Các giáo hội Á Châu ra chỉ thị phòng ngừa lây nhiễm coronavirus

Các giáo hội Á Châu ra chỉ thị phòng ngừa lây nhiễm coronavirus






Tại Philippines và Singapore, việc rước lễ phải được phân phát bằng tay. Ở Malaysia, những người có triệu chứng cảm cúm được khuyên nên ở nhà và hiệp lễ bằng tâm trí.

Manila (AsiaNews) – Trong khi toàn thế giới lo lắng về nạn dịch 2019-nCoV thì các Giáo Hội Công Giáo ở Đông Nam Á đang thực hiện một số biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan, trong đó có các biện pháp dự phòng (prophylactic) như tránh sự đụng chạm trong lúc cầu kinh và hiệp lễ.

Ở Philippines, dù chưa có trường hợp coronavirus được báo cáo; tuy nhiên, Hội đồng Giám mục Công Giáo Philippines (CBCP) đã ban hành một số chỉ thị như sau:

-Việc rước lễ phải được phân phát bằng tay “để tránh gây sợ hãi cho mọi người,” theo một thông cáo cuả linh mục tổng thư ký Marvin Mejia gửi đến tất cả các giáo phận.

-Cũng nên tránh tất cả các hình thức đụng chạm khác giữa những người tham gia thánh lễ. Thí dụ nắm tay nhau đọc kinh ‘Lậy Cha ‘ hoặc bắt tay chúc bình an.

-CBCP kêu gọi các giáo xứ thường xuyên thay nước thánh ở cửa nhà thờ và dùng “màn che” trên các cửa sổ cuả tòa giải tội.

-Các giám mục Philippines cũng đã phát hành một bài kinh cầu ‘Oratio Imperata’ cho những người bị mắc bệnh và để phòng dịch lây lan. Lời kinh sẽ được quì gối và đọc sau khi rước lễ trong tất cả các thánh lễ ngày thường cũng như ngày lễ, bắt đầu từ Chúa Nhật ngày2 tháng 2, là ngày lễ Dâng Chuá vào đền thánh.

Tại Singapore, các cơ quan y tế đã xác nhận có 10 trường hợp nhiễm dịch coronavirus.

Tổng giáo phận Singapore kêu gọi các tín hữu “có trách nhiệm với xã hội” và “tuân thủ các tư vấn y tế và các biện pháp kiểm soát do chính quyền ban hành.

Trên trang Web cuả Giáo Phận, cũng có đăng các một vài việc làm cụ thể như:

-Cung cấp thuốc xát trùng (chà tay) gần các lối vào nhà thờ và toà giải tội.

-Việc rước lễ sẽ được nhận bằng tay và việc rước MáuThánh trong chén thánh sẽ bị đình chỉ cho đến khi có thông báo mới.

-Cất hết các bình nước thánh ở lối vào nhà thờ vì đây có thể là phương tiện lây nhiễm.

-Các giáo lý viên và học sinh phải đo nhiệt độ của họ trước khi đến lớp.

-Các sinh hoạt cuả giáo xứ và các đoàn thể, nếu không cần thiết cho cuộc sống của cộng đồng, thì phải hoãn lại sau.

Tại Malaysia, có bảy người đã bị nhiễm bệnh. Ba vị giám mục Malaysia – Đức Tổng Giám Mục Julian Leow của Kuala Lumpur, Giám mục Sebastian Francis của Penang và Giám mục Bernard Paul của Melaka-Johor – đã đưa ra một số khuyến nghị mục vụ.

-Những người có triệu chứng giống như bị cúm, ví dụ như sốt, sổ mũi, đau họng, ho, cảm lạnh,… nên ở nhà và tránh những nơi công cộng kể cả đi tới nhà thờ.

Vì họ không thể tham dự thánh lễ, họ được khuyến khích thực hiện một hành vi hiệp thông tâm linh (dâng lời cầu nguyện tại nhà kèm theo mong muốn được kết hiệp với Chúa Thánh Thể).

-Các giám mục kêu gọi mọi tín hữu cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân và các nhân viên y tế điều trị cho họ.

-Các ngài nói thêm rằng giáo hội địa phương sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ sự phát triển của tình huống và sẽ cập nhật các hướng dẫn tiếp theo khi thấy cần thiết.

-Các giám mục kêu gọi tất cả giữ bình tĩnh, đặt tin tưởng vào các thông báo chính thức cuả bộ Y Tế và tuân hành các biện pháp phòng ngừa chung cuả bộ Y Tế.

Thư của Linh Mục Nguyễn Văn Tuyên về Dự Án Linh Đài Đức Mẹ La Vang

Thư của Linh Mục Nguyễn Văn Tuyên về Dự Án Linh Đài Đức Mẹ La Vang

Thứ Tư ngày 21, 2018

Thưa quí anh chị em:
Tôi, linh mục Nguyễn Văn Tuyên, đồng trưởng ban của Ban La Vang, nhân danh Ban La Vang chân thành cám ơn quí ông bà và anh chị em về lòng rộng rãi và lời cầu nguyện liên lỉ của quí vị với dự án Linh Đài Đức Mẹ La Vang. Không có sự giúp đỡ của quí vị, chúng tôi không thể đạt được những thành quả của ngày hôm nay, và có thể nhanh chóng cử hành lễ đặt viên đá đầu tiên cách đây mấy tuần. Nhờ sự tin tưởng và phó thác của quí vị nơi chúng tôi, nên công trình đã có thể thực hiện nhanh như thế.

Hàng trăm giáo dân đã hiện diện và chứng kiến nghi lễ đặt viên đá đầu tiên do các Đức Giám Mục Kevin Vann và Tôma Nguyễn Thái Thành cử hành vào ngày thứ Bảy, 27 tháng Mười, vừa qua tại khuôn viên Nhà Thờ Chánh Tòa Chúa Kitô.

Trong khi chúng ta đang hướng tới việc xây dựng linh đài, nếu có thể, chúng tôi xin anh chị em vui lòng hoàn tất nhanh chóng lời hứa của anh chị em, để chúng ta có đủ tài chánh hoàn thành công việc xây cất vào mùa hè năm tới. Nếu anh chị em có bạn bè hay người thân chưa biết về công trình này, hay chưa có cơ hội đóng góp, thì xin anh chị em liên lạc với các linh mục tại 16 cộng đoàn Việt Nam trong Giáo Phận Orange như Nhà Thờ Chính Toà, St Columban, Westminster, St Cecilia, vv. để họ cũng có cơ hội đóng góp cho công trình vĩ đại, lưu truyền một gia bảo đức tin cho những anh chị em Việt Mỹ sau này.

Linh tượng đang được thực hiện bằng một khối đá cẩm thạch mầu trắng từ Nước Ý Đại Lợi, và sẽ hoàn tất chuyển đến nhà thờ chính tòa Christ Cathedral vào tháng Tư năm tới.

Suốt trong Mùa Tạ Ơn năm nay, chúng ta đang có những tượng Mẹ La Vang nhỏ, do một ân nhân ẩn danh tặng. Nếu anh chị em muốn ủng hộ, xin vui lòng đến nhà thờ Christ Cathedral, Polycarp hay Westminster sau Thánh Lễ để chuộc tượng mẹ. Chỉ có 400 tượng thôi. Và tiền thu được sẽ dành cho Dự Án La Vang 100 phần trăm.

Một lần nữa, chớ gì đức tin của chúng ta tiếp tục hướng dẫn chúng ta không chỉ xây dựng Linh Đài Đức Mẹ La Vang, mà còn xây dựng Nước Chúa trên trần gian. Xin cầu chúc anh chị em những ngày lễ nghỉ với người thân được hạnh phúc và tràn đầy ân phúc của Thiên Chúa!
Chúc Mừng Lễ Tạ Ơn!


Rev. Father Nguyễn Văn Tuyên, Co -Chair, La Vang Project, Christ Cathedral Pastor, Blessed Sacrament Church Diocese of Orange

ĐTC cầu nguyện và chia buồn về vụ vỡ đập thủy điện ở Lào

ĐTC cầu nguyện và chia buồn về vụ vỡ đập thủy điện ở Lào

Trong điện văn do ĐHY Parolin ký, ĐTC cầu nguyện cho các nạn nhân, cầu cho những người bị thương được chữa lành và cầu nguyện cho tất cả những người bị mất người thân do vụ vỡ đập thủy điện tại miền đông nam của Lào.

Đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy ở tỉnh Attapeu, đông nam Lào bị vỡ vào đêm 23/7, khiến 5 tỷ mét khối nước tràn xuống sông Xe Pian. 6 ngôi làng trong vùng chìm ngập trong biển nước, hơn 6.600 người rơi vào tình cảnh mất nhà cửa do nước lũ và hàng trăm người bị mất tích.
Điện văn của ĐTC
Trong điện văn gửi đến các vị lãnh đạo Giáo hội và chính quyền dân sự của Lào, do ĐHY Parolin ký, có viết: “Với lòng đau buồn khi hay tin về sự thiệt mạng và thương tích do lụt lội xảy ra khi một đập thủy điện bị vỡ, ĐGH Phanxicô bày tỏ sự liên đới chân tình đến tất cả những người bị ảnh hưởng bởi tai nạn này. Ngài cầu nguyện đặc biệt cho những người đã qua đời, cầu cho những người bị thương tích được chữa lành và cầu cho những người đau khổ vì mất người thân và lo lắng cho sự sống của những người mất tích được an ủi. Bên cạnh đó, ĐGH cũng khuyến khích các chính quyền dân sự và mọi người tham gia vào hoạt động tìm kiếm và cứu trợ để giúp đỡ các gia đình trong thảm kịch này. ĐTC chúc lành cho mọi người.”
Lời kêu gọi của các lãnh đạo
Các vị lãnh đạo của tỉnh Attapeu đã kêu gọi cứu trợ nhân đạo cho các nạn nhân, với các lương thực, nước uống và thuốc men. Chính quyền đã dùng các thuyền để di tản dân chúng ở San Sai khi mực nước tiếp tục dâng cao. Tại khu vực phía nam của vùng này, nhiều khu dân cư bị cuốn trôi, những khu khác chìm trong nước.
Đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy ở tỉnh Attapeu, đông nam Lào đang được xây dựng bởi công ty Xe Pien-Xe Namnoy Power Company (PNPC) với các thành viên là nhóm Thái lan, Nam hàn và Lào. Công trình có tổng kinh phí 1,02 tỷ USD, được PNPC khởi công từ tháng 2/2013 và dự kiến đi vào hoạt động trước năm 2019.


Hồng Thủy

ĐTC Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân vụ hỏa hoạn ở Hy lạp

ĐTC Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân vụ hỏa hoạn ở Hy lạp

ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã thay mặt ĐTC gửi điện tín chia buồn với giáo quyền và chính quyền Hy Lạp về các vụ hỏa hoạn xảy ra những ngày vừa qua.

Điện tín do ĐHY Parolin ký có viết rằng ĐTC rất đau buồn khi nghe tin thảm cảnh các vụ hỏa hoạn tại Hy Lạp. Ngài liên đới với các nạn nhân và phó thác những người đã chết cho tình yêu thương xót của Chúa. ĐTC khích lệ chính quyền dân sự và các nhân viên tiếp tục công tác cứu trợ và khẩn nài Thiên  Chúa an ủi và củng cố mọi người.

Như đã biết mấy chục vụ hỏa hoạn đã xảy ra bên Hy Lạp, đặc biệt tại thành phố nghỉ mát Mati, đã khiến cho hơn 100 người chết và 1.500 căn nhà cũng như hàng trăm xe hơi bị thiêu rụi. Chính quyền của thủ tướng Alexis Tsipras đã tuyên bố quốc tang ba ngày. Mati là thành phố du lịch nằm cách thủ đô Athenes 49 cây số về mạn đông bắc và có số người chết cháy đông nhất. Họ bị kẹt trong nhà và trong xe hơi  trên đường trốn chạy. Tại Attica tình hình cũng nghiêm trọng và cũng có mấy chục người thiệt mạng.

ĐC  Sebastianos Rosolatos, TGM Athènes, chủ tịch HDGM Hy Lạp, cũng bầy tỏ đau buồn trước tai nạn trên đây. Ngài nói: các sự kiện như thế này phải khiến cho chúng ta đặt câu hỏi liên quan tới việc bảo vệ và tôn trọng môi sinh cũng như các luật lệ xây cất. Không thể xây cất bừa bãi mà không có sự kiểm soát và giấy phép cần thiết. Các tai ương loại này xảy ra cũng bởi các hành động vô trách nhiệm của con người.

Các toán cứu trợ Pháp, Đức và Đan Mạch đã đến Hy Lạp trợ giúp lực lượng cứu hỏa, cũng như đến Thụy Điển để dập tắt các vụ cháy rừng chưa từng thấy tại đây. Italia cũng đã gửi hai máy bay Canadair . Còn Na Uy, Đức và Lituania cũng cho trực thăng tới giúp chống lại hỏa hoạn. Sáng thứ 3 vừa qua vẫn còn có 27 vụ cháy tiếp tục. Tình hình tại miền nam Thụy Điển nghiêm trọng, đặc biệt chung quanh thủ đô Stsockholm, và nhiệt độ trong suốt tuần này sẽ là 30 độ C, khiến cho rừng cây càng dễ bị cháy hơn nữa (Avvenire 24-7-2018)

Linh Tiến Khải

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha – Tháng 05 năm 2018: Sứ mạng của người giáo dân

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha – Tháng 05 năm 2018: Sứ mạng của người giáo dân

Vatican. Trong tháng 05 năm 2018, Đức Thánh Cha mời gọi đặc biệt cầu nguyện cho người giáo dân, để họ có thể thực thi sứ mạng của mình, bằng cách đưa ra sáng kiến đáp lại các thách đố của thế giới, và làm chứng cho đức tin bằng đời sống đầy tình liên đới. Đức Thánh Cha chia sẻ trong Video như sau:

Người giáo dân đứng ở tiền tuyến của đời sống Giáo Hội. Chúng ta cần chứng từ của người giáo dân về chân lý của Tin Mừng, và gương mẫu đời sống của người giáo dân diễn tả đức tin bằng cách thực thi tình liên đới.

Chúng ta hãy cám ơn những giáo dân đã sẵn sàng mang lấy các rủi ro. Họ không sợ hãi. Họ mang đến niềm hy vọng cho những ai nghèo khổ nhất, cho những ai bị loại trừ và chịu thiệt thòi.

Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện trong tháng này, để người giáo dân có thể trung thành với sứ mạng đặc thù của họ, sứ mạng mà họ lãnh nhận khi chịu Phép Rửa, để họ đưa những sáng kiến của mình vào việc phục vụ và đáp lại các thách đố của thế giới ngày nay.

Tứ Quyết SJ

Tổng thống Donald Trump: những luật phá thai của Mỹ là sai và phải thay đổi

Tổng thống Donald Trump: những luật phá thai của Mỹ là sai và phải thay đổi

Hôm 18/01, qua hệ thống vệ tinh, Tổng thống Donald Trump của Hoa kỳ đã ngỏ lời trực tiếp với những người tham dự cuộc Tuần hành ủng hộ sự sống và khen ngợi lý do tốt đẹp ủng hộ sự sống và cám ơn phong trào về sự ủng hộ của họ dành cho các phụ nữ có thai.

Tổng thống Trump nói: “Các bạn đến từ nhiều hoàn cảnh, nhiều nơi chốn, những tất cả đến vì một lý do tốt đẹp: xây dựng một xã hội nơi mà sự sống được cử hành, được bảo vệ và được yêu thương. Cuộc Tuần hành vì sự sống là một phong trào xuất phát từ tình yêu thương.”

Ông Trump nói thêm: “Các bạn yêu các trẻ em, được sinh ra và chưa được sinh ra, bởi vì các bạn tin rằng mọi sự sống là thánh thiêng, mọi đứa trẻ là một món quà quý giá Thiên Chúa ban tặng. Chính nhờ các bạn mà hàng ngàn người Mỹ được sinh ra và đạt được đầy đủ năng lực mà Thiên Chúa ban. Chính nhờ các bạn.”

Tổng thống Trump cũng nhận định là quyết định của tòa án tối cao hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc đã dẫn đến những luật cho phép phá thai rộng rãi nhất bất cứ nơi nào trên thế giới, so sánh với Bắc hàn và Trung quốc. Ông khẳng định: “Nó là sai lầm, cần phải thay đổi. Người Mỹ ngày càng bảo vệ sự sống hơn.”

Tổng thống cũng đã ủng hộ mạnh mẽ một dự luật trước Hạ viện, đó là phá thai muộn có thể bị cấm vì những đứa trẻ chưa được sinh ra có thể cảm thấy đau đớn. Ông kêu gọi các thượng nghị sĩ "thông qua luật quan trọng này.”

Trước đó một ngày, tổng thống Trump đã tuyên bố thành lập một văn phòng mới để bảo vệ quyền của nhân viên y tế, những người phản đối các quy trình như phá thai và chuyển đổi giới tính tại các cơ sở tôn giáo. Văn phòng này sẽ thuộc Bộ Y tế, thực hiện các luật hiện hành để bảo đảm các tổ chức y tế tôn trọng niềm tin tôn giáo của nhân viên. (Catholic Herald 19/01/2018)

Hồng Thủy

Tôi Đi Học và Ngày Mãn Khóa

Tôi đi học. Truyện ngắn của nhà văn Thanh-Tịnh viết lên những cảm giác nhẹ nhàng của một buổi sáng mùa thu theo mẹ đi đến trường đã để lại trong ký ức thời thơ ấu của biết bao nhiêu cô, cậu học sinh. Cảm giác đó đã theo tôi trong những lần tôi đưa con, đưa cháu đi học  nên tôi thường lẩm bẩm đọc những câu thơ bình dị đơn sơ dễ hiểu của tôi như đang chuyện trò với cháu.

 

 

TÔI ĐI HỌC


Hôm nay em đi học
Lần  đầu tiên đi học
Mẹ nắm bàn tay em
Dắt em đi đến trường
Trên đường em  nhìn thấy
Nhiều  bạn giống như em
Cũng theo  mẹ đến trường
Và khi vào lớp

 

Lần đầu tiên vào lớp
Nhìn thấy Cô  giáo em
Dáng xinh xinh dịu dàng
Mĩm cười Cô hỏi em
Tên con là gì đó ?
Thưa Cô ! Con tên là:
…………………………….
Kaelle Phạm, Hoài -An
Gật đầu Cô khen ngoan
Con về chổ ngồi đi
Chúng ta bắt đầu học
A,B,C,D,Đ………………
Em là người Việt,
Em học tiếng Việt.
Chữ Việt nước Nam

 

Để rồi 9 tháng qua mau…


NGÀY MÃN KHOÁ
 

Hôm nay ngày mãn khoá
Lòng em thấy rộn ràng
Buâng khuâng niềm hối tiếc
Bịn rịn phải chia tay
Thầy Cô và bạn học
Chiều thứ bảy bên nhau
Chín tháng học trôi mau
Đến lúc phải chia tay
Nhớ ngày đầu vào lớp
Còn ngượng ngịu đánh vần
Lần đầu tập làm văn
Cô giáo đọc bật cười
Chính tả, sai nhiều lỗi
Sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng
Ôi, khó quá làm sao!
Bỏ dấu không đúng chữ
Nghĩa đổi làm cô cười
Qua một năm học ngắn
Giờ bài văn em viết
Cô đọc, cười mĩm chi
Xoa đầu khen em giỏi
Em cám ơn Cô giáo
Đã bỏ bao công sức
Để em có ngày nay
Ơn thầy, cô dạy dỗ
Em ghi nhớ suốt đời.

 

Chào tạm biệt quí Thầy Cô. Hẹn gặp lại niên học mới.
Tống Hoa

Đức Thánh Cha dâng thánh lễ với 40 ngàn tín hữu tại Bologna

Đức Thánh Cha dâng thánh lễ với 40 ngàn tín hữu tại Bologna

BOLOGNA. Trong bài giảng thánh lễ chiều ngày 1-10-2017, ĐTC phê bình lối sống giả hình, và nhắn nhủ các tín hữu đừng quên 3 yếu tố quan trọng của đời sống Kitô: Lời Chúa, Thánh Thể và người nghèo.

Hoạt động sau cùng của ĐTC ngày 1-10 tại Bologna là thánh lễ ngài cử hành lúc 5 giờ chiều tại sân vận động Dall'Ara, ở khu ngoại ô, cách trung tâm thành này hơn 2 cây số. 40 ngàn tín hữu đã ngồi chật thao trường này để tham dự thánh lễ với ĐTC.

Đồng tế với ĐTC có 24 GM thuộc 15 giáo phận ở miền Emilia Romagna và hàng trăm LM.

Bài giảng thánh lễ

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã diễn giải ý nghĩa bài Tin Mừng của Chúa nhật thứ 26 thường niên năm A, kể lại dụ ngôn 2 người con được cha yêu cầu đi làm việc trong vườn nho của ông: người thứ I từ chối, nhưng rồi đã nghĩ lại và đi làm; người con thứ hai nhận lời, nhưng rồi lại không đi làm. ĐTC nhận xét:

”Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu đặt trước chúng ta hai con đường mà chúng ta cảm nghiệm, nhưng không luôn sẵn sàng xin vâng bằng lời nói và việc làm, vì chúng ta là người tội lỗi. Nhưng chúng ta có thể chọn lựa giữa một bên là người tội lỗi đang tiến bước, tiếp tục lắng nghe Chúa, và khi sa ngã, thì thống hối và trỗi dậy, như người con thứ I; hoặc chúng ta là những ngừơi tội lỗi ngồi lỳ, luôn sẵn sàng biện minh cho mình và chỉ có những lời nói xu thời.

Chúa Giêsu dạy dụ ngôn này và áp dụng cho một số lãnh tụ tôn giáo thời ấy, họ giống như người con có đời sống hai mặt, trong khi dân thường thì cư xử như người con thứ I. Các thủ lãnh tôn giáo ấy biết và giải thích mọi sự, không chê được, như những nhà trí thực tôn giáo đích thực. Nhưng họ không khiêm tốn lắng nghe, không có can đảm tự hỏi mình, không có sức để thống hối. Và Chúa Giêsu rất nghiêm khắc: ngài nói cả những người thu thuế cũng đi trước họ vào Nước Chúa. Đó là một lời trách cứ nặng nề, vì những người thu thế thời ấy là những người thối nát, phản bội tổ quốc. Vậy đâu là vấn đề của các thủ lãnh tôn giáo ấy? Họ không sai lầm về điều gì, nhưng sai lầm trong lối sống và suy tư trước mặt Chúa: qua lời nói và với những người khác, họ là những người quyết liệt gìn giữ các truyền thống của con người, nhưng không có khả năng hiểu rằng cuộc sống theo Thiên Chúa là một hành trình và đòi phải có sự khiêm tốn cởi mở, thống hối và bắt đầu lại.

ĐTC đặt câu hỏi:

”Vậy điều ấy nói gì với chúng ta? Thưa rằng không có một đời sống Kitô ở bàn giấy, ở bàn học, được kiến tạo một cách khoa học, trong đó chỉ cần chu toàn vài giới luật là được an tâm: đời sống Kitô là một hành trình khiêm tốn của một lương tâm không bao giờ cứng nhắc và tín thác nơi Chúa trong sự thanh bần, không bao giờ tự phụ, tự mãn cho bản thân. Nhờ đó, chúng ta vượt thắng những điều đã xảy ra và tái diễn sự ác xưa kia, như Chúa Giêsu tố giác trong dụ ngôn: đó là sự giả hình, lối sống hai mặt, óc duy giáo sĩ, có kèm theo thái độ vụ luật, xa cách dân chúng. Chìa khóa chủ yếu ở đây là thống hối: sự thống hối giúp ta không cứng nhắc, biến thái độ từ khước Thiên Chúa thành vâng phục, và biến sự chấp nhận thành sự phủ nhận tội lỗi vì tình yêu đối với Chúa. Thánh ý Chúa Cha, Đấng hằng ngày nói với lương tâm chúng ta, chỉ được thể hiện trong hình thức thống hối và hoán cải liên tục. Xét cho cùng, trong hành trình của mỗi người có hai con đường: một là người tội lỗi thống hối hay là những người tội lỗi giả hình. Nhưng điều đáng kể không phải là những lý luận biện minh và toan tính cứu vãn thanh danh, cái vẻ bề ngoài của mình, nhưng là một con tim hằng ngày tiến bước với Chúa, chiến đấu mỗi ngày, thống hối và trở về cùng Ngài. Vì Chúa tìm kiếm những con tim thanh khiết, chứ không tìm những kẻ thanh sạch ”bề ngoài”.

Tiếp tục bài giảng thánh lễ chiều chúa nhật vừa qua ở Bologna, ĐTC nói:

”Anh chị em thân mến, chúng ta thấy rằng Lời Chúa đào sâu, ”phân định những tâm tình và tư tưởng của tâm hồn” (Dt 4,12). Nhưng Lời Chúa cũng thời sự: dụ ngôn này cũng nhắc nhở chúng ta về những tương quan không luôn dễ dàng giữa những người cha và người con. Ngày nay, giữa những thay đổi nhanh chóng giữa các thế hệ, chúng ta nhận thấy rõ hơn nhu cầu độc lập với quá khứ, nhiều khi đến độ nổi loạn. Nhưng sau những khép kín và im lặng dài của phía này đối với phía kia, nên phục hồi cuộc gặp gỡ, cho dù còn những xung đột, có thể kích thích một sự quân bình mới. Giống như trong gia đình, trong Giáo Hội và xã hội cũng vậy: đừng bao giờ từ chối gặp gỡ, đối thoại, tìm những con đường mới để đồng hành với nhau.

Và ĐTC để lại cho các tín hữu 3 điểm tham chiếu, bắt đầu bằng 3 chữ P theo tiếng Ý:

– Trước tiên là Parola, Lời Chúa, là địa bàn để tiến bước trong khiêm tốn, để không bị lạc mất con đường của Thiên Chúa và rơi vào thái độ trần trục.

– Thứ hai là Pane, Bánh, Bánh Thánh Thể, vì từ Thánh Thể mọi sự bắt đầu. Chính trong Thánh Thể chúng ta gặp Giáo Hội, chứ không phải trong những chuyện tầm phào hoặc trong những tin tức thời sự, nhưng là tại đây, trong Mình Chúa Kitô được những người tội lỗi và túng thiếu chia sẻ, nhưng họ cảm thấy được yêu thương và ước muốn yêu mến.

– Thứ ba là Poveri, những người nghèo. Ngày nay vẫn còn bao nhiêu người thiếu những điều cần thiết. Nhưng cũng có bao nhiêu người nghèo tình thương, những người neo đơn, và nghèo Thiên Chúa. Nơi tất cả những người ấy chúng ta tìm thấy Chúa Giêsu, vì Chúa Giêsu trong thế giới đã đi theo con đường nghèo khó, tự hạ, như thánh Phaolô đã nói trong bài đọc thứ hai ngày lễ hôm nay… Từ Thánh Thể đến người nghèo, chúng ta đi gặp Chúa Giêsu. Anh chị em đã ghi lại câu nói mà ĐHY Lecaro thích thấy được khắc trên bàn thờ: ”Nếu chúng ta chia sẻ bánh thiên quốc, làm sao chúng ta không chia sẻ bánh trần thế?”. Chúng ta luôn nhớ đến điều ấy. Lời Chúa, Thánh Thể và người nghèo. Chúng ta hãy xin ơn không bao giờ quên những yếu tố cơ bản này, những yếu tố nâng đỡ hành trình của chúng ta”.

Kết thúc thánh lễ vào lúc gần 7 giờ chiều, ĐTC đã đáp trực thăng trở về Vatican.

G. Trần Đức Anh OP 

 

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha – Tháng Bảy 2017: Tái khám phá niềm vui đời sống Kitô

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha – Tháng Bảy 2017: Tái khám phá niềm vui đời sống Kitô

VATICAN. Trong tháng bảy 2017, Đức Thánh Cha đặc biệt mời gọi mọi người cầu nguyện cho những anh chị em đang lạc lối đức tin, để nhờ việc chúng ta cầu nguyện và làm chứng cho Tin Mừng, các anh chị em ấy có thể tái khám phá vẻ đẹp của đời sống người Kitô. Đức Thánh Cha chia sẻ trong Video rằng:

Chúng ta đừng bao giờ quên rằng: niềm vui của chúng ta là chính Chúa Giêsu Kitô với tình yêu tín trung và vô tận của Người.

Khi một Kitô hữu buồn rầu, điều ấy có nghĩa là người ấy đang xa cách Chúa Giêsu.

Thế nhưng chúng ta đừng để người ấy lẻ loi một mình! Chúng ta hãy mang đến cho người ấy niềm hy vọng Kitô. Chúng ta làm điều ấy với những lời lẽ, vâng, nhưng hơn hết là bằng đời sống chứng tá cùng với tự do và niềm vui của chúng ta.

Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho những anh chị em đang lạc lối đức tin, để nhờ việc chúng ta cầu nguyện và làm chứng cho Tin Mừng, các anh chị em ấy có thể tái khám phá vẻ đẹp của đời sống người Kitô.

Tứ Quyết SJ

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha – Tháng Sáu 2017: Chấm dứt buôn bán vũ khí

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha – Tháng Sáu 2017: Chấm dứt buôn bán vũ khí

VATICAN. Trong tháng sáu 2017, Đức Thánh Cha đặc biệt mời gọi mọi người cầu nguyện để có thể loại bỏ việc buôn bán vũ khí. Bởi lẽ việc buôn bán vũ khí cho thấy sự giả dối của những người dân danh hòa bình nhưng lại làm giàu trên xương máu của người dân. Và thực tế, biết bao người dân vô tội tiếp tục bị giết hại. Đức Thánh Cha chia sẻ trong Video rằng:

Thật là mâu thuẫn một cách vô lý, khi vừa nói về hòa bình và các đàm phán hòa bình, lại vừa thúc đẩy và cho phép việc buôn bán vũ khí.

Có phải cuộc chiến này hay cuộc chiến kia là chiến tranh theo nghĩa giải quyết các vấn đề, hay cuộc chiến ấy chính là cuộc chiến buôn bán vũ khí bất hợp pháp để làm giàu cho những kẻ buôn bán sự chết chóc?

Chúng ta hãy chấm dứt tình trạng này. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện, để các nhà lãnh đạo các quốc gia có thể cam kết chấm dứt việc buôn bán vũ khí vốn sát hại biết bao người dân vô tội. 

Tứ Quyết SJ

Croatia sẽ sớm hoàn thành một trong những tượng Đức Mẹ lớn nhất thế giới

Croatia sẽ sớm hoàn thành một trong những tượng Đức Mẹ lớn nhất thế giới

Šibenik, Croatia – Một tượng Đức Mẹ Loreto cao gần 17m đang được thực hiện ở thành phố Primošten, Croatia. Đây sẽ là một trong những nơi kính Đức Mẹ lớn nhất thế giới.

Chính quyền thành phố Primošten cho biết đây là dự án duy nhất ở Croatia và cả bên ngoài nước này. Dự án này được chúc lành bởi Đức Thánh Cha.

Tượng Đức Mẹ Loreto được dựng ở Primošten, thành phố ven biển, một thành phố trên đồi, 20 dặm về hướng nam của Šibenik. Primošten nổi tiếng với các vườn nho và bãi biển, và bây giờ sẽ được ghi dấu như là nơi có một trong những tượng Đức Mẹ lớn nhất thế giới.

Người dân Primošten có lòng sùng kính đặc biệt đối với Đức Mẹ Loreto và dân thành phố  cử hành ngày lễ truyền thống kính Đức Mẹ vào các ngày 9-10 tháng 5 hàng năm.

Việc làm tượng có sự cộng tác của Cammini Lauretani, tổ chức nhắm nối kết các đền thành Đức Mẹ ở châu Âu.

Thị trưởng của thành phố Primošten đã gặp gỡ các lãnh đạo của Cammini Lauretani với cố gắng liên kết các đền thánh Đức Mẹ ở Italia và Croatia, nhắm tạo nên các hoạt động du lịch và phát triển tôn giáo.

Chính quyền Croatia chưa cho biết khi nào địa điểm kính Đức Mẹ sẽ hoàn thành dù họ cho biết là pho tượng đang ở giai đoạn cuối của tiến trình làm việc. (CAN 07/03/2017)

Hồng Thủy

 

Sơ Lizzy Chakkalakal xây dựng 54 cơ sở cho những người nghèo ở Kochi, Ấn độ

Sơ Lizzy Chakkalakal xây dựng 54 cơ sở cho những người nghèo ở Kochi, Ấn độ

“Tình yêu đam mê Chúa Giêsu đã thúc đẩy tôi lập các nhà để đón nhận người nghèo,” sơ Lizzy Chakkalakal, một nữ tu dòng Phan sinh Thừa sai Đức Maria, hội dòng đã hiện diện ở Ấn độ từ đầu những năm 1900, chia sẻ về động lực đã thúc đẩy sơ thành lập các cơ sở đón tiếp người nghèo ở thành phố Kochi, bang Kerala, Ấn độ. Sơ Lizzy, 47 tuổi, phụ trách một tu viện của dòng, nơi có trường nữ trung học Đức Mẹ. Vào năm 2012, sơ Lizzy đã bắt đầu xây dựng cơ sở đầu tiên, được gọi là “House Challenge”, để làm nơi cư ngụ cho những người nghèo của thành phố Kochi. Đến hôm nay, nhờ sự dấn thân với lòng thương xót dành cho người nghèo, sơ đã xây dựng được 54 cơ sở.

Qua chương trình “House Challenge” – xây dựng nhà cho người nghèo – sơ Lizzy có thể làm được điều gì đó cụ thể cho gia đình các học sinh của sơ, những người sống trong những điều kiện khốn khổ. Ước mơ của sơ Lizzy là được làm việc toàn thời gian cho các hoạt động xã hội, nhưng sơ lại được chọn làm giáo viên dạy học. Một trong những thói quen của sơ sau giờ giảng dạy là đi thăm viếng các gia đình của các học sinh. Trong những lần thăm viếng gặp gỡ này, sơ nhận thấy rằng nhiều gia đình sống trong những nơi cư trú không an toàn và không xứng hợp với con người, còn phần lớn phụ huynh của các học sinh bị ảnh hưởng bởi việc nghiện ma túy và nghiện rượu. Những người bị thương tổn nhất chính là các trẻ em và phụ nữ. Khi chứng kiến những cảnh đời khốn khó này, sơ Lizzy đã nảy ra sáng kiến thành lập cơ sở đầu tiên làm nơi cư trú cho họ. Ban đầu cơ sở này chỉ đơn giản là sự chia sẻ các vật dụng và công cụ chung giữa các người nghèo với nhau. Dần dần các ngôi nhà này được xây dựng thành những nơi cư trú thật sự. Những người nghèo cần được giúp đỡ chỗ ở là do chính quyền bang đề nghị; họ chọn các gia đình khó khăn nghèo khổ nhất.

Tại thành phố Kochi, sơ Lizzy trở thành tên được nhắc đến nhiều. Nhờ sự cộng tác của các học sinh, giáo viên, các giáo dân Công giáo, và ngay cả những người bình thường nhưng có lòng tốt, sơ có thể cung cấp nơi trú ngụ cho tất cả những ai cần có chỗ ở. Các cơ sở sơ thành lập đón tiếp mọi người, không phân biệt là họ thuộc tôn giáo nào hay họ đang sống theo truyền thống văn hóa nào.

Chính Chúa Giêsu là linh hồn của các công việc của sơ Lizzy. Sơ chia sẻ: “Nguồn động lực của cuộc sống và công việc của tôi chính là Chúa Giêsu. Xây dựng cơ sở đón tiếp người nghèo là cách thức tôi tỏ cho họ thấy tình yêu, sự quan tâm và tương trợ. Giáo hội ở đây để đem lại niềm hy vọng và bảo đảm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người nghèo khổ vất vả. Chúng tôi đang làm hết sức, hết khả năng của mình vì tình yêu dành cho họ.” Sơ Lizzy nhấn mạnh đến các ưu tiên trong sứ vụ của các tu sĩ Phan sinh là hoạt động cho công bằng xã hội, nhân quyền, sự phát triển tinh thần. Vì lý do này, hội dòng của sơ đã hoạt động để phát triển công bằng, phẩm giá con người, sự hòa hợp và hiệp thông giữa dân chúng và các cộng đoàn  – nguyên tắc căn bản của việc mục vụ xã hội. Sơ khẳng định: “Các giá trị Tin mừng và các việc làm của Chúa Giêsu không phải là những điều trừu tượng, nhưng là những diễn tả sống động và là cuộc sống được trao ban. Do đó, những điều này phải được sống và diễn tả bằng hành động cụ thể. Công việc xây dựng nhà cửa cho người nghèo của chúng tôi và các hoạt động truyền giáo khác đều đi theo đường hướng này. Như thế chúng tôi loan truyền tình yêu, hòa bình, sự chăm sóc, nỗi lo âu và lòng thương xót cho tha nhân.”

Ngày nay, nhờ sự dâng cúng giúp đỡ của các cá nhân, các nhân vật nổi tiếng và các giáo xứ, nhiều nơi cư trú được xây dựng cho những người nghèo. Nhưng theo sơ Lizzy, điều quan trọng nhất là “đã phát sinh một nền văn hóa chia sẻ và sự chăm sóc qua lại giữa những cư dân địa phương.” (Asia News 21/02/2017)

Hồng Thủy

 

Sức mạnh lớn nhất của Giáo hội ngày nay ở nơi các Giáo hội nhỏ bị bách hại

Sức mạnh lớn nhất của Giáo hội ngày nay ở nơi các Giáo hội nhỏ bị bách hại

Sức mạnh lớn nhất của Giáo hội ngày nay ở nơi các Giáo hội nhỏ bị bách hại. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như thế trong Thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta sáng hôm nay. Quảng diễn đoạn thư gửi tín hữu Do thái chương 11, mời gọi nhớ đến tất cả lịch sử của dân Chúa, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến các vị tử đạo. Ngài nhận định rằng ngày nay có nhiều vị tử đạo hơn là trong những thế kỷ đầu tiên; truyền thông không nói đến điều này vì nó không gây chú ý. Ngài mời gọi nhớ đến sự đau khổ mà các vị tử đạo phải chịu.

“Không có ký ức thì không có hy vọng.” Chương 11 của thư gửi tín hữu Do thái mà chúng ta nghe trong phụng vụ Lời Chúa những ngày này nói về ký ức. Trên tất cả là “ký ức về sự vâng lời”, ký ức về sự vâng lời của bao nhiêu người, bắt đầu từ Abraham, người đã vâng phục, rời quê nhà mà không biết mình sẽ đi đâu. Đặc biệt, bài đọc I hôm nay nói về hai ký ức. Ký ức về những hành động vĩ đại của Thiên Chúa, được thực hiện bởi Ghít-ôn, Ba-rắc, Sam-sôn, Đavít. Đức Thánh Cha nói: “Rất nhiều người đã làm những việc vĩ đại trong lịch sử của Israel.”

Ngày nay có nhiều vị tử đạo hơn là trong những thế kỷ đầu tiên; truyền thông không nói đến điều này vì nó không gây chú ý

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng có một nhóm thứ 3 được nhớ đến, đó là “Ký ức về các vị tử đạo”. Các ngài là những người đã chịu đau khổ và hy sinh mạng sống như Chúa Giêsu, họ đã chịu đánh đòn tra tấn, bị giết vì gươm giáo. Giáo hội thât sự là “dân tộc này của Thiên Chúa”, “tội lỗi nhưng vâng phục”, “thực hiện những điều lớn lao và cũng làm chứng về Chúa Giêsu Kitô cho đến tử đạo.” Ngài nói: “các vị tử đạo là những người làm cho Giáo hội tiến bước, là những người nâng đỡ Giáo hội, họ đã trợ giúp và ngày nay vẫn nâng đỡ Giáo hội. Và ngày nay có nhiều vị tử đạo hơn trong các thế kỷ đầu tiên. Truyền thông không nói đến điều này vì nó không gây chú ý, nhưng rất nhièu Kitô hữu trên thế giới ngày nay được chúc phúc bởi vì bị bách hại, sỉ nhục, tù đày. Có nhiều vị trong các nhà tù, chỉ để vác Thánh giá và tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô” Đây là vinh quang của Giáo hội và sự trợ lực của chúng ta và cũng là sự khiêm hạ của chúng ta: chúng ta những người có tất cả, tất cả dường như dễ dàng đối với chúng ta và nếu chúng ta thiếu điều gì thì chúng ta sẽ than van… Nhưng chúng ta nghĩ đến các anh chị em mà ngày này, nhiều hơn những thế kỷ đầu rất nhiều, đang chịu tử đạo!” Đức Thánh Cha nói tiếp: “Tôi không thể quên chứng tá của Linh mục và nữ tu ở nhà thờ chánh tòa Tirana: năm này qua năm khác ở trong tù, bị lao động cưỡng khổ sai, hạ nhục,”, đối với họ nhân quyền không tồn tại.

Sức mạnh lớn nhất của Giáo hội ngày nay ở nơi các Giáo hội nhỏ bị bách hại

 Đức Thánh Cha nhắc nhở: “Và cả chúng ta, thật đúng và chính đáng, chúng ta thỏa mãn khi chúng ta thấy Giáo hội có một hành động vĩ đại, có sự thành công to lớn, các Kitô hữu tỏ mình ra… Và điều này thật đẹp. Đây là sức mạnh? Đúng, nó là sức mạnh. Nhưng sức mạnh lớn nhất của Giáo hội ngày nay ở nơi các Giáo hội nhỏ bị bách hại, bé nhỏ, với ít ỏi dân chúng, bị bách hại, các Giám mục của họ bị giam tù. Đây là vinh quang của chúng ta ngày nay, đây là vinh quang của chúng ta và sức mạnh của chúng ta ngày nay.”

Máu các thánh tử đạo là hạt giống nảy sinh các Kitô hữu

“Một Giáo hội không có các vị tử đạo – tôi dám nói rằng – là một Giáo hội không có Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha đã khẳng định như thế và mời gọi cầu nguyện “cho các vị tử đạo của chúng ta đang đau khổ rất nhiều,” “cho các Giáo hội không được tự do để diễn tả chính mình”: “họ chính là niềm hy vọng của chúng ta.” Ngài nhắc lại lời của văn sĩ cổ xưa đã viết: “Máu của các Kitô hữu, máu các vị tử đạo, là hạt giống của các Kitô hữu.” Ngài kết thúc: “Họ cùng với các vị tử đạo của họ, chứng từ của họ, với sự đau khổ của họ, và cũng trao ban hiến dâng mạng sống, gieo vãi các Kitô hữu cho tương lai và cho các Giáo hội khác. Chúng ta dâng Thánh lễ này cho các vị tử đạo của chúng ta, cho những người giờ đây đang chịu đau khổ, cho các Giáo hội đau khổ, cho những người không có tự do. Và chúng ta cám ơn Chúa đã hiện diện với sức mạnh của Chúa Thánh Thần nơi các anh chị em của chúng ta ngày nay đang làm chứng cho Ngài. (SD 31/01/2017)

Hồng Thủy

Phỏng vấn ĐHY Jean Lous Tauran về việc đối thoại với Hồi giáo

Phỏng vấn ĐHY Jean Lous Tauran về việc đối thoại với Hồi giáo

Ngày 19 tháng 12 năm vừa qua Anis Amri, một thanh niên người Tunisi, đã đánh cắp một xe vận tải chở hàng, giết tài xế người Ba Lan, rồi lái xe tông vào một chợ Giáng Sinh đầy người đang đi mua sắm ở Breitscheidplatz trong thủ đô Berlin của Cộng Hoà Liên Bang Đức, khiến cho 12 người chết và 56 người bị thương. Sau khi chạy trốn khỏi Đức Anis Amri đã đi xe lửa qua Bỉ, Hoà Lan và Pháp để vào Italia, và đã bị cảnh sát bắn chết tại Sesta San Giovanni, thuộc Milano bắc Italia ngày 22 tháng 12. Amri đã từng bị kết án tù 5 năm tại Italia vì nhiều tội khác nhau. Trước khi thực hiện vụ khủng bố này Anis Amri đã tung lên mạng video anh đang ca tụng nhà nước Hồi IS.

Vụ khủng bố đẫm máu này lại khiến cho nhiều người đặt vấn nạn liên quan tới cuộc đối thoại của Giáo Hội công giáo với Hồi giáo. Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn ĐHY Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh đối thoại liên tôn về vấn đề này.

Hỏi: Thưa ĐHY, kiểu khủng bố như đã xảy ra tại Berlin nhắc lại vụ khủng bố tương tự đã xảy ra tại Nice bên Pháp hối tháng 7 năm 2016 và vụ khủng bố tại Rouen. Chúng đã khiến cho nhiều người tại Âu châu khép kín đối với người Hồi. Đấy là chưa kể tới các vụ khủng bố tại Aleppo, và vụ khủng bố mới đây xảy ra tại nhà thờ chính toà Copte trong thủ đô Cairo của Ai Cập. Trước tất cả các vụ khủng bố này còn có thể nói tới đối thoại không thưa ĐHY?

Đáp: Chính vì tình hình này mà cần phải đặc biệt chú ý tới thế giới hồi giáo. Chúng  ta tất cả đều đã bị liên lụy bởi những gì đã xảy ra bên Đức, bên Ai Cập và trước đó nữa là trên quê hương Pháp của tôi.  Nhưng mà cả trong tình trạng đó chúng tôi cũng đã có thể  đánh giá cao việc thức tỉnh căn tính tôn giáo tứ phía đa số người dân Pháp, cũng như tình liên đới, mà các anh chị em Hồi giáo các nước khác đã bầy tỏ với chúng tôi, đặc biệt là sau vụ sát hại vị linh mục cao niên, cha Jacques Hamel. Chúng tôi đau đớn tiếp tục chứng kiến các hành động tàn bạo vô nghĩa chống lại những người vô tội trong cuộc sống thường ngày của họ. Trước các hành động đó, trước thảm cảnh của các người di cư tỵ nạn, trước cuộc khủng hoảng quốc tế, nhất là trước tình trạng xung đột tại Siria, cám dỗ bỏ cuộc rất là lớn. Nhưng chính trong lúc này là lúc phải tiếp tục tin nơi sự đối thoại, là điều nòng cốt đối với toàn thể nhân loại.

Hỏi: Thưa ĐHY làm thế nào để đưa cuộc đối thoại này tiến tới trong cuộc sống thường ngày?

Đáp: Tất cả mọi người đều phải đào sâu niềm tin tôn giáo của mình, và hiểu rằng đối thoại không phải chỉ được dành cho “các chuyên viên”. Nhưng tất cả mọi người đều phải từ bỏ các thái độ nghi ngờ hay tranh cãi bênh vực các lý do của mình. Khi thực thi, trong sự tự do và lòng tôn trọng, quyền lợi của tha nhân, tất cả những gì mà đa số các tôn giáo đều có chung là cầu nguyện, ăn chay, làm phúc bác ái, hành hương, là chúng ta sẽ chứng minh rằng các tín hữu là một yếu tố của hoà bình cho các xã hội loài người. Trong thế giới bấp bênh ngày nay, đối thoại giữa các tôn giáo không phải là một dấu chỉ của sự yếu đuối. Nó tìm ra lý do của nó trong cuộc đối thoại của Thiên Chúa với nhân loại.

Hỏi: Nếu phải tóm tắt với một hình ảnh các kết quả của cuộc đối thoại trong năm 2016, thì ĐHY chọn hình ảnh nào?

Đáp: Chắc chắn là tôi chọn hình ảnh ĐTC Phanxicô gặp gỡ Đại Imam Sceicco Ahmad Muhammad al Tayyib, đến Vaticăng với một phái đoàn cấp cao, trong đó có các giáo sư Abbas Shouman, phó thư ký đại học Hồi Sunnít, và giáo sư Hamdi Zakzouk, giám đốc Trung tâm đối thoại Al Azhar. Đại Imam đã được tôi và ĐC Miguel Angel Ayuso Guixot, thư ký Hội đồng toà thánh đối thoại liên tôn tiếp đón, và  chúng tôi đã tháp tùng đại Imam tới gặp gỡ ĐTC. Trong cuộc hội kiến chúng tôi đã nhấn mạnh trên sự cần thiết các vị lãnh đạo và tín hữu của các tôn giáo lớn cùng nhau dấn thân cho hoà bình trên thế giới, khước từ bạo lực và khủng bố; và chúng tôi cũng đề cập tới tình hình của các kitô hữu và các căng thẳng trong vùng Trung Đông.

Hỏi: ĐTC Phanxicô đã hơn một lần lập lại rằng không được đồng hoá Hồi giáo với bạo lực, có phải không thưa ĐHY?

Đáp: Vâng, nhưng không phải chỉ có thế. Trong chuyến bay từ Ba Lan trở về Roma ngày 31 tháng 7 ĐTC đã trả lời một câu hỏi, và bảo đảm rằng các anh chị em hồi giáo tìm kiếm hoà bình, tìm kiếm gặp gỡ. Và chính Sceicco Al Tayyib, trong một cuộc phỏng vấn dành cho các nhà báo Vaticăng ngay sau cuộc gặp gỡ với ĐTC, đã nhấn mạnh rằng Hồi giáo không liên quan gì tới khủng bố, bởi vì ai giết người là đã hiểu sai các văn bản nền tảng của Hồi giáo; và thật là điều nền tảng các tôn giáo  lớn phải có một nỗ lực chung để đưa ra cho nhân loại một hướng đi mới tiến tới lòng thương xót và hoà bình trong thời đại khủng hoảng trầm trọng này. Như vậy, nếu Đức Gioan Phaolô II đã là vị Giáo Hoàng đầu tiên viếng thăm Đại Imam của đại học Al- Azhar  trong chuyến công du Ai Cập trong Năm Thánh 2000, thì Sceicco Al Tayyib đã là Đại Imam đầu tiên viếng thăm ĐTC tại Vaticăng, và luôn luôn trong một Năm Thánh, là Năm Thánh Lòng Thương Xót, tức mười lăm năm sau Năm Thánh 2000.

Hỏi: Thưa ĐHY, đâu đã là hoạt động ngoại giao đi trước và theo sau cuộc gặp gỡ này?

Đáp: Vào tháng hai ĐC Ayuso đã đến Cairo, và tại Cairo ĐC đã được ĐTGM Bruno Musarò,  Sứ Thần Toà Thánh,   tháp tùng tới đại học Al Azhar. ĐC Ayuso đã trao tận tay cho giáo sư Shouman một bức thư của tôi, trong đó tôi bầy tỏ sự sẵn sàng tiếp đón Đại Imam và tháp tùng ông vào gặp ĐTC Phanxicô tại Vaticăng. Sau đó ĐC Ayuso đã sang Cairo hai lần nữa, vào tháng 7 và tháng 10 để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ sẽ ghi dấu việc tái đối thoại giữa Hội đồng Toà Thánh  và đại học hồi giáo Cairo, vào cuối tháng 4 năm 2017.

Hỏi: Thưa ĐHY, đâu là các chặng ý nghĩ khác trong các sinh hoạt của Hội Đồng Toà Thánh đối thoại liên tôn trong năm 2016?

Đáp: Vào đầu năm  2016 có cuộc gặp gỡ hàng năm tại Genève giữa các nhân viên của Hội Đồng và của Văn phòng đối thoại liên tôn với sự cộng tác của Hội Đồng Đại Kết các Giáo Hội Kitô  trong “Tuần hòa hợp liên tôn” do Liên Hiệp Quốc thành lập. Vào tháng giêng ĐC Ayuso, Thư ký Hội Đồng, đã sang Abu Dhabi tham dự “Diễn đàn các tư tưởng gia A rập”, tổ chức lần đầu tiên. ĐC đã là thuyết trình viên duy nhất không phải người Hồi giáo, và ĐC đã phát biểu về đề tài “Khuynh hướng cực đoan” phân tích các lý do và các phương thế sửa chữa có thể có. Vào tháng hai tôi đã được ông Khaled Abashed, trưởng phòng Hồi giáo, tháp tùng tham dự Hội nghi đối thoại liên tôn lần thứ 12  triệu tập tại Doha bên Qatar.

Hỏi: Thật là ý nghĩa trong năm 2016 ĐTC đã gặp giới lãnh đạo các tôn giáo khác nhiều lần trước khi chủ sự buổi tiếp kiến chung tín hữu và du khách hành hương năm châu. Các buổi gặp gỡ này đã có ý nghĩa gì thưa ĐHY?

Đáp: Đó đã là các lúc rất quan trọng, trong đó ĐTC đã nói mấy lời tự phát ngắn gọn. Các cung cách và cử chỉ dễ thương của ngài đã để lại nơi tất cả mọi người một kỷ niệm tốt. Các vị thuộc “Học viện hoàng gia đặc trách nghiên cứu liên tôn” tại Amman bên Giordania cũng như ông Haxhi Baba Edmond Bahimaj, thủ lãnh cộng đoàn Bektashi, được ĐGH tiếp kiến tuần sau đó, đã cho tôi biết như vậy. Đây là một huynh đoàn hồi giáo phát xuất từ nhóm Sufi, được thành lập hồi thế kỷ 13 bên Thổ Nhĩ Kỳ, và được phổ biến, nhất là bên Albania. Cùng sự kiện này lại xảy ra ngày mùng 1 tháng 6  với một phái đoàn 35 người, và sau cùng ngày 23 tháng 11 với các người hồi Sunnít Iran  tham dự cuộc hội luận về “Khuynh hướng cực đoan và bạo lực nhân danh tôn giáo”, do Hội Đồng Toà Thánh đối thoại liên tôn tổ chức cùng với tổ chức Văn hoá và tương quan tại Teheran. Ngoài ra trong các ngày mùng 7-8 tháng 9 đã có hội nghị về “Châu Mỹ đối thoại- Ngôi nhà chung của chúng ta”. Do Hội đồng Toà Thánh và Học viện đối thoại liên tôn Buenos Aires cùng tổ chức. Các tham dự viên sau đó đã được ĐTC Phanxicô tiếp kiến. Sau cùng chúng ta cũng không quên buổi tiếp liên tôn do chính ĐTC muốn ngày mùng 3 tháng 11, với sự tham dự của biết bao thân hữu và các tác nhân đối thoại, trong đó có các nhân viên của “Trung tâm quốc tế đối thoại liên tôn” tại Vienne bên Áo, viết tắt là KAICIID. Trung tâm này cũng đã thăng tiến một cuộc hội luận về lòng thương xót  tại Đại học giáo hoàng Gregoriana ở Roma.

Hỏi: Các con số thống kê cho thấy Á châu quan trọng, và ĐTC cũng chú ý theo dõi các biến cố của đại lục này vì tầm quan trọng của cuộc đối thoại với Đông Phương. Có các tương quan nào với Á châu và các nền văn hóa của nó thưa ĐHY?

Đáp: Hồi tháng 5 ĐC Thư ký của Hội Đồng Toà Thánh đối thoại liên tôn đã sang Nhật Bản để tham khảo ý kiến các vị lãnh đạo tôn giáo cấp cao vùng Trung Đông về đề tài quyền công dân, nhằm thăng tiến môt ý thức lớn hơn tại các nước có đa số dân theo Hồi giáo. Trong các cuộc gặp gỡ tại Tokyo cũng đã có việc củng cố các liên lạc Giữa Giáo Hội công giáo và tổ chức Phật giáo Risho Kosei Kai. Vào tháng 10 ĐC Ayuso cũng đã cùng với cha phó thư ký Indunil Kodithuwakku đi sang Singapore, rồi Đài Loan nhân cuộc gặp gỡ kitô lão giáo lần đầu tiên được tổ chức tại đây.

Hỏi: Hội Đồng Toà Thánh đối thoại liên tôn cũng đã gửi các sứ điệp tới các tôn giáo lớn tại Á châu nhân các dịp lễ, có đúng thế không thưa ĐHY?

Đáp: Đúng thế. Nhân lễ Ánh Sáng Vesakh, kỷ niệm các biến cố chính trong cuộc đời Đức Phật, chúng tôi đã gửi sứ điệp về đề tài “Tín hữu kitô và phật giáo cùng nhau thăng tiến giáo dục môi sinh”. Vào tháng 10 chúng tôi đã gửi một sứ điệp cho các tín hữu Ấn giáo tập trung vào tầm quan trọng của gia đình nhân dịp lễ Deepavali có nghĩa là “hàng đèn dầu”, dựa trên một huyền thoại cổ xưa diễn tả chiến thắng của chân lý trên dối trá và của ánh sáng trên tối tăm. Sau cùng vào tháng Ramadan nhằm tháng 6 chúng tôi cũng đã gửi các lời cầu chúc truyền thống tới cộng đoàn hồi giáo.

Hỏi: Một trong những thời điểm chính của năm 2016 vừa qua chắc chắn đã là cuộc gặp gỡ liên tôn cầu nguyện cho hoà bình tại Assisi ngày 20 tháng 9, nhân kỷ niệm lần thứ 36 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mời các vị lãnh đạo các tôn giáo lớn tụ tập nhau cầu nguyên cho hoà bình thế giới, Nó đã có ý nghĩa nào thưa ĐHY?

Đáp: Cuộc gặp gỡ liên tôn cầu nguyện cho hoà bình hồi năm 1986 đã hướng Giáo Hội tới các tôn giáo không kitô. Mặc dù có giáo huấn của Đức Phaolô VI trong thông điệp “Ecclesiam suam” và của Công Đồng Chung Vaticăng II với tuyên ngôn “Nostra aetate”, các tôn giáo này xem ra vẫn xa vời, nếu không nói là xa lạ. Cuộc gặp gỡ liên tôn cầu nguyện cho hoà bình đã là biểu tượng, là việc thực hiện nhiệm vụ của Giáo Hội trong một thế giới đa tôn giáo. Vì thế không phải vô tình mà chính ĐTC Phanxicô đã muốn tái đề nghị các nội dung  của nó bằng cách đến Assisi tham dự một ngày cầu nguyện cho hoà bình với đề tài “Khát khao hoà bình. Các tôn giáo và các nền văn hoá đối thoại với nhau”.

(Oss. Rom. 21-12-2016)

Linh Tiến Khài

Hướng dẫn mục vụ cho Linh mục Canada trong những trường hợp tự tử có trợ giúp

Hướng dẫn mục vụ cho Linh mục Canada trong những trường hợp tự tử có trợ giúp

hình ảnh biểu thị của dụng cụ giúp chết êm dịu

Ottawa, Ontario – Các Giám mục của bang Alberta và các vùng miền Tây bắc Canada đã đưa ra những hướng dẫn mục vụ giúp các giáo sĩ trong việc trợ giúp mục vụ cho những người được xem là sử dụng “cái chết êm dịu” hay “tự tử được trợ giúp”, những điều hiện tại hợp pháp ở Canada.

Tài liệu dài 32 trang, được viết cho các Linh mục và các giáo xứ, đưa ra hướng dẫn khi nào những người trong các trường hợp nói trên hợp pháp nhận các bí tích hay nghi lễ an táng Công giáo. Tài liệu bao gồm các tham khảo giáo luật và hướng dẫn mục vụ cho các trường hợp đặc biệt. Tài liệu hướng dẫn đặc biệt về việc ban các bí tích hòa giải và xức dầu bệnh nhân.

Trước tiên, tài liệu xác định rằng: các hối nhân tuy chưa “bị giết” hay chưa thực hiện việc tự tử, nhưng đã bắt đầu tiến trình này, một vấn đề trầm trọng. Nếu các hối nhân không rút lại quyết định thì họ sẽ bị giết. Họ ở trong tình trạng khách quan của tội. Họ đã sắp xếp công khai để ai đó sẽ giết họ.

Tài liệu nhắc lại 3 yếu tố quyết định một tội trọng, nhưng lưu ý là một người có thể không biết “eutanasia” ( cái chết êm dịu) là một tội trọng và sự tự do của một người có thể bị thương tổn do trầm cảm, thuốc, hoặc áp lực từ những người khác.

Trong trường hợp hối nhân ý thức về sự trầm trọng của tình trạng và xem xét lại quyết định thì Linh mục có thể ban phép tha tội. Còn nếu họ không nghĩ đến chuyện rút lại ý muốn tự tử mà họ biết là tội trọng thì trong trường hợp này, thừa tác viên nên hoãn lại việc ban ơn tha tội cho đến khi đương sự thích hợp để được nhận bí tích.

Bí tích xức dầu bệnh nhân thường được ban sau bí tích hòa giải, nhưng cũng có thể được ban cho một người đang hôn mê, với giả thiết là họ hối lỗi. Những người không ăn năn hối hận thì không thích hợp lãnh bí tích.

Các Linh mục được khuyến khích khuyên nhủ bệnh nhận từ bỏ quyết định với sự ăn năn và tin tưởng. Nhưng nếu bệnh nhân vẫn bướng bỉnh không ăn năn thì bí tích xức dầu không thể được ban. Còn nếu một người đang có ý định yêu cầu trợ giúp tự tử hay “chết êm dịu”, nhưng chưa quyét định thực hiện thì không bị từ chối bí tích xức dầu. Đây là cơ hội quý giá để một người gặp Chúa Giêsu, Đấng là Thầy và chữa lành.

Về nghi lễ an táng, các Giám mục nhắc các tín hữu trung hòa giữa hai sự thật. Thứ nhất, các nghi lễ an táng được dành cho mọi tội nhân. Giáo hội như người mẹ khoan dung, luôn mong muốn cầu khẩn cho con cái mình dù họ có xa lạc. Thứ hai, Giáo hội yêu cầu “việc cử hành nghi thức an táng là dấu chỉ thật của đức tin và tôn trọng lương tâm và quyết định của người chết.

Tài liệu liệt kê những loại tội nhân không hợp pháp nhận các nghi lễ an táng Công giáo trừ khi có dấu hiệu ăn năn trước khi chết. Các Giám mục viết: “Thực tế, Giáo hội cử hành nghi thức an táng Kitô giáo cho những người đã tự tử. Chúng ta không thể phán xét lý do một người đã chọn quyết định đó hay là tình trạng tâm hồn của họ. Tuy nhiên, trường hợp “trợ tử” hay “chết êm dịu”, là một tình huống mà đôi khi sự sắp đặt của một người và tự do của một người bệnh kinh niên có thể được biết rõ hơn, đặc biệt là nếu nổi tiếng. Trong những trường hợp như vậy, có thể là không được cử hành nghi lễ an táng Kitô giáo. Nếu Giáo hội từ chối cử hành an táng cho một ai đó, không phải là trừng phạt người đó nhưng nhìn nhận quyết định của họ – một quyết định trái ngược với đức tin Kitô giáo, quyết định mà cách nào đó, nổi tiếng và công khai và có thể làm tổn hại đến cộng đoàn Kitô giáo và nền văn hóa rộng lớn hơn.

Các Giám mục khuyên nhủ quan tâm đến gia đình của người chết. Có thể là gia đình không muốn người thân của họ chọn các cách chết như trên, và họ đang chờ đợi sự giúp đỡ, an ủi, cầu nguyện của Giáo hội. Trong trường hợp như vậy, nghi thức an táng có thể cử hành miễn là không gây gương xấu cho mọi người.

Các Giám mục nhắc nhở: “Phải luôn nhớ là việc an táng cho người chết là một trong những việc của lòng thương xót cụ thể. Cho nên, ngay cả khi nghi thức an táng của Giáo hội bị từ chối, thì phụng vụ Lời Chúa ở nhà hay những lời cầu nguyện đơn giản ở huyệt mộ được đề nghị. Thánh lễ cầu hồn cho người chết có thể được dâng sau đó. Đây là vấn đề do quyết định mục tử khôn ngoan của Linh mục. Cách thế chăm sóc và trợ giúp một gia đình trong thảm kịch này luôn là điều chúng ta phải suy nghĩ, dù là chúng ta cử hành nghi lễ an táng hay không.” (CNS 20/09/2016)

Hồng Thủy

Kinh Lạy Cha là nền tảng của đời sống cầu nguyện

Kinh Lạy Cha là nền tảng của đời sống cầu nguyện

Thánh lễ sáng thứ Năm, 16.06, tại nguyện đường thuộc Nhà Thánh Marta

VATICAN. Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ rằng cầu nguyện không phải là những lời nói ma thuật của những Kitô hữu. Khi cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, chúng ta cảm nghiệm Thiên Chúa đang dõi mắt nhìm xem chúng ta. Lời cầu nguyện này phải là nền tảng trong đời sống thiêng liêng. Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Năm, 16-06, tại nguyện đường thuộc Nhà Thánh Marta.

Đức Giêsu luôn quy hướng về Cha trong những giây phút thách đố nhất

Được gợi hứng từ bài Tin Mừng, thuật lại việc Đức Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, Đức Thánh Cha đã chia sẻ những suy tư của mình về giá trị và ý nghĩa của cầu nguyện trong đời sống của một Kitô hữu. “Đức Giêsu luôn gọi ‘Cha’ trong những giây phút quan trọng hay thách đố nhất của cuộc đời. Chúa Cha biết rõ chúng ta cần gì, trước khi chúng ta cầu xin. Ngài là một người Cha luôn biết lắng nghe những điều kín ẩn nơi tâm hồn. Và chính Đức Giêsu đã khuyên chúng ta hãy biết cầu nguyện nơi kín ẩn chứ đừng lải nhải như dân ngoại.

Chính nhờ Cha mà chúng ta nhận lãnh được căn tính của mình là người con. Và khi thân thưa ‘Cha ơi’, thì điều ấy chạm đến cội rễ của căn tính nơi chúng ta: Căn tính Kitô hữu là trở nên con cái Chúa và đây là ân sủng của Thần Khí. Không ai có thể nói ‘Lạy Cha’ mà không nhờ ân sủng của Thánh Thần. ‘Lạy Cha’ cũng là từ mà Đức Giêsu đã dùng trong những thời khắc quan trọng: Khi Ngài tràn đầy niềm vui hay dạt dào cảm xúc: ‘Lạy Cha, con tạ ơn Cha, vì Cha đã mặc khải cho những người bé mọn.’ Hay khi Ngài khóc thương trước phần mộ của bạn Ngài là Lazaro: ‘Lạy Cha, con cảm tạ Cha vì Cha đã nhận lời con.’ Hoặc là trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời trên thánh giá.

Như vậy, ‘Lạy Cha’ là từ được Đức Giêsu sử dụng nhiều nhất trong những giờ phút quan trọng hay những thời khắc thách đố nhất của cuộc đời. Nếu chúng ta không cảm thấy mình là con cái Chúa, không muốn xem mình là con của Ngài, không muốn thân thưa ‘Lạy Cha’; lời cầu nguyện của chúng ta cũng giống như dân ngoại, chỉ là lải nhải những lời vô nghĩa.

Kinh Lạy Cha là nền tảng cầu nguyện

Nếu chúng ta không thể bắt đầu cầu nguyện với những lời của Kinh Lạy Cha, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ chẳng đi đến đâu.

‘Lạy Cha’. Đó là một tâm tình khi cảm nhận được Cha đang nhìn xem chúng ta, cảm nhận được cầu nguyện không phải là chuyện mất thời gian. Nhưng đó là một lời mời đến cùng Thiên Chúa để Ngài ban tặng cho chúng ta căn tính được làm con. ‘Lạy Cha’ chính là chiều kích quan trọng trong lời cầu nguyện Kitô giáo. Chúng ta có thể cầu nguyện với các thánh, các thiên thần khi chúng ta đi đường hoặc hành hương… Tất cả những lời cầu nguyện này đều rất tuyệt vời nhưng chúng ta phải bắt đầu với ‘Lạy Cha’ và ý thức rằng chúng ta là con cái Chúa. Chúng ta có một người Cha yêu thương chúng ta và biết rất rõ chúng ta cần gì.

Trong kinh Lạy Cha, có một điều rất quan trọng là: ‘Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con’. Điều này có nghĩa là lời cầu nguyện phải chuyển tải được cảm thức của chúng ta muốn trở nên anh chị em, là những thành viên của một gia đình. Không giống như Cain đã thù ghét em mình, chúng ta được mời gọi để tha thứ, tha thứ cho những ai xúc phạm chúng ta. Chúng ta hãy có tâm tình tha thứ, không giữ trong lòng những chuyện thù hằn, oán giận hay muốn trả thù.

Lời cầu nguyện đẹp nhất mà chúng ta có thể thân thưa với Thiên Chúa là lời cầu nguyện xin Chúa tha thứ cho tất cả mọi người cùng những tội lỗi mà họ đã phạm. Thật tốt nếu chúng ta biết xét mình về điều này: Thiên Chúa có là Cha của ta không? Ta có cảm nhận được Ngài là Cha không? Nếu ta không cảm nhận được, ta hãy nài xin Thánh Thần dạy chúng ta điều đó. Chúng ta có thể tha thứ, quên đi hận thù không? Nếu không, ta hay thân thưa với Cha: ‘Những người này cũng là con cái của Cha đấy, nhưng họ xúc phạm và làm tổn thương con… Xin Cha giúp con tha thứ cho họ, được không Cha?’ Chúng ta hãy thực hành việc xét mình và điều ấy sẽ mang lại cho chúng ta nhiều ích lợi. ‘Lạy Cha’ và ‘của chúng con’ đó là hai điều đem đến cho chúng ta căn tính là con cái Chúa và trao cho chúng ta một mái ấm gia đình trong cuộc lữ thứ hành hương về quê trời.”

Vũ Đức Anh Phương SJ

 

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha: Đừng bao giờ bỏ rơi người già nua, bệnh tật

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha: Đừng bao giờ bỏ rơi người già nua, bệnh tật

Ý cầu nguyện tháng Sáu Cầu nguyện cho người cao tuổi, người bị gạt ra bên lề xã hội và những người cô đơn.

VATICAN. “Đừng bao giờ bỏ rơi những người già nua ốm yếu. Hãy kiến tạo một nền văn hóa gặp gỡ và liên đới.” Đức Thánh Cha đã tha thiết mời gọi như trên trong đoạn video ý chỉ cầu nguyện tháng Sáu. Ngài chia sẻ rằng:  

“Trong các thành phố, những người già nua, ốm yếu thường bị bỏ rơi.

Chúng ta có thể làm ngơ trước vấn đề này không?

Các thành phố của chúng ta trước hết phải nổi bật về tình liên đới, không chỉ trong việc giúp đỡ những ai túng thiếu, mà còn ở việc có trách nhiệm với nhau, và kiến tạo nên một nền văn hóa gặp gỡ.

Anh chị em có hiệp ý với cha trong lời cầu nguyện này không?

Xin cho những người cao tuổi, những người bị gạt ra bên lề xã hội và những người cô đơn, ngay trong các thành phố lớn trên thế giới, tìm được nhiều dịp để gặp gỡ và liên đới.”

Các Kitô hữu tìm kiếm sự hiệp nhất, những người ưa nói xấu thích gây chia rẽ

Các Kitô hữu tìm kiếm sự hiệp nhất, những người ưa nói xấu thích gây chia rẽ

Thánh lễ sáng thứ Năm, 12.05

VATICAN. Đức Giêsu cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, nhưng trong Giáo hội lại có những ‘người thích nói xấu sau lưng’. Họ gây chia rẽ và phá hoại cộng đoàn bằng lời nói, bằng đầu môi chót lưỡi của họ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm, 12.05, tại nguyện đường Thánh Marta.

Sự hiệp nhất là một trong những điều khó thực hiện nhất

Trước khi chịu khổ hình, Đức Giêsu đã cầu nguyện để tất cả những người tin được trở nên một. Ngài cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong cộng đoàn các Kitô hữu để họ được trở nên một như Cha ở trong con và con ở trong Cha. Đức Thánh Cha đã triển khai bài giảng của mình dựa trên bài đọc Tin Mừng. Ngài nói:

“Sự hiệp nhất trong cộng đoàn, trong các gia đình Kitô hữu là những bằng chứng, chứng thực rằng Chúa Cha đã sai Đức Giêsu đến. Nhưng có lẽ sự hiệp nhất trong một cộng đoàn Kitô hữu, một xứ đạo, một giáo phận, một gia đình Kitô hữu là một trong những điều khó thực hiện. Lịch sử của chúng ta, lịch sử của Giáo hội, khiến chúng ta nhiều lần phải cảm thấy xấu hổ, vì chúng ta đã gây ra nhiều cuộc chiến với những anh em Kitô hữu của chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ về một trong số đó: Chiến tranh Ba mươi Năm giữa Công giáo và Tin lành.

Xin tha thứ vì những chia rẽ

Ở đâu những Kitô hữu gây ra chiến tranh, xung đột thì ở đấy không có chứng tá. Chúng ta hãy tha thiết nài xin ơn tha thứ của Thiên Chúa vì những sự kiện đáng buồn này trong lịch sử. Một lịch sử đã bị ghi dấu nhiều lần bởi các cuộc chia rẽ. Những chia rẽ không chỉ xảy ra trong quá khứ mà ngay cả ngày hôm nay nữa. Thế gian nhìn chúng ta chia rẽ và nói rằng: ‘Chúng ta hãy thử xem họ có hợp nhất, yêu thương với nhau được không. Nếu Đức Giêsu thực sự đã phục sinh và đang sống, tại sao các môn đệ lại không hòa hợp được với nhau?’ Có khi, một tín hữu Công giáo hỏi một tín hữu Đông phương rằng: ‘Đức Kitô của tôi phục trong ngày thứ ba. Còn Đức Kitô của bạn phục sinh lúc nào?’ Ngay cả phục sinh, chúng ta cũng không hợp nhất. Và khi thế gian nhìn thấy điều đó, họ không tin.

Những người gieo tiếng xấu phá hoại và gây chia rẽ

Chính vì sự ghen ghét, đố kỵ của ma quỷ mà sự chết đã đi vào thế gian. Cũng vậy, trong cộng đoàn Kitô hữu, sự ích kỷ, ghen ghét, đố kỵ, chia rẽ dường như luôn diễn ra. Chúng sẽ dẫn người ta đến việc nói xấu sau lưng. Ở Argentina, người ta gọi những người này là những người gieo cỏ lùng (zizzanieri). Họ gieo rắc cỏ dại. Họ gây chia rẽ. Sự chia rẽ bắt đầu bằng chính miệng lưỡi của con người. Miệng lưỡi có thể hủy hoại cả một gia đình, cộng đoàn, xã hội. Miệng lưỡi người ta có thể gieo rắc hận thù và chiến tranh. Thay vì phải cực nhọc đi tìm sự thật, sẽ dễ dàng hơn nếu nói sau lưng người khác và hủy hoại danh dự của họ. Có một giai thoại khá nổi tiếng về Thánh Philip Neri như thế này: Khi có một phụ nữ đến xưng tội đã nói xấu người khác, thánh nhân ra việc đền tội cho bà là hãy nhổ hết lông của một con gà, rồi sau đó đi rải lông mới nhổ xung quanh nhà hàng xóm. Khi rải xong rồi, thánh nhân lại yêu cầu bà hãy đi gom tất những lông ấy lại. Khi nghe thánh nhân ra việc đền tội như thế, bà thốt lên: ‘Điều đó là không thể. Làm sao mà nhặt lại hết được.’ Thánh Philip mới từ tốn trả lời: ‘Buôn chuyện nói xấu người khác cũng như vậy con ạ. Khi nói rồi thì không thu lại được nữa.’

Quả thế, nói xấu sau lưng người khác cũng giống như vậy. Nó làm cho người khác ra xấu xa. Ai nói sau lưng sẽ làm cho mọi sự trở nên xấu xa, nhơ bẩn. Đó là kẻ phá hoại. Họ hủy hoại danh dự người khác, hủy hoại cuộc sống người khác mà chẳng có lý do, thậm chí còn trái với sự thật. Đức Giêsu đã cầu nguyện cho mỗi người chúng ta đang hiện diện nơi đây, cũng như cho cộng đoàn, giáo xứ, giáo phận của chúng ta rằng: ‘Xin cho tất cả được trở nên một’. Chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng; vì sức mạnh của ma quỷ, của tội lỗi đẩy chúng ta đến sự chia rẽ. Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng, ban cho chúng ta món quà của sự hiệp nhất. Và món quà đó chính là Chúa Thánh Thần. Xin Chúa ban cho chúng ta Thần Khí để chúng ta có được sự hòa hợp, vì Ngài chính là sự hòa hợp và là vinh quang trong cộng đoàn chúng ta. Xin Chúa ban cho chúng ta ơn bình an, bình an của sự hợp nhất. Chúng ta hãy tha thiết cầu nguyện cho ơn hiệp nhất của tất cả Kitô hữu. Đó là một ơn lớn. Đồng thời, chúng ta cũng xin những ơn nho nhỏ trong cuộc sống thường ngày cho cộng đoàn, cho gia đình của chúng ta. Chúng ta hãy xin ơn để có thể làm chủ được miệng lưỡi của mình.”

Vũ Đức Anh Phương SJ

Nhận xét tổng quát về Thánh Giuse trong Kinh Thánh

Nhận xét tổng quát về Thánh Giuse trong Kinh Thánh

Thánh Giuse

Nhập đề

 Có nhiều cách thức trình bày chân dung của thánh Giuse, cũng tương tự như có nhiều cách thức trình bày đức Maria. Những cuốn sách soạn để suy gẫm trong tháng ba dương lịch thường đề cao các nhân đức và phép lạ của thánh cả. Không thiếu tác phẩm được biên soạn dưới hình thức tiểu thuyết nhằm dựng lại cuộc đời gian truân của dưỡng phụ Chúa Giêsu. Về phía thần học, người ta chú trọng đến tương quan giữa thánh Giuse với Đức Mẹ (hôn nhân và khiết tịnh) hoặc so sánh đặc ân (vô nhiễm nguyên tội, hồn xác lên trời).

 Công đồng Vaticanô II đã mở ra một hướng đi mới trong thần học về đức Maria. Một đàng, thần học cần dựa trên các dữ kiện của mặc khải (Thánh Kinh và Thánh Truyền), chứ không thả hồn theo các giả thuyết; đàng khác, cần hướng đến vai trò của đức Maria trong mầu nhiệm của đức Kitô và của Hội thánh. Chương VIII của hiến chế tín lý về Hội thánh đã được soạn theo chiều hướng đó. Từ sau công đồng, khoa Thánh-mẫu-học đã tiến triển rất nhiều, cách riêng do sự thúc đẩy của đức Gioan Phaolô II. Tiếc rằng những sách viết về thánh Giuse theo phương pháp thần học vừa nói vẫn còn ít.

 Trong loạt bài này chúng tôi ước mong bổ túc phần nào sự thiếu sót đó, bằng cách trình bày vai trò của thánh Giuse trong mầu nhiệm của đức Kitô và của Hội thánh, dựa theo tông huấn Redemptoris Custos của đức thánh cha Gioan Phaolô II (ban hành ngày 15/8/1989). Hướng đi này giả thiết hai điều:

 1/ cần chú ý đến các dữ kiện của mặc khải, chứ không phải là các ngụy thư hay các mặc khải tư;

 2/ cần nêu bật vai trò của thánh Giuse trong chương trình cứu độ : ơn gọi của Người là phục vụ Chúa Cứu thế, và vì thế trở nên mẫu gương cho Hội thánh trải qua mọi thời đại tiếp tục sứ mạng thông truyền hồng ân cứu độ.

 I. THÁNH GIUSE TRONG KINH THÁNH

 Khi trình bày một nhân vật nào, người ta thường bắt đầu với một đoạn nói về tiểu sử, thân thế, sự nghiệp. Chúng ta biết gì về tiểu sử thánh Giuse ?

 Xin trả lời là các nguồn sử liệu về thánh Giuse rất hiếm. Thật ra điều này không có gì lạ, bởi vì vào thế kỷ thứ nhất của Kitô giáo các nguồn sử liệu không được phong phú. Ngay cả khi muốn viết cuộc đời Chúa Giêsu, các sử gia cũng thấy lúng túng khi muốn thu thập dữ liệu liên quan đến giai đoạn ẩn dật của Người, bởi vì các sách Tân ước không cung cấp nhiều chi tiết. Sự khó khăn này càng gia tăng khi bước sang cuộc đời của các môn đệ của Chúa.

 Riêng đối với thánh Giuse, những tài liệu lịch sử chắc chắn là các sách Tin mừng, đặc biệt là những chương đầu của Tin mừng thánh Matthêu và thánh Luca. Dù sao, khi so sánh với những tài liệu về đức Maria, chúng ta nhận thấy rằng đức Maria còn hiện diện trong giai đoạn hoạt động công khai của Chúa Giêsu, và thậm chí sau khi Chúa Phục sinh và Lên trời ; còn thánh Giuse thì không được nhắc tới nữa sau khi tìm lại Chúa Giêsu trong đền thờ lúc lên 12 tuổi.

 Để bù đắp vào những lỗ hổng đó, trong các thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, nhiều Tin mừng ngụy thư ra đời, nhằm mô tả chi tiết về cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu, hoặc về gốc tích và việc tạ thế của Đức Mẹ và thánh Giuse. Trước đây, các tài liệu này được sử dụng khá nhiều trong các bài giảng hoặc lưu truyền dân gian. Nhưng ngày nay, giá trị của chúng đã bị xét lại từ hai khía cạnh: lịch sử và thần học. Xét về khía cạnh lịch sử, các tài liệu đó phát sinh do óc tưởng tượng hơn là dựa theo dữ kiện khách quan. Xét về khía cạnh thần học, các tài liệu ấy ra đời do một quan niệm thiếu sót về chủ đích của các sách Tin mừng. Thật vậy, các sách Tin mừng không có ý định viết một tiểu sử về cuộc đời Chúa Giêsu cho bằng ?loan báo Tin mừng?, nghĩa là công bố cho nhân loại biết hồng ân cứu độ mà Thiên Chúa ban qua lời giảng, hành động và cuộc tử nạn của đức Giêsu. Vì thế nếu ai muốn truy tầm nơi các sách Tin mừng những tài liệu để viết tiểu sử đức Giêsu thì sẽ thất vọng; tuy nhiên, nếu ai muốn tìm hiểu sứ điệp cứu độ thì sẽ thấy đủ chất liệu.

 Chúng ta cũng có thể nhận xét cách tương tự về thánh Giuse. Tân ước không cung cấp các chi tiết về tiểu sử của Người (ngày và nơi sinh; ngày và nơi qua đời); tuy nhiên những đoạn văn Tin mừng đã phác hoạ vai trò của Người trong việc hoàn tất chương trình cứu độ mà Thiên Chúa muốn thực hiện nơi đức Giêsu Kitô.

 Trong bài này, chúng ta sẽ điểm qua những bản văn Tân ước nói đến thánh Giuse, đặc biệt nơi Tin mừng của thánh Matthêu và thánh Luca, và cố gắng khám phá ý nghĩa thần học của chúng. Ngoài ra, chúng ta cũng sẽ khảo sát những đoạn văn Cựu ước đã được Hội thánh tiên khởi áp dụng cho sứ mạng của thánh Giuse .

 Mục 1. Tin mừng thánh Matthêu

 I. Tổng quát

 Trong bốn sách Tin mừng, thánh Matthêu nói nhiều hơn hết về thánh Giuse: trong hai chương đầu, thánh Giuse giữ vị trí then chốt, và phần nào hoạ laị vai trò của tổ phụ Giuse trong Cựu ước. Ngoài ra, đức Giêsu được gọi là ”con bác thợ mộc” ở Mt 13,55.

 Thánh Luca cũng nhắc đến thánh Giuse trong hai chương đầu, tuy nhấn mạnh nhiều hơn đến đức Maria. Dù sao, thánh Luca bổ túc thêm cho thánh Matthêu nhiều chi tiết để hiểu rõ hơn vai trò của thánh Giuse trong mầu nhiệm Nhập thể và Giáng sinh của Chúa Giêsu. Thánh Giuse còn được nhắc đến hai lần nữa trong Tin mừng Luca vào lúc khai mạc sứ vụ công khai của Chúa Giêsu (Lc 3,23 và 4,22).

  Thánh Giuse được nói đến hai lần trong Tin mừng thánh Gioan (1,45; 6,42), nhưng hoàn toàn vắng bóng trong Tin mừng thánh Marcô .

 Trước hết, chúng ta bắt đầu khảo sát Tin mừng thánh Matthêu, đặc biệt là hai chương đầu tiên, quen được đặt tên là “Tin mừng thời niên thiếu” (hoặc ”Tin mừng thơ ấu”), tuy rằng thuật ngữ này không được chính xác lắm.

 Thật vậy, chủ đích của hai chương đầu của Tin mừng thánh Matthêu (48 câu) và Luca (132 câu) không hẳn là thuật lại gia thế của Chúa Giêsu và tuổi thơ ấu của Người (giai đoạn ẩn dật trước khi hoạt động công khai). Ngoài việc kể lại sự thụ thai trinh khiết trong cung lòng đức Maria và sự giáng sinh tại Bêlem, hai thánh sử không nói gì thêm về những sinh hoạt thời thơ ấu của Chúa Giêsu (đừng kể việc thánh gia lánh nạn sang Ai cập và việc ở lại trong đền thờ lúc lên 12 tuổi). Thử hỏi các thánh sử có chủ đíchụ gì ? Tại sao phải thêm hai chương này, trong khi thánh Marcô và thánh Gioan bắt đầu Tin mừng với cuộc đời công khai của đức Giêsu ? Các học giả đã đưa ra nhiều ý kiến, có thể thu vào hai quan điểm.

 1/ Quan điểm thứ nhất cho rằng đây là một thể văn đương thời giới thiệu các vĩ nhân với những điềm lạ xuất hiện trước khi chào đời, tựa như Abraham, Môsê, Isaac, Samuel. Khuynh hướng này còn tăng hơn nữa nơi các ”Tin mừng nguỵ thư”. Tuy nhiên, chủ ý của người viết không chỉ là đề cao thân thế của nhân vật anh hùng, nhưng còn muốn chúc tụng Thiên Chúa đã đoái thương dân tộc ưu tuyển và đã phái đến những vị cứu tinh.

 2/ Quan điểm thứ hai cho rằng hai chương này là một thứ nhập đề cho toàn thể cuốn Tin mừng. Tin mừng cứu độ của đức Kitô được hoàn tất với mầu nhiệm Vượt qua nhưng đã được phác hoạ ngay từ khi Người ra đời. Nói khác đi, đức Kitô là Đấng cứu độ nhân loại ngay từ cuộc Nhập thể, tuy hồng ân này đạt đến cao điểm nơi cuộc Tử nạn và Phục sinh. Nơi thánh Matthêu, cốt yếu Tin mừng có thể tóm lại như thế này: Đức Giêsu là Con Thiên Chúa đến để cứu chuộc muôn dân, là Đấng Mêsia được hứa cho dân tộc Israel. Thế nhưng Người đã bị dân tộc này khước từ (vua Hêrôđê tìm cách thủ tiêu Người; cũng như về sau này các nhà lãnh đạo Do thái sẽ lên án xử tử Người, Mt 27,1-2), đang khi đó Tin mừng lại được dân ngoại đón nhận (các nhà chiêm tinh ở đây, cũng tựa như các dân tộc bên Đông bên Tây sẽ đến tham dự tiệc trong Nước Thiên Chúa, Mt 8,11 ; 28,19ụ).

 Thiết tưởng hai quan điểm không trái nghịch nhau, bởi vì cả hai đều nhấn mạnh rằng không nên đọc ”Tin mừng thơ ấu” như là đọc chuyện thần thoại, nhưng cần phải khám phá ý nghĩa sâu xa của các trình thuật. Khuynh hướng thứ nhất cố gắng tìm hiểu ý nghĩa qua việc khảo sát thể văn, đối chiếu với các tác phẩm văn chương cổ điển. Khuynh hướng thứ hai chú trọng đến nội dung thần học, gắn liền với toàn bộ Tin mừng. Theo nhãn giới này, ?Tin mừng niên thiếu?cũng có những nét giống với tự ngôn của Tin mừng theo thánh Gioan, nói về nguồn gốc của đức Giêsu trước thời kỳ hoạt động công khai, nguồn gốc bắt đầu từ khởi nguyên (Ga 1,1). Chúng tôi sẽ áp dụng đường hướng này khi tìm hiểu các bản văn.

 Xét về cấu trúc hai chương đầu theo Tin Mừng thánh Matthêu, đã có nhiều đề nghị phân đoạn.

 1/ Một ý kiến cho rằng toàn bộ sách Tin mừng theo thánh Matthêu được phân thành 5 quyển sách tương tự như bộ Ngũ thư của ông Môsê. Cụ thể là các lời giảng của đức Giêsu được gom thành 5 bài giảng về Nước Trời :

 a) bài giảng trên núi công bố hiến chương Nước Trời, ở các chương 5-7;

 b) bài giảng về sứ vụ rao giảng Nước Trời, chương 10;

 c) bài giảng về các dụ ngôn giải thích bản chất Nước Trời, chương 13;

 d) bài giảng về kỷ luật nội bộ Hội thánh, mầm mống của Nước Trời, chương 18;

 e) bài giảng về sự thiết lập vĩnh viễn Nước Thiên Chúa vào thời cánh chung, chương 24-25.

 Hai chương đầu tiên xem ra đã gói ghém ý tưởng đó, với việc trưng dẫn 5 câu Kinh thánh để kết thúc 5 đoạn văn :

 Nhập đề : Gia phả (1,1-17)

 a) Isaia 7,14 : Ơn gọi của Giuse (1,18-25)

 b) Mikha 5,2 : Vua Hêrôđê, các nhà chiêm tinh, Bêlem (2,1-12).

 c) Hôsê 11,1 : Trốn sang Ai-cập (2,13-15)

 d) Giêrêmia 31,15 : Tàn sát các anh hài (2,16-18)

 e) Isaia 4,3 (Tl 13,5?) : Từ Ai cập trở về Nazareth (2,19- 23).

 Dĩ nhiên các học giả còn đưa ra nhiều giả thuyết khác về cấu trúc của hai chương này, chẳng hạn :

 2/ Dựa theo các giấc mơ của thánh Giuse dẫn tới hành động.

 Trong Tân ước, chỉ có Tin mừng Matthêu đề cập đến giấc mơ như là một phương tiện mặc khải ý Chúa. Thánh sử ghi nhận 6 trường hợp được ghi nhận, trong đó 5 trường hợp nằm ở hai chương đầu, và cách riêng 4 trường hợp được dành cho ông Giuse (lấy bà Maria làm vợ ; đưa thánh gia sang Ai- cập ; trở về quê hương ; định cư ở Nazareth. Trường hợp thứ năm dành cho các nhà chiêm tinh (2,12). Ba lần báo mộng cho ông Giuse được thuật lại theo một mô hình đồng nhất :

 a) nhập đề : mô tả hoàn cảnh

 b) công thức : ”này kìa sứ thần Chúa hiện đến báo  mộng cho ông rằng”

 c) sứ điệp : thiên sứ trao cho ông một công tác ”hãy đem” (hãy mang)

 d) tuân hành: ông Giuse tuân hành

 e) trích dẫn Kinh thánh: để ứng nghiệm lời Chúa về một danh hiệu của đức Giêsu: Emmanuel, Con (Thiên Chúa), người Nazareth.

 3/ Dựa theo bốn câu hỏi xoay quanh căn cước của đức Giêsu:

a) Ai (Quis)? Đức Giêsu Kitô (Mêsia), con vua Đavit, con của cụ Abraham, sinh bởi một phụ nữ (1,1-17).

 b) Bằng cách nào (Quomodo)? Con Thiên Chúa đã trở nên con vua Đavit do ông Giuse thuộc dòng dõi Đavit chấp nhận hài nhi được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần (1,18-25).

 c) Ở đâu (Ubi)? Bêlem, thành phố Đavit, nhưng được các nhà chiêm tinh thuộc dân ngoại đến bái yết (2,1-12)

 d) Từ đâu (Unde)? Từ Bêlem của người Do thái, đi lánh nạn sang Ai-cập giống như ông Môsê, về miền Galilê của dân ngoại, định cư tại Nazareth.

 4/ Dựa theo những cuộc di chuyển địa lý : Bêlem, Ai-cập, Nazareth.

 a) chương 1 diễn ra tại Bêlem, thành phố vua Đavit

 b) chương 2, tường thuật việc di chuyển từ Bêlem sang vùng đất dân ngoại (Ai cập), để rồi kết thúc với việc hồi hương về Israel và định cư tại Nazareth.

 Những cuộc di chuyển này không phải là do ngẫu nhiên, nhưng nằm trong toàn bộ lịch sử cứu độ : ”ngõ hầu lời ngôn sứ được nên trọn? : đức Giêsu sinh tại Bêlem như là Mêsia lãnh tụ Israel dõng dõi vua Đavit (2,6); sang Ai cập và ra khỏi đó như là con Thiên Chúa (2,15) ; về Nazareth, trở thành biệt hiệu ”Giêsu Nazareth” (2,23).

Bài 2 lần tới: khảo sát các bản văn Kinh Thánh về thánh Giuse

G. Phan Tấn Thành OP

Ý chỉ cầu nguyện tháng Ba của Đức Thánh Cha: Cầu nguyện cho các gia đình

Ý chỉ cầu nguyện tháng Ba của Đức Thánh Cha: Cầu nguyện cho các gia đình

 

VATICAN: Trong tháng Ba, ý chỉ cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt hướng về gia đình. Đức Thánh Cha chia sẻ: “Gia đình là một trong những tài sản quý giá nhất của nhân loại. Nhưng gia đình chẳng phải cũng dễ bị thương tổn nhất sao? Khi gia đình không được chăm sóc và bảo vệ, khi gặp phải những khó khăn về kinh tế, sức khỏe hay bất cứ một hình thức nào khác; con cái sẽ phải lớn lên trong những hoàn cảnh bấp bênh, buồn chán.”

Thật vậy, trong đoạn video có cảnh một bé gái đang ngồi trên cầu thang với vẻ mặt lo lắng, buồn bã. Em đang lắng nghe tiếng đập cửa, tiếng khóc la rên rỉ dường như đang bị tắc nghẹt trong cổ họng của một đứa trẻ khác bên trong cánh cửa đóng kín sau lưng em.

Đức Thánh Cha nói: “Cha muốn chia sẻ với các con, hiệp cùng với Đức Giêsu, ý chỉ cầu nguyện của cha trong tháng này: ‘Cầu cho các gia đình đang gặp khó khăn nhận được sự trợ giúp cần thiết và cho các trẻ em được lớn lên trong môi trường lành mạnh và an toàn.’”

Vũ Đức Anh Phương (SJ)