Sự tha thứ

Sự tha thứ

(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)

Điểm đặc biệt trong đời sống Kitô hữu là mỗi người được Lời Chúa trong Chúa Nhật 24 nhắc nhở rõ ràng là sự tha thứ cho nhau. Bài đọc thứ nhất trích từ sách Huấn Ca (Hc 27,33-28,9), loan báo trước giáo huấn của Chúa Giêsu trong Phúc Âm, giáo huấn về sự tha thứ cho những lỗi phạm của anh em: "Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con".

Bài Phúc Âm thánh Mátthêu cho chúng ta biết sự tha thứ cho anh em được Chúa nói rõ ràng trong câu trả lời cho Thánh Phêrô đến hỏi Chúa: "Tôi phải tha thứ bao nhiêu lần, đến bảy lần chăng?". Phêrô đến với Chúa bằng một tâm thức câu nệ hình thức, tâm thức của luật dân Chúa đang tuân giữ và ông nghĩ rằng, tha thứ đến bảy lần là đã làm trọn luật Chúa dạy. Noi gương của Thiên Chúa như đã được kể lại trong sách Cách Ngôn: "Thiên Chúa luôn tha thứ cho người công chính bảy lần" (Cn 24,16). Tha thứ bảy lần là tha thứ có giới hạn, nhưng Chúa Giêsu đã trả lời không phải bảy lần mà là bảy mươi lần bảy. Cách nói bảy mươi lần bảy cũng là cách nói được dùng trong sách Sáng Thế Ký (x. St 4, 24), có nghĩa là tha thứ luôn luôn, không có giới hạn, không có tính toán.

Đoạn Phúc Âm thánh Mátthêu được trích lại nằm trong toàn bộ chương XVIII nói về những đặc điểm nếp sống mới của những đồ đệ Chúa Kitô, và nền tảng cho nếp sống mới là căn cứ theo mẫu gương của Thiên Chúa Cha: "Chúng con hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên trời là Đấng trọn lành" (Mt5,48). Mỗi một thái độ sống của người đồ đệ Chúa đều được Chúa qui hướng về việc bắt chước theo mẫu gương của Thiên Chúa Cha.

Chính vì thế mà để làm nổi bật khía cạnh đặc điểm tha thứ cho anh em, Chúa Giêsu đã kể một dụ ngôn để diễn tả thái độ của Thiên Chúa Cha như ông chủ tha thứ cho người tôi tớ vì tình thương hơn là chính người tôi tớ tha thứ cho bạn của mình, vậy chúng ta cũng phải luôn luôn tha thứ cho anh em mình, cho những người xúc phạm hay làm tổn thương đến chúng ta bằng cách này hay cách khác.

Đặc điểm thứ hai cần lưu ý là mối liên quan giữa nếp sống Kitô và lời cầu nguyện. Điều này được nhắc đến trong bài đọc thứ nhất, đó là sự liên kết giữa cuộc sống hàng ngày và đời sống cầu nguyện, vì tha thứ cho kẻ làm hại đến mình thì con người sẽ được tha thứ như vậy. Không thể không có tha thứ đích thực nếu không tuân giữ luật Chúa dạy. Các tiên tri nhiều lần đã lên tiếng cảnh cáo những thái độ sống giả hình, đó là dâng lễ vật lên Thiên Chúa mà vẫn hà hiếp, áp bức anh chị em xung quanh: "Thiên Chúa muốn tình thương hơn là lễ vật" (Mt12,7). Và: "Khi các con đến dâng của lễ mà nhớ có điều gì bất bình với anh em thì hãy bỏ của lễ lại mà đi làm hòa với anh em con trước đã, rồi hãy đến dâng lễ vật" (Mt5,23-24). Giáo huấn này được Chúa Giêsu nhấn mạnh hơn nữa khi Ngài đưa nó vào lời kinh Lạy Cha mà Ngài đã dạy cho các Tông Đồ: "Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con".

Tha thứ là một điều rất dễ nói nhưng lại rất khó thực hành. Vào thời hậu thế chiến thứ hai bên Âu Châu, cô Coritanbum, người sống sót từ trại tập trung Đức Quốc Xã đã đi khắp nơi để giảng thuyết về sự tha thứ và hòa giải. Khi thế chiến thứ hai bùng nổ, gia đình của cô Coritanbum sinh sống ở Amsterdam, Hòa Lan, sống nhờ cửa tiệm làm và bán đồng hồ. Khi quân đội Đức Quốc Xã chiếm Hòa Lan thì gia đình cô dấn thân trợ giúp người Do Thái, và hậu quả là có người chỉ điểm làm cho toàn gia đình cô bị bắt vào trại tập trung, chỉ còn lại một mình cô sống sót tại trại tập trung mà thôi.

Sau thế chiến thứ hai, cô đi khắp nơi bên Âu Châu để giảng thuyết về sự tha thứ và hòa giải. Một hôm sau buổi thuyết trình tại Munich, Miền Nam nước Đức, một người đứng lên cám ơn cô về bài thuyết trình thật hay, nhưng cô chết điếng người khi nhận ra người đàn ông sắp đưa tay ra bắt lấy cô chính là người lính Đức Quốc Xã trước kia canh trại tập trung, đã giam giữ cô và gia đình. Cô bỗng chốc nhớ lại tất cả những hành động bỉ ổi của người lính đã xúc phạm đến con người, nhất là phẩm giá của những nữ tù nhân trong trại mà anh lính này đã làm trước mắt cô ngày trước. Cô Coritanbum lúng túng không kịp đưa tay ra bắt lấy tay người đã hành hạ mình, và lúc đó cô mới hiểu thấm thía nói dễ nhưng làm khó. Chính lúc bấy giờ cô khám phá ra mình cũng chưa thật sự tha thứ cho người đã xúc phạm đến mình trước đây.

Kinh nghiệm của cô Coritanbum cũng chính là kinh nghiệm của mỗi người chúng ta hôm nay, dù hình thức có thể khác đi nhưng tựu trung nội dung vẫn giống nhau. Khi nói về sự tha thứ, thường thì khuyên kẻ khác tha thứ rất dễ, nhưng khi trực tiếp đối diện với kẻ xúc phạm đến mình, phải thực hành một việc tha thứ cách cụ thể cho người đang đứng trước mặt mình thì quả thật khó khăn vô cùng. Có thể chúng ta cũng không vượt qua được về những cảm xúc đó như cô Coritanbum. Ông Alexande Box đã có lần nói: "Lầm lỗi là chuyện thường tình của con người, nhưng tha thứ phải là chuyện của Thiên Chúa". Cần có sức mạnh của Thiên Chúa chúng ta mới có thể tha thứ cho nhau được.

Phúc Âm hôm nay cho chúng ta thấy rõ vấn đề, không phải chỉ giữ luật tha thứ như Phêrô nghĩ là tha thứ đến bảy lần, vì luật Môisen chỉ dạy tha thứ có bảy lần mà thôi, nhưng hệ ở chỗ là tâm hồn luôn luôn tràn đầy tình yêu thương để tha thứ cho anh em mình. Tha thứ đến bảy mươi lần bảy, nghìa là tha thứ luôn luôn, chúng ta cần phải có tâm hồn như Chúa, tha thứ như Chúa, không tính toán số lượng, số lần theo luật định, nhưng phải với tâm hồn đã được ơn Chúa biến đổi là tha thứ vô hạn định.

Xin Chúa đến với chúng con ngày hôm nay trong Bí Tích Thánh Thể, đặc biệt khi chúng con rước Chúa vào tâm hồn, chúng con xin Chúa biến đổi tâm hồn chúng con được trở nên giống như Chúa, tâm hồn tràn đầy tình thương của Chúa để chúng con tha thứ cho tha nhân như Chúa, xin Chúa gìn giữ mỗi người chúng con trong đức tin mà chúng con tuyên xưng qua Kinh Tin Kính.

Veritas Radio

Comments are closed.