ĐTC Phanxicô gặp các thiếu nhi của Phòng Khám bệnh thánh Martha

ĐTC Phanxicô gặp các thiếu nhi của Phòng Khám bệnh thánh Martha

Sáng Chúa nhật 16/12, tại đại thính đường Phaolô VI, ĐTC Phanxicô đã gặp các thiếu nhi và các nhân viên của Phòng Khám bệnh thánh Marta. ĐTC đã chúc mừng Giáng sinh mọi người và các em bé đã mừng sinh nhật ĐTC.

“Làm việc với các trẻ em thật không dễ dàng” nhưng nó dạy chúng ta rằng “để hiểu được thực tại cuộc sống, cần hạ mình xuống, giống như chúng ta cúi xuống để hôn một em bé. Các trẻ em dạy chúng ta điều này. Những người kiêu căng tự mãn không thể hiểu được cuộc sống vì họ không thể hạ mình xuống.”

Đó là lời chia sẻ của ĐTC Phanxicô với các nữ tu dòng thánh Vinh sơn, với các tình nguyện viên của Phòng Khám bệnh thánh Marta, cũng như với cha mẹ và các em bé được cơ sở này trợ giúp.

Khả năng hạ mình xuống

Trong lời cám ơn các bác sĩ cũng như các nữ tu làm việc tại Phòng Khám bệnh thánh Marta, ĐTC nhận xét rằng chúng ta nói nhiều điều với các trẻ em nhưng lời dạy quan trọng nhất là hạ mình xuống.  ĐTC nói: Cúi xuống, hạ mình xuống, hãy khiêm nhường và như thế bạn học hiểu cuộc sống và hiểu con người. Và tất cả anh chị em có khả năng hạ mình xuống: cám ơn anh chị em nhiều về điều này.”

Bánh ngọt mừng sinh nhật ĐTC

Khi đi vào đại thính đường Phaolô VI, ĐTC đã chào từng em một của Phòng Khám bệnh và ngồi xuống trên bậc thềm với các em.

Các em đã đón tiếp ĐTC với những bài hát chúc mừng, một bài vũ Giáng sinh và một chiếc bánh lớn mừng sinh nhật thứ 83 của ĐTC vào ngày 17/12 hôm nay. ĐTC đã nói đùa rằng hy vọng là không có ai bị bội thực vì chiếc bánh to như thế.

ĐTC mời gọi mọi người tự hỏi xem Mẹ Maria sẽ làm gì nếu Chúa Giêsu Hài đồng, trong thời gian Giáng sinh, bị cảm cúm hay bị lạnh. Ngài nói: “Cha không chắc là ở Nazarét hay Ai cập có phòng khám bệnh hay không, nhưng cha chắc chắn rằng nếu Đức Mẹ ở Roma thì Mẹ sẽ đưa Chúa vào Phòng khám bệnh này, chắc chắn như thế.”

ĐTC đã nghe một vài em thiếu nhi và hai bà mẹ đến từ Pêru và Marốc trình bày chứng từ. Sau đó ngài đã mừng lễ Giáng sinh tất cả mọi người, tặng cho các em những chiếc vớ đầy những viên kẹo sôcôla nhỏ và chào các gia đình và các nhân viên trước khi từ giã họ.

Phòng Khám bệnh thánh Marta là cơ sở chăm sóc các trẻ sơ sinh đau bệnh. Cơ sở này cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em cho trẻ em gặp khó khăn, từ khắp nơi trên thế giới, không phân biệt chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo.

Hồng Thủy, Vatican

ĐTC Phanxicô kêu gọi giới báo chí đừng lên án

ĐTC Phanxicô kêu gọi giới báo chí đừng lên án

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong cuộc phỏng vấn dành cho giới báo chí cùng đi với ngài trong chuyến bay tối chúa nhật 26-8-2018 từ Dublin Ailen trở về Roma.

 Một ký giả hỏi: tại Pháp có một linh mục yêu cầu ĐHY Barbarin, TGM Lyon, hãy từ chức vì bị cáo buộc là bao che các LM bị cáo lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, ĐTC nghĩ sao? Ngài đáp:

 ”Nếu có những ngờ vực, với bằng chứng hoặc bằng chứng một nửa, thì tôi không thấy có gì là xấu khi thực hiện một cuộc điều tra, và luôn luôn cần tiến hành theo nguyên tắc cơ bản về pháp luật: ”Không ai bị coi là xấu nếu người ta không chứng minh được điều đó” (nemo malo nisi probetur). Bao nhiêu lần người ta bị cám dỗ coi ngay người bị cáo là người có tội, như một số cơ quan truyền thông vẫn làm – không phải quí vị ở đây. Cách đây 3 năm tại Granada bên Tây Ban Nha, xảy ra vụ một nhóm 7, 8 linh mục bị cáo là lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên và tổ chức những vụ liên hoan dâm dục. Tôi đã nhận được lời cáo buộc này trong một thư do một người trẻ 23 tuổi viết. Đức TGM Granada đã làm tất cả những gì phải làm và vụ này được đưa tới cả tòa án dân sự. Các LM ấy đã bị báo chí kết án, người ta tạo nên một bầu không khí thù nghịch và oán ghét đối với các linh mục ấy, và họ chịu đau khổ, tủi nhục. Nhưng kết luận là tòa án nhìn nhận các LM ấy là những người vô tội và kẻ tố cáo bị kết án phải trả án phí.

 Và ĐTC nói với các ký giả rằng: ”Công việc của các bạn thật là tế nhị, các bạn đưa tin, nhưng không luôn luôn coi người bị cáo là vô tội theo luật pháp, cho đến khi họ bị kết án, và đừng coi họ là người có tội trước khi có án lệnh chung kết”.

 Chiều kích luân lý của phá thai và đồng tính luyến ái

 Về vấn đề phá thai mới được đa số dân chúng ủng hộ trong cuộc trưng cầu dân ý hồi cuối tháng 5 vừa qua, một ký giả hỏi ĐTC xem ngài cảm thấy thế nào về vụ này, ĐTC đáp:

“Về phá thai, các bạn đã biết tôi nghĩ gì: đây không phải là một vấn đề tôn giáo, chúng ta không chống phá thai vì lý do tôn giáo. Đó là một vấn đề nhân loại học về đặc tính luân lý của hành động loại bỏ một hữu thể đang sống để giải quyết một vấn đề”.

 Về vấn đề đồng tính luyến ái, ĐTC được hỏi xem ngài sẽ nói gì với một người cha khám phá thấy con của ông là một người đồng tính luyến ái? Ngài đáp:

 ”Tôi sẽ nói trước tiên ông hãy cầu nguyện, chứ đừng lên án, rồi đối thoại, tìm hiểu, dành cho con mình, trai hoặc là gái. Sau đó tùy tuổi khi sự đồng tính luyến ái được biểu lộ. Tôi không bao giờ nói im lặng là một giải pháp. Cố tình không biết đến người con mình, trai hoặc gái, đồng tính luyến ái, là một sự lỗi bổn phận làm cha, làm mẹ. Ba là cha của con, mẹ là mẹ của con, chúng ta hãy nói chuyện với nhau, ba hoặc má không đuổi con ra khỏi gia đình”.

Giuse Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha thăm Giáo Xứ Thánh Thể ở Roma

Đức Thánh Cha thăm Giáo Xứ Thánh Thể ở Roma

ROMA. ĐTC kêu gọi các tín hữu ở lại trong tình yêu Chúa và chăm sóc tha nhân, đồng thời đừng nói hành nói xấu người khác.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong bài giảng thánh lễ chiều chúa nhật 6-5-2018 tại giáo xứ Thánh Thể ở khu vực Tor de' Schiavi ở mạn đông thành Roma, nơi ngài đến viếng thăm mục vụ. Đây là giáo xứ thứ 18 trong giáo phận được ngài viếng thăm từ khi làm Giáo Hoàng và là xứ thứ 3 trong năm nay.

Diễn giải bài Tin Mừng chúa nhật thứ 6 Phục Sinh, trong đó Chúa Giêsu dạy các môn đệ: ”Các con hãy ở lại trong tình thương của Thầy”, lời nhắn nhủ của Chúa trước khi ra đi chịu chết, ĐTC nói: ”Tình yêu không phải là điều chúng ta thấy trong các phim ảnh.. Tình yêu là vác đỡ gánh nặng, là chăm sóc người khác… Trong bài đọc thứ hai, có một câu mở mắt chúng ta: tình yêu luôn đi trước. Tình thương của Thiên Chúa được biểu lộ nơi chúng ta qua điều này: Chúa đã sai Con của Ngài đến với chúng ta”.

ĐTC cũng nhận xét rằng “nhiệt kế đo lường tình yêu là cái lưỡi: không nói hành nói xấu người khác. Nếu giáo xứ này thành công trong việc không bao giờ nói xấu người khác, thì đáng được phong thánh.. Anh chị em hãy cố gắng đừng nói xấu ngừơi khác”.

Sau bài giảng, ĐTC đã ban bí tích thêm sức cho một bà mẹ Paolo Desideri và người con gái 12 tuổi, Maya, bị bệnh ”ty lạp thể” (mitocondriale) không nói được. Em diễn tả được nhờ tình thương của bà mẹ và em tỏ ra rất gắn bó cới cuộc sống”.

Trước đó, khi đến giáo xứ vào lúc gần 4 giờ chiều, ĐTC đã được Đức TGM giám quản Roma Angelo De Donatis, cùng với ĐHY José Gregorio Rosa Chavez, GM Phụ tá tổng giáo phận San Salvador, thánh đường giáo xứ này là nhà thờ hiệu tòa của ngài. Ngoài ra có ĐHY Luis Antonio Tagle, TGM Manila và cũng là Chủ tịch Caritas quốc tế đón tiếp. Ngài có liên hệ tới việc thành lập ”Nhà Vui Mừng” tại xứ đạo này. Tại Giáo xứ, ngoài cha xứ, cha phó còn có 3 LM cộng tác viên.

Ngài đã làm phép khánh thành nhà khuyết tật, tên là ”Nhà Vui Mừng” mới được giáo xứ thành lập, và có 7 người trẻ khuyết tật được đón nhận tại đây. Tại đây có 2 nữ tu và một nữ giáo dân trợ giúp. Tiếp đến ĐTC trở lại nhà thờ, giải tội 3 tín hữu và cử hành thánh lễ lúc 5 giờ rưỡi.

Vào đầu cuộc viếng thăm, ĐTC đã gặp gỡ và trả lời 4 câu hỏi do các đại diện cha mẹ, người trẻ, thiếu niên và một em bé nêu lên, rồi viếng thăm người già và các bệnh nhân, những người hoạt động bác ái. (Rei 6-5-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha nhắn nhủ các cha giải tội

Đức Thánh Cha nhắn nhủ các cha giải tội

VATICAN. ĐTC nhắn nhủ các cha giải tội hãy trở thành dụng cụ lòng thương xót của Chúa và trở thành người biết lắng nghe.

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ sáu 9-3-2018 dành cho 640 LM trẻ, phó tế và chủng sinh ở những năm cuối vừa kết thúc khóa học về tòa trong do Tòa Ân giải tối cao tổ chức.

ĐTC nói: ”Cha giải tội không phải là nguồn mạch lòng thương xót nhưng là một dụng cụ không thể thiếu được của lòng thương xót. Ý thức về điều này sẽ giúp chúng ta thận trọng để tránh nguy cơ trở thành chủ nhân của các lương tâm, nhất là trong tương quan với người trẻ, là những người dễ bị ảnh hưởng. Nhớ mình là và chỉ là dụng của hòa giải chính là điều kiện đầu tiên để có thái độ khiêm tốn lắng nghe Chúa Thánh Linh, Đấng bảo đảm một nỗ lực phân định chân chính”.

Tiếp đến, ”LM phải là người biết lắng nghe những câu hỏi trước khi trả lời. Thật là một thái độ sai lầm khi trả lời trước khi lắng nghe những câu hỏi của người trẻ và nếu cần hãy tìm cách giúp họ nêu lên những câu hỏi đích thực. Cha giải tội được kêu gọi trở thành người lắng nghe: nghe hối nhân và lắng nghe tiếng Chúa Thánh Linh. Khi thực sự lắng nghe người anh em trong cuộc trao đổi trong khuôn khổ bí tích, tức là chúng ta lắng nghe chính Chúa Giêsu, nghèo và khiêm tốn; khi lắng nghe Thánh Linh, chúng ta đặt mình trong tư thế chăm chú vâng phục, chúng ta trở thành những người lắng nghe Lời Chúa và vì thế, chúng ta mang lại một sự phục vụ lớn hơn cho những hối nhân trẻ: chúng ta đặt họ tiếp xúc với chính Chúa Giêsu”.

ĐTC cũng nhắn nhủ các cha giải tội hãy giúp người trẻ biết phân định về ơn gọi của họ. Một người trẻ phải có thể nghe tiếng Chúa hoặc trong lương tâm của họ hoặc qua sự lắng nghe Lời Chúa. Trên con đường quan trọng này, điều quan trọng là người trẻ được nâng đỡ nhờ sự đồng hành khôn ngoan của cha giải tội, khi cần vị ấy có thể trở thành cha linh hướng của người trẻ theo lời họ xin. (Rei 9-3-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Thư của các trẻ em con tù nhân gửi ĐTC Phanxicô

Thư của các trẻ em con tù nhân gửi ĐTC Phanxicô

Chiều thứ sáu ngày 02/03/2018, trong tinh thần “thứ sáu lòng thương xót”, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã viếng thăm “Casa di Ledo”, nơi dành cho các nữ tù nhân có con nhỏ, và ngài đã nhận được một lá thư, với nội dung như sau:

Kính thưa Đức Thánh Cha yêu quý, chúng con là những người vô hình.

Chúng con là một vài người trong hàng ngàn bé trai và bé gái của các cha mẹ bị giam trong các nhà tù ở Italia, những người sống với cha mẹ trong tù hay chúng con đi tìm các ngài.

Chúng con chỉ là những dấu chân để lại trên các nền nhà bẩn thỉu và lạnh lẽo, nơi chúng con đến sau những cuộc hành trình mệt mỏi để gặp gỡ hay biết cha mẹ chúng con lần đầu tiên hoặc lớn lên trong bạo lực và bỏ rơi.

Để bảo vệ phẩm giá của những người cha mẹ là tù nhân, họ nói dối để chúng con tin và đi vào một trường học hoặc nơi làm việc, “nơi người ta xây các tòa tháp, sản xuất các chiếc tàu và máy bay.” Nhưng chúng con biết rằng ở những nơi này không có những máy bay bay và không có biển. Cha mẹ chúng con, trước mặt chúng con, xấu hổ về những sai lầm, lỗi phạm của họ. Các bà mẹ của chúng con, trước mắt chúng con, xấu hổ ngay cả khi phát âm từ “nhà tù.”

Để tiếp cận cha mẹ chúng con trong những nhà tù khốn khổ và không thể tiếp cận được, mất hút trong các vùng quê heo hắt và không thể giao tiếp, chúng con phải trả tiền cho những chuyến đi mệt mỏi bằng tàu hỏa, với những đồng tiền của cảm xúc và nỗi sợ hãi. Những lo ngại tràn ngập trong những cơn ác mộng hàng đêm của chúng con và nỗi  lo sợ về sự gia tăng các con đường đưa chúng con đến gần nhà tù.

Để có một vòng tay ôm, chúng con đã băng qua nước ý, trên các chuyến tàu đông nghẹt, với các bà mẹ của chúng con đùm đề các gói đồ và những đứa em nhỏ trên tay. Chúng con khởi hành từ Sicilia để đến Milan, từ Venice đến Palermo. Chúng con đến mơi mệt nhừ và phải chờ đợi hàng giời dưới mưa lạnh, dưới ánh mặt trời thiêu đốt.

Chúng con bị lùng bắt, tra xét tận trong người bởi những bàn  tay của những người lớn xa lạ, họ lấy đi đồ chơi nhồi bông, những thứ đồ chơi nghèo nàn là bạn của chúng con, để mở chúng ra, kiểm soát, thỉnh thoảng họ còn cởi quần lót của chúng con để đảm bảo rằng các bà mẹ của chúng con  không giấu ma túy trong người chúng con.

Chúng con là những bông hoa mong manh trong sa mạc của nạn quan liêu và các biện pháp an ninh, trong sự thờ ơ của người lớn bị tha hóa bởi công việc xấu xa và bạo lực. Chúng con là dấu ấn trên các bức tường bị rong rêu, trên các cửa sổ của nơi đếm tiền. Đối với nhiều người, chúng con là tài liệu thống kê, con số: 4500 trẻ em có mẹ bị giam trong tù, khoảng 90.000 em có cha là tù nhân. Đối với những người khác chúng conlà công cụ tuyên truyền, ngay cả cha mẹ chúng con đôi khi cũng lượng giá về chúng con.

Và đây là cách mà, từ ngày này sang ngày khác, các trẻ em chúng con bước vào cuộc sống im lặng hàng ngày, cuộc sống có những lời nói được nói và không được nói, của nơi chốn và không nơi chốn. Như thể chúng con được sinh ra lần thứ hai, chúng con trở thành con của các tù nhân như thế. Và mỗi ngày và mọi nơi chúng con đi, từ trường học  đến khu phố nơi chúng con sinh sống, chúng con phải trả giá đắt đỏ cho những sai lầm mà chúng con không bao giờ phạm phải.

Chúng con là con cái của sự phức tạp, nghèo đói, không hiểu biết. Sự kỳ thị xã hội đè nặng trên chúng con. Chúng con sống trong sự cô đơn với chỉ một người, cha hay mẹ, không thể dành nhiều thời gian vì phải làm việc để hỗ trợ gia đình, bởi vì họ phải đi đến các luật sư để bảo vệ người tù khác, hoặc bởi vì chúng con sống chung với nhau trong các gian phòng chật chội và quá tải, nơi cha mẹ không có thời gian để yêu, để phát triển sự bình thản, nơi người ta  không sống một sự tăng trưởng bình thường, nơi đôi khi họ  thậm chí không có thời gian để ôm chúng ta.

Nhiều lần chúng con bị những người thân hoặc bạn bè bỏ rơi, hoặc thậm chí cả các gia đình chưa quen biết, ở trường chúng tôi bị gạt ra ngoài lề và bị những người bạn của chúng con tránh xa. Khi chúng con nói về các đề tài hay  ý nghĩ về bố mẹ chúng con, để không bị chỉ ra, chúng con nói rằng cha chúng con làm việc ở các quốc gia xa lạ và xa xôi và mẹ chúng con là một nữ hoàng

Để tự bảo vệ mình, chúng con trở nên hung dữ và bất khả kháng, nhưng chúng con không phải là kẻ xấu. Đó là những người khác nhìn chúng con và muốn chúng con như thế. Chúng con là con của các tù nhân.

Kính thưa Cha, cảm ơn Cha ngày hôm nay đã đưa tay ra, nhớ đến chúng con trong lời cầu nguyện với Chúa và xin tha thứ cho cha mẹ chúng con. Chúng con yêu họ bất chấp tất cả mọi thứ, vì đối với chúng con họ luôn là người giỏi nhất, họ là những anh hùng của chúng con mà với một vòng tay ôm họ làm cho tất cả các quái vật đêm đen biến mất và chúng con sẽ không đổi họ với toàn bộ vàng trên thế giới.

Thưa Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng con chỉ xin được nhìn nhận như chúng con là: các trẻ em. Chúng con đã “may mắn” khi có một người mẹ bị giam ở một trong những nhà tù của Roma và điều này cho phép chúng con gặp những người yêu thương lo lắng cho chúng con.

Nhiều ông bà, các nhà hoạt động và thiện nguyện viên của các tổ chức xã hội đã tạo cho chúng con cơ hội khác ở nhà tù. Họ đã cung cấp cho chúng con chỗ ở với không gian đầy màu sắc và ấm áp, nơi mà chúng con có thể sống một cuộc sống bình thường hơn, đi học như những người khác, chơi và sống trong thời gian các bà mẹ của chúng con phải trả nợ của họ cho xã hội và công lý.

Trong nhiều năm, những người ông bà này đấu tranh để đảm bảo quyền lợi của chúng con, để đảm bảo cho chúng con sự tiếp nhận thân thiện như trẻ em, để chúng con ở lại với cha mẹ như khi ở nhà, ngồi trên ghế sofa hoặc trên thảm để vẽ.

Họ gần gũi với chúng con, họ giúp mẹ chúng con giải quyết vấn đề, giúp có tương lai, giáo dục chúng con tôn trọng, họ cố gắng đem lại cho chúng con những cảm giác mà những người khác từ chối đối với chúng con.

Các trẻ em chúng con phụ thuộc vào người lớn, nếu quý vị  bỏ rơi chúng con, chúng con là sự sợ hãi, nếu quý vị nhìn  nhận chúng con,  chúng con là tình yêu. Nhưng chúng con muốn lớn lên, học hỏi, lắng nghe và trên tất cả chúng ta muốn thay đổi số phận đáng xấu hổ của chúng con và của cha mẹ chúng con.

Hôm nay Đức Thánh Cha che chở chúng con với tình yêu bao la của cha, củng cố chúng con với sự dịu dàng, đón tiếp chúng con cách yêu thương trong căn nhà bao la của Thiên Chúa.

Chúng con cầu nguyện xin Chúa gìn giữ Đức Thánh Cha

Chúng con cầu nguyện xin Chúa ban cho Đức Thánh Cha sức mạnh cần thiết để đón nhận những điều ác và sự đau khổ của thế giới.

Nhiều trẻ em như chúng con, đang chết thê thảm trong im lặng và thờ ơ, trong bạo lực của cuộc chiến gây ra bởi hận thù và oán giận của những người trên thế giới không muốn nhìn thấy và không biết yêu thương.

Đức Giáo hoàng Phanxicô rửa tội cho bé gái bại não ở Lima

Đức Giáo hoàng Phanxicô rửa tội cho bé gái bại não ở Lima

Một trong những hoạt động cuối cùng của Đức Giáo hoàng Phanxicô tại Pêru là rửa tội cho bé gái Danielita, một bé gái bị bại não.

Báo chí Pêru thuật lại lời của những người tình nguyện tại “nhà thánh Phêrô”, là căn nhà chăm sóc bé Danielita, bị cha mẹ bỏ rơi khi chỉ mới được 3 tháng vì bị bệnh hiểm nghèo.

Nhân viên nhà thánh Phêrô đã ao ước có thể gặp Đức Giáo hoàng từ khi ngài đến Lima, thủ đô Pêru, và đã tìm cách có thể chào ngài bên ngoài tòa sứ thần ở Lima. Những nhân viên tình nguyện kiên nhẫn đứng sau những hàng rào, cùng với Danielita. Cuối cùng khi Đức Giáo hoàng trở vào tòa sứ thần sau Kinh Truyền tin tại quảng trường de Armas, một nhân viên an ninh đã nhìn thấy họ và đưa nhóm nhỏ này đến gặp Đức Giáo hoàng.

Margarita Navarro, một tình nguyện viên của nhà thánh Phêrô kể: “Khi nhìn thấy chúng tôi, ngay lập tức Đức Giáo hoàng đến gần và hỏi chúng tôi về bé Danielita và cha mẹ của bé đâu. Tôi nói với ngài là em là trẻ mồ côi và chưa được rửa tội. Lúc đó Đức Giáo hoàng đã yêu cầu mang nước đến và ngài đã rửa tội cho em trước mặt chúng tôi.”

Danielita đã 15 tuổi nhưng vì bị bệnh nên cần được chăm sóc giúp đỡ, là một trong số 29 bệnh nhân, 8 trẻ vị thành niên và 21 người lớn, được đón tiếp và yêu thương tại nhà thánh Phêrô, do Dòng truyền giáo các thánh Tông đồ điều hành. (Sismografo 23/01/2018)

Hồng Thủy

Giáo hội Công giáo Ấn độ lên án việc tấn công các linh mục và chủng sinh

Giáo hội Công giáo Ấn độ lên án việc tấn công các linh mục và chủng sinh

New Delhi – Giáo hội Công giáo Ấn độ  lên án việc tấn công hai Linh mục và 30 chủng sinh ở Madhya Pradesh, những người đã bị nhóm tín hữu Ấn giáo cực đoan chặn giữ.

Trong một tin tức được truyền đi, Đức cha Theodore Mascarenhas, Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Ấn độ cho biết các Giám mục Ấn độ bày tỏ sự lo sợ và đau khổ về bạo lực bất công chống lại các tín hữu Công giáo và các ngài lên án những sự kiện quấy rối chống lại Giáo hội Công giáo tại Ấn độ trong những tháng vừa qua.

Đức cha Mascarenhas than phiền về việc các Linh mục và chủng sinh của Học viện Thần học thánh Ephrem đã bị một nhóm tín hữu Ấn giáo cực đoan chặn giữ trong khi họ đang thực hiện một chương trình hát thánh ca Giáng sinh, là chương trình đã được thực hiện từ 30 năm qua. Đức cha nói thêm rằng điều gây sốc hơn nữa là 8 Linh mục khác đến trạm cảnh sát để hỏi thăm tin tức của các Linh mục và chủng sinh này cũng đã bị bắt giữ.

Theo Đức cha Mascarenhas, nhóm Ấn giáo cực đoan tố cáo các Linh mục và chủng sinh hát thánh ca để cải đạo các tín hữu Ấn giáo là “điều không có chứng cứ và vô lý.” Hơn nữa, sự đồng lõa của cảnh sát thật là đáng ghê tởm và kinh khủng khi đã cầm giữ các chủng sinh và Linh mục và không có phản ứng gì khi họ bị hành hung. Đức cha nói: “Việc lạm dụng lực lượng cảnh sát và phá vỡ an ninh công cộng là điều không thể chấp nhận được trong một nền dân chủ và trong một xã hội văn minh.”

Đức cha Mascarenhas nhấn mạnh đến sự trầm trọng của sự việc khi chỉ cách đó ít ngày, trong khi chúc mừng Giáng sinh, phó tổng thống Ấn độ đã khen ngợi sự đóng góp của các tín hữu Công giáo cho sự phát triển của quốc gia. Đức cha nói tiếp trong thông cáo rằng đã đến lúc cần vượt lên trên những lời nói và hứa hẹn. Bạo lực thật nguy hiểm. Ngài kêu gọi giới lãnh đạo chính trị tái lập trật tự công cộng và hành xử cách nghiêm khắc chống lại các tội phạm làm tổn hại công việc của các lãnh đạo, những người muốn mang lại hòa bình và phát triển cho dân chúng.

Đức cha nhắc lại rằng cộng đồng Kitô giáo được các lãnh đạo chính trị và xã hội nhìn nhận như “một cộng đồng yêu chuộng hòa bình” và cộng tác với chính quyền trung ương và tiểu bang khi dấn thân xây dựng xã hội. Đức cha khẳng định là Giáo hội tiếp tục việc làm này nhưng đã đến lúc các lãnh đạo cần đi xa hơn lời hứa và bảo đảm rằng mọi công dân Ấn độ có thể sống mà không sợ hãi, với sự tôn trọng và phẩm giá.

Hôm 14/12, 30 chủng sinh và 2 Linh mục ở Madhya Pradesh muốn đi đến một ngôi làng để hát thánh ca Giáng sinh. Họ đã bị nhóm Ấn giáo cực đoan bắt giữ và đốt xe(Asia News 16/12/2017)

Hồng Thủy

 

Tổng giáo phận San Francisco được thánh hiến cho Trái tim vô nhiễm Đức Mẹ

Tổng giáo phận San Francisco được thánh hiến cho Trái tim vô nhiễm Đức Mẹ

 “Trái tim Đức Maria là cửa thiên đàng”, Đức tổng giám mục Salvatore J. Cordileone đã nói với hàng ngàn tín hữu hành hương đứng chật kín trong nhà thờ Đức Maria như thế hôm 07/10, trong lễ thánh hiến tổng giáo phận San Francisco cho Trái tim vô nhiễm Đức Maria.

Khoảng 8 giờ sáng, giáo dân từ các giáo xứ trên toàn tổng giáo phận  tiến vào nhà thờ và các mầu nhiệm Mân côi mùa vui chung với nhau. Hơn 1500 tín hữu hành hương từ các giáo xứ thuộc miền truyền giáo do cha Moises Agudo của xứ thánh Phêrô đã đi bộ đến. Lúc 10 giờ, đức tổng giám mục Cordileone và vài chục linh mục đã cử hành Thánh lễ.

Trong bài giảng, đức tổng giám mục Cordileone nói rằng khía cạnh siêu nhiên của Fatima đã bao phủ sứ điệp mà Đức Mẹ trao cho chúng ta. Đức cha nói: “Cả 100 năm nay chúng ta đã làm ngơ trước sứ điệp Fatima. Thế kỷ kế tiếp có thể khác biệt hoàn toàn với thế kỷ trước đó, nhưng chỉ khi chúng ta lắng nghe sứ điệp và thực hành các mệnh lệnh.”

Đức cha Cordileone nói rằng như Mẹ Maria có một vai trò trong việc làm mẹ Con Thiên Chúa, Mẹ cũng có vai trò đặc biệt trong việc sinh ra mỗi người chúng ta trong cuộc sống trong con của Mẹ. Ngài nói chúng ta cần người nâng chúng ta dậy và đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu trong các bí tích, trong lời Người, bởi vì chúng ta quá yếu để có thể đến với Người bằng sức chúng ta. Trong sự hiện diện của người mẹ, Đức Maria ở đó để chuyển cầu cho chúng ta.

Đức cha Cordileone cũng nhắc lại 3 công thức của hòa bình và ơn cứu độ: lần hạt Mân côi hàng ngày, giữ ngày thứ sáu như việc đền tội và siêng năng xưng tội, và tham gia việc chầu Thánh Thể.

Đức cha liên kết chiến tranh, diệt chủng và bách hại Kitô hữu và các tôn giáo thiểu số với bạo lực súng đạn, phá thai, giết người êm dịu, nghiện ngập và suy đồi luân lý là hậu quả của căn bệnh tinh thần thờ phượng chính mình thay vì thờ Chúa. Ngài nói rằng chỉ có vũ khí tinh thần mới có thể chữa lành căn bệnh tinh thần ở gốc rễ của những đau khổ tinh thần và thể lý trong thế giới hôm nay. Ngài nói: “Đã đến lúc từ bỏ qua một bên sự kích động và đáp lại các mệnh lệnh của Mẹ Fatima.”

Sau Thánh lễ, các tín hữu đã cùng đức tổng giám mục Cordileone rước kiệu Đức Mẹ từ nhà thờ chính tòa qua các đường phố lân cận và đọc kinh Lòng Chúa Thương xót. Sau khi rước tượng Đức Mẹ về lại nhà thờ, đức cha đã đọc Kinh Thánh hiến. Đức cha cầu nguyện: “Nữ vương hòa bình, xin cầu cho chúng con. Xin ban cho thế giới hòa bình mà tất cả chúng con chờ mong.” (CNS 13/10/2017)

Hồng Thủy

 

Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Gia Đình Vinh Sơn Phaolô

Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Gia Đình Vinh Sơn Phaolô

VATICAN. ĐTC cám ơn và khuyến khích toàn thể Đại gia đình dòng Thánh Vinh Sơn Phaolô và ngài đề cao giá trị và thời sự tính của Thánh Nhân.

ĐTC bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp công bố hôm 27-9-2017, lễ kính Thánh Vinh Sơn Phaolô và cũng là dịp kỷ niệm 400 năm đoàn sủng của thánh nhân, dấn thân phục vụ và săn sóc người nghèo.

ĐTC nhắc đến sự kiện năm 1617, Thánh Vinh Sơn Phaolô bấy giờ 40 tuổi, đã khám phá ơn gọi, đoàn sủng, cứu giúp những người nghèo. Trong tư cách là một cha sở miền quê, ngài chứng kiến tình trạng lầm than trầm trọng về vật chất cũng như tinh thần của các nông dân. Được gọi đến bên giường của một người thợ xay bột sắp qua đời, cha xúc động đến tận thẳm sâu trong tâm hồn. Vinh Sơn Phaolô trước đó đã vào hàng giáo sĩ với chủ ý tiến thân trên đường ”công danh sự nghiệp”, nay ngài ý thức về sứ mạng đích thực là loan báo Tin Mừng và cứu giúp những người nghèo khổ.

Trong sứ điệp sau khi gợi lại những nét nổi bật trong cuộc đời và hoạt động bác ái của thánh Vinh Sơn Phaolô, ĐTC khẳng định rằng: ”Nơi trọng tâm Gia đình Vinh Sơn có sự tìm kiếm ”những người lầm than nhất và bị bỏ rơi”, với ý thức quyết liệt rằng mình không xứng đáng cung cấp cho họ những việc phục vụ khiêm tốn nhất của chúng ta” (Correspondance, Entretiens, documents, XI, 392).

”Chứng tá bác ái của thánh Vinh Sơn mời gọi chúng ta luôn tiến bước, sẵn sàng để cho mình được cái nhìn và Lời Chúa làm cho ngạc nhiên. Chứng tá ấy yêu cầu chúng ta hãy có tâm hồn bé nhỏ, hoàn toàn sẵn sàng và khiêm tốn ngoan ngãn, thúc đẩy chúng ta sống hiệp thông huynh đệ và can đảm thi hành sứ mạng trên thế giới. Chứng tá của thánh Vinh Sơn cũng yêu cầu chúng ta loại bỏ những ngôn ngữ phức tạp, những thứ hùng biện tự tham chiếu và những gắn bó với an ninh vật chất, có thể trấn an nhất thời, nhưng không phú an bình của Thiên Chúa và thậm chí còn cản trở sứ mạng”.

ĐTC cũng viết rằng: ”Đức bác ái không hài lòng với những tập quán tốt lành quá khứ, nhưng biết biến đổi hiện tại. Đó là điều càng cần thiết ngày nay, trong những biến chuyển phức tạp của xã hội hoàn cầu hóa, trong đó một số hình thức làm phúc bố thí và trợ giúp, tuy được những ý hướng quảng đại thúc đẩy, nhưng chúng có nguy cơ nuôi dưỡng những hình thức bóc lột và bất hợp pháp, không mang lại những lợi ích thực sự và lâu bền”.

Sau cùng, ĐTC khẳng định rằng ”Tấm gương của thánh Vinh Sơn thúc đẩy chúng ta dành chỗ và thời giờ cho người nghèo, những người nghèo mới này nay, quá nhiều người nghèo hiện nay, biến những tư tưởng và cơ cực của họ thành của chúng ta, vì một Kitô giáo không có tiếp xúc với những người đau khổ thì trở thành một Kitô giáo thiếu thực tế, không có khả năng động chạm đến thân mình Chúa Kitô. Gặp gỡ người nghèo, dành ưu tiên cho người nghèo, mang lại tiếng nói cho người nghèo, để sự hiện diện của họ không bị thứ văn hóa phù du bóp nghẹt. Tôi nồng nhiệt hy vọng việc cử hành Ngày Thế giới người nghèo vào chúa nhật 19-11 tới đây sẽ giúp chúng ta ”trong ơn gọi theo Chúa Giêsu nghèo”, ngày càng trở thành dấu chỉ cụ thể rõ ràng hơn về tình bác ái của Chúa Kitô đối với những người rốt cùng và túng thiếu nhất, và phản ứng chống lại thứ văn hóa gạt bỏ và phung phí” (Sứ điệp ĐTC nhân Ngày Thế giới người nghèo 13-6-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Giáo hội Syro-Malankara thành lập giáo phận mới

Giáo hội Syro-Malankara thành lập giáo phận mới

Trung tâm Công giáo của Giáo hội Công giáo Syro-Malankara, có trụ sở ở Thiruvananthapuram, thủ phủ của bang Kerala, miền nam Ấn Độ.

Thượng Hội đồng Giám mục Giáo hội Syro-Malankara, sau khi tham khảo ý kiến Tòa Thánh và được Đức Thánh cha phê chuẩn, đã thành lập giáo phận mới Parassala ở miền nam Ấn Độ.

Parassala được tách ra từ tổng giáo phận Trivandrum có trụ sở ở Thiruvananthapuram, thủ phủ bang Kerala, miền nam Ấn Độ.

Đứng đầu giáo phận mới là Đức Giám mục Eusebios Naickamparambil, được thuyên chuyển từ giáo phận Đức Mẹ Nữ Vương Hòa Bình ở Mỹ và Canada, news.va đưa tin.

Trong Giáo hội theo nghi lễ Latinh Đức Thánh cha trực tiếp bổ nhiệm giám mục, trong khi đó các thượng hội đồng của các Giáo hội Công giáo theo nghi lễ Đông Phương có quyền tự bổ nhiệm giám mục và được Đức Thánh cha phê chuẩn.

Đức Giám mục Naickamparambil sinh tại Mylapra thuộc tổng giáo phận Trivandrum năm 1961. Ngài chịu chức linh mục năm 1986. Ngài thành thạo tiếng Malayalam, Anh, Đức, Hindi và Ý, và còn biết tiếng Syriac, Hy Lạp và Pháp.

Giáo hội Syro-Malankara ra đời năm 1930 sau khi một nhóm thuộc Giáo hội Jacobite gia nhập Công giáo trong khi vẫn giữ các nghi lễ phụng vụ của họ.

Giáo hội Công giáo ở Ấn Độ bao gồm nghi lễ Latinh và 2 nghi lễ Đông Phương được gọi là Syro-Malabar và Syro-Malankara.

Nghi lễ Latinh theo phụng vụ Rôma do các thừa sai châu Âu truyền bá vào thế kỷ 15, trong khi 2 nghi lễ Đông Phương đều có trụ sở ở Kerala theo các truyền thống Giáo hội Syria và bắt nguồn từ Thánh Tôma Tông Đồ.

UCANEWS

Các Giám mục Cameroon đòi công lý cho Đức cha Jean Marie Benoît Bala

Các Giám mục Cameroon đòi công lý cho Đức cha Jean Marie Benoît Bala

“Đức cha Jean Marie Benoît Bala không tự tử: ngài đã bị giết chết cách dã man”, đó là những lời khẳng định trong thông cáo của Hội đồng giám mục Cameroon về cái chết của đức cha Jean Marie Benoît Bala, giám mục Bafia.

Ngày 31/03, đức cha Bala bị mất tích và chiếc xe của ngài được tìm thấy trên cầu Pont de l’Enfance. Trong xe có một tin nhắn được để cạnh giấy căn cước của ngài và kỷ vật cá nhân khác. Ban đầu người ta giả định rằng đức cha Bala đã tự tử đến nỗi nhà chức trách đã gửi thợ lặn mò dưới sông để tìm kiếm thi thể của ngài. Cuối cùng, vào ngày 02/06, một ngư dân đã tìm thấy thi thể của đức cha ở một nơi cách Pont de l’Enfance vài cây số.

Hội đồng Giám mục Cameroon khẳng định: “Hiện nay, thi thể cha đang được cơ quan tư pháp giữ để điều tra về các nguyên do chính xác và thủ phạm của tội ác ghê tởm và không thể chấp nhận này. Chúng tôi – các giám mục Cameroon khẳng định rằng đức cha Bala không tự tử: ngài bị giết chết cách dã man. Đây là thêm một vụ giết người và một trong rất nhiều.”

Các giám mục Cameroon nhấn mạnh đến việc các giám mục, linh mục và tu sĩ bị giết mà cho đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân. Các đức cha tố cáo rằng các ngài có ấn tượng là các giáo sĩ Cameroon bị bách hại đặc biệt.

Các đức cha của Hội đồng giám mục Cameroon yêu cầu làm sáng tỏ các vấn đề trong vụ giết hại đức cha Bala và cần xác định các tội phạm và đưa ra công lý và xét xử theo luật. Các ngài cũng yêu cầu chính quyền bảo vệ sự sống con người và yêu cầu các phương tiện truyền thông và những người người sử dụng mạng xã hội không phổ biến những dối trá và cần tôn trọng nhân phẩm.

Cuối cùng, các đức cha kêu gọi những kẻ sát hại đức cha Bala nhan chóng hoán cải. (Fides 14/06/2017)

Hồng Thủy

“Ngón trỏ bàn tay phải”. Hồi ký của cha Luigi Ginami, truyền giáo ở Kenya

“Ngón trỏ bàn tay phải”. Hồi ký của cha Luigi Ginami, truyền giáo ở Kenya

Cửa lên máy bay cho chuyến bay từ Roma đến Amsterdam sắp sửa đóng. Tôi cầm hộ chiếu trong tay, và tìm vé máy bay trong chiếc balô… Tôi tìm thấy nó. Thật ra tôi có 3 thẻ lên máy bay. Bay từ Roma đến Mombasa với giá chỉ 525 euro, nên tôi phải bay 18 giờ, với 3 chuyến bay. Từ Roma đến Amsterdan, rồi tối nay, từ Amsterdam đến Nairobi và ngày mai, từ Nairobi đến Mombasa.

Tôi cố nhớ xem mình đã cầm tất cả đồ đạc của mình chưa. Tôi an tâm vì tôi đã có tất cả. Tôi có thể lên máy bay. Trước mặt tôi chỉ có ít người, vì tất cả hầu như đã lên máy bay. Tôi từ từ đi tới và một cô chiêu đãi viên đón tôi với nụ cười mỉm chi. Cô ta còn trẻ, chắc chưa đến 30 tuổi. Rất xinh đẹp, trang điểm cẩn thận. Nhưng tôi không bị ấn tượng bởi sắc đẹp hay lối trang điểm của cô, mà điều đánh động tôi chính là ngón tay trỏ bàn tay phải của cô. Trước mặt tôi có hai người. Tôi quan sát cô chiêu đãi viên cầm lấy thẻ lên máy bay, rồi trả lại đuôi thẻ cho hành khách đi trước tôi. Chính lúc cô cầm lấy thẻ lên máy bay của hành khách, tôi nhìn ngón tay trỏ của cô. Có một chiếc nhẫn vàng. Tôi tò mò. Tôi là một linh mục… trí óc tôi nghĩ đến điều gì đó. Tôi dừng lại suy nghĩ vừa đến trong đầu và chú tâm vào cuộc sống hiện tại. Tôi không nhìn rõ lắm, nhưng mắt tôi sáng lên cách chính xác: đúng rồi, một chiếc nhẫn Mân côi 10 hạt. Tôi nhìn lần thứ hai và chắc chắn đúng vậy.

Cô chiêu đãi viên nhìn tôi mỉm cười, rồi nhìn vào hộ chiếu và thẻ lên máy bay của tôi… Một cách nhẹ nhàng, tôi thận trọng nắm bàn tay cô một vài giây ngắn ngủi. Trong khi nắm bàn tay được chăm sóc cẩn thận của cô, tôi nói với cô: “Cám ơn vì tấm gương đẹp tuyệt vời cô đã cho tôi thấy. Đừng bao giờ  cảm thấy xấu hổ khi tỏ cho tất cả các hành khách thấy rằng cô đeo một nhẫn Mân côi ở ngón tay. Tôi chắc chắn là cô cũng lần chuỗi Mân côi.” Cô gái trẻ đỏ mặt, nhìn xuống bàn tay mình, rôi nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi nói với cô: “Tôi là một linh mục. Tôi đang đi đến một nước Hồi giáo và tôi cảm thấy vui khi thấy rằng cô không xấu hổ khi là một Kitô hữu. Tôi đi đến trại tập trung Dadaab ở biên giới Kenya và Somalia!” Cô nói với tôi: “Thưa cha, rất nguy hiểm…. Con biết nó là gì và thật là buồn. Ở đó có cả biển người đang đau khổ. Cha cẩn thận nhé.” …

Tôi trả lời cô: “Bởi vì thế, lòng cha vui mừng khi nhìn thấy chuỗi Mân côi trên ngón tay con. Tốt lắm! Đừng bao giờ sợ tỏ ra mình là Kitô hữu. Khi con cầm các vé máy bay, con làm chứng bằng ngón tay trỏ này, con đang dạy giáo lý. Rất nhiều người, phần lớn, không biết nó, nhưng một người là đủ, một linh mục nghèo khó như cha, để nói rằng, ngày hôm nay, với một dấu hiệu nhỏ của người Kitô hữu của con, con đã làm một điều lớn lao.”

Tôi rút ra từ ngón tay tôi chiếc nhẫn Mân côi bằng nhựa màu vàng, từ Iraq, mà tôi đã chọn như bạn đồng hành của tôi. Tôi nói với cô chiêu đãi viên: “Nhìn xem! Cái này cha lấy ở một trại tị nạn cách Mosul 45 cây số. Những người dân khốn khổ ở đó cũng không xấu hổ là Kitô hữu và vì lý do này họ đã mất tất cả. Họ bị nhóm Hồi giáo ISIS đe dọa và phải rời bỏ quê quán, di tản đi nơi khác. Con không cần phải bỏ tất cả, nhưng chỉ đơn giản là can đảm tiếp tục làm điều con làm ngày hôm nay. Con hứa với cha không?”

Cô gái dịu dàng nhìn tôi và nói: “Cha ơi, cám ơn điều cha đã nói với con! Con vui vì sự khen ngợi của cha. Con lần hạt Mân côi mỗi ngày và con hứa với cha là khi cha đang bay đến Amsterdam, thì con sẽ đang đọc kinh Mân Côi cầu nguyện cho cha.” Tôi nắm chặt tay cô chiêu đãi viên và lòng tôi cảm thấy  có một sức mạnh to lớn và bình an. Tôi không cô đơn lẻ loi: rất nhiều người tốt lành cầu nguyện cho tôi…

Máy bay đang hạ cánh, tôi phải ngừng viết, tôi nghĩ đến cô chiêu đãi viên và kinh Mân Côi cô cầu nguyện cho tôi trong những giờ phút này… Chúng tôi đang rời máy bay… Một người đàn ông ở tuổi trung niên đặt tay của ông lên thành ghế trước mặt tôi, và … trên ngón tay đeo nhẫn của bàn tay phải … một nhẫn Mân côi. Tôi bắt kịp ông ta ở sân bay và lịch sự chào ông. Cả bà vợ của ông cũng có chiếc nhẫn Mân côi ở ngón tay.

Nếu bạn nhìn kỹ xung quanh mình, có nhiều đức tin hơn bạn tưởng. Hãy tìm kiếm đức tin, vì nó không bày tỏ ra, nó khiêm nhường và kín đáo, nhưng lại có hiệu quả tuyệt vời: đó là chứng ta. Hôm nay, khi đang trên đường bay đến Amsterdam, tôi đã học được tất cả điều này. Chỉ là một vài giờ hành trình…. (VoltiDiSperanza 7 Joe 13-16)

Hồng Thủy

Hồng y đầu tiên của vùng Scandinavia

Hồng y đầu tiên của vùng Scandinavia

Stockholm – Trưa Chúa nhật 21/05 vừa qua, Đức Giáo hoàng đã xướng tên 5 vị sẽ được bổ nhiệm làm Hồng y trong Công nghị Hồng y vào ngày 28/06 tới đây. Trong số 5 vị được xướng danh, có Đức cha Anders Arborelius, Giám mục Thụy điển. Đây là vị Hồng y đầu tiên của vùng Scandinavia.

Tại giáo xứ của các cha dòng Tên ở Uppsala, tin tức bổ nhiệm được truyền đến vào cuối Thánh lễ Chúa nhật. Ngạc nhiên, vui mừng, khó tin là những cảm nghĩ đầu tiên. Rồi đến các cuộc điện thoại liên tục. Radio và truyền hình cũng truyền tin vì đây thực sự là một biến cố đối với Thụy điển. Một lúc sau đó, đài phát thanh quốc gia truyền trực tiếp. Thụy điển bắt đầu tìm hiểu xem Hồng y nghĩa là gì.

Đức cha Arborelius được biết đến với đời sống thiêng liêng vững mạnh. Với 27 năm trong đan viện dòng Cát minh nhặt phép ngài đã trở thành một trong những tác giả có tiếng về phương diện này và được chú ý nhiều ở nước Thụy điển.

Năm 1998, cha Arborelius được bổ làm Giám mục và trở thành Giám mục đầu tiên của Thụy điển từ thời cải cách. Đối với các tín hữu, việc sắc phong Hồng y cho Đức cha Arborelius là sự quan tâm của Đức Thánh cha đối với cộng đồng bé nhỏ. Còn đối với chính Đức cha Arborelius, nhận tin bổ nhiệm khi đang ở Malmo, miền nam Thụy điển, ngài cảm thấy hơi lo sợ dù một cách tự nhiên, tin bổ nhiệm Hồng y là một niềm vui.

Người ta biết đến Đức Hồng y tân cử Arborelius khi Đức Giáo hoàng Phanxicô đến Thụy điển để cử hành 500 năm phong trào cải cách của Luther. Đức cha đơn sơ trong chiếc áo dòng nâu của dòng Cát minh, với hàm râu rậm và nụ cười thật cởi mở. Đức cha đã phải rất cương quyết mạnh mẽ khi xin Đức Giáo hoàng cử hành Thánh lễ cho các tín hữu Công giáo. Ban đầu Đức Giáo hoàng không muốn, vì có thể làm mất đi ý nghĩa của chuyến viếng thăm đại kết. Nhưng đức cha Thụy điển như một vị mục tử tốt lành, biết rằng các tín hữu Công giáo, một cộng đồng thiểu số trong một đất nước tục hóa, cần được củng cố trong đức tin.

Đức cha Arborelius sinh năm 1949, trong một gia đình Thụy điển. Hành trình đức tin của ngài chỉ bắt đầu khi ngài 15 tuổi. Ngài là Giám mục duy nhất của Thụy điển. Hiện nay ngài là thành viên của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống. Ngài đã dấn thân rất nhiều cho giáo dân, đặc biệt là giới trẻ. Ngài luôn đồng hành với người trẻ trong các kỳ đại hội giới trẻ diễn ra ở các miền khác nhau trên thế giới. (ACI22/05/2017)

Hồng Thủy

Tận hiến Aleppo cho Đức Mẹ Fatima

Tận hiến Aleppo cho Đức Mẹ Fatima

Aleppo – Hiệp thông với Đức Giáo hoàng trong dịp kỷ niệm 100 Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, các Kitô hữu ở Aleppo dành 3 ngày dâng kính Đức Mẹ Fatima và sẽ tận hiến thành phố lớn thứ hai của Siria cho Đức Mẹ.

Đức cha Antoine Audo, tổng Giám mục Công giáo Canđê ở Aleppo nói với hãng tin Á châu: “Sẽ là giây phút hy vọng cho các Kitô hữu, là chứng tá của một đức tin vững vàng trong khó khăn, một tình cảm cộng đồng được chia sẻ, nuôi dưỡng trong những năm chiến tranh đẫm máu, đã làm vững chắc sự hiệp nhất giữa các giáo hội khác nhau.”

Đức cha nhấn mạnh rằng tháng năm là tháng quan trọng đối với các cộng đoàn Kitô tại Aleppo. Tất cả các nhà thờ đầy các tín hữu đọc kinh Mân côi, lãnh nhận Thánh Thể, đọc các kinh cầu. Đây là một thời điểm rất quan trọng, cầu nguyện và hiệp thông xung quanh Mẹ Maria, một truyền thống yêu thích và có nguồn gốc lâu đời.” Đức cha cũng nói: “Tháng năm là tháng đặc biệt để cầu nguyện cho hòa bình, cho các cuộc xung đột được chấm dứt.

Ba ngày dâng kính Đức Mẹ Fatima do sáng kiến của giáo xứ Công giáo Latinh thánh Phanxicô sẽ bắt đầu với buổi cầu nguyện cộng đoàn vào 5 giờ chiều 11/5. Trong ngày kế tiếp sẽ có lần hạt Mân Côi, cầu nguyện với Mẹ Maria cho hòa bình, các phim dâng kính Đức Trinh nữ và các thánh lễ cộng đoàn.

Cao điểm của lễ hội được dự kiến là vào thứ bảy 13/5. trùng với thánh lễ do Đức Giáo hoàng cử hành tại Fatima, tại Aleppo cũng sẽ có Thánh lễ trọng thể được cử hành tại nhà thờ chánh tòa của các tu sĩ Phanxicô, với sự hiện diện của các Giám mục và linh mục ở Aleppo. Các tín hữu của các ngành Kitô giáo ở miền bắc, miền được xem là tâm điểm của các xung đột, được mời tham dự

Cuối cũng sẽ có cuộc rước kiệu với tượng Đức Mẹ Fatima và thánh hiến thành phố Aleppo cho Đức Mẹ Fatima. Đây là một hành động có giá trị biểu tượng mạnh mẽ, với hy vọng có thể đóng góp vào việc kiến tạo hòa bình không chỉ ở Siria mà cho toàn miền trung đông bị đẫm máu bởi các cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ.

Đức cha Audo chia sẻ: “Việc tận hiến Aleppo cho Mẹ Maria, chủ đề hòa bình, là những nguồn hy vọng và là một giấc mơ của niềm hy vọng của chúng tôi. Chúng tôi muốn lợi dụng sự kiện này để tái đề cập đến các chủ đề đối thoại, hiệp nhất và gặp gỡ, không chỉ giữa các giáo phái Kitô giáo khác nhau, mà còn với những người Hồi giáo bằng cách khai thác tiếng vang rộng lớn đã có từ chuyến thăm Ai Cập của Đức Giáo Hoàng.”

Theo đức cha, người ta có thể đáp lại thảm kịch chiến tranh bằng sự cuồng tín hay hiệp thông: Giáo hội đã giúp chọn lựa điều thứ hai. Niềm tin của các Kitô hữu vững mạnh và chắc chắn và điều này mang lại điều lạc quan, ngay cả nếu vẫn còn những bất ổn và bóng tối cho tương lai. (Asia News 09/05/2017)

Hồng Thủy

Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với Đức Thánh Cha, CN IV Phục Sinh

Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với Đức Thánh Cha, CN IV Phục Sinh

VATICAN. Lúc 12 giờ trưa, từ cửa sổ của Dinh Tông Tòa, Đức Thánh Cha chủ sự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng và ban phép lành cho mọi người. Trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha quảng diễn bài Tin Mừng Chúa nhật Chúa Chiên Lành. Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Trong bài Tin Mừng Chúa nhật Chúa Chiên Lành hôm nay (Ga 10:1-11), Chúa Giêsu nói với chúng ta hai hình ảnh bổ túc cho nhau. Hình ảnh người mục tử và hình ảnh cửa ràn chiên.

Ràn chiên là tất cả chúng ta. Để bảo vệ ràn chiên thì có một cái cửa. Ở cửa đó có người canh gác. Có nhiều hạng người đến với ràn chiên. Có người đi qua cửa mà vào ràn chiên. Đó là người mục tử. Có kẻ không vào ràn chiên bằng cửa mà lại đi theo lối khác. Đó là kẻ lạ, là kẻ không yêu mến ràn chiên, nhưng đến với ràn chiên vì trục lợi. Chúa Giêsu nói rằng, Chúa chính là mục tử, là người thân thiết với chiên, là người gọi tên từng con chiên và chiên nhận ra tiếng của Người. Người dẫn chiên tới đồng cỏ xanh tươi.

Hình ảnh thứ hai là cửa ràn chiên. Chúa Giêsu nói Người chính là cái cửa. Chúa nói: Ta là cửa và ai qua cửa mà vào, thì được cứu rỗi, tìm được sự sống và sống dồi dào. Chúa Kitô là Mục Tử Nhân Lành, là cánh cửa cứu rỗi cho nhân loại, vì Người đã hiến dâng mạng sống mình vì đoàn chiên.

Chúa Giêsu là mục tử nhân lành, là cửa ràn chiên, là một thủ lãnh có thẩm quyền được diễn tả trong việc phục vụ, là Đấng trao ban sự sống mà không đòi người khác phải hy sinh. Người là vị lãnh đạo mà bạn có thể tin tưởng, giống như những con chiên có thể nhận ra tiếng nói của mục tử, vì con chiên biết rằng, người mục tử sẽ dẫn dắt chiên đến đồng cỏ xanh tươi. Chỉ cần một dấu hiệu, một tiếng gọi, và đàn chiên đi theo, vâng nghe, bước đi trong tiếng nói đầy thân thiện, mạnh mẽ và dịu ngọt, để rồi đàn chiên được chỉ dẫn, được bảo vệ, được an ủi, được chữa lành.

Thế đó, Chúa Kitô đã làm những điều ấy cho chúng ta. Có một nét trong kinh nghiệm đời sống người Kitô mà chúng ta có lẽ dễ quên. Đó là nét cảm nhận thiêng liêng. Chúng ta cảm thấy mình được liên kết đặc biệt với Chúa giống như con chiên với người mục tử. Đôi khi chúng ta quá nặng suy lý trong đời sống đức tin, và làm cho mình khó có thể nghe được tiếng nói của người mục tử nhân lành, Chúa lên tiếng nói và vẫn đang nói. Điều ấy xảy ra cho hai môn đệ trên đường Emmau. Tâm hồn họ đã bừng cháy khi Đấng Phục Sinh đồng hành với họ. Các bạn hãy tự hỏi rằng: “Tôi có cảm thấy mình được Chúa Giêsu yêu mến không?” Bởi vì Chúa Giêsu không bao giờ là người xa lạ, nhưng luôn là người bạn và người anh em. Thế nhưng, không phải lúc nào cũng có thể dễ nhận ra tiếng nói của người mục tử. Hãy cẩn thận. Vì chúng ta luôn bị chia trí và phân tâm bởi biết bao tiếng nói khác nhau. Hôm nay chúng ta được mời gọi tách mình khỏi những thứ khôn ngoan giả dối của thế gian, để bước theo Chúa Giêsu, Đấng Phục Sinh, Đấng duy nhất hướng dẫn và trao tặng ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta.

Nhân Ngày quốc tế cầu nguyện cho Ơn gọi, đặc biệt là Ơn gọi linh mục, chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta những mục tử nhân lành. Xin Mẹ Maria chuyển cầu cho chúng ta. Xin Mẹ cùng đồng hành với 10 tân linh mục chịu chức hôm nay. Trong số 10 cha mới, có 4 cha thuộc giáo phận Roma. Cha muốn rằng 4 cha ấy sẽ cùng với Cha chúc lành trong giây phút này. Xin Mẹ Maria nâng đỡ để các cha mới luôn sẵn sàng và quảng đại đi theo tiếng Chúa gọi mời.

Sau khi ban phép lành, Đức Thánh Cha ngỏ lời chào thăm các tín hữu và du khách hành hương

Anh chị em thân mến,

Hôm qua ở Gerona, Tây Ban Nha, có lễ tôn phong Chân Phước Antonio Arribas Hortigüela và 6 người bạn trong Dòng Thừa Sai Thánh Tâm. Các ngài là những môn đệ trung tín và anh hùng của Chúa Giêsu. Các ngài là chứng nhân sáng ngời giữa thời hận thù bách hại đức tin. Các ngài đón nhận phúc tử đạo, vì tình yêu mến đối với Thiên Chúa, vì trung thành với ơn gọi trong Giáo Hội, và để làm chứng cho Tin Mừng yêu thương.  

Cha chào thăm tất cả anh chị em ở Roma và đến từ khắp nơi trên thế giới. Ngày mai chúng ta cầu nguyện với Đức Mẹ Mân Côi của Pompeii. Trong tháng này, chúng ta cầu nguyện với kinh Mân Côi, cách đặc biệt là cầu nguyện cho hòa bình. Hãy nhớ rằng, chúng ta đọc kinh Mân Côi cầu nguyện cho hòa bình, như lời mời gọi của Đức Mẹ Fatima. Sắp tới Cha sẽ đến viếng thăm Fatima nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Đức Mẹ hiện ra tại đây.

Chúc anh chị em một ngày tốt lành và đừng quên cầu nguyện cho Cha.

Tứ Quyết SJ

Các giám mục bang Victoria, Australia, chống trợ tử

Các giám mục bang Victoria, Australia, chống trợ tử

Melbourne, Australia – “Làm cho chết êm dịu và trợ giúp tự tử là đối ngược với chăm sóc và nó thể hiện sự bỏ rơi các bệnh nhân và những người đang bị đau đớn, những người già và người đang hấp hối.” Các Giám mục bang Victoria của Australia đã xác định như thế trong thư mục vụ gửi các tín hữu ngày 18/04.

Bốn Đức cha của các giáo phận thuộc bang Victorian viết: “Chúng tôi yêu cầu người dân bang Victoria tiếp tục yêu thương và chăm sóc những người bệnh và đang chịu đau đớn hơn là bỏ rơi, để họ chịu “chết êm dịu”  và ủng hộ việc tự tử. Khả năng chăm sóc của chúng ta nói nhiều về sức mạnh của xã hội chúng ta.”

Các luật gia ở bang Victoria đang dự định cho phép “trợ giúp chết”, nghĩa là cho phép cả làm cho chết êm dịu và trợ giúp tự tử, giới hạn ở một số trường hợp.

Năm 2016, ủy ban quốc hội yêu cầu bang Victoria phát triển việc hợp pháp hóa trợ giúp tự tử và làm cho chết êm dịu. Chính phủ đã thông qua đề xuất này và hiện tại đang có một cuộc tham vấn để quyết định cách thế cho các luật này được thực hiện "an toàn".

Các giám mục Victoria phản đối: “Chúng ta cần hiểu rõ rằng – không có cách an toàn để giết người hay giúp họ giết chính họ.” Các ngài nói rằng giới răn “chớ giết người” là trung tâm của cả luật Thánh kinh và dân luật, và các ngài khuyến khích các tín hữu Công giáo và những người khác cầu nguyện và hành động chống lại dự luật.

Các đức cha nói tiếp: “Trong khi đối diện với sự kết thúc sự sống của một người thân yêu không bao giờ dễ dàng, chúng ta không thể ùng hộ việc hợp pháp hóa này, dù nó được miêu tả thế nào… Trợ giúp vào giờ chết của chúng ta là điều tất cả chúng ta muốn cho mình và cho người khác, tuy nhiên, nó không nên là việc chính hay uống thuốc độc.

Các đức cha khẳng định rằng thay vì hợp pháp hóa việc trợ giúp tự tử, mọi người nên đáp lời các bệnh nhân và người đau bệnh với “sự thật và lòng cảm thông”. Mọi người có nhiệm vụ “bảo vệ, nuôi dưỡng và duy trì sự sống bằng khả năng tốt nhất của mình.”

Các đức cha nhắc lại lời Đức giáo hoàng Phanxicô nói với các thầy thuốc Italia, đối ngược lòng cảm thông giả dối của việc trợ tử với “lòng cảm thông của Tin mừng”, điều đồng hành với chúng ta trong những lúc khó khăn và lòng cảm thương của người Samaritano nhân hậu, là người đã đến gần và giúp đỡ cách cụ thể.”

Theo các đức cha, việc bang miền bác Australia liên tục loại bỏ luật chết êm dịu và trợ tử là bởi vì các nghị sĩ nhận ra việc hợp pháp hóa này đe dọa sự sống của những người yếu đuối dễ tổn thương nhất.

Các đức cha nhấn mạnh đến những phúc lộc người cao tuổi mang lại cho xã hội và khuyến khích chăm sóc họ với lòng biết ơn, như “một phần của moth văn hóa yêu thương và chăm sóc.” 

Các đức cha cám ơn chính quyền về sự dấn thân trong việc chăm sóc và khuyến khích đầu tư thêm vào đường hướng này thay vì trợ tử hay cho “chết êm dịu”. Các ngài nói đến sự đóng góp của Công giáo trong ạng lưới chăm sóc bệnh viện, bệnh viện, chăm sóc người cao tuổi và các dịch vụ khác, và khuyến khích chính quyền hỗ trợ thêm cho các hoạt động này. (CAN 25/04/2017)

Hồng Thủy

Một thương nhân hưu trí tặng tượng Đức Mẹ Fatima để cổ võ sùng kính Đức Mẹ

Một thương nhân hưu trí tặng tượng Đức Mẹ Fatima để cổ võ sùng kính Đức Mẹ

Từ tháng 01/2013 đến nay, Jose Camara, một thương nhân hưu trí người Bồ đào nha, hiện sống ở Cascais, cách thủ đô Lisbon khoảng hơn 30 cây số, đã tặng hơn 1000 tượng Đức Mẹ Fatima được làm thủ công ở Fatima, cho các giáo xứ, trường học, tu viện, các phong trào Công giáo, nhà tù, vv., và ngay cả cho các cá nhân, trên khắp thế giới. Không chỉ tặng các tượng Đức Mẹ, ông Camara còn trả chi phí vận chuyển, gửi các tượng. Mỗi khi ông Camara nghĩ là ông đã hoàn thành sứ vụ thì lại có ai đó cần một tượng Đức Mẹ Fatima để truyền bá lòng tôn sùng Mẹ, và ông lại tiếp tục công việc.

Ông Camara cho biết, ông bắt đầu việc tặng tượng này với ý tưởng ban đầu là tặng 12 tượng Đức Mẹ Fatima làm bằng tay cho các giáo xứ ở Nam phi, nơi ông đã sống nhiều năm. Sau khi việc dâng tặng của ông được đăng tải trên tuần báo Công giáo “The Southern Cross” ở Nam Phi, chỉ trong tuần lễ đầu tiên, ông đã nhận được 63 thư xin tượng. Cho đến nay ông đã gửi hơn 1000 tượng Đức Mẹ đến hơn 30 nước: từ khắp châu Phi, cho đến Thánh địa Israel, Ấn độ, Philippines, Australia, Anh, Đức, Guatemala, Hoa kỳ, ngay cả các xứ ở Bồ đào nha và một số nơi xa xôi như đảo Reunion và Mauritius. Công việc của ông bắt nguồn từ những người mà ông gặp, ví dụ một linh mục ở Namibia đã lái xe cả ngàn cây số để mua một tượng cho giáo xứ.

Các tượng Đức Mẹ mà ông Camara gửi tặng được làm thủ công, sơn bằng tay, có các kích cỡ khác nhau để dùng trong các nhà thờ. Để đổi lại việc nhận tượng Đức Mẹ, các giáo xứ phải hứa là cộng đoàn giáo xứ sẽ lần hạt Mân côi mỗi tháng một lần và đặt tượng tại bàn thờ hay nhà nguyện dâng kính Đức Mẹ Fatima.

Ông Camara kể lại hai cuộc gặp gỡ ấn tượng đối với những người nhận tượng. Một phụ nữ ở Cape Town bị ung thư và đang chờ chết. Bà ao ước được Đức Mẹ Fatima đồng hành khi trên giường bệnh. Mặc dù không thường tặng tượng Đức Mẹ cho các cá nhân, ông Camara đã gửi một tượng cho phụ nữ này như là một quà tặng riêng. Thời gian nhận được tượng thường bị chậm trễ do các thủ tục quan thuế và thường cần đến 4 tháng để các pho tượng đến được nơi nhận. Như thế có lẽ pho tượng Đức Mẹ không đến kịp với nữ bệnh nhân đang chờ chết. Nhưng ông Camara vẫn gửi pho tượng cho bà và phó thác cho Đức Mẹ Fatima.

Bốn tháng sau, ông Camara nhận được email, cho biết là phụ nữ này đang trên giường chờ chết nhưng tượng Đức Mẹ họ vẫn chưa nhân được tượng Đức Mẹ. Từ Bồ đào nha, ông Camara tin chắc là bức tượng đang ở sở hải quan Cape Town. Người chị của nữ bệnh nhân đã vội vã đến sở hải quan và xin được nhận bức tượng sớm và đưa đến bệnh viện. Người phụ nữ bị ung thư đã có thể ôm bức tượng và hạnh phúc với Đức Mẹ. Sau đó 24 tiếng đồng hồ, bà đã bình an ra đi. Ông Camara nói: “đó là đức tin. Tôi đã không tin là bà ta có thể nhìn thấy tượng Đức Mẹ (trước khi qua đời). Một thiếu nữ ở Anh thì viết thư cho ông Camara để xin một pho tượng cho cha của cô đang ở tù tại Kent. Ông Camara đã gửi một bức tượng đến nhà tù và bây giờ, cha của cô gái đó đọc kinh Mân Côi với các bạn tù hàng ngày.

Ông Camara chia sẻ là ông không thể tiếp tục công việc này mãi. Bên cạnh chi phi mua và gửi các pho tượng, các việc lặt vặt, giấy tờ, gửi hàng, làm cho ông bị căng thẳng khi mà ông không còn là một người trẻ nữa và đối mặt với các vấn đề xấu hơn của sức khỏe, và đặc biệt là số tiền tiết kiệm của ông đã gần hết. Ông Camara không muốn mình được nổi tiếng qua việc làm nay, ông không tìm bất cứ lợi lộc gì, nhưng chỉ muốn phục vụ Đức Mẹ Fatima và Thiên Chúa.

Ông Camara kết luận: “Tôi tin việc bác ái thật sự là phải tham gia vào: cởi áo khoác và gọn gàng, xắn tay áo và đối diện với dự án và ngay cả những chi phí to lớn. Và chúng ta phải làm, không phải để vinh danh cho riêng cá nhân mình, nhưng là thực hành với tình yêu dành cho Mẹ Maria của chúng ta. Đức Mẹ của chúng ta đang từ trời cao ban xuống những ơn lành.” (CNS 20/04/2017)

Hồng Thủy

 

Tòa án cho phép chấm dứt hỗ trợ sự sống cho một em bé dù cha mẹ không muốn

Tòa án cho phép chấm dứt hỗ trợ sự sống cho một em bé dù cha mẹ không muốn

London – Hôm 11/03, tòa án cấp cao của Anh quốc đã cho phép các bác sĩ rút các máy hỗ trợ sự sống cho một em bé bị bệnh hiếm gặp, dù cha mẹ của em không đồng ý.

Bé Charlie, 8 tháng tuổi, bị một chứng bệnh hiếm – rối loạn ty thể – dẫn đến sự suy thoái các cơ, trên toàn thế giới chưa đến 20 em bé mắc chứng bệnh này, đang được điều trị tại bệnh viện Great Ormond Street. Chứng bệnh đã gây tổn thương não nặng và hiện tại Charlie đang được cho ăn uống qua một ống, thở qua một quạt nhân tạo và không thể cử động.

Ông bà Connie Yates and Chris Gard, bố mẹ của Charlie, muốn con mình tiếp tục được sống nhờ các máy hỗ trợ và sẽ đưa con mình sang Hoa kỳ để thử nghiệm điều trị.

Các chuyên viên tại bệnh viện nói rằng Charlie bị tổn thương não không thể phục hồi và nên rút các dụng cụ trợ giúp sự sống. Cố vấn được chỉ định cho rằng việc điều trị tại Hoa kỳ chỉ là thử nghiệm và việc trợ giúp kéo dài sự sống chỉ kéo dài tiến trình chết của Charlie

Tuy nhiên đại diện pháp lý cho cha mẹ của Charlie nói rằng việc di chuyển đến Hoa kỳ sẽ không gây cho Charlie những đau đớn hay tổn thương và có thể mang lại cho em một cơ hội.

Mẹ Charlie nói: “Chúng tôi chỉ muốn có cơ hội cho chúng tôi. Nó có thể không bao giờ là sự chữa lành nhưng nó có thể giúp cho Charlie sống. Nếu nó cứu Charlie, thật tuyệt diệu Tôi muốn cứu những người khác.” Đôi vợ chồng đã quyên góp được gần 1,3 triệu bảng Anh (1,6 triệu đô la) cho việc chữa trị con trai.

Nhưng thẩm phán Francis nói rằng ông hoàn toàn tin tưởng việc bỏ đi những trợ giúp sự sống là lợi ích tốt nhất cho em bé. Ông Francis nói rằng bệnh viện đã yêu cầu điều này nhưng họ không thể thỏa thuận được với cha mẹ của em bé nên tòa án phải quyết định.

Cha mẹ của Charlie đã la “không!” ở tòa án và cả hai cùng với những người trong gia đình đã bật khóc trước quyết định của tòa.

Luật sư của gia đình, bà Laura Hobey-Hamsher, cho biết là đôi vợ chồng bị quỵ ngã bởi quyết định của tòa và không thể hiểu tại sao quan tòa đã không cho Charlie ít nhất cơ hội điều trị.

Việc hỗ trợ sự sống cho Charlie chưa chấm dứt ngay vì cha mẹ em đang xem xét việc kháng án. (CNA 11/04/2017)

Hồng Thủy

Các Linh mục Pêru được khuyến khích thăm các nạn nhân thiên tai

Các Linh mục Pêru được khuyến khích thăm các nạn nhân thiên tai

Piura, Peru – Nhân dịp cử hành “24 giờ cho Chúa”, tổng giáo phận Piura đã khuyến khích các linh mục thăm viếng và giúp đỡ các nạn nhân thiên tai ở miền tây bắc Peru.

Trong sứ điệp hôm 20/03, Đức tổng giám mục José Antonio Eguren Anselmi của Piura nhắc rằng chương trình 24 giờ cho Chúa” vào ngày 25/03 “nhắm tạo cho các tín hữu sự thuận tiện trong việc đến với bí tích giải tội trong mùa Chay, cùng với việc chầu Thánh Thể, đọc kinh Mân côi và các hình thức hoạt động phụng vụ khác.”

Ngài cũng cho biết rằng ngài không thay đổi bản chất của chương trình do Đức Thánh Cha khởi xướng, và chính ngài sau những tuần lễ thăm viếng các thành phố khác nhau trong giáo phận bị tàn phá, ngài nghĩ là năm nay có thể cử hành sáng kiến này bên ngoài các nhà thờ, bằng cách thăm các anh chị em nạn nhân trong các cộng đoàn giáo xứ, là những người hiện nay, hơn bao giờ hết, cần những lời khích lệ an ủi để tìm lại lý do cho niềm hy vọng của họ.”

Đức tổng giám mục của Piura đề nghị với các linh mục: vào thứ 7, 25/03, lễ Truyền tin, cùng với các nhân viên mục vụ, các giáo lý viên, các thừa tác viên trao Mình Thánh, các cha tổ chức, với sự thận trọng, một số hoạt động để viếng thăm Chúa nơi các anh em nạn nhân.” Ngài nhấn mạnh: “Tôi biết nhiều cha đang làm những điều này và tôi khích lệ các cha tiếp tục.”

Ngài cũng khuyến khích thăm viếng và trợ giúp cho các nạn nhân các phẩm vật quyên góp được tại các giáo xứ như thực phẩm, quần áo, các mặt hàng vệ sinh cá nhân, vv.

Đức tổng giám mục cũng đề nghi tổ chức Phụng vụ Lời Chúa hay đọc kinh Mân côi để cầu cho các anh em, trong khi linh mục giải tội, xức dầu bệnh nhân,còn các thừa tác viên trao Mình Thánh cho người già, người bệnh, các tù nhân và tổ chức các sự kiện cho các con em của các gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai. (CNA 23/03/2017)

Hồng Thủy

Một Giám mục Italia cấm tội phạm mafia làm cha mẹ đỡ Rửa tội và Thêm sức

Một Giám mục Italia cấm tội phạm mafia làm cha mẹ đỡ Rửa tội và Thêm sức

Palermo, Italia – Đức cha Michele Pennisi, Giám mục giáo phận Monreale, gần Palermo ở Sicily, Italia, thông báo rằng các tội phạm mafia không thể là cha mẹ đỡ đầu trong các bí tích Rửa tội và Thêm sức.

Trong thông cáo đức cha nói đến việc mafia thường sử dụng từ “godfather” (cha mẹ đỡ đầu) để gọi các ông trùm với mục đích gán cho họ sự kính trọng tôn giáo, nhưng thực tế đây là 2 thế giới hoàn toàn không thể tương hợp.

Đức cha nhìn nhận là khó để áp dụng kỷ luật này vì các tội phạm mafia thường bí mật, khó mà biết được họ là mafia. Ngài xác định là không kết án một người nào đó nếu không có chứng cứ. Đồng thời ngài cũng cho biết sẽ không cấm những người có lòng ăn năn về các hành động của họ.

Trước đây, đức cha  Pennisi đã chống lại mafia và năm 2008 ngài đã nhận những lời đe dọa giết sau khi ngài cấm lễ an táng cho các tên tội phạm.

Theo báo Corriere Della Sera (Người đưa tin ban chiều) của Italia, đức cha Pennisi đã ra quyết định sau khi Giuseppe Riina, con trai của ông trùm nổi tiếng ‘Toto’ Riina, “ông trùm của các ông trùm”, được cho phép làm cha đỡ đầu của cháu ông ta trong lễ Rửa tội.

Theo đức cha Pennisi, “người cha đỡ đầu Kitô giáo phải bảo đảm sự giáo dục và nuôi dưỡng trong đức tin của con mình và làm sao ông ta có thể làm điều đó nếu cuộc sống của ông ta trái ngược với Tin mừng, nếu cuộc sống đó là bạo lực và được điều hành hoàn toàn bởi thần tiền. Có một sự không tương thích hoàn toàn ở đây và chúng ta phải hiểu rõ điều đó…”

Năm 2014, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói rằng các thành viên của một băng đảng mafia nổi tiếng “’nDrangheta” bị tuyệt thông với Giáo hội.

Ngày 21/03 năm nay, lần đầu tiên “Ngày toàn quốc tưởng nhớ và cam kết tưởng nhớ các nạn nhân của mafia” của Y được cử hành. Đức Phanxicô đã gửi một sứ điệp đến các nạn nhân của mafia họp nhau ở Locri, Italia để bày tỏ sự gần gũi tinh thần của ngài với họ.

Đức Thánh Cha nói rằng ngài “hy vọng rằng cuộc họp mặt sẽ giúp suy tư về các nguyên nhân của rất nhiều vụ vi phạm luật pháp mà trong nhiều trường hợp đã dẫn đến các bạo lực và tội phạm.”

Đức Thánh Cha cũng bảo đảm ngài cầu nguyện cho những người đấu tranh với vấn đề của xã hội về tội ác và tham nhũng và chúc lành cho họ. (CNA 21/03/2017)

Hồng Thủy