Tòa Thánh hy vọng Israel và Palestine tái đối thoại

Tòa Thánh hy vọng Israel và Palestine tái đối thoại

VATICAN. Tòa Thánh hy vọng Israel và Palestine có thể mở lại các cuộc thương thuyết trực tiếp giữa các phe để đạt tới sự chấm dứt bạo lực, đang gây đau khổ không thể chấp nhận được cho các thường dân và tiến tới một giải pháp chính đáng và lâu bền.

Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết như trên trong thông cáo công bố sau cuộc tiếp kiến của ĐTC dành cho Tổng thống Mahmoud Abbas của Palestine sáng ngày 14-1-2016. Sau khi gặp ĐTC, Tổng thống Abbas đã hội kiến với ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, và ngoại trưởng Paul Gallagher.

Thông cáo cũng viết: ”Để đạt mục tiêu vừa nói, Tòa Thánh cầu mong rằng, với sự hỗ trợ của Cộng đồng quốc tế, có những biện pháp được đề ra để tạo điều kiện cho sự tín nhiệm nhau và góp phần kiến tạo một bầu không khí giúp đưa ra những quyết định can đảm để đạt tới hòa bình. Các vị cũng nhắc đến tầm quan trọng của việc bảo tồn tính chất thánh thiêng của các Nơi Thánh cho các tín hữu thuộc tất cả 3 tôn giáo có chung tổ phụ Abraham. Đặc biệt chú ý đến các cuộc xung đột đang đè nặng trên vùng Trung Đông.”

Trong phần đầu của thông cáo, Phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết ”qua các cuộc trao đổi thân mật, có đề cao những quan hệ tốt giữa Tòa Thánh và Palestine, quan hệ này được thắt chặt bằng Hiệp Định tổng quát năm 2015, liên quan đến đời sống và hoạt động của Giáo Hội trong xã hội Palestine. Trong bối cảnh đó, hai bên đã nhắc đến đóng góp quan trọng của các tín hữu Công Giáo cho sự thăng tiến phẩm giá con người và giúp đỡ những người túng thiếu nhất, đặc biệt trong các lãnh vực giáo dục, y tế và từ thiện”

Tổng thống Abbas đến Roma nhân dịp khánh thành đại sứ quán của Palestine cạnh Tòa Thánh (SD 14-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha tái kêu gọi hòa bình cho Thánh Địa

Đức Thánh Cha tái kêu gọi hòa bình cho Thánh Địa

ĐTC trong buổi lễ đọc kinh truyền tin

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin cuối thánh lễ phong thánh trưa chúa nhật 18-10-2015, ĐTC bày tỏ lo âu và tái lên tiếng kêu gọi chấm dứt bạo lực tại Thánh Địa.

Ngài nói: ”Tôi rất lo âu theo dõi tình hình căng thẳng cao độ và bạo lực đang xảy ra tại Thánh Địa. Trong lúc này đây, cần có rất nhiều can đảm và nhiều sức mạnh tâm hồn để từ chối oán thù và thực thi những cử chỉ hòa bình. Vì thế chúng ta hãy cầu xin Chúa củng cố nơi mọi người, chính quyền và công dân, lòng can đảm chống lại bạo lực và thực hiện những bước cụ thể để tạo sự lắng dịu. Trong bối cảnh hiện nay ở Trung Đông, hơn bao giờ hết cần thực hiện hòa bình tại Thánh Địa. Đó là điều chúng ta cầu xin Thiên Chúa và cầu xin thiện ích cho nhân loại”.

Hôm 18-10-2015, 1 binh sĩ Israel và 11 người khác bị thương trong cuộc khủng bố do 1 người Palestine tên là Asam al-Araj gây ra. Người này đã xả súng bắn vào một nhóm người và sau đó đã bị cảnh sát Israel bắn hạ. Cho đến nay, trong cuộc nổi dậy gọi là Intifada bằng dao của người Palestine, từ đầu tháng 10 đến nay, đã có 42 người Palestine và 8 người Israel bị thiệt mạng.

Cùng ngày 18-10, Nhà cầm quyền Israel đã thiết lập một bức tường mới bằng ximăng ngăn cách giữa khu Jabal Mukaber của người Palestine và khu Armon HaNatziv gần đó của người Israel. (Sedoc, AGI 18-10-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Tổng thống Israel gặp Đức Thượng Phụ Fouad Twal

Tổng thống Israel gặp Đức Thượng Phụ Fouad Twal

TABGHA. Hôm 28-8-2015, Tổng thống Israel, Ông Reuven Rivlin, đã gặp Đức Thượng Phụ Fouad Twal của Công Giáo la tinh tại Đan viện Tabgha nơi đã bị nhóm Do thái cực đoan đốt phá hồi tháng 6 năm nay.

Trang tin trên mạng của Tòa Thượng Phụ Công Giáo Latinh Jerusalem gọi cuộc viếng thăm của tổng thống Rivlin là một dấu hiệu mạnh nói lên tình liên đới với cộng đoàn Kitô tại Tabgha, là nơi ghi nhớ phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều.

Tổng thống Israel đã mạnh mẽ lên án vụ tấn công chống lại nơi thánh của Kitô giáo, lần thứ 2 trong vòng 2 năm. Ông nhấn mạnh rằng cử chỉ tấn công ấy không hề phản ánh tâm tình của người Do thái đối với các tín hữu Kitô.

Hiện nay cảnh sát Israel đã bắt giữ 3 người bị tình nghi thuộc nói Do thái quá khích, nhóm này đã gây ra nhiều vụ tấn công chống Kitô giáo và các thường dân Palestine trong những năm gần đây.

Trong cuộc gặp gỡ, Đức Thượng Phụ Twal đã bày tỏ với Tổng thống Rivlin sự lo lắng của các cộng đồng Kitô tại Thánh Địa đứng trước làn sóng tôn giáo cực đoan và sự gia tăng những hành vi phá hoại chống Kitô và khẳng định rằng nhiệm vụ của chính quyền Israel là bảo đảm an ninh cho các thánh đường và các nơi thánh.

Tổng thống Rivlin khẳng định rằng Israel là một nước dân chủ, bảo đảm tự do phụng tự cho tất cả mọi người, kể cả các cộng đồng Kitô. Ông cho biết đã nói với ĐGH Phanxicô về vấn đề này trong cuộc viếng thăm của ông tại Vatican hồi tháng 9 năm ngoái.

Đức Thượng Phụ Twal không quên nêu vấn đề thung lũng Cremisan bị Israel chiếm đất, với phép của tối cao pháp viện Israel, để xây tường an ninh, gây hại cho tu viện Don Bosco và 58 gia đình Công Giáo Palestine ở đây. Sau cùng, Đức Thượng Phụ hy vọng tổng thống có thể gặp các GM Chủ tịch HĐGM Âu Châu nhân dịp các vị nhóm đại hội tại Thánh Địa trong tháng 9 tới đây.

Ngày 3-9-2015, Tổng thống Israel sẽ được ĐTC Phanxicô tiếp kiến tại Vatican. Giới báo chí cho rằng vấn đề thung lũng Cremisan có thể sẽ được đề cập đến trong cuộc hội kiến giữa hai vị. (RG 28-8-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Tòa Thánh tránh sáng kiến của Palestine đòi treo cờ tại LHQ

Tòa Thánh tránh sáng kiến của Palestine đòi treo cờ tại LHQ

Cờ Palestine tại LHQ

VATICAN. Tòa Thánh yêu cầu Phái Bộ Palestine tại LHQ đừng ghi tên Tòa Thánh trong một dự thảo nghị quyết yêu cầu cho treo cờ Palestine tại LHQ.

Chính quyền Palestine muốn nhân cơ hội ĐTC sắp viếng thăm LHQ vào ngày 25 tháng 9 tới đây, để đề ra dự thảo một nghị quyết yêu cầu đại hội đồng LHQ cho phép treo lá cờ của hai quốc gia có quy chế Quan sát viên thường trực tại tổ chức quốc tế này: Vatican và Palestine, cũng như lá cờ của 193 quốc gia thành viên LHQ.

Hôm 25-8 vừa qua, Phái bộ Quan sát thường trực của Tòa Thánh tại LHQ đã chuyển tới các nhà ngoại giao tại đây một thông báo cho biết Tòa Thánh không có ý bảo trợ dự thảo nghị quyết vừa nói của Palestine.

Palestine cũng như Tòa Thánh đều có cùng quy chế quan sát viên thường trực tại LHQ. Trong dự thảo, Palestine trích dẫn nhiều về Tòa Thánh để hỗ trợ lý luận của mình về việc cho treo cờ các nước quan sát viên thường trực cạnh các nước thành viên của tổ chức quốc tế này.

Thông báo của Tòa Thánh nói rằng Tòa Thánh không chống lại sự kiện Palestine yêu cầu cho trưng cờ của mình, nhưng không muốn đích thân can dự vào việc này.

Palestine được Đại hội đồng LHQ chấp thuận cho qui chế Quốc gia Quan sát viên thường trực hồi tháng 11 năm 2012, nhưng Hội đồng bảo an LHQ vẫn luôn ngăn chặn việc cho Palestine trở thanh quốc gia thành viên (lần bỏ phiếu cuối cùng diễn ra hồi tháng 12-2014 với đa số chỉ có 1 phiếu).

Tòa Thánh có thể trở thành quốc gia thành viên LHQ nhưng chỉ muốn được qui chế Quan sát viên thường trực, để tránh bị lôi kéo vào phe này và phe kia.

Ngày 13-5 năm nay, Tòa Thánh và Palestine đã ký kết một hiệp định song phương trong đó có nói rõ ràng về ”Quốc gia Palestine”, điều này khiến cho Israel phản đối. Giới báo chí cho rằng sự kiện Tòa Thánh không muốn ủng hộ dự thảo nghị quyết của Palestine là để tránh những tranh luận mới. Đối với Tòa Thánh, tại Thánh Địa những sự kiện và cử chỉ hòa bình thì quan trọng hơn là những lời nói và lá cờ, dù ở phe bên này hay phe bên kia (Vat. Insider 27-8-2015)

Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Ký kết Hiệp định toàn bộ giữa Tòa Thánh và Palestine

Ký kết Hiệp định toàn bộ giữa Tòa Thánh và Palestine

Buổi ký hiệp định giữa Tòa Thánh và Palestine

VATICAN. Hiệp định toàn bộ giữa Tòa Thánh và Quốc gia Palestine đã được ký kết hôm 26-6 vừa qua tại Vatican.

Hai vị ngoại trưởng, Đức TGM Paul Richard Gallagher của Tòa Thánh và Ông Riad Al-Malki của Palestine, đã ký kết Hiệp định gồm 1 lời tựa, và 32 điều khoản chia làm 8 chương, liên quan đến những khía cạnh thiết yếu trong đời sống và hoạt động của Giáo Hội tại Quốc gia Palestine, đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ một giải pháp thương thuyết và ôn hòa cho tình trạng trong vùng.

Hiệp định sẽ bắt đầu có hiệu lực sau khi hai bên thông báo cho nhau trên giấy tờ sự phê chuẩn văn kiện này, đáp ứng những đòi hỏi hiến định hoặc nội bộ của mỗi bên.

Hiệp định Tổng quát này là kết quả các cuộc thương thuyết từ nhiều năm nay qua trung gian Ủy ban song phương, tiếp theo Hiệp định cơ bản được kết giữa Tòa Thánh và tổ chức giải phóng Palestine OLP ngày 15-2 năm 2000.

Trong lời chào mừng tại buổi ký hiệp định, Đức TGM ngoại trưởng Paul Gallagher nhắc đến hành trình mà chính quyền Palestine đã trải qua, với cao điểm là Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ ngày 29-11 năm 2012 nhìn nhận Palestine là một Quốc gia Quan sát viên không phải là thành viên của LHQ.

Đức TGM cầu mong rằng Hiệp định này có thể là một khích lệ để chấm dứt chung kết cuộc xung đột cam go giữa Israel và Palestine, đang tiếp tục gây ra đau thương cho cả hai bên. Ngài cầu mong giải pháp 2 quốc gia sớm trở thành sự thực.

Như người ta có thể dự đoán, việc ký kết hiệp định giữa Tòa Thánh và Palestine không làm cho Israel hài lòng vì qua hiệp định này Tòa Thánh chính thức nhìn nhận chính quyền Israel như một ”Quốc gia”. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Israel nói rằng ”sự nhìn nhận vội vã này gây hại cho viễn tượng đẩy mạnh một hiệp định hòa bình và làm thương tổn nỗ lực của quốc tế thuyết phục chính quyền Palestine trở lại các cuộc thương thuyết trực tiếp với Israel”.

Tòa Thánh và Israel đã ký hiệp định cơ bản với nhau hồi năm 1993 và sau đó thiết lập quan hệ ngoại giao, nhưng cho đến nay 22 năm đã trôi qua, với bao nhiêu đợt thương thuyết, nhưng Israel vẫn chưa chấp nhận ký hiệp định với Tòa Thánh về qui chế pháp lý của Giáo Hội Công Giáo tại Israel, chủ quyền trên các nơi thánh, vấn đề thuế khóa, tài chánh, v.v. (SD 26-6-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp Tổng Thống Palestine

Đức Thánh Cha tiếp Tổng Thống Palestine

ĐTC tiếp kiến tổng thống Palestine 5-15-15

VATICAN. Sáng 16-5-2015, ĐTC đã tiếp kiến Tổng thống Palestine, Ông Mahmoud Abbas, nhân dịp ông về Roma dự lễ phong hiển thánh cho 2 nữ chân phước người Palestine.

Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết, sau khi hội kiến trong 20 phút với ĐTC, tổng thống Palestine và đoàn tùy tùng gồm 11 người đã gặp ĐHY Quốc vụ khanh Pietro Parolin và Đức TGM ngoại trưởng Paul Gallagher.

Trong các cuộc nói chuyện thân mật, các vị tỏ ra rất hài lòng vì Văn bản hiệp định giữa Palestine và Tòa Thánh đã được hoàn thành, liên quan tới những khía cạnh thiết yếu về đời sống và hoạt động của Giáo Hội Công Giáo tại Palestine. Hiệp định sẽ được hai bên ký kết trong thời gian tới đây.

Sau đó các vị đã bàn về tiến trình hòa bình với Israel, bày tỏ mong ước cuộc thương thảo trực tiếp có thể mở lại để tìm ra một giải pháp công chính và lâu bền cho cuộc xung đột. Tòa Thánh tái khẳng định mong ước, với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, người Israel và Palestine quyết tâm đi tới những quyết định can đảm để thực thi hòa bình. Sau cùng, về các cuộc xung đột ở Trung Đông, Tòa Thánh tái khẳng định sự cần thiết phải bài trừ nạn khủng bố và đối thoại liên tôn.

Trong phần trao đổi quà tặng, ĐTC đã tặng Tổng thống một mề đai có hình Thiên Thần hòa bình. Ngài nói: ”Thiên thần hòa bình tiêu diệt ác thần chiến tranh. Tôi đã nghĩ đến Tổng Thống: Tổng thống có thể là một thiên thần hòa bình”.

Trước đó, khi đến bước vào phòng tiếp kiến ở dinh Tông Tòa, Tổng thống Abu Mazen nói với ĐGH: ”Tôi thấy ngài trẻ hơn”! (SD 16-5-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Hoàn thành Hiệp định toàn bộ giữa Tòa Thánh và Palestine

Hoàn thành Hiệp định toàn bộ giữa Tòa Thánh và Palestine

VATICAN. Hôm 13-5-2015, Ủy ban song phương giữa Tòa Thánh và Nhà Nước Palestine đã hoàn thành việc soạn thảo Hiệp định toàn bộ giữa hai bên.

Hiệp định này tiếp theo Hiệp định cơ bản được Tòa Thánh và Palestine ký kết ngày 15-2 năm 2000.

Thông cáo chung công bố ngày 13-5-2015 cho biết Ủy ban song phương đã nhóm khóa họp chung cùng ngày tại Vatican dưới quyền chủ tọa của hai vị Đồng Chủ tịch là Đức Ông Antoine Camilleri, Thứ Trưởng ngoại giao Tòa Thánh, và Đại Sứ Rawan Sulaiman, Phụ Tá ngoại trưởng đa vụ của Palestine. Phái đoàn Tòa Thánh có 6 người, trong đó có Đức TGM Giuseppe Lazzarotto, Khâm sứ Tòa Thánh tại Jerusalem và Palestine. Phái đoàn Palestine có 4 người.

Các cuộc thảo luận đã diễn ra trong bầu không khí thân thiện và xây dựng, và Ủy ban hài lòng ghi nhận những tiến bộ đã đạt được trong việc soạn Văn bản hiệp định liên quan đến những khía cạnh thiết yếu trong đời sống và hoạt động của Giáo Hội Công Giáo tại Palestine. Cả hai bên đều đồng ý rằng công việc của Ủy ban trong việc soạn hiệp định đã kết thúc và Văn bản sẽ được đệ trình cấp trên liên hệ để phê chuẩn và xác định ngày chính thức ký kết hiệp định trong tương lai gần đây.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, Đức Ông thứ trưởng Tòa Thánh Camilleri, người Malta, cho biết Văn bản hiệp định gồm có Lời Tựa, tiếp đến là chương I về các nguyên tắc và qui luật cơ bản làm khung nền cho sự cộng tác giữa Tòa Thánh và Palestine, trong đó cũng có bày tỏ mong ước một giải pháp cho vấn đề Palestine, và cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, qua giải pháp 2 quốc gia và các nghị quyết của Cộng đồng quốc tế.

Chương thứ 2 quan trọng, nói về tự do tôn giáo và lương tâm với nhiều chi tiết.

Các chương kế tiếp nói về các khía cạnh khác nhau liên quan đến đời sống và hoạt động của Giáo Hội Công Giáo tại các lãnh thổ của Palestine: tự do hoạt động, nhân sự và quyền tài phán của Giáo Hội, qui chế nhân sự, các nơi thờ phượng, các hoạt động xã hội và từ thiện, các phương tiện truyền thông xã hội.

Sau cùng có một chương nói về vấn đề thuế khóa và tài sản.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Ông Camilleri cũng cho biết về vấn đề soạn hiệp định giữa Tòa Thánh và Israel. Sau khi ký hiệp định cơ bản hồi tháng 12-1993, Israel và Tòa Thánh đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau hồi tháng 6-1994, tiếp đến là ký hiệp định về pháp nhân của các tổ chức Công Giáo năm 1997 và từ năm 1999 trở đi có các cuộc thương thuyết về hiệp định kinh tế, thuế khóa. Hiệp định hầu như đã sẵn sàng và Đức Ông hy vọng sớm có sự ký kết hiệp định này để mưu lợi ích cho cả hai bên. (SD 13-5-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

CARITAS ROMA PHÁT ĐỘNG CHIẾN DỊCH QUYÊN GÓP CỨU TRỢ NGƯỜI DÂN GAZA

CARITAS ROMA PHÁT ĐỘNG CHIẾN DỊCH QUYÊN GÓP CỨU TRỢ NGƯỜI DÂN GAZA

ROMA: Đáp lời kêu gọi của Caritas quốc tế, Caritas Roma đã phát động chiến dich quyên góp trong mọi giáo xứ thủ đô để trợ giúp người dân Palestine sống tại Gaza.

Ba tuần chiến tranh giữa người Israel và người Palestine đã khiến cho gần 1,200 người của cả hai bên thiệt mạng, hàng ngàn người bị thương và mấy trăm ngàn người phải tản cư tránh bom đạn. Đa số các nạn nhân là phụ nữ và trẻ em Palestine. Ngày 15-7-2014 Caritas Roma đã tổ chức buổi canh thức cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh Địa, quy tụ các tín hữu kitô, do thái và hồi giáo.

Thầy Raed Abusahlia, giám đốc Caritas Giêrusalem nói: Chúng tôi tin rằng Giáo Hội không thể im lặng trước các sự kiện như thế này. Chúng ta không thể đứng yên nhìn mà không làm gì. Gaza đã ở trong tình trang thê thảm, bị bó buộc sống trong cảnh cấm vận và bị bao vây từ 12 năm qua và với 3 cuộc xung đột tiếp theo nhau trong 8 năm qua, một cuộc chiến khác sẽ chỉ khiến cho các điều kiện sống tồi tệ hơn. Trong các giờ ngưng bắn, Caritas đã phân phát những gì còn lại, vì các cuộc hành quân tiếp tục và số người bị thương, các bệnh nhân, các trẻ em mồ côi hay bị chấn thương gia tăng. Dân chúng đau khổ vì đói khát và cái nóng của mùa hè, thiếu nước uống và điện thường xuyên bị cắt.

Chương trình trợ giúp cấp thời do Caritas đưa ra bao gồm thuốc men, thực phẩm và dụng cụ y khoa cho các nhà thương. Caritas đã bắt đầu phân phát các gói thực phẩm cho hơn 2,000 gia đình, các hộp thuốc cho hơn 3,000 gia đình và khăn trải giường cùng chăn mền cho cho hơn 500 gia đình.

Đợt hai của công tàc cứu trợ dự trù việc yểm trợ tài chánh cho hơn 2,000 gia đình để họ có thể mua những vật dụng cần thiết. Đồng thời sự trợ giúp cũng bao gồm việc săn sóc cho các trẻ em bị chấn thương tâm thần và phân phát thuốc men cho mọi người đã phải bỏ nhà cửa chạy nạn (SD 28-7-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

CÁC GIÁM MỤC ẤN ĐỘ KÊU GỌI NGƯNG CHIẾN TẠI GAZA

CÁC GIÁM MỤC ẤN ĐỘ KÊU GỌI NGƯNG CHIẾN TẠI GAZA

NEW DEHLI: Hợp tiếng với hàng lãnh đạo tôn giáo xã hội khắp nơi, các Giám Mục Ấn Độ kêu gọi hai phe Palestin và Israel ngưng chiến tại Gaza, để thôi gây ra chết chóc đỗ vỡ thương đau cho thường dân vô tội.

Trong một thông cáo Văn phòng Công Lý và Hòa Bình của Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ bầy tỏ lo âu sâu xa đối với các phi vụ bỏ bom và oanh kích của không lực Israel trong dải Gaza khiến cho hơn 200 người thiệt mạng, và hàng ngàn người bị thương, đa số là phụ nữ và trẻ em, và đã bắt buộc hàng chục ngàn người phải di tản lánh nạn. Các Giám Mục Ấn độ mạnh mẽ lên án leo thang bạo lực từ cả hai phía và tái khẳng định quyền của cả hai dân tộc được sống trong an ninh và hòa bình mà không phải sợ hãi. Các vị khích lệ hai chính quyền Israel và Palestin ngưng chiến và thăng tiến hòa bình để cứu mạng của dân chúng và tránh gây khổ đau tang tóc cho các gia đình. Các Giám Mục Ấn cũng mời gọi mọi kitô hữu và những người thiện chí tha thiết cầu nguyện cho một nền hòa bình lâu bền tại Thánh Địa.

Đề nghị ngưng chiến của Ai Cập được chính quyền Israel chấp nhận, nhưng bị lực lượng Hamas từ chối. Phe Hamas cùng đòi phía Israel phải ngưng cuộc phong tỏa Gaza bắt đầu từ năm 2005 tới nay và mở lối thông thương Rafah với Ai Cập cũng như trả tự do cho các tù binh palestine bị bắt lại sau khi trao đổi với binh sĩ Gilad Shalit năm 2011 (SD 15-7-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

CHIẾN TRANH BẠO LỰC CHỈ GÂY THÊM CHẾT CHÓC, TÀN PHÁ VÀ HẬN THÙ

CHIẾN TRANH BẠO LỰC CHỈ GÂY THÊM CHẾT CHÓC, TÀN PHÁ VÀ HẬN THÙ

GIÊRUSALEM: Chiến tranh và bạo lực leo thang chỉ gây thêm chết chóc, tàn phá, mất tin tưởng và thù hận giữa người Israel và người Palestine.

Đức Cha William Shomali, Giám Muc phụ tá Giêrusalem đã khẳng định như trên trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình Ý ngữ đài Vaticăng ngày 14-7-2014. Như đã biết trong các ngày qua chiến tranh đã leo thang sau vụ ba nữ sinh Do thái và một thiếu niên Palestin bị bắt cóc và bị sát hại.

Tổ chức OXFAM cho biết tính tới nay không lực Israel đã thi hành 2144 phi vụ bỏ bom và oanh kích vùng Gaza khiến cho gần 200 người thiệt mạng, 1200 người bị thương và hơn 30 ngàn người phải di tản. Phía Hamas đã bắn 1103 hỏa tiễn sang các thành phố và làng mạc của Israel, kể cả Giêrusalem, Tel Aviv và Khaipha, khiến cho 22 người bị thương. Tuy nhiên tình hình chiến cuộc liên lụy với 395 ngàn dân và 18 thành phố và làng mạc Palestine.

Hiện nay tổ chức nhân đạo OXFAM đang chở phẩm vật cứu trợ tới cho 3000 gia đình chạy trốn bom đạn. Người dân miền bắc Gaza bồng bế nhau tới trại tỵ nạn Jabaliya ẩn trú trong các trường học của Liên Hiệp Quốc để tránh bom đạn. Cha sở giáo xứ Gaza đã công bố thư cho biết tình hình vô cùng thê thảm. Trong số các người chết có nhiều trẻ em, phụ nữ và người trẻ. Số người chết và bị thương gia tăng mỗi ngày. Các trẻ em bị chấn thương tâm lý và tinh thần trầm trọng.

Trên bình diện quốc tế ngày 14-7-2014 đại điện của các nước Hoa Kỳ, Anh quốc, Đức và Pháp đã nhóm họp tại Vienne để thảo luận về một cuộc ngưmg chiến. Đề nghị của Ai Cập sẵn sàng làm trung gian hòa đàm giữa Israel và Palestine đã bị nhóm Hamas cương quyết khước tứ.

Đức Cha Shomali cho biết các Giám Mục sẽ đi thăm dân chúng vùng Gaza và đem phẩm vật cứu trợ cho dân chúng. Đức Cha cũng cho biết nước A rập Sauđi sẵn sàng gửi đồ cứu trợ tới dân nghèo và Hồng Thập Tự Gaza (SD 14-7-2014).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

CARITAS GAZA LÊN ÁN CÁC VỤ DỘI BOM VÀ OANH KÍCH CỦA KHÔNG QUÂN ISRAEL

CARITAS GAZA LÊN ÁN CÁC VỤ DỘI BOM VÀ OANH KÍCH CỦA KHÔNG QUÂN ISRAEL

GAZA; Tổ chức Caritas hiện diện trong dải Gasa đã mạnh mẽ lên án các vụ đội bom và oanh kích của không quân Israel, và khẳng định rằng bạo lực chống lại những người vô tội, nhất là phụ nữ và trẻ em, không đem lại an ninh cho ai hết.

Trong thông cáo gửi hãng thông tấn Fides của Bộ Truyền Giáo, Caritas Gaza cho biết khác với trước đây các vụ bỏ bom và oanh tạc chỉ nhẳm vào các trạm cảnh sát và cơ sở của lực lượng Hamas, lần này không lực Israel tấn công các dinh thự dân sự và cả các trại ty nạn nữa. Ba ngày tấn công của không lực Israel đã khiến cho hơn 80 người thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Tám thường dân dã bị thiệt mạng đang khi theo dõi trấn đàu bán kết giữa Argentina và Hòa Lan trong một quán giải khát. Trong thông cáo Caritas Gaza nhấn mạnh rằng người dân dải Gaza đã phải sống cảnh phong tỏa từ 12 năm nay, và trong 8 năm qua đã gánh chịu 3 cuộc xung đột. Cả hai dân tộc Palestine và Israel đều có quyền sống trong hòa bình và an ninh. Nhưng quyền ấy sẽ không thể bảo đảm bởi bạo lực, tấn công chống lại các người vô tội. Con đường duy nhất giúp đạt hòa bình, an ninh và thoát ra khỏi cảnh chiến tranh, là công bằng và giải quyết chấm dứt xung khắc. Điều này chỉ có thể được thực hiện bằng cách thừa nhận quyền của dân tộc Palestine sống trong tự do trên đất của mình và cho phép dải Gaza rộng mở cho thế giới.

Caritas Gaza cho biết hiên nay không thể can thiệp, giúp đỡ và cứu trợ người tỵ nạn được, vì không lực Israel vẫn tiếp tục các vụ bỏ hom và bằn phá Gaza (FIDES 10-7-2014).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Công bố chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Thánh Địa

Công bố chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Thánh Địa

VATICAN. Hôm 27-3-2014, Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố chương trình viếng thăm tại Thánh Địa từ ngày 24 đến 26-5 tới đây nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc gặp gỡ tại Jerusalem giữa ĐGH Phaolô 6 và Đức Thượng Phụ Chính Thống Athenagoras.

– ĐTC sẽ rời Roma lúc 8 giờ 15 phút sáng thứ bẩy, 24-5-2013 và đến Phi trường Amman, thủ đô Giordani lúc 1 giờ trưa. Sau nghi thức tiếp đón và viếng thăm Quốc vương và Hoàng hậu Giordani, ĐTC sẽ gặp chính quyền nước này vào lúc gần 2 giờ rưỡi chiều.

Tiếp đến vào lúc 4 giờ chiều ngài sẽ cử hành thánh lễ cho các tín hữu tại Sân vận động quốc tế ở thủ đô Amman rồi viếng thăm nơi Chúa Giêsu chịu phép rửa bên bờ sông Giordan. Sau cùng ĐTC sẽ gặp người tị nạn và các bạn trẻ khuyết tật lúc 7 giờ 15 tại nhà thờ gần đó.

Sáng chúa nhật 25-5-2014, ĐTC sẽ giã từ Giordani đáp trực thăng đến thành Bethlehem lúc gần 9 giờ rưỡi. Ngài sẽ được tổng thống Palestine tiếp đón, hội kiến, và gặp gỡ chính quyền Palestine vào lúc 10 giờ, trước cử hành thánh lễ lúc 11 giờ tại Quảng trường Máng Cỏ.

Sau thánh lễ lúc 1 giờ rưỡi trưa, ngài sẽ dùng bữa với các gia đình tại tu viện dòng Phanxicô ”Casa Nova” tại Jerusalem.

Ban chiều lúc 3 giờ, ĐTC sẽ viếng Hang Đá nơi Chúa Giêsu sinh ra, rồi chào thăm các trẻ em thuộc các trại tị nạn Dheisheh, Aida và Beit Jibrin tại Trung Tâm ”Phượng Hoàng” trong trại Dheisheh.

Lúc 3 giờ 45 chiều cùng ngày, ĐTC giã từ Palestine để đáp trực thăng tới phi trường quốc tế Tel Aviv của Israel. Sau nghi thức tiếp đón, ngài dùng trực thăng để tới Jerusalem. Lúc 6 giờ 15 chiều, ngài gặp Đức Thượng Phụ Bartolomaios I Giáo Chủ Chính Thống Constantinople ở tòa Khâm Sứ Tòa Thánh ở Jerusalem và hai vị ký vào một tuyên ngôn chung.

Tiếp đến vào lúc 7 giờ, tại Đền Thờ Mộ Thánh, có cuộc gặp gỡ đại kết nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc gặp gỡ giữa Đức Phaolô 6 và Đức Thượng Phụ Athenagoras.

Ban tối ĐTC dùng bữa với các vị Thượng Phụ và GM cùng đoàn tùy tùng tại Tòa Thượng Phụ Công Giáo la tinh ở Jerusalem.

Sáng thứ hai, 26-5, ĐTC sẽ gặp vị Đại Mufti Hồi giáo tại trụ sở Đại hội đồng Đền thờ Hồi giáo Jerusalem. Rồi ngài viếng Bức tường Phía tây của thành Jerusalem quen gọi là Bức tường than khóc, trước khi đặt vòng hoa trên núi Herzl cũng ở Jerusalem. Sau đó lúc 10 giờ ĐTC viếng Bảo tàng viện Yad Vashem tưởng niệm cuộc diệt chủng Do thái.

Trong các sinh hoạt kế tiếp, ĐTC viếng thăm hai vị Đại Rabbi của Israel, rồi hội kiến riêng với thủ tướng nước này tại Trung tâm Đức Bà ở Jerusalem.

Ban chiều cùng ngày lúc 3 giờ rưỡi, ngài đến thăm Đức Thượng Phụ Bartolomaios tại tòa nhà trước thánh đường Chính Thống Viri Galileai trên núi Cây Dầu.

Lúc 4 giờ chiều, ĐTC gặp các LM, tu sĩ nam nữ và chủng sinh tại Nhà Thờ Giệtsimani cạnh vườn Cây Dầu, trước khi cử hành thánh lễ với các vị Bản quyền Công Giáo tại Thánh Địa tại Nhà Tiệc Ly ở Jerusalem, rồi ra phi trường đáp máy bay lúc 8 giờ 15 phút tối để trở về Roma, dự kiến vào lúc 11 giờ đêm cùng ngày.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh nói rằng chương trình trên đây cho thấy việc chuẩn bị chuyến viếng thăm của ĐTC tại Thánh Địa đang tiến hành như dự định. Tòa Thánh biết rằng tại Israel đang có tình hình căng thẳng vì cuộc đình công của công đoàn ngoại giao, nhưng Tòa Thánh hy vọng các tiếp xúc chính thức sẽ sớm được mở lại với nhà chức trách có thẩm quyền để chuẩn bị thích đáng cho cuộc viếng thăm của ĐTC. (SD
27-3-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio