ĐGH họp các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh

ĐGH họp các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh

Không có thông cáo chính thức nào được công bố sau khóa họp. Nhưng theo mạng thông tin Vatican Insider, đã có 2 bài tường trình mở đầu do ĐHY Angelo Becciu, nguyên là Phụ tá quốc vụ khanh Tòa Thánh trong 7 năm trời và nay là Tổng trưởng Bộ Phong Thánh; tiếp đến là bài của ĐHY Giuseppe Bertello, Chủ tịch Phủ Thống đốc Quốc gia thành Vatican.

Thặng dư trong nhân sự

Cụ thể, khóa họp bàn về vai trò của hơn 4,500 nhân viên Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican, trong đó có các giáo dân, tu sĩ nam nữ và linh mục, tỷ lệ khác nhau, ví dụ trong số 2 ngàn nhân viên tùy thuộc Phủ Thống Đốc Vatican, 90% là giáo dân.

Giảm chi

Trong cuộc họp, các vị hữu trách bàn về việc giảm bớt chi phí, giới hạn việc thu nhận nhân viên mới để thay thế các nhân viên về hưu, những nhu cầu mới do việc gộp các cơ quan Tòa Thánh trong các năm gần đây, có những trường hợp cần các nhân viên mới, chuyên môn hơn và biết sinh ngữ.

Tiêu chuẩn rõ ràng khi thu nhận nhân viên mới

Quan tâm của ĐTC là, ngoài sự minh bạch, công bằng và những tiêu chuẩn rõ ràng để thu nhận nhân viên, còn phải quan tâm đến việc săn sóc mục vụ và tinh thần cho những người phục vụ tại Tòa Thánh, đồng hành thích hợp trong những hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Giới hạn thời gian phục vụ của LM ở Vatican

Về các linh mục, nhất là các vị trẻ, các vị được mời gọi thi hành các hoạt động mục vụ tại các giáo xứ ở Roma vào cuối tuần. Ngoài ra, cũng có đề nghị ưu tiên dành cho việc ký hợp đồng 5 năm, có thể gia hạn, đối với các LM đến từ các giáo phận, để không giữ các vị ở lâu trong giáo triều, và tối đa là 10 năm. Nhờ điều kiện này, các GM có thể dễ dàng hơn trong việc gửi linh mục thuộc quyền đến phục vụ tại giáo triều Roma. (Vatican Insider 27-11-2018)

Giuse Trần Đức Anh, OP

ĐTC Phanxicô: Phục vụ là thuốc giải độc hiệu quả chống lại bệnh tìm địa vị chức quyền

ĐTC Phanxicô: Phục vụ là thuốc giải độc hiệu quả chống lại bệnh tìm địa vị chức quyền

Dưới bầu trời trong xanh, nắng đẹp của ngày Chúa nhật 21.10 hôm qua đã có hơn 20 ngàn tín hữu hiện diện trong buổi đọc Kinh Truyền tin với ĐTC. Dựa trên đoạn Tin mừng thánh Marcô kể lại, thêm một lần nữa, Chúa Giêsu, rất kiên nhẫn, tìm cách sửa đổi các môn đệ của Người, hoán cải họ từ não trạng thế gian về với tư tưởng của Thiên Chúa, ĐTC Phanxicô nhắc đến hai bài học Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ khi sửa sai thái độ của họ.

Bài học thứ nhất: Theo Chúa Giêsu và học con đường yêu thương hy sinh

Bài học thứ nhất là hãy học theo Người, và học con đường yêu thương hy sinh, và Chúa Cha sẽ nghĩ đến phần thưởng cho chúng ta. Bài học của  Chúa Giêsu xuất phát từ lời yêu cầu của anh em Giacôbê và Gioan, hai trong số những môn đệ đầu tiên mà Chúa Giêsu đã gặp và mời gọi theo Người. Đến nay thì họ đã cùng đi theo Người một thời gian và thuộc nhóm 12 Tông đồ. Do đó, trong khi họ đang trên đường lên Giêrusalem, nơi mà các môn đệ nôn nóng hy vọng rằng trong dịp lễ Vượt qua, cuối cùng Chúa Giêsu sẽ thành lập Vương quốc của Thiên Chúa, hai anh em đã lấy can đảm xin Thầy của họ một điều: “Xin cho chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi  Thầy được vinh quang” (c. 37).

ĐTC giải thích tại sao Chúa Giêsu sửa sai thái độ của anh em Giacôbê và Gioan. ĐTC nói: Chúa Giêsu biết rằng Giacôbê và Gioan bị thúc đẩy bởi lòng nhiệt thành mạnh mẽ đối với Người và vì Nước Chúa, nhưng Người cũng biết rằng sự kỳ vọng và nhiệt tình của họ bị nhiễm tinh thần thế gian. Do đó, Người trả lời: “Các con không biết điều các con xin” (c. 38). Và trong khi họ nói về “những chiếc ngai vinh quang”, trên đó họ sẽ ngồi cạnh Chúa Kitô Vua, thì Chúa Giêsu lại nói về một “chén” phải uống, về một “phép rửa” phải lãnh nhận, nghĩa là cuộc thương khó và cái chết của Người. Giacôbê và Gioan, luôn nghĩ đến đặc ân mà họ hy vọng, họ nói: “Thưa được, chúng con có thể”! Nhưng, ở đây cũng thế, Chúa Giêsu loan báo trước về chén mà họ sẽ uống và phép rửa mà họ sẽ lãnh nhận, nghĩa là họ cũng như các Tông đồ khác, sẽ tham dự vào thánh giá của Người, khi giờ của họ đến. Chúa Giêsu kết luận: “việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy không thuộc quyền Thầy ban; nó dành cho người đã được chuẩn bị” (c. 40) Như thế Chúa Giêsu muốn nói: giờ đây các con hãy theo Thầy và học con đường yêu thương đến hy sinh, và Cha trên trời sẽ nghĩ đến phần thưởng.

Bài học thứ hai: phục vụ

 Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ bài học thứ hai khi Người nhận ra 10 Tông đồ khác tức giận với anh em Giacôbê và Gioan, và như thế họ cũng tỏ cho thấy họ cũng có não trạng thế gian. Đây là cơ hội để Chúa Giêsu đưa ra một bài học và nó có giá trị đối với các Kitô hữu thuộc mọi thời đại. Chúa nói thế này: “Các con biết rằng những người được xem là lãnh đạo các quốc gia thì thống trị trên các quốc gia và các thủ lãnh các nước thì cai quản chúng. Giữa các con thì không như thế; ai muốn làm lớn trong các con thì hãy là người phục vụ các con, và ai muốn làm đầu trong các con thì hãy làm đầy tớ tất cả” (c. 42). Sứ điệp của Chúa rất rõ ràng: trong khi những người làm lớn trên thế gian xây dựng những ngai vàng cho quyền bính của họ, Thiên Chúa chọn một ngai không tiện nghi, là thánh giá, từ ngai đó Người cai trị khi ban tặng sự sống của Người: Chúa Giêsu nói “Con Người không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ và trao ban sự sống của mình để cứu độ nhiều người” (c.45).

Phục vụ là thuốc giải độc hiệu quả chống lại căn bệnh tìm kiếm địa vị chức quyền

Kết thúc bài huấn dụ ĐTC nói: Con đường phục vụ là thuốc giải độc hiệu quả nhất chống lại căn bệnh tìm kiếm những vị trí trên trước, là căn bệnh làm ô nhiễm nhiều bối cảnh của con người và cũng không loại trừ Giáo hội. Vì vậy, với tư cách là môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta đón nhận Tin mừng này như một lời kêu gọi hoán cải, để làm chứng với lòng dũng cảm và quảng đại về một Giáo Hội cúi xuống bàn chân của những người rốt cùng, để phục vụ họ bằng tình yêu và sự đơn giản chân thành. Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, người hoàn toàn và khiêm tốn gắn bó với thánh ý  của Thiên Chúa, giúp chúng ta vui vẻ theo Chúa Giêsu trên con đường phục vụ, con đường chính dẫn đến Thiên Đàng.

Tân chân phước Tiburzio Arnáiz Muñoz, dòng Tên

Sau khi đọc Kinh Truyền tin, ĐTC nhắc rằng ngày hôm qua, tại thành phố Malaga, Tây ban nha, cha Tiburzio Arnáiz Muñoz, dòng Tên, đã được tôn phong chân phước. ĐTC mời gọi các tín hữu cảm tạ Chúa về chứng tá của thừa tác viên nhiệt thành của hòa giải và người loan báo Tin mừng không mệt mỏi, nhất là giữa những người nghèo hèn và bị quên lãng. ĐTC cầu chúc rằng gương sáng của chân phước thúc đẩy chúng ta trở nên những nhà hoạt động của lòng thương xót và những nhà truyền giáo can đảm trong mỗi môi trường. ĐTC mời gọi các tín hữu vỗ tay mừng vị tân á thánh.

Ngày thế giới truyền giáo

Tiếp đến, ĐTC nhắc rằng hôm nay Giáo hội cử hành ngày thế giới truyền giáo, với chủ đề “Cùng những người trẻ chúng ta đem Tin mừng cho tất cả mọi người”. ĐTC nhấn mạnh rằng “Cùng với người trẻ”: đây là con đường” Thực tế là, nhờ ơn Chúa, chúng ta đang cảm nghiệm trong những ngày này Thượng Hội đồng GM về giới trẻ: lắng nghe và hòa nhập với họ chúng ta khám phá ra nhiều chứng tá của các bạn trẻ đã tìm thấy nơi Chúa Giêsu ý nghĩa và niềm vui của sự sống. Thường thì họ gặp được Chúa nhờ các bạn trẻ khác. Chúng ta cầu xin để các thế hệ mới không thiếu những lời loan báo đức tin và lời mời gọi công tác vào sứ vụ của Giáo hội. ĐTC cũng nhắc đến bao nhiêu thừa sai hy sinh vì Tin mừng. Ngài xin các tín hữu cùng đọc kinh Kính mừng đề cầu nguyện cho họ.

Sáng kiến “Chia sẻ hành trình”

 Cuối cùng, ĐTC chào các nhóm hành hương đến từ Ý và các quốc gia khác. Ngài chào đặc biệt nhóm Bác ái quốc tế do ĐHY Tagle hướng dẫn. Trong nhóm có một số Giám mục và giáo dân đến từ nhiều quốc gia. ĐTC nói: “Anh chị em đã thực hiện cuộc hành hương ngắn ở Roma để diễn tả ước mong bước đi cùng nhau và như thế, anh chị em học cách biết nhau rõ hơn. Tôi khuyến khích sáng kiến “Chia sẻ hành trình”, đã được phát động tại nhiều thành phố, và có thể biến đổi tương quan của chúng ta với những người di dân.

Hồng Thủy

ĐTC Phanxicô: Mẹ Maria hồn xác lên trời nhắc chúng ta phục vụ Chúa và Giáo Hội bằng cả con người

Maria hồn xác lên trời nhắc chúng ta phục vụ Chúa và Giáo Hội bằng cả con người

Thực tại Đức Mẹ hồn xác lên Trời nhắc cho chúng ta biết rằng chúng ta được mời gọi quảng đại phục vụ Thiên Chúa và tha nhân với toàn con người mình, cả hồn lẫn xác. Được như thế, trong ngày phục sinh số phận của chúng ta sẽ giống số phận của Mẹ thiên quốc.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với hàng ngàn tín hữu tại quảng trưởng thánh Phêrô trưa thứ tư 15 tháng 8- lễ Đức Mẹ hồn xác lên Trời. ĐTC nói trong bài huấn dụ: Trong ngày lễ trọng Đức Trinh Nữ diễm phúc Maria hồn xác lên Trời hôm nay, dân thánh trung thành của Thiên Chúa tươi vui diễn tả lòng sùng kính của mình đối với Đức Trinh Nữ Mẹ Chúa. Dân Chúa làm điều đó trong phụng vụ chung và cả với hàng ngàn hình thức đạo đức khác nhau. Và như thế, lời ngôn sứ của chính Đức Maria trở thành sự thật: “Mọi thế hệ sẽ gọi tôi là người có phúc” (Lc 1,48), vì Chúa đã nâng lên cao nữ tỳ khiêm hạ của Ngài. 

Đức Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác: ân ban cho sự kết hiệp đặc biệt của Mẹ với Chúa Giêsu

Việc lên Trời cả hồn lẫn xác là một đặc ân được ban cho Mẹ Thánh của Thiên Chúa  vì sự kết hiệp đặc biệt của Mẹ với Chúa Giêsu. Đây là một sự hiệp nhất thân xác và tinh thần, đã bắt đầu với biến cố Truyền Tin và chín mùi trong toàn cuộc sống của Đức Maria qua sự tham dự đặc biệt của Mẹ vào mầu nhiệm của Con Mẹ.

Bề ngoài cuộc sống của Đức Mẹ diễn ra như cuộc sống của một phụ nữ bình thường thời đó: cầu nguyện, quán xuyến gia đình và nhà cửa, đi đến hội đường… Nhưng mỗi một hành động thường ngày luôn luôn được chu toàn trong sự hiệp nhất trọn vẹn với Chúa Giêsu. Và trên Núi Sọ sự kết hiệp ấy đạt tột đỉnh, trong tình yêu, trong sự cảm thương và khổ đau của con tim. Vì thế Thiên Chúa đã ban cho Mẹ một sự tham dự tràn đầy vào cả sự sống lại của Chúa Giêsu nữa. Thân xác Mẹ đã được giữ gìn khỏi sự hư nát, như thân xác của Con Mẹ. Đó là điều Kinh Tiền Tụng Thánh Lễ hôm nay công bố : “Lậy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã không muốn cho Đấng đã sinh ra Chúa của sự sống biết tới sự hư nát của mồ chôn”.

Thiên Chúa muốn cứu rỗi con người toàn vẹn, hồn và xác

Hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng mầu nhiệm này: nó cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa muốn cứu rỗi con người toàn vẹn, hồn và xác. Chúa Giêsu đã sống lại với thân xác mà Ngài đã nhận lãnh từ Mẹ Maria và đã lên với Thiên Chúa Cha, với nhân tính được biến đổi của Ngài. Việc lên trời của Đức Maria, thụ tạo, trao ban cho chúng ta sự xác nhận số phận vinh quang của chúng ta. Các triết gia hy lạp xưa đã hiểu rằng linh hồn con người được chỉ định cho hạnh phúc sau cái chết. Tuy nhiên, họ dã khinh rẻ thân xác – coi nó là nhà tù của linh hồn – và không quan niệm rằng Thiên Chúa đã đặt định cả thân xác của con người cũng hiệp nhất với linh hồn trong hạnh phúc trên trời nữa. Điều này – “sự sống lại của thịt xác” – là một yếu tố riêng của mạc khải kitô, một điểm nền tảng đức tin của chúng ta.

Đức Mẹ hồn xác lên trời nhắc chúng ta phục vụ Chúa và Giáo hội với toàn thể con người, cả hồn và xác

Thực tại tuyệt vời của biến cố hồn xác lên trời của Đức Maria biểu lộ và xác nhận sự hiệp nhất của bản vị con người, và nhắc cho chúng ta nhớ rằng chúng ta được mời gọi phục vụ và tôn vinh Thiên Chúa với toàn con người mình, hồn và xác. Chỉ phục vụ Thiên  Chúa với thân xác không thôi sẽ là một hành động của nô lệ; chỉ phục vụ Thiên Chúa với linh hồn không thôi sẽ trái nghịch với bản tính nhân loại của chúng ta. Một Giáo phụ lớn của Giáo Hội là thánh Ireneo đã khẳng định rằng ”vinh quang của Thiên Chúa là con người sống động, và cuộc sống của con người là nơi việc trông thấy Thiên Chúa” (Chống các lạc giáo, IV, 20,7). Nếu chúng ta đã sống như thế trong việc tươi vui phục vụ Thiên Chúa, cũng được diễn tả ra trong việc phục vụ các anh em khác, thì số phận của chúng ta, trong ngày sống lại, sẽ giống như số phận của Mẹ thiên quốc của chúng ta. Khi đó chúng ta sẽ thực hiện được lời khích lệ của thánh tông đồ Phaolô: “Anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa trong thân xác anh em” (1 Cr 6.20), và chúng ta sẽ vinh danh Ngài luôn mãi trên trời.

Chúng ta hãy xin Mẹ Maria, với sự bầu cử hiền mẫu của Mẹ, giúp chúng ta sống con đường cuộc sống thường ngày trong niềm hy vọng hoạt động để một ngày kia có thể đạt được nó cùng với các Thánh và các người thân của chúng ta trên thiên đàng.

Linh Tiến Khải

Tháng Giêng 2017 – Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha

Tháng Giêng 2017 – Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha

VATICAN. Trong tháng giêng năm 2017, Đức Thánh Cha đặc biệt mời gọi các Kitô hữu cùng nhau phục vụ con người. Đức Thánh Cha chia sẻ trong đoạn Video rằng:

Trong thế giới ngày nay, nhiều Kitô hữu từ các giáo hội khác nhau đã cùng nhau lao tác, để phục vụ những anh chị em cần được trợ giúp, để bảo vệ cuộc sống và phẩm giá con người, để bảo vệ công trình sáng tạo, và để tranh đấu chống lại bất công.

Ước mong cùng nhau tiến bước, cùng nhau cộng tác trong phục vụ và liên đới với những ai yếu đuối nhất và những ai đang đau khổ, ước muốn này là nguồn vui cho tất cả chúng ta.

Hãy hiệp lời của con với lời cầu nguyện của Cha, để mọi người sống đời cầu nguyện và bác ái huynh đệ, để tái lập tình hiệp thông trọn vẹn trong giáo hội, cùng nhau phục vụ con người và đáp lại những thách đố hiện nay của nhân loại.

Tứ Quyết SJ

Thánh lễ tại nhà nguyện Marta, 08.11.2016

Thánh lễ tại nhà nguyện Marta, 08.11.2016

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-08-11-2016

Để có thể phục vụ Thiên Chúa cách tốt đẹp, chúng ta phải làm ngược lại những gì gian manh và không tìm kiếm quyền lực. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta. Đức Thánh Cha cũng nhắc rằng chúng ta không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi thế gian.

“Chúng tôi chỉ là những đầy tớ vô dụng” là điều mà những môn đệ đích thực của Chúa có thể lặp lại nơi chính bản thân mình.

Tham vọng quyền lực ngăn cản chúng ta phục vụ Chúa

Có biết bao vật cản, có biết bao chướng ngại làm chúng ta không phục vụ Chúa cách tự do. Đã bao nhiêu lần có lẽ chúng ta nhìn thấy trong nhà của chúng ta những điều như: Đây là việc thuộc quyền tôi phụ trách! Đã bao nhiêu lần, dù không nói ra, nhưng chúng ta làm cho người khác cảm thấy rằng: Tôi phụ trách việc này! Một tham vọng về quyền bính… Chúa Giêsu đã dạy chúng ta: chỉ có một người chỉ đạo, còn chúng ta cần trở thành người phục vụ. Hoặc có lần Chúa nói: nếu ai muốn làm đầu thì hãy làm người rốt hết để phục vụ mọi người. Chúa Giêsu đã biến đổi những giá trị trong xã hội và thế giới này. Ham muốn quyền lực không phải là cách để trở thành người phục vụ của Chúa. Thực tế, tham vọng quyền lực là một trong những trở ngại. Chúng ta hãy cầu nguyện để Chúa loại bỏ tham vọng này khỏi chúng ta.

Không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của

Chúa đã nói với chúng ta rằng, không đầy tớ nào lại có hai chủ. Không thể vừa có chủ là Thiên Chúa vừa có chủ là tiền bạc. Làm như thế là bất trung. Đây chính là trở ngại. Đúng chúng ta là tội nhân và chúng ta sám hối về điều này. Nhưng có công bằng không, khi chơi trò nước đôi, khi sống kiểu hai mặt? Có thể vừa đi bên phải vừa bước bên trái, vừa chơi với Thiên Chúa vừa chơi với thế gian? Không. Đây là trở ngại. Khi tham quyền thì sẽ gây ra bất công, sẽ không còn tự do để phục vụ Thiên Chúa.

Những chướng ngại này, tham vọng quyền lực và sự bất trung, lấy bình an khỏi trái tim chúng ta, làm chúng ta bất an, đưa chúng ta vào căng thẳng của thế gian hư ảo, làm chúng ta sống với những giả dối phô trương.

Người phục vụ của Thiên Chúa là phục vụ trong tự do của kẻ làm con chứ không phải là nô lệ

Có nhiều người sống chỉ để phô trương vì họ nói “À, thế này là tốt thế kia là…” để nổi tiếng. Danh tiếng của thế gian. Nếu thế chúng ta không thể phục vụ Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa để Ngài loại khỏi chúng ta những ngăn trở này, để chúng ta bình an trong cả thể xác lẫn tinh thần, để chúng ta có thể tự do mà làm việc phục vụ.

Người phục vụ của Thiên Chúa thì tự do, vì chúng ta là con cái chứ không phải là nô lệ. Khi chúng ta phục vụ Chúa trong tự do, chúng ta sẽ cảm thấy bình an thẳm sâu trong tâm hồn, và chúng ta nghe được tiếng nói của Chúa: “Hãy đến đây, hỡi những người đầy tớ tốt lành và trung tín.” Tất cả chúng ta đều muốn phục vụ Chúa trong tốt lành và chân thật, nhưng chúng ta cần ân sủng của Chúa, tự sức mình chúng ta không thể. Chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng ấy, để chúng ta có trái tim hòa bình và phục vụ trong tự do của con cái Thiên Chúa.

Tự do để phục vụ. Chúng ta chỉ là những tôi tớ vô dụng. Nguyện xin Chúa mở rộng cõi lòng chúng ta và ban Chúa Thánh Thần để Ngài giải thoát tâm hồn chúng ta khỏi tham vọng quyền lực, khỏi kiểu bất trung sống hai mặt, để chúng ta có thể phục vụ Chúa và phục vụ anh chị em đồng loại. Với tâm hồn hòa bình, chúng ta mang đến sự phục vụ của những người con tự do, với rất nhiều tình yêu mến. Lạy Thiên Chúa là Cha, con tạ ơn Cha, nhưng Cha biết đấy: con chỉ là đầy tớ vô dụng.

Tứ Quyết SJ