Tường thuật các sinh hoạt của ĐTC sáng Chúa Nhật tại Etchmiadzin

Tường thuật các sinh hoạt của ĐTC sáng Chúa Nhật tại Etchmiadzin

ĐTC Phanxicô tham dụ lễ nghi phụng vụ của Giáo Hội Armeni Tông Truyền tại quảng truờng thánh Tiridate ở Etschmiadzin

Chúa Nhật hôm qua là ngày cuối cùng ĐTC viếng thăm mục vụ Armenia. Ngài chỉ có ba sinh hoạt chính. Ban sáng ĐTC gặp gỡ các Giám Mục công giáo, tiếp đến ngài tham dự lễ nghi phụng vụ tại quảng trường San Tiridate Etchmiadzin. Sau bữa trưa ĐTC gặp gỡ các đại biểu và ân nhân của Giáo Hội Armeni Tông Truyền. Vào ban chiều ngài viếng thăm đan viện Khor Virap trước khi ra phi trường quốc tế Zvartnots Yerevan lấy máy bay trở về Roma. Sau đây là chi tiết các sinh hoạt ban sáng của ĐTC.

Lúc 7 giờ 30 sáng ĐTC dâng thánh lễ riêng trong nhà nguyện Dinh tông toà Etchmiadzin. Cùng đồng tế thánh lễ có ĐTGM Sứ Thần Toà Thánh và Đức Ông thư ký toà Sứ Thần. Lúc 9 giờ 15 ngài gặp gỡ thân tình với 14 Giám Mục công giáo Armenia. Cùng hiện diện cũng có 12 linh mục làm việc mục vụ tại Armenia và các vị trong đoàn tuỳ tùng của ĐTC. Tiếp đến ĐTC đi xe tới quảng trường Thánh Tiridate cách đó 200 mét để tham dự lễ nghi phụng vụ do Đức Guaréguin II Thượng Phụ Tối cao và Catholicos của mọi tín hữu Armenia chủ sự.

 

Bàn thờ ở hướng đông gần Chủng viện thần học Guevorguian, đã được xây hồi năm 2001 nhân dịp kỷ niệm 1,700 năm Kitô giáo được tuyên bố là quốc giáo của Armenia. Bàn thờ được dùng trong các lễ lớn như lễ Chúc lành Mùa Chay, và lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời. Cũng tại đây thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cử hành thánh lễ trong chuyến viếng thăm mục vụ Armenia năm 2001. Bên cạnh bàn thờ là Cổng thánh Gregorio Đấng soi sáng là lối vào chính của Toà Thượng Phụ Etchmiadzine. Trên cột phía Tây của cổng có hình hai thánh tông đồ Tadeo và Bartolomeo đã rao giảng Tin Mừng tại Armenia. Trên cột phía Đông có hình vua Tiridate và thánh Gregorio Đấng soi sáng.

Các liên lạc đại kết giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Tông Truyền Armenia rất thân tình và đã bắt đầu hồi thập niên 1970. ĐGH Phaolô VI đã gặp gỡ Đức Thượng Phụ Vazguen I năm 1970. Sau đó đã có các cuộc viếng thăm chính thức  của Đức Thượng Phụ Guaréguin I tại Vatican. Năm 1999 cuộc triển lãm Roma-Armenia đã được tổ chức trong nhà nguyện Sistina nhân kỷ niệm 1.700 năm dân nước Armenia được rửa tội. Trong 17 năm tại chức Đức Guaréguin II cũng đã gặp gỡ thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Biển Đức XVI và ĐTC Phanxicô. Chuyến viếng thăm cuối cùng là ngày 12 tháng 4 năm 2015, nhân dịp ĐTC Phanxicô cử hành thánh lễ tưởng niệm 100 năm cuộc diệt chủng Armenia trong đền thờ thánh Phêrô.

Thánh lễ đã bắt đầu lúc 10 giờ sáng giờ địa phương và được hát hầu nhu từ đầu tới cuối, đối đáp giữa vị chủ tế, các phó tế và ca đoàn. Tham dự thánh lễ có các TGM, GM của Giáo Hội Armenia Tông Truyền, các TGM, GM của Giáo Hội Công Giáo Armenia, cũng như tổng thống và giới chức chính quyền dân sự và đông đảo tín hữu.

Thánh lễ bao gồm nhiều phần khác nhau, từ nghi thức rửa tay thánh hóa, xưng thú tội lỗi xin Mẹ Thiên Chúa và các Thánh bầu cử, kêu lên Chúa với thánh vịnh 99, đến thánh vịnh 42 và lời cầu xin thánh Gregorio thành Narek giúp cử hành bí tích xứng đáng, thánh ca “Được chọn”, phần đem bánh rượu ra, xông hương cho cộng đoàn biểu tượng cho Chúa Kitô nhập thể làm người bước đi giữa loài người và lên trời. Hương thơm biểu tượng cho mùi thơm dịu dàng của Tin Mừng toả lan giữa loài người. Nhiều thánh ca đã được hát trước khi tới phần công bố Phúc Âm. Tiếp đến là kinh Tin Kính, rồi nhiều nghi thức khác trước khi trao hôn bình an, kinh Thánh Thánh Thánh, phần tưởng nhớ các thánh vv….

Trước nghi thức hiệp lễ Đức Thượng Phụ đã ngỏ lời với mọi người. Tiếp đến là bài phát biểu của ĐTC. Ngài nói: vào thời điểm tột đỉnh của chuyến viếng thăm đã được ước mong và đã trở thành không thể quên được, tôi xin Chúa Kitô chúc lành cho con đường tìm về hiệp nhất và xin Chúa Thánh Thần làm cho tín hữu chỉ có một con tim và một linh hồn. ĐTC dâng lời cảm tạ Thiên Chúa hiệp với thánh ca chúc tụng tạ ơn được dâng lên từ bàn thờ này. Ngài cũng cám ơn Đức Thưọng Phụ đã mở rộng cửa tiếp đón ngài và được cùng nhau sống kinh nghiệp “đẹp và êm dịu anh em sống chung một nhà” (Tv 133,1). ĐTC nói: Chúng ta đã gặp nhau, ôm hôn nhau một cách huynh đệ, chúng ta đã cùng nhau cầu nguyện, chia sẻ các ơn, niềm hy vọng và các lo lắng của Giáo Hội Chúa Kitô, mà chúng ta cảm nhận được các nhịp đập, và chúng ta tin và cảm thấy là một. “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.” (Ep 4,4-6): thật thế chúng ta có thể lấy các lời này của tông đồ Phaolô làm của mình. Quy chiếu lịch sử Giáo Hội Armeni ĐTC nói:

Chính trong dấu chỉ của các thánh Tông Đồ mà chúng ta đã gặp gỡ nhau. Các thánh Bartolomeo và Taddeo đã loan báo Tin Mừng lần đầu tiên trong các vùng đất này, và các thánh Phêrô và Phaolô đã hiến mạng sống cho Chúa tại Roma, trong khi các vị cai trị với Chúa Kitô trên trời, chắc chắn các ngài vui mừng, khi trông thấy tình thương mến và khát vọng hiệp thông cụ thể của chúng ta. Tôi xin cảm tạ Chúa về tất cả những điều đó, cho anh chị em và cùng với anh chị em. “Park astutsò” Vinh danh Thiên Chúa.

Trong Phụng vụ thánh thiêng nầy thánh ca trọng thể chúc tụng Thiên Chúa ba lần thánh đã được dâng lên trời, chúc tụng sự thánh thiện của Thiên Chúa: Xin  phuớc lành của Đấng Tối Cao xuống phong phú trên trái đất, nhờ lời bầu cử của Mẹ Thiên Chúa, các thánh cả và các tiến sĩ, các vị tử đạo, đặc biệt là biết bao nhiêu vị tử đảo đã được tôn phong hiển thánh tại đây hồi năm ngoái. “Xin Con Một duy nhất, Đấng ngự xuống đây, chúc lành cho con đường của chúng ta. Xin  Chúa Thánh Thần làm cho các tín hữu chỉ có một con tim, một linh hồn: xin Người đến tái thành lập chúng ta trong sự hiệp nhất. Vì thế tôi muốn tái khẩn cầu Người bằng cách lấy lại vài lời rạng ngời đã được đưa vào phụng vụ của anh chị em. “Xin hãy đến, lậy Thần Khí, Chúa là Đấng giữ gìn các thánh và thanh tẩy các người tội lỗi, xin đổ tràn đầy trên chúng con lửa tình yêu và hiệp nhất của Chúa, và ước chi lửa này làm tan chảy các lý do gương mù gương xấu của chúng con” (Gregori di Narek, Sách Ai Ca, 33,5), trước hết là việc thiếu hiệp nhất giữa các môn đệ của Chúa Kitô.  Rồi ĐTC đưa ra lời cầu chúc sau đây:

Ước chi Giáo Hội Armeni tiến bước trong an bình, và sự hiệp nhất của chúng ta được trọn vẹn. Trong tất cả mọi người hãy nổi lên một khát vọng hiệp nhất mạnh mẽ, một sự hiệp nhất không được là sự lụy thuộc của người này vào người kia, cũng không phải là việc hút nhập, nhưng là sự tiếp nhận tất cả các ơn Thiên Chúa đã ban cho mỗi người để biểu lộ cho toàn thế giới mầu nhiệm lớn lao của ơn cứu rỗi đã được Chúa Kitô hiện thực qua Chúa Thánh Thần” (Phanxicô, Lời phát biểu trong lễ nghi phụng vụ tại nhà thờ thánh Giorgio bên Istanbul này 30-11-2014).

Chúng ta hãy tiếp nhận lời nhắn nhủ của các thánh, chúng ta hãy lắng nghe tiếng nói của những người khiêm tốn và những người nghèo khó, của biết bao nạn nhân của thù hận, đã khổ đau và hy sinh mạng sống vì đức tin; chúng ta hãy lắng tai nghe các thế hệ trẻ khẩn nài một tương lai tự do khỏi các chia rẽ của quá khứ.  Từ nơi thánh thiện này ước chi một ánh sáng rạng ngời được phổ biến; xin ánh sáng của tình yêu tha thứ và hoà giải kết hiệp với ánh sáng đức tin mà  thánh Gregorio, người cha của anh chị em theo Tin Mừng, đã chiếu soi các vùng đất này.

Như các Tông Đồ sáng ngày Phục Sinh, mặc dù có các nghi ngờ và không chắc chắn, các vị đã chạy tới nơi của sự sống lại, được lôi kéo bởi rạng đông hạnh phúc của một niềm hy vọng mới (x. Ga 20,3-4), cả chúng ta nữa, trong ngày Chúa Nhật thánh này, cũng hãy theo lời Thiên Chúa mời gọi hiệp nhất toàn vẹn, và hãy mau bước tiến tới hiệp nhất.

Và giờ đây, thưa Đức Tượng Phụ, nhân danh Thiên Chúa, tôi xin ngài chúc lành cho tôi và cho Giáo Hội Công Giáo, và chúc lành cho cuộc chạy này của chúng ta tiến tới sự hiệp nhất trọn vẹn.

Đức Thượng Phụ và ĐTC đã ôm hôn nhau.

Lễ nghi phụng vụ tiếp tục với nhiều bài thánh ca khác và phần hiệp lễ. Sau khi ban phép lành cuỗi lễ cho mọi người Đức Thượng Phụ xin ĐTC ban phép lành cho cộng đoàn.

Tiếp đến Đức Thượng Phụ và ĐTC đã rời bàn thờ xuống chào tổng thống và các giới chức chính quyền, trước khi cùng các Giám Mục đi rước tiến về Dinh Tông Toà cách đó 200 mét. ĐTC và Đức Thượng Phụ đi dưới tàn che có 4 phó tế cầm bốn góc. Hai phó tế đi trước thỉnh thoảng quay lại xông hương cho hai vị, giữa tiếng vỗ tay và chào mừng của tín hữu. Một em bé đã chạy tới tặng ĐTC lá quốc kỳ Armenia bé tí của em.

Lúc gần 1 giờ trưa ĐTC đã dùng bữa trưa với Đức Thượng Catholicos, các TGM, GM của Giáo Hội Armeni Tông Truyền, cũng như các TGM, GM của Giáo Hội Công Giáo Armeni và đoàn tuỳ tùng của ĐTC.

Lúc gần 4 giờ chiều ĐTC gặp gỡ các đại biểu và ân nhân của Giáo Hội Tông Truyền Armenia. Sau đó ngài đi thăm đan viện Khor Virap cách Yerevan 41 cây số rồi ra phi trường lấy máy bay trở về Roma.

Linh Tiến Khải

 

Lễ tiễn ĐTC tại phi trường quốc tế Yerevan

Đức Thánh Cha khuyến khích các tuyên ủy phi trường dân dụng

Đức Thánh Cha khuyến khích các tuyên úy phi trường dân dụng

VATICAN. ĐTC khuyến khích các vị tuyên úy phi trường dân dụng trong sứ vụ mục vụ, nuôi dưỡng tình huynh đệ và bầu không khí xã hội giữa con người.

Trên đây là nội dung bài huấn dụ của ĐTC trong buổi tiếp kiến sáng ngày 12-6-2015, dành cho 80 vị tuyên úy các phi trường dân dụng trên thế giới đến từ 23 quốc gia năm châu, tham dự Hội nghị quốc tế do Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân và người lưu động tổ chức tại Roma từ ngày 10 đến 13-6-2015 về chủ đề ”Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm: trợ giúp thế nào cho việc mục vụ tại phi trường dân dụng”.

ĐTC nhắc đến phi trường như nơi gặp gỡ của bao nhiêu người du hành, vì công việc, du lịch, hoặc vì các nhu cầu khác, và cả những người di dân và tị nạn nữa. Đôi khi vị tuyên úy được kêu gọi hoặc tìm kiếm để an ủi, khích lệ, ban các bí tích, cả trong những trường hợp cấp thiết như tai nạn hoặc cưỡng đoạt máy bay. Ngài nói:

”Cả nơi các phi trường, Chúa Kitô Mục Tử nhân lành cũng muốn chăm sóc các con chiên qua các bí tích hòa giải và Thánh Thể, nơi gặp gỡ với lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, mở ra những con đường mới mẻ để loan báo Tin Mừng.. Thực vậy, loan báo Tin Mừng ngày nay bao hàm việc nâng con người khỏi những gánh nặng đè nặng tâm hồn và cuộc sống của họ; và có nghĩa là đề nghị những lời của Chúa Giêsu như một giải pháp khách với những lời hứa hẹn của thế gian không mang lại hạnh phúc đích thực”.

ĐTC khích lệ các vị tuyên úy phi trường ngoan ngoãn lắng nghe Chúa Thánh Linh và ngài kết luận rằng: ”Anh chị em thân mến, tôi khích lệ anh chị em hoạt động, đặc biệt tại những nơi ”biên giới” là phi trường, có những không gian để tìm thấy và thực hành tình thương và đối thoại, nuôi dưỡng tình huynh đệ giữa con người và bảo tồn một bầu không khí xã hội an bình” (SD 12-6-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Thảm cảnh của các người tỵ nạn bên Libya

Thảm cảnh của các người tỵ nạn bên Libya

Phỏng vấn cha Mussie Zerai, Giám đốc hãng thông tấn Habeshia

Trong các tuần qua tình hình tại Libya lại căng thẳng vì các cuộc đụng độ giữa các lực lượng dân quân khác nhau tranh giành quyền lực và quyền kiểm soát các giếng và nhà máy lọc dầu. Các cuộc giao tranh đã xảy ra nhất là chung quanh thủ đô Tripoli. Tình hình chính trị bất ổn kéo dài từ mấy năm qua khiến cho số phận của người tỵ nạn ngày càng thê thảm hơn. Họ trở thành nạn nhân của các tổ chức buôn bán người, cũng như của các lạm dụng và bạo lực đủ loại. Trong những ngày vừa qua cha Mussie Zerai, Giám đốc hãng thông tấn Habeshia đã kêu gọi Âu châu và cộng đồng quốc tế can thiệp một cách cụ thể để trợ giúp các anh chị em xấu số này.

Ngày mùng 2-9-2014 các trận giao tranh đã tiếp diễn gần phi trường Benina ở Bengazi khiến cho ít nhất 25 binh sĩ thiệt mạng, 14 người thuộc lực lượng quân đội của tướng Khalipha Haftar, và 11 người là các dân quân của ông Ansar al Sharia. Cuộc chiến đã bắt đầu ngày 30-8-2014 lực lượng dân quân của ông Ansar al Sharia cố đánh chiếm phi trường là một trong các điểm chiến lược chính do các lực lượng đặc biệt trung thành với tướng Khalifa Haftar và Quốc hội kiểm soát. Quân đội chính phủ được các máy bay oanh kích yểm trợ bỏ bom các vị trí của các dân quân thánh chiến, trong khi các toán dân quân này đáp trả bằng trọng pháo và các hỏa tiễn Grad.

Từ ngày mùng 1-9-2014 thủ đô Tripoli hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng dân quân quy tụ thành nhóm ”Tác chiến Alba của Libya” sau hai tháng giao tranh chung quanh phi trường Tripoli với các lực lượng đối nghịch với các lực lượng thuộc nhóm ”Tác chiến Phẩm giá” do nguyên tướng Haftar chỉ huy.

Quốc Hội họp tại Tobruk mạn cực Đông Libya và tân chính phủ do thủ tướng tạm thời Abdullah al Thani có nhiệm vụ thành lập cũng công nhận rằng không kiểm soát được các bộ và các cơ quan chính quyền tại Tripoli nữa. Trong khi ”Hội đồng cách mạng Tripoli” quy tụ các nhóm dân quân khác kiểm soát thủ đô, tái hồi sinh Tổng quốc hội, bãi nhiệm sau cuộc bầu cử hồi tháng 6, và chỉ định ông Omar Hassi làm thủ tướng của mình, nhắm thành lập một quốc gia dân chủ. Nhưng các lực lượng dân quân của ông Ansar al Sharia ở Bengazi tuyên bố họ đã nổi loạn chống Gheddafi để giương cao lá cờ Sharia không phải để cho phép một bạo chúa mới lên cho phép tây phương trở lại nắm quyền bá chủ tại Libya.

Tuy quang cảnh chính trị Libya hỗn loạn như thế, nhưng Đức Cha Giovanni Innocenzo Martinelli Giám Quản quản tông tòa Tripoli cho biết tình hình tương dối yên tĩnh so với các ngày trước. Cho tới nay cộng đoàn kitô đã không gặp khó khăn nào.

Từ vài năm nay Libia là nơi hàng chục ngàn người di cư tới từ nhiều nước Trung Đông, Á châu và Phi châu tìm vượt biển sang Italia, rồi từ đây đi các nước khác. Trong hai tháng qua hải quân Italia đã cứu sống hơn 10,000 người, nhưng cũng đã có mấy trăm người thiệt mạmg vì bị đắm tầu ngoài khơi Tripoli.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn cha Mussie Zerai dành cho phóng viên Cecilia Seppia của đài Vatican.

Hỏi: Thưa cha, tình hình của người ty nan bên Libya hiện nay ra sao?

Đáp: Rất tiếc có hàng ngàn người tỵ nạn của vùng Phi châu dưới sa mạc Sahara bị kẹt trong chiến tranh: nam giới thì bị bắt buộc trở thành những người khuân vác súng đạn. Có rất nhiều người bị thương, nhiều người thiệt mạng, còn phụ nữ và trẻ em thì bị chết đói. Tại Tripoli có khoảng 350 người bị nhốt trong một sân đá bóng, ngoài trời, không có mái che chở và từ bốn ngày nay họ không nhận được gì để ăn…

Hỏi: Cha đã nói rằng mỗi ngày hãng thông tấn Habeshia của cha đều nhận được các cú điện thoại của những người tuyệt vọng, lo sợ… Họ kể cho cha nghe những gì vậy?

Đáp: Họ rất là hốt hoảng, nhất là bởi bom đạn rơi hay bắn trên các đường phố. Cũng có những người chết ở trong nhà, vì khi họ ở trong nhà thì bị bom rơi trúng, dân chúng kinh hoàng. Thế rồi còn có nhiều cuộc tấn công từng nhà một: họ bị cướp bóc, bạo hành, và chịu đủ mọi thứ lạm dụng… đó là những điều họ đã kể cho tôi nghe.

Hỏi: Khi gióng lên lời kêu gọi, cha đã dùng một kiểu nói rất mạnh và nói rằng các người tỵ nạn này không là ”con của ai hết”, bởi vì khác với những người tây phương đã được di tản khi chiến tranh tái diễn tại Libya, các anh chị em tỵ nan này không được ai bảo trợ và che chở. Như thế thì phải làm gì bây giờ?

Đáp: Vâng, đúng như thế, tất cả các người tây phương đã được di tản hết, trừ các người ty nạn ra, cộng đồng quốc tế phải có một chương trình di tản để che chở các anh chị em này trong các nước láng giềng. Chẳng hạn, những người ở Tripoli thường hướng về Tunisia, nhưng họ bị chặn lại ở biên giới, họ không thể đi xa hơn.

Hỏi: Liên hiệp Phi châu không có khả năng bảo vệ các anh chị em tỵ nạn này. Thế rồi cũng có một Âu châu kéo dài lê thê vấn đề này: nhiều lần chính quyền Italia đã yêu cầu Liên Hiệp Âu châu can thiệp, vì như chúng ta biết nhiều người tỵ nạn hướng về Italia. Cha nghĩ sao?

Đáp: Liên Hiệp Âu châu phải can thiệp để phòng ngừa tất cả các người bị chết này, trong sa mạc cũng như trên biển Địa Trung Hải. Tất cả mọi người tỵ nạn đều hướng về Âu châu, chứ không phải chỉ hướng về Italia mà thôi. Còn hơn thế nữa, nhiều người còn muốn đi tới các nước Bắc Âu. Điều này có nghĩa là Italia chỉ là cánh cửa của Âu châu thôi, và vì thế vấn đề không phải chỉ là của Italia, mà là của toàn Âu châu. Và lời yêu cầu của Bộ trưởng nội vụ Italia Alfano là điều đúng đắn, để “Biển của chúng ta” được nhẹ bớt và được thu nhận bởi tổ chức Frontex, tức ”Tổ chức điều hành cộng tác quốc tế ở biên giới nước ngoài của các nước thành viên Liên Hiệp Âu châu”. Có đúng thật là tổ chức Frontex đã không được thành lập để tiếp nhận người tỵ nạn, mà là để từ chối họ. Khi được thành lập, tổ chức có mục đích đẩy lui người tỵ nạn và che chở các biên giới của Âu châu. Và dĩ nhiên là ngày nay tổ chức khước từ thay thế chỗ của Italia. Tuy nhiên, chính vì thế mà phải coi lại các luật lệ và cả chương trình đã làm nảy sinh ra tổ chức Frontex, để nó trở thành tổ chức bảo vệ và tiếp nhận người tỵ nan. Nhưng phải có một thỏa hiệp giữa các quốc gia thành viên của toàn cộng đồng Âu châu, theo đó các người tỵ nạn này phải được phân phối trên toàn lãnh thổ Âu châu.

Hỏi: Thưa cha, các người tỵ nạn dồn đống tại Tripoli, Misurata, Sebha khiến cho các nhà thương bị suy sụp, trong nghĩa hệ thống y tế không thể lo lắng cho một số quá đông người như thế, ngoài ra cũng vì thiếu thuốc men nữa, có đúng thế không?

Đáp: Không có các dụng cụ để can thiệp: không có bác sĩ giải phẫu nào có thể can thiệp, và vì thế họ ở trong tình trạng hoàn toàn bị bỏ rơi. Và trong vài trường hợp, các vết thương rữa thối đến độ phải cưa như trường hợp một thanh niên bị cưa một chân, rồi một thiếu nữ phải năm liệt giường vì bị gẫy lưng: cần phải được giải phẫu gấp nhưng họ không thể làm được, vì không thể di chuyển cô ta tới Tripoli, vì dọc đừơng có các nguy hiểm khắp nơi do các xung đột liên tục xảy ra. Đó là tình trạng mà người tỵ nạn đang phải sống tại Libya.

Vài nhận xét của ông Gabriele Iacovino, đặc trách vùng Trung Đông và Bắc Phi của Trung tâm nghiên cứu tình hình chính trị quốc tế.

Hỏi: Thưa ông trong các ngày vừa qua có các cuộc giao tranh dữ dội tại Bengazi giữa các lực lượng đặc biệt do tướng Khalifa Haftar chỉ huy và dân quân hồi, trong đó có nhóm của ông Ansar al Sharia, đang tìm cách đánh chiếm phi trường. Các giao tranh đã khiến cho ít nhất 13 người chết và 45 người bị thương. Hồi tháng qua các dân quân hồi đã chiếm hầu hết các tiền đồn nằm trong tay tướng Haftar tại Bengazi. Tình hình Libya hiện ra sao thưa ông?

Đáp: Thực ra Libya là một quốc gia chia rẽ và có ba lực lượng lớn đang đánh nhau: thứ nhất là lực lượng dân quân đời hơn, thứ hai là các dân quân hồi và thứ ba là các dân quân có liên hệ với phong trào thánh chiến quốc tế dính líu tới tổ chức Al Qaeda, nhưng trong thực tế nó gần gũi với vài ý thức hệ đang hoạt động cả với Nhà nước hồi ISIL. Các sự kiện xảy ra tại Bengazi chứng minh cho sự chia rẽ này.

Hỏi: Chúng ta cũng hãy nhìn điều đang xảy ra bên Phi châu nói chung – Nigeria, Mali, Bắc Phi, Somalia – theo ông, lục địa Phi châu có phải là nét thứ hai của vấn đề thánh chiến trên thế giới không?

Đáp: Nếu chúng ta muốn hiện nay nó là một đường nét thứ hai, bởi vì Siria và Irak là sân khấu của phong trào thánh chiến toàn cầu. Bất cứ ai muốn đi tham gia thánh chiến thì tới các nước này. Thật sự thì liên tục có các đe dọa thánh chiến và của tổ chức Al Qaeda – Chúng ta đừng quên rằng sự hiện diện của tổ chức Al Qaeda mạnh tại Phi châu – các đe dọa này liên tục, rất hiện diện, không chỉ trên bình diện vùng miền và xã hội, bởi vì các nhóm gắn liền với bối cảnh thánh chiến quốc tế ngày càng gắn bó hơn với khung cảnh xã hội và bộ tộc bên Phi châu.

Hỏi: Nước Libia thật ra đang ở trong tình trạng hỗn loạn: quốc hội đã cho tân thủ tưởng được chỉ định Abdullah al Thani hai tuần để thành lập tân chính phủ. Một chính phủ mới có thể ổn định tình hình tại Libya không thưa ông?

Đáp: Rất tiếc là các tiền đề không phải là các tiền đề tốt nhất, bởi vì cuộc đối thoại giữa các thực tại khác nhau – nghĩa là giữa các lực lựơng hồi và các lực lượng đời hơn trong lúc này đây khá bị hạn hẹp. Chính các lực lượng dân quân chiến đấu với nhau hơn là các giới chức chính trị đối thoại với nhau. Do đó các tiền đề cho một tân chính phủ không phải là các tiền đề tốt đẹp nhất. Chắc chắn là cần có một chương trình chính trị và ngoại giao quan trọng, nhưng một mình chính quyền Libya không thôi, mà không có sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế trong tư cách là người giảng hòa, đối thoại về tình hình và các thực tại bên Libya hiện nay, thì khó mà có thể thành công.

(RG 24-8-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Cần tôn trọng tự do tôn giáo

Cần tôn trọng tự do tôn giáo

Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Silvano Maria Tomasi, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Genève

Hồi trung tuần tháng 5 năm 2014, bà Meriam Yahya Ibrabim Ishaq, nữ bác sĩ 27 tuổi người Sudan có thai 8 tháng, đã bị tòa án Hồi giáo kết án tử hình treo cổ vì đã bỏ Hồi giáo để theo Kitô giáo. Bác sĩ Meriam đã bị bắt ngày 17-2-2014 năm nay và bị bỏ tù, sau khi bị một người bà con tố cáo là bỏ Hồi giáo theo Kitô giáo. Trong tù bà bị xích và cùng đứa con trai 20 tháng đợi một đứa con khác chào đời. Ngày 27-5-2014 bà Meriam đã sinh con gái trong phòng phát thuốc của nhà tù và đặt tên con là Maya.

Tin bác sĩ Meriam bị kết án tử hình treo cổ đã khiến cho dư luận thế giới phẫn nộ. Quan tòa Abbas Mohammed Al-Khalifa ở thủ đô Khartum phán quyết rằng bà Ibrahim đã bỏ Hồi giáo vì thân phụ của bà là một tín hữu Hồi. Bà bị phạt đánh đòn 100 roi về tội gọi là ngoại tình, vì đã thành hôn với một tín hữu Kitô trong một hôn phối không được luật Sharia của Hồi giáo coi là hữu hiệu.

Trước đó quan toà đã yêu cầu bà Ibrahim bỏ Kitô giáo để trở về với Hồi giáo. Ông nói: ”Tôi đã cho bà thời hạn ba ngày để bỏ đạo Kitô, nhưng bà vẫn cố tình không muốn trở về với Hồi giáo. Vì thế tôi đã kết án treo cổ bà”. Bà Meriam Ibrahim nói với quan tòa: ”Tôi là tín hữu Kitô và tôi đã không hề phạm tội bỏ đạo Hồi”.

Tổ chức Quốc Tế Tương Trợ Kitô cho biết thân phụ bà Ibrahim là một người hồi giáo, nhưng mẹ bà là một tín hữu chính thống Etiopi. Mẹ bà bị chồng bỏ rơi khi Ibrahim được 6 tuổi, và cô bé lớn lên trong Kitô giáo. Nhưng vì thân phụ là tín hữu hồi nên luật Sudan tự động coi bà là tín hữu hồi, khiến cho hôn phối của bà với một kitô hữu trở nên vô hiệu.

Hiện nay Giáo Hội đia phương, các tổ chức phi chính quyền và các giới chức ngoại giao đang tranh đấu cho bà Meriam được tự do. Tổ chức Ân Xá Quốc Tế tuyên bố rằng: ”Thật là một điều kinh tởm, khi lên án tử hình một người vì tín ngường hoặc đánh đòn họ vì họ kết hôn với một người khác đạo… Chúng ta đang đứng trước các vụ vi phạm trắng trợn Công Pháp Quốc Tế về các quyền con người.” Có lẽ nhờ các tranh đấu mạnh mẽ trên đây tin giờ chót cho biết ngày 24 tháng 6 Toà Thượng Thẩm Khartum đã quyết định hủy bỏ án tử hình của bà Meriam và trả tự do cho bà.

Các đại sứ quán Hoa Kỳ, Anh, Canada, Hòa Lan ở thủ đô Khartum đã yêu cầu chính phủ Sudan tôn trọng quyền tự do tôn giáo, kể cả quyền của mỗi người được tự do thay đổi tín ngưỡng, là một quyền được Công pháp quốc tế và cả Hiến pháp Sudan năm 2005 công nhận.

Việc thi hành án tử được hoãn lại trong vòng hai năm vì bà có con gái mới sinh. Ngoài ra, cũng còn có thể có các vụ xử khác có thể loại trừ án tử. Nhưng trong các ngày qua bà Meriam cũng đã bị các áp lực bắt phải bỏ Kitô giáo đề theo Hồi giáo.

Đây không phải là trường hợp bất công duy nhất xảy ra trong các nước hồi giáo. Vì trên thế giới, đặc biệt là tại Pakistan, đã xảy ra nhiều trường hợp các kitô hữu bị vu khống là nói phạm thượng chống ngôn sứ Mohammed và xúc phạm tới Kinh Coran của Hồi giáo, bị bỏ tù và bị kết án tử hình. Thí dụ như trường hợp của bà Asia Bibi bị tòa án quận Nankana trong tỉnh PunJab bên Pakistan, kết án tử hình vì tội gọi là đã xúc phạm tới ngôn sứ Mohammed. Câu chuyện bắt đầu hồi năm 2009 khi bà Asia Bibi, một nông dân kitô, được yêu cầu đi kín nước. Khi đó một mhóm phụ nữ Hồi từ chối không cho bà đụng vào bình lấy nước, vì bà là tín hữu kitô và họ tố cáo với chính quyền và vu khống bà tội nói phạm thương chống lại ngôn sứ Mahomed. Bà bị nhốt trong một phòng hẹp, bị đánh đập và hãm hiếp. Vài ngày sau đó bà bị bắt tại làng Ittawalai. Bà đã phản bác các lời cáo buộc xúc phạm tới Hồi giáo, và trả lời là bà bị bách hại và kỳ thị chỉ vì là tín hữu kitô. Ngày 18 tháng 11 năm 2010 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã yêu cầu chính quyền Pakisatan trả tự do cho bà Asia Bibi.

Năm 2011 một đoàn đại biểu của tổ chức Masihi phi chính quyền chuyên trợ giúp về pháp luật và vật chất đã thăm bà Asia Bibi trong tù. Bà cho biết bà đã tha thứ cho kẻ vu khống bà là ông Qari Salam. Ông này sau đó đã tỏ ra hối hận vì đã vu khống bà đựa trên các thành kiến cá nhân và các cảm xúc tôn giáo qúa khích của nhóm phụ nữ hồi qúa khích.

Trường hợp của bà Asia Bibi đã khiến cho nhiều tổ chức Kitô và các nhóm bảo vệ nhân quyền trên thế giới phản đối và yêu cầu chính quyền Pakistan duyệt xét lại luật chống phạm thượng. Lý do vì nó thường bị các cá nhân lạm dụng để thanh toán các mối tư thù hay giải quyết các vấn đề ghen tương cá nhân, khiến cho hàng trăm kitô hữu bị bỏ tù và kết án tử hình oan. Trong số những người ủng hộ lập trường hủy bỏ luật chống phạm thượng này có ông Salmann Tasseer, thống đốc bang Punjab. Ông đã đến thăm bà Asia Bibi trong tù. Cũng vì thế ngày mùng 4 tháng Giêng năm 2011 ông đã bị một cận vệ của mình ám sát tại Islamabad. Tiếp đến con trai ông bị các nhóm hồi cuồng tín bắt cóc, trong âm mưu đánh đổi tự do cho người đã giết ông. Hai tháng sau đó ngày ông Shahbaz Bhatti, người công giáo, Bộ trưởng các nhóm thiểu số, cũng đã bị các nhóm hồi cuồng tín sát hại, vì đã tranh đấu trả tự do cho bà Asia Bibi và mạnh mẽ bảo vệ các quyền tự do của các nhóm thiểu số. Cả hai người đều biết các nguy hiểm rình rập họ, vì đã bị đe dọa giết nhiều lần, nhưng họ vẫn can đảm tranh đấu cho công bằng và sự thật.

Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Silvano Maria Tomasi, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh các tổ chức quốc tế ở Genève bên Thụy Sĩ, về vấn đề này.

Hỏi: Thưa Đức Tổng Giám Mục Tomasi, Đức Tổng nghĩ gì về vụ bác sĩ Meriam Ibrahim bị kết án tử treo cổ tại Sudan?

Đáp: Đây là một trường hợp có ý nghĩa và chúng ta phải đặt để nó vào trong bối cảnh rộng rãi hơn của các trường hợp khác, như trường hợp bà Asia Bibi bên Pakistan hay trường hợp của các người khác bị tố cáo và bị nhốt tù vì tội gọi là phạm thượng hay các loại vi phạm hoặc cho là vi phạm luật hồi giáo Sharia khác. Vấn đề nền tảng đó là làm sao tôn trọng các nhân quyền nền tảng của những người này trước vài truyền thống hay tình hình chính trị, nơi vì các lý do lịch sử và nền văn hóa công cộng, khó có sự tôn trọng các quyền căn bản của con người.

Hỏi: Thưa Đức Cha, trong trường hợp cụ thể của nữ bác sĩ Meriam Ibrahim bị kết án tử treo cổ bên Sudan, thì phải có câu trả lời như thế nào?

Đáp: Trước hết, xem ra cần phải tôn trọng nguyên tắc tự do tôn giáo, là một quyền nền tảng của con người: là quyền cho phép không phải chỉ thực hành một tôn giáo, mà cũng còn cho phép thay đổi tôn giáo nữa. Đây là điều cũng được Hiến pháp Sudan năm 2005 thừa nhận. Tuy nó là Hiến Pháp tạm thời, nhưng nó là Hiến pháp có hiệu lực. Điều này nói với chúng ta rằng, trong trường hợp của bà Meriam Ibrahim, hệ thống tư pháp hoạt động dưới áp lực của các tình huống địa phương, hơn là theo đường lối của một nền tư pháp phải tôn trọng Công pháp quốc tế, cũng đã được nước Sudan thừa nhận, liên quan tới quyền tự do phụng tự, tự do lương tâm và tự do tôn giáo. Thế rồi cần phải coi xem phụ nữ được đối xử như thế nào trong xã hội nữa.

Hỏi: Đức Cha nói lên diều này trong nghĩa nào?

Đáp: Thí dụ, một phụ nữ, nếu là tín hữu hồi, có quyền tự do lấy một người hồi khác, nhưng lại không được lấy một người khác đạo, trong khi một người đàn ông hồi lại có quyền lấy một phụ nữ theo đạo khác với đạo Hồi mà không bị phạt theo luật Sharia hay các dụng cụ tư pháp khác. Vì thế chúng ta phải suy nghĩ về tình trạng này một cách tổng quát hơn, xem làm sao có thể trợ giúp và thăng tiến các quyền tự do căn bản này của con người: tự do tôn giáo, tự do lương tâm và quyền tự do thay đổi tôn giáo, một sự khách quan trong hệ thống tư pháp xét xử, việc tôn trọng nữ giới y như nam giới trong các quyền hôn nhân, quyền hưởng gia tài hay tham dự vào cuộc sống công cộng. Khởi hành từ các dữ kiện này để tìm tạo ra một bầu khí đối thoại, cảm thông, giáo dục đào tạo, và nhất là giúp mọi người hiểu rằng con đường tiến về tương lai là con đường của việc tôn trọng phẩm giá của mỗi một người.

Hỏi: Thưa Đức Cha Tomasi, Giáo Hội địa phương cũng như các tổ chức phi chính quyền và giới chức ngoai giao trên thế giới đã mạnh mẽ kêu gọi chính quyền Sudan trả tự do cho bà Meriam Ibrahim. Sự huy động quốc tế này có sức nặng nào không?

Đáp: Tạo ra một dư luận quốc tế trình bày với chính quyền Sudam và hệ thống tư pháp nước này các quyền con người chắc chắn là có ích lợi nhiều chứ, bởi vì sự chú ý tới các tình trạng này có thể dẫn đưa tới chỗ đối thoại và suy tư về sự thắng thế của công pháp quốc tế trên quyền địa phương, và nhất là liên quan tới các quyền căn bản của con người cần phải được tất cả mọi người trên toàn thế giới tôn trọng. Đó là con đường cho tương lai sống chung của con người. Chúng ta tất cả phải cùng nhau làm việc trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, nơi các khác biệt gia tăng, nơi chúng ta sống sự đa nguyên tôn giáo, đa nguyên văn hóa và đa nguyên kiểu sống ở khắp mọi nơi. Thực tại này phải dẫn đưa chúng ta tới chỗ tìm ra một kiểu chung sống hòa bình khởi sự từ việc tôn trọng các quyền nền tảng của con người và phẩm giá của nó.

(RG 28-5-2014; Vatican insider 16-5-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio