Đôi Dép

Đôi Dép

Tình ta tựa như đôi dép thôi.

Khắn khít bên nhau chẳng thể rời.

Đi đâu cũng có cặp, có đôi.

Gian nan nguy khó chẳng hề lơi.

Có lần dạo biển đùa sóng tấp.

Nước cuốn trôi xa, một chiếc kia.

Chiếc này, luống bước, với chơi vơi.

Lùa vào, đừng để cuốn xa khơi.

Nghĩ thôi, dép kia còn một chiếc!

Làm sao! Đi hết được quãng đường.

Một chiếc thôi, sẽ khập khểnh lẻ…

Con đường trước mắt,bao dài nữa…

Ý nghĩa không còn…có cặp đôi.

Tình tôi cũng chỉ có vậy thôi!

Xin thương, song hành luôn có cặp.

Như đôi dép Mộc vẫn có đôi.

Gắn bó bên nhau, vạn nẽo đường,

Lối mòn, đường lộ luôn có đủ.

Một đôi dép cũ, vẫn bên nhau.

   ***

 

Cô giáo Tống Hoa

Trường Việt ngữ và Văn Hoá Phan Bội Châu

Đức Thánh Cha nhắn nhủ các linh mục trẻ

Đức Thánh Cha nhắn nhủ các linh mục trẻ

VATICAN. ĐTC nhắn nhủ các linh mục trẻ chuyên chăm cầu nguyện, luôn tiến bước, thành tâm chia sẻ.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 1-6-2017, dành cho 100 tham dự viên khóa họp toàn thể của Bộ giáo sĩ, tiến hành dưới quyền chủ tọa của ĐHY Tổng trưởng Benjamino Stella.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC ghi nhận khả năng của các linh mục trẻ, tinh thần sáng tạo, lòng hăng say của các vị. Ngài ca ngợi chương trình đào tạo căn bản (Ratio Fundamentalis) dành cho giáo sĩ mới được Bộ giáo sĩ công bố cách đây vài tháng, nhắm đến một sự huấn luyện toàn diện, bao trùm mọi khía cạnh của đời sống, chỉ dẫn con đường đào tạo môn đệ thừa sai, và ĐTC nhấn mạnh đến 3 thái độ quan trọng đối với các linh trẻ:

– Trước tiên là cầu nguyện không mệt mỏi. ĐTC nói: ”Chúng ta chỉ có thể là những người ”đánh cá người”, nếu trước tiên chúng ta nhìn nhận mình đã được sự dịu dàng của Chúa thu hút. Ơn gọi của chúng ta bắt đầu khi, rời bỏ lãnh vực cá nhân chủ nghĩa và những dự phóng bản thân của chúng ta, chúng ta tiến bước trong cuộc ”du hành thánh”, phó thác cho Đấng là Tình Yêu đã tìm kiếm chúng ta và Tiếng Nói đã làm rung động tâm hồn chúng ta”.

Để chu toàn việc cầu nguyện không ngừng, ĐTC nhắn nhủ các LM trẻ hãy cố gắng sống sự hòa hợp giữa kinh nguyện, làm việc và nghỉ ngơi, sự hòa hợp ấy là nguồn năng lực quí giá để đối phó với những vất vả tông đồ.. Mỗi ngày chúng ta cần dừng lại, lắng nghe Lời Chúa và ở lại trước Nhà Tạm Mình Thánh Chúa. Và cũng cần lắng nghe thân xác chúng ta, là một bác sĩ giỏi, báo động cho chúng ta khi sự mệt mỏi vượt quá giới hạn. Cầu nguyện, tương quan với Thiên Chúa, chăm sóc đời sống thiêng liêng mang lại cái hồn cho sứ vụ, và có thể nói, sứ vụ mang lại hình dạng cho đời sống thiêng liêng: vì linh mục thánh hóa bản thân và tha nhân trong việc thực thi cụ thể sứ vụ, nhất là khi giảng giải và cử hành các bí tích”.

– Tiếp đến là thái độ luôn tiến bước, vì LM không bao giờ là người đã tới đích. LM luôn luôn là một môn đệ, lữ hành trên những nẻo đường của Tin Mừng và cuộc sống, đối diện với ngưỡng cửa mầu nhiệm Thiên Chúa và Thánh Địa của những người được ủy thác cho LM. Không bao giờ LM có thể cảm thấy thỏa mãn và dập tắt sự lo âu lành mạnh làm cho LM để cho Chúa huấn luyện và làm đầy tràn. Vì thế, linh mục luôn cập nhật và cởi mở đối với những bất ngờ của Thiên Chúa! Trong sự cởi mở như thế đối với điều mới mẻ, các linh mục trẻ có thể có tinh thần sáng tạo trong việc loan báo Tin Mừng, với tinh thần phân định, lui tới những môi trường mới mẻ trong lãnh vực truyền thông với tinh thần phân định, nơi mà linh mục gặp những khuôn mặt, những chuyện đời và câu hỏi của con người, phát huy khả năng xã hội tính, tương quan và loan báo đức tin. Đồng thời linh mục cũng liên lạc với các linh mục khác, và ngăn cản không cho ”con sâu” của bệnh tự tham chiếu cản trở kinh nghiệm hồi sinh của tình hiệp thông linh mục”.

– Sau cùng, LM cần có thái độ thành tâm chia sẻ, vì cuộc đời LM không phải là một văn phòng bàn giấy và cũng không phải là một tập hợp các việc tôn giáo hoặc phụng vụ phải thi hành. Làm linh mục có nghĩa là dành trọn cuộc sống cho Chúa và anh chị em, mang trong tâm hồn niềm vui và lo âu của Dân Chúa, dành thời gian lắng nghe và chữa lành các vết thương của người khác, cống hiến cho họ sự dịu dàng của Chúa Cha.

ĐTC cũng nhận xét rằng đi từ kinh nghiệm sinh hoạt với người trẻ trong giáo xứ, khi còn trẻ, LM trẻ có cơ hội lớn sống tinh thần chia sẻ ấy với những người trẻ, ở giữa họ, không những như một người bạn, nhưng còn như một người biết thành tâm chia sẻ cuộc sống của họ, lắng nghe những vấn nạn và tham gia cụ thể vào những thăng trầm khác nhau trong đời sống của họ.

ĐTC nói thêm rằng ”LM không cần phải là một chuyên gia về thánh thiêng, hoặc là một anh hùng, từ trên cao và từ bên ngoài, trả lời cho những vấn nạn băn khoăn của người trẻ. Đúng hơn, người trẻ bị thu hút do những người biết chân thành can dự vào cuộc sống của họ, đồng thành với họ trong tinh thần tôn trọng và lắng nghe họ với lòng yêu mến. Vấn đề ở đây là có một con tim đầy lòng cảm thông, nhất là với người trẻ” (SD 1-6-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Rita Coruzzi, bị tàn tật, tìm lại được đức tin sau khi hành hương Lộ Đức

Rita Coruzzi, bị tàn tật, tìm lại được đức tin sau khi hành hương Lộ Đức

hang-da-duc-me-lo-duc

Rita Coruzzi chào đời ngày 2 tháng 6 năm 1986, sớm hơn thời gian bình thường của một thai nhi. Ngay khi vừa chào đời, Rita đã gặp những vấn đề đầu tiên về sức khỏe; em bị trật khớp hông và thiếu ổ xương. Do đó Rita không thể đi được như các em bé khác. Nhưng Rita và mẹ em không chịu đầu hàng với bệnh tật. Rita đã làm vật lý trị liệu, rồi chịu 3 lẫn phẫu thuật, và 1 trong 3 lần phẫu thuật bị thực hiện sai; thế là cho đến nay, không có trị liệu nào mang lại kết quả và Rita phải gắn bó đời mình với chiếc xe lăn.

Rita đã giận Chúa vì Người để cho em phải chịu những bệnh tật này khi mà em tin tưởng phó thác vào Chúa. Em đã phải chịu những chữa trị đau đớn khi chỉ mới 10 tuổi. Em đã đặt mình trong tay Chúa trong cuộc phẫu thuật. Em tin tưởng là Chúa không làm những điều xấu cho em nhưng em lại phải trở lại với chiếc xe lăn, điều mà em không muốn. Thế là trong 4 năm trời, Rita đã giận dữ với Chúa; em kết án Người là bất công và ác độc. Rita không tin vào sự tốt lành và lòng thương xót của Chúa nữa.

Một ngày kia, khi Rita đang đi cùng mẹ trên xe hơi, em tự hỏi tại sao Chúa bỏ rơi tôi? Mẹ của Rita trả lời em: “Chuá không bỏ rơi con. Nếu những điều này xảy ra với con là vì Chúa có chương trình của Người và con hãy phục vụ Chúa như con hiện giờ.” Rita đã có thể chấp nhận sống trên chiếc xe lăn là nhờ một lần hành hương đến Lộ đức, trước hang đá Đức Mẹ em đã tìm thấy câu trả lời.

Vào năm 2001, khi Rita được 15 tuổi, giáo viên dạy môn tôn giáo của Rita đã mời em đi hành hương Lộ đức. Khi ấy Rita vẫn còn giận Chúa. Từ nhiều năm, Rita tránh nhà thờ và giáo xứ, những gì liên quan đến đức tin, nhưng khi được mời đi Lộ đức, em đồng ý vì có gì đó trong lòng thúc đây em đi và cũng vì em cảm thấy mệt mỏi khi giận Chúa. Thực ra Rita cũng không nhớ mình làm hòa với Chúa thế nào. Trong cuộc hành hương, Rita đã hy vọng có một phép lại thể lý đến với em; em hy vọng sau khi tắm trong suối nước Lộ đức em có thể rời bỏ được chiếc xe lăn. Em cũng đã nghĩ trong lòng rằng nếu phép lạ không xảy đến, em sẽ hỏi Đức Mẹ tại sao lại như thế!

Rita thuật lại cuộc gặp Đức Mẹ như sau: “Đức Mẹ đã trả lời tôi cách ngọt ngào như một người mẹ đối với đứa con hư. Mẹ giúp tôi hiểu là Mẹ luôn ở đó và chờ tôi. Tôi nghe một tiếng nói trong lòng tôi. Tôi cảm thấy chính Mẹ đã ôm tôi, đón tôi đến với Mẹ và nói với tôi: ‘Con cần một thời gian dài để quyết định đến, nhưng giờ con đã ở đây. Con muốn biết câu trả lời thì Mẹ nói cho con biết: Chúa có chương trình của Người cho con: làm chứng và hoán cải!’ Trong lòng tôi cũng trả lời Mẹ Maria: ‘Nhưng Mẹ cũng điên! Con không phải là thánh Phêrô, thánh Phaolô, Marco hay Gioan. Con không phải là các tông đồ.’ Đức Mẹ nói với tôi: ‘Con không hiểu. Con phải làm chứng cho Chúa bao nhiêu có thể, làm chứng cho thấy cuộc sống đẹp thế nào ngay cả trong đau khổ nếu được sống với Chúa Kitô bên cạnh. Bởi vì sự sống tuyệt vời, ngay cả trong đau khổ, nếu thật sự được sống mà nhìn thấy Chúa Giêsu.’

“Phép lạ thật sự xảy ra với tôi là tôi đã tin mình đã đánh mất Chúa Giêsu, là tôi thật sự cảm thấy mình bị bỏ rơi và tôi đã hỏi Mẹ Maria: ‘Nhưng Chúa Giêsu mà con đánh mất, Người ở đâu? Làm sao để con trở lại với Người?’ Mẹ trả lời tôi: ‘Con tin là đánh mất Người nhưng không phải là như vậy. Hãy nhìn xuống và xem. Hãy nhìn xuống và xem. Hãy nhìn xuống và xem!’ Tôi nhìn xuống và tôi nhìn thấy chiếc xe lăn của tôi, bởi vì không có gì khác! Và từ đây tôi đã hiểu rằng Chúa Giêsu là chiếc xe lăn của tôi. Chúa Giêsu đã luôn đặt tôi trên đầu gối của Người nhưng tôi không bao giờ nhận ra. Cho nên tôi đã kết án Người đã bỏ rơi tôi bằng những cách thấp hèn xấu xa. Ngược lại, Người đã mang tôi trên cánh tay và đặt tôi trên đầu gối của Người và không bao giờ rời bỏ tôi. Điều này làm cho tôi chấp nhận hoàn cảnh của mình: nhận biết mình được ở trên chân của Chúa Giêsu, điều mang lại bình an trong trái tim tôi, đã làm tôi thỏa mãn và không đòi được chữa lành thể lý.”

Rita muốn chia sẻ với những người cũng đang gặp những bất hạnh và xa lìa đức tin rằng trong những giờ phút đen tối nhất, Chúa vẫn luôn ở bên chúng ta. Người không bao giờ rời xa chúng ta, nhưng là do chúng ta không cảm thấy Người vì chúng ta bị đau khổ bao phủ. Nhưng nếu trong những phút giây tệ nhất của cuộc đời, chúng ta  phó thác và tin tưởng vào Người, chúng ta sẽ luôn cảm thấy sự hiện diện của Người. Chỉ cần sức mạnh và can đảm để nói rằng: “Tôi đến từ cuộc sống hư vô và tôi muốn duy nhất một điều – hiệp nhất với Chúa.” (Cristiani Today  06/11/2016)

Hồng Thủy

Phúc Chiếu của Đức Thánh Cha về thi hành luật giải hôn phối

Phúc Chiếu của Đức Thánh Cha về thi hành luật giải hôn phối

Đức Thánh Cha

VATICAN. Ngày 11-12-2015, Phòng báo chí Tòa Thánh đã phổ biến Phúc chiếu (Rescritto) của ĐTC Phanxicô về việc thi hành và tuân giữ qui luật mới ngài ban hành việc thủ tục giải hôn phối.

Phúc chiếu được ĐTC ký ngày 7-12-2015 (Rescritto ex audientia) nhắm tạo nên hòa hợp giữa thủ tục mới giải hôn phối với các qui luật riêng của Tòa Thượng Thẩm Rota ở Roma, trong khi chờ đợi cải tổ tòa án này.

Việc hòa hợp này trở nên cần thiết sau khi ĐTC ban hành hai Tự Sắc ”Chúa Giêsu là Thẩm Phán hiền lành (Mitis Iudex Dominus Iesus) và ”Chúa Giêsu hiền lành và thương xót” (Mitis et Misericors Iesus) ngày 15-8 năm nay để đơn giản và mau lẹ hóa thủ tục cứu xét để tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Hai tự sắc này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 8-12-2015.

Một trong những quyết định của ĐTC là: ”Các luật cải tổ thủ tục giải hôn phối nói trên bãi bỏ hoàn toàn mọi luật lệ trái ngược với luật vừa bắt đầu có hiệu lực, luật chung cũng như luật riêng cho địa phương, hay luật đặc biệt, kể cả những luật đã được phê chuẩn dưới hình thức đặc biệt.

Trong một khoản khác, ĐTC qui định rằng Tòa Thượng Thẩm Rota hãy cứu xét các án xin giải hôn phối theo tinh thần nhưng không theo Tin Mừng, nghĩa là không bắt phải trả án phí luật sư, nhưng vẫn giữ nguyên nghĩa vụ luân lý của các tín hữu giàu có đóng góp theo công lý để giúp đỡ các án nghèo”.

Trong Phúc Chiếu, ĐTC cũng khẳng định rằng các luật vừa bắt đầu có hiệu lực muốn biểu lộ sự gần gũi của các gia đình bị thương tổn, và mong muốn rằng nhiều người đang phải sống trong thảm trạng hôn phối thất bại được hưởng hoạt động chữa lành của Chúa Kitô, qua các cơ cấu Giáo Hội, với mong ước họ sẽ trở thành các thừa sai mới của lòng Chúa Thương Xót đối với các anh chị em khác, mưu ích cho định chế gia đình”.

Bình luận của Đức Ông Pinto

Trong một bài bình luận ngắn đăng trên báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh, số ra chiều ngày 11–12-2015, Đức Ông Pio Vito Pinto, niên trưởng tòa Thượng Thẩm Rota (và là chủ tịch Ủy ban 9 người giúp ĐTC đi tới quyết định ban hành 2 tự sắc nói trên), nhận xét rằng Phúc chiếu gồm 2 phần:

– Trong phần thứ I: vì mỗi luật có tầm mức quan trọng như luật cải tổ thủ tục giải hôn phối, đều gặp sự chống đối, đó là điều dễ hiểu, nên ĐTC muốn tái khẳng định rằng luật mới nay đã ban hành thì đòi phải tuân giữ. (Như hồi ĐGH Gioan Phaolô 2 ban hành bộ giáo luật năm 1983 cũng có sự chống đối. Phúc chiếu hôm nay của ĐTC Phanxicô, cũng như hồi ĐGH Gioan Phaolô 2 công bố bộ giáo luật, vâng theo qui luật tối hậu là phần rỗi các linh hồn, và Người Kế Nhiệm thánh Phêrô là thầy đầu tiên và cũng là người phục vụ qui luật ấy.

– Phần thứ hai liên hệ tới Tòa Thượng Thẩm Rota là tòa án tông tòa, luôn nổi bật về sự khôn ngoan trong các quyết định xử án. (SD 11-12-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Tóm lược Phúc trình chung kết Thượng Hội Đồng Giám mục

Tóm lược Phúc trình chung kết Thượng Hội Đồng Giám mục

Pope arrived on the last day of Synod 2015

VATICAN. Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 14 đã kết thúc tốt đẹp và đã thông qua Phúc trình chung kết, với những hướng đi tích cực cho việc mục vụ gia đình trong hoàn cảnh xã hội ngày nay.

Trong phiên họp khoáng đại thứ 18 và là phiên cuối cùng chiều thứ bẩy, 24-10 vừa qua, các nghị phụ Thượng HĐGM đã bỏ phiếu về bản tường trình chung kết gồm 94 đoạn. Toàn bộ đã được thông qua với đa số 2 phần 3, tức là tối thiểu 177 phiếu trên 265 nghị phụ hiện diện. Đây là văn kiện được các nghị phụ đệ lên ĐTC và ngài đã cho phép công bố.

Phúc trình mô tả gia đình là ánh sáng trong bóng đen của thế giới. Thực vậy gia đình ngày nay tuy có bao nhiêu khó khăn, nhưng cũng có khả năng rất lớn đương đầu và phản phản ứng trước những khó khăn ấy.

Phúc trình chung kết mạch lạc và đón nhận rất nhiều sửa chữa tài liệu làm việc do các nghị phụ đề nghị, và do đó phản ánh tiếng nói của Thượng HĐGM.

Những đoạn bàn về các gia đình ở trong tình trạng khó khăn:

Đặc biệt có hai đoạn được chấp thuận với 178 và 180 phiếu, vừa đủ để được thông qua với 2 phần 3 số phiếu. Trong những đoạn này có nói về phương thức mục vụ dành cho các gia đình bị thương tổn hoặc ở trong những tình trạng ”bị rối”, không hợp với giáo luật và kỷ luật của Giáo Hội, cụ thể là những cặp sống chung không kết hôn, những cặp chỉ kết hôn dân sự, những người ly dị tái hôn dân sự và cách thức mục vụ dành cho những trường hợp này trong thái độ tích cực và tiếp đón.

Văn kiện tái khẳng định đạo lý về sự bất khả phân ly của bí tích hôn phối, đặc tính này không phải là cái ách, nhưng là hồng ân của Thiên Chúa, là chân lý dựa trên Chúa Kitô và mối liên hệ của Người với Giáo Hội. Đồng thời các nghị phụ nhấn mạnh rằng chân lý và lòng từ bi thương xót đều đồng qui trong Chúa Kitô. Từ đó, Thượng HĐGM kêu gọi đón tiếp các gia đình bị thương. Tuy không nói rõ ràng về việc cho những người ly dị tái hôn dân sự được rước lễ, nhưng Thượng HĐGM nhắc nhớ rằng họ không bị vạ tuyệt thông và để tùy sự phân định của các vị mục tử, phân tích tình trạng gia đình phức tạp của họ. Các nghị phụ nhấn mạnh rằng sự phân định này phải được thực hiện theo giáo huấn của Hội Thánh, trong niềm tín thác lòng thương xót của Chúa không bị phủ nhận đối với bất kỳ một ai.

Đối với những người sống chung, Văn kiện tái khẳng định rằng cần phải cứu xét tình trạng của họ một cách tích cực, tìm cách biến hoàn cảnh ấy thành cơ hội hoán cải, tiến đến sự viên mãn của hôn nhân và gia đình, dưới ánh sáng Tin Mừng.

Về những người đồng tính luyến ái

Văn kiện khẳng định rằng không được kỳ thị những người có xu hướng đồng tính luyến ái, nhưng đồng thời cho biết Giáo Hội chống lại sự kết hiệp giữa những người đồng phái và không chấp nhận những sức ép từ bên ngoài trên Giáo Hội về vấn đề này.

Có những đoạn đặc biệt nói về những người di dân, tị nạn, bị bách hại, gia đình của họ bị phân tán và họ có thể trở thành nạn nhân của nạn buôn người. Thượng HĐGM kêu gọi đón tiếp họ, tái khẳng định các quyền và cả nghĩa vụ của họ đối với những nước đón nhận họ.

Đề cao giá trị phụ nữ, bảo vệ trẻ em và người già

Văn kiện chung kết của Thượng HĐGM cũng trình bày những suy tư đặc thù về phụ nữ, người nam, trẻ em, là những bản lề của đời sống gia đình, đồng thời tái khẳng định sự bảo vệ và đề cao giá trị những vai trò của họ.

Đối với các phụ nữ, Thượng HĐGM cầu mong họ nắm giữ một vai trò quan trọng hơn trong tiến trình huấn luyện các thừa tác viên thánh chức, trong khi đối với các trẻ em, các vị đề cao vẻ đẹp của sự nhận con nuôi và ủy thác, tái tạo những mối liên hệ gia đình bị gián đoạn. Thượng HĐGM cũng không quên những người góa bụa, người khuyết tật, người già, các ông bà nội ngoại là những người giúp thông truyền đức tin trong gia đình và cần phải bảo vệ họ chống lại nền văn hóa gạt bỏ. Cả những người không kết hôn cũng được nhắc đến vì sự dấn thân của họ trong Giáo Hội và trong xã hội.

Cuồng tín, cá nhân chủ nghĩa, nghèo đói..

Văn kiện chung kết Thượng HĐGM cũng bàn đến những bóng đen của thời đại ngày nay đang đè nặng trên gia đình: trước tiên là thái độ cuồng tín về chính trị và tôn giáo thù nghịch đối với Kitô giáo, trào lưu cá nhân chủ nghĩa gia tăng, ý thức hệ về giống (gender), các cuộc xung đột, bách hại, nạn nghèo đói, công ăn việc làm bấp bênh, nạn tham ô hối lộ, những cưỡng bách kinh tế loại trừ gia đình khỏi lãnh vực giáo dục và văn hóa, hiện tượng hoàn cầu hóa sự dửng dưng đặt tiền bạc chứ không phải con người ở trung tâm xã hội, nạn dâm ô và sự suy giảm dân số.

Tăng cường chuẩn bị hôn phối

Thượng HĐGM đặc biệt kêu gọi tăng cường việc chuẩn bị hôn phối, nhất là đối với những người trẻ dường như lo sợ đối với hôn nhân: cần có một sự huấn luyện thích hợp cho họ về tình cảm, tập nhân đức khiết tịnh, và tự chủ. Trong viễn tượng này, các nghị phụ nhắc nhở về mối liên hệ giữa hành vi tính dục và hành vi sinh sản giữa vợ chồng, trong đó con cái là hoa trái quí giá nhất, vì chúng mang trong mình ký ức và hy vọng của một hành vi yêu thương. Một liên hệ khác cũng được tái khẳng định là liên hệ giữa gia đình và ơn gọi sống đời gia đình và ơn gọi sống đời thánh hiến. Cả việc giáo dục về tính dục, về thể xác và thăng tiến việc làm cha làm mẹ theo tinh thần trách nhiệm theo giáo huấn của Đức Phaolô 6 trong Thông Điệp ”Humanae vitae” (Sự sống con người) cũng là điều chủ yếu, cũng vậy vai trò hàng đầu của các cha mẹ trong việc giáo dục đức tin cho con cái.

Bảo vệ sự sống từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên

Thượng HĐGM kêu gọi các chính quyền hãy ”thăng tiến và nâng đỡ các chính sách gia đình, trong khi các tín hữu Công Giáo dấn thân trong chính trị được nhắn nhủ bảo vệ gia đình và sự sống vì xã hội nào lơ là đối với gia đình thì sẽ mất viễn tượng tương lai của mình. Về vấn đề này, Thượng HĐGM tái khẳng định sự thánh thiêng của cuộc sống con người từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên và cảnh giác chống lại những đe dọa trầm trọng đối với gia đình như nạn phá thai và làm cho chết êm dịu.

Những đoạn cuối cùng dành cho các hôn nhân hỗn hợp, trong đó các nghị phụ nhấn mạnh các khía cạnh tích cực đối với việc thăng tiến đối thoại đại kết và liên tôn. Rồi tái khẳng định sự cần thiết phải bảo vệ tự do tôn giáo và quyền phản kháng lương tâm trong xã hội.

Giáo hội cần canh tân ngôn ngữ đễ loan báo Tin Mừng

Văn kiện chung kết trình bày một suy tư dài về sự cần thiết phải thay đổi ngôn ngữ của Giáo Hội, làm cho nó có ý nghĩa hơn để việc loan báo Tin Mừng gia đình đáp ứng thực sự những mong đợi sâu xa nhất của con người. Thực vậy, vấn đề ở đây không phải chỉ là trình bày một qui tắc, nhưng là loan báo ơn mang lại khả năng sống những thiện hảo của gia đình

Gia đình là bến cảng chắc chắn cho các tình cảm sâu xa nhất

Sau cùng, Phúc trình chung kết nhấn mạnh vẻ đẹp của gia đình: Giáo Hội tại gia dựa trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, tế bào cơ bản của xã hội mà Giáo Hội góp phần làm tăng trưởng, là bến cảng chắc chắn cho những tâm tình sâu xa nhất, là điểm duy nhất liên kết, trong một thời đại bị phân hóa, là thành phần của sinh thái học con người, gia đình cần được bảo vệ, nâng đỡ và khích lệ, kể cả từ phía các chính quyền

Thỉnh cầu ĐTC ban hành một văn kiện về gia đình

 Các nghị phụ đệ trình phúc trình lên ĐTC để ngài cứu xét xem có nên tiếp tục hành trình với một văn kiện của ngài, dựa trên Thượng HĐGM này, để đào sâu thêm đề tài gia đình theo hướng đi mà ngài đã đề ra. Chúng ta tiếp tục tiến bước”

G. Trần Đức Anh O.P – Vatican Radio

Bánh trường sinh

Bánh trường sinh

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Vào thế kỷ 16 có một nhà thám hiểm người Tây Ban Nha tên là Ponce de Léon. Sau khi Kha Luân Bố (Christophe Colomb) khám phá Mỹ Châu ít lâu, người ta đồn rằng ở Tân Thế Giới có một ngọn suối trường sinh, thế là Ponce de León liền sắm thuyền vượt biển sang Nam Mỹ đi tìm con suối huyền thoại đó.

Giống như Ponce de Léon, các bô lão trong phim Cocoon đã được cải lão hoàn đồng khi họ xuống tắm ở một hồ bơi đã được những người xa lạ từ một hành tinh khác bí mật sử dụng. Chính kinh nghiệm kỳ thú này khiến các cụ sẵn sàng nhận lời mời của các vị khách lạ đi theo họ về chốn hành tinh khác. Vì theo lời các vị khách này, một khi đến được hành tinh xa lạ kia, các bô lão sẽ mãi mãi được trường sinh.

Cũng thế, Tần ThủyHoàng, một vị hoàng đế Trung Quốc thời xưa, người đã truyền xây Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc. Với chiều dài hơn 2000 dặm (=3218 km), Vạn Lý Trường Thành này là kiến trúc nhân tạo duy nhất trên trái đất mà các phi hành gia có thể nhận ra từ phía ngoài không gian. Theo tờ tạp chí Địa Lý Quốc Gia (National Geographic), Tần Thuỷ Hoàng rất sợ chết. Một ngày nọ các chiêm tinh kể cho ông nghe về một hòn đảo thần tiên ở Biển Đông, dân cư ở đây đã khám phá ra bí quyết trường sinh. Thế là Tần Thuỷ Hoàng liền phái một tàu thuyền chất đầy châu báu lên đường đi tìm các dân cư của hòn đảo ấy, hy vọng có thể dùng những báu vật để trao đổi lấy bí quyết trường sinh của họ. Theo lời người ta kể, các tàu thuyền này đã tìm ra đảo thần tiên nhưng cư dân ở đây chẳng thèm đổi bí quyết trường sinh của họ để lấy những “tặng vật tầm thường” ấy của Hoàng Đế.

Thưa anh chị em,

Ba câu chuyện trên cho chúng ta thấy rằng: từ xa xưa, con người đã mơ ước được sống chẳng bao giờ chết, được trường sinh bất tử. Mỗi lần thấy một người thân chết đi thì niềm ước mơ bất tử này càng ám ảnh con người dữ dội hơn. Vì thế, chẳng lạ gì khi Chúa Giêsu xuất hiện ở Palestine và bắt đầu nói về cuộc sống trường sinh bất tử thì dân chúng liền đổ xô đến nghe Ngài nói. Đám dân Do Thái này rất chú tâm đến vấn đề này, vì kể từ thời Abraham và Môsê họ triền miên sống trong mờ mịt, chẳng hiểu tí gì về những điều xẩy đến cho những người chết. Họ tin rằng có một “thế giới của người chết” (Shéol), nhưng họ chẳng có khái niệm gì về thế giới ấy. Vì thế, họ sẵn sàng đón nhận bất cứ tia sáng nào Chúa Giêsu soi dọi vào mầu nhiệm này.

Trong Tin Mừng hôm nay, một trong những câu nói quan trong nhất của Chúa Giêsu về đời sống vĩnh cửu là: “Tôi là bánh trường sinh từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống đời đời. Và bánh Tôi ban tặng, chính là thịt Tôi đây, để cho thế gian được sống”. Chúa Giêsu mạc khải cho biết cuộc sống nơi trần gian này không phải là cuộc sống duy nhất và chết không phải là chấm hết. Còn các một cuộc sống trong tương lại không bao giờ chấm dứt, đó là cuộc sống vĩnh cửu, trường sinh.

Thế nên có lạ gì khi nhiều người Do Thái lắc đầu, bỉu môi, liếc xéo Chúa Giêsu khi nghe Ngài nói: “Tôi là bánh trường sinh từ trời xuống!” Có lạ gì khi họ xầm xì với nhau: “Anh này chẳng phải là anh chàng Giêsu, con trai ông Giuse đó sao? Bộ chúng ta không biết bố mẹ anh ta sao mà anh ta lại dám mạo nhận là từ trời xuống?” Và nếu chúng ta tiếp tục đọc hết chương 6 của Thánh sử Gioan, chúng ta sẽ thấy ngay cả các môn đệ của Chúa Giêsu cũng xầm xì với nhau: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (6,60) “Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi với Chúa Giêsu nữa” (6,60). Chỉ mãi đến khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, nhiều người trong đám dân Do Thái này mới bắt đầu biết trân trọng những câu nói trên của Chúa Giêsu.

Và cũng chính vì tin nhận mầu nhiệm này mà chúng ta đã cùng nhau tập họp trong thánh đường ngày hôm nay. Chúng ta tập họp nhau để nghe Chúa Giêsu nói về cuộc sống vĩnh cửu, để được dưỡng nuôi bằng bánh trờng sinh, Mình Thánh Chúa Giêsu. Ngọn suối trường sinh mà Ponce de Léon đã khổ công lên đường đi Châu Mỹ để tìm kiếm, cuộc sống bất tử mà các bô lão trong phim Cocoon sẵn sàng ra đi để tìm kiếm ở một hành tinh khác, và bí quyết trường sinh mà Tần Thuỷ Hoàng đi đến tận các đảo thần tiên để truy lùng, hiện đang ở giữa chúng ta, ngay trong thánh đường này. Chúa Giêsu hiện diện với chúng ta trong bí tích ban phúc trường sinh khi Ngài nói: “Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời”. Nếu đã thấu hiểu toàn bộ mầu nhiệm này, chúng ta sẽ không còn ngạc nhiên hay xầm xì với nhau khi nghe Chúa Giêsu ngỏ lời với chúng ta hôm nay.

Anh chị em thân mến,

Vào thời ông Môsê, dân Do Thái ăn chán bánh manna từ trời rơi xuống, họ lẩm bẩm kêu trách Chúa. Rồi họ đòi ăn thịt, Chúa cho từng đàn chim cút bay sà xuống để họ bắt làm thịt ăn. Ăn chán rồi họ lại kêu trách Chúa và ông Môsê. Đến thời Chúa Giêsu, họ lại xầm xì với nhau vì không thể tin được Chúa Giêsu là Đấng từ trời xuống, như thứ bánh manna mới, đem lại sự sống đời đời. Ngày nay, lễ xong ra về, nhiều người Kitô hữu cũng lẩm bẩm, xầm xì với nhau: “Thánh lễ buồn tẻ! Hát dở ẹt! giảng chán phèo! Người ngồi bên cạnh khó chịu! Rồi lại xin tiền!”… Họ lại xầm xì với nhau. Chúng ta thường như thế đó. Trước Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng tự hiến cho chúng ta, chúng ta còn tìm đủ lý do từ chối cái chính yếu là chính Mình Ngài, chính tình yêu của Ngài, để chạy theo những chi tiết phụ thuộc mà đả kích, phê bình. Phải chăng chúng ta đã nghe chán rồi? Nên Lời Chúa chẳng còn đánh động lòng ta nữa? Phải chăng chúng ta đã ăn chán rồi, nên Bánh Thánh Thể được dọn ra trong Tiệc Thánh chẳng còn đem lại cho chúng ta niềm vui nội tâm nào nữa? Phải chăng chúng ta tôn thờ cá nhân cha này, thầy nọ, đến nỗi cộng đoàn anh em Kitô hữu chăng còn sức thúc đẩy ta dấn thân phục vụ linh động hơn nữa? Phải chăng chúng ta không nhìn ra chung quanh chúng ta biết bao anh em đang chờ chúng ta giúp đỡ, thay vì ngồi đó mà lẩm bẩm với nhau về những chuyện thứ yếu, không đâu?

Thiết tưởng chúng ta nên nghe lại lời Chúa bảo: “Anh em đừng xầm xì với nhau nữa!” Thiết tưởng mỗi Chúa Nhật, chúng ta nên suy niệm bài Tin Mừng, rồi đem Lời Chúa ra thực hành trong đời sống cụ thể, điều mà không một ai được chuẩn chước từ nhà thờ bước vào lòng đời. Bánh Trường Sinh phải được đem đến các môi trường sinh sống của Chúng ta, nơi chúng ta lao động, đấu tranh, nơi chúng ta cười, chúng ta khóc với người khác. Một khi lễ xong, anh chị em ra về, cửa nhà thờ đóng lại thì phải chăng là cả thế giới mênh mông với trăm ngàn khuôn mặt hợp thành gia đình của Chúa là điểm hẹn của anh chị em. Đời ta là thánh lễ nối dài. Chúng ta đã làm gì ở đó nhân danh đức tin của chúng ta?

Bao nhiêu câu hỏi được đặt ra cho chúng ta chung quanh Bánh Hằng Sống của Chúa Giêsu. Nhưng đó cũng là những lời mời gọi chúng ta sống trọn vẹn các chiều kích của Bánh Trường Sinh mà chúng ta lãnh nhận từ Bàn Tiệc của Chúa mỗi ngày Chúa Nhật.

Dấu chân

Dấu chân

Nhạc sĩ Thông Vi Vu viết ca khúc: "Dấu Chân", giai điệu slow nhẹ nhàng thiết tha, ca từ thấm đẫm chất thơ, bài ca lấp lánh niềm tín thác.

1. Hôm nao dưới nắng reo vui, mình tôi rong chơi trên bãi biển. Chiều về nhìn sau lưng mình, hiển hiện hình một hàng dấu chân đôi. Này là dấu chân to, và kìa là dấu chân nhỏ. Cả hai cùng chiều đi tới, tựa hình với bóng bước song đôi.

ĐK. Bao nhiêu dấu chân qua, bấy nhiêu niềm cảm tạ. Đôi khi có những bước phôi pha, mà hình bên bóng chẳng rời xa. Hôm nao thấy dấu chân đôi: Đó là Chúa đi bên tôi. Hôm nào còn một dấu chân thôi: Là bởi vì Chúa ẵm tôi lên rồi.

2. Hôm nao giữa bước chân đi, chợt nghe dâng mênh mang nỗi buồn. Chiều về nhìn sau lưng mình, hiển hiện hình một hàng dấu chân đơn. Lạ lùng dấu chân to, và nặng nề vết in đậm. Mà sao chỉ còn một dấu, lại chẳng thấy có dấu chân tôi?

Ca khúc được dệt nhạc từ truyện "Footprints".

Có một người nọ ví cuộc đời của mình như một người lữ hành đang đi trên một bãi biển đầy cát. Khi nhìn lại cuộc hành trình, anh nhận ra hai điều kỳ lạ.

– Khi anh thành công, hạnh phúc, vui sướng… anh thấy có bốn dấu chân trên cát. Đó là hai dấu chân của anh và hai dấu chân của Chúa. Thiên Chúa đồng hành để chia sẻ niềm vui với anh.

– Khi anh thất bại, đau khổ, buồn sầu…anh chỉ thấy có hai dấu chân trên cát. Và anh nghĩ đó là hai dấu chân của mình. Thiên Chúa đã bỏ rơi khi anh thất bại. Thiên Chúa đã vắng bóng khi anh đau khổ.

Sau đó, anh thắc mắc với Chúa: "Khi con thành công, hạnh phúc…Chúa lại đồng hành với con, đi với con…Nhưng khi con thất bại, đau khổ…những lúc con cần Chúa nhất thì Chúa lại bỏ rơi con. Tại sao Chúa lại đối xử với con như thế?".

Chúa Giêsu trả lời: "Khi con vui thì Ta đi bên cạnh con, đi với con, song hành cùng con. Còn khi con buồn, đau khổ, thất vọng thì Ta lại vác con trên vai của Ta. Cho nên dấu chân trên cát là của Ta chứ không phải của con".

Câu chuyện gợi lên ý tưởng: Thiên Chúa luôn đồng hành với con người trên mọi nẻo đường trần thế. Ngài không bao giờ bỏ rơi con người. Khi con người gặp đau khổ và thất vọng, Ngài an ủi, đỡ nâng, ban thêm sức mạnh và tình yêu.

Câu chuyện "Trên đường Emmau" là một trong những câu chuyện Tin Mừng tuyệt tác và rất riêng của thánh sử Luca. Kể từ khi tảng đá to đã niêm phong cửa mộ thì đối với các môn đệ, tất cả đã hết, không còn gì ngoài những kỷ niệm xót xa chua chát. Một thực tế phủ phàng trĩu nặng nổi âu lo sợ hãi. Niềm hy vọng lớn lao xưa đã bị chôn vùi với Giêsu Nazareth. Bởi đó họ ở lại Giêrusalem để làm gì khi người ta đã đặt dấu chấm hết cho mọi hy vọng giải thoát dân tộc. Thập giá được giương cao và vị cứu tinh được chờ đợi với biết bao kỳ vọng đã kết thúc sự nghiệp bằng cái chết đớn đau ô nhục. Hai môn đệ quyết định trở về quê nhà. Bước chân mỏi mệt chán chường, tuyệt vọng và cô đơn trên cuộc lữ hành. Nổi buồn mất mát và nổi đau tuyệt vọng đã làm cho họ không còn nhạy cảm với những thực tại xung quanh. Các ông có biết đâu, trên hành trình thất vọng và cô đơn đó, có một người vẫn hằng dõi theo từng bước đi, chú ý từng tâm sự nhỏ to của các ông. Người ấy tiến về phía các ông, trò chuyện và đồng hành với các ông mà các ông nào hay biết. Các ông không nhận ra Người mặc dù Người vẫn có đó, vẫn hiện diện và chia sẻ với các ông. Các ông còn được vị khách này giải thích tường tận những gì đã nói về Đấng Messia mà Môisen và các Ngôn sứ, tức là toàn bộ Kinh thánh đã loan báo. Cho đến khi được đồng bàn với Người, tận mắt chứng kiến Người cầm bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, bẻ ra và trao cho, mắt các ông mới bừng sáng. Các ông hân hoan vui mừng. Tâm hồn các ông được Đấng Phục sinh chiếu dọi. Tâm trí các ông được Người khai mở. Đức Kitô, Thầy của các ông đã thực sự sống lại. Không nghi ngờ gì nữa, vị khách bộ hành, người đã giảng dạy Kinh Thánh và cùng với các ông chia sẻ nghi lễ Bẻ Bánh chính là Đức Kitô Phục Sinh. Niềm vui vì được gặp Chúa Phục Sinh, được Người dạy dỗ và chia sẻ bàn tiệc Thánh, khiến cho hai môn đệ Emmau quên hết nhọc nhằn. Các ông lập tức lên đường với niềm vui mừng trở về Giêrusalem. Hội ngộ với các môn đệ khác và công bố Tin Mừng Phục Sinh. Kể từ đó, Tin Mừng Phục Sinh theo dấu chân của các Tông Đồ lan rộng khắp hoàn cầu.

Đường Emmau thật kỳ lạ. Đường dẫn đưa những lữ khách từ Giêrusalem về Emmau sao xa xôi vạn lý, thế mà giờ đây lúc trở về lại hoá nên gần gũi thân quen. Cùng một con đường, cùng một buổi chiều mà hai môn đệ đi lại hai lần, mỗi lần lại mỗi dáng vẻ hoàn toàn khác nhau. Khi đi thì đường xa vời vợi, đi mãi không đến. Lúc về sao ngắn ngũi, chưa đi đã đến. Khi đi thì chán nản u sầu. Lúc về phấn khởi hân hoan. Khi đi chán chường chậm chạp. Lúc về nhanh nhẹn vui tươi. Điều kỳ diệu của đường về là hai môn đệ đã gặp được Chúa Kitô Phục Sinh. Chính Người làm nên khác biệt giữa hai lần đi về. Gặp Chúa Kitô Phục Sinh là bí quyết giúp thay đổi cuộc đời, giúp cuộc sống có ý nghĩa, có niềm vui, có hy vọng và có lẽ sống.

Sứ điệp Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay có thể được tóm kết trong ba chữ T: Thánh Kinh, Thánh Thể và Hội Thánh. Đó cũng là cũng chính là ba con đường chính yếu để chúng ta gặp gỡ Đấng Phục Sinh và thể hiện niềm tin của mình trong đời sống.

1. Gặp gỡ Chúa Phục Sinh nhờ Thánh Kinh

Chúa Giêsu Phục Sinh đến như người bạn đồng hành. Người chăm chú lắng nghe họ kể nổi đau buồn. Người đốt lên ngọn lửa bừng cháy trong tim họ khi giải thích Thánh Kinh "Bắt đầu từ Môisen và duyệt qua hết các Tiên tri, chú giải cho họ những gì liên quan đến Người trong các bản văn Thánh Kinh". Người đã giải thích cho các ông: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môisen, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm" (Lc 24, 44). Vậy thì cả lịch sử cứu độ hướng về Người và chỉ có ý nghĩa vì Người. Lịch sử vũ trụ, lịch sử nhân loại, mọi lịch sử chỉ là lịch sử cứu độ, lịch sử của "Đức Kitô hôm qua, hôm nay, mãi mãi vẫn là một". Nghe Lời Chúa, lòng họ bừng lên, nội tâm được biến đổi. Chúa Phục Sinh cũng soi lòng mở trí cho các môn đệ đang quy tụ ở Giêrusalem. Người giúp các ông hiểu được những lời Kinh Thánh loan báo cuộc Thương Khó và Phục Sinh. Người cũng giúp các ông hiểu những thành quả tinh thần của việc sám hối và ơn tha thứ tội lỗi mà Đấng Phục Sinh đem lại cho muôn dân nước. Bài đọc 1, sách CVTĐ kể lại diễn từ thứ hai ngỏ lời với đám đông dân chúng Giêrusalem, thánh Phêrô lớn tiếng công bố sự Phục Sinh của Đấng Chịu Đóng Đinh và chứng minh rằng Kinh Thánh đã tiên báo những đau khổ của Đấng Mêsia.

Thánh Giêrônimô đã nói: Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô.

Thánh Kinh là bức tâm thư Thiên Chúa gởi cho Dân được tuyển chọn.Cần có đức tin và lòng mến để tiếp nhận như giáo huấn của CĐVTC II đã dạy: "Trong các Sách Thánh,Chúa Cha trên trời bằng tất cả lòng trìu mến đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ.Vậy sức mạnh và quyền năng chứa đựng trong Lời Chúa lớn lao đến độ trở thành điểm tựa đầy năng lực cho Hội Thánh và là sức mạnh của đức tin,lương thực nuôi linh hồn,nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái của Hội Thánh" (MK21).

Học hỏi Thánh Kinh để tìm được nguồn năng lực cho sức mạnh đức tin, lương thực thần thiêng nuôi linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu (MK 21), trau dồi và phát triển kiến thức thần học, nhưng điều căn bản vẫn là để giúp biết rõ hơn về mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, Đức Giêsu Kitô (MK 26); Đấng mà cả hai Giao ước đều nhắm đến: Cựu ước nhìn với tất cả lòng mong đợi, Tân ước nhìn Người như Đấng hoàn tất các lời hứa cứu độ, cả hai đều đặt Người như trung tâm. Việc đọc và suy niệm Lời Chúa mang lại nguồn sáng, soi dẫn cuộc đời và lương thực thần thiêng cho cuộc sống, sau nữa là để "khi phải truyền đạt kho tàng bao la của Lời Chúa, không ai trở thành kẻ huênh hoang rao giảng Lời Chúa ngoài môi miệng vì không lắng nghe Lời trong lòng" (MK 26).

2. Gặp gỡ Chúa Phục Sinh trong Bí Tích Thánh Thể.

Thánh Luca tường thuật, suốt trên con đường đi về Emmau có một khách bộ hành đi cùng, hai môn đệ không nhận ra Thầy kính yêu của mình. Mãi đến lúc ngồi vào bàn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra trao ban thì hai ông mới nhận ra. Chính qua cử chỉ bẻ bánh mà các môn đệ nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh. Chúa Giêsu bẻ bánh, nhắc lại cử chỉ khi lập phép Thánh Thể. Nhờ phép Thánh Thể toàn bộ con người các ông đổi mới.

Chúng ta không thấy Chúa Kitô về mặt thể lý tự nhiên, nhưng có thể gặp Chúa Kitô Phục Sinh trong Bí Tích Thánh Thể.

Thánh Thể là trung tâm của cộng đoàn phụng vụ cử hành biến cố Vượt Qua của Chúa Giêsu. Thánh Thể quy tụ các tín hữu hiệp thông trong đức ái. Hội Thánh "duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền" biểu lộ căn tính của mình rõ nét nhất lúc cử hành Thánh Thể. Thánh Thể làm nên thân thể Chúa Kitô. Thánh Thể là thần lương nuôi dưỡng con cái Hội Thánh. Qua bí tích Thánh Thể, mọi tín hữu không những được hiệp nhất với Thiên Chúa mà còn được nên một với nhau trong Hội Thánh.Thánh Thể là một bài học yêu thương tuyệt hảo nhất, yêu thương đến tột cùng, trao ban đến tận cùng. Nhờ tham dự việc cử hành Thánh Thể, cộng đoàn tín hữu trở thành một thực thể sống động, hiệp thông, liên kết trong đức ái, làm nên một thân thể mầu nhiệm. (x.Tông Thư "Mane Nobiscum Domine", số 11-18, Đức Gioan Phaolô II, ban hành ngày 7.10.2004).

Chúng ta gặp Chúa Phục Sinh khi cử hành Bí Tích Thánh Thể: cầm bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho nhau. Điều quan trọng là chúng ta có cử hành Bí Tích Thánh Thể như một cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu không hay chỉ còn là một nghi thức.

Chúng ta vẫn gặp được Chúa Giêsu mỗi lần cùng nhau cử hành Bí Tích Thánh Thể. Miễn là có đủ lòng tin và có một cảm thức nhạy bén trước mầu nhiệm của Thiên Chúa để chúng ta có thể đón nhận sự hiện diện sống động của Người và đi vào cuộc gặp gỡ thực sự với Người.

3. Gặp gỡ Chúa Phục Sinh giữa lòng Hội Thánh

Hai môn đệ hân hoan trở về gặp các Tông đồ và kể lại cuộc gặp gỡ kỳ diệu với Đấng Phục Sinh. Tin vui phải được loan đi. Tin Mừng Phục Sinh phải được công bố. Từ nay, các ông sẽ là những chứng nhân cho Đấng cùng đồng hành với các ông, chia sẽ vui buồn, dẫn dắt tâm hồn, thắp sáng niềm tin, đốt nóng niềm hăng say cũng như sẽ đồng bàn và trao sự sống mới trong cử chỉ thân quen. Từ nay các ông sẽ là người loan báo Đấng Phục Sinh cho anh chị em của mình bằng chứng từ của một đời sống dấn thân phục vụ. Không có rào cản nào chắn được bước chân của các ngài nữa vì Đấng Phục Sinh đang cùng đồng hành trên khắp mọi nẻo đường trần thế.

Chính Đức Kitô đã củng cố niềm tin Phục Sinh cho các Tông Đồ. Thành thánh Giêrusalem là nơi Chúa Giêsu hoàn tất sứ mạng và cũng là nơi Hội Thánh khởi sự thi hành sứ mạng của mình. Tất cả những ai đã gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh giữa lòng Hội Thánh đều trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Tất cả các môn đệ đều đã lấy máu mình mà làm chứng cho lời rao giảng. Vì Chúa Kitô Phục Sinh là một Tin Mừng không thể không chia sẻ. Vì lệnh sai đi của Chúa Kitô là một lệnh truyền không thể chống cưỡng. Như Thánh Phaolô sau này đã nói: "Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng".

Mỗi Thánh Lễ, chúng ta được diễm phúc cử hành cao điểm của niềm tin, mầu nhiệm cái chết thập giá và sự sống lại của Đức Kitô Giêsu. Người đang ban Lời chân lý (Thánh Kinh) và Bánh Trường Sinh (Thánh Thể), đang ủi an và chia sẻ tình yêu, đang động viên và soi sáng giúp chúng ta trở thành một cộng đoàn huynh đệ hiệp nhất (Hội Thánh). Mỗi Thánh Lễ, chúng ta được đồng hành bên nhau trong tình hiệp nhất, được chia sẻ Lời Chúa và được rước lấy Thánh Thể. Chúa Giêsu luôn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường loan báo Tin Mừng Phục Sinh.

Chúa Giêsu Cứu Thế đã in dấu chân trên những nẻo đường truyền giáo "bao nhiêu dấu chân qua, bấy nhiêu niềm cảm tạ". Chúng ta bước theo Chúa trên hành trình sứ vụ, mỗi ngày đã qua như một dấu chân trên cát, nối lại những dấu chân, cuộc đời sẽ thành đường dài của niềm vui và hy vọng.

LM Giuse Nguyễn Hữu An

Giấc mơ hay hiện thực

Giấc mơ hay hiện thực

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Một người kia kể lại giấc mơ khủng khiếp như sau: Tôi thấy mình đứng trước một biệt thự nguy nga. Bước vào trong, tôi thấy hai hành lang với hai hàng chữ: Bên phải dành cho người Công giáo, bên trái dành cho kẻ ngoại đạo. Theo bảng chỉ dẫn, tôi đi theo hành lang bên phải dành cho người Công giáo.

Đi được một lúc, tôi thấy mình đứng trước một ngã rẽ khác. Lần này tôi đọc thấy bảng chỉ dẫn như sau: Bên phải dành cho kẻ có đức tin vững mạnh, bên trái dành cho kẻ có đức tin yếu kém. Và tôi lại đi bên phải.

Đến một ngã rẽ khác, tôi lại thấy một bảng chỉ dẫn: Bên phải dành cho những người có lòng bác ái, bên trái dành cho những người ích kỷ. Tôi lại chạy qua bên phải mà đi.

Cuối cùng tôi gặp một bảng chỉ dẫn: Bên phải dành cho những ai có đời sống thánh thiện, bên trái dành cho những kẻ tội lỗi. Một lần nữa tôi cứ chọn bên phải mà đi. Nhưng tôi đang hân hoan rảo bước, thì bỗng một cảnh tượng hãi hùng khủng khiếp hiện ra ở cuối hành lang ấy: cảnh hỏa ngục với muôn vàn hình khổ không lời nào tả xiết. Tôi hoảng hốt kêu rú lên và giật mình thức giấc.

Sau một phút tôi hoàn hồn và tự hỏi: “Phải chăng đời sống đạo của tôi cũng chỉ là một giấc mơ hãi hùng?”.

Câu hỏi trên đây có lẽ cũng có thể được nêu lên cho mỗi người chúng ta trước tiếng hô của Gioan Tẩy Giả: “Có tiếng hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. Thường thì chúng ta cứ chọn bên phải mà đi, chứ mấy ai lại thích đi bên trái. Cái ảo tưởng về sự tốt lành của mình luôn luôn bám sát chúng ta như hình với bóng. Lòng tự cao tự đại thường mê hoặc chúng ta, làm cho chúng ta như chìm sâu mãi vào một giấc mơ hãi hùng.

“Anh em hãy tỉnh cơn mê, đêm đã tàn, ngày đang đến”. Lời ấy của thánh Phaolô muốn thôi thúc chúng ta thành khẩn nhìn lại giá trị đích thực của đời mình. Tôi có thực sự xứng đáng đứng bên phải trong ngày phán xét cuối cùng không? Hay đó chỉ là một giấc mơ hãi hùng?

Gioan Tẩy Giả kêu gọi chúng ta hãy dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Dọn đường cho Ngài đến thực hiện một cuộc giải phóng mới, không phải giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập hay khỏi nơi lưu đầy Babylon, mà là khỏi tội lỗi, trở về với Thiên Chúa. Vì vậy, Gioan Tẩy Giả kêu gọi mọi người hãy sám hối. Ông đã dùng phép rửa như một dấu hiệu của lòng sám hối, từ bỏ tội lỗi để đón nhận Chúa Kitô, đồng thời như một dấu hiệu tiên báo một phép rửa hoàn hảo hơn -Phép rửa của Chúa Giêsu: “Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Ngài, Ngài sẽ làm Phép Rửa cho anh em bằng Thánh Thần”.

Gioan không chỉ rao giảng sám hối mà còn sống tinh thần sám hối, không chỉ thức tỉnh dân chúng trước biến cố đang xảy đến mà còn lay tỉnh chính mình trước công việc mầu nhiệm của Thiên Chúa: cách ăn mặc của Gioan nói lên tâm tư và phong cách sám hối. Thực vậy, lối sống đơn giản và khổ chế của Gioan – mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng – chứng tỏ ông đã thoát khỏi những ràng buộc phiền toái của xã hội Do Thái và những bận tâm quá đáng về vật chất để quy hướng cuộc sống vào việc chào đón và rao giảng về Đấng Cứu Thế. Ông đã làm chứng về Đấng Cứu Thế và chờ đợi Ngài đến bằng một đời sống khổ hạnh và tỉnh thức.

Đời người là một Mùa Vọng dài hướng về ngày Chúa đến lại. Mỗi tín hữu là một Gioan Tẩy Giả, và toàn thể Giáo Hội có sứ mạng tiền hô. Người tín hữu hôm nay, khi nhắc đến mầu nhiệm Chúa đến, phải có tâm tư và thái độ sống thế nào để dọn đường cho những anh chị em chung quanh biết đón chờ Chúa? Chúng ta đã gia tăng cầu nguyện, hoán cải đời sống để dọn đường Chúa đến, để chuẩn bị cho Chúa tỏ mình ra chưa?

Lòng sám hối đích thực không nằm ở nơi những tình cảm tốt đẹp, những sáo ngữ hấp dẫn, những nghi thức rầm rộ bên ngoài, nhưng nơi những công việc và hành vi cụ thể: sửa lại cho thẳng những lối đi quanh co tăm tối của con tim, bạt xuống cho bằng các đồi núi kiêu căng của tâm trí, lấp đầy hố thẳm nghèo đói Lời Chúa của tâm hồn.

Thánh Phêrô trong thư của ngài đã cho thấy lòng sám hối không phải là một thái độ nhất thời, mà là thái độ thường xuyên của người Kitô hữu trong suốt giai đoạn chờ Ngày của Chúa. Ngài nhắn nhủ: “Anh em thân mến, trong khi chờ đợi ngày đó, anh em phải cố gắng nên tinh tuyền, không chi đáng trách, để được bình an trước mặt Chúa” (2Pr 3,14). Lời nhắn nhủ đó là những lời kêu gọi các tín hữu sám hối để tạo nên cho mình một thái độ tương xứng cần thiết.

Hiển nhiên là lời kêu gọi sám hối trong Phụng Vụ Chúa Nhật 2 Mùa Vọng này không thể chỉ được giới hạn trong việc xét mình ăn năn và xưng tội để có được một tâm hồn trong sạch xứng đáng cho Chúa ngự, vào thánh lễ đêm Giáng Sinh. Sám hối là một thái độ sống của người Kitô hữu. Sám hối là một sự đổi mới, một sự đổi mới toàn diện: trong tư tưởng, trong sự chọn lựa, trong hành động. Sự đổi mới này không chỉ diễn ra một lần là đủ, mà là một đổi mới liên tục. Người Kitô hữu được kêu gọi từ bỏ con người cũ, lối sống theo lòng ích kỷ, tham lam, tàn bạo, không đếm xỉa đến quyền lợi của người khác, để sống theo con người mới với lòng yêu thương, với tình liên đới với người chung quanh, ở trong gia đình, trong trường lớp, trong cơ quan, xí nghiệp… Người Kitô hữu vẫn tin rằng ơn cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện không chỉ nơi thâm sâu thầm kín của từng con người mà còn ngang qua lịch sử trong xã hội con người.

Tiếng hô của Gioan Tẩy Giả trong hoang địa là một tiếng gọi mang đầy hy vọng và niềm vui: “Hãy dọn đường cho Đấng Cứu Thế, vì Người sắp đến rồi!”. Hãy thay đổi bộ mặt trái đất này cho loài người được sống ấm no hạnh phúc, để cho Trời Mới Đất Mới xuất hiện, trong đó công lý và hòa bình sẽ ngự trị và mọi người sẽ được thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

Hãy sống trong sự thật

Hãy sống trong sự thật

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Đêm kia tại một làng đánh cá bên Ấn Độ, một ngư phủ nghèo lẻn vào trong hồ cá của một người nhà giàu để thả lưới. Nhưng chưa kịp kéo lưới lên thì bị người giàu phát hiện. Người này cho gia nhân bủa đi khắp nơi quanh cái hồ mênh mông của mình để bắt cho bằng được tên trộm.

Đám gia nhân đốt đuốc đi tìm khắp nơi mà không thấy bóng dáng tên trộm đâu cả. Trong khi đó thì anh ngư phủ nghèo lấy tro rắc lên đầy mình và đến ngồi dưới một gốc cây gần đó y hệt một nhà hiền triết hay một đạo sĩ.

Sau nhiều giờ tìm kiếm, đám gia nhân không thấy kẻ trộm mà chỉ thấy một đạo sĩ ngồi dưới gốc cây đang đắm mình trong suy tư và cầu nguyện. Chỉ một ngày hôm sau tiếng đồn đã vang đi khắp nơi rằng có một đạo sĩ đang tu luyện dưới gốc cây bên bờ hồ của nhà phú hộ.

Thế là thiện nam tín nữ từ các ngã đường đổ xô đến gốc cây để chiêm ngưỡng vị tu hành. Người thì mang hoa quả, kẻ thì mang tiền bạc. Không mấy chốc mà quà cáp tuôn đổ tràn lan quanh nhà tu hành bất đắc dĩ.

Nhà tu hành mới nhủ thầm trong bụng: Thà đánh lừa bà con để sống còn hơn là đánh cá suốt ngày mà chẳng được gì. Nghĩ như thế rồi, ông ta tiếp tục đóng vai tu hành, ngày đêm tụng niệm và chờ đợi sự tiếp tế của dân làng.

Anh chị em thân mến, “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Người đánh cá bất đắc dĩ phải trở thành vị tu hành trên đây có thể là một hình ảnh không xa lạ bao nhiêu đối với chúng ta. Một cách nào đó, có khi chúng ta cũng sơn vẽ cho mình một nước áo đạo đức để đánh lừa bà con và đánh lừa chính mình như những Luật Sĩ và Pharisêu giả hình mà hôm nay Chúa Giêsu kịch liệt chống đối. Họ thường phô trương, tự phụ, tranh giành địa vị, tìm kiếm danh vọng. Họ chép những câu Kinh Thánh đeo lên trán, buộc vào cổ tay, để chứng tỏ họ ghi nhớ và tuân giữ luật hơn bất cứ ai khác. Khi đi dự tiệc, họ phải ngồi vào chỗ danh dự. Ở Hội đường, họ phải ngồi chỗ nhất và ở nơi công cộng, họ đòi được chào kính, xưng hô là Thầy. Họ muốn tôn mình lên cao hơn mọi người.

Ngược lại với thái độ đạo đức giả và kiêu căng tự phụ của những Luật Sĩ và Pharisêu. Chúa Giêsu đưa ra cho các môn đệ và cũng là cho cộng Kitô hữu chúng ta, một thái độ sống chân thật: đó là phong cách thể hiện tình huynh đệ, sự bình đẳng và tinh thần phục vụ. “Anh em chỉ có một Thầy, một vị lãnh đạo, là Đức Kitô. Anh em chỉ có một Cha, là Cha trên trời. Còn tất cả anh em đều là anh em với nhau”. Vì thế, “trong anh em, người làm lớn hơn cả phải làm đầy tớ anh em”.

Thưa anh chị em, đọc đoạn Tin Mừng hôm nay, tất cả Giáo Hội của Chúa Kitô, từ giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ đến giáo dân phải bình tâm suy nghĩ. Những lời Chúa nói trước các Luật sĩ và Pharisêu ngày xưa phải có tiếng vọng đến chúng ta ngày nay. Pharisêu không còn, nhưng não trạng pharisêu chưa chết, vẫn còn sống mãi. Giáo Hội qua các thời đại phải nhìn nhận rằng những phô trương lòe loẹt, chủ nghĩa hiếu thắng trần tục (triomphalisme) đã đi vào trong hàng ngũ Giáo Hội. Những chức tước, áo mũ cân đai, cờ quạt, kiệu rước… đã làm hoen ố đi hình ảnh một Giáo Hội chân thật, một “Giáo Hội nghèo của người nghèo”. Công Đồng Vatican II đã bỏ đi nhiều những điều phù phiếm đó và muốn cho Giáo Hội mang khuôn mặt đích thực của Chúa Kitô khiêm tốn, phục vụ.

Đức Cha Bernard Topel (1903-1986) Giám Mục giáo phận Spokane, Wa. Hoa Kỳ, đã viết trên báo của Giáo phận: “Trong thời kỳ họp Công Đồng, các Giám Mục thường hay nói về Giáo Hội như Giáo Hội của người nghèo, tôi nghe mà sinh bối rối, vì tôi chưa thấy chúng ta là Giáo Hội của người nghèo chút nào cả!” Từ cái bối rối này, Đức Cha Topel đã thực thi Công Đồng cách quyết liệt gần như Thánh Phanxicô Assisi thực thi Tin Mừng: Đức Cha đã bán Tòa Giám Mục, nhẫn vàng, thánh giá, giây đeo và gậy cẩn ngọc thạch để lấy tiền giúp người nghèo. Với bốn ngàn đô, Ngài mua một căn nhà ở ngõ cụt để làm tư dinh. Sau giờ làm việc, Ngài về làm vườn, trồng rau, xin đầu cá nấu ăn. Nhiều người không tán đồng, họ nói: “Vua thì phải sống cho ra Vua, Chúa thì phải sống cho ra Chúa, Giám mục thì phải sống cho Giám mục”. Nguyên là thạc sĩ toán học, Đức Cha trả lời: “Không phải là kết toán làm thành bài toán. Bài toán chúng ta là phải trừ, chia và nhân: phải bớt tiêu xài xa hoa, để chia sẻ với những người nghèo khó và nhân thêm niềm hy vọng sống xứng đáng cho họ”.

“Trong anh em, ai lớn hơn cả phải là người tôi tớ phục vụ”. Trong Nước Trời, không ai có quyền thống trị kẻ khác, tất cả chúng ta đều là anh em. Ngay cả việc hành xử quyền bính, cho dù thuộc phạm vi dân sự hay tôn giáo, cũng chỉ là một hình thức phục vụ: “Cán bộ là đầy tớ của nhân dân”, ngay cả Đức Giáo Hoàng cũng tự nhận là “Tôi tớ của các tôi tớ” (Servus servorum). Người cha, người mẹ trong gia đình, sở dĩ được các con cái quý mến là vì biết tận tụy phục vụ, hy sinh cho con cái. Càng cho đi, càng được nhận lại, càng cho đi nhiều, càng được nhận lại nhiều hơn. Chúa Giêsu đã dạy và cho các môn đệ. Ngài đã tự hạ, vâng phục cho đến chết trên thập giá vì yêu thương loài người chúng ta. Chính vì thế, Ngài đã được siêu tôn là Đức Chúa: “Ai tự hạ mình xuống, sẽ được tôn lên. Ai tự tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống”.

Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu tỏ ra thông cảm và khoan dung đối với mọi người tội lỗi, mọi hèn yếu của con người. Nhưng Ngài lại có thái độ khe khắt đối với thói giả hình của những người Pharisêu. Ngài không ngừng kêu gọi các môn đệ của Ngài cẩn thận giữ mình kẻo vướng lây phải thói tật đáng ghét này. Chúng ta giữ đạo, nhưng có lẽ chưa sống đạo. Có khi chúng ta mang lớp sơn đạo đức bên ngoài mà thiếu thực chất của một lòng đạo đức chân thật bên trong. Hãy sống trong sự thật trước mặt Chúa và anh chị em. Nhờ khiêm tốn và phục vụ, chúng ta sẽ sống theo đúng đường lối của Chúa và dễ dàng sống với anh em như đòi hỏi của đức ái: mến Chúa – yêu người.