Giáo Hội là công giáo và tông truyền

Giáo Hội là công giáo và tông truyền

Khi tuyên xưng đức tin chúng ta khẳng định rằng Giáo Hội công giáo và tông truyền, nghĩa là Giáo Hội đại đồng vì được phổ biến khắp nơi và được sai đi loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người, không phân biệt ai.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 50 ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 17-9-2014 tại quảng trường Thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giải thích hai từ ”công giáo” và ”tông truyền” rồi áp dụng vào cuộc sống cụ thể của tín hữu. Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa từ ”công giáo” bằng cách trích lại định nghĩa của thánh Cirillo thành Giêrusalem như sau:

”Giáo Hội chắc chắn được gọi là công giáo nghĩa là đạị đồng, vì sự kiện Giáo Hội được phổ biến khắp nơi từ biên giới này tới biên giới kia của trái đất; và bởi vì Giáo Hội dậy tất cả các sự thật phải đến với sự hiểu biết của con người liên quan tới các sự trên trời cũng như các sự dưới dất một cách phổ quát và không khiếm khuyết” (Giáo lý XVIII, 33),

Dấu hiệu hiển nhiên của tính cách công giáo đó là Giáo Hội nói tất cả mọi thứ tiếng. Và điều này không gì khác hơn là kết qủa của lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống (x. Cv 2,1-13): thật thế, chính Chúa Thánh Thần đã cho các Tông Đồ và toàn Giáo Hội làm vang lên Tin Mừng của ơn cứu độ và tình yêu của Thiên Chúa cho tất cả mọi người, cho tới tận cùng bờ cõi trái đất. Giáo Hội sinh ra đã là công giáo, ngay từ đầu đã là ”hòa tấu” và chỉ có thể là công giáo, được dự phóng cho việc rao truyền Tin Mừng và gặp gỡ tất cả mọi người. Ngày nay Lời Chúa được đọc trong mọi thứ tiếng, mọi người đều có sách Tin Mừng trong tiếng của mình để đọc. Và tôi xin trở lại cùng ý niệm này: đó là chúng ta hãy đem theo một sách cuốn Tin Mừng nhỏ trong túi, trong xách tay, và trong ngày đọc một đoạn. Điều này sinh ích lợi cho chúng ta. Tin Mừng được phổ biến trong mọi thứ ngôn ngữ, bởi vì Giáo Hội, lời loan báo Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế, ở khắp nơi trên thế giới.

Nếu Giáo Hội sinh ra đã là công giáo, thì có nghĩa là Giáo Hội đã sinh trong tư thế ”đi ra ngoài”, là thừa sai. Nếu các Tông Đồ đã ở lại đó trong Nhà Tiệc Ly, mà không đi ra và đem Tin Mừng, thì Giáo Hội sẽ chỉ là Giáo Hội của dân tộc ấy thôi, của thành phố ấy, của Nhà Tiệc Ly ấy. Nhưng tất cả đã ra đi khắp nơi trên thế giới, từ lúc Giáo Hội khai sinh, từ lúc Chúa Thánh Thần xuống trên các vị. Vì thế Giáo Hội sinh ra đã đi ra, nghĩa là truyền giáo.

Và đó là điều mà chúng ta diễn tả bằng tính từ ”tông truyền”, bởi vì apostolos là người được sai đi loan báo tin vui sự phục sinh của Chúa Giêsu. Từ này nhắc nhớ chúng ta rằng Giáo Hội, được xây dựng trên nền tảng các Tông Đồ và trong sự tiếp nối với các vị, các Tông Đồ đã ra đi thành lập các các Giáo Hội mới, đã cắt cử các giám mục mới, và như thế trên toàn thế giới, liên tục. Ngày nay chúng ta tất cả tiếp nối nhóm các Tông Đồ đã nhận được Chúa Thánh Thần rồi ra đi rao giảng, được sai đi đem lời loan báo Tin Mừng tới cho tất cả mọi người, đi kèm với các dấu chỉ sự hiền dịu và quyền năng của Thiên Chúa. Cả điều này nữa cũng phát xuất từ biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống: thật thế, chính Chúa Thánh Thần thắng vượt mọi kháng cự, chiến thắng cám dỗ tự khép kín trong chính mình, giữa ít người được tuyển chọn, và coi mình là những người duy nhất nhận được phước lành của Thiện Chúa.

Chẳng hạn nếu vài kitô hữu làm điều này và nói: ”Chỉ có chúng tôi mới là những người được tuyển chọn thôi”, sau cùng họ chết. Họ chết trong linh hồn trước, rồi chết trong thân xác, bởi vì họ không có sự sống, không có khả năng sinh ra sự sống, sinh ra người khác, sinh ra các dân tộc khác: họ không phải là các tông đồ.

Và chính Chúa Thánh Thần dẫn đưa chúng ta tởi chỗ gặp gỡ các anh em khác, kể cả những người xa xôi nhất trong mọi nghĩa, để họ có thể chia sẻ với chúng ta tình yêu thương, hòa bình, niềm vui mà Chúa phục sinh đã để lại cho chúng ta.

Vậy sự kiện là thành phần của Giáo Hội công giáo và tông truyền bao gồm điều gì đối với các cộng đoàn và từng người trong chúng ta? Đức Thánh Cha trả lời câu hỏi này như sau:

Trước hết nó có nghĩa là lưu tâm tới ơn cứu rỗi của toàn nhân loại, không thờ ơ hay lạ lùng trước số phận của biết bao nhiêu các anh chị em của chúng ta, nhưng cởi mở và liên đới với ho. Ngoài ra nó còn có nghĩa của sự trọn vẹn, của sự bổ túc, của sự hòa hợp của cuộc sống kitô, luôn luôn khước từ các lập trường thiên vị, một chiều tự khép kín trong chính mình.

Là thành phần của Giáo Hội tông truyền có nghĩa là ý thức được rằng đức tin của chúng ta được bỏ neo nơi lời loan báo và chứng tá của chính các Tông Đồ của Chúa Giêsu; và vì thế cảm thấy mình luôn luôn được gửi đi, được sai đi, trong niềm hiệp thông với những người kế vị các Tông Đồ,

loan báo Chúa Kitô và tình yêu của Người cho toàn nhân loại với con tim tràn đầy niềm vui.

Ở đây tôi muốn nhớ tới cuộc sống anh hùng của biết bao nhiêu thừa sai nam nữ đã bỏ quê hương của mình để ra đi loan báo Tin Mừng cho các quốc gia khác, trên các đại lục khác. Có một Hồng Y người Brail nói với tôi rằng ngài làm việc khá nhiều tại vùng Amazzonia. Mỗi khi đến một vùng hay một thành phố, ngài luôn luôn đến nghĩa trang để thăm mộ của các thừa sai, các linh mục, tu huynh và nữ tu đã ra đi rao giảng Tin Mừng. Các vị là các tông đồ. Và ngài nghĩ rằng tất cả các thừa sai này đều có thể được phong thánh ngay bây giờ, các vị đã bỏ tất cả để ra đi loan báo Chúa Giêsu Kitô.

Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì Giáo Hội đã có biết bao nhiêu thừa sai và còn cần có nhiều thừa sai hơn nữa! Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì điều đó. Có lẽ trong số các bạn trẻ nam nữ hiện diện tại đây có vài người muốn trở thành thừa sai. Hãy tiến lên! Thật là đẹp đem Tin Mừng của Chúa Giêsu tới với người khác. Hãy can đảm lên!

Vậy chúng ta hãy xin Chúa canh tân nơi chúng ta ơn của Chúa Thánh Thần, để mọi cộng đoàn kitô và từng tín hữu được rửa tội diễn tả mẹ Giáo Hội thánh thiện, công giáo và tông truyền.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu đến từ các nước Pháp, Canada, Anh quốc, Scotland, Nam Phi, Đan Mạch, Na Uy, Trung quốc, Nhật Bản, Sri Lanka, Australia và Hoa Kỳ. Ngài cũng chào tín hữu đến từ các nước nói tiếng Đức, Tây Ban Nha, Mêxico, Panama, Nicaragua, Argentina, Peru, Chile, Bồ Đào Nha và Brasil.

Chào các tín hữu nói tiếng A Rập đến từ Thánh Địa và vùng Trung Đông Đức Thánh Cha khích lệ họ như sau: ”Ôi, con cái của các vùng đất thánh thiện, từ đó ánh sáng lời loan báo đã đi ra cho tới các bờ cõi trái đất, hãy luôn là những người can đảm tươi vui đem sứ điệp cứu độ, sự thật và phước lành tới cho mọi người. Xin Chúa chúc lành và luôn che chở anh chị em”.

Chào các tín hữu Ba Lan ngài nhắc tới lễ nhớ thánh Stanislao Kostka dòng Tên, bổn mạng giới trẻ, thứ năm hôm nay; và cầu mong gương sống của thánh nhân, ước ao nên thánh ngay từ thời niên thiếu và trung thành với các lý tưởng kitô, nêu gương cho giới trẻ bảo vệ các giá trị cao qúy.

Đức Thánh Cha cũng xin tín hữu cầu nguyện cho chuyến viếng thăm của ngài tại Albania, là quốc gia đã đau khổ nhiều vì chế độ cộng sản vô thần, vào Chúa Nhật tới đây.

Trong các nhóm nói tiếng Ý Đức Thánh Cha đặc biệt chào các Nữ tu dòng bệnh viện Lòng Thương Xót, các nữ thừa sai Đức Bà An Ủi, và các Nữ Tu hiến sinh thánh Giuse đang họp Tổng Tu Nghị tại Roma. Ngài cũng chào các tham dự viên khóa hội học do Caritas quốc tế và Hội quan sát quốc tế về Giáo huấn xã hội của Hội Thánh tổ chức.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha nhắc tới lễ nhớ thánh Roberto Bellarmino. Ngài cầu mong sự gắn bó với Chúa chỉ cho người trẻ thấy Chúa là đường, là sự thật và là sự sống. Ngài xin thánh nhân trao ban can đảm cho các anh chị em đau yếu trong những lúc tối tăm của thập giá bệnh tật; và khích lệ các cặp vợ chồng mới cưới xây dựng cuộc sống hôn nhân trên Chúa Kitô.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Khóa hội học về truyền thông cho các Giám Mục Bolivia, Ecuador và Peru

Khóa hội học về truyền thông cho các Giám Mục Bolivia, Ecuador và Peru

Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Claudio Maria Celli, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về truyền thông xã hội

Trong các ngày 1-4 tháng 9 một khóa hội học về truyền thông đã được tổ chức tại Cochabamba bên Bolivia. Tham dự khóa hội học, do Hội Đồng Tòa Thánh về Truyền Thông tổ chức, có các Giám Mục ba nước Bolivia, Ecuador và Peru Trong số các thuyết trình viên cũng có Đức Tổng Giám Mục Claudio Maria Celli, Chủ tịch Hội Đồng.

Bolivia rộng hơn 1 triệu 98 ngàn cây số vuông, có hơn 10 triệu dân, 30% là người Quechua, 25% là người Aymara, 30% là người lai giống, và 15% là người Âu châu. Tuy nhiên hơn phân nửa bao gồm 40 chủng tộc bản địa, trong đó có các nhóm chính sau đây: Tupi Guarani, Arawak, Tacaná, Moselén, Zamucco, và Chapacura. Ngoài ra còn có các nhóm khác không thuộc các gia đình ngôn ngữ chuyên biệt như: Chiquitos, Yuracané, Cayudaba, Movima vv…

Tại Bolivia, các người sinh trong các vùng đất phía đông bao gồm hai phần ba diện tích toàn nước, là những người gốc âu châu, lai giống hay người dân bản địa được gọi là Camba. Còn những người dân sinh sống trong các vùng núi Ande thì được gọi là người Colla.

Trên bình diện tôn giáo 75% tổng số dân theo Công Giáo, số còn lại bao gồm các tín hữu tin lành hay các phong trào và giáo phái kitô khác. Giáo Hội công giáo có 4 tổng giáo phận, 7 giáo phận, 2 giáo quận và 5 giám quản. Giáo Hội điều khiển nhiều trường học và đại học. Năm 1988 Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viếng thăm mục vụ Bolivia. Vị Hồng Y tiên khởi người Bolivia là Đức Hồng Y Julio Terrazas Sandoval, Tổng Giám Mục Santa Cruz de la Sierra.

Ecuador rộng hơn 283 ngàn cây số vuông, với hơn 15 triệu rưỡi dân, 71.9% là người lai giống, 7.4% là người Montubi, tức chủng tộc lẫn lộn da trắng, da đen và dân bản địa, sống trong vùng duyên hải, 7.2% là người gốc Phi châu, 7% là các chủng tộc bản địa sống tại Ecuador từ hơn ngàn năm nay, 6.1% gồm những người gốc Tây Ban Nha, Đức, Italia và Ba Lan, 0.4% gồm các chủng tộc nhỏ khác.

Trên bình diện tôn giáo 80.44% tổng số dân Ecuador theo Công Giáo, 11.3% theo Tin Lành. Các nhóm tôn giáo khác gồm giáo phái Mormon 0.37%, Phật giáo 0.29% và 0.12% theo thuyết duy linh. Cũng có vài trăm gia đình Do thái và 1,800 tín hữu Hồi.

Perù rộng hơn 1 triệu 285 ngàn cây số vuông, có hơn 29 triệu dân, gồm 46% là người Amerindi tinh tuyền, 31% lai giống, 12% da trắng, 2% da đen và 2% gốc Á châu. Tôn giáo chính là Công Giáo chiếm 81.3 %, Tin lành chiếm 12.5% các tôn giáo khác chiếm 3.3% và 2.9% không tôn giáo.

Khóa hội học về truyền thông nói trên đã được sự hưởng ứng của nhiều Giám Mục. Nó thực tiễn và cần thiết vì cho tới nay trong lãnh vực truyền thông Giáo Hội Công Giáo kể là chậm trễ so với các Giáo Hội Tin Lành. Thật ra phải nói rằng nhiều Giám Mục công giáo chưa ý thức đủ về tầm quan trọng và ích lợi của các phương tiện truyền thông trong việc rao giảng Tin Mừng và loan báo Chúa Kitô cho mọi người. Trong các Giáo Hội trên thế giới có lẽ chỉ có hàng Giám Mục Brasil là xác tín nhất đối với việc sử dụng các phương tiện truyền thông cho việc loan báo Tin Mừng. Giáo Hội Brasil có hơn 190 đài phát thanh công giáo. Giáo phận nào cũng có đài phát thanh riêng và do chính các tín hữu tài trợ. Ngoài các tiết mục riêng liên quan tới các sinh hoạt giáo phận, các đài phát thanh này được nối với đài Vaticăng và phát lại chương trình tiếng Bồ Đào Nha của đài Vaticăng, qua đó tín hữu có thể biết tin tức của Giáo Hội hoàn vũ và các sinh hoạt của Đức Giáo Hoàng và của Tòa Thánh.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Claudio Maria Celli dành cho phóng viên Sergio Centofanti của đài Vatican ngày 31-8-2014.

Hỏi: Thưa Đức Cha Chủ tịch, đâu là mục đích của khóa hội học này tại Cochabamba bên Bolivia?

Đáp: Khóa hội học có sự tham dự của các chuyên viên truyền thông nhắm mục đích giúp các Giám Mục hiểu điều gì đang xảy ra trên thế giới truyền thông ngày nay, đồng thời cũng giúp các vị tái khám phá ra sứ mệnh truyền thông của Giáo Hội. Nếu Giáo Hội mà không truyền thông, thì không phải là Giáo Hội, bởi vì sứ mệnh riêng đích thật của Giáo Hội là loan báo Tin Mừng, rao giảng Chúa Giêsu trong thế giới ngày nay. Và Giáo Hội phải làm điều đó bằng cách sử dụng tất cả mọi phương tiện mình có trong tay. Liên quan tới điểm này tôi luôn thích nhắc tới điều Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã đề cập đến trong Tông huấn ”Loan báo Tin Mừng” năm 1975: ”Giáo Hội sẽ cảm thấy mình có lỗi trước mặt Chúa, nếu không sử dụng tất cả các phương tiện, mà kỹ thuật đặt để trong tầm tay, để loan báo Tin Mừng”.

Hỏi: Đâu là con đường mà Hội Đồng Tòa Thánh về Truyền Thông đang làm với các Giám Mục châu Mỹ Latinh?

Đáp: Với các Giám Mục châu Mỹ Latinh chúng tôi đang làm một lộ trình loại này: đó là tái khám phá ra sự cần thiết này, sứ mệnh mạnh mẽ này mà Giáo Hội có đó là loan báo Tin Mừng. Qúy vị chắc chắn nhớ rằng các Giám Mục châu Mỹ Latinh đã nhóm hội nghi tại Aparecida, và các ngài đã viết trong tài liệu chung kết rằng mỗi một môn đệ của Chúa Giêsu đều phải là thừa sai trong môi trường sống của mình, và điều này lại càng phải đúng hơn cho các Giám Mục có sứ mệnh chủ chăn bên trong cộng đoàn các môn đệ của Chúa Giêsu.

Hỏi: Thưa Đức Cha Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Truyền Thông, đâu là thách đố lớn ngay nay đối với Giáo Hội?

Đáp: Theo tôi thì thách đố lớn ngày nay đó là cũng tái khám phá ra rằng chúng ta không chỉ có các phương tiện truyền thông trong tay – như ngày trước vào thời Công Đồng Chung Vatican II, các phương tiện truyền thông đã vô cùng đơn sơ, đã chỉ có báo chí, truyền thanh truyền hình và xinê – nhưng mà ngày nay các kỹ thuật số mới mẻ đã tạo ra một môi trường, đã làm nảy sinh ra một đại lục vi tính. Và thách đố lớn đối với Giáo Hội là xem mình có thể loan báo Tin Mừng như thế nào, loan báo Chúa Giêsu chính trong môi trường sống đó, mà ngày nay chúng ta gọi là ”đại lục số”. Qúy vị cứ nghĩ tới các mạng lưới xã hội, mà dân chúng sống ở trong đó hết giờ này sang giờ khác, họ ở trong mạng – đó, thách đố lớn đối với Giáo Hội là xem mình có thể loan báo Tin Mừng như thế nào trong bối cảnh này. Tại sao vậy? Bởi vì trong môi trường sống này, có nhiều người hiện diện và họ sẽ không có phương tiện khác để lắng nghe sứ điệp Tin Mừng, nếu không phải là qua một ai đó có cùng đại lục vi tính ấy. Và trong đại lục này, một lần nữa, cùng lời loan báo Tin Mừng ấy hướng tới họ.

Hỏi: Thưa Đức Cha, trong các quốc gia châu Mỹ Latinh có biết bao nhiêu cảnh nghèo túng. Làm thế nào để đến với những người nghèo khổ nhất với các phương tiện truyền thông?

Đáp: Trong bối cảnh sống này, trong môi trường này, chúng ta có phần lớn các vùng ngoại biên của cuộc sống, mà Đức Thánh Cha Phanxicô nói tới, và nó rất là thật. Và đối với chung ta đó là lý do của một suy tư sâu xa. Đó là lời mời gọi mà Đức Thánh Cha đã hướng tới chúng ta với sứ điệp cho Ngày quốc Tế Truyền Thông. Nghĩa là chúng ta phải tạo ra một nền văn hóa gặp gỡ. Điều Đức Thánh Cha Phanxicô nói thật là hay đẹp: đó là các cửa nhà thờ phải rộng mở, để người qua đường có thể vào, nhưng cũng để cho các môn đệ của Chúa nhận thức ra rằng sứ mệnh của họ là đi ra, đi ra để gặp gỡ con người nam nữ ngày nay. Đức Thánh Cha dùng kiểu nói ”các vùng ngoại biên cuộc sống”. Theo tôi, điều quan trọng đó là nhận thức rằng Giáo Hội phải ở bên cạnh con người, phải sống gần gũi với con người. Đó là lý do tại sao trong sứ điệp năm nay Đức Thánh Cha nói tới truyền thông như sự gần gũi. Đó, truyền thông đối với chúng ta có nghĩa đó: gần gũi con người nam nữ ngày nay, mà trong nỗi vất vả của cuộc sống họ đi trên các con đường của chúng ta; và chúng ta phải ở bên cạnh họ, không phải để phán xét, nhưng để chia sẻ, đồng hành trên cùng một con đường.

(RG 31-8-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

Thảm cảnh của các người tỵ nạn bên Libya

Thảm cảnh của các người tỵ nạn bên Libya

Phỏng vấn cha Mussie Zerai, Giám đốc hãng thông tấn Habeshia

Trong các tuần qua tình hình tại Libya lại căng thẳng vì các cuộc đụng độ giữa các lực lượng dân quân khác nhau tranh giành quyền lực và quyền kiểm soát các giếng và nhà máy lọc dầu. Các cuộc giao tranh đã xảy ra nhất là chung quanh thủ đô Tripoli. Tình hình chính trị bất ổn kéo dài từ mấy năm qua khiến cho số phận của người tỵ nạn ngày càng thê thảm hơn. Họ trở thành nạn nhân của các tổ chức buôn bán người, cũng như của các lạm dụng và bạo lực đủ loại. Trong những ngày vừa qua cha Mussie Zerai, Giám đốc hãng thông tấn Habeshia đã kêu gọi Âu châu và cộng đồng quốc tế can thiệp một cách cụ thể để trợ giúp các anh chị em xấu số này.

Ngày mùng 2-9-2014 các trận giao tranh đã tiếp diễn gần phi trường Benina ở Bengazi khiến cho ít nhất 25 binh sĩ thiệt mạng, 14 người thuộc lực lượng quân đội của tướng Khalipha Haftar, và 11 người là các dân quân của ông Ansar al Sharia. Cuộc chiến đã bắt đầu ngày 30-8-2014 lực lượng dân quân của ông Ansar al Sharia cố đánh chiếm phi trường là một trong các điểm chiến lược chính do các lực lượng đặc biệt trung thành với tướng Khalifa Haftar và Quốc hội kiểm soát. Quân đội chính phủ được các máy bay oanh kích yểm trợ bỏ bom các vị trí của các dân quân thánh chiến, trong khi các toán dân quân này đáp trả bằng trọng pháo và các hỏa tiễn Grad.

Từ ngày mùng 1-9-2014 thủ đô Tripoli hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng dân quân quy tụ thành nhóm ”Tác chiến Alba của Libya” sau hai tháng giao tranh chung quanh phi trường Tripoli với các lực lượng đối nghịch với các lực lượng thuộc nhóm ”Tác chiến Phẩm giá” do nguyên tướng Haftar chỉ huy.

Quốc Hội họp tại Tobruk mạn cực Đông Libya và tân chính phủ do thủ tướng tạm thời Abdullah al Thani có nhiệm vụ thành lập cũng công nhận rằng không kiểm soát được các bộ và các cơ quan chính quyền tại Tripoli nữa. Trong khi ”Hội đồng cách mạng Tripoli” quy tụ các nhóm dân quân khác kiểm soát thủ đô, tái hồi sinh Tổng quốc hội, bãi nhiệm sau cuộc bầu cử hồi tháng 6, và chỉ định ông Omar Hassi làm thủ tướng của mình, nhắm thành lập một quốc gia dân chủ. Nhưng các lực lượng dân quân của ông Ansar al Sharia ở Bengazi tuyên bố họ đã nổi loạn chống Gheddafi để giương cao lá cờ Sharia không phải để cho phép một bạo chúa mới lên cho phép tây phương trở lại nắm quyền bá chủ tại Libya.

Tuy quang cảnh chính trị Libya hỗn loạn như thế, nhưng Đức Cha Giovanni Innocenzo Martinelli Giám Quản quản tông tòa Tripoli cho biết tình hình tương dối yên tĩnh so với các ngày trước. Cho tới nay cộng đoàn kitô đã không gặp khó khăn nào.

Từ vài năm nay Libia là nơi hàng chục ngàn người di cư tới từ nhiều nước Trung Đông, Á châu và Phi châu tìm vượt biển sang Italia, rồi từ đây đi các nước khác. Trong hai tháng qua hải quân Italia đã cứu sống hơn 10,000 người, nhưng cũng đã có mấy trăm người thiệt mạmg vì bị đắm tầu ngoài khơi Tripoli.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn cha Mussie Zerai dành cho phóng viên Cecilia Seppia của đài Vatican.

Hỏi: Thưa cha, tình hình của người ty nan bên Libya hiện nay ra sao?

Đáp: Rất tiếc có hàng ngàn người tỵ nạn của vùng Phi châu dưới sa mạc Sahara bị kẹt trong chiến tranh: nam giới thì bị bắt buộc trở thành những người khuân vác súng đạn. Có rất nhiều người bị thương, nhiều người thiệt mạng, còn phụ nữ và trẻ em thì bị chết đói. Tại Tripoli có khoảng 350 người bị nhốt trong một sân đá bóng, ngoài trời, không có mái che chở và từ bốn ngày nay họ không nhận được gì để ăn…

Hỏi: Cha đã nói rằng mỗi ngày hãng thông tấn Habeshia của cha đều nhận được các cú điện thoại của những người tuyệt vọng, lo sợ… Họ kể cho cha nghe những gì vậy?

Đáp: Họ rất là hốt hoảng, nhất là bởi bom đạn rơi hay bắn trên các đường phố. Cũng có những người chết ở trong nhà, vì khi họ ở trong nhà thì bị bom rơi trúng, dân chúng kinh hoàng. Thế rồi còn có nhiều cuộc tấn công từng nhà một: họ bị cướp bóc, bạo hành, và chịu đủ mọi thứ lạm dụng… đó là những điều họ đã kể cho tôi nghe.

Hỏi: Khi gióng lên lời kêu gọi, cha đã dùng một kiểu nói rất mạnh và nói rằng các người tỵ nạn này không là ”con của ai hết”, bởi vì khác với những người tây phương đã được di tản khi chiến tranh tái diễn tại Libya, các anh chị em tỵ nan này không được ai bảo trợ và che chở. Như thế thì phải làm gì bây giờ?

Đáp: Vâng, đúng như thế, tất cả các người tây phương đã được di tản hết, trừ các người ty nạn ra, cộng đồng quốc tế phải có một chương trình di tản để che chở các anh chị em này trong các nước láng giềng. Chẳng hạn, những người ở Tripoli thường hướng về Tunisia, nhưng họ bị chặn lại ở biên giới, họ không thể đi xa hơn.

Hỏi: Liên hiệp Phi châu không có khả năng bảo vệ các anh chị em tỵ nạn này. Thế rồi cũng có một Âu châu kéo dài lê thê vấn đề này: nhiều lần chính quyền Italia đã yêu cầu Liên Hiệp Âu châu can thiệp, vì như chúng ta biết nhiều người tỵ nạn hướng về Italia. Cha nghĩ sao?

Đáp: Liên Hiệp Âu châu phải can thiệp để phòng ngừa tất cả các người bị chết này, trong sa mạc cũng như trên biển Địa Trung Hải. Tất cả mọi người tỵ nạn đều hướng về Âu châu, chứ không phải chỉ hướng về Italia mà thôi. Còn hơn thế nữa, nhiều người còn muốn đi tới các nước Bắc Âu. Điều này có nghĩa là Italia chỉ là cánh cửa của Âu châu thôi, và vì thế vấn đề không phải chỉ là của Italia, mà là của toàn Âu châu. Và lời yêu cầu của Bộ trưởng nội vụ Italia Alfano là điều đúng đắn, để “Biển của chúng ta” được nhẹ bớt và được thu nhận bởi tổ chức Frontex, tức ”Tổ chức điều hành cộng tác quốc tế ở biên giới nước ngoài của các nước thành viên Liên Hiệp Âu châu”. Có đúng thật là tổ chức Frontex đã không được thành lập để tiếp nhận người tỵ nạn, mà là để từ chối họ. Khi được thành lập, tổ chức có mục đích đẩy lui người tỵ nạn và che chở các biên giới của Âu châu. Và dĩ nhiên là ngày nay tổ chức khước từ thay thế chỗ của Italia. Tuy nhiên, chính vì thế mà phải coi lại các luật lệ và cả chương trình đã làm nảy sinh ra tổ chức Frontex, để nó trở thành tổ chức bảo vệ và tiếp nhận người tỵ nan. Nhưng phải có một thỏa hiệp giữa các quốc gia thành viên của toàn cộng đồng Âu châu, theo đó các người tỵ nạn này phải được phân phối trên toàn lãnh thổ Âu châu.

Hỏi: Thưa cha, các người tỵ nạn dồn đống tại Tripoli, Misurata, Sebha khiến cho các nhà thương bị suy sụp, trong nghĩa hệ thống y tế không thể lo lắng cho một số quá đông người như thế, ngoài ra cũng vì thiếu thuốc men nữa, có đúng thế không?

Đáp: Không có các dụng cụ để can thiệp: không có bác sĩ giải phẫu nào có thể can thiệp, và vì thế họ ở trong tình trạng hoàn toàn bị bỏ rơi. Và trong vài trường hợp, các vết thương rữa thối đến độ phải cưa như trường hợp một thanh niên bị cưa một chân, rồi một thiếu nữ phải năm liệt giường vì bị gẫy lưng: cần phải được giải phẫu gấp nhưng họ không thể làm được, vì không thể di chuyển cô ta tới Tripoli, vì dọc đừơng có các nguy hiểm khắp nơi do các xung đột liên tục xảy ra. Đó là tình trạng mà người tỵ nạn đang phải sống tại Libya.

Vài nhận xét của ông Gabriele Iacovino, đặc trách vùng Trung Đông và Bắc Phi của Trung tâm nghiên cứu tình hình chính trị quốc tế.

Hỏi: Thưa ông trong các ngày vừa qua có các cuộc giao tranh dữ dội tại Bengazi giữa các lực lượng đặc biệt do tướng Khalifa Haftar chỉ huy và dân quân hồi, trong đó có nhóm của ông Ansar al Sharia, đang tìm cách đánh chiếm phi trường. Các giao tranh đã khiến cho ít nhất 13 người chết và 45 người bị thương. Hồi tháng qua các dân quân hồi đã chiếm hầu hết các tiền đồn nằm trong tay tướng Haftar tại Bengazi. Tình hình Libya hiện ra sao thưa ông?

Đáp: Thực ra Libya là một quốc gia chia rẽ và có ba lực lượng lớn đang đánh nhau: thứ nhất là lực lượng dân quân đời hơn, thứ hai là các dân quân hồi và thứ ba là các dân quân có liên hệ với phong trào thánh chiến quốc tế dính líu tới tổ chức Al Qaeda, nhưng trong thực tế nó gần gũi với vài ý thức hệ đang hoạt động cả với Nhà nước hồi ISIL. Các sự kiện xảy ra tại Bengazi chứng minh cho sự chia rẽ này.

Hỏi: Chúng ta cũng hãy nhìn điều đang xảy ra bên Phi châu nói chung – Nigeria, Mali, Bắc Phi, Somalia – theo ông, lục địa Phi châu có phải là nét thứ hai của vấn đề thánh chiến trên thế giới không?

Đáp: Nếu chúng ta muốn hiện nay nó là một đường nét thứ hai, bởi vì Siria và Irak là sân khấu của phong trào thánh chiến toàn cầu. Bất cứ ai muốn đi tham gia thánh chiến thì tới các nước này. Thật sự thì liên tục có các đe dọa thánh chiến và của tổ chức Al Qaeda – Chúng ta đừng quên rằng sự hiện diện của tổ chức Al Qaeda mạnh tại Phi châu – các đe dọa này liên tục, rất hiện diện, không chỉ trên bình diện vùng miền và xã hội, bởi vì các nhóm gắn liền với bối cảnh thánh chiến quốc tế ngày càng gắn bó hơn với khung cảnh xã hội và bộ tộc bên Phi châu.

Hỏi: Nước Libia thật ra đang ở trong tình trạng hỗn loạn: quốc hội đã cho tân thủ tưởng được chỉ định Abdullah al Thani hai tuần để thành lập tân chính phủ. Một chính phủ mới có thể ổn định tình hình tại Libya không thưa ông?

Đáp: Rất tiếc là các tiền đề không phải là các tiền đề tốt nhất, bởi vì cuộc đối thoại giữa các thực tại khác nhau – nghĩa là giữa các lực lựơng hồi và các lực lượng đời hơn trong lúc này đây khá bị hạn hẹp. Chính các lực lượng dân quân chiến đấu với nhau hơn là các giới chức chính trị đối thoại với nhau. Do đó các tiền đề cho một tân chính phủ không phải là các tiền đề tốt đẹp nhất. Chắc chắn là cần có một chương trình chính trị và ngoại giao quan trọng, nhưng một mình chính quyền Libya không thôi, mà không có sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế trong tư cách là người giảng hòa, đối thoại về tình hình và các thực tại bên Libya hiện nay, thì khó mà có thể thành công.

(RG 24-8-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha chủ sự lễ cưới cho 20 đôi hôn phối

Đức Thánh Cha chủ sự lễ cưới cho 20 đôi hôn phối

VATICAN. Sáng chúa nhật 14-9-2014, ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trọng thể tại Đền thờ Thánh Phêrô và làm phép cưới cho 20 đôi hôn phối thuộc giáo phận Roma.

Đây là lần đầu tiên ngài cử hành lễ cưới kể từ khi được bầu làm Giáo Hoàng cách đây 1 năm rưỡi. Biến cố này diễn ra 3 tuần trước khi khai mạc Thượng HĐGM thế giới khóa đặc biệt sẽ tiến hành tại Roma từ ngày 5 đến 19-10 tới đây về việc mục vụ gia đình.

20 đôi hôn phối được tòa Giám Quản Roma chọn từ các giáo hạt trong giáo phận: họ thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, từ 25 đến 56 tuổi, và ở trong những hoàn cảnh rất khác nhau: một số là những tín hữu rất chăm chỉ nhiệt thành trong giáo xứ, một số khác ít sốt sắng hơn. Cả môi trường xã hội của họ cũng khác nhau. Chẳng hạn anh chị Giulia và Flavio, như được báo ”Quan sát viên Roma” nói tới trong số ra ngày 12-9 vừa qua, cho biết đã quyết định làm lễ cưới mặc dù tình trạng nghề nghiệp bấp bênh. Một số khác đã từng sống chung trước khi kết hôn, và có vài cặp khác đã có con cái và tháp tùng cha mẹ. Trong số này có Gabriella, được con gái tháp tùng, và người chồng mà bà làm lễ cưới bây giờ đã được tòa án hôn phối xác nhận hôn phối trước của ông là bất thành. Việc chọn các cặp ở trong tình trạng khác nhau như thế phần nào cũng phản ánh những vấn đề sẽ được bàn đến trong Thượng HĐGM sắp tới.

Lễ hôn phối được tiến hành theo nghi thức thông thường. Các chú rể được thân mẫu tháp tùng tiến lên trước bàn thờ, còn các cô dâu tiến lên cầm cánh tay của thân phụ. 20 đôi hôn phối ngồi thành vòng cung trước bàn thờ chính. Phía sau là những người làm chứng và thân nhân, trước sự hiện diện của khoảng 8 ngàn người.

Đồng tế với ĐTC có ĐHY Giám quản Agostino Vallini, và Đức TGM Filippo Iannone, dòng Camêlô, Phó Giám quản của giáo phận Roma, cùng với 40 linh mục bạn của các đôi hôn phối.

Trong bài giảng, ĐTC đã dựa vào trình thuật dân Chúa trong sa mạc vì nổi loạn nên đã bị con rắn đồng cắn, và Chúa ban thuốc chữa là con rắn đồng, ai nhìn lên con rắn ấy sẽ được chữa lành. Ngài mời gọi các tín hữu, đặc biệt là các đôi vợ chồng hãy tín thác nơi lòng từ bi Chúa giữa những khó khăn trong cuộc sống hôn nhân và gia đình.

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha

”Bài đọc thứ I nói với chúng ta về hành trình của dân trong sa mạc. Chúng ta hãy nghĩ đến đoàn dân ấy tiến bước dưới sự hướng dẫn của Môisê; nhất là họ là những gia đình: cha, mẹ, con cái, ông bà nọi ngoại, những người nam nữ ở mọi lứa tuổi, bao nhiêu trẻ em, với những người già đầy cơ cực.. Dân tộc này làm cho chúng ta nghĩ đến Giáo Hội đang lữ hành trong sa mạc thế giới ngày nay, Dân Thiên Chúa, gồm phần lớn là các gia đình.

Điều này làm cho chúng ta nghĩ đến các gia đình, các gia đình chúng ta, lữ hành trên các nẻo đường cuộc sống, trong lịch sử mỗi ngày.. sức mạnh khôn lường của tình người chứa trong mỗi gia đình: sự giúp đỡ lẫn nhau, tháp tùng giáo dục nhau, những quan hệ gia tăng cùng với sự tăng trưởng của con người, chia sẻ vui mừng và những khó khăn.. Các gia đình là nơi đầu tiên trong đó chúng ta được hình thành như những con người và đồng thời là ”những viên gạch” để xây dựng xã hội.

Chúng ta hãy trở lại trình thuật Kinh Thánh. Đến một lúc ”dân không chịu nổi cuộc du hành nữa” (Ds 21,4). Họ mệt mỏi, thiếu nước và chỉ ăn ”manna”, một lương thực lạ lùng, được Thiên Chúa ban, nhưng trong lúc khủng hoảng ấy dường như quá ít. Bấy giờ họ than trách và phản đối chống Thiên Chúa và chống Môisê: ”Tại sao các ông đưa chúng tôi đi?..” (Xc Ds 21,5). Có cám dỗ muốn trở lại đàng sau, từ bỏ hành trình.

”Ta nghĩ đến các đôi vợ chồng ”không chịu nổi cuộc hành trình” của đời sống hôn nhân và gia đình. Sự vất vả của hành trình trở thành sự mệt mỏi nội tâm; họ không còn niềm vui hôn nhân, không kín múc nước từ nguồn mạch bí tích nữa. Đời sống thường nhật trở thành nặng nề, ”buồn nôn”.

Kinh Thánh kể, trong lúc lạc hướng ấy, các con rắn độc bò tới và cắn dân chúng, và bao nhiêu người chết. Sự kiện này làm cho dân chúng hối hận, họ xin lỗi Ông Môisê và xin ông cầu xin Chúa để các con rắn bỏ đi. Ông Môisê xin Chúa và Ngài ban cho thuốc chữa: một con rắn bằng đồng treo trên cột; bất kỳ ai nhìn con rắn ấy, thì được khỏi độc dược chết chóc của các con rắn.

Biểu tượng này có nghĩa là gì? Thiên Chúa không loại trừ các con rắn, nhưng ngài tặng ”thuốc giải độc”: qua con rắn đồng do Môisê đúc và treo lên, Thiên Chúa thông truyền sức mạnh chữa lành, là lòng từ bi của Ngài, mạnh mẽ hơn chất độc của kẻ cám dỗ.

Như chúng ta đã nghe trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đồng hóa với biểu tượng ấy: Thực vậy, Chúa Cha, vì yêu thương, đã ban Đức Giêsu là Con duy nhất của Ngài cho loài người, để họ được sống (Xc Ga 3,13-17); và tình yêu bao la của Chúa Cha thúc đẩy Chúa Con trở thành người, trở nên người tôi tớ, chết cho chúng ta và chết trên một cây thập giá; vì thế, Chúa Cha đã cho người sống lại và ban cho Người quyền làm chủ trên toàn thể vũ trụ. Như Thánh Ca trong thư của thánh Phaolô gửi tín hữu thành Philiphê diễn tả (2,6-11). Ai tín thác nơi Chúa Giêsu chịu đóng đanh thì nhận được lòng từ bi của Thiên CHúa chữa lành khỏi nọc độc chết chóc của tội lỗi.

Thuốc chữa mà Thiên Chúa ban cho dân Ngài cũng đặc biệt có giá trị đối với các đôi vợ chồng ”không chịu nổi hành trình nữa” và bị tấn công vì những cám dỗ nản chí, bất trung, thoái lui và từ bỏ.. Thiên Chúa là Cha cũng ban cho họ Chúa Giêsu Con của Ngài, không phải để lên án họ, để để cứu thoát họ: nếu họ tín thác nơi Ngài, Ngài chữa lành họ bằng tình yêu thương bừ bi xuất phát từ Thập Giá của Ngài, bằng sức mạnh của ơn thánh tái sinh và đưa họ trở lại hành trình đời sống hôn nhân và gia đình.

Tình yêu Chúa Giêsu, Đấng đã chúc lành và thánh hóa sự kết hiệp vợ chồng, có thể duy trì và canh tân tình yêu của họ, khi tình yêu ấy – về mặt con người- bị mất đi, bị rách nát, bị khô cạn. Tình Yêu của Chúa Kitô có thể trả lại cho đôi vợ chống niềm vui được đồng hành, vì hôn nhân là sự đồng hành của một người nam và một người nữ, trong đó người nam có nghĩa vụ giúp vợ mình ngày càng trở thành một người nữ và người nữ có nhiệm vụ giúp chồng mình ngày càng trở thành một người nam. Đó là nghĩa vụ của anh chị em đối với nhau. ”Anh yêu em vì thế anh làm cho em trở nên người nữ hoàn hảo hơn – Em yêu anh, và vì thế em làm cho anh thành người nam hoàn hảo hơn”. Đó là sự hỗ tương giữa những khác biệt. Đó không phải là một cuộc hành trình xuôi chảy, không có xung đột, không phải thế, chẳng vậy thì chẳng phải là con người. Đó là một cuộc du hành cam go, nhiều khi khó khăn, nhiều khi xung đột, nhưng cuộc sống là như thế! Và giữa nền thần học này mà Lời Chúa ban cho chúng ta về dân lữ hành, và cả về các gia đình đang lữ hành, về các đôi vợ chồng đang tiến bước, tôi có một lời khuyên nhỏ. Các đôi vợ chồng cãi nhau là chuyện bình thường. Thường vẫn xảy ra như thế. Nhưng tôi khuyên anh chị em: đừng bao giờ kết thúc một ngày mà không làm hòa với nhau. Không bao giờ. Chỉ cần một cử chỉ nhỏ, và thế là đôi vợ chồng tiếp tục tiến bước. Hôn nhân là biểu tượng đời sống, đời sống thực, chứ không phải là một chuyện tưởng tượng! Đó là bí tích tình yêu của Chúa Kitô và của Giáo Hội, một tình yêu tìm được nơi Thánh Giá sự kiểm chứng và bảo đảm.
”Tôi cầu chúc tất cả anh chị em một cuộc hành trình thật đẹp: một hành trình phong phú; ước gì tình yêu tăng trưởng. Tôi cầu chúc anh chị em được hạnh phúc. Sẽ có những thánh giá, nhưng Chúa luôn ở đó để giúp chúng ta tiến bước. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!

Sau bài giảng là nghi thức hôn phối. ĐTC lần lượt hỏi các đôi kết hôn có ý thức và tự do thành hôn hay không, có sẵn sàng yêu thương và tôn trọng nhau trọn đời không, có sẵn sàng đón nhận con cái Chúa ban và giáo dục chúng theo luật của Chúa Kitô và Giáo hội hay không. Sau khi các đôi kết hôn khẳng định ý chí như thế, ĐTC mời gọi họ biểu lộ sự đồng thuận trước mặt Thiên Chúa và Giáo hội. Ngài hỏi từng cặp xem họ có đón nhận người bạn đường của mình, luôn chung thủy, trong lúc an vui cũng như lúc đau khổ, khi khỏe mạnh cũng như lúc bệnh tật, yêu thương và tôn trọng người phối ngẫu của mình mọi ngày trong cuộc sống hay không?

Nghi thức hôn phối

Sau đó, ĐTC đã làm phép nhẫn cưới để 20 cặp tân hôn lần lượt trao nhẫn cho nhau theo công thức của nghi lễ hôn phối, rồi Ngài đọc lời nguyện xin Thiên Chúa đổ tràn hồng ân Thánh Linh, nâng đỡ các đôi tân hôn và chúc lành cho họ.

Thánh lễ được tiếp nối với kinh Tin Kính và đến phần rước lễ, 60 LM đã trao Mình Thánh Chúa cho các tín hữu.
Buổi lễ kết thúc lúc gần 11 giờ.. Sau đó lúc 12 giờ trưa, ĐTC đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài để chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô dưới bầu trời nắng thu thật đẹp..

Kinh Truyền Tin

Trong bài huấn dụ ngắn, sau khi giải thích ý nghĩa lễ Suy tôn Thánh giá ĐTC nói thêm rằng:

”Trong khi chiêm ngắm và cử hành Thánh Giá, chúng ta xúc động nghĩ đến bao nhiêu anh chị em chúng ta đang bị bách hại và bị giết vì trung thành với Chúa Kitô. Điều này đặc biệt xảy ra tại nơi mà tự do tôn giáo chưa được bảo đảm hoặc chưa được hoàn toàn thực thi. Nhưng nó cũng xảy ra tại những nước và những môi trường trên nguyên tắc bảo vệ tự do và các quyền con người, nhưng trong thực tế cụ thể các tín hữu, nhất là các tín hữu Kitô, bị giới hạn hoặc kỳ thị. Vì thế hôm nay, chúng ta nhớ đến và đặc biệt cầu nguyện cho họ.

ĐTC cũng nhắc đến sự hiện diện của Mẹ Maria dưới chân Thánh Giá và ngày 15-9 này là lễ Đức Mẹ Sầu Bi. Ngài nói:

”Tôi phó thác hiện tại và tương lai của Giáo hội cho Đức Mẹ, để tất cả chúng ta luôn biết khám phá và đón nhận sứ điệp yêu thương và cứu độ của Thập Giá Chúa Kitô. Tôi đặc biệt khó thác cho Đức Mẹ các đôi tân hôn mà tôi đã vui mừng kết hiệp họ trong bí tích hôn phối sáng chúa nhật hôm nay, tại Đền thờ thánh Phêrô.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Sự tha thứ

Sự tha thứ

(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)

Điểm đặc biệt trong đời sống Kitô hữu là mỗi người được Lời Chúa trong Chúa Nhật 24 nhắc nhở rõ ràng là sự tha thứ cho nhau. Bài đọc thứ nhất trích từ sách Huấn Ca (Hc 27,33-28,9), loan báo trước giáo huấn của Chúa Giêsu trong Phúc Âm, giáo huấn về sự tha thứ cho những lỗi phạm của anh em: "Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con".

Bài Phúc Âm thánh Mátthêu cho chúng ta biết sự tha thứ cho anh em được Chúa nói rõ ràng trong câu trả lời cho Thánh Phêrô đến hỏi Chúa: "Tôi phải tha thứ bao nhiêu lần, đến bảy lần chăng?". Phêrô đến với Chúa bằng một tâm thức câu nệ hình thức, tâm thức của luật dân Chúa đang tuân giữ và ông nghĩ rằng, tha thứ đến bảy lần là đã làm trọn luật Chúa dạy. Noi gương của Thiên Chúa như đã được kể lại trong sách Cách Ngôn: "Thiên Chúa luôn tha thứ cho người công chính bảy lần" (Cn 24,16). Tha thứ bảy lần là tha thứ có giới hạn, nhưng Chúa Giêsu đã trả lời không phải bảy lần mà là bảy mươi lần bảy. Cách nói bảy mươi lần bảy cũng là cách nói được dùng trong sách Sáng Thế Ký (x. St 4, 24), có nghĩa là tha thứ luôn luôn, không có giới hạn, không có tính toán.

Đoạn Phúc Âm thánh Mátthêu được trích lại nằm trong toàn bộ chương XVIII nói về những đặc điểm nếp sống mới của những đồ đệ Chúa Kitô, và nền tảng cho nếp sống mới là căn cứ theo mẫu gương của Thiên Chúa Cha: "Chúng con hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên trời là Đấng trọn lành" (Mt5,48). Mỗi một thái độ sống của người đồ đệ Chúa đều được Chúa qui hướng về việc bắt chước theo mẫu gương của Thiên Chúa Cha.

Chính vì thế mà để làm nổi bật khía cạnh đặc điểm tha thứ cho anh em, Chúa Giêsu đã kể một dụ ngôn để diễn tả thái độ của Thiên Chúa Cha như ông chủ tha thứ cho người tôi tớ vì tình thương hơn là chính người tôi tớ tha thứ cho bạn của mình, vậy chúng ta cũng phải luôn luôn tha thứ cho anh em mình, cho những người xúc phạm hay làm tổn thương đến chúng ta bằng cách này hay cách khác.

Đặc điểm thứ hai cần lưu ý là mối liên quan giữa nếp sống Kitô và lời cầu nguyện. Điều này được nhắc đến trong bài đọc thứ nhất, đó là sự liên kết giữa cuộc sống hàng ngày và đời sống cầu nguyện, vì tha thứ cho kẻ làm hại đến mình thì con người sẽ được tha thứ như vậy. Không thể không có tha thứ đích thực nếu không tuân giữ luật Chúa dạy. Các tiên tri nhiều lần đã lên tiếng cảnh cáo những thái độ sống giả hình, đó là dâng lễ vật lên Thiên Chúa mà vẫn hà hiếp, áp bức anh chị em xung quanh: "Thiên Chúa muốn tình thương hơn là lễ vật" (Mt12,7). Và: "Khi các con đến dâng của lễ mà nhớ có điều gì bất bình với anh em thì hãy bỏ của lễ lại mà đi làm hòa với anh em con trước đã, rồi hãy đến dâng lễ vật" (Mt5,23-24). Giáo huấn này được Chúa Giêsu nhấn mạnh hơn nữa khi Ngài đưa nó vào lời kinh Lạy Cha mà Ngài đã dạy cho các Tông Đồ: "Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con".

Tha thứ là một điều rất dễ nói nhưng lại rất khó thực hành. Vào thời hậu thế chiến thứ hai bên Âu Châu, cô Coritanbum, người sống sót từ trại tập trung Đức Quốc Xã đã đi khắp nơi để giảng thuyết về sự tha thứ và hòa giải. Khi thế chiến thứ hai bùng nổ, gia đình của cô Coritanbum sinh sống ở Amsterdam, Hòa Lan, sống nhờ cửa tiệm làm và bán đồng hồ. Khi quân đội Đức Quốc Xã chiếm Hòa Lan thì gia đình cô dấn thân trợ giúp người Do Thái, và hậu quả là có người chỉ điểm làm cho toàn gia đình cô bị bắt vào trại tập trung, chỉ còn lại một mình cô sống sót tại trại tập trung mà thôi.

Sau thế chiến thứ hai, cô đi khắp nơi bên Âu Châu để giảng thuyết về sự tha thứ và hòa giải. Một hôm sau buổi thuyết trình tại Munich, Miền Nam nước Đức, một người đứng lên cám ơn cô về bài thuyết trình thật hay, nhưng cô chết điếng người khi nhận ra người đàn ông sắp đưa tay ra bắt lấy cô chính là người lính Đức Quốc Xã trước kia canh trại tập trung, đã giam giữ cô và gia đình. Cô bỗng chốc nhớ lại tất cả những hành động bỉ ổi của người lính đã xúc phạm đến con người, nhất là phẩm giá của những nữ tù nhân trong trại mà anh lính này đã làm trước mắt cô ngày trước. Cô Coritanbum lúng túng không kịp đưa tay ra bắt lấy tay người đã hành hạ mình, và lúc đó cô mới hiểu thấm thía nói dễ nhưng làm khó. Chính lúc bấy giờ cô khám phá ra mình cũng chưa thật sự tha thứ cho người đã xúc phạm đến mình trước đây.

Kinh nghiệm của cô Coritanbum cũng chính là kinh nghiệm của mỗi người chúng ta hôm nay, dù hình thức có thể khác đi nhưng tựu trung nội dung vẫn giống nhau. Khi nói về sự tha thứ, thường thì khuyên kẻ khác tha thứ rất dễ, nhưng khi trực tiếp đối diện với kẻ xúc phạm đến mình, phải thực hành một việc tha thứ cách cụ thể cho người đang đứng trước mặt mình thì quả thật khó khăn vô cùng. Có thể chúng ta cũng không vượt qua được về những cảm xúc đó như cô Coritanbum. Ông Alexande Box đã có lần nói: "Lầm lỗi là chuyện thường tình của con người, nhưng tha thứ phải là chuyện của Thiên Chúa". Cần có sức mạnh của Thiên Chúa chúng ta mới có thể tha thứ cho nhau được.

Phúc Âm hôm nay cho chúng ta thấy rõ vấn đề, không phải chỉ giữ luật tha thứ như Phêrô nghĩ là tha thứ đến bảy lần, vì luật Môisen chỉ dạy tha thứ có bảy lần mà thôi, nhưng hệ ở chỗ là tâm hồn luôn luôn tràn đầy tình yêu thương để tha thứ cho anh em mình. Tha thứ đến bảy mươi lần bảy, nghìa là tha thứ luôn luôn, chúng ta cần phải có tâm hồn như Chúa, tha thứ như Chúa, không tính toán số lượng, số lần theo luật định, nhưng phải với tâm hồn đã được ơn Chúa biến đổi là tha thứ vô hạn định.

Xin Chúa đến với chúng con ngày hôm nay trong Bí Tích Thánh Thể, đặc biệt khi chúng con rước Chúa vào tâm hồn, chúng con xin Chúa biến đổi tâm hồn chúng con được trở nên giống như Chúa, tâm hồn tràn đầy tình thương của Chúa để chúng con tha thứ cho tha nhân như Chúa, xin Chúa gìn giữ mỗi người chúng con trong đức tin mà chúng con tuyên xưng qua Kinh Tin Kính.

Veritas Radio

Tha thứ

Tha thứ

Thánh Gandhi nói: “Nếu áp dụng luật mắt đền mắt, thế giới sẽ chỉ toàn người mù”. Sẽ không thể sống được nếu thiếu sự tha thứ. Tha thứ cần thiết cho con người như khí trời. Kể dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu cho ta thấy tính cách cần thiết và cấp thiết của tha thứ.

Phải tha thứ vì con người là bất toàn. Có những xúc phạm cố ý. Nhưng rất nhiều khi xúc phạm chỉ là vô tình, thiếu ý thức. Chỉ cần một chút cảm thông, hiểu biết, tôi sẽ dễ bỏ qua, không chấp nhất. Nếu cứ mỗi lần bị xúc phạm tôi không thể nào nguôi ngoai thì chính tôi là người khổ nhất, vì tâm hồn mang nặng oán hờn sẽ không bao giờ bình an. Nếu tôi loại trừ tất cả những ai xúc phạm, thì sau cùng tôi sẽ chẳng còn sống với ai được. Tôi sẽ mất hết bạn bè. Thế giới sẽ chỉ toàn kẻ thù. Và tôi sẽ trở thành cô đơn.

Phải tha thứ vì chính ta cần được thứ tha. Tôi cần sự tha thứ của chính mình vì bản thân tôi có biết bao lầm lỗi. Nếu tôi không tự tha thứ cho mình thì lương tâm sẽ cắn rứt dày vò khiến tôi suốt đời buồn phiền. Tôi cần sự tha thứ của người khác vì tôi đã xúc phạm nhiều đến anh em. Nếu mọi người không tha thứ cho tôi thì tôi đã bị khai trừ khỏi xã hội. Tôi cần sự tha thứ của Chúa vì tôi đã lỗi phạm đến Chúa rất nhiều. Nếu Chúa thẳng tay trừng phạt những tội xúc phạm đến Người thì tôi đã chết từ lâu. Biết bản thân mình yếu đuối, nhiều lỗi lầm, cần được tha thứ, tôi sẽ dễ cảm thông tha thứ cho anh em.

Phải tha thứ vì đó là điều kiện để được thứ tha. Trong Tin Mừng, Chúa nhấn mạnh điều này rất nhiều lần. Khi dạy ta đọc kinh Lạy Cha, Chúa bắt ta phải hứa tha thứ cho anh em khi xin Người tha thứ lỗi lầm của ta. Ở cuối kinh Lạy Cha, thánh Matthêu còn thêm: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,14-15).

Dụ ngôn hôm nay không những nhắc lại điều đó, mà còn cho thấy, tội ta xúc phạm đến Chúa muôn ngàn lần nặng nề hơn anh em xúc phạm đến ta. Thế mà Chúa vẫn sẵn sàng tha thứ cho ta một cách mau chóng, nhẹ nhàng, chỉ với một điều kiện là ta cũng phải tha cho anh em những lỗi lầm ít ỏi anh em xúc phạm đến ta.

Sau cùng ta cần tha thứ để trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là người Cha rất nhân từ và rất hay tha thứ. Chúa Giêsu đã khắc họa rất rõ nét chân dung nhân từ của Thiên Chúa Cha trong dụ ngôn “Người Cha nhân hậu”. Và Người không ngừng mời gọi ta hãy nên hoàn thiện như Chúa Cha.

Chúa Giêsu xuống trần gian cho ta được chiêm ngưỡng khuôn mặt hiền hậu nhân từ hay tha thứ của Chúa Cha. Suốt cuộc đời trần thế, Người không ngừng tha thứ cho kẻ tội lỗi. Nhất là những kẻ đã xúc phạm đến Người. Còn cảnh tượng nào đẹp hơn cảnh tượng Người bị treo trên thập giá mà trái tim vẫn mở rộng yêu thương tha thứ. Còn lời nào đẹp hơn lời Người cầu nguyện trong lúc đau đớn tột cùng mà vẫn nhớ đến người khác, không phải nhớ đến người làm ơn mà là nhớ đến những người xúc phạm, làm hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Và khi từ cõi chết sống lại, Người đã tha thứ cho Phêrô dù môn đệ thân tín này đã chối Người. Người đã tha thứ cho các môn đệ dù các ông đã bỏ mặc Người trong lúc gian nan.

Sự tha thứ làm nên vẻ đẹp của tâm hồn con người. Vẻ đẹp tự chế. Vẻ đẹp khoan dung. Vẻ đẹp của tâm hồn vượt lên trên chính mình. Vẻ đẹp đề cao giá trị con người.

Sự tha thứ làm nên vẻ đẹp của thế giới. Một thế giới cảm thông, chan hòa. Một thế giới chứa chan tình huynh đệ. Một thế giới mang vẻ đẹp của dung nhan Thiên Chúa.

Lạy Chúa xin thương xót chúng con.

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Bài học tha thứ

Bài học tha thứ

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Có một bác nông dân đã quá khổ sở vì sự thiếu trách nhiệm của những người hàng xóm. Mặc dù nhà không nuôi gà nhưng gà hàng xóm lại bới nát và phá hoại hoa màu của bác. Vốn bản tính hiền lành luôn "dĩ hòa vi quý", không muốn ăn miếng trả miếng như thói thường người đời. Bác đã nhiều lần van xin láng giềng vui lòng nhốt gà lại. Nhưng chẳng ai chú ý đến lời yêu cầu của bác. Bầy gà cứ thản nhiên sang vườn bác bới móc tìm mồi. Thế rồi, một buổi sáng đẹp trời, Bác ra chợ mua một ít trứng gà để vào một cái giỏ, rồi cứ vài ngày lại đưa sang cho những người láng giềng và giải thích rằng đó là trứng mà bầy gà của họ đã đẻ trong vườn của bác. Bác làm như thế liên tiếp ba lần. Quả thực kết quả đã diễn ra rất nhanh chóng. Chỉ trong một tuần lễ, người láng giềng nào cũng tự động rào dậu thật kỹ để giữ cho gà của mình không sang đẻ ở nhà bác nông dân nữa.

Vâng, Bác nông dân chỉ mất tiền mua ít trứng gà mà bác đã tránh được một cuộc tranh chấp vô ích có thể làm sứt mẻ tình hàng xóm. Cuộc sống chung là vậy, nếu biết nhịn nhục và kiên nhẫn một chút là ta có thể tìm ra nhiều giải pháp tốt nhất để gìn giữ sự hòa thuận, êm đềm cho gia đình, cho xóm làng chúng ta.

Trong cuộc sống chung đụng thường phải có va chạm với nhau. Chén bát để bên nhau, vô tình vẫn có những va chạm bể nát ra huống chi con người. Hôm nay Chúa muốn chúng ta hãy biết tha thứ cho nhau không phải là để cho qua chuyện hay nhịn đi cho xong, mà tha thứ cho nhau, là điều kiện để chúng ta được Thiên Chúa thứ tha. Vì chưng, tất cả chúng ta đều là con nợ của Chúa. Chúng ta nợ Chúa sự sống, nợ Chúa ân tình. Đã nhiều lần chúng ta khất lần khất lượt với Chúa, van xin Chúa hãy tha thứ, cứu giúp mình tai qua nạn khỏi sẽ trả nợ Chúa, sẽ dành vốn sống của mình để làm theo ý Chúa, để phụng thờ Chúa. Hứa đó rồi quên. Quyết tâm rồi lại thất hứa. Thế mà Chúa vẫn yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho chúng ta. Dụ ngôn người con hoang đàng là một bằng chứng về lòng bao dung của Chúa. Người cha đã không cần hỏi mày dùng số vốn của tao làm gì? Bây giờ còn bao nhiêu? Chỉ cần thấy người con quay về là người cha đã quên hết quá khứ lỗi lầm của người con.

Hôm nay Chúa Giêsu nói với chúng ta: anh em đã lãnh nhận sự tha thứ của Chúa, thì cũng hãy tha thứ cho nhau. Không phải là một lần hay chỉ "quá tam ba bận" mà là tha thứ mãi mãi. Như vậy, tha thứ đòi hỏi sự kiên nhẫn, kiên nhẫn để cho người xúc phạm đến ta có cơ hội, có thời giờ sửa đổi và làm lại cuộc đời. Đừng như ông quan độc ác kia đã đối xử quá khắt khe với những con nợ của mình. Ông đòi tính sổ với các con nợ và đòi cho đến đồng bạc cuối cùng. Đó cũng là cách đối xử chung của con người hôm nay. Người ta đòi công lý phải được báo thù. Người ta đòi mắt đền mắt răng đền răng. Người ta khó chấp nhận một sự bao dung tha thứ đối với kẻ thù của mình.

Mahatma Gandhi, người đã giải phóng Ấn Độ khỏi ách nô lệ của người Anh bằng cuộc tranh đấu bất bạo động, đã bị một thanh niên Ấn Giáo hạ sát, chỉ vì anh ta không thể chấp nhận được sự kiện Gandhi lại yêu thương và tha thứ cho người Hồi Giáo.

Khi loan báo tình yêu Thiên Chúa cho mọi người, Chúa Giêsu đã không loại trừ một hạng người nào. Được sai đến trước tiên cho người Do thái, Chúa Giêsu cũng đi đến với cả nhân loại. Chúa Giêsu chính là hiện thân lòng khoan dung của Thiên Chúa, một Thiên Chúa là Cha yêu thương tất cả mọi người, và muốn qui tụ mọi người vào trong gia đình của Ngài. Cả cuộc đời của Ngài là một chuỗi dài sự tha thứ. Ngài đã tha thứ cho lầm lỗi của người phụ nữ ngoại tình. Ngài đã tha thứ việc làm của Giakêu. Ngài đã tha thứ quá khứ tội lỗi của người trộm lành. Ngài đã đi đến tận cùng của sự tha thứ, là tha thứ cho kẻ làm nhục và giết hại Ngài.

Là con cái của Cha yêu thương và khoan dung, nguyên tắc sống của chúng ta cũng phải là yêu thương và khoan dung. Giữa một thế giới mà sự thù hận luôn đòi loại trừ nhau bằng khủng bố, bằng súng đạn, người kytô hữu phải thể hiện cho người ta thấy lòng bao dung và tha thứ vẫn còn tồn tại trên trần gian. Vì Chúa chúng ta vẫn có thể làm điều ấy. Vì Chúa chúng ta vẫn có thể tha thứ cho nhau. Tha thứ để được sự bình an tâm hồn. Vì nếu không tha thứ thì "oán báo oán, oán lại chập chùng". Tha thứ cho nhau để được nên nghĩa tử và là môn đệ chính danh của Chúa, vì người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy là "hãy yêu thương nhau". Một tình yêu đích thực luôn bao hàm sự bao dung và tha thứ vì "Yêu nhau củ ấu cũng tròn – Một trăm chỗ lệch cũng kê cho vừa".

Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng ta luôn can đảm tha thứ cho nhau, luôn can đảm quên đi mọi hận thù, oán ghét, ghen tương để sống trong vòng tay thân ái giữa người với người và trong tình yêu tha thứ thẳm sâu của Chúa. Amen.

Suy tôn Thánh Giá

Suy tôn Thánh Giá

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Tuần báo Thế Kỷ Kitô, xuất bản bên Hoa Kỳ có kể lại kinh nghiệm sau đây của một vị linh mục công giáo tại tiểu bang Carolina vào Tuần Thánh.

Để giúp các tín hữu trong giáo xứ suy niệm về mầu nhiệm thập giá, linh mục này cho dựng một cây thập giá cao to, bằng gỗ sơn đen ngay trong sân nhà thờ. Chẳng may trong ngày hôm đó, có người xưng mình là đại diện cho hãng du lịch trong vùng gọi điện thoại đến khiếu nại. Lý do như sau: khách du lịch đi qua trước nhà thờ không thích nhìn thấy cây thập giá đen thui này, họ muốn xem những gì vui tươi hơn. Đó là câu chuyện của đời này ở bên Hoa Kỳ. Nhiều người đã quên hay cố quên mầu nhiệm thập giá trong đời sống đức tin, nhưng không phải chỉ là chuyện đời này mà thôi, ngay từ thời xa xưa, thời các thánh tông đồ cũng đã xảy ra như thế. Thánh Phaolô đã thốt lên rằng: "Nhiều người sống nghịch lại thập giá Chúa. Họ chỉ sống theo cái bụng, chạy theo lợi lộc, ham vui". Thập giá Chúa còn có ý nghĩa gì đối với người Kitô hôm nay chăng?

Trước khi mạc khải về ý nghĩa của mầu nhiệm thập giá, Chúa Giêsu nhắc lại cho ông Nicôđêmô về nguồn gốc thần linh từ trời xuống của chính mình như là Con Thiên Chúa: "Không ai đã lên trời, ngoài trừ Con Người, Đấng từ trời xuống". Tự nó, thập giá là chặng dưới đất và thực tại đau buồn do con người tạo ra, nhưng để hiểu trọn vẹn ý nghĩa của nó thì cần phải đóng đinh Con Thiên Chúa vào đó, cần phải hiểu mầu nhiệm thập giá trong cái nhìn từ trên cao, trong cái nhìn của Thiên Chúa, Đấng muốn và đã sai Con Một mình xuống trần gian và chịu chết treo trên thập giá, để biến dấu chỉ của sự trừng phạt trở thành dấu chỉ của tình yêu cứu rỗi. "Con Người cũng sẽ bị treo lên như vậy, như con rắn đồng của Môsê, để ai tin vào Con Người thì được sống muôn đời". Chúa muốn ông Nicôđêmô nhìn về thập giá từ trên cao theo cái nhìn của chính Chúa, và lúc đó con người sẽ khám phá ra rằng Thiên Chúa dùng thập giá để mạc khải tình yêu thần linh, để hòa giải con người với Thiên Chúa và với nhau.

Như lời mời gọi của Chúa cho ông Nicôđêmô, cần phải đặt Con Thiên Chúa vào thập giá, cần phải treo Con Thiên Chúa lên thập giá, con người chúng ta có hiểu được ý nghĩa của thập giá? Thập giá mạc khải cho con người biết tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng là dấu chỉ của sự khước từ của con người đối với Thiên Chúa, là dấu chỉ của sự thù ghét của con người đối với con người, của con người say mê quyền hành và danh vọng, muốn làm mọi cách để loại bỏ đối thủ của mình như những người biệt phái Pharisiêu ngày xưa đã dùng thập giá để loại bỏ Chúa Giêsu, Đấng đang lôi kéo dân chúng bỏ họ mà theo Chúa.

Mỗi người Kitô chúng ta hôm nay, nhân ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá, hãy kiểm điểm lại thái độ của mình đối với thập giá Chúa. Phải chăng thập giá Chúa đã bị tục hóa, bị chúng ta biến trở thành món trang sức để khoe của, để củng cố địa vị, để lường gạt anh chị em? Chúng ta làm dấu thánh giá trên mình, chúng ta mang dấu thánh giá trên áo, trên cổ nhưng chúng ta đã sống ý nghĩa của thập giá như Chúa đã mạc khải như thế nào?

Lạy Chúa,

Xin thương dạy con hiểu biết, đón nhận và sống mầu nhiệm thập giá trong chính đời sống của con. Xin cho con một tâm hồn quảng đại, không chạy trốn trước lời mời gọi của thập giá Chúa, nhưng sẵn sàng để cho cuộc đời con được đóng đinh vào thập giá với Chúa, trở thành của lễ hy sinh, giúp anh chị em nhận ra tình yêu Chúa.

Veritas Radio

Học yêu Thánh Giá

Học yêu Thánh Giá

Tình cờ tôi nghe bài hát “học yêu Thánh Giá”, từ web: mp3.zing.vn/bai-hat/Hoc-yeu-Thanh-Gia.

Lời ca ngắn gọn mà sâu sắc, giai điệu nhẹ nhàng cho tôi cảm nhận sâu lắng về tình yêu Thánh Giá Chúa Giêsu.

Thánh Giá là chữ T.

Người nằm giang tay chữ Y.

Là tình yêu, yêu đến tận cùng.

Yêu nhân gian chiều ngang.

Yêu đời mình chiều sâu.

Yêu Chúa là chiều cao.

Để tình yêu luôn mãi nhiệm mầu.

Thập giá là chữ T được tạo nên do hai thanh gỗ. Thanh nằm tượng trưng cho sự chết và sự yếu đuối trải rộng. Thanh đứng tượng trưng cho sự sống vươn cao. Ý mụốn của con người là thanh nằm. Ý muốn của Thiên Chúa là thanh đứng. Trên thập giá, Chúa Kitô chịu đóng đinh dang tay thành chữ Y. Tình yêu là điểm giao thoa giữa thanh nằm của sự chết và thanh đứng của sự sống. Cả ba chiều kích ngang, sâu, cao của thập giá đều quy tụ nơi tình yêu của Đấng chịu đóng đinh. Chúa Kitô đã đón nhận cái chết trên thập giá vì yêu thương nhân loại.

Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu coi cái chết của mình như là một sự tôn vinh. Tôn vinh Tình Yêu của Chúa Cha, một Tình Yêu vô bờ bến, một Tình Yêu mãnh liệt đến nỗi Chúa Cha “đã ban Con Một cho thế gian, để những ai tin vào Người Con thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Đồng thời cũng là tôn vinh Tình Yêu của Chúa Giêsu, một Tình Yêu đã hy sinh mạng sống vì những người mình yêu, là một hy lễ dâng lên Chúa Cha, cũng là sự tự hiến cho loài người trở nên lương thực nuôi sống chúng ta.

Thánh Phaolô nhấn mạnh sự tương phản chưa từng thấy trong mầu nhiệm Thập giá. Sự hạ mình sâu thẳm của Đức Giêsu Kitô “Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa, đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người, tặng ban Danh hiệu vượt trên mọi Danh hiệu. Và khi nghe Danh Thánh Chúa Giêsu, mọi gối phải bái quỳ để tôn vinh Chúa Cha và tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa” ( Pl 2,6-11).

Theo cái nhìn của Phaolô cũng như của Gioan, Chúa Giêsu chịu đóng đinh cũng chính là Chúa Giêsu được tôn vinh. Đó là sự tôn vinh Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, và Tình Yêu ấy đã biểu lộ rõ ràng nhất nơi Thập giá Chúa Kitô. Không nơi nào Tình Yêu của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn như nơi “con người Chúa Giêsu chịu đóng đinh”.

Ca nhập lễ ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá đã mượn lời của Thánh Phaolô trong thư Galat 6,14 để hân hoan hát lên: “Niềm vinh dự của chúng ta chính là Thập Giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ Người, chúng ta được cứu độ, được sống và được phục sinh; chính Người cứu độ và giải thoát chúng ta”.

Kinh Tiền Tụng đã chú giải: “Thật vậy, xưa vì cây trái cấm, loài người chúng con phải tử vong, nay nhờ cây thập giá lại được sống muôn đời; và ma quỷ xưa chiến thắng nhờ cây trái cấm nay thảm bại vì cây thập giá của Đức Kitô, Chúa chúng con”.

Thánh Bonaventura viết: “Thánh Giá là cây tòan hảo, được thánh hóa bởi Máu Chúa Kitô, mang đầy trái thơm ngon“. Cây Thánh giá còn được phong phú hóa như là một loài cây quý hiếm và tươi thắm diễm lệ, hoa trái tràn đầy trong lời trong kinh ‘A Rất Thánh Giá’: “Khen cây thánh giá ở giữa rừng phàm, nên giống báu lành, nên cây sang trọng, nên đơn linh nghiệm, nên tàu vượt qua biển hiểm thế nầy….Cây thánh giá tốt lành rất mực dìm dà êm mát, bóng che thiên hạ khỏi chốn hỏa hình. Cội rễ, nhành lá, búp bông, hoa quả. Từ xưa đến nay, cây nào dám ví bằng cây thánh giá, từ cây thánh giá chở mình Chúa Cả đóng đinh trên cây thánh giá”.

Tại bãi biển Copacabana tối thứ sáu 26-7-2013 đi Đàng Thánh Giá, Đức Thánh Cha Phanxicô diễn giảng Thập giá là: “Một tình yêu tuyệt vời khi đi vào tội lỗi của chúng ta và tha thứ cho nó, đi vào đau khổ của chúng ta và cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng. Đó là một tình yêu đi vào cái chết để chiến thắng nó và cứu vớt chúng ta. Thập giá của Chúa Kitô chất chứa tất cả tình yêu của Thiên Chúa, lòng thương xót vô biên của Ngài. Đây là một tình yêu mà chúng ta có thể đặt vào đó tất cả niềm tin của chúng ta, nơi chúng ta có thể tin tưởng. Các bạn trẻ thân mến, chúng ta hãy phó thác cho Chúa Giêsu, chúng ta hãy phó thác vào Người một cách trọn vẹn! (x. Ánh Sáng Đức Tin, 16). Chỉ trong Chúa Kitô chịu đóng đinh và phục sinh, chúng ta mới có thể tìm thấy phần rỗi và ơn cứu độ. Với Ngài, sự dữ sự đau khổ và cái chết không còn quyền thế, bởi vì Ngài cho chúng ta hy vọng và sự sống: Ngài đã biến Thập giá từ một công cụ của sự thù ghét, sự thất bại và sự chết thành một dấu chứng của tình yêu, sự khải hoàn và sự sống”.

Đức Thánh Cha nhắc lại sự kiện vào cuối Năm Thánh Cứu Độ 1984, Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã muốn tín thác Thập Giá Chúa cho người trẻ và ngài nói: “Các con hãy đem Thánh Giá vào trong thế giới như dấu chỉ tình yêu thương của Chúa Giêsu đối với nhân loại, và loan báo cho tất cả mọi người rằng chỉ nơi Chúa Kitô chết và phục sinh, mới có sự cứu rỗi và ơn cứu độ” (Diễn văn với giới trẻ, 22 tháng 4 năm 1984). Kể từ đó, Thập Giá đã rong ruổi qua mọi đại lục, và đi qua các thế giới khác nhau nhất của cuộc sống con người, hầu như được thấm nhập bởi các tình trạng sống của biết bao nhiêu người trẻ đã trông thấy và đã mang Thập Giá đó. Không có ai đụng tới Thập Giá Chúa Giêsu mà không để lại một cái gì đó của chính mình, và không đem một cái gì đó của Thập Giá Chúa Giêsu vào trong cuộc sống của mình.

Thánh Giá là sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa. Bởi vì “Sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người” (1Cr 1, 24 -25).Thánh Giá đã trở thành dấu chỉ của tình yêu hy vọng và sự sống. Thánh Giá là biểu tượng của Tình Yêu cứu độ. Thánh giá là niềm tự hào và vinh quang của người tín hữu.Thánh Phaolô có một ước muốn: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6,14).

Chúa Giêsu chết trên thập giá, muốn minh chứng rằng Người yêu thế gian hơn yêu chính mình. Nơi thập giá,Chúa Giêsu chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là một tình yêu ở dạng thức cao nhất:Tình Yêu đến mức tận cùng, một Tình Yêu tự hiến trọn vẹn của Thiên Chúa. Yêu là hiến tế, là hy sinh chính mình. Hiến dâng chính mình vì thiện ích của kẻ khác. Chúa Giêsu hiến dâng chính mình trên thập giá như là sự đền bù vì ơn cứu độ nhân loại.

Thánh Giá đã in sâu và gắn chặt với Chúa Giêsu Kitô. Ngay cả sau khi Chúa sống lại vinh quang, các vết thương khổ nạn thập giá vẫn hiển hiện, vẫn không bị xóa nhòa. Thánh Giá Chúa Kitô xuyên qua thời gian và hiện diện trong mỗi giây phút cuộc đời chúng ta. Sự hiện diện ấy làm thay đổi tất cả.

Chúng ta yêu mến, tôn thờ Chúa Giêsu trên Thánh Giá.Trong xã hội tiêu thụ và hưởng thụ ngày nay, bóng tối của quyền lực, tiền của, danh vọng, lạc thú đang che mờ bóng thánh giá. Con người đang lao mình vào bóng tối bằng mọi giá. Xã hội hôm nay cần phải được ánh sáng của Thánh Giá soi dẫn. Từ Thánh Giá Đức Kitô, tình thương chúc phúc thế gian, sự sống chan chứa cho lòng người. Suy tôn Thánh Giá chính là suy tôn tình yêu, sự sống của Chúa Kitô.

LM Giuse Nguyễn Hữu An

Thánh Giá Chúa là nguồn phúc vinh

Thánh Giá Chúa là nguồn phúc vinh

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

Ngày 14 tháng 9, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta cử hành lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa với niềm vui vì được cứu độ. Ngày hôm nay, Thánh Giá được trình bày cho các tín hữu không phải dưới khía cạnh khổ đau, hay nặng nề thiết yếu của cuộc sống cần phải vác theo Đức Kitô, nhưng dưới khía cạnh vinh quang, như cái cớ để tự hào và không có khóc lóc. Lễ này khởi đi từ hai sự kiện lớn là khánh thành là cung hiến đền thờ Calvario và Mộ Thánh ở Thánh Địa do bà Helena, mẹ vua Constantin (khoảng năm 270, 280 đến 337), hoàng đế Roma cho xây cất năm 335. Ngày 14 tháng 9 còn là ngày mừng vì tìm được Thánh Giá thực vào 14 tháng 9 năm 326.

Cuộc chiến thắng của người Kitô giáo trước quân Ba Tư vào thế kỷ thứ VII, giúp tìm lại Thánh Giá Chúa và cung nghinh về Giêrusalem là sự kiện thứ hai. Từ đó, ở Giêrusalem có lễ Suy Tôn Thánh Giá vào ngày 14 tháng 9. Tuy nhiên với dòng thời gian, lễ này có một ý nghĩa riêng, vì được cử hành với niềm vui của mầu nhiệm Thánh Giá, một khí cụ man rợ và khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại, được Đức Kitô dùng để cứu độ thế gian.

Điều này được phản ánh trong các bài đọc. Thánh Phaolô coi Thánh Giá là động lực lớn lao để «tán dương» Đức Kitô: «Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh quang» (Pl 2, 8 -11). Thánh Gioan lại đề cập đến Thập Giá là khí cụ để cứu độ con người: «Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời» (Ga 3, 14).

Như thế, Thánh Giá là Niềm Hy Vọng độc nhất trong Vinh Quang toàn thắng của Đức Kitô, Thánh Giá ban tặng cho nhân loại ơn sủng và ơn tha thứ. Nên «chúng ta phải hãnh diện về thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nơi Người, ta được giải thoát, được sống và được sống lại; chính Người giải thoát và cứu độ ta» (Ca nhập lễ).

Giáo hội cử hành lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa, nhờ Đấng bị đóng đinh, chúng ta được đưa về trời cao, vứt bỏ sau lưng tội lỗi thế gian để đạt tới sự thiện trên trời. Chúng ta hát mừng Chúa sống lại hiển vinh, vì bởi cây Thánh Giá niêm hân hoan tràn ngập khắp địa cầu. Còn hạnh phúc nào hơn từ cây Thánh Giá; vì chính nhờ cây Thánh Giá, nguồn vinh phúc, ơn cứu độ chúng ta được phục hồi. Thật vậy, nếu không có cây Thánh Giá, Đức Kitô đã không bị đóng đinh, sự sống đã không bị treo lên gỗ giá, máu và nước, nguồn suối trường sinh đã không chảy ra từ cành sườn để rửa sạch tội lỗi thế nhân, bộ mặt kẻ tội lỗi đã không bị lột trần, chúng ta sẽ không được tự do và không được hưởng nhờ ơn phúc từ cây sự sống. Nếu như không có Thánh Giá, thiên đàng không được mở, sự chết không bị chôn vùi, mọi thủ đoạn của hỏa ngục sẽ không được phơi bày ra. Thánh Giá thật cao cả và quí giá biết bao. Cao cả, vì Đức Kitô đã chiến thằng khải hoàn trước mọi đau khổ, Thánh Giá phát sinh sự thiện với biết bao kỳ công. Quí giá, vì Thánh Giá vừa là sự khổ đau vừa là khí giáp của Thiên Chúa. Là khổ đau, vì chính nhờ cây thánh giá Đức Giêsu đã hoàn toàn chịu chết ; là khí giáp, vì ma quỉ đã bị tổn thương và đánh bại, sự chết đã bị Đức Giêsu tiêu diệt vĩnh viễn; cửa Hỏa ngục bị đập tan và Thánh Giá trở nên ơn cứu độ cho toàn thế giới. Thánh Giá được gọi là vinh quang của Đức Kitô, và tán dương Người. Chúng ta nhìn thấy nơi Thánh Giá, chén của ao ước và tất cả mọi khổ đau mà Đức Kitô đã phải chịu vì chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con tôn thờ Thánh Giá Chúa, vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc trần gian. Amen.

Đức Thánh Cha phê bình thái độ ”sống chết mặc bay” trước thảm cảnh chiến tranh

Đức Thánh Cha phê bình thái độ ”sống chết mặc bay” trước thảm cảnh chiến tranh

REDIPUGLIA. Sáng 13-9-2014, ĐTC Phanxicô tái lên án sự điên rồ của chiến tranh; sự tham lam tiền bạc, bất bao dung, và sự ham hố tiền bạc, dẫn đến chiến tranh.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi viếng thăm và cử hành thánh lễ lúc gần 10 giờ sáng tại nghĩa trang quân đội Redipuglia nhân dịp kỷ niệm 100 năm thế chiến thứ I bùng nổ.

Đây là nghĩa trang quân đội lớn nhất ở Italia, ở mạn đông bắc giáp giới với Cộng hòa Slovenia và là nơi có mộ của hơn 100 ngàn binh sĩ Italia.

ĐTC đã đáp máy bay từ Roma lúc 8 giờ sáng và khi đến nơi, ngài viếng thăm trước tiên nghĩa trang Áo Hung nơi có mộ của gần 14.500 binh sĩ tử trận thuộc nước Áo, Hungari và nhiều nước khác. Ngài cầu nguyện và đặt vòng hoa tưởng niệm. Tiếp đến, ĐTC tới đài tưởng niệm và nghĩa trang Redipuglia để cử hành thánh lễ.
Đồng tế với ĐTC có gần 100 GM Italia và các nước khác, cùng với một số LM tuyên úy quân đội. Trong số hàng chục ngàn người hiện diện trước lễ đài dưới trời mưa, có các giới chức chính quyền và quân đội Italia và nước ngoài, và các tín hữu.

Toàn văn bài giảng của ĐTC:

”Sau khi chiêm ngắm vẻ đẹp cảnh trí toàn vùng này, nơi mà những người nam nữ làm việc để nuôi dưỡng gia đình, nơi các trẻ em chơi đùa và người già mơ ước.. khi ở nơi này, tôi chỉ tìm được lời này để nói: chiến tranh là một sự điên rồ.

”Trong khi Thiên Chúa làm cho công trình sáng tạo của ngài tiến triển, và loài người chúng ta được mời gọi cộng tác vào công trình của Chúa, thì chiến tranh tàn phá. Nó tàn phá cả điều đẹp nhất mà Thiên Chúa đã tạo dựng là con người. Chiến tranh đảo lộn tất cả, kể cả liên hệ giữa anh chị em với nhau. Chiến tranh là điên rồ, kế hoạch phát triển của nó là tàn phá: nó muốn phát triển bằng cách tàn phá!

”Lòng tham lam, bất bao dung, ham hố quyền lực.. đó là những động lực thúc đẩy đi tới quyết định chiến tranh, và những động lực ấy thường được biện minh bằng một ý thức hệ; nhưng trước tiên có một sự đam mê, một động lực sai trái. Ý thức hệ là một biện minh, và khi không có ý thức hệ, thì có câu trả lời của Cain: ”Có liên hệ gì tới tôi đây?”, ”Tôi đâu có phải là người canh giữ em tôi?” (St 4,9). Chiến tranh chẳng nể ai một ai: người già, trẻ em, các bà mẹ, người cha… ”Có hệ gì tới tôi đâu?”

”Trên cổng vào nghĩa trang này, phất phới khẩu hiệu chế nhạo của chiến tranh ”Có hệ gì tới tôi đâu?”. Tất cả những người có di hài đang an nghỉ tại đây, đã có từng có những dự phóng, những ước mơ.. nhưng cuộc sống của họ đã bị đốn ngã. Nhân loại nói: ”Có hệ gì tới tôi đâu?”

”Cả ngày nay, sau sự thất bại của một cuộc thế chiến khác, có lẽ người ta có thể nói về một cuộc chiến thứ ba đang được chiến đấu ”từng mảnh”, với những tội ác, những cuộc tàn sát, những cuộc tàn phá…
Nói đúng ra, trang đầu tiên của các báo phải có tựa đề ”Có hệ gì tới tôi đâu?”. Cain nói: ”Tôi có phải là người canh giữ em tôi đâu?”.

”Thái độ ấy hoàn toàn trái ngược thái độ mà Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta trong Phúc Âm. Chúng ta đã nghe: Chúa ở trong người anh em bé nhỏ nhất: Ngài là Vua, là Thẩm Phán xét xử thế gian, là người đói, khát, là ngoại kiều, người bệnh, là tù nhân… Ai săn sóc người anh em thì được vào trong niềm vui của Chúa; trái lại ai không làm như vậy, người nào bỏ sót và nói ”Có hệ gì tới tôi đâu?”, thì phải ở ngoài.

”Ở đây có bao nhiêu nạn nhân. Hôm nay chúng ta tưởng niệm họ. Khóc thương và đau lòng. Từ nơi đây, chúng ta tưởng niệm tất cả các nạn nhân của mọi cuộc chiến tranh.

”Ngày nay cũng có bao nhiêu nạn nhân.. làm sao điều này có thể xảy ra? Nó có thể xảy ra được vì cả ngày nay, ở hậu trường, có những lợi lộc, có những kế hoặc chính trị địa lý, có lòng ham hố tiền bạc và quyền hành, và có công nghệ võ khí, dường như là rất quan trọng!

”Và những kẻ đề ra những kế hoạch kinh hoàng ấy, những kẻ xách động các cuộc xung đột, cũng như các chủ hãng chế võ khí, đã ghi vào tâm hồn họ câu ”Có hệ gì tới tôi đâu?”

Và chính những người khôn ngoan nhận ra các lỗi lầm, cảm thấy đau khổ, thống hối, xin tha thứ và khóc lóc.
Với câu ”Có hệ gì tới tôi đâu?” mà những doanh nhân chiến tranh đã ghi trong lòng, có lẽ họ kiếm được rất nhiều tiền, nhưng con tim hư hỏng của họ đã mất khả năng khóc. Câu ”Có hệ gì tới tôi đâu?” làm cho họ không khóc được. Cain không khóc. Bóng đen của Cain vẫn còn che phủ chúng ta ngày nay, tại nghĩa trang này. Chúng ta thấy nó ở đây. Ta thấy trong lịch sự từ năm 1914 đến ngày nay. Ta cũng thấy trong những ngày này.

Và ĐTC kết luận rằng:

”Với tâm hồn của người con, người anh, người cha, tôi cầu xin cho tất cả anh chị em, và cho tất cả chúng ta ơn hoán cải tâm hồn: đi từ thái độ ”Có hệ gì tới tôi đâu?”, tới thái độ khóc lóc. Khóc cho tất cả những người đã ngã gục vì “cuộc thảm sát vô ích”, khóc cho tất cả những nạn nhân của chiến tranh điên rồ, trong mọi thời đại. Nhân loại đang cần khóc lóc, và đây là giờ để khóc.”

Cuối thánh lễ, Bà Bộ trưởng quốc phòng Italia, và các vị tư lệnh quân đội, đã trao tặng ĐTC một bàn thờ ”dã chiến” được một LM tuyên úy dùng để dâng thánh lễ trong thế chiến thứ I. Ngoài ra vị Tổng tham mưu trưởng quân đội Italia đã tặng ĐTC bản sao giấy đăng ký của Ông nội của ngài, Gioan Bergoglio, một trong 31 ngàn sĩ quan của Italia đã chiến đấu trong thế chiến thứ I.

Tiếp đến ĐTC đã trao cho các GM hiện diện mỗi vị một cái đèn và dầu từ miền Assisi như biểu tượng ánh sáng hòa bình. Đèn do Tu viện Phanxicô ở Assisi và dầu do Hiệp hội cha Luigi Ciotti tặng để thắp sáng trong các buổi lễ tượng niệm thế chiến thứ I cử hành ở các địa phương.

Sau thánh lễ, ĐTC đã đáp máy bay trở về Roma vào lúc gần một giờ trưa cùng ngày. (SD 13-9-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha bổ nhiệm Đức TGM Bùi Văn Đọc làm thành viên Bộ truyền giáo

Đức Thánh Cha bổ nhiệm Đức TGM Bùi Văn Đọc làm thành viên Bộ truyền giáo

VATICAN. Hôm 13-9-2014, ĐTC Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, TGM giáo phận Sài Gòn, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, làm thành viên Bộ truyền giáo.

Cùng được bổ nhiệm làm thành viên của Bộ trong dịp này cũng có 6 HY, 9 GM và 4 Cha Bề trên Tổng quyền của 4 dòng tu.

Nhiều vị Hồng y TGM chính tòa trước đây của Việt Nam cũng được bổ nhiệm làm thành viên Bộ truyền giáo. (SD 13-9-2014)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha tiếp kiến gần 50 Giám Mục Congo

Đức Thánh Cha tiếp kiến gần 50 Giám Mục Congo

VATICAN. ĐTC khuyến khích các GM Cộng hòa dân chủ Congo đào sâu việc huấn luyện tín hữu và tăng cường giáo dục để chống bạo lực.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 12-9-2014, dành cho gần 50 GM thuộc 47 giáo phận tại Congo nhân dịp các vị về Roma hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.

Ngài bày tỏ vui mừng vì các cộng đồng Kitô tại Congo đang phát triển nhưng đồng thời cũng nhắc nhở rằng: “Như anh em biết, đối với Giáo Hội, điều cốt yếu không phải là vấn đề số lượng, nhưng là sự gắn bó hoàn toàn không chút dè dặt với Thiên Chúa được mạc khải trong Chúa Giêsu Kitô. Chất lượng niềm tin nơi Chúa Kitô, Đấng đã chết và sống lại, sự hiệp thông thân mật với Chúa, chính là nền tảng sự vững chắc của Giáo Hội. Vì thế, điều quan trọng sinh tử là rao giảng Tin Mừng theo chiều sâu. Lòng trung thành với Tin Mừng, Truyền Thống và Giáo Huấn của Hội Thánh chính là những điểm tham chiếu vững chắc bảo đảm sự tinh tuyền của nguồn suống mà anh em đang dẫn đưa Dân Chúa đến” (Lumen Fidei, 36).

ĐTC ghi nhận Giáo Hội tại Congo có rất nhiều người trẻ, và ngài tỏ ra nhạy cảm đối với tình cảnh khó khăn của người trẻ. Ngài nói: ”Tôi biết anh em chia sẻ những cơ cực, vui mừng và hy vọng của người trẻ. Tôi rất kinh hoàng khi nghĩ đến các trẻ em và người trẻ bị cưỡng bách gia nhập các lực lượng dân quân và bị bó buộc phải giết đồng bào của mình! Vì thế, tôi khuyến khích anh em tăng cường việc mục vụ cho người trẻ… Phương thế hữu hiệu nhất để thắng bạo lực, vượt thắng những chênh lệch và chia rẽ bộ tộc, chính là giúp người trẻ có óc phê bình và đề nghị với họ một tiến trình trưởng thành trong các giá trị Tin Mừng (Xc Evangelii gaudium, 64). Cũng cần tăng cường việc mục vụ trong các đại học cũng như trong các trường Công Giáo và công lập”.

Trong bài huấn dụ, ĐTC cũng nhắc đến sự băng hoại gia đình ở Congo do chiến tranh và nghèo đói gây ra. Ngài nói: ”Điều không thể thiếu được, đó là đề cao giá trị và khuyến khích tất cả các sáng kiến nhắm củng cố gia đình, là nguồn mạch mọi tình huynh đệ, là nền tảng và là con đường đầu tiên dẫn đến hòa bình” (Sứ điệp Hòa bình thế giới, 2014, 1).

ĐTC cũng nói rằng: ”Anh em thân mến trong hàng GM, tôi mời gọi anh em không ngừng hoạt động để thiết lập một nền hòa bình lâu bền và công chính, qua một nền mục vụ đối thoại và hòa giải giữa các thành phần khác nhau trong xã hội, đồng thời hỗ trợ tiến trình giải giáp, và cổ võ sự cộng tác hữu hiệp với các tôn giáo khác”.
Sau cùng, ĐTC bày tỏ hy vọng các GM Congo sẽ tiếp tục hoạt động để nhạy cảm hóa chính quyền về việc kết thúc các cuộc thương thảo để ký một hiệp định với Tòa Thánh.

Trong số gần 70 triệu dân tại Cộng hòa dân chủ Congo đa số là tín hữu Kitô, trong đó có hơn 52% là tín hữu Công Giáo. Các tín hữu Kitô khác chiếm 30% và có 10% theo Hồi giáo, 10% theo các tôn giáo cổ truyền của Phi châu. (SD 12-9-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Thế giới học được gì từ hai thế chiến?

Thế giới học được gì từ hai thế chiến?

Sáng thứ bẩy 13 tháng 9 Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong tại Redipuglia và cử hành thánh lễ tại nghĩa trang các tử sĩ nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Đệ Nhất Thế Chiến bùng nổ.

Redipuglia là nghĩa trang quân đội lớn nhất tại Italia với mộ của hơn 100 ngàn tử sĩ của Thế chiến thứ nhất, trong đó có 30 ngàn chiến sĩ vô danh. Nghĩa trang này chỉ cách biên giới nước Slovenia vài cây số, và được khánh thành ngày 13 tháng 9 năm 1938. Sau khi viếng thăm nghĩa trang Áo-Hung, đặt vòng hoa trước đài tưởng niệm, vào lúc 10 giờ Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ đồng tế tại đài tưởng niệm với các vị Giám Mục đặc trách các giáo hạt quân đội Italia và các nước cùng nhiều Giám Mục khác. Cuối thánh lễ Đức Thánh Cha đọc kinh cầu cho các binh sĩ tử trận và các nạn nhân chiến tranh. Ngài cũng trao cho mỗi Giám Mục hiện diện một ngọn đèn để thắp sáng trong các lễ tưởng niệm Đệ Nhất Thế Chiến tại các giáo phận liên hệ.

Đệ Nhất Thế Chiến đã bùng nổ ngày 28 tháng 7 năm 1914, và chấm dứt ngày 11 tháng 11 năm 1918. Các cuộc đụng độ diễn ra tai Âu châu, Trung Đông, nhiều đảo Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ, theo các phản ứng liên minh dây chuyền giữa các nước. Đã có hơn 70 triệu người bị động viên, trong số này có 60 triệu tại các nước Âu châu, và hơn 9 triệu binh sĩ ngã gục tại chiến trường, không kể khoảng 7 triệu thường dân bị thiệt mạng.

Mặt khác trong các ngày 31 tháng 8 đến mùng 2 tháng 9 vừa qua, các Giám Mục Đức và Ba Lan đã cùng cử hành các lễ nghi tưởng niệm 75 năm Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ.

Thế Chiến Thứ II bắt đầu ngày mùng 1 tháng 9 năm 1939, khi quân đội Đức Quốc Xã tấn công Ba Lan, và chiến tranh đã kéo dài 6 năm khiến cho 62 triệu người chết, trong đó có 25 triệu binh sĩ: 17 triệu người thuộc khối đồng minh và 8 triệu người thuộc khối Trục gồm Đức, Ý và Nhật Bản. Khối đồng minh có 33 triệu thường dân bị chết, trong khi khối Trục có 4 triệu thường dân thiệt mạng.

Hai thế chiến đã khiến cho gần 80 triệu người chết, hàng chục triệu người khác bị thương hay tàn phế, và bao nhiêu triệu người phải sống trong cảnh nghèo túng, đói khát, bệnh tật, khốn khổ, vì các quốc gia lâm chiến đã dốc đổ tài lực và sát tế nhân lực cho thần chiến tranh và tàn phá. Hàng trăm thành phố làng mạc đã bị bỏ bom bình địa, tan hoang. Biết bao nhiêu hy sinh, mồ hôi, máu và nước mắt của hàng bao thế kỷ xây dựng, vun trồng, với bom đạn của chiến tranh chỉ trong chớp nhoáng đã biến thành tro bụi. Nam giới bị động viên, đất đai bị bỏ hoang không người canh tác, phụ nữ và trẻ em phải nai lưng làm việc trong các hãng chế tạo khí giới hay canh tác cầm chừng không đủ thực phẩm cung cấp cho gia đình. Toàn dân phải thắt lưng buộc bụng hy sinh cho chiến tranh.

Nhìn vào lịch sử nhận loại người ta thấy đã không có thế kỷ nào nhiều chiến tranh và xung khắc như thế kỷ 20 với hơn 180 cuộc chiến lớn nhỏ, trong đó hàng chục chiến cuộc vẫn còn tiếp diễn trong thế kỷ 21 hiện nay. Từ vài tháng qua với sự kiện các lực lượng hồi cuồng tín thành lập Nhà Nước Hồi bên Siria và Irak cũng như bên Nigeria, thi hành chiến sách diệt chủng tôn giáo và bộ tộc với các cuộc tàn sát tập thể dã man, xử bắn hàng ngàn binh sĩ, chặt đầu cắt cổ cả trẻ thơ, tước đoạt nhá cửa, ruộng vườn và tài sản của các kitô hữu vá các nhóm hồi thiểu số, và đuổi họ ra đi với hai bàn tay trắng. Các lực lượng ISIS ước mơ tài lập đế quốc Ottoman đã bị hủy bỏ năm 1920, để tiến tới chỗ hồi giáo hóa và thống trị toàn thế giới. Các đe dọa và khiêu khích của Nhà nước Hồi đã khiến cho Hoa Kỳ, Anh, Pháp Đức, Ba Lan, Italia và các quốc gia Arập Bắc Phi thành lập liên minh chống các lực lượng ISIS.

Bên cạnh đó lại còn thêm cuộc khủng hoảng tại Ucraina với chiến tranh ly khai và cuộc xâm lăng của quân đội Nga tại Crimea. Tuy Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu châu đã đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế, nhưng xem ra nước Nga không nao núng, vì biết rằng chính quyền của tổng thống Barack Obama không ở trong thế mạnh do nhiều vấn đề khác nhau, và các quốc gia trong Liên Hiệp Âu châu vẫn còn kiệt quệ, chưa ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế tài chành trầm trọng kéo dài từ năm 2008 tới nay. Khi xua quân xâm lăng Ucraina ông Vladimir Putin cũng đã tính toán các nước cờ nhằm thực hiện giấc mộng tái lập đế quốc ”Nga vĩ đại”. và giành lại vai trò lãnh đạo đã mất trên bàn cờ chính trị thế giới, sau khi đế quốc cộng sản Liên Xô sụp đổ. Và Ucraina, quốc gia thành viên cựu khối Varsava, là con cờ thăm dò đầu tiên. Tổng thống Putin qúa biết các nước trong Liên Hiệp Âu châu rất cần dầu hỏa và khí đốt của Nga, đặc biệt mỗi khi mùa đông tới, nên việc sáp nhập Crimea vào Nga sẽ mở màn cho chiến dịch tái chiếm các vùng có người Nga sinh sống trong các nước vùng Baltic. Và để thoát vòng kiềm tỏa kinh tế của Hoa Kỳ và các nước khối G7, hồi hạ tuần tháng 5 vừa qua trong chuyến ông Putin viếng thăm Thượng Hải Nga và Trung Quốc đã ký hợp đồng thương mại lên tới 400 tỷ mỹ kim. Bắt đầu từ năm 2018 Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc mỗi năm 38 tỷ mết khối khí đốt trong vòng 30 năm. Số lượng đầu hỏa và khí đốt này sẽ được chuyển tới miền Đông Trung Quốc do một ống dẫn dài 2.200 cậy số. Đo đó Nga không sợ các trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ và các nước G7. Sau bài diễn văn của tổng thống Back Obama hôm thứ tư vừa qua, tuyền bố thành lập và điều khiển liên minh chống Nhà nước Hồi, và có thể bỏ bom bất cứ nơi đâu có các lực lượng này kể cả Siria, tổng thống Putin phản đối và chỉ trích Hoa Kỳ hành động trái với luật lệ quốc tế.

Liệu các căng thẳng giữa các cường quốc liên quan tới Ucraina và tình hình nóng bỏng tại Trung Đông có đột ngột gia tăng và châm ngòi cho một Đệ Tam Thế Chiến hay không, không ai biết được. Nhưng thực ra Thế Chiến thứ ba đã bắt đầu, từng mảng một, và rất có thể đưa tới việc sử dụng các vũ khí nguyên tử. Nếu xảy ra như vậy, thỉ gia đình nhâm loại vẫn phải tiếp tục sống dưới quyền điều khiển của thiểu số lãnh đạo có đầu óc điên loạn, khát khao quyền lực, mê say danh vọng vô độ. Và như vậy thế giới đã không học được gì từ hai thế chiến trong thế kỷ 20.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng của khoa chú giải Kinh Thánh

Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng của khoa chú giải Kinh Thánh

VATICAN. ĐTC đề cao khoa chú giải Kinh Thánh và kêu gọi các nhà chú giải làm tất cả những gì có thể để lãnh hội rõ ràng ý nghĩa của Sách Thánh.

Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 12-9-2014 dành cho các tham dự viên Tuần lễ Kinh Thánh toàn quốc Italia lần thứ 43 tại Roma, ĐTC nói: ”Khoa chú giải Kinh Thánh, trong Giáo Hội và trên thế giới, chu toàn một công tác không thể thiếu được. Thật là một ảo tưởng và tỏ ra thiếu tôn trọng đối với Kinh Thánh được linh hứng khi bỏ qua khoa chú giải… Sự tôn trọng đích thực đối với Kinh Thánh đòi phải thực hiện tất cả những cố gắng cần thiết để có thể nắm bắt rõ ràng ý nghĩa của Kinh Thánh. Dĩ nhiên không phải mọi Kitô hữu đều có thể đích thân nghiên cứu các văn bản Kinh Thánh. Nghĩa vụ này được ủy thác cho các nhà chú giải, các vị hữu trách trong lãnh vực này để mưu ích cho tất cả mọi người” (Giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội, 15-4-1993, Kết luận).

ĐTC cũng khẳng định rằng ”Khoa chú giải Kinh Thánh Công Giáo không phải chỉ để ý đến các khía cạnh phàm nhân của các văn bản Kinh Thánh mà thôi. Khoa này cần giúp dân Kitô giáo nhận thức một cách rõ ràng hơn Lời Chúa trong các bản văn ấy, để hiểu rõ hơn, hầu sống trọn vẹn trong tình hiệp thông với Thiên Chúa. Để được như vậy, nhà chú giải cần biết nhận thức Lời Chúa trong các bản văn, và điều này chỉ có thể nếu nhà chú giải có đời sống thiêng liêng nhiệt thành, năng đối thoại với Chúa; chẳng vậy việc nghiên cứu chú giải Kinh Thánh sẽ không đầy đủ, và đánh mất mục tiêu chủ yếu của mình”.
Tuần lễ Kinh Thánh toàn quốc Italia năm nay đã tiến hành từ ngày 8 đến 12-9-2014 với chủ đề ”Ai có thể kể lại những công trình quyền năng của Chúa?” (Tv 106,2) (SD 12-9-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Thông cáo về việc gặp gỡ giữa phái đoàn Tòa Thánh và Việt Nam

Thông cáo về việc gặp gỡ giữa phái đoàn Tòa Thánh và Việt Nam

VATICAN. Trưa ngày 11-9-2014, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố thông cáo chung về cuộc gặp gỡ lần thứ 5 của Nhóm Làm Việc chung giữa Việt Nam và Tòa Thánh tại Hà Nội.

Nguyên văn thông cáo chung như sau:

Để thi hành những thỏa thuận đã đạt được trong cuộc gặp gỡ lần thứ 4 của Nhóm Làm Việc chung giữa Tòa Thánh và Việt Nam, diễn ra tại Vatican hồi tháng 6 năm 2013, cuộc gặp gỡ thứ 5 của Nhóm Làm Việc Chung đã diễn ra tại Hà Nội ngày 10 và 11 tháng 9 năm 2014. Hai vị đồng chủ tọa cuộc gặp gỡ là Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam, Ông Bùi Thanh Sơn, Trưởng Phái Đoàn Việt Nam, và Thứ Trưởng ngoại giao Tòa Thánh, Đức Ông Antoine Camilleri, Trưởng Phái Đoàn Tòa Thánh.

Phái Đoàn Tòa Thánh đã đánh giá cao sự nâng đỡ của các giới chức chính quyền có thẩm quyền ở mọi cấp độ dành cho Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam để thi hành sứ mạng của mình. Đoàn cũng ghi nhận những tiến triển trong chính sách tôn giáo của Việt Nam, được phản ánh trong Hiến Pháp tu chính năm 2013. Nhà Nước Việt Nam đã tạo điều kiện dễ dàng cho các cuộc viếng thăm công tác của Đức TGM Leopoldo Girelli, Đại diện Không Thường Trú của Tòa Thánh tại Việt Nam. Phái Đoàn Tòa Thánh tái khẳng định mình coi trọng việc phát triển quan hệ với Việt Nam nói riêng, và với Á châu nói chung, như cuộc viếng thăm mới đây và các cuộc viếng thăm sắp tới của Đức Giáo Hoàng tại Đại lục này làm nổi bật. Tòa Thánh tái khẳng định sự dấn thân tiến tới mục tiêu thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, và cùng với Giáo Hội Công Giáo tại nước này, Tòa Thánh muốn góp phần tích cực hơn nữa vào việc phát triển đất nước trong các lãnh vực mà Giáo Hội Công Giáo có những điểm mạnh, như trong lãnh vực y tế, giáo dục, từ thiện và các hoạt động nhân đạo. Phía Việt Nam tái khẳng định chính sách trước sau như một của Nhà Nước và Đảng trong việc tôn trọng tự do tôn giáo và tín ngưỡng của mọi người, và trong việc hỗ trợ Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam tích cực tham gia vào việc phát triển đất nước về mặt xã hội và kinh tế.

Hai bên cũng nêu bật những nguyên tắc cơ bản ”sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc” và ”người công giáo tốt là người công dân tốt”. Phái Đoàn Tòa Thánh nhấn mạnh rằng Đức Thánh Cha Phanxicô quan tâm theo dõi những tiến triển gần đây trong quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam và Ngài khích lệ cộng đồng Công Giáo tại Việt Nam tiếp tục góp phần đẩy mạnh các mục tiêu chính của đất nước.

Hai bên hài lòng ghi nhận những phát triển tích cực trong quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam được biểu lộ qua sự gia tăng những trao đổi và tiếp xúc ở mọi cấp độ, từ những cuộc gặp gỡ của Nhóm Làm Việc chung cho tới các cuộc viếng thăm công tác của vị Đại diện Không Thường Trú của Tòa Thánh tại Việt Nam. Hai bên thỏa thuận tiếp tục đối thoại và tiếp xúc, đồng thời tạo những điều kiện thuận lợi cho sứ vụ của Vị Đại diện Tòa Thánh, vì ngài giúp Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam thi hành giáo huấn của Đức Giáo Hoàng.

Cuộc gặp gỡ đã diễn ra trong bầu không khí thẳng thắn, chân thành và tôn trọng lẫn nhau.

Hại bên đã đồng ý thực hiện cuộc gặp gỡ thứ 6 của Nhóm Làm Việc chung giữa Tòa Thánh và Việt Nam tại Vatican. Thời điểm cuộc gặp gỡ sẽ được thiết lập qua đường ngoại giao.

Trong dịp này, Phái đoàn Tòa Thánh đã viếng thăm Phó Thủ trướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao, Ông Phạm Bình Minh, và gặp Thứ Trưởng Nội vụ kiêm Trưởng Ban tôn giáo của chính phủ, Ông Phạm Dũng. Đoàn cũng nhân cơ hội này viếng thăm vài tổ chức Công Giáo ở Hà Nội và Thành Phố HCM. (SD 11-9-2014)

G. Trần Đức Anh OP chuyển ý

 

Mẹ Giáo Hội dạy chúng ta sống thương xót là nòng cốt Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô

Mẹ Giáo Hội dạy chúng ta sống thương xót là nòng cốt Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô

Giáo Hội là mẹ dạy chúng ta sống điều nòng cốt trong Tin Mừng của Chúa Giêsu: đó là lòng thương xót, làm các việc lành phúc đức để cải tiến thế giới.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 50 chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư hàng tuần 10-9-2014 tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã tiếp tục loạt bài giáo lý về Giáo Hội. Giáo Hội là mẹ làm cho chúng ta lớn lên với ánh sáng và sức mạnh của Lời Chúa, chỉ cho chúng ta con đường cứu độ và bảo vệ chúng ta khỏi sự dữ. Nhưng Giáo Hội cũng là mẹ giáo dục chúng ta làm các việc của lòng thương xót. Một nhà giáo dục tốt chỉ cho thấy điều nòng cốt, không lạc trong các chi tiết, nhưng muốn thông truyền điều thực sự quan trọng để con cái hay học trò tìm ra ý nghĩa và niềm vui sống.

Và điều nòng cốt, theo Phúc Âm, là lòng thương xót. Chính Chúa Giêsu nói một cách rõ ràng, khi tóm tắt giáo huấn của Người cho các môn đệ: ”Các con hãy thương xót, như Cha các con ở trên trời là Đấng xót thương” (Lc 6,36). Có thể là kitô hữu mà không thương xót không? Không. Tín hữu kitô phải là người thương xót, bởi vì đó là trọng tâm của Tin Mừng. Và trung thành với giáo huấn này, Giáo Hội chỉ có thể lập lại cùng điều ấy với con cái mình: ”Các con hãy thương xót”, như Thiên Chúa Cha và như Chúa Giêsu đã thương xót.

Và khi đó Giáo Hội hành xử như Chúa Giêsu. Giáo Hội không cho các bài học lý thuyết về tình yêu thương, về lòng thương xót. Không phổ biến trên thế giới một triết lý, một con đường khôn ngoan… Chắc chắn rồi, Kitô giáo cũng là tất cả những điều này, nhưng như là kết qủa, như là phản ánh. Như Chúa Giêsu mẹ Giáo Hội dậy với gương sáng và các lời nói dùng để minh giải ý nghĩa các cử chỉ của mình.

Mẹ Giáo hội dậy chúng ta cho kẻ đói khát ăn uống, cho người trần truồng quần áo mặc, Và Giáo Hội làm sao? Giáo Hội làm với gương của biết bao nhiêu thánh nam nữ đã thực thi điều đó một cách gương mẫu; Giáo Hội cũng làm với gương sáng của biết bao nhiêu người cha người mẹ, dậy con cái mình rằng điều chúng ta dư thừa là sự cần thiết cho người túng thiếu. Đây là điều quan trọng cần biết. Trong các gia đình kitô đơn sơ nhất luật hiếu khách đã luôn luôn là thánh thiêng: không bao giờ thiếu một đĩa thức ăn và một giường nghỉ cho người cần được giúp đỡ.

Một lần kia, một bà mẹ ở trong giáo phận khác đã kể cho tôi nghe bà đã muốn dậy ba đứa con bà và nói với chúng giúp cho kẻ đói ăn. Một hôm nọ người cha đi làm việc, bà và ba đứa con 7, 5 và 4 tuổi đang ăn trưa, thì nghe tiếng gõ cửa. Có một ông xin ăn. Bà nói ông đợi một chút, rồi vào nói với các con: ”Có một ông xin ăn, chúng ta làm gì bây giờ?” ”Chúng ta cho ông ăn đi mẹ, chúng ta cho ông ăn”. Mỗi đứa bé có một miếng bí tết và khoai tây chiên trong đĩa. ”Chúng ta lấy một nửa thức ăn của mỗi con và chúng ta cho ông phân nửa miếng bí tết của mỗi con”. ”Ồ không mẹ, như vậy đâu có được!”. ”Con phải làm như vậy, và cho đi một nửa của con”. Bà mẹ đã dậy các con cho kẻ đói ăn như vậy. Đây là thí dụ rất đẹp đã giúp tôi rất nhiều. ”Con đâu có thừa gì đâu”. ”Hãy cho phần của con”. Mẹ Giáo Hội cũng dậy chúng ta như vậy đấy. Và các bà, biết bao nhiêu bà mẹ hiện diện ở đây, chị em biết phải làm gì để dậy con cái chị em, để chúng chia sẻ những gì của riêng chúng với người cần được giúp đỡ.

Mẹ Giáo Hội dậy ở gần người đau yếu. Biết bao nhiêu thánh nam nữ đã phục vụ Chúa Giêsu theo kiểu mẫu này! Và biết bao nhiêu người đơn sơ nam nữ mỗi ngày thực hành việc thương xót này trong một phòng nhà thương, hay trong một nhà hưu dưỡng, hoặc trong chính nhà mình, khi giúp đỡ một người đau yếu. Mẹ Giáo Hội dậy chúng ta ở gần người bị tù. ”Ồ thưa cha, anh ta nguy hiểm lắm, anh ta là người xấu”. Nhưng mà mỗi người trong chúng ta có khả năng… Xin anh chị em nghe rõ điều này: mỗi người trong chúng ta đều có khả năng làm cùng điều mà người đàn ông hay người đàn bà đó trong tù đã làm. Tất cả chúng ta đều có khả năng phạm tội và làm cùng điều đó, sai lầm trong cuộc sống. Họ không xấu hơn bạn và tôi đâu!

Lòng thương xót vượt mọi bức tường, mọi rào cản và đưa bạn tới chỗ luôn luôn tìm kiếm gương mặt của con người. Và lòng thương xót thay đổi con tim và cuộc sống có thể làm cho một người tái sinh và cho phép họ tái hội nhập vào xã hội.

Mẹ Giáo Hội dậy chúng ta ở gần ai bị bỏ rơi và chết cô đơn. Đó là điều Chân phước Têrêxa đã làm trên các đường phố tại Calcutta; đó là điều mà biết bao nhiêu kitô hữu đã làm, họ không sợ hãi nắm tay một người đang rời bỏ thế giới này. Và ở đây cũng thế, lòng thương xót trao ban hòa bình cho người ra đi và cho người ở lại, bằng cách làm cho chúng ta cảm thấy rằng Thiên Chúa vĩ đại hơn cái chết, và khi ở trong Người cả sự tách rời cuối cùng cũng là một ”tái ngộ”. Chân phước Têrêxa đã hiểu rõ điều này. Người ta đã nói với mẹ: ”Thưa mẹ, điều này là mất thời giờ”. Tìm người hấp hối trên đường phố, người mà chuột cống đã bắt đầu ăn thịt, nhưng mẹ đem họ về nhà để họ chết trong an bình, được tắm rửa, thanh thản, được vuốt ve. Mẹ đã cho họ tất cả lời ”tạm biệt”. Và có biết bao nhiêu người nam nữ đã làm điều này như mẹ. Và họ chờ mẹ ở trên trời ở cửa để mở cửa Trời cho họ. Giúp con người chết tốt trong an bình.

Anh chị em thân mến, Giáo Hội là mẹ như thế, bằng cách dậy cho con cái mình các việc của lòng xót thương. Giáo Hội đã học được từ Chúa Giêsu con đường ấy, đã học biết rằng đó là điều nòng cốt cho ơn cứu rỗi. Chỉ yêu thương người yêu thương ta thôi, thì không đủ. Để thay đổi thế giới nên tốt lành hơn, cần phải làm điều thiện cho người không có khả năng đáp trả lại chúng ta, như Thiên Chúa Cha đã làm, bằng cách ban cho chúng ta Đức Giêsu. Chúng ta đã trả bao nhiêu cho ơn cứu rỗi của chúng ta? Không có gì hết, tất cả là nhưng không! Làm điều thiện mà không chờ đợi gì đổi lại. Thiên Chúa Cha đã làm như thế với chúng ta, và chúng ta cũng phải làm như vậy. Hãy làm việc thiện và tiến bước! Thật đẹp biết bao sống trong Giáo Hội, trong đó mẹ Giáo hội của chúng ta dậy chúng ta tất cả các điều này mà Chúa Giêsu đã dậy! Chúng ta hãy cám ơn Chúa là Đấng ban cho chúng ta ơn có Giáo Hội là mẹ, một người mẹ dậy chúng ta con đường thương xót, sự sống của sự sống. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa!

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu đến từ Pháp, Thụy Sĩ, và Sénégal, cũng như các tín hữu đến từ Anh quốc, vùng Galles, Êcốt, Phần Lan, Thụy Điển, Cộng hòa Tiệp, Nam Phi, Philippines, Canada, Hoa Kỳ, Đức, Tây Ban Nha, Mexico, Colombia, Perù, Chilê, Argentina, Brasil và Bồ Đào Nha. Chào các tín hữu đến từ Syria và vùng Trung Đông, Đức Thánh Cha nói: Mẹ Giáo Hội dậy chúng ta đương đầu với thù hận bằng tình yêu thương, đánh bại bạo lực với sự tha thứ, trả lời cho vũ khí với lời cầu nguyện. Xin Chúa ban thưởng cho lòng trung thành của anh chị em, tuôn đổ trên anh chị em lòng can đảm, và mở mắt những người bị mù lòa bởi sự dữ, để họ thấy ánh sáng của sự thật và sám hối các lỗi lầm đã phạm.

Đức Thánh Cha cũng chào một đoàn hành hương Slovac do Đức Cha Rabeck, tổng tuyên úy quân đội, hướng dẫn. Trong số đông đảo các đoàn hành hương của nhiều giáo phận Italia do các Giám Mục hướng dẫn ngài chào tín hữu giáo phận Treviso về Roma hành hương nhân kỷ niệm 100 năm Đức Piô X qua đời, ngài đã là vị Giáo Hoàng có lòng hăng say mục vụ rất lớn; các tín hữu Modena và Reggio Emilia hành hương Roma để cám ơn lễ phong chân phước cho chủng sinh Rolando Rivi chứng nhân anh hùng của lòng trung thành với Chúa Kitô và Tin Mừng; nhóm hiến máu của Hội đồng các bộ trưởng. Đức Thánh Cha đã đặc biệt chào và cám ơn các sĩ quan và binh sĩ hải quân thuộc toán cứu vớt người tỵ nạn ”Mare nostrum” vì hoạt động đáng khen của họ đối với các anh chị em đi tìm niềm hy vọng. Ngài cầu chúc chuyến viếng thăm mộ hai Thánh Tông Đồ dưỡng nuôi đức tin của họ được biểu lộ ra trong các công tác bác ái cụ thể.

Chào đông đảo các bạn trẻ, đặc biệt các em mới chịu phép Thêm Sức của giáo phận Chiavari, Đức Thánh Cha nhắc cho biết thứ sáu tới này là lễ nhớ Danh thánh Đức Maria. Ngài khích lệ họ hãy cầu khẩn danh Mẹ để nếm hưởng được sự dịu ngọt tình yêu của Mẹ Thiên Chúa. Ngài xin các anh chị em đau yếu cầu khấn Mẹ trong lúc vác thập giá của bệnh tật và khổ đau. Ngài nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới nhìn lên Mẹ như mẫu gương con đường hôn nhân tận hiến và trung thành.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

CHƯƠNG TRÌNH NGHI LỄ AN TÁNG CHO CỐ GIÁM MỤC CIRILO FLORES

CHƯƠNG TRÌNH NGHI LỄ AN TÁNG CHO CỐ GIÁM MỤC CIRILO FLORES

Cố Giám Mục Cirilo Flores 1948-2014Cố Giám Mục Cirilo Flores 1948-2014

 

Chương trình gồm có:

– Nghi thức đón nhận thi hài của cố Giám Mục Cirilo Flores tại nhà thờ Thánh Giuse (Saint Joseph) vào lúc 10:00 giờ sáng ngày thứ Ba 16 tháng 9 năm 2014. Địa chỉ của nhà thờ:  1535 Third Avenue, San Diego, California 92101.

– Vào chiều tối thứ Ba cùng ngày, lúc 7:00 giờ tối sẽ có nghi thức lễ cầu nguyện cho cố Giám Mục Cirilo Flores tại nhà thờ Thánh Giuse.

– Lễ an táng cho cố GM sẽ được cử hành tại nhà thờ Thánh Teresa Carmel vào trưa ngày thứ Tư 17 tháng 9 năm 2014. Địa chỉ của nhà thờ: 4355 Del Mar Trials Road, San Diego, CA 92130.

– Sau đó sẽ được an táng tại nghĩa trang Holy Cross, 4470 Hilltop Drive, San Diego, CA

Xin mời tất cả các Kitô hữu hiệp nhất cùng nhau cầu nguyện cho Cố GM Cirilo Flores.

253 người sẽ tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình

253 người sẽ tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình

VATICAN. Hôm 9-9-2014, Văn phòng Tổng Thư Ký Thượng HĐGM đã công bố danh sách 253 người sẽ tham dự Thượng HĐGM thế giới khóa đặc biệt thứ 3, từ ngày 5 đến 19-10 tới đây tại Vatican.

Chủ đề khóa họp là ”Những thách đố mục vụ về gia đình trong bối cảnh loan báo Tin Mừng”, với mục đích ”đề nghị cho thế giới ngày nay vẻ đẹp và các giá trị của gia đình, xuất phát từ sự loan báo của Chúa Giêsu Kitô đánh tan sợ hãi và nâng đỡ niềm hy vọng” (ĐHY Lorenzo Baldisseri).

Trong số 253 tham dự viên đến từ 5 châu, có 13 thủ lãnh các Giáo Hội Công Giáo Đông phương tự quản, 114 vị Chủ tịch HĐGM, 25 vị Tổng trưởng hoặc Chủ tịch các Cơ quan trung ương Tòa Thánh, 9 thành viên Hội đồng Thượng HĐGM, tiếp đến là Đức Hồng Y Tổng thư ký Baldisseri và Đức Cha Phó Tổng thư ký Thượng HĐGM, 3 Bề trên Tổng quyền do Hiệp hội các Bề trên Tổng quyền dòng nam bầu lên (Bề trên Tổng Quyền dòng Tên, dòng Capuchino và dòng thanh Giuse (CSI), ngoài ra có 26 nghị phụ do ĐTC bổ nhiệm.

Các tham dự viên khác gồm 8 đại biểu của các Giáo Hội Kitô anh em, 38 dự thính viên trong số này có 13 đôi vợ chồng. Thêm vào đó có 16 chuyên gia.

Người Việt Nam duy nhất tham dự Thượng HĐGM thế giới sắp tới là Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, TGM giáo phận Thành Phố Hồ Chí Minh, trong tư cách là Chủ tịch HĐGM Việt Nam.

Trong số 26 nghị phụ do ĐTC bổ nhiệm, có ĐHY Angelo Sodano, niên trưởng Hồng y đoàn, ĐHY Walter Kasper, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, ĐHY Gioan Thang Hán, GM Hong Kong. Có 3 vị là linh mục, đứng đầu là Cha Francois-Xavier Dumortier SJ, Viện trưởng Giáo hoàng Đại học Gregoriana, Cha Antonio Spadaro SJ, Giám đốc tạp chí La Civiltà Cattolica, và Cha Manuel Jesús Arroba Conda, CMF, giáo sư giáo luật Đại Học Giáo Hoàng Laterano.

Trong số các tham dự viên có 191 nghị phụ có quyền phát biểu và bỏ phiếu.

ĐTC là Chủ tịch của Thượng HĐGM và có 3 Hồng Y Chủ tịch thừa ủy: ĐHY André Vingt-Trois, TGM Paris (Pháp), ĐHY Luis Tagle, TGM Manila (Philippines) và ĐHY Raymundo Damasceno Assis, TGM Aparecida (Brazil).

Công nghị ngoại thường của các GM thế giới sắp tới chỉ kéo dài 2 tuần lễ nhắm thu thập các dữ kiện và ý kiến, sau đó vào tháng 10 năm 2015, sẽ có Thượng HĐGM thế giới thường kỳ, nhắm đưa ra những đề nghị cụ thể cho việc mục vụ gia đình trong bối cảnh loan báo Tin Mừng ngày nay.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Vua vương quốc Bahrain hiến tặng Giáo Hội công giáo một miếng đất để xây nhà thờ chính tòa

Vua vương quốc Bahrain hiến tặng Giáo Hội công giáo một miếng đất để xây nhà thờ chính tòa

Phỏng vấn Đức Cha Camillo Ballin, Giám quản tông tòa vùng bắc A rập

Trong các ngày hạ tuần tháng 8 vừa qua vua Hamad Bin Isa Al Khalifa của vương quốc Bahrain đã hiến tặng Giáo Hội công giáo một khu đất rộng 9,000 mét vuông để xây nhà thờ chính tòa dâng kính Đức Bà A Rập. Chính Đức Cha Camillo Ballin Giám quản tông tòa vùng bắc A rập đã cho biết như trên trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican ngày 22 tháng 8 vừa qua. Nhà thờ chính tòa sẽ có hình bát giác, giống lều dân Do thái dựng trong sa mạc Sinai xưa kia.

Vùng bắc A rập thuộc quyền giám quản của Đức Cha Ballin bao gồm Bahrain, Kuwait, Qatar và A rập Sauđi.

Vương quốc Bahrain là một quần đảo rộng 750 cây số vuông, có gần 1.3 triệu dân, 80% theo Hồi giáo, 10% theo Kitô giáo và 10% theo các tôn giáo khác. Al Bahrain có nghĩa là ”vương quốc của hai biển”. Hồi đầu thế kỷ 16 nó bị người Bồ Đào Nha chiếm đóng, sang đầu thế kỷ 17 người dân nổi loạn đánh đuổi người Bồ. Bahrain tùy thuộc vương quốc Ba Tư. Vào tiền bán thế kỷ 18 khi triều đại Safavít bên Ba Tư sụp đổ, Bahrain độc lập và do bộ tộc Huwala cai trị. Năm 1735 triều đại mới Cagiari của Ba Tư tái chiếm Bahrain, và năm 1754 các thành phần của triều đại Makhtur trở thành các thống đốc cha truyền con nối dưới sự giám sát của Ba Tư. Năm 1783 dưới sự lãnh đạo của bộ lạc Bani Utub, người dân Bahrain cùng với người dân Qatar nổi lên chống lại triều đại Makhtur và được hoàn toàn độc lập khỏi người Ba Tư. Nhưng nền độc lập không kéo dài vì Bahrain lại bị Sultan Oman đánh chiếm năm 1802. Năm 1822 lại xảy ra một cuộc nổi loạn khác do gia tộc Al Khalifa lãnh đạo, và tái lập nền độc lập.

Trong thời gian này Bahrain ký các hiệp ước với Anh quốc để được Anh quốc bảo vệ khỏi các tấn công từ bên ngoài, nhưng chưa phải là chế độ bảo hộ. Nam 1869 đế quốc Ottoman trải rộng sự thống trị của họ dọc bờ duyên hải A rập của vùng Vịnh Ba Tư, và với sự can thiệp của Anh quốc Bahrain được hưởng quy chế chư hầu. Với sự sụp đổ của đế quốc Ottoman năm 1916 Bahrain trở thành vùng bảo hộ của Anh quốc cho tới năm 1971, rồi được độc lập. Đường hướng cai trị mang tính cách truyền thống hồi giáo giống A Rập Sauđi. Bahrain đã đồng ý cho Hoa Kỳ có căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình để chứng minh cho thấy mình phò Tây phương. Tuy có Hiến pháp năm 1973 nhưng năm 1975 Hiến pháp bị tạm ngưng. Năm 2011 vua Hamad Bin Isa Al Khalifa tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì các đụng độ giữa các nhóm Sciít được Iran ủng hộ và các nhóm Sunni được A rập Sauđi yểm trợ. Các cuộc đụng độ đã khiến cho 3 người chết và 200 người bị thương. Tiến trình cách mạng đang tiếp tục không chỉ có tính cách tôn giáo nhưng cũng có tính cách kinh tế, xã hội nhất là chính trị pháp định và liên quan tới các quyền tự do dân sự.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Cha Ballin về tin vui này và về tình hình các kitô hữu vùng Trung Đông.

Hỏi: Thưa Đức Cha Giám quản, tin vui nói trên là một dấu hiệu tích cực. Đức Cha có thể cho biết thêm chi tiết về sự kiện này hay không?

Đáp: Mảnh đất để xây nhà thờ chính tòa do vua Bahrain, Hamad Bin Isa Al Khalifa tặng cho Giáo Hội công giáo rộng 9,000 mét vuông. Nhà vua rất hài lòng và liên tục hỏi tôi tin tức về việc xây cất nhà thờ. Và khi tôi báo cho nhà vua biết nhà thờ sẽ được dâng kính Đức Bà A rập, thì nhà vua rất sung sướng. Nhà thờ Đức Bà A rập là chị em với nhà thờ Đức Bà Fatima và nhà thờ Lộ Đức.

Hỏi: Công việc xây cất đã tới đâu rồi thưa Đức Cha, nó đã đươc khởi sự chưa?

Đáp: Chưa. Các công việc xây cất chưa bắt đầu. Trong lúc này chúng tôi mới đã chỉ tổ chức một cuộc thi để chọn dự án: một kiến trúc sư người Ý đã thắng cuộc thi. Ông đã thực hiện một sơ đồ rất đơn sơ diễn tả chiếc lều của người Do thái trnog thời Xuất Hành. Trong sa mạc Sinai khi người do thái muốn thì họ có thể tới lều để gặp Thiên Chúa. Đó là một nhà thờ hình bát giác, bởi vì số tám là con số diễn tả sự vĩnh cửu. Như thế khi chúng ta đến nhà thờ và gặp gỡ với Thiên Chúa, là chúng ta tham dự vào sự vĩnh cửu mà chúng ta được mời gọi hướng tới. Đây là một nhà thờ có 2,300 chỗ ngồi, bên trái có nhà nguyện đặt Thánh Thể, bên phải là nhà nguyện kính Đức Mẹ A rập, rồi có một nhá nguyện khác nữa dành cho việc giải tội và sau cùng nhà nguyện thứ tư dành cho thang máy, như vậy để tín hữu có thể từ chỗ đậu xe dưới hầm lên nhà thờ.

Hỏi: Nhà thờ cũng có một tháp chuông có thể trông thấy từ xa chứ thưa Đức Cha?

Đáp: Vâng có tháp chuông, nhưng tôi thích không trưng bầy các Thánh Giá hay các dấu chỉ tôn giáo khác. Không phải vì bị cấm hay vì nhà vua không muốn như vậy, nhưng bởi vì tôi không mnốn làm dấy lên các phản ứng có thể có từ phía các người hồi cực đoan.

Hỏi: Là Giám Quản tông tòa Đức Cha cũng đảm trách việc đào tạo các chủng sinh nữa, có đúng thế không?

Đáp: Đúng thế. Trong vùng tôi giám quản có 50 linh mục. Chúng tôi găp gỡ nhau hai lần mỗi năm. Rất tiếc là chúng tôi không có cơ sở tôn giáo nào, vì thế chúng tôi phải họp nhau trong khách sạn. Do đó tôi đã nghĩ tới việc xây một căn nhà có khoảng 60 phòng cho các buổi tĩnh tâm hội họp của các linh mục, giáo dân, các thừa tác viên Thánh Thể. Cần có một chỗ để chúng tôi hội họp và là trung tâm cho tất cả mọi nước của Tòa giám quản, vì thế chúng tôi đã chọn vương quốc Bahrain. Và điều này cho phép tôi di chuyển rất tự do giữa các nước A rập đã được giao phó cho tôi. Ngoài Bahrain Tòa giám quản tông tòa Bắc A Rập còn bao gồm Kuwait, Qatar, và A Rập Sauđi.

Hỏi: Trong những ngày này Vua Bahrain cũng đã gửi điện tín chia buồn với Đức Thánh Cha Phanxicô vì cái chết của người vợ và hai con nhỏ của cháu ruột ngài. Cả điều này nữa cũng là một dấu chỉ quan trọng có đúng thế không?

Đáp: Vâng đúng thế, nhưng không phải chỉ có vậy. Cả cuộc hội kiến giữa nhà vua và Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vaticăng ngày 19 tháng 5 năm nay cũng đã rất tích cực. Tôi xác tín rằng nhà vua đã rất hài lòng. Thật thế, sau chuyến viếng thăm nhà vua đã muốn gặp tôi để cám ơn tôi đã cộng tác sắp xếp tổ chức cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô.

Hỏi: Thưa Đức Cha Pallin, có thể đóng góp cho việc xây cất nhà thờ chính tòa ”Đức Bà A rập” như thế nào? Có thể quyên góp ngân khoản một cách tự phát hay không?

Đáp: Vâng, có thể đóng góp bằng bất cứ cách nào. Chẳng hạn, tôi đã đề nghị các phụ nữ có tên thánh là Maria có thể dâng cúng 10 Euros cho việc xây nhà của Mẹ Maria. Cũng có thể đóng góp bằng cách gửi số tiền dâng cúng vào số trương mục của Dòng Comboni và ghi chú ”cho Đức Cha Pallin”.

Hỏi: Các tín hữu kitô vùng Trung Đông đang phải sống trong một tình trạng vô cùng thê thảm. Nó có gây ra các dư âm nào trong các nước thuộc Tòa giám quản của Đức Cha hay không?

Đáp: Vua Bahrain đã tuyên bố sẵn sàng trợ giúp 200 gia đình kitô Mossul và cũng sẵn sàng đón tiếp họ tại Bahrain. Điều này cho thấy sự quảng đại của nhà vua đối với các kitô hữu. Hiện nay tình trạng thê thảm này chưa lan tràn tới chúng tôi. Phản ứng của các người hồi là chống lại Nhà Nước Hồi ISIS tại Irak và Siria. Tất cả mọi người Hồi đều chống lại các lực lượng ISIS, nhất là các người hồi hòa hoãn. Cả các người hồi cực đoan cũng đã không bầy tỏ ý kiến một cách tích cực, tôi đã không tìm thấy trên báo chí các lời tuyên bố ủng hộ Nhà Nước Hồi ISIS, tại Bahrain cũng như Kuweit và nơi khác. Tôi tin rằng ở nền tảng của nó có một lý do chính trị khiến cho các chính quyền A rập khác chú ý. Nghĩa là: Nhà Nước Hồi giáo này muốn gì? Nó có mục đích gì? Mục đích của nó có thật sự là Hồi giáo không hay có một phong trào chính trị làm nảy sinh ra nó? Và ai là người ủng hộ nó? Việc trở lại với một quốc gia hồi giáo Caliphat là một tưởng tượng thuần túy, vì nó sẽ không bao giờ được bất cứ quốc gia A rập nào chấp thuận.

Hỏi: Đức Cha có muốn đưa ra lời kêu gọi khoan nhượng tôn giáo và bảo vệ các nhóm thiểu số, không phải chỉ có các kitô hữu thôi không?

Đáp: Mọi nhóm thiểu số phải được nâng đỡ, vì mọi người đều là thu tạo của Thiên Chúa, dù là Kitô hữu hay không. Cả các anh em hồi giáo cũng có các nhóm thiểu số. Và mọi nhóm thiểu số đều có quyền hiện hữu, đều có quyền sống, bởi vì mỗi người là một nhân vị, và như thế tại sao họ lại phải chịu các áp bức, bị xử bắn, bị giết ngay tức khắc, bị cướp bóc, bị các áp đặt tôn giáo? Tại sao? Mỗi một người phải đựơc tự do lựa chọn tôn giáo mình muốn, sống theo sự tôn trọng của nhân vị, của xã hội con người, theo các nhân quyền. Mỗi một người đều đã được Thiên Chúa tao dựng nên, và như là thụ tạo của Thiên Chúa, họ có quyền sống cuộc sống nhân bản và tôn giáo của mình, như họ muốn.

(RG 22-8-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio