Tô Huê Lâm, một phụ nữ Công giáo hiện đại, gương mẫu của Trung Quốc

Tô Huê Lâm, một phụ nữ Công giáo hiện đại, gương mẫu của Trung Quốc

Phụ nữ công giáo đang cầu nguyện- Courtesy picture

Tô Huê Lâm sinh năm 1897 trong một gia đình quan chức, hậu duệ nhà thơ thuộc triều đại Tống Tổ Triết. Bà của Tô Huê Lâm, xuất thân từ một gia đình nông dân Công giáo ở Trung Quốc, luôn hối tiếc về việc không thể được đi học như anh trai. Chính vì thế bà đã cố gắng làm sao cho tất cả các con của bà đều được giáo dục tốt nhất. Bà đã gửi các con đi học ở Singapore; không đủ tiền trang trải bà đã phải bán đồ trang sức để các con có thể theo học đại học.

Chính nhờ quyết tâm của bà mà Tô Huê Lâm đã có cơ hội tốt hơn. Cô được dạy đọc từ khi còn nhỏ. Khi đã có thể đọc và viết khá cô còn được tự do sử dụng thư viện của ông nội. Sau cuộc cách mạng năm 1911-1912, nhà Thanh bị lật đổ và thay thế bởi nước Cộng hòa Trung Quốc. Tại thời điểm này các thiếu nữ bắt đầu được phép vào các trường Trung Quốc. Tô Huê Lâm là một trong những người đầu tiên được hưởng đặc quyền này. Cô học rất xuất sắc.

Năm 1922 cô sang Pháp để tiếp tục con đường học vấn. Đây cũng là cơ hội cô tìm hiểu đạo Công giáo. Năm 1924, trước khi trở về Trung Quốc cô đã được rửa tội trong Giáo hội Công giáo. Cô là một trong những nhà tiên phong của các nhà văn và giáo viên nữ Trung Quốc giảng dạy tại các trường đại học ở Tô Châu và Vũ Hán, và được coi là người sáng lập về nghiên cứu văn học hiện đại Trung Quốc.

Tô Huê Lâm là một trong bốn người bảo vệ nền văn học mới với tên gọi “Bốn tháng năm”, thời đại hoàng kim của văn học Trung Quốc hiện đại. Phong trào “Bốn tháng Năm” là một phong trào dân túy khởi phát từ các cuộc biểu tình của sinh viên nữ vào năm 1919 chống lại phản ứng yếu ớt của Chính phủ Cộng hòa đối với Hiệp ước Versailles. Nó còn được gọi là Phong trào Văn hoá Mới của năm 1915-1921, trong đó Khổng giáo được thay thế bằng các nguyên lý phương Tây. Thật không may, phong trào Bốn tháng Năm đã kích động cuộc cách mạng cộng sản năm 1946-1949.

Tô Huê Lâm đã phản đối một cách quyết liệt chính quyền mới, và chuyển đến Hồng Kông năm 1949 để làm việc như một nhà báo và dịch giả cho Hiệp hội Catholic Truth Society (CTS). Cô mang ơn rất nhiều linh mục Hứa Tôn Trạch, một trong những học giả Công giáo nổi tiếng nhất của Trung Quốc của thế kỷ XX, người mà cô coi là "người cha thứ hai". Cha Hứa Tôn Trạch là biên tập viên của tờ báo Công giáo Trung Quốc Revue Catholique, đây cũng là tờ báo mà Tô Huê Lâm đóng góp cho các bài viết về văn học. Cha là một nhà thần học nổi tiếng và là chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Cha cố gắng hợp nhất một cách hài hòa giữa Công giáo và truyền thống Trung Quốc. Tô Huê Lâm tìm được nơi cha những tư tưởng mà cô rất tâm đắc, ví dụ, cha nói: "Rao giảng Tin Mừng trong một quốc gia, điều đầu tiên cần là phải để tinh thần của Tin mừng đi vào suy nghĩ và phong tục của dân chúng; chỉ sau đó chúng ta mới có thể đi vào lòng người và hiểu được tâm lý của họ".  Đây cũng là suy nghĩ của cô; theo cô đức tin Công giáo không phải là một điều mà không thể không liên quan đến văn hóa của mọi quốc gia, hơn thế nữa đó là một cuộc gặp gỡ của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người, cho các quốc gia và các nền văn hoá khác nhau.

Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Tô Huê Lâm là Thorny Heart, mục đích đầu tiên là cô viết dành tặng cho mẹ cô. Nội dung tập trung vào mối tương quan giữa một người mẹ truyền thống Trung Quốc và người con gái được giáo dục ở phương Tây. Giống như Tô Huê Lâm, nhân vật chính trong câu chuyện theo học ở Pháp, nơi cô trở thành một người bạn của một nữ tu và một người giáo dân tận hiến cho người nghèo vì tình yêu của Thiên Chúa.

Quan điểm về Đạo Công giáo của cô nhấn mạnh giá trị của công việc khiêm tốn như những công việc âm thầm của một người phụ nữ nội trợ trong gia đình, nhưng thực thi với một tinh thần quảng đại, yêu thương, chăm sóc người khác; điều này tương phản với sự ích kỷ của những người muốn theo đuổi mong muốn của họ một cách tự do, không kiềm chế và cuối cùng trở thành nô lệ. Cô đánh giá cao sự tiết chế và kiểm soát cảm xúc, như giáo lý của Khổng Tử.

Giống như Edith Stein, Tô Huê Lâm đưa ra một cái nhìn sâu sắc về vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội và trong xã hội. Trong xã hội hiện đại, phụ nữ thường bị phân chia giữa những công việc khiêm tốn nội chợ và công việc xã hội với những giá trị tự do, Tô Huê Lâm và Stein và những người phụ nữ khác trong Giáo Hội đại diện cho một tiếng nói âm thầm nhưng mạnh mẽ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Như Đức Maria đã vâng theo ý Thiên Chúa trong đời, bạn, những người phụ nữ, có thể làm điều đó, dù bạn ở bất cứ nơi đâu và bất cứ công việc gì bạn vẫn có thể tuân phục, có thể hy sinh cho những người mà bạn yêu thương và đồng thời có những lựa chọn mà làm cho bạn được tự do đích thực.

Như Edith Stein, Tô Huê Lâm đưa ra những ý tưởng thú vị về vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội và trong xã hội.(Aleteia 05-02- 2018) 

Ngọc Yến

Phòng báo chí Tòa Thánh lên tiếng về vấn đề Trung Quốc

Phòng báo chí Tòa Thánh lên tiếng về vấn đề Trung Quốc

ĐHY Giuse Trần Nhật Quân (Courtesy pic. from AP)

VATICAN. Giám Đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, Ông Greg Burke, bác bỏ những tin nói rằng có sự cách biệt về tư tưởng và hành động giữa ĐTC và các cộng sự viên của Ngài trong giáo triều Roma về các vấn đề Trung Quốc.

Trong thông cáo công bố chiều ngày 30-1-2017, Ông Greg nói:

”ĐGH liên tục tiếp xúc với các Cộng tác viên của Ngài, đặc biệt là Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, về những vấn đề Trung Quốc, và được họ thông báo một cách trung thực và chi tiết về tình trạng Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc cũng như về những diễn tiến đối thoại hiện nay giữa Tòa Thánh và Cộng hòa Nhân Dân Trung Quốc, và ngài đặc biệt quan tâm theo dõi. Vì thế, thật là điều gây ngạc nhiên và đáng tiếc, từ phía những người của Giáo Hội, có những khẳng định trái ngược và qua đó tạo nên hoang mang và tranh luận”.

Trong những ngày vừa qua, báo chí quốc tế đưa tin ĐHY Giuse Trần Nhật Quân nguyên GM Hong Kong, đã công bố một thư ngỏ nói rằng trong buổi tiếp kiến riêng dành cho ngài hôm 24-1 vừa qua, ĐGH Phanxicô đã chống lại việc yêu cầu 2 GM thầm lặng ở Trung Quốc từ chức để nhường chỗ cho 2 GM do Nhà Nước Bắc Kinh ủng hộ. Việc làm này do phái đoàn Tòa Thánh đến Trung Quốc đưa ra.

Những lời của ĐHY Giuse Quân ngụ ý phái đoàn Tòa Thánh đến Trung Quốc đã hành động ”sau lưng” ĐTC và trái với ý muốn ngài.

2 GM thầm lặng bị yêu từ chức thuộc giáo phận Sơn Đầu (Shantou) tỉnh Quảng Đông và Mân Đông (Mindong) tỉnh Phúc Kiến. 2 GM mà nhà nước Trung Quốc nhìn nhận, theo báo chí, là những GM chịu chức bất hợp pháp (Rei 30-1-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Trung Quốc muốn hạ thấp địa vị của Đức Hồng y Zen

Trung Quốc muốn hạ thấp địa vị của Đức Hồng y Zen

Lãnh đạo ban tuyên giáo của Trung Quốc lệnh cho các phóng viên đại lục không được gọi Đức Hồng y trực tính Joseph Zen Ze-kiun là giám mục “danh dự” của Hồng Kông, nhưng thay vào đó bằng từ “cựu”.

Cách gọi mới cho Đức Hồng y Zen nằm trong danh sách các từ ngữ bị “cấm hay sử dụng cách thận trọng”, tờ Tân Hoa Xã của nhà nước thông báo với các nhân viên truyền thông tại Trung Quốc.

“Nên dùng từ ‘cựu giám mục’ thay cho từ ‘giám mục danh dự’ khi gọi Zen Ze-kiun và các giám mục nghỉ hưu khác của giáo phận Công giáo Hồng Kông”, theo điểm số 48 trong danh sách được nhiều phương tiện truyền thông Trung Quốc loan tải.

Đức Hồng y Zen nổi tiếng chỉ trích đảng Cộng sản cầm quyền. Ngài lớn tiếng nói về quyền tự do chính trị, nhân quyền và ngược đãi tôn giáo, đặc biệt trong sáu năm rưỡi ngài làm giám mục của Hồng Kông cho đến khi ngài nghỉ hưu vào tháng 9-2009, và việc này thường gây sự chỉ trích từ phía Bắc Kinh.

Kể từ đó, đức hồng y tiếp tục những nỗ lực ủng hộ và việc ngài sẵn sàng tham gia các cuộc tranh luận về tương lai chính trị trên lãnh thổ này làm cho ngài trở thành một người được các nhóm ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông yêu mến.

Gần đây ngài lên tiếng nói về việc chính quyền cộng sản ngược đãi ông Liu Xiaobo (Lưu Hiểu Ba), người được trao Giải Nobel Hòa bình qua đời hôm 13-7.

Lệnh cấm dùng từ ngữ này khiến nhiều blogger Công giáo ở đại lục tức giận, họ đang phải đối phó với lệnh cấm dùng các mạng ảo cá nhân, một công cụ họ dùng để tránh bức tường lửa, chương trình kiểm duyệt Internet của Trung Quốc.

“Đức Giám mục Danh dự. Thế đấy, đến đây bắt tôi đi?”, một blogger Công giáo thách thức trên mạng xã hội.

Một blogger khác nói “Từ trước giờ Giáo hội gọi giám mục nghỉ hưu là giám mục danh dự. Thay đổi cách gọi là sai thực tế”.

Điều chỉnh những việc nên và không nên làm

45 điểm đầu trong danh sách các từ bị cấm được đưa tin trên báo chí đã được phát hành hồi tháng 11-2015. Danh sách điều chỉnh đã được lưu hành từ ngày 19-7, thêm vào 57 điểm mới và cập nhật tính tới tháng 7-2016 – nhưng chỉ mới được tiết lộ cho các phương tiện truyền thông gần đây.

Đức Hồng y Zen là chức sắc Công giáo duy nhất có tên trong danh sách, và là một trong hai nhân vật tôn giáo được nêu tên, người thứ hai là Tiên tri Mohammed, nhà sáng lập đạo Hồi. Danh sách này nhắc nhớ các phóng viên nêu tên đầy đủ của những người mang họ Mohammed, để phân biệt họ với Tiên tri Mohammed.

Danh sách được chia thành 5 loại: xã hội và chính trị; pháp lý và pháp luật; tôn giáo và dân tộc; Hồng Kông, Macao và Đài Loan và liên quan đến chủ quyền; cũng như quan hệ quốc tế.

Năm trong 8 điểm về tôn giáo và dân tộc nói về Hồi giáo, như không xem dân tộc Hồi là Hồi giáo; không dùng từ “giết” nhưng dùng từ “mổ” gia súc bởi người Hồi giáo; và không đề cập đến heo trong các câu chuyện liên quan đến đạo Hồi. Những điểm này đã có trong danh sách năm 2015.

Hầu hết các từ ngữ “bị cấm hay sử dụng cách thận trọng” mới được thêm vào nói về quan hệ giữa hai bờ eo biển, do tình trạng căng thẳng chính trị với Đài Loan gia tăng từ khi bà Thái Anh Văn đảm nhận chức tổng thống, và diễn biến chính trị tại Hồng Kông.

Số 48 trong danh sách mới yêu cầu các phương tiện truyền thông ở đại lục không được gọi 3 nhà tổ chức Phong trào chiếm trung tâm “bất hợp pháp” ở Hồng Kông bằng lời tôn trọng “Bộ ba lãnh đạo Phong trào chiếm trung tâm” nhưng dùng cụm từ mang tính hạ nhục “Ba kẻ xấu xa”.

UCANEWS

Đức Thánh Cha kêu gọi hòa bình cho Trung Phi và công bố danh sách Tân Hồng Y

Đức Thánh Cha kêu gọi hòa bình cho Trung Phi và công bố danh sách Tân Hồng Y

VATICAN. Chúa nhật 21.05.2017, sau khi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình tại Cộng Hòa Trung Phi. Ngài cũng thông báo là thứ bảy này Ngài sẽ viếng thăm giáo phận Genova, Italia. Sau đó Đức Thánh Cha công bố danh sách 5 vị Tân Hồng Y mà Ngài sẽ bổ nhiệm.

Đức Thánh Cha chào thăm mọi người

Anh chị em thân mến,

Có nhiều tin tức đau thương đến từ Cộng Hòa Trung Phi, đất nước mà tôi luôn mang trong trái tim mình, đặc biệt là sau cuộc viếng thăm của tôi năm 2015. Cuộc đụng độ vũ trang đã gây ra cái chết của rất nhiều người, nhiều người khác phải di dời. Những đụng độ ấy đe dọa tiến trình hòa bình. Tôi bày tỏ sự gần gũi với người dân, với các giám mục, và với tất cả những ai đang hoạt động vì lợi ích của nhân dân, vì sự chung sống trong hòa bình. Tôi cầu nguyện cho những người đã khuất, cho những người bị thương, và tôi kêu gọi: hãy từ bỏ vũ khí, tốt hơn hãy sẵn sàng đối thoại để tìm kiếm hòa bình và phát triển đất nước.

Ngày 24 tháng 5 sắp tới, chúng ta sẽ hiệp thông tinh thần với tất cả tín hữu Công Giáo Trung Quốc, nhân dịp kỷ niệm Đức Trinh Nữ Maria với tước hiệu “Đức Mẹ Phù Hộ các giáo hữu” được tôn kính trong Đền Thờ Sheshan ở Thượng Hải. Các tín hữu Trung Quốc nói rằng: chúng ta hãy ngước mắt nhìn lên Mẹ chúng ta Mẹ Maria, bởi vì Mẹ giúp chúng ta nhận ra thánh ý Chúa giữa hoàn cảnh cụ thể của Giáo Hội tại Trung Quốc, vì Mẹ giúp chúng ta quảng đại đón nhận kế hoạch của Thiên Chúa trong tình yêu. Mẹ khích lệ chúng ta góp phần mỗi người vào sự hiệp thông giữa các tín hữu và trong sự hài hòa với xã hội. Chúng ta đừng quên chứng từ của người tín hữu cùng với lời cầu nguyện và tình yêu mến, để chúng ta có thể duy trì cuộc gặp gỡ cởi mở và đối thoại không ngừng.

Cha gửi lời chào thân ái đến anh chị em là tín hữu Roma và khách hành hương đến từ khắp nơi trên thế giới, từ Tây Ban Nha, Pháp, Canada và Hoa Kỳ.

Đặc biệt Cha chào thăm các bạn trẻ và những người đại diện đến từ giáo phận Genova. Nhờ ơn Chúa giúp, Cha sẽ đến thăm giáo phận của anh chị em vào thứ bảy tới. Cha cũng chào thăm các tín hữu đến từ giáo xứ Santa Maria Goretti của Roma.

Đức Thánh Cha công bố danh sách 5 vị Tân Hồng Y

Sau khi chào thăm mọi người, Đức Thánh Cha đã công bố danh sách 5 vị Tân Hồng Y sẽ được Đức Thánh Cha tấn phong vào thứ năm 29 tháng sáu, dịp lễ hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô.

Trong số 5 Đức Tân Hồng Y, có vị đến từ Mali, Tây Ban Nha, Thụy Điển, El Salvador, và có một vị đến từ Lào: đó là Đức Tân Hồng Y Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun giáo phận Paksé.

Các vị Tân Hồng Y là:

1. Đức Tổng Giám Mục Jean Zerbo, Bamako, Mali.
2. Đức Tổng Giám Mục Juan José Omella, Barcelona, Tây Ban Nha.
3. Đức Giám Mục Anders Arborelius, Stockholm, Thụy Điển.
4. Đức Tổng Giám Mục Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun, Paksé, Lào.
5. Đức Giám Mục Gregorio Rosa Chávez, San Salvador, El Salvador.

Sau cùng Đức Thánh Cha chào tạm biệt mọi người và Ngài nói lời mời gọi quen thuộc của Ngài: Xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho Cha.

Tứ Quyết SJ

Báo El País, Tây Ban Nha, phỏng vấn Đức Thánh Cha

Báo El País, Tây Ban Nha, phỏng vấn Đức Thánh Cha

VATICAN. ĐTC kêu gọi đừng phán đoán về tân tổng thống Mỹ và hãy đợi xem những gì xảy ra. Ngài cũng cho biết sẽ sẵn sàng viếng thăm Trung Quốc nếu được mời.

ĐTC cho biết như trên trong cuộc phỏng vấn dài dành cho tờ El País là nhật báo có số ấn hành lớn nhất tại Tây Ban Nha.

Được hỏi nhận xét về tổng thống Donald Trump, ĐTC nói: ”Hãy đợi xem điều gì xảy ra. Tôi không kinh hãi hoặc vui mừng vì những gì có thể xảy ra, vì tôi nghĩ chúng ta có nguy cơ lâm vào thái độ thiếu khôn ngoan. Không nên làm tiên tri về những tai ương hoặc những điều tốt lành sẽ xảy ra. Chúng ta hãy xem điều gì ông sẽ làm rồi sẽ thẩm định. Luôn luôn cần cụ thể. Kitô giáo là điều cụ thể, nếu không thì chẳng là Kitô giáo…

Về hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh đối với Trung Quốc, ĐTC cho biết có một Ủy ban Tòa Thánh từ nhiều năm nay đã và đang làm việc với Trung Quốc, cứ 3 tháng nhóm họp một lần, khi thì tại Vatican khi thì tại Bắc Kinh. Có nhiều đối thoại với Trung Quốc. Trung quốc vẫn có cái hào quang huyền bí thu hút. Cách đây hai ba tháng có cuộc triển lãm của Bảo tàng viện Vatican ở Bắc Kinh, và họ vui mừng về điều đó. Và họ cũng sẽ triển lãm các đồ nghệ thuật Trung Quốc tại Vatican.

Trước câu hỏi: 'Ngài có sẵn sàng đi Trung Quốc hay không?', ĐTC đáp: ”Có, khi nào họ mời tôi. Họ biết điều đó. Ngoài ra, tại Trung Quốc, các thánh đường đầy tín hữu. Người ta có thể hành đạo tại Trung Quốc”.

Đáp một câu hỏi khác, ĐTC nói rằng: “Bình thường trong Giáo Hội cũng có các thánh nhân và người tội lỗi, người liêm chính và người tham ô.. Tại giáo triều Roma có những người thánh thiện. Tôi thích nói điều đó. Vì người ta thường dễ dàng nói về sự tham nhũng của giáo triều Roma. Có những người thối nát, nhưng có rất nhiều người thánh thiện.. Nhiều người cả đời làm việc ở Vatican này, phục vụ dân chúng trong sự âm thầm, vô danh. Những nhân vật chính trong lịch sử Giáo Hội là các thánh, là những người tiêu hao cuộc đời mình để Tin Mừng được cụ thể, và ở đây những người cứu vãn chúng ta chính là các thánh”.

Trả lời câu hỏi về sự phê bình của những người bảo thủ coi bất kỳ thay đổi nào cũng là một sự phản bội đạo lý, ĐTC đáp: ”Tôi không thực hiện một cuộc cách mạng nào. Tôi chỉ tìm cách tiến bước với Tin Mừng.. Nhưng sự mới mẻ của Tin Mừng tạo nên sự ngạc nhiên ngỡ ngàng, vì Tin Mừng cốt yếu là cớ vấp phạm.. Tôi không cảm thấy mình không được cảm thông, được hiểu biết, nhưng được tất cả mọi loại người đồng hành, già, trẻ.. Nếu ai không đồng ý thì cứ đối thoại, chứ đừng ném đá giấu tay. Làm như thế không phải là nhân bản, nhưng là tội phạm. Tất cả đều có quyền thảo luận, thảo luận gia tăng tình huynh đệ, sự vu khống không có đặc tính đó” (El País 20-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Trung Quốc ”dịu giọng” với tòa Thánh

Trung Quốc ”dịu giọng” với tòa Thánh

tap-can-binh

BẮC KINH. Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Bắc Kinh, Bà Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying) tuyên bố rằng Trung Quốc thành thực muốn cải tiến quan hệ với Vatican”.

Trong cuộc họp báo hằng tuần hôm 21-12-2016, một vài ký giả đã hỏi bà Hoa Xuân Oánh xem đâu là ”những tín hiệu tích cực” để cải tiến quan hệ với Vatican, Bà Hoa Xuân Oánh trả lời rằng: ”Chính phủ Trung Quốc theo một nguyên tắc rõ ràng và trước sau như một trong việc thương lượng về quan hệ với Vatican. Phía Trung Quốc luôn thành thực trong việc cải tiến quan hệ với với Vatican và không ngừng làm việc với Vatican để tiến tới mục đích chung ấy, và thúc đẩy tới một tiến bộ mới trong việc cải tiến quan hệ song phương, thăng tiến những cuộc đối thoại xây dựng”.

Hãng tin Asia News truyền đi ngày 22-12-2016 nhận xét rằng có lẽ đây là lần đầu tiên câu trả lời cho một nhận xét của Tòa Thánh về Giáo Hội tại Trung Quốc được đón nhận mà không có những phản ứng giận dữ từ phía Trung Quốc và không lập lại những câu cố hữu về quan điểm của Chính phủ Bắc Kinh về Giáo Hội, như lập lại các nguyên tắc ”Giáo Hội tự trị, tự chọn lựa, tự truyền chức GM”.

Cách đây ít ngày, Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, Ông Greg Burke nhắc đến vụ công an nhà nước Trung Quốc dùng võ lực để GM bất hợp pháp và bị vạ tuyệt thông là Lôi Thế Anh (Lei Shiyin), GM Lạc Sơn tỉnh Tứ xuyên, can dự vào việc truyền chức GM tại Thường Đức (Chengdu) và Tây Xương (Xichang); Ông Greg cũng ám chỉ tới Đại Hội các đại biểu Công Giáo Trung Quốc sẽ tiến hành từ ngày 26 đến 30-12 tới đây là điều không thể dung hợp với đạo lý Công Giáo, và nhiều GM được Tòa Thánh công nhận cũng bị bó buộc phải tham dự. Ông Greg nói rằng: ”Tòa Thánh mong muốn được thấy những tín hiệu tích cực từ phía chính phủ Trung Quốc để tín nhiệm nơi cuộc đối thoại giữa hai bên và hy vọng một tương lai đoàn kết và hòa hợp mà không vi phạm tự do tôn giáo”.

Hãng Asia News cũng trích thuật nhận xét của một số LM ở Trung Quốc theo đó sự dịu giọng khác thường của bà Hoa Xuân Oánh có lẽ là một toan tính không mở thêm mặt trận căng thẳng trong quan hệ với nước ngoài, từ phía Trung Quốc” (Asia News 22-12-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Các vụ gọi là truyền chức Giám Mục bất hợp pháp ở Trung Quốc

Các vụ gọi là truyền chức Giám Mục bất hợp pháp ở Trung Quốc

nhung-vu-goi-la-truyen-chuc-giam-muc-bat-hop-phap-o-trung-quoc

VATICAN. Hôm 7-11-2016, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, Ông Greg Burke, ra thông cáo về những vụ gọi là truyền chức Giám Mục tại Trung Quốc không có ủy nhiệm của ĐTC:

”Trong những tuần lễ gần đây, liên tiếp có nhiều tín về một số vụ truyền chức Giám Mục, không có sự ủy nhiệm của ĐTC cho các linh mục thuộc cộng đoàn hầm trú của Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Lục. Tòa Thánh không cho phép một cuộc truyền chức nào, và cũng không được chính thức thông báo về những vụ như thế. Nếu những vụ truyền chức Giám Mục ấy thực sự xảy ra, thì sẽ là một vụ vi phạm trầm trọng giáo luật! Tòa Thánh cầu mong rằng những tin như thế là vô căn cứ. Trong trường hợp ngược lại, thì phải đợi những tin tức chắc chắn và có chắng cớ hẳn hoi trước khi thẩm định những vụ ấy một cách thích hợp. Tuy nhiên, Tòa Thánh tái khẳng rằng không được phép tiến hành cuộc truyền chức Giám Mục nào mà không có sự ủy nhiệm cần thiết của Đức Giáo Hoàng, và cũng không được nại đến những xác tín cá nhân”.

Trong thời gian qua một số cơ quan thông tin cho biết LM Đổng Quan Hoa (Dong Guanhua), công giáo thầm lặng, đã thụ phong giám mục bất hợp pháp vì lý do ”tuyệt vọng vì Tòa Thánh đang đối thoại với Nhà Nước Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục”. (SD 7-11-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

Tòa Thánh lên tiếng về vụ Đức Cha Mã Đạt Khâm

Tòa Thánh lên tiếng về vụ Đức Cha Mã Đạt Khâm

Tòa Thánh lên tiếng về vụ Đức Cha Mã Đạt Khâm

VATICAN. Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh lên tiếng về vụ Đức Cha Mã Đạt  Khâm, GM Phụ Tá giáo phận Thượng Hải.

Hôm 12-6-2016, Đức Cha Mã Đạt  Khâm (Ma Daqin) đã viết trên blog tuyên bố rút lại quyết định ra khỏi Hội Công Giáo yêu nước mà ngài đưa ra vào cuối buổi lễ thụ phong Giám Mục. Hành động này đã gây hoang mang và xôn xao lớn nơi các tín hữu Công Giáo Trung Quốc.

Đức Cha năm nay 48 tuổi (1968), thụ phong GM ngày 7-7-2012. Sau khi tuyên bố rút khỏi Hội Công Giáo yêu nước, ngài bị nhà nước Trung Quốc quản thúc tại Đại chủng viện Xà Sơn, gần Thượng Hải và không được thi hành các nhiệm vụ Giám Mục.

Được yêu cầu lên tiếng về vụ này, hôm 23-6-2016, Cha Lombardi SJ ra thông cáo nói rằng:

1. Về những lời tuyên bố gần đây nói là của Đức Cha Taddeo Mã Đạt Khâm, GM Phụ Tá Thượng Hải, Tòa Thánh được biết điều này qua blog của Đức Cha và các hãng tin. Về vấn đề này, hiện nay Tòa Thánh không có tin tức trực tiếp.

2. Mọi giả thuyết về vai trò của Tòa Thánh trong vụ này là điều không đúng chỗ.

3. Sự việc bản thân và giáo hội của Đức Cha Mã Đạt  Khâm, cũng như của tất cả các tín hữu Công Giáo Trung Quốc, được ĐTC đặc biệt quan tâm và ân cần theo dõi, Ngài cầu nguyện hằng ngày cho họ. (SD 23-6-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha đề cao lòng trung thành trong gia đình

Đức Thánh Cha đề cao lòng trung thành trong gia đình

ĐTC ôm người hành hương

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến hơn 50 ngàn tín hữu hành hương sáng thứ tư 21-10-2015, ĐTC Phanxicô đặc biệt đề cao lòng trung thành trong hôn nhân và gia đình.

Hiện diện trong buổi tiếp kiến cũng có khoảng 20 GM và một nhóm 21 tín hữu hành hương từ Việt Nam.

Trong bài huấn dụ, ĐTC đã nói về đề tài: lòng trung thành với tình yêu. Đây là bài thứ 30 trong loạt bài huấn giáo của ngài về gia đình.

Bài giáo lý của ĐTC

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

”Trong bài suy niệm lần trước chúng ta đã suy tư về những lời hứa quan trọng của cha mẹ đối với con cái, ngay từ khi cha mẹ nghĩ đến việc sinh con trong tình yêu và cưu mang con con trong cung lòng.

”Chúng ta có thể nói thêm rằng, xét cho kỹ, toàn thể thực tại gia đình đều dựa trên lời hứa: ta có thể nói gia đình sống bằng lời hứa yêu thương và trung thành, chung thủy, giữa người nam và người nữ với nhau. Lời hứa ấy bao hàm sự cam kết đón nhận và giáo dục con cái; nhưng lời hứa ấy cũng được thực hiện trong việc chăm sóc các cha mẹ già, bảo vệ và chăm nom những thành phần yếu nhất của gia đình, giúp đỡ nhau để thực thi những đức tính của mỗi người và chấp nhận cả những giới hạn của nhau. Và lời hứa vợ chồng cũng được nới rộng bao gồm cả việc chia sẻ những vui mừng và đau khổ của tất cả cha mẹ, con cái, quảng đại cởi mở đối với cuộc sống chung giữa con người với nhau và với công ích. Một gia đình khép kín, co cụm vào mình thì giống như một sự mâu thuẫn, làm chết lời hứa vốn làm cho gia đình nảy sinh và sinh tồn.

”Ngày nay, danh dự trung thành với lời hứa về đời sống gia đình dường như bị suy yếu rất nhiều. Một đàng vì người ta hiểu lầm về quyền được chọn sự thỏa mãn cho bản thân với bất kỳ giá nào và trong bất kỳ quan hệ nào, quyền ấy được tuyên dương như một nguyên tắc tự do không thể nhượng bộ được. Đàng khác, vì người ta chỉ ủy thác cho sự cưỡng bách của luật pháp những ràng buộc của cuộc sống tương quan và sự cam kết phục vụ công ích. Nhưng trong thực tế, không ai muốn được yêu thương chỉ vì của cải của mình hoặc vì bó buộc. Tình yêu, cũng như tình bạn, có được sức mạnh và vẻ đẹp là do sự kiện này: chúng tạo ra một mối liên hệ ràng buộc mà không loại bỏ tự do. Không có tự do thì không có tình bạn, không có tình yêu và cũng chẳng có hôn nhân.

”Vì thế, tự do và lòng trung thành không đối nghịch nhau, trái lại chúng nâng đỡ nhau trong tương quan giữa con người với nhau, cũng như trong những tương quan xã hội. Thực vậy chúng ta hãy nghĩ đến những thiệt hại mà sự lạm phát những lời hứa không được tuân giữ gây ra trong nền văn minh truyền thông hoàn cầu ngày nay, trong nhiều lãnh vực, và sự nhân nhượng đối với sự thiếu trung thành với lời đã hứa và những cam kết đã đề ra!

“Đúng vậy, anh chị em thân mến, lòng trung thành là một lời hứa dấn thấn, nó được thể hiện, được tăng trưởng trong sự tự nguyên tuân hành lời đã hứa. Lòng trung thành là một sự tín thác muốn thực sự được chia sẻ và là một niềm hy vọng muốn được cùng nhau vun trồng.

”Lòng trung thành với lời hứa thực là một kiệt tác của nhân loại! Nếu chúng ta nhìn vẻ đẹp táo bạo của nó, chúng ta cảm thấy sợ hãi, nhưng nếu chúng ta coi rẻ sự kiên trì can đảm của nó, thì chúng ta sẽ bị hư mất. Không có quan hệ yêu thương nào – không có tình bạn nào, không có hình thức yêu thương nào, không có hạnh phúc nào của công ích – đạt tới cao điểm ước muốn và hy vọng của chúng ta, nếu không đi tới chổ đón nhận phép lạ này của linh hồn. Và tôi gọi đó là ”phép lạ' vì sức mạnh và khả năng thuyết phục của lòng trung thành không bao giờ ngừng làm cho chúng ta thôi ngạc nhiên và ngưỡng mộ. Danh dự của lời đã hứa, lòng trung thành với lời hứa, không thể mua bán được. Người ta không thể dùng võ lực bó buộc, cũng không thể bảo tồn nó là không có hy sinh.

”Không có trường học nào có thể dạy chân lý tình thương, nếu gia đình không dạy điều ấy. Không có luật lệ nào có thể áp đặt vẻ đẹp và gia sản của kho tàng này của phẩm giá con người, nếu mối liên hệ bản thân giữa tình thương và sự sinh sản không ghi khắc điều ấy trong thân thể chúng ta.

”Cần phải tái lập vinh dự xã hội cho lòng trung thành tình yêu. Cần phải làm nổi bật phép lạ hằng ngày của hằng triệu người nam nữ canh tân nền tảng gia đình của họ, nhờ đó mỗi xã hội sống được.. Không phải tình cờ mà nguyên lý về lòng trung thành với lời hứa yêu thương và sinh sản này được ghi khắc trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa như một phúc lành trường cửu, và thế giới được phó thác cho lòng trung thành ấy.

”Nếu thánh Phaolô có thể quả quyết rằng trong mối liên hệ gia đình có tỏ lộ một cách huyền nhiệm một chân lý quyết định đối với cả liên hệ giữa Chúa và Giáo Hội, nghĩa là Giáo Hội tìm được ở đây phúc lành cần bảo tồn và từ đó Giáo Hội luôn học hỏi, trước khi giảng dạy và thiết định các kỷ luật cho nó. Lòng trung thành của chúng ta với lời hứa cũng luôn được phó thác cho ơn thánh và lòng thương xót của Thiên Chúa. Tình yêu đối với gia đình nhân loại, khi may mắn cũng như khi bất hạnh, chính là điểm vinh dự đối với Giáo Hội! Xin Chúa ban cho chúng ta sống xứng đáng với lời hứa này. Và chúng ta hãy cầu nguyện cho các Nghị phụ Thượng HĐGM: Xin Chúa chúc lành cho công việc của các vị, được diễn ra trong tinh thần trung thành sáng tạo, trong niềm tín thác rằng chính Chúa là vị đầu tiên trung thành với những lời Ngài đã hứa.

Chào thăm các phái đoàn

Sau khi ĐTC hết thúc bài giáo lý dài bằng tiếng Ý, các LM đã tóm lược bài này bằng nhiều sinh ngữ khác kèm theo những lời chào thăm của ĐTC.

Với các tín hữu nói tiếng Pháp, ĐTC đặc biệt chào các tín hữu thuộc miền Normandie, giáo phận Creteil và cộng đoàn tông đồ thánh Phanxicô Xavie và các bạn trẻ đến từ Thụy Sĩ.

 Với các tín hữu nói tiếng Anh, ĐTC nhắc đến nhiều người đến từ Anh quốc, Ecosse, Ailen, Na Uy, Trung Quốc, Hoa kỳ và nhiều nước khác. Đặc biệt ngài chào thămcác tham dự viên cuộc gặp gỡ do Trung Tâm quốc tế về chức phó tế tổ chức.

Với các tín hữu nói tiếng Đức, ĐTC nói ”tháng 10 này là tháng Mân Côi, tôi xin anh chị em hãy đọc kinh Mân Côi trong gia đình, nhất là cầu nguyện cho Thượng HĐGM thế giới về gia đình, xin Mẹ Maria giúp chúng ta chu toàn thánh ý Chúa.

Khi chào các phái đoàn nói tiếng Bồ Đào Nha, ĐTC nhắc đến phái đoàn của cộng đoàn Do thái ở thành phố São Paolo, do ĐHY sở tại Odilo Scherer hướng dẫn. Ngài nói: ”Ước gì cuộc viếng thăm Roma giúp anh chị em sẵn sàng như tổ phụ Abraham mỗi ngày ra đi tiến về Đất Hứa của Thiên Chúa và con người, tỏ cho anh chị em dấu chỉ tình yêu thương của Thiên Chúa đối với tất cả các con cái của Chúa'.

Riêng với các tín hữu Ba Lan, ĐTC nhắc nhở rằng thứ năm này, 22-10 là lễ kính thánh Giioan Phaolô 2 giáo hoàng, vị Giáo Hoàng của gia đình. ”Anh chị em hãy trở thành những người trung thành theo thánh nhân, trong sự ân cần chăm sóc gia đình của anh chị em, và cho tất cả các gia đình, nhất là những gia đình đang sống trong tình trạng khó khăn về tinh thần và vật chất. Lòng trung thành với tình yêu đã bày tỏ, những lời hứa và cam kết xuất phát từ trach nhiệm phải là sức mạnh của anh chị em. Nhờ lời chuyển cầu của thánh Gioan Phaolô 2, chúng ta hãy cầu nguyện cho Thượng HĐGM sắp kết thúc. để cộng nghị này canh tân trong toàn Giáo Hội ý thức về giá trị không thể phủ nhận của hôn nhân bất khả phân ly và gia đình lành mạnh, dựa trên tình yêu thương nhau giữa người nam và người nữ và nhờ ơn thánh của Chúa.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời

Kinh truyền tin ngày lễ Đức Mẹ lên trời

VATICAN. ĐTC Phanxicô diễn giải ý nghĩa lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời và ngài liên đới với các nạn nhân những vụ nổ tại thành phố Thiên Tân, Trung Quốc.

 Ngài nói lên lập trường trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa ngày 15-8-2015, với hàng chục ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô. Đây là lần đầu tiên từ 61 năm nay, một vị Giáo Hoàng chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin tại Quảng trường Thánh Phêrô vào ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời. Các vị tiền nhiệm của ĐGH Phanxicô vẫn chủ sự buổi đọc kinh này tại dinh thự mùa hè ở Castel Gandolfo, trong khi Đức đương kim Giáo Hoàng không tới dinh thự ấy trong mùa hè. Ngày 15-8 năm ngoái, 2014, ngài viếng thăm Hàn Quốc.

 Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC Phanxicô nói: ”Tin Mừng tỏ cho chúng ta thấy đâu là động lực chân thực nhất mang lại sự cao cả và hạnh phúc của Mẹ Maria: đó chính là đức tin. Đức tin là trọng tâm toàn thể cuộc đời Mẹ Maria. Mẹ biết rằng trong lịch sử, đầy bạo lực của kẻ cường quyền, sự kiêu hãnh của người giàu có, sự ngạo mạn của những kẻ kiêu hãnh. Nhưng Mẹ Maria tin và tuyên xưng rằng Thiên Chúa không để lẻ loi cô độc các con cái của Chúa, những người khiêm hạ và nghèo nàn; trái lại Chúa cứu giúp họ trong lượng từ bi, ân cần, Chúa lật đổ những kẻ cường quyền khỏi ngai của chúng, dẹp tan phường kiêu ngạo trong mưu đồ của chúng. Đó chính là đức tin của Mẹ chúng ta, đức tin của Mẹ Maria”.

 ĐTC cũng khẳng định rằng ”Nếu lượng từ bi của Chúa là động cơ của lịch sử, thì ”Đấng đã sinh ra vị Chúa Tể sự sống không thể bị hư nát trong phần mộ” (Kinh Tiền Tụng Lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời)… Tất cả những điều vĩ đại ấy, Đấng Toàn Năng không chỉ làm cho Mẹ Maria mà thôi, nhưng cũng có liên hệ sâu xa tới chúng ta, nói với chúng ta về hành trình của chúng ta trong cuộc sống, nhắc nhở chúng ta về mục tiêu đang chờ đợi chúng ta, đó là nhà Cha. Đời sống chúng ta, nhìn dưới ánh sáng của Mẹ Maria được đưa lên trời, không phải là một cuộc đi lang thang vô nghĩa, nhưng là một cuộc lữ hành, tuy có những bất định và đau khổ, nhưng có một mục tiêu chắc chắn, đó là nhà Cha chúng ta, Người đang chờ đợi chúng ta trong tình yêu thương. Thật là đẹp dường nào khi nghĩ đến điều này là: trên trời chúng ta có một người Cha đương yêu thương chờ đợi chúng ta”.

 Sau khi đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC cho biết ngài đặc biệt nghĩ đến dân chúng tại thành phố Thiên Tân ở mạn bắc Trung Quốc, nơi xảy ra một số vụ nổ tại khu công nghệ, hai vụ nổ khủng khiếp tại một kho chứa chất hóa học làm cho hơn 50 người chết và 700 người bị thương, tàn phá cả một khu phố. Chính quyền sợ rằng có nhiều người hít phải khí độc tại những kho bị nổ, trong đó có tích trữ 700 tấn muối thạch tín là chất rất độc.

 Sau cùng, khi chào dân Roma và các tín hữu hành hương, ĐTC mời gọi họ đến viếng bức ảnh Đức Mẹ là phần rỗi của dân Roma tại Đền thờ Đức Bà Cả ở Roma. Ngài vốn có lòng sùng mộ đặc biệt đối với ảnh Đức Mẹ tại đây: thường trước và sau mỗi cuộc viếng thăm mục vụ ở nước ngoài, ĐTC đều đến kính viếng và cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ tại đây (SD 15-8-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Hồng Y Thang Hán kêu gọi chính phủ trung ương Trung Quốc

Đức Hồng Y Thang Hán kêu gọi chính phủ trung ương Trung Quốc

ĐHY Thang Hán

HONG KONG. ĐHY Gioan Thang Hán (Tong Hon), GM giáo phận Hong Kong, kêu gọi chính quyền Trung Quốc cấp thiết điều tra và chấm dứt những vụ phá hủy Thánh Giá tại tỉnh Chiết Giang (Zhejiang).

Cho đến nay đã có hơn 1 ngàn Thánh Giá thuộc các nhà thờ Công Giáo và Tin Lành bị phá hủy, trong đó có nhiều Thánh Giá và thánh đường được thiết lập với tất cả giấy phép của chính quyền. Chiến dịch này bắt đầu từ đầu năm 2014, sau khi ông Hạ Bảo Long (Xia Baolong), bí thư tỉnh ủy Chiết Giang, nhận thấy trên nền trời thành phố Ôn Châu (Wenzhou) có quá nhiều Thánh Giá. Các tín hữu nghi ngờ rằng lý do đích thực của chiến dịch này là để giảm bớt ảnh hưởng của các cộng đồng Kitô, – công khai cũng như hầm trú,- trong xã hội Trung Quốc, với sự tăng vọt các cuộc trở lại Kitô giáo.

Lời kêu gọi được ĐHY Thang Hán đưa ra dường như để đáp lại một lời thỉnh cầu của Đức Cha Vinh Sơn Chu Duy Phương (Zhu Weifang) GM công khai tại Ôn Châu và các LM thuộc quyền, đề nghị đọc kinh Mân Côi và ăn chay để bảo vệ đức tin và các Thánh Giá.

Sau đây là nguyên văn lời kêu gọi của ĐHY Thang Hán:

”Thánh Giá là dấu hiệu tỏ tường nhất của đức tin Kitô. Trong tư cách là Kitô hữu, chúng ta phải bước theo Chúa Kitô. Điều này đòi phải vác Thánh Giá cùng với Chúa Giêsu Kitô.

”Trong hai năm gần đây, các Thánh Giá trên hàng ngàn nhà thờ, Tin Lành hoặc Công Giáo, tại tỉnh Chiết Giang đã bị tháo gỡ bằng bạo lực. Trong số các thánh đường bị phá hủy với Thánh Giá, cũng có nhiều nhà thờ được xây cất với tất cả các giấy phép hợp pháp. Trong một số vụ phá hủy ấy, các giáo sĩ và thành viên của các cộng đoàn, trong khi bảo vệ đức tin của mình một cách hợp pháp, đã bị cầm tù, gây nên nhiều căng thẳng trong các giáo xứ địa phương.

”Những vụ ấy đã gây ra nhiều lo âu nơi các tín hữu Kitô, ở địa phương và nước ngoài, liên quan đến chính sách của chính phủ về việc tôn trọng tự do tôn giáo,

”Với tất cả lòng chân thành và cấp thiết, tôi muốn đưa ra lời kêu gọi sau đây:

1. Xin chính quyền trung ương và nhà chức trách có thẩm quyền cùng với chính quyền tỉnh Chiết Giang mở cuộc điều tra về những gì đã xảy ra; tất cả những hành động bất hợp pháp phá hủy Thánh Giá cần phải được chặn đứng, tất cả những phe liên hệ hãy ủng hộ nguyên tắc ”quyền tối thượng của hiến pháp, nhà nước pháp quyền, cai quản đất nước theo luật pháp”.

 2. Xin tất cả các tín hữu Công Giáo ở Hong Kong hãy chọn một hình thức thống hối, như ăn chay hoặc kiêng thịt, và đặc biệt cầu nguyện cho tự do tôn giáo, cho phẩm giá của đức tin, và chia sẻ những đau khổ của anh chị em chúng ta ở Chiết Giang”.

 Ký tên: Hồng Y Gioan Thang Hán

 Ngày 13 tháng 8 năm 2015

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho Công Giáo tại Trung Quốc

Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho Công Giáo tại Trung Quốc

VATICAN. ĐTC Phanxicô kêu gọi cầu nguyện cho các tín hữu Công Giáo tại Trung Quốc và cổ võ tham gia buổi canh thức cầu nguyện cho tự do tôn giáo do HĐGM Italia đề xướng.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 20-5-2015, tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC nói:

”Ngày 24-5 này, với lòng sùng mộ, các tín hữu Công Giáo tại Trung Quốc khẩn cầu Đức Mẹ Phù Hộ các tín hữu Kitô, được tôn kính tại Đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn (Sheshan) ở Thượng Hải. Nơi pho tượng được đặt trên Đền Thánh, Đức Mẹ giơ cao Chúa Con, giới thiệu Người cho thế giới, với đôi tay rộng mở, như một cử chỉ yêu thương và từ bi. Cả chúng ta cũng sẽ khẩn cầu Mẹ Maria phù giúp các tín hữu Công Giáo tại Trung Quốc luôn luôn là những chứng nhân đáng tin cậy về tình yêu thương xót của Chúa giữa lòng dân tộc của họ và sống hiệp nhất trong tinh thần với Đá Tảng Phêrô, trên đó Giáo Hội được thiết lập”.

ĐTC nói thêm: ”HĐGM Italia đã đề nghị rằng trong các giáo phận, nhân buổi canh thức áp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng ta nhớ đến bao nhiêu anh chị em lưu vong hoặc bị sát hại chỉ vì họ là Kitô hữu. Tôi cầu mong buổi cầu nguyện ấy gia tăng ý thức rằng tự do tôn giáo là một nhân quyền bất khả nhượng, gia tăng sự nhạy cảm về thảm trạng của các tín hữu Kitô bị bách hại trong thời đại chúng ta ngày nay và chấm dứt được tội ác không thể chấp nhận ấy”.

Trong thư gửi các tín hữu Công Giáo tại Trung Quốc công bố hồi năm 2007, ĐGH Biển Đức 16 đã đề nghị toàn thể Giáo Hội chọn ngày 24-5 hàng năm, lễ Đức Mẹ Phù Hộ các tín hữu, làm ngày cầu nguyện cho Giáo Hội tại Hoa Lục.

Trong những năm qua, vào ấy này, Nhà cầm quyền Trung Quốc thường cấm cản không cho các tín hữu Công Giáo từ những nơi khác ở Trung Quốc đến Đền Thánh Đức Mẹ Xà Sơn ở ngoại ô Thượng Hải để hành hương và cầu nguyện kính Đức Mẹ.

Riêng giáo phận Thượng Hải, sau khi Đức Cha Alois Kim Lỗ Hiến qua đời ngày 3-5-2013 qua đời lúc 97 tuổi, Giáo phận này không có chủ chăn chính thức. Đức GM Phụ Tá Tadeo Mã Đại Thanh (Ma Daqin), vì tuyên bố ngưng hoạt động cho Giáo Hội Công Giáo yêu nước vào cuối buổi lễ thụ phong GM, nên ngài bị Nhà Nước Trung Quốc quản thúc tại Đại chủng viện Xà Sơn và không cho ngài thi hành sứ vụ thánh. (SD 20-5-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Những thế hệ bán mẹ bán con

Những thế hệ bán mẹ bán con

Ngày 31 tháng giêng vừa qua ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến các thành viên của Liên đoàn các nông dân Italia viết tắt là Coldiretti, nhân kỷ niệm 70 năm thành lập.

Ngỏ lời trong dịp này ĐTC đã khẳng định rằng đất đai là mẹ của con người, vì khi được trồng tiả với sự cẩn trọng, lòng biết ơn trân quý và chừng mực, đất đai cung cấp lương thực nuôi sống con người. Trong các luống cầy của mẹ đất không chỉ được ấp ủ các hạt giống và loại củ trở thành thực phẩm nuôi sống con ngưòi, nhưng nó còn ấp ủ cả chính gốc rễ của cuộc sống nhân bản nữa. Ý thức đất đai là mẹ còn rất mạnh nơi các dân tộc phi châu, Á châu và châu Mỹ Latinh. Đất không chỉ là mẹ, mà thường khi còn được nâng lên hàng thần linh, hay ít nhất là thực tại thuộc thế giới linh thiêng. Đất, nước, lửa, gió chiếm chỗ quan trọng trong các tôn giáo cổ truyền phi châu. Người dân tôn trọng và kính sợ các yếu tố thiên nhiên ấy, vì biết rằng cuộc sống của mình tùy thuộc các yếu tố đó.

Tuy nhiên, khi con người chỉ tôn thờ tiền bạc và lợi nhuận, thì nó sẽ bán cả mẹ đất, vì nó chỉ coi mẹ nó là hàng hóa, và hút tỉa mọi nhựa sống của mẹ một cách tàn bạo, nhằm gia tăng lợi nhuận và túi tiền của mình, mà không thèm đếm xỉa gì tới các chu kỳ sinh học của mẹ. Vì thế khi mẹ đất kiệt quệ, không vắt được gì nữa, thì nó vứt bỏ hay bán tống bán tháo đi.

Chính vì mẹ đất nuôi sống con người nên các chính quyền phải biết đề ra các đường lối chính trị thăng tiến một nền nông nghiệp xã hội có gương mặt nhân bản, được làm thành bởi các liên lạc quân bình, vững chắc và sinh động giữa con người và mẹ đất. Không có nhân loại, nếu không có việc trồng tiả đất đai. Không có cuộc sống tốt, nếu không sản xuất đủ lương thực để nuôi sống tất cả mọi người. Do đó cần phải loại bỏ các chướng ngại trừng phạt sinh hoạt nông nghiệp qúy báu như vậy và cần phải lượng dịnh trở lại vài trò và tầm quan trọng của đất đối với cuộc sống con người. Đồng thời phải chú ý không dùng đất đai canh tác nông nghiệp cho các sinh hoạt xem ra đem lại nhiều lợi nhuận hơn, nhưng không bảo đảm lương thực tối thiểu cho dân.

Ngoài ra, theo quan niệm của Kitô giáo, đất đai là của tất cả mọi người và phải được sử dụng để nuôi sống mọi người, làm sao để không xảy ra cảnh nghèo đói. Hệ thống kinh tế thống trị hiện nay loại bỏ rất nhiều người, không cho họ được hưởng thiện ích của đất đai được dành để cho tất cả mọi người. Các chính sách nông nghiệp của các chính quyền đáng lý ra phải liên lỉ chú ý tới thực tại này, nhưng thường khi chúng bị chi phối bởi các thứ lợi nhuận khác nhau của hàng lãnh đạo hay các nhóm xã hội, nên có thể phạm các sai lầm và không thành công trong việc bảo đảm nhu yếu phẩm cho cuộc sống của người dân.

Thêm vào đó việc tuyệt đối hóa các luật lệ thị trường, một nền văn hóa gạt bỏ và phung phí với các mức độ không thể chấp nhận được, cùng với các yêu tố khác gây ra cảnh sống bần cùng và khổ đau cho biết bao nhiêu gia đình trên thế giới hiện nay. Vì thế cần phải suy tư sâu xa trở lại hệ thống sản xuất và phân phối thực phẩm. Cơm bánh nuôi sống con người, trong một nghiã nào đó, cũng tham dự vào sự thánh thiêng của cuộc sống con người nữa, vì thế không thể coi nó chỉ như là một món hàng.

Trước các thay đổi khí hậu, và sự kiện nước và đất bị ô nhiễm, mọi quốc gia trên thế giới cần phải ý thức về sự khẩn thiết giữ gìn môi sinh, bảo vệ thụ tạo cho sự sống còn của nhân loại và thiện ích của các thế hệ đến sau. Do đó cần phải tìm trở lại tình yêu đối với mẹ đất và giữ gìn mẹ đất như Thiên Chúa muốn, vì nó là nguồn sự sống của toàn nhân loại, chứ không được khai thác xả láng và bán đổ bán tháo mẹ đất đi.

Qủa thế, khi chỉ tôn thờ tiền bạc và lợi nhuận người ta bán mẹ mình. Đây đã là trường hợp xảy ra tại Congo và nhiều nước Phi châu, nơi giới lãnh đạo chính trị bán hàng triệu mẫu đất cho chính quyền cộng sản Trung Quốc và Ấn Độ. Trong các năm qua Trung Quốc đã mua của Congo 9 triệu mẫu đất, để canh tác và sản xuất hoa mầu cung cấp thêm lương thực cho khối 1 tỷ bốn trăm triệu miệng ăn. Ấn Độ và Nam Hàn cũng đổ xô đi mua đất bên Phi châu để canh tác. Còn Nhật Bản thì mua các bất động sản và mua đất lập làng cho người già sang hưu trí bên Australia.

“Bán mẹ” đất đây cũng là trường hợp xảy ra tại Việt Nam, vì giới lãnh đạo cộng sản đã bán đất, bán biển, bán rừng, bán các quặng mỏ và bán nước cho Trung Quốc. Tuy làm gì cũng nhân danh lý tưởng xã hội chủ nghĩa, nhưng giới tư bản đỏ Việt Nam phản quốc chỉ còn biết tôn thờ thần mỹ kim và lợi nhuận cá nhân phe nhóm, vì thế Đảng Cộng Sản Việt Nam đã âm thầm bán đứt đất mẹ và bán luôn cả 90 triệu con dân Việt Nam cho Trung Quốc. Cụ thể là từ nhiều thập niên qua mỗi năm nhà nước cộng sản Việt Nam đã bán hàng ngàn cô dâu Việt cho Trung Quốc, Đại Hàn, Nhật Bản, Đài Loan. Tại các địa điểm mua cô dâu Việt, người nước ngoài có thể tới ngó nhìn, lựa chọn và trả giá mua phụ nữ Việt như mua súc vật,

Rồi đây vào năm 2020 khi Việt Nam chính thức trở thành một tỉnh của Trung Quốc theo thỏa hiệp bán nước lén lút của Hội nghị Thành Đô, con dân Việt Nam sẽ còn bị ức hiếp, đầy đọa, hán hóa, sống kiếp tôi mọi và trở thành nguồn cung cấp cơ phận cho đàn anh Trung Quốc vĩ đại biết chừng nào mà kể!

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

Nạn buôn cơ phận người trên thế giới

Nạn buôn cơ phận người trên thế giới

Sáng ngày mùng 2 tháng 12 vừa qua Đức Thánh cha Phanxicô đã cùng với các vị lãnh đạo các tôn giáo khác ký một tuyên ngôn chung chống lại nạn buôn người trên thế giới.

Cùng ký vào tuyên ngôn có Đức giáo chủ Liên Hiệp Anh giáo Justin Welby, các vị lãnh đạo Chính thống, Phật giáo, Ấn giáo và Hồi giáo đến từ nhiều quốc gia. Sáng kiến này do Mạng lưới tự do toàn cầu đề xướng nhằm mục đích loại trừ tệ nạn buôn người và các hình thức nô lệ mới đang lan tràn trên thế giới ngày nay. Lễ nghi ký tuyên ngôn chung đã diễn ra tại trụ sở Hàn Lâm Viện về các Khoa Học của Tòa Thánh trong nội thành Vaticăng.

Phát biểu trong dịp này Đức Thánh Cha khẳng định rằng nạn nô lệ mới, trong tương quan với nạn buôn nguời, cưỡng bách lao động, mại dâm và buôn bán cơ phận, là tội ác chống lại nhân loại. Các nạn nhân thuộc mọi giai tầng xã hội, nhưng nhất là những người nghèo khổ và dễ bị tổn thương nhất. Ngài kêu gọi mọi cộng đoàn tôn giáo hành động, để loại bỏ hoàn toàn mọi tước đoạt tự do của cá nhân nhắm bóc lột con người và thương mại.

Đức Thánh Cha cũng ghi nhận rằng mặc dù có nhũng cố gắng lớn của nhiều người, tệ nạn nô lệ mới tiếp tục là một tai ương kinh khủng trên thế giới, kể cả dưới hình thức du lịch. Tội ác này hiện diện khắp nơi và nấp sau những thói quen bề ngoại được chấp nhận. Nhưng trong thực tế, các nạn nhân của chúng ở trong tình trạng mại dâm, buôn người, cưỡng bách lao động, làm việc như nô lệ, bị cắt chặt cơ phận, bán cơ phận và tiêu thụ ma túy, bắt trẻ em làm việc.

Theo bản tường trình năm 2007 của các chuyên viên Tổ Chức Sức Khỏe Thế Giới hàng năm trên thế giới có 21.000 vụ ghép gan, 66.000 vụ ghép thận và 6.000 vụ ghép tim. Năm phần trăm các cơ phận phát xuất từ chợ đen với các lợi nhuận lên đến 1,2 tỷ mỹ kim. Và các vụ buôn bán cơ phận bất hợp pháp này ngày càng gia tăng tạo thành cả một siêu thị quốc tế buôn bán cơ phận người. Năm 2004 Tổ Chức Sức Khỏe Thế Giới đã kêu gọi các quốc gia thành viên có các biện pháp che chở các nhóm người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất chống lại nạn du lich cấy ghép cơ phận và bán các mô và cơ phận người, cũng như đề phòng nạn buôn bán cơ phận quốc tế.

Các quốc gia chính bán cơ phận người là Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Ai Cập, Philippines, và Colombia. Trong khi người mua cơ phận thuộc các các nước kỹ nghệ giầu Âu châu, Hoa Kỳ, các nước vùng Vinh Ba Tư, Israel, Nhật Bản, Australia và Canada. Và đa số các nạn nhân của kỹ nghệ buôn bán cơ phận người là dân nghèo, thường khi gồm cả trẻ em, bị áp lực, hay bị dụ dỗ bán cơ phận để gia đình có thể sống còn. Họ chỉ nhận được một số tiền rất nhỏ nhoi, trong khi những kẻ ăn cắp cơ phận bán lại chúng với gía đắt hơn vàng.

Bên châu Mỹ Latinh người ta rao bán cơ phận trên báo chí. Bên Indonesia các nhà báo chup được hình của một người cha cầm bảng rao bán cơ phận mình ngoài đường phố để có tiền cho con ăn học. Tại Ấn Độ và Pakistan hằng năm có 2.000 người bán cơ phận, thường là thận.

Tuy nhiên, trong thị trường buôn bán cơ phận người, Trung Quốc đứng hàng đầu. Điều tệ hại hơn nữa là đa số các cơ phận đều là các cơ phận ăn cướp từ các tù nhân. Theo bản tường trình của Tổ Chức Sức Kkoẻ Thế Giới trong năm 2005 Trung Quốc đã bán 12,000 trái thận và 900 lá gan của các tù nhân bị hành quyết cho các người Hoa giầu, hay cho các người ngoại quốc không thể chờ đợi một cơ phận hợp pháp.

Vào tháng 3 năm 2006 một phụ nữ xác nhận là đã có 4,000 học viên Pháp Luân Công bị Nhà Nưóc Trung Quốc giết để lấy nội tạng trong bệnh viện nơi cô làm việc. Một tuần sau đó một bác sĩ quân y Trung Quốc xác nhận lời của phụ nữ ấy, và khẳng định rằng tội ác này diễn ra trong 36 trại tập trung khác trên khắp Trung Quốc. Theo ông, trại tập trung lớn nhất giam giữ tới 120,000 người. Trong số ra ngày 28 tháng 3 năm 2006 nhật báo Washington Post đăng lại tin của tờ Tin Sáng Nam Hoa cho biết hàng năm Trung Quốc cấy ghép 7-8 ngàn trái thận. Các bác sĩ Trung Quốc thản nhiên trả lời các nhà hoạt động nhân quyền nước ngoài giả làm người mua cơ phận rằng họ có thể cung cấp phần nội tạng cần trong vòng một tuần. Trong khi bác sĩ Michael Shapiro, chuyên viên cấy nội tạng, cho biết ở New Jersey người cần cấy nội tạng phải chờ đợi trong 4-5 năm, còn tại New York phải chờ đợi từ 8 tới 10 năm, vì rất hiếm nội tạng. Trong khi Trung Quốc có kho nội tạng dồi dào.

Thật ra hồi thập niên 1980 Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã biết rằng chính quyền Trung Quốc giết các tù nhân để lấy cơ phận sống bán trên thị trưòng quốc tế. Bác sĩ Thomas Diflo, giáo sư Trung tâm y khoa của Đại học New York, cho biết ông đã hỏi những người Hoa sang Trung Quốc dể cấy nội tạng, và họ cho biết là các nội tạng được lấy của các tù nhân. Chính quyền Trung Quốc nói là đã có sự đồng ý của người cho nội tạng và thân nhân của họ, nhưng thực ra đó là các nội tạng ăn cướp, đặc biệt là của các thành viên Pháp Luân Công.

“Trung tâm điều tra Pháp Luân Công” đã xác nhận rằng đa số các thành viên Pháp Luân Công bị giam trong các trại ở mạn bắc tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh. Ba mươi sáu nhà tù là ba mươi sáu tử trại mổ nội tạng tù nhân.

Trước tệ nạn buôn bán cơ phận bất hợp pháp trầm trọng này ông David Kilgour, nguyên đại biểu Quốc Hội Canada kiêm Ngoại trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương và ông David Matas, luật sư nhân quyền quốc tế, đã bắt đầu các cuộc điều tra, và vào tháng 7 năm 2006 đã công bố bản tường trình dài 140 trang. Họ đi tới kết luận “đáng buồn rằng các cáo buộc nói trên hoàn toàn đúng sự thật”. Nạn mổ cướp nội tạng của các thành viên Pháp Luân Công bị giam giữ trái phép là “một hình thức tội ác mà loài người chưa từng biết đến trên hành tinh này”.

Nội tạng của các tù nhân được bán cho các nhà thương và các bệnh viện ghép cơ phận tại Trung Quốc treo giá biều như sau: ghép thận 62.000 mỹ kim; thay gan 98.000-130.000 mỹ kim; thay phổi 150.000-170.000 mỹ kim; thay tim 130.000-160.000 mỹ kim; thay giác mạc 30.000 mỹ kim.

Pháp Luân Công là môn khí công cổ truyền Trung Hoa theo nguyên lý chân, thiện, nhẫn do ông Lý Hồng Chí giới thiệu với công chúng hồi năm 1992 nhằm cải tiến sức khỏe thể lý và tinh thần cho người tập. Nó không liên quan gì tới tôn giáo hay chính trị, và ai cũng có thể thực hành. Từ ngày đó có nhiều người theo tập, trong đó có nhiều cán bộ cao cấp của Nhà Nước Trung Quốc. Tới năm 1998 đã có hơn 70 triệu học viên, vượt qúa số đảng viên của Nhà Nước. Sự kiện này khiến cho Chủ tịch Giang Trạch Dân lo ngại nên ngày 20 tháng 7 năm 1999 ông ra lệnh cấm và đàn áp các học viên Pháp Luân Công. Hàng trăm ngàn học viên đã bị bắt, bị đánh đập tàn nhẫn, bị giam giữ mà không xét xử. Người thân của họ cũng không biết họ bị giam ở đâu còn sống hay đã chết. Đã có 3,000 người bị tra tấn dã man đến chết. Ngày 23 tháng giêng năm 2001 Giang Trạch Dân và Nhà Nước cộng sản Trung Quốc lại còn giàn dựng cảnh học viên Pháp Luân Công tư thiêu tại quảng trường Thiên An Môn để có thêm cớ đàn áp họ, nhưng thật ra là để giết họ và ăn cướp nội tạng bán cho các nhà thương ghép cơ phận để làm giầu.

Với các công dân của mình mà Nhà nước cộng sản Trung Quốc còn đối xử tàn bạo như thế, thì đối với người dân Việt Nam sẽ ra sao? Liệu người dân Việt Nam có trở thành nguồn lợi cung cấp cơ phận hay không, khi đã bị hàng lãnh đạo phản quốc bán đứng cho Trung Quốc trong Hội Nghị Thành Đô, khiến cho Việt Nam sẽ trở thành một tỉnh của Trung Quốc vào năm 2020 sắp tới?

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha họp báo trên máy bay

Đức Thánh Cha họp báo trên máy bay

Pope Francis visit to South Korea

VATICAN. ĐTC xác nhận sự hợp pháp của việc dùng võ lực để chặn kẻ gây hấn bất chính, ngài cũng nhìn nhận cần phải làm cho công việc của ngài nhẹ bớt để giữ sức khỏe, nhưng sẵn sàng từ nhiệm theo gương vị tiền nhiệm Biển Đức 16 khi không còn làm việc được nữa.

Trên đây là một trong nhiều điểm được ĐTC đề cập đến trong cuộc họp báo dài một tiếng đồng hồ trên máy bay từ Hàn quốc trở về Roma hôm 18-8-2014.

Trả lời câu hỏi của một ký giả người Mỹ về việc không quân Hoa Kỳ oanh kích những kẻ khủng bố Hồi giáo để ngăn chặn cuộc diệt chủng, ĐTC nói: ”Trong những trường hợp này, khi có một sự gây hấn bất công, tôi chỉ có thể nói là được phép ngăn chặn kẻ gây hấn bất chính. Tôi nhấn mạnh động từ ”ngăn chặn” (fermare), tôi không nói là bỏ bom, gây chiến. Cần phải thẩm định các phương thế để ngăn chặn. Nhưng chúng ta cũng phải nhớ: bao nhiêu lần viện cớ ngăn chặn kẻ gây hấn bất công, các cường quốc đã chiếm đóng và thống trị các dân tộc và biến thành một cuộc chiến tranh chinh phục! Một quốc gia một mình không thể thẩm định phải ngăn chặn kẻ gây hấn bất công cách nào. Sau thế chiến thứ II, đã có LHQ, và chính tại đó người ta phải thảo luận”…

ĐTC cho biết ngài sẵn sàng đến các vùng có chiến tranh, như Kurdistan, nếu cần và nếu có thể thực hiện được, để ngăn chặn bạo lực.

Đáp một câu hỏi khác, ngài ca ngợi dân tộc Trung Hoa, một dân tộc khôn ngoan, và cho biết sẵn sàng đến Trung Quốc. ĐTC nói: ”Chúng tôi tôn trọng nhân dân Trung Quốc, Giáo Hội chỉ yêu cầu được được tự do để thi hành sứ mạng của mình, không có điều kiện nào khác.” Ngài cũng nhắc đến lá thư cơ bản của ĐGH Biển Đức 16 gửi các tín hữu Công Giáo Trung Hoa hồi năm 2007, một lá thư vẫn giữ nguyên tính chất thời sự. Ngài nói: “Tòa Thánh vẫn luôn cởi mở đối với các tiếp tục, luôn luộn, vì Tòa Thánh chân thành quí chuộng nhân dân Trung Quốc”.

Quan hệ với Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16

Một ký giả người Đức hỏi ĐTC về quan hệ giữa ngài với Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16, ngài đáp:

”Trước khi đi Hàn quốc, tôi đã đến gặp Người. Cách đây hai tuần Người đã gửi tôi một bài viết thật hay và hỏi ý kiến tôi… Chúng tôi có một quan hệ bình thường, vì tôi có ý tưởng này, có lẽ ý tưởng này không làm cho vài thần học gia hài lòng lắm. Tôi nghĩ việc Giáo Hoàng về hưu không phải là một điều ngoại lệ. Sau bao thế kỷ, Đức Biển Đức 16 là vị đầu tiên về hưu, như Người đã nói: ”Tôi già yếu rồi, tôi không còn sức nữa”.

Việc từ chức của Người là một cử chỉ cao thượng, khiêm tốn và can đảm.. Tôi nghĩ cách đây 70 năm, việc GM về hưu là một ngoại lệ, không có. Ngày nay GM về hưu là một định chế. Tôi nghĩ Giáo Hoàng về hưu đã là một định chế rồi! Tại sao? Vì đời sống chúng ta kéo dài và tới một tuổi nào đó không còn khả năng cai quản tốt nữa, vì cơ thể mệt mỏi.. sức khỏe có thể là còn tốt, nhưng không còn khả năng giải quyết tất cả các vấn đề của một việc cai quản như cai quản Giáo Hội… Một ngày kia, nếu không còn sức để cai quản Giáo Hội nữa, tôi cũng sẽ làm như vậy. Tôi sẽ cầu nguyện rất nhiều, nhưng tôi sẽ làm như thế. Đức Biển Đức 16 đã mở ra một cánh cửa, đó là một định chế chứ không phải là một điều ngoại lệ. Quan hệ giữa chúng tôi là quan hệ huynh đệ, nhưng tôi cũng nói rằng tôi cảm thấy Người như có một ông nội ở trong nhà vì sự khôn ngoan của Người.. Tôi thích nghe Người, và Người cũng khích lệ tôi nhiều. Đó là quan hệ của tôi với Người!”

Soạn thảo Thông điệp về môi sinh

Trả lời câu hỏi của một ký giả truyền hình Đức về Thông điệp về môi sinh đang được soạn thảo, ĐTC nói: Tôi đã nói chuyện rất nhiều với ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh công lý và hòa bình, về thông điệp này, và đã yêu cầu ĐHY thu thập tất cả những đóng góp được gửi tới. 4 ngày trước cuộc công du này, ĐHY đã giao cho tôi bản dự thảo đầu tiên thật là dầy, dầy hơn 1 phần 3 so Tông Huấn ”Niềm Vui Phúc Âm”. Đó là một vấn đề không dễ dàng, bảo tồn thiên nhiên, và cả về môi sinh con người, người ta chỉ có thể nói chắc chắn tới một mức độ nào thôi. Rồi có những giả thuyết khoa học, một số khá chắc chắn, một số khác thì không. Một thông điệp phải có đặc tính huấn quyền, chỉ nói những điều chắc chắn.. Vấn đề bây giờ là đi tới những điều thiết yếu, nhưng gì chúng ta có thể khẳng định chắc chắn. Tuy nhiên, ta có thể nói trong phần chú thích những giả thuyết này, giả thuyết kia, như một thông tin, chứ không phải như thành phần một thông điệp, một văn kiện phải có tính chắc chắn, vì là một văn kiện đạo lý” (SD 19-8-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Full Text Of Pope Francis' Press Conference On Plane Returning From Korea

By Gerard O’Connell (Vatican correspondent)

Pope Francis said “the unjust aggressor” against the minorities in Iraq “must be stopped” but, he added, no one state can decide to intervene by itself.  The crime of aggression has to be taken to the UN to decide which are the best means to stop the aggressor. He made clear “I do not say bomb.”

He revealed that he had contemplated going to Kurdistan at the time he sent Cardinal Filoni, and said he does not yet exclude that possibility if it is necessary.

He made clear his ardent desire to go to China, even “tomorrow,” and said he wishes to establish good relations with that noble people.

He rejected the suggestion that the Prayer for Peace in the Holy Land on June 8 was a failure, and emphasized that “it has opened a door” that still remains open.

He made these and other significant statements in an hour long interview on the flight back from Korea when he responded to a variety of questions from the international media.

America provides below the full transcript of the pope’s press conference. The translation was made by Gerard O’Connell, its Vatican correspondent, who travelled on the plane with the pope. This is not an official translation.

Q. During the visit to Korea, you reached out to the families of the Sewol ferry disaster and consoled them. Two questions: What did you feel when you met them? And were you not concerned that your action could be misinterpreted politically?

A. When you find yourself in front of human suffering, you have to do what your heart brings you to do. Then later they might say, he did this because he had a political intention, or something else. They can say everything. But when you think of these men, these women, fathers and mothers who have lost their children, brothers and sisters who have lost brothers and sisters, and the very great pain of such a catastrophe…my heart. I am a priest, I feel that I have to come close to them, I feel that way. That’s first. I know that the consolation that I can give, my words, are not a remedy. I cannot give new life to those that are dead. But human closeness in these moments gives us strength, solidarity.

I remember when I was archbishop of Buenos Aires, I experienced two catastrophes of this kind. One was a fire in a dance hall, a pop-music concert, and 194 people died in it. That was in 1993. And then there was another catastrophe with trains, and I think 120 died in that. At those times I felt the same thing, to draw close to them. Human pain is strong and if we draw close in those sad moments we help a lot.

And I want to say something more. I took this ribbon (from relatives of the Sewold ferry disaster, which I am wearing) out of solidarity with them, and after half a day someone came close to me and said, “It is better remove it, you should be neutral." But listen, one cannot be neutral about human pain. I responded in that way. That’s how I felt.

Q. You know that recently the U.S. forces have started bombing the terrorists in Iraq, to prevent a genocide, to protect minorities, including Catholics who are under your guidance. My question is this: do you approve the American bombing?

A. Thanks for such a clear question. In these cases where there is an unjust aggression, I can only say this: it is licit to stop the unjust aggressor. I underline the verb: stop. I do not say bomb, make war, I say stop by some means. With what means can they be stopped? These have to be evaluated. To stop the unjust aggressor is licit.

But we must also have memory. How many times under this excuse of stopping an unjust aggressor the powers [that intervened] have taken control of peoples, and have made a true war of conquest.

One nation alone cannot judge how to stop an unjust aggressor. After the Second World War there was the idea of the United Nations. It is there that this should be discussed. Is there an unjust aggressor? It would seem there is. How do we stop him? Only that, nothing more.

Secondly, you mentioned the minorities. Thanks for that word because they talk to me about the Christians, the poor Christians. It’s true, they suffer. The martyrs, there are many martyrs. But here there are men and women, religious minorities, not all of them Christian, and they are all equal before God.

To stop the unjust aggressor is a right that humanity has, but it is also a right that the aggressor has to be stopped so that he does not do evil.

Q.  To return to Iraq. Like Cardinal Filoni and the head of the Dominicans, would you be ready to support a military intervention in Iraq to stop the Jihadists? And I have another question: do you think of going one day to Iraq, perhaps to Kurdistan to sustain the Christian refugees who wait for you, and to pray with them in this land where they have lived for 2,000 years?

A.  Not long ago I was with the Governor of Kurdistan, Minister Nechirvan Barzani. He had very clear ideas about the situation and how to find solutions, but that was before this unjust aggression.

I have responded to the first question. I am only in the agreement in the fact that when there is an unjust aggressor he is to be stopped.

Yes, I am willing [to go there]. But I think I can say this, when we heard with my collaborators about the killings of the religious minorities, the problem at that moment in Kurdistan was that they could not receive so many people. It’s a problem that one can understand. What can be done? We thought about many things. First  of all a communique was issued by Fr. Lombardi in my name.  Afterwards that communique was sent to all the nunciatures so that it be communicated to governments. Then we wrote a letter to the Secretary General of the United Nations. Many things …. And at the end we decided to send our personal envoy—Cardinal Filoni,  and I said if it were necessary when we return from Korea we can go there. It was one of the possibilities. This is my answer. I am willing [to go there]. At the moment it is not the best thing to do, but I am ready for this.

Q. My question is about China. China allowed you to fly over its airspace. The telegram that you sent [en route to Korea] was received without negative comments.  Do you think these are step forward towards a possible dialogue? And have you a desire to go to China?

Father Lombardi intervenes: I can inform you that we are now flying in the airspace over China at this moment. So the question is pertinent.

A. When we were about to enter into the Chinese airspace [en route to Korea], I was in the cockpit with the pilots, and one of them showed me a register and said, "We’re only ten minutes away from entering the Chinese airspace, we must ask authorization." One always asks for this. It’s a normal thing, one asks for it from each country. And I heard how they asked for the authorization, how they responded. I was a witness to this. The pilot then said, "We sent a telegram," but I don’t know how they did it.

Then I left them and I returned to my place and I prayed a lot for that beautiful and noble Chinese people, a wise people. I think of the great wise men of China, I think of the history of science and wisdom. And we Jesuits have a history there with Father Ricci. All these things came into my mind.

If I want to go to China? For sure! Tomorrow!

We respect the Chinese people. The church only asks for liberty for its task, for its work. There’s no other condition.

Then we should not forget that fundamental letter for the Chinese problems which was the one sent to the Chinese by Pope Benedict XVI. This letter is actual [relevant] today. It is actual. It’s good to re-read it.

The Holy See is always open to contacts. Always. Because it has a true esteem for the Chinese people.

Q. Your next journey will be to Albania and perhaps Iraq. After the Philippines and Sri Lanka, where will you go in 2015? And can I say that in Avila, there is great hope (that you will come),  can they still hope?

A. Yes! The president of Korea said to me—in perfect Spanish!—hope is the last thing one loses. She said that to me referring to the unification of Korea. One can always hope, but is not decided. Let me explain.

This year Albania is envisaged. Some have begun to say that the pope is starting everything from the periphery. But I am going to Albania for two important motives. First, because they have been able to form a government—just think of the Balkans, they have been able to form a government of national unity with Muslims, Orthodox and Catholics, with an interreligious council that helps a lot and is balanced. This is good, and harmonious. The presence of the pope wishes to say to all the peoples [of the world] that it’s possible to work together. I felt it as a real help to that noble people.

And there’s another thing, if we think about the history of Albania, in terms of religion is was the only country in the communist world to have in its constitution practical atheism. So if you went to mass it was against the constitution. And then, one of the ministers told me that 1820 churches were destroyed, both Orthodox and Catholic, at that time. Then other churches were transformed into theatres, cinemas, dancehalls. So I just felt that I had to go. It’s close, just one day.

Next year I would like to go to Philadelphia, for the meeting of the families. Then, I have been invited by the President of the United States to the American Congress. And also the Secretary General of the United Nations has also invited me to the Secretariat of the UN in New York. So maybe the three cities together.

Then there’s Mexico. The Mexicans want me to go to the Shrine of Our Lady of Guadalupe, so we could take advantage of that too (during the U.S. visit), but it’s not certain.

And lastly Spain. The Spanish Royals have invited me. The bishops have invited me, but there is a shower of invitations to go to Spain, and maybe it is possible, but there is nothing sure, so I’ll just say that maybe to go to Avila in the morning and return in the afternoon if it were possible, but nothing is decided. So one can still hope.

Q. What kind of relationship is there between you and Benedict XVI? Do you have a regular exchange of opinions? Is there a common project after the encyclical ("Light of Faith")?

A. We see each other. Before I departed [for Korea] I went to visit him. Two weeks earlier he sent me an interesting written text and he asked my opinion on it. We have a normal relationship. 

I return to this idea, which may not be liked by some theologian. I am not a theologian, but I think that the emeritus-pope is not an exception. But after many centuries he is the first emeritus. Let us think about what he said, I have got old, I do not have the strength. It was a beautiful gesture of nobility, of humility and courage.

But if one thinks that 70 years ago emeritus bishops also were an exception. They did not exist, but today emeritus bishops are an institution.

I think that the emeritus pope is already an institution because our life gets longer and at a certain age there isn’t the capacity to govern well because the body gets tired, and maybe one’s health is good but there isn’t the capacity to carry forward all the problems of  a government like that of the church. I think that Pope Benedict made this gesture of emeritus popes. May, as I said before, some theologian may say this is not right, but I think this way. The centuries will tell us if this so or not. Let’s see.

But you could say to me, if you at some time felt you could not go forward, I would do the same! I would do the same. I would pray, but I would do the same. He [Benedict] opened a door that is institutional, not exceptional.

Our relationship is truly that of brothers. But I also said that I felt as if I have a grandfather at home because of his wisdom. He is a man of wisdom, of nuance that is good for me to hear him. And he encourages me sufficiently too. That’s the relationship I have with him.

Q. You have met the people who suffered. What did you feel when you greeted the comfort women at Mass this morning? And as regards the suffering of people in Korea there were also Christians hidden in Japan, and next year will the 150th anniversary of their "era of Nero" [in which Christians were persecuted]. Would it be possible to pray for them together with you at Nagasaki?

A. It would be most beautiful. I have been invited both by the government and by the bishops. I have been invited.

As for the suffering, you return to one of the first questions. The Korean people are a people who did not lose their dignity. It was a people that was invaded, humiliated. It suffered wars and now it is divided. Yesterday, when I went to the meeting with young people [at Haemi], I visited the museum of the martyrs there. It was terrible the sufferings of these people, just for not standing on a cross. It’s a historical suffering. This people has the capacity to suffer, and it is part of their dignity.

Also today, when those elderly women were in front of me at Mass, I thought that in that invasion there were young girls taken away to the barracks for to use them but they did not lose their dignity then. They were there today showing their faces, elderly, the last ones remaining. It’s a people strong in its dignity.

But returning to the question about the martyrs, the suffering and also these women, these are the fruits of war! Today we are in a world at war, everywhere. Someone said to me, "Father do you know that we are in the Third World War, but bit by bit." He understood! It’s a world at war in which these cruelties are done.

I’d like to focus on two words. First, cruelty. Today children do not count. Once they spoke about a conventional war, today that does not count. I’m not saying that conventional wars were good things, but today a bomb is sent and it kills the innocent, the guilty, children, women they kill everybody. No! We must stop and think a little about the level of cruelty at which we have arrived. This should frighten us, and this is not to create fear. An empirical study could be done on the level of cruelty of humanity at this moment should frighten us a little.

The other word on which I would like to say something is torture. Today torture is one of the means, I would say, almost ordinary in the behavior of the forces of intelligence, in judicial processes and so on. Torture is a sin against humanity, is a crime against humanity. And I tell Catholics that to torture a person is a mortal sin, it’s a grave sin. But it’s more, it’s a sin against humanity.

Cruelty and torture! I would like very much if you, in your media, make a reflection: How do you see these things today? How do you see the cruelty of humanity, and what do you think of torture. I think it would do us all good to reflect on this.

Q.  You have a very demanding rhythm, full of commitments and take little rest, and no holidays, and you do these trips that are exhausting. And in these last months we see that you have also had to cancel some of these engagements, even at the last moment  Is there something to be concerned about in the life you lead?

A.  Yes, some people told me this. I have just taken holidays, at home, as I usually do.

Once I read a book. It was quite interesting, it’s title was: Rejoice that you are neurotic. I too have some neuroses. But one should treat the neuroses well. Give them some mate [herbal drink] every day. One of the neurosis is that I am too attached to life.   

The last time I took a holiday outside Buenos Aires was with the Jesuit community in 1975. But I always take holidays. It’s true. I change rhythm. I sleep more. I read the things I like. I listen to music. That way I rest. In July and part of August I did that.

The other question. Yes, it is true, I had to cancel [engagements]. The day I should have gone to the Gemelli [hospital], up to 10 minutes before I was there, but I could not do it. It is true, they were seven very demanding days then, full of engagements. Now I have to be a little more prudent.

Q.  In Rio when the crowds chanted Francesco, Francesco, you told them to shout Christ, Christ. How do you cope with this immense popularity? How do you live it?

A.  I don’t know how to respond. I live it thanking the Lord that his people are happy. Truly, I do this. And I wish the People of God the best. I live it as generosity on the part of the people. Interiorly,  I try to think of my sins, my mistakes, so as not to think that I am somebody. Because I know this will last a short time, two or three years, and then to the house of the Father. And then it’s not wise to believe in this. I live it as the presence of the Lord in his people who use the bishop, the pastor of the people, to show many things. I live it a little more naturally than before, at the beginning I was a little frightened. But I do these thing, it comes into my mind that I must not make a mistake so as not to do wrong to the people in these things. A little that way.

Q. The pope has come from the end of the world and lives in the Vatican. Beyond Santa Marta about which you have talked to us, about your life and your choices. How does the Pope live in the Vatican? They’re always asking us: “What does he do?  How does he move about? Does he go for a walk? They have seen that you went to the canteen and surprise us.  What kind of life do you lead in Santa Marta, besides work?

A. I try to be free. There are work and office appointments, but then life for me, the most normal life I can do. Really, I’d like to go out but it’s not possible, it’s not possible, because if you go out people will come to you. That’s the reality. Inside Santa Marta I lead the normal life of work, of rest, chatting and so on.

Q. Don’t you feel like a prisoner?

A. At the beginning yes, but now some walls have fallen. For example, before it was said but the pope can’t do this or this. I’ll give you an example to make you laugh. When I would go into the lift, someone would come in there suddenly because the pope cannot go in the lift alone. So I said, you go to your place and I’ll go in the lift by myself. It’s normality.

Q. I’m sorry, Father, but I have to ask you this question as a member of the Spanish language group of which Argentina is a part. Your team, San Lorenzo, won the championship of America for the first time this week. I want to know how you are living this, how you are celebrating. I hear that a delegation are bringing the cup to the public audience on Wednesday, and that you will receive them in the public audience.

A. It's good news after getting second place in Brazil. I learned about it here. They told me in Seoul. And they told me, they’re coming on Wednesday. It’s a public audience and they will be there. For me San Lorenzo is the team, all my family were supporters of it. My Dad played basketball at San Lorenzo; he was a player in the basketball team. And as children we went with him, and Mama also came with us to the Gazometer. Today the team of ’46 was a great team and won the championship. I live it with joy. Not a miracle, no!

Q. There’s been talk for a long time about an encyclical on ecology. Could you tell us when it will be published, and what are the key points?

A. I have talked a lot about this encyclical with Cardinal Turkson, and also with other people. And I asked Cardinal Turkson to gather all the input that have arrived, and four days before the trip, Cardinal Turkson brought me the first draft. It’s as thick as this. I’d say it’s about a third longer than "Evangelii Gaudium." It’s the first draft.  It’s not an easy question because on the custody of creation, and ecology, also human ecology, one can talk with a certain security up to a certain point, but then the scientific hypotheses come, some sufficiently secure, others not. And in an encyclical like this, which has to be magisterial, one can only go forward on the things that are sure, the things that are secure. If the pope says the center of the universe is the earth and not the sun, he’s wrong because he says a thing that is scientifically not right. That’s what happens now. So we have to do the study now, number by number, and I believe it will become smaller. But going to the essentials, to that which one can affirm with security. One can say, in footnotes, that on this there is this and that hypothesis, to say it as information but not in the body of an encyclical that is doctrinal. It has to be secure.

Q. Thank you so much for your visit to South Korea. I’m going to ask you two questions. The first one is this: just before the final Mass at the cathedral you consoled some comfort women there, what thought occurred to you? And my second question, Pyongyang sees Christianity as a direct threat to its regime and its leadership and we know that some terrible thing happened to North Korean Christianity but we don’t know exactly what happened. Is there any special approach in your mind to change North Korea’s approach to North Korea’s Christianity?

A . On the first question I repeat this. Today, the women were there and despite all they suffered they have dignity, they showed their face. I think, as I said a short time ago, of the suffering of the war, of the cruelty of the one who wages war. These women were exploited, the were enslaved, all this is cruelty. I thought of all this, and of the dignity that they have and also how much they suffered. And suffering is an inheritance. The early fathers of the church said the blood of the martyrs if the seed of Christians. You Koreans have sown much, much, and out of coherence one now sees the fruit of that seed of the martyrs.

About North Korea, I know it is a suffering, and one I know for sure, there are many relatives that cannot come together, that’s a suffering, but it a suffering of that division of the country.   Today in the cathedral when I put on the vestments for mass there was a gift that they gave me, it was a crown of the thorns of Christ made from the iron wire that divides the two parts of the one Korea. We are now taking it with us on the plane, it’s a gift that I take, the suffering of division, of a divided family, but as I said yesterday, I can’t remember exactly, but talking to the bishops, I said we have  a hope: the two Koreas are brothers, and they speak the same language. They speak the same language because they have the same mother, and that gives us hope. The suffering of the division is great, I understand that and I pray that it ends.

Q. As an Italo-American I want to compliment you for your English, you should have no fear, and if you wish to do some practice before you go to America, my second homeland, I am willing to help. My question is this: You have spoken about martyrdom. At what stage is the process for the cause of Archbishop Romero. And what would you like to come out of this process?

A. The process was blocked in the Congregation for the Doctrine of the Faith “for prudence,” it was said. Now it is unblocked and it is in the Congregation for Saints and follows the normal path of a process. It depends on how the postulators move, it’s very important to move in haste.

What I would like is to have clarified when there is martyrdom in "odium fidei" [out of hate for the faith], whether it is for confessing the credo or for performing the works that Jesus commands us to do  for our neighbor. This is a work of theologians that is being studied. Because behind him [Romero], there is Rutilio Grande and there are others. There are other that were also killed but are not at the same height as Romero. This has to be distinguished theologically. For me, Romero is a man of God. He was a man of God but there has to be the process, and the Lord will have to give his sign [of approval]. But if He wishes, He will do so! The postulators must move now because there are no impediments.

Q. Given what has happened in Gaza, was the Prayer for Peace held in the Vatican on June 8 a failure?

A. That prayer for peace was absolutely not a failure. First of all, the initiative did not come from me. The initiative to pray together came from two presidents: the president of the State of Israel and the president of the State of Palestine. They make known to me this unease, then we wanted to hold it there [in the Holy Land],  but we couldn’t find the right place because the political cost for each one was very high if they went to the other side. The nunciature was a neutral place, but to arrive at the nunciature the President of Palestine would have had to enter in Israel, so the thing was not easy. Then they said to me, let us do it in the Vatican, we will come. These two men are men of peace, they are men who believe in God, and they have lived through many ugly things, they are convinced that they only way to resolve the situation there is through dialogue, negotiation and peace.

You ask me, was it a failure? No, the door remains open. All four, the two presidents and Bartholomew I, I wanted him here as the ecumenical patriarch of Orthodoxy, it was good that he was with us, the door of prayer was opened. And it was said we must pray, peace is a gift of God,. It is a gift but we merit it with our work. And to say to humanity that the path of dialogue is important, negotiation is important, but there is also that of prayer. Then after that, we saw what happened. But it was just a matter of coincidence. That encounter for prayer was not conjuncture. It is a fundamental step of the human attitude, now the smoke of the bombs and the war do not let one see the door, but the door was left open from that moment. And as I believe in God, I look at that door and the many who pray and who ask that He helps us. I liked that question. Thank you!

Đức Thánh Cha đến Hàn Quốc

Đức Thánh Cha đến Hàn Quốc

HÁN THÀNH. Lúc 10 giờ 10 phút sáng thứ năm, 14-8-2014, ĐTC Phanxicô đã đến thủ đô Hán Thành của Hàn Quốc sau chuyến bay dài hơn 11 tiếng đồng hồ từ Roma.

Đón tiếp

Chiếc Airbus A330 của hãng Alitalia đáp xuống căn cứ không quân Hán Thành ở thành phố Thành Nam (Seongnam) thuộc tỉnh Kinh Kỳ (Gyeonggi). 21 phát đại bác nổ vang chào mừng vị quốc khách, trong khi Bà Tổng thống Phác Cận Huệ đón chào ĐTC ngay tại chân thang máy bay trước khi hai em bé trong y phục cổ truyền của Hàn quốc tặng hoa cho ngài.

pope-francis and Korea President

Trong phái đoàn 300 tín hữu Công Giáo Hàn Quốc hiện diện tại Phi trường để chào đón ĐTC cũng có 2 người đã vượt biên từ Bắc Triều Tiên, 4 thân nhân các nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ đắm tầu ngày 16-4 năm nay, hai công nhân nước ngoài từ Philippines và Bolivia, những người tàn tật và con cháu các vị tử đạo sắp được phong chân phước.

ĐTC được cha John Chong Che Chon, tân Giám tỉnh Dòng Tên tại Hàn Quốc, làm thông ngôn trong chuyến viếng thăm này. Khi được giới thiệu với một trong những thân nhân nạn nhân đắm tàu, ngài nói: ”Tai nạn này thật là đau thương. Tôi không quên các nạn nhân. Hòa bình tại Bán đảo Triều Tiên luôn có chỗ đứng trong tâm hồn tôi”.
Bầu không khí tiếp đón thật nồng nhiệt và tưng bừng. Liền đó ĐTC đã lên chiếc xe nhỏ hiệu Kia màu xám đậm, chế tạo tại địa phương, để về tòa Sứ Thần Tòa Thánh cách đó 17 cây số để cử hành thánh lễ riêng, trước khi dùng bữa và nghỉ trưa.

Gặp chính quyền

Lúc gần 4 giờ chiều giờ địa phương, ĐTC đã đến Phủ Tổng thống Hàn Quốc chỉ cách tòa Sứ Thần 800 mét. Dinh thự này quen gọi là tòa Nhà Xanh hay là ”Thanh ngõa đài” với 150 ngàn miếng ngói màu xanh dương với hai khu nhà bên cạnh. Dinh này được kiến thiết hồi năm 1991 thay thế cho dinh được xây dựng dưới thời Nhật Bản cai trị Hàn quốc.

Đến nơi ĐTC đã được bà tổng thống Phác Cận Huệ đón tiếp với tất cả nghi thức, quốc thiều và đoàn quân danh dự diễn hành trước lễ đài, và được mời vào phòng khánh tiết của Phủ Tổng Thống để hội kiến, cùng với hai vị Bộ trưởng Hàn quốc, ĐHY Quốc vụ khanh Parolin và Đức TGM Osvaldo Padilla, Sứ Thần Tòa Thánh tại Hán Thành.


Bà Phác Cận Huệ nguyên là con của cố tổng thống Phác Chánh Hy, năm nay 62 tuổi (1952). Bà đã theo học tại trường Nữ Trung Học Thánh Tâm. Hồi đó vào năm 1965, bà đã chịu phép rửa tội với tên thánh là Juliana.


Bà đã tốt nghiệp Kỹ Sư tại Đại học Tây Giang (Sogang) do Dòng Tên thành lập ở Hán Thành. Năm 2012 bà là Phụ nữ đầu tiên đắc cử tổng thống Hàn quốc và thuộc đảng Saenuri. Từ khi được bầu làm tổng thống hồi tháng 2 năm ngoái, bà Phác Cận Huệ đã 5 lần cố gắng mời ĐGH Phanxicô đến viếng thăm Hàn Quốc trong đó có 4 thư bà viết tay mời ngài đến thăm. Lần đầu tiên hồi tháng 3 năm ngoái khi bà gửi phái đoàn do Bộ trưởng Văn hóa, thể thao và du lịch đến dự lễ khai mạc sứ vụ của ĐTC ngày 19-3-2013 tại Quảng trường thánh Phêrô, và trong dịp đó phái đoàn đã trao thư viết tay của Bà Tổng thống chúc mừng ĐTC. Năm ngoái bà lại mời nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Hàn quốc và Tòa Thánh.

Sau khi hội kiến riêng và trao đổi quà tặng, Tổng thống và ĐTC tiến sang phòng khánh tiết trước sự hiện diện của khoảng 200 người gồm các vị lãnh đạo chính quyền, đại diện ngoại giao đoàn và nhiều chức sắc khác.

Trong diễn văn chào mừng ĐTC, Bà Phác Cận Huệ đã trình bày những giai đoạn trong cuộc viếng thăm của ĐTC tại Hàn Quốc và nói về những nơi sẽ được ngài đến. Sau đó bà cũng nói về cuộc chiến giữa hai miền thuộc bán đảo Triều Tiên, không những tạo nên một vết thương sâu đậm cho quốc dân, nhưng còn gây ra bao nhiêu chia cách cho các gia đình.

Về phần ĐTC, trong diễn văn đầu tiên, ngài đã dùng tiếng Anh và nói rằng:

”Thật là một niềm vui lớn cho tôi được đến Hàn Quốc, đất nước buổi sáng yên hàn, Triều Tiên, và cảm nghiệm không những vẻ đẹp thiên nhiên của quốc gia này, nhưng nhất là vẻ đẹp của dân chúng và lịch sử văn hóa phong phú của nước này. Gia sản đất nước này qua các năm tháng đang bị thửc thách vì bạo lực, bách hại và chiến tranh. Nhưng mặc dù những đau thương, sự nóng nực ban ngày và bóng tối của ban đêm vẫn luôn nhường chỗ cho buổi sáng yên hàn, nghĩa là cho một niềm hy vọng không suy giảm, mong được công lý, hòa bình và thống nhất.

ĐTC cũng nhắc đến hai lý do chính cuộc viếng thăm của ngài, trước tiên là Đại hội giới trẻ Công Giáo Á châu lần thứ 6, một cuộc cử hành đức tin chung trong vui tươi, qui tụ các bạn trẻ Công Giáo từ các nước thuộc Á châu, và tiếp đến là lễ tôn phong chân phước cho các vị chứng nhân đức tin Hàn quốc: Phaolô Duẫn Trì Trung (Yun Ji Chung) và 123 bạn.

ĐTC ca ngợi sự kiện xã hội Hàn quốc hiểu rõ sự khôn ngoan và phẩm giá của người già và vai trò của họ trong xã hội. Như một dân tộc khôn ngoan không phải chỉ yêu mến truyền thống của mình, nhưng còn đề cao giá trị của người trẻ, tìm cách thông truyền cho họ gia sản quá khứ và áp dụng gia sản ấy vào những thách đố ngày nay. ĐTC cũng nhắc đến tầm quan trọng của việc suy tư về cách thức thích hợp nhất để thông truyền các giá trị cho các thế hệ tương lai và đâu là loại xã hội mà ta mong muốn. Trong bối cảnh Hàn quốc, ĐTC nhấn mạnh hồng ân hòa bình, hòa giải, và sự ổn định tại bán đảo Triều tiên. Một thách đố đối với ngoại giao, một thách đố ngàn đời là làm sao phá đổ những bức tường nghi kỵ và oán ghét, thăng tiến một nền văn hóa hòa giải và liên đới. ”Vì ngoại giao, trong tư cách là một nghệ thuật về những gì có thể, được dựa trên xác tín kiên vững và bền bỉ, theo đó hòa bình có thể đạt được bằng sự lắng nghe và đối thoại trong thanh thản, hơn là bằng sự trách cứ nhau, những phê bình vô bổ và sử dụng võ lực”.

”Hòa bình không phải chỉ là vắng bóng chiến tranh, nhưng là thành quả công lý. Và công lý, như một nhân đức, đòi phải có sự bền chí kiên nhẫn, nó đòi chúng ta không quên những bất công quá khứ, nhưng cần vượt thắng chúng bằng sự tha thứ, bao dung và cộng tác. Nó đòi phải có ý chí phân định và đạt tới những mục tiêu có lợi cho nhau, trên những nền tảng tôn trọng lẫn nhau, cảm thông và hòa giải”.

ĐTC cũng nhận định rằng: Kinh nghiệm dạy chúng ta trong một thế giới ngày càng hoàn cầu hóa, nhận thức của chúng ta về công ích, tiến bộ và phát triển, xét cho cùng không phải chỉ có tính chất kinh tế, nhưng còn phải có đặc tính nhân bản nữa.

Cùng với phần lớn các nước phát triển, Hàn Quốc đang đương đầu với những vấn đề xã hội quan trọng, những chia rẽ chính trị, chênh lệch về kinh tế và những lo âu liên quan tới việc quản lý môi sinh trong tinh thần trách nhiệm. ĐTC kêu gọi làm tất cả những gì có thể để kiến tạo một bầu không khí xã hội trong đó mỗi thành phần của xã hội được lắng nghe, trong đó người ta duy trì tinh thần đả thông cởi mở, đặc biệt quan tâm đến những người nghèo, những người dễ bị tổn thương, nhưng người không có tiếng nói, không những chỉ đáp ứng nhu cầu nhất thời của họ, nhưng còn thăng tiến họ trong sự tăng trưởng về mặt nhân bản và tinh thần. Một điề biệt cần thiết ngày nay là một sự hoàn cầu hóa sự liên đới, nhắm mục tiêu phát triển toàn diện mỗi người trong gia đình nhân loại.

Sau cùng, ĐTC Phanxicô nhắc lại lời ĐGH Gioan Phaolô 2 đã nói tại Hàn Quốc cách đây 25 năm về ước muốn liên lỷ của Cộng đoàn Công Giáo Hàn Quốc được tham gia trọn vẹn vào đời sống quốc gia. Giáo Hội muốn góp phần vào việc giáo dục người trẻ, làm tăng trưởng tình liên đới đối vlơi ngư;ơi nghèo, người gặp khó khăn và góp phần vào việc huấn luyện các thế hệ công dân trẻ, sẵn sàng đóng góp sự khôn ngoan và sáng suốt được thừa hưởng từ tiền nhân và nảy sinh từ đức tin, để đương đầu với những vấn đề lớn về chính trị và xã hội của đất nước”.

Giã từ phủ tổng thống Hàn Quốc vào lúc quá 5 giờ chiếu, ĐTC đã đến trụ sở Hội đồng GM cách đố 12 cây số để gặp gỡ 2 Hồng Y và 33 GM thuộc 16 giáo phận toàn quốc.

Bên lề chuyến viếng thăm ca ĐTC

– Lúc 11 giờ sáng thứ tư, 13-8-2014, ĐTC đã đến Đền thờ Đức Bà Cả, trong tư cách riêng, không có người tháp tùng, và ngài cầu nguyện trong thinh lặng khoảng 20 phút trước ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma và dâng hoa trên bàn thờ kính Đức Mẹ.

Đây là lần thứ 10 ĐTC đến cầu nguyện tại Đền thờ Đức Mẹ. Lần đầu tiên sáng ngày 14-3 năm ngoái, tức là hôm sau ngày được bầu làm Giáo Hoàng. Những lần trước đây, trước khi khởi hành công du và sau đó, ngài đều đến cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ.

– Trên máy bay bay từ Roma tới Hàn quốc, ĐTC đã chào 72 ký giả thuộc 11 quốc gia tháp tùng ngài và ngài đặc biệt tưởng niệm và cầu nguyện cho một ký giả người Italia bị thiệt mạng hôm 13-8 vừa qua trong khi thi hành phận sự ở Gaza.

Đó là ông Simone Camilli, 35 tuổi, phóng viên hình ảnh làm việc với hãng thông tấn AP của Hoa Kỳ. Ông cùng với người Palestine thông dịch tên là Ali Shehda Abu Afash và 3 cảnh sát viên Palestine bị thiệt mạng trong lúc tháo gỡ một quả bom chưa nổ trong cuộc chiến giữa Israel và lực lượng Hamas. Có 4 người khác bị thương nặng trong đó có một phóng viên nhiếp ảnh của hãng AP.

ĐTC đã cúi đầu mặc niệm và cầu nguyện trong 30 giây cùng với các ký giả trong lúc cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, kể lại số phận của ký giả Camilli. Cha cũng cám ơn ĐTC vì sự dấn thân bênh vực hòa bình, như lá thư ngài gửi Ông Tổng thư ký LHQ về số phận của nhiều người dân ở Irak đang bị bách hại.
Rồi ĐTC nói: ”Tất cả những điều này là hậu quả của chiến tranh. Ước gì những lời của anh chị em giúp liên kết chúng ta với thế giới. Tôi xin anh chị em luôn truyền đi sứ điệp này, cố gắng trao ban một lời an bình”.

Sau cùng ĐTC mỉm cười nói các ký giả tháp tùng: ”Daniel sẽ vào trong miệng sư tử trên chuyến bay trở về Roma.. Nhưng mà các sư tử này không cắn!”. Ngài hứa sẽ mở cuộc họp báo với các ký giả tháp tùng như đã làm trên đường trở về Roma sau cuộc viếng thăm tại Brazil và Thánh Địa. Tiếp đến ĐTC bắt tay chào từng ký giả trong máy bay.

– Máy bay chở ĐTC từ Roma tới Hán Thành đã bay trên không phận của hàng chục quốc gia. Khi vào không phận mỗi nước, ĐTC đều cho gửi điện chào thăm vị quốc trưởng và nhân dân quốc gia liên hệ. Giới báo chí đặc biệt chú ý đến sự kiện lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng gửi điện chào thăm chủ tịch Tập Cận Bình (Xi Jinping) và nhân dân Trung Quốc khi bay trên không phận nước này. Ngài viết:

”Khi đi vào không phận Trung Quốc, tôi gửi lời cầu chúc tốt đẹp nhất đến Ông Chủ Tịch và đồng bào của ngài đồng thời cầu xin Chúa ban ơn hòa bình và thịnh vượng cho quốc dân”.

Đây là lần đầu tiên máy bay chở một vị Giáo Hoàng được phép bay qua không phận Trung Quốc trong chuyến viếng thăm Á châu. Vị tiền nhiệm của Ngài, Đức Gioan Phaolô 2 đã tránh bay vào không phận Trung Quốc vì quan hệ căng thẳng giữa Bắc Kinh và Vatican.

Mặt khác, Ông Heo Young-yeop, Phát ngôn viên của Ban tổ chức cuộc viếng thăm của ĐTC tại Hàn quốc cho biết trong số hơn 100 bạn trẻ Công Giáo Trung Quốc dự định đến Hàn Quốc để tham dự Đại hội Giới trẻ Công Giáo Á Châu, hơn một nửa không đến được vì ”tình trạng phức tại ở Trung Quốc”. Ông từ chối không cho biết thêm chi tiết vì lý do an ninh. Ông nói: một số bạn trẻ định tham dự đã bị Nhà Cầm quyền Trung Quốc bắt giữ.

Ngoài ra, theo tin của Bộ quốc phòng Hàn quốc, trước khi ĐGH đến Hán Thành, Bắc Triều Tiên đã bắn ba hỏa tiễn tầm ngắn ra ngoài khơi bờ biển phía đông. Hành động này xảy ra trước cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ dự kiến sẽ diễn ra từ ngày thứ hai 18-8 tới đây.

Bắc Triều tiên đã khước từ lời mời của Giáo Hội Công Giáo Hàn Quốc cho phép các thành viên Hội Công Giáo Triều Tiên được tham dự thánh lễ do ĐTC Phanxicô cử hành ngày thứ hai 18-8 tại thủ đô Hán Thành để cầu nguyện cho hòa bình và hòa giải tại Bán đảo Triều Tiên, viện cớ là có cuộc tập trận chung giữa Hàn quốc và Hoa Kỳ.

– Trong số các ký giả Đài Vatican được gửi sang Hàn Quốc nhân cuộc viếng thăm của ĐTC cũng có ông Sean Lovett trưởng ban tiếng Anh. Ông đã điểm vài phản ứng báo chí Hàn Quốc về cuộc viếng thăm của ĐTC:

”ĐGH Phanxicô là tin hàng đầu trong tất cả các báo chí và tin tức ở Hàn Quốc ngày nay. Những hình ảnh của ngài với khuôn mặt tươi cười tiếp tục được chiếu qua các màn hình và trang nhất của các báo chí chính ở Hàn Quốc.
Phần lớn các bài báo đều nhắc lại sự kiện lần cuối cách đây 25 năm, Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã viếng thăm nước này và họ cung cấp nhiều chi tiết trong chương trình và lộ trình 4 ngày viếng thăm của ĐTC và dường như họ thích trưng dẫn các con số thống kê về chuyến tông du này. Ví dụ:

– 180 ngàn bánh lễ đã được chuẩn bị cho các thánh lễ với 300 ngàn chai nước sẽ được phân phát giúp các tín hữu đương đầu với sự nóng nực.

– 1.700 xe bus từ các nơi ở Hàn Quốc đang hướng về các địa điểm nơi diễn ra các cuộc gặp gỡ với ĐGH, chuyên chở 100 ngàn tín hữu và hơn 100 GM.

– 30 ngàn cảnh sát viên nam nữ được ủy thác nhiệm vụ giữ an ninh, với sự trợ giúp của 5 ngàn người thiện nguyện, vừa Công Giáo và người lương.

– 2.800 ký giả thuộc các cơ quan truyền thông của 23 quốc gia, trong đó 358 người đến từ 23 quốc gia khác, đã đăng ký với ban tổ chức ở Hàn Quốc để theo dõi và tường thuật về các hoạt động của ĐTC trên các lộ trình dài tổng cộng 1 ngàn cây số.

Có một bài xã luận đặc biệt mời gọi quốc dân Hàn Quốc hãy biểu lộ ”mea culpa”, nhìn nhận lỗi của mình, và bài báo liệt kê một loạt những tệ đoan của đất nước và hy vọng ĐGH có thể xá giải cho Hàn Quốc vì đã không khắc phục được những chia rẽ chính trị và xã hội, sự xung đột giữa các thế hệ, không kể sự chia rẽ giữa hai miền bán đảo Triều Tiên. Nhiều báo chí bày tỏ những mong đợi lớn qua những lời nói và cử chỉ của ĐGH Phanxicô đối với người nghèo và người khuyết tật, bênh vực hòa bình và hòa giải, chống kỳ thị và bất công, khuyến khích người trẻ và cổ võ canh tân trong Giáo Hội.

Những điều trên đây dường như là những mong đợi thái quá nơi cuộc viếng thăm này của ĐGH, nhưng như một ký giả Hàn Quốc nói về cuộc viếng thăm của vị thủ lãnh Công Giáo: ”Đây là một tin vui duy nhất từ lâu đối với nước này!”. Những băng tang, các khám tưởng niệm và biểu ngữ trưng tại nhiều nơi tại Hàn quốc chứng tỏ đất nước này vẫn ở trong tình trạng kinh hoàng sau vụ tàu Sewol bị đắm làm cho gần 300 người thiệt mạng, phần lớn các các học sinh du ngoạn.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Vũ khí nguyên tử, bệnh ghẻ ngứa khó chữa

Vũ khí nguyên tử, bệnh ghẻ ngứa khó chữa

Cách đây 69 năm, ngày mùng 6 tháng 8 năm 1945 chính quyền Hoa Kỳ đã ra lệnh ném trái bom nguyên tử đầu tiên trên thành phố Hiroshima. Và ngày mùng 9 tháng 8 quả bom nguyên tử thứ hai rơi trên thành phố Nagasaki. Hai trái bom nguyên tử đầu tiên ấy đã khiến cho 400.000 người chết ngay lập tức, hàng trăm ngàn người khác chết vì bị nhiễm phóng xạ và bị bệnh ung thư trong các tháng năm sau đó, kéo dài cho tới ngày nay. Hai thành phố lớn của Nhật Bản bị tàn phá bình địa.

Thế là kỷ nguyên vũ khí hạt nhân bắt đầu, khiến cho các cường quốc bị cuốn hút vào vòng xoáy thi đua nhau chế tạo và tàng trữ vũ khí nguyên tử như Hoa Kỳ, Liên Xô, Anh, Pháp và Trung Quốc, tức 5 nước thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Ngoài ra còn có bốn nước khác không gia nhập Thỏa Hiệp cấm vũ khí hạt nhân làn tràn là Ấn Độ, Pakistan. Bắc Hàn và Israel. Cảnh thi đua vũ trang đã kéo dài từ 70 năm qua và vẫn còn tiếp tục, khi mạnh khi yếu. Không ai biết được mỗi cường quốc có bao nhiệu bom, hỏa tiễn và đầu đạn nguyên tử, vì đây là bí mật quốc phòng.

Tuy nhiện, theo các phân tích và ước đoán của các chuyên viên nguyên tử, dựa trên các lời tuyên bố và các thông tin rỏ rỉ ra ngoài người ta được biết vào năm 1949 Liên xô có 8.500 đầu đạn nguyên tử; Hoa Kỳ có 7.700 vào năm 1945; Anh quốc có 225 vào năm 1952; Pháp có khoảng 300 vào năm 1960; Trung Quốc có 240 vào năm 1964. Trong khi Ấn Độ có từ 80-100 đầu đạn hạt nhân trong năm 1974. Pakistan có từ 90-110 văo năm 1998; Bắc Hàn khoảng 10 trong năm 2006. Israel có khoảng 80 và đã không thực hiện cuộc thử nghiệm chính thức nào như các nước khác.

Các cuộc thương thuyết nhằm giải trừ vũ khí hạt nhân đã khiến cho số 65.000 đầu đạn nguyên tử hoạt động giảm xuống còn 17.300 trong năm 2012, trong đó có 4.300 vũ khí ”hoạt động”, số còn lại là vũ khí ”dự trữ”. Nhưng thật khó mà xác định sự khác biệt giữa vũ khí hoạt động và vũ khí dự trữ. Vì số đầu đạn nguyên tử dự trữ đó có thể được khởi động trong vòng vài ngày hay vài tuần. Trong suốt thời gian chiến tranh lạnh giữa khai khối Minh Ước Bắc Đại Tây Dương hay NATO và khối Varsava tức Liên Xô và các nước Đông Âu, đã có hàng ngàn hỏa tiễn có đầu đạn hạt nhân được Liên Xô đặt bên Ucraina hướng về mọi thủ đô và thành phố lớn của các nước Tây Âu. Sau khi chế độ cộng sản Liên Xô sụp đổ, Ucraina đã trả các vũ khí này lại cho Nga.

Dầu sao đi nữa nguy cơ của một cuộc chiến nguyên tử vẫn luôn đe dọa nhân loại. Xem ra tình hình cũng không tiến triển nhiều lắm, mặc dù trong các thập niên qua Tòa Thánh, các Hội Đồng Giám Mục và nhiều tổ chức kitô trên toàn thế giới đã không ngừng yêu cầu các cường quốc nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân, đặc biệt là trong các lễ nghi tưởng niệm các nạn nhân của bom nguyên tử vào đầu tháng 8 hằng năm.

Điển hình như thông cáo của tổ chức Pax Christi Hòa Bình Chúa Kitô Bỉ phổ biến ngày mùng 6-8-2014 tại Bruxelles, nhân tưởng niệm biến cố bom nguyên tử nổ tại Hiroshima ngày mùng 6 tháng 8 năm 1945. Qua đó tổ chức Pax Christi kêu gọi bài trừ vũ khí hạt nhân và khẳng định rằng ”việc sử dụng và sở hữu vũ khí nguyên tử là vô luân và không thể biện minh được.” Tổ chức Hòa Bình Chúa Kitô kêu gọi ”các giới chức chính trị, ngoại giao và thành viên các xã hội dân sự hoạt động làm sao để mọi quốc gia tôn trọng thỏa hiệp không để vũ khí nguyên tử lan tràn, và dấn thân giải trừ vũ khí hạt nhân. Thông cáo viết: ”Các vũ khí hóa học và sinh học đã bị lên án và bài trừ. Cả các vũ khí nguyên tử cũng phải được loại bỏ như vậy. Chúng tôi kêu gọi tạo dựng một thế giới không có tai nạn nguyên tử, không phải do sợ hãi, mặc dù các hậu qủa kinh khủng của của các vũ khí này, nhưng dựa trên niềm hy vọng được linh hoạt bởi sự thật ghi sâu trong trái tim con người: đó là chúng ta tất cả là một gia đình nhân loai duy nhất, một dân tộc được mời gọi là một cộng đoàn. Đồng ý với các giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô tổ chức Hòa Bình Chúa Kitô minh nhiên rằng ”việc giải trừ vũ khí nguyên tử là bước đầu tiên để loại trừ các chướng ngại ngăn cản nhân loại tiến tới công bằng và tình liên đới toàn cầu.

Tổ chức Hòa Bình Chúa Kitô cũng tố cáo vài cường quốc tiếp tục duy trì và liên tục canh tân kho vũ khí hạt nhân của mình, theo đuổi một đường lối chính trị lỗi thời, khiến cho tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân bị trì trệ, và không có đủ can đảm thực thi Thỏa hiệp không để cho vũ khí hạt nhân lan tràn.

Thật ra, cám dỗ chế tạo, thử nghiệm và sử dụng vũ khí hạt nhân giống như bệnh ghẻ ngứa khó chữa, càng gãi càng thích cho tới khi bật máu mới thôi. Nhưng với ”bệnh ghẻ nguyên tử”, khi hàng ngàn vũ khí nguyên tử nổ trên thế giới này, thì nhân loại cũng sẽ không kịp có giờ để mà ”thưởng thức cái khoái tàn hại của chúng”.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

Việt Nam y án luật sư bất đồng chính kiến

Việt Nam y án luật sư bất đồng chính kiến

AFP và ucanews.com từ Hà Nội, Việt Nam

Việt Nam y án luật sư bất đồng chính kiến thumbnail

Luật sư và blogger Công giáo Lê Quốc Quân tại tòa phúc thẩm (ảnh AFP/Vietnam News Agency)

Phiên tòa khinh thường phản đối của quốc tế và biểu tình địa phương

Một trong những nhà bất đồng chính kiến ​​nổi bật nhất Việt Nam mất quyền kháng cáo án tù tội trốn thuế vào hôm thứ Ba, trong khi hàng chục người ủng hộ biểu tình bên ngoài tòa án phản đối nhà nước cộng sản đàn áp bất đồng chính kiến​​.

Đông đảo cảnh sát chung quanh tòa phúc thẩm Hà Nội nơi xử ý án hai năm rưỡi tù cho luật sư và blogger Công giáo Lê Quốc Quân. Ông bị kết án tháng Mười năm ngoái và các nhà vận động nhân quyền cho là có động cơ chính trị.

“Bị cáo không hối tiếc và thiếu thái độ tôn trọng hội đồng xét xử,” chánh án Nguyễn Văn Sơn cho biết, xác nhận án tù và khoản tiền phạt tương đương 57.000 USD.

Đường truyền truyền hình từ phòng quan sát phiên toàn ngay lập tức bị cắt sau khi tuyên án.

Trước đó luật sư nói với tòa rằng ông “hoàn toàn vô tội” trước cáo buộc chống lại ông.

“Tôi là nạn nhân của âm mưu chính trị. Tôi phản đối phiên tòa,” ông nói.

Ông Quân đang tuyệt thực 17 ngày nay, em trai ông cho biết, trông ông mệt mỏi và ốm yếu khi đứng trước vành móng ngựa và có lúc bị ngất khiến nhân viên an ninh phải đỡ ông đứng dậy.

Ông Quân bắt đầu tuyệt thực sau khi yêu cầu có cuốn Kinh Thánh và được gặp linh mục xưng tội của ông bị từ chối. Ông sẽ tiếp tục tuyệt thực nếu kháng cáo của ông bị phản bác, theo bản tin đài phát thanh dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam.

Luật sư bào chữa Bùi Quang Nghiêm nói, phiên tòa với cáo buộc trốn thuế là một trò hề.

“Nếu hội đồng muốn xét xử ông Lê Quốc Quân vì những hoạt động của ông ta, thì quý vị không cần phải mang ông ra tòa vì tội trốn thuế,” ông nói.

Luật sư Quân năm nay 43 tuổi, đã viết hàng loạt chủ đề nhạy cảm trên blog, bao gồm các quyền dân sự, đa nguyên chính trị và tự do tôn giáo, bị giam giữ từ tháng 12 năm 2012.

Ông Lê Quốc Quyết, em trai luật sư Quân cho biết bên ngoài tòa án rằng gia đình đã không được phép tham dự phiên tòa.

Khoảng 150 người tụ tập bên ngoài tòa án la to “Tự do cho Lê Quốc Quân” và vẫy các biển hiệu kêu gọi thả ngay lập tức vị luật sư Công giáo, đã gây hỗn loạn giao thông vào giờ cao điểm.

Quy mô cuộc biểu tình là bất thường tại Việt Nam, nơi nhà chức trách kiểm soát chặt chẽ bất đồng chính kiến​​.

Hàng trăm người lưu thông trên đường bị kẹt trong cuộc biểu tình vào sáng sớm.

Việt Nam, quốc gia độc đảng, thường xuyên bị các tổ chức nhân quyền và chính phủ phương Tây lên án đàn áp bất đồng chính kiến và vi phạm tự do tôn giáo có hệ thống.

Hồi đầu tháng, tổ chức Phóng viên Không Biên giới cho biết Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc số lượng các blogger bị giam giữ, với ít nhất 34 blogger hiện đang ngồi tù.

Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết hồi tháng Mười rằng phán quyết dành cho ông Lê Quốc Quân là một phần của xu hướng “đáng lo ngại” ở Việt Nam khi sử dụng luật thuế để bỏ tù những ai bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hòa.

Trong bài đăng trên Facebook, nhóm vận động pháp lý Tù nhân Lương tâm cho biết: “Nhóm Công tác Liên hợp quốc về Giam giữ Tùy tiện đã xem xét vụ việc và yêu cầu chính phủ Việt Nam thả ông ngay lập tức.”

UCANEWS VN

Giao thừa Giáp Ngọ 2014 – Từ ngũ phúc đến Bát Phúc

Giao thừa Giáp Ngọ 2014 – Từ ngũ phúc đến Bát Phúc

Thấu hiểu và thấm nhuần Hiến Chương Nước Trời với Bát Phúc, để mau mắn sám hổi, cải thiện, đổi mới đời sống ngay từ những giờ phút đầu tiên Năm Mới sắp đến.

Giao thừa

Trong giờ phút linh thiêng của năm cũ sắp qua, đón mừng Năm Mới Giáp Ngọ sắp đến, tống cựu nghinh tân, mỗi người dân Việt đều có những cảm nhận nao nức, phấp phỏng, bồi hồi, thật đặc biệt, thật kỳ diệu, thật thăng hoa, mà không có giờ phút nào trong năm lại có những dao động tương tự.

Năm cũ sắp qua với biết bao niềm vui, nỗi buồn, biết bao thành công cũng như thất bại, biết bao điều mãn nguyện và thất vọng. Nhưng ai nấy đều tràn trề hy vọng vào Năm Mới. Ít ra thì cầu sung dzừa đủ xài, như ý nghĩa mâm ngũ quả truyền thống.

Con số năm được dân ta thường ưa chuộng nhắc đến, như ngũ cung, ngũ giới, ngũ hành, ngũ kim, ngũ kinh, ngũ khúc, ngũ luân, ngũ ngôn, ngũ sắc, ngũ tạng, ngũ phúc. Số năm tượng trưng cho sự hài hòa âm dương đề huề, gồm số chẵn 2 cộng với số lẻ 3. Cũng tương tự như con số bảy được dân Do Thái mến chuộng, gồm số lẻ 3 và số chẵn 4 công lại.

Nhân ngày Tết, người ta hay cầu chúc nhau, hay cầu khấn Trời được tràn đầy ơn phúc, hồng ân Thượng Đế, Ông Trời, theo quan niệm dân gian. Ngũ phúc lâm môn là được năm điều phúc đến nhà.

Chữ Ngũ Phúc là một từ nguyên ở trong thiên “Hồng Phạm” của Kinh Thư, do Khổng tử và các đệ tử san định, sưu tập và dẫn giải 305 bài, gồm phong dao bình dân, cũng như những ca từ của giới quý tộc của các nước nhỏ từ 2500 năm trước ở Trung Quốc.

Ngũ phúc gồm năm điều sau: 1.Trường thọ là không bị chết yểu, chết non. 2. Phú quý là tiền của rất nhiều, địa vị cao quý. 3. Khang ninh là thân thể khoẻ mạnh, tâm hồn yên ổn. 4. Hiền đức là tính lương thiện, nhân hậu, bình tĩnh. 5. Thiện chung là có thể tiên liệu thời kỳ chết của mình. Khi lâm chung không gặp tai họa, thân thể không đau đớn vì bệnh tật, trong lòng không vương vấn và phiền não, ôn hoà tự tại rời khỏi nhân gian.

Ngẫm lại, cả năm điều đại phúc đó đều đẹp như mơ. Tuy nhiên nguyên trong ngũ phúc đã hàm chứa mâu thuẫn khó dung hòa, nên rất khó thành hiện thực cho một người. Chẳng hạn như phú quý thì khó mà khang ninh, phú quý thì chẳng dễ dàng hiền đức, phú quý thì cũng chẳng dễ thiện chung. Bới chưng tam độc tham sân si sẽ theo phú quý mà khuấy động lòng dạ, sẽ chẳng thể bình an, ổn thỏa thể xác lẫn tinh thân, sẽ chẳng thể nhường nhịn, lương thiện với đời, cũng hiếm họa thanh thỏa lìa trần. Phúc thành ra họa lúc nào chẳng hay.

Như thế, họa phúc khôn lường, tưởng là phúc hóa ra họa, hay ngược lại, như chuyện tái ông thất mã. Chung quy, ngũ phúc chỉ nhằm phục vụ cái bản ngã, cái tôi vị kỷ hẹp hòi, sở đắc sự ưu ái của Trời ban cho. Ngũ phúc chỉ toàn điều lợi lộc dành riêng cho cá nhân, chứ không hề dính dáng, có tương quan chi với tha nhân, người khác.

Trong khi đó Bát Phúc của Đức Giêsu công bố nhân lúc Giao thừa đêm nay, lại gần như trái ngược gần như hoàn toàn và chẳng mấy phù hợp với ước nguyện thế gian. Chỉ duy nhất có một điều Hiền Đức là trùng hợp với Phúc cho ai hiền lành. Nhưng nhìn chung, toàn là những điều thua thiệt, đau khổ, hy sinh dấn thân, xả kỷ vị tha, sống cho, sống vì và sống với tha nhân.

Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó. Phúc cho ai sầu khổ. Phúc cho ai hiền lành. Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch. Phúc cho ai đói khát sự công chính.

Tất cả năm Phúc trên đều đối nội, nhắm đến sự đơn sơ, khiêm tốn, nhẫn nhục, sám hối, nhân hậu, thanh cao, chính trực, mà mỗi người phải tích cực rèn luyện, chịu đựng, khao khát ước vọng. Chứ không phải tự nhiên sở hữu hay dễ dàng sở đắc được. Một cuộc chiến đấu thật khốc liệt với chính bản thân. Một cuộc sống tích cực, quyết tâm, can đảm, dứt khoát không chịu làm tôi mọi cho thân xác, làm nô lệ cho thất tình, lục dục, hay làm đầy tớ cho danh  danh lợi, xu nịnh thế gian.

Hơn nữa, còn thêm ba Phúc đối ngoại tích cực. Phúc cho ai xót thương. Phúc cho ai xây dựng hoà bình. Phúc cho ai bị bách hại vì lẽ công chính. Yêu thương tha nhân, vun đắp mối thân tình, nhân ái, yên ổn, êm thắm, hòa nhã, cũng như sẵn sàng dấn thân, bảo vệ, xả thân làm chứng cho sự thật, công lý, và Đạo Chúa. Vậy sống tinh thần Bát Phúc là khiêm nhượng, hiền hòa, vị tha, nhân ái, kiến tạo hòa bình và đặt niềm hy vọng cậy trông vào sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa.

Trong khi Ngũ Phúc chỉ là tận hưởng cuộc sống phù du hữu hạn trong cái thung lũng đầy nước mắt, thì phần thưởng cho Bát Phúc thật vô song, chính là đời sống hạnh phúc vĩnh cửu, được hưởng Thánh Nhan Thiên Chúa. Đại phúc viên mãn, tuyệt vời và vô cùng cao quý, không còn gì có thể sánh nổi.

“Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng anh em ở trên trời thật lớn lao. Các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế” (Mt 5, 11-12).

“Con chỉ có một tuyên ngôn: “Phúc thật Tám Mối.” Chúa Giêsu đã tuyên bố trên núi “Bát Phúc.” Hãy sống như vậy, con sẽ nếm được hạnh phúc, rồi rao truyền cho mọi người con gặp” (Đường Hy Vọng, số 998).

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thấu hiểu và thấm nhuần Hiến Chương Nước Trời với Bát Phúc, để chúng con mau mắn sám hổi, cải thiện, đổi mới đời sống ngay từ những giờ phút đầu tiên Năm Mới sắp đến, hầu chúng con xứng đáng trở nên công dân Nước Trời.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ thức tỉnh chúng con, mau mắn hoán cải đời sống, dứt bỏ đi những thói hư tật xấu, những tội lỗi đã vấp phạm trong năm cũ vừa qua, để sang Năm Mới nhờ Mẹ giúp đỡ, chúng con sống trọn vẹn mãi trong ân nghĩa với Thiên Chúa. Amen.

AM Trần Bình An