Đừng bóp nghẹt lửa mến của Chúa Thánh Thần

Đừng bóp nghẹt lửa mến của Chúa Thánh Thần

** Các hiệu quả của ơn Chúa Thánh Thần ban khiến cho tín hữu trở thành ơn cho tha nhân , rộng mở họ cho cộng đoàn. Vì thế không được nhốt Chúa Thánh Thần trong lồng, hay kháng cự lại Làn Gió thổi chúng ta bước đi trong tự do và đừng bóp nghẹt Lửa nồng cháy của tình bác ái đưa chúng ta tới chỗ hao mòn cuộc đời vì Thiên Chúa và vì tha nhân.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gơ chung hàng tuần sáng thứ tư. Trong số các nhóm hiện diện cũng có ba phái đoàn người Việt đến từ Úc, Mỹ và Việt Nam.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích  các hiệu quả mà ơn của Chúa Thánh Thần ban cho tín hữu giúp họ làm cho các hiệu quả đó lớn lên, và giúp họ trở thành ơn cho tha nhân trong cộng đoàn. Ngài nói: đó là một ơn của Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy nhớ rằng khi vị Giám Mục xức dầu cho chúng ta ngài nói: “Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần được ban cho con”. Ơn đó của Chúa Thánh Thần vào trong chúng ta – đó là Thần Khí – và sinh hoa trái, để rồi chúng ta cũng có thể ban nó cho tha nhân. Luôn luôn nhận lãnh để cho đi: không bao giờ nhận và có các sự vật bên trong, làm như thể linh hồn là một nhà kho. Không: luôn luôn nhận lấy và cho đi. Các ơn của Thiên Chúa được nhận lãnh để trao ban cho người khác. Đó là cuộc sống kitô. Như vậy đó chính là ơn của Chúa Thánh Thần – thúc đầy ra khỏi trung tâm cái tôi của chúng ta – “tất cả là cho chúng ta?”: không phải – nhưng là để mở rộng cho cái “chúng ta” của cộng đoàn. Nhận để cho đi. Chúng ta không ở trong trung tâm: chúng ta là một dụng cụ của ơn đó cho người khác.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:

Khi bổ túc nơi các tín hữu đã được rửa tội việc giống Chúa Ki tô, bí tích Thêm Sức kết hiệp họ một cách mạnh mẽ như chi thể sống động vào thân mình mầu nhiệm của Giáo Hội (x. Lễ nghi Thêm Sức, s.25). Sứ mệnh của Giáo Hội trong thế giới tiến hành qua phần đóng góp của tất cả những ai là thành phần. Có vài người nghĩ rằng trong Giáo Hội có các ông chủ: là Giáo Hoàng, các Giám Mục, các linh mục, rồi mới tới  thợ là các người khác. Không phải thế. Giáo Hội là tất cả chúng ta, tất cả chúng ta. Và tất cả chúng ta đều có trách nhiệm làm cho nhau nên thánh, lo lắng cho nhau. Giáo Hội là “chúng ta” tất cả. Mỗi người có công việc của mình trong Giáo Hội. Nhưng Giáo Hội là tất cả.

** Thật thế, chúng ta phải nghĩ tới Giáo Hội như một cơ phận sống động, bao gồm các bản vị mà chúng ta biết và cùng đồng hành, chứ không phải như một thực tại trừu tượng và xa vời. Không, Giáo Hội là chúng ta đang tiến bước, Giáo Hội là chúng ta hôm nay đang ở trong quảng trường này. Chúng ta là Giáo Hội, tất cả mọi người. Bí tích Thêm Sức cột buộc vào Giáo Hội hoàn vũ, cột buộc tất cả chúng ta, sống rải rác trên toàn trái đất, nhưng lôi cuốn các người được thêm sức vào trong cuộc sống của Giáo Hội địa phương mà họ là thành phần, với Giám Mục là thủ lãnh và là người kế vị các Tông Đồ.

Chính vì vậy Giám Mục là vị thừa tác đầu tiên của Bí Tích Thêm Sức (x. LG, 26), bởi vì ngài đưa người được thêm sức vào trong Giáo Hội.

Sự kiện đó là trong Giáo Hội Latinh bí tích này bình  thường được Đức Giám Mục ban, nó minh nhiên “hiệu quả của nó là kết hiệp những người lãnh nhận nó một cách chặt chẽ hơn với Giáo Hội, với các nguồn gốc tông đồ và sứ mệnh làm chứng cho Chúa Kitô của nó” (GLCG, 1313).

Ý nghĩa của việc sát nhập vào Giáo Hội được nêu bật bởi dấu chỉ hòa bình kết thúc lễ nghi thêm sức. Thật vậy, vị Giám Mục nói với từng người đã được thêm sức: “Bình an cho con”. Nó khiến chúng ta nhớ tới lời Chúa chào các môn đệ vào chiều ngày Phục Sinh, tràn đầy Chúa Thánh  Thần (x. Ga 20,19-23), như chúng ta dã nghe – các lời này soi sáng một cử chỉ “diễn tả sự hiệp thông giáo hội với vị Giám Mục và với các tín hữu khác” (x. GLCG, 1301).

ĐTC giải thích việc trao ban bình an sau lễ nghi ban bí tích Thêm Sức như sau:

Trong bí tích Thêm Sức, chúng ta nhận lấy Chúa Thánh thần và sự bình an: sự bình an mà chúng ta phải trao ban cho các người khác. Chúng ta hãy nghĩ xem: mỗi người hãy nghĩ tới cộng đoàn giáo xứ của mình, chẳng hạn. Có lễ nghi ban phép Thêm Sức, và chúng ta trao ban bình an cho nhau: Đức Giám Mục trao ban bình an cho người đã được thêm sức, và trong Thánh Lễ chúng ta trao ban bình an cho nhau. Chúng ta ra về và bắt đầu nói xấu người khác. Chúng ta bắt đầu các bép xép. Và các bép xép là các cuộc chiến. Điều này không được!

** Nếu chúng ta đã nhận dấu chỉ của sự bình an với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta phải là những người nam nữ của hòa bình – chứ không phải ra đi tới đó với cái lưỡi và phá hủy hòa bình mà Thần Khí đã tạo dựng. Tội nghiệp Chúa Thánh Thần và công việc Ngài làm với chúng ta, với thói quen bép xép này… Anh chị em hãy nghĩ kỹ đi: bép xép không phải là công việc của Chúa Thánh Thần. Nó không phải là một công việc của sự hiệp nhất của Giáo Hội. Bép xép phá hủy điều Thiên Chúa làm. Vì thế  cho tôi xin đi: hãy ngưng bép xép! Anh chị em có đồng ý hay không? Có hay là không? Đó.

Bí Tích Thêm Sức được lãnh nhận một lần mà thôi, nhưng năng động tinh thần do dầu thánh dấy lên thì kéo dài trong thời gian. Chúng ta sẽ không bao giờ chu toàn được lệnh truyền dãi tỏa ra khắp nơi hương thơm của một cuộc sống thánh thiện, được linih hứng bởi sự đơn sơ hấp dẫn của Phúc Âm.

Không ai lãnh nhận Bí tích Thêm Sức cho chính mình, chúng ta đã nói phải không? Đó là một ơn không phải để giữ trong nhà kho bên trong, mà là để cho đi luôn luôn cho tất cả mọi người, để cộng tác vào việc lớn lên thiêng liêng của người khác. Chỉ như thế, khi rộng mở và ra khỏi chính mình để gặp gỡ tha nhân, chúng ta mới có thể thực sự lớn lên, chứ không chỉ có ảo tưởng lớn lên. Những gì chúng ta nhận được như ơn của Thiên  Chúa thật ra phải được trao ban – ơn nhận được để cho đi – để nó phong phú, chứ không phải để bị chôn vùi vì các sợ hãi ích kỷ, như dụ ngôn nén bạc đã dậy (x. Mt 25,14-30). Cả hạt giống cũng thế, khi chúng ta có hạt giống trong tay, không phải để nó ở đó, cất nó trong tủ, nhưng là để gieo vãi nó. Toàn cuộc sống phải được gieo vãi để sinh bông hạt, để nhân nhiều lên. Ơn của Chúa Thánh Thần chúng ta phải trao ban cho cộng đoàn.

Tôi khuyến khích các người đã được thêm sức đừng nhốt Chúa Thánh Thần trong lồng, đừng kháng cự lại Đấng là Gió thổi để thúc đẩy chúng ta bước đi trong tự do, đừng bóp nghẹt Lửa nồng cháy của tình bác ái khiến cho chúng ta hao mòn cuộc sống vì Chúa và vì các anh em khác. Xin Chúa Thánh Thần ban cho tất cả chúng ta lòng can đảm tông đồ thông truyền Phúc Âm, với các việc làm và lời nói, thông truyền cho những ai chúng ta gặp gỡ trên đường đời. Với các công việc làm và lời nói, nhưng lời nói tốt lành, lời nói xây dựng. Không phải các bép xép phá hoại. Xin làm ơn, khi anh chị em đi ra khỏi nhà thờ, hãy nghĩ tới sự bình an đã nhận lãnh để trao ban cho người khác: chứ không phải để phá hủy nó với việc bép xép. Xin anh chị em đừng quên điều đó!

** ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương khác nhau. Trong số các đoàn nói tiếng Pháp ngài chào tín hữu các giáo phận Saint Claude do ĐC Jordy hướng dẫn, đoàn hành hương giáo phận Valleyfield Canada do ĐC Simard hướng dẫn, hiệp hội hai Trái Tim Tình Yêu do ĐC Rivière, GM Autun hướng dẫn, cũng như ca đoàn Armeni.

Ngài cũng chào các đoàn hành hương Ailen, Na Uy, Nigera, Trung Quốc, Philippines, Việt Nam và Hoa Kỳ. Ngài xin Chúa Giêsu Kitô ban niềm vui và sự an bình cho họ và gia đình họ.

ĐTC cũng chào các đoàn hành hương nói tiếng Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, đặc biệt các nhóm tín hữu Brasil đến từ Ourinhos, Goiania, Bauru và Venancio Aires. Ngài khích lệ mọi người năng kêu cầu Chúa Thánh Thần để được hướng dẫn và trợ giúp trong nhiệm vụ làm chứng nhân cho Tin Mừng.

Chào các tín hữu nói tiếng A Rập ĐTC khích lệ họ đừng sợ hãi cống hiến những gì nhận được từ Chúa Thánh Thần cho tha nhân, qua chứng tá và hương thơm thánh thiện của cuộc sống kitô hầu giúp mọi người biết sống chia sẻ và xa lánh ích kỷ.

Chào các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC khuyến khích họ để cho quyền năng của Chúa Thánh Thần thấm nhuần và giải thoát khỏi sự yếu đuối của tính ích kỷ, lười biếng và kiêu ngạo, để là các chứng nhân đích thực Tin Mừng của  Chúa Kitô.

Trong số đông đảo các nhóm hành hương Italia ngài đặc biệt chào các sư huynh La San, tín hữu các giáo xứ và các đoàn hành hương giáo phận Macerata và Loreto do các ĐC Nazzareno Marconi và Giancarlo Vecerrica hướng dẫn.

ĐTC nhắc cho mọi người biết thứ sáu tới đây là lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu: Ngài mời gọi tất cả cầu nguyện với Thánh Tâm Chúa trong suốt tháng 6 này để xin Chúa gần gũi, nâng đỡ, trợ giúp các linh mục để các vị là hình ảnh Trái Tim tràn đầy tình yêu và lòng thương xót Chúa.

ĐTC khích lệ người trẻ, các anh chị em đau yếu và các đôi tân hôn biết kín múc nơi Thánh Tâm Chúa lương thực và nước uống  tinh thần cho cuộc sống để được biến đổi trở thành các thụ tạo mới.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Thánh Lễ là tột đỉnh hành động cứu chuộc của Thiên Chúa

Thánh Lễ là tột đỉnh hành động cứu chuộc của Thiên Chúa

Thánh Lễ là việc tưởng niệm Mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô. Tham dự Thánh Lễ, rước Chúa vào lòng cho phép chúng ta cùng với Chúa Kitô từ cái chết bước vào sự sống. Mỗi một cử hành Thánh Thể là một tia sáng của mặt trời không lặn là Chúa Giêsu Kitô phục sinh, giúp chúng ta đạt tột đỉnh hành động cứu chuộc của Thiên Chúa, canh tân con tim, cuộc sống và tương quan của chúng ta với Chúa và với tha nhân, làm cho chúng ta yêu Chúa và yêu tha nhân như Ngài đến sẵn sàng trao ban sự sống.

Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hanh hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần sáng thứ tư hôm qua.

Trong bài huấn dụ ĐTC tiếp tục loạt bài giáo lý về Thánh Lễ. Ngài đã quảng diễn ý nghĩa bài đọc trích từ chương 2 thư thánh Phaolô gửi tín hữu Galát viết rằng: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Ki-tô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi. Tôi không làm cho ân huệ của Thiên Chúa ra vô hiệu, vì nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hoá ra Đức Ki-tô đã chết vô ích.” (Gl 2,19-21).

ĐTC nói: “Thánh Lễ là việc tưởng niệm Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô. Nó khiến cho chúng ta tham dự vào chiến thắng của Ngài trên tội lỗi và cái chết, và trao ban ý nghĩa tràn đầy cho cuộc sống chúng ta. Nhưng để hiểu giá trị của Thánh Lễ trước hết chúng ta phải hiểu ý nghĩa kinh thánh của từ “tưởng niệm”. ĐTC giải thích như sau:

** Việc tưởng niệm không chỉ là kỷ niệm các biến cố của quá khứ, nhưng việc tưởng niệm làm cho các biến cố ấy hiện diện và thời sự trong một nghĩa nào đó. Chính như thế mà dân Israel hiểu sự giải phóng của mình khỏi Ai Cập: mỗi khi cử hành lễ Vượt Qua, các biến cố của cuộc Xuất hành được làm cho hiện diện đối với ký ức của các tín hữu để họ phù hợp cuộc sống của họ với chúng (GLGHCG 1363). Với cuộc khổ nạn, cái chết, sự sống lại và lên Trời của Ngài Chúa Giêsu Kitô đã thành toàn lễ Vượt Qua. Và Thánh Lễ là việc tưởng niệm sự Vượt Qua của ngài, việc “xuất hành” của Ngài, mà Ngài đã hoàn thành cho chúng ta, để làm cho chúng ta ra khỏi kiếp nô lệ và dẫn đưa chúng ta vào đất hứa của cuộc sống vĩnh cửu. Nó không chỉ là một kỷ niệm; không, nó còn hơn thế nữa: nó khiến cho hiện diện điều đã xảy ra cách đây 20 thế kỷ.

Thánh Thể luôn đưa chúng ta tới tột đỉnh hành động cứu độ của Thiên Chúa: khỉ trở thành bánh bẻ ra cho chúng ta, Chúa Giêsu  đổ tràn đầy trên chúng ta tất cả lòng thương xót và tình yêu của Ngài, như Ngài đã làm trên thập giá, và như thế Ngài canh tân con tim, cuộc sống và tương quan của chúng ta với Ngài và với các anh em khác. Công Đồng Chung Vaticăng II nói rằng: “Mỗi khi cử hành trên bàn thờ hiến tế thập giá, qua đó Chúa Kitô chiên con vượt qua của chúng ta bị sát tế, công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện” LG 3).

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: Mỗi cử hành Thánh Thể là một tia sáng của mặt trời không xế bóng là Chúa Giêsu Kitô phục sinh. Tham dự Thánh Lễ, đặc biệt là Thánh Lễ Chúa Nhật, có nghĩa là bước vào trong chiến thắng của Chúa Kitô, được chiếu soi bởi ánh sáng của Ngài và được hơi ấm của Ngài sưởi nóng. Qua việc cử hành Thánh Thể Chúa Thánh Thần khiến cho chúng ta trở thành những người tham dự vào cuộc sống của Thiên Chúa, có khả năng biến đổi toàn con người phải chết của chúng ta. Trong việc từ cái chết bước qua sự sống, từ thời gian bước vào sự vĩnh cửu Chúa Giêsu lôi kéo chúng ta cùng Ngài cử hành lễ Vượt Qua. Trong Thánh Lễ chúng ta kết hiệp với Chúa. Còn hơn thế nữa, Chúa Kitô sống trong chúng ta và chúng ta sống trong Ngài như thánh Phaolô khẳng định: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Ki-tô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi. ”

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:

** Thật vậy, máu của Chúa giải thoát chúng ta khỏi cái chết và sự sợ hãi cái chết. Nó giải phóng chúng ta khỏi ách thống trị của cái chết thể lý, nhưng cũng giải thoát chúng ta khỏi cái chết tinh thần là sự dữ, là tội lỗi chụp bắt chúng ta mỗi khi chúng ta sa ngã trở thành nạn nhân của tội lỗi của chính mình hay của những người khác. Và khi đó cuộc sống chúng ta bị ô nhiễm, mất đi vẻ đẹp, mất đi ý nghĩa và héo tàn.

Trái lại, Chúa Kitô tái trao ban sự sống cho chúng ta. Chúa Kitô là sự viên mãn của cuộc sống, và khi Ngài đã đương đầu với cái chết, ngài huỷ diệt nó vĩnh viễn. “Khi sống lại Ngài tiêu diệt sự chết và canh tân sự sống”. Sự Vượt Qua của Chúa Kitô là chiến thắng vĩnh viễn trên cái chết, bởi vì Ngài đã biến đổi cái chết của Ngài thành cử chỉ tình yêu tuyệt đỉnh. Ngài chết vì tình yêu.

Và trong Thánh Thể Ngài muốn thông ban cho chúng ta tình yêu phục sinh chiến thắng của Ngài. Nếu chúng ta lãnh nhận Ngài với niềm tin, cả chúng ta nữa cũng có thể thực sự yêu thương Thiên Chúa và tha nhân, chúng ta có thể yêu thương như Ngài đã yêu thương chúng ta, bằng cách trao ban sự sống.

Nếu tình yêu của Chúa Kitô ở trong tôi, tôi có thể trao ban tràn đầy chính mình cho tha nhân, trong xác tín rằng cả khi người khác có thể gây thương tích cho tôi, tôi sẽ không chết, nếu không thì tôi sẽ phải bảo vệ mình. Các vị tử đạo đã trao ban mạng sống họ chính vì xác tín về chiến thắng của Chúa Kitô trên cái chết. Chỉ khi chúng ta sống kinh nghiệm quyền năng này của Chúa Kitô, quyền năng tình yêu thương của Ngài chúng ta mới thực sự tự do trao ban chính mình mà không sợ hãi.

Đó là Thánh Lễ: bước vào trong cuộc khổ nạn, cái chết, sự phục sinh và lên Trời này của Chúa Giêsu. Và khi chúng ta đi tham dự Thánh Lễ, thì như thể là lên núi Calvê, y như vậy. Anh chị em hãy nghĩ coi: nếu chúng ta đi lên núi Sọ – chúng ta hãy suy tư bằng tưởng tượng – trong lúc đó, và chúng ta biết người đang ở đó là Chúa Giêsu, thì chúng ta có cho phép mình nói chuyện bép xép, chụp hình, trình diễn một chút không? Không, Bởi vì đó là Chúa Giêsu! Chắc chắn là chúng ta sẽ thinh lặng, sẽ khóc và cả vui mừng nữa vì được cứu rỗi. Khi chúng ta bước vào cử hành Thánh Lễ, chúng ta hãy nghĩ tới điều này: tôi bước lên đồi Canvê, nơi Chúa Giêsu trao ban mạng sống Ngài cho tôi. Và như thế trình diễn sẽ biến mất, nói chuyện bép xép sẽ biến mất, sẽ biến mất các bình luận và các điều khiến cho chúng ta xa rời điều xinh đẹp biết bao là Thánh Lễ, là chiến thắng của Chúa Kitô.

Tôi nghĩ rằng giờ đây đã rõ ràng hơn tại sao lễ Vượt Qua lại hiện diện và hoạt động mỗi khi chúng ta cử hành Thánh Lễ, nghĩa là ý nghĩa của sự tưởng niệm. Việc tham dự Thánh Thể khiến cho chúng ta bước vào trong mầu nhiệm của Chúa Kitô, bằng cách xin chúng ta cùng Ngài từ cái chết bước sang sự sống, nghĩa là Calvê, ở đó Thánh Lễ là việc làm lại Núi Sọ, chứ không phải là một cuộc trình diễn.

** ĐTC đã chào các đoàn hành hương nói tiếng Pháp, cũng như các nhóm hành hương đến từ Anh quốc, Hoà Lan, Ba Lan, Australia, Trung quốc, Indonesia, Singapore và Hoa Kỳ. Ngài đặc biệt chào các tu sĩ dòng Marist tham dự chương trình canh tân tinh thần, và huynh đoàn linh mục Bạn đồng hành của Chúa Kitô. Ngài cũng chào các đoàn hành hương nói tiếng. Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha cách riêng nhóm tín hữu Nova Suiça ở Belo Horizonte bên Brasil. Ngài cầu chúc ơn thánh Chúa ban trong Thánh Thể đổ tràn đầy trên cuộc sống của mỗi người và sinh nhiều hoa trái thiêng liêng, để họ đem ngọn lửa yêu thương của Chúa vào lòng thế giới. Chào các đoàn hành hương Ba Lan trong đó có một nhóm bạn trẻ chăng biểu ngữ xin ĐTC chúc lành cho sự ồn ào của họ, ĐTC nói anh chị em hãy xem các bạn trẻ này can đảm thật! Ngài khích lệ mọi người biết năng lãnh nhận Chúa trong Thánh Lễ, thờ lậy Chúa trong Nhà Tạm và trong con tim, và phục vụ Chúa nơi các anh chị em khác, để cũng nhau xây dựng một cộng đoàn nhân loại mới, công bằng và huynh đệ hơn.

Trong số các nhóm nói tiếng Ý ĐTC đặc biệt chào các tham dự viên đại hội Liên đoàn các tổ chức phụ nữ công giáo quốc tế, các tham dự viên tổng tu nghị dòng Đức Bà An Ủi, các tham dự viên khoá đào tạo thừa sai do đại học Salesien tổ chức, cũng như thành viên Trung tâm nghiên cứu Biển Đức XIII tỉnh Gravina vùng Puglia, do ĐTGM Giovanni Ricchiuti hướng dẫn. Ngài cũng chào gia đình Phan Sinh đền thánh Đức Bà Pozzo, các thành viên Hiệp hội thiện nguyện hiến máu Italia nhân kỷ niệm thành lập, và Nhóm đưa bệnh nhân hành đi hương Lộ Đức của vùng Emilia Romagna.

ĐTC cũng chào đại diện Tổ chức Nhà băng thực phẩm, và cầu chúc cuộc lạc quyên thực phẩm vào ngày thứ bẩy tới đây gặt hái nhiều thành công để giúp người nghèo.

Chào giới trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc cho mọi người biết hôm qua Giáo Hội kính nhớ thánh nữ Cecilia. Ngài chúc người trẻ biết noi gương thánh nữ lớn lên trong đức tin, người đau yếu được Chúa Kitô nâng đỡ trong khổ đau thử thách, và các cặp vợ chồng mới cưới biết yêu nhau vô điều kiện và có cái nhìn yêu thương trong sáng của thánh nữ Cecilia. Xin thánh nữ dậy chúng ta tất cả biết hát với con tim và sống tươi vui vì được cứu rỗi.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Nữ tu hoạt động thăng tiến phụ nữ và thiếu nữ được nhận giải Opus 2017

Nữ tu hoạt động thăng tiến phụ nữ và thiếu nữ được nhận giải Opus 2017

Hôm 12 tháng 10, trước đông đảo khán giả sinh viên, cựu sinh viên, giảng viên, nhân viên và thành viên của cộng đồng Denver, cha John P. Fitzgibbons, dòng Tên, hiệu trưởng đại học Regis của dòng Tên ở Denver, đã xướng danh sơ Marilyn Lacey dòng Thương xót và tổ chức phi lợi nhuận của sơ đạt giải Opus năm nay, với tiền thưởng một triệu đô la.

Hoạt động tại Haiiti và Nam Sudan, sơ Lacey và tổ chức có trụ sở ở California đang giúp đỡ các phụ nữ và thiếu nữ thoát khỏi tình trạng nghèo khổ cùng cực qua các cơ hội giáo dục và kinh tế.

Giải thưởng Opus là một trong các giải thưởng đức tin lớn nhất cho các doanh nghiệp xã hội. Năm nay lễ trao giải được tổ chức tại đại học dòng Tên Regis ở thành phố Denver. Hàng năm, tổ chức giải thưởng Opus trao giải thưởng 1 triệu đô la cho người đạt giải và 2 giải chung kết 100 ngàn đô. được trao hàng năm cho các cá nhân hay tổ chức thuộc bất cứ tôn giáo nào và ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Các người được giải phải chứng tỏ được chương trình đi tiên phong trong việc giải quyết nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề xã hội trong cộng đồng của họ.

Sơ Lacey chia sẻ: “Tôi cảm thấy được Chúa gọi để giúp các phụ nữ và thiếu nữ là những người đang đau khổ. Khi phục vụ tha nhân, chúng ta có thể tìm thấy mối liên kết, mối quan hệ họ hàng đưa chúng ta đến niềm vui gắn bó với nhau.”

Một giải chung kết được trao cho sơ Stan Terese Mumuni, dòng Đức Maria quý yêu Thánh Thể, là người sáng lập trung tâm “nhà Nazareth cho Trẻ em của Chúa” ở Ghana. Trung tâm này chăm sóc cho các trẻ em khuyết tật về thể lý, hành vi và tâm lý.

Giải chung kết khác được trao cho hai bác sĩ Jason Reinking và Noha Aboelata, hoạt động tại trung tâm Sức khỏe cộng đồng Roots, cung cấp dịch vụ sức khỏe cho người nghèo sống trên đường phố ở Oakland, California.

Cha Fitzgibbons đã nói với những người nhận giải thưởng: “Công việc của anh chị em thật sự khôi phục lại niềm hy vọng và khơi lên những khả năng cho những người sống bên lề xã hội. Chúng tôi được cảm hứng và xúc động  bởi gương mẫu của anh chị em.” (CNS 20/10/2017)

Hồng Thủy

Cha Tom Uzhunnalil nhận giải thưởng Mẹ Têrêsa về công bình xã hội năm 2017

Cha Tom Uzhunnalil nhận giải thưởng Mẹ Têrêsa về công bình xã hội năm 2017

Mumbai – Giải thưởng Mẹ Têrêsa về công bình xã hội năm 2017 của tổ chức Harmony Foundation sẽ được trao cho cha Tom Uzhunnalil, linh mục dòng Salêdiêng, bị bắt cóc tại nhà dưỡng lão của các Nữ tu của Mẹ Têrêsa ở Aden ngày 04/03/2016 và được giải thoát hôm tháng 9 nhờ sự can thiệp của chính quyền Oman.

Thông cáo của hội viết rằng cha Tom sẽ được trao giải thưởng “vì gương mẫu của cha, là nguồn linh hứng cho sự cảm thông thương xót của nhân loại và vì đã tiếp tục hoạt động cho nhà dưỡng lão của các thừa sai bác ái ở Yemen, dù cho cha đã có cơ hội rời khỏi nơi đó.” Thông cáo cũng ca ngợi sự dấn thân và tận tụy của cha Tom  trong công việc ở một nơi rất là nguy hiểm, nơi mà các đồng nghiệp của cha bị sát hại dã man.

Lễ trao giải thưởng sẽ được tổ chức vào ngày 10/12 tới đây lại Mumbai, nơi có trụ sở của Harmony Foundation. Chủ đề của buổi cử hành năm nay là “Lòng thương xót vượt ra ngoài biên giới – Một sự trả lời thương xót cho cuộc khủng hoảng tị nạn”.

Harmony Foundation được thành lập vào tháng 10/2005 nhắm phổ biến tư tưởng hòa bình, đối thoại và giúp đỡ các cộng đồng không phân biệt tôn giáo, giai cấp, tín ngưỡng, giới tính hay sắc tộc. Trong những năm qua, giải thưởng tôn vinh “Mẹ của người nghèo” được trao cho các cá nhân và tổ chức khác nhau, trong số này có Đức Đạt lai Lạt ma, tổ chức Bác sĩ không biên giới và Malala Yousafzai – người được trao giải Nobel hòa bình. (Asia News 02/10/2017)

Hồng Thủy

Giáo Hội Venezuela tố cáo chính sách cai trị độc tài mác xít cộng sản của tông thống Maduro

Giáo Hội Venezuela tố cáo chính sách cai trị độc tài mác xít cộng sản của tông thống Maduro

CARACAS: HĐGM Venezuela yêu cầu tổng thống Nicolas Maduro thu hồi quyết định bầu cử Quốc hội lập hiến và tôn trọng sự độc lập của Quốc Hội và Bộ xã hội.

Các Giám Mục đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bức thư trao cho tổng thống hôm mùng 10 tháng 7 vừa qua. Thư mang chữ ký của Ban Thường Vụ cũng yêu cầu tổng thống thực thi các thoả hiệp đã đạt được với phe đối lập trong giai đoạn đầu của cuộc thương thuyết, do Toà Thành thăng tiến. Trong các điều đã được đề ra có việc tổ chức tổng tuyển cử, trả tự do cho các tù nhân chính trị và mở ra các kênh tiếp tế nhân đạo để trợ giúp dân chúng đang gặp khó khăn. Các Giám Mục khẳng định rằng để giải quyết cuộc khủng hoảng vì bất an và thiếu thốn thực phẩm thuốc men hiện nay cần trao trả lại cho quốc gia các cơ cấu dân chủ như được ghi nhận trong Hiến pháp, thừa nhận sự độc lập của các quyền bính công cộng, đặc biệt là của Quốc Hội và Bộ xã hội.

Trong diễn văn khai mạc đại hội khoáng đại của HĐGM hôm mùng 7 tháng 7 ĐC Diego Padrón, chủ tịch HĐGM Venezuela, đã mạnh mẽ tố cáo chính sách cai trị độc tài kiểu xã hội chủ nghĩa, mác xít và cộng sản của tổng thống Nicolas Maduro. Giáo hội ùng hộ đề nghị của phe đối lập tổ chức trưng cầu dân ý. Giáo Hội sẵn sàng dành các văn phòng giáo xứ làm trung tâm bỏ phiếu ngày 16 tháng 7 tới đây. Người dân được hỏi có đồng ý với Quốc hội lập hiến do tổng thống đề nghị và có chấp thuận các cuộc tổng tuyền cử mới trong vòng 9 tháng tới hay không.

Sau 3 tháng biểu tình phản đối khiến cho 92 người chết, với sáng kiến này phe đối lập muốn ngăn chặn việc bầu cử các thành viên mới của Quốc hội lâp hiến dự trù vào ngày 30 tháng 7 này. Phe đối lập đồng ý với các Giám Mục coi cuộc cải cách Hiến pháp này là một dụng cụ của chính quyền nhằm duy trì quyền bính của mình (REI 11-7-2017)

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Donald Trump

Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Donald Trump

VATICAN. Lúc 8 giờ rưỡi sáng 24-5-2017, ĐTC đã tiếp kiến Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Đoàn xe của Tổng thống Mỹ gồm 60 chiếc đã tiến vào Nội thành Vatican qua cửa bên hông vì Quảng trường Thánh Phêrô đã có 30 ngàn tín hữu hiện diện chờ tham dự buổi tiếp kiến chung của ĐTC

Sau khi hội kiến riêng trong vòng 30 phút, ĐTC đã chào thăm đoàn tùy tùng của Tổng thống Trump gồm 12 người, trong đó có phu nhân Melanie và ái nữ Ivanka và con rể Jared Kushner.

Sau khi gặp ĐTC, Tổng thống Trump và các cộng sự viên đã gặp và trao đổi trong 50 phút ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cùng với Đức TGM ngoại trưởng Paul Gallagher.

Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết: trong các cuộc hội kiến thân mật, hai bên bày tỏ hài lòng vì tương quan song phương tốt đẹp giữa Tòa Thlánh và Hoa kỳ, cũng như sự dấn thân chung bênh vực sự sống, tự do tôn giáo và lương tâm. Tòa Thánh cầu mong có sự cộng tác thanh thản giữa Nhà Nước và Giáo hội Công Giáo tại Hoa kỳ, Giáo Hội dấn thân phục vụ dân chúng trong các lãnh vực sức khỏe, giáo dục và trợ giúp người di dân.

Hai bên cũng trao đổi quan điểm về một số vấn đề thời sự quốc tế, và thăng tiến hào bình, đặc biệt là tình hình Trung Đông và bảo vệ các cộng đoàn Kitô (SD 24-5-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Bài suy niệm thứ 3: tìm lại hiệp nhất xung quanh Bữa tiệc ly của Chúa Giêsu

Bài suy niệm thứ 3: tìm lại hiệp nhất xung quanh Bữa tiệc ly của Chúa Giêsu

Đề tài của bài suy niệm thứ 3 trong tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha là “Bánh và thân thể, rượu và máu”

Cha Michelini chú giải đoạn Tin mừng về Bữa tiệc ly (Mt 26,20-35).

Ăn cùng nhau

Bài suy niệm khởi đi từ một yếu tố đặc trưng cho chiều kích nhân loại của việc cùng ăn. Chúa Giêsu ngồi vào bàn cùng với 12 tông đồ. Ngồi cùng bàn muốn nói đến cảm nghiệm nét đẹp của ở cùng với nhau và nhận cùng thứ được chuẩn bị cho một hành động yêu thương. Theo thánh sử Gioan Tông đồ, chính Chúa Giêsu Phục sinh cũng đã chuẩn bị thức ăn cho các môn đệ của Ngài, bên bờ hồ Galilê (x. Ga 21,9).

Ăn uống: sự yếu đuối và tội lỗi của con người

Thức ăn và ăn uống cũng đưa ra ánh sáng tội lỗi của con người cũng như tính ích kỷ và sự yếu đuối của con người. Chúng ta nhớ đên biểu tượng Thánh kinh của sự bất tuân đầu tiên xảy đến do thức ăn (St 3,1) và tội ác đầu tiên, giết một người anh em, xảy đến do lòng ghen tức của Cain đối với lễ vật của Aben (St 4,4). Chúng ta cũng không quên sự chia rẽ giữa các anh em, Giacóp và Esau là bởi cơn đói (st 25,34). Chúng ta còn có thể đi xa hơn nữa, cho đến khi đọc thông điệp Laudato si’ nói về sự ích kỷ đối với lương thực.

Trong thực tế, ăn uống là dấu hiệu đầu tiên của sự yếu ớt mong manh thật sự về mặt nhân chủng học: một nhu cầu con người và yếu kém. Ăn uống trước hết là nhận sự sống bên ngoài mình, nghĩa là nhận biết mình không độc lập. Nói khác đi, nhận ra giới hạn của mình. Ăn cùng với người khác là thú nhận với người khác giới hạn này của thụ tạo. Bởi lý do này, các thiên thần trong Thánh kinh không ăn uống.”

Bữa Tiệc ly: Chúa Giêsu trao ban tất cả

Trong bữa tiệc ly của Chúa Giêsu nổi bật yếu tố này: Giuđa trao nộp Chúa. Nhưng Chúa Giêsu, trong đêm bị phản bội, đã không thu hồi món quà của Ngài, đã ban tất cả những gì Ngài có thể trao: thân mình Ngài và máu Ngài (1Cor 11).

Ngôi Lời, Chúa Con, đã dâng hiến ngôi vị thần linh của mình, dù là Thiên Chúa nhưng Ngài đã không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa (Phil 2,6). Giờ đây Ngài trao ban chính bản tính nhân loại, là thân xác ngài, bởi vì trong thân xác này mà Ngôi Lời đã làm người. Bằng cách thức này, Chúa Giêsu trao ban tất cả chính mình, không giữ lại điều gì.

Ơn tha tội

Bài học của thánh Mátthêu về bữa Tiệc ly nêu bật một điểm mà chúng ta chỉ tìm thấy ở đây, máu đổ ra từ thập giá để tha tội lỗi. Cuối cùng, ai đọc Tin mừng này, tìm ra ý nghĩa của tến Giêsu và có thể biết cách thức tha tội, cách thức mà Con Thiên Chúa và cùng với Ngài, Chúa Cha và Chúa Thánh Thần cùng thực hiện để trao ban sự sống. Như Thánh vịnh 49,8 nói, con người không thể tự đền hay trả giá cho mình xứng hợp, chỉ Thiên Chúa chuộc đền con người khỏi chính họ và khỏi sự dữ.

3 vấn đề suy tư

Cha Michelini đưa ra 3 câu hỏi suy tư: thứ nhất, nói về tương quan chúng ta với thức ăn. Xét mình với quy luật thứ 7 của thánh Inhaxio: Cần tránh để tâm hồn chú ý đến thứ mình ăn và tránh ăn vội vã vì ngon miệng, trái lại cần làm chủ mình, trong cách ăn cũng như trong số lượng.”

Thứ hai: các Kitô hữu chúng ta làm sao có thể phải tìm ra sự hiệp nhất xung quanh bàn ăn, thực hiện cùng cách thức chia sẻ của chúng ta sự chia sẻ linh độn của cộng đoàn Corintô.

Cuối cùng là vấn nạn về ơn tha tội. Chúng ta có thật sự ý thức rằng Chúa Giêsu đã đổ máu Ngài ra, với chính sự sống và không chỉ với lời nói, đã nói và đã trao ban sự tha thứ của Thiên Chúa. (RV 07/03/2017)

Hồng Thủy

Tổ chức New Humanity của Pime kết thúc hoạt động ở Campuchia

Tổ chức New Humanity của Pime kết thúc hoạt động ở Campuchia

pime-logo

Kompong Chhnang, Campuchia – Ngày hôm nay, 06/12/2016, tại Kompong Chhnang, tổ chức phi chính phủ New Humanity của Hội truyền giáo hải ngoại (PIME) đã chính thức kết thúc các dự án và trao các hoạt động của tổ chức này cho các tổ chức và các giáo phận địa phương.

Buổi lễ diễn ra với sự hiện diện của Đức cha Olivier Schmitthaeusler, đại diện Tông tòa, các vị Phủ doãn Tông tòa của Battambang và  Kompong Cham, chính quyền dân sự, các nhân viên của tổ chức New Humanity, các thừa sai Pime, các thừa sai giáo dân Cml và hàng trăm người, đặc biệt là gia đình của các trẻ em và thanh thiếu niên khuyết tật đã được tổ chức New Humanity giúp đỡ trong những năm qua.

Phát biểu trong buổi lễ, cha Davide Sciocco, phó Tổng quyền của hội Pime nói: “Có thể người ta nghĩ việc này là kết thúc, nhưng chúng tôi thích xem đây là một khởi đầu mới. Chúng tôi tin là mục đích cuối cùng của mỗi tổ chức giúp phát triển là giúp dân chúng trở nên độc lập hơn và đó là điều đang diễn ra hôm nay.” Cha bày tỏ niềm vui khi nhìn thấy, sau 20 năm, tất cả dự án của hội Pime được các tổ chức và giáo phận địa phon điều hành. Cha nói: “Bây giờ, New Humanity có thể chuyển trao các hoạt động và mở rộng nó tại các quốc gia khác. Đây là một kết quả lớn lao và khởi đầu của một giai đoạn mới.” Ngài cám ơn nhân viên của New Humanity ở Campuchia, chính quyền địa phương và quốc gia đã trợ giúp Giáo hội Công giáo và cám ơn sự sẵn sàng giúp đỡ trong tương lai.

Trong những năm cuối, New Humanity chú trọng đến các hoạt động trợ giúp và hội nhập các người khuyết tật thể lý và tâm lý, với hoạt động đặc biệt nhắm gây ý thức và huấn luyện gia đình.

Từ một thời gian trước, các hoạt động của New Humanity đã được trao cho các tổ chức địa phương, đặc biệt là tổ chức phi chính phủ của phủ doãn Tông tòa Battambang, sau hai năm cùng làm việc chung. Quá trình chuyển giao được tổ chức theo cách giúp cho công việc có thể tiếp tục hoạt động ở mức độ cao hơn.

Tổ chức New Humanity của Pime bắt đầu hoạt động tại Campuchia từ năm 1992. Trong 24 năm hoạt động, tổ chức đã thực hiện các dự án như: thành lập phân khoa xã hội học tại đại học Phnom Penh; chương trình nông nghiệp; chương trình giáo dục và khuyết tật. (Asia News 07/12/2016)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha cám ơn vị Tiền Nhiệm Biển Đức 16

Đức Thánh Cha cám ơn vị Tiền Nhiệm Biển Đức 16

duc-thanh-cha-cam-on-vi-tien-nhiem-bien-duc-16

VATICAN. ĐTC Phanxicô ca ngợi và cám ơn tư tưởng và giáo huấn của vị Tiền Nhiệm, Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây sáng ngày 26-11-2016 trong buổi lễ trao tặng giải thưởng ”Joseph Ratzinger – Biển Đức 16” cho hai học giả là Đức Ông Inos Biffi, 82 tuổi, một nhà thần học kiêm sử gia Công Giáo ở Milano, và nhà thần học Chính Thống giáo Griechen Ioannis Kourempeles, 51 tuổi. Đây là lần đầu tiên một nhà thần học Chính Thống được giải thưởng này.

Giải thưởng có kèm theo 50 ngàn Euro do Ngân Quỹ Joseph Ratzinger tài trợ.

Lên tiếng khi trao giải thưởng, ĐTC bày tỏ sự hài lòng vì được hiện diện tại buổi lễ này và ngài nói: ”Đối với tôi đây cũng là một cách, cùng với anh chị em, tái bày tỏ lòng quí mến sâu đậm và lòng biết ơn của chúng ta đối với Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16, Ngài tiếp tục đồng hành với chúng ta kể cả trong lúc này bằng lời cầu nguyện.”

Nhắc đến đề tài ”cánh chung học” (Escatologia) của hội nghị quốc tế mà nhiều người hiện diện đã kết thúc ban sáng cùng ngày ở Học viện Augustinianum, ĐTC nhận xét rằng ”đề tài cánh chung học đã chiếm một chỗ rất quan trọng trong công trình thần học của Giáo Sư Joseph Ratzinger, trong hoạt động của Ngài khi còn làm Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin và sau cùng trong Giáo Huấn của ngài khi làm Giáo Hoàng. Chúng ta không thể quên những nhận xét sâu sắc của ngài về đời sống vĩnh cửu và niềm hy vọng trong Thông điệp ”Spe salvi” (Được cứu rỗi nhờ hy vọng)… Tư tưởng sâu sắc của Joseph Ratzinger, đươc xây dựng vững chắc trên Kinh Thánh và các Giáo Phụ, và luôn luôn được nuôi dưỡng bằng đức tin và kinh nguyện, giúp chúng ta tiếp tục cởi mở đối với chân trời vĩnh cửu, nhờ đó mang lại ý nghĩa cho những hy vọng và những dấn thân nhân bản của chúng ta. Tư tưởng và giáo huấn sâu xa của Người, biết tập trung vào những tham chiếu cơ bản của đời sống Kitô chúng ta, về con người của Chúa Giêsu Kitô, đức ái, đức cậy và đức tin. Và toàn thể Giáo Hội sẽ mãi mãi ghi ơn Người”.

ĐTC nồng nhiệt chúc mừng hai thần học gia được giải thưởng và cầu chúc Ngân Quỹ Ratzinger tiếp tục chu toàn nghĩa vụ là phổ biến giáo huấn của ĐHY Biển Đức 16 (SD, KNA 26-11-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Chúa Thánh Thần là Người Thầy nội tâm và là Ký Ức sống động về Đức Kitô

Chúa Thánh Thần là Người Thầy nội tâm và là Ký Ức sống động về Đức Kitô

Buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, trưa Chúa Nhật 6 Phục Sinh

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật, 01.05, với vài chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Chúa Thánh Thần chính là quà tặng mà Đức Giêsu đã trao ban cho chúng ta. Chính Chúa Thánh Thần sẽ dạy dỗ và nhắc cho chúng ta nhớ lại mọi lời của Đức Giêsu.

"Tin Mừng ngày hôm nay mang chúng ta đến với Bữa Tiệc Ly. Trong bữa ăn tối cuối cùng ấy, trước khi chịu khổ hình và cái chết trên thập giá, Đức Giêsu đã hứa trao ban cho các Tông đồ một món quà, đó chính là Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ đến để dạy dỗ và làm cho mọi người trong cộng đoàn của các môn đệ nhớ lại tất cả mọi điều mà Đức Giêsu đã nói. Thật vậy, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ rằng: ‘Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.’ (Ga 14, 26). Dạy dỗ và làm nhớ lại. Đây chính là điều mà Chúa Thánh Thần thực hiện trong tâm hồn của chúng ta.

Trong những giây phút khi chuẩn bị trở về với Chúa Cha, Đức Giêsu đã nói trước với các môn đệ rằng Chúa Thánh Thần sẽ đến. Chúa Thánh Thần đến, trước hết, là để dạy dỗ các môn để hiểu một cách tròn đầy và chắc chắc hơn về Tin Mừng; kế đến, là giúp các ông đón nhận Tin Mừng trong cuộc sống hằng ngày, sống Tin Mừng đó và sẵn sàng ra đi làm chứng. Trong khi nhắn nhủ những lời tâm huyết với các Tông đồ – hay nói đúng hơn là ‘sai đi’ – trong sứ mạng loan báo Tin Mừng cho mọi loại thọ tạo trên khắp mặt địa cầu, Đức Giêsu hứa là sẽ không để các ông mồ côi, đơn độc. Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ, sẽ ở với họ, luôn bên cạnh họ và ở trong họ để bảo vệ và gìn giữ họ. Đức Giêsu trở về với Chúa Cha nhưng vẫn tiếp tục đồng hành và huấn luyện các môn đệ ngang qua món quà tuyệt vời là Chúa Thánh Thần.

Điểm thứ hai nơi chiều kích sứ mạng của Chúa Thánh Thần được hàm chứa trong việc giúp các Tông đồ hiểu và nhớ lại tất cả mọi lời của Đức Giêsu. Thầy Chí Thánh đã nói với các Tông đồ tất cả mọi sự: với Đức Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, sự mặc khải của Thiên Chúa đã được trọn vẹn. Thánh Thần sẽ làm cho họ nhớ lại những lời giáo huấn của Đức Giêsu trong những hoàn cảnh cụ thể khác nhau của cuộc sống, để họ có thể đặt những giáo huấn ấy vào trong thực hành. Đây cũng chính là điều diễn ra trong Giáo hội ngày hôm nay. Khi được hướng dẫn bởi ánh sáng và quyền năng của Chúa Thánh Thần, Giáo hội cũng có thể mang món quà cứu độ đến hết mọi người. Món quà ấy chính là tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Khi mỗi ngày anh chị em đọc một đoạn Tin Mừng, hãy nài xin với Chúa Thánh Thần rằng: ‘Xin cho con hiểu và ghi nhớ mọi lời của Đức Giêsu.’ Rồi sau đó, anh chị em bắt đầu đọc Tin Mừng và hãy đọc mỗi ngày.

Chúng ta không mồ côi: Đức Giêsu luôn bên cạnh chúng ta, ở giữa chúng ta và ở trong chúng ta! Sự hiện diện cách mới mẻ của Ngài trong lịch sử được thực hiện ngang qua Thánh Thần. Nhờ Thánh Thần, chúng ta có thể xây dựng một tương quan sống động với Đức Giêsu, Đấng đã chịu đóng đinh nhưng nay đã phục sinh. Chúa Thánh Thần, Đấng đã ngự vào tâm hồn chúng ta ngang qua Bí Tích Rửa Tội và Bí Tích Thêm Sức, luôn hoạt động trong cuộc đời chúng ta. Ngài hướng dẫn chúng ta biết cách suy nghĩ, hành động, biết phân biệt những điều tốt xấu; giúp chúng ta biết thực hành lòng bác ái của Đức Giêsu, đó là trao ban chính mình cho người khác, đặc biệt những ai đang nghèo túng và cần kíp nhất.

Chúng ta không mồ côi! Dấu chỉ về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần cũng là bình an mà Đức Giêsu đã trao tặng cho các môn đệ: ‘Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.’ (câu 27). Điều này hoàn toàn khác với những gì mà con người thường cầu chúc cho nhau và cố gắng đạt được. Bình an của Đức Giêsu phát sinh từ sự chiến thắng trên tội lỗi, trên cái tôi ích kỷ ngăn cản chúng ta yêu tha nhân như anh em mình. Bình an là quà tặng của Thiên Chúa và là dấu chỉ sự hiện diện của Ngài ở giữa chúng ta. Mỗi môn đệ, mà ngày hôm nay được mời gọi bước theo Đức Giêsu vác thánh giá, đều nhận được sự bình an của Đức Kitô Phục Sinh trong sự chắc chắn về chiến thắng của Ngài và trong việc mong chờ sự ngự đến của Ngài trong vinh quang.

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta có tâm tình ngoan ngoãn để đón nhận Chúa Thánh Thần như là Người Thầy nội tâm và như là Ký Ức sống động về Đức Kitô trong cuộc hành trình dương thế hằng ngày của chúng ta."

Lời chào mừng và kêu gọi

Sau Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha đã gởi lời chào thân ái đến tất cả các tín hữu ở Roma và khách hành hương đến từ Italia cũng như các quốc gia khác.

Đức Thánh Cha cũng nói thêm: “Tôi xin gởi những tâm tình chân thành tới những người anh chị em của chúng ta thuộc Giáo hội Đông Phương, ngày hôm nay, đang mừng lễ Phục Sinh. Xin Thiên Chúa Phục Sinh mang đến cho tất cả mọi người những món quà của ánh sáng và sự bình an. Christos anesti! (Đức Kitô đã phục sinh!)

Tôi cũng nhận được một tin hết sức đau buồn đến từ Siria: Các hình thức bạo lực tiếp tục làm trầm trọng thêm những hoàn cảnh nhân đạo đã đến bờ tuyệt vọng của đất nước này, đặc biệt là tại thành phố Aleppo. Họ tiếp tục giết hại các nạn nhân vô tội, trong đó có nhiều trẻ em, những người đau yếu, bệnh tật và ngay cả những người đã có những hy sinh rất lớn trong việc dấn thân giúp đỡ người khác. Tôi tha thiết kêu gọi các bên xung đột hãy tôn trọng việc đình chiến và tăng cường việc đối thoại đang được diễn ra. Đó là con đường duy nhất dẫn đến hòa bình.

Ngày mai tại Roma, Hội Nghị Quốc Tế với chủ đề ‘Sự phát triển bền vững và những hình thức công việc dễ bị tổn thương nhất’. Tôi hy vọng rằng sự kiện này có thể khuấy lên mối bận tâm của các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị và kinh tế, cũng như xã hội dân sự, để từ đó chúng ta có thể thúc đẩy một mô hình phát triển nhấn mạnh đến phẩm giá con người, hết sức tôn trọng những tiêu chuẩn về lao động và môi trường sinh thái.

Tôi cũng đặc biệt chào mừng hiệp hội ‘Meter’, một tổ chức từ nhiều năm nay đã chiến đấu chống lại các hình thức lạm dụng trẻ em. Lạm dụng trẻ em thực là một bi kịch. Chúng ta phải bảo vệ trẻ em và nghiêm trị những kẻ bạo hành. Cám ơn những dấn thân làm việc của anh chị em và xin anh chị em tiếp tục can đảm trong công việc này.”

Vũ Đức Anh Phương SJ

Chứng tá can đảm của các nữ tu “Tiểu muội người nghèo”

Chứng tá can đảm của các nữ tu “Tiểu muội người nghèo”

Little Sisters of the Poor

Notre Dame, Indiana – Các nữ tu “Tiểu muội người nghèo” (Little Sisters of The Poor) đã được hoan nghênh chào đón nhiêt liệt trong thánh đường Thánh tâm ở Đại học Notre Dame. Các nữ tu đã được nhận giải thưởng Evangelium Vitae” – Tin Mừng Sự Sống – vào ngày 9 tháng 4 vừa qua vì những phục vụ nổi bật của họ cho sự sống con người. Huy chương này được trao hàng năm từ năm 2011 bởi trung tâm đạo đức và văn hóa của đại học Notre Dame. Những người được nhận giải thưởng được loan báo trên báo Chúa nhật “Tôn Trọng Sự Sống” và huy chương được trao vào mùa xuân. Giải thưởng Tin Mừng Sự Sống có kèm theo 10 ngàn Mỹ kim. Trước đây hội Hiệp sĩ Columbus và các “Nữ tu Sự Sống” đã nhận được giải này.

Các nữ tu “Tiểu muội người nghèo” điều hành 30 nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và trợ giúp an sinh cho hơn 13 ngàn người lớn tuổi có thu nhập thấp.

Giải thưởng năm nay được trao chỉ 2 tuần sau khi Tòa án Tối Cao Hoa kỳ nghe những tranh luận trong vụ kiện của các nữ tu “Tiểu muội người nghèo”, các giáo phận Công giáo và các tổ chức khác, và các nhóm tôn giáo khác chống lại phán quyết liên bang yêu cầu hầu hết các chủ nhân, bao gồm chủ các cơ sở tôn giáo, cung cấp bảo hiểm sức khỏe cho người lao động bao gồm biện pháp tránh thai, triệt sản và thuốc phá thai – ngay cả khi các bảo hiểm như vậy gây nên những xung đột về mặt đạo đức cho các chủ nhân.

Sự hoan nghênh bất thường dành cho sự kiên các nữ tu được giải thưởng đã bùng nổ trước đó, trong bài giảng của Đức Cha Kevin C. Rhoades ở Fort Wayne-South Bend trong Thánh lễ trước khi giải thưởng được trao. Ngài so sánh chứng tá của các nữ tu như chứng tá của các Tông đồ trong bài sách Tông đồ Công vụ, khi các ngài được gọi ra trước Công nghị, một tòa án tôn giáo, và được yêu cầu ngừng giảng dạy nhân danh Chúa Giê-su. Đức cha nói: “Trong Thánh lễ này, có một cộng đoàn các nữ tu hiện diện với chúng ta, những người đối diện với một phán quyết bất công, đã đứng lên, và hành động của họ đã nói những lời Thánh Phê-rô và các Tông đồ đã nói: ‘Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời con người.’”. Đức Cha cám ơn về chứng tá can đảm của các nữ tu. Sự hoan hô nhiệt tình bùng nổ trong nhà dòng đông nghẹt các sinh viên của đại học Notre Dame. Đây được xem như là phản ứng lại thông báo của ban lãnh đạo của đại học vào ngày 5 tháng 3, sẽ trao huân chương “Laetare” năm 2016 của đại học cho phó Tổng thống Joe Biden và cựu Chủ tịch Quốc hội John Boehner; cả 2 đều là người Công giáo.

Huân chương Laetare, được trao lần đầu vào năm 1883, là giải thưởng lâu đời và uy tín nhất được trao cho các người Công giáo Mỹ để nhìn nhận những đóng góp xuất sắc cho Giáo hội và xã hội. Trong quá khứ, trong số những người đã được trao giải có cố Tổng thống John F. Kennedy, Dorothy Day và Đức Hồng Y Joseph Bernadin.

Vài thành viên của đại học Notre Dame đã phản đối mạnh mẽ về quyết định trao huân chương cho phó Tổng thống Joe Biden vì ông đã không đồng ý với giáo huấn của Hội thánh về phá thai và hôn nhân. Cha John I. Jenkins, chủ tịch của đại học Notre Dame giải thích là 2 nhân vật trên không được trao giải vì lập trường chính trị của họ, nhưng vì những đóng góp và cống hiến cho văn minh. Tuy vậy, Đức cha Rhoades, Giám mục bản quyền cho biết ngài đã nói với cha Jenkins là việc vinh danh bất cứ viên chức ủng hộ phá thai, dù người đó đã có những đóng góp tích cực trong việc phục vụ công cộng. Trong tuyên bố hôm 14 tháng 3, Đức cha đã viết: “Giáo hội không ngừng kêu gọi các công chức, đặc biệt là các người Công giáo, về nghĩa vụ lớn lao và rõ ràng phải phản đối bất cứ đạo luật nào hỗ trợ và tạo điều kiện phá thai hay làm mất đi ý nghĩa đích thực của hôn nhân. Tôi không đồng ý với việc trao giải thưởng cho những người vì đóng góp xuất sắc cho Giáo hội và xã hội mà không trung thành với nghĩa vụ này.”

Trong bài giảng hôm 9 tháng 4 Đức cha cũng nói: “Rao giảng bằng cuộc sống của chúng ta, bằng chứng tá của chúng ta là cần thiết và đòi sự can đảm…. Phải có một sự nhất quán giữa điều chúng ta tuyên xưng và cách sống của chúng ta, và điều này không chỉ bao gồm cuộc sống của chúng ta mà cả đời sống của cộng đoàn chúng ta, của giáo phận và giáo xứ, của các trường và đại học Công giáo, các cơ sở y tế và các cơ sở Công giáo khác.”

Sau Thánh lễ, huân chương “Tin Mừng Sự sống” được trao cho nữ tu Loraine Marie Maguire, giám tỉnh tỉnh dòng Hoa kỳ của dòng “Tiểu muội người nghèo”, đại diện cho các nữ tu. Cũng có sự hiện diện của khoảng hơn mươì nữ tu và các người hưu trí trong các cơ sở do các nữ tu phụ trách. Nữ tu Loraine Marie Maguire nói, các nữ tu Tiểu muội được khen ngợi ngoài những lời nói, còn nhận giải thưởng. Chị cám ơn các người cư trú trong các nhà của các nữ tu vì đã tạo nên sứ vụ của các nữ tu và  qua đó các nữ tu được giải thưởng. Chị kể lại là các nữ tu đã đối mặt với nhiều thử thách trong cuộc chiến pháp luật, nhưng cũng nhận nhiều ân sủng và sự yêu thương trợ giúp, và đã đạt đến một tầm mức mới của đức tin và đức cậy vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Theo chị, nhờ lời cầu nguyện, các nữ tu vượt qua những tháng khó khăn vừa qua. Lời cầu nguyện là thiết yếu để có thể bày tỏ sự chấp nhận và tôn trọng với những người có niềm tin khác chúng ta trong khi vẫn làm chứng về sự thật. Mẹ kêu gọi những người ủng hộ đang có mặt tại bữa tiệc xem xét “cam kết chung của chúng ta với Tin Mừng sự sống trong ‘Năm Thánh Lòng Thương xót’ bằng cách làm theo sự khuyến khích của Giáo hoàng Phanxicô: chiêm ngắm chăm chú hơn vào lòng thương xót để chúng ta có thể trở thành một dấu chỉ hiệu quả hơn của hoạt động của Chúa Cha trong cuộc sống của chúng ta.” (Catholic News Service 11/04/2016)

Hồng Thủy OP

Hai văn bằng tiến sĩ danh dự cho Đức Biển Đức 16

Hai văn bằng tiến sĩ danh dự cho Đức Biển Đức 16

Nguyên Giáo Hoàng Benedict 16

CASTEL GANDOLFO. Sáng 4-7-2015, Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 đã được trao tặng 2 văn bằng tiến sĩ danh dự từ Ba Lan.

Bằng thứ I của Học Viện thánh nhạc và bằng thứ II của Đại học Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2, cả hai đều ở thành phố Cracovia bên Ba Lan.

Từ lâu Đức Biển Đức 16 cho biết ngài không nhận các văn bằng danh dự do các đại học trao tặng, nhưng ngài chấp nhận thi hành luật trừ trong trường hợp này vì mối liên hệ đặc biệt với Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2.

Hiện diện tại buổi trao tặng văn bằng tại dinh thự Giáo Hoàng ở Castel Gandolfo có các chức sắc và giáo sư của Học viện và Đại học liên hệ.

 ĐHY Stanislaw Dziwisz TGM Cracovia, trong tư cách là Đại chưởng ấn của hai cơ sở giáo dục Công Giáo nói trên, đã trao hai Văn bằng tiến sĩ danh dự và nói đề lòng gắn bó đặc biệt của Đức nguyên Giáo Hoàng với Cracovia. ĐHY nói: ”Chúng con không quên những lời ngài đã nói ngày 28-5-2006 khi viếng Cracovia: ”Cracovia của Đức Karol Wojtila và Cracovia của Đức Gioan Phaolô 2, cũng là Cracovia của tôi”.

Trong diễn từ tại buổi nhận Văn bằng, Đức Biển Đức 16 cho biết qua cử chỉ này, liên hệ của ngài với Ba Lan, với Cracovia càng sâu đậm hơn, liên hệ với quê hương của vị đại thánh của chúng ta Gioan Phaolô 2. Vì không có người, thì hành trình linh đạo và thần học của tôi cũng không thể tưởng tượng được. Qua tấm gương sinh động, Ngài cũng chỉ cho chúng ta thấy làm sao có thể đi song song giữa niềm vui của thánh nhạc và nghĩa vụ chung phải tham gia phụng vụ thánh, niềm vui long trọng và sự đơn sơ của sự cử hành đức tin”.

Đức nguyên Giáo Hoàng cũng nói đến sự kiện do sự hiểu sai Công đồng chung Vatican 2, nhiều người đã làm mất kho tàng thánh nhạc long trọng trong phụng vụ. Trong Hiến chế về phụng vụ, đoạn số 114, Công đồng dạy rằng ”cần hết sức bảo tồn và tăng cường gia sản thánh nhạc”. Phong trào phụng vụ sau đó cho rằng các tác phẩm lớn về thánh nhạc chỉ nên dành cho các phòng hòa nhạc chứ không nên dùng trong phụng vụ. Trong phụng vụ chỉ nên có những thánh ca và kinh nguyện thường của giáo dân. Từ đó người ta nhận thấy có sự nghèo nàn văn hóa trong Giáo Hội. (SD 4-7-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Từ vườn nho đến các tá điền: Hãy là chính mình

Từ vườn nho đến các tá điền: Hãy là chính mình

Sau khi nghe câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể về “những tá điền sát nhân”, các Thượng Tế và người Pharisêu hiểu là Người nói về họ và họ tìm cách bắt Người. Dân Chúa xưa, đặc biệt những người lãnh đạo, những người được gọi là đạo đức hẳn thuộc nằm lòng bài ca về vườn nho của Ngôn sứ Isaia (Is 5). Mẹ Hội Thánh lại trích cho chúng ta nghe trong bài đọc thứ nhất Chúa Nhật này. Trong khi Ngôn Sứ Isaia nhấn mạnh đến vườn nho là đoàn dân Chúa xưa, thì Chúa Giêsu lại nhấn mạnh đến những tá điền là những người lãnh đạo mà Chúa trao phó quản lý vườn nho. Dù là vườn nho hay là người quản lý thì điểm chung hướng đến, đó là: hãy trở nên chính mình. Nói nôm na là nho thì ra nho, quản lý thì ra quản lý.

Nho ra nho: Ngôn sứ Isaia đã minh nhiên nói rằng vườn nho chính là đoàn dân Chúa xưa và chúng ta có thể hiểu thêm mỗi người chúng ta là những cây nho, là những cành nho (x. Ga 15). Các khâu canh tác như làm cỏ, bón phân, tỉa cành sâu bệnh… thì chủ vườn nho là Thiên Chúa đã vuông tròn. Vấn đề còn lại là chính cây nho phải sinh hoa trái tốt tươi, ngọt ngào. Theo kinh nghiệm nông gia, khi đã đủ đầy các điều kiện tự nhiên và sự chăm bón thì chuyện sinh hoa kết trái của cây trồng, hệ tại ở khả năng cây “hấp thụ dinh dưỡng” từ đất, từ trời và hệ tại ở việc cây “giảm phát sinh để tăng phát dục”, nghĩa là giảm đâm cành, mọc lá mới để tăng ra hoa, kết trái.

Đề hấp thụ dinh dưởng từ trời đất thì chính chúng ta, những cây nho, tiên vàn phải gắn bó, kết hiệp với Thiên Chúa. Cầu nguyện là một trong những phương thế tuyệt hảo để kết hiệp với Thiên Chúa. Để gia tăng hoa trái tốt lành thì việc hãm mình hy sinh là điều không thể thiếu. Như thế để nho ra nho nghĩa là sinh hoa trái ngọt ngào thi Kitô hữu chúng ta cần chuyên chăm cầu nguyện và hy sinh hãm mình. Hằng năm cứ đến mùa Chay thánh thì đề tài ăn chay cầu nguyện được nhấn mạnh và chúng ta nghiệm thấy ngay các hoa trái trổ sinh.

Quản lý ra quản lý: Người quản lý là người được trao phó một sự gì đó. Một việc gì đó để bảo quản, giữ gìn, chăm nom và dĩ nhiên theo tiêu chí mà người chủ yêu cầu. Các tá điền trong câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể được hiểu như là những người quản lý. Và tiêu chí người chủ đưa ra là đến kỳ thu hoạch, vườn nho phải sai hoa, mộng trái. Theo chiều kích xã hội thì những người quản lý là những người được giao phó các chức vụ của công quyền. Họ được trao phó đoàn dân của một tập thể, của một đất nước… Theo chiều kích tôn giáo, thì những người quản lý là những vị mục tử. Họ đuợc trao phó đoàn chiên là các tín hữu của tôn giáo mình. Dù là các mục tử trong Hội thánh này Hội thánh kia hay là những người nắm giữ công quyền trong xã hội thì chỉ một mình Thiên Chúa là người chủ duy nhất. Thánh Phaolô minh định điều này khi nói rằng các chính quyền hợp pháp đều là do Chúa đặt định (x.Rm 13,1)

Trong khoảng thời gian chờ đến mùa vụ, thì ông chủ thỉnh thoảng sai gia nhân của mình đến nhắc nhở những người quản lý về bổn phận và trách vụ của họ. Và bên cạnh đó chắc chắn có sự đánh giá về những gì mà những người quản lý đang thực thi. Tốt thì khen và khích lệ. Xấu thì chê và phê bình sửa sai. Trong lịch sử dân Chúa xưa, các ngôn sứ chính là những gia nhân mà ông chủ vườn nho đã sai đến. Thay vì nghe những ý chỉ của Thiên Chúa qua các sứ ngôn thì những người tá điền là nhưng người quản lý đã bách hại các ngài.

Thiên Chúa, người chủ vườn nho vẫn kiên trì nhẫn nại đến cùng. Người đã sai chính Con Một đến với hy vọng là những người quản lý kia sẽ nể mặt mà nghe theo. Thế nhưng sự tham lam đã làm cho tâm hồn những người quản lý thành ác độc. Họ đã nhẫn tâm giết chết Người Con Một của ông chủ. Tưởng rằng sẽ từ vị thế quản lý trở thành chủ nhân của vườn nho, nhưng họ đã lầm. Ông chủ sẽ tru di họ và trao vườn nho cho những người khác.

Câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể đã làm chột dạ những vị lãnh đạo DoThái giáo thời bấy giờ. Chuyện dụ ngôn này cũng đã ứng với nhiều triều đại vua chúa các nước trên thế giới. Chuyện dụ ngôn này cũng ứng với những chính phủ nắm giữ công quyền của các quốc gia. Và chuyện dụ ngôn này cũng đáng làm cho các vị mục tử giật mình tự kiểm.

Nho ra nho, quản lý ra quản lý. Nếu không thực là mình thì sẽ đến lúc phải bị loại trừ. Cành nho nào sinh hoa trái sẽ được chăm bón để trái hoa xum xuê thêm nhiều. Cành nào không sinh trái thì phải bị chặt đi. Nó sẽ khô héo và người ta sẽ bỏ nó vào lửa mà thiêu đốt đi (x.Ga 15,6). Người quản lý nào chuyên chăm cứ đến giờ mà phân phát lúa thóc cho kẻ ăn, người ở, thì sẽ được ân thưởng khi chủ về. Trái lại viên quản lý nào chểnh mảng, mãi mê chơi bời ăn uống mà bỏ bê bổn phận, thậm chí còn hành xử bạo lực với người dưới quyền, thì sẽ bị chung số phận với quân bất lương, ở nơi phải khóc lóc và nghiến răng (x.Lc 12,41-48).

LM Giuse Nguyễn văn Nghĩa

Được và mất

Được và mất

Chuyện ngụ ngôn “Lừa và Sói” kể rằng: Một hôm, lừa đang gặm cỏ, bỗng thấy Sói phi nước đại phóng tới. Lừa giả bộ đi khập khiễng. Khi Sói đến gần, hỏi nó vì sao bị thọt chân, thì Lừa trả lời:

– Vừa nãy tôi nhảy qua hàng rào bị xóc gai.

Rồi Lừa đề nghị Sói trước khi ăn thịt mình hãy nhổ gai ra đã, để khỏi bị gai đâm.

Sói tin lời, Lừa giơ cao chân để Sói soi mói kỹ lưỡng các móng chân Lừa. Lừa thừa cơ đạp mạnh vào mõm Sói rồi bỏ chạy.

Sói bị gẫy hết răng ôm đầu kêu la.

– Đáng đời ta! Cha mẹ nuôi ta thành kẻ chuyên ăn thịt, chứ đâu dạy ta làm thày lang!

Nếu chuyện ngụ ngôn nào cũng cho chúng ta một bài học, thì chuyện ngụ ngôn “Lừa và Sói” muốn nói với chúng ta: Kẻ nào không làm đúng công việc của mình sẽ lãnh hậu quả bi thảm.

Tin Mừng hôm nay thuật lại dụ ngôn “Những người thợ làm vườn nho”. Mỗi người chúng ta là một tá điền mà Thiên Chúa giao phó cho một vườn nho, là những tài năng tinh thần, của cải vật chất, để chúng ta đem hoa lợi về cho Người. Thiên Chúa còn tôn trọng chúng ta, Người để cho chúng ta hoàn toàn tự do sắp xếp công việc, theo sáng kiến riêng của mỗi người. Thánh Matthêu viết: “Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa”. Người không ở đó để kiểm soát, canh chừng.

Khốn thay, có những tá điền đã không làm đúng công việc của mình, họ đã lạm dụng tự do chủ ban cho để tìm lợi lộc riêng. Họ đã phụ lòng tín nhiệm của ông. Những tá điền ấy đã ngược đãi và sát hại các đầy tớ mà chủ sai đến. Thậm chí, đến lần thứ ba chúng giết luôn cả con trai ông. Họ làm như thế là để chiếm lấy gia tài của chủ. Hậu quả là: “Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông”.

Thiên Chúa ban muôn hồng ân, là để chúng ta phục vụ Chúa và anh em, chứ không phải để chúng ta tìm tư lợi, danh vọng, và khoái lạc cho bản thân.

Thiên Chúa kiên nhẫn trước những xúc phạm, lầm lỗi của chúng ta, là để chúng ta có cơ hội hoán cải, chứ không phải để chúng ta ngày càng sa lầy trong tội lỗi.

Thiên Chúa trao phó cho chúng ta các tài năng là để chúng ta sinh lợi cho phần rỗi mình. Nếu chúng ta không biết sử dụng ơn lành Chúa ban, thì Người sẽ cất đi và trao cho kẻ khác. Nỗi bất hạnh ấy chỉ mình ta gánh chịu mà thôi!

Sẽ đến ngày chúng ta phải tường trình về công việc vườn nho mà Chúa đã trao phó. Sẽ đến ngày chúng ta phải dâng lên Chúa những thu hoạch hoa lợi mà Người trông đợi. Bội thu hay mất trắng là hoàn toàn do công việc chúng ta đang làm hôm nay. Đức Hồng Y Suhard đã nói: “Chúng ta chịu trách nhiệm về những điều chúng ta đã làm, đã không làm, hay đã cản trở không cho người khác làm”.

Sưu tầm

Đối với bạn, Đức Giêsu Kitô là ai?

Đối với bạn, Đức Giêsu Kitô là ai?

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Đức Giêsu, một nhân vật lịch sử đã chết và sống lại gần 2000 năm rồi. Thế mà nhân loại ngày nay, trước ngưỡng cửa của thiên niên kỷ thứ ba, vẫn còn đặt lại câu hỏi đã được đặt từ lúc Đức Giêsu giáng sinh: “Đức Giêsu Kitô là ai?”

Ngài đã trở thành “siêu sao” (Jesus, Super Star) trong các tác phẩm văn chương, âm nhạc cũng như trên màn ảnh, cả đối với các tác giả không chia sẻ niềm tin vào Đức Giêsu nữa. Nhà văn Aimatov trong tác phẩm “Đoạn đầu đài” đã nói lên những cảm nghĩ và trăn trở của mình về Đức Giêsu và về cây thập tự của Ngài. Dumbatze trong tác phẩm “Quy luật muôn đời” hay Abuladze trong phim “Sám hối”và Nikos Kazantzakis trong tác phẩm “Chúa lại bị đóng đinh”hay trong “Cám dỗ cuối cùng của Chúa”, cuốn tiểu thuyết được dựng thành phim đã gây nhiều phẫn nộ trong giới Kitô giáo. Tất cả đều đặt vấn đề về Đức Giêsu.

Tuy nhiên, những Đức Giêsu mang tính thời sự đó, dẫu có hay và lôi cuốn, vẫn chưa phải là Đức Giêsu đích thực của lịch sử, cũng không phải là đức Giêsu của lòng tin, Đức Giêsu của Tin Mừng. Chẳng qua các tác giả đó chỉ mượn dung mạo của Đức Giêsu để ký thác một điều gì trong thâm tâm mình. Cùng lắm, đối với họ, Đức Giêsu cũng chỉ là một bậc thầy rất có thế giá của quá khứ, hay một con người đáng nguyền rủa, nhục mạ của hiện tại.

Đối với các môn đệ của Chúa Giêsu cũng thế. Khi Chúa Giêsu hỏi các ông: “Người ta bảo Thầy là ai?” các ông cho biết: có những người đánh giá rất cao, họ coi Ngài như một Ngôn sứ có tầm cỡ, như Êlia hay Giêrêmia là những ngôn sứ nổi danh bậc nhất trong lịch sử Do Thái. Trái lại, có những đối thủ lại coi Ngài như một người Samari lạc đạo, như một người bị quỷ nhập, như một tên phỉnh gạt hay một tay xách động dân chúng… Riêng đối với các môn đệ thân tín bên Chúa Giêsu, chắc hẳn các ông đã biết rõ Ngài hơn. Chúa Giêsu đã muốn các môn đệ xác định nhận thức của họ về Ngài. Dân chúng thì nghĩ về Thầy như thế, “còn anh em, anh em nghĩ Thầy là ai?” Simon Phêrô đã nói lên nhận xét của các môn đệ: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Lời tuyên xưng đức tin này chúng ta đã gặp trong giai thoại của Chúa Giêsu cứu Phêrô khỏi chết chìm và khiến sóng gió im lặng. Khi Ngài bước lên thuyền, những người ở trong thuyền, tức là các môn đệ, sấp mình dưới chân Ngài mà nói: “Thật, Thầy là Con Thiên Chúa”. Ở đây, Chúa Giêsu khẳng định lời tuyên xưng này là hiệu quả của ơn mạc khải “do Thiên Chúa Cha của Ngài trên trời”, càng cho chúng ta có quyền nghĩ rằng Phêrô đã thấy được một số nét đặc biệt siêu phàm trong con người của Thầy mình. Chúa Giêsu còn mạc khải thêm cho Phêrô một điều khác cũng quan trọng đặc biệt không kém đối với bản thân ông: “Này, anh tên là Đá, trên Tảng Đá này Thầy sẽ xây dựng Giáo Hội của Thầy, và các quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”. Chúa Giêsu còn trao cho Phêrô trách nhiệm giữ “chìa khóa Nước Trời”, trách nhiệm “cầm buộc hay tháo gỡ”được cả trên trời dưới đất đều chấp hành.

Trao chìa khóa nhà mình cho ai, có nghĩa là tín nhiệm và nhờ cậy người ấy coi sóc nhà mình. Người được trao chìa khóa có quyền đóng mở, ra vào, mà không bị coi là kẻ trộm, đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm nặng nề canh chừng kẻ xấu, người gian. Chọn lựa, trao gởi trách nhiệm vẫn làđường lối của Chúa đối với Giáo Hội, đối với chúng ta. Tiêu chuẩn để được chọn lựa, tín nhiệm trao gởi trách nhiệm không phải là sự trổi trang về tài năng hay đức độ, mà là lòng tin. Không phải là một Phêrô yếu đuối tầm thường nữa, nhưng là một Phêrô Đá Tảng, người có lòng tin, có sức nâng đỡ cả Giáo Hội của Chúa Kitô. Phêrô đã tuyên xưng lòng tin vào Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, không chỉ một lần bằng lời tuyên xưng ấy mà thôi, mà bằng cả một cuộc đời không ngừng tuyên xưng lòng tin cho đến lúc tuyên xưng quyết liệt cuối cùng bằng cái chết đóng đinh thập giá như Thầy mình.

“Còn anh em, anh em nghĩ Thầy là ai?”. Câu hỏi Chúa Giêsu đặt cho các môn đệ không ngừng vang dội suốt 20 thế kỷ nay đến chúng ta. Nó chất vấn mỗi người chúng ta hôm nay hơn bao giờ hết. Phải, đối với tôi, Đức Giêsu Kitô là ai? Phản ứng đầu tiên là im lặng, suy nghĩ, có khi với niềm vui, có khi có một sự ngại ngùng vì câu hỏi mang nặng hậu quả. Câu hỏi chạm đến tận cõi thâm sâu của cuộc đời tôi. Nó buộc tôi phải chọn, một chọn lựa kéo theo nhiều việc khác nữa. Nhưng vì là câu hỏi hệ trọng nhất, nên tôi không thể lẫn tránh được. Chúng ta không thể chỉ tuyên xưng bằng hành động, bằng việc làm cụ thể. Lắm khi sự tuyên xưng chân chính còn đòi buộc chúng ta phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Phải, một khi chúng ta đã thực sự tin Đức Giêsu rồi, thì đời ta sẽ phải gắn chặt vào Ngài cho đến chết thôi. Và chết cũng chưa hết, còn cả cuộc sống đời đời nữa.

Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới thực nghiệm và duy vật chất. Lời nói trên lý thuyết có hay ho cao siêu đến mấy, nếu không được chứng minh bằng đời sống cụ thể, thì thiên hạ sẽ chẳng ai tin chúng ta. Đức Giêsu Kitô là ai? Chúng ta có giảng giải cặn kẽ về nguồn gốc và thân thế của Ngài, người ta có lắng nghe, có theo dõi, nhưng điều người ta theo dõi nhất là coi những người tin theo Đức Giêsu sống ra sao, ăn ở như thế nào, có thái độ thế nào với những công việc mưu cầu lợi ích chung, hạnh phúc chung của mọi người. Và từ đó, người ta sẽ suy nghĩ coi Chúa Giêsu của chúng ta là ai. Việc sống đạo của chúng ta, những người tin Chúa Giêsu, là phải chứng tỏ rằng, Chúa Giêsu thật là Chúa cuộc đời chúng ta, ngay trong chính cách chúng ta sống Tin Mừng yêu thương, phục vụ của Chúa Giêsu.

Đức Giêsu Kitô là ai?

Thưa anh chị em, Ước gì cuộc đời mỗi người chúng ta trở thành một câu trả lời sống động cho Chúa Giêsu, cho anh chị em và cùng với anh chị em, trả lời cho cả xã hội ngày nay rằng: Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa làm người đang sống ở giữa chúng ta.

Tấm bánh liên đới

Tấm bánh liên đới

Bài Tin Mừng hôm nay chứa đựng rất nhiều bài học. Như về Nước Trời, về Dân Thiên Chúa, về bí tích Thánh Thể. Nhưng có lẽ bài học thiết thực nhất cho chúng ta hôm nay là bài học liên đới. Đó cũng chính là bài học Chúa muốn dạy cho các môn đệ của Người.

Liên đới là biết cảm thương. Nhìn thấy đám đông, Chúa Giêsu chạnh lòng thương. Đó là một đám đông nghèo khổ, đói khát, bệnh tật, bơ vơ không người chăn dắt. Đám đông tội nghiệp đi tìm Chúa không phải chỉ để được ăn no, nhưng còn để được chữa lành bệnh, nhất là được an ủi, được dạy dỗ, được chỉ bảo. Khi chạnh lòng thương, Chúa Giêsu dạy ta hãy nhìn những người chung quanh bằng ánh mắt liên đới. Những người này đói vì tôi đã ăn quá nhiều. Những người kia rách vì tôi đã mê mải đuổi theo “mốt”. Những đứa trẻ này hư hỏng vì tôi đã thiếu quan tâm chỉ bảo. Những đứa trẻ kia rơi vào tội phạm vì tôi đã không làm gương tốt cho chúng. Thế giới này chưa tốt một phần có trách nhiệm của tôi. Thế giới này chưa công bằng trong đó phần lỗi của tôi.

Liên đới là nhận lấy trách nhiệm. Các môn đệ đã nhìn thấy đám đông đói khát. Các ngài muốn thoái thác, phủi tay: “nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn”. Đó là một giải pháp hợp lý. Lo cho năm ngàn người ăn là ngoài tầm tay của các môn đệ. Đó cũng là giải pháp nhẹ nhàng. Ai lo phần nấy. Thật dễ dàng. Nhưng đó là giải pháp không được Chúa chấp nhận, vì thiếu tình liên đới. Chúa muốn các môn đệ Chúa nhận lấy trách nhiệm: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy lo cho họ ăn”. Họ đói, các con phải lo cho họ ăn. Một trách nhiệm nặng nề vượt quá sức các môn đệ. Nhưng đã cảm thương thì phải có trách nhiệm. Trái tim cảm thương thật sự phải hướng dẫn bàn tay làm việc.

Liên đới là đóng góp phần của mình. Chúa không cần những phép tính vĩ mô. Năm ngàn người thì cần bao nhiêu bánh? Những tính toán lớn lao là không thực tế và làm ta lo sợ. Chúa dạy các môn đệ khởi đi từ thực tế: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá”. Thật là ít ỏi, nghèo nàn. Nhưng Chúa không chê cái ít ỏi nghèo nàn đó: “Đem lại đây cho Thầy”. Có ít hãy đóng góp ít. Nhưng quan trọng là phải bắt đầu, là phải góp phần của mình. Liên đới không đòi ta phải quán xuyến mọi sự, nhưng đòi ta thật sự có trách nhiệm, góp phần của mình vào việc chung.

Liên đới là chia sẻ. Chúa chúc tụng để làm phép bánh và cá như cho ta thấy, những đóng góp dù ít ỏi của ta đã thành thiêng liêng cao quí. Chúa không làm phép lạ tức khắc biến ngay cá và bánh ra một núi lương thực cho người tự do đến lấy. Chúa cũng không tự tay phân phát lương thực cho mọi người. Chúa trao bánh và cá cho các môn đệ. Các môn đệ trao cho mọi người. Và mọi người trao lại cho nhau. Đó là bài học lớn của phép lạ. Chính khi mọi người trao cho nhau, Chúa làm phép lạ. Bánh và cá cứ tiếp tục sinh sôi bao lâu những bàn tay còn trao nhau. Bánh và cá vẫn tiếp tục nhân lên bao lâu mắt con người vẫn còn nhìn nhau. Những tấm bánh của tình liên đới. Những đàn cá của sự chia sẻ. Chúng nhân lên theo nhịp của trái tim. Khi trái tim chan chứa yêu thương, quan tâm, liên đới, lương thực trở nên phong phú, dư thừa.

Thế mà các môn đệ đã vội lo. Cũng như ta thường lo thế giới này quá chật hẹp không đủ chỗ cho mọi người. Cũng như ta vẫn thường lo lương thực trên thế giới không đủ nuôi mọi người. Hôm nay Chúa dạy ta mỗi người hãy chia sẻ những gì mình có thì thế giới sẽ dư thừa lương thực. Khi trái tim mở ra thế giới sẽ có đủ chỗ cho mọi người.

Lạy Chúa xin mở trái tim con để con biết cảm thương và chia sẻ. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Tục ngữ Việt nam có câu: Nhiều no ít đủ. Bạn nghĩ gì về nét văn hoá Việt nam trong câu này. Có gần với bài Tin Mừng hôm nay không?

2) Càng cho đi càng phong phú. Bạn cảm nghiệm điều này bao giờ chưa?

3) Ta có trách nhiệm với những người chung quanh. Những người nghèo chất vấn cách tiêu dùng của ta. Bạn có nghĩ thế không?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt