Liên lỉ tươi vui, kiên trì cầu nguyện và luôn luôn biết ơn

Liên lỉ tươi vui, kiên trì cầu nguyện và luôn luôn biết ơn

Chúa Giêsu xuống trần gian để trao ban cho con người phẩm giá và sự tự do là con Thiên Chúa. Sứ mệnh của Ngài trong thế giới là giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và các tình trạng nô lệ cá nhân và xã hội. Vì thế tươi vui, cầu nguyện và biết ơn đó là ba thái độ chuẩn bị chúng ta sống lễ Giáng Sinh một cách đích thực.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chuá Nhật hôm qua. Trong bài huấn dụ ngài nói: trong các Chúa Nhật trước phụng vụ đã nhấn mạnh ý nghĩa của thái độ tỉnh thức và chuẩn bị đường cho Chúa đến. Trong Chúa Nhật thứ ba của mùa Vọng, cũng gọi là “Chúa Nhật vui lên” phụng vụ mời gọi chúng ta tiếp nhận tinh thần của tất cả những điều xảy ra: đó là niềm vui. Thánh Phaolô mời gọi chúng ta chuẩn bị cho Chúa đến bằng cách sống ba thái độ: tươi vui liên lỉ, kiên trì cầu nguyện và liên tục tạ ơn.  Anh chị em hãy nghe rõ: ba thái độ: thứ nhất, liên lỉ tươi vui, thứ hai, kiên trì cầu nguyện, và thứ ba luôn luôn cảm tạ. Tươi vui liên lỉ, cầu nguyện kiên trì và liên tục cảm tạ. Giải thích thái độ thứ nhất ĐTC nói:

Thái độ thứ nhất, luôn luôn tươi vui: “Anh em hãy vui luôn!” (1 Tx 5,16) thánh Phaolô nói. Nó có nghĩa là luôn ở trong niềm vui, cả khi các sự việc không như chúng ta ao ước, nhưng có niềm vui sâu xa, là sự an bình: đó là niềm vui cả bên trong nữa. Và an bình là một niềm vui trên mặt đất, nhưng là niềm vui. Các âu lo, các khó khăn và các khổ đau đi qua cuộc sống của mỗi người, tất cả chúng ta đều biết. Và biết bao lần thực tại bao quanh chúng ta xem ra không sống được và khô cằn, giống như sa mạc, trong đó vang lên tiếng nói của thánh Gioan Tẩy Giả, như Phúc Âm hôm nay nhắc nhớ (x Ga 1,23). Nhưng chính các lời của vị Tẩy Giả vén mở cho thấy rằng niềm vui của chúng ta dựa trên một sự chắc chắn rằng sa mạc này được ở: “Giữa anh em có một người mà anh em không biết” (c. 26) thánh nhân nói. Đó là Chúa Giêsu, Đấng được Thiên Chúa Cha sai đến. Ngài đến, như ngôn sứ Isaia nhấn mạnh, “để loan báo tin vui cho kẻ nghèo hèn, băng bó  vết thương của những tâm lòng tan nát, công bố sự tự do cho người nô lệ, phóng thích cho những tù nhân, và công bố một năm hồng ân của Chúa” (Is 61,1-2). Các lời này, mà Chúa Giêsu sẽ lấy làm của Ngài khi giảng dậy trong hội đường Nadarét (x. Lc 4,16-19), minh giải rằng sứ mệnh của Ngài trong thế giới là giải thoát khỏi tội lỗi và các tình trạng nô lệ cá nhân và xã hội, mà tội lỗi gây ra. Ngài đã đến thế gian để tái trao ban cho con người phẩm giá và sự tự do là con cái Chúa, mà chỉ có Ngài có thể thông truyền và vì thế trao ban niềm vui.

Niềm vui định tính sự chờ đợi Đấng Cứu Thế  dựa trên lời cầu nguyện kiên trì: đó là thái độ thứ hai; thánh Phaolô nói: “Anh em hãy cầu nguyện không ngừng” (1 Tx 5,17). ĐTC giải thích điểm này như sau:

Qua lời cầu nguyện chúng ta có thể bước vào trong một tương quan ổn định với Thiên  Chúa, là suối nguồn của niềm vui đích thật. Niềm vui của kitô hữu không mua được: không thể mua được; nó đến từ đức tin và cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, là lý do niềm hạnh phúc của chúng ta. Chúng ta càng đâm rễ sâu nơi Chúa Giêsu Kitô, càng gần Chúa Giêsu bao nhiêu, lại càng tìm thấy sự an bình nội tâm bấy nhiêu, dù có phải sống giữa các mâu thuẫn thường ngày. Vì thế kitô hữu, khi đã gặp Chúa Giêsu, thì không thể là một ngôn sứ của tai ương, nhưng là một chứng nhân và một người loan báo niềm vui. Một niềm vui cần chia sẻ với những người khác; một niềm vui lây lan, khiến cho con đường cuộc sống bớt mệt nhọc hơn.

Thái độ thứ ba do thánh Phaolô chỉ ra là liên tục tạ ơn, nghĩa là tình yêu biết ơn đối với Thiên Chúa. Thật thế, Ngài rất quảng đại với chúng ta, và chúng ta được mời gọi  luôn luôn biết ơn các ân huệ của Ngài, tình yêu thương xót của Ngài, sự kiên nhẫn và lòng tốt của Ngài, và như thế sống trong sự biết ơn không ngừng.

Tươi vui, cầu nguyện và biết ơn là ba thái độ chuẩn bị chúng ta sống lễ Giáng Sinh một cách đích thực nhất. Tươi vui, cầu nguyện và biết ơn. Chúng ta hãy cùng nhau nói: tươi vui, cầu nguyện và biết ơn: Một lần nữa nào. Và tín hữu lập lại một lần nữa. To hơn nữa. Họ nói to hơn: tươi vui, cầu nguyện và biết ơn.

Trong thời gian cuối cùng này của mùa Vọng chúng ta hãy tín thác cho sự bầu cử hiền mẫu của Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ là “lý do niềm vui của chúng ta”, không chỉ bởi vì Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu, mà cũng bởi vì Mẹ liên lỉ gửi chúng ta tới với Ngài.

Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã hiệp ý với các GM Nigeria kêu gọi trả tự do cho 6 nữ tu dòng Trái Tim Thánh Thể Chúa Giêsu đã bị bắt cóc gần một tháng qua tại tu viện ở Iguoriakhi. ĐTC nói: tôi kiên trì cầu nguyện cho các chị và cho tất cả những ai đang ở trong tình trạng đau khổ này: ước chi các chị có thể trở về nhà nhân dịp lễ Giáng Sinh này. ĐTC và mọi người đã đọc một Kinh Kính Mừng cầu nguyện cho các chi.

Ngài đã chào các tín hữu hiện diện, đặc biệt các nhóm Lobitos của Bồ Đào Nha và các tín hữu Bolivia. Ngài đặc biệt chào và cám ơn các trẻ em đem tượng Chúa Hài Đồng tới cho ngài làm phép, do Trung tâm cầu nguyện Roma tổ chức. ĐTC nói: thật đẹp, thật đẹp cha có thể đọc được từ đây: “Trung tâm cầu nguyện là cho từng người trong chúng ta, luôn luôn có chỗ cho bạn” biểu ngữ viết thế, luôn luôn có chỗ cho bạn. ĐTC nói thêm:

Khi các con cầu nguyện ở nhà trước máng cỏ với gia đình, hãy để cho sự hiền dịu của Chúa Giêsu Hài Đồng lôi kéo. Ngài sinh ra khó nghèo và giòn mỏng giữa chúng ta, để trao ban cho chúng ta tình yêu của Ngài. Đó là lễ Giáng Sinh thật. Nếu chúng ta lấy mất đi Chúa Giêsu thì lễ Giáng Sinh còn gì? Một lễ trống rỗng. Đừng lấy Chúa Giêsu khỏi lễ Giáng Sinh. Chúa Giêsu là trung tâm của lễ Giáng Sinh. Chúa Giêsu là lễ Giáng Sinh đích thật. Hiểu chưa?

Sau cùng ĐTC đã chúc mừng lễ Giáng Sinh mọi người và xin tín hữu nhớ cầu nguyện cho ngài.

Linh Tiến Khải

 

Đan Lồng Đèn

Đan Lồng Đèn

Vót tre ngồi đan chiếc lồng đèn.
Dù cho vất vã với tay ngang.
Cũng ráng ra công làm cho đẹp.
Cháu có đèn,dự hội trăng rằm.
Ông ơi! Sao không mua cho cháu.
Khỏi nhọc công Ông, mệt mỏi tay.
Ông cười, vuốt tóc, nói nghe nè.
Ông muốn tự tay làm cho cháu .
Đa dạng hàng bán hiệu của Tàu.
Kể cháu nghe,tre Ông vót làm đèn.
Còn là vũ khí chống xâm lăng.
Tre già thân lớn làm cọc nhọn.
Đâm thủng tàu địch, thắng vẻ vang.
Vào năm chín trăm ba mươi tám.
Ngô Quyền Tướng dẫn binh vào trận.
Bạch Đằng Giang, cọc nhọn dự phần.
Mưu lược, dùng binh, lòng dũng cảm.
Đuổi giặc Tàu, sử sách ghi ơn.
Tuổi thơ của cháu đẹp như trăng.
Hồn nhiên cứ giữ, nhưng ghi nhớ.
Công ơn của những bậc tiền nhân.
Dựng nước, bây giờ mình giữ nước.
Thế hệ này, và nối tiếp mai sau.
Giữ gìn bờ cỏi, Cha Ông dựng.
Mới xứng danh con cháu Lạc-Hồng.

HOA TÔN (Tháng 9 Mùa Trung-Thu)

 

Tái đặt 15 tượng Đức Mẹ Lộ Đức trong các làng vùng Ninive

Tái đặt 15 tượng Đức Mẹ Lộ Đức trong các làng vùng Ninive

QARAQOSH:  Trong những ngày từ 20 đến 25 tháng 7 này, nhiều làng mạc và thị trấn vùng bình nguyên Ninive từng có đa số dân cư là tín hữu ky tô, đã đặt lại 15 tượng Đức Mẹ Lộ Đức tại những nơi các tượng này bị phá hủy hay chuyển dời do các nhóm thánh chiến hồi giáo IS trong thời gian họ chiếm nơi đây.

Sáng kiến này đã có thể thực hiện với sự trợ giúp của hiệp hội công giáo Pháp Oeuvre d’Oriente sau một chuyến viếng thăm của cha Pascal Gollnish, tổng giám đốc hiệp hội trong vùng này. Cha đã chứng kiến tận mắt số lớn những thánh giá bị phạm thánh, bao nhiêu tượng ảnh Chúa Giêsu và Mẹ Maria bị đập phá tan tành trong ba năm vùng này bị quân hồi giáo IS chiếm đóng. Từ tháng ba vừa qua, 15 bức tượng tạc theo mẫu Đức Mẹ Lộ Đức được Đức GM Nicolas Brouwet chúc lành, đã được đưa lên xe camion chở đến Ninive.

Trong những ngày vừa qua, nghi lễ tái an vị các tượng Đức Mẹ tại các giáo xứ, đền thánh và nơi công cộng đã được tổ chức với sự hiện diện của các Giám Mục, linh mục tu sĩ và giáo dân địa phương, rất nhiều người vừa hồi hương sau ba năm tỵ nạn. Bây giờ, các tín hữu ky tô tại những nơi ấy lại có thể cầu nguyện trước tượng ảnh Đức Mẹ Lộ Đức, Đấng đã hỗ trợ họ suốt thời gian dài tha hương. (FIDES 240717)

Mai Anh

 

Thiên Chúa mang lấy những thương tích của chúng ta

Thiên Chúa mang lấy những thương tích của chúng ta

Chiếc la bàn định hướng của người Kitô hữu chính là việc bước theo Đức Kitô chịu đóng đinh. Ngài là Thiên Chúa đã trở nên người phàm và mang lấy những thương tích của chúng ta. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Mở đầu mùa chay với tiếng vang gọi mời sám hối, chúng ta được mời gọi nhìn vào thực tại với ba nét: thứ nhất là con người, thứ hai là Thiên Chúa, thứ ba là con đường.

Thực tại về con người

Thực tại là con người phải lựa chọn giữa thiện và ác. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta tự do, và chúng ta phải thực hiện việc chọn lựa. Thế nhưng, Chúa không bỏ mặc chúng ta một mình, Ngài ban cho chúng ta các điều răn để dẫn đường chỉ lối. Tiếp đến, thực tại về Thiên Chúa là điều rất khó hiểu đối với các môn đệ. Các ông không hiểu được con đường thập giá của Chúa Giêsu. Bởi lẽ Chúa Giêsu là Thiên Chúa đã mang lấy trọn vẹn thân phận phàm nhân chỉ trừ tội lỗi. Nếu không có Thiên Chúa thì đã không có Chúa Kitô. Nếu tin vào Thiên Chúa mà không tin vào Đức Kitô, thì vị Chúa ấy không thực.

Thực tại về Thiên Chúa

Thực tại về Thiên Chúa, chính là Thiên Chúa làm người, Thiên Chúa nơi Đức Kitô, vì chúng ta và để cứu độ chúng ta. Khi chúng ta quay lưng lại với thực tại này, chúng ta cũng quay lưng lại Thập giá Chúa Kitô, và khi đó chúng ta đi ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, đi ra khỏi con đường cứu độ của Thiên Chúa. Con đường của Thiên Chúa là thế này: Ngài đã đến với chúng ta, đến bên chúng ta để cứu chúng ta, và chết vì chúng ta. Đó là thực tại về Thiên Chúa.

Có một cuộc đối thoại giữa một người theo thuyết bất khả tri và một tín hữu. Người theo thuyết bất khả tri với thiện ý, đã hỏi người tín hữu rằng: “Đối với tôi, bằng cách nào mà có thể… Vấn đề là bằng cách nào mà Đức Kitô là Thiên Chúa, điều này tôi không hiểu. Đức Kitô là Thiên Chúa hay sao?”. Người tín hữu đáp lại: “Vâng, với tôi, đây không phải là vấn đề. Vấn đề là làm sao Thiên Chúa lại không là Đức Kitô”.

Thực tại về Thiên Chúa là: Đức Kitô chính là Thiên Chúa, Thiên Chúa đã trở nên người phàm, và đây là nền tảng để thực thi lòng thương xót. Các thương tích của anh chị em chúng ta cũng là những thương tích của Chúa Kitô. Chúng ta đều biết rằng, không thể sống mùa chay mà không sống thực tại này. Tất cả chúng ta cần thay đổi bản thân, không phải với một Đức Kitô kiểu trừu tượng mông lung, nhưng là với một Đức Kitô cụ thể bằng xương bằng thịt, Đấng là Thiên Chúa làm người.

Thực tại về con đường

Thực tại thứ ba là con đường. Chúa Giêsu nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”.

Con đường ấy chính là con đường của Chúa Kitô, là bước theo Đức Kitô để thực thi ý muốn của Chúa Cha như Đức Kitô đã làm, là từ bỏ chính mình và vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa Kitô. Không làm những gì mình muốn, nhưng là làm những gì Đức Kitô muốn, đó là theo Đức Kitô. Ngài đã nói về con đường từ bỏ, con đường liều mất mạng sống để rồi được lại sự sống. Đó là con đường hy sinh mạng sống, hy sinh những gì mình muốn, hy sinh những tiện nghi, để phục vụ tha nhân, để phụng thờ Thiên Chúa. Đó là con đường của Chúa Giêsu. Đó là con đường phải lẽ.

Như thế, chỉ có một con đường chắc chắn, là bước theo Chúa Giêsu chịu đóng đinh, con đường thập giá. Đó là thực tại với ba nét đặc thù: thực tại về con người, thực tại về Thiên Chúa, thực tại về con đường. Đó là chiếc la bàn giúp người Kitô hữu không bị lạc lối.

Tứ Quyết SJ

Thiên Chúa ban cho chúng ta ba món quà vô cùng quý giá

Thiên Chúa ban cho chúng ta ba món quà vô cùng quý giá

Thiên Chúa là Cha đã ban cho chúng ta ba món quà vô cùng quý giá: một là căn tính làm con của Cha trên Trời, hai là trái đất này cùng công trình sáng tạo, ba là tình yêu mến của Ngài. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Chúng ta là con Thiên Chúa

Trên tất cả, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta “DNA” và thế là Ngài dựng nên một con người, Ngài sáng tạo chúng ta theo hình ảnh Ngài, theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài, giống như Ngài. Khi một người con được sinh ra, thì không thể đảo ngược được nữa: người con ấy đã thành hình, người con ấy đã hiện hữu, đã có đó. Dù ít dù nhiều, người con nhận lấy căn tính của cha.

Nếu người con trở nên tốt đẹp, thì người cha tự hào về con, bằng không thì? Nhưng nếu “xem ra là tốt thì!” Nếu có chút gì đó xấu, thì người cha vẫn nói: “Ồ, thật là tốt đẹp!” vì người cha là người cha. Luôn luôn như thế. Nếu đứa con trở nên tồi tệ, thì người cha bênh đỡ người con, chờ đợi người con… Chúa Giêsu dạy chúng ta về một người cha đợi chờ con cái. Chúa Giêsu ban cho chúng ta căn tính của người làm con: dù là nam hay nữ chúng ta phải nói thêm rằng chúng ta là những người con. Chúng ta giống Thiên Chúa bởi vì chúng ta là con cái Thiên Chúa.

Gìn giữ công trình tạo dựng

Thiên Chúa đã lao tác để làm nên công trình sáng tạo, và Ngài ban công trình ấy cho chúng ta. Ngài ban cho chúng ta công trình sáng tạo để đưa tất cả về cùng Đấng Tạo Hóa. Đừng phá hủy công trình sáng tạo, nhưng hãy làm cho công trình này phát triển, hãy chăm sóc, gìn giữ và làm trổ sinh hoa trái. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta mọi sự.

Thật là hài hước, tôi nghĩ: Thiên Chúa lại không ban cho chúng ta tiền bạc. Chúng ta có tất cả. Vậy ai cho chúng ta tiền bạc? Tôi không biết. Bà ngoại có nói là: sự dữ đến từ những cái túi: tham muốn ham muốn… Chúng ta có thể nghĩ xem ai cho chúng ta tiền bạc… Thiên Chúa ban cho chúng ta công trình tạo dựng để chúng ta bảo tồn và làm sinh hoa kết trái. Đây là một quà tặng của Thiên Chúa. Đỉnh cao của cuộc tạo dựng, Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, có nam có nữ, và Thiên Chúa đã dựng nên họ.

Tạ ơn Cha về ba món quà

Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì ba món quà Ngài đã ban cho chúng ta: căn tính làm con Thiên Chúa, quà tặng là công trình sáng tạo, và tình yêu mến của Ngài. Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng của Ngài, để chúng ta gìn giữ căn tính làm con Thiên Chúa, để chúng ta lao tác với những tài năng nén bạc được trao phó mà làm sinh hoa kết trái, và để học biết yêu mến mỗi ngày một hơn.

Tứ Quyết SJ

Ra khỏi chính mình để gieo Lời

Ra khỏi chính mình để gieo Lời

Thánh lễ tại nhà nguyện Marta, 17.09.2016

Ra khỏi chính mình để loan báo Tin Mừng cho mọi ngõ ngách của thế giới. Đó là lời mà Đức Thánh Cha chia sẻ với các Sứ Thần Tòa Thánh vào sáng nay trong thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta. Đức Thánh Cha cám ơn các vị vì các ngài dấn thân với đầy niềm vui và lòng nhiệt thành nơi các quốc gia khác nhau.

Từ dụ ngôn Người gieo giống, Đức Thánh Cha nói về cách thế mà các Sứ thần Tòa Thánh gieo Tin Mừng vào thế giới. Đức Thánh Cha cho biết, đời sống của các vị Sứ thần tựa như ‘cuộc đời của người du mục’ vì nay đây mai đó.

“Khi bạn đã học ngôn ngữ tốt, thì có một cuộc gọi từ Roma và… ‘Ồ, bạn khỏe không?’ – ‘Tốt’ – ‘Bạn biết Đức Thánh Cha không, Người mà bạn rất yêu mến… Người nghĩ thế…’ – Những cuộc gọi ấy thật là êm tai phải không? – ‘… Người đã nghĩ tới bạn vì điều này…’. Và thế là bạn khăn gói lên đường và đến một nơi mới, rời xa bạn bè, rời xa những thói quen, rời xa nhiều thứ mình đã và đang làm… ra khỏi chính bản thân, ra khỏi nơi này và đến nơi khác, và ở đó, một khởi đầu mới.”

“Khi bạn đến một đất nước mới, thì chính bạn – người Sứ thần Tòa Thánh – phải làm một cuộc ‘ra khỏi’ nữa: ra khỏi chính mình để học ngôn ngữ mới, ra khỏi chính mình để đối thoại, để học văn hóa, học cách nghĩ.”

Đức Thánh Cha nói vui: “Ra khỏi chính mình để đến với người khác, thường là chán”, nhưng “ra khỏi bản thân, chính là gieo hạt”, “hạt giống này luôn tốt”. Đức Thánh Cha nói tiếp: “Có người nói, công việc của anh em quá là chuyên biệt, một loại công việc quản trị” ngay cả “đây là công việc đời quá”. Thế nhưng, tất cả anh em đều biết những gì anh em đã làm cho các linh hồn. Chúa Giêsu nói rằng, chúng ta, những người gieo giống, sau khi gieo hạt thì hãy đi nghỉ, vì chính Thiên Chúa sẽ làm cho hạt giống nảy mầm và sinh trưởng. Cũng như thế đối với các Sứ thần, “Anh em phải ra khỏi chính mình để Thiên Chúa có thể làm cho hạt giống nảy mầm và lớn lên; và anh em phải làm điều này đầu tiên là trước nhà tạm, trong cầu nguyện, trong việc thờ phượng.”

Cho dù có nhiều khó khăn, anh em vẫn khởi sự với niềm vui và lòng nhiệt thành. Đó là “lời chứng vĩ đại”, là “các Sứ thần chỉ thờ phượng Một Đấng ban sự sinh trưởng, Đấng ban sự sống”. Có ba nét ‘đi ra’ của một vị Sứ thần. Thứ nhất là đi ra về thể lý. Đó vác hành lý lên đường, sống du mục. Thứ hai là đi ra về văn hóa, về học ngôn ngữ. Có cuộc điện thoại ‘Vui lòng nói cho tôi’ – ‘Vui lòng nói cho tôi biết bạn đang nói tiếng gì vậy?’ – ‘Tôi nói tốt tiếng Anh, tiếng Pháp, và cũng nói được tiếng Tây Ban Nha…’ – ‘À, tốt lắm, tốt lắm … Nhưng nghe này: Đức Thánh Cha quyết định sai bạn đi Nhật Bản đấy!’ – ‘Nhưng một chữ tiếng Nhật tôi cũng không biết!’ – ‘À, Bạn sẽ học được thôi!’. Cuộc đi ra thứ ba chính là cầu nguyện.

Cám ơn quý anh em là các Sứ thần Tòa Thánh, vì sự phục vụ mà anh em dành cho Hội Thánh, vì anh em luôn sẵn sàng đi ra. Ba cuộc đi ra cũng là ba cách phục vụ Chúa Giêsu và Hội Thánh. Tôi rất ngưỡng mộ anh em, Giáo Hội biết ơn anh em. Xin Chúa ban cho anh em ân sủng của Ngài để anh em tiếp tục “đi ra” theo ba nét trên, đi ra chính bản thân mình.

Tứ Quyết SJ

Đức Giáo hoàng nói Giáo hội không cần ‘tiền bẩn’

Đức Giáo hoàng nói Giáo hội không cần ‘tiền bẩn’

Đức Thánh cha Phanxicô giữa đám đông tại Quảng trường Thánh Phêrô

Nói về nạn bóc lột và trả lương không công bằng cho công nhân, Đức Thánh cha Phanxicô bảo các nhà hảo tâm hãy quên chuyện đóng góp tài chính cho Giáo hội đi nếu đồng tiền kiếm được của họ là do lừa gạt người khác.

“Làm ơn kiểm tra và đốt hết những đồng tiền đó đi” – ngài nói trong tiếng vỗ tay hoan hô.

“Dân Chúa – là Giáo hội – không cần đến những đồng tiền dơ bẩn. Họ cần những tấm lòng mở ra đón nhận lòng thương xót của Chúa” – Đức Giáo hoàng nói trong buổi tiếp kiến chung hôm 2 tháng Ba tại Quảng trường Thánh Phêrô, Catholic News Service đưa tin.

Thiên Chúa muốn con người quay lưng với ma quỷ và làm những gì là công bằng, không che đậy tội lỗi bằng những cử chỉ hy sinh, ngài nói.

“Tôi nghĩ đến một số nhà hảo tâm dâng cúng một món quà cho Giáo hội – ngài nói – và đôi khi món quà ấy “là kết quả của nước mắt và máu của nhiều người bị bóc lột, ngược đãi, nô lệ hóa bởi công việc được trả lương ba cọc ba đồng”.

Ngài nói ngài sẽ bảo những nhà tài trợ đó hãy đi đi bởi Thiên Chúa cần những người dù tội lỗi “có bàn tay được thanh tẩy” đã thay đổi lối sống, tránh xa ma quỷ và làm việc vì những điều thiện hảo và công bằng như giúp đỡ người bị áp bức và bảo vệ kẻ yếu hèn.

UCANWES-VN

Giáo hội Nam Hàn mở Cửa Thánh tôn vinh các vị tử đạo

Giáo hội Nam Hàn mở Cửa Thánh tôn vinh các vị tử đạo

Nhà thờ Công giáo ở Yakhyeon

Tổng Giáo phận Seoul mở Cửa Thánh tại 3 thánh địa dành kính các vị tử đạo trước đây của Giáo hội Công giáo Nam Hàn nhân kỷ niệm 150 năm đánh dấu ngày khởi đầu cuộc bách hại Kitô hữu ở Byeong.

Hoạt động này trong năm dành tưởng nhớ các vị tử đạo được Đức Hồng y Andrew Yeom Soo-jung của Seoul tuyên bố, theo hãng tin Fides của Vatican.

Các cửa thánh được mở tại ba thánh địa nơi các vị tử đạo bị giết hại, gồm thánh địa Jeoldusan; thánh địa ở Saenamteo, và nhà thờ Công giáo ở Yakhyeon.

Sau khi cuộc bách hại đạo bắt đầu năm 1866, khoảng 9000, gần phân nửa số người Công giáo ở Nam Hàn lúc đó, bị giết chết vì đức tin.

UCANEWS-VN

Hãy khiêm nhường như Đức Giêsu khiêm nhường

Hãy khiêm nhường như Đức Giêsu khiêm nhường

ĐTC trong bài giảng lễ bổn mạng hiến binh

Sáng ngày 3-10-2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ với các Hiến Binh Vatican (La Gendarmeria Vaticana ) nhân ngày bổn mạng của họ. Nội dung chính trong bài giảng mà Đức Thánh Cha nhắm tới là sự khiêm nhường. Khiêm nhường chính là nhân đức thiết yếu, cùng với ơn Chúa, giúp chúng ta chống trả lại mưu chước cám dỗ của ma quỷ: sở hữu tiền của dẫn đến tham lam; kiêu căng, tự phụ; và quyền lực.

Luôn có một cuộc chiến

Đức Thánh Cha nói, bài Đọc Một trích sách Khải Huyền bắt đầu với một câu rất mạnh mẽ: “Bấy giờ, có giao chiến trên trời.”  Cuộc chiến này như thể là cuộc chiến cuối cùng, một cuộc chiến sau hết. Đây là cuộc chiến giữa các thiên thần của Thiên Chúa, do Tổng Lãnh Thiên Thần Micae chỉ huy, với Satan, Con Rắn xưa, cũng là ma quỷ. Đây là trận chiến cuối cùng và ở đó tất cả sẽ kết thúc, chỉ còn lại sự an bình vĩnh cửu của Thiên Chúa cùng tất cả con cái của Ngài, là những người đã giữ vững niềm tin của mình. Nhưng thật ra cuộc chiến này xảy ra mỗi ngày: xảy ra trong con tim nhân loại, xảy ra nơi con tim của những người Kitô hữu cũng như không phải Kitô hữu. Có một cuộc chiến giữa tốt và xấu nơi đó chúng ta phải chọn lựa điều mà chúng ta muốn: tốt hay xấu, thiện hay ác.

Mưu kế của ma quỷ là gài đặt những cạm bẫy

Trong lời nguyện mở đầu phần Nhập Lễ, chúng ta xin ơn được Tổng Lãnh Thiên Thần Micae bảo vệ khỏi những “cạm bẫy” của ma quỷ. Ma quỷ là kẻ chuyên gieo rắc những cạm bẫy nên từ đôi tay của hắn chẳng thể nào rớt ra được một hạt giống của sự sống, một hạt giống của sự hiệp nhất, nhưng luôn luôn là cạm bẫy nguy hiểm rình rập. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa bảo vệ chúng ta khỏi những cạm bẫy này.

Ba bước trong mưu kế của ma quỷ

Ngoài việc đặt ra những cạm bẫy, ma quỷ con có một cách thế khác: quyến rũ và mê hoặc. Satan là một tên chuyên mê hoặc, một tên rắc gieo cảm bẫy. Chúng ta đã được nghe nhắc đến điều này trong bài Đọc Một. Hắn mê hoặc với những cái đẹp quyến rũ của ma quỷ khiến chúng ta tin tất cả những điều giả dối. Hắn biết cách để rao bán cái vẻ đẹp quyến rũ này một cách rất tốt, nhưng cuối cùng cái giá mà chúng ta phải trả lại vô cùng đau đớn. Đấy là cách thức của hắn. Trong Tin Mừng, lần đầu tiên ma quỷ xuất hiện là trong cuộc đối thoại với Đức Giêsu. Đức Giêsu ăn chay và cầu nguyện suốt 40 ngày trong sa mạc. Cuối cùng, Ngài cảm thấy đói và mệt. Khi ấy, Satan đã đến. Hắn di chuyển nhanh nhẹn như một con rắn và đưa ra ba đề nghị: “Nếu ông là Thiên Chúa hay là Con Thiên Chúa, ở đó có vài cục đá, và ông đang đói; ông hãy biến những cục đá ấy thành bánh đi”, “ Nếu ông là Con Thiên Chúa, sao phải cực nhọc như vậy? Hãy đi với tôi đến nóc đền thờ và gieo mình xuống. Dân chúng sẽ được mục kích phép lạ tỏ tường đó và, chẳng cần nỗ lực gì thêm, ông sẽ được tin nhận là Con Thiên Chúa. Không thắng được Đức Giêsu, ma quỷ tiến tới bước thứ ba: “Tôi sẽ cho ông tất cả các nước thế gian và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy nếu ông sấp mình bái lạy tôi. Chúng ta hãy ngồi làm một cuộc đàm phán, thương lượng”.

Như vậy, có ba bước trong mưu kế của Con Rắn xưa hay còn gọi là ma quỷ. Trước hết, phải có một cái gì đó, trong trường hợp này là bánh hay của cải, giàu có. Nhưng giàu có nhanh chóng dẫn con người đến sự tham lam, hủy diệt. Đây không phải chuyện cổ tích nhưng xảy ra mọi nơi. Ở đâu cũng có tham lam, hủy diệt: chỉ vì tiền mà rất nhiều người đã sẵn sàng bán rẻ linh hồn mình, bán đi cuộc sống, hạnh phúc, bán đi tất cả. Như vậy, bước thứ nhất: tiền bạc, giàu sang, của cải. Khi đã có những thứ đó rồi, chúng ta cảm thấy mình quan trọng. Và bước thứ hai bắt đầu: kiêu căng, tự phụ. Ma quỷ đã nói với Chúa Giêsu rằng: “Chúng ta đi lên nóc đền thờ và ông hãy gieo mình xuống, hãy làm một cuộc trình diễn thật hoành tráng đi.” Nói cách khác, hãy sống vì hư danh. Cuối cùng là bước thứ ba: quyền lực, tự phụ, ngạo mạn: “Tôi sẽ cho ông tất cả quyền lực thế gian, ông sẽ là vua cai trị”.

Mưu kế của ma quỷ dùng để cám dỗ Đức Giêsu cũng xảy ra với chúng ta ngày hôm nay. Đôi khi, chúng ta quá gắn bó với sự giàu sang của cải. Chúng ta thích thú khi được tán dương, ca ngợi như con công hay khoe mẽ. Chính vì hay khoe khoang như thế, nhiều người đã trở nên lố bịch, buồn cười. Cuối cùng, khi có quyền lực, chúng ta nghĩ mình ngang hàng với Thiên Chúa, có thể làm được mọi sự. Và quả thật, đây là một tội rất lớn.

Chống chọi các cạm bẫy, cám dỗ của ma quỷ là cuộc chiến của mỗi người chúng ta. Bởi vậy hôm nay, chúng ta hãy xin Thiên Chúa, với sự chuyển cầu của Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, bảo vệ chúng ta khỏi những cạm bẫy dẫn tới sự diệt vong do Con Rắn xưa, cũng gọi là Satan gây ra.

Hãy khiêm nhường như Đức Giêsu

Đức Thánh Cha nói: “Công việc anh em đang làm như là những Hiến Binh không dễ dàng chút nào. Thế nên, anh em hãy liên lỉ cầu nguyện, vì Thiên Chúa với sự bầu cử của Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, sẽ giúp anh em tránh khỏi những cám dỗ của sự tham lam tiền bạc, giàu có, tự mãn, kiêu căng và quyền lực. Đối lại, anh em hãy hãy xin ơn được trở nên hiền lành và khiêm nhường như Chúa Giêsu. Và quả thật, công việc của anh em cũng rất khiêm nhường, vì đó là công việc phục vụ nhằm mang lại hiệu quả và ơn ích cho tất cả mọi người.

Nhưng khiêm nhường như Chúa Giêsu là khiêm nhường như thế nào? Trong trình thuật Đức Giêsu chịu cám dỗ, chúng ta không thấy bất cứ lời nào của Ngài. Nói khác đi, Đức Giêsu không đáp trả ma quỷ bằng lời của con người nhưng bằng Lời Chúa. Tất cả ba lần đều như thế. Điều này dạy chúng ta rằng chúng ta không thể đối thoại hay thương lượng với ma quỷ khi cám dỗ nhưng hãy dùng Lời Chúa mà đáp trả chúng.

Thiên Chúa luôn trợ giúp chúng ta trong cuộc chiến đấu mỗi ngày, nhưng không chỉ cho chúng ta, mà cho một cuộc chiến vì phục vụ. Bởi vì anh em là những người phục vụ: phục vụ xã hội, phục vụ người khác, phục vụ để làm cho sự thiện được lớn lên trong thế giới này.” (SD 03-10-2015)

Anh Phương – Vatican Radio

Lớp Sáu – Bài Học 21 – Cho Con

Bài Học 21 -- Cho Con

BayDiKhapMoiMien

Cho Con

Nhạc: Phạm Trọng Cầu

Thơ: Tuấn Dũng

 

Ba sẽ là cánh chim

Đưa con đi thật xa

Mẹ sẽ là cành hoa

Cho con cài lên ngực

Ba mẹ là lá chắn

Che chở suốt đời con

Vì con là con ba

Con của ba rất ngoan

Vì con là con mẹ

Con của mẹ rất hiền

Ngày mai con khôn lớn

Bay đi khắp mọi miền

Con đừng quên con nhé

Ba Mẹ Là Quê Hương !

 

Tham Khảo:

1) Phạm Trọng Cầu, Tuấn Dũng. "Cho Con".  Lời được trích từ: http://cainhaccho.net/anh-ban-nhac/cho-con-1228720649638.jpg

 

Lớp Sáu – Bài Học #6 – “Sống Chữ Hiếu”

Xem => "Bài Học -06 – Sống Chữ Hiếu"

Xin Chúa xuân chúc lành cho những ngày sum họp gia đình được đằm thắm yêu thương.

Chuyện xảy ra ở hành lang một bệnh viện. Cô con dâu nhăn mặt nói với chồng: “Ở nhà đủ thứ phải lo, làm sao mà vô trong đây hầu ba được? Anh nói cô Năm hay cô Bảy ở không thì chia nhau vô chăm sóc ba”. Anh con trai chưa kịp trả lời thì có lẽ cô Năm hay cô Bảy gì đó đã cong môi phản đối: “Tui cũng có đủ thứ chuyện để lo chứ bộ, quên tui đi”. Một cậu con trai khác cau cau lông mày: “Nói chung là ai cũng bận hết, với lại ba mắc bệnh lây nhiễm, vô hầu ba rồi lỡ bị lây thì làm sao?”. Cô con dâu trưởng phán một câu: “Thôi khỏi bàn tán gì hết, mướn người nuôi là xong chuyện”.

Tất nhiên sau đó, sự việc xảy ra đúng như hoạch định của họ. Một phụ nữ khỏe mạnh, có dáng vẻ nông dân đang nuôi một người bệnh nằm giường bên cạnh ông cụ đã chủ động đề nghị nuôi bệnh cho ông cụ luôn. Công việc tỉ mỉ, cần sự chu đáo, từ việc cho uống sữa, uống thuốc đến thay quần áo, lau người, nhưng chị vẫn làm với sự chăm chút, không để lộ bất cứ thái độ ghê tởm nào, lại còn có vẻ hiền hậu, dịu dàng như con đối với cha mẹ.

Trong lúc ấy, có lẽ yên tâm vì cha đã có người chăm sóc, đám con trai, con gái, dâu, rể hơn một chục người của ông cụ thỉnh thoảng mới lượn qua như một luồng gió nhẹ. Tiếc thay, sự chăm chút của chị phụ nữ không kéo dài bao lâu, chỉ hơn một tuần sau là ông cụ đã qua đời. Con cái, cháu chắt ông kéo vào mới đông chứ. Họ khóc lóc khá ồn ào nhưng vẫn bình tĩnh chỉ huy việc khâm liệm ông cụ, và ở hành lang lại xảy ra một cuộc cãi vã xem người nào phải chi nhiều nhất cho đám tang? Anh con trai trưởng cầm một xấp tiền đến trả cho chị phụ nữ đã nuôi bệnh cha mình. Hai mắt đỏ hoe, chị trả lời: “Tôi nuôi cụ ấy vì thấy xót xa cho cụ có lắm con nhiều cháu mà chẳng ai đoái hoài, chứ tôi có làm cái nghề này đâu mà lấy tiền?”.

SongChuHieu

ViSaoSongTronChuHieu

Tái thiêng cho Đền Thờ

Tái thiêng cho Đền Thờ

(Cung hiến Thánh đường La-tê-ra-nô; Ga 2, 13-22)

Trích tin mừng Gioan: Chúa Giêsu lên Giêrusa-lem; Người thấy ở trong đền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc. Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ…và bảo những người bán chim câu rằng: "Hãy đem những thứ này đi khi đây, và đng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán".
…Bấy giờ người Do-thái bảo Người rằng: "Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy". Chúa Giêsu trả lời: "Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại". Ngưi Do-thái đáp lại: "Phải bốn muơi sáu năm mi xây đưc đền thờ này mà ông, ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?" Nhưng Ngưi, Ngưi có ý nói đền thờ là thân thể Người.”
SUY NIỆM
Con người thường tôn trọng những nơi thờ phượng dù đó là thánh địa của bất kỳ niềm tin hay tín ngưỡng nào. Bởi lẽ, họ tin rằng đó là nơi trú ngụ của những thế lực thần thánh mà nếu mạo phạm hay bất kính, có nguy cơ họ sẽ bị quở trách và giáng phạt nặng nề. Mừng lễ cung hiến thánh đường La-tê-ra-nô hôm nay, cũng nhắc nhở mỗi người chúng ta phải giữ gìn sự thánh thiêng cho các ngôi Thánh Đường vì đó là nơi Chúa ngự. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã kêu gọi không chỉ tôn kính Đền Thờ vật chất nhưng còn phải biết trân quý đền thờ sống động của Thiên Chúa là chính mỗi người chúng ta.

Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe thuật lại việc Đức Giêsu lên Đền Thờ để mừng lễ Vượt Qua. Chứng kiến cảnh tượng người ta mua bán lễ vật và đổi chác tiền bạc, Đức Giêsu đã dùng dây thừng bện lại để xua đuổi và đạp đổ hết tất cả. Thật ra việc buôn bán đổi chác là không xấu, nhất là để phục vụ cho công tác dâng cúng của dân chúng trong Đền Thờ. Thế nhưng, những người lãnh đạo tôn giáo và nhiều người khác đã lợi dụng điều này nhằm mưu lợi cho bản thân. Vì thế, cảnh tượng ở Đền thờ chắc là rất chướng tai gai mắt nên Đức Giêsu, người vốn ít khi nổi giận, cũng đã phải kiên quyết và dứt khoát dẹp bỏ hết tất cả.

Đức Giêsu cũng tin tưởng như dân chúng rằng Đền Thờ là nơi Thiên Chúa ngự nhưng Ngài lại phủ quyết việc Đền Thờ phải kiêm nhiệm thêm công năng của một trung tâm mua sắm. Dân Do Thái đã đòi Đức Giêsu dấu chỉ chứng tỏ uy quyền cho phép Ngài hành xử như thế. Đức Giêsu đã nói: “Cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 3, 19). Và thánh sử Gioan cho biết: Đức Giêsu không có ý nói về Đền Thờ như tòa nhà được kết cấu bởi gạch đá mà người Do Thái đã phải mất 46 năm mới xây lên được, nhưng Ngài muốn giới thiệu Đền Thờ mới đó “chính là thân thể của Người” (Ga 3, 21).

Cần một Đền thờ mới để thờ phượng Thiên Chúa vì đền thờ Giêrusalem đã bị giải thiêng. Đền thờ mới ấy chính là Đức Giêsu. Đức Giêsu chính là Đền thờ của Thiên Chúa ở giữa nhân loại. Hơn nữa, khi đang còn bị treo trên thập giá, Đức Giêsu đã bị một tên lính lấy lưỡi đòng đâm thấu con tim. Từ đây, máu và nước đã chảy ra. Máu và Nước từ cạnh sườn Chúa Giêsu tuôn chảy đến đâu sẽ tẩy trừ tội lỗi, tiêu diệt sự chết, tái sinh sự sống đến đó đúng như lời tiên tri Ê-dê-ki-en đã tiên báo về hình ảnh của suối nước chảy ra từ Đền Thờ trong bài đọc một: “Tất cả những sinh vật sống động, nhờ suối nước chảy qua, đều được sống. Sẽ có rất nhiều cá và nơi nào nước này chảy đến, nơi đó sẽ trở nên trong lành, và sự sống sẽ được phát triển ở nơi mà suối nước chảy đến” (Ed 47, 9). Chỉ với nguyên vật liệu là Máu và Nước của Chúa Giêsu cộng với ba ngày được an táng trong lòng đất là đủ để Đức Giêsu tái thiết và kiến tạo một Đền Thờ mới, nơi con người đến để gặp gỡ Thiên Chúa trong chân lý và sự thật. Chỉ nơi thân xác Phục Sinh của Đức Giêsu mới xứng đáng là nơi để Thiên Chúa cư ngụ.

Nếu như thân xác Phục Sinh của Đức Giêsu mới xứng đáng là Đền Thờ để Thiên Chúa cư ngụ thì mỗi người chúng ta, nhờ liên hệ với Đức Giêsu Phục Sinh nơi Bí tích Thánh tẩy, cũng trở nên những viên đá sống động góp phần kiến tạo nên Đền Thờ là Thân Thể Nhiệm Mầu của Đức Kitô như lời Thánh Phaolô tông đồ đã nhắn nhủ các tín hữu Cô-rin-tô: “Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1 Cr 3, 16). Do đó, ta phải có trách nhiệm để kiến thiết và giữ gìn tâm hồn mình vì “nếu ai xúc phạm tới đền thờ của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt người ấy” (1 Cr 3, 17). Nói như thế, chúng ta được mời gọi tránh xa những tội liên quan đến giới răn thứ sáu vì chúng làm ô uế không chỉ thân xác nhưng còn xúc phạm cả đến Đền thờ của Thiên Chúa là tâm hồn mỗi người chúng ta. Hơn nữa, mỗi người phải xây nền đắp móng cho Đền thờ tâm hồn của mình trên đá tảng hay phiến đá góc tường duy nhất là chính Đức Giêsu như lời Thánh Phao lô: “Vì chưng không ai có thể xây dựng một nền tảng khác, ngoài nền tảng đã được xây dựng là Ðức Kitô” (1 Cr 3, 11). Thêm vào đó, để Đền thờ là Thân Thể Đức Giêsu được vững chắc và trường tồn, mỗi chúng ta là những viên đá kết cấu nên Đền Thờ ấy, phải liên kết mật thiết với nhau nhờ chất kết dính là tình yêu. Chỉ với chất kết dính là tình yêu, chúng ta mới biết tôn trọng chính mình cũng như tha nhân vì tất cả đều là Đền Thờ của Thiên Chúa.

Mừng lễ cung hiến thánh đường La-tê-ra-nô hôm nay, chúng ta có trách nhiệm gìn giữ ngôi thánh đường giáo xứ của mỗi người chúng ta luôn trang nghiêm và xứng hợp. Đồng thời, mỗi lần chúng ta đến nhà thờ để tham dự thánh lễ hay cử hành việc thờ phượng, chúng ta luôn luôn phải tự hỏi chính mình. Chúng ta có ý thức mỗi người là Đền Thờ của Thiên Chúa không? Là nơi Thiên Chúa ngự, tâm hồn tôi có duy trì được sự thánh thiêng cần thiết cho xứng hợp không? Nếu nhận ra Đền thờ tâm hồn của mình bị ô uế tôi có thường xuyên xin Chúa giúp thanh tẩy qua Bí tích Giải tội không? Chỉ khi chúng ta trả lời có cho tất cả những câu hỏi trên, chúng ta mới xứng đáng là nơi được Thiên Chúa phán: "Ta đã chọn lựa và thánh hoá nơi này, để danh Ta được hiện diện khắp nơi cho đến muôn đời” (2 Sb 7, 16).

Jos. Nguyễn Huy Mai
 

Con đường thập giá

Con đường thập giá

Đoạn Tin Mừng sáng hôm nay cho chúng ta tiếp xúc với một khuôn mặt Phêrô, hoàn toàn khác hẳn với khuôn mặt Phêrô trong Chúa nhật tuần trước.

Như chúng ta đã biết: Phêrô vừa được Thiên Chúa mạc khải để ông nhận biết Đức Kitô là vị cứu tinh. Ông vừa được Chúa Giêsu ca ngợi, đặt làm nền tảng của Giáo Hội. Thế nhưng chỉ sau đó ít phút, Phêrô lại là người đầu tiên vấp ngã khi Chúa Giêsu loan báo cách thức Hoặc hoàn thành sứ mạng Thiên Chúa đã trao phó.

Đây là lần đầu tiên Ngài nói với các môn đệ về cuộc hành trình đi lên Giêrusalem của Ngài. Tại đây, Ngài sẽ phải đau khổ, bị giết, nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại. Một viễn tượng không có gì sáng sủa. Thấy vậy, Phêrô bèn lên tiếng can ngăn. Lời can ngăn ấy có thể đã xuất phát từ niềm tin của ông vào tình thương của Thiên Chúa Cha. Bởi vì ông đã từng được nghe Chúa Giêsu giảng dạy về sự quan phòng của Chúa Cha đối với từng cánh chim, từng bông hoa. Thiên Chúa là một người cha chỉ muốn những điều tốt cho con cái. Một người cha thế gian còn không nỡ cho con mình cục đá, khi nó xin cái bánh, thì làm sao Thiên Chúa lại có thể để cho người con yêu dấu của Ngài gặp phải sự khốn khó. Và như thế, điều Chúa Giêsu vừa mới loan báo, làm sao có thể xảy ra được.

Mặt khác, Phêrô cũng đã từng được chứng kiến quyền năng của Thầy mình. Chúa Giêsu đã nhiều lần làm phép lạ cho kẻ đau yếu được khỏi bệnh, cho kẻ chết được sống lại, dẹp yên được cả phong ba bão táp, thì làm sao Ngài lại để cho mình gặp phải sự khốn khó?

Phêrô đã bị Chúa Giêsu quở trách nặng lời, vì ông đã đơn giản hoá vấn đề, và do đó đã vô tình làm công việc của Satan. Thực vậy, khi Satan đưa Chúa Giêsu lên nóc đền thờ, nó đã rỉ tai: Nếu Ngài là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống vì các thiên thần Chúa sẽ nâng đỡ để chân Người khỏi vấp phải đá. Thiên Chúa và quyền năng của Đức Kitô ở đây bỗng trở nên một thứ phương tiện cho người ta sử dụng để thực hiện những ý đồ phù phiến của mình.

Sự thực thì đây không phải là một cơn cám dỗ đặt ra cho một mình Chúa Giêsu mà hơn thế nữa, rất nhiều lần bản thân chúng ta cũng đã gặp phải. Rất nhiều lần chúng ta đã nêu lên câu hỏi: Tại sao Chúa không cho tôi trúng số để tôi thoát khỏi cảnh nghèo nàn, để tôi có thời giờ làm những công việc đạo đức, hay để tôi có tiền dâng cúng, làm phúc bố thí. Tại sao Chúa không cho Giáo Hội gặp được những điều kiện thuận lợi, để làm cho Nước Chúa được mở rộng và danh Chúa được cả sáng.

Thế nhưng, chúng ta quên rằng sứ mạng của Chúa Giêsu là sứ mạng của người tôi tớ đau khổ. Con đường Ngài đã chọn để cứu độ trần gian là con đường thập giá. Lẩn tránh những xác tín này là phản bội lại sứ mệnh của mình, và đó chính là cơn cám dỗ lớn nhất đối với Giáo Hội và đối với bản thân chúng ta. Bởi vì, thay vì thực thi thánh ý Chúa trong việc phục vụ người khác, thì chúng ta lại muốn xin Chúa phục vụ cho những quyền lợi riêng tư của chúng ta.

Cỏ và lúa

Cỏ và lúa

Bài Tin Mừng thuật lại ba dụ ngôn của Chúa Giêsu: cỏ lùng, hạt cải và men. Nghe Chúa nói ba dụ ngôn, nhưng các môn đệ lại chỉ xin Chúa giải thích một dụ ngôn cỏ lùng, và Chúa đã giải thích: người đi gieo giống tốt là Thiên Chúa, hạt giống là người ta, là con người, là con cái Chúa, thửa ruộng là thế gian, là nơi sinh sống, làm việc, phục vụ, cỏ lùng là người xấu, người dữ, mùa gặt là ngày chết hay ngày tận thế, thợ gặt là các thiên thần, lúa tốt thì được thu vào kho lẫm, tức là những người tốt lành, công chính, thánh thiện, thì được thưởng, còn cỏ lùng là những người xấu, người dữ thì bị tống vào hoả ngục.

Nghe hay đọc dụ ngôn này cùng với sự giải thích của Chúa, chúng ta thấy dễ hiểu và hợp tình hợp lý. Thế gian này có người tốt người xấu, người lành người dữ sống bên nhau, sống cùng nhau là chuyện bình thường. Chẳng có nơi nào toàn là những người tốt và cũng chẳng có nơi nào toàn là những người xấu. Nhưng có một điều khác biệt: cỏ lùng, vì bản chất của nó là cỏ dại, cỏ xấu, cho nên vạn đại nó cũng không thể nào biến thành lúa tốt được. Cũng thế, cây lúa thì lúc nào nó cũng là cây lúa, chỉ có điều là nó cho nhiều hay ít hạt lúa, chứ không bao giờ biến thành cỏ lùng được.

Đối với con người thì không như vậy: bản tính con người được Chúa tạo dựng là tốt lành: “Nhân chi sơ tính bản thiện”: khi sinh ra, con người vốn tốt lành, nhưng với thời gian lớn khôn, con người vẫn tốt hay trở thành xấu, nghĩa là con người tốt hay xấu là do thêm vào hay mất đi. Có người trước kia là lúa tốt, bây giờ là cỏ lùng, ngược lại, có người trước kia là cỏ lùng, bây giờ là lúa tốt. Dĩ nhiên cũng có những người luôn luôn là lúa tốt và những người lúc nào cũng là cỏ lùng, hoặc có những người khi thì là lúa tốt khi thì là cỏ lùng hoặc ngược lại. Điều quan trọng là tới khi chết, người ta đang ở trong tình trạng nào: cỏ lùng hay lúa tốt? Đó là trách nhiệm của mỗi người.

Chính vì yếu tố trách nhiệm này, vì khả năng biến đổi tốt thành xấu và xấu thành tốt nên chúng ta phải cố gắng làm giảm bớt đến mức tối đa, tức là mức thấp nhất những gì là xấu xa, tội lỗi, tức là cỏ lùng, và gia tăng đến mức tối đa, tức là mức cao nhất, nhiều nhất những gì là tốt lành, thánh thiện, tức là lúa tốt. Hơn nữa, trong đời sống hằng ngày, ngoài việc cố gắng bớt cỏ lùng, thêm lúa tốt, tức là bớt tư tưởng, lời nói, việc làm xấu và gia tăng những việc phúc đức, mỗi người còn phải cố gắng làm sao để được nhắm mắt xuôi tay, kết thúc cuộc đời trong tình trạng đang kể là lúa tốt.

Ở đời này, thường chúng ta ít thấy công lý thắng gian tà, nhưng ở đời sau, thì tất cả mọi nợ nần đều phải trang trải, mọi bất công sẽ được san phẳng: lúa tốt, tức là người tốt, sẽ được nâng niu thu góp vào kho lẫm, tức là được thưởng công xứng đáng. Còn cỏ lùng, tức là người xấu, sẽ bị ném vào lửa để thiêu huỷ. Câu chuyện cỏ lùng giữa lúa tốt quả quyết với chúng ta về sự báo oán công minh ở đời sau: người tốt sẽ được thưởng, người xấu sẽ bị phạt muôn đời. Như vậy, tốt hay xấu, được thưởng hay bị phạt là do chính mỗi người chúng ta. Vì thế khi kết thúc dụ ngôn Chúa nói: “Ai có tai thì nghe:, nghĩa là Chúa muốn nhắc chúng ta rằng: chúng ta là đầu óc, có trí khôn, chúng ta biết phân biệt phải quấy, chân giả, đúng sai, tốt xấu thì đừng có sống đóng kịch hay sống bất chính, chúng ta phải biết sống đúng là con Chúa, chúng ta phải sử dụng đầu óc, trí khôn để sống theo luật Chúa. Chúng ta sống làm sao Chúa sẽ căn cứ vào đó để thưởng hay phạt chúng ta.

Tóm lại, trong cánh đồng mầu mỡ là con người yếu đuối của chúng ta, lúa tốt và cỏ lùng, tức là nhân đức và tội lỗi, đức tính và tật xấu… luôn luôn chèn ép nhau, giành giật nhau. Vì thế, chúng ta phải luôn tỉnh thức và chiến đấu để loại trừ cỏ lùng, tội lỗi và tật xấu, đồng thời bảo vệ lúa tốt, nhân đức và công phúc của chúng ta. Có như thế đến mùa gặt, tức là khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay, chúng ta sẽ được Chúa nhân từ âu yếm nói với chúng ta: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, hãy vào hưởng sự vui mừng với Chúa ngươi”. Xin Chúa cho chúng ta biết sống theo lời Chúa để chúng ta đều được nghe những lời đầy thân thương trên đây của Chúa.

Sưu tầm

SỰ KIỆN PHỤ NỮ ANH GIÁO LÀM GIÁM MỤC LÀ CHƯỚNG NGẠI MỚI CHO NÕ LỰC ĐẠI KẾT

SỰ KIỆN PHỤ NỮ ANH GIÁO LÀM GIÁM MỤC LÀ CHƯỚNG NGẠI MỚI CHO NÕ LỰC ĐẠI KẾT

YORK: Sự kiện Tổng công nghị Anh giáo chấp thuận cho nữ giới làm Giám Mục tạo thêm một chướng ngại mới trên con đường tiến vế hiệp nhất giữa Anh giáo và Công giáo.

Đức Cha Bernard Longley, Tổng Giám Mục Bermingham, kiêm chủ tịch Ủy ban đối thoại và hiệp nhất của Hội Đồng Giám Mục Anh quốc, đã khẳng định như trên trong một thông cáo công bố ngày 15 tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên, Đức Cha cho biết Giáo Hội công giáo sẽ tiếp tục dấn thân trong cuộc đối thoaị đại kết đễ tìm hiểu biết lẫn nhau sâu xa hơn, và cộng tác với nhau trong những lãnh vực có thể. Đức Cha ghi nhân các tiến bộ đã có được trong các thập niên qua giữa hai Giáo Hội, kể từ sau Công Đồng Chung Vaticăng II và tình bạn phát riển giữa hai cộng đoàn.

Trong những ngày vừa qua Giáo Hội Anh giáo đã nhóm Tổng công nghị tại York và đã chấp thuận phong chức Giám Mục cho các nữ mục sư. Vấn đề này đã được thảo luận từ nhiều năm qua và đã bị bác bỏ năm 2012, nhưng nay đã được hai phần ba các thành viên Tổng công nghị gồm các Giám mục, mục sư và giáo dân chấp nhận.

Sư kiện nữ giới làm Giám Mục Anh giáo đã có từ lâu tại nhiều nước khác như Hoa Kỳ và Australia, nhưng tại Anh quốc thì vẫn còn lưỡng lự, mặc dù Anh giáo đã chấp nhận cho nữ giới làm linh mục năm 1994. Tình trạng này cũng tạo căng thẳng với các Giáo Hội Anh giáo Phi châu nhất quyết không chấp nhận nữ giới làm Giám Mục (SD 15-7-2014).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Nhạc Hội Tiếng Việt Mến Yêu 6

Trường Việt Ngữ và Văn Hóa Phan Bội Châu Tham Gia

Nhạc Hội Tiếng Việt Mến Yêu Kỳ 6

Lời giới thiệu

        Hội Trùng Dương là trường ca của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương nói về ba dòng sông chính của ba miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam.

        Miền Bắc có dòng sông Hồng "gối đầu" từ Lào Cai, chảy xuống Việt Trì, qua Sơn Tây trước khi "thả hồn mơ đến Thái Bình", rồi tản ra Biển Đông.   Sông Hồng thơ mộng xuyên qua miền Thượng Du núi non hùng vỹ, về Trung Châu đem nước cho những nương đồi, rồi xuống đến những đồng ruộng sâu với những “người áo nâu dãi dầu”.

        Miền Trung có dòng sông Hương, dòng sông tiêu biểu của miền đất khắc nghiệt với nhiều thiên tai cũng như là nhân họa.  "Quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn". Tiếng hò não ruột quyến rũ ngân xa theo dòng sông qua những thôn vắng đến Cửa Thuận An rồi lan vào biển khơi.

        Vào miền Nam đất rộng dân giàu với dòng Cửu Long ngập phù sa, đầy tôm cá, là mạch sống của Miền Tây,  miền đất mới.  Cửu Long có Tiền Giang đi qua Vĩnh Long về Mỹ Tho, có Hậu Giang từ Châu Đốc xuống Long Xuyên xuôi Cần Thơ.  Về đây để nghe giọng hò dí dỏm của các cô gái miền Lục Tỉnh : “Chẻ tre bện sáo cho dầy, ngăn ngang sông Mỹ có ngày gặp em ."

        Ba sông, như ba chị em, từ nguồn chảy qua các miền rồi hòa nhập vào sóng nước Biển Đông, cùng liên kết lại bằng tình đồng bào ruột thịt của một dân tộc kiêu hùng, tuy trải qua nhiều đau thương vinh nhục nhưng vẫn hướng lòng quyết tâm xây dựng một đất nước có một "Hoa Đời Tự Do" nở rộ.

        Với Hội Trùng Dương, tình yêu đất nước, dân tộc, và gia đình được thể hiện tinh tế qua những dân ca, điệu hò của ba miền. Các địa danh được nhắc tới như một sự khẳng định về chủ quyền và ý chí giữ gìn bờ cõi của người dân Việt. Thầy cô và phụ huynh trường Phan Bội Châu khuyến khích các em học sinh của trường tham gia chương trình Tiếng Việt Mến Yêu để các em có dịp học hỏi thêm về văn hóa, lịch sử, và ngôn ngữ địa phương của dân tộc.  Hy vọng là các thế hệ tương lai sẽ tiếp tục duy trì và phát triển những tinh hoa văn hóa của cha ông để lại.

        Xin mời quý vị cùng nghe lại Hội Trùng Dương của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương.