Ấn bản Thánh kinh mới giúp tín hữu dễ tiếp cận Thánh kinh

Ấn bản Thánh kinh mới giúp tín hữu dễ tiếp cận Thánh kinh

Không phải là điều gì mới lạ khi các tín hữu Tin lành thường khiến các tín hữu Công giáo bối rối khi bàn luận về Thánh kinh, vì họ thường rất thuộc và biết nhiều về Thánh kinh hơn người Công giáo. Ví dụ, một tín hữu Tin lành Luther có thể đọc thuộc cả một cuốn sách trong bộ Thánh kinh, trong khi các tín hữu Công giáo lại khá vất vả để phân biệt những câu, những đoạn trong Thánh kinh.

Ấn bản The Great Adventure Catholic Bible

Để giúp cho các tín hữu Công giáo bình dân vượt qua được lỗ hổng này bằng cách giúp cho họ dễ có cũng như dễ đọc Thánh kinh hơn, phiên bản The Great Adventure Catholic Bible, được nhà xuất bản Ascension Press phát hành.

Trong bài phỏng vấn trên báo Crux, học giả Thánh kinh Mary Healy nói: “Nhiều tín hữu công giaó mà tôi gặp cảm thấy Thánh kinh là loại sách khó tiếp cận. họ không cảm thấy Thánh kinh là thứ họ có thể cầm và đọc mỗi ngày và qua đó có thể trò chuyện với Thiên Chúa. Nhưng phiên bản Thánh kinh này đang giúp các tín hữu làm điều đó.”

Phiên bản Thánh kinh mới này sử dụng mã hóa màu sắc, bản đồ, mốc thời gian, bài viết và biểu đồ để làm cho Tin Mừng dễ tiếp cận hơn với những người muốn trở nên quen thuộc hơn với Thánh kinh.

Ấn phẩm mới làm nổi bật 70 sự kiện quan trọng trong Kinh Thánh và đặt chúng theo thứ tự thời gian để người đọc luôn ý thức được họ đang ở đâu trong trình thuật.

Healey là tổng biên tập của ấn bản này, bảo đảm rằng nhiều chi tiết trong cuốn sách là chính xác và đáp ứng nhu cầu học hỏi Thánk kinh tốt nhất, đồng thời dễ cho các Kitô hữu lần đầu tiên tiếp cận với Thánh Kinh. Bà chia sẻ thêm: “Các tín hữu Công giáo chúng ta không có thói quen học Thánh kinh. Nhiều tín hữu lớn lên với suy nghĩ rằng đọc Thánh kinh là việc dành cho các tín hữu Tin lành. Điều này là sự bóp méo mà có thể khiến thánh Augustin cũng như thánh Tôma Aquino, bất cứ giáo phụ hay thần học gia nào trong lịch sử của chúng ta phải kinh hoàng, vì các ngài nhận ra rằng Thánh kinh như là Lời của Chúa và là linh hồn của thần học. Học giả Healey cũng nhận định rằng công đồng Vatican hai đã khuyến khích điều này, kết quả là nhiều tín hữu Công giáo khao khát Lời Chúa.

Học hỏi Thánh kinh và việc truyền giáo

để Ấn bản Kinh thánh này đáp lại lời mời gọi của ĐTC Phanxicô là đem Lời Chúa đến các vùng ngoại biên của xã hội, bằng cách bỏ đi sự  phức tạp và hình thức của nó để bắt đầu một cuộc đối thoại với những người cảm thấy xa cách Giáo hội và Thiên Chúa nhất. Theo giáo sư Healey, Thánh kính kết nốt cách sâu sắc với việc truyền giảng Tin mừng, bởi vì nếu chúng ta có một sứ điệp hấp dẫn để mang đến cho người khác, chính chúng ta cũng phải được đắm mình trong lời của Thiên Chúa… Nếu kiến thức về Kinh thánh của tôi yếu thì tôi sẽ bị giảm bớt khả năng mang Tin mừng cho người khác.”

Bà Healey kết luận: “Trong thế giới của chúng ta ngày nay, có một bệnh dịch về thông tin sai lạc, tin tức giả, nhưng quan trọng hơn hết đó là những lời nói dối về việc như là con người, chúng ta là ai, dối trá về ý nghĩa của cuộc sống và về Thiên Chúa là ai. Theo bà, "những tường thuật sai lầm" thuyết phục mọi người rằng cuộc sống không có ý nghĩa bằng cách giảm nhẹ kinh nghiệm của con người thành một đám mây nguyên tử không có quy tắc đạo đức hay ranh giới. Bà xác quyết: "Thời gian đã chín muồi cho người Công giáo mạnh dạn, kiên quyết, vui vẻ đề xuất một lần nữa những tin mừng vinh quang của Chúa Giêsu Kitô, và để làm điều đó, chúng ta không chỉ lặp lại các công thức từ quá khứ, nhưng làm theo cách thức đáp ứng nhu cầu của những người đương thời. Mọi người đang tuyệt vọng đói khát sự thật. Có quá nhiều thông tin sai lệch và các Tin Mừng sai lầm, đến nỗi chúng ta cần phải làm cho lời của sự thật sáng rõ hơn. ”

Healey vừa là thành viên của Hội đồng Tòa Thánh cổ võ hiệp nhất các Kitô hữu vừa là thành viên của phong trào đối thoại quốc tế giữa Tin lành và Công giáo. Năm 2014, ĐTC Phanxicô đã bổ nhiệm bà là một trong 3  thành viên nữ đầu tiên của Ủy ban Giáo hoàng về Thánh kinh.

Hồng Thủy

ĐTC Phanxicô tấn phong 14 Hồng y mới

ĐTC Phanxicô tấn phong 14 Hồng y mới

VATICAN. ĐTC nhắc nhở toàn thể Giáo Hội rằng hoán cải nội tâm và cải tổ, ngưng chăm lo tư lợi và hãy quan tâm đến lợi ích của Chúa Cha, đó chính là chìa khóa truyền giáo.

Ngài nhấn mạnh tư tưởng trên đây trong bài giảng tại công nghị lúc 4 giờ chiều hôm qua, 28-6, tại đền thờ Thánh Phêrô để phong 14 Hồng Y mới.

 Buổi lễ diễn ra tại Đền thờ Thánh Phêrô dưới hình thức một buổi phụng vụ. Sau khi một đại diện tiến chức kính chào và cám ơn ĐTC, ngài đọc lời nguyện và mọi người lắng nghe bài Tin Mừng theo thánh Marco (10,32-45) kể lại trong hành trình theo Chúa lên Jerusalem, hai môn đệ Giacôbê và Gioan xin Chúa cho được ngồi bên hữu bên tả Ngài trong vinh quang.

Trong bài huấn dụ, ĐTC quảng diễn bài Tin Mừng trên đây và nhận xét rằng Thánh Sử Tin Mừng không ngại tỏ lộ một số bí mật nơi tâm hồn các môn đệ, đó là sự tìm kiếm những chỗ nhất, ghen tương, tị ngạnh, mưu mô, thu xếp và thỏa hiệp.. Chúa Giêsu không cho phép những cuộc tranh luận vô ích và tham chiếu bản thân xảy ra giữa lòng cộng đoàn các môn đệ.

Chúa cảnh giác: ”Chiếm được cả thế gian mà lại bị tiêu hao trên trong thì ích gì? Chiếm được toàn thể giới thì có ích gì khi trong cộng đoàn người ta rơi vào cạm bẫy những mưu mô làm nghẹt thở, làm cho con tim và sứ mạng truyền giáo bị khô cằn? Trong tình trạng như thế, như một số người đã nhận xét, người ta có thể thấy những âm mưu trong các tòa dinh thự và cả trong các giáo phủ của Hội Thánh”.

** Trước thái độ trên đây của các môn đệ, ĐTC nhắc lại lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ: ”Giữa các con không được như vậy!”.. Qua đó Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng hoán cải, biến đổi nội tâm và cải tổ Giáo Hội đang và sẽ là chìa khóa truyền giáo, vì đòi hỏi phải chấm dứt việc coi và chăm sóc tư lợi của mình, để nhìn và chăm sóc quyền lợi của Chúa Cha. Sự hoán cải từ bỏ tội lỗi và ích kỷ của  chúng ta không bao giờ là một mục tiêu tự nó, nhưng chủ yếu nhắm tăng trưởng trong sự trung thành và sẵn sàng chấp nhận sứ vụ”.   ĐTC không quên nhắc nhở các tân Hồng Y noi gương Chúa Giêsu, Đấng đã không sợ cúi mình rửa chân cho các môn đệ. Ngài nói: ”Huân chương cao nhất chúng ta có thể được đó là phục vụ Chúa Kitô nơi dân trung thành của Thiên Chúa, nơi người đói, bị lãng quên, nơi tù nhân, bệnh nhân, người nghiện ngập, bị bỏ rơi, nơi những con người cụ thể với lịch sử riêng, những hy vọng, mong đợi và thất vọng, những đâu khổ và vết thương của họ. Chỉ như thế quyền bính của vị chủ chăn mới có hương vị Tin Mừng và sẽ không phải như thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng” (1 Cr 13,1).

Nghi thức phong Hồng Y được tiếp tục với phần xướng danh các tiến chức và các vị tuyên xưng đức tin, cùng đọc lời tuyên thệ trung thành và vâng phục ĐTC, cam kết chu toàn nghĩa vụ của mình. Sau đó mỗi vị tiến lên trước ĐTC để ngài đội mũ đỏ và trao sắc phong chỉ định nhà thờ hiệu tòa và trao nhẫn cho mỗi vị. Lễ tấn phong kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của ĐTC.

Cũng chiều hôm qua, từ 18 đến 20 giờ, 14 tân Hồng Y được phân làm 3 nhóm để tiếp các tín hữu và khách đến chúc mừng: 3 vị thuộc giáo triều Roma tại 2 sảnh dường trong dinh Tông Tòa, 11 vị còn lại tại hai địa điểm ở hành lang Đại thính đường Phaolô 6. (Rei 28-6-2018)

Giuse Trần Đức Anh OP

Kitô hữu phải tươi vui mới có thể loan báo Tin Mừng cho thế giới

Kitô hữu phải tươi vui mới có thể loan báo Tin Mừng cho thế giới

** Một môn đệ của Nước Thiên Chúa mà không tươi vui thì không thể rao giảng Tin Mừng cho thế giới. Ơn gọi là một khởi đầu của tình bạn với Chúa Giêsu dẫn đến chỗ chia sẻ cuộc sống và các đam mê với Ngài, trao ban niềm vui sâu thẳm và một niềm hy vọng mới mẻ và khiến cho chúng ta trở thành các nhà truyền giáo. 

Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô đã nói như trên khoảng 10.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hàng tuần hôm qua tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã khai triển đề tài tương quan giữa niềm hy vọng và ký ức, đặc biệt là ký ức về ơn gọi, bằng cách giải thích trình thuật ơn gọi của các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu. Kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Giêsu ghi ấn tượng sâu đậm tới nỗi khi thuật lại ơn gọi của mình thánh sử Gioan còn nhớ cả giờ nữa và viết trong chương 1 Phúc Âm: “Lúc đó vào khoảng 4 giờ chiều” (Ga 1,39). Thánh sử Gioan kể lại giai thoại này như một kỷ niệm trong sáng của tuổi trẻ, vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức người già của mình, bởi vì thánh nhân viết lại các điều này khi ngài đã già.

Cuộc gặp gỡ xảy ra gần sông Giordan, nơi Gioan Tẩy Giả làm phép rửa. Và các người trẻ vùng Galilea đã chọn Gioan Tẩy Giả làm vị linh hướng. Một ngày nọ Chúa Giêsu đến và lãnh phép rửa trên sông. Ngày hôm sau Ngài lại đi ngang qua đó, và khi ấy Gioan Tẩy Giả nói với hai môn đệ của mình: “Này là Chiên Con Thiên Chúa!” (c. 36).  Trên đường, Chúa Giêsu quay lại và hỏi họ: “Các anh tìm gì?” (c. 38)

Và đối với hai người đó là “tia lửa”. Họ bỏ vị thầy đầu tiên và bắt đầu theo Chúa Giêsu. ĐTC định nghĩa con người của Chúa Giêsu như sau:

Chúa Giêsu xuất hiện trong các Phúc Âm như một chuyên viên về trái tim con người. Trong lúc đó Ngài đã gặp gỡ hai người trẻ đang kiếm tìm, âu lo một cách lành mạnh. Thật vậy, một tuổi trẻ thỏa mãn không có một câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống thì là loại tuổi trẻ nào vậy? Các người trẻ mà không tìm kiếm gì cả, thì không phải là người trẻ, họ đã về hưu, họ đã già trước tuổi. Thật là buồn khi thấy người trẻ về hưu…Và qua toàn Phúc Âm, trong tất cả các cuộc gặp gỡ xảy ra trên đường,  Chúa Giêsu xuất hiện như “một người đốt cháy” các con tim. Từ đó Ngài đưa ra câu hỏi làm nổi lên ước muốn sự sống và niềm hạnh phúc mà mỗi một người trẻ mang trong mình: “Bạn tìm gì?”  Hôm nay tôi cũng muốn hỏi các bạn trẻ hiện diện tại quảng trường này, và các bạn trẻ đang lắng nghe qua các phương tiện truyền thông: “Bạn là người trẻ, bạn tìm gì? Bạn tìm gì trong con tim của mình?”

** Ơn gọi của thánh Gioan và thánh Anrê khởi đầu như thế: đó là lúc bắt đầu của một tình bạn với Chúa Giêsu, mạnh mẽ tới độ áp đặt một sự chung sống và các đam mê với Chúa. Hai môn đệ bắt đầu ở với Chúa Giêsu và lập tức trở thành các thừa sai thực sự, bởi vì khi cuộc gặp gỡ kết thúc, họ không về nhà bình an: tới độ hai người anh là Simon và Giacôbê mau chóng bị lôi cuốn vào con đường theo Chúa. Họ đã dến với hai người và nói: Chúng tôi đã tìm thấy Đấng Cứu Thế, chúng tôi đã tìm thấy một ngôn sứ lớn”: họ thông tin tức. Họ là các thừa sai của cuộc gặp gỡ. Đó đã là một cuộc gặp gỡ đánh động và hạnh phúc tới độ các môn đệ sẽ nhớ luôn mãi ngày hôm đó, ngày soi sáng và định hướng cho tuổi trẻ của họ. Tiếp đến ĐTC đưa ra câu hỏi sau đây:

Làm sao khám phá ra ơn gọi trong thế giới ngày nay? Có thể khám phá ra nó trong biết bao nhiêu cách thế, nhưng trang này của Phúc Âm nói với chúng ta rằng dấu chỉ đầu tiên  là niềm hy vọng của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Hôn nhân, cuộc sống thánh hiến, linh mục: mỗi một ơn gọi đich thực đều bắt đầu với một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, là Đấng trao ban cho chúng ta một niềm vui và một hy vọng mới; và Ngài dẫn chúng ta tới một cuộc gặp gỡ luôn luôn tràn đầy hơn với ngài và tới niềm vui tràn đầy, lớn lên, cuộc gặp gỡ đó, lớn hơn, cuộc gặp gỡ với Ngài, cả qua các thử thách và khó khăn.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Chúa không muốn các người nam nữ bước theo Ngài một cách miễn cưỡng, không có trong tim ngọn gió của niềm vui. Các bạn đang hiện diện tại quảng trường này, tôi xin hỏi các bạn – mỗi người hãy trả lời cho chính mình – các bạn có trong tim ngọn gió của niềm vui không? Mỗi người hãy tự hỏi: “Tôi có trong tôi, trong tim, ngọn gió của niềm vui không? “

** Chúa Giêsu muốn các con người đã sống kinh nghiệm rằng ở với Ngài trao ban một niềm hạnh phúc vô biên, mà ta có thể canh tân mỗi ngày trong cuộc sống. Một môn đệ của Nước Thiên Chúa mà không tươi vui, thì không loan báo Tin Mừng cho thế giới. Họ là một ngưòi buồn. Ta trở thành người rao giảng Chúa Giêsu không bằng cách trau truốt vũ khí của hùng biện, bạn có thể nói, nói và nói nhưng nếu không có một cái khác… Làm thế nào để trờ thành những ngưòi rao giảng Chúa Giêsu? Bằng cách

giữ gìn trong đôi mắt của mình tia sáng long lanh của niềm hạnh phúc. Chúng ta trông thấy biết bao nhiêu kitô hữu, cả giữa chúng ta ở đây nữa, những người thông truyền cho chúng ta với đôi mắt niềm vui của đức tin: với đôi mắt!

Chính vì thế kitô hữu – như Đức Trinh Nữ Maria – giữ gìn ngọn lửa say mê của mình: say mê Chúa Giêsu. Chắc chắn là có các thử thách trong đời, có các lúc trong đó cần tiến bước mặc dù có lạnh lẽo và gió ngược, mặc dủ có biết bao cay đắng. Nhưng các kitô hữu biết con đường dẫn tới ngọn lửa thiêng đã đốt họ lên một lần cho luôn mãi.

Nhưng tôi xin anh chị em: Chúng ta đừng cho là đúng những người thất vọng và bất hạnh; chúng ta đừng nghe theo người khuyên chúng ta một cách vô luân đừng vun trồng các niềm hy vọng trong cuộc sống; chúng ta đừng tin cậy người dập tắt từ trứng nước mọi hăng say, khi nói rằng chẳng có một dấn thân nào xứng đáng để hy sinh toàn cuộc đời; chúng ta đừng nghe theo những người có con tin già nua bóp nghẹt mọi hứng khởi của tuổi trẻ. Chúng ta hãy đến với những người già có đôi mắt long lanh của niềm hy vọng. Trái lại chúng ta hãy vun trồng các ảo tưởng lành mạnh: Thiên Chúa muốn chúng ta có khả năng mơ mộng như Ngài và với Ngài, trong khi bước đi chú ý tới thực tại. Mơ một thế giới khác. Và nếu một dấu chỉ tắt đi, thì hãy lại mơ tưởng nó, bằng cách kín múc với niềm hy vọng nơi ký ức của thủa ban đầu, nơi các lò lửa mà có lẽ sau một cuộc sống không tốt lành lắm vẫn còn dấu dưới tro của cuộc gặp gỡ dầu tiên với Chúa Giêsu.

Đó là một năng động nền tảng của cuộc sống kitô: nhớ tới Chúa Giêsu. Thánh Phaolô đã nói với môn đệ của ngài: “Hãy nhớ tới Chúa Giêsu Kitô” (2 Tm 2,8); lời khuyên này của thánh Phaolô thật lớn lao: “Hãy nhớ tới Chúa Giêsu Kitô”. Nhớ tới Chúa Giêsu, nhớ tới lửa tình yêu, mà với nó một ngày nọ chúng ta đã cưu mang cuộc sống như một dự án sự thiện, và làm cho sống dậy niềm hy vọng của chúng ta với ngọn lửa ấy.

** ĐTC đã chào các đoàn hành hương nói tiếng Pháp hiện diện, đặc biệt là các chủng sinh và người trẻ giáo phận Meaux và tín hữu Guinea, do các Giám Mục hướng dẫn hành hương Roma. Ngài cũng chào các đoàn nói tiếng Anh đến từ đảo Malta, Philippines và Canada. ĐTC cầu chúc chuyến viếng thăm Roma làm sống dậy nơi họ ký ức về Chúa Giêsu và Giáo Hội. Trong các nhóm nói tiếng Đức, ngài đặc biệt chào các tu sĩ Biển Đức đan viện Admont và các cặp mừng ngân khánh thành hôn thuộc giáo phận Graz-Seckau, cũng như các sinh viên nhận học bổng “Chương trình hàn lâm cho người ngoại quốc” của HĐGM Đức. Ngài khích lệ mọi người hãy đem ngọn lửa tình yêu của Chúa Kitô tới cho nhân loại đang rất cần đến niềm hạnh phúc và hoà bình đích thực.

Trong các nhóm nói tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, TC đặc biệt chào các thành viên Hiệp hội bóng đá Chapecoense và các linh mục sinh viên hai trường thánh Phaolô và Brasil tại Roma. Ngài cầu chúc các sinh viên lớn lên trong sự khôn ngoan đến từ Thiên Chúa để có thể trở thành các chuyên viên thông truyền sự hiền dịu và tình yêu của Chúa cho tha nhân.

Chào các nhóm Ba Lan ĐTC cầu chúc kỷ niệm đẹp và ký ức các lúc gặp gỡ Chúa Kitô củng cố niềm hy vọng nơi họ,nhất là trong những lúc khó khăn đau khổ.

Trong các nhóm nói tiếng Ý ĐTC chào đặc biệt các nữ tu dòng Dâng Đức Maria trong đền thờ đang họp tổng tu nghị, các chủng sinh Milano, các trẻ em mới chịu phép Thêm Sức của hai giáo phận  Verona và Lucca, các hướng đạo sinh vùng Marche do ĐHY Edoardo Menichelli hướng dẫn, các người tỵ nạn giáo phận Montepulciano-Chiusi-Pienza mới lãnh nhận bí tích rửa tội do ĐC Stefano Manetti hướng dẫn, hiệp hội các nạn nhân Forteto do ĐHY Giuseppe Betori hướng dẫn, nhân viên hãng điện thoại Vodafon. Ngài cầu mong chuyến hành hương mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô  Phaolô giúp họ gắn bó với Chúa Kitô hơn và làm chứng cho Chúa trong gia đình và các cộng đoàn.

Chào người trẻ ĐTC khích lệ họ biết tìm giờ để đối thoại với Chúa và giãi toả ánh sáng và niềm an bình của Chúa cho những người chung quanh. Ngài cầu mong các bệnh nhân biết dâng khổ đau cho Chúa để cứu độ nhân loại, và các đôi tân hôn biết cùng nhau cầu ngyện trong gia đình để cho tình yêu của họ luôn ngày càng đích thật, phong phú và lâu bền hơn.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh La5y Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Trang web mới của viện bảo tàng Vatican

Trang web mới của viện bảo tàng Vatican

Vatican – Với nỗ lực chia sẻ những tác phẩm quý giá của mình cho nhiều người trên thế giới hơn, viện bảo tàng Vatican đã thành lập một kênh YouTube và đổi mới trang web để đăng tải các hình ảnh có độ phân giải cao và các thông tin thích hợp với điện thoại di động.

Kênh YouTube của viện bảo tàng Vatican có những tour giới thiệu ngắn về các bộ sưu tập cùng với các video quảng cáo về các tour thích hợp và các dịch vụ có trên trang web, bao gồm đăng ký hướng dẫn cho người khiếm thính.

Trang web museivaticani.va của viện bảo tàng cũng được đổi mới để thích hợp với các nền tảng ứng dụng và các dụng cụ để có thể tiếp cận tới ngay cả những vùng xa xôi trên trái đất.

Trang web được trình bày bằng 5 ngôn ngữ với thiết kế đẹp hơn, văn bản đơn giản hơn và truy cập nhanh hơn.Các đường dẫn (link) đến các trang có thể được chia sẻ qua Twitter, Facebook hay email. Trang web cung cấp thông tin về việc đăng ký thăm và mua vé vào viện bảo tàng, vườn Vatican, khu nghĩa địa cổ "Via Triumphalis" bên dưới đồi Vatican và các dinh thự Giáo hoàng ở Castel Gandolfo, ở miền nam Roma.

Hiện tại trang web trưng bày khoảng 3000 photo có độ phân giải cao của các tác phẩm trong các bộ sưu tập của bảo tàng. Bà Barbara Jatta, tân giám đốc của viện bảo tàng cho biết, kế hoạch lý tưởng là, trong một năm sẽ có thêm các  tấm hình của tất cả 20 ngàn vật thể đang được trưng bày cho công chúng và sau đó sẽ tiếp tục với photo của hơn 200 ngàn tác phẩm nghệ thuật được lưu giữ trong kho.

Trang web cũng cho phép công chúng tham khảo và tìm kiếm một mục lục online của một số bức họa, tượng điêu khắc và các tác phẩm nghệ thuật khác của viện bảo tàng. Bà cũng cho biết là viện bảo tàng đã có đăng ký tất cả tác phẩm của họ nhưng việc đưa mọi thứ vào cơ sở dữ liệu vẫn đang được thực hiện. (CNS 23/01/2017)

Hồng Thủy

 

Trang web mới của quỹ “đồng tiền thánh Phêrô”

Trang web mới của quỹ “đồng tiền thánh Phêrô”

duc-giao-hoang-chao-nguoi-vo-gia-cu

Vatican – Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã thông báo về một trang web mới dành cho việc quyên góp bác ái của Đức Thánh Cha, quen được gọi là “đồng tiền thánh Phêrô”.

“Đồng tiền thánh Phêrô” là chương trình quyên góp truyền thống vào ngày lễ trọng kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô hàng năm. Số tiền quyên góp được cho chương trình “đồng tiền thánh Phêrô” được gửi cho Đức Thánh Cha và ngài sẽ dùng nó để trợ giúp tài chính cho các nhu cầu của Giáo hội hoàn vũ và các hoạt động bác ái dành cho những người nghèo khổ nhất. Từ hôm qua, 21/11, chương trình này đã được mở rộng trên trang web mới www.obolodisanpietro.va

Trang web có thể được truy cập trực tiếp bằng các ngôn ngữ như Ý, Anh và Tây ban nha; trang web cũng sẽ sớm được dịch sang các ngôn ngữ khác.

Trang web cũng được cập nhật với hình ảnh và lời nói của Đức Thánh Cha Phanxicô. Được thực hiện do sáng kiến của Tòa Thánh, trang web là kết quả của sự hợp lực giữa phủ Thống đốc Vatican, Bộ Thông tin và ngân hàng Vatican.

Thông cáo báo chí nói rằng các tín hữu trên toàn thế giới sẽ có cơ hội “suy tư về ý nghĩa của công việc của họ và quyên góp qua mạng internet những đóng góp cụ thể cho công việc của lòng thương xót, bác ái Kitô giáo, hòa bình và trợ giúp Tòa Thánh”. (SD 22/11/2016)

Hồng Thủy

 

Lớp Sáu (2015-2016): Bài Học 10

Lớp Sáu (2015-2016): Bài Học 10

Ngày Mồng Hai Tết – Sống Chữ Hiếu

Đói lòng ăn hột chà là

Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng

CayChaLa

HotChaLa

Cây và Trái Chà Là

Hạt/Hột Chà Là

Hình 1: Hột và Trái Chà Là

     Thế nhưng, lời dạy ấy dường như chỉ dừng lại nơi môi miệng mà rất khó mang ra thực hành.  Dẫu biết rằng đi khắp thế gian cũng không có tình nghĩa nào cao sâu cho bằng tình cha tình mẹ yêu con.

Con đi khắp vạn nẻo đường

Giờ con mới hiểu tình thương mẹ hiền

Người con yêu quý nhất trên đời

Chính là mẹ đó tuyệt vời tình sâu

Ngày xuân con cái sum vầy bên cha mẹ không chỉ để nhận phong bao lì xì hay chỉ để kính biếu các ngài đồng quà tấm bánh mà quan yếu là để nhận sự chúc lành của các ngài, để nói lời cám ơn các ngài và tỏ tâm tình tri ân về tình yêu thẳm sâu mà các ngài dành cho con cháu.  Ngày xuân là dịp để con cháu thổ lộ chữ hiếu dành cho các bậc sinh thành.  Đây là dịp để nói lên tấm lòng chân tình tri ân dâng lên bậc sinh thành:

Tạ ơn cha đã cho con nhìn thấy

Núi rất cao và biển rất tuyệt vời

Tạ ơn mẹ, đã cho con hơi thở

Và trái tim nhân ái làm người

Latêranô và những ngôi Đền Thờ

Latêranô và những ngôi Đền Thờ

(Suy niệm của Lm. Vũ Xuân Hạnh)

Kể từ sau khi Chúa Giêsu về trời, với việc các thánh tông đồ nói riêng, các Kitô hữu đầu tiên nói chung, ra đi truyền bá Tin Mừng, Hội Thánh bắt đầu hiện diện giữa lòng thế giới. Thay vì đón nhận sự hiện diện ấy, chính quyền đế quốc Rôma bắt đầu nghi kỵ và ác cảm. Gần 300 năm (từ những năm cuối thập niên 50 trải dài đến những năm 310), cuộc bắt đạo lần lượt qua mười triều đại hoàng đế (khởi đi từ Nero đến Diokletian). Thế nhưng, suốt 300 năm ròng rã phải sống chui nhủi trong những hang toại đạo, những hốc đá, rừng rậm… như một thứ “Hội Thánh hầm trú”, vậy mà không một sức mạnh của bạo quyền nào có thể đè bẹp đức tin, tưởng chừng quá non nớt, quá mới mẽ của các Kitô hữu tiên khởi.

Đức tin có sức mạnh riêng, có lý lẽ riêng, có sự sống riêng của nó. Sức mạnh, lý lẽ, cũng như sự sống riêng ấy là một khối tinh thần. Khối tinh thần ấy không thuộc về lý trí, hay trí tuệ, nhưng thuộc về huyền nhiệm thánh thiêng, một huyền nhiệm của trời cao (chứ không phải của con người). Đã là sức mạnh của cả một khối tinh thần thuộc về huyền nhiệm thánh thiêng, làm gì có bất cứ một sức mạnh nào khác có thể vượt qua!

Ngay từ khởi đầu của Hội Thánh, một đức tin xem ra chẳng đáng kể gì về bề dày thời gian, đã có thể lướt thắng mọi trở ngại. Bởi thế, mãi cho đến hôm nay, đức tin ấy, một khối tinh thần thuộc về huyền nhiệm thánh thiêng ấy, đã được tinh luyện hàng ngàn năm, chắc chắn không dễ gì lay chuyển. Lịch sử vẫn còn đó, như dấu tích, như bằng chứng, hơn nữa như bài học xác đáng cho con người thời đại…

Sau một thời gian quá dài, không sao đổi dời lòng tin của các Kitô hữu, đến năm 313, hoàng đế Constantin ký sắc lệnh Milan công nhận Kitô giáo là một tôn giáo hợp pháp trên đế quốc Lamã. Sau thời gian đó, hoàng đế tiếp tục thực hiện một nghĩa cử đáng trân trọng: Ông trao tặng Đức Thánh Cha Miltiad một cung điện lộng lẫy nằm trên đồi Coelius: cung điện Latêranô ngày nay. Một thời gian không lâu sau đó, Đức Thánh Cha đã cho xây bên cạnh cung điện này một Đại Thánh đường, đó là Đại Thánh đường Latêranô. Và ngày 9. 1. 324, Đức Sylvester đã long trọng cung hiến Đại Thánh đường này.

Ngay từ đầu, Thánh Đường Latêranô được dâng kính Đấng Cứu Thế, với tước hiệu Vương Cung Thánh đường Chúa Cứu Thế. Thế kỷ XII, nó cũng được dâng kính thánh Gioan Baotixita và thánh Gioan tông đồ. Đại thánh đường Latêranô được xem là “Mẹ và là Đầu của mọi nhà thờ trên thế giới”. Sở dĩ nhà thờ này có một chỗ đứng quan trọng trong Giáo Hội như thế là vì bốn lý do:

– Đây là ngôi thánh đường đầu tiên được công nhận trong đế quốc.

– Đây là nhà thờ đầu tiên trước mọi nhà thờ trong Giáo Hội. Một ngôi nhà thờ mang nhiều ý nghĩa lịch sử: Trong thời gian bị bắt đạo, Hội Thánh không thể xây một ngôi thánh đường nào. Các thánh lễ và các buổi tụ tập cầu nguyện đều lén lút tổ chức trong các nhà tư, trong các hang toại đạo, trên mộ các thánh Tử Đạo. Sau khi được chính quyền công nhận, các tín hữu, từ chỗ lén lút bước vào xã hội công khai, Đại Thánh đường đầu tiên này là nơi duy nhất và sang trọng nhất, để  họ dâng kính Thiên Chúa việc thờ tự của mình.

– Đây là Vương Cung Thánh đường của giáo phận Rôma, có ngai tòa của Giáo hoàng.

– Hội Thánh chính là đền thờ của Thiên Chúa, mỗi Kitô hữu như những viên gạch sống động đắp xây ngôi Đền Thờ Hội Thánh. Vì ý nghĩa lịch sử lớn lao và có cả một bề dày hiện diện giữa lòng Hội Thánh, Đại Vương Cung Thánh đường Latêranô là ngôi Đền Thờ được Hội Thánh chấp nhận như một biểu trưng cho một ngôi Đền Thờ to lớn là chính Hội Thánh, nơi mà Thiên Chúa trao tặng hết tình yêu của Người và ưa thích ngự vào.

Ngoài chính bản thân ngôi Đền thờ Latêranô là Đại Thánh đường cổ xưa nhất, nơi đây còn có giếng rửa tội lâu đời nhất của Rôma. Tại giếng rửa tội này, hàng ngàn tân tòng đã đến đây lãnh phép rửa tội, nhất là trong các đêm vọng Phục Sinh. Cung điện Latêranô còn là nơi hội họp của 250 Công Đồng, trong đó có bốn Công Đồng chung. Các Đức  Giáo hoàng đã cư ngụ tại đây trong hơn 1,000 năm, mãi cho đến thế kỷ XIV, Đức Nicôlas V mới dời Giáo Đô về Vatican, cạnh đền thờ thánh Phêrô.

Qua các trận hỏa hoạn, động đất và càn quét của man dân, của Đức, của Pháp… Đền thờ Latêranô phải tái thiết lại nhiều lần. Ngày 28-4-1726, sau một công trình tái thiết lớn, Đức Thánh Cha Bênêditô XIII đã thánh hiến lại và công nhận ngày 9-11 hàng năm làm ngày lễ tưởng niệm cung hiến Đại Thánh đường Latêranô.

Nhưng trong thánh lễ kỷ niệm cung hiến Đền Thờ Latêranô hôm nay, Hội Thánh không dừng lại ở việc tưởng niệm một lịch sử đã qua đi từ lâu. Nhưng qua việc tưởng niệm này, Hội Thánh muốn chúng ta hướng tới sự tôn thờ một Ngôi Đền Thờ sang trọng, lớn lao, chất chứa mọi ngôi đền thờ, và vượt trên mọi ngôi đền thờ, và mọi ngôi đền thờ dù theo nghĩa hiện thực hoặc tinh thần, đều chỉ tìm thấy ý nghĩa của mình nơi Ngôi Đền Thờ ấy. Đó chính là Ngôi Đền Thờ mang tên Giêsu Kitô. Vì chỉ có Chúa Kitô mới là Đền Thờ đích thực như chính Người đã ám chỉ về mình trong bài Tin Mừng của lễ Cung Hiến Đền Thờ Latêranô: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi. Nội trong ba ngày, Ta sẽ xây dựng lại”. Và lời này được thánh Gioan Tông đồ giải thích ở cuối bài Tin Mừng: “Đền Thờ Chúa Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người”.

Mừng lễ cung hiến Đền Thờ Mẹ của mọi ngôi nhà thờ vật chất, ta hướng về Ngôi Đền Thờ Rất Thánh là Chúa Kitô, để nhận ra Người cũng chính là Ngôi Đền Thờ Mẹ của mọi ngôi đền thờ khác là chúng ta. Ngôi Đền Thờ Mẹ rất Thánh ấy đã chấp nhận “hủy mình ra không”. Và chấp nhận được “phá hủy” như thế, để nên nguồn lợi lớn lao cho mỗi ngôi đền thờ con của Ngôi Đền Thờ Mẹ, là chính chúng ta: Người mang ơn cứu độ, mang lại sự sống trường cửu cho ta.

Hiểu được ý nghĩa của bài học về sự tự hiến nơi Chúa Giêsu như thế, đến lượt mình, bạn và tôi cũng hãy là những người biết dùng tất cả tài năng, sức lực, sự khôn ngoan để chung tay xây dựng cuộc đời, xây dựng Hội Thánh. Nếu một ngôi đền thờ vật chất bị phá hủy, nó chỉ trơ lại một đống đổ nát. Nhưng nếu một ngôi đền thờ là chính mỗi con người biết “phá hủy” và chấp nhận để cuộc đời “phá hủy” mình, nghĩa là biết chấp nhận tự hiến, ngôi đền thờ ấy sẽ sinh ra không biết bao nhiêu lợi ích cho chính mình và cho muôn người.

Lạy Chúa, Chúa đã chọn chúng con như những ngôi đền thờ sống động, để cùng nhau xây nên một ngôi đền thánh vinh hiển là Hội Thánh của Chúa. Xin cho chúng con biết cho đi chính bản thân để phụng sự Chúa và phục vụ con người. Chỉ có cho đi trong tinh thần tự hủy, chúng con mới có thể làm rạng danh Chúa và xứng đáng là những ngôi đền thờ có Chúa ngự. Hay nói cho đúng, chỉ khi nào có Chúa ngự, con người chúng con mới xứng đáng gọi là đền thờ.

Tá điền và vườn nho

Tá điền và vườn nho

Có một bản tin gây nhiều xúc động, đó là: một thanh thiếu niên phạm pháp được trả tự do lạm thời, nhờ hạnh kiểm tốt trong thời gian bị giam tù. Vì không còn cha mẹ, nên em này được một người trong vùng nhận làm con nuôi và em được đối xử tốt đẹp như năm người con khác trong gia đình, không chút kỳ thị phân biệt. Cha mẹ nuôi cũng như anh chị em mới trong gia đình cố gắng làm hết mọi sự để giúp em cảm nhận được tình yêu thương chân thành trong gia đình mới.

Một hôm, em được phép cha mẹ cho đi tham dự buổi tiệc sinh nhật của người bạn với lời nhắn nhủ là “hãy trở về nhà trước 11 giờ khuya”. Nhưng 11 giờ, rồi 12 giờ và 1 giờ sáng mà em vẫn chưa về. Mọi người trong nhà đã đi ngủ, chỉ trừ cha mẹ nuôi của em canh thức đợi em về với nhiều lo tắng, cuối cùng 2 giờ sáng em mới về tới nhà. Không một lời giải thích hay xin lỗi cha mẹ nuôi gì cả, nhưng phần cha mẹ nuôi chỉ trách nhẹ em một câu: “Này con, lần sau con ráng về đúng giờ để cha mẹ không phải lo lắng đợi chờ con nữa”.

Sáng hôm sau, khi mọi người trong gia đình kẻ đi làm người đi học, chỉ còn lại mẹ nuôi ở nhà, và bất ngờ, người thiếu niên này dùng một khúc sắt từ sau lưng tiến lại đập đầu người mẹ nuôi của em. Trước toà án, em không chút hối hận và người cha nuôi của em trong cơn đau khổ tột cùng chỉ thốt lên một lời: “Nó đã giết chết người vợ thân yêu của tôi. Đây là một hành động vô ơn tột cùng”.

Sự việc trên có thể giúp chúng ta phần nào hiểu thấu được dụ ngôn: “Người tá điền và vườn nho” được nhắc lại trong bài Tin Mừng hôm nay. Đó là thái độ vô ơn tột cùng của những người giữ vườn nho đáng trách, họ đã khước từ và giết hại những người làm mà ông chủ sai đến, rồi cuối cùng họ cũng giết chết luôn cả người con của ông chủ.

Thái độ vô ơn tột cùng này cũng là một lời cảnh tỉnh cho mỗi người Kitô hữu chúng ta hôm nay, qua đó nhắc nhở chúng ta hãy xét lại thái độ sống của mình đối với Thiên Chúa. Như ông chủ vườn nho, Thiên Chúa nhân lành luôn thông cảm và tha thứ những lỗi tầm của chúng ta, một khi chúng ta biết trở về với Ngài.

Mặt khác, Thiên Chúa trao cho chúng ta công việc chăm sóc vườn nho của Ngài, để chúng ta làm trổ sinh hoa trái tốt đẹp. Hơn nữa, Ngài đã không ngừng sai những sứ giả của Ngài đến để nhắc nhở chúng ta tích cực chăm sóc vườn nho cho Ngài. Vì thế chúng ta phải có bổn phận biết ơn là dâng lại cho Ngài những điều tốt đẹp, những chùm nho ngon ngọt của việc làm tốt mà chúng ta phải thực hiện trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng, có thể thay vì dâng cho Ngài những chùm nho ngon ngọt, thì chúng ta lại có những thái độ thù nghịch chống lại Ngài, chống lại Thiên Chúa, chống lại những sứ giả mà Ngài đã sai đến với chúng ta.

Vậy, thử hỏi còn điều gì có thể làm được cho con người mà Thiên Chúa đã không làm để cứu rỗi, để hướng dẫn và ban hơn nữa cho chúng ta hay không?

Chính Ngài đã sai Con Một Ngài đến cứu rỗi chúng ta, và hy vọng con người sẽ không giết hại Con Ngài, nhưng sẽ tắng nghe lởi Người: “Đây là Con Ta yêu dấu, các người hãy vâng nghe lời Ngài”.

Thật thế những kẻ vô tâm, bất nhân bất nghĩa đã làm việc bất nhân, thay vì dâng lời cảm lạ Thiên Chúa thì lại giết chết Con Thiên Chúa, giết chết người ân nhân vĩ đại của cuộc đời mình. Xin Chúa ban ơn biến đổi cho mỗi người chúng ta, giúp chúng ta luôn biết tắng nghe liếng Chúa trong mọi hoàn cảnh sống của cuộc đời.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ khẩn cầu Chúa ban cho mỗi người chúng con được bắt chước gương sống của Mẹ: Khiêm tốn, vâng phục, chấp nhận thưa “xin vâng” với Chúa trong mọi nghịch cảnh của cuộc đời: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Ngài truyền”. Nhất là chúng con xin Mẹ giúp cho mỗi người chúng con luôn luôn sống trong thái độ biết ơn Thiên Chúa, cố gắng hết mình để làm vườn nho mà Ngài đã trao phó cho mỗi người chúng con, để cây nho được trổ sinh nhiều hoa trái tốt đẹp. Xin Thiên Chúa gìn giữ mỗi người chúng con trong đức tin mà giờ đây chúng con cùng nhau tuyên xưng qua kinh Tin Kính.

Sưu tầm

Học yêu Thánh Giá

Học yêu Thánh Giá

Tình cờ tôi nghe bài hát “học yêu Thánh Giá”, từ web: mp3.zing.vn/bai-hat/Hoc-yeu-Thanh-Gia.

Lời ca ngắn gọn mà sâu sắc, giai điệu nhẹ nhàng cho tôi cảm nhận sâu lắng về tình yêu Thánh Giá Chúa Giêsu.

Thánh Giá là chữ T.

Người nằm giang tay chữ Y.

Là tình yêu, yêu đến tận cùng.

Yêu nhân gian chiều ngang.

Yêu đời mình chiều sâu.

Yêu Chúa là chiều cao.

Để tình yêu luôn mãi nhiệm mầu.

Thập giá là chữ T được tạo nên do hai thanh gỗ. Thanh nằm tượng trưng cho sự chết và sự yếu đuối trải rộng. Thanh đứng tượng trưng cho sự sống vươn cao. Ý mụốn của con người là thanh nằm. Ý muốn của Thiên Chúa là thanh đứng. Trên thập giá, Chúa Kitô chịu đóng đinh dang tay thành chữ Y. Tình yêu là điểm giao thoa giữa thanh nằm của sự chết và thanh đứng của sự sống. Cả ba chiều kích ngang, sâu, cao của thập giá đều quy tụ nơi tình yêu của Đấng chịu đóng đinh. Chúa Kitô đã đón nhận cái chết trên thập giá vì yêu thương nhân loại.

Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu coi cái chết của mình như là một sự tôn vinh. Tôn vinh Tình Yêu của Chúa Cha, một Tình Yêu vô bờ bến, một Tình Yêu mãnh liệt đến nỗi Chúa Cha “đã ban Con Một cho thế gian, để những ai tin vào Người Con thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Đồng thời cũng là tôn vinh Tình Yêu của Chúa Giêsu, một Tình Yêu đã hy sinh mạng sống vì những người mình yêu, là một hy lễ dâng lên Chúa Cha, cũng là sự tự hiến cho loài người trở nên lương thực nuôi sống chúng ta.

Thánh Phaolô nhấn mạnh sự tương phản chưa từng thấy trong mầu nhiệm Thập giá. Sự hạ mình sâu thẳm của Đức Giêsu Kitô “Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa, đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người, tặng ban Danh hiệu vượt trên mọi Danh hiệu. Và khi nghe Danh Thánh Chúa Giêsu, mọi gối phải bái quỳ để tôn vinh Chúa Cha và tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa” ( Pl 2,6-11).

Theo cái nhìn của Phaolô cũng như của Gioan, Chúa Giêsu chịu đóng đinh cũng chính là Chúa Giêsu được tôn vinh. Đó là sự tôn vinh Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, và Tình Yêu ấy đã biểu lộ rõ ràng nhất nơi Thập giá Chúa Kitô. Không nơi nào Tình Yêu của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn như nơi “con người Chúa Giêsu chịu đóng đinh”.

Ca nhập lễ ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá đã mượn lời của Thánh Phaolô trong thư Galat 6,14 để hân hoan hát lên: “Niềm vinh dự của chúng ta chính là Thập Giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ Người, chúng ta được cứu độ, được sống và được phục sinh; chính Người cứu độ và giải thoát chúng ta”.

Kinh Tiền Tụng đã chú giải: “Thật vậy, xưa vì cây trái cấm, loài người chúng con phải tử vong, nay nhờ cây thập giá lại được sống muôn đời; và ma quỷ xưa chiến thắng nhờ cây trái cấm nay thảm bại vì cây thập giá của Đức Kitô, Chúa chúng con”.

Thánh Bonaventura viết: “Thánh Giá là cây tòan hảo, được thánh hóa bởi Máu Chúa Kitô, mang đầy trái thơm ngon“. Cây Thánh giá còn được phong phú hóa như là một loài cây quý hiếm và tươi thắm diễm lệ, hoa trái tràn đầy trong lời trong kinh ‘A Rất Thánh Giá’: “Khen cây thánh giá ở giữa rừng phàm, nên giống báu lành, nên cây sang trọng, nên đơn linh nghiệm, nên tàu vượt qua biển hiểm thế nầy….Cây thánh giá tốt lành rất mực dìm dà êm mát, bóng che thiên hạ khỏi chốn hỏa hình. Cội rễ, nhành lá, búp bông, hoa quả. Từ xưa đến nay, cây nào dám ví bằng cây thánh giá, từ cây thánh giá chở mình Chúa Cả đóng đinh trên cây thánh giá”.

Tại bãi biển Copacabana tối thứ sáu 26-7-2013 đi Đàng Thánh Giá, Đức Thánh Cha Phanxicô diễn giảng Thập giá là: “Một tình yêu tuyệt vời khi đi vào tội lỗi của chúng ta và tha thứ cho nó, đi vào đau khổ của chúng ta và cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng. Đó là một tình yêu đi vào cái chết để chiến thắng nó và cứu vớt chúng ta. Thập giá của Chúa Kitô chất chứa tất cả tình yêu của Thiên Chúa, lòng thương xót vô biên của Ngài. Đây là một tình yêu mà chúng ta có thể đặt vào đó tất cả niềm tin của chúng ta, nơi chúng ta có thể tin tưởng. Các bạn trẻ thân mến, chúng ta hãy phó thác cho Chúa Giêsu, chúng ta hãy phó thác vào Người một cách trọn vẹn! (x. Ánh Sáng Đức Tin, 16). Chỉ trong Chúa Kitô chịu đóng đinh và phục sinh, chúng ta mới có thể tìm thấy phần rỗi và ơn cứu độ. Với Ngài, sự dữ sự đau khổ và cái chết không còn quyền thế, bởi vì Ngài cho chúng ta hy vọng và sự sống: Ngài đã biến Thập giá từ một công cụ của sự thù ghét, sự thất bại và sự chết thành một dấu chứng của tình yêu, sự khải hoàn và sự sống”.

Đức Thánh Cha nhắc lại sự kiện vào cuối Năm Thánh Cứu Độ 1984, Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã muốn tín thác Thập Giá Chúa cho người trẻ và ngài nói: “Các con hãy đem Thánh Giá vào trong thế giới như dấu chỉ tình yêu thương của Chúa Giêsu đối với nhân loại, và loan báo cho tất cả mọi người rằng chỉ nơi Chúa Kitô chết và phục sinh, mới có sự cứu rỗi và ơn cứu độ” (Diễn văn với giới trẻ, 22 tháng 4 năm 1984). Kể từ đó, Thập Giá đã rong ruổi qua mọi đại lục, và đi qua các thế giới khác nhau nhất của cuộc sống con người, hầu như được thấm nhập bởi các tình trạng sống của biết bao nhiêu người trẻ đã trông thấy và đã mang Thập Giá đó. Không có ai đụng tới Thập Giá Chúa Giêsu mà không để lại một cái gì đó của chính mình, và không đem một cái gì đó của Thập Giá Chúa Giêsu vào trong cuộc sống của mình.

Thánh Giá là sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa. Bởi vì “Sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người” (1Cr 1, 24 -25).Thánh Giá đã trở thành dấu chỉ của tình yêu hy vọng và sự sống. Thánh Giá là biểu tượng của Tình Yêu cứu độ. Thánh giá là niềm tự hào và vinh quang của người tín hữu.Thánh Phaolô có một ước muốn: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6,14).

Chúa Giêsu chết trên thập giá, muốn minh chứng rằng Người yêu thế gian hơn yêu chính mình. Nơi thập giá,Chúa Giêsu chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là một tình yêu ở dạng thức cao nhất:Tình Yêu đến mức tận cùng, một Tình Yêu tự hiến trọn vẹn của Thiên Chúa. Yêu là hiến tế, là hy sinh chính mình. Hiến dâng chính mình vì thiện ích của kẻ khác. Chúa Giêsu hiến dâng chính mình trên thập giá như là sự đền bù vì ơn cứu độ nhân loại.

Thánh Giá đã in sâu và gắn chặt với Chúa Giêsu Kitô. Ngay cả sau khi Chúa sống lại vinh quang, các vết thương khổ nạn thập giá vẫn hiển hiện, vẫn không bị xóa nhòa. Thánh Giá Chúa Kitô xuyên qua thời gian và hiện diện trong mỗi giây phút cuộc đời chúng ta. Sự hiện diện ấy làm thay đổi tất cả.

Chúng ta yêu mến, tôn thờ Chúa Giêsu trên Thánh Giá.Trong xã hội tiêu thụ và hưởng thụ ngày nay, bóng tối của quyền lực, tiền của, danh vọng, lạc thú đang che mờ bóng thánh giá. Con người đang lao mình vào bóng tối bằng mọi giá. Xã hội hôm nay cần phải được ánh sáng của Thánh Giá soi dẫn. Từ Thánh Giá Đức Kitô, tình thương chúc phúc thế gian, sự sống chan chứa cho lòng người. Suy tôn Thánh Giá chính là suy tôn tình yêu, sự sống của Chúa Kitô.

LM Giuse Nguyễn Hữu An