Hội nghị đầu tiên của Hiệp hội khoa học gia Công giáo

Hội nghị đầu tiên của Hiệp hội khoa học gia Công giáo

Chicago, Illinois – Từ ngày 21-23/04, Hội nghị đầu tiên của Hiệp hội Khoa học gia Công giáo sẽ diễn ra tại Hotel Knickerbocker ở Chicago.

Hội nghị sẽ tập trung trên các vấn đề về sự khởi đầu: nguồn gốc của ý thức, nguồn gốc của ngôn ngữ loài người, nguồn gốc của vũ trụ và nguồn gốc của sinh vật sống. Dự kiến sẽ có khoảng 100 tham dự viên vào buổi khai mạc hội nghị.

Hiệp hội Khoa học gia Công giáo được thành lập vào giữa năm 2016 với mục đích làm chứng về sự hòa hợp giữa ơn gọi của khoa học gia và đời sống đức tin. Nó giúp nuôi dưỡng tình thân hữu giữa các nhà khoa học và cung cấp tài liệu và diễn đàn thảo luận cho những người có câu hỏi về khoa học và đức tin, trong khi vẫn gắn kết với giáo huấn Công giáo.

Marissa March, nhà vật lý và nghiên cứu gia từ trường đại học Pensylvania sẽ trình bày về đề tài “Khoa học gia Công giáo trong thế giới thế tục: Ý nghĩa của ơn gọi chúng ta là gì và làm sao phân biệt được chúng ta?”

Còn cha Joachim Ostermann, một tu sĩ dòng Phanxicô người Canada, một giáo sư hóa sinh, sẽ nói về khoa học dưới ánh sáng của quan điểm Kitô giáo về con người.

Các thuyết trình viên Công giáo khác gồm có tu sĩ Guy Consolmagno, dòng Tên, giám đốc đài thiên văn Vatican; Karin Öberg, giáo sư thiên văn học của đại học Havard; và Kenneth R. Miller, giáo sư sinh học của đại học Brown.

Cũng có một số thuyết trình viên không Công giáo như Robert C. Berwick, chuyên viên khoa học vi tính ở Học viện kỹ thuật Massachusetts, nói về những ý tưởng mà ông và giáo sư Noam Chomsky đã phát triển về nguồn gốc của ngôn ngữ loài người và lý do họ tin là không có loài vật nào có thứ gì giống ngôn ngữ loài người; John D. Barrow, một giáo sư vật lý lý thuyết đến từ đại học Cambridge, thảo luận về quan điểm của ông về nguồn gốc và tiến hóa của vũ trụ.

Hiệp hội Khoa học gia Công giáo có vài trăm thành viên, bao gồm các nhà nghiên cứu hàng đầu trong các lãnh vực sinh học vũ trụ, lý thuyết tiến hóa, vv. Chủ tịch của Hiệp hội là Stephen M. Barr, giáo sư vật lý và thiên văn học của đại học Delaware. Đức Tồng giám mục Charles Chaput của Philadelphia là cố vấn của Hiệp hội. (CNA 19/04/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha kêu gọi các nhà khoa học bảo vệ thiên nhiên

Đức Thánh Cha kêu gọi các nhà khoa học bảo vệ thiên nhiên

duc-thanh-cha-keu-goi-cac-nha-khoa-hoc-gop-phan-bao-ve-thien-nhien

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng 28-11-2016, dành cho 60 tham dự viên khóa họp toàn thể của Hàn lâm viện Tòa Thánh về khoa học, ĐTC kêu gọi các nhà khoa góp phần phần giải quyết các cuộc khủng hoảng về môi sinh.

Ngài nhận xét rằng ”chưa bao giờ như thời đại chúng ta ngày nay, người ta thấy rõ sứ mạng của khoa học phục vụ một sự quân bình mới về môi sinh trên thế giới… Tôi muốn nói rằng trước tiên các nhà khoa học, – không chịu sự chi phối của các lợi lộc chính trị, kinh tế hoặc ý thức hệ,- có nghĩa vụ kiến tạo một kiểu mẫu văn hóa để đương đầu với cuộc khủng hoảng về những thay đổi khí hậu và những hậu quả của chúng về mặt xã hội, để tiềm năng sản xuất rất lớn lao không chỉ dành cho một thiểu số mà thôi. Đồng thời cộng đồng khoa học, qua sự đối thoại đa ngành với nhau, cũng được kêu gọi kiến tạo một hàng ngũ lãnh đạo đề ra những giải pháp tổng quát, đặc biệt liên quan đến những đề tài được bàn đến trong đại hội của quí vị hiện nay, đó là nước, các năng lượng có thể đổi mới, và an ninh lương thực.”

ĐTC cũng phê bình hiện tượng trong chính trị quốc tế, ít có ý chí cụ thể tìm kiếm công ích và những thiện ích chung, và người ta cũng ít chú ý đến những lời khuyên dựa trên khoa học về tình trạng trái đất. Sự tùng phục của chính trị đối với kỹ thuật và tài chánh tìm kiếm lợi lộc trước tiên khiến cho nhiều chính phủ không chú ý hoặc chậm trễ áp dụng các hiệp định quốc tế về môi trường, và người ta cũng thấy rõ điều đó qua các cuộc chiến tranh liên tục để tìm cách thống trị, những cuộc chiến được ngụy trang bằng những đòi hỏi cao thượng, gây thiệt hại ngày càng trầm trọng cho môi trường và cho sự phong phú luân lý và văn hóa của các dân tộc” (SD 28-11-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Thánh lễ đầu tiên cho các khoa học gia Công giáo tại học viện kỹ thuật MIT

Thánh lễ đầu tiên cho các khoa học gia Công giáo tại học viện kỹ thuật MIT

khuon-vien-hoc-vien-ky-thuat-mit

Boston, Massachusetts – Ngày 15/11, lễ thánh Alberto, bổn mạng các nhà khoa học, hội các nhà khoa học Công giáo sẽ tổ chức Thánh lễ “vàng” đầu tiên tại nhà nguyện của Học viện kỹ thuật (viết tắt là MIT).

Sự kiện được đồng tài trợ bởi cộng đồng Công giáo của MIT và nhóm sinh viên Công giáo MIT. Các giáo sư khoa học và sinh viên được mời tham dự Thánh lễ.

Hội các nhà khoa học Công giáo là nhóm mới thành lập, gồm các nhà khoa học Công giáo Hoa kỳ cũng như các sinh viên đại học, sau đại học, các nghiên cứu sinh tiến sĩ đang nghiên cứu về khoa học tự nhiên. Hội được Đức tổng giám mục Charles Chaput và hội đồng 7 khoa học gia hướng dẫn.

Hội khoa học gia Công giáo nhắm làm chứng về sự hòa hợp giữa ơn gọi của các khoa học gia và đời sống đức tin. Nhóm khoa học gia này còn nhắm phát triển tình liên đới giữa các khoa học gia Công giáo và phục vụ như là diễn đàn thảo luận cho những ai có câu hỏi về đức tin và khoa học. Hội xác định “luôn liên kết với đức tin của Hội thánh Công giáo và luôn hoạt động theo giáo huấn của Giáo hội.”

Theo Boston Pilot, lý do thánh lễ đầu tiên của Hội được gọi là Gold Mass (lễ vàng) vì đó là màu của mũ trùm của những người đậu tiến sĩ khoa học và cũng vì thánh Alberto là một nhà luyện kiem đã chế biến kim loại thành vàng. Gold Mass theo truyền thống của các Thánh lễ của các ngành khác, như Red Masses (lễ đỏ) cho các luật sư, White Masses (lễ trắng) cho ngành y và Blue Masses (lễ xanh) cho các cảnh sát.

Cha Nicanor Austriaco dòng Đaminh sẽ cử hành lễ “vàng” đầu tiên hy vọng là thánh lễ và hội khoa học sẽ tỏ cho người trẻ thấy rằng họ không phải chọn lựa giữa khoa học và đức tin. Cha nói: “Đức tin và lý trí đều là qua tặng của Thiên Chúa. Khoa học chỉ là một diễn tả cách thế con người dùng lý trí để tìm hiểu thực tế.”

Cha Daniel Moloney, linh hướng của MIT nhận định là thánh Alberto và các khoa học gia Công giáo đã hiểu rằng Chúa đã thêm một trật tự hợp lý xác đáng vào vũ trụ. (CNA 12/11/2016)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha gặp Ủy ban quốc gia Italia về đạo đức sinh học

Đức Thánh Cha gặp Ủy ban quốc gia Italia về đạo đức sinh học

Đức Thánh Cha tiếp kiến Ủy ban quốc gia Italia về đạo đức sinh học

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 28-1-2016, dành cho 45 thành viên Ủy ban quốc gia Italia về đạo đức sinh học, ĐTC kêu gọi đừng để cho việc áp dụng các kỹ thuật sinh học làm thương tổn phẩm giá con người.

Ủy ban này được thành lập cách đây 25 năm tại Phủ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Italia. Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, ĐTC nhận xét rằng ”Ủy ban quốc gia về đạo đức sinh học đã nhiều lần bàn về việc tôn trọng sự toàn vẹn của con người và bảo vệ sức khỏe từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên, xét nhân vị trong sự đặc thù, và luôn luôn như một mục đích, và không bao giờ coi họ chỉ là một phương tiện.”

Ngài nhấn mạnh rằng: ”Nguyên tắc luân lý này thật là điều căn bản cả trong việc áp dụng kỹ thuật sinh học trong lãnh vực y khoa, các kỹ thuật này không bao giờ được sử dụng có hại cho phẩm giá con người, và càng không thể để cho những mục tiêu công nghệ và thương mại hướng dẫn”.

ĐTC cũng khuyến khích Ủy ban quốc gia Italia về đạo đức sinh học thực hiện những nghiên cứu đa ngành về các nguyên nhân làm suy thoái môi trường, đề ra những hướng đi trong các lãnh vực liên quan đến các khoa sinh học, để khích lệ những biện pháp bảo tồn và chăm sóc môi sinh.

Ngài không quyên khích lệ Ủy ban quan tâm đến đề tài khuyết tật và tình trạng những người dễ bị tổn thương bị gạt ra ngoài lề trong một xã hội nhắm tới sự cạnh tranh và đẩy mạnh tiến bộ. Đây là thách đố làm sao chống lại nền văn hóa gạt bỏ, được biểu lộ qua nhiều hình thức, trong đó có sự đối xử với các phôi thai người như những chất liệu có thể loại bỏ, và trường hợp những người bệnh và người già gần chết bị gạt bỏ.

Sau cùng ĐTC cầu mong có sự đối chiếu quốc tế rộng lớn hơn để đạt tới sự hòa hợp các tiêu chuẩn và những qui luật về các hoạt động sinh học và y khoa, những qui luật biết nhìn nhận các giá trị và các quyền căn bản, tuy rằng các hoạt động trên đây là điều phức tạp (SD 28-1-2016)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Năm Thánh là thời gian học sống tha thứ và thương xót là điều đẹp lòng Thiên Chúa nhất

Năm Thánh là thời gian học sống tha thứ và thương xót là điều đẹp lòng Thiên Chúa nhất

Năm Thánh là thời gian ưu tiên để học sống điều đẹp lòng Thiên Chúa nhất là tha thứ và xót thương

Năm Thánh là một lúc ưu tiên để Giáo Hội học chỉ lựa chọn điều đẹp lòng Thiên Chúa nhất: đó là tha thứ cho các con cái Ngài, thương xót chúng, để đến lượt chúng, chúng cũng có thể tha thứ cho các anh em khác và chiếu toả rạng ngời như các ánh đuốc lòng xót thương của Thiên Chúa trong thế giới này. Việc canh tân các cơ quan và cấu trúc của Giáo Hội cũng là một phương thế dẫn đưa chúng ta tới kinh nghiệm sinh  động làm sống lại lòng thương xót của Thiên Chúa.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến sáng thứ tư hàng tuần hôm qua. Như quý vị đã biết, sáng thứ ba vừa qua ĐTC đã chủ sự thánh lễ và lễ nghi mở Cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót, sau khi đã mở Cửa Thánh tại Bangui thủ đô Cộng hòa Trung Phi trong chuyến công du Phi châu hồi hạ tuần tháng 11 vừa qua. Chính vì thế trong bài huấn dụ ĐTC đã cùng mọi người suy tư về ý nghĩa của Năm Thánh Lòng Thương Xót. Giải thích lý do Giáo Hội cử hành Năm Thánh ngoại thường này. ĐTC nói:

Giáo Hội cần thời điểm ngoại thường này. Tôi không nói lúc này là tốt cho Giáo Hội. Tôi nói: Giáo Hội cần lúc ngoại thường này. Trong thời đại có các đổi thay sâu rộng của chúng ta Giáo Hội được mời gọi cống hiến phần đóng góp đặc thù của mình, bằng cách làm cho các dấu chỉ sự hiện diện và gần gũi của Thiên Chúa được hữu hình. Và Năm Thánh là một thời gian thuận tiện cho tất cả chúng ta, để khi chiêm ngưỡng Thiên Chúa Thương Xót, vượt mọi hạn hẹp của con người và tỏa rạng trên sự tối tăm của tội lỗi, chúng ta có thể trở thành các chứng nhân xác tín và hữu hiệu hơn.

Hướng cái nhìn về Thiên Chúa từ bi và tới các anh chị em cần lòng thương xót, có nghĩa là tập trung chú ý trên nội dung nòng cốt của Phúc Âm là Chúa Giêsu, Lòng Thương Xót nhập thể , khiến cho con mắt của chúng ta trông thấy mầu nhiệm vĩ đại của Tình Yêu Ba Ngôi  của Thiên Chúa. Cử hành một Năm Thánh Lòng Thương Xót đồng nghĩa với việc đặt để vào trung tâm cuộc sống cá nhân và cuộc sống của các cộng đoàn của chúng ta sự chuyên biệt của đức tin kitô, nghĩa là Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa từ nhân.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Như vậy một Năm Thánh  để sống lòng thương xót. Phải, thưa anh chị em thân mến, Năm Thánh này được cống hiến cho chúng ta để chúng ta kinh nghiệm được trong cuộc sống sự đụng chạm êm dịu và ngọt ngào của ơn tha thứ của Thiên Chúa, sự hiện diện của Ngài bên cạnh chúng ta, sự gần gũi của Ngài nhất là trong những lúc cần thiết hơn.

Tóm lại, Năm Thánh này là một thời gian đặc ân để Giáo Hội học chỉ lựa chọn “điều hài lòng lòng Thiên Chúa nhất”. Và cái gì “đẹp lòng Thiên Chúa nhất?” Đó là tha thứ cho các con cái Ngài, thương xót chúng, để tới lượt chúng, chúng cũng tha thứ cho các anh em khác, bằng cách chiếu toả rạng ngời như các ánh đuốc của lòng thương xót trên thế giới này. Anh chị em thân mến, Năm Thánh sẽ là một “thời gian thuận tiện” đối với Giáo Hội, nếu chúng ta học lựa chọn “điều làm hài lòng Thiên Chúa nhất”, mà không nhượng bộ cám dỗ nghĩ rằng có điều gì đó quan trọng hay ưu tiên hơn. Không có gì quan trọng hơn là việc lựa chọn điều làm Thiên Chúa hài lòng nhất”, đó là lòng thương xót, tình yêu của Ngài, sự hiền dịu của Ngài, vòng tay ôm của Ngài, các vuốt ve của Ngài!

Đó là điều làm Thiên Chúa hài lòng nhất. Trong một cuốn sách thần học thánh Ambrrogio đã viết về Ađam. Ngài lấy lại lịch sử tạo dựng thế giới và nói rằng: mỗi ngày sau khi làm ra một vật – mặt trăng, mặt trời hay các thú vật –  trình thuật nói rằng: “Và Thiên Chúa thấy điều này tốt lành”. Nhưng khi tạo dựng nên người nam và người nữ thì trinh thuật nói: “Và Thiên Chúa thấy điều này rất tốt lành”. Thánh Ambrrogio hỏi: “Mà tại sao lại rất tốt lành?” Bởi vì Thiên Chúa hài lòng sau việc tạo dựng nên người nam và người nữ chăng?” Bởi vì sau cùng Ngài đã có ai đó để tha thứ. Điều này thật là đẹp: niềm vui của Thiên Chúa là tha thứ, bản thể của Thiên Chúa là lòng thương xót. Vì vậy trong năm nay chúng ta phải mở con tim ra, để cho tình yêu này, để cho niềm vui này của Thiên Chúa làm tràn đầy con tim của chúng ta với lòng xót thương của Ngài.

Áp dụng hiệu qủa Năm Thánh vào cuộc sống cụ thể của Giáo Hội, ĐTC nói:

Cả việc cần thiết canh tân các cơ quan và cấu trúc của Giáo Hội cũng là một phương thế phải dẫn đưa tới chỗ sống kinh nghiệm sinh động và tái sinh về lòng thương xót của Thiên Chúa, là điều duy nhất có thể bảo đảm cho Giáo Hội là kinh thành xây trên một ngọn núi cao không thể che dấu được “ (x. Mt 5,14). Chỉ một Giáo Hội thương xót rạng ngời thôi! Nếu chỉ trong một lúc thôi, mà chúng ta quên rằng lòng thương xót là “điều làm Thiên Chúa hài lòng nhất”, thì mọi cố gắng sẽ vô ích, vì chúng ta sẽ trở thành nô lệ các cơ quan và cấu trúc của chúng ta, dù chúng có được canh tân thế nào đi nữa. Nhưng chúng ta sẽ luôn mãi là nô lệ chúng!

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: “Cảm nhận mạnh mẽ trong chúng ta niềm vui được Chúa Giêsu tìm lại, như là Mục Tử Nhân Lành Chúa đến tìm kiếm chúng ta, vì chúng ta đã đi lạc” (Bài giảng trong buổi hát Kinh Chiều Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót, 11-4-2015): đó là mục đích mà Giáo Hội đề ra trong Năm Thánh này. Như thế, chúng ta sẽ củng cố nơi mình xác tín rằng lòng thương xót có thể thực sự góp phần vào việc xây dựng một thế giới mới nhân bản hơn. Một cách đặc biệt trong thời đại chúng ta, trong đó sự tha thứ là một khách trọ hiếm có trong các môi trường của cuộc sống con người, việc kêu gọi lòng thương xót lại càng cấp bách hơn nữa, và điều này ở khắp mọi nơi: trong xã hội, trong các cơ cấu, trong nơi làm việc và cả trong gia đình nữa.

Chắc chắn rồi, ai đó có thể phản bác: “Nhưng mà thưa Cha, Giáo Hội trong Năm này không phải làm một cái gì hơn nữa sao?”. Thật là đúng chiêm ngưỡng lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng cũng có nhiều nhu cầu cấp thiết khác”. Đúng thế, có nhiều việc phải làm lắm, và tôi là người đầu tiên  không mệt mỏi nhắc tới điều này. Tuy nhiên, cần để ý rằng nguồn gốc của việc lãng quên lòng thương xót là tình yêu riêng mình. Trong thế giới nó có hình thái của việc chỉ tìm kiếm các lợi lộc riêng tư, các thú vui và danh dự, hiệp nhất với việc tích trữ của cải giầu sang, trong khi trong cuộc sống kitô người ta thường mặc áo giả hình và thế tục. Tất cả các điều này chống lại lòng thương xót. Các lý do của tình yêu riêng khiến cho lòng thương xót trở thành xa lạ trong thế giới thì nhiều tới độ thường khi chúng ta không còn khả năng nhận biết chúng như các hạn hẹp và như là tội lỗi nữa. Đó là lý do tại sao cần phải thừa nhận mình là những người tội lỗi, để củng cố nơi chúng ta xác tín về lòng thương xót Chúa.  “Lậy Chúa, con là một người nam tội lỗi; Lạy Chúa con là một người nữ tội lỗi: xin Chúa hãy đến với lòng xót thương của Chúa”. Đây là một lời cầu rất đẹp. Nó là một lời cầu dễ dàng cần phải nói lên mỗi ngày. “Lậy Chúa con là một người nam  tội lỗi; con là một người nữ tội lỗi: xin Chúa đến với lòng xót thương của Chúa”

Và ĐTC kết luận bài huấn dụ như sau: Anh chị em thân mến, tôi cầu chúc rằng trong Năm Thánh này mỗi người trong chúng ta sống kinh nghiệm lòng nhân từ của Thiên  Chúa, để là các chứng nhân của “điều làm cho Chúa hài lòng nhất”. Tin rằng điều này có thể thay đổi thế giới có phải là ngây thơ không? Đúng, nói một cách nhân loại thì đó là điên, nhưng “cái điên rồ của Thiên  Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1 Cr 1,25).

ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ các nước Bắc Mỹ và Âu châu. Ngài đã đặc biệt chào các đoàn hành hương hai nước Libăng và Gabon bên Phi châu, cũng như các đoàn hành hương đến từ các nước Indonesia và Nhật Bản.

Trong số các nhóm hành hương Italia ngài chào các nữ thừa sai Bác Ái, hiệp hội Thiên Chúa giầu lòng thương xót của giáo phận Piazza Armerina, nhóm Caffo vùng Lombardia, và các nghệ sĩ Hiệp hội Don Bosco trên thế giới. Ngài nói hôm qua chúng ta đã mừng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, và khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót, xin Đức Mẹ bầu cử cho mọi người gặt được nhiều hoa trái thiêng liêng trong Năm Thánh và được Mẹ hướng dẫn làm các việc lành phước đức trên bình diện vật chất và tinh thần.

Chào các bạn trẻ ĐTC xin Mẹ dậy cho họ biết tiếp đón Chúa Cứu Thế sinh ra trong tâm lòng họ. Ngài chúc các anh chị em đau yếu biết tín thác nhiều hơn nơi Chúa Quan Phòng, và xin Chúa ban cho các đôi tân hôn biết lấy lòng thương xót làm tiêu chuẩn cho cuộc sống hôn nhân của họ.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha cổ võ đối thoại khoa học và tôn giáo

Đức Thánh Cha cổ võ đối thoại khoa học và tôn giáo

Đức Thánh Cha cổ võ đối thoại khoa học và tôn giáo

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến dành cho Hội nghị các nhà thiên văn sáng ngày 18-9-2015, ĐTC Phanxicô cổ võ sự đối thoại ngày càng sâu rộng giữa khoa học và các tôn giáo.

 

 Hội nghị do Cộng đồng Đài thiên văn Vatican tổ chức. Đài này được Tòa Thánh ủy thác cho các cha dòng Tên điều khiển ngay từ khi mới thành lập cách đây 80 năm và từ 30 năm nay, Cộng đồng này vẫn tổ chức các khóa học cho các nhà thiên văn trẻ.

 

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến trước sự hiện diện của 38 tham dự viên, ĐTC nhắc đến lời thánh Gioan Phaolô 2 Giáo hoàng nói rằng: ”Điều quan trọng là cần phải tiếp tục và đào sâu cuộc đối thoại giữa khoa học và tôn giáo”. Và Người cũng tự hỏi: ”Cộng đồng các tôn giáo trên thế giới, kể cả Giáo Hội Công Giáo, đã sẵn sàng đối thoại ngày càng sâu rộng hơn với cộng đồng khoa học chữa?”

 

ĐTC Phanxicô nhận xét rằng trong bối cảnh đối thoại liên tôn, ngày nay cấp thiết hơn bao giờ hết, việc nghiên cứu khoa học mang lại một viễn tượng có một không hai, được nhiều tín hữu và cả những người không tín ngưỡng đồng thuận, giúp đạt tới một sự hiểu biết công trình sáng tạo sâu hơn về mặt tôn giáo. Chính trong khuôn khổ đó, các khóa học về khoa vật lý thiên thể do Đài thiên văn Vatican tổ chức từ 3 thập niên qua, là một cơ hội quí giá qua đó các nhà thiên văn trẻ từ các nơi trên thế giới đối thoại và cộng tác với nhau trong việc tìm kiếm sự thật”.

 

Hôm 18-9-2015, ĐTC đã bổ nhiệm cha Guy Joseph Consolmagno, dòng Tên, làm tân giám đốc Đài thiên văn Vatican, kế nhiệm cha José Gabriel Funes SJ vừa mãn nhiệm. Cha Consolmagno là thành viên của Đài này và là chủ tịch Ngân Quỹ Đài Thiên Văn Vatican (SD 18-9-2015)

 

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Cộng tác viên không phải bù nhìn

Cộng tác viên không phải bù nhìn

Một cơn lụt khủng khiếp đã tràn ngập cả một vùng rộng lớn. Một bà bị kẹt ở trong nhà. Khi đang đứng ở cửa sổ nhà bếp trông ra ngoài, bà thấy có một chiếc ca-nô tiến đến.

Người tài công nói với bà:

– “Bà leo lên đây và cứu lấy mình.”

– “Không, cám ơn ông,” bà trả lời. “Tôi tin tưởng vào Chúa, Người sẽ cứu tôi.”

Người tài công lắc đầu bỏ đi. Ngày hôm sau, nước dâng lên đến lầu hai. Khi đứng ở cửa sổ lầu hai nhìn ra biển nước, một chiếc tầu khác xuất hiện. Người lái tầu bảo,

– “Bà leo lên tầu đi để cứu lấy mình.”

– “Không, cám ơn ông,” bà trả lời. “Tôi tin tưởng vào Chúa, Người sẽ cứu tôi.”

Người lái tầu lắc đầu bỏ đi. Ngày sau nữa, nước đã dâng lên đến mái nhà. Khi ngồi trên nóc nhà, bà trông thấy một chiếc trực thăng xuất hiện. Phi công dùng máy phóng thanh nói với bà,

– “Tôi sẽ thả thang giây xuống. Bà leo lên và cứu lấy mình.”

– “Không, cám ơn ông,” bà trả lời. “Tôi tin tưởng vào Chúa, Người sẽ cứu tôi.” Phi công lắc đầu bay đi chỗ khác.

Ngày hôm sau nước ngập cả căn nhà, và bà bị chết chìm. Khi lên đến thiên đường, bà nói với Thánh Phêrô, “Trước khi tôi vào đây, tôi phải làm đơn khiếu nại. Tôi tin tưởng là Chúa sẽ cứu tôi khỏi bị lụt, nhưng Người đã bỏ tôi.”

Thánh Phêrô nhìn bà với ánh mắt khó hiểu và nói, “Tôi không biết Chúa có thể làm gì hơn cho bà. Người đã gửi đến cho bà hai con tầu và một chiếc trực thăng.”

Người đàn bà này chắc phải đọc bài Phúc Âm hôm nay kỹ càng hơn.

Trong bài có hai người cần sự giúp đỡ giống như bà. Và cả hai đều tín thác vào Chúa, cũng như bà. Nhưng có sự khác biệt lớn lao giữa sự tín thác của họ và của bà.

Hãy xem đó là gì.

– Người đầu tiên là một bà bị bệnh. Bà tin tưởng rằng Đức Giêsu có thể chữa lành cho bà. Nhưng bà cũng biết rằng bà có thể làm một điều gì khác hơn là chỉ tín thác nơi Đức Giêsu. Bà phải tiến thêm một bước nữa. Bà phải thi hành phần của bà. Bà không thể chỉ ngồi đó và chờ đợi Đức Giêsu đến với bà. Bà phải đứng lên, đi đến Đức Giêsu, và tự trình bầy với Người để được chữa lành.

– Điều này cũng đúng với câu chuyện thứ hai trong Phúc Âm hôm nay. Ông Giairút cũng tin tưởng rằng Đức Giêsu có thể chữa con gái đang đau nặng của ông. Nhưng ông cũng biết là phải làm điều gì đó hơn là chỉ tín thác vào Đức Giêsu. Ông biết là phải tiến thêm một bước nữa. Ông phải thi hành phần của ông. Ông phải cộng tác với Đức Giêsu. Vì con gái của ông quá đau yếu nên không thể đến với Người, ông phải xin Đức Giêsu đến với đứa con của mình.

Và vì thế cả hai người trong bài Phúc Âm hôm nay đều thi hành điều gì đó hơn là chỉ tín thác vào Đức Giêsu. Họ đã tiến thêm một bước. Họ đã thi hành phần của mình. Họ đã tận dụng các phương tiện bình thường mà Chúa ban để có được sự chữa lành họ cần.

Đây là điểm mà bà bị chết chìm đã sai lầm. Bà quên rằng Thiên Chúa thường hành động trong đời sống chúng ta qua các phương tiện thông thường. Bà quên rằng chúng ta phải thi hành phần của mình và cộng tác với Thiên Chúa qua việc sử dụng các phương tiện thông thường mà Người đã ban cho chúng ta.

Nói cách khác, chúng ta không thể ngồi lì một chỗ và mong Chúa làm phép lạ cho chúng ta. Trước hết chúng ta phải dùng mọi phương tiện thông thường Chúa ban để tự giúp đỡ chúng ta.

Để tôi minh họa bằng một câu chuyện có thật.

Một thầy giáo Anh Văn lớp trung học có một học sinh trong lớp chẳng chịu học hành gì cả. Vào ngày thi cuối năm, người học sinh này đến nói với ông thầy là anh rất tin tưởng rằng anh sẽ được điểm cao. Anh nói, trong tuần qua, hằng đêm anh cầu xin Chúa giúp anh làm bài thi Anh Văn.

Thiên Chúa không bao giờ cho rằng sự cầu nguyện có thể thay thế cho việc học hành. Người không bao giờ cho rằng sự cầu nguyện có thể thay thế cho sự chuyên cần. Nhận được sự giúp đỡ của Chúa là một con đường hai chiều. Nó bao gồm sự cộng tác của chúng ta với Thiên Chúa. Chúng ta phải thi hành phần của mình, và Thiên Chúa sẽ thi hành phần của Người.

Thánh Y Nhã có diễn tả sự cộng tác với Thiên Chúa như sau: “Chúng ta phải làm việc như thể mọi thứ đều lệ thuộc vào chúng ta, nhưng chúng ta phải cầu nguyện như thể mọi thứ đều lệ thuộc vào Chúa.”

Nói cách khác, chúng ta phải cộng tác với Thiên Chúa và tận dụng các phương tiện thông thường mà Người ban cho chúng ta trước khi xin Người can thiệp trong một phương cách bất thường. Có câu châm ngôn nói rằng: “Thiên Chúa giúp những ai tự giúp mình.”

Nhiều năm trước đây có một tiểu thuyết bán rất chạy tên là Jonathan Livingston Seagull. Trong đó có một câu thật hay được dùng làm chủ đề cho bài hát. Câu ấy như sau: “Nếu bạn yêu mến điều gì đó, bạn phải để nó tự do. Nếu bạn để nó tự do và nó trở về với bạn, thì bạn biết nó là của bạn. Nhưng nếu bạn để nó tự do và nó không trở lại với bạn, lúc ấy bạn biết rằng nó đã không thuộc về bạn ngay tự đầu.”

Đó là phương cách Thiên Chúa đối xử với chúng ta khi cần giúp đỡ chúng ta. Người đã để chúng ta tự do. Người không ép buộc chúng ta phải nhận sự giúp đỡ của Người. Mọi sự đều sẵn sàng cho chúng ta và Thiên Chúa để chúng ta được tự do có muốn sử dụng điều đó hay không.

Thiên Chúa không đối xử với chúng ta như những tên bù nhìn. Người đối xử với chúng ta như những cộng sự viên. Nói cách khác, Thiên Chúa ban cho chúng ta mọi tài nguyên cần cho đời sống thường ngày của chúng ta.

Chỉ khi các tài nguyên này bị hao hụt trong những hoàn cảnh khẩn cấp chúng ta thường sẽ nghĩ đến việc quay về với Chúa để được trợ giúp. Khi chúng ta quay về với Thiên Chúa trong những hoàn cảnh này, chúng ta có thể biết chắc rằng Người sẽ giúp chúng ta, vì Người là Cha chúng ta và chúng ta là con cái của Người.

Hãy chấm dứt phần suy niệm với câu trong cuốn Jonathan Livingston Seagull: “Nếu bạn yêu mến điều gì đó, bạn phải để nó tự do. Nếu bạn để nó tự do và nó trở về với bạn, thì bạn biết nó là của bạn. Nhưng nếu bạn để nó tự do và nó không trở lại với bạn, lúc ấy bạn biết rằng nó đã không thuộc về bạn ngay tự đầu.”

Lạy Chúa, trong tình phụ tử của Ngài dành cho chúng con, Ngài đã để chúng con được tự do. Xin giúp chúng con chứng tỏ tình yêu của con cái đối với Cha hiền bằng cách quay về với Chúa khi chúng con cần sự giúp đỡ đặc biệt của Ngài.

LM Mark Link

Đính hôn là thời gian tìm hiểu, học biết và đào sâu tình yêu

Đính hôn là thời gian tìm hiểu, học biết và đào sâu tình yêu

Đính hôn là thời gian, trong đó hai người nam nữ được mời gọi dấn thân học biết, tìm hiểu nhau, cùng nhau chia sẻ một dự án, đào sâu tình yêu và nghiêm chỉnh chuẩn bị trước khi thành hôn. Giáo Hội phân biệt giữa việc đính hôn với hôn nhân. Chúng ta đừng nhẹ dạ khinh rẻ giáo huấn khôn ngoan này của Giáo Hội.

Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô dã nói như trên với hơn 60,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua. Trong bài huấn dụ ngài đã khai triển đề tài giáo lý việc đính hôn. ĐTC nói: Đính hôn, fidanzamento là từ có liên hệ với sự tin tưởng, sự tự tin, sự tin cậy. Tự tin với ơn gọi Thiên Chúa ban, bởi vì hôn nhân trước hết là việc khám phá ra một tiếng gọi của Thiên Chúa. Dĩ nhiên thật là một điều xinh đẹp, ngày nay người trẻ có thể lựa chọn lấy nhau trên nền tảng của một tình yêu đối với nhau. Nhưng chính sự tự do của việc ràng buộc đòi hỏi một sự hài hòa quyết định có ý thức, chứ không phải chỉ là một sự thoả thuận đơn sơ của sự hấp dẫn hay của tình cảm, của một lúc, của một thời gian ngắn… nó đòi hỏi một lộ trình. ĐTC định nghĩa việc đính hôn như sau:

Đính hôn, nói cách khác, là thời gian trong đó hai người đuợc mời gọi làm một công việc  đẹp trên tình yêu, một công việc được tham gia và chia sẻ và đi vào chiều sâu.  Người ta từ từ khám phá nhau, nghĩa là người nam “học biết” người nữ, bằng cách học biết người đàn bà này, người đính hôn của mình; và người nữ “học biết” người nam bằng cách học biết người đàn ông này, người đính hôn với mình. Chúng ta đừng đánh giá thấp tầm quan trọng của việc học hiểu này: nó là một dấn thân đẹp, và chính tình yêu đòi hỏi điều đó, bởi vì nó không phải chỉ là một hạnh phúc vô tư, một cảm xúc thần tiên… Trình thuật kinh thánh nói tới toàn việc tạo dựng như là một công việc tình yêu xinh đẹp của Thiên Chúa. Sách Sáng Thế nói rằng: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra qủa là rất tốt” (St 1,31). Chỉ sau cùng Thiên Chúa mới “nghỉ ngơi”. Từ hình ảnh này chúng ta hiểu rằng tình yêu của Thiên Chúa, là Đấng đã khai sinh ra thế giới, đã không phải là một quyết định ngẫu hứng.  Không! Nó đã là một công việc xinh đẹp. Tình yêu của Thiên Chúa tạo dựng các điều kiện cụ thể của một giao ước không thể bãi bỏ, vững chắc, được chỉ định kéo dài.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Giao ước tình yêu giữa người nam và người nữ, giao ước suốt đời không được ngẫu hứng, người ta không làm nó trong một sớm một chiều. Không có hôn nhân tốc hành: cần phải làm việc trên tình yêu, cần phải bước đi. Giao ước tình yêu của người nam và người nữ được học hỏi và gạn lọc. Tôi xin phép được nói rằng nó là một giao ước tiểu công nghệ.

Làm cho hai cuộc sống trở thành một, đó cũng hầu như là một phép lạ, một phép lạ   của sự tự do và của con tim tín thác cho lòng tin. Có lẽ chúng ta phải dấn thân hơn nữa trên điểm này, bởi vì các “tọa độ tình cảm” của chúng ta đã hơi bị lẫn lộn rồi. Ai yêu sách muốn tất cả và ngay lập tức, thì rồi cũng nhượng bộ tất cả và ngay lập tức trước khó khăn đầu tiên hay vào dịp đầu tiên. Không có hy vọng cho sự tin tưởng và lòng trung thành của việc cho đi chính mình, nếu thói quen tiêu thụ tình yêu như một loại điều hòa sự thoải mái tâm thể lý thắng thế. Đó không phải là tình yêu! Việc đính hôn thử lửa ý chí cùng nhau giữ gìn cái gì đó mà sẽ không được mua hay bán, phản bội hay bỏ rơi, cho dù việc cống hiến có hấp dẫn tới đâu đi nữa. Nhưng cả Thiên Chúa nữa, khi nói về giao ước với dân Ngài, đôi khi Ngài làm với các từ đính hôn. Trong sách ngôn sứ Giêrêmia, khi nói với dân rằng họ đã xa rời Ngài, Thiên Chúa nhắc cho dân biết khi họ đã là “người đã đính hôn” của Thiên Chúa và nói: “Ta nhớ đến ngươi, đến tình thương yêu tuổi thanh xuân của ngươi, đến tình yêu thời đính hôn của ngươi” (Gr 2,2). Và Thiên Chúa đã làm lộ trình đính hôn này, rồi Ngài cũng đã ban một lời hứa, như chúng ta đã nghe đầu buổi tiếp kiến, trong sách Hosea: “Ta sẽ làm cho ngươi thành hôn thê của ta luôn mãi, Ta sẽ làm cho ngươi là hôn thê của Ta trong công minh và chính trực, trong ân tình và thương xót. Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành và ngươi sẽ biết Ta là Chúa” (Hs 2,21-23). Đó là một con đường dài mà Chúa đi với dân Ngài trong lộ trình đính hôn. Sau cùng Thiên Chúa thành hôn với dân Ngài trong Đức Giêsu Kitô: hôn thê nơi Đức Giêsu là Giáo Hội. Dân Chúa là hôn thê của Đức Giêsu. Đường dài biết bao! Và hỡi anh chị em người Ý, trong nền văn chương của anh chị em có tác phẩm “Các chồng vợ được hứa” Các người trẻ cần biết tác phẩm này và  đọc nó. Đó là một tuyệt tác, trong đó kể lại lịch sử của hai người đã đính hôn phải chịu biết bao đau khổ, đã đi một con đường với biết bao khó khăn cho đến khi tới đích là hôn nhân. Anh chị em đừng bỏ môt bên tuyệt tác này về việc đính hôn, mà nền văn chương Italia đã cống hiến. Hãy tiến tới, hãy đọc nó và anh chị em sẽ thấy vẻ đẹp, nỗi khổ đau, nhưng cũng thấy hạnh phúc của hai người đính hôn.

Nói thêm trong bài huấn dụ ĐTC trình bầy quan điểm của Giáo Hội đối với việc đính hôn như sau:

Trong sự khôn ngoan của mình Giáo Hội giữ gìn sự phân biệt giữa việc đính hôn và hôn nhân – nó không phải như nhau – chính vì sự tế nhị và sâu xa của việc kiểm thực ấy. Chúng ta hãy chú ý đừng nhẹ dạ khinh rẻ giáo huấn khôn ngoan này của Giáo Hội, cũng được nuôi nấng bởi kinh nghiệm tình yêu hôn nhân được sống hạnh phúc. Các biểu tượng mạnh mẽ của thân xác nắm giữ các chìa khóa của linh hồn: chúng ta không thể coi nhẹ các mối dây ràng buộc của thịt xác, mà không mở ra vài vết thương lâu khỏi trong tinh thần (1 Cr 6,15-20).

Dĩ nhiên, nền văn hóa và xã hội ngày nay đã trở nên thờ ơ đối với sự tế nhị và nghiêm chỉnh của việc buớc qua này. Đàng khác, không thể nói rằng nền văn hóa và xã hội  quảng đại đối với người trẻ nghiêm chỉnh muốn xây dựng gia đình và sinh con cái! Trái lại chúng thường tạo ra hàng ngàn chướng ngại tâm thần và cụ thể.

Việc đính hôn là một lộ trình cuộc sống phải chín mùi như một trái cây, nó là một con đường trưởng thành trong tình yêu, cho tới lúc trở thành hôn nhân.

Các khóa chuẩn bị hôn nhân là một diễn tả đặc biệt của việc chuẩn bị này. Và chúng ta thấy biết bao nhiều cặp, đôi khi tới tham dự với một ít không muốn, họ nói: “Mà các linh mục này bắt chúng ta phải theo một khóa học. Tại sao? Chúng ta biết rồi mà!” Và họ đến mà không muốn. Nhưng sau đó họ hài lòng và cám ơn, bởi vì thực sự họ đã tìm thấy ở đó dịp thường khi là duy nhất, giúp suy tư về kinh nghiệm của họ không phải trong các phạm trù tầm thường. Phải, nhiều cặp ở cùng nhau biết bao lâu, có khi cả trong sự thân tình, đôi khi sống chung với nhau, nhưng không hiểu biết nhau thực sự. Xem ra lạ, nhưng kinh nghiệm chứng minh cho thấy nó là như thế. Vì vậy cần đánh giá trở lại việc đính hôn như thời gian của sự hiểu biết nhau, chia sẻ một dự án.

Con đường chuẩn bị cho hôn nhân được định hướng trong viễn tượng này, bằng cách cũng hưởng nhờ kinh nghiệm đơn sơ nhưng sâu đậm của các vợ chồng kitô. Và cũng bằng cách chỉ cho thấy ở đây điều nòng cốt: Thánh Kinh cần cùng nhau tái khám phá một cách có ý thức; lời cầu nguyện, trong chiều kích phụng vụ của nó, cũng như cần sống việc cầu nguyện trong gia đình; bí tích Hòa Giải, trong đó Chúa đến chứng minh nơi các người đính hôn và chuẩn bị họ tiếp nhận nhau một cách đích thật với “ơn thánh của Chúa Kitô”; và tình huynh đệ với người nghèo và người cần trợ giúp, thách thức chúng ta sống thanh đạm và chia sẻ.

Các người đính hôn mà dấn thân trong điều này, thì cả hai đều lớn lên và tất cả những điều này đưa tới chỗ chuẩn bị cử hành đẹp Hôn Nhân một cách khác, không phải hôn nhân đời nhưng là hôn nhân kiểu kitô! Chúng ta hãy nghĩ tới các lời của Thiên Chúa, mà chúng ta đã nghe khi Ngài nói với dân Ngài như một người nam đính hôn nói với một người nữ đính hôn: “Ta sẽ làm cho ngươi thánh hôn thê của Ta luôn mãi, Ta sẽ làm cho nguơi thành hôn thê của Ta trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương. Ta sẽ làm cho ngươi thành hôn thê của Ta trong trung thành, và ngươi sẽ biết Ta là Chúa” (Hs 2,21-23). Mỗi cặp đính hôn hãy nghĩ tới điều này và nói với nhau: “Anh sẽ khiến cho em trở thành hiền thê của anh. Em sẽ khiến cho anh trở thành hôn phu của em”. Chờ đợi lúc đó; đó là một lúc, một lộ trình từ từ tiến tới, nhưng là một lộ trình trưởng thành. Không được đốt giai đọan các chặng của lộ trình này. Sự trưởng thành được làm từng bước một.

Thời gian đính hôn có thể thực sự trở thành một thời gian khai tâm, cho cái gì? Cho sự kinh ngạc. Cho sự kinh ngạc của các ơn thiêng liêng mà Chúa, qua Giáo Hội, làm giầu chân trời của gia đình mới sẵn sàng sống trong phước lành của Ngài. Bây giờ tôi xin mời anh chị em cầu xin Thánh Gia Nagiarét: cầu nguyện với Chúa Giêsu, cha thánh Giuse và Mẹ Maria. Cầu nguyện để gia đình làm lộ trình chuẩn bị này; cầu nguyện cho các người đính hôn. Chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ, tất cả cũng nhau đọc một Kinh Kính Mừng cho các người đính hôn, để họ hiểu vẻ đẹp của con đường hướng về Hôn Nhân.

ĐTC đã cũng mọi người đọc một kinh Kính Mừng. Rồi ngài nói: “Xin chúc các cặp đính hôn hiện diện tại quảng trường lộ trình đính hôn tốt lành.”

Sau khi chào các đoàn hành hương và chúc họ được nhiều niêm vui và ơn ích ĐTC dã cất kinh Lạy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Yêu

Yêu

Lần kia, có một thanh niên nghi ngờ về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Vì thế, anh ta đến thăm viếng một tu sĩ nổi tiếng là thánh thiện. Anh hỏi vị tu sĩ: “Thầy có tin tưởng vào Thiên Chúa không?”.

Vị tu sĩ đáp “có chứ”.

Người thanh niên hỏi “Dựa vào chứng cứ nào mà thầy tin được?’.

Vị tu sĩ đáp “Ta tin tưởng vào Thiên Chúa, bởi vì ta biết Người. Mỗi ngày, ta đều cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn ta”.

Người thanh niên hỏi “nhưng làm thế nào điều đó có thể xảy ra được?

Vị tu sĩ đáp “Khi biết sống yêu thương, thì chúng ta cảm nghiệm được Thiên Chúa, và nỗi nghi ngờ tan biến, giống như làn sương buổi sáng bị tan biến trước ánh nắng mặt trời vậy”.

Người thanh niên suy nghĩ về câu nói này trong giây lát, rồi hỏi “Làm thế nào để con có thể đạt được niềm tin chắc chắn này?”.

Vị tu sĩ đáp “Bằng cách hành động theo tình yêu. Con hãy cố gắng yêu thương những người đồng loại; yêu thương họ một cách tích cực và không ngừng. Trong khi con học hỏi được cách càng ngày càng yêu thương hơn, thì con sẽ càng ngày càng trở nên tin tưởng vào sự hiện hữu của Thiên Chúa, và sự bất tử của linh hồn. Điều này đã được thử nghiệm. Đây là đường lối đúng đắn”.

Người thanh niên chỉ phản ánh lại những lời nói của thánh Gioan “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu”. (Bài đọc 2).

Tình yêu là điều kiện đầu tiên, để thực sự hiểu biết về cuộc sống, và đặc biệt là hiểu biết về Thiên Chúa. Như cha Zosima nói trong cuốn sách Anh em nhà Karamazov của Dostoevsky “Bạn phải yêu thương tất cả những gì mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên, toàn bộ thế giới của Người, và mỗi hạt cát trong đó. Nếu bạn yêu thương tất cả mọi sự, thì bạn cũng sẽ nắm bắt được mầu nhiệm có trong tất cả mọi sự”. Van Gogh đã nói một câu tương tự: Cách thức tốt nhất để nhận biết Thiên Chúa là yêu thương nhiều thứ. Hãy yêu thương bạn bè, vợ con…, và bạn sẽ được đi trên đường lối đúng đắn trong việc nhận biết Thiên Chúa”.

Tình yêu là người giáo viên tốt nhất mà chúng ta có. Nhưng tình yêu không đạt được sự hòa hợp riêng của nó. Người ta phải trả giá đắt cho tình yêu. Tình yêu thường đòi hỏi nhiều năm tháng kiên trì, qua những công việc lặt vặt, trước khi người ta có thể đạt được khả năng biết yêu thương.

Có một khoảng cách lớn, giữa việc nhận biết Thiên Chúa và yêu mến Người. Không biết yêu mến, có nghĩa là không biết Thiên Chúa. Nhưng khi chúng ta biết yêu mến, thì khoảng cách này được lắp đầy. Biết yêu mến, có nghĩa là biết Thiên Chúa. Ở đâu có tình yêu, ở đó có Thiên Chúa; ở đâu có Thiên Chúa, ở đó có tình yêu. Sự nhận biết không phải là chứng tỏ hoặc giải nghĩa.

Ghen ghét là một điều tồi tệ. Ghét bất cứ thứ gì cũng đều là xấu xa cả. Thật là điều tốt đẹp, khi yêu mến tất cả mọi sự, ngay cả một bụi hoa hồng. “Đối với tôi, tôi hài lòng được trở thành một người làm vườn, một người biết yêu quí những cây cỏ của mình” (Van Gogh).

Bởi vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, cho nên ngay từ bẩm sinh, mỗi người chúng ta đều có khả năng biết yêu thương. Tuy nhiên, để được như vậy, trái tim phải ngay thẳng. Nếu chỉ có được một trái tim ngay thẳng, thì chúng ta có thể hiến tặng nhiều hơn nữa. Nhưng than ôi! Nhiều khi trái tim con người lại thờ ơ lạnh lẻo, đôi khi còn trống rỗng, tan vỡ nữa. Chúng ta không nên ngạc nhiên về điều này. Tất cả điều đó nói lên rằng chúng ta có một trái tim bằng máu thịt, chứ không phải là bằng đá. Nhưng chúng ta phải chữa lành những vết thương của trái tim, để có khả năng tạo ra được những hoa quả của tình yêu.

Khi chúng ta biết yêu thương, thì hình ảnh của Thiên Chúa đạt mức độ tươi đẹp nhất và rạng ngời nhất nơi chúng ta.

Sưu tầm

NHỮNG BÓNG MA TƯỞNG TƯỢNG

NHỮNG BÓNG MA TƯỞNG TƯỢNG

Trước khi dâng mình cho Chúa, Thánh An-phong là một luật sư lỗi lạc. Ngài rất nổi danh vì tài hùng biện và vì lý luận đanh thép sắc bén. Nhờ tài ba, ngài đã thành công trong rất nhiều vụ án hiểm hóc. Nhưng một hôm, Chúa đã để cho ngài phải thất bại. Trong một vụ án mà ngài thấy là đơn giản, dễ dàng, ngài đã bị thua một cách thảm hại. Trước thất bại cay đắng đó, ngài thấy như cả bầu trời sụp đổ. Danh tiếng phút chốc tan như mây bay. Uy tín bị cuốn đi trong làn gió thoảng. Cả một màn đen tối u ám phủ xuống cuộc đời.

Chẳng còn biết tìm an ủi ở nơi nào khác, thánh An-phong quay về bên Chúa, chìm đắm trong lời kinh cầu nguyện. Nhờ ơn Chúa, ngài tìm được niềm bình an. Hơn thế nữa, ngài nghe được tiếng Chúa mời gọi đi vào con đường Chúa muốn. Từ đó, ngài hiến thân trọn vẹn để phục vụ Chúa, ngài đã trở thành linh mục, giám mục và lập ra Dòng Chúa Cứu Thế. Sau này, khi nhìn lại, ngài hiểu rằng chính Chúa đã hiện diện trong những thất bại để đưa ngài về con đường theo ý Chúa. Chính Chúa đã dùng những đau khổ để huấn luyện ngài trong đức khiêm nhường phó thác. Chính bàn tay Chúa đã hạ ngài xuống trong danh vọng trần thế để nâng ngài lên trong vinh quang Nước Trời.

Trong sách Tin Mừng ta thấy thuật lại nhiều trường hợp tương tự. Khi thuyền của các môn đệ đang vất vả vượt qua sóng gió, Đức Giêsu đi trên mặt biển đến với các ông. Các ông tưởng là ma nên càng sợ hãi hơn. Nhưng đó chính là Đức Giêsu. Người làm cho biển êm sóng lặng và thuyền các ông tới bến bình an… Có lần Đức Giêsu cùng ở trên thuyền với các ông, nhưng Người ngủ say đến nỗi sóng gió dữ dội mà vẫn không hay biết gì. Các ông hoảng hốt đánh thức Người dậy. Và Người đã đe sóng gió khiến chúng phải im lặng.

Hôm nay cũng thế, Người đến bất ngờ khiến các môn đệ sợ hãi. Họ đang bị cái chết đau thương của Người ám ảnh. Nên khi Người đến họ tưởng là ma hiện hình. Đức Giêsu phải trấn an họ. Cho họ xem những vết thương ở tay chân. Cùng ăn uống với họ và giải nghĩa Thánh Kinh cho họ. Nhờ thế, họ được bình an, được vui tươi và tin tưởng.

Trong đời sống chúng ta cũng thế. Rất nhiều lần trong đời ta tưởng Chúa là bóng ma đến đe dọa đời sống ta. Có những biến cố lịch sử làm đảo lộn đời ta, tưởng chừng như đưa cuộc đời ta vào ngõ cụt. Nhưng không ngờ chính Chúa dùng biến cố lịch sử dẫn đưa ta vào một con đường mới theo thánh ý Chúa. Có những khi ta gặp thất bại ê chề tưởng chừng như không còn gượng dậy nổi. Nhưng không ngờ chính Chúa đã dùng thất bại để cảnh tỉnh ta, giúp tâm hồn ta vươn lên trong một đời sống mới cao cả tươi đẹp hơn. Có những khi ta gặp phải những nỗi đau buồn tê tái tưởng như chết đi được. Ta cứ tưởng Chúa đã bỏ rơi ta. Nhưng không ngờ chính Chúa hiện diện trong những đau buồn đó để giúp ta sống trưởng thành, sâu xa, phong phú hơn.

Khi đức tin các tông đồ còn yếu kém, họ tưởng Chúa là ma. Khi đức tin đã được củng cố, các ngài mới thấy Đức Giêsu là có thực. Đức tin của các tông đồ đã được củng cố nhờ được gặp gỡ tiếp xúc thân mật với Đức Giêsu và được nghe Người giải nghĩa Thánh Kinh. Đức tin của ta còn rất non yếu. Ta hãy biết bắt chước các tông đồ củng cố đức tin bằng cách năng gặp gỡ Đức Giêsu. Hãy đến gặp Người trong Thánh Lễ. Hãy đến gặp Người trong giờ kinh tối trong gia đình. Nhất là hãy đến gặp Người trong những giờ cầu nguyện riêng tư, một mình đối diện tâm sự thân mật với Chúa.

Hãy củng cố đức tin bằng cách học hỏi Thánh Kinh. Đọc Thánh Kinh hằng ngày để hiểu biết Chúa hơn. Suy niệm Thánh Kinh để tìm ra thánh ý Chúa. Và nhất là hãy biết thực hành Lời Chúa dạy trong đời sống hằng ngày. Khi đã gặp gỡ Chúa và đã thấu hiểu Lời Chúa, ta sẽ chẳng còn bị những bóng ma ám ảnh. Ta sẽ nhìn thấy Chúa trong tất cả các biến cố vui buồn của đời sống. Cuộc sống ta sẽ tràn đầy niềm vui và niềm bình an.

Lạy Đức Giêsu Phục Sinh, con tin Chúa đang ở bên con. Con xin phó thác cuộc đời con trong tay Chúa.

ĐTGM Ngô Quang Kiệt,

Chướng ngại

Chướng ngại

Trên chuyến xe lửa tiến về Paris, một anh sinh viên trẻ ngồi bên cạnh một cụ già. Sau khi đoàn tàu chuyển bánh, cụ già rút trong túi áo ra một cỗ tràng hạt và từ từ chìm đắm trong việc cầu nguyện.

Anh sinh viên nhìn cụ già với vẻ khinh bỉ. Một lát sau anh nói: – Thưa ông, ông vẫn còn tin vào những chuyện nhảm nhí à?

Cụ già thản nhiên đáp:

– Đúng vậy, tôi vẫn tin. Còn cậu, cậu không tin sao?

Anh sinh viên cười ngạo nghễ rồi nói:

– Lúc còn con nít tôi có tin. Nhưng bây giờ khoa học đã mở mắt cho tôi và tôi không thể tin được nữa. Ông hãy quăng xâu chuỗi ấy đi và hãy học hỏi những khám phá mới, ông sẽ thấy những gì ông tin từ trước đến giờ đều là mê tín dị đoan.

Cụ già khiêm tốn hỏi:

– Cậu vừa nói về những khám phá khoa học mới. Cậu có thể giúp tôi hiểu được những khám phá ấy?

Anh sinh viên hăng hái trả lời:

– Được chứ. Ông cứ cho tôi địa chỉ, tôi sẽ gửi tặng ông những cuốn sách khoa học rồi ông sẽ thấy sự phong phú kỳ diệu của nó.

Cụ già rút trong túi ra một tấm danh thiếp và đưa cho anh sinh viên. Đọc qua tấm danh thiếp, anh thanh niên tái mặt và lặng lẽ cúi đầu đi sang toa khác, bởi vì trên tấm danh thiếp có ghi: Louis Pasteur, viện nghiên cứu khoa học Paris. Ông Louis Pasteur là một nhà bác học đã có nhiều phát minh trong lãnh vực hóa học và sinh vật học. Chính ông đã tìm ra thuốc chích ngừa bệnh chó dại. Dù thông thái như thế, nhưng ông vẫn khiêm tốn nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Tối Cao, vẫn nỗ lực tìm kiếm Chúa để sống gắn bó với Người. Vì thế ông đã nghe được tiếng Chúa và đón nhận được những mặc khải của Người.

Còn anh sinh viên kia khả năng và sự hiểu biết không được bao nhiêu, nhưng đã tỏ ra kiêu căng tự phụ về sự hiểu biết ấy. Sự kiêu căng của anh đã che khuất đi khuôn mặt của Thiên Chúa, đã làm át đi tiếng nói của Người trong tâm hồn anh. Chính vì thế anh đã không thể nhận ra dung mạo của Thiên Chúa, không nghe được tiếng nói của Người trong cuộc đời mình.

Thời đại hôm nay nền khoa học kỹ thuật tiến bộ vượt bực. Cuộc sống kinh tế của con người càng ngày càng phát triển. Người ta giàu có hơn, đầy đủ tiện nghi hơn. Nhưng tất cả những tiến bộ và phát triển ấy không đủ để phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa và niềm tin tôn giáo. Chỉ có điều là người ta quá tự hào về những thành quả khám phá của mình, tự hào về sự giàu sang của mình. Và sự tự hào ấy đã ngăn cản, đã che mờ đôi mắt làm họ không còn nhận ra được những mặc khải của Thiên Chúa cho họ.

Phần chúng ta thì sao? Chúng ta chọn thái độ của nhà bác học Louis Pateur hay của anh sinh viên trong câu chuyện trên?

Sưu tầm

Thông báo của ban điều hành trường Việt Ngữ PBC – Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể

Các lớp Việt Ngữ & Thiếu Nhi vẫn tiếp tục

vào mỗi thứ Bảy từ 31-05-2014 đến 07-06-2014

 

Thời gian:
  • Việt Ngữ: 1:30PM – 3:30PM
  • Thiếu Nhi: 4:00PM – 6:00PM
 
Lễ bế giảng của trường Việt ngữ sẽ vào ngày 14/6/2014 lúc 1:00pm
 
Mong quý phụ huynh cho các em học sinh tham dự đông đủ. 
Nguyện xin Thiên Chúa Tình Yêu chúc lành cho mọi thiện chí quý vị đã dành cho chương trình Việt Ngữ & Thiếu Nhi. 

 

Mọi thắc mắc xin gọi: (714) 396 1988 &  https://vn.cddmmtanaheim.org
 
Đại diện Trường VN PBC và Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể,

Trần Khuyến & Trưởng Long