ĐTC thư đến gởi cuộc gặp các chủ tịch các Uỷ ban Giáo lý Đức tin

ĐTC thư đến gởi cuộc gặp các chủ tịch các Uỷ ban Giáo lý Đức tin

Đức Thánh Cha đã gởi thư đến các tham dự viên:

Anh em trong hàng giám mục quý mến!

Trong dịp gặp gỡ của các Chủ tịch Uỷ ban Giáo lý Đức tin thuộc Liên Hội đồng Giám mục Á châu và Bộ Giáo lý Đức tin từ ngày 15-18/1/2019 tại Bangkok, tôi vui mừng gởi đến anh em lời chào thăm huynh đệ.

Anh em họp nhau tại Châu Á, một châu lục rộng lớn được đánh dấu bởi sự đa dạng về văn hoá, ngôn ngữ và tôn giáo, để củng cố trách nhiệm chung của chúng ta vì sự hiệp nhất và toàn vẹn đức tin Công giáo, cũng như khám phá những ý nghĩa và phương thức mới làm chứng cho Tin Mừng giữa những thách đố của thế giới đương đại.

Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, tôi đã mời gọi toàn thể Giáo Hội “tiến về phía trước”. Tôi vui mừng khi biết rằng Bộ Giáo lý Đức tin đang hỗ trợ tích cực những công việc quan trọng của các Hội đồng Giám mục và đặc biệt các Uỷ ban Giáo lý Đức tin khi hỗ trợ và cỗ võ sự hợp tác hữu hiệu và huynh đệ giữa các mục Tử của Giáo hội Á châu .

Trong khi cầu nguyện cho cuộc gặp gỡ này trở nên cơ hội để bàn thảo một số vấn đề thuộc về Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô đặc biệt thích ứng với Châu Á, tôi vui mừng chúc lành cho tất cả mọi người tham dự trong cuộc gặp gỡ này.

Vatican 10/1/2019

Phanxicô

Đây là lần thứ hai cuộc gặp gỡ của các vị Chủ tịch các Uỷ ban giám mục về Giáo lý Đức tin diễn ra tại Châu Á. Lần đầu tiên diễn ra tại vào năm 1993 tại Hong Kong.Đây là lần thứ hai cuộc gặp gỡ của các vị Chủ tịch các Uỷ ban giám mục về Giáo lý Đức tin diễn ra tại Châu Á. Lần đầu tiên diễn ra tại vào năm 1993 tại Hong Kong. (Rei 15/1/2019).

Văn Yên, SJ

Thành phố Rakovski, Bungari, chuẩn bị đón tiếp ĐTC Phanxicô

Thành phố Rakovski, Bungari, chuẩn bị đón tiếp ĐTC Phanxicô

ĐTC sẽ đi trực thăng đến thành phố Rakovski ở miền Plovdiv, thành phố có khoảng 30 ngàn dân. Dự kiến là sẽ có khoảng 50 ngàn người tham dự Thánh lễ, trong số đó có rất nhiều người đến từ các vùng khác của Bungari.

40 em rước lễ lần đầu

Cha Mladen, cha sở giáo xứ Thánh Tâm Chúa Giê-su thuật lại rằng tất cả các thiếu nhi 7 và 8 tuổi rất nhiệt tình và nôn nóng được gặp ĐTC. Cha cũng cho biết rằng các em đang chuẩn bị quà tặng cho ĐTC nhưng không muốn tiết lộ các chi tiết khác.

Các công việc chuẩn bị cho cuộc viếng thăm của ĐTC đang tiến hành thuận lợi. Cha Dimitar sẽ đến Vatican vào ngày 12/01 để nhận những hướng dẫn chi tiết về chuyến viếng thăm của ĐGH, đặc biệt để quyết định bài hát nào sẽ được hát, về thời gian cử hành Thánh lễ và các chi tiết đặc biệt khác cần thiết cho việc chuẩn bị sự kiện.

Sự kiện duy nhất  xảy ra một lần trong đời

Thị trưởng thành phố Rakovski, ông Paul Gudzherov, cũng cho biết mình rất nhiệt tình và vui mừng có thể đón tiếp ĐTC Phanxicô. Ông nói: “Chúng tôi đang hăng hái chuẩn bị. Đối với chúng tôi, đây là một sự kiện đặc biệt, duy nhất, thường chỉ xảy ra một lần trong cuộc đời của các thành phố và người dân”.

Thành phố Rakovski được chia thành ba quận – Generale Nikolaevo, Sekirovo và Parchevich – và có cộng đoàn Công giáo lớn nhất nước Bungari. Ông thị trưởng cho biết là nhờ sự trợ giúp của chính quyền nhà nước, các đường phố, quảng trường, vườn hoa, đường đi bộ và ánh sáng đang được xây dựng và sửa chữa; các việc này sẽ sẵn sàng để đón tiếp ĐTC Phanxicô. Thành phố đã bắt đầu công việc chuẩn bị từ năm ngoái khi chuyến viếng thăm Bungari của ĐTC được xác định và lên kế hoạch chi tiết.

ĐTC Phanxicô sẽ thăm Bungari từ ngày 05-07/05 năm nay.

Hồng Thủy

ĐTC chấp thuận tính luân lý của việc cắt bỏ tử cung trong một số trường hợp

ĐTC chấp thuận tính luân lý của việc cắt bỏ tử cung trong một số trường hợp

Hôm 10/12/2018, ĐTC đã phê duyệt câu trả lời của Bộ Giáo lý Đức tin liên quan đến nghi ngờ về tính hợp luân lý của việc cắt bỏ tử cung trong một số trường hợp.

Các câu trả lời năm 1993 vẫn có giá trị

Bộ Giáo lý Đức tin khẳng đinh giá trị của “Các câu trả lời về những nghi ngờ được đặt ra liên quan đến việc cắt bỏ tử cung và các câu hỏi liên quan” được đưa ra năm 1993. Những câu trả lời này xem việc cắt bỏ tử cung là hợp luân lý khi có nguy hiểm nghiêm trọng và đối với tính mạng hoặc sức khỏe của người mẹ, và xem việc này là bất hợp pháp, như một phương thức triệt sản trực tiếp, cắt bỏ tử cung và thắt ống dẫn trứng (cách ly tử cung) với mục đích không thể có bất kỳ sự mang thai nào mà có thể gây ra một số rủi ro cho người mẹ.

Nghi ngờ

Nhưng trong những năm gần đây, một số trường hợp cụ thể đã được đệ trình lên Tòa Thánh, cũng liên quan đến việc cắt bỏ tử cung, tuy nhiên chúng đề cập đến một vấn đề khác với vấn đề được xem xét vào năm 1993, vì chúng liên quan đến những tình huống không thể sinh sản. Bộ Giáo lý đức tin đã đưa ra một chú giải để cho vấn nạn này.  

Câu hỏi: Khi tử cung bị xem là ở trong tình trạng chắc chắn không còn phù hợp cho việc sinh sản và các chuyên viên y khoa chắc chắn rằng việc mang thai sẽ đưa đến việc hư thai tự nhiên trước khi bào thai có thể đạt đến tình trạng khả thi, vậy thì cắt bỏ tử cung có hợp pháp không?

Trả lời: Có, bởi vì ở đây không phải là trường hợp triệt sản.

Ghi chú chú giải:

Không thể sinh sản

Yếu tố tạo nên sự khác biệt quan trọng của câu hỏi mới này là các chuyên viên y khoa chắc chắn rằng trong trường hợp mang thai, thì nó sẽ tự bị hư trước khi bào thai đạt đến tình trạng có thể sống được. Ở đây không phải là trường hợp khó khăn hay rủi ro, quan trọng nhiều hay ít, nhưng là trường hợp một đôi vợ chồng không thể sinh sản.

Ghi chú của Bộ viết: “Mục đích chính của việc triệt sản là ngăn cản sự hoạt động của các cơ quan sinh sản và điều xấu của việc triệt sản bao gồm việc từ chối con cái: nó là một hành động chống lại thiện ích có con cái. Ngược lại trong trường hợp được đề cập đến trong câu hỏi, chúng ta biết rằng các cơ quan sinh sản không có khả năng bảo vệ một bào thai được thụ tinh cho đến khi nó có thể sống được, nghĩa là nó không có khả năng thực hành chức năng sinh sản tự nhiên của nó. Mục đích của tiến trình sinh sản là để một em bé chào đời, nhưng ở đây, việc tạo nên một bào thai sống là điều không thể về sinh học. Do đó, ở đây chúng ta không đang xét đến sự hoạt động khiếm khuyết hoặc hoặc rủi ro của các cơ quan sinh sản, nhưng đứng trước một tình huống mà trong đó mục đích tự nhiên là sinh ra một đứa trẻ sống thì không thể thực hiện được.”

Sự chắc chắn của y khoa và tính hợp luân lý của việc cắt bỏ tử cung

Can thiệp y khoa không thể bị xét là chống lại việc sinh sản, bởi vì chúng ta ở trong bối cảnh khách quan trong đó cả việc sinh sản và hậu quả, việc chống sinh sản, đều không thể. Do đó, cắt bỏ một cơ quan sinh sản mà không thể đưa đến việc thai nghén thì không thể bị xem như là triệt sản trực tiếp, là điều mà cả mục đích và phương tiện đều bất hợp pháp về bản chất.

Vấn đề về các tiêu chí để đánh giá liệu việc mang thai có thể hoặc không thể kéo dài đến trạng thái sống được là một vấn đề y khoa. Từ quan điểm đạo đức, chúng ta phải hỏi xem y học đã đạt được mức độ chắc chắn nhất mà nó có thể đạt được không, và theo nghĩa này, câu trả lời được đưa ra là hợp lệ cho câu hỏi, vì nó đã được đặt ra với một đức tin tốt.

Chọn lựa những cách thức tốt cho vợ chồng

Câu trả lời cho câu hỏi không nói rằng quyết định thực hành phẫu thuật cắt tử cung luôn là chọn lựa tốt nhất, nhưng nói rằng chỉ trong các điều kiện được đề cập ở trên, nó là một quyết định hợp luân lý, do đó không loại trừ các lựa chọn khác (ví dụ, nghĩ đến thời gian không thể thụ thai hoặc tiết dục hoàn toàn). Đó là quyết định của vợ chồng, với sự bàn bạc với các bác sĩ và người linh hướng của họ, để chọn con đường để theo, khi áp dụng các tiêu chí chung của việc can thiệp y tế từ từ vào trường hợp và hoàn cảnh của họ.

Hồng Thủy

ĐTC Phanxicô: Tình yêu hôn nhân không chỉ kéo dài bao lâu đôi bạn còn xuôi thuận

ĐTC Phanxicô: Tình yêu hôn nhân không chỉ kéo dài bao lâu đôi bạn còn xuôi thuận

Sau khi đã dành 2 buổi yết kiến chung liên tiếp để khai triển giáo lý về giới răn thứ 5 – “chớ giết người” – trong mười điều răn, trong bài huấn dụ trước 25 ngàn tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 24.10 hôm qua, trong đó có khoảng 150 tín hữu VN đến từ Mỹ, ĐTC bắt đầu giải thích về giới răn thứ 6: chớ ngoại tình. ĐTC nhận xét rằng đây là giới răn liên quan đến cảm xúc và tính dục và ngài nhấn mạnh rằng giới răn này nhắc trực tiếp đến sự trung thành chung thủy và thực tế là không có mối tương quan đích thực nào của con người lại không có sự trung thành và tin tưởng. ĐTC giải thích điều này như sau:

Người ta không thể chỉ yêu thương bao lâu tình yêu còn “xuôi xắn dễ dàng”

Tình yêu được bày tỏ vượt trên lợi ích của cá nhân khi người ta trao tặng tất cả mà không giữ lại gì cho mình. Như Giáo lý Hội thánh khẳng định: “Tình yêu đòi hoỉ phải dứt khoát, không được tạm bợ.” (số 1646). Trung thành là đặc tính của một mối quan hệ tự do, trưởng thành và có trách nhiệm. Một người bạn cũng chứng tỏ mình chân thực bởi vì anh ta vẫn như vậy trong mọi hoàn cảnh, nếu không anh ta không phải là một người bạn.

Chúa Kitô là người bạn trung thành

Chúa Kitô bày tỏ tình yêu đích thực, Người sống trong tình yêu vô biên của Chúa Cha, và bởi điều này, Người là Người Bạn trung tín, là Đấng đón nhận chúng ta ngay cả khi chúng ta phạm sai lầm và luôn luôn muốn điều tốt lành cho chúng ta, ngay cả khi chúng ta không xứng đáng.

Con người cần được yêu thương không điều kiện và ai không nhận sự tiếp đón này thì mang trong mình một sự bất toàn nào đó, mà thường họ không nhận biết. Trái tim con người tìm cách lấp đầy sự trống vắng này bằng những thứ thay thế, bằng cách chấp nhận sự thỏa hiệp và tầm thường, là những thứ xem tình yêu chỉ là hương vị hão huyền.

Ở đây có sự nguy hiểm là gọi tên là tình yêu những mối quan hệ chưa chín chắn và chưa trưởng thành, với ảo tưởng về việc tìm kiếm ánh sáng của cuộc sống trong một điều gì đó, mà trong trường hợp tốt nhất, nó cũng chỉ là sự phản chiếu.

Dáng vẻ bên ngoài không đủ cho một tình yêu đích thực

ĐTC nhận xét rằng khi không nhận định đúng về giá trị và đặc tính đích thực của tình yêu, thì người ta đánh giá quá cao sự hấp dẫn thể lý, điều mà tự nó là một món quà của Thiên Chúa nhưng có mục đích là chuẩn bị con đường đi đến một mối tương quan đích thực và trung thành với con người. Như thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói, con người “được kêu gọi đến với sự chân thành hoàn toàn và trưởng thành trong các mối quan hệ", điều "là thành quả dần dần của sự phân định các xung động trong trái tim của một người". Nó là thứ người ta chinh phục, vì mỗi người "phải kiên trì và tập trung học hỏi ý nghĩa của cơ thể là gì". (x. Giáo lý, 12.11.1980).

Cần thời gian chuẩn bị cho hôn nhân

Do đó, lời mời gọi sống đời hôn nhân đòi hỏi một sự phân định chính xác về phẩm chất của mối tương quan và một thời gian đính hôn để kiểm chứng nó. Để đi đến bí tích hôn nhân, những người đính hôn phải hoàn toàn chắc chắn rằng trong mối liên kết của họ có bàn tay của Thiên Chúa, Đấng đi trước họ và đồng hành với họ, và sẽ cho phép họ nói: "Nhờ ơn Chúa Kitô, tôi hứa sẽ luôn trung thành với bạn". Họ không thể hứa hẹn lòng trung thành "trong khi vui cũng như lúc đau buồn, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau ốm", và yêu thương và kính trọng nhau mọi ngày trong cuộc sống của họ, chỉ dựa trên căn bản ý muốn tốt lành hay hy vọng rằng "sự việc sẽ diễn tiến tốt". Họ cần phải xây dựng trên nền tảng vững chắc của Tình Yêu trung thành của Thiên Chúa.

Cần chuẩn bị hôn nhân thật sự

ĐTC nhắc rằng hôn nhân cần phải được chuẩn bị thật sự chứ không chỉ là việc làm qua loa. Nó phải là một hành trình, như một người tân tòng chuẩn bị lãnh nhận bí tích rửa tôi. ĐTC nói: Vì thế, trước khi cử hành bí tích hôn phối, chúng ta cần có sự chuẩn bị kỹ càng, tôi muốn nói đến một chương trình giáo lý, bởi vì người ta sống toàn bộ cuộc đời trong tình yêu, và với tình yêu người ta không thể đùa giỡn.

Không thể định nghĩa “chuẩn bị hôn nhân” là 3 hay 4 buổi gặp gỡ học giáo lý tại giáo xứ; không, nó không đúng là chuẩn bị, đây là chuẩn bị giả tạo. Và trách nhiệm của người để cho việc này xảy ra là cha sở, là giám mục, là người để cho việc này xảy ra. Việc chuẩn bị phải kỹ càng cẩn thận và đòi hỏi chúng ta thời gian. Nó không phải là một việc làm hình thức: nó là một bí tích. Nhưng chúng ta phải chuẩn bị bằng một giáo lý thật sự.

Trung thành có giá trị trong mọi chiều kích của cuộc sống

Trung thành thực chất là một cách hiện hữu, một cách sống. Người ta làm việc với lòng trung thành, người ta nói với sự chân thành, người ta vẫn trung thành với chân lý trong suy nghĩ và hành động của chính mình. Một cuộc sống được đan dệt bởi sự trung thành được thể hiện trong mọi chiều kích và giúp trở thành những người nam và nữ trung thành và đáng tin cậy trong mọi hoàn cảnh.

Sự trung thành của Thiên Chúa giúp chúng ta sống trung thành

ĐTC nhắc nhở rằng để đạt đến một cuộc sống tốt đẹp như thế thì bản tính con người của chúng ta thôi chưa đủ, mà cần có sự trung thành của Thiên Chúa đi vào trong sự hiện hữu của chúng ta. Giới răn thứ 6 nhắc chúng ta biết hướng ánh nhìn về Chúa Kitô, Đấng với sự trung thành của Người có thể lấy đi khỏi chúng ta trái tim ngoại tình và ban cho chúng ta con tim trung thành. Trong Người và chỉ trong Người, có tình yêu không giữ lại và xét lại, có sự trao tặng hoàn toàn mà không có lưu ý hay điều kiện và có sự kiên trì chấp nhận cho đến cùng.

Sự trung thành của chúng ta phát xuất từ sự chết và sống lại của Chúa, từ tình yêu không điều kiện của Người nảy sinh sự bền vững của các mối tương quan. Từ sự hiệp thông với Người, với Chúa Cha và với Chúa Thánh Thần nảy sinh sự hiệp thông giữa chúng ta và biết cách sống trung thành các mối quan hệ của chúng ta.

Hồng Thủy

Cộng tác và phát triển, ở Brussels phụ nữ có vai trò chủ đạo

Cộng tác và phát triển, ở Brussels phụ nữ có vai trò chủ đạo

Brussels – Trong hai ngày 5 và 6, hơn 5 ngàn người đến từ 140 quốc gia đã tham dự cuộc gặp gỡ cho lần ấn bản thứ 12 của European Development Days. Chủ đề năm nay là “Phụ nữ đi đầu trong sự phát triển bền vững: bảo vệ, trách nhiệm, đầu tư”. Diễn đàn “dựa trên niềm tin rằng hợp tác là một yếu tố quan trọng cho một sự thay đổi, từ tình trạng nghèo đói hướng tới một thế giới tự do bền vững". Hai ngày này cũng diễn ra một loạt các cuộc thảo luận  về các mục tiêu của chương trình nghị sự LHQ 2030 và cam kết của EU về bình đẳng giới.

Trao quyền cho phụ nữ

Các buổi hội nghị và thảo luận phát triển theo ba hướng chính: toàn vẹn thể chất và tâm lý của phụ nữ; quyền kinh tế xã hội và trách nhiệm; và 5 chữ "P" của chương trình nghị sự 2030, đó là persone – con người, pianeta – hành tinh, prosperità – thịnh vượng, pace – hòa bình và  partenariati – quan hệ đối tác.

Giampaolo Silvestri, Tổng thư ký của Fondazione Avsi, một tổ chức phi chính phủ của Ý khẳng định rằng chủ đề  trao quyền cho phụ nữ "được coi là một ưu tiên hàng đầu của những người hoạt động ở nhiều mức độ để thúc đẩy phát triển bền vững và lâu dài". Tổ chức thực hiện một chuyên đề chú tâm phát triển bền vững, lấy cảm hứng từ Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội Công Giáo. Năm nay tại Brussels đại diện cho Avsi có hai phụ nữ Uganda, họ sẽ nói về  những câu chuyện của họ, về sự phát triển và thay đổi, nhờ hoạt động của tổ chức phi chính phủ địa phương Meeting Point International (Mpi), được thành lập bởi Rose Busingye, đối tác Uganda Avsi và y tá uy tín dấn thân trong sự  trợ giúp  phụ nữ nhiễm HIV dương tính.

Teddy và Sharon, hai phụ nữ đến từ các khu ổ chuột ở Brussels

Teddy Bongomin 46 tuổi và Sharon Akidi 22 tuổi,  nhờ Avsi và Mpi, họ đã thấy cuộc sống của họ thay đổi, thoát khỏi những điều tiêu cực của khu ổ chuột Kampala, thủ đô Uganda. Teddy lớn lên mồ côi vì cả cha mẹ nhiễm HIV dương tính. Bà đã kết hôn nhưng, khi chồng bà qua đời, bà bị đuổi ra khỏi nhà cùng với con cái. Vào năm 1992 Mpi đã thay đổi cuộc sống của bà và bây giờ bà là một nhân viên xã hội, giúp phụ nữ tạo ra các nhóm tiết kiệm và cho vay, thông qua đào tạo về quản lý tiết kiệm và khởi động các hoạt động kinh tế.

Sharon, ngược lại sống trong khu ổ chuột Kireka, ở Acholi Land, kể từ năm 2000 khi gia đình cô bỏ chạy khỏi cuộc xung đột ở quận Agago, phía bắc đất nước. Cô đến thành phố như một người di tản và mẹ cô đã chọn tham gia Meeting Point International. Nhờ có học bổng, cô đã theo học tại học viện Luigi Giussani và hiện đang là giáo viên ở trường mẫu giáo. Hiện nay với công việc này cô có thể để giúp gia đình và tiết kiệm tiền để theo học đại học. Cô tuyên bố: «Tôi luôn nghĩ rằng đối với những người sống trong khu ổ chuột thì không có hy vọng. Nhưng bây giờ cuộc sống của tôi đã thay đổi, tôi biết rằng tương lai vẫn dành cho tôi rất nhiều ".

Các phụ nữ: nhân vị và người giữ vai trò chủ đạo

Giampaolo Silvestri  giải thích: “Thúc đẩy nữ quyền là nền tảng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, bởi vì "phụ nữ là chìa khóa để phát triển, họ là nền tảng của xã hội". Bước cơ bản đối với sự thay đổi này là "có nhận thức cao hơn để phụ nữ có thể được coi là người giữ vai trò chủ đạo, và được xem như một nhân vị với một phẩm giá bất kể tình trạng nghèo đói hoặc bệnh tật".

Đấu tranh một văn hóa loại bỏ

Rất nhiều lần Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bày tỏ về tầm quan trọng của phụ nữ và về vai trò của họ phải có trong xã hội. Tổng thư ký của Avsi nhấn mạnh: "Tiếng nói của họ chắc chắn đã để lại dấu ấn bởi vì ngày càng có nhiều tổ chức dấn thân cho điều  này, do đó cần phải đấu tranh với những gì mà chính ĐTC gọi là 'văn hóa loại bỏ' làm tổn hại đến tình trạng của phụ nữ".(Vatican News 05-6-2018)

Ngọc Yến

 

Các nữ tu chống nạn buôn người: một buổi hội thảo giúp các nạn nhân tại tòa án

Các nữ tu chống nạn buôn người: một buổi hội thảo giúp các nạn nhân tại tòa án

Jakarta – Để hỗ trợ nạn nhân buôn người ở tòa án, 19 nữ tu Indonesia, một chủng sinh dòng Phanxicô, một phụ nữ Hồi giáo và một mục sư Tin Lành đã tham gia một hội thảo về các vấn đề pháp lý. Hội nghị chuyên đề diễn ra tại East Jakarta từ ngày 15 đến 18 tháng 5, với sự hiện diện của các chuyên gia pháp lý.

Trong nhiều năm các nữ tu thuộc nhiều hội dòng khác nhau đã dấn thân vào cuộc chiến chống lại nạn buôn người. Tuy nhiên, một trong những khó khăn chính cản trở công việc của họ là không thể tuân thủ các thủ tục tố tụng hình sự tại các phòng xử án, do thiếu trình độ chuyên môn cần thiết. Sơ Kristina Fransiska nói với Asia News rằng nhờ hội thảo, những người tham gia có thể hiểu được những đặc quyền nào để họ có quyền hiện diện hợp pháp tại phiên tòa.

Sơ Kristina nói: “Vì chúng tôi muốn chăm sóc nạn nhân buôn người, chúng tôi muốn tham gia tranh luậnở mỗi vụ án”. Nữ tu là một chuyên gia pháp lý chuyên nghiệp và là cựu giáo sư của đại học Công giáo Widya Karya ở Malang. Sơ nói tiếp: "Trong nhiều năm chúng tôi đã bị ngăn không cho tham gia tại những phiên tòa như thế này. Điều này là một nỗi đau".

Các chuyên gia của Human Rights for Women trình bày những vấn đề mà sẽ được đem ra thảo luận. Sơ Kristina khẳng định: "Mục đích là để có một nhận thức chung và các quy trình vận hành chuẩn khi chúng tôi phải đối phó với các vấn đề liên quan đến nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ và công nhân dưới độ tuổi tối thiểu. Trong những năm gần đây, những người dễ bị tổn thương nhất là phụ nữ". Một số chủ đề được thảo luận là: sự khác biệt về giới trong các vấn đề tình dục; quyền con người đối với phụ nữ; các phong trào, nhóm và cộng đồng để bảo vệ phẩm giá con người; dịch vụ công cho nạn nhân; quy trình và phương pháp tư vấn; xác định các trường hợp, thủ phạm và nạn nhân; thẩm định pháp lý và các kỹ năng khác.

Trong số các nữ tu tham gia tại các buổi làm việc có sơ Vincent Pmy, một chuyên gia pháp lý, đã nhận bằng cử nhân tại đại học quốc gia Diponegoro của Semarang. Sơ nói: "Hội thảo nhằm tạo ra một bầu không khí mới cho phép công việc của chúng tôi đạt được kết quả tốt hơn. Hy vọng rằng các nữ tu tham gia vào sứ vụ đặc biệt này có thể làm hết sức mình cho các phiên tòa tại tòa án".  (Asia News 25-5-2018)

Ngọc Yến

 

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha – Tháng 03 năm 2018: Ơn nhận định thiêng liêng

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha – Tháng 03 năm 2018: Ơn nhận định thiêng liêng

Vatican. Trong tháng 03 năm 2018, Đức Thánh Cha đặc biệt mời gọi toàn thể Hội Thánh nhận thức tầm quan trọng của ơn phân định thiêng liêng, để mỗi người có thể nhận ra tiếng Chúa trong thế giới phức tạp với biết bao tiếng nói ngày nay. Đức Thánh Cha chia sẻ trong Video như sau:

Thời đại ngày nay đòi hỏi chúng ta phải phát huy một năng lực chiều sâu để nhận định… Nhận định để có thể nhận ra tiếng Chúa giữa biết bao tiếng nói, để tiếng nói của Chúa dẫn chúng ta đến sự sống Phục Sinh, để tiếng Chúa giải thoát chúng ta khỏi rơi vào thứ văn hóa sự chết.

Chúng ta cần biết đọc thấy trong tâm hồn mình điều mà Chúa muốn, để chúng ta có thể sống trong tình yêu và trở nên những người tiếp nối sứ mạng tình yêu của Chúa. Chúng ta hãy cũng nhau cầu nguyện, để toàn thể Giáo Hội nhận ra tính khẩn thiết của việc huấn luyện phân định thiêng liêng, cả trên bình diện cá nhân lẫn cộng đoàn.

Tứ Quyết SJ

Tô Huê Lâm, một phụ nữ Công giáo hiện đại, gương mẫu của Trung Quốc

Tô Huê Lâm, một phụ nữ Công giáo hiện đại, gương mẫu của Trung Quốc

Phụ nữ công giáo đang cầu nguyện- Courtesy picture

Tô Huê Lâm sinh năm 1897 trong một gia đình quan chức, hậu duệ nhà thơ thuộc triều đại Tống Tổ Triết. Bà của Tô Huê Lâm, xuất thân từ một gia đình nông dân Công giáo ở Trung Quốc, luôn hối tiếc về việc không thể được đi học như anh trai. Chính vì thế bà đã cố gắng làm sao cho tất cả các con của bà đều được giáo dục tốt nhất. Bà đã gửi các con đi học ở Singapore; không đủ tiền trang trải bà đã phải bán đồ trang sức để các con có thể theo học đại học.

Chính nhờ quyết tâm của bà mà Tô Huê Lâm đã có cơ hội tốt hơn. Cô được dạy đọc từ khi còn nhỏ. Khi đã có thể đọc và viết khá cô còn được tự do sử dụng thư viện của ông nội. Sau cuộc cách mạng năm 1911-1912, nhà Thanh bị lật đổ và thay thế bởi nước Cộng hòa Trung Quốc. Tại thời điểm này các thiếu nữ bắt đầu được phép vào các trường Trung Quốc. Tô Huê Lâm là một trong những người đầu tiên được hưởng đặc quyền này. Cô học rất xuất sắc.

Năm 1922 cô sang Pháp để tiếp tục con đường học vấn. Đây cũng là cơ hội cô tìm hiểu đạo Công giáo. Năm 1924, trước khi trở về Trung Quốc cô đã được rửa tội trong Giáo hội Công giáo. Cô là một trong những nhà tiên phong của các nhà văn và giáo viên nữ Trung Quốc giảng dạy tại các trường đại học ở Tô Châu và Vũ Hán, và được coi là người sáng lập về nghiên cứu văn học hiện đại Trung Quốc.

Tô Huê Lâm là một trong bốn người bảo vệ nền văn học mới với tên gọi “Bốn tháng năm”, thời đại hoàng kim của văn học Trung Quốc hiện đại. Phong trào “Bốn tháng Năm” là một phong trào dân túy khởi phát từ các cuộc biểu tình của sinh viên nữ vào năm 1919 chống lại phản ứng yếu ớt của Chính phủ Cộng hòa đối với Hiệp ước Versailles. Nó còn được gọi là Phong trào Văn hoá Mới của năm 1915-1921, trong đó Khổng giáo được thay thế bằng các nguyên lý phương Tây. Thật không may, phong trào Bốn tháng Năm đã kích động cuộc cách mạng cộng sản năm 1946-1949.

Tô Huê Lâm đã phản đối một cách quyết liệt chính quyền mới, và chuyển đến Hồng Kông năm 1949 để làm việc như một nhà báo và dịch giả cho Hiệp hội Catholic Truth Society (CTS). Cô mang ơn rất nhiều linh mục Hứa Tôn Trạch, một trong những học giả Công giáo nổi tiếng nhất của Trung Quốc của thế kỷ XX, người mà cô coi là "người cha thứ hai". Cha Hứa Tôn Trạch là biên tập viên của tờ báo Công giáo Trung Quốc Revue Catholique, đây cũng là tờ báo mà Tô Huê Lâm đóng góp cho các bài viết về văn học. Cha là một nhà thần học nổi tiếng và là chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Cha cố gắng hợp nhất một cách hài hòa giữa Công giáo và truyền thống Trung Quốc. Tô Huê Lâm tìm được nơi cha những tư tưởng mà cô rất tâm đắc, ví dụ, cha nói: "Rao giảng Tin Mừng trong một quốc gia, điều đầu tiên cần là phải để tinh thần của Tin mừng đi vào suy nghĩ và phong tục của dân chúng; chỉ sau đó chúng ta mới có thể đi vào lòng người và hiểu được tâm lý của họ".  Đây cũng là suy nghĩ của cô; theo cô đức tin Công giáo không phải là một điều mà không thể không liên quan đến văn hóa của mọi quốc gia, hơn thế nữa đó là một cuộc gặp gỡ của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người, cho các quốc gia và các nền văn hoá khác nhau.

Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Tô Huê Lâm là Thorny Heart, mục đích đầu tiên là cô viết dành tặng cho mẹ cô. Nội dung tập trung vào mối tương quan giữa một người mẹ truyền thống Trung Quốc và người con gái được giáo dục ở phương Tây. Giống như Tô Huê Lâm, nhân vật chính trong câu chuyện theo học ở Pháp, nơi cô trở thành một người bạn của một nữ tu và một người giáo dân tận hiến cho người nghèo vì tình yêu của Thiên Chúa.

Quan điểm về Đạo Công giáo của cô nhấn mạnh giá trị của công việc khiêm tốn như những công việc âm thầm của một người phụ nữ nội trợ trong gia đình, nhưng thực thi với một tinh thần quảng đại, yêu thương, chăm sóc người khác; điều này tương phản với sự ích kỷ của những người muốn theo đuổi mong muốn của họ một cách tự do, không kiềm chế và cuối cùng trở thành nô lệ. Cô đánh giá cao sự tiết chế và kiểm soát cảm xúc, như giáo lý của Khổng Tử.

Giống như Edith Stein, Tô Huê Lâm đưa ra một cái nhìn sâu sắc về vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội và trong xã hội. Trong xã hội hiện đại, phụ nữ thường bị phân chia giữa những công việc khiêm tốn nội chợ và công việc xã hội với những giá trị tự do, Tô Huê Lâm và Stein và những người phụ nữ khác trong Giáo Hội đại diện cho một tiếng nói âm thầm nhưng mạnh mẽ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Như Đức Maria đã vâng theo ý Thiên Chúa trong đời, bạn, những người phụ nữ, có thể làm điều đó, dù bạn ở bất cứ nơi đâu và bất cứ công việc gì bạn vẫn có thể tuân phục, có thể hy sinh cho những người mà bạn yêu thương và đồng thời có những lựa chọn mà làm cho bạn được tự do đích thực.

Như Edith Stein, Tô Huê Lâm đưa ra những ý tưởng thú vị về vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội và trong xã hội.(Aleteia 05-02- 2018) 

Ngọc Yến

Cha Juan Carlos Constable, một gương mặt mới diện diện giữa những người nghèo ở Argentina

Cha Juan Carlos Constable, một gương mặt mới diện diện giữa những người nghèo ở Argentina

“Không e ngại hành động, luôn hướng về phía trước trong việc tìm kiếm những giấc mơ của chúng ta, đây là các bước đầu tiên của hành trình. Mỗi thời điểm đều tốt đẹp để bắt đầu, đặc biệt nếu có sự nhiệt tình và hy vọng; vấn đề là chúng ta hãy tự hỏi chúng ta đã sẵn sàng bắt đầu cuộc hành trình hay chưa?”. Đây là một trong những hàng chữ mà người ta có thể đọc được trên bức tường ở lối vào của vùng San José de Boquerón, thuộc tỉnh Santiago del Estero, đông bắc Argentina, một trong những vùng nghèo nhất của đất nước.

Chúng ta chỉ có thể hiểu một cách tường tận ý nghĩa của những lời này nếu chúng ta biết được bối cảnh mà nó được viết lên. Một nơi mà số liệu thống kê của chính phủ không muốn nói đến.

Thật vậy, cách đây 40 năm, ở San José de Boquerón những con số phản ánh một thực tế đau lòng. Ở khu vực nông thôn chỉ số nghèo đói dưới mức trung bình của toàn quốc: gần 37% dân số không có được những nhu cầu tối thiểu để sống còn, 12% dân số bị mù chữ (gấp ba lần mức trung bình toàn quốc) và gần 1/2 trẻ em đến trường không thể hoàn thành việc học. Hơn nữa, nơi đây mức sản xuất ít nhất ở Argentina; nơi mà sự thừa kế duy nhất truyền từ thế hệ này qua thế hệ kia là sự nghèo đói.

Nhưng mọi thứ bắt đầu thay đổi; từ một nơi không có gì, từ từ được phát triển cho đến ngày nay. Điều gì đã làm thay đổi nó? phải chăng chính sách ưu đãi của chính phủ đã đến với vùng đất này? hoặc có một mạnh thường quân nào trợ giúp? một phép mầu nào đó chăng? Câu trả lời đó là sự xuất hiện của cha Juan Crlos Constable, một tu sĩ Dòng Tên. Vào mùa Phục Sinh năm 1975 cha Juan Crlos Constable, được gửi đến San José de Boquerón để coi sóc mục vụ tại giáo xứ San José de las Petacas. Chính ĐTC Phanxicô đã sai cha đến đó trong lúc Ngài còn là Giám tỉnh của Dòng Tên ở Argentina. Công việc của cha được ĐTC coi trọng và đánh giá cao. Ngay từ khi đặt chân đến cha đã bắt tay vào công việc, nhưng xem ra đây là những công việc vô cùng rộng lớn và phức tạp. Dưới cái nhìn của cha bao nhiêu điều cần phải thực hiện liên quan đến: Nghèo đói cùng cực, bất bình đẳng xã hội và văn hóa, sở hữu đất đai nằm trong tay một thiểu số, thiếu chính sách xã hội, thiếu cơ sở hạ tầng…Tất cả những điều này thêm vào đó là vấn đề sinh thái, như kham hiếm và ô nhiễm nước, đất bị nhiễm mặn, sự khai thác rừng hoang dã. Chính cha đã xác định rõ điều này trong một cuộc phỏng vấn khi cha mới đến: “Không có gì, chỉ có dân chúng và cây cối”. Và bởi chính điều này mà cha đã lưu lại đây hơn 40 năm.

Với sự cộng tác và trợ giúp của giáo dân đến từ vùng Buenos Aires xa xôi, cha đã tìm cách thay đổi cuộc sống của dân chúng; cha xây dựng trường học và phòng ăn cho trẻ em, các em đến trường học còn được cung cấp các bữa ăn, chính các gia đình cộng tác trong việc nấu ăn và trong các hoạt động khác. Cha còn thiết lập phòng khám bệnh, hướng dẫn nông dân làm nông nghiệp, khoan giếng để bảo đảm nguồn nước cho người dân, cải thiện nhà ở. Một số người cộng tác với cha nói rằng họ còn nhớ rõ cách thức cha dạy dân chúng cách làm gạch – và thậm chí mở rộng phạm vi hoạt động sang cả các vùng lân cận.

Trong 40 năm dài cha đã thực hiện công trình Phúc Âm Hóa và phát triển con người trong vùng rộng lớn 3600 cây số vuông, trên đó có 7000 người sinh sống. Cha trả lời trong một bài phỏng vấn khác: “Là những vùng rất khó khăn nhưng với niềm hy vọng lớn, chúng tôi muốn làm tất cả cho họ”.

Tinh thần truyền giáo của cha thật vĩ đại, không điều gì có thể làm cha nhụt trí, thậm chí ngay cả khi bị một cơn đột quỵ cũng không thể dập tắt tinh thần truyền giáo của cha. Cha đã cho nơi này, một khúc ngoặt lịch sử Phúc âm hóa ở Châu Mỹ La tinh, một chiều kích của lòng thương xót của Mẹ Giáo Hội, đồng hành và khuyến khích niềm hy vọng, bởi vì như cha chia sẻ: “Dù ở bất cứ nơi đâu, mỗi người có thể cảm thấy như là nhà của mình, có thể cảm nhận như người con được yêu, được tìm kiếm” (L’OSSERVATORE ROMANO 31-01-2018)

Ngọc Yến

 

Đôi Dép

Đôi Dép

Tình ta tựa như đôi dép thôi.

Khắn khít bên nhau chẳng thể rời.

Đi đâu cũng có cặp, có đôi.

Gian nan nguy khó chẳng hề lơi.

Có lần dạo biển đùa sóng tấp.

Nước cuốn trôi xa, một chiếc kia.

Chiếc này, luống bước, với chơi vơi.

Lùa vào, đừng để cuốn xa khơi.

Nghĩ thôi, dép kia còn một chiếc!

Làm sao! Đi hết được quãng đường.

Một chiếc thôi, sẽ khập khểnh lẻ…

Con đường trước mắt,bao dài nữa…

Ý nghĩa không còn…có cặp đôi.

Tình tôi cũng chỉ có vậy thôi!

Xin thương, song hành luôn có cặp.

Như đôi dép Mộc vẫn có đôi.

Gắn bó bên nhau, vạn nẽo đường,

Lối mòn, đường lộ luôn có đủ.

Một đôi dép cũ, vẫn bên nhau.

   ***

 

Cô giáo Tống Hoa

Trường Việt ngữ và Văn Hoá Phan Bội Châu

Tình hình tự do tôn giáo VN trong phúc trình mới của Mỹ

Tình hình tự do tôn giáo VN trong phúc trình mới của Mỹ

Ngoại Trưởng Rex Tillerson, trong một cuộc họp báo – Hình courtesy AFP

Phúc trình thường niên 2016 về tự do tôn giáo thế giới, do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thực hiện, phần đề cập đến Việt Nam nói rằng Hà Nội tiếp tục dành quyền kiểm soát, răn đe, trừng phạt, thậm chí triệt hạ những tổ chức tôn giáo không được sự chấp thuận của nhà nước.

Phúc trình về tự do tôn giáo thế giới 2016 được đương kiêm ngoại trưởng Rex Tillerson công bố sáng thứ Ba ngày 15 tháng Tám năm 2017 ở Wahington DC.

Phúc trình về tự do tôn giáo thế giới phần nói về Việt Nam nhấn mạnh rằng hiến pháp Việt Nam qui định tự do  tín ngưỡng và tự do thờ phương theo đức tin là quyền mà người dân được hưởng. Thế nhưng luật hiện hành với những điều khoản mơ hồ lại  cho Nhà Nước rộng quyền hơn trong việc kiểm soát mọi sinh hoạt tôn giáo dưới danh nghĩa gọi là bảo vệ an ninh quốc gia và duy trì đoàn kết dân tộc.

Phần mở đầu phúc trình về Việt Nam cũng cho thấy Việt Nam vẫn là một quốc gia mà tôn giáo nằm dưới sự chi phối của chính phủ, phải được chính phủ công nhận tư cách pháp nhân và pháp lý thì mới được sinh hoạt.

Tháng Mười Một năm 2016, phúc trình dẫn chứng, quốc hội Việt Nam thông qua Bộ Luật Tôn Giáo, sẽ có hiệu lực áp dụng tháng Giêng 2018, với nhiều điều khoản không thay đổi liên quan đến điều kiện ghi danh của các tổ chức tôn giáo, thời gian chờ được cứu xét,  những hình thức xử phạt hành chính đối với  cá nhân hay tổ chức nào vi phạm luật tôn giáo của chính phủ, làm phương hại trật tự công công cũng như  phá hoại tình đoàn kết dân tộc.

Báo cáo của Bộ Ngoại  Giao Hoa Kỳ, đặc biệt phần nói về Việt Nam, nêu những vụ việc xảy ra cho các nhà truyền đạo và các tín hữu ở Việt Nam những năm qua, từ tỉnh thành đến thôn quê, từ các tôn giáo lớn như Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo cho đến các tổ chức nhỏ như  các nhóm Tin Lành ở vùng sâu vùng xa, đang là đối tượng bị nhà cầm quyền sách nhiễu, cấm đoán.

Những chi tiết điển hình như trường hợp những nhà truyền giáo người H’mong, người Dao, người Thái ở miền Bắc, hoặc ở Tây Nguyên miền Trung như các tín đồ Tin Lành người Ê Đe, Ja Rai, Sedang, M’nong, đã và đang bị nhà cầm quyền đe dọa, buộc phải chối bỏ đức tin của mình.

Hai trường hợp được nêu bật trong phúc trình là mục sư Ksor Xiem thuộc Giáo phái Tin Lành Dega bị cấm ở Việt Nam. Theo tổ chức Bảo Vệ Nhân Quyền Cho Người Miền Núi ở Hoa Kỳ, ông Ksor Xiem chết vì bị tra tấn trong tù hồi tháng Mười Hai năm 2015. Người thứ hai, mục sư Nguyễn Công Chính, bị kêu án 11 năm tù vì tôi tuyên truyền và âm mưu lật đổ chính phủ, gia đình vợ con ông ở bên ngoài thường xuyên bị hành hung bị khủng bố.

Sau 6 năm bị cầm tù, mục sư Nguyễn Công Chính cùng gia đình được đưa từ Việt Nam sang Mỹ tháng Bảy vừa qua. Đầu thang Tám, mục sư Nguyễn Công Chính đã có cuộc họp báo để trình bày về trường hợp bị bách hại của  ông và của các đạo giáo trong nước.

Phúc trình về tự do tôn giáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ năm 2016  không quên nhắc đến những tôn giáo nhỏ khác với nét  văn hóa truyền thống và đặc trưng của người Việt, ít nhiều cũng gặp khó khăn và bị giới hạn như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tư An Hiếu Nghĩa, Tổ Tiên Chính Giáo vân vân…

Bên cạnh đó, những đạo du nhập từ bên ngoài cũng được nhắc tới là Ấn Độ Giáo, Hồi Giáo Ba Ni, đạo Mormons hay còn gọi là  Mặc Môn.

Với tổng dân số hơn 95 triệu tính đến lúc này, một phần hai trong đó  là Phật Giáo, kế đến là Thiên Chúa Giáo, rồi Cao Đài, Hòa Hảo và những tổ chức tôn giáo khác, Việt Nam vẫn là một đất nước mà người dân không được toàn quyền sống trọn vẹn theo đức tin cũng như không được biểu hiện giá trị của lòng tin đó. Phúc trình của Bộ Ngoại Giao Mỹ còn ghi rõ Việt Nam sử dụng Luật Tôn Giáo để gây trở ngại cho cuộc sống cũng như sinh hoạt thờ phượng của những cộng đồng dân tộc thiểu số ở các vùng sâu vùng xa trong nước. .

Sau cùng, phúc trình nói rằng Hoa Kỳ luôn khuyến khính cũng như thúc đẩy Việt Nam cải thiện cũng như thăng tiến tình hình tự do tôn giáo của mình. Tự do tôn giáo và tín ngưỡng là quyền phố quát làm nên giá trị của nước Mỹ, vì thế Hoa Kỳ luôn mong muốn làm việc chặc chẻ với Việt Nam, thúc đẩy Hà Nội tôn trọng cũng như phát triển quyền tự do tôn giáo cho người dân của mình.

Thanh Trúc RFA

Ơn gọi của Tara Clemens, một luật sư trẻ trở thành nữ tu dòng kín Đaminh

Ơn gọi của Tara Clemens, một luật sư trẻ trở thành nữ tu dòng kín Đaminh

Trong một thế giới mà ơn gọi tu trì ngày càng giảm sút, đời sống tu trì, đối với nhiều người, có vẻ buồn chán, khác người, cực khổ, đi ngược với mong ước sống tự do, hưởng thụ của thế giới hiện đại, thì vẫn luôn có những ơn gọi thật đẹp, là dấu chứng của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, là bằng chứng của sự tin yêu, đáp lại tiếng Chúa mời gọi, và cũng là chứng tá của những tấm lòng quảng đại, hy sinh, dưới mọi hình thức, để vun trồng ơn gọi tu trì. Ơn gọi của Tara Clemens, hiện nay là sơ Maria Đaminh Nhập thể, cũng là một ơn gọi “khác người” nhưng thật đẹp; từ một luật sư trẻ, Clemens đã nghe theo tiếng Chúa gọi, tận hiến cho Ngài trong đời tu và đặc biệt hơn nữa, cô đã chọn đời sống đan tu, chuyên lo việc chiêm niệm cầu nguyện.

Tara Clemens là một luật sư ở thành phố Anchorage, bang Alaska, Hoa kỳ. Clemens nguyên là một tín hữu Tin lành và chỉ vài tháng trước khi tốt nghiệp trường luật, cô đã gia nhập Giáo hội Công giáo. Việc trở thành tín hữu Công giáo xảy ra khá là bất ngờ với Clemens. Chỉ vài tháng trước khi tốt nghiệp đại học luật Lewis và Clark ở thành phố Portland, bang Oregon, Clemens đi cùng một người bạn tham dự Thánh lễ thứ sáu mùa Chay và ngày hôm đó là môt bước ngoặt trong cuộc đời của cô; Clemens đã quyết định trở lại Công giáo. 3 tháng sau đó, dù phải làm việc toàn thời gian, mỗi chiều tối, Clemens theo học về Công giáo. Một ít tháng sau, vào dịp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm 2007, Clemens hoàn toàn tin vào chân lý của Công giáo. Clemens đã được gia nhập Giáo hội Công giáo vào dịp lễ Vọng Phục sinh năm 2008. Và vài tháng sau đó, dù chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ trở thành nữ tu, cô luật sư trẻ Clemens đã đến thăm đan viện Thánh Thể. Clemens đã sống hai năm rưỡi tại đan viện, trước tiên là thỉnh sinh và sau đó vào nhà tập. Ngày 28 tháng 5 vừa qua (năm 2017), Clemens được tuyên khấn lần đầu tại đan viện Thánh Thể của các nữ tu Đaminh ở Menlo Park, bang California, Hoa kỳ, với tên dòng là Maria Đaminh Nhập thể.

Ngày sơ Maria Đaminh được đội chiếc lúp đen trên đầu thay cho chiếc lúp trắng khi vào nhà Tập cách đây  hơn một năm, vị linh mục chủ tế đã nói: “Hãy nhận lấy tấm lúp thánh này, qua đó con có thể được nhận ra như ngôi nhà cầu nguyện dành cho Chúa và đền thờ cầu nguyện cho mọi người.” Sơ Maria Đaminh ý thức được rằng trung tâm của đời sống chiêm niệm của các nữ đan sĩ Đaminh là tình yêu Chúa. Dù là một đan sĩ sống giam mình trong đan viên, không bao giờ đi ra ngoài, sơ vẫn có thể ôm trọn thế giới với tình yêu và cầu nguyện cho thế giới.

Được hỏi về việc trở thành một đan sĩ, sơ Maria Đaminh xác định: “Khi Thiên Chúa gọi chúng ta, Ngài rất kiên định”. Điều này được chứng thực trong hành trình ơn gọi của sơ Maria Đaminh. Khi luật sư Clemens có ý định đi tu, nhưng vì số tiền hơn 100 ngàn đô la cô mượn để đi học quá lớn và cô chưa thể thanh toán để vào nhà dòng, cô hầu như thất vọng trước khó khăn thách đố này. Chính khi đó, hội Laboure đã giúp cho Clemens giải quyết vấn đề nợ sinh viên để có thể đi tu. Laboure là một hội có trụ sở ở Minnesota, giúp đỡ cho những người có ơn gọi tu trì trả nợ, điều cản trở họ gia nhập đời tu. Hội Laboure mở một lớp khoảng từ 10 đến 25 người, những người tin là mình có ơn gọi, và tổ chức chiến dịch quyên góp giúp họ. Clemens tham dự chương trình này 2 năm. Vào cuối khóa, tưởng rằng cô phải đợi thêm một năm nữa vì không nhận được đủ tiền quyên góp để trả nợ học. Nhưng rồi đã có hai vị ân nhân đóng góp số tiền lớn và Clemens đã được giúp trả nợ tiền học. Như John Flanagan, giám đốc điều hành hội Laboure đã nói: “Tara Clemens đã không thực hiện hành trình ơn gọi một mình, nhưng nhiều người khắp nơi biết là họ đã làm điều gì đó để giúp Tara Clemens trở thành nữ tu Maria Đaminh.” Và ông nhận xét rằng: “Cô ta đã gập phải những khó khăn trên hành trình theo đuổi ơn gôi, nhưng cô đã đón nhận chúng với niềm tin tưởng lớn lao vào Thiên Chúa.” (CNS 13/06/2017)

Hồng Thủy

Đức tin của Jennifer Bricker, một cô gái sinh ra không có đôi chân

Đức tin của Jennifer Bricker, một cô gái sinh ra không có đôi chân

Sinh ra với một cơ thể khuyết tật, không có đôi chân, trái tim lại nằm ở bên phải thay vì bên trái như bao nhiêu người bình thường khác, bé gái Jennifer Bricker còn bị cha mẹ bỏ rơi vì bị sốc trước tình trạng thể lý của em và cũng vì không có khả năng chữa trị cho em. Bị cha mẹ bỏ rơi, nhưng có một Đấng khác đã có những chương trình đặc biệt cho cuộc đời của Jennifer.

Jennifer Bricker được ông bà Sharon và Gerald Bricker nhận làm con nuôi. Em đã lớn lên cùng với 3 người con của đôi vợ chồng Kitô hữu tốt lành đạo đức, được chăm sóc với tình yêu thương và em đã sống với một quy luật duy nhất “đừng bao giờ nói tôi không thể.” Jennifer chia sẻ: “Tôi không bao giờ bị gia đình, các bạn học ở trường và các thầy cô giáo, cũng như huấn luyện viên của tôi đối xử phân biệt, khác với người nào khác. Lớn lên, đối với tôi, đó là một điều đơn giản.” Chỉ trong một thời gian ngắn, Jennifer nhận ra rằng mình đã thành công trong các hoạt động thể lý mà cô tham gia như trượt patin, chơi bóng chuyền, nhào lộn, thể dục dụng cụ. Hiện nay Jennifer đang sống và làm việc như một vận động viên thể dục dụng cụ chuyên nghiệp ở Hollywood.

Năm tháng trôi qua, niềm đam mê thể thao trong Jennifer cũng lớn lên và cô cảm thấy bị thu hút bởi Dominique Moceanu, vận động viên thể dục trẻ nhất của Hoa kỳ đã đạt huy chương vàng Olympic. Jennifer luôn cảm thấy có một thứ liên kết với Dominique. Cô nhìn thấy mình nơi Dominique, cô suy nghĩ: cô ta từng là một cô gái bé nhỏ, tôi cũng thế. Cô ta người Rumani, tôi cũng vậy. Cô ta có bản tính can đảm như tôi. Khi lên 16 tuổi, Jennifer muốn tìm biết các thông tin về gia đình ruột thịt, từ đó cô đã chào đời trong thế giới này. Mẹ nuôi của cô đã tìm lại trong các tài liệu nhận con nuôi và đã tìm ra một chi tiết làm thay đổi cuộc sống của Jennifer: tên họ thật của cô chính xác là Moceanu, giống như tên họ của thần tượng Dominique. Jennifer mất 4 năm để thu thập đầy đủ các tài liệu cần thiết trước khi gặp và nói với thần tượng Dominique Moceanu của cô rằng có thể họ là hai chị em ruột. Jennifer đã viết một lá thư cho Dominique, trong đó cô nói về nguồn gốc Rumani của mình, về việc mình được nhận nuôi, về tình yêu dành cho thể dục, về sự thu hút dành cho Dominique và về việc cô khám phá ra họ có cùng tên họ. Cuối thư, cô cho biết mình muốn làm một xét nghiêm AND nếu Dominique đồng ý, chỉ để chứng minh mối liên hệ của họ. Sau này khi Jennifer gặp Christina, một người chị em khác, thì hai người giống nhau như đúc. Hai người dường như là chị em sinh đôi.

Jennifer không xem giới hạn thể lý của mình như một khuyết tật. Cô chia sẻ: “Tôi cảm thấy mình đáng yêu như tôi đang là, nhỏ bé và không có chân. Cô thấy việc không có chân là một đặc tính, một phần của mình. Cha mẹ cô đã dạy cô đối diện với cuộc sống trực diện, chiến đấu bằng những giấc mơ và ý tưởng. Nhưng trên hết họ đã truyền cho cô giá trị của một đức tin được sống cách chân thực như cô nói: “Tôi cầu nguyện và đọc Lời Chúa mọi ngày. Khi tôi làm điều này như một cuộc hẹn hàng ngày, đời sống của tôi được thay đổi. Tất cả đã bắt đầu từ đây.”

Năm 2009, Jennifer đã tham gia vào một tour diễn với Britney Spears, một sự kiện đặc biệt đối với cô. Tour diễn thành công về tổng thể nhưng việc đối diện với quá nhiều người bắt đầu gợi lên trong lòng Jennifer cảm giác khó chịu về dáng vẻ xấu xí của mình. Dù tất cả nói với cô là cô xinh đẹp nhưng tâm trí cô nghĩ khác. Bị dày vò bởi ý tưởng ám ảnh này, Jennifer quyết định thay đổi cuộc sống. Lúc ấy là gần Mùa Chay, Jennifer quyết định, trong 40 ngày, cô dán các tấm hình của người thân và bạn bè lên tấm gương mà hàng ngày cô nhìn thấy mình và cho là mình xấu xí, và cầu nguyện xin Chúa giúp cô biết điều cần làm. Chính từ tấm gương với hình ảnh của những người thân yêu, Jennifer bắt đầu cảm tháy một dòng suối yêu thương, vui mừng và an bình. Cô nói: “Không có ai có thể giúp tôi thoát ra tình cảnh này, nhưng chỉ có Chúa đã làm điều đó.” Cô đã bắt đầu đọc Kinh Thánh mỗi ngày để chọn niềm vui ngay cả khi cô không cảm thấy nó trong lòng, để chọn chiến thắng cuộc chiến của mình mỗi ngày cả khi cô cảm thấy mình không có sức làm điều đó, để chọn yêu thương chính mình và cảm thấy mình xinh đẹp, cả khi cô cảm thấy mình mập béo.

Đối với Jennifer, không có gì là dễ dàng, nhưng từ kinh nghiệm đó, cô đã rút ra một bài học rất quan trọng: “Tôi hiểu rằng Chúa đã tạo dựng nên tôi như một chiến binh. Và vũ khí của tôi chỉ có một, đó là để Chúa chiếu sáng trong tôi, để lan truyền tình yêu và niềm vui của Người.” (Aleteia 05/04/2017)

Hồng Thủy

Một Giám mục Argentina đang điều tra một vụ được cho là phép lạ Thánh Thể

Một Giám mục Argentina đang điều tra một vụ được cho là phép lạ Thánh Thể

Buenos Aires, Argentina – Đức cha Luis Fernandez của giáo phận Rafaela thông báo rằng một cuộc điều tra sẽ được thực hiện để xem xét những gì xảy ra hồi đầu tuần này ở một cơ sở điều trị ma túy, khi một nhóm người trẻ đang chầu Mình Thánh và thấy một chất trong Mình Thánh, trông giống như là máu.

Hôm 11/04, tại cơ sở điều trị ma túy San Miguel, khi một nhóm trẻ đang chầu Mình Thánh, họ thấy có sự thay đổi nơi Thánh Thể.

Juan Ternengo, điều hợp viên của cơ sở San Miguel nói rằng có một chất đỏ đậm chảy ra từ Minh Thánh, khi các người trẻ đang hát và cầu nguyện.”

Khi hay tin, Đức cha Fernandez và cha Alcides Suppo đã đến nơi và chính Đức cha đã đưa mình thánh đi khỏi nơi này để tiến hành điều tra.

Thông cáo của giáo phận Rafaela cho biết là trong những trường hợp tương tự như thế, Giáo hội cần thận trọng và chừng mực trong việc nhận định sự kiện nhằm làm rõ sự việc và những gì xảy ra. Những trường hợp này không phải là thường xuyên và đơn giản để phân định.

Thông cáo cũng khuyến khích mọi người dùng cơ hội này để canh tân đức tin và lòng mến của mình đối với phép lạ lớn nhât là sự Hiện diện Thật sự của Chúa Giêsu trong mỗi cử hành Thánh lễ. (CNA 13/04/2017)

Hồng Thủy

Tòa án cho phép chấm dứt hỗ trợ sự sống cho một em bé dù cha mẹ không muốn

Tòa án cho phép chấm dứt hỗ trợ sự sống cho một em bé dù cha mẹ không muốn

London – Hôm 11/03, tòa án cấp cao của Anh quốc đã cho phép các bác sĩ rút các máy hỗ trợ sự sống cho một em bé bị bệnh hiếm gặp, dù cha mẹ của em không đồng ý.

Bé Charlie, 8 tháng tuổi, bị một chứng bệnh hiếm – rối loạn ty thể – dẫn đến sự suy thoái các cơ, trên toàn thế giới chưa đến 20 em bé mắc chứng bệnh này, đang được điều trị tại bệnh viện Great Ormond Street. Chứng bệnh đã gây tổn thương não nặng và hiện tại Charlie đang được cho ăn uống qua một ống, thở qua một quạt nhân tạo và không thể cử động.

Ông bà Connie Yates and Chris Gard, bố mẹ của Charlie, muốn con mình tiếp tục được sống nhờ các máy hỗ trợ và sẽ đưa con mình sang Hoa kỳ để thử nghiệm điều trị.

Các chuyên viên tại bệnh viện nói rằng Charlie bị tổn thương não không thể phục hồi và nên rút các dụng cụ trợ giúp sự sống. Cố vấn được chỉ định cho rằng việc điều trị tại Hoa kỳ chỉ là thử nghiệm và việc trợ giúp kéo dài sự sống chỉ kéo dài tiến trình chết của Charlie

Tuy nhiên đại diện pháp lý cho cha mẹ của Charlie nói rằng việc di chuyển đến Hoa kỳ sẽ không gây cho Charlie những đau đớn hay tổn thương và có thể mang lại cho em một cơ hội.

Mẹ Charlie nói: “Chúng tôi chỉ muốn có cơ hội cho chúng tôi. Nó có thể không bao giờ là sự chữa lành nhưng nó có thể giúp cho Charlie sống. Nếu nó cứu Charlie, thật tuyệt diệu Tôi muốn cứu những người khác.” Đôi vợ chồng đã quyên góp được gần 1,3 triệu bảng Anh (1,6 triệu đô la) cho việc chữa trị con trai.

Nhưng thẩm phán Francis nói rằng ông hoàn toàn tin tưởng việc bỏ đi những trợ giúp sự sống là lợi ích tốt nhất cho em bé. Ông Francis nói rằng bệnh viện đã yêu cầu điều này nhưng họ không thể thỏa thuận được với cha mẹ của em bé nên tòa án phải quyết định.

Cha mẹ của Charlie đã la “không!” ở tòa án và cả hai cùng với những người trong gia đình đã bật khóc trước quyết định của tòa.

Luật sư của gia đình, bà Laura Hobey-Hamsher, cho biết là đôi vợ chồng bị quỵ ngã bởi quyết định của tòa và không thể hiểu tại sao quan tòa đã không cho Charlie ít nhất cơ hội điều trị.

Việc hỗ trợ sự sống cho Charlie chưa chấm dứt ngay vì cha mẹ em đang xem xét việc kháng án. (CNA 11/04/2017)

Hồng Thủy

Một Linh mục Tây ban nha cao tuổi bị đánh đập trong một vụ cướp

Một Linh mục Tây ban nha cao tuổi bị đánh đập trong một vụ cướp

Madrid, Tây ban nha – Cha Arturo López, 77 tuổi, đã bị đánh đập tàn nhẫn bởi 3 người bit mặt trong một vụ tấn công vào nhà xứ của giáo xứ hai thánh Phêrô và Phaolô ở Coslada, một thành phố thuộc Madrid, hôm thứ 4, 22/02 vừa qua.

3 người đàn ông đã trói và đánh đập cha Lopez khi họ vào nhà xứ lúc 8.50 tối để cướp các đồ quý giá và tiền bạc. Họ đã dùng dây thừng trói cha ở trong một phòng.

Một tên tội phạm đã đe dọa và đánh cha để cha phải đưa tiền cho chúng, trong khi hai tên lục soát trong nhà. Theo cha Lopez, những kẻ cướp nói tiếng Tây ban nha rất giỏi và không có vẻ là người ngoại quốc. Các kẻ cướp đã lấy 800 euros, các chìa khóa và điện thoại của cha Lopez và rời đi sau 25 phút, bỏ mặc cha bị trói. Cha Lopez đã tự cởi trói và báo cho cảnh sát.

Cha Lopez được đưa đến bệnh viện để chạy chữa các vết thương trên đầu và trên mặt. Cha đã được khâu các vết thương và khám để xem có bị tổn thương não không. Ngày hôm sau cha được xuất viện vì không có vấn đề trầm trọng.

Cha Lopez thuộc dòng Thánh giá và đã phục vụ ở Coslada từ năm 1993. (CNA 24/02/2017)

Hồng Thủy

Người phụ nữ mang đến cho thế giới vẻ đẹp hài hòa

Người phụ nữ mang đến cho thế giới vẻ đẹp hài hòa

Nếu không có phụ nữ, sẽ không có sự hài hòa trong thế giới. Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ. Người nam và người nữ không phải là bằng nhau, cũng không phải là hơn kém nhau; nhưng không phải là người nam mà là chính người nữ mang lại sự hài hòa cho thế giới và làm cho thế giới xinh đẹp. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Nếu không có người phụ nữ, sẽ không có sự hài hòa

Rất nhiều lần chúng ta nói về người phụ nữ theo kiểu: “là phụ nữ thì phải làm cái này”. Nhưng hãy lưu ý rằng, người phụ nữ có thể mang đến điều mà nam giới không thể, đó là vẻ đẹp hài hòa của Đấng Tạo Hóa.

Khi không có phụ nữ, sẽ không có sự hài hòa. Khi nói chuyện, chúng ta nói: nhưng đây là một xã hội với ưu thế mạnh mẽ của nam giới, và thế là? Bỏ quên nữ giới. Ừ thì phụ nữ phải rửa bát quét nhà giặt ủi… Không, không, không. Người phụ nữ đem đến sự hài hòa. Thật không công bằng, không được thiên vị cho bên này hoặc bên kia. Không. Chỉ có người nam thôi, thì không hài hòa, cần có người phụ nữ nữa. Và người phụ nữ dạy cho chúng ta cách trân trọng, cách yêu thương, sự dịu hiền, và làm cho thế giới những điều tuyệt đẹp.

Khai thác phụ nữ, chính là phá vỡ sự hài hòa

Trong câu chuyện Sáng Thế, người đàn ông cảm thấy cô đơn, rồi ông ước mơ, và Thiên Chúa dẫn đến cho ông một người phụ nữ, thế là cả hai vui mừng và nên một xương một thịt. Trong một buổi tiếp kiến, khi chào mọi người, tôi hỏi một cặp vợ chồng kỷ niệm 60 năm ngày cưới rằng: “Ai trong hai người đã kiên nhẫn hơn?”

Họ nhìn tôi, nhìn vào mắt tôi. Tôi không bao giờ quên ánh mắt ấy. Sau đó họ trở lại và nói với tôi, cả hai cùng nói với tôi: Chúng con yêu thương nhau. Sau 60 năm, điều ấy thực sự có nghĩa là một xương một thịt. Và đây chính là điều mà người phụ nữ đem tới: đó là khả năng yêu thương. Đó là sự hài hòa trong thế giới. Nhiều lần, chúng ta nghe thấy rằng: “Không, điều cần thiết cho xã hội này, cho tổ chức này, là ở đây phải có phụ nữ để làm việc này làm việc kia…” Không, không, không, không: các công việc chức năng ấy không phải là mục đích của người nữ. Đúng là người phụ nữ cũng phải làm việc như tất cả chúng ta. Nhưng mục đích chính là: người phụ nữ đem đến sự hài hòa, và không có phụ nữ thì sẽ không có sự hài hòa trong thế giới. Khai thác con người, là một tội ác chống lại nhân loại. Và khi tận dụng lợi thế của người phụ nữ quá mức, thì đó là đang phá hủy vẻ đẹp hài hòa mà Thiên Chúa ban cho thế giới. Khai thác phụ nữ chính là phá hủy.

Thiên Chúa ban cho chúng ta một người nữ tuyệt vời là Mẹ Maria

Đây chính là món quà tuyệt vời mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Ngài ban cho chúng ta những người phụ nữ. Trong Tin Mừng, chúng ta nghe về những người phụ nữ đầy can đảm và tốt lành. Nhưng còn hơn cả lòng dũng cảm, còn hơn thế nữa: người phụ nữ là vẻ đẹp hài hòa là vẻ đẹp nên thơ. Nếu không có người phụ nữ, thế giới không còn đẹp đẽ, thế giới sẽ mất đi sự hài hòa. Tôi thích nghĩ như thế, bản thân tôi nghĩ như thế. Thiên Chúa đã tạo nên người nữ, vì tất cả chúng ta có chung một người mẹ.

Tứ Quyết SJ

Đức Giáo hoàng Phanxicô viết thư cho một bé gái ung thư đang hấp hối

Đức Giáo hoàng Phanxicô viết thư cho một bé gái ung thư đang hấp hối

duc-giao-hoang-phanxico

Vatican City – “Paolina thương mến, tấm hình của con đang ở trên bàn của cha, bởi vì trong ánh nhìn rất đặc biệt của con, cha nhìn thấy ánh sáng của điều tốt lành và ngây thơ vô tội. Cám ơn con đã gửi chúng cho cha!” Một lần nữa, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chiếm được các con tim với lá thư trào dâng nước mắt gửi cho một bé gái người ý đang hấp hối vì bệnh ung thư.

Bức thư đề ngày 22/09, được gửi cho bé Paolina Libraro, 10 tuổi, đang bị ung thư. Mẹ của bé Paolina đã viết thư cho Đức Giáo hoàng xin ngài chúc lành và cầu nguyện cho con gái. Ngài đã  gửi thư trả lời với một vé đặc biệt để tham dự ngày yết kiến chung vào ngày 26/10 mà ngài sẽ có thể chúc lành trực tiếp cho bé Paolina.  Nhưng thật buồn là lúc đó bé Paolina đã quá yếu và không thể đi từ Massafra, một thành phố ở đông nam nước Ý để đến Vatican. Và bé Paolina đã về với Chúa vào ngày 22 tháng 11 và được chôn cất trong ngày.

Trong Thánh lễ an táng của bé Paolina tại nhà thờ thánh Leopold Mandic với sự tham dự của hầu như toàn thành phố nơi em ở, có cả vị thị trưởng thành phố, cha chủ tế Michele Quaranta đã đọc lá thư của Đức Giáo hoàng, trong đó ngài khẳng định là ngài nắm tay ngài với em và với những ai cầu nguyện cho em. Ngài nói: “Bằng cách này chúng ta sẽ làm thành một sợi dây xích dài, cha chắc chắn, sẽ đụng đến trời.” Ngài cũng nhắc Paolina nhớ rằng “mối xích đầu tiên của sợi xích này là con, bởi vì con có Chúa Giêsu trong tim con. Hãy nhớ điều đó!”. Ngài còn bảo Paolina hãy nói với Chúa Giêsu không chỉ về em nhưng về cha mẹ em, “những người cần được giúp đỡ và an ủi rất nhiều trước những bước khó khăn mà họ đang gặp.”

Đức Giáo hoàng còn nói: “Chắn chắn con sẽ rất tốt để đề nghị Chúa Giêsu những điều cần làm cho họ” và ngài yêu cầu Paolina thưa với Chúa Giêsu những gì Chúa cũng cần làm cho ngài trong khi ngài nhắc Chúa điều Chúa cần làm cho Paolina.

Cuối thư, Đức Giáo hoàng nói: “Cha ôm con và chúc lành cho con với trọn trái tim cha, với cha mẹ và những người thân yêu của con.” Chính tay ngài đã ký lá thư. (CNA 03/12/2016)

Hồng Thủy

 

Ý cầu nguyện tháng 12 của Đức Thánh Cha

Ý cầu nguyện tháng 12 của Đức Thánh Cha

y-cau-nguyen-thang-12-cua-duc-thanh-cha

 

VATICAN. Trong tháng 12, Đức Thánh Cha đặc biệt cầu nguyện cho những trẻ em, các em là nạn nhân bị bắt đi quân dịch. Đức Thánh Cha chia sẻ trong đoạn Video rằng:

Ngày nay trong một thế giới phát triển những công nghệ tinh vi nhất, vũ khí được mua bán và cuối cùng lại nằm trên tay của những người lính là trẻ em. Chúng ta phải làm tất cả những gì có thể, để nhân phẩm của trẻ em được tôn trọng, và để chấm dứt hình thức nô lệ này. 

Dù bạn là ai chăng nữa, nếu bạn cảm thấy được thôi thúc như tôi cảm thấy, thì hãy hiệp lòng với tôi trong ý chỉ cầu nguyện này: Để vấn nạn về các trẻ em bị bắt đi quân dịch, có thể được loại bỏ trên toàn thế giới.

 

Julia Greeley, một nô lệ ở Denver, trở nên gương mẫu của lòng thương xót

Julia Greeley, một nô lệ ở Denver, trở nên gương mẫu của lòng thương xót

julia-greeley-photo

Trên các đường phố của thành phố Denver tiểu bang Colorado, Hoa kỳ, vào cuối những năm 1800 và đầu những năm 1900, người ta rất quen thuộc với hình ảnh của một phụ nữ da màu đội một chiếc mũ mềm màu đen, mang đôi giày quá khổ, dùng chiếc khăn tay thấm nhẹ đôi mắt kém của mình, kéo chiếc xe kéo nhỏ màu đỏ. Đó là Julia Greeley, Thiên thần bác ái của Denver, đang mang thực phẩm, áo quần và sự khích lệ, đi phân phát cho các người nghèo và vô gia cư của thành phố

Greeley sinh ra trong một gia đình nô lệ ở Hannibal, Missouri giữa các năm 1833 và 1848; năm sinh của Greeley không được biết rõ bởi vì cô là con của một người nô lệ. Cô đã bị đối xử tàn tệ khủng khiếp. Một lần kia, khi người chủ đánh mẹ cô, ngọn roi đã vụt vào mắt phải của cô và làm nó bị hư. Sau tuyên ngôn giải phóng nô lệ của tồng thống Abraham Lincoln vào năm 1863, cô là một trong những người được tự do. Năm 1878, Greeley theo gia đình của William Gilpin, vị thống đốc đầu tiên của bang Colorado, nơi Greeley đang giúp việc, đến Denver. Làm việc trong môi trường quý phái thượng lưu, Greeley cũng quen biết với một số gia đình giàu sang có thế giá của Denver, nhưng trái tim của Greeley vẫn dành cho người nghèo; Greeley yêu thương họ. Sau khi nghỉ làm việc tại gia đình thống đốc, Greeley đã làm những việc lặt vặt khắp nơi trong thành phố. Greeley đã đến giáo xứ Thánh Tâm ở Denver và trở lại Công giáo vào năm 1878. Greeley là một giáo dân nhiệt thành, lãnh nhận Mình Thánh Chúa hàng ngày và trở thành một thành viên năng động của dòng Phanxicô tại thế vào năm 1901. Greeley có một lòng sùng kính Thánh Tâm cách đặc biệt.

Dù cho nghèo khổ, Greeley không cần thứ gì cho chính mình; Greeley dành nhiều thời gian của mình để giúp đỡ các gia đình nghèo khổ xung quanh. Khi  không còn thứ gì của mình để giúp đỡ, Greeley đi ăn xin, quyên góp quần áo, thực phẩm và các vật dụng khác để cho ngừoi nghèo. Greeley thường làm việc vào ban đêm, lết trên đôi chân cà nhắc, sau khi đã làm việc suốt ngày dài, để không làm phiền gây bối rối cho những người bà giúp đỡ, nhất là những gia đình da trắng nghèo. Greeley giúp các bé gái nghèo có bộ áo xứng đáng để rước Mình Thánh Chúa lần đầu; bà hiện diện bên những gia đình có người qua đời, hay tìm cha mẹ nuôi cho các trẻ mồ côi. Julia Greeley còn có lòng tha thứ, không thù oán người chủ nô lệ đã làm cho bà bị hư mắt. Bà nói rằng vết sẹo làm xấu mặt của bà nhưng không làm tâm hồn bà xấu. Khi phục vụ cho người nghèo khổ Greeley không bao giờ tra hỏi về niềm tin hay tôn giáo của họ. Tất cả những điều bà muốn làm là nâng dậy những ai đang chiến đấu và đau khổ như bà đã từng trải qua.

Julia Greeley qua đời ngày 7 tháng 6 năm 1918, ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, hưởng thọ khoảng 80 tuổi. Bà Greeley đã được lãnh nhận các bí tích cuối cùng trước khi về bên Chúa. Vì bà sống trong một nhà trọ nên khi qua đời, thi hài của bà được đặt tại một giáo xứ Công giáo trong 5 tiếng đồng hồ và một dòng người không ngừng tuôn đến để bày tỏ sự kính trọng đối với một phụ nữ nổi tiếng và rất được yêu mến. Bà Greeley được chôn cất tại nghĩa trang núi Oliu.

Vì công việc bác ái của Greeley, một nhà văn đã gọi bà là “Hội Thánh Vinh sơn Phaolô một thành viên”; thánh Vinh sơn đã lập dòng các Nữ tử bác ái, và Greeley được ví như một người con của bác ái. Trong Năm Thánh Lòng thương xót, Julia Greeley được chọn làm mẫu gương của lòng thương xót cho địa phương. Ông David Uebbing, chưởng ấn của tổng Giáo phận Denver nhận xét: “Julia Greeley nổi bật bởi vì cô quá phi thường. Dù chỉ nhận được 10 đến 12 đô la mỗi tháng bằng việc nấu nướng và dọn dẹp nhà cửa, cô thường dùng nó để giúp những người nghèo khác. Điều đó thể hiện rất nhiều về lòng từ thiện của Greeley. Thêm vào đó, Greeley còn có lòng sùng kính sâu đậm với Thánh Tâm Chúa Giêsu, thể hiện qua việc mỗi tháng bà đi bộ đến 20 trạm cứu hỏa khác nhau của thành phố để phân phát phù hiệu, hình ảnh, các tài liệu về Thánh Tâm cho các lính cứu hỏa, cả Công giáo và không Công giáo. Điếu đó làm cho các công việc của lòng thương xót mà bà đã làm, cụ thể và thiêng liêng, là điều được mời gọi đặc biệt trong Năm thánh này, thật sống động.” Tờ Denver Post đã viết về di sản của Julia Greeley bao gồm “80 năm của một cuộc sống đáng giá… dấn thấn vô vị lơi… và thói quen cho đi và chia sẻ chính mình và những tài sản của mình”. (CNA 07/09/2016)

Hồng Thủy