Mọi nguời đêu có trách nhiệm đối với các trẻ em

Mọi nguời đêu có trách nhiệm đối với các trẻ em

Mỗi một trẻ em bị gạt bỏ ngoài lề xã hội, bị bỏ rơi, phải sống ăn mày trên đường phố và với mọi loại phương thế, không được đi học, không được săn sóc sức khỏe, là một tiếng kêu lên Thiên Chúa và tố cáo hệ thống mà người lớn chúng ta đã xây dựng. Chúng ta  làm gì với các lời tuyên bố long trọng về quyền của con người và quyền của các trẻ em, nếu sau đó chúng ta trừng phạt chúng vì các sai lầm của người lớn?  Đừng đổ trên đầu các trẻ em các lỗi lầm của chúng ta!

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 20,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến sáng thứ tư hàng tuần hôm qua tại quảng trường thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ ĐTC nói: qua loạt bài giáo lý suy tư về gia đình chúng ta đã khẳng định rằng trẻ em là hoa trái đẹp nhất của phước lành Thiên Chúa Tạo Hóa đã ban cho người nam và người nữ. Nhưng hôm nay, rất tiếc, chúng ta phải đề cập đến các “lịch sử cuộc khổ nạn” mà nhiều trẻ em phải sống.

Biết bao nhiêu trẻ em ngay từ đầu đã bị khước từ, bỏ rơi, ăn cắp tuổi thơ và tương lai. Có người, như để tự biện minh, lại còn dám nói rằng cho chúng chào đời đã là một sai lầm. Thật đáng xấu hổ! Chúng ta đừng đổ trên các trẻ em các lỗi lầm của chúng ta! Các trẻ em không bao giờ là “một sai lầm”. Cái đói khát của các em không phải là một sai lầm, cũng như sự nghèo túng, giòn mỏng, bị bỏ rơi của các em không phải là một sai lầm; lại càng không phải là một sai lầm sự ngu dốt hay bất lực của các em. Nếu có, thì đó lại càng là các lý khiến cho chúng ta phải yêu thương các em với nhiều lòng quảng đại hơn. Chúng ta  làm gì với các lời tuyên bố long trọng về quyền của con người và quyền của các trẻ em, nếu sau đó chúng ta trừng phạt chúng vì các sai lầm của người lớn?

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nhấn mạnh trách nhiệm của mọi người, đặc biệt là của các chính quyền và giới lãnh đạo xã hội, như sau:

Những người có nhiệm vụ cai trị, giáo dục, nhưng tôi nói rằng tất cả mọi người lớn chúng ta, đều có trách nhiệm đối với các trẻ em và mỗi người phải làm tất cả nhũng gì có thể để thay đổi tình trạng này. Bởi vì mỗi một trẻ em bị gạt bỏ ngoài lề xã hội, bị bỏ rơi, phải sống ăn mày trên đường phố và với mọi loại phương thế, không được đi học, không được săn sóc sức khỏe, là một tiếng kêu lên Thiên Chúa và tố cáo hệ thống mà người lớn chúng ta đã xây dựng. Và rất tiếc các trẻ em này là mồi của các kẻ tội phạm khai thác bóc lột các em cho các vụ buôn bán và thương mại  bất xứng hay huấn luyện các em cho chiến tranh và bạo lực. Nhưng cả trong các nước giầu cũng có biết bao nhiêu trẻ em phải sống các thảm cảnh ghi đậm dấu vết trên các em một cách nặng nề, vì cuộc khủng hoảng gia đình, vì các trống rỗng giáo dục và các điều kiện sống nhiều khi vô nhân. Trong mọi trường hợp, đó là các tuổi thơ bị xúc phạm trên thân xác và trong tâm hồn. Nhưng không có trẻ em nào bị Thiên Chúa Cha trên Trời quên lãng. Không có giọt lệ nào của các em bị mất đi! Cũng như không có trách nhiệm nào, trách nhiệm xã hội của con người, của từng người trong chúng ta, và của các dân nước bị mất đi. Có một lần Chúa Giêsu đã quở trách các môn đệ, bởi vì các ông đuổi các trẻ em được cha mẹ chúng mang tới cho Ngài, để Ngài chúc lành cho chúng. Trình thuật phúc âm thật cảm động: “Bấy giờ người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ la rầy chúng. Nhưng Đức Giêsu nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng. Người đặt tay trên chúng rồi đi khỏi đó” (Mt 19,13-15). Thật đẹp biết bao sự tin tưởng này của các cha mẹ và câu trả lời của Chúa Giêsu! Tôi ước mong cho trang phúc âm này trở thành chuyện bình thường cho tất cả mọi trẻ em biết chừng nào! Có đúng thật là nhờ ơn Chúa, rất thường khi các trẻ em gặp khó khăn trầm trọng tìm được các cha mẹ phi thường, sẵn sàng với mọi hy sinh  và mọi quảng đại. Nhưng không được để cho các cha mẹ này cô đơn một mình lo cho con cái họ. Chúng ta phải đồng hành với sự mệt nhọc của họ, và cũng cống hiến cho họ những giờ phút tươi vui chia sẻ và quên đi ưu phiền, để họ không chỉ bị bận tâm với nhịp sống chữa trị cho con. Trong mọi trường hợp, khi đó là trẻ em, thì không được nghe thấy các công thức bảo vệ loại hợp pháp bàn giấy như :”dù sso đi nữa, chúng tôi không phải là một tổ chức trợ giúp tài chánh”; hay “trong cuộc sống tư, mỗi người tự do làm điều mình muốn”; hoặc “rất tiếc chúng tôi không thể làm gì được”.

Đề cập đến các hệ lụy mà trẻ em phài hứng chịu trong cuộc sống ĐTC nói:

Rất thường khi các hậu quả của cuộc sống bị soi mòn bởi cảnh công việc làm bấp bênh và đồng lương ít ỏi, bởi các giờ giấc không thể chịu đựng nổi, vì các phương tiện di chuyển không hữu hiệu… cũng rơi trên đầu các trẻ em nữa. Nhưng trẻ em cũng phải trả giá cho các kết hiệp hôn nhân không trưởng thành và các vụ chia lià vô trách nhiệm; chúng cũng chịu các hậu qủa nền văn hóa của các quyền chủ quan thái quá, và rồi chúng trở thành những đứa con sớm phát triển. Thường khi chúng bị thấm nhiễm bạo lực mà chúng không hủy bỏ được và dưới mắt người lớn chúng bị bó buộc phải quen với sự suy đồi ấy.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Cũng như trong quá khứ, cả trong thời đại ngày nay nữa Giáo Hội dùng tình mẫu tử phục vụ trẻ em và gia đình chúng. Giáo Hội đem đến cho các cha mẹ và trẻ em của thế giới chúng ta phưóc lành của Thiên Chúa, sự dịu dàng hiền mẫu, lời quở trách nghiêm nghị và việc lên án cương quyết. Không đuợc đùa giỡn với các trẻ em!

Anh chị em hãy nghĩ xem: sẽ là một xã hội như thế nào, khi một xã hội quyết định, một lần cho luôn mãi, thiết lập nguyên tắc này: Có đúng thật là chúng tôi bất toàn và phạm nhiều lầm lỗi. Nhưng khi đó là việc các trẻ em chào đời, thì không có hy sinh nào của người lớn bị coi là quá mắc mỏ hay quá lớn lao, miễn là tránh cho một trẻ em nghĩ rằng nó là một sai lầm, nó không có giá trị gì và bị bỏ rơi cho các vết thương của cuộc sống và chuyên quyền của người lớn. Thật đẹp biết bao một xã hội như thế! Tôi nói với xã hội đó rằng các lỗi lầm vô số của nó được thứ tha rất nhiều. Thật thế, được thứ tha rất nhiều.

Chúa phán xử cuộc sống chúng ta, khi nghe điều các thiên thần của các trẻ em tường trình với Ngài, các thiên thần “luôn trông thấy mặt Thiên Chúa Cha trên trời” (Mt 18,10). Chúng ta hãy luôn luôn tự hỏi: Các thiên thần của các trẻ em sẽ tường trình nhừng gì về chúng ta với Thiên Chúa?

ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ các nước Bắc Mỹ và Âu châu như Bỉ, Pháp, Thụy Sĩ, Anh, Đức, Áo, Ailen, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Croazia; tử Phi châu như Nigeria; từ Á châu như Nhật Bản, và Thái Lan; từ châu Mỹ Latinh như Argentina, Mexico và Brasil,

Trong số các đoàn hành hương cũng có thân nhân của hai tân phó tế Việt Nam, dòng Tên là thầy Giuse Nguyễn Tuân Phục và Tađêô Nguyễn Văn Yên, đến từ Việt Nam, Hoa Kỳ và Canada. Hai thầy mới được ĐHY James Michael Harvey, Linh Mục trưởng Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô ngoại thành, phong Phó tế cùng với 5 thầy khác và tân Linh Mục Michele Papaluca, tất cả thuộc dòng Tên, trong thánh lễ cử hành tại nhà thờ Chúa Giêsu của dòng ở Roma lúc 4 giờ chiều thứ ba mùng 7 tháng 4.

ĐTC đã đặc biệt chào phái đoàn các bạn trẻ thiện nguyện giáo phận  Dubrovnik  bên Croát, do ĐC Mate Uzini hưóng dẫn. Ngài nói: như Giáo Hội là mẹ an ủi biết bao nhiêu người thiếu thốn cần được trợ giúp, các con cũng hãy xây dựng xã hội nơi các con sinh sống với nhiệt huyết tông đồ và tình huynh đệ. Hãy tìm ra chỗ đứng của các con trong Giáo Hội và trong xã hội, và quảng đại dấn thân trong và ngoài gia đình của các con.

Trong số các nhóm nói tiếng Ý ĐTC đã chào các bạn trẻ tổng giáo phận Milano và giáo phận Cremona, cũng như nhóm Tân Phó Tế dòng Tên và các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế. Ngài khích lệ các vị  làm chứng cho Chúa Giêsu và trung thành với Giáo Hội.

Chào đông đảo các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC cầu mong Tin Mừng Phục Sinh tiếp tục vang vọng trong con tim từng người, như đã vang vọng trong tim của hai môn đệ trên đường về làng Emmaus. Ngài xin Chúa Kitô phục sinh đáp lại các ưóc vọng hạnh phúc của giới trẻ, an ủi nỗi khổ đau của các bệnh nhân, và giúp các đôi tân hôn sống gắn bó với Chúa Kitô và các giáo huấn của Chúa.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐTC mời gọi cộng đồng quốc tế đừng thờ ơ trước tội phạm bách hại Kitô hữu

ĐTC mời gọi cộng đồng quốc tế đừng thờ ơ trước tội phạm bách hại Kitô hữu

VATICAN: ĐTC Phanxicô cầu mong cộng dồng quốc tế đừng bất động trước tội phạm bách hại các kitô hữu không thể chấp nhận được, vì nó vi phạm các quyền sơ đẳng nhất của con người.

ĐTC đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa ngày thứ hai Tuần Bát Nhật Phục Sinh hôm qua với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tụ tập tại công trường Thánh Phêrô.

Ngài đã đặc biệt chào phái đoàn Phong trào Shalom, kết thúc chặng cuối cùng của cuộc đi bộ liên đới nhằm gây ý thức trong dư luận công cộng liên quan tới các vụ bách hại kitô hữu trên thế giới. ĐTC nói: lộ trình trên các nẻo đường của anh chị em đã kết thúc, nhưng nó phải tiếp tục con đường thiêng liêng cầu nguyện sâu xa, tham dự cụ thể và trợ giúp tỏ tường từ phía tất cả mọi người trong việc bảo vệ và che chở các anh chị em trong đức tin, bị bách hại, đầy ải và giết chết chỉ vì họ là kitô hữu.

Trong bài huấn dụ ngắn trước đó ĐTC đã nhắc lại biến cố các phụ nữ đến mộ trông thấy một thiên thần báo tin Chúa đã sống lại. Trong khi các bà chạy về báo tin cho các môn đệ thì gặp chính Chúa Giêsu dặn các bà nói với các môn đệ rằng hãy về Galilêa và các ông sẽ trông thấy Ngài tại đó. Galilêa là “vùng ngoại biên” nơi Chúa Giêsu đã bắt đầu rao giàng và Tin Mừng Phục Sinh sẽ tái khởi hành từ đó để được loan báo cho mọi người, và mỗi người có thể gặp Ngài, Đấng đã phục sinh, hiện diện và hoạt động trong lịch sử.

“Chúa Kitô đã sống lại” đó là lời loan báo Giáo Hội lập lại ngay từ ngày đầu tiên. Nơi Ngài, trong bí tích Rửa Tội, cả chúng ta nữa cũng sống lại, từ cái chết bước vào sự sống, từ nô lệ tội lỗi bước vào sự tự do của tình yêu thương, Đó là tin vui mà chúng ta đuợc mời gọi đem đến cho tha nhân trong mọi môi trường, dưới sự linh hoạt của Chúa Thánh Thần. Niềm tin nơi sự phục sinh của Chúa Giêsu và niềm hy vọng mà Ngài đã đem đến là ơn đẹp nhất mà kitô hữu có thể và phải cống hiến cho các anh chị em khác. Như thế chúng ta không mệt mỏi lập lại với tất cả và với từng người: “Chúa Kitô đã sống lại!” Chúng ta hãy lập lại điều đó bằng lời nói, nhưng nhất là bằng chứng tá của cuộc sống chúng ta. Tin vui Phục Sinh phải lộ ra trên gương mặt, trong các tâm tình, thái độ sống và đối xử với người khác của chúng ta.  Chúng ta loan báo sự sống lại của Chúa Kitô, khi ánh sáng của Ngài chiếu soi những lúc đen tối nhất của cuộc đời và có thể chia sẻ với người khác; khi chúng ta biết cười với người cười khóc với người khóc; khi chúng ta bước đi bên cạnh người buồn sầu và có nguy cơ đánh mất niềm hy vọng; khi chúng ta kể lại kinh nghiệm đức tin của mình cho ai đang tìm kiếm ý nghĩa và hạnh phúc cuộc đời. Tuần Bát Nhật Phục Sinh giúp chúng ta bước vào mầu nhiệm để ơn thánh được in sâu vào con tim và cuộc sống chúng ta. Phục Sinh là biến cố đem lại sự mới mẻ triệt để cho mọi người, cho lịch sử và cho thế giới: nó là chiến thắng của sự sống trên cái chết; nó là lễ của sự thức tỉnh và tái sinh. Chúng ta hãy để cho sự Phục Sinh  chinh phục và biến đổi cuộc sống chúng ta.

Chúng ta hãy xin Đức Mẹ Trinh Nữ, chứng nhân thinh lặng của cái chết và sự sống lại của Con Mẹ, gia tăng niềm vui phục sinh nơi chúng ta. Chúng ta làm điều đó khi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng thay thế cho Kinh Truyền Tin trong mùa phục sinh. Trong kinh này được ngắt nhịp bằng tiếng Alleluia, chúng ta hướng tới Mẹ bằng cách mời Mẹ hãy vui lên, bởi vì Đấng Mẹ đã cưu mang trong lòng đã sống lại như lời đã hứa, và chúng ta tín thác nơi sự bầu cử của Mẹ.

ĐTC đã chúc mọi người Tuần Bát Nhật tươi vui an bình. Ngài nhắn nhủ mọi người mỗi ngày hãy đọc một đoạn Phúc Âm nói về sự Sống Lại để sống sâu đậm và mạnh mẽ mùa Phục Sinh (SD 6-4-2015)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

NHÌN VỚI CẶP MẮT TRONG SẠCH

NHÌN VỚI CẶP MẮT TRONG SẠCH

Con người ở đời thường khởi sự bằng cái có: có địa vị, có quyền thế, có bằng cấp, có tiền của, có sức mạnh, có tài năng … mới làm nên chuyện.Thiên Chúa lại thường khởi sự bằng cái không.Khi sáng tạo vũ trụ,Thiên Chúa khởi sự từ cái hoang vu trống rỗng không không : “Lúc khởi đầu Thiên Chúa sáng tạo trời đất, đất còn trống rỗng chưa có hình dạng, tối tăm bao trùm vực thẳm và Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên nước” (St 1,1-2). Thiên Chúa vẫn thích khởi đi từ cái không không để tạo dựng và tái tạo. 

Cái hoang vu trống rỗng của “ngày thứ nhất” trong công trình sáng tạo trời đất sẽ lại xuất hiện trong một “ngày thứ nhất” khác : Ngày Chúa Giêsu Kitô sống lại từ cõi chết. Đó là cái trống rỗng của Ngôi Mộ Trống mà Mađalêna đã chứng kiến và đau buồn thốt lên “Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi rồi”, Phêrô ngạc nhiên trong hoài nghi, Gioan “đã thấy và đã tin”.

Tất cả được khởi đầu bởi một sự kiện lạ lùng. Các phụ nữ ra mồ và thấy tảng đá lăn ra khỏi mộ. Tin tức hối hả đưa về khiến các môn đệ hốt hoảng. Phêrô và Gioan vội vã đi kiểm chứng sự việc. Cả hai cùng chạy ra mồ. Tốc độ khác nhau vì khả năng thể lý khác nhau. Phêrô đi vào trong mộ trước và thấy các băng vải và khăn liệm gấp lại để riêng ra mộtgóc. Người môn đệ Chúa yêu thương đến mộ trước nhưng lại vào sau. Gioan đi vào bên trong và thấy những băng vải liệm được xếp gọn gàng. Phêrô và Gioan không thấy xác Chúa trong ngôi mộ mở toang.

Có lẽ lúc này Philatô còn đang ngủ. Các Thượng tế, Kinh sư, Kỳ mục cũng thế. Họ ngủ thật say. Sung sướng vì đã dẹp yên được một chướng ngại từng làm họ ghen tức, mất ăn mất ngủ. Mọi sự đã được giải quyết đúng như sự sắp đặt khéo léo của họ. Cái tên Giêsu rồi sẽ bị quên lãng, chẳng còn ai nhắc tới. Tảng đá to đã niêm phong cửa mộ. Giêsu Nazarath đã đi vào lòng đất lạnh. Họ hả hê vui sướng. Tử thần đắc ý vỗ tay reo vui. Xác Ðức Giêsu nằm trong mộ huyệt tối tăm, như hạt lúa mục nát trong lòng đất.

Đối với những người vẫn thương mến Chúa Giêsu thì kể như đã hết. Không còn gì ngoài những kỷ niệm xót xa chua chát. Một thực tế phủ phàng trĩu nặng nổi âu lo sợ hải. Niềm hy vọng lớn lao xưa đã bị chôn vùi cùng với Giêsu Nazareth. Sáng nay, mấy chị em phụ nữ ra mộ thì cũng chỉ có mục đích là ướp lại cái xác không hồn chưa kịp thối rửa. Họ đi tìm một cái xác, một kẻ chết, nhưng họ đã đối diện với Ngôi Mộ Trống. Mađalêna đau khổ thốt lên “người ta đã đánh cắp xác Chúa tôi rồi”. Các Thiên Thần hiện ra cắt nghĩa Chúa đã sống lại. Không biết các bà đã tin hay chưa, họ vội chạy về báo tin cho các Tông Đồ.

Phản ứng của Phêrô là thinh lặng. Ông đang phân vân. Nếu có kẻ lấy trộm xác Thầy thì tại sao kẻ gian lại mất công xếp đặt khăn liệm và các dây vải cách thứ tự và gọn gàng như thế ? Ông vẫn còn bàng hoàng về những lỗi lầm chối Thầy với niềm ăn năn thống hối. Ông chưa hiểu sống lại nghĩa là gì.

Còn Gioan thì “đã thấy và đã tin”. Gioan thấy gì ? Thấy các dấu chỉ lạ lùng của Ngôi Mộ Trống. Khăn liệm và các thứ dây được xếp gọn gàng. Chính bởi Gioan đã chứng kiến dấu lạ Chúa Giêsu cho Lazarô sống lại. Khi Lazarô được Chúa cho sống lại, ông ngồi dậy, nhưng thân mình còn quấn chặt các thứ khăn liệm. Còn ở đây, mọi thứ được xếp gọn gàng. Gioan nhớ lại lời Chúa Giêsu: Ngài phải chịu nhiều đau khổ trước khi bước vào vinh quang. Nhờ ghi nhớ Lời Chúa mà đức tin đã đến với Gioan sớm hơn Phêrô.

Trước mọi phản ứng đó, Đức Kitô Phục Sinh đã biểu lộ một sự chiến thắng âm thầm. Không rình rang giữa tiếng kèn trống. Không cờ quạt giăng giăng khắp lối. Không tung hô reo hò của toàn dân.

Đức Kitô đã chiến thắng tử thần.Thân thể bằng xương bằng thịt của Người hôm nay đã được “Thần Khí Hoá”. Từ đây, Người sống hoàn toàn bởi Thần Khí, vì chỉ “Thần Khí mới làm cho sống còn xác thịt thì có ích gì” (Ga 6,36). Các phép lạ về sự sống lại như con trai bà góa thành Naim (Lc 7,11-17), như con gái ông Giaia (Lc 8,40-56), như Lazarô (Ga 11,1-45) là hồi sinh trở về đời sống cũ. Sự Phục Sinh của Đức Kitô là sống lại từ cõi chết. Người hoàn toàn chiến thắng sự chết. Người trở nên nguồn mạch sự sống và là sự sống lại cho nhân loại "Ta là sự sống lại và là sự sống" (Ga 11,24)

Đức Kitô đã sống lại thật trong vinh quang. Người không mặc lấy một thân xác khác. Thân xác Phục Sinh của Người vẫn chính là thân xác trước đây chịu khổ hình, chết trên thập giá. Nay thân xác đó được biến đổi. Thân xác tâm linh không hư nát. Sự Phục Sinh của Đức Kitô không chỉ là phục hồi sự sống như trước mà còn chuyển qua thể thức hiện hữu mới.Thân xác của Người được Thần Khí Hoá không bị vật chất cản trở. Đấng Phục Sinh đã nhiều lần hiện ra với các Tông Đồ, cũng cố đức tin, chuẩn bị tâm hồn cho các Tông đồ đón nhận Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, các Tông đồ trở nên chứng nhân rao truyền sự chết và sống lại của Con Thiên Chúa.

Ngày nay nếu muốn làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh, chúng ta cũng cần khởi đi từ Ngôi Mộ Trống như các Tông Đồ ngày xưa. Nói theo ngôn ngữ tu đức là trở về đời sống thanh bạch. Đó là đời sống trong sạch, ngay lành và có tinh thần nghèo khó.

Thế giới hôm nay không thiếu những dấu chỉ của Đấng Phục Sinh. Nhưng không ai nhận thấy được Người vì họ thiếu tâm hồn ngay thẳng trong sạch. Sứ điệp Giới trẻ năm 2015, ĐGH Phanxicô chọn câu Tin Mừng: “Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8). Đại hội Giới trẻ TGP Sài Gòn đã chọn chủ đề “Sống Sạch”. Giới trẻ sống sạch trong Tình Bạn, sạch trong Tình Chúa, sạch trong Thân xác, sạch trong Tâm hồn. ĐGH Phanxicô kêu mời mỗi người trẻ học cách phân định điều gì có thể “làm vẩn đục” tâm hồn của mình và học cách làm cho lương tâm của mình công chính nhạy bén để có thể “nhận định ý Chúa, biết được điều gì tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2). Từ đó người trẻ thêm lòng yêu mến Chúa và dấn thân phục vụ. Thánh Gioan “Người môn đệ Đức Giêsu thương mến“ đi đến niềm tin nhờ lòng yêu mến nồng nàn. Đức Giêsu yêu mến Gioan, và Gioan cũng rất yêu mến Thầy. Gioan vẫn gắn bó với Thầy khi Thầy chẳng còn là gì trong cuộc khổ nạn.Chính kinh nghiệm tình yêu đối với Đức Giêsu đã làm cho Gioan tin nhận Đấng Phục Sinh khi nhìn thấy các dấu chỉ; và cũng chính kinh nghiệm này đã làm cho thánh nhân nhận ra “Hài Nhi bọc tả nằm trong máng cỏ“ là Ngôi Lời trở thành xác phàm (Ga 1,14).

Gioan đã đi vào Ngôi Mộ Trống. Gioan nhìn với cặp mắt trong sạch nên đã thấy và đã tin. Gioan không thấy Chúa, nhưng thấy dấu chỉ của Phục Sinh. Dầu vậy Gioan vẫn tin. Chúng ta không thấy Chúa mà vẫn tin vì “Phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga 20,29). Phần chúng ta không thấy Chúa nhưng thấy Ngôi Mộ Trống là cái thế giới bao la đầy dấu chỉ sự hiện diện của Người. Chúng ta có thể thấy Chúa bằng tâm hồn khiêm nhu, bằng việc thực thi đức ái, sống phục vụ quên mình. Chúng ta có thể gặp Chúa qua nội tâm thanh thản bình an. Đó là những dấu chỉ Đấng Phục Sinh ban tặng.

Không có Phục Sinh, đức tin chúng ta chỉ là hảo huyền. Cuộc sống chúng ta có ý nghĩa gì nếu không có gì sau hết, nếu tất cả chỉ dừng lại ở đời này ?

Nhìn lại đời sống mình, chúng ta sẽ nhận thấy vô vàn sự Phục sinh. Rất nhiều những cuộc vượt qua nho nhỏ trong đời sống hướng tới Phục Sinh. Khi một tình bạn, một tình yêu bị tan vở, chúng ta biết hàn gắn lại bằng yêu thương thì đó không phải là sự phục sinh sao ? Khi ta có kinh nghiệm về sự tha thứ, dẹp tan lòng thù hận, loại trừ sự oán ghét, đó là cuộc vượt qua phi thường …

Như mùa xuân sau đông tàn, Phục Sinh mãi mãi vọt lên trong đời sống chúng ta những chồi lộc ân sủng, những sức sống tươi trẻ. Tin vào Đấng Phục Sinh là thắp lên ánh sáng mới, là đón nhận tình yêu mới cho mùa xuân tâm hồn.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Thánh Lễ, buổi đọc sứ điệp Phục Sinh và ban Phép lành Urbi et Orbi

Thánh Lễ, buổi đọc sứ điệp Phục Sinh và ban Phép lành Urbi et Orbi

Lúc 10 giờ 15 sáng Chúa Nhật Phục Sinh hôm qua ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trước thềm Đền Thờ Thánh Phêrô, rồi đọc sứ điệp Phục Sinh từ bao lơn chính giữa Đền Thờ và ban phép lành toàn xá “Urbi et Orbi” cho thành Roma và toàn thế giới.

Mặc dù trời mưa lớn đã có mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự thánh lễ.

Bao lơn, ngai của ĐGH, bàn thờ và thềm đền thờ được trang hoàng với 10,000 hoa Tulip mẩu đỏ, hồng, vàng và cam. Năm nay có thêm loại Tulip đỏ Rococo và Pappagallo, cũng như Tulip kép, hoa hồng Matchpoint và Foxtrot mầu kem. Bên cạnh đó có 7,000 cây Thủy tiên  mầu trắng và vàng, đặc biệt là loại Thủy tiên Westward. Ngoài ra còn có các vườn hoa nhỏ với các hoa huệ dạ hương mầu hồng, trắng và xanh, cũng như huệ xạ nhỏ cùng 400 cây thạch thảo, 200 cây hoa cúc, cùng hàng chục loại hoa khác, trong đó có hoa lan trắng và hàng trăm bình hoa tiả. Thềm đền thờ được trang hoàng bằng 8,000 bình hoa thủy tiên. Trong khi bao lơn được trang hoàng với loại Dendrobio nhiều mầu, trong đó có 600 hoa lan gốc Đông Nam Á. Xe vận tại chở hoa đã khởi hành từ Hoà Lan ngày thứ ba Tuần Thánh và đã đến Vaticăng ngày thứ năm Tuần Thánh. Các chuyên viên và nhân viên Vaticăng đã bắt đầu trang hoàng bao lơn và thềm Đền Thờ Thánh Phêrô chiều thứ bẩy và sáng sớm Chúa Nhật.

Truyền thống tặng hoa cho Đức Giáo Hoàng đã nảy sinh từ năm 1985, khi chuyên viên trồng hoa là ông Nic van der Voort được mời sang Roma để trang hoàng hoa nhân dịp lễ phong Chân phước cho cha Titus Brandsma người Hoà Lan. Từ đó mấy anh em ông và các nhà trồng hoa Hoà Lan quyết định tặng và trang hoàng hoa cho Đức Giáo Hoàng vào mỗi dịp lễ Phục Sinh.

Các bài sách Thánh đã được đọc bằng các thứ tiếng Tây Ban Nha và Anh. Thánh vịnh được hát bằng tiếng Ý và Phúc Âm được hát bằng tiếng Latinh và tiếng Hy lạp.

Lời nguyện giáo dân đã được đọc bằng các thứ tiếng A rập cầu cho ĐTC và các chủ chăn trong Giáo Hội; tiếng Pháp cầu cho các nhà làm luật và hàng lãnh đạo thế giới; tiếng Nga cầu cho các dân tộc bị thử thách vì chiến tranh và chia rẽ; tiếng Đức cầu cho những người bị áp bức bởi hận thù, tội lỗi và nghèo túng; tiếng Hoa cầu cho các tín hữu mới được rửa tội. ĐTC đã cho một số tín hữu rước lễ, trong khi hàng chục linh mục phân phát Mình Thánh Chúa cho tín hữu. Thánh lễ đã kết thúc với bài thánh ca Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hãy vui mừng Alleluia. Lúc sau 11 giờ trời tạnh mưa, và đã có thêm hàng chục ngàn tín hữu tuôn đến quảng trường thánh Phêrô. Sau khi thay lễ phục ĐTC đã đi xe díp ra chào tín hữu và du khách hành hương lúc này đã lên tới hơn 70,000 tại quảng trường thánh Phêrô và quảng trường Pio XII. Cảnh reo hò réo gọi ĐTC từ mọi phía lại tái diễn như trong các buổi tiếp kiến chung và các dịp lễ lớn. Lần này xe díp của ĐTC đã ra ngoài ranh giới Vatican để ngài chào tín hữu tụ tập tại quảng trường Pio XII.

Lúc 12 giờ trưa ĐTC đã xuất hiện trên bao lơn chính giữa Đền Thờ Thánh Phêrô để đọc sứ điệp Phục Sinh và ban Phép Lành Toàn Xá “Urbi et Orbi” cho thành Roma và toàn thế giới.

Đại diện các binh chủng Italia và đội Cận Vệ Thụy Sĩ đã dàn hàng chào danh dự trước thềm Đền Thờ. Ban quân nhạc đã cử Quốc thiều Vaticăng và Quốc thiều Italia. Mở đầu sứ điệp ĐTC nói:

Anh chị em thân mến. Xin chúc mừng lễ Phục Sinh anh chị em. Chúa Giêsu Kitô đã sống lại! Tình yêu đã chiến thắng hận thù, sự sống đã chiến thắng cái chết, ánh sáng đã xua tan bóng tối! Chúa Giêsu Kitô, vì yêu thương chúng ta, đã lột bỏ vinh quang thiên linh của Ngài; đã dốc đổ chính mình, đã mặc lấy hình hài nô lệ và hạ mình cho đến chết và chết trên thập giá. Ví thế Thiên Chúa đã nâng cao Ngài và đặt làm Chúa của vũ trụ. Đức Giêsu là Chúa!

Với cái chết và sự phục sinh của Ngài Chúa Giêsu đã chỉ cho tất cả chúng ta con đường của sự sống và hạnh phúc: con đường này là sự khiêm nhường bao gồm sự nhục nhã. Đó là con đường dẫn tới vinh quang.  Chỉ những ai hạ mình xuống mới có thể đi đến với “các sự trên cao”, đi đến với Thiên Chúa (x. Cl 3,1-4). Kẻ kiêu căng nhìn “từ trên cao xuống dưới”, người khiêm nhường nhìn “từ dưới lên cao”.

Vào sáng ngày Phục Sinh, khi được các phụ nữ báo tin, Phêrô và Gioan đã chạy ra mộ và tìm thấy mộ mở và trống. Khi đó họ tới gần và “cúi mình” để vào trong mộ. Để bước vào trong mầu nhiệm cần phải “cúi mình”, hạ thấp mình xuống. Chỉ có ai tự hạ mình mới hiểu sự tôn vinh của Chúa Giêsu và có thể theo Người trên con đường của Người.

Thế gian đề nghị áp đặt bằng mọi cách, thi đua, khoe khoang… Nhưng các kitô hữu, nhờ ơn thánh của Chúa Kitô chết và phục sinh, là các mầm mống của một nhân loại khác, trong đó họ tìm sống phục vụ nhau, không kiêu căng ngạo nghễ, nhưng sẵn sàng và biết tôn trọng nhau.

Đây không phải là sự yếu đuối, nhưng là sức mạnh! Ai đem theo trong chính mình sức mạnh của Thiên Chúa, tình yêu và công lý của Ngài, thì không cần dùng bạo lực, nhưng nói và hành động với sức mạnh của chân lý, vẻ đẹp và tình yêu.

ĐTC khích lệ mọi người như sau:

Chúng ta hãy nài xin Chúa Phục Sinh ơn thánh không nhượng bộ kiêu căng dưỡng nuôi bạo lực và chiến tranh, nhưng có lòng can đảm khiêm tốn của sự thứ tha và hòa bình. Chúng ta hãy xin Chúa Giêsu chiến thắng xoa dịu các khổ đau của biết bao nhiêu anh chị em bị bách hại vì Danh Ngài, cũng như của tất cả những người khổ đau một cách bất công vì  hậu quả của biết bao nhiêu xung khắc và bạo lực đang xảy ra. Họ đông lắm!

Tiếp đến ĐTC đã kêu gọi hòa bình cho mọi quốc gia đang có chiến tranh bạo lực, chia rẽ, bất công. Ngài nói:

Trước hết chúng ta xin hoà bình cho đất nước Siria thân yêu và Iraq, để tiếng súng ngưng và để cho sự chung sống tốt lành giữa các nhóm làm thành các quốc gia thân yêu này được tái lập. Xin cộng đồng quốc tế đừng bất động trước thảm cảnh nhân đạo mênh mông bên trong các quốc gia này, và thảm cảnh của biết bao người di cư tỵ nạn.

Chúng ta nài xin hoà bình cho tất cả mọi người dân sống tại Thánh Địa. Ước chi nền văn hóa gặp gỡ có thể gia tăng giữa người Israel và người Palestin, và tiến trình hòa bình tái lập để chấm dứt bao nhiêu năm khổ đau và chia rẽ.

Chúng ta xin hòa bình cho Libia để việc đổ máu vô lý và mọi bạo lực man rợ chấm dứt, và tất cả những người lưu tâm tới số phận của quốc gia hoạt động hầu tạo thuận tiện cho sự hòa giải và để xây dựng một xã hội huynh đệ biết tôn trọng nhân phẩm. Chúng ta cũng cầu mong cho ý chí chung tái tạo hòa bình chiến thắng tại Yemen vì công ích cho toàn dân.

Đồng thời với niềm hy vọng chúng ta cũng phó thác cho Chúa xót thương thỏa hiệp đã đạt được  trong những ngày này tại Lausanne, để nó là một bước tiến hướng tới một thế giới an ninh và huynh đệ hơn.

Chúng ta cũng nài xin từ Chúa Phục Sinh ơn hòa bình cho Nigeria, Nam Sudan, và nhiều miền khác nhau của Sudan và Cộng Hoà Dân chủ Congo. Một lời cầu liên lỉ cũng được dâng lên từ tất cả những người thiện chí cho những ai đã thiệt mạng – tôi nghĩ tới các người trẻ bị giết ngày thứ năm tuần vừa qua trong đại học Garissa bên Kenya – cho biết bao nhiêu người  đã bị bắt cóc, cho những người đã phải bỏ nhà cửa và các người thân thương của mình.

Ước chi sự Phục Sinh của Chúa đem lại ánh sáng cho đất nước Ucraina thân yêu, nhất là cho những ai đã phải chịu các bạo lực của cuộc xung đột trong các tháng qua. Ước chi quốc gia này tìm lại được hòa bình và niềm hy vọng nhờ sự dấn thân của mọi phe liên hệ

Nhắc tới các nạn nhân của mọi hình thức nô lệ ĐTC nói

Chúng ta xin hòa bình và tự do cho tất cả những người nam nữ, đối tượng của các hình thức nô lệ cũ mới từ phía các người và các tổ chức tội phạm. Hòa bình và tự do cho các nạn nhân của những kẻ buôn bán ma túy,  biết bao lần liên minh với các quyền lực đáng lý ra phải bênh vực hòa bình và hòa hợp trong gia đình nhân loại. Và chúng ta xin hòa bình cho thế giới nằm dưới ách của những kẻ buôn bán khí giới, tay nhuốm máu của biết bao nạn nhân.

Cho nhũng người bị gạt bỏ ngoài lề; cho các tù nhân; cho người nghèo và người di cư biết bao lần bị khước từ, đối xử tàn tệ và bị gạt bỏ; cho những người đau yếu; cho các trẻ em, đặc biệt cho các trẻ em bị bạo hành; cho những người hôm nay đang gặp tang chế; cho tất cả những người nam nữ thiện chí ước chi tiếng nói ủi an của Chúa Giêsu “Bình an cho các con” tới với họ (Lc 24,36) “Đùng sợ, Thầy đã sống lại và sẽ luôn mãi ở cùng các con” (Sách Lễ Roma, Ca nhập lễ Phục Sinh ban ngày).

Tiếp đến ĐHY trưởng đẳng phó tế đã công bố ĐTC sẽ ban phép lành toàn xá cho mọi người với các điều kiện theo thông lệ là xưng tội rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng. Ngài xin tín hữu cầu nguyện cho ĐTC khang an trường thọ. ĐTC đã đọc công thức ban phép lành toàn xá:

Xin các thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô là những vị mà chúng tôi dựa vào quyền bính và uy thế, cầu khẩn cho chúng ta trước Thiên Chúa. Amen.

Nhờ lời chuyển cầu và công nghiệp của Đức Trinh Nữ Maria, của Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, của thánh Gioan Baotixita, của các Thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô cùng toàn thể các Thánh, xin Thiên Chúa toàn năng thương xót anh chị em, và xin Chúa Kitô tha tội cho anh chị em cùng dẫn đưa anh chị em về cõi trường sinh. Amen.

Xin Thiên Chúa toàn năng lân tuất ban ân xá, tha thứ tất cả tội lỗi của anh chị em, cho anh chị em được hưởng thời gian để làm việc đền tội thành tâm và có công hiệu, một tấm lòng thống hối và hoán cải đời sống, được ơn thánh và sự ủi an của Chúa Thánh Thần, cũng như được sự kiên trì làm việc thiện cho đến cùng. Amen. Và tiếp theo là phép lành của Đức Thánh Cha. Kính mời quý vị thành tâm lãnh phép lành toàn xá của vị cha chung.

Sau phép lành ĐTC đã chúc mừng lễ Phục Sinh tín hữu hiện diện tại quảng trường đến từ nhiều nước, cũng như tất cả những ai theo dõi buổi đọc sứ điệp phục sinh và phép lành toàn xá cho thành Roma và toàn thế giới trên các phương tiện truyền thông. Ngài nói: xin anh chị em hãy đem về nhà và cho những người thân yêu lời loan báo tươi vui Chúa của sự sống đã phục sinh đem theo Người tình yêu, công lý, sự tôn trọng và ơn tha thứ.

Xin cám ơn anh chị em vì sự hiện diện, lời cầu nguyện và đức tin hăng say của anh chị em. Tôi xin đặc biệt biết ơn về món quà hoa tặng năm nay cũng đến từ Hoà Lan. Xin chúc tất cả anh chị em ngày lễ Phục Sinh tốt lành.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐTC chủ sự các lễ nghi Vọng Phục Sinh trong Đền Thờ Thánh Phêrô

ĐTC chủ sự các lễ nghi Vọng Phục Sinh trong Đền Thờ Thánh Phêrô

VATICAN: Lúc 8 giờ rưỡi tối hôm qua (4-4) ĐTC Phanxicô đã chủ sự lễ nghi vọng phục sinh trong Đền Thờ Thánh Phêrô.

Cùng đồng tế thánh lễ với ĐTC có 40 Hồng Y và Giám Mục và hàng trăm linh mục trước sự hiện diện của khoảng 10,000 tín hữu và du khách hành hương. ĐTC đã làm phép lửa mới trong hành lang tiền đền thờ. Trong thánh lễ ngài đã ban bí tích Rửa Tội cho 10 tân tòng gồm 4 người Ý, 3 người Albania, 1 người Bồ Đào Nha, 1 người Kenya và một bé gái Campuchia 13 tuổi.

Giảng trong thánh lễ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa thánh lễ Vọng Phục Sinh và nói: Chúa không ngủ, nhưng tỉnh thức và với quyền năng tình yêu thương, Ngài đã làm cho dân Do thái vượt qua Biển Đỏ và khiến cho Đức Giêsu phục sinh từ vực thẳm của cái chết và thế giới bên dưới. Đêm nay là đêm canh thức đối với các nam nữ môn đệ của Chúa Giêsu. Đêm của đớn đau và sợ hãi. Các người nam  đóng kín trong nhà tiệc ly,  nhưng trái lại các phụ nữ, vào sáng sớm sau ngày sabát, đã đi ra mộ để xức dầu thơm cho xác Đức Giêsu. Con tim họ đầy xúc động và họ tự hỏi: “Chúng ta làm sao vào mộ được? Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi mộ cho chúng ta?” Nhưng này đây dấu chỉ thứ nhất của Biến Cố: hòn đã to đã được dời đi và mộ mở!

“Vào mộ họ trông thấy một thanh niên, ngồi bên phải, mặc áo trắng…” Mc 16,5) Các phụ nữ là những người đầu tiên trông thấy dấu chỉ lớn lao này: đó là ngôi mộ trống, và họ đã là những người đầu tiên bước vào trong.

“Bước vào trong mộ”. Thật tốt cho chúng ta trong đêm canh thức này, dừng lại suy tư về kinh nghiệm của các nữ môn đệ Chúa Giêsu, là kinh nghiệm cũng gọi hỏi chúng ta. Thật vậy, chính vì thế mà chúng ta ở đây để bước vào trong Mầu Nhiệm, mà Thiên Chúa đã hoàn thành với sự canh thức tình yêu của  Ngài. Không thể sống lễ Phục Sinh mà không bước vào trong mầu nhiệm. Đây không phải là một sự kiện trí thức, không phải chỉ là biết, đọc hiểu… Nó còn hơn thế nữa, hơn thế rất nhiều!

Tiếp tục bài giảng ĐTC nói: “Bước vào mầu nhiệm” có nghĩa là có khả năng kinh ngạc, chiêm ngưỡng; có khả năng lắng nghe sự thinh lặng và cảm thấy tiếng thì thầm cùa một sợi dây thinh lặng vang lên, qua đó Thiên Chúa nói với chúng ta (x. 1 V 19,12). Bước vào trong mầu nhiệm đòi hỏi chúng ta không sợ hãi trước thực tại, không khép kín trong chính mình, không trốn chạy trước điều chúng ta không hiểu, không nhắm mắt trước các vấn đề, không khước từ chúng, không loại bỏ các câu hỏi…

Bước vào trong mầu nhiệm có nghĩa là đi xa hơn các an ninh thoải mái, vượt qúa sự lười biếng và thờ ơ kìm hãm chúng ta, đi kiếm tìm sự thật, vẻ đẹp và tình yêu, tìm ra một ý nghĩa không thấy trước, một câu trả lời không tầm thường cho các vấn nạn khiến cho đức tin, lòng trung thành và lý trí của chúng ta gặp khủng hoảng. Nhưng để bước vào trong mầu nhiệm cần có sự khiêm nhường, khiêm tốn hạ mình, xuống khỏi bệ cao của cái tôi biết bao kiêu căng của chúng ta, khiêm tốn tự lượng định trở lại chính mình, bằng cách nhận biết chúng ta thực sự là ai: là các thụ tạo với các điều tốt lành và các thiếu sót, là những người tội lỗi cần ơn tha thứ. Để có thể bước vào trong mậu nhiệm cần có sự hạ thấp này là sự bất lực, là sự dốc đổ các “thần giá”… là thờ lậy. Không thờ lậy, không thể bước vào trong mầu nhiệm.

Tất cả những điều này các nữ môn đệ Chúa Giêsu dã dậy cho chúng ta. Họ canh thức đêm hôm đó cùng với Mẹ Maria. Và Mẹ là Trinh Nữ – Mẹ đã giúp họ không đánh mất đi niềm tin và niềm hy vọng. Như thế họ đã không là tù nhân của sự sợ hãi và khổ đau, nhưng mới tờ mờ sáng đã đi ra, tay đem theo thuốc thơm và với con tim được xức dầu tình yêu. Họ đi ra và tìm thấy mộ đã mở. Và họ đã vào. Họ canh thức, đi ra và bước vào trong Mầu Nhiệm. Chúng ta cũng hãy học nơi họ canh thức với Thiên Chúa và với Mẹ Maria, Mẹ chúng ta, để bước vào trong Mầu Nhiệm khiến cho chúng ta từ cái chết bước vào sự sống (SD 4-4-2015)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐTC chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hí trường Colosseo ở Roma

ĐTC chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hí trường Colosseo ở Roma

ĐTC chủ sự bưởi đi đàng Thánh Giá tại hí trường Colosseo Roma

ROMA: Lúc qúa 9 giờ tối Thứ Sáu Tuần Thánh ĐTC Phanxicô đã chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá tại Hí trường Colosseo ở Roma, với sự tham dự của hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương.

Kết thúc buổi đi đàng Thánh Giá,  ĐTC đã đọc lời nguyện sau đây: “Lạy Chúa Kitô chịu đóng đinh và chiến thắng, con đường thập giá là tổng hợp cuộc sống của Chúa, là hình ảnh sự tuân phục ý muốn của Thiên Chúa Cha, là việc hiện thực tình yêu vô biên của Chúa đối với người tội lỗi, là bằng chứng cho sứ mệnh của Chúa và việc vĩnh viễn thành toàn sự mạc khải và lịch sử cứu độ.

Sức nặng của thánh giá Chúa giải thoát chúng con khỏi tất cả mọi gánh nặng. Trong sự vâng phục ý muốn của Thiên Chúa Cha, chúng con nhận ra sự nổi loạn và bất phục tùng của chúng con. Nơi Chúa là Đấng đã bị bán, bị phản bội và bị đóng đinh bởi con người và những kẻ thân thương của Chúa, chúng con trông thấy các phản bội hằng ngày và các bất trung thông thường của chúng con. Trong sự vô tội của Chúa, Chiên Con vô tì tích, chúng con trông thấy tội lỗi của chúng con. Nơi gương mặt bị tạt vả, khạc nhổ và biến dạng của Chúa chúng con trông thấy sự tàn bạo của tội lỗi chúng con. Trong sự tàn ác của Cuộc Khổ Nạn Chúa chúng con trông thấy cái tàn ác của con tim và các hành động của chúng con. Trong cảm nhận bị bỏ rơi của Chúa chúng con trông thấy tất cả những người bị bỏ rơi bởi gia đình, xã hội, sự chú ý và tình liên đới. Trong thân thể bị hiến tế, bị bầm dập xé nát của Chúa chúng con trông thấy thân xác của các anh em chúng con bị bỏ rơi dọc đường, bị biến dạng bởi sự sơ sót và thờ ơ của chúng con. Trong cái khát của Ngài lạy Chúa, chúng con trông thấy cái khát của Chúa Cha từ bi, là Đấng qua Chúa đã muôn ôm vào lòng, tha thứ và cứu vớt toàn nhân loại. Nơi Ngài, lậy Tình Yêu của Thiên Chúa, hôm nay chúng con còn trông thấy các anh em bị bách hại, bị chặt đầu và bị đóng đinh vì tin nơi Chúa, trước mắt chúng con và thường khi với sự thinh lặng đồng lõa của chúng con.

Lạy Chúa, xin in vào trái tim chúng con các tâm tình đức tin, đức cậy và đức mến, các tâm tình khổ đau vì tội lỗi, và đưa chúng con tới chỗ sám hối các tội lỗi chúng con đã đóng đinh Chúa. Xin đưa chúng con từ chỗ hoán cải  bằng lời nói tới sự hoán cải bằng cuộc sống và các việc làm. Xin đưa chúng con tới chỗ giữ gìn trong chúng con một kỷ niệm sống động về gương mặt biến dạng của Chúa để không bao giờ quên giá khổng lồ Chúa đã trả để giải thoát chúng con. Ôi lậy Chúa Giêsu chịu đóng đinh, xin củng cố đức tin trong chúng con để nó đừng sụp đổ trước các cám dỗ. Xin làm sống dậy nơi chúng con niềm hy vọng để nó đừng đi theo các quyến rũ của thế gian. Xin gìn giữ nơi chúng con tình bác ái để nó đừng bị lừa dối bởi gian tham hối lộ và tinh thần thế tục. Xin dạy chúng con biết rằng Thập Giá là con đường dẫn đến sự Phục Sinh. Xin dậy chúng con biết rằng Thứ Sáu Tuần Thánh  là con đường dẫn đến sự Phục Sinh của ánh sáng. Xin dạy chúng con biết rằng Thiên Chúa không bao giờ quên bất cứ ai trong các con cái Ngài, và không bao giờ mệt mỏi tha thứ và ôm chúng con vào vòng tay với lòng thương xót vô biên, nhưng cũng xin dậy chúng con biết không bao giờ mệt mỏi xin ơn tha thứ và tin tưởng nơi lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa Cha.

Lạy Linh Hồn Chúa Kitô, xin thánh hóa chúng con. Lạy Thân Xác Chúa Kitô, xin cứu độ chúng con. Lạy Máu Chúa Kitô xin làm cho chúng con say sưa. Lạy Nước chảy ra từ cạnh sườn Chúa Kitô, xin tẩy rửa chúng con.

Lạy cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô, xin củng cố chúng con. Ôi, lạy Chúa Giêsu nhân lành, xin nhận lời chúng con. Trong dấu chúng con trong các vết thương Chúa. Xin đừng để chúng con xa rời Chúa. Xin bảo vệ chúng con khỏi thù địch. Trong giờ chết xin Chúa gọi chúng con. Và xin Chúa ra lệnh cho chúng con đến với Chúa, để chúng con chúc tụng Chúa cùng với các Thánh của Chúa đến muôn muôn đời. Amen.

Sau khi ban phép lành tòa thánh cho mọi người ĐTC nói: Bây giờ chúng ta về nhà với kỷ niệm về Chúa Giêsu, cuộc Khổ Nạn và tình yêu của Ngài. Và cả với niềm hy vọng sự Phục Sinh vinh quang của Ngài nữa (SD 4-42015)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐTC chủ sự lễ nghi phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh trong Đền Thờ Thánh Phêrô

ĐTC chủ sự lễ nghi phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh trong Đền Thờ Thánh Phêrô

VATICAN: Lúc 5 giờ chiều Thứ Sáu Tuần Thánh hôm qua ĐTC đã chủ sự các lễ nghi tưởng niệm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu với nghi thức tôn thờ Thánh Giá Chúa.

Giảng trong buổi cử hành phụng vụ, vị thuyết giảng của Toà Thánh,  cha Raniero Cantalamessa nêu bật hình ảnh của Chúa Giêsu bị đánh đòn, đầu đội mão gai, mình đầy máu và thương tích, một người hoàn toàn bất lực, nguyên mẫu của tất cả mọi nạn nhân của bất công trong lịch sử loài người. Chúa Giêsu hấp hối cho tới tận thế nơi mọi người nam nữ bị tra tấn hành hạ và giết chết. Lời Chúa nói “Các ngươi đã làm cho Ta” không chỉ ám chỉ nhũng người tin nơi Ngài, mà ám chỉ mọi người đói khát, trần truồng, bị ngược đãi, bị nhốt tù. Ở đây chúng ta không nghĩ tới các tệ nạn xã hội tập thể: dói khát, nghèo túng, bất công, khai thác bóc lột người yêu đuối,  có nguy cơ trở thành các phạm trù trừu tượng, chứ không phải con người. Nhưng chúng ta nghĩ tới các nỗi khổ đau của những con người riêng rẽ, có tên tuổi và căn cước, tới các tra tấn được quyết định một cách lạnh lùng và cố ý áp dụng ngay trong lúc này đây cho các con người, kể cả các trẻ em. Có biết bao nhiêu “Này là người” trên thế giới này. Có biết bao tù nhân phải ở trong cùng các điều kiện của Chúa Giêsu trong sân dinh quan Philatô: cô đơn, bị còng tay, bị tra tấn, nạn nhân trong tay của các tên lính cộc cằn thô lỗ, đầy thù hận, buông mình theo mọi loại tàn ác thể lý và tâm lý, vui đùa khi thấy người khác khổ đau. Tiếng kêu “Này là người” không chỉ được áp dụng cho các nạn nhân, nhưng cho cả các lý hình nữa. Nó muốn nói rằng con người có khả năng làm các điều đó. Với sự sợ hãi và run rẩy chúng ta cũng nói: đấy, loài người chúng ta có khả năng làm các điều đó!

Các kitô hữu không phải là các nạn nhân duy nhất của bào lực giết người trên thế giới này, nhưng không thể không biết rằng trong nhiều quốc gia họ là các nạn nhân được chỉ định và ngày càng thường xuyên hơn. Giám Mục Dionigi thành Alessandria đã làm chứng lễ Vượt Qua kitô hữu cử hành dưới thời hoàng đế Decio bắt đạo  như sau: “Họ lưu đầy chúng tôi, và cô đơn giữa mọi người chúng tôi bị bắt bớ và giết chết. Nhưng cả khi đó nữa chúng tôi cũng đã cử hành lễ Phục Sinh. Mỗi nơi chúng tôi đau khổ trở thành một nơi để cử hành lễ; cho dù có là một cánh đồng, một sa mạc, một con tầu, một quán trọ, một nhà tù. Các vị tử đạo toàn thiện cử hành các lễ Phục Sinh, vì được nhận vào lễ hội thiên quốc”. Cũng sẽ như thế đối với nhiều kitô hữu lễ Phục Sinh năm 2015 này!

Tiếp tục bài giảng cha Cantalamessa nói: có người can đảm tố cáo sự thờ ơ gây lo ngại của các cơ cấu quốc tế và của dư luận trước những điều này, bằng cách nhắc nhở rằng trong quá khứ một sự thờ ơ như vậy đã đưa tới đâu. Các cơ cấu và con người của thế giới tây phương có nguy cơ trở thành các Philatô rửa tay phủi bỏ trách nhiệm của mình. Nhưng trong lúc này chúng ta không dược phép tố cáo. Bởi nếu không, chúng ta sẽ phản bội mầu nhiệm chúng ta đang cử hành, Khi chết Chúa Giêsu đã kêu lên “Lậy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Thay vì tố cáo các kẻ thù nghịch hay tha thứ cho họ, Chúa Giêsu tín thác cho Thiên Chúa Cha việc báo oán và Ngài bênh vực họ. Gương Ngài đề nghị với các môn đệ là một lòng quảng đại vô biên. Tha thứ với cùng sự cao cả của tâm hồn không chỉ bao gồm một thái độ tiêu cực khước từ muốn sự dữ cho kẻ làm sự dữ, nhưng phải được diễn tả ra bằng một ý muốn làm điều lành cho họ, cầu nguyện cho họ.

Chúa Giêsu đã chiến thắng baọ lực không phải bằng cách chống lại với một bạo lực lớn hơn, nhưng bằng cách chịu đựng nó và lột trần tất cả sự bất công và vô ích của nó… Vấn đề bạo lực bao vây chúng ta, gây gương mù gương xấu cho chúng ta, vì ngày nay nó sáng chế ra các hình thức tàn ác kinh hoàng và mọi rợ mới. Kitô hữu chúng ta phản ứng kinh khiếp trước ý tưởng người ta có thể giết người nhân danh Thiên Chúa. Nhưng tư tưởng của Thiên Chúa là “Chớ giết người”… Diễn văn trên núi đã thay đổi thế giới là diễn văn được công bố giờ đây, một cách lặng lẽ, từ thập giá. Trên núi Sọ Chúa Giêsu đã nói lên tiếng “Không” vĩnh viễn với bạo lực, chống lại nó không chỉ đơn sơ với việc không bạo lực, nhưng còn hơn thế nhiều với sự tha thứ, dịu hiền và tình yêu thương. Các vị tử đạo đích thật của Chúa Kitô không chết với nắm đấm, nhưng với đôi tay chắp vào nhau.

Ôi lậy Chúa, chúng con cầu xin Chúa cho các anh em đức tin của chúng con bị bách hại và cho tất cả các “Này là người” trong lúc này đây trên mặt đất này, các kitô hữu và không kitô hữu. Lậy Mẹ Maria, dưới thập giá Mẹ đã hiệp nhất với Con và thầm thì theo Ngài:  “Lậy Cha, xin tha cho họ”: xin giúp chúng con chiến thắng sự dữ bằng sự thiện, không chỉ trên quang cảnh lớn của thế giới này, nhưng cả trong cuộc sống thường ngày, trong bốn bức tường của gia đình chúng con nữa” (SD 3-4-2015)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

 

Chúa Giêsu luôn yêu thương từng người trong chúng ta cho đến cùng

Chúa Giêsu luôn yêu thương từng người trong chúng ta cho đến cùng

Pope cleaned and kiss kid feet

ROMA: Chúa Giêsu luôn yêu thương từng người trong chúng ta với tên tuổi, vô tận, cho đến cùng, và Ngài dâng hiến mạng sống cho chúng ta.

ĐTC Phanxicô đã khẳng định như trên trong bài giảng thánh lễ Tiệc Chiều của Chúa cử hành trong nguyện đường nhà tù Rebibbia ở Roma chiều Thứ Năm Tuần Thánh mùng 2 tháng 4. Ngài nói: Trong Phúc Âm chúng ta vừa nghe công bố có một câu diễn tả nòng cốt điều Chúa Giêsu dã làm cho chúng ta tất cả: “Người đã yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng”. Chúa Giêsu đã và đang yêu thương chúng ta, vô cùng, luôn luôn và cho tới cùng. Tình yêu của Chúa Giêsu đối với chúng ta không có hạn, luôn luôn và ngày càng nhiều hơn. Ngài yêu thương không mệt mỏi. Ngài yêu thương tất cả chúng ta đến trao ban sự sống cho chúng ta; phải, trao ban sự sống cho chúng ta tất cả, trao ban sự sống cho từng người trong chúng ta, và mỗi người có thể nói: Ngài đã trao ban sự sống cho tôi. Mỗi người, cho anh, cho chị, cho bạn, cho tôi, cho từng người với đầy đủ tên gọi. Tình yêu của Ngài là như thế: bản vị riêng rẽ. Tình yêu của Chúa Giêsu không bao giờ gây thất vọng, bởi vì Ngài yêu thương không mệt mỏi, cũng như Ngài không mệt mỏi tha thứ, không mệt mỏi ôm chúng ta vào lòng… Đó là điều đầu tiên tôi muốn nói với anh chị em. Chúa Giêsu yêu thương chúng ta, yêu thương từng người, cho đến cùng. Rồi Ngài đã làm điều này mà các môn đệ đã không hiểu: đó là rửa chân cho các ông. Vào thời đó đây là thói quen, vì khi tới nhà nào chân người ta bẩn vì bụi đường. Hồi đó chưa có đường lót đá. Đó là bụi đường và khi vào nhà thì người ta rửa chân. Nhưng điều này chủ nhà không làm, nhưng là các nô lệ. Đó là công việc của các nô lệ. Và Chúa Giêsu rửa chân cho chúng ta, cho các môn đệ, như nô lệ. Chúa Giêsu yêu thương chúng ta biết bao đến trở thành nô lệ để phục vụ chúng ta, chữa lành và rửa sạch chúng ta. Và hôm nay trong Thánh Lễ này, Giáo Hội muốn rằng linh muc rửa chân cho 12 người để tưởng niệm Mười Hai Tông Đồ. Nhưng trong tim chúng ta phải xác tín rằng khi Chúa rửa chân cho chúng ta, Ngài rửa chúng ta toàn vẹn, Ngài thanh tẩy chúng ta, Ngài làm cho chúng ta cảm nhận một lần nữa tình yêu thương của Ngài. Trong Thánh Kinh, sách ngôn sứ Isaia  có một câu rất hay đẹp nói: “Một người mẹ có thể quên con mình sao? Nhưng nếu một bà mẹ có quên con mình đi nữa, thì Ta sẽ không bao giờ quên ngươi”. Tình yêu của Thiên  Chúa đối với chúng ta là như thế. Hôm nay tôi sẽ rửa chân cho mười hai người trong anh chị em, nhưng qua họ tôi rửa chân cho tất cả anh chị em, tất cả những người sống tại đây. Anh chị em đại diện cho họ. Nhưng tôi cũng cần được Chúa rửa cho. Vì thế trong Thánh Lễ này xin anh chị em cầu nguyện để Chúa cũng thanh tẩy tôi khỏi các nhơ nhớp của tôi, để tôi trở thành nô lệ của anh chị em hơn, nô lệ hơn trong việc phục vụ con người như Chúa Giêsu đã là.

ĐTC đã rửa chân cho 6 nam tù nhân và 6 nữ tù nhân. Có một nữ tù nhân bế con nhỏ, ĐTC cũng rửa chân cho em và hôn chân em. Nhiều tù nhân đã cảm động không cầm được nước mắt.

Sau thánh lễ nhiều tù nhân túa ra ôm hôn ĐTC. Trước khi tạm biệt họ ĐTC đã cám ơn sự tiếp đón nông hậu của họ, và xin họ cầu nguyện nhiều cho ngài. Tiếp đến ngài mời họ cùng đọc Kinh Lậy Cha và ban phép lành cho họ.

Buổi trưa Thứ Năm Tuần Thánh sau Thánh Lễ làm phép Dầu, ĐTC đã dùng bữa với 10 linh mục giáo phận Roma. Đây là lần thứ ba ĐTC ăn trưa với 9 cha sở và một linh mục bề trên một cộng đoàn tu sĩ. Bữa ăn đã kéo dài một giờ rưỡi tại nhà ĐTGM Angelo Becciu, Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh (SD 2-4-2015).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Những mệt mỏi của đời linh mục

Những mệt mỏi của đời linh mục

VATICAN: Các linh mục phải biết học hỏi sống mệt mỏi một cách lành mạnh và thánh thiện, trong tâm tình tín thác nơi Thiên Chúa Cha và Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành tối cao.

ĐTC Phanxicô đã đưa ra lời mời gọi trên đây trong bài giảng thánh lễ làm phép Dầu cử hành lúc 9. 30 sáng Thứ Năm Tuần Thánh hôm qua trong đền thờ thánh Phêrô. Quảng diễn ý nghĩa các bài đọc ngài nói: Sự kiện Thiên Chúa xức dầu thánh hiến chúng ta là các linh mục, bạn hữu của Chúa Giêsu, Con của Ngài, để chúng ta cũng xức dầu cho dân Chúa dẫn đưa chúng ta tới sự mệt mỏi. Chúng ta sống bổn phận đó trong mọi hình thức: từ cái mệt mỏi bình thường của công tác tông đồ hằng ngày cho tới sự mệt mỏi của tật bệnh và cái chết, bao gồm cả việc bị tiêu hao trong sự tử đạo. Sự mệt mỏi đó của đời linh mục giống như hương trầm lặng lẽ bay lên Trời. Sự mệt mỏi của đời linh mục chúng ta bay thẳng tới con tim của Thiên Chúa Cha. Tuy nhiên, cũng xảy ra là sức nặng của công việc mục vụ khiến cho chúng ta bị cám dỗ nghỉ ngơi trong bất cứ cách nào. Sự mệt mỏi của chúng ta quý báu trước mắt Chúa Giêsu là Đấng tiếp đón và nâng chúng ta dậy: “Các con hãy đến cùng Thầy khi mệt mỏi và bị áp bức và Thầy sẽ bổ sức cho” (x, Mt 11,28). Khi mệt mỏi mà biết có thể quỳ thờ lậy và nói “Lạy Chúa, đủ rồi” và đầu hàng trước Thiên Chúa Cha, thì chúng ta không ngã gục, nhưng được canh tân và biến đổi. Một trong những chià khóa sự phong phú của đời linh mục là biết nghỉ ngơi khi mệt mỏi.

Tiếp tục bài giảng ĐTC đưa ra mấy câu hỏi giúp các linh mục xét mình: Tôi có biết nghỉ ngơi bằng cách tiếp nhận tình yêu, sự nhưng không và tất cả sự trìu mến mà dân Thiên Chúa ban tặng cho tôi không? Hay sau công việc mục vụ tôi tìm các nghỉ ngơi tinh vi hơn, không phải kiểu nghỉ ngơi của người nghèo, mà các kiểu nghỉ ngơi do xã hội tiêu thụ cống hiến? Chúa Thánh Thần có phải là “sự nghỉ ngơi trong lao nhọc” đối với tôi không, hay chỉ là Đấng khiến tôi làm việc? Tôi có biết xin sự trợ giúp của một linh mục khôn ngoan không? Tôi có biết nghỉ ngơi khỏi chính mình, khỏi việc tự đòi hỏi chính mình, khỏi việc lấy mình làm điểm tham chiếu không?

Nhiệm vụ của linh mục là đem Tin Mừng cho người nghèo khó, loan báo sự giải thoát cho người lao tù, việc chữa lành cho người mù, trả tự do cho người bị áp bức, và công bố năm hồng ân của Chúa. Tất cả các công việc bề ngoài cũng như các công việc đào tạo tín hữu không phải là dễ dàng. Chúng đòi hỏi sự cảm thương, vui với ngưòi vui, khóc với người khóc… vị linh mục là người bị xé nát thành hàng ngàn mảnh nhỏ, bị ngưởi ta ăn. Nhưng các lời “Hãy cầm lấy mà ăn, hãy cầm lấy mà uống” là những lời mà linh mục của Chúa Giêsu luôn thì thầm, khi săn sóc dân Chúa. Như thế đời linh mục của chúng ta đuợc cho đi trong phục vụ, trong việc gần gũi với dân Chúa khiến chúng ta mệt mỏi.

Tiếp đến ĐTC đề cập đến các mệt nhọc khác nhau trong đời linh mục. Có sự mệt nhọc tốt và lành mạnh, tràn đầy hoa trái và niềm vui, vì nó phát xuất từ công việc mục vụ, từ các sinh hoạt đa diện lo lắng cho dân Chúa. Nó là một ơn thánh nằm trong tầm tay của mọi linh mục. Đó là sự mệt nhọc của vị mục tử có mùi của chiên. Là bạn của Chúa Giêsu Phu Quân,  linh mục không thể có gương mặt chua như giấm, than van, hay tệ hại hơn chán ngán. Có sự mệt nhọc của các thù địch. Ma quỷ và những kẻ theo nó không ngủ, và vì tai chúng không chịu đựng được Lời Chúa nên chúng làm việc không mệt mỏi để dập tắt Lời Chúa và gây lẫn lộn. Ở đây sự mệt mỏi cam go hơn, vì linh mục phải bảo vệ đoàn chiên và tự bảo vệ khỏi sự dữ. Cần xin ơn để tập trung lập hóa sự dữ, không nhổ cỏ lùng, không yêu sách bảo vệ như siêu nhân điều Chúa phải bảo vệ. Tất cả những điều này giúp không xuôi tay trước sự gian ác và chế nhạo của những người gian ác. 

Cũng có sự mệt mỏi với chính mình, là sự mệt mỏi nguy hiểm nhất. Hai sự mệt mỏi trước phát xuất từ việc ra khỏi chính mình để xức dầu và săn sóc dân Chúa. Trái lại sự mệt mỏi này có tính cách tự quy chiếu nhiều hơn: nó là sự thất vọng với chính mình, nó trao ban “ước muốn và không ước muốn”, nó liều chơi tất cả, nhưng lại tiếc nuối củ hành củ tỏi bên Ai Cập. Nó khiến cho chúng ta bỏ tình yêu ban đầu với Chúa. Sự kiện Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ cũng cho thấy Ngài thanh tẩy việc theo Ngài của các linh mục: rửa sạch bụi bặm nhơ nhớp của thế gian bám vào chúng ta trên con đường theo Chúa.

Lúc 17 giờ rưõi chiều hôm qua ĐTC đã chủ sự thánh lễ Tiệc Chiều trong nhà nguyện của nhà tù Rebibbia ở Roma và rửa chân cho 12 tù nhân nam nữ. (SD 2-4-2015)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Noi gương Chúa Giêsu hiến dâng mạng sống cho Thiên Chúa và tha nhân

Noi gương Chúa Giêsu hiến dâng mạng sống cho Thiên Chúa và tha nhân

Nếu chúng ta lên rước lễ mà không thực sự sẵn sàng rửa chân cho nhau, thì chúng ta không nhận biết Thân Mình của Chúa Kitô.

 ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 20,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hàng tuần hôm qua tại quảng trường thánh Phêrô. Vì chúng ta đang ở trong Tuần Thánh nên ĐTC đã trình bầy về ý nghĩa Tam Nhật Thánh. Ngài nói:

Ngày  Thứ Năm Tuần Thánh. Vào ban chiều với Thánh Lễ “Tiệc Chiều của Chúa” sẽ bắt đầu Tam Nhật Thánh cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, tột đỉnh toàn năm phụng vụ của cuộc sống kitô.

Tam Nhật bắt đầu với việc tưởng niệm Bữa Tiệc cuối cùng. Trong ngày vọng của cuộc khổ nạn Chúa Giêsu hiến dâng cho Thiên Chúa Cha mình và máu của Ngài dưói hình bánh và rượu, làm của dưõng nuôi các Tông Đồ, và truyền cho các vị lưu truyền việc hiến dâng ấy để tưởng niệm Ngài. Khi nhắc lại việc rửa chân, Phúc Âm của lễ này  diễn tả cùng một ý nghĩa của Thánh Thể dưới một viễn tượng khác. Như một người đầy tớ, Chúa Giêsu rửa chân cho ông Simon Phêrô và mười một môn đệ khác (x. Ga 13,4-5). Với cử chỉ ngôn sứ đó Ngài diễn tả ý nghĩa cuộc sống và cuôc khổ nạn của ngài như việc phục vụ Thiên Chúa và các anh em: “Thật ra Con Người không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ” (Mc 10,f45). Điều này cũng xảy ra trong bí tích Rửa Tội, khi ơn thánh Chúa đã rửa chúng ta sạch khỏi tội lỗi và chúng ta được mặc lấy Chúa Kitô (x. Cl 3,10). Điều này cũng xảy ra mỗi khi chúng ta tưởng niệm Chúa trong bí tích Thánh Thể: chúng ta hiệp thông với Chúa Kitô Người Tôi Tớ để vâng lệnh Ngài, lệnh yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta (x. Ga 13,34; 15,12). Nếu chúng ta lên rước lễ mà không thực sự sẵn sàng rửa chân cho nhau, thì chúng ta không nhận biết Thân Mình của Chúa Kitô. Đó là việc phục vụ của Chúa Kitô, Đấng  đã tự hiến mình một cách toàn hảo.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Trong phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh chúng ta suy niệm mầu nhiệm cái chết của Chúa Kitô và thờ lậy Thánh Giá. Trong những lúc cuối cùng của cuộc sống, trước khi phó thần hồn cho Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu nói: “Đã hoàn tất” (Ga 19,30). Lời này có nghĩa gì? Nó có nghĩa là công trình cứu chuộc đã hoàn tất, rằng Toàn Thánh Kinh đã tìm thấy sự thành toàn trong tình yêu của Chúa Kitô, Chiên Con bị sát tế. Với hiến tế của mình Chúa Giêsu đã biến đổi sự gian ác lớn lao nhất trong tình yêu vĩ đại của Ngài.

Dọc dài các thế kỷ, với chứng tá của mình có những người nam nữ phản ánh một tia sáng của tình yêu toàn thiện, tràn đầy và không nhiễm uế. Tôi thích nhớ tới một chứng nhân anh hùng của thời đại chúng ta ngày nay đó là cha Andrea Santoro, linh mục thuộc giáo phận Roma và là thừa sai bên Thổ Nhĩ Kỳ. Vài ngày trước khi bị ám sát tại Trebisonda bên Thổ Nhĩ Kỳ, cha đã viết: “Tôi ở đây để sống giữa dân này và để cho phép Chúa Giêsu làm điều đó bằng cách cho Ngài mượn thịt xác tôi… Ta chỉ có khả năng cứu rỗi, khi hiến dâng chính thịt xác mình. Phải mang lấy sự dữ của thế giới và chia sẻ sự khổ đau, bằng cách làm cho nó thấm nhập xác thịt mình cho tới tận cùng như Chúa Giêsu đã làm” (A. Polselli, Don Andrea Santoro, le eredità, Città Nuova, Roma 2008, tr. 31). Ước chi thí dụ này và biết bao thí dụ khác nâng đỡ chúng ta trong việc hiến dâng mạng sống mình như món quà của tình yêu tặng cho các anh em khác, noi gương Chúa Giêsu. Và cả ngày nay nữa cũng có biết bao nhiêu người nam nữ, các vị tử đạo thật hiến dâng mạng sống họ với Chúa Giêsu để tuyên xưng đức tin, chỉ vì lý do đó. Đó là một việc phục vụ, phục vụ của chứng tá kitô cho tới đổ máu, việc phục vụ mà Chúa Kitô đã làm cho chúng ta: Ngài đã cứu chúng ta cho tới cùng. Và đó là ý nghĩa của từ “Đã hoàn tất”. Thật đẹp biết bao nếu tất cả chúng ta vào cuối cuộc đời mình với các sai lầm, các tội lỗi và cả các việc lành, với tình yêu của chúng ta đối với tha nhân, chúng ta có thể nói với Thiên Chúa Cha như Chúa Giêsu: “Đã hoàn tất”, không phải với sự toàn vẹn như Người, nhưng nói: “Lậy Chúa, con đã làm tất cả những gì con có thể làm. Đã hoàn tất”. Khi thờ lậy Thập Giá, khi nhìn Chúa Giêsu, chúng ta nghĩ tới tình yêu, việc phục vụ, cuộc sống chúng ta, các kitô hữu  tử đạo, và nghĩ tới cuộc sống mình sẽ ích lợi cho chúng ta. Không ai trong chúng ta biết khi nào điều này sẽ xảy ra, nhưng chúng ta có thể xin ơn thánh có thể nói: “Lậy Cha, con đã làm điều con có thể làm. Đã hoàn tất”.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh là ngày, trong đó Giáo Hội chiêm ngưỡng “việc ngủ nghỉ” của Chúa Kitô trong mồ, sau chiến thắng của thập giá. Trong ngày Thứ Bẩy, một lần nữa Giáo Hội tự đồng hóa với Mẹ Maria: toàn đức tin của Giáo Hội đã được tiếp nhận nơi Mẹ, là người  tin toàn vẹn, đầu tiên. Trong sự tối tăm bao trùm thụ tạo, Mẹ một mình cầm giữ  cho ngọn đuốc đức tin nơi sự sống lại của Chúa Giêsu được cháy sáng, bằng cách hy vọng chống lại mọi hy vọng (x. Rm 4,18).

Trong lễ vọng phục sinh, trong đó lại vang lên lời tung hô Alleluiya, chúng ta cử hành Chúa Kitô Phục Sinh, trung tâm và cùng đích của vũ hoàn và của lịch sử. Chúng ta canh thức đầy hy vọng đợi chờ sự trở lại của Ngài, khi lễ Vuợt Qua sẽ được biểu lộ tràn đầy. ĐTC giải thích thêm điểm này như sau:

Đôi khi tối tăm của đêm đen xem ra vào thấu tận linh hồn; đôi khi chúng ta nghĩ “không còn làm được gì nữa”, và con tim không tìm ra sức mạnh để yêu thương. Nhưng chính trong sự tối tăm đó Chúa Kitô thắp sáng lên ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa: một ánh sáng phá tan đêm tối và loan báo một khởi đầu. Hòn dá của đớn đau đã được lật qua một bên, nhường chỗ cho niềm hy vọng. Đó chính là mầu nhiệm cao cả của sự phục sinh! Trong đêm thánh này Giáo Hội trao ban cho chúng ta ánh sáng của Đấng Phục Sinh, để nơi chúng ta không còn có sự tiếc nuối nữa nhưng có niềm hy vọng cho những ai rộng mở cho một hiện tại tràn đầy tương lai: Chúa Kitô đã chiến thắng cái chết và chúng ta cùng chiến thắng vời Ngài. Như là kitô hữu chúng ta được mời gọi là những tuần canh trời sáng biết nhận ra các dấu chỉ của Đấng Phục Sinh, như các phụ nữ và các môn đệ đã làm khi chạy tới mộ vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần.

Anh chị em thân mến, trong các ngày Tam Nhật Thánh chúng ta đừng chỉ hạn chế tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa, nhưng cũng hãy bước vào trong mầu nhiệm, và nhận lấy các tâm tình và thái độ của Chúa, như tông đồ Phaolô mời gọi chúng ta. “Anh em  hãy có chính các tâm tình của Chúa Kitô Giêsu” (Fl 2,5). Và khi đó sẽ là lễ Vưọt Qua tốt lành cho chúng ta,

ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ các nước Bắc Mỹ và Tây Âu cũng như các đòn hành hương đến từ các nước Indonesia, Nhật Bản, Hồng Kông, Mêhicô, Equador, Argentina. Ngài chúc mọi người Tam Nhật Thánh sốt sắng và luôn sẵn sàng làm chứng cho tình yêu hy hiến của Chúa Kitô và có cùng các tâm tình của Chúa.

Với các doàn hành hương Ba Lan ĐTC nhắc cho mọi người nhớ mùng 2 tháng 4 là kỷ niệm ngày thánh Gioan Phaolô II qua đời. ĐTC nói: chúng ta nhớ tới ngài như chứng nhân vĩ đại của Chúa Kitô khổ đau, chết và phục sinh. Chúng ta hãy xin ngài bầu cử cho chúng ta, cho các gia đình và Giáo Hội, để ánh sáng phục sinh dãi tỏa trên mọi bóng tối của cuộc sống và khiến cho chúng ta được tràn ngập niềm vui và sự an bình.

Với các nhóm tiếng Ý ĐTC đặc biệt chào các sinh viên tham dự đại hội sinh viên quốc tế tại Roma, học sinh Học viện thánh Vinh Sơn de Paoli vùng Reggio Emilia nhân kỷ niệm 150 năm hoạt động. Ngài khích lệ họ lớn lên  trong tình bạn với Chúa, “vì điều cần thiết không phải là một cuộc sống thoải mái, mà là một trái tim si tình”. ĐTC cũng chào các tham dự viên cuộc tuần hành quốc tế Montefortiana tỉnh Verona.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới ĐTC nhắc cho mọi người nhớ ngày giỗ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài xin người trẻ học đương đầu với cuộc sống với niềm hăng say của thánh nhân; anh chị em đau yếu biết tươi vui vác thánh giá khổ đau  như người, và các đôi tân hôn biết luôn để Thiên Chúa vào trung tâm cuộc đời hôn nhân để có đươc nhiều tình yêu và hạnh phúc hơn.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Ngày 11-4-2015: công bố tông sắc về Năm Thánh đặc biệt

Ngày 11-4-2015: công bố tông sắc về Năm Thánh đặc biệt

VATICAN. Tông sắc của ĐTC Phanxicô ấn định Năm Thánh đặc biệt về lòng Thương Xót sẽ được chính thức công bố lúc 5 giờ rưỡi chiều thứ bẩy 11-4 tới đây tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Trong nghi thức công bố, một vị Công chứng viên Tông Tòa sẽ đọc một số đoạn trong Tông Sắc trước cửa Năm Thánh, sau đó ĐTC sẽ chủ sự Kinh Chiều I Chúa nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa, qua đó ngài đặc biệt nhấn mạnh chủ đề cơ bản của Năm Thánh đặc biệt là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Trong Tông Sắc, ĐTC sẽ trình bày tinh thần, ý hướng và những thành quả ngài hy vọng khi ấn định Năm Thánh. Ngài cũng xác định thời điểm, ngày khai mạc và ngày bế mạc Năm Thánh, những diễn tiến chính trong Năm này, từ ngày 8-12 năm nay đến Lễ Chúa Kitô Vua năm tới, 9-11-2016.

Dịp Năm Thánh Đặc Biệt 1933 và 1983, Tông Sắc ấn định được công bố vào lễ Chúa Hiển Linh.

Dịp Đại Năm Thánh 2000, Tông Sắc của thánh Gioan Phaolô 2 đã được công bố sáng chúa nhật thứ I mùa vọng, 29-11-1998, vào đầu thánh lễ trọng thể tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Trong văn kiện đó, Đức Gioan Phaolô 2, sau khi nói đến ý nghĩa Năm Thánh ngài cũng đề cập đến những yếu tố đặc biệt như việc hành hương, các cửa Năm Thánh, và ân xá.

Kèm theo Tông Sắc, Tòa Ân giải tối cao cũng công bố sắc lệnh về việc lãnh nhận Ân xá trong Năm Thánh (SD 31-3-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha ca ngợi Đức Thượng Phụ Mar Dinkha IV

Đức Thánh Cha ca ngợi Đức Thượng Phụ Mar Dinkha IV

VATICAN. ĐTC Phanxicô ca ngợi những đóng góp của Đức Thượng Phụ Mar Dinkha IV giúp cải tiến quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Assiri Đông phương.

Trên đây là nội dung điện văn chia buồn của ĐTC về sự qua đi của Đức Thượng Phụ Mar Dinkha, Giáo Chủ Giáo Hội Assiri Đông Phương, gửi đến Đức Thượng Phụ nhiếp chính Mar Aprem. Đức Cố Thượng Phụ Dinkha IV qua đời hôm 26-3 vừa qua tại Chicago, Hoa Kỳ, hưởng thọ 80 tuổi sau gần 40 năm cai quản Giáo Hội này và sẽ được an táng ngày 8-4-2015 tới đây.

Trong điện văn, ĐTC viết: ”Thế giới Kitô giáo đã mất một vị lãnh đạo tinh thần quan trọng, một vị chủ chăn can đảm và khôn ngoan, trung thành phục vụ cộng đoàn của ngài trong những thời đại có rất nhiều thách đố. Đức Thượng Phụ Mar Dinkha đã đau khổ rất nhiều vì tình trạng bi thảm ở Trung Đông, nhất là ở Irak và Siria, Ngài quyết liệt lưu ý về số phận của các anh chị em Kitô hữu chúng ta và các nhóm tôn giáo thiểu số khác phải chịu bách hại hằng ngày. Tôi nhớ lại Đức Thượng Phụ đã nói nhiều về vấn đề này trong cuộc viếng thăm gần đây của Ngài tại Roma. Tôi thành tâm cảm tạ Thiên Chúa tối cao vì sự dấn thân lâu dài của Đức Thượng Phụ nhắm cải tiến các quan hệ giữa các tín hữu Kitô và đặc biệt là giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Assiri Đông Phương. Xin Chúa đón nhận Đức Thượng Phụ vào vương quốc của Chúa và ban cho Ngài ơn an nghĩ đời đời và ước gì ký ức về sự phục vụ lâu dài và tận tụy của Ngài dành cho Giáo Hội vẫn sinh động như một thách đố và là một sự gợi hứng cho tất cả chúng ta”.

Đức Thượng Phụ Maar Dinkha IV sinh tại Irak hồi năm 1935 và được bầu làm Thượng Phụ năm 1976 sau khi vị tiền nhiệm là Đức Thượng Phụ Mar Eshai Shimun XXIII bị ám sát tại California.

Các tín hữu Kitô Assiri chia làm 3 ngành: Giáo Hội Assiri Đông phương, Giáo Hội Canđê Babylone và Giáo Hội Chính Thống Siriac. Theo truyền thống, Giáo Hội này do thánh Tôma Tông Đồ thiết lập. Giáo Hội Assiri Đông Phương hiện có khoảng từ 400 đến 500 ngàn tín hữu tại nhiều nước trên thế giới, nhất là Trung Đông.

Đức Mar Dinkha IV nhiều lần gặp gỡ các vị Giáo Hoàng tại Vatican. Tại thành phố Chicago bang Illinois nơi có trụ sở trung ương của Đức Thượng Phụ, Giáo Hội này không có trường học, cũng chẳng có chủng viện, hay đan viện, và hệ thống giáo xứ không đủ để đảm bảo sự sống còn về tinh thần cảu 100 ngàn giáo hữu ở Chicago và vùng phụ cận (RG 28-3-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Hồng Y Versaldi tân Tổng Trưởng Bộ giáo dục Công Giáo

Đức Hồng Y Versaldi tân Tổng Trưởng Bộ giáo dục Công Giáo

ĐHY Versaldi

VATICAN. Hôm 31-3-2015, ĐTC đã bổ nhiệm ĐHY Giuseppe Versaldi làm Tân Tổng trưởng Bộ giáo dục Công Giáo.

ĐHY Versaldi năm nay 72 tuổi, người miền bắc Italia, nguyên là giáo sư giáo luật và tâm lý ở Đại Học Giáo Hoàng Gregoriana ở Roma, rồi làm GM giáo phận Alessandria và được bổ nhiệm làm Chủ tịch sở kinh tế tài chánh của Tòa Thánh hồi năm 2011. Nay cơ quan này bị nhập vào Văn phòng kinh tế của Tòa Thánh do ĐHY George Pell người Úc làm chủ tịch.

ĐHY Versaldi được bổ nhiệm thay thế ĐHY Zenon Grocholewski người Ba Lan, 76 tuổi (1939), về hưu sau 6 năm giữ chức vụ Tổng trưởng Bộ giáo dục Công Giáo, là cơ quan đặc trách các Đại học, trường cao đẳng và trường học Công Giáo (SD 31-3-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Bắt đầu Tuần Thánh tại Jerusalem

Bắt đầu Tuần Thánh tại Jerusalem

JERUSALEM. Tuần Thánh đã bắt đầu tại Jerusalem với cuộc rước lá chiều chúa nhật 29-3-2015 từ làng Betfage trên Núi Cây Dầu đến nhà thờ thánh Anna ở Jerusalem.

Đi cạnh vị chủ sự cuộc rước là Đức Thượng Phụ Fouad Twal và Cha Pierbattista Pizzaballa, Bề trên dòng Phanxicô tại Thánh Địa, còn có Tổng lãnh Sự Davide La Cecilia của Italia, hai vị Tổng Lãnh Sự Tây Ban Nha và Pháp.

Buổi lễ tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Jerusalem, mở đầu cho Tuần Thánh và đạt tới cao điểm là lễ Phục Sinh vào chúa nhật 5-4-2015.

Tham dự cuộc rước lá có khoảng 5 ngàn người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau. Theo tòa Thượng Phụ Công Giáo latinh ở Jerusalem. Chính quyền Israel đã cấp giấy phép cho khoảng 70% những người xin và cư ngụ tại các lãnh thổ của người Palestine được tham dự. Ngoài ra cũng có nhiều tín hữu Kitô Palestine đến từ thành Nazareth và tín hữu Kitô thuộc cộng đoàn Do thái Israel. Họ mang theo biểu ngữ có hình hai chân phước người Palestine: Mariam Baouardy (1846-78) và Maria Alfonsina Danil Ghattas (1843-1927) sẽ được ĐTC tôn phong hiển thánh tại Roma ngày 17-5 tới đây.

Đầu buổi lễ, Đức Thượng Phụ Twal mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh Địa và trên thế giới.

Cha Mario Cornioli, thuộc Tòa Thượng Phụ Công giáo latinh nói rằng: ”Cuộc rước này là một sứ điệp hy vọng và sống chung, nhất là đối với các tín hữu Kitô Palestine, họ đi theo vết của Chúa Giêsu và đưcơ vào Thành Thánh mà không bị giới hạn”.   Nhà thờ thánh Anna tọa lạc trong khu vực của người Hồi giáo ở Jerusalem và là nơi, theo các sách Phúc Âm, Chúa Giêsu đã làm phép là đầu tiên của Ngài. Để đến nhà thờ này, người ta đi qua Cổng Sư Tử, là một trong những lối chính để vào Cổ Thành Jerusalem (Ansa, KNA 29, 30-3-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha chủ sự Lễ Lá khai mạc Tuần Thánh 2015

Đức Thánh Cha chủ sự Lễ Lá khai mạc Tuần Thánh 2015

Palm sunday at Rome with Pope

VATICAN. Trong Lễ Lá sáng chúa nhật 29-3-2015 tại Vatican, ĐTC mời gọi các tín hữu noi gương lối sống khiêm hạ của Chúa Cứu Thế.

Dưới bầu trời nắng xuân và trước sự hiện diện của 50 ngàn tín hữu, ĐTC Phanxicô đã chủ sự lễ lá, tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Jerusalem, và thánh lễ tưởng niệm cuộc tương khó của Chúa sau đó. Số người hiện diện tại lên tới 80 ngàn người khi đọc kinh Truyền Tin.

Chúa nhật 29-3 cũng là Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 30 được cử hành ở cấp giáo phận về chủ đề ”Phúc cho những ai có tâm hồn thanh khiết vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa”. Vì thế, tham dự cuộc rước lá với ĐTC từ giữa Quảng trường Thánh Phêrô tiến lên lễ đài trên thềm Đền thờ có hơn 400 bạn trẻ, gồm 100 người thuộc giáo phận Roma, 200 bạn trẻ từ các nơi khác trên thế giới, 50 bạn trẻ do Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân chọn, và sau cùng là 50 người trẻ thuộc Trung tâm thánh Lorenzo, gần Quảng trường.

Các cành lá dừa các bạn trẻ cầm trong cuộc rước lá do các Cộng đoàn Con đường Tân dự tòng trao tặng; còn các cây và cành ô liu trang trí bàn thờ và Quảng trường thánh Phêrô do miền Puglie nam Italia tặng. Sau cùng 2 ngàn cành lá dừa màu vàng được kết bện rất nghệ thuật, do các chính quyền ở thành phố San Remo và Bordighera và một số tổ chức khác ở miền Liguria trao tặng theo một truyền thống từ thế kỷ 16. Các cành lá này được ĐTC, các HY, GM, kinh sĩ đoàn Đền thờ Thánh Phêrô và đoàn giúp lễ và một số người khác cầm trong tay.

Đồng tế với ĐTC và tham dự cuộc rước lá có 30 Hồng y và 50 Giám Mục. Phần thánh ca, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa thánh, còn có ca đoàn và ban nhạc của giáo phận Roma và ca đoàn Mẹ Giáo Hội.

Lên tới bàn thờ, ĐTC đã cử hành thánh lễ theo nghi thức thông thường, đặc biệt là với bài Thương khó theo Tin Mừng thánh Marco do 3 thầy Phó tế công bố.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng tiếp đó, ĐTC đặc biệt khai triển đề tài sự hạ mình của Chúa Giêsu Con Thiên Chúa và mời gọi các tín hữu cũng hãy noi theo lối sống khiêm hạ của Chúa. Ngài nói:

”Nơi trung tâm buổi lễ trọng thể này, có một lời chúng ta đã nghe trong thư gửi tín hữu thành Philipphê: ”Người hạ mình xuống” (2,8). Sự hạ mình của Chúa Giêsu.

”Lời này tỏ cho chúng ta lối cư xử của Thiên Chúa và của Kitô hữu: đó là sự khiêm nhường. Một lối sống không bao giờ ngưng gây ngạc nhiên cho chúng ta và đặt chúng ta ở trong tình trạng khủng hoảng: chúng ta không bao giờ trở nên quen với sự kiện một vị Thiên Chúa khiêm hạ!

”Hạ mình xuống trước tiên là lối sống của Thiên Chúa: Thiên Chúa hạ mình để đồng hành với dân Ngài, để chịu đựng những bất trung của dân. Chúng ta thấy rõ điều đó khi đọc sách Xuất Hành: Thiên Chúa hạ mình dường nào khi nghe tất cả những lời lẩm bẩm, than trách ấy! Những lời than trách chống ông Môisê, nhưng thực ra là chống lại Chúa, chống lại Cha của họ, Đấng đã đưa họ ra khỏi tình trạng nô lệ và hướng dẫn họ trên con đường tiến qua sa mạc tìm về đất tự do.

”Trong tuần Thánh này, tuần lễ dẫn đưa chúng ta đến lễ Phục Sinh, chúng ta sẽ đi trên con đường hạ mình của Chúa Giêsu. Chỉ như thế, tuần này mới là Tuần Thánh đối với cả chúng ta!

”Chúng ta sẽ nghe thấy những lời khinh bỉ của các thủ lãnh dân và những mưu mô gian xảo của họ để làm cho Chúa ngã xuống. Chúng ta sẽ chứng kiến sự phản bội của Giuđa, một trong 12 môn đệ, người sẽ bán Thầy với 30 đồng bạc. Chúng ta sẽ thấy Chúa bị bắt và giải đi như một kẻ bất lương; bị các môn đệ bỏ rơi; bị điệu ra trước Công nghị Do thái, bị kết án tử hình, bị đánh đập và lăng mạ. Chúng ta sẽ nghe Phêrô, ”đá tảng” của các môn đệ, chối bỏ Chúa 3 lần. Chúng ta sẽ nghe những tiếng gào thét của đám đông, do các thủ lãnh xúi giục, họ xin tha cho Barabba, còn Chúa thì họ đòi đóng đanh. Chúng ta sẽ thấy Ngừơi bị quân lính nhạo cười, họ cho Người mặc áo đỏ, đầu đội mão gai. Và rồi, dọc theo con đường đau khổ, dưới thập giá, chúng ta sẽ nghe những lời lăng mạ của dân chúng và các thủ lãnh nhạo cười vua của họ và Con Thiên Chúa.

”Đó là con đường của Thiên Chúa, con đường khiêm hạ. Đó là con đường của Chúa Giêsu và không có con đường nào khác. Không có sự khiêm nhường mà không có hạ mình.

”Theo đuổi đến cùng con đường ấy, Con Thiên Chúa đã nhận lấy ”hình hài người tôi tớ” (Xc Pl 2,7). Thực vậy, khiêm nhường có nghĩa là phục vụ, dành khoảng trống cho Thiên Chúa cởi bỏ chính mình, trở nên trống rỗng, như Kinh Thánh nói (v.7). Đó là một sự hạ mình lớn nhất.

”Có một con đường trái ngược với con đường của Chúa Kitô: đó là tinh thần thế tục. Tinh thần này mang lại cho chúng ta con đường háo danh, kêu ngạo, thành công… Đó là con đường khác. Quỷ cũng đã đề nghị con đường với cả Chúa Giêsu trong 40 ngày ở trong sa mạc. Nhưng Chúa Giêsu đã bác bỏ không chút do dự. Và cùng với Ngài, cả chúng ta cũng có thể chiến thắng cám dỗ ấy, không những trong những dịp lớn, nhưng cả trong những hoàn cảnh thông thường của cuộc sống.

”Chúng ta được trợ giúp và khích lệ nhờ tấm gương của bao nhiêu người nam nữ, trong thinh lặng và âm thầm, hằng ngày từ bỏ bản thân để phục vụ tha nhân: một người thân bị bệnh, một người già cô đơn, một người khuyết tật…

”Chúng ta cũng hãy nghĩ đến sự tủi nhục của bao nhiêu người vì trung thành với Tin Mừng nên bị kỳ thị và phải trả giá bằng chính mạng sống mình. Và chúng ta nghĩ đến bao nhiêu anh chị em chúng ta bị bách hại vì là Kitô hữu, những vị tử đạo ngày nay: họ không chối bỏ Chúa Giêsu và can đảm chịu đựng những lời lăng mạ và xúc phạm. Họ theo Chúa Giêsu trên đường của Người. Chúng ta có thể nói đó là ”đám mây các chứng nhân” (Xc Dt 12,1).

”Cả chúng ta cũng hãy quyết liệt tiến bước trên con đường ấy, với lòng yêu mến nhiệt thành đối với Ngừơi là Chúa và là Đấng Cứu độ chúng ta. Chính tình yêu hướng dẫn và mang lại sức mạnh cho chúng ta. Nơi nào có Chúa, chúng ta cũng sẽ ở với Người (Xc Ga 12,26). Amen

Lời nguyện giáo dân

Trong phần lời nguyện phổ quát, bằng 5 thứ tiếng Ba Lan, Pháp, Indonesia, tiếng Hoa và Swahili bên Phi châu, cộng đoàn lần lượt cầu nguyện cho Giáo Hội, nhờ cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, luôn can đảm loan báo Tin Mừng không chút dè dặt cầu cho các tín hữu Kitô bị bách hại, cho họ được tham phần vào công trình cứu độ của Chúa; cầu cho các bạn trẻ được tâm hồn thanh khiết, không phân chia và quảng đại; cầu cho những người đang tìm kiếm chân lý được cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu hướng dẫn nhận biết rằng Người thực là Con Thiên Chúa; sau cùng cầu cho những người nghèo khổ, để họ được săn sóc các vết thương và nhóm lên niềm hy vọng nhờ cuộc khổ nạn của Chúa Kitô.

Kinh Truyền Tin

Cuối thánh lễ, lúc 11 giờ rưỡi, ĐTC đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin kính Đức Mẹ ngay tại thềm Đền thờ thánh Phêrô. Số người hiện diện tại Quảng trường lúc này lên tới 80 ngàn người.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC nói:

”Vào cuối buổi lễ này, tôi thân ái chào thăm tất cả anh chị em hiện diện nơi đây, đặc biệt là các bạn trẻ. Các bạn trẻ thân mến, tôi khuyên nhủ các bạn hãy tiếp tục theo đuổi hành trình của các bạn trong các giáo phận, hoặc trong cuộc lữ hành qua các đại lục, dẫn đưa các bạn đến Cracovia vào năm tới, nơi quê hương của thánh Gioan Phaolô 2, Người đã khởi xướng Ngày Quốc Tế giới trẻ. Đề tài của cuộc gặp gỡ lớn này là ”Phúc cho ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được xót thương” (Mt 5,7), một đề tài rất phù hợp với Năm Thánh Thương Xót. Các bạn hãy để cho mình được tràn đầy sự dịu dàng của Chúa Cha, để phổ biến quanh các bạn!

”Giờ đây chúng ta hãy cầu nguyện với Mẹ Maria, Mẹ chúng ta, xin Mẹ giúp chúng ta sống Tuần Thánh này trong đức tin. Mẹ cũng đã hiện diện khi Chúa Giêsu tiến vào thành Jerusalem được dân chúng hoan hô; nhưng con tim của Mẹ, giống như trái tim của Con, sẵn sàng chịu hy sinh. Chúng ta hãy học cùng Mẹ là Trinh Nữ trung thành, theo Chúa cả khi con đường dẫn đến thập giá.

”Tôi phó thác các nạn nhân tại nạn máy bay hôm thứ ba vừa qua (24-3, tại Pháp) cho sự chuyển cầu của Mẹ, trong số đó cũng có một nhóm học sinh người Đức.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Ngã rẽ cuộc đời

Ngã rẽ cuộc đời

Thánh lễ hôm nay rất ý nghĩa cho giới trẻ. Trong ngày Lễ Lá, biết bao thanh thiếu niên ra đón mừng Chúa. Cả một bầu khí trẻ trung, hăng say, kính mến. Sự trẻ trung bột phát qua việc cầm cành lá, qua lời tung hô đón chào Chúa. Thật là một bầu khí cuồng nhiệt. Giới trẻ Do thái lúc ấy biểu lộ lòng kính mến thật hồn nhiên, thật dễ thương. Không khác gì giới trẻ chúng ta hôm nay.

Nhưng thánh lễ hôm nay cũng khiến ta phải suy nghĩ không ít vì những biến cố quá trái ngược. Chúa vừa vinh hiển vào thành chưa được bao lâu đã phải tủi nhục chết trên thập giá. Tại cổng thành có biết bao người ra chào đón tung hô, nhưng trên Núi Sọ chẳng còn mấy người theo Chúa. Từ chúa nhật Lễ Lá đến thứ Sáu tuần thánh thời gian không dài, nhưng biết bao người đã thay lòng đổi dạ. Từ cổng thành đến Núi Sọ đường đất không xa, nhưng biết bao người đã rẽ đường, đi ngang, về tắt. Tại sao thế? Ta hãy lần theo dấu vết của những người bỏ cuộc để nhận diện những ngã rẽ cuộc đời. Có ba ngã rẽ tiêu biểu.

Ngã rẽ của Giuđa. Giuđa là môn đệ trung tín theo Chúa trong suốt 3 năm Chúa đi rao giảng. Ông còn được Chúa tin cẩn trao phó cho công việc quan trọng: nắm giữ tài chánh. Ngày Lễ Lá chắc chắn ông có mặt. Nhưng khi Chúa chịu chết thì ông vắng mặt. Ông đã rẽ sang lối khác. Lối rẽ đuổi theo tiền bạc vật chất. Theo tiếng gọi của tiền bạc, ông đã đưa chân đi những bước xa lạ. Ông đi vào con đường khác. Ông trở thành con người khác. Ông bỏ Chúa vì tiền. Tệ hơn nữa ông bán Chúa để lấy tiền.

Ngã rẽ của Phêrô. Phêrô là môn đệ rất thân thiết của Chúa. Là người đứng đầu tông đồ đoàn. Ông thề rằng dù mọi người có bỏ Chúa thì ông vẫn trung thành với Chúa. Ngày Lễ Lá chắc chắn ông ở bên Chúa. Nhưng ngày thứ sáu tuần thánh, không thấy ông đâu. Ông đã rẽ sang lối khác: lối rẽ lười biếng và hưởng thụ. Lười biếng vì khi vào vườn Giêtsimani, Chúa kêu gọi ông hãy thức cầu nguyện với Chúa, vậy mà ông cứ ngủ. Hưởng thụ vì trong sân tòa án, thay vì theo dõi cuộc xét xử Chúa thì ông lại vào tìm hơi ấm nơi đống lửa giữa sân. An nhàn hưởng thụ đã kéo ông xa Chúa. An nhàn hưởng thụ đã đẩy ông đến chỗ chối Chúa.

Ngã rẽ của đám đông. Hàng vạn người đã theo Chúa, mê mệt nghe đến mấy ngày quên ăn, quên về. Biết bao người reo mừng nghênh đón Chúa ngày long trọng vào thành. Thế mà trên Núi Sọ chỉ thấy những người đến sỉ vả, chê bai, nhạo cười. Đám đông đã rẽ sang lối nào? Thưa họ rẽ sang lối dư luận. Thiếu lập trường, chạy theo đám đông. Thấy người ta đi nghe Chúa thì cũng đi. Thấy người ta nhạo cười Chúa thì cũng cười nhạo. Thấy người ta kết án Chúa thì cũng kết án.

Để tự nhiên, chắc chắn không ai nỡ nhẫn tâm bán Chúa, chối Chúa, lên án Chúa. Nhưng người ta thay lòng đổi dạ do tác động của tiền bạc, của hưởng thụ, của dư luận. Đó là những ngã rẽ nguy hiểm.

Những gì đã xảy ra cho Giuđa, cho Phêrô và cho đám đông năm xưa vẫn có thể xảy ra cho ta hôm nay. Làm sao để ta luôn đi trên đường theo Chúa và trung thành với Chúa? Thưa hãy Sống Lời Chúa. Năm nay (2005), Hội đồng Giám mục Việt nam đề nghị chúng ta hãy lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam. Trong thư chung năm 2005, HĐGM đã nhắn nhủ riêng các bạn trẻ:

“Các bạn trẻ sẽ là chủ nhân của tương lai, là niềm hy vọng của Giáo Hội. Trước bao nhiêu khuynh hướng, trào lưu và thần tượng của thời đại, các bạn không được phép sai lầm khi lựa chọn tiêu chuẩn hướng dẫn hành động. Lời Chúa là Ánh Sáng duy nhất giúp các bạn trong sự lựa chọn có tính quyết định này” (Thư chung 2005, 9).

Thật là trùng hợp. Ngay lúc này đây, khi giới trẻ Hà nội đang họp nhau tại Nhà thờ Lớn này, thì tại quảng trường thánh Phêrô, Rôma, Đức Thánh Cha Bênêđíchtô cũng đang gặp gỡ giới trẻ Rôma, Italia. Và Đức Thánh Cha cũng khuyên nhủ các bạn trẻ hãy siêng năng đọc, học hỏi, suy niệm Lời Chúa để thực hành trong đời sống. Lời Chúa sẽ hướng dẫn các bạn biết sáng suốt trước những chọn lựa trong đời sống. Lời Chúa sẽ soi sáng cho các bạn trong những lúc bóng tối vây phủ. Lời Chúa sẽ ban sức mạnh khi các bạn cảm thấy yếu mệt. Lời Chúa sẽ hướng dẫn các bạn biết lối quay về nếu lỡ lạc đường. Lời Chúa sẽ biến các bạn trở thành chứng nhân cho Chúa trong xã hội hôm nay. Vì Lời Chúa sẽ ấp ủ, nuôi dưỡng để các bạn lớn lên trong tình thương yêu. Cảm nghiệm được tình yêu thương của Chúa, các bạn sẽ biết đáp lại. Và sẽ trung thành với Chúa cho đến cùng.

Lạy Chúa, xin gìn giữ chúng con trong tình thương của Chúa. Amen.

CÂU HỎI GỢI Ý CHIA SẺ

1- Trong ba loại ngã rẽ, bạn thấy ngã nào nguy hiểm nhất?

2- Bản thân bạn có kinh nghiệm gì với những cám dỗ này? Bạn đã chống trả ra sao? Bạn đã thành công hay thất bại trong cuộc chiến đấu chống những cơn cám dỗ kể trên?

3- Đối với bạn, Kinh Thánh có quan trọng không?

4- Câu nào trong Kinh Thánh đánh động bạn nhất?

5- Phải đọc Kinh Thánh thế nào mới có kết quả?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Vác đỡ Thánh Giá Chúa

Vác đỡ Thánh Giá Chúa

Vào Tuần Thánh với Lễ Lá, bài Thương khó đã kể lại cho chúng ta nghe về Con Một Thiên Chúa mang thân phận con người với tên Giêsu. Ngài đã cô đơn đổ mồ hôi máu trong Vườn Cây Dầu như bị bỏ rơi, chấp nhận hóa thân mình nên thần lương cho nhân loại, bị chính môn đệ phản bội nộp thầy cho quân dữ, bị đứng trước vành móng ngựa, nghe bản cáo trạng hàm oan, rồi lại nghe tuyên án tử hình, chịu vác thập giá, đánh đòn, đội mão gai, té ngã trên đường lên Núi Sọ, và cuối cùng, chịu đóng đinh và chết thật.

Đó là cái giá phải trả để chuộc lại tội bội phản của tổ tông loài người. Cụ thể hơn, chỉ có hy tế thập giá của Chúa Giêsu mới là lễ dâng đẹp ý Thiên Chúa Cha, để nhờ án tử hình của Chúa Giêsu mà Thiên Chúa Cha xóa đi bản án tử hình đời đời cho con người.

Tham dự vào cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu với lòng biết ơn Người đã mang lại cho chúng ta niềm hy vọng được tham dự vào cuộc sống vĩnh cửu của Thiên Chúa, nhờ lòng khoan dung tha thứ của Thiên Chúa Cha.

Có người đặt vấn đề khá thời sự rằng: Chúa Giêsu đã chịu thương khó, đã chết và sống lại hai ngàn năm rồi. Chúng ta đang nghe việc thuật lại như một chuyện kể, một cổ tích. Làm sao chúng ta có thể lại bước đi trên Đường Thương Khó với Chúa Giêsu nữa?!? Thật mơ hồ.

Tôi đồng ý với bạn rằng: chúng ta không tận mắt thấy Chúa Giêsu đổ mồ hôi máu trong đêm Vườn Dầu. Nhưng thiết tưởng, chúng ta có thể thấy rất cụ thể từng nếp nhăn cằn cỗi trên khuôn mặt của những Chủ Chiên ngày qua ngày phải đối phó với bầy quân dữ của Satan đang rình mò cắn xé Giáo Hội là Thân Thể Chúa Giêsu Kitô. Xin đừng nghĩ là các Chủ Chiên đang vô tư, vô tình, vô cảm trước những bức bách mang tính chủ trương và toàn diện đang xảy ra trong và cho Giáo Hội địa phương của mình. Nhưng nên nghĩ là các Ngài đang đổ mồ hôi máu mà thưa với Chúa Cha rằng: “Lạy Cha nếu có thể được, thì xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, một theo ý Cha mà thôi”.

Những chủ chiên ấy, không chỉ là những Giám Mục, Linh Mục, mà cụ thể hơn là bạn, là tôi, là tất cả những người làm ông bà, cha mẹ, anh chị đang mang trong mình trọng trách bảo vệ Đức Tin cho những thành viên non trẻ của mình trước những trận cuồng phong duy vật, vô thần, vô cảm, vô nhân đạo, vô lương tâm, vô luân lý.

Một người bạn tôi, đã từng là Đại Chủng Sinh Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt, từng Giáo Lý Viên dự tòng và hôn nhân nhiều năm liền tại Giáo Xứ của mình, hôm nay, thầy lại đành bó tay, đành cắn răng chờ xem người con rể tương lai vốn con nhà Cộng Sản kia định liệu thế nào cho số phận con gái mình khi đã trót “ăn cơm trước kẻng”: có thể là nó chịu theo Đạo để cưới vợ, cũng có thể là nó bảo Đạo ai nấy giữ, rồi cũng có thể là nó xúi dại con gái mình phá cái thai ấy đi. Thật là đau khổ! Thế rồi, đúng là nhà ông sui của thầy đã ép thằng nhỏ phải bắt con gái thầy phá thai. Hai vợ chồng thầy đau khổ lắm. Đêm đêm bên ngọn đèn dầu thầm thĩ kêu van xin Chúa sáng soi cho con gái mình biết đường mà tuân giữ lề luật của Chúa.

Tôi vẫn nghĩ là sự chọn lựa để bảo vệ Đức Tin, để trung thành với lề luật Chúa, để tuân hành thánh ý Chúa cũng làm cho người yêu mến Chúa đến phải đổ mồ hôi máu như Chúa vậy.

Một cha giải tội cho một hối nhân thường xuyên, lần nào xưng tội cũng bấy nhiêu tội tày trời ấy, có khi còn nặng nề hơn. Cha vừa nghe tội vừa khẩn khoản tha thiết kêu xin lòng thương xót Chúa đến độ vã cả mồ hôi, lạnh ớn người ngay trong Tòa Giải Tội.

Những người đau đầu nhất, đang đổ mồ hôi máu nhất hiện nay có phải là những Giám Mục, Linh Mục, những chủ chiên đang “lựa chiều bẻ lái” cho con chiên của mình một cách ứng xử Công Giáo nhất trước tình trạng thế quyền quá lộng quyền đối với Sự Sống con người hiện nay. Nếu con người thời bây giờ biết rằng: vài chục năm trước đã có chủ trương phá thai cách toàn diện, cấp quốc gia như thế, thì hẳn đã không thể còn có chính họ hiện diện trên đời ngày hôm nay để chủ trương phá thai nữa. Là những người bảo vệ Đức Tin Công Giáo, làm chứng cho Chân Lý của Thiên Chúa, nối tiếp công cuộc Sáng Tạo và Cứu Rỗi của Thiên Chúa, không đổ mồ hôi máu được sao?

Cũng vậy, chúng ta không thấy cảnh Chúa Giêsu bị bắt bớ, không tham dự phiên tòa xét xử Chúa Giêsu, không thấy những vết bầm tím trên thân mình Chúa Giêsu khi bị quân dữ đánh đòn, không thấy Chúa Giêsu vác thập giá, ngã lên ngã xuống trên đường lên đồi cao chịu chết, hoặc nếu có thấy, thì thiết tưởng, cũng chỉ là thấy qua những bản vẽ do các họa sĩ.

Thế nhưng chúng ta có thể thấy được tận mắt các tín hữu của Chúa đang bị bắt bớ giam cầm tra tấn khắp nơi nơi đấy chứ? Nhất là, trong thời đại truyền thông nầy, thì tin tức về những chuyện bắt oan các tín hữu, bỏ tù gian, ném đá giấu tay, hay mượn tay người gây thương tích cho các Linh Mục trên đường Mục Vụ đều có thể truyền đi nhanh như chớp, làm sao mà lấy “thúng úp voi được”? Ấy vậy, những chuyện “quả tang”, “công khai” tra tấn những người theo Chúa Kitô trong Giáo Hội Chúa Kitô đang diễn ra hàng ngày khắp nơi và cả trên đất nước chúng ta, mà chúng ta nói rằng chúng ta không tham dự được với Thập Giá Chúa Kitô sao?

Tại nơi chúng ta đang sống, Chúa Giêsu vẫn đang bị bán đứng với giá 30 đồng bạc, có khi ít hơn chỉ vài đồng, hoặc chỉ cần là sự đổi chác một chỗ ngồi, chỗ đứng cho vinh thân phì gia. Chúa Giêsu vẫn đang chịu bao lời phỉ báng, bôi nhọ, hạ nhục. Chúa Giêsu vẫn đang bị bắt bớ giam cầm, đánh đập tra tấn, đổ máu và cả mất mạng nữa. Vâng cuộc Thương Khó Chúa Giêsu đang hiển hiện nơi các tín hữu Chúa.

Như vậy, tín hữu Công Giáo Việt Nam vào cuộc Thương Khó với Chúa Giêsu không chỉ là những giờ ngắm rằng, ngắm đứng, ngắm quì sốt sắng đến rơi lệ, không chỉ là những vành khăn tang trắng xóa quấn trên đầu suốt Tuần Thánh, không chỉ là những cử hành Phụng Vụ long trọng trong Thánh Đường, không chỉ là những việc chay tịnh sám hối chỉ với Chúa, mà thiết tưởng còn phải cụ thể hơn là: khẩn cấp nhận ra và tham dự vào nỗi lo, niềm đau của các chủ chiên, của các tín hữu khắp nơi trên đất nước.

Là con cái trong nhà, xin dâng những hy sinh và vác đỡ Thánh Giá cho cha mẹ mình trong việc lo cái ăn, cái mặc, cái học và nhất là trong việc bảo vệ đời sống Đức Tin trước những nguy cơ. Là con chiên trong một đoàn chiên Giáo Hội, xin dâng những hy sinh và vác đỡ Thánh Giá cho những Chủ Chiên, những tín hữu đang gặp bức bách, giam cầm, tra tấn. Là tín hữu Công Giáo trong xã hội, xin dâng những hy sinh và chia sẻ niềm đau thương của mọi người, niềm đau do gian ác, bất công, đàn áp, niềm đau của bệnh hoạn tật nguyền, niềm đau của những mảnh đời nghiệt ngã không ai giống ai…

Đang viết bài này, tôi nhận được cú điện thoại của chị H, có người chồng 15 năm bại liệt, mọi sinh hoạt tại chỗ, con trai lớn cột sống dính khớp 9 năm nay cũng nằm luôn một chỗ cho chị H. lo lắng, con trai thứ có vợ tận Cà Mau, con gái út vừa đi học đi làm ở Sàigòn, nhà mái tôn rách nát. Mùa mưa tới rồi, chẳng biết tính sao? Tôi có thể trả lời rằng trong cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu đâu thấy có cảnh bại liệt hay dính khớp cột sống để từ chối một cảm thông được không?

Tôi bỗng nghe tiếng lòng nhắc bảo: xin đừng vừa sốt sắng tham dự Phụng Vụ cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu lại vừa dửng dưng vô tâm trước cảnh thương khó của biết bao người.

Lạy Chúa, Thánh Phanxicô đã thưa: “Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người”. Xin cho chúng con cũng nhận ra Chúa Giêsu đang đau buồn, thương tích, bị nhục mạ, bắt bớ, giam cầm, đánh đập nơi những anh chị em chúng con, và cho chúng con nhiệt tình vác đỡ Thánh Giá của anh em, như vác đỡ Thánh Giá Chúa Giêsu vậy. Amen.

PM Cao Huy Hoàng

Cuộc Thương Khó

Cuộc Thương Khó

Winston Churchill, cố thủ tướng Anh Quốc, đã chia sẻ kinh nghiệm riêng của ông và cho chúng ta biết rằng sự hoan hô ủng hộ của dân chúng không phải là bằng chứng của sự thành công thực sự. Xưa kia, có một lần sau khi nói chuyện với một cử tọa khoảng 10 ngàn người hiện diện hoan hô thủ tướng, một người bạn đã hỏi: “Thưa thủ tướng, ngài không cảm thấy xúc động vì 10 ngàn người đã đến nghe ngài nói chuyện sao?” Churchill trả lời: “Không hẳn thực sự là như thế. Một trăm ngàn người sẽ đến nhìn khi tôi bị treo lên”.

Hôm nay Chúa nhật lễ lá, chúng ta bắt đầu Tuần Thương Khó bằng việc cử hành việc Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài. Sách Giáo lý Công giáo số 272 đã viết: “Thiên Chúa Cha đã mạc khải sự Toàn năng của Ngài một cách hết sức mầu nhiệm trong sự tự nguyện chịu nhục… nhờ đó Ngài đã chiến thắng sự ác”. Chúa Kitô chịu đóng đinh vào thập giá là “quyền năng của Thiên Chúa và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Bởi vì sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người”.

Ngày xưa, có hai anh em nọ sống chung với nhau trong cùng một căn nhà. Người anh tốt lành, siêng năng làm việc và kính sợ Thiên Chúa. Còn người em bất lương, lừa lọc, gian manh, và phạm đủ thứ tội như cướp của, giết người. Người anh khuyên răn mãi mà người em vẫn chẳng thay đổi tính nết. Một đêm nọ người em chạy về nhà với quần áo dính đầy máu. Nó tự thú với người anh: “Tôi đã giết người”. Vài phút sau căn nhà bị cảnh sát bao vây và hai anh em đã biết rằng không còn cách nào trốn thoát được. “Tôi không có ý giết nó”, người em sợ hãi nói, “Tôi cũng không muốn chết”. Vào lúc ấy cảnh sát đang gõ cửa. Người anh bèn nảy ra ý tưởng: anh thay đổi quần áo của mình cho người em, và mặc lấy bộ quần áo còn đang dính đầy vết máu của người em. Cảnh sát xông vào nhà bắt người anh, bỏ tù, và chờ ngày bị kết án tử hình. Sau cùng, người anh đã hy sinh chết thế cho em mình.

Qua câu chuyện hình sự về cái chết hy sinh của người anh vì thương em, chúng ta hiểu phần nào về sự đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu được diễn tả trong bài Thương Khó. Đây là câu chuyện của tình yêu, tình yêu Thiên Chúa dành cho con người chúng ta.

Thánh Phaolô đã viết: “Chúa Giêsu Kitô, tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải dành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người hủy bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người… Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá”.

Baraba và Đức Giêsu

Baraba và Đức Giêsu

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Văn sĩ Fabran Lagerkvist của Thụy Điển đã đoạt giải Nobel văn chương năm 1966 nhờ quyển tiểu thuyết nổi tiếng có tựa đề là “Baraba”. Baraba là một tên cướp được nhắc đến trong vụ án của Chúa Giêsu. Theo các sách Tin Mừng kể lại: Baraba là một tên cướp khét tiếng đã phạm nhiều tội ác và sa lưới pháp luật. Hằng năm vào những ngày lễ lớn, quan Tổng trấn đại diện cho Đế quốc Rôma tại Palestina có thói quen ân xá cho một tội nhân. Năm đó, Tổng trấn Philatô đã đưa Chúa Giêsu và Baraba ra trước mặt dân chúng và hỏi họ nên tha cho ai. Toàn dân đã la lớn: tha cho Baraba và đóng đinh Chúa Giêsu.

Dựa vào sự kiện lịch sử này, văn sĩ Lagerkvist đã tưởng tượng ra quãng đời còn lại của Baraba. Baraba đã trở nên một con người quyền thế được mọi người biết đến. Baraba có được tất cả, bởi vì chính Chúa Giêsu đã chết thay cho ông. Thế nhưng ông không hề muốn nhắc đến Chúa Giêsu và cũng không muốn biết Ngài là ai.

Lý do khiến văn sĩ Lagerkvist được trao giải Nobel văn chương là vì qua nhân vật Baraba, ông đã họa được chân dung đích thực của con người. Baraba chính là con người được cứu độ nhờ Chúa Giêsu, nhưng vẫn không hiểu lý do tại sao. Con người ngày nay không tin vào Chúa Kitô và nhất là muốn loại bỏ Ngài ra khỏi con người thời đại. Với những tiến bộ vượt bực trong khoa học kỹ thuật, con người chẳng khác nào một thứ Baraba trong tác phẩm của Lagerkvist: con người tưởng mình là Đấng cứu độ của chính mình, con người tưởng mình có thể loại bỏ mọi chiều kích siêu việt của cuộc sống, con người tưởng mình có thể sống mà không cần một Đấng cứu độ nào.

Thưa anh chị em,

Dưới cái nhìn lịch sử thì quả thực cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là hành động tội ác của những người Do Thái và La Mã cách đây hai ngàn năm. Những người Do Thái đã cuồng tín kêu gào đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá. Các binh sĩ La Mã đã đánh đập, hành hung Ngài và cuối cùng treo Ngài trên thập giá.

Nhưng dưới cái nhìn của người có niềm tin, thì cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm bởi vì một cách nào đó, người có niềm tin cũng cảm thấy mình đã thực sự tham dự vào việc đóng đinh ấy. Chúng ta tuyên xưng rằng Ngài đã chịu đóng đinh vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, nghĩa là do chính tội lỗi của chúng ta ngày nay, cho dù cách xa hai ngàn năm, vẫn là một chối bỏ, một tiếng reo hò, một sỉ vả hoặc chính là một cái đinh đóng vào thân thể Chúa Giêsu.

Thử hỏi nếu tôi là người đương thời có liên quan đến vụ án Chúa Giêsu, tôi sẽ đứng trong nhóm người nào và với thái độ nào? Phải thú nhận rằng tôi không dễ gì làm được như ông Simon thành Syrênê đã vác thập giá đỡ Chúa Giêsu. Nhưng cũng đừng vội vã quả quyết rằng tôi không thể đứng về phía đám quần chúng đả đảo Chúa, không thể là Phêrô chối Chúa, hoặc là nhóm môn đệ trốn chạy, hay là Philatô lên án người vô tội, hoặc là đám quân lính đánh đòn và đóng đinh Chúa. Trái lại, kinh nghiệm bản thân tôi cho thấy rõ ràng tôi rất yếu đuối, dễ dàng về phe kẻ mạnh thế, không dám can đảm bênh vực công lý và dễ dàng trung thành với Chúa trên môi miệng cũng như khi mọi sự đều xuôi chảy, nhưng lại phản bội Chúa dễ dàng trong hành động cụ thể và khi gặp nghịch cảnh.

Anh chị em thân mến,

Với Chúa Nhật hôm nay, Tuần Thánh đã bắt đầu. Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua đem lại ơn cứu độ cho loài người. Bề ngoài, cuộc tiến vào thủ đô Giêrusalem giữa tiếng tung hô của đám đông nô nức phất cao càch lá “Hoan hô con Vua Đavít” có vẻ một cuộc toàn thắngvang dội. Thực ra đây là một cuộc mở màn thương khó mỉa mai nhất và có lẽ cũng là giai đoạn bi thương nhất của cuộc thương khó. Bởi vì chúa biết rõ trong niềm phấn khởi chóng qua của dân chúng đã chất chứa một sức phản bội sẽ bùng nổ dữ dội trước mặt Tổng trấn Philatô, trong tiếng kêu gào với những bàn tay nắm chặt đưa lên: “Đả đảo! Đóng đinh nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá!”

Rước là đi theo Chúa Giêsu trong vài giờ không phải là một điều khó khăn cho lắm. Đi theo Chuá giữa lúc Ngài được tung hô chúc tụng là điều dễ dàng. Nhưng tiếp tục đi theo Ngài khi Ngài đã bị mọi người bỏ rời và lên án, điều đó khó hơn nhiều. Tin Mừng không thấy nói đến một ai dám lên tiếng bênh vực cho Chúa Giêsu vào lúc đó, mà chỉ thấy lên tiếng đòi phóng thích cho tên đạo tặc Baraba. nếu kitô hữu được định nghĩa là người đi theo Chúa kitô thì chắc chắn chúng ta sẽ có lúc nghiệm thấy nỗi khó khăn khi phải đến nơi mà mình không muốn đến. Con đường bước theo Chúa có lúc vui, lúc buốn. Chúng ta phải có mặt ở trong đám đông hoan hô Chúa khi vào thành và cũng không được vắng mặt khi Ngài hấp hối trên thập giá.

Trong những ngày thánh này, chúng ta hãy tìm thời giờ đọc lại chậm rãi chương 14 và chương 15 của Tin Mừng theo Thánh Marcô. Hãy để cho tâm tình, lời nói và hành động của Chúa Giêsu thấm nhuần và biến đổi chúng ta. Trong cuộc khổ nạn của Chúa, chúng ta bắt gặp rất nhiều tình huống tăm tối của đời thường: vu khống, phản bội, ghen tương, bất công, nhục nhã, đau khổ, sợ hãi, cô đơn, hèn nhát, cái chết. Nhưng trên hết, chúng ta bắt gặp một tình yêu. Tình yêu vô cùng lớn của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha và nhân loại. Chỉ có tình yêu mới làm cho mọi khổ đau có giá trị cứu độ.

Đừng đọc vội vã, hãy ngừng lại khi Chúa có điều muốn nói với chúng ta, đừng ngắt lời Ngài. Chúng ta có thể thấy mình giống với Giuđa, Phêrô hay Philatô. Chúng ta không ai vô tội trước cái chết của Con Thiên Chúa. Ngài vẫn còn hấp hối cho đến tận thế.

Đừng theo Chúa như một người quay vidéo cho đám tang, bởi lẽ mọi sự Ngài chịu là vì chúng ta và cho chúng ta. Sau khi đã suy niệm lâu dài về cuộc khổ nạn, chúng ta sẽ thấy mình yêu Thánh giá của Chúa hơn, yêu thánh giá của mình hơn và trân trọng thánh giá của người khác hơn.

Tình Chúa Tình Người

Tình Chúa Tình Người

Bước vào Tuần Thánh, Giáo Hội bắt đầu cử hành Chúa Nhật Lễ Lá. Có nghi thức làm phép lá, phát lá và kiệu lá. Chỉ những người trong đạo mới hiểu được ý nghĩa của ngày Lễ Lá. Khi Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem thì các trẻ Dothái cầm nhành ôliu đi đón Chúa, lấy áo trải xuống đường và reo vang ca tụng rằng: Hoan hô con vua Đavít! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến! Lạy vua Israel! Hoan hô trên các tầng trời! Tiếp theo, chúng ta nghe bài Bài Thương Khó với những diễn tiến xảy ra mấy ngày cuối đời của Chúa Giêsu trên trần gian. Dân chúng hùa theo với quân lính và những kẻ thù ghét Chúa Giêsu với những lời phản bội sát phạt: Xin phóng thích Baraba và giết đi, đóng đinh nó vào thập giá. Những cành lá tung hô đã cuốn thành vòng gai nhọn đặt trên đầu của Chúa.

Chương trình cứu độ trải dài suốt dọc lịch sử của dân Dothái, từng biến cố xảy ra đều mang dấu ấn tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã hiện diện sát cánh qua mọi biến cố thăng trầm với dân riêng của Người. Tình yêu của Thiên Chúa đã thắng vượt sự dữ và tội lỗi. Tình Chúa bền vững thiên thu không hề thay đổi trong khi lòng người đổi thay. Biết bao lần chính Dân mà Chúa đã chọn, bỏ Chúa đi thờ các thần ngoại bang được đúc bằng đất đá. Dân chúng quay lưng chạy theo những đam mê sắc dục, tiền tài danh vọng và tìm thoả mãn mọi đòi hỏi của bản năng thấp hèn. Tiên tri Daniel đã thân thưa cùng Chúa: “Tôi đã cầu xin Chúa là Thiên Chúa của tôi, đã thú nhận và thưa Người rằng: Chúng con đã phạm tội, đã lỗi lầm, đã làm điều gian ác, chúng con đã phản nghịch và lìa xa các mệnh lệnh, phán quyết của Ngài” (Dn 9,4-5).

Tình yêu Chúa cứ dõi theo những con người lạc bước và tạo cơ hội cho họ trở về như dụ ngôn ‘Người cha nhân hậu’ hay còn được gọi là ‘Người con hoang đàng’ (Lc 15,11-32).

Thiên Chúa không bỏ rơi con người trong lầm lạc, nhưng đã ban và phó thác chính Con của mình làm của lễ cứu độ. Chúa Giêsu đã phán: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11).

Chúa Giêsu chính là Con Một Thiên Chúa và là Đấng được Xức Dầu đã hoàn tất mọi lời tiên tri đã loan báo về Người. Biến cố thương khó đã xảy ra và ứng nghiệm mọi lời đã tiên báo.

Biến cố Chúa Giêsu được đón rước vào thành Giê-ru-sa-lem thì vắn gọn. Sự vinh quang trần thế tuỳ thuộc vào con người chỉ có thế, luôn đổi thay. Từ những lời hoan hô ca ngợi mau chóng biến thành những lời nguyền rủa, chế giễu và kết án. Cách đối xử của con người thật là vô ơn bội bạc. Chúa dạy dỗ, chữa bệnh, xua trừ ma quỷ, cho ăn uống no say và dẫn về đàng thật nhưng lòng người thì tráo trở, lật lừa và đổi trắng thay đen. Chúa Giêsu đón nhận tất cả sự xỉ nhục này như của lễ dâng tiến lên Chúa Cha. Chúa gom tóm tất cả tội lỗi xấu xa của con người để đóng gim vào thánh giá. Của lễ châu báu trên thập giá là giá máu cứu chuộc.

Mỗi người nghe bài tường thuật sự Thương Khó của Chúa Giêsu với những tâm tình khác nhau. Có người nghe qua bài Thương Khó và nghĩ đây là một câu truyện đáng thương thuộc quá khứ. Đôi người lại có thái độ như khách bàng quan coi sự sống chết của Chúa Giêsu chẳng liên quan gì tới đời sống tâm linh của họ. Có người cảm thương sự đau đớn và khổ nhục của Chúa, nhưng rồi lại có thái độ thù ghét, kết án dân Dothái, chính quyền, trưởng tế, quân lính, người phản bội và các đồng bọn đã giết Chúa. Hôm nay, chúng ta nên có một tâm tình tôn kính về sự thương khó của Chúa. Chúng ta suy gẫm và chiêm niệm từng lời nói, từng hành động, từng giọt mồ hôi, giọt máu rơi xuống và từng bước chân ngã quỵ trên đường tiến lên Núi Sọ. Tất cả mọi khổ đau về tinh thần và cũng như thể xác của Chúa đều là sự trả giá cho tội lỗi và bất trung của loài người.

Các lãnh đạo tôn giáo và chính quyền đã toa rợp để tiêu diệt một người công chính. Vì yêu thương nhân loại, Chúa đã chấp nhận tất cả mọi khổ đau. Hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu đang mạnh khoẻ, đã bị bán, bị bắt, bị chối bỏ, bị xét xử, bị xỉ nhục, bị đánh đập, bị đói khát và bị hành hạ cho đến chết trên thập giá. Mỗi một hành vi lên án dù nhỏ mọn cũng đã góp phần đưa đến sự chết của Chúa. Chúa không than van trách móc, nhưng còn thương xin Chúa Cha tha thứ cho lỗi lầm của họ. Mầu nhiệm của tình yêu gắn liền với mầu nhiệm của sự đau khổ. Sự đau khổ, sự chết và sống lại của Chúa Giêsu là cao điểm của ơn cứu độ. Đây là Lễ Vượt Qua mà Giao Ước mới được ký kết bằng Máu Châu Báu của Chúa.

Chúng ta có thể gọi các hành vi xấu ấy là tội lỗi của thế gian. Tội bất trung, tội phản nghịch, tội làm chứng dối, tội cáo gian, tội đoán xét, tội thù ghét, tội xỉ vả lăng nhục, tội hại người, tội bất công, tội đồng loã, tội gian tà và tội giết người bằng môi miệng, thái độ và hành động. Tất cả các tội đổ dồn trên đầu, trên vai, trên những bước chân trần và trong trái tim đầy lòng thương xót của Chúa. Qua bài Thương Khó của Chúa, chúng ta đừng gán ghép tất cả những tội lỗi giết Chúa cho quân Giudêu xưa. Không phải thế đâu! Chúa chịu hy sinh đền tội chung cho cả nhân loại. Khi chúng ta phạm tội là chúng ta lại tiếp tục quất những vết roi hằn trên thân mình Chúa. Thánh Phaolô đã kể lại là trong khi đi ruồng bắt các tín hữu, có một luồng sáng đánh ngã ông: Tôi ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với tôi: “Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta? Tôi đáp: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Người nói với tôi: “Ta là Giêsu Nazareth mà ngươi đang bắt bớ” (Cv 22,7-8).

Qua mọi thời, có một số người cứ muốn loại Chúa ra khỏi cuộc sống. Chối bỏ Thiên Chúa để con người được hoàn toàn tự do làm chủ đời mình. Đi tìm tự do để có thể thực hành điều mình mong muốn. Những ước muốn của con người thường là để xuôi theo dòng lạc thú tạm thời. Mọi thoả mãn vẫn không đáp ứng được những khao khát thầm kín thẳm sâu trong tâm hồn. Một số người muốn có thêm quyền lực, thêm danh vọng và thêm hưởng thụ. Họ tìm cách tiêu diệt mọi chướng ngại trên đường để tìm thỏa mãn quyền lực và ý riêng mình. Cha ông chúng ta đã giết chết các sứ giả, các tiên tri được sai đến và cả người Con Một Yêu Dấu của Thiên Chúa cũng bị loại trừ và giết bỏ.

Các thứ tội lỗi của chúng ta hôm nay cũng giống như các tội phản nghịch của người xưa, đều làm phật lòng Chúa. Mỗi khi phạm tội, chúng ta lại đâm thấu trái tim và đóng thêm gai nhọn vào thân mình Chúa. Thân mình Chúa chính là Giáo Hội của Ngài. Trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, Chúa Kitô là đầu và chúng ta là chi thể. Thánh Phaolô nói về sự liên kết giữa Chúa Kito và Hội Thánh: “Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (Ep 5,32). Khi chúng ta phạm tội là chúng ta xúc phạm đến Chúa và chi thể của Chúa. Mùa Chay mời gọi chúng ta xét mình và xin ơn tha thứ để sửa mình. Giáo Hội không ngừng kêu gọi con cái mình hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm để được ơn cứu rỗi.

Trong Tuần Thánh, mỗi người chúng ta dành ít phút thinh lặng và chiêm ngắm hình ảnh Chúa Giêsu bị treo trần trụi trên thập giá. Chúng ta có thể hợp dâng lên Chúa tất cả những đau buồn, sầu khổ, chán nản, bị đổ vạ cáo gian, bị hàm oan, những lời châm chọc chỉ trích, nỗi cô đơn và tất cả những khổ đau của cuộc đời. Xin cho được ơn thông phần nhục nhã với Chúa trên khổ giá để đền vì tội của chúng ta. Xin Chúa thương tha thứ và ban sức mạnh để chúng ta tiếp tục vác thánh giá theo Chúa mỗi ngày. Chúa sẽ trao triều thiên vinh thắng cho những ai bền đỗ đến cùng.

LM Giuse Trần Việt Hùng