40 thừa sai bị sát hại trong năm 2018

40 thừa sai bị sát hại trong năm 2018

Sau 8 năm liên tiếp châu Mỹ là lục địa có số thừa sai bị sát hại cao nhất, thì trong năm 2018 này, châu Phi là nơi đứng đầu về con số thảm kịch này.

40 nhà truyền giáo bị sát hại

Theo số liệu thống kê của hãng tin Fides, 40 thừa sai bị sát hại trong năm 2018 gồm 35 linh mục, 1 chủng sinh và 4 giáo dân.

Tại châu Phi, có 19 linh mục, 1 chủng sinh và một giáo dân, tổng số là 21 vị bị sát hại; tại Mỹ châu có 12 linh mục và 3 giáo dân (15 vị); Á châu có 3 linh mục; châu Âu có 1 linh mục.

Nguyên nhân

Trong năm 2018 này cũng thế, nhiều nhà truyền giáo bị sát hại trong những vụ cướp bóc dã man trong bối cảnh xã hội nghèo khổ, xuống cấp, nơi mà bạo lực là quy luật của cuộc sống, còn chính quyền thì suy thoái vì tham nhũng, thỏa hiệp, hoặc nơi mà tôn giáo được sử dụng vì những mục đích khác.

Ở mọi nơi, các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân chia sẻ với dân chúng cuộc sống thường nhật bằng cách làm chứng cho Tin mừng bằng tình yêu và phục vụ mọi người, như dấu chỉ của hy vọng và hòa bình, khi tìm cách xoa dịu các đau khổ của những người yếu đuối và lên tiếng bảo vệ những quyền lợi của họ đang bi chà đạp bằng cách tố cáo các sự ác và bất công.

Ngay cả khi phải đối mặt với các tình huống nguy hiểm đến sự an ninh của chính mình, trước những lời kêu gọi của chính quyền dân sự hoặc của các bề trên dòng tu, các nhà truyền giáo vẫn ở lại nơi chốn của họ, dù nhận thức được những rủi ro mà họ gặp phải, để trung thành với sứ vụ của họ.

Hồng Thủy

ĐTC viếng thăm và cử hành thánh lễ tại nghĩa trang Laurentino

ĐTC viếng thăm và cử hành thánh lễ tại nghĩa trang Laurentino

ĐTC mời gọi các tín hữu hãy nhớ đến những người quá cố, đồng thời hy vọng gặp gỡ Đấng ban sự sống cho chúng ta, và trong hành trình tiến về thiên quốc, chúng ta có những ngọn đèn chỉ đường là các Mối Phúc Thật.

Trên đây là ý chính bài giảng ứng khẩu ngắn của ĐTC trong thánh lễ chiều ngày 2-11 vừa qua, Lễ Các Linh Hồn, trong cuộc viếng thăm tại nghĩa trang Laurentino ở mạn nam Roma.

 Viếng mộ các thai nhi bị phá

 Khi đến nghĩa trang vào lúc gần 4 giờ chiều, ĐTC đã dừng lại viếng thăm và cầu nguyện tại khu an táng các trẻ em và cả những thai nhi bị phá. Ngài cầu nguyện trong thinh lặng và đặt bó hoa hồng trắng trên một ngôi mộ, rồi chào thăm một số thân nhân các em.

 Tiếp đến, ĐTC lên xe đi tới trước nhà nguyện Chúa Giêsu Phục Sinh để cử hành thánh lễ cùng với ĐHY Giám quản Angelo De Donatis, Đức Cha Paolo Lojudice, GM phụ tá đặc trách khu vực phía nam Roma, và  hàng chục LM, trước sự hiện diện của khoảng 1 ngàn tín hữu.

 Tưởng nhớ quá khứ

 Trong bài giảng, ĐTC nói: ”Việc tưởng nhớ làm cho chúng ta hiểu rằng chúng ta không lẻ loi, nhưng là một dân tộc, một dân tộc có lịch sử, có quá khứ, có cuộc sống. Chúng ta nhớ đến bao nhiêu người đã chia sẻ với chúng ta một hành trình, và họ đang ở đây… Hôm nay là ngày tưởng niệm, ký ức đưa chúng ta về căn cội, cội rễ của chúng ta, của dân tộc chúng ta”.

 Hướng về hy vọng

 ĐTC nói thêm rằng: ”Ký ức cũng là hy vọng cuộc gặp gỡ và tình thương của Đấng đã ban sự sống cho chúng ta. Hy vọng trời mới đất mới, như bài đọc thứ 2 trong thánh lễ hôm nay nói đến, hy vọng một Jerusalem thiên quốc.. Và giữa tưởng niệm và hy vọng có chiều kích thứ ba là hiện tại, con đường chúng ta bước đi mỗi ngày, với sự trợ giúp của ngọn đèn sáng tốt lành là các Mối Phúc Thật”. ĐTC nói:

 Sống các Mối Phúc Thật

 “Đây là những ánh sáng giúp ta không trệch đường! Đó chính là các Mối Phúc Thật trong Tin Mừng Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Các Mối Phúc ấy: hiền lành, tinh thần thanh bần, công lý, lòng thương xót, tâm hồn thanh khiết.. chính là những ánh sáng soi dẫn để chúng ta khỏi lạc đường. Đó chính là hiện tại của chúng ta” (Rei 2-11-2018)

Giuse Trần Đức Anh, OP

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha – Tháng 05 năm 2018: Sứ mạng của người giáo dân

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha – Tháng 05 năm 2018: Sứ mạng của người giáo dân

Vatican. Trong tháng 05 năm 2018, Đức Thánh Cha mời gọi đặc biệt cầu nguyện cho người giáo dân, để họ có thể thực thi sứ mạng của mình, bằng cách đưa ra sáng kiến đáp lại các thách đố của thế giới, và làm chứng cho đức tin bằng đời sống đầy tình liên đới. Đức Thánh Cha chia sẻ trong Video như sau:

Người giáo dân đứng ở tiền tuyến của đời sống Giáo Hội. Chúng ta cần chứng từ của người giáo dân về chân lý của Tin Mừng, và gương mẫu đời sống của người giáo dân diễn tả đức tin bằng cách thực thi tình liên đới.

Chúng ta hãy cám ơn những giáo dân đã sẵn sàng mang lấy các rủi ro. Họ không sợ hãi. Họ mang đến niềm hy vọng cho những ai nghèo khổ nhất, cho những ai bị loại trừ và chịu thiệt thòi.

Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện trong tháng này, để người giáo dân có thể trung thành với sứ mạng đặc thù của họ, sứ mạng mà họ lãnh nhận khi chịu Phép Rửa, để họ đưa những sáng kiến của mình vào việc phục vụ và đáp lại các thách đố của thế giới ngày nay.

Tứ Quyết SJ

Tội nhân có thể trở thành thánh nhân, nhưng kẻ lật lọng thì không

Tội nhân có thể trở thành thánh nhân, nhưng kẻ lật lọng thì không

Hãy cẩn thận cảnh giác cõi lòng mình trong từng ngày sống. Đavit từng là tội nhân, được Chúa thứ tha và trở thành thánh nhân. Salomon tuy khôn ngoan vĩ đại nhưng đã bị Chúa từ chối, vì Salomon không thật lòng với Chúa. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Con tim bị yếu nhược

Điều lấy làm lạ ở đây là: chúng ta không biết Salomon đã phạm những tội nặng nề nào. Salomon dường như có đời sống rất cân bằng. Trong khi với Đavit thân phụ ông, chúng ta biết rằng Đavit có đời sống không tốt và đã phạm tội nặng nề. Thế mà, Đavit được biết đến là bậc thánh nhân, còn Salomon lại bị coi là người có tâm hồn lìa xa Thiên Chúa. Salomon đã từng được Thiên Chúa khen ngợi, khi ông cầu khẩn Thiên Chúa ơn khôn ngoan, thay vì của cải giàu sang. Làm thế nào để giải thích những điều khác biệt giữa Salomon và Đavit? Bởi vì, sau khi phạm tội, Đavit đã cầu xin ơn tha thứ. Trong khi ấy, Salomon có những lời khôn ngoan đến độ nữ hoàng Saba cũng muốn đến tiếp kiến. Thế nhưng, khi Salomon quay lưng với Thiên Chúa mà gắn bó với các thần ngoại, Salomon không nhận biết tội của mình.

Vấn đề ở đây là con tim của Salomon đã bị suy yếu. Khi trái tim bị suy yếu, bạn không còn nhận biết được đâu là tội hay không nữa. Thông thường, trong các tình huống phạm tội, bạn sẽ nhận biết ngay lập tức và chính xác rằng: tôi đã phạm tội. Nhưng sự suy yếu của con tim thì khác. Nó dần dần, từng bước, từng chút từng chút. Và như thế, Salomon ngủ say trong vinh quang của bản thân, trong sự nổi tiếng của bản thân. Và từng bước ấy, con tim dần dần trở nên yếu đuối, yếu nhược.

Salomon kết thúc trong hư hỏng

Có một nghịch lý ở đây là: chẳng lẽ phạm tội một cách tỏ tường, lại tốt hơn là con tim dần dần hư hỏng và trở nên yếu đuối. Không phải như thế. Nhưng con tim yếu đuối thì thật là nguy hiểm. Salomon, một vi vua vĩ đại đã kết thúc trong sự hư hỏng, một sự hư hỏng rất lặng lẽ từ từ, vì con tim của ông đã bị suy yếu, vì tâm hồn ông bị yếu nhược.

Nếu một người nam một người nữ có con tim yếu nhược, thì thực sự người ấy đã bị đánh bại ngay từ đầu. Đây là tiến trình của nhiều Kitô hữu, của nhiều người trong chúng ta. Mỗi người trong chúng ta có thể tự nhủ lòng mình rằng: Không, tôi đâu có phạm tội gì nặng lắm. Nhưng chúng ta có thể tự hỏi lòng mình rằng: Trái tim tôi đang như thế nào? Con tim tôi có thực sự mạnh mẽ không? Con tim ấy đang trung thành với Chúa, hay đang dần xa cách Chúa?

Hãy nhìn vào cõi lòng mình

Câu chuyện về con tim yếu nhược có thể xảy ra với tất cả chúng ta trong cuộc sống này. Chúng ta cần làm gì đây? Cần tỉnh thức, cần cảnh giác, cần nhìn vào cõi lòng mình. Hãy cảnh giác, hãy cẩn thận! Mọi ngày, từng ngày, hãy chú tâm nhìn xem những gì đang diễn ra trong cõi lòng mình.

Đavit là một vị thánh, và từng là tội nhân. Một tội nhân có thể trở thành thánh nhân. Còn Salomon bị Chúa từ chối, vì con tim ông yếu nhược và không thật tâm. Có tình trạng lật lọng trong trái tim ông. Trái tim Salomon bị suy yếu và bị hư hỏng. Hãy coi chừng! Hãy tỉnh thức! Trong từng ngày sống, hãy nhìn xem cõi lòng mình, để biết được con tim mình đang như thế nào, để biết được mối tương quan với Chúa, để tận hưởng vẻ đẹp và niềm vui của một con tim trung thành.
Tứ Quyết, SJ

Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 bị ngã

Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 bị ngã

VATICAN. Mặc dù bị trượt ngã trong tuần trước đây tại Đan viện Mẹ Giáo Hội (Mater Ecclesiae) ở Vatican, Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 vẫn ”khỏe mạnh và đầy hài hước”.

Trên đây là lời Đức Cha Stefan Oster, GM giáo phận Passau bên Đức, viết trên Facebook của ngài và kể lại cuộc gặp gỡ thân mật với Đức Biển Đức 16 ngày 26-10-2016, kèm theo một số hình ảnh.

Đức Cha Oster viết: ”Mặc dù ĐGH Biển Đức bị bầm ở mắt sau khi bị ngã cách đây một tuần, nhưng ngài vẫn gặp chúng tôi, ngài khỏe mạnh, tươi cười và sáng suốt, nhắc lại nhiều kỷ niệm lớn nhỏ về những người từ giáo phận của ngài và của chúng tôi”.

Đức GM giáo phận Passau đã cùng với ký giả Peter Seewald đến thăm ĐGH Biển Đức 16 ở Vatican để trao cho ngài cuốn sách mới tựa đề ”Benedikt XVI. Der Deutsche Papst. Sein Leben in Texten ung Bildern” (Đức Biển Đức 16. Vị Giáo Hoàng người Đức. Đời sống của ngài qua văn bản và hình ảnh). Sách này được ấn hành trong những ngày này do Nhà xuất bản Koesel ở Munich. Ký giả Seewald và giáo phận Passau đứng tên là người xuất bản. (KNA 28-10-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Hòm đựng thánh tích “Thánh Nhan” ở Alicante, Tây ban nha bị xâm phạm

Hòm đựng thánh tích “Thánh Nhan” ở Alicante, Tây ban nha bị xâm phạm

Madrid – Cảnh sát Tây ban nha đang điều tra một trường hợp phá hoại một hòm có chứa tấm khăn được tin là bà Veronia đã dùng để lau mặt Chúa Giêsu.

Sự việc xảy ra hôm 7/5, tại đan viện Thánh Nhan ở Alicante. Linh mục sở tại đã tìm thấy số 666 và một thánh giá chéo ngược trên hòm kiếng bảo vệ thánh tích; hòm này  đã bị đập vỡ. Một số thánh giá loại này cũng được tìm thấy ở các chặng đàng Thánh giá.

Từ năm 536, đan viện này đã là nơi hành hương ngày Chúa nhật thứ hai sau Tuần Thánh. Theo lưu truyền, Thánh Nhan là tấm khăn mà bà Veronica đã lau mặt Chúa Giêsu trong cuộc thương khó. 

Theo báo El Mundo (thế giới), các camera an ninh cho thấy thủ phạm là một phụ nữ trẻ, đã trốn trong nhà thờ vào đêm thứ 7, 6/5 trước đó. Nghi phạm đã được xác định và cảnh sát sẽ sớm bắt nghi phạm. Thủ phạm đã phá vỡ hòm kiếng bằng một vật nhọn và khắc số 666 trên đó.

Đức cha Jesús Murgui của giáo phận và cha tổng đại diện đã đến thăm đan viện sau khi vụ trộm xảy ra và gặp các nữ đan sĩ. Các tu sĩ này bị sốc vì sự việc này.

Thông cáo của giáo phận cho biết sẽ gia tăng các biện pháp an ninh ở đan viện và đang cầu nguyện cho người đã gây ra sự thiệt hại này. Đồng thời giáo phận cũng mời gọi các giáo dân của Alicante đừng để những trường hợp đáng trách này làm thương tổn tình yêu và lòng sùng kính của họ đối với thánh tích Thánh Nhan lâu đời này. (CNA 09/05/2017)

Hồng Thủy 

 

Đức tin, tình yêu sự sống của Pablo Raez, bị bệnh bạch cầu, qua đời khi 21 tuổi

Đức tin, tình yêu sự sống của Pablo Raez, bị bệnh bạch cầu, qua đời khi 21 tuổi

Ngày 25 tháng 2 vừa qua (2017), người thân, bạn bè cũng như nhiều người ở Marbella, thành phố Malaga, Tây ban nha, ngậm ngùi trước sự ra đi vĩnh viễn của chàng trai trẻ Pablo Raez. Dù qua đời khi chỉ mới 21 tuổi, nhưng chàng thanh niên Công giáo đạo đức Pablo đã tạo nên một thay đổi cho thế giới, đã giúp cho quỹ hiến tủy ở tỉnh quê nhà của anh tăng hơn 1000%.

 

Pablo Raez sinh ngày 26 tháng 4 năm 1996 tại Marbella, Tây ban nha. Anh theo học ngành chuyên viên chăm sóc sức khỏe cho các vận động viên và cũng là một vận động viên năng động và nổi tiếng. Ngày 26 tháng 3 năm 2015, trong giai đoàn chuẩn bị giải phẫu vết thương đầu gối, anh được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu. Trong quá trình điều trị bệnh, Pablo đã chia sẻ cuộc chiến đấu hàng ngày và tinh thần tích cực lạc quan của mình với hơn 300 ngàn người theo dõi trên facebook. Với đức tin mạnh mẽ và khao khát sống, Pablo đã cố gắng khuyến khích việc hiến tủy để điều trị căn bệnh này. Trong video kêu goi hiến tặng tủy vào ngày 24 tháng 8 năm 2016, đã có hơn 1 triệu người xem.

Sau khi được thay tủy của cha mình, Pablo đã phục hồi, có thể hoạt động lại trong một ít tháng. Trong thời gian này anh đã gặp người bạn gái của mình và làm việc ở Luân đôn. Sau 10 tháng giải phẫu, vào mùa hè năm 2016, Pablo trở lại Tây ban nha để được giải phẫu đầu gối lần nữa. Chính lúc này, các bác sĩ khám phá ra bệnh bạch cầu của anh đang tái phát. Pablo tìm được một người Mỹ hiến tặng tủy và được giải phẫu vào tháng 11 năm 2016. Sau 38 ngày điều trị, giữa tháng 12, anh được xuất viện. Dù anh luôn lạc quan, nhưng anh cũng chia sẻ trên mạng internet là kết quả cuộc thay tủy không tích cực như anh hy vọng. Ngày 25 tháng 1 năm 2017, Pablo viết những chia sẻ lần cuối cùng trên trang facebook của anh.

Ngày 25 tháng 2, anh qua đời ở tuổi đôi mươi. Thánh lễ an táng Pablo được cử hành ngày 27 tháng 2, tại nhà thờ Nhập thể ở Marbella, với cả ngàn người tham dự cũng như sự có mặt của các hãng truyền thông lớn của Tây ban nha. Cha José López Solórzano, cha xứ của giáo xứ và cũng là cha đỡ đầu của Pablo chủ sự Thánh lễ an táng. Vô cùng xúc động, cha José nói với cộng đoàn: “Tôi không biết an táng Pablo thế nào; điều tôi có thể làm là cùng khóc với anh chị em. Trong bài giảng, cha José đã nhắc với mọi người về sự đơn sơ giản dị của Pablo. Anh đã lớn lên trong bầu khí đơn giản và từ sự giản đơn này đã phát sinh những điều vĩ đại. Pablo đã làm những gì anh phải làm; anh đã để lại dấu ấn của anh cho thế giới này. Cha José cũng nhắc lại lời Pablo thường nói: “Bệnh bạch cầu đang dạy cho con nhiều điều hơn là những gì mà nó lấy từ con; sự chết là phần của cuộc sống và vì vậy chúng ta không nên sợ, nhưng hãy yêu mến nó.”

Trong một đoạn phim được quay lại cách đây không lâu, cha José kể: “Khi tôi nghe rằng Pablo cám ơn bệnh bạch cầu của anh, tôi bị giật mình… Nhiều lần, những sự việc xảy ra với chúng ta, nó qua đi trong cuộc sống của chúng ta, nhưng Pablo thì học mỗi ngày từ những gì xảy ra với anh.” Cha José cũng kể ngài đã gặp Pablo ở nhà thờ Nhập thể này khi cậu ta được 14 tuổi. Pablo đã đến xin cha được nhận lãnh bí tích rửa tội và rước lễ lần đầu. Cha José đã nói với Pablo, đó là quyết định cá nhân của cậu ta. Thế là Pabo bắt đầu thời gian học hỏi và cuối cùng được rửa tội, lãnh bí tích Thêm sức và rước lễ lần đầu. Trong đoạn phim này, Pablo cũng chia sẻ về tình bạn với cha José. Đối với anh: “cha là cha đỡ đầu của tôi nhưng trên hết, cha là bạn tôi. Cha là người bạn vĩ đại đối với tôi và đã hiện diện trong cơn đau bệnh của tôi; cha thực sự là một trong những người gần tôi nhất và luôn luôn, luôn luôn có thể ở đó để thấy tôi.” Pablo kể lại một trong những ngày khó khăn nhất đời anh, là khi anh đang được cấy tủy và anh rất sợ, và cha José đã đến. Khi Pablo nhìn thấy cha, anh khóc rất nhiều và rồi anh biết rằng anh sẽ được khỏe hơn và anh đã khỏe hơn. Pabo cũng tin là tất cả mọi người đang cầu nguyện cho anh và điều đó giúp anh hồi phục.

Nụ cười, sự gần gũi và tính cách  mà Pablo tỏ hiện trên mạng internet đã làm cho cả nước xúc động về cuộc chiến đấu chống lại bệnh tật của anh. Anh đã đánh động và khiến cho nhiều người suy nghĩ về sứ điệp tích cực của anh, về tình yêu sự sống và giúp đỡ người khác. Sau khi Pablo qua đời, một lời kêu gọi trên internet thu hút được hơn 100 ngàn chữ ký, thỉnh cầu đặt tên của Pablo cho một con đường hay bệnh viện ở quê nhà của Pablo để vinh danh anh, vì Pablo đã giúp số ân nhân hiến tặng tủy ở Malaga trong năm 2016 tăng lên đến 1300%, với tổng số 11201 người hiến tặng mới. (CNA 02/03/2017)

Hồng Thủy

 

Bác sĩ Tim Jaccard, sáng lập Baby Safe Haven, cứu trẻ em sơ sinh bị bỏ chết

Bác sĩ Tim Jaccard, sáng lập Baby Safe Haven, cứu trẻ em sơ sinh bị bỏ chết

Chiều ngày 4 tháng 1 vừa qua (2017), khi Nathan Leonhardt, 26 tuổi, một giáo dân và là người bảo vệ của nhà thờ chánh tòa thánh Phaolô ở Minnesota, đang khóa cửa nhà thờ sau Thánh lễ, đã tìm thấy một em bé được gói trong túi nilông lớn, bị bỏ rơi ở bên trong lối vào bên hông của nhà thờ. Khi vừa nhìn thấy túi nilông, anh Leonhardt thầm nghĩ, có lẽ ai đó bỏ lại một túi quần áo ở cửa. Nhưng khi nghe có tiếng động, anh lại nghĩ, có lẽ là một con chó con. Anh đã cầm lấy cái túi, mở ra và nhìn thấy một bé trai mới sinh, đang còn dính đầy máu, chưa được tắm rửa, còn dây rốn được cắt bằng một cái kẹp giấy. Anh điếng người, lặng đi cả chục giây. Anh sờ thấy đứa bé còn nóng nhưng chân của em đã tím tái. Ngay lập tức, Leonhardt báo cho cha Ubel, chánh xứ biết. Cha Ubel và anh Leonhardt đã đưa em bé sơ sinh vào phòng thánh và cha Ubel đã rửa tội cho em trong lúc chờ đợi cảnh sát đến. Nửa giờ sau, em bé được xe cứu thương đưa đến bệnh viện để làm các xét nghiệm kiểm tra. Hiện nay em bé đang  được Dịch vụ bảo vệ trẻ em sơ sinh của quận Ramsey chăm sóc.

Cảnh sát không điều tra việc làm này như là một tội phạm, vì luật bang Minnesota cho phép một người mẹ bỏ con sơ sinh của mình ở một nơi an toàn trong vòng 7 ngày sau khi sinh mà không phải trả lời bất cứ câu hỏi nào. Các nơi được kể là an toàn để bỏ con sơ sinh là sở cảnh sát, đội cứu hộ, bệnh viện hay các cơ sở cấp cứu, nhưng nhà thờ không được kể như một trong những nơi an toàn. Tuy thế, cha Ubel nhìn nhận việc em bé được bỏ lại trong nhà thờ Công giáo không phải là không có ý nghĩa. Người mẹ biết rằng con của bà sẽ được an toàn và được chăm sóc với sự giúp đỡ của giáo xứ. Có nhiều đôi vợ chồng Công giáo sẵn sàng nhận nuôi em bé trong gia đình của họ. Còn anh Leonhardt cho rằng họ đã quyết định bỏ em bé tại một nơi tốt lành. Đó là nhà thờ. Chúng ta yêu quý các trẻ em.

Tại tiểu bang Minnesota cũng như nhiều tiểu bang khác tại Hoa kỳ, có những luật lệ cho phép từ chối nhận con và bỏ con ở một số cơ sở công cộng. Các luật này được gọi là “Safe haven laws” – “luật nơi cư trú an toàn” – cũng được biết như “Baby Moses Laws” – “luật em bé Moses”. Timothy Jaccard, bác sĩ của sở cảnh sát và hiện nay đã nghỉ hưu, là một trong những người cổ võ các luật này. Hơn 30 năm trong nghề, ông đã chứng kiến bao nhiêu trẻ em bị để cho chết và vất ở các nơi không xứng với con người. Năm 1997, bác sĩ Jaccard nhận một cú điện thoại báo cho ông biết là một bé sơ sinh được tìm thấy hôn mê ở trong nhà tắm của một tòa án; nửa giờ sau thì đứa trẻ qua đời. Hai tuần sau đó, một nhà thờ đã gọi cho ông, báo tin rằng họ tìm thấy một bé gái được cuốn trong một túi nilông và bị chết ngạt. Hai tuần sau nữa, một con chó đã đào bới thi thể của một bé trai được chôn trong sân của một khu dân cư. Rồi hai tuần sau nữa, người ta tìm thấy tại một khu tội phạm, thi hài một bé trai trong một vali. Ông nói: “ôm một em bé sơ sinh trên cánh tay và phải xác nhận em đã chết thật là điều đau lòng.” Ông nghĩ là phải tìm cách để chấm dứt sự điên rồ này. Ông đã trợ giúp cho chi phí chôn cất các trẻ em bị bỏ rơi và qua đời này.

Nhưng điều bác sĩ Jaccard muốn làm chính là ngăn chặn những cái chết như thế. Do đó ông đã khuyến khích thành lập một phong trào, hiện diện tại tất cả 50 tiểu bang, với mục đích ban hành luật “nơi cư trú an toàn”. Luật này giúp cho những người mẹ đang gặp khủng hoảng các cơ hội có thể bỏ con sơ sinh trong những nơi an toàn mà không sợ bị hậu quả pháp lý. Bác sĩ Jaccard còn thành lập tổ chức quốc gia Baby Safe Haven (nơi an toàn cho trẻ nhỏ). Tổ chức này làm trung gian để các trẻ em được bỏ ở nơi an toàn nhất có thể. Các bà mẹ người Mỹ có thể gọi số điện thoại miễn phí và sắp xếp để giao con của mình, theo cách thức an toàn, cho một người đang đợi ở một trong những nơi biết trước, được bảo vệ bởi luật pháp.

Đức tin của bác sĩ Jaccard là phần căn bản trong cuộc đời ông. Ông tin rằng Chúa đã ủy thác cho ông sứ vụ giúp các trẻ em bị bỏ rơi. Ông xúc động khi nói về những cuộc bỏ con bi thảm mà ông đã chứng kiến trong 37 năm hành nghề thầy thuốc. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những kết quả tốt đẹp, được trình bày trên một tấm bảng đầy hình ảnh của các em bé được cứu bởi tổ chức “Nơi an toàn cho trẻ em”. Tháng 11 năm ngoái, một phụ nữ trẻ đã gọi cho bác sĩ Jaccard một cách lo lắng. Trong thời kỳ thai nghén, bà không có điều kiện đi khám tham cũng như chăm sóc thai phụ. Bà ta nói với bác sĩ là không thể chăm sóc cho bé gái được sinh trước đó 3 ngày và cân nặng chỉ 2 kilogram. Jaccard đã sắp xếp để đứa bé, vẫn chưa được cắt dây rốn, được giao cho đội cứu hỏa của tỉnh Wantagh vào ngày lễ Tạ ơn. Khi các hãng truyền thông bắt đầu loan tin về em bé này, nhiều người bắt đầu gọi điện để xin nhận nuôi em bé. Văn phòng của bác sĩ Jaccard đã nhận hơn 800 cuộc gọi từ các gia đình có ý muốn nhận em bé làm con nuôi. Bác sĩ cũng nhận được điện thoại của một luật sư đại diện cho một ân nhân ẩn danh của New York. Ân nhân này muốn lập một quỹ ủy thác để tài trợ cho việc học hành của bé gái sau này.

Bà Tracey Johnson, giám đốc điều hành của Liên minh quốc gia “Nơi cư trú an toàn” của Washington nhận xét: “Điều bác sĩ Jaccard làm là để bảo đảm những người mẹ có thể bước tiếp trong cuộc sống của họ và các đứa bé nhận được món quà sự sống.” Theo Liên minh này, với sự giúp đỡ của tổ chức “Nơi an toàn cho trẻ em”của bác sĩ Jaccard, trong 17 năm qua, 3298 trẻ em trên khắp Hoa kỳ đã được giao cho các gia đình nuôi. Trong số này, có 167 em được sinh ra trong năm nay.

Larry e Jennifer Mergentheimer, ở Levittown, Long Island, là cha mẹ nuôi của một trong những đứa trẻ này. Con gái của họ, Rebecca, 20 tháng, đã được ông bà nhận nuôi sau khi bị bỏ rơi trước một bệnh viện vào Mother’s Day (Ngày của Mẹ) năm 2015. Họ khẳng định “chú Tim” (tên gọ bác sĩ Jaccard cách thân mật) quan tâm thường xuyên đến việc phát triển các điều kiện của gia đình. Bà Jennifer chia sẻ rằng bé gái này chính là quà tặng tốt nhất mà họ từng nhận được. Bà giải thích: “Đã nhiều năm chúng tôi mong muốn có một con trai và một gia đình, nhưng chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Bây giờ chúng tôi có cháu Rebecca trong cuộc sống của chúng tôi; cháu là điều tốt đẹp nhất trên thế gian này.” (CNS 06/01/2017; Aleteia.it 15/02/2017)

Hồng Thủy

Ngay lập tức ngừng lại những bất bình dù là nhỏ

Ngay lập tức ngừng lại những bất bình dù là nhỏ

Sự chia rẽ trong gia đình và sự sụp đổ của dân tộc, bắt đầu bằng những ghen ghét nhỏ nhen. Thế nên, bạn phải dừng lại ngay lập tức những bất bình dù là nhỏ mọn, vì những bực bội ấy sẽ phá hủy tình anh em. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Tình anh em bị phá hoại bởi điều nhỏ nhen

Bài đọc trích sách Sáng Thế kể về chuyện anh em Cain và Abel. Đây là lần đầu tiên trong Kinh Thánh nói về từ ngữ anh em. Câu chuyện về tình anh em này, bắt đầu, phát triển, tốt đẹp, nhưng rồi kết thúc tồi tệ. Bởi vì Cain đã bắt đầu với một chút ghen tỵ. Cain tức giận vì của lễ anh dâng không làm đẹp lòng Thiên Chúa. Cái cảm giác tức giận ấy nhen nhúm và bắt đầu kiểm soát anh ta.

Cain ưa thích bản năng, Cain nuôi dưỡng cảm xúc bực bội và ghen ghét ấy, rồi anh để cho cái cảm giác ấy được phóng đại lên. Anh để cho cái ghen tức tiếp tục phát triển. Và rồi những hành vi tội lỗi đến sau đó. Chúng ta cũng thế, sự xung đột xung khắc giữa chúng ta, đã bắt đầu với điều nhỏ nhặt, với sự ghen ghét đố kỵ. Tiếp theo, những cái tệ hại đó được chúng ta nuôi dưỡng và lớn mạnh. Khi cuộc sống của chúng ta bị những loại cảm xúc ấy chi phối và điều khiển, thì tình huynh đệ giữa chúng ta bị phá hủy.

Người Kitô hữu không nuôi dưỡng bực bội

Những bất bình nhỏ nhặt cứ thế lớn lên, lớn mạnh thành những thù nghịch, và rồi kết cục thật tồi tệ. Luôn luôn như thế. Khi ấy, tôi không còn nhìn người trước mặt tôi là anh em nữa, tôi coi đó không phải là anh em tôi, nhưng lại coi đó là kẻ thù cần phải tiêu diệt và loại trừ… và thế là con người tiêu diệt lẫn nhau, và thế là sự thù nghịch phá hủy gia đình và tiêu diệt tất cả!

Có một nỗi ám ảnh và Cain là người bị ám ảnh ấy. Cái ám ảnh ấy làm anh ta băn khoăn xao động với những lời lẽ như: chỉ có tôi thôi, còn nó không phải là anh em tôi. Cái ám ảnh ấy làm anh ta cay đắng. Còn chúng ta, chúng ta hãy ngay lập tức ngưng lại quá trình tồi tệ này. Một Kitô hữu thì không bao giờ cay đắng. Kitô hữu không giữ trong mình những bất bình. Người Kitô hữu có đau đớn, nhưng không cay đắng; có cực khổ, nhưng không oán giận. Vì cứ có bao nhiêu thù hằn, thì sẽ có bấy nhiêu chia rẽ.

Máu của nhiều người kêu thấu đến trời cao

Ngay giữa các linh mục và trong hàng giám mục, cũng có những rạn nứt bắt đầu như thế. Bắt đầu với những vết nứt nhỏ nhen, và rồi tình huynh đệ bị phá hủy. Thiên Chúa hỏi Cain: “Abel em của ngươi ở đâu?” Cain trả lời cách mỉa mai: “Tôi không biết. Tôi đâu phải là người giữ em tôi”. Chúa nói: “Tiếng máu em ngươi từ đất kêu thấu đến Ta”. Còn mỗi người chúng ta, chúng ta có thể nói rằng, tôi chưa bao giờ giết người, nhưng nếu chúng ta giận ghét anh em mình, thì chúng ta đã giết người anh em trong tâm hồn mình. Việc giết hại là một tiến trình khởi đi từ những gì rất nhỏ nhen.

Hãy thử nghĩ đến chuyện bắn phá của bom đạn. Đó thực sự không phải là tình anh em. Làm thế nào chúng ta có thể nói mạnh mẽ điều này với thế giới. Người ta quan tâm đến mảnh đất này đến vùng đất nọ. Nếu một trái bom có dội xuống và giết chết 200 trẻ em, thì người ta nói: đó không phải lỗi của tôi mà là do trái bom, và điều tôi quan tâm chỉ là đất đai. Thế đấy, tất cả cái ác tồi tệ đã bắt đầu với những đổ vỡ rất nhỏ, cái đổ vỡ rất nhỏ ấy nói cho tôi rằng: đó không phải là anh em tôi. Chiến tranh cứ thế tiếp diễn. Máu của biết bao người vẫn tiếp tục kêu thấu tới Thiên Chúa.

Giờ đây chúng ta hãy lặp lại câu hỏi của Chúa: “Em ngươi đâu?” Nguyện xin Chúa giúp chúng con suy nghĩ về những thứ ngôn ngữ gây hủy diệt, suy nghĩ về những cách đối xử không theo tình huynh đệ, bởi vì nhiều khi người ta coi trọng mảnh đất hơn là tình anh em.  

Tứ Quyết SJ

Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới 1-1-2017

Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới 1-1-2017

su-diep-duc-thanh-cha-nhan-ngay-hoa-binh-the-gioi-1-1-2017

Ngày 1-1-2017 là Ngày Hòa Bình thế giới lần thứ 50 kể từ khi được Đức Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô 6 thiết lập. Lần này có chủ đề là ”Bất bạo động: một đường lối chính sách hòa bình”.

 Văn kiện này được chia làm 7 đoạn lần lượt nói đến một thế giới bị phân hóa và phải chịu nạn bạo lực ”từng mảnh” bằng nhiều cách ở nhiều cấp độ khác nhau, gây ra những đau khổ lớn lao như chúng ta đang chứng kiến: chiến tranh tai nhiều nước và đại lục, nạn khủng bố, tọi pháp, những cuộc tấn công võ trang không lường trước được.. 

 ĐTC xác quyết bạo lực không phải là cách săn sóc thế giới chúng ta bị tan thành mảnh. Dùng bạo lực để đáp trả bạo lực cùng lắm chỉ dẫn tới những cuộc tản cư vì bị bó buộc và những đau khổ vô biên.

 ĐTC nhận xét rằng bất bạo động nhiều khi bị hiểu theo nghĩa một sự đầu hàng, không dấn thân và thụ động. Nhưng thực tế không phải như vậy… Vì sức mạnh của võ khí có tính chất lừa đảo… Trong khi những kẻ buôn bán võ khí hoạt động, thì có những người nghèo kiển tạo hòa bình, chỉ để giúp đã một người, giúp đỡ người khác, và hiến mạng sống của họ.

 ĐTC cũng xác tín rằng nếu nguồn mạch phát sinh bạo lực là tâm hồn của con người, thì điều căn bản là phải tiến bước trên con đường bất bạo động trước tiên ở trong gia đình.

 ĐTC xác quyết: ”Việc xây dựng hòa bình nhờ bất bạo động tích cực là yếu tố cần thiết và phù hợp với nỗ lực liên lỷ của Giáo Hội để giới hạn việc sử dụng võ lực, qua những qui luật luân lý, nhờ sự tham gia của Giáo Hội vào những công việc của các tổ chức quốc tế và nhờ sự đóng góp giá trị của các tín hữu Kitô vào việc ban hành các luật lệ ở mọi cấp độ”.

 Sau đây là toàn văn Sứ điệp Hòa bình của ĐTC, dịch từ nguyên bản tiếng Ý.

 1. Vào đầu năm mới, tôi gửi lời chân thành cầu chúc an bình tới các dân tộc và quốc gia trên thế giới, tới các vị Quốc Trưởng và Chính Phủ, cũng như các vị lãnh đạo các cộng đoàn tôn giáo và những tổ chức khác của xã hội dân sự. Tôi cầu chúc an bình cho mỗi ngừơi nam, nữ, trẻ em và cầu nguyện để hình ảnh và sự sống Thiên Chúa nơi mỗi người giúp chúng ta nhìn nhận nhau như những món quà thánh thiêng có một phẩm giá vô biên. Nhất là trong những tình trạng xung đột, chúng ta tôn trọng ”Phẩm giá sâu xa nhất” và biến bất bạo động thành một lối sống của chúng ta.

 Đây là Sứ điệp cho Ngày Hòa Bình Thế giới lần thứ 50. Trong sứ điệp đầu tiên, Đức Chân phước Giáo Hoàng Phaolô 6 đã ngỏ lời với tất cả các dân tộc, – không những với các tín hữu Công Giáo mà thôi,- với những lời thật rõ ràng: ”Sau cùng chúng ta thấy rất rõ rệt hòa bình là con đường duy nhất và chân thực của sự tiến bộ con người (không phải những căng thẳng của chủ nghĩa quốc gia tham vọng, không phải những chiếm đoạt bằng bạo lực, không phải những đàn áp đưa tới một trật tự dân sự giả tạo)”. Ngài cảnh giác trước ”nguy cơ tin rằng những tranh chấp quốc tế không thể giải quyết được bằng những con đường lý trí, nghĩa là bằng những cuộc thương thuyết dựa trên luật pháp, công lý, công chính, nhưng chỉ bằng những cuộc thương thuyết dựa trên sức mạnh làm cho đối phương nể sợ và gây chết chóc”. Trái lại, ngài trích dẫn thông điệp ”Hòa bình dưới thế” của vị tiền nhiệm là thánh Gioan 23, ca ngợi ”ý nghĩa và lòng yêu mến hòa bình dựa trên sự thật, công lý, tự do và tình thương”. Những lời này rất thời sự, ngày nay nó không kém phần quan trọng và cấp thiết so với cách đây 50 năm.

 Trong dịp này tôi muốn bàn về sự bất bạo động như một đường lối chính trị hòa bình và cầu xin Chúa giúp tất cả chúng ta kín múc nơi sự bất bạo động trong chiều sâu của tâm tình và những giá trị bản thân của chúng ta. Ước gì đức bác ái và bất bạo động hướng dẫn cách thức chúng ta đối xử với nhau trong các quan hệ giữa người với nhau, trong các quan hệ xã hội và quốc tế. Khi biết kháng cự lại cám dỗ báo thù, các nạn nhân của bạo lực có thể giữ vai chính đáng tín nhiệm hơn trong các tiến trình bất bạo động xây dựng hòa bình. Trên bình diện địa phương và thường nhật cho đến bình diện hoàn cầu, bất bạo động có thể trở thành cách thức đặc biệt trong các quyết định, các quan hệ, hành động và chính trị trong tất cả các hình thức của nó.

 ** Một thế giới bị phân tán

 2. Thế kỷ 20 vừa qua đã bị hai thế chiến chết chóc tàn phá, đã cảm nghiệm sự đe dọa của chiến tranh hạt nhân và một số lớn các cuộc xung đột khác, trong khi ngày nay, đáng tiếc là chúng ta phải đương đầu với một thế chiến từng mảnh kinh khủng. Không dễ biết thế giới hiện nay có bị bạo lực hơn hay kém so với trước kia, và các phương tiện truyền thông hiện đại và đặc tính di động của thời đại ngày nay có làm cho chúng ta ý thức hơn về bạo lực và quen thuộc với nó nhiều hơn hay không.

 Dầu sao, bạo lực này được thực thi từng mảnh, theo những thể thức và mức độ khác nhau, tạo nên những đau khổ kinh khủng mà chúng ta biết rõ: những cuộc chiến tranh tại nhiều quốc gia và đại lục; nạn khủng bố, tội phạm, và các cuộc tấn công võ trang không lường trước được; những lạm dụng mà người di dân và các nạn nhân nạn buôn người phải chịu; sự tàn phá môi trường. Với mục đích nào? Bạo lực có cho phép đạt tới những mục tiêu có giá trị lâu bền hay không? Tất cả những điều mà nó đạt được chẳng phải là khơi lên những vụ trả thù và các vòng xung đột chết chóc chỉ mang lại ích lợi cho một thiểu số ”các lãnh chúa chiến tranh” sao?

 Bạo lực không phải là sự chữa lãnh thế giới bị phân tán từng mảnh của chúng ta. Lấy bạo lực đáp lại bạo lực, cùng lắm chỉ đưa tới những tình trạng buộc lòng phải di cư và đau khổ vô biên, vì số lượng tài nguyên lớn lao được dành cho các mục tiêu quân sự và được rút khỏi những nhu cầu thường nhật của người trẻ, các gia đình gặp khó khăn, người già, bệnh nhân, và đại đa số dân trên thế giới. Tệ nhất, nó có thể đưa tới chết chóc, về thể lý và tinh thần, của nhiều người, nếu không phải là tất cả mọi người.

 ** Tin Mừng

 3. Cả Chúa Giêsu cũng đã từng sống trong thời bạo lực. Ngài dạy rằng chiến trường đích thực trong đó bạo lực và hòa bình đương đầu với nhau chính là tâm hồn con người: “Thực vậy, từ bên trong, tức là từ tâm hồn con người, xuất phát những ý hướng xấu xa” (Mc 7,21). Sứ điệp của Chúa Kitô, đứng trước thực tại ấy, mang lại câu trả lời hoàn toàn tích cực: Ngài rao giảng không biết mệt mỏi tình thương vô điều kiện của Thiên Chúa, Đấng đón tiếp và tha thứ, và dạy các môn đệ hãy yêu thương kẻ thù (Xc Mt 5,44) và giơ má bên kia (Xc Mt 5,39). Khi ngăn cản những kẻ cáo buộc người phụ nữ ngoại tình ném đá bà (Xc Ga 8,1-11) và trong đêm trước khi chịu chết, Ngài đã bảo Phêrô hãy xỏ gươm vào vỏ (Xc Mt 26,52), Chúa Giêsu vạch ra con đường bất bạo động, con đường mà Ngài đi tới cùng, tới thập giá, nhờ đó Ngài thực thi hòa bình và phá hủy sự thù nghịch (Xc Ep 2,14-16). Vì thế ai đón nhận Tin Mừng của Chúa Giêsu, thì biết nhận ra bạo lực mang trong mình và để cho lòng thương xót của Thiên Chúa chữa lành, nhờ đó họ trở thành dụng cụ hòa giải, theo lời khuyên của thánh Phanxicô Assisi: ”Hòa bình mà các con loan báo bằng miệng, các con hãy có hòa bình ấy dồi dào hơn nữa trong tâm hồn các con”.

 Ngày nay, là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu cũng có nghĩa là gắn bó với đề nghị của Ngài về bất bạo động. Như vị Tiền nhiệm Biển Đức 16 của tôi đã khẳng định, ”bất bạo động có tính chất thực tiễn, vì ý thức rằng trong thế giới có quá nhiều bạo động, quá nhiều bất công, và vì thế không thể vượt qua tình trạng này nếu không kháng cự nó bằng một điều lớn hơn: bằng tình yêu, bằng lòng từ nhân. Điều lớn hơn này đến từ Thiên Chúa”. Và Ngài mạnh mẽ nói thêm rằng: ”Sự bất bạo động đối với các tín hữu Kitô không phải chỉ là một thái độ chiến thuật, nhưng là một lối sống, là thái độ của người xác tín mạnh mẽ về tình yêu của Thiên Chúa và quyền năng của Ngài đến độ không sợ đối đầu với sự ác chỉ bằng võ khí tình thương và sự thật mà thôi. Lòng yêu thương kẻ thù chính là nòng cốt ”cuộc cách mạng Kitô giáo”. Chính lời dạy của Tin Mừng hãy yêu thương kẻ thù (Xc Lc 6,27) được coi như ”Đại hiến chương về sự bất bạo động Kitô giáo”: nó không hệ tại ”đầu hàng sự ác […] nhưng là đáp trả sự ác bằng điều thiện (Xc Rm 12,17-21), nhờ đó phá vỡ xiềng xích của bất công”.

 ** Mạnh hơn bạo lực

 4. Bất bạo động nhiều khi bị hiểu theo nghĩa một sự đầu hàng, không dấn thân và chỉ thụ động. Nhưng thực tế không phải như vậy. Khi Mẹ Têrêsa nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1979, Mẹ đã tuyên bố rõ ràng sứ điệp của Mẹ là bất bạo động tích cực và nói: ”Trong gia đình chúng ta, chúng ta không cần bom đạn và võ khí, không cần tàn phá để mang lại hòa bình, nhưng cần ở với nhau, yêu thương nhau […] Và chúng ta có thể vượt thắng mọi sự ác trên thế giới”. Vì sức mạnh của võ khí có tính chất lừa đảo. ”Trong khi những kẻ buôn bán võ khí hoạt động, thì có những người nghèo kiến tạo hòa bình, chỉ để giúp đỡ một người, giúp đỡ người khác, và hiến mạng sống cho tha nhân. Đối với những người xây dựng hòa bình như thế, Mẹ Têrêsa chính là một biểu tượng, một hình ảnh của thời đại chúng ta”. Tháng 9 năm 2016, tôi đã được niềm vui lớn khi tôn phong Mẹ lên hàng hiển thánh. Tôi đã ca ngợi sự sẵn sàng của Mẹ đối với tất cả mọi người qua ‘sự tiếp đón và bảo vệ sự sống con người, sự sống chưa sinh ra và sự sống bị bỏ rơi và gạt bỏ. […]. Mẹ đã cúi mình trên những người kiệt lực, bị bỏ mặc cho chết bên vệ đường, Mẹ nhìn nhận phẩm giá mà Thiên Chúa đã ban cho họ; Mẹ đã lên tiếng với những người hùng mạnh của trái đất này, để họ nhìn nhận của họ trước những tội ác – trước những tội ác! – nghèo đói do chính họ tạo nên”. Đối lại, sứ mạng của Mẹ – qua đó Mẹ đại diện cho hàng ngàn người, đúng hơn là hàng triệu người – đi gặp các nạn nhân với lòng quảng đại và tận tụy, động đến và băng bó mỗi thân thể bị thương, chữa lành mỗi cuộc sống bị tan vỡ.

 Sự bất bạo động được thực hành với lòng tận tụy và phù hợp với niềm tin tạo nên những kết quả lạ lùng. Những thành công của Mahatma Gandhi và Khan Abdul Ghaffar trong việc giải phóng Ấn độ và của Martin Luther King Jr chống lại nạn kỳ thị chủng tộc sẽ không bao giờ bị quên lãng. Đặc biệt các phụ nữ thường là những người lãnh đạo bất bạo động, ví dụ như Leymah Gbowee và hàng ngàn phụ nữ Liberia, đã tổ chức những cuộc gặp gỡ cầu nguyện và phản đối bất bạo động (pray-ins) đạt được những cuộc thương thuyết ở cấp độ cao để kết thúc cuộc nội chiến thứ hai ở Liberia.

 Chúng ta không thể quên thập niên lịch sử được kết thúc với sự sụp đổ của các chế độ cộng sản ở Âu Châu. Các cộng đồng Kitô đã đóng góp bằng việc cầu nguyện liên lỷ và hành động can đảm. Họ đã thực hiện một ảnh hưởng đặc biệt đối với sứ vụ và giáo huấn của Thánh Gioan Phaolô 2. Suy tư về các biến cố năm 1989 trong Thông điệp Năm Thứ 100 (1991), vị tiền nhiệm của tôi đã nhấn mạnh rằng một sự thay đổi lịch sử trong đời sống các dân tộc, các quốc tộc và quốc gia được thực hiện ”nhờ cuộc chiến đấu hòa bình, chỉ dùng võ khí sự thật và công lý”.

 Hành trình chuyển tiếp chính trị này tiến về hòa bình đã thực hiện được nhờ ”sự dấn thân bất bạo động của những người, trong khi luôn luôn từ khước chiều theo quyền bính của sức mạnh, đã biết thỉnh thoảng tìm được những hìonh thức hữu hiệu để làm chứng cho sự thật”. Và Ngài kết luận: ”Ước gì con người học cách chiến đấu cho công lý mà không bạo động, từ bỏ cuộc đấu tranh giai cấp trong các cuộc tranh chấp nội bộ và chiến tranh trong các cuộc tranh chấp quốc tế”.

 Giáo Hội dấn thân thực hiện những chiến lược bất bạo động thăng tiến hòa bình tại nhiều nước, thậm chí yêu cầu cả các tác nhân bạo lực nhất trong cố gắng xây dựng một nền hòa bình công chính và lâu bền.

 Sự dấn thân này để bênh vực các nạn nhân bất công và bạo lực không phải là một gia sản riêng của Giáo Hội Công Giáo, nhưng của nhiều truyền thống tôn giáo, đối với họ, ”sự cảm thương và bất bạo động là điều thiết yếu và chỉ cho con đường sự sống”. Tôi mạnh mẽ lập lại rằng: ”Không có tôn giáo nào là khủng bố”. Bạo lực là một sự xúc phạm đến danh Thiên Chúa. Chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi lập lại điều này: ”Không bao giờ danh Thiên Chúa có thể biện minh cho bạo lực. Chỉ có hòa bình là thánh thiêng. Chỉ có hòa bình là tháng, chứ không phải chiến tranh!”

 ** Căn cội tại gia của một nền chính trị bất bạo động

 5. Nếu nguồn mạch phát sinh bạo lực là tâm hồn của con người, thì điều căn bản là phải tiến bước trên con đường bất bạo động trước tiên ở trong gia đình. Đó là một thành phần niềm vui của tình thương mà tôi đã trình bày hồi tháng 3 năm nay trong Tông Huấn ”Amoris laetitia” (Niềm vui yêu thương), kết thúc 2 năm suy tư của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình. Gia đình là lò tôi luyện không thể thiếu được trong đó đôi vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em học cách đả thông và chăm sóc nhau một cách vô vị lợi, và nơi mà những sầu muộn và thậm chí những xung đột phải được vượt thắng không phải bằng võ lực, nhưng bằng đối thoại, tôn trọng, tìm kiếm thiện ích cho người khác, từ bi và tha thứ. Từ bên trong gia đình niềm vui yêu thương lan truyền trên thế giới và tỏa lan trong toàn xã hội. Đàng khác, một nền luân lý đạo đức huynh đệ và sống chung hòa bình giữa con người và các dân tộc không thể dựa trên sợ hãi, bạo lực và khép kín, nhưng trên trách nhiệm, tôn trọng và đối thoại chân thành. Trong chiều hướng đó, tôi kêu gọi giải trừ võ trang, và cấm chỉ cũng như bãi bỏ các võ khí hạt nhân: việc dùng võ khí hạt nhân để đối phương nể sợ và sự đe dọa tàn phá lẫn nhau không thể tạo nên nền luân lý đạo đức huynh đệ. Tôi cũng khẩn thiết kêu gọi hãy chấm dứt sự bạo hành trong gia đình và những lạm dụng phụ nữ và trẻ em.

 Năm Thánh Lòng Thương xót, kết thúc hồi tháng 11 vừa qua, là một lời mời gọi hãy nhìn vào chiều sâu của tâm hồn chúng ta và để cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đi vào. Năm Thánh đã làm cho chúng ta ý thức có đông đảo những người khác nhau và các nhóm xã hội bị đối xử dửng dưng, họ là nạn nhân của bất công và bị bạo hành. Họ thuộc ”gia đình” chúng ta, họ là anh chị em của chúng ta. Vì thế các chính sách bất bạo động phải bắt đầu từ trong 4 bức tường gia đình chúng ta để lan tỏa ra trong toàn thể gia đình nhân loại. Tấm gương của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu mời gọi chúng ta thực hành con đường thơ ấu của tình thương, đừng đánh mất cơ hội nói một lời tử tế dễ thương, một nụ cười, bất kỳ cử chỉ nhỏ bé nào gieo vãi an bình và tình thân hữu. Một nền môi sinh học toàn diện cũng được hình thành bằng những cử chỉ đơn sơ thường nhật trong đó chúng ta phá vỡ đường lối bạo lực, bóc lột và ích kỷ”.

 ** Lời mời gọi của tôi

 6. Việc xây dựng hòa bình nhờ bất bạo động tích cực là yếu tố cần thiết và phù hợp với nỗ lực liên lỷ của Giáo Hội để giới hạn việc sử dụng võ lực, qua những qui luật luân lý, nhờ sự tham gia của Giáo Hội vào những công việc của các tổ chức quốc tế và nhờ sự đóng góp giá trị của các tín hữu Kitô vào việc ban hành các luật lệ ở mọi cấp độ. Chúa Giêsu đã trao tặng cho chúng ta một cuốn chỉ nam trong kế hoạch kiến tạo hòa bình qua Bài Giảng Trên Núi. 8 mối phúc thật (Xc Mt 5,3-10) phác họa mẫu mực của người mà chúng ta có thể định nghĩa là người có phúc, người tốt lành và chân chính. Chúa Giêsu nói: ”Phúc cho những người hiền lành, người có lòng thương xót, người xây dựng hòa bình, người có tâm hồn thanh thiết, những người đói khát sự công chính”

 ”Đây cũng là một chương trình và là một thách đố cho các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo, các vị trách nhiệm các tổ chức quốc tế và những người điều khiển xí nghiệp, các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới: đó là áp dụng các Mối Phúc Thật, qua đó họ thực thi trách nhiệm của mình. Một thách đố xây dựng xã hội, cộng đoàn hoặc xí nghiệp mà họ trách nhiệm theo thể thức của người xây dựng hòa bình; chứng tỏ lòng từ bi thương xót bằng cách từ chối gạt bỏ con người, từ chối gây thiệt hại cho môi trường và khước từ ý muốn chiến thắng bằng mọi giá. Điều này đòi phải có sự sẵn sàng ”chịu đựng xung đột, giải quyết nó và biến đổi nó thành một mắt xích liên kết trong tiến trình mới”. Hoạt động như thế có nghĩa là chọn lựa tình liên đới như một cách thức làm lịch sử và kiến tạo tình thân hữu xã hội. Sự bất bạo động tích cực là một cách thức để chứng tỏ rằng quả thực sự hiệp nhất thì mạnh mẽ và phong phú hơn xung đột. Tất cả trong thế giới đều có liên hệ mật thiết với nhau. Tuy có thể xảy ra là những tranh chấp sinh ra sầu muộn: nhưng chúng ta hãy đương đầu với chúng một cách xây dựng và bất bạo động, như thế ”những căng thẳng và đối nghịch (có thể) đi tới một sự hiệp nhất đa dạng sinh ra đời sống mới”, bảo tồn ”những tiềm năng quí giá của những lập trường đối nghịch nhau”.

 Tôi cam đoan rằng Giáo Hội Công Giáo sẽ đồng hành với mỗi cố gắng xây dựng hòa bình kể cả qua sự bất bạo động tích cực và có tinh thần sáng tạo. Ngày 1-1-2017 là ngày khai sinh Bộ mới, Bộ phục vụ phát triển nhân bản toàn diện, giúp Giáo Hội thăng tiến một cách ngày càng hữu hiệu ”những thiện ích khôn lường của công lý, hòa bình và bảo tồn thiên nhiên”, và sự quan tâm đối với những người di dân, ”những người túng thiếu, các bệnh nhân và những người bị gạt bỏ, những người ở ngoài lề, và các nạn nhân của những cuộc xung đột võ trang và những thiên tai, các tù nhân, những người thất nghiệp và các nạn nhân của bất kỳ hình thức nô lệ và tra tấn”. Mỗi hành động trong chiều hướng này, dù là bé nhỏ, đều góp phần xây dựng một thế giới không còn bạo lực, một bước tiến đầu tiên hướng về công lý và hòa bình.

 ** Kết luận

 7. Theo truyền thống, tôi ký Sứ điệp này ngày 8-12, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội. Mẹ Maria là Nữ Vương Hòa Bình. Khi Con của Mẹ sinh ra, các thiên thần tôn vinh Thiên Chúa và cầu chúc hòa bình cho con người trên trái đất, những người nam nữ thiện chí (Xc Lc 2,14). Chúng ta hãy xin Đức Trinh Nữ hướng dẫn chúng ta.

 ”Tất cả đều mong ước hòa bình; bao nhiêu người hằng ngày kiến tạo hòa bình với những cử chỉ nhỏ bé và nhiều người chịu đau khổ và kiên nhẫn chịu đựng vất vả với bao nhiêu cố gắng để xây dựng hòa bình”. Trong năm 2017, chúng ta hãy dấn thân, bằng kinh nguyện và hoạt động để trở thành những người loại trừ bạo lực khỏi tâm hồn, khỏi lời nói và cử chỉ, và xây dựng cộng đoàn bất bạo động, chăm sóc căn nhà chung. ”Không gì là không có thể nếu chúng ta chạy đến cùng Thiên Chúa trong kinh nguyện. Tất cả có thể là những người xây dựng hòa bình”.

 G. Trần Đức Anh OP chuyển ý

Ý cầu nguyện tháng 12 của Đức Thánh Cha

Ý cầu nguyện tháng 12 của Đức Thánh Cha

y-cau-nguyen-thang-12-cua-duc-thanh-cha

 

VATICAN. Trong tháng 12, Đức Thánh Cha đặc biệt cầu nguyện cho những trẻ em, các em là nạn nhân bị bắt đi quân dịch. Đức Thánh Cha chia sẻ trong đoạn Video rằng:

Ngày nay trong một thế giới phát triển những công nghệ tinh vi nhất, vũ khí được mua bán và cuối cùng lại nằm trên tay của những người lính là trẻ em. Chúng ta phải làm tất cả những gì có thể, để nhân phẩm của trẻ em được tôn trọng, và để chấm dứt hình thức nô lệ này. 

Dù bạn là ai chăng nữa, nếu bạn cảm thấy được thôi thúc như tôi cảm thấy, thì hãy hiệp lòng với tôi trong ý chỉ cầu nguyện này: Để vấn nạn về các trẻ em bị bắt đi quân dịch, có thể được loại bỏ trên toàn thế giới.

 

Rita Coruzzi, bị tàn tật, tìm lại được đức tin sau khi hành hương Lộ Đức

Rita Coruzzi, bị tàn tật, tìm lại được đức tin sau khi hành hương Lộ Đức

hang-da-duc-me-lo-duc

Rita Coruzzi chào đời ngày 2 tháng 6 năm 1986, sớm hơn thời gian bình thường của một thai nhi. Ngay khi vừa chào đời, Rita đã gặp những vấn đề đầu tiên về sức khỏe; em bị trật khớp hông và thiếu ổ xương. Do đó Rita không thể đi được như các em bé khác. Nhưng Rita và mẹ em không chịu đầu hàng với bệnh tật. Rita đã làm vật lý trị liệu, rồi chịu 3 lẫn phẫu thuật, và 1 trong 3 lần phẫu thuật bị thực hiện sai; thế là cho đến nay, không có trị liệu nào mang lại kết quả và Rita phải gắn bó đời mình với chiếc xe lăn.

Rita đã giận Chúa vì Người để cho em phải chịu những bệnh tật này khi mà em tin tưởng phó thác vào Chúa. Em đã phải chịu những chữa trị đau đớn khi chỉ mới 10 tuổi. Em đã đặt mình trong tay Chúa trong cuộc phẫu thuật. Em tin tưởng là Chúa không làm những điều xấu cho em nhưng em lại phải trở lại với chiếc xe lăn, điều mà em không muốn. Thế là trong 4 năm trời, Rita đã giận dữ với Chúa; em kết án Người là bất công và ác độc. Rita không tin vào sự tốt lành và lòng thương xót của Chúa nữa.

Một ngày kia, khi Rita đang đi cùng mẹ trên xe hơi, em tự hỏi tại sao Chúa bỏ rơi tôi? Mẹ của Rita trả lời em: “Chuá không bỏ rơi con. Nếu những điều này xảy ra với con là vì Chúa có chương trình của Người và con hãy phục vụ Chúa như con hiện giờ.” Rita đã có thể chấp nhận sống trên chiếc xe lăn là nhờ một lần hành hương đến Lộ đức, trước hang đá Đức Mẹ em đã tìm thấy câu trả lời.

Vào năm 2001, khi Rita được 15 tuổi, giáo viên dạy môn tôn giáo của Rita đã mời em đi hành hương Lộ đức. Khi ấy Rita vẫn còn giận Chúa. Từ nhiều năm, Rita tránh nhà thờ và giáo xứ, những gì liên quan đến đức tin, nhưng khi được mời đi Lộ đức, em đồng ý vì có gì đó trong lòng thúc đây em đi và cũng vì em cảm thấy mệt mỏi khi giận Chúa. Thực ra Rita cũng không nhớ mình làm hòa với Chúa thế nào. Trong cuộc hành hương, Rita đã hy vọng có một phép lại thể lý đến với em; em hy vọng sau khi tắm trong suối nước Lộ đức em có thể rời bỏ được chiếc xe lăn. Em cũng đã nghĩ trong lòng rằng nếu phép lạ không xảy đến, em sẽ hỏi Đức Mẹ tại sao lại như thế!

Rita thuật lại cuộc gặp Đức Mẹ như sau: “Đức Mẹ đã trả lời tôi cách ngọt ngào như một người mẹ đối với đứa con hư. Mẹ giúp tôi hiểu là Mẹ luôn ở đó và chờ tôi. Tôi nghe một tiếng nói trong lòng tôi. Tôi cảm thấy chính Mẹ đã ôm tôi, đón tôi đến với Mẹ và nói với tôi: ‘Con cần một thời gian dài để quyết định đến, nhưng giờ con đã ở đây. Con muốn biết câu trả lời thì Mẹ nói cho con biết: Chúa có chương trình của Người cho con: làm chứng và hoán cải!’ Trong lòng tôi cũng trả lời Mẹ Maria: ‘Nhưng Mẹ cũng điên! Con không phải là thánh Phêrô, thánh Phaolô, Marco hay Gioan. Con không phải là các tông đồ.’ Đức Mẹ nói với tôi: ‘Con không hiểu. Con phải làm chứng cho Chúa bao nhiêu có thể, làm chứng cho thấy cuộc sống đẹp thế nào ngay cả trong đau khổ nếu được sống với Chúa Kitô bên cạnh. Bởi vì sự sống tuyệt vời, ngay cả trong đau khổ, nếu thật sự được sống mà nhìn thấy Chúa Giêsu.’

“Phép lạ thật sự xảy ra với tôi là tôi đã tin mình đã đánh mất Chúa Giêsu, là tôi thật sự cảm thấy mình bị bỏ rơi và tôi đã hỏi Mẹ Maria: ‘Nhưng Chúa Giêsu mà con đánh mất, Người ở đâu? Làm sao để con trở lại với Người?’ Mẹ trả lời tôi: ‘Con tin là đánh mất Người nhưng không phải là như vậy. Hãy nhìn xuống và xem. Hãy nhìn xuống và xem. Hãy nhìn xuống và xem!’ Tôi nhìn xuống và tôi nhìn thấy chiếc xe lăn của tôi, bởi vì không có gì khác! Và từ đây tôi đã hiểu rằng Chúa Giêsu là chiếc xe lăn của tôi. Chúa Giêsu đã luôn đặt tôi trên đầu gối của Người nhưng tôi không bao giờ nhận ra. Cho nên tôi đã kết án Người đã bỏ rơi tôi bằng những cách thấp hèn xấu xa. Ngược lại, Người đã mang tôi trên cánh tay và đặt tôi trên đầu gối của Người và không bao giờ rời bỏ tôi. Điều này làm cho tôi chấp nhận hoàn cảnh của mình: nhận biết mình được ở trên chân của Chúa Giêsu, điều mang lại bình an trong trái tim tôi, đã làm tôi thỏa mãn và không đòi được chữa lành thể lý.”

Rita muốn chia sẻ với những người cũng đang gặp những bất hạnh và xa lìa đức tin rằng trong những giờ phút đen tối nhất, Chúa vẫn luôn ở bên chúng ta. Người không bao giờ rời xa chúng ta, nhưng là do chúng ta không cảm thấy Người vì chúng ta bị đau khổ bao phủ. Nhưng nếu trong những phút giây tệ nhất của cuộc đời, chúng ta  phó thác và tin tưởng vào Người, chúng ta sẽ luôn cảm thấy sự hiện diện của Người. Chỉ cần sức mạnh và can đảm để nói rằng: “Tôi đến từ cuộc sống hư vô và tôi muốn duy nhất một điều – hiệp nhất với Chúa.” (Cristiani Today  06/11/2016)

Hồng Thủy

Melva Arbelo giúp các trẻ em bị bạo hành ở Arecibo nước Puerto Rico

Melva Arbelo giúp các trẻ em bị bạo hành ở Arecibo nước Puerto Rico

Melva Arbelo

Catholic Extension là một tổ chức có trụ sở tại Chicago, được thành lập năm 1905, gây quỹ để trợ giúp các hoạt động và các sứ vụ của các Giáo phận truyền giáo ở Hoa kỳ và các vùng lãnh thổ thuộc Hoa kỳ. Từ năm 1978, tổ chức này đã trao giải thưởng hàng năm Lumen Christi – Ánh sáng Chúa Kitô, để vinh danh một cá nhân hay một nhóm hoạt động ở châu Mỹ, đã minh chứng cách thế mà sức mạnh của đức tin đã biến đổi cuộc sống và các cộng đoàn. Các người nhận giải thưởng Ánh sáng Chúa Kitô gồm có các Linh mục, nữ tu và giáo dân, là những anh hùng thầm lặng ở giữa chúng ta. Họ mang ánh sáng và hy vọng đến những ngõ ngách bị lãng quên và truyền cảm hứng cho những người xung quanh, để tất cả cũng có thể trở thành Ánh sáng Chúa Kitô. Giải thưởng Ánh sáng Chúa Kitô được kèm với số tiền 50 ngàn Mỹ kim; 25 ngàn cho người nhận giải và 25 ngàn cho Giáo phận của người nhận giải. Giải thưởng Ánh sáng Chúa Kitô năm 2016-2017 được trao cho Melva Arbelo, giám đốc nhà Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu ở Arecibo, nước Puerto Rico, người cung cấp nơi trú ẩn cho các trẻ em bị từ chối và bị lạm dụng.

Những trẻ em bị tách khỏi cha mẹ vì bị chối từ, bị đánh đập thương tổn về thể xác hoặc tình cảm, hoặc đã bị lạm dụng tình dục, thường bị những kinh nghiệm đau thương, nỗi đau tinh thần và thể xác, cũng như cảm xúc bị bỏ rơi ám ảnh. Nhưng thật là may mắn cho một số em trong các trẻ nhỏ này ở Puerto Rico khi họ được Arbelo và nhóm của cô ở Arecibo chọn sứ vụ bảo vệ và chăm sóc cho các em, tạo cho các em một mái nhà đầy tình yêu thương để trú ngụ và giúp các em chữa lành và hồi phục phẩm giá và ý thức về giá trị của mình. Arbelo và nhóm của mình giúp đỡ cho 24 trẻ em từ 3-7 tuổi. tại Nhà thánh Têrêsa được các nữ tu dòng Đaminh và các thành viên trong giáo xứ thánh Têrêsa thành lập vào năm 1999. Arbelo là một thành viên lâu đời của giáo xứ. Cô và chồng của mình là một trong những tình nguyện viên đầu tiên của nhà bác ái này. Họ đã giúp quyên góp quỹ cho hoạt động của nhà này. Sau khi chồng cô qua đời, cô tiếp tục công việc giúp đỡ cơ sở và từ năm 2007, cô trở thành giám đốc của cơ sở này; giáo dân đầu tiên giữ chức vụ này.

Arbelo chia sẻ về hoàn cảnh của các em: “Hoàn cảnh của các em thật rất đáng thương tâm. Những kinh nghiệm đau xót này đã để lại vết sẹo trên trái tim của nhiều em. Các em bị đánh thức bởi những cơn ác mộng và kêu khóc, nhưng chúng tôi ở với các em và an ủi chúng.” Nữ tu Gilma Osorio, giám đốc sáng lập nhà bác ái này cũng cho biết: “những vết sẹo tình cảm và thể lý nơi các em rất sâu đậm. Đôi khi các em trút cơn giận dữ và nỗi đau của mình bằng cách mắng mỏ các trẻ nhỏ khác hoặc các nhân viên. Trách nhiệm của chúng tôi là hướng dẫn các em vào con đường đúng đắn. Đối với các em, những người quan trọng nhất vẫn là Ba và Mẹ của các em, dù cho họ đã đối xử tàn tệ với chúng. Chúng tôi cố gắng chữa lành từ từ những vết thương đó với tình yêu, sự đón tiếp, tình thương của chúng tôi dành cho các em. Những cái ôm của các em dành cho chúng tôi rất có ý nghĩa với các em và cái ôm  chúng tôi dành cho các em cũng có ý nghĩa như thế. ”

Tại nhà thánh Têrêsa có một ban 5 người làm việc toàn thời gian và các nhân viên bán thời gian và tình nguyện chăm sóc các em nhỏ. Họ cung cấp các bữa ăn, quần áo, chăm sóc y tế, cố vấn tâm lý, các hoạt động và hướng dẫn tâm linh cho các em nhỏ. Trong ngày, phần lớn các em đến trường học. Arbelo cho biết, “các em nhỏ thích đi học, bởi vì ở đó các em nghe đi nghe lại sứ điệp Thiên Chúa yêu thương các em. Chính ở trường học, các em cảm thấy mình rất gần với Thiên Chúa. Các em thích thú tham dự Thánh lễ với các bạn học của mình. Đó là một thời gian rất đặc biệt đối với các em.

Cô Arbelo chia sẻ cách chân thành: “Đối với tôi, điều này còn hơn là một công việc; nó là sứ vụ. Tôi luôn nhận thấy Thiên Chúa thuật sự là người hướng dẫn cơ sở này…. Khẩu hiệu của chúng tôi là: ‘Nếu không có ai yêu thương bạn, nó là niềm vui của chúng tôi được yêu thương bạn.” Không có ai minh họa tình yêu đó tốt hơn Arbelo, người đã mở cánh tay để ôm ấp, gìn giữ và nâng niu mỗi đứa trẻ đến cư ngụ ở đó. Cô Arbelo cũng cho biết thêm: “Chúng tôi dạy các em biết là Thiên Chúa yêu thương các em. Chúng tôi cũng dạy các em tha thứ và cách cầu nguyện cho bạn bè và gia đình của các em. Các em yêu gia đình của mình và nhớ họ. Tuy vậy chúng tôi biết là có những điều sai trái nghiêm trọng trong gia đình của các em.”

Theo chính quyền Puero Rico, có đến 1 phần trăm các trẻ em trên hòn đảo này là nạn nhân của sự ngược đãi và 92 phần trăm trong các trường hợp chính cha mẹ các em là thủ phạm của những vụ ngược đãi.

Nhìn nhận gương mẫu tràn đầy đức tin của Arbelo về việc đem tình yêu Chúa đến cho những người dễ bị tổn thương nhất, Catholic Extension đã chọn trao giải thưởng Lumen Christi cho cô, người Puero Rico đầu tiên được nhận giải này. Cha Jack Wall, chủ tịch của tổ chức Catholic Extension nhìn nhận rằng Arbelo “là một trong những ân phúc đặc biệt Chúa ban cho các em bé này, Bằng việc chăm sóc nuôi nấng các em, chị đã mang tình yêu Chúa đến cho mỗi em. Chúng tôi được hân hạnh và vui mừng nhìn nhận hoạt động tuyệt vời của chị với giải thưởng Lumen Christi. Giải thưởng này là nỗ lự của chúng tôi để chỉ đến những nơi ánh sáng của Chúa Kitô đang chiếu sáng rạng ngời và chúng tôi mong muốn gìn giữ cho ánh sáng của chị sáng lên cho Giáo hội rộng lớn hơn nhìn thấy.”

Đức cha Daniel Fernandez Torres của Giáo phận Arecibo đã phát biểu khi chọn trao giải thưởng cho Arbelo: “Không có cách nào tốt hơn để loan báo Tin Mừng bằng cách là một phản chiếu của tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Không có sứ vụ nào tốt hơn là chăm sóc các em bé kém may mắn này và tỏ cho ccác em thấy là Thiên Chúa tốt lành và sẽ luôn chăm sóc các em. Đó là những điều mà Arbelo và nhóm của mình đem lại cho các em nhỏ.” (CNS 22/09/2016)

Hồng Thủy

Một nữ tu truyền giáo người Tây ban nha bị cướp và giết chết ở Haiti

Một nữ tu truyền giáo người Tây ban nha bị cướp và giết chết ở Haiti

Sister Isabel Sola Matas

Port-au-Prince, Haiti – Nữ tu Monica Joseph, Tổng phụ trách dòng Nữ tu Chúa Giêsu Đức Maria đã thông báo về cái chết của nữ tu Isa Solá Matas, 51 tuổi, gốc Barcelona, Tây ban nha, truyền giáo tại Haiti từ nhiều năm. Thông cáo viết: “Với sự đau buồn lớn lao, chúng tôi xin chia sẻ tin tức vừa nhận được từ Tình dòng Hoa kỳ. Nữ tu Isa Solá Matas đã bị giết ở Haiti trong một vụ cướp gần Nhà thờ Chánh tòa Port au Prince. Xin quý vị cầu nguyện cho chị Isa, cho gia đình của Chị, cho các nữ tu của chúng tôi ở Haiti, ở Hoa kỳ và Tây ban nha. Xin Chúa chúc lành cho quý vị”.

Theo tin tức thu được từ hãng tin Fides của Bộ truyền giáo, vụ sát hại đã xảy ra vào sáng ngày 2/9 giờ địa phương trong khi Chị Isa đang lái xe trên đường ở trung tâm thủ đô. Chị đã trúng 2 phát đạn, theo cảnh sát địa phương, có lẽ là từ những kể cướp, vì giỏ xách và các đồ dùng cá nhân của chị đã bị cướp.

Chị Isa đã dấn thân với những người khiêm tốn và nghèo khổ nhất của Haiti và đã thật sự sống cùng với họ sau trận động đất xảy ra năm 2010: chị giúp họ xây dựng lại nhà cửa, dấn thân như y tá và để làm dịu đi các đau khổ của những người đã bị mất tay chân trong trận động đất.

Haiti là nước nghèo nhất ở vùng Tây bán cầu, đánh dấu bởi sụ thiếu giáo dục, nghèo đói và tội phạm lan tràn. Từ lâu nước này bị tê liệt bởi một cuộc khủng hoảng chính trị và thể chế. Ngày 8/10/2010, Julien Kénord, điều hành cơ quan bác ái Thụy sĩ đã bị giết ở Port-au-Prince trong một vụ cướp. Ngày 24/4/2013, cha Richard E. Joyal, người Canada, thuộc dòng Đức Maria cũng đã bị giết trong vụ cướp tiền khi cha vừa rút từ ngân hàng. (Fides 3/9/2016)

Hồng Thủy

ĐTC kêu gọi cầu nguyện cho các trẻ em bị mất tích

ĐTC kêu gọi cầu nguyện cho các trẻ em bị mất tích

ĐTC Phanxicô chào tín hữu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 25-5-2016

VATICAN: ĐTC Phanxicô kêu gọi mọi người bảo vệ trẻ em và cầu nguyện cho các trẻ em bị mất tích, xin cho các em được trả lại cho tình yêu thương của những người thân.

ĐTC đã đưa ra lời kêu gọi trên đây vào cuối buổi tiêp kiến chung sáng thứ tư hôm qua. Ngài nói hôm nay là Ngày quốc tế các trẻ em bị mất tích. Mọi ngươì đều có bổn phận bảo vệ các trẻ em, nhất là các trẻ em có nhiều nguy cơ bị khai thác bóc lột, bị buôn bán, hay là nạn nhân của các thái độ hành xử lệch lạc.

Tôi cầu mong các giới hữu trách dân sự và tôn giáo có thể lay động và gây ý thức cho các lương tâm để tránh sự thờ ơ trước thảm cảnh của các trẻ em cô đơn, bị khai thác và giật thoát khỏi gia đình và môi trường xã hội của các em, các trẻ em không thể lớn lên trong an lành và nhìn tương lai với niềm hy vọng. Tôi mời gọi tất cả mọi người cầu nguyện để các em đưọc trả lại cho tình yêu thương của người thân (SD 25-5-2016).

Linh Tiến Khải

5-9: Chân Phước Mẹ Têrêxa Calcutta

5-9: Chân Phước Mẹ Têrêxa Calcutta

Mother Teresa Calcuta

Chân Phước Mẹ Têrêxa Calcutta (Agnes Gonxhe Bojaxhiu) chào đời ngày 26-8-1910 tại Skopje thuộc Cộng Hòa Macedonia trong một gia đình trung lưu người Albania đến từ Kosovo. Thời xuân trẻ, mẹ gia nhập dòng Đức Trinh Nữ MARIA cũng được gọi là dòng Các Nữ Tu Loreto bên Ái-nhĩ-lan với tên dòng là Mary Teresa. Mẹ được gởi đi truyền giáo bên Ấn Độ và đặt chân đến Calcutta ngày 6-1-1929. Tại đây mẹ vừa dạy học vừa làm hiệu trưởng một trường học. Trong khung cảnh đói khổ của người dân Ấn, năm 1946, mẹ dấn thân làm việc tông đồ giữa người nghèo tại Calcutta và năm 1948 mẹ thành lập hội dòng Nữ Thừa Sai Bác Ái. 15 năm sau, ngành nam của hội dòng chào đời với tên Tu Huynh Thừa Sai Bác Ái. Năm 1979 mẹ nhận giải thưởng Nobel Hòa Bình và qua đời ngày 5-9-1997 tại Calcutta. Mẹ được Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong chân phước ngày 19-10-2003.

 Sau đây xin giới thiệu chứng từ của Đức Hồng Y Angelo Comastri, Quản Đốc đền thờ Thánh Phêrô, về Chân Phước mẹ Têrêxa Calcutta.

 Từ lúc còn trẻ, tôi có nhiều liên hệ thân tình với mẹ Têrêxa Calcutta. Một lần gặp tôi, mẹ đưa đôi mắt trong suốt và sâu thẳm nhìn tôi rồi đột ngột hỏi:

 – Con cầu nguyện mỗi ngày mấy giờ?

 Ngạc nhiên trước câu hỏi bất ngờ, tôi lúng túng tìm cách chống chế:

 – Con tưởng mẹ sẽ nhắc nhở con sống bác ái, yêu thương giúp đỡ người nghèo chớ! Đàng này mẹ hỏi con cầu nguyện mỗi ngày mấy giờ?

 Mẹ Têrêxa liền nắm chặt hai bàn tay tôi rồi siết mạnh như thông truyền cho tôi điều mẹ hằng ấp ủ trong lòng. Mẹ nói:

 – Con à, nếu không có THIÊN CHÚA hỗ trợ, chúng ta quả thật quá nghèo để có thể giúp đỡ người nghèo. Con nên nhớ: Mẹ chỉ là phụ nữ nghèo luôn cầu nguyện. Chính trong khi cầu nguyện mà THIÊN CHÚA đặt Tình Yêu Ngài vào lòng mẹ và nhờ thế, mẹ có thể giúp đỡ người nghèo. Con nhớ cho kỹ nhé: Mẹ giúp đỡ người nghèo vì mẹ hằng cầu nguyện, mẹ cầu nguyện luôn luôn!

 Tôi không bao giờ quên cuộc gặp gỡ lần đó. Sau này, chúng tôi còn gặp nhau nhiều lần nữa .. Năm 1979, mẹ Têrêxa được trao giải thưởng Nobel Hòa Bình. Giải thưởng khiến mẹ gần như khép nép và trở nên nhỏ bé trong bàn tay THIÊN CHÚA. Mẹ Têrêxa đi Oslo, thủ đô Na Uy, lãnh giải thưởng mà trong tay nắm chặt tràng chuỗi Mân Côi. Người ta trông thấy những ngón tay mẹ thô kệch và xấu xí, vì lao công vất vả và vì thường xuyên chăm sóc các trẻ em, những người bệnh tật, già yếu và nghèo nàn. Biết rõ thế nên không ai nỡ trách sao mẹ dám công khai bày tỏ lòng kính mến Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA trong một xứ sở toàn tòng là tín hữu tin lành Luther!

 Trên đường trở về từ Oslo, mẹ Têrêxa Calcutta dừng lại Roma. Các ký giả chen chúc chờ đợi gặp mẹ trong khuôn viên nhỏ bé của ngôi nhà cộng đoàn các Nữ Thừa Sai Bác Ái ở Monte Celio. Mẹ Têrêxa không để cho các ký giả tấn công. Trái lại, mẹ tiếp họ như những người con. Mẹ nhẹ nhàng đặt vào tay mỗi người một ảnh đeo Đức Mẹ Vô Nhiễm. Các ký giả ráo riết bao vây mẹ để chụp hình và để phỏng vấn. Một ký giả táo bạo hỏi:

 – Thưa mẹ, năm nay mẹ 70 tuổi. Khi mẹ qua đời thế giới cũng sẽ như trước! Vậy đâu có gì thay đổi sau bao nhiêu cực nhọc?

 Mẹ Têrêxa đăm đăm nhìn chàng ký giả trẻ tuổi và nở một nụ cười thật tươi, nụ cười như một cái vuốt ve trìu mến, rồi mẹ từ tốn nói:

 – Anh thấy đó, tôi không bao giờ nghĩ mình có thể thay đổi thế giới. Tôi chỉ tìm cách trở thành một giọt nước trong, một giọt nước lóng lánh rạng ngời Tình Yêu THIÊN CHÚA. Thế thôi!!! Anh cho là quá ít sao???

 Chàng ký giả trẻ tuổi lúng túng .. Các ký giả khác đứng im không nhúc nhích. Mẹ Têrêxa thản nhiên tiếp tục cuộc đối thoại:

 – Anh cũng nên cố gắng trở thành một giọt nước trong, như thế, sẽ có hai giọt nước trong. Anh lập gia đình chưa?

 – Dạ rồi! chàng ký giả đáp.

 – Vậy anh cũng nên nói với vợ và như thế chúng ta sẽ là ba giọt nước trong. Anh có con cái chưa?

 – Thưa mẹ, ba đứa!

 – Tốt lắm! Vậy anh cũng nên nói với các con anh, và như thế, tất cả chúng ta sẽ là 6 giọt nước trong!

 Năm 1988 mẹ Têrêxa Calcutta đến thăm tôi ở Porto Santo Stefano, một thị trấn nằm gần Roma. Năm ấy tôi là Cha Sở của họ đạo.

 Tôi còn nhớ như in cuộc gặp gỡ. Hôm đó là ngày 18 tháng 5, một ngày tuyệt đẹp của tháng Hoa dâng kính Đức Mẹ MARIA. Bầu trời trong xanh. Trên biển, sóng nước lăn tăn như nhí nhảnh tươi cười. Mẹ Têrêxa lặng lẽ chiêm ngắm cảnh đẹp rồi đột ngột nói với chúng tôi:

 – Cảnh vật nơi đây tuyệt đẹp. Sống trong một khung cảnh tuyệt đẹp, quí vị cũng phải nhớ chăm sóc cho linh hồn mình thật đẹp!

 Vào cuối buổi Canh Thức Cầu Nguyện tối hôm đó, xảy ra một câu chuyện như sau. Một kỹ nghệ gia giàu có trong vùng muốn dâng cúng ngôi biệt thự sang trọng của ông để mẹ Têrêxa tiếp đón những người bị bệnh liệt kháng. Ông cầm trong tay bộ chìa khóa và muốn trao ngay cho mẹ. Nhưng mẹ Têrêxa nói:

 – Tôi phải cầu nguyện và suy nghĩ trước đã, vì tôi không biết có nên đưa các bệnh nhân liệt kháng vào một nơi chốn giàu sang để chăm sóc không. Biết đâu sẽ làm cho họ đau khổ gấp đôi!

 Mọi người thầm cảm phục sự dè dặt khôn ngoan của mẹ. Tuy nhiên, nhiều người cho là mẹ đã bỏ lỡ một cơ hội ngàn vàng. Do đó, một người cảm thấy có bổn phận khuyên mẹ:

 – Thì mẹ cứ nhận chìa khóa đi, rồi sẽ tính sau!

 Nhưng mẹ Têrêxa quyết liệt trả lời:

 – Không, thưa ông không. Những gì tôi không cần đều trở thành gánh nặng!

 Câu nói của mẹ làm tôi nhớ đến thánh Bonaventura viết về thánh Phanxicô thành Assisi như sau:

 – Người đời yêu giàu sang thế nào Phanxicô cũng yêu khó nghèo như thế!

 Năm 1991, cũng vào một ngày tuyệt đẹp trong tháng Năm, mẹ Têrêxa Calcutta lại đến thăm tôi ở Massa Maritima, cách Roma không xa.

 Mẹ cho tôi biết ý định mở một nhà dành cho các Nữ Tu Chiêm Niệm Thừa Sai Bác Ái. Mẹ giải thích:

 – Các nữ tu cầu nguyện trước Nhà Tạm có Mình Thánh Chúa, sẽ chiếu tỏa ra chung quanh ánh sáng của lòng nhân hậu. Chúng ta cần có những con tim trong sạch để tiếp đón TÌNH YÊU! Những con tim thật trong sạch!

 Từ Massa Maritima chúng tôi dùng trực thăng để đưa mẹ Têrêxa đến đảo Isola d'Elba, tham dự một buổi Cầu Nguyện. Ngồi trên trực thăng, tôi chỉ cho mẹ thấy những địa điểm quan trọng của đảo .. Bỗng chốc, một người trong nhóm đến quỳ bên cạnh tôi run rẩy thú nhận:

 – Thưa Cha, con không rõ chuyện gì xảy đến cho con. Con có cảm tưởng chính THIÊN CHÚA đang nhìn con qua cái nhìn của người phụ nữ này!

 Quay sang mẹ Têrêxa, tôi lập lại lời người đàn ông vừa nói. Mẹ Têrêxa nhẹ nhàng đáp:

 – Xin Cha nói với ông ta, đã từ lâu lắm rồi, THIÊN CHÚA vẫn nhìn ông. Nhưng chính ông đã không nhận ra Ngài! THIÊN CHÚA lÀ TÌNH YÊU!

 Rồi nhìn sang người đàn ông, mẹ Têrêxa giơ tay siết mạnh tay ông, và trao cho ông một vài ảnh đeo Đức Mẹ, như những nụ hôn đượm đầy hương thơm của TÌNH YÊU THIÊN CHÚA!

 Đó là vài hình ảnh sống động của mẹ Têrêxa Calcutta: đơn sơ, hiền dịu, khiêm tốn, trong sáng và chiếu tỏa TÌNH YÊU THIÊN CHÚA!

 … Khi ấy, Đức Chúa GIÊSU phán cùng các môn đệ rằng: ”Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng: ”Hãy đến, hỡi những kẻ CHA Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các con từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các con đã cho ăn, Ta khát, các con đã cho uống, Ta là khách lạ, các con đã tiếp rước, Ta mình trần, các con đã cho mặc, Ta đau yếu, các con đã viếng thăm. Ta bị tù đày, các con đã đến với Ta”. Khi ấy, người lành đáp lại rằng: ”Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ chúng con thấy Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà cho mặc; có khi nào chúng con thấy Chúa yếu đau hay bị tù đày mà chúng con đến viếng thăm Chúa đâu?” Vua đáp lại: ”Quả thật, Ta bảo các con: những gì các con đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các con đã làm cho chính Ta vậy” (Matthêu 25,31-40).

 (”Tertium Millennium”, Agenzia d'Informazione, n.3, Settembre/1997, trang 3-4).

 Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Chúa gọi Nhóm Mười Hai lại, và sai đi từng hai người một

Chúa gọi Nhóm Mười Hai lại, và sai đi từng hai người một

Một trong những việc làm đầu tiên của Đức Giêsu, ngay từ bắt đầu cuộc sống công khai, là chọn những cộng tác viên (Mc 1,16). Sau khi đã dần dần bổ sung nhóm môn đệ (Mc 2,14), cuối cùng Đức Giêsu đã chọn 12 vị. Con số tượng trưng ám chỉ ý định của Người muốn thành lập một dân tộc Israel mới, dựa theo mười hai Tổ phụ hay mười hai Chi tộc. Trong phần đầu của Tin Mừng, chúng ta thấy các Tông đồ đi theo Đức Giêsu và ở “với Người” (Mc 3,14).

Hôm nay, có thể nói, Đức Giêsu sắp ẩn mình đi và trao phó sứ vụ của Người trong tay các tông đồ. Lần đầu tiên các ông đi rao giảng một mình, không có Đức Giêsu. Đó là thời kỳ Giáo Hội đang bắt đầu. Trước tiên, chúng ta có thể cầu nguyện dựa trên thái độ này của Người: Thiên Chúa của chúng ta, Người trao cho chúng ta những trách vụ quan trọng: Người không điều khiển chúng ta như những con rối. Tôi có những trách nhiệm nào? Lạy Chúa, Chúa chờ đợi gì nơi con?

Chúa sai họ đi.

Trong năm chương đầu của trình thuật, Maccô đã nhấn mạnh cho chúng ta thấy “Đức Giêsu với các môn đệ”, tạo thành một nhóm duy nhất và hợp nhất đối lại với đám đông, với các đối thủ. Vào lúc “kêu gọi” các ông (Mc 3,13-14), Maccô ghi nhận, Đức Giêsu đã “thiết lập Nhóm Mười Hai” để ở với Người và để Người “sai họ đi”. Đó cũng chính là chuyển động của trái tim: Tâm trương… tâm thu… máu vào tim rồi chuyển đến các cơ quan. Hoạt động tông đồ thông thường cũng như thế: Sống kết hợp mật thiết với Chúa Kitô, mang Đức Kitô đến khắp nơi trên thế giới. Đó cũng là hoạt động của đời sống Kitô hữu: Tập họp quanh Chúa vào mỗi Chúa nhật, tản mác trong cuộc sống hằng ngày để nên nhân chứng sống động của Chúa.

“Anh hãy đi! Anh em được sai đi” “Ite, Missa est” chữ Messe (Thánh Lễ) có nghĩa là “sự sai đi”. Chính Chúa đã thiết lập nhịp sống đó. Tôi có sống như thế không? Tôi có thường sống “với Chúa” trong suy niệm, trong nguyện cầu không? Tôi có ý thức mình được Chúa “sai đi” vào đời sống thướng nhật để làm một việc gì đó, có liên quan đến Chúa không?

Người sai đi từng hai người một.

Phải có hai người thì chứng tá mới có giá trị (Ds 17,6; 19,5). Dân gian đã khôn ngoan đặt ra nhiều câu ngạn ngữ để nói về điều này. “Hai người có giá trị hơn một, nếu họ ngã, người này đỡ người kia dậy, nhưng khốn cho kẻ đi một mình” (Gv 4,9).

Quy tắc đầu tiên của việc tông đồ là tạo thành nhóm. Nếp sống huynh đệ là một bài giảng về tình yêu, trước khi bàn tới. “Các bạn hãy nhìn xem họ thương nhau biết bao!”. Chứng tá Kitô hữu phải nhắm đến một hình thức cộng đoàn trong Giáo Hội. Đó là ý muốn rõ ràng của Đức Giêsu. Vậy tôi phải tự vấn về thái độ của tôi. Chủ nghĩa cá nhân có nhưng hình thức tinh vi và đáng sợ: Chúng ta không thích những người anh em khác kiểm tra thái độ sống của riêng mình. Tuy nhiên?

Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, trừ cây gậy; không được mang lương thực, mang bao bị, mang tiền giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.

Điều đáng lưu ý là chúng ta không thấy Đức Giêsu dặn dò các Tông đồ về nội dung giáo thuyết, “Sứ vụ” của các ông. Chúa không bảo các ông “phải giảng điều gì”. Người chỉ nhắc nhở các ông những chi tiết “phải sống”. Đối với Đức Giêsu, chứng tá bằng cuộc sống quan trọng hơn chứng tá bằng lời nói.

Thực tế lời khuyên duy nhất của Thầy liên quan đến đòi hỏi sống nghèo khó. Những người đại diện Chúa phải tỏ ra mình không cậy dựa vào sự giúp đỡ, vào uy tín nào của con người. Tất cả chỉ dựa vào niềm tin nơi Đấng đã sai họ. Thánh Phaolô sẽ khai triển đòi hỏi này khi khẳng định: “Vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời lên gương mặt Đức Kitô, nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong bình đất, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2 Cr 4,6-7). Thánh Phaolô cũng khoe về sự nghèo khó của mình: “Khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời nói hùng hồn hoặc triết lý cao siêu… nhưng tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy… có vậy đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa” (l Cr 2,1-5).

Vâng, điều Đức Giêsu muốn, đó là những đoàn ngũ phải nhẹ nhàng, không có những hành trang cồng kềnh, luôn sẵn sàng đi nơi khác. Lữ khách, phải là người sẵn sàng. Có lẽ, Giáo Hội không ngừng tự “làm nhẹ bớt” để sẵn sàng theo sự thúc đẩy của Thánh Thần.

Còn tôi? Tôi sống thế nào trước đòi hỏi nghèo khó này? Đức Giêsu đã nói rõ với các bạn hữu của Người, chỉ mang theo những vật hết sức cần thiết. Chiến thắng sự cám dỗ của tiền bạc là chiến thắng đầu tiên của Tin Mừng, là bài giảng đầu tiên rất cần thiết cho một thế giới tham lam, là trận chiến hàng đầu (nơi chính bản thân mình trước hết) chống lại một kẻ thù lớn của nhân loại: Sự chiếm hữu của cải! Nguồn gốc của chia rẽ, tranh chấp và kiêu ngạo!

Lạy Chúa, xin giúp chúng con đến gần lý tưởng từ bỏ mà Chúa mong muốn.

Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.

Chúng ta ngạc nhiên vi tầm quan trọng của thái độ khước từ “tiếp nhận” trong diễn từ của Đức Giêsu. Nhưng môn đệ của Người có thành công lắm không? Hình như không được khá lắm. Người ta dễ dàng đoán được những ý nghĩ: “Các ông muốn chúng tôi trở lại chăng? Nhưng hiện nay chúng tôi rất tốt! Chúng tôi là những người Do Thái tốt theo truyền thống. Tại sao phải thay đổi những thói quen của chúng tôi? Xin các ông hãy đi giảng đạo nơi khác” Những khó khăn của Kitô hữu khi trình bày đức tin không phải chỉ ngày nay mới có, Đức Giêsu nói với chúng ta hôm nay: “Các con chớ có lo lắng. Đây là điều Thầy đã tiên liệu, Thầy đã báo trước cho các con”. “Chúng ta chớ nên ảo tưởng”.

Ngày nay cũng như thời Đức Giêsu sứ điệp đích thực của đức tin vẫn bị đa số khước từ, không đón nhận. Vì thế điều Đức Giêsu yêu cầu chúng ta là: Luôn đứng vững đừng ngã lòng: “Nếu người ta không tiếp nhận các con, các con hãy đi nơi khác”. Chịu đựng thái độ không tin, lãnh đạm, chối bỏ,… điều đó xem ra hết sức bình thường đối với Đức Giêsu. Sự thật là khó khăn. Đức Giêsu đã báo trước điều đó cho những người được sai đi rao giảng Tin Mừng.

Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.

Họ đã làm đúng những gì họ thấy Đức Giêsu làm khi họ “ở với Người”. Nội dung của nỗ lực “truyền giáo” gồm 3 giai đoạn:

1. Rao giảng lời Chúa, đòi hỏi một sự thay đổi đời sống, một cuộc hoán cải.

2. Chiến đấu chống sự dữ, xua đuổi ma quỷ ra khỏi con người để giải thoát họ.

3. Hoạt động giúp người nghèo, cải thiện đời sống và chữa lành bệnh tật.

Hoán cải

Đó là nội dung thứ nhất của việc rao giảng: Hãy thay đổi cách sống. Hãy hoán cải. Chúng ta hiểu vì sao các Tông đồ được ít người nghe theo và bị từ chối. Thông thường, con người không thích “thay đổi” cách sống: Hãy để cho chúng tôi yên! Thế mà, Thiên Chúa lại hay gây phiền hà, Người yêu cầu chúng ta dấn thân vào một cuộc sống mới. Chữ Hy Lạp “mitanoa” dịch ra là “hoán cải”, có nghĩa là “đổi ngược tinh thần”. Vậy là phải đổi hướng: Chúng ta đã đi theo một hướng, bây giờ phải quyết tâm đổi ngược lại. Đây không phải là điều dễ. Tin Mừng luôn mang tính ác liệt. Chúng ta đã biến Tin Mừng trở nên loại gì? Một thứ học thuyết thiếu năng động? Một thứ thuốc ngủ? Một thứ nâng đỡ cho trật tự hiện hành? “Các Ngài đã kêu to” “ékèruxan” phải thay đổi cuộc sống “Metanoôsin”.

Trừ quỷ

Chắc hẳn Maccô đã dùng những cách mô tả theo tâm thức của những người đương thời, nhưng rõ ràng sứ vụ mang tính chất bi kịch. Đó là một cuộc chiến! Một cuộc chiến chống lại quyền lực của sự dữ trên thế giới. Những “nhà truyền giáo” những người được Chúa “sai đi” không quảng cáo cho một sản phẩm để bán chạy. Các Ngài đã lên đường để đương đầu với một đối thủ ghê gớm. Sự chống đối mà các Ngài gặp không chỉ đến từ những người khước từ vì không hiểu. Có một lực lượng đối kháng. Một sự chống lại Tin Mừng đến từ xa hơn: Đó là những điều chúng ta gọi là 'tội lỗi thế gian’. Ngày nay, chúng ta có thể diễn tả thế nào về những thế lực xấu xa mà chúng ta phải chống lại để xua đuổi chúng.

Chữa lành

Lôi kéo con người ra khỏi những thế lực xấu làm cho họ hư mất, đó cũng là giúp họ thăng hoa phẩm giá một cách tích cực, là chữa lành họ. Đây là một trong những đòi hỏi rõ ràng của Đức Giêsu. Mệnh lệnh vẫn có giá trị, mặc dù trong bối cảnh văn minh hiện nay, nó mang một hình thức cụ thể khác.

Rao giảng Tin Mừng.

Không phải chỉ là “giảng dạy” mà đặc biệt còn là “giải thoát”. Ngày nay rao giảng Tin Mừng phải có những hình thức tân tiến và thích ứng thế nào để phù hợp với thời đại của chúng ta? Chúng ta phải chiến đấu chống lại những sự dữ nào? Xã hội chúng ta cần sự chữa lành nào?

Tin Mừng vẫn luôn mang tính thời sự, nhưng chính chúng ta không còn nghe được lời kêu gọi hoán cải của Tin Mừng nữa.

Chú giải của Noel Quesson

Được và mất

Được và mất

Chuyện ngụ ngôn “Lừa và Sói” kể rằng: Một hôm, lừa đang gặm cỏ, bỗng thấy Sói phi nước đại phóng tới. Lừa giả bộ đi khập khiễng. Khi Sói đến gần, hỏi nó vì sao bị thọt chân, thì Lừa trả lời:

– Vừa nãy tôi nhảy qua hàng rào bị xóc gai.

Rồi Lừa đề nghị Sói trước khi ăn thịt mình hãy nhổ gai ra đã, để khỏi bị gai đâm.

Sói tin lời, Lừa giơ cao chân để Sói soi mói kỹ lưỡng các móng chân Lừa. Lừa thừa cơ đạp mạnh vào mõm Sói rồi bỏ chạy.

Sói bị gẫy hết răng ôm đầu kêu la.

– Đáng đời ta! Cha mẹ nuôi ta thành kẻ chuyên ăn thịt, chứ đâu dạy ta làm thày lang!

Nếu chuyện ngụ ngôn nào cũng cho chúng ta một bài học, thì chuyện ngụ ngôn “Lừa và Sói” muốn nói với chúng ta: Kẻ nào không làm đúng công việc của mình sẽ lãnh hậu quả bi thảm.

Tin Mừng hôm nay thuật lại dụ ngôn “Những người thợ làm vườn nho”. Mỗi người chúng ta là một tá điền mà Thiên Chúa giao phó cho một vườn nho, là những tài năng tinh thần, của cải vật chất, để chúng ta đem hoa lợi về cho Người. Thiên Chúa còn tôn trọng chúng ta, Người để cho chúng ta hoàn toàn tự do sắp xếp công việc, theo sáng kiến riêng của mỗi người. Thánh Matthêu viết: “Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa”. Người không ở đó để kiểm soát, canh chừng.

Khốn thay, có những tá điền đã không làm đúng công việc của mình, họ đã lạm dụng tự do chủ ban cho để tìm lợi lộc riêng. Họ đã phụ lòng tín nhiệm của ông. Những tá điền ấy đã ngược đãi và sát hại các đầy tớ mà chủ sai đến. Thậm chí, đến lần thứ ba chúng giết luôn cả con trai ông. Họ làm như thế là để chiếm lấy gia tài của chủ. Hậu quả là: “Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông”.

Thiên Chúa ban muôn hồng ân, là để chúng ta phục vụ Chúa và anh em, chứ không phải để chúng ta tìm tư lợi, danh vọng, và khoái lạc cho bản thân.

Thiên Chúa kiên nhẫn trước những xúc phạm, lầm lỗi của chúng ta, là để chúng ta có cơ hội hoán cải, chứ không phải để chúng ta ngày càng sa lầy trong tội lỗi.

Thiên Chúa trao phó cho chúng ta các tài năng là để chúng ta sinh lợi cho phần rỗi mình. Nếu chúng ta không biết sử dụng ơn lành Chúa ban, thì Người sẽ cất đi và trao cho kẻ khác. Nỗi bất hạnh ấy chỉ mình ta gánh chịu mà thôi!

Sẽ đến ngày chúng ta phải tường trình về công việc vườn nho mà Chúa đã trao phó. Sẽ đến ngày chúng ta phải dâng lên Chúa những thu hoạch hoa lợi mà Người trông đợi. Bội thu hay mất trắng là hoàn toàn do công việc chúng ta đang làm hôm nay. Đức Hồng Y Suhard đã nói: “Chúng ta chịu trách nhiệm về những điều chúng ta đã làm, đã không làm, hay đã cản trở không cho người khác làm”.

Sưu tầm

Kho báu Nước Trời là Đức Kitô

Kho báu Nước Trời là Đức Kitô

Xuyên suốt trong các Chúa Nhật vừa qua, hình ảnh nổi bật trong các bài Tin mừng là ruộng đất. Từ hạt lúa gieo trên ruộng đồng đến lúa tốt và cỏ lùng chen vai mọc lên trên ruộng đất, và Chúa nhật hôm nay là kho báu chôn giấu trong ruộng lúa.

Palestine là miền đất có nhiều tranh chấp và nguy hiểm rình rập: chiến tranh, bệnh tật, nạn dịch, đói khát, cướp bóc, nô lệ…hay bất cứ một sự bất hạnh nào cũng có thể lấy mất tài sản và cuộc sống của người dân. Nhiều người đã chôn giấu của cải dưới đất, hy vọng rằng một ngày nào đó sẽ trở lại, nhưng có nhiều người ra đi vĩnh viễn. Do đó, người ta thường tìm thấy kho tàng.

Dụ ngôn “Kho báu chôn dấu trong thửa ruộng” là một câu chuyện không có gì xa lạ với dân chúng Do Thái, bởi vì họ vẫn thường kể cho nhau nghe về một câu chuyện cổ tích tương tự như thế.

Ngày hôm ấy, Abba Giuđa đang cố gắng cày nốt thửa ruộng còn lại, thì bỗng con bò của anh ta bị ngã qụy và gãy mất một chân vì gặp phải một cái hố nhỏ. Bực mình, anh ta dừng lại vuốt những giọt mồ hôi trên trán, rồi qùy xuống nâng chân con bò lên. Đột nhiên, Đức Giavê mở mắt cho anh ta và anh ta đã nhìn thấy một kho tàng quí giá ngay trong cái hố nhỏ ấy. Anh ta tự nhủ: – Chính vì chú bò này mà mình được lợi đây.

Kho tàng ấy là của một ai đó đã chôn dấu, có lẽ từ lâu lắm, vì sợ trộm cắp, giặc giã hay chiến tranh. Anh ta cẩn thận vùi đất lại, trở về nhà, thu góp tiền bạc, bán tất cả những đồ đạc, để gom cho đủ số tiền hầu mua thửa ruộng đó, bởi vì anh ta chỉ là một nông dân nghèo đi cày thuê cuốc mướn mà thôi.

Dĩ nhiên, anh ta mua được thửa ruộng ấy, dù với một giá hơi mắc, nhưng anh ta trở thành triệu phú, bởi vì luật pháp đã qui định: kể từ ngày làm chủ mảnh đất, anh ta cũng làm chủ tất cả những gì có trong mảnh đất ấy.

Có lẽ Chúa Giêsu đã lấy chính câu chuyện bình dân này để nói về Nước Trời.

Ý nghĩa của dụ ngôn, chính là thái độ của người nông dân: tìm được kho tàng, anh ta rất vui mừng, vội chạy về nhà, tìm đủ mọi cách như bán tất cả đồ đạc, thậm chí kể cả việc vay mượn bà con lối xóm, để có đủ tiền mua thửa ruộng ấy. Hành động của anh ta thật khôn ngoan, nhanh nhẹn và hợp lý. Anh đã dám liều, dám hy sinh tất cả vì kho tàng quí giá ấy.

Dụ ngôn “Viên ngọc quý”: thương gia khi đã khám phá ra viên ngọc quý, đã bán tất cả những gì mình có để mua cho được viên ngọc ấy. Đây là một sự lựa chọn đáng ca ngợi và khích lệ.

Dụ ngôn “Kho báu chôn trong ruộng” và “Viên ngọc quí” diễn tả sự cao trọng, sự vô giá của Nước Trời, không có cái gì, không có vàng bạc hay tài năng nào sánh được. “Kho báu” và “Viên ngọc quý” ở đây, là chính Đức Giêsu Kitô, Ngài là đối tượng lớn nhất, là niềm vui, là hạnh phúc để chúng ta tìm kiếm và sở hữu. Không có gì đẹp hơn là tìm biết Đức Kitô. Có Ngài, chúng ta có tất cả! Nói như Thánh Phaolô hôm nay là: trong Người, chúng ta “những người theo dự định của Chúa, được kêu gọi nên thánh”, trở nên giống với hình ảnh Chúa Con, trở nên giống Đức Kitô. Như thế, lời mời gọi nên thánh, chính là trở nên giống Đức Kitô, sống theo Đức Kitô, là đạt đến Nước Trời.

1. Nước Trời có một giá trị tối thượng

Chúa Giêsu nói về kho báu và viên ngọc mà người cày ruộng và thương gia dám bán tất cả những gì họ có để mua lấy. Bởi đó là giá trị tối hậu mang lại hạnh phúc và ý nghĩa cho cuộc đời họ. Đó là điều làm cho họ hân hoan vui sướng, dám đánh đổi tất cả mọi sự trên trần gian để có nó (GLCG # 546).

Tính chất cao quý nầy được các bài đọc Sách Thánh hôm nay làm nổi bật bằng cách đưa ra những so sánh ví von.

Cao quý như sự khôn ngoan được vua Salômon coi trọng hơn phúc lộc thọ của ngai vàng (bài đọc 1). Salômon kế vị Vua cha là Đavít. Salômon nhận rõ mình “trẻ người non dạ” và những hạn chế của bản thân trước trọng trách làm vua. Salômon được Thiên Chúa yêu thương, ân ban cho ông được quyền xin ơn gì ông cần. Salômon không xin giàu có, không xin vinh quang và cũng không xin trường thọ. Salômon xin ơn khôn ngoan để hướng dẫn dân được tuyển chọn đúng theo đường lối của Chúa. Điều ông xin làm hài lòng Thiên Chúa và ông được nhậm lời. Salômon trở nên một vị vua tài trí bậc nhất trong thiên hạ. Sự khôn ngoan của ông vượt ra khỏi biên giới Israel. Trước ông, không ai như ông và sau ông, không ai bằng ông.

Cao quý như lề luật được Dân Chúa coi trọng tựa Nguồn Sáng dẫn lối (bài đọc 2). Cao quý như “Kho báu chôn trong ruộng” như “Viên ngọc quý”.

Nước Trời là một ân ban cao quý Thiên Chúa dành cho mọi kẻ kiếm tìm.

2. Chọn lựa và quyết định.

Sau khi đã nhận ra kho báu, người cày ruộng lẫn người buôn ngọc đều đã biết cái gì quan trọng, họ phải chọn lựa và đi đến một quyết định.

Là Kitô hữu, môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta tìm kiếm cái gì?

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải biết chọn lựa giữa những cám dỗ mời mọc của trần thế: ‘Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm…Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,31-33).

Sách Giáo lý Công giáo cũng khuyên dạy: “Chúa Giêsu kêu gọi mọi người vào Nước Trời qua những bài dụ ngôn của Ngài, nét đặc trưng của việc giảng dạy của Ngài. Qua các dụ ngôn này, Ngài mời người ta tới dự tiệc của Nước Trời, nhưng Ngài cũng đòi hỏi người ta một sự chọn lựa triệt để: để được nước Trời, người ta phải cho tất cả, và lời nói không đủ, còn cần phải có những hành vi” (GLCG # 546).

Nước Trời đòi buộc phải hy sinh, một khi đã khám phá ra, phải bán tất cả những gì mình có. Đây là một chọn lựa dứt khoát, quyết liệt, không dễ dàng. Sự từ bỏ theo Chúa Giêsu, chính là thái độ dấn thân vì Nước Trời. Tìm thấy Nước Trời, thấy được giá trị cao quí của Nước Trời, cho nên mới can đảm hy sinh từ bỏ tất cả để có được. Người nông dân bán tất cả để mua cho được mảnh ruộng có kho báu; vị thương gia bán tất cả tài sản để mua cho bằng được viên ngọc qu, là hình ảnh nói lên việc phải dứt khoát chọn lựa Nước Trời.

3.Tìm được Nước Trời là niềm vui cuộc đời

Người nông dân, vị thương gia, đều vui mừng khi tìm được kho báu hay viên ngọc quí. Cũng vậy, thái độ của người đã gặp Chúa, đã khám phá ra Nước Trời trong cuộc sống, là thái độ hân hoan vui mừng. Tìm kiếm được niềm vui này mới làm cho con người có khả năng dứt bỏ mọi sự để theo Chúa. Bấy giờ, tất cả những gì trước nay ta cho là quí giá thì mất hết giá trị so với niềm vui mừng có được Thiên Chúa. Có Chúa là có tất cả. Đây là kinh nghiệm không dễ có được một khi thờ ơ không dám lên đường tìm kiếm Chúa và hạnh phúc Nước Trời. Nếu chỉ biết loanh quanh trong việc tìm kiếm của cải trần thế, thú vui xác thịt, thì sẽ không bao giờ khám phá được niềm vui Nước Trời, niềm vui trong Chúa.

Tìm kiếm Nước Trời và từ bỏ tất cả để đạt cho bằng được là niềm vui của đời Kitô hữu, chính là thái độ chọn lựa khôn ngoan. Trong Chúa, mới làm nên ý nghĩa đích thực của đời sống, nơi Chúa, mới tìm kiếm được nguồn mạch thỏa mãn mọi nỗi khát khao hạnh phúc.

Thái độ “vui mừng bán tất cả”, không phải ai cũng dễ dàng có được. Câu chuyện Phúc âm “Người thanh niên giàu có” là một ví dụ. Anh ta đã sụ mặt xuống và quay đi vì anh ta có nhiều của cải khi nghe Chúa Giêsu bảo: “Anh hãy về bán hết của cải, phân chia cho người nghèo, rồi hãy đến theo Ta…”.

Làm sao bán hết Chúa ơi khi con đã một đời vất vả tảo tần để có được cơ nghiệp như ngày hôm nay? Làm sao vui mừng để từ chối một mối tình vụng trộm mà con mới cất công xây nên? Làm sao con từ bỏ một thói đã đem lại cho con nhiều thích thú và thỏa mãn sự biếng lười? Làm sao con có thể bỏ lỡ một cơ hội kiếm tiền chỉ để giữ luật Ngày Chúa Nhật? Làm sao con có thể bố thí nhiều đến thế, cho dù con sẵn sàng bỏ ra gấp trăm ngàn lần để nhậu nhẹt mua vui? Làm sao con có thể hạ mình xuống trong khi con là đấng bậc vị vọng? Làm sao con có thể bỏ học thêm để dành cho việc học giáo lý?…Và cuối cùng, chắc con cũng sẽ sụ mặt xuống quay đi, vì con có quá nhiều tham vọng và của cải…

Cuộc đời vẫn luôn có những “chàng thu thuế Lêvi” sẵn sàng bỏ cả địa vị hái ra tiền để đi theo Đấng không có viên đá gối đầu. Vẫn còn những Giakêu, sẵn sàng chia nửa gia tài cho kẻ nghèo và đền gấp bốn những ai bị thiệt hại. Vẫn còn những Phanxicô Xaviê, Phanxicô Asissi, vẫn còn những Têrêxa Calcutta… bỏ cả cuộc đời để ra đi rao giảng Tin Mừng và phục vụ người nghèo; vẫn còn những Maximilien Kolbe, Anrê Phú Yên dám bỏ cả mạng sống để đáp đền mạng sống…

Điều quan nhất, là phải biết khám phá, trong bản thân mình, ai cũng có một kho báu quí giá. Kho báu ấy được Kinh Thánh mạc khải: Con người là “hình ảnh của Thiên Chúa”, được dựng nên “giống Thiên Chúa” (St 1,26.27; 9,6), là “con cái Thiên Chúa” (Lc 20,36; Ga 11,52; Rm 8,14.16.21; Gl 3,26; 1Ga 3,1.2.10), “được thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1,4).

Ý thức và xác tín những điều ấy, ta sẽ thấy phẩm giá con người hết sức cao quí. Đó là niềm vui và là hạnh phúc. Phẩm giá ấy cao quí hơn tất cả những gì mà ta có thể có được ở trần gian. Với bản chất cao cả ấy như một chìa khóa, một bí quyết, một nền tảng cần thiết, con người có thể có tất cả, nhất là có hạnh phúc đích thực ở trần gian này, và hạnh phúc vĩnh cửu mà Thiên Chúa dành cho con cái Ngài.

Trong Đức Kitô, sự khôn ngoan Thiên Chúa đã được tỏ bày qua sự yếu đuối nhân loại.

Ai chân thành với Đức Kitô, sẽ gặp thấy Ngài chính là kho báu.

Ai trung thành làm theo lời Đức Kitô, sẽ sở hữu trọn vẹn kho báu ấy.

Ai nhiệt thành gắn bó với Đức Kitô, sẽ được chia sẽ cùng Ngài kho báu hạnh phúc Thiên đàng.

LM Giuse Nguyễn Hữu An