Chúa Thánh Thần

Chúa Thánh Thần

Lễ hiện xuống chính là ngày lễ 50 của Cựu Ước. Đó là cao điểm kết thúc cho mùa mừng lễ Vượt Qua, ngoài ra đó còn là ngày lễ tạ ơn vì Chúa đã cho mùa màng tốt tươi, cũng như để kỷ hiệm ngày Chúa công bố lề luật qua Môsê trên đỉnh núi Sinai.

Đối với chúng ta hôm nay, thì lễ Hiện Xuống cũng chính là cao điểm, kết thúc cho mầu nhiệm Phục sinh. Như ngày Hiển Linh đối với ngày Giáng Sinh thế nào thì ngày lễ Hiện Xuống cũng vậy đối với lễ Phục Sinh. Tôi xin đưa ra một vài hình ảnh để so sánh.

Trong ngày lễ Phục sinh, Đức Kitô như mặt trời hừng đông ló dạng. Còn trong ngày lễ Hiện xuống thì mặt trời ấy đã đứng bóng, chói loà và đem lại sức sống. Trong ngày lễ Phục sinh thửa vườn của Giáo Hội nở bông với những tín hữu mới được lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Còn trong ngày lễ Hiện xuống, những bông hoa ấy đã kết thành trái chín vàng trên cành cây. Người làm vườn là Đức Kitô đã trồng những mầm non mới. Còn mặt trời làm cho trái chín vàng đó là Chúa Thánh Thần. Trong ngày lễ Phục sinh chúng ta mới chỉ là những trẻ nhỏ của Thiên Chúa, chúng ta cần đến sữa mẹ là Chúa Thánh Thần. Chúng ta lớn lên trong nhà mẹ là Giáo Hội, một cách vô tư và hạnh phúc như những em nhỏ. Nhưng khi chúng ta trưởng thành, Giáo Hội, người Mẹ hiền của chúng ta, không ngần ngại bảo cho chúng ta biết rằng khoảng thời gian êm đẹp và thơ mộng ấy đã qua đi, giờ đây chúng ta là những lữ khách, sẽ gặp phải nhiều đau khổ, nhiều buồn phiền. Với lễ Hiện xuống, chúng ta trở nên là những người trưởng thành. Với lễ hiện xuống Chúa Thánh Thần làm việc và tác động.

Trước khi về trời Chúa Giêsu đã hứa không để cho chúng ta phải mồ côi, Người sẽ gởi đến cho chúng ta một Đấng an ủi, để nhắc lại những điều Người đã giảng dạy. Ngày hôm nay, Chúa Thánh Thần vẫn còn hoạt động trong Giáo Hội cũng như trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ tưởng đến Ngài, và chúng ta có thể gặp gỡ Ngài ở khắp mọi nơi. Ngài ngự trị trong tâm hồn chúng ta kể từ ngày chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội, để biến tâm hồn và thể xác chúng ta thành đền thờ cho Thiên Chúa, như lời thánh tông đồ đã khuyên nhủ: Anh em không nhớ rằng thân xác anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần hay sao. Hãy mang lấy Thiên Chúa và hãy tôn vinh Người trong thân xác anh em. Chúng ta sẽ dễ dàng trở nên thánh thiện, nếu chúng ta luôn ý thức rằng Chúa Thánh Thần đang ngự trị trong chúng ta. Còn đối với Giáo Hội, Chúa Thánh Thần luôn thánh hoá và hoạt động bằng các bí tích. Chúa Giêsu đã về trời và trở nên vị trung gian bầu cử cho chúng ta trước toà Đức Chúa Cha. Nhưng Giáo Hội trên trần gian hằng được Chúa Thánh Thần giúp đỡ và hướng dẫn. Trong bí tích Thánh Thể Chúa Giêsu thực sự hiện diện, nhưng Ngài không thể tiếp nối những hành động mà ngày xưa Ngài đã thực hiện ở Palestin. Trong bí tích Thánh Thể Người chỉ là của lễ và của ăn cho chúng ta,. Thế nhưng, bí tích Thánh Thể lại chính là một dụng cụ Chúa Thánh Thần dùng để thánh hoá chúng ta.

Chúa Thánh Thần chính là linh hồn của Giáo Hội. Và như chúng ta đã biết Giáo Hội là nhiệm thể của Đức Kitô. Thân xác muốn sống thì phải có linh hồn. Vai trò của linh hồn thật là quan trọng, nó là nguyên lý của sự sống, nếu linh hồn lìa khỏi thì thân xác sẽ phải chết. Cũng vậy Chúa Thánh Thần là linh hồn của nhiệm thể Giáo Hội, chính Ngài trao ban và bảo tồn đời sống ơn sủng trong chúng ta. Nhờ Ngài mà chúng ta có thể cầu nguyện và làm được những việc tốt lành. Bởi đó, trong ngày mừng kính Ngài hôm nay, chúng ta hãy mặc lấy ba tâm tình sau đây: Tâm tình thứ nhất là tâm tình vui mừng. Chính vì thế mà Giáo Hội đã mời gọi chúng ta qua lời kinh Tiền Tụng: Trong niềm hân hoan chứa chan, toàn thể vũ trụ đều nhảy mừng. Tâm tình thứ hai là tâm tình tin tưởng vào sự hiện diện và vào quyền năng của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội cũng như trong tâm hồn mỗi người. Chúng ta phải cảm nghiệm và nhận ra quyền năng ấy. Và sau cùng chúng ta hãy mong mỏi xin Ngài ngự đến như lời Giáo Hội tha thiết nguyện cầu: Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến và đổ tràn đầy trong lòng các tín hữu những hồng ân của Ngài.

 

Hãy nhận lấy Thánh Thần

Hãy nhận lấy Thánh Thần

(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Lúc đến Êphêsô, Phaolô hỏi một số môn đệ ở đó: "Khi vào đạo, các ông đã nhận lãnh Thánh Thần chưa?". Họ trả lời: "Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói tới" (Cv 19,1-2).

Chúng ta đã được nghe nói và đã lãnh nhận Thánh Thần, nhưng có thể Ngài vẫn là Đấng xa lạ với ta.

Bí tích Thêm sức chỉ còn là một kỷ niệm đẹp, nhưng nó không làm ta ý thức về sự hiện diện của Thánh Thần, Đấng đang ở trong ta và sai ta đi làm chứng.

Khi Đức Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ, Ngài đã làm một việc quan trọng, đó là mời họ tiếp tục sứ mạng mà Ngài đã bắt đầu.

"Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ" (Mt 28,19).

"Hãy đi loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo" (Mc 16,15).

Trong Tin Mừng hôm nay, Đấng phục sinh nói với các môn đệ: "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em" (Ga 20,21)

Đức Giêsu cho các môn đệ được tham dự vào sứ mạng của mình. Chỉ có một sứ mạng duy nhất là sứ mạng Chúa Giêsu nhận được từ Chúa Cha. Sứ mạng của các môn đệ nối dài sứ mạng duy nhất ấy.

Ai sẽ giúp các ông thực hiện sứ mạng này? Ai sẽ cho các ông sức sống để dám mở toang cánh cửa mà lên đường loan báo Tin Mừng phục sinh?

Sức sống ở nơi hơi thở.

Đức Giêsu phục sinh đã trao hơi thở của mình, hơi thở của sức sống thần linh cho các môn đệ.

Khi được trao ban Thánh Thần, họ trở thành con người mới, sẵn sàng lên đường.

Thánh Thần chẳng ở xa mỗi người chúng ta.

Ngài có mặt khi ta rung động trước một đoạn Lời Chúa, và muốn sống Lời Chúa trong đời thường.

Ngài có mặt khi ta gọi tên Chúa Giêsu trên môi (1Cr 12,3), và gọi Thiên Chúa là Cha đầy lòng từ ái (Rm 8,15).

Ngài có mặt khi ta muốn tiến một bước mới trong đời sống cầu nguyện, trong đời sống thiêng liêng.

Thánh Thần chẳng ở xa Giáo Hội.

Ngài làm cho Giáo Hội được hiệp nhất bằng cách ban những đặc sủng khác nhau cho nhiều người để họ phục vụ lợi ích chung.

Ngài hiện diện nơi các vị lãnh đạo Giáo Hội, nhưng Ngài cũng có mặt nơi các nhóm giáo dân.

Ngài hiện diện trong các bí tích, trong mỗi thánh lễ. Ngài thánh hóa bánh rượu để chúng trở nên Mình và Máu Đức Kitô.

Thánh Thần là linh hồn của Giáo Hội; không có Ngài, Giáo Hội chỉ là một cơ cấu đáng ngờ.

Nếu chúng ta mềm mại hơn để cho Ngài dẫn dắt, nếu chúng ta bớt cứng cỏi để cho Ngài canh tân, nếu chúng ta đừng dập tắt tiếng của Ngài, thì chúng ta sẽ thấy những biến đổi kỳ diệu.

Gợi Ý Chia Sẻ

1. Bạn có thấy Chúa Thánh Thần soi sáng và nâng đỡ bạn trong cuộc sống hàng ngày không? Ngài có hoạt động trong nhóm của bạn không?

2. Trong thế giới hôm nay, thế giới gồm cỏ lùng và luau, bạn có thấy hoạt động âm thầm nhưng hiệu quả của Chúa Thánh Thần không?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Thánh Thần,

Xin Ngài hãy đến như cơn gió mát thổi vào đời con, thổi vào Giáo Hội, thổi vào thế giới, để đem lại cho chúng con sự tươi mới nhẹ nhàng, sự tự do thanh thoát.

Xin Ngài hãy đến như dòng nước trong chảy vào đời con, chảy vào Giáo Hội, chảy vào thế giới, để cuốn trôi đi mọi nhơ nhớp, khô cằn, cứng cỏi, và làm bật dậy những mầm xanh sự sống nơi chúng con.

Xin Ngài hãy đến như ngọn lửa hồng chiếu sáng đời con chiếu sáng Giáo Hội, chiếu sáng thế giới, để chúng con không còn đồng lõa với tối tăm, nhưng mang trong tim một ước mơ nóng bỏng, đó là làm cho vũ trụ này rực sáng Tình yêu.

Hơi thở của Thiên Chúa

Hơi thở của Thiên Chúa

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Trong kho tàng văn chương Ấn giáo có ghi lại câu chuyện như sau: Có một đệ tử đến thưa với vị linh đạo của mình: “Thưa thầy, con muốn gặp Chúa”. Vị linh đạo chỉ đáp trả bằng một cái mỉm cười thinh lặng.

Ngày hôm sau, người môn sinh trở lại và bày tỏ cũng một ước muốn. Vị linh đạo vẫn mỉm cười tiếp tục giữ sự im lặng cố hữu của ông. Một ngày đẹp trời nọ, ông đưa người thanh niên đến một dòng sông. Thầy trò cùng trầm mình xuống nước. Chờ cho người đệ tử cảm thấy hoàn toàn thoải mái trong dòng nước mát, bất thần vị linh đạo túm lấy anh và dìm xuống nước hồi lâu. Người thanh niên cố gắng vùng vẫy đế trồi lên mặt nước. Lúc bấy giờ vị linh đạo mới hỏi anh: “Khi bị dìm xuống nước như thế, con cảm thấy cần điều gì nhất?”. Không một chút suy nghĩ, người đệ tử đáp: “Thưa thầy, con cần có không khí để thở””.

Lúc bấy giờ vị linh đạo mới dẫn giải: “Con cảm thấy cần gặp Chúa như con cần khí thở không? Nếu con cảm thấy cần như thế, con sẽ gặp được Ngài tức khắc. Ngược lại, nếu con không hề cảm thấy cần như thế thì cho dù con có vận dụng tất cả tài trí và cố gắng, con cũng sẽ không bao giờ gặp được Ngài”.

Anh chị em thân mến,

Sự sống của chúng ta là do Thiên Chúa ban tặng. Chính nhờ tham dự vào sự sống của Ngài mà chúng ta được sống. Bao lâu còn hơi thở là còn sống. Tắt thở là chết. Trong buổi đầu công trình tạo dựng. Thiên Chúa đã thổi hơi vào Ađam, con người đầu tiên, để Ađam có sự sống, để Ađam trở nên bạn hữu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu Phục Sinh cũng đã lặp lại hành động ấy khi Ngài xuất hiện giữa các môn đệ và thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Nhận lấy Thánh Thần là nhận lấy sự sống của Thiên Chúa, là nhận lấy tinh thần của Thiên Chúa. vì Thánh Thần là Thần Khí, là Hơi Thở của Thiên Chúa.

Ađam đã nhận được hơi thở của Thiên Chúa để sống vai trò nguyên tổ của loài người. Các môn đệ cộng đoàn Phục Sinh đã nhận được hơi thở của Thiên Chúa để làm chứng về Chúa Giêsu Kitô. Mỗi người chúng ta, cũng đã nhận được hơi thở của Thiên Chúa khi chúng ta được dìm trong Nước Thánh Tẩy và được xức dầu trong bí tích Thêm Sức. Hơi thở, sức sống, tinh thần của Thiên Chúa được “hà hơi” vào trong ta. Vấn đề là chúng ta có biết sống bằng hơi thở Thần Linh ấy không. Thánh Phaolô khi nói về các ơn sủng Thiên Chúa ban cho mọi chi thể thuộc thân thể Đức Kitô đã đề cao Đức Ái như một đặc ân của Thánh Thần.

“Đức Ái thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức Ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,4-7).

Sống đức Ái, sống yêu thương là sống bằng hơi thở của Thiên Chúa, là kết hợp với Thiên Chúa Tình Yêu, là sống trong Thánh Thần. Chỉ có yêu thương mới làm cho con người sống và phát triển thực sự. Chỉ có yêu thương mới làm cho con người thay đổi, canh tân, hoán cải. Ai yêu thương nhiều là người ấy thay đổi nhiều, vì tình yêu sẽ dẫn đưa chúng ta đến chốn vô cùng, vô tận của cuộc sống. Ai yêu thương nhiều và yêu thương thực tình sẽ không còn là mình nữa, mà là dụng cụ của Tình Yêu Thiên Chúa, sẽ nên giống như Thiên Chúa.

Thưa anh chị em,

Một cộng đoàn thiếu yêu thương thì không bao giờ có hợp nhất, không bao giờ có sức thuyết phục được những người chung quanh. Vì chỉ có yêu thương mới san bằng được những khoảng cách, mới lấp đầy những cách biệt, mới giúp bổ túc cho nhau giữa những cái chênh lệch, khác biệt nhau. Các tín hữu tiên khởi đã bán hết của cải ruộng đất để làm của chung, để sống giới răn yêu thương của Thầy. Đó phải là hình ảnh gợi ý cho những sáng kiến yêu thương của chúng ta. Chỉ khi nào mỗi thành viên của Hội Thánh đem hết tài năng, đặc sủng của mình đã nhận lãnh làm thành của chung của cộng đoàn, thì lúc ấy mới có sự hợp nhất thực sự của một thân thể nhiều chi thể là Hội Thánh Chúa Kitô.

Nhưng chúng ta chỉ biết sống yêu thương nếu như chúng ta biết đặt mình dưới sức tác động của Thánh Thần: Chẳng những Ngài là Đấng An Ủi, soi sáng mà Ngài còn là Đấng Thanh Tẩy chốn nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan, chữa lành thương tích, uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng… (Ca tiếp liên). Chỉ có Thánh Thần mới làm cho các tổ chức của con người có sức sống, có tinh thần Tin Mừng… Đổi mới tư duy, đổi mới đời sống, đổi mới cơ chế xã hội đều cần đến sức mạnh và ân sủng của Thánh Thần Thiên Chúa, vì Ngài là hơi thở của Thiên Chúa, hơi thở không ngừng làm sống mọi tạo vật.

Anh chị em thân mến,

Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận những luồng gió mới mà Thánh Thần Chúa đang thổi trong lòng các dân tộc, trong lòng con người trước ngưỡng cửa Thiên Niên Kỷ Thứ Ba. Chớ gì Thánh Thần Thiên Chúa cũng thổi vào lòng chúng ta, vào cộng đoàn chúng ta một luồng gió đổi mới cũng mạnh liệt như thời các Tông đồ, để Hội Thánh luôn tươi trẻ và tràn đầy sức sống.

Xin hãy đến, lạy Chúa Thánh Thần và xin canh tân bộ mặt trái đất của chúng con.

“Anh em hãy nhận Thánh Thần”

“Anh em hãy nhận Thánh Thần”

Một cha sở già miền núi phía nam nước Ý thường dùng các ví dụ cụ thể để diễn tả mầu nhiệm trong đạo. Vào lễ Thánh Linh hàng năm, Ngài ra lệnh thả một chim câu trong nhà thờ. Và khi chim đậu xuống ai, người đó phải cố thực hiện một công tác cụ thể phục vụ cộng đoàn. Có lần chim đậu xuống một thầy hiệu trưởng, ông này đã cam kết và thực hiện một cuốn sách giá trị. Lần khác chim đậu xuống một vị công tước và công tước đã bỏ tiền xây hệ thống dẫn nước. Một Linh mục trẻ được sai tới thay thế cha sở già. Cha sở mới không thích kiểu cách cha sở cũ nhưng chưa tiện hủy bỏ. Vào ngày Lễ Thánh Linh ngài bảo cứ thả chim câu, và cho mở rộng hết các cửa, nghĩ rằng chim sẽ bay ra ngoài. Nhưng con chim bay lượn một vòng quanh nhà thờ và đậu ngay xuống vai cha sở mới, cả nhà thờ vỗ tay mừng rỡ. Cha sở mới phải lên tiếng hứa sẽ đem hết sức lực và thì giờ phục vụ giáo xứ, và ngài đã giữ lời.

Câu chuyện vui nầy diễn tả phần nào những hoạt động của Chúa Thánh Thần, Người thúc giục, soi sáng và hướng dẫn ta trong mọi ý hướng, mọi sáng kiến phục vụ anh em. Chúa Giêsu nói về hoạt động của Thánh Linh: Người như gió, muốn thổi đâu thì thổi (Ga 38). Và Chúa cũng nhắc nhở ta trong vai trò quan trọng của Thánh Linh trong việc giúp hiểu Tin Mừng, trong việc truyền bá giáo lý của Chúa: “Thầy sẽ xin Cha ban cho các con một Đấng phù trợ, Người là Thần Chân lý” (Ga 14,16): “Khi Thần Chân lý tới, Người sẽ dạy cho các con biết tất cả sự thật” (Ga 16,13).

Khung cảnh Tin Mừng chúng ta mới nghe chứng tỏ điều Chúa nói. Chúa đã phục sinh, chuyện nầy các tông đồ đều đã biết, nhưng các ông vẫn lo âu, tụ họp nhau trong phòng đóng kín cửa vì sợ. Chúa Giêsu định phó thác cho các ông nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo trên khắp hoàn vũ. Nhưng bây giờ các ông còn đang run sợ, lẩn trốn, như vậy làm sao các ông thực hiện nổi nhiệm vụ Chúa trao phó?

Trong tình trạng lo âu trốn tránh đó, Chúa Giêsu đã tới giữa công đoàn, thở hơi và các ông và nói: “Anh em hãy lãnh nhận Thánh Thần”. Hành động của Chúa Giêsu làm ta nhớ tới việc Chúa sáng tạo sự sống (Kn 2,7; Ed 37,9). Theo thánh Gioan thì biến cố nầy xảy ra ngay vào ngày Chúa sống lại. Tác động đầu tiên của Thánh Linh là mang tới sự sống, và Chúa Giêsu là người trước hết lãnh nhận tác động đó. Chúa Thánh Thần đã làm nên sự Phục Sinh của Chúa Giêsu trong quyền lực Chúa Cha. Danh hiệu đầu tiên của Thánh Linh là “Thiên Chúa ban sự sống”.

Chúa Thánh Thần còn đem lại cho ta ơn tha tội: “Các con tha thứ cho ai, người ấy được tha”. Thực sự ơn tha tội đã được Thiên Chúa trao ban đầy tràn kể từ cái chết cứu độ của Chúa Giêsu. Vấn đề còn lại ở phía con người, chúng ta có ý thức và sẵn sàng đón nhận ơn tha thứ của Chúa hay không.

Sau khi các tín hữu nhận lãnh sự sống và ơn cứu độ. Thánh Linh sẽ trao ban sứ mệnh, chuyển thông ơn cứu độ, sự tha thứ, sự Thánh thiện cho mọi người. Đó là nhiệm vụ của Giáo Hội và của mỗi Kitô hữu. “Giáo Hội là cơ quan mở mang cho nhân loại cộng đồng tình yêu”. Từ khi Thánh Linh hiện xuống, tình trạng đã đổi khác. Các Tông đồ không còn run sợ trốn tránh trong phòng kín, nhưng bắt đầu ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người, mọi nơi. Các ông làm chứng lời giảng bằng chính cuộc sống và cả tính mạng của mình.

Lạy Chúa, xin ban Chúa Thánh Thần cho chúng con, nhờ Người, chúng con có đủ khôn ngoan, can đảm phục vụ và làm chứng cho Chúa trước mặt thiên hạ.

Noel Quesson

Đức Thánh Cha kêu gọi Giáo Hội chống lại chia rẽ, ghen tương

Đức Thánh Cha kêu gọi Giáo Hội chống lại chia rẽ, ghen tương

VATICAN. ĐTC mời gọi các tín hữu Kitô hiệp nhất và chống lại tinh thần chia rẽ, ghen tương, và chiến tranh.

Trong bài giảng thánh lễ sáng ngày 21-5-2015 tại nguyện đường nhà trọ Thánh Marta ở Vatican, ĐTC đã diễn giải những lời trăn trối của Chúa Giêsu cho các môn đệ trước khi ra đi chịu khổ nạn. Chúa cầu xin Chúa Cha cho Giáo Hội được hiệp nhất, được nên một ”như Cha và Con”, đồng thời Chúa Giêsu cũng cảnh giác chống lại những cám dỗ chia rẽ. ĐTC nói:

”Chúa Giêsu cũng biết rằng tinh thần thế gian là một tinh thần chia rẽ, chiến tranh, ganh tị, ghen tương, cả trong các gia đình, các gia đình dòng tu, trong các giáo phận, và trong toàn thể Giáo Hội: đó là một cám dỗ lớn. Cám dỗ ấy đưa tới những vụ nói hành nói xấu nhau, gán cho nhau những nhãn hiệu, chụp mũ người khác. Tất cả những thái độ ấy Chúa Giêsu yêu cầu loại trừ.”

”Chúng ta phải hiệp nhất, phải nên một, như Chúa Giêsu và Chúa Cha là một. Đó chính là thách đố đối với tất cả các tín hữu Kitô chúng ta. Đừng để chia rẽ có chỗ đứng trong chúng ta, đừng để cho tinh thần chia rẽ, cha của sự gian dối đi vào trong chúng ta. Hãy luôn tìm kiếm sự hiệp nhất. Mỗi người có những cá tính khác biệt, nhưng luôn tìm cách sống trong hiệp nhất. Chúa Giêsu đã tha thứ cho bạn ư? Bạn cũng hãy tha thứ cho mọi người. Chúa Giêsu cầu nguyện để chúng ta được nên một. Và Giáo Hội đang rất cần kinh nguyện hiệp nhất này”.

ĐTC cũng nhận xét rằng ”không có một thứ Giáo Hội được gắn với nhau bằng ”keo”, vì sự hiệp nhất mà Chúa Giêsu yêu cầu là ”một ơn phúc của Thiên Chúa” và là ”một cuộc chiến đâu” trên trần thế này. ”Chúng ta phải dành chỗ cho Chúa Thánh Linh để Ngài biến đổi chúng ta như Chúa Cha ở trong Chúa Con, là một”.

”Có một lời khuyên khác Chúa Giêsu để lại trong những ngày Ngài từ giã, đó là ”ở lại trong Ngài”: ”Các con hãy ở lại trong Thầy”. Chúa cầu xin ơn ấy, để tất cả chúng ta ở lại trong Chúa. Chúa nói rõ ràng: ”Lạy Cha, con muốn những người Cha đã ban cho con, cũng được ở với con nơi con đang ở”, nghĩa là những người ấy ở lại trong con. Ở lại trong Chúa Giêsu, nơi trần thế này, cũng là ở lại trong Người, ”để họ chiêm ngắm vinh quang của con”

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đại diện Tòa Thánh kêu gọi rút ra bài học từ dịch Ebola

Đại diện Tòa Thánh kêu gọi rút ra bài học từ dịch Ebola

GENEVE. Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế, Đức TGM Zygmunt Zimowski, kêu gọi cộng đồng quốc tế rút ra bài học từ nạn dịch Ebola ở miền tây Phi châu.

Trong bài tham luận hôm 20-5-2015 tại Hội đồng quản trị của tổ chức sức khỏe thể giới, OMS, nhóm tại Genève từ ngày 18 đến 26-5-2015, Đức TGM Zimowski nói: ”Nạn dịch Ebola ở miền Tây Phi là một thảm trạng về con người và sức khỏe công cộng chứng tỏ cần cấp thiết phát triển những hệ thống y tế bền bỉ trên thế giới, nhất là tại những vùng quê và miền sâu miền xa.. Các nước có lợi tức thấp vẫn còn bị thương tổn vị những bệnh truyền nhiễm và dịch tễ, họ có hệ thống y tế rất yếu kém cần được can thiệp cấp thiết”.

Hôm 20-5-2015, trong ngày Đức TGM Zimowski người Ba Lan phát biểu, tổ chức Sức khỏe thế giới công bố một phúc trình về tình trạng bệnh dịch Ebola, theo đó chỉ trong vòng 1 tuần lễ, con số những người bị nhiễm Ebola ở nước Sierra Leone và Guinea đã tăng gấp 4 lần, từ 9 lên 35 người, và vùng bị nhiễm bệnh lan rộng.

Mặc dù Ebola vẫn còn tại các nước đó, nhưng con số người nhiễm bệnh và thiệt mạng vì bệnh này đã giảm sút đáng kể từ khi nó bộc phát ở Guinea hồi năm 2013. Hôm 9-5, Tổ chức Sức khỏe thế giới tuyên bố nước Liberia được giải thoát khỏi dịch Ebola.

Theo thống kê công bố hôm 20-5-2015, dịch Ebola bắt đầu từ năm 2013 đã làm cho gần 27 ngàn người nhiễm bệnh (26.969) trong đó có 11.135 người bị thiệt mạng, phần lớn ở 3 nước Guinea, Sierra Leone và Liberia.

Trong bài tham luận, Đức TGM Zimowski kêu gọi tái đặt ưu tiên cho việc đầu tư vào sức khỏe và cần có sự dấn thân dài hạn của các chính phủ và các tổ chức quốc tế để hỗ trợ các hệ thống y tế và sự săn sóc sức khỏe trên thế giới, nhờ đó cải tiến sự đối phó qui mô đối với sự bộc phát của bệnh tật.

Đức TGM cũng nhấn mạnh đến sự chênh lệch quá lớn trong hệ thống sức khỏe hoàn cầu, giữa dân chúng tại thành thị và những người dân ở miền quê; một nửa số dân tại miền quê không được săn sóc cơ bản về sức khỏe. Vì thế, Đức TGM Zimowski kêu gọi cấp thiết giải quyết sự chênh lệch này và các tổ chức quốc tế và kế hoạch phát triển cần đảm bảo cho dân chúng quyền được bảo vệ về xã hội và sức khỏe”. Ngài cũng đề cao tầm quan trọng của các tổ chức tư nhân, vô vị lợi, trong đó có cả các tổ chức Công Giáo. Theo thống kê năm 2013 của Giáo Hội, có 116.185 cơ sở y tế Công Giáo trên thế giới (CNS 21-5-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha cám ơn các thân nhân cảnh sát Italia tử nạn

Đức Thánh Cha cám ơn các thân nhân cảnh sát Italia tử nạn

VATICAN. Sáng ngày 21-5-2015, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến 600 thân nhân các nhân viên cảnh sát Italia tử nạn hoặc bị thương nặng trong khi thi hành phận sự.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến có vị chỉ huy trưởng cảnh sát Italia. Lên tiếng trong dịp này, ĐTC cám ơn và đề cao sứ mạng của cảnh sát bao hàm tinh thần tôn trọng nghĩa vụ và kỷ luật, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, và nếu cần, hiến mạng sống cho việc bảo vệ trật tự công cộng, tôn trọng luật pháp, bênh vực dân chủ, và chống lại các tổ chức tội phạm và khủng bố. Ngài cũng nói rằng:

”Sứ mạng của anh chị em đòi phải có can đảm cứu giúp những người lâm nguy và chặn đứng kẻ gây hấn. Cộng đồng mang ơn anh chị em vì họ có thể sống trong trật tự ổn định và tránh được sự đàn áp của những kẻ bạo hành và tham nhũng… Một cuộc sống dân thân trên mặt trận ấy và qui hướng vào những lý tưởng đó, có một giá trị lớn trước mặt Chúa, và mỗi hy sinh được đón nhận vì lòng yêu mến thiện ích, thì sẽ được Chúa thưởng công”.

ĐTC cũng xác tín rằng ”Chỉ nhờ chiêm ngắm Chúa Giêsu trên thập giá, chúng ta mới có thể tìm được sức mạnh để tha thứ và niềm an ủi, vì cả những thập giá của chúng ta cũng được cứu rỗi nhờ thập giá của Chúa, và vì thể mỗi hy vọng và mỗi thảm trạng sẽ tìm được nơi Chúa sự cứu chuộc và đền bù”.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho Công Giáo tại Trung Quốc

Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho Công Giáo tại Trung Quốc

VATICAN. ĐTC Phanxicô kêu gọi cầu nguyện cho các tín hữu Công Giáo tại Trung Quốc và cổ võ tham gia buổi canh thức cầu nguyện cho tự do tôn giáo do HĐGM Italia đề xướng.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 20-5-2015, tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC nói:

”Ngày 24-5 này, với lòng sùng mộ, các tín hữu Công Giáo tại Trung Quốc khẩn cầu Đức Mẹ Phù Hộ các tín hữu Kitô, được tôn kính tại Đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn (Sheshan) ở Thượng Hải. Nơi pho tượng được đặt trên Đền Thánh, Đức Mẹ giơ cao Chúa Con, giới thiệu Người cho thế giới, với đôi tay rộng mở, như một cử chỉ yêu thương và từ bi. Cả chúng ta cũng sẽ khẩn cầu Mẹ Maria phù giúp các tín hữu Công Giáo tại Trung Quốc luôn luôn là những chứng nhân đáng tin cậy về tình yêu thương xót của Chúa giữa lòng dân tộc của họ và sống hiệp nhất trong tinh thần với Đá Tảng Phêrô, trên đó Giáo Hội được thiết lập”.

ĐTC nói thêm: ”HĐGM Italia đã đề nghị rằng trong các giáo phận, nhân buổi canh thức áp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng ta nhớ đến bao nhiêu anh chị em lưu vong hoặc bị sát hại chỉ vì họ là Kitô hữu. Tôi cầu mong buổi cầu nguyện ấy gia tăng ý thức rằng tự do tôn giáo là một nhân quyền bất khả nhượng, gia tăng sự nhạy cảm về thảm trạng của các tín hữu Kitô bị bách hại trong thời đại chúng ta ngày nay và chấm dứt được tội ác không thể chấp nhận ấy”.

Trong thư gửi các tín hữu Công Giáo tại Trung Quốc công bố hồi năm 2007, ĐGH Biển Đức 16 đã đề nghị toàn thể Giáo Hội chọn ngày 24-5 hàng năm, lễ Đức Mẹ Phù Hộ các tín hữu, làm ngày cầu nguyện cho Giáo Hội tại Hoa Lục.

Trong những năm qua, vào ấy này, Nhà cầm quyền Trung Quốc thường cấm cản không cho các tín hữu Công Giáo từ những nơi khác ở Trung Quốc đến Đền Thánh Đức Mẹ Xà Sơn ở ngoại ô Thượng Hải để hành hương và cầu nguyện kính Đức Mẹ.

Riêng giáo phận Thượng Hải, sau khi Đức Cha Alois Kim Lỗ Hiến qua đời ngày 3-5-2013 qua đời lúc 97 tuổi, Giáo phận này không có chủ chăn chính thức. Đức GM Phụ Tá Tadeo Mã Đại Thanh (Ma Daqin), vì tuyên bố ngưng hoạt động cho Giáo Hội Công Giáo yêu nước vào cuối buổi lễ thụ phong GM, nên ngài bị Nhà Nước Trung Quốc quản thúc tại Đại chủng viện Xà Sơn và không cho ngài thi hành sứ vụ thánh. (SD 20-5-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha khuyến khích các vị linh hướng không thánh chức

Đức Thánh Cha khuyến khích các vị linh hướng không thánh chức

VATICAN. ĐTC khuyến khích các Bề trên dòng nữ và tu huynh hãy cổ võ và huấn luyện các tu sĩ không có thánh chức đảm nhận vai trò linh hướng.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây sáng thứ bẩy 16-5-2015 trong buổi gặp gỡ hơn 7 ngàn tu sĩ nam nữ của giáo phận Roma nhân dịp Năm về Đời sống Thánh Hiến.

Cuộc gặp gỡ bắt đầu lúc 11 giờ sáng tại Đại thính đường Phaolô 6 và tiến hành qua 2 giai đoạn: trước tiên là cuộc sinh hoạt với phần cầu nguyện, thánh ca, chứng từ và trình diễn của các nhóm tu sĩ đến từ nhiều nơi trên thế giới, tiếp đến là buổi tiếp kiến của ĐTC từ lúc 12 giờ.

Trong lời chào mừng ĐTC đầu buổi gặp gỡ, ĐHY Giám quản Agostino Vallini nhắc đến các chiều kích của đời sống thánh hiến trong giáo phận của ĐGH: 30 ngàn người thánh hiến, 28 đan viện chiêm niệm, 1 phần 3 trong số 330 giáo xứ được ủy thác cho các linh mục dòng, những người giúp đỡ Giáo Hội địa phương trong việc loan báo Tin Mừng và thăng tiến nhân bản. ĐHY cũng nhấn mạnh rằng ”những người thánh hiến sống trong tình huynh đệ, như những vòng tròn đồng qui, cũng giúp đỡ các giáo hạt và giáo xứ, qua những chọn lựa can đảm và ngôn sứ của họ”.

Trả lời câu hỏi của một LM dòng nêu lên, ĐTC nói về việc linh hướng trong các cộng đoàn, nam cũng như nữ. Ngài nói: ”Việc linh hướng không phải là một đoàn sủng riêng của các linh mục; đó cũng là đoàn sủng của những người không có thánh chức! Trong đời đan tu sơ khai, những người không có thánh chức là những nhà đại linh hướng. Tôi đang đọc đạo lý về sự vâng phục của thánh Silvano, đan sĩ ở núi Athos. Đó là một người làm nghề thợ mộc, rồi trở thành người quản lý, và cũng chẳng phải là phó tế, nhưng thánh nhân là một nhà đại linh hướng.”

ĐTC nói: “Cần phải tìm kiếm các linh hướng và khi các bề trên thấy một người nam hoặc nữ, trong dòng hoặc trong tỉnh dòng có đoàn sủng làm linh hướng, thì hãy giúp huấn luyện họ để thi hành công tác phục vụ ấy.. thật không phải là điều dễ dàng. Làm linh hướng mà một chuyện, làm cha giải tội là một chuyện khác”.

Trong cuộc gặp gỡ, ĐTC khuyên các nữ tu chiêm niệm đừng sống khép kín đối với những vấn đề của thế giới và Giáo hội bên ngoài. Ngài nói: ”Ơn gọi của chị em không phải là sống trong một nơi ẩn náu: nhưng là đi ra chiến trường, là chiến đấu, là gõ cửa trái tim Chúa cho thành phố này. Như Môisê giơ hai tay lên cao, cầu nguyện, trong khi dân chiến đấu. Bao nhiêu ơn lành đến từ Chúa trong sự căng thẳng giữa đời sống ẩn dật, kinh nguyện, và lắng nghe tin tức của dân chúng”.

ĐTC cũng trả lời một câu hỏi khác về sự cạnh tranh giữa các giáo xứ – triều và dòng-, dòng này cạnh tranh với dòng kia. Ngài nói:

”Một trong những điều khó khăn nhất đối với một giám mục là kiến tạo sự hài hòa trong giáo phận… Ở đây có vấn đề hiệp nhất giữa các đoàn sủng khác nhau, hiệp nhất của hàng linh mục, hiệp nhất với giám mục.. Và không dễ tìm được sự hiệp nhất ấy: mỗi người kéo theo chiều hướng ích lợi của mình, không phải bao giờ cũng thế, nhưng có xu hướng ấy, đó là chuyện thường tình của con người. Vì thế, Giáo hội hiện đang nghĩ đến việc canh tân văn kiện về các tương quan giữa tu sĩ và giám mục.. Thượng HĐGM thế giới năm 1994 đã yêu cầu cải tổ Văn kiện này, văn kiện ”Mutuae Relationes” (Các quan hệ hỗ tương): đã bao nhiêu năm trôi qua, nhưng vẫn chưa thực hiện. Thật không dễ quan hệ giữa các tu sĩ và giám mục, với giáo phận hoặc với các linh mục triều. Nhưng ta phải làm việc chung.. Giám mục không được dùng các tu sĩ như những người để lấp đầy chỗ trống, nhưng các tu sĩ cũng không được dùng giám mục như thể ngài là chủ của một xí nghiệp cung cấp công việc.”. (SD 17-5-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Phải trợ giúp các gia đình trong sứ mệnh giáo dục con cái

Phải trợ giúp các gia đình trong sứ mệnh giáo dục con cái

Các cộng đoàn kitô được mời gọi cống hiến sự yểm trợ cho sứ mệnh giáo dục của các gia đình, trước hết bằng Lời Chúa. Một nền giáo dục tốt trong gia đình là cột sống của thuyết nhân bản. Nếu nền giáo dục gia đình tìm lại được sự hãnh diện là tác nhân, nhiều điều sẽ thay đổi một cách tốt đẹp hơn cho các cha mẹ không chắc chắn và cho các con cái thất vọng.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 60,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hàng tuần hôm qua. Trong bài huấn dụ ĐTC đã khai triển đề tài giáo lý sứ mệnh giáo dục con cái của các gia đình. Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói buông như sau: Anh chị em thân mến, hôm nay tôi muốn chào đón anh chị em vì thấy có biết bao nhiêu gia đình. Xin chào các gia đình. Chúng ta tiếp tục suy tư về gia đình, về đặc tính nòng cốt của gia đình hay ơn gọi tự nhiên của nó là giáo dục con cái, để chúng lớn lên trong tinh thần trách nhiệm đối với chính mình và đối với tha nhân. Điều mà chúng ta đã nghe từ đầu từ thư của thánh Phaolô thật là hay đẹp: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Thiên Chúa. Hỡi các người cha, đừng làm cho con cái bực tức để chúng không ngã lòng” (Cl 3,20-21). Đây là một luật khôn ngoan: người con được giáo dục lắng  nghe cha mẹ và vâng lời cha mẹ. Cha mẹ không được ra lệnh cho con cái một cách xấu để không làm cho con cái ngã lòng.

Thật thế con cái phải lớn lên từng bước một, mà không chán nản. Nếu anh chị em là cha mẹ nói với con cái: Chúng ta hãy leo lên cái thang nhỏ này và cầm tay chúng từng bước một cho chúng leo, thì mọi chuyện xuôi chảy.

Nhưng nếu anh chị em nói: “Con hãy đi lên”- “Nhưng con không thể”. “Hãy đi lên”. Điều này là làm cho con cái nản lòng đấy: đòi hỏi ở con cái điều chúng không có khả năng làm. Vì vậy tương quan giữa cha mẹ và con cái phải là một sự khôn ngoan, quân bình lớn. Con cái hãy vâng lời cha mẹ, vì điều này đẹp lòng Thiên Chúa. Và cha mẹ đừng khiến con cái nản lòng, bằng cách đòi hỏi nơi chúng điều chúng không thể làm. Phải làm điều này để con cái lớn lên trong tinh thần trách nhiệm đối với mình và đối với tha nhân.

Xem ra là một nhận xét hiển nhiên, nhưng cả thời này nữa cũng không thiếu các khó khăn. Giáo dục khó khăn đối với các cha mẹ chỉ trông thấy con cái vào ban chiều, khi trở về nhà mệt mỏi vì công việc: những người may mắn có công ăn việc làm! Lại càng khó khăn hơn đối với các cha mẹ ly thân, nặng nề vì điều kiện này của họ: tội nghiệp họ đã có các khó khăn, họ chia tay và biết bao lần đứa con bị bắt như con tin, và người cha nói xấu mẹ và người mẹ nói xấu cha, và người ta gây ra đau khổ. Và ĐTC khuyên các cha mẹ chia lìa như sau:

Đừng bao giờ, đừng bao giờ lấy đứa con như là con tin! Anh chị em dã chia tay vì biết bao nhiêu khó khăn và lý do, cuộc sống đã cho anh chị em thử thách này, nhưng con cái không phải là những người mang gánh nặng của sự chia lìa ấy, ước chi chúng đừng bị dùng như các con tin chống lại người phỗi ngẫu, ước chi chúng lớn lên nghe thấy cha mẹ nói tốt về nhau mặc dù không sống chung với nhau! Đối với các cha mẹ ly thân điều này rất là quan trọng và rất khó, nhưng họ có thể làm được.

Nhưng nhất là câu hỏi giáo dục như thế nào? Đâu là truyền thống mà ngày nay chúng ta phải thông truyền cho con cái chúng ta?

Các nhà trí thức có óc phê bình đủ loại đã khiến cho các cha mẹ phải im lặng bằng hàng ngàn cách, để bảo vệ các thế hệ trẻ khỏi các nguy hại – thật sự hay suy đoán – của nền giáo dục trong gia đình. Gia đình bị tố cáo là duy độc tài, dễ dãi, thủ cựu, đán áp tình cảm gây ra các xung đột.  

Thật thế, có một sự gẫy đổ giữa gia đình và học đường. Khế ước giáo dục ngày nay đã bị bẻ gẫy, và như thế liên minh giáo dục của xã hội với gia đình đã bước vào khủng hoảng, bởi vì sự tin tưởng lẫn nhau đã bị soi mòn. Có nhiều triệu chứng. Chẳng hạn nơi trường học các tương quan giữa cha mẹ và thầy cô bị tấn kích. Đôi khi xảy ra các căng thẳng và không tin tưởng lẫn nhau; và các hậu qủa rơi trên con cái. Đàng khác số những người gọi là chuyên viên gia tăng; họ chiếm vai trò của cha mẹ, cả trong các khía cạnh thân tình nhất của việc giáo dục: trên cuộc sống tình cảm, trên cá tính và sự phát triển, trên các quyền lợi và bổn phận, các chuyên viên biết mọi sự; các mục đích, các lý do, các kỹ thuật. Và các cha mẹ chỉ phải lắng nghe, học hỏi và thích nghi. Bị lấy mất đi vai trò của mình họ thường trở thành lo lắng và chiếm hữu thái quá đối với con cái họ, tới độ không bao giờ sửa dậy chúng: “Bạn không thể sửa dậy con”.

 Họ hướng tới chỗ càng ngày càng tín thác con cái cho các chuyên viên, kể cả những khiá cạnh tế nhị và riêng tư nhất  trong cuộc sống của chúng, và tự đặt mình vào một góc: Như thế ngày nay các cha mẹ gặp nguy cơ tự loại mình ra khỏi cuộc sống của con cái.

Và điều này rất nghiêm trọng! Ngày nay có những trường hợp loại này. Tôi không nói là nó luôn luôn xảy ra, nhưng có xảy ra. Bà giáo ở trường la rầy đứa bé và viết giấy cho cha mẹ. Tôi còn nhớ một giai thoại cá nhân. Có một lần, khi tôi học lớp tư tiểu học, tôi dã nói một từ xấu với bà giáo, và bà giáo, một người đàn bà rất giỏi, đã cho gọi mẹ tôi đến. Ngày hôm sau bà đến trường và hai người nói chuyện với nhau, và tôi được gọi vào. Trước mặt bà giáo mẹ tôi đã rất dịu dàng giải thích điều tôi đã làm và bảo tôi xin lỗi bà giáo. Tôi đã làm và tôi hài lòng tự nhủ: câu chuyện đã kết thúc tốt đẹp. Nhưng đó chỉ là chương thứ nhất! Khi tôi về nhà thì bắt đầu chương thứ hai… Anh chị em có thể tưởng tượng ngày nay nếu bà giáo mà làm như thế, thì ngày hôm sau cả cha mẹ hay một trong hai người  đến la rầy bà giáo, bởi vì các chuyên viên nói rằng không được la rầy trẻ em như vậy. Các chuyện đã thay đổi! Tuy nhiên các bậc cha mẹ không đuợc tự loại mình khỏi việc giáo dục con cái.

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: Hiển nhiên là định hướng này không tốt: nó không hài hòa, không đối thoại, thay vì tạo thuận tiện cho sự cộng tác giữa gia đình và các tổ chức giáo dục khác, học đường, chỗ chơi thể thao thể dục… nó chống lại sự cộng tác.

Làm sao chúng ta lại đi đến điểm này? Chắc chắn là các bậc cha mẹ, hay đúng hơn vài mô thức giáo dục trong qúa khứ chắc chắn đã có vài hạn hẹp. Nhưng cũng đúng thật là có các sai lầm mà chỉ cha mẹ được phép làm, bởi vì họ có thể bù trừ chúng một cách  mà không ai khác có thể làm được. Đàng khác, chúng ta biết rõ, cuộc sống đã trở nên hà tiện thời giờ để nói, để suy tư, để đối chiếu với nhau. Nhiều cha mẹ bị bắt cóc bởi công ăn việc làm – cha mẹ phải làm việc – và các lo toan khác, bối rối bởi các đòi hỏi mới của con cái và sự phức tạp của cuộc sống hiện tại – nó là như thế và chúng ta phải chấp nhận như nó là –  và họ như thể bị tê liệt  vì sợ sai lầm. Tuy nhiên, vấn đề không phải chỉ liên quan tới việc nói mà thôi. Trái lại một chủ thuyết đối thoại  hời hợt bề ngoài không đưa tới một cuộc gặp gỡ thực sự của trí óc và con tim. Chúng ta hãy tự hỏi: “Chúng ta có tìm hiểu con cái mình đang thực sự ở đâu trên con đường của chúng không? Linh hồn chúng thực sự ở đâu, chúng ta có biết không? Và nhất là chúng ta có muốn biết điều đó không? Chúng ta có xác tín rằng trên thực tế chúng không đợi chờ gì khác không?

Các cộng đoàn kitô được mời gọi cống hiến sự nâng đỡ cho sứ mệnh giáo dục của các gia đình, và làm điều đó trước hết bằng Lời Chúa. Tông đồ Phaolô nhắc nhớ sự hỗ tương bổn phận giữa cha mẹ và con cái, khi viết trong thư gửi tín hữu Côlôxê: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa: Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng” (Cl 3,20-21). Nền tảng của tất cả là tình yêu thương mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, tình yêu thương “không thiếu kính trọng, không tìm tư lợi, không nóng giận, không chú ý tới điều ác đã nhận… tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả” (1 Cr 13,5-6). Cả trong các gia đình tốt lành nhất cũng cần phải chịu đựng lẫn nhau, và cần nhiều kiên nhẫn lắm để chịu đựng nhau! Nhưng cuộc sống là như thế. Cuộc sống không được làm trong phòng thí nghiệm, nhưng trong thực tế. Chính Chúa Giêsu cũng đã phải đi qua nền giáo dục gia đình, và đã lớn lên trong tuổi tác, khôn ngoan và ơn thánh (x. Lc 2,40.51-52).

Cả trong trường hợp này nữa ơn thánh của tình yêu Chúa Kitô thành toàn điều được khắc ghi trong bản tính nhân loại. Chúng ta có biết bao nhiêu gương mẫu tuyệt diệu của các cha mẹ kitô tràn đầy khôn ngoan! Các vị cho thấy rằng một nền giáo dục gia đình tốt là cột sống của thuyết nhân bản. Sự dãi toả của nó trong xã hội là tài nguyên cho phép bù lại các thiếu sót, các thương tích, các trống rỗng của chức làm cha làm mẹ liên quan tới các người con kém may mắn. Sự dãi tỏa đó có thể làm các phép lạ đích thật. Và trong Giáo Hội các phép lạ ấy xảy ra mỗi ngày!

 Và ĐTC kết luận bài giáo lý như sau: Tôi cầu mong Chúa ban cho các gia đình kitô đức tin, sự tự do và lòng can đảm cần thiết cho sứ mệnh của mình. Nếu nền giáo dục gia đình tìm lại được niềm kiêu hãnh là tác nhân của nó, thì nhiều điều sẽ thay đổi tốt đẹp hơn, đối với các cha mẹ không chắc chắn và đối với các con cái thất vọng. Đã đến giờ các cha mẹ trở về từ sự đi đầy của mình – bởi vì họ tự đẩy ải mình khỏi việc giáo dục con cái  –  và lãnh lấy vài trò giáo dục của mình một cách tràn đầy. Chúng ta hy vọng rằng Chúa ban cho các cha mẹ ơn này: đó là đừng tự đầy ải mình khỏi việc giáo dục con cái. Và chỉ có tình yêu, sự hiền dịu và lòng kiên nhẫn  mới có thể làm được điều này.

ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ các vùng nói tiếng Pháp, trong đó có đoàn hành hương nước Côte d’ Ivoire bên Phi châu, cũng như các đoàn hành hương nói tiếng Anh, trong đó có các đoàn hành hương đến từ Hoa Kỳ, Canada, Anh quốc và Nam Phi. Ngài cũng chào các nhóm hành hương Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Hàn. Một ban nhạc mấy chục thiếu nữ Nam Hàn trong quốc phục đã trình tấu chuông và hát mừng ĐTC.

Trong các đoàn hành hương đến từ các vùng nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, có các nhóm Tây Ban Nha,  Bồ Đào Nha, Mêhicô, Argentina, Panama, Chile, Brasil và Cap Vert.

ĐTC cũng chào các nhóm hành hương Ba Lan và Slovac. Ngài nhắc cho mọi người biết Chúa Nhật tới là lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa gửi các ơn của Thánh Thần để có thể trở thành các chứng nhân can đảm của Chúa Kitô và Tin Mừng của Người.

Với các nhóm nói tiếng Ý ĐTC đặc biệt chào các tham dự viên khóa đào tạo truyền giáo của gia đình Pallottina, do Phân khoa giáo dục của đại học Auxilium tổ chức;  các thành viên cuộc gặp gỡ hòa bình và văn hóa Matera Altamura Bari; các sĩ quan quân lực Italia; các hiệp hội và sinh viên. Ngài cầu mong chuyến viếng thăm mộ hai thánh tông đồ Phêrô Phaolô gia tăng niềm vui phục sinh và dọn lòng họ cử hành lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống trong đức tin.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ngài nhắc cho mọi người biết hôm qua Giáo Hội nhớ thánh Bernardino thành Siena. Xin lòng yêu mến Thánh Thể của thánh nhân chỉ cho người trẻ thấy Thiên Chúa là trung tâm cuộc sống; giúp người bệnh tật can đảm thanh thản đương đầu với những lúc khổ đau; và khích lệ các cặp vợ chồng mới cưới biết xây dựng gia đình trên tình yêu của Thiên Chúa.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha khai mạc Đại Hội các Giám Mục Italia

Đức Thánh Cha khai mạc Đại Hội các Giám Mục Italia

ĐTC khai mạc đại hội các giám mục tại Ý

VATICAN. ĐTC kêu gọi các GM Italia thông truyền niềm vui, can đảm chống lại não trạng tham nhũng và các tệ đoan xã hội và gia tăng tình hiệp thông Giáo Hội.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong diễn văn tại buổi khai mạc Đại hội thứ 68 của HĐGM Italia nhóm họp từ chiều ngày 18-5 đến 21-5-2015 tại nội thành Vatican với chủ đề chính là: kiểm điểm sự đón nhận Tông huấn ”Niềm Vui Phúc Âm” ĐTC ban hành cách đây gần 2 năm.

ĐTC khẳng định rằng “ơn gọi Kitô và GM của chúng ta là đi ngược dòng, nghĩa là trở thành những chứng nhân vui tươi của Chúa Kitô Phục Sinh để thông truyền niềm vui và hy vọng cho tha nhân… Chúng ta được yêu cầu an ủi, giúp đỡ, khích lệ tất cả những anh chị em chúng ta đang bị đè bẹp dưới gánh nặng thập giá của họ, không phân biệt một ai, tháp tùng họ, và không hề mệt mỏi trong việc nâng họ dậy nhờ sức mạnh đến từ một mình Thiên Chúa”.

ĐTC cũng nhận xét rằng: ”Thật là buồn khi thấy một người thánh hiến nản chí, rầu rĩ, không còn sức sống: họ giống như một cái giếng khô cạn, nơi mà dân chúng không còn tìm được nước để giải khát”.

ĐTC nhắc lại kinh nghiệm gặp gỡ từ 2 năm qua với các HĐGM trên thế giới và nhấn mạnh tầm quan trọng của điều mà ngài gọi là ”sự nhạy cảm Giáo Hội”, nghĩa là phải có cùng những tâm tình của Chúa Kitô, khiêm tốn, cảm thương, từ bi, cụ thể và khôn ngoan”.

ĐTC lần lượt giải thích sự ”nhạy cảm Giáo Hội” mà các vị GM phải có:

-Trước tiên là không nhút nhát hoặc dè dặt trong việc tố giác và khắc phục não trạng tham nhũng đang lan tràn trong lãnh vực công và tư, làm cho các gia đình, những người hồi hưu, các công nhân lương thiện, các cộgn đồng Kitô trở nên nghèo nàn, gạt bỏ người trẻ làm cho họ không còn hy vọng về tương lai, nhất là gạt ra ngoài lề những người yếu thế và túng thiếu.

– Sự nhạy cảm Giáo Hội thúc đẩy các vị chủ chăn ra khỏi mình, đi đến với Dân Chúa để bảo vệ họ chống lại những thứ thực dân ý thức hệ, khiến cho họ mất căn tính và nhân phẩm.

– Cũng sự nhạy cảm ấy làm cho các vị chủ chăn soạn những văn kiện cụ thể, dành cho dân Chúa chứ không phải cho các chuyên gia, chứa đựng những đề nghị cụ thể, dễ hiểu; tiếp đến là củng cố vai trò không thể thiếu được của giáo dân.

– Sự nhạy cảm Giáo Hội cũng được biểu lộ cụ thể qua đoàn thể tính giữa các GM và Linh mục, hiệp thông giữa các GM với nhau, giữa cac giáo phận giàu và giáo phận gặp khó khăn…

ĐTC ghi nhận trên thế giới tại một số nơi, đoàn thể tính bị suy yếu trong việc xác định các kế hoạch mục vụ, cũng như trong việc chia sẻ những dấn thân về mặt kinh tế tài chánh như chương trình đã được đề ra, thiếu sự kiểm soát việc tiếp nhận các chương trình và thực hiện các dự án..

Sau cùng, ĐTC kêu gọi các GM Italia đừng để bao nhiêu dòng tu, đan viện trở nên già nua đến độ hầu như không còn là những chứng tá Tin Mừng trung thành với đoàn sủng của vị sáng lập. Tại sao không dự trù gộp các dòng hoặc đan viện ấy lại trước khi quá trễ về bao nhiêu phương diện? (SD 18-5-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Israel buồn, Palestine vui vì Hiệp Định Tòa Thánh – Palestine

Israel buồn, Palestine vui vì Hiệp Định Tòa Thánh – Palestine

JERUSALEM. Một số quan chức Bộ ngoại giao Israel bày tỏ đau buồn trong khi Palestine vui mừng vì hiệp định toàn bộ giữa Tòa Thánh và Palestine sắp được ký kết.

Thông cáo chung công bố hôm 13-5-2015 của Ủy ban song phương giữa Tòa Thánh và Israel cho biết đã hoàn tất Văn bản hiệp định toàn bộ và đệ trình cấp trên để cứu xét và chuẩn bị ký kết. Thông cáo có nói đến giải pháp hai quốc gia cho cuộc xung đột từ lâu giữa Israel và Palestine.

Tuy không có thông cáo chính thức của Bộ ngoại giao Israel, nhưng báo chí Israel ra ngày 14-5-2015 đưa tin một số quan chức của Bộ này tỏ ra bất mãn về việc Tòa Thánh chính thức dùng từ ”Quốc gia Palestine” và cho rằng việc làm của Tòa Thánh không đẩy mạnh tiến trình hòa bình tại Thánh Địa. Tuy nhiên cũng có một quan chức cấp cao khác của Bộ ngoại giao Israel nói rằng người ta không thấy trong văn kiện và thông cáo có đoạn nào nói Tòa Thánh nhìn nhận quốc gia Palestine, và chính phủ Israel chờ đợi Tòa Thánh làm sáng tỏ vấn đề này.

Thực ra, từ cuối năm 2013, Tòa Thánh vẫn nói về ”Quốc gia Palestine”. Tòa Thánh và tổ chức Giải Phóng Palestine, OLP, đã ký hiệp định cơ bản với nhau hồi năm 2000. Năm 2004 một Ủy ban song phương được thành lập để cụ thể hóa hiệp định chi tiết giữa hai bên.

Rabbi David Rosen, Giám đốc Quốc tế của Ủy ban Do thái Hoa Kỳ, nói với tờ New York Thời Báo rằng: Quan hệ giữa Israel và Tòa Thánh rất vững chắc, nên không bị thương tổn vì một từ ngữ hay một cách gọi. ”ĐGH Phanxicô rất quan tâm đến các dân tộc tại Israel và ngài rất muón thấy có một sự hòa giải an bình, nhưng tôi không thấy có thay đổi nào trong chính sách của Tòa Thánh”.

Phản ứng từ Palestine

Cùng ngày 14-5-2015, một lãnh tụ Palestine là Bà Hanan Ashrawi, thuộc Ban chấp hành của tổ chức OLP, chào mừng Hiệp định đã đạt được với Tòa Thánh trong đó có nói đến việc Tòa Thánh chính thức nhìn nhận người Palestine có quyền được một quốc gia. Bà Asharawi bày tỏ ”lòng biết ơn và quí chuộng cao độ đối với ĐGH Phanxicô”.

Trong thông báo, bà viết: ”Nhờ tất cả những người đã làm việc để đạt tới kết quả lịch sử này, việc nhìn nhận Palestine và dân tộc Palestine là một sự đầu tư quan trọng cho hòa bình, an ninh và ổn định trong vùng.. Chúng tôi vui mừng vì sự nhìn nhận này và coi đó là một tiến triển tích cực, không những về phương diện chính trị, nhưng cả về mặt nhân bản và pháp lý. Hiệp định mở đường cho một kỷ nguyên mới trong đó thế giới sẽ coi Palestine là một quốc gia độc lập, một kỷ nguyên trong đó dân tộc Palestine sẽ được quyền tự vệ và ở lại quê hương của mình, phù hợp với công pháp quốc tế”.

Sau cùng bà Asharawi nhắc lại rằng hiệp định ấy đến cùng với một biến cố lớn khác của quốc gia, đó là sự phong thánh cho hai nữ tu người Palestine: Maria Alfonsina Ghattas và Mariam Baouardy vào chúa nhật 17-5-2015. Đây là một biến cố lịch sử quan trọng, đầy ý nghĩa quốc gia, chính trị, tôn giáo và nhân bản, và sẽ để lại một dấu vết rõ ràng trong ký ức của dân tộc Palestine” (Ansa 14-5-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Thánh lễ phong Hiển thánh cho bốn nữ tu

Thánh lễ phong Hiển thánh cho bốn nữ tu

Lễ phong 4 hiển thánh tại Rome 05-17-2015

VATICAN. Lúc 10 giờ sáng Chúa nhật hôm qua, 17.05.2015, Lễ Chúa Thăng Thiên, ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trọng thể tại Vatican để tôn phong 4 vị chân phước lên bậc hiển thánh: cả 4 vị đều là nữ tu. Hình của các vị được treo trên mặt tiền Đền thờ Thánh Phêrô. Đồng tế với ĐTC trong thánh lễ có 30 HY, 90 GM và rất đông các linh mục, trước sự hiện diện của khoảng vài chục ngàn tín hữu.

Sau kinh cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, tiến lên trước ĐTC và xin ngài ghi tên 4 vị chân phước vào sổ bộ các thánh theo lời thỉnh nguyện của toàn thể các tín hữu Kitô. Rồi ĐHY trình bày vắn tắt tiểu sử 4 vị chân phước.

Đầu tiên là chân phước Jeanne Emilie de Villeneuve, vi sáng lập dòng các nữ tu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở thành Castres bên Pháp. Tiếp đến là nữ tu Maria Alfonsina Danil Ghattas, sinh tại Giêrusalem, vị sáng lập Dòng các nữ tu Đa Minh Mân Côi. Thứ ba là nữ tu Mariam Baouardy, dòng Cát Minh ở Bethelehem, một nhà thần bí được mang 5 dấu thánh. Cuối cùng là nữ tu Maria Cristina Brando, người Italia, sáng lập dòng các nữ tu Hy lễ Đền Tạ Chúa Giêsu Thánh Thể.

Vatican Pope New Saints

** Sau lời thỉnh nguyện và giới thiệu của ĐHY Amato, ĐTC đã mời gọi mọi người dâng lên Thiên Chúa lời khẩn nguyện qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria và các thánh, với kinh cầu các thánh. Tiếp đến ĐTC đã long trọng đọc công thức phong thánh cho bốn nữ tu chân phước.

ĐTC vừa dứt lời, cộng đoàn vỗ tay nồng nhiệt và ca đoàn cùng cộng đoàn ca bài Jubilate Deo, Hãy tung hô Chúa, hãy hát mừng Chúa.. Trong khi đó, thánh tích của 4 vị tân hiển thánh được rước lên cho ĐTC hôn kính trước khi đặt trên một giá nhỏ phía trước bàn thờ.

 Trong bài giảng sau bài Phúc Âm, ĐTC diễn giải ý nghĩa lễ Chúa Thăng thiên và áp dụng vào trường hợp 4 vị tân hiển thánh, những người đã làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh. Ngài nói:

"Sách Công vụ tông đồ đã giới thiệu cho chúng ta Giáo Hội thời sơ khai trong thời điểm mà Giáo Hội đang tuyển chọn người được Thiên Chúa kêu gọi để thế chỗ của Giu-đa trong hàng ngũ các Tông đồ. Điều này không chỉ đơn thuần đề cập đến một công việc, nhưng là một thừa tác vụ. Và thực sự là, Mát-thia, người bắt trúng thăm, đã nhận lãnh một sứ mạng như thánh Phêrô minh định: “Vậy phải làm thế này […] một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã Phục Sinh.” (Cv 1, 21-22). Cùng với những lời này, thánh Phêrô đã tóm lược ý nghĩa của việc thuộc về nhóm Mười Hai: đó là làm nhân chứng cho sự sống lại của Đức Giêsu. Lời tuyên bố “cùng với chúng tôi” giúp hiểu rằng sứ mạng loan báo Đức Giêsu đã Phục Sinh không phải là một nhiệm vụ mang tính cá nhân nhưng phải được thực thi trong đường lối mang tính tập thể, cùng với tông đồ đoàn và cùng với cộng đoàn."

ĐTC nói tiếp: “Hôm nay, chúng ta xây dựng nền tảng cho niềm tin của mình vào Thiên Chúa Phục Sinh thông qua chứng từ của các thánh tông đồ vốn đã đụng chạm đến chúng ta thông qua sứ mạng của Giáo Hội. Noi gương các tông đồ, mỗi môn đệ của Đức Ki tô được kêu gọi để trở nên nhân chứng cho sự Phục Sinh của Người, trước hết trong những môi trường nhân loại nơi mà sự lãng quên Thiên Chúa và sự bất lực của con người đang hoành hành mạnh mẽ.

ĐTC giải thích thêm: “Chỉ khi nhận thức được điều này, người ta mới thấy cần phải ở lại trong Đức Kitô Phục Sinh và trong tình yêu của Người, như lời thánh Gioan đã nhắc nhở chúng ta trong bài đọc thứ nhất: “Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4, 16).

Áp dụng những điều trên đây vào bốn tân thánh nữ, ĐTC nói:

“Tình yêu này chiếu tỏa nơi chứng từ của nữ tu Giovanna Emilia de Villeneuve, người đã hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa và những người nghèo, cho những người yếu đau, tù nhân, và cho những ai bị bóc lột và chị đã trở nên dấu chỉ cụ thể cho chính mình và cho mọi người về lòng tình yêu giàu lòng thương xót của Thiên Chúa. Tương quan với Đức Giêsu Phục Sinh là một “bầu khí” trong đó Kitô hữu sống và tìm thấy sức mạnh để duy trì lòng tin vào Tin Mừng, ngay cả trong những nghịch cảnh và bị hiểu lầm. “Hãy ở lại trong tình thương”: đây cũng là điều mà nữ tu Maria Cristina Brando cũng đã thực thi. Chị đã thủ đắc trọn vẹn một tình yêu nồng cháy dành cho Thiên Chúa khởi đi từ cầu nguyện, thông qua những cuộc gặp gỡ giữa con tim với con tim cùng với Đức Giêsu Phục Sinh, hiện diện trong Thánh Thể, chị đã lãnh nhận uy lực để chịu đựng những đau khổ và hiến dâng chính mình như tấm bánh bẻ ra cho nhiều người đang xa cách với Thiên Chúa và đang đói khát tình yêu chân thực.

Một khía cạnh cần thiết của chứng tá để làm chứng cho Đức Giêsu Phục sinh là sự hiệp nhất giữa chúng ta, những môn đệ của Ngài, như biểu trưng của sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa Cha và Đức Giêsu. Và vang vọng trong Tin Mừng hôm nay lời cầu nguyện của Đức Giêsu đêm hôm trước ngày Chịu Nạn: “Xin cho họ nên một như chúng ta” (Ga 17, 11). Từ tình yêu vĩnh cữu này giữa Chúa Cha và Người Con, tuôn trào trong chúng ta thông qua Chúa Thánh Thần (Rm 5,5), sứ mạng và sự thông hiệp huynh đệ của chúng ta có thể kín múc sức mạnh từ đó; từ tình yêu này sẽ luôn luôn tuôn trào một cách mới mẻ niềm vui bước theo Đức Ki tô trong lối nẻo của sự nghèo khó, sự trinh khiết và sự vâng phục của Ngài; và cũng chính tình yêu này kêu gọi ta nuôi dưỡng những lời nguyện chiêm niệm. Nữ tu Maria Baouardy đã trải nghiệm điều này với một phương thức tuyệt diệu, đó là mặc dù hèn mọn và mù chữ, chị đã biết đưa ra những lời khuyên và giải thích mang tính thần học trong sự mạch lạc tuyệt đối, vốn là hoa trái của cuộc đối thoại liên lỉ với Thánh Thần. Sự ngoan ngùy với Thần Khí đã làm cho chị trở nên khí cụ của sự gặp gỡ và sự thông hiệp cùng với thế giới Hồi Giáo. Và  ngay cả nữ tu Maria Alfonsina Danil Ghattas cũng đã thấu hiểu thế nào là ý nghĩa của tình yêu Thiên Chúa được tỏ lộ nơi các tông đồ, nhờ việc chị đã trở nên nhân chứng của sự ôn hòa và sự hiệp nhất. Chị mang lại cho chúng ta mẫu gương rạng ngời về tầm quan trọng của việc hợp nhất chính mình với những người khác, để sống sự phục vụ đối với tha nhân."

Để kết thúc bài giảng, ĐTC nói: 

"Hãy ở lại trong Thiên Chúa và tình yêu của Ngài, để loan báo bằng lời nói và đời sống về sự sống lại của Đức Giêsu; để chứng tỏ cho sự hiệp nhất giữa chúng ta và sự bác ái với tất cả mọi người. Đây là điều mà bốn nữ tu được tuyên thánh hôm nay đã thực hiện. Gương sáng rạng ngời của các ngài chất vấn ngay cả đời sống Ki tô hữu của chúng ta. Khi trở về nhà, hãy mang trong mình niềm vui của cuộc gặp gỡ này cùng với Đức Giêsu Phục Sinh; hãy vun trồng trong con tim mình cam kết ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa, hãy hiệp nhất với Ngài và giữa chúng ta với nhau, và hãy dõi theo bước chân của bốn nữ thánh này, những mẫu gương của sự thánh thiện mà Giáo Hội mời gọi chúng ta bắt chước.”

Thánh lễ tiến hành như thường lệ. Sau thánh lễ, ĐTC đã chủ sự buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng. Số tín hữu tham dự tăng thêm hàng chục ngàn người. Trong dịp này ngài đã chào thăm các phái đoàn chính thức từ quốc gia, thành phố và giáo phận nguyên quán của các vị tân Hiển Thánh. 

Jos. Nguyễn Huy Mai – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp Tổng Thống Palestine

Đức Thánh Cha tiếp Tổng Thống Palestine

ĐTC tiếp kiến tổng thống Palestine 5-15-15

VATICAN. Sáng 16-5-2015, ĐTC đã tiếp kiến Tổng thống Palestine, Ông Mahmoud Abbas, nhân dịp ông về Roma dự lễ phong hiển thánh cho 2 nữ chân phước người Palestine.

Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết, sau khi hội kiến trong 20 phút với ĐTC, tổng thống Palestine và đoàn tùy tùng gồm 11 người đã gặp ĐHY Quốc vụ khanh Pietro Parolin và Đức TGM ngoại trưởng Paul Gallagher.

Trong các cuộc nói chuyện thân mật, các vị tỏ ra rất hài lòng vì Văn bản hiệp định giữa Palestine và Tòa Thánh đã được hoàn thành, liên quan tới những khía cạnh thiết yếu về đời sống và hoạt động của Giáo Hội Công Giáo tại Palestine. Hiệp định sẽ được hai bên ký kết trong thời gian tới đây.

Sau đó các vị đã bàn về tiến trình hòa bình với Israel, bày tỏ mong ước cuộc thương thảo trực tiếp có thể mở lại để tìm ra một giải pháp công chính và lâu bền cho cuộc xung đột. Tòa Thánh tái khẳng định mong ước, với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, người Israel và Palestine quyết tâm đi tới những quyết định can đảm để thực thi hòa bình. Sau cùng, về các cuộc xung đột ở Trung Đông, Tòa Thánh tái khẳng định sự cần thiết phải bài trừ nạn khủng bố và đối thoại liên tôn.

Trong phần trao đổi quà tặng, ĐTC đã tặng Tổng thống một mề đai có hình Thiên Thần hòa bình. Ngài nói: ”Thiên thần hòa bình tiêu diệt ác thần chiến tranh. Tôi đã nghĩ đến Tổng Thống: Tổng thống có thể là một thiên thần hòa bình”.

Trước đó, khi đến bước vào phòng tiếp kiến ở dinh Tông Tòa, Tổng thống Abu Mazen nói với ĐGH: ”Tôi thấy ngài trẻ hơn”! (SD 16-5-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha liên đới với Giáo Hội Trung Phi

Đức Thánh Cha liên đới với Giáo Hội Trung Phi

VATICAN. ĐTC tái bày tỏ sự gần gũi và liên đới với Giáo Hội tại Cộng hòa Trung Phi đang trải qua tình trạng khó khăn và ngài khích lệ các vị lãnh đạo Giáo Hội trong công tác hòa giải.

ĐTC đưa ra lập trường trên đây sáng ngày 15-5-2015, trong bài huấn dụ trao cho 9 GM thuộc Cộng Hòa Trung Phi về Roma hành hương, viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh. Quốc gia này ở trong tình trạng nội chiến từ vài năm nay, và đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp.

ĐTC viết: ”Anh em có một vai trò ngôn sứ không thể thay thế được trong tiến trình chuyển tiếp chế độ hiện nay; anh em hãy nhắc nhở và làm chứng về những giá trị căn bản như công lý, sự thật, lương thiện là nền tảng của mọi sự đổi mới, cổ võ đối thoại và sống chung hòa bình giữa các tôn giáo và chủng tộc khác nhau, tạo điều kiện cho sự hòa giải và đoàn kết xã hội, như một chìa khóa mở vào tương lai”.

ĐTC không quên nhắn nhủ các GM, tuy dấn thân xã hội, nhưng tránh can thiệp trực tiếp vào những tranh biện chính trị. ”Cần huấn luyện và khuyến khích giáo dân dấn thân các các cuộc thảo luận chính trị và lãnh nhận trách nhiệm, theo giáo huấn xã hội Công Giáo.”

ĐTC cũng kêu gọi các GM Trung Phi đặc biệt chú ý tới việc đào tạo LM, giúp các LM tương lai có khả năng sống sự cam kết độc thân, đời sống này không thể chấp nhận một sự nhân nhượng thỏa hiệp nào. ”Anh em cũng hãy nêu gương đoàn kết và sống hoàn hảo trong việc thực hành các nhân đức của bậc tư tế”.

ĐTC đặc biệt khuyến khích các GM Trung Phi tăng cường mục vụ gia đình, vì họ là những nạn nhân đầu tiên của bạo lực và thường bị xáo trộn hoặc bị tan vỡ vì cảnh vợ chồng xa nhau, tang tóc, nghèo đói, bất thuận và chia rẽ.

Cộng Hòa Trung Phi là quốc gia thuộc hàng nghèo nhất Phi Châu, với diện tích hơn 622 ngàn cây số vuông và 4 triệu 500 ngàn dân, trong số này một nửa là Kitô hữu gồm 36% Công Giáo và 16% Tin Lành. Một nửa còn lại theo Hồi giáo và các tôn giáo cổ truyền của Phi châu.

Giáo Hội Công Giáo Trung Phi có hơn 1 triệu 600 ngàn tín hữu thuộc 9 giáo phận, họp thành một giáo tỉnh (SD 15-5-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Nơi Chúa hẹn gặp ta

Nơi Chúa hẹn gặp ta

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Là con người sống trong không gian và thời gian, chúng ta thường suy nghĩ và tưởng tượng theo chiều kích của không gian và thời gian. Vì thế, khi Kinh Thánh nói “Chúa Giêsu lên trời” chúng ta cũng dễ hình dung Chúa Giêsu như một “phi hành gia” hoặc như “người bay” tự động cất bổng mình lên trời, để rồi không biết dừng lại ở hành tinh nào khi ra ngoài quỹ đạo của trái đất? Vậy thì sau khi sống lại 40 ngày, Chúa Giêsu đi về phương trời nào? Các phi hành gia đầu tiên vào vũ trụ cho biết họ chẳng thấy trời, cũng chẳng thấy Thiên Chúa!

Thời Trung cổ, có hai tu sĩ tình cờ đọc thấy trong một cuốn sách cổ chép rằng: ở tận cùng trái đất sẽ có một nơi mà trời đất gặp nhau. Họ quyết định ra đi tìm cho bằng được điểm gặp nhau ấy và thề quyết sẽ không trở về nhà nếu không tìm ra nơi ấy, vì họ đã đọc được trong quyển sách cổ rằng tại điểm giao nhau giữa trời và đất, một cánh cửa sẽ mở ra và họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa tỏ tường. Họ vượt thác băng rừng, không quản ngại hy sinh. Cuối cùng thì họ cũng đứng trước giao điểm ấy. Với tất cả xúc động, họ đưa tay gõ vào cánh cửa hẹn hò, cánh cửa mở ra và họ bỡ ngỡ nhận ra đó chính là căn phòng của mình. Họ chợt hiểu rằng nơi gặp gỡ giữa trời và đất, nơi hẹn hò giữa Thiên Chúa và con người không gì khác hơn là chính cuộc sống hằng ngày của họ.

Chúa Giêsu “được rước lên trời”: đó là một lối nói của Kinh Thánh nhằm diễn tả việc Chúa Phục Sinh từ giã trần gian để về cùng Thiên Chúa Cha. Ngài từ Cha mà đến và nay trở về với Cha. “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng đã-từ-trời xuống” (Ga 3,13). Câu chuyện Chúa lên trời được sách Công vụ Tông đồ kể lại ở bài đọc 1 hôm nay là một kiểu nói bình dân để diễn tả một mầu nhiệm của Chúa Kitô Phục Sinh: ngay sau khi được Phục Sinh, nhân tính của Chúa Giêsu đã được tôn vinh rồi, hay nói cách khác, đã được vào trong vinh quang. Tuy vậy vinh quang này vẫn còn bị che khuất. Chúa Phục Sinh hiện ra cho các môn đệ dưới dáng dấp của một người bình thường. Lần hiện ra cuối cùng của Chúa Giêsu đánh dấu một bước chuyển mới. Từ này nhân tính của Ngài được đưa vào trong vinh quang Chúa Cha, được đặt ngồi bên hữu Chúa Cha.

Lễ Chúa Thăng Thiên không phải là một cuộc chia ly, tiễn đưa Chúa Giêsu vào một phương trời xa lạ và cắt đứt tương quan với Ngài. Chúa về trời là để có thể ở lại với mọi thời, mọi nơi. Điều duy nhất mất đi là chúng ta không còn có thể thấy, đụng chạm, nghe Ngài bằng giác quan tự nhiên. Nhưng chúng ta vẫn có thể gặp gỡ Ngài bằng giác quan siêu nhiên của lòng tin. Chúa Giêsu khẳng định: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Tin Mừng hôm nay cho thấy các tông đồ có cảm nghiệm rằng “Chúa đang làm việc với họ và xác nhận lời họ rao giảng bằng những dấu lạ kèm theo” (Mc 16,20). Như thế sự vắng mặt hữu hình của Chúa Giêsu không cản trở việc Ngài tiếp tục hiện diện và hoạt động bên họ. Kitô giáo sống còn chính là nhờ Chúa Giêsu đang sống và hoạt động nhờ Thánh Thần của Ngài. Được tôn vinh trên trời không phải là để làm sứ vụ giữa lòng thế giới. Ngài là Thượng Tế cầu bầu cho chúng ta trên trời (Dt 7,25) và không ngừng thu hút, nâng dậy cả nhân loại (Ga 12, 32).

Mừng lễ Chúa Thăng Thiên là mừng ngày Đức Giêsu được tôn vinh. Có một con người mang tên Giêsu nay được hưởng vinh quang và danh dự của Thiên Chúa. Lễ Thăng Thiên thực hiện giấc mơ lớn nhất của con người. Tất cả chúng ta đều hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa, bên Chúa Giêsu, người Anh Trưởng. Trời là đích điểm của đời Kitô hữu. Nhưng trời đã bắt đầu rồi từ khi chúng ta bước vào vũ trụ của Chúa Giêsu Kitô, qua đức tin và các bí tích. Nói cho cùng, Kitô hữu chỉ có một cuộc đời. Chẳng có cuộc đời nào khác ngoài cuộc đời hiện tại và sẽ gắn liền với ta mãi mãi. Trời không khiến ta tránh né bổn phận ở trần gian. Trời không phải là nơi đến của một người chỉ biết chăm lo cho ơn cứu độ của mình một cách ích kỷ. Trời cũng không chỉ là phần thưởng cho con người, là sự “bù lỗ” cho những khốn khổ ở đời, là cớ khiến chúng ta tránh né việc xây dựng trái đất hay phá đổ bất công.

Sứ thần của Chúa hôm nay đã quở trách các môn đệ: “Hỡi người Galilê! Sao cứ đứng đó mà nhìn lên trời?”. Các môn đệ đã hiểu ý. Các ông đã trở về với nhiệm vụ của mình, hoàn thành công việc dang dở của Chúa ở trần gian, làm chứng về tất cả những gì các ông đã được nghe, được thấy. “Các ông đã ra đi khắp nơi, rao giảng Tin Mừng cho mọi người; có Chúa cùng hoạt động với các ông, củng cố lời rao giảng bằng các phép lạ kèm theo” (Mc 16,20).

Rõ ràng, Chúa lên trời không làm cho các môn đệ lên trời, không làm cho các môn đệ tê liệt, không giải nghệ các ông, mà còn thúc giục các ông lập tức bắt tay vào việc xây dựng Nước Trời ngay ở trần gian này và bảo đảm cho các ông thành công. Cũng vậy, đối với chúng ta ngày nay, Chúa lên trời nhắc chúng ta nhớ rằng: “Quê hương chúng ta ở trên trời… Anh em hãy tìm kiếm những sự trên trời” (Pl 3,20; Cl 3,1). Nói thế không có nghĩa là chúng ta phải “xuất thế”, phải xa lánh trần gian. Trái lại, cần phải nổ lực dấn thân “vào đời”, “nhập cuộc”. Có Chúa cùng hoạt động với chúng ta để “mở một tuyến đường lên trời từ mặt đất này” bằng những công việc xây dựng Nước Trời ngày này qua ngày khác; loại trừ những khổ đau, tội lỗi, tạo cho mọi người được sống ấm no, hiệp nhất, yêu thương nhau, cho mọi người được sống xứng đáng phẩm giá con người. Đó là con đường lên trời của chúng ta.

Vui sướng biết bao: “Chúa vẫn ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế”. Ngài không bao giời rời bỏ chúng ta. Thật là ích lợi cho chúng ta khi Ngài khuất mắt chúng ta về phương diện thể lý để chúng ta khi gặp Ngài hiện diện ở khắp mọi nơi mọi lúc: trong kinh nguyện và hoạt động, trong bí tích và trong anh chị em. Đặc biệt trong bí tích Thánh Thể, Chúa đến ở trong chúng ta, ban nguồn sinh lực giúp chúng ta hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nước Trời ở trần gian này, để một khi Nước Trời được hoàn thành Ngài sẽ trở lại trong vinh quang đón chúng ta lên trời về với Chúa Cha.

Ái mộ những sự trên trời

Ái mộ những sự trên trời

Thủ lãnh của một bộ tộc nằm hấp hối trên giường. Ông cho gọi ba người thân cận đến và nói:Ta phải chọn một người kế tục.Các ngươi hãy leo lên đỉnh núi thiêng liêng của chúng ta và mang về đây cho bộ tộc một món quà quý giá nhất.

Người thứ nhất mang về một thỏi vàng lớn. Người thứ hai mang về một viên ngọc quý. Người thứ ba trở về tay không.

Ngạc nhiên, vị tù trưởng hỏi: món quà quý giá của ngươi đâu?

Anh điềm tỉnh trả lời: khi tôi lên tới đỉnh núi, tôi thấy ở phía bên kia một vùng đất phì nhiêu màu mỡ, tại đó dân chúng có thể có một cuộc sống sung túc tốt đẹp.

Thủ lãnh nói: Ngươi sẽ nối nghiệp ta vì ngươi đã mang về món quà quý gía nhất là một viễn tượng tương lai tốt đẹp.

Chúa Giêsu về trời mở ra một viễn tượng tương lai tốt đẹp là hạnh phúc thiên đàng. Người đi trước mở đường và dẫn chúng ta lên theo Người.

Tin Mừng thuật lại hai sự kiện song hành: Chúa Giêsu lên trời và lệnh truyền rao giảng Tin Mừng. Sự kiện Chúa Giêsu lên trời, Tin Mừng thánh Maccô ghi lại rất vắn tắt: Chúa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Tin mừng Matthêu nói đến lệnh truyền: Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Còn theo sách Công vụ Tông đồ, Chúa Giêsu lên trời sau khi sống lại được 40 ngày, và nơi lên trời là núi Cây Dầu.

Thực ra sau khi Chúa Giêsu sống lại, Người đã lên trời rồi theo kiểu nói của Kinh Thánh, nghĩa là Người bước vào cõi vinh quang của Chúa Cha, Người ngự bên hữu Chúa Cha, mặc lấy vinh quang và quyền năng của Chúa Cha.

Trong 40 ngày sau sống lại, Chúa Giêsu hiện ra nhiều lần để dạy dỗ và cũng cố đức tin của các Tông Đồ. Giáo hội đã được thiết lập nay được cũng cố để được sai đi. Như vậy sự kiện lên trời mà phụng vụ Giáo Hội kính nhớ hôm nay có ý nghĩa sâu xa. Nó chấm dứt thời gian Chúa hiện diện giữa nhân loại bằng thân xác, chấm dứt thời gian huấn luyện các Tông Đồ. Một thời điểm có tính cách quyết định của lịch sử cứu độ là Chúa Giêsu ban những giáo huấn cuối cùng,trao những chức vụ phải thi hành trong Giáo hội, chuẩn bị cho các Tông đồ thi hành sứ mạng chứng nhân của Đấng phục sinh trong thế giới.

Chúa Giêsu lên trời. Những chữ lên trời bị chi phối bơi cách suy nghĩ có giới hạn của chúng ta. Theo cách suy nghĩ đó,các biến cố xảy ra luôn luôn được gắn liền với các vị trí trong không gian. Thực ra trời đây không phải là một nơi và lên không có nghĩa là nơi đó ở trên cao. Lên trời ở đây không hiểu theo nghĩa địa lý vì trời hay thiên đàng là một trạng thái hơn là một nơi chốn. Chúng ta đang sống trong không gian và thời gian nên định vị trí mọi sự theo hai trục đó. Điều cốt yếu mà Thánh kinh muốn dạy về mầu nhiệm Thăng Thiên là Đức Kitô đã ra khỏi thế giới trần thế bị tội lỗi làm nhiễm độc và một ngày kia sẽ tiêu tan để tiến vào một thế giới mới,trong đó Thiên Chúa ngự trị tuyệt đối và vật chất đã biến đổi,đã thấm nhuần tinh thần.

Từ nay trở đi, Người sẽ hiện diện với chúng ta một cách vô hình. Với quyền năng của Chúa Thánh Thần, thân xác Chúa Giêsu đã được thần khí hoá và đi vào cõi vĩnh hằng của Chúa Cha. Sự hiện diện này thâm sâu hơn và hiệu năng hơn. Khi còn ở trong thân xác, Chúa Giêsu chỉ ở bên cạnh một số người thôi. Từ nay, với quyền năng Thánh Thần, Người sẽ hiện diện trong lòng con người, trong tâm hồn tất cả những ai tin vào Người.

Chúa Giêsu lên trời. Điều đó dạy ta biết ngoài cõi đời này còn có một nơi chốn khác. Ngoài cuộc sống này còn có một cuộc sống khác. Ngoài những giá trị đời này còn có những giá trị khác.

Trời là nơi hạnh phúc không còn khổ đau. Trời là nơi cuộc sống vĩnh viễn không bị tiêu diệt. Trời là nơi tất cả mọi giá trị đạt đến mức tuyệt đối. Trời là nơi con người trở thành thần thánh, sống chung với thần thánh. Như thế trời là niềm hy vọng của con người. Con người không còn bị trói chặt vào trần gian. Định mệnh của con người không phải chỉ là đớn đau sầu khổ. Số phận con người không phải sinh ra để rồi tàn lụi. Trời cho con người một lối thoát. Trời mở ra cho con người một chân trời hạnh phúc. Trời cho con người cơ hội triển nở đến vô biên.Trời nâng cao địa vị con người. Có trời, con người không còn bị xếp ngang hàng với loài vật. Loài vật sinh ra để tàn lụi. Con người sinh ra để triển nở, để vượt qua số phận, để đạt tới địa vị con Thiên Chúa. Có trời, con người sẽ được nâng lên ngang hàng thần thánh.

Con cá sinh ra trong con lạch nhỏ, rồi xuôi dòng nước ra sông lớn, nhưng mùa xuân đến, nó lại về nguồn như là trở về dòng sông quê hương. Con chim làm tổ trên kia, mùa đông nó vỗ cánh bay cả ngàn dặm về phương nam, nhưng khi xuân đến, nó lại tìm về tổ ấm ngày xưa. Làm sao các con vật đó biết đường quay về, trong khi chẳng có bản đồ, không người hướng dẫn? Vì Thiên Chúa đã đặt vào lòng chúng, con đường trở về. Và Ngài cũng không quên đặt vào lòng mỗi người chúng ta con đường cuộc sống và con đường trở về quê trời.

Tuy nhiên, trời không phải xây dựng trong mây trong gió, nhưng được xây dựng trong cuộc sống trần gian. Trời không phải là cõi mơ mộng viển vông, nhưng đã bắt đầu ngay trong thực tế cuộc đời hiện tại.

Chính vì thế mà hai thiên thần áo trắng đã bảo các môn đệ đừng đứng nhìn trời mãi làm chi, nhưng phải trở về mà lo chu toàn nhiệm vụ.

Chính vì thế mà trước khi lên trời, Chúa căn dặn các môn đệ hãy đi làm việc cho Nước Chúa. Sống và làm việc ở trần gian, đó là một nhiệm vụ phải chu toàn. Hoàn thành nhiệm vụ ở trần gian, đó là điều kiện để đạt tới hạnh phúc nước trời.

Chính Chúa Giêsu cũng đã chu toàn nhiệm vụ ở trần gian rồi mới lên trời. Nhiệm vụ đó là đi gieo Tin Mừng khắp nơi. Đi đến đâu là thi ân giáng phúc đến đó. Đi đến đâu là làm cho hạt yêu thương nảy mầm lên màu xanh sự sống đến đó.

Người môn đệ của Chúa sống giữa trần gian, yêu mến trần gian, xây dựng trần gian. Vì trần gian là nơi Chúa sai ta đến làm việc.Tuy nhiên ta làm việc ở trần gian mà lòng vẫn hướng lên quê trời. Yêu mến trần gian vì nước trời. Yêu mến trần gian để biến trần gian thành nước trời. Sống giữa thế gian, chúng ta “ái mộ những sự trên trời” như lời kinh hạt: “Thứ năm thì ngắm, Đức Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời”. Nhưng vẻ đẹp trên trời là vẻ đẹp của tâm hồn, tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, vẻ đẹp nghèo khó Phúc Âm, khiêm nhường, đơn sơ, thanh tịnh. Đây là vẻ đẹp và sự quyến rũ của nhân đức, một vẻ đẹp hoàn toàn khác với những vẻ đẹp và sự quyến rũ thuộc trái đất. Nhiều người đã bỏ ra hằng trăm, hàng ngàn, hàng vạn Mỹ kim để làm đẹp, để khoa trương sự giàu có và để được người khác ca tụng. Nhiều người không sợ trải qua những cuộc giải phẫu nguy hiểm, đau đớn cốt sao để thấy mình đẹp hơn, để thấy mình hơn người khác. Nhiều người đã sẵn sàng chấp nhận những thách đố lớn lao để chạy đua vào những chiếc ghế quyền lực. Nhưng ít ai bỏ ra một giờ, một ngày, một tuần, một tháng, hoặc một năm để lo tu sửa và chỉnh trang lại vẻ đẹp của tâm hồn.

Trên thực tế, tình yêu Thiên Chúa, tình yêu tha nhân, đức nghèo khó, đức đơn sơ, và đức trong sạch là những đòi hỏi rất cần thiết để đem lại hạnh phúc cho mỗi người, mỗi cộng đoàn, mỗi dân nước. Đó là những gì cụ thể có thể giúp con người chiếm hữu được vĩnh hằng. Rất tiếc, đó cũng là những gì mà nhiều người từ khước, bởi vì chúng không phù hợp với nhãn quan và suy tư của con người.

Giáo Hội đã thôi thúc và khuyến khích mỗi Kitô hữu hãy tìm kiếm và yêu mến những sự trên trời. Cầu xin cho được ơn ái mộ là cầu xin Thánh Linh khai mở tâm hồn và trí tuệ để chúng ta có thể nhìn, và có thể hiểu được vẻ cao quí của những giá trị tinh thần ấy. Nhận thức về thế giới tâm linh là một nhận thức ngoài tầm hiểu biết của trí tuệ tự nhiên con người. Những gì thuộc về thần linh là thần linh. Con người cần được soi dọi và khai mở bởi sức mạnh huyền nhiệm của Thánh Thần. Chỉ khi nào trí óc ta, trái tim ta được Ngài khai mở, lúc ấy ta mới nhận ra, mới hiểu thấu thế nào là sự cao xa, dài rộng của vẻ đẹp tinh thần, của những giá trị đạo đức.

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa về trời, không chỉ để dọn chỗ mà còn là mở ra một viễn tượng hạnh phúc của trời cao.

“Xin cho chúng con ái mộ những sự trên trời”, để chúng con không bị chôn bám vào thế gian chóng qua và phù du này. Và để chúng con biết tìm kiếm những giá trị cao quí của tinh thần, và để chúng con yêu mến và sống với cuộc sống ấy. Vì đó là những gì mà chúng con có thể tìm kiếm, mua sắm và đem vào được nơi vĩnh hằng. Nơi mà chúng con sẽ gặp được Chúa là nguồn mạch sự sống, hoan lạc, và hạnh phúc viên mãn của chúng con. Amen.

LM Giuse Nguyễn Hữu An

Ngước mắt nhìn trời

Ngước mắt nhìn trời

Con người thường có hai thái độ sống đối nghịch nhau. Một bên là những người chỉ biết có việc đạo. Sống dưới đất nhưng lòng trí để cả ở trên trời. Không tha thiết gì với những người chung quanh. Không tham gia những sinh hoạt xã hội. Khinh chê tất cả những giá trị ở đời này. Ngược lại, bên kia là những người sống như chỉ biết có việc đời. Chỉ coi trọng những giá trị vật chất. Chỉ biết có đời này. Sống là còn. Chết là hết. Cả hai thái độ đều bất cập.

Việc Đức Giêsu lên trời và những lời Ngài truyền dạy trước khi từ giã trần gian giúp ta có một cái nhìn đúng đắn hơn đối với trời và đối với đất.

Đức Giêsu lên trời. Điều đó dạy ta biết ngoài cõi đời này còn có một nơi chốn khác. Ngoài cuộc sống này còn có một cuộc sống khác. Ngoài những giá trị đời này còn có những giá trị khác.

Trời là nơi hạnh phúc không còn khổ đau. Trời là nơi cuộc sống vĩnh viễn không bị tiêu diệt. Trời là nơi tất cả mọi giá trị đạt đến mức tuyệt đối. Trời là nơi con người trở thành thần thánh, sống chung với thần thánh.

Như thế trời là niềm hy vọng của con người. Con người không còn bị trói chặt vào trần gian. Định mệnh của con người không phải chỉ là đớn đau sầu khổ. Số phận con người không phải sinh ra để rồi tàn lụi. Trời cho con người một lối thoát. Trời mở ra cho con người một chân trời hạnh phúc. Trời cho con người cơ hội triển nở đến vô biên.

Trời nâng cao địa vị con người. Có trời, con người không còn bị xếp ngang hàng với súc vật. Súc vật sinh ra để tàn lụi. Con người sinh ra để triển nở, để vượt qua số phận, để đạt tới địa vị con Thiên Chúa. Có trời, con người sẽ được nâng lên ngang hàng thần thánh.

Tuy nhiên, trời không phải xây dựng trong mây trong gió, nhưng được xây dựng trong cuộc sống trần gian. Trời không phải là cõi mơ mộng viển vông, nhưng đã bắt đầu ngay trong thực tế cuộc đời hiện tại.

Chính vì thế mà hai thiên thần áo trắng đã bảo các môn đệ đừng đứng nhìn trời mãi làm chi, nhưng phải trở về mà lo chu toàn nhiệm vụ.

Chính vì thế mà trước khi lên trời, Chúa căn dặn các môn đệ hãy đi làm việc cho nước Chúa. Sống và làm việc ở trần gian, đó là một nhiệm vụ phải chu toàn. Hoàn thành nhiệm vụ ở trần gian, đó là điều kiện để đạt tới hạnh phúc nước trời.

Chính Đức Giêsu cũng đã chu toàn nhiệm vụ ở trần gian rồi mới lên trời. Nhiệm vụ đó là đi gieo Tin Mừng khắp nơi. Đi đến đâu là thi ân giáng phúc đến đấy. Đi đến đâu là gieo yêu thương đến đấy.

Hôm nay Chúa cũng sai các môn đệ và chúng ta đi gieo Tin Mừng khắp thế gian. Hãy đi làm mọi việc tốt đẹp cho mọi người.

Làm việc tốt đẹp ở trần gian đó là góp phần xây dựng nước trời. Góp phần xây dựng trần gian đó là dọn chỗ ở trên nước trời. Trần gian không phải là nơi cho ta bám víu vì không vĩnh cửu. Nhưng trần gian là cơ hội cho ta đạt tới nước trời.

Chính vì thế, người môn đệ của Chúa phải sống giữa trần gian, phải yêu mến trần gian, phải xây dựng trần gian. Vì trần gian là nơi Chúa sai ta đến làm việc.

Tuy nhiên người Kitô hữu làm việc ở trần gian mà lòng vẫn hướng lên quê trời. Yêu mến trần gian vì nước trời. Yêu mến trần gian để biến trần gian thành nước trời.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết nỗ lực xây dựng trần gian trong niềm mong đợi hạnh phúc nước trời. Amen.

Gợi ý chia sẻ:

1) Tin có thiên đàng. Điều này có quan trọng đối với bạn?

2) Người môn đệ của Chúa phải có thái độ nào đối với của cải vật chất?

3) Khi ngắm thứ hai mùa mừng, đọc “Ta hãy xin cho được lòng ái mộ những sự trên trời”, bạn nghĩ gì? Bạn phải sống làm sao để thực hiện lời cầu nguyện này?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Xin được theo Chúa về Trời

Xin được theo Chúa về Trời

Có một gia đình kia: chồng là người ngoại đạo. Ông không tin Chúa. Ông còn luôn miệng nhạo báng, khinh miệt những hành vi thờ phượng kính mến Chúa. Ngược lại, bà vợ lại rất sùng đạo. Ngày nào bà cũng dắt con đi lễ cầu nguyện. Dù sống giữa hai chiều hướng trái ngược đối nghịch nhau, đứa con trai duy nhất của họ vẫn hiếu thảo với bố mẹ. Một hôm em lâm bệnh hiểm nghèo, em hỏi bố rằng: "Bố ơi! Trong ít ngày nữa con sẽ không còn sống ở dương gian. Con xin bố dạy con phải tin ai? Theo bố hay theo mẹ? Tin theo bố thì chẳng có thiên đàng, chẳng có Chúa hay có mẹ để được yêu thương ở đời sau! Còn tin theo Mẹ thì có Thiên Chúa là Cha nhân lành. Có cõi trời để hưởng hạnh phúc vĩnh cửu bên Chúa là Cha. Có Đức Mẹ luôn bầu cử chở che?"

Người cha quá sững sờ và kinh ngạc. Ông ôm con vào lòng và nói: "Con hãy tin theo Mẹ. Con cưng của cha! Đứa bé liền nói tiếp: "Nhưng nếu bố không tin theo Mẹ, thì làm sao con có thể chờ đợi bố ở trên thiên đàng được?". Trước lời đơn sơ và chân thành của em bé, người cha đã không kiềm nổi những giọt nước mắt ứ tràn nơi khoé mắt. Ông đã để những giọt nước mắt xót xa tuôn rơi trên gò má già nua của mình. Kể từ ngày đó, người cha đã chọn Chúa là lẽ sống, là Đấng ông tôn thờ.

Vâng, nếu cuộc đời này sinh ra lớn lên rồi chết đi thì cuộc đời chẳng còn ý nghĩa gì! Con người sinh ra để được sống mãi chứ không phải để nhào lộn trong bể khổ và chết là hết kiếp người! Điều quan yếu là chúng ta phải tìm ra lẽ sống, và cùng đích đời người là gì? Sống để làm gì? Và chết rồi đi đâu? Đó là những vấn đề làm nên nhân cách con người. Chúng ta chọn cách sống nào cũng tuỳ thuộc vào việc chúng ta hiểu ý nghĩa và cùng đích đời người ra sao?

Chúa Giêsu trong tư cách một con người trần thế. Ngài đã sống cả cuộc đời để tôn vinh Thiên Chúa Cha trong việc phục vụ tha nhân. Ngài đến trần gian để thi hành thánh ý Chúa Cha. Thánh ý đó Ngài đã thực thi trọn vẹn cho dù phải trả giá bằng cả mạng sống, miễn sao cho ý Chúa Cha được thực hiện, cho danh Cha được cả sáng, cho Nước Cha mau hiển trị.

Là người ky-tô hữu chúng ta được mời gọi bước theo con đường Chúa Giêsu đã đi. Đó là con đường đi tìm thánh ý Chúa và thực thi cho đến hơi thở cuối cùng. Đó không phải là con đường trải thảm rộng thênh thang, mà là con đường hẹp, đầy chông gai giăng kín hành trình. Đó là con đường từ bỏ, đường thập giá, đường hiến tế đẫm máu trên đỉnh đồi Cal-vê.

Hôm nay Chúa về trời, Ngài vẫn mang theo dấu vết của thương tích, của thương đau, của sự chống đối, xỉ nhục, đòn roi mà Ngài đã từng trải qua… Ngài đã mang theo tất cả những giai đoạn đau thương đẫm máu đó, như dấu tích cho lời xin vâng trọn vẹn theo thánh ý Chúa Cha. Nay, Ngài cũng muốn tất cả chúng ta hãy đi con đường này để tiến về trời cao. Đó là con đường làm chứng nhân cho Tin mừng của Chúa bằng chính đời sống tôn vinh Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Một cuộc đời làm chứng không nhất thiết phải đổ máu nhưng quan yếu là phải thể hiện tình yêu bằng những nghĩa cử cụ thể trong lời nói, trong việc làm luôn bao dung, kính trọng, bác ái và công bình. Một cuộc đời làm chứng không nhất thiết phải có một bản án để người ta thoá mạ, tay chay, nhưng chỉ cần biết hy sinh từ bỏ ý riêng của mình trong từng giây, từng phút để thánh ý Chúa luôn được thi hành trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Hôm nay mừng Chúa về trời, chúng ta cũng nghe vang vọng đâu đây lời mời gọi thiết tha của Thầy Chí Thánh Giêsu: "anh em hãy làm chứng nhân cho Thầy. Khởi từ Giê-ru-sa-lem cho đến tận cùng thế giới". Xin cho mỗi người chúng ta đang khi hướng lòng về trời cao cũng biết chu toàn sứ vụ trần thế trong niềm hân hoan để: "Ra đi tay ôm bó lúa đi gieo – Ngày trở về, miệng reo vang câu hát mừng". Amen.

LM Giuse Tạ Duy Tuyền

Hoàn thành Hiệp định toàn bộ giữa Tòa Thánh và Palestine

Hoàn thành Hiệp định toàn bộ giữa Tòa Thánh và Palestine

VATICAN. Hôm 13-5-2015, Ủy ban song phương giữa Tòa Thánh và Nhà Nước Palestine đã hoàn thành việc soạn thảo Hiệp định toàn bộ giữa hai bên.

Hiệp định này tiếp theo Hiệp định cơ bản được Tòa Thánh và Palestine ký kết ngày 15-2 năm 2000.

Thông cáo chung công bố ngày 13-5-2015 cho biết Ủy ban song phương đã nhóm khóa họp chung cùng ngày tại Vatican dưới quyền chủ tọa của hai vị Đồng Chủ tịch là Đức Ông Antoine Camilleri, Thứ Trưởng ngoại giao Tòa Thánh, và Đại Sứ Rawan Sulaiman, Phụ Tá ngoại trưởng đa vụ của Palestine. Phái đoàn Tòa Thánh có 6 người, trong đó có Đức TGM Giuseppe Lazzarotto, Khâm sứ Tòa Thánh tại Jerusalem và Palestine. Phái đoàn Palestine có 4 người.

Các cuộc thảo luận đã diễn ra trong bầu không khí thân thiện và xây dựng, và Ủy ban hài lòng ghi nhận những tiến bộ đã đạt được trong việc soạn Văn bản hiệp định liên quan đến những khía cạnh thiết yếu trong đời sống và hoạt động của Giáo Hội Công Giáo tại Palestine. Cả hai bên đều đồng ý rằng công việc của Ủy ban trong việc soạn hiệp định đã kết thúc và Văn bản sẽ được đệ trình cấp trên liên hệ để phê chuẩn và xác định ngày chính thức ký kết hiệp định trong tương lai gần đây.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, Đức Ông thứ trưởng Tòa Thánh Camilleri, người Malta, cho biết Văn bản hiệp định gồm có Lời Tựa, tiếp đến là chương I về các nguyên tắc và qui luật cơ bản làm khung nền cho sự cộng tác giữa Tòa Thánh và Palestine, trong đó cũng có bày tỏ mong ước một giải pháp cho vấn đề Palestine, và cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, qua giải pháp 2 quốc gia và các nghị quyết của Cộng đồng quốc tế.

Chương thứ 2 quan trọng, nói về tự do tôn giáo và lương tâm với nhiều chi tiết.

Các chương kế tiếp nói về các khía cạnh khác nhau liên quan đến đời sống và hoạt động của Giáo Hội Công Giáo tại các lãnh thổ của Palestine: tự do hoạt động, nhân sự và quyền tài phán của Giáo Hội, qui chế nhân sự, các nơi thờ phượng, các hoạt động xã hội và từ thiện, các phương tiện truyền thông xã hội.

Sau cùng có một chương nói về vấn đề thuế khóa và tài sản.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Ông Camilleri cũng cho biết về vấn đề soạn hiệp định giữa Tòa Thánh và Israel. Sau khi ký hiệp định cơ bản hồi tháng 12-1993, Israel và Tòa Thánh đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau hồi tháng 6-1994, tiếp đến là ký hiệp định về pháp nhân của các tổ chức Công Giáo năm 1997 và từ năm 1999 trở đi có các cuộc thương thuyết về hiệp định kinh tế, thuế khóa. Hiệp định hầu như đã sẵn sàng và Đức Ông hy vọng sớm có sự ký kết hiệp định này để mưu lợi ích cho cả hai bên. (SD 13-5-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio