Tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha và giáo triều Roma

Tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha và giáo triều Roma

Tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha và giáo triều Roma 1

VATICAN. “Dân chúng mong đợi những mảnh sự sống từ các môn đệ Chúa Giêsu, chứ không  phải những mảnh đạo lý”. Đó là lời nhắc nhở của cha Ermes Ronchi, vị giảng tĩnh tâm cho Đức Thánh Cha và các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh.

Cha Ermes Ronchi nói:  “Lời mời gọi của Chúa Giêsu: “hãy trở nên muối đất” là lời nhắc nhở  các môn đệ của Người, hãy rao giảng niềm hy vọng và sự sống chứ không phải trình bày các vấn nạn tín lý.. Nếu chúng ta không là những người quả quyết, không thoát khỏi sự  giả dối và sợ hãi, chúng ra sẽ là muối đã bị nhạt.”

Cha Ronchi là một Linh mục người Ý, là giáo sư của phân khoa Thần học của Học viện Giáo hoàng Marianum ở Roma. Ngài đã được Đức Giáo hoàng Phanxicô chọn giảng tĩnh tâm mùa Chay 2016 cho giáo triều Roma. Cha đã chọn đề tài “Những câu hỏi trần trụi của Tin Mừng”. Tuần tĩnh tâm này được tổ chức ở Ariccia, một thành phố cách Roma 30 cây số về hướng đông nam.

Trong bài giảng sáng ngày 7 tháng 3, cha Ronchi đã nói về sự sợ hãi, điều đã đi vào thế giới sau sự bất tuân của Adam và Eva trong vườn địa đàng.  Cha nói, vì lo sợ cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, Adam đã trốn tránh Người. Điều này chứng tỏ hậu quả của tội lỗi  là làm cho ông xa cách lòng thương xót. Đối với các Kitô hữu, sự lo sợ này tạo nên một cộng đoàn Kitô buồn sầu, và một Thiên Chúa không có niềm vui. Như thế, kẻ thù của sợ hãi không phải là sự can đảm nhưng là đức tin.”

Suy niệm đoạn Tin Mừng theo thánh Mát cô 4,35-41 nói về việc Chúa Giê su làm cho biển yên sóng lặng, cha Ronchi nói: “Sợ hãi khiến cho các môn đệ trên thuyền như là ra lệnh cho Chúa hành động và cứu họ khỏi chìm xuống biển sâu. Tuy nhiên, Thiên Chúa không đưa chúng ta ra khỏi cơn bão táp, nhưng Người nâng đỡ chúng ta trong giông bão”.

Cha Ronchi còn nói với các vị dự tuần tĩnh tâm rằng, trong một thời gian dài, Giáo hội đã truyền lại một niềm tin pha trộn với sợ hãi.Cha nhấn mạnh: “Do đó, thay vì giải thoát con người khỏi sợ hãi Thiên Chúa như các thiên thần đã làm trong dòng lịch sử thánh, hãy là những thiên thần giải thoát họ khỏi sợ hãi”.

Vào ban chiều, cha đã tập trung vào đoạn Kinh Thánh nói về Bài giảng trên núi của Chúa Giêsu, trong đó Chúa nói: “Các con là muối cho trần gian. Nếu muối đã bị lạt thì lấy gì ướp lại cho mặn?” Theo Cha Ronchi, hình ảnh của muối, tiêu tan để ướp mặn, phản chiếu sứ mệnh của Giáo hội, là phải trao ban chính mình và tan biến đi. Muối và ánh sáng không phải để tồn tại mãi mãi cho chính mình nhưng là trao ban. Giáo hội cũng  phải như thế. Tiêu hao không có nghĩa là hủy diệt hay mất đi, nhưng là để làm cho cuộc sống con người tốt đẹp hơn.

Vào ngày thứ 3 của cuộc tĩnh tâm, cha Ronchi suy niệm về “sứ mạng làm chứng thật cho Chúa Giê su của Giáo hội.” Từ đoạn Tin Mừng nói về cuộc tuyên xưng đức tin của Phê rô, cha Ronchi nói, câu hỏi của Chúa Giêsu cho các môn đệ “Phần các con bảo Thầy là ai?|” là một câu truy vấn cho tâm hồn chúng ta. Chúa Giêsu không chờ câu trả lời, nhưng là chính con người, không phải là những định nghĩa nhưng là sự dấn thân. Chúa Giêsu không có đang dạy học, Người không gợi ý câu trả lời, nhưng Người nhẹ nhàng dẫn mọi người nhìn vào nội tâm sâu thẳm của chính minh. Cha nói tiếp, câu hỏi của Chúa Giêsu, được hiểu là không dạy đạo lý cho bất cứ ai, cũng không bắt buộc các môn đệ phải trả lời một cách khuôn mẫu. Câu trả lời của Thánh Phêrô “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa” là chứng nhân rằng  “Chúa Kitô đang sống trong chúng ta”

Cha Ronchi cũng nói: “Tâm hồn chúng ta có thể là máng cỏ hoặc là nấm mồ của Chúa. Lệnh truyền của Chúa Giêsu cho các môn đệ “đừng nói cho ai biết Người là Đấng Mêsia” cũng là lệnh truyền cho Giáo hội, vì thỉnh thoảng Giáo hội đã truyền giảng một kinh nghiệm méo mó về Thiên Chúa. Nay Giáo Hội được kêu gọi rao giảng bằng chính chứng từ cá nhân của minh. Những giáo sĩ chúng ta, nhìn ai cũng như nhau: có cùng cử chỉ, các lời nói và y phục. Nhưng mọi ngươi đang yêu cầu chúng ta cho họ kinh nghiệm về Thiên Chúa. Chúa Giêsu không phải là những điều chúng ta nói về Người nhưng là điều tôi sống về Người. Chúng ta không phải là trung gian giữa Thiên Chúa và con người, trung gian đích thật chinh là Chúa Giêsu.” (CNS 8-3-2016)

Hồng Thủy OP

 

Tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha và Giáo Triều Roma

Tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha và Giáo Triều Roma

Tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha và Giáo Triều Roma

ROMA. Lúc 4 giờ chiều chúa nhật 6-3-2016, ĐTC đã cùng các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh đi xe bus đến Ariccia để bắt đầu tuần tĩnh tâm hàng năm cho đến thứ sáu 11-3 tới đây.

Giống như những năm trước đây, tuần tĩnh tâm diễn ra tại Trung tâm ”Nhà Thầy Chí Thánh” (Casa Divin Maestro) của tu đoàn thánh Phaolo ở Ariccia, cách Roma khoảng 30 cây số về hướng nam.

Vị đảm trách các bài suy niệm trong tuần tĩnh tâm Cha Ermes Ronchi người miền Veneto, đông bắc Italia năm nay 69 tuổi (1947) thuộc dòng Tôi Tớ Đức Maria, đậu 2 tiến sĩ, một tại Đại học Sorbonnes bên Pháp về lịch sử các tôn giáo và một tại Đại học Công Giáo Paris về khoa học các tôn giáo, và làm giáo sư tại Giáo hoàng Học viện Marianum ở Roma, trước khi làm cha xứ tại Milano. Cha là tác giả của rất nhiều sách báo về kinh thánh và linh đạo, cũng như giữ mục ”Những lý do để hy vọng” trên đài truyền hình Rai từ năm 2009.

Tuần tĩnh tâm bắt đầu với việc chầu Mình Thánh Chúa và kinh chiều chúa nhật 6-3-2016. Những ngày hôm sau, bắt đầu với kinh ngợi khen lúc 7 giờ rưỡi sáng, rồi bài suy niệm thứ I lúc 9 giờ rưỡi sau đó là Thánh Lễ. Ban chiều lúc 4 giờ có bài suy niệm thứ hai. Sau cùng là Chầu Thánh Thể và kinh chiều. Ngày chót, thứ sáu 11-3, chỉ có một bài suy niệm.

Đề tài các bài suy niệm của cha Ronchi trong tuần tĩnh tâm là 10 câu hỏi rút từ Phúc Âm: 9 câu do Chúa Giêsu nêu lên và 1 câu do Mẹ của Ngài trong lúc sứ thần truyền tin. Những câu hỏi của Chúa Giêsu là một danh hiệu khác của sự hoán cải. Câu hỏi thứ I trích từ Tin Mừng theo thánh Gioan: ”Bấy giờ Chúa Giêsu quay lại, và thấy họ đang theo Người, Người nói với họ: Các ông tìm ai?”. Vị giảng thuyết nói: ”Đề nghị cho những ngày này là chúng ta dừng lại lắng nghe một vị Thiên Chúa của những câu hỏi: không phải hỏi Chúa, nhưng là để cho Chúa hỏi chúng ta. Thày vì chạy đi tìm ngay câu trả lời, chúng ta dừng lại để sống kỹ lưỡng những câu hỏi trần trụi của Tin Mừng” (SD 6-3-2016)

G. Trần Đức Anh OP