Julia Greeley, một nô lệ ở Denver, trở nên gương mẫu của lòng thương xót

Julia Greeley, một nô lệ ở Denver, trở nên gương mẫu của lòng thương xót

julia-greeley-photo

Trên các đường phố của thành phố Denver tiểu bang Colorado, Hoa kỳ, vào cuối những năm 1800 và đầu những năm 1900, người ta rất quen thuộc với hình ảnh của một phụ nữ da màu đội một chiếc mũ mềm màu đen, mang đôi giày quá khổ, dùng chiếc khăn tay thấm nhẹ đôi mắt kém của mình, kéo chiếc xe kéo nhỏ màu đỏ. Đó là Julia Greeley, Thiên thần bác ái của Denver, đang mang thực phẩm, áo quần và sự khích lệ, đi phân phát cho các người nghèo và vô gia cư của thành phố

Greeley sinh ra trong một gia đình nô lệ ở Hannibal, Missouri giữa các năm 1833 và 1848; năm sinh của Greeley không được biết rõ bởi vì cô là con của một người nô lệ. Cô đã bị đối xử tàn tệ khủng khiếp. Một lần kia, khi người chủ đánh mẹ cô, ngọn roi đã vụt vào mắt phải của cô và làm nó bị hư. Sau tuyên ngôn giải phóng nô lệ của tồng thống Abraham Lincoln vào năm 1863, cô là một trong những người được tự do. Năm 1878, Greeley theo gia đình của William Gilpin, vị thống đốc đầu tiên của bang Colorado, nơi Greeley đang giúp việc, đến Denver. Làm việc trong môi trường quý phái thượng lưu, Greeley cũng quen biết với một số gia đình giàu sang có thế giá của Denver, nhưng trái tim của Greeley vẫn dành cho người nghèo; Greeley yêu thương họ. Sau khi nghỉ làm việc tại gia đình thống đốc, Greeley đã làm những việc lặt vặt khắp nơi trong thành phố. Greeley đã đến giáo xứ Thánh Tâm ở Denver và trở lại Công giáo vào năm 1878. Greeley là một giáo dân nhiệt thành, lãnh nhận Mình Thánh Chúa hàng ngày và trở thành một thành viên năng động của dòng Phanxicô tại thế vào năm 1901. Greeley có một lòng sùng kính Thánh Tâm cách đặc biệt.

Dù cho nghèo khổ, Greeley không cần thứ gì cho chính mình; Greeley dành nhiều thời gian của mình để giúp đỡ các gia đình nghèo khổ xung quanh. Khi  không còn thứ gì của mình để giúp đỡ, Greeley đi ăn xin, quyên góp quần áo, thực phẩm và các vật dụng khác để cho ngừoi nghèo. Greeley thường làm việc vào ban đêm, lết trên đôi chân cà nhắc, sau khi đã làm việc suốt ngày dài, để không làm phiền gây bối rối cho những người bà giúp đỡ, nhất là những gia đình da trắng nghèo. Greeley giúp các bé gái nghèo có bộ áo xứng đáng để rước Mình Thánh Chúa lần đầu; bà hiện diện bên những gia đình có người qua đời, hay tìm cha mẹ nuôi cho các trẻ mồ côi. Julia Greeley còn có lòng tha thứ, không thù oán người chủ nô lệ đã làm cho bà bị hư mắt. Bà nói rằng vết sẹo làm xấu mặt của bà nhưng không làm tâm hồn bà xấu. Khi phục vụ cho người nghèo khổ Greeley không bao giờ tra hỏi về niềm tin hay tôn giáo của họ. Tất cả những điều bà muốn làm là nâng dậy những ai đang chiến đấu và đau khổ như bà đã từng trải qua.

Julia Greeley qua đời ngày 7 tháng 6 năm 1918, ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, hưởng thọ khoảng 80 tuổi. Bà Greeley đã được lãnh nhận các bí tích cuối cùng trước khi về bên Chúa. Vì bà sống trong một nhà trọ nên khi qua đời, thi hài của bà được đặt tại một giáo xứ Công giáo trong 5 tiếng đồng hồ và một dòng người không ngừng tuôn đến để bày tỏ sự kính trọng đối với một phụ nữ nổi tiếng và rất được yêu mến. Bà Greeley được chôn cất tại nghĩa trang núi Oliu.

Vì công việc bác ái của Greeley, một nhà văn đã gọi bà là “Hội Thánh Vinh sơn Phaolô một thành viên”; thánh Vinh sơn đã lập dòng các Nữ tử bác ái, và Greeley được ví như một người con của bác ái. Trong Năm Thánh Lòng thương xót, Julia Greeley được chọn làm mẫu gương của lòng thương xót cho địa phương. Ông David Uebbing, chưởng ấn của tổng Giáo phận Denver nhận xét: “Julia Greeley nổi bật bởi vì cô quá phi thường. Dù chỉ nhận được 10 đến 12 đô la mỗi tháng bằng việc nấu nướng và dọn dẹp nhà cửa, cô thường dùng nó để giúp những người nghèo khác. Điều đó thể hiện rất nhiều về lòng từ thiện của Greeley. Thêm vào đó, Greeley còn có lòng sùng kính sâu đậm với Thánh Tâm Chúa Giêsu, thể hiện qua việc mỗi tháng bà đi bộ đến 20 trạm cứu hỏa khác nhau của thành phố để phân phát phù hiệu, hình ảnh, các tài liệu về Thánh Tâm cho các lính cứu hỏa, cả Công giáo và không Công giáo. Điếu đó làm cho các công việc của lòng thương xót mà bà đã làm, cụ thể và thiêng liêng, là điều được mời gọi đặc biệt trong Năm thánh này, thật sống động.” Tờ Denver Post đã viết về di sản của Julia Greeley bao gồm “80 năm của một cuộc sống đáng giá… dấn thấn vô vị lơi… và thói quen cho đi và chia sẻ chính mình và những tài sản của mình”. (CNA 07/09/2016)

Hồng Thủy