Hãy nhìn mình trong tấm gương trước khi xét đoán người khác

Hãy nhìn mình trong tấm gương trước khi xét đoán người khác

Thánh lễ sáng tại nguyện đường thuộc Nhà Thánh Marta, thứ Hai, ngày 20.06.2016

VATICAN. Trước khi xét đoán người khác, chúng ta nên nhìn vào tấm gương để thấy chính bản thân chúng ta như thế nào. Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Hai, 20.06, tại nguyện đường thuộc Nhà Thánh Marta. Trong thánh lễ cuối cùng tại nhà nguyện này trước kỳ nghỉ mùa hè, Đức Thánh Cha đã chỉ ra rằng điều phân biệt giữa sự phán xét của Thiên Chúa và sự xét đoán của con người chính là ‘Lòng Thương Xót’ chứ không phải sự ‘Toàn Năng’.

Chỉ Thiên Chúa mới có quyền phán xét. Vì thế, nếu không muốn bị xét xử, chúng ta đừng xét đoán người khác. Khởi đi từ bài đọc Tin Mừng, Đức Thánh Cha nói rằng: “Tất cả chúng ta ai cũng mong muốn Thiên Chúa đoái thương nhìn đến với sự quảng đại và tấm lòng tha thứ trong ngày Phán Xét. Chúng ta cũng mong Chúa quên đi những lầm lỗi cùng những điều xấu xa mà chúng ta đã vấp phạm trong đời.

Đức Giêsu sẽ gọi chúng ta là những kẻ đạo đức giả nếu chúng ta xét đoán người khác. Nếu ‘anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em.’ Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta phải nhìn xem mình trong tấm gương.

Nhìn xem mình trong gương không phải để trang điểm, to son kẻ mắt. Không! Không phải là chuyện trang điểm. Nhưng nhìn vào gương là để thấy mình như chính mình là. ‘Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?’ Hay ‘sao anh lại nói với người anh em: hãy để tối lấy cái rác ra khỏi mắt bạn, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh?’ Vậy Thiên Chúa sẽ nhìn chúng ta như ra sao, khi chúng ta hành xử như thế này? Một câu thôi: ‘đạo đức giả’. ‘Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.’

Hãy cầu nguyện cho tha nhân chứ đừng xét đoán họ

Chúng ta nhận thấy rằng Chúa có vẻ hơi tức giận khi nói những điều này. Ngài mắng chúng ta là kẻ đạo đức giả khi chúng ta dám đặt mình vào vị trí của Thiên Chúa để xét xử người khác. Đây chính là điều mà con rắn xưa đã cám dỗ ông bà Adam và Eva: Nếu các ngươi ăn trái ấy, các ngươi sẽ nên như Thiên Chúa. Và ông bà đã muốn giành lấy vị trí của Thiên Chúa.

Phát xét là chuyện thuộc riêng về Thiên Chúa, chỉ mình Ngài mà thôi. Còn nhiệm vụ của chúng ta là hãy yêu, cảm thông, thấu hiểu và cầu nguyện cho tha nhân khi ta nhận thấy những điều trái tai gai mắt, hay không được tốt đẹp cho lắm. Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy đến nói chuyện, gặp gỡ với người khác cách nhã nhặn, lịch sự để từ đó họ có thể nhận ra được những lỗi lầm của họ. Đừng bao giờ xét đoán. Đừng bao giờ. Nếu xét đoán, chúng ta sẽ là những kẻ đạo đức giả.

Xét đoán của chúng ta thiếu đi lòng thương xót, chỉ Thiên Chúa mới có quyền xét xử

Khi chúng ta xét đoán người khác, chúng ta đặt mình vào vị trí của Thiên Chúa. Nhưng xét đoán của chúng ta là một xét đoán tồi tệ và nghèo nàn, không bao giờ có thể là một phán xét đúng nghĩa được. Tuy nhiên, liệu xét đoán của ta có giống được với phát xét của Thiên Chúa không? Xin thưa là không. Bởi vì Thiên Chúa toàn năng, còn chúng ta thì không. Xét đoán của chúng ta sẽ thiếu đi tình thương xót. Còn khi phán xét, Thiên Chúa sẽ xét xử với lòng nhân hậu và đầy tình thương.

Ngày hôm nay, hãy ngẫm nghĩ thật nhiều về những điều Thiên Chúa nói với chúng ta: Đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán; đong đấu nào thì Thiên Chúa sẽ đong lại bằng đấu ấy; và cuối cùng, chúng ta hãy nhìn vào tấm gương trước khi muốn xét đoán người khác. ‘Tại sao anh kia lại làm cái này? Tại sao chị kia lại làm cái nọ?…’ Ta đừng vội vã xét đoán ngay. Hãy dừng lại chút đã. Hãy nhìn chính bản thân mình trong tấm gương và ngẫm nghĩ. Chúng ta xét đoán, chúng ta sẽ là những kẻ đạo đức giả, vì đã dám đặt mình vào vị thế của Thiên Chúa. Và sự xét đoán của chúng ta cũng thật nghèo nàn, tệ hại. Xét đoán của nhân loại thiếu đi lòng thương xót của Thiên Chúa. Xin Thiên Chúa ban ơn để mỗi người chúng ta có thể thấu hiểu được những điều này.”

Vũ Đức Anh Phương SJ

TIN YÊU SỐNG BÍ TÍCH THÁNH THỂ THEO GƯƠNG ĐỨC MẸ

TIN YÊU SỐNG BÍ TÍCH THÁNH THỂ THEO GƯƠNG ĐỨC MẸ

Đoạn Tin Mừng hôm nay thật lôi cuốn. Lôi cuốn trước hết ở diễn tiến bất ngờ của phép lạ. Bất ngờ đầu tiên: người phụ nữ ngoại đạo dám đến xin phép lạ cho con mình. Người ngoại với người Do Thái không bao giờ liên hệ với nhau. Với người phụ nữ ngoại giáo, khoảng cách càng xa diệu vợi. Thế mà người phụ nữ này dám vượt qua hết những rào cản để đến với Chúa. Bất ngờ thứ hai: Chúa đã có thái độ từ chối quyết liệt. Từ chối bằng im lặng không trả lời. Từ chối thẳng thừng bằng lời nói quyết liệt: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel thôi”. Và căng thẳng đến tàn nhẫn: “Không được lấy bánh của con cái mà ném cho lũ chó con”. Bất ngờ thứ ba: người phụ nữ chấp nhận tất cả những thử thách, và đã có câu trả lời thông minh: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”. Thật là khiêm tốn, nhưng cũng đầy tin tưởng. Thật bất ngờ mà cũng thật đẹp đẽ.

Lôi cuốn ở nét đẹp tâm hồn người phụ nữ. Ẩn sâu trong vẻ đẹp của thái độ người phụ nữ ngoại đạo, ta thấy nổi bật hai phẩm chất cao quí đó là: Tin và Yêu. Yêu con tha thiết nên bà không thể nhẫn tâm ngồi nhìn ma quỷ hành hạ đứa con yêu quí. Yêu con tha thiết nên bà không ngần ngại đi tìm thầy tìm thuốc ở khắp mọi nơi, kể cả những nơi bị coi là cấm kỵ. Yêu con tha thiết nên bà chấp nhận tất cả, không chỉ sự mệt nhọc tìm kiếm mà cả sự dửng dưng lạnh nhạt và nhất là sự khinh khi nhục mạ. Yêu con nên bà tin Chúa. Tin Chúa có quyền năng thống trị ma quỷ. Tin Chúa có lòng thương xót sẽ ra tay cứu chữa. Tin Chúa có trái tim rộng mở sẽ không phân biệt người ngoại kẻ đạo. Tin và Yêu giống như đôi cánh đã giúp người phụ nữ bay lên rất cao và bay đi rất xa. Cao lên tới Thiên Chúa. Xa khỏi những ngăn cách trắc trở. Tin và Yêu giống như giòng thác nước. Càng gặp đập ngăn cản càng dâng lên cao. Càng dâng lên cao sức mạnh càng tăng. Và khi đổ ào xuống sẽ phát sinh công hiệu quả lớn. Tin và Yêu giống như chiếc chìa khoá vạn năng có thể mở được mọi cánh cửa. Mở được cánh cửa Nước Trời. Mở được cả tâm hồn Thiên Chúa.

Trong bối cảnh của Năm Thánh Thể, thái độ người phụ nữ ngoại đạo khiến ta liên tưởng đến Đức Mẹ, người phụ nữ Thánh Thể. Người phụ nữ ngoại đạo này là một bà mẹ hiền. Vì thương con đói khổ nên bà đã lặn lội đi tìm tấm bánh về nuôi con. Vì thương con nên bà chấp nhận tất cả mọi vất vả, khổ cực, nhục nhã. Và Chúa đã thưởng công bà. Bà chỉ mong tìm được những mẩu bánh vụn dư thừa từ bàn chủ rơi xuống. Nhưng Chúa đã ban cho bà trọn vẹn tấm bánh thơm ngon của những đứa con. Bà chỉ mong được như lũ chó con chực chờ thức ăn dư thừa từ bàn chủ rơi xuống. Nhưng Chúa đã cho bà và con gái bà được đồng bàn với con cái Chúa. Chúa đã ban cho bà tấm bánh hạnh phúc. Đó là tấm bánh cứu độ. Cho bà được gia nhập gia đình Chúa, trở nên con cái Chúa. Bà đã mở được đường lên Nước Trời, đã làm cho Chúa thay đổi chương trình, thu nhận dân ngoại vào Nước Chúa.

Cũng thế, Đức Mẹ là người mẹ rất hiền từ. Vì thương yêu chúng ta nên Mẹ cũng lặn lội đi tìm cho ta tấm bánh hạnh phúc. Mẹ đã trao ban cho ta tấm bánh cứu độ. Đó chính là Chúa Giêsu Kitô. Nếu hiểu rằng Thịt Máu Chúa Giêsu Thánh Thể cũng chính là thịt máu Mẹ đã cưu mang trong lòng, ta mới rõ Đức Mẹ là người Mẹ hiền đã tìm cho con cái tấm bánh cứu độ thơm ngon hạnh phúc. Và để có được tấm bánh đó, Đức Mẹ đã phải chịu rất nhiều vất vả, đau đớn, khổ nhục như lời tiên tri Simêon tiên báo: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà”. Chính nhờ Mẹ, ta được ăn bánh các thiên thần, được đồng bàn với thần thánh, được nên con Thiên Chúa.

Không những ban cho ta tấm bánh cứu độ, Đức Mẹ còn dạy ta sống bí tích Thánh Thể trong đức tin và tình yêu.

Đức Mẹ dạy ta hãy tin thật Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, noi gương Mẹ khi xưa nghe lời thiên thần truyền tin đã hoàn toàn tin rằng bào thai trong lòng Mẹ là Con Thiên Chúa. 

Đức Mẹ dạy ta hãy tin vào quyền năng của Chúa. Như xưa tại tiệc cưới Cana, Mẹ đã bảo các gia nhân: “Người bảo gì thì hãy cứ làm theo”. Hôm nay, trong Năm Thánh Thể, Đức Mẹ cũng muốn nói với ta: Nếu Chúa đã dạy: “ Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, thì hãy sốt sắng tin tưởng cử hành bí tích Thánh Thể. Hãy vững tin vì Đấng đã có thể biến nước lã hoá thành rượu ngon cũng có thể làm cho bánh và rượu trở nên Thịt Máu Người. 

Đức Mẹ dạy ta hãy luôn hướng về bí tích Thánh Thể như xưa Mẹ đã theo Chúa Giêsu trên mọi bước đường, dù gian nan khổ cực.

Đức Mẹ dạy ta dâng mình làm hy lễ. Như xưa Mẹ đã đứng dưới chân Thánh giá, cùng Chúa Giêsu dâng hiến những đau khổ làm hy lễ dâng Thiên Chúa Cha. Và cũng như xưa Đức Mẹ đã đem Chúa Giêsu đến với bà Elisabet, đem lại niềm vui lớn lao cho bà, vì đã cho Thánh Gioan Baotixita được khỏi tổ tông truyền khi còn trong lòng mẹ, Đức Mẹ cũng dạy ta khi sống bí tích Thánh Thể, hãy trở nên những nhà tạm sống động đem Chúa Giêsu Thánh Thể đến khắp mọi nơi, đem ơn cứu độ đến cho mọi người.

Hôm nay khi cho người phụ nữ ngoại đạo được tấm bánh của con cái, được đồng bàn với con cái Chúa, Chúa cho bà được gia nhập dân riêng Chúa. Điều đó nhắc nhở ta khi sống bí tích Thánh Thể cũng hãy chăm lo việc truyền giáo, đi quy tụ nhiều người về bàn tiệc Thánh Thể, vào dự tiệc Nước Trời. Đức Mẹ La Vang luôn quan tâm đến việc truyền giáo, nên Mẹ không ngừng yêu thương và ban ơn lành cho những lương dân chạy đến với Mẹ. Trong những buổi cử hành sắp tới, ta sẽ được nghe những chứng từ rất sống động về tình thương của Mẹ. 

Đức Mẹ là thầy dạy về bí tích Thánh Thể một cách tuyệt hảo. Chính vì thế, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đệ nhị khuyên mời ta hãy đến nơi trường của Đức Mẹ. Hôm nay, họp nhau đông đảo về đây, ta hãy tạ ơn Mẹ La Vang đã ban cho ta Chúa Giêsu là tấm bánh cứu độ hạnh phúc. Ta hãy xin Mẹ dạy ta biết sống bí tích Thánh Thể trong cuộc đời. Hãy noi gương Mẹ đem Thánh Thể đến khắp các nẻo đường, quy tụ một dân đông đảo về dự tiệc Thánh Thể, dự tiệc Nước Chúa. Lạy Mẹ La Vang xin nhận lời chúng con. Amen. 

GỢI Ý CHIA SẺ

  1. Bí quyết nào khiến bà mẹ ngoại đạo đạt được ước nguyện?
  2. Người phụ nữ ngoại đạo nêu gương cầu nguyện cho ta thế nào?
  3. Đức Mẹ đã sống đức tin vào tình yêu thế nào trong cuộc đời?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Chướng ngại

Chướng ngại

Trên chuyến xe lửa tiến về Paris, một anh sinh viên trẻ ngồi bên cạnh một cụ già. Sau khi đoàn tàu chuyển bánh, cụ già rút trong túi áo ra một cỗ tràng hạt và từ từ chìm đắm trong việc cầu nguyện.

Anh sinh viên nhìn cụ già với vẻ khinh bỉ. Một lát sau anh nói: – Thưa ông, ông vẫn còn tin vào những chuyện nhảm nhí à?

Cụ già thản nhiên đáp:

– Đúng vậy, tôi vẫn tin. Còn cậu, cậu không tin sao?

Anh sinh viên cười ngạo nghễ rồi nói:

– Lúc còn con nít tôi có tin. Nhưng bây giờ khoa học đã mở mắt cho tôi và tôi không thể tin được nữa. Ông hãy quăng xâu chuỗi ấy đi và hãy học hỏi những khám phá mới, ông sẽ thấy những gì ông tin từ trước đến giờ đều là mê tín dị đoan.

Cụ già khiêm tốn hỏi:

– Cậu vừa nói về những khám phá khoa học mới. Cậu có thể giúp tôi hiểu được những khám phá ấy?

Anh sinh viên hăng hái trả lời:

– Được chứ. Ông cứ cho tôi địa chỉ, tôi sẽ gửi tặng ông những cuốn sách khoa học rồi ông sẽ thấy sự phong phú kỳ diệu của nó.

Cụ già rút trong túi ra một tấm danh thiếp và đưa cho anh sinh viên. Đọc qua tấm danh thiếp, anh thanh niên tái mặt và lặng lẽ cúi đầu đi sang toa khác, bởi vì trên tấm danh thiếp có ghi: Louis Pasteur, viện nghiên cứu khoa học Paris. Ông Louis Pasteur là một nhà bác học đã có nhiều phát minh trong lãnh vực hóa học và sinh vật học. Chính ông đã tìm ra thuốc chích ngừa bệnh chó dại. Dù thông thái như thế, nhưng ông vẫn khiêm tốn nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Tối Cao, vẫn nỗ lực tìm kiếm Chúa để sống gắn bó với Người. Vì thế ông đã nghe được tiếng Chúa và đón nhận được những mặc khải của Người.

Còn anh sinh viên kia khả năng và sự hiểu biết không được bao nhiêu, nhưng đã tỏ ra kiêu căng tự phụ về sự hiểu biết ấy. Sự kiêu căng của anh đã che khuất đi khuôn mặt của Thiên Chúa, đã làm át đi tiếng nói của Người trong tâm hồn anh. Chính vì thế anh đã không thể nhận ra dung mạo của Thiên Chúa, không nghe được tiếng nói của Người trong cuộc đời mình.

Thời đại hôm nay nền khoa học kỹ thuật tiến bộ vượt bực. Cuộc sống kinh tế của con người càng ngày càng phát triển. Người ta giàu có hơn, đầy đủ tiện nghi hơn. Nhưng tất cả những tiến bộ và phát triển ấy không đủ để phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa và niềm tin tôn giáo. Chỉ có điều là người ta quá tự hào về những thành quả khám phá của mình, tự hào về sự giàu sang của mình. Và sự tự hào ấy đã ngăn cản, đã che mờ đôi mắt làm họ không còn nhận ra được những mặc khải của Thiên Chúa cho họ.

Phần chúng ta thì sao? Chúng ta chọn thái độ của nhà bác học Louis Pateur hay của anh sinh viên trong câu chuyện trên?

Sưu tầm