Chúa Giêsu luôn yêu thương từng người trong chúng ta cho đến cùng

Chúa Giêsu luôn yêu thương từng người trong chúng ta cho đến cùng

Pope cleaned and kiss kid feet

ROMA: Chúa Giêsu luôn yêu thương từng người trong chúng ta với tên tuổi, vô tận, cho đến cùng, và Ngài dâng hiến mạng sống cho chúng ta.

ĐTC Phanxicô đã khẳng định như trên trong bài giảng thánh lễ Tiệc Chiều của Chúa cử hành trong nguyện đường nhà tù Rebibbia ở Roma chiều Thứ Năm Tuần Thánh mùng 2 tháng 4. Ngài nói: Trong Phúc Âm chúng ta vừa nghe công bố có một câu diễn tả nòng cốt điều Chúa Giêsu dã làm cho chúng ta tất cả: “Người đã yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng”. Chúa Giêsu đã và đang yêu thương chúng ta, vô cùng, luôn luôn và cho tới cùng. Tình yêu của Chúa Giêsu đối với chúng ta không có hạn, luôn luôn và ngày càng nhiều hơn. Ngài yêu thương không mệt mỏi. Ngài yêu thương tất cả chúng ta đến trao ban sự sống cho chúng ta; phải, trao ban sự sống cho chúng ta tất cả, trao ban sự sống cho từng người trong chúng ta, và mỗi người có thể nói: Ngài đã trao ban sự sống cho tôi. Mỗi người, cho anh, cho chị, cho bạn, cho tôi, cho từng người với đầy đủ tên gọi. Tình yêu của Ngài là như thế: bản vị riêng rẽ. Tình yêu của Chúa Giêsu không bao giờ gây thất vọng, bởi vì Ngài yêu thương không mệt mỏi, cũng như Ngài không mệt mỏi tha thứ, không mệt mỏi ôm chúng ta vào lòng… Đó là điều đầu tiên tôi muốn nói với anh chị em. Chúa Giêsu yêu thương chúng ta, yêu thương từng người, cho đến cùng. Rồi Ngài đã làm điều này mà các môn đệ đã không hiểu: đó là rửa chân cho các ông. Vào thời đó đây là thói quen, vì khi tới nhà nào chân người ta bẩn vì bụi đường. Hồi đó chưa có đường lót đá. Đó là bụi đường và khi vào nhà thì người ta rửa chân. Nhưng điều này chủ nhà không làm, nhưng là các nô lệ. Đó là công việc của các nô lệ. Và Chúa Giêsu rửa chân cho chúng ta, cho các môn đệ, như nô lệ. Chúa Giêsu yêu thương chúng ta biết bao đến trở thành nô lệ để phục vụ chúng ta, chữa lành và rửa sạch chúng ta. Và hôm nay trong Thánh Lễ này, Giáo Hội muốn rằng linh muc rửa chân cho 12 người để tưởng niệm Mười Hai Tông Đồ. Nhưng trong tim chúng ta phải xác tín rằng khi Chúa rửa chân cho chúng ta, Ngài rửa chúng ta toàn vẹn, Ngài thanh tẩy chúng ta, Ngài làm cho chúng ta cảm nhận một lần nữa tình yêu thương của Ngài. Trong Thánh Kinh, sách ngôn sứ Isaia  có một câu rất hay đẹp nói: “Một người mẹ có thể quên con mình sao? Nhưng nếu một bà mẹ có quên con mình đi nữa, thì Ta sẽ không bao giờ quên ngươi”. Tình yêu của Thiên  Chúa đối với chúng ta là như thế. Hôm nay tôi sẽ rửa chân cho mười hai người trong anh chị em, nhưng qua họ tôi rửa chân cho tất cả anh chị em, tất cả những người sống tại đây. Anh chị em đại diện cho họ. Nhưng tôi cũng cần được Chúa rửa cho. Vì thế trong Thánh Lễ này xin anh chị em cầu nguyện để Chúa cũng thanh tẩy tôi khỏi các nhơ nhớp của tôi, để tôi trở thành nô lệ của anh chị em hơn, nô lệ hơn trong việc phục vụ con người như Chúa Giêsu đã là.

ĐTC đã rửa chân cho 6 nam tù nhân và 6 nữ tù nhân. Có một nữ tù nhân bế con nhỏ, ĐTC cũng rửa chân cho em và hôn chân em. Nhiều tù nhân đã cảm động không cầm được nước mắt.

Sau thánh lễ nhiều tù nhân túa ra ôm hôn ĐTC. Trước khi tạm biệt họ ĐTC đã cám ơn sự tiếp đón nông hậu của họ, và xin họ cầu nguyện nhiều cho ngài. Tiếp đến ngài mời họ cùng đọc Kinh Lậy Cha và ban phép lành cho họ.

Buổi trưa Thứ Năm Tuần Thánh sau Thánh Lễ làm phép Dầu, ĐTC đã dùng bữa với 10 linh mục giáo phận Roma. Đây là lần thứ ba ĐTC ăn trưa với 9 cha sở và một linh mục bề trên một cộng đoàn tu sĩ. Bữa ăn đã kéo dài một giờ rưỡi tại nhà ĐTGM Angelo Becciu, Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh (SD 2-4-2015).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐỀN THỜ CỦA THIÊN CHÚA

ĐỀN THỜ CỦA THIÊN CHÚA

Phụng vụ Lời Chúa qua hai Chúa Nhật Mùa Chay cho thấy Đức Giêsu vừa là con người phải chịu cám dỗ trong sa mạc, vừa là Con Thiên Chúa nơi biến cố Hiển Dung trên núi Tabor.

Phụng vụ Lời Chúa tuần 3 Mùa Chay trình bày Đức Giêsu là Đền Thờ của Thiên Chúa qua sự kiện thanh tẩy đền thờ Giêrusalem.

1. Chúa Giêsu thánh tẩy đền thờ

Đối với Do thái giáo, Lễ Vượt Qua là một đại lễ, tưởng niệm cuộc vượt qua Biển Đỏ tiến về Đất Hứa. Lễ Vượt qua được tổ chức vào ngày 15 tháng Nissan, tức là tháng 4 dương lịch.

Mọi người trong đất nước Palestin đều về Giêrusalem dự lễ.Cả những người tản mác khắp thế giới không bao giờ quên tôn giáo, tổ tiên cũng về dự đại lễ quan trọng nhất này. Dầu sống ở xứ nào, người Do thái vẫn ước mơ và hy vọng được dự lễ Vượt Qua tại Giêrusalem ít nhất là một lần trong đời.Trong dịp này Chúa Giêsu cùng đi dự lễ Vượt qua với các môn đệ.

Thuế Đền Thờ là một sắc thuế mà mỗi người Do thái từ 9 tuổi trở lên đều phải đóng.Tiền thuế là ½ siếc-lơ, tương đương với 2 ngày công nhật.

Trong việc giao dịch thương mại, mọi loại tiền đều có giá trị tại Palestin. Nhưng tiền thuế Đền thờ phải nộp bằng đồng siếc-lơ Galilê hoặc siếc-lơ của Đền Thờ. Khách hành hương đến Đền Thờ phải đổi tiền siếc-lơ. Vì vậy trong sân Đền Thờ có nhiều người làm nghề đổi tiền.Tiền huê hồng khi đổi là ¼ ngày công cho 1đồng. Cứ 4 đồng siếc-lơ thì người đổi được lợi một ngày công. Do đó số tiền thuế Đền thờ và lợi tức đổi tiền thật là lớn.

Điều khiến Chúa Giêsu nổi giận là khách hành hương phải chịu những tệ nạn của bọn đổi tiền bóc lột với giá cắt cổ.Thật là bất công và càng tệ hơn nữa khi người ta nhân danh Tôn giáo để trục lợi.

Bên cạnh bọn đổi tiền còn có một số người bán bò, chiên, bồ câu để khách hành hương mua làm lễ vật toàn thiêu. Điều hết sức tự nhiên và tiện lợi là có thể mua đựơc các con vật ở sân Đền Thờ. Luật quy định các con vật làm của lễ phải lành lặn không tỳ vết. Có những chức sắc kiểm tra khám xét con vật. Mỗi lần khám xét phải trả 1/12 siếc-lơ, không được mua vật ở ngoài Đền thờ. Khốn nổi, mỗi con vật mua trong đền thờ đắt gấp 15 lần ở bên ngoài. Khách hành hương nghèo bị bốc lột trắng trợn khi muốn dâng lễ vật. Sự bất công này lại càng tệ hại thêm vì nó làm dưới danh nghĩa tôn giáo.

Chính vì những điều ấy đã làm Chúa Giêsu bừng bừng nổi giận. Chúa lấy dây thừng bện thành roi đánh đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ;còn tiền của những người đổi bạc,Người đổ tung ra,và lật nhào bàn ghế của họ.

Trong Phúc âm hiếm khi ta thấy Chúa Giêsu nổi giận. Ngài bình thản đón lấy nụ hôn phản bội của Giuđa; lặng lẽ trước những lời cáo gian buộc tội; xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đóng đinh mình vì họ không biết việc họ làm. Chính Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta học lấy nơi Ngài bài học hiền lành và khiêm nhường. Vậy mà ở đây, Chúa đã nỗi giận đùng đùng,lật tung bàn ghế, lấy dây thừng làm roi xua đuổi tất cả.

Khung cảnh đền thờ phải là nơi yên tĩnh, thánh thiêng. Thế mà nay lại ồn ào huyên náo, mua bán đổi chác, tranh giành, cãi cọ, đôi co như là một cái chợ buôn bán sầm uất. "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây,đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán" (Ga 2,16). "Nhà của Ta là nhà cầu nguyện,còn các ngươi làm thành hang trộm cướp" ( Mt 21,12-13).Chúa Giêsu thất vọng biết bao trong tiếng than thở ấy."Nơi buôn bán", "Hang trộm cướp", Đền thờ nơi tôn nghiêm thờ phượng Đức Chúa, nay lại quá bất kính, quá bát nháo khiến Chúa Giêsu phải đau lòng. Lời ngôn sứ Giêrêmia quở trách dân Do thái xưa đã nên ứng nghiệm ( x. Gr 7,11).

Thế là Chúa Giêsu thực hiện một cuộc thanh tẩy Đền thờ vì Ngài yêu mến Đền thờ: "Vì nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân" (Tv 69,10).Lòng nhiệt thành với Đền thờ sẽ dẫn Chúa Giêsu đến chỗ bị người đời bách hại (x. Ga 15,5).

2. Tại sao Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ?

Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ vì nhà Thiên Chúa đã bị xúc phạm.

Trong sân đền thờ có thờ phượng mà không có lòng tôn kính.Thờ phượng mà không có lòng tôn kính là việc bất xứng.Đó là việc thờ phượng hình thức chiếu lệ.Trong sân Đền thờ người ta cãi vả về giá cả,tiếng ồn ào huyên náo tạo thành một cái chợ chứ không phải là Đền thờ.

Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ để chứng minh rằng việc dâng thú vật làm lễ tế không còn thích đáng nữa.

Các ngôn sứ đã loan báo: “Đức Chúa phán, ngần ấy hy lễ của các ngươi đối với Ta nào có nghĩa lý gì? Lễ toàn thiêu chiên cừu,mỡ bê mập, Ta chán ngấy.Máu chiên dê Ta chẳng thèm.” (Is 1,11). "Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận" ( Tv 50,16).

Thái độ thanh tẩy Đền thờ của Chúa Giêsu chứng tỏ Chúa đòi hỏi lòng thành kính.Lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa là tấm lòng chân thành.

Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ  vì "Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện"

Đền thờ là nơi Thánh,là chốn Thiên Chúa hiện diện tiếp nhận phụng tự của người dâng lễ và thông ban cho họ sự sống và các ân huệ của Người.

Các chức sắc Đền thờ,các con buôn người Do thái đã biến Đền thờ thành nơi huyên náo, nổi loạn. Tiếng bò rống, tiếng chiên kêu, tiếng rao hàng, lời qua tiếng lại mặc cả, cãi cọ mua bán làm cho khách hành hương không thể cầu nguyện được.

3. Xây dựng đền thờ tâm hồn.

Chúa Giêsu đã thanh tẩy Đền thờ Giêrusalem. Chúa muốn chúng ta thanh tẩy Đền thờ tâm hồn của mình.

Đền thờ tâm hồn không xây dựng bằng vật liệu cao cấp của các thứ kim loại, bằng những loại gỗ quý giá. Đền thờ tâm hồn được xây bằng các bí tích, các việc lành thánh thiện, những hy sinh, lòng yêu mến Thiên Chúa.

Trong Đức Kitô, chúng ta đã trở nên đền thờ sống động và đã được cung hiến ngày lãnh nhận phép Thánh Tẩy. Thánh Phaolô minh định: “Anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong đền thờ ấy”. Đó là một hồng ân cao cả mà Thiên Chúa dành cho mỗi tín hữu qua Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa yêu thích ngự nơi đền thờ tâm hồn chúng ta hơn là đền thờ bằng gỗ đá, dù là gỗ thơm đá quý. Bởi lẽ đền thờ bằng gỗ đá, dẫu có xinh đẹp và đồ sộ như đền thờ Latêranô đi chăng nữa thì một ngày kia, cũng sẽ tiêu tan. Không có đền thờ nào đẹp bằng đền thờ Giêrusalem. Một công trình nguy nga tráng lệ xây cất ròng rã 46 năm. Khi đi qua, các môn đệ tự hào chỉ cho Chúa Giêsu thấy sự huy hoàng của Đền thờ,nhưng Người lại nói rằng: sẽ có ngày không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Khi người Do thái chất vấn: Ông lấy quyền nào mà làm như vậy ? Chúa Giêsu bảo: cứ phá Đền thờ này đi,trong 3 ngày Ta sẽ xây dựng lại. Chúa ám chỉ đến cái chết và sự phục sinh của Người. Đền thờ ở đây chính là thân thể Đức Giêsu mà mỗi người Kitô hữu là một viên đá sống động xây dựng nên đền thờ ấy. Thân thể phục sinh của Chúa là đền thờ mới, nơi con người thờ phượng Thiên Chúa cách đích thực, trong tinh thần và trong chân lý. Chỉ có Thân thể Chúa Kitô và tâm hồn chúng ta mới là đền thờ vững bền.

Đền thờ đích thực, là chính thân thể Đức Giêsu Kitô (Ga 2,21). Chính nơi đền thờ này, Thiên Chúa đã thi thố tất cả quyền năng cứu độ nhân loại. Cũng chính nơi đền thờ này sự thờ phượng đích thực mới được dâng lên Thiên Chúa. Quả thế, Thánh Linh đã phục sinh thân thể Đức Giêsu. Chúa Cha đã đặt Người làm Trung gian duy nhất để chuyển cầu cho nhân loại (x. 2 Tm 2:5; Dt 9:15; 12:24). Tất cả mọi giá trị và ý nghĩa của mọi nhà thờ trên thế giới này đều phải bắt nguồn từ đền thờ này. Thật vậy, “không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giêsu Kitô.” (1Cr 3,11). Máu và nước từ cạnh sườn Đức Giêsu tuôn chảy như giòng sông. “Sông này chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống.” (Ed 47,9). Người được phúc đón nhận sự sống đó là Kitô hữu. Vì họ là “thân thể Đức Kitô.” (2 Cr 12, 27). Bởi đó, họ cũng là “Đền Thờ của Thiên Chúa.” (1 Cr 3,16).

Lạy Chúa Giêsu Kitô,

Chúa đã đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ vì họ đã đem đền thờ biến thành nơi buôn bán, đổi chác;

Xin Chúa xua đuổi nhưng thói hư tật xấu ra khỏi tâm hồn chúng con, để tâm hồn chúng con xứng đáng là đền thờ sống động của Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Ơn thông hiểu của Chúa Thánh Thần

Ơn thông hiểu của Chúa Thánh Thần

Ơn thông hiểu Chúa Thánh Thần ban giúp chúng ta hiểu Lời Chúa, chương trình cứu độ và mọi sự trong chiều sâu như Thiên Chúa hiểu.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 30-4-2014. Dưới bầu trời mùa xuân Roma trong xanh với nắng ấm đã có khoảng 100,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung với Đức Thánh Cha. Hàng ngàn người khác tới trễ đã phải theo dõi buổi tiếp kiến ngoài quảng trường Pio XII. Sở dĩ tín hữu đông vì có nhiều đoàn hành hương về Roma tham dự lễ phong Hiển Thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II vẫn còn đang viếng thăm Roma.

Đã có hàng chục trẻ em được các cận vệ bế lên để cho Đức Thánh Cha hôn, có em mới chỉ được mấy tháng tuổi. Đó là niềm vui lớn của các bà mẹ. Có nhiều người tặng mũ ”calốt” cho Đức Thánh Cha, ngài lấy đội, rồi trao lại cho họ làm kỷ niệm. Cũng có nhiều người tặng khăn và áo thun cho ngài và ném vào xe díp. Hễ ngài quay qua bên phải lâu quá, thì tín hữu đứng bên trái lại réo gọi. Ngài đã dành hơn 45 phút để chào các tín hữu.

Trong bài giáo lý Đức Thánh Cha đã tiếp tục giải thích các ơn Chúa Thánh Thần ban cho tín hữu. Sau ơn khôn ngoan là ơn đầu tiên, ơn thứ hai là ơn thông hiểu. Ngài khẳng định ngay như sau:

Đây không phải là sự thông minh của con người, khả năng hiểu biết mà chúng ta ít nhiều có được. Trái lại, nó là một ơn mà chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể đổ vào trong chúng ta và dấy lên nơi kitô hữu khả năng đi xa hơn khía cạnh bề ngoài của thực tại và thăm dò các sự sâu thẳm nơi tư tưởng của Thiên Chúa và chương trình cứu độ của Người.

Khi nói với cộng đoàn Côrintô, tông đồ Phaolô miêu tả đúng các hiệu qủa của ơn này, nghĩa là điều ơn thông hiểu của Chúa Thánh Thần làm nơi chúng ta. Thánh nhân nói như sau: ”Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người”. Còn chúng ta chúng ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho, nhờ Thần Khí” (1 Cr 2,9-10).

Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là một tín hữu kitô có thể hiểu biết mọi sự và tràn đầy các chương trình của Thiên Chúa: tất cả những điều đó còn chờ được tỏ lộ ra trong tất cả sự trong sáng của chúng, khi chúng ta sẽ ở bên Thiên Chúa và thực sự là một với Người. Tuy nhiên, như từ hiểu biết gợi ý, hiểu biết intelletto cho phép ”đọc bên trong” ”intus – leggere”. Ơn này khiến cho chúng ta hiểu các sự vật như Thiên Chúa hiểu, với sự thông minh của Thiên Chúa. Bởi vì một người có thể hiểu một tình trạng với trí thông minh của con người, với sự thận trọng, thì tốt thôi. Nhưng hiểu một tình trạng trong chiều sâu, như Thiên Chúa hiểu, là hiệu quả của ơn ấy. Và Chúa Giêsu đã muốn gửi Chúa Thánh Thần cho chúng ta để chúng ta có ơn ấy, để chúng ta tất cả có thể hiểu các sự vật như Thiên Chúa hiểu chúng, với sự thông hiểu của Thiên Chúa. Đây là một món qùa đẹp mà Chúa đã ban cho tất cả chúng ta.

Đó là ơn, qua đó Chúa Thánh Thần dẫn đưa chúng ta vào trong sự thân tình với Thiên Chúa và khiến cho chúng ta được tham dự vào chương trình tình yêu mà Người có đối với chúng ta. Khi đó thật rõ ràng là ơn thông hiểu gắn liền mật thiết với đức tin.

Khi Chúa Thánh Thần ở trong tim chúng ta và soi sáng trí khôn chúng ta, Người làm cho chúng ta lớn lên mỗi ngày trong sự thông hiểu điều mà Chúa đã nói và đã làm. Chính Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ Người: Thầy sẽ gửi Thánh Thần cho anh em và Người sẽ làm cho anh em hiểu tất cả những gì Thầy đã dậy anh em. Hiểu các giáo huấn của Chúa Giêsu, hiểu Lời Người, hiểu Tin Mừng, hiểu Lời của Thiên Chúa. Một người có thể đọc Phúc Âm và hiểu điều gì đó, nhưng nếu chúng ta đọc Phúc Âm với ơn của Chúa Thánh Thần chúng ta có thể hiểu chiều sâu các lời của Thiên Chúa. Và đây là một ơn lớn, một ơn vĩ đại mà tất cả chúng ta phải xin và xin cùng nhau: Lậy Chúa xin ban cho chúng con ơn thông hiểu.

Trong Phúc Âm thánh Luca có một chuyện diễn tả rất rõ sự sâu thẳm và sức mạnh của ơn đó. Đó là câu chuyện hai môn đệ trên đường về làng Emmaus. Sau khi chứng kiến cái chết trên thập giá và việc chôn cất Đức Giêsu, hai môn đệ tuyệt vọng và tan nát bỏ thành Giêrusalem và trở về làng tên là Emmaus.

Trong khi họ đi đường Chúa Giêsu phục sinh đến đi bên cạnh và bắt đầu nói chuyện với họ, nhưng mắt họ bị che mờ bởi sự buồn đau và nỗi tuyệt vọng nên không nhận ra Người. Chúa Giêsu đi với họ, nhưng họ buồn sầu, họ tuyệt vọng tới nỗi họ không nhận ra Người.

Nhưng khi Chúa giải thích Thánh Kinh, để họ hiểu rằng Người phải đau khổ và chết đi để rồi sống lại, trí khôn họ mở ra và niềm hy vọng tái nhóm trong con tim của họ (x. Lc 24,13-27).

Và đây chính là điều Chúa Thánh Thần làm với chúng ta: Người mở tâm trí chúng ta, Người mở chúng ta ra để hiểu các điều của Thiên Chúa hơn, hiểu các điều của con người, các tình trạng, tất cả mọi sự. Ơn thông hiểu thật là quan trọng đối với cuộc sống kitô. Chúng ta hãy xin Chúa ơn đó, xin Người ban cho chúng ta, ban cho tất cả chúng ta ơn này để hiểu như Người hiểu, hiểu các sự vật xảy ra, và nhất là hiểu Lời Chúa trong Phúc Âm.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu đến từ các nước Bắc Mỹ và Tây Âu, cũng như các phái đoàn đến từ các nước: Benin, Uganda, Nam Phi, Philippines, Đài Loan, Malaysia, hay các đoàn hành hương đến từ các nước châu Mỹ Latinh như Honduras, Uruguay, Argentina, Mêhicô, Brasil. Ngài cầu mong tín hữu để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cuộc sống.

Chào các tín hữu Ba Lan về Roma tham dự lễ phong Hiển Thánh cho Đức Gioan Phaolô II, Đức Thánh Cha cầu mong chứng tá đức tin, đức cậy, đức mến và sự tín thác nơi Lòng Chúa Thương Xót của thánh Gioan Phaolô II đặc biệt sống động trong những ngày này, sự bầu cử của người nâng đỡ cuộc sống và các ý hướng tốt lành của từng người, cũng như các âu lo và niềm vui của người thân, sự phát triển và tương lai an bình của Giáo Hội tại Ba Lan và trong toàn quê hương của họ.

Trong số các nhóm nói tiếng Ý được chào có đoàn các trẻ em chịu phép Thêm Sức do Đức Cha Antonio De Luca Giám Mục giáo phận Teggiano-Policastro hướng dẫn; nhóm các nữ tu Salésiennes Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria; các chủng sinh giáo phận Catania và Caltagirone; các tham dự viên cuộc hội học do Đại học Santa Croce tổ chức; tín hữu giáo xứ Montecchio hành hương Roma nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập giáo xứ. Đức Thánh Cha cầu mong chuyến viếng thăm mộ các thánh Tông Đồ và các Giáo Hoàng, dịp phong hiển thánh cho Đức Gioan XXIII và Gioan Phaolô II giúp họ đào sâu đức tin và việc tùy thuộc dân thánh Chúa.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới, ngài nhắc cho mọi người biết Giáo Hội mới mừng kính thánh nữ Catarina thành Siena Bổn Mạng Italia và Âu châu. Ngài khuyên các bạn trẻ noi gương thánh nữ sống với lương tâm ngay thẳng không nhượng bộ các giàn xếp nhân loại. Ngài nhắn nhủ các bệnh nhân noi gương mạnh mẽ của thánh nữ trong những lúc khổ đau, và khích lệ các cặp vợ chồng mới cưới noi gương đức tin vững vàng của người biết tín thác nơi Chúa.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Tình yêu dẫn đến đức tin

Tình yêu dẫn đến đức tin

Trong Tin Mừng Chúa Nhật Phúc Sinh, thánh Gioan kể lại cho chúng ta câu chuyện 3 người đi tìm Chúa: Maria Mađalêna, Gioan và Phêrô.

Khi đọc đoạn Phúc Âm đó, chắc chắn mỗi người chúng ta đều nhận thấy rằng tất cả 3 người đều đến mồ, đều thấy cùng một sự kiện mồ trống và khăn liệm, nhưng chỉ có mỗi mình Gioan là tin Chúa Giêsu đã sống lại. Thánh Gioan đã viết về chính mình rằng: "Ông thấy và ông đã tin".

Để hiểu rõ câu chuyện, chúng ta hãy trở lại chương 16. Sau khi Chúa Giêsu chết, người Do Thái đến xin Philatô cho hạ xác những người đóng đinh xuống vì họ không muốn thấy xác chết treo trên thập giá trong ngày thứ bảy, ngày sabbat, nhất là ngày sabbat trong lễ Vượt Qua của họ.
Phép tắc, thủ tục xong, xác Chúa được hạ xuống. Theo phong tục người Do Thái, họ tính bắt đầu ngày mới từ lúc mặt trời lặn.

Maria Mađalêna và các môn đệ có mặt lo hối hả để chôn xác Chúa cho xong và ra về trước khi mặt trời lặn, nếu không họ sẽ lỗi luật tôn giáo vì ngày sabbat chỉ được đi bộ một quãng bằng ném hòn đá mà thôi.

Chúng ta cũng nên biết qua cách liệm xác của người Do Thái. Cách liệm xác của họ là rửa xác, ướp thuốc thơm và gói lại bằng tấm vải trắng, lấy băng quấn lại từ đầu đến chân như người ta băng bó vết thương, xong xuôi đâu đó đem đặt xác vào trong hang huyệt đục sẵn trong đá và lấy tảng đá to đậy cửa hang lại.

Vì hối hả nên Maria Mađalêna về nhà nhận thấy mình không cẩn thận đủ đối với Thầy Giêsu của mình và nóng lòng chờ đến sau ngày thứ bảy. Vào ngày thứ nhất trong tuần, tức ngày Chúa nhật, bà đem thuốc thơm đến mồ để ướp xác lại. Khi đến nơi bà thấy mồ trống, cửa đã được đẩy ra và Thầy không còn trong đó nên vội vã chạy về báo tin cho Phêrô và Gioan. Gioan là thanh niên trai trẻ chạy nhanh hơn Phêrô nên ra đến mồ trước. Đến nơi Gioan chỉ đứng ngoài khom người nhìn vào chờ Phêrô đến, cả hai cùng vào mồ, họ đều thấy dây băng liệm và vải liệm, nhưng Gioan thú thực trong lòng ông đã tin Chúa sống lại. Phân tích tâm lý của 3 nhân vật, chúng ta sẽ thấy tại sao?

Đối với Maria Mađalêna, bà đến mồ chỉ mong để ướp xác Thầy lại cho chu đáo hơn. Bà cầm thuốc thơm trong tay và đầu óc chỉ nghĩ đến thân thể đã nằm yên bất động. Nói tắt một lời: Bà đến mồ chỉ để tìm xác chết. Một tâm trạng như thế, thấy mồ trống không, bà khó có thể nhận ra tức thì Chúa Giêsu đã sống lại.

Còn Phêrô, ông đã sợ hãi. Ông đã chối Thầy của mình trong giờ phút Thầy bị hành hạ nhục nhã vì ông sợ bị liên lụy. Thầy đã chết và nằm yên trong mồ. Điều ông mong muốn lúc đó là xin đừng có gì rắc rối xảy ra nữa, xin được hai chữ "bình yên". Nhưng tại sao lại có sự kiện mất xác này. Ông chạy đến mồ với tất cả mọi lo âu trong đầu. Ông lo nhóm nào đó sau khi giết Thầy lại tìm cách phá rối các tông đồ để kết án họ và xử tử họ nữa chăng. Ông là trưởng nhóm, vậy ông chạy đến mồ để quan sát những gì đã xảy ra. Vậy ông chạy đến mồ mà trong lòng chỉ lo nghĩ đến việc tại sao thế này, tại sao thế nọ để tìm cách đối phó. Với tâm trạng đó, Phêrô khó có thể nhận ra Chúa Giêsu đã sống lại.

Phần Gioan, ông yêu thương Chúa Giêsu và ông biết rằng Chúa Giêsu đã yêu thương ông. Trong Phúc Âm, khi ông viết một điều gì có đề cập đến mình trong đó, thánh Gioan luôn dùng kiểu nói "người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến". Thánh Gioan đã yêu mến Chúa Giêsu thật sự, tình yêu mến đó đã thể hiện ra bên ngoài, nhất là trong những giây phút cuối cùng của Chúa Giêsu. Thánh Gioan đã theo chân Chúa Giêsu trên con đường thập giá và là tông đồ duy nhất đứng dưới chân thánh giá cho đến giờ phút cuối cùng và chỉ trở về nhà với Mẹ Maria sau khi đã chôn cất Chúa Giêsu. Kinh nghiệm cho thấy, khi yêu ai thì ta luôn nghĩ đến người ấy, luôn cảm thấy sự hiện diện của người ấy trong cuộc đời mình cho dù hoàn cảnh bắt buộc phải xa nhau. Thánh Gioan luôn nhớ lại lời giảng dạy của Thầy trong lòng và hy vọng Thầy sẽ sống lại vì Thầy đã báo trước. Với cái nhìn đó, Gioan đã nhận ra dễ dàng sự kiện sống lại. Ông đã thấy và ông đã tin.

Qua câu chuyện, chúng ta thấy rõ ràng rằng: Tình yêu dẫn đến đức tin. Những lo âu trần gian như lo lắng của Maria Mađalêna đi tìm xác chết không vượt lên được. Những suy tư, lý luận lo âu của Phêrô đã không đưa đến đâu. Chỉ có tình yêu Chúa Giêsu của thánh Gioan đã đưa ông nhanh chóng đến đức tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh.

Trong cuộc hành trình đức tin, chúng ta cùng tìm Chúa, chúng ta có thể cảm thấy sự hiện diện của Chúa, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa của mọi biến cố trong cuộc đời mình nếu chúng ta noi gương Gioan, để cho lòng trí mình luôn tiến trên con đường tình yêu Chúa.

Veritas Radio

Mỗi một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu biến đổi cuộc sống và ban cho chúng ta niềm vui

Mỗi một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu biến đổi cuộc sống và ban cho chúng ta niềm vui

Mùa Chay là thời gian thuận tiện giúp chúng ta nhìn vào bên trong chính mình để làm nổi lên các nhu cầu tinh thần đích thật nhất, và xin sự trợ giúp của Chúa trong lời cầu nguyện. Giống như trường hợp của người đàn bà xứ Samaria, gặp gỡ Chúa Giêsu thay đổi cuộc sống chúng ta và ban cho chúng ta niềm vui.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với 70,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 23-3-2014.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến, hôm nay Phúc Âm trình bầy với chúng ta cuộc găp gỡ của Chúa Giêsu với người đàn bà xứ Samaria, tại Sicar, gần một cái giếng cổ, nơi bà tới kín nước mỗi ngày. Hôm ấy bà tìm thấy Chúa ngồi đó ”mệt mỏi vì đường xa” (Ga 4,6). Người nói ngay với bà: ”Xin cho tôi nước uống” (c. 7). Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa cử chỉ này của Chúa Giêsu như sau:

Trong cách thức này Người thắng vượt các hàng rào thù nghịch đã có giữa người Do thái và người Samaria, và bẻ gẫy các lược đồ thành kiến đối với các phụ nữ. Lời xin đơn sơ của Chúa Giêsu là khởi đầu của một cuộc đối thoại thắng thắn, qua đó với sự tế nhị rất lớn, Chúa Giêsu bước vào trong thế giới nội tâm của một người, mà theo các lược đồ xã hội đáng lý ra Ngài cũng không nên bắt chuyện. Nhưng Chúa Giêsu làm điều đó! Ngài không sợ hãi. Khi trông thấy một người, Chúa Giêsu tiến tới, vì Ngài yêu thương. Ngài yêu thương tất cả chúng ta. Ngài không bao giờ dừng lại trước một người vì các thành kiến. Chúa Giêsu đặt để bà trước tình trạng của bà, bằng cách không phán xử bà, nhưng làm cho bà cảm thấy được trân trọng, thừa nhận, và như thế gợi lên nơi bà ước muốn đi xa hơn cuộc sống nhàm chán thường ngày.

Cái khát của Chúa Giêsu không phải là khát nước, nhưng là khát gặp gỡ một linh hồn đã khô héo. Chúa Giêsu cần gặp người đàm bà xứ Samaria để mở con tim bà ra: Ngài xin bà cho nước uống để minh nhiên cái khát bà có trong chính bà. Người đàn bà bị đánh động bởi cuộc gặp gỡ ấy: bà hỏi Chúa những cầu hỏi sâu xa, mà chúng ta tất cả đều có ở trong lòng, mà thường chúng ta không biết. Cả chúng ta nữa cũng có biết bao nhiêu câu hỏi, nhưng không tìm ra can đảm để hỏi Chúa Giêsu!

Lồng khung sứ điệp cuộc găp gỡ này vào Mùa Chay Đức Thánh Cha nói:

Mùa Chay là thời gian thuận tiện giúp chúng ta nhìn vào bên trong chính mình để làm nổi lên các nhu cầu tinh thần đích thật nhất, và xin sự trợ giúp của Chúa trong lời cầu nguyện. Gương của người đàn bà xứ Samaria mời gọi chúng ta bầy tỏ mình như vầy: ”Xin cho con nước sẽ làm cho con đã khát đời đời.” Phúc Âm nói rằng các môn đệ ngạc nhiên thầy Thầy mình nói chuyện với người phụ nữ đó. Nhưng Chúa vĩ đại hơn các thành kiến, vì thế Người không sợ hãi dừng lại với người đàn bà xứ Samaria: lòng thương xót lớn hơn thành kiến. Đây là điều chúng ta phải học: lòng thương xót lớn hơn thành kiến. Và Chúa Giêsu thì vô cùng thương xót, vô cùng! Kết qủa cuộc gặp gỡ bên bờ giếng là người đàn bà được biến đổi: bà ”bỏ cái vò bà mang tới kín nước lại đó” (c. 28) và chạy vào thành phố kể lại kinh nghiệm ngoại thường của bà. Bà đi kín nước giếng và đã tìm thấy một thứ nước khác, nước hằng sống của lòng thương xót vọt lên từ cuộc sống vĩnh cửu. Bà đã tìm thấy nước, mà bà đã luôn luôn kiếm tìm! Bà chạy vào làng, ngôi làng đã phán xử bà và khước từ bà, và loan báo rằng bà đã gặp Đấng Messia, Đấng Cứu Thế: một người đã thay đội cuộc sống của bà. Bởi vì mỗi một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu luôn luôn thay đổi cuộc sống chúng ta. Đó là một bước tiến tới, một bước gần Thiên Chúa hơn. Và như thế mỗi một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu thay đổi cuộc sống chúng ta. Luôn luôn, luôn luôn là như vậy.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Trong Phúc Âm này chúng ta cũng tìm thấy sự khích lệ ”để vò nước của chúng ta lại đó”, nó biểu tượng cho tất cả những gì xem ra quan trọng, nhưng mất giá trị trước tình yêu của Thiên Chúa, đã ”được đổ tràn đầy con tim của chúng ta qua Chúa Thánh Thần” (Rm 5,5). Chúng ta được mời gọi tái khám phá ra tầm quan trọng và ý nghĩa của cuộc sống kitô, đã bắt đầu với Bí tích Rửa Tội và như người đàn bà xứ Samaria, chúng ta được mời gọi làm chứng cho các anh chị em khác. Làm chứng cho cái gì? Niềm vui! Làm chứng cho niềm vui của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, bởi vì tôi đã nói rằng mỗi một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu thay đổi cuộc sống chúng ta, và mỗi một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trao ban cho chúng ta niềm vui, niềm vui đến từ bên trong. Và Chúa là như thế. Và kể lại biết bao điều kỳ diệu mà tình yêu của Người biết làm trong con tim chúng ta, khi chúng ta có can đảm để cái vò của mình ra một bên, và các điều kỳ diệu mà tình yêu của Chúa hoàn thành trong cuộc sống chúng ta.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha còn dặn mọi người đừng quên tư tưởng này ”Mỗi một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu thay đổi cuộc sống chúng ta. Mỗi một cuộc gặp gở với Chúa Giêsu ban cho chúng ta niềm vui.” Và ngài xin mọi người cùng lập lại với ngài câu đó.

Đức Thánh Cha cũng nhắc cho mọi người biết Thứ hai hôm nay là Ngày Quốc Tế Bệnh Lao Phổi và nói: chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những người bị bệnh lao và cho những ai trợ giúp họ bằng nhiều cách khác nhau.

Thứ Sáu và thứ Bảy tới chúng ta sẽ sống một thời điểm sám hối đặc biệt gọi là ”24 giờ cho Chúa”. Nó sẽ bắt đầu với việc cử hành tại đền thờ Thánh Phêrô chiều thứ sáu, rồi sau đó ban đêm vài nhà thờ ở trung tâm thành phố Roma sẽ mở cửa cho việc cầu nguyện và xưng tội. Đó sẽ là một lễ, chúng ta có thể gọi là một lễ của ơn tha thứ. Nó cũng sẽ được cử hành trong nhiều giáo phận và giáo xứ trên thế giới.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm tín hữu hiện diện tại quảng trường. Ngài cũng chào đặc biệt 18,000 tham dự viện cuộc chạy đua Marathon mùa xuân tại Roma và chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tươi vui an lành.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio