Đức Hồng y Dolan đọc đoạn sách Khôn ngoan trong lễ nhậm chức của ông Trump

Đức Hồng y Dolan đọc đoạn sách Khôn ngoan trong lễ nhậm chức của ông Trump

Washington – Đức Hồng y Timothy M. Dolan của New York cho biết, đoạn Kinh thánh ngài chọn để đọc trong lễ nhậm chức của tổng thống Donald J. Trump được lấy từ chương 9 sách Khôn ngoan. Đó là lời cầu nguyện của vua Salomon, xin ơn khôn ngoan để lãnh đạo đất nước theo ý Thiên Chúa.

Đức Hồng y Dolan nói với hãng tin Công giáo Hoa kỳ là ngài luôn cầu nguyện điều này và nói đùa rằng Chúa chưa ban cho ngài điều khấn xin.

Đức Hồng y giải thích rằng qua nhiều thế kỷ, lời cầu nguyện của Salomon đã được dâng lên Chúa. Trong lời cầu nguyện, vua Salomon nhận thức rằng Thiên Chúa tạo dựng con người “để cai quản thế giới trong sự thánh thiện và công bình và để xét xử với trái tim ngay thẳng.” Nhà vua tiếp tục cầu xin Chúa ban cho sự khôn ngoan “hằng ngự bên tòa Chúa, và xin đừng đuổi con khỏi các con cái Ngài.”

Vua Salomon cũng khẩn cầu Thiên Chúa ban đức Khôn ngoan “để Người ở cùng và hành động với con, để con có thể biết điều làm đẹp lòng Chúa.” Vua cầu xin để các việc làm của vua sẽ được chấp nhận và vua sẽ phân xử dân Chúa cách chính trực và xứng với ngai vàng của vua cha.

Đức Hồng y Dolan có một phút để đọc lời cầu nguyện này và ngài cho biết một phút là đủ cho ngài. Ngài được yêu cầu gửi lời cầu nguyện mình đã chọn đến cho đội ngũ của ông Trump. Ngài không biết có phải để kiểm soát hay không nhưng đối với ngài điều này là thích hợp.

Đức Hồng y Dolan cùng với 3 vị lãnh đạo các tôn giáo khác sẽ xuất hiện trên bục khi buổi lễ nhậm chức của tổng thống Trump bắt đầu. Ngài cũng biết có những phê bình về việc ngài tham dự vào lễ nhậm chức này và đã nhận được các lời phê bình. Ngài đã trả lời cho những phê bình là nếu bà Hilary Clinton đắc cử và mời ngài, thì ngài cũng sẽ hiện diện như một vinh dự. Đức Hồng y nói thêm: “Chúng tôi là các mục tử và các lãnh đạo tôn giáo trong tổ chức cầu nguyện thánh thiện. Người ta yêu cầu chúng tôi cầu nguyện với họ và cho họ. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi vì họ hay chống lại họ. Đó là trách nhiệm thiêng liêng của chúng tôi.”

Đối với Đức Hồng y, lễ nhận chức của một tổng thống mới cũng có thể là cơ hội của hy vọng và canh tân cho đất nước. Ngài nói: “Nhiều người có thể có những nghi ngờ về tổng thống đắc cử và tôi chắc chắn cũng thế, như đối với vị tổng thống sắp tới. Nhưng trong truyền thống vĩ đại của Hoa kỳ, chúng ta nhìn vào thời điểm của vị tổng thống sắp tới như một cơ hội của hy vọng … một cách thế để cho một người một cơ hội và cố gắng để hoàn thành những lời ông ta đã hứa.” (CNS 12/01/2017)

Hồng Thủy

 

Sự kiện lịch sử của Giáo hội Lào: lễ truyền chức Linh mục và phong chân phước

Sự kiện lịch sử của Giáo hội Lào: lễ truyền chức Linh mục và phong chân phước

Paolo Thoj Xyooj and Mario Borzaga

Viên chăn, Lào – Giáo hội Công giáo tại Lào đang vui mừng chuẩn bị cho hai sự kiện quan trọng trong lịch sử của Giáo hội tại đây.

Như hãng tin Fides đã loan tin, ngày 16/09 tại Savannakhet sẽ có lễ truyền chức cho 3 phó tế người Lào và ngày 11/12, Chúa nhật thứ II mùa Vọng, như Tòa Thánh quy định, tại Viên chăn sẽ có lễ phong chân phước cho 17 vị tử đạo, gồm có các Linh mục, tu sĩ và giáo dân đã hy sinh mạng sống tại Lào.

Đức Hồng y Orlando Quevedo, Tổng Giám mục Cotabato, đặc sứ của Đức Thánh cha Phanxicô sẽ chủ sự Thánh lễ phong chân phước ngày 11/12. Các vị tử đạo đã được Đức Thánh Cha Phanxicô nhìn nhận trong 2 án phong chân phước. Án thứ nhất có cha Mario Borzaga, thừa sai người Italia, thuộc dòng Hiến sĩ Đức Mẹ Vô nhiễm (OMI) và Paolo Thoj Xyooj, giáo lý viên đầu tiên của Lào; 2 vị đã bị giết bởi những kẻ thù ghét đức tin. Án thứ hai gồm có vị Linh mục người Lào đầu tiên, đó là cha Giuse ThaoTien và 14 vị khác, gồm 10 vị thuộc Hội thừa sai Parí (MEP) và Hiến sĩ Đức Mẹ Vô nhiễm (OMI), cùng với 4 giáo lý viên giáo dân người bản địa. 15 vị này bị giết giữa các năm 1954 và 1970 bởi các chiến binh cộng sản Pathet Lao.

Trong Thánh lễ truyền chức Linh mục vào ngày 16/09 sẽ có sự hiện diện của các Giám mục Lào của các địa phận Tông tòa Viên chăn, Luang Prabang, Savannakhet và Paksè. 3 phó tế sẽ được thụ phong Linh mục đến từ địa phận Tông tòa Luang Prabang

Đức cha Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun, đại diện Tông tòa của Paksè nói với hãng tin Fides: “Đây là một thời khắc lịch sử cho Giáo hội chúng tôi, thật sự là một năm hồng ân. Chúng tôi thật vui mừng. Chúng tôi đã dấn thân trong việc chuẩn bị 2 sự kiện quan trọng này”. Đức cha cũng cho biết Giáo hội vui mừng vì Lào đang cởi mở và Giáo hội cũng được hưởng lợi ích từ chính sách này. Giáo hội cũng hy vọng sẽ cộng tác với chính quyền dân sự vì lợi ích của Giáo hội và của nhân dân Lào. Đức cha hy vọng các vị đại diện của Giáo hội Campuchia, cùng chung một Hội đồng Giám mục với Lào, cũng như các vị đại diện Giáo hội của các quốc gia láng giềng sẽ đến dự.

Đức cha kết luận: “Đối với chúng tôi, đây là một sự kiện hiêp thông trọng vẹn với Tòa Thánh và Giáo hội hoàn vũ. Chúng tôi cám ơn Đức Thánh cha Phanxicô đã cho phếp lễ phong chân phước cho các vị tử đạo được tổ chức tại Lào. Nó là một quà tặng lớn lao cho chúng tôi”. (Fides 08/09/2016)

Hồng Thủy

Các chi tiết xung quanh lễ phong thánh Mẹ Têrêsa

Các chi tiết xung quanh lễ phong thánh Mẹ Têrêsa

Chân dung Mẹ Têrêsa tại tiền đường đền thờ Thánh Phêrô

Ngày Chúa nhật 4/9 tới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự Thánh lễ phong hiển thánh cho Mẹ Têrêsa. Mẹ Têrêsa qua đời ngày 5/9/1997 và đã được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô phong chân phước vào ngày 19/10/2003.

Trong dịp này, nhiều buổi canh thức và cầu nguyện được tổ chức trong nhiều nhà thờ của Giáo phận Roma. Ngày phong thánh cho Mẹ cũng là ngày cử hành Năm thánh của các tình nguyện viên và các nhân viên của lòng thương xót. Thực ra, Mẹ Têrêsa là một biểu tường của lòng thương xót của Thiên Chúa đối với các người nghèo và người bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Trước đó, ngày 2/9 tại đền thờ thánh Anastasia khu vực  Palatino, sẽ có 3 Thánh lễ được cử hành vào lúc 9 giờ (tiếng Anh), 10 giờ (tiếng Tây ban nha) và 12 giờ (tiếng Ý). Từ 20.30 đến 22 giờ, tại đền thời thánh Gioan Laterano, có buổi canh thức cầu nguyện do Đức Hồng Y Giám quản Roma, Agostino Vallini chủ sự và buổi chầu Thánh Thể trọng thể.

Thứ 7, 3/9, Đức Thánh Cha sẽ có buổi tiếp kiến chung đặc biệt trong Năm Thánh. Ban chiều lúc 17 giờ, tại đền thờ Thánh Andrea della Valle có giờ cầu nguyện và suy niệm với nghệ thuật và âm nhạc. Sau đó là tôn kính thánh tích của Mẹ Têrêsa, và Thánh lễ được cử hành lúc 19 giờ.

Thứ 2, 5/9, vào lúc 10 giờ, Đức Hồng Y Pietro Parolin sẽ chủ tế Thánh lễ tạ ơn cũng là Thánh lễ đầu tiên kính nhớ MẹTêrêsa.

Sau Thánh lễ tôn phong hiển thánh, thánh tích của Mẹ Têrêsa sẽ được đưa đến đền thờ Gioan Laterano và được trưng bày cho tín hữu kính viếng các ngày 5-7/9, và ngày 7-8 sẽ được kính viếng tại nhà thờ thánh Gregorio Cả, và cùng ngày này tín hữu có thể viếng căn phòng của Mẹ tại tu viện thánh Gregorio.

Đài truyền hinh TV2000 trong các ngày từ 3-5/9 cũng trình chiếu các cuốn phim trình bày về cuộc đời và hoạt động của Mẹ Têrêsa.

Sáng ngày 2/9 tại đại học Giáo hoàng Urbaniana đã diễn ra cuộc họp báo với sự tham dự của khoảng 200 ký giả. Chủ tọa cuộc họp báo là ông Greg Burke, Giám đốc phòng Báo chí Tòa thánh. Có sự tham dự của nữ tu Mary Prema, bề trên Tổng quyền dòng Thừa sai Bác ái, cha Brian Kolodiejchuk, bề trên ngành nam của dòng và cũng là thình nguyện viên án phong thánh cho Mẹ Têrêsa và sự hiện diện của đôi vợ chồng nhận được phép lạ qua việc cầu nguyện với Mẹ Têrêsa.

– Số người tham gia: Con số người tham dự Thánh lễ không thể dự đoán trước đươc, nhưng đã có 100 ngàn vé tham dự Thánh lễ được phân phát cho các tín hữu, 13 quan chức đứng đầu các quốc gia và chính phủ, trong đó có thủ tướng Ấn độ. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự Thánh lễ cùng với nhiều Hồng y, Giám mục và Linh mục đồng tế.

– Truyền thông: sẽ có 9 telecamera có thể thu chiếu hình ảnh đặc biệt từ trên cao để thu hình các chiều kích của đám đông tập trung tại quảng trường thánh Phêrô. Thánh lễ phong thánh có thể theo dõi trên internet qua các mạng Youtube, Vaticanplayer của Radio Vatican và trang mạng Ctv.Thánh lễ sẽ được truyền đi trên toàn thế giới qua nối kết với 120 toàn thế giới. Đặc biệt các công nghệ tiên tiến sẽ được sử dụng như dự án "Io c'ero" giúp thu toàn cảnh với dung lượng lớn. Có hơn 200 ký giả đăng ký sự kiện quan trọng này.

– Về an ninh: 3000 nhân viên các lực lượng an ninh của Italia được huy động cho một sự kiện quan trọng nhất của Năm Thánh.

Từ chiều hôm qua, 1/9, đã có các cuộc kiểm tra các khu vực cũng như các hố ga. Các biện pháp an ninh cũng được đặt ra cho các buổi cầu nguyện tại các nhà thờ ở Roma. Sở cảnh sát nghiên cứu để bảo đảm an ninh tuyệt đối. Đồng thời cũng cần sự tham dự trôi chảy và an tĩnh của các tín hữu.

Từ 19 giờ ngày thứ 7, 3/9, khu vực đền thờ Thánh Phaolô sẽ được chia thành 3 phần, mỗi phần sẽ kiểm soát người và hành lý để bảo đảm an ninh tối đa nơi tập trung các tín hữu cũng như sự hiện diện của Đức Thánh Cha.

Từ 8-19 giờ ngày Chúa nhật 4/9, các chuyến bay sẽ bị cấm trong vùng rộng lớn cạnh đền thờ thánh Phêrô và tạo nên một vùng an toàn được kiểm soát bởi hệ thống ''Slow Mover Interceptor', hệ thống phát hiện các máy bay không được quyền bay trong vùng cấm.

Có khoảng 1000 người làm việc 24/24 để tăng cường các kế hoạch phòng ngừa cảnh giác và quy định phòng ngừa cho Năm Thánh ở vùng trung tâm. (Tổng hợp)

Hồng Thủy

HUYỀN NHIỆM TÌNH YÊU

 HUYỀN NHIỆM TÌNH YÊU

Một sinh viên vô thần nói với một vị linh mục: thưa cha, tôi thấy trong Kitô giáo có một chân lý khó tin, lạ lùng gọi là “mầu nhiệm Ba Ngôi”. Phải hiểu thế nào kiểu nói “Thiên Chúa có một bản tính nhưng ba ngôi vị”? Một mà ba, ba mà một! Thật khó hiểu, nếu không nói là phi lý!

Vị linh mục hỏi: Anh còn trẻ, chắc đang sống kinh nghiệm tình yêu?

Ủa! Sao cha hỏi lại thế ? Đúng là tôi đang yêu thật!

Theo anh, tình yêu trước hết đòi hỏi phải có những gì?

Đòi hỏi phải có từ hai người trở lên! Tự ái chỉ là ích kỷ, không thể gọi là tình yêu được!

Đúng lắm! Nhưng tình yêu hướng đến cái gì?

Hướng đến sự hiệp nhất! Tất cả phải nên một! Tình yêu nam nữ hướng đến hiệp nhất tâm hồn, thể xác và cuộc sống. Tình đồng chí, tình bằng hữu… hướng đến hiệp nhất cuộc sống và tâm hồn!

Nhưng theo anh, sự hiệp nhất này có bao giờ đạt được chăng?

Phải nói ngay đó chỉ là ước vọng. Ví dụ, những năm đầu cuộc sống hôn nhân thì “anh nói em nghe, em nói anh nghe”, nhưng năm sau thì “cả hai cùng nói, hàng xóm nghe!”. Trong một tập thể nhiều người, đồng tâm nhất trí lại càng khó thực hiện.

Cái chỉ là ước vọng nơi con người, thì đã thành hiện thực nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa của Kitô giáo là Thiên Chúa độc nhất, nhưng vì Ngài là Tình Yêu nên có Ba Ngôi. Ngài là Ba Ngôi, nhưng vì là Tình Yêu, nên đã hợp nhất thành một Thiên Chúa.

Cho tôi hỏi câu cuối cùng: Tại sao là ba mà không phải là hai, như trong tình yêu nam nữ?

Sau này có gia đình, anh và vợ chỉ yêu nhau mà không muốn có con, sợ thêm hy sinh, thêm trách nhiệm, tình yêu anh chị có chân thật và bền vững không?

Thưa không! Tình yêu chúng tôi phải chảy tràn qua và thể hiện thành một đứa con, ít nhất một đứa; nếu không thì chỉ là tình yêu mình trong người bạn đời của mình. Ngoài ra, tình yêu ấy còn phải trải rộng cho mọi người chung quanh nữa!

Anh bạn thân mến, anh sắp hiểu được mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi rồi. Nhưng đừng áp dụng quá sít sao đấy nhé!

Trong cuộc sống, có nhiều điều lạ lùng mà trí khôn con người vẫn không bao giờ hiểu thấu. Để diễn tả các điều khó hiểu của cuộc sống, cha ông ngày xưa mới đố nhau:

Đố ai biết lúa mấy cây,
Biết sông mấy khúc, biết mây mấy tầng.
Đố ai quét sạch lá rừng,
Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây.

 
Có lẽ trong tất cả mọi điều khó hiểu của cuộc sống con người thì tình yêu là khó hiểu nhất. Chỉ nguyên định nghĩa tình yêu thôi cũng đủ để hao tổn bao công sức và giấy mực qua các thời đại mà vẫn không có được một định nghĩa diễn tả trọn vẹn ý nghĩa. Và vì không có được một định nghĩa nên người ta mới coi tình yêu như là mầu nhiệm.

Thế nhưng, mầu nhiệm tình yêu có đáng là gì so với các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Trong các mầu nhiệm của Thiên Chúa thì mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là cao cả nhất, khó hiểu nhất. Như sách giáo lý Giáo Hội Công Giáo khẳng định : Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu. Bởi vì đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa mà cũng là mầu nhiệm của Thiên Chúa “cho chúng ta”.

Trước mầu nhiệm Ba Ngôi, một mầu nhiệm cao sâu,trí khôn nhỏ bé của con người không thể hiểu nổi.Tại sao Một Chúa mà Ba Ngôi? 1 là 3 và 3 là 1?

Vậy phải hiểu và đón nhận mầu nhiệm quá cao siêu này như thế nào?

Ba Ngôi là một mầu nhiệm thuộc đời sống nội tại của Thiên Chúa, vượt qúa mọi khả năng hiểu biết và suy luận của trí khôn hữu hạn con người. Qua bao thời đại, trí khôn con người dựa vào mạc khải để tìm hiểu huyền nhiệm sâu thẳm này.

Thánh kinh có bàn nhiều về mầu nhiệm Ba Ngôi.

– Mạc khải Cựu ước chủ yếu là mầu nhiệm Thiên Chúa duy nhất nhưng cũng có mầm móng về mầu nhiệm Ba Ngôi.Niềm tin độc thần là tín điều lớn nhất của Cựu ước (Đnl 6,4-5). Điều này cần thiết cho bối cảnh đa thần giáo ở Trung đông thời bấy giờ.

– Mạc khải Tân ước dạy rõ ràng hơn về Thiên Chúa Ba Ngôi. Sứ thần Gabriel đến báo tin cho Đức Maria: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ che chở bà, vì thế Hài Nhi bà sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. Những lời đó cho biết: Đấng Tối Cao là Chúa Cha cùng với Chúa Thánh Thần sẽ lo cho Hài Nhi sắp sinh ra là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Hình ảnh đặc trưng nhất là khi Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan, chim bồ câu ngự xuống đậu trên Ngài (Ga1,32-34); tiếng Chúa Cha tuyên phán : Con là con Ta yêu dấu (Mt 1,11).Tiếng nói, chim câu,Chúa Giêsu,ba hình ảnh này tạo nên chân dung sống động về Ba Ngôi. Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu hứa với các tông đồ: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bàu Chữa khác, đó là Thần Khí sự thật…”. Chúa Giêsu xin Chúa Cha ban Đấng Bàu Chữa là Thần Khí sự thật, Ngài là Chúa Thánh Thần.

Trong Phúc âm Matthêu có câu nói nổi tiếng về Ba Ngôi “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”( Mt 28,19).Thánh Phaolô luôn cầu chúc: Ân sủng của Đức Kitô,tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em.

Chỉ có một Thiên Chúa nhưng Thiên Chúa có Ba Ngôi và là Ba Ngôi : Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần. Mỗi ngôi vị đều là Thiên Chúa, dù vậy vẫn chỉ có một Thiên Chúa mà thôi. Mỗi ngôi vị đều bằng nhau về thần tính và ưu phẩm, nhưng không có ba Thiên Chúa ngang nhau mà chỉ có một Thiên Chúa. Mỗi ngôi vị đều có trọn vẹn sự sống thần linh trong mình dù chỉ có một sự sống thần linh duy nhất.Nói theo từ ngữ của Công đồng Vatican II : Sáng kiến cứu độ là của Chúa Cha. Chúa Cha chia sẻ và bàn bạc sáng kiến ấy với Chúa Con và Chúa Thánh Thần.Việc thực hiện sáng kiến ấy giống như một bản trường ca gồm hai phần chính.Đức Kitô thực hiện phần đầu; Ngài nhập thể, mạc khải về Chúa Cha dâng lên Cha hy lễ thập giá để cứu độ. Phần hai, dựa vào công trình ấy mà nâng con người lên, đưa con người về cùng Cha, đó là phần vụ của Chúa Thánh Thần. Thánh Ignatio Loyola trong một lần cầu nguyện, bỗng nhiên nhận ra Ba Ngôi dưới hình dạng ba nốt nhạc tạo nên một hợp âm duy nhất.

Thiên Chúa duy nhất nhưng không phải là Thiên Chúa đơn độc mà là cộng đồng Ba Ngôi thương yêu nhau hướng về nhau.Ba Ngôi là một gia đình.Giáo hội là một gia đình của Thiên Chúa.Thiên Chúa là Cha, Đức Giêsu là Trưởng Tử, mọi người là anh chị em của nhau.Đạo lý Đông phương vốn trọng chữ trung chữ hiếu và chữ nhân, rất gần gũi với tinh thần Kitô giáo.Trung với Chúa, hiếu thảo với tổ tiên ông bà cha mẹ, nhân ái với mọi người.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và duy nhất là một mầu nhiệm vĩ đại thâm sâu mà trí tuệ con người không thể nào hiểu hết, chỉ có thể đón nhận bằng đức tin.Thực tại Ba Ngôi không là một điều nghịch lý nhưng là nghịch thường và siêu lý.Mầu nhiệm Ba Ngôi là ánh sáng chói loà rực rỡ, ánh sáng ban sự sống cho những ai khiêm nhường đón nhận và sẽ là bóng tối dày đặc đầy mâu thuẫn đối với những kẻ kiêu căng muốn dùng lý trí làm thước đo siêu việt.

Nhìn lên cung thánh, ta thấy Thánh Giá, Nhà Tạm, Bàn Thờ. Đó là trung tâm niềm tin của người Kitô hữu.Trên Thánh Giá, Đức Kitô đã tự hiến làm hy lễ dâng lên Chúa Cha.Ngài tự nguyện chịu đau khổ, chịu chết trong tinh thần vâng phục và yêu mến đối với Cha, để thiết lập giao ước mới với Giáo hội trong máu của Ngài. Ngài đã phục sinh về với Cha nhưng vẫn luôn ở lại với Giáo hội qua Bí Tích Thánh Thể mà Nhà Tạm là nơi Ngài hiện diện thường trực. Bàn thờ tượng trưng cho Chúa Kitô, khi linh mục cử hành thánh lễ là tưởng niệm hy lễ thập giá và cử hành mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô.

Ba Ngôi sống bằng một lương thực thần linh, cùng một sự sống, đó là tình yêu thần linh.Chúng ta được tham dự vào sự sống của Ba Ngôi khi đi vào cử hành mầu nhiệm vượt qua trong thánh lễ.Với chúng ta, sự sống ấy là sự sống của Đức Kitô, Mình và Máu Đức Kitô trao ban qua Thánh Thể “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì có sự sống đời đời” (Ga 6,34). Khi chia sẻ chén hiệp thông của Ba Ngôi,chúng ta được mời gọi hiệp thông với nhau để trở nên một như Ba Ngôi là một ( Ga 17,21).

Người tín hữu đến Nhà thờ để tìm Chúa và gặp Chúa. Đức Hồng y Henry de Lubac diễn tả: Con người tìm Chúa là một người bơi lội giữa đại dương.Mỗi lần tiến tới là đẩy lui một đợt sóng.Bơi lội giữa đại dương làm cho con người khiếp đảm lo sợ không tới bến.Nhưng Thiên Chúa vừa là bến bờ vừa là đại dương. Ai bơi lội trong đại dương là bơi lội trong Thiên Chúa. Hướng tới Chúa đã là ở trong Chúa,tìm Chúa gặp Chúa là hướng về Chúa. Không có sự tìm kiếm nào mà không phải phấn đấu,không gặp mâu thuẫn và đau khổ.Nhưng chúng ta tin vào Thiên Chúa đang ở với chúng ta trong Đức Kitô và lôi kéo chúng ta với sức mạnh Chúa Thánh Thần.

Qua phép rửa nhân danh Cha, Con và Thánh Thần, chúng ta trở thành nghĩa tử của Chúa Cha (x.Rm 8,15), em của Chúa Con (x. Rm 8,29) và đền thờ của Thánh Thần (x.1Cr 6,19), hợp thành Giáo Hội là “dân thánh được hiệp nhất nhờ sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi” (Hiến chế GH 4). Chúng ta được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu. Đời sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi biết yêu thương. Chúng ta chỉ được hạnh phúc khi tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong gia đình, cha mẹ, con cái yêu thương nhau thì càng hiệp nhất nên một. Tình yêu là dây liên kết mọi người nên một gia đình hạnh phúc ấm êm. Gia đình là nơi sống và diễn tả huyền nhiệm Ba Ngôi rõ nét nhất.

Sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là sống hiệp thông và chia sẻ, là ở lại trong tình yêu. Mỗi ngày người tín hữu chúng ta làm dấu Thánh giá nhiều lần trên thân xác “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Ước gì mỗi người cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi, hiệp thông chia sẻ trong cuộc sống hàng ngày của mình.

LM Giuse Nguyễn Hữu An

Lời nói đi đôi với việc làm

Lời nói đi đôi với việc làm

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Hôm nay, Thánh sử Matthêu kể cho chúng ta nghe một câu chuyện khá thú vị:

Một người cha có hai người con. Một hôm ông nói với hai con: “Hôm nay, hai con đi làm vườn nho cho cha nghe!”Hai người con đã đáp lại bằng hai thái độ khác nhau: Người con thứ nhất đã dùng tiếng “không”để đáp lại lời mời gọi của cha. “không, con không đi”. Nhưng sau đó, anh ta nghĩ lại, rồi quyết định đi làm vườn nho như ý cha muốn.

Ngược lại, người con thứ hai, ngay từ đầu đã tỏ ra lễ phép và vâng phục. Anh ta đáp lại: “Thưa cha, vâng ạ!”, nhưng đó chỉ là câu nói lừa bịp đối với cha, vì anh ta không đi làm vườn nho như ý cha muốn. Anh chỉ nói mà không làm.

Thưa anh chị em,

Ai cũng hiểu Chúa Giêsu muốn nói gì qua câu chuyện người cha và hai đứa con này. Chúa muốn nói với chúng ta: Muốn vào Nước Trời, vấn đề không phải chỉ nói “có”ngoài môi miệng mà phải làm theo ý của Chúa Cha. Hai người con, không có người nào đem lại niềm vui trọn vẹn cho cha. Cả hai đều không làm cha mình hài lòng. Nhưng người con thứ nhất rõ ràng là tốt hơn người con thứ hai. Bởi vì, tuy lúc đầu anh đã nói “không”, rồi sau đó anh đã đi làm ngay, thì thật là tốt biết mấy!

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta thường gặp hai hạng người này: Thứ nhất là hàng người nói nhiều hơn làm, họ hứa hẹn đủ điều, nhưng rồi không làm gì cả. Thứ hai là hạng người làm nhiều hơn nói, họ không hứa hẹn, ba hoa khoác lác, nhưng người ta thấy họ làm những việc đạo đức, nhân hậu, tốt lành, có khi làm một cách kín đáo. Chúng ta thích hạng người này hơn, vì họ chân thành, lấy việc làm chứng minh lời nói.

Lời hứa không bao giờ có thể thay thế được việc làm, và lời nói hoa mỹ không bao giờ thay thế được nghĩa cử. Người con thứ hai tỏ ra lịch sự bên ngoài, khi lễ phép trả lời; “Thưa cha, vâng ạ”. Nhưng rồi lại không đi làm. Lễ phép suông là một việc giả dối, hảo huyền. Lễ phép thật là vâng lời, thực hiện một cách sẵn lòng, vui vẻ. Đạo Kitô dạy các tín hữu thực hành chứ không phải hứa hẹn. Người Kitô hữu đích thực là người đón nhận mệnh lệnh của Cha với thái độ vâng phục và kính trọng, là người chấp hành mệnh lệnh trọn vẹn: nói làm là làm ngay.

Thưa anh chị em,

Ngày nay, người ta thường nói: “Con đường dài nhất là con đường từ đầu đến tay”. Người Kitô hữu chúng ta vẫn có nguy cơ rơi vào một thứ “duy tâm”nào đó. Chúng ta cần để cho Lời Chúa “đi từ lỗ tai đến tim óc và cuối cùng đến đôi tay”. Nhiều người chỉ nghe Lời Chúa bằng tai thôi- tai này lọt qua tai kia là hết- Nhiều người khác đã để cho Lời Chúa đánh động quả tim và trí tuệ, nhưng rồi họ ngừng lại tại đó, không dám đi xa hơn, vì sợ phải hy sinh, từ bỏ… Rốt cuộc Lời Chúa vẫn là cái gì mông lung, không thực tế, không liên hệ gì đến đời thường: đời sống làm ăn, đời sống gia đình, đời sống tình cảm… Lời Chúa vẫn bị nhốt trong nhà thờ, trong các cuộc tĩnh tâm, các buổi cầu nguyện chia sẻ. Làm sao để Lời Chúa được “đến đôi tay”, nghĩa là được người kitô hữu đem ra thực hành ở giữa chợ, ở trường học, ở cơ quan, và cả ở những nơi giải trí… Chỉ như thế, men Lời Chúa mới có thể được trộn đều vào khối bột loài người và làm bột dậy men Tin Mừng.

Quả thực, con đường đi từ quả tim đến đôi tay là một con đường dài và gian khổ. Để đi trên con đường này, người kitô hữu phải được giải phóng khỏi cái tôi nặng nề, với những lo toan và sợ hãi, những tính toán và vun quén cho mình. Rung động trước nỗi khổ của người khác là một chuyện, chia sẻ cho người khác cái áo còn tốt của mình lại là chuyện khác. Thánh Gioan đã cảnh giác chúng ta: “Hỡi anh em, đừng yêu mến bằng lời nói suông, nhưng bằng việc làm thực sự” (1Ga 3,18).

Thời Chúa Giêsu, những người Luật Sĩ và Biệt Phái Pharisêu bị lên án dữ dội vì họ giả hình- nói mà không làm, đặt gánh nặng lên vai người khác nhưng tránh né cho chính mình. Ngày nay cũng vậy: có Pharisiêu thời xưa thì cũng có Pharisiêu ngày nay: dạy con cái phải giữ đạo, phải cầu nguyện, dự lễ, nhưng chính mình lại biếng nhác, tự chước chuẩn cho mình.

Kitô giáo là một tôn giáo của lòng tin. Nhưng lòng tin bên trong của chúng ta phải được thể hiện ra việc làm bên ngoài: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Chúa Giêsu đã định nghĩa Kitô hữu là “ánh sáng cho thế giới”. Thế giới hôm nay cần thấy việc tốt của chúng ta trước khi họ tin nhận giáo lý của Chúa Kitô. Họ tin vào Đạo vì thấy những người dám sống đạo, dù phải chịu thiệt thòi và nguy hiểm. “Ánh sáng của anh em cũng phải chiếu giải trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

Chỉ có Chúa Giêsu là Người Con lý tưởng, Người Con đã thưa VÂNG ngay từ đầu và thưa VÂNG mãi mãi suốt cả đời. Nơi Ngài luôn là CÓ chứ không phải khi CÓ khi KHÔNG. Ngài đã thưa với Chúa Cha: “Này con xin đến để thi hành ý Cha” (Dt 10,9), và Ngài đã thi hành cho đến lúc hoàn tất trên Thập Giá. Như thế, Chúa Giêsu đã thi hành ý Chúa Cha một cách hoàn hảo để nêu gương cho chúng ta. Chúng ta hãy noi gương Ngài để trở nên những người con đích thực của Cha chúng ta trên trời.