Ba Lan kỷ niệm 40 năm Đức Gioan Phaolô 2 đắc cử Giáo Hoàng

Ba Lan kỷ niệm 40 năm Đức Gioan Phaolô 2 đắc cử Giáo Hoàng

Thánh lễ tạ ơn trọng thể đã được Đức TGM Salvatore Pennacchio, Sứ thần Tòa Thánh tại Ba Lan chủ sự, cùng với các HY và GM bản xứ, hôm 16-10 vừa qua, tại Đền Thánh Gioan Phaolô 2 gần Cracovia.

 Hiện diện trong thánh lễ có Tổng thống Andrzej Duda và phu nhân, cùng với các vị lãnh đạo chính quyền và đông đảo tín hữu.

 Bài giảng của ĐHY Dziwisz

 Trong bài giảng, ĐHY Stanislaw Dziwisz, nguyên TGM giáo phận Cracovia và là cựu bí thư riêng của Đức Cố Giáo Hoàng, nói rằng: ”Nghĩa vụ và đặc ân của chúng ta là thông truyền gia sản của thánh Gioan Phaolô 2 cho hậu thế. Vì vậy, ước gì gia sản này được trường tồn trong ý thức, trong văn hóa, trong thái độ thường nhật và trong tình yêu thương, phục vụ của chúng ta”.

 4 đặc tính của triều đại Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2

 ĐHY Dziwisz cũng nhấn mạnh đến 4 đặc tính trong sứ vụ của Thánh Gioan Phaolô 2: trước tiên Người là vị Giáo Hoàng của sự thật về Thiên Chúa và con người. Sự thật này dựa trên ý nghĩa và giá trị của sự sống con người. Thứ 2, Người là vị Giáo Hoàng của sự sống, Người không ngừng giảng về đặc tính thánh thiêng của sự sống con người, phẩm giá và tính chất bất khả xâm phạm của sự sống ấy. Chính vì thế Đức Gioan Phaolô 2 đã quyết liệt và minh bạch bảo vệ sự sống của các thai nhi và những người vô phương thế tự vệ, những người mà luật pháp của nhiều quốc gia phủ nhận quyền căn bản được thấy ánh sáng mặt trời”.

 Thứ ba, Đức Gioan Phaolô 2 là vị Giáo Hoàng của gia đình: Người ý thức giá trị không thể thay thế được của một gia đình tốt đối với mỗi người và gia đình bị tấn công về nhiều mặt trong thế giới tân tiến ngày nay.

 Thứ tư, Đức Gioan Phaolô 2 là vị Giáo Hoàng của tự do. Do ảnh hưởng của Ngài, quê hương Ba Lan và Đông Âu đã thoát được cái ách của chế độ tộc tài. (Rei 18-10-2018)

Giuse Trần Đức Anh OP

ĐTC Phanxicô tiếp các tín hữu Ba lan

ĐTC Phanxicô tiếp các tín hữu Ba lan

ĐTC đưa ra lời kêu gọi trên đây trong lời chào thăm hàng ngàn tín hữu Công Giáo Ba Lan thuộc Tổng giáo phận Cracovia, dưới sự hướng dẫn của Đức TGM bản quyền Marek Jedraszewski, về Roma hành hương tạ ơn Chúa, nhân dịp sắp kỷ niệm 40 năm Đức Gioan Phaolô 2 được bầu làm người Kế Vị Thánh Phêrô. Hiện diện trong đoàn hành hương còn có các HY và GM Ba Lan.

 Lên tiếng trong dịp này, ĐTC đề cao sự nghiệp của thánh Gioan Phaolô 2, đặc biệt trong việc giúp Giáo Hội trở thành người gìn giữ bảo vệ các quyền bất khả nhượng của con ngừơi, bênh vực gia đình và các dân tộc, để trở thành dấu chỉ hòa bình, công lý và sự phát triển toàn vẹn cho toàn thể gia đình nhân loại. Đồng thời, Người luôn nhấn mạnh vị thế ưu tiên của ơn thánh và sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa, trước mọi tính toán của con người.

 ĐTC nhận định rằng: ”Gia sản phong phú này được Thánh Gioan Phaolô 2 để lại, đối với chúng ta, và nhất là các đồng bào của Ngài, đó là một thách hãy trung thành với Chúa Kitô và vui mừng tận tụy đáp lại tiếng gọi nên thánh mà Chúa gửi đến mỗi người trong chúng ta, trong hoàn cảnh đặc biệt của chúng ta, bản thân, gia đình và xã hội. (Rei 10-10-2018)

Giuse Trần Đức Anh OP

Thánh tích thánh Gioan Phaolô được tăng cho Ngày Quốc tế Giới trẻ Panama

Thánh tích thánh Gioan Phaolô được tăng cho Ngày Quốc tế Giới trẻ Panama

Roma – Chiều ngày 17/11 vừa qua, tại tòa đại sứ Balan đã diễn ra một nghi thức cảm động: đại sứ Balan cạnh Tòa Thánh, Janusz Kotański, đã trao cho bà Miroslava Rosas Vargas, đại sứ Panama cạnh Tòa Thánh, một thánh tích của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Đây là quà tặng của Đức hồng y Stanisław Dziwisz cho các nhà tổ chức Ngày Quốc tế Giới trẻ lần tới ở Panama vào năm 2019. Chính Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô là người đã thành lập Ngày Quốc tế Giới trẻ. Ngài tin rằng giới trẻ là tương lai của Giáo hội và do đó ngài đã thúc đẩy  những phong trào giới trẻ để có một chỗ trong Giáo hội. Ngày Quốc tế Giới trẻ, được tổ chức lần đầu tiên tại Roma vào năm 1986, là câu trả lời cho những sáng kiến này.

Tại buổi trao tặng thánh tích cũng có sự hiện diện của 3 nhân vật nổi tiếng: Đức hồng y Stanisław Ryłko, hiện là giám quản đền thờ Đức Bà Cả, ngài là nguyên chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân và người tổ chức Ngày Quốc tế Giới trẻ trong nhiều năm; Đức hồng y José Luis Lacunza, giám mục giáo phận David của Panama; và Đức hồng y Óscar Rodríguez Maradiaga, tổng giám mục Tegucigalpa của Hondurad. Sự hiện diện của Đức hồng y của Hondurad muốn nói rằng Ngày Quốc tế Giới trẻ không chỉ liên quan đến Panama nhưng cả các quốc gia lân cận.

Đầu nghi thức, Đức hồng y Stanisław Ryłko nhắc lại rằng Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II là “Giáo hoàng của giới trẻ” bởi vì ngài đã can đảm chú trọng đến giới trẻ để thực hiện việc loan báo Tin mừng cho thế giới. Đại sứ Kotanski hy vọng rằng Ngày Quốc tế Giới trẻ ở Panama sẽ mang lại mùa xuân mới cho Giáo hội. Ông cũng nói với những người hiện diện rằng ngày 22 mỗi tháng, giới trẻ Balan cầu nguyện cho Ngày Quốc tế Giới trẻ ở Panama. Ông khẳng định rằng lời cầu nguyện của giới trẻ Balan và thánh tích của Thánh Giáo hoàng sẽ là một cầu nối giữa Trung Mỹ và châu Âu.

Đại sứ Panama cũng bày tỏ niềm vui khi nhấn mạnh rằng việc tổ chức Ngày Quốc tế Giới trẻ là một vinh dự cho đất nước Panama. Ông nhắc rằng các thánh, như Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, là gương sống cho mọi người, các ngài tạo nên mối liên kết giữa trời và đất và cầu nguyện cho chúng ta. Ông cũng chia sẻ ghi nhớ của mình về “cái nhìn hiền dịu và sâu thẳm của Thánh giáo hoàng, đặc tính của các vị thánh, lời mời gọi đối thoại và truyền thông, đức tin và lòng nhiệt thành truyền giáo cho đến khi nhân loại có thể sống trong một thế giới tốt đẹp hơn. Cho dù Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô không ở giữa chúng ta, các giá trị, các nguyên tắc và tình yêu của ngài vẫn sống động. Ông kết luận rằng với thánh tích của ngài, thánh nhân sẽ luôn hiện diện trong lời cầu nguyện của mọi người chúng ta. (ACI 20/11/2017)

Hồng Thủy

Thánh tích của hai thánh Gioan Phaolô và Faustina đến Nhật

Thánh tích của hai thánh Gioan Phaolô và Faustina đến Nhật

relics-of-st-john-paul-ii-and-st-faustina

Tokyo – Hôm 13 tháng 11, Đức cha Peter Takeo Okada, Tổng giám mục Giáo phận Tokyo, cùng với Đức sứ thần Tòa thánh và các Linh mục đã cử hành Thánh lễ bế mạc Năm Thánh Lòng Thương xót tại nhà thờ chánh tòa dâng kính Đức Mẹ Maria.

Có rất nhiều tín hữu tham dự Thánh lễ, bao gồm các tín hữu Nhật ở thủ đô cũng như các người nhập cư thuộc các quốc tịch Hàn quốc, Việt nam, Philippines, Miến điện và vài nhóm dân châu Âu.

Trong Thánh lễ cũng có nghi thức Shichi-go-san – chúc lành cho các em bé. Nghi thức này có ngồn gốc từ văn hóa scintoista: các trẻ em 7, 5 và 3 tuổi được mang đến đền thờ để các tư tế chúc lành cho các em. Các em được mang đến nhà thờ để được thần Kami bảo vê. Còn đối với Kitô giáo, các trẻ em được Chúa Giêsu chúc lành như Tin mừng đã thuật lại việc Người chúc lành cho các trẻ nhỏ.

Trong Thánh lễ, thánh tích của hai thánh người Ba lan, Gioan Phaolô và Faustina, được trưng bày. Thánh Gioan Phaolô rất được người Nhật tôn kính.

Nghi thức bế mạc Năm Thánh nhắm khẩn cầu Thiên Chúa, qua lời cầu bầu của hai thánh, trao ban lòng thương xót cho toàn dân tộc Nhật. (Asia News 14/11/16)

Hồng Thủy

 

Đức Thánh Cha bắt đầu viếng thăm Paraguay

Đức Thánh Cha bắt đầu viếng thăm Paraguay

ĐTC thăm Paraguay

ASUNCIÓN. Lúc 3 giờ chiều ngày 10-7-2015, ĐTC Phanxicô đã bắt đầu chương trình viếng thăm tại Paraguay, chặng thứ 3 và là chặng chót trong chuyến viếng thăm mục vụ dài 8 ngày của ngài tại 3 nước Nam Mỹ: Ecuador, Bolivia và Paraguay.

Paraguay rộng 406 ngàn cây số vuông, nhưng dân số chỉ có 6 triệu 700 ngàn người, trong đó tỷ lệ Công Giáo lên tới 93,2%, gồm 6 triệu 320 ngàn người Công Giáo, thuộc 15 giáo phận, nhưng chỉ có 372 giáo xứ và 1.450 trung tâm mục vụ khác.

Paraguay có 23 GM và 800 LM, trong đó quá một nửa là các linh mục dòng, gồm 416 vị. Ngoài ra có gần 1.500 nữ tu và 207 tu huynh. Bình quân tại nước này cứ 7.860 giáo dân Công Giáo thì mới có 1 LM, tỷ lệ quá cao. Tại Paraguay, Giáo Hội đảm trách 19 trường cao đẳng và đại học, 665 trường học các cấp.

Paraguay đã phải trải qua cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử Mỹ châu la tinh, từ năm 1865 đến 1870: 3 nước Argentina, Brazil và Uruguay đã liên minh với nhau, và với 200 ngàn quân, họ đánh 150 ngàn quân Paraguay, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, làm cho 300 ngàn người Paraguay thiệt mạng, cả binh sĩ lẫn thường dân. Phía liên minh có khoảng 100 ngàn người chết. Lãnh thổ của Paraguay bị 3 nước chiếm phần lớn, trong đó có 140 ngàn cây số vuông dành cho Argentina và Brazil.

Sau 2 giờ bay, vượt qua hơn 1 ngàn cây số, ĐTC đến phi trường thủ đô Asunción vào lúc 3 giờ chiều giờ địa phương. Trời mưa rào giống như khi Đức Gioan Phaolô 2 đến đây 27 năm về trước.

Đón tiếp

Tại Phi trường Silviio Pettirossi, trước sự hiện diện của Tổng thống Horacio Cartes, các quan chức chính quyền và các GM, ĐTC đã được đón tiếp nồng nhiệt với các vũ điệu, ca đoàn thiếu niên ”Los Nazarenos” và hoạt cảnh với sự hiện diện của các diễn viên diễn tả thánh Roco Gonzalez tử đạo tại Paraguay, Chúa Giêsu và Mẹ Maria (Đức Mẹ Caacupé), giống như các tượng được rước đi trong các ngày lễ.

ĐTC và mọi người cũng xem lại đoạn phim 2 phút chiếu cảnh đón tiếp thánh Gioan Phaolô 2 Giáo Hoàng dưới trời mưa, rồi ngài rảy nước thánh làm phép bia kỷ niệm cuộc viếng thăm của thánh nhân tại Paraguay từ ngày 16 đến 18-5 năm 1988. Hồi đó nước này còn ở dưới chế độ độc tài của tướng Alfredo Stroessner, cai trị Paraguay trong 35 năm (1954-1989). Trong cuộc viếng thăm bấy giờ, Đức Gioan Phaolô 2 nói rằng: Giáo hội không thể bị đóng khung trong các nơi thờ phượng, và Giáo Hội dấn thân thăng tiến tự do và sự liêm chính trong các lãnh vực công cộng và riêng tư, bảo vệ sự sống, bênh vực các dân quyền. Ngài nói thẳng rằng: ”Tôn trọng nhân quyền không phải là một vấn đề chính trị tùy tiện, nhưng đúng hơn, đó là điều xuất phát từ phẩm giá con người, trong tư cách là một thụ tạo của Thiên Chúa được kêu gọi tiến về một vận mạng siêu việt”.

Một năm sau cuộc viếng thăm ấy, tướng Stroessner đã bị lật đổ trong cuộc đảo chánh và Paraguay dần dần tiến sang chế độ dân chủ.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Hai văn bằng tiến sĩ danh dự cho Đức Biển Đức 16

Hai văn bằng tiến sĩ danh dự cho Đức Biển Đức 16

Nguyên Giáo Hoàng Benedict 16

CASTEL GANDOLFO. Sáng 4-7-2015, Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 đã được trao tặng 2 văn bằng tiến sĩ danh dự từ Ba Lan.

Bằng thứ I của Học Viện thánh nhạc và bằng thứ II của Đại học Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2, cả hai đều ở thành phố Cracovia bên Ba Lan.

Từ lâu Đức Biển Đức 16 cho biết ngài không nhận các văn bằng danh dự do các đại học trao tặng, nhưng ngài chấp nhận thi hành luật trừ trong trường hợp này vì mối liên hệ đặc biệt với Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2.

Hiện diện tại buổi trao tặng văn bằng tại dinh thự Giáo Hoàng ở Castel Gandolfo có các chức sắc và giáo sư của Học viện và Đại học liên hệ.

 ĐHY Stanislaw Dziwisz TGM Cracovia, trong tư cách là Đại chưởng ấn của hai cơ sở giáo dục Công Giáo nói trên, đã trao hai Văn bằng tiến sĩ danh dự và nói đề lòng gắn bó đặc biệt của Đức nguyên Giáo Hoàng với Cracovia. ĐHY nói: ”Chúng con không quên những lời ngài đã nói ngày 28-5-2006 khi viếng Cracovia: ”Cracovia của Đức Karol Wojtila và Cracovia của Đức Gioan Phaolô 2, cũng là Cracovia của tôi”.

Trong diễn từ tại buổi nhận Văn bằng, Đức Biển Đức 16 cho biết qua cử chỉ này, liên hệ của ngài với Ba Lan, với Cracovia càng sâu đậm hơn, liên hệ với quê hương của vị đại thánh của chúng ta Gioan Phaolô 2. Vì không có người, thì hành trình linh đạo và thần học của tôi cũng không thể tưởng tượng được. Qua tấm gương sinh động, Ngài cũng chỉ cho chúng ta thấy làm sao có thể đi song song giữa niềm vui của thánh nhạc và nghĩa vụ chung phải tham gia phụng vụ thánh, niềm vui long trọng và sự đơn sơ của sự cử hành đức tin”.

Đức nguyên Giáo Hoàng cũng nói đến sự kiện do sự hiểu sai Công đồng chung Vatican 2, nhiều người đã làm mất kho tàng thánh nhạc long trọng trong phụng vụ. Trong Hiến chế về phụng vụ, đoạn số 114, Công đồng dạy rằng ”cần hết sức bảo tồn và tăng cường gia sản thánh nhạc”. Phong trào phụng vụ sau đó cho rằng các tác phẩm lớn về thánh nhạc chỉ nên dành cho các phòng hòa nhạc chứ không nên dùng trong phụng vụ. Trong phụng vụ chỉ nên có những thánh ca và kinh nguyện thường của giáo dân. Từ đó người ta nhận thấy có sự nghèo nàn văn hóa trong Giáo Hội. (SD 4-7-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Ngày 11-4-2015: công bố tông sắc về Năm Thánh đặc biệt

Ngày 11-4-2015: công bố tông sắc về Năm Thánh đặc biệt

VATICAN. Tông sắc của ĐTC Phanxicô ấn định Năm Thánh đặc biệt về lòng Thương Xót sẽ được chính thức công bố lúc 5 giờ rưỡi chiều thứ bẩy 11-4 tới đây tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Trong nghi thức công bố, một vị Công chứng viên Tông Tòa sẽ đọc một số đoạn trong Tông Sắc trước cửa Năm Thánh, sau đó ĐTC sẽ chủ sự Kinh Chiều I Chúa nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa, qua đó ngài đặc biệt nhấn mạnh chủ đề cơ bản của Năm Thánh đặc biệt là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Trong Tông Sắc, ĐTC sẽ trình bày tinh thần, ý hướng và những thành quả ngài hy vọng khi ấn định Năm Thánh. Ngài cũng xác định thời điểm, ngày khai mạc và ngày bế mạc Năm Thánh, những diễn tiến chính trong Năm này, từ ngày 8-12 năm nay đến Lễ Chúa Kitô Vua năm tới, 9-11-2016.

Dịp Năm Thánh Đặc Biệt 1933 và 1983, Tông Sắc ấn định được công bố vào lễ Chúa Hiển Linh.

Dịp Đại Năm Thánh 2000, Tông Sắc của thánh Gioan Phaolô 2 đã được công bố sáng chúa nhật thứ I mùa vọng, 29-11-1998, vào đầu thánh lễ trọng thể tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Trong văn kiện đó, Đức Gioan Phaolô 2, sau khi nói đến ý nghĩa Năm Thánh ngài cũng đề cập đến những yếu tố đặc biệt như việc hành hương, các cửa Năm Thánh, và ân xá.

Kèm theo Tông Sắc, Tòa Ân giải tối cao cũng công bố sắc lệnh về việc lãnh nhận Ân xá trong Năm Thánh (SD 31-3-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Chuẩn bị lễ phong thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II

Chuẩn bị lễ phong thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II

Trong những ngày vừa qua, bầu không khí ở Vatican đang trở nên sôi động vì dòng người kéo đến cũng như vì không khí chuẩn bị cho ngày lễ phong thánh cho hai vị Giáo Hoàng Gioan 23 và Gioan Phaolô 2. Phòng Báo Chí Tòa Thánh cũng đã mở các cuộc họp báo để giới thiệu một vài sự kiện quan trọng sẽ diễn ra trước và vào ngày lễ trọng đại này.

Trước ngày lễ phong thánh, sẽ có nhiều hoạt động bổ ích để giúp các tín hữu hướng về Chúa và về hai vị giáo hoàng khả kính này. Cha Walter Insero, Giám đốc văn phòng truyền thông của giáo phận Rôma cho biết sẽ có 2 sự kiện lớn diễn ra. Thứ nhất là cuộc gặp gỡ với giới trẻ vào lúc 20h30 ngày 22.4 tại nhà thờ Chánh Tòa Laterano, do Đức Hồng Y Agostino Vallini chủ sự. Các bạn trẻ sẽ nghe hai bài thuyết trình của Đức ông Slavomir Oder, thỉnh nguyện viên án phong thánh cho Đức Gioan Phaolô 2 và của cha Giovanni Giuseppe Califano, thỉnh nguyện viên án phong thánh cho Đức Gioan 23. Sau đó sẽ bài giáo lý của cha Fabio Rosimi, giám đốc chương trình mục vụ ơn gọi của Tòa Giám Quản Rôma.

Vào thứ bảy 26.4, đêm trước ngày lễ chính, từ lúc 21h, sẽ có 1 đêm canh thức cầu nguyện và các nhà thờ ở trung tâm Rôma đều mở cửa để các tín hữu có thể vào cầu nguyện và xưng tội, nghe những bài đọc sách thánh hay thủ bút của 2 vị Giáo Hoàng. Có 11 nhà thờ dự tính sẽ tổ chức sinh hoạt mục vụ với nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Hiện diện trong buổi họp báo, cha Lombardi, Phát Ngôn Viên Tòa Thánh và cũng là Tổng Giám Đốc Đài Phát Thanh Vatican, chia sẻ một vài chi tiết đáng ghi nhớ rằng ngày phong thánh là ngày lễ Lòng Thương Xót Chúa. Đây cũng là ngày phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô 2 (vào 1.5.2011). Thánh lễ phong thánh này sẽ do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự tại quảng trường thánh Phêrô lúc 10h sáng. Sẽ có khoảng 1000 vị đồng tế, trong đó có nhiều Hồng Y và Giám Mục. Ít nhất có 700 linh mục phụ trách việc trao Mình Thánh Chúa ngay tại khuôn viên quảng trường thánh Phêrô và hàng trăm thầy Phó Tế khác trao Mình Thánh Chúa tại đường Hòa Giải kế đó cho giáo dân tham dự thánh lễ.

Để giúp các tín hữu có thể tham dự thánh lễ phong thánh, tại khu vực Fori Imperiali gần Hý Trường Colosseo, quảng trường Nhân Dân và quảng trường Đền Thờ Đức Bà Cả sẽ bố trí các màn hình khổng lồ. Quảng trường thánh Phêrô có thể tiếp nhận khoảng 100 ngàn người và 1 con số tương tự tại quảng trường Piô 12 cũng như đường Hòa Giải gần đó. Theo chính quyền thành Rôma, có khoảng 300 ngàn tín hữu đến từ Ba Lan, đông đảo các tín hữu từ tỉnh Bergamo bắc Ý quê hương của ĐGH Gioan 23. Tại quảng trường thánh Phêrô, có 5 ngàn chỗ dành cho các tín hữu Ba Lan và 5 ngàn chỗ dành cho các tín hữu đến từ quê hương của ĐGH Gioan 23. Để việc truyền thông có thể diễn ra cách tốt đẹp, sẽ có 9 vệ tinh thuộc hệ thống Eutelsat, cộng thêm các vệ tinh đã dùng trong dịp thế vận Opimpic mùa đông ở Sochi truyền hình trực tiếp lễ phong thánh trên toàn thế giới. Đài Sky sẽ có 15 máy thu hình theo kỹ thuật 4K. Người ta có thể theo dõi sự kiện qua kênh youtube và facebook.

Các bức hình thêu hai vị Giáo Hoàng sẽ là những bức đã được trưng bày trong dịp phong chân phước của các ngài. Đồ đựng thánh tích của Đức Gioan Phaolô 2 cũng là đồ đã dùng trong lễ trong chân phước, còn đồ đựng thánh tích của Đức Gioan 23 thì sẽ được làm tương tự, vì khi ngài được phong chân phước, mộ của ngài vẫn chưa được cải táng. Trong thánh lễ, hai người được nhận phép lạ do sự chuyển cầu của Đức Gioan Phaolô 2 đều có mặt. Đức Gioan 23 thì được miễn chuẩn phép lạ vì theo Đức đương kim Giáo Hoàng Phanxicô, Công Đồng Chung Vatican II mà Đức Gioan 23 triệu tập đã là một phép lạ rồi. Sau thánh lễ, các tín hữu hành hương sẽ được đi vào viếng mộ hai vị tân hiển thánh trong đền thánh Phêrô. Trong những ngày này, nhân viên Tòa Thánh đang sửa chữ “chân phước” thành chữ “thánh” trên mộ của hai vị.

Cho đến nay, một nguồn tin từ chính quyền Rôma cho biết là sẽ có khoảng 5 – 7 triệu người. Tuy nhiên theo cha Lombardi, con số này có thể là hơi quá, vì toàn bộ số dân tại Rôma cũng chỉ có khoảng 3 triệu 700 ngàn người. Vấn đề con số các tín hữu hành hương đến Vatican để dự lễ phong thánh vẫn còn là một vấn đề bỏ ngõ, và không ai có thể biết được con số chính xác là bao nhiêu. Người ta chỉ có thể dự đoán được là hầu như các con đường lớn dẫn đến Vatican đều sẽ chật kín người. Theo báo Cộng Hòa, trích thuật nguồn tin từ chính quyền thành Rôma, 85% khách sạn và nhà trọ ở Rôma và cả những khu vực chung quanh Rôma, đã được đăng ký chỗ trong thời gian trước và sau lễ phong thánh cho hai vị Giáo Hoàng.

Khi được hỏi về sự hiện diện của Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 trong thánh lễ, cha Lombardi trả lời rằng đây là điều mà mọi người mong đợi. Tòa Thánh đã gửi lời mời nhưng ngài chưa trả lời. Chắc phải đợi đến lúc cận ngày, rồi tùy thuộc vào việc ngài có muốn tham dự, và sức khỏe của ngài có cho phép ngài hay không vì chắc chắn đây là một thánh lễ kéo dài với nhiều nghi thức phức tạp.

Thứ hai ngày 28.4, cũng tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Hồng Y Angelo Comastri sẽ chủ sự thánh lễ tạ ơn. Giới truyền thông sẽ có hai trung tâm làm việc: ở ngay trước quảng trường thánh Phêrô và tại cuối đường Hòa Giải. Từ hai nơi này, các chuyên viên có thể quay lấy cảnh từ trên không. Từ bây giờ, đã có hàng trăm phái viên đăng ký tại phòng Báo Chí Tòa Thánh để được giúp đỡ theo dõi diễn tiến. Phòng Báo Chí Tòa Thánh đang lập chương trình một loạt các buổi sinh hoạt với các vị thỉnh nguyện viên án phong thánh, các sử gia về giáo hoàng, các chuyên gia về Công Đồng Vatican II, các chứng nhân phép lạ… để giúp các chuyên viên truyền thông đi sâu vào vấn đề hơn.

Quý thính giả có thể theo dõi buổi lễ Phong Thánh với phần thông dịch và bình luận trực tiếp bằng tiếng Việt tại:

– Link website: www.dongten.net/noidung/32396

Hoặc

– Link trực tiếp đã sẵn có trong website: www.youtube.com/watch?v=2qTuL5zCxDQ

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
 

Đức Thánh Cha diễn giải về bí tích Hôn Phối

Đức Thánh Cha diễn giải về bí tích Hôn Phối

VATICAN. Trong tuổi tiếp kiến chung 60 ngàn tín hữu hành hương sáng thứ tư, 2 tháng 4-2014, tại Quảng trường Thánh Phêô, ĐTC Phanxicô đã diễn giải về bí tích Hôn Phối và kêu gọi tái lập việc đọc kinh trong gia đình.

Trong số hàng trăm nhóm hiện diện, đông đảo nhất là các nhóm đến từ Italia, gồm các học sinh, các giáo xứ, và hiệp hội, đặc biệt có 90 quân nhân thuộc Lữ Đoàn 5 Hiến Binh ở Bologna, trung Italia, 300 sĩ quan và thủy quân thuộc Hàng không Mẫu Hạm Cavour, và 200 cảnh sát quốc gia từ thành Ravenna và Rimini. Từ nước ngoài, đông nhất 35 nhóm từ Cộng hòa Liên bang Đức, 13 nhóm từ Áo và 6 nhóm từ Thụy Sĩ. Đến từ nhiều nước khác nhau có 30 tham dự viên cuộc hội thảo do Hội đồng Tòa Thánh về gia đình tổ chức, 50 nữ tu thuộc tổng tu nghi Dòng Nữ Tử Đức Bà Thánh Tâm, và 45 nữ tu thuộc dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ.

Tuy giờ chính thức được ấn định cho buổi tiếp kiến là 10 giờ rưỡi, nhưng lúc 9 giờ 45, ĐTC đã xuất hiện tại quảng trường, trên chiếc xe díp mui trần màu trắng, tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu, hôn các em bé do các nhân viên an ninh bế lên ngài.

Khi ĐTC lên tới lễ đài, mọi người đã nghe các LM đọc bằng 5 thứ tiếng đoạn thứ 5 thư thánh Phaolô gửi tín hữu thành Ephêso dạy các đôi vợ chồng hãy yêu thương nhau như chính Chúa Giêsu đã yêu thương và hiến mình vì Hội Thánh.

Bài huấn giáo của ĐTC

Trong bài huấn giáo sau phần tôn vinh Lời Chúa, ĐTC đã trình bày về Bí tích Hôn phối là bài chót trong loại giáo lý về các bí tích. Ngài nói:

”Anh chị em thân mến, mến chào anh chị em,

Hôm nay chúng ta nói về bí tích hôn phối và kết thúc loạt bài giáo lý về các bí tích. Bí tích hôn phối dẫn chúng ta đến trọng tâm ý định của Thiên Chúa, là một ý định giao ước với dân Ngài, với tất cả chúng ta, một ý định hiệp thông. Ở đầu sách Sáng Thế, cuốn sách đầu tiên trong bộ Kinh Thánh, khi kết thúc trình thuật về sự sáng tạo, có nói rằng: ”Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình giảng của Ngài; theo hình ảnh Thiên Chúa Ngài tạo dựng họ: Ngài sáng tạo họ có nam có nữ.. vì thế người nam sẽ bỏ cha mẹ và kết hiệp với vợ mình, và cả hai nên một thân thể” (St 1,27; 2,24). Hình ảnh Thiên Chúa là một đôi hôn nhân, là người nam và người nữ, tất cả hai, chứ không phải chỉ có người nam, và người nữ. Đó là hình ảnh Thiên Chúa, và tình yêu, giao ước của Thiên Chúa với chúng ta, được tượng trưng trong giao ước giữa người nam và người nữ. Đây là một điều thật là đẹp! Chúng ta được tạo thành để yêu thương, như phản ánh Thiên Chúa và tình thương của Chúa. Và trong sự kết hiệp vợ chồng người nam và người nữ thực hiện ơn gọi này qua dấu chỉ hỗ tương và cuộc sống hiệp thông trọn vẹn và chung kết. Khi một người nam và một người nữ cử hành bí tích hôn phối, thì có thể nói Thiên Chúa phản ánh trên họ: Ngài in trên họ những đường nét của Ngài và đặc tính không thể xóa bỏ của tình yêu Ngài. Hôn nhân là hình ảnh tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Thật là đẹp! Cả Thiên Chúa cũng là hiệp thông. Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Linh từ đời đời và mãi mãi trong trong sự hiệp nhất hoàn hảo. Và điều này chính là mầu nhiệm Hôn Phối: đó là Thiên Chúa làm cho đôi vợ chồng trở nên một cuộc sống duy nhất – Kinh Thánh nói là ”một thân thể duy nhất” – theo hình ảnh của tình yêu Thiên Chúa, trong dấu chỉ hiệp thông bắt nguồn từ nơi Thiên Chúa và kín múc sức mạnh từ đó.”

Tiếp tục bài giáo lý, ĐTC nói:

”Thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu thành Ephêsô, làm nổi bật điều này là: nơi các đôi vợ chồng Kitô có phản ánh mầu nhiệm mà Thánh Tông Đồ định nghĩa là ”cao cả”, có nghĩa là tương quan được Chúa Kitô thiết lập với Giáo Hội, một tương quan có đặc tính hôn nhân tuyệt vời (Xc Ep 5,21-33). Điều này có nghĩa là Hôn nhân đáp ứng một ơn gọi đặc thù và phải được coi là một sự thánh hiến (Xc Vui Mừng và Hy Vọng, 48); Familiaris consortio, 56). Thực vậy, do bí tích Hôn Phối, các đôi vợ chồng được ủy thác một sứ mạng riêng và đích thực, để từ những điều đơn sơ, bình thường, họ có thể hữu hình hóa tình thương mà Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội của Ngài, tiếp tục hiến thân cho Giáo Hội, trong sự trung tín và phục vụ”.

”Thực là một ý định tuyệt vời những gì ở trong bí tích Hôn Phối! Và nó được thể hiện trong sự đơn sơ và cả trong sự dòn mỏng của thân phận con người. Chúng ta biết rõ đời sống vợ chồng có bao nhiêu khó khăn và thử thách.. Điều quan trọng là giữ cho mối liên hệ với Thiên Chúa được luôn sinh động, mối liên hệ này là nền tảng mối liên hệ vợ chồng. Mối liên hệ thực sự luôn luôn là liên hệ với Chúa. Khi gia đình cầu nguyện thì mối liên hệ ấy được duy trì. Khi người chồng cầu nguyện cho vợ, và người vợ cầu cho chồng, mối liên hệ ấy trở nên bền chặt hơn. Hai người cầu cho nhau. Và quả thực là trong đời sống gia đình có bao nhiêu là khó khăn: công ăn việc làm, thiếu tiền, con cái có vấn đề.. bao nhiêu là khó khăn. Và bao nhiêu lần vợ chồng căng thẳng, cãi nhau. Trong hôn nhân vẫn có những vụ cãi nhau, và nhiều khi bát đĩa bay. Anh chị em cười, nhưng đó là sự thật. Nhưng chúng ta không nên buồn vì điều này. Thân phận con người là như thế. Nhưng bí quyết là tình yêu mạnh hơn những lúc cãi nhau. Và vì thế tôi khuyên các đôi vợ chồng, đừng bao giờ kết thúc một ngày mà không làm hòa với nhau, nếu đã cãi nhau. Để làm hòa với nhau không cần phải gọi LHQ, chỉ cần một cử chỉ nhỏ, một cái vuốt âu yến. Và ngày mai lại bắt đầu. Đó là cuộc sống: tiến bước như thế trong can đảm, can đảm muốn sống chung với nhau. Đời sống hôn nhân là điều rất đẹp và chúng ta phải luôn giữ gìn, bảo vệ con cái.”

”Một vài lần tôi đã nói ở đây, có 3 lời giúp cho đời sống vợ chồng. Tôi không biết anh chị em có nhớ 3 lời ấy không: ba lời phải luôn nói trong gia đình: xin vui lòng, cám ơn, và xin lỗi. Xin vui lòng: để không xen mình trong đời sống vợ chồng; cám ơn người phối ngẫu của mình, cám ơn điều mà anh, em đã làm. Và vì tất cả chúng ta đều có sai lỗi, nên cần nói lời này: xin lỗi. Với 3 lời này, với kinh nguyện của vợ chồng cho nhau, và vợ chồng luôn làm hòa với nhau trước khi kết thúc một ngày, hôn nhân sẽ tiếp tục tiến bước. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!

Chào thăm

Sau bài giáo lý trên đây bằng tiếng Ý, các linh mục thuộc các cơ quan Tòa Thánh đã lần lượt tóm tắt bài giáo lý trong các ngôn ngữ khác nhau: Pháp, Anh, Đức, Bồ đào nha, Arập, Ba Lan. Các vị cũng dịch những lời chào của ĐTC gửi đến các nhóm tín hữu hiện diện. Chẳng hạn bằng tiếng Pháp ngài đặc biệt chào thăm các tu huynh tu viện đại kết Taizé với thầy Alois, các thành viên hiệp hội các ký giả tôn giáo.

Với các tín hữu nói tiếng Anh, ĐTC nhắc đến nhiều người hành hương đến từ Anh quốc, xứ Galles, Đan Mạch, Na Uy, Malta Nhật bản, Canada và Hoa Kỳ. Ngài cũng nói: ”Tôi vui mừng đón tiếp Liên hiệp Công Giáo trợ giúp y tế tại Hoa Kỳ và các linh mục tham dự khóa thường huấn về thần học tại Trường Bắc Mỹ ở Roma này”.

Với các tín hữu nói tiếng Ba Lan, ngài nhắc đến ngày giỗ lần thứ 9 của Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 ngày 2-4 năm 2005 và nói: ”Chúng ta nghĩ đến lễ phong hiển thánh cho Người mà chúng ta sẽ cử hành vào cuối tháng 4 này. Ước gì sự chờ đợi biến cố này là cơ hội cho chúng ta chuẩn bị tinh thần và làm sinh động lại gia sản đức tin mà Người để lại. Noi gương Chúa Kitô, Đức Gioan Phaolô 2 là người rao giảng Lời Chúa không biết mệt mỏi cho thế giới, rao giảng chân lý và sự thiện. Người đã làm điều thiện kể cả với những đau khổ của Người. Đó chính là giáo huấn bằng cuộc sống của Người và Dân Chúa đã đáp lại với tất cả lòng yêu mến và quí chuộc. Ước gì sự chuyển cầu của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 củng cố nơi chúng ta đức tin, niềm hy vọng, và lòng mến. Ước gì phép lành Tòa Thánh của tôi tháp tùng anh chị em trong trời gian chuẩn bị này.”

Sau cùng, ĐTC chào đông đảo các nhóm tiếng Ý, các nữ tu tham dự tổng tu nghị của dòng, các tín hữu thuộc các giáo xứ và hội đoàn khác nhau, cả hiệp hội những bệnh nhân bị xơ cứng. Ngài nhăc đến nhóm Jemo Nnanzi ở thành phố L'Aquila trung Italia, bị động đất cách đây 5 năm. Ngài cũng ngỏ lời với các bạn trẻ, cac bệnh nhân và các đôi vợ chồng mới cưới, và nhắc đến lễ kính thánh Phanxicô di Paola. Ngài nói: Hỡi những người trẻ thân mến, đặc biệt là những người thuộc làng thiếu niên Maddaloni, các con hãy học nơi thánh Phaolô di Paola lòng khiêm nhường là sức mạnh chứ không phải là một sự yếu đuối. Hỡi anh chị em bệnh nhân, đừng mệt mỏi trong việc xin Chúa giúp đỡ. Và anh chị em tân hôn, hãy thi đua nhau trong việc quý chuộng và giúp đỡ nhau”.

ĐTC đã cùng mọi người hát kinh Lạy Cha và ban phép lành cho tất cả.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội Đồng Tòa Thánh mục vụ y tế

Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội Đồng Tòa Thánh mục vụ y tế

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng 24-3-2014, dành cho Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế, ĐTC đề cao cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu như ”trường học lớn nhất dành cho những ai dấn thân phục vụ anh chị em bệnh nhân và người đau khổ.

80 tham dự viên, gồm các HY, GM, LM và nhiều chuyên gia cố vấn tham dự khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế về đề tài ”Làm điều thiện với đau khổ và làm điều thiện cho người đau khổ”, một câu trích tứ Tông thư Salvifici doloris, Khổ đau cứu độ, của Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 (n.30), công bố cách đây 30 năm.

ĐTC Phanxico khẳng định rằng: ”Thực sự là cả trong đau khổ, không ai bị đơn độc, vì Thiên Chúa trong tình yêu thương từ bi của Ngài đối với con người và thế giới đã ấp ủ cả những hoàn cảnh vô nhân đạo nhất, trong đó hình ảnh của Đấng Tạo Hóa hiện diện nơi mỗi người bị lu mờ hoặc biến dạng. Chúa Giêsu cũng chịu như thế trong cuộc khổ nạn. Nơi Chúa, mọi đau khổ, lo âu đau đớn của con người được đón nhận với lòng yêu mến, với ý muốn được gần gũi và ở với chúng ta. Chính nơi đây, trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu, có trường học lớn nhất đối với bất kỳ người nào muốn dấn thân tận tụy phục vụ anh chị em bệnh nhân và ngừơi đau khổ”.

ĐTC cũng nhận xét rằng ”Kinh nghiệm về sự chia sẻ huynh đệ với người đau khổ mở cho chúng ta vẻ đẹp đích thực của cuộc sống con người, trong đó có bao gồm cả sự dòn mỏng. Khi bảo vệ và thăng tiến sự sống con người, ở bất kỳ giai đoạn và thân phận nào, chúng ta có thể nhận ra phẩm giá và giá trị của mỗi người, từ lúc mới được thụ thai cho đến lúc chết”. (SD 24-3-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Kỷ niệm 1 năm Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 tuyên bố từ nhiệm

Kỷ niệm 1 năm Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 tuyên bố từ nhiệm

VATICAN. Hôm 11-2-2014, là kỷ niệm đúng 1 năm ĐGH Biển Đức 16 tuyên bố từ nhiệm và ấn định rằng Tông Tòa bắt đầu từ lúc 20 giờ ngày 28-2 tiếp đó.

ĐGH Biển Đức 16 tuyên bố từ nhiệm, trước sự hiện diện của hơn 40 Hồng y tham dự công nghị thường lệ về việc tôn phong hiển thánh cho 813 vị chân phước.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Reuter của Anh quốc, truyền đi hôm 11-2-2014, Đức TGM Georg Gaenswein, bí thư của ĐGH Biển Đức đồng thời là đương kim Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng cho biết ĐGH Biển Đức vẫn rất tỉnh táo và minh mẫn về tâm trí và tinh thần, tuy rằng sức khỏe thể lý của ngài suy yếu với 87 tuổi”.

Đức TGM Gaenswein cũng nói đến quan hệ tốt đẹp giữa Đức cựu và đương kim Giáo Hoàng: ”Ngay từ đầu đã có sự tiếp xúc tốt đẹp giữa hai vị và sự khởi đầu này đã được phát triển và trưởng thành. Hai vị vẫn viết thư, điện thoại, nghe và mời nhau. ĐGH Phanxicô đã nhiều lần đến Đan viện Mẹ Giáo Hội nơi Đức Biển Đức cư ngụ, và ĐGH Biển Đức cũng đã đến nhà trọ Thánh Marta. Trên nhiều bình diện có sự cảm thông giữa hai vị”.

Đức TGM nói: ”Đức nguyên Giáo Hoàng rất an bình với chính mình và với Chúa. Tôi xác tín rằng Chúa Thánh Linh gửi vị Giáo Hoàng đúng đến cho thời đại thích hợp, và điều này có giá trị đối với Đức Gioan Phaolô 2, Đức Biển Đức và ĐGH Phanxicô.. Sau một triều đại Giáo Hoàng rất dài của Đức Gioan Phaolô 2, một người đã sống cạnh Người trong 23 năm, lâu hơn bất kỳ Hồng y nào khác, và có lẽ là cộng sự viên được tín nhiệm và hữu hiệu nhất, đã trở thành Giáo Hoàng. Tôi không nói là ĐGH Biển Đức không được may mắn. Sau một triều đại 27 năm Giáo Hoàng, bất kỳ ai được bầu lên cũng gặp khó khăn”.

Và Đức TGM Gaenswein cho biết: ”Đức Biển Đức 16 không oán trách các cơ quan truyền thông nhiều khi không viết đúng về ngài và công việc của ngài. Tôi tin chắc rằng lịch sử sẽ đưa ra một phán đoán khác với phán đoán mà người ta thường đọc thấy trong những năm gần đây trong triều đại Giáo Hoàng của Đức Biển Đức 16, vì nguồn mạch trở nên rõ ràng và mang lại nước trong hơn” (Vat. Ins., Reuteur 10-2-2014).

Đức TGM Georg Gaenswein xác nhận rằng khi ĐGH tuyên bố từ nhiệm, nhiều Hồng Y hiện diện kinh ngạc ngỡ ngàng, nhiều vị khác không hiểu.

Trả lời câu hỏi của đài Radio Uno ở Italia: ”Sự chọn lựa của ĐGH Biển Đức có thể là một tiền lệ trong giáo luật hay không”, Đức TGM Gaenswein nói: ”ĐGH Ratzinger đã và sẽ không hề muốn ảnh hưởng một cách nào đó đến các người kế nhiệm. Chắc chắn rằng qua hành vi từ nhiệm này, ngài xác định một sự kiện mới cần phải được tôn trọng”.

Đức Hồng Y Bertone

ĐHY Bertone, nguyên Quốc vụ khanh, cũng tiết lộ rằng ĐGH Biển Đức 16 đã muốn từ nhiệm sớm hơn, và dự tính thông báo ý định này ít lâu sau lễ Giáng Sinh năm 2012, nhưng ĐHY can ĐGH rằng: ”lúc này không phải là thời điểm thuận tiện. ĐTC cần loan báo sứ điệp của Chúa Hài Đồng Giêsu. Chúng ta không nên làm xáo trộn món quà mà Chúa ban cho Giáo Hội”.

ĐHY Bertone cho biết vào khoảng giữa năm 2012, ĐGH Biển Đức đã tiết lộ cho ngài ý định từ nhiệm, nhưng ĐHY tìm cách khuyên ĐGH dời lại thời điểm, vì mới khai mạc năm Đức Tin và loan báo Thông điệp về đức tin. Sau nhiều suy nghĩ và cầu nguyện ĐGH đi tới quyết định chung kết là sẽ công bố quyết định vào ngày 11-2, lễ Đức Mẹ Lộ Đức.

ĐHY nguyên Quốc vụ khanh Tòa Thánh xác nhận rằng nguyên nhân chính khiến ĐTC Biển Đức 16 từ nhiệm là tình trạng sức khỏe thể lý và nghị lực tinh thần suy yếu. Ở tuổi của ngài, ngài cảm thấy không đủ nghị lực để đi Rio de Janeiro gặp gỡ hàng triệu bạn trẻ tại đó.

Cha Lombardi SJ

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, nhận định rằng quyết định từ nhiệm của ĐGH Biển Đức 16 cách đây 1 năm là một ”đại hành vi cai trị”. Nghĩa là một quyết định được đề ra một cách tự do, ảnh hưởng thực sự trong tình trạng và trong lịch sử của Giáo Hội. Theo nghĩa đó, quyết định từ nhiệm của Người là một đại hành vi cai trị, được thực hiện với một linh đạo sâu xa, được chuẩn bị kỹ lưỡng bằng suy tư và cầu nguyện, một cử chỉ rất can đảm, vì đó là một quyết định ngoại thường.

Đức Ông Georg Ratzinger

Mặt khác, trong một bài đăng trên báo ”Lý Trí” (La Razón” số ra ngày 8-2-2014 tại Tây Ban Nha, Đức Ông Georg Ratzinger, anh ruột của ĐGH Biển Đức, cho biết em của ngài không có nhiều thời gian như mong muốn để chơi đàn Piano hoặc có những cuộc điện đàm, vì Người vẫn còn nhiều người đến viếng thăm.

Đức Ông cũng tiết lộ rằng Đức nguyên Giáo Hoàng vẫn tiếp tục nghiên cứu thần học, những không nói Người có viết tiểu sử tự thuật hay không. Đức Ông nói thêm rằng: ”Em tôi tuyệt đối không hề lấy làm tiếc vì quyết định từ nhiệm cách đây 1 năm. Đối với Người, những trách vụ và chức năng mà Người muốn chu toàn, thật là rõ rằng, và quyết định Người đưa ra cách đây một năm thật là rõ ràng, và vẫn còn giá trị ngày nay” (Apic 9-2-2014)

Trong một sứ điệp ngắn truyền qua dạng Twitter, ĐTC Phanxicô viết: ”Hôm nay, tôi mời gọi anh chị em cùng với tôi cầu nguyện cho ĐTC Biển Đức 16, một người có lòng can đảm lớn lao và lòng khiêm nhường sâu xa”.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio