Lễ Chúa Giêsu chịu Phép rửa 13/01/2019

Lễ Chúa Giêsu chịu Phép rửa 13/01/2019

Bắt đầu bài giảng Đức Thánh Cha hỏi cha mẹ các em: “Các con xin gì cho các con của các con?” Và tất cả cùng trả lời “Xin đức tin”. ĐTC tiếp tục: Các con xin Hội thánh đức tin cho con cái, và hôm nay các em sẽ lãnh nhận Thánh Thần, món quà đức tin trong chính tâm hồn, trong chính linh hồn. Nhưng đức tin này phải được lớn lên, phải được phát triển. Vâng, có người nói với cha rằng: “Vâng, vâng chúng con và con cái chúng con phải học biết đức tin…”

Đức tin phải được thông truyền

ĐTC nói với các cha mẹ: Đúng, khi các em đi đến các lớp giáo lý các em sẽ được học biết về đức tin, nhưng trước khi được học giáo lý,  đức tin phải được thông truyền, và đây là công việc của các con, các cha mẹ. Bổn phận mà hôm nay các con lãnh nhận đó là thông truyền đức tin. Và điều này phải được thực hiện tại gia đình. Bởi vì đức tin luôn luôn được thông truyền qua thổ ngữ: thổ ngữ của gia đình, trong bầu khí gia đình. Bổn phận của các con: thông truyền đức tin bằng gương lành, bằng lời nói, hãy dạy các em làm dấu Thánh Giá. Điều này rất quan trọng. Nhưng hãy quan sát…có những trẻ em không biết làm dấu Thánh Giá… “Hãy làm dấu Thánh Giá”: và các con hãy lãm một lần như vậy, các em không hiểu điều các con làm. Nhưng đầu tiên hãy dạy chúng điều này.

Đừng bao giờ cãi nhau trước mặt con trẻ

Và ĐTC tiếp tục: Điều quan trọng là thông truyền đức tin bằng chính đời sống đức tin của các con: các em sẽ nhìn thấy tình yêu giữa các con, đó chính là sự bình an của gia đình, và chúng sẽ nhìn thấy Chúa Giêsu ở đó trong gia đình. Cho phép cha cho các con một lời khuyên: đó là đừng bao giờ cãi nhau trước mặt con trẻ. Đừng bao giờ. Tất nhiên đây là chuyện bình thường nếu vợ chồng cãi nhau. Nhưng chỉ giữa hai vợ chồng, và không được để cho con cái nghe thấy được điều này. Các con không biết nỗi đau khổ mà một em bé phải chịu đựng như thế nào khi chúng thấy cha mẹ cãi nhau: lời khuyên của cha giúp các con thông truyền đức tin cho con cái đó là không cãi nhau trước mặt chúng.
Và ĐTC nói: trước khi tiếp tục cử hành phụng vụ cha muốn nói với các con một điều khác: các con biết rằng ngày nay trẻ em cảm thấy mình sống trong một môi trường khác lạ: Các em cảm thấy bị hơi nóng bao phủ nhiều hơn, các em cảm thấy không khí oi bức…Và đây là lý do đầu tiên làm cho các em khóc; lý do thứ hai các em khóc bởi vì các em đói; lý do cuối mà các em khóc là vì “phòng ngừa”. Đây là một sự kỳ lạ, không? Đó là một sự bảo vệ. Cha nói cho các con biết các em ổn cả. Nếu chúng khóc vì đói, hãy cho chúng bú. Với các bà mẹ cha muốn nói với các con “Hãy cho các em bú, không có vấn đề gì, Thiên Chúa muốn điều đó”. Đối với các trẻ em nếu một em bắt đầu khóc, em khác đáp lại, và lại một em khác, và chúng trở thành một ca đoàn khóc. Cha nhắc lại hãy thông truyền đức tin cho các em bằng mẫu gương sống trong gia đình.
Sau đó ĐTC tiếp tục thánh lễ với việc cử hành Bí tích Rửa tội cho các em, có các Giám mục giúp ĐTC xức dầu thánh và trao áo trắng cho các em.

Ngọc Yến, Vatican

Đức tổng GM Liverpool: tiếp tục loan báo Tin mừng giữa những khủng hoảng lạm dụng tính dục

Đức tổng GM Liverpool: tiếp tục loan báo Tin mừng giữa những khủng hoảng lạm dụng tính dục

Trong bài giảng Thánh lễ bế mạc đại hội Thánh Thể Anh quốc tại nhà thờ chính tòa Chúa Kitô Vua ở Liverpool hôm Chúa nhật 09/09, Đức cha Malcolm McMahon, tổng GM của Liverpool, nhìn nhận thiệt hại do các linh mục sai trái đã gây ra cho Giáo hội Công giáo trên toàn thế giới, nhưng Đức cha McMahon nói với các tín hữu rằng họ phải cố gắng rao giảng Tin mừng bằng cả lời nói và hành động.

Tiếp tục loan báo Tin mừng để người khác nhận ra Chúa Giêsu nơi chúng ta

Đức cha nói. “Như là một cộng đoàn Kitô, chúng ta có thể nói, vì những xì-căng-đan và các vấn đề mới đây trong Giáo hội, chúng ta không còn ngẩng cao đầu. Hãy cúi đầu ăn năn nhưng chúng ta nên đứng thẳng. Có lẽ lời nói và việc làm của chúng ta sẽ không có cùng quyền lực như trước đây và rao giảng Tin mừng sẽ thật khó khăn, nhưng Tin mừng vẫn phải được loan báo và không có ai làm điều này trừ chúng ta, những người tội lỗi khốn khổ.”

Đức cha McMahon khuyến khích các tín hữu tiếp tục loan báo Tin mừng bằng hành động cũng như lời nói để người khác nhìn thấy Chúa Giêsu trong chúng ta – một Chúa Giêsu đang đau khổ, đang hấp hối và Chúa Giêsu phục sinh. Đức cha cũng nhấn mạnh điều cần thiết là các Kitô hữu tỏ cho người khác thấy “tình yêu và quyền năng chữa lành của Chúa qua Chúa Giêsu Kitô.

Khiêm nhường, thống hối về những sai trái trong Giáo hội

Trước đó, trong giờ chầu Thánh thể tối thứ bảy 08/09, ĐHY Vincent Nichols, Tổng GM Westminster và chủ tịch Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales, đã xin các tín hữu tha thứ về sự sai sót của hàng Giám mục.

ĐHY cũng nói rằng, bởi vì các xì-căng-đan, trong cuộc rước kiệu Thánh Thể vào trưa Chúa nhật, sẽ không có một tí sự chiến thắng hay hãnh diện nào trong các bước chân của các Giám mục. Cuộc rước kiệu Thánh Thể cách nào đó là cuộc rước đền tạ vì chúng ta quy hướng về Chúa Giêsu, Đấng chúng ta đã đóng đinh. Tuy thế, chúng ta bước đi với niềm vui khiêm nhường vì Chúa mang lấy thất bại, sự tàn bạo và lừa dối của chúng ta và chiến thắng tất cả những điều này bằng tình yêu và lòng thương xót của Người.

Làm chứng hùng hồn và trung thành cho Chúa Kitô

Hôm 08/09, ĐTC Phanxicô cũng gửi một sứ điệp cho các tín hữu tham dự đại hội Thánh Thể. Ngài khuyến khích các tín hữu tiếp bước các thánh tử đạo tiền nhân của Anh quốc, những người đã đổ máu đào làm chứng hùng hồn và trung thành cho Chúa Kitô được tôn kính trong Thánh Thể. ĐTC nói rằng đau khổ của các vị tử đạo Anh quốc và xứ Wales không nói quá nhiều về sự tàn bạo của con người, nhưng về sự thanh thản và sức mạnh nhờ ơn Chúa khi các ngài chịu xử án. ĐTC nhắc rằng trung thành với gia sản đức tin không chỉ là tưởng nhớ nhưng phải tiếp tục làm chứng cho cùng Chúa Kitô và cho cùng món quá quý giá là Thánh Thể ngày nay vì vinh quang quá khứ luôn luôn là một bắt đầu chứ không phải là một kết thúc.

Thánh lễ kết thúc đại hội Thánh Thể Anh quốc được cử hành trong nhà thờ chính tòa đông đầy người và sau đó, có thêm hàng ngàn người tham dự cuộc rước kiệu Thánh Thể kéo dài nửa giờ trên đường phố Liverpool, dù trời mưa lớn. Đây là cuộc rước kiệu Thánh Thể đầu tiên tại Anh sau 110 năm.

Hồng Thủy

Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 bị ngã

Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 bị ngã

VATICAN. Mặc dù bị trượt ngã trong tuần trước đây tại Đan viện Mẹ Giáo Hội (Mater Ecclesiae) ở Vatican, Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 vẫn ”khỏe mạnh và đầy hài hước”.

Trên đây là lời Đức Cha Stefan Oster, GM giáo phận Passau bên Đức, viết trên Facebook của ngài và kể lại cuộc gặp gỡ thân mật với Đức Biển Đức 16 ngày 26-10-2016, kèm theo một số hình ảnh.

Đức Cha Oster viết: ”Mặc dù ĐGH Biển Đức bị bầm ở mắt sau khi bị ngã cách đây một tuần, nhưng ngài vẫn gặp chúng tôi, ngài khỏe mạnh, tươi cười và sáng suốt, nhắc lại nhiều kỷ niệm lớn nhỏ về những người từ giáo phận của ngài và của chúng tôi”.

Đức GM giáo phận Passau đã cùng với ký giả Peter Seewald đến thăm ĐGH Biển Đức 16 ở Vatican để trao cho ngài cuốn sách mới tựa đề ”Benedikt XVI. Der Deutsche Papst. Sein Leben in Texten ung Bildern” (Đức Biển Đức 16. Vị Giáo Hoàng người Đức. Đời sống của ngài qua văn bản và hình ảnh). Sách này được ấn hành trong những ngày này do Nhà xuất bản Koesel ở Munich. Ký giả Seewald và giáo phận Passau đứng tên là người xuất bản. (KNA 28-10-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức tin hướng dẫn hành động bác ái giúp nạn nhân bão lụt của Jim McIngvale

Đức tin hướng dẫn hành động bác ái giúp nạn nhân bão lụt của Jim McIngvale

Với đôi giày ống màu đen kiểu cao bồi, ông Jim McIngvale quan sát hàng dài 150 người đang đợi để gặp ông. Rồi với nụ cười, thỉnh thoảng chụp ảnh selfie với họ, ông hướng dẫn những nạn nhân của lũ lụt đang mệt mỏi này đến nhà kho đầy đồ đạc sạch sẽ, với cả thức ăn và nước uống. Cơn bão nhiệt đới Harvey với những trận mưa kéo dài đã gây thiệt hại rất lớn cho Hoa kỳ; hàng ngàn ngôi nhà bị hư hỏng và hàng trăm ngàn người mất nơi cư ngụ vì lũ lụt. Thành phố Houston của bang Texas, thành phố lớn thứ 4 của Hoa kỳ, đã bị tổn thất nặng nề. Giữa thành phố như biến thành sông ấy, nhiều cư dân bị lụt ở miền đông nam Texas đã tìm thấy hòn đảo cư trú tại các cửa hàng lớn bán đồ nội thất "Mattress Mack" của Jim McIngvale, nơi họ có thể lưu trú để chờ đợi đến khi có thể trở về nhà của họ. 400 người dân Houston trú ngụ trong một cửa hàng trưng bày rộng gần 50 ngàn mét vuông và 400 người khác được cư trú trong một cửa hàng khác.

Khi thành phố Houston bắt đầu bị lụt lội, ông McIngvale đã đăng trên internet lời mời bất cứ ai cần nơi cư trú. Ông còn đăng cả số điện thoại riêng để người ta có thể dễ dàng liên lạc với ông. Ông McIngvale cho biết: “chúng tôi bán các đồ nội thất dùng cho các rạp hát tại gia nơi người ta xem tivi, những người chạy lụt ngủ trên các đồ dùng này. Họ ngủ trên các ghế dựa ghế salông… Họ ngủ trên hàng trăm tấm nệm trong khắp cửa hàng, bất cứ nơi nào họ có thể tìm thấy một nơi thoải mái. Chúa chúc lành cho họ.” Ông McIngvale còn đưa xe tải đến các vùng lân cận để chở những người bị lụt đến cửa hàng của ông. Đây không phải là lần đầu tiên ông McIngvale mở cửa tiệm của mình tiếp đón người chạy lụt. Cách đây 12 năm, khi cơn bão Katrina gây ảnh hưởng đến thành phố Houston, và trong những trận lụt hồi năm ngoái (2016), ông McIngvale cũng đã mở các cửa tiệm để đón tiếp họ. Ông McIngvale cho biết những người tránh lụt tại các cửa hàng của ông có thể trú ngụ bao lâu họ cần ở đó. Ông cũng chia sẻ rằng rất nhiều người cũng đã mang các quà tặng, quyên góp đến các cửa tiệm của ông và các cửa tiệm này trở thành nơi thu nhận và phân phát đồ cứu trợ. Ông cảm thấy ấm lòng với các việc làm của cộng đồng dân chúng.

Ông Jim McIngvale được biết như một nhà từ thiện. Ông sống với khẩu hiệu: “Biết ơn về mọi thứ, không tư lợi điều gì.” 30 năm qua, cửa hàng trưng bày đồ nội thất luôn tổ chức tặng quà Giáng sinh với những đồ nội thất còn mới tinh dành cho các gia đình nghèo ở Houston. Ông McIngvale chia sẻ: “Giúp đỡ người khác là một bổn phận. Tất cả chúng ta có trách nhiệm về phúc lợi của cộng đồng chúng ta. Nếu chúng ta không chăm sóc cho các người dân anh em của chúng ta, thì chúng ta là loại người gì?” Đó là điều ông được dạy khi học ở trường Công giáo.

5 năm trước, khi các nữ tu dòng Đaminh ở Nashville đến thành phố Spring, Texas để lập trường trung học Công giáo Frassati, ông McIngvale đã tặng cho các nữ tu những thứ cần thiết cho tu viện mới thành lập. Sơ Anna Laura Karp, giám đốc các sinh hoạt của học sinh kể lại rằng, ông McIngvale bắt đầu trả lời điện thoại của sơ với các lời “Ngợi khen, Chúc tung và Rao giảng” – khẩu hiệu của dòng Đaminh. Ông McIngvale là một cựu học sinh của trường do dòng Đaminh phụ trách. Ông tin rằng chính nền giáo dục ông được hưởng từ trường của dòng Đaminh hướng dẫn cách ông điều hành công việc thương mại hiện nay.

Ông McIngvale xây dựng một nền văn hóa sự sống trong công việc của ông, đó là đặt con người và gia đình lên hàng đầu. Các phụ huynh cảm thấy thoải mái khi đưa con của cùng đến tiệm của ông mua sắm, vì nơi đây thật sự rất thân thiện với các trẻ em: có nơi cho các em nhảy trên các tấm nệm, có các con chim lớn và khỉ; đàng sau cửa tiệm có quầy cà phê, nơi mội người có thể ăn uống miễn phí mọi ngày. Không chỉ các khách hàng mới có thể ăn, nhưng là bất cứ ai cần một bữa ăn. Khu vực ăn uống cũng là nơi không dung điện thoại di động. Ông McIngvale giải thích rằng chúng ta không chỉ sống bằng cơm bánh, nhưng còn cần người đồng hành, cần hiện diện với người khác, nói chuyện trực diện, bởi vì chúng ta được tạo nên để sống trong cộng đồng.

Đối với ông McIngvale, trận bão Harvey là một vấn đề cho chúng ta vượt qua. Như là các công dân và các Kitô hữu, chúng ta sẽ vượt qua. Điều tốt lành sẽ chiến thắng sự xấu. Ông nói rằng ông sẽ tiếp tục giúp đỡ những người còn gặp khốn khó và kêu gọi mọi người vững niềm tin. Ông nói: “Cần 2 đến 3 năm để phục hồi thiệt hại. Đó là thời gian tốt cho giáo hội Công giáo sáng tỏ trong việc phục vụ cộng đồng. Tôi nghĩ người ta sẽ thấy rằng đây là cách người ta chờ đợi chúng ta là. Điều này không có gì lạ. Đây là cách chúng ta được chờ đợi là.” (Aleteia 05/09/2017)

Hồng Thủy

Các Giám mục Cameroon đòi công lý cho Đức cha Jean Marie Benoît Bala

Các Giám mục Cameroon đòi công lý cho Đức cha Jean Marie Benoît Bala

“Đức cha Jean Marie Benoît Bala không tự tử: ngài đã bị giết chết cách dã man”, đó là những lời khẳng định trong thông cáo của Hội đồng giám mục Cameroon về cái chết của đức cha Jean Marie Benoît Bala, giám mục Bafia.

Ngày 31/03, đức cha Bala bị mất tích và chiếc xe của ngài được tìm thấy trên cầu Pont de l’Enfance. Trong xe có một tin nhắn được để cạnh giấy căn cước của ngài và kỷ vật cá nhân khác. Ban đầu người ta giả định rằng đức cha Bala đã tự tử đến nỗi nhà chức trách đã gửi thợ lặn mò dưới sông để tìm kiếm thi thể của ngài. Cuối cùng, vào ngày 02/06, một ngư dân đã tìm thấy thi thể của đức cha ở một nơi cách Pont de l’Enfance vài cây số.

Hội đồng Giám mục Cameroon khẳng định: “Hiện nay, thi thể cha đang được cơ quan tư pháp giữ để điều tra về các nguyên do chính xác và thủ phạm của tội ác ghê tởm và không thể chấp nhận này. Chúng tôi – các giám mục Cameroon khẳng định rằng đức cha Bala không tự tử: ngài bị giết chết cách dã man. Đây là thêm một vụ giết người và một trong rất nhiều.”

Các giám mục Cameroon nhấn mạnh đến việc các giám mục, linh mục và tu sĩ bị giết mà cho đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân. Các đức cha tố cáo rằng các ngài có ấn tượng là các giáo sĩ Cameroon bị bách hại đặc biệt.

Các đức cha của Hội đồng giám mục Cameroon yêu cầu làm sáng tỏ các vấn đề trong vụ giết hại đức cha Bala và cần xác định các tội phạm và đưa ra công lý và xét xử theo luật. Các ngài cũng yêu cầu chính quyền bảo vệ sự sống con người và yêu cầu các phương tiện truyền thông và những người người sử dụng mạng xã hội không phổ biến những dối trá và cần tôn trọng nhân phẩm.

Cuối cùng, các đức cha kêu gọi những kẻ sát hại đức cha Bala nhan chóng hoán cải. (Fides 14/06/2017)

Hồng Thủy

Đức thượng phụ Sako và các giám mục thăm các vùng của Mosul bị ISIS chiếm

Đức thượng phụ Sako và các giám mục thăm các vùng của Mosul bị ISIS chiếm

Mosul, Iraq – Sau 3 năm Mosul bị các chiến binh của Nhà nước Hồi giáo chiếm đóng, đức Thượng phụ Canđê Louis Raphael Sako đã có thể trở lại thành phố miền bắc Iraq này, viếng thăm các nhà thờ và đan viện bị tàn phá ở thành phố này.

Đồng hành với đức Thượng phụ Sako có đức tổng giám mục Ramzi Garmou – lãnh đạo giáo tỉnh Canđê ở Teheran, đức cha Habib al Nawfali – đứng đầu giáo phận Canđê Bassora và đức cha Basel Salim Yaldo – giám mục Canđê, phụ tá giáo phận Baghdad. Cũng có vài nhân vật chính trị của tỉnh Ninivê cùng đi với đoàn Công giáo Canđê.

Phái đoàn đã viếng thăm các nhà thờ và đan viện rải rác tại vùng bị ISIS chiếm đóng trước đây như nhà thờ Canđê Chúa Thánh Thần, đan viện thánh George, nhà thờ chính thống Siria thánh Ephrem và nhà thờ Truyền tin của Công giáo Siria. Tất cả các nơi được thăm viếng đều bị tàn phá, cướp bóc và phá hủy trong những năm ISIS chiếm đóng. Phái đoàn đã cầu nguyện tại các nơi thánh bị đổ nát.

Đức Thượng phụ Sako và phái đoàn cũng gặp tổng chỉ huy Najim Abdullah al Juburi – chỉ huy quân đội Iraq giải phóng Mosul. Ông hy vọng các Kitô hữu di tản sau khi thành phố rơi vào tay ISIS sẽ mau chóng trở về Mosul và nhấn mạnh rằng “không có các Kitô hữu, thành phố sẽ mất đi bản sắc và căn tính nguyên thủy của nó.” Ông cũng nhấn mạnh sự dấn thân của quân đội Iraq để bảo vệ các thành phố và làng mạc rải rác trong vùng bình nguyên Ninivê và cho phép người dân trở về.

Đức thượng phụ kêu gọi bảo vệ tài sản của các Kitô hữu tản cư mà hiện tại có nguy cơ bị các nhóm có vũ khí chiếm giữ bất hợp pháp.

Các phương tiện truyền thông của tòa thượng phụ và của Ishtar TV cũng thông tin về cuộc viếng thăm. Đức thượng phụ và các giám mục có thể chắc chắn rằng đời sống xã hội đang dần ổn định lại ở Mosul, trong khi các ngài vẫn nghe tiếng pháo từ các đô thị bên tả ngạn sông Tigre – nơi vẫn diễn ra các cuộc giao tranh giữa quân đội Iraq và dân quân ISIS. (Agenzia Fides 09/06/2017)

Hồng Thủy

Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức mừng sinh nhật 90 theo truyền thống Bavaria

Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức mừng sinh nhật 90 theo truyền thống Bavaria

Vatican – Chiều thứ hai 17/04, Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI đã mừng sinh nhật thứ 90 trong vườn của đan viện Mater Ecclesiae, nơi ngài đang nghỉ hưu.

Một nhóm đông “các bạn vùng Bavaria” (nơi sinh của ngài ở nước Đức) đã cùng hiện diện mừng sinh nhật với ngài; trong đó có Đức ông Georg Ratzinger – anh của ngài, ông thủ tướng và thống đốc bang Bavaria .

Dưới ánh nắng mặt trời Roma, Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức đã uống ly bia lớn và nghe nhạc truyền thống vùng Bavaria.

Hôm thứ 4 Tuần Thánh, Đức Phanxicô đã đến thăm và chúc mừng Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức tại đan viện nhân lễ Phục sinh và sinh nhật thứ 90 của ngài.

Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức sinh ngày 16/04/1927, tại bang Bavaria, miền nam nước Đức. Ngài từ nhiệm vào năm 2013. (RV 18/04/2017)

Hồng Thủy

Đức tin của Jennifer Bricker, một cô gái sinh ra không có đôi chân

Đức tin của Jennifer Bricker, một cô gái sinh ra không có đôi chân

Sinh ra với một cơ thể khuyết tật, không có đôi chân, trái tim lại nằm ở bên phải thay vì bên trái như bao nhiêu người bình thường khác, bé gái Jennifer Bricker còn bị cha mẹ bỏ rơi vì bị sốc trước tình trạng thể lý của em và cũng vì không có khả năng chữa trị cho em. Bị cha mẹ bỏ rơi, nhưng có một Đấng khác đã có những chương trình đặc biệt cho cuộc đời của Jennifer.

Jennifer Bricker được ông bà Sharon và Gerald Bricker nhận làm con nuôi. Em đã lớn lên cùng với 3 người con của đôi vợ chồng Kitô hữu tốt lành đạo đức, được chăm sóc với tình yêu thương và em đã sống với một quy luật duy nhất “đừng bao giờ nói tôi không thể.” Jennifer chia sẻ: “Tôi không bao giờ bị gia đình, các bạn học ở trường và các thầy cô giáo, cũng như huấn luyện viên của tôi đối xử phân biệt, khác với người nào khác. Lớn lên, đối với tôi, đó là một điều đơn giản.” Chỉ trong một thời gian ngắn, Jennifer nhận ra rằng mình đã thành công trong các hoạt động thể lý mà cô tham gia như trượt patin, chơi bóng chuyền, nhào lộn, thể dục dụng cụ. Hiện nay Jennifer đang sống và làm việc như một vận động viên thể dục dụng cụ chuyên nghiệp ở Hollywood.

Năm tháng trôi qua, niềm đam mê thể thao trong Jennifer cũng lớn lên và cô cảm thấy bị thu hút bởi Dominique Moceanu, vận động viên thể dục trẻ nhất của Hoa kỳ đã đạt huy chương vàng Olympic. Jennifer luôn cảm thấy có một thứ liên kết với Dominique. Cô nhìn thấy mình nơi Dominique, cô suy nghĩ: cô ta từng là một cô gái bé nhỏ, tôi cũng thế. Cô ta người Rumani, tôi cũng vậy. Cô ta có bản tính can đảm như tôi. Khi lên 16 tuổi, Jennifer muốn tìm biết các thông tin về gia đình ruột thịt, từ đó cô đã chào đời trong thế giới này. Mẹ nuôi của cô đã tìm lại trong các tài liệu nhận con nuôi và đã tìm ra một chi tiết làm thay đổi cuộc sống của Jennifer: tên họ thật của cô chính xác là Moceanu, giống như tên họ của thần tượng Dominique. Jennifer mất 4 năm để thu thập đầy đủ các tài liệu cần thiết trước khi gặp và nói với thần tượng Dominique Moceanu của cô rằng có thể họ là hai chị em ruột. Jennifer đã viết một lá thư cho Dominique, trong đó cô nói về nguồn gốc Rumani của mình, về việc mình được nhận nuôi, về tình yêu dành cho thể dục, về sự thu hút dành cho Dominique và về việc cô khám phá ra họ có cùng tên họ. Cuối thư, cô cho biết mình muốn làm một xét nghiêm AND nếu Dominique đồng ý, chỉ để chứng minh mối liên hệ của họ. Sau này khi Jennifer gặp Christina, một người chị em khác, thì hai người giống nhau như đúc. Hai người dường như là chị em sinh đôi.

Jennifer không xem giới hạn thể lý của mình như một khuyết tật. Cô chia sẻ: “Tôi cảm thấy mình đáng yêu như tôi đang là, nhỏ bé và không có chân. Cô thấy việc không có chân là một đặc tính, một phần của mình. Cha mẹ cô đã dạy cô đối diện với cuộc sống trực diện, chiến đấu bằng những giấc mơ và ý tưởng. Nhưng trên hết họ đã truyền cho cô giá trị của một đức tin được sống cách chân thực như cô nói: “Tôi cầu nguyện và đọc Lời Chúa mọi ngày. Khi tôi làm điều này như một cuộc hẹn hàng ngày, đời sống của tôi được thay đổi. Tất cả đã bắt đầu từ đây.”

Năm 2009, Jennifer đã tham gia vào một tour diễn với Britney Spears, một sự kiện đặc biệt đối với cô. Tour diễn thành công về tổng thể nhưng việc đối diện với quá nhiều người bắt đầu gợi lên trong lòng Jennifer cảm giác khó chịu về dáng vẻ xấu xí của mình. Dù tất cả nói với cô là cô xinh đẹp nhưng tâm trí cô nghĩ khác. Bị dày vò bởi ý tưởng ám ảnh này, Jennifer quyết định thay đổi cuộc sống. Lúc ấy là gần Mùa Chay, Jennifer quyết định, trong 40 ngày, cô dán các tấm hình của người thân và bạn bè lên tấm gương mà hàng ngày cô nhìn thấy mình và cho là mình xấu xí, và cầu nguyện xin Chúa giúp cô biết điều cần làm. Chính từ tấm gương với hình ảnh của những người thân yêu, Jennifer bắt đầu cảm tháy một dòng suối yêu thương, vui mừng và an bình. Cô nói: “Không có ai có thể giúp tôi thoát ra tình cảnh này, nhưng chỉ có Chúa đã làm điều đó.” Cô đã bắt đầu đọc Kinh Thánh mỗi ngày để chọn niềm vui ngay cả khi cô không cảm thấy nó trong lòng, để chọn chiến thắng cuộc chiến của mình mỗi ngày cả khi cô cảm thấy mình không có sức làm điều đó, để chọn yêu thương chính mình và cảm thấy mình xinh đẹp, cả khi cô cảm thấy mình mập béo.

Đối với Jennifer, không có gì là dễ dàng, nhưng từ kinh nghiệm đó, cô đã rút ra một bài học rất quan trọng: “Tôi hiểu rằng Chúa đã tạo dựng nên tôi như một chiến binh. Và vũ khí của tôi chỉ có một, đó là để Chúa chiếu sáng trong tôi, để lan truyền tình yêu và niềm vui của Người.” (Aleteia 05/04/2017)

Hồng Thủy

Đức tin, tình yêu sự sống của Pablo Raez, bị bệnh bạch cầu, qua đời khi 21 tuổi

Đức tin, tình yêu sự sống của Pablo Raez, bị bệnh bạch cầu, qua đời khi 21 tuổi

Ngày 25 tháng 2 vừa qua (2017), người thân, bạn bè cũng như nhiều người ở Marbella, thành phố Malaga, Tây ban nha, ngậm ngùi trước sự ra đi vĩnh viễn của chàng trai trẻ Pablo Raez. Dù qua đời khi chỉ mới 21 tuổi, nhưng chàng thanh niên Công giáo đạo đức Pablo đã tạo nên một thay đổi cho thế giới, đã giúp cho quỹ hiến tủy ở tỉnh quê nhà của anh tăng hơn 1000%.

 

Pablo Raez sinh ngày 26 tháng 4 năm 1996 tại Marbella, Tây ban nha. Anh theo học ngành chuyên viên chăm sóc sức khỏe cho các vận động viên và cũng là một vận động viên năng động và nổi tiếng. Ngày 26 tháng 3 năm 2015, trong giai đoàn chuẩn bị giải phẫu vết thương đầu gối, anh được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu. Trong quá trình điều trị bệnh, Pablo đã chia sẻ cuộc chiến đấu hàng ngày và tinh thần tích cực lạc quan của mình với hơn 300 ngàn người theo dõi trên facebook. Với đức tin mạnh mẽ và khao khát sống, Pablo đã cố gắng khuyến khích việc hiến tủy để điều trị căn bệnh này. Trong video kêu goi hiến tặng tủy vào ngày 24 tháng 8 năm 2016, đã có hơn 1 triệu người xem.

Sau khi được thay tủy của cha mình, Pablo đã phục hồi, có thể hoạt động lại trong một ít tháng. Trong thời gian này anh đã gặp người bạn gái của mình và làm việc ở Luân đôn. Sau 10 tháng giải phẫu, vào mùa hè năm 2016, Pablo trở lại Tây ban nha để được giải phẫu đầu gối lần nữa. Chính lúc này, các bác sĩ khám phá ra bệnh bạch cầu của anh đang tái phát. Pablo tìm được một người Mỹ hiến tặng tủy và được giải phẫu vào tháng 11 năm 2016. Sau 38 ngày điều trị, giữa tháng 12, anh được xuất viện. Dù anh luôn lạc quan, nhưng anh cũng chia sẻ trên mạng internet là kết quả cuộc thay tủy không tích cực như anh hy vọng. Ngày 25 tháng 1 năm 2017, Pablo viết những chia sẻ lần cuối cùng trên trang facebook của anh.

Ngày 25 tháng 2, anh qua đời ở tuổi đôi mươi. Thánh lễ an táng Pablo được cử hành ngày 27 tháng 2, tại nhà thờ Nhập thể ở Marbella, với cả ngàn người tham dự cũng như sự có mặt của các hãng truyền thông lớn của Tây ban nha. Cha José López Solórzano, cha xứ của giáo xứ và cũng là cha đỡ đầu của Pablo chủ sự Thánh lễ an táng. Vô cùng xúc động, cha José nói với cộng đoàn: “Tôi không biết an táng Pablo thế nào; điều tôi có thể làm là cùng khóc với anh chị em. Trong bài giảng, cha José đã nhắc với mọi người về sự đơn sơ giản dị của Pablo. Anh đã lớn lên trong bầu khí đơn giản và từ sự giản đơn này đã phát sinh những điều vĩ đại. Pablo đã làm những gì anh phải làm; anh đã để lại dấu ấn của anh cho thế giới này. Cha José cũng nhắc lại lời Pablo thường nói: “Bệnh bạch cầu đang dạy cho con nhiều điều hơn là những gì mà nó lấy từ con; sự chết là phần của cuộc sống và vì vậy chúng ta không nên sợ, nhưng hãy yêu mến nó.”

Trong một đoạn phim được quay lại cách đây không lâu, cha José kể: “Khi tôi nghe rằng Pablo cám ơn bệnh bạch cầu của anh, tôi bị giật mình… Nhiều lần, những sự việc xảy ra với chúng ta, nó qua đi trong cuộc sống của chúng ta, nhưng Pablo thì học mỗi ngày từ những gì xảy ra với anh.” Cha José cũng kể ngài đã gặp Pablo ở nhà thờ Nhập thể này khi cậu ta được 14 tuổi. Pablo đã đến xin cha được nhận lãnh bí tích rửa tội và rước lễ lần đầu. Cha José đã nói với Pablo, đó là quyết định cá nhân của cậu ta. Thế là Pabo bắt đầu thời gian học hỏi và cuối cùng được rửa tội, lãnh bí tích Thêm sức và rước lễ lần đầu. Trong đoạn phim này, Pablo cũng chia sẻ về tình bạn với cha José. Đối với anh: “cha là cha đỡ đầu của tôi nhưng trên hết, cha là bạn tôi. Cha là người bạn vĩ đại đối với tôi và đã hiện diện trong cơn đau bệnh của tôi; cha thực sự là một trong những người gần tôi nhất và luôn luôn, luôn luôn có thể ở đó để thấy tôi.” Pablo kể lại một trong những ngày khó khăn nhất đời anh, là khi anh đang được cấy tủy và anh rất sợ, và cha José đã đến. Khi Pablo nhìn thấy cha, anh khóc rất nhiều và rồi anh biết rằng anh sẽ được khỏe hơn và anh đã khỏe hơn. Pabo cũng tin là tất cả mọi người đang cầu nguyện cho anh và điều đó giúp anh hồi phục.

Nụ cười, sự gần gũi và tính cách  mà Pablo tỏ hiện trên mạng internet đã làm cho cả nước xúc động về cuộc chiến đấu chống lại bệnh tật của anh. Anh đã đánh động và khiến cho nhiều người suy nghĩ về sứ điệp tích cực của anh, về tình yêu sự sống và giúp đỡ người khác. Sau khi Pablo qua đời, một lời kêu gọi trên internet thu hút được hơn 100 ngàn chữ ký, thỉnh cầu đặt tên của Pablo cho một con đường hay bệnh viện ở quê nhà của Pablo để vinh danh anh, vì Pablo đã giúp số ân nhân hiến tặng tủy ở Malaga trong năm 2016 tăng lên đến 1300%, với tổng số 11201 người hiến tặng mới. (CNA 02/03/2017)

Hồng Thủy

 

Để gặp Chúa Giêsu, chúng ta phải lên đường

Để gặp Chúa Giêsu, chúng ta phải lên đường

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-28-11-2016

Đức tin Kitô giáo không phải là một lý thuyết, cũng không phải là một triết thuyết, mà là cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta. Đức Thánh Cha nói rằng, để thực sự gặp được Chúa Giêsu, chúng ta phải lên đường với ba thái độ: kiên trì cầu nguyện, cần mẫn thực thi đức ái, và ngợi khen Chúa với lòng hoan hỉ.

Gặp gỡ Chúa Giêsu: đây chính là ân phúc của Mùa Vọng. Đức Thánh Cha diễn giải bài giảng xoay quanh trọng tâm là cuộc gặp gỡ Chúa. Mùa Vọng là thời gian để lên đường đi gặp Chúa, chứ không phải là thời gian để ngồi yên một chỗ.

Thức tỉnh cầu nguyện, thực thi bác ái và vui tươi ngợi khen: Chúng ta sẽ gặp Chúa

Giờ đây chúng ta tự hỏi: làm thế nào tôi có thể gặp Chúa Giêsu? Thái độ mà tôi cần có để gặp Chúa là gì? Tôi phải chuẩn bị tâm hồn mình ra sao?

Trong lời nguyện đầu lễ, phụng vụ nhắc chúng ta nhớ ba thái độ: tỉnh thức cầu nguyện, thực thi bác ái, và vui tươi ca mừng. Tôi phải tỉnh thức cầu nguyện. Tôi phải chủ động trong yêu mến, tình yêu mến giữa anh chị em với nhau. Không chỉ là bố thí. Không. Không chỉ là bỏ qua cho những kẻ làm phiền tôi. Không chỉ là chịu đựng sự ồn ào mà con cái gây ra trong nhà, hoặc những khó chịu mà vợ, chồng hoặc mẹ chồng gây ra… Tôi không biết… Cần bao dung rộng lượng… Luôn cần thực thi đức bác ái, một đức mến sống động. Ngợi khen Chúa với niềm vui hoan hỉ. Đó là lối sống mà chúng ta thực thi để đón gặp Chúa. Đó là cách đón chờ rất tuyệt. Đừng đứng yên một chỗ. Như thế chúng ta sẽ gặp Chúa.

Tuy nhiên, sẽ có bất ngờ vì Ngài là Thiên Chúa của những bất ngờ. Ngay cả Thiên Chúa, Ngài cũng đâu có đứng yên một chỗ. Khi tôi trên đường tìm gặp Ngài, thì Ngài cũng trên đường đến gặp tôi. Khi chúng ta gặp nhau, thì tôi ngỡ ngàng, vì Ngài đã lên đường tìm gặp tôi trước khi tôi lên đường tìm Ngài.

Chúa luôn đi bước trước trong cuộc gặp gỡ

Sự ngạc nhiên khi gặp Chúa là khám phá ra rằng Chúa đã đi bước trước chúng ta. Ngài luôn đi bước trước. Ngài luôn là người đầu tiên lên đường để tìm gặp chúng ta. Đó cũng là điều đã xảy ra tại thành Caphacnaum.

Chúa luôn đi xa hơn. Khi chúng ta bước một bước, Ngài đã bước mười bước. Luôn luôn như thế. Ân sủng của Ngài, tình yêu của Ngài, sự nhân lành của Ngài rất phong phú. Ngài không mệt mỏi đi tìm chúng ta. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng, gặp Chúa thì thật là điều tuyệt vời, ví như trường hợp vị tướng Naaman người xứ Syria, một người bị phong hủi: nhưng cuộc gặp ấy không phải dễ dàng… Ông đã bất ngờ với cách hành động của Thiên Chúa. Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của những bất ngờ. Ngài đang kiếm tìm, chờ đợi chúng ta, và Ngài chỉ cần những bước nhỏ trong thiện ý của chúng ta.

Chúng ta cần có ước muốn gặp Ngài, và rồi Ngài sẽ giúp chúng ta, Ngài sẽ cùng đi, sẽ đồng hành trong suốt cuộc đời chúng ta. Nhiều lần, chúng ta đã bỏ nhà ra đi, nhưng Ngài luôn đợi chờ như người Cha mong đợi đứa con đi hoang trở về.

Đức tin không phải là nhờ biết giáo thuyết, nhưng chính là cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu  

Rất nhiều lần Ngài đến gặp chúng ta. Gặp gỡ Chúa: điều này rất quan trọng! Gặp gỡ. Như Đức Bênêđictô XVI đã nói, đức tin không phải là một lý thuyết hoặc triết thuyết hoặc ý tưởng, đức tin là cuộc gặp gỡ. Đó là gặp gỡ Chúa Giêsu. Nếu bạn chưa gặp được lòng thương xót của Ngài, thì cho dù bạn nhớ Kinh Tin Kính, đó cũng chỉ là trí nhớ, chứ bạn chưa có đức tin.

Các tiến sĩ Luật biết mọi thứ, biết mọi giáo thuyết thời đó, nhưng họ không có đức tin, vì họ quay lưng với Thiên Chúa. Giờ đây chúng ta nài xin ân sủng từ Thiên Chúa: “Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, xin thức tỉnh chúng con, để chúng con khao khát đón gặp Chúa Kitô với sự chuẩn bị tốt lành, để chúng con gặp được Chúa Giêsu.” Do đó, chúng ta nhớ tới ơn xin này trong cầu nguyện, trong khi thực thi đức ái và trong khi vui mừng ngợi khen Chúa. Khi ấy, chúng ta sẽ gặp Chúa và chúng ta sẽ nhận được sự ngạc nhiên diệu kỳ.

Tứ Quyết SJ

Đức cha Gabuza: “Các bệnh nhân tâm thần được Thiên Chúa quý trọng”

Đức cha Gabuza: "Các bệnh nhân tâm thần được Thiên Chúa quý trọng"

Đức cha Abel Gabuza

Johannesburg – “Thật là không thể chấp nhận về phương diện luân lý khi có 36 bệnh nhân tâm thần chết trong vòng vài tháng, từ khi được chuyển từ trung tâm Chăm sóc Sức khỏe và Sự sống đến các tổ chức phi chính phủ và các có sở địa phương khác mà không có bất cứ can thiệp nào của sở Y tế Gauteng”. Đó là những lời được viết trong một tuyên ngôn do Đức cha Abel Gabuza, Giám mục Kimberley, chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Nam Phi ký.

Diễn tả sự gần gũi của Giáo hội với gia đình của các nạn nhân, Đức cha Abel Gabuza nói: “trong khi chờ đợi kết quả điều tra của Bộ Y tế, chúng tôi muốn bày tỏ quan ngại sâu sắc của chúng tôi rằng sở Y tế Gauteng đã không để ý đến những cảnh báo từ xã hội dân sự và các gia đình rằng việc xóa bỏ hợp đồng với trung tâm Esidimeni và chuyển các bệnh nhân không nên làm cách vội vã. Đức cha phê bình tính toán kinh tế của quyết định này. Sở Y tế đã chấm dứt hợp đồng với trung tâm Sự sống Esidimeni bởi vì chi phí hàng tháng cho mỗi nạn nhân là khoảng 728 euro, và tổng số chi phí lên đến 2,1 triệu euro mỗi năm.

Đức cha nhìn nhận đây là chi phí quá cao nhưng điều này không có nghĩa là chính quyền được miễn trách nhiệm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đầy đủ cho người dân. Đức cha kết luận: “"Một hệ thống y tế mà đặt lợi nhuận trên dân chúng và không có các biện pháp thích hợp để kiểm soát chi phí, thì nó vừa vượt khả năng chi trả của quốc gia vừa là bản án tử hình cho dân nghèo". "Các bệnh nhân tâm thần đáng quý trọng trước mặt Thiên Chúa. Do đó, sự sống của họ nên được xem là quan trọng hơn so với đòi buộc của hiệu quả tài chính và việc tạo ra lợi nhuận.” (Agenzia Fides 20/09/2016)

Hồng Thủy

Đức tin của một số vận động viên người Mỹ tham dự Thê vận hội Brazil 2016

Đức tin của một số vận động viên người Mỹ tham dự Thê vận hội Brazil 2016

Vận động viên bơi lội Katie Ledecky

Sau 16 ngày tranh tài, Thế vận hội Olympic mùa hè năm 2016 tổ chức tại Brazil, với sự tham dự của hơn 11 ngàn vận động viên đến từ 206 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, đã bế mạc vào ngày 22 tháng 8. Thế vận hội năm nay được đánh giá là một trong những kỳ Thế vận hội thành công nhất trong lịch sử của nó, từ cách tổ chức của nước chủ nhà Brazil, cho đến số kỷ lục đạt được, cũng như những câu chuyện đẹp đầy tinh thần thể thao. Các vận động viên, chắc chắn là những người đã góp công sức rất lớn khi cố gắng tập luyện và thi đua để mang lại những thành công cho đại hội thể thao. Trong số các vận động viên tham gia các cuộc thi, có các vận động viên Công giáo và họ đã là những chứng tá về đức tin của mình, về nguồn sức mạnh thiêng liêng đã trợ giúp họ trong những thành công nghề nghiệp cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Sau đây là chứng từ của một vài vận động viên Công giáo người Mỹ.

Một trong những vận động viên được nhắc đến nhiều nhất với những thành công vượt bực chính là nữ vận động viên bơi lội trẻ tuổi người Mỹ, Katie Ledecky; cô đã đạt được 4 huy chương vàng và một huy chương bạc tại Thế vận hội mùa hè năm nay. Katie Ledecky 19 tuổi, là một sinh viên Công giáo, sẽ theo học tại Đại học Stanford mùa thu này. Trước đó cô đã học tại trường Little Flower và trung học Stone Ridge của các nữ tu dòng Thánh Tâm tại Bethesda, tiểu bang Maryland. Ledecky chia sẻ: “Tôi đã nhận được một nền giáo dục đầy đức tin tuyệt vời ở cả hai trường. Có cơ hội học hành tại những trường giáo dục nghiêm túc đã giúp tôi quan tâm đến thế giới và việc phục vụ người khác và làm giàu cho cuộc sống của tôi, để nó không chỉ tập trung vào việc bơi lội của tôi và môn điền kinh…. Việc học ở các trường này quan trọng đối với việc bơi lội của tôi vì các truờng Công giáo thử thách tôi, chúng mở rộng tầm nhìn của tôi và cho phép tôi dùng lý trí của mình trong những cách thức đưa tôi vượt qua việc chỉ nghĩ đến việc tập luyện, gặp gỡ trong bơi lội và thể thao.”

Ledecky được bạn bè đánh giá là một người khiêm nhường, đáng yêu và là tấm gương cho các học sinh lớp nhỏ hơn về cách hành xử của người nổi tiếng. Dù tập luyện rất chăm chỉ và đạt những thành công nhưng Ledecky không bao giờ quên các bạn đồng đội. Cô luôn muốn các bạn đạt thành tích tốt nhất cho dù đó là một cuộc thi tại Thế vận hội hay tại trường trung học. Điều đặc biệt nơi vận động viên trẻ này là cô luôn đọc kinh Kính Mừng hay một lời cầu nguyện khác trước khi bước vào cuộc thi. Việc cầu nguyện, đọc kinh Kính Mừng giúp Ledecky bình tĩnh trước khi cô bắt đầu cuộc thi. Đối với Ledecky, Kinh Kính Mừng là một lời kinh rất đẹp. 

Trong một email phỏng vấn với báo Catholic Standard của Tổng giáo phận Washington trước khi Thế vận hội mùa hè năm nay diễn ra, Ledecky cho biết chính đức tin Công giáo đã cho cô sức mạnh và giúp cô giữ cân bằng trong cuộc sống của mình. Tầm quan trọng của cân bằng trong cuộc sống của một người là bài học cô đã học và hy vọng nó sẽ giúp cô ở đại học và sau này nữa. Cô chia sẻ: “Đức tin Công giáo của tôi rất quan trọng đối với tôi. Nó luôn quan trọng và sẽ luôn luôn quan trọng. Nó là một phần của căn tính của tôi, tôi là ai, và tôi cảm thấy thoải mái thực hành đức tin của mình. Nó giúp tôi quan tâm mọi thứ”.

Một vận động viên Công giáo người Mỹ khác cũng đạt thành công vẻ vang trong Thế vận hội mùa hè ở Brazil năm nay là Simone Biles. Biles năm nay 19 tuổi, sinh tại Houston, là ngôi sao trong đội tuyển thể dục dụng cụ nữ Hoa kỳ, đoạt 4 huy chương vàng ở các nội dung Thể dục toàn năng, ngựa gỗ, tự do và đồng đội, và huy chương đồng ở cầu thăng bằng, trở thành vận động viên thể dục đoạt nhiều huy chương vàng nhất cho Hoa Kỳ chỉ trong 1 kỳ thế vận hội. Với 19 danh hiệu Olympic và Vô địch thế giới, Biles được coi là một trong những vận động viên thành công nhất lịch sử môn Thể dục dụng cụ của nước Mỹ. Biles cũng chính là vận động viên đầu tiên giành được 3 chức vô địch thế giới liên tiếp nội dung Toàn năng. Với 14 danh hiệu tại giải đấu này, trong đó có 10 huy chương vàng, Biles cũng là một trong những vận động viên thành công nhất lịch sử giải đấu Olympic. Trong cuộc phỏng vấn với US Magazine, cô cho biết mình mang theo một chuỗi Mân côi màu trắng mà mẹ cô đã cho trong túi thể thao của mình. Biles thường tham dự Thánh lễ Chúa nhật và đều đặn và thắp một ngọn nến ở tượng thánh Sebastiano, thánh quan thầy của các vận động viên, trước mỗi sự kiện lớn.

Một thành viên của hội Hiệp sĩ Columbus cũng đã đạt một huy chương bạc môn đẩy tạ tại Thế vận hội Brazil, đó là Joe Kovacs. Kovacs chia sẻ với tờ báo Columbia hội Hiệp sĩ Columbus là các Linh mục đã giúp đỡ anh rất nhiều trong cuộc sống. Các Linh mục không chỉ là các gương mẫu hành xử mà còn là những người bạn của anh. Anh đã tham gia hội Hiệp sĩ Columbus vì các thành viên là những người tình nguyện, tổ chức các sự kiện, họ là mẫu người mà anh mong muốn trở thành. Anh yêu thích tính phổ quát của Giáo hội. Anh nói: “Mỗi khi bạn đi nhà thờ ở một đất nước khác, các Thánh lễ đều giống nhau. Có thể tôi không hiểu điều họ đang nói qua ngôn ngữ của họ nhưng tôi biết điều họ đang nói. Ở nhiều đất nước, tôi chỉ biết vài chữ để gọi thức ăn, nhưng khi tôi đi nhà thờ tôi biết những gì đang diễn ra và có thể tham dự Thánh lễ”.

Một vận động viên khác, tuy không đạt được thứ hạng cao nhưng những chia sẻ thiêng liêng của cô thật quý giá. Đó là Deanna Price, xếp hạng 8 chung kết môn ném búa nữ. Càng đạt thứ hạng cao, Price càng gắn kết với đức tin Công giáo. Price và gia đình đã được giáo dân trong Giáo xứ Vô nhiễm nguyên tội của cô quyên góp để cha mẹ cô có thể đến Rio di Janeiro xem cuộc thi của con gái. Cô chia sẻ: “Bạn nghe nhiều về tất cả những điều tồi tệ trên thế giới nhưng điều tốt tràn đầy. Nó chiếu sáng phủ lên bóng tối”. Có Thiên Chúa trong cuộc sống tạo nên một sự khác biệt. Cô nói: “Những khi tôi bực mình với người khác, tôi nhận ra mình đang xét đoán họ. Việc của tôi là yêu họ vô điều kiện. Thiên Chúa là Đấng sẽ xét xử”. Năm 2014, khi bị thương ở đầu gối, Price đã đến nhà thờ và cầu nguyện để biết sẽ phải làm gì. Cô chia sẻ: “Thiên Chúa đã cho tôi sức mạnh và khả năng không cạn kiệt. Bạn không nhận ra cơ hội mà Người ban cho bạn mà nó có thể đến trong cách tiêu cực. Nó có thể là chịu đựng một thử thách hay một thánh giá của gánh nặng, nhưng khi bạn vượt qua, nó dạy bạn nhiều hơn về chính bạn và đức tin của bạn. Khi bạn nghĩ bạn cô đơn, không ai bên cạnh bạn và bạn chán nản, vả rồi khi bạn quay lại, bạn nhận ra Người luôn ở đó và giúp bạn mọi lúc”. Khi phải thi đấu vào cuối tuần và không thể tham dự Thánh lễ các ngày Chúa nhật, Price kiếm thời gian lần hạt Mân côi và cám ơn Chúa về những gì Người ban cho cô và cầu xin sức mạnh để sống theo ý Chúa. Chuẩn bị cho cuộc thi tài là một kinh nghiệm căng thẳng đối với Deanna Price, nhưng cô được thư giản vì biết ở làng Olympic có một nhà nguyện. (CNS 2/8/2016; CAN 20/8/2016; Catholic Herald 22/8/2016)

Hồng Thủy

Đức tin sinh hoa trái qua các công việc lành

Đức tin sinh hoa trái qua các công việc lành

ĐTC Phanxicô chào tín hữu tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 10-7-2016

Chính qua các công việc tốt lành chúng ta làm cho tha nhân với tình yêu thương và niềm vui, đức tin của chúng ta nảy mầm và đem lại hoa trái.

Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hôm qua tại quảng trường thánh Phêrô dưới trời nắng 35 độ C của mùa hè Roma.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa dụ ngôn “Người Samaritano nhân hậu” như kể trong chương 10 Phúc Âm thành Luca. Ngài nói:

Trong trình thuật đơn sơ và kích thích của nó dụ ngôn chỉ cho thấy một  kiểu sống, mà trọng tâm không phải là chính chúng ta mà là các người khác, với các khó khăn của họ, mà chúng ta gặp gỡ trên đường đời và họ gọi hỏi chúng ta. Những người khác gọi hỏi chúng ta; và khi họ không gọi hỏi chúng ta, thì có cái gì đó không ổn; có cái gì đó không là kitô trong con tim ấy. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn này trong cuộc đối thoại với một tiến sĩ luật, liên quan tới giới răn hai chiều cho phép bước vào cuộc sống đời đời: yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu mến tha nhân như chính mình (cc.25-28). “Đúng, ông tiến sĩ luật trả lời, nhưng xin cho tôi biết ai là người thân cận của tôi? (c. 29). Cả chúng ta cũng có thể đặt câu hỏi: ai là người thân cận của tôi? Ai là người tôi phải yêu mến như chính tôi? Cha mẹ tôi? Bạn bè tôi? Các người đồng hương với tôi? Các người có cùng tôn giáo với tôi? Ai là người thân cận của tôi?

Và Chúa Giêsu trả lời với dụ ngôn này. Có một người kia, từ Giêrusalem xuống Giêricô, đã bị cướp tấn công, hành hung và bỏ rơi. Trên con đường đó trước hết có một tư tế đi qua, rồi một lêvi, là những người tuy trông thấy người bị thương, nhưng không dừng lại và đi thẳng (cc.31.32). Rồi có một người Samaritano đi ngang qua, nghĩa là một dân thành Samaria, và như là người Samaritano họ bị người do thái khinh bỉ, bởi vì họ không tuân giữ tôn giáo thật; nhưng trái lại, chính ông ta là người “cảm thương”, khi trông thấy kẻ bị nạn tội nghiệp ấy. Ông tới gần, băng bó các vết thương… đem tới một quán trọ và lo lắng cho người ấy” (cc. 33-34); và ngày hôm sau ông ta phó thác người ấy cho chủ quán trọ săn sóc, trả tiền cho chủ quán và nói rằng ông cũng sẽ trả mọi sự còn lại (c. 35).

Tới đây Chúa Giêsu quay qua hỏi vị tiến sĩ luật: “Ai trong ba người – vị tư tế, thầy lêvi, người samaritano – đối với ông là ngưòi thân cận của kẻ đã bị rơi vào tay bọn cướp?” Và dĩ nhiên là người thông minh ông ấy trả lời: “Đó là người đã cảm thương anh ta?” (cc. 36-37), Trong cách thế đó Chúa Giêsu đã lật ngược hoàn toàn viễn tượng ban đầu của vị tiến sĩ luật – và cũng là của chúng ta ! -: tôi không được lên danh sách các người khác để quyết định ai là người thân cận của tôi – tuỳ thuộc tôi có là, hay không là người thân cận của người tôi gặp và cần được giúp đỡ, cả khi có là người xa lạ hay thù nghịch. Và Chúa Giêsu kết luận: “Ông hãy đi và làm như vậy” (c. 37). Thật là bài học đẹp! Và Chúa Giêsu lập lại với từng người trong chúng ta: “Con hãy đi và cũng hãy làm như vậy”. Làm các việc lành, chứ không chỉ nói các lời bay trong gió mà thôi. Tôi nghĩ tới một bài hát: “Lời nói, lời nói, lời nói”. Không, hãy làm, hãy làm. Và ĐTC khẳng định:

Chính qua các việc lành chúng ta làm cho người thân cận với tình yêu thương và niềm vui mà đức của chúng ta nẩy mầm và sinh hoa trái. Chúng ta hãy tự hỏi – mỗi người hãy tự trả lời trong tim – chúng ta hãy tự hỏi: đức tin của chúng ta có phong phú không? Đức tin của chúng ta có sản xuất các việc tốt lành không? Hay nó cằn cỗi và vì thế chết hơn là sống? Tôi có tới gần không hay chỉ đi qua bên cạnh? Tôi có thuộc số những người tuyển lựa người ta theo sở thích riêng không? Thật là tốt đặt ra các câu hỏi này cho chính chúng ta, và đặt ra thường xuyên, bởi vì sau cùng chúng ta sẽ bị phán xử dựa trên các công việc của lòng thương xót. Chúa sẽ có thể nói với chúng ta: “Còn con, con có nhớ lần ấy trên đường từ Giêrusalem xuống Giêricô không? Người dở sống dở chết đó đã là Cha? Con có nhớ không? Đứa trẻ đói khát đó đã là Cha. Con có nhớ không? Người di cư, mà biết bao người muốn đuổi đi đó, đã là Cha. Các ông bà nôji ngoại  cô đơn, bị bỏ rơi trong các nhà hữu dưỡng đó đã là Cha. Người đau yếu cô đơn trong nhà thương không có ai đến thăm đó đã là Cha.

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta bước đi trên con đường của tình yêu thương, tình yêu thương quảng đại đối với nhũng người khác, con đường của người samaritano nhân lành. Xin Mẹ giúp chúng ta sống giới răn chính yếy mà Chúa Kitô đã để lại cho chúng ta. Và đây là con đường để bước vào cuộc sống vĩnh cửu.

Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành Toà thánh cho mọi người.

Sau phép lành ĐTC đã nhắc tới “Ngày Chúa Nhật của Biển” nhằm ủng hộ việc săn sóc mục vụ cho người sống trên biển, Ngài nói: Tôi khích lệ các thuỷ thủ và các ngư phủ trong công việc làm của họ thường cam go và nguy hiểm, cũng như các linh muc tuyên uý và các thiện nguyện viên trong công việc phục vụ quý báu của họ. Xin Mẹ Maria là Sao Biển canh chừng trên anh chị em.

Ngài cũng đã chào nhiều đoàn hành hương, đặc biệt nhóm tín hữu Porto Rico, nhóm tín hữu Ba Lan hành hương đi bộ từ Cracovia sang Roma. ĐTC khen họ thật là giỏi! Ngài cũng gửi lời chào đoàn tín hữu do Radio Maria tổ chức hành hương đền thánh Đức Bà Czéstochowa lần thứ 25 bên Ba Lan. ĐTC cũng chào một nhóm tín hữu Argentina hiện diện ồn áo náo nhiệt; các gia đình giáo phận Adria Rovigo, Limbiate và cộng đoàn thừa sai Gioan Phaolo II. Ngài chúc mọi người một ngày Chúa Nhật nóng, và xin tất cả đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Linh Tiến Khải

Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 kỷ niệm 65 năm Linh Mục

Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 kỷ niệm 65 năm Linh Mục

Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 kỷ niệm 65 năm Linh Mục

VATICAN. Trưa ngày 28-6-2016, Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 đã mừng kỷ niệm 65 năm Linh Mục.

Ngài thụ phong ngày 29-6 năm 1951 tại Nhà thờ Chính Tòa Freising của Tổng giáo phận Munich-Freising, cùng với anh ruột Georg và 42 bạn đồng môn.

Hiện diện tại sảnh đường Clementina trong dinh Tông Tòa, đặc biệt có ĐTC Phanxicô, đông đảo các vị Hồng Y và thủ lãnh các cơ quan trung ương Tòa Thánh.

Lên tiếng sau bài ca chúc mừng của Ca đoàn Sistina, ĐTC Phanxicô nhắc đến một nét nổi bật trong ơn gọi LM của Đức nguyên Giáo Hoàng là câu hỏi của Chúa Giêsu ”Hỡi Simon, con có yêu mến Thầy không?” (Ga 21,15-19). ”Đây là nét trổi vượt trong toàn đời sống phục vụ như LM và thần học gia mà Ngài (Đức nguyên Giáo Hoàng) không ngại định nghĩa là ”sự tìm kiếm Đấng được yêu mến”: đó là điều Ngài vẫn luôn đã và đang làm chứng ngày nay: điều quyết định trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, chính là Chúa thực sự hiện diện, Đấng mà chúng ta mong ước và gần gũi Người trong nội tâm, Đấng mà chúng ta yêu mến và thực sự tin tưởng, tin rằng Chúa thực sự yêu thương chúng ta”.. Chính khi sống và làm chứng một cách khẩn trương và sáng ngời điều duy nhất thực sự quan trọng như thế mà Ngài vẫn tiếp tục phục vụ Giáo Hội, không ngừng góp phần mạnh mẽ vào sự tăng trưởng của Giáo Hội và Ngài thi hành điều đó trong Đan viện bé nhỏ Mẹ Giáo Hội ở Vatican…”.

ĐHY Gerhard Mueller, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, cũng chúc mừng Đức nguyên Giáo Hoàng và trao cho ngài cuốn đầu tiên trong bộ sách tuyển tập tựa đề ”Dạy và học Tình Yêu Thiên Chúa”. ĐHY nói: Xét cho cùng, qua tựa đề đó có nói lên tất cả: chúng ta được kêu gọi dạy điều mà chúng ta đã học được nơi Tình Yêu Thiên Chúa.

ĐHY Angelo Sodano, niên trưởng Hồng Y đoàn, đã ngỏ lời chúc mừng Đức Biển Đức 16 và nhắc lại bài giảng thánh lễ của Người hồi tháng 9 năm 2006 tại Nhà thờ chính tòa Freising, nơi Người thụ phong. Trong bài giảng ấy, ĐGH Biển Đức 16 kể lại rằng: ”Khi tôi nằm phủ phục trên mặt đất như được kinh cầu các thánh bao phủ, tôi ý thức rằng trên con đường này chúng tôi không lẻ loi, nhưng có hàng ngũ đông đảo các thánh đồng hành với chúng tôi và các thánh vẫn còn sống, nghĩa là các tín hữu hôm nay và ngày mai, họ đang nâng đỡ và đồng hành với chúng tôi. Rồi đến nghi thức đặt tay và khi ĐHY Faulhaber nói với chúng tôi: ”Từ nay Thầy không gọi các con là tôi tớ, nhưng là bạn hữu”, lúc ấy tôi cảm nghiệm thấy rằng việc truyền chức linh mục giống như một sự khai tâm trong cộng đoàn các bạn hữu của Chúa Giêsu, họ được kêu gọi ở với Chúa và loan báo sứ điệp của Ngài”.

ĐHY Sodano cũng nhắc đến sự mô tả của Đức nguyên Giáo Hoàng về bản chất sứ điệp mà các linh mục được kêu gọi loan báo trên thế giới, nghĩa là các LM phải mang đến cho con người ngày nay ”Ánh sáng của Thiên Chúa và Tình Yêu của Thiên Chúa”.

ĐHY cũng nhận xét rằng khi đọc lại những lời của Đức Nguyên Giáo HOàng ngày nay, chúng ta thấy như một sự đi trước Giáo huấn của ĐGH Phanxicô, Người luôn mời gọi chúng ta hãy đi gặp những người đau khổ nhất, mang lại cho họ tình yêu thương huynh đệ của chúng ta. Đó cũng là đại sứ điệp của Năm Thánh Lòng Thương Xót chúng ta đang cử hành.

ĐHY niên trưởng Hồng Y đoàn cũng xin Đức Nguyên Giáo Hoàng ”đang ở trên núi” chuyên chăm sứ mạng cầu nguyện và suy niệm, tiếp tục cầu nguyện cho Giáo Hội và các tín hữu.

Buổi lễ mừng kết thúc với lời cám ơn chân thành của Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 đối với ĐTC Phanxicô vì lòng nhân từ ngay từ đầu đối với Ngài và cám ơn ĐHY Sodano và Mueller cũng như tất cả các Hồng Y và mọi người khác.

 Sau bản nhạc của Ca đoàn Sistina, các Hồng Y còn ở lại bắt tay và chúc mừng Đức đương kim Giáo Hoàng và vị Tiền Nhiệm (SD 28-6-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đức tin của Giáo Hội nảy sinh từ đám cưới tại làng Cana

Đức tin của Giáo Hội nảy sinh từ đám cưới tại làng Cana

ĐTC chụp hình với các thành viên hiệp hội di cư Thánh Phanxicô trong buổi tiếp kiến sáng ngày 8-6-2016

Trong đám cưới tại làng Cana Chúa Giêsu đã cột buộc các môn đệ vào Ngài với một  Giao Ước mới và vĩnh viễn. Tại Cana các môn đệ trở thành gia đình của Chúa và tại Cana nảy sinh ra đức tin của Giáo Hội. Chúng ta tất cả được mời tham dự tiệc cưới ấy để không bao giờ thiếu rượu mới nữa.

Kính thưa quý vị thính giả ĐTC Phanxicô đã nói như trên với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hàng tuần hôm qua. Sau lời chào ĐTC đã chúc mừng và cám ơn chứng tá của một nhóm các cặp vợ chồng mừng 50 năm ngày cưới. Đó thật là rượu ngon của gia đình. Ngài cầu mong các đôi tân hôn và giới trẻ ngày nay học  được chứng tá trung thành gắn bó ấy của họ trong cuộc sống hôn nhân.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích ý nghĩa phép lạ đầu tiên Chúa Giêsu làm trong tiệc cưới làng Cana. Thánh sử Gioan gọi các phép lạ của Chúa là “các dấu chỉ”. Chúa Giêsu không làm các phép lạ để dấy lên sự kỳ diệu, nhưng để mạc khải tình yêu của Thiên Chúa Cha. Và dấu chỉ đầu tiên thánh Gioan kể lại được thực hiện tại làng Cana. Nó là “một loại cửa vào”, trong đó khắc ghi các lời và kiểu diễn tả soi sáng toàn mầu nhiệm của Chúa Kitô và rộng mở con tim của các môn đệ cho đức tin. Trong phần dẫn nhập chúng ta tìm thấy kiểu nói “Chúa Giêsu cùng các môn đệ Người” (c. 2). Những người mà Chúa Giêsu đã kêu gọi theo Ngài, Ngài đã cột buộc họ vào mình trong một cộng đoàn, và giờ đây tất cả họ được mời dự tiệc cuới như một gia đình duy nhất. ĐTC giải thích thêm ý nghĩa của dấu chỉ tại tiệc cưói làng Cana như sau:

Khi khai mào sứ vụ công khai trong tiệc cưới làng Cana, Chúa Giêsu tự biểu lộ như phu quân của dân Thiên Chúa, đã được các ngôn sứ loan báo, và vén mở cho chúng ta thấy chiều sâu của tương quan kết hiệp chúng ta với Ngài: đó là một Giao ước mới của tình yêu. Ở nền tảng đức tin của chúng ta có cái gì? Một cử chỉ lòng thương xót, qua đó Chúa Giêsu đã cột buộc chúng ta vào Ngài. Và cuộc sống kitô là câu trả lời cho tình yêu đó; nó như là lịch sử của hai người si mê nhau. Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau, tìm nhau, kiếm ra nhau, cử hành và yêu thương nhau: y như hai người yêu trong sách Diễm Ca. Tất cả những gì còn lại là hiệu quả của của tương quan này. Giáo Hội là gia đình của Chúa Giêsu, trong đó Ngài đổ xuống tình yêu của Ngài; và đó là tình yêu mà Giáo Hội giữ gìn và muốn trao ban cho tất cả chúng ta.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Trong bối cảnh của Giao Ước chúng ta cũng hiểu sự quan sát của Đức Mẹ: “Họ không có rượu” (c. 3) Làm sao có thể cử hành đám cưới và mừng lễ, nếu thiếu điều các ngôn sứ chỉ cho thấy như là một yếu tố tiêu biểu của tiệc cứu thế (x. Am 9,13-14; Ge 2,24; Is 25,6)? Đó là một lễ cưới trong đó thiếu rượu; đôi tân hôn cảm thấy xấu hổ vì điều này. Anh chị em hãy tưởng tượng coi, kết thúc một lễ cưới bằng cách uống trà: Sẽ là một xấu hổ. Rượi cần cho lễ cưới. Khi biến đổi nước trong các vại dùng cho lễ nghi thanh tẩy của người Do thái (c. 6), Chúa Giêsu hoàn thành một dấu chỉ hùng hồn: biến Lề Luật của ông Môshê thành Tin Mừng đem lại niềm vui. Như thánh Gioan đã nói ở một chỗ khác: “Lề Luật đã đuợc ban qua ông Môshê, còn ân sủng và sự thật đến qua Đức Giêsu Kitô” ( Ga 1,17).

Các lời của Mẹ Maria nói với gia nhân đội triều thiên cho khung cảnh đám cưới Cana: “Người bảo gì, hãy cứ làm như thế” (c. 5). Thật là lạ, đây là các lời nói cuối cùng của Mẹ được các Phúc Âm kể lại: đó là gia tài Mẹ để lại cho tất cả chúng ta. Cả ngày nay nữa Đức Mẹ cũng nói với tất cả chúng ta: “Ngài bảo bất cứ điều gì – Chúa Giêsu nói với các con bất cứ điều gì, hãy làm điều đó”. Đó là gia tài Mẹ để lại cho chúng ta: Thật là đẹp!

Đây là một kiểu diễn tả nhắc nhớ công thức đức tin được dân Israel dùng tại núi Sinai để đáp trả lại giao ước: “Tất cả những gì Chúa đã nói, chúng tôi sẽ thi hành” (Xh 19,8). Và thật vậy ở Cana các đầy tớ đã vâng lời. Chúa Giêsu nói với họ: “Hãy đổ nước đầy các chum”. Và họ đổ nước đầy tới miệng các chum. Ngài lại nói với họ:: “Hãy đem cho người chủ tiệc. Và họ đem tới cho ông” (cc.7-8). ĐTC giải thích ý nghĩa việc này như sau:

Trong tiệc cưới này Giao Ước mới thực sự được ký kết và sứ mệnh mới được uỷ thác cho các người phục vụ Chúa, nghĩa là cho tất cả chúng ta: “Người bảo bất cứ gì, thì hãy làm điều đó”. Phục vụ Chúa có nghĩa là lắng nghe và thực thi Lời Ngài. Đó là lời nhắn nhủ đơn sơ nhưng nòng cốt của Mẹ Chúa Giêsu, và là chương trình sống của kitô hữu. Đối với từng người trong chúng ta kín múc nơi vại nước có nghĩa là  tín thác nơi Lời của Thiên Chúa để sống kinh nghiệm sự hữu hiệu của nó trong cuộc sống. Khi đó cùng với chủ tiệc là người đã nếm nước biến thành rượu, cả chúng ta nữa cũng có thể kêu lên: “Anh đã giữ ruợu ngon cho đến bây giờ” (c. 10). Phải,  Chúa tiếp tục giữ rượu ngon cho ơn cứu rỗi của chúng ta, cũng như Ngài tiếp tục làm cho nó vọt ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa.

Câu kết thúc trình thuật vang lên như một lời phán xử: “Tại Cana vùng Galilêa đây là khởi đầu các dấu chỉ được Chúa Giêsu thành toàn: Ngài biểu lộ vinh quang của Ngài và các môn đệ tin nơi Ngài” (c. 11). Đám cưới làng Cana hơn rất nhiều một trình thuật đơn sơ phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu. Như là một chiếc hộp quý nó giữ gìn bí mật con người của Ngài và mục đích việc Ngài đến: vị Phu Quân được chờ đợi khởi sự tiệc cưới được thành toàn trong Mầu nhiệm phục sinh. Trong đám cưới tại làng Cana Chúa Giêsu đã cột buộc các môn đệ vào Ngài với một  Giao Ước mới và vĩnh viễn. Tại Cana các môn đệ trở thành gia đình của Chúa và tại Cana nảy sinh ra đức tin của Giáo Hội. Chúng ta tất cả được mời tham dự tiệc cưới ấy để không bao giờ thiếu rượu mới nữa.

ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ các nước nói tiếng Pháp, trong đó có một nhóm tín hữu Việt Nam Paris, nhóm tín hữu giáo phận Besançon, do ĐGM sở tại hướng dẫn, Liên hiệp quốc tế Hội thánh Vinh Sơn de Paoli, các chủng sinh chủng viện Prado Lyon, cũng như các tín hữu Bỉ, Thụy Sĩ và Canada. Ngài cầu chúc mọi người biết lắng nghe tiếng Chúa, yêu Chúa và sống tươi vui.

Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ Anh quốc, Êcốt, Hòa Lan, Trung Quốc,  Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Singapore và Hoa Kỳ.

Trong số các nhóm nói tiếng Đức ĐTC đặc biệt chào các linh mục mừng ngân khánh chịu chức thuộc tổng giáo phận Paderbonn, và nhiều sinh viên học sinh Đức. Ngài cầu chúc họ có chuyến hành hương sốt sắng và bổ ích.

Ngỏ lời với các nhóm nói tiếng Tây Ban Nha ĐTC cầu chúc họ lãnh nhận đuợc ơn thánh từ Thánh Tâm Chúa, đáp trả lại tình yêu của Ngài và biết sống thuơng xót nhau. Với các nhóm nói tiếng Bồ Đào Nha, đặc biệt các tín hữu Curitiba và nhóm các thẩm phán  Brasil, ĐTC khích lệ họ làm chứng cho Tin Mừng thương xót và tươi vui của Chúa Giêsu. Chào các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC xin họ nhớ tới kinh nghiệm của đám cười làng Cana, khi gặp phải các khó khăn âu lo buồn phiền trong cuộc sống. Mẹ Maria luôn luôn hiện diện để cầu bầu cho họ và trợ giúp họ để đừng bao giờ đánh mất đi niềm tin nơi Chúa và sự chở che của Ngài.

ĐTC cũng chào các đoàn hành hương Slovac, đặc biệt các nhân viên y tế trung tâm cao niên Thánh Luca tỉnh Kosice. Ngài cầu mong chuyến hành hương Roma trong Năm Thánh Lòng Thương Xót củng cố đức tin và giứp họ quảng đại làm chứng cho Chúa.

Trong số các nhóm Ý ĐTC đặc biệt chào tín hữu giáo phận Asti, các lực sĩ và ngưởi trẻ giáo phận Macerata Loreto với “cây đuốc hoà bình”, do các GM sở tại hướng dẫn, cũng như Hiệp hội di cư thánh Phanxicô giáo phận Siena, làng cứu giúp trẻ em Ostuni và hiệp hội Unitalsi vùng Toscana, Hiệp hội quốc tế các đại học Lasalle, các đai biểu hiệp hội thánh Vinh Sơn và các cha dòng Trắng đang họp tổng tu nghị. Ngài cầu chúc họ trung thành với các đặc sủng riêng. ĐTC cũng chào Tổ chức Công giáo tiến hành Italia tái phát động chiến dịch cầu nguyện “Một phút cho hòa bình”. Ngài cầu mong cuộc gặp gỡ với Người Kế Vị Thánh Phêrô củng cố sự gắn bó của họ với Giáo Hội.

Chào giới trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắn nhủ mọi người sốt sắng cầu nguyện với Thánh Tâm Chúa và Trái Tim Đức Mẹ trong tháng 6 này để biết sống yêu thương tận hiến cho Thiên Chúa và cho tha nhân.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Đức sứ thần Tòa Thánh khen ngợi vai trò của phụ nữ trong việc xây dựng hòa bình

Đức sứ thần Tòa Thánh khen ngợi vai trò của phụ nữ trong việc xây dựng hòa bình

Đức tổng Giám mục Bernardito Auza

New York. Trong một diễn đàn mở của Hội đồng bảo an Liên Hiệp quốc về “phụ nữ, hòa bình và an ninh: vai trò của phụ nữ trong việc ngăn chặn và giải quyết xung đột ở Châu phi” diễn ra tại New York ngày 28 tháng 3 vừa qua, Đức tổng Giám mục Bernardito Auza, sứ thần Tòa Thánh và quan sát viên thường trực của Tòa thánh tại Liên hiệp quốc đã nói: “Các phụ nữ là những người dẫn dắt sự phát triển và thịnh vượng của nhân loại trong nhiều lãnh vực như trong gia đình và các cộng đoàn đức tin, trong những sáng kiến văn hóa xã hội và những nỗ lực nhân đạo, trong lãnh vực văn hóa và chăm sóc sức khỏe, làm trung gian và ngoại giao để ngăn ngừa xung đột, trong việc gìn giữ và xây dựng hòa bình.”

Ngài cũng cám ơn Hội đồng đã hoạt động để nâng cao nhận thức về “vai trò quan trọng của phụ nữ trong ngoại giao để ngăn ngừa xung đột, làm trung gian, trong sứ vụ gìn giữ và tiến trình xây dựng hòa bình. Nhưng sự nhìn nhận này, theo ngài, phải được thể hiện trong hành động, sao cho những kỹ năng và khả năng của họ được sử dụng, đẻ cho phép phụ nữ mang trật tự thay cho hỗn loạn, cộng đoàn thay cho chia rẽ, và hòa bình thay cho chiến tranh. Đức sứ thần giải thích rằng, quà tặng đặc biệt của các phụ nữ trong việc giáo dục con người đón nhận và cảm nhận nhu cầu của người xung quanh, và quan trọng hơn nữa, trong việc hòa giải những xung đột và nuôi dưỡng sự hòa giải hậu xung đột.Theo Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, mọi nơi cần những kỹ năng của các người nữ, đặc biệt là châu Phi. Ngài nói: “trong nhiều đất nước ở châu Phi, đặc biệt là vùng Đại Hồ, những xã hội hòa bình và bao gồm vẫn còn là ước mơ xa vời.” Đức Tổng thấy là phụ nữ có thể đóng góp để cho những giấc mơ này trở thành hiện thực. Hội đồng bảo an Liên Hiệp quốc và các chính quyền cần đề cao và ủng hộ các hoạt động của các người nữ, đặc biệt trong lãnh vực giáo dục.

Đức Tổng nhận thấy việc nhiều phụ nữ giữ các vị trí cao trong các lãnh vực chính trị và ngoại giao có thể giúp Châu Phi tìm được câu trả lời cho những vấn đề kìm hãm nó chia sẻ hoa trái của phát triển và lợi ích của hòa bình. Ngài đã kể ra những kết quả sâu sắc và lâu dài mà phụ nữ đã làm để phát triển xã hội. Ngài nói: “các người nữ này, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, chứng tỏ sự can đảm, kiên trì và dấn thân của họ. Các phụ nữ và các cô gái, những nạn nhân của hãm hiếp và các hình thức bạo lực khác trong các cuộc chiến, tìm được sự an toàn và sự thông hiểu trong những hiệp hội do những người nữ này phụ trách”.

Theo Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, nó vẫn là một cuộc đấu tranh vất vả cho nhiều người nữ để giải phóng chính họ khỏi tình trạng bị gạt ra ngoài lề xã hội, bị loại trừ, bạo lực, ruồng bỏ. Ngài nói: “Thế giới hôm nay vẫn tiếp tục đối mặt với các hình thức bạo lực khác nhau chống lại nữ giới, đặc biệt việc dùng sự cưỡng hiếp như vũ khí của chiến tranh trong các cuộc xung đột, việc quấy nhiễu tình dục trong các trại tị nạn, buôn bán phụ nữ để lạm dụng tình dục, cưỡng bức phá thai, cải đạo và hôn nhân. Thay vì bị tận diệt, những hình thức bạo lực này lại nổi lên dưới những hình thức dã man tàn bạo hơn, tạo nên những vi phạm nhân quyền khủng khiếp nhất.” Hội đồng bảo an Liên Hiệp quốc và các chính quyền có nghĩa vụ chấm dứt những hành động man rợ này.

Đức Tổng Giám mục đã nhắc đến cái chết của 4 nữ tu dòng Thừa sai Bác ái ở Yemen, bị giết bởi những kẻ cuồng tín điên rồ, như là mẫu gương dấn thân mạnh mẽ vì hòa bình cho các phụ nữ. Họ đã dâng hiến đời mình cho những người nghèo và những phụ nữ già yếu trong đó có cả chục người cũng bị sát hại cùng với các chị. Đức Tổng Giám mục nói: “không có sự hy sinh nào cho hòa bình và hòa giải lớn hơn việc dâng hiến chính mạng sống mình.” Ngài cầu xin máu của họ sẽ là những hạt giống của hòa bình và hòa giải ở Yemen. (Catholic News Service 30/03/2016)

Hồng Thủy OP

Đức tin là gia sản quý giá nhất

Đức tin là gia sản quý giá nhất

Thánh lễ tại nguyện đường thánh Martha, sáng thứ Năm ngày 04-02-2016

VATICAN. “Gia tài quý giá nhất mà chúng ta có thể để lại cho các thế hệ mai sau chính là đức tin.” Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ 5, ngày 04.02, tại nhà nguyện thánh Marta. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng chúng ta đừng sợ hãi, vì đằng sau cái chết sự sống vẫn mãi tiếp tục.

Suy nghĩ về cái chết sẽ giúp soi sáng cho cuộc sống hiện tại

Được gợi hứng từ bài đọc một trích sách các Vua thuật lại sự ra đi của vua Đa-vít, Đức Thánh Cha chia sẻ rằng: “Ai rồi cũng sẽ đến lúc phải trải qua những giây phút cuối cùng của cuộc đời. Suy nghĩ này khiến chúng ta chẳng mấy vui thích. Vì thế, chúng ta thường tránh đi và không muốn nhắc đến. Nhưng cái chết lại là một thực tại hiển nhiên của kiếp sống nhân sinh. Khi biết suy xét đúng đắn về ‘cuộc vượt qua cuối cùng’ này sẽ mang lại ánh sáng cho cuộc đời chúng ta. Sự chết chính là thực tại mà ai cũng phải đối diện.

Trong những buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ tư hàng tuần, có lần tôi đã gặp một nữ tu lớn tuổi với gương mặt chan chứa niềm vui và bình an, đang ngồi giữa những bệnh nhân và người đau yếu. Tôi hỏi soeur: ‘Năm nay soeur bao nhiêu tuổi rồi?’ Soeur trả lời tôi với một nụ cười rất tươi: ‘Dạ, thưa Đức Thánh Cha, nay con được 83 ạ. Con đang hoàn tất những chặng đường cuối cùng trong cuộc hành trình dương thế này và bắt đầu một cuộc hành trình khác bước đi cùng với Thiên Chúa. Con bị ung thư tuyến tụy, Đức Thánh Cha ạ.’ Và như thế, trong an bình, vị nữ tu này đã sống hết mình trong một cuộc đời hiến dâng. Soeur đã chẳng hề tỏ ra sợ hãi trước cái chết, vì như soeur đã nói ‘con đang hoàn tất cuộc đời này để bước vào một cuộc sống mới với Đức Kitô’. Đó là một sự chuyển tiếp. Và sự chuyển tiếp này rất cần thiết với chúng ta.

Đức tin – gia sản quý giá nhất

Vua Đa-vít đã trị vì Ít-ra-en được 40 năm. Khi thấy mình đã gần đất xa trời, vua truyền dạy Sa-lô-môn con mình phải biết tuân giữ các huấn lệnh của Đức Chúa, các luật pháp và chỉ thị của Người như đã ghi trong luật Mô-sê. Trong đời mình, vua Đa-vít đã phạm nhiều tội lỗi, nhưng ngài cũng đã biết nài xin sự tha thứ của Thiên Chúa. Và ngày hôm nay, mỗi lần nhắc đến ngài, Giáo hội đều dùng tước hiệu ‘thánh vương Đa-vít’. Ngài là tội nhân nhưng cũng là một vị thánh. Trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, vua đã để lại cho con trai một gia sản quý giá và đẹp đẽ nhất, một gia sản mà ai cũng có thể để lại cho con cái mình, đó chính là đức tin, là lòng tin tưởng.

Khi viết di chúc, người ta thường nói: tôi để lại cái này cho người này, cái kia cho người kia, cái nọ cho người nọ, ….vân vân và vân vân. Điều ấy tốt thôi. Nhưng gia sản quý giá nhất mà một người có thể để lại cho con cháu của mình chính là đức tin. Vua Đa-vít ghi nhớ lời Thiên Chúa hứa và vẫn hằng tin tưởng vào những lời hứa ấy. Cuối cùng vua đã truyền lại lòng tin tưởng ấy cho con trai mình. Thế nên, hãy để lại đức tin cho con cháu như một gia sản thừa kế.

Khi cử hành nghi thức Thanh Tẩy, chủ tế trao nến phục sinh cháy sáng cho các bậc phụ huynh và nói những lời tương tự như thế này: ‘Ánh sáng này được trao phó cho anh chị em chăm nom. Hãy làm bừng sáng nơi con cái của anh chị em và hãy truyền lại ánh sáng ấy cho con cái như một gia sản quý giá.’

Để lại đức tin cho con cháu như một gia sản. Đây là điều mà chính vua Đa-vít đã làm và cũng là một bài học cho mỗi người chúng ta. Vua đã qua đời cách bình thường và đơn sơ như bao nhiêu người khác, nhưng vua lại biết truyền dạy và để lại cho con thứ gia tài quý giá và quan trọng nhất. Gia tài đó không phải là ngôi vua, là vương quốc nhưng chính là đức tin.

Thiên Chúa trung tín, là người Cha không bao giờ khiến con cái thất vọng

Như vậy thật là hữu ích nếu mỗi người chúng ta cũng hãy tự hỏi mình rằng: ‘Khi ra đi, tôi sẽ để lại gì cho con cháu? Tôi sẽ trao cho những người thừa kế gia sản gì?’

Chúng ta hãy xin Thiên Chúa hai điều. Thứ nhất, xin ơn đừng sợ hãi trước cái chết. Hãy xin ơn để được giống như vị nữ tu mà tôi đã nhắc đến trong buổi tiếp kiến chung – ‘Con đang hoàn tất cuộc hành trình dương thế để bắt đầu một chặng đường mới với Đức Kitô’ – đừng hoảng sợ. Và điều thứ hai, xin ơn để mỗi người chúng ta có thể để lại cho đời, để lại cho con cháu, cho thế hệ mai sau một thứ gia sản quý giá nhất, đó chính là đức tin, là lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa Thành Tín. Vị Thiên Chúa ấy luôn bên cạnh chúng ta. Ngài chính là người Cha không bao giờ khiến cho con cái mình phải thất vọng."

Vũ Đức Anh Phương, SJ

Đức Thánh Cha tiếp các tu sĩ bế mạc Năm Đời Sống Thánh Hiến

Đức Thánh Cha tiếp các tu sĩ bế mạc Năm Đời Sống Thánh Hiến

Đức Thánh Cha tiếp các tu sĩ dịp bế mạc Năm Đời Sống Thánh Hiến

VATICAN. ĐTC kêu gọi những người thánh hiến làm chứng về lòng thương xót của Thiên Chúa và mang lại hy vọng cho tha nhân.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 1-2-2016, tại Đại thính đường Phaolô 6 dành cho hàng ngàn người thánh hiến thuộc các hình thức khác nhau, nhân dịp kết thúc Năm về Đời sống Thánh Hiến.

Hiện diện trong dịp này cũng có ĐHY Tổng trưởng João Braz de Aviz cùng với các chức sắc của Bộ các dòng tu.

ĐTC đã dọn sẵn bài huấn dụ, nhưng ngài không đọc, và trao cho ĐHY Tổng Trưởng để phổ biến, chuyển lại cho mọi người, và ứng khẩu nói về một số điểm:

Đức vâng phục của người thánh hiến, không phải thứ vâng lời ”nhà binh”. Nếu ta không thấy rõ điều gì khi phải vâng phục, thì hãy nói chuyện, đối thoại với bề trên, và sau đó hãy vâng phục. Đó cũng là lời ngôn sứ chống lại mần mống sự vô chính phủ mà ma quỉ gieo rắc. Sự vô chính phủ, hành động theo ý riêng là con của ma quỉ, chứ không phải là con của Thiên Chúa… Ngôn sứ ở đây là nói với dân chúng rằng có một con đường dẫn đến hạnh phúc, sự cao cả, con đường làm bạn đầy vui mừng, chính là con đường của Chúa Giêsu. Đó là con đường gần gũi với Chúa Giêsu.

Sự gần gũi: người chọn đười sống thánh hiến không phải để xa dân, được tiện nghi thoải mái, nhưng để gần gũi và hiểu cuộc sống của các tín hữu Kitô và người ngoài Kitô, những đau khổ, các vấn đề, và bao nhiêu điều mà người thánh hiến chỉ hiểu nếu gần gũi dân chúng.

ĐTC cũng cảnh giác những người ra ngoài săn sóc những người nghèo túng đau khổ mà quên những người anh em, chị em già yếu, đang cần được săn sóc thăm viếng ngay trong cộng đoàn của mình. Ngài cũng nhắc nhở rằng đời thánh hiến không phải là một bậc sống làm cho chúng ta nhìn người khác với sự dửng dưng. Đời thánh hiến phải làm cho ta gần gũi dân chúng.

ĐTC mạnh mẽ chống lại nạn nói hành nói xấu trong cộng đoàn. Người làm như thế là một ”tên khủng bố” trong cộng đoàn của mình, vì họ ném bom lời nói chống lại người anh em, chị em này rồi bình thản ra đi. Bạn hãy cắn lưỡi mình nếu nói xấu người anh em, chị em.

– Sau cùng về vấn đề hy vọng, ĐTC nhắc đến sự kiện nhiều dòng tu giảm sút ơn gọi. Ngài cảnh giác chống lại hiện tượng có những dòng mở rộng cửa nhận bừa bãi các ứng sinh mà không cứu xét kỹ lưỡng xem họ có ơn gọi thực sự hay không. Cần chống lại cám dỗ quyến luyến của cải tiền bạc trong tình trạng thiếu ơn gọi. Trong bối cảnh này, ĐTC mời gọi các dòng tu hãy sốt sắng và thành tâm cầu nguyện xin Chúa ban ơn gọi cho dòng. Ngài nhắc đến bao nhiêu linh mục và nữ tu, trong các nghĩa trang, chết vì tử đạo, nhiều khi ở Phi châu, và nói: ”Đó là những hạt giống. Chúng ta phải xin Chúa xuống trên các nghĩa trang ấy, và xem các tiền nhân chúng ta làm gì, và ban cho chúng ta nhiều ơn gọi hơn”.

Nội dung bài huấn dụ đã soạn

Trong bài huấn dụ, sau khi mời gọi các tu sĩ cảm tạ Chúa vì Năm Đời sống Thánh Hiến, ĐTC đã để lại cho mọi người 3 lời là: ngôn sứ, gần gũi và hy vọng.

Về sứ vụ ngôn sứ, ĐTC nói: Anh chị em được kêu gọi công bố trước hết bằng cuộc sống rồi bằng lời nói thực tại của Thiên Chúa, nói về Thiên Chúa. Nếu đôi khi Chúa bị phủ nhân, hoặc bị gạt ra ngoài lề hay bị làm lơ không biết tới, chúng ta phải tự hỏi xem phải chăng chúng ta đã không làm cho khuôn mặt của Chúa được chiếu tỏa, và thay vì chỉ tỏ bộ mặt của chúng ta mà thôi. Khuôn mặt của Thiên Chúa là khuôn mặt của một Người Cha ”đầy lòng thương xót, chậm giận và giàu tình thương” (Tv 103,8). Để làm cho tha nhân biết Chúa, cần phải có quan hệ thân mật với Chúa, và điều này đòi chúng ta phải có khả năng thờ lậy Chúa, vun trồng tình bạn với Chúa ngày qua ngày, qua kinh nguyện, nhất là thờ lạy Chúa trong tinh lặng”.

Tiếp đến là sự gần gũi. Sau khi nhắc lại tấm gương gần gũi của Chúa Kitô với những người thời Ngài, những người đau khổ, ĐTC khẳng định rằng: ”Theo Chúa Kitô có nghĩa là đi tới nơi mà Ngài đã đi; vác trên mình người bị thương chúng ta gặp bên vệ đường như người Samaritano nhân lành đã làm. Đi tìm kiếm con chiên lạc. Gần gũi như Chúa Giêsu gần gũi dân chúng, chia sẻ vui buồn và đau khổ cảu họ, tỏ cho họ khuôn mặt hiền phụ của Thiên Chúa và sự dịu dàng từ mẫu của Giáo Hội, qua tình thương của chúng ta. Mỗi người chúng ta được kêu gọi phục vụ anh chị em qua đoàn sủng của mình”.

Sau cùng là lời thứ ba: hy vọng. ĐTC nói: ”Khi làm chứng về Thiên Chúa và tình yêu thương xót của Ngài, với ơn Chúa Kitô, anh chị em có thể mang lại hy vọng trong nhân loại chúng ta đang bị nhiều lo âu, sợ hãi, và nhiều khi bị cám dỗ nản chí. Anh chị em có thể giúp tha nhân cảm thấy sức mạnh đổi với của các mối phúc thật, sự lương thiện, cảm thông, giá trị của lòng từ nhân, đời sống đơn giản, đầy ý nghĩa. Anh chị em có thể nuôi dưỡng niềm hy vọng trong Giáo Hội, ví dụ qua việc đối thoại đại kết. Cuộc gặp gỡ cách đây một năm giữa những người thánh hiến thuộc các hệ phái Kitô khác nhau thực là một điều mới mẻ rất đẹp, đáng được tiếp tục”.

Chiều ngày 2-2-2016, lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào đền thánh, ĐTC sẽ chủ sự thánh lễ tại Đền thờ Thờ Thánh Phêrô và chính thức bế mạc Năm về Đời Sống Thánh Hiến (SD 1-2-2016)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức tin là sức mạnh giải thoát và cứu rỗi

Đức tin là sức mạnh giải thoát và cứu rỗi

Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay mời gọi chúng ta sống trong xác tín về sự phục sinh: Đức Giêsu là Chúa, có quyền trên sự dữ và cái chết, và Người muốn đưa chúng ta về nhà Cha, nơi sự sống ngự trị. Sứ điệp thật rõ ràng và có thể tóm tắt trong một câu hỏi: Chúng ta có tin rằng Chúa Giêsu có thể chữa lành chúng ta và cho chúng ta sống lại hay không?

Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 60,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hôm qua tại quảng trường thánh Phêrô.

Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói: Phúc Âm hôm nay giới thiệu trình thuật sống lại của một bé gái 12 tuổi, con của một trong những trưởng hội đường do thái. Ông gieo mình dưới chân Chúa Giêsu và van nài Người: “Đứa con gái của tôi đang chết; xin hãy đến đặt tay trên nó để nó được cứu và sống” (Mt 5,23). ĐTC giải thích lời xin này của người cha đáng thương như sau:

Trong lời cầu này chúng ta cảm nhận được nỗi lo lắng của mọi người cha đối với sự sống và hạnh phúc của con cái mình. Nhưng chúng ta cũng cảm thấy niềm tin to lớn của ông nơi Chúa Giêsu. Và khi tin con gái đã chết đến, Chúa Giêsu nói với ông: “Đừng sợ, hãy tin thôi!” (c. 36). Lời này trao ban can đảm. Ngài cũng nói với chúng ta biết bao nhiêu lần: “Đừng sợ, hay chỉ tin thôi!”

Vào nhà Chúa đuổi mọi người đang khóc than ra, rồi hướng tới bé gái đã chết và nói: “Bé gái, Ta truyền cho con hãy dậy!” (c. 41). Và cô bé tức thì ngồi dậy và bắt đầu bước đi. Ở đây ta thấy quyền năng tuyệt đối của Chúa Giêsu trên cái chết, mà đối với Ngài nó như là một giấc ngủ từ đó có thể thức dậy.

Bên trong câu chuyện này thánh sử đã lồng vào một giai thoại khác: đó là việc chữa lành người đàn bà bị băng huyết đã 12 năm. Vì căn bệnh này mà theo nền văn hóa thời đó khiến cho bà bị  ô uế, bà phải tránh đụng chạm mọi người: người đàn bà tội nghiêp, bà đã bị kết án chết trên bình diện dân sự. Người đàn bà vô danh này giữa đám đông theo Chúa Giêsu, tự nhủ: “Nếu tôi chỉ sờ vào gấu áo Người thôi, thì tôi sẽ được cứu thoát” (c. 28). Và đã xảy ra như vậy: nhu cầu được giải thoát thúc đẩy bà dám làm, và có thể nói đức tin giật được từ Chúa ơn khỏi bệnh. Ai tin sờ vào Chúa Giêsu, thì kín múc được từ Ngài Ơn thánh cứu thoát. Đức tin là điều này: sờ vào Chúa Giêsu và kín múc từ Ngài ơn thánh cứu thoát. Ngài cứu chúng ta, Ngài cứu sự sống tinh thần, Ngài cứu chúng ta khỏi biết bao vấn đề. Chúa Giêsu nhận ra điều đó và Ngài tìm gương mặt của người đan bà này giữa đám đông. Bà đến trước mặt Ngài run rẩy và Ngài nói với bà: “Này con, đức tin của con đã cứu con” (c.34). Đó là tiếng nói của Cha trên trởi nói nơi Chúa Giêsu: “Con gái, con không bị chúc dữ, con không bị khai trừ, con là con gái Ta”. Mỗi khi Chúa Giêsu đến gần chúng ta, và chúng ta tới gần Ngài, chúng ta nghe các lời này: “Con là  con Cha. Cha cứu con. Con đã được khỏi. Và mỗi lần Chúa Giêsu đến gần chúng ta, khi chúng ta đi đến với Ngài với niềm tin, chúng ta cảm thấy điều này từ Thiên Chúa Cha: “Hỡi con, con là con trai Ta, con là con gái Ta! Con đã được khỏi. Ta tha cho tất cả, cho mọi người. Ta chữa lành mọi người và chữa lành tất cả”.

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ:

Hai giai thoại này – một việc khỏi bệnh và một sự sống lại – có một trung tâm duy nhất: đức tin. Sứ điệp rõ ràng và có thể được tóm tắt trong một câu hỏi: chúng ta có tin rằng Chúa Giêsu có thể chữa lành chúng ta và có thể đánh thức chúng ta dậy từ cái chết hay không? Toàn Phúc Âm được viết trong ánh sáng của niềm tin này: Đức Giêsu đã sống lại, đã chiến thắng cái chết, và vì chiến thắng của Ngài chúng ta cũng sẽ phục sinh. Niềm tin này đối với các kitô hữu tiên khởi đã chắc chắn, có thể bị lu mờ đi và trở thành không chắc chắn đến độ có vài người lẫn lộn sự sống lại với việc tái đầu thai. Lời Chúa Chúa Nhật này mời gọi chúng ta sống trong xác tín về sự sống lại: Đức Giêsu là Chúa, có quyền trên sự dữ và cái chết, và muốn đưa chúng ta về nhà Cha, nơi sự sống ngự trị.

Chúng ta tất cả sẽ gặp nhau trên nhà Cha. Và ở đó chúng ta sẽ gặp mọi người, tất cả chúng ta ở quảng trường này hôm nay, chúng ta sẽ gặp nhau trong nhà Cha, trong sự sống Chúa Giêsu ban cho chúng ta.

Sự sống lại của Chúa Kitô hoạt động trong lịch sứ như nguyên lý của sự canh tân và niềm hy vọng. Bất cứ ai thất vọng và mệt mỏi cho tới chết, nếu tín thác nơi Chúa Giêsu và tình yêu Ngài, có thể bắt đầu sống trở lại. Cả việc bắt đầu trở lại một cuộc sống mới, thay đổi cuộc sống cũng là một kiểu sống dậy, phục sinh.

Đức tin là một sức mạnh của sự sống, nó trao ban sự tràn đầy cho nhân loại tính của chúng ta; và ai tin nơi Chúa Kitô phải được nhận ra, bởi vì họ thăng tiến sự sống trong mọi hoàn cảnh, để làm cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người yếu đuối nhất, sống kinh nghiệm tình yêu thương giải phóng và cứu thoát của Thiên Chúa.

Chúng ta hãy xin Chúa, qua lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria, ơn đức tin mạnh mẽ và can đảm, thúc đẩy chúng ta trở thành những người phổ biền niềm hy vọng và cứu sống giữa các anh chị em khác.

Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau kinh Truyền Tin ĐTC đã chào nhiều nhóm khác nhau: các tham dự viên cuộc tuần hành với khẩu hiệu “Một trái đất, một gia đình”. Họ cầm các lá xanh to bằng giấy bìa. ĐTC khích lệ sự cộng tác giữa mọi người và hiệp hội của các tôn giáo khác nhau trong việc thăng tiến một môi sinh toàn vẹn. Ngài cám ơn Liên hiệp các tổ chức kitô phục vụ quốc gia Italia, hiệp hội “Các tiếng nói của chúng ta”, và các tổ chức khác thuộc nhiều nước đang cùng nhau trao đổi về việc săn sóc căn nhà chung là trái đất.

Ngài cũng chào một nhóm tín hữu Bolivia sống tại Italia, nhóm trẻ Ibiza đang chuẩn bị lãnh bí tích Thêm Sức; nhóm các nữ hưóng đạo sinh thuộc Hiệp hội quốc tế công giáo. ĐTC khen họ là những phụ nữ giỏi và hoạt động tốt; nhóm các ông bà nội ngoại Sydney, thuộc hiệp hội các người gia di cư tại Australia cùng các con cháu; nhóm các trẻ em nạn nhân vụ nổ lò nguyên tử Chernobyl và các gia đình vùng Este và Ospedaletto tiếp đón các em; các thành viên hiệp hội đi môtô vùng Cardito, và các người yêu thích xe hơi cổ. Trước đó hàng trăm môtô và xe hơi cổ đã diễn hành qua các đường phố chính ở Roma.

Sau cùng ĐTC chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tươi vui và xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức tin cứu sống

Đức tin cứu sống

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Văn hào Tu-ghê-nít của Nga có kể lại một giai thoại sau:

Thời chiến tranh ông bị cảm nặng. Người ta mang ông vào một quân y viện để chữa trị. Khi tỉnh dậy, ông thấy nhà thương đầy người, không có một chiếc giường trống nào, mà bệnh nhân mỗi ngày một thêm đông. Bác sĩ trực phòng của ông đi một vòng đến các giường. Đến bên cạnh ông, bác sĩ dừng lại và hỏi người y tế:

– Hắn vẫn còn sống ư?

Người y tế trả lời:

– Tôi chưa kiểm lại. Nhưng sáng nay thì hắn vẫn còn sống.

Bác sĩ cúi xuống và đặt ống nghe trên ngực ông. Nghe biết tất cả mọi sự, cho nên ông cố gắng thở thật mạnh. Sau khi nhấc ống nghe lên, bác sĩ thở dài và nói:

– Thiên nhiên thật ngu đần, lẽ ra người này phải chết, nhưng không hiểu sao hắn vẫn còn thở và như vậy là hắn chiếm mất chỗ của người khác

Tu-ghê-nít lắng nghe được tất cả những lời ấy. Ông tưởng số phận của ông đã được quyết định, nhưng không ngờ sau đó ông đã được khỏi bệnh một cách lạ lùng trước sự ngạc nhiên của viên bác sĩ trực và nhiều y tá khác trong quân y viện.

Những bệnh nhân biết được những gì người ta làm cho mình và còn sống sót để kể lại kinh nghiệm của mình như văn hào Nga trên đây không phải là hiếm. Một viên thuốc ngủ, một mũi thuốc mê cực mạnh, nhiều người đã bị cướp mất mạng sống dễ dàng. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã kêu goị con người ngày nay hãy xây dựng một nền văn minh của sự sống chứ không phải của sự chết. Tin Mừng hôm nay có thể được coi như một câu trả lời của lòng tin cho một vấn đề từng gây thắc mắc nơi con người thuộc mọi thời đại: vấn đề sự sống. Hai phép lạ: chữa lành bệnh người phụ nữ băng huyết và cho một bé gái 12 tuổi sống lại, đều minh chứng Đức Giêsu là chủ sự sống, là nguồn cội sự sống, vì Ngài là Đấng đã làm cho kẻ chết sống lại.

Theo quan niệm của người Do Thái xưa, thì máu huyết tượng trưng cho sự sống. Người phụ nữ bị băng huyết có nghĩa là sự sống nơi chị mất dần đi, tiêu hao đi, nên coi như chị là người đã chết. Nhất là trong hoàn cảnh của chị, đau khổ không chỉ vì bệnh kéo dài, tiền mất tật mang, mà còn khổ về mặt tinh thần, vì tập quán tôn giáo xã hội coi những người mắc chứng bệnh này, cũng như bệnh cùi, bệnh hủi, khinh khi. Phải nói là người phụ nữ bị băng huyết này coi như đã chết hai lần, cả về mặt sự sống thể xác lẫn về mặt đời sống tinh thần. Phép lạ Chúa Giêsu làm đã cứu thoát chị, đã đem lại cho chị một cuộc sống dồi dào, cả trong ý nghĩa được sát nhập lại vào trong lòng cộng đồng tôn giáo.

Còn trong phép lạ Chúa Giêsu làm cho em bé sống lại, thì chúng ta thấy hành động của Chúa Giêsu vượt xa điều mà gia đình ông Giairô, trưởng hội đường, mong đợi: khi con gái duy nhất của ông hấp hối, ông đã chạy đi cầu cứu với Chúa Giêsu, vì ông tin rằng Ngài có thể cứu con ông khỏi cái chết. Nhưng khi hay tin con đã chết rồi, thì ông không còn hy vọng nào nữa, không còn muốn làm phiền Chúa Giêsu đến nhà làm gì nữa. Chúa Giêsu phải nâng đỡ tinh thần và niềm tin của ông: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi”. Và phép lạ đã được thực hiện, trước nỗi kinh ngạc và hạnh phúc của gia đình ông. Trưởng hội đường, kinh ngạc và sung sướng đến nỗi ông và gia đình quên cả việc chăm sóc đến con gái của mình, khiến Chúa Giêsu phải nhắc khéo: “Hãy lo cho cô bé ăn đi!”.

Trong tất cả hai phép lạ, chúng ta đều thây nổi bật lên một yếu tố nối liền giữa Chúa Giêsu và người được phép lạ: đó là lòng tin. Người phụ nữ bị băng huyết, sau khi chạy thầy chạy thuốc không khỏi, mà lại nghe nói về quyền phép của Chúa Giêsu, thì dần dần trong lòng chị hình thành một niềm tin mạnh mẽ: “Tôi mà sờ được áo Ngài thôi, là sẽ được khỏi bệnh”. Chính lòng tin mạnh mẽ đó đã giúp chị vượt qua moị tập quán, mọi nếp suy nghĩ và quan niệm tôn giáo có tính trói buộc và cản trở con người, để mạnh dạn đến gần Chúa Giêsu. Chinh lòng tin mạnh mẽ đó đã như khiến quyền năng của Chúa Giêsu không thể từ chối được: “Chúa Giêsu thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra”.

Lòng tin của ông Giairô cũng là yếu tố quan trong để Chúa Giêsu là cho con ông sống lại. Chắc chắn lòng tin của ông đã được hỗ trợ bằng chính câu chuyện người phụ nữ lành bệnh, cũng như đã được nâng đỡ bởi lời khuyên chủ của chính Chúa Giêsu: “Đừng sợ, ông ạ, cứ vững tin đi!”.

Qua hai phép lạ trên, Chúa Giêsu còn bộc lộ cho thấy thế nào là Thiên Chúa, thế nào là Đấng Kitô của Thiên Chúa và loan báo một thời đại mới, thời đại cứu độ mà các Ngôn Sứ đã loan báo. Trước hết, Thiên Chúa là chủ sự sống, ban phát sự sống cho con người và muôn loài vật. Riêng đối với con người, thì không chỉ là đời sống vật chất, tinh thần mà còn cả đời sống ân sủng, đời sống làm con cái Thiên Chúa. Để thực hiện chương trình sáng tạo và cứu độ, Thiên Chúa đã hiến dâng cho loài người tất cả, kể cả Người Con yêu dấu, Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô.

Đức Giêsu có sứ mạng bộc lộ về Thiên Chúa, thực hiện chương trình của Thiên Chúa là ban sự sống, là cứu chữa những gì đã hư mất, là tìm đến với người đau ốm cần thầy thuốc. Ngài luôn quan tâm đến mọi nhu cầu cụ thể của con người. Ngài cúi mình ghé mắt nhì xem nhu cầu cụ thể của con người Ngài gặp: anh què, anh mù, chị phụ nữ bị băng huyết cũng như chị phụ nữ ngoại tình, người bị quỷ ám, con trai bà goá thành Naim, cũng như con gái ông Giairô. Tất cả những khổ đau, tật nguyền đều có âm hưởng mạnh mẽ trong tâm hồn Chúa Giêsu Kitô. Chính vì mang trong mình trái tim của Thiên Chúa, nguồn sống của Thiên Chúa, nên Chúa Giêsu đã cứu chữa người này, bình phục người kia, hồi sinh người khác, đem lại phẩm giá và sự tôn trọng cho những ai đang bị loại trừ, coi rẻ. Đối với Chúa Giêsu, không hề có một tiêu chuẩn nào để lại bỏ, vì tất cả thuộc về gia đình Thiên Chúa. Điều duy nhất ngài đòi hỏi là lòng tin của chúng ta nơi quyền năng và lòng thương của Ngài.

Lòng tin của chúng ta đối với Thiên Chúa là nguồn gốc, là chủ sự sống sẽ dẫn chúng ta đến một thái độ tất yếu này là: chúng ta phải biết tôn trọng sự sống, bảo vệ và phát triển sự sống. Không phải chỉ sự sống thể xác mà cả sự sống tinh thần và sự sống tâm linh nữa. Không chỉ sự sống nơi mình, mà còn sự sống nơi người khác, nơi dân tộc khác nữa.

Thế nhưng, chung quanh chúng ta không biết bao nhiêu sự sống con người đang bị xâm phạm, chà đạp, cách này hay cách khác. Bao nhiêu trẻ em không được quyền sinh ra, không có được những điều kiện thiết yếu nhất về vật chất, tinh thần, để sống một cuộc sống cho ra người.

Chúa Giêsu đã sinh ra làm người là để cho con người được sống và sống một cách dồi dào. Nhưng sự sống của chúng ta đón nhận từ nơi Chúa sẽ không trọn vẹn, nếu chúng ta chưa thực sự chia sẻ sự sống ấy cho những người chung quanh. Bao lâu nhiều người anh em chung quanh chúng ta chưa được sống xứng với phẩm giá con người, bao lâu niềm vui và quyền được sống như những con người vẫn còn bị khước từ nơi nhiều người đang sống bên cạnh chúng ta, thì có lẽ chính chúng ta cũng không thể nào hưởng được một cách dồi dào sự sống mà Chúa Giêsu mang lại cho chúng ta.