Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher – Ngoại trưởng Tòa Thánh – thăm Nam Hàn

Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher – Ngoại trưởng Tòa Thánh – thăm Nam Hàn

Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh, đang thực hiện chuyến viếng thăm Nam Hàn từ thứ tư, 04/07 đến thứ hai, 08/07/2018.

Sáng nay, 05/07, Đức Tổng Giám mục Gallagher đã gặp Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in; sau đó ngài cũng đã thăm khu vực phi quân sự phân cách hai miền Nam Bắc Triều tiên.

Ngày mai, theo chương trình, Đức Tổng Giám mục Gallagher sẽ có cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Kang Kyung-wha, và khoảng 40 đại biểu Công giáo. Ngày thứ 7, Đức Tổng Giám mục Gallagher sẽ phát biểu tại diễn đàn Công giáo về hòa bình và nhân quyền. Và cuối cùng, Đức Tổng Giám mục Gallagher sẽ chủ sự Thánh lễ tại nhà thờ chính tòa Mân Đông ở thủ đô Seul.

Trong thông cáo báo chí, Vatican cho biết cuộc gặp gỡ giữa Đức Tổng Giám mục Ngoại trưởng Tòa Thánh và Tổng thống Nam Hàn rất thân mật và đề cập đến nhiều vấn đề. Đức Tổng Giám mục Gallagher đã chuyển đến Tổng thống Nam hàn lời chào, sự hỗ trợ và lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô cho hành trình hòa bình và hòa giải trên bán đảo Triều tiên. Thông cáo cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tái khởi động tất cả các sáng kiến nhân đạo hữu ích, cũng như nhu cầu cấp thiết để thúc đẩy nền văn hóa hòa bình nơi giới trẻ.

Trong cuộc gặp gỡ, Tổng thống Nam Hàn đã nói với Đức Tổng Giám mục Ngoại trưởng Tòa Thánh rằng “Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đóng góp cho sự thành công của Hội nghị thượng đỉnh giữa hai miền Nam Bắc Triều tiên, nhờ sứ điệp hòa bình và hòa giải của ngài.

Đức Tổng Giám mục Gallagher đã được Đức Hồng y Andrew Yeom Soo-jung – Tổng Giám mục Seul, Đức Tổng Giám mục Alfred Xuereb – Sứ thần Tòa Thánh tại Nam Hàn, Đức Cha Hyginus Kim Hee-joong – Tổng Giám mục Gwangju và Đức cha Francis Xavier Yu Soo-il của giám hạt quân đội ở Hàn quốc tháp tùng viếng thăm Khu vực an ninh chung gần với biên giới của hai miền Nam bắc – nơi đã trở thành biểu tượng sau chiến tranh (1950/1953) và là một trong những dấu tích cuối cùng của cuộc chiến tranh lạnh. Đức Tổng Giám mục Gallagher đã bày tỏ hy vọng rằng miền biên giới sẽ trở thành nơi của hy vọng và hòa giải. Ngài cũng cầu nguyện, nhân danh Đức Thánh Cha Phanxicô, để trong tương lai, nơi này sẽ là nơ của hy vọng và hòa giải.

Trong buổi họp báo sau đó, Đức Tổng Giám mục Gallagher khẳng định rằng thỏa thuận đạt được giữa hai lãnh đạo Nam Bắc Triều tiên là một giây phút lịch sử, “một thời kỳ hy vọng và Đức Thánh Cha ủng hộ phong trào này. Chúng ta không nghi ngờ rằng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn, nhưng sự quyết tâm mà người Hàn Quốc luôn bày tỏ sẽ giúp họ trên hành trình và chờ đợi họ trong tương lai, tôi chắc chắn rằng với những lời cầu nguyện và sự hỗ trợ của các Kitô hữu và của những người nam nữ có đức tin tốt lành trên toàn thế giới, nhiều điều tốt đẹp sẽ đạt được trong những tháng tới. Chúng ta cầu nguyện cho điều này.”

Được hỏi nếu ngài có một thông điệp riêng cho người dân Bắc Hàn, Đức Tổng Gallagher nói: “Chúng ta hãy tiến lên, đối mặt với những thách thức của chúng ta: bất kể chúng ta từ phía nào của biên giới, bất kể chúng ta gặp hoàn cảnh nào, chúng ta phải cố gắng hành động để thúc đẩy sự phát triển của xã hội trên khắp bán đảo Triều Tiên, nhờ sự đóng góp của cả các nước bạn bè.”

Trong chuyến đi, Đức Tổng Giám mục Gallagher cũng viếng thăm địa điểm xây dựng nhà thờ Công giáo được xây dựng tại khu an ninh chung (JSA), dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 3 năm sau. Nhà thờ có từ nhiều thế kỷ hiện tại sẽ đóng cửa vào cuối thời gian xây dựng. (Sismografo 05/07/2018)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha yêu cầu các GM Đức tự giải quyết việc cho Tin Lành rước lễ

Đức Thánh Cha yêu cầu các GM Đức tự giải quyết việc cho Tin Lành rước lễ

VATICAN. ĐTC mong rằng các GM Đức đạt tới một kết quả đồng thuận liên quan đến chỉ nam về việc cho những người Tin Lành rước lễ Công Giáo trong hôn nhân hỗn hợp.

Trên đây là nội dung thông cáo do Phòng báo chí Tòa Thánh công bố sau cuộc họp ngày 3-5-, giữa các đại diện HĐGM Đức với các vị lãnh đạo liên hệ tại Tòa Thánh. Thông cáo nhắc lại rằng hồi tháng 2 năm nay, HĐGM Đức đã thông qua chỉ nam về việc cho những người Tin Lành kết hôn với người Công Giáo được rước lễ. Chỉ nam là một trợ giúp mục vụ mang tựa đề ”Đồng hành với Chúa Kitô – theo vết sự hiệp nhất. Hôn phối hỗn hợp và sự rước lễ chung”.

Hơn 3 phần tư các thành viên HĐGM đã bỏ phiếu chấp thuận. Nhưng có một số không nhỏ các mục tử, trong đó có 7 GM giáo phận, vì nhiều lý do khác nhau, cảm thấy không thể đồng ý. 7 GM ấy đã ngỏ lời với Bộ giáo lý đức tin, Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô và Hội đồng Tòa Thánh về các văn bản luật. Vì thế, theo ý muốn của ĐTC Phanxicô, một cuộc thảo luận được thỏa thuẩn giữa một số GM và các vị hữu trách của Tòa Thánh.

Phái đoàn HĐGM Đức gồm có 7 HY và GM, đứng đầu là ĐHY Marx Chủ tịch và ĐHY Woelki, TGM giáo phận Koeln. Ngoài ra có cha Tổng thư ký HĐGM Hans Langendoerfer SJ.

Về phía Tòa Thánh có Đức TGM Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin Luis Ladaria, ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, và Đức Ông Markus Graulich, SDB, Phó Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh về các văn bản luật, Cha Hermann Geissler, Trưởng Phân Bộ đạo lý thuộc Bộ giáo lý đức tin.

Trong cuộc thảo luận, Đức TGM Ladaria cho biết ĐTC đánh giá cao nỗ lực đại kết của các GM Đức và yêu cầu các vị, trong tinh thần hiệp thông Giáo Hội, hãy tìm được một kết quả, có thể là đồng thuận. Trong cuộc họp đã thảo luận về các quan điểm khác nhau, ví dụ về tương quan giữa vấn đề đức tin và việc săn sóc mục vụ, tầm quan trọng của chỉ nam này đối với Giáo Hội hoàn vũ và chiều kích pháp lý của tài liệu này.

Đức TGM Ladaria sẽ tường trình ĐTC về nội dung cuộc thảo luận. Cuộc gặp đã diễn ra trong bầu không khí thân mật và huynh đệ.

Trên đây là nội dung thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh.

Dự thảo chỉ nam của các GM Đức chưa được chính thức công bố nhưng nội chung chính đã được phổ biến, theo đó, các GM dựa vào giải thích khoản giáo luật số 844, triệt 4 nói rằng ”Trong trường hợp nguy tử, hoặc theo phán đoán của GM giáo phận hay HĐGM, có sự cần thiết trầm trọng, thì các thừa tác viên Công Giáo có thể ban bí tích hợp pháp cho các tín hữu Kitô khác chưa hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, nếu họ không thể đến gặp thừa tác viên cộng đoàn của họ và nếu họ tự ý xin thừa tác viên Công Giáo, miễn là họ bày tỏ niềm tin của Công Giáo đối với các bí tích ấy và ở trong tình trạng sẵn sàng”.

Trong thời gian qua, có nhiều người phê bình chỉ nam này, trong đó có ĐHY Gerhard Mueller, người Đức, cựu Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin (Rei 4-5-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng sốc trước sự ra đi đột ngột của ĐC Bùi Văn Đọc

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng sốc trước sự ra đi đột ngột của ĐC Bùi Văn Đọc

Sáng thứ năm, 08/03/2018, các Giám mục Việt nam đang trong chuyến hành hương ad Limina đã đồng tế Thánh lễ với Đức Thánh Cha Phanxicô tại nhà nguyện thánh Marta để cầu nguyện cho Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, vừa qua đời tại Roma đêm ngày 06/03.

Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục Mỹ Tho và Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Việt nam, nói với phóng viên  Vatican rằng tin Đức cha Phaolô qua đời không chỉ là cú sốc đối với các Giám mục Việt nam nhưng cả với Đức Giáo hoàng.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã muốn dâng Thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện thánh Marta, trước sự hiện diện của các Giám mục Việt nam, để cầu nguyện cho sự an nghỉ ngàn thu của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô.

Đức cha Phêrô Khảm cho biết, trước Thánh lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói vài lời chia buồn với các Giám mục Việt nam.

Đức cha Phêrô cũng nói thêm: “Chúng tôi ở đây để cầu nguyện cho Đức cha Phaolô. Ngài đã ở Roma với các Giám mục Việt nam chúng tôi để thực hiện cuộc viếng thăm ad Limina. Ngày trước hôm ngài qua đời, chúng tôi đã gặp Đức Thánh Cha; ngày hôm sau ngài ra đi đột ngột. Tôi nghĩ chính điều này là một cú sốc.”

Đức cha Phêrô cũng chia sẻ với phóng viên Vatican về Đức cố Giám mục Phaolô: “Ngài là tổng Giám mục thành phố Hồ Chí Minh, miền nam Việt nam. Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất nước và có khoảng 10 triệu dân. Do đó rất quan trọng khi Giáo hội ở đó. Đức cha Phaolô là một người thông minh và có mối quan hệ tốt với mọi người và nhờ điều này ngài đã tạo được một bầu khí hiệp thông thật sự trong giáo phận của ngài.” Đức cha Phêrô nói về sứ vụ của đức cố Giám mục Phaolô là “rao giảng và giới thiệu Chúa Giêsu Kitô và Tin mừng cho mọi người”, trong một “đất nước cộng sản”, nơi mà so với những “hạn chế” trong quá khứ, ngày nay các Kitô hữu tham gia tốt hơn trong nhiều lãnh vực khác nhau.” (Vatican News 08/03/2018)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha chủ sự Ngày Đời Sống Thánh Hiến lần thứ 22

Đức Thánh Cha chủ sự Ngày Đời Sống Thánh Hiến lần thứ 22

VATICAN. Chiều 2-2-2018, Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh và cũng là Ngày Thế giới về đời sống thánh hiến lần thứ 22, ĐTC đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Đồng tế với ĐTC trong thánh lễ lúc 5 giờ 30, có ĐHY João Aviz de Braz, người Brazil, Tổng Trưởng Bộ các dòng tu, Đức TGM Tổng thư ký José Rodríguez Carballo, dòng Phanxicô Tây Ban Nha, các chức sắc của Bộ này, một số các cha Bề trên Tổng quyền, và các LM dòng, trước sự hiện diện của hàng ngàn tu sĩ nam nữ và giáo dân.

Buổi lễ bắt đầu với nghi thức làm phép nến và đi rước tiến lên bàn thờ, do 50 tu sĩ nam nữ, đại diện cho các hình thái khác nhau của đời sống Thánh Hiến, đảm trách.

Trong bài giảng, ĐTC nhắc nhở các tu sĩ cảnh giác trước cuộc sống nhộn nhịp dồn dập ngày nay, nó làm cho chúng ta khép kín bao nhiêu cánh cửa gặp gỡ, thường vì sợ hãi tha nhân. Ngài nói: ”Trong đời sống thánh hiến không được như vậy; người anh, người chị mà Thiên Chúa ban cho tôi, chính là thành phần lịch sử của tôi, là những hồng ân cần gìn giữ. Đừng nhìn màn hình điện thoại di động hơn là đôi mắt của người anh em, hoặc cắm nhìn vào các chương trình của chúng ta hơn là vào Chúa. Vì khi những dự án, kỹ thuật và các cơ cấu được đặt ở trung tâm, thì đời sống thánh hiến sẽ không còn thu hút và không thông truyền nữa; nó không triển nở vì quên đi cội rễ của nó”.

ĐTC cũng nhắc nhở rằng đời sống thánh hiến nảy sinh và tái nảy sinh từ cuộc gặp gỡ và noi gương Chúa Giêsu thanh bần, khiết tịnh và vâng phục: Trong khi cuộc sống thế giới tìm cách chiếm hữu, thì đời sống thánh hiến từ bỏ giàu sang của cải chóng qua để ôm lấy Đấng trường tồn. Đời sống trần thế theo đuổi khoái lạc và ước muốn của cái tôi, đời sống thánh hiến giải thlai tình cảm khỏi mọi chiếm hữu để yêu mến trọn vẹn Thiên Chúa và tha nhân. Cuộc sống trần thế bị thúc đẩy làm những gì nó muốn, còn đời sống thánh hiến chọn vâng phục khiêm hạ như tự do lớn hơn. Trong khi cuộc sống trần thế sớm để cho đôi tay và con tim chúng ta trống rỗng, thì đời sống theo Chúa Giêsu làm đầy an bình cho đến cùng, như trong Tin Mừng, nơi những người già hạnh phúc đi tới cuối đời với Chúa, giữa những bàn tay và niềm vui của con tim.” (Rei 2-2-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Khả năng chịu đựng bị sỉ nhục vì Chúa và giống Chúa

Khả năng chịu đựng bị sỉ nhục vì Chúa và giống Chúa

Nhân đức khiêm nhường là một ơn không thể thiếu trong đời sống người Kitô hữu. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Mỗi Kitô hữu là một chồi non

Bài đọc trích sách tiên tri Isaia có nói: “Từ gốc Giêsê, sẽ đâm ra một chồi non. Từ chồi non ấy, Thần Khí Chúa sẽ ngự xuống, tức thần khôn ngoan và thông suốt, thần chỉ dẫn và sức mạnh, thần hiểu biết và đạo đức. Thần Khí ấy sẽ làm cho Ngài biết kính sợ Chúa.” Đó là những ơn phúc của Chúa Thánh Thần. Và mỗi Kitô hữu là một chồi non như thế. Mỗi người tiến triển từ những chồi non để nên thành toàn, để trở nên viên mãn trong Chúa Thánh Thần. Đó là cuộc sống của người Kitô hữu.

Cần ý thức rằng, mỗi người chúng ta là đều là chồi non, và chồi non ấy cần lớn lên, cần được lớn lên trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Chồi non cần lớn lên cho đến lúc thành toàn, cho tới khi viên mãn trong Thần Khí. Nhiệm vụ của người Kitô hữu là gì? Đó là luôn luôn bảo vệ mầm non ấy, để mầm non ấy có thể lớn lên trong chúng ta, để bảo đảm rằng mầm non ấy có thể tăng trưởng, có thể lớn mạnh trong Thánh Thần.

Lối sống khiêm tốn như Chúa Giêsu

Vậy đâu là lối sống của các Kitô hữu? Đó là sống như Chúa Giêsu đã sống. Đó là sống khiêm nhường như Chúa. Chúng ta cần có đức tin và đức khiêm nhường để có thể tin rằng: mầm non bé nhỏ ấy, ơn sủng ấy có thể ngày càng tiến triển, lớn mạnh, sung mãn trong Chúa Thánh Thần. Chúng ta cần khiêm tốn để tin rằng, Chúa Cha là Chúa trời đất. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: Chúa Cha đã giấu không cho những người khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những người đơn sơ bé mọn. Khiêm nhường có nghĩa là trở nên bé nhỏ, bé nhỏ như hạt giống, như mầm non. Biết mình bé nhỏ, để biết được rằng mình cần Chúa Thánh Thần làm cho mạnh mẽ tiến về phía trước, để vươn tới sự viên mãn thành toàn.

Nếu có ai đó tin rằng: khiêm tốn có nghĩa là lịch sự, là học thức, là nhã nhặn… thì nên nhắm mắt lại thầm thì cầu nguyện, và sẽ thấy rằng: “Không, khiêm tốn không phải như thế!” Nếu như vậy, làm thế nào để biết rằng mình khiêm tốn hay không?

Dấu hiệu của người sống khiêm nhường

Có một dấu hiệu, một dấu chỉ, một tín hiệu, chỉ có một: Đó là chấp nhận chịu sỉ nhục. Khiêm tốn mà không có chịu sỉ nhục, thì chưa phải là khiêm tốn. Người khiêm nhường là những người nam người nữ, là những người có khả năng chịu đựng biết bao nhục nhã, có khả năng nhận lấy những sỉ nhục, giống như Chúa Giêsu đã chịu đựng. Chúa chịu sỉ nhục ghê gớm, Chúa bị sỉ nhục ghê gớm.

Chúng ta biết về gương lành của biết bao vị thánh. Các ngài không những chịu đựng bị sỉ nhục, không những chấp nhận những sỉ vả, mà các ngài còn mong ước, còn xin cho được nên giống Chúa Giêsu. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta ơn sủng ấy, để Ngài gìn giữ những người bé nhỏ hướng tới sự viên mãn trong Thần Khí, để chúng ta không quên đi cội rễ của sự khiêm nhường là chấp nhận chịu sỉ nhục.

Tứ Quyết SJ

Giáo hội Syro-Malankara thành lập giáo phận mới

Giáo hội Syro-Malankara thành lập giáo phận mới

Trung tâm Công giáo của Giáo hội Công giáo Syro-Malankara, có trụ sở ở Thiruvananthapuram, thủ phủ của bang Kerala, miền nam Ấn Độ.

Thượng Hội đồng Giám mục Giáo hội Syro-Malankara, sau khi tham khảo ý kiến Tòa Thánh và được Đức Thánh cha phê chuẩn, đã thành lập giáo phận mới Parassala ở miền nam Ấn Độ.

Parassala được tách ra từ tổng giáo phận Trivandrum có trụ sở ở Thiruvananthapuram, thủ phủ bang Kerala, miền nam Ấn Độ.

Đứng đầu giáo phận mới là Đức Giám mục Eusebios Naickamparambil, được thuyên chuyển từ giáo phận Đức Mẹ Nữ Vương Hòa Bình ở Mỹ và Canada, news.va đưa tin.

Trong Giáo hội theo nghi lễ Latinh Đức Thánh cha trực tiếp bổ nhiệm giám mục, trong khi đó các thượng hội đồng của các Giáo hội Công giáo theo nghi lễ Đông Phương có quyền tự bổ nhiệm giám mục và được Đức Thánh cha phê chuẩn.

Đức Giám mục Naickamparambil sinh tại Mylapra thuộc tổng giáo phận Trivandrum năm 1961. Ngài chịu chức linh mục năm 1986. Ngài thành thạo tiếng Malayalam, Anh, Đức, Hindi và Ý, và còn biết tiếng Syriac, Hy Lạp và Pháp.

Giáo hội Syro-Malankara ra đời năm 1930 sau khi một nhóm thuộc Giáo hội Jacobite gia nhập Công giáo trong khi vẫn giữ các nghi lễ phụng vụ của họ.

Giáo hội Công giáo ở Ấn Độ bao gồm nghi lễ Latinh và 2 nghi lễ Đông Phương được gọi là Syro-Malabar và Syro-Malankara.

Nghi lễ Latinh theo phụng vụ Rôma do các thừa sai châu Âu truyền bá vào thế kỷ 15, trong khi 2 nghi lễ Đông Phương đều có trụ sở ở Kerala theo các truyền thống Giáo hội Syria và bắt nguồn từ Thánh Tôma Tông Đồ.

UCANEWS

Đức Thánh Cha rửa chân cho tù nhân ở nhà tù Paliano vào thứ 5 Tuần Thánh

Đức Thánh Cha rửa chân cho tù nhân ở nhà tù Paliano vào thứ 5 Tuần Thánh

Vào thứ 5 Tuần Thánh tới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ Tiệc Ly tại nhà tù Paliano ở phía nam Roma và sẽ rửa chân cho các tù nhân.

Hôm thứ 5 hôm qua, Vatican đã thông báo là Đức Giáo hoàng sẽ đến nhà tù vào chiều ngày 13/04 để thăm viếng riêng và cử hành Thánh lễ ghi dấu bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu với các môn đệ của Người trước ngày Người chịu đóng đinh.

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã bắt đầu truyền thống thăm viếng các nhà tù vào Thánh lễ Tiệc Ly truyền thống từ tháng 03/2013, chỉ một ít ngày sau lễ khai mạc sứ vụ Giáo hoàng của ngài. Vào năm đó, ngài đã đến trung tâm giam giữ thanh thiếu niên Casal del Marmo của Roma và lần đầu tiên ngài đã rửa chân cho cả các tù nhân nam và nữ.

Năm 2014, Đức Giáo hoàng đã cử hành Thánh lễ Tiệc Ly ở trung tâm người khuyết tật Don Gnocchi của Roma, và ngài cũng rửa chân cho cả những người nữ trong nghi thức rửa chân, tưởng niệm hành động khiêm hạ và phục vụ của Chúa Giêsu.

Năm 2015, Đức Giáo hoàng đã đến cử hành Thánh lễ Tiệc Ly nhà tù Rebibbia ở Roma. Năm ngoái, 2016, Đức Giáo hoàng đã rửa chân cho các người tị nạn nam nữ, bao gồm các tín hữu Hồi giáo, Ấn giáo và Chính thống Copte, tại trung tâm dành cho người tị nạn Castelnuovo di Porto, miền bắc của Roma. (RV 06/04/2017)

Hồng Thủy

Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới XV

Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới XV

VATICAN. Sáng 13-1-2017, tài liệu chuẩn bị Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 15 đã được công bố trong cuộc họp báo tại Phòng báo chí Tòa Thánh.

Công Nghị GM thế giới này sẽ tiến hành vào tháng 10 năm 2018 về chủ đề ”Người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi”.

Chủ tọa cuộc họp báo là ĐHY Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng HĐGM thế giới và vị phụ tá là Đức Cha Fabio Fabene. Ngoài ra cũng có 2 bạn trẻ nam nữ thuộc giáo xứ thánh Thomas More ở Roma.

Tài liệu dài 26 trang, sau phần nhập đề, lần lượt bàn tới trong 3 chương:

– Thứ I là tình trạng giới trẻ trên thế giới ngày nay, một thế giới đang thay đổi mau lẹ. Văn kiện nói về những thế hệ trẻ: họ thuộc về các nhóm nào, những điểm tham chiếu về nhân sự và tổ chức, và người ta đang tiến tới một thế hệ gắn liền với các kỹ thuật truyền thông tân tiến (iperconnessa). Sau cùng Tài liệu nói đề những người trẻ và những chọn lựa.

– Phần thứ II bàn đến đức tin, sự phân định và ơn gọi. Ơn phân định giúp nhận diện, giải thích và chọn lựa. Tiếp đến là những con đường ơn gọi và sứ mạng, sau cùng là sự đồng hành người trẻ.

– Phần thứ III trình bày hoạt động mục vụ: cụ thể là đồng hành với người trẻ theo 3 hành động: đi ra ngoài, nhìn xem, kêu gọi; kế đến là đối tượng nhắm tới: tức là tất cả mọi người trẻ, không trừ một ai, rồi cộng đoàn trách nhiệm, và những nhân vật người trẻ tham chiếu. Rồi tài liệu bàn đến những môi trường người trẻ: đời sống thường nhật, các lãnh vực chuyên biệt mục vụ, thế giới kỹ thuật số. Tài liệu cũng nói về các phương tiện như các ngôn ngữ mục vụ, việc chăm sóc giới dục và những hành trình loan báo Tin Mừng; sự thinh lặng, chiêm niệm và cầu nguyện.

Phần 3 cũng có một thiên bàn về vai trò của Mẹ Maria.

Tài liệu chuẩn bị kết thúc với một bản câu hỏi dài 4 trang được phân thành 3 tiểu đề: thu thập các dữ kiện, đọc tình trạng, và sau cùng là chia sẻ các đường lối thực hành.

Văn kiện này được gửi tới các HĐGM, các Thượng Hội đồng của các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, các cơ quan trung ương Tòa Thánh và một số cơ quan khác như Hiệp hội các Bề trên Tổng Quyền dòng nam, để tham khảo ý kiến, dựa theo bản câu hỏi đính kèm. Ngoài ra các bạn trẻ cũng được hỏi ý kiến qua một mạng Internet về những mong đợi và cuộc sống của họ. Các bản trả lời góp ý sẽ được dùng để soạn tài liệu làm việc cho Công nghị của các GM thế giới.

Trong cuộc họp báo, ĐHY Baldisseri giải thích rằng danh từ ”giới trẻ” hay ”người trẻ” trong văn kiện này được hiểu là những người từ 16 đến 29 tuổi, tuy cũng co giãn tùy theo môi trường văn hóa và xã hội. Ngoài ra từ ”ơn gọi” trong văn kiện chuẩn bị, không phải chỉ nói về ơn gọi linh mục hoặc đời sống thánh hiến, nhưng nói về ơn gọi nói chung của người trẻ, ơn gọi yêu thương.

Tài liệu chuẩn bị này không phải là một văn kiện giáo huấn, nhưng chỉ là những dữ kiện gợi ý suy tư, để thu thập ý kiến của các thành phần dân Chúa.

Những câu hỏi dành cho tất cả mọi người, kể cả những người không thuộc Kitô giáo, hoặc không tín ngưỡng, mục đích là để thu thập các ý kiến. (SD 13-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Tân Thống Phụ Dòng Biển Đức: Cha Gregory Polan

Tân Thống Phụ Dòng Biển Đức: Cha Gregory Polan

Tân Thống Phụ Dòng Biển Đức  Cha Gregory Polan

ROMA. Cha Gregory Polan người Mỹ đã được bầu làm Thống Phụ (Abate Primate) thứ 10 của Liên hiệp các chi dòng Biển Đức trên thế giới, với nhiệm kỳ 8 năm.

Cha là Viện Phụ Đan viện Biển Đức Conception ban Missouri Hoa Kỳ, đã được khoảng 250 Viện phụ và Bề trên dòng Biển Đức bầu lên hôm 10-9 vừa qua trong Đại hội ở Đan viện thánh Anselmo, Roma, kế nhiệm Cha Notker Wolf người Đức, vừa mãn nhiệm 16 năm.

Cha Gregory Polan sinh trưởng tại Chicago và nhập tập viện ở Đan viện Conception năm 1970, thụ phong LM 7 năm sau đó. Năm 1996, cha được bầu làm Viện Phụ của Đan viện này.

Cha Polan là một chuyên gia về thần học kinh thánh, giảng dạy tiếng Hy Lạp và Do thái tại Chủng viện thuộc Đan viện Conception. Cha cũng chuyên về âm nhạc.

Trong tư cách là Thống Phụ, cha Gregory Polan đại diện cho khoảng 22 ngàn Đan sĩ nam nữ dòng Biển Đức trên thế giới. Ngành nam của dòng này có hơn 7 ngàn Đan sĩ chia thành 21 chi dòng, họp thành một Liên hiệp. Ngành nữ của dòng có hơn 15 ngàn nữ Đan sĩ. (KNA 10-9-2016)

 G. Trần Đức Anh OP 

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Ngày Thế Giới truyền giáo 90

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Ngày Thế Giới truyền giáo 90

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Ngày Thế Giới truyền giáo 90

VATICAN. Trong sứ điệp nhân ngày thế giới truyền giáo lần thứ 90, ĐTC đề cao vai trò của phụ nữ và các gia đình trong việc biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa.

Ngày thế giới truyền giáo năm nay sẽ được cử hành vào chúa nhật 23 tháng 10 tới đây với chủ đề ”Giáo hội thừa sai, chứng nhân lòng thương xót”. Trong sứ điệp công bố hôm chúa nhật 15-5-2016 để chuẩn bị cho ngày đó, sau khi nói về lòng thương xót của Thiên Chúa, ĐTC khẳng định rằng:

”Khi đón nhận và theo Chúa Giêsu qua Tin Mừng và các bí tích, nhờ tác động của Chúa Thánh Linh, chúng ta có thể trở nên người có lòng thương xót như Cha chúng ta trên trời, học yêu thương như Chúa yêu thương chúng ta và biến cuộc sống chúng ta trở thành một món quà nhưng không, dấu chỉ lòng nhân lành của Ngài” (Misericordiae Vultus 3).”

ĐTC cũng nhận xét rằng ”Có bao nhiêu người nam nữ thuộc mọi lứa tuổi và giai tầng xã hội, đã và đang làm chứng về tình yêu thương xót của Chúa, như trong thời kỳ đầu qua kinh nghiệm của Giáo Hội. Dấu chỉ hùng hồn về tình yêu thương từ mẫu của Thiên Chúa là sự hiện diện gia tăng đáng kể của nữ giới trong thế giới truyền giáo, bên cạnh sự hiện diện của nam giới. Các phụ nữ, nữ giáo dân và các người nữ thánh hiến, và ngày nay cũng có nhiều gia đình, đang thực thi ơn gọi truyền giáo của họ dưới nhiều hình thức khác nhau: từ việc trực tiếp rao giảng Tin Mừng cho đến các dịch vụ bác ái.”

”Bên cạnh hoạt động loan báo Tin Mừng và cử hành các bí tích do các nam thừa sai đảm nhận, cũng có các phụ nữ và các gia đình hiểu biết một cách thích hợp hơn các vấn đề của dân chúng và biết đương đầu với các vấn đề ấy một cách thích hợp, và đôi khi một cách ”chưa từng có”: qua sự chăm sóc cuộc sống, đặc biết chú ý đến con người hơn là các cơ cấu, tận dụng mọi tài nguyên nhân bản và tinh thần để xây dựng sự hòa hợp, các quan hệ, hòa bình, liên đới, cộng tác và tình huynh đệ, trong lãnh vực các tương quan giữa con người với nhau, cũng như trong lãnh vực rộng hơn lớn của đời sống xã hội và văn hóa, nhất là việc chăm sóc người nghèo”.

Trong phần cuối của sứ điệp, ĐTC nhắc lại sự kiện trong Năm Thánh này, có dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Ngày Thế Giới truyền giáo, do Hội Giáo Hoàng truyền bá đức tin, đề xướng và được ĐGH Piô 11 phê chuẩn năm 1926.. ĐTC cho biết ngài tiếp nối truyền thống của các vị tiền nhiệm, cổ võ cuộc lạc quyên tại các giáo phận, giáo xứ, dòng tu, các hiệp hội và phong trào của Giáo Hội để giúp đỡ các cộng đoàn Kitô túng thiếu và để đẩy mạnh việc loan báo Tin Mừng cho đến tận bờ cõi trái đất” (SD 15-5-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Sự phủ quyết của chính quyền bangVirginia đe dọa luật tự do tôn giáo

Sự phủ quyết của chính quyền bangVirginia đe dọa luật tự do tôn giáo

Richmond – Việc phủ quyết dự luật tự do tôn giáo có nghĩa là những nhóm, dựa trên đức tin, ủng hộ hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ, sẽ không có sự bảo vệ cần thiết.

Ngày 30 tháng 3 vừa qua, các Hội đồng Công giáo bang Virginia đã bày tỏ sự thất vọng bởi quyết định của chính quyền bang Virginia. Hội đồng nói: “Sự phủ quyết này đe dọa phá hủy truyền thống lâu đời từ thời Thomas Jefferson, là ủng hộ tự do tôn giáo của các cộng đoàn đức tin.”

Dự luật tự do tôn giáo trên cấm bang Virginia xử phạt các nhóm tôn giáo hành xử theo niềm tin chân thành rằng hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ. Dự luật này đã được thông qua bởi Hạ viện với số phiếu 59 -38 và Thượng viện với số phiếu 21-19. Dự luật này bảo đảm các chức sắc và tổ chức tôn giáo không bị xử phạt bởi chính quyền. Dự luật cũng bảo vệ các cá nhân và tổ chức khỏi trách nhiệm dân sự.

Thống đốc Terry McAuliffe, thuộc đảng Dân chủ, đã phủ quyết đạo luật trên chương trình phát thanh trực tiếp, tuyên bố rằng việc ký đạo luật “sẽ làm cho Virginia không chào đón các cặp hôn nhân đồng tính trong khi tạo nên một cảm giác sợ hãi và bắt bớ giữa các cộng đoàn tôn giáo của chúng tôi”. Ông cũng trưng ra sự phản đối của các lãnh đạo công ty, cho là điều này xấu cho các doanh nghiệp. Nhưng hội đồng Công giáo nói là đạo luật không áp dụng cho các doanh nghiệp, nhưng chỉ khẳng định quyền của các tổ chức tôn giáo được theo niềm tin tôn giáo của họ. Hội đồng Công giáo cũng cáo buộc phủ quyết của thống đốc Terry McAuliffe gạt ra ngoài lề các tín hữu, những người tin vào chân lý vượt thời gian của hôn nhân. Tuyên bố của hội đồng là “luật pháp nên bảo đảm việc tiếp cận công bằng các nguồn lực quốc gia cho các chức sắc và các tổ chức tôn giáo, bao gồm các tổ chức từ thiện và trường học. Hôn nhân là định chế đầu tiên, được viết bằng luật tự nhiên và tồn tại trước bất kỳ chính quyền hay tôn giáo nào,  và là giữa một người nam và người nữ. Nhìn nhận và tôn vinh định chế này không phải là kỳ thị, nhưng dùng đức tin của con người chống lại họ thì chắc chắn là kỳ thị.”

Nghị sĩ Charles W. Carrico ủng hộ đạo luật, ông cho là sẽ có những vụ kiện chống lại các Giáo hội. Ông nói: “Tôi nghĩ là hiện giờ khắp nước đang có một khuynh hướng thúc đẩy niềm tin đồng tính, và tôi nghĩ anh chị em thấy khuynh hướng đó đang xảy ra trên quy mô rộng lớn.” Theo Associated Press, cơ quan lập pháp Virginia có thể hủy bỏ quyền phủ quyết, nhưng điều này khó có thể xảy ra.

Các đạo luật về tự do tôn giáo khác cũng gặp những sự chống đối đáng kể trong những năm gần đây. Thống đốc đảng Cộng hòa Nathan Deal đã phủ quyết một dự luật bảo vệ tự do tôn giáo được đề xuất. Ở vài bang và ở thủ đô Washington, những luật mới và các quyết định tài trợ đã đóng lại đối với các cơ quan nhận con nuôi của Công giáo với lý do là Công giáo không cho các cặp đồng tính nhận các trẻ em. Vài trường học Công giáo cũng trở thành mục tiêu của các vụ kiện từ các nhân viên bị sa thải vì vi phạm các chuẩn mực đạo đức về luân lý tình dục.

Các quỹ tài trợ giàu có như Ford Foundation, Arcus Foundation và quỹ Evelyn và Walter Haas Jr. đã đổ hàng triệu USD vào các nhóm pháp luật, các dự án trường học về luật và các nhóm hoạt động để chống lại sự bảo vệ tự do tôn giáo. (Catholic News Agency 04/04/2016)

Hồng Thủy OP

Công bố chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Mexico

Công bố chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Mexico

Pope Francis will visit Mexico from 12-18 February 2016

VATICAN. ĐTC Phanxicô sẽ dành 1 tuần lễ để viếng thăm mục vụ tại Mêhicô từ ngày 12 đến 18-2 năm tới, 2016.

Thông cáo do Phòng báo chí Tòa Thánh công bố chiều ngày 12-12 vừa qua, cho biết: ĐTC sẽ rời Roma lúc 12 giờ rưỡi trưa ngày thứ sáu 12-2 và bay tới phi trường quốc tế của thủ đô Mêhicô lúc 7 giờ rưỡi tối cùng ngày.

Lễ nghi đón tiếp chính thức sẽ diễn ra lúc 9 giờ rưỡi sáng thứ bẩy hôm sau, 13-2 tại phủ tổng thống Mêhicô, rồi ngài gặp chính quyền và ngoại giao đoàn.

Tiếp đến, ĐTC sẽ gặp các GM Mêhicô lúc 11 giờ rưỡi tại Nhà thờ chính tòa thủ đô. Ban chiều ngài sẽ cử hành thánh lễ lúc 5 giờ tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Guadalupe.

 – Sáng chúa nhật 14-2, ĐTC sẽ đáp trực thăng đến thành phố Ecatepec để cử hành thánh lễ cho các tín hữu tại khu vực trung tâm nghiên cứu Ecatepec, rồi trở về thủ đô Mêhicô ở mạn nam.

Lúc 4 giờ rưỡi chiều cùng ngày, ngài viếng thăm bệnh viện nhi đồng Federico Gómez, trước khi gặp gỡ giới văn hóa lúc 6 giờ tại Đại thính đường quốc gia.

 – Sáng thứ hai, 15-2, ĐTC sẽ đáp máy bay đến Tuxtla Gutiérrez cách thủ đô Mêhicô 1 giờ 45 phút bay. Đến nơi ngài lại dùng trực thăng để bay đến thành phố San Cristóbal de las Casas, nơi có đại đa số tín hữu gốc thổ dân bản xứ. Ngài cử hành thánh lễ cho cho các cộng đoàn thổ dân Chiapas ở trung tâm thể thao của thành phố, rồi dùng bữa trưa với đại diện các thổ dân.

Ban chiều lúc 3 giờ, ngài viếng thăm Nhà thờ chính tòa giáo phận San Cristobal, trước khi lên đường trở về thủ đô.

 – Thứ ba, 16-2, ĐTC sẽ bay đến thành phố Morelia gần biên giới Hoa Kỳ để cử hành thánh lễ với các LM, nữ tu nam nữ và chủng sinh vào lúc 10 giờ, rồi viếng thăm Nhà thờ chính tòa địa phương. Ban chiều lúc 4 giờ rưỡi, ngài gặp gỡ giới trẻ tại Sân vận động ở địa phương, rồi đáp máy bay trở về thủ đô.

 – Thứ tư, 17-2, ĐTC dành để viếng thăm Ciudad Juárez cách thủ đô Mêhicô 90 phút bay. Tại thành phố này, ngài sẽ viếng thăm nhà tù, rồi gặp gỡ giới lao động ở học viện Bachilleres thuộc bang Chihuahua.

Lúc 4 giờ chiều cùng ngày ĐTC sẽ cử hành thánh lễ tại khu hội chợ triển lãm ở Ciudad Juaređ. Lễ xong ngài ra phi trường lúc 7 giờ để đáp máy bay trở về Roma, dự kiến sẽ đến phi trường Ciampino lúc gần 3 giờ chiều ngày thứ năm, 18-2. (SD 12-12-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha kêu gọi bạo vệ trẻ em và nâng đỡ các đan sĩ

Đức Thánh Cha kêu gọi bạo vệ trẻ em và nâng đỡ các đan sĩ

ĐTC 11-18-2015

VATICAN. ĐTC Phanxicô kêu gọi bảo vệ các trẻ em chống lại mọi hình thức nô lệ và ngược đãi, và ngài mời gọi nâng đỡ các đan sĩ nam nữ.

Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 18-11-2015, tại Quảng trường Thánh Phêrô với sự tham dự của 20 ngàn tín hữu, ĐTC nói:

”Thứ sáu, 20-11 tới đây, là Ngày Thế giới bảo vệ các quyền của trẻ em. Nghĩa vụ của tất cả mọi người là bảo vệ các trẻ em, và đặt thiện ích của các em trên mọi tiêu chuẩn khác, để không bao giờ các em phải chịu những hình thức nô lệ và ngược đãi. Tôi cầu mong Cộng đồng quốc tế có thể quan tâm canh chừng những điều kiện sống của các trẻ em, nhất là tại những nơi các em bị các nhóm võ trang tuyển mộ; cần làm sao để có thể giúp đỡ các gia đình bảo đảm cho mỗi trẻ em nam nữ quyền được cắp sách đến trường và được giáo dục”.

Ngày Thế giới bảo vệ các quyền của trẻ em do Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 20-11 năm 1989, qua việc phê chuẩn Hiệp ước quốc tế về các quyền của trẻ em.

Cũng trong buổi tiếp kiến sáng 21-11-2015 ĐTC nhắc nhở rằng:

”Ngày 21-11, Giáo hội mừng lễ Đức Mẹ Maria chí thánh dâng mình vào Đền Thờ. Trong dịp này, chúng ta cảm tạ Chúa vì hồng ân ơn gọi của những người nam nữ, trong các đan viện chiêm niệm và trong các am ẩn sĩ, dâng hiến cuộc sống cho Thiên Chúa. Để các cộng đồng chiêm niệm có thể chu toàn sứ mạng quan trọng trong kinh nguyện, trong thinh lặng cần cù làm việc, chúng ta đừng để họ bị thiếu sự gần gũi tinh thần và vật chất của chúng ta”. (SD 18-11-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

CHÚA GIÊSU THƯƠNG XÓT, AI KHÔNG THA THỨ KHÔNG PHẢI LẢ KITÔ HỮU

CHÚA GIÊSU THƯƠNG XÓT, AI KHÔNG THA THỨ KHÔNG PHẢI LẢ KITÔ HỮU

forgiveness

VATICAN: Chúa Giêsu là hoàng tử hòa bình, bởi vì Ngài sinh ra hòa bình trong con tim chúng ta. Ngài thương xót và luôn luôn tha thứ, ai không tha thứ không phải là kitô hữu.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong bài giàng thánh lễ tại nguyên đường nhà trọ Thánh Marta sáng mùng 10 tháng 9 vừa qua. Giảng trong thánh lễ ngài đã quảng diễn đề tài “hòa bình và hòa giải”. ĐTC nói: Cả ngày nay hàng ngày, qua tin tức truyền hình và báo chí, chúng ta cay đắng trông thấy biết bao nhiêu chiến tranh xung khắc, tàn phá, đổ nát và hận thù. Cũng có những người nam nữ làm việc nhiều biết bao nhiêu để chế tạo khí giới  giết người, các khí giới thấm đầy máu của biết bao người vô tội. Có các cuộc chiến và có sự gian ác chuẩn bị chiến tranh, chế tạo vũ khí chống lại tha nhân, giết người. Hoà bình cứu thoát và làm cho bạn sống, làm cho bạn lớn lên, còn chiến tranh hủy diệt bạn, nhận chìm bạn. Nhưng chiến tranh không chỉ là thế, mà nó cũng có trong các cộng đoàn kitô của chúng ta, giữa chúng ta nữa. Phụng vụ hôm nay khuyên nhủ chúng ta hãy xây dựng hòa bình. Và tha thứ là từ chià khóa: “Như Chúa đã tha thứ cho anh chị em, anh chị em cũng hãy tha thứ”. Nếu bạn không biết tha thứ, bạn không phải là tín hữu kitô. Bạn sẽ là một người nam nữ tốt… Tại sao bạn không làm điều Chúa đã làm? Nhưng còn hơn nữa: nếu bạn không tha thứ, bạn cũng không thể nhận được hòa bình của Chúa. Cần phải có “lòng kiên nhẫn kitô”. Có biết bao nhiêu phụ nữ anh hùng chịu đựng sự tàn bạo, và biết bao bất công vì hạnh phúc của gia đình, của con cái! Có biết bao người nam anh hùng trong dân kitô chịu thức khuya dậy sớm để làm việc nuôi sống vợ con, biết bao lần đó lại là một việc làm bất công, với dồng lương rẻ mạt. Họ là những người công chính. Nhưng cũng có những người làm việc với cái lưỡi của mình và gây chiến tranh, bởi vì cái lưỡi tàn phá, gây chiến. Trong Phúc Âm hôm nay còn có một từ chìa khoá khác: đó là từ “thương xót”. Hiểu người khác, không kết án họ là điều quan trọng. Chúa, Thiên Chúa Cha thương xót biết bao! Ngài luôn luôn tha thứ và luôn luôn muốn làm hoà với chúng ta. Nhưng nếu bạn không thương xót, thì bạn gặp nguy cơ là Chúa cũng không thương xót bạn, vì chúng ta sẽ bị xét xử với cùng mức độ chúng ta dùng để xét đoán người khác.  Nếu bạn là linh mục và cảm thấy mình không thương xót, thì hãy làm ơn xin giám mục cho bạn một công việc hành chánh, nhưng đừng xuống tòa giải tội. Một linh mục không thương xót, thì gây ra biết bao nhiêu điều xấu trong toà giải tội! “Thưa cha, con thương xót chứ, nhưng con hơi  căng thẳng thần kinh một chút”. Vậy thì trước khi xuống tòa giải tội, hãy đi gặp bác sĩ để ông ấy cho bạn một viên thuốc chống căng thẳng thần kinh. Nhưng hãy thương xót. Và cũng hãy thương xót giữa chúng ta. Đừng nói người khác tội lỗi hơn mình. Không ai có thể nói điều đó! Chỉ có Chúa biết mà thôi.

Như thánh Phaolô dạy: cần phải mặc lấy các tâm tình “hiền dịu, nhân hậu, khiêm nhượng, từ tốn và cao thượng” Đó là kiểu sống kitô, là kiểu sống qua đó Chúa Giêsu đã đem lại hoà bình và hoà giải. Chứ không phải sụ kiêu căng, kết án và nói xấu người khác. Xin Chúa cho chúng ta ơn biết chịu đựng lẫn nhau, tha thứ và thương xót như Chúa thương xót chúng ta (RG 10-9-2015)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Công bố Tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục 14

Công bố Tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục 14

VATICAN. Sáng ngày 23-6-2015, Tài liệu làm việc của Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 14 về gia đình đã được công bố.

Thượng HĐGM sẽ tiến hành từ ngày 4 đến 25-10 năm nay với chủ đề “Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới ngày nay”.

Chủ tọa cuộc họp báo là ĐHY Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng HĐGM, cùng với ĐHY Peter Erdoe, TGM Erztergom-Budapest, Hungari, Tổng tường trình viên, và Đức Cha Bruno Forte, Tổng thư ký đặc biệt và cũng là TGM giáo phận Chieti Vasto, Italia.

ĐHY Baldisseri đã gợi lại tiến trình soạn thảo tài liệu làm việc, sẽ được dùng làm căn bản cho các cuộc thảo luận trong công nghị GM thế giới về gia đình. Tài liệu được soạn dựa trên các bản trả lời 46 câu hỏi gợi ý do Văn phòng gửi đến các nơi liên hệ trên thế giới. Tổng cộng Văn phòng Tổng thư ký Thượng HĐGM đã nhận được 99 bản trả lời của các HĐGM, các Giáo Hội Công Giáo Đông phương tự quản, các cơ quan trung ương Tòa Thánh và Liên hiệp các Bề trên tổng quyền dòng nam.

Ngoài ra có 359 nhận xét khác do các giáo phận, giáo xứ, hiệp hội và các tín hữu từ các nơi gửi về. Dựa vào các ý kiến đó, tài liệu làm việc đã được soạn thảo. Và trong phiên họp ngày 25 và 26-5 vừa qua, dưới quyền chủ tọa của ĐTC, dự thảo tài liệu làm việc đã được thông qua.

Văn kiện này gồm phần nhập đề và kết luận, được chia làm 3 phần: trước tiên là lắng nghe những thách đố về gia đình trong Giáo Hội và xã hội ngày nay, tiếp đến, phần 2 trình bày sự phân định về ơn gọi của gia đình, sau cùng phần thứ 3 nói về sứ mạng của gia đình ngày nay. Tổng cộng có 147 đoạn.

Tài liệu này không đi từ số không, nhưng lấy lại trọn bộ tài liệu chung kết của Thượng HĐGM thế giới khóa đặc biệt hồi tháng 10 năm ngoái, và khai triển, bổ túc bằng những góp ý của các HĐGM, các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, các cơ quan trung ương Tòa Thánh và nhiều thành phần khác trong cộng đồng dân Chúa.

Tài liệu làm việc này bao gồm tất cả các đoạn của bản tường trình chung kết của Thượng HĐGM năm ngoái, kể cả các đoạn số 52, 53 và 55 gây tranh luận nhiều nhất liên quan đến việc chấp nhận cho các cặp ly dị tái hôn dân sự được rước lễ, đề nghị cho những cặp đồng tính luyến ái được rước lễ thiêng liêng. Bản tường trình đó tái khẳng định tầm quan trọng của gia đình dựa trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, nêu bật những khía cạnh tích cực, nhưng cũng nói đến sự cần thiết phải có thái độ kiên nhẫn và tế nhị đối với những gia đình bị thương tổn. Bản văn cũng nhấn mạnh rằng những cặp đồng phái không thể coi như tương đương với hôn nhân giữa người nam và người nữ, và không thể chấp nhận những sức ép gây ra cho các GM về điểm này. Những điểm kế tiếp nói về mong ước các vụ án xin xác nhận hôn nhân vô hiệu được tiến hành miễn phí, vấn đề nhận con nuôi, lời báo động về nạn dâm ô, sự sử dụng sai trái các mạng internet, sau cùng là quan tâm đến phụ nữ và trẻ em nạn nhân bị khai thác tình dục.

Một số đề nghị trong Tài Liệu làm việc  

Tuy văn kiện này không có giá trị quyết định và chỉ là tài liệu để thảo luận, nhưng người ta cũng thấy được hướng đi được các HĐGM thế giới đề nghị:

– Các cặp đồng phái không thể coi như tương đương với hôn nhân giữa người nam và người nữ, và không thể chấp nhận những sức ép gây ra cho các GM về điểm này.

Tài liệu đưa ra những nhận xét về phẩm giá người già và người tàn tật, đồng thời nói đến nền mục vụ chuyên biệt cho các gia đình di dân.

Văn kiện nêu bật tầm quan trọng của gia đình như một dụng cụ giúp con người hội nhập vào xã hội, nhất là những thành phần yếu thế như những người góa, người già, người khuyết tật. Họ cần được nâng đỡ chống lại những hình thức coi rẻ, lên án hoặc những thành kiến.

– Tài liệu làm việc đề cập đến vai trò của phụ nữ và đề cao vai trò của họ trong Giáo Hội. Văn kiện nhắc đến những tình cảnh đau thương: phụ nữ bị bóc lột, hãm hiếp, bạo hành, phải phá thai hoặc bị cưỡng bách tuyệt sản, nạn mang thai mướn, thị trường buôn bán trứng và tinh, ước muốn có con với bất kỳ giá nào. Tài liệu làm việc cầu mong vai trò của phụ nữ được Giáo Hội đánh giá cao hơn, để phụ nữ cũng được tham gia vào các tiến trình quyết định trong Giáo Hội, tham gia vào việc cai quản một số tổ chức.

– Tài liệu nhấn mạnh: bí tích hôn phối là bất khả phân ly. Đặc tính này chính là một hồng ân chứ không phải là cái ách áp đặt trên con người.

Văn kiện nhấn mạnh một sự cấp thiết cơ bản là thăng tiến gia đình như một chủ thể loan báo Tin Mừng, để gia đình làm chứng về Tin Mừng.. Từ đó, Văn kiện kêu gọi canh tân chương trình giáo lý về gia đình, để cộng đoàn Kitô không phải là là một cơ quan cung cấp dịch vụ, nhưng là một nơi tăng trưởng trong hành trình đức tin.

–  Giáo Hội phải tháp tùng những giai đoạn khó khăn đau khổ của các đôi vợ chồng, giúp tránh những đối nghịch tai hại, đổ vỡ giữa hai bên, với những hậu quả gây ra cho con cái.

– Đứng trước sự áp đặt những kiểu mẫu trái ngược với lập trường Kitô giáo về gia đình, như đang xảy ra trong lãnh vực tính dục, cần cống hiến những chương trình huấn luyện thích hợp, quyết liệt bênh vực quyền của các nhà giáo dục được phản kháng lương tâm, không bị bó buộc phải dạy những điều trái lương tâm của họ.

– Tài liệu làm việc kêu gọi các tín hữu Kitô dấn thân trong chính trị và xã hội hãy bảo vệ gia đình. Các tín hữu Kitô phải dấn thân trực tiếp trong bối cảnh xã hội chính trị. Cần canh tân việc mục vụ gia đình, kiến tạo một sự hợp lực tốt đẹp hơn với các lãnh vực mục vụ khác như giới trẻ, huấn giáo, các hội đoàn, để chương trình mục vụ bao gồm tất cả các giai đoạn của cuộc sống.

– Về những cặp nam nữ sống chung mà không kết hôn, Tài liệu làm việc cổ võ sự tháp tùng các cặp ấy để họ tiến đến sự sung mãn về bí tích.

– Tài liệu làm việc nhấn mạnh đến sự tha thứ là kinh nghiệm cơ bản trong gia đình, và nhắc nhớ rằng trong trường hợp có sự phản bội trong hôn nhân, thì cần có một sự sửa chữa, để hôn ước đã bị vi phạm có thể được tái lập.

Về sự thất bại của hôn nhân, Tài liệu làm việc khẳng định rằng cần có sự phân định khôn ngoan và từ bi.

Có hai thái độ khác nhau: một là khuyến khích những ngừơi sống trong tình trạng không phải là hôn nhân hãy đi theo con đường trở về; hoặc là mời gọi những người ấy hãy nhìn về đằng trước và tái lên đường. Dầu sao sự tháp tùng như thế cần được thực hiện với sự phân định khôn ngoan và từ bi.

Một số người cũng yêu cầu Giáo Hội tỏ ra có thái độ tương tự đối với những người đã vi phạm giao ước hôn nhân”. Trong viễn tượng này, người ta nhấn mạnh đến sự cần thiết phải huấn luyện các LM thi hành sứ vụ an ủi và săn sóc các gia đình bị thương. Đồng thời Giáo Hội phải quí chuộng và nâng đỡ những người không tái hôn khi bị ly dị, và tiếp tục trung thành với giây hôn phối.

– Liên quan đến các vụ án giải hôn phối: thủ tục miễn phí và bỏ qua qui luật phải có hai án lệnh đồng nhất thì mới được tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Tài liệu làm việc ghi nhận có sự đồng ý của nhiều ngừơi về vấn đề này. Không cần phải có 2 án lệnh do hai cấp tòa án tuyên bố, nhưng vị bảo hệ hoặc một trong hai bên liên hệ vẫn có thể kháng án.

 

Có sự đồng ý rộng rãi về việc có thể tiến hành một vụ án hôn phối đơn sơ, trong trừơng hợp thấy có sự vô hiệu tỏ tường. Ngoài ra cần gia tăng và tản các tòa án hôn phối có nhiều nhân sự có khả năng.

– Về những người li dị tái hôn, văn kiện nhấn mạnh rằng cần phải xét lại những hình thức loại trừ hiện nay đối với họ trong lãnh vực phụng vụ và mục vụ, giáo dục và từ thiện, để những tín hữu ấy không ở ngoài Giáo Hội: cần suy nghĩ về việc loại bỏ những sự loại trừ ấy. Nhưng những con đường hội nhập mục vụ phải có sự phân định thích hơp đi trước và được thực hiện theo luật tiệm tiến, tôn trọng sự trưởng thành của lương tâm.

Về việc cho những ngừơi ly dị tái hôn được rước lễ, người ta đồng ý vế giả thuyết thực hiện một con đường thống hối, dưới quyền một GM, dự trên sự thống hối, kiểm điểm xem hôn phối có thành sự hay không, và sự quyết định sống tiết dục. Một số người khác nói đến một tiến trình minh định và định hướng mới, trong đó đương sự được một linh mục tháp tùng.

– Sau cùng, tuy Giáo Hội tiếp tục mạnh mẽ chống lại hôn phối đồng phái, Tài liệu làm việc khẳng định rằng ”mỗi người, bất luận họ có xu hướng tính dục thế nào, đều phải được tôn trọng trong phẩm giá và được đón nhận, với sự nhạy cảm và tế nhị, trong Giáo Hội và xã hội. Tài liệu cầu mong có những dự án mục vụ đặc biệt cho những người đồng tính luyến ái và gia đình họ”.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha khuyến khích các vị linh hướng không thánh chức

Đức Thánh Cha khuyến khích các vị linh hướng không thánh chức

VATICAN. ĐTC khuyến khích các Bề trên dòng nữ và tu huynh hãy cổ võ và huấn luyện các tu sĩ không có thánh chức đảm nhận vai trò linh hướng.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây sáng thứ bẩy 16-5-2015 trong buổi gặp gỡ hơn 7 ngàn tu sĩ nam nữ của giáo phận Roma nhân dịp Năm về Đời sống Thánh Hiến.

Cuộc gặp gỡ bắt đầu lúc 11 giờ sáng tại Đại thính đường Phaolô 6 và tiến hành qua 2 giai đoạn: trước tiên là cuộc sinh hoạt với phần cầu nguyện, thánh ca, chứng từ và trình diễn của các nhóm tu sĩ đến từ nhiều nơi trên thế giới, tiếp đến là buổi tiếp kiến của ĐTC từ lúc 12 giờ.

Trong lời chào mừng ĐTC đầu buổi gặp gỡ, ĐHY Giám quản Agostino Vallini nhắc đến các chiều kích của đời sống thánh hiến trong giáo phận của ĐGH: 30 ngàn người thánh hiến, 28 đan viện chiêm niệm, 1 phần 3 trong số 330 giáo xứ được ủy thác cho các linh mục dòng, những người giúp đỡ Giáo Hội địa phương trong việc loan báo Tin Mừng và thăng tiến nhân bản. ĐHY cũng nhấn mạnh rằng ”những người thánh hiến sống trong tình huynh đệ, như những vòng tròn đồng qui, cũng giúp đỡ các giáo hạt và giáo xứ, qua những chọn lựa can đảm và ngôn sứ của họ”.

Trả lời câu hỏi của một LM dòng nêu lên, ĐTC nói về việc linh hướng trong các cộng đoàn, nam cũng như nữ. Ngài nói: ”Việc linh hướng không phải là một đoàn sủng riêng của các linh mục; đó cũng là đoàn sủng của những người không có thánh chức! Trong đời đan tu sơ khai, những người không có thánh chức là những nhà đại linh hướng. Tôi đang đọc đạo lý về sự vâng phục của thánh Silvano, đan sĩ ở núi Athos. Đó là một người làm nghề thợ mộc, rồi trở thành người quản lý, và cũng chẳng phải là phó tế, nhưng thánh nhân là một nhà đại linh hướng.”

ĐTC nói: “Cần phải tìm kiếm các linh hướng và khi các bề trên thấy một người nam hoặc nữ, trong dòng hoặc trong tỉnh dòng có đoàn sủng làm linh hướng, thì hãy giúp huấn luyện họ để thi hành công tác phục vụ ấy.. thật không phải là điều dễ dàng. Làm linh hướng mà một chuyện, làm cha giải tội là một chuyện khác”.

Trong cuộc gặp gỡ, ĐTC khuyên các nữ tu chiêm niệm đừng sống khép kín đối với những vấn đề của thế giới và Giáo hội bên ngoài. Ngài nói: ”Ơn gọi của chị em không phải là sống trong một nơi ẩn náu: nhưng là đi ra chiến trường, là chiến đấu, là gõ cửa trái tim Chúa cho thành phố này. Như Môisê giơ hai tay lên cao, cầu nguyện, trong khi dân chiến đấu. Bao nhiêu ơn lành đến từ Chúa trong sự căng thẳng giữa đời sống ẩn dật, kinh nguyện, và lắng nghe tin tức của dân chúng”.

ĐTC cũng trả lời một câu hỏi khác về sự cạnh tranh giữa các giáo xứ – triều và dòng-, dòng này cạnh tranh với dòng kia. Ngài nói:

”Một trong những điều khó khăn nhất đối với một giám mục là kiến tạo sự hài hòa trong giáo phận… Ở đây có vấn đề hiệp nhất giữa các đoàn sủng khác nhau, hiệp nhất của hàng linh mục, hiệp nhất với giám mục.. Và không dễ tìm được sự hiệp nhất ấy: mỗi người kéo theo chiều hướng ích lợi của mình, không phải bao giờ cũng thế, nhưng có xu hướng ấy, đó là chuyện thường tình của con người. Vì thế, Giáo hội hiện đang nghĩ đến việc canh tân văn kiện về các tương quan giữa tu sĩ và giám mục.. Thượng HĐGM thế giới năm 1994 đã yêu cầu cải tổ Văn kiện này, văn kiện ”Mutuae Relationes” (Các quan hệ hỗ tương): đã bao nhiêu năm trôi qua, nhưng vẫn chưa thực hiện. Thật không dễ quan hệ giữa các tu sĩ và giám mục, với giáo phận hoặc với các linh mục triều. Nhưng ta phải làm việc chung.. Giám mục không được dùng các tu sĩ như những người để lấp đầy chỗ trống, nhưng các tu sĩ cũng không được dùng giám mục như thể ngài là chủ của một xí nghiệp cung cấp công việc.”. (SD 17-5-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Tình yêu hôn nhân là công trình tuyệt diệu của xã hội

Tình yêu hôn nhân là công trình tuyệt diệu của xã hội

Tuyệt tác công trình sáng tạo của Thiên Chúa là con người. Sự kiện người nam và người nữ yêu thương nhau trong hôn nhân khiến cho gia đình là tuyệt tác của xã hội. Kitô hữu không lập gia đình cho chính mình, nhưng khi lấy nhau trong Chúa, họ được biến đổi thành dấu chỉ hữu hiệu tình yêu của Thiên Chúa và sinh lợi cho toàn cộng đoàn, cho toàn xã hội.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 50,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua. Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói sau khi duyệt xét hai văn bản sách Sáng Thế liên quan tới chương trình ban đầu của Thiên Chúa đối với cặp vợ chồng giờ đây chúng ta trực tiếp hướng tới Chúa Giêsu. Ở phần đầu Phúc Âm của người thánh sử Gioan kể lại câu chuyện đám cưới làng Cana, trong đó có sự hiện diện của Đức Trinh Nữ Maria, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đầu tiên của Người (x. Ga 2,1-11). ĐTC giải thích sự hiện diện của Chúa Giêsu trong tiệc cưới tại làng Cana như sau:

Chúa Giêsu không chỉ tham dự đám cưới đó, nhưng “cứu vãn buổi lễ” với phép lạ hóa nước thành rượu. Như thế, một trong các dấu lạ đầu tiên, qua đó Chúa Giêsu vén mở vinh quang của mình, Người đã làm trong bối cảnh của một hôn nhân, và đó đã là một cử chỉ thiện cảm lớn đối với gia đình đang nảy sinh, nhờ sự can thiệp sốt sắng ân cần hiền mẫu của Mẹ Maria. Và điều này khiến chúng ta nhớ tới sách Sáng Thế, khi Thiên  Chúa kết thúc công trình sáng tạo và làm ra tuyệt tác của Người, tuyệt tác người nam và người nữ. Và chính ở đây Chúa Giêsu bắt đầu các phép lạ của Người với tuyệt tác này, trong một hôn nhân, trong một lễ cưới: một người nam và một người nữ. Như thế Chúa Giêsu dậy cho chúng ta biết rằng tuyệt tác của xã hội là gia đình: người nam và người nữ yêu thương nhau. Đó là tuyệt tác!

Từ thời đám cưới tại làng Cana, biết bao nhiêu điều đã thay đổi, nhưng “dấu chỉ” ấy của Chúa Kitô chứa đựng một sứ điệp luôn luôn có giá trị. Ngày nay khó mà nói tới hôn nhân như là một ngày lễ, được canh tân trong thời gian trong các mùa khác nhau của toàn cuộc sống của các đôi vợ chồng. Có một sự kiện đó là càng ngày người ta càng ít lấy nhau. Đây là một sự kiện: người trẻ không muốn lấy nhau. Trong nhiều quốc gia trái lại,  số ly thân gia tăng trong khi số sinh giảm sút. Sự khó khăn sống với nhau như là vợ chồng, như là gia đình đưa tới chỗ bẻ gẫy các mối dây ngày càng thường xuyên và mau chóng hơn, và chính con cái là những người đầu tiên phải gánh chịu các hậu quả của nó. Chúng ta hãy nghĩ rằng các nạn nhân đầu tiên, các nạn nhân quan trọng nhất, các nạn nhân đau khổ nhất trong một cuộc ly thân là con cái.

Nếu ngay từ khi còn bé người ta sống kinh nghiệm hôn nhân là một mối dây “ràng buộc một thời gian” xác định, thì trong tiềm thức nó sẽ là như thế đối với bạn. Thật thế, nhiều người trẻ bị dẫn đưa tới chỗ khước từ chính dự án của một mối dây cột buộc không thể hủy bỏ và một gia đình lâu bền. Tôi tin rằng chúng  ta phải suy tư nghiêm chỉnh về lý do tại sao biết bao nhiêu người trẻ không cảm thấy phải lấy nhau. Có một nền văn hóa tạm bợ… tất cả là tạm thời, xem ra không có cái gì là vĩnh viễn cả.

Người trẻ không muốn lấy nhau: đây là một trong các lo âu nổi bật ngày nay: tại sao người trẻ không lập gia đình? Tại sao họ thường thích việc sống chung và biết bao lần “có trách nhiệm hạn chế”? Tại sao cả các tín hữu đã được rửa tội,  ít tin tưởng nơi hôn nhân và gia đình? Thật là quan trọng tìm hiểu điều này, nếu chúng ta muốn rằng giới trẻ có thể tìm ra con đường đúng đắn để đi theo. Tại sao họ không tin tưởng nơi gia đình?

Các khó khăn không có tính cách kinh tế, mặc dù chúng nghiêm trọng. Nhiều người cho rằng sự thay đổi xảy ra trong các thập niên qua là do sự thoát ly của nữ giới gây ra. Nhưng lý do này cũng không có giá trị. Đó là một hình thức duy nam giới. Nhưng mà điều này cũng là một bất công. Không, không đúng như vậy! Nó là một hình thức của khuynh hướng duy nam giới, luôn muốn thống trị phụ nữ. Chúng ta xấu mặt như Ađam đã xấu mặt, khi Thiên  Chúa hỏi: “Mà tại sao con lại ăn trái ấy?”, và ông trả lời: “Bà ấy đã đưa cho con”. Và lỗi là của đàn bà. Tội nghiệp đàn bà chưa! Chúng ta phải bệnh vực phụ nữ chứ!

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Thật ra hầu như mọi người nam và người nữ đều muốn có một sự an ninh tình yêu ổn định, một hôn nhân vững chắc và một gia đình hạnh phúc. ĐTC giải thích thêm điểm này như sau:

Gia đình đứng hàng đầu tất cả các dấu chỉ ưa thích của người trẻ, nhưng vì sợ sai lầm, nhiều người cũng không muốn nghĩ tới nó. Tuy là các tín hữu kitô họ không nghĩ tới hôn nhân bí tích, dấu chỉ duy nhất và không lập lại được  của giao ước, trở thành chứng tá đức tin. Có lẽ sự sợ hãi thất bại này là chướng ngại lớn lao nhất đối với việc tiếp nhận lời Chúa Kitô hứa ban ơn thánh của Người cho sự kết hiệp hôn nhân và gia đình.

Chứng tá thuyết phục nhất  của việc làm phép hôn nhân kitô là cuộc sống tốt lành của các cặp vợ chồng kitô và gia đình. Không có cách thức nào tốt hơn để nói lên vẻ đẹp của bí tích. Hôn nhân được Thiên Chúa thánh hiến giữ gìn mối dây ràng buộc đó giữa người nam và người nữ mà Thiên Chúa đã chúc lành ngay từ khi tạo dựng thế giới. Nó là suối nguồn của bình an và thiện ích cho toàn cuộc sống hôn nhân và gia đình. Thí dụ vào các thời gian đầu của Kitô giáo, phẩm giá lớn lao này của mối dây nối kết người nam và người nữ đã đánh bại một lạm dụng hồi đó được coi như bình thường, hay quyền của các người chồng rẫy vợ, kể cả với các lý do viện cớ và hạ nhục nhất. Phúc Âm của gia đình, Phúc Âm loan báo chính bí tích này đã đánh bại nền văn hóa quen rẫy vợ ấy.

Hạt giống kitô của sự bình đẳng giữa chồng vợ ngày nay phải đem lại các hoa trái mới. Chứng tá phẩm giá xã hội của hôn nhân sẽ thuyết phục chính nhờ con đường này, con đường của chứng tá lôi cuốn, con đường của sự tương giao giữa họ, của sự bổ túc giữa họ.

Vì thế, như là kitô hữu chúng ta phải đòi hỏi hơn đối với điều đó. Chẳng hạn như cương quyết nâng đỡ quyền thù lao bình đẳng đối với công việc làm như nhau. Tại sao người ta lại coi là chuyện đương nhiên sự kiện chị em phụ nữ bị trả lương ít hơn nam giới? Không! Phải cùng quyền lợi như nhau. Sự bất bình đẳng là một gương mù gương xấu! Đồng thời phải nhìn nhận chức làm mẹ của nữ giới và chức cha của nam giới, nhất là vì lợi ích của con cái. Cũng thế, nhân đức hiếu khách của các gia đình kitô ngày nay có tầm quan trọng định đoạt, đặc biệt trong các hoàn cảnh nghèo túng, tồi tệ và bạo lực gia đình.

Rồi ĐTC kết thúc bài huấn dụ như sau: Anh chị em thân mến, chúng ta không được sợ hãi mời Chúa Giêsu đến dự lễ cưới. Và chúng ta đừng sợ mời Chúa Giêsu vào nhà chúng ta, để Người ở với chúng ta và giữ gìn gia đình chúng ta. Và hãy mời cả Mẹ Maria Mẹ Người nữa! Khi lấy nhau trong Chúa, các kitô hữu được biến đổi thành một dấu chỉ hữu hiệu tình yêu của Thiên Chúa. Kitô hữu không lập gia đình cho chính mình nhưng lấy nhau trong Chúa và sinh lợi cho toàn cộng đoàn, cho toàn xã hội. Vẻ đẹp này của hôn nhân chúng ta sẽ đề cập đến trong lần tới.

ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ các nước Bắc Mỹ như Hoa Kỳ và Canada, cũng như các đoàn hành hương đến từ các nước Âu châu như Pháp, Anh, Đức, Thụy Sĩ, Áo, Ai Len, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và các nước Bắc Âu như Thụy Điển. Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ các nước Phi châu hay Á châu như Nhật Bản, Indonesia, Malaysia và Philippines, hoặc từ xa hơn như Australia và các nước châu Mỹ Latinh như Argentina, Mêhicô, Costa Rica, Nicaragua, Uruguay, Chile và Brasil.

Chào các nhóm Ba Lan ĐTC khích lệ mọi người cảm tạ Chúa vì chứng tá của biết bao nhiêu cặp vợ chồng tín thác nơi ơn Chúa ở lại trong bí tích hôn phối. Ngài xin mọi người hỗ trợ các cặp đính hôn bằng lời cầu nguyện, lời khuyên nhủ và sự trợ giúp, để họ có can đảm liều lĩnh tạo dựng một sự kết hiệp bất khả phân ly và xây dụng các gia đình hạnh phúc với phước lành của Chúa.

Ngài cũng chào đoàn hành hương Croat gồm tín hữu, các học sinh và giáo viên trường công giáo Sebenico do ĐC Ante Vas, GM sở tại hướng dẫn. Ngài xin họ hãy là các chứng nhân tươi vui của Chúa Giêsu.

Ngài cũng chào các đoàn hành hương Slovenia.

Chào các đoàn hành hương Italia ĐTC nhắc cho mọi người biết hôm qua là lễ kính thánh nữ Catarina thành Siena Tiến Sĩ Hội Thánh, Bổn Mạng Italia và Âu châu. Ngài mời mọi người vỗ tay mừng thánh Bổn Mạng. Ngài xin thánh nữ giúp người trẻ hiểu ý nghĩa cuộc sống cho Thiên  Chúa; và cầu mong đức tin kiên cường của thánh nữ giúp các anh chị em đau yếu biết tín thác nơi Chúa trong những lúc khổ đau; và sức mạnh của thánh nữ đối với các kẻ quyền thế chỉ cho các đôi tân hôn các giá trị thật sự quan trọng trong cuộc sống gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Tòa Thánh kêu gọi Phật Giáo cộng tác chống nạn nô lệ tân thời

Tòa Thánh kêu gọi Phật Giáo cộng tác chống nạn nô lệ tân thời

ROMA. Trong sứ điệp chúc mừng các tín hữu Phật giáo nhân ngày lễ Vesakh, Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn mời gọi tín đồ hai tôn giáo cộng tác để bài trừ nạn nô lệ mới.

Đối với tín đồ Phật giáo nguyên thủy, lễ Vesakh kính nhớ các biến cố quan trọng trong cuộc đời Đức Phật như đản sinh, thành đạo, viên tịch và nhập niết bàn. Năm nay lễ này được cử hành vào ngày 1-6 tới đây. Tại các nước theo Phật giáo Đại Thừa, như Việt Nam, Đại Hàn và Trung Quốc, các biến cố trên đây được mừng vào những ngày khác nhau.

Trong sứ điệp, công bố hôm 20-4-2015, ĐHY Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn và vị Tổng thư ký của Hội đồng là cha Miguel Ángel Ayuso Guixot, nhắc đến sứ điệp của ĐTC Phanxicô nhân Ngày Hòa Bình thế giới đầu năm 2015 này, với chủ đề ”Không còn là nô lệ, nhưng là anh chị em với nhau”, qua đó ĐTC nhận xét rằng mặc dù nạn nô lệ đã bị chính thức bãi bỏ trên toàn thế giới, nhưng vẫn còn ”hàng triệu người – gồm trẻ em, người nam người nữ thuộc mọi lứa tuổi, – bị tước đoạt mất tự do và buộc lòng phải sống trong những điều kiện giống như nô lệ” (n.3).

ĐTC Phanxicô cũng nêu một số ví dụ thời nay: nhiều người nam nữ và trẻ em lao công, người di dân bị nhiều lạm dụng về thể lý, cảm xúc và tính dục, phải chịu những điều kiện làm việc thật ô nhục; có nhiều người, trong đó có các trẻ vị thành viên phải hành nghề mại dâm, làm nô lệ tính dục, nam và nữ; có những người bị những kẻ khủng bố bắt cóc và buộc chiến đấu, không kể những người bị tra tấn, bị cắt chặt cơ phận hoặc bị giết”.

Sứ điệp của Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn nhắc đến giáo huấn của Phật giáo. Trong một phần của Bát chánh đạo, Đức Phật đã tuyên bố rằng việc buôn bán các sinh vật, kể cả những người nô lệ và mại dâm, là một trong những nghề mà các phật tử không được dấn thân vào (AN 5,177). Đức Phật cũng dạy hãy tìm kiếm của cải bằng phương thế ôn hòa, lương thiện và với những phương thế hợp pháp, không cưỡng bách, bạo hành, hoặc lường gạt (Xc AN 4,47; 5,41; 8,54).

Và ĐHY Tauran kết luận rằng ”Trong tư cách là Phật tử và Kitô hữu, ân cần tôn trọng sự sống con người, chúng ta phải cộng tác với nhau để chấm dứt những tệ nạn trên đây. ĐGH Phanxicô mời gọi chúng ta vượt thắng sự dửng dưng và u mê, đảm bảo ”việc cứu giúp các nạn nhân, giúp họ phục hồi về phương diện tâm lý và huấn luyện, cũng như giúp họ tái hội nhập vào xã hội nhập cư hoặc xã hội nguyên quán” (5).

Sau cùng ĐHY cầu mong việc mừng lễ Vesakh có kèm theo cố gắng mang lại hành phúc cho những người kém may mắn hơn chung ta, và là cơ hội để đào sâu cách thức cộng tác giữa các tín hữu Kitô và Phật tử, để không còn những người nô lệ nữa, nhưng là anh chị em với nhau” (SD 20-4-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Biết lắng nghe tiếng nói của nữ giới nhiều hơn trong xã hội và Giáo Hội

Biết lắng nghe tiếng nói của nữ giới nhiều hơn trong xã hội và Giáo Hội

Học biết lắng nghe tiếng nói của nữ giới nhiều hơn và để cho nó ảnh hưởng trên cuộc sống xã hội và giáo hội

Cần phải biết tái khám phá ra thiên tài nữ giới, biết lắng nghe tiếng nói của họ nhiều hơn, thừa nhận uy tín của tiếng nói đó, và để cho nó thực sự có ảnh hưởng trên cuộc sống của xã hội và của Giáo Hội.

 ĐTC Phanxicô đã nói như trên với khoảng 30,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chúng sáng thứ tư hàng tuần hôm qua.

Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói ngài sẽ dành mấy bài giáo lý để trình bầy khiá cạnh chính của đề tài gia đình đó là ơn Thiên Chúa Ban cho nhân loại với việc tạo dựng người nam và người nữ và với bí tích hôn phối. Có hai bài giáo lý nói về sự khác biệt và bổ túc giũa người nam và người nữ, và hai bài giáo lý trình bầy về Hôn Nhân.

Trước hết là một bình luận về trình thuật tạo dựng của sách Sáng Thế. Trong trình thuật này chúng ta đọc thấy rằng sau khi tạo dựng vũ  trụ và mọi sinh vật, Thiên Chúa tạo dựng nên con người giống hình ảnh Ngài là tuyệt đỉnh công trình sáng tạo của Ngài: “giống hình ảnh Ngài, nam nữ Thiên Chúa tạo dựng họ” (St 1,27): người nam và người nữ là hình ảnh và giống Thiên Chúa.

Như chúng ta tất cả đều biết, sự khác biệt phái tính hiện diện trong tất cả mọi hình thức của sự sống, trong chiếc thang dài của các sinh vật. Nhưng chỉ nơi người nam và người nữ nó mang theo trong mình hình ảnh và việc giống Thiên Chúa: văn bản kinh thánh lập lại điều này 3 lần trong trong hai câu 26-27. ĐTC giải thích sự kiện này như sau:

Điều này nói với chúng ta rằng không chỉ con người được xét trong chính nó là hình ảnh của Thiên Chúa, mà cả người nam và người nữ như là cặp đôi cũng là hình ảnh của Thiên Chúa. Sự khác biệt giữa nam nữ không phải là sự đối chọi hay phục tùng, nhưng để hiệp thông và truyền sinh, luôn luôn như hình ảnh và giống Thiên  Chúa.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: kinh nghiệm dậy cho chúng ta biết  điều đó: để hiểu biết một các tốt đẹp và lớn lên một cách hài hòa con người cần có sự hỗ tương giữa nam nữ. Chúng ta được dựng nên để lắng nghe nhau và trợ giúp nhau. Chúng ta có thể nói rằng không có việc làm giầu cho nhau trong tương giao này, trong tư tưởng và trong hành dộng, trong các tâm tình và trong công việc làm cũng như trong đức tin – thì cả hai cũng không thể hiểu thấu đáo là nam nữ có nghĩa là gì.

Nền văn hóa tân tiến hiện đại đã mở ra các khoảng không mới, các tự do mới và các sâu thẳm mới cho việc hiểu biết sự khác biệt phong phú này. Nhưng nó cũng đã đem theo nhiều nghi hoặc. Chẳng hạn, tôi tự hỏi cái gọi là lý thuyết giống lại cũng không phải là một biểu lộ của một sự tước đoạt và chịu trận nhằm xóa bỏ sự khác biệt phái tính, bởi vì nó không còn biết đối diện với chính mình nữa hay sao. Phải, chúng ta có nguy cơ đi thụt lùi một bước. Việc lấy mất đi sự khác biệt phái tính thật ra là vấn đề, chứ không phải là giải pháp. Trái lại, để giải đáp các vấn đề tương quan, người nam và người nữ phải nói chuyện với nhau nhiều hơn, lắng nghe nhau nhiều hơn, hiểu biết nhau nhiều hơn,  và cộng tác với nhau với tình bạn. Với các nền tảng nhân bản đó, được nâng đỡ bởi ơn thánh Chúa, có thể dư phóng sự hiệp nhất hôn nhân và gia đình cho suốt cuộc đời. Mối dây hôn nhân và gia đình là một chuyện nghiêm chỉnh, và nó nghiêm chỉnh đối với tất cả mọi người chứ không chỉ đối với các tín hữu mà thôi. Tôi muốn khuyến khích các nhà trí thức đừng chạy trốn đề tài này, như thể nó đã trở thành phụ thuôc đối với dấn thân cho một xã hội  tự do và công bằng hơn.

Thiên Chúa đã phó thác trái đất cho giao ước của người nam và người nữ: sự thất bại của nó khiến cho thế giới tình yêu thương cằn cỗi đi, và làm cho bầu trời của niềm hy vọng trở thành đen tối. Có các dấu hiệu khiến cho chúng ta âu lo, và chúng ta trông thấy chúng. Trong nhiều điểm tôi muốn chỉ cho thấy hai điều mà tôi tin rằng cần phải dấn thân với nhiều cấp bách hơn. ĐTC nêu lên điểm thứ nhất như sau:

Thật không nghi ngờ rằng chúng ta phải làm nhiều hơn nữa để tạo thuận tiện cho nữ giới, nếu chúng ta muốn tái trao ban sức mạnh lớn hơn cho sự tương giao giữa nam nữ. Thật thế, nữ giới cần phải được lắng nghe nhiều hơn, nhưng tiếng nói của họ cũng phải có sức nặng thực sự hơn, và có một uy tín được thừa nhận nhiều hơn trong xã hội và trong Giáo Hội. Cách thức mà chính Chúa Giêsu đã nhìn nữ giới – nhưng chúng ra nói rằng Phúc Âm là như thế –  trong một bối cảnh ít thuận tiện hơn bối cảnh của chúng ta ngày nay, bởi vì vào thời đó phụ nữ chiếm chỗ hạng hai, và Chúa Giêsu đã coi nữ giới trong một cách thức trao ban một ánh sáng mạnh mẽ chiếu soi con đường dẫn đi rất xa, mà chúng ta mới chỉ đi được một đoạn ngắn.

Chúng ta chưa hiểu trong chiều sâu đâu là những điều mà thiên tài nữ giới có thể trao ban, những điều mà phụ nũ có thể cống hiến cho xã hội và cho cả chúng ta nữa, những điều mà họ biết trông thấy với đôi mắt khác, bổ túc cho các tư tưởng của nam giới. Nó là một con đường cần phải đi với nhiều óc sáng tạo và sự táo bạo hơn.

Một suy tư thứ hai liên quan  tới đề tài người nam và người nữ được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa. Tôi tự hỏi không biết cuộc khủng hoảng của lòng tin tưởng tập thể nơi Thiên Chúa, gây ra biết bao sự dữ, khiến cho chúng ta bị bệnh chịu trận trước thái độ không tin và trơ trẽn, cũng không phải gắn liền với cuộc khủng hoảng của giao ước giữa người nam và người nữ hay sao. Thật ra trình thuật kinh thánh, với bức tranh lớn biểu tượng liên quan tới thiên đàng dưới thế và tội tổ tông, nói với chúng  ta rằng chính sự hiệp thông với Thiên Chúa được phản ánh trong sự hiệp thông của cặp con người nam nữ, và việc đánh mất đi sự tin tưởng nơi Cha trên trời sinh ra chia rẽ và xung khắc giữa người nam và người nữ.

Từ đó phát xuất ra trách nhiệm lớn của Giáo Hội, của tất cả mọi tín hữu và trước hết của các gia đình tín hữu, đó là phải tái khám phá ra vẻ đẹp trong chương trình tạo dựng mà Đấng Tạo Hóa đã in nơi hình ảnh của Thiên Chúa, cả trong giao ước giữa người nam và người nữ nữa. Trái đất tràn đầy sự hài hòa và tin cậy, khi giao ước giữa người nam và người nữ được sống một cách tốt đẹp. Và nếu người nam và người nữ cùng tìm vẻ đẹp đó giữa nhau và với Thiên Chúa, thì chắc chắn họ sẽ tìm thấy nó. Chúa Giêsu khích lệ chúng ta công khai làm chứng cho vẻ đẹp đó, là hình ảnh của Thiên Chúa.

ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ các nước bắc Mỹ và Âu châu. Cũng có các đoàn hành hương đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Indonesia, Nigeria, Mêhicô, Argentina và Ecuador.  ĐTC cầu chúc mọi người có những ngày hành hương bổ ích và ngài xin tín hữu cầu nguyện cho các gia đình.

Với các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC đặc biệt chào các cặp vợ chồng và cùng họ cảm tạ Chúa về sự an bình và niềm vui của các cặp hạnh phúc. Tuy nhiên, cũng có nhiều gia đình và các cặp vợ chồng bị các thử thách của cuộc khủng hoảng và các chia rẽ. Ngài xin mọi người cầu nguyện cho các gia đình ấy.

Ngài cũng đặc biệt chào một nhóm đại chủng sinh giáo phận Grodno bên Bạch Nga, hành hương Roma nhân mừng ngân khánh đại chủng viện.

Trong số các nhóm nói tiếng Ý ĐTC chào các sinh viên đại học Claretianum nhân Năm Đời Thánh Hiến, các nữ tu dòng Thánh Thể nhân mừng kỷ niệm 300 năm thành lập, cũng như các linh mục Lòng Chúa Thương Xót.

Chào các bạn trẻ, hàng trăm người đau yếu ngồi trên xe lăn, và các đôi tân hôn ĐTC khuyến khích mọi người can đảm làm chứng cho Chúa Kitô phục sinh trong gia đình, môi trường sống và làm việc mỗi ngày. Ngài xin mọi người đừng quên rằng Lòng Thương Xót Chúa là ơn đẹp nhất Chúa ban nhân loại.

ĐTC xin Thiên Chúa Cha an ủi các anh chị em đau yếu, và ngài nhắn nhủ các đôi tân hôn biết noi gương lòng thương xót Chúa trong cuộc đời tình yêu hôn nhân.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

TẬP CHỈ NAM VỀ NGHỆ THUẬT GIẢNG THUYẾT

 TẬP CHỈ NAM VỀ NGHỆ THUẬT GIẢNG THUYẾT

Một tập chỉ nam về nghệ thuật giảng lễ đã được Bộ Phụng Tự giới thiệu hôm thứ Ba 10/2/2015, tại văn phòng báo chí của Tòa Thánh. Đây là một tập sách hơn 100 trang nhắc lại bản chất đặc thù của bài giảng trong Phụng vụ và đề nghị những đường hướng để giúp đỡ các nhà giảng thuyết trong sứ mạng rao giảng Lời Chúa.

Nguồn gốc của tập chỉ nam này là ở Thượng hội đồng năm 2008 về Lời Chúa khi các giam mục cho thấy ước muốn của cải thiện các bài giảng. Hai năm sau, trong Tông huấn Verbum Domini, đức Bênêđíctô XVI thấy “cần thiết việc xuất bản một tài liệu giúp  cho các nhà giảng thuyết tìm được một sự trợ giúp quý giá để chuẩn bị cho việc thực thi thừa tác vụ của mình”.

Tập chỉ nam này gồm hai phần. Phần thứ nhất liên quan đến bản chất của bài giảng, chức năng và những đặc điểm của nó. Bài giảng là một hành vi phụng vụ, điều đó phần biệt bài giảng với tất cả các loại giảng thuyết khác. ĐHY Sarah, Tổng trưởng Bộ Phụng Tự nêu rõ: bài giảng phát xuất trực tiếp từ Thánh Kinh và quy chiếu về Lời Chúa được công bố. Dành cho thừa tác viên có chức thánh là giám mục, linh mục hay phó tế, bài giảng phải phản ánh đời sống của người giảng và sống nhờ Lời Chúa.

Phần thứ hai đề cập chi tiết “nghệ thuật giảng thuyết” và đề nghị những dụng cụ để giúp đỡ vị chủ tế trong mùa thường niên hay vào những dịp lễ lớn của Phụng vụ, hay để  cử hành hôn phối hay an táng. Tập chỉ nam này trích dẫn nhiều Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng của đức Phanxicô. Bài giảng “phải vắn gọn và tránh giống với một cuộc hội thảo hay khóa học”. Nó không được tán rộng đến những chủ đề xa lạ với cử hành phụng vụ và cũng không trở thành một bài chú giải Thánh Kinh. Nếu văn kiện này nhìn nhận rằng không cần thiết phải là một nhà hùng biện để trở thành một nhà  giảng thuyết tốt, thì nó nói rõ rằng người giảng thuyết phải tối thiểu làm chủ nghệ thuật nói trước công chúng.

“Điều quan trọng là không gây nhàm chán”, Đức cha Marc Roche, thư ký Bộ Phụng Tự, nhận xét. ĐHY Sarah nói thêm: “Bài giảng 20 phút là nhiều nơi những nước Tây phương nhưng lại ít ỏi ở Châu Phi”.

Tý Linh – XBVN