ĐTC Phanxicô: Sống dấn thân với lời hứa khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy

ĐTC Phanxicô: Sống dấn thân với lời hứa khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy

Ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay kết thúc mùa Giáng Sinh. Phụng vụ mời gọi chúng ta nhận biết Chúa Giêsu một cách trọn vẹn hơn trong dịp chúng ta cử hành biến cố Ngài giáng sinh. Chính vì thế Tin Mừng cho chúng ta thấy hai yếu tố quan trọng: mối tương quan giữa Chúa Giêsu và dân chúng; mối tương quan giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa.

Trước đó lúc 9 giờ 30 sáng ĐTC đã chủ sự thánh lễ trong nhà nguyện Sistina, và ban bí tích Rửa Tội cho 27 trẻ em nam nữ.

Chúa Giêsu “dìm mình” trong đám đông và trong dòng nước

Trong bài huấn dụ trước khi đọc Kinh Truyền Tin ĐTC nói: Trong câu chuyện về việc thánh Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho Chúa Giêsu tại sông Giordan, trước tiên chúng ta thấy vai trò của dân chúng. Dân chúng không chỉ là nền của một cảnh, nhưng là một thành phần thiết yếu của biến cố. Trước khi dìm mình vào dòng nước, Chúa Giêsu “dìm mình” trong đám đông, Ngài liên đới hoàn toàn với thân phận của con người, chia sẻ tất cả ngoại trừ tội lỗi. Trong sự thánh thiện của mình, đầy tràn ân sủng và lòng thương xót, Con Thiên Chúa trở thành xác phàm để gánh lấy tội lỗi thế gian. Bởi vậy hôm nay cũng là hiển linh, bởi vì Chúa đến cho Gioan làm phép rửa, hiện diện giữa những người đang sám hối, Chúa Giêsu biểu lộ sự hợp lý và ý nghĩa sứ vụ của Ngài.

Chúa cùng với dân chúng xin Gioan chịu Phép rửa hoán cải, Chúa Giêsu cũng chia sẻ ước muốn sâu sắc đổi mới nội tâm. Và Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người “dưới hình chim bồ câu” và cùng với Chúa Giêsu dấu hiệu một thế giới mới, một “tạo dựng mới” bao gồm tất cả những ai đón nhận Đức Kitô vào cuộc sống. Mỗi người chúng ta cũng vậy, chúng ta được tái sinh với Chúa Giêsu trong Bí tích Rửa tội, Lời của Chúa Cha: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”. Đây là tình yêu của Cha, mà chúng ta đã nhận lãnh trong ngày chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa tội, là ngọn lửa đã được thắp lên trong tâm hồn chúng ta, và hỏi hỏi phải được nuôi dưỡng bằng cầu nguyện và bác ái.

Chúa Giêsu “đắm mình” trong cầu nguyện

Sau khi “dìm mình” trong dân chúng và trong dòng nước; yếu tố thứ hai được thánh sử Luca nhấn mạnh đó là Chúa Giêsu “đắm mình” trong cầu nguyện, nghĩa là hiệp thông với Cha. Phép rửa là khởi đầu đời sống công khai, sứ vụ của Chúa Giêsu trong thế giới trong tư cách được Cha sai đến trong thế gian để bày tỏ sự tốt lành và tình yêu của Cha dành cho con người. Sứ mệnh này được Chúa Giêsu hoàn thành trong sự kết hợp liên tục và hoàn hảo với Cha và Thánh Thần. Đây cũng là sứ mệnh của Giáo hội và của mỗi người chúng ta; để trung thành và sinh hoa trái chúng ta được mời gọi “ghép minh” vào Chúa Giêsu. Đó là trong cầu nguyện tiếp tục tái sinh công cuộc loan truyền Tin Mừng và việc tông đồ, để làm chứng kitô giáo một cách rõ ràng không theo kế hoạch của con người mà theo chương trình và cách thức của Thiên Chúa.

Sống lời hứa khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy

Anh chị em thân mến, lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa là cơ hội tốt lành để đổi mới với lòng biết ơn và xác tín lời hứa trong ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy, hãy dấn thân sống xác tín này trong đời sống hàng ngày. Chúa Giêsu cứu độ chúng ta không phải vì cộng trạng của chúng ta nhưng là để thực hiện lòng tốt vô biên của Cha, Ngài có lòng thương xót tất cả. Đức Maria Trinh Nữ, Mẹ của Lòng thương xót là người hướng dẫn và mẫu gương của chúng ta

Ngọc Yến, Vatican

Sinh hoạt Thượng HĐGM thế giới về giới trẻ

Sinh hoạt Thượng HĐGM thế giới về giới trẻ

Ban thông tin của Thượng HĐGM và cả một số nghị phụ phổ biến những tin tức, ý kiến hoặc lập trường về các vấn đề đang được công nghị GM thế giới hiện nay bàn luận. Sau đây là một số ý kiến nổi bật được dư luận chú ý.

 Ý kiến: truyền chức LM cho người có gia đình

 Đức Cha Jean Kockerols, GM phụ tá Tổng giáo phận Bruxelles bên Bỉ, đã trình bày lập trường của HĐGM nước này, đề nghị Giáo Hội truyền chức linh mục cho những người có gia đình. Trong bài phát biểu về ơn gọi của người trẻ, Đức Cha Kockerols nói:

 ”Có một ơn gọi Kitô, là ơn gọi khi chịu phép rửa tội, và có các ơn gọi khác cụ thể hóa ơn gọi nguyên thủy ấy, và tôi xin kết luận: ”Tôi xác tín rằng một số người trẻ, đã kín múc trong ơn gọi bí tích rửa tội lời kêu gọi dấn thân trong hôn nhân, nhưng họ sẵn lòng thưa ”này con đây” nếu Giáo Hội gọi họ vào sứ vụ linh mục”.

 Cha Tommy Scholtes, dòng Tên, Phát ngôn viên của HĐGM Bỉ, cho biết Đức Cha Kockerols đã đệ trình trước văn bản bài phát biểu của ngài cho các GM Bỉ và bài phát biểu ấy thực sự được làm nhân danh HĐGM Bỉ. Cha Tommy giải thích thêm rằng việc truyền chức LM cho những người nam có gia đình có thể là một câu trả lời cho cuộc khủng hoảng ơn gọi xảy ra khắp nơi trên thế giới. Cha nói: ”Việc truyền chức LM cho những người nam có gia đình không phải là giải pháp duy nhất cho cuộc khủng khoảng ơn gọi, vì đây cũng là một vấn đề sự đáng tín nhiệm của đức tin trong thế giới ngày nay. Chúng ta biết rằng nơi thế giới Tin Lành và Chính Thống trong đó các mục tử có thể là những người kết hôn, họ cũng gặp khó khăn trong việc tìm những ngừơi trẻ chấp nhận việc phục vụ này dành cho Giáo Hội”.

 Đưa phụ nữ vào các vai trò lãnh đạo Giáo Hội

 Một đề nghị khác thường đã được ĐHY Reinhard Marx, TGM Munich, Chủ tịch HĐGM Đức, đề ra: ĐHY kêu gọi Giáo Hội hãy để phụ nữ tham gia vào các cấp độ lãnh đạo Giáo Hội, từ giáo phận, đến HĐGM và cả Vatican. Ngài nhận định rằng tại Vatican chưa có phụ nữ nào được tham gia vào các vị trí lãnh đạo.

 Trong bài tham luận tại phiên họp khoáng đại sáng ngày 11-10-2018 và được chính HĐGM Đức phổ biến sau đó, ĐHY Marx nói ”chúng ta phải thực sự muốn và thi hành việc thăng tiến phụ nữ. Người ta có cảm tưởng Giáo Hội, trong những gì liên hệ tới quyền bính, xét cho cùng, đó là Giáo Hội của nam giới. Cần vượt thắng cảm tưởng đó trong Giáo Hội hoàn vũ và cả tại Vatican, chẳng vậy các thiếu nữ sẽ chẳng được những cơ may thực sự. Đây là lúc cần phải hành động như vậy”.

 Theo ĐHY, đưa phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo trong Giáo Hội sẽ góp phần phá vỡ cái vòng khép kín của giáo sĩ. ĐHY cho biết cách đây 5 năm, các GM Đức đã quyết định để phụ nữ tham gia vào các công tác lãnh đạo Giáo Hội về thần học và mục vụ.

 ĐHY Marx cũng là thành viên Hội đồng 9 HY Cố vấn của ĐTC. Trong một cuộc phỏng vấn cách đây ít lâu, ĐHY tiết lộ là đã cố gắng đẩy mạnh việc bổ nhiệm phụ nữ vào các vai trò lãnh đạo tại Tòa Thánh, nhưng đề nghị này không được tiến hành nhanh như ngài mong muốn.

 Các ý kiến và đề nghị khác:

 Có nghị phụ nêu vấn đề: nhiều ngừơi ngày nay, đặc biệt là người trẻ, không lãnh nhận bí tích giải tội nữa và vì thế, cần có một nền mục vụ đúng đắn, có thể giúp người trẻ ý thức đầy đủ và phong phú về việc cử hành bí tích giải tội.

 Đẩy mạnh mục vụ giới trẻ

 Để đẩy mạnh việc mục vụ giới trẻ, có nghị phụ đề nghị mỗi đơn vị của Giáo Hội, như giáo phận, nên thiết lập một Văn phòng về giới trẻ để mang lại năng động cho việc mục vụ giới trẻ. Người trẻ là hiện tại và tương lai của Giáo Hội.

 Nhiều nghị phụ khác lưu ý rằng thách đố hiện nay là: trong lúc Giáo Hội đang bị khủng hoảng về uy tín do những gương mù gương xấu, những lạm dụng và chia rẽ nội bộ gây ra, người ta bị cám dỗ muốn xây dựng một Giáo Hội hủy bỏ lo âu và muốn sống một cách chắc chắn và rõ ràng. Nguy cơ là mong muốn một thế hệ người trẻ ”cứng rắn và tinh tuyền” tưởng mình biết mọi câu trả lời. Nhưng Giáo Hội được kêu gọi thức tỉnh tâm hồn và các bắp cơ của mình. Từ đó, các nghị phụ kêu gọi suy tư về việc đào tạo trong các chủng viện và cần giảng dạy về sự phân định.

 Giúp người trẻ trưởng thành về tình yêu và chuẩn bị hôn nhân

 Trong các bài phát biểu tự do, có nghị phụ nhắc nhở rằng khi bàn về việc đồng hành giúp người trẻ trưởng thành về tình yêu, qua việc học tập và chuẩn bị hôn nhân. Nhưng người ta nhận thấy về vấn đề này Giáo Hội và các mục tử không có khả năng và có một sự thiếu hiểu biết và thiếu trách nhiệm.

 Mặt khác không thể thu hẹp sự dịu dàng của tình yêu mãi mãi vào một thứ ”giáo sĩ hóa hôn nhân”, vào những lễ nghi chính thức mà không để ý đến sự trưởng thành. Tóm lại cần một thời gian chuẩn bị, và học hỏi vì tình yêu là điều lớn lao đến độ không thể bán rẻ như một món hàng.

 Đáp ứng và hướng dẫn người trẻ cầu nguyện

 Sau cùng có những nghị phụ kêu gọi làm sao để người trẻ say mê Chúa Giêsu, khám phá nơi Chúa chân lý của cuộc sống. Trước tiên là cầu nguyện và đặc biệt là việc Chầu Mình Thánh Chúa. Sau đó là sự tiếp xúc với Chúa Giêsu động chạm đến thân mình Chúa trong nhân tính của ngài, trong các vết thương thể lý và tinh thần của những người đồng lứa tuổi.

 Có nhiều nghị phụ nhận thấy về kinh nguyện, cần giúp người trẻ ý thức và cầu nguyện với họ, vì rất nhiều người trẻ không thấy cha mẹ hoặc những người thân trong gia đình cầu nguyện. Nhiều ngừơi trẻ muốn được dạy về các cầu nguyện. Các bạn trẻ rất nhạy cảm đối với việc huấn luyện về linh đạo. Theo một dự thính viên, Jonathan Lewis người Mỹ, sự thiếu những linh hướng là một trong những nguyên nhân chính tạo nên sự khủng hoảng đức tin.

 Một nghị phụ khác nhấn mạnh rằng đừng tạo nên một Giáo Hội cho người trẻ, nhưng trái lại cần tìm lại sự tươi trẻ của Giáo Hội. Chúng ta đã đánh mất ngọn lửa truyền giáo. Cũng có nghị phụ cảnh giác đừng chiều theo cám dỗ thuần hóa người trẻ, vì sự lo âu của người trẻ là một điều phong phú cho Giáo Hội.

 Ủy ban soạn Văn kiện chung kết

 Ngày 10-10-2018, danh tánh của 12 thành viên Ủy ban soạn Văn kiện chung kết đã được công bố, gồm 4 vị thuộc Ban điều hành Công nghị GM này, 5 vị đại diện 5 châu do các nghị phụ bầu lên và 3 vị do ĐTC bổ nhiệm. Đại diện cho Á châu là ĐHY Oswald Gracias, TGM giáo phận Mumbai, Chủ tịch HĐGM Ấn độ và là thành viên Hội đồng 9 HY cố vấn của ĐTC về việc cải tổ giáo triều.

 Nhiệm vụ Ủy ban này là soạn dự thảo Văn kiện để đưa ra bỏ phiếu trong các phiên khoáng đại của Thượng HĐGM, tu chính và đi tới bản văn sẽ được bỏ phiếu chung kết vào ngày thứ bẩy, 27-10 tới đây.

 Về việc soạn tài liệu chung kết của Thượng HĐGM này, trong phiên họp ngày 10-10, cử tọa nhiệt liệt vỗ tay khi một nghị phụ cảnh giác chống lại nguy cơ soạn ra một ấn bản mới về tài liệu làm việc. Các nghị phụ được mời gọi bỏ phiếu chấp nhận những sửa chữa Tài liệu làm việc đã được các nghị phụ trong các nhóm đề ra. Nhất là làm sao để Thượng HĐGM này đừng làm thất vọng những người trẻ đã góp phần chuẩn bị tài liệu.

 Hai GM Trung Quốc không ở tới cuối Thượng HĐGM

 Trong một cuộc họp báo, Ông Bộ trưởng truyền thông Paolo Ruffini, cũng là trưởng ban thông tin của Thượng HĐGM hiện nay cho biết: hai GM Trung Quốc, Đức Cha Gioan Baotixita Dương Hiểu Đình (Yang Xaoting) và Giuse Quách Kim Tài (Guo Jincai) không ở lại Roma cho đến khi bế mạc Thượng HĐGM. Ông Ruffini giải thích rằng ”Không có gì là lạ, và cũng không có sự thay đổi chương trình nào. Ngay từ đầu người ta đã biết là 2 GM Trung Quốc sẽ không ở lại cho đến cuối Thượng HĐGM, và cũng vì lời mời tham dự đến sau khi có hiệp định tạm thời được ký ngày 22-9 giữa Tòa Thánh và Trung quốc. Nói đúng hơn hai GM Trung Quốc đã ”gia hạn việc lưu lại Roma này”, vì đối với bất kỳ GM nào, ở ngoài giáo phận một tháng là một vấn đề và các bị không ở lâu được” Rei tong hop)

Giuse Trần Đức Anh OP

Bệnh viện cho người nghèo ở Samar, Philippines, kết quả những phép lạ đời thường

Bệnh viện cho người nghèo ở Samar, Philippines, kết quả những phép lạ đời thường

northern-samar-hospital

Vào năm 2010, Đức cha Emmanuel Trance, giáo phận Catarman, miền bắc Samar, một trong những tỉnh nghèo nhất Philippines, đã yêu cầu các nữ tu dòng Biển đức ở Manila, hiện đang điều hành bệnh viện Ngôi Lời ở Tacloban, cách giáo phận của ngài hơn 200 cây số, mở thêm một bệnh viện khác cho dân chúng trong vùng. Ngài nói với các nữ tu: “ Nếu dân chúng ở đây bị bệnh mà phải đi đến bệnh viện của các sơ thì họ sẽ chết trên đường đến bệnh viện, vì phải mất 6 tiếng đồng hồ mới đến nơi!” Sơ giám tỉnh của Manila đã cầu nguyện và hội ý với các sơ. Có những ý kiến phản đối vì lý do thiếu tài chánh cũng như thiếu nhân lực, nhưng phần lớn các sơ đồng ý với dự án và ban lãnh đạo trung ương của dòng cũng đồng ý. Đó là lúc mà các phép lạ bắt đầu.

Điều đầu tiên các nữ tu cần chính là đất để xây bệnh viện. Một người thuộc gia đình giàu có đã đề nghị tặng cho các sơ mảnh đất do gia đình sở hữu và ông còn mua vé máy bay, trả tiền khách sạn để 4 sơ có thể đến để xem xét. Nhưng sau đó chính quyền cho biết mảnh đất nằm trong vùng nguy hiểm, vì thế các nữ tu lại bắt đầu tìm đất khác. Lúc đó, 3 nữ tu được gửi đến để bắt đầu một chương trình y tế tại cộng đồng ở Catarman. Vì các nữ tu chưa có nhà dòng ở đó nên họ thuê một nhà gần trường đại học Đông Philippines. Tình cờ người bạn của bà chủ nhà biết là các nữ tu đang tìm một nơi để xây dựng bệnh viện, bà đã tặng cho các sở một nửa của mảnh đất 7 mẫu vuông của mình để xây dựng bệnh viện. Thế là các nữ tu có mảnh đất rộng 3 mẫu rưỡi ở Pambujan, miền bắc Samar, để xây bệnh viện. Đây là phép lạ thứ nhất.

Các nữ tu vui mừng vì họ có thể dùng số tiền dành dụm vào việc xây cất. Sơ phụ trách mời một kiến trúc sư thiết kế bệnh viện với 25 giường nhưng số tiền dành dụm của các sơ chưa đủ được một nửa yêu cầu. Thế là phép lạ thứ hai xảy ra. Vào năm 2011, thế giới kỷ niệm 100 năm ngày quốc tế phụ nữ. Tổ chức giải phóng phụ nữ ở New York đã đề ra danh sách 100 phụ nữ nổi bật trên thế giới, trong đó có bà Hillary Clinton, Oprah Winfrey, Melinda Gates (vợ tỉ phú Bill Gates), hoàng hậu Rania Al-Abdullah của Giordani và một ngạc nhiên, đó là nữ tu Mary John, giám tỉnh dòng Biển đức ở Philippines. Báo Philippine Daily Inquirer  của Philippines đưa tin về sự kiện này và một độc giả của bài báo đã muốn gặp sơ Mary John. Đó là một phụ nữ khoảng 45 tuổi, bà hỏi Sơ Mary John xem sơ có dự án nào không. Thế là sơ kể cho bà nghe về giấc mơ xây bệnh viện cho người nghèo ở tỉnh Samar xa xôi đó. Người phụ nữ trả lời: “Tốt, đó là loại dự án mà quỹ của chúng tôi muốn tài trợ.” Rôi bà ta hỏi Sơ Mary John, “Sơ có nhớ tôi không?” Sơ Mary John là khoa trưởng của học viện thánh Scholastica 18 năm nhưng với khoảng gần 2000 học sinh trong thời gian 18 năm, Sơ không thể nhớ nổi phụ nữ này là ai. Bà bắt đầu kể: “Tôi đến từ một gia đình rất nghèo có 10 người con. Chúng tôi nghèo đến nỗi không có được cái bàn để ngồi làm bài vở. Chúng tôi chỉ ngồi ở cầu thang để làm. Sơ đã cho 3 chị em tôi học bổng. Bây giờ một người là quản lý nhà hàng, một người là nhà tâm lý và tôi là kế toán. Không có các học bổng này chúng tôi đã không thể học xong chương trình.” Người phụ nữ này chính là Fe Perez-Agudo, chủ tịch và giám đốc điều hành của hãng Hyundai Á châu và hãng này có một ngân quỹ.

Vài ngày sau, Sơ Mary John và bà Agudo thăm lại học viện thánh Scholastica, bà Agudo chỉ cho Sơ băng ghế gần lối vào, nơi khi còn là học sinh bà thường ngồi đợi cho nguôi cơn đói. Agudo không có tiền ăn trưa, nhưng biết là các nhân viên nấu súp ở đàng sau quầy ăn, nên cô chỉ mua một chén súp. Đôi khi cô còn không có tiền để mua. Bụng đói, Agudo vào nhà nguyện ngồi đợi đến 2 giờ trưa để học lớp kế toán. Thình thoảng một nhân viên không thấy Agudo ở gần quanh đó, đã mang một bát súp đến nhà nguyện cho cô. Bà Agudo đã cam kết là quỹ Hyundai sẽ xây toàn bộ bệnh viện và cả tu viện nối liền cho các nữ tu!

Tháng 5 năm 2013, tu viện của các sơ được khánh thành với 1 trạm xá nhỏ đàng trước. Một nữ tu chữa bệnh cho các bệnh nhân. Bệnh nhân đầu tiên trả công chữa bệnh mang đến một quả bí đao! Các nữ tu nhận rau quả, trứng và có khi cả gà từ các bệnh nhân. Các sơ quyết định là để tùy khả năng của bệnh nhân. Các Sơ phát thuốc miễn phí. Nhưng các sơ cũng lo lắng không biết sẽ lấy đâu ra tiền trả cho các bác sĩ, y tá và các nhân viên khác. Thế là các sơ quyết định lập một quỹ góp vốn để trả lương.

Rồi khi các nữ tu muốn có một phòng khám di động vì dân chúng ở vùng hẻo lánh không có phương tiện đến bệnh viện, thì các sơ lại nhận được sự giúp đỡ từ văn phòng phục vụ của dòng Biển đức để mua một chiếc xe van, và tổ chức Mission trợ giúp tài trợ các dụng cụ. Phép lạ thứ 3! Năm 2014, bệnh viện xây gần xong, chỉ còn thiếu nhà nguyện. Gia đình của vị luật sư định tặng mảnh đất đầu tiên cho các nữ tu đã đóng góp để xây nhà nguyện. Vào tháng 7 năm nay, quý Hyundai đã giao bệnh viện cho các sơ và ngày 28 tháng 8 các Sơ đã có một nhà nguyện xinh đẹp ở giữa bệnh viện. Đó là phép lạ thứ tư.  (National  Catholic Reporter  8/11/2016)

Hồng Thủy

 

Toà Án Vatican phán quyết chung kết vê vụ Vatileaks 2

Toà Án Vatican phán quyết chung kết vê vụ Vatileaks 2

Vatileak 2 final

VATICAN: Sau 21 phiên xử, chiều ngày mùng 7-7 vừa qua Toà án quốc gia thành Vatican đã phán quyết chung kết liên quan tới vụ Vatileaks 2.

Thẩm phán đoàn đã kết án Đức Ông Angel Lucio Vallejo Balda, người Tây Ban Nha, Thư ký Sở Kinh tế Toà Thánh, 18 tháng tù vì tội lấy và chuyển tài liệu mật của Toà Thánh cho hai nhà báo Ý. Bà Francesca Immacolata Chaouqui, người Ý, đồng loã trong vụ này, bị kết án 10 tháng tù.  

Hai nhà báo đã dùng các tài liệu để phát hành sách hồi mùa thu năm ngoái là Emiliano Fittipaldi và Gianluigi Nuzzi, được tha bổng, vì Toà án quốc gia thành Vatican không trực tiếp có thẩm quyền pháp lý trên hai người.

Trong thông cáo phổ biến sau đó cha Federico Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí  Toà Thánh, cho biết Hệ thống tư pháp Toà Thánh đã phải xử vụ này, vì trong các năm qua nó đã đưọc phát triển để đối phó với các đòi hỏi chống lại tình trạng bất hợp pháp trong nhiều lãnh vực. Ngoài ra cũng là để chứng minh cho thấy ý chí cương quyết chống lại các hậu quả không đúng đắn do các căng thẳng và tranh cãi nội bộ gây ra, và từ ít lâu nay bị phản ánh  trên các phương tiện truyền thông bên ngoài có đuợc tin tức vì do sự không kín đáo hay các rò rỉ. Điều này tạo ra vòng tròn và bối cảnh mập mờ tiêu cực giữa các thảo luận nội bộ và các phóng lại bên ngoài qua các phương tiện truyền thông, với các hâu quả tiêu cực trên dư luận công cộng có quyền được thông tin một cách khách quan và thanh thản.

Để hiểu biết và lượng định các khiá cạnh khác nhau của tình trạng này thật là điều đúng đắn can đảm đương đầu với chiều kích vai trò và trách nhiệm của các nhà báo trong lãnh vực này, mặc dù có các tranh luận liên quan tới quyền tự do báo chí, là quyền cần bảo vệ, nhưng nó cũng  có các giới hạn cần tôn trọng, nếu có các thiện ích quan trọng khác cần bênh vực; và thật là đúng đắn kiểm thực xem điểu này có xảy ra hay không. Như đã lập lại nhiều lần, đây không phải là một vụ xử án chống lại quyền tự do báo chí.

Cả Đức Nguyên Giáo Hoàng Biển Đức XVI, tuy chưa có luật hiện hành, nhưng cũng đã cho rằng công lý loài người phải được thi hành đối với ông quản gia của ngài cho tới khi có phán quyết. Cũng thế, giờ đây, cả khi việc phát tán tài liệu liên quan tới một giáo sĩ quan trọng, sẽ là điều không đúng đắn, nếu đối xử một cách khác.

Vụ xử án đã đưọc thực thi với ý chí hoàn toàn tôn trọng các luật lệ, các thủ tục, các đòi buộc quyền lợi và biện hộ của các bị can. Với các thẩm phán và trạng sư chuyên nghiệp và với các cuộc thảo luận công khai trong sáng. Đã có các chứng tá uy tín được lắng nghe bên trong và bên ngoài, và thời gian vụ xử cũng ngắn gọn.

Phán quyết đã được Thẩm phán đoàn đưa ra trong sự độc lập hoàn toàn, với thái độ công bằng  và độ lượng, theo tinh thần của việc canh tân luật hình sự do ĐGH Phaolo VI đề ra năm 1969. Như tất cả những người đã theo dõi vụ xử có thể hiểu một cách dễ dàng, cuộc tranh luận đã có một vai trò nền tảng trong việc đưa ra phán quyết của Thẩm phán đoàn, không dựa trên các lập trường có sẵn, và đạt được các phán xử đáng vui mừng. Các lý do của phán quyết sẽ được đệ trình và cho biết trong các tuần tới. Giờ đây có ba ngày để các bị can có thể kháng cáo.

Tuy có nỗi buồn mà mọi vi phạm và hậu quả của vụ xử án gây ra, nhưng cầu mong rằng người ta có thể rút tiả ra các kết luận và các suy tư hữu ích để phòng ngừa việc lập lại các tình trạng tương tự trong tương lai (SD 7-7-2016)

Linh Tiến Khải

Họp báo của ĐHY Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục

Họp báo của ĐHY Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục

Họp báo của ĐHY tổng thư ký thượng hội đồng giám mục

VATICAN. Trong Thượng HĐGM thế giới bắt đầu từ ngày 4-10-2015, mỗi nghị phụ được chỉ phát biểu tối đa 3 phút trong phiên khoáng đại, nhưng có quyền nói nhiều hơn trong các cuộc hội thảo nhóm và trao đổi tự do.

Trên đây là một trong những điểm mới mẻ trong phương pháp tiến hành Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 14 về gia đình, sẽ khai diễn chúa nhật ngày 4-10-2015, với thánh lễ trọng thể do ĐTC chủ sự lúc 10 giờ sáng tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Thành phần tham dự

Trong cuộc họp báo sáng ngày 2-10-2015 tại Vatican, ĐHY Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng HĐGM, cho biết có 270 người tham dự Công nghị GM thế giới lần này, chia làm 3 thành phần gồm 42 nghị phụ tham dự do chức vụ, 183 vị được bầu lên (trong đó có Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch HĐGM Việt Nam và Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, GM Phó Xuân Lộc. Hai vị được các GM VN bầu lên), 45 vị do ĐTC bổ nhiệm. Các nghị phụ do chức vụ gồm 15 vị thủ lãnh các công nghị của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, 25 vị đứng đầu các cơ quan trung ương Tòa Thánh, tiếp đến là vị Tổng thư ký và Phó Tổng thư ký của Thượng HĐGM. Ngoài ra có 14 đại biểu của các Giáo hội Kitô Anh em, như Chính Thống, Tin Lành, Anh giáo.

Xét về chức vụ của các nghị phụ có 74 Hồng Y, 6 Thượng Phụ, 1 TGM trưởng, 72 TGM, 102 GM, 2 cha sở và 13 cha dòng.

Thêm vào đó có 24 chuyên gia và 51 dự thính viên. Có 18 đôi vợ chồng tham dự công nghị này.

Tổng số những người có quyền lên tiếng trong Thượng HĐGM lần này là 318 người gồm các nghị phụ, các Đại biểu các Giáo Hội Kitô anh em và các dự thính viên.

Phương pháp tiến hành

ĐHY Baldisseri cho biết Thượng HĐGM tiến hành theo 3 giai đoạn dựa theo 3 phần của tài liệu làm việc. Việc phát biểu của các nghị phụ cũng diễn ra theo sự phân chia như thế và tổng cộng có 18 phiên họp khoáng đại, 13 phiên họp nhóm được phân chia theo các ngôn ngữ, Ngoài ra, mỗi ngày từ 6 đến 7 giờ chiều có phần phát biểu tự do.

Sở dĩ có thay đổi trên đây vì các nghị phụ đã yêu cầu đề cao giá trị của các cuộc thảo luận nhóm, trong có có sự tham dự tích cực hơn vào cuộc trao đổi, sự đối chiếu trực tiếp và tức thời giữa các nghị phụ cùng một ngôn ngữ, và trong các phiên họp nhóm, các dự thính viên và đại biểu các Giáo Hội Kitô Anh em có thể lên tiếng.

 3 đề tài cho 3 giai đoạn thảo luận trong Thượng HĐGM lần này là:

 1. Lắng nghe những thách đố về gia đình (Tài liệu làm việc, nn.6-36)

 2. Phân định ơn gọi gia đình (Tài liệu làm việc, nn.37-38)

 3. Sứ mạng của gia đình ngày nay (Tài liệu làm việc, nn.69-147).

 Ủy ban soạn bản tường trình chung kết

 ĐTC đã bổ nhiệm một Ủy ban soạn Bản tường trình chung kết của Thượng HĐGM, đứng đầu là ĐHY Peter Erdoe, TGM Esztergom-Budapest bên Hungari, Tổng tường trình viên của Công nghị GM này và có 9 thành viên, đứng đầu là Đức Cha Bruno Forte, TGM Chieti-Vasto (Italia), Tổng thư ký đặc biệt của Thượng HĐGM thứ 14.

Ủy ban theo dõi và đúc kết mỗi phần của khóa họp. Bản tường trình chung kết sẽ được bỏ phiếu vào sáng thứ bẩy 24-10 rồi đệ lên ĐTC để tùy ngài quyết định.

Bản tường trình các cuộc hội thảo nhóm về 3 phần của công nghị sẽ được công bố và trong 3 tuần lễ nhóm họp, sẽ có những cuộc họp báo ngắn để tường trình cho giới báo chí về Thượng HĐGM. Có một số nghị phụ sẽ tham dự các cuộc họp báo này. Các nghị phụ được tự do thông tin cho giới báo chí theo sự suy xét và trách nhiệm của mình.

ĐHY Baldisseri nhắc lại điều ĐTC nhiều lần nhấn mạnh, theo đó Thượng HĐGM phải là một ”không gian được bảo vệ để Chúa Thánh Linh có thể hoạt động trong đó, và để các nghị phụ được tự do bày tỏ ý kiến một cách thẳng thắn và tự do”.

Sau cùng, chiều tối thứ bẩy 3-10 này, ĐTC sẽ chủ sự buổi canh thức tại Quảng trường Thánh Phêrô để cầu nguyện cho Thượng HĐGM về gia đình. Hiện diện tại buổi cầu nguyện có các nghị phụ, các tham dự viên khác của công nghị GM thế giới nà, và các tín hữu, theo sáng kiến của HĐGM Italia là cơ quan mời các gia đình, các phong vào và hội đoàn của Giáo Hội đến dự. (SD 2-10-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

“Anh em hãy nhận Thánh Thần”

“Anh em hãy nhận Thánh Thần”

Một cha sở già miền núi phía nam nước Ý thường dùng các ví dụ cụ thể để diễn tả mầu nhiệm trong đạo. Vào lễ Thánh Linh hàng năm, Ngài ra lệnh thả một chim câu trong nhà thờ. Và khi chim đậu xuống ai, người đó phải cố thực hiện một công tác cụ thể phục vụ cộng đoàn. Có lần chim đậu xuống một thầy hiệu trưởng, ông này đã cam kết và thực hiện một cuốn sách giá trị. Lần khác chim đậu xuống một vị công tước và công tước đã bỏ tiền xây hệ thống dẫn nước. Một Linh mục trẻ được sai tới thay thế cha sở già. Cha sở mới không thích kiểu cách cha sở cũ nhưng chưa tiện hủy bỏ. Vào ngày Lễ Thánh Linh ngài bảo cứ thả chim câu, và cho mở rộng hết các cửa, nghĩ rằng chim sẽ bay ra ngoài. Nhưng con chim bay lượn một vòng quanh nhà thờ và đậu ngay xuống vai cha sở mới, cả nhà thờ vỗ tay mừng rỡ. Cha sở mới phải lên tiếng hứa sẽ đem hết sức lực và thì giờ phục vụ giáo xứ, và ngài đã giữ lời.

Câu chuyện vui nầy diễn tả phần nào những hoạt động của Chúa Thánh Thần, Người thúc giục, soi sáng và hướng dẫn ta trong mọi ý hướng, mọi sáng kiến phục vụ anh em. Chúa Giêsu nói về hoạt động của Thánh Linh: Người như gió, muốn thổi đâu thì thổi (Ga 38). Và Chúa cũng nhắc nhở ta trong vai trò quan trọng của Thánh Linh trong việc giúp hiểu Tin Mừng, trong việc truyền bá giáo lý của Chúa: “Thầy sẽ xin Cha ban cho các con một Đấng phù trợ, Người là Thần Chân lý” (Ga 14,16): “Khi Thần Chân lý tới, Người sẽ dạy cho các con biết tất cả sự thật” (Ga 16,13).

Khung cảnh Tin Mừng chúng ta mới nghe chứng tỏ điều Chúa nói. Chúa đã phục sinh, chuyện nầy các tông đồ đều đã biết, nhưng các ông vẫn lo âu, tụ họp nhau trong phòng đóng kín cửa vì sợ. Chúa Giêsu định phó thác cho các ông nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo trên khắp hoàn vũ. Nhưng bây giờ các ông còn đang run sợ, lẩn trốn, như vậy làm sao các ông thực hiện nổi nhiệm vụ Chúa trao phó?

Trong tình trạng lo âu trốn tránh đó, Chúa Giêsu đã tới giữa công đoàn, thở hơi và các ông và nói: “Anh em hãy lãnh nhận Thánh Thần”. Hành động của Chúa Giêsu làm ta nhớ tới việc Chúa sáng tạo sự sống (Kn 2,7; Ed 37,9). Theo thánh Gioan thì biến cố nầy xảy ra ngay vào ngày Chúa sống lại. Tác động đầu tiên của Thánh Linh là mang tới sự sống, và Chúa Giêsu là người trước hết lãnh nhận tác động đó. Chúa Thánh Thần đã làm nên sự Phục Sinh của Chúa Giêsu trong quyền lực Chúa Cha. Danh hiệu đầu tiên của Thánh Linh là “Thiên Chúa ban sự sống”.

Chúa Thánh Thần còn đem lại cho ta ơn tha tội: “Các con tha thứ cho ai, người ấy được tha”. Thực sự ơn tha tội đã được Thiên Chúa trao ban đầy tràn kể từ cái chết cứu độ của Chúa Giêsu. Vấn đề còn lại ở phía con người, chúng ta có ý thức và sẵn sàng đón nhận ơn tha thứ của Chúa hay không.

Sau khi các tín hữu nhận lãnh sự sống và ơn cứu độ. Thánh Linh sẽ trao ban sứ mệnh, chuyển thông ơn cứu độ, sự tha thứ, sự Thánh thiện cho mọi người. Đó là nhiệm vụ của Giáo Hội và của mỗi Kitô hữu. “Giáo Hội là cơ quan mở mang cho nhân loại cộng đồng tình yêu”. Từ khi Thánh Linh hiện xuống, tình trạng đã đổi khác. Các Tông đồ không còn run sợ trốn tránh trong phòng kín, nhưng bắt đầu ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người, mọi nơi. Các ông làm chứng lời giảng bằng chính cuộc sống và cả tính mạng của mình.

Lạy Chúa, xin ban Chúa Thánh Thần cho chúng con, nhờ Người, chúng con có đủ khôn ngoan, can đảm phục vụ và làm chứng cho Chúa trước mặt thiên hạ.

Noel Quesson

Có hàng triệu trẻ em vô tội tử đạo ngày nay

Có hàng triệu trẻ em vô tội tử đạo ngày nay

Phỏng vấn Linh Mục Fortunato Di Noto, người thành lập Hiệp hội Meter, chống nạn lạm dụng tính dục trẻ em và phim ảnh trẻ em mại dâm trên mạng

** Chúa Nhật 28 tháng 12 vừa qua là lễ Các Thánh Anh Hài, tưởng niệm biến cố các trẻ em Bếtlêhem đã bị vua Hêrốt tàn sát xưa kia, vì nhà vua tin rằng trong số các trẻ em từ hai tuổi trở xuống cũng có Hài Nhi Giêsu, Vua Cứu Thế, là Đấng khiến cho nhà vua lo sợ cho địa vị của mình. Tuy nhiên trong ngày này Giáo Hội cũng tưởng niệm tất cả các trẻ em tử đạo vô tội thuộc mọi thời đại. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Cả ngày nay nữa sự thinh lặng bất lực của các em kêu khóc dưới lưỡi gươm của biết bao nhiêu Hêrốt”. Đức Thánh Cha đã nhắc tới biết bao nhiêu trẻ em bị giết trước khi chào đời, bị tàn sát dưới các trận mưa bom, phải di tản, bị lạm dụng, khai thác bóc lột, bị đối xử tàn tệ, và không có cha mẹ trong sự ích kỷ của một nền văn hóa không yêu thương sự sống.

Qủa thật, đã không có thời đại nào trong lịch sử nhân loại trong đó trẻ em lại bị đối xử tàn nhẫn như trong thời đại tân tiến của ngàn năm thứ ba. Theo tổ chức UNICEF nạn bạo hành trẻ em xảy ra tại khắp nơi, trong mọi quốc gia và xã hội trên thế giới này. Chính các trẻ em cho biết cả các hành động bạo lực nhỏ và lạm dụng lập đi lập lại trong cuộc sống thường ngày cũng khiến cho các em đau khổ, gây chấn thương cho sự tự trọng, sự an bình thanh thản và lòng tin tưởng của các em nơi người khác. Đa số các bạo hành chống lại trẻ em là do chính cha mẹ, các hôn phu và hôn thê, các người chồng vợ hay người chung sống, các bạn học cùng lớp cùng trường, các thầy giáo cô giáo và các người cho việc.

Đa số các vụ bạo hành trẻ em bị dấu nhẹm: các trẻ em nạn nhân cũng như những người chứng kiến cảnh bạo lực thinh lặng vì sợ hãi bị trừng phạt hay vì sợ dư luận xã hội lên án. Rất nhiều người, trong đó có các trẻ em, chấp nhận bạo lực như một khía cạnh không thể tránh dược của cuộc sống. Thường khi các trẻ em bị bạo hành im lặng, vì các em không có phương cách chắc chắn hay đáng tin cậy để tố cáo hay kêu cứu.

** Trên bình diện quốc tế không có các dữ kiện thường xuyên được thống kê, do đó các con số chỉ có tính cách phỏng đoán. Dựa trên các nghiên cứu và các dữ kiện dân số năm 2000 tổ chức Sức Khỏe Thế Giới ước tính có khoảng 73 triệu trẻ nam và 150 triệu trẻ nữ là nạn nhân của các giao hợp tính dục cưỡng bách, và các hình thức bạo lực khác bao gồm các đụng chạm tới thân xác.

Tại 16 nước phát triển trên thế giới được phân tích do một nghiên cứu toàn cầu về sức khỏe, do tổ chức Sức Khỏe Thế Giới và Trung tâm Hoa kỳ kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật đảm trách, có từ 20 tới 65% trẻ em là nạn nhân của các hành động hay lời nói ức hiếp xúc phạm của người khác.

Hằng năm có khoảng 275 triệu trẻ em chứng kiến các cảnh bạo lực trong gia đình. Các cảnh bạo lực này ảnh hưởng tiêu cực trên sự phát triển của các em trong thời gian gần và trong thời gian xa.

Trong số 218 triệu trẻ em lao động trong năm 2004 có 126 triệu em phải làm các việc nguy hiểm tới tính mạng. Các thống kê mới của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế cho biết trong năm 2000 có 5,7 triệu trẻ em bị cưỡng bách lao động để trừ nợ nần cho gia đình, 1,8 triệu trẻ em là nạn nhân của kỹ nghệ tình dục mại dâm hay phim ảnh dâm ô, khoảng 1,2 triệu trẻ em nạn nhân của dịch vụ buôn bán trẻ em; và có hàng triệu trẻ em lao công khác hàng ngày bị bạo hành tại nơi làm việc bởi các chủ nhân hay bạn bè.

Ngoài ra tổ chức Sức Khỏe Thế Giới cũng cho biết hàng năm có từ 100 tới 140 triệu bé gái và phụ nữ bị chặt cắt bộ phận sinh dục. Và chỉ nội trong năm 2002 đã có 53.000 trẻ em từ 0 tới 17 tuổi bị sát hại.

Các bé trai thường bị bạo hành trên thân xác, trong khi các bé gái thường bị bạo hành tính dục, bị bỏ rơi và sa vào vòng mại dâm. Theo một nghiên cứu tại một vài quốc gia có tới 21% nữ giới bị lạm dụng tình dục trước khi lên 15 tuổi. Trẻ em các nước có lợi tức thấp và trung bình có nguy cơ bị giết cao gấp đôi trẻ em các nước có lợi tức cao. Các thanh thiếu niên lứa tuổi 15-17 và trẻ em 0-4 tuổi thường gặp nguy hiểm hơn cả. Sau cùng có một vài nhóm trẻ em đặc biệt dễ bị thương tích hơn cả, trong đó có các trẻ em tàn tật, các trẻ em thuộc các nhóm thiểu số, các trẻ em bụi đời, các trẻ em có vấn đề pháp lý và các trẻ em di cư tỵ nạn.

Hiện nay có ít nhất 106 quốc gia không cấm các hình phạt thể lý trong các trường học. Có 145 nước không cấm các hình phạt thân xác trong các trung tâm trợ giúp; tại 78 nước các hình phạt thể lý được chấp nhận như biện pháp kỷ luật; và tại 31 nước chúng được chấp nhận như phần của các án hình sự.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị một số nhận định của linh mục Fortunato Di Noto, người thành lập Hiệp hội Meter, chống nạn lạm dụng tính dục trẻ em và phim ảnh trẻ em mại dâm trên mạng.

Hỏi: Thưa cha, ngày nay có biết bao nhiêu trẻ em vô tội tử đạo, có đúng thế không?

Đáp: Chắc chắn rồi, các trẻ em vô tội tử đạo ngày nay là các trẻ em bị chết dưới các vụ bỏ bom, khi các em ở trong nhà mình, khi các em đang học hành, khi các em đang ngủ trong giường. Các trẻ em tử đạo vô tội cũng là các trẻ em bị xung vào quân ngũ để chiến đấu, bị tra tấn, bị hãm hiếp bạo hành, bị bán đi như nô lệ, hay trở thành nạn nhân của các hình thức nô lệ mới là nạn lạm dụng tính dục trẻ em và phim ảnh dâm ô trẻ em trên mạng. Các thánh anh hài tử đạo ngày nay cũng là các trẻ
em bị giết vì niềm tin kitô của mình.

Hỏi: Các trẻ em tử đạo cũng là các trẻ em bị giết vì nạn phá thai và không bao giờ được chào đời, có phải vậy không thưa cha?

Đáp: Vâng đúng thế. Có biết bao nhiêu trẻ em không được sinh ra, hàng triệu và hàng triệu nạn nhân trên thế giới này. Và phá thai không phải là một lựa chọn văn hóa, lại càng không phải là kế hoạch hóa gia đình. Người ta biện minh cho phá thai bằng cách nói rằng có lẽ các trẻ em sinh ra sẽ không có gì ăn, sẽ thiếu dinh dưỡng, nhưng đó là một biện minh vô lý mà chúng ta không thể im lặng chấp nhận được, chúng ta phải lên tiếng, chúng ta phải nói to lên.

Hỏi: Sự thinh lặng của biết bao nhiêu trẻ em – Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói – kêu khóc dưới lưỡi gươm của biết bao nhiêu vua Hêrốt ngày nay nữa, cha nghĩ sao?

Đáp: Quý vị hãy nghĩ tới tệ nạn buôn cơ phận trẻ em, nạn khai thác tình dục trẻ em, hay khi các vua Hêrốt đi cả tới chỗ kế hoạch hóa giết trẻ em một cách êm dịu. Đó, biết bao nhiêu vua Hêrốt của thế giới ngày nay. Họ không chỉ không cúi đầu trên nhân loại như Đức Thánh Cha nói, mà họ chỉ cúi đầu trước các lợi nhuận là tiền bạc. Và tiền bạc chúng ta biết – như thánh Phaolô nói – là rác ruởi, là rác rến của ma qủy.

Hỏi: Nhưng mà sự vô tội còn có thể bị hãm hiếp, bị giết chết cả trên bình diện tâm lý nữa thưa cha…

Đáp: Chắc chắn rồi. Chỉ cần nghĩ tới sự kiện truyền hình lèo lái con người làm sao, khi chuyển tải các sứ điệp bạo lực. Thế rồi còn có các khu xóm ổ chuột mới hiện hữu trên mạng vi tính nữa. Nghĩa là các trẻ em là đối tượng của một cuộc sống bị xâm lăng bởi kỹ thuật không biết quản lý, và thế là các em bị đắm tầu trong các vùng ngoại biên vi tính. Các người thiện chí phải ở trong các vùng ngoại biên đó, không phải chỉ để truyền thông, mà cũng để đồng hành với nỗi khổ đau của các trẻ em vị thành niên bị đắm chìm trong thế giới vi tính ấy.

Hỏi: Thưa cha Di Noto, khi năm 2014 kết thúc và nó đã là một năm khủng khiếp, cha tố cáo biết bao nhiêu nạn nhân vô tội…

Đáp: Chúng ta có thể liệt kê chúng ra như một loại chuỗi hạt của khổ đau… Tôi tin rằng chính vì lễ các Thánh Anh Hài mà chúng ta phải nâng lời cầu nguyện và khẩn nài lên Chúa và lãnh nhận một dấn thân cụ thể. Thật thế, không bao giờ được thiếu hy vọng đứng trước các vấn đề kinh khủng này, trong đó các trẻ em không được sống cả ngày trong đó các em sinh ra. Cần hy vọng rằng có biết bao nhiêu người thiện tâm… Tôi xin chấm dứt bằng cách kể cho qúy vị nghe một điều. Tôi đã trồng các cây trước giáo xứ của tôi, và người ta thường nhổ mất chúng. Vậy tôi làm gì? Tôi trồng chúng trở lại. Và người ta lại nhổ chúng đi. Và tôi đã làm gì? Tôi lại trồng chúng trở lại nữa. Thật thế, trong cuộc sống người ta nhổ các trẻ em đi. Nhưng chúng ta không bao giờ có thể quên tiếp tục hy vọng và tiếp tục làm sao để các trẻ em ở chỗ nhất, vì các em được Chúa Giêsu đặc biệt yêu thương, các em là các người có đặc ân trong một xã hội không được trở thành vô nhân, nhưng phải luôn luôn hy vọng nơi con người.

Hỏi: Thưa cha, Giáo Hội mời gọi chúng ta tưởng niệm các Thánh tử đạo vô tội. Các vị có giá trị nào đối với chúng ta?

Đáp: Giáo Hội đã luôn luôn có một tình yêu lớn đối với trẻ em. Chính Đức Chân phước Giáo Hoàng Phaolô VI trưóc khi chết có nói rằng dấn thân của Giáo Hội cho nhi đồng không phải là một mốt mau qua, nhưng là một dấn thân thường xuyên, chính vì một trẻ thơ đã được sinh ra cho chúng ta. Quý vị hãy tưởng tượng rằng trong Giáo Hội ngoài các Thánh Anh Hài, đã có biết bao nhiêu trẻ em tử đạo. biết bao nhiều trẻ em chứng nhân của đức tin, biết bao nhiêu trẻ em được nâng lên danh dự bàn thờ như là các vị tử đạo, như là các Thánh, các Chân phước, các Tôi tớ Chúa. Điều này chứng minh cho thấy một cuộc cách mạng có thể xảy ra cả qua các trẻ em nữa. Thật đúng thế, người ta có thể xúc phạm đến các trẻ em, nhưng cũng đúng thật là chúng ta có thể tưởng niệm các em vì các em là thí dụ sống cho tất cả mọi người.

(RG 28-12-1014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio