính trị, – vốn là một trong những biểu hiện cao cả nhất của đức bác ái – bao gồm mối quan tâm đối với tương lai của đời sống và của trái đất, những người trẻ và bé nhỏ nhất, trong niềm khao khát của họ được viên mãn.

 Sự tôn trọng quyền lợi và nghĩa vụ tăng ý thức cộng đoàn

 Như thánh Gioan 23 đã nhắc nhở trong thông điệp ”Hòa bình dưới thế” (Pacem in terris, 1963), khi một người được tôn trọng trong các quyền của họ, thì nơi họ cũng nảy sinh cảm thức về nghĩa vụ phải tôn trọng các quyền của người khác. Các quyền lợi và nghĩa vụ của con người làm gia tăng ý thức mình thuộc về cùng một cộng đồng, với tha nhân và với Thiên Chúa (Xc ivi, 45). Vì thế chúng ta được kêu gọi mang đến và loan báo hòa bình như một tin vui về một tương lai trong đó mỗi người được tôn trọng trong phẩm giá và các quyền của họ”.

 Ngày 1 tháng 1 năm 2019 này, Ngày Hòa Bình thế giới lần thứ 51 đã được cử hành với chủ đề ”Di dân và tị nạn: những người nam nữ tìm kiếm hòa bình” (Rei 6-11-2018)

Giuse Trần Đức Anh, OP

ĐTC chủ sự kinh Truyền Tin Lễ Các Thánh

ĐTC chủ sự kinh Truyền Tin Lễ Các Thánh

 ĐTC nói: ”Khi chúng ta hát kinh ”Thánh, Thánh, Thánh” trong thánh lễ, chúng ta không chỉ nghĩ đến các thánh, nhưng chúng ta cũng hãy làm điều mà các vị đã làm: Lúc ấy, trong thánh lễ, chúng ta kết hiệp với các thánh hơn bao giờ hết..

Hiện diện tại buổi đọc kinh  dưới trời mưa có khoảng 2 ngàn tín hữu. 

”Các thánh ở cửa bên cạnh”

”Và chúng ta kết hiệp với các thánh, không những các vị nổi tiếng, có tên trong lịch, nhưng cả những vị thánh ”ở cửa bên cạnh”, những người thân, và người chúng ta quen biết, và giờ đây họ thuộc đoàn ngũ rất đông đảo các thánh. Hôm nay chính là đại lễ gia đình. Các thánh gần gũi chúng ta, đúng hơn, họ là anh chị em chân thực nhất của chúng ta”..

”Các thánh mời gọi chung ta tiến bước trên con đường hạnh phúc như được Tin Mừng hôm nay chỉ dẫn, Tin Mừng rất đẹp và được biết đến: Phúc cho người có tinh thần thanh bần, Phúc cho người hiền lành.. Phúc cho người có tâm hồn thanh khiết, v.v..( Xc Mt 5,3-8).. Tin Mừng dạy ngược lại với quan niệm của người đời..!

Sống các Mối Phúc thật

Và ĐTC nhấn mạnh rằng ”Ngày hôm nay, các thánh, những anh chị em của chúng ta hãy tái nghe bài Tin Mừng thật đẹp này và mang ra thực hành, tiến bước trên con đường các Mối Phúc. Đây không phải là làm những việc ngoại thường, nhưng là hằng ngày đi theo con đường này dẫn chúng ta lên trời cao, trong gia đình, ở nhà. Ngày hôm nay, chúng ta thấy trước tương lai của chúng ta và vui mừng vì mục đích chúng ta sinh ra: chúng ta sinh ra để không bao giờ chết nữa, để hưởng hạnh phúc của Thiên Chúa! Chúa khích lệ chúng ta và Ngài nói với những người đi theo con đường các Mối Phúc: ”Các con hãy vui mừng và hân hoan, vì phần thưởng của các con thật lớn lao trên trời” (Mt 5,12)

Chào thăm các tham dự viên cuộc chạy đua

Sau kinh Truyền Tin và phép lành cho các tín hữu, ĐTC đặc biệt chào các tham dự viên cuộc chạy đua Lễ Các Thánh, do Hội ”Các Sứ Mạng Don Bosco” đề xướng để mang lại một chiều kích đại lễ bình dân cho ngày lễ kính Các Thánh.

Đây là lần thứ 11 Hội ”Don Bosco trên thế giới” tổ chức cuộc chạy đua vào lễ Các Thánh. Mặc dù trời mưa cả ngày, các tham dự viên chạy 10 cây số qua các đường phố ở Trung tâm Roma, khởi hành từ Đền thờ Thánh Phêrô và trở về đây. Mục đích lần này là để hỗ trợ dự án giúp các thiếu nữ bị bán làm nô lệ ở Ghana.

Thông báo cuộc viếng thăm nghĩa trang

Sau cùng, ĐTC thông báo chiều ngày 2-11-2018, Lễ Các Linh Hồn, ngài sẽ viếng thăm và cử hành thánh lễ tại nghĩa trang Laurentino, rộng 21 hécta, cách Vatican hơn 15 cây số về hướng nam và là nghĩa trang lớn thứ 3 ở Roma. Ngài nói: ”Tôi mời gọi anh chị em đồng hành với tôi bằng kinh nguyện trong ngày cầu nguyện cho những người đã đi trước chúng ta trong đức tin và đang an nghỉ” (Rei 1-11-2018)

Sau cùng, ĐTC thông báo chiều ngày 2-11-2018, Lễ Các Linh Hồn, ngài sẽ viếng thăm và cử hành thánh lễ tại nghĩa trang Laurentino, rộng 21 hécta, cách Vatican hơn 15 cây số về hướng nam và là nghĩa trang lớn thứ 3 ở Roma. Ngài nói: ”Tôi mời gọi anh chị em đồng hành với tôi bằng kinh nguyện trong ngày cầu nguyện cho những người đã đi trước chúng ta trong đức tin và đang an nghỉ” (Rei 1-11-2018)

Giuse Trần Đức Anh, OP

Ba Lan kỷ niệm 40 năm Đức Gioan Phaolô 2 đắc cử Giáo Hoàng

Ba Lan kỷ niệm 40 năm Đức Gioan Phaolô 2 đắc cử Giáo Hoàng

Thánh lễ tạ ơn trọng thể đã được Đức TGM Salvatore Pennacchio, Sứ thần Tòa Thánh tại Ba Lan chủ sự, cùng với các HY và GM bản xứ, hôm 16-10 vừa qua, tại Đền Thánh Gioan Phaolô 2 gần Cracovia.

 Hiện diện trong thánh lễ có Tổng thống Andrzej Duda và phu nhân, cùng với các vị lãnh đạo chính quyền và đông đảo tín hữu.

 Bài giảng của ĐHY Dziwisz

 Trong bài giảng, ĐHY Stanislaw Dziwisz, nguyên TGM giáo phận Cracovia và là cựu bí thư riêng của Đức Cố Giáo Hoàng, nói rằng: ”Nghĩa vụ và đặc ân của chúng ta là thông truyền gia sản của thánh Gioan Phaolô 2 cho hậu thế. Vì vậy, ước gì gia sản này được trường tồn trong ý thức, trong văn hóa, trong thái độ thường nhật và trong tình yêu thương, phục vụ của chúng ta”.

 4 đặc tính của triều đại Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2

 ĐHY Dziwisz cũng nhấn mạnh đến 4 đặc tính trong sứ vụ của Thánh Gioan Phaolô 2: trước tiên Người là vị Giáo Hoàng của sự thật về Thiên Chúa và con người. Sự thật này dựa trên ý nghĩa và giá trị của sự sống con người. Thứ 2, Người là vị Giáo Hoàng của sự sống, Người không ngừng giảng về đặc tính thánh thiêng của sự sống con người, phẩm giá và tính chất bất khả xâm phạm của sự sống ấy. Chính vì thế Đức Gioan Phaolô 2 đã quyết liệt và minh bạch bảo vệ sự sống của các thai nhi và những người vô phương thế tự vệ, những người mà luật pháp của nhiều quốc gia phủ nhận quyền căn bản được thấy ánh sáng mặt trời”.

 Thứ ba, Đức Gioan Phaolô 2 là vị Giáo Hoàng của gia đình: Người ý thức giá trị không thể thay thế được của một gia đình tốt đối với mỗi người và gia đình bị tấn công về nhiều mặt trong thế giới tân tiến ngày nay.

 Thứ tư, Đức Gioan Phaolô 2 là vị Giáo Hoàng của tự do. Do ảnh hưởng của Ngài, quê hương Ba Lan và Đông Âu đã thoát được cái ách của chế độ tộc tài. (Rei 18-10-2018)

Giuse Trần Đức Anh OP

Từ vận động viên trượt băng trở thành nữ tu dòng Phan sinh

Từ vận động viên trượt băng trở thành nữ tu dòng Phan sinh

Một ngày đầu năm nay (2018), tại một sân trượt băng cộng đồng ở thành phố Bradfort miền bắc nước Anh, những người bảo vệ sân băng hơi bị bối rối khi  thấy một người, trước đó đã trách các thiếu niên vì trượt băng quá nhanh và có thể gây nguy hiểm cho các du khách khác, nhưng bây giờ lại là người trượt rất nhanh xung quanh sân băng và người đó lại mặc y phục của một nữ tu. Cuối cùng thì người này cũng bị các bảo vệ yêu cầu dừng lại. Người này không phàn nàn chút nào nhưng chỉ nói: “Ngay cả sau bằng ấy năm, tôi vẫn thích trượt thật nhanh.” Người đó chính là Kirstin Holum, cựu vận động viên trượt băng tốc độ người Mỹ và hiện nay là sơ Catarina, dòng thánh Phanxicô canh tân, đang sống và cầu nguyện trong tu viện thánh Clara ở thành phố Leeds nước Anh.

Từ các kỷ lục đến nhà nguyện

Kristin nhận được niềm tin từ người mẹ của mình, cũng là một vận động viên trượt băng và huấn luyện viên trượt băng. Khi Kristin được 16 tuổi, mẹ của cô đã cho cô đi hành hương Fatima cùng với một người chị họ. Và Fatima đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của Kristin. Cô vẫn tham gia các cuộc thi nhưng với cái nhìn tập trung vào “Vua các vua”.

Trong Thế vận hội mùa đông năm 1998 tại Nagano, Nhật bản, môn trượt băng tốc độ đường dài của Mỹ hân hoan với sự xuất hiện của ngôi sao tiềm năng, Kirstin Holum. Ở tuổi 17, Kristin đã thể hiện sức mạnh vượt trội trong các môn thi 3.000 và 5.000 mét, là các môn thường dành cho những người biểu diễn lớn tuổi hơn, những người đã trưởng thành hoàn toàn. Tại Thế vận hội này, Kirstin đã lập kỷ lục thế giới mới trong cuộc đua trượt băng tốc độ 5.000 mét dành cho nữ giới. Vào thời điểm đó, cô mới 17 tuổi, và một tương lai thể thao tuyệt vời đang chờ cô ở phía trước. Trong sự nghiệp ngắn ngủi của mình, cô đã lập được tám kỷ lục trong các cuộc thi trượt băng tốc độ tại Mỹ và sáu kỷ lục thế giới dành cho người trẻ. Nhưng Thiên Chúa lại có chương trình mà con người không thể hiểu thấu được.

Sau kỳ Thế vấn hội tại Nagano, Kristin theo học trường nghệ thuật nhưng rồi sau đó cô theo đuổi con đường đức tin và từ đó đã dành cả đời mình cho nó. Kirstin đã khiến người quen biết cô cũng như người chỉ biết tên tuổi cô phải ngạc nhiên. Sau khi hoàn thành chương trình đại học, Kristin đã quyết định "treo giày” và trở thành một thỉnh sinh trong dòng các nữ tu Phan sinh canh tân ở Bronx, New York, và khấn dòng với tên dòng là Catarina.

Sáu năm sau, sơ Catarina là một trong nhóm sáu nữ tu Phan sinh được gửi đến Anh với sứ vụ thành lập một tu viện mới theo lời mời của Đức cha giáo phận Leeds. Thay vì tập luyện bốn giờ một ngày, giờ đây sơ cũng dành bằng đó thời gian, nếu không nhiều hơn, để cầu nguyện. Sơ Catarina không hối tiếc khi từ bỏ môn thể thao trượt băng tốc độ để dâng hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa.

Quá khứ là một hồng ân

Ban đầu sơ Catarina ít nói về đời sống vận động viên trượt băng trước đây của mình và nhiều nữ tu cùng dòng không biết sơ đã tham dự thế vận hội Olympic. Nhưng khi một bài báo viết về sơ được đăng, câu chuyện của sơ được lan truyền trong cộng đồng Công giáo và sơ nhận được các lời mời nói chuyện, trong đó có buổi nói chuyện trước 10 ngàn cử toạ trong một đại hội tôn giáo ở Luân đôn. Sơ đã chia sẻ với báo USA Today: “Những gì đã xảy ra đặc biệt trong 8 năm nay là cơ hội để nhìn lại thật nhiều điều đẹp đẽ về trượt băng và Olympics… Tôi không có một câu chuyện vào nhà dòng bình thường như các chị em khác. Có cơ hội nhìn lại quá khứ và tạ ơn và chia sẻ với những người tôi có liên lạc thật là một phúc lành.”

Sơ cũng chia sẻ rằng những bài học về trượt băng giúp đỡ cho sơ trong đời sống tu trì. Sơ nói: “Cuộc đời nữ tu là cuộc sống kỷ luật và khó khăn và những thời gian dài và những điều không chờ đợi đang xảy đến. Tôi có thể thấy rằng việc huấn luyện thi đấu ở Olympics đã giúp tôi tập trung nhiều trong đời sống tu trì.

Một cảm xúc lớn hơn

Cô gái Kirstin Holum và sơ Catarina tuy là cùng một người, nhưng lại không có những cách giải trí giống nhau. Sơ Catarina đã chọn sống đời sống cầu nguyện với những tiện nghi đơn giản, không hiện đại như cô gái Kristin đã từng sống. Lựa chọn trở thành nữ tu của Kristin là một lựa chọn vừa "triệt để" vừa có vẻ "ngược lại với văn hóa" nếu nhìn dưới chiều kích thực tế là cuộc sống của các tu sĩ trong đan viện không có kết nối Internet hoặc tivi.

Sơ Catarina đã chọn con đường khác và tìm kiếm điều đối với sơ đáng giá hơn nhiều. Sơ nói: "Cảm xúc thi đua tranh tài và thực hiện tốt cuộc thi, với nỗ lực hết mình của cá nhân, là một niềm vui lớn. Nhưng nó luôn là một niềm vui thoáng qua … Tôi nghĩ rằng về cơ bản, mọi người muốn trở nên vĩ đại và làm điều gì đó tuyệt vời. Chỉ khi nào bạn thực có mối liên hệ với kế hoạch của Thiên Chúa dành cho bạn, bạn mới tìm được sự bình an để làm điều tốt nhất, bất kể nó là gì.”

Hồng Thủy

ĐTC Phanxicô kêu gọi giới báo chí đừng lên án

ĐTC Phanxicô kêu gọi giới báo chí đừng lên án

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong cuộc phỏng vấn dành cho giới báo chí cùng đi với ngài trong chuyến bay tối chúa nhật 26-8-2018 từ Dublin Ailen trở về Roma.

 Một ký giả hỏi: tại Pháp có một linh mục yêu cầu ĐHY Barbarin, TGM Lyon, hãy từ chức vì bị cáo buộc là bao che các LM bị cáo lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, ĐTC nghĩ sao? Ngài đáp:

 ”Nếu có những ngờ vực, với bằng chứng hoặc bằng chứng một nửa, thì tôi không thấy có gì là xấu khi thực hiện một cuộc điều tra, và luôn luôn cần tiến hành theo nguyên tắc cơ bản về pháp luật: ”Không ai bị coi là xấu nếu người ta không chứng minh được điều đó” (nemo malo nisi probetur). Bao nhiêu lần người ta bị cám dỗ coi ngay người bị cáo là người có tội, như một số cơ quan truyền thông vẫn làm – không phải quí vị ở đây. Cách đây 3 năm tại Granada bên Tây Ban Nha, xảy ra vụ một nhóm 7, 8 linh mục bị cáo là lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên và tổ chức những vụ liên hoan dâm dục. Tôi đã nhận được lời cáo buộc này trong một thư do một người trẻ 23 tuổi viết. Đức TGM Granada đã làm tất cả những gì phải làm và vụ này được đưa tới cả tòa án dân sự. Các LM ấy đã bị báo chí kết án, người ta tạo nên một bầu không khí thù nghịch và oán ghét đối với các linh mục ấy, và họ chịu đau khổ, tủi nhục. Nhưng kết luận là tòa án nhìn nhận các LM ấy là những người vô tội và kẻ tố cáo bị kết án phải trả án phí.

 Và ĐTC nói với các ký giả rằng: ”Công việc của các bạn thật là tế nhị, các bạn đưa tin, nhưng không luôn luôn coi người bị cáo là vô tội theo luật pháp, cho đến khi họ bị kết án, và đừng coi họ là người có tội trước khi có án lệnh chung kết”.

 Chiều kích luân lý của phá thai và đồng tính luyến ái

 Về vấn đề phá thai mới được đa số dân chúng ủng hộ trong cuộc trưng cầu dân ý hồi cuối tháng 5 vừa qua, một ký giả hỏi ĐTC xem ngài cảm thấy thế nào về vụ này, ĐTC đáp:

“Về phá thai, các bạn đã biết tôi nghĩ gì: đây không phải là một vấn đề tôn giáo, chúng ta không chống phá thai vì lý do tôn giáo. Đó là một vấn đề nhân loại học về đặc tính luân lý của hành động loại bỏ một hữu thể đang sống để giải quyết một vấn đề”.

 Về vấn đề đồng tính luyến ái, ĐTC được hỏi xem ngài sẽ nói gì với một người cha khám phá thấy con của ông là một người đồng tính luyến ái? Ngài đáp:

 ”Tôi sẽ nói trước tiên ông hãy cầu nguyện, chứ đừng lên án, rồi đối thoại, tìm hiểu, dành cho con mình, trai hoặc là gái. Sau đó tùy tuổi khi sự đồng tính luyến ái được biểu lộ. Tôi không bao giờ nói im lặng là một giải pháp. Cố tình không biết đến người con mình, trai hoặc gái, đồng tính luyến ái, là một sự lỗi bổn phận làm cha, làm mẹ. Ba là cha của con, mẹ là mẹ của con, chúng ta hãy nói chuyện với nhau, ba hoặc má không đuổi con ra khỏi gia đình”.

Giuse Trần Đức Anh OP

ĐTC Phanxicô: Đừng sống tương quan giả dối với Thiên Chúa

ĐTC Phanxicô: Đừng sống tương quan giả dối với Thiên Chúa

Trong các lễ nghi Do Thái, danh Thiên Chúa được công bố một cách trọng thể trong Ngày Đại Xá, và dân chúng được tha thứ, bởi vì qua danh Chúa, chúng ta tiếp xúc với chính sự sống của Thiên Chúa, là lòng thương xót. Như vậy “kêu tên Chúa” – dịch sát nghĩa là “lấy lên trên mình danh của Thiên Chúa” – có nghĩa là bước vào trong một tương quan mạnh mẽ, chặt chẽ với Ngài, để sống các hành động thường ngày trong sự hiệp thông sâu xa và thực sự với Thiên Chúa. ĐTC Phanxicô đã nói như trên với 8,000 tín hữu và du khách hành hương trong buổi gặp gỡ chung hàng tuần sáng thứ tư hôm qua tại đại thính đường Phaolô VI.

Trong bài huấn dụ, ĐTC đã giải thích ý nghĩa điều răn “Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ” như viết trong sách Xuất Hành: “ Ngươi không được dùng danh Giavê, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì Giavê không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng. (Xh 20,7), và như Chúa Giêsu đã nói trong lời cầu ở bữa Tiệc Ly: “Lạy Cha là Đấng công chính… Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa." (Ga 17,25-26).

 

ĐTC nói: Chúng ta tiếp tục các bài giáo lý về các giới răn và hôm nay chúng ta nói tới điều răn “Ngươi sẽ không nói lên tên của Chúa, là Thiên Chúa ngươi một cách vô ích”. Thật đúng đắn là chúng ta đọc Lời này như việc mời gọi không xúc phạm đến danh của Thiên Chúa và tránh dùng nó một cách không thích hợp. Ý nghĩa rõ ràng này chuẩn bị cho chúng ta đào sâu hơn nữa các lời quý báu này, là không dùng tên của Thiên Chúa một cách vô ích, một cách không thích hợp.

Chúng ta hãy nghe chúng một cách tốt đẹp hơn. “Ngươi sẽ không nói lên” – dịch một kiểu nói có nghĩa theo sát chữ, trong tiếng Do thái cũng như trong tiếng Hy lạp – là “ngươi sẽ không mang lấy trên mình, ngươi sẽ không vác trên ngươi”. Kiểu nói “một cách vô ích” rõ ràng hơn và có nghĩa là “trống rỗng, một cách vô ích”. Nó ám chỉ một cái hộp rỗng, một hình thái không có nội dung. Đó là đặc tính của sự giả hình, của óc hình thức và của sự dối trá. Dùng các lời nói hay dùng tên của Thiên Chúa, nhưng trống rỗng, không có sự thật.

Tên gọi trong Thánh Kinh là sự thực sâu xa của các sự vật, và nhất là của con người. Tên gọi thường diễn tả sứ mệnh. Thí dụ tổ phụ Abraham trong sách Sáng Thế (x. 17.5) và tông đồ Simon Phêrô trong Phúc Âm (x. Ga 1,42) các vị nhận một tên gọi mới để ám chỉ sự thay đổi hướng đi cuộc đời các vị. Và thực sự biết danh Thiên Chúa đưa tới chỗ biến đổi cuộc sống của mình: từ lúc trong đó ông Môshê biết danh Thiên Chúa, lịch sử của ông thay đổi (x. Xh 3,13-15).

Đừng sống tương quan giả dối với Thiên Chúa

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: trong các lễ nghi do thái, danh Thiên Chúa được công bố một cách trọng thể trong Ngày Đại Xá, và dân chúng được tha thứ, bởi vì qua danh người chúng ta tiếp cận với chính sự sống của Thiên Chúa, là lòng thương xót. ĐTC giải thích giới răn như sau:

Như vậy “mang lấy trên mình danh Thiên Chúa” có nghĩa là lãnh nhận trên chúng ta thực tại của Ngài, bước vào trong một tương quan mạnh mẽ, trong một tương quan chặt chẽ với Ngài. Đối với kitô hữu chúng ta, điều răn này là lời mời gọi nhắc nhớ chúng ta rằng chúng ta đã được rửa tội làm sao: “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, như chúng ta khẳng định mỗi khi chúng ta làm dấu Thánh Giá trên mình, để sống các hành động thường ngày trong sự hiệp thông sâu xa và thực sự với Thiên Chúa, nghĩa là trong tình yêu của Ngài.

Và về việc làm dấu thánh giá, tôi muốn nêu bật một lần nữa: anh chị em hãy dậy các trẻ em làm dấu thánh giá. Anh chị em đã thấy trẻ em làm dấu thánh giá như thế nào chưa? Nếu bạn nói với các trẻ em: “Các con hãy làm dấu thánh giá đi, thì chúng làm vầy này – ĐTC bắt chước cử chỉ làm dấu của trẻ em khua khua trước mặt – Chúng làm một điều mà chúng không biết là cái gì. Chúng không biết làm dấu thánh giá. Anh chị em hãy dậy chúng làm “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Cử chỉ đức tin đầu tiên của một em bé. Đây là bài tập cho anh chị em đó nhé! Bài tập phải làm: dậy cho các trẻ em làm dấu thánh giá. Hiểu chưa? Anh chị em sẽ làm điều đó chứ? – Tín hữu trong đại thính đường trả lời: Dạ – “Hiểu hiểu” họ nói ở đây. Xin cám ơn anh chị em.

Chúng ta có thể hỏi: có thể mang lên trên mình danh Thiên Chúa một cách giả hình như một hình thức, trống rỗng hay không? Câu trả lời rất tiếc là có: có, có thể. Người ta có thể sống một tương quan giả dối với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã nói điều này với các tiến sĩ luật; họ đã làm các việc, nhưng đã không làm điều Thiên Chúa muốn. Họ đã nói về Thiên Chúa, nhưng đã không thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Và lời khuyên mà Chúa Giêsu cho là: “Các con hãy làm điều họ nói, nhưng đừng làm điều họ làm”. Người ta có thể sống một tương quan giả dối với Thiên Chúa, như các người ấy. Và Lời này của Mười Điều Răn chính là việc mời gọi sống một liên hệ với Thiên Chúa không giả dối, không giả hình, sống một tương quan trong đó chúng ta tín thác nơi Chúa với tất cả những gì chúng ta là. Nói cho cùng, cho tới ngày trong đó chúng ta không liều mạng sống với Chúa, bằng cách sờ mó bằng tay rằng trong Chúa có sự sống , thì chúng ta chỉ làm các giả thiết.

Đời sống Kitô giáo chân thực mới có thể đáng tin

Đây là Kitô giáo đánh động con tim. Gặp gỡ Thiên Chúa, trong thực tế. Tại sao các thánh có khả năng đánh động con tim? Bởi vì các thánh không chỉ nói, mà các vị chuyển động! Con tim chúng ta chuyển động, khi một người thánh thiện nói với chúng ta, nói với chúng ta các điều. Các vị có khả năng bởi vì nơi các thánh chúng ta trông thấy điều mà con tim chúng ta ước mong một cách sâu xa: sự đích thực, các tương quan thật, sự triệt để. Và điều này người ta cũng trông thấy nơi các vị “thánh của cửa bên cạnh”, chẳng hạn như biết bao cha mẹ trao ban cho con cái gương sáng của một cuộc sống trung thực, đơn sơ, liêm chính và quảng đại. ĐTC quảng diễn thêm như sau:

Nếu có nhiều kitô hữu mang lấy trên mình danh của Thiên Chúa không giả tạo – bằng cách thực thi lời xin thứ nhất của Kinh Lạy Cha “xin cho danh Cha cả sáng” – thì việc loan báo của Giáo Hội được lắng nghe và đáng tin cậy hơn. Nếu cuộc sống cụ thể của chúng ta biểu lộ danh Thiên Chúa, thì ta thấy bí tích Rửa Tội đẹp biết bao nhiêu và Thánh Thể là ơn vĩ chừng nào!, thì sự kết hiệp giữa thân xác chúng ta và Mình Chúa Kitô cao trọng dường bao: Ngài trong chúng ta và chúng ta trong Ngài; Chúa Kitô trong chúng ta, Ngài trong chúng ta và chúng ta trong Ngài! Hiệp nhất! Đây không phải là giả hình, đây là sự thật. Đây không phải là nói hay cầu nguyện như con vẹt, đây là cầu nguyện với con tim, là yêu Chúa.

Thể hiện Danh Chúa trong cuộc sống của chúng ta

Từ thập giá của Chúa Kitô về sau, không ai có thể khinh rẻ chính mình và nghĩ xấu về đời sống của mình. Không ai và không bao giờ! Cho dù bất cứ điều gì họ đã làm đi nữa. Bởi vì tên của từng người trong chúng ta ở trên vai Chúa Kitô. Ngài mang chúng ta. Thật đáng công mang lấy danh Thiên Chúa trên mình, bởi vì Ngài đã mang lấy tên của chúng ta cho tới tột cùng, cả sự dữ có trong chúng ta nữa, Ngài mang lấy để tha thứ cho chúng ta, để đặt vào trong con tim chúng ta tình yêu của Ngài. Vì thế Thiên Chúa công bố trong điều răn này: “Hãy mang lấy Ta trên con, bởi vì Ta đã mang con trên Ta”.

Bất cứ ai cũng có thể kêu danh thánh Chúa, là Tình Yêu trung thành và thương xót, trong bất cứ hoàn cảnh nào họ sống. Thiên Chúa sẽ không bao giờ nói “không” với một con tim kêu cầu Ngài một cách chân thành. Và chúng ta trở lại với các bài tập làm ở nhà: hãy dậy các trẻ em làm dấu thánh giá đàng hoàng. Bạn sẽ làm điều đó chứ? Làm đàng hoàng. Xin cám ơn anh chị em.

Cuộc viếng thăm Ailen: thời điểm ân sủng cho các gia đình Kitô gíao

Cuối bài huấn dụ, ĐTC cũng xin mọi người cầu nguyện cho chuyến đi Dublin của ngài trong hai ngày 25-26 tháng 8  này, nhân dịp cuộc gặp gỡ của các gia đình công giáo thế giới. Ước chi đây là dịp lắng nghe tiếng nói của các gia đình kitô toàn thế giới.

Linh Tiến Khải

ĐTC Phanxicô: Mẹ Maria hồn xác lên trời nhắc chúng ta phục vụ Chúa và Giáo Hội bằng cả con người

Maria hồn xác lên trời nhắc chúng ta phục vụ Chúa và Giáo Hội bằng cả con người

Thực tại Đức Mẹ hồn xác lên Trời nhắc cho chúng ta biết rằng chúng ta được mời gọi quảng đại phục vụ Thiên Chúa và tha nhân với toàn con người mình, cả hồn lẫn xác. Được như thế, trong ngày phục sinh số phận của chúng ta sẽ giống số phận của Mẹ thiên quốc.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với hàng ngàn tín hữu tại quảng trưởng thánh Phêrô trưa thứ tư 15 tháng 8- lễ Đức Mẹ hồn xác lên Trời. ĐTC nói trong bài huấn dụ: Trong ngày lễ trọng Đức Trinh Nữ diễm phúc Maria hồn xác lên Trời hôm nay, dân thánh trung thành của Thiên Chúa tươi vui diễn tả lòng sùng kính của mình đối với Đức Trinh Nữ Mẹ Chúa. Dân Chúa làm điều đó trong phụng vụ chung và cả với hàng ngàn hình thức đạo đức khác nhau. Và như thế, lời ngôn sứ của chính Đức Maria trở thành sự thật: “Mọi thế hệ sẽ gọi tôi là người có phúc” (Lc 1,48), vì Chúa đã nâng lên cao nữ tỳ khiêm hạ của Ngài. 

Đức Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác: ân ban cho sự kết hiệp đặc biệt của Mẹ với Chúa Giêsu

Việc lên Trời cả hồn lẫn xác là một đặc ân được ban cho Mẹ Thánh của Thiên Chúa  vì sự kết hiệp đặc biệt của Mẹ với Chúa Giêsu. Đây là một sự hiệp nhất thân xác và tinh thần, đã bắt đầu với biến cố Truyền Tin và chín mùi trong toàn cuộc sống của Đức Maria qua sự tham dự đặc biệt của Mẹ vào mầu nhiệm của Con Mẹ.

Bề ngoài cuộc sống của Đức Mẹ diễn ra như cuộc sống của một phụ nữ bình thường thời đó: cầu nguyện, quán xuyến gia đình và nhà cửa, đi đến hội đường… Nhưng mỗi một hành động thường ngày luôn luôn được chu toàn trong sự hiệp nhất trọn vẹn với Chúa Giêsu. Và trên Núi Sọ sự kết hiệp ấy đạt tột đỉnh, trong tình yêu, trong sự cảm thương và khổ đau của con tim. Vì thế Thiên Chúa đã ban cho Mẹ một sự tham dự tràn đầy vào cả sự sống lại của Chúa Giêsu nữa. Thân xác Mẹ đã được giữ gìn khỏi sự hư nát, như thân xác của Con Mẹ. Đó là điều Kinh Tiền Tụng Thánh Lễ hôm nay công bố : “Lậy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã không muốn cho Đấng đã sinh ra Chúa của sự sống biết tới sự hư nát của mồ chôn”.

Thiên Chúa muốn cứu rỗi con người toàn vẹn, hồn và xác

Hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng mầu nhiệm này: nó cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa muốn cứu rỗi con người toàn vẹn, hồn và xác. Chúa Giêsu đã sống lại với thân xác mà Ngài đã nhận lãnh từ Mẹ Maria và đã lên với Thiên Chúa Cha, với nhân tính được biến đổi của Ngài. Việc lên trời của Đức Maria, thụ tạo, trao ban cho chúng ta sự xác nhận số phận vinh quang của chúng ta. Các triết gia hy lạp xưa đã hiểu rằng linh hồn con người được chỉ định cho hạnh phúc sau cái chết. Tuy nhiên, họ dã khinh rẻ thân xác – coi nó là nhà tù của linh hồn – và không quan niệm rằng Thiên Chúa đã đặt định cả thân xác của con người cũng hiệp nhất với linh hồn trong hạnh phúc trên trời nữa. Điều này – “sự sống lại của thịt xác” – là một yếu tố riêng của mạc khải kitô, một điểm nền tảng đức tin của chúng ta.

Đức Mẹ hồn xác lên trời nhắc chúng ta phục vụ Chúa và Giáo hội với toàn thể con người, cả hồn và xác

Thực tại tuyệt vời của biến cố hồn xác lên trời của Đức Maria biểu lộ và xác nhận sự hiệp nhất của bản vị con người, và nhắc cho chúng ta nhớ rằng chúng ta được mời gọi phục vụ và tôn vinh Thiên Chúa với toàn con người mình, hồn và xác. Chỉ phục vụ Thiên  Chúa với thân xác không thôi sẽ là một hành động của nô lệ; chỉ phục vụ Thiên Chúa với linh hồn không thôi sẽ trái nghịch với bản tính nhân loại của chúng ta. Một Giáo phụ lớn của Giáo Hội là thánh Ireneo đã khẳng định rằng ”vinh quang của Thiên Chúa là con người sống động, và cuộc sống của con người là nơi việc trông thấy Thiên Chúa” (Chống các lạc giáo, IV, 20,7). Nếu chúng ta đã sống như thế trong việc tươi vui phục vụ Thiên Chúa, cũng được diễn tả ra trong việc phục vụ các anh em khác, thì số phận của chúng ta, trong ngày sống lại, sẽ giống như số phận của Mẹ thiên quốc của chúng ta. Khi đó chúng ta sẽ thực hiện được lời khích lệ của thánh tông đồ Phaolô: “Anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa trong thân xác anh em” (1 Cr 6.20), và chúng ta sẽ vinh danh Ngài luôn mãi trên trời.

Chúng ta hãy xin Mẹ Maria, với sự bầu cử hiền mẫu của Mẹ, giúp chúng ta sống con đường cuộc sống thường ngày trong niềm hy vọng hoạt động để một ngày kia có thể đạt được nó cùng với các Thánh và các người thân của chúng ta trên thiên đàng.

Linh Tiến Khải

Phó Tổng Thống Mỹ thảo luận với ĐHY Quốc vụ khanh

Phó Tổng Thống Mỹ thảo luận với ĐHY Quốc vụ khanh

Thông cáo của chính phủ Mỹ cho biết trong cuộc nói chuyện, Phó Tổng thống Pence nhìn nhận rằng Giáo Hội Công Giáo tại Nicaragua là một lực lượng dẫn đầu trong cố gắng làm trung gian và đối thoại trong năm qua, và Ông ca ngợi Giáo Hội đã nỗ lực bảo vệ các quyền con người và tự do tôn giáo, cũng như cổ võ các cuộc thương thuyết với thiện ý để mang lại hòa bình cho đất nước này.

Nicaragua ở trong tình trạng xáo trộn từ nhiều tháng nay sau các cuộc biểu tình tại nhiều nơi chống lại Tổng thống Daniel Ortega, sau khi ông tuyên bố những thay đổi trong hệ thống an sinh xã hội và hưu bổng tại nước này. Những dự án thay đổi đó đã bị chính phủ từ bỏ sau những vụ biểu tình bạo động phản đối mạnh mẽ. Hàng trăm người đã bị cảnh sát và các lực lượng bán quân sự phò chính phủ sát hại.

Tòa Thánh và Mỹ lên án bạo lực

Trong cuộc điện đàm, cả Phó tổng thống Pence và ĐHY Parolin đều lên án bạo lực kéo dài và tái khẳng định sự ủng hộ đối với HĐGM Nicaragua trong cố gắng ủng hộ dân chủ và bảo vệ các quyền con người.

Sau khi bày tỏ sự cảm thông đói với những người phản đối, Giáo Hội tại Nicaragua bị Tổng thống Ortega cáo buộc là mưu toan khuynh đảo chính quyền. Trong vài tháng qua, nhiều nhà thờ trên toàn quốc và cả ĐHY và các GM bị các thành phần thân chính phủ hành hung.

Hồi cuối tháng 7 vừa qua, Hoa Kỳ hứa dành 1,5 triệu Mỹ kim cho Nicaragua để giúp các tổ chức nhân quyền và các cơ quan thông tin độc lập.

Tại Tòa Thánh, không có thông cáo chính thức về cuộc điện đàm và nội dung cuộc nói chuyện này giữa Phó Tổng thống Pence và ĐHY Parolin (CNA 10-8-2018)

Giuse Trần Đức Anh OP