Hơn 1 triệu tín hữu dự lễ với Đức Thánh Cha tại Bogotà

Hơn 1 triệu tín hữu dự lễ với Đức Thánh Cha tại Bogotà

BOGOTÀ. Chiều thứ năm, 7-9-2017, hơn 1 triệu tín hữu đã tham dự thánh lễ đầu tiên ĐTC Phanxicô cử hành tại thủ đô Bogotà trong chuyến viếng thăm của ngài tại Colombia.

Thánh lễ này là biến cố đông đảo nhất trong ngày hoạt động đầu tiên của ĐTC tại thủ đô của Colombia. Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, ông Greg Burke, cho biết số người đến dự lễ là hơn 1 triệu người: họ đứng đầy công viên và tràn ra các đường bên ngoài, tham dự thánh lễ qua các màn hình khổng lồ. Trong số các tín hữu hiện diện cũng có các nhóm trẻ em khuyết tật và những em gặp khó khăn. Đặc biệt tổng thống Manuel Santos và phu nhân cùng với nhiều quan chức chính quyền cũng có mặt tại buổi lễ.

Đồng tế với ĐTC có khoảng 200 GM Colombia và quốc tế, cùng với hàng ngàn linh mục.

Bài giảng Thánh Lễ

Thánh lễ có chủ đề là: ”Những người xây dựng hòa bình, thăng tiến sự sống”. Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã dựa vào bài Tin Mừng theo thánh Luca (5,1-11) thuật lại sự tích thánh Phêrô và các bạn ngư phủ vất vả cả đêm mà không bắt được con cá nào, nhưng nghe lời Chúa Giêsu, ông đã thả lưới và bắt được mẻ cá lạ lùng. Cá nhiều đến độ các ông phải gọi những người chài từ các thuyền khác đến giúp. Sau biến cố này, Phêrô đã bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu. Từ những chi tiết trong bài Phúc Âm, ĐTC đã áp dụng vào hoàn cảnh của Colombia và nói rằng:

”Ở đây cũng như những nơi khác trên thế giới, có những bóng đen dầy đặc đe dọa và phá hủy sự sống: bóng đen bất công và chênh lệch xã hội, bóng đen thối nát vì những tư lợi bản thân hoặc phe phái, tiêu thụ một cách ích kỷ và vô độ những gì vốn được dành để mưu an sinh cho tất cả mọi người; những bóng đen do sự thiếu tôn trọng sự sống con người, đốn ngã hằng ngày cuộc sống của bao nhiêu người vô tội và máu họ kêu thấu tới trời; những bóng đen do sự khao khát báo thù và oán hận, làm vấy máu những bàn tay của những kẻ tự mình thi hành công lý; những bóng đen của những kẻ không còn nhạy cảm trước đau khổ của bao nhiêu nạn nhân. Tất cả những bóng đen đó, Chúa Giêsu đã phá tan và hủy diệt chúng với mệnh lệnh Ngài truyền cho Phêrô: ”Hãy ra khơi” (Lc 5,4).

ĐTC cảnh giác rằng: ”Chúng ta không để đi vào những cuộc tranh luận vô tận, kiểm điểm những toan tính đã thất bại, và liệt kê những cố gắng chẳng dẫn tới đâu; như Phêrô, chúng ta biết thế nào là kinh nghiệm làm việc mà không có kết quả nào. Cả đất nước này cũng biết thực tại ấy, khi mà trong thời kỳ 6 năm, ban đầu, đã có 16 vị tổng thống, và đã trả giá đắt đỏ vì sự chia rẽ của mình; cả Giáo Hội ở Colombia cũng trải qua kinh nghiệm về bao nhiêu dấn thân mục vụ vô ích và không kết quả… nhưng như Phêrô, chúng ta cũng có khả năng tín thác nơi Thầy, Lời của Ngài khơi dậy thành công phong phú, thậm chí cả nhừng nơi mà nghịch cảnh bóng đen của con người làm cho bao nhiêu cố gắng vất vả không có kết quả. Phêrô là người nhất quyết đón nhận lời mời của Chúa Giêsu, bỏ mọi sự mà theo Chúa, để biến thanh một ngư phủ mới, với sứ mạng dẫn dắt anh em mình về Nước Thiên Chúa, nơi mà sự sống được sung mãn và hạnh phúc”.

ĐTC đặc biệt mời gọi dân chúng tại Bogotà và Colombia, noi gương thánh Phêrô, ra khơi, thả lưới. Ngài nói:

Tại Bogotà và Colomgia này đang có một cộng đoàn vô biên đang tiến hành, họ được mời gọi trở thành một mạng lưới vững chắc gồm tóm tất cả trong tình hiệp nhất, làm việc để bảo vệ và chăm sóc sự sống con người, đặc biệt là sự sống mong manh và dễ bị tổn thương nhất: sự sống trong lòng mẹ, trong thời thơ ấy, trong tuổi già, trong tình cảnh khuyết tật và trong những tình trạng ở ngoài lề xã hội. Cộng đoàn đông đảo dân chúng sống ở Bogotà và Colombia cũng có thể trở thành những cộng đoàn đích thực, sinh động, công chính và huynh đệ, nếu họ lắng nghe và đón nhận Lời Chúa.

