4 Hồng Y Chủ tịch thừa ủy của Thượng Hội Đồng Giám Mục về giới trẻ

4 Hồng Y Chủ tịch thừa ủy của Thượng Hội Đồng Giám Mục về giới trẻ

VATICAN. Ngày 14-7-2018, ĐTC đã bổ nhiệm 4 vị Chủ tịch thừa ủy, thay mặt ngài chủ tọa các phiên họp của Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 15 về giới trẻ.

 Thượng HĐGM này sẽ tiến hành từ ngày 3 đến 28-10-2018 tại Vatican về đề tài: ”Người trẻ, Đức tin và sự phân định ơn gọi”.

 4 vị được bổ nhiệm là:

 – ĐHY Louis Raphael I Sako, Thượng Phụ Giáo Chủ Công Giáo Canđê (Iraq)

 – ĐHY Désiré Tsarahazana, TGM giáo phận Toamasina (Madagascar)

 – ĐHY Charles Maung Bo, SDB, Tổng Giáo Mục Giáo Phận Yangon (Myanmar)

 – ĐHY Rohn Ribat, Dòng Thừa Sai Thánh Tâm – M.S.C, TGM giáo phận Port Moresby.

 Cho đến nay, các Thượng HĐGM chỉ có 3 vị Hồng Y Chủ tịch thừa ủy, nhưng nay ĐTC Phanxicô bổ nhiệm 4 vị. Cả 4 vị đều đến từ những quốc gia trong đó các tín hữu Kitô chỉ là thiểu số. (Rei 14-7-2018)

 G. Trần Đức Anh OP

 

Chương trình chính thức cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Ái Nhĩ Lan

Chương trình chính thức cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Ái Nhĩ Lan

VATICAN. Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố chương trình chính thức cuộc viếng thăm của ĐTC tại Cộng hòa Ái Nhĩ Lan trong hai ngày 25 và 26-8 năm nay nhân dịp Đại hội kỳ 9 các gia đình Công Giáo thế giới.

ĐTC sẽ rời Roma lúc 8 giờ 15 phút sáng thứ bẩy, 25-8 và đến phi trường thủ đô Dublin của Ái Nhĩ Lan vào lúc 10 giờ rưỡi, giờ địa phương, rồi đến phủ tổng thống lúc 11 giờ 15. Tại đây sẽ diễn ra nghi thức đón tiếp chính thức và ngài viếng thăm Tổng thống, trước khi đến lâu đài Dublin để gặp chính quyền, xã hội dân sự và đoàn ngoại giao.

Sau đó lúc 4 giờ rưỡi chiều, ĐTC sẽ viếng thăm Nhà thờ chính tòa Đức Bà trước khi đến thăm trung tâm của các cha dòng Capuchino chuyên đón tiếp và giúp đỡ những gia đình vô gia cư.

Lúc 7 giờ rưỡi tối cùng ngày thứ bẩy, 25-8, ĐTC sẽ đến Sân vận động Công viên Park để tham dự lễ hội của các gia đình.

Sáng chúa nhật 26-8, ĐTC sẽ bay đến thành phố Knock cách Dublin 180 cây số đường chim bay, để viếng thăm Đền thánh Đức Mẹ gần đó vào lúc 9 giờ 45, và chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu.

1 giờ sau đó, lúc 10 giờ 45, ngài trở lại sân bay để đáp máy bay về thủ đô Dublin. Sau khi dùng bữa trưa, ngài sẽ đến công viêm Phoenix và chủ sự thánh lễ bế mạc cuộc gặp gỡ các gia đình vào lúc 3 giờ chiều. Sau đó, ngài còn gặp các Giám Mục Ái Nhĩ Lan tại Nữ tu viện Đa Minh, trước khi ra phi trường Dublin vào lúc 6 giờ rưỡi chiều để đáp máy bay trở về Roma, dự kiến vào lúc 11 giờ đêm cùng ngày. (Rei 11-6-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

 

ĐTC Phanxicô viếng thăm Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16

ĐTC Phanxicô viếng thăm Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16

VATICAN. Hôm 26-12-2017, Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết giống như mọi năm, ngày 21-12 vừa qua, ĐTC Phanxicô đã đến Đan viện Mẹ Giáo Hội ở Nội thành Vatican để chúc mừng Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 nhân dịp lễ Giáng Sinh.

 Hai vị đã gặp gỡ và trao đổi với nhau nửa tiếng đồng hồ.

 Đức Biển Đức 16 năm nay 90 tuổi và sẽ tròn 91 tuổi vào tháng 4-2018.

 Mặt khác, ký giả Peter Seewald người Đức, mới viếng thăm Đức Biển Đức 16 và kể với báo Kurier số ra ngày 24-12-2017 ở Áo rằng ”sức khỏe của Đức nguyên Giáo Hoàng thoạt nhìn có vẻ không tốt: Hồi tháng 10, ngài bị ngã và bị thương nhẹ ở mặt. Vết thương nay đã lành. Việc đi đứng của ngài ngày càng khó khăn. Ngài nói nhỏ, nhưng vẫn rất tỉnh táo và chăm chú, vui tính và khôi hài”.

 Hồi năm ngoái, ký giả Seewald đã xuất bản cuốn sách mới phỏng vấn Đức Biển Đức 16 với tựa đề ”Những cuộc nói chuyện cuối cùng” (Letzte Gaspraeche) (KNA 26-12-2017)

 G. Trần Đức Anh OP 

Đức Hồng Y Louis Marie Ling, tân Đại diện Tông Tòa Viên Chăn (Vạn Tượng)

Đức Hồng Y Louis Marie Ling, tân Đại diện Tông Tòa Viên Chăn (Vạn Tượng)

VATICAN. ĐTC đã bổ nhiệm ĐHY Louis Marie Ling Mangkhanekkhoun, làm tân Đại diện Tông Tòa thủ đô Vạn Tượng của Lào, kế nhiệm Đức Cha Jean Khamsé Vithavong O.M.I, 75 tuổi, về hưu.

Cho đến nay, ĐHY Louis Marie Ling là Đại diện Tông Tòa Paksé. Ngài thuộc Tu Hội Thánh Ý Thiên Chúa (IVD, Istituto Voluntas Dei), năm nay 73 tuổi (1944), thụ phong linh mục năm 1972 và làm GM tại Paksé từ 17 năm nay. Hạt đại diện Tông Tòa này có 15,120 tín hữu Công Giáo với 6 LM giáo phận và 1 LM dòng. Ngày 28-6 năm nay, Đức Cha Louis Marie Ling được ĐTC Phanxicô bổ nhiệm làm Hồng Y tiên khởi của Giáo Hội tại Lào.

Hạt đại diện Tông Tòa Vạn Tượng hiện có 15,473 tín hữu Công Giáo theo niên giám năm nay của Tòa Thánh. Tại đây có 23 giáo xứ, nhưng chỉ có 1 LM giáo phận và 7 LM dòng. Giáo Hội Công Giáo tại Lào hiện có khoảng 45 ngàn tín hữu (Rei 16-12-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp Hiệp Hội Tông Đồ giáo sĩ

Đức Thánh Cha tiếp Hiệp Hội Tông Đồ giáo sĩ

VATICAN. Sáng 16-11-2017, ĐTC đã tiếp kiến 70 tham dự viên Đại hội quốc tế của Liên đoàn Hiệp Hội tông đồ giáo sĩ và ngài cổ võ mọi người sống linh đạo hiệp thông.

Đây là một hội qui tụ các GM, LM và Phó tế thuộc các giáo phận dấn thân giúp đỡ nhau để thể hiện sung mãn cuộc sống theo Thánh Linh, qua việc thi hành sứ vụ. Hội đặc biệt nhấn mạnh tình huynh đệ phát xuất từ bí tích truyền chức thánh. Hội được thành lập và được Tòa Thánh phê chuẩn ngày 17-4 năm 1921.

Đại Hội lần này của Liên đoàn có chủ đề là ”Trong, cho và với cộng đoàn giáo phận”. Trong bài huấn dụ, ĐTC đề cao tầm quan trọng của linh đạo hiệp thông. Để sống linh đạo này trước tiên cần trở về cùng Chúa Kitô, ngoan ngoãn cởi mở đối với hoạt động của Thánh Linh và đón nhận những người anh em. Sự phong phú của hoạt động tông đồ không tùy thuộc khía cạnh tổ chức, nhưng trước tiên nhờ hoạt động của Chúa. Vì thế ngày nay cũng như xưa kia, các thánh là những nhà rao giảng Tin Mừng hữu hiệu nhất và tất cả các tín hữu đều được mời gọi nên thánh.

ĐTC không quên nhắn nhở các giáo sĩ giáo phận hãy nhìn xa hơn ranh giới giáo phận của mình và quan tâm đến toàn thể Giáo Hội. Khi trở thành thừa tác viên, chúng ta phục vụ Giáo Hội địa phương, nhưng với ý thức mình là thành phần của Giáo hội hoàn vũ, vượt lên trên ranh giáo của giáo phận và đất nước của mình. (Rei 16-11-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha ấn định Tháng Truyền Giáo đặc biệt

Đức Thánh Cha ấn định Tháng Truyền Giáo đặc biệt

VATICAN. ĐTC ấn định tháng đặc biệt về truyền giáo vào tháng 10 năm 2019.

 Ngài đưa ra quyết định trên đây trong thư gửi ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, và được công bố hôm chúa nhật 22-10-2017, trong đó ngài nhấn mạnh rằng ”Tháng đặc biệt về truyền giáo nhắm thức tỉnh mạnh mẽ hơn nơi các tín hữu ý thức truyền giáo cho dân ngoại và phục hồi với một đà tiến mới sự biến đổi cuộc sống và việc mục vụ theo tinh thần truyền giáo”.   Hồi tháng 6 năm nay, khi tiếp 120 vị Giám đốc toàn quốc các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo nhóm đại hội thường niên ở Roma, ĐTC cho biết ngài đã chấp nhận đề nghị của Bộ truyền giáo về việc ấn định tháng đặc biệt về truyền giáo vào tháng 10 năm 2019, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Tông thư ”Maximum illud” của ĐGH Biển Đức 15 ngày 30-11 năm 1919. Hồi đó, sau thế chiến thứ I, Đức Giáo Hoàng Biển Đức 15 thấy cần phải tái đẩy mạnh công cuộc truyền giáo trên thế giới, để thanh tẩy những ”bụi bặm của thời thực dân cũng như để tránh xa những mục tiêu quốc gia chủ nghĩa và phong trào bành trướng, gây ra nhiều thiệt hại cho chính nghĩa truyền giáo. Tông thư Maximum illud có đoạn viết: ”Giáo Hội của Thiên Chúa là hoàn vũ, và không hề xa lạ với một dân tộc nào” và ĐGH cũng kêu gọi loại bỏ bất kỳ hình thức lợi lộc, xét vì chỉ có việc loan báo và đức bác ái của Chúa Giêsu, được phổ biến cùng với đời sống thánh thiện và những công việc làn, mới là lý do của việc truyền giáo” (Rei 22-10-2017)

 G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu siêng năng đọc kinh Mân Côi

Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu siêng năng đọc kinh Mân Côi

VATICAN. ĐTC kêu gọi các tín hữu đừng bao giờ rời bỏ xâu chuỗi Mân Côi và hãy siêng năng đọc kinh này như Đức Mẹ Fatima nhắn nhủ.

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây hôm 13-10-2017 trong sứ điệp Video gửi các tín hữu tham dự buổi lễ kết thúc Năm Thánh kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Sứ điệp được chiếu trên màn hình tại nhiều phòng ở Đền thánh Đức Mẹ Fatima trong cuộc hành hương quốc tế.

ĐTC nói: ”Tôi để lại cho anh em một lời khuyên: đừng bao giờ rời bỏ tràng hạt, hãy đọc kinh Mân Côi như Đức Mẹ yêu cầu… Đừng bao giờ rời bỏ Mẹ; như một người con nhỏ cạnh mẹ và cảm thấy được an ninh, cạnh Đức Mẹ chúng ta cũng cảm thấy an ninh, đó là sự bảo đảm của chúng ta”.

Ngài ca ngợi tất cả những người đã tham dự lễ bế mạc 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima và ngài nói thêm rằng: ”Trong tâm hồn, tôi vẫn còn những kỷ niệm về cuộc hành hương tại Fatima. Phúc lành mà Đức Trinh Nữ Maria muốn ban cho tôi, tôi cũng muốn nhường lại cho Giáo Hội trong ngày hôm ấy”.

ĐTC khích lệ tất cả các tín hữu: ”Anh chị em đừng sợ, Thiên Chúa tốt lành hơn mọi lầm than của chúng ta, Chúa yêu thương chúng ta rất nhiều”.

Đức Cha António Marto, GM giáo phận Leiria-Fátima, cho biết sứ điệp của ĐTC đã được thu hình trong buổi tiếp kiến riêng dành cho các vị lãnh đạo giáo phận này ngày 30-9 năm nay, và ngài cảm ơn ĐTC vì cử chỉ này.

Khi ban phép lành cho các tín hữu cuối sứ điệp, ĐTC đã rút trong túi áo ngài xâu chuỗi Mân Côi và ngài mong ước cho các tín hữu cũng luôn mang trong mình (Ecclesia 13-10-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thánh Cha lo âu vì thái độ chống người di dân

Đức Thánh Cha lo âu vì thái độ chống người di dân

VATICAN. ĐTC bày tỏ lo âu và đau buồn vì những dấu hiệu bất bao dung, kỳ thị và bài người nước ngoài ở nhiều miền của Âu Châu, kể cả trong các cộng đoàn Công Giáo.

Ngài nói lên lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 22-9-2019 dành các vị Giám đốc toàn quốc về mục vụ di dân và tị nạn thuộc các nước Âu Châu về Roma tham dự cuộc gặp gỡ do Liên HĐGM Âu Châu tổ chức.

ĐTC nhận xét rằng thái độ bất bao dung, kỳ thị và bài người nước ngoài thường do sự nghi kỵ và sợ hãi người khác, sợ cái gì khác biệt và người ngoại quốc. Ngài nói: ”Điều làm tôi càng bận tâm hơn nữa là nhận xét đau buồn khi thấy các cộng đoàn Công Giáo chúng ta ở Âu Châu cũng không tránh được những phản ứng tự vệ và loại bỏ, được biện minh bằng một thứ ”nghĩa vụ luân lý” phải bảo tồn căn tính văn hóa và tôn giáo nguyên thủy.”

Bác bỏ lập luận đó, ĐTC nói: ”Giáo Hội phổ biến trong mọi đại lục là nhờ sự ”di cư” của các thừa sai xác tín về đặc tính hoàn vũ sứ điệp cứu độ của Chúa Giêsu Kitô, nhắm đến mọi người nam nữ thuộc mọi nền văn hóa. Trong lịch sử Giáo hội không thiếu những cám dỗ của chủ trương loại người khác và bảo vệ thành trì văn hóa, nhưng Chúa Thánh Linh luôn giúp chúng ta khắc phục những cám dỗ ấy, bảo đảm một sự liên tục cởi mở đối với người khác, sự cởi mở ấy được coi như một cơ hội cụ thể để tăng trưởng và được phong phú”.

ĐTC đề cao những khía cạnh tích cực của làn sóng nhập cư vào Âu Châu như cơ hội để thực thi đặc tính Công Giáo, phát triển tinh thần đại kết và liên tôn cũng như là cơ hội để loan báo Tin Mừng” (Rei 22-9-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha sẽ thăm Myanmar và Bangladesh

Đức Thánh Cha sẽ thăm Myanmar và Bangladesh

VATICAN. Phòng báo chí tòa thánh chính thức thông báo: ĐTC sẽ viếng thăm Myanmar và Bangladesh vào cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm nay.

”Nhận lời mời của các vị Quốc trưởng và các Giám Mục liên hệ, ĐTC Phanxicô sẽ thực hiện một cuộc tông du tại Myanmar từ ngày 27 đến 30-11, viếng thăm các thành phố Yangon và Nay Pyi Taw, rồi tại Bangladesh từ ngày 30-11 đến 2-12-2017, viếng thăm thành phố Dhaka.

Chương trình chuyến viếng thăm sẽ được công bố trong thời gian tới đây.

Cùng với thông cáo trên đây, Phòng Báo Chí Tòa Thánh công bố chủ đề và 2 huy hiệu của cuộc viếng thăm.

Khẩu hiệu cuộc viếng thăm của ĐTC tại Bangladesh là ”Hòa hợp và Hòa bình” (Harmony and Peace [tiếng Anh] và Shomprity & Shanti [tiếng Bangla].

Thực tại và khát vọng Hòa hợp giữa các tôn giáo, văn hóa, dân tộc, xã hội, lịch sử, gia sản và các truyền thống ở Bangladesh.

Thực tại hòa bình được cảm nghiệm cũng như được khát mong trong tương lai, với một viễn tượng sự phát triển nhân bản toàn diện và tinh thần tại Bangladesh.

Huy hiệu (Logo) chuyến viếng thăm của ĐTC tại Bangladesh có hình con chim hòa bình, tượng trưng ĐTC Phanxicô vị sứ giả hòa hợp và hòa bình.

Thánh giá và Shapla: Thánh giá tượng trưng sự hiện diện của Chúa Kitô và tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại. Các dân tộc Bangladesh thuộc nhiều văn hóa và tôn giáo đang sống với nhau trong tinh thần hòa hợp dựa trên mối liên hệ chung, được diễn tả bằng bông hoa quốc gia Shpala. Nó cũng tượng trưng sự sống và hy vọng, đồng thời cho thấy niềm tin của chúng ta rất sinh động, dù rằng chúng ta là thiểu số.

Mầu của huy hiệu: xanh lá cây, đỏ và vàng là những màu cờ quốc gia Bangladesh và Vatican. Sự liên kết các mầu này tượng trưng sự đoàn kết và tình hữu nghị giữa Vatican và Bangladesh. Vatican là một trong những nước đầu tiên nhìn nhận nền độc lập của Bangladesh hồ năm 1971. Màu xanh dương trong chữ viết diễn tả biểu tượng hòa bình và nước trong của các sông ngòi ở Bangladesh.

G. Trần Đức Anh OP

 

Khẩu hiệu cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Myanmar

Khẩu hiệu cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Myanmar

VATICAN. Hình huy hiệu là một trái tim. Căn bản chung của Kitô giáo và Phật giáo là Tình yêu. Chính ý niệm này tạo nên sự tôn trọng và đón nhận nhau giữa các tín hữu Kitô và Phật tử.

Sợi dây làm thành hình trái tim là hai lá cờ: cờ Vatican màu vàng và trắng, màu cờ Myanmar màu vàng, xanh trái cây và đỏ.

Bản đồ Myanmar màu được vẽ màu với một cầu vồng. Nó nói lên sự đa chủng tộc tại Myanmar: nước này có 8 bộ tộc chính và 135 nhóm chủng tộc với những ngôn ngữ, thổ âm và văn hóa khác nhau.

Hình Đức Thánh Cha với một chim bồ câu có ý nói ĐTC là sứ giả hòa bình.

”Yêu thương và Hòa bình”, đó là khẩu hiệu cuộc viếng thăm của ĐTC. Hòa Bình Kitô dựa trên Tình Yêu. Không thể có hòa mình mà không có tình yêu. Tình Yêu mà dân tộc Myanmar yêu chuộng nhất, sẽ dọnđ ường cho hòa bình. Cuộc viếng thăm của ĐTC là để cổ võ Tình Thương và Hòa bình tại Myanmar.

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thánh Cha tiếp các tham dự viên tuần lễ phụng vụ Italia

Đức Thánh Cha tiếp các tham dự viên tuần lễ phụng vụ Italia

VATICAN. ĐTC kêu gọi các chuyên gia phụng vụ và Trung Tâm hoạt động phụng vụ ở Italia giúp đỡ các thành phần dân Chúa để phụng vụ trở thành tột đỉnh sinh động của Giáo Hội.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 24-8-2017, dành cho 800 tham dự viên Tuần lễ Phụng Vụ toàn quốc Italia thứ 68 về chủ đề ”Một phụng vụ sinh động cho một Giáo Hội sinh động”.

Trong bài huấn dụ, ĐTC mời gọi các tín hữu ý thức yếu tố cơ bản, theo đó Phụng vụ sống động trước tiên nhờ sự hiện diện sinh động của ”Đấng đã phá hủy sự chết và sống lại để ban cho chúng ta sự sống mới” (Kinh tiền tụng Phục Sinh I). Cũng như nếu không có nhịp tim đập thì không có sự sống con người, cũng thế không có hoạt động phụng vụ nếu không có trái tim đập là Chúa Kitô”.

Sau khi nhắc đến công trình cải tổ phụng vụ của Công đồng chung Vatican 2, ĐTC nhắc nhở cho các nhà phụng vụ rằng phụng vụ chính là cuộc sống của toàn dân trong Giáo Hội. Tự bản chất, phụng vụ là ”nhân dân” chứ không phải là giáo sĩ, là một hoạt động cho dân, và cũng là của dân. Giáo Hội cầu nguyện thu thập tất cả những người quan tâm lắng nghe Tin Mừng, và không gạt bỏ một ai: người lớn cũng như người nhỏ, người giàu cũng như người nghèo, trẻ em và người già, người lành mạnh cũng như người đau yếu, người công chính và người tội lỗi.

Phụng vụ là sự sống chứ không phải là một ý tưởng để hiểu. Phụng vụ giúp sống kinh nghiệm khởi đầu, kinh nghiệm biến đổi cách thức tư duy và cư xử, chứ không phải để làm giàu kiến thức về Thiên Chúa”.

Và ĐTC xin các nhà phụng vụ hãy giúp các thừa tác viên thánh chức, cũng như các thừa tác viên khác, các ca viên, nghệ sĩ, nhạc sĩ, cộng tác để phụng vụ trở thành ”nguồn mạch và tột đỉnh sức sinh động của Giáo Hội” (Xc SC 10) (Rei 24-8-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha cử hành Lễ Phục Sinh tại Quảng Trường Thánh Phêrô

Đức Thánh Cha cử hành Lễ Phục Sinh tại Quảng Trường Thánh Phêrô

VATICAN. Chúa nhật Phục Sinh 16.04.2017, vào lúc 10 giờ sáng theo giờ Roma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Lễ Phục Sinh tại Quảng trường Thánh Phêrô với sự hiện diện của hàng trăm ngàn tín hữu và khách hành hương. Sau Thánh Lễ, vào lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha đã công bố Sứ điệp Phục Sinh và ban phép lành Toàn Xá Urbi et Orbi cho thành Roma và toàn thế giới.

Thánh Lễ Phục Sinh được cử hành đơn sơ và không có đoàn đồng tế. Phần giúp lễ do các chủng sinh trường truyền giáo đảm trách. Trang hoàng lễ đài trên thềm Đền Thờ Thánh Phêrô có 35 ngàn đóa hoa do các nhà trồng hoa Hòa Lan dâng tặng Đức Thánh Cha. Ngoài hàng trăm ngàn tín hữu hiện diện tại Quảng trường, còn có hàng triệu khán giả hiệp thông trên các phương tiện truyền thông khắp thế giới.

Trong phần Phụng vụ Lời Chúa, bài đọc một trích sách Công vụ Tông đồ, được đọc bằng tiếng Tây Ban Nha, nói về việc thánh Phêrô làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh. Bài đọc hai trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Corinto, được đọc bằng tiếng Pháp, nói về việc Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu hãy trở thành bánh không men, thành bột tinh tuyền.

Sau đó, bài ca tiếp liên được hát bằng tiếng Latin. Bài Tin Mừng theo thánh Gioan được công bố bằng tiếng Latinh và Hylạp. Bài Tin Mừng kể về việc bà Maria Mađalêna ra mồ từ sáng sớm để tìm xác Chúa, nhưng không thấy. Bà liền chạy về tìm Phêrô và Gioan.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Hôm nay, Giáo Hội nhắc nhớ rằng, Giáo Hội ca lên rằng, Giáo Hội nói lớn tiếng rằng: “Chúa Giêsu đã phục sinh!” Nhưng mà là thế nào? Phêrô, Gioan và những người phụ nữ đã đi đến mộ, nhưng chỉ thấy ngôi mộ trống, vì Người không có ở đó. Họ đã đi với con tim bị đóng kín bởi nỗi buồn, nỗi buồn của sự thất bại. Bởi vì Thầy của họ, người Thầy mà họ rất mực yêu mến, giờ đã qua đời. Và từ cõi chết thì không thể trở lại được nữa. Đây là con đường đầy thất bại, con đường dẫn đến ngôi mộ.

Thế nhưng, thiên thần nói với họ rằng: Người không còn ở trong mộ nữa, vì Người đã sống lại rồi. Đó là lời công bố đầu tiên: Người đã phục sinh. Sau đó, vẫn còn những lầm lẫn, những con tim đóng kín, và có cả các cuộc hiện ra nữa. Nhưng các môn đệ vẫn đóng cửa cả ngày để chỉ ngồi trong nhà, vì họ sợ rằng những gì tệ hại đã xảy ra cho Thầy Giêsu cũng có thể xảy ra cho họ. Giáo Hội không ngừng nói về những thất bại của chúng ta, nói về những con tim đóng kín của chúng ta, nói về những sợ hãi của chúng ta. Giáo Hội nói với chúng ta rằng: “Hãy ngưng những điều ấy lại, vì Chúa đã sống lại rồi”.

Nhưng mà, nếu Chúa đã sống lại, thì tại sao những điều tệ hại vẫn tiếp tục xảy ra? Tại sao có quá nhiều bất hạnh, nào là bệnh tật, nạn buôn người, chiến tranh, sự tàn phá, những hận thù và trả đũa? Thế thì Chúa ở đâu? Hôm qua tôi có gọi điện cho một chàng trai bị bệnh nặng, tôi nói chuyện với anh để gửi tới anh một dấu chỉ của đức tin. Tôi nói với anh: “Chẳng có lời giải thích về những gì đang xảy ra cho bạn. Hãy nhìn lên Chúa Giêsu trên thập giá, và xem Thiên Chúa đã làm gì với Con của Ngài, và cũng chẳng có lời giải thích nào khác”. Anh đáp lại: “Vâng, con đã hỏi Chúa Con và Người nói: Người đã không hỏi rằng Người có muốn hay không”. Đây chính là điều gì đó thay đổi chúng ta. Không ai trong chúng ta hỏi rằng: “Bạn có hài lòng với những gì đang xảy ra trên thế giới không? Bạn có sẵn sàng vác lấy thập giá này không?” Bởi vì nếu hỏi như thế, thập giá sẽ thêm nặng, và đức tin vào Chúa Giêsu sẽ giảm xuống.

Hôm nay Giáo Hội tiếp tục công bố rằng: “Hãy dừng những điều tệ hại ấy lại, vì Chúa Giêsu đã sống lại”. Đây không phải là điều tưởng tượng. Sự Phục Sinh của Chúa Kitô không phải là một lễ hội được trang trí đầy hoa. Lễ hội thì tốt đẹp đấy, nhưng ở đây còn có gì đó hơn thế nhiều, vì đây là mầu nhiệm về viên đá bị loại bỏ lại trở thành đá tảng góc tường. Chúa Kitô đã sống lại, điều này có nghĩa là gì.

Trong thứ văn hóa loại bỏ thời nay, người ta thường vứt bỏ những gì bị cho là không cần thiết hoặc không còn hữu dụng. Và hãy thử nghĩ xem, Chúa Giêsu là phiến đá bị loại bỏ, thế mà kỳ thực Người là cội nguồn sự sống.

Giáo Hội luôn hết lòng nhẩm đi nhắc lại rằng: “Chúa Kitô đã phục sinh!” Chúng ta hãy nghĩ một chút, hãy nghĩ về những vấn đề hằng ngày, nghĩ về những căn bệnh của người thân, nghĩ về chiến tranh, về những bi kịch của con người, nghĩ với lòng đơn sơ và khiêm tốn. Không chút hoa mỹ, mà thật chân thành thân thưa với Chúa: “Con không biết phải làm gì bây giờ, nhưng con chắc chắn rằng Chúa Kitô đã sống lại, và con muốn đặt cược vào điều này.” Đó là điều tôi muốn nói với anh chị em. Hôm nay khi trở về nhà, anh chị em hãy nhẩm đi nhắc lại trong cõi lòng mình rằng: Chúa Kitô đã phục sinh!  

Tứ Quyết SJ

THÁNH LỄ PHỤC SINH 16-04-2017

Đức Thánh Cha triệu tập Công nghị Hồng Y về việc phong thánh

Đức Thánh Cha triệu tập Công nghị Hồng Y về việc phong thánh

VATICAN. Sáng thứ năm, 20-4-2017, ĐTC sẽ nhóm công nghị hồng y để quyết định và thông báo về ngày cử hành lễ phong hiển thánh cho một số vị chân phước.

Đứng đầu danh sách là Cha Andrea de Soveral, Cha Ambrogio Francesco Ferro, LM giáo phận, và giáo dân Matteo Moreira cùng với 27 vị tử đạo tại Brazil. 30 chân phước này tử đạo ngày 16-7-1645 và 3-10-1645, vì bị những người Tin Lành Calvin Hòa Lan giết trong cuộc xung đột với các tín hữu Công Giáo Bồ đào nha.

Tiếp đến là 3 chân phước thiếu niên tử đạo người Mêhicô là Cristoforo, Antonio và Giovanni, bị giết vì đức tin ở Mêhicô năm 1529. 3 vị này quen được gọi là ”Các trẻ tử đạo ở Tlaxcala”, là những thổ dân đầu tiên trở lại Công Giáo ở Mêhicô, bị giết vì đã nhân danh đức tin Kitô từ chối sự tôn thờ thần tượng và tục đa thê.

Án thứ ba là Cha Faustino Miguez (1831-1925), người Tây Ban Nha, thuộc dòng Scolopi, cũng gọi là dòng Giáo Sĩ học đường, sáng lập Hội dòng thánh Calasanzio của các Nữ tử Chúa là Mục Tử.

Án thứ tư là chân phước LM Angelo da Acri, tục danh là Luca Antonio Falcone, thuộc dòng Capucino, qua đời năm 1739, thọ 70 tuổi .

Sau cùng là hai chân phước thiếu niên Phanxicô và Giacinta đã được Đức Mẹ hiện ra ở Fatima cách đây 100 năm.

 Với công nghị trên đây, Giáo Hội sắp có thêm 37 vị Hiển Thánh. (SD 11-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh, Tân Giám Mục Phó Đàlạt

Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh, Tân Giám Mục Phó Đàlạt

VATICAN. Ngày 8-4-2017, Phòng báo chí Tòa Thánh thông báo: ĐTC đã bổ nhiệm cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh làm Giám Mục Phó với quyền kế vị tại Giáo Phận Đà Lạt.

Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh năm nay 62 tuổi, sinh ngày 12-8 năm 1955 tại Cần Thơ, theo học tại Tiểu chủng viện Simon Hòa Đà Lạt từ năm 1973 đến 1977, rồi học triết và thần học tại Giáo Hoàng Học Viện thánh Piô 10 Đà Lạt, thụ phong linh mục ngày 29-5 năm 1994 thuộc giáo phận Đà Lạt.

Sau 9 năm làm cha phó tại xứ Tân Hóa, Bảo Lọc, Cha Nguyễn Văn Mạnh du học Roma từ 2003 đến 2009 và đậu tiến sĩ giáo luật tại Giáo Hoàng Đại học Urbaniana của Bộ truyền giáo. Trở về nước năm 2009, cha Đaminh Mạnh làm Đại diện tư pháp tại giáo phận Đà Lạt.

Giáo phận này hiện có 377,500 tín hữu Công Giáo trên tổng số gần 1 triệu 250 ngàn dân cư, với 96 giáo xứ, 290 linh mục (166 triều và 124 dòng), 275 tu huynh và 932 nữ tu. Ngoài ra, giáo phận có 76 đại chủng sinh.

Trong nhiệm vụ mới, Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh phụ giúp Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, 72 tuổi, và đương nhiên kế nhiệm ngài khi giáo phận trống tòa (SD 8-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Chương trình chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Fatima

Chương trình chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Fatima

VATICAN. Hôm 20-3-2017, Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố chương trình chính thức chuyến viếng thăm của ĐTC tại Fatima từ ngày 12 đến 13-5-2017.

– Lúc 2 giờ chiều ngày thứ sáu 12-5-2017, ĐTC sẽ khởi hành từ Phi trường Fiumicino ở Roma và bay đến sân bay căn cứ không quân Monte Real lúc 16.20.

Sau nghi thức tiếp đón, ngài sẽ hội kiến viếng với tổng thống Bồ đào nha tại Căn Cứ, rồi viếng thăm Nhà nguyện của Căn Cứ trước khi đáp trực thăng đến sân thể thao Fatima lúc 17.15 rồi dùng xe đến Đền thánh Đức Mẹ Fatima.

Lúc 18.15, ĐTC viếng thăm nhà nguyện Đức Mẹ hiện ra

Lúc 21 giờ 30: ĐTC sẽ làm phép nến từ Nhà nguyện Đức Mẹ hiện ra, chào thăm các tín hữu và đọc kinh Mân Côi.

Thứ bẩy ngày 13 tháng 5 năm 2017

Lúc 9.10, ĐTC sẽ gặp thủ tướng Bồ tại Nhà ”N.S do Carmo” rồi viếng thăm Vương cung thánh đường Đức Mẹ Mân Côi trước khi cử hành thánh lễ lúc 10 giờ tại thềm Đền Thánh. Ngài sẽ giảng lễ và có phần chào thăm các bệnh nhân.

Lúc 12 giờ 30: ĐTC sẽ dùng bữa trưa với các GM Bồ đào nha cũng tại Nhà ”N.S. do Carmo”

14.45: sẽ có nghi thức tiễn biệt tại Căn cứ không quân Monte Real

15.00: ĐTC sẽ rời căn cứ và bay về Phi trường Ciampino ở Roma, dự kiến sẽ đến nơi vào lúc 19 giờ 05.

 G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội nghị quốc tế về thánh nhạc

Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội nghị quốc tế về thánh nhạc

VATICAN. ĐTC khuyến khích các chuyên gia về thánh nhạc giúp cộng đoàn phụng vụ và dân Chúa tích cực tham dự vào mầu nhiệm Thiên Chúa.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 4-3-2017 dành cho 400 tham dự viên Hội nghị quốc tế về chủ đề: ”Âm nhạc và Giáo Hội: việc phụng tự và văn hóa 50 năm từ sau Huấn Thị về Thánh Nhạc”. Hội nghị do Hội đồng Tòa Thánh về Văn hóa, Bộ giáo dục Công Giáo, Giáo Hoàng Học viện về Thánh Nhạc và Giáo Hoàng Học viện về phụng vụ thuộc trường thánh Anselmo ở Roma cùng tổ chức.

Huấn thị ”Musicam sacram” đề ra những đường hướng cụ thể để áp dụng Hiến chế của Công đồng chung Vatican 2 về Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium).

Trong bài huấn dụ, ĐTC đề cao tính chất thời sự của Huấn Thị này, trong đó có nêu bật tầm quan trọng sự tham gia của toàn thể cộng đoàn tín hữu, một cách tích cực, ý thức và trọn vẹn, vào hoạt động phụng vụ. Trong ý hướng đó, ngài nhiệt liệt khuyến khích các chuyên gia về thánh nhạc, các vị ca trưởng các ca đoàn, ”hãy giúp cộng đoàn phụng vụ và Dân Chúa nhận thức và tham gia, với tất cả giác quan thể lý và tinh thần, vào mầu nhiệm Thiên Chúa. Thánh Nhạc và thánh ca phụng vụ có nghĩa vụ mang lại cho chúng ta ý nghĩa vinh danh Thiên Chúa, vẻ đẹp, sự thánh thiện bao trùm chúng ta như đám mây sáng ngời” (SD 4-3-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Phân phát 50 ngàn cuốn sách ”Hình ảnh lòng thương xót”

Phân phát 50 ngàn cuốn sách ”Hình ảnh lòng thương xót”

VATICAN. Sở từ thiện của ĐTC đã phân phát 50 ngàn cuốn sách bỏ túi với tựa đề ”Hình ảnh lòng thương xót” (Icone di Misericordia) cho các tín hữu tham dự buổi đọc kinh truyền tin trưa ngày 6-1-2017 tại quảng trường Thánh Phêrô.

Cuốn sách này như quà tặng của ĐTC đã được 300 người vô gia cư, nhiều người thiện nguyện và các tu sĩ phân phát vào cuối buổi đọc kinh, như một thành quả nhỏ của Năm Thánh Lòng Thương Xót, và chứa đựng một số suy tư và kinh nguyện về Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa.

Hình ảnh Chúa Giêsu Thương Xót được trình bày qua 6 giai thoại Tin Mừng kể lại kinh nguyện của 6 người đã được tình yêu thương xót của Chúa biến đổi, đó là Ông Zakêu, Mathêu người thu thuế, người phụ nữ xứ Samaria, người trộm lành, sau cùng là Tông Đồ Phêrô.

Sau buổi đọc kinh, hơn 300 người vô gia cư đã được ĐTC tặng các hộp thực phẩm và nước uống (SD 6-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha cử hành lễ Chúa Hiển Linh

Đức Thánh Cha cử hành lễ Chúa Hiển Linh

VATICAN. ĐTC mời gọi các tín hữu khám phá ra trong cái nhìn của Thiên Chúa có chỗ cho những người bị thương, người cơ cực, bị ngược đãi, người bị bỏ rơi!

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài giảng thánh lễ cử hành sáng ngày 6-1-2017, tại Đền thờ Thánh Phêrô nhân lễ Chúa Hiển Linh, trước sự hiện diện của khoảng 8 ngàn tín hữu. Đồng tế với ĐTC có gần 30 Hồng Y, hơn 30 GM và gần 200 linh mục.

Trong bài giảng, sau khi phân tích tâm trạng của 3 vị Đạo Sĩ lên đường tìm kiếm và thờ lạy Chúa dưới sự hướng dẫn của ngôi sao, ĐTC nhận xét rằng: ”Họ được niềm hoài tưởng Chúa hướng dẫn… Niềm hoài tưởng ấy phát xuất từ tâm hồn tin tưởng, biết rằng Tin Mừng không phải là một biến cố của quá khứ nhưng của hiện tại.. Niềm hoài tưởng Thiên Chúa là thái độ phá vỡ sự xu thời nhàm chán và thúc đẩy chúng ta dấn thân đạt được sự thay đổi mà chúng ta ao ước và đang cần đến”.

ĐTC nói: ”Người tín hữu hoài tưởng, được niềm tin thúc đẩy, đi tìm kiếm Thiên Chúa, như các đạo sĩ, tại những nơi xa lạ nhất của lịch sử, vì trong tâm hồn họ biết rằng Chúa đang đợi họ tại đó. Họ đi tới khu ngoại ô, nơi biên cương, đến những nơi không được loan báo Tin Mừng, để có thể gặp gỡ Chúa tại đó; họ không thực hiện điều ấy với thái độ tự tôn, nhưng như một người hành khất không thể làm ngơ không biết đến đôi mắt của người mà Tin Mừng vẫn còn là thửa đất cần khám phá”. (SD 6-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha gửi thư cho Tổng thống Syria

Đức Thánh Cha gửi thư cho Tổng thống Syria

duc-thanh-cha-gui-thu-cho-tong-thong-syria

VATICAN. Trong thư gửi đến Tổng thống Bashar al Assad của Syria ĐTC Phanxciô kêu gọi tổng thống và cộng đồng quốc tế chấm dứt bạo lực và tìm một giải pháp ôn hòa cho cuộc xung đột tại nước này.

Thư của ĐTC đã được ĐHY Mario Zenari, Sứ thần Tòa Thánh tại Syria, đích thân trao cho tổng thống Assad hôm 12-12-2016.

Trong thư ĐTC cũng lên án mọi hình thức cực đoan và khủng bố, bất kỳ đến từ phía nào. Ngài cũng xin Tổng thống Syria đảm bảo sao cho công pháp quốc tế về nhân đạo được hoàn toàn tôn trọng, liên quan đến việc bảo vệ các thường dân và để cho các đồ cứu trợ được đưa tới cho các nạn nhân.

ĐTC viết thư cho Tổng thống Assad giữa lúc quân đội chính phủ Syria đã giải phóng được 96% khu vực phía đông của thành phố Aleppo từ lâu bị các lực lượng phiến quân chiếm đóng, và với sự hỗ trợ của không lực Nga, quân đội Syria đã đánh đuổi được lực lượng Hồi giáo IS sau khi 5 ngàn quân của nhóm này chiếm được một phần khu ngoại ô của cổ thành Palmira. (RG 12-12-2016)

 G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha tiếp Cộng đoàn Đại chủng viện miền Puglia

Đức Thánh Cha tiếp Cộng đoàn Đại chủng viện miền Puglia

duc-thanh-cha-tiep-cong-doan-dai-chung-vien-mien-puglia

VATICAN. Sáng 10-12-2016, ĐTC đã tiếp kiến Cộng đoàn đại chủng viện Piô 11 của miền Puglia, nam Italia, và ngài nhắn nhủ các chủng sinh tăng cường cảm thức mình thuộc về Chúa, về Giáo Hội và về Nước Chúa.

Trong số 310 người người hiện diện tại buổi tiếp kiến, ngoài ban giám đốc, ban giảng huấn và các chủng sinh còn có các GM thuộc các giáo phận ở miền Puglia.

ĐTC mời gọi các chúng sinh vượt lên trên cám dỗ chỉ quan tâm đến mình, đó là một cám dỗ nguy hiểm nhất: ”Không phải mọi sự bắt đầu với tôi và chấm dứt với tôi, tôi có thể và phải nhìn xa hơn chính tôi, đến độ nhận thức vẻ đẹp và chiều sâu của mầu nhiệm bao quanh tôi, của cuộc sống vượt lên trên tôi, của niềm tin nơi Thiên Chúa nâng đỡ mọi sự, mọi người và cả tôi”.

ĐTC cũng nhấn mạnh rằng linh mục phải là một con người có tương quan. Ngài nói: ”Việc xây dựng cộng đoàn mà một ngày kia các thày phải hướng dẫn trong tư cách là linh mục, bắt đầu trong đời sống thường nhật ở chủng viện, giữa các thầy với nhau, cũng như với những người các thầy gặp trong cuộc sống. Các thầy đừng nghĩ mình khác những người đồng lứa, đừng coi mình tốt hơn những người trẻ khác, hãy học ở với tất cả mọi người, đừng sợ xắn tay áo và hoạt động”.

 ĐTC cũng nhắc nhở các chủng sinh rằng ”Nơi mà quan hệ với Chúa Kitô được tăng trưởng chính la kinh nguyện, và thành quả chín mùi của kinh nguyện luôn luôn là bác ái” (SD 10-12-2016)

G. Trần Đức Anh OP