ĐHY Oswald Gracias: Giáo hội Á châu ủng hộ ĐGH Phanxicô 100%

ĐHY Oswald Gracias: Giáo hội Á châu ủng hộ ĐGH Phanxicô 100%

“Giáo Hội ở Á Châu kiên quyết ủng hộ Đức Thánh Cha. Như là chủ tịch Hội đồng Giám mục Á Châu, tôi nhắc lại rằng Giáo hội ở Á Châu đứng về phía Đức Giáo hoàng Phanxicô 100%". ĐHY Oswald Gracias, tổng Giám mục Mumbai, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ấn Độ và cũng là Chủ tịch liên Hội đồng Giám mục Á Châu, đã khẳng định như trên với hãng tin Á châu.

Trong chứng thư dài 11 trang công bố tối ngày trước khi ĐTC Phanxicô kết thúc chuyến viếng thăm Ailen và trở về Roma, Đức tổng Giám mục Carlo Maria Viganò, cựu sứ thần Tòa Thánh tại Hoa kỳ, đã tố cáo ĐGH Phanxicô biết về những lời cáo buộc lạm dụng tính dục xảy ra trong Giáo hội tại Hoakỳ nhưng ngài đã im lặng; cụ thể là ngài biết về các vụ lạm dụng tính dục các chủng sinh trẻ của cựu Hồng y Theodore McCarrick.

ĐHY Gracias cho biết ĐHY ngạc nhiên trước quyết định công khai vấn đề của Đức tổng Giám mục Viganò, vì theo ĐHY, Đức tổng Giám mục Viganò là một thành viên có uy tín và được tôn trọng của Vatican và Washington. ĐHY Gracias cũng cho biết ngài thật sự thất vọng vì đây không phải là cách thức đúng để giải quyết các vấn đề tương tự. Cách thức này không trợ giúp trong vấn đề này.

ĐHY Gracias hiện đang ở Seoul để tham dự một diễn đàn vì hòa bình. Ngài cũng nói thêm về chứng thư của Đức tổng Giám mục Viganò: “Có nhiều khoảng trống trong  các lời chứng và các từ ngữ đã được sử dụng cách tinh ranh. Các từ ngữ được sử dụng với sự mơ hồ. Các lời chứng là một nỗ lực được phối hợp để làm sai lệch thực tế. "

Cuối cùng, ĐHY Gracias kết luận: “Tôi hy vọng rằng Đức tổng Giám mục hiểu thiệt hại mà ngài gây nên cho Giáo hội. Tôi chắc chắn rằng Đức Thánh Cha đã có những kết luận về tài liệu này và tôi hài lòng rằng vị Đại diện Chúa Kitô đã chọn cách không trả lời.”

Hồng Thủy

Đức Hồng Y tân cử Becciu làm Tổng trưởng Bộ Phong Thánh

Đức Hồng Y tân cử Becciu làm Tổng trưởng Bộ Phong Thánh

VATICAN. Hôm 26-5-2018, ĐTC đã bổ nhiệm ĐHY tân cử Giovanni Angelo Becciu làm Tổng trưởng Bộ Phong Thánh và sẽ nhận nhiệm vụ từ cuối tháng 8 tới đây.

Thông cáo của Tòa Thánh nói rằng Đức TGM Becciu tiếp tục chu toàn nhiệm vụ Phụ Tá Quốc Vụ khanh Tòa Thánh cho đến ngày 29-6-2018 và tiếp tục làm Đặc Ủy của ĐTC nơi Hội Hiệp Sĩ Malta.

ĐHY tân cử Becciu năm nay 70 tuổi (2/6/1948) sinh tại Sassari, đảo Sardegna, Italia, thụ phong linh mục năm 1972, đậu tiến sĩ giáo luật và bắt đầu phục vụ trong ngành ngoại giao Tòa Thánh từ ngày 1-5-1984: lần lượt tại các sứ quán Tòa Thánh tại Cộng hòa Trung Phi, Sudan, New Zealand, Liberia, Anh quốc, Pháp, và Hoa Kỳ.

Ngày 15-10 năm 2001, ngài được thăng TGM sứ thần Tòa thánh tại Angola, rồi kiêm nhiệm Sứ thần tại São Tomé và Principe.

Ngày 23-7-2009, ngài được ĐTC Biển Đức 16 bổ làm Sứ thần Tòa Thánh tại Cuba cho đến năm 2011 thì thăng Phụ tá Quốc Vụ Khanh, chức vụ này thường được coi như tương đương với Bộ trưởng Nội vụ của Tòa Thánh.

Chúa nhật 20-5-2018, ĐTC tuyên bố sẽ bổ nhiệm Đức TGM Becciu làm Hồng Y trong công nghị ngày 29-6-2018 cùng với 13 tiến chức Hồng Y khác.

Ngài sẽ kế nhiệm ĐHY Angelo Amato, SDB, 80 tuổi, từ 10 năm nay là Tổng trưởng Bộ Phong Thánh (Rei 26-5-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thánh Cha chủ lễ mừng Sinh Nhật 90 của ĐHY Sodano

Đức Thánh Cha chủ lễ mừng Sinh Nhật 90 của ĐHY Sodano

VATICAN. Lúc 8 giờ sáng 7-12-2017, ĐTC đã chủ sự thánh lễ tạ ơn nhân dịp sinh nhật thứ 90 của ĐHY Angelo Sodano, niên trưởng Hồng Y đoàn.

ĐHY Sodano sinh ngày 23-11 năm 1927 tại Isola d'Asti ở miền bắc Italia. Thân phụ ngài là ông Dominico từng là đại biểu 3 khóa tại Quốc hội Italia (1948-1963).

Ngài thụ phong linh mục năm 1950, đậu tiến sĩ thần học và giáo luật, làm giáo sư thần học tín lý tại chủng viện giáo phận, rồi bắt đầu phục vụ Tòa Thánh từ năm 1959, tại Phủ Quốc Vụ Khanh rồi tại các sứ quán Tòa Thánh ở Ecuador, Uruguay, Chile và tại Bộ ngoại giao. Năm 1977, ngài thăng TGM và làm Sứ thần Tòa Thánh tại Chile trong 10 năm, trước khi được bổ nhiệm làm ngoại trưởng Tòa Thánh từ năm 1988. 2 năm sau, Đức Gioan Phaolô 2 bổ nhiệm ngài làm Quốc vụ khanh Tòa Thánh và thăng Hồng Y 7 tháng sau đó.

Ngày 30-4-2005, Đức tân Giáo Hoàng Biển Đức 16 đã tái bổ nhiệm ĐHY Sodano làm Quốc vụ khanh, đồng thời phê chuẩn việc bầu ĐHY làm niên trưởng Hồng Y đoàn. Ngày 15-9 năm 2006, ĐGH Biển Đức 16 nhận đơn từ chức Quốc vụ khanh của ĐHY Sodano.

Đồng tế với ĐTC tại Nhà Nguyện Paolina ở dinh Tông Tòa, có đông đảo các Hồng Y hiện diện ở Roma và một số GM.

Ứng khẩu vào cuối thánh lễ, ĐTC nói rằng: ”Chúng ta nhìn thấy nơi ĐHY chứng tá của một người đã làm rất nhiều cho Giáo Hội, trong những hoàn cảnh khác nhau, với niềm vui và với nước mắt. Nhưng chứng tá ngày hôm nay mà tôi thấy là lớn nhất mà ĐHY dành cho chúng ta, đó là chứng tá của một người có kỷ luật theo tinh thần Giáo Hội, và đó là ơn mà tôi cám ơn ĐHY. Và tôi cầu xin cho chứng tá về chiều kích Giáo Hội này giúp chúng và tiến bước trong cuộc sống” (Rei 7-12-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Lễ giỗ ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

Lễ giỗ ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

Roma: Lúc 10 giờ sáng ngày 15-9-2017 lễ Đức Mẹ Sầu Bi, ĐHY Peter Turkson Tổng trưởng Bộ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện, đã chủ sự lễ giỗ ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận trong nhà thờ Santa Maria della Scala (Đức Mẹ Cầu Thang) là nhà thờ hiệu toà nơi có mộ ĐHY Thuận.

Cùng đồng tế Thánh lễ đã có ba Hồng Y, hai Giám Mục vài Đức Ông và gần 60 Linh Mục Việt Nam và ngoại quốc, trong đó có những vị đến từ Hoa Kỳ, Pháp và vài nước Âu châu. Trong số người tham dự ngoài các thành viên Liên Tu Sĩ Roma cũng có một số tín hữu Việt Nam đến từ Hoa Kỳ và các nước Âu châu, cũng như nhân viên của Bộ và bạn bè thân hữu của ĐHY.

Giảng trong Thánh Lễ ĐHY Turkson cho biết năm nay Bộ tổ chức lễ giỗ ĐHY Thuận đúng ngày lễ Đức Mẹ Sầu Bi, vì cũng giống như Đức Mẹ ĐHY Thuận đã thông phần cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu trong suốt cuộc đời ngài, nhất là trong các năm bị giam cầm. Thánh Phaolô nói Chúa Kitô là niềm hy vọng và vinh quang của chúng ta. Sự hiện diện của Chúa nơi chúng ta sẽ thành toàn để chúng ta nên con cái Chúa.

Phúc Âm nói tới hạt rơi vào lòng đất bị chôn vùi chết đi để đơm bông hạt. Chính Chúa Giêsu cũng đã sống cái luận lý ấy của hạt lúa chết đi để trao ban sự sống mới. Mỗi khi lên rước Chúa Giêsu trong Thánh Lễ chúng ta cũng sống mầu nhiệm này cho đến ngày tái sinh về cùng Chúa như ĐHY Thuận.

ĐHY Turkson nói sắc lệnh của Bộ Phong Thánh công bố theo lệnh của ĐTC Phanxicô ngày mùng 4-5-2017 nhìn nhận các nhân đức anh hùng của ĐHY Thuận nói lên đầy đủ những gì ĐHY muốn nói. Vì thế ngài đã đọc lại sắc lệnh ấy cho mọi người nghe, trong đó có nêu bật vài nét độc đáo trong cuộc đời của ĐHY Thuận.

Ngay từ khi còn bé ĐHY Thuận đã chọn ba vị thánh làm gương mẫu cho đời sống thiêng liêng của ngài: thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu mà ngài học được “con đường thơ ấu thiêng liêng”; thánh Gioan  Maria Vianney đấng đã dậy cho ngài các nhân đức khiêm nhường, kiên nhẫn và giá trị của sự cố gắng bền bỉ; và thánh Phanxicô Xaviê, vị Tông Đồ vĩ đại của châu Á, từ nơi vị thành này ngài học biết bình thản trước thành công hoặc thất bại.

ĐTC Biển Đức XVI đã đặc biệt nhớ đến vị Tôi Tớ Chúa trong thông điệp Spe salvi và đề cao vị Tôi Tớ Chúa như mẫu gương cầu nguyện đặc biệt trong các trường hợp tuyệt vọng không có lối thoát. Lắng nghe Thiên Chúa trong các năm tù tội bất tận đã trở thành sức mạnh hy vọng và biến ngài trở thành chứng nhân hy vọng. Trong suốt những năm sống kinh nghiệm đớn đau của cảnh giam cầm ĐHY đã kết hiệp các khổ đau của ngài với các khổ đau của Chúa Kitô, noi gương Đức Mẹ Sầu Bi, đứng gần bên Thập Giá Chúa.

Là người rất thông minh có trí nhớ sắc sảo, ăn nói lưu loát hấp dẫn, dí dỏm, rất dễ thương và hiền lành Đức Cha Thuận đã là một mục tử lôi cuốn. Năm 2000 Đức Cha Thuận đã được Đức Gioan Phaolô II mời giảng tĩnh tâm cho giáo triều Roma. Ngài cũng đã giảng tĩnh tâm cho nhiều HĐGM trong đó có HĐGM Ghana, và ĐHY Turkson cũng đã tham dự khi còn là Giám Mục trẻ.

Đức Cha Thuận được nâng lên làm Hồng Y ngày 21-2-2002. Chính Đức Gioan Phaolô II đã yêu cầu ngài soạn cuốn Toát yếu Học thuyết xã hội của Hội Thánh. ĐHY Thuận đã thành lập một uỷ ban để nhanh chóng làm việc. Với sự nhẹ nhàng và khôn ngoan ngài đã giúp vượt qua những bế tắc và gay go trong hành trình dài hơn tiên liệu. Và ĐHY đã bình thản trút hơi thở cuối cùng ngày 16-9-2002, sau một thời gian bị bạo bệnh.

Án phong Chân Phước và phong thánh đã được khởi sự ngày 22-10-2010 và cuộc điều tra giáo phận hoàn tất ngày 5-7-2013. Ngày 13-12-2016 Đại hội đặc biệt các nhà Thần học cố vấn đã đồng thuận trong việc thảo luận xem Vị Tôi Tớ Chúa có đạt mức nhân đức anh hùng không. Ngày 2-5-2017 các Hồng Y và các Giám Mục đã nhìn nhận rằng Vị Tôi Tớ Chúa đã thực hiện ở mức anh hùng các nhân đức đối thần, các nhân đức căn bản và các nhân đức khác đi kèm.

ĐHY Turkson chia vui với mọi người vì sự kiện này và xin cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện cho tiến trình phong chân phước tiến triển nhanh chóng.

Sau phép lành cuối lễ ĐHY Turkson đã làm phép tượng Đức Mẹ La Vang, xông hương rước và đặt tượng Đức Mẹ  bên cạnh mộ cuả Đấng Đáng Kính HY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.

Linh Tiến Khải

ĐHY Lenonardo Sandri thăm viếng Ukraine

ĐHY Lenonardo Sandri thăm viếng Ukraine

Trong các ngày từ 11 đến 17 tháng 7 vừa qua ĐHY Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội đông phương, đã viếng thăm Ukraine, theo lời mời của ĐTGM Trưởng Giáo Hội công giáo Hy lạp Sviatoslav Shevchuk, và nhân cuộc hành hương toàn quốc tới Đền thánh Đức Bà Zarvanytsia. ĐHY được ĐTGM Claudio Gugerotti, Sứ Thần Toà Thánh tại Ukraine, và Đức ĐTGM Trưởng Shevchuk tháp tùng đã bắt đầu viếng thăm thủ dô Kyiv, đặt vòng hoa và cầu nguyện trước Thánh Giá tại quảng trường Maidan. Tiếp đến ĐHY thăm Viện bảo tàng Holomodor và tưởng niệm các nạn nhân cuộc diệt chủng Ucraina, do Stalin gây ra giữa các năm 1929-1933 khiến cho 6 triệu người bị chết đói.

Sáng ngày 12 tháng 7, lễ kính hai thánh Phêrô Phaolô theo lịch Giuliano, ĐHY Sandri đã đồng tế thánh lễ do ĐTGM Trưởng Shevchuk chủ sự trong nhà thờ Phục Sinh và chia sẻ Lời Chúa. ĐHY nói trong bài giảng: “Anh chị em không lẻ loi. Anh chị em có một chỗ đặc biệt trong con tim của ĐTC Phanxicô”. Ngài mời gọi tín hữu Ucraina “đừng nhượng bộ trước các khó khăn hay trước quyền bình nhân loại muốn lấy mất đi niềm hy vọng của một cuộc sống công bằng và liêm chính của một đất nước được tôn trọng trong sự toàn vẹn của nó và được hoà giải giữa các tâm hồn khác nhau”.

ĐHY đã chuyển đến tín hữu công giáo Latinh và Hy Lạp cũng như mọi người thiện chí lời chào thăm và phép lành toà thánh của ĐTC, với tất cả lòng trìu mến, và sự gần gũi liên đới của ngài với dân tộc bị thử thách bởi khổ đau và các thiếu thốn do các xung khắc và chiến tranh gây ra. ĐTC khích lệ mọi người dấn thân đẩy mạnh sự hoà giải và hoà bình, tôn trọng quyền lợi, và sống bác ái liên đới với biết bao nhiêu người di cư tỵ nạn.

Vào cuối thánh lễ ĐHY đã chuyển phép lành Toà Thánh của ĐTC tới Giáo Hội địa phương và nhân danh ĐTC trao tặng ĐTGM trưởng mề đai kỷ niệm năm thứ tư triều đại Giáo Hoàng của Đức Phanxicô. Sau thánh lễ mọi người đã xuống viếng mộ ĐHY Lubomyr Husar, qua đời mấy tuần trước đó.

Sáng ngày 13 tháng 7 ĐHY Sandri tham dự thánh lễ tại nhà thờ chính toà của chuẩn giáo phận Kharkiv, với nghi thức làm phép nhà nguyện dưới hầm nhà thờ và làm phép các thánh giá trên mái tròn nhà thờ. Vào ban chiều ĐHY và phái đoàn đã đi Kramatorsk và Sloviansk, cách đó 200 cây số, là những vùng đã được quân đội Ucraina tái chiếm sau khi bị chiếm đóng hồi năm 2014 và là các “vùng xám” giáp giới với vùng Donbass hiện nằm dưới quyền kiểm soát của các lực lượng theo Nga.

** Ngày 14 tháng 7 đã bắt đầu với thánh lễ đồng tế cử hành trong nhà nguyện thánh Elia bằng gỗ với sụ tham dự của ĐC Stephan Menick, Giám Mục giáo quận Donetsk, và nhiều linh mục giáo quận, các tín hữu công giáo hy lạp và latinh. Giảng trong thánh lễ ĐTGM Trưởng Shevchuk đã quảng diễn ý nghĩa bải Phúc Âm nói về viên ngọc quý. Ngài đã nhắc lại kỷ niệm các chuyến viếng thăm đầu tiên trong vùng sau các trận đánh và cuộc tái chiếm. Ngài đã trông thấy và nghe được biết bao trang sử đau thương. Chính nhà nguyện thánh Elia cũng còn mang dấu vết đạn bắn khiến hư hại một phần. Tuy nhiên, việc tìm lại nhau ngày hôm nay cho dù đã có các xung khắc lớn, niềm tin vào Chúa đã là một viên ngọc quý đối với từng người, đáng để tiếp tục sống, mặc dù chúng ta bị bắt buộc mất đi tất cả vì các hy sinh khổ đau của các trang lịch sử này. ĐTGM Trưởng đã cám ơn các linh mục vì chứng tá lòng tận tuỵ anh hùng của các vị trong các năm qua. Ngỏ lời trong dịp này ĐHY Sandri hiệp ý với lòng biết ơn đó và coi các linh mục là các mục tử tốt không chạy trốn khi thấy sói đến, nhưng ở lại để bảo vệ đoàn chiên đã được giao phó cho mình.

Trong buổi điểm tâm sau đó ĐHY đã nghe các linh mục chia sẻ vài chứng từ. Vài vị đã có tên trong danh sách bị xử bắn bởi các lực lượng chủ trương theo Nga tách rời khỏi Ucraina; các vị khác đã bỏ công việc mục vụ tại vùng Tây Ucraina  để bắt đầu làm tuyên uý quân đội sống bên cạnh các tín hữu của mình phải nhập ngũ để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Vị linh mục trẻ tuổi nhất cho biết chính trong các đợt bỏ bom đầu tiên, thì hiền thê của cha đang chờ sinh đứa con đầu lòng, gắn liền trang sử khổ đau của dân chúng với trang sử của một sự sống sinh ra. Một linh mục trẻ theo lễ nghi Latinh cũng chia sẻ kinh nghiệm 6 tháng bị tù. Trong thời gian này cha dấn thân bảo đảm sự trợ giúp tinh thần cho các tù nhân không phân biệt niềm tin kitô. Hiện nay cha là tuyên uý một nhà thương quân đội, và làm việc mục vụ giữa các tín hữu công giáo la tinh cũng như công giáo hy lap. ĐHY và Đức Sứ Thần Toà Thánh rất vui mừng vì tinh thần cộng tác huynh đệ này giữa các linh mục thuộc các nghi lễ khác nhau, nhưng ý thức cùng nhau đại diện cho Giáo Hội công giáo duy nhất.

ĐHY Sandri đã cám ơn sự tận tuỵ và chứng tá tin mừng của các linh mục. Phát biểu dịp này Đức Sứ Thần Toà Thánh đã nêu bật tầm quan trọng chuyến viếng thăm và sự hiện diện của ĐHY Tổng trưởng. Lập trường của Giáo Hội công giáo là tìm gặp gỡ tất cả mọi người để xây các cây cầu hiệp thông, và không quên các con cái của mình đã đau khổ  vì trung thành với Người Kế vị thánh Phêrô. Cần phải giáo dục tín hữu sông tinh thần đại đồng và chứng tá bác ái, mà ĐHY nhìn thấy và sờ mó được trong các ngày viếng thăm. Nó xác nhận tầm quan trọng và quyền hiện hữu của các cộng đoàn công giáo hy lạp trong vùng đất này. Cùng với việc ngoại giao sức mạnh của tín hữu trong thời buổi khổ đau này giúp hy vọng vào một tương lai hoà giải và hoà bình tái thiết một cuộc sống mới.

** Tiếp đến ĐHY Sandri đã ghé thăm trung tâm Caritas Kramatorsk. Cha giám đốc và các nhân viên đã tiếp đón ĐHY và trình bầy các sinh hoạt khác nhau: đóng các gói thực phẩm, trợ giúp dân chúng tỵ nạn tìm công ăn việc làm, trợ giúp tinh thần và tâm lý cho các trẻ em và những người bị chấn thương tinh thần do các cuộc dội bom và các tấn công trong các năm qua gây ra. Các công tác trợ giúp bác ái này không phân biệt ai, và không có biên giới. Trong ba năm qua trung tâm đã trợ giúp 40,000 người bị chấn thương tinh thần. Ngoài ra Caritas Ucraina cũng bảo đảm sự trợ giúp phòng ngừa nạn buôn người, khai thác lao động và khai thác mại dâm.

Các nhân viên Caritas cũng thường xuyên qua các vùng xám của vùng Donbass nằm dưới quyền kiểm soát của các lực lượng theo Nga muốn độc lập khỏi Ukraine. Họ phải mang áo chắn đạn và mũ để mỗi tuần vài ngày đi thăm các anh chị em vùng này. Linh mục giám đốc Caritas đặc biệt nêu bật vài trò quan trọng hữu hiệu của các phụ nữ trong công tác này. Không có họ sẽ không thể làm được biết bao sinh hoạt trợ giúp đó.

Ngỏ lời với mọi người trong dịp này ĐHY Sandri nhắc tới lời Chúa Giêsu nói trong cảnh phán xét ngày sau hết: “Ta đói các con đã cho ăn, Ta khát các con đã cho uống…Tất cả những gì các con làm cho một trong những anh em bé mọn nhất của Thầy là các con làm cho Thầy”. Ngài cũng nhắc tới một thực tại ít được nói đến là nạn mang thai mướn, nhưng Ucraina lại nằm trong số các quốc gia đầu tiên hợp thức hoá việc buôn bán sự sống con người này. Truớc biết bao khổ đau và thách đố đó ĐHY đã nhân danh ĐTC cám ơn mọi hoạt động của các nhân viên Caritas và định nghĩa họ là các “thừa tác viên của tình yêu thương xót và phục vụ”. Công việc thường ngày của họ nhập thể Tin Mừng phục vụ của Chúa. ĐHY hứa sẽ kể cho ĐTC nghe tất cả những gì ngài đã chứng kiến trong chuyến viếng thăm này. Quan trọng hơn mọi khốn khó mà họ đang phải trải qua là việc phục vụ hoà bình qua sinh hoạt bác ái.

Vào ban chiều trên đường trở về Kharkiv phái đoàn đã viếng thăm Caritas Sloviansk, là một vùng khác nữa đã bị chiếm và được quân đội Ucraina tái chiếm. Cùng với các nhân viên Caritas cũng có ông phó thị trưởng tiếp đón phái đoàn. Sau khi chầu Mình Thánh Chúa trong nhà nguyện của trung tâm phái đoàn đã lắng nghe chứng từ của dân chúng. Một phụ nữ đã giãi bầy mọi khổ đau của bà và nói bà không hy vọng tình hình có thể thay đổi. Ngỏ lời với mọi người ĐHY nói ngài hiểu nỗi thất vọng của bà, nhưng không được chờ đợi hoà bình từ trời rơi xuống, mà phải đón nhận nó như ơn mỗi ngày, bắt đầu từ những chuyện nhỏ nhặt nhất, và dĩ nhiên là không ngừng kêu lên để những người nắm giữ vận mệnh của các dân tộc có thể thay đổi đường lối và kiếm tìm hoà bình, cả khi rất tiếc như ĐTC Phanxicô hay lập đi lập lại, họ thiếu can đảm hoà bình. Cần phải bênh vực các lập trường của mình, nhưng cũng phải tìm ra một con đường cho phép thực hiện một nền hoà bính công chính cho tất cả mọi người dân trong vùng. Nhưng để được như vậy cần làm việc nhiều, khổ đau, chịu đựng và yểm trợ tất cả các sáng kiến giúp xây dựng hoà giải và hoà bình, như các sinh hoạt mà Caritas Sloviansk đang tiếp tục làm. Đây là trung tâm duy nhất trợ giúp các trẻ em và những người bị chấn thương tâm thần vì chiến tranh.

** Sau khi trở về Kharkiv ĐHY Tổng trưởng đã dùng bữa tối tại toà Giáo quận, nơi có vài nữ tu dòng thánh Giuse tạm trú. Dòng này đã được thành lập hồi thế kỷ 19 và hiện nay các nữ tu cũng hoạt động tại Brasil, Ba Lan và Canada trong việc dậy giáo lý cho trẻ em và đào  tạo giới trẻ. Khi nào việc trung tu nhà thờ chính toà và trung tâm mục vụ hoàn tất các nữ tu sẽ có nơi sinh hoạt thuận tiện hơn. ĐHY đã cám ơn các chị và nói lên các cảm tưởng khâm phục của ngài đối với sức sống đạo và sự hiện diện đông đảo của người trẻ trong các lễ nghi phụng vụ, trong khi tại các nước tây âu, giới trẻ hầu như vắng bóng trong các thánh lễ. ĐHY đã khích lệ mọi người duy trì kho tàng đức tin quý báu này mà Chúa đã đặt để trong Giáo Hội công giao hy lạp Ukraine.

Ngày 15 tháng 7 ĐHY đến Ivano Frankivsk gặp gỡ ĐTGM Volodymyr Viytyshyn  và nhập đoàn hành hương tới đền thánh Đức Bà Zarvanytsia trong tổng giáo phận Ternopil-Zhoriv do DTGM Vaylij Seminiuk cai quản. Giảng trong thánh lễ cử hành tại đền thánh Đức Mẹ, ĐHY nói cuộc hành hương là một tuyên xưng niềm tin nơi Chúa và là một cử chí tín thác cho sự bầu của của Mẹ Thiên Chúa. Quảng diễn bài Phúc Âm kể lại biến cố Chúa Giêsu chữa lành người bất toại vì thấy niềm tin của những kẻ khiêng anh ta đến với Ngài, ĐHY xin Chúa gia tăng niềm tin nơi tất cả mọi người để hiểu rằng những gì chúng ta làm trong cuộc hành hương này đòi buộc chúng ta dành con tim và cuộc sống cho Chúa Kitô trong các hình thức khác nhau tuỳ theo cuộc sống của từng người.

Truyền thống đông phương định nghĩa con đường cuộc sống  con người được ơn thánh cứu chuộc giống như một lộ trình thần linh hoá từ từ, trong đó Mẹ Maria chói sáng như một ngọn đèn đặc biệt. Ai tin nơi Chúa và được rửa tội trong máu thánh Chúa cũng được mời gọi tham dự vào quyền năng tha thứ và chữa lành của Ngài. Hình thái bí tích được dành cho các linh mục, nhưng hình thái thường ngày đối với tha nhân được dành cho tất cả mọi người. Hôm nay chúng ta có sẵn sàng từ bỏ mọi tâm tình thù hận trói buộc con tim chúng ta để dấn thân thực thi quyền bính tha thứ như chúng ta đọc trong Kinh Lạy Cha không? Biết bao dòng sông ơn thánh có thể chảy ra, khi mỗi người có thể thực thi một cử chỉ hoà giải và hoà bình, bắt đầu từ trong gia đình mình! Cuộc hành hương đền thánh Đức Mẹ nhắm mục đích cầu nguyện cho hoà bình hoà giải của dân tộc Ukraine, nhưng cũng để kỷ niệm 150 năm thánh Giosaphát được tôn phong, và 150 năm đội triều thiên cho Đức Bà Zarvanytsia, cũng như kỷ niệm 125 năm ngày ĐHY Josyf Slipij sinh ra.

Lấy lại lời của Đức Gioan Phaolô II nói ngày 12 tháng 11 năm 1979 trong thánh lễ tấn phong Giám Mục cho ĐC Myroslav Lubachivsky, TGM Philadelphia cùng với ĐHY Josyf Slipij, ĐHY Sandri nói: “Tôi xin lợi dụng dịp này để bầy tỏ sự tôn kính mà Toà Thánh và toàn thể Giáo Hội Công Giáo dưỡng nuôi đối với Giáo Hội của anh chị em. Chứng tá trung thành với Phêrô và các Nguời kế vị Ngài bắt buộc chúng tôi phải có một lòng biết ơn đặc biệt và một sự trung thành đối với những người đã duy trì nó với biết bao kiên vững và tâm hồn cao quý như thế. Chúng tôi ước mong cống hiến cho họ một đóng góp của sự thật và tình yêu thương. Với tất cả sức lực chúng tôi ước mong làm vơi nhe các thử thách của những người khổ đau vì lòng trung thành của họ. Với hết tâm lòng chúng tôi ước mong bảo đảm sự hiệp nhất nội tại của Giáo Hội anh em và sự hiệp nhất với Ngai Toà Thánh Phêrô”. ĐHY Sandri đã kết thúc bài giảng bằng cách phó thác cho sự chở che hiền mẫu của Đức Bà Zarvanytsia giới trẻ Ukraine.

Vào ban chiều đã có cuộc rước nến kính Đức Mẹ. Đêm hành hương tại đền thánh Đức Bà sáng như ban ngày: tín hữu hành hương, kể cả người già và trẻ em không ngớt canh thức, cầu nguyện, xưng tội và hát thánh ca suốt đêm cho tới sáng.

ĐHY Sandri cũng đã viếng thăm nhà thờ chính toà công giáo hy lạp thánh Giorgio và cầu nguyện trên mộ ĐTGM Andrey Sheptytsky và ĐHY Josef Slipij, trước khi từ giã Ukraine để trở về Roma ngày 17 tháng 7.

Linh Tiến Khải

Đức Hồng Y Joachim Meisner, Tổng giám mục Koeln, qua đời

Đức Hồng Y Joachim Meisner, Tổng giám mục Koeln, qua đời

KOELN. ĐHY Joachim Meisner, nguyên TGM giáo phận Koeln bên Đức, đã qua đời sáng sớm ngày 5-7-2017, hưởng thọ 84 tuổi.

ĐHY Meisner sinh ngày 25-12 năm 1933 tại miền hạ Slesia, bấy giờ thuộc lãnh thổ Đức, nhưng nay thuộc Ba Lan. Năm 1945, cùng với gia đình, ngài tị nạn sang miền Thueringen Đông Đức và thụ phong linh mục năm 1962 trong giáo phận Erfurt. 3 năm sau ngài đậu tiến sĩ thần học tại Đại học giáo hoàng Gregoriana ở Roma. Năm 1975, ngài được bổ nhiệm làm GM Phụ tá giáo phận Erfurt và 5 năm sau làm GM giáo phận Berlin. Giáo phận này bao gồm cả khu vực Đông và Tây Berlin, rộng 30 ngàn cây số vuông, trong thời kỳ nước Đức bị chia đôi, với 1 triệu 200 ngàn tín hữu Công Giáo trên tổng số 8 triệu người tin lành.

Năm 1983 ĐGH Gioan Phaolô 2 thăng ngài làm Hồng Y và 6 năm sau đó, chuyển ngài về làm TGM giáo phận Koln, bấy giờ là giáo phận lớn nhất tại Đức. ĐHY cai quản giáo phận này trong 25 năm cho đến khi về hưu vào năm 2014.

ĐHY Meisner là 1 trong 4 Hồng Y đã xin ĐTC giải tỏa những nghi vấn đề Tông Huấn ”Niềm vui yêu thương” (Amoris laetitia).

ĐTC chia buồn

ĐTC đã gửi điện chia buồn với Tổng giáo phận Koeln trong đó ngài viết: ”Tôi xúc động sâu xa khi nghe tin ĐHY Joachim Meisner được Thiên Chúa từ bi thương xót kêu gọi đột ngột và bất ngờ từ trái đất này. Tôi gần gũi ĐHY và tất cả các tín hữu của Tổng giáo phận Koeln trong kinh nguyện cầu cho vị Chủ Chăn quá cố.”

”Với niềm tin sâu xa và lòng yêu mến chân thành đối với Giáo Hội, ĐHY Meisner đã tận tụy loan báo Tin Mừng. Xin Chúa Kitô trả công cho Người vì sự dấn thân trung thành và kiên cường bênh vực thiện ích của những người ở đông và tây, và cho Người được tham dự vào cộng đồng hiệp thông của các thánh trên trời”.

ĐHY Woelki cho biết ĐHY Meisner đã từ trần trong lúc còn cầm sách nguyện trên tay. Sáng thứ tư, 5-7, một người bạn đã đến đón ĐHY đang nghỉ hè ở Bad Fuessing thuộc vùng hạ bang Bavaria để đi làm lễ thì thấy ĐHY đã qua đời.

Cầu hồn

Trong chúc thư tinh thần, ĐHY Joachim Meisner, cố TGM giáo phận Koeln bên Đức, kêu gọi các tín hữu trung thành với ĐGH.

Trong thánh lễ cầu hồn chiều ngày 5-7-2017 tại nhà thờ chính tòa Koeln, ĐHY Rainer Woelki, đương kim TGM giáo phận Koeln, và từng là bí thư rồi làm GM phụ tá cho Đức Cố Hồng Y Meisner, đã tuyên đọc chúc thư tinh thần của ĐHY quá cố, trong đó Người tha thiết nhắn nhủ các tín hữu rằng: ”Anh chị em hãy luôn trung thành với ĐGH, và anh chị em sẽ không bao giờ mất Chúa Kitô”.

Phần đầu chúc thư của ĐHY Meisner là một lời nguyện và tuyên xưng Chúa Kitô: ”Lạy Chúa Kitô, Chúa là niềm hy vọng của con, là an bình, hạnh phúc và là trọn cuộc sống của con.. Vì tình yêu đối với loài người, Chúa đã để Thánh Giá Chúa động chạm đến con. Chúa đã để cho con trở thành LM và GM”.

Trong bài giảng, ĐHY Woelki ca ngợi Đức Cố Hồng Y Meisner về sự dấn thân loan báo đức tin và nói rằng ”Trên toàn nước Đức, người ta biết lập trường của ĐHY Meisner, biết ngài bênh vực điều gì. Ngài dấn thân bênh vực sự sống con người, nhất là sự sống của các thai nhi. Trong XX, xã hội và chính trị, nhiều khi ngài bị hiểu lầm”.

ĐHY Woelki thông báo: thi hài Đức Cố HY Meisner sẽ được quàn từ thứ sáu mùng 7 đến thứ hai, 10-7, cho các tín hữu kính viếng tại Nhà thờ Thánh Gereon và sau đó sẽ được đưa về Nhà Thờ chính tòa Koeln ngày 15-7 để cử hành lễ an táng (KNA 6-7-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh về vụ ĐHY George Pell

Thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh về vụ ĐHY George Pell

VATICAN. Hôm 29-6-2017, Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố thông cáo về vụ ĐHY George Pell, Bộ trưởng kinh tế của Tòa Thánh, bị truy tố.

Thông báo cho biết: ”Tòa Thánh lấy làm tiếc được tin ĐHY George Pell bị đưa ra xét xử tại Australia vì những lời cáo buộc về những sự kiện xảy ra cách đây vài chục năm.

 ”Được thông báo về biện pháp này, ĐHY Pell, trong sự tôn trọng hoan toàn đối với các luật lệ dân sự và nhìn nhận tầm quan trọng sự tham dự của ngài để vụ xử án có thể diễn ra một cách công chính và qua đó tạo điều kiện cho sự tìm kiếm sự thật, nên đã quyết định trở về nước để đương đấu vơi những lời cáo buộc được đưa ra chống lại ngài. ĐTC, sau khi được ĐHY Pell thông báo về sự kiện, đã chấp thuận cho ĐHY được nghỉ một thời gian để có thể tự bào chữa. Trong thời gian ĐHY Bộ trưởng vắng mặt, Bộ kinh tế sẽ tiếp tục thi hành công tác của mình. Các vị Tổng thư ký của Bộ tiếp tục tại vị để chu toàn những công việc thường lệ cho đến khi định liệu cách khác.

 ”ĐTC đã có thể đánh giá cao sự lương thiện của ĐHY Pell trong 3 năm làm việc tại Giáo Triều Roma, Ngài biết ơn ĐHY vì sự cộng tác, và đặc biệt về sự dấn thân quyết liệt để cải tổ lãnh vực kinh tế và hành chánh, cũng như tích cực tham gia Hội đồng 9 Hồng Y cố vấn của Ngài. Tòa Thánh bày tỏ sự tôn trọng đối với ngành công lý của Australia là cơ quan sẽ phải quyết định về những vấn đề được nêu lên. Đồng thời cần nhớ rằng từ hàng chục năm nay, ĐHY Pell đã công khai và nhiều lần lên án những vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên như những hành vi vô luân và không thể dung thứ được. Trong quá khứ ĐHY đã cộng tác với chính quyền Australia, như đã điều trần cho Ủy ban hoàng gia, ĐHY đã ủng hộ việc thành lập Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ vị thành niên, và sau cùng trong tư cách là GM giáo phận ở Australia, ĐHY đã du nhập hệ thống và thể thức bảo vệ các trẻ vị thành niên và để trợ giúp các nạn nhân những vụ lạm dụng”.

 Giám đốc Phòng báo chí Tòa thánh cũng cho biết ĐHY Pell đã quyết định không tham dự các lễ nghi tôn giáo công cộng cho đến khi tình trạng của ngài được làm sáng tỏ ở tòa án.

Vụ truy tố

Sáng 29-6-2017, cảnh sát bang Victoria ở Australia đã truy tố ĐHY Pell về những vụ lạm dụng tính dục trong quá khứ và yêu cầu ĐHY Pell trình diện trước tòa vào ngày 18-7 tới đây để điều trần.

Tòa TGM Sydney cho biết ĐHY Pell sẽ trở về Australia càng sớm càng tốt để điều trần, theo lời khuyên và sự đồng ý của các bác sĩ của ngài.

ĐHY Pell năm nay 76 tuổi (1941) đã từng theo học tại Đại học Giáo Hoàng Urbaniana ở Roma, và sau đó đã đậu tiến sĩ giáo sử tại Đại học Oxford bên Anh quốc, và cao học về giáo dục tại Đại học Monash.

Ngài thụ phong linh mục năm 1966 và năm 1987 được bổ nhiệm làm GM phụ tá tổng giáo phận Melbourne, trước khi trở thành TGM chính tòa tại đây năm 1996. 5 năm sau, 2001, ngài trở thành TGM giáo phận Sydney và được bổ nhiệm làm Hồng Y năm 2003. Tháng 2 năm 2014, ngài được ĐTC Phanxicô bổ nhiệm làm Bộ trưởng kinh tế của Tòa Thánh.

Từ tháng 2 năm 2016, đã có những đơn cáo buộc ĐHY Pell lạm dụng tính dục trẻ em và che chở cho một vài LM phạm tội này, nhưng ĐHY luôn phủ nhận và luôn khẳng định sự vô tội. Ngày 18-5-2017, ĐHY tái khẳng định rằng: ”Chúng ta phải tôn trọng các thủ tục điều tra và xử án, chúng ta phải đợi cho đến khi cuộc điều tra kết thúc và hiển nhiên tôi sẽ tiếp tục cộng tác hoàn toàn”.

Trong một cuộc phỏng vấn trên máy bay hồi tháng 8 năm 2016, được hỏi về vụ ĐHY Pell bị điều tra và cáo buộc, ĐTC Phanxicô nói: ”Thật là điều không đúng khi đưa ra phán đoán trước khi kết thúc cuộc điều tra này. Có những nghi ngờ và trong tình trạng nghi ngờ thì phải nghĩ tốt cho đương sự. Chúng ta phải tránh những vụ xét xử qua các phương tiện truyền thông, một vụ kiện dựa trên những tin đồn” (SD và tổng hợp 29-6-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Cuộc lạc quyên giúp Thánh Địa

Cuộc lạc quyên giúp Thánh Địa

Ngày 14 tháng 4 thứ sáu Tuần Thánh vừa qua đã có cuộc quyên góp trong mọi nhà thờ trên toàn thế giới để trợ giúp các kitô hữu tại Thánh Địa. Ngày này đã do các Giáo Hoàng phát động nhằm mục đích “duy trì mối dây liên kết giữa tất cả mọi kitô hữu toàn thế giới với các Nơi Thánh trên quê hương của Chúa Giêsu. Tuy nhiên,  trợ giúp Thánh Địa cũng có nghĩa là góp phần cụ thể để tái lập hoà bình, đẩy xa chủ trương cực đoan, khủng bố phá hoại và khiến cho các dân tộc xích lại gần nhau, chung sống với nhau trong tinh thần khoan nhượng. Cuộc lạc quyên năm 2015-2016 cho Thánh Địa đã thu được hơn 5 triệu 275 ngàn mỹ kim và hơn 1 triệu 833 ngàn Euros.

ĐGH Phaolô VI đã gọi Thánh Địa là “sách Phúc Âm thứ năm”. Đối với chúng ta là các kitô hữu tin nhưng không trông thấy, các Nơi Thánh là việc tiếp cận giúp gần gũi Chúa Giêsu trên bình diện thể lý.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn ĐHY Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Đông Phương, về cuộc lạc quyên trợ giúp Thánh Địa năm nay.

Hỏi: Thưa ĐHY, trong thư gửi các Giám Mục toàn thế giới để phát động việc quyên góp trợ giúp các kitô hữu Thánh Địa, ĐHY đã viết rằng” ngày nay sống đức tin trong vùng Trung Đông thật không phải là điều dễ dàng”, đặc biệt tại những nước như Iraq, Siria và Ai Cập, nơi các cộng đoàn kitô đã sống kinh nghiệm đại kết của máu, và nơi có  cám dỗ rất lớn rời bỏ quê hương, nếu không nói là từ bỏ đức tin của mình”. Làm thế nào để duy trì sống động niềm hy vọng của vùng đất khốn khổ này?

Đáp: Tôi không tin rằng việc cho tiền có thể ngăn cản cuộc xuất cư của các kitô hữu Thánh Địa. Chúng tôi cố ý yểm trợ các Giáo Hội này với tình huynh đệ liên đới.

Hỏi: Việc trợ giúp duy trì các Nơi Thánh được thực thi như thế nào thưa ĐHY?

Đáp: Việc giữ gìn và bảo trì các Nơi Thánh cũng như việc trợ giúp và nâng đỡ các cộng đoàn kitô nhỏ địa phương rất là quan trọng. Và chúng tôi làm điều đó qua các trợ giúp cho các trường học công giáo và các cơ sở giáo dục, cả trong nước Israel cũng như trên đất của người Palestin. Tôi nghĩ tới đại học Bếtlêhem, nơi có tới 70% sinh viên là tín hữu hồi, và họ được đối xử y như các sinh viên kitô. Tôi cũng nghĩ tới các chủng viện, nơi đào tạo các linh mục tương lai, là động lực của cuộc sống mục vụ của Giáo Hội. Tôi cũng nghĩ tới các công tác trợ giúp bác ái xã hội, y tế, và tất cả các cơ cấu khác do các kitô hữu Thánh Địa điều hành.

Hỏi: Số tiền quyên góp được phân chia ra sao thưa ĐHY?

Đáp: 65% số tiền lạc quyên hằng năm sẽ được dành cho quỹ Quản thủ Thánh Địa, và 35% dành cho Bộ các Giáo Hội công giáo Đông phương. Trong cả hai trường hợp chúng được sử dụng cho việc bảo quản các đền thánh, các nơi tiếp đón khách hành hương, và các việc cử hành cũng như trợ giúp các cộng đoàn kitô tại Thánh Địa, là các viên đá sống động của Giáo Hội, với các nhu cầu cuộc sống, rao giảng Tin Mừng, thăng tiến xã hội, giáo dục, công lý và hoà bình. Thế rồi cũng để bảo đảm cho việc trợ giúp đào tạo  và cho cuộc sống của các linh mục chủng sinh, cho các cơ cấu bác ái xã hội, đặc biệt là tài trợ cho các trường công giáo, trong đó có đại học  Bếtlêhem là nơi gặp gỡ của các thế hệ trẻ với 70% là sinh viên hồi. Hàng năm đại học nhận đuợc 200.000 mỹ kim, và tiền quyên góp do các sư huynh La Dalle phát động với sự trợ giúp của các tổ chức công tư khác. Tất cả nhằm thăng tiến con người toàn diện theo tinh thần của Thông điệp Tiến Bộ các dân tộc của ĐGH Phaolo VI, mà chúng ta mừng kỷ niêm 50 năm công bố trong các ngày này.

Hỏi: Trong tình hình hiện nay có vấn nạn rất lớn:  liệu các tín hữu kitô có ở lại trong vùng Trung Đông không, thưa ĐHY?

Đáp: Chiến tranh, các bạo lực, khủng bố phá hoại thúc đẩy các kitô hữu di cư. Công tác của Giáo Hội không chỉ được diễn tả qua  các liên lạc ngoại giao mà Toà Thánh có với các nước khác nhau và Toà Thánh xin họ làm những gì có thể để bảo đảm an ninh và hoà bình – là những điều kiện tiên quyết để họ ở lại – nhưng Toà Thánh cũng gần gũi họ trên bình diện thiêng liêng và vật chất nữa. Ngày nay hơn bao giờ hết chúng ta gần gũi với nước Siria, với dân chúng sống trong thành phố Aleppo, với nước Iraq, với dân chúng sống tại Mossul, thương khóc các nạn nhân, và không phải chỉ thương khóc các nạn nhân kitô mà thôi.

Hỏi: Thưa ĐHY, việc quyên góp cũng được dành để cho việc đào tạo thiêng liêng và nhân bản của hàng giáo sĩ và các người sống đời thánh hiến. Đây cũng là một câu trả lời cho các nhu cầu của các cộng đoàn kitô vùng  Trung Đông, có đúng thế không?

Đáp: Chắc chắn rồi. Chúng tôi nhấn mạnh trên việc đào tạo toàn vẹn cho hàng giáo sĩ và các người sống đời thánh hiến bằng cách trợ giúp các chủng sinh của các Giáo Hội kitô thuộc nhiều lễ nghi khác nhau hiện diện tại Thánh Địa.

Hỏi: Làm sao có thể hy vọng rằng một linh mục không rời bỏ các nơi thánh này, nếu ngài không có con tim và linh hồn bị đóng đanh vào Thập Giá của Chúa Giêsu? Việc xuất cư của các kitô hữu cũng được biện minh bởi sự kiện các linh mục bỏ đi như đã xảy ra bên Iraq, thưa ĐHY?

Đáp: Nếu các linh mục không được đào tạo toàn vẹn, thì khó mà có thể ở lại với đoàn chiên trong các quốc gia vùng này.

Hỏi: Hiện nay có một  cấp thiết ưu tiên đó là việc tiếp đón người di cư tỵ nạn trốn chạy chiến tranh như bên Libăng, Giordania và Thổ Nhĩ Kỳ… Việc dấn thân cứu trợ nhân đạo có thể khiến cho sự chú ý tới công tác giữ gìn các Nơi Thánh bị nới lỏng hơn không thưa ĐHY?

Đáp: Các Nơi Thánh bằng đá gạch thì vẫn còn nguyên đó.

Hỏi: Như vậy có nghĩa là  các kitô hữu, cũng như tín hữu các tôn giáo khác không bị lệ thuộc vào các dinh thự đền đài, có đúng thế không thưa ĐHY?

Đáp: Ngày 22 tháng 3 vừa qua chúng tôi đã khánh thành việc trùng tu Thánh Mộ và tôi hy vọng rằng chẳng bao lâu nữa chúng tôi cũng sẽ trông thấy lễ khánh thành việc trùng tu vương cung thánh đường Giáng Sinh tại Bếtlêhem.  Trong việc trùng tu vật chất này, như ĐTC Phanxicô đã nói, chúng tôi phải trông thấy việc trùng tu tinh thần là hoa trái của việc hoán cải cá nhân và việc hoán cải của Giáo Hội.

Hỏi: Thưa ĐHY việc tái mở Thánh Mộ mới đây cho tín hữu và du khách hành hương kính viếng có ý nghĩa gì?

Đáp: Đây đã là một trong các điểm tột đỉnh của nỗ lực giữ gìn, bảo trì và trùng tu các nơi thánh. Và lời cầu nguyện đại kết mà ĐTC Phanxicô đã làm hồi tháng 5 năm 2014 trở thành vĩnh viễn qua ước mong của mọi cộng đoàn kitô hiện diện tại Thánh Địa hoạt động để củng cố cơ cấu của Thánh Mộ. Đã có sự hợp tác của Toà Thánh, qua Phủ Quốc Vụ Khanh và Bộ các Giáo Hội Đông Phương, Toà Thượng Phụ chính thống hy lạp Giêrusalem cũng như Toà Thượng Phụ Armeni, các Giáo Hội Kitô địa phương, các  ân nhân và các cơ quan của thế giới hồi giáo, cũng như của quốc vương Giordania. Dấu chỉ này của sự hiệp nhất muốn tiếp tục qua một thoả hiệp mới, dự trù tái thiết nền và vùng chung quanh Thánh Mộ, cho phép bảo đảm việc trùng tu. Cũng đang có việc trùng tu vương cung thánh đường Bếtlêhem nơi Chúa Giêsu đã giáng sinh. Cả trong trường hợp này nữa Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương cũng đóng góp. Con đường còn dài, chính quyền Palestina cũng chú ý tới việc này vì giá trị quốc tế của đền thờ vượt qua các ranh giới quốc gia và lợi lộc riêng tư, như các cây cột của vương cung thánh đường nhắc nhớ chúng ta, vì chúng đi từ thời vua Olaf của Na Uy cho tới thánh Bagio, và biết bao nhiêu vị thánh thuộc nhiều dân tộc và quốc gia khác. Hai công cuộc trùng tu này là dấu chỉ của tương lai nên một mà chúng ta hy vọng có thể được thực hiện, nhất là tại Thánh Địa nơi có một sự hiện diện đa hình dạng của các Giáo Hội Kitô.

Hỏi: Thưa ĐHY, có một yếu tố quan trọng làm thành sức sinh động của Giáo Hội tại Thánh Địa: đó là việc hành hương. Mặc dù có dấu hiệu cho thấy việc hành hương bắt đầu trở lại, con số tín hữu và khách hành hương giảm sút, vì có các căng thẳng trong vùng và một việc thông tin miêu tả Thánh Địa như là một nơi không an ninh, có đúng thế không?

Đáp: Các chuyến hành hương là một quyên góp trong việc quyên góp. Chúng là một trợ giúp cho các kitô hữu địa phương, trong đó có người làm việc trong lãnh vực du lịch tôn giáo. Số tín hữu hành hương giảm cũng khiến cho việc trợ giúp này gặp nguy hiểm. Chắc chắn là việc miêu tả Thánh Địa như nơi có nhiều căng thẳng có thể ảnh hưởng trên làn sóng hành hương.

Hỏi: Trái lại, sự kiện Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI và Phanxicô viếng thăm Thánh Địa đã thúc đẩy làn sóng hành hương lên cao. Và nhiều tín hữu hành hương cũng cho biết là tình hình Thánh Địa có an ninh, và việc hành hương các Nơi Thánh gây ra một cú sốc tinh thần, có phải vậy không thưa ĐHY?

Đáp. Vâng, thật là rất đẹp khi thấy một Giám Mục hướng dẫn tín hữu giáo phận đi hành hương Thánh Địa.

Hỏi: Việc trợ giúp các cộng đoàn kitô và các Nơi Thánh là một loại “ngoại giao” của tình liên đới. Hành động này có thể góp phần cho nền hoà bình tại Thánh Địa và cho việc triệt hạ các hình thức cuồng tín tôn giáo dưỡng nuôi các hành động khủng bố phá hoại bên trong và bên ngoài tôn giáo như thế nào thưa ĐHY?

Đáp: Chúng ta phải tìm trở thành những người hoạt động cho hoà bình một cách cụ thể và không chỉ hạn chế trong các lời tuyên bố mà thôi. Yểm trợ Thánh Địa là góp phần cụ thể cho hoà bình, là làm chứng tá rằng có thể sống chung với nhau, trong an ninh và hoà bình tại Israel, tại Palestina, bên Siria, bên Iraq; là đẩy xa khuynh hướng cực đoan và khủng bố, là khiến cho các dân tộc xích lại gần nhau, chung sống với nhau và khoan nhượng đối với nhau. Trợ giúp các kitô hữu của các vùng đất này là góp phần xây dựng hoà bình.

( SD 14-4-2017; Os.Rom. 12-4-2017)

Linh Tiến Khải

ĐHY Nichols mời gọi cầu nguyện cho các nạn nhân cuộc tấn công ở Luân đôn

ĐHY Nichols mời gọi cầu nguyện cho các nạn nhân cuộc tấn công ở Luân đôn

Một sĩ quan cảnh sát và 3 người dân đã bị chết trong cuộc tấn công khủng bố ở Luân đôn thứ 4 hôm qua, 22/03. ĐHY Vincent Nichols, Tổng giám mục Westminster, chủ tịch Hội đồng Giám mục Anh quốc và xứ Wales đã dâng lời cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ.

Trên mạng xã hội Twitter, chiều cùng ngày cuộc tấn công xảy ra, ĐHY cũng viết rằng tất cả những người “bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công khủng khiếp này và những người đã đáp trả nó cách can đảm” đều hiện diện trong lời cầu nguyện của ngài.

Ngày 23/03 hôm nay, ĐHY cũng mời gọi cầu nguyện, tỏ tình tương trợ cảm thông và sự bình tĩnh sau cuộc tấn công.

ĐHY nói: “Cuộc tấn công hôm qua ở Westminster làm cho chúng ta bị sốc. Loại bạo lực mà chúng ta thường thấy ở các nơi khác lại mang kinh hoàng và chết chóc đến thành phố này.”

Ngài mời gọi cầu nguyện cho những người bị giết và những người mất người thân. Ngài xin cầu nguyện cho Aysha Frade cũng như cho người chồng và hai con học ở trường tiểu học Đức Maria các Thiên thần, bị giết khi đang trên đường đi đón con; cầu cho các học sinh người Pháp bị thương; cầu nguyện đặc biệt cho sĩ quan cảnh sát Keith Palmer và cho gia đình của ông, cám ơn Chúa rằng nhiều người đã có sự dấn thân can đảm như thế để gìn giữ xã hội an toàn.

ĐHY nói: “Hãy để cho tiếng của chúng ta nên một trong lời cầu nguyện, trong sự tương trợ cảm thông và bình tĩnh. Tất cả những ai tin vào Chúa, Đấng Tạo dựng và Cha của mọi người, sẽ làm vang vọng tiếng nói này, vì đức tin vào Chúa không phải là một vấn đề cần được giải quyết , nhưng một sức mạnh và một nền tảng.”

Một người đàn ông mang theo dao đã tông xe hơi vào các khách bộ hành trên cầu Westminster trước khi đâm chết một sĩ quan cảnh sát ở cổng của nhà Quốc hội. Có 5 người chết trong vụ tấn công, bao gồm cảnh sát Palmer, kẻ tấn công, và khoảng 40 người bị thương, trong đó có một số bị thương nặng. (Catholic Herald 24/03/2017)

Hồng Thủy

Đức Hồng Y Parolin chủ sự Ngày Thế Giới các bệnh nhân

Đức Hồng Y Parolin chủ sự Ngày Thế Giới các bệnh nhân

LỘ ĐỨC. ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, bênh vực phẩm giá của anh chị em bệnh nhân và đề cao giá trị cứu độ của đau khổ.

ĐHY cũng là Đặc Sứ của ĐTC trong dịp cử hành Ngày Quốc Tế các bệnh nhân lần thứ 25, cử hành tại Trung tâm Thánh Mẫu Lộ Đức chiều ngày 10 và 11-2-2017.

Trong buổi rước nến kính Đức Mẹ tại Quảng trường trước Đền Thánh Đức Mẹ tối thứ sáu 10-2-2017, ĐHY Parolin nói: ”Chúng ta biết rằng sự mong manh, yếu ớt và những giới hạn không bao giờ làm thương tổn phẩm giá cao cả nội tại của con người. Nhân phẩm cũng trở thành nguồn mạch và động lực nhờ đó mỗi cuộc sống có thể được thể hiện hoàn toàn, mặc dù phải chịu đau khổ. Hơn nữa trong đau khổ có tiềm ẩn một sức mạnh đặc biệt làm cho con người được gần Chúa Kitô trong nội tâm, một ơn thánh đặc biệt.”

ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh cũng nhận xét rằng: ”Sự khám phá ý nghĩa cứu độ của đau khổ trong niềm kết hiệp với Chúa Kitô biến đổi tâm trạng xuống tinh thần vì bệnh tật.. Niềm tin, trong sự tham phần vào khổ đau của Chúa Kitô mang trong mình niềm xác tín theo đó người chịu đau khổ bổ túc những gì còn thiếu trong cuộc thử thách của Chúa Kitô, và hữu ích cho phần rỗi của anh em chị em, như Chúa Kitô”.

Thánh lễ

Lúc 10 giờ sáng thứ bẩy, 11-2-2017, Lễ kính Đức Mẹ Lộ Đức, ĐHY Đặc Sứ của ĐTC đã chủ sự thánh lễ quốc tế trọng thể tại Vương cung Thánh Đường hầm Thánh Piô 10 tại Lộ Đức, trước sự hiện diện của 10 ngàn tín hữu, trong đó cũng có một số anh chị em bệnh nhân và những người thiện nguyện săn sóc họ.

Đồng tế với ĐHY có ĐHY Peter Turkson, Tổng trưởng Bộ Phục vụ phát triển nhân bản toàn diện, ĐHY Coccopalmerio, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về các văn bản luật, gần 20 GM và khoảng 200 LM.

Trong bài giảng, ĐHY Parolin nhắc đến ý nghĩa của Ngày Lễ và khẳng định rằng ”Cử hành Ngày Các Bệnh Nhân ở Lộ Đức, có nghĩa là cảm tạ Chúa vì tất cả mọi người, Kitô hữu và tín đồ các tôn giáo khác, và cả những người không tín ngưỡng, đến nơi được chúc phúc này để tìm kiếm sự an ủi và niềm hy vọng. Cử hành Ngày Bệnh nhân ở Lộ Đức này, có nghĩa là nghĩ đến tất cả những người được hưởng sự dịu dàng của Thiên Chúa qua các công việc từ bi thương xót về thể lý cũng như tinh thần. Và như ĐTC Phanxicô đã nhấn mạnh trong sứ điệp của ngài, ”Ngày thế giới các bệnh nhân là cơ hội đặc biệt chú ý đến thân phận của các bệnh nhân, và nói chung là những người đang đau khổ, và đó cũng là dịp để biểu lộ sự gần gũi của tôi trong kinh nguyện và trong sự khích lệ của tôi dành cho các bác sĩ, các y tá, những người thiện nguyện và tất cả những người dấn thân phục vụ các bệnh nhân và những người túng thiếu..”

Trong sứ điệp ĐTC nói thêm rằng: ”Tôi cầu chúc tất cả mọi người hãy luôn luôn là dấu chỉ vui tươi về sự hiện diện và tình thương của Thiên Chúa, noi gương chứng tá rạng ngời của bao nhiêu người bạn của Thiên Chúa, trong đó tôi nhắc đến thánh Gioan Thánh Giá, thánh Camillô de Lellis, bổn mạng các nhà thương và các nhân viên y tế, và Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta, thừa sai sự dịu dàng của Thiên Chúa”.

Ban chiều cùng ngày 11-2, vào lúc 3 giờ, ĐHY Đặc Sứ còn chủ sự buổi chầu Mình Thánh Chúa cũng tại Vương cung thánh đường Piô 10 tại Lộ Đức. (SD 11-2-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha chia buồn ĐHY Macharski qua đời

Đức Thánh Cha chia buồn ĐHY Macharski qua đời

ĐHY Macharski qua đời

KRAKOW. ĐHY Franciszek Macharski, nguyên TGM giáo phận Cracovia, Ba Lan đã qua đời sáng ngày 2-8-2016, hưởng thọ 89 tuổi.

ĐHY là người trực tiếp kế vị ĐHY Karol Wojtila tại tòa của thánh Stanislao ở Cracovia. Ngày 28-7-2016, trên đường đi đến Đền thánh Đức Mẹ Jasna Gora, ĐTC Phanxicô đã đến nhà thương ở Cracovia để viếng thăm ĐHY Marcharski đang được điều trị tại đây.

Đức Cố Hồng Y sinh năm 1927 tại Cracovia. Sau khi Ba Lan được giải phóng hồi năm 1945, ngài gia nhập đại chủng viện ở địa phơng và thụ phong linh mục năm 1950, tức là 4 năm sau Cha Karol Wojtila, vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 tương lai.

Sau một thời gian làm việc mục vụ giáo xứ, cha Marcharski được cử sang học thần học tại Đại học Fribourg Thụy Sĩ năm 1956 và đậu tiến sĩ thần học mục vụ tại đây năm 1960. 10 năm sau đó, ngài được bổ nhiệm làm Giám đốc đại chủng viện Krakow.

Sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, ĐTC Gioan Phaolô 2 đã bổ nhiệm cha Macharski làm TGM Krakow. Ngài từng làm Chủ tịch thừa ủy của Thượng HĐGM Âu Châu kỳ 2 hồi tháng 10 năm 1999, và được phong Hồng y năm 2005.

Điện văn của Đức Thánh Cha

Trong điện văn chia buồn gửi đến ĐHY Stanislaw Dziwisz, TGM giáo phận Cracovia, ĐTC cho biết ngài hiệp ý với ĐHY, hàng linh mục và tín hữu của Giáo hội tại Ba Lan để cầu nguyện, cảm tạ Chúa vì cuộc sống và sự dấn thân mục vụ của Người Tôi Tớ đầy công trạng của Tin Mừng!

Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa! Khẩu hiệu Giám Mục này đã hướng dẫn cuộc sống và sứ vụ của Đức Cố Hồng Y. Ngày hôm nay, trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, khẩu hiệu ấy trở thành một lời kêu cầu hùng hồn công bố sự hoàn tất công trình mà Chúa đã ủy thác cho Ngài, ngay từ khi chịu phép rửa tội, dẫn đưa Người vào đoàn ngũ những người được đóng ấn bằng Máu cứu chuộc của Chúa, và sau đó cùng với hồng ân linh mục, khi Chúa sai Người đi với nhiệm vụ thánh hóa Dân Chúa bằng lời nói và bằng ơn của các bí tích. Người đã thi hành sứ mạng ấy với lòng nhiệt thành như mục tử, giáo sư, Giám đốc chủng viện, cho đến ngày Chúa yêu cầu Người lãnh nhận gia sản của Thánh Stanislao và là người kế vị trực tiếp của Karol Wojtila, ngày nay là Thánh Gioan Phaolô 2, trên tòa Giám Mục ở Cracovia. Với niềm tín thác nơi Lòng Thương Xót của Chúa, Đức Cố Hồng Y đã thi hành công tác này như người cha đối với các linh mục và các tín hữu được ủy thác cho Người chăm sóc. Người đã hướng dẫn Giáo Hội tại Cracovia trong thời kỳ không dễ dàng với những biến chuyển chính trị và xã hội, trong sự khôn ngoan, với tinh thần không dính bén lành mành đối với thực tại, quan tâm tôn trọng mỗi người, vì thiện ích của cộng đoàn Giáo Hội, và nhất là để bảo tồn đức tin sinh động nơi tâm hồn con người.

Tôi cảm tạ Chúa Quan Phòng, đã cho tôi được viếng thăm Người trong cuộc thăm viếng mới đây tại Cracovia. Trong giai đoạn chót của cuộc sống, Người đã chịu nhiều thử thách đau khổ mà Người đón nhận với tinh thần thanh thản. Cả trong thử thách này, Người vẫn tiếp tục là chứng nhân trung thành về lòng tín thác nơi lượng từ nhân và thương xót của Thiên Chúa. Người sẽ tồn tại như thế trong ký ức và trong kinh nguyện. Xin Chúa đón nhận Người trong vinh quang của Chúa!

Tôi thành tâm ban phép lành cho Hiền đệ đáng kính, các Hồng Y và Giám Mục Ba Lan, thân nhân ĐHY quá cố, và tất cả các tín hữu Ba Lan: nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần.

Vatican ngày 2 tháng 8 năm 2016. Phanxicô

Với sự qua đi của ĐHY Macharski, Hồng y đoàn còn 211 vị, trong đó có 112 Hồng y cử tri dưới 80 tuổi và 99 vị ở trên mức tuổi này. (SD 2-8-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

ĐHY Filoni khích lệ xây dựng một nền văn minh hòa bình

ĐHY Filoni khích lệ xây dựng một nền văn minh hòa bình

ĐHY Filoni

GUAPI: ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo, khích lệ chấm dứt bạo lực, tha thứ hòa giải và xây dựng một nền văn minh hoà bình.

ĐHY đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài giảng thánh lễ chủ sự tại nhà thờ chính toà Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội Giáo quản tông toà Guapi ngày 23 tháng 5 vừa qua. Ngài nói: Sau bao nhiêu năm khổ đau vì các tệ nạn bạo lực và gian tham hối lộ, đây là lúc nhổ tận gốc rễ mọi tệ nạn, tha thứ cho nhau, bằng cách tái lập một nền văn hóa hoà bình làm nảy sinh ra các năng động hoà giải cá nhân, gia đình và cộng đoàn.  ĐHY ghi nhận rằng Guapi là một Giáo Hội đang lớn lên và cần có các cơ cấu, nhất là hàng giáo sĩ địa phương. ĐHY kêu gọi sự cộng tác của mọi người trong mọi lãnh vực, kể cả lãnh vực kinh tế và vật chất. Cần phát triển một ý thức truyền giáo của Giáo Hội địa phương. Cả trong nghèo túng người ta cũng có thể đương đầu với các đòi buộc của Tin Mừng và của Giáo Hội. ĐHY không quên khích lệ giới trẻ sống trung thực với các nguyên lý của Tin Mừng, để thành lập các gia đình thực sự kitô, dựa trên bí tích Hôn Phối trung thành và bất khả phân ly, như Chúa Giêsu đã muốn. Lời Chúa cần được lắng nghe, suy gẫm và sống mỗi ngày tại khắp mọi nơi. Khi tìm được chỗ trong chúng ta, Lời Chúa giúp chúng ta tránh không rơi vào một cuộc sống phản tinh thần kitô, nô lệ rượu chè, ma tuý, cờ bạc và chủ thuyết duy vật.

Trước thánh lễ ĐHY đã gặp gỡ các linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và các nhóm tông đồ trong đại thính đường Trường San Josè, và  đề cập tới một số vấn đề mục vụ lớn cần đương đầu như hoà bình, khước từ xung đột vũ trang, dấn thân tạo dựng công bằng xã hội, phát triển và chống lại nạn nghèo đói. Ngài mời gọi  họ dấn thân làm việc mục vụ, và đặc biệt chú ý tới người nghèo và người tàn tật.

Tiếp đến ĐHY đã gặp gỡ các giới chức dân sự và quân đội, cùng với các vị hữu trách các tổ chức của chính quyền. Trong những ngày này ĐHY Filoni dang viếng thăm Colombia (FIDES 24-5-2016)

Linh Tiến Khải

Đức Hồng Y Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Đức sắp thăm Việt Nam

Đức Hồng Y Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Đức sắp thăm Việt Nam

ĐHY Reinhard Marx, TGM Munich, Chủ tịch HĐGM Đức, sẽ viếng thăm Việt Nam từ ngày 8 đến 17-1-201

MUNICH. ĐHY Reinhard Marx, TGM Munich, Chủ tịch HĐGM Đức, sẽ viếng thăm Việt Nam từ ngày 8 đến 17-1-2016.

Thông cáo của HĐGM Đức công bố ngày 29-12-2015 cho biết, trong cuộc viếng thăm tại ”CHXHCN Việt Nam ở Đông Nam Á, ĐHY Marx muốn tìm hiểu về một Giáo hội đang lớn mạnh trong một tình trạng khó khăn”. ĐHY sẽ dừng lại tại thủ đô Hà Nội, giáo phận Vinh ở miền Trung, và SàiGòn, thủ đô kinh tế của Việt Nam.

Trong 10 ngày viếng thăm, ĐHY Marx sẽ gặp gỡ ĐHY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, TGM Hà Nội, Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, TGM giáo phận Sàigòn, và Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp của giáo phận Vinh, cũng là Chủ tịch Ủy ban GM Việt Nam về Công lý và Hòa bình. Ngoài ra, ĐHY cũng có cuộc gặp gỡ và trao đổi tại Đại sứ quán Đức.

ĐHY Reinhard Marx năm nay 62 tuổi, sinh ngày 21-9-1953, nguyên là GM Trier, giáo phận cổ kính nhất của Đức, trước khi được ĐTC Biển Đức 16 thuyên chuyển về Munich ngày 30-11-2007 và thăng Hồng Y ngày 20-11-2010, lúc ấy ngài là vị trẻ nhất trong Hồng y đoàn. ĐHY được coi là người được ĐTC Phanxicô đặc biệt tín nhiệm. Ngài là thành viên Hội đồng 9 Hồng Y cố vấn của ĐTC về việc cải tổ giáo triều Roma và cũng là Chủ tịch Hội đồng kinh tế của Tòa thánh, gồm 8 HY và 7 giáo dân, có nhiệm vụ giám sát các hoạt động kinh tế và tài chánh của Tòa Thánh. Ngoài ra, ĐHY cũng là chủ tịch Ủy ban GM Liên hiệu Âu Châu gọi tắt là Comece.

Trong số khoảng 90 triệu dân tại Việt Nam, có từ 6 đến 7% là tín hữu Công Giáo thuộc 26 giáo phận, tương đương với 7% dân số toàn quốc và là Giáo Hội Kitô lớn nhất tại Việt Nam.

Trong hai khóa họp hồi trung tuần tháng 4 và tháng 9 năm nay, HĐGM Việt Nam đã bàn tới việc mời và chuẩn bị đón ĐHY Marx đến viếng thăm (KNA 29-12-2105)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Họp báo đầu tiên của Thượng Hội Đồng Giám Mục

Họp báo đầu tiên của Thượng Hội Đồng Giám Mục

Họp báo đầu tiên của Thượng Hội Đồng Giám Mục

VATICAN. Trưa ngày 5-10-2015, các vị lãnh đạo Thượng HĐGM về gia đình đã mở cuộc họp báo đầu tiên tại Phòng báo chí Tòa Thánh.

ĐHY André Vingt-Trois, TGM Paris, chủ tịch thừa ủy của Thượng HĐGM, cảnh giác giới báo chí rằng: ”Nếu quí vị đến Roma chờ đợi những thay đổi ngoạn mục về đạo lý của Giáo Hội với Thượng HĐGM này liên quan đến những người ly dị tái hôn, thì quí vị sẽ thất vọng!..”

ĐHY tái khẳng định rằng Thượng HĐGM này tìm kiếm một đường lối tiếp cận mục vụ cho những hoàn cảnh khác nhau của gia đình. Và ĐHY nói thêm về vấn đề những người ly dị tái hôn dân sự: ”Nếu quí vị nghĩ rằng lý thuyết mà ĐHY Kasper đã đề ra cách đây 20 năm bên bờ sông Rhin và ngài hiện đại hóa cho chúng ta hồi năm ngoái, lý thuyết đó hệ tại mở cửa cho những người ly dị tái hôn được rước lễ, mà không có sự phân biệt hoặc điều kiện nào, thì quí vị sai lầm”.

ĐHY Peter Erdoe, người Hungari, Tổng tường trình viên, bác bỏ lời trách cứ của một ký giả cho rằng trong bài tường trình dẫn nhập trong phiên họp đầu tiên sáng thứ hai 5-10, ĐHY nhấn mạnh một chiều về sự bất khả phân ly của hôn phối. Nhưng ĐHY trả lời là ngài chỉ có nhiệm vụ trình bày nội dung tổng quát của tài liệu làm việc. Vấn đề những người ly dị tái hôn còn là một vấn đề bỏ ngỏ sẽ được thảo luận, và công nghị GM này chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu. Các nghị phụ sẽ tiếp tục trao đổi về vấn đề này. Nhưng điều chắc chắn là đạo lý của Giáo Hội không thể phát triển vô giới hạn.

Về vấn đề những người đồng tính luyến ái, ĐHY Erdoe cho biết Thượng HĐGM sẽ bàn về vấn đề này, nhưng không bàn riêng về vụ Đức ông Krystof Chamrasa người Ba Lan tuyên bố mình là người thực hành đồng tính luyến ái và sẽ bị ngưng việc tại Bộ giáo lý đức tin và tại các Đại học Giáo Hoàng ở Roma.

Đức TGM Bruno Forte của giáo phận Vasto Chieti ở Italia, Tổng thư ký đặc biệt của Thượng HĐGM, thì nói rằng: 'Điều chắc chắn là các nghị phụ công nghị GM này họp nhau ở đây không phải để không thay đổi điều gì. Dầu sao đây là một Thượng HĐGM về mục vụ, chứ không phải là một Thượng HĐGM về đạo lý.. Thượng HĐGM đương đầu với những vấn đề mục vụ và tìm kiếm những con đường mới để cứu xét những thách đố mục vụ, để làm cho Giáo Hội đến gần hơn với con người thời đại ngày nay. Thời đại đã thay đổi và tình trạng thay đổi với thời đại, Giáo Hội không thể không nhạy cảm đối với các thách đố ấy. Tóm lại, chúng tôi họp nhau trong Thượng HĐGM này là để suy tư về cách thức các vị chủ chăn và dân Chúa, trong niềm trung thành với đạo lý của Giáo Hội, có thể gần gũi với tất cả các hoàn cảnh, với một tinh thần tháp tùng thực sự”.

Đức TGM Forte nhận định rằng báo chí và truyền thông đã phân chia các nghị phụ Thượng HĐGM này thành 2 phe đối nghịch nhau về vấn đề những người ly dị tái hôn và chấp nhận những người đồng tính luyến ái. Trong thực tế tại Thượng HĐGM không có sự phân chia như thế, và ngài cũng không thấy điều đó. ”Sự kiện là mục tử liên kết chúng tôi hơn là những dấu nhấn và những khác biệt nhau” (Tổng hợp 5-10-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Tuyên bố của Đức Hồng Y Mueller, Bộ giáo lý đức tin

Tuyên bố của Đức Hồng Y Mueller, Bộ giáo lý đức tin

ROMA. ĐHY Gerhard Mueller, Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, tuyên bố rằng Thượng HĐGM thế giới vào tháng 10 tới đây cần tìm những con đường mục vụ giúp những người ở trong tình cảnh gia đình khó khăn.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo Đức và được báo chí Italia truyền đi ngày 3-8 vừa qua, ĐHY Mueller nói: ”Thượng HĐGM thế giới sắp tới về gia đình cần tìm được những con đường mục vụ để hội nhập mạnh mẽ hơn vào cộng đồng Giáo Hội những người ở trong tình cảnh gia đình khó khăn, mà không hề coi nhẹ lời Chúa Giêsu và giáo huấn của Hội Thánh rút ra từ đó”. ĐHY đặc biệt ám chỉ đến những người ly dị tái hôn dân sự, và những người sống chung không kết hôn.

Trong cuộc phỏng vấn, ĐHY Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, cũng nhắc đến cuộc viếng thăm hồi tháng 7 vừa qua tại Mỹ châu la tinh và nhận xét rằng cuộc viếng thăm này chứng tỏ ”Giáo Hội phải dân thân cho một nền thần học giải phóng chân chính, một nền thần học không chiều theo ý thức hệ nào, nhưng tìm kiếm thiện ích của con người và xã hội”.

Về cuộc đối thoại giữa Tòa Thánh và những người Công Giáo thủ cựu thuộc Huynh đoàn thánh Piô 10, ĐHY cho biết không có gì mới mẻ. ĐTC mong muốn rằng vấn đề này được xử lý một cách kiên trì và kiên nhẫn, để kiến tạo một ”tiền đề đạo lý” mà Huynh đoàn thánh Piô 10 cần chấp nhận để có thể hòa giải thực sự với Giáo Hội Công Giáo. Trong những tháng gần đây đã có những cuộc gặp gỡ giữa hai bên, giúp củng cố sự tín nhiệm lẫn nhau.

Cho đến nay, Tòa Thánh vẫn yêu cầu Huynh đoàn thánh Piô 10 chấp nhận đạo lý của Công đồng chung Vatican 2 như điều kiện để có thể được hòa giải với Giáo Hội Công Giáo mà họ ly khai từ cuối tháng 6 năm 1988, sau khi Đức Cố TGM Lefebvre truyền chức 4 GM mà không có sự ủy nhiệm của ĐGH.

Mặt khác về công việc của Ủy ban Tòa Thánh điều tra về những vụ gọi là Đức Mẹ hiện ra từ 3 thập niên ở Medjugorje thuộc Cộng hòa Bosni Erzegovine, ĐHY Mueller nói rằng kết quả điều tra của Ủy ban đặc nhiệm do ĐHY Camillo Ruini làm chủ tịch, sẽ được Bộ giáo lý đức tin cứu xét trong khóa họp thường lệ vào mùa thu tới đây.

Ủy ban này gồm các HY và thần học gia do ĐGH Biển Đức 16 thành lập và đã làm việc từ tháng 3 năm 2010 đến đầu năm 2014. Sau khi cứu xét, Bộ giáo lý đức tin sẽ đệ trình lên ĐTC các nhận xét và đề nghị để ngài quyết định (Apic 4-8-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Hồng Y Nguyễn Văn Nhơn thành viên Bộ Truyền giáo

Đức Hồng Y Nguyễn Văn Nhơn thành viên Bộ Truyền giáo

ĐHY Nguyễn văn Nhơn

VATICAN. Hôm 13-4-2015, Phòng báo chí Tòa Thánh thông báo: ĐTC đã bổ nhiệm Đức tân Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, TGM Hà Nội, làm thành viên của Bộ Truyền giáo và Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình.

 Cùng được bổ nhiệm trong dịp này, có 14 tân Hồng Y khác đã được ĐTC phong ngày 14 tháng 2 vừa qua. Hôm 13-4-2015, trung bình mỗi Hồng Y mới được bổ nhiệm làm thành viên của hai cơ quan trung ương Tòa Thánh và nhiệm kỳ là 5 năm.

 Bộ truyền giáo có khoảng 30 HY và 8 GM thành viên, nhóm đại hội 3 năm một lần, còn Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình có khoảng 10 HY, 8 GM và 10 giáo dân thành viên (SD 13-4-2015).

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Hồng Y O’Brien từ bỏ quyền lợi và đặc ân

Đức Hồng Y O'Brien từ bỏ quyền lợi và đặc ân

VATICAN. ĐHY Keit O'Brien từ bỏ các quyền lợi và đặc quyền của tước vị Hồng Y.

Trong thông cáo công bố hôm 20-3-2015, Đức Hồng Y Angelo Sodano, Niên trưởng Hồng Y đoàn cho biết ”ĐTC đã chấp nhận việc từ bỏ các quyền lợi và đặc quyền của tước vị Hồng Y theo các khoản giáo luật 349, 353 và 356 do ĐHY Keith Michael Patrick O'Brien, nguyên TGM giáo phận Saint Andrews và Edinburg, Ecosse, đệ trình, sau thời gian dài cầu nguyện. Với biện pháp này, ĐTC bày tỏ mối quan tâm mục tử với tất cả các tín hữu của Giáo Hội tại Ecosse và khuyến khích họ tiếp tục hành trình canh tân và hòa giải trong niềm tín thác.”

ĐHY O'Brien năm nay 77 tuổi. Ngày 18-2-2013, ĐTC Biển Đức 16 đã nhận đơn từ chức TGM giáo phận Saint Andrews và Edinburg của ĐHY. Sau đó ĐHY cũng loan báo không tham dự mật nghị bầu Giáo Hoàng tiếp đó và đã nhận thực rằng: ”Có những lúc lối cư xử của tôi về tính dục ở dưới mức độ cần phải có trong tư cách là linh mục, TGM và Hồng Y”. Rồi ĐHY xin lỗi những người ngài xúc phạm, Giáo hội Công Giáo và nhân dân Ecosse”.

Ngày 15-5-2013, Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết, với sự đồng ý của ĐTC Phanxicô, ĐHY rời Ecosse trong vài tháng để canh tân tinh thần, cầu nguyện và thống hối. Mọi quyết định liên quan đến số phận tương lai của ĐHY sẽ được thỏa thuận với Tòa Thánh”.

Với quyết định được thông báo ngày 20-3-2015 trên đây, ĐHY O'Brien tiếp tục là Giám Mục và là Hồng Y, nhưng không còn các quyền lợi và đặc quyền của tước vị Hồng Y, nghĩa là không tham dự các công nghị của Hồng Y đoàn, không tham dự việc bầu Giáo Hoàng, và không còn là cố vấn cho Đức Giáo Hoàng.

Trong thông cáo được Văn phòng thông tin của Tổng giáo phận Saint Andrews và Edinburg công bố sau khi tin trên đây, ĐHY O'Brien tái xin lỗi và bày tỏ sự đau buồn sâu xa vì hành động của mình trong quá khứ, đồng thời nói thêm rằng: ”Tôi cám ơn Đức Thánh Cha Phanxicô vì sự săn sóc hiền phụ của Ngài đối với tôi và những người mà tôi đã làm thương tổn bằng bất cứ cách nào. Tôi sẽ tiếp tục không thi hành vai trò nào trong đời sống công khai của Giáo Hội tại Ecosse và dành phần còn lại của đời tôi sống ẩn dật, cầu nguyện đặc biệt cho Tổng giáo phận Saint Andrews và Edinburg, cho Ecosse và những người mà tôi đã làm thương tổn cách nào đó” (SD 20-3-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

ĐHY Tauran kết thúc chuyến viếng thăm tại Ivory Coast

ĐHY Tauran kết thúc chuyến viếng thăm tại Ivory Coast

ROMA. ĐHY Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, tái lên án những kẻ giết người nhân danh Thiên Chúa và kỳ thị tôn giáo.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong thánh lễ ngày 16-3-2015 tại Nhà thờ chính tòa Yamoussoukro ở thủ đô nước Ivory Coast bên Phi châu. ĐHY cho biết ngài muốn chia sẻ lập trường này với tất cả các tín hữu, ”đặc biệt là với các bạn Hồi giáo của chúng ta trong lúc này, đang thấy tôn giáo của họ bị những người vô tôn giáo và vô luật lệ xuyên tạc”.

Trong bài giảng, ĐHY nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có một cuộc đối thoại chân thành, trước tiên giữa các tín hữu Kitô, tiếp đến giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo: đối thoại về cuộc sống và về linh đạo, giúp chúng ta công bố đức tin và nhìn thấy tất cả những gì tích cực liên kết chúng ta và chúng ta có thể dùng để phục vụ xã hội như một hạt giống nhỏ đang tăng trưởng”. Đối với ĐHY, cần làm việc trước tiên nơi những người trẻ, dạy họ nhìn nhận ”những gì là tốt ở trong các tôn giáo khác và trong xã hội”.

Trong bài giảng, ĐHY Tauran nhấn mạnh rằng ”chiến tranh nảy sinh từ chính nơi tâm hồn con người”, những cũng tại nơi đó ”nảy sinh hòa bình”. Vì thế đây không phải là lúc nản chí thất vọng, nhưng đúng hơn là lúc kiên trì. Hãy để Chúa Kitô giải thoát chúng ta khỏi mọi sợ hãi, lo lắng, và những cay đắng”.

ĐHY Jean Louis Tauran đến viếng thăm Côte d'Ivoire từ ngày 13 đến 17-3-2015. Trong ngày cuối cùng, ngài đã gặp tổng thống Alassane Ouattara vào ban sáng, và gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo vào ban chiều tại thành phố Abidjan. LM Miguel Ángel Ayuso Guixot, dòng thánh Comboni, người Tây Ban Nha, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, cũng hiện diện tại cuộc gặp gỡ này.

Lên tiếng trong dịp này, Cha Guixot cho biết Giáo Hội Công Giáo tôn trọng các tín đồ của mọi tôn giáo và ngài mời gọi các tín hữu Kitô cũng như không Kitô hãy học cách thông truyền các giá trị có khả năng uốn nắn con người nội tâm. Điều này chỉ có thể trong một bầu không khí tự do, tạo điều kiện dễ dàng cho những chọn lựa của mỗi người, nhất là tự do tìm kiếm chân lý”.

Cha Guixot cũng ghi nhận rằng ”Nơi trung tâm của mỗi tôn giáo, có một sứ điệp huynh đệ và hòa bình. Các tín hữu có thể trở thành những người kiến tạo hòa bình xã hội” nếu họ có khả năng không coi những khác biệt như những đe dọa, nhưng như những điều phong phú. Vì thế cần đi xa hơn thái độ bao dung mà thôi, nhưng còn phải đi tới một chọn lựa căn bản dựa trên sự tôn trọng, yêu thương và cảm thông (Oss.Rom. 18-3-2015)

 G. Trần Đức Anh, O.P – Vatican Radio

Hồng Y Nhiếp Chính, Jean Louis Tauran, tuyên thệ nhậm chức

Hồng Y Nhiếp Chính, Jean Louis Tauran, tuyên thệ nhậm chức

ĐHY Jean Louis tuyên thệ nhậm chứcĐHY Jean Louis tuyên thệ nhậm chức (Courtesy pic. from Reuter)

VATICAN. Sáng ngày 9-3-2015, trước mặt ĐTC tại nhà nguyện Urbano VIII, ĐHY Jean Louis Tauran đã tuyên thệ nhậm chức Hồng Y Nhiếp chính trong trường hợp trống ngôi Giáo Hoàng.

 ĐTC đã chủ sự nghi thức, đọc các đoạn sách phụng vụ, nhưng không có diễn văn nào. Còn ĐHY Tauran sau đó đã nói ít lời cám ơn ĐTC.

 ĐHY Tauran người Pháp, 72 tuổi (1943) hiện nay cũng là Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn và ngày 20-12-2014, ngài được ĐTC bổ nhiệm thay thế ĐHY Tarcisio Bertone SDB trong nhiệm vụ nhiếp chính. Vị phó nhiếp chính là Đức TGM Giampiero Gloder, Giám đốc trường ngoại giao Tòa Thánh.

 Hồng Y nhiếp chính là vị chủ tịch của Tông Phòng (Camera Apostolica) và chăm sóc, quản lý tài sản cũng như các quyền lợi vật chất, tài sản của Tòa Thánh trong khi Tòa Thánh trống vị. Trong thời kỳ trống tòa như vậy, ngài không bị ngưng chức như các vị thủ lãnh các cơ quan trung ương khác của Tòa Thánh. Ngài thi hành các công việc bình thường và đệ trình lên Hồng y đoàn những gì quan trọng cần được phê chuẩn.

 ĐHY nhiếp chính có nhiệm vụ niêm phong phòng làm việc và phòng của ĐGH quá cố, cho phép hững người thường ở trong căn hộ của ĐGH được tiếp tục ở đó cho đến khi an táng ĐGH, sau đó toàn thể căn hộ sẽ bị niêm phong.

 Ngài cũng là người thông báo chính thức tin ĐGH qua đời cho ĐHY giám quản Roma và toàn thể dân thành này, cũng như cho ĐHY Giám quản Đền thờ Thánh Phêrô.

 ĐHY nhiếp chính, sau khi nghe ý kiến của 3 Hồng y trưởng của 3 đẳng GM, LM và Phó tế, sẽ ấn định tất cả những gì liên hệ tới việc an táng ĐGH quá cố. Ngài ấn định ngày bắt đầu các phiên họp của Hồng y đoàn để chuẩn bị bầu giáo hoàng mới. ĐHY cũng lo liệu những gì cần thiết để chuẩn bị việc bầu Giáo Hoàng. Ngài cho phép chụp hình vị Giáo Hoàng quá cố để làm tài liệu..

 ĐHY nhiếp chính nhận lời tuyên thệ của các Hồng Y về việc giữ bí mật liên quan tới cuộc bỏ phiếu..

 Những qui định trên đây được trình bày trong Tông hiến ”Universi Dominici Gregis” ([Mục tử] của toàn thể đoàn chiên Chúa” do Đức Gioan Phaolô 2 ban hành năm 1992 về những gì phải tuân giữ trong thời kỳ Tòa Thánh trống vị.

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Công bố qui chế 3 cơ quan kinh tế, tài chánh và kiểm toán của Tòa Thánh

Công bố qui chế 3 cơ quan kinh tế, tài chánh và kiểm toán của Tòa Thánh

VATICAN. Hôm 3-3-2015, qui chế của 3 cơ quan về kinh tế và tài chánh của Tòa Thánh đã được công bố, gồm Hội đồng kinh tế, Văn phòng kinh tế và viện kiểm toán.

Ba qui chế được ĐTC Phanxicô ký ngày 22-2-2015 tức là trước khi đi tĩnh tâm mùa chay, có giá trị thử nghiệm, được yết thị trong những ngày qua tại Sân Damaso trong Nội thành Vatican và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-3-2015.

1. Hội đồng kinh tế là cơ quan giám sát và đề ra hướng đi về các hoạt động kinh tế của Tòa Thánh và gồm có 15 thành viên, trong đó có 8 vị Hồng Y, GM và 7 vị còn lại là giáo dân chuyên gia. Hội đồng do 1 HY làm điều hợp viên (hiện là ĐHY Reinhard Marx, TGM Munich, Chủ tịch HĐGM Đức) và có 1 giáo dân là phó điều hợp viên. Hội đồng này nhóm họp 4 lần một năm. Trước đây, phần lớn công việc này do hội đồng về các vấn đề kinh tế và quản trị của Tòa Thánh đảm trách và gồm 15 HY, nhóm họp một năm 2 lần.

2. Văn phòng kinh tế là cơ quan kiểm soát và canh chừng về vấn đề quản trị và tài chánh trên các cơ quan trung ương Tòa Thánh, và các cơ quan phụ thuộc, cũng như việc quản trị Quốc gia thành Vatican.

Văn phòng này có 2 phân bộ: a. phân bộ kiểm soát và canh chừng, b. phân bộ quản trị, cả hai ở dưới sự điều hành của một Hồng Y chủ tịch (hiện là ĐHY George Pell người Úc), và có 2 vị Giám Chức Tổng thư ký và thư ký.

– Phân bộ kiểm soát và canh chừng có chức năng giống như Sở kinh tế trước đây của Tòa Thánh với nhiệm vụ kế hoạch hóa, làm ngân sách dự chi và kết toán, quản lý nhân sự, tài chánh.

– Phân bộ quản trị có nhiệm vụ đề ra đường hướng, kiểu mẫu đấu thầu, xác định lương bổng, và thu nhận các nhân viên mới. Tuy nhiên Phủ quốc vụ khanh Tòa Thánh vẫn giữ nguyên thẩm quyền kiểm chứng xem các ứng viên có đầy đủ năng khiếu và điều kiện cần thiết hay không để được thu nhận.

3. Viện kiểm toán gồm có vị Tổng kiểm toán và hai kiểm toán viên. Việc gia tăng từ 1 lên 3 kiểm toán viên so với đề nghị ban đầu là để bảo đảm sự độc lập của các chuyên gia này, kiểm soát lẫn nhau. Viện có mục đích kiểm soát kế toán tất cả các cơ quan Tòa Thánh và các cơ quan phụ thuộc.

Hội đồng Tòa Thánh về các văn bản luật đã đề nghị gia tăng số kiểm toán viên lên 3 người và đề nghị này đã được ĐTC chấp thuận. (SD 3-3-2015)

G. Trần Đức Anh OP  – Vatican Radio