Tiếp tục bài giảng, ĐTC nói rằng:

”Như những ngư phủ, chúng ta cần phải gọi nhau, gởi những tín hiệu cho nhau, tái coi nhau như anh em, như những người đồng hành, nhữ những người cùng phục vụ một công trình chung là tổ quốc. Đồng thời Bogotà và Colombia là bờ hồ, là biển khơi, là những thành thị Chúa Giêsu đã và đang đi qua, để cống hiến sự hiện diện và lời phong phú của Ngài, để dẫn chúng ta ra khỏi bóng đen và đưa chúng ta đến ánh sáng và sự sống. Tất cả hãy gọi nhau để không một ai còn bị bỏ mặc cho bão tố; đưa tất cả các gia đình lên thuyền, như cung thánh của sự sống; dành chỗ cho công ích, vượt lên trên những lợi lộc nhỏ nhen hoặc phe phái, đảm trách những người yếu thế nhất bằng cách thăng tiến các quyền lợi của họ..

Và ĐTC kết luận rằng: Như Ngài đã làm với Simon, Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta hãy ra khơi, ngài thúc đây chúng ta chia sẻ rủi ro, từ bỏ những ích kỷ của mình và đi theo Chúa; từ bỏ những sợ hãi không đến từ Thiên Chúa, chúng làm cho chúng ta bị tê liệt và trì hoãn mệnh lệnh cấp thiết là trở thành những người xây dựng hòa bình, thăng tiến sự sống”

Trong lời cám ơn ĐTC cuối thánh lễ, ĐHY Rubén Salazar, TGM Bogotà cũng nói đến những cuộc tấn công chết chóc từ lâu vây bủa Colombia.

Như thói quen, ĐTC đã tặng cho Nhà thờ chính tòa tổng giáo phận Bogotà một chén lễ quí giá.

Và khi ngài từ công viên Simon Bolivar về Tòa Sứ thần Tòa Thánh cách đó 6 cây số, dọc đường cũng có rất đông các tín hữu đứng hai bên đường để chào đón ngài, trong khi đó thành phố cho bắn pháo bông để chào mừng cuộc viếng thăm của ĐTC. Trước Tòa Sứ Thần, ngài đã chào thăm một nhóm các trẻ em, người già và cả những người khuyết tật.

G. Trần Đức Anh OP

Các Giám Mục Hoa Kỳ trợ giúp 6 triệu mỹ kim cho các nước Mỹ Latinh và Haiti

Các Giám Mục Hoa Kỳ trợ giúp 6 triệu mỹ kim cho các nước Mỹ Latinh và Haiti

WASHINGTON: Tổ chức bác ái của HĐGM Hoa Kỳ đã quyết định dành ra ngân khoản 6 triệu mỹ kim để trợ giúp  các Giáo Hội châu Mỹ Latinh, vùng quần đảo Caraibi và Haiti.

Trong ngân khoản nói trên có 4 triệu được dùng để tài trợ cho 244 dự án của Giáo Hội các nước châu Mỹ Latinh. Chẳng hạn bên Argentina có “Trung tâm trợ giúp sự sống đang sinh ra” hoạt động trong 21 giáo phận toàn nước trong việc thăng tiến săn sóc và bênh vực sự sống từ lúc thụ thai, giúp các bà mẹ mang thai, giúp họ hiểu biết phẩm giá của chức vụ là cha mẹ. Các trung tâm này cũng có các khoá giáo dục đào tạo về nhân phẩm và phát động ý thức cho dân.

Tại Haiti ngoài việc tái thiết nhiều cơ sở bị sập trong trân động đất hồi năm 2010, còn có chương trình đào tạo 400 nhân viên mục vụ của 4 giáo xứ bị tàn phá bởi trận bão Matthew. Các khoá học kéo dài 3 ngày, và các học viên tham dự nhiều sinh hoạt khác nhau gồm cả việc tham dự thánh lễ và cầu nguyện.

ĐC Eusebio Ellizondo, Giám Mục phụ tá Seatle, chủ tịch tiểu ban Giáo Hội châu Mỹ Latinh cho biết sở dĩ HĐGM có thể tài trợ các dự án nói trên là nhờ sự  đóng góp quảng đại của tín hữu công giáo toàn Hoa Kỳ trong các lần lạc quyên cho các Giáo Hội châu Mỹ Latinh. Nhờ ngân khoản quyên được Ủy ban mới có thể tài trợ việc tái thiết nhiều nhà thờ trong vài giáo phận Haiti.

Trong số các dự án cũng còn có việc đào tạo hàng giáo dân lãnh đạo, các chủng sinh và tu sĩ, tài trợ mục vụ nhà tù, mục vụ giới trẻ. Hàng năm cuôc lạc quyên cho các Giáo Hội châu Mỹ Latinh được tổ chức vào ngày Chúa Nhật cuối cùng của tháng giêng (REI 1-8-2017)

Linh Tiến Khải

 

Giáo hội Italia trợ giúp 1 triệu euro để cứu trợ cho Nam Sudan

Giáo hội Italia trợ giúp 1 triệu euro để cứu trợ cho Nam Sudan

Hội đồng Giám mục Italia trích một triệu euro từ số tiền thuế 8/1000 dành cho Giáo hội để trợ giúp những người di tản và nạn nhân của cuộc xung đột đẫm máu tại Nam Sudan.

Hôm nay, 17/03, văn phòng quốc gia của ủy ban truyền thông xã hội của Hội đồng Giám mục đã thông báo rằng “số tiền, qua Caritas Italia, sẽ trợ giúp các hoạt động về sức khỏe và dinh dưỡng của Hội bác sĩ châu Phi Cuamm, bệnh viện của dòng Comboniano ở Wau và cac dự án tái thiết xã hội kinh tế của Caritas địa phương.

Nước Cộng hòa Nam Sudan được độc lập từ năm 2011, “đang sống trong cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng nhất tại lục địa châu Phi do cuộc xung đột từ năm 2013 và các bạo lực do quân đội gây ra cho dân chúng.

Theo Liên hiệp quốc, có khoảng 100 ngàn người đang có nguy cơ chết đói, trong khi 5,5 triệu người có thể cũng lâm  vào cùng tình cảnh này vào cuối năm nay. Gần 2 triệu người chạy trốn chiến tranh và cần trợ giúp nhân đạo.

Caritas Italia. (Avvenire 17/03/2017)

Hồng Thủy

Gần 4 triệu tín hữu tham dự các sinh hoạt của Đức Thánh Cha

Gần 4 triệu tín hữu tham dự các sinh hoạt của Đức Thánh Cha

gan-4-trieu-tin-huu-tham-du-cac-sinh-hoat-cua-duc-thanh-cha

VATICAN. Trong năm 2016, có gần 4 triệu tín hữu đã tham gia các buổi tiếp kiến, các buổi lễ và các buổi đọc kinh với ĐTC tại Vatican.

Trong thông cáo công bố hôm 29-12-2016, Phủ Giáo Hoàng cho biết con số 3 triệu 952 ngàn tín hữu tham dự các sinh hoạt của ĐTC tại Vatican không kể hàng triệu người khác gặp gỡ ngài trong các cuộc viếng thăm mục vụ tại Italia và nước ngoài như ở Mexico, đảo Lesvos bên Hy Lạp, Armeni, Ba Lan, Georgia, Azerbaigian và Thụy Điển.

Trong số những người gặp ĐTC tại Vatican, đông nhất là 1 triệu 650 ngàn người dự các buổi đọc kinh Truyền Tin và Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng tại Quảng trường Thánh Phêrô, 924 ngàn người dự các buổi cử hành phụng vụ, 762 ngàn người dự các buổi tiếp kiến chung thứ tư hằng tuần, và 446 ngàn người dự các buổi tiếp kiến đặc biệt trong năm thánh, thường là vào sáng thứ bẩy, mỗi tháng 1 lần. Ngoài ra có gần 170 ngàn người dự các buổi tiếp kiến đặc biệt của ĐTC (SD 29-12-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Tài khoản Instagram của ĐGH đạt 3 triệu người theo dõi

Tài khoản Instagram của ĐGH đạt 3 triệu người theo dõi

Tài khoản Instagram của ĐGH trên một điện thoại di động

Sau 20 tuần sử dụng với 143 “post”, bao gồm các video, tài khoản Instagram của Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đạt đến con số hơn 3 triệu người theo dõi (followers).

Trong khi tài khoản Twitter của Đức Giáo hoàng được đăng bằng 9 ngôn ngữ khác nhau, tài khoản Instagram chỉ có một, nhưng mỗi “post” có phụ đề bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Các followers của tài khoản @franciscus có thể theo dõi các hoạt động của Đức Thánh Cha nhờ các hình chụp các sự kiện chính thức do các thợ chụp hình của báo Osservatore Romano thực hiện.

Vào đầu năm nay, khi tài khoản Twitter của Đức Thánh Cha bắt đầu hoạt động, Đức ông Dario Viganò, Bộ trưởng bộ Truyền thông cho biết: quyết định mở một tài khoản Instagram xuất phát từ việc Đức Giáo hoàng chắc chắn là các hình chụp có thể bày tỏ nhiều điều mà ngôn ngữ không thể làm được. Mục đích của tài khoản Instagram của Đức Giáo hoàng là kể về lịch sử triều đại Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô qua các hình ảnh. (RV 8/8/2016)

Hồng Thủy Op

Toàn câu có gần 50 triệu nô lệ, 60% ở Á châu

Toàn câu có gần 50 triệu nô lệ, 60% ở Á châu

Nô lệ trẻ em

Sydney – Hôm nay, Walk Free Foundation, một tổ chức bác ái do vợ chồng tỷ phú Andrew và Nicole Forrest thành lập, đã công bố số liệu thống kê về các nô lệ "thời hiện đại" toàn cầu. Trên thế giới hiện có ít nhất 45.8 triệu nô lệ; 2/3 trong số các nô lệ nam nữ, già trẻ này nằm ở vùng châu Á Thái bình dương. Á châu có số nô lệ đông nhất, khoảng 26.6 triệu – chiếm 58% tổng số nô lệ toàn cầu. Đó là số liệu do Global Slavery Index 2016 cung cấp.

Trong số 167 quốc gia, 5 quốc gia thuộc Á châu đứng đầu về số nô lệ tính theo phần trăm dân số, đó là: Bắc Triều tiên, Uzbekistan, Campuchia, Ấn độ và Qatar. Ở Bắc Triều tiên, nơi mạng lưới lao động cưỡng bức  ngày càng trở thành một phần của hệ thống sản xuất quốc gia. Đồng thời, hàng ngàn phụ nữ Bắc Triều tiên bị bán sang Trung quốc để làm vợ hay nô lệ tình dục. Ít nhất 4.37% dân nước này phải làm nô lệ. Ở Uzbekistan thì chính quyền buộc dân chúng thu hoạch bông vải mỗi năm. Cũng có khoảng 1.36% trên tổng số 2.3 triệu dân Qatar phải làm nô lê, đa số trong ngành công nghiêp xây dựng. Phần lớn các nô lệ nhập cư này đến từ Ấn độ, Nepal, Philippines, Sri Lanka và Bangladesh.

Nhưng nếu tính về số lượng thì các nước sau đây đứng đầu:  Ấn độ, Trung quốc, Pakistan, Bangladesh và Uzbekistan. Ấn độ đứng đầu với 18 triệu 350 ngàn người sống như nô lệ, rồi đến Trung quốc với 3,39 triệu, Pakistan có 2.13 triệu và Uzbekistan có 1.23 triệu. Nhiều nước đã dùng chế độ nô lệ cho hệ thống lao công rẻ tiền để sản xuất các sản phẩm cho thị trường ở Âu châu, Nhật, Bắc Mỹ và Úc.

Thống kê cho thấy tình trạng ở Hồng kông còn tồi tệ hơn Trung quốc, vì họ có ít chính sách bảo vệ những người ít tự vệ như phụ nữ, trẻ em hay nhập cư, khỏi trở thành nô lệ. Thậm chí người ta nghi ngờ là chính quyền có chính sách làm cho chế độ nô lệ dễ dàng hơn.

Theo các nhà nghiên cứu, có 3 lý do nuôi dưỡng ngành kinh doanh nô lệ: việc tìm kiếm giá thành sản phẩm thấp hơn; các tổ chức buôn nô lệ; và sự bóc lột con người bởi con người.

Theo Andrew Forrest, luật cấm nô lệ chống lại 3 yếu tố này, nhưng cũng đòi hỏi cộng đồng kinh doanh một sự trong sáng hơn về nơi chốn và cách thức tạo ra các sản phẩm mà họ bán. Có một cam kết quan trọng khác cũng là trách nhiệm của mỗi người: từ bỏ việc tiêu thụ được thúc đẩy bởi các sản phẩm với giá thành rẻ. (Asia News 31/5/2016)

Hồng Thủy OP

Tu sĩ dòng Biển Đức bị công an triệu tập với lý do phá rừng

Tu sĩ dòng Biển Đức bị công an triệu tập với lý do phá rừng

Tượng Đức Mẹ trong khuôn viên đan viện Biển Đức ở Thiên AnTượng Đức Mẹ trong khuôn viên đan viện Biển Đức ở Thiên An

Ba đan sĩ dòng Biển Đức ở miền Trung Việt Nam từ chối làm việc với công an vì giấy triệu tập buộc tội họ phá rừng.

Các đan sĩ Trương Thắng, Phạm Ngọc Hoàng và Phan Văn Giao bị công an thị xã Hương Thủy triệu tập hôm 22-2 với lý do chặt cây thông trong khuôn viên đan viện Biển Đức ở Thiên An hôm 2-1. Đan viện cách trung tâm Huế khoảng 10 km.

“Ba đan sĩ không chịu lên làm việc với công an vì họ chỉ làm việc trong vườn theo lệnh của bề trên phụ trách tất cả các vấn đề liên quan đến đan viện”, đan sĩ dòng Biển Đức Stanislas Trần Minh Vọng, 80 tuổi, nói với chúng tôi.

Thầy Vọng sống tại đan viện 63 năm nay, cho biết ba đan sĩ chặt 15 cây thông trong vườn cam vì sợ hoa thông làm hư cam. Đất này thuộc sở hữu của đan viện.

Trong khi chặt cây, “có khoảng 200 nhân viên, công an, dân phòng, cán bộ lâm trường và những người khác đột nhiên kéo đến đan viện, quay phim, đe dọa và chửi bới”, thầy cho biết.

Truyền thông nhà nước đưa tin các đan sĩ dòng Biển Đức khai hoang 700 mét vuông rừng thông do công ty lâm nghiệp nhà nước quản lý, và dùng dao đe dọa các nhân viên đến hiện trường.

Thầy Vọng bác bỏ những lời cáo buộc đó và nói “đan sĩ dòng Biển Đức chưa bao giờ làm cướp”.

Thầy kể đan sĩ dòng Biển Đức đến nơi này năm 1940 và canh tác trồng trọt trên 107 hécta đất, và nhà dòng vẫn còn giữ giấy công nhận quyền sỡ hữu đất. Sau năm 1975, chính quyền cộng sản “mượn” 57 hécta đất của đan viện và giao cho công ty lâm nghiệp.

Năm 2000, chính quyền tịch thu số đất còn lại và giao cho một công ty du lịch, nhưng cho phép nhà dòng giữ lại 6 hécta, trong đó có đan viện và vùng đất trồng cam và rừng thông.

Người dân địa phương cho  biết trước đây chính quyền địa phương đã tịch thu đất của dòng Biển Đức, và cấp đất cho các quan chức bán lại cho người khác xây nhà và xây chùa.

Cha Antôn Nguyễn Văn Đức, bề trên đan viện, nói trong đơn kiến nghị rằng dòng Biển Đức có quyền hợp pháp sở hữu và sử dụng 107 hécta đất và chính quyền địa phương không có quyền định đoạt số đất này.

Ngài nói đây là vụ cố ý vu khống nhà dòng.

UCANEWS-VN

Hơn 1 triệu người hành hương Roma trong 1 tháng Năm Thánh

Hơn 1 triệu người hành hương Roma trong 1 tháng Năm Thánh

Hành hương Vatican

ROMA. 1 triệu 25 ngàn tín hữu đã đến hành hương tại Roma trong vòng một tháng từ khi Năm Thánh Lòng thương xót được khai mạc ngày 8-12 vừa qua.

Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, là cơ quan điều hành tổ chức Năm Thánh, cho biết như trên trong một bài đăng trên báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh, số ra ngày 9-1-2015. Đức TGM nhắc lại ý nghĩa việc hành hương và bước qua Cửa Năm Thánh: trong bài giảng hôm lễ khai mạc và mở cửa Năm Thánh, ĐTC Phanxicô nói: ”Bước qua cửa này có nghĩa là khám phá chiều sâu Lòng Thương Xót của Chúa Cha, Đấng mà mọi người đón nhận và Chúa đích thân gặp gỡ mỗi người. Chính Chúa tìm kiếm chúng ta! Chính Chúa đến gặp chúng ta! Đây sẽ là một năm trong đó chúng ta gia tăng xác tín về lòng thương xót.. Tiếc qua cửa Năm Thánh làm cho chúng ta cảm thấy mình được tham dự vào mầu nhiệm tình thương và dịu dàng này. Chúng ta từ bỏ mọi hình thức sợ hãi và kinh khiếp, vì thái độ đó không hợp với người được yêu thương; đúng hơn, chúng ta sống niềm vui được gặp ân thánh biến đổi mọi sự”.

Đức TGM Fisichella cũng giải thích rằng: ”ĐGH Phanxicô mong muốn Năm Thánh trước tiên là một biến cố của Giáo Hội được sống trong mỗi giáo phận, để tái khám phá sức mạnh của lòng thương xót trong đời sống thường nhật của các tín hữu. Một dấn thân cụ thể để làm cho mỗi phương thế của lòng thương xót đối với mỗi người trở nên hữu hình. Từ các nơi trên thế giới chúng tôi nhận được những chứng từ cảm động về sự tham gia đông đảo của các tín hữu nhân dịp mở Cửa Năm Thánh trong các Giáo hội địa phương. Các Nhà thờ chính tòa và các Đền thánh không đủ để đón tiếp hết làn sóng tín hữu. Họ đứng đầy quảng trường trong khi chờ đợi đến lượt tiến qua Cửa Năm Thánh… Sự hiện diện đông đảo ấy của dânchúng chứng tỏ rằng sứ điệp về cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô và cơ hội cảm nghiệm sự dịu dàng và tha thứ của Thiên Chúa được cảm thấy như một nhu cầu của mỗi người để mang lại ý nghĩa cho cac biến cố bi thảm của lịch sử những năm gần đây”.

Các vị hữu trách tại thành phố Roma dự kiến sẽ có khoảng 33 triệu người đến hành hương tại đây cho đến cuối Năm Thánh, vào ngày 20-11 năm nay.

Theo Đức TGM Fisichella, những con số không phải là quan trọng trong chiều kích thiêng liêng, nhưng nó cũng là dấu chỉ một sự tham gia khẩn trương. Ngoài ra, sự kiện những đoàn tín hữu cầm thánh giá bước đi trên con đường Hòa Giải để tiến về Cửa Năm Thánh ở Đền thờ Thánh Phêrô là một chứng tá đức tin gây cảm động và không để cho người ta cảm thấy dửng dưng”.

Đức TGM Fisichella ca ngợi các biện pháp an ninh tại Roma và các vị hữu trách vẫn quan tâm làm sao để các buổi lễ được tiến hành trong yên hàn. (Oss.Rom. 9-1-2016)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Hơn 1 triệu người dự Thánh Lễ với Đức Thánh Cha tại Guayaquil

Hơn 1 triệu người dự Thánh Lễ với Đức Thánh Cha tại Guayaquil

GUAYAQUIL. Sáng ngày 6-7-2015, ĐTC Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại Guyaquil, Ecuador, trước sự tham dự của hơn 1 triệu tín hữu.

Ngày thứ hai trong chuyến viếng thăm mục vụ tại Nam Mỹ, ĐTC đã rời thủ đô Quito đáp máy bay từ cao độ 2850 mét xuống Guayaquil cách đó 265 cây số và chỉ cao hơn mặt biển 4 mét. Đây thành phố lớn nhất của Ecuador với hơn 3 triệu 600 ngàn dân cư. Đây cũng là trung tâm thương mại lớn nhất của nước này với hải cảng bên bờ Thái bình dương.

Đến nơi vào lúc gần 10 giờ sáng, ĐTC đi tới Đền thánh quốc gia kính Lòng Thương Xót Chúa, là nơi thờ phượng đứng thứ hai của tổng giáo Guayaquil mới hoàn thành cách đây 2 năm, với thánh đường cao 29 mét, chứa được 2.300 người.

Sau khi kính viếng Mình Thánh Chúa và ảnh Lòng Thương Xót Chúa, ĐTC đã cùng mọi người hiện diện đọc kinh Kính Mừng trước khi ban phép lành cho họ, rồi tới tới công viên Los Samanes rộng 379 hécta, cách đó 25 cây số để cử hành thánh lễ cho hơn một triệu tín hữu tụ tập tại đây, dù trời nóng nực.

Thánh lễ cầu nguyện cho các gia đình. Đồng tế với ĐTC có 40 GM Ecuador cùng với hàng chục GM khách và hàng trăm linh mục. Đặc biệt trong buổi lễ, ĐTC đã dùng chiếc gậy mục tử đơn sơ bằng gỗ Oliu do các tù nhân ở San Remo, bắc Italia, làm tặng cho ngài và ngài đã sử dụng trong lễ lá năm nay ở Roma. Đầu gậy có thánh giá và huy hiệu Giáo Hoàng của ngài.

 Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng theo thánh Gioan thuật lại tiệc cưới Cana với sự hiện diện của Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong số các khách mời, và ngài rút ra những bài học từ thái độ của Mẹ Maria. Ngài nói:

”Tiệc cưới Cana được tái diễn trong mọi thế hệ, trong mỗi gia đình, trong mỗi người chúng ta và trong những cố gắng để tâm hồn chúng ta tìm được sự ổn định trong tình yêu lâu bền, phong phú và vui tươi. Chúng ta hãy dành chỗ cho Đức Maria, là Mẹ, như thánh sử Phúc Âm quả quyết. Cùng với Mẹ, chúng ta hãy thực hiện hành trình Cana.

-- Trước tiên, Mẹ Maria quan tâm để ý: trong tiệc cưới đã bắt đầu, Mẹ chú ý tới những nhu cầu của đôi tân hôn. Mẹ không tự cô lập vào mình, không tập trung vào thế giới riêng, trái lại, tình thương làm cho Mẹ để ý tới người khác. Và vì thế Mẹ thấy họ thiếu rượu. Rượu là dấu chỉ vui mừng, yêu thương, dồi dào. Bao nhiêu thiếu niên và người trẻ nhận thấy rằng trong gia đình họ từ lâu không còn thứ rượu ấy nữa! Bao nhiêu phụ nữ lẻ loi và buồn sầu tự hỏi khi nào tình yêu đã vuột mất khỏi đời sống của họ! Bao nhiêu người già cảm thấy bị bỏ ra ngoài các buổi lễ trong gia đình họ, bỏ vào một xó và từ nay chẳng còn lương thực yêu thương hằng ngày nữa! Sự thiếu rượu cũng có thể là hậu quả của tình trạng thiếu công ăn việc làm, bệnh tật, hoàn cảnh khó khăn mà các gia đình chúng ta đang trải qua. Mẹ Maria không phải là một bà mẹ ”yêu sách”, không phải là bà mẹ chồng canh chừng để thích thú vì những thiếu kinh nghiệm của chúng ta, những lầm lẫn hoặc vô ý. Mẹ Maria là mẹ! Mẹ hiện diện, quan tâm và ân cần.

-- Thứ hai: Mẹ Maria tín thác ngỏ lời với Chúa Giêsu, Mẹ cầu nguyện. Mẹ không đi gặp người chủ tiệc, nhưng trực tiếp trình bày khó khăn của đôi tân hôn với Con của Mẹ. Câu trả lời mà Mẹ nhận được có vẻ làm nản chí: “Thưa bà, có hệ gì đến con đâu? Giờ của con chưa tới” (v.). Nhưng trong khi đó Mẹ đã đặt vấn đề ở trong tay Chúa. Sự ân cần của Mẹ đối với những nhu cầu của người khác làm cho giờ của Chúa đến sớm hơn. Mẹ Maria là thành phần của giờ ấy, từ hang đá máng cỏ cho đến thập giá. Mẹ đã biết ”biến một hang bò lừa thành nhà của Chúa Giêsu, với một vài chiếc tã nghèo nàn, nhưng với một núi dịu dàng” (Tông Huấn Ev. gaudium, 286) và Mẹ đón nhận chúng ta như con cái khi một lưỡi gươm đâm thâu qua tim Mẹ, Mẹ dạy chúng ta đặt gia đình ở trong thay Thiên Chúa; cầu nguyện, nuôi dưỡng niềm hy vọng chỉ cho chúng ta thấy rằng những lo âu của chúng ta cũng là những lo âu của Thiên Chúa”.

Cầu nguyện luôn làm cho chúng ta ra khỏi vòng đai những lo âu của chúng ta, làm cho chúng ta đi xa hơn những gì làm cho chúng ta đau khổ, giao động hoặc thiếu thốn, và đặt chúng ta ở trong hoàn cảnh của người khác. Gia đình là trường học trong đó cầu nguyện cũng nhắc nhở chúng ta rằng có ”chúng ta”, có một tha nhân ở gần chúng ta: họ đang sống dưới cùng một mái nha, chia sẻ cuộc sống với chúng ta và có những điều cần thiết.

-- Mẹ Maria hành động. Câu nói của Mẹ: ”Các ông hãy làm điều mà Người bảo” (v.5), được gởi tới những người giúp việc, và cũng là một lời mời gọi được gửi đến chúng ta, hãy đặt mình để tùy Chúa Giêsu sử dụng, Ngài đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Phục vụ là tiêu chuẩn tình thương chân thực. Và điều này được đặc biệt học ở trong gia đình, nơi chúng ta trở nên người phục vụ vì yêu thương nhau.

ĐTC nói: ”Giữa lòng gia đình, không ai bị loại trừ; tại đó ”ta học cách khiêm tốn xin phép, nói cám ơn như biểu lộ sự quí chuộng vì những gì chúng ta nhận lãnh, làm chủ tính hung hăng hoặc ham hố của mình, và xin lỗi khi chúng ta làm điều gì sai trái. Những cử chỉ lịch sự chân thành bé nhỏ ấy giúp xây dựng một nền văn hóa đời sống chia sẻ và tôn trọng những gì chung quanh chúng ta” (Laudato sì, 213). Gia đình là nhà thương gần nhất, là trường học đầu tiên của các trẻ em, là điểm tham chiếu không thể thiếu được đối với người trẻ, là nhà dưỡng lão tốt nhất cho người già. Gia đình là một sự phong phú lớn cho xã hội mà các tổ chức khác không thể thay thế được, và phải được trợ giúp và tăng cường, để không bao giờ bị mất ý nghĩa đích thực của các dịch vụ mà xã hội cống hiến cho các công dân. Thực vậy, các dịch vụ ấy không phải là một hình thức bố thí, nhưng là một món nợ xã hội thực sự đối với định chế gia đình giúp ích rất nhiều cho công ích.

ĐTC quả quyết rằng:

“Gia đình cũng họp thành một Giáo Hội nhỏ, một Giáo Hội tại gia, ngoài sự sống, gia đình cũng thông truyền sự dịu hiền và lòng thương xót của Chúa. Trong gia đình đức tin được trộn lẫn với sữa me: khi cảm nghiệm tình thương của cha mẹ, người ta cảm thấy gần gũi tìnhthương của Thiên Chúa.

 ”Trong gia đình, các phép lạ được thực hiện với điều có được, với những gì chúng ta có, nhiều khi không phải là lý tưởng, không phải là điều chúng ta mơ ước và cũng chẳng phải là điều lẽ ra phải như vậy. Rượu mới của các tiệc cưới Cana nảy sinh từ vò thanh tẩy, có nghĩa là từ nơi mà tất cả đã từ bỏ tội lỗi của họ: ”Nơi nào nhiều tội thì ơn thánh càng dồi dào hơn” (Rm a5,20). Trong mỗi gia đình chúng ta và trong đình chung mà tất cả chúng ta họp thành, không có gì bị gạt bỏ, không gì là vô ích. Ít lâu trước khi bắt đầu Năm Thánh Lòng Thương Xót, Giáo Hội sẽ cử hành Thượng HĐGM khóa thường lệ về gia đình, để chín mùi phân định đích thực tinh thần và tìm ra những giải pháp cụ thể cho nhiều khó khăn và nhữgn thách đố quan trọng mà gia đình phải đương đầu ngày nay. Tôi mời gọi anh chị em gia tăng cầu nguyện cho ý hướng đó để thậm chí cả những gì chúng ta thấy có vẻ là không tinh tuyền, làm cho chúng ta thấy là gương mù hoặc khiến cho chúng ta kinh hãi, Thiên Chúa, có thể biến nó thành phép lạ, khi đưa nó đi qua giờ của Ngài.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Tất cả bắt đầu vì họ không còn rượu nữa, và tất cả đã có thể được thực hiện vì một phụ nữ -- là Đức Trinh Nữ -- quan tâm ân cần, biết đặt trong bàn tay Chúa những lo lắng của Mẹ, và đã hành động khôn ngoan và can đảm. Nhưng một điều không kém phần đáng để ý đó là sự kiện chung kết: họ đã nếm rượu ngon hơn. Đó là Tin Vui: rượu ngon là điều sắp được uống, thực tại đáng yêu mến hơn, sâu xa hơn và đẹp hơn cho gia đình phải tới nữa. Sẽ đến thời chúng ta nếm hưởng tình yêu hằng ngày, trong đó con cái chúng ta tái khám phá không gian mà chúng ta chia sẻ và những người già hiện diện trong niềm vui hằng ngày. Rượu ngon sắp đến cho mỗi người có can đảm yêu thương.

Sau thánh lễ ĐTC đã dùng bữa trưa với cộng đoàn dòng Tên gồm 20 linh mục và đoàn tùy tùng. Ngài có liên hệ đặc biệt với 1 LM trong cộng đoàn này là cha Paquito Cortés 91 tuổi và khi còn làm Giám tỉnh dòng Tên ở Argentina, ngài thường gửi một số tu sĩ trẻ đến học kinh nghiệm tại Học viện Javier của dòng Tên tại Guyaquil này.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết ĐTC đã lưu lại cộng đoàn dòng Tên này 1 tiếng rưỡi đồng hồ. Cuộc gặp gỡ rất vui vẻ và thoải mái. Rồi ĐTC ra phi trường đáp máy bay trở về thủ đô Quito khoảng 6 giờ.

G. Trần Đức Anh OP -- Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha giúp 1 triệu mỹ kim cho người tị nạn Iraq

Đức Thánh Cha giúp 1 triệu mỹ kim cho người tị nạn Iraq

VATICAN. ĐTC Phanxicô đã giúp 1 triệu Mỹ kim để góp phần cứu trợ các tín hữu Kitô và những người tị nạn khác ở Iraq.

Số tiền này được chính ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo, đặc sứ của ĐTC, mang tới cho dân tị nạn trong cuộc viếng thăm của ngài tại thành phố Erbil ở miền bắc Irak từ ngày 12 đến 20-8 vừa qua.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ, ĐHY Filoni cho biết 75% ngân khoản được trao cho các tín hữu Công Giáo và 25% dành cho cộng đoàn người Yézidi theo một tôn giáo hỗn hợp gồm Hồi giáo và các yếu tố tôn giáo truyền thống địa phương. ĐHY cũng nói: ”ĐTC sai tôi đi thực hiện một sứ vụ nhân đạo chứ không phải sứ vụ ngoại giao. Đó cũng là điều tôi nhấn mạnh với các vị lãnh đạo chính quyền”.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho 3 tờ báo ở Italia (Corriere della sera, Avvenire và La Repubblica), ĐHY đề nghị LHQ tổ chức một đội quân mũ xanh để bảo vệ các tín hữu Kitô bị quân Hồi giáo ISIS trục xuất khỏi gia cư vì không chịu trở lại Hồi giáo. ĐHY cũng nói đến các nhóm khủng bố Hồi giáo: ”Các nhóm này hoạt động mạnh, với võ khí đầy đủ và tối tân, và nhiều tiền bạc. Người ta đặt câu hỏi: làm sao việc chuyển những số tiền và các võ khí như thế có thể chuyển giao mà những người có nhiệm vụ kiểm soát lại không làm gì?” (Ansa 23-8-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio