Chúc mừng ĐTC Phanxicô tròn 82 tuổi

Chúc mừng ĐTC Phanxicô tròn 82 tuổi

ĐTC Phanxicô sinh ngày 12/12/1936 tại Buenos Aires, Argentina, với tên gọi Jorge Mario Bergoglio. Ngài là con của một gia đình di dân người Ý gốc miền Piemonte. Khi còn trẻ, cậu bé Jorge muốn sẽ trở thành một người bán thịt. Jorge cũng có đam mê ca hát, niềm đam mê xuất phát từ thói quen nghe chương trình ca nhạc nhẹ trên radio mỗi ngày. Ngay từ thời niên thiếu, cậu Jorge đã được cha dạy về tầm quan trọng của lao động. Học nhiều nghề khác nhau và cậu Jorge đã tốt nghiệp kỹ thuật viên hóa học.

Ơn gọi

Nhưng điều quan trọng nhất trong cuộc đời của cậu Jorge chính là đức tin, được người bà Rosa Margherita Vassallo nuôi dưỡng, và chính đức tin này đã làm nảy sinh ơn gọi của cậu Jorge.

Năm 1958, cậu Jorge gia nhập chủng viện và sau đó chọn vào nhà Tập của dòng Tên. Trong thời gian này, thầy Jorge bị viêm phổi nặng và nhờ sơ Cornelia Caraglio, một ý tá, đã thuyết phục bác sĩ sử dụng đúng liều kháng sinh, mà thầy Jorge được cứu sống.

Linh mục

Năm 1968, thầy Jorge được lãnh nhận thiên chức linh mục. Trong ngày đó, bà của cha Jorge đã trao cho cha Jorge một lá thư và vị linh mục trẻ đã giữ trong sách nguyện của mình; trong lá thư đó bà của cha nói với tất cả các cháu: “Chúng ta đã có một cuộc sống lâu dài và hạnh phúc. Nhưng nếu một ngày mà nỗi đau, bệnh tật hay việc mất một người thân yêu khiến cho các cháu bị thất vọng, các cháu hãy nhớ rằng một hơi thở trước Nhà Tạm Mình Thánh Chúa, nơi có vị tử đạo vĩ đại và mạnh mẽ nhất, và một cái nhìn về Mẹ Maria, người đã đứng dưới chân thập giá, có thể ban xuống sự xoa dịu trên các vết thương sâu thẳm và đau đớn nhất.”

Giám mục Buenos Aires

Năm 1973, cha Jorge được bổ nhiệm làm giám tỉnh dòng tên ở Argentina. Năm 1991, cha được tấn phong Giám mục và ngày 28/02/1998, Đức cha Jorge Bergoglio được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Buenos Aires, Giáo chủ Argentina.

Trong Công nghị Hồng y ngày 21/02/2001, thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm Đức cha Jorge Bergoglio làm Hồng y

Kế vị thánh Phêrô

Sau khi ĐGH Biển đức XVI từ chức, trong mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng, vào ngày 13/03/2013, các Hồng y đã chọn ĐHY Bergoglio làm Giáo hoàng.

Vào ngày 19/02/2017, trong lần viếng thăm một giáo xứ ở Roma, một cậu bé đã hỏi ĐTC Phanxicô tại sao ngài được bầu làm Giáo hoàng, ngài trả lời: “Người được chọn làm Giáo hoàng không nhất thiết phải là người thông minh nhất. Nhưng là người mà Thiên Chúa muốn chọn vào thời điểm đó của Giáo hội.”

ĐTC Phanxicô đã giải thích lý do ngài chọn tên hiệu Giáo hoàng là Phanxicô; ngài đã nghĩ đến thánh Phanxicô thành Assisi, “con người của sự nghèo khó, con người của hòa bình, con người yêu thương và bảo vệ thụ tạo”.

Lời chúc mừng của Hội đồng Giám mục Ý

Trong ngày sinh nhật lần thứ 83, ĐTC Phanxicô nhận được nhiều lời chúc mừng. Hội đồng Giám mục Ý đã gửi sứ điệp chúc mừng đến ĐTC, trong đó có lời chúc: “Kính thưa ĐTC, trong ngày lễ hôm nay, chúng con xin chúc ĐTC cảm thấy  lòng biết ơn của toàn Giáo hội và cảm nhận sự phong phú vô cùng mà Ân sủng khơi dậy trong thời đại chúng ta. ĐTC đã không ngừng yêu cầu chúng con cầu nguyện cho ĐTC và đó là món quà quý giá nhất mà chúng con bảo đảm với ĐTC, nhân danh tất cả cộng đoàn Giáo hội ở Ý.

Lời chúc mừng của Tổng thống Ý

Tổng thống Ý, ông Sergio Mattarella, nhân danh toàn thể nhân dân Ý, cũng gửi sứ điệp chúc mừng ĐTC Phanxicô. Trước hết ông Mattarella đề cao lời ĐTC mời gọi các dân tộc đối diện với các thách thức ngày nay cách can đảm và công bình, tìm kiếm đối thoại và cảm thông để xoa dịu các vết thương xã hội và đưa các dân tộc đến hòa giải. Ông cũng biết ơn sự quan tâm của ĐTC dành cho nước Ý, đặc biệt trong biến cố tuyên thánh cho ĐGH Phaolô VI.

Trong sứ điệp, Tổng thống Ý viết: “Với lòng biết ơn, trong những tuần tới đây, hàng triệu người nam nữ, các tín hữu cũng như những người không phải là tín hữu, hướng về Roma và lắng nghe những lời của ngài, là những lời mang thông điệp về niềm hy vọng phổ quát và mời gọi là chứng tá xác thực hơn về các giá trị tinh thần và đạo đức chứa đựng trong lễ Giáng sinh.”

“Ad multos annos”, “cầu chúc ĐTC sống lâu”. Đó là lời cầu chúc của Tổng thống Ý. Ông cũng gửi đến ĐTC những lời chúc mừng lễ Giáng sinh tốt đẹp và những lời bày tỏ sự quan tâm cao nhất và tình cảm chân thành của tất cả người dân Ý.

Bánh sinh nhật: ĐTC và giới trẻ

Như truyền thống, tiệm bánh ngọt và kem Hedera ở đường Borgo Pio, đã làm một cái bánh mừng sinh nhật ĐTC Phanxicô.

Ông chủ tiệm bánh, Francesco Ceravolo, và các nhân viên của mình không chỉ đơn giản làm một cái bánh mừng ĐTC nhưng còn là một sứ điệp, như mỗi năm.

Ngọc Yến, Vatican

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha – Tháng 03 năm 2018: Ơn nhận định thiêng liêng

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha – Tháng 03 năm 2018: Ơn nhận định thiêng liêng

Vatican. Trong tháng 03 năm 2018, Đức Thánh Cha đặc biệt mời gọi toàn thể Hội Thánh nhận thức tầm quan trọng của ơn phân định thiêng liêng, để mỗi người có thể nhận ra tiếng Chúa trong thế giới phức tạp với biết bao tiếng nói ngày nay. Đức Thánh Cha chia sẻ trong Video như sau:

Thời đại ngày nay đòi hỏi chúng ta phải phát huy một năng lực chiều sâu để nhận định… Nhận định để có thể nhận ra tiếng Chúa giữa biết bao tiếng nói, để tiếng nói của Chúa dẫn chúng ta đến sự sống Phục Sinh, để tiếng Chúa giải thoát chúng ta khỏi rơi vào thứ văn hóa sự chết.

Chúng ta cần biết đọc thấy trong tâm hồn mình điều mà Chúa muốn, để chúng ta có thể sống trong tình yêu và trở nên những người tiếp nối sứ mạng tình yêu của Chúa. Chúng ta hãy cũng nhau cầu nguyện, để toàn thể Giáo Hội nhận ra tính khẩn thiết của việc huấn luyện phân định thiêng liêng, cả trên bình diện cá nhân lẫn cộng đoàn.

Tứ Quyết SJ

Ơn an ủi không phải là sự vui nhộn nhưng là bình an của Chúa

Ơn an ủi không phải là sự vui nhộn nhưng là bình an của Chúa

Thiên Chúa viếng thăm dân Ngài. Điều ấy rất quan trọng. Vì trong lịch sử cứu độ, mỗi lần Chúa viếng thăm, là mỗi lần Chúa giải phóng dân khỏi ách nô lệ. Mỗi lần Chúa viếng thăm, là mỗi lần Chúa cứu độ dân. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Chúa viếng thăm dân Ngài

Mỗi lần Chúa viếng thăm chúng ta, là Người ban cho chúng ta niềm vui, ban cho chúng ta ơn an ủi. Điều ấy làm cho chúng ta vui mừng. Vâng, chúng ta khóc lóc đau thương, nhưng giờ đây, Chúa an ủi chúng ta và ban cho chúng ta ơn an ủi. Ơn an ủi không phải chỉ là một lúc nào đó mà thôi, nhưng là ơn trong đời sống của người tín hữu. Toàn bộ Kinh Thánh chỉ cho chúng ta điều ấy.

Có điều cần thiết là chúng ta cần chờ đợi giây phút Chúa viếng thăm mỗi người chúng ta. Bởi vì, tuy có những lúc mạnh yếu khác nhau, nhưng Chúa luôn giúp chúng ta cảm thấy và nhận biết rằng, Chúa luôn hiện diện bên ta, luôn ban ơn an ủi thiêng liêng, luôn ban cho chúng ta niềm vui.

Hy vọng là nhân đức bé nhỏ

Do đó, đợi chờ trong hy vọng có lẽ là nhân đức “khiêm tốn nhất trong các nhân đức”. Đức cậy có lẽ là luôn là “nhân đức bé nhỏ”. Tuy bé nhỏ, nhưng kỳ thực, đức hy vọng tựa như than hổng ẩn kín dưới lớp tro. Nhìn thì có vẻ như đống tro tàn, nhưng thực ra là than hồng rực cháy bên trong. Thế nên, các Kitô hữu luôn sống trong sự hiện diện của Chúa, hướng về cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Nếu Kitô hữu không sống như thế, thì họ đang đóng kín cuộc sống, và sẽ không biết mình phải làm gì.

Tuy nhiên, chúng ta cần biết nhận ra đâu là ơn an ủi. Bởi lẽ, có những thứ an ủi giả tạo, vì chúng dường như muốn níu kéo chúng ta ở lại trong niềm an ủi nào đó, nhưng kỳ thực là đang lừa dối chúng ta. Ơn an ủi đích thật mang lại cho chúng ta loại niềm vui không thể mua bán đổi chác.

An ủi và bình an

Ơn an ủi của Thiên Chúa chạm vào tâm hồn chúng ta, biến đổi con tim chúng ta, thúc đẩy linh hồn chúng ta mạnh mẽ trong đức mến, đức tin, đức cậy, cũng như giúp chúng ta biết khóc lóc vì tội lỗi bản thân. Chúng ta cũng hãy nhìn vào Chúa Giêsu trong cuộc Thương Khó. Hãy khóc cùng Chúa Giêsu. Ơn an ủi của Thiên Chúa nâng linh hồn chúng ta hướng về những điều trên Trời, những điều thuộc về Thiên Chúa. Ơn an ủi của Thiên Chúa ấp ủ chúng ta trong bình an của Chúa. Tất cả những điều vừa kể là niềm an ủi đích thực. Tuy nhiên, ơn an ủi không phải là điều gì đó vui nhộn. Sự vui nhộn không có gì là xấu cả, nếu điều vui nhộn ấy là tốt đẹp, vì chúng ta đều là con người, và chúng ta cũng cần vui nhộn. Nhưng ơn an ủi ở đây thì khác điều gì đó vui nhộn, vì ơn an ủi được ban cho chúng ta, giúp chúng ta cảm thấy và nhận biết sự hiện diện của Chúa, giúp chúng ta khám phá ra rằng: Đây chính là Chúa.

Chúng ta hãy cầu nguyện, hãy tạ ơn Chúa. Tạ ơn Chúa vì Chúa vượt xa ngàn trùng đến viếng thăm chúng ta, vì Chúa đã vác Thập Giá vì chúng ta. Tạ ơn vì Chúa giúp chúng ta tiến về phía trước trong hy vọng. Chúng ta cần gìn giữ ơn an ủi đã nhận được. Ơn ấy được ban trong giây phút nào đó, lúc mạnh lúc không, nhưng đều để lại dấu vết. Chúng ta hãy nhận biết ơn ấy và khắc ghi những dấu vết. Ghi tâm khắc cốt giống như dân Israel đã nhớ biến cố Thiên Chúa giải phóng họ. Chúng ta hãy đợi chờ ơn an ủi, nhận biết ơn an ủi và gìn giữ ơn an ủi. Điều gì còn lại sau những giây phút được an ủi mãnh liệt? Đó là bình an. Cấp độ cao nhất của ơn an ủi chính là bình an.

Tứ Quyết SJ

Cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo, ngay cả khi họ xấu xa

Cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo, ngay cả khi họ xấu xa

Các Kitô hữu luôn cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo, ngay cả khi các vị lãnh đạo gặp phải sai lầm. Các vị lãnh đạo cũng phải cầu nguyện, vì nếu không, có nguy cơ họ chỉ khép kín trong lợi ích riêng của nhóm họ. Nhà lãnh đạo có lương tâm là người biết đặt mình trước người dân, đặt mình trước mặt Chúa, và biết cầu nguyện. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Nếu không cầu nguyện

Trong bài đọc thứ nhất, thánh Phaolô khuyên ông Timôthê hãy cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo. Trong bài Tin Mừng, có vị lãnh đạo biết cầu nguyện. Ông nài xin Thầy Giêsu cứu chữa cho người đầy tớ của ông đang bị đau ốm. Ông yêu mến người dân của ông, cho dù họ là người xa lạ. Ông yêu mến người đầy tớ, và thực sự ông rất lo lắng cho người ấy.

Viên sĩ quan ấy cảm thấy là cần cầu nguyện. Ông cầu nguyện không chỉ bởi vì ông yêu mến, nhưng còn vì ông hiểu rõ rằng, ông không làm chủ mọi sự. Ông biết có những người ở trên ông. Ông biết có ai khác truyền lệnh cho ông. Ông biết mình có những thuộc hạ và lính tráng, và ông cũng biết chính bản thân mình cũng thuộc quyền người khác. Vị sĩ quan này nhận thức rất rõ về bản thân, và ông cầu nguyện.

Nếu ông không cầu nguyện, có nguy cơ là ông chỉ tự khép kín nơi bản thân, nơi lợi ích nhóm của đảng phái, nơi những cái vòng luẩn quẩn không thể thoát ra. Nhưng không, ông cầu nguyện, ông nhận thức rõ thân phận con người của bản thân. Khi ấy, ông nhận thấy những vấn đề thực sự là gì, ông nhận thấy có Đấng có sức mạnh hơn ông. Ông nhận thấy Đấng có thể ban cho ông sức mạnh, một sức mạnh đến từ Thiên Chúa. Do đó, ông cầu nguyện.

Ơn khôn ngoan

Lời cầu nguyện của ông rất quan trọng, vì đó là lời cầu nguyện hướng về tha nhân, hướng về người dân, hướng về người thuộc hạ của ông. Có nhà lãnh đạo nọ, ngày nào cũng dành hai tiếng đồng hồ để cầu nguyện trong thinh lặng trước mặt Chúa, cho dù ông rất bận rộn. Cần phải biết cầu xin ơn sủng của Chúa để biết cai quản tốt như Vua Salomon đã làm. Vua đã không xin Chúa ban vàng bạc hay của cải, nhưng xin ơn khôn ngoan để biết cai quản.

Các nhà lãnh đạo cần cầu nguyện, cần xin ơn ấy, để họ có thể làm việc trong sáng trước mặt Chúa và vì ích lợi cho dân. Để họ không chỉ dừng lại trong lợi ích nhóm hoặc tư lợi. Nếu bạn không thể cầu nguyện, thì ít ra hãy làm hãy sống với lương tâm bạn. Có nghĩa là, đừng tự tham chiếu chính mình, đừng lấy mình làm trung tâm, đừng chỉ biết vun vén lợi ích cho nhóm mình, cho đảng phái của mình mà thôi.

Nếu khó cầu nguyện

Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo, để mọi người dân được sống trong bình yên và trong tinh thần đạo đức. Tuy nhiên, nếu vị lãnh đạo làm điều gì đó mà ta không thích, hoặc vị lãnh đạo ấy chỉ biết lo cho đảng phải của ông ta, thì sao?

Có người nói: Tôi đã bỏ phiếu chọn ông ta. Người khác nói: Tôi đã không chọn người ấy. Thế nhưng, chúng ta đừng để vị lãnh đạo ấy một mình, chúng ta cần đồng hành với họ bằng lời cầu nguyện. Các Kitô hữu cần cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo. Nhưng thưa cha, con phải cầu nguyện thế nào đây? Con phải cầu nguyện làm sao cho những kẻ lãnh đạo đã gây ra bao nhiêu điều tệ hại xấu xa? Nếu thế, con cần cầu nguyện nhiều hơn nữa, hơn nữa. Cầu nguyện để làm gì! Đó là để người dân có được cuộc sống bình yên tốt lành.

Xin anh chị em hãy dành ra năm phút, không nhiều hơn năm phút, để suy xét xem. Nếu là một nhà lãnh đạo, tôi tự hỏi: Tôi có cầu nguyện về những gì được trao cho tôi hay không, về quyền mà người dân trao cho tôi? Nếu không phải là nhà lãnh đạo, tôi tự hỏi: Tôi có cầu nguyện cho các vị lãnh đạo hay không? Cầu nguyện cho những vị tôi thích. Và với những vị lãnh đạo tôi không thích, tôi càng cần cầu nguyện nhiều hơn. Nếu tôi nhận thấy, bản thân không cầu nguyện cho các vị lãnh đạo, tôi có thể đi xưng tội về điều ấy. Tại sao tôi lại không cầu nguyện cho các vị lãnh đạo, trong khi đó là công việc của lòng xót thương.

Tứ Quyết SJ

Ơn gọi của Tara Clemens, một luật sư trẻ trở thành nữ tu dòng kín Đaminh

Ơn gọi của Tara Clemens, một luật sư trẻ trở thành nữ tu dòng kín Đaminh

Trong một thế giới mà ơn gọi tu trì ngày càng giảm sút, đời sống tu trì, đối với nhiều người, có vẻ buồn chán, khác người, cực khổ, đi ngược với mong ước sống tự do, hưởng thụ của thế giới hiện đại, thì vẫn luôn có những ơn gọi thật đẹp, là dấu chứng của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, là bằng chứng của sự tin yêu, đáp lại tiếng Chúa mời gọi, và cũng là chứng tá của những tấm lòng quảng đại, hy sinh, dưới mọi hình thức, để vun trồng ơn gọi tu trì. Ơn gọi của Tara Clemens, hiện nay là sơ Maria Đaminh Nhập thể, cũng là một ơn gọi “khác người” nhưng thật đẹp; từ một luật sư trẻ, Clemens đã nghe theo tiếng Chúa gọi, tận hiến cho Ngài trong đời tu và đặc biệt hơn nữa, cô đã chọn đời sống đan tu, chuyên lo việc chiêm niệm cầu nguyện.

Tara Clemens là một luật sư ở thành phố Anchorage, bang Alaska, Hoa kỳ. Clemens nguyên là một tín hữu Tin lành và chỉ vài tháng trước khi tốt nghiệp trường luật, cô đã gia nhập Giáo hội Công giáo. Việc trở thành tín hữu Công giáo xảy ra khá là bất ngờ với Clemens. Chỉ vài tháng trước khi tốt nghiệp đại học luật Lewis và Clark ở thành phố Portland, bang Oregon, Clemens đi cùng một người bạn tham dự Thánh lễ thứ sáu mùa Chay và ngày hôm đó là môt bước ngoặt trong cuộc đời của cô; Clemens đã quyết định trở lại Công giáo. 3 tháng sau đó, dù phải làm việc toàn thời gian, mỗi chiều tối, Clemens theo học về Công giáo. Một ít tháng sau, vào dịp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm 2007, Clemens hoàn toàn tin vào chân lý của Công giáo. Clemens đã được gia nhập Giáo hội Công giáo vào dịp lễ Vọng Phục sinh năm 2008. Và vài tháng sau đó, dù chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ trở thành nữ tu, cô luật sư trẻ Clemens đã đến thăm đan viện Thánh Thể. Clemens đã sống hai năm rưỡi tại đan viện, trước tiên là thỉnh sinh và sau đó vào nhà tập. Ngày 28 tháng 5 vừa qua (năm 2017), Clemens được tuyên khấn lần đầu tại đan viện Thánh Thể của các nữ tu Đaminh ở Menlo Park, bang California, Hoa kỳ, với tên dòng là Maria Đaminh Nhập thể.

Ngày sơ Maria Đaminh được đội chiếc lúp đen trên đầu thay cho chiếc lúp trắng khi vào nhà Tập cách đây  hơn một năm, vị linh mục chủ tế đã nói: “Hãy nhận lấy tấm lúp thánh này, qua đó con có thể được nhận ra như ngôi nhà cầu nguyện dành cho Chúa và đền thờ cầu nguyện cho mọi người.” Sơ Maria Đaminh ý thức được rằng trung tâm của đời sống chiêm niệm của các nữ đan sĩ Đaminh là tình yêu Chúa. Dù là một đan sĩ sống giam mình trong đan viên, không bao giờ đi ra ngoài, sơ vẫn có thể ôm trọn thế giới với tình yêu và cầu nguyện cho thế giới.

Được hỏi về việc trở thành một đan sĩ, sơ Maria Đaminh xác định: “Khi Thiên Chúa gọi chúng ta, Ngài rất kiên định”. Điều này được chứng thực trong hành trình ơn gọi của sơ Maria Đaminh. Khi luật sư Clemens có ý định đi tu, nhưng vì số tiền hơn 100 ngàn đô la cô mượn để đi học quá lớn và cô chưa thể thanh toán để vào nhà dòng, cô hầu như thất vọng trước khó khăn thách đố này. Chính khi đó, hội Laboure đã giúp cho Clemens giải quyết vấn đề nợ sinh viên để có thể đi tu. Laboure là một hội có trụ sở ở Minnesota, giúp đỡ cho những người có ơn gọi tu trì trả nợ, điều cản trở họ gia nhập đời tu. Hội Laboure mở một lớp khoảng từ 10 đến 25 người, những người tin là mình có ơn gọi, và tổ chức chiến dịch quyên góp giúp họ. Clemens tham dự chương trình này 2 năm. Vào cuối khóa, tưởng rằng cô phải đợi thêm một năm nữa vì không nhận được đủ tiền quyên góp để trả nợ học. Nhưng rồi đã có hai vị ân nhân đóng góp số tiền lớn và Clemens đã được giúp trả nợ tiền học. Như John Flanagan, giám đốc điều hành hội Laboure đã nói: “Tara Clemens đã không thực hiện hành trình ơn gọi một mình, nhưng nhiều người khắp nơi biết là họ đã làm điều gì đó để giúp Tara Clemens trở thành nữ tu Maria Đaminh.” Và ông nhận xét rằng: “Cô ta đã gập phải những khó khăn trên hành trình theo đuổi ơn gôi, nhưng cô đã đón nhận chúng với niềm tin tưởng lớn lao vào Thiên Chúa.” (CNS 13/06/2017)

Hồng Thủy

Chúa Kitô mang lấy tội lỗi chúng ta để cứu độ chúng ta

Chúa Kitô mang lấy tội lỗi chúng ta để cứu độ chúng ta

Trong sa mạc, ai nhìn lên con rắn đồng, thì sẽ được chữa lành. Trong đức tin, ai nhìn lên thập giá Chúa Kitô, thì sẽ được cứu độ. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Ơn cứu độ chỉ có nơi Chúa Kitô chịu đóng đinh

Ơn cứu độ đến từ thập giá, đó là thập giá của Đấng là Thiên Chúa làm người. Không có sự cứu độ đến từ những ý tưởng, sự cứu độ cũng không đến từ những di chút tốt đẹp, ơn cứu độ cũng không phải là từ ý muốn tốt lành… Không. Ơn cứu độ chỉ có nơi Chúa Kitô chịu đóng đinh, bởi vì chỉ có Ngài mới có thể cứu độ tất cả chúng ta, cũng giống như câu chuyện trong bài đọc trích sách Dân Số, bất cứ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng thì đều được giải độc và được chữa lành.

Thế nhưng, đối với chúng ta, thập giá là gì? Vâng, thập giá là dấu hiệu của các Kitô hữu, là biểu tượng của Kitô giáo. Chúng ta thường xuyên làm dấu thánh giá, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng làm đàng hoàng tử tế… Bởi vì chúng ta chưa có niềm tin thực sự nơi thập giá. Nhiều khi, có người đeo thánh giá để cho thấy rằng mình là một Kitô hữu. Làm như thế thì thật là tốt, nhưng không chỉ có thế, vì thánh giá không chỉ có ý nghĩa là dấu hiệu của một nhóm của một cộng đồng, mà hơn thế, thập giá là ký ức cho thấy tội lỗi là gì, và thập giá là ký ức cho thấy Đấng đã mang lấy tội lỗi của chúng ta.

Nhìn lên thập giá Chúa Kitô

Trong bài đọc trích sách Dân Số, Thiên Chúa nói với ông Môsê rằng: “Bất cứ ai nhìn lên con rắn đồng thì sẽ được chữa lành”. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói với các địch thủ rằng: “Khi các ông treo Con Người lên, các ông sẽ biết Tôi Hằng Hữu”. Như thế, nếu ai không nhìn lên thập giá trong đức tin, thì người ấy sẽ chết trong tội lỗi của họ, và người ấy sẽ không đón nhận được ơn cứu độ.

Con sẽ làm gì cho Chúa?

Hôm nay Giáo Hội gợi ý một cuộc đối thoại về mầu nhiệm thập giá, về Đấng là Thiên Chúa đã mang lấy tội lỗi chúng ta vì chúng ta và vì chính bản thân tôi. Từng người chúng ta có thể nói rằng: “Chúa đã làm như thế vì yêu thương con”. Chúng ta nghĩ gì khi làm dấu thánh giá? Chúng ta nghĩ gì khi đeo thánh trên mình? Hay thánh giá chỉ như đồ trang sức thôi? Khi làm dấu thánh giá, chúng ta có ý thức về việc mình làm không? Khi mang thánh giá trên người, thì có phải, đó chỉ là biểu tượng thuộc về một nhóm tôn giáo hay sao? Hay là thánh giá ấy chỉ như đồ trang sức đá quý vàng bạc…  

Tự hỏi lòng rằng: Tôi có học vác thánh giá trên vai, cùng với những đau khổ vất vả hay không? Từng người chúng ta hãy nhìn lên thập giá Chúa Kitô, ngắm nhìn Đấng đã mang lấy những tội lỗi tật nguyền của chúng ta, để cứu độ chúng ta. Khi ấy, chúng ta sẽ đáp lại Chúa thế nào!

Tứ Quyết SJ

Được tha thứ và thứ tha

Được tha thứ và thứ tha

Được tha thứ và thứ tha: đó là mầu nhiệm rất khó hiểu. Chúng ta cần cầu nguyện, sám hối và xấu hổ vì tội lỗi mình. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Ơn xấu hổ vì tội lỗi mình: đó là bước đầu tiên của mầu nhiệm tha thứ

Trong bài Tin Mừng hôm nay, ông chủ đã tha nợ cho tên đầy tớ, nhưng tên đầy tớ lại không tha nợ cho người bạn. Như thế tên đầy tớ không hiểu được mầu nhiệm của ơn tha thứ.

Nếu tôi hỏi rằng: “Nhưng mà tất cả các anh đều là những kẻ tội lỗi?” – “Vâng, thưa cha, đúng thế.” – “Các anh có muốn được tha tội không?” – “Nào chúng ta thực hành việc xưng tội!” – “Và thế là bạn đi xưng tội.” – “Nhưng rồi, bạn đi xưng thú tội lỗi với vị linh mục, vị linh mục ban phép tha tội kèm theo lời khuyên đọc ba kinh Kính Mừng, và rồi bạn ra về trong bình an.” Nhưng mà bạn không hiểu! Vì bạn chỉ đi xưng tội giống như kiểu các nhân viên làm nhiệm vụ trong công sở. Vì bạn không xấu hổ về những gì sai trái bạn làm. Bạn thấy một số điều trong lương tâm mình, nhưng bạn đã sai khi tin rằng, tòa giải tội giống như một cửa hàng giặt đồ để tẩy xóa những vết bẩn. Vấn đề ở chỗ, bạn không thể xấu hổ về tội lỗi mình.

Tôi có thể tha thứ, chỉ khi tôi cảm thấy mình được thứ tha

Khi người ta nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa, thì có sự biến đổi trong cõi lòng họ. Họ có thể ý thức được sự biến đổi trong tâm hồn mình, hay là, thay vào đó, lại đi ra và tìm một người bạn để bắt đầu nói xấu về người khác và rồi tiếp tục phạm tội. Thực sự, tôi chỉ có thể tha thứ khi tôi cảm thấy mình được thứ tha.

Nếu bạn không ý thức được, không cảm nghiệm được rằng, bạn được tha thứ, thì không bao giờ không đời nào bạn có thể thứ tha. Luôn luôn cần có thái độ tha thứ trong hành xử với tha nhân. Tha thứ là tất cả. Tha thứ tất cả. Nhưng tôi có thể làm được như thế, chỉ khi tôi cảm nhận được tội lỗi của bản thân, chỉ khi tôi biết xấu hổ và nài xin ơn tha thứ của Thiên Chúa. Và khi ấy, tôi có thể kinh nghiệm được ơn tha thứ từ Thiên Chúa là Cha, và rồi tôi có thể tha thứ cho người khác. Bằng không, chẳng bao giờ tôi có thể tha thứ. Chúng ta không thể. Tại sao? Vì tha thứ thực sự là một mầu nhiệm.

Luôn quảng đại tha thứ

Trong câu chuyện của bài Tin Mừng, sau khi được ông chủ tha nợ, người đầy tớ ra đi và bắt nợ người bạn. Người đầy tớ tỏ ra thông minh nhưng lại không hiểu lòng hảo tâm của ông chủ. Chúng ta cũng thế, biết bao lần chúng ta ra khỏi tòa giải tội, và cảm thấy việc xưng thú của mình. Nhưng rồi… Khi làm giống như người đầy tớ, chúng ta không đón nhận ơn tha thứ, nhưng tựa như một thói giả hình đi ăn cắp sự tha thứ.

Hôm nay chúng ta được mời gọi đến với Chúa, để xin ơn hiểu được “tha bảy mươi lần bảy” nghĩa là gì. Để xin ơn biết xấu hổ trước nhan Chúa. Đó thực sự là ơn rất lớn! Xấu hổ vì tội lỗi mình, và đón nhận ơn tha thứ, để rồi sau đó nhận ơn quảng đại tha thứ cho tha nhân. Bởi vì, Chúa đã tha thứ cho tôi quá nhiều, chẳng lẽ tôi lại không thứ tha cho anh chị em tôi?

Tứ Quyết SJ

Ơn gọi Kitô là sống yêu thương bác ái và tươi vui hy vọng

Ơn gọi Kitô là sống yêu thương bác ái và tươi vui hy vọng

** Ơn gọi của kitô hữu là sống yêu thương bác ái: yêu Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và yêu tha nhân như chính mình (x. Mt 22,37-39). Gắn liền với ơn gọi yêu thương bác ái là sự tươi vui của niềm hy vọng kitô. Nhưng tình yêu thương rất dễ gặp nguy cơ trở thành giả hình, vì thế chúng ta phải xin Chúa luôn canh tân nơi chúng ta kinh nghiệm gặp gỡ lòng thương xót Chúa để có thể yêu thương chân thành và trao ban sự tươi vui của niềm hy vọng.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần sáng thứ tư 15-3-2017.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích ý nghĩa lời thánh Phaolô nhắn nhủ tín hữu Roma trong chương 12 thư gửi cho họ: “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa. Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện. Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà.” (Rm 12,9-13). ĐTC nói:

Chúng ta biết rõ rằng giới răn lớn mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta là giới răn yêu thương: yêu Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và yêu tha nhân như chính chúng ta (x. Mt 22,37-39); nghĩa là  chúng ta được mời gọi yêu thương, bác ái: đó là ơn gọi cao quý nhất của chúng ta, ơn gọi tuyệt diệu của chúng ta; và gắn liền với nó là sự tươi vui của niềm hy vọng kitô. Ai yêu thương, thì có sự tươi vui của niềm hy vọng, thì gặp gỡ được tình yêu vĩ đại là Chúa.

Trong đoạn thư gửi tín hữu Roma chúng ta vừa mới nghe, tông đồ Phaolô cảnh cáo chúng ta: lòng bác ái của chúng ta có nguy cơ là giả hình, tình yêu thương của chúng ta có nguy cơ là giả hình. Vì thế chúng ta phải hỏi xem khi nào xảy ra sự giả hình này? Làm sao chúng ta có thể biết chắc là tình yêu của chúng ta chân thành, lòng bác ái của chúng ta chân thực? Là không giả bộ sống bác ái, hay tình yêu thương của chúng ta không phải là một phim tiểu thuyết: tình yêu chân thành, mạnh mẽ…

** Giả hình có thể len lỏi vào khắp nơi, cả trong kiểu yêu thương của chúng ta nữa; có biết bao tình yêu thương vụ lợi… Điều này xảy ra, khi tình yêu của chúng ta là một tình yêu vụ lợi, do các lợi lộc cá nhân thúc đẩy; khi các phục vụ bác ái, trong đó xem ra chúng ta quảng đại thi hành, được làm để chúng ta nổi bật lên hay được thoả mãn; “Tôi thật giỏi biết bao!” “Không, điều này là giả hình đó!”;  hay khi chúng nhắm các điều dễ nhận ra để phô trương trí thông minh hay các khả năng của chúng ta. Đàng sau tất cả những điều đó có một ý tưởng sai lầm, đánh lừa, có nghĩa là nếu chúng ta yêu thương, là bởi vì chúng ta tốt lành; làm như thể lòng bác ái là một sáng chế của con người, một sản phẩm của con tim chúng ta. Trái lại, lòng bác ái trước hết là một ơn thánh, một món qua; có thể yêu thương là một ơn của Thiên Chúa, và chúng ta phải xin ơn ấy. Và Ngài sẵn sàng ban nó cho chúng ta, nếu chúng ta xin. Tình bác ái là một ơn: nó không hệ tại chỗ làm sáng tỏ điều chúng ta là, nhưng là điều Chúa ban cho chúng ta và chúng ta tự do chấp nhận; và ta không thể diễn tả trong cuộc gặp gỡ với người khác, nếu trước tiên nó không nảy sinh từ cuộc gặp gỡ với gương mặt hiền dịu và thương xót của Chúa Giêsu.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói:

Thánh Phaolô mời gọi chúng ta thừa nhận mình là kẻ có tội, và cả kiểu yêu thương của chúng ta cũng bị in dấu bởi tội lỗi. Tuy nhiên, đồng thời ta cũng là người đem tới một lời loan báo mới, một lời loan báo mới của niềm hy vọng. Chúa mở ra trước chúng ta một con đường của sự giải thoát, một con đường của ơn cứu độ. Đó là cả chúng ta cũng có khả năng sống giới răn yêu thương lớn, và trở thành dụng cụ lòng bác ái của Thiên Chúa. Và điều này xảy ra, khi chúng ta để cho mình được Chúa Kitô phục sinh chữa lành và canh tân. Chúa phục sinh sống trong chúng ta, sống với chúng ta và có khả năng chữa lành con tim chúng ta; Ngài làm điều đó, nếu chúng ta xin Ngài. Chính Ngài cho phép chúng ta, dù bé nhỏ và nghèo nàn, được sống kinh nghiệm sự cảm thương của Thiên Chúa Cha và cử hành các việc kỳ diệu tình yêu thương của Ngài. Và khi đó chúng ta hiểu rằng tất cả những vì mình có thể sống và làm cho các anh em không là gì khác hơn là đáp trả  những gì Thiên Chúa đã và tiếp tục làm cho chúng ta.

** Còn hơn thế nữa chính Thiên Chúa, khi ngự trong con tim và trong cuộc sống chúng ta, tiếp tục gần gũi và phục vụ tất cả những người chúng ta gặp gỡ mỗi ngày trên đường đời, và bắt đầu từ những người rốt hết, từ những người cần được trợ giúp nhất và nơi họ Người được nhận diện ra trước tiên.

Như thế với các lời này Tông đồ Phaolô không muốn phiền trách chúng ta, nhưng đúng hơn là khích lệ chúng  ta và tái khơi lên trong chúng ta niềm hy vọng. Chúng ta tất cả đều đã sống kinh nghiệm đã không sống giới răn yêu thương tràn đầy như chúng ta muốn. Nhưng đây cũng lại là một ơn, bởi vì nó làm cho chúng ta hiểu rằng tự mình chúng ta không  có khả năng yêu thương thực sự: chúng ta cần Chúa liên lỉ canh tân ơn ấy trong con tim chúng ta, qua kinh nghiệm lòng thương xót vô biên của Ngài. Và khi đó chúng ta sẽ lại biết đánh giá các điều bé nhỏ, đơn sơ, tầm thường; chúng ta sẽ trở lại quý chuộng các điều nhỏ nhặt của mọi ngày và chúng ta sẽ có khả năng yêu thương người khác như Thiên Chúa yêu thương họ, bằng cách muốn thiện ích cho họ, nghĩa là muốn cho họ được thánh thiện, là bạn hũu của Thiên Chúa; và chúng ta sẽ hài lòng vì khả năng sống gần gũi ai nghèo khó, khiêm tốn, như Chúa Giêsu làm với từng người trong chúng ta khi chúng ta sống xa Ngài, cúi mình xuống chân các anh chị em khác như Ngài, là Người Samartino nhân hậu, làm với từng nguời trong chúng ta, với lòng cảm thương và sự tha thứ của Ngài.

Anh chị em thân mến, điều mà thánh Phaolô nhắc nhớ chúng ta đây – tôi xin dùng từ của ngài – là bí quyết để “tươi vui trong hy vọng” (Rm 12,12): tươi vui trong hy vọng. Sự tươi vui của niềm hy vọng, bởi vì chúng ta biết rằng trong mọi hoàn cảnh, cả trong hoàn cảnh đối nghịch nhất và cả qua chính các thất bại của chúng ta, tình yêu của Thiên Chúa không thuyên giảm. Và khi đó với con tim được viếng thăm bởi ơn thánh và lòng trung thành của Chúa chúng ta sống trong niềm hy vọng tươi vui trao đổi với các anh em khác, với sự ít ỏi chúng ta có, cái biết bao mà chíng ta nhận được từ Chúa mỗi ngày.

** ĐTC đã chào các đoàn hành hương nói tiếng Pháp, trong đó có Hiệp hội các lộ trình của nhân bản, do ĐC Jean Luc Brunin, GM Le Havre hướng dẫn. Ngài cầu chúc mọi người tràn đầy hy vọng trong lộ trình Mùa Chay. Vì tình yêu của Thiên Chúa lớn hơn các thất bại của chúng ta và cho chúng ta dịp canh tân con tim để phục vụ Chúa và phục vụ tha nhân. Chào các nhóm đến từ Anh quốc, Thuỵ Điển, Canada và Hoa Kỳ, ngài cầu chúc Mùa Chay là thời gian ơn thánh giúp họ và gia đình họ canh tân tinh thần.

Trong số các nhóm nói tiếng Đức ĐTC đặc biệt chào Hiệp hội thánh Cecilia của giáo phận Rottenburg Stuttgart do ĐC Johannes Kreider hướng dẫn. Ngài cầu chúc họ tràn đầy niềm vui hy vọng của Chúa và trao ban nó cho tha nhân.

Trong số các nhóm nói tiếng Bồ Đào Nha ĐTC chào tín hữu tỉnh Amadora và các thành viên hiệp hội thánh Antôn do ông thị trưởng hướng dẫn. Ngài xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn họ trong

mọi quyết định trong cuộc sống và trung thành với thánh ý Chúa. Chào các tín hữu Ba Lan ĐTC nói Mùa Chay là thời gian rộng mở con tim cho ơn thánh lòng thương xót Chúa, sống kinh nghiệm tình yêu của Ngài và đi đến với tha nhân để trợ giúp họ.

Trong số các nhóm nói tiếng Ý ĐTC chào các tham dự viên đại hội do phong trào Tổ Ấm tổ chức nhân kỷ niệm 50 thành lập phong trào. Ngài khích lệ họ tiến bước trên con đường làm chứng cho vẻ đẹp của các gia đình mới,  được hoà bình và tình yêu của Chúa Kitô hướng dẫn. Ngài cũng chào đoàn hành hương tổng giáo phận Napoli do ĐHY Crescencio Sepe hướng dẫn, các thành viên hiệp hội văn hoá kitô Italia Ucraina, giàn nhạc trẻ Laurena di Borrello, ca đoàn Liên hiệp nghệ sĩ công giáo Benevento.

ĐTC đã đặc biệt chào các nhân viên Sky Italia và cầu chúc họ mau chóng tìm ra giải pháp cho công việc làm. Vì công việc làm trao ban phẩm giá cho con người, và các giới hữu trách các dân tộc và chính quyền có nhiệm vụ làm mọi sự có thể để mỗi người có công ăn việc làm xứng đáng để họ có thể ngẩng cao đầu nhìn tha nhân với phẩm giá. Ai vì các thương thuyết không trong sáng, đóng các hãng xưởng và doanh nghiệp khiến cho mất công ăn việc làm là phạm một tội trọng.

Chào các bạn trẻ người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc nhở rằng Mùa Chay giúp chúng ta tới gần Thiên Chúa. Hãy ăn chay không phải nhịn đói, nhưng là nhịn các thói quen xấu, để chế ngự chính mình nhiều hơn. Ngài chúc các bệnh nhân dùng lời cầu nguyện như phương thế cảm thấy sự gần gũi của Thiên Chúa trong những khổ đau. ĐTC nhắn nhủ các đôi tân hôn thực thi các công tác bác ái để sống tình yêu hôn nhân như Chúa muốn.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành Toà Thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh  Tiến Khải

Bài suy niệm thứ 3: tìm lại hiệp nhất xung quanh Bữa tiệc ly của Chúa Giêsu

Bài suy niệm thứ 3: tìm lại hiệp nhất xung quanh Bữa tiệc ly của Chúa Giêsu

Đề tài của bài suy niệm thứ 3 trong tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha là “Bánh và thân thể, rượu và máu”

Cha Michelini chú giải đoạn Tin mừng về Bữa tiệc ly (Mt 26,20-35).

Ăn cùng nhau

Bài suy niệm khởi đi từ một yếu tố đặc trưng cho chiều kích nhân loại của việc cùng ăn. Chúa Giêsu ngồi vào bàn cùng với 12 tông đồ. Ngồi cùng bàn muốn nói đến cảm nghiệm nét đẹp của ở cùng với nhau và nhận cùng thứ được chuẩn bị cho một hành động yêu thương. Theo thánh sử Gioan Tông đồ, chính Chúa Giêsu Phục sinh cũng đã chuẩn bị thức ăn cho các môn đệ của Ngài, bên bờ hồ Galilê (x. Ga 21,9).

Ăn uống: sự yếu đuối và tội lỗi của con người

Thức ăn và ăn uống cũng đưa ra ánh sáng tội lỗi của con người cũng như tính ích kỷ và sự yếu đuối của con người. Chúng ta nhớ đên biểu tượng Thánh kinh của sự bất tuân đầu tiên xảy đến do thức ăn (St 3,1) và tội ác đầu tiên, giết một người anh em, xảy đến do lòng ghen tức của Cain đối với lễ vật của Aben (St 4,4). Chúng ta cũng không quên sự chia rẽ giữa các anh em, Giacóp và Esau là bởi cơn đói (st 25,34). Chúng ta còn có thể đi xa hơn nữa, cho đến khi đọc thông điệp Laudato si’ nói về sự ích kỷ đối với lương thực.

Trong thực tế, ăn uống là dấu hiệu đầu tiên của sự yếu ớt mong manh thật sự về mặt nhân chủng học: một nhu cầu con người và yếu kém. Ăn uống trước hết là nhận sự sống bên ngoài mình, nghĩa là nhận biết mình không độc lập. Nói khác đi, nhận ra giới hạn của mình. Ăn cùng với người khác là thú nhận với người khác giới hạn này của thụ tạo. Bởi lý do này, các thiên thần trong Thánh kinh không ăn uống.”

Bữa Tiệc ly: Chúa Giêsu trao ban tất cả

Trong bữa tiệc ly của Chúa Giêsu nổi bật yếu tố này: Giuđa trao nộp Chúa. Nhưng Chúa Giêsu, trong đêm bị phản bội, đã không thu hồi món quà của Ngài, đã ban tất cả những gì Ngài có thể trao: thân mình Ngài và máu Ngài (1Cor 11).

Ngôi Lời, Chúa Con, đã dâng hiến ngôi vị thần linh của mình, dù là Thiên Chúa nhưng Ngài đã không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa (Phil 2,6). Giờ đây Ngài trao ban chính bản tính nhân loại, là thân xác ngài, bởi vì trong thân xác này mà Ngôi Lời đã làm người. Bằng cách thức này, Chúa Giêsu trao ban tất cả chính mình, không giữ lại điều gì.

Ơn tha tội

Bài học của thánh Mátthêu về bữa Tiệc ly nêu bật một điểm mà chúng ta chỉ tìm thấy ở đây, máu đổ ra từ thập giá để tha tội lỗi. Cuối cùng, ai đọc Tin mừng này, tìm ra ý nghĩa của tến Giêsu và có thể biết cách thức tha tội, cách thức mà Con Thiên Chúa và cùng với Ngài, Chúa Cha và Chúa Thánh Thần cùng thực hiện để trao ban sự sống. Như Thánh vịnh 49,8 nói, con người không thể tự đền hay trả giá cho mình xứng hợp, chỉ Thiên Chúa chuộc đền con người khỏi chính họ và khỏi sự dữ.

3 vấn đề suy tư

Cha Michelini đưa ra 3 câu hỏi suy tư: thứ nhất, nói về tương quan chúng ta với thức ăn. Xét mình với quy luật thứ 7 của thánh Inhaxio: Cần tránh để tâm hồn chú ý đến thứ mình ăn và tránh ăn vội vã vì ngon miệng, trái lại cần làm chủ mình, trong cách ăn cũng như trong số lượng.”

Thứ hai: các Kitô hữu chúng ta làm sao có thể phải tìm ra sự hiệp nhất xung quanh bàn ăn, thực hiện cùng cách thức chia sẻ của chúng ta sự chia sẻ linh độn của cộng đoàn Corintô.

Cuối cùng là vấn nạn về ơn tha tội. Chúng ta có thật sự ý thức rằng Chúa Giêsu đã đổ máu Ngài ra, với chính sự sống và không chỉ với lời nói, đã nói và đã trao ban sự tha thứ của Thiên Chúa. (RV 07/03/2017)

Hồng Thủy

Ơn gọi giảm sút nhiều tại Âu Mỹ

Ơn gọi giảm sút nhiều tại Âu Mỹ

Ơn gọi giảm sút nhiều tại Âu Mỹ

ROMA. Sau nhiều năm liên tục gia tăng và đạt tới cao điểm hồi năm 2011, ơn gọi LM tại Âu Mỹ đang giảm sút.

Theo Niên giám thống kê của Tòa Thánh, trình bày tình trạng gần đây nhất là năm 2013, số ơn gọi LM tăng 1.5% tại Phi châu, nhưng giảm 3.6% tại Âu Châu nói chung. Riêng tại Anh quốc, sự giảm sút này là 11.5%, tại Ba Lan giảm 10.1%, tại Đức giảm 7.4%, tại Tây Ban Nha giảm 1.8%, ngoại trừ Italia tăng 0.3%.

ĐHY João Braz de Aviz, Tổng trưởng Bộ các dòng tu, nói rằng: ”Ơn gọi ngày nay tăng rất mạnh tại Á Châu, tăng liên tục tại Phi châu, được phục hồi tại Mỹ châu la tinh, nhưng đang gặp khó khăn nhiều tại Bắc Mỹ, bị khủng hoảng tại Âu Châu và Australia”.

Trong bài nói chuyện với 5 ngàn tu sĩ nam nữ hôm 1-2 vừa qua, ĐTC nói: ”Tôi thú thật với anh chị em tôi rất đau lòng khi thấy ơn gọi giảm sút. Khi tôi gặp các Giám Mục, tôi hỏi các vị: Đức Cha có bao nhiêu chủng sinh? – thưa 4, 5 thầy..”. Khi anh chị em, trong các cộng đoàn dòng tu của mình – nam hoặc nữ – anh chị em có một, hai tập sinh.. và cộng đoàn ngày càng già nua.. Và có những đan viện to lớn, như ở Tây Ban Nha, chỉ còn lại 4, 5 nữ tu già, tiếp tục cho đến chết.. Tình trạng này khiến tôi bị cám dỗ đi ngược với đức trông cậy và thưa với Chúa: ”Lạy Chúa, làm sao vậy? Tại sao cung lòng của đời sống thánh hiến trở nên son sẻ như vậy?”

Trong bối cảnh trên đây, ĐTC cảnh giác các dòng đừng nhận ơn gọi ”bừa bãi”, cần chống lại cám dỗ đánh mất niềm hy vọng, và hãy cầu nguyện không biết mệt mỏi như bà Anna mẹ ngôn sứ Samuel. Ngoài ra cần chống lại cám dỗ bám víu vào tiền bạc. Ngài nói: ”Anh chị em biết tiền bạc là phân của ma quỉ. Có những tu sĩ khi thấy không thể có ơn gọi và có thêm con cái trong dòng, họ nghĩ rằng tiền bạc sẽ cứu vãn sự sống, và họ nghĩ đến tuổi già, làm sao để không thiếu cái này cái kia! Nhưng như thế là không có hy vọng! Chỉ có hy vọng nơi Chúa mà thôi! Tiền bạc không bao giờ mang lại cho ta hy vọng. Trái lại nó quăng ta xuống! Anh chị em có hiểu không” (SD, ADN 1-2-2016)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Ngày toàn xá Porziuncola tại Assisi

Ngày toàn xá Porziuncola tại Assisi

Phỏng vấn cha Michael Perry, Bề trên tổng quyền dòng Anh em Phanxicô hèn mọn

Sáng ngày mùng 1-8-2014 các lễ nghi cử hành ”Ngày toàn xá Porziuncola” đã được các tu sĩ dòng Phan Sinh Hèn Mọn bắt đầu tại Assisi. Năm nay lời cầu nguyện được dành để xin ơn hòa bình cho các dân tộc sống tại Thánh Địa.

Như đã biết, chiến tranh giữa người Israel và lực lượng Hamas Palestine tại Gaza đã kéo dài từ một tháng qua trong vùng Gaza, nơi có 2 triệu người Palestine sinh sống. Các cuộc dội bom, oanh kích và pháo kích từ phía Israel đã khiến cho hơn 1,500 người chết, hàng chục ngàn người bị thương và mấy trăm ngàn người phải di cư lánh nạn. Đa số các nạn nhân là phụ nữ và trẻ em Palestine.

Từ trưa ngày mùng 1 cho tới nửa đêm ngày mùng 2 tháng 8 tín hữu có thể lãnh ơn toàn xá Porziuncola trong tất cả các nhà thờ giáo xứ và nhà thờ do các cha dòng Phanxicô trông coi trên toàn thế giới, sau khi đã xưng tội, tham dự thánh lễ và đọc một Kinh Tin Kính, một Kinh Lậy Cha và một lời cầu theo các ý chỉ của Đức Giáo Hoàng. Ngày mùng 2 tháng 8 đã có hàng ngàn ban trẻ từ khắp nơi trong nước Italia và nhiều nước Âu châu tham dự cuộc tuần hành Phanxicô.

Ơn toàn xá này đã được Đức Giáo Hoàng Onorio III ban cho tất cả mọi tín hữu vào năm 1216, thể theo lời thỉnh cầu của thánh Phanxicô thành Assisi. ”Giấy ban phép của Teobaldo”, cũng có khi gọi là ”Luật teobaldino” là tài liệu lich sử chính liên quan tới việc ban phép đại xá này, đã do tu sĩ và Giám Mục giáo phận Assisi là Teobaldo soạn và ban hành từ Tòa Giám Mục Assisi ngày mùng 10 tháng 8 năm 1310.

Chuyện truyền thống kể rằng vào môt đêm tháng 7 năm 1216, trong khi thánh Phanxicô đang cầu nguyện trong nhà thờ Porziuncola, là nhà thờ nơi thánh nhân đã thành lập dòng Phanxicô và viết Hiến pháp, thì có một thị kiến. Thánh nhân trông thấy Chúa Giêsu và Đức Mẹ có một đoàn ngũ các thiên thần vây quanh. Các ngài hỏi thánh nhân muốn xin gì, vì thấy thánh nhân đã cầu nguyện biết bao cho các kẻ tội lỗi như thế. Thánh Phanxicô trả lời là muốn xin ơn tha hết mọi tội cho những người đã xưng tội, thống hối, viếng thăm nhà thờ. Do lời bầu cử của Đức Mẹ lời xin được chấp nhận, với điều kiện là thánh Phanxicô xin Đức Giáo Hoàng, như là Đấng đại diện của Chúa Kitô dưới thế, để xin ngài thành lập ơn toàn xá ấy.

Sáng hôm sau thánh Phanxicô cùng với thầy Masseo thành Marignano đến Perugia để gặp Đức Giáo Hoàng Onorio III, được bầu làm Giáo Hoàng trong những ngày đó bởi một Mật Nghị Hồng Y quy tụ 19 Hồng Y tại Perugia, nơi vị tiền nhiệm là Đức Giáo Hoàng Innocenzo III đã qua đời. Thánh Phanxicô và thầy Masseo được Đức Giáo Hoàng Onorio III tiếp kiến. Thánh nhân xin Đức Giáo Hoàng ban một ơn toàn xá, mà không bắt phải trả tiền hay làm một

cuộc hành hương thống hối như thói quen thời đó đòi hỏi. Các lý lẽ thánh nhân nêu ra đã thắng các nghi ngờ và sự bối rối của Đức Giáo Hoàng và các Hồng Y. Nhưng ơn toán xá chỉ được hạn chế vào một ngày trong năm là ngày mùng 2 tháng 8, ”tha hết mọi tội và hình phạt trên trời cũng như dưới đất cho tín hữu từ ngày rửa tội cho cho đến ngày bước vào trong nhà thờ này”. Ban đầu ơn toàn xá chỉ được dành cho nhà thờ Porziuncola, nhưng sau đó được trải dài ra trong tất cả mọi nhà thờ do các tu sĩ Phanxicô trông coi, rồi tiếp đến trải rộng ra trong tất cả mọi nhà thờ giáo xứ trên toà thế giới. Nhưng Assisi và Vương cung thánh đường Thánh Maria bên trong có nhà thờ Porziuncola, là đích điểm hành hương của tín hữu từ khắp nước Italia và các nước khác, tuốn về đây để lãnh ơn toàn xá ngày mùng 2 tháng 8 là lễ đã được cử hành long trọng trong hơn 8 thế kỷ qua.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của cha Michael Perry, Bề trên Tổng quyền dòng Anh em Phanxicô Hèn Mọn.

Hỏi: Thưa cha, đâu là ý nghĩa của ngày Toàn Xá, mà dòng Anh em Phanxicô Hèn Mọn cử hành hành hằng năm vào đầu tháng 8?

Đáp: Đây là ngày lễ cử hành tình yêu vô hạn và lòng thương xót của Thiên Chúa, một vì Thiên Chúa không ngừng mời gọi chúng ta sống hiệp thông với Người, hiệp thông với nhau và với toàn Thụ Tạo. Thật là quan trọng nhớ lại điều thánh Phaolô đã nói với chúng ta trong thư thứ II gửi tín hữu Côrintô: chúng ta đã được rửa tội trong Chúa Kitô và điều này có nghĩa là trở thành một thụ tạo mới. Và như là thụ tạo mới, kitô hữu chúng ta được mời gọi là môn đệ và là những người ”cùng được sai đi truyền giáo”. Như Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi trở thành các thừa tác viên của sự hòa giải, của lòng thương xót và của hòa bình của Chúa Kitô đối với toàn thế giới. Tôi tin rằng thánh Phanxicô, trong cuộc sống của ngài, cũng đã sống biết bao nhiêu kinh nghiệm bất hòa cả giữa các tu sĩ hèn mọn, trong Giáo Hội hay trong thế giới. Vì thế thánh Phanxicô muốn cử hành và nhớ lại điều nòng cốt của cuộc sống chúng ta trong Chúa Kitô, trong Giáo Hội và trong thế giới, trong thời của thánh nhân cũng như ngày nay.

Hỏi: Đức Thánh Cha không mệt mỏi nói với thế giới về lòng thương xót của Thiên Chúa, đồng thanh với câu “Tôi muốn gửi tất cả anh chị em lên Thiên Đàng”, mà thánh Phanxicô đã nói và dựa trên lễ trọng của ơn Toàn Xá này…

Đáp: Tôi tin rằng ngày lễ này cũng trao ban cho chúng ta ý thức về tương lai: chúng ta bị hạn hẹp trong thế giới này, chúng ta có một cái nhìn bị hạn hẹp nơi các kinh nghiệm của thế giới ngày nay đầy đau khổ và bạo lực, nhưng chúng ta có một ơn gọi rất rộng lớn, được gắn liến với chương trình mà Thiên Chúa có đối với chúng ta, đối với thế giới, đối với thụ tạo… Một tương lai hy vọng chờ đón chúng ta, chứ không phải một tương lai tuyệt vọng, một tương lai của sự tươi vui chứ không phải của bần cùng khốn khổ.

Hỏi: Khi nghĩ tới biết bao mặt trận chiến tranh mở ra ngày nay, sự tha thứ đến để nói lên cái gì, thưa cha?

Đáp: Ơn toàn xá Assisi có thể nói với chúng ta về tình hình trên toàn thế giới, trong các vùng có chiến tranh như Siria, Libia, Nam Sudan, Ucraina, Thánh Địa, Cộng hòa dân chủ Congo, nhưng cũng như bên Hoa Kỳ, bên Mêhicô và trên toàn thế giới. Lễ này nói với chúng ta, mời gọi chúng ta, và đề nghị chúng ta suy tư và tái suy tư về chương trình của Thiên Chúa đối với hiện tại và tương lai.

Hỏi: Ơn tha thứ là một thực tại thời sự trong một xã hội đã đánh mất đi ý thức về tội lỗi, và có lẽ bị đè nén bởi một ý thức về tội, và vì thế hướng chiều hơn về sự tuyệt vọng; một sự tuyệt vọng không dính dáng gì tới sứ điệp tin mừng. Xã hội này có cảm thấy cần sự tha thứ hay không?

Đáp: Các người trẻ tham dự cuộc tuần hành Phanxicô đến từ Italia, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Slovac, Thụy Sĩ, Croazia, và các nước khác của Âu châu, tất cả họ đều đang kiếm tìm cái an ninh nơi sự hiện diện của Thiên Chúa, bởi vì có một nỗi âu lo lớn giữa giới trẻ ngày nay. Tôi tin rằng Ơn Toàn Xá Assisi có thể đánh động và bước vào trong khoảng trống này nơi giới trẻ, và làm đầy nó với lòng thương xót, niềm vui, sự hiện diện và sự chắc chắn rằng Thiên Chúa luôn luôn hiện diện trong đời sống chúng ta.

Hỏi: Thất là quan trọng tái khám phá ra mình là người có tội, mà không sợ hãi rộng mở cho vòng tay thương xót của Thiên Chúa, có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Chắc chắn rồi. Thánh Phanxicô đã bắt đầu như thế khi nói: ”Tôi là kẻ tội lỗi nhất giữa tất cả mọi người”. Thừa nhận điều này giúp chúng ta rộng mở cho Thiên Chúa, nếu không chúng ta cứ đóng kín trong thế giới bé nhỏ của mình, trong các não trạng bé nhỏ của chúng ta và trong các tội lỗi của chúng ta.

Hỏi: Cha có lời cầu chúc nào cho dịp lễ Toàn Xá của Assisi này không?

Đáp: Lời cầu chúc của tôi là xin Chúa làm cho chúng ta trở thành dụng cụ hòa bình của Ngài. Ở đâu có oán thù xin cho chúng con đem vào đó tình yêu, sự tha thứ. Ước chi chúng ta đem sự hiệp nhất, đức tin, đức cậy, niềm vui và ánh sáng đến cho mỗi người, đến cho thế giới và cả thụ tạo ngày nay nữa.

(RG 1-8-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio