Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ làm phép cưới

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ làm phép cưới

VATICAN. Chúa nhật 14-9 tới đây, ĐTC Phanxicô sẽ làm phép cưới cho 20 đôi đính hôn thuộc giáo phận Roma, trong tư cách ngài là GM giáo phận này.

Đây là lễ cưới đầu tiên ngài chủ sự từ khi làm Giáo Hoàng ngày 13-3-2013. Lần cuối một vị Giáo hoàng chủ sự lễ cưới là thánh Gioan Phaolô 2 vào năm 2000: Người làm lễ cưới cho 8 cặp đính hôn thuộc nhiều nước khác nhau, nhân dịp Ngày Năm Thánh dành cho các gia đình. Trước đó vào tháng 10 năm 1994, nhân cuộc gặp gỡ đầu tiên các gia đình Công Giáo thế giới ở Roma, Người cũng làm phép cưới cho một số cặp.

Hồi tháng 6 năm nay, ĐTC Phanxicô đã cử hành thánh lễ ban sáng tại nguyện đường Nhà Trọ Thánh Marta ở Vatican cho một số đôi cử kỷ niệm 25, 50 và 60 năm Hôn Phối.

Ngoài ra, chúa nhật 28-9 tới đây, ĐTC Phanxicô sẽ chủ sự thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô nhân ngày thế giới các ông bà và những người cao niên. Ngày này có chủ đề là ”Phúc lành trường thọ”, và bắt đầu lúc 8 giờ rưỡi tại Quảng trường, với những suy tư và chứng từ. Tiếp đến khoảng 9 giờ rưỡi, ĐTC đến gặp các tham dự viên và trao đổi với họ, trước khi cử hành thánh lễ vào lúc 10 giờ rưỡi.

ĐTC Phanxicô năm nay 78 tuổi. Ngài đã nhiều lần bày tỏ quan tâm về số phận của người già trong các xã hội tây phương, thường là nạn nhân của nền ”văn hóa loại bỏ”. Ngài khẳng định rằng: ”Một dân tộc không bảo vệ những người già của mình, không săn sóc các trẻ em, là một dân tộc không có tương lai, không có hy vọng.. Sự đối xử với người già cũng như đối với trẻ em là dấu chỉ cho thấy chất lượng của một xã hội.. Khi những người già bị gạt bỏ, bị cô lập, và nhiều khi qua đi trong sự thiếu tình thương, thì đó là một dấu chỉ xấu” (Apic 29-8-2104)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Thập giá, biểu tượng của tình yêu

Thập giá, biểu tượng của tình yêu

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Văn sĩ Công giáo người Anh, tên là Gilbert Chesterten, trong cuốn tiểu thuyết mang tựa đề: “Bầu Trời Và Thập Giá”, đã kể câu chuyện sau đây:

“Tôi biết có một người thù ghét thập giá. Ông ta tìm mọi cách để triệt hạ cho bằng được. Bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật có hình thập giá ông đều xé nát. Ngay cả cây thập giá bằng vàng ở cổ vợ ông, ông cũng tìm cách để giựt đứt và liệng đi. Ông bảo rằng thập giá là biểu tượng của sự dã man, hoàn toàn đối nghịch với niềm vui, với cuộc sống.

Ngày kia, không còn chịu đựng nổi hình thù của thập giá nữa, ông đã leo lên tháp chuông nhà thờ giáo xứ, đập gẫy thập giá và liệng xuống.

Sự thù hằn đối với thập giá không mấy chốc đã biến thành điên loạn. Một buổi chiều mùa hè nóng bức, ông đứng tựa lưng vào một ban công gỗ, miệng phì phà khói thuốc. Bỗng chốc, ông thấy nguyên cả chiếc ban công gỗ biến thành một dãy thập giá. Rồi trước mặt ông, đàng sau ông nơi nào cũng có thập giá. Hoa cả mắt lên, ông cầm gậy đánh đổ tất cả những cây thập giá ấy. Vào trong nhà, bất cứ vật gì làm bằng gỗ cũng được ông nhìn thấy với hình thù thập giá. Không thể dùng gậy mà đập nữa, người đàn ông đành phải dùng đến lửa mới mau ra tiêu diệt được thập giá. Thế là ngọn lửa bốc cháy thiêu trụi căn nhà. Ngày hôm sau, người ta tìm thấy xác của người đàn ông đáng thương trong dòng sông bên cạnh nhà”.

Nhà văn đã kết luận: “Nếu bạn bắt đầu bẻ gẫy thập giá, thì chẳng mấy chốc bạn cũng sẽ phá hủy chính cái thế giới có thể sống được này”.

Thưa anh chị em, với cái chết của Chúa Kitô, thập giá đã trở thành biểu tượng của sự chiến thắng, đó là chiến thắng của tình yêu trên hận thù. Nơi nào có thập giá, nơi đó con người còn tin ở sức mạnh của tình yêu. Đập đổ thập giá, có nghĩa là chối bỏ tình yêu và nâng đỡ hận thù. Một thế giới không có tình yêu là một thế giới của chết chóc. Không cần phải leo lên tháp chuông nhà thờ để có thể triệt hạ thập giá. Hình thù của thập giá, dấu chỉ của tình yêu đã được ghi khắc trên mỗi con người rồi, bởi lẽ mỗi người đều là giá máu của Chúa Kitô.

Trong Tin Mừng hôm nay sau khi Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ cuộc tử nạn thập giá của Ngài, Ngài liền mời gọi: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. “Bỏ mình, vác thập giá mà đi theo Thầy”là những yếu tố cấu tạo ra cuộc sống của người môn đệ Chúa Giêsu. Những điều kiện Chúa Giêsu đề ra cho các môn đệ của Ngài cũng là những điều kiện được đề ra cho chúng ta hôm nay. Những điều kiện này không dễ gì được chấp nhận, vì nó bao gồm đau khổ và tử nạn thập giá. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không những loan báo cuộc khổ nạn mà còn loan báo cuộc phục sinh: “Ngày thứ ba sẽ sống lại”, và lời loan báo đó đã được thực hiện.

Anh chị em thân mến, não trạng của con người ngày nay là: “Tôi muốn sống cuộc sống của tôi”, nghĩa là sống thoải mái, tự do, hưởng thụ, lạc thú. Nhưng Chúa Giêsu nói với chúng ta lời yêu cầu của tình yêu. Và thứ tình yêu đích thực thì hoàn toàn ngược với những gì thế gian đề ra cho chúng ta, đó là “hãy từ bỏ mình”. Yêu là phải từ bỏ mình để sống cho người mình yêu. Không có tình yêu đích thực nếu không có sự từ bỏ. Yêu bao giờ cũng phải trả giá đắt. Chẳng hạn, can đảm khẳng định mình đi theo Đức Kitô trong một môi trường thù địch, hoặc giữ được ý thức san sẻ cho người nghèo đói khi cuộc sống xung quanh chúng ta đều kích thích mình lo tích trữ hay tiêu xài phung phí cho chính bản thân; hoặc sống lương thiện trong công chuyện làm ăn khi người ta cứ gian tham, bốc lột… Như thế, yêu thực sự, phải trả cái giá phải trả. Hay nói như Tin Mừng hôm nay: “Hãy từ bỏ mình”. Hãy từ bỏ mình như thế để chứng tỏ mình yêu Chúa thật tình.

Thưa anh chị em, chúng ta thường bị cám dỗ thêm đường thêm mật vào Tin Mừng cho dễ nghe, dễ nuốt. Nhiều người, nhất là giới trẻ, thoạt tiên tỏ ra say mê Chúa Giêsu như là thần tượng của họ về tình huynh đệ, về công bằng, về tình yêu… Nhưng khi phải thực hiện cụ thể câu: “Từ bỏ mình, vác thập giá của mình mà đi theo Chúa Giêsu”, thì… họ giống như chàng thanh niên giàu có đã từ bỏ Chúa Giêsu ra đi trước con mắt thương tiếc của Ngài. Yêu Chúa phải theo Chúa trung thành đến tận cùng- đến Núi Sọ và Thập giá – Chính như thế đó mà đau khổ có một ý nghĩa đối với người Kitô hữu: đau khổ làm cho người Kitô hữu giống Thầy mình và kết hợp với Ngài. Nếu chúng ta yêu mến Chúa thật lòng, chúng ta cũng phải yêu luôn cả thập giá của Chúa, những thập giá lớn nhỏ đủ cỡ mà Chúa gởi đến hằng ngày cho chúng ta. Đức Hồng Y Suhard đã nói: “Chúng ta đừng bao giờ tìm Chúa` Kitô mà không có Thánh giá, và cũng tránh tìm Thánh giá nào không có Chúa Kitô”.

Cái nghịch lý của thân phận người Kitô hữu là: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mạng sống mình (hiến dâng mạng sống mình vì tình yêu) thì sẽ tìm được mạng sống ấy”. Chân lý này chỉ sáng tỏ sau ngày Phục Sinh. Vì vậy, nếu Chúa Giêsu “ngày thứ ba Ngài sống lại”, thì người Kitô hữu trung thành đi theo Chúa Giêsu trên con đường “từ bỏ mình, vác thập giá”, cũng sẽ có “ngày thứ ba”của mình, ngày phục sinh vinh quang. Con đường thập giá là con đường dài, gồ ghề và đầy bóng tối. Nhưng đó là con đường nhờ đó mà tình yêu đã gặt hái được chiến thắng vĩ đại nhất, chiến thắng trên tội lỗi và sự chết của cả loài người.

Anh chị em thân mến, mỗi lần cử hành Thánh lễ là mỗi lần tái diễn hy lễ trên thập giá của Chúa Giêsu. Chúng ta cùng nhau nguyện xin Chúa cho chúng ta khi tham dự Thánh lễ, biết khám phá mầu nhiệm tình yêu và cứu chuộc của Chúa, đồng thời biết lấy tình yêu đáp trả tình yêu cũng một cách như Chúa, để thập giá dẫn đưa tất cả chúng ta đến vinh quang phục sinh với Ngài.

Mất trước được sau

Mất trước được sau

Ở đời ai cũng muốn được và sợ mất. Nhưng làm thế nào để được và không mất thì không phải ai cũng biết cách làm. Vì không phải cứ thu vào là được. Không phải cứ buông ra là mất. Trái lại rất nhiều khi phải chịu mất trước rồi mới được sau. Mất nhỏ để được lớn. Mất ít để được nhiều. Đó hầu như là qui luật trong đời sống hằng ngày. Ta dễ hiểu điều này trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay. Nhà đầu tư muốn được lợi nhuận cao, sẽ không giữ kỹ tiền của trong nhà, buộc chặt lại rồi đem chôn giấu đi, trái lại phải huy động hết vốn liếng hiện có trong nhà đổ vào đầu tư. Vốn lớn thì lời mới lớn.

Muốn được phải chịu mất trước. Đời sống đạo đức không đi ra ngoài qui luật đó. Chúa Giêsu dạy ta: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình đi, vác thập giá mà theo”.

Đi theo Chúa là đi vào con đường của Chúa.

Con đường của Chúa là con đường từ bỏ. Cuộc đời Chúa Giêsu là một cuộc từ bỏ không ngừng. Từ bỏ trời để xuống đất. Từ bỏ địa vị Thiên Chúa để làm người. Từ bỏ cuộc sống an nhàn nơi thôn làng để đi vào cuộc phiêu lưu rao giảng Tin Mừng. Từ bỏ cứu thế bằng con đường dễ dãi do ma quỉ xúi giục, để đi vào con đường chật hẹp khó khăn theo ý Đức Chúa Cha. Cuộc từ bỏ cam go nhất chính là từ bỏ ý riêng mình. Đó là một cuộc chiến khốc liệt khiến Người phải toát mồ hôi máu. Nhưng Người đã đi đến cùng con đường từ bỏ. Hình ảnh Người chết trần trụi trên thánh giá là hình ảnh một người từ bỏ tất cả đến tận cùng. Không còn một chút hơi thở. Không còn một giọt máu. Không còn một chút danh dự. Không còn gì cả.

Con đường của Chúa là con đường thánh giá. Người đã ôm lấy thánh giá và vác. Không phải chỉ là thánh giá gỗ trên đường lên Núi Sọ, nhưng là thánh giá cuộc sống trải dài suốt đời người. Thánh giá kiếp người. Thánh giá kiếp nghèo. Thánh giá bị chống đối. Thánh giá bị hiểu lầm. Thánh giá bị bỏ rơi. Thánh giá bị phản bội. Thánh giá thách thức. Thánh giá thất bại. Thánh giá oan ức. Thánh giá tủi nhục. Thánh giá cô đơn. Thánh giá nặng lắm nên nhiều lần Người đã ngã xuống. Thánh giá ghê sợ lắm nên Người đã có lần muốn chối bỏ. Nhưng rồi Người lại đứng lên tiếp tục vác đi cho đến cùng, cho trọn con đường.

Nhưng nếu đường của Chúa Giêsu chỉ dừng tại đây thì đó là một con đường bế tắc. Nếu định mệnh của Chúa Giêsu kết thúc tại Núi Sọ thì đó là một định mệnh diệt vong. Không! con đường của Chúa còn là con đường phục sinh. Định mệnh của Chúa là một định mệnh vinh quang.

Con đường thánh giá là con đường dẫn đến phục sinh. Con đường từ bỏ là con đường dẫn tới vinh quang. Phải qua sự chết mới đến sự sống. Phải qua tủi nhục mới đến vinh quang. Phải qua gian khổ mới đến hạnh phúc. Thánh Phaolô đã hiểu biết tường tận con đường của Chúa nên đã nói: “Chúa Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chuá mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Chúa Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2, 6-11).

Cũng thế, khi mời gọi ta bước theo Người, Người không muốn ta đi vào tàn lụi diệt vong, nhưng muốn ta triển nở đến viên mãn. Nên Người nói tiếp: “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy”.

Như thế từ bỏ không phải để mất mà để được, được lại một cách sung mãn, hoàn hảo và cao cả phong phú hơn gấp bội. Mất hiện tại để được tương lai. Mất đời này để được đời sau. Mất phàm tục để được thần thiêng. Mất tạm bợ để được vĩnh cửu.

Thánh Phanxicô Khó Nghèo đã cảm nghiệm sâu xa chân lý này nên đã thốt lên lời ca bất hủ: “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ mình để được chính Chúa, nguồn mạch hạnh phúc của con.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Mất trước được sau. Bạn áp dụng câu này trong đời sống đạo thế nào?

2) Chúa Giêsu mời gọi: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo”. Bạn nghĩ sao về đòi hỏi này của Chúa, có quá khắt khe không?

3) Hạnh phúc không có sẵn nhưng phải phấn đấu mới đạt được. Bạn có tâm đắc điều này không?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Con đường thập giá

Con đường thập giá

Đoạn Tin Mừng sáng hôm nay cho chúng ta tiếp xúc với một khuôn mặt Phêrô, hoàn toàn khác hẳn với khuôn mặt Phêrô trong Chúa nhật tuần trước.

Như chúng ta đã biết: Phêrô vừa được Thiên Chúa mạc khải để ông nhận biết Đức Kitô là vị cứu tinh. Ông vừa được Chúa Giêsu ca ngợi, đặt làm nền tảng của Giáo Hội. Thế nhưng chỉ sau đó ít phút, Phêrô lại là người đầu tiên vấp ngã khi Chúa Giêsu loan báo cách thức Hoặc hoàn thành sứ mạng Thiên Chúa đã trao phó.

Đây là lần đầu tiên Ngài nói với các môn đệ về cuộc hành trình đi lên Giêrusalem của Ngài. Tại đây, Ngài sẽ phải đau khổ, bị giết, nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại. Một viễn tượng không có gì sáng sủa. Thấy vậy, Phêrô bèn lên tiếng can ngăn. Lời can ngăn ấy có thể đã xuất phát từ niềm tin của ông vào tình thương của Thiên Chúa Cha. Bởi vì ông đã từng được nghe Chúa Giêsu giảng dạy về sự quan phòng của Chúa Cha đối với từng cánh chim, từng bông hoa. Thiên Chúa là một người cha chỉ muốn những điều tốt cho con cái. Một người cha thế gian còn không nỡ cho con mình cục đá, khi nó xin cái bánh, thì làm sao Thiên Chúa lại có thể để cho người con yêu dấu của Ngài gặp phải sự khốn khó. Và như thế, điều Chúa Giêsu vừa mới loan báo, làm sao có thể xảy ra được.

Mặt khác, Phêrô cũng đã từng được chứng kiến quyền năng của Thầy mình. Chúa Giêsu đã nhiều lần làm phép lạ cho kẻ đau yếu được khỏi bệnh, cho kẻ chết được sống lại, dẹp yên được cả phong ba bão táp, thì làm sao Ngài lại để cho mình gặp phải sự khốn khó?

Phêrô đã bị Chúa Giêsu quở trách nặng lời, vì ông đã đơn giản hoá vấn đề, và do đó đã vô tình làm công việc của Satan. Thực vậy, khi Satan đưa Chúa Giêsu lên nóc đền thờ, nó đã rỉ tai: Nếu Ngài là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống vì các thiên thần Chúa sẽ nâng đỡ để chân Người khỏi vấp phải đá. Thiên Chúa và quyền năng của Đức Kitô ở đây bỗng trở nên một thứ phương tiện cho người ta sử dụng để thực hiện những ý đồ phù phiến của mình.

Sự thực thì đây không phải là một cơn cám dỗ đặt ra cho một mình Chúa Giêsu mà hơn thế nữa, rất nhiều lần bản thân chúng ta cũng đã gặp phải. Rất nhiều lần chúng ta đã nêu lên câu hỏi: Tại sao Chúa không cho tôi trúng số để tôi thoát khỏi cảnh nghèo nàn, để tôi có thời giờ làm những công việc đạo đức, hay để tôi có tiền dâng cúng, làm phúc bố thí. Tại sao Chúa không cho Giáo Hội gặp được những điều kiện thuận lợi, để làm cho Nước Chúa được mở rộng và danh Chúa được cả sáng.

Thế nhưng, chúng ta quên rằng sứ mạng của Chúa Giêsu là sứ mạng của người tôi tớ đau khổ. Con đường Ngài đã chọn để cứu độ trần gian là con đường thập giá. Lẩn tránh những xác tín này là phản bội lại sứ mệnh của mình, và đó chính là cơn cám dỗ lớn nhất đối với Giáo Hội và đối với bản thân chúng ta. Bởi vì, thay vì thực thi thánh ý Chúa trong việc phục vụ người khác, thì chúng ta lại muốn xin Chúa phục vụ cho những quyền lợi riêng tư của chúng ta.

Đức Thánh Cha tiến hành 2 bổ nhiệm quan trọng tại Tây Ban Nha

Đức Thánh Cha tiến hành 2 bổ nhiệm quan trọng tại Tây Ban Nha

VATICAN. Hôm 28-8-2014, ĐTC đã bổ nhiệm ĐHY Antonio Canizares Llovera, cho đến nay là Tổng trưởng Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích, làm tân TGM giáo phận Valencia là giáo phận nguyên quán của ngài.

Ngoài ra, ĐTC cũng nhận đơn từ chức vì lý do tuổi tác của ĐHY Antonio Maria Rouco, 78 tuổi, TGM giáo phận thủ đô Madrid, đồng thời bổ nhiệm người kế vị là Đức TGM Carlos Osoro Sierra, cho đến nay là TGM giáo phận Valencia.

ĐHY Antonio Canizares Llovera, tân TGM giáo phận Valencia, sinh tại Valencia cách đây 69 năm (1945), nguyên là giáo sư thần học huấn giáo ở Đại học Salamanca, và được bổ nhiệm làm GM giáo phận Avila năm 1992, 4 năm sau đó ngài thăng TGM giáo phận Granada, và 6 năm sau làm TGM giáo phận Toledo là giáo phận cổ kính nhất tại Tây Ban Nha, rồi được bổ nhiệm làm Hồng Y năm 2006. Năm 2008, ngài được ĐTC Biển Đức 16 bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ phụng tự và kỷ luật bí tích.

Trang thông tin Vatican Insider, trích thuật những nguồn tin ở Vatican, cho biết ĐHY Canizares đã nhiều lần xin ĐTC Phanxicô cho trở về Tây Ban Nha coi sóc giáo phận.

Đức Cha Carlos Osoro Sierra, tân TGM giáo phận thủ đô Madrid, năm nay cũng 69 tuổi (1945) thuộc giáo phận Santander. Năm 1996, ngài được bổ nhiệm làm GM giáo phận Orense, và 6 năm sau thăng TGM giáo phận Oviedo, nhưng chỉ 4 năm sau, 2009, ngài được thuyên chuyển về Valencia. Giáo phận này hiện có 3 triệu 51 ngàn tín hữu Công Giáo, trong khi Tổng giáo phận Madrid có 3 triệu 615 ngàn tín hữu Công Giáo. Đức TGM Osoro hiện là Phó Chủ tịch HĐGM Tây Ban Nha. Giới báo chí cũng gọi ngài là ”Đức Phanxicô Tây Ban Nha” vì ngài rất phù hợp với lời kêu gọi của ĐTC Phanxicô mong một Giáo Hội ”đi ra ngoài”. (SD 28-8-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Giáo Hội duy nhất thánh thiện, nhưng bao gồm các người yếu đuối phạm tội chống lại sự hiệp nhất và thánh thiện ấy

Giáo Hội duy nhất thánh thiện, nhưng bao gồm các người yếu đuối phạm tội chống lại sự hiệp nhất và thánh thiện ấy

Giáo Hội ”duy nhất” và ”thánh thiện” vì phát xuất từ Thiên Chúa Ba Ngôi, được xây dựng trên nền tảng là Đức Giêsu Kitô, được linh hoạt bởi Chúa Thánh Thần, và tràn đầy tình yêu và ơn cứu độ của Người. Nhưng Giáo Hội bao gồm những người tội lỗi mỗi ngày sống kinh nghiệm sự giòn mỏng và các bần cùng của mình và phạm biết bao nhiêu tội chống lại sự hiệp nhất.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với khoảng 30,000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 27-8-2014 tại quảng trường Thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã tiếp tục suy tư về Kinh Tin Kính. Ngài nói: Anh chị em thân mến, mỗi lần chúng ta tuyên xưng đức tin bằng cách đọc Kinh Tin Kính, chúng ta khẳng định rằng Giáo Hội là ”duy nhất” và ”thánh thiện”. Giáo Hội là một, bởi vì nó có nguồn gốc nơi Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm của sự hiệp nhất và hiệp thông tràn đầy. Thế rồi Giáo Hội thánh thiện, vì được xây dựng trên Đức Giêsu Kitô, được linh hoạt bởi Chúa Thánh Thần, được tràn đầy tình yêu và ơn cứu độ của Người. Tuy nhiên đồng thời Giáo HỘi cũng bao gồm các người tội lỗi hằng ngày phải sống kinh nghiệm sự giòn mỏng và các bần cùng của mình. Như vậy lời tuyên xưng đức tin thúc đẩy chúng ta hoán cải, có can đảm sống mỗi ngày sự hiệp nhất và thánh thiện đến từ Thiên Chúa. Đức Thánh Cha nhấn mạnh điểm này như sau:

Chúa Giêsu Kitô là suối nguồn sự hiệp nhất và thánh thiện của chúng ta, và nếu chúng ta không hiệp nhất, nếu chúng ta không thánh thiện, thì chính bởi vì chúng ta không trung thành với Người. Nhưng Người không bỏ chúng ta một minh, Người không bỏ Giáo Hội Người!

Sự an ủi đầu tiên đến từ sự kiện Chúa Giêsu đã cầu nguyện biết bao cho sự hiệp nhất của các môn đệ. Nhất là Người đã làm điều đó khi cuộc Khổ Nạn gần kề, và khi Người sắp sửa hiến dâng toàn cuộc sống Người cho chúng ta. Đó là điều chúng ta được liên tục mời gọi đọc lại và suy gẫm, trong chương 17 là một trong những trang sâu đậm và cảm động nhất của Phúc Âm thánh Gioan (x. cc.11.21-23). Thật đẹp biết bao khi biết rằng trước khi chết, Chúa đã không lo lắng cho chính Người, nhưng đã nghĩ tới chúng ta! Và trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa Cha, Người đã cầu nguyện để chúng ta có thể là một với Người và giữa chúng ta với nhau. Đó, với các lời này Chúa Giêsu trở thành người bầu cử cho chúng ta bên Thiên Chúa Cha, để chúng ta cũng có thể bước vào trong sự hiệp thông tình yêu với Người; đồng thời, Người giao phó nó cho chúng ta như di chúc tinh thần, để sự hiệp nhất có thể ngày càng trở thành nét đặc thù của các cộng đoàn kitô, và là câu trả lời đẹp nhất cho bất cứ ai hỏi chúng ta lý lẽ niềm hy vọng nơi chúng ta (x. 1 Pr 3,15).

”Ước chi tất cả chúng chỉ là một; như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, xin cho chúng cũng được như vậy để thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17,21). Ngay từ ban đầu Giáo Hội đã tìm thực hiện đề nghị mà Chúa Giêsu đã ước muốn này. Sách Công vụ các Tông Đồ nhắc nhớ cho chúng ta rằng các kitô hữu tiên khởi đã được nhận ra bởi sự kiện họ ”đồng tâm nhất trí” (Cv 4,32).

Thế rồi tông đồ Phaolô đã khích lệ các cộng đoàn của người đừng quên rằng họ là ”một thân thể” (1 Cr 12,13). Tuy nhiên, kinh nghiệm nói với chúng ta rằng có biết bao nhiêu tội chống lại sự hiệp nhất. Và chúng ta không chỉ nghĩ tới các tà thuyết lớn, các ly giáo, nhưng cũng nghĩ tới các thiếu sót rất thông thường trong các cộng đoàn, tới các tội “giáo xứ”. Thật thế, đôi khi các giáo xứ của chúng ta, được kêu mời trở thành nơi chia sẻ và hiệp thông, đáng buồn thay lại bị ghi dấu bởi các đố kỵ, ghen tương, ác cảm… Điều này nhân loại, đúng, nhưng không kitô! Điều này xảy ra, khi chúng ta nhắm các chỗ nhất; khi chúng ta đặt mình vào trung tâm với các tham vọng cá nhân và các kiểu nhìn sự vật, và chúng ta phán xử người khác. Điều này xảy ra, khi chúng ta nhìn các thiếu sót của các anh em khác, thay vì nhìn các tài khéo của họ; khi chúng ta coi trọng điều chia rẽ chúng ta, thay vì coi trọng điều nối kết chúng ta…

Đứng trước tất cả những điều này chúng ta phải nghiêm chỉnh xét mình. Rồi Đức Thánh Cha mạnh mẽ khẳng định như sau:

Trong một cộng đoàn kitô sự chia rẽ là một trong những tội nặng nhất, bởi vì nó không là dấu chỉ công trình của Thiên Chúa mà là của ma qủy, là kẻ bởi định nghĩa chia rẽ, làm hư hỏng các tương quan, khiến cho các thành kiến len lỏi vào tâm trí chúng ta… Trái lại, Thiên Chúa muốn rằng chúng ta lớn lên trong khả năng tiếp đón nhau, tha thứ cho nhau và yêu thương nhau, để ngày càng giống Người hơn, Đấng là sự hiệp thông và tình yêu thương. Chính đó là sự thánh thiện của Giáo Hội: trong việc nhận ra mình giống hình ảnh của Thiên Chúa, được tràn đầy bởi lòng thương xót và ơn thánh của Người.

Các bạn thên mến, chúng ta hãy làm vang lên trong tim các lời này của Chúa Giêsu: ”Phúc cho những người xây dựng hòa bình, bởi vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9). Chúng ta hãy chân thành xin lỗi vì tất cả những lần, trong đó chúng ta đã là dịp gây chia rẽ hay hiểu lầm bên trong các cộng đoàn của chúng ta, dầu biết rằng không thể đạt sự hiệp thông nếu không phải là qua một sự hoán cải liên tục. Và chúng ta hãy xin cho các tương quan thường ngày của chúng ta có thể trở thành một phản chiếu ngày càng xinh đẹp và tươi vui hơn tương quan của Chúa Giêsu với Thiên Chúa Cha.

Đức Thánh Cha đã chào các đoàn hành hương. Ngài khích lệ các nhóm nói tiếng Pháp khi trở về giáo xứ của mình trở thành những người xây dựng hòa bình và hòa giải để thực sự là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa của tình yêu và lòng thương xót. Với các nhóm nói tiếng Anh ngài xin Chúa Giêsu củng cố đức tin của họ và làm cho họ trở thành các chứng nhân sự thánh thiện và hiệp nhất của Giáo Hội.

Với các nhóm nói tiếng Đức Ngài đặc biệt chào các học sinh đến từ Lennestadt và các bạn trẻ đang tham dự trại hè tại Ostia ở Roma; cũng như các tín hữu đến từ Tây Ban Nha, Venezuela, Chile, Argentina và Mehicô và một nhóm các Giám Mục Cuba về Roma hành hương nhân ngày mai có lễ nghi đặt bức tượng Đức Bà Bác Ái Mỏ Đồng trong vườn Vaticăng.

Chào các đoàn hanh hương Ba Lan Đức Thánh Cha nhắc tới lễ kính Đức Mẹ Jasna Gora cử hành hôm thứ ba. Ngài phó thác cho sự chở che hiền mẫu của Mẹ mọi gia đình và đất nước Ba Lan.

Chào các nhóm nói tiếng Ý Đức Thánh Cha nhắc tới các nữ tu dòng thánh Anna đang họp tổng tu nghị tại Roma; nhóm ”đua xe đạp cho hòa bình” vùng Toscana được Đức Cha Tardelli, Giám Mục Miniato tháp tùng. Ngài cầu chúc chuyến viếng mộ hai thánh Tông Đồ gia tăng ý thức của họ thuộc về Giáo Hội.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha nói hôm nay Giáo Hội cử hành lễ nhớ thánh Monica, thân mẫu thánh Agostino. Ngài xin tình yêu của thánh nữ đối với Chúa giúp các bạn trẻ biết lấy Chúa làm trọng tâm cuộc sống của mình. Xin thánh nữ cũng giúp các người đau yếu biết đương đầu với khổ đau trong đức tin, và khích lệ các cặp vợ chồng mới cưới biết giáo dục con cái mà Chúa ban cho theo tinh thần kitô.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho moi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

 

Cha Lombardi bác bỏ tin của báo New York Times

Cha Lombardi bác bỏ tin của báo New York Times

VATICAN. Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cha Federico Lombardi, bác bỏ tin của tờ New York Thời Báo cho rằng Tòa Thánh muốm ém nhẹm vụ Đức TGM Wesolowski bị cáo lạm dụng tính dục trẻ em.

Đức TGM Joseph Wesolowski người Ba Lan, năm nay 65 tuổi, làm Sứ thần Tòa Thánh tại Cộng hòa Dominicana cho đến tháng 8 năm 2013, thì bị giáo quyền địa phương bá cáo với ĐTC về vụ vị này đi ”dụ dỗ” các trẻ em đánh giầy ở đường phố và lạm dụng tính dục các em.

ĐTC triệu vị này về Roma và bãi nhiệm. Ngày 27-6 năm nay, Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết Bộ giáo lý đức tin đã xét xử cấp I và ban hành phán quyết buộc vị GM phải hồi tục, không còn quyền lợi và nghĩa vụ như một giáo sĩ, ngoại trừ nghĩa vụ giữ độc thân. Bị can đã kháng án trong vòng 2 tháng theo luật, và việc xét xử cấp II có thể bắt đầu vào tháng 10 tới đây. Sau khi bản án theo giáo luật được coi là chung kết thì đương sự sẽ bị xét xử về hình luật.

Trong một bài đăng tải 23-8-2014, tờ New York Thời Báo cho rằng ”năm ngoái Tòa Thánh bí mật triệu hồi Wesolowski trước khi đương sự có thể bị điều tra, và viện cớ ông Wesolowski được miễn trừ vì là nhà ngoại giao để khỏi bị tòa án ở Cộng hòa Dominicana xét xử”.

Trong thông cáo công bố tối ngày 25-8-2014 tại Vatican, Cha Lombardi trả lời rằng ”ngay từ khi vụ này được đệ trình, Tòa Thánh đã hành động mau lẹ và đúng đắn, dưới ánh sáng qui chế đặc biệt mà Đức TGM Wesolowski hưởng như một nhà ngoại giao của Tòa Thánh. Khi gọi đương sự về Roma, cũng như trong việc xử lý vụ này, Tòa Thánh vẫn tiếp xúc với Nhà chức trách Cộng hòa Dominicana. Không hề có ý ém nhẹm, việc làm này chứng tỏ phía Tòa Thánh lãnh nhận trách nhiệm một cách trọn vẹn và trực tiếp, cả trong một vụ trầm trọng và tế nhị như thế. Và ĐTC Phanxicô được thông báo tường tận, ngài muốn vụ này được xử lý một cách công minh và với sự nghiêm ngặt cần thiết”.

Sau cùng, Cha Lombardi nhận xét rằng vì Đức TGM Wesolowski đã ngưng các chức năng ngoại giao và không được hưởng sự miễn trừ đi kèm, đương sự có thể bị xét xử do các tòa án khác có danh nghĩa thực hiện việc này”.

Hồi tháng 5-2014, ĐTC Phanxicô nói với giới báo chí rằng có 3 GM đang bị điều tra về vị cáo lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Một người đã bị lên án và hình phạt cho đương sự đang được cứu xét. Dường như đó là Wesolowski.

ĐTC cũng nói với các ký giả rằng lạm dụng tính dục trẻ em là một ”tội ác xấu xa” và ngài tái khẳng định chính sách tuyệt đối không dung thứ những kẻ lạm dụng. (CNS 25-8-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha tái lên án bạo lực vô lý

Đức Thánh Cha tái lên án bạo lực vô lý

VATICAN. Trong thư chia buồn với thân nhân ký giả James Wright Folley người Mỹ, bị lực lượng thánh chiến Hồi giáo ISIS chặt đầu, ĐTC Phanxicô tái lên án bạo lực vô nghĩa lý và kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình và hòa giải giữa mọi thành phần của gia đình nhân loại.

Thư chia buồn của ĐTC được ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh Pietro Parolin chuyển đến cho song thân của ký giả Folley qua trung gian của Đức TGM sở tại và được công bố trong thánh lễ cầu nguyện cho ký giả James Folley 40 tuổi, ở Rochester, New Hampshire hôm 24-8-2014, với sự tham dự của hàng trăm người.

ĐTC cho biết ngài hiệp với nỗi đau buồn của thân nhân, bạn hữu và đồng nghiệp của ký giả Folley, cầu nguyện và bày tỏ sự gần gũi tinh thần với nhau. Ngài ”phó thác anh James cho lòng từ bi yêu thương của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và hiệp với những người đang khóc thương anh cầu nguyện cho sự chấm dứt bạo lực vô nghĩa lý và khởi đầu sự hóa giải và hòa bình giữa mọi thành phần của gia đình nhân loại”.

Thánh lễ do Đức Cha Peter Libasci chủ sự. Ngài nhấn mạnh tới sức mạnh mà ký giả Folley cũng như gia đình anh luôn kín múc từ đức tin Công Giáo. Ngài cũng cầu nguyện cho một ký giả khác người Mỹ, Steven Sotloff, 31 tuổi, cũng bị giam như con tin với ký giả Folley, cũng như cho các con tin khác đang ở trong tay nhóm thánh chiến Hồi giáo ở Iraq.

Trước thánh lễ, song thân của anh James Folley, là ông bà John và Diane, đã cầu mong rằng cuộc sống và công việc của người con ông bà là một tấm gương cho tất cả những người bênh vực tự do báo chí và hòa bình trên thế giới. Ông bà cũng kêu gọi trả tự do cho các ký giả bị bắt cóc, đặc biệt là anh Steven Sotloff bị nhóm thánh chiến Hồi giáo đe dọa giết. (SD 25-8-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Giáo Hội là một dân tộc được xây dựng trên đức tin

Giáo Hội là một dân tộc được xây dựng trên đức tin

Giáo Hội mà Chúa Giêsu có ý khai sinh là một dân tộc không dựa trên huyết thống nữa mà dựa trên đức tin, nghĩa là dựa trên tương quan với chính Người, một tương quan của tình yêu thương và sự tin tưởng.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 24-8-2014 tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa bài Phúc Âm theo thánh Mátthêu chương 16 kể lại biến cố Chúa Giêsu hỏi các môn đệ cho biết người ta nói Người là ai, và đối với các ông Chúa là ai. Đại diện cho Nhóm Mười Hai ông Phêrô nói: ”Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Và Chúa Giêsu gọi ông là ”có phước” vì lòng tin mà Thiên Chúa Cha đã ban cho ông, và Ngài nói với ông: ”Con là Phêrô nghĩa là Đá Tảng, và trên tảng đá này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy”.

Chúng ta hãy dừng lại một chút trên điểm này, trên sư kiện Chúa Giêsu gán cho Simon tên gọi mới này: Phêrô trong tiếng nói của Chúa Giêsu là ”Kêpha”, có nghĩa là ”đá tảng”. Trong Thánh Kinh từ ”đá tảng” được quy chiếu về Thiên Chúa. Chúa Giêsu gán cho Simon tên gọi này không phải vì các đức tính hay công nghiệp loài người của ông, mà vì lòng tin tinh tuyền và vững chắc của ông, lòng tin đến từ trên cao.

Chúa Giêsu cảm nhận trong tim Người một niềm vui lớn lao, bởi vì Người nhận ra nơi ông Simon bàn tay của Thiên Chúa Cha và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Người nhận ra rằng Thiên Chúa Cha đã ban cho ông Simon một đức tin ”có thể tin cậy được”, trên đó Chúa Giêsu có thể xây dựng Giáo Hội Người, nghĩa là cộng đoàn của Người. Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

Chúa Giêsu có trong tâm trí ý muốn khai sinh ra Giáo Hội ”của Người”, một dân tộc không xậy dựng trên huyết thống, nhưng trên đức tin, nghĩa là trên tương quan với chính Người, một tương quan của tình yêu thương và sự tin tưởng. Như thế để bắt đầu Giáo Hội của Người Chúa Giêsu đã cần tìm ra nơi các môn đệ một đức tin ”có thể tin cậy đươc”. Và đó là điều Người phải kiểm thực tại thời điểm này của lộ trình.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Chúa đã có trong trí hình ảnh của vịệc xây dựng, hình ảnh của một cộng đoàn như một ngôi nhà. Chính vì thế khi nghe lời tuyên xưng đức tin thẳng thắn của ông Simon, Người gọi ông là ”đá tảng”, và bầy tỏ ý định xây dựng Giáo Hội của Người trên đức tin ấy.

Anh chị em thân mến, điều đã xảy ra một cách duy nhất nơi thánh Phêrô, cũng xảy ra nơi mọi tín hữu kitô có niềm tin chín chắn và chân thành nơi Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Phúc Âm hôm nay cũng gọi hỏi từng người trong chúng ta. Đức Thánh Cha nói thêm:

Nếu Chúa tìm thấy trong con tim chúng ta một đức tin, tôi không nói là toàn vẹn, nhưng chân thành, tinh tuyền, thì khi đó Người cũng thấy nơi chúng ta các viện đá sống động để xây dựng cộng đoàn của Người. Đá tảng của cộng đoàn này là Chúa Kitô, viên đá góc duy nhất. Về phần mình, thánh Phêrô là đá tảng, vì là nền tảng hữu hình sự hiệp nhất của Giáo Hội. Nhưng mỗi một tín hữu đã được rửa tội đều được mời gọi cống hiến cho Chúa Giêsu niềm tin nghèo nàn, nhưng chân thành của họ, để Người có thể tiếp tục xây dựng Giáo Hội của Người ngày hôm nay trên mọi phần đất của thế giới này.

Cả ngày nay nữa ”người ta” nghĩ rằng Chúa Giêsu là một ngôn sứ lớn, một bậc thầy của sự khôn ngoan, một mẫu gương của sự công chính… Và cả ngày nay Chúa Giêsu cũng hỏi các môn đệ Người: “Còn các con, các con nói Thầy là ai?” Chúng ta sẽ trả lời như thế nào? Hãy nghĩ tới điều đó. Nhưng nhất là hãy cầu xin Thiên Chúa Cha, để qua lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria, cầu nguyện để xin Chúa ban cho chúng ta ơn trả lời với con tim chân thành:
“Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người cầu nguyện cho hòa bình tại Ucraina. Ngài nói: Tôi đặc biệt nghĩ tới vùng đất Ucraina yêu dấu, mà ngày hôm nay là lễ quốc khánh, tới tất cả các con cái và những người khao khát hòa bình và an ninh, bị đe dọa bới một tình trạng căng thắng và xung khắc không lắng dịu, gây ra biết bao nhiêu đau khổ cho thường dân. Chúng ta hãy phó thác cho Chúa Giêsu và Mẹ Maria toàn quốc gia này, và hiệp ý cầu nguyện cho mọi nạn nhân, gia đình họ và cho những người đang đau khổ.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm hiện diện đến từ Tây Ban Nha, Chile, Pháp. Ngài cũng chào đặc biệt các tân đại chủng sinh trường Bắc Mỹ về Roma để học thần học, trong đó có một thày gốc Việt Nam. Ngài cũng chào 600 bạn trẻ giáo phận Bergamo cùng Đức Giám Mục sở tại hành hương đi bộ từ Roma tới Assisi. Đức Thánh Cha cầu chúc các bạn trẻ trở về nhà sống làm chứng cho vẻ đẹp của đức tin kitô.

Linh Tiến Khải  – Vatican Radio

Đức Thánh Cha giúp 1 triệu mỹ kim cho người tị nạn Iraq

Đức Thánh Cha giúp 1 triệu mỹ kim cho người tị nạn Iraq

VATICAN. ĐTC Phanxicô đã giúp 1 triệu Mỹ kim để góp phần cứu trợ các tín hữu Kitô và những người tị nạn khác ở Iraq.

Số tiền này được chính ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo, đặc sứ của ĐTC, mang tới cho dân tị nạn trong cuộc viếng thăm của ngài tại thành phố Erbil ở miền bắc Irak từ ngày 12 đến 20-8 vừa qua.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ, ĐHY Filoni cho biết 75% ngân khoản được trao cho các tín hữu Công Giáo và 25% dành cho cộng đoàn người Yézidi theo một tôn giáo hỗn hợp gồm Hồi giáo và các yếu tố tôn giáo truyền thống địa phương. ĐHY cũng nói: ”ĐTC sai tôi đi thực hiện một sứ vụ nhân đạo chứ không phải sứ vụ ngoại giao. Đó cũng là điều tôi nhấn mạnh với các vị lãnh đạo chính quyền”.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho 3 tờ báo ở Italia (Corriere della sera, Avvenire và La Repubblica), ĐHY đề nghị LHQ tổ chức một đội quân mũ xanh để bảo vệ các tín hữu Kitô bị quân Hồi giáo ISIS trục xuất khỏi gia cư vì không chịu trở lại Hồi giáo. ĐHY cũng nói đến các nhóm khủng bố Hồi giáo: ”Các nhóm này hoạt động mạnh, với võ khí đầy đủ và tối tân, và nhiều tiền bạc. Người ta đặt câu hỏi: làm sao việc chuyển những số tiền và các võ khí như thế có thể chuyển giao mà những người có nhiệm vụ kiểm soát lại không làm gì?” (Ansa 23-8-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Phêrô tuyên tín

Phêrô tuyên tín

(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)

Câu hỏi của Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ vẫn còn vang dội tới ngày hôm nay, và trong giây phút này dường như Chúa Giêsu hiện diện giữa chúng ta, Ngài cũng đặt câu hỏi với từng người, trước hết là câu: “Người ta và những kẻ khác, theo quan niệm trần tục của con người thì họ nghĩ Thầy là ai?”.

Chúa Giêsu Kitô là một thực tại, một con người lịch sử đã sống thật trên mặt đất này tại vùng Palestina cách đây hơn 2,000 năm. Đây là một thực tại đầy mầu nhiệm, những kẻ sống đồng thời với Ngài, họ cũng nhìn thấy những việc lạ Chúa đã thực hiện, trước đó là phép lạ Chúa hóa bánh ra nhiều, nhưng họ không thể nhìn nhận ra thực tại Thần Linh của Chúa là Con Thiên Chúa Hằng Sống. Họ nhìn vào Chúa Giêsu như một tiên tri, một E?lia, một Gioan Tẩy Giả, một người chuẩn bị nhân loại cho Thiên Chúa, nhưng chưa phải là Thiên Chúa. Những kẻ khác thời Chúa Giêsu, trên quan điểm trần tục không được Thiên Chúa soi sáng, như Phêrô đã không nhận ra Chúa Giêsu Kitô là ai? Và các Tông Đồ đã kể lại cho Chúa nghe về các nhận xét của dân chúng xung quanh. Nhưng những kẻ khác, những kẻ ngoại chưa tin Chúa, không nhận ra Chúa, điều đó cũng chưa quan trọng đối với Ngài cho bằng chính những người mang tên là người đồ đệ của Chúa, là người Kitô mà lại không nhận ra Ngài.

Câu hỏi thứ nhất: “Người ta nghĩ Thầy là ai?”, chỉ là một câu hỏi phụ, câu hỏi nhập đề để gợi ý thức nơi các đồ đệ. Câu hỏi thứ hai quan trọng hơn: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”. Mỗi người phải trực tiếp trả lời câu hỏi này bằng đức tin của mình đối với Chúa. Điều Chúa muốn không phải là một câu trả lời suông, ngoài môi miệng như một học trò trả bài giáo lý cho thầy giáo trong lớp: “Chúa Giêsu là Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế muôn dân”. Câu trả lời suông ngoài môi miệng như câu trả lời thuộc lòng bài giáo lý thì tương đối dễ, nhưng điều Chúa nhắm đến là lòng xác tín bên trong. Đức tin chân thật như là hồng ân từ Thiên Chúa Cha trao ban cho, ví như câu trả lời được ơn Thiên Chúa soi sáng hướng dẫn Phêrô đã mạnh mẽ trả lời với sự linh ứng của Thiên Chúa Cha: “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa Hằng Sống”.

Chúa Giêsu xác nhận không phải xác thịt nhưng là Cha trên trời đã ban cho con, đã soi sáng cho con. Chính thái độ xác tín đức tin này là điều Chúa muốn nơi mỗi người chúng ta. Thái độ xác tín đức tin đó là hồng ân của Chúa Cha ban cho: “Không ai đến được với Thầy, nếu không được ơn Thiên Chúa Cha soi sáng và lôi kéo họ đến” (Jn 6,43.45). Chính thái độ xác tín đức tin này là khởi đầu và nền tảng của mọi sứ mạng Kitô. Thánh Phêrô đã nhận được sứ mạng: “Thầy trao cho con chìa khóa Nước Trời, con là đá, trên đá này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy”. Phêrô đã nhận được sứ mạng đó sau khi đã tuân phục ơn soi sáng của Thiên Chúa Cha và mạnh mẽ tuyên xưng: “Thầy là Con Thiên Chúa”.

Mỗi người chúng ta đều cần có niềm xác tín này để có thể chu toàn sứ mệnh mà Thiên Chúa trao phó cho, là làm chứng cho Chúa trên trần gian này giữa anh chị em xung quanh. Sứ mạng đã khó nhưng niềm tin xác tín nơi mỗi người lại khó hơn hết, vì nơi mỗi người cũng có thể nói là có hai con người, một con người trần tục và một con người mới. Con người mới này được ân sủng thánh hóa, soi sáng hướng dẫn. Con người cũ có những thói hư tật xấu, suy tưởng theo những lý luận trần tục, xa rời chương trình của Thiên Chúa, khó mà tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa, khó mà trung thành với đức tin tuyên xưng này.

Thánh Phaolô đã cảm nghiệm được kinh nghiệm đức tin này nơi chính bản thân, nên đã thốt lên: “Tôi không làm điều tốt mà tôi ưa thích, nhưng lại làm điều xấu mà tôi không muốn”. Cuộc giằng co giữa ân sủng và tội lỗi, giữa tin và không tin đã làm cho ngài đôi khi mệt mỏi và xin Chúa hãy can thiệp cất đi điều ngài không muốn. Nhưng Chúa Giêsu đã nâng đỡ Phaolô: “Ơn Ta đủ cho ngươi, đừng lo”. Chính vì thế hơn ai hết, thánh Phaolô Tông Đồ đã trình bày cuộc sống trong ơn nghĩa Chúa như là một chiến đấu, một cuộc chạy đua, một cố gắng không ngừng cộng tác với ân sủng Chúa để mặc lấy con người mới, từ bỏ con người cũ để tuyên xưng đức tin, để trung thành với đức tin.

Trở lại với bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta nhận thấy thêm một điều nữa là, mặc dầu Phaolô đã có đôi lần sống theo con người cũ, con người trần tục, nhưng Chúa Giêsu không thay đổi chương trình, Ngài đã chọn Phaolô: “Ơn Ta đủ cho ngươi”. Ơn Chúa luôn luôn ban xuống tràn đầy, Chúa không hủy bỏ chương trình Ngài muốn thực hiện nhờ qua mỗi người, mặc dù đôi khi chúng ta không đáp lại hết lòng ân sủng của Chúa. Chúa muốn nhắn nhủ Phêrô, nhắn nhủ mỗi người “khi nào con trở lại hãy nâng đỡ củng cố anh em con”. Lời nhắn nhủ của Chúa cho Phêrô hãy biết thông cảm nâng đỡ cho anh em, vì chính ông cũng đã được Chúa thương tha thứ và nâng đỡ.

Thêm một bài học nữa cho mỗi người chúng ta là hãy cố gắng sống thánh thiện nơi chính bản thân mình và nâng đỡ những bất toàn, những sa ngã, những tội lỗi của anh em, xin Chúa gìn giữ chúng con trong đức tin và trung thành với Tin Mừng: “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa Hằng Sống”.

Veritas Radio

Đối với bạn, Đức Giêsu Kitô là ai?

Đối với bạn, Đức Giêsu Kitô là ai?

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Đức Giêsu, một nhân vật lịch sử đã chết và sống lại gần 2000 năm rồi. Thế mà nhân loại ngày nay, trước ngưỡng cửa của thiên niên kỷ thứ ba, vẫn còn đặt lại câu hỏi đã được đặt từ lúc Đức Giêsu giáng sinh: “Đức Giêsu Kitô là ai?”

Ngài đã trở thành “siêu sao” (Jesus, Super Star) trong các tác phẩm văn chương, âm nhạc cũng như trên màn ảnh, cả đối với các tác giả không chia sẻ niềm tin vào Đức Giêsu nữa. Nhà văn Aimatov trong tác phẩm “Đoạn đầu đài” đã nói lên những cảm nghĩ và trăn trở của mình về Đức Giêsu và về cây thập tự của Ngài. Dumbatze trong tác phẩm “Quy luật muôn đời” hay Abuladze trong phim “Sám hối”và Nikos Kazantzakis trong tác phẩm “Chúa lại bị đóng đinh”hay trong “Cám dỗ cuối cùng của Chúa”, cuốn tiểu thuyết được dựng thành phim đã gây nhiều phẫn nộ trong giới Kitô giáo. Tất cả đều đặt vấn đề về Đức Giêsu.

Tuy nhiên, những Đức Giêsu mang tính thời sự đó, dẫu có hay và lôi cuốn, vẫn chưa phải là Đức Giêsu đích thực của lịch sử, cũng không phải là đức Giêsu của lòng tin, Đức Giêsu của Tin Mừng. Chẳng qua các tác giả đó chỉ mượn dung mạo của Đức Giêsu để ký thác một điều gì trong thâm tâm mình. Cùng lắm, đối với họ, Đức Giêsu cũng chỉ là một bậc thầy rất có thế giá của quá khứ, hay một con người đáng nguyền rủa, nhục mạ của hiện tại.

Đối với các môn đệ của Chúa Giêsu cũng thế. Khi Chúa Giêsu hỏi các ông: “Người ta bảo Thầy là ai?” các ông cho biết: có những người đánh giá rất cao, họ coi Ngài như một Ngôn sứ có tầm cỡ, như Êlia hay Giêrêmia là những ngôn sứ nổi danh bậc nhất trong lịch sử Do Thái. Trái lại, có những đối thủ lại coi Ngài như một người Samari lạc đạo, như một người bị quỷ nhập, như một tên phỉnh gạt hay một tay xách động dân chúng… Riêng đối với các môn đệ thân tín bên Chúa Giêsu, chắc hẳn các ông đã biết rõ Ngài hơn. Chúa Giêsu đã muốn các môn đệ xác định nhận thức của họ về Ngài. Dân chúng thì nghĩ về Thầy như thế, “còn anh em, anh em nghĩ Thầy là ai?” Simon Phêrô đã nói lên nhận xét của các môn đệ: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Lời tuyên xưng đức tin này chúng ta đã gặp trong giai thoại của Chúa Giêsu cứu Phêrô khỏi chết chìm và khiến sóng gió im lặng. Khi Ngài bước lên thuyền, những người ở trong thuyền, tức là các môn đệ, sấp mình dưới chân Ngài mà nói: “Thật, Thầy là Con Thiên Chúa”. Ở đây, Chúa Giêsu khẳng định lời tuyên xưng này là hiệu quả của ơn mạc khải “do Thiên Chúa Cha của Ngài trên trời”, càng cho chúng ta có quyền nghĩ rằng Phêrô đã thấy được một số nét đặc biệt siêu phàm trong con người của Thầy mình. Chúa Giêsu còn mạc khải thêm cho Phêrô một điều khác cũng quan trọng đặc biệt không kém đối với bản thân ông: “Này, anh tên là Đá, trên Tảng Đá này Thầy sẽ xây dựng Giáo Hội của Thầy, và các quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”. Chúa Giêsu còn trao cho Phêrô trách nhiệm giữ “chìa khóa Nước Trời”, trách nhiệm “cầm buộc hay tháo gỡ”được cả trên trời dưới đất đều chấp hành.

Trao chìa khóa nhà mình cho ai, có nghĩa là tín nhiệm và nhờ cậy người ấy coi sóc nhà mình. Người được trao chìa khóa có quyền đóng mở, ra vào, mà không bị coi là kẻ trộm, đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm nặng nề canh chừng kẻ xấu, người gian. Chọn lựa, trao gởi trách nhiệm vẫn làđường lối của Chúa đối với Giáo Hội, đối với chúng ta. Tiêu chuẩn để được chọn lựa, tín nhiệm trao gởi trách nhiệm không phải là sự trổi trang về tài năng hay đức độ, mà là lòng tin. Không phải là một Phêrô yếu đuối tầm thường nữa, nhưng là một Phêrô Đá Tảng, người có lòng tin, có sức nâng đỡ cả Giáo Hội của Chúa Kitô. Phêrô đã tuyên xưng lòng tin vào Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, không chỉ một lần bằng lời tuyên xưng ấy mà thôi, mà bằng cả một cuộc đời không ngừng tuyên xưng lòng tin cho đến lúc tuyên xưng quyết liệt cuối cùng bằng cái chết đóng đinh thập giá như Thầy mình.

“Còn anh em, anh em nghĩ Thầy là ai?”. Câu hỏi Chúa Giêsu đặt cho các môn đệ không ngừng vang dội suốt 20 thế kỷ nay đến chúng ta. Nó chất vấn mỗi người chúng ta hôm nay hơn bao giờ hết. Phải, đối với tôi, Đức Giêsu Kitô là ai? Phản ứng đầu tiên là im lặng, suy nghĩ, có khi với niềm vui, có khi có một sự ngại ngùng vì câu hỏi mang nặng hậu quả. Câu hỏi chạm đến tận cõi thâm sâu của cuộc đời tôi. Nó buộc tôi phải chọn, một chọn lựa kéo theo nhiều việc khác nữa. Nhưng vì là câu hỏi hệ trọng nhất, nên tôi không thể lẫn tránh được. Chúng ta không thể chỉ tuyên xưng bằng hành động, bằng việc làm cụ thể. Lắm khi sự tuyên xưng chân chính còn đòi buộc chúng ta phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Phải, một khi chúng ta đã thực sự tin Đức Giêsu rồi, thì đời ta sẽ phải gắn chặt vào Ngài cho đến chết thôi. Và chết cũng chưa hết, còn cả cuộc sống đời đời nữa.

Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới thực nghiệm và duy vật chất. Lời nói trên lý thuyết có hay ho cao siêu đến mấy, nếu không được chứng minh bằng đời sống cụ thể, thì thiên hạ sẽ chẳng ai tin chúng ta. Đức Giêsu Kitô là ai? Chúng ta có giảng giải cặn kẽ về nguồn gốc và thân thế của Ngài, người ta có lắng nghe, có theo dõi, nhưng điều người ta theo dõi nhất là coi những người tin theo Đức Giêsu sống ra sao, ăn ở như thế nào, có thái độ thế nào với những công việc mưu cầu lợi ích chung, hạnh phúc chung của mọi người. Và từ đó, người ta sẽ suy nghĩ coi Chúa Giêsu của chúng ta là ai. Việc sống đạo của chúng ta, những người tin Chúa Giêsu, là phải chứng tỏ rằng, Chúa Giêsu thật là Chúa cuộc đời chúng ta, ngay trong chính cách chúng ta sống Tin Mừng yêu thương, phục vụ của Chúa Giêsu.

Đức Giêsu Kitô là ai?

Thưa anh chị em, Ước gì cuộc đời mỗi người chúng ta trở thành một câu trả lời sống động cho Chúa Giêsu, cho anh chị em và cùng với anh chị em, trả lời cho cả xã hội ngày nay rằng: Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa làm người đang sống ở giữa chúng ta.

Công bố chủ đề Ngày Hòa Bình Thế Giới 2015

Công bố chủ đề Ngày Hòa Bình Thế Giới 2015

VATICAN. ĐTC đã chọn chủ đề cho Ngày Hòa Bình thế giới lần thứ 48 cử hành ngày 1-1 năm 2015 là ”Không còn là nô lệ, nhưng là anh chị em”.

Trong thông cáo hôm 21-8-2014 để công bố chủ đề do ĐTC chọn, Hội đồng Tòa Thánh công lý và hòa bình giải thích rằng người ta thường nghĩ nạn nô lệ là một điều thuộc về quá khứ, trong thực tế tệ đoan này vẫn nhan nhản trong xã hội ngày này.

Sứ điệp Ngày Hòa Bình thế giới 1-1 năm 2014 đã bàn về ”Tình huynh đệ, nền tảng và là con đường dẫn đến hòa bình”. Sự kiện tất cả là con cái Thiên Chúa làm cho mọi người trở thành anh chị em với nhau, có phẩm giá bình đẳng. Nạn nô lệ giết chết tình huynh đệ đại đồng ấy, và do đó nó cũng giết chết hòa bình. Thực vậy, chỉ có hòa bình khi con người nhìn nhận tha nhân là anh chị em có cùng phẩm giá.

Trên thế giới, nạn nô lệ có nhiều bộ mặt kinh tởm khác nhau, như nạn buôn người, buôn bán những người di dân, nạn mại dâm, bó buộc lao động như nô lệ, người bóc lột người, não trạng đối xử với phụ nữ và trẻ em như nô lệ.
Hội đồng Công lý và hòa bình cũng tố giác rằng có nhiều cá nhân và nhóm đầu cơ nô lệ một cách ô nhục, họ lợi dụng bao nhiêu cuộc xung đột hiện nay trên thế giới, bối cảnh khủng hoảng kinh tế và tham ô hối lộ. Nạn nô lệ thực là một vết thương kinh khủng trong xã hội hiện nay và là một vết thương rất trầm trọng trong thân mình của Chúa Kitô!”

Để ngăn chặn hữu hiệu nạn nô lệ, trước tiên cần nhìn nhận phẩm giá bất khả xâm phạm của mỗi người, và kiên trì tham chiếu tình huynh đệ, vượt thắng sự chênh lệch có thể làm cho người này trở thành nô lệ cho người khác.
Đối tượng cần nhắm tới là xây dựng một nền văn minh dựa trên phẩm giá bình đẳng của mọi người, không phân biệt ai. Để được vậy cần dấn thân thông tin, huấn luyện, xây dựng một nền văn hóa cổ võ một xã hội được đổi mới và thấm đượm tinh thần tự do, công lý và hòa bình.

Ngày Hòa bình thế giới do Đức Phaolô 6 thiết lập và cử hành vào ngày 1 tháng giêng mỗi năm. Sứ điệp của của các vị Giáo Hoàng nhân ngày này được gửi đến các chính phủ trên thế giới và cũng cho thấy hướng đi ngoại giao của Tòa Thánh trong năm mới bắt đầu (SD 21-8-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha họp báo trên máy bay

Đức Thánh Cha họp báo trên máy bay

Pope Francis visit to South Korea

VATICAN. ĐTC xác nhận sự hợp pháp của việc dùng võ lực để chặn kẻ gây hấn bất chính, ngài cũng nhìn nhận cần phải làm cho công việc của ngài nhẹ bớt để giữ sức khỏe, nhưng sẵn sàng từ nhiệm theo gương vị tiền nhiệm Biển Đức 16 khi không còn làm việc được nữa.

Trên đây là một trong nhiều điểm được ĐTC đề cập đến trong cuộc họp báo dài một tiếng đồng hồ trên máy bay từ Hàn quốc trở về Roma hôm 18-8-2014.

Trả lời câu hỏi của một ký giả người Mỹ về việc không quân Hoa Kỳ oanh kích những kẻ khủng bố Hồi giáo để ngăn chặn cuộc diệt chủng, ĐTC nói: ”Trong những trường hợp này, khi có một sự gây hấn bất công, tôi chỉ có thể nói là được phép ngăn chặn kẻ gây hấn bất chính. Tôi nhấn mạnh động từ ”ngăn chặn” (fermare), tôi không nói là bỏ bom, gây chiến. Cần phải thẩm định các phương thế để ngăn chặn. Nhưng chúng ta cũng phải nhớ: bao nhiêu lần viện cớ ngăn chặn kẻ gây hấn bất công, các cường quốc đã chiếm đóng và thống trị các dân tộc và biến thành một cuộc chiến tranh chinh phục! Một quốc gia một mình không thể thẩm định phải ngăn chặn kẻ gây hấn bất công cách nào. Sau thế chiến thứ II, đã có LHQ, và chính tại đó người ta phải thảo luận”…

ĐTC cho biết ngài sẵn sàng đến các vùng có chiến tranh, như Kurdistan, nếu cần và nếu có thể thực hiện được, để ngăn chặn bạo lực.

Đáp một câu hỏi khác, ngài ca ngợi dân tộc Trung Hoa, một dân tộc khôn ngoan, và cho biết sẵn sàng đến Trung Quốc. ĐTC nói: ”Chúng tôi tôn trọng nhân dân Trung Quốc, Giáo Hội chỉ yêu cầu được được tự do để thi hành sứ mạng của mình, không có điều kiện nào khác.” Ngài cũng nhắc đến lá thư cơ bản của ĐGH Biển Đức 16 gửi các tín hữu Công Giáo Trung Hoa hồi năm 2007, một lá thư vẫn giữ nguyên tính chất thời sự. Ngài nói: “Tòa Thánh vẫn luôn cởi mở đối với các tiếp tục, luôn luộn, vì Tòa Thánh chân thành quí chuộng nhân dân Trung Quốc”.

Quan hệ với Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16

Một ký giả người Đức hỏi ĐTC về quan hệ giữa ngài với Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16, ngài đáp:

”Trước khi đi Hàn quốc, tôi đã đến gặp Người. Cách đây hai tuần Người đã gửi tôi một bài viết thật hay và hỏi ý kiến tôi… Chúng tôi có một quan hệ bình thường, vì tôi có ý tưởng này, có lẽ ý tưởng này không làm cho vài thần học gia hài lòng lắm. Tôi nghĩ việc Giáo Hoàng về hưu không phải là một điều ngoại lệ. Sau bao thế kỷ, Đức Biển Đức 16 là vị đầu tiên về hưu, như Người đã nói: ”Tôi già yếu rồi, tôi không còn sức nữa”.

Việc từ chức của Người là một cử chỉ cao thượng, khiêm tốn và can đảm.. Tôi nghĩ cách đây 70 năm, việc GM về hưu là một ngoại lệ, không có. Ngày nay GM về hưu là một định chế. Tôi nghĩ Giáo Hoàng về hưu đã là một định chế rồi! Tại sao? Vì đời sống chúng ta kéo dài và tới một tuổi nào đó không còn khả năng cai quản tốt nữa, vì cơ thể mệt mỏi.. sức khỏe có thể là còn tốt, nhưng không còn khả năng giải quyết tất cả các vấn đề của một việc cai quản như cai quản Giáo Hội… Một ngày kia, nếu không còn sức để cai quản Giáo Hội nữa, tôi cũng sẽ làm như vậy. Tôi sẽ cầu nguyện rất nhiều, nhưng tôi sẽ làm như thế. Đức Biển Đức 16 đã mở ra một cánh cửa, đó là một định chế chứ không phải là một điều ngoại lệ. Quan hệ giữa chúng tôi là quan hệ huynh đệ, nhưng tôi cũng nói rằng tôi cảm thấy Người như có một ông nội ở trong nhà vì sự khôn ngoan của Người.. Tôi thích nghe Người, và Người cũng khích lệ tôi nhiều. Đó là quan hệ của tôi với Người!”

Soạn thảo Thông điệp về môi sinh

Trả lời câu hỏi của một ký giả truyền hình Đức về Thông điệp về môi sinh đang được soạn thảo, ĐTC nói: Tôi đã nói chuyện rất nhiều với ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh công lý và hòa bình, về thông điệp này, và đã yêu cầu ĐHY thu thập tất cả những đóng góp được gửi tới. 4 ngày trước cuộc công du này, ĐHY đã giao cho tôi bản dự thảo đầu tiên thật là dầy, dầy hơn 1 phần 3 so Tông Huấn ”Niềm Vui Phúc Âm”. Đó là một vấn đề không dễ dàng, bảo tồn thiên nhiên, và cả về môi sinh con người, người ta chỉ có thể nói chắc chắn tới một mức độ nào thôi. Rồi có những giả thuyết khoa học, một số khá chắc chắn, một số khác thì không. Một thông điệp phải có đặc tính huấn quyền, chỉ nói những điều chắc chắn.. Vấn đề bây giờ là đi tới những điều thiết yếu, nhưng gì chúng ta có thể khẳng định chắc chắn. Tuy nhiên, ta có thể nói trong phần chú thích những giả thuyết này, giả thuyết kia, như một thông tin, chứ không phải như thành phần một thông điệp, một văn kiện phải có tính chắc chắn, vì là một văn kiện đạo lý” (SD 19-8-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Full Text Of Pope Francis' Press Conference On Plane Returning From Korea

By Gerard O’Connell (Vatican correspondent)

Pope Francis said “the unjust aggressor” against the minorities in Iraq “must be stopped” but, he added, no one state can decide to intervene by itself.  The crime of aggression has to be taken to the UN to decide which are the best means to stop the aggressor. He made clear “I do not say bomb.”

He revealed that he had contemplated going to Kurdistan at the time he sent Cardinal Filoni, and said he does not yet exclude that possibility if it is necessary.

He made clear his ardent desire to go to China, even “tomorrow,” and said he wishes to establish good relations with that noble people.

He rejected the suggestion that the Prayer for Peace in the Holy Land on June 8 was a failure, and emphasized that “it has opened a door” that still remains open.

He made these and other significant statements in an hour long interview on the flight back from Korea when he responded to a variety of questions from the international media.

America provides below the full transcript of the pope’s press conference. The translation was made by Gerard O’Connell, its Vatican correspondent, who travelled on the plane with the pope. This is not an official translation.

Q. During the visit to Korea, you reached out to the families of the Sewol ferry disaster and consoled them. Two questions: What did you feel when you met them? And were you not concerned that your action could be misinterpreted politically?

A. When you find yourself in front of human suffering, you have to do what your heart brings you to do. Then later they might say, he did this because he had a political intention, or something else. They can say everything. But when you think of these men, these women, fathers and mothers who have lost their children, brothers and sisters who have lost brothers and sisters, and the very great pain of such a catastrophe…my heart. I am a priest, I feel that I have to come close to them, I feel that way. That’s first. I know that the consolation that I can give, my words, are not a remedy. I cannot give new life to those that are dead. But human closeness in these moments gives us strength, solidarity.

I remember when I was archbishop of Buenos Aires, I experienced two catastrophes of this kind. One was a fire in a dance hall, a pop-music concert, and 194 people died in it. That was in 1993. And then there was another catastrophe with trains, and I think 120 died in that. At those times I felt the same thing, to draw close to them. Human pain is strong and if we draw close in those sad moments we help a lot.

And I want to say something more. I took this ribbon (from relatives of the Sewold ferry disaster, which I am wearing) out of solidarity with them, and after half a day someone came close to me and said, “It is better remove it, you should be neutral." But listen, one cannot be neutral about human pain. I responded in that way. That’s how I felt.

Q. You know that recently the U.S. forces have started bombing the terrorists in Iraq, to prevent a genocide, to protect minorities, including Catholics who are under your guidance. My question is this: do you approve the American bombing?

A. Thanks for such a clear question. In these cases where there is an unjust aggression, I can only say this: it is licit to stop the unjust aggressor. I underline the verb: stop. I do not say bomb, make war, I say stop by some means. With what means can they be stopped? These have to be evaluated. To stop the unjust aggressor is licit.

But we must also have memory. How many times under this excuse of stopping an unjust aggressor the powers [that intervened] have taken control of peoples, and have made a true war of conquest.

One nation alone cannot judge how to stop an unjust aggressor. After the Second World War there was the idea of the United Nations. It is there that this should be discussed. Is there an unjust aggressor? It would seem there is. How do we stop him? Only that, nothing more.

Secondly, you mentioned the minorities. Thanks for that word because they talk to me about the Christians, the poor Christians. It’s true, they suffer. The martyrs, there are many martyrs. But here there are men and women, religious minorities, not all of them Christian, and they are all equal before God.

To stop the unjust aggressor is a right that humanity has, but it is also a right that the aggressor has to be stopped so that he does not do evil.

Q.  To return to Iraq. Like Cardinal Filoni and the head of the Dominicans, would you be ready to support a military intervention in Iraq to stop the Jihadists? And I have another question: do you think of going one day to Iraq, perhaps to Kurdistan to sustain the Christian refugees who wait for you, and to pray with them in this land where they have lived for 2,000 years?

A.  Not long ago I was with the Governor of Kurdistan, Minister Nechirvan Barzani. He had very clear ideas about the situation and how to find solutions, but that was before this unjust aggression.

I have responded to the first question. I am only in the agreement in the fact that when there is an unjust aggressor he is to be stopped.

Yes, I am willing [to go there]. But I think I can say this, when we heard with my collaborators about the killings of the religious minorities, the problem at that moment in Kurdistan was that they could not receive so many people. It’s a problem that one can understand. What can be done? We thought about many things. First  of all a communique was issued by Fr. Lombardi in my name.  Afterwards that communique was sent to all the nunciatures so that it be communicated to governments. Then we wrote a letter to the Secretary General of the United Nations. Many things …. And at the end we decided to send our personal envoy—Cardinal Filoni,  and I said if it were necessary when we return from Korea we can go there. It was one of the possibilities. This is my answer. I am willing [to go there]. At the moment it is not the best thing to do, but I am ready for this.

Q. My question is about China. China allowed you to fly over its airspace. The telegram that you sent [en route to Korea] was received without negative comments.  Do you think these are step forward towards a possible dialogue? And have you a desire to go to China?

Father Lombardi intervenes: I can inform you that we are now flying in the airspace over China at this moment. So the question is pertinent.

A. When we were about to enter into the Chinese airspace [en route to Korea], I was in the cockpit with the pilots, and one of them showed me a register and said, "We’re only ten minutes away from entering the Chinese airspace, we must ask authorization." One always asks for this. It’s a normal thing, one asks for it from each country. And I heard how they asked for the authorization, how they responded. I was a witness to this. The pilot then said, "We sent a telegram," but I don’t know how they did it.

Then I left them and I returned to my place and I prayed a lot for that beautiful and noble Chinese people, a wise people. I think of the great wise men of China, I think of the history of science and wisdom. And we Jesuits have a history there with Father Ricci. All these things came into my mind.

If I want to go to China? For sure! Tomorrow!

We respect the Chinese people. The church only asks for liberty for its task, for its work. There’s no other condition.

Then we should not forget that fundamental letter for the Chinese problems which was the one sent to the Chinese by Pope Benedict XVI. This letter is actual [relevant] today. It is actual. It’s good to re-read it.

The Holy See is always open to contacts. Always. Because it has a true esteem for the Chinese people.

Q. Your next journey will be to Albania and perhaps Iraq. After the Philippines and Sri Lanka, where will you go in 2015? And can I say that in Avila, there is great hope (that you will come),  can they still hope?

A. Yes! The president of Korea said to me—in perfect Spanish!—hope is the last thing one loses. She said that to me referring to the unification of Korea. One can always hope, but is not decided. Let me explain.

This year Albania is envisaged. Some have begun to say that the pope is starting everything from the periphery. But I am going to Albania for two important motives. First, because they have been able to form a government—just think of the Balkans, they have been able to form a government of national unity with Muslims, Orthodox and Catholics, with an interreligious council that helps a lot and is balanced. This is good, and harmonious. The presence of the pope wishes to say to all the peoples [of the world] that it’s possible to work together. I felt it as a real help to that noble people.

And there’s another thing, if we think about the history of Albania, in terms of religion is was the only country in the communist world to have in its constitution practical atheism. So if you went to mass it was against the constitution. And then, one of the ministers told me that 1820 churches were destroyed, both Orthodox and Catholic, at that time. Then other churches were transformed into theatres, cinemas, dancehalls. So I just felt that I had to go. It’s close, just one day.

Next year I would like to go to Philadelphia, for the meeting of the families. Then, I have been invited by the President of the United States to the American Congress. And also the Secretary General of the United Nations has also invited me to the Secretariat of the UN in New York. So maybe the three cities together.

Then there’s Mexico. The Mexicans want me to go to the Shrine of Our Lady of Guadalupe, so we could take advantage of that too (during the U.S. visit), but it’s not certain.

And lastly Spain. The Spanish Royals have invited me. The bishops have invited me, but there is a shower of invitations to go to Spain, and maybe it is possible, but there is nothing sure, so I’ll just say that maybe to go to Avila in the morning and return in the afternoon if it were possible, but nothing is decided. So one can still hope.

Q. What kind of relationship is there between you and Benedict XVI? Do you have a regular exchange of opinions? Is there a common project after the encyclical ("Light of Faith")?

A. We see each other. Before I departed [for Korea] I went to visit him. Two weeks earlier he sent me an interesting written text and he asked my opinion on it. We have a normal relationship. 

I return to this idea, which may not be liked by some theologian. I am not a theologian, but I think that the emeritus-pope is not an exception. But after many centuries he is the first emeritus. Let us think about what he said, I have got old, I do not have the strength. It was a beautiful gesture of nobility, of humility and courage.

But if one thinks that 70 years ago emeritus bishops also were an exception. They did not exist, but today emeritus bishops are an institution.

I think that the emeritus pope is already an institution because our life gets longer and at a certain age there isn’t the capacity to govern well because the body gets tired, and maybe one’s health is good but there isn’t the capacity to carry forward all the problems of  a government like that of the church. I think that Pope Benedict made this gesture of emeritus popes. May, as I said before, some theologian may say this is not right, but I think this way. The centuries will tell us if this so or not. Let’s see.

But you could say to me, if you at some time felt you could not go forward, I would do the same! I would do the same. I would pray, but I would do the same. He [Benedict] opened a door that is institutional, not exceptional.

Our relationship is truly that of brothers. But I also said that I felt as if I have a grandfather at home because of his wisdom. He is a man of wisdom, of nuance that is good for me to hear him. And he encourages me sufficiently too. That’s the relationship I have with him.

Q. You have met the people who suffered. What did you feel when you greeted the comfort women at Mass this morning? And as regards the suffering of people in Korea there were also Christians hidden in Japan, and next year will the 150th anniversary of their "era of Nero" [in which Christians were persecuted]. Would it be possible to pray for them together with you at Nagasaki?

A. It would be most beautiful. I have been invited both by the government and by the bishops. I have been invited.

As for the suffering, you return to one of the first questions. The Korean people are a people who did not lose their dignity. It was a people that was invaded, humiliated. It suffered wars and now it is divided. Yesterday, when I went to the meeting with young people [at Haemi], I visited the museum of the martyrs there. It was terrible the sufferings of these people, just for not standing on a cross. It’s a historical suffering. This people has the capacity to suffer, and it is part of their dignity.

Also today, when those elderly women were in front of me at Mass, I thought that in that invasion there were young girls taken away to the barracks for to use them but they did not lose their dignity then. They were there today showing their faces, elderly, the last ones remaining. It’s a people strong in its dignity.

But returning to the question about the martyrs, the suffering and also these women, these are the fruits of war! Today we are in a world at war, everywhere. Someone said to me, "Father do you know that we are in the Third World War, but bit by bit." He understood! It’s a world at war in which these cruelties are done.

I’d like to focus on two words. First, cruelty. Today children do not count. Once they spoke about a conventional war, today that does not count. I’m not saying that conventional wars were good things, but today a bomb is sent and it kills the innocent, the guilty, children, women they kill everybody. No! We must stop and think a little about the level of cruelty at which we have arrived. This should frighten us, and this is not to create fear. An empirical study could be done on the level of cruelty of humanity at this moment should frighten us a little.

The other word on which I would like to say something is torture. Today torture is one of the means, I would say, almost ordinary in the behavior of the forces of intelligence, in judicial processes and so on. Torture is a sin against humanity, is a crime against humanity. And I tell Catholics that to torture a person is a mortal sin, it’s a grave sin. But it’s more, it’s a sin against humanity.

Cruelty and torture! I would like very much if you, in your media, make a reflection: How do you see these things today? How do you see the cruelty of humanity, and what do you think of torture. I think it would do us all good to reflect on this.

Q.  You have a very demanding rhythm, full of commitments and take little rest, and no holidays, and you do these trips that are exhausting. And in these last months we see that you have also had to cancel some of these engagements, even at the last moment  Is there something to be concerned about in the life you lead?

A.  Yes, some people told me this. I have just taken holidays, at home, as I usually do.

Once I read a book. It was quite interesting, it’s title was: Rejoice that you are neurotic. I too have some neuroses. But one should treat the neuroses well. Give them some mate [herbal drink] every day. One of the neurosis is that I am too attached to life.   

The last time I took a holiday outside Buenos Aires was with the Jesuit community in 1975. But I always take holidays. It’s true. I change rhythm. I sleep more. I read the things I like. I listen to music. That way I rest. In July and part of August I did that.

The other question. Yes, it is true, I had to cancel [engagements]. The day I should have gone to the Gemelli [hospital], up to 10 minutes before I was there, but I could not do it. It is true, they were seven very demanding days then, full of engagements. Now I have to be a little more prudent.

Q.  In Rio when the crowds chanted Francesco, Francesco, you told them to shout Christ, Christ. How do you cope with this immense popularity? How do you live it?

A.  I don’t know how to respond. I live it thanking the Lord that his people are happy. Truly, I do this. And I wish the People of God the best. I live it as generosity on the part of the people. Interiorly,  I try to think of my sins, my mistakes, so as not to think that I am somebody. Because I know this will last a short time, two or three years, and then to the house of the Father. And then it’s not wise to believe in this. I live it as the presence of the Lord in his people who use the bishop, the pastor of the people, to show many things. I live it a little more naturally than before, at the beginning I was a little frightened. But I do these thing, it comes into my mind that I must not make a mistake so as not to do wrong to the people in these things. A little that way.

Q. The pope has come from the end of the world and lives in the Vatican. Beyond Santa Marta about which you have talked to us, about your life and your choices. How does the Pope live in the Vatican? They’re always asking us: “What does he do?  How does he move about? Does he go for a walk? They have seen that you went to the canteen and surprise us.  What kind of life do you lead in Santa Marta, besides work?

A. I try to be free. There are work and office appointments, but then life for me, the most normal life I can do. Really, I’d like to go out but it’s not possible, it’s not possible, because if you go out people will come to you. That’s the reality. Inside Santa Marta I lead the normal life of work, of rest, chatting and so on.

Q. Don’t you feel like a prisoner?

A. At the beginning yes, but now some walls have fallen. For example, before it was said but the pope can’t do this or this. I’ll give you an example to make you laugh. When I would go into the lift, someone would come in there suddenly because the pope cannot go in the lift alone. So I said, you go to your place and I’ll go in the lift by myself. It’s normality.

Q. I’m sorry, Father, but I have to ask you this question as a member of the Spanish language group of which Argentina is a part. Your team, San Lorenzo, won the championship of America for the first time this week. I want to know how you are living this, how you are celebrating. I hear that a delegation are bringing the cup to the public audience on Wednesday, and that you will receive them in the public audience.

A. It's good news after getting second place in Brazil. I learned about it here. They told me in Seoul. And they told me, they’re coming on Wednesday. It’s a public audience and they will be there. For me San Lorenzo is the team, all my family were supporters of it. My Dad played basketball at San Lorenzo; he was a player in the basketball team. And as children we went with him, and Mama also came with us to the Gazometer. Today the team of ’46 was a great team and won the championship. I live it with joy. Not a miracle, no!

Q. There’s been talk for a long time about an encyclical on ecology. Could you tell us when it will be published, and what are the key points?

A. I have talked a lot about this encyclical with Cardinal Turkson, and also with other people. And I asked Cardinal Turkson to gather all the input that have arrived, and four days before the trip, Cardinal Turkson brought me the first draft. It’s as thick as this. I’d say it’s about a third longer than "Evangelii Gaudium." It’s the first draft.  It’s not an easy question because on the custody of creation, and ecology, also human ecology, one can talk with a certain security up to a certain point, but then the scientific hypotheses come, some sufficiently secure, others not. And in an encyclical like this, which has to be magisterial, one can only go forward on the things that are sure, the things that are secure. If the pope says the center of the universe is the earth and not the sun, he’s wrong because he says a thing that is scientifically not right. That’s what happens now. So we have to do the study now, number by number, and I believe it will become smaller. But going to the essentials, to that which one can affirm with security. One can say, in footnotes, that on this there is this and that hypothesis, to say it as information but not in the body of an encyclical that is doctrinal. It has to be secure.

Q. Thank you so much for your visit to South Korea. I’m going to ask you two questions. The first one is this: just before the final Mass at the cathedral you consoled some comfort women there, what thought occurred to you? And my second question, Pyongyang sees Christianity as a direct threat to its regime and its leadership and we know that some terrible thing happened to North Korean Christianity but we don’t know exactly what happened. Is there any special approach in your mind to change North Korea’s approach to North Korea’s Christianity?

A . On the first question I repeat this. Today, the women were there and despite all they suffered they have dignity, they showed their face. I think, as I said a short time ago, of the suffering of the war, of the cruelty of the one who wages war. These women were exploited, the were enslaved, all this is cruelty. I thought of all this, and of the dignity that they have and also how much they suffered. And suffering is an inheritance. The early fathers of the church said the blood of the martyrs if the seed of Christians. You Koreans have sown much, much, and out of coherence one now sees the fruit of that seed of the martyrs.

About North Korea, I know it is a suffering, and one I know for sure, there are many relatives that cannot come together, that’s a suffering, but it a suffering of that division of the country.   Today in the cathedral when I put on the vestments for mass there was a gift that they gave me, it was a crown of the thorns of Christ made from the iron wire that divides the two parts of the one Korea. We are now taking it with us on the plane, it’s a gift that I take, the suffering of division, of a divided family, but as I said yesterday, I can’t remember exactly, but talking to the bishops, I said we have  a hope: the two Koreas are brothers, and they speak the same language. They speak the same language because they have the same mother, and that gives us hope. The suffering of the division is great, I understand that and I pray that it ends.

Q. As an Italo-American I want to compliment you for your English, you should have no fear, and if you wish to do some practice before you go to America, my second homeland, I am willing to help. My question is this: You have spoken about martyrdom. At what stage is the process for the cause of Archbishop Romero. And what would you like to come out of this process?

A. The process was blocked in the Congregation for the Doctrine of the Faith “for prudence,” it was said. Now it is unblocked and it is in the Congregation for Saints and follows the normal path of a process. It depends on how the postulators move, it’s very important to move in haste.

What I would like is to have clarified when there is martyrdom in "odium fidei" [out of hate for the faith], whether it is for confessing the credo or for performing the works that Jesus commands us to do  for our neighbor. This is a work of theologians that is being studied. Because behind him [Romero], there is Rutilio Grande and there are others. There are other that were also killed but are not at the same height as Romero. This has to be distinguished theologically. For me, Romero is a man of God. He was a man of God but there has to be the process, and the Lord will have to give his sign [of approval]. But if He wishes, He will do so! The postulators must move now because there are no impediments.

Q. Given what has happened in Gaza, was the Prayer for Peace held in the Vatican on June 8 a failure?

A. That prayer for peace was absolutely not a failure. First of all, the initiative did not come from me. The initiative to pray together came from two presidents: the president of the State of Israel and the president of the State of Palestine. They make known to me this unease, then we wanted to hold it there [in the Holy Land],  but we couldn’t find the right place because the political cost for each one was very high if they went to the other side. The nunciature was a neutral place, but to arrive at the nunciature the President of Palestine would have had to enter in Israel, so the thing was not easy. Then they said to me, let us do it in the Vatican, we will come. These two men are men of peace, they are men who believe in God, and they have lived through many ugly things, they are convinced that they only way to resolve the situation there is through dialogue, negotiation and peace.

You ask me, was it a failure? No, the door remains open. All four, the two presidents and Bartholomew I, I wanted him here as the ecumenical patriarch of Orthodoxy, it was good that he was with us, the door of prayer was opened. And it was said we must pray, peace is a gift of God,. It is a gift but we merit it with our work. And to say to humanity that the path of dialogue is important, negotiation is important, but there is also that of prayer. Then after that, we saw what happened. But it was just a matter of coincidence. That encounter for prayer was not conjuncture. It is a fundamental step of the human attitude, now the smoke of the bombs and the war do not let one see the door, but the door was left open from that moment. And as I believe in God, I look at that door and the many who pray and who ask that He helps us. I liked that question. Thank you!

Tâm hồn khiêm tốn

Tâm hồn khiêm tốn

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Biến cố chúng ta vừa đọc lại trên đây cho thấy Chúa Giêsu đã vượt qua một biên giới, và đến gần vùng đất của dân ngoại. Và tại đây Ngài đã gặp một người đàn bà được hưởng lấy lợi ích từ tác vụ của Chúa Giêsu, tự lãnh nhận những hồng ân Thiên Chúa như những người con Do Thái đồng hương. Vừa bước vào vùng đất mới, Chúa Giêsu nghe được lời kêu van của một người đàn bà đang gặp thử thách: “Lạy Ngài, con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi. Đức con gái tôi bị quỉ ám khổ sở lắm”. Nhưng Chúa Giêsu không đáp lại một lời. Trước lời kêu xin tha thiết như vậy, tại sao Chúa không đáp lại? Chúa là Đấng nhân từ, đầy cảm thông trước cảnh cùng khổ của những ai đến với Chúa và đã dạy các tông đồ: “Hãy cầu nguyện thì sẽ được. Hãy gõ cửa thì sẽ mở cho”. Thế mà tại sao Chúa lại làm thinh, không trả lời cho người đàn bà đang thành tâm kêu xin? Hẳn có lý do.

Các tông đồ không hiểu được thái độ của Chúa và cũng không muốn bị quấy rầy nên đã nói với Chúa như sau: “Xin Thầy bảo bà ấy đi đi, kẻo bà ấy cứ theo chúng ta mà kêu mãi”. Các tông đồ hiểu lầm thái độ im lặng của Chúa như một sự từ chối và các ngài cũng muốn phủi tay: “Xin Chúa đuổi bà ấy đi cho, đừng để bà ấy quấy rầy nữa”. Chúa Giêsu không chỉ im lặng mà Ngài còn lên tiếng nói lời chối từ như sau: “Ta chỉ được sai đến để cứu những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi”.

Chúng ta nên học hỏi thái độ khiêm tốn và kiên trì của người đàn bà: “Lạy Thầy, xin cứu giúp tôi”. Bà không bực tức, không nổi giận, không trách móc Chúa tại sao thế này, tại sao thế nọ. Chúa càng im lặng thì bà càng khiêm tốn hơn nữa. Không những bà chỉ nói mà còn van xin bằng cả con người của mình. Bà sụp lạy Chúa Giêsu và nói: “Xin Ngài thương xót con”. Sự im lặng của Chúa là một thử thách, thử thách trong đức tin, thử thách trong việc cầu nguyện Chúa Giêsu thử thách nhiều hơn nữa: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà đem ném cho chó”. Đây là thử thách ở mức độ cuối cùng, ai có thể vượt qua được. Người đàn bà xa lạ và thuộc dân ngoại khiêm tốn thưa cùng Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, đúng thế, nhưng mà những con chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ trên bàn chủa rơi xuống”. Có thể nói tâm hồn khiêm tốn đã giúp người đàn bà vượt qua được thử thách và trưởng thành trong đức tin. Chúa Giêsu trấn an bà như sau: “Này bà, lòng tin của bà thật mạnh. Bà muốn sao thì sẽ được như vậy”. Người đàn bà chỉ xin Chúa cho lợi lộc thông thường cho con bà khỏi bị quỉ ám và bà được nhận lời.

Chúng ta có thể tượng tưởng người đàn bà sẽ vui mừng biết bao hơn nữa khi lãnh nhận được ơn Chúa. Cuối đoạn đường gian nan nhìn lại, chúng ta sẽ thấy rõ những giây phút Chúa xem ra im lặng là những giây phút quí trọng vô cùng vì những im lặng và từ chối này của Chúa giúp đức tin của chúng ta được trưởng thành. Khi đi qua đoạn đường gian nan, chúng ta có thể hiểu được chương trình của Chúa dành cho cuộc đời mình. Thử hỏi, chúng ta còn đủ nghị lực để đi qua đoạn đường nhiều gian nan thử thách hay không. 

Lạy Chúa,

Xin thương ban cho tất cả những ai chọn theo Chúa có được tâm hồn khiêm tốn để lãnh nhận những mầu nhiệm ân sủng của cuộc đời. 

Lạy Chúa, Xin thương nâng đỡ chúng con và củng cố đức tin cho chúng con.

Veritas Radio

TIN YÊU SỐNG BÍ TÍCH THÁNH THỂ THEO GƯƠNG ĐỨC MẸ

TIN YÊU SỐNG BÍ TÍCH THÁNH THỂ THEO GƯƠNG ĐỨC MẸ

Đoạn Tin Mừng hôm nay thật lôi cuốn. Lôi cuốn trước hết ở diễn tiến bất ngờ của phép lạ. Bất ngờ đầu tiên: người phụ nữ ngoại đạo dám đến xin phép lạ cho con mình. Người ngoại với người Do Thái không bao giờ liên hệ với nhau. Với người phụ nữ ngoại giáo, khoảng cách càng xa diệu vợi. Thế mà người phụ nữ này dám vượt qua hết những rào cản để đến với Chúa. Bất ngờ thứ hai: Chúa đã có thái độ từ chối quyết liệt. Từ chối bằng im lặng không trả lời. Từ chối thẳng thừng bằng lời nói quyết liệt: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel thôi”. Và căng thẳng đến tàn nhẫn: “Không được lấy bánh của con cái mà ném cho lũ chó con”. Bất ngờ thứ ba: người phụ nữ chấp nhận tất cả những thử thách, và đã có câu trả lời thông minh: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”. Thật là khiêm tốn, nhưng cũng đầy tin tưởng. Thật bất ngờ mà cũng thật đẹp đẽ.

Lôi cuốn ở nét đẹp tâm hồn người phụ nữ. Ẩn sâu trong vẻ đẹp của thái độ người phụ nữ ngoại đạo, ta thấy nổi bật hai phẩm chất cao quí đó là: Tin và Yêu. Yêu con tha thiết nên bà không thể nhẫn tâm ngồi nhìn ma quỷ hành hạ đứa con yêu quí. Yêu con tha thiết nên bà không ngần ngại đi tìm thầy tìm thuốc ở khắp mọi nơi, kể cả những nơi bị coi là cấm kỵ. Yêu con tha thiết nên bà chấp nhận tất cả, không chỉ sự mệt nhọc tìm kiếm mà cả sự dửng dưng lạnh nhạt và nhất là sự khinh khi nhục mạ. Yêu con nên bà tin Chúa. Tin Chúa có quyền năng thống trị ma quỷ. Tin Chúa có lòng thương xót sẽ ra tay cứu chữa. Tin Chúa có trái tim rộng mở sẽ không phân biệt người ngoại kẻ đạo. Tin và Yêu giống như đôi cánh đã giúp người phụ nữ bay lên rất cao và bay đi rất xa. Cao lên tới Thiên Chúa. Xa khỏi những ngăn cách trắc trở. Tin và Yêu giống như giòng thác nước. Càng gặp đập ngăn cản càng dâng lên cao. Càng dâng lên cao sức mạnh càng tăng. Và khi đổ ào xuống sẽ phát sinh công hiệu quả lớn. Tin và Yêu giống như chiếc chìa khoá vạn năng có thể mở được mọi cánh cửa. Mở được cánh cửa Nước Trời. Mở được cả tâm hồn Thiên Chúa.

Trong bối cảnh của Năm Thánh Thể, thái độ người phụ nữ ngoại đạo khiến ta liên tưởng đến Đức Mẹ, người phụ nữ Thánh Thể. Người phụ nữ ngoại đạo này là một bà mẹ hiền. Vì thương con đói khổ nên bà đã lặn lội đi tìm tấm bánh về nuôi con. Vì thương con nên bà chấp nhận tất cả mọi vất vả, khổ cực, nhục nhã. Và Chúa đã thưởng công bà. Bà chỉ mong tìm được những mẩu bánh vụn dư thừa từ bàn chủ rơi xuống. Nhưng Chúa đã ban cho bà trọn vẹn tấm bánh thơm ngon của những đứa con. Bà chỉ mong được như lũ chó con chực chờ thức ăn dư thừa từ bàn chủ rơi xuống. Nhưng Chúa đã cho bà và con gái bà được đồng bàn với con cái Chúa. Chúa đã ban cho bà tấm bánh hạnh phúc. Đó là tấm bánh cứu độ. Cho bà được gia nhập gia đình Chúa, trở nên con cái Chúa. Bà đã mở được đường lên Nước Trời, đã làm cho Chúa thay đổi chương trình, thu nhận dân ngoại vào Nước Chúa.

Cũng thế, Đức Mẹ là người mẹ rất hiền từ. Vì thương yêu chúng ta nên Mẹ cũng lặn lội đi tìm cho ta tấm bánh hạnh phúc. Mẹ đã trao ban cho ta tấm bánh cứu độ. Đó chính là Chúa Giêsu Kitô. Nếu hiểu rằng Thịt Máu Chúa Giêsu Thánh Thể cũng chính là thịt máu Mẹ đã cưu mang trong lòng, ta mới rõ Đức Mẹ là người Mẹ hiền đã tìm cho con cái tấm bánh cứu độ thơm ngon hạnh phúc. Và để có được tấm bánh đó, Đức Mẹ đã phải chịu rất nhiều vất vả, đau đớn, khổ nhục như lời tiên tri Simêon tiên báo: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà”. Chính nhờ Mẹ, ta được ăn bánh các thiên thần, được đồng bàn với thần thánh, được nên con Thiên Chúa.

Không những ban cho ta tấm bánh cứu độ, Đức Mẹ còn dạy ta sống bí tích Thánh Thể trong đức tin và tình yêu.

Đức Mẹ dạy ta hãy tin thật Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, noi gương Mẹ khi xưa nghe lời thiên thần truyền tin đã hoàn toàn tin rằng bào thai trong lòng Mẹ là Con Thiên Chúa. 

Đức Mẹ dạy ta hãy tin vào quyền năng của Chúa. Như xưa tại tiệc cưới Cana, Mẹ đã bảo các gia nhân: “Người bảo gì thì hãy cứ làm theo”. Hôm nay, trong Năm Thánh Thể, Đức Mẹ cũng muốn nói với ta: Nếu Chúa đã dạy: “ Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, thì hãy sốt sắng tin tưởng cử hành bí tích Thánh Thể. Hãy vững tin vì Đấng đã có thể biến nước lã hoá thành rượu ngon cũng có thể làm cho bánh và rượu trở nên Thịt Máu Người. 

Đức Mẹ dạy ta hãy luôn hướng về bí tích Thánh Thể như xưa Mẹ đã theo Chúa Giêsu trên mọi bước đường, dù gian nan khổ cực.

Đức Mẹ dạy ta dâng mình làm hy lễ. Như xưa Mẹ đã đứng dưới chân Thánh giá, cùng Chúa Giêsu dâng hiến những đau khổ làm hy lễ dâng Thiên Chúa Cha. Và cũng như xưa Đức Mẹ đã đem Chúa Giêsu đến với bà Elisabet, đem lại niềm vui lớn lao cho bà, vì đã cho Thánh Gioan Baotixita được khỏi tổ tông truyền khi còn trong lòng mẹ, Đức Mẹ cũng dạy ta khi sống bí tích Thánh Thể, hãy trở nên những nhà tạm sống động đem Chúa Giêsu Thánh Thể đến khắp mọi nơi, đem ơn cứu độ đến cho mọi người.

Hôm nay khi cho người phụ nữ ngoại đạo được tấm bánh của con cái, được đồng bàn với con cái Chúa, Chúa cho bà được gia nhập dân riêng Chúa. Điều đó nhắc nhở ta khi sống bí tích Thánh Thể cũng hãy chăm lo việc truyền giáo, đi quy tụ nhiều người về bàn tiệc Thánh Thể, vào dự tiệc Nước Trời. Đức Mẹ La Vang luôn quan tâm đến việc truyền giáo, nên Mẹ không ngừng yêu thương và ban ơn lành cho những lương dân chạy đến với Mẹ. Trong những buổi cử hành sắp tới, ta sẽ được nghe những chứng từ rất sống động về tình thương của Mẹ. 

Đức Mẹ là thầy dạy về bí tích Thánh Thể một cách tuyệt hảo. Chính vì thế, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đệ nhị khuyên mời ta hãy đến nơi trường của Đức Mẹ. Hôm nay, họp nhau đông đảo về đây, ta hãy tạ ơn Mẹ La Vang đã ban cho ta Chúa Giêsu là tấm bánh cứu độ hạnh phúc. Ta hãy xin Mẹ dạy ta biết sống bí tích Thánh Thể trong cuộc đời. Hãy noi gương Mẹ đem Thánh Thể đến khắp các nẻo đường, quy tụ một dân đông đảo về dự tiệc Thánh Thể, dự tiệc Nước Chúa. Lạy Mẹ La Vang xin nhận lời chúng con. Amen. 

GỢI Ý CHIA SẺ

  1. Bí quyết nào khiến bà mẹ ngoại đạo đạt được ước nguyện?
  2. Người phụ nữ ngoại đạo nêu gương cầu nguyện cho ta thế nào?
  3. Đức Mẹ đã sống đức tin vào tình yêu thế nào trong cuộc đời?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Sức mạnh của lòng tin

Sức mạnh của lòng tin

(Trích trong ‘Cùng Đọc Tin Mừng’)

Norman Vincent Peale (1898-1993) là một mục sư danh tiếng trong Giáo Hội Tin Lành Methodist, đồng thời cũng là nhà tâm lý trị liệu danh tiếng ở Mỹ, đã xuất bản nhiều tác phẩm thuộc hạng ăn khách nhất (best-selling books), trong đó có cuốn “sức mạnh của tư tưởng tích cực” (The Power of positive thinking) xuất bản năm 1952, được dịch ra đến 41 thứ tiếng, bán ra hơn 20 triệu cuốn và còn được thu vào băng dĩa để phát hành.

Cuốn sách nầy lôi cuốn được nhiều độc giả đến thế nó vì giúp cho người ta tìm thấy bí quyết tránh thất bại và đạt tới thành công. Bằng cách nào? Tác giả cuốn sách viết: người ta thất bại vì người ta thiếu lòng tin, thiếu lòng tin nơi Thiên Chúa và thiếu tin tưởng vào khả năng của mình. Vậy muốn thành công, hãy gầy dựng cho mình một niềm tin mạnh mẽ.

Tác giả dùng một câu lời Chúa, trích trong Tin Mừng Mat-thêu làm nên bí quyết để thành công trong cuộc đời, để giành lấy thắng lợi. Câu đó là: “nếu bạn có lòng tin thì chẳng có việc gì mà bạn không làm được.” (Mt 17,20)

Chân lý đó được chứng tỏ qua sự kiện sau đây:

Khi Chúa Giêsu vượt qua biên giới Do-thái qua miền Tia và Xi-đôn, có một người đàn bà xứ Canaan, là người ngoại bang đến gặp Chúa Giêsu và thống thiết nài xin Người: “Lạy Ngài là con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi! Con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!”

Chúa Giêsu lặng thinh không đáp.

Nếu ở trong hoàn cảnh người đàn bà nầy, chắc chúng ta tức tối bỏ đi, thầm oán trách Chúa vô tâm. Đó là bức tường thứ nhất người đàn bà Canaan đụng phải, nhưng bà không thối lui. Bà cứ liên lỉ nài van, còn Chúa Giêsu thì cứ tiếp tục lặng thinh. Bà kêu xin bền bĩ đến độ các tông đồ đi theo chịu hết nổi, nên mới xin Chúa Giêsu đáp lại ước vọng của bà: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!”

Chúa Giêsu lại từ chối: “Thầy chỉ được sai đến với chiên lạc nhà Israel”. Sứ mạng của Chúa Giêsu vào thời điểm đó chỉ dành cho dân Israel mà thôi. Chưa đến lúc, chưa đến giờ đem ơn cứu độ cho mọi dân tộc.

Bị từ chối thẳng thừng, bị dụng vào bức tường thứ hai, nhưng bà không nhụt chí. Bà vẫn tiếp tục van xin. Bà bái lạy Người cách thành khẩn: “Lạy Ngài xin cứu giúp tôi”. Lần nầy, Chúa Giêsu trả lời cách cứng cỏi và quyết liệt: “Không nên lấy bánh của con cái mà cho chó con”. Thế là bà lại đụng phải bức tường thứ ba, tưởng như còn cao hơn, dày hơn hai bức tường trước. Vẫn không thoái chí, bà khiêm nhường chấp nhận thân phận thấp hèn của mình và khiêm tốn cầu xin: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”.

Đến đây thì Chúa Giêsu không thể chối từ được nữa và nguyện vọng của người phụ nữ Canaan đã được đáp ứng hoàn toàn. Con gái bà đã được cứu chữa. Chúa Giêsu xác nhận rằng bà được như ý bà muốn là nhờ lòng tin: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.”

Vì muốn cho chúng ta biết rằng lòng tin có sức cứu chữa và làm nên phép lạ, nên sau mỗi lần cứu bệnh nhân lành bệnh, Chúa Giêsu không nói: “Ta đã chữa lành con, hãy về bình an”, nhưng Ngài lại nói: “Đức tin của con đã cứu chữa con”. Tin Mừng Mátthêu cũng nhấn mạnh rằng nếu không có lòng tin, thì người ta chẳng đạt được gì cả, bằng chứng là khi Chúa Giêsu về thăm quê hương Ngài là Nadarét, người đồng hương không tin vào Ngài, nên không có phép lạ nào xảy ra. “Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin” (Mt 13,58) hay như tường thuật của thánh Máccô: “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó… Người lấy làm lạ vì họ không tin” (Mc 6, 5-6)

Chúa Giêsu khẳng định rằng ai có lòng tin thì có thể làm được bất cứ việc gì. “Nếu anh em có lòng tin bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi nầy: “rời khỏi đây, qua bên kia!” nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được.” (Mt 17,20)

Một sự kiện điển hình chứng tỏ niềm tin làm nên phép lại là khi Phê-rô thấy Chúa Giêsu đi trên mặt nước, ông cũng muốn được như Thầy và đã xin Chúa Giêsu cho ông thực hiện điều đó. Chúa Giêsu chấp thuận. Tin vào quyền năng Chúa Giêsu, Phêrô làm nên được điều kỳ diệu: ông đi được trên mặt nước để đến với Thầy. Thế nhưng khi thấy gió thổi mạnh, ông đâm ra lo sợ và nghi ngờ. Chính vì mất niềm tin nên ông bị chìm đắm. Ông hốt hoảng la lên. Chúa Giêsu nắm lấy tay Phêrô kéo lên và trách ông: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi!” (Mt 14, 22 – 33).

Lòng tin là bí quyết của thành công, đó là bài học quan trọng mà Chúa Giêsu muốn gửi đến chúng ta hôm nay, tiếc thay chúng ta không biết tận dụng bài học đó để thu hoạch những thành quả tốt đẹp trong cuộc đời. 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đề cao lòng tin, khen ngợi những người mạnh tin và chê trách các môn đệ yếu lòng tin. Xin ban thêm Đức tin cho chúng con để nhờ đó, chúng con vững vàng thắng vượt gian nan thử thách và giành lấy những thành tựu tốt đẹp trong cuộc đời.

Lm Ignatiô Trần Ngà

Ngày thứ 3 chuyến viếng thăm Nam Hàn của Đức Thánh Cha Phanxicô

Ngày thứ 3 chuyến viếng thăm Nam Hàn của Đức Thánh Cha Phanxicô

Thứ bẩy 16-8-2014 chuyến viếng thăm Nam Hàn của Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiến hành được một nửa. Đức Thánh Cha đã có bốn sinh hoạt chính, ban sáng sau khi đến kính viếng các vị tử đạo Đại Hàn tại Đền thánh Seo-So-Mun, lúc 10 giờ Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ đồng tế phong chân phước cho linh mục Phaolô Yun-Ji-Chung và 123 bạn tử đạo.

Lễ Phong Chân Phước cho LM Phaolô Yun Ji-Chung và 123 Bạn tử đạo

Ban chiều ngài đã thăm trung tâm phục hồi người tàn tật Kkottongnae, rồi chủ sự buổi hát kinh chiều gần Trường Tình Thương với 5,000 tu sĩ nam nữ, và gặp gỡ các giáo dân lãnh đạo tổ chức tông đồ giáo dân Nam Hàn tại trung tam tu đức Kkottongnae.

Sau đây là chi tiết các sinh hoạt của Đức Thánh Cha. Lúc 8 giờ 45 Đức Thánh Cha rời tòa Sứ Thần đi xe tới viếng đền các vị tử dạo Seo-So-Mun nằm cách đó 4 cây số. Đậy là nơi 103 tín hữu công giáo đã bị hành quyết và đã được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh ngày mùng 6 tháng 5 năm 1984. Con đường đi từ quảng trường Gwanghwamun tới Seo-So-Mun được mệnh danh là ”tử lộ”, con đường của sự chết hay ”tử đạo”, và gắn liền hai lễ tôn phong với nhau.

Đền thánh các vị đạo là nơi chôn cất 44 vị tử đạo, gồm ba cây cột bằng nham thạch, cột chính giữa cao 15 thước, hai cột hai bên cao 13 thước. Đền kỷ niệm tọa lạc gần nhà thờ Yakhyeon, là ngôi nhà thờ công giáo đầu tiên của Đại Hàn xây năm 1892.

Có hai bạn trẻ đã giúp Đức Thánh Cha đặt vòng hoa tôn kính các Thánh Tử Đạo và ngài đã thinh lặng cầu nguyện một lúc.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã lên Papamobil để tới quảng trường Gwanghwamun cách đó 2 cây số. Đây là quảng trường rộng nối liền cửa Hoàng Cung với quảng trường Tòa Thị Sảnh, biểu tượng cho lịch sử Hàn quốc, và là nơi diễn ra các lễ nghi quan trọng.

Cửa GwangHwaMun được xây năm 1395 như là cửa chính của hoàng cung Gyeongbokgung, là Dinh vua trong triều đại Joseon. Năm 1592 trong cuộc xâm lăng của Nhật Bản nó đã bị tàn phá bởi một trận hỏa hoạn và để hoang tàn trong hơn 250 năm cho tới khi được tái thiết năm 1867 cùng với hoàng cung dưới triều đại hoàng đế Gojong. Chiến tranh Triều Tiên đã phá hủy hoàn toàn cấu trúc bằng gỗ, chỉ còn trơ đế bằng đá bị bỏ hoang. Cấu trúc bằng gỗ được xây lại bằng xi măng cho tới năm 2006.

Xe đã chở Đức Thánh Cha đi một vòng để ngài chào 1 triệu tín hữu đến tham dự thánh lễ, vượt ngoài mọi chờ mong của ban tổ chức. Thánh lễ tôn phong chân phước cho 124 vị tử đạo Hàn quốc đã được cừ hành bằng tiếng Latinh và tiếng Đại Hàn. Đức Thánh Cha đã giảng bằng tiếng Ý được dịch sang tiếng Đại Hàn.

Đây là lần thứ ba Giáo Hội Đại Hàn cử hành lễ phong chân phước cho một số các con cái chết vì đạo Chúa. Lần thứ nhất ngày mùng 5 tháng 7 năm 1925 đã có 79 vị tử đạo, bị giết trong các năm 1839-1846 được phong chân phước. Lần thứ hai ngày 29 tháng 2 năm 1968, đã có 24 vị chết trong cuộc bách hại năm 1866 được phong chân phước. Ngoài ra, cũng đang có án phong chân phước và phong thánh cho cho một số vị tử đạo khác nữa, trong đó có vị linh mục thứ hai của Đại Hàn là cha Tôma Choe Yang-Cop và Đức Cha Phanxicô Borgia Hong Yong-Ho.

Đức Cha Phanxicô Xaviê Ahn Myong-Ok Chủ tịch Ủy ban xin phong chân phước và vị thỉnh nguyện viên đã tới trước mặt Đức Thánh Cha xin ngài phong chân phước cho các vị tử đạo, rồi vị thỉnh nguyên viên đọc tiểu sử của các vị Tôi Tớ Chúa. Tiếp đến Đức Thánh Cha đọc công thức tuyên phong Chân Phước cho các vị. Đức Hồng Y Yeum Soo-Jung, Tổng Giám Mục Seoul đã cám ơn Đức Thánh Cha và nêu bật vai trò của các vị tử đạo đối với Giáo Hội Hàn quốc: 103 Thánh và 124 Chân Phước.

Quảng trường này đã là nơi các vị chết vì đức tin. Nhưng chính cái chết đó đã khiến cho Giáo Hội Đại Hàn lớn lên. Và Giáo Hội đã chứng minh cho xã hội thấy gương sáng của Giáo Hội bằng việc thăng tiến công lý và các quyền con người. Thánh lễ phong Chân phước hôm nay là một dịp để Giáo Hội tiếp tục theo đuổi sự hài hòa và hiệp nhất, không chỉ giữa các tín hữu công giáo mà cả toàn dân Đại Hàn và mọi dân tộc Á châu nữa, qua tình huynh đệ đại đồng. Nó cũng là dịp thăng tiến truyền giáo và theo đuổi lý tưởng là một Giáo Hội phục vụ người nghèo, người bị áp bức và gạt bỏ ngoài lề xã hội, bằng cách loan báo Tin Mừng cho họ.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha đã nêu bật sự kiện các vị tử đạo Hàn quốc đã sống và chết vì Chúa Kitô, nên giờ đây được cùng hiển trị với Người trong niềm vui và vinh quang, bởi vì trong cái chết và sự sống lại của Con của Ngài, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta chiến thắng vĩ đại nhất. Thật thế, ”Cho dù là sự chết hay sự sống, trời cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì có thể tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).

Lễ tôn phong cha Phaolô và các bạn tử đạo cống hiến cho chúng ta dịp trở lại các thời ban đầu của lịch sử Giáo Hội Hàn quốc. Nó mời gọi tín hữu công giáo Đại Hàn nhớ lại những điều trọng đại mà Thiên Chúa đã thực hiện trên phần đất này và giữ gìn gia tài đức tin đo cha ông họ để lại như kho tàng cho cuộc sống xã hội. Tin Mừng đã đến Hàn quốc không do các thừa sai, mà là do chính các giáo dân trí thức tò mò đã rộng mở tâm trí cho Tin Mừng và dẫn họ đến chỗ gặp gỡ chính Chúa, các bí tích đầu tiên và ước muốn một cuộc sống bí tích và giáo hội cũng như các dấn thân truyền giáo đầu tiên. Nó đã đem lại các hoa trái trong các cộng đoàn sống theo mẫu gương của Giáo Hội thời khai sinh, đồng tâm nhất trí, không chú ý tới các khác biệt xã hội. Lịch sử này nói với chúng ta về tầm quan trọng, phẩm giá và vẻ dẹp ơn gọi của giáo dân. Tôi đặc biệt chào anh chị em giáo dân hiện diện, đặc biệt là các gia đình kitô, hằng ngày dấn thân giáo dục người trẻ sống đức tin và tình yêu thương hòa giải của Chúa Giêsu.

Phúc Âm hôm nay nhắn gửi chúng ta tất cả một sứ điệp. Chúa Giêsu xin Thiên Chúa Cha thánh hiến chúng ta trong sự thật, và giữ gìn chúng ta khỏi thế gian. Ngài không xin Chúa Cha cất chúng ta ra khỏi trần gian. Nhưng Ngài sai các môn đệ ra đi làm muối đất và ánh sáng thế gian. Các vị tử đạo chỉ đường cho chúng ta. Khi theo Chúa, họ đã biết lời Chúa cảnh báo rằng họ sẽ bị thế giới thù ghét vì Ngài. Họ biết giá phải trả.

Đối với nhiều người điều này có nghĩa là sự bắt bớ và sau này, trốn chạy lên núi, nơi họ thành lập các làng công giáo. Họ sẵn sàng chịu các hy sinh lớn lao và để cho mình bị tước bỏ mọi sự có thể làm cho họ xa rời Chúa Kitô: của cải và đất đai, uy thế và danh dự, bởi vì họ biết rằng Chúa Kitô là kho tàng đích thật của họ. Ngày nay, rất thường khi chúng ta cũng sống kinh nghiệm đức tin bị thử thách, và trong rất nhiều cách thế người ta xin chúng ta chấp nhận các giàn xếp về lòng tin, làm tan loãng các đòi buộc của Tin Mừng, và thích nghi với tinh thần thế gian. Các vị tử đạo nhắc nhở chúng ta phải để Chúa Kitô trên tất cả mọi sự, và nhìn tất cả mọi sự còn lại trong tương quan với Người. Các vị tử đạo khiêu khích chúng ta tự vấn xem chúng ta có sẵn sàng chết vì điều gì không.

Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha nói: gương các vị tử đạo đậy cho chúng ta biết tầm quan trọng của tình bác ái trong cuộc sống đức tin. Chính chứng tá trong sáng của họ đối với Chúa Kitô được thể hiện ra trong việc chấp nhận phẩm giá như nhau của tất cả mọi người được rửa tội, dẫn họ tới một hình thức sống huynh đệ thách đố các cơ cấu xã hội cứng nhắc thời đó. Sự khưởc từ phân rẽ giới răn tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân khiến cho họ dấn thân lo lắng cho nhu cầu của các anh chị em khác. Áp dụng vào hiện tình thế giới Đức Thánh Cha nói:

Gương sống của họ có nhiều điều để nói với chúng ta, là những người sống trong xã hội, nơi bên cạnh các giầu có vô biên, gia tăng trong thinh lặng sự nghèo hèn; nơi ít khi tiếng kêu của người nghèo được lắng nghe; và nơi Chúa Kitô tiếp tục mời gọi, xin chúng ta yêu Người và phục vụ Người, bằng cách giơ tay ra trợ giúp các anh chị em nghèo túng… Buổi lễ hôm nay cũng ôm trọn biết bao nhiêu vị tử đạo vô danh, trong đất nước này và trên thế giới, là những người, đặc biệt trong thế kỷ vừa qua, đã hiến mạng sống vì Chúa Kitô và đã chịu các cuộc bách hại vì danh Người.

Gia tài của các vị tử đạo có thể gợi hứng cho tất cả mọi người thiện chí hoạt động trong hòa hợp cho một xã hội công bắng hơn, tự do và hòa giải và như thế cộng tác vào nền hòa bình và việc bảo vệ các giá trị nhân bản đích thực của quốc gia này và trên toàn thế giới. Ước chi các lời cầu của tất cả các vị tử đạo Hàn quốc, hiệp nhất với các lời bầu cử của Đức Bà là Mẹ Giáo Hội, ban cho chúng ta ơn kiên trì trong đức tin và mọi việc lành, trong sự thánh thiện và trong sạch của con tim, và trong lòng hăng say tông đồ làm chứng cho Chúa Giêsu trong quốc gia thân yêu này, và trong toàn Á châu cho tới tận cùng bờ cõi trái đất.

Thánh lễ đã kết thúc lúc 12 giờ rưỡi trong bầu khi rất hân hoan. Đức Thánh Cha đã đi xe về Tòa Sứ Thần dùng bữa trưa với đoàn tùy tùng và nghỉ ngơi chốc lát trước khi tiếp tục các sinh hoạt ban chiều.

Lúc 15.30 Đức Thánh Cha lấy trực thăng đi Khottongnae cách đó 90 cây số trong giáo phận Cheongju, miền trung Nam Hàn. Kkhottongnae có nghĩa là ”Đồi hoa” do linh mục Gioan Oh Woong-Jun, thuộc cộng đoàn Canh tân Đặc Sủng Thánh Linh, thành lập. Trung tâm chiếm cả một ngọn đồi gồm nhà ở, nhà thương, một đại học và các trung tâm phục hồi cho người tàn tật, người nghèo, người vô gia cư, đau yếu bị bỏ rơi thuộc mọi lứa tuỗi.

Giáo phận Cheongiu có hơn 155,000 tín hữu chiếm 11% dân số, gồm 76 giáo xứ 142 linh mục giáo phận, 12 linh mục dòng, 91 tu huynh, 515 nữ tu, 20 đại chủng sinh. Giáo phận điều khiển 26 cơ quan giáo dục và 70 cơ sở bác ái xã hội.

Đón Đức Thánh Cha tại bãi đậu trực thăng có cha Gioan Oh Woong-Jun, người thành lập Đồi Hoa và Đức Cha Gabirel Chang Nong-Hun cùng vài giới chức chính qpuyền địa phương. Đức Thánh Cha đã đi xe về ”Nhà hy vọng” cách đó 1 cây số. Hai bên đường có rất đông tín hữu vẫy khăn trắng chào đón Đức Thánh Cha.

Bên trong hội trường Nhà Hy vọng có khoảng 150 người tàn tật, đa số là trẻ em ngồi trên xe lăn, có một em nằn trên giường. Ngỏ lời chào Đức Thánh Cha, Đức Cha Gabriel, Giám Mục sở tại, đã nêu bật sự kiện ngay từ khi được thành lập giáo phận Cheongiu đã có nhiều sinh hoạt trợ giúp người nghèo và người bị gạt ra bên lề xã hội, các cơ sở giáo dục cho trẻ em tàn tật như ”Trường Đức Bà” cho trẻ em mù, ”Trường Thánh Tâm” cho trẻ em câm điếc; trường ”Chúa Thánh Thần” cho trẻ em bị chấn thương cảm xúc. Năm 2001 các tu sĩ Kkottongae đã khánh thành trường cho trẻ em bị bỏ rơi và con của các thiếu nữ làm mẹ không được ai nhận vì tàn tật. Các em bị bỏ rơi hai lần, bởi cha mẹ vì chúng tàn tật, rồi bởi vì không có ai nhận nuôi.

Đức Thánh Cha đã hôn, vuốt ve, an ủi từng em một và bắt tay hỏi chuyện các nữ tu và các nhân viên săn sóc các em. Các trẻ em đã trình diễn vài màn vũ, rồi các em tặng Đức Thánh Cha các thủ công nghệ do chính các em làm.

Lúc 17 giờ Đức Thánh Cha đã đi xe tới Trung tâm ”Trường tình thương” càch đó 1,5 cây số để gặp gỡ các tu sĩ nam nữ. Khi đi qua ”Vườn các thai nhi bị phá”, ngài đã đừng lại thinh lặng cầu nguyện. Cũng có sự hiện diện của các thành viên phong trào bảo vệ sự sống và tu huynh thừa sai Lee Gu-Won, cụt chân cụt tay.

Ngỏ lời chào mừng Đức Thánh Cha linh mục chủ tịch Hiệp Hội các dòng Nam nêu bật các khó khăn của cuộc sống tu trì trong xã hội tục hóa ngày nay. Tuy biết mình phải tìm thiện ích của thế giới và Giáo Hội với các đặc sủng là ơn của Chúa Thanh Thần, nhưng các tu sĩ có nguy cơ yêu mình hơn yêu cộng đoàn, và để bị lôi kéo bởi chủ thuyết tiêu thụ, hơn là tinh thần tiết độ và chia sẻ. Tu sĩ có nguy cơ khiến cho căn tính và các đặc sủng bị lu mờ bởi tinh thần thế tục.

Nữ tu Chủ tịch Hiệp hội các Bề trên Tổng quyền dòng nữ thì nhấn mạnh trên sự kiện Giáo Hội Đại Hàn đã lớn lên nhờ máu và tinh thần tu đức của các vị tử đạo. Nhưng xã hội đại hàn đau khổ vì hiện tượng toàn cầu hóa với sự thống trị của chủ thuyết tư bản, tân tư bản và duy đời. Và Giáo Hội cũng bị ảnh hưởng và liên lụy. Từ khắp nơi đều vang lên tiếng kêu cứu Giáo Hội trợ giúp. Vai trò của các nam nữ tu sĩ hiện diện tại những nơi có nước mắt và người yếu đuối cần trợ giúp.

Ngỏ lời với các tu sĩ nam nữ Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự phong phú của các đặc sủng làm giầu cho cuộc sống Giáo Hội. Xác tín đươc Chúa yêu là trọng tâm của ơn gọi: là dấu chỉ sờ mó đựơc sự hiện diện của Nước Chúa. Đức Thánh Cha nói với các tu sĩ như sau:

Chỉ khi chứng tá của chúng ta tươi vui, thì mới có thể lôi kéo các người nam nữ tới với Chúa Kitô; và niềm vui đó là một ơn đươc nuôi dưỡng bằng một đời cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa , cử hành các Bí tích và sống đời cộng đoàn… Không thể tránh được các xung khắc, các hiểu lầm cần đương đầu, nhưng mặc dù có các khó khăn, chúng ta được kêu gọi lớn lên trong lòng thương xót, sự kiên nhẫn và tình bác ái trọn vẹn. Kinh nghiệm về lòng thương xót Chúa, được dưỡng nuôi bằng lời cầu nguyện và cuộc sống cộng đoàn, phải nhào nặn tất cả những gì anh chị em là và những gì anh chị em làm… Không có lối tắt đâu: Thiên Chúa muốn con tim của chúng ta một cách tron vẹn, và điều này có nghĩa là chúng ta phải ”tháo gỡ chính mình”, ”ra khỏi chính mình” ngày càng nhiều hơn.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh một hình thức nghèo khó, được diễn tả ra một cách cụ thể trong kiểu sống cá nhân và cộng đoàn, đặc biệt cần tránh mọi sự có thể làm cho tu sĩ lo ra và gây gương mù gương xấu cho người khác. Trong đời tu sự khó nghèo là ”bức tường” che chở và là ”mẹ”, vì nó giúp tu sĩ lớn lên và hướng dẫn tu sĩ bước đi trên con đường đúng đắn. Sự giả hình của những người sống đời thánh hiến tuyên khấn nghèo khó mà lại sống giầu sang, đả thương và làm hại Giáo Hội. Nguy hiểm là cám dỗ sống theo tâm thức hoàn toàn trần tục và duy lợi, khiến chúng ta chỉ đặt để hy vọng nơi các phương tiện của con người và phá hủy chứng tá nghèo khó mà Chúa Giêsu Kitô đã sống và dậy chúng ta sống.

Các tu sĩ đã tặng Đức Thánh Cha một bó hoa thiêng liêng gồm hơn 3 triệu 700 ngàn tràng chuỗi Mân Côi đã lần, hơn 118.400 hy sinh hãm mình, và một số tiền đã quyên mỗi tuần trong nhiều tháng qua để Đức Thánh Cha giúp người nghèo.

Sau khi Đức Thánh Cha ban phép lành, các tu sĩ đã nắm tay nhau đồng ca bài dân ca Đại Hàn ”Arirăng”

Từ giã mọi người Đức Thánh Cha lên xe tới Trung tâm tu đức cách đó 2 cây số để gặp gỡ đại diện các phong trào giáo dân hoạt động trong 16 giáo phận toàn Nam Hàn.

Ngỏ lời chào mừng Đức Thánh Cha ông chủ tịch Hiệp hội giáo dân công giáo Hàn quốc đã nêu bật sự kiện Giáo Hội Hàn quốc là Giáo hội duy nhất do vài giáo dân khai sinh, không có sự trợ giúp của các thừa sai. Họ đã đi bộ cả ngàn cây số nhiều lần sang Bắc Kinh để xin các linh mục.

Ông nói: trong các hoạt động chúng con đi tới với người nghèo, người đau yếu, nạn nhân của các bất công không đựơc ai trợ giúp. Các vùng ngoại biên của giáo dân Hàn quốc cũng là các anh chị em đã xa rời Giáo Hôi, mất hy vọng và mất hướng đi. Và chúng con cũng nghĩ tới một trong các vùng ngoại biên khác là đi đến với các anh chi em sống tại Bắc Hàn, bên kia biên giới, nơi họ bị bách hai và chờ đợi bàn tay của chúng con. Nhưng một trong các vùng ngoại biên khác nữa của chúng con cũng là các dân tộc Á châu chưa biết Chúa.

Ngỏ lời với 150 lãnh đạo các hiệp hội giáo dân Nam Hàn Đức Thánh Cha nói: Giáo Hội Đại Hàn thừa kế đức tin của các thế hệ giáo dân đã kiên trì trong tình yêu đối với Chúa Kitô và trong sự hiệp thông với Giáo Hội, mặc dù có ít linh mục và bị đe dọa bởi các cuộc bách hại. Gương của 124 tân Chân phước chứng minh cho điều đó… Ngày nay cũng như luôn mãi Giáo Hội cần một chứng tá đáng tin cậy của giáo dân cho sự thật cứu độ của Tin Mừng, cho sự phong phú trong việc xây dựng gia đình nhân loại trong hiệp nhất, công lý và hòa bình. Giáo Hội có một sứ mệnh duy nhất, và mọi tín hữu được rửa tội đều có vai trò sinh tử trong sứ mệnh đó. Công tác tông đồ có thể khác nhau, nhưng tất cả đều nhằm thăng tiến sứ mệnh của Giáo Hội, bằng cách bảo đảm cho trật tự trần thế được thấm nhuần và hoàn thiện bới Thần Khí của Chúa Kitô hầu chuẩn bị cho Nước Chúa.

Đức Thánh Cha đặc biệt ca ngợi hoạt động của nhiều hiệp hội giáo dân trợ giúp người nghèo và ngừơi túng thiếu trong các vùng ngoại biên của xã hội, thể hiện sự hiệp nhất ”không còn do thái hay hy lạp”. Tuy nhiên, trợ giúp người nghèo thôi không đủ. Ngài xin giáo dân Hàn quốc gia tăng nỗ lực để thăng tiến nhân bản làm sao để mọi người biết tới niềm vui phát xuất từ phẩm giá có công ăn việc làm để nuôi sống gia đình.

Đức Thánh Cha thừa nhận phần đóng góp qúy báu của các phụ nữ công giáo Đại Hàn cho cuộc sống và sứ mệnh của Giáo Hội, như mẹ gia đình, giáo lý viên, và bà giáo trong nhiều cách thức khác nhau. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của chứng tá gia đình kitô. Trong thời đại khủng hoảng gia đình các cộng đoàn kitô đươc mời gọi nâng đỡ các cặp vợ chồng và các gia đình trong việc chu toàn sứ mệnh của chúng trong Giáo Hội và xã hội. Gia đình là sự hiệp nhất nền tảng của xã hội, và là trường học đầu tiên, trong đó trẻ em học các giá trị nhân bản, tinh thần và luân lý, khiến cho chúng có khả năng là các ngọn đèn pha của lòng tốt, sự toàn vẹn và công bắng trong các cộng đoàn… Vì thế cần phải có sự đào tạo thường hằng đầy đủ hơn cho anh chị em giáo dân, qua một chương trình giáo lý và linh hướng hường xuyên, trong hoạt động hòa hợp với các chủ chăn và dùng các trực giác, tài năng và đặc sủng của họ để phục vụ sự lớn mạnh của Giáo Hội, trong sự hiệp nhất và với tinh thần truyền giáo.

Từ giã các anh chị em lãnh đạo các phong trào và hiệp hội giáo dân Nam Hàn Đức Thánh Cha ra đi xe tới bãi đậu trực thăng tại KKhottongnae cách đó 2 cây số đề bay về thủ đô Seoul, rồi đi xe về tòa Sứ Thần Tòa Thánh cách đó 7 cây số, kết thúc tốt đẹp ngày thứ 3 trong chuyến công du Nam Hàn.

Chúa Nhật 17-8-2014 lúc 11 giờ Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các Giám Mục Á châu tai dền thánh Haemi, và vào lúc 4 giờ rưỡi chiều ngài sẽ chủ sự thánh lễ kết thúc Ngày Giới Trẻ Công Giáo Á châu kỳ 6 tai quảng trường lâu đài Haemi.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha viếng thăm giáo phận Đại Điền, Hàn Quốc

Đức Thánh Cha viếng thăm giáo phận Đại Điền, Hàn Quốc

HÀN QUỐC. Thứ sáu 15-8-2014, cũng là Quốc Khánh của Hàn Quốc, và là ngày thứ hai trong chuyến viếng thăm của ĐTC tại nước này, ngài đã cử hành thánh lễ cho hơn 50 ngàn tín hữu tại Thành Phố Đại Điền và gặp gỡ giới trẻ nhân dịp Đại hội giới trẻ Công Giáo Á châu kỳ 6.

 

Thay vì dùng trực thăng, vì trời xấu, ĐTC đã đáp xe lửa cao tốc để đi từ thủ đô Hán Thành đến thành phố Đại Điền (Daejeon) cách đó 137 cây số về mạn nam. Hai toa xe đã được dành cho ngài và đoàn tùy tùng. Nhiều hành khách và dân chúng đã ngỡ ngàng khi thấy ĐGH đi cùng chuyến xe với họ.

Đại Điền là thành phố lớn thứ 5 của Hàn quốc với hơn 1 triệu rưỡi dân cư. Giáo phận tại đây hiện có gần 287 ngàn tín hữu Công Giáo, tương đương với 8% dân số địa phương, với 127 giáo xứ, 272 linh mục giáo phận và 18 LM dòng, 45 tu huynh và 635 nữ tu. Ơn gọi rất khả quan với 144 đại chủng sinh. Chính Đức Cha Lazaro Du Hưng Thực (You Heung Sik), GM Đại Điền, đã giữ vai trò tích cực trong việc mời ĐTC đến đây nhân dịp Đại hội giới trẻ Công Giáo Á châu kỳ 6.

Thánh lễ

Tại Sân bóng đá thế giới ở Đại Điền vào lúc gần 10 giờ sáng giờ địa phương, ĐTC đã cử hành thánh lễ trước sự hiện diện của 50 ngàn tín hữu, đặc biệt trong số này có khoảng 40 thân nhân của các nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ đắm tàu Sewol ngày 16-4 năm nay. Một số đã được ĐTC đích thân chào thăm và an ủi khi ngài đi xe quanh sân vận động để chào các tín hữu đầu thánh lễ. Có 10 người khác do một LM hướng dẫn, trong đó có vài người sống sót trong vụ đắm tàu, được ĐTC tiếp kiến, chúc lành và an ủi. Ngoài ra có thân phụ của một học sinh bị mất tích trong tai nạn ấy đã thực hiện một cuộc hành hương dài 900 cây số, vai vác thánh giá. Ông đã xin ĐTC rửa tội cho. Ngài đã đồng ý và ông sẽ được ngài làm phép rửa tội thứ bẩy hôm 16-8-2014, tại tòa Sứ thần Tòa Thánh ở thủ đô Hán Thành.

Thánh lễ mừng Mẹ Lên Trời tại sân vận động

Trong lời chào ĐTC đầu thánh lễ, Đức Cha Du Hưng Thực cho biết Giáo Hội Công Giáo tại Hàn Quốc, từ một Giáo Hội chỉ nhận lãnh trước kia nay đang trởt hành một Giáo Hội chia sẻ và cho đi… Giáo Hội chúng con cũng đón nhận ĐTC trong lúc vẫn còn chịu đau khổ vì sự chia rẽ đất nước và căng thẳnh, cũng như đang sốgn trong tang tóc vì vụ đắm tàu Sewol, một thảm họa gây đau buồn và ngạc nhiên cho toàn thế giới.

Đức Cha cũng nhắc đến bao nhiêu dịp ĐTC đã kêu gọi dân Chúa cầu nguyện cho ngài và sứ vụ tông đồ của ngài. ”Thưa ĐTC, đón nhận ước muốn của ĐTC và trong khi chờ đợi ĐTC đến, các tín hữu giáo phận Đại Điền đã cầu nguyện đặc biệt sốt sắng và trong thời gian này, chúng con đã đọc hơn 15 triệu kinh Mân Côi để cầu cho ĐTC. Chúng con đã cử hành thánh lễ theo ý của ĐTC hơn 2 triệu lần. Chúng con đã cùng nhau đọc kinh đặc biệt cầu cho ĐGH gần 3 triệu 300 ngàn lần và chúng con hứa sẽ liên tục cầu nguyện cho ĐTC.”

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng bằng tiếng Ý, ĐTC nói:
”Hiệp với toàn thể Giáo Hội, chúng ta cử hành Lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời, trong vinh quang Thiên Chúa. Lễ Đức Maria lên trời tỏ cho chúng ta thấy vận mạng của chúng ta trong tư cách là dưỡng tử của Thiên Chúa và là chi thể của Thân Mình Chúa Kitô. Như Mẹ Maria Mẹ chúng ta, chúng ta được mời gọi tham dự trọn vẹn vào chiến thắng của Chúa trên tội lỗi và sự chết. Ngoài ra lễ này cũng mời gọi chúng ta ý thức về tương lai mà Chúa Phục Sinh đang mở ra cho chúng ta.

Tại Hàn quốc, lễ Đức Mẹ Hồn xác lên trời trùng vào lễ quốc khánh, kỷ niệm Hàn quốc được giải phóng khỏi sự đô hộ của Nhật Bản. ĐTC nhận xét rằng người Đại Hàn theo truyền thống thường cử hành lễ này dưới ánh sáng kinh nghiệm lịch sử của mình, nhìn nhận sự chuyển cầu yêu thương của Mẹ Maria luôn hoạt động trong lịch sử quốc gia và đời sống dân tộc. ”Ngày hôm nay, chúng ta hướng về Mẹ là Mẹ của Giáo Hội tại Hàn Quốc. Chúng ta hãy cầu xin Mẹ giúp chúng ta trung thành với tự do chúng ta đã lãnh nhận trong ngày chịu phép rửa tội, xin Mẹ hướng dẫn những cố gắng của chúng ta trong việc biến đổi thế giới này theo kế hoạch của Thiên Chúa và làm cho Giáo Hội tại đất nước này có khả năng ngày càng trở thành men của Nước Chúa giữa lòng xã hội Hàn Quốc.
ĐTC nói: ”Ước gì các tín hữu Kitô tại đất nước này là một sức mạnh quảng đại canh tân tinh thần trong mọi lãnh vực của xã hội. Chiến đấu chống sự cám dỗ của chủ nghĩa duy vật bóp nghẹt những giá trị tinh thần và văn hóa, cũng như tinh thần cạnh tranh thái quá, sinh ra ích kỷ và xung đột. Ngoài ra, cần loại trừ những kiểu mẫu kinh tế vô nhân đạo đang tạo nên những hình thức nghèo đói mới, gạt các công nhân ra ngoài lề, và chống lại nền văn hóa chết chóc hạ giá hình ảnh của Thiên Chúa, Thiên Chúa của sự sống và vi phạm phẩm giá của mỗi người nam nữ và trẻ em.

Cũng trong bài giảng, ĐTC khẳng định rằng: Trong tư cách là tín hữu Công Giáo Hàn quốc, anh chị em được mời gọi đề cao giá trị gia sản đã nhận lãnh và thông truyền cho các thế hệ tương lai. Điều này có nghĩa là mỗi ngừơi phải canh tân sự trở về cùng Lời Chúa và gia tăng sự quan tâm ân cần đối với người nghèo, những người túng thiếu và yếu thế giữa chúng ta. Niềm hy vọng do Tin Mừng cống hiến cho chúng ta là phương dược chống lại tinh thần tuyệt vọng dường như đang gia tăng như một thứ ung thư giữa lòng xã hội, bề ngoài có vẻ giàu sang, nhưng thường cảm thấy cay đắng và trống rỗng trong nội tâm. Sự tuyệt vọng ấy đã làm cho bao nhiêu người trẻ phải trả giá!

Cuối thánh lễ, trước khi đọc kinh Truyền Tin, ĐTC đã đọc kinh đặc biệt phó thác cho Mẹ Maria khoảng 300 người đã bị thiệt mạng vì vụ tàu Se Wol bị đắm ngày 16-4 năm nay ở Hàn Quốc, cũng như tất cả những người phải chịu đau khổ vì hậu quả của tai ương toàn quốc này.

Ngài nhận xét rằng biến cố thê thảm này đã liên kết mọi người dân Hàn quốc trong đau khổ, củng cố quyết tâm cộng tác của họ với nhau, liên đới phục vụ cho công ích. Ngài cũng xin Mẹ Maria đặc biệt phù hộ những phụ nữ Đại Hàn còn mang vết thương bất công trầm trọng đã phải chịu trong thời thế chiến thứ 2, các phụ nữ hộ lý. Sau cùng, ĐTC phó thác cho sự bảo vệ của Mẹ Maria tất cả những người trẻ từ Á châu đang tụ họp tại đây. Ngài nói: ”Ước gì họ trở thành những sứ giả vui tươi trong bình minh của một thế giới an bình, theo kế hoạch được Thiên Chúa chúc phúc.

Sau thánh lễ ĐTC đã về Đại chủng viện Đại Điền cách đó gần 40 cây số và trong khuôn khổ đại học Công Giáo ở địa phương để dùng bữa trưa với 18 đại diện bạn trẻ đến từ nhiều nước Á châu. Đức Cha Du Hưng Thực và cha giám tỉnh dòng Tên Đại Hàn, thông ngôn của ĐTC cũng dùng bữa chung, trong bầu không khí vui mừng và đơn sơ. Ngài thăm hỏi các bạn trẻ và phần lớn họ đều ngỏ lời xin ĐTC đến viếng thăm đất nước của họ.

Các hoạt động ban chiều của ĐTC

Sau bữa trưa với các bạn trẻ, vào 5 giờ chiều, ĐTC đến Đền Thánh Solmoe, hay là ”Tác Nhĩ Mặc” cách đó 43 cây số. Đây là nơi sinh trưởng của Thánh Anrê Kim Đại Kiến, LM đầu tiên của Giáo Hội Hàn quốc chịu tử đạo. Gia đình thánh nhân có 11 người chịu chết vì đức tin, trong đó có cả thân phụ và ông nội. Người được rửa tội năm lên 16 tuổi, theo học tại Macao và thụ phong linh mục tại đó, rồi năm 1845, cha Kim Đại Kiến trở về nước để làm thừa sai. Nhưng chẳng bao lâu cha bị bắt và bị kết án treo cổ tại Hán Thành năm 1846, khi mới được 25 tuổi và làm linh mục được 13 tháng.

Năm 1996, giáo xứ Công Giáo ở giáo phận Đại điền đã quyết định kỷ niệm 150 năm tử đạo của cha Kim Đại Kiến bằng cách tái thiết căn nhà nơi ngài sinh ra và biến thành một thánh điện.

Khi xe chở ĐTC đến Đền thánh trên ngọn đồi thông thật đẹp, có hàng ngàn người đứng hai bên đường để chào đón ngài, và gần đền thánh có sự hiện diện của hàng trăm chủng sinh. Đến nơi, ngài được cha Quản đốc đền thánh đón tiếp và đã cầu nguyện trước căn nhà nhỏ của Thánh Kim Đại Kiến trước khi tiến ra nơi gặp gỡ 6 ngàn bạn trẻ tham dự Đại hội giới trẻ Công Giáo Á châu kỳ 6 kể từ hôm 13-8 trước đó với chủ đề 'Hỡi những người trẻ Á châu, hãy tỉnh dậy! Vinh quang của các vị tử đạo chiếu tỏa trên các bạn!”. Căn lều lớn dài hơn 130 mét được dùng làm nơi hội họp có gắn máy lạnh.

Cuộc gặp gỡ diễn ra trong bầu không khí tưng bừng và hân hoan, với các bài ca và trình diễn văn nghệ, do một toán bạn trẻ Indonesia trình diễn, rồi 3 bạn trẻ: Campuchia, Hong Kong và Hàn quốc, lần lượt trình bày chứng từ và thắc mắc với ĐTC.

Đặc biệt thiếu nữ người Campuchia tên là Leap Lakaraksmey kể lại cuộc sống đạo của cô khi còn nhỏ, theo thân phụ đi nhà thờ, học Kinh Thánh và cách cầu nguyện. Vì tình trạng kinh tế khó khăn, cô đã phải từ bỏ ước mộng lên đại học, nhưng rồi cô được các ân nhân giúp đỡ sang Hàn quốc theo học.

Cô nói với ĐTC: ”Con có một băn khoăn lớn, đó là làm sao đáp lại bao nhiêu ơn Chúa ban. Khi còn nhỏ con nghĩ mình phải theo đuổi con đường ơn gọi, nếu Chúa gọi con. Giờ đây con vẫn không thay đổi tư tưởng. Giờ đây con có ý tưởng này: nếu càng học thì con càng có thể giúp đỡ nhiều người khác. Con nghĩ mình có thể giúp đỡ cha mẹ và những người ở làng con, họ sống nghèo khổ. Nhưng phải chăng con phải theo đuổi ơn gọi và từ bỏ tất cả những gì mà Chúa đã ban cho con để đáp lại tiếng Chúa? Hay là con phải tiếp tục học để giúp nhiều người khác?

Cô Smey nói thêm rằng Hàn quốc có bao nhiêu thánh tử đạo, và con thấy người ta có một hình ảnh rất tốt về đức tin Công Giáo. Vì thế con nghĩ thật là đẹp nếu ở Campuchia cũng có những vị thánh như vậy. Khi con còn nhỏ con nghe các Xơ nói có bao nhiêu vị tử đạo ở Campuchia. Vào đầu thập niên 1970, tại đất nước chúng con có bao nhiêu người chết trong các trại tiêu diệt do Pol Pot gây ra. Bao nhiêu linh mục và nữ tu đã bị giết trong thời kỳ đó. Đặc biệt là Đức GM tiên khởi Joseph Chhmar Sala. Thưa ĐTC, ngài có thể đến Campuchia của chúng con và phong thánh cho các vị tử đạo của chúng con không. Con nghĩ nếu ngài làm như thế thì bao nhiêu LM và nữ tu có thể thi hành các hoạt động truyền giáo một cách mạnh mẽ hơn và nhiều người trẻ có thể được biết Chúa Giêsu!”.

Huấn dụ của ĐTC

Ngỏ lời với các bạn trẻ, sau phần trình bày chứng từ của anh Giovanni người Hong Kong và cô Marina Park Giseon người Hàn quốc, ĐTC nói bằng tiếng Anh và có người thông dịch ra tiếng Đại Hàn sau mỗi đoạn. Ngài nhắc đến lời thánh Phêrô nói với Chúa Giêsu trên núi Tabor trong cuộc hiển dung của Chúa trong vinh quang, và ngài khẳng định rằng

Trong cộng đoàn đông đảo này với những người trẻ đến từ toàn Á châu, chúng ta có thể cảm thấy vinh quang của Chúa Giêsu hiện diện trong Giáo Hội của Chúa bao gồm mọi quốc gia, ngôn ngữ và dân tộc, hiện diện trong quyền năng Thánh Linh của Ngài, đổi mới mọi sự.

Như Chúa đã làm cho vinh quang của Ngài rạng ngời trong chứng tá anh dũng của các vị tử đạo, cũng vậy Chúa muốn vinh quang của Ngài chiếu tỏa rạng ngời trong đời sống các bạn và qua các bạn Ngài chiếu sáng cuộc sống của Đại lục bao la này. Chúa Kitô kêu gọi các bạn hãy nhìn những điều thực sự là đáng kể trong cuộc sống. Chúa yêu cầu hãy đi qua những con đường của thế giới này và góp của tâm hồn của những người khác, mời gọi họ đón nhận Ngài trong đời sống của họ.

Đại hội giới trẻ Á châu này cho chúng ta nhận thấy điều mà chính Giáo Hội được kêu gọi trở thành trong dự phóng ngàn đời của Thiên Chúa, và xây dựng một thế giới trong đó tất cả cùng nhau sống trong an bình và thân hữu, vượt thắng những hàng rào, khắc phục những chia rẽ, từ khước bạo lực và thành kiến. Giáo Hội là mầm mống sự hiệp nhất cho toàn thể gia đình nhân loại. Trong Chúa Kitô tất cả các dân nước và dân tộc được kêu gọi tiến đến hiệp nhất, một sự hiệp nhất không phá hủy sự khác biệt nhưng nhìn nhận khác biệt, dung hòa và làm cho nó được phong phú.

ĐTC nhấn mạnh rằng: Tinh thần thế gian này rất xa cách viễn tượng và dự phóng ấy! Sự thù nghịch và bất công không những xảy ra quanh chúng ta, nhưng cả trong tâm hồn chúng ta nữa; hố chia cách ngày càng sâu rộng trong xã hội chúng ta giữa người giàu và người nghèo; những dấu chỉ sự tôn thờ thần tượng giàu sang, quyền lực và khoái lạc mà người ta đạt tới với giá rất cao phải trả trong đời sống con người. Nhiều người, cho dù rất sung túc về vật chất, nhưng lại nghèo nàn về tinh thần, cô đơn, tuyệt vọng trong âm thầm. Dường như Thiên Chúa bị loại bỏ khỏi chân trời ấy. Như thế một sa mạc tinh thần đang lan rộng trên toàn thế giới. Nó cũng ảnh hưởng đến cả những người trẻ, tước đoạt hy vọng của họ, và trong quá nhiều trường hợp, và tước đoạt cả sự sống.

Trong thế giới này, các bạn phải ra đi làm chứng về Tin Mừng hy vọng, Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Thần trí của Chúa Giêsu có thể mang sự sống mới cho tâm hồn mỗi người và biến đổi mỗi tình trạng, cả những tình trạng có vẻ không còn hy vọng. Đó là sứ điệp mà các bạn được mời gọi chia sẻ với những người đồng lứa tuổi: tại học đường, nơi môi trường làm việc, trong gia đình, tại đại học và trong các cộng đoàn các bạn. Do sự kiện Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết, chúng ta biết rằng Chúa có Lời ban sự sống đời đời (Ga 6,68) và Lời Ngài có năng lực đánh động mỗi tâm hồn, chiến thắng sự ác bằng sự thiện và thay đổi, cứu chuộc thế giới. Qua các bí tích rửa tội, thêm sức, Thánh Thể, Chúa Giêsu đi vào tâm hồn các bạn để trở thành chứng nhân của Chúa trước mặt thế giới.

Giữa bài huấn dụ bằng tiếng Anh, ĐTC ngưng lại và cho biết tiếng Anh của ngài còn yếu, nên tốt hơn ngài diễn tả bằng tiếng Ý và có người thông dịch lại.

Và ngài trả lời cho thắc mắc của cô Smey về việc nên đi tu hoặc tiếp tục học. ĐTC nói: điều quan trọng là tìm Chúa, chọn Chúa và phụng sự Chúa trong đời tu hoặc trong cuộc sống giáo dân. Điều đáng kể là phục vụ Chúa trong tha nhân, dù ở bậc sống nào đi nữa.

Ngài cũng xác tín ở Campuchia có các vị thánh và hứa khi trở về Roma, ngài sẽ nói với ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, ưu tiên nghiên cứu vấn đề này.

Trả lời cho thắc mắc của cô Marina Park Giseon về tình trạng chia rẽ của hai nước Đại Hàn quốc, ĐTC mời gọi mỗi người hãy đặc biệt cầu nguyện cho sự thống nhất hai miền đất nước. Mọi người đã hưởng ứng và cầu nguyện trong thinh lặng. Ngài nói thêm rằng: ”Có một hai hay nước Đại Hàn? Thưa có một nhưng bị chia rẽ, gia đình chia rẽ là một đau thương.Vậy làm sao giúp gia đình hiệp nhất. Ngoài việc cầu nguyện cho các anh chị em miền bắc, chúng ta còn có một niềm hy vọng: đó là Hàn quóc là một gia đình, một ngôn ngữ duy nhất. Khi các anh em ông Giuse sang Ai Cập để mua lương thực, họ là những người có tiền nhưng không có lương thực, và sang đó họ đã tìm được một người em là Giuse. Họ thấy rằng mình có cùng một tiếng nói: khi gia đình nói cùng một ngôn ngữ, có có một niềm hy vọng!”.

Trong phần cuối của bài huấn dụ, ĐTC lại dùng tiếng Anh và đưa ra 3 đề nghị về cách thức trở thành chứng nhân đích thực và vui tươi của Tin Mừng:

– Các bạn hãy tín thác nơi sức mạnh mà Chúa Kitô ban cho các bạn, trong chân lý của Lời Ngài và trong sức mạnh của ơn thánh Chúa! Các bạn đã được rửa tội trong sự vượt qua từ sự chết đến sự sống và được củng cố trong quyền năng của Thánh Linh ở nơi tâm hồn các bạn.

– Hãy ở lại gần Chúa với kinh nguyện hằng ngày. Thánh Linh của Chúa sẽ giúp các bạn nhận ra và thi hành thánh ý Chúa Cha. Các bạn hãy kín múc niềm vui và sức mạnh của Thánh Thể. Tâm hồn các bạn hãy tinh tuyền và có hướng đi tốt nhờ lãnh nhận thường xuyên bí tích Thống Hối. Tôi muốn sự tham dự của các bạn vào đời sống các giáo xứ của các bạn một cách tích cực và quảng đại.

Sau cùng giữa bao nhiêu ánh sáng trái ngược với Tin Mừng, ước gì tư tưởng, lời nói và hoạt động của các bạn luôn được sự khôn ngoan của Lời Chúa Kitô và sức mạnh chân lý của Ngài hướng dẫn. Các bạn đừng sợ đáp lại ơn gọi linh mục và tu sĩ.

Cuộc gặp gỡ kết thúc lúc 7 giờ chiều giờ địa phương, với phép lành và Kinh Lạy Cha bằng tiếng Hàn quốc.

Sáng thứ bẩy 16-8-2014, ĐTC sẽ kính viếng Đền các Thánh Tử Đạo Hàn quốc Seo So Mon, hay là Tây Tiểu Môn, là nơi 103 thánh tử đạo đã chịu chết vì đức tin và được ĐTC Gioan Phaolô 2 tôn phong cách đây 30 năm.

Tiếp đến ngài tới Quảng trường Quang Hóa Môn, trung tâm lịch sử của thủ đô Hán Thành, nối liền cổng vào hoàng cung cổ và quảng trường thành phố. Khu vực này có thể đón tiếp nửa triệu người đến tham dự thánh lễ ĐTC cử hành lúc 10 giờ sáng để phong chân phước cho 124 vị tử đạo đứng đầu là vị Tôi Tớ Chúa Phaolô Duẫn Trì Trung (Paul Yun Ji-Chung).

Ban chiều cùng ngày 16-8, ĐTC đáp trực thăng đến Hoa Chi Thôn, tiếng Hàn là Kkottongnae cách Hán Thành 90 cây số để viếng thăm Nhà Hy Vọng, lúc 4 giờ chiều. Đây là một trung tâm này quen gọi là ”Đồi hoa” hay là Đồi bác ái, gồm nhiều cơ sở nhắm phục hồi những người khuyết tật, và những nhà huấn luyện. ĐTC sẽ gặp các bệnh nhân, và những người tàn tật đang được chỉnh hình, cũng như các nhân viên y tế.

Ngài cũng sẽ dừng lại cầu nguyện tại khu vườn tưởng niệm các thai nhi bị sát hại, trước sự hiện diện của những người dấn thân bảo vệ sự sống tại Hàn Quốc, đặc biệt là một nhà thừa sai nổi tiếng tại nước này, không có tay cũng chẳng có chân, nhưng dấn thân linh hoạt người khác.

Sau đó lúc 5 giờ 15 ĐTC gặp gỡ 5 ngàn người thuộc các dòng tu tại Hàn Quốc tại Trung Tâm Huấn nghệ ”Trường Tình Thương”, gặp các thủ lãnh tông đồ giáo dân ở Trung Tâm Linh Đạo, cũng tại Hoa Chi Thôn.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha gặp gỡ Hội đồng Giám Mục Hàn Quốc

Đức Thánh Cha gặp gỡ Hội đồng Giám Mục Hàn Quốc

Pope meets Korea Bishop

VATICAN. Chiều ngày 14-8-2014, ĐTC Phanxicô đã gặp gỡ các GM Hàn Quốc và nhắc nhở các vị về hai khía cạnh trong Sứ vụ Giám Mục: bảo tồn ký ức và bảo tồn hy vọng.

ĐTC đã từ phủ tổng thống Hàn Quốc đến trụ sở HĐGM cách đó 12 cây số vào lúc quá 5 giờ chiều. Tại đây ngài đã được 2 Hồng Y và 33 GM thuộc 16 giáo phận toàn quốc.

Đức Cha Phêrô Khương Vũ Nhất (Kang U-il) GM giáo phận Tể Châu (Cheju), Chủ tịch HĐGM Hàn Quốc, đã đại diện mọi người chào mừng ĐTC.

Và trong huấn dụ bằng tiếng Ý, được dịch ra tiếng Hàn từng đoạn một, ĐTC khai triển nghĩa vụ của các GM là bảo vệ đoàn chiên Chúa và nhấn mạnh đến hai khía cạnh của việc bảo vệ này, đó là bảo tồn ký ức và bảo tồn hy vọng.

– Trước tiên là bảo tồn ký ức. Anh em là con cháu của các vị tử đạo, là những người thừa kế chứng tá đức tin anh dũng của các vị nơi Chúa Kitô. Ngoài ra anh em là người thừa kế truyền thống, ngoại thường, bắt đầu và tăng trưởng phần lớn nhờ lòng trung thành, kiên trì và công việc của các thế hệ giáo dân. Thật là điều đầy ý nghĩa sự kiện lịch sử Giáo Hội tại Hàn Quốc được khởi đầu với một cuộc gặp gỡ trực tiếp với Lời Chúa. Đó là một vẻ đẹp nội tại và sự toàn vẹn của Sứ điệp Kitô, Tin Mừng và lời mời gọi hoán cải, canh tân nội tâm và sống đời bác ái – gây ấn tượng mạnh nơi Ông Lý Bách (Yi Byeok, 1754-1785) và các kỳ lão của thế hệ đầu tiên. Điều này phản ánh qua sức sinh động của các giáo xứ, của các phong trào Giáo Hội, trong sự quan tâm mục vụ đối với giới trẻ và trong các trường Công Giáo, trong các chủng viện và trong các đại học cũng như trong các chương trình giáo lý vững chắc. Giáo Hội tại Hàn Quốc được quí chuộng vì vai trò của mình trong đời sống tinh thần và văn hóa của quốc gia và vì động lực truyền giáo mạnh mẽ.

Là người bảo tồn ký ức không phải chỉ có nghĩa là nhớ lại và bảo tồn những ân phúc quá khứ. Nó cũng có nghĩa là kín múc từ đó những nguồn lực thiêng liêng để đáp ứng một cách sáng suốt và quyết liệt với niềm hy vọng, những lời hứa và thách đố tương lai. Xét cho cùng, đời sống và sứ mạng của Giáo Hội tại Hàn Quốc không chỉ được đo lường bằng những yếu tố bên ngoài, số lượng và các cơ chế; đúng hơn đời sống và sứ mạng Giáo Hội phải được phán đoán trong ánh sáng minh bạch của Tin Mừng và lời mời gọi hoán cải, trở về cùng Chúa Giêsu Kitô. Bảo tồn ký ức có nghĩa là ý thức rằng sự tăng trưởng đến từ Thiên Chúa (Xc 1 Cr 3,6) và đồng thời là thành quả của sự kiên nhân và bền chí làm việc, trong quá khứ cũng như hiện nay. Ký ức chúng ta về các vị tử đạo và các thế hệ Kitô trước đây phải có tính chất thực tiễn, chứ không lý tưởng hóa hoặc háo thắng. Nhìn lại quá khứ bà mà không lắng nghe tiếng Chúa kêu gọi hoán cải trong hiện tại thì sẽ không giúp chúng ta tiến bước; trái lại nó sẽ cản trở hoặc thậm chí nó chặn đứng sự tiến triển thiêng liêng của chúng ta.

ĐTC nói tiếp: Thứ hai là bảo tồn hy vọng: niềm hy vọng do Tin Mừng ân sủng và từ bi của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô trao tặng, niềm hy vọng đã soi sáng cho các vị tử đạo. Chúng ta được mời gọi công bố niềm hy vọng ấy cho một thế giới, tuy thịnh vượng về vật chất, nhưng vẫn đang tìm kiếm một cái gì hơn nữa, một cái gì chân thực và sung mãn. Anh em hãy bảo tồn niềm hy vọng này bằng cách duy trì sinh động ngọn lửa thánh thiện, bác ái huynh đệ và lòng nhiệt thành truyền giáo trong niềm hiệp thông của Giáo Hội.

Là một Giáo Hội thừa sai, một Giáo Hội luôn đi ra ngoài, hướng về thế giới, đặc biệt là hướng về các ngoại ô của xã hội hiện đại, đòi phải phát triển một sở thích tinh thần làm cho chúng ta có khả năng đón nhận và đồng hóa với mỗi chi thế của Thân Mình Chúa Kitô (Xc Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, 268). Theo nghĩa này, cần chứng tỏ một sự quan tâm đặc biệt trong các cộng đoàn chúng ta đối với các trẻ em và những khát vọng của người trẻ; cũng như quan tâm đến người già, bảo tồn sự khôn ngoan và kinh nghiệm của người già.

Bảo tồn hy vọng cũng bao hàm việc bảo đảm sao cho chứng tá ngôn sứ của Giáo Hội tại Hàn Quốc tiếp tục được biểu lộ qua sự quan tâm đến người nghèo và các chương trình liên đới, nhất là đối với những người tị nạn và di dân, những người sống ngoài lề xã hội; trong sự liên lỷ hoạt động để thăng tiến về mặt xã hội, công ăn việc làm và giáo dục. Chúng ta có thể gặp nguy cơ thu hẹp sự dấn thân của chúng ta cho người túng thiếu vào chiều kích từ thiện mà quên đi nhu cầu của mỗi người cần được tăng trưởng như con người va có thể biểu lộ nhân cách, sự sáng vào và văn hóa của mình trong phẩm giá. Lý tưởng tông đồ của một Giáo Hội của người nghèo và cho người nghèo được diễn tả hùng hồn trong các cộng đồng Kitô tiên khởi tại đất nước anh em. Tôi cầu mong rằng lý tưởng này tiếp tục uốn nắn hành trình của Giáo Hội tại Hàn Quốc trong cuộc lữ hành hướng về tương lai.

Một chứng tá ngôn sứ theo Tin Mừng trình bày một số thách đố đặc biệt đối với Giáo Hội tại Hàn Quốc, xét vì Giáo Hội đang sống và hoạt động giữa một xã hội sung túc nhưng ngày càng bị tục hóa và duy vật. Trong những hoàn cảnh ấy, các nhân viên mục vụ bị cám dỗ muốn sử dụng không những kiểu mẫu quản trị hữu hiệu, những chương trình và tổ chức được thế giới doanh nghiệp thu hút, nhưng cả một lối sống và một não trạng được hướng dẫn bằng những tiêu chuẩn trần tục về sự thành công và thậm chí cả về quyền lực thay vì theo các tiêu chuẩn mà Chúa Giêsu đã nêu lên trong Tin Mừng. ”Khốn cho chúng ta nếu Thập Giá bị tước mất khả năng phán đoán sự khôn ngoan của thế gian này! (Xc 1 Cr 1,17). Tôi khuyên anh em và các linh mục của anh em hãy chống lại cám dỗ này dưới mọi hình thức”.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

————————————————————————————————–

Đây là nguyên văn bài đọc bằng Anh ngữ của ĐTC trong buổi gặp mặt Hội Đồng Giám Mục Đại Hàn.

Dear Brother Bishops,

I greet all of you with deep affection and I thank Bishop Peter U-il Kang for his words of fraternal welcome on your behalf.  It is a blessing for me to be here and to witness at first hand the vibrant life of the Church in Korea.  As pastors, you are responsible for guarding the Lord’sflock.  You are guardians of the wondrous works which he accomplishes in his people.  Guarding is one of the tasks specifically entrusted to the bishop: looking after God’s people.  Today I would like to reflect with you as a brother bishop on two central aspects of the task of guarding God’s people in this country: to be guardians of memory and guardians of hope.

To be guardians of memory.  The beatification of Paul Yun Ji-chung and his companions is an occasion for us to thank the Lord, who from the seeds sown by the martyrs has brought forth an abundant harvest of grace in this land.  You are the children of the martyrs, heirs to their heroic witness of faith in Christ.  You are also heirs to an impressive tradition which began, and largely grew, through the fidelity, perseverance and work of generations of lay persons.  It is significant that the history of the Church in Korea began with a direct encounter with the word of God.  It was the intrinsic beauty and integrity of the Christian message – the Gospel and its summons to conversion, interior renewal and a life of charity – that spoke to Yi Byeok and the noble elders of the first generation; and it is to that message, in its purity, that the Church in Korea looks, as if in a mirror, to find her truest self.

The fruitfulness of the Gospel on Korean soil, and the great legacy handed down from your forefathers in the faith, can be seen today in the flowering of active parishes and ecclesial movements, in solid programs of catechesis and outreach to young people, and inthe Catholic schools, seminaries and universities.  The Church in Korea is esteemed for its role in the spiritual and cultural life of the nation and its strong missionary impulse.  From being a land of mission, yours has now become a land of missionaries; and the universal Church continues to benefit from the many priests and religious whom you have sent forth.

Being guardians of memory means more than remembering and treasuring the graces of the past; it also means drawing from them the spiritual resources to confront with vision and determination the hopes, the promise and the challenges of the future.  As you yourselves have noted, the life and mission of the Church in Korea are not ultimately measured in external, quantitative and institutional terms; rather, they must be judged in the clear light of the Gospel and its call to conversion to the person of Jesus Christ.  To be guardians of memory means realizing that while the growth is from God (cf. 1 Cor 3:6), it is also the fruit of quiet and persevering labor, past and present.  Our memory of the martyrs and past generations of Christians must be one that is realistic, not idealized or “triumphalistic”.  Looking to the past without hearing God’s call to conversion in the present will not help us move forward; instead, it will only hold us back and even halt our spiritual progress.

In addition to being guardians of memory, dear brothers, you are also called to be guardians of hope: the hope held out by the Gospel of God’s grace and mercy in Jesus Christ, the hope which inspired the martyrs.  It is this hope which we are challenged to proclaim to a world that, for all its material prosperity, is seeking something more, something greater, something authentic and fulfilling.  You and your brother priests offer this hope by your ministry of sanctification, which not only leads the faithful to the sources of grace in the liturgy and the sacraments, but also constantly urges them to press forward in response to the upward call of God (cf. Phil 3:14).  You guard this hope by keeping alive the flame of holiness, fraternal charity and missionary zeal within the Church’s communion.  For this reason, I ask you to remain ever close to your priests, encouraging them in their daily labors, their pursuit of sanctity and their proclamation of the Gospel of salvation.  I ask you to convey to them my affectionate greeting and my gratitude for their dedicated service to God’s people.

If we accept the challenge of being a missionary Church, a Church which constantly goes forth to the world and, especially, to the peripheries of contemporary society, we will need to foster that “spiritual taste” which enables us to embrace and identify with each member of Christ’s body (cf. Evangelii Gaudium, 268).  Here particular care and concern needs to be shown for the children and the elderly in our communities.  How can we be guardians of hope if we neglect the memory, the wisdom and the experience of the elderly, and the aspirations of our young?  In this regard, I would ask you to be concerned in a special way for the education of children, supporting the indispensable mission not only of the universities, but also Catholic schools at every level, beginning with elementary schools, where young minds and hearts are shaped in love for the Lord and his Church, in the good, the true and the beautiful, and where children learn to be good Christians and upright citizens.

Being guardians of hope also entails ensuring that the prophetic witness of the Church in Korea remains evident in its concern for the poor and in its programs of outreach, particularly to refugees and migrants and those living on the margins of society.  This concern should be seen not only in concrete charitable initiatives, which are so necessary, but also in the ongoing work of social, occupational and educational promotion.  We can risk reducing our work with those in need to its institutional dimension alone, while overlooking each individual’s need to grow as a person and to express in a worthy manner his or her own personality, creativity and culture.  Solidarity with the poor has to be seen as an essential element of the Christian life; through preaching and catechesis grounded in the rich patrimony of the Church’s social teaching, it must penetrate the hearts and minds of the faithful and be reflected in every aspect of ecclesial life.  The apostolic ideal of “a Church of and for the poor” found eloquent expression in the first Christian communities of your nation.  I pray that this ideal will continue to shape the pilgrim path of the Church in Korea as she looks to the future.  I am convinced that if the face of the Church is first and foremost a face of love, more and more young people will be drawn to the heart of Jesus ever aflame with divine love in the communion of his mystical body.

Dear brothers, a prophetic witness to the Gospel presents particular challenges to the Church in Korea, since she carries out her life and ministry amid a prosperous, yet increasingly secularized and materialistic society.  In such circumstances it is tempting for pastoral ministers to adopt not only effective models of management, planning and organization drawn from the business world, but also a lifestyle and mentality guided more by worldly criteria of success, and indeed power, than by the criteria which Jesus sets out in the Gospel.  Woe to us if the cross is emptied of its power to judge the wisdom of this world (cf. 1 Cor 1:17)!  I urge you and your brother priests to reject this temptation in all its forms.  May we be saved from that spiritual and pastoral worldliness which stifles the Spirit, replaces conversion by complacency, and, in the process, dissipates all missionary fervor (cf. Evangelii Gaudium, 93-97)!

Dear brother Bishops, with these reflections on your role as guardians of memory and of hope, I want to encourage you in your efforts to build up the faithful in Korea in unity, holiness and zeal.  Memory and hope inspire us and guide us toward the future.  I remember all of you in my prayers and I urge you constantly to trust in the power of God’s grace: “The Lord is faithful; he will strengthen you and guard you from the evil one” (2 Thess 3:3).  May the prayers of Mary, Mother of the Church, bring to full flower in this land the seeds planted by the martyrs, watered by generations of faithful Catholics, and handed down to you as a pledge for the future of your country and of our world.  To you, and to all entrusted to your pastoral careand keeping, I cordially impart my Apostolic Blessing.