Giáo hội sẽ có thêm 1 vị thánh, 14 chân phước và 2 đấng đáng kính

Giáo hội sẽ có thêm 1 vị thánh, 14 chân phước và 2 đấng đáng kính

Sáng 15.01 vừa qua, trong buổi tiếp kiến ĐHY Angelo Becciu, Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh, ĐTC Phanxicô đã cho phép Bộ Tuyên Thánh công bố các sắc lệnh nhìn nhận phép lạ liên quan đến chân phước Margarita Bays, nhìn nhận các cuộc tử đạo của nữ tu Maria del Carmen và 13 nữ tu cùng dòng; và nhìn nhận các nhân đức anh hùng của hai tôi tớ Chúa là nữ tu Anna Kaworek và nữ tu Maria Soledad Sanjurjo Santos.

1 tân hiển thánh

Trước hết, ĐTC chính thức nhìn nhận một phép lạ xảy ra nhờ lời chuyển cầu của chân phước trinh nữ Margarita Bays, dòng Ba Phanxicô. Đây là phép lạ cần thiết để chân phước được tuyên phong hiển thánh. Chân phước Margarita Bays sinh năm 1815 tại La Pierraz, Thụy sĩ, trong một gia đình nông dân. Chị làm thợ may tại nhà, và tuy chăm chỉ làm hết sức mình để đáp ứng nhiều nhu cầu của những người hàng xóm, chị không bao giờ lơ là việc cầu nguyện. Trong cuộc chiến văn hóa, chị đã ủng hộ báo chí Công giáo. Nhưng biến cố thay đổi chị triệt để chính là ơn được mang các dấu thánh. Sau đó, chị lại được lành bệnh ung thư ruột một cách lạ kỳ vào tháng 08.1854, trong khi ĐGH Pio IX tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội. Chị Margarita Bays qua đời ngày năm 1879 và được tuyên phong chân phước vào năm 1995.

14 tân chân phước

Trong sắc lệnh thứ hai, ĐTC nhìn nhận cuộc tử đạo của nữ tu Maria del Carmen, bề trên tổng quyền, và 13 nữ tu cùng dòng Phanxicô Đức Mẹ thu thai. Các chị đã bị giết tại Tây ban nha vào năm 1936 vì sự thù oán đức tin. Với sắc lệnh này, các chị sẽ được tuyên phong chân phước.

2 Đấng đáng kính

Trong 2 sắc lệnh tiếp theo, ĐTC nhìn nhận các nhân đức anh hùng của 2 vị Tôi tớ Chúa. Thứ nhất là nữ tu Anna Kaworek, đồng sáng lập dòng các nữ tu tổng lãnh thiên thần Micae, sinh tại Biedrzychowice, Balan, năm 1872 và qua đời năm 1936; thứ hai là nữ tu Maria Soledad Sanjurjo Santos, dòng Các Nữ tỳ Đức Maria phục vụ bệnh nhân, sinh tại Puerto Rico năm 1892 và qua đời năm 1973. (REI 15.01.2019)

Hồng Thủy – Vatican

ĐTC Phanxicô trợ giúp Indonesia sau trận sóng thần

ĐTC Phanxicô trợ giúp Indonesia sau trận sóng thần

Trận sóng thần hôm 26/12 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho Indonesia. Đặc biệt, tại một số quận của hai đảo Giava và Sumatra, hơn 16 ngàn người phải di tản khỏi gia cư của họ. Và theo ước tính của Liên Hiệp quốc, 430 người bị chết và 1500 người bị thương, không kể những thiệt hại về vật chất.

Qua Bộ Phục vụ và Phát triển Nhân bản Toàn diện, ĐTC Phanxicô đã gửi khoản trợ giúp đầu tiên cho nhân dân Indonesia trong giai đoạn khẩn cấp.

Cùng với khoản đóng góp vật chất của mình, là một phần trong những trợ giúp mà các mạng lưới bác ái của Giáo hội Công giáo đang thực hiện để giúp nhân dân Indonesia, ĐTC cũng cầu nguyện cho người dân Indonesia yêu quý.

Khoản đóng góp sẽ được xác định trong những ngày tới và muốn là một cách diễn tả ngay lập tức về tình cảm gần gũi trong tinh thần và sự khích lệ của người cha của Đức Thánh Cha.

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha mời người nghèo bữa cơm trưa mừng Chúa Giáng Sinh

Đức Thánh Cha mời người nghèo bữa cơm trưa mừng Chúa Giáng Sinh

Bữa ăn do các vận động viên Olympic của Tập đoàn Thể Thao Ngọn lửa Vàng (Fiamme gialle) khoản đãi, và được tổ chức tại trung tâm thể thao Cảnh Sát Tài Chính Italia ở Castelporziano, gần bờ biển.

Chính các vận động viên sẽ nấu ăn, phục vụ bàn ăn và tặng quà cho các vị khách, chia sẻ với họ một ngày Lễ đầy niềm vui trong bầu khí vui tươi gia đình. Các vận động viên làm tất cả điều này với một chủ đích tình cảm đặc biệt dành cho Đức Thánh cha nhân dịp sinh nhật lần thứ 82 vào thứ hai ngày 17/12/2018.

Với sáng kiến này đội Điền kinh Vatican, đại diện Tòa Thánh muốn làm sống lại lời kêu gọi của Đức Thánh cha Phanxicô; đó là sống tinh thần Giáng Sinh trong tình liên đới và sự quan tâm cụ thể đến những người thiếu thốn nhất. Và đây là một chứng từ của lòng bác ái và tình huynh đệ thông qua ngôn ngữ thể thao, mà tự bản chất cho thấy sự tôn trọng phẩm giá của những người bé nhỏ.

Tình liên đới là đặc điểm của hoạt động thể thao của đội Điền kinh Vatican: vào tháng 5, các vận động viên đã cùng 250 người nghèo tham dự các cuộc thi điền kinh quốc tế tại sân vận động Olympic và chào đón hai người di dân và hai thanh niên khuyết tật vào đội. Dọc theo đường phố trên hành trình cuộc đua họ cũng phân phát các bức hình trên đó có "lời cầu nguyện của vận động viên Marathon", được dịch ra 37 ngôn ngữ, trong khi ở các thành phố lớn, từ Rôma đến Florence và Valencia, họ quảng bá "Thánh lễ Marathon" vào đêm Chúa nhật trước cuộc thi. Các vận động viên nhận thức rằng đội Điền kinh Vatican là một hiệp hội, nhưng trước hết họ ước muốn trở thành một kiểu làm chứng "ra đi", như Đức Giáo hoàng Phanxicô thúc giục.

Ngọc Yến, Vatican

Nữ tu Đaminh cao tuổi nhất thế giới qua đời ở tuổi 110

Nữ tu Đaminh cao tuổi nhất thế giới qua đời ở tuổi 110

Sơ Cecylia sinh ngày 25/03/1908, với tên gọi Maria Roszak, tại tỉnh Kielczewo, ở miền trung tây Balan. Sau khi tốt nghiệp trường thương mại ở tuổi 21, sơ gia nhập đan viện dòng Đaminh "On Gródek” ở Krakow.

Năm 1938, sơ Cecylia cùng với một nhóm nữ tu đi đến Vilnius (hiện nay là Lituania) với ý định thành lập một đan viện ở đó. Nhưng thế chiến thứ hai bùng nổ và các chị không thể thực hiện điều này.

Trong thời gian Vilnius bị Sô viết và Đức chiếm đóng, sơ Cecylia và các nữ tu đã che dấu 17 người Do thái tại tu viện của mình dù sẽ gặp nguy hiểm. Dù có sự khác biệt giữa các nữ tu và nhóm Do thái thuộc phong trào Do thái Zion, nhưng họ đã tạo được mối liên hệ thân thiết. Các chiến binh Do thái tìm được nơi trú ẩn an toàn sau các bức tường tu viện. Họ lao động vùng với các nữ tu trên các cánh đồng và tiếp tục hoạt động chính trị của họ.

Sau khi tu viện bị đóng cửa vào năm 1943, các nữ tu cũng bị giải tán. Sơ Cecylia trở về Krakow. Năm 1947, sơ cùng với các nữ tu Đaminh trở về nhà mẹ và phục vụ trong các công việc khác nhau.

Năm 101 tuổi, sơ Cecylia phải phẫu thuật hông và đầu gối nhưng sơ vẫn tham gia vào các hoạt động hàng ngày, trong đó có việc cầu nguyện chung với các nữ tu và thăm viếng các nữ tu bệnh nhân.

Ngày 25/03/2018, sơ mừng sinh nhận 110 tuổi và sơ qua đời 8 tháng sau đó, ngày 16-11-2018.

Hồng Thủy, Vatican

Người Công giáo Cali muốn dâng hiến tiểu bang cho Đức Mẹ

Người Công giáo California muốn dâng hiến tiểu bang cho Đức Mẹ

Vào ngày lễ Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội 08/12 tới đây, tại một số giáo xứ trên toàn tiểu bang California sẽ họp nhau cầu nguyện từ giữa trưa đến 2 giờ trưa. Chương trình dự kiến có Thánh lễ được cử hành giữa trưa, sau đó là cuộc đi bộ đến địa điểm được chuẩn bị trước. Tại địa điểm này, các tín hữu sẽ đọc kinh Mân Côi và các kinh nguyện thánh hiến đặc biệt.

Những người tổ chức nỗ lực này cầu xin Mẹ Maria giúp chiến đấu chống lại những sự ác luân lý đang phổ biến tại tiểu bang. Chương trình này có địa chỉ trang web: www.consecratecalifornia.com, trên đó có danh sách các giáo xứ đăng ký tham gia vào chiến dịch này.

Một trong những kinh nguyện có trên trang web là kinh cầu xin được thoát khỏi hình phạt dành cho linh hồn chúng ta, điều xứng với các tội giết thai nhi, bệnh nhân, người già yếu, người không được mong muốn chào đời và các bạo lực, xâm phạm tính dục, ma túy, vv. Lời kinh này cũng xin Mẹ Maria gìn giữ khỏi các thiên tai và chiến tranh, cũng như giúp chiến thắng nền văn hóa chết chóc và mang Thiên Chúa và ý niệm về gia đình trở lại trong cuộc sống.

Chiến dịch dâng hiến bang California do Angelo Libutti, một cư dân ở Glendale khởi xướng, một cựu chiến binh của ngành công nghiệp điện ảnh. Năm ngoái, trong khi đnag cầu nguyện trước Thánh Thể sau một ngày làm việc căng thẳng, vì bị các đồng nghiệp phê bình dữ dội vì ông đã bày tỏ quan điểm ủng hộ sự sống của mình.

Cá nhân ông Libutti đã dâng mình cho Đức Mẹ và ông đã trải nghiệm những thay đổi sâu sắc trong cuộc sống của ông. Ông cảm thấy việc dâng hiến toàn tiểu bang là cách chữa khỏi sự vô luân, tục hóa và hận thù đối với các giá trị truyền thống ở California. Tháng 12 năm ngoái là lần dâng hiến California đầu tiên và năm nay sẽ là lần thứ hai.

Trong lần dâng hiến năm ngoái và chuẩn bị năm nay, ông Libutti được sự hiệp tâm của các tín hữu. Ông cũng đã trình bày với hai vị tổng giám mục tại bang California, Đức tổng GM Los Angeles và Đức tổng GM San Francisco. Ông hy vọng chương trinh sẽ được các ngài đồng thuận.

Cha Jay Bananal của giáo xứ thánh Pio X ở Chula Vista nhận thấy việc dâng hiến tiểu bang cho Đức Mẹ là một điều đáng làm. Cha nói: “Có nhiều thành phố và nơi chốn ở bang mang các tên chứng tỏ nền tảng Kitô giáo của bang này. Nhưng thật buồn là một số luật lệ xấu đã được bang thông qua trong những năm gần đây làm thương tổn đến các gia đình, gây lại cho người già và các thai nhi. Hy vọng rằng việc dâng hiến tiểu bang xinh đẹp của chúng ta một lần nữa cho Chúa, qua Đức Mẹ, các tín hữu Công giáo California có thể hiệp nhau cầu xin lòng thương xót của Chúa trên chúng ta và bàn tay hướng dẫn của Người dẫn đưa chúng ta, đặc biệt các nhà làm luật, trong đường ngay nẻo chính.”

Hồng Thủy, Vatican

Tòa Giám Quản Roma thu thập chứng tích về Cố Thuận

Tòa Giám Quản Roma thu thập chứng tích về Cố Thuận

 

Tòa Giám Quản Roma công bố sắc lệnh thu thập các chứng tích về vị sáng lập dòng Xitô Phước Sơn tại Việt Nam, Cha Benoit Thuận, tục danh là Henri Denis, để tiến hành án phong chân phước cho Cha.

 Sắc lệnh của ĐHY Giám quản Roma Angelo De Donatis, cùng với vị công chứng Marcello Terramani ký ngày 25-10 vừa qua (2018) và được công bố hôm 18-11-2018 với nội dung như sau:

 ”Ngày 24-7 năm 1933, vị Tôi Tớ Chúa Benoit Thuận, tu sĩ, qua đời tại Đan viện Thánh Mẫu Phước Sơn, Việt Nam.

 Vị Tôi Tớ Chúa, sau khi thụ huấn tại Chủng viện Thừa Sai Paris, thụ phong linh mục ngày 7-3-1903 và sau đó được sai đi truyền giáo tại Huế, Việt Nam. Sự dấn thân truyền giáo của Người thật quảng đại, mặc dù phải chịu những hy sinh rất lớn và thiếu thốn, mang lại thành quả dồi dào, không những qua việc đón nhận nhiều người Việt Nam vào Giáo Hội, nhưng còn thành lập Đan Viện Đức Mẹ Việt Nam ngày 15 tháng 8 năm 1918, đây là Đan viện đầu tiên của chi dòng Xitô Thánh Gia. Cuộc sống của Cha là một mẫu gương về lòng yêu mến Chúa Kitô, cầu nguyện, thanh bần, thống hối đền tội và nhiệt thành đối với phần rỗi các linh hồn. Danh thơm thánh thiện của Cha gia tăng với thời gian và chân dung của Cha trở thành điểm tham chiếu cho nhiều linh mục cũng như bao nhiêu giáo dân Việt Nam. Ngày nay, mặc dù bao nhiêu cuộc xung đột chiến tranh mà Việt Nam đã phải chịu, hơn 1 ngàn đan sĩ nam nữ Xitô có thể xưng mình là con cái của Cha.

 Vì tiếng tăm thánh thiện của Cha càng gia tăng qua dòng thời gian và đã có đơn chính thức xin mở án phong chân phước và hiển thánh cho vị Tôi Tớ Chúa, nên qua việc thông tri này cho cộng đồng Giáo Hội, chúng tôi mời gọi tất cả và từng tín hữu hãy thông báo trực tiếp cho chúng tôi hoặc gửi đến tòa án giáo phận Roma (ở địa chỉ: Quảng trường Thánh Gioan Laterano số 6, 00184 Roma) tất cả những tin tức, qua đó có thể rút ra được những yếu tố thuận lợi hoặc bất lợi cho thanh danh thánh thiện của Vị Tôi Chớ Chúa (Benoit Thuận).

 Ngoài ra, theo các qui định của luật, vì phải thu thập tất cả các bút tích của Cha hoặc được coi là của Cha, qua Sắc Lệnh này, chúng tôi truyền tất cả những ai sở hữu các bút tích ấy, hãy ân cần nạp cho tòa án giáo phận tất cả những gì vị Tôi Tớ Chúa đã viết, nếu chưa giao cho Văn phòng thỉnh nguyên viên án phong này.

 Chúng tôi nhắc nhở rằng từ ”bút tích” (scritti) ở đây không phải chỉ là các tác phẩm đã in ấn, (các tác phẩm này đã được thu thập rồi), nhưng cả các thủ bản, nhật ký, thư từ, và mọi điều khác được vị Tôi Tớ Chúa viết ra. Những ai muốn giữ lại bản chính các bút tích đó, thì có thể nạp bản sao có thị thực phải phép.

 Sau cùng, chúng tôi qui định rằng Sắc lệnh này được dán trong vòng 2 tháng tại cửa tòa Giám Quản Roma, và được công bố trên các trang mạng của chi dòng Xitô Thánh Gia, trên báo ”Quan sát viên Roma” (Osservatore Romano) và trên tờ thông tin của giáo phận Huế.

 Làm tại Roma ngày 25 tháng 10 năm 2018

 ký tên: Hồng Y Angelo De Donatis, Giám quảm Giáo Phận Roma

 Marcello Terramani, Công chứng viên.

 

Giuse Trần Đức Anh, OP

ĐGH chủ lễ cầu hồn cho các HY và GM qua đời năm qua

ĐGH chủ lễ cầu hồn cho các HY và GM qua đời năm qua

Lúc 11 giờ 30 sáng thứ bẩy, 3-11-2018, ĐTC đã cử hành thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô để cầu nguyện cho các 9 HY và 154 GM trên thế giới đã qua đời trong vòng 12 tháng qua, trong đó có 2 GM Việt Nam.

Đó là Đức Cha Đaminh Mai Thanh Lương, nguyên GM phụ tá giáo phận Orange, bang California, Hoa Kỳ qua đời ngày 6 tháng 12 năm 2017, hưởng thọ 77 tuổi (1940-2017). Tiếp đến là Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, TGM giáo phận Sàigòn, qua đời đột ngột ngày 6-3 năm nay, trong cuộc hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh, hưởng thọ 74 tuổi.

 Đồng tế với ĐTC có gần 40 HY ở Roma, trước sự tham dự của hàng ngàn tín hữu.

 Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng, dựa vào bài Tin Mừng về 5 trinh nữ khôn ngoan và 5 trinh nữ khờ dại đi đón chàng rể, ĐTC mời gọi các tín hữu luôn hướng về cuộc gặp gỡ với Vị Hôn Phu thiên quốc, xa tránh những hào nhoáng của thế gian và được tiêu hao trong sự phục vụ.

Ngài nói: ”Cuộc sống là một hành trình đi ra ngoài, hướng về vị hôn phu, đó là thời gian được ban cho chúng ta để tăng trường trong tình yêu. Sống là một cuộc chuẩn bị hằng ngày cho hôn lễ, một lễ đính hôn trọng thể. Chúng ta hãy tự hỏi: tôi có sống như một người chuẩn bị cuộc gặp gỡ với Vị Hôn Phu không? Trong tất cả các hoạt động, trong sứ vụ của chúng ta, đều có một ý tưởng liên kết tất cả, đó là sự chờ đợi Hôn Phu.”

Đừng tìm cách phô trương

Từ sự kiện, các trinh nữ khôn ngoan đã chuẩn bị dầu để đi đón chàng rể, ĐTC ghi nhận đặc tính đầu tiên của dầu này là không ”phô trương”, nhưng kín đáo; nếu không có dầu này thì không có ánh sáng. Ngài nói: ”Điều mà thế gian tìm kiếm và phô trương – danh dự, quyền lực, dáng vẻ bề ngoài, vinh quang, sẽ qua đi mà chẳng để lại vết tích gì. Xa tránh những hào nhoáng của thế gian là điều thiết yếu để chuẩn bị lên trời. Cần từ khước thư văn hóa ”trang điểm” dạy phải chăm sóc những vẻ bề ngoài. Trái lại cần thanh tẩy và giữ gìn con tim, con người nội tâm, vốn là điều quí giá trước mắt Thiên Chúa”.

Sẵn sàng tiêu hao trong sứ mạng phục vụ

ĐTC cũng nhấn mạnh một khía cạnh khác của dầu là để mình tiêu hao. Chỉ khi thiêu đốt mình, thì dầu mới chiếu sáng. Cũng vậy đối với cuộc sống: nó chỉ làm lan tỏa ánh sáng, nếu nó tiêu hao đi, nếu quên mình trong việc phục vụ.. Việc phục vụ đòi hy sinh, tiêu hao bản thân, nhưng trong sứ vụ của chúng ta, ai không sống để phục vụ thì chẳng có ích gì. Ai quá giữ gìn cuộc sống của mình thì sẽ mất nó.”

Chuẩn bị cuộc gặp gỡ với Vị Hôn Phu

Đặc tính thứ ba của dầu trong bài Tin Mừng là chuẩn bị. ĐTC nói: ”Dầu phải được chuẩn bị kịp thời và mang theo mình (Xc vv.4.7).. Nay là thời gian chuẩn bị: trong lúc hiện tại, ngày qua ngày, tình yêu cần được nuôi dưỡng. ”Chúng ta hãy cầu xin ơn canh tân hằng ngày mối tình đầu của chúng ta với Chúa (Xc Kh 2,4), đừng để cho tình yêu ấy bị tàn phai. Cám dỗ lớn nhất là trở nên ”phẳng lỳ' trong một cuộc sống không có tình yêu, giống như một chiếc bình rỗng, như một ngọn đèn đã tắt.”

ĐTC cảnh giác rằng ”Nếu chúng ta không đầu tư trong tình yêu, thì cuộc sống sẽ tắt ngúm. Những người được kêu gọi tham dự hôn lễ với Thiên Chúa không thể sống thoải mái trong một cuộc sống định cư, phẳng lỳ và chỉ có chiều ngang, không còn đà tiến, chỉ tìm những thoải mái bé nhỏ, theo đuổi những vinh dự phù du” (Rei 3-11-2018)

 

ĐGH lên án vụ giết người Do thái ở Pittsburg

ĐGH lên án vụ giết người Do thái ở Pittsburg

Hôm thứ bẩy vừa qua 27-10, một người Mỹ 46 tuổi đã đột nhập dùng súng AK-47 và nhiều súng ngắn khác bắn loạn xạ vào những người Do thái đến cầu nguyện tại Hội đường tên là ”Cây Sự Sống” (Tree of Life) làm cho 11 người, thủ chết, 6 người khác bị thương trong đó có 4 nhân viên cảnh sát. Thủ phạm đã bị bắt. Hắn đã hô to khi thi hành vụ sát nhân: ”Tôi muốn giết tất cả mọi người Do thái!”

 ĐTC chia buồn và lên án bạo lực

 Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 28-10 vừa qua với 10 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC nói:

 ”Tôi bày tỏ sự gần gũi với thành phố Pittsburg ở Mỹ, và đặc biệt là với cộng đoàn Do thái, bị thương tổn hôm 27-10 vì một cuộc khủng bố kinh khủng tại Hội đường Do thái. Xin Đấng Tối cao đón nhận những người quá cố vào trong an bình của Chúa, an ủi gia đình họ và nâng đỡ những người bị thương. Trong thực tế, tất cả chúng ta đều bị thương tổn hành vi bạo lực vô nhân đạo này. Xin Chúa giúp chúng ta dập tắt ngọn lửa oán thù đang lớn lên trong các xã hội chúng ta, củng cố ý thức nhân đạo, tôn trọng sự sống, các giá trị luân lý và dân sự, và sự kính sợ Thiên Chúa là Tình Thương và là Cha của mọi người”.

 ĐHY Chủ tịch HĐGM Hoa Kỳ

 ĐHY DiNardo, TGM Galveston-Houston, Chủ tịch HĐGM Hoa Kỳ, cũng đã bày tỏ liên đới với các nạn nhân và các cộng đoàn Do Thái, đồng thời kêu gọi chính quyền Mỹ đối phó với tệ nạn dùng súng giết người (Rei 28-10-2018)

Giuse Trần Đức Anh OP

Ngày Thế Giới Truyền Giáo lần thứ 92: 21-10-2018

Ngày Thế Giới Truyền Giáo lần thứ 92: 21-10-2018

Trên đây là nội dung Sứ điệp của ĐTC nhân Ngày Thế Giới truyền giáo lần thứ 92, được cử hành vào chúa nhật 21-10-2018 giữa lúc Thượng HĐGM thế giới về giới trẻ đang tiến hành tại Roma. Chủ đề được ĐTC chọn cho Ngày Thế giới này là ”Cùng với người trẻ, chúng ta mang Tin Mừng cho tất cả mọi người”.

 Sứ điệp của ĐTC: sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội

 ĐTC nhắc đến sứ mạng làm chứng và rao giảng Chúa Kitô mà mỗi Kitô hữu nhận lãnh khi chịu phép rửa tội. Ngài viết: ”Sứ mạng thông truyền đức tin, trọng tâm sứ mạng của Giáo Hội, diễn ra qua sự ”hay lây” của tình thương, trong đó niềm vui và sự phấn khởi biểu lộ ý nghĩa đã tìm thấy và sự sung mãn của cuộc sống. Sự loan truyền đức tin bằng sự thu hút đòi chúng ta phải có con tim cởi mở, được tình yêu làm nở rộng”.

 Những môi trường còn xa lạ với Tin Mừng

 Nhắc đến lời Chúa dạy các môn đệ hãy mang Tin Mừng đến tận cùng trái đất, ĐTC khẳng định rằng: ”Những môi trường con người, văn hóa và tôn giáo vẫn còn xa lạ với Tin Mừng của Chúa Giêsu và sự hiện diện bí tích của Giáo Hội chính là những khu ngoại ô tột cùng, ”những bờ cõi của trái đất: mà các môn đệ thừa sai được gửi đến từ khi Chúa Giêsu Phục Sinh, với niềm xác tín có Chúa luôn ở với chúng ta (Mt 28,20; Cv 1,8). Ơn gọi truyền giáo cho dân ngoại hệ tại điều đó.”

 ĐTC giải thích thêm rằng ”Khu vực ngoại ô tiêu điều nhất của nhân loại đang cần Chúa Kitô chính là sự dửng dưng đối với đức tin hoặc thậm chí đó là sự oán ghét chống lại cuộc sống sung mãn trong Chúa. Mỗi sự nghèo nàn về vật chất và tinh thần, mỗi sự kỳ thị chống lại các anh chị em luôn luôn là hậu quả của sự từ chối Thiên Chúa và tình thương của Ngài”.

 Mời giới trẻ dấn thân vào cuộc sống thực sự

 ĐTC nói với các bạn trẻ rằng: ”Các bạn trẻ thân mến, tận cùng trái đất, đối với các bạn ngày nay, thật là tương đối và luôn dễ dàng lướt trong đó, đó là thế giới tiềm thể, kỹ thuật số, các mạng xã hội đang tràn ngập và xuyên qua chúng ta, xóa bỏ mọi khoảng cách, thu hẹp những khác biệt. Dường như tất cả ở trong tầm tay, tất cả đều gần kề. Nhưng nếu không có ơn can dự của cuộc sống chúng ta trong đó, thì dù có vô số các tiếp xúc, chúng ta sẽ không bao giờ đi sâu vào một cuộc sống hiệp thông thực sự. Sứ mạng truyền giáo cho đến tận bờ cõi trái đất đòi phải có sự hiến thân trong ơn gọi được Chúa ban cho chúng ta, Đấng đã đặt chúng ta trên trái đất này (Xc Lc 9,23-25). Tôi dám nói rằng, đối với một người trẻ muốn theo Chúa Kitô, điều thiết yếu là tìm kiếm và gắn bó với ơn gọi của mình”.

 Họp báo của ĐHY Tổng trưởng Bộ Truyền giáo

 Nhân Ngày Thế giới truyền giáo, sáng thứ sáu, 19-10 vừa qua, ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo, cùng với Đức TGM Giampietro Dal Toso, Chủ tịch các Hội Giáo Hoàng truyền giáo và Cha Fabrizio Meroni, Tổng thư ký Liên hiệp Giáo Hoàng truyền giáo và cũng là Giám đốc hãng tin Fides, đã mở cuộc họp báo tại Roma về ngày Truyền Giáo.

 ĐHY Filoni nhắc đến tính chất cấp thiết của sứ mạng truyền giáo: 2 phần 3 dân chúng trên thế giới chưa được loan báo Tin Mừng, và cũng có nhiều cộng đoàn cần được tái truyền giảng Tin Mừng. Vì thế công tác của Giáo Hội chưa chấm dứt. ĐHY cũng nhấn mạnh rằng Tin Mừng, qua Giáo Hội, là một điều phong phú cho các lãnh thổ nơi Tin Mừng được truyền đến, phong phú cả về mặt xã hội, trường học, nhà thương, giáo dục về đối thoại và sống chung hòa bình. Ngoài ra, các Giáo Hội trẻ ngày càng ý thức mình là thừa sai tại lãnh thổ của mình, với sự hỗ trợ của Giáo Hội hoàn vũ, và cụ thể là Bộ truyền giáo.

 Số tiền quyên góp giúp truyền giáo bị giảm sút

 Đức TGM Dal Toso nói đến ý nghĩa Ngày Thế Giới truyền giáo nhắm mục đích hỗ trợ công cuộc truyền giáo, nâng đỡ các Giáo Hội trẻ, trước tiên bằng lời cầu nguyện, và tiếp đến là qua các cuộc lạc quyên trong các thánh lễ chúa nhật hôm nay để đáp ứng các nhu cầu cụ thể của các miền truyền giáo. Về vấn đề này, các Giáo Hội địa phương trẻ cũng được yêu cầu minh bạch trong việc quản lý và sử dụng đúng đắn các tài trợ nhận được.

 Đức TGM Dal Toso cho biết sự tục hóa tại nhiều xã hội đã làm suy giảm số tiền các tín hữu đóng góp để giúp các miền truyền giáo. Ngoài các cuộc lạc quyên trong các thánh lễ, Bộ truyền giáo đang nghiên cứu việc sử dụng Internet để các tín hữu có thể đóng góp trực tuyến, hỗ trợ công cuộc truyền giáo. (Rei 19-10-2018)

Giuse Trần Đức Anh OP

HĐGM Mỹ quyết tâm làm sáng tỏ và xử lý những vụ lạm dụng

HĐGM Mỹ quyết tâm làm sáng tỏ và xử lý những vụ lạm dụng

Trong thông cáo công bố hôm 27-8-2018, ĐHY DiNardo cho biết ngài bày tỏ lập trường trên đây trong niềm hiệp thông với ĐTC và cùng với ban chấp hành của HĐGM Hoa Kỳ, như ĐTC đã nói: ”Vết thương này (do những vụ lạm dụng) thách thức chúng ta phải kiên quyết theo đuổi sự thật và công lý”.

 Thông cáo của ĐHY cũng cho biết: ”Ngày 1-8 vừa qua, tôi đã hứa rằng HĐGM Hoa Kỳ sẽ thi hành trọn vẹn quyền bính của mình, và can thiệp với những quyền bính cao hơn, để làm sáng tỏ nhiều vấn đề quanh vụ Đức TGM McCarrick. Ngày 16-8 vừa qua, tôi đã thỉnh cầu Tòa Thánh thực hiện một cuộc thanh tra tông tòa, làm việc hòa hợp với Ủy ban giáo dân toàn quốc vơi quyền bính độc lập, để tìm kiếm sự thực. Hôm qua 26-8, tôi đã tái triệu tập Ban chấp hành HĐGM và tái khẳng định lời kêu gọi về việc mau lẹ và cứu xét kỹ lưỡng những thiếu sót luân lý của một người anh em GM và làm sao những thiếu sót ấy có thể dung thứ quá lâu như vậy và không có sự ngăn cản nào”.

 Cứu xét chứng từ của Đức TGM Viganò

 ĐHY DiNardo cũng nhắc đến bản chứng từ của Đức TGM Carlo Maria Viganò, cựu Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, công bố hôm 26-8 vừa qua, tố giác về những điều này, và ĐHY nói rằng lá thư này càng đòi sự chú tâm hơn và cấp thiết cứu xét. Những câu hỏi được nêu lên đáng được trả lời đầy đủ và dựa trên các bằng chứng. Nếu không có những câu trả lời như thế, thì những người vô tội có thể bị ô danh vì những lời cáo buộc giả dối và các tội quá khứ có thể tái diễn”.

 Chờ đợi được gặp ĐTC

 ĐHY Chủ tịch HĐGM Hoa Kỳ cho biết đang chờ đợi được ĐTC tiếp kiến để trình bày kế hoạch hành động và được sự hỗ trợ của ngài trong kế hoạch hành động. Trong kế hoạch này có đề nghị làm sao để việc trình báo về sự lạm dụng và sai trái của các GM được dễ dàng hơn, cải tiến các thủ tục giải quyết những đơn kiện chống các GM”.

 ĐHY McCarrick, 89 tuổi, nguyên là TGM giáo phận thủ đô Washington, bị cáo là đã có lối sống sai trái về luân lý, và đã xin từ bỏ chức vị Hồng Y. Hiện nay thủ tục xét xử theo giao luật đang được tiến hành.

Giuse Trần Đức Anh OP

Thư ĐTC gửi Dân Chúa về những vụ lạm dụng tính dục

Thư ĐTC gửi Dân Chúa về những vụ lạm dụng tính dục

ĐTC đưa ra lập trường trên đây trong ”Thư gửi Dân Chúa” công bố ngày 20-8-2018, sau phúc trình về những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục ở bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, với khoảng 300 giáo sĩ lạm dụng 1 ngàn nạn nhân trong vòng 70 năm qua. Hầu hết những vụ đó xảy ra trước đây nhiều năm, nhưng ĐTC khẳng định rằng những vết thương đó không bao giờ bị xóa bỏ.

 ĐTC viết: ”Chúng ta phải quyết liệt lên án những tội ác đó, đồng thời tập trung nỗ lực để loại trừ thứ văn hóa chết chóc này.  Chúng ta phải cảm thấy tủi hổ trước một lối sống đã và đang đi ngược với những gì chúng ta tuyên xưng bằng lời nói”.

 Tiếng kêu của các nạn nhân vọng tới trời cao

 ĐTC nhận xét rằng tiếng kêu đau đớn của các nạn nhân mạnh mẽ hơn những che đậy, vọng tới trời cao, mà từ lâu người ta không biết đến, che giấu hoặc tìm cách bóp nghẹt…Trong tư cách là cộng đồng Giáo Hội, chúng ta xấu hổ và hối hận mà nhận rằng chúng ta đã không hành động kịp thời, không nhận ra chiều kích và sự trầm trọng của những thiệt hại gây ra cho bao nhiêu nạn nhân. Chúng ta đã lơ là và bỏ rơi những người bé nhỏ.

 Nhắc lại lời ĐHY Ratzinger

 ĐTC nhắc lại những nhận xét của ĐHY Ratzinger (ĐGH Biển Đức 16):

 ”Tôi nhận làm của tôi những lời mà ĐHY Ratzinger hồi đó, trong bài suy niệm Đàng Thánh Giá cho Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2005, đã hiệp với tiếng kêu đau đớn của bao nhiêu nạn nhân và mạnh mẽ nói rằng: ”Có bao nhiêu điều nhơ bẩn trong Giáo Hội, và chính nơi những người, trong chức linh mục, lẽ ra phải hoàn toàn thuộc về Chúa! Bao nhiêu kiêu căng, bao nhiêu tự phụ! […]. Sự phản bội của các môn đệ, sự tiếp nhận bất xứng Mình và Máu Thánh Chúa chắc chắn là nỗi đau đớn nhất của Đấng Cứu Chuộc, điều đâm thâu qua tâm hồn Ngài. Tự đáy lòng, chúng ta chỉ có thể kêu lên cùng Chúa: Kyrie, eleison – Lạy Chúa, xin cứu vớt chúng con” (Xc Mt 8,25” (Chặng thứ 9).

 Cổ võ chay tịnh và cầu nguyện

 Trong thư, ĐTC vạch rõ thái độ ”giáo sĩ trị” gây ra những rạn nứt, chia rẽ trong Thân Mình của Chúa là Giáo hội và kéo dài những tai ương mà chúng ta đang tố giác ngày nay.

 Ngài cổ cõ cộng đồng Giáo Hội thực hiện sự thống hối trong tinh thần chay tịnh và cầu nguyện như Chúa truyền dạỵ. Việc làm này giúp chúng ta đặt mình trước mặt Chúa và anh chị em, khẩn cầu ơn tha thứ và ơn xấu hổ, hoán cải, đề ra những hành động hòa hợp với Tin Mừng.

 Chay tịnh và cầu nguyện cũng giúp chúng ta chiến thắng sự ham hố thống trị, chiếm hữu vốn là nguyên nhân gây ra những sự ác như thế.

 Thư của ĐTC bắt đầu và kết thúc bằng lời của Thánh Phaolô Tông Đồ: ”Nếu một chi thể đau, thì toàn thể các chi thể cùng đau” (1 Cr 12,36).

Giuse Trần Đức Anh OP

Phó Tổng Thống Mỹ thảo luận với ĐHY Quốc vụ khanh

Phó Tổng Thống Mỹ thảo luận với ĐHY Quốc vụ khanh

Thông cáo của chính phủ Mỹ cho biết trong cuộc nói chuyện, Phó Tổng thống Pence nhìn nhận rằng Giáo Hội Công Giáo tại Nicaragua là một lực lượng dẫn đầu trong cố gắng làm trung gian và đối thoại trong năm qua, và Ông ca ngợi Giáo Hội đã nỗ lực bảo vệ các quyền con người và tự do tôn giáo, cũng như cổ võ các cuộc thương thuyết với thiện ý để mang lại hòa bình cho đất nước này.

Nicaragua ở trong tình trạng xáo trộn từ nhiều tháng nay sau các cuộc biểu tình tại nhiều nơi chống lại Tổng thống Daniel Ortega, sau khi ông tuyên bố những thay đổi trong hệ thống an sinh xã hội và hưu bổng tại nước này. Những dự án thay đổi đó đã bị chính phủ từ bỏ sau những vụ biểu tình bạo động phản đối mạnh mẽ. Hàng trăm người đã bị cảnh sát và các lực lượng bán quân sự phò chính phủ sát hại.

Tòa Thánh và Mỹ lên án bạo lực

Trong cuộc điện đàm, cả Phó tổng thống Pence và ĐHY Parolin đều lên án bạo lực kéo dài và tái khẳng định sự ủng hộ đối với HĐGM Nicaragua trong cố gắng ủng hộ dân chủ và bảo vệ các quyền con người.

Sau khi bày tỏ sự cảm thông đói với những người phản đối, Giáo Hội tại Nicaragua bị Tổng thống Ortega cáo buộc là mưu toan khuynh đảo chính quyền. Trong vài tháng qua, nhiều nhà thờ trên toàn quốc và cả ĐHY và các GM bị các thành phần thân chính phủ hành hung.

Hồi cuối tháng 7 vừa qua, Hoa Kỳ hứa dành 1,5 triệu Mỹ kim cho Nicaragua để giúp các tổ chức nhân quyền và các cơ quan thông tin độc lập.

Tại Tòa Thánh, không có thông cáo chính thức về cuộc điện đàm và nội dung cuộc nói chuyện này giữa Phó Tổng thống Pence và ĐHY Parolin (CNA 10-8-2018)

Giuse Trần Đức Anh OP

Một ngàn bạn trẻ châu Âu hành hương vì hòa bình

Một ngàn bạn trẻ châu Âu hành hương vì hòa bình

Ngày mai, ngày 15 tháng 7, lúc 9 giờ 30, một ngàn bạn trẻ châu Âu vì hòa bình của Cộng đoàn Thánh Egidio, sẽ vinh danh các chiến sĩ ở Fosse Ardeatine. Đó sẽ là một cuộc hành hương lớn, và ở cuối chặng đường hoa sẽ được đặt trong hầm, nơi đã diễn ra vụ thảm sát 335 người vô tội trong thời gian Đức Quốc xã chiếm đóng. Tại đây một lời kêu gọi cũng sẽ được đọc, nội dung chống lại mọi hình thức của bạo lực và phân biệt chủng tộc, trên một lục địa nơi bức tường được đặt sang một bên và tái khám phá nền tảng của hòa bình, đón tiếp và hội nhập.

Cuộc hành hương sẽ diễn ra vào ngày cuối cùng của cuộc họp quốc tế Global Friends to Live Together, đã diễn ra từ thứ sáu tuần trước, tại Roma. Có hơn 1,000 bạn trẻ châu Âu (Đông và Tây) tham gia các cuộc họp, các sự kiện, các cuộc thăm viếng. Mục đích của sự kiện này là vì một lục địa mà nơi đó nó cần khởi đầu lại bằng việc "sống cùng nhau" và qua việc bảo vệ những người yếu đuối nhất, như người già, người di cư và vô gia cư, chống lại sự phát triển chia rẽ được ghi nhận trong thời gian gần đây. (Rei 14/07/2018)

Ngọc Yến

4 Đấng đáng kính mới của Giáo hội

4 Đấng đáng kính mới của Giáo hội

Sáng ngày 05/07, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Đức Hồng Y Angelo Amato, Bộ trưởng Bộ phong thánh và ĐTC đã cho phép công bố các sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của 4 vị Tôi tớ Chúa và tôn phong các ngài lên bậc Đấng đáng kính. Tất cả 4 vị đều là giáo dân.

1. Giorgio La Pira

Giorgio La Pira, người được xem là một thị trưởng thánh”, sinh ngày 09/01/1904, tại Pozzallo, miền Sicilia, nước Ý, nhưng ngài lại hoạt động chính yếu tại thành phố Firenze, nơi ngài làm thị trưởng từ năm 1951-1957 và từ năm 1961-1965. Nhiệm vụ này đối với Đấng đánh kính La Pira, một cách căn bản, là mang cơm bánh và ân sủng cho dân chúng, nghĩa là đáp lại các yêu cầu của đức tin và cả những nhu cầu vật chất, như nhà cửa và công việc.

Ngài cũng là giáo sư đại học, nhà nghiên cứu, thành phần của đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo, bộ trưởng, con người của đức tin và cầu nguỵện, một người kiến tạo hòa bình thật sự.

Điều đánh động tất cả mọi người chính là tình yêu của ngài đối với người nghèo và sự khiêm nhường của ngài: khi giao tiếp với các lãnh đạo thế giới cùng thời, ngài ngủ trên chiếc giường sắt nhỏ, trong một căn phòng đơn sơ, trong đan viện của các tu sĩ Đaminh ở San Marco. Đấng đánh kính La Pira qua đời tại Firenze ngày 05/11/1977.

2. Carlo Acutis

Carlo Acutis sinh ngày 03/05/1991, tại Luân đôn, Sau đó gia đình Acutis chuyển về Milano và tại đây, cậu bé bắt đầu có một mối quan hệ đức tin ngày càng mạnh mẽ hơn cho đến hết tiểu học.

Yêu thích các trang internet, Acutis đã biến nó thành phương tiện truyền giáo. Triển lãm ảo về phép lạ Thánh Thể mà cậu đã thực hiện vào năm 14 tuổi làm chứng cho điều này. Trung tâm của cuộc đời Acutis chính là Thánh Thể, "đường cao tốc đến thiên đàng" của anh, kinh Mân Côi, tình yêu dành cho người khác.

Acutis là một cậu bé sống như tất cả mọi người nhưng yêu mến Chúa Kitô cho đến khi qua đời bởi bệnh bạch cầu cấp vào ngày 12 tháng 10 năm 2006 tại Monzaqua, khi mới 15 tuổi.

3. Alessia González-Barros y González

Alessia González sinh ngày 07/03/1971, tại Madrid. Cô gái người Tây ban nha này cũng qua đời khi còn rất trẻ, chỉ 14 tuổi, sau nhiều lần giải phẫu để chữa trị một khối u ác tính. Alessia đã chịu đựng đau khổ để cầu nguyện cho Giáo hội, cho Đức Giáo hoàng và cho tha nhân. Alessia qua đời tại Pamplona ngày 05/12/1985.

4. Pietro Di Vitale

Pietro Di Vitale sinh ngày 14/12/1916 tại Castronovo, tỉnh Sicilia. Di Vitale tham gia Hội Công giáo Tiến hành và là thành viên dòng Ba Phanxicô. Anh có lòng sùng kính Thánh Thể và Đức Maria cách đặc biệt. Dù rất chăm chỉ và say mê học tập. Di Vitale không quên các hoạt động bác ái và tình yêu dành cho tha nhân.

Di Vitale kết thúc hành trình trần thế ở tuổi 23, ngày 29/01/1940, sau khi thân xác bị hao mòn dần bởi căn bệnh bao tử đầy đau đớn mà anh chịu đựng từ những năm trung học.

 

Đức Thánh Cha tiếp cảnh sát Italia ở Roma và giới lãnh đạo y tế

Đức Thánh Cha tiếp cảnh sát Italia ở Roma và giới lãnh đạo y tế

VATICAN. Sáng hôm qua (25-5), ĐTC đã tiếp kiến 6 ngàn người gồm ban chỉ huy và các nhân viên sở cảnh sát quốc gia ở Roma và ban lãnh đạo trung ương của ngành y tế, cùng với các thân nhân của họ.

 

Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC đề cao vai trò của gia đình trong đời sống con người, quốc gia và xã hội. Gia đình giúp chúng ta vượt thắng những thực tại cay đắng, những đau khổ và kinh nghiệm về sự ác: Chính trong gia đình, trong niềm hiệp thông sự sống và tình thương, mà chúng ta có thể vượt thắng những thực tại đó. Chính trong gia đình mà đức tin được thông truyền.

 

ĐTC cũng đề cao vai trò của Giáo Hội như người Mẹ giúp các tín hữu vượt thắng những căng thẳng. Ngài nói: ”Noi gương Chúa Giêsu, cả Giáo Hội, trong hành trình thường nhật, cũng trải qua những lo âu và căng thẳng của các gia đình, những xung đột giữa các thế hệ, những bạo lực trong gia đình, những khó khăn kinh tế và công ăn việc làm bấp bênh.. Được Thánh Linh hướng dẫn, Giáo Hội gần gũi các gia đình như người bạn đồng hành, nhất là các gia đình đang trải qua khủng hoảng, hoặc sống trong đau thương, để chỉ dẫn cho các gia đình mục tiêu chung cục, nơi mà sự chết và đau khổ sẽ vĩnh viễn tan biến”.

 

ĐTC cũng nhận xét rằng, trong tư cách là các nhân viên cảnh sát, ”anh chị em cũng liên tục cảm nghiệm trong công việc, trong các cuộc điều tra hoặc trên đường phố, những thực tại đau thương. Chính kinh nghiệm gia đình cũng giúp anh chị em trong lãnh vực này, vì gia đình mang lại sự quân bình con người, sự khôn ngoan và các giá trị tham chiếu. Một gia đình tốt cũng thông truyền các giá trị công dân, giáo dục, giúp cảm thấy mỗi ngừơi là thành phần của một xã hội và cư xử như những công dân lương thiện và trung thành”. (Rei 25-5-2018)

 

G. Trần Đức Anh OP 

 

Chúa Thánh Thần là cội nguồn của sự thánh thiện

Chúa Thánh Thần là cội nguồn của sự thánh thiện

Vatican. Chúa nhật 20.05.2018, trong buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với các tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nhắc nhớ về ơn gọi nên thánh trong bí tích Thánh Tẩy, ơn gọi làm chứng nhân cho Chúa trong bí tích Thêm Sức. Ngài nhấn mạnh: Chúa Thánh Thần là cội nguồn của sự thánh thiện. Sau khi đọc Kinh, Đức Thánh Cha mời gọi cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh Địa, Trung Đông, và Venezuela, cầu nguyện cho ngày thế giới truyền giáo. Đặc biệt, Đức Thánh Cha bất ngờ công bố danh sách tên 14 Đức Hồng Y sẽ được tấn phong sắp tới.

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến!

Mùa Phục Sinh có trung tâm là cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, và hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Lễ Trọng này làm chúng ta nhớ lại và sống lại sức mạnh tràn đầy mà Chúa Thánh Thần đã đổ xuống trên các Tông Đồ và các môn đệ, khi các ngài quy tụ cầu nguyện cùng với Mẹ Maria (Cv 2:1-11). Kể từ ngày đó, lịch sử về sự thánh thiện Kitô giáo có khởi đầu, bởi vì chính Chúa Thánh Thần là cội nguồn của sự thánh thiện, và việc nên thánh không phải là đặc ân cho một nhóm nhỏ, nhưng là ơn gọi cho tất cả chúng ta.

Với bí tích Thánh Tẩy, tất cả chúng ta được mời gọi tham dự vào cùng một sự sống thánh thiêng của Chúa Kitô. Với bí tích Thêm Sức, chúng ta trở nên chứng nhân cho Chúa Kitô giữa lòng thế giới. “Chúa Thánh Thần tuôn đổ sự thánh thiện ở mọi nơi và trên mọi người trong dân thánh trung thành của Thiên Chúa” (Gaudete et exsultate, 6). Công đồng Vaticano II  nói: “Thiên Chúa muốn thánh hóa và cứu độ tất cả mọi người, nhưng không chỉ với từng cá nhân riêng lẻ, mà còn bằng cách quy tụ họ trong một dân tộc, để họ tái nhận biết Ngài trong chân lý và phục vụ Ngài trong sự thánh thiện” (Ánh sáng muôn dân, 9).

Qua các ngôn sứ thời Cựu ước, Chúa đã công bố với toàn dân về kế hoạch của Ngài. Qua ngôn sứ Edekiel, Chúa nói: “Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành… Các ngươi sẽ là dân của Ta, còn Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi” (Ed 36:27-28). Qua miệng ngôn sứ Gioen, Chúa nói: “Ta sẽ đổ thần khí Ta trên hết thảy người phàm. Con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ… Trong những ngày đó, Ta cũng sẽ đổ thần khí Ta trên các tôi tớ nam nữ… Bấy giờ, tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa thì sẽ được cứu độ” (Ge 3:1-2.5). Tất cả những lời tiên tri này được thực hiện nơi Chúa Giêsu Kitô.

Kể từ ngày Lễ Ngũ Tuần ấy, cho đến tận cùng thời gian, sự thánh thiện được viên mãn trong Chúa Kitô, sự thánh thiện ấy được trao ban cho tất cả những ai biết mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần và ngoan ngoãn theo hướng dẫn của Ngài. Khi biết làm như thế, chúng ta được dẫn đi trên con đường hoàn thiện, giúp chúng ta sống xứng đáng với Chúa và có được niềm vui trọn vẹn. Chúa Thánh Thần đi vào trong lòng ta, để đẩy lui sự khô khan, mở ra hy vọng, giúp ta trưởng thành trong tình thân với Thiên Chúa và với người lân cận. Chính Thánh Phaolô đã nói: “Hoa trái của Thần Khí là tình yêu mến, là vui tươi, bình an, nhẫn nhịn, bao dung, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5:22).

Chúng ta nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria chở che và làm mới lại Lễ Hiện Xuống trong Hội Thánh, để chúng ta có thể trao tặng niềm vui và trở thành chứng nhân cho Tin Mừng. Xin Mẹ giúp chúng ta thấm nhuần ao ước nên thánh để chúng ta biết ca tụng vinh quang Thiên Chúa (Gaudete et exsultate, 177).

Đức Thánh Cha chào thăm

Anh chị em thân mến!

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống đưa chúng ta nhìn về Gierusalem. Hôm qua tại Thành Thánh có cuộc canh thức cầu nguyện cho hòa bình. Đây là đất thánh của các tín hữu Dothái, Kitô giáo và Hồi giáo. Hôm nay chúng ta tiếp tục cầu xin Chúa Thánh Thần để tiếp tục có những cử chỉ và thiện chí đối thoại và hòa giải tại Đất Thánh và Trung Đông.

Tôi muốn dành dịp đặc biệt này để cầu nguyện cho Venezuela yêu quý. Xin Chúa Thánh Thần ban cho dân nước Venezuela ơn khôn ngoan, để mọi người biết tìm kiếm con đường hòa bình và hợp nhất.

Biến cố lễ Ngũ Tuần đánh dấu khởi nguồn của sứ mạng phổ quát trong Hội Thánh. Đó là lý do mà hôm nay Thông điệp cho Ngày thế giới Truyền giáo được xuất bản. Cha gửi lời chào thân ái đến tất cả anh chị em là khách hành hương đến từ Italia và từ các quốc gia khác trên toàn thế giới.

Tứ Quyết SJ

Phái đoàn GM Đức về Roma để thảo luận với Tòa Thánh

Phái đoàn GM Đức về Roma để thảo luận với Tòa Thánh

VATICAN. Thứ năm 3-5-2018, một phái đoàn HY, GM Đức sẽ về Roma, thảo luận với Tòa Thánh về vấn đề cho những người Tin Lành kết hôn với người Công Giáo được rước lễ.

HĐGM Đức, dưới sự lãnh đạo của ĐHY Chủ tịch Reinhard Marx, TGM Munich, đã thông qua một chỉ nam về vấn đề cho những người Tin Lành kết hôn với người Công Giáo được rước lễ. Các vị dựa vào giải thích khoản giáo luật so 844, triệt 4 nói rằng ”Trong trường hợp nguy tử, hoặc theo phán đoán của GM giáo phận hay HĐGM, có sự cần thiết trầm trọng, thì các thừa tác viên Công Giáo có thể ban bí tích hợp pháp cho các tín hữu Kitô khác chưa hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, nếu họ không thể đến gặp thừa tác viên cộng đoàn của họ và nếu họ tự ý xin thừa tác viên Công Giáo, miễn là họ bày tỏ niềm tin của Công Giáo đối với các bí tích ấy và ở trong tình trạng sẵn sàng”.

Chỉ nam đã được 2 phần 3 thành viên trong HĐGM Đức thông qua, nhưng có 7 vị đứng đầu là ĐHY Rainer Maria Woelki, TGM giáo phận Koeln, viết thư cho Bộ giáo lý đức tin, thỉnh cầu làm sáng tỏ vấn đề, nhất là thẩm quyền của HĐGM trong vấn đề này. Một số vị khác đã phê bình cuốn chỉ nam này, trong đó có ĐHY Gerhard Mueller, cựu Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin.

Trong thông cáo công bố hôm 30-4 vừa qua, Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết phái đoàn HĐGM Đức gồm có 7 HY và GM, đứng đầu là ĐHY Marx và ĐHY Woelki, cùng với cha Tổng thư ký HĐGM Hans Langendoerfer.

Về phía Tòa Thánh có Đức TGM Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin Luis Ladaria, ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, và Đức Ông Markus Graulich, SDB, Phó Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh về các văn bản luật, Cha Hermann Geissler, Trưởng Phân Bộ đạo lý thuộc Bộ giáo lý đức tin (Rei 30-4-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

Huấn Thị mới của Bộ Giáo Dục về việc học Giáo Luật

Huấn Thị mới của Bộ Giáo Dục về việc học Giáo Luật

VATICAN. Hôm 3-5-2018, Bộ giáo dục Công Giáo đã công bố huấn thị mới về việc học giáo luật dưới ánh sáng cuộc cải tổ thủ tục cứu xét các đơn xin tuyên bố hôn nhân vô hiệu.

Việc cải tổ này được ĐTC Phanxicô đề ra qua hai tự sắc ”Chúa Giêsu thẩm phán hiền từ” (Mitis Iudex Dominus Iesus” và ”Chúa Giêsu hiền từ và thương xót” (Mitis et misericors Iesus), ban hành cách đây 3 năm (8-2015) nhắm đơn giản hóa và đẩy nhanh thủ tục giải hôn phối, trong đó có khoản qui định chỉ cần phán quyết của một cấp tòa án xác nhận hôn phối vô hiệu là đủ. Ngoài ra, Đức GM giáo phận có thể ban sắc lệnh hành chánh nhìn nhận sự vô hiệu của một hôn phối khi thấy có những bằng chứng rõ ràng.

Huấn thị mới của Bộ giáo dục Công Giáo, dài 21 trang, với 37 điều khoản, được công bố trong bối cảnh mới trên đây, sau khi được ĐTC phê chuẩn, nhắm thăng tiến sự chuẩn bị về học vấn cho các nhân viên khác nhau làm việc trong các tòa án của Giáo Hội, và những người làm việc trong lãnh vực tư vấn hôn nhân và gia đình.

Huấn thị khẳng định rằng con đường bình thường để huấn luyện các nhà giáo luật tương lai vẫn là chu kỳ lấy bằng cao học (licenza) giáo luật, tuy nhiên, Bộ giáo dục Công Giáo muốn rằng các Phân Khoa hoặc Học viện về giáo luật cũng cấp chứng chỉ về luật hôn nhân và thủ tục cứu xét các đơn xin giải hôn phối. Chứng chỉ này đặc biệt dành cho những người đã được sự chuẩn chước của Tối Cao Pháp Viện Tòa Thánh để được làm việc ở các tòa án Giáo Hội mà không cần có các văn bằng giáo luật.

Huấn thị mới nhấn mạnh những điều kiện cần thiết để đảm bảo chất lượng của các Viện giáo luật hiện hữu hoặc sẽ được thanh lập. Điểm mới của Huấn Thị là: có thể thiết lập Ban giáo luật trong các phân khoa thần học, hoặc lập những ghế giáo sư giáo luật trong các phân khoa luật thuộc các Đại học Công Giáo” (Rei 3-5-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha tiếp Ủy Hội Công Giáo quốc tế về di dân

Đức Thánh Cha tiếp Ủy Hội Công Giáo quốc tế về di dân

VATICAN. ĐTC khích lệ Ủy Hội Công Giáo quốc tế về di dân tiếp tục sứ mạng bênh đỡ những người di dân và tị nạn, giúp giải thoát những người bị biến thành nô lệ.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm qua, 8-3, dành cho 130 thành viên Ủy hội Công Giáo quốc tế về di dân (International Catholic Migration) tham dự khóa họp toàn thể tại Roma trong những ngày này, dưới quyền chủ tọa của ĐHY Chủ tịch Njue, TGM giáo phận Nairobi, Kenya.

Cơ quan này được thành lập năm 1951 và hiện có trụ sở ở Genève, Thụy Sĩ. Ủy hội có sứ mạng bênh vực những người di dân, tị nạn, những người tản cư nội địa, nạn nhân của nạn buôn người, những người di dân, không phân biệt tín ngưỡng, chủng tộc và quốc tịch. Thành viên của Ủy hội là các đại diện của các HĐGM trên thế giới.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, ĐTC nói: ”Tôi cầu mong Ủy Hội của anh chị em tiếp tục công tác linh hoạt các Giáo Hội địa phương xả thân cứu giúp những người bị bó buộc phải rời bỏ quê hương, và quá nhiều khi họ là những nạn nhân bị lường gạt, bạo hành, và lạm dụng đủ loại. Nhờ kinh nghiệm khôn lường, thu thập được sau bao nhiêu năm làm việc, Ủy hội có thể trợ giúp quí giá cho các HĐGM và các giáo dân đang tìm cách tổ chức hữu hiệu hơn để đáp ứng thách đố của thời đại này”.

ĐTC cũng ca ngợi sự tham gia của Ủy hội Công giáo quốc tế về di dân vào tiến trình do cộng đồng quốc tế khởi xướng nhắm tiến tới một hiệp ước hoàn cầu về người tị nạn, và một hiệp ước khác nhắm tới một sự di cư chắc chắn, có thứ tự và hợp pháp. ĐTC nói: Công việc chưa kết thúc. Cùng nhau chúng ta phải khuyến khích các nước thỏa thuận với nhau về những câu trả lời thích hợp và hữu hiệu nhất đối với những thách đố do các hiện tượng di cư đề ra. Chúng ta có thể thi hành điều đó dựa trên các nguyên tắc căn bản của đạo lý xã hội Công Giáo. Chúng ta cũng phải làm sao để những hiệp định đó được thực thi đúng đắn, qua những quyết tâm cụ thể và được nhiều người chia sẻ” (Rei 8-3-2018).

G. Trần Đức Anh OP

Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc qua đời tại Roma

Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc qua đời tại Roma

ROMA. Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, TGM giáo phận Sàigòn, đã qua đời tại Roma, hưởng thọ 74 tuổi, sau 48 năm Linh Mục và 19 năm làm Giám Mục.

Tòa TGM giáo phận Sàigòn thông báo: Đức TGM Phaolô đã qua đời lúc 10 giờ 15 tối thứ ba, 6 tháng 3, giờ Roma, tức là 4 giờ 15 phút sáng ngày 7-3 giờ Việt Nam.

Một số LM Việt Nam ở Roma cho biết: sáng ngày 6-3-2018, Đức TGM đã chủ sự thánh lễ đồng tế lúc 11 giờ với 31 GM và 40 LM Việt Nam tại Đền thờ Thánh Phaolo ngoại thành. Trước đó, ngài đã cùng các GM viếng mộ ĐHY Phanxicô Nguyễn Văn Thuận tại nhà thờ Đức Mẹ Scala. Đức TGM có những dấu hiệu mệt mỏi khác thường.

Sau thánh lễ, trong vòng 1 tiếng, Đức TGM Phaolo còn đứng chụp hình chung với các GM và nhiều người trong liên tu sĩ. Rồi ngài được 2 linh mục dìu lên xe để về nhà, nhưng lúc này Đức TGM càng có dấu hiệu bị đột quỵ, nên được chở thẳng tới bệnh viện thánh Camillo để cấp cứu. Có tin cho biết khoảng 6 giờ chiều, bác sĩ điều trị cho biết Đức TGM không có hy vọng qua khỏi.

Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc cùng với 32 GM thuộc HĐGM Việt Nam đến Roma từ ngày 2-3-2018 để hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.

Đức TGM Phaolô sinh ngày 11 tháng 11 năm 1944 tại Đà Lạt, thụ phong LM tại đây ngày 17 tháng 12 năm 1970. Năm 1999, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm GM giáo phận Mỹ tho và 14 năm sau đó, ngài được thuyên chuyển làm TGM phó Tổng giáo phận Sàigòn. Sau khi ĐHY Phạm Minh Mẫn từ nhiệm, ngài trở thành TGM chính tòa Sàigòn từ ngày 22 tháng 3 năm 2014 và từng giữ chức vụ Chủ tịch HĐGM Việt Nam nhiệm kỳ 2013-2016.

Sáng ngày, 7-3-2018, 32 GM Việt Nam đã viếng thăm, gặp gỡ Bộ truyền giáo từ lúc 10 giờ.

Trong khi đó, Cha Ignatio Hồ Văn Xuân, Tổng đại diện Giáo phận Sàigòn, từ Đức đến Roma để chuẩn bị hậu sự cho Đức Cố TGM Phaolô (Tổng hợp 7-3-2018)

G. Trần Đức Anh OP