Đức Thánh Cha về đến Roma bình an

Máy bay chở Đức Thánh Cha trở về Ý đã đáp xuống phi trường Fiumicino của Roma lúc 16:13. Đức Thánh Cha kết thúc chuyến tông du nước ngoài lần thứ 32, với chuyến viếng thăm hai quốc gia Thái Lan và Nhật Bản từ ngày 19-26/11.

Sau 12 giờ bay, chiếc máy bay Boeing 787 của hãng hàng không ANA (All Nippon Airways) của Nhật chở Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng và các ký giả từ Tokyo đã đáp xuống phi trường Roma lúc 16:13, gần 50 phút so với thời gian dự kiến.

Đức Thánh Cha kết thúc chuyến tông du nước ngoài lần thứ 32 và là chuyến viếng thăm châu Á lần thứ tư. Thái Lan và Nhật Bản, cả hai quốc gia đều có gốc rễ Kitô giáo từ nhiều thế kỷ, đã bày tỏ cho Đức Thánh Cha thấy niềm vui của đức tin và ý muốn tiếp tục hành trình truyền giáo và loan báo Tin Mừng của nhiều vị tử đạo và các chứng tá đã thực hiện trong lịh sử của họ.

Như thường lệ, khi về đến Roma, Đức Thánh Cha đã đến đền thờ Đức Bà Cả, cầu nguyện trước bức ảnh “Đức Bà là phần rỗi dân thành Roma”, trước khi trở về Vatican.

Hồng Thủy – Vatican

Đức Thánh Cha trò chuyện với phi hành đoàn trên trạm không gian quốc tế

Đức Thánh Cha trò chuyện với phi hành đoàn trên trạm không gian quốc tế

“Anh em là một tòa nhà bằng kiếng nhỏ mà tổng thể lại lớn hơn tổng số của các phần”. Đó là những lời Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các phi hành gia của trạm không gian quốc tế vào chiều ngày 26/10 vừa qua.

Vào lúc 3 giờ chiều Roma ngày 26/10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc trò chuyện kéo dài khoảng 25 phút với phi hành đoàn trên trạm không gian quốc tế đang ở trên quĩ đạo. Đức Thánh Cha đã đặt một số câu hỏi cho 6 thành viên của phi đội.

Đức Thánh Cha chào phi hành đoàn và tiến sĩ phi hành gia người Ý Paolo Nespoli. Ngài cám ơn các phi hành gia và tất cả những người đã sắp xếp buổi kết nối hôm nay, đã cho ngài cơ hội “găpcác phi hành gia” và hỏi họ vài điều.

– Câu hỏi đầu tiên của Đức Thánh Cha là: Thiên văn học giúp chúng ta chiêm ngắm những chân trời vô hạn của vũ trụ và gợi lên trong lòng chúng ta những câu hỏi: chúng ta đến từ đâu? Tôi muốn hỏi tiến sĩ Nespoli: dưới ánh sáng những kinh nghiệm ở trong không gian của tiến sĩ, ông nghĩ gì về chỗ của con người trong vũ trụ?

Tiến sĩ Nespoli trả lời: thưa Đức Thánh Cha, đây là một câu hỏi phức tạp. Con nghĩ mình là một kỹ thuật viên, một kỹ sư, con ở giữa các máy móc, với các kinh nghiệm; nhưng khi nói về những điều như “chúng ta đến từ đâu”.. con bị bối rối. Đây là vấn đề khó nói. Con nghĩ là mục đích của chúng con là nhận biết sự hiện hữu của chúng con, để làm đầy sự hiểu biết, hiểu những điều xung quanh chúng ta…Con thích có những người như ngài, không chỉ là các kỹ sư và vật lý gia, nhưng là các thần học gia, triết gia, văn sĩ, thi sĩ có thể đến đây với chúng tôi để khám phá việc một người ở trong không gian có nghĩa gì.

– Tiếp đến, Đức Thánh Cha nhắc lại câu nổi tiếng mà thi sĩ Dante đã kết thúc tác phẩm “Hài kịch thần linh”, “tình yêu di chuyển mặt trời và các vì sao khác”. Ngài hỏi các phi hành gia, khi nói tình yêu là sức mạnh di chuyển vũ trụ, điều này có nghĩa gì với họ. Trả lời câu hỏi này của Đức Thánh Cha, phi hành gia người Nga Alexander Misurkin đề cập đến cuốn sách “Hoàng tử nhỏ” của Antoine de Saint-Exupéry, kể về một cậu bé đã sẵn sàng hy sinh sự sống để cứu các cây cối và thú vật trên trái đất và ông nói: một cách căn bản, tình yêu là sức mạnh đem lại cho bạn khả năng trao bạn sự sống của bạn vì một ai đó.

– Câu hỏi thứ ba của Đức Thánh Cha, như ngài nói, là một sự hiếu kỳ. Ngài hỏi: “Điều gì đã thúc đẩy anh em trở thành các phi hành gia? Phi hành gia người Nga Sergei Ryazanskiy cho biết chọn lựa trở thành phi hành gia của ông có liên quan đến ông của mình, một trong những người tiên phong trong ngành không gian và là kỹ sư của phi thuyền không gian Sputnik 1. Sergei muốn theo bước ông của mình vì không gian rất xinh đẹp và lý thú và cũng rất quan trọng đối với con người. Phi hành gia Randy Bresnik người Mỹ nhấn mạnh đến cơ hội có thể nhìn Trái đất “một tí” với đôi mắt của Chúa” và nhìn vẻ đẹp không thể tin nỗi của hành tinh này. Ông cho biết thêm, với vận tốc của quỹ đạo là 10 km/ giây, các phi hành gia nhìn Trái đất với đôi mắt khác: chúng tôi nhìn thấy một Trái đất không có biên giới, nơi mà bầu khí quyển vô cùng mỏng manh, và quan sát Trái đất lúc này chúng tôi nghĩ về con người, nghĩ đến việc chúng ta cùng nhau làm việc thế nào cho một tương lai tốt hơn.

– Câu hỏi thứ 4 của Đức Thánh Cha dựa trên một quan sát: hành trình trong không gian thay đổi nhiều điều, ví dụ như ý niệm “trên” và “dưới”. Có điều gì khi đang sống trong trạm không gian làm anh em ngạc nhiên? Ngược lại, có điều gì đánh động anh em bởi vì nó được xác định ở đó, trong một bối cảnh khác như thế? Phi hành gia người Mỹ Mark T. Vande Hei trả lời: “Điều làm tôi ngạc nhiên là sự kiện “trong không gian bạn thấy các sự vật hoàn toàn khác, dường như là những điều không thể nhận ra được. Ông nói thêm: để hiểu tôi ở đâu, tôi phải quyết định đâu là trên và đâu là dưới và thiết lập mô hình thu nhỏ của tôi.

– Câu hỏi cuối cùng, Đức Thánh Cha nói: xã hội của chúng ta rất là cá nhân và ngược lại cuộc sống của chúng ta rất cần sự cộng tác với nhau. Các anh có thể nêu vài ví dụ có ý nghĩa về sự cộng tác của anh em trên trạm không gian không? Phi hành gia Joseph Acaba người Mỹ nói rằng “trạm không gian là một ví dụ của sự cộng tác quốc tế”. Có những người Mỹ, người Nga, Nhật, Canada, 9 nước châu Âu … Một điều quan trọng và lý thú là mỗi người có sự khác nhau và tất cả sự khác nhau này được đặt chung làm thành một tổng hợp rất lớn, hơn một người duy nhất. Với nhau, chúng tôi có thể làm nhiều điều tốt hơn nếu chúng tôi chỉ làm một mình.

Sau câu trả lời, Đức Thánh Cha nhận xét: “Anh em là một tòa nhà bằng kiếng nhỏ mà tổng thể lại lớn hơn tổng số của các phần”. Đây là mẫu gương của anh em đối với chúng tôi.

Trước khi kết thúc, Đức Thánh Cha đã chào và cám ơn các phi hành gia. Ngài nói: “Chúng tôi nhìn nhận anh em như những đại diện của cả gia đình nhân loại trong chương trình nghiên cứu vĩ đaị ở trạm không gian.

Tiến sĩ Nespoli cũng cám ơn Đức Thánh Cha đã đánh giá cao các phi hành gia, đã đưa họ ra khỏi khung cảnh máy móc hàng ngày và đã giúp họ nghĩ đến những điều lớn hơn. (REI 26/10/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha kêu gọi hòa bình cho 4 quốc gia

Đức Thánh Cha kêu gọi hòa bình cho 4 quốc gia

CARPI. ĐTC liên đới với các nạn nhân đất lở tại Colombia và kêu gọi giải pháp ôn hòa cho Venezuela và Paraguay, chấm dứt bạo lực tại Congo.

Trong lời kêu gọi vào cuối thánh lễ sáng chúa nhật 2-4-2017 tại thành phố Carpi, bắc Italia, ĐTC nói:

”Tôi rất đau buồn vì thảm họa xảy ra tại Colombia, một làn sóng bùn vĩ đại vì mưa lũ, đã đổ xuống thành phố Mocoa, làm cho nhiều người chết và bị thương. Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và bày tỏ sự gần gũi của tôi và của anh chị em tín hữu tại đây với những người đang khóc thương những người thân yêu bị thiệt mạng, và tôi cám ơn tất cả những người đang hoạt động để cứu trợ.

ĐTC nói thêm rằng: ”Những tin tức về các cuộc đụng độ võ trang tại miền Kasai thuộc Cộng hòa dân chủ Congo tiếp tục được gửi về, những cuộc đụng độ ấy đang gây ra nhiều nạn nhân và những vụ tản cư, và đánh vào cả các nhân sự và tài sản của Giáo Hội như nhà thờ, nhà thương, trường học.. Tôi bày tỏ sự gần gũi của tôi với đất nước này, và khuyên tất cả mọi người hãy cầu nguyện cho hòa bình, để con tim của những người gây ra những tội ác như thế không tiếp tục làm nô lệ cho oán thù và bạo lực, vì oán thù và bạo lực luôn tàn phá.

”Ngoài ra tôi cũng rất quan tâm theo dõi những gì đang xảy ra tại Venezuela và Paraguay. Tôi cầu nguyện cho các dân tộc ấy, mà tôi rất quí mến, và mời gọi tất cả mọi người hãy kiên trì đừng mệt mỏi trong việc tìm kiếm các giải pháp ôn hòa, tránh mọi bạo lực”.

Tình hình Colombia, Venezuela, Paraguay và Congo

1. Đất lở vì mưa lũ ở thành phố Mocoa, Colombia đã làm cho ít nhất 250 người chết và hơn 220 người bị thương theo thống kê sơ khởi.

Còn tại Venezuela, trong tuần qua, Tối cao pháp viện, gồm những thành phần thân chính phủ của tổng thống Maduro, đã bỏ phiếu giải tán quốc hội, trong đó phe đối lập chiếm đa số, đồng thời bãi bỏ quyền miễn tố của các đại biểu quốc hội.

Trước sự phản đối mạnh mẽ của dân chúng và HĐGM Venezuela, cũng như dư luận quốc tế và đặc biệt tại Nam Mỹ, Tổng thống Maduro tuyên bố xét lại án lệnh của tòa án tối cao và tái lập quốc hội. Tuy nhiên cuộc khủng hoảng nhân đạo, thiếu lương thực, thuốc men tại Venezuela tiếp tục ở mức độ rất trầm trọng.

Tại Paraguay, hôm thứ sáu 30-3 vừa qua đã xảy ra các cuộc đụng độ giữa phe đối lập và cảnh sát, sau khi những người đối lập tấn công và chiếm trụ sở quốc hội ở thủ đô Asunción để phản đối đề nghị của tổng thống cải tổ hiến pháp có từ năm 1992 để ông có thể ra tranh cử nhiệm kỳ 2.

Trong cuộc đụng độ, một thành viên phe đối lập 28 tuổi bị thiệt mạng. Tổng thống Horacio Cartes đã cách chức bộ trưởng nội vụ Tadeo Rojas và chỉ huy trưởng cảnh sát, Ông Crispulo Sotelo cũng bị bãi chức.

Congo Kinshasa

Tại Cộng hòa dân chủ Congo có cuộc nổi loạn ở miền Kasai từ tháng 8 năm ngoái và tình hình ngày càng đồi tệ hơn. Cách đây hơn 1 tuần HĐGM Congo và Đức Sứ thần Tòa Thánh tại đây ra thông cáo chung bày tỏ lo âu về tình trạng an ninh xã hội và số phận của dân chúng. Phiến quân sử dụng cả các binh sĩ trẻ em, và gây ra những vụ tấn công, giết hại thường dân, tạo nên làn sóng tị nạn. Mới đây người ta tìm thấy xác của 2 chuyên gia của LHQ, một người Mỹ và một người Thụy Điển hôm 29-3 vừa qua sau khi họ bị bắt đi mất tích.

Các GM tố giác rằng nhiều xứ đạo bị bỏ hoang hoặc trống rỗng vì các tín hữu phải di tản đi nơi khác.

Ngoài ra, hôm 2-4 vừa qua, Linh mục Charles Mukubayi, một trong các vị đặc trách tổ chức Caritas của giáo phận Luebo thuộc tỉnh Kasai cho biết một nhóm dân quân chưa được các lực lượng an ninh Congo xác định danh tánh đã cướp phá và thiêu hủy các cơ sở của Giáo hội Công Giáo tại Luebo. Cha Mukubayi đã phải rời bỏ thành phố này.

Cha nói với phái viên Radio Okapi: nhóm dân quân đã tấn công, cướp bóc và đốt tòa GM, văn phòng chưởng ấn, các văn phòng phối hợp các trường Công Giáo, các tập viện của các nữ tu và xúc phạm đến nhà thờ chính tòa thánh Gioan và nhà xứ tại đây. Họ phá đại chủng viên Lunkelu. Nhiều linh mục phải chạy vào rừng để lánh nạn.   Ngày 18-2 vừa qua, Đại chủng viện Malole ở Kananga, ở miền trung Kasai cũng bị cướp phá (SD, RG 3-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

ĐTC gặp gỡ giới trẻ Morelia và thăm các tù nhân trại cải huấn CeReSo

ĐTC gặp gỡ giới trẻ Morelia và thăm các tù nhân trại cải huấn CeReSo

ĐTC làm phép Thánh Giá Ngày Giới Trẻ Toàn Quốc

Tường thuật cuộc gặp gỡ của ĐTC với giới trẻ giáo phận Morelia và buổi viếng thăm các tù nhân trại cải huấn CeRoSo tỉnh Ciudad Juarez

Thứ tư hôm qua ĐTC đã đến giáo phận Ciudad Juarez cách thủ đô Mexico 1,543 cây số, để thăm các tù nhân trung tâm cải huấn CeReSo, gặp gỡ giới lao động trong toà nhà thể thao thành phố và chủ sự thánh lễ cho tín hữu tại khu hội chợ thành phố.

Nhưng trước hết xin quý vị cùng chúng tôi trở lại với các sinh hoạt của ĐTC chiều thứ ba.

Sau khi từ giã các linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và mọi người ĐTC đã di xe về Toà tổng giám mục để dùng bữa trưa với đoàn tuỳ tùng và nghỉ ngơi chốc lát trước khi tiếp tục các sinh hoạt ban chiều là viếng thăm nhà thờ chính toà Morelia và gặp gỡ giới trẻ tại vận động trường José Maria Morelos y Pavón vào lúc 4 giờ chiều. 

Nhà thờ chính toà Morelia có kiểu kiến trúc ba rốc, với các yếu tố tân cổ điển, được xây giữa các năm 1640-1744. Giếng rửa tội bằng bạc và vàng thuộc thế kỷ XVIII. Các cửa bên trong bọc da nhuộm mầu kiểu andaluso. Trong phòng thánh có các bức tranh thuộc thế kỷ XVI và một tượng Chúa Kitô làm bằng bột ngô trộn mật ong, theo các kỹ thuật thời tiền tây ban nha.

Lúc 15 giờ15 ĐTC đã đi xe tới thăm nhà thờ chính toà. Trong phòng thánh 14 viện trưởng các đại học Mexico và 6 thủ lãnh các Giáo hội kitô khác đã được giới thiệu với ĐTC. Trước nhà thờ chính toà thị trưởng thành phố Morelia đã trao chìa khóa thành phố cho ĐGH như biểu tượng chào đón vị thượng khách. Tiếp đến ĐTC đã đi xe tới sân vận động  José Maria Morelos y Pavón để gặp gỡ giới trẻ. José Maria Morelos y Pavón là anh hùng của nền độc lập Mêhicô, và là người sinh trưởng tại đây. Tại hai bãi đậu xe bên ngoài vân động trường 50,000 người có thể theo dõi buổi gặp gỡ của ĐTC với giới trẻ. Xe chở ĐTC đi một vòng để ngài chào tín hữu.

Sau các bài hát và màn vũ của người trẻ ĐC Héctor Luis Morales Sánchez, GM Ciudad Nezahualcoytl, đặc trách mục vụ giới trẻ, đã chào mừng ĐTC. Ngài nói:

« Đứng trước thế hệ trẻ, giống như ông Môshê xưa kia, các Giám Mục chúng con tháo giầy ra, vì ý thức rằng Chúa chỉ cho chúng con thấy các bạn trẻ là vùng đất thánh, một thực tại từ đó Chúa nói với chúng con. Việc chiêm ngưỡng này khiến cho chúng con cảm thấy thương xót giới trẻ của quê hương đất nước chúng con, tìm cách lắng nghe họ và đồng hành với họ để cùng họ sống kinh ngiệm tình yêu của Thiên Chúa. Chính trong tinh thần ấy chúng con đã thành lập Ngày Giới Trẻ Toàn Quốc và làm một Cây Thánh Giá mà chúng con xin ĐTC làm phép rồi giao cho từng bạn trẻ đại diện cho 93 giáo phận toàn nước. Chúng con cũng đề ra chương trình rao giảng Tin Mừng và đào tạo toàn diện cho giới trẻ, vì chúng con cảm thấy sự cấp thiết giúp họ trở thành các người lưu động rao truyền đức tin hạnh phúc,  đem Chúa Giêsu đến mọi nẻo đường, mọi quảng trường và mọi xó xỉnh của đất nước. Chúng con cũng xin phó thác cho ĐTC  một tài liệu trình bầy dấn thân của chúng con  trong viêc rao truyền Tin Mừng cho giới trẻ để ĐTC ban phép lành và trao lại cho chúng con, và chúng con sẽ lãnh nhận trách nhiệm thực hiện quyết định này. »

Tiếp đến hai bạn trẻ là chị Daniela và anh Alberto đã đại diện 30 triệu người trẻ Mexico thay phiên nhau chia sẻ chứng từ liên quan tới các khó khăn và thách đố mà giới trẻ Mexico đang phải đương đầu trong cuộc sống hiện tại.

Trước hết là giá trị quan trọng của gia đình, vì gia đình là dấu chỉ trực tiếp nhất có thể sờ mó được của tình yêu, sự gần gũi và tình liên đới. Nó là trường nơi con người học các thói quen, các tập tục và tư tưởng tạo thành bản vị, biết phân biệt lành dữ, chia vui sẻ muộn và các khó khăn, giải quyết các vấn đề, cảm thấy mình là thành phần của cộng đoàn. Nhưng người trẻ đau khổ, khi trông thấy gia đình bị điều kiện hóa vì người ta coi trọng vật chất hơn con người, khi khó nói lên hai tiếng tình yêu, người ta cống hiến sự vật, nhưng không trao ban vòng tay ôm của sự ủi an và an ninh, không có lời trách móc diễn tả sự ân cần âu lo, không có công việc chung khơi dậy sự kính trọng và khâm phục, không có chia sẻ các giấc mơ sinh ra căn tính và ý thức tuỳ thuộc. Làm thế nào để tái chiếm ý nghĩa của gia đình và đương đầu với các hệ thống lôi cuốn nó?

Giới trẻ Mêhicô dang phải đối đầu với một thực tại phức tạp: nền giáo dục tính dục xấu, ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông, thiếu tình thương, sợ hãi dấn thân với một ngưòi khác. Làm thế nào để học biết đánh giá chính mình và tái chiếm lại giấc mơ thành lập một gia đình? Người trẻ Mexico mơ ước một gia đình và tiếp tục mơ ước tạo dựng một gia đình, vì trong đó họ có thể sống tình yêu và xây dựng một xã hội từ bi.

Giới trẻ Mexico muốn sống trong hoà bình. Tuy thuộc nhiều truyền thống văn hóa nhưng tất cả đều muốn là những ngươi mang theo sự sống và hoà giải. Có người cố gắng học hành để phát triển quốc gia, có người làm việc lương thiện để nâng đỡ gia đình. Họ đều cố gắng để xã hội biết khai thác tiềm năng trí tuệ, con tim và bàn tay của họ để tạo dựng một nền văn hóa bình đẳng và kính trọng. Người trẻ sinh hoạt và rao giảng Tin Mừng trong các giáo xứ, cử hành đức tin và sống tình yêu của Chúa Giêsu trong tình huynh đệ. Tuy nhiên, trong nhiều vùng của đất nước thiếu các cơ may chuẩn bị nghề nghiệp và công ăn việc làm. Vì thế một số bạn trẻ trở thành nạn nhân của sự tuyệt vọng, của cuộc sống hà tiện, gian tham hối lộ và các lời hứa một cuộc sống dễ dàng, nhưng ngoài vòng luật lệ. Càng ngày càng có thêm nhiều nạn nhân của nạn buôn bán ma tuý bạo lực, lệ thuộc và khai thác bóc lột.  Nhiều gia đình phải khóc thương con cái bị chết, vì tình trạng không trừng phạt các thủ phạm tạo thuận viện cho các vụ bắt cóc, lừa đảo và sát hại. Giới trẻ Mêhicô muốn xây dựng hoà bình, nhưng làm sao thực hiện được điều đó? Họ không muốn người thân là nạn nhân của bạo lực, nhưng đâu là con đường phải theo? Là kitô hữu người trẻ muốn là các sứ giả hoà bình của Chúa Kitô, nhưng làm sao thực hiện trong các giáo xứ?

Người trẻ Mexico muốn dấn thân hơn trong cuộc sống, nhưng có nhiều hiện tượng lôi cuốn và điều kiện hóa họ. Có các yếu tố tích cực nhưng cũng có nhiều yếu tố tiêu cực. Họ chán nản vì đất nước không cho họ các cơ may thực hiện khát vọng nghề nghiệp, và có quá nhiều bạo lực gây tổn thương cho họ. Ngày nay có nhiều kỹ thuật truyền thông tiện lợi, nhưng nhưng người trẻ đánh mất đi các cảm nghiệm cụ thể của việc trông thấy, lắng nghe và nếm hưởng sự hiện diện của người bên cạnh muốn đồng hành với họ. Tệ hơn nữa, người trẻ đã để cho nhiều người xa cách họ và đánh mất họ vì không biết sống gần gũi họ. Giới trẻ Mêhicô càng ngày càng có cảm tưởng khó chịu, nhưng cũng ý thức rằng giải pháp phần lớn nằm trong tay họ. Họ cần dấn thân thắng vượt sự hâm hẩm và khuynh hướng xu thời, thắng vượt các sợ hãi ngăn chặn họ đương đầu với cuộc sống, không quá nghĩ tới các tình trạng sống cá nhân nhưng đi ra ngoài, vì sự hâm hẩm, các sợ hãi và khuynh hướng xu thời không hoà hợp với Tin Mừng. Người trẻ Mêhicô nghe nói “họ là niềm hy vọng của một tương lai tươi sáng hơn, họ là các người hành hương của niềm hy vọng. Giáo hội nhìn họ với niềm hy vọng vì họ là tiềm năng khổng lồ cho hiện tại và tương lai của việc rao giảng Tin Mừng”. Nhưng ai trao ban hy vọng cho họ?  Và chúng con nhận ra rằng đó là Chúa Giêsu Kitô. Chỉ có Chúa Giêsu là suối nguồn đích thực của niềm hy vọng. Ngài là bạn, là anh của chúng con . Ngài là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Là đường đi. Là sự thật tràn đầy và chỉ nơi Ngài chúng con mới có thể tìm thấy niềm hy vọng đích thật.

Giới trẻ là kho tàng của Mêhicô và của Giáo Hội cần biến thành niềm hy vọng

Ngỏ lời với mọi người ĐTC chào tất cả các bạn trẻ hiện diện cũng như hàng ngàn bạn trẻ đang theo dõi buổi gặp gỡ qua truyền hình, đặc biệt hàng ngàn bạn trẻ tụ tập tại quảng trường Gioan Phaolô II trong thành phố Guadalajara. Ngài nhắc lại điều ngài đã nói với tổng thống trong lời chào mừng đầu tiên khi đến Mexico: Một trong các kho tàng lớn nhất của đất nước Mexico này là gương mặt trẻ trung, là người trẻ. Phải, các bạn là kho tàng của vùng đất này. Tôi không nói niềm hy vọng của đất nước này nhưng nói là kho tàng của đất nước này.

Núi có thể chứa nhiều quặng mỏ phong phú dùng để phục vụ sự tỉến bộ của nhân loại,  nhưng cần phải biến đổi sự phong phú ấy thành niềm hy vọng với việc làm như các thơ mỏ khi lấy ra các quặng mỏ ấy. Các bạn là sự phong phú cần biến đổi thành niềm hy vọng. Chị Daniela đã nói một điều rất có lý: “Chúng ta tất cả có thể sống, nhưng không thể sống mà không hy vọng.” Anh Alberto cũng khẳng định: “Với đôi tay, con tim và trí óc của con,  con có thể xây dựng  niềm hy vọng. Nhưng nếu con không cảm thấy nó thì niềm hy vọng sẽ không thể đi vào trong tim con được”.

Chúng ta không thể sống niềm hy vọng, cảm thấy ngày mai, nếu trước đó không cảm thấy mình đuợc trân quý, nếu không cảm thấy rằng cuộc sống, đôi tay, lịch sử đời mình có một giá trị. ĐTC khẳng định với các bạn trẻ như sau:

Niềm hy vọng nảy sinh, khi có thể kinh nghiệm rằng không phải tất cả đều đã mất, và vì thế cần bắt đầu  tập tành từ gia đình, từ chính mình. Không phải tất cả đều đã mất. Tôi không hư mất, tôi có giá trị và rất giá trị. ĐTC đã xin các bạn trẻ để tay trên tim và hỏi xem có đúng thật là mình đã mất tất cả hay không, mình có giá trị ít hay nhiều. Rồi ngài nói tiếp: Đe dọa chính đối với niềm hy vọng là các diễn văn hạ giá bạn, làm cho bạn cảm thấy bạn là người hạng hai. Đe dọa chính đối với niềm hy vọng là khi bạn cảm thấy không có ai quan tâm tới bạn và bạn bị gạt sang một bên. Đe dọa chính đối với niềm hy vọng là khi bạn cảm thấy rằng ban có ở đó hay không ở đó cũng vậy thôi. Điều này giết chết, nó huỷ diệt chúng ta và mở cửa cho biết bao nhiêu khổ đau. Đe dọa chính đối với niềm hy vọng là làm cho bạn cảm thấy rằng bạn che mặt nạ với quần áo, hàng hiệu, thuộc mốt thời trang mới nhất, hay khi bạn trở thành người có uy tín, quan trọng vì bạn có tiền, nhưng ở sâu thẳm trong con tim bạn không tin là mình đáng được yêu thương trìu mến. Đe dọa chính đối với niềm hy vọng là khi một người cảm thấy rằng tiền bạc dùng để mua mọi sự, kể cả lòng thương mến của người khác. Đe dọa chính đối với niềm hy vọng là tin rằng vì bạn có một chiếc xe đẹp, nên bạn hạnh phúc.

Các bạn chính là niềm hy vọng của đất nước Mêhicô, các bạn chính là kho tàng của Giáo Hội. Cha hiểu rằng nhiều khi khó mà cảm thấy mình giầu có, khi chúng ta phải thường xuyên mất mát bạn bè, người thân trong tay của các kẻ buôn bán ma tuý, của các tổ chức tội phạm gieo rắc kinh hoàng. Khó mà cảm thấy sự giầu có của một quốc gia, khi không có cơ may có công ăn việc làm xứng đáng, không có cơ may học hành và chuẩn bị, khi thấy các quyền lợi của mình không được thừa nhận và điều này đẩy đưa tới các tình trạng tột cùng. Khó mà cảm thấy mình là sự phong phú của một nơi, vì sự kiện người trẻ bị sử dụng cho các mục đích xấu xa với các hứa hẹn không thật.

Mặc dù tất cả những diều đó, tôi không mệt mỏi lập lại rằng các bạn là sự giầu có của đất nước Mêhicô. Tôi nói điều đó với các bạn vì cũng như các bạn cha tin nơi Chúa Giêsu Kitô. Chính Ngài liên tục canh tân trong tôi niềm hy vọng và cái nhìn của tôi. Chính Ngài liên lỉ gửi tôi đi hoán cải các con tim. Đúng thế, thưa các bạn, vì nơi Ngài tôi đã gặp Đấng có khả năng thắp sáng lên điều tốt đẹp nhất nơi tôi. Và chính nhờ Ngài mà chúng ta có thể bắt đầu trở lại mỗi ngày, và có can đảm nói rằng không đúng là chỉ có một kiểu sống duy nhất, là người trẻ để cuộc đời mình trong tay của nạn buôn bán ma tuý, của những người chỉ biết gieo vãi tàn phá và chết chóc. Nhờ Ngài mà chúng ta có thể nói rằng không đúng là kiểu sống duy nhất đối với người trẻ ở đây là trong nghèo túng, bị gạt bỏ bên lề, không có cơ may, không có khoảng không, không được đào tạo giáo dục, không niềm hy vọng. Chính Chúa Giêsu cải chính tất cả các cố gắng khiến cho các bạn trở thành vô ích hay là lính đánh thuê cho các tham vọng của nguời khác.

Tên gọi của niềm hy vọng là Chúa Giêsu Kitô, Đấng mời gọi xây dựng đền thánh gia đình, cộng đoàn, giáo xứ, quốc gia

Các bạn đã xin tôi một lời hy vọng, lời hy vọng mà tôi cho các bạn tên là Giêsu Kitô. Khi tất cả xem ra nặng nề, khi xem ra thế giới  sụp đổ trên chúng ta, các bạn hãy ôm lấy thập giá của Ngài, ôm lấy Chúa và đừng bao giờ tách rời khỏi tay Ngài, đừng bao giờ xa Ngài. Bởi vì cùng  Chúa có thể sống tràn đầy, cùng Chúa có thể tin rằng là đáng sống cho đi điều tốt nhất của mình,  là men, muối và ánh sáng giữa bạn bè, trong khu xóm, trong cộng đoàn. Vì thế các bạn trẻ thân mến, nhân danh Chúa Giêsu, tôi mời gọi các bạn đừng để cho mình bị loại trừ, khinh rẻ, đừng để cho mình bị đối xử như hàng hóa. Chắc chắn rồi, có thể các bạn không có xe hơi kiểu mới nhất, không có ví đầy tiền, nhưng các bạn có điều gì đó, mà không ai có thể lấy mất được, đó là kinh nghiệm cảm thấy được yêu thương, ôm ấp và đồng hành. Đó là kinh nghiệm cảm thấy mình là gia đình, là cộng đoàn. Đó là kinh nghiệm nhìn đời với đầu ngẩng cao, với phẩm giá. Các bạn là sự phong phú của đất nưóc Mêhicô, là niềm hy vọng và phẩm giá mà Chúa Kitô ban cho và không thể là lính đánh thuê cho các tham vọng của kẻ khác.

Chúa tiếp tục mời gọi, triệu vời các bạn như Ngài đã làm với thánh Juan Diego. Ngài mời gọi các bạn xây dựng một đền thánh, không phải là một nơi thể lý, nhưng là một cộng đoàn, đền thánh gọi là giáo xứ, Quốc gia. Cộng đoàn, gia đình, cảm thấy mình là công dân là một trong các liều thuốc chính chống lại tât cả những gì đe dọa chúng ta, vì nó làm cho chúng ta cảm thấy là thành phần của đại gia đình của Thiên  Chúa. Không phải để khép kín nhưng để đi ra và mời gọi ngưòi khác đi ra loan báo cho tất cả mọi nguời rằng giới trẻ Mêhicô là kho tàng lớn nhất vì thế không thể bị hy sinh. Chúa Giêsu không bao giờ mời gọi chúng ta trở thành kẻ giết mướn, nhưng là môn đệ. Ngài không gửi chúng ta đi để chết, nhưng mời chúng ta sống một cuộc sống gia đình, cộng đoàn sinh lợi cho xã hội. Các bạn là kho tàng của đất nước này, và khi nào các bạn nghi ngờ, thì hãy nhìn Chúa Giêsu Kitô, Đấng cải chính tất cả mọi cố gắng khiên cho các bạn trở thành vô ích hay chỉ là kẻ đánh thuê cho các tham vọng của người khác.

Diễn văn của ĐTC đã bị ngắt quãng nhiều lần vì các tràng pháo tay của các bạn trẻ.

Sau khi từ giã mọi người, ĐTC đã đến bãi đậu của trực thăng cách đó 500 mét để đi phi trường  Morelia, Máy bay đã rời phi trường lúc 6 giờ rưỡi chiều và về tới phi trường thủ đô Mêhicô sau hơn 1 giờ bay. Từ đó ĐTC đã về Toà Sứ Thần để dùng bữa tối và nghỉ đêm.

Lúc 7 giờ rưỡi sáng thứ tư hôm qua ĐTC đã từ giã Toà Sứ Thần đi xe ra phi trường lấy máy bay đi Ciudad Juarez cách thủ đô Mexico 1,543 cây số để thăm giáo phận này. Tại đây ngài thăm các tù nhân trại cải huấn CeReSo số 3, gặp gỡ giới công nhân và chủ sự thánh lễ cho tín hữu.

Máy bay chở ĐTC đã tới phi trường Ciudad Juarez sau 2 giờ 25 phút bay. Chào đón ĐTC tại phi trường có ĐC José Guadalupe Tomes Campos và vài giới chức dân sự.

Ciudad Juarez là thành phố được thành lập năm 1659 với tên là “Đèo miền Bắc”. Các người thám hiểm Tây Ban Nha đã  tìm một lộ trình để vượt qua các dẫy núi đá, và trong hai thế kỷ nó là lối duy nhất vượt qua sông Rio Grande để từ Mêhicô qua Texas. Với thoả hiệp ký kết với Hoa Kỳ năm 1848, sông Rio Grande trở thành biên giới ngăn cách các nhóm dân sống tại mạn bắc của sông với phần còn lại của thành phố. Phần thuộc Hoa Kỳ trở thành El Paso. Năm 1882 đường xe lửa tới đây cho phép mở các nhà băng, bưu diện, xe điện và nhiều sinh hoạt thương mại khác. Hiện nay Ciudad Juarez có hơn 1,2 triệu dân và là thành phố lớn thứ 5 của Mêhicô và cũng là một trong những thành phố nổi tiếng bạo lực nhất thế giới, trước  Miami, Caracas và New Orleans. Chỉ nội trong năm 2009 đã có 2500 vụ giết người. Vòng bạo lực do nạn buôn bán ma tuý gây ra. Có tới 950 băng đảng vũ trang hoạt động tại đây, với hàng ngàn băng đảng nhỏ hơn và hàng trăm tay anh chị bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ. Trong bốn năm chiến tranh ma tuý đã có 212,000 người rời bỏ thành phố đi nơi khác sinh sống, tức chiếm 18% dân số. Từ năm 1993 đã có hàng ngàn phụ nữ thuộc tầng lớp nghèo biến mất, vì làm việc trong các hãng lậu sản xuất hàng hóa cung cấp cho Hoa Kỳ. Đã có nhiều phim được quay tại đây kể lại thực tại buồn thương này như “Thành phố biên giới” năm 2006. “Biên giới” năm 1982 kể lại nạn di cư lậu từ Ciudad Juarez sang El Paso. Cũng có nhiều sách viết về thực tại này, và đã có nhiều hiệp hội phụ nữ thành hình nhằm bảo vệ chị em phụ nữ tại đây.

Giáo phận Ciudad Juarez được thành lập năm 1957, có 2 triệu 750 ngàn dân, 85% theo Công Giáo. Giáo phận gồm 73 giáo xứ và 4 cứ điềm truyền giáo. Nhân lực của giáo phận gồm 98 linh mục triều, 22 liinh mục dòng, 39 tu huynh, 177 nữ tu, 19 phó tế vĩnh viễn và 56 chủng sinh. Giáo hội điều khiển 15 cơ sở giáo dục và 66  trung tâm bác ái.

Từ phi trường ĐTC đi xe tới trung tâm quốc gia cải huấn xã hội số 3, viết tắt là CeReso 3, cách đó 3 cấy số. Nó thuộc dự án cải tiến các nhà tù trong bang Chihuahua, và đã đạt các tiêu chuẩn quốc tế. Hiện có 3,000 tù nhân, một số nhỏ là phụ nữ.

ĐTC đi qua một hành lang nơi có một vài nhóm thân nhân của các tù nhân và đến sân chính nhà tù nơi vị giám đốc nhà tù tiếp đón ngài. Sau đó ngài vào nhà nguyện chào các linh mục tuyên uý và nhân viên nhà tù và cầu nguyện chốc lát.

Tiếp đến ngài tiến lên khán đài và chào chừng 50 tù nhân đại diện các bạn tù. Sau lời chào mừng của ĐGM đặc trách mục vụ nhà tù, đã có chứng từ của một tù nhân. Các tù nhân đã tặng quà cho ĐTC, ngài cũng tặng qùa cho các tù nhân.

Ngẩng cao đầu, nhìn về tương lai và lật ngược tình thế, loại trừ bạo lực 

Ngỏ lời với các tù nhân ĐTC khích lệ họ mở cửa cho tương lai, và ngài tin rằng họ có thể viết một trang sử mới cho cuộc đời mình.

ĐTC nói: Tôi đã thăm Phi châu và tại Bangui tôi đã mở cửa đầu tiên của Năm Thánh Lòng Thương Xót. Hôm nay cùng anh chị em tôi muốn tái khẳng định niềm tin tưởng mà Chúa Giêsu khích lệ chúng ta: đó là lòng thương xót ôm ấp tất cả mọi người tại mọi xó xỉnh của trái đất này. Không có nơi nào mà lòng thương xót của Chúa không thể đạt tới, không có không gian nào cũng như không có người nào mà lòng thương xót không thế đụng chạm tới.

Cử hành Năm Thánh lòng thương xót với anh chị em là nhớ lại con đường cấp bách mà chúng ta bước đi để bẻ gẫy các vòng luẩn quẩn của bạo lực và tội phạm. Chúng ta đã mất bao nhiêu thập niện nghĩ và tin rằng tất cả được giải quyết bằng cách tách rời, bỏ tù và lấy đi các vấn đề chung quanh, và như thế là thực sự giải quyết các vấn đề. Chúng ta quên tập trung vào điều thực sự đáng lo lắng: đó là cuộc sống của con người, của gia đình họ, của những người dau khổ vì cái vòng baọ lực luẩn quẩn này.

Nhà tù là triệu chứng của các thinh lặng và thiếu sót của một xã hội bỏ rơi con cái mình

Lòng thương xót Chúa nhắc cho chúng ta biết rằng các nhà tù là một triệu chứng diễn tả tình trạng xã hội của chúng ta; trong nhiều trường hợp chúng là triệu chứng của các thinh lặng, các thiếu sót do nền văn hóa gạt bỏ gây ra. Chúng là một triệu chứng của một nền văn hóa đã thôi đánh cá trên cuộc sống, của một xã hội đã bỏ rơi các con cái mình.

ĐTC nói thêm trong bài hưấn dụ: Lòng thương xót nhắc cho chúng ta nhớ rằng việc hội nhập không bắt đầu giữa các bức tường nhà tù này, nhưng bắt đầu trước nữa trên các đường phố. Việc tái hội nhập hay phục hồi bắt đầu với cố gắng tìm không trở thành bệnh hoạn bằng cách làm ô nhiễm các tương quan trong khu xóm, trong các trường học, tại các quảng trường, trên đương phố, trong nhà và trong toàn xã hội. Một hệ thống sức khỏe xã hội tìm làm nảy sinh ra một nền văn hoá hữu hiệu và phòng ngừa các tình trạng đả thương xã hội và khiến cho nó trở nên tồi tệ.

Đôi khi xem ra các nhà tù đặt để người ta vào trong điều kiện tiếp tục phạm tội hơn là thăng tiến các tiến trình tái phục hồi cho phép đương đầu với các vấn đề xã hội, tâm lý và gia đình, đưa cá nhân tới một thái độ xác định nào đó. Cần phải đối phó với các lý do cơ cấu và văn hóa của sự bất an đang tấn kích xã hội.

Sự kiện Chúa Giêsu lo lắng cho các người đói khát, không nhà hay tù tội có ý diễn tả lòng thương xót của Thiên  Chúa Cha và nó trở thành lệnh truyền luân lý cho toàn xã hội ước mong có các điều kiện cần thiết cho một sự chung sống tốt đẹp hơn. Trong khả năng của một xã hội bao gồm các người nghèo túng, dau yếu hay tù tội là khả năng chữa lành các vết thương của họ và là các người xây dựng một sự sống chung tốt đẹp.

Cử hành Năm lòng thương xót với anh chị em có nghĩa là học đừng là tù nhân của quá khứ của ngày hôm qua. Đó là học mở rộng cánh cửa cho ngày mai, ngẩng cao đầu lên và làm việc để ước mong đó có được khoảng không tự do.

Tiếp tục bài huấn dụ, ĐTC nói Anh chị em đã biết sức mạnh của khổ đau và tội lỗi. Xin đừng quên rằng anh chị em cũng có sức mạnh của sự sống lại, sức mạnh của lòng thương xót Chúa đổi mới mọi sự. Giờ đây anh chị em đã đụng chạm tới phần cứng cam go nhất, khó khăn nhất, nhưng để nó sinh hoa tráí lớn hãy dấn thân ngay trong nhà tù này để lật ngược các tình thế làm nảy sinh ra sự loại trừ khác. Hãy nói chuyện với các người thân, hãy kể lại kinh nghiệm của anh chị em, hãy giúp hãm lại vòng bạo lực và loại trừ luẩn quẩn . Ai đã khổ đau sâu xa, ai đã sống kinh nghiệm của hỏa ngục có thể trở thành ngôn sứ trong xã hội. Hãy làm việc để cho xã hội dùng và vứt đi này đừng tiếp tục gây ra các nạn nhân khác.

Tôi muốn khích lệ anh các nhân viên làm việc tại trung tâm cải huấn này và tại các nơi khác tương tự, các giám đốc nhân viên cảnh sát, các tuyên uý, nam nữ tu sĩ và giáo dân, cũng như tất cả mọi người trợ giúp trung tâm. Trước khi ban phép lành cho mọi người ĐTC xin họ thinh lặng cầu nguyện xin Chúa giúp tin vào lòng thương xót của Ngài.

Sau khi từ giã các tù nhân ĐTC đi xe đến trường cao đẳng  Bachilleres của bang Chihuahua, cách đó 9 cây số để gặp gỡ giới công nhân. Vào ban chiều Ngài dâng thánh lễ cho tín hữu tại khu hội chợ thành phố trước khi từ giã Mexico để trở về Roma.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha gặp Ủy ban quốc gia Italia về đạo đức sinh học

Đức Thánh Cha gặp Ủy ban quốc gia Italia về đạo đức sinh học

Đức Thánh Cha tiếp kiến Ủy ban quốc gia Italia về đạo đức sinh học

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 28-1-2016, dành cho 45 thành viên Ủy ban quốc gia Italia về đạo đức sinh học, ĐTC kêu gọi đừng để cho việc áp dụng các kỹ thuật sinh học làm thương tổn phẩm giá con người.

Ủy ban này được thành lập cách đây 25 năm tại Phủ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Italia. Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, ĐTC nhận xét rằng ”Ủy ban quốc gia về đạo đức sinh học đã nhiều lần bàn về việc tôn trọng sự toàn vẹn của con người và bảo vệ sức khỏe từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên, xét nhân vị trong sự đặc thù, và luôn luôn như một mục đích, và không bao giờ coi họ chỉ là một phương tiện.”

Ngài nhấn mạnh rằng: ”Nguyên tắc luân lý này thật là điều căn bản cả trong việc áp dụng kỹ thuật sinh học trong lãnh vực y khoa, các kỹ thuật này không bao giờ được sử dụng có hại cho phẩm giá con người, và càng không thể để cho những mục tiêu công nghệ và thương mại hướng dẫn”.

ĐTC cũng khuyến khích Ủy ban quốc gia Italia về đạo đức sinh học thực hiện những nghiên cứu đa ngành về các nguyên nhân làm suy thoái môi trường, đề ra những hướng đi trong các lãnh vực liên quan đến các khoa sinh học, để khích lệ những biện pháp bảo tồn và chăm sóc môi sinh.

Ngài không quyên khích lệ Ủy ban quan tâm đến đề tài khuyết tật và tình trạng những người dễ bị tổn thương bị gạt ra ngoài lề trong một xã hội nhắm tới sự cạnh tranh và đẩy mạnh tiến bộ. Đây là thách đố làm sao chống lại nền văn hóa gạt bỏ, được biểu lộ qua nhiều hình thức, trong đó có sự đối xử với các phôi thai người như những chất liệu có thể loại bỏ, và trường hợp những người bệnh và người già gần chết bị gạt bỏ.

Sau cùng ĐTC cầu mong có sự đối chiếu quốc tế rộng lớn hơn để đạt tới sự hòa hợp các tiêu chuẩn và những qui luật về các hoạt động sinh học và y khoa, những qui luật biết nhìn nhận các giá trị và các quyền căn bản, tuy rằng các hoạt động trên đây là điều phức tạp (SD 28-1-2016)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

ĐHY Parolin: quốc tế ít chú ý đến Syria, Iraq, Ukraine

ĐHY Parolin: quốc tế ít chú ý đến Syria, Iraq, Ukraine

ROMA. ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, than phiền cộng đồng quốc tế có phần dửng dưng đối với các cuộc xung đột tại Syria, Iraq và Ukraine.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho giới báo chí hôm 11-3-2015 ở Roma, ĐHY Parolin nói: ”Rất tiếc là người ta quen với những tình trạng xung đột ấy, đúng vậy, tôi tin là có sự dửng dưng phần nào, cả cuộc xung đột ở Siria tiếp tục tàn hại nhưng không còn thu hút sự chú ý như đã có thể lúc ban đầu. Và đó là nguy hiểm lớn nhất: người ta quên lãng các cuộc chiến tranh và những tình trạng xung đột ấy ngày càng trở nên khó chữa trị và chúng tiếp tục gây ra nhiều đau khổ lớn lao. Cần tiếp tục quan tâm và cảnh giác, đề ra những sáng kiến có thể giúp giải quyết, mặc dù nhiều sáng kiến không đạt tới những mục tiêu ta nhắm tới”.

ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh cũng phê bình tình trạng sa lầy trong việc cải tổ LHQ và nói rằng: ”Cho đến nay người ta chỉ ghi nhận bối cảnh thế giới đã thay đổi và không có những tác nhân như trước đây, nhưng người ta vẫn chưa tìm được giải pháp hoặc không quyết định và không chấp nhận các giải pháp cải tổ LHQ; chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh về điểm này mỗi khi có thể. Nhưng dầu sao LHQ vẫn là một phương tiện có giá trị để đương đầu với các cuộc khủng hoảng, chúng tôi vẫn luôn nói và tin điều đó, nhưng cần có một LHQ được canh tân đối với thực tại mới chúng ta đang gặp phải”.

Trả lời câu hỏi về tương quan giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, ĐHY Parolin nhìn nhận ”có những tiếp xúc đang tiến hành và có ý muốn đối thoại, một cuộc đối thoại có những nhịp độ và thời gian, và chúng tôi hy vọng nó có thể mang lại vài kết quả. Nhưng tôi muốn nói rằng về những điều mà báo chí đăng tải, không có gì mới mẻ đáng kể. Có ý muốn đối thoại và có vài tiếp xúc, và chúng tôi hy vọng nó có thể được cụ thể hóa một cách rõ ràng và có tổ chức hơn”.

ĐHY Parolin đã trả lời câu hỏi của giới báo chí bên lề buổi thuyết trình của ngài tại Đại học Giáo Hoàng Gregoriana ở Roma về đề tài ”Hòa bình: hồng ân của Thiên Chúa, trách nhiệm của con người, sự dấn thân của các tín hữu Kitô”.

Trong bài thuyết trình, ĐHY nói đến vai trò của các vị Tòa Sứ Thần Tòa Thánh và hoạt động ngoại giao của các vị Giáo Hoàng, đặc biệt trong thời đại tân thời. Ngài cũng nhấn mạnh đến sự dấn thân của Tòa Thánh trong việc bảo vệ các tín hữu Kitô, tuy rằng ”sự bảo vệ này phải được thi hành đối với những nạn nhân của các cuộc xung đột, trước khi để ý đến họ thuộc một cộng đồng tôn giáo nào”. Tòa Thánh dấn thân 'củng cố công pháp quốc tế về nhân đạo' trong những tình trạng xung đột.

ĐHY Parolin minh xác rằng việc sử dụng võ lực phải được coi như giải pháp cuối cùng, và càng ngày càng cần phải hoạt động để ”phòng ngừa chiến tranh” qua những phương thế như thương thuyết, đối thoại, điều đình. Trong bối cảnh này, ĐHY cầu mong trong tiến trình cải tổ giáo triều Roma, cần thiết lập một văn phòng về sự trung gian của Đức Giáo Hoàng, như một phương tiện có thể đặc biệt hữu ích trong các cuộc thương thảo quốc tế” (Vat. Ins. 11-3-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Thảm cảnh của các người tỵ nạn bên Libya

Thảm cảnh của các người tỵ nạn bên Libya

Phỏng vấn cha Mussie Zerai, Giám đốc hãng thông tấn Habeshia

Trong các tuần qua tình hình tại Libya lại căng thẳng vì các cuộc đụng độ giữa các lực lượng dân quân khác nhau tranh giành quyền lực và quyền kiểm soát các giếng và nhà máy lọc dầu. Các cuộc giao tranh đã xảy ra nhất là chung quanh thủ đô Tripoli. Tình hình chính trị bất ổn kéo dài từ mấy năm qua khiến cho số phận của người tỵ nạn ngày càng thê thảm hơn. Họ trở thành nạn nhân của các tổ chức buôn bán người, cũng như của các lạm dụng và bạo lực đủ loại. Trong những ngày vừa qua cha Mussie Zerai, Giám đốc hãng thông tấn Habeshia đã kêu gọi Âu châu và cộng đồng quốc tế can thiệp một cách cụ thể để trợ giúp các anh chị em xấu số này.

Ngày mùng 2-9-2014 các trận giao tranh đã tiếp diễn gần phi trường Benina ở Bengazi khiến cho ít nhất 25 binh sĩ thiệt mạng, 14 người thuộc lực lượng quân đội của tướng Khalipha Haftar, và 11 người là các dân quân của ông Ansar al Sharia. Cuộc chiến đã bắt đầu ngày 30-8-2014 lực lượng dân quân của ông Ansar al Sharia cố đánh chiếm phi trường là một trong các điểm chiến lược chính do các lực lượng đặc biệt trung thành với tướng Khalifa Haftar và Quốc hội kiểm soát. Quân đội chính phủ được các máy bay oanh kích yểm trợ bỏ bom các vị trí của các dân quân thánh chiến, trong khi các toán dân quân này đáp trả bằng trọng pháo và các hỏa tiễn Grad.

Từ ngày mùng 1-9-2014 thủ đô Tripoli hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng dân quân quy tụ thành nhóm ”Tác chiến Alba của Libya” sau hai tháng giao tranh chung quanh phi trường Tripoli với các lực lượng đối nghịch với các lực lượng thuộc nhóm ”Tác chiến Phẩm giá” do nguyên tướng Haftar chỉ huy.

Quốc Hội họp tại Tobruk mạn cực Đông Libya và tân chính phủ do thủ tướng tạm thời Abdullah al Thani có nhiệm vụ thành lập cũng công nhận rằng không kiểm soát được các bộ và các cơ quan chính quyền tại Tripoli nữa. Trong khi ”Hội đồng cách mạng Tripoli” quy tụ các nhóm dân quân khác kiểm soát thủ đô, tái hồi sinh Tổng quốc hội, bãi nhiệm sau cuộc bầu cử hồi tháng 6, và chỉ định ông Omar Hassi làm thủ tướng của mình, nhắm thành lập một quốc gia dân chủ. Nhưng các lực lượng dân quân của ông Ansar al Sharia ở Bengazi tuyên bố họ đã nổi loạn chống Gheddafi để giương cao lá cờ Sharia không phải để cho phép một bạo chúa mới lên cho phép tây phương trở lại nắm quyền bá chủ tại Libya.

Tuy quang cảnh chính trị Libya hỗn loạn như thế, nhưng Đức Cha Giovanni Innocenzo Martinelli Giám Quản quản tông tòa Tripoli cho biết tình hình tương dối yên tĩnh so với các ngày trước. Cho tới nay cộng đoàn kitô đã không gặp khó khăn nào.

Từ vài năm nay Libia là nơi hàng chục ngàn người di cư tới từ nhiều nước Trung Đông, Á châu và Phi châu tìm vượt biển sang Italia, rồi từ đây đi các nước khác. Trong hai tháng qua hải quân Italia đã cứu sống hơn 10,000 người, nhưng cũng đã có mấy trăm người thiệt mạmg vì bị đắm tầu ngoài khơi Tripoli.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn cha Mussie Zerai dành cho phóng viên Cecilia Seppia của đài Vatican.

Hỏi: Thưa cha, tình hình của người ty nan bên Libya hiện nay ra sao?

Đáp: Rất tiếc có hàng ngàn người tỵ nạn của vùng Phi châu dưới sa mạc Sahara bị kẹt trong chiến tranh: nam giới thì bị bắt buộc trở thành những người khuân vác súng đạn. Có rất nhiều người bị thương, nhiều người thiệt mạng, còn phụ nữ và trẻ em thì bị chết đói. Tại Tripoli có khoảng 350 người bị nhốt trong một sân đá bóng, ngoài trời, không có mái che chở và từ bốn ngày nay họ không nhận được gì để ăn…

Hỏi: Cha đã nói rằng mỗi ngày hãng thông tấn Habeshia của cha đều nhận được các cú điện thoại của những người tuyệt vọng, lo sợ… Họ kể cho cha nghe những gì vậy?

Đáp: Họ rất là hốt hoảng, nhất là bởi bom đạn rơi hay bắn trên các đường phố. Cũng có những người chết ở trong nhà, vì khi họ ở trong nhà thì bị bom rơi trúng, dân chúng kinh hoàng. Thế rồi còn có nhiều cuộc tấn công từng nhà một: họ bị cướp bóc, bạo hành, và chịu đủ mọi thứ lạm dụng… đó là những điều họ đã kể cho tôi nghe.

Hỏi: Khi gióng lên lời kêu gọi, cha đã dùng một kiểu nói rất mạnh và nói rằng các người tỵ nạn này không là ”con của ai hết”, bởi vì khác với những người tây phương đã được di tản khi chiến tranh tái diễn tại Libya, các anh chị em tỵ nan này không được ai bảo trợ và che chở. Như thế thì phải làm gì bây giờ?

Đáp: Vâng, đúng như thế, tất cả các người tây phương đã được di tản hết, trừ các người ty nạn ra, cộng đồng quốc tế phải có một chương trình di tản để che chở các anh chị em này trong các nước láng giềng. Chẳng hạn, những người ở Tripoli thường hướng về Tunisia, nhưng họ bị chặn lại ở biên giới, họ không thể đi xa hơn.

Hỏi: Liên hiệp Phi châu không có khả năng bảo vệ các anh chị em tỵ nạn này. Thế rồi cũng có một Âu châu kéo dài lê thê vấn đề này: nhiều lần chính quyền Italia đã yêu cầu Liên Hiệp Âu châu can thiệp, vì như chúng ta biết nhiều người tỵ nạn hướng về Italia. Cha nghĩ sao?

Đáp: Liên Hiệp Âu châu phải can thiệp để phòng ngừa tất cả các người bị chết này, trong sa mạc cũng như trên biển Địa Trung Hải. Tất cả mọi người tỵ nạn đều hướng về Âu châu, chứ không phải chỉ hướng về Italia mà thôi. Còn hơn thế nữa, nhiều người còn muốn đi tới các nước Bắc Âu. Điều này có nghĩa là Italia chỉ là cánh cửa của Âu châu thôi, và vì thế vấn đề không phải chỉ là của Italia, mà là của toàn Âu châu. Và lời yêu cầu của Bộ trưởng nội vụ Italia Alfano là điều đúng đắn, để “Biển của chúng ta” được nhẹ bớt và được thu nhận bởi tổ chức Frontex, tức ”Tổ chức điều hành cộng tác quốc tế ở biên giới nước ngoài của các nước thành viên Liên Hiệp Âu châu”. Có đúng thật là tổ chức Frontex đã không được thành lập để tiếp nhận người tỵ nạn, mà là để từ chối họ. Khi được thành lập, tổ chức có mục đích đẩy lui người tỵ nạn và che chở các biên giới của Âu châu. Và dĩ nhiên là ngày nay tổ chức khước từ thay thế chỗ của Italia. Tuy nhiên, chính vì thế mà phải coi lại các luật lệ và cả chương trình đã làm nảy sinh ra tổ chức Frontex, để nó trở thành tổ chức bảo vệ và tiếp nhận người tỵ nan. Nhưng phải có một thỏa hiệp giữa các quốc gia thành viên của toàn cộng đồng Âu châu, theo đó các người tỵ nạn này phải được phân phối trên toàn lãnh thổ Âu châu.

Hỏi: Thưa cha, các người tỵ nạn dồn đống tại Tripoli, Misurata, Sebha khiến cho các nhà thương bị suy sụp, trong nghĩa hệ thống y tế không thể lo lắng cho một số quá đông người như thế, ngoài ra cũng vì thiếu thuốc men nữa, có đúng thế không?

Đáp: Không có các dụng cụ để can thiệp: không có bác sĩ giải phẫu nào có thể can thiệp, và vì thế họ ở trong tình trạng hoàn toàn bị bỏ rơi. Và trong vài trường hợp, các vết thương rữa thối đến độ phải cưa như trường hợp một thanh niên bị cưa một chân, rồi một thiếu nữ phải năm liệt giường vì bị gẫy lưng: cần phải được giải phẫu gấp nhưng họ không thể làm được, vì không thể di chuyển cô ta tới Tripoli, vì dọc đừơng có các nguy hiểm khắp nơi do các xung đột liên tục xảy ra. Đó là tình trạng mà người tỵ nạn đang phải sống tại Libya.

Vài nhận xét của ông Gabriele Iacovino, đặc trách vùng Trung Đông và Bắc Phi của Trung tâm nghiên cứu tình hình chính trị quốc tế.

Hỏi: Thưa ông trong các ngày vừa qua có các cuộc giao tranh dữ dội tại Bengazi giữa các lực lượng đặc biệt do tướng Khalifa Haftar chỉ huy và dân quân hồi, trong đó có nhóm của ông Ansar al Sharia, đang tìm cách đánh chiếm phi trường. Các giao tranh đã khiến cho ít nhất 13 người chết và 45 người bị thương. Hồi tháng qua các dân quân hồi đã chiếm hầu hết các tiền đồn nằm trong tay tướng Haftar tại Bengazi. Tình hình Libya hiện ra sao thưa ông?

Đáp: Thực ra Libya là một quốc gia chia rẽ và có ba lực lượng lớn đang đánh nhau: thứ nhất là lực lượng dân quân đời hơn, thứ hai là các dân quân hồi và thứ ba là các dân quân có liên hệ với phong trào thánh chiến quốc tế dính líu tới tổ chức Al Qaeda, nhưng trong thực tế nó gần gũi với vài ý thức hệ đang hoạt động cả với Nhà nước hồi ISIL. Các sự kiện xảy ra tại Bengazi chứng minh cho sự chia rẽ này.

Hỏi: Chúng ta cũng hãy nhìn điều đang xảy ra bên Phi châu nói chung – Nigeria, Mali, Bắc Phi, Somalia – theo ông, lục địa Phi châu có phải là nét thứ hai của vấn đề thánh chiến trên thế giới không?

Đáp: Nếu chúng ta muốn hiện nay nó là một đường nét thứ hai, bởi vì Siria và Irak là sân khấu của phong trào thánh chiến toàn cầu. Bất cứ ai muốn đi tham gia thánh chiến thì tới các nước này. Thật sự thì liên tục có các đe dọa thánh chiến và của tổ chức Al Qaeda – Chúng ta đừng quên rằng sự hiện diện của tổ chức Al Qaeda mạnh tại Phi châu – các đe dọa này liên tục, rất hiện diện, không chỉ trên bình diện vùng miền và xã hội, bởi vì các nhóm gắn liền với bối cảnh thánh chiến quốc tế ngày càng gắn bó hơn với khung cảnh xã hội và bộ tộc bên Phi châu.

Hỏi: Nước Libia thật ra đang ở trong tình trạng hỗn loạn: quốc hội đã cho tân thủ tưởng được chỉ định Abdullah al Thani hai tuần để thành lập tân chính phủ. Một chính phủ mới có thể ổn định tình hình tại Libya không thưa ông?

Đáp: Rất tiếc là các tiền đề không phải là các tiền đề tốt nhất, bởi vì cuộc đối thoại giữa các thực tại khác nhau – nghĩa là giữa các lực lựơng hồi và các lực lượng đời hơn trong lúc này đây khá bị hạn hẹp. Chính các lực lượng dân quân chiến đấu với nhau hơn là các giới chức chính trị đối thoại với nhau. Do đó các tiền đề cho một tân chính phủ không phải là các tiền đề tốt đẹp nhất. Chắc chắn là cần có một chương trình chính trị và ngoại giao quan trọng, nhưng một mình chính quyền Libya không thôi, mà không có sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế trong tư cách là người giảng hòa, đối thoại về tình hình và các thực tại bên Libya hiện nay, thì khó mà có thể thành công.

(RG 24-8-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio