Cảm nhận Đức Tin của nam sinh đạt Huy Chương Vàng Toán Quốc Tế

Cảm nhận Đức Tin của nam sinh đạt Huy Chương Vàng Toán Quốc Tế

“Em rất sung sướng, hạnh phúc! Tạ ơn Chúa, cám ơn cha mẹ, quý thầy cô và mọi người”. Đó là tâm sự chân thành với người viết của Antôn Phan Nhật Duy, sau vài giờ em biết mình được huy chương vàng tại kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (International Mathematical Olympiad), lần thứ 58, năm 2017 (IMO 2017), vừa tổ chức tại Jio de Janeiro, Brazil.

Nhìn lại hoàn cảnh xuất thân và lắng nghe tâm sự của Nhật Duy, để thấy phần nào sự chăm chỉ, khiếm tốn và lòng đạo đức của cậu học sinh xuất sắc, đáng tự hào này.

Em Antôn Phan Nhật Duy là con thứ hai của anh Giuse Phan Tình Nguyện và chị Maria Võ Thị Lài, giáo dân họ Tân Vạc, xứ Kẻ Đọng, thuộc xã Sơn Tiến, Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Vốn làm nông thuần túy, kinh tế còn khó khăn, việc cho bốn người con ăn học đầy đủ cũng là cố gắng lớn của bố mẹ Nhật Duy. Hằng ngày, ngoài giờ học, phụ giúp gia đình trồng trọt, chăn nuôi trở thành nhiệm vụ quen thuộc đối với anh em Duy.

Trước khi vào thành phố Hà Tĩnh học cấp III ở trường Chuyên, Phan Nhật Duy là học sinh trường Tiểu học II và Trung học cơ sở Sơn Tiến. Suốt các năm học phổ thông, em đều là học sinh giỏi toàn diện. Riêng môn Toán, Nhật Duy thường xuyên đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp huyện, tỉnh và quốc gia.

Điều đáng ghi nhận nữa là Nhật Duy cũng thường xuyên đạt giải cao trong các kỳ thi Giáo lý.

Sang Brazil thi Olympic lần này, ngoài sách vỡ, ít tiền bạc và tư trang, Antôn Phan Nhật Duy còn mang theo hai thứ đặc biệt đó là: bức ảnh “Chúa Thương xót” với hàng chữ “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa” và tràng Chuỗi Mân Côi. Duy kể: “Em thường xuyên cầu nguyện, xin Đức Mẹ và thánh Antôn quan thầy bầu cử cho”.

Nói về thi Olympic, Nhật Duy tâm sự: “Mỗi thí sinh phải làm sáu bài thi, mỗi ngày thi ba bài. Em khá lo lắng sau ngày thứ nhất, chỉ biết cố gắng, cầu nguyện và phó thác. Thi xong vẫn chưa hết hồi hộp, thật may mắn cho em vừa đủ để đạt huy chương vàng. Em cảm thấy đó là hồng ân lớn lao Chúa thương ban, đền đáp công sức của cha mẹ, các thầy cô và mọi người”.

Huy chương vàng của Phan Nhật Duy góp phần quan trọng giúp đội tuyển Toán Việt Nam đứng thứ ba trong tổng số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia IMO 2017. Đây là thành tích cao nhất của nước ta trong 43 lần tham gia sân chơi này.

Người Công Giáo xác tín “Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa” (1Cr 15,10). Để có được tấm huy chương vàng tại IMO, dĩ nhiên ngoài tố chất thông minh và sự cố gắng vượt bậc của cá nhân Antôn Phan Nhật Duy là bao mồ hôi và công lao của cha mẹ, các thế hệ thầy cô, đặc biệt là những người trực tiếp bồi dưỡng. Ngang qua những con người bình thường đó, Chúa dệt nên điều phi thường. Cá nhân Nhật Duy (chàng trai chưa đầy mười tám tuổi) ý thức điều đó, nên cảm nhận đầu tiên khi giành chiến thắng là “tạ ơn Chúa và cám ơn tất cả mọi người”. Đó cũng là vẻ đẹp của Đức tin Công giáo, vì khi ta càng cố gắng sống trọn tình với Chúa là Cha thì ta mới có thể sống vẹn nghĩa với anh em mình.

“Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại
Ta thấy mình chan chứa một niềm vui”
(Tv 125,3).

Xin chúc mừng Antôn Phan Nhật Duy, xin Chúa tiếp tục đồng hành cùng em để niềm tự hào hiện tại sẽ được tiếp tục trong tương lai.

Antôn Hùng Mạnh

http://giaophanvinh.net/modules.php?name=News&op=viewst&sid=13589

Thiên Chúa là Đấng ở cùng con người, đồng hành và lo lắng cho con người

Thiên Chúa là Đấng ở cùng con người, đồng hành và lo lắng cho con người

** Thiên Chúa là Emmanuel, Đấng ở cùng chúng ta và sẽ ở cùng chúng ta cho tới tận thế. Ngài luôn luôn đồng hành với chúng ta, lo lắng cho chúng ta, và không bao giờ bỏ rơi chúng ta trên con đường lữ hành trần gian.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 30.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần hôm qua. Trong bài huấn dụ ĐTC tiếp tục khai triển đề tài giáo lý về niềm hy vọng kitô bằng cách quảng diễn văn bản trích từ Phúc Âm thánh Mátthêu chương 28 các câu 16 và 18 tới 20 viết rằng: “Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến… Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28,16.18-20). ĐTC nói: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28,20). Các lời cuối cùng của Phúc Âm thánh Mátthêu nhắc lại lời loan báo ngôn sứ chúng ta tìm thấy ở đầu Phúc Âm. “Người ta sẽ gọi Ngài là Emmanuel, có nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng tôi” (Mt 1,23; x. Is 7,14). Thiên Chúa sẽ ở cùng chúng ta, mọi ngày, cho tới tận thế. Chúa Giêsu sẽ bước đi với chúng ta, mọi ngày, cho tới tận thế.

Toàn Phúc Âm được gói ghém giữa hai câu trích này là các lời thông truyền cho chúng ta mầu nhiệm của một vì Thiên Chúa, mà tên Ngài và căn tính của Ngài là “ở cùng chúng ta”, Ngài không phải là một Thiên Chúa bị cô lập, nhưng là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, một cách đặc biệt với chúng ta, nghĩa là với con người.

ĐTC định nghĩa Thiên Chúa của Kitô giáo như sau:

** Thiên Chúa chúng ta không phải là một vì Thiên Chúa vắng mặt, bị bắt cóc bởi một bầu trời rất xa xôi; trái lại Ngài là một vì Thiên Chúa “si mê” con người, yêu thương một cách dịu hiền tới độ không có khả năng tự tách rời khỏi con người. Loài người chúng ta khéo léo trong việc chặt đứt các ràng buộc và các cây cầu. Nhưng Thiên Chúa thì không. Nếu trái tim chúng ta lạnh lùng, thì trái tim của Thiên Chúa vẫn nóng bỏng. Thiên Chúa của chúng ta luôn đồng hành với chúng ta, cả khi, vì mạo hiểm, chúng ta quên Ngài. Trên đỉnh cao chia rẽ việc không tin khỏi lòng tin, thật định đoạt việc khám phá ra rằng chúng ta được Thiên Chúa Cha yêu thương và đồng hành, không bao giờ bị Ngài bỏ rơi.

Đời chúng ta là một cuộc hành hương, một con đường. Cả những người được đánh động bởi một niềm hy vọng thuần tuý nhân loại, cũng nhận thức được cám dỗ ở chân trời thúc đẩy họ khám phá các thế giới họ chưa biết tới. Linh hồn chúng ta là một linh hồn di cư. Thánh Kinh đầy những câu chuyện  của người hành hương và khách lữ hành. Ơn gọi của Abraham bắt đầu với lệnh truyền này: “Hãy rời bỏ xứ sở” (St 12,1). Và tổ phụ rời khỏi mảnh thế giới mà ông biết rõ và nó là một  trong các nôi của nền văn minh thời đó. Chúng ta không trở thành người trưởng thành, nếu không nhận thức ra sự hấp dẫn của chân trời: ranh giới giữa trời và đất đòi được đạt tới bởi một dân tộc gồm những người bước đi.

Trong lộ trình của mình trên thế giới, con người không bao giờ cô đơn. Nhất là kitô hữu không bao giờ cảm thấy bị bỏ rơi, bởi vì Chúa Giêsu bảo đảm không chỉ chờ đợi chúng ta vào cuối hành trình của chúng ta, nhưng đồng hành với từng người trong chúng ta mọi ngày.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nêu lên câu hỏi: Việc Thiên Chúa săn sóc cho con người kéo dài cho tới khi nào? Cho tới khi nào Chúa Giêsu bước đi với chúng ta, cho tới khi nào Ngài sẽ săn sóc chúng ta?

Câu trả lời của Phúc Âm không để cho chúng ta nghi ngờ: cho tới tận thế! Trời đất sẽ qua đi, các niềm hy vọng của con người sẽ bị xoá nhoà, nhưng Lời Chúa lớn lao hơn mọi sự sẽ không qua đi. Và Ngài sẽ là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Thiên Chúa Giêsu bước đi với chúng ta. Sẽ không có ngày nào trong cuộc sống mà con tim của Thiên Chúa không lo lắng cho chúng ta. Nhưng có ai đó có thể nói: “Cha đang nói gì vậy?” Tôi nói điều này: sẽ không có ngày nào trong cuộc sống trong đó chúng ta sẽ thôi là một âu lo đối với Thiên Chúa. Ngài lo lắng cho chúng ta, và bước đi với chúng ta. Và tại sao Ngài làm điều đó? Một cách đơn sơ bởi vì Ngài yêu thương chúng ta. Anh chị em đã hiểu điều này chưa? Ngài yêu thương chúng ta.

Và chắc chắn Thiên Chúa sẽ lo liệu cho mọi nhu cầu của chúng ta, Ngài sẽ không bỏ rơi chúng ta trong lúc gặp thử thách và đen tối. Sự chắc chắn này xin đuợc làm tổ trong tâm hồn chúng ta để không bao giờ bị tắt ngấm. Có ai đó gọi nó là “Sự Quan Phòng”. Nghĩa là sự gần gũi của Thiên Chúa, tình yêu của Thiên Chúa, việc Thiên Chúa bước đi với chúng ta cũng gọi là sự “Quan Phòng của Thiên Chúa”. Ngài thấy trước cho cuộc sống chúng ta.

** Không phải vô tình mà giữa các biểu tượng kitô của niềm hy vọng có một biểu tượng tôi rất thích: đó là cái mỏ neo. Nó diễn tả rằng niềm hy vọng của chúng ta không mơ hồ; nó không lẫn lộn với tâm tình thay đổi của người muốn cải tiến các chuyện của thế giới này một cách không thể thực hiện được, chỉ cậy dựa trên sức mạnh của ý chí riêng. ĐTC giải thích gốc rễ niềm hy vọng kitô như sau:

Thật ra, niềm hy vọng kitô  có gốc rễ không phải trong sự hấp dẫn của tương lai, nhưng trong sự chắc chắn về điều Thiên Chúa đã hứa và đã thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô. Nếu Ngài đã bảo đảm với chúng ta là sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta, nếu khởi đầu của mỗi ơn gọi là một “Theo Ta”, mà Ngài bảo đảm với chúng ta là sẽ luôn luôn ở trước chúng ta, thì tại sao lại sợ hãi? Với lời hưá này các kitô hữu có thể bước đi ở khắp nơi. Cả khi đi qua các phần thế giới bị thương tích, nơi các sự việc không chạy tốt đẹp, chúng ta ở giữa những kẻ vẫn tiếp tục hy vọng. Thánh vịnh nói: “Dù qua qua thung lũng âm u, con không sợ nguy khốn, vì Chúa ở cùng con” (Tv 23,4). Chính ở đâu tối tăm lan tràn, thì cần thắp lên một ánh sáng. Chúng ta hãy trở lại với cái mỏ neo. Đức tin của chúng ta là mỏ neo trên trời. Chúng ta có cuộc sống được neo vào trên trời. Chúng ta phải làm gì? Chúng ta bám chặt vào dây: nó luôn luôn ở đó. Và chúng ta tiến tới, bởi vì chúng ta chắc chắn rằng cuộc sống chúng ta có một mỏ neo trên trời, trên bờ nơi chúng ta sẽ tới.

Chắc chắn rồi, nếu chúng ta chỉ tin tưởng nơi các sức mạnh của chúng ta thôi, chúng ta sẽ có lý để  cảm thấy  thất vọng và thua cuộc, vì thế giới thường chứng minh cho thấy nó chống lại các luật lệ của tình yêu. Biết bao lần nó thích các luật lệ của ích kỷ. Nhưng nếu còn sống trong chúng ta xác tín Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta, Ngài yêu thương chúng ta và thế giới một cách dịu hiền, thì khi đó viễn tượng lập tức thay đổi. Người xưa có nói: “Con người lữ hành, đuợc nâng đỡ bởi niềm hy vọng”. Dọc dài con đường, lời hứa của Chúa Giêsu “Thầy ở cùng các con” khiến cho chúng ta đứng vững, được nâng đỡ, với viềm hy vọng, bằng cách  tín thác rằng Thiên Chúa nhân từ đã hoạt động để thực hiện điều xem ra không thể được một cách nhân loại, bởi vì mỏ neo ở trên bãi biển trên trời.

Dân thánh trung thành của Thiên Chúa là dân đứng trên chân – là người lữ hành – và bước đi, mà đứng thẳng và bước đi trong hy vọng. Và bất cứ đâu họ đi, họ đều biết rằng Thiên Chúa đi trước họ: không có phần đất nào trên thế giới vượt thoát khỏi chiến thắng của Chúa Kitô Phục Sinh. Và chiến thắng của Chúa Kitô Phục Sinh là chiến thắng nào?  Chiến thắng của tình yêu.

** ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương khác nhau trong đó có Hiệp hội giáo hoàng truyền giáo do ĐHY Philippe Barbarin, TGM Lyon hướng dẫn, cũng như cộng đoàn Con Tầu của ông Jean Vanier, và các tín hữu đến từ Pháp và Bỉ. Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ Anh quốc, Ailen, Đan Mạch, Phần Lan, Nigeria, Australia, Niu Dilen, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Hoa Kỳ. Ngài xin Chúa Kitô Phục Sinh đổ tràn đầy tình yêu thương xót của Thiên Chúa Cha xuống trên họ và gia đình họ.

Trong số các nhóm nói tiếng Đức ngài chào tín hữu đến từ Gais vùng Alto Adige, do ĐC Ivo Muser hướng dẫn, các nữ sinh trường Đức Bà Diessen. ĐTC cũng chào các tín hữu Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Brasil, đặc biệt là sinh viên học sinh Carcavelos và Porto Alegre, cũng như tín hữu các giáo xứ Queluz và cộng đoàn Obra de Maria, các tỉnh trưởng và nhân viên phối hợp vùng Bairrada, các quân nhân và các thường dân đua xe đạp. Ngài phó thác mọi công việc phục vụ tha nhân của họ cho Đức Mẹ.

Chào các nhóm Ba Lan ĐTC nói Chúa Nhật vừa qua chúng ta đã mừng lễ Lòng Thương Xót Chúa và lễ kính thánh Adalberto, Bổn Mạng Ba Lan,  cũng như kỷ niệm 600 năm thành lập toà Giáo chủ Gniezno. ĐTC phó thác cho thánh Giám Mục tử đạo các chủ chăn và tín hữu Ba Lan và khích lệ họ duy trì sống động truyền thống tinh thần và văn hóa cao quý của Ba Lan.

Ngài cũng chào tín hữu Croat đặc biệt là các sinh viên trường sĩ quan cũng như các sĩ quan do ĐC Jure Bogdan hướng dẫn. Ngài xin Thiên Chúa chúc lành cho họ trong mọi sứ mệnh hoà bình của họ.

Trong các nhóm tiếng Ý ĐTC chào các cặp vợ chồng tổng giáo phận Ancona Osimo mừng 50 năm thành hôn và cầu mong chuyến hành hương Roma giúp họ tái khám phá ra các bí tích đã nhận lãnh như dấu chỉ hữu hiệu của ơn thánh Chúa trong cuộc sống. Ngài xin họ nói với giới trẻ rằng cuộc sống hôn nhân kitô rất đẹp. Ngoài ra ĐTC cũng chào các tham dự viên đại hội xây cất chống động đất tại châu Mỹ Latin, do Đại học âu châu tổ chức, các cha dòng Ngôi Lời cao niên tuổi thứ ba, hiệp hội Linh Mục bóng đá và tín hữu nhiều giáo phận Italia. Ngài cầu mong chuyến hành hương Roma củng cố ý thức thuộc gia đình giáo hội của từng người.

Chào giới trẻ người đau yếu và các đôi tân hôn ngài nhắc thứ ba vừa qua là lễ kính thánh sử Mạccô, môn đệ của thánh Phaolô. Cầu mong cho người trẻ biết noi gương thánh sử quyết tâm theo Chúa ; xin thánh nhân trợ giúp các anh chị em đau yếu trong thử thách khó khăn, và nhắc cho các đôi tân hôn biết tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Toà Thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Thiên Chúa yêu thương quan phòng lo lắng cho mọi thụ tạo

Thiên Chúa yêu thương quan phòng lo lắng cho mọi thụ tạo

Thiên Chúa là Cha yêu thương không bao giờ quên con cái Ngài: tín thác nơi Ngài không giải quyết các vấn đề một cách kỳ diệu, nhưng cho phép đương đầu với chúng với tâm tình đúng đắn và lòng can đảm.

ĐTC Phanxicô đã khẳng định như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dư buổi đọc kinh Truyên Tin trưa Chúa Nhật 26—2-2017.

Trong bài huấn dụ ngài đã giải thích ý nghĩa bài Phúc Âm, trong đó Chúa Giêsu khích lệ các môn đệ đừng lo lắng cho của ăn, thức uống hay áo mặc, nhưng hãy biết tín thác nơi tình yêu thương quan phòng của Thiên Chúa và tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước hết. Ngài nói:

Trang Tin Mừng hôm nay (x. Mt 6,24-34) là một lời nhắc nhở  mạnh mẽ tín thác nơi Thiên Chúa; xin đừng quên: tín thác nới Thiên Chúa. Ngài  là Đấng săn sóc các sinh vật trong thụ tạo. Ngài dự phòng thực phẩm cho mọi thú vật, và lo lắng cho bông huệ và cỏ của cánh đồng (cc.26-28); cái nhìn quảng đại và hiền phụ của Ngài canh thức mỗi ngày trên cuộc sống chúng ta. Cuộc sống qua đi dưới nỗi khổ tâm của biết bao âu lo, có nguy cơ lấy mất đi sự thanh thản và thế quân bình, nhưng nỗi âu lo này thường khi vô ích, vì nó không thay đổi được dòng chảy của các biến cố. Chúa Giêsu tha thiết khích lệ chúng ta đừng lo lắng cho ngày mai (cc.25.28.31), bằng cách nhắc cho chúng ta biết rằng trên tất cả có một người Cha yêu thương không bao giờ quên con cái Ngài: tín thác nơi Ngài không giải quyết các vấn đề một cách kỳ diệu, nhưng cho phép đương đầu với chúng với tâm tình đúng đắn, một cách can đảm. Và tôi can đảm, bởi vì tôi tín thác nơi Cha tôi là Đấng lo lắng cho tát cả và Ngài yêu thương tôi.

Thiên Chúa không phải là một bản vị xa vắng và vô danh: Ngài là nơi ẩn náu của chúng ta, là suối nguồn thanh thản của chúng ta, là sự bình an của chúng ta. Ngài là đá tảng cứu rỗi của chúng ta, mà chúng ta có thể bám lấy trong sự chắc chắn không rơi; ai bám chặt vào Thiên Chúa thì không bao giờ ngã! Ngài là sự bảo vệ chúng ta khỏi sự dữ luôn rình rập. Đối với chúng ta Thiên Chúa là người bạn lớn, là đồng minh, là cha, nhưng chúng ta không luôn luôn ý thức được điều đó. Chúng ta không ý thức rằng chúng ta có một người bạn, một đồng minh, một người cha yêu thương chúng ta, và   chúng ta thích cậy dựa trên các thiện ích tức thì có thể sờ mó được, cậy dựa trên các của cải không cần thiết, mà quên đi và đôi khi từ chối, thiện ích tối cao, nghĩa là tình yêu hiền phụ của Thiên Chúa. Cảm thấy Ngài là Cha, trong thời đại mồ côi này thật là quan trọng! Trong thế giới mồ côi này, cảm thấy Ngài là Cha.

Chúng ta xa rời tình yêu của Thiên  Chúa, khi chúng ta đi tìm kiếm một cách ám ảnh các của cải và giầu sang trần gian, và như vậy cho thấy một tình yêu thái quá đối với các thực tại này.

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ:

Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng  cái tìm kiếm vất vả này là ảo tưởng và là lý do của sự bất hạnh. Và Ngài ban cho các môn đệ một luật sống nền tảng: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa” (c. 33). Đây là việc thực hiện chương trình Chúa Giêsu đã loan báo trong Diễn Văn trên Núi, tín thác nơi Thiên Chúa là Đấng không gây thất vọng; biết bao nhiêu người bạn hay biết bao nhiêu người mà chúng ta tin là bạn, đã làm chúng ta thất vọng. Thiên Chúa không bao giờ gây thất vọng! Phải  hoạt động như là các quản lý trung thành các của cải mà Ngài đã ban cho chúng ta, kể cả các của cải trần gian; nhưng không quá mức cần thiết, làm như thể cả sự cứu rỗi của chúng ta, chỉ tuỳ thuộc nơi chúng ta mà thôi. Thái độ tin mừng này đòi hỏi một sự lựa chọn rõ ràng, mà văn bản hôm nay chỉ cho chúng ta với sự chính xác: “Anh em không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của” (c. 24). Hoặc là Chúa, hoặc là các thần tượng  hấp dẫn nhưng là ảo tưởng. Sự lựa chọn này, mà chúng ta được mời gọi làm, ảnh hưởng trên biết bao cử chỉ, chương trình và dấn thân của chúng ta. Nó là một sự lựa chọn phải làm một cách rõ ràng và liên tục canh tân, bởi vì các cám dỗ giảm thiểu tất cả vào tiền bạc, thú vui và quyền bính theo đuổi chúng ta. Có biết bao cám dỗ đối với điều này.

Trong khi tôn vinh các thần tượng này đưa tới các kết quả có thể sờ mó được, nhưng cũng mau qua, thì lựa chọn cho Thiên Chúa và Nước của Ngài không luôn luôn cho thấy các kết quả một cách tức khắc. Nó là một quyết định, mà ta lấy trong niềm hy vọng và để cho Thiên Chúa thực hiện tràn đầy  nó. Niềm hy vọng kitô hướng tới việc thành toàn tương lai lời hứa của Thiên Chúa, và không dừng lại trước bất cứ khó khăn nào, bởi vì nó được xây dựng trên lòng trung tín của Thiên Chúa, là Đấng không bao giờ suy giảm. Ngài trung thành, Ngài là một nguời cha trung thành, một người bạn trung thành, một đồng minh trung thành.

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta tín thác nơi tình yêu thương và lòng lành cua Thiên Chúa Cha trên trời, và sống trong Ngài và với Ngài. Đó là giả thiết giúp thắng vượt các khổ não và đối nghịch của cuộc sống, và cả các bách hại nữa, như chứng tá của biết bao anh chị em của chúng tac chứng minh cho thấy.

Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép làn toà thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã chào nhiều nhóm khác nhau, trong đó có các đoàn hành hương đến từ nhiều giáo phận Italia và nhiều nước khác, như Varsava Ba Lan, Ciudad Real bên Tây Ban Nha.

Ngài chào nhóm hành hương nhân “Ngày của các bệnh hiếm” được cử hành ngày thứ hai hôm nay. ĐTC nói: Xin cám ơn, xin cám ơn anh chị em về tất cả nhũng gì anh chi em làm. Xin cám ơn và cầu chúc các bệnh nhân và gia đình họ được trợ giúp trong lộ trình khó khăn trên bình diện y khoa và luật pháp.

Linh Tiến Khải

Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ

Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ

Thánh lễ tại nhà nguyện Marta, 22.09.2016

Có sự lo lắng đến từ Chúa Thánh Thần và có sự lo lắng đến từ cái tâm gian ác. Khi có tâm gian ác thì bên ngoài là cái hư danh ảo vọng và bên trong là tâm hồn trống rỗng. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện thánh Marta.

Hai loại lo lắng

Bài Tin Mừng hôm nay kể về việc vua Herode lo lắng, sau khi đã giết Gioan Tẩy Giả. Bây giờ Herode lại bất an khi nghe tin về Chúa Giêsu. Herode làm chúng ta nhớ tới cái bất an của vua Herode Cả. Sau cuộc thăm viếng của Ba Vua từ Phương Đông, Herode Cả đứng ngồi không yên vì nghe tin có vị Tân Vương mới sinh tại Bêlem. Trong linh hồn, có hai loại lo lắng: loại lo lắng tốt đến từ Chúa Thánh Thần để thúc đẩy người ta làm việc thiện, còn loại lo lắng xấu phát sinh từ cái tâm gian ác. Herode Cả đã giải quyết nỗi lo của mình bằng cách giết hại hàng loạt trẻ em.

Những kẻ gây ra tội ác và nuôi dưỡng ác tâm thì không thể sống trong bình an, mà sẽ ngứa ngáy liên tục, và những vết ngứa ấy cứ tiếp tục lan ra… Bởi vì họ đã gây ra điều ác, và tất cả những điều ác thì đều có chung gốc rễ: tham lam, hư danh, kiêu ngạo. Ba cái này là gốc rễ của mọi tội lỗi, và chúng không để cho tâm hồn chúng ta được bình an.

Hư danh, tâm hồn trống rỗng

Bài đọc thứ nhất trích từ sách Giảng Viên nói về sự hư danh, ảo vọng, phù vân. Những điều phù phiếm lấp đầy chúng ta. Ảo tưởng về cuộc sống trường thọ, ảo vọng chỉ như bong bóng xà phòng. Cái phù vân không đem lại cho chúng ta ích lợi chân thực. Ích lợi gì cho người làm lụng vất vả và đầy lo lắng? Nếu đó chỉ là những lo lắng về vẻ bề ngoài, trông như thế này, nhìn như thế kia. Lo lắng như thế là phù vân. Nói đơn giản: cái hư danh chỉ tô vẽ cuộc sống. Những tâm hồn đau bệnh như thế, chỉ lo tô vẽ cái vẻ bề ngoài. Cái hư danh, cái phù vân giống như một tâm hồn trống rỗng. Nhìn bên ngoài thì tốt, mà bên trong thì hư hỏng. Cái phù vân làm cho chúng ta sống giả tạo.

Nhìn một phần tưởng là thế, mà sự thật toàn phần thì không phải thế  

Bằng cách nào mà những kẻ lừa đảo lại chiến thắng? Đúng là họ chiến thắng, nhưng cái chiến thắng này là “giả”, là không thật. Chiến thắng này là hư ảo, vì là sống giả vờ, vì là sống cỏ vẻ như, vì là sống vẻ bề ngoài. Đức Thánh Cha nhắc lại lời nói mạnh mẽ của thánh Benado: “Bạn cứ thử nghĩ mà xem bạn là gì chứ? Bạn sẽ là thức ăn cho giun dế. Tất cả những thứ tô vẽ này đều là giả trá, bởi vì rồi đây giun dế sẽ ăn hết, bạn sẽ chẳng là gì.” Tuy nhiên, sức mạnh của hư danh đến từ đâu? Nó đến từ sự tự đắc gian manh, “nó không cho bạn nhìn thấy những sai lỗi, nó che phủ mọi thứ, mọi thứ bị che đậy”.

Bao nhiêu người trông có vẻ như… rất là tốt! Mỗi Chúa nhật họ đều đi Lễ. Họ giữ những chức vụ lớn trong Giáo hội. Đó là những gì anh chị em thấy, còn bên trong thì toàn là tham nhũng. Có những người như thế, nhưng cũng có nhiều người thực sự đạo đức thánh thiện. Cái phù vân thường chỉ cho người ta nhìn thấy một phần, còn tất cả sự thật lại hoàn toàn khác. Vậy đâu là chốn an toàn để chúng ta nương náu? Chúng ta đọc thấy trong Thánh Vịnh: “Lạy Thiên Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài là nơi chúng con náu ẩn.” Chúng ta nhớ lại lời của Chúa Giêsu: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống.” Lạy chúa, xin cứu chúng con khỏi ba gốc rễ của mọi sự dữ: tham lam, hư danh, kiêu ngạo. Và trên hết, xin cứu chúng con khỏi hư danh, vì nó đã gây ra quá nhiều nỗi đau.

Tứ Quyết SJ

Lời khuyên thiết thực

Lời khuyên thiết thực

Tin Mừng Chúa nhật hôm nay tiếp nối trang Tin Mừng tuần trước.

Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi truyền giáo. Nay các học trò trở về. Anh em vui mừng kể cho Thầy nghe kết quả những việc đã làm. Chúa chia sẻ niềm vui với các môn sinh và Chúa khuyên nhủ: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Một lời khuyên rất thiết thực.

Chúa Giêsu rất thương các môn đệ. Làm việc nhiều nên cần phải nghỉ ngơi lấy lại sức lực để tiếp tục làm việc. Đó chính là thời giờ tĩnh tâm của các Tông đồ. Trong thinh lặng, mỗi người cầu nguyện, trau dồi nội tâm.

1. Thinh lặng là một cõi riêng tư

Một bầu khí yên tĩnh, một thời gian trầm lắng là một cõi riêng tư thật cần thiết cho con người. Thân xác nghỉ ngơi, tinh thần thư giãn, trí óc sáng suốt, tâm hồn bình an.

Giữa những ồn ào của đám đông

giữa những sôi nổi của thành công

và ê chề của thất bại

xin dành một cõi rất riêng cho Giêsu.

Giữa những đam mê quay cuồng

giữa những khát khao thèm muốn

và những trói buộc của sợ hãi, âu lo,

xin giữ một cõi rất riêng cho Giêsu

Giữa lúc bị cuộc đời từ khước

giữa lúc bơ vơ đi trong đêm mênh mông,

chẳng có ai để cậy dựa,

xin trở về với cõi riêng bên Giêsu,

để một mình ở đó

trầm lắng và bình an.

Lm Nhạc sĩ Thái Nguyên suy tư những lời thơ sâu lắng ấy và đã dệt ca khúc: “Một cõi riêng tư”.

Một cõi riêng tư, trong lòng con xin dành cho Chúa.

Một cõi riêng tư, trong lòng con Chúa thương ngự trị.

Chúa là điểm hẹn nơi con phát xuất ra đi dấn thân, cho cuộc đời nhân trần.

Chúa là đỉnh cao nơi con trở lại,để sống trong ân tình, niềm vui phút an bình.

Một cõi riêng tư với Chúa, chan chứa một niềm vui sâu lắng trong nội tâm, niềm vui gặp gỡ Chúa.

2. Chúa Giêsu mẫu gương thinh lặng

Chúa Giêsu khuyên các môn sinh hãy sống theo gương của Người. Nhịp sống mỗi ngày của Chúa Giêsu với khởi đầu là cầu nguyện và kết thúc trong tĩnh lặng riêng tư với Cha.Sáng sớm tinh mơ, Người dành thời gian đẹp nhất một ngày mới để cầu nguyện cùng Chúa Cha. Sau đó bận rộn với biết bao công việc: rao giảng và chữa lành thể xác tâm hồn cho con người. Chúa Giêsu thích sự cô tịch và tránh xa đám đông. Người chọn những nơi hiện diện: "Một ngọn núi cao riêng biệt" (Mc 9,2); những bờ dốc thẳng bao quanh hồ phía đồi Gôlăng (Mc 5,1); những bãi biển Phênixi xứ Xyria hay xứ Libăng (Mc 7,24-31); đôi bờ của con thác miền núi gần nguồn sông Giođan dưới chân núi Hécmon (Mc 8,27)…

Nhịp sống mỗi ngày của Chúa Giêsu tạo nên khuôn mẫu cho tất cả các môn sinh trong cuộc sống thường ngày.

Các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, hoạt động cứu độ con người. Các môn đệ trở về, Chúa khuyên nên nghỉ ngơi trong cầu nguyện. Làm việc và cầu nguyện, sống "nội tâm" và hoạt động "bên ngoài", đó là nhịp sống mỗi ngày của người môn đệ Chúa Giêsu.

3. Thinh lặng để sống nội tâm

Đời sống tâm linh phải được nuôi dưỡng bồi bổ để phát triển. Chúa chính là nguồn mạch đời sống thiêng liêng. Những giờ phút riêng tư thân mật bên Chúa sẽ giúp cho đời sống tâm linh phát triển. Nhờ cầu nguyện, con người mới phát triển quân bình.

Làm việc và cầu nguyện đó là hai nhu cầu của con người. Làm việc để nuôi thân, nuôi gia đình và góp phần xây dựng xã hội.Đời sống cầu nguyện hỗ trợ cho hoạt động bên ngoài. Nếu chỉ hoạt động bên ngoài, con người sẽ không khác gì máy móc. Nếu chỉ biết phát triển đời sống thân xác, con người sẽ trở thành nô lệ cho vật chất. Nếu chỉ quan tâm tới những nhu cầu vật chất, con người sẽ dễ bị tha hoá, đuổi theo tiền bạc, chạy theo chức quyền. Cầu nguyện giúp nâng tâm hồn lên khỏi nô lệ vật chất. Những giây phút yên lặng bên Chúa giúp ta định hướng cuộc đời. Ánh sáng Lời Chúa giúp ta nhìn rõ tâm hồn mình, biết rõ những sai sót của mình mà sửa đổi. Những lời chỉ dạy của Chúa là những chuẩn mực đạo đức giúp ta sống ngay thẳng, thật thà, lương thiện. Ơn Chúa ban sẽ cho ta sức mạnh để hoạt động tích cực hữu hiệu hơn, để hăng hái dấn thân hơn nữa trên đường phục vụ anh em.

Các xã hội văn minh, các đô thị luôn chạy theo nhịp sống hối hả của kỹ thuật hiện đại. Con người thời nay dễ bị căng thẳng. Do đó, người ta thường tìm đến với Yoga, Thiền, với các phương pháp dưỡng sinh để tìm sự quân bình, tìm yên tĩnh, muốn trầm lắng nội tâm.

Vào mùa hè, người ta thường tạm nghĩ công việc, rời nếp sống đô thị náo nhiệt tìm đến nghĩ ngơi nơi vùng quê, miền biển, miền núi.Nô đùa cùng sóng biển cát vàng, hít thở khí trời dịu mát của cao nguyên lộng gió hay hoà vào khung cảnh thanh bình êm ả của đồng quê bát ngát lúa chín vàng… Bầu khí yên tĩnh, thời gian trầm lắng là điều rất cần thiết cho con người. Thân xác nghĩ ngơi, tinh thần thư giãn, trí óc sáng suốt. Từ đó, nhìn lại cuộc sống mình, kiểm điểm, rút ưu khuyết, định hướng cho cuộc sống sắp tới.

Trong lãnh vực tông đồ, thinh lặng cầu nguyện thật cần thiết. Làm việc tông đồ là làm việc của Chúa. Cầu nguyện để biết rõ ý Chúa, biết việc phải làm. Cầu nguyện để múc lấy sức mạnh của Chúa giúp chu toàn công việc. Cầu nguyện để biết khiêm nhường luôn coi mình là dụng cụ trong bàn tay  Chúa. Chỉ khi làm việc trong Chúa, với Chúa và vì Chúa, việc tông đồ mới có kết quả tốt đẹp theo ý Chúa muốn.

Làm việc phải là kết quả của những giờ suy nghĩ và cầu nguyện. Điều kiện tiên quyết để thành công chính là sự thinh lặng. Từ thinh lặng ta mới có thể nuôi dưỡng những suy tư của mình một cách lâu dài được. Bầu khí thinh lặng giúp ta hồi tâm xét mình thực thi sám hối cách đúng mức. Bầu khí thinh lặng còn giúp cho người khác sống tinh thần cầu nguyện.

Người Kitô hữu yêu quý những giây phút thinh lặng trong tâm hồn, yên tĩnh ngọt ngào bên Chúa. Người Kitô hữu tìm thấy sự thinh lặng thánh ấy trong nhà thờ, trong những giây phút cầu nguyện và ngay trong tâm hồn mình. “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 61,2). Thinh lặng, cầu nguyện chiêm niệm, hồi tâm luôn mang lại sức sống thiêng liêng cho mỗi người.

Mẹ Têrêxa Calcutta thích thinh thặng và đã dâng lời cầu nguyện tha thiết.

Lạy Thiên Chúa, Đấng ưa thích sự thinh lặng,xin dạy chúng con thinh lặng để ở một mình với Ngài,trò chuyện,lắng nghe và thấm nhuần Lời Hằng Sống.

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi con mắt, biết nhắm lại trước những vấp váp của tha nhân, biết quay đi trước những dịp tội gây xao xuyến.

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi đôi tai,để nghe được tiếng kêu của người nghèo đói,để khép lại trước những mời mọc của ma quỷ.

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi miệng lưỡi,để biết ca tụng Chúa và đem lại an vui cho muôn người,tránh cho mọi lời nói gây đau đớn đổ vỡ.

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi trí khôn,để mở ra trước sự thật và khép lại trước dối trá.

Cuối cùng xin dạy chúng con thinh lặng nơi quả tim,để tránh xa mọi ích kỷ,thù hằn,ghen ghét,để yêu mến và ước ao Thiên Chúa trên hết mọi sự. Amen.

LM Giuse Nguyễn Hữu An

Ba Ngôi Thiên Chúa là tình yêu

Ba Ngôi Thiên Chúa là tình yêu

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Có lẽ ai trong chúng ta cũng thuộc nằm lòng câu giáo lý về Một Chúa Ba Ngôi trong sách bổn đồng ấu ngày xưa. Hỏi Đức Chúa Trời có mấy ngôi? Thưa Đức Chúa Trời có Ba Ngôi. Ngôi thứ nhất là Cha, Ngôi thứ Hai là Con, Ngôi thứ Ba là Thánh Thần.

Một câu giáo lý quen thuộc mà hết thế hệ này đến thế hệ khác đều học thuộc lòng một cách đầy đủ và chính xác từng lời và từng dấu chấm, dấu phẩy. Điểm đặc biệt là không ai thắc mắc tại sao Một Chúa mà lại Ba Ngôi? Có lẽ chúng ta không thắc mắc, không phải vì chúng ta đã hiểu mà vì cha mẹ chúng ta tin, và vì Hội thánh dạy chúng ta như thế. Thực vậy đức tin của chúng ta được trao ban từ Hội thánh và qua cha mẹ cùng người đỡ đầu tiếp tục bảo vệ, vun trồng đức tin của chúng ta.

Rồi dần dà theo thời gian, đức tin của chúng ta thêm kiên vững và được củng cố nhờ những ngày tháng học giáo lý và học hỏi lời Chúa. Chúng ta tin Một Chúa Ba Ngôi không do trí óc tưởng tượng của con người mà dựa trên thế giá lời chứng của Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu nói cho chúng ta biết. Chính Chúa Giêsu là lời mạc khải tròn đầy về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Ngài cho chúng ta biết, Ngài từ Chúa Cha mà đến. Ngài đến trần gian để thi hành thánh ý Chúa Cha, và khi hoàn tất công trình Chúa Cha trao phó, Ngài đã về trời và ban Thánh Thần đến thánh hóa thế gian trong ân sủng và tình yêu của Chúa.

Có một bà cụ đi xe lửa lần đầu tiên nên rất bỡ ngỡ sợ lầm tàu và lạc đường. Bà quay sang hỏi một hành khách ngồi bên cạnh:

– Thưa ông, tàu này có phải là tàu đi Roma không?

Ông ấy trả lời ngay:

– Vâng, đây là tàu đi Roma. Bà đừng lo, vì Roma là nhà của tôi, tôi phải về đó.

Nhưng bà ấy vẫn chưa thỏa lòng, cứ miên man nghĩ ngợi: Nhỡ ông kia cũng lầm tàu thì sao? Làm sao mà mình biết được? Vừa lúc ấy người tài công bước vào, bà hỏi:

– Bác tài công ơi, tàu này là tàu đi Roma phải không?

Người tài công trả lời:

– Vâng, đây chính là tàu đi Roma. Tàu sẽ chạy trong vài phút nữa. Bà cứ việc ngồi thoải mái đừng lo lắng gì cả, sẽ tới Roma an toàn.

Tới lúc ấy bà mới yên tâm, vì bà đã hỏi người có thẩm quyền trên tàu. Bà ấy đã nhận được câu trả lời từ một người có thẩm quyền nên không còn lo sợ nữa.

Mỗi người chúng ta cũng đang đi trên hành trình đời sống, một hành trình vào cõi vĩnh hằng. Có rất nhiều tôn giáo. Có rất nhiều con đường của người này kẻ kia chỉ chúng ta con đường về trời. Nhưng chỉ có một người đáng chúng ta tin cậy, vì Ngài là Thiên Chúa. Ngài có đủ thẩm quyền để chúng ta tin lời Ngài là chân lý, là sự thật. Đó chính là Chúa Giêsu.

Thực vậy, chúng ta tin về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi và các mầu nhiệm khác trong đạo đều dựa vào lời chứng của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là Thiên Chúa nên lời chứng của Ngài đáng để chúng ta tin. Chính Ngài đã làm nhiều phép lạ để chứng minh Ngài là Thiên Chúa và phép lạ lớn nhất đó là tự mình sống lại sau ba ngày chôn cất nơi huyệt mộ. Chính Ngài không chỉ nói về Chúa Cha mà cả cuộc sống của Ngài là để tôn vinh Chúa Cha và Ngài hằng sống đẹp lòng Chúa Cha.

Bên cạnh đó, với phương pháp loại suy chúng ta cũng có thể hiểu phần nào về mầu nhiệm Một Chúa ba Ngôi. Tựa như bóng đèn điện: có dòng điện, có ánh sáng và có hơi nóng. Hoặc như cùng một dòng nước chảy nhưng có thể hiện hữu dưới ba hình thái: thể hơi, thế rắn và thể lỏng, nghĩa là dạng hơi nước, dạng băng và dạng mưa.

Nhìn vào Thánh Kinh và lịch sử cứu độ, chúng ta thấy Thiên Chúa đã tỏ bày tình yêu của mình qua ba cách khác nhau: Chúa Cha đã tỏ mình ra qua việc tạo dựng vũ trụ vạn vật và con người. Cho dù con người có bất trung phản loạn Chúa vẫn yêu thương, yêu thương đến nỗi ban chính Con Một của mình là Đức Giêsu Kytô làm Đấng cứu chuộc trần gian. Cứu là giải thoát. Chuộc là cái gì của mình đã mất nay phải chuộc lại. Ngôi Hai Thiên Chúa đã giải thoát chúng ta khỏi nô lệ tội lỗi và sự chết, và chuộc lại chúng ta trở về làm cho cái Thiên Chúa bằng giá máu trên đồi Golgotha. Chúa Thánh Linh là Ngôi Ba Thiên Chúa đã thánh hóa chúng ta thành con cái Thiên Chúa và trở thành đền thờ của Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị.

Mừng lễ Chúa Ba Ngôi, là dịp để chúng ta tạ ơn tình thương của Chúa vẫn luôn bao phủ trên cuộc đời chúng ta. Chúa cho chúng ta được sinh ra làm người và làm con cái Thiên Chúa. Chúa là người cha nhân ái, chậm bất bình và rất mực khoan nhân. Chúa có giận thì giận trong giây lát, nhưng yêu thương thì yêu thương tới cùng. Cho dù chúng ta có yếu đuối bất toàn, Chúa vẫn yêu thương. Chúa không đoán phạt chúng ta theo như chúng ta đáng tội. Chúa như người cha luôn ngong ngóng chờ đợi đứa con tội lỗi trở về để được ôm con vào lòng và lại ban muôn ân huệ dư tràn. Xin Chúa giúp chúng ta luôn sống trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa bằng đời sống sám hối và canh tân cho xứng đáng là con cái Chúa và xứng đáng là Đền Thờ cho Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị. Amen.

Vác đỡ Thánh Giá Chúa

Vác đỡ Thánh Giá Chúa

Vào Tuần Thánh với Lễ Lá, bài Thương khó đã kể lại cho chúng ta nghe về Con Một Thiên Chúa mang thân phận con người với tên Giêsu. Ngài đã cô đơn đổ mồ hôi máu trong Vườn Cây Dầu như bị bỏ rơi, chấp nhận hóa thân mình nên thần lương cho nhân loại, bị chính môn đệ phản bội nộp thầy cho quân dữ, bị đứng trước vành móng ngựa, nghe bản cáo trạng hàm oan, rồi lại nghe tuyên án tử hình, chịu vác thập giá, đánh đòn, đội mão gai, té ngã trên đường lên Núi Sọ, và cuối cùng, chịu đóng đinh và chết thật.

Đó là cái giá phải trả để chuộc lại tội bội phản của tổ tông loài người. Cụ thể hơn, chỉ có hy tế thập giá của Chúa Giêsu mới là lễ dâng đẹp ý Thiên Chúa Cha, để nhờ án tử hình của Chúa Giêsu mà Thiên Chúa Cha xóa đi bản án tử hình đời đời cho con người.

Tham dự vào cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu với lòng biết ơn Người đã mang lại cho chúng ta niềm hy vọng được tham dự vào cuộc sống vĩnh cửu của Thiên Chúa, nhờ lòng khoan dung tha thứ của Thiên Chúa Cha.

Có người đặt vấn đề khá thời sự rằng: Chúa Giêsu đã chịu thương khó, đã chết và sống lại hai ngàn năm rồi. Chúng ta đang nghe việc thuật lại như một chuyện kể, một cổ tích. Làm sao chúng ta có thể lại bước đi trên Đường Thương Khó với Chúa Giêsu nữa?!? Thật mơ hồ.

Tôi đồng ý với bạn rằng: chúng ta không tận mắt thấy Chúa Giêsu đổ mồ hôi máu trong đêm Vườn Dầu. Nhưng thiết tưởng, chúng ta có thể thấy rất cụ thể từng nếp nhăn cằn cỗi trên khuôn mặt của những Chủ Chiên ngày qua ngày phải đối phó với bầy quân dữ của Satan đang rình mò cắn xé Giáo Hội là Thân Thể Chúa Giêsu Kitô. Xin đừng nghĩ là các Chủ Chiên đang vô tư, vô tình, vô cảm trước những bức bách mang tính chủ trương và toàn diện đang xảy ra trong và cho Giáo Hội địa phương của mình. Nhưng nên nghĩ là các Ngài đang đổ mồ hôi máu mà thưa với Chúa Cha rằng: “Lạy Cha nếu có thể được, thì xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, một theo ý Cha mà thôi”.

Những chủ chiên ấy, không chỉ là những Giám Mục, Linh Mục, mà cụ thể hơn là bạn, là tôi, là tất cả những người làm ông bà, cha mẹ, anh chị đang mang trong mình trọng trách bảo vệ Đức Tin cho những thành viên non trẻ của mình trước những trận cuồng phong duy vật, vô thần, vô cảm, vô nhân đạo, vô lương tâm, vô luân lý.

Một người bạn tôi, đã từng là Đại Chủng Sinh Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt, từng Giáo Lý Viên dự tòng và hôn nhân nhiều năm liền tại Giáo Xứ của mình, hôm nay, thầy lại đành bó tay, đành cắn răng chờ xem người con rể tương lai vốn con nhà Cộng Sản kia định liệu thế nào cho số phận con gái mình khi đã trót “ăn cơm trước kẻng”: có thể là nó chịu theo Đạo để cưới vợ, cũng có thể là nó bảo Đạo ai nấy giữ, rồi cũng có thể là nó xúi dại con gái mình phá cái thai ấy đi. Thật là đau khổ! Thế rồi, đúng là nhà ông sui của thầy đã ép thằng nhỏ phải bắt con gái thầy phá thai. Hai vợ chồng thầy đau khổ lắm. Đêm đêm bên ngọn đèn dầu thầm thĩ kêu van xin Chúa sáng soi cho con gái mình biết đường mà tuân giữ lề luật của Chúa.

Tôi vẫn nghĩ là sự chọn lựa để bảo vệ Đức Tin, để trung thành với lề luật Chúa, để tuân hành thánh ý Chúa cũng làm cho người yêu mến Chúa đến phải đổ mồ hôi máu như Chúa vậy.

Một cha giải tội cho một hối nhân thường xuyên, lần nào xưng tội cũng bấy nhiêu tội tày trời ấy, có khi còn nặng nề hơn. Cha vừa nghe tội vừa khẩn khoản tha thiết kêu xin lòng thương xót Chúa đến độ vã cả mồ hôi, lạnh ớn người ngay trong Tòa Giải Tội.

Những người đau đầu nhất, đang đổ mồ hôi máu nhất hiện nay có phải là những Giám Mục, Linh Mục, những chủ chiên đang “lựa chiều bẻ lái” cho con chiên của mình một cách ứng xử Công Giáo nhất trước tình trạng thế quyền quá lộng quyền đối với Sự Sống con người hiện nay. Nếu con người thời bây giờ biết rằng: vài chục năm trước đã có chủ trương phá thai cách toàn diện, cấp quốc gia như thế, thì hẳn đã không thể còn có chính họ hiện diện trên đời ngày hôm nay để chủ trương phá thai nữa. Là những người bảo vệ Đức Tin Công Giáo, làm chứng cho Chân Lý của Thiên Chúa, nối tiếp công cuộc Sáng Tạo và Cứu Rỗi của Thiên Chúa, không đổ mồ hôi máu được sao?

Cũng vậy, chúng ta không thấy cảnh Chúa Giêsu bị bắt bớ, không tham dự phiên tòa xét xử Chúa Giêsu, không thấy những vết bầm tím trên thân mình Chúa Giêsu khi bị quân dữ đánh đòn, không thấy Chúa Giêsu vác thập giá, ngã lên ngã xuống trên đường lên đồi cao chịu chết, hoặc nếu có thấy, thì thiết tưởng, cũng chỉ là thấy qua những bản vẽ do các họa sĩ.

Thế nhưng chúng ta có thể thấy được tận mắt các tín hữu của Chúa đang bị bắt bớ giam cầm tra tấn khắp nơi nơi đấy chứ? Nhất là, trong thời đại truyền thông nầy, thì tin tức về những chuyện bắt oan các tín hữu, bỏ tù gian, ném đá giấu tay, hay mượn tay người gây thương tích cho các Linh Mục trên đường Mục Vụ đều có thể truyền đi nhanh như chớp, làm sao mà lấy “thúng úp voi được”? Ấy vậy, những chuyện “quả tang”, “công khai” tra tấn những người theo Chúa Kitô trong Giáo Hội Chúa Kitô đang diễn ra hàng ngày khắp nơi và cả trên đất nước chúng ta, mà chúng ta nói rằng chúng ta không tham dự được với Thập Giá Chúa Kitô sao?

Tại nơi chúng ta đang sống, Chúa Giêsu vẫn đang bị bán đứng với giá 30 đồng bạc, có khi ít hơn chỉ vài đồng, hoặc chỉ cần là sự đổi chác một chỗ ngồi, chỗ đứng cho vinh thân phì gia. Chúa Giêsu vẫn đang chịu bao lời phỉ báng, bôi nhọ, hạ nhục. Chúa Giêsu vẫn đang bị bắt bớ giam cầm, đánh đập tra tấn, đổ máu và cả mất mạng nữa. Vâng cuộc Thương Khó Chúa Giêsu đang hiển hiện nơi các tín hữu Chúa.

Như vậy, tín hữu Công Giáo Việt Nam vào cuộc Thương Khó với Chúa Giêsu không chỉ là những giờ ngắm rằng, ngắm đứng, ngắm quì sốt sắng đến rơi lệ, không chỉ là những vành khăn tang trắng xóa quấn trên đầu suốt Tuần Thánh, không chỉ là những cử hành Phụng Vụ long trọng trong Thánh Đường, không chỉ là những việc chay tịnh sám hối chỉ với Chúa, mà thiết tưởng còn phải cụ thể hơn là: khẩn cấp nhận ra và tham dự vào nỗi lo, niềm đau của các chủ chiên, của các tín hữu khắp nơi trên đất nước.

Là con cái trong nhà, xin dâng những hy sinh và vác đỡ Thánh Giá cho cha mẹ mình trong việc lo cái ăn, cái mặc, cái học và nhất là trong việc bảo vệ đời sống Đức Tin trước những nguy cơ. Là con chiên trong một đoàn chiên Giáo Hội, xin dâng những hy sinh và vác đỡ Thánh Giá cho những Chủ Chiên, những tín hữu đang gặp bức bách, giam cầm, tra tấn. Là tín hữu Công Giáo trong xã hội, xin dâng những hy sinh và chia sẻ niềm đau thương của mọi người, niềm đau do gian ác, bất công, đàn áp, niềm đau của bệnh hoạn tật nguyền, niềm đau của những mảnh đời nghiệt ngã không ai giống ai…

Đang viết bài này, tôi nhận được cú điện thoại của chị H, có người chồng 15 năm bại liệt, mọi sinh hoạt tại chỗ, con trai lớn cột sống dính khớp 9 năm nay cũng nằm luôn một chỗ cho chị H. lo lắng, con trai thứ có vợ tận Cà Mau, con gái út vừa đi học đi làm ở Sàigòn, nhà mái tôn rách nát. Mùa mưa tới rồi, chẳng biết tính sao? Tôi có thể trả lời rằng trong cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu đâu thấy có cảnh bại liệt hay dính khớp cột sống để từ chối một cảm thông được không?

Tôi bỗng nghe tiếng lòng nhắc bảo: xin đừng vừa sốt sắng tham dự Phụng Vụ cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu lại vừa dửng dưng vô tâm trước cảnh thương khó của biết bao người.

Lạy Chúa, Thánh Phanxicô đã thưa: “Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người”. Xin cho chúng con cũng nhận ra Chúa Giêsu đang đau buồn, thương tích, bị nhục mạ, bắt bớ, giam cầm, đánh đập nơi những anh chị em chúng con, và cho chúng con nhiệt tình vác đỡ Thánh Giá của anh em, như vác đỡ Thánh Giá Chúa Giêsu vậy. Amen.

PM Cao Huy Hoàng

ĐỨC PHANXICÔ : SỰ THÁNH THIỆN ĐƯỢC SỐNG QUA CHỨNG TÁ KITÔ HỮU Ở ĐỜI THƯỜNG

ĐỨC PHANXICÔ : SỰ THÁNH THIỆN ĐƯỢC SỐNG QUA CHỨNG TÁ KITÔ HỮU Ở ĐỜI THƯỜNG

Nên thánh không hệ tại ở việc « nhắm mắt và có cái đầu như trên các hình ảnh đạo đức ». Để nên thánh, « không cần phải là giám mục, linh mục hay tu sĩ », « sự thánh thiện không phải chỉ dành riêng cho những ai có khả năng tách ra khỏi những nhiệm vụ thường ngày để chỉ chú tâm cầu nguyện ». Nhưng « đúng hơn chính khi sống chứng tá Kitô hữu của chúng ta mà chúng ta được mời gọi nên thánh », và « nên thánh không thể được thực hiện mà không có niềm vui ». Đó là tóm tắt bài giáo lý trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư 19/11/2014 tại quảng trường thánh Phêrô trước chừng khoảng 15.000 người.

 « Và nếu chúng ta là bậc cha mẹ hay ông bà, nên thánh bằng cách dạy đức tin và cuộc sống  cho con cháu ». « Cần phải kiên nhẫn nhiều đối với nhiệm vụ này, để là những bậc cha mẹ tốt, để là những bậc ông bà tốt, và chính trong sự kiên nhẫn này mà sự thánh thiện nảy sinh ». Đức Thánh Cha còn khuyên kiê nhẫn nếu « buổi tối con cái của bạn xin bạn thảo luận về những vấn đề của nó, và bạn đang cảm thấy mệt mỏi, bạn không muốn nghe nó, trái lại, hãy ngồi xuống, dành thời gian lắng nghe nó, và khi lắng nghe nó bạn sẽ tiến bước đến sự thánh thiện ». Với những bước nhỏ tiến tới sự thánh thiện, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng lấy ví dụ một người phụ nữ đi chợ mua sắm, gặp các bạn nữ của mình, và rồi đi đến chỗ ngồi lê đôi mách. Nếu người phụ nữ này không chiều theo cám dỗ nói xấu người khác, thì đó cũng là một bước tiến tới sự thánh thiện.

Từ đó Đức Thánh Cha khẳng định : « Chính khi sống các hoạt động của mọi ngày bằng tình yêu mà chúng ta được mời gọi nên thánh, dù thân phận chúng ta là gì : người đã kết hôn hay độc thân, cha mẹ hay ông bà, người tu trì… Mọi bậc sống đưa chúng ta đến sự thánh thiện nếu chúng ta sống nó trong sự hiệp thông với Chúa và phục vụ anh em. Lời mời gọi nên thánh của Thiên Chúa là một lời mời gọi sống và hiến dâng cho Ngài mỗi giây phút của cuộc sống chúng ta cách vui tươi, bằng cách biến nó thành một sự dâng hiến tình yêu cho những người xung quanh chúng ta ».

Tý Linh ( XBVN )

theo Radio Vatican