Đức Thánh Cha khích lệ giới trẻ Kitô Âu Châu từ bi thương xót

Đức Thánh Cha khích lệ giới trẻ Kitô Âu Châu từ bi thương xót

Đức Thánh Cha khích lệ giới trẻ Kitô Âu Châu thực thi thương xót

VATICAN. ĐTC khích lệ các bạn trẻ Kitô Âu Châu làm cho lòng từ bi thương xót được biểu lộ trong mọi chiều kích, kể cả các chiều kích xã hội.

ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cho biết như trên trong sứ điệp nhân danh ĐTC gửi đến hàng chục ngàn bạn trẻ Kitô, thuộc mọi hệ phái, đang tham dự cuộc gặp gỡ giới trẻ Kitô Âu Châu lần thứ 38 do tu viện đại kết Taizé tổ chức tại thành phố Valencia Tây Ban Nha, từ ngày 28-12 đến 1-1 tới đây.

ĐHY Parolin viết: ”ĐGH khuyến khích các bạn theo đuổi con đường từ bi thương xót, nghĩa là có can đảm thương xót, dẫn đưa các bạn không những đón nhận lòng thương xót cho bản thân, trong đời sống cá nhân, nhưng còn xích lại gần những người đang ở trong tình cảnh khốn cùng.. Điều này được áp dụng đặc biệt cho nhiều người di dân đang cần được sự tiếp đón của các bạn.”

ĐHY Parolin nhắc lại điều ĐTC đã viết cho thầy Alois, tu viện trưởng Taizé, nhân dịp sinh nhật thứ 100 của vị sáng lập cộng đoàn này: ”Thầy Roger yêu mến người nghèo, những người bất hạnh, những người có vẻ không có gì đáng kể. Qua cuộc sống của Thầy và của các tu huynh Taizé, Thầy đã chứng tỏ rằng kinh nguyện đi song song với tình liên đới với con người”. Nhờ thực hành tình liên đới và lòng thương xót,các bạn có thể sống hạnh phúc ấy, một hạnh phúc có nhiều đòi hỏi và phong phú về ý nghĩa mà Tin Mừng kêu gọi các bạn”.

ĐHY Quốc vụ khanh viết thêm rằng: ”ĐTC cầu mong trong những ngày thật đẹp, tập hợp các bạn ở Valencia, cầu nguyện và chia sẻ với nhau, các bạn càng khám phá Chúa Kitô hơn, Người là khuôn mặt từ bi thương xót của Chúa Cha”.

Theo ban tổ chức, có khoảng 25 ngàn bạn trẻ Kitô từ 52 quốc gia đang tham dự cuộc gặp gỡ tại Valencia. Đức Thượng Phụ Chính Thống Constantinople, Chính Thống Nga, Đức TGM giáo chủ Liên hiệp Anh giáo và cả ông Tổng thư ký LHQ đều gửi sứ điệp khích lệ các bạn trẻ.

Trong những ngày này, ban sáng các bạn trẻ sinh hoạt trong các giáo xứ nơi họ được tiếp đón: cầu nguyện tại nhà thờ, rồi hội thảo chia sẻ trong các nhóm và gặp gỡ dân chúng. Ban chiều họ họp mặt tại trung tâm thành phố về những đề tài: dấn thân xã hội, đức tin và đời sống nội tâm, và có cả các mục văn nghệ. (SD 28-12-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Vác đỡ Thánh Giá Chúa

Vác đỡ Thánh Giá Chúa

Vào Tuần Thánh với Lễ Lá, bài Thương khó đã kể lại cho chúng ta nghe về Con Một Thiên Chúa mang thân phận con người với tên Giêsu. Ngài đã cô đơn đổ mồ hôi máu trong Vườn Cây Dầu như bị bỏ rơi, chấp nhận hóa thân mình nên thần lương cho nhân loại, bị chính môn đệ phản bội nộp thầy cho quân dữ, bị đứng trước vành móng ngựa, nghe bản cáo trạng hàm oan, rồi lại nghe tuyên án tử hình, chịu vác thập giá, đánh đòn, đội mão gai, té ngã trên đường lên Núi Sọ, và cuối cùng, chịu đóng đinh và chết thật.

Đó là cái giá phải trả để chuộc lại tội bội phản của tổ tông loài người. Cụ thể hơn, chỉ có hy tế thập giá của Chúa Giêsu mới là lễ dâng đẹp ý Thiên Chúa Cha, để nhờ án tử hình của Chúa Giêsu mà Thiên Chúa Cha xóa đi bản án tử hình đời đời cho con người.

Tham dự vào cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu với lòng biết ơn Người đã mang lại cho chúng ta niềm hy vọng được tham dự vào cuộc sống vĩnh cửu của Thiên Chúa, nhờ lòng khoan dung tha thứ của Thiên Chúa Cha.

Có người đặt vấn đề khá thời sự rằng: Chúa Giêsu đã chịu thương khó, đã chết và sống lại hai ngàn năm rồi. Chúng ta đang nghe việc thuật lại như một chuyện kể, một cổ tích. Làm sao chúng ta có thể lại bước đi trên Đường Thương Khó với Chúa Giêsu nữa?!? Thật mơ hồ.

Tôi đồng ý với bạn rằng: chúng ta không tận mắt thấy Chúa Giêsu đổ mồ hôi máu trong đêm Vườn Dầu. Nhưng thiết tưởng, chúng ta có thể thấy rất cụ thể từng nếp nhăn cằn cỗi trên khuôn mặt của những Chủ Chiên ngày qua ngày phải đối phó với bầy quân dữ của Satan đang rình mò cắn xé Giáo Hội là Thân Thể Chúa Giêsu Kitô. Xin đừng nghĩ là các Chủ Chiên đang vô tư, vô tình, vô cảm trước những bức bách mang tính chủ trương và toàn diện đang xảy ra trong và cho Giáo Hội địa phương của mình. Nhưng nên nghĩ là các Ngài đang đổ mồ hôi máu mà thưa với Chúa Cha rằng: “Lạy Cha nếu có thể được, thì xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, một theo ý Cha mà thôi”.

Những chủ chiên ấy, không chỉ là những Giám Mục, Linh Mục, mà cụ thể hơn là bạn, là tôi, là tất cả những người làm ông bà, cha mẹ, anh chị đang mang trong mình trọng trách bảo vệ Đức Tin cho những thành viên non trẻ của mình trước những trận cuồng phong duy vật, vô thần, vô cảm, vô nhân đạo, vô lương tâm, vô luân lý.

Một người bạn tôi, đã từng là Đại Chủng Sinh Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt, từng Giáo Lý Viên dự tòng và hôn nhân nhiều năm liền tại Giáo Xứ của mình, hôm nay, thầy lại đành bó tay, đành cắn răng chờ xem người con rể tương lai vốn con nhà Cộng Sản kia định liệu thế nào cho số phận con gái mình khi đã trót “ăn cơm trước kẻng”: có thể là nó chịu theo Đạo để cưới vợ, cũng có thể là nó bảo Đạo ai nấy giữ, rồi cũng có thể là nó xúi dại con gái mình phá cái thai ấy đi. Thật là đau khổ! Thế rồi, đúng là nhà ông sui của thầy đã ép thằng nhỏ phải bắt con gái thầy phá thai. Hai vợ chồng thầy đau khổ lắm. Đêm đêm bên ngọn đèn dầu thầm thĩ kêu van xin Chúa sáng soi cho con gái mình biết đường mà tuân giữ lề luật của Chúa.

Tôi vẫn nghĩ là sự chọn lựa để bảo vệ Đức Tin, để trung thành với lề luật Chúa, để tuân hành thánh ý Chúa cũng làm cho người yêu mến Chúa đến phải đổ mồ hôi máu như Chúa vậy.

Một cha giải tội cho một hối nhân thường xuyên, lần nào xưng tội cũng bấy nhiêu tội tày trời ấy, có khi còn nặng nề hơn. Cha vừa nghe tội vừa khẩn khoản tha thiết kêu xin lòng thương xót Chúa đến độ vã cả mồ hôi, lạnh ớn người ngay trong Tòa Giải Tội.

Những người đau đầu nhất, đang đổ mồ hôi máu nhất hiện nay có phải là những Giám Mục, Linh Mục, những chủ chiên đang “lựa chiều bẻ lái” cho con chiên của mình một cách ứng xử Công Giáo nhất trước tình trạng thế quyền quá lộng quyền đối với Sự Sống con người hiện nay. Nếu con người thời bây giờ biết rằng: vài chục năm trước đã có chủ trương phá thai cách toàn diện, cấp quốc gia như thế, thì hẳn đã không thể còn có chính họ hiện diện trên đời ngày hôm nay để chủ trương phá thai nữa. Là những người bảo vệ Đức Tin Công Giáo, làm chứng cho Chân Lý của Thiên Chúa, nối tiếp công cuộc Sáng Tạo và Cứu Rỗi của Thiên Chúa, không đổ mồ hôi máu được sao?

Cũng vậy, chúng ta không thấy cảnh Chúa Giêsu bị bắt bớ, không tham dự phiên tòa xét xử Chúa Giêsu, không thấy những vết bầm tím trên thân mình Chúa Giêsu khi bị quân dữ đánh đòn, không thấy Chúa Giêsu vác thập giá, ngã lên ngã xuống trên đường lên đồi cao chịu chết, hoặc nếu có thấy, thì thiết tưởng, cũng chỉ là thấy qua những bản vẽ do các họa sĩ.

Thế nhưng chúng ta có thể thấy được tận mắt các tín hữu của Chúa đang bị bắt bớ giam cầm tra tấn khắp nơi nơi đấy chứ? Nhất là, trong thời đại truyền thông nầy, thì tin tức về những chuyện bắt oan các tín hữu, bỏ tù gian, ném đá giấu tay, hay mượn tay người gây thương tích cho các Linh Mục trên đường Mục Vụ đều có thể truyền đi nhanh như chớp, làm sao mà lấy “thúng úp voi được”? Ấy vậy, những chuyện “quả tang”, “công khai” tra tấn những người theo Chúa Kitô trong Giáo Hội Chúa Kitô đang diễn ra hàng ngày khắp nơi và cả trên đất nước chúng ta, mà chúng ta nói rằng chúng ta không tham dự được với Thập Giá Chúa Kitô sao?

Tại nơi chúng ta đang sống, Chúa Giêsu vẫn đang bị bán đứng với giá 30 đồng bạc, có khi ít hơn chỉ vài đồng, hoặc chỉ cần là sự đổi chác một chỗ ngồi, chỗ đứng cho vinh thân phì gia. Chúa Giêsu vẫn đang chịu bao lời phỉ báng, bôi nhọ, hạ nhục. Chúa Giêsu vẫn đang bị bắt bớ giam cầm, đánh đập tra tấn, đổ máu và cả mất mạng nữa. Vâng cuộc Thương Khó Chúa Giêsu đang hiển hiện nơi các tín hữu Chúa.

Như vậy, tín hữu Công Giáo Việt Nam vào cuộc Thương Khó với Chúa Giêsu không chỉ là những giờ ngắm rằng, ngắm đứng, ngắm quì sốt sắng đến rơi lệ, không chỉ là những vành khăn tang trắng xóa quấn trên đầu suốt Tuần Thánh, không chỉ là những cử hành Phụng Vụ long trọng trong Thánh Đường, không chỉ là những việc chay tịnh sám hối chỉ với Chúa, mà thiết tưởng còn phải cụ thể hơn là: khẩn cấp nhận ra và tham dự vào nỗi lo, niềm đau của các chủ chiên, của các tín hữu khắp nơi trên đất nước.

Là con cái trong nhà, xin dâng những hy sinh và vác đỡ Thánh Giá cho cha mẹ mình trong việc lo cái ăn, cái mặc, cái học và nhất là trong việc bảo vệ đời sống Đức Tin trước những nguy cơ. Là con chiên trong một đoàn chiên Giáo Hội, xin dâng những hy sinh và vác đỡ Thánh Giá cho những Chủ Chiên, những tín hữu đang gặp bức bách, giam cầm, tra tấn. Là tín hữu Công Giáo trong xã hội, xin dâng những hy sinh và chia sẻ niềm đau thương của mọi người, niềm đau do gian ác, bất công, đàn áp, niềm đau của bệnh hoạn tật nguyền, niềm đau của những mảnh đời nghiệt ngã không ai giống ai…

Đang viết bài này, tôi nhận được cú điện thoại của chị H, có người chồng 15 năm bại liệt, mọi sinh hoạt tại chỗ, con trai lớn cột sống dính khớp 9 năm nay cũng nằm luôn một chỗ cho chị H. lo lắng, con trai thứ có vợ tận Cà Mau, con gái út vừa đi học đi làm ở Sàigòn, nhà mái tôn rách nát. Mùa mưa tới rồi, chẳng biết tính sao? Tôi có thể trả lời rằng trong cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu đâu thấy có cảnh bại liệt hay dính khớp cột sống để từ chối một cảm thông được không?

Tôi bỗng nghe tiếng lòng nhắc bảo: xin đừng vừa sốt sắng tham dự Phụng Vụ cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu lại vừa dửng dưng vô tâm trước cảnh thương khó của biết bao người.

Lạy Chúa, Thánh Phanxicô đã thưa: “Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người”. Xin cho chúng con cũng nhận ra Chúa Giêsu đang đau buồn, thương tích, bị nhục mạ, bắt bớ, giam cầm, đánh đập nơi những anh chị em chúng con, và cho chúng con nhiệt tình vác đỡ Thánh Giá của anh em, như vác đỡ Thánh Giá Chúa Giêsu vậy. Amen.

PM Cao Huy Hoàng

Ma quỷ thời đại mới

Ma quỷ thời đại mới

Từ ngàn xưa, ma quỷ luôn luôn là một mối bất hạnh cho con người. Ma quỷ luôn tìm cách làm hại con người không những bằng xúi giục con người làm điều tội lỗi mà còn hành hạ, khống chế, trói buộc, bắt con người làm nô lệ cho chúng. Trong cuộc chiến với ma quỷ, con người không phải là địch thủ ngang tài đồng sức, nên thường thua cuộc. Ngay trong trận chiến đầu tiên, hai ông bà nguyên tổ đã thua mưu chước ma quỷ. Từ đó, con người chẳng thể nào tự mình thoát được nanh vuốt ma quỷ giam hãm.

Đức Giêsu đến mở đầu một kỷ nguyên mới: Nước Thiên Chúa đến chiến thắng nước ma quỷ. Ngay khi Đức Giêsu xuất hiện, ma quỷ mở lại bài cũ cám dỗ Đức Giêsu đi vào con đường kiêu ngạo, phô trương, cậy sức mình, ham hố danh, lợi, thú. Nhưng ngay trong lần đầu tiên giáp chiến, ma quỷ thất bại nặng nề. Đức Giêsu đã toàn thắng vì Người cương quyết đi theo con đường vâng phục thánh ý Chúa Cha, sống khiêm tốn, đơn sơ, khiêm nhường, phó thác. Từ đó, Đức Giêsu đi đến đâu là khuất phục ma quỷ, giải thoát con người đến đấy.

Đọc trong Tin Mừng, ta thấy Đức Giêsu giải thoát con người ở các khía cạnh sau đây.

Người trực tiếp giải thoát con người khỏi bàn tay hung ác của satan. Hôm nay, Người xua đuổi thần ô uế công khai trước mặt mọi người trong hội đường. Lần khác, Người xua đuổi cả một đạo quân quỷ dữ. Chúng đã xin nhập vào đàn heo đang ăn bên bờ biển, và cả đàn heo lăn xuống biển chết hết.

Người gián tiếp giải thoát con người khỏi ách thống trị của satan qua việc chữa bệnh. Theo quan niệm của người Do Thái, bệnh tật là dấu chỉ của tội lỗi. Vì thế, người bệnh là người sống dưới ách satan. Đức Giêsu đã chữa lành rất nhiều người bệnh. Nhiều lần Người nói với người bệnh: “Tội con đã được tha”.

Người tha thiết với việc cứu con người khỏi ách nô lệ tội lỗi, nên Người thường lui tới với những người thu thuế. Người không chỉ nói lời tha thứ bên ngoài, nhưng thực sự hoán cải họ từ bên trong. Nhất là Người giải thoát họ khỏi những mặc cảm và giúp họ tái hội nhập vào đời sống cộng đoàn.

Qua những việc làm của Đức Giêsu, ta thấy Người không chỉ giải thoát con người khỏi bàn tay hung ác của ma quỷ mà còn quan tâm cứu chữa con người khỏi những thế lực đen tối của chúng.

Cuộc chiến giữa con cái Thiên Chúa và ma quỷ vẫn tiếp tục, nên Đức Giêsu khi sai các Tông đồ đi rao giảng, vẫn luôn kèm theo mệnh lệnh xua đuổi ma quỷ. Hôm nay, Người sai chúng ta tiếp bước các Tông đồ, đi chiến đấu chống lại ma quỷ. Ma quỷ không hiện hình cho ta thấy, nhưng chúng ẩn nấp trong các sự dữ, sự ác còn tồn tại trên thế giới.

Có thứ quỷ nghèo đang trói buộc con người, không cho họ sống một cuộc sống xứng đáng với nhân phẩm con người. Có thứ quỷ đói đang giết chết nhân loại dần mòn. Có thứ quỷ dốt giam cầm những người thất học trong tù ngục tối tăm. Có thứ quỷ bệnh không ngừng hành hạ và đẩy con người vào hố sâu tuyệt vọng.

Ngày nay, ma quỷ rất tinh khôn nên thường xuất hiện dưới những hình dáng bên ngoài xinh đẹp, hấp dẫn. Chúng xuất hiện dưới những đồng tiền bất chính và hứa hẹn cho ta một cuộc sống thoải mái. Chúng xuất hiện dưới chiêu bài tự do hưởng thụ để xúi giục ta lao mình vào những nơi ăn chơi độc hại. Chúng kích thích sự tò mò của thanh niên muốn thử sức với ma túy.

Với bàn tay nham hiểm, ma quỷ âm thầm len lỏi vào tận đáy tâm hồn, khơi lên những làn sóng chia rẽ, ganh ghét, thù hận, bất hòa. Chúng kích thích lòng tham lam vô đáy, đưa ta đến chỗ trộm cắp, kiện cáo và tranh giành. Chúng khơi dậy thói kiêu căng, lòng tự ái để ta ham hố vinh danh và quyền lực. Chúng vuốt ve thói ích kỷ để xui giục ta chỉ nghĩ đến bản thân mình, làm ngơ trước những nhu cầu của người khác. Chúng lừa gạt ta để ta coi thường tội lỗi, mất ý thức về tội.

Hôm nay, Chúa muốn ta tiếp tục công việc của Chúa, xua trừ ma quỷ ra khỏi đời sống chúng ta. Hãy cùng nhau xua đuổi quỷ đói, quỷ nghèo ra khỏi thế giới. Hãy góp phần tích cực diệt trừ quỷ dốt, quỷ bệnh ra khỏi xã hội con người.

Hãy tỉnh táo nhận ra ma quỷ dưới những khuôn mặt đẹp đẽ của vật chất, tiền bạc, hưởng thụ, cám dỗ.

Nhất là, hãy trục xuất khỏi tâm hồn ta những con quỷ gây chia rẽ, bất hòa, tham lam, kiêu căng, tự mãn, gian trá, giả hình, hám danh, ích kỷ, dửng dưng.

Tự sức riêng, ta khó mà chiến thắng được ma quỷ. Muốn chiến thắng ma quỷ, ta phải nhờ ơn Chúa giúp. Ta múc lấy sức mạnh nơi Chúa bằng ăn chay và cầu nguyện. Ta rèn luyện tinh thần bằng khiêm nhường từ bỏ ý riêng để hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin thương xót con, xin cứu con khỏi mọi sự dữ. Amen.

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Chủ chăn không được độc đoán nhưng phải khiêm tốn và biết lắng nghe

Chủ chăn không được độc đoán nhưng phải khiêm tốn và biết lắng nghe

Ý thức chức thừa tác là một ơn Chúa ban chứ không phải vì mình thông minh, tài giỏi, tốt lành hơn người khác, giúp các Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế biết sống khiêm tốn, cảm thông, thương xót, biết lắng nghe và học hỏi từ người khác, chứ không độc đoán, làm như thể cộng đoàn là của riêng mình và mọi người phải quỳ phục dưới chân mình.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với háng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi găp gỡ chung tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 12-11-2014.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý các đức tính mà các vị thừa tác của Giáo Hội phải có để sống việc phục Giáo Hội một cách đích thực và phong phú.

Mở đầu bài huấn Đức Thánh Cha nói: Trong bài giáo lý trước chúng ta đã minh nhiên sự kiện Chúa tiếp tục chăn dắt đoàn chiên Ngài qua chức thừa tác của các giám mục, linh mục và phó tế. Chính nơi các vị Chúa Giêsu hiện diện, trong quyền lực của Thần Khí Ngài, và tiếp tục phục vụ Giáo Hội bằng cách dưỡng nuôi đức tin, đức cậy, đức mến trong Giáo Hội. Như thế, các chức thừa tàc này là một ơn lớn lao Chúa ban cho mỗi cộng đoàn kitô và cho toàn thể Giáo Hội, trong nghĩa nó là một dấu chỉ sống động sự hiện diện và tình yêu của Ngài. Vậy chúng ta có thể tự hỏi đâu là điều được đỏi hỏi nơi các vị thừa tác này của Giáo Hội, để họ có thể sống việc phục vụ của mình một cách đích thật và phong phú?

Trong các ”Thư mục vụ” gửi các môn đệ của mình là Timoteo và Tito, tông đồ Phaolô cẩn thận đừng lại trên gương mặt của các giám mục, linh mục và phó tế, bằng cách phác họa ra ơn gọi của các vị và các đức tính cần được nhận ra nơi những người được chọn và trao phó cho các chức thừa tác này.

Thật là biểu hiệu, cùng với các ơn gắn liền với đức tin và cuộc sống tinh thần, có vài đức tính rất nhân bản được liệt kê ra: sự tiếp đón, thanh đạm, kiên nhẫn, hiền dịu, có thể tin cậy, có con tim tốt. Đó là mẫu tự, đó là văn phạm nền tảng của mỗi chức thừa tác. Nó phải là văn phạm nền tảng của mỗi giám mục, mỗi linh mục, mỗi phó tế. Phải, vì nếu không có bẩm chất xinh đẹp và thật sự này để gặp gỡ, hiểu biết, đối thoại, trân qúy và liên lạc với các anh em khác một cách tôn trọng và chân thành, thì không thể cống hiến một phục vụ và một chứng tá thực sự tươi vui và đáng tin cậy.

Thế rồi còn có một cung cách nền tảng mà thánh Phaolô khuyên nhủ các môn đệ của người và tất cả những ai được thụ phong chức thừa tác mục tử. Thánh tông đồ khích lệ họ liên tục làm sống lại ơn đã nhận lãnh (X. 1 Tm 4,14; 2 Tm 1,6). Điều này có nghĩa là họ phải luôn luôn sống trong ý thức rằng mình không phải giám mục, linh muc hay phó tế bởi vì mình thông minh hơn, tài giỏi hay tốt hơn các người khác, nhưng chỉ vì đó là một ơn, một ơn của tình yêu Thiên Chúa đã rộng ban, trong quyền năng Thần Khí của Người, cho thiện ích của dân Người. Ý thức này thật là quan trọng, và nó là một ơn cần phải xin mỗi ngày.

Thật thế, một Mục tử ý thức được rằng chức thừa tác của mình chỉ nảy sinh duy nhất từ lòng thương xót và từ con tim của Thiên Chúa sẽ không bao giờ có thái độ quyền uy, làm như thể là tất cả mọi người phải qùy dười chân mình và cộng đoàn là của riêng mình, là vương quốc của mình.

Ý thức rằng tất cả là quà tặng, tất cả là ơn thánh, cũng giúp một Mục tử không rơi vào chước cám dỗ đặt mình làm trung tâm sự chú ý và chỉ tin tưởng nơi chính mình. Thật khốn cho một giám mục, một linh mục, hay một phó tế nghĩ rằng mình biết hết mọi sự, luôn luôn có câu trả lời đúng cho mọi chuyện, và không cần tới ai hết! Trái lại, ý thức mình là người đầu tiên là đối tượng lòng thương xót và cảm thương của Thiên Chúa phải dẫn đưa một vị thừa tác tới chỗ luôn luôn khiêm tốn và cảm thông đối với người khác. Tuy ý thức là mình được mời gọi can đảm giữ gìn kho tàng đức tin (x. 1 Tm 6,20) người ấy sẽ lắng nghe dân chúng. Thật vậy, họ ý thức được rằng mình luôn luôn học hỏi được điều gì đó, cả từ những người còn xa đức tin và xa Giáo Hội. Rồi với các anh em mình tất cả phải đưa tới chỗ có một cung cách hành xử mới, mang dấu vết của sự chia sẻ, tinh thần đồng trách nhiệm và sự hiệp thông.

Các bạn thân mến, chúng ta phải luôn luôn nhớ ơn Chúa, bởi vì nơi con người và trong chức thừa tác của các giám mục, linh mục và phó tế, Người tiếp tục hướng dẫn và đào tạo Giáo Hội Người, khiến cho nó lớn lên dọc dài con đường nên thánh. Đồng thới chúng ta cũng phải tiếp tục cầu nguyện, để cho các Mục Tử của các cộng đoàn chúng ta là hình ảnh sống động của sự hiệp thông và tình yêu thương của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha đã chào các đoàn hành hương đến từ các nườc Âu châu và Bắc Mỹ cũng như tín hữu đến từ Nam Phi, Indonesia, Nhật Bản, Argentina, Mehicô và Brasil.

Chào các tín hữu nói tiếng Arập, đặc biệt đoàn hành hương đến từ Giordania, Đức Thánh Cha khẳng định rằng lời mời gọi của Thiên Chúa luôn luôn là hoa trái lòng quảng đại, cảm thông và thương xót của Người. Ngài xin họ cầu nguyện cho các chủ chăn, để các vị thi hành chức thừa tác với lòng khiêm nhường, tinh thần phục vụ và biết lắng nghe, và trở thành hình ảnh sống động của sự hiệp thông và tình yêu của Chúa. Đức Thánh Cha xin Chúa chúc lành cho họ và che chở họ khỏi kẻ dữ.

Chào các đoàn hành hương Ba Lan ngài nhắc tới kỷ niệm 25 năm lễ phong chân phước cho tu huynh Alberto Adam Chmielowski. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gọi người là ”Bổn mạng của sự thay đổi khó khăn của đất nước chúng ta và Âu châu”. Chúng ta hãy học hỏi nơi thánh nhân việc thực thi tình yêu thương xót đối với những người cần được trợ giúp là hình ảnh sống động của Chúa Kitô.

Với các tín hữu Mehicô Đức Thánh Cha chia buồn về vụ các sinh viên học sinh mất tích, nhưng thật ra là bị ám sát. Thực tại thê thảm này của nạn tội nằm phạm đàng sau việc buôn bán ma túy. Nó liên quan tới anh chị em và gia đình anh chị em.

Trông thấy một nhóm quân nhân Chile Đức Thánh Cha nói trong những ngày này chúng ta đang kỷ niệm 30 năm ký kết hiệp định hòa bình giữa Argentina và Chile, liên quan tới việc tranh chấp biên giới giữa hai bên. Hiệp định đã có thể ra đời nhờ ý chí đối thoại và sự can thiệp của Đức Gioan Phaolô II và Đức Hồng Y Samore. Đức Thánh Cha cầu mong tất cả các dân tộc đang xung khắc và tranh chấp nhau liên quan tới biên giới, văn hóa và mọi lý do khác tìm giải quyết chúng qua việc đối thoại, chứ không qua sự tàn ác của chiến tranh.

Với các đoàn hành hương nói tiếng Ý Đức Thánh Cha đặc biệt chào các Nữ tu Scalabrini, các Nữ tu Cát minh thừa sai của Chúa Giêsu Hài đồng đang họp tổng tu nghị, các sinh viên và giáo sư Phân khoa Khoa học xã hội của Đại học giáo hoàng Salesien nhân kỷ niệm 25 năm thành lập; các gia đình có con cái là nạn nhân giao thông và những người bị mất tích. Ngài cầu nguyện cho những người đã thiệt mạng vì các tai nạn lưu thông cũng như cho những người đã không bao giờ trở về với tình yêu thương gia đình.

Sau khi xướng tên của nhiều nhóm khác Đức Thánh Cha cầu chúc chuyến hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ củng cố nơi họ ý thức thuộc gia đình Giáo Hội.

Chào các bạn trẻ, các người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới ngài nhắc cho mọi người biết hôm thứ ba vừa qua Giáo Hội mới mừng lễ thánh Martino thành Tours. Ngài xin cho gương bác ái lớn lao của thánh nhân nêu gương sống hiến thân cho các bạn trẻ; lòng tín thác của người nơi Chúa Kitô Cứu Thế nâng đỡ các người đau yếu trong những lúc khổ đau; và sức mạnh tinh thần của thánh nhân nhắc nhớ cho các cặp vợ chồng mới cưới lấy đức tin làm trung tâm điểm cuộc sống hôn nhân.

Sau cùng Đức Thánh Cha cất kinh Lạy Cha và ban phép lành tòa thánh cho tất cả mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Sứ điệp đúc kết của Tổng Công Nghị Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa ngoại thường lần thứ III

Sứ điệp đúc kết của Tổng Công Nghị Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa ngoại thường lần thứ III

Chúng tôi, các nghị phụ họp tại Roma cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô trong Cuộc họp Tổng Công Nghị Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa ngoại thường, xin gửi lời chào đến tất cả các gia đình khắp nơi tại các châu lục và đặc biệt là những gia đình bước theo Đức Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chúng tôi muốn bày tỏ sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn bởi chứng tá hằng ngày mà các bạn đã cho chúng tôi và cả thế giới thấy qua sự trung tín, đức tin, niềm hy vọng và tình yêu của các bạn.

Ngay cả chúng tôi, những chủ chăn của Giáo Hội, cũng được sinh ra và lớn lên trong một gia đình với những hoàn cảnh và lịch sử khác nhau. Với tư cách là các linh mục và các giám mục, chúng tôi đã gặp gỡ và sống bên các gia đình đã cho chúng tôi thấy, bằng lời nói cũng như hành động, một chuỗi dài những điểm niềm vui cũng như những khó khăn của mình.

Việc chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng này, khởi đi từ những trả lời cho bảng câu hỏi mà Giáo Hội gửi đi trên khắp thế giới, đã giúp chúng tôi nghe được tiếng nói của nhiều kinh nghiệm trong gia đình. Rồi cuộc đối thoại trong những ngày này của Thượng Hội Đồng cũng làm chúng tôi hiểu hơn, giúp chúng tôi nhìn thấy tất cả những thực tại sống động và phức tạp mà các gia đình đang đối mặt.

Chúng tôi muốn gửi đến các bạn lời của Đức Kitô: “Này đây, Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa cho Ta thì Ta sẽ đến và dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ ở với ta” (Kh 3,20). Trong suốt hành trình dài trên các con đường ở Đất Thánh, Đức Giêsu đã vào nhà tại các làng mạc, Ngài tiếp tục đi qua các ngả đường của thành phố chúng ta. Đối với các bạn, các bạn trải nghiệm lẫn ánh sáng và bóng tối, những thách đố thú vị nhưng đôi khi cũng có những thử thách đầy kịch tích. Sự tăm tối càng trở nên dày đặc hơn cho đến khi nó trở thành bóng đen, khi những sự xấu và tội lỗi thâm nhập vào tận trung tâm của đời sống gia đình.

Trước hết, có một thách đố rất lớn về sự trung tín trong tình yêu hôn nhân. Đức tin suy yếu và các giá trị đạo đức không được quan tâm, chủ nghĩa cá nhân, các mối tương quan bị kiệt quệ, nổ lực loại trừ sự phản tỉnh ghi dấu ấn của nó trong đời sống gia đình. Có không ít những khủng hoảng trong đời sống hôn nhân được giải quyết một cách vội vàng, không có sự kiên nhẫn, xác minh, tha thứ cho nhau, hòa giải và thậm chí là hy sinh. Những sai lầm như thế thường thấy ở những tương quan mới, những cặp đôi mới, mối liên hiệp mới và các đôi hôn phối mới, làm gia tăng những tình huống và vấn đề phức tạp trong gia đình cho các chọn lựa Kitô giáo.

Trong những thách đố này, chúng tôi muốn đề cập đến nỗi đau của chính sự hiện hữu. Chúng tôi nghĩ đến những thống khổ có thể có đối với một em bé bị khuyết tật, một chứng bệnh nghiêm trọng, tinh thần bị suy giảm do tuổi già, cái chết của một người thân yêu. Đáng ngưỡng mộ thay sự trung kiên đầy quảng đại của nhiều gia đình sống trong những thử thách này với lòng can đảm, đức tin và tình yêu, không xem nó như một điều gì đó bị cắt đứt hay tổn thương, nhưng như là cái được trao ban cho mình, nhìn thấy Đức Kitô chịu đau khổ nơi phần thân xác bệnh tật ấy.

Chúng tôi cũng nghĩ đến những khó khăn kinh tế do các hệ thống sai lạc, do “chủ nghĩa thờ đồng tiền và sự chuyên chế của một nền kinh tế vô nhân vị và không nhắm tới con người thật sự” (Evangelii Gaudium, 55), vốn hạ thấp nhân phẩm con người. Chúng tôi cũng nghĩ đến những người cha, người mẹ, thất nghiệp, bất lực trước những nhu cầu thiết yếu của gia đình mình và cả đến các bạn trẻ, những người ở không, không có hoài bão, những người có thể sẽ trở thành nạn nhân của những suy đồi do nghiện ngập hay tội ác.

Chúng tôi cũng nghĩ đến rất nhiều các gia đình nghèo, những người phải bám theo một chiếc thuyền để tìm đến một nơi sinh tồn, đến các gia đình đi di cư mà không có chút hy vọng nào nơi các sa mạc, những những gia đình bị bách hại chỉ bởi vì đức tin và vì những giá trị thiêng liêng và nhân bản của mình, đến những ai bị những tàn bạo của chiến tranh và áp bức vây bủa. Chúng tôi cũng nghĩ đến những phụ nữ phải gánh chịu những bạo lực, bị bóc lột sức lao động, đến những nạn nhân của nạn buôn người, đến các trẻ em và thanh thiếu niên bị lạm dụng bởi chính người chịu trách nhiệm chăm sóc và giúp mình lớn lên trong sự tin tưởng, đến các thành viên của những gia đình bị hạ nhục và trong hoàn cảnh khó khăn. “Nền văn hóa sung túc đang gây mê chúng ta và […] tất cả đời sống đó bị còi cọc đi do thiếu vắng những cơ hội dường như là một cảnh tượng đơn thuần chẳng làm cho chúng ta bận tâm tí nào” (Evangelii Gaudium, 54). Chúng tôi thỉnh cầu đến các nhà cầm quyền và các tổ chức quốc tế hãy thăng tiến các quyền về gia đình nhằm hướng đến công ích cho mọi người.

Đức Kitô đã muốn Giáo Hội của Ngài trở thành một ngôi nhà mở rộng cửa để đón tiếp mọi người, không trừ một ai. Chúng tôi biết ơn các chủ chăn, các tín hữu và cộng đoàn đã sẵn sàng đồng hành với các các cặp đôi và các gia đình, đồng thời chăm sóc những vết thương cả nội tâm lẫn xã hội của họ.

* * *
Tuy nhiên, cũng có một ánh sáng chiếu rọi giữa đêm đen, đằng sau những cánh cửa sổ của các tòa nhà ở thành phố, của căn nhà giản dị ở thôn quê hay nơi các làng mạc, hay thậm chí là cả những túp lều: nó tỏa sáng và sưởi ấm cả thể xác lẫn linh hồn. Ánh sáng này, dưới ánh sáng của lịch sử hôn nhân, đã tỏa chiếu từ cuộc gặp gỡ giữa vợ chồng: đó là một món quà, một ân sủng được diễn tả – như sách Sáng Thế nói (2,18) – khi khuôn mặt này “đối diện” với khuôn mặt kia, trong một sự “tương trợ đồng vị với nhau”, nghĩa là ngang nhau và hỗ tương với nhau. Tình yêu giữa người nam và người nữ dạy chúng ta biết rằng dù vẫn khác nhau về căn tính, mỗi người cần đến người kia để là chính mình, mỗi người phải mở ra và tỏ lộ cho nhau. Đó là điều mà người nữ diễn tả một cách rất gợi tình trong sách Diễm Ca: “Người yêu tôi là của tôi và tôi là của người yêu tôi… tôi thuộc về người yêu tôi và người yêu tôi thuộc về tôi” (Dc 2,16; 6,3)

Để cuộc gặp gỡ này được chân thành, lộ trình phải bắt đầu với việc đính hôn, khoảng thời gian chờ đợi và chuẩn bị. Nó sẽ đi đến sự thành toàn với bí tích, nơi mà Thiên Chúa đóng dấu ấn của Người, sự hiện diện và ân sủng của Người. Hành trình này cũng bao gồm cả tính dục, sự dịu ngọt, sự thân mật, nét đẹp, vốn là những điều luôn tồn tại, vượt trên cả những mãnh liệt và hăng hái của tuổi trẻ. Tự bản chất, tình yêu có xu hướng còn mãi, cho đến khi trao ban cả sự sống cho người mình yêu (x. Ga 15,13). Dưới ánh sáng này, tình yêu lứa đôi, duy nhất và bất khả phân ly, luôn tồn tại, bất chấp những khó khăn của giới hạn con người; đây là một trong những phép màu tuyệt vời nhất, và có lẽ cũng là phép lạ chung nhất.

Tình yêu này lan tỏa qua việc sinh sản con cái và phát triển nòi giống, vốn không chỉ liên hệ đến việc sinh con nhưng còn liên quan đến quà tặng đời sống thiêng liêng nơi bí tích Thanh Tẩy, giáo dục và dạy giáo lý cho con trẻ. Nó cũng bao gồm đến việc trao tặng sự sống, tình cảm, các giá trị – một kinh nghiệm mà cả người không có khả năng sinh sản vẫn có thể làm được. Những gia đình nào sống được cuộc phiêu lưu chói lọi này sẽ trở nên dấu chỉ cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người trẻ.

Trong suốt hành trình, vốn đôi khi có lắm chông gai, khó khăn và vấp ngã, luôn có Chúa hiện diện và đồng hành kề bên. Gia đình cảm nghiệm được điều này việc yêu mến và đối thoại giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ với con cái, giữa anh chị em với nhau. Gia đình sống điều này trong việc cùng nhau lắng nghe Lời Chúa, cùng nhau cầu nguyện, một nơi nghỉ ngơi nho nhỏ cho tinh thần mỗi ngày. Rồi cùng dấn thân hàng ngày trong việc giáo dục đức tin và đời sống tốt lành của Tin Mừng, những điều thánh thiêng. Cả ông bà cũng cùng chia sẻ và thực thi trách nhiệm này với một sự yêu mến và dấn thân lớn lao. Như thế, gia đình sẽ trở thành một Giáo Hội tại gia chân thực, rồi nới rộng ra thành một gia đình trong các gia đình làm nên cộng đoàn giáo hội. Các cặp vợ chồng Kitô hữu được mời gọi để trở thành những thầy dạy đức tin và tình yêu cho những cặp trẻ hơn.

Một diễn tả khác của sự hiệp thông huynh đệ là sự diễn tả của đức ái, của trao ban, của việc gần gũi với những ai thấp bé, những người bị gạt ra bên ngoài xã hội, những người nghèo, những người đơn chiếc, bệnh nhân, người ngoại quốc, những gia đình khác đang gặp khủng hoảng, ý thức về lời Chúa: “Cho thì phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Đó là món quà của điều thiện hảo, của việc đồng hành, của tình yêu và lòng thương xót, và cũng là một chứng tá của chân lý, của ánh sáng, của ý nghĩa cuộc sống.

Điểm quy tụ và tóm kết mọi dây hiệp thông với Thiên Chúa và với tha nhân chính là Thánh Lễ ngày Chúa Nhật, khi tất cả gia đình và Giáo Hội cùng ngồi bên bàn tiệc của Chúa. Ngài đã trao ban cho tất cả chúng ta, những người hành hương trong lịch sử tiến về điểm gặp gỡ chung kết khi “Đức Kitô trở nên tất cả và trong tất cả” (Cl 3,11). Vì thế, trong chặng đầu tiên của khởi đầu Công Nghị của chúng tôi, chúng tôi đã suy tư về việc trợ giúp mục vụ và về việc tham dự bí tích cho những ai đã ly dị tái hôn.

Chúng tôi, các nghị phụ, xin anh chị em hãy bước đi cùng chúng tôi hướng về Cuộc Họp Thượng Hội Đồng sắp tới. Nguyện xin sự hiện diện của gia đình Giêsu, Maria và Giuse trong ngôi nhà đơn sơ của họ luôn ấp ủ các bạn. Cùng với Thánh Gia Nazaret, chúng ta hãy dâng lên Chúa Cha lời cầu khẩn của chúng tac ho tất cả gia đình dưới thế:

Lạy Cha, xin ban cho tất cả các gia đình có được những người vợ người chồng khôn ngoan và mạnh mẽ để họ có thể là nguồn mạch của một gia đình hiệp nhất và tự do.
Lạy Cha, xin ban cho các bậc cha mẹ có một mái nhà để sống bình an với gia đình của mình.
Lạy Cha, xin giúp những người làm con trở thành một dấu chỉ của niềm tin, niềm hy vọng, và giúp cho người trẻ có được một sự dấn thân vững bền và trung tín.
Lạy Cha, xin giúp cho tất cả mọi người có thể kiếm được lương thực hằng ngày nhờ đôi tay của mình, có thể hưởng nếm sự thanh thản tinh thần và giữ được ngọn lửa đức tin luôn bừng cháy, dù giữa lúc đêm đen.
Lạy Cha, xin giúp tất cả chúng con thấy được một Giáo Hội nở rộ sự trung tín và đáng tin, một thành phố công chính và nhân bản, một thế giới yêu mến chân lý, công bằng và lòng xót thương.


Chuyển ngữ: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
 

Tha thứ

Tha thứ

Thánh Gandhi nói: “Nếu áp dụng luật mắt đền mắt, thế giới sẽ chỉ toàn người mù”. Sẽ không thể sống được nếu thiếu sự tha thứ. Tha thứ cần thiết cho con người như khí trời. Kể dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu cho ta thấy tính cách cần thiết và cấp thiết của tha thứ.

Phải tha thứ vì con người là bất toàn. Có những xúc phạm cố ý. Nhưng rất nhiều khi xúc phạm chỉ là vô tình, thiếu ý thức. Chỉ cần một chút cảm thông, hiểu biết, tôi sẽ dễ bỏ qua, không chấp nhất. Nếu cứ mỗi lần bị xúc phạm tôi không thể nào nguôi ngoai thì chính tôi là người khổ nhất, vì tâm hồn mang nặng oán hờn sẽ không bao giờ bình an. Nếu tôi loại trừ tất cả những ai xúc phạm, thì sau cùng tôi sẽ chẳng còn sống với ai được. Tôi sẽ mất hết bạn bè. Thế giới sẽ chỉ toàn kẻ thù. Và tôi sẽ trở thành cô đơn.

Phải tha thứ vì chính ta cần được thứ tha. Tôi cần sự tha thứ của chính mình vì bản thân tôi có biết bao lầm lỗi. Nếu tôi không tự tha thứ cho mình thì lương tâm sẽ cắn rứt dày vò khiến tôi suốt đời buồn phiền. Tôi cần sự tha thứ của người khác vì tôi đã xúc phạm nhiều đến anh em. Nếu mọi người không tha thứ cho tôi thì tôi đã bị khai trừ khỏi xã hội. Tôi cần sự tha thứ của Chúa vì tôi đã lỗi phạm đến Chúa rất nhiều. Nếu Chúa thẳng tay trừng phạt những tội xúc phạm đến Người thì tôi đã chết từ lâu. Biết bản thân mình yếu đuối, nhiều lỗi lầm, cần được tha thứ, tôi sẽ dễ cảm thông tha thứ cho anh em.

Phải tha thứ vì đó là điều kiện để được thứ tha. Trong Tin Mừng, Chúa nhấn mạnh điều này rất nhiều lần. Khi dạy ta đọc kinh Lạy Cha, Chúa bắt ta phải hứa tha thứ cho anh em khi xin Người tha thứ lỗi lầm của ta. Ở cuối kinh Lạy Cha, thánh Matthêu còn thêm: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,14-15).

Dụ ngôn hôm nay không những nhắc lại điều đó, mà còn cho thấy, tội ta xúc phạm đến Chúa muôn ngàn lần nặng nề hơn anh em xúc phạm đến ta. Thế mà Chúa vẫn sẵn sàng tha thứ cho ta một cách mau chóng, nhẹ nhàng, chỉ với một điều kiện là ta cũng phải tha cho anh em những lỗi lầm ít ỏi anh em xúc phạm đến ta.

Sau cùng ta cần tha thứ để trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là người Cha rất nhân từ và rất hay tha thứ. Chúa Giêsu đã khắc họa rất rõ nét chân dung nhân từ của Thiên Chúa Cha trong dụ ngôn “Người Cha nhân hậu”. Và Người không ngừng mời gọi ta hãy nên hoàn thiện như Chúa Cha.

Chúa Giêsu xuống trần gian cho ta được chiêm ngưỡng khuôn mặt hiền hậu nhân từ hay tha thứ của Chúa Cha. Suốt cuộc đời trần thế, Người không ngừng tha thứ cho kẻ tội lỗi. Nhất là những kẻ đã xúc phạm đến Người. Còn cảnh tượng nào đẹp hơn cảnh tượng Người bị treo trên thập giá mà trái tim vẫn mở rộng yêu thương tha thứ. Còn lời nào đẹp hơn lời Người cầu nguyện trong lúc đau đớn tột cùng mà vẫn nhớ đến người khác, không phải nhớ đến người làm ơn mà là nhớ đến những người xúc phạm, làm hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Và khi từ cõi chết sống lại, Người đã tha thứ cho Phêrô dù môn đệ thân tín này đã chối Người. Người đã tha thứ cho các môn đệ dù các ông đã bỏ mặc Người trong lúc gian nan.

Sự tha thứ làm nên vẻ đẹp của tâm hồn con người. Vẻ đẹp tự chế. Vẻ đẹp khoan dung. Vẻ đẹp của tâm hồn vượt lên trên chính mình. Vẻ đẹp đề cao giá trị con người.

Sự tha thứ làm nên vẻ đẹp của thế giới. Một thế giới cảm thông, chan hòa. Một thế giới chứa chan tình huynh đệ. Một thế giới mang vẻ đẹp của dung nhan Thiên Chúa.

Lạy Chúa xin thương xót chúng con.

ĐTGM Ngô Quang Kiệt