Đức Thánh Cha kêu gọi Kitô hữu cầu nguyện chung vào ngày 25/3. Phép lành Urbi et Orbi vào ngày 27/3
Sau khi đọc kinh Truyền Tin vào trưa Chúa Nhật 22 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã công bố như sau
Anh chị em thân mến,
Trong những ngày thử thách này, trong khi loài người rúng động vì mối đe dọa đại dịch, tôi muốn đề xuất tất cả các Kitô hữu chúng ta hãy hợp nhất dâng lời nguyện lên Thiên đàng. Tôi mời tất cả những người đứng đầu các Giáo hội và các nhà lãnh đạo của tất cả các Cộng đồng Kitô giáo, cùng với tất cả các Kitô hữu của các hệ phái khác nhau, cùng nhau cầu khẩn Thiên Chúa Chí Tôn, Toàn Năng, cùng đồng thanh đọc lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu, Chúa chúng ta đã dạy. Do đó, tôi mời tất cả mọi người làm như vậy nhiều lần trong ngày, nhưng, tất cả cùng nhau, chúng ta sẽ đọc kinh Lạy Cha vào giữa trưa ngày Thứ Tư 25 tháng 3. Vào ngày mà nhiều Kitô hữu kính nhớ mầu nhiệm Thiên thần Truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria về sự nhập thể của Ngôi Lời. Xin Chúa lắng nghe lời cầu nguyện đồng tâm nhất trí của tất cả các môn đệ của Ngài đang chuẩn bị để mừng chiến thắng của Chúa Kitô Phục sinh.
Với cùng một ý chỉ tương tự, vào ngày thứ Sáu tới, 27 tháng Ba lúc 6g chiều, tôi sẽ chủ sự một khoảnh khắc cầu nguyện trước tiền đình Đền Thờ Thánh Phêrô, nhìn ra Quảng trường trống rỗng. Từ bây giờ tôi mời gọi tất cả anh chị em tham gia trong tinh thần, thông qua các phương tiện truyền thông. Chúng ta sẽ lắng nghe Lời Chúa, chúng ta sẽ dâng lên lời cầu nguyện của chúng ta, chúng ta sẽ thờ lạy Thánh Thể, cuối cùng tôi sẽ ban phép lành Urbi et Orbi, đi kèm với khả thể nhận được một Ơn Toàn xá
Chúng ta muốn đáp lại đại dịch virus với tính phổ quát của lời cầu nguyện, của lòng cảm thông và sự dịu dàng. Chúng ta vẫn hiệp nhất với nhau. Chúng ta hãy để sự gần gũi của chúng ta được cảm nhận bởi những người cô đơn và chịu thử thách nhất. Sự gần gũi của chúng ta với các bác sĩ, với các nhân viên y tế, nam nữ y tá, và các tình nguyện viên. Sự gần gũi của chúng ta với các nhà chức trách là những người đang phải đưa ra các biện pháp cứng rắn, nhưng vì thiện ích của chúng ta. Sự gần gũi của chúng ta với cảnh sát, với những người lính luôn tìm cách duy trì trật tự trên đường phố, để mọi việc sẽ được thực hiện như chính phủ yêu cầu vì thiện ích của tất cả chúng ta. Sự gần gũi của chúng ta với tất cả mọi người.
Tôi bày tỏ sự gần gũi với người dân Croatia, bị ảnh hưởng sáng nay bởi một trận động đất. Xin Chúa ban cho họ sức mạnh và tình liên đới để đối diện với tai họa này. Và, đừng quên: hôm nay anh chị em hãy lấy sách Phúc Âm ra và đọc một cách thanh thản, chậm rãi chương chín Tin Mừng theo Thánh Gioan. Tôi cũng sẽ làm điều đó. Điều đó sẽ tốt cho tất cả chúng ta
Tôi chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin tạm biệt.
Tưởng cũng nên biết thêm, phép lành Urbi et Orbi (Cho thành Rôma và Thế giới) thường chỉ được ban vào ngày lễ Giáng Sinh và Phục sinh sau khi Đức Thánh Cha đọc thông điệp Urbi et Orbi. Phép lành này đi kèm với Ơn Toàn Xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới trong đó có mạng lưới điện toán toàn cầu miễn là họ tuân giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.
Đức Thánh Cha tham dự cách thiêng liêng trong Thánh lễ cầu nguyện với Đức Mẹ tại đền thánh. Tại nơi này, vào năm 1944, Đức Giáo hoàng Pio XII và dân thành Roma đã cầu xin Đức Mẹ cứu Roma trong cuộc rút lui của quân Đức Quốc xã. Hơn 75 năm sau, cũng trong một hoàn cảnh khẩn cấp và đầy đe dọa như thế, Đức Thánh Cha Phanxicô khẩn cầu Đức Mẹ và chia sẻ tâm tình của Đức Hồng y Giám quản Roma khi cử hành Thánh lễ.
Thánh lễ được truyền trực tiếp qua đài truyền hình TV 2000 của Hội đồng giám mục Ý, đài truyền hình Tele Pace, livestream trên trang Facebook của giáo phận Roma. Đây là lựa chọn trước tình trạng các tín hữu buộc phải ở nhà để tránh lây nhiễm virus corona.
Lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha
Đức Thánh Cha cầu nguyện: “Lạy Mẹ Maria, Mẹ luôn tỏa sáng trên hành trình của chúng con như dấu chỉ của ơn cứu độ và niềm hy vọng. Chúng con tín thác nơi Mẹ, là Sức khỏe của những người đau bệnh; cạnh bên Thánh giá, Mẹ đã hiệp thông với đau khổ của Chúa Giêsu và giữ vững đức tin. Lạy Mẹ, Phần Rỗi của dân thành Roma, Mẹ biết điều chúng con cần và chúng con chắc chắn rằng Mẹ sẽ ban cho chúng con, để giống như ở Cana miền Galilê, sau thời gian thử thách này, niềm vui và lễ hội sẽ có thể trở lại. Lạy Mẹ của Tình yêu Chúa, xin giúp đỡ chúng con biết vâng theo thánh ý Chúa Cha và làm điều mà Chúa Giêsu sẽ nói với chúng con rằng Ngài đã mang lấy trên mình Ngài các nỗi đau của chúng con và Ngài gánh lấy những đau thương của chúng con để qua Thánh giá, đưa chúng con đến niềm vui Phục Sinh.
Lạy Mẹ Thiên Chúa, dưới sự che chở của Mẹ, chúng con tìm nương ẩn. Xin đừng chê bỏ lời khấn xin của chúng con đang trong cơn thử thách, và lạy Đức Trinh nữ vinh hiển và được chúc phúc, xin giải thoát chúng con khỏi mọi nguy hiểm. Amen. (REI 11/03/2020)
Hồng Thủy – Vatican
Ngày 10/03, Phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo:
“Phối hợp với các biện pháp do chính quyền Ý đưa ra, một số biện pháp khác đã được đưa ra ngày hôm nay để tránh sự lây lan của virus corona.
Kể từ hôm nay, Quảng trường và đền thờ thánh Phêrô sẽ đóng cửa đối với các cuộc thăm viếng có hướng dẫn cũng như đối với khách du lịch. Hiệu thuốc và siêu thị thức ăn và đồ dùng của Vatican vẫn mở, nhưng giới hạn số người vào.
Cũng từ hôm nay, để ngăn ngừa, bưu điện di động tại quảng trường thánh Phêrô, hai tiệm sách của Nhà xuất bản Vatican, Dịch vụ Ảnh của báo Osservatore Romano – Quan sát viên Roma, vẫn sẽ có thể truy cập trực tuyến, và cửa hàng quần áo của Vatican sẽ đóng cửa.
Quán ăn dành cho nhân viên Vatican sẽ đóng cửa từ ngày mai, 11/03, nhưng sẽ có một dịch vụ giao đồ ăn theo yêu cầu của các văn phòng khác nhau của Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican.
Các biện pháp này sẽ vẫn có hiệu lực, trừ khi có quy định khác, cho đến ngày 03/04/2020.”
Trước đó, để tránh việc nhiều tín hữu xếp hàng kiểm tra an ninh để vào quảng trường đọc kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha vào trưa Chúa Nhật và dự buổi tiếp kiến chung với Đức Thánh Cha vào sáng thứ Tư, Đức Thánh Cha đã quyết định không xuất hiện ở cửa sổ Dinh Tông Tòa cũng như trong quảng trường trong hai dịp này. Thay vào đó, ngài sẽ đọc Kinh Truyền Tin và dạy giáo lý từ Thư viện Dinh Tông Tòa, và hai sự kiện này được livestream, chiếu trực tiếp cho các tín hữu hiệp thông.
Cho đến nay, mới chỉ có một trường hợp dương tính với virus corona được phát hiện trong lãnh thổ thành Vatican, liên quan đến một linh mục đến khám bệnh tại phòng khám Vatican. (REI 10/03/2020)
Hồng Thủy – Vatican
Các giáo hội Á Châu ra chỉ thị phòng ngừa lây nhiễm coronavirus
Tại Philippines và Singapore, việc rước lễ phải được phân phát bằng tay. Ở Malaysia, những người có triệu chứng cảm cúm được khuyên nên ở nhà và hiệp lễ bằng tâm trí.
Manila (AsiaNews) – Trong khi toàn thế giới lo lắng về nạn dịch 2019-nCoV thì các Giáo Hội Công Giáo ở Đông Nam Á đang thực hiện một số biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan, trong đó có các biện pháp dự phòng (prophylactic) như tránh sự đụng chạm trong lúc cầu kinh và hiệp lễ.
Ở Philippines, dù chưa có trường hợp coronavirus được báo cáo; tuy nhiên, Hội đồng Giám mục Công Giáo Philippines (CBCP) đã ban hành một số chỉ thị như sau:
-Việc rước lễ phải được phân phát bằng tay “để tránh gây sợ hãi cho mọi người,” theo một thông cáo cuả linh mục tổng thư ký Marvin Mejia gửi đến tất cả các giáo phận.
-Cũng nên tránh tất cả các hình thức đụng chạm khác giữa những người tham gia thánh lễ. Thí dụ nắm tay nhau đọc kinh ‘Lậy Cha ‘ hoặc bắt tay chúc bình an.
-CBCP kêu gọi các giáo xứ thường xuyên thay nước thánh ở cửa nhà thờ và dùng “màn che” trên các cửa sổ cuả tòa giải tội.
-Các giám mục Philippines cũng đã phát hành một bài kinh cầu ‘Oratio Imperata’ cho những người bị mắc bệnh và để phòng dịch lây lan. Lời kinh sẽ được quì gối và đọc sau khi rước lễ trong tất cả các thánh lễ ngày thường cũng như ngày lễ, bắt đầu từ Chúa Nhật ngày2 tháng 2, là ngày lễ Dâng Chuá vào đền thánh.
Tại Singapore, các cơ quan y tế đã xác nhận có 10 trường hợp nhiễm dịch coronavirus.
Tổng giáo phận Singapore kêu gọi các tín hữu “có trách nhiệm với xã hội” và “tuân thủ các tư vấn y tế và các biện pháp kiểm soát do chính quyền ban hành.
Trên trang Web cuả Giáo Phận, cũng có đăng các một vài việc làm cụ thể như:
-Cung cấp thuốc xát trùng (chà tay) gần các lối vào nhà thờ và toà giải tội.
-Việc rước lễ sẽ được nhận bằng tay và việc rước MáuThánh trong chén thánh sẽ bị đình chỉ cho đến khi có thông báo mới.
-Cất hết các bình nước thánh ở lối vào nhà thờ vì đây có thể là phương tiện lây nhiễm.
-Các giáo lý viên và học sinh phải đo nhiệt độ của họ trước khi đến lớp.
-Các sinh hoạt cuả giáo xứ và các đoàn thể, nếu không cần thiết cho cuộc sống của cộng đồng, thì phải hoãn lại sau.
Tại Malaysia, có bảy người đã bị nhiễm bệnh. Ba vị giám mục Malaysia – Đức Tổng Giám Mục Julian Leow của Kuala Lumpur, Giám mục Sebastian Francis của Penang và Giám mục Bernard Paul của Melaka-Johor – đã đưa ra một số khuyến nghị mục vụ.
-Những người có triệu chứng giống như bị cúm, ví dụ như sốt, sổ mũi, đau họng, ho, cảm lạnh,… nên ở nhà và tránh những nơi công cộng kể cả đi tới nhà thờ.
Vì họ không thể tham dự thánh lễ, họ được khuyến khích thực hiện một hành vi hiệp thông tâm linh (dâng lời cầu nguyện tại nhà kèm theo mong muốn được kết hiệp với Chúa Thánh Thể).
-Các giám mục kêu gọi mọi tín hữu cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân và các nhân viên y tế điều trị cho họ.
-Các ngài nói thêm rằng giáo hội địa phương sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ sự phát triển của tình huống và sẽ cập nhật các hướng dẫn tiếp theo khi thấy cần thiết.
-Các giám mục kêu gọi tất cả giữ bình tĩnh, đặt tin tưởng vào các thông báo chính thức cuả bộ Y Tế và tuân hành các biện pháp phòng ngừa chung cuả bộ Y Tế.
MÙA XUÂN CỦA BÉ
Trong gần 7 năm làm Giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên phong 898 vị thánh, nhiều hơn tổng số các vị thánh được các Giáo hoàng tiền nhiệm của ngài tuyên phong trong 421 năm trước.
Kể từ năm 1588, khi Đức Giáo hoàng Sisto V thành lập Thánh Bộ Nghi lễ, việc tuyên thánh và chân phước được thực hiện theo một quy luật và một tiến trình và điều này giúp chúng ta biết chính xác con số các vị được tuyên phong. Từ đó cho đến nay Giáo hội đã tuyên phong 1726 vị thánh.
Từ năm 1592 đến 1978: Giáo hội chỉ tuyên phong 302 vị thánh
Điều đặc biệt là trong suốt 386 năm, từ năm 1592 đến 1978, Giáo hội chỉ tuyên phong 302 vị thánh. Nhưng sang đến thời thánh Gioan Phaolô II, trong 27 năm làm Giáo hoàng, ngài đã tuyên phong 482 vị thánh. Trong 8 năm làm Giáo hoàng, Đức Giáo hoàng Biển Đức chỉ tuyên phong 44 vị nhưng sang đến Đức Giáo hoàng Phanxicô, chỉ trong 6 năm ngài đã tuyên phong 898 vị thánh, nhiều hơn con số 828 vị được tuyên phong trong 421 năm trước đó.
Tuyên phong tập thể: 800 vị thánh tử đạo ở Otranto
Con số kỷ lục tuyệt đối về phong thánh dưới thời Đức Thánh Cha Phanxicô một phần do sự thay đổi trong khái niệm về sự thánh thiện, được coi là mục tiêu có khả năng đạt được đối với mọi người và không chỉ chịu dành cho một số rất ít những người thực hiện các hành động anh hùng. Nhưng trên hết, là do việc tuyên phong tập thể nhiều vị thánh cùng một lần, đặc biệt là các thánh tử đạo. Cụ thể là Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên thánh cho 800 vị tử đạo ở Otranto thuộc vùng Puglia của Ý, bị giết dưới bởi người Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1480. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô cũng đã có hai lần tuyên phong cùng lúc nhiều vị thánh như 119 thánh tử đạo Trung Quốc hay 117 thánh tử đạo Việt Nam.
Hơn 15 ngàn chân phước và hiển thánh
Cuốn tử đạo thư Roma, một nguồn tài liệu có thế giá, xuất bản năm 2004, đã liệt kê con số 13.539 hiển thánh và chân phước. Nếu tính đến năm 2019 thì con số đó chắc chắn sẽ hơn 15 ngàn vị (Sismografo 03/01/2020)
Vatican news
XIN VÀO XEM. . .
Hôm qua 11/12, Đức Thánh Cha đã tiếp Đức Hồng y Angelo Becciu, Tổng trưởng Bộ Phong thánh và đã cho phép Bộ công bố các sặc lệnh liên quan đến 28 tân á thánh và 6 đấng đáng kính.
Sắc lệnh đầu tiên nhìn nhận phép lạ nhờ lời cầu bầu của Đấng Đáng kính nữ tu Maria Luigia Thánh Thể, người Ý, tục danh là Maria Velotti, sáng lập dòng Nữ tu Phan Sinh thờ lạy Thánh giá (1826-1886). Như thế sơ Maria Luigia sẽ được phong chân phước.
Tiếp đến là các sắc lệnh nhìn nhận sự tử đạo của 27 vị Tôi Tớ Chúa, bị giết vì sự thù ghét đức tin giữa các năm 1936 và 1937 trong thời kỳ nội chiến Tây Ban Nha: đó là Angelo Marina Álvarez và 19 bạn cùng dòng Giảng thuyết; Giovanni Aguilar Donis và 4 người bạn cùng dòng Giảng thuyết; Fruttuoso Pérez Márquez, giáo dân dòng Ba Đaminh; và cuối cùng là Isabella Sánchez Romero, nữ đan sĩ dòng Đaminh. Các ngài sẽ được phong chân phước.
Bộ phong thánh cũng công bố một số sắc lệnh nhìn nhận nhân đức anh hùng của một số vị và như thế các ngài sẽ được tôn lên bậc đấng Đáng Kính Tôi Tớ Chúa (REI 12/12/2019)
Hồng Thủy
GARDEN GROVE – Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Giáo Phận
Orange vừa tổ chức Đại Lễ Kính Các Thánh Tử Đạo Tại Việt Nam vào sáng thứ Bảy,
ngày 23 tháng 11, 2019 tại Nhà Thờ Chánh Tòa Chúa Kitô. Đại Lễ Các Thánh Tử Đạo
Việt Nam cũng là Bổn Mạng của Cộng Đồng Công Giáo VN Giáo Phận Orange nên hàng
năm, đại lễ được cử hành long trọng và có sự tham dự của các vị Giám Mục, Linh
Mục, tu sĩ và hàng chục ngàn tín hữu Công Giáo.
Những năm đầu tiên sau khi người Việt định cư đông đảo tại Nam Cali, đại lễ Các
Thánh Tử Đạo Tại Việt Nam được tổ chức ở sân vận động Santa Ana, nhưng vì lý do
thời tiết không thuận tiện, nên những năm sau đó được tổ chức tại hội trường
trường đại học Long Beach rồi trường UCI, vì hai nơi này mới đủ chỗ cho hàng
ngàn người tham dự.
Năm nay, lần đầu tiên, đại lễ kính Các Thánh Tử Đạo Tại Việt Nam được tổ chức tại
một nơi xứng đáng nhất, như lời Linh Mục Giám Đốc Trung Tâm Công Giaó nói, “Năm
nay cộng đồng chúng ta được chúc phúc cách đặc biệt: chúng ta được cử hành Đại
Lễ tại Nhà Thờ Chánh Tòa Chúa Kitô. Một không gian thờ phượng khang trang và uy
nghi lộng lẫy, nhưng không kém phần trang nghiêm và linh thánh. Nơi đây chắc chắn
sẽ nâng tâm hồn chúng ta trong lời cầu nguyện lên Thiên Chúa cách sốt sắng
hơn.”
Ngoài gần 2 ngàn giáo dân, ca đoàn và các linh mục, tu sĩ trực tiếp tham dự
thánh lễ bên trong thánh đường, phía ngoài nhà thờ hàng ngàn giáo dân khác ngồi
trong các lều trắng tham dự thánh lễ qua các màn hình lớn.
Trước thánh lễ, LM Phạm Ngọc Hùng, Giám Đốc Trung Tâm Công Giáo đến xông hương
trước kiệu Chúa Chịu Nạn, Đức Mẹ La Vang và linh hài các vị tử đạo. Sau đó cuộc
cung nghinh bắt đầu với Thánh Gía Nến Cao rồi đến các hội đoàn mặc đồng phục và
mang cờ hiệu của hội đoàn mình. Đoàn rước thật trang nghiêm, trật tự, vừa đi vừa
lần chuỗi và hát thánh ca.
Khi đoàn rước kiệu vào đến cửa thánh đường; theo sự hướng dẫn của LM Chu Vinh Quang, cha xứ giáo xứ St. Marys By The Sea (Huntington Beach) phụ trách nghi lễ, đoàn trống Thiên Ân chào mừng Các vị Thánh Tử Đạo một điệu trống hết sức rộn ràng. Sau đó, Linh Mục Nguyễn Uy Sỹ, nguyên Giám Đốc Trung Tâm Công Giáo hiện là cha xứ giáo xứ St. Martin De Porres (Yorba Linda) có bài giảng, nhắc nhở giáo dân về đức tin Công Giáo và khuyên mọi người đừng bao giờ nói dối Chúa. Cha đưa ra một vài mẫu chuyện có thật để làm cho bài giảng thêm sống động. Sau bài giảng của cha Nguyễn Uy Sỹ, Ban Vũ Phụng Vụ của Cộng Đoàn Giáo xứ Saint Columban trình diễn một màn uyển chuyển, đẹp mắt dâng lên Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Các Thánh Tử Đạo. Sau một tràng pháo tay khen ngợi của mọi người, các nữ tu Mến Thánh Giá làm mọi người vô cùng xúc động qua màn diễn nguyện về phúc Tử Đạo của hai nữ tu Mến Thánh Giá, Soeur Soạn và Soeur Trị, nói lên niềm tin mãnh liệt vào Chúa Kitô, dù những lời dụ dỗ ngon ngọt, dù những đe dọa của quan, quân và những roi đòn của quân lính, hai nữ tu không sờn lòng, không kêu than, không xin xỏ; một lòng trung kiên theo Chúa cho đến khi gục chết trước sự tra tấn cực kỳ dã man của những kẻ bách hại đạo Chúa.
Sau màn diễn nguyện xuất sắc của các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá LA. Từ ngoài
thánh đường, 18 vị Chủ Tịch Cộng Đoàn, mỗi vị cầm một lá cờ ghi tên Cộng đoàn
mình tiến lên cung thánh, và 18 cờ hiệu được dựng ở hai bên bàn thờ. Các Linh
Mục, Phó Tế và hai vị Giám Mục, Đức Cha Kevin Vann và Đức Cha Thomas Nguyễn
Thái Thành lên hôn bàn thờ và thánh lễ bắt đầu với bài Ca Nhập Lễ do ca đoàn
Chúa Kitô trình bày. Đức Giám Mục Kevin Vann chủ tế thánh lễ, Đức Giám Mục
Nguyễn Thái Thành giảng.
Trong bài giảng bằng
hai thứ tiếng Anh – Việt, Đức Cha Thành nói, “Đối với riêng tôi, ngày này là
ngày Giỗ Tổ của Giáo Hội Việt Nam. Quả đúng như vậy, vì các Thánh Tử Đạo Việt
Nam là những vị tổ tiên, tiền nhân của Giáo Hội Việt Nam. Từ những hạt giống Đức
Tin của các ngài đã chịu chết đi để ngày nay nẩy sinh hoa trái xum xuê là bao
nhiêu triệu người Công Giáo Việt Nam hiện nay. Chúng ta tề tựu về đây để tỏ
lòng tri ân các Thánh Tử Đạo Việt Nam, đồng thời cầu xin các Ngài thêm lòng tin
cho chúng ta hầu có đủ can đảm để chiến thắng những cám dỗ của thời đại mới này
là lòng ích kỷ, tham vọng tiền bạc, danh vọng và sự thờ ơ vô cảm trước những nỗi
khổ đau của người chung quanh.Xin cho mỗi người chúng ta sẽ trở thành những môn
đệ của Chúa, sẵn sàng mang tình yêu đến cho những người thân yêu trong gia
đình, trong cộng đoàn và cho mọi người mà chúng ta có cơ hội tiếp xúc. Có thế,
chúng ta mới xứng đáng là con cháu của các Thánh Tử Đạo Việt Nam.”
Thánh lễ tiếp tục sau bài giảng của Đức Giám Mục Phụ Tá. Trước khi kết thúc thánh lễ, ông Vũ Viết Quyền, Chủ Tịch Cộng Đồng CGVN thay mặt ban tổ chức dâng lời cám ơn qúy Đức Cha, các Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ, qúy Ban Thường Vụ các Cộng Đoàn, Ban, Ngành, Đoàn Thể đã sốt sắng cộng tác và tham dự Đại lễ Kính Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam, Bổn Mạng Của Cộng Đồng Công Giáo VN Giáo Phận Orange. Đức Giám Mục Kevin Vann cũng ngỏ lời chúc mừng Cộng Đồng CGVN nhân đại lễ Bổn mạng, và khen ngợi tinh thần sống đạo rất sốt sắng của các tín hữu Việt Nam.
Trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo VN, dưới triều vua
Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức trên 300 ngàn người Công Giáo đã bị giết vì nhất
quyết không bỏ đạo, không chịu bước qua cây Thập Giá. Trong số đó có 117 vị vừa
là các Giám Mục, Linh Mục Thừa Sai ngoại quốc đến giảng đạo, vừa là các linh mục,
giáo dân Việt Nam đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolo Đệ Nhị phong Thánh tại
Roma ngày 19/6/1988 và một vị thứ 118 là Anre Phú Yên, tử đạo ngày 26.7.1644
cũng được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo Đệ Nhị nâng lên bậc Chân Phước ngày
5 tháng 3 năm 2000. Vì thế, cách gọi đúng nhất phải là Các Thánh Tử Đạo Tại Việt
Nam.
Trước ngày cử hành Đại Lễ Kính Các Thánh Tử Đạo, LM Phạm Ngọc Hùng, Giám Đốc
TTCG đã gửi thư cho toàn thể tín hữu Công Giáo trong Cộng Đồng. Trong thư có đoạn
Linh Mục Phạm Ngọc Hùng viết: “Không nơi nào cho chúng ta một cảm xúc trào dâng
mãnh liệt như Đại Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, khi Tiếng nhạc oai hùng vang
trên khắp cõi trời Việt Nam được cất lên. Là những người Công Giáo Việt Nam,
chúng ta hãnh diện vì cha ông chúng ta là những người anh dũng tiến lên pháp
trường để minh chứng niềm tin của các ngài nơi Chúa Giêsu Kitô. Máu đào của các
ngài đã đổ ra đwể cho hạt giống đức tin được nẩy mầm và lớn mạnh…”
Cuối bức thư, LM Phạm Ngọc Hùng với tư cách Trưởng Ban Tổ Chức Đại Lễ viết:
“Song song với tâm tình tạ ơn và ngợi khen Thiên Chúa, chúng tôi chân thành ghi
ơn quý Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ, các hội đoàn, đoàn thể, cơ sở thương
mại, và các cá nhân đã cầu nguyện và góp công của để chúng ta có thể mừng Lễ
cách trang trọng. Kính xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho từng người trong
chúng ta.”
Thanh Phong – Viễn Đông
Vatican News Tiếng Việt: Nhật Bản vẫn được cho là một nước “đóng cửa” với dòng người di cư đang diễn ra trên thế giới. Sự “đóng cửa” này xuất phát từ nguyên nhân nào thưa cha?
Có nhiều nguyên nhân để nói về sự “đóng cửa” của nước Nhật đối với thế giới bên ngoài.
Trước hết đó là lý do địa lý. Nước Nhật bị tách biệt khỏi thế giới bên ngoài, bị bao phủ xung quanh bởi biển. Vậy nên, nước Nhật vốn tự bản chất ít có tương tác với thế giới bên ngoài.
Kế đến là lý do chính trị. Do nhiều mâu thuẫn, hoài nghi nên nước Nhật đã duy trì chính sách “bế quan toả cảng” một thời gian dài cho đến thời Minh Trị. Có thể nói đây là 2 nguyên nhân dẫn đến việc nước Nhật dường như đi bên lề những chuyển biến của thế giới, đặc biệt vấn đề đón nhận người di cư.
Tuy nhiên thời gian gần đây có rất nhiều tổ chức xã hội ở Nhật đang kêu gọi chính phủ mở rộng cửa hơn để tiếp nhận những người di cư do chiến tranh, xung đột hay mâu thuẫn chính trị.
Vatican News: Theo nhiều bài viết thì có một cộng đồng Việt Nam khá đông đang sinh sống tại Nhật Bản. Vậy, sự hội nhập của tín hữu Công giáo Việt Nam vào Giáo hội địa phương như thế nào?
Theo thông kê gần đây nhất, người Việt ở Nhật đã lên tới con số 370.000, chỉ đứng sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Người Việt ở Nhật bao gồm nhiều thành phần người di dân của những năm 80, gần đây là du học sinh, tu nghiệp sinh, kỹ sư.
Nhìn chung tiếng Nhật là rào cản lớn nhất trong việc hội nhập vào xã hội Nhật. Tiếng Nhật là một trong nhưng thứ tiếng khó học nhất trên thế giới.
Phong tục tập quán của Nhật cũng khá khác biệt so với những nước châu Á xung quanh nên việc hội nhập tương đối khó. Người Nhật yêu chuộng sự ngăn nắp, rõ ràng trong công việc và các tương quan.
Tuy nhiên, nói như thế không phải là không thể hội nhập vào xã hội Nhật. Những người đến Nhật từ những năm 80 đã hội nhập vào văn hoá Nhật rất tốt. Nhìn chung, người Nhật có thiện cảm nhiều đối với Việt Nam.
Những năm gần đây do số lượng người Việt đến Nhật quá đông và các công ty, trường học đưa người sang Nhật nhưng chưa trang bị cẩn thận kiến thức cơ bản dẫn đến những khó khăn trong việc hội nhập văn hoá và đời sống ở Nhật. Điều đặc biệt là người Nhật rất không thích sự ồn ào. Người Việt Nam thì khá thoải mái về vấn đề này nên đôi khi làm họ mất thiện cảm phần nào.
Gần đây, người Việt Nam đến Nhật với tư cách là sinh viên, thực tập sinh, kỹ sư… Điều này mang lại bộ mặt mới cho xã hội Nhật nhưng cũng là một thách đố. Làm sao để giúp các bạn trẻ này thật sự tìm được tương lai của mình ở Nhật là câu hỏi lớn dành cho xã hội cũng như Giáo hội Nhật. Nhiều nhóm xã hội, thiện nguyện của nhà nước, chùa và nhà thờ cũng hình thành để giúp các bạn trẻ Việt Nam ở Nhật hội nhập tốt hơn và thành công hơn.
Giáo Hội Nhật cũng dần mở ra hơn với di dân, đặc biệt người Việt Nam. Các thánh lễ Chúa Nhật nhiều nơi được cử hành với nhiều ngôn ngữ. Tiếng Việt cũng được đưa vào phụng vụ như bài đọc tiếng Việt trong thánh lễ, các lời cầu nguyện…
Vatican News: Trong chuyến viếng thăm tại Nhật, Đức Thánh Cha đề cập đến vấn đề “đón nhận người nhập cư” ra sao? Những lời chia sẻ của ĐTC có tác động như thế nào?
ĐTC luôn chủ trương đón nhận người di cư. Tuy nhiên, về phía xã hội Nhật mặc dù có những tiến bộ nhưng vẫn còn dè dặt. Đức Thánh Cha cũng đã đề cập đến vấn đề mở cửa đón nhận mọi người đặc biệt người nghèo, người di dân… Hy vọng thông điệp của Ngài sẽ giúp nước Nhật thay đổi nhiều hơn về mảng này.
Thánh ca Tiếng Việt được cất lên
Vatican News: Trong Thánh lễ do ĐTC chủ tế, cộng đoàn Công giáo Việt cũng đóng góp bài hát “Tán tụng Hồng ân”. Cha có thể chia sẻ sự tham gia của cộng đoàn người Việt trong chuyến viếng thăm lần này?
Ban tổ chức đề nghị tôi tìm 5 bạn trẻ Việt Nam để đại diện đi đón ĐTC tại toà Khâm sứ ngày 23/11, một người đọc lời nguyện và họ muốn mình hát một bài lúc hiệp lễ. Đề nghị này đến cũng khá bất ngờ.
Có một số lớn những người Việt đang sinh sống ở Nhật tham dự thánh lễ của ĐGH tại Nagasaki và Tokyo. Cũng có các phái đoàn từ Việt Nam sang với số lượng khiêm tốn hơn ở Thái Lan. Tuy nhiên, tất cả những ai hiện diện trong thánh lễ ở Tokyo Dome vừa qua đều xúc động khi nghe tiếng Việt vang lên trong thánh lễ. Đó là sự ưu ái của giáo hội Nhật dành cho người Việt.
Trong quá khứ, cộng đoàn Việt Nam ở Nhật chịu nhiều thiệt thòi hơn các cộng đoàn khác như Philippines, Tây Ba Nha, Brazil… Hiện nay Dòng Tên Nhật Bản có trung tâm dành cho người nói tiếng Tây Ban Nha, người Philippines, người Đức, người Trung Quốc nhưng chưa có trung tâm dành cho người Việt.
Tuy nhiên, những năm gần đây với sự tăng trưởng số người Việt đến Nhật Bản, Giáo hội Nhật bắt đầu quan tâm hơn đến chúng ta. Dòng Tên Nhật Bản cũng bắt đầu nghĩ đến chuyện đẩy mạnh hơn hoạt động dành cho di dân, đặc biệt cho người Việt Nam.
Chúng ta cám ơn Giáo hội Nhật vì những nỗ lực của họ trong việc cố gắng đồng hành về thiêng liêng với giáo dân Việt Nam tại Nhật. Đồng thời tôi thiết nghĩ người Công giáo Việt Nam tại Nhật đang được mời gọi để làm chứng cho Chúa ngang qua đời sống của mình trong môi trường vốn đang bị thế tục hoá của Nhật.
Chúng con xin chân thành cảm ơn cha!
Vatican News
Máy bay chở Đức Thánh Cha trở về Ý đã đáp xuống phi trường Fiumicino của Roma lúc 16:13. Đức Thánh Cha kết thúc chuyến tông du nước ngoài lần thứ 32, với chuyến viếng thăm hai quốc gia Thái Lan và Nhật Bản từ ngày 19-26/11.
Sau 12 giờ bay, chiếc máy bay Boeing 787 của hãng hàng không ANA (All Nippon Airways) của Nhật chở Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng và các ký giả từ Tokyo đã đáp xuống phi trường Roma lúc 16:13, gần 50 phút so với thời gian dự kiến.
Đức Thánh Cha kết thúc chuyến tông du nước ngoài lần thứ 32 và là chuyến viếng thăm châu Á lần thứ tư. Thái Lan và Nhật Bản, cả hai quốc gia đều có gốc rễ Kitô giáo từ nhiều thế kỷ, đã bày tỏ cho Đức Thánh Cha thấy niềm vui của đức tin và ý muốn tiếp tục hành trình truyền giáo và loan báo Tin Mừng của nhiều vị tử đạo và các chứng tá đã thực hiện trong lịh sử của họ.
Như thường lệ, khi về đến Roma, Đức Thánh Cha đã đến đền thờ Đức Bà Cả, cầu nguyện trước bức ảnh “Đức Bà là phần rỗi dân thành Roma”, trước khi trở về Vatican.
Hồng Thủy – Vatican
Giáo hội sẽ có thêm 1 vị thánh, 14 chân phước và 2 đấng đáng kính
Sáng 15.01 vừa qua, trong buổi tiếp kiến ĐHY Angelo Becciu, Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh, ĐTC Phanxicô đã cho phép Bộ Tuyên Thánh công bố các sắc lệnh nhìn nhận phép lạ liên quan đến chân phước Margarita Bays, nhìn nhận các cuộc tử đạo của nữ tu Maria del Carmen và 13 nữ tu cùng dòng; và nhìn nhận các nhân đức anh hùng của hai tôi tớ Chúa là nữ tu Anna Kaworek và nữ tu Maria Soledad Sanjurjo Santos.
1 tân hiển thánh
Trước hết, ĐTC chính thức nhìn nhận một phép lạ xảy ra nhờ lời chuyển cầu của chân phước trinh nữ Margarita Bays, dòng Ba Phanxicô. Đây là phép lạ cần thiết để chân phước được tuyên phong hiển thánh. Chân phước Margarita Bays sinh năm 1815 tại La Pierraz, Thụy sĩ, trong một gia đình nông dân. Chị làm thợ may tại nhà, và tuy chăm chỉ làm hết sức mình để đáp ứng nhiều nhu cầu của những người hàng xóm, chị không bao giờ lơ là việc cầu nguyện. Trong cuộc chiến văn hóa, chị đã ủng hộ báo chí Công giáo. Nhưng biến cố thay đổi chị triệt để chính là ơn được mang các dấu thánh. Sau đó, chị lại được lành bệnh ung thư ruột một cách lạ kỳ vào tháng 08.1854, trong khi ĐGH Pio IX tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội. Chị Margarita Bays qua đời ngày năm 1879 và được tuyên phong chân phước vào năm 1995.
14 tân chân phước
Trong sắc lệnh thứ hai, ĐTC nhìn nhận cuộc tử đạo của nữ tu Maria del Carmen, bề trên tổng quyền, và 13 nữ tu cùng dòng Phanxicô Đức Mẹ thu thai. Các chị đã bị giết tại Tây ban nha vào năm 1936 vì sự thù oán đức tin. Với sắc lệnh này, các chị sẽ được tuyên phong chân phước.
2 Đấng đáng kính
Trong 2 sắc lệnh tiếp theo, ĐTC nhìn nhận các nhân đức anh hùng của 2 vị Tôi tớ Chúa. Thứ nhất là nữ tu Anna Kaworek, đồng sáng lập dòng các nữ tu tổng lãnh thiên thần Micae, sinh tại Biedrzychowice, Balan, năm 1872 và qua đời năm 1936; thứ hai là nữ tu Maria Soledad Sanjurjo Santos, dòng Các Nữ tỳ Đức Maria phục vụ bệnh nhân, sinh tại Puerto Rico năm 1892 và qua đời năm 1973. (REI 15.01.2019)
Hồng Thủy – Vatican
ĐTC Phanxicô: Gọi Chúa là Cha như em bé gọi ba của mình
Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư, ngày 16.01, ĐTC Phanxicô tiếp tục loạt bài giáo lý về Kinh Lạy Cha. Liên kết với từ “Abbà”, cách Chúa Giêsu gọi Chúa Cha, ĐTC nhắc các tín hữu rằng Chúa Cha như người cha trong dụ ngôn người cha nhân lành, không bao giờ thôi yêu thương con cái mình, ngay cả khi con cái lỗi phạm. ĐTC mời gọi các tín hữu trong những thời điểm khó khăn, khi cảm thấy lạc xa Thiên Chúa, khi bị đè nặng trong cảm giác tội lỗi, khi cảm thấy bị bỏ rơi trong thế giới này, hãy tìm sức mạnh cầu nguyện với Chúa Cha, bằng tiếng gọi thân thương “Abbà”, như một đứa trẻ gọi cha của mình với tất cả sự tin tưởng phó thác.
Cốt yếu của lời cầu nguyện: gọi Thiên Chúa là “Abbà” – Cha
Bắt đầu bài giáo lý ĐTC nhận định rằng trong Tân ước, việc cầu nguyện dường như muốn đạt đến điều cốt yếu, đến độ chỉ chú trọng đến một lời: “Abbà, lạy Cha.” Và ĐTC giải thích: Trong thư gửi các tín hữu Rôma thánh Phaolô viết: “Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: ‘Áp-ba! Cha ơi’ (8,15). Và trong thư gửi các tín hữu Galát, thánh Phaolô nói: “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: ‘Áp-ba, Cha ơi!’ (Gl 4,6).
Lời cầu nguyện này được lặp lại 2 lần và cô đọng toàn bộ Tin mừng. Sau khi đã nhận biết Chúa Giêsu và lắng nghe lời giảng dạy của Người, Kitô hữu không còn xem Thiên Chúa như là một bạo chúa đáng sợ, không còn sợ hãi nữa nhưng cảm thấy trong tâm hồn mình nảy sinh sự tín thác nơi Người: anh ta có thể gọi Đấng Tạo Hóa là “Cha” khi thưa chuyện với Người. Thành ngữ này rất quan trọng đối với các Kitô hữu đến nỗi nó thường được giữ ở nguyên ngữ tiếng Aramaico “Abbà”.
Rất hiếm khi các thành ngữ tiếng Aramaico trong Tân ước không được dịch sang tiếng Hy lạp. Chúng ta phải tưởng tượng rằng các từ tiếng Aramaico này như được ghi âm lại từ tiếng nói của chính Chúa Giêsu: họ tôn trọng ngôn ngữ của Chúa Giêsu. Trong từ đầu tiên của Kinh Lạy Cha chúng ta gặp thấy ngay sự mới mẻ tận căn của kinh nguyện Kitô giáo.
Gọi Thiên Chúa là Cha như em bé gọi ba mình
Tiếp đến, ĐTC giải thích ý nghĩa của việc gọi Thiên Chúa là Cha. Nó không phải chỉ là cách dùng biểu tượng – trong trường hợp này là nhân vật người cha – để nối kết với mầu nhiệm của Thiên Chúa; ngược lại, có thể nói, toàn bộ thế giới của Chúa Giêsu ở trong trái tim của Người. ĐTC khẳng định rằng nếu chúng ta thực hiện hành động này, chúng ta có thể đọc Kinh Lạy Cha thật sự, vì như ĐTC nói: Việc thưa “Abbà” là điều gì đó thân thiết và cảm động hơn chỉ đơn giản gọi Thiên Chúa là “Cha”. Đó là lý do một vài người đã đề nghị dịch từ gốc Aramaico này thành từ “ba” hay “bố”. Thay vì gọi “Cha chúng con” thì nói “ba”, “bố”. Chúng ta tiếp tục đọc “Lạy Cha chúng con” nhưng với trái tim chúng ta được mời gọi gọi “Ba ơi”, được mời gọi có mối liên hệ với Thiên Chúa như một em bé với ba của mình, người mà em gọi là “ba” hay “bố”. Thật ra các cách gọi này gợi lên tình yêu thương, sự ấm áp, một điều gì đó đưa chúng ta vào trong khung cảnh của tuổi thơ: hình ảnh một em bé được vòng tay của người cha ôm choàng cho thấy sự dịu dàng chăm sóc vô vàn của người cha dành cho đứa con. Vì thế, để cầu nguyện tốt, cần có trái tim của một em bé, như một em bé trong vòng tay của người cha, của ba mình, của bố mình.
Thiên Chúa là Cha chỉ biết yêu thương
Nhưng chắc chắn rằng các Tin mừng dẫn đưa chúng ta đến ý nghĩa còn sâu xa hơn của từ này. Lời này có nghĩa gì đối với Chúa Giêsu? Kinh Lạy Cha có ý nghĩa và hay đẹp nếu chúng ta học đọc kinh này sau khi đã đọc dụ ngôn người cha thương xót trong chương 15 của Tin mừng thánh Luca (x. Lc 15,11-32). Chúng ta hãy tưởng tượng rằng kinh này được đứa con hoang đàng đọc, sau khi đã cảm nghiệm được vòng tay ôm của người cha, người đã chờ đợi suốt cả thời gian dài, một người cha không nhắc đến những lời bất hiếu mà đứa con nói với mình, một người cha giờ đây khiến đứa con hiểu cách đơn giản là ông đã nhớ mình bao nhiêu. Do đó, chúng ta khám phá ra những lời đó có sức sống, có sức mạnh thế nào. Và chúng ta tự hỏi: làm sao có thể là Ngài, hay Chúa, chỉ biết có yêu thương? Chúa không biết hận thù sao? Thiên Chúa sẽ trả lời. “Không! Ta chỉ biết tình yêu. Sự trả thù, đòi công lý, sự giận dữ vì danh dự bị tổn thương, nằm ở đâu nơi Chúa? Thiên Chúa trả lời: Ta chỉ biết tình yêu.
Người cha của dụ ngôn đó có những cách thức hành động mà làm chúng ta nhớ đến tấm lòng của một người mẹ. Điều đặc biệt là các bà mẹ tha thứ cho con cái họ, che dấu cho chúng, không mất đi sự đồng cảm đối với con cái, để tiếp tục yêu thương, ngay cả khi các con không còn xứng đáng với bất cứ điều gì.
Chỉ cần cầu nguyện với từ này – Abbà – bởi vì nó trở thành lời cầu nguyện Kitô giáo. Và thánh Phaolô, trong các thư của ngài, theo cùng hành trình này, và không thể khác hơn, bởi vì đó là con đường mà Chúa Giêsu đã dạy: trong lời cầu xin này có một sức mạnh thu hút tất cả phần còn lại của lời cầu nguyện.
Thai nghén của tình yêu
ĐTC nhấn mạnh đến tình yêu của Thiên Chúa, Cha chúng ta. ĐTC nói: Thiên Chúa tìm kiếm bạn, ngay cả khi bạn không kiếm tìm Người. Thiên Chúa yêu thương bạn, ngay cả khi bạn lãng quên Người. Thiên Chúa nhìn thấy một vẻ đẹp trong bạn, ngay cả khi bạn nghĩ rằng bạn đã phung phí tất cả tài năng của bạn một cách vô ích. Thiên Chúa không chỉ là một người cha, Người giống như một người mẹ không bao giờ ngừng yêu đứa con mình tạo nên. Đàng khác, có một "sự thai nghén" tồn tại mãi mãi, vượt trên chín tháng mang thai thể lý; đó là một sự thai nghén hình thành nên một mạch tình yêu vô tận.
Đối với một Kitô hữu, cầu nguyện đơn giản là thưa “Abbà”, thưa “ba”, thưa “bố”, gọi Chúa là “Cha” nhưng với sự tin tưởng của một đứa trẻ.
Trong khó khăn, hãy can đảm gọi Chúa “Abbà!”
Có thể là chúng ta cũng đang đi trên con đường xa cách Thiên Chúa, như đã xảy ra với đứa con hoang đàng; hoặc là trong sự cô đơn, chúng ta cảm thấy bị bỏ rơi trong thế giới; hay là chúng ta sai lỗi và bị tê liệt trong cảm giác tội lỗi. Trong những lúc này, chúng ta vẫn có thể tìm thấy sức mạnh để cầu nguyện bằng cách bắt đầu với từ “Abbà”. Thiên Chúa không dấu mặt đối với chúng ta; Người sẽ không khép mình trong sự im lặng: Người sẽ nói với chúng ta rằng Người không bao giờ không dõi theo chúng ta, và Người luôn ở đó, trung thành với tình yêu dành cho chúng ta.
Cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu
Vào cuối buổi tiếp kiến, ĐTC đã mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. ĐTC nói:
"“Thứ sáu này, với buổi đọc Kinh Chiều tại đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Kitô hữu sẽ bắt đầu, với đề tài: “Anh em hãy cố gắng trở nên người công chính đích thực ”. Trong năm nay, chúng ta cũng được mời gọi cầu nguyện, để tất cả Kitô hữu trở về với một gia đình duy nhất, theo mong ước của Chúa Giêsu, Đấng muốn “xin cho chúng nên một!” (Ga 17, 21). Mục đích của tuần cầu nguyện là phát triển một chứng tá chung và nhất quán trong việc khẳng định một nền công lý đích thực và hỗ trợ những người yếu đuối nhất, thông qua các hành động cụ thể, phù hợp và hiệu quả."
Hồng Thủy – Vatican
ĐTC thư đến gởi cuộc gặp các chủ tịch các Uỷ ban Giáo lý Đức tin
Đức Thánh Cha đã gởi thư đến các tham dự viên:
Anh em trong hàng giám mục quý mến!
Trong dịp gặp gỡ của các Chủ tịch Uỷ ban Giáo lý Đức tin thuộc Liên Hội đồng Giám mục Á châu và Bộ Giáo lý Đức tin từ ngày 15-18/1/2019 tại Bangkok, tôi vui mừng gởi đến anh em lời chào thăm huynh đệ.
Anh em họp nhau tại Châu Á, một châu lục rộng lớn được đánh dấu bởi sự đa dạng về văn hoá, ngôn ngữ và tôn giáo, để củng cố trách nhiệm chung của chúng ta vì sự hiệp nhất và toàn vẹn đức tin Công giáo, cũng như khám phá những ý nghĩa và phương thức mới làm chứng cho Tin Mừng giữa những thách đố của thế giới đương đại.
Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, tôi đã mời gọi toàn thể Giáo Hội “tiến về phía trước”. Tôi vui mừng khi biết rằng Bộ Giáo lý Đức tin đang hỗ trợ tích cực những công việc quan trọng của các Hội đồng Giám mục và đặc biệt các Uỷ ban Giáo lý Đức tin khi hỗ trợ và cỗ võ sự hợp tác hữu hiệu và huynh đệ giữa các mục Tử của Giáo hội Á châu .
Trong khi cầu nguyện cho cuộc gặp gỡ này trở nên cơ hội để bàn thảo một số vấn đề thuộc về Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô đặc biệt thích ứng với Châu Á, tôi vui mừng chúc lành cho tất cả mọi người tham dự trong cuộc gặp gỡ này.
Vatican 10/1/2019
Phanxicô
Đây là lần thứ hai cuộc gặp gỡ của các vị Chủ tịch các Uỷ ban giám mục về Giáo lý Đức tin diễn ra tại Châu Á. Lần đầu tiên diễn ra tại vào năm 1993 tại Hong Kong.Đây là lần thứ hai cuộc gặp gỡ của các vị Chủ tịch các Uỷ ban giám mục về Giáo lý Đức tin diễn ra tại Châu Á. Lần đầu tiên diễn ra tại vào năm 1993 tại Hong Kong. (Rei 15/1/2019).
Văn Yên, SJ