Sứ điệp Tòa Thánh nhân Ngày Thế giới về du lịch

Sứ điệp Tòa Thánh nhân Ngày Thế giới về du lịch

VATICAN. Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân và người lưu động kêu gọi tận dụng rất nhiều cơ hội do ngành du lịch mang lại để thăng tiến cuộc sống con người.

Trên đây là nội dung sứ điệp do Hội đồng công bố ngày 2-7-2015, nhân Ngày Thế giới về du lịch sẽ được cử hành vào ngày 27-9 tới đây với chủ đề ”Một tỷ du khách, một tỷ cơ hội”.

Trong sứ điệp, ĐHY Chủ tịch Antonio Maria Vegliò, và vị Tổng thư ký là Đức Cha Joseph Kalathiparampil người Ấn độ, liệt kê bao nhiêu cơ hội mà ngành du lịch mang lại cho cuộc sống con người và nhận xét rằng: hồi năm 2012, đã có một tỷ du khách quốc tế và con số này tiếp tục gia tăng, dự kiến vào năm 2030 tới đây, sẽ lên tới 2 tỷ người, đó là không kể số du khách trong ngành du lịch ở địa phương.

Ngày thế giới về du lịch là dịp để chúng ta quan tâm đến những cơ hội và thách đố do các con số thống kê ấy gợi lên. Những thách đố ấy có liên hệ đến các du khích, các xí nghiệp, chính quyền, các cộng đồng địa phương và cả Giáo Hội nữa.

Trong số những cơ may mà sự gia tăng ngành du lịch mang lại, Sứ điệp của Hội đồng Tòa Thánh nói đến cơ may cho sự tiến bộ, nhất là đối với các nước đang trên đường phát triển. Gia tăng du lích, đặc biệt là với những hình thức trách nhiệm nhất, sẽ giúp tiến về tương lai, vững mạnh về đặc tích, lịch sử và văn hóa của mình. Sự gia tăng lợi tức và thang tiến gia sản đặc thù giúp thức tỉnh niềm hãnh diện và tự tín củng cố phẩm giá của cộng đoàn tiếp đón..

Đối với Giáo Hội, ngành du lịch gia tăng cũng có nghĩa là gia tăng những cơ hội cho sứ mạng truyền giảng Tin Mừng, và là dịp để giáo dục các tín hữu về cách sống thời gian rảnh rỗi.

Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân nhấn mạnh rằng ”Giáo Hội và các tổ chức phải luôn cảnh giác để tránh cho một tỷ cơ hội trở thành một tỷ những rủi ro nguy hiểm, bằng cách cộng tác trong việc bảo tồn phẩm giá con người, các quyền của người lao động, căn tính văn hóa, tôn trọng môi trường.. Giữa ngành du lịch và môi trường có một sự lệ thuộc sâu xa với nhau. Lãnh vực du lịch tận dụng những phong phú thiên nhiên và văn hóa, có thể tăng tiến sự bảo trì, hoặc trái lại có thể gây ra sự phá hủy. Trong tương quan ấy, Thông điệp Laudato sì của ĐTC Phanxicô là một người đồng hành tốt” (SD 2-7-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Tòa Thánh lo âu về tình hình Hy Lạp

Tòa Thánh lo âu về tình hình Hy Lạp

VATICAN. Tòa Thánh lo âu về tình hình Hy Lạp và ĐTC bày tỏ sự gần gũi với nhân dân nước này.

Hôm 1-7-2015, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cha Lombardi, ra thông cáo nói rằng: ”Những tin tức đến từ Hy Lạp gây lo âu về tình trạng kinh tế và xã hội của nước này. ĐTC muốn bày tỏ sự gần gũi của ngài với toàn dân Hy Lạp, ngài đặc biệt nghĩ đến bao nhiêu gia đình bị thử thách nặng về vì cuộc khủng hoảng về nhân sự và xã hội, rất phức tạp và khó khăn.”

“Phẩm giá con người phải được đặt ở vị trí trung tâm của mọi cuộc thảo luận về chính trị và kỹ thuật chuyên môn, cũng như trong việc quyết định những chọn lựa trách nhiệm.”

”ĐTC Phanxicô mời gọi tất cả các tín hữu hiệp với ngài cầu nguyện cho thiện ích của nhân dân Hy Lạp quí mến”.

 Hy Lạp đang ở bên bờ vực thẳm vì phá sản, không còn khả năng trả các món nợ 1 tỷ 500 triệu Euro đã vay mượn của quốc tế và 12 giờ đêm ngày 1-7 là hạn chót phải trả cho Quỹ tiền tệ quốc tế. Sự trợ giúp của Liên hiệp Âu châu dành cho Hy lạp cũng kết thúc, khiến cho nước này không còn được 16 tỷ Euro viện trợ.

Chính phủ Hy Lạp tuyên bố tổ chức cuộc trưng cầu dân ý vào chúa nhật 5-7 tới đây về việc có chấp nhận kế hoạch do các chủ nợ đề nghị hay không. (SD 1-7-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Cuba và Hoa Kỳ

Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Cuba và Hoa Kỳ

Love our mission Pope visit Cuba and America

VATICAN. ĐTC Phanxicô sẽ dành 9 ngày trọn để viếng thăm Cuba và Hoa kỳ vào hạ tuần tháng 9 tới đây.

– Theo chương trình do Phòng báo chí Tòa Thánh công bố hôm 30-6-2015, ĐTC sẽ rời Roma lúc 10 giờ 15 phút sáng thứ bẩy, 19-9, và đến phi trường thủ đô La Habana của Cuba vào lúc 4 giờ chiều cùng ngày.

Sáng chúa nhật hôm sau, 20-9, ngài sẽ cử hành thánh lễ tại Quảng trường Cách Mạng ở thủ đô Cuba. Ban chiều lúc 4 giờ ngài sẽ đến viếng thăm Chủ tịch Hội đồng Nhà Nước cùng với Hội đồng Bộ trưởng tại Dinh Cách Mạng.

Ban chiều cùng ngày lúc 5 giờ 15, ngài sẽ hát kinh chiều với các LM, tu sĩ nam nữ và chủng sinh tại Nhà Thờ Chính tòa La Habana. 1 giờ 15 phút sau đó, ngài sẽ gặp gỡ và chào thăm giới trẻ tại Trung tâm Văn hóa LM Felix Varela.

Sáng thứ hai, 21-9, ĐTC sẽ đến thăm giáo phận Holguín ở mạn đông Cuba cách thủ đô La Habana hơn 1 giờ bay. Tại đây vào lúc 10 giờ rưỡi ngài sẽ cử hành thánh lễ ở Quảng trường Cách Mạng. Ban chiều lúc 3 giờ 45, ngài chúc lành cho thành Holguin từ Đồi Thánh Giá (Loma de la Cruz), rồi đáp máy bay đến thành phố Santiago ở mạn cực nam Cuba. Tại đây vào lúc 7 giờ tối ĐTC gặp gỡ các GM Cuba tại đại chủng viện thánh Basil Cả, rồi cùng với các vị cầu nguyện tại Đền thánh Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng, Bổn mạng của Cuba.

Sáng thứ ba, 22-9, vào lúc 8 giờ, ĐTC sẽ cử hành thánh lễ tại Vương cung Thánh Đường Đức Mẹ Bác Ái, trước khi gặp gỡ các gia đình tại Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Mông Triệu của tổng giáo phận Santiago, rồi ra phi trường lúc quá 12 giờ trưa để bay sang Hoa Kỳ. Ngài sẽ đến căn cứ không quân Andrews ở thủ đô Washington vào lúc 4 giờ chiều và tại đây sẽ diễn ra nghi thức đón tiếp chính thức.

– Lúc 9 giờ 15 sáng hôm sau, thứ tư 23-9, có nghi thức chào đón tại Tòa Nhà Trắng và ngài hội kiến với tổng thống Mỹ. Sau đó lúc 11 giờ rưỡi, ĐTC sẽ gặp các GM Mỹ tại Nhà thờ chính tòa Washington.

Ban chiều cùng ngày vào lúc 4 giờ 15, ĐTC sẽ chủ sự thánh lễ tai Đền thánh quốc gia Đức Mẹ Vô Nhiễm cũng tại thủ đô để tôn phong chân phước Junipero Serra lên bậc hiển thánh.

Sáng thứ năm 24-9 vào lúc 9 giờ 20, ĐTC sẽ viếng thăm và đọc diễn văn tại Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ, rồi thăm Trung tâm bác ái của giáo xứ thánh Patrick cũng ở Washington vào lúc 11 giờ 15 và gặp gỡ những người không có gia cư.

Lúc 4 giờ chiều cùng ngày 24-9, đTC sẽ đáp máy bay đi New York và đến phi trường Kennedy 1 giờ sau đó. Lúc 6 giờ 45, ĐTC sẽ hát kinh chiều với hàng giáo sĩ, tu sĩ nam nữ tại Nhà thờ chính tòa thánh Patrick của giáo phận New York.

Sáng thứ sáu, 25-9, vào lúc 8 giờ rưỡi, ĐTC sẽ viếng thăm và đọc diễn văn tại Trụ sở LHQ cũng ở New York, rồi dự cuộc gặp gỡ liên tôn lúc 11 giờ rưỡi tại nơi tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố tháp song đôi, gọi là Ground Zero ở New York.

Sau đó lúc 4 giờ chiều, ĐTC sẽ viếng thăm trường ”Đức Mẹ các thiên thần” và gặp các trẻ em, các gia đình di dân ở khu phố nghèo Harlem. Sau đó lúc 6 giờ, ngài sẽ cử hành thánh lễ tại Công viên Madison Square ở New York.

Sáng thứ bẩy 26-9, lúc 8 giờ 40, ĐTC sẽ đáp máy bay đi Philadelphia nơi diễn ra Đại hội kỳ 8 các gia đình Công Giáo thế giới.

Tại nhà thờ chính tòa thánh Phêrô và Phaolô của giáo phận Philadelphia vào lúc 10 giờ rưỡi, ngài sẽ cử hành thánh lễ với các GM, giáo sĩ trước sự tham dự của các tu sĩ nam nữ.

Ban chiều vào lúc 4 giờ 45, ĐTC sẽ có cuộc gặp gỡ về tự do tôn giáo với cộng đoàn người nói tiếng Tây Ban Nha, và những người nhập cư tại Công viên Independence Mall, sau đó ngài chủ sự lễ hội gia đình vào lúc 7 giờ rưỡi tối tại khu vực đại lộ Benjamin Franklin Parkway cũng ở Philadelphia.

Sáng chúa nhật 27-9 là ngày chót trong chuyến viếng thăm 9 ngày, tại Đại chủng viện thánh Carlo Borromeom, ĐTC sẽ gặp gỡ các GM khách đến dự Đại Hội các gia đình, rồi viếng thăm các tù nhân vào lúc 11 giờ tại Trung tâm cải huấn Curran-Fromhold ở Philadelphia.

Sau đó vào ban chiều, lúc 4 giờ, ĐTC sẽ chủ sự thánh lễ bế mạc Đại hội kỳ 8 các gia đình Công Giáo thế giới, cũng tại khu Đại lộ B. Franklin.

Sau cùng lúc 7 giờ chiều, ngài chào thăm và cám ơn ban tổ chức cũng như những người thiện nguyện, rồi đáp máy bay trở về Roma, dự kiến sẽ tới phi trường Ciampino vào lúc 10 giờ sáng thứ hai 28-9. (SD 30-6-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp Hội nghị quốc tế Kitô và Do thái

Đức Thánh Cha tiếp Hội nghị quốc tế Kitô và Do thái

ĐTC tiếp hội nghị công giáo Do Thái

VATICAN. ĐTC Phanxicô cổ võ gia tăng cộng tác giữa các tín hữu Kitô và Do thái trong tinh thần tuyên ngôn Nostra Aetate của Công đồng chung Vatican 2.

 

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 30-6-2015, dành cho hơn 250 tham dự viên Hội nghị quốc tế do Hội đồng quốc tế các tín hữu Kitô và Do thái tổ chức.

 

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nhắc lại sự kiện một cuộc đối thoại huynh đệ đích thực đã được khai triển từ Công đồng chung Vatican 2 sau khi công bố tuyên ngôn ”Nostra Aetate”. Ngài nói: Văn ”kiện này là một sự nhìn nhận chung kết của Công Giáo đối với các căn cội Do thái giáo của Kitô giáo, và là một sự phủ nhận không thể hồi lại chống trào lưu bài Do thái. Khi mừng kỷ niệm 50 năm tuyên ngôn Nostra Aetate cũng ta có thể thấy những thành quả phong phú do cuộc đối thoại giữa Do thái và Công Giáo mang lại”.

 

ĐTC cũng nhắc đến những điểm chung giữa Kitô giáo và Do thái giáo, nhất là sự tuyên xưng cùng một Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ và là chủ tể của lịch sử. Ngài cũng nói đến sự thành lập Hội đồng quốc tế các tín hữu Kitô và Do thái, một tổ chức qui tụ các nhóm đối thoại giữa Kitô và Do thái tại 38 nước trên thế giới, theo tinh thần của 10 luận đề được soạn hồi năm 1047 tại Seelisberg bên Thụy Sĩ. Hồi năm 1974, Ủy ban Tòa Thánh đặc trách quan hệ tôn giáo với Do thái giáo đã được thành lập và qua Ủy ban này Tòa Thánh luôn quan tâm theo dỗi các hoạt động của các tổ chức cũng như các Hội nghị quốc tế đối thoại giữa hai tôn giáo. (SD 30-6-2015)

 

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha tiễn Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 đi hè

Đức Thánh Cha tiễn Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 đi hè

ĐTC Phanxicô tiễn Nguyên Giáo Hoàng Benedict 16 đi nghỉ hè

VATICAN. Lúc 10 giờ sáng 30-6-2015, ĐTC Phanxicô đã đến cựu Đan viện Mẹ Giáo Hội, nay là nhà của Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 ở Nội thành Vatican để chào thăm và cầu chúc Người đi nghỉ hè tốt đẹp tại Castel Gandolfo.

 Hai vị đã nói chuyện với nhau khoảng nửa tiếng đồng hồ và sau đó, Đức Biển Đức 16 đã lên đường đi dinh thự mùa hè ở Castel Gandolfo cách Roma 30 cây số và sẽ lưu lại đây khoảng 2 tuần lễ, cho đến ngày 14-7.

 Thứ bẩy 4-7 tới đây, Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 sẽ được trao tặng 2 văn bằng tiến sĩ danh dự từ Ba Lan.

 Bằng thứ I của Học Viện thánh nhạc và bằng thứ II của Đại học Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 ở thành phố Cracovia bên Ba Lan. ĐHY Stanislaw Dziwisz TGM Cracovia, trong tư cách là Đại chưởng ấn của hai cơ sở giáo dục Công Giáo nói trên, sẽ trao hai Văn bằng tiến sĩ danh dự cho Đức Biển Đức 16 trong buổi lễ tại Castel Gandolfo.

 Từ lâu Đức Biển Đức 16 cho biết ngài không nhận các văn bằng danh dự do các đại học trao tặng, nhưng ngài chấp nhận thi hành luật trừ trong trường hợp này vì mối liên hệ đặc biệt với Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2.

 Thông cáo về tiếp kiến của ĐTC

 Mặt khác, Phủ Giáo Hoàng thông báo: các buổi tiếp kiến chung hằng tuần vào ngày thứ 4 của ĐTC bị ngưng lại trong trọn tháng 7 và sẽ được mở lại vào tháng 8 tới đây tại Đại thính đường Phaolô 6 ở Nội thành Vatican.

 Ngoài ra, ngoại trừ buổi tiếp kiến chiều ngày 3-7-2015 tới dây tại Quảng trường Thánh Phêrô, dành cho Phong trào Canh tân trong Thánh Linh, tất cả các buổi tiếp kiến khác của ĐTC đều bị tạm ngưng trong tháng 7. ĐTC vẫn duy trì buổi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu trưa ngày chúa nhật.

 Thánh lễ riêng ban sáng của ĐTC dành cho các nhóm tín hữu tại nguyện đường Nhà trọ thánh Marta cũng bị ngưng trong tháng 7 và tháng 8. Thánh lễ này chỉ được mở lại vào tháng 9 (SD 30-6-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha làm phép Pallium cho 46 Tổng Giám Mục chính tòa

Đức Thánh Cha làm phép Pallium cho 46 Tổng Giám Mục chính tòa

ĐTC trong buổi lễ phát dây Pallium cho 46 giám mục chính tòa

VATICAN. Sáng ngày 29-6-2015, lễ thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, ĐTC đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô để làm phép dây Pallium cho 46 vị TGM chính tòa được bổ nhiệm trong 12 tháng qua.

Giây Pallium màu trắng, có 6 hình thánh giá màu đen, vị TGM đứng đầu giáo tỉnh đeo ở cổ khi hành lễ, biểu hiệu tình hiệp thông với ĐTC, và phẩm giá của vị TGM chính tòa. Dây làm bằng lông chiên tượng trưng vị mục tử vác chiên lên vai.

Như thông báo ngày 12-1 năm 2015 của Đức Ông Guido Marini, trưởng ban nghi lễ phụng vụ của ĐTC, từ nay ngài không choàng dây này cho vị TGM trong thánh lễ, nhưng lễ trao giây Pallium sẽ được cử hành tại giáo phận địa phương do vị đại diện Tòa Thánh chủ sự, và với sự tham dự của các GM trong giáo tỉnh và các tín hữu.

Trong số 46 vị TGM chính tòa thuộc 34 quốc gia nhận dây Pallium có 6 vị từ Á châu, trong số này có 2 vị người Ấn độ, và 4 vị còn lại đến từ Nhật bản, Indonesia, Malaysia và Philippines. Từ Hoa Kỳ có hai vị TGM giáo phận Chicago và Sante Fe bang New Mexico.

 Đầu thánh lễ, 4 thầy Phó tế mang các dây Pallium từ mộ thánh Phêrô lên bàn thờ, rồi ĐHY trưởng đẳng Phó tế Renato Martino xướng danh 46 vị TGM chính tòa, trước khi các vị cùng tuyên xưng đức tin. Rồi ĐTC đọc lời nguyện làm phép các dây Pallium.

Trong số 9 ngàn người hiện diện trong thánh lễ sáng 29-6-2015, đặc biệt có phái đoàn 3 vị thuộc Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople ở vị trí danh dự trước bàn thờ chính do Đức TGM Ioannis Zizioulas Adamakis làm trưởng đoàn.

Đồng tế với ĐTC, ngoài 46 vị TGM Chính tòa, còn có 40 HY, 50 GM và 400 Linh mục. Phần thánh ca, ngoài Ca đoàn Sistina của Tòa Thánh và Ca đoàn ”Mẹ Giáo Hội” còn có ca đoàn Tân Đại Học Oxford của Anh giáo gồm 30 ca viên đảm trách.

 Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng thánh lễ, sau khi diễn giải các bài đọc của ngày lễ và rút ra những bài học về lòng can đảm của các Tông đồ và cộng đồng Kitô tiên khởi đương đầu với những bách hại, sự chuyên chăm cầu nguyện, xác tín về sự gần gũi và nâng đỡ của Chúa trước những nghịch cảnh khó khăn, dấn thân làm chứng tá cho đến độ sẵn sàng đổ máu, ĐTC nhắc nhở các vị TGM chính tòa về ý nghĩa dây Pallium mà các vị lãnh nhận: đó là hình ảnh con chiên mà vị mục tử vác trên vai như Chúa Kitô, vị Mục Tử nhân lành đã làm, đó là biểu hiệu sự hiệp thông giữa Tòa Thánh Phêrô, và người Kế Nhiệm với các vị TGM chính tòa, và qua các vị với các GM khác trên thế giới. Và ĐTC nói rằng:

”Ngày hôm nay, với dây Pallium, tôi muốn ủy thác cho anh em lời kêu gọi cầu nguyện, tin tưởng và làm chứng tá”:

– ”Giáo Hội muốn anh em là những người cầu nguyện, thầy dậy về sự cầu nguyện; dạy cho dân được Chúa ủy thác cho anh em rằng sự giải thoát khỏi mọi tù ngục chỉ là công trình của Thiên Chúa và là kết quả của việc cầu nguyện, Thiên Chúa trong lúc thuận tiện gửi sứ thần của Ngài đến cứu chúng ta khỏi bao nhiêu sự nô lệ và vô số những xiềng xích trần tục. Cả anh em cũng hãy trở thành những thiên thần và sứ giả bác ái đối với những người túng quẫn nhất”.

– Giáo Hội muốn anh em là những con người của đức tin, thầy dậy đức tin: dạy cho các tín hữu đừng sợ bao thiêu thứ Hêrôđê đang bách hại, với những thập giá đủ loại. Không Hêrôđê nào có thể dập tắt ánh sáng hy vọng, tin yêu của người tin nơi Chúa Kitô”.

– Sau cùng, ĐTC nhắn nhủ các vị TGM chính tòa hãy trở thành những người làm chứng tá. ”Thánh Phanxicô đã nói với các tu sĩ của mình: Hãy luôn giảng Tin Mừng, và nếu cần anh em cũng hãy giảng bằng lời nói nữa! (Xc Fonti Francescane, 43). Không có chứng tá nếu không có cuộc sống hợp với niềm tin và lời dạy! Ngày nay không cần các thầy dạy cho bằng cần những chứng nhân can đảm, xác tín và sống thực điều mình tin và dạy; cần những chứng nhân không hổ thẹn vì danh Chúa Kitô và thập giá của Chúa, hoặc đứng trước những sư tử gầm vang, hay trước những quyền lực của trần thế này”..

Và ĐTC kết luận rằng: ”Anh em hãy dạy cầu nguyện bằng cách cầu nguyện; hãy loan báo niềm tin bằng cách tin tưởng; hãy làm chứng tá bằng cách sống thực!”

Sau thánh lễ, ĐTC đã trao các dây Pallium cho các vị TGM chính tòa.

Đến 12 giờ trưa, ngài đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc để chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ ngắn, ngài gợi lại ý nghĩa của ngày lễ và mời gọi các tín hữu đặc biệt cầu nguyện cho thành Roma nhân lễ bổn mạng, để dân thành này được an sinh tinh thần và vật chất, xin ơn thánh Chúa nâng đỡ toàn dân Roma để họ sống trọn vẹn đức tin Kitô, can đảm làm chứng tá với lòng nhiệt thành kiên cường của thánh Phêrô và Phaolô” (SD 29-6-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha gửi Sứ điệp cho Ecuador, Bolivia và Paraguay

Đức Thánh Cha gửi Sứ điệp cho Ecuador, Bolivia và Paraguay

VATICAN. ĐTC muốn đến giữa nhân dân 3 nước Ecuador, Bolivia và Paraguay, chia sẻ lo âu, biểu lộ lòng quí mến và gần gũi với họ.

Trên đây là nội dung sứ điệp Video đã được gửi đến nhân dân 3 nước ngài sắp viếng thăm từ ngày 6 đến 12-7 tới đây và được Phòng báo chí Tòa Thánh phổ biến hôm 27-6-2015 tại Vatican. ĐTC cũng nói rằng:

”Tôi muốn là chứng nhân về niềm vui Phúc Âm và mang sự dịu hiền, tình thương của Thiên Chúa là Cha chúng ta, nhất là cho các con cái túng thiếu nhất của Chúa, cho những người già, bệnh nhân, tù nhân, người nghèo, và những người là nạn nhân của nền văn hóa gạt bỏ. Tình yêu của Chúa Cha rất từ bi giúp chúng ta khám phá vô biên khuôn mặt của Con Chúa là Đức Giêsu nơi mỗi người anh chị em, nơi tha nhân. Chỉ cần đến gần và trở nên người thân cận của họ, như Chúa Giêsu đã nói với nhà luật sĩ trẻ hỏi Người: ”Ai là người thân cận của tôi? Hãy làm điều mà người Samaritano nhân lành đã làm, hãy đi và làm như thế, hãy tiến lại gần, và đừng đi sang bên kia đường”.

Trong Sứ điệp, ĐTC cũng cầu xin Chúa cho các tín hữu Ecuador, Bolivia và Paraguay được kiên trì trong đức tin, được ngọn lửa tình yêu, lòng bác ái, và kiên vững trong niềm hy vọng không bao giờ làm ta thất vọng. Và ngài kết luận rằng:

”Tôi xin anh chị em hiệp nguyện với tôi để việc loan báo Tin Mừng đi tới những miền ngoại biên xa xăm nhất và tiếp tục làm cho những giá trị của Nước Thiên Chúa trở thành men của trái đất cả trong những ngày của chúng ta” (SD 27-6-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức tin là sức mạnh giải thoát và cứu rỗi

Đức tin là sức mạnh giải thoát và cứu rỗi

Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay mời gọi chúng ta sống trong xác tín về sự phục sinh: Đức Giêsu là Chúa, có quyền trên sự dữ và cái chết, và Người muốn đưa chúng ta về nhà Cha, nơi sự sống ngự trị. Sứ điệp thật rõ ràng và có thể tóm tắt trong một câu hỏi: Chúng ta có tin rằng Chúa Giêsu có thể chữa lành chúng ta và cho chúng ta sống lại hay không?

Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 60,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hôm qua tại quảng trường thánh Phêrô.

Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói: Phúc Âm hôm nay giới thiệu trình thuật sống lại của một bé gái 12 tuổi, con của một trong những trưởng hội đường do thái. Ông gieo mình dưới chân Chúa Giêsu và van nài Người: “Đứa con gái của tôi đang chết; xin hãy đến đặt tay trên nó để nó được cứu và sống” (Mt 5,23). ĐTC giải thích lời xin này của người cha đáng thương như sau:

Trong lời cầu này chúng ta cảm nhận được nỗi lo lắng của mọi người cha đối với sự sống và hạnh phúc của con cái mình. Nhưng chúng ta cũng cảm thấy niềm tin to lớn của ông nơi Chúa Giêsu. Và khi tin con gái đã chết đến, Chúa Giêsu nói với ông: “Đừng sợ, hãy tin thôi!” (c. 36). Lời này trao ban can đảm. Ngài cũng nói với chúng ta biết bao nhiêu lần: “Đừng sợ, hay chỉ tin thôi!”

Vào nhà Chúa đuổi mọi người đang khóc than ra, rồi hướng tới bé gái đã chết và nói: “Bé gái, Ta truyền cho con hãy dậy!” (c. 41). Và cô bé tức thì ngồi dậy và bắt đầu bước đi. Ở đây ta thấy quyền năng tuyệt đối của Chúa Giêsu trên cái chết, mà đối với Ngài nó như là một giấc ngủ từ đó có thể thức dậy.

Bên trong câu chuyện này thánh sử đã lồng vào một giai thoại khác: đó là việc chữa lành người đàn bà bị băng huyết đã 12 năm. Vì căn bệnh này mà theo nền văn hóa thời đó khiến cho bà bị  ô uế, bà phải tránh đụng chạm mọi người: người đàn bà tội nghiêp, bà đã bị kết án chết trên bình diện dân sự. Người đàn bà vô danh này giữa đám đông theo Chúa Giêsu, tự nhủ: “Nếu tôi chỉ sờ vào gấu áo Người thôi, thì tôi sẽ được cứu thoát” (c. 28). Và đã xảy ra như vậy: nhu cầu được giải thoát thúc đẩy bà dám làm, và có thể nói đức tin giật được từ Chúa ơn khỏi bệnh. Ai tin sờ vào Chúa Giêsu, thì kín múc được từ Ngài Ơn thánh cứu thoát. Đức tin là điều này: sờ vào Chúa Giêsu và kín múc từ Ngài ơn thánh cứu thoát. Ngài cứu chúng ta, Ngài cứu sự sống tinh thần, Ngài cứu chúng ta khỏi biết bao vấn đề. Chúa Giêsu nhận ra điều đó và Ngài tìm gương mặt của người đan bà này giữa đám đông. Bà đến trước mặt Ngài run rẩy và Ngài nói với bà: “Này con, đức tin của con đã cứu con” (c.34). Đó là tiếng nói của Cha trên trởi nói nơi Chúa Giêsu: “Con gái, con không bị chúc dữ, con không bị khai trừ, con là con gái Ta”. Mỗi khi Chúa Giêsu đến gần chúng ta, và chúng ta tới gần Ngài, chúng ta nghe các lời này: “Con là  con Cha. Cha cứu con. Con đã được khỏi. Và mỗi lần Chúa Giêsu đến gần chúng ta, khi chúng ta đi đến với Ngài với niềm tin, chúng ta cảm thấy điều này từ Thiên Chúa Cha: “Hỡi con, con là con trai Ta, con là con gái Ta! Con đã được khỏi. Ta tha cho tất cả, cho mọi người. Ta chữa lành mọi người và chữa lành tất cả”.

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ:

Hai giai thoại này – một việc khỏi bệnh và một sự sống lại – có một trung tâm duy nhất: đức tin. Sứ điệp rõ ràng và có thể được tóm tắt trong một câu hỏi: chúng ta có tin rằng Chúa Giêsu có thể chữa lành chúng ta và có thể đánh thức chúng ta dậy từ cái chết hay không? Toàn Phúc Âm được viết trong ánh sáng của niềm tin này: Đức Giêsu đã sống lại, đã chiến thắng cái chết, và vì chiến thắng của Ngài chúng ta cũng sẽ phục sinh. Niềm tin này đối với các kitô hữu tiên khởi đã chắc chắn, có thể bị lu mờ đi và trở thành không chắc chắn đến độ có vài người lẫn lộn sự sống lại với việc tái đầu thai. Lời Chúa Chúa Nhật này mời gọi chúng ta sống trong xác tín về sự sống lại: Đức Giêsu là Chúa, có quyền trên sự dữ và cái chết, và muốn đưa chúng ta về nhà Cha, nơi sự sống ngự trị.

Chúng ta tất cả sẽ gặp nhau trên nhà Cha. Và ở đó chúng ta sẽ gặp mọi người, tất cả chúng ta ở quảng trường này hôm nay, chúng ta sẽ gặp nhau trong nhà Cha, trong sự sống Chúa Giêsu ban cho chúng ta.

Sự sống lại của Chúa Kitô hoạt động trong lịch sứ như nguyên lý của sự canh tân và niềm hy vọng. Bất cứ ai thất vọng và mệt mỏi cho tới chết, nếu tín thác nơi Chúa Giêsu và tình yêu Ngài, có thể bắt đầu sống trở lại. Cả việc bắt đầu trở lại một cuộc sống mới, thay đổi cuộc sống cũng là một kiểu sống dậy, phục sinh.

Đức tin là một sức mạnh của sự sống, nó trao ban sự tràn đầy cho nhân loại tính của chúng ta; và ai tin nơi Chúa Kitô phải được nhận ra, bởi vì họ thăng tiến sự sống trong mọi hoàn cảnh, để làm cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người yếu đuối nhất, sống kinh nghiệm tình yêu thương giải phóng và cứu thoát của Thiên Chúa.

Chúng ta hãy xin Chúa, qua lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria, ơn đức tin mạnh mẽ và can đảm, thúc đẩy chúng ta trở thành những người phổ biền niềm hy vọng và cứu sống giữa các anh chị em khác.

Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau kinh Truyền Tin ĐTC đã chào nhiều nhóm khác nhau: các tham dự viên cuộc tuần hành với khẩu hiệu “Một trái đất, một gia đình”. Họ cầm các lá xanh to bằng giấy bìa. ĐTC khích lệ sự cộng tác giữa mọi người và hiệp hội của các tôn giáo khác nhau trong việc thăng tiến một môi sinh toàn vẹn. Ngài cám ơn Liên hiệp các tổ chức kitô phục vụ quốc gia Italia, hiệp hội “Các tiếng nói của chúng ta”, và các tổ chức khác thuộc nhiều nước đang cùng nhau trao đổi về việc săn sóc căn nhà chung là trái đất.

Ngài cũng chào một nhóm tín hữu Bolivia sống tại Italia, nhóm trẻ Ibiza đang chuẩn bị lãnh bí tích Thêm Sức; nhóm các nữ hưóng đạo sinh thuộc Hiệp hội quốc tế công giáo. ĐTC khen họ là những phụ nữ giỏi và hoạt động tốt; nhóm các ông bà nội ngoại Sydney, thuộc hiệp hội các người gia di cư tại Australia cùng các con cháu; nhóm các trẻ em nạn nhân vụ nổ lò nguyên tử Chernobyl và các gia đình vùng Este và Ospedaletto tiếp đón các em; các thành viên hiệp hội đi môtô vùng Cardito, và các người yêu thích xe hơi cổ. Trước đó hàng trăm môtô và xe hơi cổ đã diễn hành qua các đường phố chính ở Roma.

Sau cùng ĐTC chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tươi vui và xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Ký kết Hiệp định toàn bộ giữa Tòa Thánh và Palestine

Ký kết Hiệp định toàn bộ giữa Tòa Thánh và Palestine

Buổi ký hiệp định giữa Tòa Thánh và Palestine

VATICAN. Hiệp định toàn bộ giữa Tòa Thánh và Quốc gia Palestine đã được ký kết hôm 26-6 vừa qua tại Vatican.

Hai vị ngoại trưởng, Đức TGM Paul Richard Gallagher của Tòa Thánh và Ông Riad Al-Malki của Palestine, đã ký kết Hiệp định gồm 1 lời tựa, và 32 điều khoản chia làm 8 chương, liên quan đến những khía cạnh thiết yếu trong đời sống và hoạt động của Giáo Hội tại Quốc gia Palestine, đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ một giải pháp thương thuyết và ôn hòa cho tình trạng trong vùng.

Hiệp định sẽ bắt đầu có hiệu lực sau khi hai bên thông báo cho nhau trên giấy tờ sự phê chuẩn văn kiện này, đáp ứng những đòi hỏi hiến định hoặc nội bộ của mỗi bên.

Hiệp định Tổng quát này là kết quả các cuộc thương thuyết từ nhiều năm nay qua trung gian Ủy ban song phương, tiếp theo Hiệp định cơ bản được kết giữa Tòa Thánh và tổ chức giải phóng Palestine OLP ngày 15-2 năm 2000.

Trong lời chào mừng tại buổi ký hiệp định, Đức TGM ngoại trưởng Paul Gallagher nhắc đến hành trình mà chính quyền Palestine đã trải qua, với cao điểm là Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ ngày 29-11 năm 2012 nhìn nhận Palestine là một Quốc gia Quan sát viên không phải là thành viên của LHQ.

Đức TGM cầu mong rằng Hiệp định này có thể là một khích lệ để chấm dứt chung kết cuộc xung đột cam go giữa Israel và Palestine, đang tiếp tục gây ra đau thương cho cả hai bên. Ngài cầu mong giải pháp 2 quốc gia sớm trở thành sự thực.

Như người ta có thể dự đoán, việc ký kết hiệp định giữa Tòa Thánh và Palestine không làm cho Israel hài lòng vì qua hiệp định này Tòa Thánh chính thức nhìn nhận chính quyền Israel như một ”Quốc gia”. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Israel nói rằng ”sự nhìn nhận vội vã này gây hại cho viễn tượng đẩy mạnh một hiệp định hòa bình và làm thương tổn nỗ lực của quốc tế thuyết phục chính quyền Palestine trở lại các cuộc thương thuyết trực tiếp với Israel”.

Tòa Thánh và Israel đã ký hiệp định cơ bản với nhau hồi năm 1993 và sau đó thiết lập quan hệ ngoại giao, nhưng cho đến nay 22 năm đã trôi qua, với bao nhiêu đợt thương thuyết, nhưng Israel vẫn chưa chấp nhận ký hiệp định với Tòa Thánh về qui chế pháp lý của Giáo Hội Công Giáo tại Israel, chủ quyền trên các nơi thánh, vấn đề thuế khóa, tài chánh, v.v. (SD 26-6-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp Hội đồng quốc tế nữ hướng đạo Công Giáo

Đức Thánh Cha tiếp Hội đồng quốc tế nữ hướng đạo Công Giáo

Đức Thánh Cha tiếp Hội đồng quốc tế nữ hướng đạo Công Giáo

VATICAN. ĐTC kêu gọi các nữ hướng đạo Công Giáo góp phần giáo dục các thiếu nữ về môi sinh, giúp cải tiến não trạng và tập quán.

Ngài đưa ra lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 26-6-2015, dành cho hơn 260 nữ hướng đạo tham dự Hội đồng thế giới các nữ hướng đạo Công Giáo, một ngành của hướng đạo sinh, đang tham dự cuộc gặp gỡ về đề tài ”Sống niềm vui Phúc Âm như hướng đạo”.

ĐTC đề cao vai trò của các nữ hướng đạo Công Giáo trong việc giáo dục các thiếu nữ và nhắc đến thông điệp mới công bố Laudato Sì về việc bảo vệ môi trường. Ngài nói: ”Trong thông điệp tôi đã viết rằng việc giáo dục về môi sinh học là điều thiết yếu để biến đổi các não trạng và tập quán, với mục đích vượt thắng những thách đố gây lo âu đang đề ra cho nhân loại về môi trường… Tôi cầu mong các nữ hướng đạo tiếp tục sẵn sàng đón nhận sự hiện diện và lòng từ nhân của Đấng Tạo Hóa trong vẻ đẹp của thế giới xung quanh. Thái độ chiêm niệm này sẽ giúp họ sống hòa hợp với bản thân, với tha nhân và với Thiên Chúa. Đó là một lối sống mới, phù hợp hơn với Phúc Âm, mà họ có thể thông truyền cho các môi trường họ sống”.

ĐTC cũng khuyến khích các nữ hướng đạo Công Giáo góp phần giáo dục các thiếu nữ trong một xã hội người ta phổ biến những ý thức hệ trái ngược với bản chất và kế hoạch của Thiên Chúa về gia đình và hôn nhân. Vấn đề ở đây là giáo dục các thiếu nữ không những về vẻ đẹp và ơn gọi cao cả của họ như phụ nữ, trong tương quan đúng đắn và khác biệt với người nam, nhưng còn đảm nhận những trách nhiệm quan trọng trong Giáo hội và xã hội nữa” (SD 26-6-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Nhận ra phép lạ mỗi ngày

Nhận ra phép lạ mỗi ngày

Ngày 17/9/1961, máy bay chở ông Đavít Hamacon, Tổng thư ký Liên hiệp quốc, đã ngộ nạn trên không phận nước Congo, Phi Châu. Ông Hamacon không chỉ là người hoạt động cho hòa bình và là một nhà chính trị lỗi lạc, ông còn là một nhà tu đức có chiều sâu. Sau khi ông qua đời, tại căn phòng của ông ở Nữu Ước, người ta đã tìm được tập tài liệu đánh máy, ghi lại những suy tư và cầu nguyện hằng ngày của ông. Trong tập tài liệu này người ta đọc thấy những dòng như sau: "Thiên Chúa sẽ không chết, ngày mà chúng ta không còn tin ở thần linh nào nữa. Nhưng chính chúng ta sẽ chết, ngày nào cuộc sống của chúng ta không còn thấm nhập bởi ánh sáng của phép lạ không ngừng xảy ra, phép lạ mà lý trí chúng ta không biết từ đâu tới".

Cái chết mà ông Đavít Hamacon nói trên đây chính là cái chết của tinh thần con người. Khi tinh thần con người không còn vượt qua khỏi chính mình để đi vào chiêm niệm, nghĩa là đi vào thế giới ở bên ngoài khả năng nắm bắt của lý trí, thì đó là lúc nó trở nên cằn cỗi và chết dần chết mòn.

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta đi vào thế giới ấy, thế giới của những câu hỏi "tại sao", mà lý trí con người không thể lý giải được. Phép lạ một người đàn bà bị băng huyết được chữa lành nhờ chỉ chạm đến áo của Chúa Giêsu, và phép lạ một em bé gái chết được Chúa Giêsu cho sống lại; cả hai phép lạ đều phát xuất từ lòng tin của con người. Ông trưởng hội đường đã biểu lộ lòng tin bằng cách lặn lội tìm đến với Chúa Giêsu xin Ngài tới đặt tay trên con gái của ông; người đàn bà băng huyết tin một cách mãnh liệt nơi sức mạnh phát xuất từ con người Chúa Giêsu. Nơi ông trưởng hội đường, lòng tin được tuyên xưng tỏ tường; nơi người đàn bà băng huyết, niềm tin rụt rè kín đáo. Nhưng dù tỏ tường hay kín đáo, chính lòng tin đã giúp cho phép lạ xảy ra, như Chúa Giêsu đã nói với người đàn bà: "Lòng tin của con đã cứu chữa con".

Niềm tin làm cho con người được sống, điều này vẫn thường xảy ra trong đời sống con người. Tất cả những thành công trong cuộc sống đều nhờ ở niềm tin, nhưng niềm tin tôn giáo thì quan trọng hơn, bởi vì chính sự sống tinh thần và tâm linh mới là điều cần thiết cho con người đạt được thành công. Có tất cả, nhưng thiếu đời sống tâm linh, con người vẫn như sống dở. Sống sung mãn, sống dồi dào, chính là sống nội tâm. Chỉ có một đời sống nội tâm sung mãn mới giúp con người thấy được, cảm nhận được những gì mà giác quan và lý trí không thể đạt được.

Cuộc sống vốn là một phép lạ, từng hơi thở con người là một phép lạ, mỗi ngày là một phép lạ, mỗi phút giây là một phép lạ. Chỉ có đôi mắt nội tâm mới cho con người cảm nhận được phép lạ triền miên ấy. Sống đích thực, sống dồi dào, là biết chiêm ngưỡng để đón nhận phép lạ từng ngày ấy.

Nguyện xin Chúa ban cho cuộc sống chúng ta luôn được thấm nhập bởi ánh sáng của phép lạ triền miên ấy.

Veritas Radio

Niềm tin thắp sáng hy vọng

Niềm tin thắp sáng hy vọng

Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay được cả ba tác giả trong Tin Mừng Nhất Lãm kể lại. Tuy nhiên, Máccô kể dài hơn, gồm 23 câu, do vậy nhiều tình tiết hơn, cảm động hơn khiến chúng ta bị cuốn hút một cách tự nhiên từ đầu đến cuối câu chuyện. Máccô đã lồng hai câu chuyện vào với nhau một cách khéo léo, tài tình, nhưng ý nghĩa vẫn là một: Đức Giêsu ban tặng sự sống cho những ai vững tin và biết cộng tác với Ơn Thánh.

1. Chúa ban sự sống, con người có lòng tin.

Phép lạ thứ nhất, Máccô kể rằng, giữa đám đông chen lấn chung quanh Đức Giêsu, có những người đụng vào áo Người. Nhưng chỉ có một cái đụng cố ý, đụng lén như sợ bị bắt quả tang. Đó là cái đụng của một người phụ nữ, bất chấp lệnh cấm theo lề luật Do thái. Mười hai năm mắc bệnh băng huyết. Mười hai năm tìm thầy chạy thuốc mà không khỏi. Mười hai năm bị coi là ô nhơ, không được đụng đến người khác, không được tham dự nghi lễ ở Đền thờ. Người phụ nữ thận trọng và đầy can đảm đã đụng vào áo Đức Giêsu bằng tay và bằng lòng tin, một lòng tin đơn sơ mà mạnh mẽ "Dầu tôi chỉ đụng vào áo Ngài, tôi sẽ được khỏi.". Tức khắc, bà cảm thấy lành bệnh vì máu trong người đã cầm lại. Cái đụng của lòng tin đã cứu bà khỏi bệnh.

Phép lạ thứ hai, Máccô kể, ông Giairô đến xin Đức Giêsu chữa lành cho con gái ông đã mười hai tuổi. Ông là viên chức trưởng hội đường. Tình yêu của người cha đối với đứa con gái đã làm cho ông can đảm. Ông sẵn sàng tin cậy vào một người xa lạ. Ông tín nhiệm vào một người từ nơi khác đến. Ông chỉ mới nghe danh tiếng về người ấy. Ông đến gặp Chúa và "phủ phục dưới chân Đức Giêsu và năn nỉ". Đức Giêsu đã chấp thuận, nhưng khi hai người đang trên đường về nhà ông thì được tin con gái đã chết. Vậy là hết, vô phương cứu chữa nữa! Đức Giêsu động viên ông "Đừng sợ, cứ tin". Khi đến nhà, thấy đông đảo bà con xóm làng đến, Người nói: “Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” Cô bé đã chết rồi, nhưng đối với Đức Giêsu, cái chết chẳng có tính chung cuộc mà chỉ là một giấc ngủ thôi. Người có quyền năng đưa kẻ chết ra khỏi giấc ngủ ấy. Với cử chỉ đơn sơ cầm tay đứa bé và nói “Talithakum”, nghĩa là “Này bé, Thầy truyền cho con: chỗi dậy đi!” Đức Giêsu đã khiến cho đứa bé đứng dậy và đi lại được. Người còn bảo họ cho đứa bé ăn để chứng thực là nó đã sống lại thật.

Hai phép lạ đều liên quan đến sự sống. Người phụ nữ bị bệnh loạn huyết đang mất dần sự sống: máu là nguyên lý sự sống, mà bà này đã bị mất máu liên tục mười hai năm, nghĩa là sức sống đang dần dần rời xa bà. Vì thế khi Đức Giêsu làm cho bà hết bệnh, là Người trả lại sức sống cho bà. Đứa con gái ông Giairô thì đã chết, sự sống đã hoàn toàn rời khỏi nó. Nhưng Đức Giêsu đã làm cho nó sống lại.

Hai phép lạ xảy ra nhờ có lòng tin. Đức Giêsu xác nhận lòng tin vững vàng của người phụ nữ: "Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con". Ngài nâng đỡ lòng tin đang chao đao của Giarô: "Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi".

Tin vào những chuyện dễ dàng, tin khi cuộc sống bình an xuôi thuận thì chưa hẳn là đức tin. Đó chỉ là một chuyện đương nhiên thôi. Đức tin là một nhân đức căn bản của Đạo. Phải là vẫn cứ tin vào những chuyện khó khăn vượt quá sức loài người. Vẫn cứ tin khi cuộc đời gặp lúc cheo leo. Đức tin vững vàng như vậy có thể làm nên những phép lạ. Bởi lẽ, trước một hoàn cảnh quá khó khăn, trong lúc đời sống quá gian nan, nếu ta vẫn tin thì không phải là ta tin vào sức riêng của ta nữa, mà là tin vào sức Chúa, và Chúa quyền năng làm được mọi sự.

– Như Abraham đã 90 tuổi mới có được một đứa con trai. Vâng lệnh Chúa, ông đưa con yêu quý lên núi sát tế mà lòng đau như cắt. Ông tin rằng, Chúa sẽ thực hiện lời hứa ban cho ông thành tổ phụ một dân đông đảo. Ông vẫn tin và Chúa đã làm ông thành tổ phụ những người tin.

– Như Phêrô dám bước đi trên mặt nước. Ông đã đi khi vững tin vào Chúa. Nhưng khi bắt đầu hoài nghi thì cũng là lúc ông bắt đầu chìm xuống.

Đức Giêsu bày tỏ quyền năng trên thiên nhiên, trên ma quỷ, trên bệnh tật và trên sự chết, vì Người là Đấng ban sự sống. Tin vào Người, chúng ta luôn có được sự sống dồi dào.

2. Cộng tác với ơn Chúa

Chuyện kể rằng một bà già bị đau răng, bà đã làm Tuần chín ngày để kính thánh Antôn, vì người ta nói: Thánh Antôn "chuyên trách" về bệnh này.

Hết tuần chín ngày bà vẫn còn đau. Lúc đó một vị linh mục đến thăm. Bà liền hỏi:

– Xin Cha nói cho con biết: có phải thánh Antôn chuyên trách bệnh đau răng không?

Vị linh mục nói:

– Bà hãy nghe tôi: Đây là địa chỉ của nha sĩ. Hãy đến đó và nói là tôi giới thiệu, họ sẽ làm không công cho bà.

Bà già la lên:

– Trời đất ơi, một ông linh mục vô thần.

Thánh Antôn tự nhủ:

– Kể ra cũng đau lòng, để nhận lời cầu nguyện của bà, chính ta đã gởi cho bà vị linh mục này. Thế mà!

Người phụ nữ xuất huyết và bà già đau răng đều tin tưởng vào Chúa. Nhưng niềm tin của họ có sự khác biệt rất lớn. Người phụ nữ xuất huyết nghĩ mình phải làm điều gì đó chứ không chỉ tin suông. Bà đến với Chúa chứ không chờ Chúa đến với mình. Bà già đau răng thì cầu nguyện rồi chờ phép lạ. Bà không chịu làm gì nữa.

Ông Giairô cũng tin rằng Chúa có thể cứu sống con gái ông. Ông đã làm hết sức mình. Con gái ông hấp hối không thể đến với Chúa được, nên ông đã xin Chúa đến chữa cho con gái ông.

Cộng tác với ơn Chúa là điều kiện để Chúa ban ơn. Chúng ta không thể chỉ thụ động chờ Chúa làm phép lạ, nhưng hãy sử dụng hết những phương tiện bình thường Chúa ban. Phần còn lại tùy Chúa định liệu cho ta. Thánh Ignatio de Loyola đã cho chúng ta lời khuyên bất hủ này: "Hãy làm như thể mọi việc tùy thuộc chúng ta và hãy cầu nguyện như thể mọi việc tùy thuộc Thiên Chúa". Mc.Kenzie nói: "Khi ta cố gắng làm những gì có thể, Thiên Chúa sẽ làm những điều ta không thể".

Thiên Chúa ban cho chúng ta quyền tự do, Người không thúc ép, nhưng để chúng ta toàn quyền sử dụng tự do của mình. Thiên Chúa không đối xử với chúng ta như những con bù nhìn, nhưng luôn coi trọng chúng ta như những cộng tác viên của Người.

Trong các phép lạ Chúa làm, Người đều cần sự cộng tác của con người. Trong tiệc cưới Cana, Chúa chỉ làm phép lạ khi người ta đã "múc nước đổ đầy các chum" (Ga 2,7)

Trong phép lạ về bánh, Người chỉ làm cho bánh hóa nhiều khi "có 5 chiếc bánh và 2 con cá" (Mc 6,35-43).

Khi chữa mắt cho người mù, Người chỉ thoa bùn vào mắt anh, còn phần anh phải đi rửa ở hồ Silôê mới được sáng mắt (Ga 9,1-40).

Thiên Chúa muốn chúng ta sử dụng hết các khả năng của mình, và Người sẵn sàng can thiệp khi cần. Cộng tác với Ơn Chúa bằng lòng tin là con đường của hy vọng.

3. Niềm tin thắp sáng hy vọng

Các phép lạ Đức Giêsu đã làm thường là điểm giao tiếp giữa quyền năng đầy tình yêu của Thiên Chúa và niềm tin của con người. Thiên Chúa giàu lòng xót thương nên ở đâu có niềm tin, ở đó có phép lạ. Chúa nói với người phụ nữ: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con”; và nói với ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi”.

Đức tin là vị thuốc thần đem lại hạnh phúc cho nhân loại. Đức tin là bí quyết đem lại hy vọng cho nơi nào không còn gì để hy vọng! Sau khi mọi hy vọng, mọi biện pháp chữa trị của con người đã trở nên vô hiệu quả, thì chỉ còn niềm tin mới có khả năng “cứu độ”. Đức Giêsu đã đem lại niềm vui và bình an cho những ai tuyệt vọng mà vẫn một lòng cậy trông. Có lần Đức Giêsu đã nói: “Nếu bạn có đức tin bằng hạt cải, thì bạn có thể nói với ngọn núi này ‘hãy di chuyển từ đây đến kia’, nó sẽ di chuyển” (Mt 17,20). Đây không phải là một lời phóng đại, nhưng là một sự thực được chứng minh qua cuộc đời các vị Thánh. Các vị Thánh là những người đã tin và các ngài đã làm được nhiều điều kỳ diệu.

Một lần kia, trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Mẹ Têrêxa phải đối diện với một phóng viên không mấy thiện cảm đối với Giáo Hội.

Mẹ Têrêxa nói với ông: Tôi nghĩ rằng ông nên có đức tin.

Người phóng viên hỏi: Tôi phải làm gì để có đức tin?.

Mẹ Têrêxa đáp: Ông hãy cầu nguyện.

Ông chống chế: Tôi không biết và không thể cầu nguyện.

Mẹ Têrêxa dịu dàng nói: Tôi sẽ cầu nguyện cho ông. Nhưng về phần ông, ông hãy cố gắng mỉm cười với những người chung quanh ông. Một nụ cười có thể đánh động được tâm hồn người khác. Một nụ cười có thể cho chúng ta cảm nghiệm được Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống chúng ta.

Đức tin thắp sáng niềm hy vọng và trổ sinh hoa trái bằng việc làm.

LM Giuse Nguyễn Hữu An

Cộng tác viên không phải bù nhìn

Cộng tác viên không phải bù nhìn

Một cơn lụt khủng khiếp đã tràn ngập cả một vùng rộng lớn. Một bà bị kẹt ở trong nhà. Khi đang đứng ở cửa sổ nhà bếp trông ra ngoài, bà thấy có một chiếc ca-nô tiến đến.

Người tài công nói với bà:

– “Bà leo lên đây và cứu lấy mình.”

– “Không, cám ơn ông,” bà trả lời. “Tôi tin tưởng vào Chúa, Người sẽ cứu tôi.”

Người tài công lắc đầu bỏ đi. Ngày hôm sau, nước dâng lên đến lầu hai. Khi đứng ở cửa sổ lầu hai nhìn ra biển nước, một chiếc tầu khác xuất hiện. Người lái tầu bảo,

– “Bà leo lên tầu đi để cứu lấy mình.”

– “Không, cám ơn ông,” bà trả lời. “Tôi tin tưởng vào Chúa, Người sẽ cứu tôi.”

Người lái tầu lắc đầu bỏ đi. Ngày sau nữa, nước đã dâng lên đến mái nhà. Khi ngồi trên nóc nhà, bà trông thấy một chiếc trực thăng xuất hiện. Phi công dùng máy phóng thanh nói với bà,

– “Tôi sẽ thả thang giây xuống. Bà leo lên và cứu lấy mình.”

– “Không, cám ơn ông,” bà trả lời. “Tôi tin tưởng vào Chúa, Người sẽ cứu tôi.” Phi công lắc đầu bay đi chỗ khác.

Ngày hôm sau nước ngập cả căn nhà, và bà bị chết chìm. Khi lên đến thiên đường, bà nói với Thánh Phêrô, “Trước khi tôi vào đây, tôi phải làm đơn khiếu nại. Tôi tin tưởng là Chúa sẽ cứu tôi khỏi bị lụt, nhưng Người đã bỏ tôi.”

Thánh Phêrô nhìn bà với ánh mắt khó hiểu và nói, “Tôi không biết Chúa có thể làm gì hơn cho bà. Người đã gửi đến cho bà hai con tầu và một chiếc trực thăng.”

Người đàn bà này chắc phải đọc bài Phúc Âm hôm nay kỹ càng hơn.

Trong bài có hai người cần sự giúp đỡ giống như bà. Và cả hai đều tín thác vào Chúa, cũng như bà. Nhưng có sự khác biệt lớn lao giữa sự tín thác của họ và của bà.

Hãy xem đó là gì.

– Người đầu tiên là một bà bị bệnh. Bà tin tưởng rằng Đức Giêsu có thể chữa lành cho bà. Nhưng bà cũng biết rằng bà có thể làm một điều gì khác hơn là chỉ tín thác nơi Đức Giêsu. Bà phải tiến thêm một bước nữa. Bà phải thi hành phần của bà. Bà không thể chỉ ngồi đó và chờ đợi Đức Giêsu đến với bà. Bà phải đứng lên, đi đến Đức Giêsu, và tự trình bầy với Người để được chữa lành.

– Điều này cũng đúng với câu chuyện thứ hai trong Phúc Âm hôm nay. Ông Giairút cũng tin tưởng rằng Đức Giêsu có thể chữa con gái đang đau nặng của ông. Nhưng ông cũng biết là phải làm điều gì đó hơn là chỉ tín thác vào Đức Giêsu. Ông biết là phải tiến thêm một bước nữa. Ông phải thi hành phần của ông. Ông phải cộng tác với Đức Giêsu. Vì con gái của ông quá đau yếu nên không thể đến với Người, ông phải xin Đức Giêsu đến với đứa con của mình.

Và vì thế cả hai người trong bài Phúc Âm hôm nay đều thi hành điều gì đó hơn là chỉ tín thác vào Đức Giêsu. Họ đã tiến thêm một bước. Họ đã thi hành phần của mình. Họ đã tận dụng các phương tiện bình thường mà Chúa ban để có được sự chữa lành họ cần.

Đây là điểm mà bà bị chết chìm đã sai lầm. Bà quên rằng Thiên Chúa thường hành động trong đời sống chúng ta qua các phương tiện thông thường. Bà quên rằng chúng ta phải thi hành phần của mình và cộng tác với Thiên Chúa qua việc sử dụng các phương tiện thông thường mà Người đã ban cho chúng ta.

Nói cách khác, chúng ta không thể ngồi lì một chỗ và mong Chúa làm phép lạ cho chúng ta. Trước hết chúng ta phải dùng mọi phương tiện thông thường Chúa ban để tự giúp đỡ chúng ta.

Để tôi minh họa bằng một câu chuyện có thật.

Một thầy giáo Anh Văn lớp trung học có một học sinh trong lớp chẳng chịu học hành gì cả. Vào ngày thi cuối năm, người học sinh này đến nói với ông thầy là anh rất tin tưởng rằng anh sẽ được điểm cao. Anh nói, trong tuần qua, hằng đêm anh cầu xin Chúa giúp anh làm bài thi Anh Văn.

Thiên Chúa không bao giờ cho rằng sự cầu nguyện có thể thay thế cho việc học hành. Người không bao giờ cho rằng sự cầu nguyện có thể thay thế cho sự chuyên cần. Nhận được sự giúp đỡ của Chúa là một con đường hai chiều. Nó bao gồm sự cộng tác của chúng ta với Thiên Chúa. Chúng ta phải thi hành phần của mình, và Thiên Chúa sẽ thi hành phần của Người.

Thánh Y Nhã có diễn tả sự cộng tác với Thiên Chúa như sau: “Chúng ta phải làm việc như thể mọi thứ đều lệ thuộc vào chúng ta, nhưng chúng ta phải cầu nguyện như thể mọi thứ đều lệ thuộc vào Chúa.”

Nói cách khác, chúng ta phải cộng tác với Thiên Chúa và tận dụng các phương tiện thông thường mà Người ban cho chúng ta trước khi xin Người can thiệp trong một phương cách bất thường. Có câu châm ngôn nói rằng: “Thiên Chúa giúp những ai tự giúp mình.”

Nhiều năm trước đây có một tiểu thuyết bán rất chạy tên là Jonathan Livingston Seagull. Trong đó có một câu thật hay được dùng làm chủ đề cho bài hát. Câu ấy như sau: “Nếu bạn yêu mến điều gì đó, bạn phải để nó tự do. Nếu bạn để nó tự do và nó trở về với bạn, thì bạn biết nó là của bạn. Nhưng nếu bạn để nó tự do và nó không trở lại với bạn, lúc ấy bạn biết rằng nó đã không thuộc về bạn ngay tự đầu.”

Đó là phương cách Thiên Chúa đối xử với chúng ta khi cần giúp đỡ chúng ta. Người đã để chúng ta tự do. Người không ép buộc chúng ta phải nhận sự giúp đỡ của Người. Mọi sự đều sẵn sàng cho chúng ta và Thiên Chúa để chúng ta được tự do có muốn sử dụng điều đó hay không.

Thiên Chúa không đối xử với chúng ta như những tên bù nhìn. Người đối xử với chúng ta như những cộng sự viên. Nói cách khác, Thiên Chúa ban cho chúng ta mọi tài nguyên cần cho đời sống thường ngày của chúng ta.

Chỉ khi các tài nguyên này bị hao hụt trong những hoàn cảnh khẩn cấp chúng ta thường sẽ nghĩ đến việc quay về với Chúa để được trợ giúp. Khi chúng ta quay về với Thiên Chúa trong những hoàn cảnh này, chúng ta có thể biết chắc rằng Người sẽ giúp chúng ta, vì Người là Cha chúng ta và chúng ta là con cái của Người.

Hãy chấm dứt phần suy niệm với câu trong cuốn Jonathan Livingston Seagull: “Nếu bạn yêu mến điều gì đó, bạn phải để nó tự do. Nếu bạn để nó tự do và nó trở về với bạn, thì bạn biết nó là của bạn. Nhưng nếu bạn để nó tự do và nó không trở lại với bạn, lúc ấy bạn biết rằng nó đã không thuộc về bạn ngay tự đầu.”

Lạy Chúa, trong tình phụ tử của Ngài dành cho chúng con, Ngài đã để chúng con được tự do. Xin giúp chúng con chứng tỏ tình yêu của con cái đối với Cha hiền bằng cách quay về với Chúa khi chúng con cần sự giúp đỡ đặc biệt của Ngài.

LM Mark Link

Đức tin cứu sống

Đức tin cứu sống

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Văn hào Tu-ghê-nít của Nga có kể lại một giai thoại sau:

Thời chiến tranh ông bị cảm nặng. Người ta mang ông vào một quân y viện để chữa trị. Khi tỉnh dậy, ông thấy nhà thương đầy người, không có một chiếc giường trống nào, mà bệnh nhân mỗi ngày một thêm đông. Bác sĩ trực phòng của ông đi một vòng đến các giường. Đến bên cạnh ông, bác sĩ dừng lại và hỏi người y tế:

– Hắn vẫn còn sống ư?

Người y tế trả lời:

– Tôi chưa kiểm lại. Nhưng sáng nay thì hắn vẫn còn sống.

Bác sĩ cúi xuống và đặt ống nghe trên ngực ông. Nghe biết tất cả mọi sự, cho nên ông cố gắng thở thật mạnh. Sau khi nhấc ống nghe lên, bác sĩ thở dài và nói:

– Thiên nhiên thật ngu đần, lẽ ra người này phải chết, nhưng không hiểu sao hắn vẫn còn thở và như vậy là hắn chiếm mất chỗ của người khác

Tu-ghê-nít lắng nghe được tất cả những lời ấy. Ông tưởng số phận của ông đã được quyết định, nhưng không ngờ sau đó ông đã được khỏi bệnh một cách lạ lùng trước sự ngạc nhiên của viên bác sĩ trực và nhiều y tá khác trong quân y viện.

Những bệnh nhân biết được những gì người ta làm cho mình và còn sống sót để kể lại kinh nghiệm của mình như văn hào Nga trên đây không phải là hiếm. Một viên thuốc ngủ, một mũi thuốc mê cực mạnh, nhiều người đã bị cướp mất mạng sống dễ dàng. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã kêu goị con người ngày nay hãy xây dựng một nền văn minh của sự sống chứ không phải của sự chết. Tin Mừng hôm nay có thể được coi như một câu trả lời của lòng tin cho một vấn đề từng gây thắc mắc nơi con người thuộc mọi thời đại: vấn đề sự sống. Hai phép lạ: chữa lành bệnh người phụ nữ băng huyết và cho một bé gái 12 tuổi sống lại, đều minh chứng Đức Giêsu là chủ sự sống, là nguồn cội sự sống, vì Ngài là Đấng đã làm cho kẻ chết sống lại.

Theo quan niệm của người Do Thái xưa, thì máu huyết tượng trưng cho sự sống. Người phụ nữ bị băng huyết có nghĩa là sự sống nơi chị mất dần đi, tiêu hao đi, nên coi như chị là người đã chết. Nhất là trong hoàn cảnh của chị, đau khổ không chỉ vì bệnh kéo dài, tiền mất tật mang, mà còn khổ về mặt tinh thần, vì tập quán tôn giáo xã hội coi những người mắc chứng bệnh này, cũng như bệnh cùi, bệnh hủi, khinh khi. Phải nói là người phụ nữ bị băng huyết này coi như đã chết hai lần, cả về mặt sự sống thể xác lẫn về mặt đời sống tinh thần. Phép lạ Chúa Giêsu làm đã cứu thoát chị, đã đem lại cho chị một cuộc sống dồi dào, cả trong ý nghĩa được sát nhập lại vào trong lòng cộng đồng tôn giáo.

Còn trong phép lạ Chúa Giêsu làm cho em bé sống lại, thì chúng ta thấy hành động của Chúa Giêsu vượt xa điều mà gia đình ông Giairô, trưởng hội đường, mong đợi: khi con gái duy nhất của ông hấp hối, ông đã chạy đi cầu cứu với Chúa Giêsu, vì ông tin rằng Ngài có thể cứu con ông khỏi cái chết. Nhưng khi hay tin con đã chết rồi, thì ông không còn hy vọng nào nữa, không còn muốn làm phiền Chúa Giêsu đến nhà làm gì nữa. Chúa Giêsu phải nâng đỡ tinh thần và niềm tin của ông: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi”. Và phép lạ đã được thực hiện, trước nỗi kinh ngạc và hạnh phúc của gia đình ông. Trưởng hội đường, kinh ngạc và sung sướng đến nỗi ông và gia đình quên cả việc chăm sóc đến con gái của mình, khiến Chúa Giêsu phải nhắc khéo: “Hãy lo cho cô bé ăn đi!”.

Trong tất cả hai phép lạ, chúng ta đều thây nổi bật lên một yếu tố nối liền giữa Chúa Giêsu và người được phép lạ: đó là lòng tin. Người phụ nữ bị băng huyết, sau khi chạy thầy chạy thuốc không khỏi, mà lại nghe nói về quyền phép của Chúa Giêsu, thì dần dần trong lòng chị hình thành một niềm tin mạnh mẽ: “Tôi mà sờ được áo Ngài thôi, là sẽ được khỏi bệnh”. Chính lòng tin mạnh mẽ đó đã giúp chị vượt qua moị tập quán, mọi nếp suy nghĩ và quan niệm tôn giáo có tính trói buộc và cản trở con người, để mạnh dạn đến gần Chúa Giêsu. Chinh lòng tin mạnh mẽ đó đã như khiến quyền năng của Chúa Giêsu không thể từ chối được: “Chúa Giêsu thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra”.

Lòng tin của ông Giairô cũng là yếu tố quan trong để Chúa Giêsu là cho con ông sống lại. Chắc chắn lòng tin của ông đã được hỗ trợ bằng chính câu chuyện người phụ nữ lành bệnh, cũng như đã được nâng đỡ bởi lời khuyên chủ của chính Chúa Giêsu: “Đừng sợ, ông ạ, cứ vững tin đi!”.

Qua hai phép lạ trên, Chúa Giêsu còn bộc lộ cho thấy thế nào là Thiên Chúa, thế nào là Đấng Kitô của Thiên Chúa và loan báo một thời đại mới, thời đại cứu độ mà các Ngôn Sứ đã loan báo. Trước hết, Thiên Chúa là chủ sự sống, ban phát sự sống cho con người và muôn loài vật. Riêng đối với con người, thì không chỉ là đời sống vật chất, tinh thần mà còn cả đời sống ân sủng, đời sống làm con cái Thiên Chúa. Để thực hiện chương trình sáng tạo và cứu độ, Thiên Chúa đã hiến dâng cho loài người tất cả, kể cả Người Con yêu dấu, Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô.

Đức Giêsu có sứ mạng bộc lộ về Thiên Chúa, thực hiện chương trình của Thiên Chúa là ban sự sống, là cứu chữa những gì đã hư mất, là tìm đến với người đau ốm cần thầy thuốc. Ngài luôn quan tâm đến mọi nhu cầu cụ thể của con người. Ngài cúi mình ghé mắt nhì xem nhu cầu cụ thể của con người Ngài gặp: anh què, anh mù, chị phụ nữ bị băng huyết cũng như chị phụ nữ ngoại tình, người bị quỷ ám, con trai bà goá thành Naim, cũng như con gái ông Giairô. Tất cả những khổ đau, tật nguyền đều có âm hưởng mạnh mẽ trong tâm hồn Chúa Giêsu Kitô. Chính vì mang trong mình trái tim của Thiên Chúa, nguồn sống của Thiên Chúa, nên Chúa Giêsu đã cứu chữa người này, bình phục người kia, hồi sinh người khác, đem lại phẩm giá và sự tôn trọng cho những ai đang bị loại trừ, coi rẻ. Đối với Chúa Giêsu, không hề có một tiêu chuẩn nào để lại bỏ, vì tất cả thuộc về gia đình Thiên Chúa. Điều duy nhất ngài đòi hỏi là lòng tin của chúng ta nơi quyền năng và lòng thương của Ngài.

Lòng tin của chúng ta đối với Thiên Chúa là nguồn gốc, là chủ sự sống sẽ dẫn chúng ta đến một thái độ tất yếu này là: chúng ta phải biết tôn trọng sự sống, bảo vệ và phát triển sự sống. Không phải chỉ sự sống thể xác mà cả sự sống tinh thần và sự sống tâm linh nữa. Không chỉ sự sống nơi mình, mà còn sự sống nơi người khác, nơi dân tộc khác nữa.

Thế nhưng, chung quanh chúng ta không biết bao nhiêu sự sống con người đang bị xâm phạm, chà đạp, cách này hay cách khác. Bao nhiêu trẻ em không được quyền sinh ra, không có được những điều kiện thiết yếu nhất về vật chất, tinh thần, để sống một cuộc sống cho ra người.

Chúa Giêsu đã sinh ra làm người là để cho con người được sống và sống một cách dồi dào. Nhưng sự sống của chúng ta đón nhận từ nơi Chúa sẽ không trọn vẹn, nếu chúng ta chưa thực sự chia sẻ sự sống ấy cho những người chung quanh. Bao lâu nhiều người anh em chung quanh chúng ta chưa được sống xứng với phẩm giá con người, bao lâu niềm vui và quyền được sống như những con người vẫn còn bị khước từ nơi nhiều người đang sống bên cạnh chúng ta, thì có lẽ chính chúng ta cũng không thể nào hưởng được một cách dồi dào sự sống mà Chúa Giêsu mang lại cho chúng ta.

CẢM NGHIỆM VỀ CHÚA

CẢM NGHIỆM VỀ CHÚA

Hai người hưởng phép lạ hôm nay đều được đụng chạm đến Chúa.

Người đàn bà bị bệnh băng huyết lén lút sờ vào gấu áo Người. Vừa đụng chạm vào áo Người, lập tức bà thấy có biến chuyển: bệnh tật bao năm hành hạ bà, làm cho bà tốn biết bao công sức tiền của chạy chữa tưởng như vô vọng, nay bỗng tiêu tan trong phút chốc.

Em bé không đụng chạm đến Chúa vì em đã chết. Nhưng chính Chúa đụng chạm đến em. Chúa cầm tay dắt em chỗi dậy. Cuộc tiếp xúc với Chúa đã gây nên những biến đổi mãnh liệt nơi thân xác. Căn bệnh bị xua trừ. Thân xác khỏe mạnh lại. Người phụ nữ được sinh hoạt bình thường với xã hội. Thần chết bị trục xuất. Sự sống trở lại. Em bé được giải thoát khỏi thế giới tử thần, trở về với thế giới sự sống.

Nhưng những biến đổi trong tâm hồn còn mãnh liệt hơn. Khi Đức Giêsu gọi người phụ nữ đến để khen ngợi và khích lệ chị, tâm hồn chị hẳn phải rộn ràng hạnh phúc. Với thái độ khoan dung nhân hậu, Đức Giêsu đã biến đổi sâu xa tâm hồn chị. Từ mặc cảm là người ô uế, bị xã hội khai trừ, chị thấy mình được đối xử một cách trân trọng. Từ thân phận một người lén lút như kẻ ăn trộm phép lạ, chị trở thành người được Đức Giêsu công khai khen ngợi. Từ một người xa lạ, chị trở thành người thân thiết của Đức Giêsu. Chắc chắn, chị sẽ chẳng bao giờ quên được những lời nói và thái độ của Đức Giêsu. Những lời nói, những thái độ ấy đã đem lại cho chị niềm tin, niềm bình an và lòng tự tín. Còn em bé, khi trở lại sự sống, người đầu tiên mà em nhìn thấy là Đức Giêsu. Hơi ấm đầu tiên em cảm nhận được từ bàn tay Người đã làm em thấy yên tâm. Ánh mắt hiền từ của Người cho em niềm tin yêu phó thác. Và thái độ của Người thật như một người cha hiền. Việc đầu tiên Người bảo mọi người là cho em bé ăn. Thật là một sự quan tâm ân cần. Ơn lớn nhất Người ban là trả lại sự sống cho em bé. Em đã được cứu thoát khỏi bàn tay tử thần. Nhưng chính ánh mắt, cử chỉ và lời nói đầy tình yêu thương đã ghi khắc trong tâm hồn em bé một hình ảnh rất đẹp và rất sâu đậm về Người. Trọn đời em sẽ ghi nhớ mãi hình ảnh Người. Trọn đời em sẽ biết ơn Người. Trọn đời em sẽ sống xứng đáng với tình yêu thương mà em đã cảm nhận được.

Người phụ nữ và em bé đã được Đức Giêsu thương yêu vì họ đã có những phẩm chất đáng quí.

Phẩm chất thứ nhất mà họ có, đó là đức tin mạnh mẽ. Ông trưởng hội đường tin tưởng mãnh liệt nên đã đến tìm Đức Giêsu. Hội đường Do Thái vốn không ủng hộ Đức Giêsu, trái lại còn chống đối và tìm cách giết Người. Thế mà ông trưởng hội đường này vẫn đến cầu cứu Người, chứng tỏ lòng tin của ông mãnh liệt biết bao. Chính Đức Giêsu đã bảo ông: “Chỉ cần tin thôi!”. Còn người phụ nữ tuy sợ hãi không dám nói với Người, nhưng với lòng tin tưởng mãnh liệt đã sờ vào gấu áo Người. Đức Giêsu đã khen ngợi đức tin của họ: “Lòng tin của con đã chữa con”. Đức tin mãnh liệt như thế đã xứng đáng được Chúa thưởng công.

Phẩm chất thứ hai mà họ có, đó là đức khiêm nhường thẳm sâu. Sự khiêm nhường được biểu lộ không những qua sự nhận biết thân phận thiếu thốn, bất lực của bản thân, mà còn diễn tả qua thái độ bên ngoài. “Vừa thấy Đức Giêsu, ông sụp lạy dưới chân Người”. Sau khi bị phát giác, người phụ nữ cũng đến phủ phục dưới chân Người và tỏ bày tất cả mọi sự. Chính thái độ khiêm nhường ấy đã được Chúa thương.

Hằng ngày có nhiều lần ta đụng chạm đến Chúa hoặc Chúa đụng chạm đến ta. Ta đụng chạm đến Chúa trong khi đọc Sách Thánh. Ta đụng chạm đến Chúa khi ta rước Mình Thánh Chúa. Ta đụng chạm tới Chúa khi ta lãnh nhận các bí tích. Ta đụng chạm đến Chúa khi ta tiếp xúc với tha nhân, đặc biệt những anh em bệnh tật, nghèo túng, bị bỏ rơi. Nhưng những đụng chạm ấy dường như chẳng để lại dấu ấn nào trong ta. Điển hình là khi ta rước Mình Thánh Chúa. Ta trực tiếp đụng đến Chúa. Thế nhưng vì ta đã đụng đến Chúa cách hời hợt, máy móc, theo thói quen, thiếu lòng tin, thiếu tình yêu, nên đời sống ta chưa biến đổi. Hôm nay, ta hãy noi gương ông trưởng hội đường và người phụ nữ bị bệnh băng huyết, đến với Chúa bằng một đức tin mãnh liệt và bằng sự khiêm nhường thẳm sâu. Với đức tin và sự khiêm nhường, ta sẽ cảm nghiệm được Chúa. Chỉ cần một lần nếm cảm được tình yêu Chúa, được thấy ánh mắt nhân từ của Chúa, được lắng nghe những lời êm dịu, khích lệ của Chúa, ta sẽ chẳng còn muốn làm gì khác hơn là đền đáp tình yêu thương của Chúa.

Lạy Chúa, xin hãy ban cho con một đức tin mạnh mẽ và một lòng khiêm nhường thẳm sâu. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Có khi nào bạn được đánh động bởi một câu Lời Chúa không? Có câu nào đã gây nên một âm vang lâu dài trong đời bạn?

2) Việc rước lễ có giúp bạn sống vui tươi và can đảm không? Bạn thấy mình phải chuẩn bị thế nào cho cuộc gặp gỡ này, khi Chúa đụng vào bạn và bạn đụng vào Chúa?

3) Có lần nào bạn đã cảm nghiệm được Chúa đụng chạm vào bạn chưa?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Lời kêu xin

Lời kêu xin

Đoạn Tin mừng sáng hôm nay cho chúng ta thấy các tông đồ đang ở vào một tình thế tuyệt vọng. Lời van xin của họ dường như bị sóng biển vùi lấp:

– Lạy Thầy, xin cứu chúng con.

Chúa Giêsu rất có thể lên tiếng trách cứ các ông:

– Bộ các con không hiểu rằng bao lâu Thầy còn ở với các con, thì không một tai ương hoạn nạn nào có thể xảy ra.

Thế nhưng lời van xin ấy lại rất bình thường và gần gũi với bản tính của chúng ta. Lời van xin xuất phát từ trái tim của một tạo vật nhỏ bé, như muốn xác quyết rằng: Vấn đề thật vô phương cứu chữa, chỉ mình Chúa mới có thể giúp đỡ.

Thế nhưng ngày hôm nay, liệu chúng ta có còn tìm thấy những lời van xin đầy tin tưởng và hy vọng như thế hay không? Nếu chúng ta hỏi những người lính chiến rằng: Vào những lúc nguy hiểm có bao giờ các bạn đã nghĩ tới Chúa và xin Ngài giúp đỡ hay không. Hầu như tất cả đều trả lời rằng không.

Nếu chúng ta hỏi những người lái xe rằng khi xảy ra tai nạn có bao giờ các bạn nghĩ tới đời sau và xin Chúa phù trợ hay không. Hầu như tất cả đều trả lời rằng không.

Chiếc tàu Dora với một ngàn bảy trăm hành khách, chẳng may gặp nạn và chìm dần xuống biển, người ta đã ghi nhận được một cảnh tượng thật trái ngược trong thời điểm hoảng hốt đó. Các cô thì lo giữ lấy đôi giày của mình. Các bà thì lo giữ lấy những bộ áo của mình. Các ông thì lo giữ lấy ví tiền của mình. Chỉ có một em bé năm tuổi là đã quỳ gối cầu nguyện.

Ngay cả bản thân chúng ta cũng thế. Mỗi khi gặp phải tai ương hoạn nạn, chúng ta vùng vẫy, chúng ta kêu gào, chúng ta làm mọi cách để thoát khỏi tai ương hoạn nạn ấy, nhưng lại không biết mở miệng kêu xin:

– Lạy Chúa, xin Chúa cứu giúp con kẻo con chết mất. Chỉ mình Chúa mới có thể bảo đảm cho con được an toàn.

Chúng ta cũng giống như dân ngoại. Chẳng tìm thấy hướng đi cũng như ánh sáng cho cuộc đời chúng ta. Ngày xưa mỗi khi mất mùa đói kém giặc giã xảy ra, người ta kêu cầu Chúa:

– Lạy Chúa xin giúp đỡ con.

Người ta tổ chức những cuộc rước kiệu, những cuộc hành hương để kêu cầu Chúa. Còn chúng ta ngày hôm nay thì sao?

Ngày hôm nay, người ta có rất nhiều phương tiện, chẳng hạn như thuốc trụ sinh, công ty bảo bảo hiểm, và người ta cảm thấy không còn cần đến sự trợ giúp của Chúa nữa. Và tệ hơn nữa, người ta muốn trục xuất Thiên Chúa ra khỏi những sinh hoạt cá nhân và xã hội. Người ta muốn thay trời vắt đất làm mưa. Người ta sống như không còn sự hiện diện của Ngài nữa.

Từ những điều vừa trình bày chúng ta đi tới kết luận: Bao lâu Chúa Giêsu còn ở trong chúng ta thì không một tai nạn nào có thể xảy ra. Tuy nhiên con người thời nay lại không hiểu là như thế. Do đó, vấn đề cần phải đặt ra cho mỗi người, đó là Chúa Giêsu có thực ở trong thuyền đời chúng ta hay không. Tôi đã phản ứng và hành động như thế nào trong những hoàn cảnh đen tối. Tôi có biết hướng tới Chúa và xin Ngài giúp đỡ hay không? Đó là những câu hỏi mà mỗi người chúng ta phải tự tìm lấy lời giải đáp.

Sưu tầm

Mọi đổ vỡ và lựa chọn sai lầm của cha mẹ gây khổ đau cho con cái

Mọi đổ vỡ và lựa chọn sai lầm của cha mẹ gây khổ đau cho con cái

Trong gia đình tất cả đều gắn liền với nhau. Vì thế mọi lời nói việc làm và thiếu sót của cha mẹ đều gây ra các thương tích trong tâm hồn con cái, và để lại các hậu qủa trầm trọng trong cuộc sống của chúng. Khi các người lớn mất lý trí, khi mỗi người chỉ nghĩ tới chính mình, khi cha mẹ làm cho nhau đau khổ, tâm hồn của trẻ em đau khổ rất nhiều, nó cảm thấy tuyệt vọng. Và chúng là các vết thương để lại dấu vết trong suốt cuộc đời.

Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 40,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu. Trong số hàng trăm đoàn hành hương đến từ các nước Bắc Mỹ và Âu châu cũng có các phái đoàn đến từ các nước Australia, Indonesia, Nhật Bản và một phái đoàn 40 người đến từ Việt Nam. Ngoài ra cũng có các đoàn hành  hương đến từ các nước châu Mỹ Latinh như Brasil.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã khai triển đề tài giáo lý các vết thương trong cuộc sống chung của gia đình. Ngài nói : thật là điều xấu, khi trong gia đình người ta làm cho nhau đau khổ. Chúng ta biết là không có lịch sử gia đình nào mà lại không có các thời gian, trong đó sự thân tình của các trìu mến bị xúc phạm bởi thái độ sống của các thành phần trong gia đình. ĐTC giải thích điểm này như sau :

Các lời nói, các hành động và các thiếu sót, thay vì diễn tả tình yêu thương, thì lại lấy mất đi, hay tệ hại hơn, gây khổ đau cho tình yêu thương. Khi các vết thương này còn có thể sửa chữa được, chúng bị lơ là, trở nên trầm trọng và biến thành các ưu quyền, sự thù nghịch và khinh rẻ. Và lúc đó chúng có thể trở thành các xâu xé sâu đậm, chia rẽ vợ chồng, và dẫn đưa tới chỗ tìm ở nơi khác sự cảm thông, nâng đỡ và an ủi. Nhưng thường khi các “nâng đỡ” ấy không nghĩ tới hạnh phúc của gia đình.

Sự trống rỗng tình yêu hôn nhân làm lan tràn sự oán hận trong các tương quan. Và thường khi sự tan vỡ đổ ập trên con cái. Con cái, đó là điểm tôi muốn đề cập tới một chút. Mặc dù sự nhậy cảm của chúng ta bề ngoài xem ra đã tiến triển, và mọi phân tích tâm lý tinh tế của chúng ta, tôi tự hỏi chúng ta cũng có đang gây mê đối với các vết thương trong tâm hồn các trẻ em hay không. Người ta càng tìm cách bù trừ bằng quà cáp và bánh ngọt bao nhiêu, thì lại càng đánh mất đi ý thức về các vết thương  của tâm  hồn – đau đớn và sâu đậm hơn – bấy nhiêu. Chúng ta nói nhiều về các thái độ hỗn loạn, về sức khỏe tâm thần, vể hạnh phúc của trẻ em, sự lo âu của cha mẹ và con cái… Nhưng chúng ta có còn biết vết thương của tâm hồn là cái gì không? Chúng ta cảm thấy sức nặng của quả núi đè bẹp tâm hồn một trẻ em, trong các gia đình, trong đó người ta đối xử tàn tệ với nhau và làm cho nhau đau khổ, cho tới chỗ bẻ gẫy mối dây liên kết của sự chung thuỷ hôn nhân? Các lựa chọn của chúng ta có sức nặng nào trên tâm hồn của các trẻ em? Có sức nặng nào trong các lựa chọn của chúng ta – các lựa chọn sai lầm chẳng hạn, có sức nặng biết bao nhiêu trên tâm hồn của các trẻ em?

Khi các người lớn mất lý trí, khi mỗi người chỉ nghĩ tới chính mình, khi cha mẹ làm cho nhau đau khổ, tâm hồn của trẻ em đau khổ rất nhiều, nó cảm thấy tuyệt vọng. Và chúng là các vết thương để lại dấu vết suốt cả cuộc đời.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói:

Trong gia đình tất cả đều gắn bó với nhau: khi tâm hồn của trẻ em bị thương tích tại một điểm nào đó, thì sự nhiễm trùng lan sang mọi nguời. Và khi một người đàn ông và một người đàn bà dấn thân để trở nên “một thân thể duy nhất” và thành lập một gia đình, nghĩ tới các đòi hỏi riêng của họ liên quan tới sự tự do và tưởng thưởng một cách ám ảnh, thì sự lệch lạc này tấn kích con tim và cuôc sống của con cái một cách sâu đậm. Biết bao lần các trẻ em lẩn trốn để khóc một mình… Chúng ta phải hiểu rõ điều này. Chồng vợ là một thịt xác duy nhất. Nhưng các thụ tạo của họ là thịt xác của thịt xác họ. Nếu chúng ta nghĩ tới sự cứng rắn mà Chúa Giêsu dùng để cảnh cáo người lớn đừng gây gương mù gương xấu cho các trẻ em, như đã nghe trong đoạn Tin Mừng (x. Mt 18,6), thì chúng ta cũng có thể hiểu một cách dễ dàng hơn lời nói của Ngài liên quan tới trách nhiệm trầm trọng phải gìn giữ mối dây hôn nhân khai mào gia đình nhân loại (x, Mt 19,1-9). Khi người nam và người nữ đã trở nên một thịt xác duy nhất, thì mọi vết thương và các bỏ rơi của người cha hay người mẹ ghi đậm dấu vết trên thịt xác sống động của con cái họ.

Đàng khác, cũng đúng thật là có những trường hợp, trong đó sự chia ly không thế tránh được. Đôi khi nó có thể trớ thành cần thiết trên bình diện luân lý, khi người ta tìm lấy khỏi người phối ngẫu yếu duối hơn, những đứa con còn bé khỏi các vết thương trầm trọng hơn, bị gây ra bởi ưu quyền và bạo lực, sự nhục nhã và khai thác bóc lột, sự xa lạ và thờ ơ.

Nhưng cám ơn Chúa không thiếu những người được nâng đỡ bởi đức tin và tình yêu thương đối với con cái, làm chứng cho sự chung thủy của họ đối với mối dây ràng buộc mà họ đã tin, dù xem ra không thể làm nó sống lại được. Tuy nhiên, không phải mọi nguời ly thân đều cảm thấy ơn gọi này. Không phải ai cũng thừa nhận  trong thinh lặng một tiếng gọi của Chúa hướng tới họ. Chung quanh chúng ta chúng ta tìm thấy các gia đình khác nhau trong những hoàn cảnh bất bình thường. Tôi không thích từ này và chúng ta đặt ra nhiều câu hỏi? Làm sao trợ giúp các gia đình? Làm thế nào để đồng hành với chúng? Làm thế nào để đồng hành với các gia đình để con cái không trở thành con tin của cha hay mẹ?

Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta một đức tin lớn lao để nhìn thực tại với cái nhìn của Thiên Chúa; và một tình bác ái lớn lao để đem con người tới gần trái tim thuơng xót của Chúa.

ĐTC đã chào một nhóm thành viên phong trào Đức tin và Ánh sáng Pháp. Ngài khích lệ các anh chị em tàn tật  ý thức mình rất quý báu đối với Giáo Hội.

Chào các đoàn hành hương Đức ngài xin Chúa chữa lành các vết thương trong gia đình và biến chúng thành các chứng nhân lòng thuơng xót và tình yêu của Chúa. Với các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC khích lệ mọi người nhớ tới mùa hè như thời gian Chúa ban cho để cho thân xác và tinh thần được nghỉ ngơi, cũng như để củng cố các tương quan giữa gia đình, với bạn bè và với Thiên Chúa; không quên tham dự thánh lễ Chúa Nhật và làm việc bác ái trọ giúp người túng thiếu.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ngài nhắc cho mọi người biết hôm qua là lễ sinh nhật thánh Gioan Baotixita. Ngài xin thánh nhân giúp các bạn trẻ  noi gương thánh nhân biết can đảm lựa chọn  sự thiện. Ngài cầu mong sự mạnh mẽ của thánh nhân trợ lực các anh chị em đau yếu vác thánh giá khổ đau kết hiệp với Chúa, và củng cố tình yêu của các đôi tân hôn.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Công bố Tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục 14

Công bố Tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục 14

VATICAN. Sáng ngày 23-6-2015, Tài liệu làm việc của Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 14 về gia đình đã được công bố.

Thượng HĐGM sẽ tiến hành từ ngày 4 đến 25-10 năm nay với chủ đề “Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới ngày nay”.

Chủ tọa cuộc họp báo là ĐHY Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng HĐGM, cùng với ĐHY Peter Erdoe, TGM Erztergom-Budapest, Hungari, Tổng tường trình viên, và Đức Cha Bruno Forte, Tổng thư ký đặc biệt và cũng là TGM giáo phận Chieti Vasto, Italia.

ĐHY Baldisseri đã gợi lại tiến trình soạn thảo tài liệu làm việc, sẽ được dùng làm căn bản cho các cuộc thảo luận trong công nghị GM thế giới về gia đình. Tài liệu được soạn dựa trên các bản trả lời 46 câu hỏi gợi ý do Văn phòng gửi đến các nơi liên hệ trên thế giới. Tổng cộng Văn phòng Tổng thư ký Thượng HĐGM đã nhận được 99 bản trả lời của các HĐGM, các Giáo Hội Công Giáo Đông phương tự quản, các cơ quan trung ương Tòa Thánh và Liên hiệp các Bề trên tổng quyền dòng nam.

Ngoài ra có 359 nhận xét khác do các giáo phận, giáo xứ, hiệp hội và các tín hữu từ các nơi gửi về. Dựa vào các ý kiến đó, tài liệu làm việc đã được soạn thảo. Và trong phiên họp ngày 25 và 26-5 vừa qua, dưới quyền chủ tọa của ĐTC, dự thảo tài liệu làm việc đã được thông qua.

Văn kiện này gồm phần nhập đề và kết luận, được chia làm 3 phần: trước tiên là lắng nghe những thách đố về gia đình trong Giáo Hội và xã hội ngày nay, tiếp đến, phần 2 trình bày sự phân định về ơn gọi của gia đình, sau cùng phần thứ 3 nói về sứ mạng của gia đình ngày nay. Tổng cộng có 147 đoạn.

Tài liệu này không đi từ số không, nhưng lấy lại trọn bộ tài liệu chung kết của Thượng HĐGM thế giới khóa đặc biệt hồi tháng 10 năm ngoái, và khai triển, bổ túc bằng những góp ý của các HĐGM, các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, các cơ quan trung ương Tòa Thánh và nhiều thành phần khác trong cộng đồng dân Chúa.

Tài liệu làm việc này bao gồm tất cả các đoạn của bản tường trình chung kết của Thượng HĐGM năm ngoái, kể cả các đoạn số 52, 53 và 55 gây tranh luận nhiều nhất liên quan đến việc chấp nhận cho các cặp ly dị tái hôn dân sự được rước lễ, đề nghị cho những cặp đồng tính luyến ái được rước lễ thiêng liêng. Bản tường trình đó tái khẳng định tầm quan trọng của gia đình dựa trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, nêu bật những khía cạnh tích cực, nhưng cũng nói đến sự cần thiết phải có thái độ kiên nhẫn và tế nhị đối với những gia đình bị thương tổn. Bản văn cũng nhấn mạnh rằng những cặp đồng phái không thể coi như tương đương với hôn nhân giữa người nam và người nữ, và không thể chấp nhận những sức ép gây ra cho các GM về điểm này. Những điểm kế tiếp nói về mong ước các vụ án xin xác nhận hôn nhân vô hiệu được tiến hành miễn phí, vấn đề nhận con nuôi, lời báo động về nạn dâm ô, sự sử dụng sai trái các mạng internet, sau cùng là quan tâm đến phụ nữ và trẻ em nạn nhân bị khai thác tình dục.

Một số đề nghị trong Tài Liệu làm việc  

Tuy văn kiện này không có giá trị quyết định và chỉ là tài liệu để thảo luận, nhưng người ta cũng thấy được hướng đi được các HĐGM thế giới đề nghị:

– Các cặp đồng phái không thể coi như tương đương với hôn nhân giữa người nam và người nữ, và không thể chấp nhận những sức ép gây ra cho các GM về điểm này.

Tài liệu đưa ra những nhận xét về phẩm giá người già và người tàn tật, đồng thời nói đến nền mục vụ chuyên biệt cho các gia đình di dân.

Văn kiện nêu bật tầm quan trọng của gia đình như một dụng cụ giúp con người hội nhập vào xã hội, nhất là những thành phần yếu thế như những người góa, người già, người khuyết tật. Họ cần được nâng đỡ chống lại những hình thức coi rẻ, lên án hoặc những thành kiến.

– Tài liệu làm việc đề cập đến vai trò của phụ nữ và đề cao vai trò của họ trong Giáo Hội. Văn kiện nhắc đến những tình cảnh đau thương: phụ nữ bị bóc lột, hãm hiếp, bạo hành, phải phá thai hoặc bị cưỡng bách tuyệt sản, nạn mang thai mướn, thị trường buôn bán trứng và tinh, ước muốn có con với bất kỳ giá nào. Tài liệu làm việc cầu mong vai trò của phụ nữ được Giáo Hội đánh giá cao hơn, để phụ nữ cũng được tham gia vào các tiến trình quyết định trong Giáo Hội, tham gia vào việc cai quản một số tổ chức.

– Tài liệu nhấn mạnh: bí tích hôn phối là bất khả phân ly. Đặc tính này chính là một hồng ân chứ không phải là cái ách áp đặt trên con người.

Văn kiện nhấn mạnh một sự cấp thiết cơ bản là thăng tiến gia đình như một chủ thể loan báo Tin Mừng, để gia đình làm chứng về Tin Mừng.. Từ đó, Văn kiện kêu gọi canh tân chương trình giáo lý về gia đình, để cộng đoàn Kitô không phải là là một cơ quan cung cấp dịch vụ, nhưng là một nơi tăng trưởng trong hành trình đức tin.

–  Giáo Hội phải tháp tùng những giai đoạn khó khăn đau khổ của các đôi vợ chồng, giúp tránh những đối nghịch tai hại, đổ vỡ giữa hai bên, với những hậu quả gây ra cho con cái.

– Đứng trước sự áp đặt những kiểu mẫu trái ngược với lập trường Kitô giáo về gia đình, như đang xảy ra trong lãnh vực tính dục, cần cống hiến những chương trình huấn luyện thích hợp, quyết liệt bênh vực quyền của các nhà giáo dục được phản kháng lương tâm, không bị bó buộc phải dạy những điều trái lương tâm của họ.

– Tài liệu làm việc kêu gọi các tín hữu Kitô dấn thân trong chính trị và xã hội hãy bảo vệ gia đình. Các tín hữu Kitô phải dấn thân trực tiếp trong bối cảnh xã hội chính trị. Cần canh tân việc mục vụ gia đình, kiến tạo một sự hợp lực tốt đẹp hơn với các lãnh vực mục vụ khác như giới trẻ, huấn giáo, các hội đoàn, để chương trình mục vụ bao gồm tất cả các giai đoạn của cuộc sống.

– Về những cặp nam nữ sống chung mà không kết hôn, Tài liệu làm việc cổ võ sự tháp tùng các cặp ấy để họ tiến đến sự sung mãn về bí tích.

– Tài liệu làm việc nhấn mạnh đến sự tha thứ là kinh nghiệm cơ bản trong gia đình, và nhắc nhớ rằng trong trường hợp có sự phản bội trong hôn nhân, thì cần có một sự sửa chữa, để hôn ước đã bị vi phạm có thể được tái lập.

Về sự thất bại của hôn nhân, Tài liệu làm việc khẳng định rằng cần có sự phân định khôn ngoan và từ bi.

Có hai thái độ khác nhau: một là khuyến khích những ngừơi sống trong tình trạng không phải là hôn nhân hãy đi theo con đường trở về; hoặc là mời gọi những người ấy hãy nhìn về đằng trước và tái lên đường. Dầu sao sự tháp tùng như thế cần được thực hiện với sự phân định khôn ngoan và từ bi.

Một số người cũng yêu cầu Giáo Hội tỏ ra có thái độ tương tự đối với những người đã vi phạm giao ước hôn nhân”. Trong viễn tượng này, người ta nhấn mạnh đến sự cần thiết phải huấn luyện các LM thi hành sứ vụ an ủi và săn sóc các gia đình bị thương. Đồng thời Giáo Hội phải quí chuộng và nâng đỡ những người không tái hôn khi bị ly dị, và tiếp tục trung thành với giây hôn phối.

– Liên quan đến các vụ án giải hôn phối: thủ tục miễn phí và bỏ qua qui luật phải có hai án lệnh đồng nhất thì mới được tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Tài liệu làm việc ghi nhận có sự đồng ý của nhiều ngừơi về vấn đề này. Không cần phải có 2 án lệnh do hai cấp tòa án tuyên bố, nhưng vị bảo hệ hoặc một trong hai bên liên hệ vẫn có thể kháng án.

 

Có sự đồng ý rộng rãi về việc có thể tiến hành một vụ án hôn phối đơn sơ, trong trừơng hợp thấy có sự vô hiệu tỏ tường. Ngoài ra cần gia tăng và tản các tòa án hôn phối có nhiều nhân sự có khả năng.

– Về những người li dị tái hôn, văn kiện nhấn mạnh rằng cần phải xét lại những hình thức loại trừ hiện nay đối với họ trong lãnh vực phụng vụ và mục vụ, giáo dục và từ thiện, để những tín hữu ấy không ở ngoài Giáo Hội: cần suy nghĩ về việc loại bỏ những sự loại trừ ấy. Nhưng những con đường hội nhập mục vụ phải có sự phân định thích hơp đi trước và được thực hiện theo luật tiệm tiến, tôn trọng sự trưởng thành của lương tâm.

Về việc cho những ngừơi ly dị tái hôn được rước lễ, người ta đồng ý vế giả thuyết thực hiện một con đường thống hối, dưới quyền một GM, dự trên sự thống hối, kiểm điểm xem hôn phối có thành sự hay không, và sự quyết định sống tiết dục. Một số người khác nói đến một tiến trình minh định và định hướng mới, trong đó đương sự được một linh mục tháp tùng.

– Sau cùng, tuy Giáo Hội tiếp tục mạnh mẽ chống lại hôn phối đồng phái, Tài liệu làm việc khẳng định rằng ”mỗi người, bất luận họ có xu hướng tính dục thế nào, đều phải được tôn trọng trong phẩm giá và được đón nhận, với sự nhạy cảm và tế nhị, trong Giáo Hội và xã hội. Tài liệu cầu mong có những dự án mục vụ đặc biệt cho những người đồng tính luyến ái và gia đình họ”.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha kết thúc viếng thăm Tổng giáo phận Torino

Đức Thánh Cha kết thúc viếng thăm Tổng giáo phận Torino

Pope finished pilgrim at Turin

ROMA. Chiều ngày 22-6-2015, ĐTC đã về đến Roma bằng an kết thúc 2 ngày viếng thăm tại tổng giáo phận Torino, cách Roma khoảng 600 cây số về hướng tây bắc.

Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết ĐTC rất hài lòng về sự đón tiếp nồng nhiệt ngài nhận được tại Torino, sự đón tiếp vượt quá sự mong đợi của ngài.

Viếng thăm Đền thờ Tin Lành Valdese

Sau một ngày chúa nhật với những hoạt động khẩn trương, sáng thứ hai 22-6-2015, ĐTC chỉ có một sinh hoạt công cộng: ngài từ tòa TGM Torino đến viếng thăm Đền thờ của Giáo Hội Tin Lành Valdese cũng tại thành phố này. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một vị Giáo Hoàng đến thăm và gặp gỡ cộng đoàn Tin Lành bé nhỏ này.

 Cộng đoàn Tin Lành Valdese do một thương gia ở thành Lyon bên Pháp, ông Pierre Valdes, sáng lập. Trong thời trung cổ, những tín đồ Valdese bị Công Giáo coi là những kẻ rối đạo và bách hại. Hiện nay tại Italia chỉ có khoảng 30 ngàn tín hữu Tin Lành Valdese, hợp chung với Giáo Hội Tin Lành Methodist. Đền thờ lớn nhất của Cộng đoàn này là ở thành Torino, vì tại đây có đông đảo tín hữu nhất.

Đến nơi vào lúc gần 9 giờ, ĐTC đã được Mục Sư Eugenio Bernardini, Thủ lãnh Hội đồng lãnh đạo của Giáo Hội, cùng với Chủ tịch Hội đồng công tọa và Mục Sư quản đốc đền thờ, nữ phó tế Alessandra Trotta, đại diện cộng đoàn Tin Lành Mathodist tiếp đón, và hướng dẫn vào Đền thờ. Thánh đường đông chật với khoảng 1 ngàn tín hữu, trong đó cũng có nhiều đại diện của các Giáo Hội Tin Lành khác như Luther, Baptist, Cơ đốc Phục Lâm, và Đạo binh cứu độ.

Thánh đường không có bàn thờ, chỉ có bục giảng. ĐTC và các vị Mục Sư ngồi ở gian cung thánh. Trong lời chào mừng ngài, Mục Sư Bernardini đã gọi ĐTC là người anh trong Chúa Kitô và khẳng định rằng ”Khi bước vào Đền thờ thành, Ngài đã bước qua một ngưỡng cửa lịch sử, ngưỡng cửa của một bức tường được dựng lên cách đây hơn 8 thế kỹ khi phong trào Valdese bị cáo là rối đạo và bị tuyệt thông với Giáo Hội Roma. Đâu là tội của người Valdese? Tội của họ là một phong trào loan báo Tin Mừng bình dân, do giáo dân thực hiện, qua việc rao giảng lưu động rút từ Kinh Thánh, được đọc và giải thích trong ngôn ngữ của dân chúng.

Mục sư Bernardini cũng nói đến sự cộng tác giữa Liên hiệp Tin Lành Valdese và Methodist với Giáo Hội Roma đồng thời liệt kê một số vấn đề có thể thực hiện chung hoặc giải quyết. Mục sư cho rằng cần phải vượt qua giáo huấn của Công đồng chung Vatican 2 phân biệt các ”Giáo Hội” và các Cộng đoàn Giáo Hội. Theo giáo huấn của Công đồng các Giáo hội Tin Lành không phải là Giáo Hội đúng nghĩa vì không có ”tông truyền”, sự kế truyền của các tông đồ, vì thế đó là là các ”Cộng đồng Giáo Hội” (Comunità ecclesiali). Mục sư nói: ”Chúng tôi biết những lý do thúc đẩy Công đồng chấp nhận thành ngữ ấy, nhưng chúng tôi nghĩ rằng điều này có thể và phải được vượt thắng. Thật là đẹp nếu điều này xảy ra vào năm 2017 hoặc trước đó, khi chúng tôi kỷ niệm 500 năm cuộc Cải cách Tin Lành.”

Đức Thánh Cha xin lỗi

Về phần ĐTC, ngài nhân danh Giáo Hội Công Giáo xin lỗi vì những thái độ và lối cư xử không đúng tinh thần Kitô, và thậm chí không xứng với con người trong lich sử, đã gây ra cho anh chị em Valdese. Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, xin hãy tha thứ cho chúng tôi!”

 ĐTC cũng nói rằng:

”Vì thế, chúng tôi cũng biết ơn sâu xa đối với Chúa khi nhận thấy rằng quan hệ giữa các tín hữu Công Giáo và Valdese ngày nay ngày càng dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và trên tình bác ái huynh đệ. Không thiếu những dịp đã góp phần làm cho những quan hệ ấy thêm vững chắc. Tôi chỉ nêu vài ví dụ như sự cộng tác để ấn hành bản dịch Kinh thánh đại kết, những thỏa thuận mục vụ về việc cử hành hôn phối, và gần đây là lời kêu gọi chung chống nạn bạo hành phụ nữ…

”Được khích lệ vì những bước tiến đó, chúng ta được kêu gọi cùng nhau tiến bước. Một lãnh vực đang được mở ra trong đó có nhiều cơ hội cộng tác giữa người Valdese và Công Giáo, đó là việc loan báo Tin Mừng. Với ý thức rằng Chúa đã và luôn đi trước chúng ta trong tình yêu thương (Xc 1 Ga 4,10), chúng ta hãy cùng nhau đi gặp những người nam nữ ngày nay, nhiều khi rất đãng trí và dửng dưng, để thông truyền cho họ con tim của Phúc Âm, nghĩa là ”vẻ đẹp của tình thương cứu độ của Thiên Chúa được biểu lộ trong Chúa Giêsu Kitô đã chịu chết và sống lại” (Ev. g. 36).

Sau diễn văn của ĐTC, Mục sư trưởng của Tin Lành Valdese đã tặng ngài bản sao cuốn Kinh Thánh có từ thế kỷ 16 do Phong trào Tin Lành cải cách ấn hành ở Genève. Còn ngài thì tặng các vị lãnh đạo mề đay Giáo Hoàng của ngài.

Cuộc gặp gỡ kết thúc với Kinh Lạy Cha theo bản dịch đại kết và thánh ca. Sau đó, ĐTC còn gặp gỡ phái đoàn đại diện các Giáo Hội Tin Lành trước khi về Tòa TGM Torino.

Tại đây ngài đã cử hành thánh lễ cho 30 thân nhân họ hàng, tổng cộng là 30 người tại nhà nguyện tòa TGM và dùng bữa trưa với họ.

Chúa nhật 21-6 vừa qua, ĐTC cũng đã đến viếng nhà thờ Thánh Nữ Têrêsa ở Torino, nơi mà vào năm 1907 ông nội của ngài là Giovanni Bergolio thành hôn với bà nội là Rosa Vassallo, cũng tại đây, năm sau đó, thân phụ của ngài là Mario chịu phép rửa tội. Phòng báo chí Tòa Thánh nói rằng, qua cử chỉ này, ĐTC muốn tái khẳng định giá trị của gia đình. Và tại thánh đường đó ngài đặc biệt cầu nguyện cho Thượng HĐGM thế giới vào tháng 10 năm nay về gia đình.

Lúc 4 giờ rưỡi chiều, trước khi rời tòa TGM, ĐTC còn gặp gỡ và cám ơn ban tổ chức cuộc trưng bày Khăm Liệm Thánh và cuộc viếng thăm của ngài tại Torino, rồi ra phi trường đáp máy bay trở về Roma.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Hoạt động của Đức Thánh Cha chiều ngày 21-6-2015 tại Torino

Hoạt động của Đức Thánh Cha chiều ngày 21-6-2015 tại Torino

TORINO. Chiều chúa nhật 21-6-2015, ĐTC đã tiếp tục viếng thăm Tổng giáo phận Torino và có hai hoạt động chính, đó là gặp các tu sĩ Salésien Don Bosco và các nữ tu thuộc dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ, nhân dịp kỷ niệm 200 năm sinh nhật của thánh sáng lập, Gioan Bosco.

Gặp đại gia đình Salésien Don Bosco

Cuộc gặp gỡ diễn ra tại mộ của Thánh Nhân ở Vương cung thánh đường Đức Mẹ Phù hộ các tín hữu, ở khu vực Valdocco, Torino. Đây là con tim của các tu sĩ nam nữ Salésien. Đến nơi vào lúc quá 3 giờ chiều, ĐTC đã được hàng ngàn bạn trẻ chào đón ở quảng trường bên ngoài, trước khi bước vào bên trong thánh đường. Tại đây Cha Ángel Fernández Artime, Bề trên tổng quyền dòng Don Bosco đã đại diện mọi người chào mừng và cám ơn ĐTC. Cha Artime người Tây Ban Nha từng làm Giám tỉnh Don Bosco tại Argentina, và quen biết và làm việc chung với ĐHY Jorge Bergoglio, nay là ĐGH đương kim.

ĐTC trao cho cha Artime bài huấn dụ đã dọn sẵn để phổ biến cho các tu sĩ toàn dòng và ứng khẩu kể lại quan hệ cũng như kinh nghiệm của ngài với các tu sĩ Salésien, nam cũng như nữ. ĐTC nói:

”Gia đình tôi rất gắn bó với các con của thánh Bosco; khi vừa mới đến Argentina, ba tôi đã đến gặp các cha Salésien và có cảm tình ngay với một đội banh do một cha Salésien thành lập. Tu sĩ Salésien ấy đã lập đội banh hồi năm 1908 với áo mầu Đức Mẹ, xanh và đỏ, và các cầu thủ là các trẻ em bụi đời. Tôi cũng được biết một LM tài giỏi, một cha giải tội Don Bosco và thường đến xưng tội với cha, chính đã đã hướng dẫn tôi, khi tôi định vào chủng viện, thì cha đã khuyên tôi vào dòng Tên. Tôi rất biết ơn gia đình dòng Salésien. Mẹ tôi, sau khi sinh con lần thứ 5 thì bị tê liệt và bà gửi chúng tôi đến học tại trường của các cha Don Bosco và tại đó tôi đã học yêu mến Đức Mẹ. Các tu sĩ Salésien đã huấn luyện tôi, dạy tôi làm việc, huấn luyện về tình cảm nữa. Đó thực là một đoàn sủng. Một điểm then chốt của thánh Bosco là huấn luyện tình cảm cho người trẻ với tình thương”.

ĐTC nhắn nhủ các tu sĩ Salésien tiếp tục công tác huấn luyện giới trẻ trong tinh thần sáng tạo. Ngài nói: ”Óc sáng tạo của các tu sĩ Salésien phải làm để thi hành trọn vẹn việc giáo dục và dẫn đưa người trẻ đến niềm vui, niềm vui Salésien, nà tôi đã học và không bao giờ quên. Vì tất cả những gì Chúa ban cho chúng ta đều là đẹp. Hãy thăng tiến những điều tốt lành với tinh thần sáng tạo ấy theo mức độ của cuộc khủng hoảng phải đương đầu”.

ĐTC cũng nói thêm rằng: ”Các tu sĩ Salésien đã giúp đôi đương đầu với cuộc sống không chút sợ hãi hoặc ám ảnh, tiến bước trong niềm vui, trong kinh nguyện. Đó là điều không bị mất với thời gian, giáo dục người trẻ đừng sợ hãi”.

Một đặc tính khác của các tu sĩ Salésien là ”cụ thể. Tu sĩ Salésien nào thiếu đặc tính cụ thể như thế, thì thiếu một cái gì đó. Tu sĩ Salésien nghĩ cách phải làm, và nắm trong tay tình thế”.

Sau khi giã từ các tu sĩ Don Bosco và các nữ tu dòng Con Đức Bà Phù hộ, ĐTC tiến ra quảng trưởng bên ngoài để gặp gỡ các bạn trẻ vẫn tham gia các sinh hoạt vui chơi, cầu nguyện, do các tu sĩ Don Bosco hướng dẫn. Ngài nhắn nhủ: ”Các bạn đừng quên đặc tính của các sinh hoạt này là niềm vui. Với niềm vui ấy, các bạn hãy tìm kiếm và yêu mến Chúa Giêsu, hãy để cho Chúa tìm kiếm để gặp gỡ Chúa hằng ngày”.

Gặp gỡ 50 ngàn bạn trẻ

Hoạt động cuối cùng của ĐTC chiều chúa nhật 21-6 vừa qua là cuộc gặp gỡ của ngài với 50 ngàn bạn trẻ tại Quảng trường Vittorio Veneto ở trung tâm thành phố Torino.

Bầu không khí thật hân hoan và phấn khởi như trong một đại hội giới trẻ và được mở đầu với nghi thức rước thánh giá giới trẻ tiến lên lễ đài .

Sau lời chào mừng và những câu hỏi của 3 đại diện các bạn trẻ, bắt đầu là một thiếu nữ khuyết tật ngồi trên xe lăn, ĐTC nói với các bạn trẻ rằng:

”Tôi không muốn giảng luân lý, nhưng tôi muốn nói một lời không được người ta ưa thích lắm. Giáo hoàng đôi khi cũng phải chấp nhận rủi ro để nói sự thật”.

Cụ thể là ngài mời gọi các bạn trẻ hãy sống tình yêu trong sự khiết tịnh, mặc dù điều ấy không dễ dàng. Tình yêu là khiết tịnh, không sử dụng người khác. ĐTC cổ võ một tình yêu trong sự tôn trọng con người. Ngài phê bình tình yêu tìm khoái lạc và nền văn hóa lạc thú, đồng thời ca ngợi tình yêu cụ thể, tình yêu phục vụ tha nhân. Tình yêu hiến thân.

Trả lời câu hỏi của một thiếu nữ thiếu tin tưởng nơi cuộc sống, ĐTC đã gợi lại những biến cố khác nhau trong lịch sử, nhất là đại thảm trạng là cuộc tàn sát người Arméni hồi đầu thế kỷ 20.. Về vấn đề Shoah, cuộc diệt chủng Do thái, ĐTC nhấn mạnh sự kiện các cường quốc hò iđó ã có những hình không ảnh chụp các con đường hỏa xa dẫn tới trại tập trung nơi tàn sát người Do thái, Kitô hữu, và những người đồng tính luyến ái. Ngài nói: ”Tại sao họ không oanh tạc các đường xe lửa ấy?” Qua đó, ĐTC tố giác sự tìm kiếm và hành động theo lợi lộc của các cường quốc.

Và một lần nữa, ngài nhắc đến thế chiến từng mảnh hiện nay, tại Âu Châu, Phi châu và Trung Đông. Ngài cầu mong khuyến khích các bạn trẻ qua lời nói của chân phước Pier Giorgio Frassati (1901-1925): ”Nếu bạn muốn làm cái gì tốt đẹp trong cuộc đời, thì hãy sống thực, đừng sống vất vưởng!”. Từ đó, ngài kêu gọi các bạn trẻ hãy đi ngược dòng, hãy cam đảm và có tinh thần sáng tạo.

Cũng nên nói thêm rằng lúc quá 4 giờ chiều cùng ngày chúa nhật vừa qua, sau khi gặp đại gia dòng Salésien Don Bosco, ĐTC đến thăm nhà thờ của dòng thánh Cottolengo, gặp gỡ các bệnh nhân và những người khuyết tật.

Lên tiếng trong dịp này, ngài tái lên án nền văn hóa vứt bỏ, hậu quả của một cuộc khủng hoảng nhân loại học, không đặt con người ở vị trí trung tâm. Trong số các nạn nhân của sự vứt bỏ ấy, có những ngừơi già tại các viện dưỡng lão. ĐTC nói:

”Đáng tiếc là sự sống lâu của những người già ấy không luôn được coi như một hồng ân của Thiên chúa, nhưng đôi khi như một gánh nặng khó có thể chịu nổi.” Ngài đề nghị phát triển một kháng độc tố chống não trạng ấy là một thứ tội lỗi xã hội.

Và ĐTC nói với các bệnh nhân ”Anh chị em thân mến, anh chị em là những chi thế quí giá của Giáo Hội”.

Theo ban tổ chức cuộc trưng bày tấm Khăn liệm thánh ở Thành Torino, đã có khoảng 30 ngàn bệnh nhân đã đến kính viếng thánh tích này trong khoảng thời gian từ 19-4 đến ngày 24-6 tới đây.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio