Cộng tác viên không phải bù nhìn
Một cơn lụt khủng khiếp đã tràn ngập cả một vùng rộng lớn. Một bà bị kẹt ở trong nhà. Khi đang đứng ở cửa sổ nhà bếp trông ra ngoài, bà thấy có một chiếc ca-nô tiến đến.
Người tài công nói với bà:
– “Bà leo lên đây và cứu lấy mình.”
– “Không, cám ơn ông,” bà trả lời. “Tôi tin tưởng vào Chúa, Người sẽ cứu tôi.”
Người tài công lắc đầu bỏ đi. Ngày hôm sau, nước dâng lên đến lầu hai. Khi đứng ở cửa sổ lầu hai nhìn ra biển nước, một chiếc tầu khác xuất hiện. Người lái tầu bảo,
– “Bà leo lên tầu đi để cứu lấy mình.”
– “Không, cám ơn ông,” bà trả lời. “Tôi tin tưởng vào Chúa, Người sẽ cứu tôi.”
Người lái tầu lắc đầu bỏ đi. Ngày sau nữa, nước đã dâng lên đến mái nhà. Khi ngồi trên nóc nhà, bà trông thấy một chiếc trực thăng xuất hiện. Phi công dùng máy phóng thanh nói với bà,
– “Tôi sẽ thả thang giây xuống. Bà leo lên và cứu lấy mình.”
– “Không, cám ơn ông,” bà trả lời. “Tôi tin tưởng vào Chúa, Người sẽ cứu tôi.” Phi công lắc đầu bay đi chỗ khác.
Ngày hôm sau nước ngập cả căn nhà, và bà bị chết chìm. Khi lên đến thiên đường, bà nói với Thánh Phêrô, “Trước khi tôi vào đây, tôi phải làm đơn khiếu nại. Tôi tin tưởng là Chúa sẽ cứu tôi khỏi bị lụt, nhưng Người đã bỏ tôi.”
Thánh Phêrô nhìn bà với ánh mắt khó hiểu và nói, “Tôi không biết Chúa có thể làm gì hơn cho bà. Người đã gửi đến cho bà hai con tầu và một chiếc trực thăng.”
Người đàn bà này chắc phải đọc bài Phúc Âm hôm nay kỹ càng hơn.
Trong bài có hai người cần sự giúp đỡ giống như bà. Và cả hai đều tín thác vào Chúa, cũng như bà. Nhưng có sự khác biệt lớn lao giữa sự tín thác của họ và của bà.
Hãy xem đó là gì.
– Người đầu tiên là một bà bị bệnh. Bà tin tưởng rằng Đức Giêsu có thể chữa lành cho bà. Nhưng bà cũng biết rằng bà có thể làm một điều gì khác hơn là chỉ tín thác nơi Đức Giêsu. Bà phải tiến thêm một bước nữa. Bà phải thi hành phần của bà. Bà không thể chỉ ngồi đó và chờ đợi Đức Giêsu đến với bà. Bà phải đứng lên, đi đến Đức Giêsu, và tự trình bầy với Người để được chữa lành.
– Điều này cũng đúng với câu chuyện thứ hai trong Phúc Âm hôm nay. Ông Giairút cũng tin tưởng rằng Đức Giêsu có thể chữa con gái đang đau nặng của ông. Nhưng ông cũng biết là phải làm điều gì đó hơn là chỉ tín thác vào Đức Giêsu. Ông biết là phải tiến thêm một bước nữa. Ông phải thi hành phần của ông. Ông phải cộng tác với Đức Giêsu. Vì con gái của ông quá đau yếu nên không thể đến với Người, ông phải xin Đức Giêsu đến với đứa con của mình.
Và vì thế cả hai người trong bài Phúc Âm hôm nay đều thi hành điều gì đó hơn là chỉ tín thác vào Đức Giêsu. Họ đã tiến thêm một bước. Họ đã thi hành phần của mình. Họ đã tận dụng các phương tiện bình thường mà Chúa ban để có được sự chữa lành họ cần.
Đây là điểm mà bà bị chết chìm đã sai lầm. Bà quên rằng Thiên Chúa thường hành động trong đời sống chúng ta qua các phương tiện thông thường. Bà quên rằng chúng ta phải thi hành phần của mình và cộng tác với Thiên Chúa qua việc sử dụng các phương tiện thông thường mà Người đã ban cho chúng ta.
Nói cách khác, chúng ta không thể ngồi lì một chỗ và mong Chúa làm phép lạ cho chúng ta. Trước hết chúng ta phải dùng mọi phương tiện thông thường Chúa ban để tự giúp đỡ chúng ta.
Để tôi minh họa bằng một câu chuyện có thật.
Một thầy giáo Anh Văn lớp trung học có một học sinh trong lớp chẳng chịu học hành gì cả. Vào ngày thi cuối năm, người học sinh này đến nói với ông thầy là anh rất tin tưởng rằng anh sẽ được điểm cao. Anh nói, trong tuần qua, hằng đêm anh cầu xin Chúa giúp anh làm bài thi Anh Văn.
Thiên Chúa không bao giờ cho rằng sự cầu nguyện có thể thay thế cho việc học hành. Người không bao giờ cho rằng sự cầu nguyện có thể thay thế cho sự chuyên cần. Nhận được sự giúp đỡ của Chúa là một con đường hai chiều. Nó bao gồm sự cộng tác của chúng ta với Thiên Chúa. Chúng ta phải thi hành phần của mình, và Thiên Chúa sẽ thi hành phần của Người.
Thánh Y Nhã có diễn tả sự cộng tác với Thiên Chúa như sau: “Chúng ta phải làm việc như thể mọi thứ đều lệ thuộc vào chúng ta, nhưng chúng ta phải cầu nguyện như thể mọi thứ đều lệ thuộc vào Chúa.”
Nói cách khác, chúng ta phải cộng tác với Thiên Chúa và tận dụng các phương tiện thông thường mà Người ban cho chúng ta trước khi xin Người can thiệp trong một phương cách bất thường. Có câu châm ngôn nói rằng: “Thiên Chúa giúp những ai tự giúp mình.”
Nhiều năm trước đây có một tiểu thuyết bán rất chạy tên là Jonathan Livingston Seagull. Trong đó có một câu thật hay được dùng làm chủ đề cho bài hát. Câu ấy như sau: “Nếu bạn yêu mến điều gì đó, bạn phải để nó tự do. Nếu bạn để nó tự do và nó trở về với bạn, thì bạn biết nó là của bạn. Nhưng nếu bạn để nó tự do và nó không trở lại với bạn, lúc ấy bạn biết rằng nó đã không thuộc về bạn ngay tự đầu.”
Đó là phương cách Thiên Chúa đối xử với chúng ta khi cần giúp đỡ chúng ta. Người đã để chúng ta tự do. Người không ép buộc chúng ta phải nhận sự giúp đỡ của Người. Mọi sự đều sẵn sàng cho chúng ta và Thiên Chúa để chúng ta được tự do có muốn sử dụng điều đó hay không.
Thiên Chúa không đối xử với chúng ta như những tên bù nhìn. Người đối xử với chúng ta như những cộng sự viên. Nói cách khác, Thiên Chúa ban cho chúng ta mọi tài nguyên cần cho đời sống thường ngày của chúng ta.
Chỉ khi các tài nguyên này bị hao hụt trong những hoàn cảnh khẩn cấp chúng ta thường sẽ nghĩ đến việc quay về với Chúa để được trợ giúp. Khi chúng ta quay về với Thiên Chúa trong những hoàn cảnh này, chúng ta có thể biết chắc rằng Người sẽ giúp chúng ta, vì Người là Cha chúng ta và chúng ta là con cái của Người.
Hãy chấm dứt phần suy niệm với câu trong cuốn Jonathan Livingston Seagull: “Nếu bạn yêu mến điều gì đó, bạn phải để nó tự do. Nếu bạn để nó tự do và nó trở về với bạn, thì bạn biết nó là của bạn. Nhưng nếu bạn để nó tự do và nó không trở lại với bạn, lúc ấy bạn biết rằng nó đã không thuộc về bạn ngay tự đầu.”
Lạy Chúa, trong tình phụ tử của Ngài dành cho chúng con, Ngài đã để chúng con được tự do. Xin giúp chúng con chứng tỏ tình yêu của con cái đối với Cha hiền bằng cách quay về với Chúa khi chúng con cần sự giúp đỡ đặc biệt của Ngài.
LM Mark Link