Đức Thánh Cha chủ sự Đàng Thánh Giá trọng thể ở Colosseo

Đức Thánh Cha chủ sự Đàng Thánh Giá trọng thể ở Colosseo

Đức Thánh Cha chủ sự Đàng Thánh Giá trọng thể ở Colosseo

ROMA. Lúc gần 9 giờ 15 phút tối thứ sáu tuần thánh, 25-3-2016, ĐTC Phanxicô đã chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hý trường Colosseo ở Roma.

Nghi thức này được hàng chục đài truyền hình trên thế giới truyền đi trên hệ thống Mondovisione. Hàng chục ngàn tín hữu đã đến tham dự nghi thức này, mặc dù các biện pháp an ninh và kiểm soát nghiêm ngặt hơn.

Các bài suy niệm cho buổi đi đàng thánh giá năm nay do ĐHY Gualtiero Bassetti, 74 tuổi TGM giáo phận Perugia, trung Italia, biên soạn, với chủ đề ”Thiên Chúa là lòng thương xót”. ĐHY nêu bật sự kiện: đứng trước những nỗi lo sợ của con người, trước đau khổ, bách hại và bạo lực, lòng thương xót chính là máng chuyển ân phúc từ Thiên Chúa cho tất cả mọi người.

Trong 14 chặng đàng thánh giá, ĐHY cũng nhắc đến những lời của Cha Mazzolari, cha Turoldo và thánh Gioan Phaolô 2, cũng như những suy tư về các tín hữu Kitô bị bách hại, người Do thái bị giết trong các trại tiêu diệt, các gia đình bị phân hóa, xâu xé, những biểu dương của kẻ cường quyền ngày nay. ĐHY nhấn mạnh rằng hành trình của Chúa Kitô tiến về đồi Golgotha chính là hồng ân thương xót tột cùng của Thiên Chúa đối với loài người. Trong bối cảnh Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đàng thánh giá, với những suy tư đi kèm, muốn chứng tỏ tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa, qua thập giá, đối nghịch với sự nhỏ nhen của con người. Thân thể bị đánh đòn và hạ nhục của Chúa Giêsu cho thấy con đường công lý, công lý của Thiên Chúa biến đổi đau khổ dữ dằn nhất trong ánh sáng phục sinh.

ĐHY Agostino Vallini, Giám quản Roma đã vác Thánh Giá chặng đầu tiên và chặng thứ 14 của Đàng Thánh Giá. Những người vác thập giá tại các chặng còn lại lần lượt là một gia đình 4 người con ở Roma (II), một người tàn tật và em gái với một người phụ giúp (III), một gia đình khác gồm 4 người (IV), 4 người thuộc Trung tâm Bonsignori (V), một người Hoa và một người Nga (VI), hai người Paraguay và Bosni (VII), một gia đình Ecuador (VIII), hai người Uganda và Kenya (IX) hai người Mêhicô và Trung Phi (X), hai người Mỹ và Bolivia (XI), hai người Siria (XII), hai tu sĩ Phanxicô từ Thánh Địa (XIII).

Lời nguyện của ĐTC

Trong lời nguyện dài gồm 27 câu, thay bài huấn dụ vào cuối buổi đi đàng Thánh Giá trước sự hiện diện của hàng chục ngàn người tại hí trường Colosseo ở Roma, ĐTC bắt đầu bằng câu:

Hỡi Thập Giá Chúa Kitô, biểu tượng tình thương của Chúa và bất công của loài người, hình ảnh hy sinh tột cùng vì yêu thương và của sự ích kỷ tột độ vì điên rồ, dụng cụ chết chóc và con đường phục sinh, dấu chỉ vâng phục và biểu tượng sự phản bội, cột hành quyết và lá cờ chiến thắng.

Hỡi Thập Giá Chúa Kitô, ngày nay chúng con vẫn còn thấy Thập Giá được dựng lên nơi các anh chị em chúng con bị giết hại, bị thiêu sinh, cắt cổ và chặt đầu bằng những lưỡi gươm man rợ và với sự im lặng hèn nhát.

Rồi ĐTC lần lượt nhắc đến những trẻ em, phụ nữ và nhiều người khác trốn chạy chiến tranh, trong khi bao nhiêu ”Philatô” ngày nay đang ”rửa tay”, chối bỏ trách nhiệm; rồi có những thừa tác viên bất trung, thay vì cởi bỏ những tham vọng hư vô của mình, thì họ lại tước bỏ phẩm giá của cả những người vô tội; những con tim chai đá của những người ung dung xét đoán người khác, những con tim sẵn sàng lên án tha nhân, nhưng không bao giờ thấy tội lỗi của mình; các trào lưu cực đoan và khủng bố của những tín đồ của vài tôn giáo trần tục hóa danh Thiên Chúa; những người muốn tháo gỡ Thập Giá khỏi nơi công và loại trừ khỏi đời sống công cộng; những kẻ cường quyền và buôn bán võ khí, nuôi dưỡng cái lò lửa chiến tranh; những tên trộm và những kẻ tham nhũng; những kẻ điên rồ đang kiến tạo những kho chứa để giữ những kho tàng hư nát, và để cho Lazzaro chết đói ngoài cửa; những người phá hủy ”căn nhà chung”, vì lòng ích kỷ họ làm hỏng tương lai của các thế hệ mai sau.

ĐTC không quên nhắc đến những người tốt lành và công chính làm điều thiện mà không tìm những lời hoan hô hoặc sự ngưỡng mộ của người khác. Ngài nói:

Hỡi Thập Giá Chúa Kitô, ngày nay chúng con còn thấy Thập Giá Chúa nơi các thừa tác viên trung thành và khiêm tốn đang soi chiếu bóng đen của đời sống chúng con như những ngọn nến tiêu hao một cách nhưng không để soi chiếu cuộc sống của những người rốt cùng.

Ngài nhắc đến các nữ tu và những người thánh hiến – những người Samaritano nhân lành – âm thầm theo tinh thần Tin Mừng, bỏ tất cả để băng bó những vết thương do nghèo đói và bất công gây ra; người đơn sơ vui sống niềm tin của họ thường nhật và trong sự trung thành tuân giữ các giới răn theo tinh thần con thảo; những người thống hối, từ thẳm sâu lầm than tội lỗi của họ, biết kêu lên: Lạy Chúa, xin nhớ đến con trong Nước Chúa! nơi các chân phước và các thánh biết tiến qua tăm tối của đêm đức tin mà không mất niềm tín thác nơi Chúa và không tự phụ mình hiểu sự im lặng huyền nhiệm của Chúa; các gia đình đang sống ơn gọi hôn nhân của họ trong sự chung thủy và phong phú; những người bị bách hại vì đức tin, trong đau khổ họ tiếp tục nêu chứng tá chân chính về Chúa Giêsu và Tin Mừng. (SD 25-3-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Kỷ niệm 170 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Salette

Kỷ niệm 170 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Salette

Our Lady Of Salette

LA SALETTE. Hôm 19-3-2016, Đền thánh Đức Mẹ La Salette bên Pháp đã kỷ niệm đúng 170 năm Đức Mẹ hiện ra với 2 mục đồng tại đây.

 Ngày 19-3 năm 1846, Đức Mẹ đã hiện ra với hai thiếu niên Mélanie Calvat 15 tuổi và Maximin Giraud 11 tuổi trên núi gần làng La Salette-Fallavaux ở cao độ 1800 mét. Đức Mẹ được ánh sáng bao phủ, đang khóc và ngồi trên táng đá, hai tay ôm đầu, Mẹ đứng lên, gọi và trao cho hai thiếu niên một sứ điệp mời gọi Dân Chúa hãy thành tâm hoán cải.

 Nhân lễ kỷ niệm, tại Đền thánh Đức Mẹ La Salette có nghi thức mở cửa Năm Thánh trong vòng 6 tháng, cho đến ngày 13-11 năm nay. Đền thánh cách thủ đô Paris khoảng 650 cây số về hướng đông nam.

 Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, Cha Silvano Marisa, Bề trên tổng quyền dòng thừa sai La Salette, nói rằng: ”Sứ điệp vừa nói của Đức Mẹ muốn đánh động lương tâm của Dân Chúa, và Mẹ Maria xuất hiện như vị sứ giả của Thiên Chúa để nhắc nhớ dân về lòng trung thành, về ơn gọi Kitô mà họ đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội.

 Cha Marisa cũng nhận định rằng: ”Quả là một điều thật đẹp khi thấy Đức Mẹ bắt đầu bằng cách mời gọi hai thiếu niên đến gần. Đó cũng là sứ điệp của Năm Thánh Lòng Thương Xót hiện nay, sứ điệp của một vị Thiên Chúa có một trái tim bao la đến độ Ngài không thể giữ cho mình, nhưng muốn thông truyền tình thương của Ngài cho tha nhân. Và Mẹ Maria có công tác giúp người người cởi mở tâm hồn với Thiên Chúa. Mẹ Maria đã tập trung sứ điệp của Mẹ vào chính Chúa Kitô. Hai thiếu niên kể lại: Thánh Giá mà Mẹ mang trên ngực sáng ngời như thể là Thánh Giá sống động…”

 Dòng thừa sai La Salette hiện nay có 950 tu sĩ tại 29 nước trên thế giới, và Cha Marisa nói: Sự hiện diện của chúng tôi muốn là một yếu tố rất đơn sơ, khiêm tốn, phục vụ sự hòa giải. Nơi nào dân Chúa sống, chịu đau khổ, nơi đó chúng tôi muốn hiện diện với lời mạnh mẽ kêu goi hoán cải, dựa trên sứ điệp chúng tôi đã nhận lãnh từ Đức Mẹ La Salette” (RG 20-3-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Một cái nhìn thoáng qua về các nữ tu “Áo đỏ” ở Thái lan

Một cái nhìn thoáng qua về các nữ tu “Áo đỏ” ở Thái lan

Red Nuns - redemptoristine-nuns

Một nhóm các nữ tu dòng kín Hoa kỳ đã lập một đan viện mới ở Bangkok để mang tinh thần chiêm niệm của họ đến vùng đông bắc Thái lan. Nữ tu Joan Claver, đã khấn dòng 63 năm, bề trên và sáng lập của đan viện mới, nói với báo Catholic News Agency rằng: “ Đóng góp của chúng tôi cho nhu cầu của thế giới là sự cầu nguyện.” Chị giải thích là các nữ tu cũng rất yêu mến các công việc tông đồ như giảng dạy, chăm sóc y tế hay cuộc sống gia đình, nhưng các nữ tu dòng Chúa Cứu Thế được gọi sống ơn gọi đặc biệt trong cuộc sống cầu nguyện chiêm niệm. Tất cả cùng đóng góp để xây dựng một xã hội và thế giới tốt đẹp hơn. Hiện giờ cộng đoàn của họ có 5 thành viên: 4 nữ tu và 1 thỉnh sinh.

Trước đó, vào năm 2011, một vài nữ tu của dòng Chúa Cứu Thế ở St. Louis, Missouri đã đến Thái lan để tìm hiểu xem có thể gieo mầm cho đan viện sống tinh thần chiêm niệm trong vùng này không.

Các nữ tu Chúa Cứu Thế được biết cách thân thiên như các sơ “Áo đỏ” bởi vì tu phục truyền thống của các chị màu đỏ đậm. Các chị cũng mang khăn choàng vai và áo choàng màu xanh biển với một huy hiệu màu có hình Chúa Cứu Thế. Thắt lưng của các chị có tràng hạt 150 với ảnh tượng in nổi các biểu tượng của cuộc thương khó của Chúa Giê su. Những yếu tố chính trong tinh thần chiêm niệm của các sơ “Áo đỏ” là: Thánh vịnh, cầu nguyện, chầu Thánh Thể và thinh lặng. Các sơ dùng mọi giây phút hoạt động trong cuộc sống của mình để cầu nguyện từ sáng đến tối. Ngay cả công việc nhà của họ cũng nối kết với cầu nguyện.

Nữ tu Maria Suphavadi Kamsamran, người Thái, cho biết: “Chúng tôi sống cầu nguyện mọi giây phút từ khi thức giấc cho đến khi nghỉ đêm. Các cuộc suy niệm của chúng tôi trải dài từ thời thơ ấu của Chúa Giêsu đến cuộc thương khó trên Thánh giá, và Thánh thể là nguồn sống thiêng liêng của chúng tôi.” Chị cám ơn Chúa và giáo phận Nakhon Ratchasima đã trợ giúp các chị trong sứ vụ cầu nguyện. Đan viện mới có một nhà nguyện riêng, các phòng cho các sơ và nhà cơm; nhiều phần của tòa nhà vẫn chưa được trang bị hoàn tất.

Giáo phận Nakhon Ratchasima giúp cho các nữ tu khu đất rộng hơn 3 mẫu tây ở trung tâm của thành phố Korat, cách Bangkok khoảng 136 dặm. Giáo phận và các nhà tài trợ khác đã giúp thành lập nữ đan viện chiêm niệm trong giáo phận. Đức cha Joseph Chusak Sirisut đã chủ sự Thánh lễ tạ ơn cho đan viện vào ngày 31/10/2015. Ngài làm phép đan viện với sự hiên diên của các nữ tu Chúa Cứu Thế người Hoa kỳ, các Linh mục dòng Chúa Cứu Thế Thái lan, các tu sĩ và giáo dân. Đức cha Chusak nói với báo Catholic News Agency rằng: “Tôi muốn giáo phận cũng trở thành trung tâm của cầu nguyện”. Đức cha giải thích là mỗi giáo phận cần có ít nhất một dòng chiêm niệm, và các nữ tu áo đỏ đã điền vào điều còn thiếu này của giáo phận. Ngài nói các sơ sẽ là “ngọn hải đăng cầu nguyện” mang lại sinh lực cho khu vực, làm chứng cho niềm hi vọng, và khuyến khích đời sống cầu nguyện cho vùng này.

Đức cha Chusak cũng là người đứng đầu cho những nỗ lực đối thoại liên tôn của các Giám mục Công giáo Thái lan. Đức cha cho biết phần lớn dân chúng người Phật giáo của Thái lan dành sự ngưỡng mộ và kính trọng cho các hoạt đông mục vụ và tông đồ của Công giáo trong các lãnh vực giáo dục, phục vụ xã hội và bác ái. Những nỗ lực này được thực hiện bởi các dòng truyền giáo khác nhau. Đức cha nói thêm:”Các tín hữu Phật giáo và tôn giáo khác ở đây thường thấy các nữ tu hoạt động, nhưng họ cũng sẽ thấy những nữ tu cầu nguyện không ngừng; mọi người sẽ được biết đời sống thinh lặng chiêm niệm đan tu của chúng ta.”

Dòng các nữ tu Chúa Cứu Thế được thành lập bởi đấng đáng kính Maria Celeste Crostarosa vào năm 1731 với sự trợ giúp của thánh Alphonso Liguri, đấng sáng lập dòng Chúa Cứu Thế. Quy luật của dòng được Đức Thánh Cha Biển Đức XIV phê chuẩn vào năm 1771. Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn việc phong chân phước cho Mẹ Maria Celeste Crostarosa, và việc phong chân phước được dự kiến vào ngày 18/06/2016. (CAN 18/03/2016)

Hồng Thủy OP

 

Đức Hồng Y Parolin viếng thăm Macedonia và Bulgari

Đức Hồng Y Parolin viếng thăm Macedonia và Bulgari

Đức Hồng Y Parolin

VATICAN. ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, sẽ viếng thăm chính thức tại Cộng hòa Macedonia và Bulgari từ ngày mai, 18 đến 22-3-2016, theo lời mời của chính quyền và giáo quyền Công Giáo tại hai nước liên hệ.

Theo hãng tin SIR của HĐGM Italia, chặng dừng đầu tiên của ĐHY Parolin là thành phố Skopjie, thủ đô Macedonia. Ngài sẽ gặp chính quyền và cử hành thánh lễ đầu tiên tại Nhà thờ chính tòa Thánh Tâm. Skopjie cũng là nơi sinh của Mẹ Têrêsa Calcutta.

Sau thánh lễ, ĐHY Parolin sẽ tham dự buổi giới thiệu cuốn sách phỏng vấn ĐGH Phanxicô ”Tên của Thiên Chúa là lòng thương xót” được dịch ra tiếng Macedonia, rồi ngài khánh thành tòa GM mới ở Skopjie, gặp gỡ hàng giáo sĩ, tu sĩ của giáo phận. Sau cùng ĐH sẽ viếng thăm cộng đoàn Công Giáo tại thành phố Strumica, là trụ sở của các tín hữu Công Giáo nghi lễ đông phương Bizantine ở Macedonia.

Sáng chúa nhật 20-3, ĐHY Quốc vụ khanh sẽ đến viếng thăm nước Bulgari, thánh hiến nhà thờ Đức Mẹ An Nghỉ ở thủ đô Sofia mới được tu bổ. Đây là trung tâm của giáo phận Công Giáo Đông phương ở Bulgari.

Ban chiều cùng ngày, ĐHY sẽ viếng thăm Đồng Nhà Thờ chính tòa Công Giáo Đông phương, được dâng kính thánh Gioan 23. Ngài sẽ viếng Đan viện các nữ tu Thánh Thể cạnh đó và trung tâm y tế ”Gioan Phaolô 2” do các nữ tu đảm trách, chuyên săn sóc các bệnh nhân nghèo và người tị nạn.

Tối 20-3, ĐHY Quốc vụ khanh sẽ cử hành thánh lễ Chúa Nhật lễ lá tại Đồng Nhà chính tòa Thánh Giuse của Công Giáo La-tinh, trước khi gặp hàng giáo sĩ, tu sĩ Công Giáo Bulgari.

Sau cùng ngày 21-3, ĐHY Parolin sẽ gặp Đức Thượng Phụ Neofit và một số vị trong thánh Hội đồng Chính Thống Bulgari, trước khi gặp tổng thống Rossen Plevneliev, thủ tướng Boyko Borissov và đại giáo trưởng Hồi giáo Mustafa Hadzi. (ADN 15-3-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Công bố qui luật mới về quản trị tài sản án phong thánh

Công bố qui luật mới về quản trị tài sản án phong thánh

Công bố qui luật mới về quản trị tài sản án phong thánh

VATICAN. Hôm 10-3-2016, qui luật mới về việc Quản trị tài sản liên quan đến các án phong chân phước và hiển thánh đã được Tòa Thánh công bố.

Qui luật này có hình thứ một phúc chiếu (Rescriptum ex audientia Santissimi), được ĐTC phê chuẩn ngày 4-3-2016, được công bố trên báo ”Quan sát viên Roma của Tòa Thánh”, có hiệu lực thử nghiệm trong 3 năm từ ngày được ký và thay thế cho qui luật cũ đã được Thánh Gioan Phaolô 2 phê chuẩn ngày 20-8 năm 1983.

Qui luật mới gia tăng sự minh bạch trong việc quản trị ngân quĩ dành cho việc chi phí án phong đồng thời tăng cường sự kiểm soát của nhà chức trách có thẩm quyền và của Bộ Phong Thánh đối với việc quản trị. Các ngân quĩ được thiết lập để trang trải các chi phí cho việc phong chân phước và hiển thánh: từ việc phổ biến cuộc sống của vị Tôi Tớ Chúa hoặc Chân Phước, cho đến cuộc điều tra ở cấp giáo phận, và sau cùng là lễ phong chân phước hoặc hiển thánh.

Luật qui định rằng sau khi chủ án (thường là một dòng tu hay giáo phận) chấp nhận việc xin mở án phong, thì sẽ thiết lập một ngân quĩ để chi phi cho án ấy. Ngân quĩ này do tiền dâng cúng của tín hữu hoặc của các pháp nhân và được coi như một ”thiện quĩ” (fondo di causa pia).

Người quản trị quĩ đó có thể là chính vị thỉnh nguyện viên hoặc người được bổ nhiệm cho công việc này. Người quản trị phải làm kết toán và bá cáo hàng năm. Bộ phong thánh có thể yêu cầu bá cáo bất kỳ lúc nào về việc quản trị quĩ này. Bộ có thể ban hành các biện pháp kỷ luật trong trường hợp có sai trái.

Nếu chủ án (giáo phận, dòng tu..) muốn sử dụng, dù chỉ một phần tài sản, để chi vào một việc có mục đích khác với án phong thánh thì phải xin phép của Bộ Phong Thánh.

Quản trị viên ngân quĩ phong thánh phải chuyên cần tuân hành tất cả các qui luật do Bộ Phong thánh ban hành liên quan đến hoạt động quản trị và tài chánh của một án phong.

Bộ phong thánh cũng yêu cầu chủ án phải đóng góp vào việc tổ chức lễ phong chân phước và phong thánh cử hành ở Roma. Nếu cần Bộ có thể yêu cầu đóng góp đặc biệt.

Qui luật cũng xác định chi biết các giai đoạn phải đóng góp cho các chi phí để xin nhìn nhận cuộc tử đạo, các nhân đức anh hùng, hoặc tước hiệu tiến sĩ Hội Thánh, nhìn nhận phép lạ.

Sau khi cử hành lễ phong chân phước hoặc hiển thánh, quản trị viên của ngân quĩ phải tường trình toàn bộ việc quản lý tài sản đã được phê chuẩn đúng phép.

Sau khi phong hiển thánh, Bộ Phong thánh sẽ quyết định về số tài sản còn lại, để ý đến những yêu cầu sử dụng từ phía chủ án phong và những đòi hỏi của ”ngân quĩ liên đới”. Sau đó, ngân quĩ án phong và chức vụ thỉnh nguyện viên không còn hiện hữu nữa. (SD 10-3-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

Tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha và Giáo Triều Roma

Tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha và Giáo Triều Roma

Tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha và Giáo Triều Roma

ROMA. Lúc 4 giờ chiều chúa nhật 6-3-2016, ĐTC đã cùng các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh đi xe bus đến Ariccia để bắt đầu tuần tĩnh tâm hàng năm cho đến thứ sáu 11-3 tới đây.

Giống như những năm trước đây, tuần tĩnh tâm diễn ra tại Trung tâm ”Nhà Thầy Chí Thánh” (Casa Divin Maestro) của tu đoàn thánh Phaolo ở Ariccia, cách Roma khoảng 30 cây số về hướng nam.

Vị đảm trách các bài suy niệm trong tuần tĩnh tâm Cha Ermes Ronchi người miền Veneto, đông bắc Italia năm nay 69 tuổi (1947) thuộc dòng Tôi Tớ Đức Maria, đậu 2 tiến sĩ, một tại Đại học Sorbonnes bên Pháp về lịch sử các tôn giáo và một tại Đại học Công Giáo Paris về khoa học các tôn giáo, và làm giáo sư tại Giáo hoàng Học viện Marianum ở Roma, trước khi làm cha xứ tại Milano. Cha là tác giả của rất nhiều sách báo về kinh thánh và linh đạo, cũng như giữ mục ”Những lý do để hy vọng” trên đài truyền hình Rai từ năm 2009.

Tuần tĩnh tâm bắt đầu với việc chầu Mình Thánh Chúa và kinh chiều chúa nhật 6-3-2016. Những ngày hôm sau, bắt đầu với kinh ngợi khen lúc 7 giờ rưỡi sáng, rồi bài suy niệm thứ I lúc 9 giờ rưỡi sau đó là Thánh Lễ. Ban chiều lúc 4 giờ có bài suy niệm thứ hai. Sau cùng là Chầu Thánh Thể và kinh chiều. Ngày chót, thứ sáu 11-3, chỉ có một bài suy niệm.

Đề tài các bài suy niệm của cha Ronchi trong tuần tĩnh tâm là 10 câu hỏi rút từ Phúc Âm: 9 câu do Chúa Giêsu nêu lên và 1 câu do Mẹ của Ngài trong lúc sứ thần truyền tin. Những câu hỏi của Chúa Giêsu là một danh hiệu khác của sự hoán cải. Câu hỏi thứ I trích từ Tin Mừng theo thánh Gioan: ”Bấy giờ Chúa Giêsu quay lại, và thấy họ đang theo Người, Người nói với họ: Các ông tìm ai?”. Vị giảng thuyết nói: ”Đề nghị cho những ngày này là chúng ta dừng lại lắng nghe một vị Thiên Chúa của những câu hỏi: không phải hỏi Chúa, nhưng là để cho Chúa hỏi chúng ta. Thày vì chạy đi tìm ngay câu trả lời, chúng ta dừng lại để sống kỹ lưỡng những câu hỏi trần trụi của Tin Mừng” (SD 6-3-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Nhóm phiên dịch Kinh Thánh Việt Nam kỷ niệm 45 năm thành lập

Nhóm phiên dịch Kinh Thánh Việt Nam kỷ niệm 45 năm thành lập

Các linh mục và nữ tu cùng nhau dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt

Sau khi Công đồng Vatican II cho phép các Giáo hội địa phương cử hành các giờ phụng vụ bằng tiếng địa phương, một số linh mục và tu sĩ Việt Nam háo hức dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt cho hợp với văn hóa truyền thống, tờ National Catholic Reporter đưa tin.

Sáu linh mục bắt đầu tình nguyện dịch bộ Các Giờ Kinh Phụng vụ sang tiếng Việt vào cuối năm 1971. Sau đó họ thành lập Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ và thu hút thêm nhiều linh mục và nữ tu chuyên về Kinh Thánh, thần học, phụng vụ, mục vụ, thánh nhạc, và văn chương.

Linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh thuộc dòng Phanxicô, người điều hành nhóm phiên dịch, cho biết ban đầu các thành viên trong nhóm chỉ dành các ngày lễ Giáng sinh, Phục sinh và Tết làm việc lặng lẽ trong các đan viện và tu viện. Họ đã trải qua nhiều thập niên khó khăn và trở ngại từ phía chính quyền cộng sản và ngay cả từ các chức sắc Giáo hội khi theo đuổi sứ mệnh của mình.

Năm nay là năm kỷ niệm 45 năm thành lập nhóm.

“Chúng tôi đã hoàn thành các bản dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ, Sách Lễ Rôma, các bài đọc trong Thánh lễ, các nghi thức và đặc biệt là bộ Kinh Thánh bằng tiếng Do Thái cổ, Aramaic và Hy Lạp”, ngài nói.

Nhóm đã xuất bản được 370,000 bản tiếng Việt Các Giờ Kinh Phụng vụ, 66,000 bản các bài đọc trong Thánh lễ và các nghi thức, và 3 triệu bản Kinh Thánh.

UCANEWS-VN

Đức Thánh Cha đau buồn và lên án vụ sát hại 4 nữ tu

Đức Thánh Cha đau buồn và lên án vụ sát hại 4 nữ tu

Đức Thánh Cha đau buồn và lên án vụ sát hại 4 nữ tu

ROMA. 4 nữ tu thừa sai bác ái và 12 người khác đã bị quân khủng bố sát hại tại một nhà dưỡng lão và săn sóc người tàn tật tại thành phố Aden, Yemen. ĐTC bày tỏ đau buồn và lên án bạo lực ”ma quái” này.

Hãng tin Fides của Bộ truyền giáo, truyền đi hôm 4-3-2016 cho biết: nữ tu bề trên cộng đoàn đã sống sót nhờ ẩn nấp. Cha Tom Uzhunnalil, dòng Don Bosco Ấn độ, thì bị mất tích sau cuộc tấn công của nhóm khủng bố. Cha sống trong nhà dưỡng lão do các nữ tu phụ trách từ sau khi nhà xứ Thánh Gia của cha ở Aden bị cướp phá và thiêu hủy hồi tháng 9 năm ngoái.

Yemen ở trong tình trạng khủng hoảng chính trị từ năm 2011 và thường được coi là bị nội chiến giữa các cộng đoàn Hồi giáo Shiite và Sunnit tranh giành quyền bính. Giữa những căng thẳng ấy, các nhóm khủng bố cũng lộng hành tại nước này, trong đó có những nhóm liên kết với cái gọi là Nhà nước Hồi giáo IS và lực lượng khủng bố al-Qaida.

Mặc dù hầu hết các tín hữu Kitô đã di tản khỏi Yemen, nhưng một số LM dòng Don Bosco và 20 nữ tu thừa sai bác ái của Mẹ Têrêsa Calcutta vẫn quyết định ở lại và tiếp tục sứ vụ tại đây.

Đức Cha Paul Hinder, dòng Capuchino Thụy Sĩ, Đại diện Tông Tòa địa phận tông tòa Nam Arabia, trong đó có Yemen, cho biết lúc 8 giờ rưỡi sáng ngày 4-3 vừa qua, có những người mặc quân phục đột nhập khu nhà của các nữ tu nơi các nữ tu phục vụ ở Aden, giết chết những canh gác và mọi nhân viên tìm cách ngăn cản họ, rồi chúng đến gặp các nữ tu và nổ súng sát hại”.

Trong số 4 nữ tu bị giết có hai chị người Ruanda, một chị Ấn độ và một chị người Kenya. Cha Uzhunnalil dường như bị bắt cóc. Đức Cha Hinder nói: ”Dấu hiệu thật là rõ ràng. Vụ này có liên hệ tới tôn giáo” (CNS 4-3-2016)

Phản ứng của Đức Thánh Cha

Trong sứ điệp công bố hôm 5-3-2016, ĐHY Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cho biết ĐTC kinh hoàng và rất đau buồn khi hay tin vụ giết hại 4 nữ tu thừa sai bác ái và 12 người khác trong nhà dưỡng lão. Ngài cầu nguyện cho những người bị sát hại và bày tỏ sự gần gũi tinh thần với thân nhân họ cũng như với tất cả những người bị thương tổn vì hành vi vô nghĩa lý và bạo lực ma quái này. ĐTC cầu nguyện để vụ sát hại vô ích này thức tỉnh lương tâm con người, đưa tới sự thay đổi tâm hồn và soi sáng cho mọi phe hãy từ bỏ khí giới và đi vào con đường đối thoại. Nhân danh Thiên Chúa, ĐTC kêu gọi mọi phe trong cuộc xung đột hãy từ bỏ bạo lực và tái quyết tâm phục vụ nhân dân Yemen, nhất là những người cùng khổ nhất, mà các nữ tu và những người trợ tá của các chị tìm cách phục vụ.

ĐTC cầu xin Thiên Chúa chúc lành và đặc biệt ngài bày tỏ sự cảm thông trong kinh nguyện và tình liên đớ ivới các nữ tu thừa sai bác ái. (SD 5-3-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Ơn được nhìn thấy những người nghèo khổ đang gõ cửa tâm hồn

Ơn được nhìn thấy những người nghèo khổ đang gõ cửa tâm hồn

Thánh lễ sáng thứ 5, ngày 25.02, tại nguyện đường thánh Marta

VATICAN.“Lòng tin đích thật sẽ giúp chúng ta nhìn thấy những người nghèo khổ. Chính ở đó, Đức Giêsu đang gõ cửa tâm hồn chúng ta.” Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ 5, ngày 25. 02, tại nguyện đường thánh Marta.

Những Kitô hữu trong bong bóng phù vân

Trong bài Tin Mừng theo thánh Luca, Đức Giêsu đã nói với người Pha-ri-sêu dụ ngôn về một ông nhà giàu mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình và ông không nhận ra có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọn đầy mình, đang nằm trước cổng nhà ông. Khởi đi từ bài Tin Mừng đó, Đức Thánh Cha mời gọi mỗi người hãy tự hỏi mình xem: "Tôi là một Kitô hữu đang bước đi trên con đường giả dối, chỉ biết nói suông, hay tôi là một Kitô hữu đang bước đi trên con đường sự sống, tức là con đường của hành động, của thực hành?’ Ông nhà giàu kia chắc chắn đã tuân giữa tất cả mọi giới răn, mỗi ngày sa-bát đều đến hội đường và mỗi năm một lần đều lên đền thờ. Chắc chắn ông là một tín hữu sùng đạo.

Nhưng ông lại là một người khép kín, tự khóa mình trong một thế giới nhỏ bé riêng tư – thế giới của những ngày yến tiệc linh đình, của lụa là gấm vóc, của những phù phiếm sa hoa – một con người khép kín trong những bong bóng phù vân. Ông không có khả năng nhìn thấy những điều khác nhưng chỉ bó hẹp trong thế giới riêng của mình. Ông không nhận thấy những gì đang diễn ra bên ngoài thế giới đóng kín của ông, không nghĩ đến nhu cầu của rất nhiều người và sự cần kíp của biết bao kẻ đang ốm đau, bệnh tật. Ông chỉ nghĩ đến mình, đến sự giàu sang và cuộc sống êm ấm của mình.

Người nghèo chính là Thiên Chúa đang gõ cửa tâm hồn chúng ta

Ông nhà giàu rõ ràng là một tín hữu mộ đạo, nhưng lại không nhìn thấy những con người khốn khổ xung quanh. Bởi vì ông đóng kín trong chính mình. Có những người đang ở ngay trước cổng nhà nhưng ông không hề nhìn thấy. Ông đã bước đi trên con đường dẫn đến sự giả dối, vì ông chỉ tin tưởng vào chính mình, vào của cải của mình chứ không hề đặt niềm tin tưởng nơi Chúa. Như thế, ông chẳng để lại cho đời được gia sản gì. Và một điều khiến chúng ta tò mò là ông không hề có tên tuổi. Tin Mừng chỉ đề cập đến ông bằng một tính từ chung chung: ‘ông nhà giàu kia’. Như thế, tên tuổi của chúng ta cũng sẽ tiêu tan đi, chỉ còn là một tính từ mô tả nếu chúng ta mất đi căn tính và sức mạnh nội tâm của mình.

Ông nhà giàu là hình ảnh tượng trưng cho những người giàu có, quyền lực, có thể làm được mọi chuyện. Ông cũng là hình ảnh của những linh mục chức nghiệp, của những giám mục chức nghiệp. Nhiều lần trong đời, có những người xuất hiện với chúng ta chỉ bằng những tính từ mô tả chứ không phải bằng tên, vì họ không còn căn tính nữa, giống như  ông nhà giàu trong Tin Mừng. Nhưng tôi tự hỏi: ‘Thiên Chúa là Cha nhân từ có dủ lòng thương xót ông nhà giàu này không? Thiên Chúa có gõ cửa đánh động tâm hồn ông không?’ Tôi nghĩ là có. Ngay trước cửa nhà ông, Chúa đã gởi đến La-da-rô, một người có tên tuổi. Anh La-da-rô với những khó khăn, thiếu thốn và bệnh tật chính là Thiên Chúa đang gõ cửa nhà ông. Nếu ông biết mở cửa, lòng thương xót Chúa sẽ đi vào. Nhưng không! Ông đã không nhìn thấy anh La-da-rô khốn khổ này. Ông đã đóng kín mình lại. Đối với ông, bất cứ ai, bất cứ điều gì ở bên ngoài cánh cửa thì chẳng là gì hết.

Ơn được nhìn thấy người nghèo

Chúng ta đang ở trong Mùa Chay Thánh. Và thật là hữu ích nếu chúng ta cũng biết hỏi mình rằng: ‘Tôi đang bước đi trên con đường sự sống hay con đường dẫn tới giả dối? Đã bao nhiêu lần tôi đóng cửa tâm hồn mình lại? Đâu là niềm hoan lạc của tôi: nói suông hay hành động? Tôi có dám bước ra khỏi chính mình để gặp gỡ và giúp đỡ tha nhân không? Bởi vì đó chính là hành vi của lòng thương xót. Hay niềm vui của tôi là tất cả mọi sự đã được định sẵn rồi và tôi tự đóng kín trong chính mình?’ Chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn được nhìn thấy những La-da-rô trong cuộc đời hiện tại của chúng ta, đang nằm trước cửa nhà chúng ta. Những anh La-da-rô ấy đang gõ cửa tâm hồn chúng ta. Và nếu chúng ta biết mở cửa và bước ra khỏi chính mình với lòng quả đại và thái độ cảm thương, thì lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ đi vào tràn ngập tâm hồn chúng ta."

Vũ Đức Anh Phương, SJ

Vài nhận định về chuyến tông du của ĐTC Phanxicô bên Mễ Tây Cơ

Vài nhận định về chuyến tông du của ĐTC Phanxicô bên Mễ Tây Cơ

Tín hữu vào tham dự thánh lễ của ĐTC tại Ciudad Juarez

Một vài nhận định của Cha Federico Lombardi, phát ngôn viên Toà Thánh, giám đốc đài phát thanh Vaticăng và của Felipe Arizmendi Esquivel, Giám Mục San Cristobal de las Casas về chuyến công du mục vụ của ĐTC 

Chiều ngày 18 tháng 2 vừa qua ĐTC Phanxicô đã kết thúc tốt đẹp chuyến viếng thăm Mễ Tây Cơ. Trong những ngày viếng thăm báo chí, phát thanh và truyền hình  nước này đã dành nhiều trang tường thuật các sinh hoạt của ĐTC.

Trong số ra ngày 17 tháng 2 tờ Cronica đăng hình ĐTC gặp gỡ giới trẻ ở trang đầu với hàng tít lớn: “Sự giầu có của Mêhicô là người trẻ”. ĐTC Phanxicô xin giới trẻ đừng để cho mình bị mất giá trị, bị đối xử như hàng hoá. Ngài nói: “thật khó mà cảm thấy mình là sư phong phú của một quốc gia, khi không có cơ may có công ăn việc làm xứng đáng”. ĐTC khẳng định: “đó là một lời nói dối cho rằng hình thức sống duy nhất, để có thể là người trẻ, là để cuộc sống trong tay kẻ buôn bán ma tuý.”

ĐTC “khích lệ các linh mục tu sĩ nam nữ đừng trở thành công chức của Chúa, vì họ không phải là các công nhân của Thiên Chúa.” Trong các trang bên trong có một bài viết dài tường thuật cuộc gặp gỡ của ĐTC với giới trẻ. Cũng có hình chụp ĐTC bị một bạn trẻ kéo sắp tè, vì anh ta muốn được ngài chúc lành, trong khi ĐTC đang cúi xuống hôn một người tàn tật. ĐTC quở trách: “Các bạn không được ích kỷ”. Ở trang 5 có hình ĐTC với ông thống đốc Morelia tặng ngài cuốn sách kể lại cuộc đời của ĐC Vasco de Quiroga. Trang bên trong có hàng tít: “41 triệu dân Mêhicô đã nhìn thấy Đức Giáo Hoàng qua truyền hình.”

Nhật báo Reforma đăng hình ĐTC bị kéo sắp té trên một người trẻ tàn tật ngồi xe lăn với hàng chữ “Đừng ích kỷ” và tựa đề lớn: “Chúa Giêsu không mời gọi chúng ta là những kẻ giết mướn”. Trong trang 7 có hình chụp ĐTC trong thánh lễ với hàng giáo sĩ tu sĩ tại Morelia với đề tựa: “ĐTC xin các linh mục đừng chịu trận”. Tờ rời nói về ĐC Vasco de Quiroga, vị Giám Mục tiên khởi của Michoacán. Trang 8 cũng đăng hình ĐTC phát cáu: “Đừng ích kỷ” và bài tuờng thuật buổi gặp gỡ với trẻ và nhấn mạnh trên sự kiện người trẻ Mễ Tây Cơ không có cơ may tiến thân. Các tu sĩ dòng Tên chuyển thư của cha mẹ 43 người trẻ bị mất tích cho ĐTC. Trang 10 có bài viết dài liên quan tới các chi phí giáo phận Morelia phải trả cho chuyến viếng thăm của ĐTC. Trang 13 có bài viết dài phê bình ĐTC im lặng không nói gì về các linh mục lạm dụng tình dục trẻ em.

Nhật báo Milenio đăng hình ĐTC đội mũ Mễ Tây Cơ đặc biệt của vùng Morelia với hàng tít lớn: “ĐTC nói với giới trẻ: Chúa Giêsu đã không bao giờ mời gọi các bạn trở thành các kẻ giết mướn”. Ở trang 4 có bài viết dài tựa đề: “ĐTC khích lệ các tu sĩ đừng chịu trận trước nạn bạo lực”, kể lại niềm vui của hàng giáo sĩ tu sĩ trong cuộc gặp gỡ với ĐTC. Trang 6 và trang 7 có hình của ĐTC với giới trẻ và chạy hàng tít lớn: “Ma tuý không phải là hình thức duy nhất sống tốt đẹp”. Có hình ĐTC đang ôm hôn hai bạn trẻ bị bệnh khờ và nhiều hình khác với người trẻ và lời bình luận: “sứ điệp của ĐTC mang lại nhẹ nhõm và các giấc mơ mới cho người trẻ”. Trang 8 chạy hàng tít: Ciudad Juarez được bảo vệ vì chuyến viếng thăm của ĐGH. Các tù nhân hát mừng ĐTC. Chính quyền Hoa Kỳ cộng tác canh chừng an ninh cho thánh lễ của ĐTC tại vùng biên giới.

Nhật báo Milenio khác đăng hình ĐTC đổ quạu vì bị một bạn trẻ kéo sắp ngã, với hàng tít: “ĐTC nói với người trẻ: ma tuý không phải là con đường duy nhất”. ĐGH xin người trẻ hy vọng mặc dù có các nghịch cảnh.

Trang 6 chạy hàng tít: “Ma tuý không phải là lựa chọn duy nhất”. ĐTC Phanxicô nói: giới trẻ là sự giầu có của đất nước Mễ Tây Cơ. Nguyên tổng thống Mễ Tây Cơ nói: “sứ điệp của ĐTC, một lời kêu gọi hoà bình”. Trang 8 Thánh lễ với các tu sĩ: ĐTC xin: “đừng là các công chức của Thiên Chúa”. Cuộc gặp gỡ vời giới trẻ: tín hữu bẻ gẫy mọi lễ nghi hình thức và tổ chức lễ hội lớn. Vũ điệu, ca hát và reo hò “Olas”. Có nhiều hình của lễ hội giới trẻ. Trong hai trang 10 và 11 có nhiều hình của ĐTC với người trẻ. Lòng sốt mến của đám đông. Trang 12 có hàng tít: “Tổ chức phi chính quyền nhận được 56 lời tố cáo hàng giáo sĩ làm dụng tính dục năm 2015”. Tại Jalisco có tới 21% các lời tố cáo. Liên quan tới cuộc tranh luận: cha Lombardi nói đã có các quyết định mạnh mẽ về vấn đề này.

Sau đây là một số nhận định  cha Federico Lombardi, Phát ngôn viên Toà Thánh, kiêm giám đốc đài phát thanh Vatican, dành cho nhà báo Alessandro Guarasci trong cuộc phỏng vấn ngày 17 tháng 2.

Hỏi: Thưa cha, ngày 16 tháng 2 ĐTC đã viếng thăm giáo phận Morelia là vùng đất đang sống thảm cảnh của bạo lực và tệ nạn buôn bán ma tuý. Cha có nhận xét gì về chuyến viếng thăm của ĐTC?

Đáp: Cuộc viếng thăm của ĐTC đã là một cuộc gặp gỡ lớn của ngài với nhân dân Mễ Tây Cơ, không phải chỉ trong các biến cố lớn, nhưng cả dọc các đường phố và qua các phương tiện truyền thông xã hội đã theo dõi chuyến viếng thăm với rất nhiều chú ý tới tất cả những gì ĐTC làm, từng phút một. Khẩu hiệu mà ĐTC đã chọn cho chuyến công du này là “thừa sai của lòng thương xót và của hoà bình” tương xứng hoàn toàn với điều ĐTC đang làm, bởi vì đây thực sự là một việc phục vụ tinh thần, mục vụ lớn lao,  bao gồm cả các thực tại thê thảm mà người dân Mêhicô đang sống trong xã hội hiện nay. Đó cũng là các vấn đề chúng ta đã nhắc tới nhiều lần và ĐTC cũng liên tục đề cập tới: chúng liên hệ tới các cuộc di cư, tệ nạn buôn bán ma túy, buôn người, bạo lực… Nhưng ĐTC nhắc tới chúng trong một viễn tượng của một mục tử. ĐTC đã đưa ra một sứ điệp rất là trung thực với sứ mệnh của ngài, chú ý tới sự cụ thể của các vấn đề, và ngài phó thác giải pháp cho các giới chức trách nhiệm, mỗi người tuỳ theo chỗ đứng và nhiệm vụ của mình.

Hỏi: Thưa cha, trong buổi gặp gỡ giới trẻ ĐTC đã định nghĩa họ là “niềm hy vọng và sự giầu có” của đất nước Mêhicô. Đề tại này được lập đi lập lại nhiều lần trong chuyến viếng thăm. ĐTC đặc biệt nghĩ tới giới trẻ cả trong việc rao giảng Tin Mừng một cách tốt đẹp hơn cho xã hội Mêhicô. Riêng cha thì cha nghĩ sao?

Đáp: Tại Mễ Tây Cơ có các sinh hoạt mục vụ rất sinh động cho giới trẻ, nhưng cũng sinh động cho trẻ em nữa, với các dụng cụ, các phụ đới, các phương pháp tông đồ thích hợp. Và cuộc gặp gỡ của ĐTC với các trẻ em trong nhà thờ chính toà đã mang ý nghĩa này. Giới trẻ nằm trong viễn tượng của đức tin và cuộc sống kitô, của  việc tham dự vào Giáo Hội, hay ngày mai Giáo Hội không còn nữa. Vì thế dấn thân và sự hiện diện của người trẻ cũng quan trọng cả trên bình diện giáo hội nữa, cũng như nó quan trọng trên bình diện xã hội.

Hỏi: Trong thánh lễ cử hành với các linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh ĐTC khuyến khích các vị “đừng chịu trận”. Các vị đã tiếp nhận sứ điệp này của ĐTC như thế nào?

Đáp: Cũng rất giống như diễn văn ĐTC đã nói với giới trẻ, nghĩa là vấn đề trong một xã hội có các khó khăn lớn, đó là phải tránh nản lòng và để cho mình bị thống trị bởi các sức mạnh đang tàn phá xã hội, đang khiến cho nó trở thành thối nát, người ta đang kiếm lời trên cái chết, trên bạo lực và việc sử dụng sai quyền lực. Vì thế với đề tài cầu nguyện, nhớ lại quá khứ tích cực và ơn gọi phục vụ tha nhân, ĐTC khích lệ các tu sĩ: cả hai diễn văn cũng ít nhiều giống nhau.

Tiếp theo đây là vài nhận định của ĐC  Filipe Arizmendi Esquivel, Giám Mục giáo phận San Cristobal de las Casas.

Hỏi: Thưa ĐC, ĐC nghĩ gì về chuyến viếng thăm của ĐTC?

Đáp: Đây thật là một món quà Chúa ban. Một sự tế nhị của lòng thương xót Chúa đối với các dân tộc bị khinh miệt, lãng quên và gạt bỏ ngoài lề xã hội này. Họ đã tiếp nhận sứ điệp của ĐTC với sức mạnh của con tim. Chính họ đã nói: “Chúng con cảm thấy được khích lệ tiến bước. Cám ơn ĐTC đã nói rằng chúng con quan trọng, chúng con có giá trị, chúng con không phải là các đồ vật”. Chính ĐTC đã nói rằng cần phải xin lỗi các thổ dân, bởi vì quá thường khi nền văn hóa của họ bị khinh rẻ. Các anh chị em thổ dân của chúng tôi đã đánh giá rất cao sự hiện diện của ĐTC, các cử chỉ của ngài, kiểu ngài tiếp xúc với họ. Đã là sự kiện rất rất quan trọng các bài đọc, các văn bản và thánh ca đã được đọc và hát bằng các thứ tiếng của thổ dân. Đây là điều đã được các anh chị em thổ dân đánh giá rất cao. Chúng tôi cảm tạ Chúa vì chuyến viếng thăm này của ĐTC.

Hỏi: Giáo Hội Mễ Tây Cơ có được chuẩn bị để đương đầu với các thách đố ĐTC đã đề nghị hay không, thưa ĐC?

Đáp: Trong chuyến viếng thăm Mễ Tây Cơ ĐTC đã đưa ra rất nhiều đề nghị, khích lệ và thách đố khác nhau. Đặc biệt là việc hội nhập văn hóa của Giáo Hội trong các cộng đoàn thổ dân; thách đố bảo vệ các quyền của các dân tộc thổ dân và bảo vệ quyền của Mẹ Đất. Đó là các thách đố mà chúng tôi sẵn sàng đương đầu. Chúng tôi đang làm việc… nhưng tôi có thể khẳng định rằng chúng tôi là một Giáo Hội dáp trả lại một cách toàn vẹn các thách đố mà ĐTC để lại cho chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng để đương đầu với chúng như việc sống gần gũi với thổ dân. Chúng tôi sống với họ. Đó là cuộc sống thường ngày của chúng tôi. Và ĐTC đã tới khích lệ chúng tôi tiến bước, bởi vì ngài biết là chúng tôi đang thực hiện điều này. Không phải chỉ trong giáo phận San Cristobal de las Casas mà thôi, nhưng trong rất nhiều vùng đất của châu Mỹ Latinh đều có nỗ lực lớn để đáp ứng mục vụ cho các thổ dân. Còn hơn thế nữa, ĐTC cũng đã khích lệ chúng tôi bằng cách nói với chúng tôi rằng, từ nay trở đi việc chấp nhận bản văn phụng vụ sẽ không còn tuỳ thuộc giới chức của Bộ Phụng Tự nữa, nhưng tuỳ thuộc HĐGM chắc chắn là gần gũi hơn và sống các thực tại của các thổ dân. Điều này khích lệ chúng tôi rất nhiều. ĐTC đã tới để trao một sắc lệnh chấp thuận tiếng nói Nahuatl là ngôn ngữ được nhiều ngưởi sử dụng nhất tại Mêhicô như là tiếng mẹ đẻ. Sự kiện này khích lệ chúng tôi tất cả! Vì thế, chúng tôi sẽ tiếp tục con đường sống gần gũi với các cộng đoàn thổ dân có một nền văn hóa ngàn đời, trong đó có sự khôn ngoan lớn và một sự hiện diện lớn của Thiên  Chúa.

(SD 17.18-2-2016)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Ngày cầu nguyện và suy tư chống nạn buôn người

Ngày cầu nguyện và suy tư chống nạn buôn người

Thánh Nữ Giuseppina Bakhita

VATICAN. 8-2, lễ kính thánh nữ Giuseppina Bakhita, là Ngày cầu nguyện và suy tư chống nạn buôn người

Thánh nữ người Sudan đã bị bắt làm nô lệ, bán đi bán lại qua tay nhiều người chủ, trước khi được đưa tới Italia, được giải phóng, được rửa tội Công Giáo và gia nhập dòng các nữ tu bác ái thánh Canossa.

Các cộng đoàn dòng tu và tại nhiều trường học có tổ chức các buổi cầu nguyện, suy tư và trình bày chứng từ về tệ nạn này.

Chiều thứ bẩy 6-2-2016 đã có buổi canh thức cầu nguyện tại Vương cung Thánh đường Thánh Tâm ở Roma, tiếp đó là một cuộc hành hương ngắn tới Cửa Năm Thánh ở trung tâm bác ái của Caritas Roma, gần nhà ga trung ương Termini. Đoàn người đã mang Thánh Giá, ảnh thánh Bakhita và một sợi giây xích, tượng trưng sự nô lệ mà Chúa đã hứa phá vỡ, đồng thời nhắc nhớ thảm trạng của bao nhiêu người nam nữ và trẻ vị thành niên nạn nhân của nạn buôn người.

Đức Cha Guerino di Tora, GM phụ tá giáo phận Roma, kiêm chủ tịch tổ chức Migrantes (di dân), giải thích rằng ”Cuộc tuần hành này muốn nói lên cuộc lữ hành của toàn thể nhân loại đang chịu đau khổ, nạn nhân của mọi hình thức buôn người”.

Người ta ước lượng trên thế giới có khoảng 21 triệu người bị coi như ”nô lệ”, nạn nhân của sự cưỡng bách lao động, mại dâm và những hình thức bóc lột khác, một thứ doanh vụ mang lại cho các thủ phạm bất lương lợi nhuận hơn 32 tỷ mỹ kim mỗi năm. Số lợi nhuận này đứng hàng thứ ba sau nạn buôn bán ma túy và buôn bán võ khí.

Riêng tại Italia, số phụ nữ bị khai thác bóc lột về tình dục vào khoảng từ 50 đến 70 ngàn người, phần lớn là người nước ngoài. Con số này tăng gấp 4 trong vòng 2 năm vừa qua.

Cũng nên nhắc lại rằng trong buổi đọc kinh truyền tin trưa chúa nhật 7-2-2016 với 40 ngàn tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô, ĐTC nhắc nhở rằng:

”Ngày mai (8-2), là Ngày cầu nguyện và suy tư chống lại nạn buôn người, mang lại cơ hội cho mọi người giúp đỡ những người nô lệ mới ngày nay phá vỡ xiềng xích nặng nề của nạn bóc lột để phục hồi tự do và phẩm giá. Tôi đặc biệt nghĩ đến bao nhiêu người nam nữ, và bao nhiêu trẻ em! Cần phải thực hiện mọi cố gắng để bài trừ tội ác và sự ô nhục không thể dung thứ này.” (RG, SD 7-2-2016)

G. Trần Đức Anh O.P – Vatican Radio

Ơn gọi giảm sút nhiều tại Âu Mỹ

Ơn gọi giảm sút nhiều tại Âu Mỹ

Ơn gọi giảm sút nhiều tại Âu Mỹ

ROMA. Sau nhiều năm liên tục gia tăng và đạt tới cao điểm hồi năm 2011, ơn gọi LM tại Âu Mỹ đang giảm sút.

Theo Niên giám thống kê của Tòa Thánh, trình bày tình trạng gần đây nhất là năm 2013, số ơn gọi LM tăng 1.5% tại Phi châu, nhưng giảm 3.6% tại Âu Châu nói chung. Riêng tại Anh quốc, sự giảm sút này là 11.5%, tại Ba Lan giảm 10.1%, tại Đức giảm 7.4%, tại Tây Ban Nha giảm 1.8%, ngoại trừ Italia tăng 0.3%.

ĐHY João Braz de Aviz, Tổng trưởng Bộ các dòng tu, nói rằng: ”Ơn gọi ngày nay tăng rất mạnh tại Á Châu, tăng liên tục tại Phi châu, được phục hồi tại Mỹ châu la tinh, nhưng đang gặp khó khăn nhiều tại Bắc Mỹ, bị khủng hoảng tại Âu Châu và Australia”.

Trong bài nói chuyện với 5 ngàn tu sĩ nam nữ hôm 1-2 vừa qua, ĐTC nói: ”Tôi thú thật với anh chị em tôi rất đau lòng khi thấy ơn gọi giảm sút. Khi tôi gặp các Giám Mục, tôi hỏi các vị: Đức Cha có bao nhiêu chủng sinh? – thưa 4, 5 thầy..”. Khi anh chị em, trong các cộng đoàn dòng tu của mình – nam hoặc nữ – anh chị em có một, hai tập sinh.. và cộng đoàn ngày càng già nua.. Và có những đan viện to lớn, như ở Tây Ban Nha, chỉ còn lại 4, 5 nữ tu già, tiếp tục cho đến chết.. Tình trạng này khiến tôi bị cám dỗ đi ngược với đức trông cậy và thưa với Chúa: ”Lạy Chúa, làm sao vậy? Tại sao cung lòng của đời sống thánh hiến trở nên son sẻ như vậy?”

Trong bối cảnh trên đây, ĐTC cảnh giác các dòng đừng nhận ơn gọi ”bừa bãi”, cần chống lại cám dỗ đánh mất niềm hy vọng, và hãy cầu nguyện không biết mệt mỏi như bà Anna mẹ ngôn sứ Samuel. Ngoài ra cần chống lại cám dỗ bám víu vào tiền bạc. Ngài nói: ”Anh chị em biết tiền bạc là phân của ma quỉ. Có những tu sĩ khi thấy không thể có ơn gọi và có thêm con cái trong dòng, họ nghĩ rằng tiền bạc sẽ cứu vãn sự sống, và họ nghĩ đến tuổi già, làm sao để không thiếu cái này cái kia! Nhưng như thế là không có hy vọng! Chỉ có hy vọng nơi Chúa mà thôi! Tiền bạc không bao giờ mang lại cho ta hy vọng. Trái lại nó quăng ta xuống! Anh chị em có hiểu không” (SD, ADN 1-2-2016)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha bế mạc Năm Đời Sống Thánh Hiến

Đức Thánh Cha bế mạc Năm Đời Sống Thánh Hiến

Đức Thánh Cha bế mạc Năm Đời Sống Thánh Hiến

VATICAN. Chiều ngày 2-2-2016, Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh và cũng là Ngày Thế giới về đời sống thánh hiến lần thứ 20, ĐTC đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô, để chính thức bế mạc Năm về Đời Sống Thánh Hiến.

Đồng tế với ĐTC có ĐHY João Aviz de Braz, người Brazil, Tổng Trưởng Bộ các dòng tu, Đức TGM Tổng thư ký José Rodríguez Carballo, dòng Phanxicô, nhiều Giám Mục thành viên và các chức sắc của Bộ này, một số các cha Bề trên Tổng quyền, và các LM dòng, trước sự hiện diện của hàng ngàn tu sĩ nam nữ và giáo dân. Trong số các nữ tu hiện diện đặc biệt có hơn 400 nữ đan sĩ dòng kín từ các nước về Roma dự những ngày sinh hoạt nhân dịp bế mạc năm Đời sống thánh hiến. 

Buổi lễ bắt đầu với nghi thức làm phép nến và đi rước tiến lên bàn thờ, do 50 tu sĩ nam nữ, đại diện cho các hình thái khác nhau của đời sống Thánh Hiến, đảm trách. Trong khuôn khổ Năm Thánh Lòng Thương Xót, các tu sĩ được chọn thuộc các dòng thi hành những công việc từ bi thương xót (thương linh hồn 7 mối, thương xác 7 mối). 

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Trong bài giảng, ĐTC nhắc lại rằng tại Đông Phương, lễ này được gọi là ”lễ gặp gỡ”, với những cuộc gặp gỡ khác nhau trong trình thuật Tin Mừng về biến cố Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh, và ngài mời gọi những người thánh hiến cũng trở thành những con người gặp gỡ, bắt đầu từ cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. ĐTC nói: ”Ai thực sự gặp gỡ Chúa Giêsu thì không thể tiếp tục sống như trước. Chúa là sự mới mẻ đổi mới mọi sự. Ai sống cuộc gặp gỡ ấy thì trở thành chứng nhân và làm cho cuộc gặp gỡ với tha nhân có thể diễn ra, và thăng tiến một nền văn hóa gặp gỡ, tránh thái độ tự tham chiếu chính mình khiến cho chúng ta khép kín nơi mình”.

 Khai triển đoạn thư gửi tín hữu Do thái (Dt 2,14-18) diễn giải sự kiện Chúa Giêsu chấp nhận thân phận phàm nhân, chia sẻ cuộc sống của chúng ta, ĐTC nói: ”Những người nam nữ thánh hiến cũng được kêu gọi trở thành dấu chỉ cụ thể và ngôn sứ về sự gần gũi như thế của Thiên Chúa, sự chia sẻ thân phận mong manh, tội lỗi và những vết thương của con người thời nay. Tất cả những hình thái của đời sống thánh hiến, – mỗi hình thức theo những đặc tính riêng, – đều được kêu gọi ở trong trạng thái thi hành sứ mạng trường kỳ, chia sẻ ”vui mừng và hy vọng, buồn sầu và lo âu của con người thời nay, nhất là những người nghèo và mọi người đau khổ” (GS, 1).

Từ nhận xét theo đó Tin Mừng kể lại ”cha mẹ Chúa Giêsu ngạc nhiên về những điều nói về Người” (Lc 2, 33), ĐTC nói: ”Cả chúng ta, các Kitô hữu và những người thánh hiến, chúng ta cũng là những người gìn giữ sự kinh ngạc. Một sự kinh ngạc đòi luôn luôn phải đổi mới; khốn cho thói quen trong đời sống thiêng liêng, khốn cho sự kết tinh hóa các đoàn sùng của chúng ta thành một đạo lý trừu tượng: đoàn sủng của các vị sáng lập không thể bị đóng kín trong một chai, không phải là những đồ trong bảo tàng viện. Các vị sáng lập của chúng ta được Chúa Thánh Linh thúc đẩy và không sợ bẩn tay với cuộc sống thường nhật, với những vấn đề của dân chúng, can đảm rong ruổi nơi các khu ngoại ô địa lý và hiện sinh. Các vị không dừng lại trước những chướng ngại và hiểu lầm của người khác, vì các vị duy trì trong tâm hồn sự kinh ngạc vì cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Các vị đã không thuần hóa ơn thánh của Phúc Âm, luôn giữ trong tâm hồn một sự khắc khoải lành mạnh vì Chúa, một ước muốn mạnh mẽ mang Chúa đến cho tha nhân, như Mẹ Maria và thánh Giuse đã làm trong Đền thờ. Cả chúng ta ngày nay, chúng ta cũng được mời gọi thực hiện những chọn lựa có tính chất ngôn sứ và can đảm”. (SD 2-2-2016)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha bế mạc tuần cầu nguyện hiệp nhất Kitô

Đức Thánh Cha bế mạc tuần cầu nguyện hiệp nhất Kitô

Đức Thánh Cha bế mạc tuần cầu nguyện hiệp nhất Kitô

ROMA. Lúc 5 giờ rưỡi chiều 25-1-2015, ĐTC Phanxicô đã chủ sự buổi hát kinh chiều trọng thể tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành ở Roma, để bế mạc tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô.

Tuần này đã tiến hành từ 18 đến 25-1 vừa qua với chủ đề là câu trích từ thư thứ I của Thánh Phêrô Tông Đồ: ”Được kêu gọi để loan báo cho mọi người những kỳ công của Thiên Chúa” (1 Pr 2,9).

Hiện diện tại buổi cầu nguyện, có gần 20 HY, các GM, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân Roma, nhiều đại diện của các cộng đoàn Kitô khác, đặc biệt là TGM Genadios Zervos, Đại diện tòa Thượng Phụ chung của Chính Thống giáo, đặc trách các tín hữu Chính Thống tại Italia, Malta và miền nam Âu Châu, ĐGM David Moxon, đại diện Đức Giáo Chủ Anh giáo, v.v. Ngoài ra có 17 sinh viên của Học viện Đại kết Bossey, gần Genève bên Thụy Sĩ, và thuộc nhiều hệ phái Kitô.

Trong bài giảng, ĐTC sau khi giải thích một số khía cạnh trong biến cố trở lại của thánh Phaolô do tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, ngài nhắc đến chủ đề tuần hiệp nhất nói về nghĩa vụ của các Kitô giáo loan báo những kỳ công của Thiên Chúa và khẳng định rằng ”Vượt lên trên những khác biệt vẫn còn chia cách chúng ta, chúng ta vui mừng nhìn nhận rằng nơi nguồn cội đời sống Kitô luôn có một lời kêu gọi mà tác giả là chính Thiên Chúa. Chúng ta có thể tiến triển trên con đường hiệp thông trọn vẹn hữu hình giữa các Kitô hữu, không những khi chúng ta xích lại gần nhau, nhưng nhất là theo mức độ chúng ta trở về cùng Chúa, Đấng do ơn thánh của Ngài, đã chọn chúng ta và kêu gọi chúng ta trở thành môn đệ của Ngài. Trở về cùng Chúa có nghĩa là để cho Chúa sống và hoạt động trong chúng ta. Vì thế, khi các tín hữu Kitô thuộc các Giáo hội kác nhau lắng nghe lời Chúa và tìm cách mang ra thực thì, thì họ hoàn tất thực sự những bước tiến quan trọng đến gần sự hiệp nhất… Cả sứ mạng chung là loan báo cho tất cả mọi người những kỳ công của Thiên Chúa cũng làm cho chúng ta xích lại gần nhau”.

 

Cũng trong bài giảng, ĐTC nhắc đến Năm Thánh đặc biệt về lòng thương xót và nhấn mạnh rằng không thể có sự tìm kiếm chân thực sự hiệp nhất các tín hữu Kitô nếu không có sự hoàn toàn tín thức nơi lòng thương xót của Chúa Cha. Nhất là chúng ta hãy xin ơn tha thứ vì tội chia rẽ của chúng ta, những chia rẽ ấy là vết thương mở rộng nơi Thân Mình của Chúa Kitô. Trong tư cách là GM Roma và là Chủ Chăn của Giáo hội Công Giáo, tôi muốn khẩn cầu lòng thương xót của Chúa và ơn tha thứ vì những cư xử không hợp tinh thần Phúc Âm từ phía các tín hữu Công Giáo đối với các tín hữu Kitô thuộc các Giáo Hội khác. Đồng thời tôi mời gọi tất cả các anh chị em Công giáo hãy tha thứ vì những xúc phạm đã chịu ngày nay và trong quá khứ do các tín hữu Kitô khác.. Chúng ta không thể xóa bỏ những gì đã xảy ra, nhưng chúng ta không muốn để gánh nặng của những lỗi lầm quá khứ tiếp tục làm ô nhiễm các quan hệ của chúng ta. Lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ canh tân các quan hệ của chúng ta”.

 

Cuối kinh chiều, ĐHY Kurt Koch, người Thụy Sĩ, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, đã đại diện mọi người hiện diện cám ơn ĐTC đã đến chủ sự Kinh Chiều này. (SD 25-1-2016)

 

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Chương trình bế mạc Năm Đời Sống Thánh Hiến

Chương trình bế mạc Năm Đời Sống Thánh Hiến

Chương trình bế mạc Năm Đời Sống Thánh Hiến

VATICAN. Hơn 4 ngàn tu sĩ nam nữ từ các nơi trên thế giới đang chuẩn bị về Roma để tham dự các sinh hoạt bế mạc Năm Đời Sống Thánh Hiến từ ngày 28-1 đến 2-2 tới đây.

Chủ đề các sinh hoạt này là: ”Đời sống thánh hiến trong sự hiệp thông. Nền tảng chung trong các hình thái khác nhau”.

Trong 6 ngày gặp gỡ và sinh hoạt sẽ có những buổi canh thức cầu nguyện, các bài thuyết trình đào sâu mỗi hình thức ơn gọi của đời sống thánh hiến, với cái nhìn hướng về tương lai, những buổi trao đổi kinh nghiệm.

Mục đích cuộc gặp gỡ là để biết rõ hơn về những hình thái đa dạng trong đời sống thánh hiến, sống tình hiểm thông và tái khám phá ơn gọi duy nhất qua các dạng khác nhau như đoàn trinh nữ thánh hiến, đời sống đan tu, các dòng hoạt động tông đồ, các tu hội đời, các dòng mới và những hình thức mới của đời thánh hiến.

Cuộc gặp gỡ diễn ra trong khuôn khổ Năm Thánh Lòng Thương Xót, qua đó những người thánh hiến được mời gọi trở thành khuôn mặt từ bi của Chúa Cha, thành chứng nhân và là những người xây dựng tình huynh đệ được sống thực.   Ngày thứ năm, 28-1, những ngày gặp gỡ được bắt đầu với buổi canh thức tại Đền thờ Thánh Phêrô do Đức TGM José Carballo, Tổng thư ký Bộ các dòng tu, chủ sự, trước sự hiện diện của ĐHY Tổng trưởng João Braz de Avis.

Ngày 29-1, các sinh hoạt diễn ra tại Đại thính đường Phaolô 6, sau đó trong hai ngày 30 và 31-1, tại 5 địa điểm ở Roma theo mỗi hình thái khác nhau của đời thánh hiến. Sau đó ngày 1-2, các tham dự viên sẽ được ĐTC tiếp kiến tại Đại thính đường Phaolô 6, và có phần trình diễn trường ca ”Theo vết vẻ đẹp” (Sulle tracce della Bellezza) do Đức Ông Marco Frisina điều khiển.

Cuộc gặp gỡ sẽ kết thúc với cuộc hành hương Năm Thánh sáng ngày 2-2 và thánh lễ ban chiều do ĐTC Phanxicô chủ sự nhân ngày thế giới về Đời sống Thánh Hiến lần thứ 20 (SD 20-1-2016)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Hồng Y Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Đức sắp thăm Việt Nam

Đức Hồng Y Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Đức sắp thăm Việt Nam

ĐHY Reinhard Marx, TGM Munich, Chủ tịch HĐGM Đức, sẽ viếng thăm Việt Nam từ ngày 8 đến 17-1-201

MUNICH. ĐHY Reinhard Marx, TGM Munich, Chủ tịch HĐGM Đức, sẽ viếng thăm Việt Nam từ ngày 8 đến 17-1-2016.

Thông cáo của HĐGM Đức công bố ngày 29-12-2015 cho biết, trong cuộc viếng thăm tại ”CHXHCN Việt Nam ở Đông Nam Á, ĐHY Marx muốn tìm hiểu về một Giáo hội đang lớn mạnh trong một tình trạng khó khăn”. ĐHY sẽ dừng lại tại thủ đô Hà Nội, giáo phận Vinh ở miền Trung, và SàiGòn, thủ đô kinh tế của Việt Nam.

Trong 10 ngày viếng thăm, ĐHY Marx sẽ gặp gỡ ĐHY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, TGM Hà Nội, Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, TGM giáo phận Sàigòn, và Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp của giáo phận Vinh, cũng là Chủ tịch Ủy ban GM Việt Nam về Công lý và Hòa bình. Ngoài ra, ĐHY cũng có cuộc gặp gỡ và trao đổi tại Đại sứ quán Đức.

ĐHY Reinhard Marx năm nay 62 tuổi, sinh ngày 21-9-1953, nguyên là GM Trier, giáo phận cổ kính nhất của Đức, trước khi được ĐTC Biển Đức 16 thuyên chuyển về Munich ngày 30-11-2007 và thăng Hồng Y ngày 20-11-2010, lúc ấy ngài là vị trẻ nhất trong Hồng y đoàn. ĐHY được coi là người được ĐTC Phanxicô đặc biệt tín nhiệm. Ngài là thành viên Hội đồng 9 Hồng Y cố vấn của ĐTC về việc cải tổ giáo triều Roma và cũng là Chủ tịch Hội đồng kinh tế của Tòa thánh, gồm 8 HY và 7 giáo dân, có nhiệm vụ giám sát các hoạt động kinh tế và tài chánh của Tòa Thánh. Ngoài ra, ĐHY cũng là chủ tịch Ủy ban GM Liên hiệu Âu Châu gọi tắt là Comece.

Trong số khoảng 90 triệu dân tại Việt Nam, có từ 6 đến 7% là tín hữu Công Giáo thuộc 26 giáo phận, tương đương với 7% dân số toàn quốc và là Giáo Hội Kitô lớn nhất tại Việt Nam.

Trong hai khóa họp hồi trung tuần tháng 4 và tháng 9 năm nay, HĐGM Việt Nam đã bàn tới việc mời và chuẩn bị đón ĐHY Marx đến viếng thăm (KNA 29-12-2105)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha nhận đơn từ chức của Đức Cha Mai Thanh Lương

Đức Thánh Cha nhận đơn từ chức của Đức Cha Mai Thanh Lương

DGM Mai Thanh Luong

VATICAN. Chúa nhật 20-12-2015, Phòng Báo chí Tòa Thánh đưa tin: ĐTC đã nhận đơn từ chức vì lý do tuổi tác của của Đức Cha Đaminh Mai Thanh Lương, GM phụ tá giáo phận Orange, tiểu bang California, Hoa kỳ.

Đức Cha Mai Thanh Lương năm nay 75 tuổi, sinh ngày 20-12 năm 1940 tại Ninh Cường, Bùi Chu. Năm 1956, khi được 16 tuổi ngài được Đức Cha Phạm Ngọc Chi, GM Đà Nẵng gửi sang Mỹ du học và thụ phong LM năm 1966 cho giáo phận Đà Nẵng. Năm 1976, ngài nhập tổng giáo phận New Orleans bang Louisiana. Ngày 25-4 năm 2003, Cha Mai Thanh Lương được ĐTC Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm GM Phụ tá giáo phận Orange, tiểu bang California là giáo phận có đông tín hữu Công Giáo Việt Nam nhất tại Mỹ. Ngài cũng là GM gốc Việt đầu tiên tại Hoa Kỳ (SD 20-12-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Bộ Phong thánh công nhận phép lạ của Mẹ Têrêxa Calcutta

Bộ Phong thánh công nhận phép lạ của Mẹ Têrêxa Calcutta

Mẹ Têrêxa Calcutta

VATICAN. ĐTC Phanxicô đã cho phép Bộ Phong thánh công bố sắc lệnh nhìn nhận một phép lạ nhờ sự chuyển cầu của chân phước Mẹ Têrêxa Calcutta.

ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, đã được ĐTC tiếp kiến chiều ngày 17-12-2015 và đã nhận được sự cho phép này.

Mẹ Têrêxa Calcutta tục danh là Agnès Gonxha Bojaxhiu, sáng lập dòng các nữ tu thừa sai bác ái, sinh ngày 26-8 năm 1910 tại Skopje và qua đời tại Calcutta, Ấn độ ngày 5-9 năm 1997, hưởng thọ 87 tuổi

Chỉ 2 năm sau khi Mẹ qua đời, tức là năm 1999, ĐGH Gioan Phaolô 2 đã chuẩn chước qui luật và cho phép mở án điều tra trước 3 năm, để thu thập hồ sơ xin phong chân phước cho Mẹ. Mẹ được phong chân phước ngày 19-10 năm 2003.

Hôm 15-12-2015, Hội đồng các Hồng y và GM thành viên Bộ Phong thánh đã đồng thánh bỏ phiếu nhìn nhận là phép lạ vụ khỏi bệnh của một kỹ sư người Brazil 35 tuổi được khỏi bệnh tức khắc một cách lạ lùng ngày 9 tháng 12 năm 2008 khi vợ ông khẩn cầu sự cứu giúp của Mẹ Têrêsa. Bệnh nhân lúc đó đang nằm trên bàn giải phẫu và hôn mê vì ung thư não bộ. Lúc đó vợ ông đến nhà xứ để cầu nguyện với Mẹ Têrêxa, xin cho chồng được khỏi bệnh.

Việc cứu xét vụ khỏi bệnh này đã được giáo phận Santos sở tại khởi sự hồi tháng 6 cùng năm 2008, và sau đó được ban giám định y khoa bộ Phong thánh, trong phiên họp ngày 10-9 năm nay, đã đồng thanh nhìn nhận là không thể giải thích được về phương diện khoa học.

Ngày phong hiển thánh cho Mẹ Têrêsa sẽ được ĐTC thông báo trong một công nghị Hồng Y, nhưng báo Công Giáo Tương Lai (Avvenire) ở Italia cho rằng buổi lễ đó có thể được cử hành vào chúa nhật 4-9 năm tới, 2016, 1 ngày trước lễ giỗ Mẹ Têrêsa, như một biến cố lớn trong Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Đức Cha Henry D'Souza, nguyên TGM Calcutta Ấn độ, và các nữ tu thừa sai bác ái bày tỏ vui mừng và biết ơn vì tin trên đây. Đức TGM nói với hãng Asia News: ”Tôi rất vui mừng, vì phép lạ thứ hai này của Mẹ Têrêxa được đTC phê chuẩn. Mẹ Têrêxa vẫn luôn nói với tôi rằng Mẹ là mẹ tôi, và mẹ tiếp tục sự bảo vệ từ mẫu cho tôi và nay cho toàn nhân loại”.

Tại trụ sở trung ương dòng thừa sai bác ái ở Calcutta, nơi có mộ của Mẹ Têrêsa, mỗi ngày có hàng trăm người thuộc các tôn giáo khác nhau đến cầu nguyện, và xin sự chuyển cầu của Mẹ. (SD 18-12-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha gặp 11 phụ nữ bị bạo hành

Đức Thánh Cha gặp 11 phụ nữ bị bạo hành

Thánh lễ tại Martha

VATICAN. ĐTC Phanxicô đã gặp gỡ 11 phụ nữ bị bạo hành tại gia và những phụ nữ nạn nhân của nạn buôn người để đưa vào vòng mại dâm.

Thông cáo của Sở Từ Thiện của ĐTC, do Đức TGM Konrad Krajewski đảm trách, cho biết lúc 7.15 sáng ngày 25-11-2015, trước khi ra phi trường Fiumicino để lên đường viếng thăm mục vụ 3 nước Phi châu, ĐTC đã gặp gỡ 11 phụ nữ vừa nói cùng với 6 người con của họ tại nhà trọ Thánh Marta ở nội thành Vatican.

Các bà mẹ và những đứa con này đến từ Nhà Nương Náu dành cho các nạn nhân bị đánh đập trong gia đình và những phụ nữ bị bán làm nghề mại dâm. Các phụ nữ ấy thuộc các quốc tịch: Italia, Nigeria, Rumani và Ucraina. Họ được giúp đỡ, săn sóc và cho trú ngụ tại Nhà Nương Náu do một dòng tu đảm trách trong một làng thuộc miền Lazio, gần Roma.

Cuộc gặp gỡ diễn ra nhân dịp Ngày Quốc Tế loại trừ nạn bạo hành phụ nữ.

Theo tổ chức Unicef của LHQ, cứ 10 thiếu nữ dưới 20 tuổi thì có một cô bị hãm hiếp hoặc bị bó cuộc chịu các hành động tính dục; trong năm 2013, các thiếu nữ đã đăng ký gần 2 phần 3 trong tổng số tất cả những người mới bị nhiễm HIV gây bệnh Sida trong số các thiếu niên từ 15 đến 19 tuổi; trong 2 phần 3 các nước có sự bất bình bẳng nam nữ trong ngành giáo dục trung học đệ nhất cấp, các thiếu nữ là những người bị thiệt thòi nhất (AGI 25-11-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Thánh lễ với Đức Thánh Cha: Giáo hội được mời gọi phục vụ chứ không phải được phục vụ

Thánh lễ với Đức Thánh Cha: Giáo hội được mời gọi phục vụ chứ không phải được phục vụ

ĐTC at Martha Chapel 11-06-2015

VATICAN. Giáo hội được mời gọi để phục vụ, chứ không phải là một tổ chức liên quan đến tài chính. Các Giám mục và linh mục cần vượt thắng cám dỗ của ‘một đời sống hai mặt’, vì quá gắn bó với tiền của. Quả thật, có nhiều linh mục và Giám mục thay vì phục vụ, họ lại biến mình trở thành những ‘doanh nhân’ và ‘ủ ấm’ đời mình với tiện nghi, vật chất trong sự lập lờ, thiếu trong sáng. Đây là thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng thánh lễ sáng hôm nay, 06.10, tại nhà nguyện thánh Marta.

 

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói: “Phụng vụ ngày hôm nay mời gọi chúng ta suy tư về hai hình ảnh phục vụ. Trong bài trích thư Roma, ta thấy xuất hiện hình ảnh của thánh Phao-lô, một người hăng say rao giảng Tin Mừng. Thánh Phao-lô nói: ‘Như anh em biết, chính nhờ ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi làm người phục vụ Đức Giêsu Kitô và để chu toàn nhiệm vụ tế tự là rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.’ Thánh Phao-lo đã thực hiện ơn gọi này cách hết sức nghiêm túc. Ngài dành trọn cả con người mình cho việc phục vụ. Ngài không bao giờ biết bằng lòng dừng lại nhưng cứ tiếp tục cố gắng phục vụ hơn nữa, hơn nữa và hơn nữa. Để rồi cuối cùng, ngay tại Roma, ngài đã bị một trong số những người thân tín phản bội và bị kết án tù đày, thậm chí là phải chết.

 

Nhưng từ đâu thánh Phao-lô có được sự hăng say, nhiệt huyết và lòng can trường như thế? Điều đó đến từ Đức Giêsu Kitô. Thánh Phao-lô đã tuyên bố rằng: ‘Tôi có quyền hãnh diện về việc phục vụ Thiên Chúa. Và vì ai mà tôi hãnh diện? Đó chính là nhờ Đức Giêsu Kitô. Thật thế, tôi đâu dám nhắc đến chuyện nào khác, ngoài những gì Đức Kitô đã dùng tôi mà thực hiện để đưa muôn dân về phục vụ Thiên Chúa, thực hiện bằng lời nói việc làm, bằng sức mạnh của những dấu lạ điềm thiêng, bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần.’

 

Với thái độ xác tín này, thánh Phao-lô đã đi loan báo Tin Mừng khắp nơi. Ngài tự hào về việc phục vụ, tự hào về việc mình được chọn, tự hào vì nhận lãnh được sức mạnh của Thánh Thần, tự hào vì được đi khắp cùng trái đất. Và điều khiến ngài vui sương hạnh phúc hơn, đó là: ngài chỉ có tham vọng loan báo Tin Mừng ở những nơi người ta chưa được nghe nói đến danh Đức Giêsu. Ngài không muốn xây dựng trên nền móng người khác đã đặt. Điều ấy có nghĩa là thánh Phao-lô muốn đi đến nhưng nơi chưa được loan báo về Đức Kitô, muốn được phục vụ những người phục vụ, muốn trở thành người tiên phong xây dựng những nền móng. Bởi thế, ngài luôn luôn lên đường, đi mãi và đi mãi. Ngài không hề dựng lại để tận hượng hoa trái ở nhưng nơi ngài đã đi qua. Ngài cũng không ở lại đó để nắm quyền lực, để được phục vụ. Nhưng ngài là một thừa tác viên, một tôi tớ ra đi để phục vụ chứ không phải để được phục vụ.”

 

Đức Thánh Cha cũng chia sẻ rằng: “Tôi cảm thấy rất vui và đánh động, vì trong thánh lễ hôm nay đã có những linh mục đến chào tôi và nói: ‘Đức Thánh Cha ơi, hôm nay con đến đây để tìm người của con, vì con đã đi truyền giáo ở Amazzon 40 năm trời nay rồi’. Niềm vui và xúc động cũng trào dâng trong tôi khi nghe một nữ tu nói: ‘Con đã làm việc suốt 30 năm trong một bệnh viện ở Châu Phi’; hay một nữ tu khác đã trải qua 40 năm làm việc trong một bệnh viện dành cho người khuyết tật, và vị nữ tu ấy luôn tươi nở nụ cười trên môi. Đây là lời mời gọi phục vụ và đây cũng là niềm vui trong Giáo Hội: hãy bước ra ngoài và lên đường phục vụ tha nhân, hãy đến với người khác và trao hiến thân mình cho họ. Điều mà thánh Phao-lô đã làm là phục vụ và phục vụ.”

 

Tiếp đến, Đức Thánh Cha triển khai bài Tin Mừng: “Bài Tin Mừng theo thánh Luca nói về người quản gia bất lương. Như thế, Đức Giêsu cho chúng ta thấy một hình ảnh khác: thay vì phục vụ lại bắt người khác phải phục vụ mình. Trong Tin Mừng, ta đọc thấy điều mà người quản gia bất lương đã làm. Với những mánh khóe và mưu mẹo, người quản gia ấy cố gắng làm mọi cách để giữ được vị trí chức vụ của mình, hay ít là khi bị thôi việc cũng có một đời sống được bảo đảm. Và trong Giáo hội cũng có những người như thế. Thay vì phục vụ, suy nghĩ đến tha nhân và đi tiên phong xây dựng nền móng; họ lại khiến Giáo hội phải phục vụ họ. Họ trở thành những người bám víu và gắn bó vào tiền của. Chúng ta đã thấy bao nhiêu linh lục hay Giám mục như thế. Và thật là buồn khi nhắc đến điều này đúng không anh chị em?

 

Đặc tính căn cốt của Tin Mừng và lời kêu gọi của Đức Giêsu Kitô là phục vụ: hãy phục vụ chứ đừng dừng lại; hãy biết quên mình đi để phục vụ tha nhân. Nhưng trái lại, phía bên kia là một tình trạng tiện nghi, yên ổn: tôi cố gắng để đạt tới một sự ổn định, rồi sống thoải mái trong tình trạng đó mà đôi khi thiếu đi sự liêm chính, trong sáng. Điều này giống như tình trạng của một số người Pha-ri-sêu mà Chúa Giêsu đã nói tới: Họ đeo những thẻ kinh thật dài và đi lại trên đường phố cốt để người khác trông thấy. Như vậy, có hai hình ảnh: hai hình ảnh Kitô hữu, hai hình ảnh linh mục, hai hình ảnh của người nữ tu. Ta sẽ chọn hình ảnh nào: phục vụ hay được phục vụ?

 

Nơi thánh Phao-lô, chúng ta thấy hình bóng của Giáo Hội, một Giáo hội không bao giờ dừng lại nhưng luôn đi tiên phong để đặt nền móng. Nhưng nếu trong Giáo hội có những người chỉ biết chọn một đời sống yên ổn, tiện nghi; Giáo hội đang tự đóng mình lại, đang trở thành một tổ chức kiếm tiền kinh doanh. Khi ấy, Giáo hội sẽ không còn là thừa tác viên của Đức Kitô để phục vụ người khác nữa nhưng lại khiến người khác phải phục vụ mình.”

 

Bởi thế, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cùng hiệp ý cầu nguyện: “Chúng ta nài xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng như đã ban cho thánh Phao-lô. Đó là ơn biết hãnh diện về công việc phục vụ Thiên Chúa, biết lao mình về phía trước, biết nói không với những bến đỗ tiện nghi, thoải mái. Đồng thời, cũng xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi cơn cám dỗ của một đời sống hai mặt: tôi có thể nhận thấy mình là một thừa tác viên của Chúa, một người phục vụ, nhưng thực ra người khác đang phải phục vụ tôi” (SD 06-11-2015).

 

Vũ Đức Anh Phương