ĐGH tôn phong 7 vị chân phước lên bậc Hiển Thánh

ĐGH tôn phong 7 vị chân phước lên bậc Hiển Thánh

7 vị thánh mới gồm 1 vị Giáo Hoàng, 1 TGM, 2 LM, 2 nữ tu và một giáo dân. Xét về quốc tịch có 4 vị người Ý, 3 vị còn lại người El Salvador, Đức và Bolivia gốc Tây Ban Nha. Trên mặt tiền Đền Thờ Thánh Phêrô có treo các bức ảnh lớn của 7 vị. 

 Các thành phần tham dự

 Hiện diện tại Quảng trường có hơn 80 ngàn tín hữu, phần lớn là người Italia, nhưng cũng có 7 ngàn người El Salvador, hàng trăm người Bolivia. Từ giáo phận Milano có 2500 tín hữu, 130 LM và phó tế, do Đức TGM bản quyền Mario Delpini cùng với 7 GM phụ tá hướng dẫn. Đức Phaolo 6 từng làm TGM Milano trước khi được bầu làm Giáo Hoàng. Hàng ngàn tín hữu khác đến từ giáo phận Brescia, quê hương của Ngài. Trong số các tín hữu hiện diện cũng có vài người đã được phép lạ của các thánh mới, như bà Cecilia Maribel Flores de Rivas, 34 tuổi, cùng với gia đình của bà. Bà đã được khỏi bệnh ung thư một cách lạ lùng nhờ lời chuyển cầu của Đức TGM Oscar Romero.

 Có 15 phái đoàn chính phủ đứng đầu là phái đoàn Tây Ban Nha do Hoàng Thái Hậu Sofia hướng dẫn, tiếp đến là phái đoàn Italia, Chile, El Salvador và Panama do 4 tổng thống liên hệ cầm đầu. Đoàn Honduras, Đài Loan và Uganda do 3 vị Phó Tổng thống hướng dẫn. Các phái đoàn khác do một vị Bộ trưởng cầm đầu.

 Đồng tế với ĐTC có đông đảo 600 vị Hồng Y và GM, trong đó nhiều vị cũng là nghị phụ Thượng HĐGM hiện nay về giới trẻ và 3 ngàn linh mục. Các HY và GM đứng cạnh ĐTC nơi bàn thờ là những vị bản quyền của các giáo phận nguyên quán của các vị thánh mới. Đặc biệt cũng có một phái đoàn Anh giáo do Đức nguyên TGM giáo chủ Rowan Williams hướng dẫn và gồm 10 vị Tổng Giám Mục.

 Một chi tiết đáng để ý là trong phẩm phục ĐTC mặc tại buổi lễ, có giây cột áo chùng trắng đã được Đức TGM Oscar Romero dùng trong thánh lễ ngài bị sát hại cách đây 38 năm, dây có vết máu của Đức TGM, gậy mục tử, dây Pallium và chén lễ cũng là của Đức Chân phước Phaolô 6. Qua những cử chỉ này, ĐTC Phanxicô muốn bày tỏ sự gần gũi với các vị thánh mới.

 Phần thánh ca, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn có 3 ca đoàn thuộc các giáo phận Brescia, Pontevico, Cosenza, ca đoàn giáo xứ Torre del Greco, sau cùng là ca đoàn Mẹ Giáo Hội.

Nghi thức phong thánh

 Nghi thức phong hiển thánh diễn ra vào đầu thánh lễ, với bài ca cầu xin Chúa Thánh Thần. Tiếp đến ĐHY Angelo Becciu, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, cùng với 7 vị thỉnh nguyên án phong thánh, tiến lên trước ĐTC, và ĐHY xin ĐTC ghi tên vào sổ bộ các thánh của Giáo Hội 7 chân phước: Phaolô 6, Oscar Romero, Francesco Spinelli, Vincenzo Romano, Maria Kasper, Nazaria Ignatia và sau cùng là Nunzio Sulprizio. Tóm lược 7 vị chân phước được xướng lên trong dịp này.

 Tóm lược tiểu sử 7 vị thánh

 1. Đức Phaolô 6 sinh cách đây 121 năm, và làm Giáo Hoàng trong 15 năm, từ 1963 đến 1978. Trong vô số các sáng kiến của ngài, có công trình tiến hành và áp dụng Công đồng chung Vatican 2, các chuyến tông du ở nước ngoài, thăng tiến đối thoại đại kết và liên tôn. Ngài qua đời lúc 81 tuổi tại Castel Gandolfo ngày 6-8 năm 1978 sau một thời gian rất ngắn bị bệnh và được phong chân phước cách đây 4 năm.

 2. Vị chân phước thứ hai được phong thánh hôm qua là Đức TGM Oscar Arnulfo Romero Galdámez, sinh năm 1917 tại thành phố Barrios ở El Salvador. Thụ phong LM năm 25 tuổi và làm cha sở 25 năm tại thành phố Miguel. Năm 1970 khi được 53 tuổi, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm GM phụ tá tổng giáo phận thủ đô San Salvador rồi 7 năm sau thăng TGM chính tòa tại đây. Thời đó El Salvdor bị nội chiến, phe cực hữu thi hành bạo lực chống những người yếu thế, giết hại các LM và giáo lý viên. Đức TGM Oscar Romero bênh vực các tín hữu và ngày 24-3 năm 1980, ngài bị đội quân tử thần của phe cựu hữu sát hại trong lúc dâng thánh lễ. Đức TGM được phong chân phước cách đây 3 năm (2015).

 3. Vị chân phước thứ ba được tôn phong là cha Francesco Spinelli người Italia, sinh tại Milano năm 1853, thụ phong LM năm 22 tuổi. Cha sáng lập dòng các nữ tu Thờ Lạy Thánh Thể và làm bề trên Hội dòng này. Cha qua đời năm 1913 thọ 60 tuổi và được ĐTC Gioan Phaolô 2 phong chân phước năm 1992.

 4. Vị thứ tư là Chân phước Vincenzo Romano, thuộc giáo phận Napoli, nam Italia sinh năm 1751 và làm cha sở giáo xứ Torre del Greco. Giáo xứ này bị núi lửa Vesusio tàn phá hoàn toàn và cha đã tái thiết đẹp đẽ và khang trang hơn. Cha Romano quen được gọi là thánh Gioan Maria Vianney của Italia, đã giúp hồi sinh về vật chất và nhất là về tinh thần và luân lý cho cộng đoàn tín hữu. Cha qua đời năm 1831, thọ 80 tuổi và được phong chân phước năm 1963.

 5. Thứ năm là Nữ chân phước Maria Caterina Kasper người Đức, sinh năm 1820, có sức khỏe mạnh mẽ và lao tác trong các công việc đồng áng và xây đường. Chị thành lập một dòng chuyên phục vụ những người nghèo khổ nhất trong xã hội, đó là dòng Nữ Tỳ nghèo của Chúa Giêsu Kitô. Dòng phát triển mạnh, vượt ra ngoài Âu Châu và lan tới Mỹ châu. Chị qua đời năm 1898 thọ 78 tuổi và được phong chân phước năm 1978.

 6. Thứ sáu là nữ Chân phước Nazaria Ignazia sinh tại Madrid Tây Ban Nha năm 1889 và cùng gia đình di cư sang Nam Mỹ, gia nhập dòng các nữ tu săn sóc những người già bị bỏ rơi năm 1908 tại Bolivia. Về sau đứng trước tình trạng xã hội ngày càng bi thảm, chị lập dòng các nữ tu đạo binh thánh giá của Giáo Hội. Chị qua đời năm 1943 lúc 54 tuổi và được ĐGH Gioan Phaolô 2 phong chân phước năm 1992.

 7. Sau cùng là chân phước giáo dân Nunzio Sulprizio, người Italia, sinh năm 1817 và mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được bà ngoại săn sóc, nhưng bà cũng qua đời. Nunzio được người cậu làm thợ rèn đưa về nuôi, nhưng ông cũng hành hạ cháu, đến độ Nunzio mắc bệnh lao xương. Được đưa tới nhà thương ở Napoli, tại đây anh được rước lễ lần đầu. Bệnh nặng thêm, Nunzio qua đời năm 1836 lúc mới được 19 tuổi. Lòng can đảm trong bệnh tật của anh trong tinh thần đức tin đã làm cho nhiều cảm phục. Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 đã tôn phong Nunzio Sulprizio lên bậc chân phước năm 1963.

 Phong thánh

 Sau khi cộng đoàn hát kinh cầu Các Thánh, ĐTC đã long trọng đọc công thức lấy quyền tông đồ truyền ghi tên 7 vị chân phước vào sổ bộ các thánh, để tôn vinh Chúa Ba Ngôi chí thánh, tuyên dương đức tin Công Giáo và gia tăng đời sống Kitô.

 Cộng đoàn vỗ tay hân hoan tạ ơn Chúa trong khi ca đoàn ca bài ”Hãy reo mừng, hát lên mừng Chúa”, và thánh tích của các vị tân hiển thánh được rước lên bàn thờ. Thánh tích của Thánh Phaolô 6 là chiếc áo thung mang máu của ngài khi bị mưu sát ở Manila, Philippines. Mộ của thánh nhân, theo di chúc, tiếp tục giữ nguyên tại hầm đền thờ Thánh Phêrô, thay vì được di chuyển lên tầng trên như trường hợp thánh Gioan 23 và Gioan Phaolô 2. Thánh tích của 5 vị thánh khác là một mẩu xương, còn thánh tích của thánh nữ Nazaria Ignazia là một ít tóc.

 Bài giảng của ĐTC

 Trong bài giảng, ĐTC đã diễn giải bài Tin Mừng, trích từ đoạn 10 theo thánh Marco, về người kia, vốn đã chu toàn việc tuân giữ các giới răn, hỏi Chúa xem phải làm gì để gia sản là cuộc sống đời đời, và trong câu trả lời Chúa Giêsu đòi người ấy đi xa hơn nữa:

 ”Chúa đòi người ấy tiến từ việc tuân giữ lề luật tới sự hiến thân, từ thái độ làm cho mình tới việc ở với Chúa. Và Chúa đưa ra một đề nghị sống thật là ”sắc bén”: ”Anh hãy bán tất cả những gì anh có, cho người nghèo [..] rồi đến đây theo tôi!” (v.21). Chúa Giêsu cũng nói với bạn: ”Hãy đến đây, theo tôi!”. Hãy đến, chứ đừng đứng nguyên, vì không làm gì xấu, vẫn chưa chủ để thuộc về Chúa Giêsu. Hãy theo tôi: đừng chỉ theo Chúa Giêsu khi bạn thấy là thích hợp, nhưng còn phải tìm Chúa mỗi ngày; đừng hài lòng với việc tuân giữ các giới răn, làm phúc bố thí một chút và đọc vài kinh; hãy tin nơi Ngài Vị Thiên Chúa luôn yêu mến bạn, tìm nơi Chúa ý nghĩa cuộc sống của bạn, sức mạnh để hiến thân.

 Bán của cải cho người nghèo

 Và Chúa Giêsu còn nói: ”Hãy bán những gì bạn có và cho người nghèo”. Chúa không đưa ra lý thuyết về nghèo khó và giàu sang, nhưng đi thẳng vào cuộc sống. Chúa đòi bạn hãy bỏ đi tất cả những gì làm cho tâm hồn bạn nặng nề, hãy loại khỏi bạn những của cải để dành chỗ cho Chúa, là điều thiện hảo duy nhất. Ta không thể thực sự theo Chúa Giêsu khi ta bị sự vật đè nặng. Bởi vì nếu tâm hồn bị tràn ngập của cải, thì sẽ không còn chỗ cho Chúa, Chúa bị coi như một đồ vật giữa các đồ vật khác. Vì thế, Chúa Giêsu nói, của cải giàu sang là nguy hiểm, làm cho ta khó được cứu độ. Không phải vì Thiên Chúa nghiêm khác, không phải vậy, vấn đề là từ phía chúng ta: chúng ta có quá nhiều, ước muốn quá nhiều bóp nghẹt tâm hồn và làm cho chúng ta không còn khả năng yêu mến. Vì thế thánh Phaolo nhắc nhớ rằng ”Sự ham hố tiền bạc là căn cội gây ra mọi sự ác” (1 Tm 6,10). Chúng ta thấy điều đó: nơi nào người ta đặt tiền bạc ở trung tâm chỉ không có chỗ cho Thiên Chúa và cũng chẳng có chỗ cho con người”.

 Buồn sầu vì bám víu của cải

 Trước câu trả lời và yêu cầu của Chúa Giêsu, người ấy ra đi, buồn sầu (v.22). Người ấy đã thả neo nơi các giới răn và nhiều của cải, nên không muốn dâng hiến tâm hồn. Tuy đã gặp Chúa Giêsu và được cái nhìn yêu thương của Chúa, nhưng anh ta ra đi buồn sầu. Sự sầu muộn là bằng chứng về tình yêu không trọn vẹn. Đó là dấu chỉ một con tim nguội lạnh. Trái lại một tâm hồn được thảnh thơi khỏi của cải, tự do yêu mến Chúa, thì luôn tỏa lan niềm vui, niềm vui mà ngày hôm nay chúng ta rất cần. Thánh Giáo Hoàng Phaolô 6 đã viết: Chính nơi trọng tâm những lo âu của con người ngày nay mà họ đang cần được biết niềm vui, cần nghe thấy tiếng ca của Chúa” (Tông huấn Gaudete in Domino, I). Ngày hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy trở về với nguồn mạch niềm vui là cuộc gặp gỡ với Chúa, can đảm chọn lựa rủi ro để theo Chúa, thích từ bỏ cái gì đó để sống theo Chúa. Các thánh đã bước theo con đường đó.

 ĐTC áp dụng vào cuộc đời 7 vị thánh mới:

 Đức Phaolo 6 đã làm như thế, noi gương thánh Tông Đồ mà ngài nhận tên hiệu. Như thánh Phaolô, Người đã hiến thân vì Tin Mừng của Chúa Kitô, vượt qua các biên cương mới và trở thành chứng nhân của Chúa trong việc loan báo và trong cuộc đối thoại, thành vị ngôn sứ của một Giáo Hội hướng ngoại, nhìn đến những người ở xa và chăm sóc người nghèo. Cả trong những cơ cực và giữa những hiểu lầm, Đức Phaolô 6 đã say mê làm chứng về vẻ đẹp và niềm vui được hoàn toàn theo Chúa Giêsu. Ngày nay Ngài còn nhắn nhủ chúng ta, cùng với Công Đồng mà Ngài là người hướng dẫn khôn ngoan, hãy sống ơn gọi chung của chúng ta, ơn gọi mên thánh chung của tất cả mọi người. Không phải sống nửa chừng, nhưng là nên thánh.

 Thật là đẹp vì cùng với Đức Phaolô 6 và các vị thánh nam nữ ngày hôm nay, có Đức Cha Romero, ngừơi đã từ bỏ an ninh trần thế, và chính an ninh của bản thân, để hiến mạng sống theo Tin Mừng, gần gũi với người nghèo và dân của mình, với tâm hồn được Chúa Giêsu và các anh chị em thu hút. Cũng vậy chúng ta có thể nói về Cha Francesco Spinelli, Vincenzo Romano, Maria Caterina Kasper, Nazaria Ignazia Thánh Nữ Têrêsa Chúa Giêsu và Nunzio Sulprizio. Tất cả các vị thánh này, trong những hoàn cảnh khác nhau, đã diễn tả bằng cuộc sống Lời Chúa hôm nay, không chút nguội lạnh, không tính toán, nhưng với lòng nhiệt thành chấp nhận rủi ro và từ bỏ. Xin Chúa giúp chúng ta noi gương các ngài.

 Phần cuối của thánh lễ

 Thánh lễ được tiếp tục theo nghi thức thường lệ và trong phần lời nguyện giáo dân, cộng đoàn đã cầu nguyện cho Hội Thánh, các tin hữu Kitô bị bách hại, cho những người trẻ đang tìm ơn gọi, cho các đôi vợ chồng trẻ và đặc biệt bằng tiếng Hoa, mọi người cầu nguyện cho các nhà lập pháp và các chính quyền.

 Trong phần rước lễ, 350 LM và Phó tế được giao phó nhiệm vụ phân phát Mình Thánh Chúa.

 Cuối thánh lễ, ĐTC cùng mọi người đọc kinh Truyền Tin kính Đức Mẹ. Trong dịp này ngài cám ơn các HY và rất đông đảo các GM và LM đến tự các nơi trên thế giới, và ngài không quên chào thăm và cám ơn các phái đoàn của các chính phủ đến dự lễ, đặc biệt là Hoàng thái hậu Sofia, Tổng thống Italia, Chile, El Salvador và Panama, và phái đoàn Anh giáo do Đức TGM Rowan Williams hướng dẫn.

Giuse Trần Đức Anh OP

7 ngàn tín hữu Salvador về Roma dự lễ phong thánh

7 ngàn tín hữu Salvador về Roma dự lễ phong thánh

ĐHY Gregorio Rosa Chavez, GM Phụ tá Tổng giáo phận San Salvador, cho biết trong số 7 ngàn tín hữu vừa nói có 5 ngàn người từ El Salvador và 2 ngàn người còn lại từ các nước khác nơi họ đang cư ngụ.

 Đức TGM Oscar Romero, của giáo phận thủ đô San Salvador, đã bị một đội quân tử thần sát hại ngày 24-3 năm 1980 trong lúc dâng thánh lễ tại một nhà thương ở ngoại ô Salvador. Ngài nổi bật về các hoạt động bênh vực dân nghèo và nhân quyền.

 Tất cả được chuẩn bị sẵn sàng

 Đức Cha Jose Luis Escobar, đương kim TGM giáo phận San Salvador, cho biết tất cả đã được chuẩn bị sẵn sàng cho lễ phong thánh. Ngài cũng nói rằng: ”Có được một vị thánh là một phúc lành lớn nhất từ trời cao, cả thế giới cũng công nhận Người là vị thánh”.

 Đức TGM cũng cho biết hôm sau ngày lễ phong thánh, tức là thứ hai, 15-10 sắp tới, tất cả các tín hữu Salvador sẽ được ĐTC Phanxicô tiếp kiến tại một thính đường ở Vatican.

 Người được phép lạ cũng hiện diện

 Trong số các tín hữu Salvador về Roma dự lễ phong thánh cũng có các đại diện của gia đình Đức TGM Romero, và người được phép lạ của thánh nhân, là bà Cecilia Maribel Flores de Rivas, 34 tuổi, cùng với gia đình của bà. Bà đã được khỏi bệnh ung thư một cách lạ lùng nhờ lời chuyển cầu của Chân Phước Oscar Romero hồi tháng 9 năm 2015. (AFP 7-10-2018)

Giuse Trần Đức Anh OP

Án phong thánh cho cha Raghiid Ganni và 3 phó tế Iraq bị giết có thể được bắt đầu

Án phong thánh cho cha Raghiid Ganni và 3 phó tế Iraq bị giết có thể được bắt đầu

Mosul – Bộ Phong thánh đã tuyên bố Nihil Obstat (không có gì ngăn trở) trong việc cho phép bắt đầu tiến trình phong thánh cho linh mục Raghiid Ganni của Giáo hội Canđê Iraq và 3 phó tế. Cha Ganni và 3 phó tế – Basman Yousef Daud, Wahid Hanna Isho và Gassan Isam Bidawid – bị giết vào ngày lễ Chúa Thánh Thần, 03/06/2007, bởi một người có võ khí, ở Mosul, gần nhà thờ Canđê dâng kính Chúa Thánh Thần, sau khi dâng Thánh lễ.

Hôm mùng 1 tháng 5, Đức Hồng y Angelo Amato, Bộ trưởng Bộ phong thánh, và Đức Tổng Giám mục Marcello Bartolucci, Tổng Thư ký của Bộ này, đã ký lá thư xác nhận không có ngăn trở đối với việc tiến hành hồ sơ phong thánh cho cha Ganni và 3 phó tế bị giết cùng với cha, theo tiến trình được quy định. Lá thư có đề cập đến yêu cầu trước đó, vào tháng 11 năm 2017, của Đức Giám mục Francis Yohana Kalabat của giáo phận Canđê thánh Tôma Tông Đồ ở Detroit.

Nguồn tin địa phương cho hãng tin Fides biết rằng thẩm quyền của án phong thánh, với sự cho phép cần thiết từ Tòa Thánh, đã được chuyển từ tòa tổng giáo phận Canđê ở Mosul đến giáo phận Canđê có trụ sở tại Detroit, Hoa Kỳ. Do tình hình bất an ở miền Bắc Iraq và hoàn cảnh khó khăn mà tổng giáo phận Canđê ở Mosul gặp phải sau nhiều năm bị lực lượng Nhà nước Hồi giáo IS chiếm đóng, việc tiến hành án phong thánh theo tiến trình được yêu cầu cũng như việc thu thập các chứng tá gặp nhiều khó khăn.

Án phong thánh để phong chân phước cho cha Ganni và 3 phó tế cùng bị giết với cha, trước hết có thể tuyên bố cha và các bạn là các vị tử đạo vì đức tin, sẽ phải xác minh và chứng thực rằng bốn ứng viên chân phước là các vị tử đạo bị giết vì đức tin vào Chúa Kitô.

Cha Fabio Rosini, giám đốc ơn gọi của giáo phận Roma, đã nói rằng trong cuộc sống của cha Raghiid Ganni, có những điều chỉ có ơn Chúa mới có thể thực hiện được… Theo cách con người, chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang đứng trước một vị anh hùng, một người có thể làm những điều phi thường, nhưng như thế chúng ta sẽ gặp nguy hiểm là biến Kitô giáo thành chủ nghĩa anh hùng. Một vị tử đạo không phải là một anh hùng, nhưng là một chứng nhân. Ngài biết điều đó nếu ân sủng hoạt động trong ngài. Trong Giáo hội, các anh hùng gây nên những vấn đề, sự chia rẽ, các cá nhân chủ nghĩa, bởi vì họ nói về mình. Ngược lại, các vị tử đạo nói về Chúa kitô, làm chứng cho Người.” (Fides 14/5/2018).

Hồng Thủy

Tiến bộ trong án phong thánh cho ĐGH Phaolô 6

Tiến bộ trong án phong thánh cho ĐGH Phaolô 6

VATICAN. Đức Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô 6 sẽ được phong Hiển Thánh.

Theo tin báo chí được giáo phận Brescia bắc Italia xác nhận, Bộ Phong Thánh đã cứu xét một vụ khỏi bệnh lạ lùng, qua Ủy ban giám định y khoa và Ủy ban thần học và đã nhìn nhận đây là phép lạ. Sự kiện này còn phải được Hội đồng Hồng Y và GM thông qua, sau đó là sự phê chuẩn của ĐTC.

Người được phép lạ là em bé Amanda sinh ngày 25 tháng 12 năm 2014 tại nhà thương Legnago. Mẹ em mới có thai được 26 tuần lễ và nhau thai bị rách. Các bác sĩ khuyên mẹ em phá thai vì sự sống sót của thai nhi có quá nhiều rủi ro.

Mẹ em bé người thành Verona, bắc Italia, đã nghe theo lời khuyên của một người bạn, và đến cầu nguyện tại Đền Thánh Đức Mẹ Ân Phúc ở thành Brescia, nơi có giữ thánh tích của chân phước Phaolô 6. Sau khi cầu nguyện tại đây bà trở về Verona với ảnh chân phước Phaolô 6 và thai nhi đã ra chào đời vào đúng ngày lễ Giáng Sinh. Các bác sĩ bấy giờ đã nói: ”Việc em bé này sinh ra không giải thích được với những qui tắc bình thường của khoa học. Đối với các tín hữu, Amanda là phép lạ của chân phước Phaolô 6.

Theo theo chí, Đức Phaolô 6 đó thể được phong thánh trong năm tới 2018. (Vat.Ins. 21-12-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Bộ phụng tự yêu cầu kiểm thực phầm chất bánh rượu dùng trong thánh lễ

Bộ phụng tự yêu cầu kiểm thực phầm chất bánh rượu dùng trong thánh lễ

VATICAN: Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích xin các Giám Mục toàn thế giới kiểm thực phẩm chất của bánh rượu dùng để dâng Thánh Lễ.

Thông cáo do Bộ  phổ biến ngày mùng 9 tháng 7 vừa qua mang chữ ký của ĐHY Tổng trưởng Robert Sarah và ĐTGM Thư ký Arthur Roche, trong đó Bộ yêu cầu các GM nhắc nhớ trách nhiệm của các linh mục, đặc biệt là các cha sở và giám đốc các đền thánh, trong việc kiểm thực phẩm chất bánh rượu cho phù hợp với Giáo Luật. Lý do vì có nhiều loại bánh rượu được bán cả trong các siêu thị,  hay hàng quán, hoặc trên mạng Internet.

Bánh phải là bánh không men, làm bằng lúa mì tinh tuyền, còn mới để không có nguy cơ bị hư hại.  Bánh làm bằng loại ngũ cốc khác với lúa mì, hay trộn lẫn với chất liệu khác lúa mì, không được coi là lúa mì thì không có giá trị cho việc cử hành Thánh Thể. Việc dùng bánh trộn lẫn với các chất liệu khác như trái cây, đường và mật là một lạm dụng nghiêm trọng. Các bánh lễ phải được làm do những người liêm chính và chuyên môn trong việc cung cấp bánh lễ.

Rượu dùng dâng Thánh Lễ phải là rượu tự nhiên làm bằng trái nho, tinh tuyền không bị pha chế hay trộn lẫn với các chất khác. Cần giữ gìn nó trong tình trạng hoàn hảo để rượu không trở thành giấm. Tuyệt đối không được dùng rượu không có sự tinh tuyền và phát xuất chắc chắn. Vì Giáo Hội đòi buộc sự chắc chắn liên quan tới các điều kiện cần thiết đối với giá trị của các bí tích. Không thể chấp nhận các loại rượu khác thuộc bất cứ loại nào không có giá trị cho việc cử hành.

** Bộ Phụng tự cũng nhắc lại Thư luân lưu Bộ Giáo Lý Đức Tin gửi cho các vị chủ tịch HĐGM liên quan tới việc dùng bánh với ít chất glutine và nước nho như chất liệu cử hành bí tích Thánh Thể, công bố ngày 24 tháng 7 năm 2003 về các điều luật riêng cho những người vì các lý do nghiêm trọng khác nhau không thể ăn bánh thường hay uống rượu lên men bình thường. Theo đó các bánh thánh hoàn toàn không có chất glutine là chất liệu không có giá trị để cử hành bí tích Thánh Thể. Là chất liệu có giá trị các bánh có chứa một lượng glutine đủ cho việc làm bánh, không thêm các chất lạ khác và không dùng các phương thức làm sai lạc bản chất của bánh (A. 1-2). Nước nho tươi được giữ không cho lên men qua các tiến trình không làm hư bản chất của nó, thí dụ như biến thành đá, là chất liệu có giá trị cho việc cử hành Thánh Thể (A.3). Các Giám Mục có quyền cho phép dùng bánh có ít chất glutine hay nước nho như là chất liệu của bí tích Thánh Thể đối với một tín hữu hay một linh mục. Phép này có thể được ban thường xuyên khi tình trạng lý do của việc cho phép vẫn kéo dài (C.1).

Ngoài ra Bộ Phung Tự và Kỷ Luật Bí Tích cũng quyết định rằng chất liệu thánh thể được làm với các cơ cấu bị biến đổi di truyền có thể được coi là chất liệu có giá trị. Những ai làm bánh và sản xuất ruợu cho việc cử hành Thánh Thể phải ý thức rằng công việc của họ hướng tới Hy Tế Thánh Thể và điều này đòi hỏi sự liêm chính, tinh thần trách nhiệm và chuyên môn. Sau cùng liên quan tới việc tuân giữ các điều luật tổng quát các Giám Mục có thể đồng ý với nhau trên bình diện HĐGM, bằng cách đưa ra các chỉ dẫn cụ thể. Do sự phức tạp của các tình hình và trạng huống, cũng như sự tôn trọng giảm sút trong lãnh vực thánh thiêng, trong cụ thể giáo quyền  cần chỉ định người bảo đảm cho tính chất tinh tuyền của chất liệu dùng cho việc cử hành bí tích Thánh Thể từ phiá các nhà sản xuất cũng như từ phía người phân phối và bán các chất liệu ấy một cách thích hợp. Chẳng hạn Bộ đề nghị HĐGM giao phó nhiệm vụ này cho một hay nhiều dòng tu hoặc một tổ chức có thể chu toàn các kiểm thực cần thiết  liên quan tới việc sản xuất, giữ gìn và bán bánh lễ rượu lễ  trong một quốc gia hay trong các quốc gia khác xuất cảng chúng. Bộ cũng yêu cầu bánh và rượu dùng cho việc cử hành Thánh Thể được đối xử thích hợp tại những nơi bán (REI 9-7-2017) 

Linh Tiến Khải

 

Đức Thánh Cha tôn phong hiển thánh 2 chân phước ở Fatima

Đức Thánh Cha tôn phong hiển thánh 2 chân phước ở Fatima

FATIMA. Thứ bẩy 13-5-2017, ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trọng thể tôn phong lên bậc hiển thánh 2 chân phước thiếu nhi đã được Đức Mẹ hiện ra cách đây đúng 100 năm: Phanxicô và Giacinta Marto.

Quảng trường trước Đền Thánh Đức Mẹ là một biển người, trong đó có tổng thống Marcelo Rebelo de Souza của Bồ đào nha, Tổng thống Paraguay, và của São Tomé và Principe bên Phi châu Ông Evaristo do Espirito Carvalho. Thủ tướng Antonio Costa và hơn 11 bộ trưởng của Bồ. Đặc biệt trong số các tín hữu hiện diện có bé Lucas, 10 tuổi, và cha mẹ em người Brazil. Cách đây 4 năm, em đã được phép lạ khỏi bệnh nhờ lời chuyển cầu của hai chân phước, khi em bị ngã từ cửa số xuống đất, bị chấn thương và hôn mê trong tình cảnh tuyệt vọng.

Lễ đài được thiết lập trên thềm Vương cung thánh đường Đức Mẹ Mân Côi và trên mặt tiền đền thờ có treo hai bức hình chính thức của hai vị chân phước được phong thánh. Bên trái bàn thờ là tượng Đức Mẹ Fatima.

Đồng tế với ĐTC có 8 Hồng Y, hơn 135 GM và 2 ngàn linh mục quốc tế.

Nghi thức phong thánh

Mở đầu thánh lễ sau lời chào phụng vụ của ĐTC là nghi thức phong thánh bắt đầu với bài ca cầu xin ơn Chúa Thánh Thần:

Đức GM giáo phận Leiría Fatima, António Augusto dos Santos Marto, xin ĐTC tôn phong 2 chân phước anh em Phanxicô và Giaxinta Marto lên bậc hiển thánh và tiếp đó một linh mục đã đọc tiểu sử tóm lược của hai vị chân phước.

Phanxicô Marto sinh ngày 11-6 năm 1908 và Giacinta xin ngày 5-3 năm 1910. Hai em nhận được nền giáo dục Kitô đơn sơ nhưng vững chắc. Hai thiếu nhi cùng với chị họ Lucia đã được Đức Mẹ hiện ra lần đầu ngày 13-5 năm 1917 trong lúc chăn đoàn vật trên đồi Cova da Iria.

Tháng 10 năm 1918, tức là 1 năm sau khi Đức Mẹ hiện ra lần cuối cùng ngày 13-10-1917, Phanxicô lâm bệnh, và đã chịu đựng cơn bệnh một cách bình thản. Các bác sĩ chẩn bệnh và thấy rằng cậu bé bị sốt Tây Ban Nha. Hôm trước ngày qua đời, Phanxicô nói với chị Lucia: “Chị à, em bệnh nặng lắm rồi, và sắp qua đi”. Bấy giờ chị Lucia nói: ”Vậy em hãy nhớ kỹ, đừng quên cầu nguyện nhiều cho kẻ có tội, có Đức Thánh Cha, cho chị và cho Giaxinta nữa”. ”Đồng ý, em sẽ cầu nguyện. Nhưng những chuyện đó, chị hãy xin Giaxinta thì tốt hơn, vì em sợ là sẽ quên khi em thấy Chúa. Với lại, trước hết em muốn an ủi ngài”. Phanxicô qua đời tối ngày 4-4-năm 1919.

Giaxinta rất đau khổ vì cái chết của anh, và chẳng bao lâu sau cũng theo chân anh. Bệnh sốt Tây Ban Nha biến chứng thành sưng màng phổi có mủ, và cô bé được đưa vào nhà thương. Và khi Giaxinta qua đời một mình ở nhà thương tại thủ đô Lisboa, tháng giêng năm 1920 và qua đời trong đêm 20-2 sau đó lúc mới được 9 tuổi.

ĐTC đã mời gọi mọi người hát kinh cầu các thánh xin ơn phù trợ của các ngài trước khi tiến hành công việc trọng đại là việc tuyên thánh.

Kế đến ĐTC đã đọc công thức lấy quyền tông đồ tuyên bố là thánh và truyền ghi tên hai vị chân phước Phanxicô và Giacinta Marto vào số bộ các thánh của Giáo Hội và tôn kính các vị theo các qui luật của Giáo Hội vào ngày 20 tháng 2 hàng năm.

Cộng đoàn nhiệt liệt vỗ tay và hát mừng hai vị thánh mới của Giáo Hội

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã diễn giải ý tưởng Mẹ Maria bảo vệ các tín hữu trong áo choàng Ánh sáng của Mẹ, ánh sáng xuất phát từ Thiên Chúa. Ngài nói:

”Một phụ nữ mặc mặt trời xuất hiện trên trời”: Thánh Gioan người được thị kiến ở đảo Patmos trong sách Khải huyền (12,1) làm chứng điều đó, và quan sát thấy phụ nữ ấy sắp sinh con. Rồi trong Phúc Âm, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói với môn đệ: ”Này là Mẹ con” (Ga 19,26-27). Chúng ta có một người Mẹ! Một ”Bà rất đẹp” như 3 mục đồng Fatima bình luận trên đường về nhà trong ngày hồng phục ấy 13-5 cách đây 100 năm. Và ban tối hôm ấy, Giacinta không cầm giữ được và đã tỏ lộ bí mật với mẹ: ”Hôm nay con đã thấy Đức Mẹ”. Các mục đồng đã thấy Mẹ của Trời Cao. Theo hướng nhìn của mắt các em, đôi mắt của nhiều người cũng nhìn theo, nhưng .. những người này không thấy điều các em đã thấy. Đức Trinh Nữ Maria không đến để chúng ta thấy Mẹ: để làm điều ấy, chúng ta sẽ có cả thời gian vĩnh cửu, nếu chúng ta lên Trời.

Nhưng Đức Mẹ, khi báo trước và cảnh giác chúng ta về nguy cơ hỏa ngục mà một cuộc sống không có Thiên Chúa và xúc phạm đến Chúa nơi các thụ tạo dẫn tới, Mẹ đến để nhắc nhở chúng ta về Ánh sáng của Thiên Chúa ở trong chúng ta và bao phủ chúng ta, vì như chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ I, ”Người con bị đưa về cùng Thiên Chúa” (Kh 12,5). Và theo lời chị Lucia, 3 trẻ em được đặc ân ở trong ánh sáng của Thiên Chúa chiếu tỏ từ Đức Mẹ. Mẹ bao phủ các em trong áo choàng Ánh sáng mà Thiên Chúa ban cho Mẹ. Theo tin tưởng và cảm thức của nhiều tín hữu hành hương, nếu không phải là tất cả, Fatima trước tiên là áo choàng Ánh sáng ấy bao phủ chúng ta, ở đây cũng như bất kỳ nơi nào trên trái đất khi chúng ta tìm đến nương náu dưới sự bảo vệ của Đức Mẹ để cầu xin Mẹ, như kinh Lạy Nữ Vương, dạy chúng ta, ”xin tỏ Chúa Giêsu cho chúng con”.

ĐTC nói tiếp: ”Các tín hữu hành hương rất thân mến, chúng ta có một Người Mẹ. Khi bám chặt vào Mẹ, chúng ta sống trong niềm hy vọng dựa vào Chúa Giêsu, vì như chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ hai, ”Những người nhận được dồi dào ân thánh và hồng ân công chính sẽ hiện trị trong cuộc sống nhờ một mình Chúa Giêsu Kitô', Roma đoạn 5 câu 17. Khi Chúa Giêsu lên trời, Ngài mang đến cạnh Chúa Cha nhân loại, nhân tính của chúng ta, nhân tính mà ngài đã đón nhận trong cung lòngĐức Trinh Nữ là Mẹ, và không bao giờ Ngài bỏ rơi. Như một cái neo, chúng ta gắn chặt niềm hy vọng của chúng ta nơi nhân tính được đặt trên Trời, ở bên hữu Chúa Cha (Xc Ep 2,6). Ước gì niềm hy vọng này là đòn bẩy cho cuộc sống của tất cả chúng ta! Một niềm hy vọng luôn nâng đỡ chúng ta cho đến hơi thở cuối cùng.

Với niềm hy vọng ấy, chúng ta tụ tập nhau nơi đây để cảm tạ Chúa vì vô số phúc lành mà Trời Cao đã ban cho chúng ta trong 100 năm qua dưới áo choàng Ánh sáng mà Đức Mẹ, từ Bồ đào nha giầu hy vọng này, đã trải dài trên tứ phương của trái đất. Chẳng hạn, chúng ta đang có trước mắt thánh Phanxicô Marto và thánh nữ Giacinta mà Đức Mẹ đã dẫn đưa vào vùng biển mênh mông Ánh sáng của Thiên Chúa, dẫn đưa các thánh ấy đến thờ lạy Chúa. Từ đó các thánh ấy được sức mạnh để vượt thắng nghịch cảnh và đau khổ. Sự hiện diện của Chúa trở nên liên lục trong đời sống hai thánh nhân, như được biểu lộ rõ ràng trong sự kiên trì cầu nguyện cho các kẻ có tội và trong ước muốn liên lỷ ở gần Chúa Giêsu ẩn náu trong nhà tạm.

Trong hồi ký (Memorie, III, n.6), chị Lucia dành lời cho Giacinta vừa mới được một thị kiến” ”Con không thấy bao nhiêu con đường, những con lộ và cánh đồng đầy người đang khổ vì đói và không có gì để ăn sao? Và Đức Thánh Cha trong một nhà thờ, trước Trái Tim vẹn sách của Mẹ Maria, đang cầu nguyện sao? Và bao nhiêu người cầu nguyện với Người sao?”.

ĐTC nói:

”Cám ơn anh chị em đã đồng hành với tôi! Tôi không thể không đến đây để tôn kính Đức Mẹ và phó thác cho Mẹ những con cái của Người. Dưới áo choàng của Mẹ, ta không bị lạc mất: từ vòng tay của Mẹ sẽ nảy sinh hy vọng và an bình mà họ đang cần và tôi cầu khẩn điều ấy cho tất cả các anh chị em của tôi trong bí tích rửa tội và trong nhân tính, đặc biệt các bệnh nhân và những ngừơi khuyết tật, các tù nhân và những ngừơi thất nghiệp, người nghèo và người bị bỏ rơi.

Anh chị em rất thân mến, trong niềm hy vọng chúng ta hãy cầu xin để mọi người lắng nghe chúng ta; và chúng ta hãy ngỏ lời với con người với nhiều tín thác Thiên Chúa sẽ cứu giúp chúng ta.

”Thực vậy, Chúa đã tạo dựng chúng ta như một niềm hy vọng cho tha nhân, một niềm hy vọng thực sự và có thể thực hiện được theo bậc sống của mỗi người. Khi yêu cầu và đòi hỏi mỗi người chúng ta chu toàn các nghĩa vụ của bậc sống của mình (thư chị Lucia 28-2-1943), Chúa tạo nên một sự tổng động viên chống lại sự dửng dưng làm cho con tim của chúng ta trở nên giá lạnh và gia tăng sự thiển cận của chúng ta. Chúng ta không muốn là một niềm hy vọng bị hỏng mất! Cuộc sống chỉ có thể sống còn nhờ lòng quảng đại của một sự sống khác. ”Nếu hạt lúa rơi xuống đất không chết đi thì nó vẫn trơ trụi một mình; nhưng nếu chết đi, nó sẽ sinh nhiều hoa trái” (GA 12.24): Chúa đã nói và đã làm điều đó, Ngài luôn đi trước chúng ta. Khi chún gta đi qua một thập giá, Chúa đã đi trước chúng ta. Như thế chúng ta leo lên thập giá để tìm Chúa Giêsu; nhưng chính Ngài đã hạ mình và đi xuống tận thập giá để tìm chúng ta và trong chúng ta, Ngài chiến thắng tăm tối của sự ác và đưa chúng ta trở lại Ánh Sáng.

Và ĐTC kết luận rằng dưới sự bảo vệ của Mẹ Maria, chúng ta là những người canh ban mai biết ngắm nhìn tôn nhan đích thực của Chúa Giêsu cứu thế, tôn nhan chiếu tọa rạng ngời trong Ngày Phục Sinh, và tái khám phá khuôn mặt trẻ trung và đẹp đẽ của Giáo Hội; tôn nhan ấy chiếu tỏa sáng ngời khi có đặc tính thừa sai, niềm nở, tự do, trung thành, nghèo phương tiện nhưng giàu tình thương.

Trong phần dâng lễ vật, có 4 người thuộc gia đình bé Lucas được phép lạ khỏi bệnh lạ lùng nhờ hai vị thánh mơi được tôn phong, mang bánh rượu lên cho ĐTC.

Cuối thánh lễ có nghi thức thờ lạy Mình Thánh Chúa và ĐTC ban phép lành cho các tín hữu đặc biệt là anh chị em bệnh nhân.

Thánh lễ kết thúc lúc quá 12 giờ trưa và ĐTC đã về nhà trọ  Đức Mẹ Camelô để dùng bữa trưa với các GM Bồ đào nha và đoàn tùy tùng.

Lúc gần 2 giờ chiều, ĐTC đã trở lại Căn cứ không quân Monte Real bằng xe thường, cách Fatima 43 cây số. Tại đây có nghi thức từ giã đơn sơ với sự hiện diện của Tổng thống và 700 tín hữu, rồi ĐTC đáp máy bay về Roma.

G. Trần Đức Anh OP

Phép lạ thứ hai – hoàn tất hồ sơ phong thánh cho Phanxicô và Giaxinta

Phép lạ thứ hai – hoàn tất hồ sơ phong thánh cho Phanxicô và Giaxinta

Vào tháng 3 năm 2013, Lucas Maeda de Oliveira, một em bé 6 tuổi ở giáo phận Capo Mourao, Para Paranà, Braxin, đang chơi đùa với cô em gái tại nhà của người ông thì tai nạn xảy ra. Cậu bé Lucas té từ cửa sổ cao 6,5m xuống đất và bị chấn thương sọ não nghiêm trọng. Cậu bé được đưa đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê, và người ta dự đoán xấu về sự sống của em. Lucas được đưa đi phẫu thuật cấp cứu mặc dù tại một cơ sở y tế không đủ điều kiện để điều trị chấn thương nghiêm trọng, với nguy cơ tử vong cao, hoặc nếu khá hơn thì có thể sống tình trạng thực vật vĩnh viễn hoặc bị tổn thương thần kinh và nhận thức

Khi tai nạn xảy ra, cha của Lucas, bế cậu bé đang nằm trên vỉa hè lên và đã cầu khẩn với Đức Mẹ Fatima và hai chân phước thiếu nhi Phanxicô và Giaxinta. Đêm hôm đó, gia đình Lucas đã cùng với một cộng đoàn các nữ tu dòng Kín Cát minh kiên trì cầu nguyện với hai chân phước mục đồng.

Chỉ một ít ngày sau, cậu bé Lucas được xuất viện và hoàn toàn bình phục cách nhanh chóng, trở lại bình thường, mà không có trị liệu đặc biệt, tự đi lại và không có ảnh hưởng đến thần kinh và nhận thức.

Sức khỏe tâm lý của cậu bé cũng được các chuyên gia y tế xác nhận vào năm 2016 và được ghi trong hồ sơ án phong thánh như sau: “Cậu bé Lucas tỉnh táo, có thể giao tiếp, hành xử bình thường so với độ tuổi và không có sự thay đổi tâm lý.”

Hôm 2/2/2017, các bác sĩ cố vấn y khoa đã đồng thuận bỏ phiếu chứng nhận sự khỏi bệnh kỳ lạ (tất cả 6 phiếu thuận).

Trong bài giảng trong Thánh lễ trên mộ của hai thiếu nhi Phanxicô và Giaxinta, Đức cha giáo phận Leiria đã nói: “Thiên Chúa thật là kỳ diệu, Người đã muốn làm vinh danh Người qua hai trẻ bé nhỏ mù chữ nhưng rất quý giá trước mắt Người.” Sơ Angela de Fatima Coelho da Silva, thỉnh nguyện viên án phong thánh cho hai thiếu nhi này kết luận: “Việc phong thánh cho hai em sẽ có giá trị đặc biệt to lớn đối với các trẻ em và sẽ là một sự khích lệ cho các gia đình. (Avvenire 12/05/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha sẽ phong thánh hai hiển thánh tại Fatima

Đức Thánh Cha sẽ phong thánh hai hiển thánh tại Fatima

VATICAN. ĐTC sẽ chủ sự lễ phong hiển thánh cho hai chân phước thiếu nhi Phanxicô và Giacinta Marto vào ngày 13-5 tới đây tại Fatima, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại đây với 3 mục đồng.

Tin trên đây được ĐTC thông báo trong công nghị Hồng Y sáng ngày 20-4-2017 tại Vatican.

Chân phước Phanxicô qua đời năm 1919 lúc mới được 11 tuổi và em ruột là Giacinta qua đời năm 1920 khi được 10 tuổi. Cả hai đã được ĐTC Gioan Phaolô 2 phong chân phước ngày 13-5-2000 tại Fatima. Với Phanxicô và Giacinta Marto, đây là lần đầu tiên trong lịch sử hai trẻ em không phải là tử đạo, được phong hiển thánh.

Trước đó, Bộ Phong thánh đã công bố sắc lệnh nhìn nhận một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của hai chân phước thiếu nhi: một em bé 6 tuổi ở Brazil, năm 2013, bị té từ lầu 3 xuống vệ đường và bị thương ở đầu và não bộ. Thân nhân em đã cầu xin hai chân phước cứu chữa và em bé đã được lành bệnh hoàn toàn.

35 chân phước khác

Trong công nghị, ĐTC cũng quyết định phong hiển thánh cho 35 vị chân phước. Trước khi đọc bản giới thiệu các vị chân phước, ĐHY Angelo Amato cũng nhắc đến các trẻ em trên thế giới ngày nay, nạn nhân của bạo hành và lạm dụng.

Đứng đầu danh sách được trình bày là Cha Andrea de Soveral, Cha Ambrogio Francesco Ferro, LM giáo phận, và giáo dân Matteo Moreira cùng với 27 vị tử đạo tại Brazil. 30 chân phước này tử đạo ngày 16-7-1645 và 3-10-1645, vì bị những người Tin Lành Calvin Hòa Lan giết trong cuộc xung đột với các tín hữu Công Giáo Bồ đào nha.

Tiếp đến là 3 chân phước thiếu niên tử đạo người Mêhicô là Cristoforo, Antonio và Giovanni, bị giết vì đức tin ở Mêhicô năm 1529. 3 vị này quen được gọi là ”Các trẻ tử đạo ở Tlaxcala”, là những thổ dân đầu tiên trở lại Công Giáo ở Mêhicô, bị giết vì đã nhân danh đức tin Kitô từ chối sự tôn thờ thần tượng và tục đa thê.

Thứ ba là Cha Faustino Miguez, thuộc dòng Scolopi, sáng lập Hội dòng Calasanziano của các Nữ tử Chúa là Mục Tử.

Thứ tư là chân phước LM Angelo da Acri, tục danh là Luca Antonio Falcone, thuộc dòng Capucino, qua đời năm 1739, thọ 70 tuổi.

35 chân phước sẽ được phong hiển thánh ngày 15-10 năm nay (SD 20-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thánh Cha triệu tập Công nghị Hồng Y về việc phong thánh

Đức Thánh Cha triệu tập Công nghị Hồng Y về việc phong thánh

VATICAN. Sáng thứ năm, 20-4-2017, ĐTC sẽ nhóm công nghị hồng y để quyết định và thông báo về ngày cử hành lễ phong hiển thánh cho một số vị chân phước.

Đứng đầu danh sách là Cha Andrea de Soveral, Cha Ambrogio Francesco Ferro, LM giáo phận, và giáo dân Matteo Moreira cùng với 27 vị tử đạo tại Brazil. 30 chân phước này tử đạo ngày 16-7-1645 và 3-10-1645, vì bị những người Tin Lành Calvin Hòa Lan giết trong cuộc xung đột với các tín hữu Công Giáo Bồ đào nha.

Tiếp đến là 3 chân phước thiếu niên tử đạo người Mêhicô là Cristoforo, Antonio và Giovanni, bị giết vì đức tin ở Mêhicô năm 1529. 3 vị này quen được gọi là ”Các trẻ tử đạo ở Tlaxcala”, là những thổ dân đầu tiên trở lại Công Giáo ở Mêhicô, bị giết vì đã nhân danh đức tin Kitô từ chối sự tôn thờ thần tượng và tục đa thê.

Án thứ ba là Cha Faustino Miguez (1831-1925), người Tây Ban Nha, thuộc dòng Scolopi, cũng gọi là dòng Giáo Sĩ học đường, sáng lập Hội dòng thánh Calasanzio của các Nữ tử Chúa là Mục Tử.

Án thứ tư là chân phước LM Angelo da Acri, tục danh là Luca Antonio Falcone, thuộc dòng Capucino, qua đời năm 1739, thọ 70 tuổi .

Sau cùng là hai chân phước thiếu niên Phanxicô và Giacinta đã được Đức Mẹ hiện ra ở Fatima cách đây 100 năm.

 Với công nghị trên đây, Giáo Hội sắp có thêm 37 vị Hiển Thánh. (SD 11-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Án phong thánh cho một Linh mục Hoa kỳ, từ Tin lành trở lại Công giáo

Án phong thánh cho một Linh mục Hoa kỳ, từ Tin lành trở lại Công giáo

New York – Hồ sơ phong thánh của Cha Paul Wattson, một Linh mục trở lại từ Tin lành, sáng lập Hội dòng thánh Phanxicô đền tội, sắp kết thúc ở cấp giáo phận.

Cha Wattson sinh năm 1863 và được thụ phong linh mục trong Giáo hội Tin lành Episcopal vào năm 1886. Cha cùng với nữ tu Lurana White của Tin lành Episcopal thành lập Hội dòng thánh Phanxicô đền tội ở Garrison, New York. Hội dòng gồm có các tu huynh và các nữ tu, những người muốn cổ võ sự hiệp nhất Kitô giáo. Khi cha Wattson trở lại Công giáo vào năm 1909, và được thụ phong Linh mục năm 1910, Hội dòng này cũng chuyển thành công giáo. Cha Wattson qua đời năm 1940, hưởng thọ 77 tuổi.

Cha Wattson đã tổ chức lần đầu tiên tuần cầu nguyện cầu cho các Kitô hữu hiệp nhất  trên đỉnh núi ở Garrison và ngày nay nó đã trở thành một phong trào toàn cầu. Tuần cầu nguyện cho hiệp nhất Kitô hữu hiện nay được tổ chức vào từ 18-25/01 hàng năm.

Hôm 09/03, tổng giáo phận New York đã kết thúc cuộc điều tra phong thánh kéo dài 18 tháng. Các bản viết của cha Wattson cũng như các bài viết về cha được thu thập lại, đóng gói, bọc lại và đóng dấu của Đức Hồng Y Timothy Dolan.

Hội đồng Giám mục Hoa kỳ đồng ý việc mở án phong chân phước cho cha Wattson vào tháng 11/2014 và án điều tra chính thức được mở vào tháng 09/2015 tại trung tâm Công giáo New York. (CNS 20/03/2017)

Hồng Thủy

Giáo hội Ấn độ mong đợi một nữ tu khác được phong thánh

Giáo hội Ấn độ mong đợi một nữ tu khác được phong thánh

rani-maria-vattalil

Ngày 18/11 vừa qua, ngôi mộ của một nữ tu Ấn độ, bị giết cách đây 21 năm, được khai quật và hài cốt của chị được di chuyển và chôn trong ngôi mộ mới bên trong nhà thờ, như một phần của tiến trình phong thánh.

Năm 1975, nữ tu Rani Maria Vattalil, thuộc dòng thánh Clara, bắt đầu hoạt động truyền giáo tại miền bắc Ấn độ và năm 1992, chị chuyển đến hoạt động tại Udainagar. Tại đây chị đã tranh đấu chống lại các người cho vay tiền đang bóc lột dân chúng địa phương. Các chủ đất không thích việc chị giúp dân địa phương trở nên tự lập hơn. Những chủ đất và các người cho vay tiền  đã thuê Samunder Singh giết chị. Ngày 25/02/1995, khi chị Rani đang trên một chuyến xe buýt để về gia đình ở bang Kerala, miền nam Ân độ, chị đã bị Singh đâm 50 nhát dao cho đến chết. Năm ấy chị mới 41 tuổi.

Sau khi qua đời, chị Rani được chôn cất bên ngoài nhà thờ Thánh Tâm ở Udainagar, nơi chị đã hoạt động. Hiện tại mộ của chị được khai quật và thi hài của chị được chôn trong ngôi mộ mới bên trong nhà thờ. Hàng trăm người đã tuôn đến ngôi mộ mới của chị để xin chị cầu bầu cho họ. Nhiều người, kể cả không phải Kitô hữu, đã nhận chị như một người thánh thiện, một người đã sống cuộc sống anh hùng.

Năm 2001, Đức cha George Anathil, lúc ấy là Giám mục của Indore đã bắt đầu án phong thánh cho chị Rani. Ngài đã thành lập hai ủy ban thần học và lịch sử để duyệt xét cuộc đời của chị. Sau khi cuộc điều tra ở cấp giáo phận nhìn nhận chị đã sống cuộc sống anh hùng theo nhân đức Kitô giáo, vào năm 2005, chị Rani được tuyên bố là Tôi tớ Chúa.

Đức cha Thottumarikal cho biết là đã xin phong thánh cho chị như một vị tử đạo, nhưng quyết định là từ Vatican.

Việc phong thánh cho nữ tu Rani sẽ là một phúc lành lớn lao cho giáo hội địa phương, nơi các Kitô hữu tiếp tục đối mặt với bạo lực từ những kẻ cực đoan. Kitô hữu tại đây chỉ chiếm 0,3% trên tổng số 73 triệu dân, đa số là Ấn giáo. (Ucan 23/11/2016)

Hồng Thủy

Các Giám mục Hoa kỳ ủng hộ việc xin mở án phong thánh cho 4 tín hữu

Các Giám mục Hoa kỳ ủng hộ việc xin mở án phong thánh cho 4 tín hữu

cac-giam-muc-hoa-ky-dang-hop-dai-hoi-mua-thu

Baltimore – Trong đại hội mùa thu diễn ra từ 14-16 tại Baltimore, các Giám mục Hoa kỳ đã bỏ phiếu đồng thuận việc xin mở án phong thánh cho 4 tín hữu Hoa kỳ. Việc hỏi ý kiến hội đồng Giám mục là một phần của tiến trình phong thánh, trước khi các Giám mục địa phương xin phép Bộ phong thánh mở án.

4 tín hữu đó là Julia Greeley, nguyên là một nô lệ sống tại Colorado, nữ tu Blandina Segale, dòng Bác ái phục vụ ở biên giới, cha Patrick Ryan, thi hành sứ vụ giúp những người bị sốt vàng da và đức ông Bernard Quinn, người đã chống lại sự cuồng tín và lập một nhà thờ và cô nhi viện cho người gốc Phi ở Brooklyn, New York. 4 trường hợp trên đã được các Giám mục địa phương lần lượt trình bày cho các Giám mục tại đại hôị, trước khi các ngài bỏ phiếu vào ngày 15/11.

Julia Greeley sinh ra trong một gia đình nô lệ ở Hannibal, Missouri giữa các năm 1838-1848. Sau tuyên ngôn giải phóng nô lệ vào năm 1863, Greeley đến sống ở Colorado, giúp đỡ những người nghèo dù cho chính mình cũng nghèo. Greeley qua đời năm 1918.

Nữ tu Blandina sinh tại Italia năm 1850 và nhập cư vào Cincinnati khi lên 4. Cô gia nhập dòng bác ái khi 16 tuổi và làm việc trong các trường học, cô nhi viện và bệnh viện ở Ohio, New Mexico và Colorado, trở thành người bảo vệ người nghèo, người bệnh, người bị xã hội gạt bỏ, người bản xứ và các người Mêxicô và Italia nhập cư. Sơ thường thăm các nhà tù và hoạt động để giải quyết các vấn đề xã hội như buôn người và các tội phạm vị thành niên. Sơ qua đời năm 1941 khi 91 tuổi.

Cha Patrick Ryan là một người Ai len nhập cư, sinh năm 1845 và chịu chức Linh mục năm 1869 tại Nashville, Tennessee. Cộng đoàn của cha bị bệnh dịch lây truyền làm cho hàng trăm người chết. Cha đã đi đến những vùng bị lây nhiễm của thành phố để giúp các người bệnh và người nghèo khổ. Cha bị nhiễm bệnh và qua đời năm 1878 khi mới 33 tuổi.

Một Linh mục khác là đức ông Bernard Quinn, cũng là một người gốc Ai len, sinh năm 1888 tại Newark, New Jersey. Ngài được thụ phong Linh mục năm 1912 và phục vụ trong giáo phận Brooklyn nơi cha chú tâm đến ơn gọi Linh mục và tu sĩ cho các tín hữu Công giáo gốc Phi. Năm 1922 cha thành lập nhà thờ thánh Phêrô Claver cho các tín hữu Công giáo gốc Phi và vài năm sau cha xây một cô nhi viện cho cộng đoàn người Mỹ gốc Phi. (CNS 16/11/2016)

Hồng Thủy

Tu chính qui luật cứu xét phép lạ trong các án phong thánh

Tu chính qui luật cứu xét phép lạ trong các án phong thánh

Tu chính qui luật cứu xét phép lạ trong các án phong thánh

VATICAN. Bộ Phong Thánh đã ban hành qui luật mới nghiêm ngặt hơn, điều hành hoạt động của Ủy ban giám định y khoa bộ phong thánh.

Trong một bài đăng trên báo Quan sát viên Roma, số ra ngày 23-9-2016, Đức TGM Marcello Bartolucci, Tổng thư ký Bộ Phong Thánh, cho biết qui luật đã được Bộ Phong thánh soạn thảo và được ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh phê chuẩn theo sự ủy nhiệm của ĐTC ngày 24-8 năm 2016.

Qui luật mới từ nay đòi phải có đa số phiếu cao hơn khi các bác sĩ chuyên gia của Bộ Phong Thánh cứu xét một sự kiện giả thiết là phép lạ. Đa số đó là 5 trên 7 hoặc 4 trên 6. Một vụ không thể được tái cứu xét hơn 3 lần. Để tái cứu xét một vụ giả thiết là phép lạ thì đòi phải có một ban giám định y khoa với các thành viên mới. Nhiệm kỳ của vị Chủ tịch Ban giám định y khoa chỉ có thể tái bổ nhiệm một lần, tức là 5 năm cộng thêm 5 năm.

Tất cả những người cứu xét sự kiện giả thiết là phép lạ gồm những người chủ án, tòa án, các thỉnh nguyện viên, các chuyên viên và chức sắc của Bộ Phong Thánh buộc phải giữ bí mật.

Thù lao trả cho các chuyên gia chỉ được phép chuyển qua phương thức chuyển khoản qua ngân hàng.

Đức TGM Bartolucci khẳng định rằng ”Mục đích của qui luật này là vì thiện ích của các án phong thánh, và không bao giờ được tách rời khỏi sự thật lịch sử và khoa học của những phép lạ được kiểm chứng. Việc nghiên cứu các phép lạ này phải được thực hiện trong sự trong sáng, khách quan và thẩm quyền chắc chắn của các chuyên gia y khoa có trình độ chuyên môn cao, rồi sau đó được Ban Cố Vấn Thần học cứu xét, trước khi đệ lên khóa họp của các Hồng Y và Giám Mục, sau cùng là đệ lên ĐTC để ngài phê chuẩn. Ngài là người duy nhất có thẩm quyền nhìn nhận một biến cố ngoại thường là phép lạ đích thực” (Oss. Romano 23-9-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Tường thuật lễ tôn phong hiển thánh cho Mẹ Teresa Calcutta

Tường thuật lễ tôn phong hiển thánh cho Mẹ Teresa Calcutta

Holy Mass and the canonization of Mother Teresa of Calcutta

Hoạt động thương xót không mỏi mệt của Mẹ Terexa Calcutta ở vùng ngoại biên các thành phố và cuộc sống giúp chúng ta luôn ngày càng hiểu rằng tiêu chuẩn hoạt động duy nhất của chúng ta phải là tình yêu thương nhưng không, tự do khỏi bất cứ ý thức hệ hay ràng buộc nào, và tuôn đổ trên tất cả mọi người, không phân biệt ngôn ngữ, văn hóa, chủng tộc hay tôn giáo. Mẹ Terexa thường nói: “Có lẽ tôi không nói tiếng của họ, nhưng tôi có thể cười”. Chúng ta hãy mang theo trong tim nụ cười của Mẹ và trao ban nó cho những ai chúng ta gặp trên đường đời, nhất là cho những người đau khổ.

Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô  đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ tôn phong hiển thánh cho Mẹ Terexa Calcutta, do ngài cử hành trước thềm Đền Thờ Thánh Phêrô lúc 10 giờ rưỡi sáng Chúa Nhật mùng 4 tháng 9 hôm qua.

 

Đại lễ phong thánh cho Mẹ Teresa Calcutta ngày 4 tháng 9-2016 -- Thuyết minh tiếng Việt Nam

Cùng đồng tế thánh lễ với ĐTC đã có khoảng 70 Hồng Y, 400 Tổng Giám Mục Giám Mục, 1,700 linh mục trong đó có 600 vị giúp ĐTC cho tín hữu rước lễ. Tham dự thánh lễ, ngoài ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh còn có phái đoàn đại diện của 20 quốc gia, do 13 quốc trưởng và thủ tướng hướng dẫn gồm các nước: Albania, nguyên Cộng hoà Jugoslavia Macedonia, Ấn Độ, Kosovo, Tây Ban Nha, San Marino, Đài Loan, Nigeria, Honduras, Italia, Vương quốc Monaco,  Hoà Lan, Ghana, Bosni Erzegovina, Panama, Hoa Kỳ, Áo, Croazia, Montenegro, Belize và 2 tổ chức quốc tế là Luơng nông quốc tế FAO và Lương thực thế giới PAM. Cùng tham dự thánh lễ có hơn 100,000 tín hữu, trong đó có 45.000 thành viên các tổ chức thiện nguyện về Roma mừng Năm Thánh Lòng Thương Xót. Đặc biệt cũng có 1,500 người nghèo, hành khất, vô gia cư, bị bỏ rơi được các nữ tu của Mẹ Terexa săn sóc trong các nhà ở Roma, Milano, Bologna, Firenze và Napoli.

Sau lời chào mở đầu thánh lễ của ĐTC ĐHY Angelo Amato Tổng trưởng Bộ Phong Thánh đã tiến lên xin ĐTC phong hiển thánh cho chân phước Têrexa Calcutta, và đọc tiểu sử của chân phước mà mọi người đều gọi là “Mẹ Têrêxa Caltutta”. Chân phước tên đời là Agnes Gonxha Bojaxhiu sinh ngày 26 tháng 8 năm 1010 tại Skopje, con của một gia đình gốc Albani. Hồi còn trẻ chị đã tham gia các sinh hoạt trong giáo xứ và ước mong tận hiến cuộc đời cho Chúa. Chị rời gia đình và được nhận vào dòng Đức Trinh Nữ diễm phúc Maria Loreto tại Rathfarnam bên Dublin Ai Len. Chi được gửi sang phục vụ bên Ấn Độ, vào nhà Tập và khấn dòng với tên gọi là Terexa. Trong 17 năm trời chị dậy học tại trường trung học Thánh Mary Bengali gần Calcutta.  Trên một chuyến xe lửa từ Calcutta đi Darieeling chị nghe tiếng Chúa Giêsu hấp hối trên thập giá nói “Ta khát” và trực giác được “ơn gọi trong ơn gọi”, thành lập một dòng du để “làm thoả mãn cái khát vô tận tình yêu thương và các linh hồn, mà Chúa Giêsu có trên thập giá, bằng cách làm việc cho ơn cứu rỗi và việc thánh hóa những người nghèo nhất trong những người nghèo. Chị lập dòng các nữ tu Thừa Sai Bác Ái, tiếp theo đó là dòng các Anh em Thừa Sai Bác Ái, các tổ chức giáo dân và Phong trào rộng mở cho các linh mục giáo phận.

Mẹ Terexa không quản ngại mệt nhọc tận hiến cuộc đời và sức lực cho việc loan báo Tin Mừng, qua nhiều hoạt động bác ái và trợ giúp những người rốt hết, không phân biệt giai tầng xã hội, tôn giáo và chủng tộc. Ở nền tảng mọi sáng kiến của Mẹ là việc cử hành Thánh Lễ, chầu Thánh Thể, cầu nguyện và có một tình yêu đại đồng thúc đẩy Mẹ trông thấy và phục vụ Chúa Giêsu nơi người nghèo.

Chứng tá tin mừng anh hùng của Mẹ khơi dậy sự khâm phục của của các giới chức lãnh đạo cao cấp nhất trong Giáo Hội cũng như trong thế giới đời. Năm 1979 Mẹ được giải thường Nobel Hoà Bình. Kiệt lực nhưng luôn luôn mạnh mẽ trong tinh thần Mẹ qua đời tại Calcutta ngày mùng 5 tháng 9 năm 1997 trong hương thơm thánh thiện.

Tiếp đến ĐTC đã cùng cộng đoàn hát kinh cầu các thánh. Rồi ngài đọc công thức tôn phong hiển thánh cho Mẹ như sau:

Để  vinh danh Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, biểu dương đức tin công giáo và thăng tiến cuộc sống kitô, với quyền của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta và của hai Thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và của chúng tôi, sau khi đã suy nghĩ lâu dài và nhiều lần xin ơn Chúa trợ giúp và lắng nghe ý kiến của nhiều anh em trong Hàng Giám Mục, chúng tôi tuyên bố và định nghĩa là Thánh chân phước Terexa Calcutta và ghi tên người vào Sổ Bộ các Thánh và thiết định rằng người được tôn kính giũa các Thánh trong toàn thể Giáo Hội, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Thánh tích của Mẹ đã được rước lên đặt bên trái bàn thờ. Đó là một cây thánh giá được ghép bằng nhiều mảnh gỗ phát xuất từ nhiều người và từ nhiều nơi khác nhau, nơi khổ đau tiếp tục nói lên tiếng rên “Ta khát” của Chúa Giêsu. Phần trước của thánh giá cũng bao gồm một mảnh gỗ của bàn quỳ toà giải tội, biểu tượng cho ơn tha thứ, mà hối nhân nhận được từ tình yêu của Thiên Chúa, và Mẹ Terexa coi họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo. Thánh giá được viền vàng để nêu bật hai tình yêu lớn nhất của Mẹ đối với Chúa Giêsu và Người Nghèo. Chiếc hộp đựng thánh tích của Mẹ có hình một giọt nước để giải cơn khát của sự vô nghĩa của khổ đau trong cô đơn. Thánh giá được cắm trên một đế bảng sắt bẩn hư hại biểu tượng cho cái nhìn, mà xã hội có đối với người nghèo, nhưng họ lại được Mẹ yêu thương với tất cả tâm lòng và được Mẹ phục vụ trong các khu xóm ổ chuột bần thỉu tại Calcutta, vì họ là phương thế giúp kết hiệp với Chúa Giêsu.

Thánh giá được đặt trong một cái hộp hình trái tim phần bên trái có ba giải mầu xanh diễn tả chiếc áo dòng sari của Mẹ, cong xuống như lưng của Mẹ cúi xuống cầu nguyện, suy niệm và gù người phục vụ dân nghèo. Phần tim bên phải có hình mềm mại hơn mầu trắng diễn tả chiếc áo dòng của Mẹ vói hai chữ “Ta khát” Hai phần của trái tim tách rời nhau nhưng nối liền bởi một vòng tròn diễn tả sự năng động trong sứ mệnh của Mẹ, bắt đầu với sự mạc khải của Chúa Giêsu và được đưa tới chỗ thành toàn. Mầu xanh và mầu trắng cũng là mầu của Mẹ Maria, mà Mẹ Terexa rất tôn sùng và cầu khẩn với lời nguyện đẹp sau đây: “Lậy Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, xin ban cho con Trái tim của Mẹ, xinh đẹp, trinh trong, vô nhiễm, tràn đầy tình yêu và khiêm tốn, để con có thể nhận lấy Chúa Giêsu trong Bánh Sự Sống, yêu Ngài như Mẹ đã yêu Ngài, và phục vụ Ngài như Mẹ đã phục vụ Ngài dưới gương mặt biến dạng của nhừng người nghèo nhất trong những người nghèo”.

Thánh lễ tiếp tục với Kinh Vinh Danh. Các bài sách Thánh đã được tuyên đọc bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, Thánh vịnh được hát bằng tiếng Ý, và Phúc Âm được hát bằng tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp. Các lời nguyện giáo dân đã được đọc bằng các thứ tiếng Albani, Pháp, Bengali, Đồ Đào Nha và Tầu.

Giảng trong thánh lễ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa bài đọc một trích từ sách Khôn Ngoan liên quan tới điều Thiên Chúa muốn nơi con người, là sống đẹp lòng Ngài. ĐTC nói: Các tác nhân lịch sử luôn luôn là hai: một đàng là Thiên Chúa, đàng khác là con người. Nhiệm vụ của chúng ta là nhận thức được tiếng gọi của Thiên Chúa và đón nhận ý muốn của Ngài. Nhưng để có thể tiếp nhận và kiểm thực tiếng gọi của Chúa mà không lưỡng lự chúng ta phải hiểu điều gì làm đẹp lòng Ngài. Biết bao ngôn sứ loan báo điều đẹp lòng Chúa và đúc kết nó trong kiểu diễn tả này: “Ta muốn lòng thương xót chứ không cần của lễ” (Hs 6,6; Mt 9,13). ĐTC giải thích như sau:

Mọi công việc của lòng thương xót đều đẹp lòng Thiên Chúa, bởi vì trong người anh em, mà chúng ta giúp đỡ, chúng ta nhận ra gương mặt của Thiên Chúa, mà không ai trông thấy (x. Ga 1,18). Mỗi lần chúng ta cúi xuống trên các nhu cầu của các anh em khác, là chúng ta đã cho Chúa Giêsu ăn và uống; chúng ta đã cho Ngài mặc, nâng đỡ và viếng thăm Con Thiên Chúa (x. Mt 25,40). Như thế, chúng ta đưọc mời gọi diễn tả cụ thể điều chúng ta xin trong lời cầu nguyện và tuyên xưng trong đức tin. Không có cách nào khác ngoài tình bác ái: những ai phục vụ các anh em khác là những nguời yêu mến Thiên Chúa, dù không biết Ngài (x Ga 3,16-18; Gc 2,14-18). Tuy nhiên, cuộc sống kitô không chỉ là việc trợ giúp khi cần. Nó là tâm tình liên đới đẹp, nhưng sẽ khô cằn vì không có gốc rễ. Trái lại, dấn thân mà Chúa đòi hỏi là dấn thân của một ơn gọi bác ái, qua đó nguời môn đệ Chúa Kitô dùng chính cuộc sống mình để phục vụ và lớn lên mỗi ngày trong tình yêu. Phúc Âm nói đến “đám đông dân chúng đến với Chúa Giêsu” (Lc 14,25). Ngày hôm nay “đám đông” đó là thế giới thiện nguyện đang quy tụ ở đây nhân Mừng Năm Thánh Lòng Thương Xót. Anh chị em chính là những người theo Chúa và khiến cho tình yêu của Ngài trở thành cụ thể đối với từng người…. Các người thiện nguyện củng cố biết bao con tim, nâng đỡ biết bao bàn tay, lau khô biết bao nước mắt! Có biết bao tình yêu thương đã được đổ vào việc phục vụ dấu ẩn, khiêm tốn và vô vị lợi này!

Việc theo Chúa Giêsu là một dấn thân nghiêm chỉnh, đồng thời tươi vui. Nó đòi hỏi tính triệt để và lòng can đảm, để nhận ra Chúa nơi người nghèo nhất và phục vụ họ. Khi phục vụ các người rốt hết và cần được giúp đỡ vì tình yêu Chúa Giêsu, các người thiện nguyện không chờ đợi lời cám ơn hay ca ngợi nào. Họ từ chối mọi sự vì đã khám phả ra tình yêu đích thật. Như Chúa đã đến gặp tôi và cúi xuống trên tôi trong lúc thiếu thốn, tôi cũng đi gặp gỡ Ngài và cúi xuống trên những người đã mất đức tin hay sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu, cúi xuống trên những người trẻ sống không giá trị và không lý tưởng, trên các gia đình gặp khủng hoảng, trên bệnh nhân và người tù, người di cư tỵ nạn, trên người yếu đuối và không được bênh đỡ trên thân xác cũng như trong tinh thần, trên các trẻ em vị thành niên bị bỏ rơi cho chính mình, cũng như trên các người già cả phải sống cô đơn.

Đề cập đến gương sống của Mẹ Terexa ĐTC nói:

Trong toàn cuộc đời mình Mẹ Teressa đã quảng đại phân phát lòng thương xót Chúa, sẵn sàng với tất cả mọi người qua việc tiếp đón và bảo vệ sự sống con người, sự sống chưa sinh ra cũng như sự sống bị bỏ rơi và gạt bỏ. Mẹ đã dấn thân bênh vực sự sống bằng cách không ngừng công bố rằng “ai chưa sinh ra là người yếu đuối nhất, bé nhỏ nhất, bần cùng nhất”. Mẹ cúi xuống trên trên những người kiệt lực bi bỏ chết bên lề đường, bằng cách thừa nhận phẩm giá mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Mẹ đã làm vang lên tiếng nói của Mẹ giữa các người quyền thế của trái đất này, để cho họ nhận ra các lỗi lầm của họ trước các tội ác của nghèo đói do chính họ dã gây ra. Đối với Mẹ lòng thương xót đã là “muối” trao ban hương vị cho mỗi hoạt động của Mẹ, và là “ánh sáng” chiếu soi các tăm tối của biết bao người cũng đã chẳng còn nước mắt để khóc thương cho sự nghèo túng và nỗi khổ đau của họ.

Sứ mệnh của Mẹ trong các vùng ngoại biên của các thành phố và của cuộc sống tồn tại ngày nay như chứng tá hùng hồn sự gần gũi của Thiên Chúa với những người nghèo nhất giữa những người nghèo. Hôm nay tôi trao gương mặt biểu tượng này của phụ nữ và người được thánh hiến cho toàn thế giới thiện nguyện: ước chi Mẹ là mẫu gương sự thánh thiện của anh chị em! Ước chi người hoạt động của lòng thương xót không mỏi mệt này giúp chúng ta luôn ngày càng hiểu biết hơn rằng tiêu chuẩn hoạt động duy nhất của chúng ta là tình yêu nhưng không, tự do khỏi bất cứ ý thức hệ hay ràng buộc nào, và tuôn đổ trên tất cả mọi người, không phân biệt ngôn ngữ, văn hóa, chủng tộc hay tôn giáo! Mẹ Terexa thường nói: “Có lẽ tôi không nói tiếng của họ, nhưng tôi có thể cười”. Chúng ta hãy mang theo trong tim nụ cười của Mẹ và trao ban nó cho những ai chúng ta gặp trên đường đời, nhất là cho những người đau khổ. Như thế chúng ta sẽ mở ra cho biết bao người đã mất tin tưởng và đang cần sự cảm thông và lòng hiền dịu các chân trời của niềm vui và niềm hy vọng.

Trưóc khi đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành cuối lễ cho mọi người ĐTC đã ngỏ lời cám ơn tất cả mọi người tham dự. Trước hết là các nữ tu Thừa Sai Bác Ái là gia đình thiêng liêng của Mẹ. Uớc chi thánh đấng sáng lập luôn trông chừng trên con đường của các chị và giúp các chị trung thành với Thiên Chúa, Giáo Hội và người nghèo. Tiếp đến ĐTC cám ơn các chính quyền hiện diện đặc biệt của các nước gắn bó nhất với gương mặt của vị Thánh mới, cũng như các phái đoàn chính thức và nhiều tín hữu hành hương đến từ các nước đó trong dịp hạnh phúc này. Xin Chúa chúc lành cho quốc gia của anh chị em.

ĐTC cũng chào và cám ơn các thiện nguyện viên và nhân viên lòng thương xót. Ngài phó thác họ cho sự che chở của Mẹ Teresa. Xin Mẹ dậy cho họ biết chiêm ngắm và thờ lậy Chúa Giêsu bị đóng đanh mỗi ngày để nhận biết và phục vụ Ngài nơi các anh chị em nghèo. Chúng ta cũng xin ơn này cho tất cả những ai hiệp nhất với chúng ta qua các phương tiện truyền thông khắp nơi trên thế giới.

ĐTC cũng muốn nhớ tới những người xả thân phục vụ các anh chị em phải sống trong các hoàn cảnh khó khăn và nguy hiểm, đặc biệt là biết bao nhiêu nữ tu không quản ngại hiến mạng sống mình cho tha nhân. Ngài xin mọi người đặc biệt cầu nguyện cho chi Isabel người Tay Ban Nha bị sát hại cách đây hai ngày trong thủ đô Haiti, một đất nước bị thử thách nhiều và ngài cầu mong các hành động bạo lực như thế chấm dứt và có nhiều an ninh hơn cho tất cả mọi người. Chúng ta cũng hãy nhớ tới các nữ tu khác mới đây đã là nạn nhân của bạo lực tại các nước khác. Chúng ta làm điều này bằng cách hướng lời cầu lên Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ và là Nữ Vương các Thánh. Tiếp đến ĐTC đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành cho mọi người

Sau thánh lễ 1,500 người nghèo đã được ĐTC đãi ăn trưa tại tiền sảnh đại thính đường Phaolô VI, do 100 nữ tu và 50 tu huynh Thừa Sai Bác Ái phục vụ.

Linh Tiến Khải

 

 

Bức họa chân dung Mẹ Têrêsa tại lễ phong thánh

Bức họa chân dung Mẹ Têrêsa tại lễ phong thánh

Bức họa chân dung chính thức của Mẹ Têrêsa tại lễ phong thánh

Một bức chân dung lớn của Chân phước Mẹ Têrêsa được treo trước tiền đường Đền thờ Thánh Phêrô dịp lễ tôn  phong Mẹ lên hàng hiển thánh. Đó là bản copy của bức họa chân dung do họa sĩ Chas Fagan vẽ.

Họa sĩ Chas Fagan là người đã vẽ chân dung của tất cả các tổng thống Mỹ và các tác phẩm tại mái vòm tòa nhà trụ sở Quốc hội Hoa kỳ cũng như tại Nhà thờ chính tòa quốc gia. Ông đã được Hội hiệp sĩ Columbus chọn vẽ chân dung chân phước Mẹ Têrêsa. Họa sĩ Fagan đã lập tức nhận lời vẽ chân dung Mẹ khi được Hội Columbus yêu cầu nhưng không nghĩ là tác phẩm của ông sẽ là bức họa chính thức được treo trong lễ phong thánh của Mẹ Têrêsa.

Họa sĩ Fagan đã phải mất một tháng trời để chuẩn bị các phác họa trước khi bắt đầu vẽ, và đã hoàn thành bức họa sau 6 tuần làm việc. Bức họa diễn tả niềm vui và lòng vị tha của Mẹ Têrêsa. Họa sĩ Fagan cho biết, đầu mối của ý tưởng của bức họa chính là câu trưng dẫn của Mẹ Têrêsa “niềm vui là sức mạnh”. Ông nói: “Mẹ là một nhân vật nhỏ bé nhưng làm trái đất rung chuyển” và người ta nói với ông: “khi Mẹ nhìn vào bạn, Mẹ chói sáng rạng rỡ”. Vì vậy ông đã cố gắng diễn tả điều này trong bức họa. Ông giải thích về bức tranh: “Nếu bạn muốn làm cho một điều gì đó chói sáng, bạn phải bao quanh nó bằng bóng tối”.

Một điều nữa trong cuộc sống của Mẹ Têrêsa cũng đánh động họa sĩ Fagan, đó là sự vị tha của Mẹ. Ông chia sẻ: “Có một chủ đề mà người hướng dẫn của ông thời gian ông còn là một học sinh trung học đã nói với ông, đó là “nếu bạn bắt đầu giúp đỡ người khác, bất cứ vấn đề gì của bạn sẽ bắt đầu biến mất”. Họa sĩ nhận xét: Mẹ Têrêsa đã sống điều này. Khi học về cuộc sống của Mẹ và nhìn thấy cách sống hàng ngày của Mẹ, nó thật khiêm nhường đơn giản và tất cả chúng ta có thể mong muốn nó. Nhưng nó là một bước nhảy vọt”.

Họa sĩ Fagan đã có thể cảm thấy sự hiện diện của mẹ thánh Têrêsa trong phòng vẽ của mình khi đang vẽ bức họa. Đối với ông, Mẹ Têrêsa đã mang lại niềm vui cho phòng vẽ của ông, cho ngôi nhà của ông và khi hoàn thành bức họa, họa sĩ cảm thấy tiêc nuối vì sẽ cảm thấy thiếu sự đồng hành của Mẹ.

Bức họa được bắt đầu trưng bày vào hôm 1 tháng 9 tại đền thánh quốc gia Gioan Phaolô II ở Washington. Nữ tu Tanya, dòng Thừa sai Bác ái, phụ trách cộng đòan Thừa sai bác ái Quà tặng Bác ái và Hòa bình ở Washington nhận xét: “Bức họa tuyệt vời; nó sẽ đưa nhiều người đến gần Thiên Chúa”. Chị cũng nhận xét thêm việc phác họa đôi mắt thông suốt  của Mẹ, sự thanh bình và sự chăm chú vào người mà Mẹ đang nhìn. Chị nói: “Nếu một người nhìn vào Mẹ, họ sẽ hướng mắt họ về trời, tôi sẽ nói, bởi vì Mẹ không tập trung vào mình. Người nhìn mẹ sẽ hướng tâm đến Thiên Chúa.”

Bức họa được thực hiện xuất phát từ lòng yêu mến và kính trọng của Hội hiệp sĩ Columbus dành cho Mẹ. Họ sẽ phân phát một triệu tấm thiệp cầu nguyện với chân dung của Mẹ cho các khách hành hương đến Roma. (CNA 01/09/2016)

Hồng Thủy 

Công bố qui luật mới về quản trị tài sản án phong thánh

Công bố qui luật mới về quản trị tài sản án phong thánh

Công bố qui luật mới về quản trị tài sản án phong thánh

VATICAN. Hôm 10-3-2016, qui luật mới về việc Quản trị tài sản liên quan đến các án phong chân phước và hiển thánh đã được Tòa Thánh công bố.

Qui luật này có hình thứ một phúc chiếu (Rescriptum ex audientia Santissimi), được ĐTC phê chuẩn ngày 4-3-2016, được công bố trên báo ”Quan sát viên Roma của Tòa Thánh”, có hiệu lực thử nghiệm trong 3 năm từ ngày được ký và thay thế cho qui luật cũ đã được Thánh Gioan Phaolô 2 phê chuẩn ngày 20-8 năm 1983.

Qui luật mới gia tăng sự minh bạch trong việc quản trị ngân quĩ dành cho việc chi phí án phong đồng thời tăng cường sự kiểm soát của nhà chức trách có thẩm quyền và của Bộ Phong Thánh đối với việc quản trị. Các ngân quĩ được thiết lập để trang trải các chi phí cho việc phong chân phước và hiển thánh: từ việc phổ biến cuộc sống của vị Tôi Tớ Chúa hoặc Chân Phước, cho đến cuộc điều tra ở cấp giáo phận, và sau cùng là lễ phong chân phước hoặc hiển thánh.

Luật qui định rằng sau khi chủ án (thường là một dòng tu hay giáo phận) chấp nhận việc xin mở án phong, thì sẽ thiết lập một ngân quĩ để chi phi cho án ấy. Ngân quĩ này do tiền dâng cúng của tín hữu hoặc của các pháp nhân và được coi như một ”thiện quĩ” (fondo di causa pia).

Người quản trị quĩ đó có thể là chính vị thỉnh nguyện viên hoặc người được bổ nhiệm cho công việc này. Người quản trị phải làm kết toán và bá cáo hàng năm. Bộ phong thánh có thể yêu cầu bá cáo bất kỳ lúc nào về việc quản trị quĩ này. Bộ có thể ban hành các biện pháp kỷ luật trong trường hợp có sai trái.

Nếu chủ án (giáo phận, dòng tu..) muốn sử dụng, dù chỉ một phần tài sản, để chi vào một việc có mục đích khác với án phong thánh thì phải xin phép của Bộ Phong Thánh.

Quản trị viên ngân quĩ phong thánh phải chuyên cần tuân hành tất cả các qui luật do Bộ Phong thánh ban hành liên quan đến hoạt động quản trị và tài chánh của một án phong.

Bộ phong thánh cũng yêu cầu chủ án phải đóng góp vào việc tổ chức lễ phong chân phước và phong thánh cử hành ở Roma. Nếu cần Bộ có thể yêu cầu đóng góp đặc biệt.

Qui luật cũng xác định chi biết các giai đoạn phải đóng góp cho các chi phí để xin nhìn nhận cuộc tử đạo, các nhân đức anh hùng, hoặc tước hiệu tiến sĩ Hội Thánh, nhìn nhận phép lạ.

Sau khi cử hành lễ phong chân phước hoặc hiển thánh, quản trị viên của ngân quĩ phải tường trình toàn bộ việc quản lý tài sản đã được phê chuẩn đúng phép.

Sau khi phong hiển thánh, Bộ Phong thánh sẽ quyết định về số tài sản còn lại, để ý đến những yêu cầu sử dụng từ phía chủ án phong và những đòi hỏi của ”ngân quĩ liên đới”. Sau đó, ngân quĩ án phong và chức vụ thỉnh nguyện viên không còn hiện hữu nữa. (SD 10-3-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

Thánh Thể – Hiến Tế

Thánh Thể – Hiến Tế

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Cha Piô, tu sĩ dòng Capucinô, ở Itala, mới được phong thánh năm 2004, là vị linh mục đầu tiên đã được in 5 dấu thánh. Ngài là linh mục và đặc ân của Ngài, do thánh chức, là ở toà giải tội và nhất là trên bàn thờ dâng lễ. Cha dâng lễ lâu đến ba tiếng rưỡi đồng hồ. Ai dự lễ do cha Piô làm đều say sưa, sốt sắng, không biết mỏi mệt. Ngài sống mầu nhiệm Chúa hiện diện trên bàn thờ trong Bí tích Thánh Thể. Sau khi dâng Mình Thánh Chúa, thảm kịch tế lễ càng diễn tiến như dưới chân Thánh Giá xưa. Mồ hôi nhỏ giọt, nước mắt dầm dề. Ngài đọc lời truyền phép như một người đang hấp hối, đau khổ tột độ. Ngài cầm Mình Thánh giơ lên, những đường máu từ từ rơi theo dấu ngón tay. Rồi ngài hớn hở như được thấy Chúa. Ai không tin sự hiện diện của Chúa trong hình bánh hình rượu, hãy đến dự thánh lễ cha Piô sẽ biết, sẽ cảm nghiệm. Để Thánh lễ đừng kéo dài quá lâu sau truyền phép, cha bề trên tu viện núp trong cung thánh, phải ra lệnh bằng ý muốn cho ngài tiếp tục (Le vrai visage du Padre Pio, Maria Winowska,Fayard).

Anh chị em thân mến,

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn đi xa hơn nữa trong mạc khải của Ngài về Bánh Hằng Sống. Không những Chúa Giêsu đói buộc phải tin vào Ngài, nhưng Ngài còn đòi buộc phải ăn bánh là chính Mình Ngài, phải uống chén rượu là chính Máu Ngài. Bánh và rượu chính là Thịt và Máu của Ngài. Bánh và rượu này liên hệ đến cái chết của Ngài, cho đến độ không có cái chết của Ngài trên Thập Giá, thì Bánh ngày không thể là Thịt của Ngài và Rựơu này không thể là Máu của Ngài. Vì vậy, Bí tích Thánh Thể vừa là lễ tế hy sinh của Chúa Giêsu trên Thập Giá, vừa là bữa tiệc Thịt và Máu của Ngài, dưới hình thức bánh và rượu. Vì thế, Thánh Thể trước hết là một hy lễ. Chính là máu của Giao Ước mới sẽ đổ ra cho nhiều người được ơn tha tội. Chính là cuộc tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá.

Đoạn Tin Mừng hôm nay gợi lại cho chúng ta Bữa Tiệc Thánh Thể Chúa Giêsu đã cử hành vào những giờ phút cuối cùng của đời Ngài, trước lúc Ngài bị bắt và chết trên Thập Giá. “Trong bứa ăn tối, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, chúc tụng, rồi bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói: Các con hay cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy. Rồi cầm lấy chén rượu, tạ ơn, Ngài trao cho họ mà nói: Tất cả các con hãy uống chén này, vì này là chén Máu Thầy, máu Giao Ước mới sẽ đổ ra cho nhiều người được ơn tha tội” (Mt 26,26-28). Thánh Phaolô còn nói rõ: “Mỗi lần anh em ăn bánh và uống chén này, là anh em loan báo cái chết của Chúa Giêsu cho đến khi Ngài lại đến” (1Cr 11,26).

Chúng ta phải đọc những lời thiết lập Bí tích Thánh Thể dưới ánh sáng của những lời khẳng định của Chúa Giêsu về Bánh ban sự sống. Ngài đã tuyên bố một cách thẳng thừng Ngài là gì và người ta phải quan hệ với Ngài như thế nào để có được sự sống của Thiên Chúa. “Tôi là Bánh ban sự sống… Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi, thì sống mãi trong Tôi, và Tôi sống mãi trong người ấy”. “Tôi sống như thế nào, thì kẻ ăn Tôi cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy”. Thịt và Máu Chúa Giêsu là của ăn, của uống làm cho người ta “sống trong Chúa Giêsu” và làm cho Chúa Giêsu “sống trong người ấy”. Người dùng thức ăn, thức uống này thì được “sống nhờ Chúa Giêsu”, sẽ được “sống lại trong ngày sau hết” và được “sống đời đời”.

Thưa anh chị em,

Trong Tin Mừng theo Thánh Gioan, tình yêu liên hệ với sự sống: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã banh Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Không có sự sống thì cũng không có tình yêu. Thiên Chúa đã cứu chúng ta khỏi chết để chúng ta được sống để chúng ta được sống và được sống với Ngài. Bánh Ngài ban tặng chúng ta là bánh ban sự sống đời đời, là dấu chỉ của tình yêu, là dấu chỉ của chính Thân Thể Ngài hy sinh cho nhân loại. Tấm bánh bẻ ra hay là Chúa Giêsu Kitô hy sinh chịu chết vì chúng ta, đó chính là bằng chúng của tình yêu cao cả nhất: “Không có tình yêu nào cao quý cho bằng tình yêu hiến thân mình cho bạn hữu” (Ga 15,13). Vì vậy, Bí tích Thánh Thể được coi là Bí tích của tình yêu. Thiên Chúa là tình yêu và yêu là muốn kết hợp với người yêu. Yêu là muốn điều tốt, muốn cho người yêu được sống dồi dào, và trong tình yêu có sự đòi buộc phải hy sinh.

Bí tích Thánh Thể là bí tích tình yêu của Chúa Giêsu ban cho chúng ta. Từ khi nhập thể làm người cho đến lúc gục đầu trên Thập Giá. Chúa Giêsu chỉ có một khắc khoải là minh chứng tình yêu cho nhân loại. Ngài muốn loài người được sống và sống dồi dào. Đâu là Bí Tích Thánh Thể của Chúa Giêsu, bí tích của một tình yêu tận hiến. Chúa ban sự sống của Ngài cho chúng ta để chúng ta kết hợp với Ngài và được sống dồi dào nhờ cái chết cứu độ của Ngài.

Thế nhưng, được kết hợp với Ngài để làm gì? Được sống dồi dào để làm gì? Được sống kết hợp với Chúa để tiếp tục sống tình yêu như Ngài. Được kết hợp với Chúa để tiếp tục hoạt động với Ngài để đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Được kết hợp với Chúa Cha ở mọi nơi. Được kết hợp với Chúa để phục vụ cho anh em được sống dồi dào hơn qua cuộc tận hiến chính cuộc đời của mình.

Anh chị em thân mến,

Chúa Giêsu tiếp tục hiến mình làm bánh, là lương thực nuôi sống Giá Hội, nuôi sống chúng ta qua Bí tích Thánh Thể được cử hành hằng ngày, hằng tuần… Và mỗi người chúng ta cũng như cộng đoàn được mời gọi tiếp rước Mình và Máu của Chúa. Nhưng tiếp rước ở đây không phải chỉ là ăn uống Mình và Máu của Chúa Giêsu mà thôi, mà còn phải là tiếp rước chính Chúa Giêsu với cả cuộc đời và sứ mạng của Ngài, để hoạ lại ý nghĩa của cuộc đời và sứ mạng đó trong chính cuộc sống của mình. Do đó, rước lễ đích thực không thể tách rời khỏi việc tìm hiểu trong Lời của Chúa, trong cuộc đời của Ngài bài học về cách xử sự, về sự lựa chọn, về sự hy sinh, về lòng yêu mến người khác cho chính cuộc đời của mình. Đó là cách thức để người Kitô hữu sống bằng Thịt và Máu của Chúa, sống nhờ Chúa và qua đó, được sống đời đời.

Bí Tích Thánh Thể của Chúa Giêsu phải được nhân lên qua cuộc sống của các tín hữu. Bao lâu chúng ta còn sống hữu ích cho anh em, còn tìm cách làm cho cuộc sống của những người chung quanh bớt nghèo, bớt đói, bớt khổ… là chúng ta đang tế hiến mình với Chúa Kitô Thánh Thể. Chúng ta trở thành bánh ngon để nuôi sống anh em. Lúc đó, chúng ta mới dâng lên Thiên Chúa Bí tích tình yêu của chính bản thân mình mỗi lần họp nhau cử hành Bí tích Thánh Thể của Chúa Kitô.

Công nghị phong 20 Hồng Y và xác định lễ phong 4 hiển thánh

Công nghị phong 20 Hồng Y và xác định lễ phong 4 hiển thánh

VATICAN. Sáng ngày 14-2-2015, ĐTC Phanxicô đã chủ sự công nghị tấn phong 20 Hồng Y mới, trong đó có ĐHY Nguyễn Văn Nhơn, đồng thời xác định sẽ tôn phong 4 thánh nữ vào ngày 17-5-2015.

Đây là công nghị lần thứ 2 ĐTC Phanxicô chủ sự tại Đền thờ Thánh Phêrô để tấn phong Hồng y Lần đầu tiên ngày 22-2 năm 2014 để phong 19 Hồng Y và lần này 20 vị thuộc 18 quốc tịch.

Mass to 20 new cardinals

Giống như năm ngoái, hiện diện tại buổi lễ cũng có Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16, đáp lời mời của ĐTC Phanxicô. Ngài ngồi cạnh các Hồng Y đẳng Giám Mục và Thượng Phụ. Tiếp đến có 145 Hồng y, khoảng 100 giám mục và 8 ngàn tín hữu, trong đó có thân nhân, bạn hữu và giáo hữu của các tiến chức Hồng Y. Đặc biệt đến từ Việt Nam có Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc của Giáo phận Sàigòn, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, Đức Cha Vũ Huy Chương GM giáo phận Đàlạt, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, GM Cao Bằng Lạng Sơn, Đức Cha Phaolo Nguyễn Thái Hợp, GM Vinh. Ngoài ra có các cha quản hạt giáo phận Hà Nội, thân nhân, cộng tác viên và giáo hữu của Đức Tân Hồng Y Việt Nam, tổng cộng khoảng 60 người, không kể đông đảo LM, tu sĩ và chủng sinh Việt Nam ở Roma.

Có một tiến chức Hồng Y xin kiếu không đến dự công nghị được vì tuổi cao sức yếu, đó là ĐHY José de Jesus Pimiento Rodriguez, 96 tuổi, nên đã xin nhận Mũ Đỏ tại gia.

19 tiến chức Hồng y ngồi hai bên bàn thờ chính, trong khi các Hồng y và các GM ngồi phía trước bàn thờ. Trong số các tân Hồng Y có 15 vị dưới 80 tuổi và đến từ 14 quốc gia, gồm 5 vị người Âu, 3 vị Á châu, 3 vị Mỹ la tinh, 2 từ Phi châu và 2 vị từ Úc châu. 2 tiến chức Hồng Y Phi châu đến từ Etiopia và Capo Verde, hai vị người Úc đến từ New Zealand và quần đảo Tonga, 3 vị Á châu là người Việt Nam, Thái Lan và Myanmar, 3 vị Mỹ châu la tinh đến từ Mêhicô, Urugay và Panamá.

ĐTC đội mũ cho các tân Hồng Y

Ngoài ra, trong số các tân Hồng Y có 4 vị thuộc các dòng tu, gồm 2 vị Don Bosco, 1 vị dòng thánh Vinh Sơn Phaolô và một vị dòng thánh Augustino nhặt phép. Toàn Hồng y đoàn có 13 HY cử tri thuộc các dòng tu, trong đó đông nhất là 4 vị thuộc dòng Don Bosco.

Vị Hồng y duy nhất được ĐTC bổ nhiệm cho giáo triều Roma lần này là ĐHY Dominique Mamberti, sinh tại Maroc cách đây 63 năm, nhưng nguyên quán tại đảo Corse bên Pháp. Năm 2006 sau 4 năm làm Sứ thần Tòa Thánh tại Sudan, ngài được ĐTC Biển Đức 16 bổ nhiệm làm ngoại trưởng Tòa Thánh. Hồi tháng 11-2014 ĐTC Phanxicô chọn ngài làm Chủ tịch Tối cao Pháp Viện của Tòa Thánh.

Riêng Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, ngài đứng thứ 6 trong danh sách các vị được tấn phong lần này. Năm nay ngài 77 tuổi (1-4-1938), thụ phong linh mục ngày 21-12-1967 thuộc lớp đầu tiên của Giáo Hoàng Chủng viện thánh Piô 10 Đà Lạt và 24 năm sau, được bổ nhiệm làm GM Phó Đà Lạt ngày 11-10-1991, và trở thành GM chính tòa 3 năm sau đó (23-3-1994). Cách đây 5 năm (22-4-2010) ngài được bổ làm TGM Phó Tổng giáo phận Hà Nội, và chỉ 11 ngày sau đó, 13-5-2010, ngài trở thành TGM chính tòa Hà Nội, kế nhiệm Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt.

New Carninal included Nguyễn văn Nhơn             Tân Hồng Y Nguyễn văn Nhơn bắt tay chào mừng các vị Hồng Y khác

Cũng như hầu hết các Hồng Y khác trong đợt ngày, Đức TGM Nguyễn Văn Nhơn không hề được Tòa Thánh báo trước việc chọn ngài làm Hồng Y, và ngài chỉ được Đức TGM Girelli, Đại Diện Tòa Thánh không thường trú ở Việt Nam, chính thức báo tin việc bổ nhiệm này 1 giờ sau khi ĐTC công bố danh tánh các tiến chức Hồng Y trong buổi đọc kinh Tuyền Tin trưa chúa nhật 4-1 vừa qua tại Vatican.

Lễ phong Hồng Y được cử hành dưới hình thức một buổi phụng vụ lời Chúa. Khi tiến lên bàn thờ chính, ĐTC đã đến chào Đức nguyên Giáo Hoàng rồi tiến tới trước Mộ Thánh Phêrô cúi mình, thinh lặng cầu nguyện.

Sau lời chào phụng vụ của ĐTC, ĐHY Dominique Mamberti, vị đứng đầu danh sách các tiến chức đã đại diện mọi người chào mừng và cám ơn ĐTC, đồng thời cũng chào thăm vị Tiền Nhiệm của ngài đang hiện diện.

Tiếp đến, sau lời nguyện của ĐTC, cộng đoàn đã nghe đọc đoạn thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Corinto, đoạn thứ 12 và 13 (12,31-13,13), đề cao vai trò của đức bác ái: dù thông thạo mọi sự, dù làm những công trình to lớn hay bao công việc khác, nếu không có bác ái thì cũng vô ích…

Trong bài huấn dụ, ĐTC đã quảng diễn bài Thánh Thư vừa đọc và đề cao tầm quan trọng của đức bác ái trong đời sống các vị được giao phó trọng trách trong Giáo Hội.

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha

Anh em Hồng Y thân mến,
Tước Hồng Y chắc chắn là một địa vị nhưng không phải là địa vị vinh dự. Nguyên danh từ Cardinale đã cho thấy điều đó, từ này gợi lại từ ”cardine”, bản lề; vì thế đây không phải là một cái gì phụ thuộc, trang trí, làm cho người ta nghĩ đến một huy chương danh dự, nhưng là một bản lề, một điểm tựa và sự chuyển động thiết yếu đối với đời sống của cộng đoàn. Anh em là ”những bản lề” và được tháp nhập vào Giáo phận Roma, là giáo phận chủ trì cộng đoàn hiệp thông bác ái hoàn vũ” (LG 13, Xc Ignatio Ant., Ad Rom. Prologo).

Trong Giáo Hội mỗi chức vị chủ tịch đều xuất phát từ đức bác ái, phải được thực thi trong tình bác ái và có mục đích là bác ái. Cả trong lãnh vực này, Giáo Hội ở Roma thi hành một vai trò gương mẫu: về cách thức chủ trì trong tình bác ái, để mỗi Giáo Hội địa phương được kêu gọi chủ trì trong tình bác ái nơi khuôn khổ của mình.
Vì thế, tôi nghĩ rằng ”bài ca đức ái” trong thư thứ I của Thánh Phaolô Tông đồ gửi các tín hữu thành Corinto là lời hướng dẫn buổi cử hành này và sứ vụ của anh em, đặc biệt đối với những người trong anh em hôm nay gia nhập Hồng y đoàn. Và để cho chúng ta được hướng dẫn như thế thật là tốt, bắt đầu từ tôi và anh em cùng tôi. Chúng ta được hướng dẫn bằng những lời linh hứng của thánh Phaolô Tông Đồ, đặc biệt khi thánh nhân liệt kê những đặc tính của đức bác ái. Ước gì Mẹ Maria giúp chúng ta trong sự lắng nghe này. Mẹ đã trao tặng cho thế giới Đấng là ”Con đường tuyệt hảo nhất” (Xc 1 Cr 12,31) là Chúa Giêsu, là Đức Bác Ái nhập thể; ước gì Mẹ giúp chúng ta đón nhận Lời này và luôn tiến bước trên Con đường là Chúa Giêsu. Xin Mẹ giúp chúng ta với thái độ khiêm tốn và dịu dàng của Mẹ, vì đức bác ái, hồng ân của Thiên Chúa, tăng trưởng tại nơi nào có khiêm tốn và dịu dàng.

Nhất là thánh Phaolô nói với chúng ta rằng đức bác ái thì ”đi đảm” và ”từ nhân”. Hễ trách nhiệm càng rộng lớn trong việc phục vụ Giáo Hội, thì con tim càng phải mở rộng, nở lớn theo mức độ của con tim Chúa Kitô. Đại đảm, theo một nghĩa nào đó, cũng đồng nghĩa với đặc tính công giáo: nghĩa là biết yêu thương vô biên, nhưng đồng thời trung thành với những hoàn cảnh đặc thù và với những cử chỉ cụ thể. Yêu thương những gì là cao cả nhưng không lơ là những gì là bé nhỏ; yêu những điều bé nhỏ trong chân trời của những điều lớn, bởi lẽ ”không nản chí vì những công trình vĩ đi, nhưng dấn thân vào những việc bé nhỏ nhất, đó thc là điều thần linh” (Non coerceri a maximo, contineri tamen a minimo divinum est). Biết yêu thương bằng những cử chỉ từ nhân. Từ nhân là ý hướng cương quyết và bền bỉ, luôn luôn muốn điều thiện và cho tất cả mọi người, kể cả những người không thích chúng ta.
Rồi Thánh Tông Đồ nói rằng, đức bác ái ”không ghen tương, không háo danh, không tự kiêu tự đại”. Đây thực là một phép lạ của đức bác ái, vì con người chúng ta, tất cả mọi người, ở mọi lứa tuổi trong cuộc sống, chúng ta có xu hướng ghen tương và kiêu ngạo do bản tính của chúng ta đã bị thương tổn vì tội lỗi. Và cả những địa vị trong Giáo Hội cũng không được miễn nhiễm khỏi cám dỗ này. Nhưng chính vì thế, anh em thân mến, sức mạnh thần linh của đức bác ái có thể càng nổi bật trong chúng ta, sức mạnh biến đổi con tim, đến độ không còn là bạn sống, nhưng là Chúa Kitô sống trong bạn. Và Chúa Giêsu là tất cả tình yêu.

Ngoài ra, đức bác ái ”không thiếu sự tôn trọng, không tìm tư lợi”. Hai đặc điểm này cho thấy ai sống trong đức bác ái thì không qui hướng vào mình. Ai tự qui hướng vào mình thì chắc chắn là điều tôn trọng và thường họ không nhận thấy điều đó, vì ”tôn trọng” chính là khả năng để ý đến người khác, đến phẩm giá, hoàn cảnh và những nhu cầu của họ. Ai tự tập trung vào mình thì chắc chắn sẽ tìm tư lợi, và dường như họ thấy đó là điều bình thường, hầu như là điều bắt buộc. ”Lợi lộc” ấy cũng có thể được bọc bằng những bộ áo cao thượng, nhưng bên dưới đó vẫn luôn luôn là tư lợi. Trái lại đức bác ái làm cho bạn không tự tập trung vào mình và đặt bạn ở nơi trung tâm đích thực là một mình Chúa Kitô. Và như thế, bạn có thể là một người tôn trọng và quan tâm đến thiện ích của tha nhân.

Thánh Phaolô nói: ”Đức bác ái không thịnh nộ, không đ ý đến điều ác phải chịu”. Đối với người mục tử sống tiếp xúc với dân chúng, không thiếu những dịp để nổi giận. Và chúng ta càng có nguy cơ nổi giận trong những quan hệ với các anh em của mình, vì trong thực tế chúng ta ít có lý do để chữa mình. Cả trong trường hợp này, đức bác ái, và chỉ có đức bác ái mới giải thoát chúng ta. Giải thoát chúng ta khỏi nguy cơ phản ứng theo sự thúc đẩy của bản năng, nói và làm những điều sai lầm, và nhất là đức bác ái giải thoát chúng ta khỏi nguy cơ tử vong của sự giận dữ bị dồn nén, ”bị âm ỉ” bên trong, khiến bạn để ý đến những điều ác mà bạn phải chịu. Không, điều này không thể chấp nhận được nơi con người của Giáo Hội. Người ta có thể tha thứ sự nổi giận nhất thời rồi nguội đi ngay, nhưng đối với sự oán hận thì không. Xin Chúa giúp chúng ta tránh thoát và giải phóng chúng ta khỏi những điều ấy.

Thánh Phaolô nói thêm rằng đức bác ái ”không vui mừng vì điều bất công nhưng vui mừng vì chân lý”. Ai được kêu gọi thi hành công tác phục vụ là cai quản trong Giáo Hội thì phải có một ý thức mạnh mẽ về công lý, đến độ thấy rằng không thể chấp nhận bất kỳ điều bất công nào, cả điều bất công có lợi cho bản thân hoặc cho Giáo Hội. Và đồng thời, ”vui mừng vì chân lý”: thật là một thành ngữ đẹp dường nào! Người của Thiên Chúa là người được chân lý thu hút và tìm thấy chân lý trọn vẹn trong Lời và trong Thân Mình của Chúa Giêsu Kitô. Chúa là nguồn mạch niềm vui vô tận cho chúng ta. Ước gì Dân Chúa luôn có thể tìm thấy nơi chúng ta sự quyết liệt tố giác bất công và vui mừng phục vụ chân lý.

Sau cùng, đức bác ái ”tha thứ tất cả, tin tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”. Ở đây trong 4 lời này có chứa đựng một chương trình đời sống thiêng liêng và mục vụ. Tình yêu được Chúa Thánh Linh đổ vào tâm hồn chúng ta, giúp chúng ta sống và trở thành thế này: thành người có khả năng luôn luôn tha thứ; luôn luôn tin tưởng, vì đầy tràn niềm tin nơi Thiên Chúa; có khả năng luôn luôn mang lại hy vọng vì tràn đầy hy vọng nơi Thiên Chúa; trở thành những người biết kiên nhẫn chịu đựng mọi tình trạng, mọi người anh chị em, trong niềm kết hiệp với Chúa Giêsu, Đấng đã yêu thương chịu đựng gánh nặng của tất cả tội lỗi chúng ta”.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Anh em thân mến, tất cả những điều ấy không đến từ chúng ta, nhưng từ Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình thương và Ngài thi hành mọi điều ấy, nếu chúng ta ngoan ngoãn đối với tác động của Thánh Linh của Ngài. Vì vậy chúng ta phải trở thành ”người được tháp nhập và ngoan ngoãn”. Hễ chúng ta càng được tháp nhập vào Giáo Hội ở Roma, thì chúng ta càng phải trở nên ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Linh, để đức bác ái có thể mang lại hình thái và ý nghĩa cho tất cả những gì chúng ta sống và làm. Được nhập tịch vào Giáo Hội chủ trì trong đức bác ái, ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Linh là Đấng đổ tràn tâm hồn chúng ta tình yêu của Thiên Chúa (Xc Rm 5,5). Amen

Nghi thức phong Hồng Y

Sau bài huấn dụ, ĐTC bắt đầu nghi thức tấn phong Hồng y mới. Ngài nói:

”Anh chị em rất thân mến, chúng tôi sắp thi hành một hành vi trọng đại và vui mừng trong thánh vụ của chúng tôi. Hành vi này có liên hệ trước tiên tới Giáo Hội tại Roma, nhưng cũng liên quan tới toàn thể cộng đồng Giáo Hội. Chúng tôi sắp gọi một số người anh em gia nhập Hồng Y đoàn, để các vị được hiệp nhất với Tòa thánh Phêrô bằng một mối dây bền chặt hơn, trở nên thành phần của hàng giáo sĩ Roma, và cộng tác mật thiết hơn với sứ vụ tông đồ của chúng tôi.”

”Mang mặc phẩm phục màu đỏ, các vị Hồng Y phải là những chứng nhân can trường của Chúa Kitô và Phúc âm của ngài tại thành Roma cũng như tại những nơi xa xăm nhất. Vì vậy với quyền của Thiên Chúa toàn năng của các thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và quyền của chúng tôi, chúng tôi tấn phong và long trọng tuyên bố các anh em chúng tôi sau đây là Hồng Y của Hội Thánh Roma.”

Đến đây, ĐTC lần lượt xướng tên 20 hồng y mới, cộng đoàn nhiệt liệt vỗ tay chào mừng khi tên mỗi vị được nhắc đến. ĐTC ấn định 3 vị tân Hồng y thuộc đẳng phó tế, 17 vị còn lại là các Hồng y thuộc đẳng Linh Mục, hầu hết là những vị đang coi sóc các giáo phận ở các nơi.

Nhà thờ hiệu tòa được ĐTC chỉ định cho ĐHY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn là nhà thờ giáo xứ thánh Tômaso Tông Đồ ở khu ngoại ô phía Đông Nam Roma cách trung tâm chừng 30 cây số. Giáo xứ này được thành lập cách đây 51 năm, thánh đường mới của giáo xứ được khánh thành cách đây 2 năm và hồi năm ngoái đã được ĐTC Phanxicô viếng thăm. Trong những năm gần đây dân số giáo xứ gia tăng mạnh gồm hơn 6 ngàn gia đình với trên 20 ngàn dân. Phần lớn dân cư tại đây thuộc giai cấp trung lưu và thượng trung lưu.

Tiếp tục nghi thức, theo lời mời gọi của ĐTC, các tiến chức Hồng Y tuyên xưng đức tin và tuyên thệ trung thành với Chúa Kitô và Tin Mừng của Chúa, luôn luôn tuân phục Tòa Thánh và Thánh Phêrô nơi bản thân ĐTC Phanxicô và các đấng kế vị ngài được bầu lên hợp pháp; luôn bảo tồn bằng lời nói và hành động tình hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo; không bao giờ tiết lộ cho người nào những gì đã được ủy thác để gìn giữ, mà sự tiết lộ điều ấy có thể gây hại hoặc làm ô danh Hội Thánh; hết sức chuyên cần và trung tín thi hành các công tác được kêu gọi thi hành trong việc phục vụ Giáo Hội, theo các quy tắc luật định.

Kế đến, từng Hồng Y lần lượt tiến lên quì trước mặt ĐTC để ngài đội mũ đỏ Hồng Y, với lời nhắn nhủ:

”Để ngợi khen Thiên Chúa Toàn Năng và mang lại vinh dự cho Tòa Thánh, ĐHY hãy nhận mũ đỏ này như dấu chỉ phẩm vị Hồng Y, có nghĩa là ĐHY phải sẵn sàng cư xử can đảm, cho đến độ đổ máu đào, để làm tăng trưởng Đức Tin Kitô giáo, cho hòa bình và yên hàn của Dân Chúa, cho tự do và sự mở rộng Giáo Hội Roma Thánh”.
Và khi trao nhẫn, ngài nói:

”Đức Hồng Y hãy nhận chiếc nhẫn từ tay của Phêrô, và Đức Hồng Y hãy biết rằng nhờ yêu mến vị Thủ lãnh các thánh tông đồ mà lòng yêu mến Giáo hội của ĐHY được kiện cường”.

Sau cùng ĐTC trao sắc chỉ về việc phong Hồng Y cũng như việc chỉ định tước hiệu thánh đường của tân chức.
Sau khi lãnh mũ và sắc phong các Tân Hồng Y trao đổi cử chỉ bình an với ĐTC các vị đến chào các Hồng Y cũ rồi lên ngồi trên 19 chiếc ghế dành cho các vị phía tay trái của ĐTC, đối diện với hàng ghế của các Hồng Y cũ.
Nghi thức tấn phong các Hồng y mới kết thúc với Kinh Lạy Cha và lời nguyện của ĐTC xin cho các tôi tớ Chúa là các tân Hồng Y khi kiên trì xây dựng Giáo Hội, chiếu tỏa rạng ngời với đức tin toàn vẹn và tâm trí tinh tuyền.

Công nghị phong thánh

Phần thứ 2 của Công nghị là việc phong hiển thánh cho 3 nữ chân phước: 1 vị người Pháp và 2 vị người Palestine:
Mở đầu, ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, nhân danh Giáo Hội cùng với các Hồng Y và GM tụ họp nơi đây xin ĐTC ghi tên 3 vị chân phước vào sổ bộ các thánh trong tương lai gần đây, đó là Jeanne Emilie de Villeneuve, Maria Chúa Giêsu chịu đóng đanh Baouardy và Maria Alfonsa Danil Ghattas.

Rồi ĐHY tóm lược tiểu sử của 3 vị nữ chân phước:

– Đứng đầu là chân phước Jeanne Emilie de Villeneuve, sáng lập dòng các nữ tu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở thành phố Castres, miền nam Pháp, sinh năm 1811 và qua đời năm 1854 lúc 43 tuổi đời. Năm 1836, khi được 25 tuổi, chị thành lập một cộng đoàn nữ tu với danh hiệu ”Các nữ tu xanh ở Castres”: giữa thời cách mạng công nghệ, chị và hai người bạn đồng chí hướng chăm sóc các phụ nữ nghèo khổ, các nữ công nhân, bệnh nhân và phụ nữ mại dâm, trong một căn nhà ở Castres. Dòng này hiện có hơn 600 nữ tu thuộc 120 cộng đoàn, hoạt động trong lãnh vực giáo dục, y tế, và xã hội tại nhiều nước Phi châu, Âu Châu, Mỹ la tinh và Á châu Thái Bình Dương.
– Thứ hai là chân phước Maria Chúa Giêsu chịu đóng đanh, tục danh là Maria Baouardy, nữ đan sĩ dòng Cát Minh nhặt phép, người Palestine. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, khi lên 13 tuổi Maria bị chú ruột ép cho một người họ hàng theo phong tục thời ấy, nhưng Maria quyết liệt từ khước vì muốn dâng mình cho Chúa. Chị là một nhà thần bí, với nhiều thị kiến. Chị qua đời năm 1878 tại Đan viện ở Bethlehem lúc 32 tuổi.

– Sau cùng là chân phước Maria Alphonsa Danil Ghattas, người Palestine, sinh tại Jerusalem năm 1843 và qua đời năm 1927, thọ 84 tuổi. Chị cũng là một nhà thần bí và đã sáng lập dòng nữ Đa Minh Mân Côi tại Thánh Địa. Chị được phong chân phước tại Nazareth ngày 22-11 năm 2009 (SD 6-2-2015)

Và ĐHY Amato kết luận rằng: Vì vậy, để làm vinh danh Thiên Chúa và mưu ích cho toàn Giáo Hội, con nồng nhiệt xin ĐTC, dùng quyền Tông Đồ, quyết định phong hiển thánh cho các vị chân phước này, và xác định ngày long trọng ghi tên các vị vào sổ bộ các thánh.

ĐTC nói:
”Chúng tôi đã được ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, cho biết tất cả những gì cần thiết đã được hoàn thành tốt đẹp tại Bộ, để các chân phước Jeanne Emilie de Villeneuve, Maria Chúa Giêsu chịu đóng đanh Baouardy và Maria Alfonsina Danil Ghattas được ghi vào sổ bộ các thánh. Nhưng anh em đáng kính, trước khi cử hành công nghị này, qua giấy tờ, anh em đã bày tỏ riêng ý kiến của anh em và tuyên bố các vị chân phước này đáng được đề nghị như mẫu gương cho toàn thể Giáo Hội, đặc biệt trong hoàn cảnh thời nay. Anh em đáng kính, tôi vui mừng vì anh em nghĩ rằng 3 vị chân phước đáng được đề nghị cho toàn thể Giáo Hội tôn kính. Vì thế, với quyền của Thiên Chúa toàn năng, của các thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, và quyền của chúng tôi, chúng tôi quyết định rằng, cùng với chân phước Maria Cristina Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, mà việc phong thánh đã được quyết định trong công nghị Hồng Y năm ngoái, ba chân phước Jeanne de Villeneuve, Maria Chúa Giêsu chịu đóng đanh và Maria Alfonsina Danil Ghattas sẽ được ghi vào sổ bộ các thánh ngày 17 tháng 5 năm 2015.

Công nghị kéo dài 1 giờ 25 phút và kế thúc lúc 12 giờ 25.

Viếng thăm chúc mừng các tân Hồng Y

Theo chương trình, chiều hôm qua, từ lúc 4 giờ rưỡi, các tân hồng y được nhiều người thân, bạn hữu và quan khách đến chúc mừng tại các địa điểm được chỉ định cho mỗi vị: 4 tân Hồng y thuộc giáo triều ở trong dinh Giáo Hoàng, và 15 vị còn lại tại nhiều địa điểm trong khu vực Đại thính đường Phaolô 6.

Với việc bổ nhiệm này, con số thành viên Hồng Y đoàn là 227 vị, trong đó có 125 Hồng Y cử tri dưới 80 tuổi, tức là vượt quá con số 120 Hồng Y cử tri được luật ấn định. số những nước có HY cử tri được bổ nhiệm lần này có những quốc gia chưa hề có Hồng y bao giờ như Capo Verde, Tonga, Myanmar, Uruguay, Panamá. Đây là một dấu chỉ ĐGH rất tự do trong việc bổ nhiệm, không câu nệ truyền thống. Với việc bổ nhiệm HY cho những nước bé nhỏ hoặc ít tín hữu Công Giáo như Capo Verde, Tonga và Myanmar, ngài muốn mang lại vị thế quan trọng hơn cho những nước nhỏ thường bị quên lãng.

Trong Hồng y đoàn mới, Âu Châu vẫn đứng đầu với 119 Hồng y, trong đó có 57 Hồng y cử tri, Bắc Mỹ 27 vị trong đó có 18 HY cử tri, Nam Mỹ có 26 vị trong đó 12 vị dưới 80 tuổi. Nhưng với việc bổ nhiệm mới, tỷ số này suy giảm từ 60 xuống còn 56,8% Hồng Y đoàn.

Á châu chỉ có 22 Hồng Y, trong đó có 14 HY cử tri, Phi châu 21 Hồng y trong đó có 15 vị dưới 80 tuổi. Hai đại lục này có số tín hữu Công Giáo tăng nhanh nhất.

Sau cùng là Châu Đại Dương có 5 Hồng Y kể cả 2 tiến chức mới được tuyên bố bổ nhiệm, trong đó có 3 HY cử tri.

G. Trần Đức Anh O.P – Vatican Radio

LỜI CHÚA HỨA, LÒNG CON ẤP Ủ, ĐỂ CHẲNG BAO GIỜ BỘI NGHĨA BẤT TRUNG!

LỜI CHÚA HỨA, LÒNG CON ẤP Ủ, ĐỂ CHẲNG BAO GIỜ BỘI NGHĨA BẤT TRUNG

Câu chuyện xảy ra tại thành Roma vào năm 1620. Một thanh niên – tạm gọi Antonio – sống phóng túng và vô độ. Tính tình cộc cằn vũ phu khiến anh bị nhiều người oán ghét và trở thành kẻ thù chống lại anh. Họ hùa nhau tính chuyện thủ tiêu anh.

Thế nhưng, giữa cuộc sống ”dao búa” và ăn chơi trác táng ấy, anh Antonio vẫn giữ nguyên một thói quen lành thánh. Đó là việc anh thường xuyên xin lễ cầu cho Các Đẳng Linh Hồn trong Lửa Luyện Ngục. Anh đặc biệt có lòng thương xót các ngài. Anh muốn cứu giúp Các Đẳng Linh Hồn sớm được giải thoát khỏi nơi Đền Tội. Chính nghĩa cử bác ái đó đã cứu sống anh, cả hồn lẫn xác.

Một buổi tối, Antonio có chuyện phải đi về thành phố Tivoli, cách Roma khoảng 40 cây số về hướng đông bắc. Anh đi nhưng không biết mình đi vào hang kẻ thù. Bởi vì, kẻ thù biết rõ Antonio sẽ đi về hướng ấy, nên họ phục kích để giết anh. Họ núp trong một rừng cây nhỏ, mang đầy súng hỏa mai, chờ đợi giây phút Antonio đi ngang qua đó ..

Antonio cỡi ngựa bình thản nhắm thẳng hướng Tivoli. Khi gần đến nơi, anh bỗng trông thấy xác chết của một tử tội bị treo trên cây sồi. Động lòng trắc ẩn, anh cho ngựa dừng lại, đọc vài kinh cầu cho Linh Hồn kẻ quá vãng đáng thương. Bỗng chốc, tử thi hồi sinh, động đậy rồi rơi cái bịch xuống đất. Chưa hết, người chết từ từ tiến lại gần Antonio. Antonio thất kinh hồn vía đứng im như bị trời tròng. Người chết cầm lấy dây cương, bảo Antonio hãy xuống khỏi ngựa và đứng yên đó, chờ ông ta.

Antonio vô cùng ngạc nhiên, nhưng không hỏi lý do. Anh ngoan ngoãn xuống ngựa và giao cương ngựa cho người chết. Người chết lên yên và thúc ngựa chạy nhanh! Vừa tới khúc quẹo, bỗng có tiếng đạn bay vèo vèo. Những kẻ thù của Antonio bắn đạn hỏa mai xối xả vào tử thi khiến tử thi ngã gục và rơi khỏi ngựa. Trông thấy người cỡi ngựa té xuống đất, những kẻ bắn vội cao bay xa chạy. Họ nắm chắc đã giết chết Antonio!

Đứng xa xa, Antonio chứng kiến cảnh người chết lồm cồm đứng dậy và leo lên ngựa. Tử thi quay ngựa trở về chỗ Antonio đang đứng run lập cập và nói:

– Anh vừa nghe rõ những tiếng đạn hỏa mai nổ! Đó là tiếng đạn dành cho anh. Đúng ra anh rơi xuống hỏa ngục rồi! May mắn thay, Các Đẳng Linh Hồn nơi Luyện Ngục đã van xin được THIÊN CHÚA, Ngài cho phép tôi đến cứu sống anh, cả xác lẫn hồn, trong giờ phút nguy hiểm tột cùng này! Anh hãy ghi khắc công ơn trời bể ấy, bằng cách tiếp tục cầu nguyện cho Các Đẳng Linh Hồn, và còn hơn thế nữa, bằng cách thay đổi lối sống của anh.

Nói xong, tử thi trở lại chỗ cũ: treo lủng lẳng trên cây sồi. Về phần Antonio, khỏi cần phải nói, anh hoàn toàn hoán cải, thay đổi hẳn lối sống. Một thời gian ngắn sau đó, anh xin gia nhập một dòng tu và sống thánh thiện cho đến khi qua đời.

Câu chuyện minh chứng lời quả quyết của thánh Léonard de Port-Maurice (1676-1751):

– Các Linh Hồn phúc lành mà anh chị em cầu nguyện, hy sinh, làm việc thiện để xin ơn giải thoát các ngài khỏi Lửa Luyện Hình, sẽ từ Trời Cao xuống trần gian, để giúp đỡ hộ phù anh chị em trong những công việc thuộc đời này cũng như trong đời sống thiêng liêng.

Về phần thánh Augustino (354-430), ngài thường nói:

– Tôi luôn luôn nhớ cầu nguyện cho các người quá cố, để một khi các vị ấy được vào hưởng vinh quang muôn đời, đến phiên các ngài, các ngài sẽ nhớ cầu bầu cho tôi trước tòa THIÊN CHÚA Nhân Lành.

… ”Làm thế nào giữ được tuổi xuân trong trắng? Thưa phải tuân theo lời Chúa dạy. Lạy Chúa, con hết dạ kiếm tìm Ngài, xin chớ để con làm sai mệnh lệnh Chúa. Lời Chúa hứa, lòng con ấp ủ, để chẳng bao giờ bội nghĩa bất trung. Lạy Chúa, con dâng lời ca tụng, thánh chỉ Ngài, xin dạy cho con. Môi con hằng nhẩm đi nhắc lại, các quyết định miệng Ngài phán ra. Tuân theo thánh ý Ngài, con vui sướng hơn là được tiền rừng bạc bể. Con sẽ gẫm suy huấn lệnh Chúa truyền, đưa mắt nhìn theo đường lối Chúa. Con vui thú với thánh chỉ Ngài chẳng quên lời Ngài phán” (Thánh Vịnh 119, 9-16).

(Jacques Lefèvre, ”Les Âmes du Purgatoire dans la vie des Saints”, Editions Résiac, 1995, trang 41-42)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
( Vietnamese Vatican Radio )

Thánh Lễ Cầu Hồn Cho Cố TT Ngô Đình Diệm Và Các Chiến Sĩ Quốc Gia

Thánh Lễ Cầu Hồn Cho Cố TT Ngô Đình Diệm Và Các Chiến Sĩ Quốc Gia

Bài THANH PHONG

SANTA ANA -Vào lúc 10 giờ sáng thứ Bảy ngày 1 tháng 11, 2014 khoảng hai ngàn đồng hương, trong đó có một số cựu sĩ quan trong QL/VNCH, Ban Chấp Hành Cộng Đồng Công Giáo VN, Ban Chấp Hành Cộng Đoàn Giáo xứ Saint Barbara, thân hào nhân sĩ, đông đảo giới truyền thông và đồng hương không phân biệt tôn giáo đã đến thánh đường giáo xứ Saint Barbara, 730 S. Euclid St, Santa Ana để tham dự thánh lễ giỗ lần thứ 51 cho linh hồn Gioan Baotixita cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, bào đệ Ngô Đình Nhu và các chiến sĩ Quân Lực VNCH đã hy sinh.

Thánh lễ cầu hồn cho cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm tại nhà thờ Sait Barbara 1

Linh Mục Vũ Ngọc Long, Giám Quản Giáo xứ Saint Barbara chia sẻ trong thánh lễ giỗ cố TT Ngô Đình Diệm. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Đức Giám Mục Đa Minh Mai Thanh Lương chủ tế thánh lễ, cùng đồng tế có Linh mục Quản xứ Saint Barbara Vũ Ngọc Long, cha Phó Trần Văn Kiểm và 7 linh mục khác cùng với thầy Phó Tế Nguyễn Ánh.
Sau bài Thánh Thư và bài Phúc Âm rất phù hợp trong thánh lễ giỗ cố TT Ngô Đình Diệm, Linh mục Quản Xứ Vũ Ngọc Long đã có bài chia sẻ được mọi người trong thánh đường nồng nhiệt vỗ tay rất lâu.
Mở đầu bài giảng, Linh mục đọc hai bài thơ “Sống” và “Chết” của nhà cách mạng Phan Bội Châu mà nhiều người đã thuộc. Sau đó, linh mục nói: “Con thấy hai bài thơ Sống/Chết của cụ Phan Bội Châu rất phù hợp và nói lên đầy đủ ý nghĩa về cách sống và cái chết của cụ cố Tổng Thống Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm mà chúng ta dâng thánh lễ tưởng nhớ và cầu nguyện hôm nay.
“Cách đây đúng 51 năm, khi cụ cố TT Ngô Đình Diệm và bào đệ cụ cố Ngô Đình Nhu bị ám sát thì con chưa sinh ra đời. Nhưng khi lớn lên, con tìm hiểu và đọc những sách sử, tài liệu về đời sống của cụ cố TT Ngô Đình Diệm, con biết dù có người thương, kẻ ghét nhưng con chưa tìm được ở đâu những lời chê trách cá nhân cụ về nhân cách. Cho dù những người chống đối cụ cũng phải thừa nhận rằng cụ Diệm là một người ngay thẳng, cương trực, đạo đức và liêm khiết. Sống đơn sơ, nghèo khó vô vụ lợi, chẳng hạn giường ngủ của cụ chỉ là một cái đi văng (một tấm ván) trải chiếu, không có nệm. Cụ chỉ thích ăn cơm trắng với muối mè. Thậm chí sau khi làm tổng thống, cụ vẫn sống một cuộc sống khổ hạnh. Chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền giáo dục Nho giáo và Thiên Chúa giáo. Vậy nếu Nho giáo đã hun đúc cụ thành một con người trung với nước, hiếu với dân thì nền giáo dục Thiên Chúa giáo đã đào tạo cụ cố TT Ngô Đình Diệm thành một con người kính mến Thiên Chúa và yêu thương mọi người. Cụ là một tín hữu Công giáo thánh thiện, đạo đức, tham dự thánh lễ và cầu nguyện hàng ngày.
“Trong lịch sử con chỉ thấy có vua Louis IX của Pháp được Đức Giáo Hoàng Bonifacio phong Thánh vào thế kỷ 13 và cố TT Ngô Đình Diệm là hai vị nguyên thủ quốc gia hàng ngày không bao giờ bỏ tham dự thánh lễ và cầu nguyện với Chúa. Cụ Cao Xuân Vỹ có lần hỏi con, tại sao Giáo Hội Công giáo không phong thánh cho cố TT Ngô Đình Diệm? Con nghĩ, cách sống đạo đức, mến Chúa yêu người, hy sinh mạng sống mình cho quê hương dân tộc là đã chết lành thánh rồi.
“Cụ cố Ngô Đình Diệm đã đi tu trong Dòng Ba của dòng Benedicto, một Dòng Khổ Tu tại Bỉ, và vì đã khấn trong Dòng, cụ không nghĩ đến chuyện lập gia đình và chỉ dành thì giờ thờ phượng Chúa và lo cho quốc gia, dân tộc. Khi cuộc đảo chánh nổ ra, Linh mục Jean đã thuyết phục anh em TT Diệm không nên gặp các tướng đảo chánh, linh mục sẽ đưa anh em Tổng Thống đến nơi an toàn nhất nhưng cụ đã từ chối, Tổng Thống Diệm nói: Cám ơn cha, tôi thấy không có gì nguy hiểm cả. Cá nhân tôi đã dâng trọn cho Chúa và Mẹ Maria nhưng tôi vẫn còn là nguyên thủ quốc gia, tôi còn trách nhiệm với dân.”
Linh mục Vũ Ngọc Long cũng nêu một số điểm chứng minh cố TT Ngô Đình Diệm là một người yêu nước, suốt cuộc đời hiến dâng cho đất nước và dân tộc. Lịch sử thế giới chưa hề có vị lãnh tụ nào làm được những việc thần kỳ vĩ đại như cố TT Ngô Đình Diệm, đưa hơn 1 triệu người Bắc di cư vào Nam, ổn định cuộc sống cho họ. Chỉ trong thời gian ngắn ổn định đất nước làm cho toàn miền Nam Việt Nam trở thành quốc gia tự do, dân chủ và trù phú bỏ xa các nước như Thái Lan, Lào, Campuchia, Mã Lai v.v.. Thủ đô Saigon được coi là Hòn Ngọc Viễn Đông khiến cả thế giới kính nể và ngưỡng phục.
Thấm thoắt đã 51 năm sau cái chết của cố TT Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu, lịch sử thật công bằng, sau 51 năm càng ngày chân lý và sự thật càng được công khai sáng tỏ, ai công, ai tội. Đất nước VN hiện nay do Cộng sản quản lý càng ngày càng sa lầy , càng thối nát, nạn tham nhũng tràn lan, họ bán nước, hại dân, dùng quyền lực ức hiếp chiếm của, cướp đất trên xương máu của dân nghèo, thấp cổ bé miệng thì người ta lại càng thấy Đệ Nhất Cộng Hòa là thời gian an bình, hạnh phúc, tốt đẹp nhất. Giờ đây nhìn lại mà luyến tiếc một thời! Ước gì hồi đó cụ cố TT Ngô Đình Diệm vẫn sống, tảng đá vẫn đứng vững thì hôm nay thời thế đã đổi khác.
Linh Mục Quản Xứ cũng nhắc lại câu nói tiếc thương của Tổng Thống Tưởng Giới Thạch (Đài Loan), “Ông Diệm xứng đáng là một lãnh tụ lớn của Á Châu. Việt Nam có lẽ phải mất 100 năm nữa mới tìm được một nhà lãnh tụ cao quý như vậy.”
Nhưng theo Linh mục Vũ Ngọc Long, cho dù 100, 1000 năm nữa hay mãi mãi sẽ không bao giờ tìm được một vị tổng thống trung thực, đạo đức, liêm khiết, dám sống và chết cho tình yêu phục vụ dân tộc, phục vụ quê hương như cố TT Ngô Đình Diệm.
Bài chia sẻ của Linh Mục còn rất dài và ý nghĩa. Trong đoạn kết, LM Vũ Ngọc Long kết luận: “Cái chết của cụ cố TT Ngô Đình Diệm có thể nói là một cái chết mất mát cho dân tộc, một cái chết đau thương cho đất nước VN nhưng là một cái chết ngẩng đầu, vì cụ cố TT Ngô Đình Diệm đã chết vì nước, chết vì dân, chết vì lý tưởng, chết vì niềm tin và chết vì nước Trời. Còn chúng ta thì sao?”
Cuối thánh lễ, giáo sư Lê Tinh Thông, Trưởng Ban Tổ Chức lên ngỏ lời cám ơn Đức Giám Mục, quý vị lãnh đạo tinh thần tôn giáo, các linh mục, tu sĩ nam nữ, đặc biệt cám ơn cha Giám Quản và Hội Đồng Giáo Xứ Saint Barbara đã giúp đỡ tận tình cho ban tổ chức. Giáo sư không quên cám ơn Đoàn Hiệp Sĩ Columbus Các Thánh Tử Đạo VN, ca đoàn Thánh Linh của giáo xứ, các cơ quan truyền thông, quý vị cựu quân nhân QL/VNCH, và toàn thể đồng hương. Giáo sư Lê Tinh Thông cũng nhắc lại một số lời chia sẻ của LM Vĩnh San thuộc Dòng Chúa Cứu Thế tại VN nói về nhân cách của cố TT Ngô Đình Diệm, và xin mọi người thêm lời cầu nguyện cho cụ Cao Xuân Vỹ và cụ Tôn Thất Thiện, hai Phật tử thuần thành nhưng rất có tinh thần yêu nước và luôn trung thành với cố TT Ngô Đình Diệm, cả hai cụ đã qua đời. Đức Giám Mục Mai Thanh Lương đã ban phép lành của Chúa cho mọi người và ca đoàn xướng bản thánh ca “Mẹ Ơi Đoái Thương Xem Nước Việt Nam” để kết thúc thánh lễ..
Sau thánh lễ, ban tổ chức mời mọi người xuống hội trường giáo xứ để điểm tâm, và ra mắt Đặc San 2014 tập hợp nhiều tiếng nói về một thời đã qua. Tất cả đóng góp tài chánh sẽ được góp vào quỹ Yểm Trợ Nhân Quyền tại VN.

Trích báo Viễn Đông

 

Bài giảng của LM Vũ Ngọc long, chánh xứ nhà thờ Saint Barbara