ĐGH tiếp 5 ngàn tín hữu El Salvador

ĐGH tiếp 5 ngàn tín hữu El Salvador

 Trong lễ phong thánh có sự hiện diện của 7 ngàn tín hữu Salvador trong đó có 5 ngàn người từ quốc nội và 2 ngàn người từ các nơi khác, cùng với các GM và đông đảo các LM tu sĩ. Khoảng 2 ngàn người đã rời Roma sau lễ phong thánh.

 Nhắn nhủ các GM

 Lên tiếng trong buổi tiếp kiến 5 ngàn tín hữu El Salvador còn ở lại Roma, ĐTC nói với các GM rằng ”từ sau lễ phong thánh cho Đức TGM Oscar Romero, anh em có thể tìm thấy nơi Người một mẫu gương và một khích lệ trong sứ vụ được ủy thác cho anh em: tấm gương ưu tiên yêu thương những người cần lòng thương xót của Chúa hơn hết. Khích lệ để anh em làm chứng về tình thương của Chúa Kitô và lòng ân cần của Giáo Hội, biết phối hợp hoạt động của mỗi thành phần và cộng tác với các giáo phận khác với lòng nhiệt thành yêu thương trong tinh thần đoàn thể của giám mục đoàn.

 Nhắn nhủ các LM và tu sĩ

 Với các LM, tu sĩ nam nữ Salvador, ĐTC nói: ”Anh chị em được kêu gọi sống sự dấn thân Kitô theo gương Thánh Oscar Romero, trở nên xứng đáng với giáo huấn của thánh nhân, trước tiên là những người phục vụ dân tư tế, theo ơn gọi mà Chúa Giêsu vị Thượng Thế duy nhất và đời đời đã kêu gọi họ. Thánh Oscar Romero nhìn thấy vị LM được đặt giữa hai vực thẳm: một bên là lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa và bên kia là sự lầm than vô cùng của con người”. Vì thế, ĐTC mời gọi các LM, tu sĩ El Salvador ”hãy làm việc không biết mệt mỏi để đáp ứng ước mong vô biên của Thiên Chúa là tha thứ cho những người thống hối vì sự lậm than và để mở rộng tâm hồn của các anh chị em cho lòng yêu thương của Thiên Chúa..”

 Kêu gọi các tín hữu

 Sau cùng ĐTC nhắc nhở các tín hữu hãy đáp lại ơn gọi loan báo sứ điệp tự do của Chúa cho toàn thể nhân loại: ”Chỉ trong Thiên Chúa chúng ta mới được tự do: tự do khỏi tội lỗi, sự ác, oán thù trong tâm hồn chúng ta, tự do để yêu mến và đón nhận Chúa và anh chị em chúng ta, một sự tự do đích thực ngay từ trần thế này”.(Rei 15-10-2018)

Giuse Trần Đức Anh OP

ĐGH tôn phong 7 vị chân phước lên bậc Hiển Thánh

ĐGH tôn phong 7 vị chân phước lên bậc Hiển Thánh

7 vị thánh mới gồm 1 vị Giáo Hoàng, 1 TGM, 2 LM, 2 nữ tu và một giáo dân. Xét về quốc tịch có 4 vị người Ý, 3 vị còn lại người El Salvador, Đức và Bolivia gốc Tây Ban Nha. Trên mặt tiền Đền Thờ Thánh Phêrô có treo các bức ảnh lớn của 7 vị. 

 Các thành phần tham dự

 Hiện diện tại Quảng trường có hơn 80 ngàn tín hữu, phần lớn là người Italia, nhưng cũng có 7 ngàn người El Salvador, hàng trăm người Bolivia. Từ giáo phận Milano có 2500 tín hữu, 130 LM và phó tế, do Đức TGM bản quyền Mario Delpini cùng với 7 GM phụ tá hướng dẫn. Đức Phaolo 6 từng làm TGM Milano trước khi được bầu làm Giáo Hoàng. Hàng ngàn tín hữu khác đến từ giáo phận Brescia, quê hương của Ngài. Trong số các tín hữu hiện diện cũng có vài người đã được phép lạ của các thánh mới, như bà Cecilia Maribel Flores de Rivas, 34 tuổi, cùng với gia đình của bà. Bà đã được khỏi bệnh ung thư một cách lạ lùng nhờ lời chuyển cầu của Đức TGM Oscar Romero.

 Có 15 phái đoàn chính phủ đứng đầu là phái đoàn Tây Ban Nha do Hoàng Thái Hậu Sofia hướng dẫn, tiếp đến là phái đoàn Italia, Chile, El Salvador và Panama do 4 tổng thống liên hệ cầm đầu. Đoàn Honduras, Đài Loan và Uganda do 3 vị Phó Tổng thống hướng dẫn. Các phái đoàn khác do một vị Bộ trưởng cầm đầu.

 Đồng tế với ĐTC có đông đảo 600 vị Hồng Y và GM, trong đó nhiều vị cũng là nghị phụ Thượng HĐGM hiện nay về giới trẻ và 3 ngàn linh mục. Các HY và GM đứng cạnh ĐTC nơi bàn thờ là những vị bản quyền của các giáo phận nguyên quán của các vị thánh mới. Đặc biệt cũng có một phái đoàn Anh giáo do Đức nguyên TGM giáo chủ Rowan Williams hướng dẫn và gồm 10 vị Tổng Giám Mục.

 Một chi tiết đáng để ý là trong phẩm phục ĐTC mặc tại buổi lễ, có giây cột áo chùng trắng đã được Đức TGM Oscar Romero dùng trong thánh lễ ngài bị sát hại cách đây 38 năm, dây có vết máu của Đức TGM, gậy mục tử, dây Pallium và chén lễ cũng là của Đức Chân phước Phaolô 6. Qua những cử chỉ này, ĐTC Phanxicô muốn bày tỏ sự gần gũi với các vị thánh mới.

 Phần thánh ca, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn có 3 ca đoàn thuộc các giáo phận Brescia, Pontevico, Cosenza, ca đoàn giáo xứ Torre del Greco, sau cùng là ca đoàn Mẹ Giáo Hội.

Nghi thức phong thánh

 Nghi thức phong hiển thánh diễn ra vào đầu thánh lễ, với bài ca cầu xin Chúa Thánh Thần. Tiếp đến ĐHY Angelo Becciu, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, cùng với 7 vị thỉnh nguyên án phong thánh, tiến lên trước ĐTC, và ĐHY xin ĐTC ghi tên vào sổ bộ các thánh của Giáo Hội 7 chân phước: Phaolô 6, Oscar Romero, Francesco Spinelli, Vincenzo Romano, Maria Kasper, Nazaria Ignatia và sau cùng là Nunzio Sulprizio. Tóm lược 7 vị chân phước được xướng lên trong dịp này.

 Tóm lược tiểu sử 7 vị thánh

 1. Đức Phaolô 6 sinh cách đây 121 năm, và làm Giáo Hoàng trong 15 năm, từ 1963 đến 1978. Trong vô số các sáng kiến của ngài, có công trình tiến hành và áp dụng Công đồng chung Vatican 2, các chuyến tông du ở nước ngoài, thăng tiến đối thoại đại kết và liên tôn. Ngài qua đời lúc 81 tuổi tại Castel Gandolfo ngày 6-8 năm 1978 sau một thời gian rất ngắn bị bệnh và được phong chân phước cách đây 4 năm.

 2. Vị chân phước thứ hai được phong thánh hôm qua là Đức TGM Oscar Arnulfo Romero Galdámez, sinh năm 1917 tại thành phố Barrios ở El Salvador. Thụ phong LM năm 25 tuổi và làm cha sở 25 năm tại thành phố Miguel. Năm 1970 khi được 53 tuổi, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm GM phụ tá tổng giáo phận thủ đô San Salvador rồi 7 năm sau thăng TGM chính tòa tại đây. Thời đó El Salvdor bị nội chiến, phe cực hữu thi hành bạo lực chống những người yếu thế, giết hại các LM và giáo lý viên. Đức TGM Oscar Romero bênh vực các tín hữu và ngày 24-3 năm 1980, ngài bị đội quân tử thần của phe cựu hữu sát hại trong lúc dâng thánh lễ. Đức TGM được phong chân phước cách đây 3 năm (2015).

 3. Vị chân phước thứ ba được tôn phong là cha Francesco Spinelli người Italia, sinh tại Milano năm 1853, thụ phong LM năm 22 tuổi. Cha sáng lập dòng các nữ tu Thờ Lạy Thánh Thể và làm bề trên Hội dòng này. Cha qua đời năm 1913 thọ 60 tuổi và được ĐTC Gioan Phaolô 2 phong chân phước năm 1992.

 4. Vị thứ tư là Chân phước Vincenzo Romano, thuộc giáo phận Napoli, nam Italia sinh năm 1751 và làm cha sở giáo xứ Torre del Greco. Giáo xứ này bị núi lửa Vesusio tàn phá hoàn toàn và cha đã tái thiết đẹp đẽ và khang trang hơn. Cha Romano quen được gọi là thánh Gioan Maria Vianney của Italia, đã giúp hồi sinh về vật chất và nhất là về tinh thần và luân lý cho cộng đoàn tín hữu. Cha qua đời năm 1831, thọ 80 tuổi và được phong chân phước năm 1963.

 5. Thứ năm là Nữ chân phước Maria Caterina Kasper người Đức, sinh năm 1820, có sức khỏe mạnh mẽ và lao tác trong các công việc đồng áng và xây đường. Chị thành lập một dòng chuyên phục vụ những người nghèo khổ nhất trong xã hội, đó là dòng Nữ Tỳ nghèo của Chúa Giêsu Kitô. Dòng phát triển mạnh, vượt ra ngoài Âu Châu và lan tới Mỹ châu. Chị qua đời năm 1898 thọ 78 tuổi và được phong chân phước năm 1978.

 6. Thứ sáu là nữ Chân phước Nazaria Ignazia sinh tại Madrid Tây Ban Nha năm 1889 và cùng gia đình di cư sang Nam Mỹ, gia nhập dòng các nữ tu săn sóc những người già bị bỏ rơi năm 1908 tại Bolivia. Về sau đứng trước tình trạng xã hội ngày càng bi thảm, chị lập dòng các nữ tu đạo binh thánh giá của Giáo Hội. Chị qua đời năm 1943 lúc 54 tuổi và được ĐGH Gioan Phaolô 2 phong chân phước năm 1992.

 7. Sau cùng là chân phước giáo dân Nunzio Sulprizio, người Italia, sinh năm 1817 và mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được bà ngoại săn sóc, nhưng bà cũng qua đời. Nunzio được người cậu làm thợ rèn đưa về nuôi, nhưng ông cũng hành hạ cháu, đến độ Nunzio mắc bệnh lao xương. Được đưa tới nhà thương ở Napoli, tại đây anh được rước lễ lần đầu. Bệnh nặng thêm, Nunzio qua đời năm 1836 lúc mới được 19 tuổi. Lòng can đảm trong bệnh tật của anh trong tinh thần đức tin đã làm cho nhiều cảm phục. Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 đã tôn phong Nunzio Sulprizio lên bậc chân phước năm 1963.

 Phong thánh

 Sau khi cộng đoàn hát kinh cầu Các Thánh, ĐTC đã long trọng đọc công thức lấy quyền tông đồ truyền ghi tên 7 vị chân phước vào sổ bộ các thánh, để tôn vinh Chúa Ba Ngôi chí thánh, tuyên dương đức tin Công Giáo và gia tăng đời sống Kitô.

 Cộng đoàn vỗ tay hân hoan tạ ơn Chúa trong khi ca đoàn ca bài ”Hãy reo mừng, hát lên mừng Chúa”, và thánh tích của các vị tân hiển thánh được rước lên bàn thờ. Thánh tích của Thánh Phaolô 6 là chiếc áo thung mang máu của ngài khi bị mưu sát ở Manila, Philippines. Mộ của thánh nhân, theo di chúc, tiếp tục giữ nguyên tại hầm đền thờ Thánh Phêrô, thay vì được di chuyển lên tầng trên như trường hợp thánh Gioan 23 và Gioan Phaolô 2. Thánh tích của 5 vị thánh khác là một mẩu xương, còn thánh tích của thánh nữ Nazaria Ignazia là một ít tóc.

 Bài giảng của ĐTC

 Trong bài giảng, ĐTC đã diễn giải bài Tin Mừng, trích từ đoạn 10 theo thánh Marco, về người kia, vốn đã chu toàn việc tuân giữ các giới răn, hỏi Chúa xem phải làm gì để gia sản là cuộc sống đời đời, và trong câu trả lời Chúa Giêsu đòi người ấy đi xa hơn nữa:

 ”Chúa đòi người ấy tiến từ việc tuân giữ lề luật tới sự hiến thân, từ thái độ làm cho mình tới việc ở với Chúa. Và Chúa đưa ra một đề nghị sống thật là ”sắc bén”: ”Anh hãy bán tất cả những gì anh có, cho người nghèo [..] rồi đến đây theo tôi!” (v.21). Chúa Giêsu cũng nói với bạn: ”Hãy đến đây, theo tôi!”. Hãy đến, chứ đừng đứng nguyên, vì không làm gì xấu, vẫn chưa chủ để thuộc về Chúa Giêsu. Hãy theo tôi: đừng chỉ theo Chúa Giêsu khi bạn thấy là thích hợp, nhưng còn phải tìm Chúa mỗi ngày; đừng hài lòng với việc tuân giữ các giới răn, làm phúc bố thí một chút và đọc vài kinh; hãy tin nơi Ngài Vị Thiên Chúa luôn yêu mến bạn, tìm nơi Chúa ý nghĩa cuộc sống của bạn, sức mạnh để hiến thân.

 Bán của cải cho người nghèo

 Và Chúa Giêsu còn nói: ”Hãy bán những gì bạn có và cho người nghèo”. Chúa không đưa ra lý thuyết về nghèo khó và giàu sang, nhưng đi thẳng vào cuộc sống. Chúa đòi bạn hãy bỏ đi tất cả những gì làm cho tâm hồn bạn nặng nề, hãy loại khỏi bạn những của cải để dành chỗ cho Chúa, là điều thiện hảo duy nhất. Ta không thể thực sự theo Chúa Giêsu khi ta bị sự vật đè nặng. Bởi vì nếu tâm hồn bị tràn ngập của cải, thì sẽ không còn chỗ cho Chúa, Chúa bị coi như một đồ vật giữa các đồ vật khác. Vì thế, Chúa Giêsu nói, của cải giàu sang là nguy hiểm, làm cho ta khó được cứu độ. Không phải vì Thiên Chúa nghiêm khác, không phải vậy, vấn đề là từ phía chúng ta: chúng ta có quá nhiều, ước muốn quá nhiều bóp nghẹt tâm hồn và làm cho chúng ta không còn khả năng yêu mến. Vì thế thánh Phaolo nhắc nhớ rằng ”Sự ham hố tiền bạc là căn cội gây ra mọi sự ác” (1 Tm 6,10). Chúng ta thấy điều đó: nơi nào người ta đặt tiền bạc ở trung tâm chỉ không có chỗ cho Thiên Chúa và cũng chẳng có chỗ cho con người”.

 Buồn sầu vì bám víu của cải

 Trước câu trả lời và yêu cầu của Chúa Giêsu, người ấy ra đi, buồn sầu (v.22). Người ấy đã thả neo nơi các giới răn và nhiều của cải, nên không muốn dâng hiến tâm hồn. Tuy đã gặp Chúa Giêsu và được cái nhìn yêu thương của Chúa, nhưng anh ta ra đi buồn sầu. Sự sầu muộn là bằng chứng về tình yêu không trọn vẹn. Đó là dấu chỉ một con tim nguội lạnh. Trái lại một tâm hồn được thảnh thơi khỏi của cải, tự do yêu mến Chúa, thì luôn tỏa lan niềm vui, niềm vui mà ngày hôm nay chúng ta rất cần. Thánh Giáo Hoàng Phaolô 6 đã viết: Chính nơi trọng tâm những lo âu của con người ngày nay mà họ đang cần được biết niềm vui, cần nghe thấy tiếng ca của Chúa” (Tông huấn Gaudete in Domino, I). Ngày hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy trở về với nguồn mạch niềm vui là cuộc gặp gỡ với Chúa, can đảm chọn lựa rủi ro để theo Chúa, thích từ bỏ cái gì đó để sống theo Chúa. Các thánh đã bước theo con đường đó.

 ĐTC áp dụng vào cuộc đời 7 vị thánh mới:

 Đức Phaolo 6 đã làm như thế, noi gương thánh Tông Đồ mà ngài nhận tên hiệu. Như thánh Phaolô, Người đã hiến thân vì Tin Mừng của Chúa Kitô, vượt qua các biên cương mới và trở thành chứng nhân của Chúa trong việc loan báo và trong cuộc đối thoại, thành vị ngôn sứ của một Giáo Hội hướng ngoại, nhìn đến những người ở xa và chăm sóc người nghèo. Cả trong những cơ cực và giữa những hiểu lầm, Đức Phaolô 6 đã say mê làm chứng về vẻ đẹp và niềm vui được hoàn toàn theo Chúa Giêsu. Ngày nay Ngài còn nhắn nhủ chúng ta, cùng với Công Đồng mà Ngài là người hướng dẫn khôn ngoan, hãy sống ơn gọi chung của chúng ta, ơn gọi mên thánh chung của tất cả mọi người. Không phải sống nửa chừng, nhưng là nên thánh.

 Thật là đẹp vì cùng với Đức Phaolô 6 và các vị thánh nam nữ ngày hôm nay, có Đức Cha Romero, ngừơi đã từ bỏ an ninh trần thế, và chính an ninh của bản thân, để hiến mạng sống theo Tin Mừng, gần gũi với người nghèo và dân của mình, với tâm hồn được Chúa Giêsu và các anh chị em thu hút. Cũng vậy chúng ta có thể nói về Cha Francesco Spinelli, Vincenzo Romano, Maria Caterina Kasper, Nazaria Ignazia Thánh Nữ Têrêsa Chúa Giêsu và Nunzio Sulprizio. Tất cả các vị thánh này, trong những hoàn cảnh khác nhau, đã diễn tả bằng cuộc sống Lời Chúa hôm nay, không chút nguội lạnh, không tính toán, nhưng với lòng nhiệt thành chấp nhận rủi ro và từ bỏ. Xin Chúa giúp chúng ta noi gương các ngài.

 Phần cuối của thánh lễ

 Thánh lễ được tiếp tục theo nghi thức thường lệ và trong phần lời nguyện giáo dân, cộng đoàn đã cầu nguyện cho Hội Thánh, các tin hữu Kitô bị bách hại, cho những người trẻ đang tìm ơn gọi, cho các đôi vợ chồng trẻ và đặc biệt bằng tiếng Hoa, mọi người cầu nguyện cho các nhà lập pháp và các chính quyền.

 Trong phần rước lễ, 350 LM và Phó tế được giao phó nhiệm vụ phân phát Mình Thánh Chúa.

 Cuối thánh lễ, ĐTC cùng mọi người đọc kinh Truyền Tin kính Đức Mẹ. Trong dịp này ngài cám ơn các HY và rất đông đảo các GM và LM đến tự các nơi trên thế giới, và ngài không quên chào thăm và cám ơn các phái đoàn của các chính phủ đến dự lễ, đặc biệt là Hoàng thái hậu Sofia, Tổng thống Italia, Chile, El Salvador và Panama, và phái đoàn Anh giáo do Đức TGM Rowan Williams hướng dẫn.

Giuse Trần Đức Anh OP

ĐTC Phanxicô tiếp các tín hữu Ba lan

ĐTC Phanxicô tiếp các tín hữu Ba lan

ĐTC đưa ra lời kêu gọi trên đây trong lời chào thăm hàng ngàn tín hữu Công Giáo Ba Lan thuộc Tổng giáo phận Cracovia, dưới sự hướng dẫn của Đức TGM bản quyền Marek Jedraszewski, về Roma hành hương tạ ơn Chúa, nhân dịp sắp kỷ niệm 40 năm Đức Gioan Phaolô 2 được bầu làm người Kế Vị Thánh Phêrô. Hiện diện trong đoàn hành hương còn có các HY và GM Ba Lan.

 Lên tiếng trong dịp này, ĐTC đề cao sự nghiệp của thánh Gioan Phaolô 2, đặc biệt trong việc giúp Giáo Hội trở thành người gìn giữ bảo vệ các quyền bất khả nhượng của con ngừơi, bênh vực gia đình và các dân tộc, để trở thành dấu chỉ hòa bình, công lý và sự phát triển toàn vẹn cho toàn thể gia đình nhân loại. Đồng thời, Người luôn nhấn mạnh vị thế ưu tiên của ơn thánh và sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa, trước mọi tính toán của con người.

 ĐTC nhận định rằng: ”Gia sản phong phú này được Thánh Gioan Phaolô 2 để lại, đối với chúng ta, và nhất là các đồng bào của Ngài, đó là một thách hãy trung thành với Chúa Kitô và vui mừng tận tụy đáp lại tiếng gọi nên thánh mà Chúa gửi đến mỗi người trong chúng ta, trong hoàn cảnh đặc biệt của chúng ta, bản thân, gia đình và xã hội. (Rei 10-10-2018)

Giuse Trần Đức Anh OP

Từ vận động viên trượt băng trở thành nữ tu dòng Phan sinh

Từ vận động viên trượt băng trở thành nữ tu dòng Phan sinh

Một ngày đầu năm nay (2018), tại một sân trượt băng cộng đồng ở thành phố Bradfort miền bắc nước Anh, những người bảo vệ sân băng hơi bị bối rối khi  thấy một người, trước đó đã trách các thiếu niên vì trượt băng quá nhanh và có thể gây nguy hiểm cho các du khách khác, nhưng bây giờ lại là người trượt rất nhanh xung quanh sân băng và người đó lại mặc y phục của một nữ tu. Cuối cùng thì người này cũng bị các bảo vệ yêu cầu dừng lại. Người này không phàn nàn chút nào nhưng chỉ nói: “Ngay cả sau bằng ấy năm, tôi vẫn thích trượt thật nhanh.” Người đó chính là Kirstin Holum, cựu vận động viên trượt băng tốc độ người Mỹ và hiện nay là sơ Catarina, dòng thánh Phanxicô canh tân, đang sống và cầu nguyện trong tu viện thánh Clara ở thành phố Leeds nước Anh.

Từ các kỷ lục đến nhà nguyện

Kristin nhận được niềm tin từ người mẹ của mình, cũng là một vận động viên trượt băng và huấn luyện viên trượt băng. Khi Kristin được 16 tuổi, mẹ của cô đã cho cô đi hành hương Fatima cùng với một người chị họ. Và Fatima đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của Kristin. Cô vẫn tham gia các cuộc thi nhưng với cái nhìn tập trung vào “Vua các vua”.

Trong Thế vận hội mùa đông năm 1998 tại Nagano, Nhật bản, môn trượt băng tốc độ đường dài của Mỹ hân hoan với sự xuất hiện của ngôi sao tiềm năng, Kirstin Holum. Ở tuổi 17, Kristin đã thể hiện sức mạnh vượt trội trong các môn thi 3.000 và 5.000 mét, là các môn thường dành cho những người biểu diễn lớn tuổi hơn, những người đã trưởng thành hoàn toàn. Tại Thế vận hội này, Kirstin đã lập kỷ lục thế giới mới trong cuộc đua trượt băng tốc độ 5.000 mét dành cho nữ giới. Vào thời điểm đó, cô mới 17 tuổi, và một tương lai thể thao tuyệt vời đang chờ cô ở phía trước. Trong sự nghiệp ngắn ngủi của mình, cô đã lập được tám kỷ lục trong các cuộc thi trượt băng tốc độ tại Mỹ và sáu kỷ lục thế giới dành cho người trẻ. Nhưng Thiên Chúa lại có chương trình mà con người không thể hiểu thấu được.

Sau kỳ Thế vấn hội tại Nagano, Kristin theo học trường nghệ thuật nhưng rồi sau đó cô theo đuổi con đường đức tin và từ đó đã dành cả đời mình cho nó. Kirstin đã khiến người quen biết cô cũng như người chỉ biết tên tuổi cô phải ngạc nhiên. Sau khi hoàn thành chương trình đại học, Kristin đã quyết định "treo giày” và trở thành một thỉnh sinh trong dòng các nữ tu Phan sinh canh tân ở Bronx, New York, và khấn dòng với tên dòng là Catarina.

Sáu năm sau, sơ Catarina là một trong nhóm sáu nữ tu Phan sinh được gửi đến Anh với sứ vụ thành lập một tu viện mới theo lời mời của Đức cha giáo phận Leeds. Thay vì tập luyện bốn giờ một ngày, giờ đây sơ cũng dành bằng đó thời gian, nếu không nhiều hơn, để cầu nguyện. Sơ Catarina không hối tiếc khi từ bỏ môn thể thao trượt băng tốc độ để dâng hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa.

Quá khứ là một hồng ân

Ban đầu sơ Catarina ít nói về đời sống vận động viên trượt băng trước đây của mình và nhiều nữ tu cùng dòng không biết sơ đã tham dự thế vận hội Olympic. Nhưng khi một bài báo viết về sơ được đăng, câu chuyện của sơ được lan truyền trong cộng đồng Công giáo và sơ nhận được các lời mời nói chuyện, trong đó có buổi nói chuyện trước 10 ngàn cử toạ trong một đại hội tôn giáo ở Luân đôn. Sơ đã chia sẻ với báo USA Today: “Những gì đã xảy ra đặc biệt trong 8 năm nay là cơ hội để nhìn lại thật nhiều điều đẹp đẽ về trượt băng và Olympics… Tôi không có một câu chuyện vào nhà dòng bình thường như các chị em khác. Có cơ hội nhìn lại quá khứ và tạ ơn và chia sẻ với những người tôi có liên lạc thật là một phúc lành.”

Sơ cũng chia sẻ rằng những bài học về trượt băng giúp đỡ cho sơ trong đời sống tu trì. Sơ nói: “Cuộc đời nữ tu là cuộc sống kỷ luật và khó khăn và những thời gian dài và những điều không chờ đợi đang xảy đến. Tôi có thể thấy rằng việc huấn luyện thi đấu ở Olympics đã giúp tôi tập trung nhiều trong đời sống tu trì.

Một cảm xúc lớn hơn

Cô gái Kirstin Holum và sơ Catarina tuy là cùng một người, nhưng lại không có những cách giải trí giống nhau. Sơ Catarina đã chọn sống đời sống cầu nguyện với những tiện nghi đơn giản, không hiện đại như cô gái Kristin đã từng sống. Lựa chọn trở thành nữ tu của Kristin là một lựa chọn vừa "triệt để" vừa có vẻ "ngược lại với văn hóa" nếu nhìn dưới chiều kích thực tế là cuộc sống của các tu sĩ trong đan viện không có kết nối Internet hoặc tivi.

Sơ Catarina đã chọn con đường khác và tìm kiếm điều đối với sơ đáng giá hơn nhiều. Sơ nói: "Cảm xúc thi đua tranh tài và thực hiện tốt cuộc thi, với nỗ lực hết mình của cá nhân, là một niềm vui lớn. Nhưng nó luôn là một niềm vui thoáng qua … Tôi nghĩ rằng về cơ bản, mọi người muốn trở nên vĩ đại và làm điều gì đó tuyệt vời. Chỉ khi nào bạn thực có mối liên hệ với kế hoạch của Thiên Chúa dành cho bạn, bạn mới tìm được sự bình an để làm điều tốt nhất, bất kể nó là gì.”

Hồng Thủy

7 ngàn tín hữu Salvador về Roma dự lễ phong thánh

7 ngàn tín hữu Salvador về Roma dự lễ phong thánh

ĐHY Gregorio Rosa Chavez, GM Phụ tá Tổng giáo phận San Salvador, cho biết trong số 7 ngàn tín hữu vừa nói có 5 ngàn người từ El Salvador và 2 ngàn người còn lại từ các nước khác nơi họ đang cư ngụ.

 Đức TGM Oscar Romero, của giáo phận thủ đô San Salvador, đã bị một đội quân tử thần sát hại ngày 24-3 năm 1980 trong lúc dâng thánh lễ tại một nhà thương ở ngoại ô Salvador. Ngài nổi bật về các hoạt động bênh vực dân nghèo và nhân quyền.

 Tất cả được chuẩn bị sẵn sàng

 Đức Cha Jose Luis Escobar, đương kim TGM giáo phận San Salvador, cho biết tất cả đã được chuẩn bị sẵn sàng cho lễ phong thánh. Ngài cũng nói rằng: ”Có được một vị thánh là một phúc lành lớn nhất từ trời cao, cả thế giới cũng công nhận Người là vị thánh”.

 Đức TGM cũng cho biết hôm sau ngày lễ phong thánh, tức là thứ hai, 15-10 sắp tới, tất cả các tín hữu Salvador sẽ được ĐTC Phanxicô tiếp kiến tại một thính đường ở Vatican.

 Người được phép lạ cũng hiện diện

 Trong số các tín hữu Salvador về Roma dự lễ phong thánh cũng có các đại diện của gia đình Đức TGM Romero, và người được phép lạ của thánh nhân, là bà Cecilia Maribel Flores de Rivas, 34 tuổi, cùng với gia đình của bà. Bà đã được khỏi bệnh ung thư một cách lạ lùng nhờ lời chuyển cầu của Chân Phước Oscar Romero hồi tháng 9 năm 2015. (AFP 7-10-2018)

Giuse Trần Đức Anh OP

Thánh lễ cầu nguyện cho Bán đảo Triều Tiên

Thánh lễ cầu nguyện cho Bán đảo Triều Tiên

Hiện diện trong thánh lễ này đặc biệtẽ có Tổng thống Hàn Quốc, Ông Moon Jae In.

Lúc 12 giờ ngày hôm sau, thứ năm 18-10-2018, ĐTC sẽ tiếp Tổng thống Hàn Quốc tại Dinh Tông Tòa.

Chủ Tịch Kim Chánh Ân mời ĐGH viếng thăm Bắc Hàn

Ngoài ra, Phủ Tổng thống Hàn Quốc đưa tin Chủ Tịch Kim Chánh Ân (Kim Jong-un) mời ĐTC đến viếng thăm thủ đô Bình Nhưỡng.

Trong cuộc họp báo hôm 9-10-2018 để loan báo cuộc viếng thăm của Tổng Thống Moon Jae In, cũng gọi là Văn Tại Dần, Phát ngôn viên Kim Nghi Khiêm (Kim Eui-kyeom) cho biết ”Chủ tịch Kim Chánh Ân đã nói ông sẽ nồng nhiệt tiếp đón ĐGH nếu ngài muốn viếng thăm Bình Nhưỡng.. Và Tổng thống Moon sẽ chuyển cho ĐGH sứ điệp của Chủ tịch Kim khi được ngài tiếp kiến ngày 18-10 tới đây”.

 Một cuộc viếng thăm của ĐGH tại Bình Nhưỡng sẽ là một điều mới mẻ tuyệt đối vì chưa hề có một vị Giáo Hoàng nào viếng thăm Bắc Hàn, nơi đã có những cuộc bách hại khốc liệt chống các tín hữu Kitô và tín đồ các tôn giáo khác (Rei, Asia News 9-10-2018)

ĐGH có thể thăm Madagascar năm 2019

Mặt khác, ĐHY Désiré Tsarahazana, người Madagascar, cho biết ĐTC sẽ viếng thăm nước này trong năm tới, 2019.

ĐHY cho biết như trên trong cuộc họp báo trưa ngày 9-10 vừa qua về Thượng HĐGM ở Vatican, với sự hiện diện của Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, Ông Greg Burke.

Và có thể sẽ thăm Mozambique gần đó

Hồi trung tuần tháng 9 vừa qua, sau khi được ĐTC tiếp kiến tại Vatican, Tổng thống nước Mozambique, Ông Felipe Jacinto Nyusi, cho biết ông hy vọng ĐGH sẽ viếng thăm Mozambique trong năm tới. Nước này cũng như Madagascar đều thuộc vùng nam Phi Châu. (KNA 8-10-2018)

Giuse Trần Đức Anh OP

 

ĐỨC TGM Scicluna: ĐTC đau buồn vì công lý chậm chạp

ĐỨC TGM Scicluna: ĐTC đau buồn vì công lý chậm chạp

Trên đây là lời tuyên bố của Đức Cha Charles Scicluna, TGM giáo phận La Valetta, Malta và cũng là thẩm phán xử phúc thẩm những vụ kháng án tại Bộ giáo lý đức tin về những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Ngài cũng đã được ĐTC gửi sang Chile hồi tháng 3 năm nay để điều tra về những vụ lạm dụng tại đây và đã giúp ĐTC thay đổi lập trường về vụ Đức Cha Juan Barros bị cáo là ém nhẹm những vụ lạm dụng của cha Karadigma.

 Đức TGM Scicluna cho biết như trên trong cuộc họp báo trưa ngày 8-10-2018 tại Phòng báo chí Tòa Thánh. Ngài nói:

 Tìm kiếm sự thật – tôn trọng công lý dân sự

 ”Tìm kiếm sự thật là điều thiết yếu và cũng có một nền công lý dân sự cần phải tôn trọng, vì những câu trả lời cho các vụ lạm dụng ấy không phải chỉ ở trong nội bộ Giáo Hội, nhưng cũng là một tội ác về mặt dân sự, cần phải tôn trọng quyền tài phán dân sự và để những kẻ phạm lỗi phải chịu hậu quả do những hành động của họ”.

 ”Vì thế, công lý, sự thật và lòng thương xót là những lời nòng cốt trong vấn đề xử lý những vụ lạm dụng tính dục, trong vấn đề này Giáo Hội tái quyết tâm chống lại các tội ác ấy.”

 Đừng chờ đợi giải pháp chống lạm dụng từ Thượng HĐGM

 Tuy nhiên, trong cuộc họp báo, Đức TGM Scicluna nói rằng ”các tín hữu đừng mong đợi nơi Thượng HĐGM về giới trẻ hiện nay những câu trả lời cho cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục, trái lại cần đợi khóa họp của ĐTC vào tháng 2 năm tới, từ ngày 21 đến 24-2 năm 2019, với các vị Chủ tịch HĐGM trên thế giới để có câu trả lời đầy đủ cho vấn đề này.”

 Đức TGM cũng kêu gọi những người không tín nhiệm nơi cách đối phó của ĐTC Phanxicô về những vụ lạm dụng hãy để cho Ngài có thời gian. (Oss.Rom. Cath.uk 8-10-2018)

 Theo Đức TGM Scicluna, một điều rất quan trọng trong những ngày đầu của Thượng HĐGM hiện nay là lời ”xin lỗi dài” do Đức Cha Anthony Fisher, TGM giáo phận Sydney bên Úc trình bày về vấn đề lạm dụng tính dục và những lỗi lầm khác của Giáo Hội.

 Thượng HĐGM đào sâu vấn đề lạm dụng

 Đức TGM Scicluna cho biết do sự kiện ấy, tất cả các nhóm nhỏ đã đào sâu vấn đề lạm dụng tính dục, vì theo ngài hy vọng đề tài này sẽ được một chỗ đứng quan trọng trong Văn kiện chung kết, so với tài liệu làm việc, vì văn kiện này chỉ nói về vấn đề lạm dụng trong một đoạn, đoạn số 66. (Oss.Rom. Cath.uk 8-10-2018).

Giuse Trần Đức Anh OP

Tường trình kết quả hội thảo 14 nhóm tại Thượng HĐGM

Tường trình kết quả hội thảo 14 nhóm tại Thượng HĐGM

Có 4 nhóm tiếng Anh, 3 nhóm tiếng Pháp và 3 nhóm tiếng Ý, 2 nhóm tiếng Tây Ban Nha, 1 nhóm Bồ đào nha và 1 nhóm tiếng Đức.

 Các ý tưởng được nhấn mạnh nhiều nhất là cần có một Giáo Hội cảm thông, đối thoại, tránh thái độ tự tham chiếu cũng như những thành kiến, và Giáo Hội cần đáng tin cậy nhờ chứng tá.

 Đề cao giá trị của người trẻ

 Các nghị phụ nhấn mạnh rằng cần đề cao giá trị của người trẻ; sự tham gia tích cực của họ vào đời sống Giáo Hội cần được thăng tiến và tái đẩy mạnh, cần làm cho sự dấn thân của họ mang lại thành quả, trong tinh thần công nghị đích thực, để họ trở thành những người giữ vai chính với tinh thần trách nhiệm, và trở thành những người loan báo Tin Mừng cho những người đồng lứa tuổi.

 Giáo Hội cần giúp người trẻ hy vọng

 Các nghị phụ cũng khẳng định rằng cần vui mừng cống hiến cho người trẻ những lý do để sống và hy vọng, tránh thái độ luân lý dạy đời và cần chứng tỏ rằng cuộc sống là lời đáp lại ơn gọi Chúa dành cho mỗi người chúng ta; xét cho cùng, cuộc sống là tươi đẹp vì có một ý nghĩa. Người trẻ có khả năng đưa ra những quyết định, tuy nhiên cũng cần giúp họ tới những quyết định dài hạn.

 Cảnh giác về nền văn hóa kỹ thuật số (digital)

 Nhiều nhóm nghị phụ đề cập đến nền văn hóa kỹ thuật số đang tràn ngập cuộc sống của người trẻ, phong phú về những điểm sáng, những cũng có những bóng tối, gia tăng cảm tưởng cô đơn, với nguy cơ làm cho người trẻ bị bó buộc đối với thứ năm hóa màn hình, một bệnh tinh thần về kỹ thuật số, khiến người trẻ không có khả năng tập trung và hiểu những văn bản phức tạp, một sự di cư tiềm thể, đưa người trẻ vào một thế giới hoàn toàn là của họ, kết quả của sự tưởng tượng. Trong bối cảnh đó, sự hiện diện của Giáo Hội là điều thiết yếu để đồng hành với người trẻ, dạy họ rằng cần sử dụng mạng, chứ đừng để mạng sử dụng mình. Cũng không nên quên rằng bao nhiêu người trẻ không nối mạng và thường họ sống tại những vùng quê không có Internet.

 Cần tái tạo sự tín nhiệm Giáo Hội sau xì căng đan lạm dụng

 Một đề tài khác được nhiều nhóm nghị phụ cứu xét là xì căng đan lạm dụng tính dục, làm thương tổn uy tín của Giáo Hội. Cần đương đầu với gương mù này một cách sâu rộng để phục hồi lòng tín nhiệm của tín hữu, nhưng không nên quên những gì Giáo Hội đã làm để ngăn chặn và phòng ngừa những tội ác ấy, tránh những thiếu sót thê thảm sau này. Một điều quan trọng khác là giúp đỡ những nạn nhân của các vụ lạm dụng, để họ tìm được con đường tha thứ và hòa giải. Cần có thể thông tin về vấn đề tính dục, trình bày trong sáng, nhưng không bỏ qua ngôn ngữ thần học.

 Các HĐGM liên hệ cần dân thân vào vấn đề di dân

 Về vấn đề di dân: các nhóm nghị phụ quan tâm đến vấn đề này và nhấn mạnh rằng cần có sự dấn thân của các HĐGM liên hệ. Cần bênh vực chính nghĩa của người di dân trên bình diện quốc tế, kiến tạo những con đường hợp pháp và an ninh, và điều quan trọng là cổ võ những cơ hội tại các nước xuất cư và tiếp cư. Không được quên những người di cư nội địa tại mỗi nước, cũng như những người bị bách hại và ngược đãi tại nhiều vùng trên thế giới.

  Quan tâm tới việc huấn luyện người trẻ

 Một số nhóm nghị phụ nhắc đến vấn đề huấn luyện cho người trẻ, và điều này cũng nằm trong thách đố mục vụ gia đình thích hợp, giúp thông truyền đức tin giữa các thể hệ khác nhau. Ngày nay gia đình đang trải qua một giai đoạn khủng hoảng, do cơ cấu bị giải trừ và sự suy yếu của vai trò người cha. Nói chung, nhiều khi có những người lớn ấu trĩ và cá nhân chủ nghĩa, không giúp người trẻ nhận thức Tin Mừng. Trái lại, trách nhiệm của mỗi tín hữu là đồng hành với người trẻ để họ gặp gỡ với Chúa Giêsu, vì tuổi trẻ xây dựng bản thân trên căn bản những gì họ đã nhận lãnh từ gia đình. Vì thế Giáo Hội là ”gia đình của các gia đình”, phải cống hiến cho ngừơi trẻ kinh nghiệm đích thưc về gia đình, trong đó họ cảm thấy được đón nhận, yêu thương, chăm sóc và đồng hành trong sự tăng trưởng, phát triển toàn diện và thực hiện những giấc mơ và hy vọng của họ”. (Rei 9-10-2018)

Giuse Trần Đức Anh OP

Sinh hoạt Thượng HĐGM thế giới về giới trẻ

Sinh hoạt Thượng HĐGM thế giới về giới trẻ

Ban thông tin của Thượng HĐGM và cả một số nghị phụ phổ biến những tin tức, ý kiến hoặc lập trường về các vấn đề đang được công nghị GM thế giới hiện nay bàn luận. Sau đây là một số ý kiến nổi bật được dư luận chú ý.

 Ý kiến: truyền chức LM cho người có gia đình

 Đức Cha Jean Kockerols, GM phụ tá Tổng giáo phận Bruxelles bên Bỉ, đã trình bày lập trường của HĐGM nước này, đề nghị Giáo Hội truyền chức linh mục cho những người có gia đình. Trong bài phát biểu về ơn gọi của người trẻ, Đức Cha Kockerols nói:

 ”Có một ơn gọi Kitô, là ơn gọi khi chịu phép rửa tội, và có các ơn gọi khác cụ thể hóa ơn gọi nguyên thủy ấy, và tôi xin kết luận: ”Tôi xác tín rằng một số người trẻ, đã kín múc trong ơn gọi bí tích rửa tội lời kêu gọi dấn thân trong hôn nhân, nhưng họ sẵn lòng thưa ”này con đây” nếu Giáo Hội gọi họ vào sứ vụ linh mục”.

 Cha Tommy Scholtes, dòng Tên, Phát ngôn viên của HĐGM Bỉ, cho biết Đức Cha Kockerols đã đệ trình trước văn bản bài phát biểu của ngài cho các GM Bỉ và bài phát biểu ấy thực sự được làm nhân danh HĐGM Bỉ. Cha Tommy giải thích thêm rằng việc truyền chức LM cho những người nam có gia đình có thể là một câu trả lời cho cuộc khủng hoảng ơn gọi xảy ra khắp nơi trên thế giới. Cha nói: ”Việc truyền chức LM cho những người nam có gia đình không phải là giải pháp duy nhất cho cuộc khủng khoảng ơn gọi, vì đây cũng là một vấn đề sự đáng tín nhiệm của đức tin trong thế giới ngày nay. Chúng ta biết rằng nơi thế giới Tin Lành và Chính Thống trong đó các mục tử có thể là những người kết hôn, họ cũng gặp khó khăn trong việc tìm những ngừơi trẻ chấp nhận việc phục vụ này dành cho Giáo Hội”.

 Đưa phụ nữ vào các vai trò lãnh đạo Giáo Hội

 Một đề nghị khác thường đã được ĐHY Reinhard Marx, TGM Munich, Chủ tịch HĐGM Đức, đề ra: ĐHY kêu gọi Giáo Hội hãy để phụ nữ tham gia vào các cấp độ lãnh đạo Giáo Hội, từ giáo phận, đến HĐGM và cả Vatican. Ngài nhận định rằng tại Vatican chưa có phụ nữ nào được tham gia vào các vị trí lãnh đạo.

 Trong bài tham luận tại phiên họp khoáng đại sáng ngày 11-10-2018 và được chính HĐGM Đức phổ biến sau đó, ĐHY Marx nói ”chúng ta phải thực sự muốn và thi hành việc thăng tiến phụ nữ. Người ta có cảm tưởng Giáo Hội, trong những gì liên hệ tới quyền bính, xét cho cùng, đó là Giáo Hội của nam giới. Cần vượt thắng cảm tưởng đó trong Giáo Hội hoàn vũ và cả tại Vatican, chẳng vậy các thiếu nữ sẽ chẳng được những cơ may thực sự. Đây là lúc cần phải hành động như vậy”.

 Theo ĐHY, đưa phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo trong Giáo Hội sẽ góp phần phá vỡ cái vòng khép kín của giáo sĩ. ĐHY cho biết cách đây 5 năm, các GM Đức đã quyết định để phụ nữ tham gia vào các công tác lãnh đạo Giáo Hội về thần học và mục vụ.

 ĐHY Marx cũng là thành viên Hội đồng 9 HY Cố vấn của ĐTC. Trong một cuộc phỏng vấn cách đây ít lâu, ĐHY tiết lộ là đã cố gắng đẩy mạnh việc bổ nhiệm phụ nữ vào các vai trò lãnh đạo tại Tòa Thánh, nhưng đề nghị này không được tiến hành nhanh như ngài mong muốn.

 Các ý kiến và đề nghị khác:

 Có nghị phụ nêu vấn đề: nhiều ngừơi ngày nay, đặc biệt là người trẻ, không lãnh nhận bí tích giải tội nữa và vì thế, cần có một nền mục vụ đúng đắn, có thể giúp người trẻ ý thức đầy đủ và phong phú về việc cử hành bí tích giải tội.

 Đẩy mạnh mục vụ giới trẻ

 Để đẩy mạnh việc mục vụ giới trẻ, có nghị phụ đề nghị mỗi đơn vị của Giáo Hội, như giáo phận, nên thiết lập một Văn phòng về giới trẻ để mang lại năng động cho việc mục vụ giới trẻ. Người trẻ là hiện tại và tương lai của Giáo Hội.

 Nhiều nghị phụ khác lưu ý rằng thách đố hiện nay là: trong lúc Giáo Hội đang bị khủng hoảng về uy tín do những gương mù gương xấu, những lạm dụng và chia rẽ nội bộ gây ra, người ta bị cám dỗ muốn xây dựng một Giáo Hội hủy bỏ lo âu và muốn sống một cách chắc chắn và rõ ràng. Nguy cơ là mong muốn một thế hệ người trẻ ”cứng rắn và tinh tuyền” tưởng mình biết mọi câu trả lời. Nhưng Giáo Hội được kêu gọi thức tỉnh tâm hồn và các bắp cơ của mình. Từ đó, các nghị phụ kêu gọi suy tư về việc đào tạo trong các chủng viện và cần giảng dạy về sự phân định.

 Giúp người trẻ trưởng thành về tình yêu và chuẩn bị hôn nhân

 Trong các bài phát biểu tự do, có nghị phụ nhắc nhở rằng khi bàn về việc đồng hành giúp người trẻ trưởng thành về tình yêu, qua việc học tập và chuẩn bị hôn nhân. Nhưng người ta nhận thấy về vấn đề này Giáo Hội và các mục tử không có khả năng và có một sự thiếu hiểu biết và thiếu trách nhiệm.

 Mặt khác không thể thu hẹp sự dịu dàng của tình yêu mãi mãi vào một thứ ”giáo sĩ hóa hôn nhân”, vào những lễ nghi chính thức mà không để ý đến sự trưởng thành. Tóm lại cần một thời gian chuẩn bị, và học hỏi vì tình yêu là điều lớn lao đến độ không thể bán rẻ như một món hàng.

 Đáp ứng và hướng dẫn người trẻ cầu nguyện

 Sau cùng có những nghị phụ kêu gọi làm sao để người trẻ say mê Chúa Giêsu, khám phá nơi Chúa chân lý của cuộc sống. Trước tiên là cầu nguyện và đặc biệt là việc Chầu Mình Thánh Chúa. Sau đó là sự tiếp xúc với Chúa Giêsu động chạm đến thân mình Chúa trong nhân tính của ngài, trong các vết thương thể lý và tinh thần của những người đồng lứa tuổi.

 Có nhiều nghị phụ nhận thấy về kinh nguyện, cần giúp người trẻ ý thức và cầu nguyện với họ, vì rất nhiều người trẻ không thấy cha mẹ hoặc những người thân trong gia đình cầu nguyện. Nhiều ngừơi trẻ muốn được dạy về các cầu nguyện. Các bạn trẻ rất nhạy cảm đối với việc huấn luyện về linh đạo. Theo một dự thính viên, Jonathan Lewis người Mỹ, sự thiếu những linh hướng là một trong những nguyên nhân chính tạo nên sự khủng hoảng đức tin.

 Một nghị phụ khác nhấn mạnh rằng đừng tạo nên một Giáo Hội cho người trẻ, nhưng trái lại cần tìm lại sự tươi trẻ của Giáo Hội. Chúng ta đã đánh mất ngọn lửa truyền giáo. Cũng có nghị phụ cảnh giác đừng chiều theo cám dỗ thuần hóa người trẻ, vì sự lo âu của người trẻ là một điều phong phú cho Giáo Hội.

 Ủy ban soạn Văn kiện chung kết

 Ngày 10-10-2018, danh tánh của 12 thành viên Ủy ban soạn Văn kiện chung kết đã được công bố, gồm 4 vị thuộc Ban điều hành Công nghị GM này, 5 vị đại diện 5 châu do các nghị phụ bầu lên và 3 vị do ĐTC bổ nhiệm. Đại diện cho Á châu là ĐHY Oswald Gracias, TGM giáo phận Mumbai, Chủ tịch HĐGM Ấn độ và là thành viên Hội đồng 9 HY cố vấn của ĐTC về việc cải tổ giáo triều.

 Nhiệm vụ Ủy ban này là soạn dự thảo Văn kiện để đưa ra bỏ phiếu trong các phiên khoáng đại của Thượng HĐGM, tu chính và đi tới bản văn sẽ được bỏ phiếu chung kết vào ngày thứ bẩy, 27-10 tới đây.

 Về việc soạn tài liệu chung kết của Thượng HĐGM này, trong phiên họp ngày 10-10, cử tọa nhiệt liệt vỗ tay khi một nghị phụ cảnh giác chống lại nguy cơ soạn ra một ấn bản mới về tài liệu làm việc. Các nghị phụ được mời gọi bỏ phiếu chấp nhận những sửa chữa Tài liệu làm việc đã được các nghị phụ trong các nhóm đề ra. Nhất là làm sao để Thượng HĐGM này đừng làm thất vọng những người trẻ đã góp phần chuẩn bị tài liệu.

 Hai GM Trung Quốc không ở tới cuối Thượng HĐGM

 Trong một cuộc họp báo, Ông Bộ trưởng truyền thông Paolo Ruffini, cũng là trưởng ban thông tin của Thượng HĐGM hiện nay cho biết: hai GM Trung Quốc, Đức Cha Gioan Baotixita Dương Hiểu Đình (Yang Xaoting) và Giuse Quách Kim Tài (Guo Jincai) không ở lại Roma cho đến khi bế mạc Thượng HĐGM. Ông Ruffini giải thích rằng ”Không có gì là lạ, và cũng không có sự thay đổi chương trình nào. Ngay từ đầu người ta đã biết là 2 GM Trung Quốc sẽ không ở lại cho đến cuối Thượng HĐGM, và cũng vì lời mời tham dự đến sau khi có hiệp định tạm thời được ký ngày 22-9 giữa Tòa Thánh và Trung quốc. Nói đúng hơn hai GM Trung Quốc đã ”gia hạn việc lưu lại Roma này”, vì đối với bất kỳ GM nào, ở ngoài giáo phận một tháng là một vấn đề và các bị không ở lâu được” Rei tong hop)

Giuse Trần Đức Anh OP

Khóa họp 26 của Hội Đồng Hồng Y Cố Vấn của ĐGH

Khóa họp 26 của Hội Đồng Hồng Y Cố Vấn của ĐGH

Trên đây là nội dung thông cáo được Hội đồng C-9 công bố hôm chiều ngày 10-9-2018 trong khóa họp thứ 26 từ ngày 10 đến 12-9-2018 tại Vatican.

 Nội dung Thông Cáo

 Thông cáo viết: ”Hội đồng đã bày tỏ tình liên đới hoàn toàn với ĐTC Phanxicô đứng trước những gì xảy ra trong những tuần lễ gần đây, được biết rằng trong cuộc tranh luận hiện thời, Tòa Thánh sắp đưa ra những minh xác thích hợp và cần thiết”.

 Trước đó, thông cáo cho biết ”Hội đồng Hồng Y sẵn sàng đệ trình ĐTC đề nghị về việc cải tổ giáo triều Roma được soạn thảo trong 5 năm hoạt động và trong viễn tượng tiếp tục, Hội đồng này có ý định xin ĐTC suy nghĩ về công việc, cơ cấu và thành phần của Hội đồng, để ý đến tuổi cao của một vài thành viên”.

 Sau cùng, Hội đồng bày tỏ hài lòng về sự thành công tốt đẹp của cuộc gặp gỡ kỳ 9 các gia đình Công Giáo thế giới ở Dublin, chúc mừng ĐHY Kevin Farrell và Bộ giáo dân, gia đình và sự sống, cùng với Đức TGM Diarmuid Martin, đã tổ chức biến cố này”.

 Tranh luận trong dư luận

 Trong những tuần qua, dư luận đã bàn tán nhiều về những vụ lạm dụng tính dục qua phúc trình tại bang Pennsylvania Hoa Kỳ, vụ ĐHY McCarrick nguyên TGM Washington, đã phải từ bỏ tước vị Hồng Y vì bị cáo buộc về những lạm dụng, nhất là vụ Đức TGM Carlo Maria Viganò, nguyên Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, yêu cầu ĐTC Phanxicô từ chức để ”làm gương cho các HY và GM khác, vì ngài đã biết về những hành vi sai trái của Đức TGM McCarrick cách đây 5 năm mà không có biện pháp thích hợp”, và sau cùng trong cuộc phỏng vấn trên máy bay ngày 26-8, ĐTC đã từ chối trả lời về vấn đề này khiến cho nhiều người trong dư luận tại Mỹ bất mãn. Một số GM ở Mỹ, trong đó có ĐHY DiNardo Chủ tịch HĐGM, xin Tòa Thánh làm sáng tỏ những vụ này.

 Nhiều Hồng Y cao niên trong C-9

Ngoài ra, trong số 9 HY cố vấn của ĐTC có một số vị có tuổi cao như ĐHY Errazuris người Chile, 85 tuổi, ĐHY Monsengwo người Congo, 79 tuổi, ĐHY George Pell người Australia 77 tuổi, có 3 vị khác ở lứa tuổi từ 74 đến 76 tuổi. Ngoài ra, trong khóa họp thứ 26 vừa qua, có 3 vị Hồng Y vắng mặt: ĐHY Pell đang ở trong thời gian hầu tòa ở Australia, ĐHY Errazuris vì lý do riêng vào phút chót không đến họp, ĐHY Monsengwo cũng vắng mặt (Rei 10-9-2018).

Hồng Thủy

Trung quốc cấm hoàn toàn việc truyền giảng Tin mừng trên internet

Trung quốc cấm hoàn toàn việc truyền giảng Tin mừng trên internet

Ngày 10/09/2018, Bộ Tôn giáo vụ của Trung quốc đã ban hành một số quy luật về việc hoạt động tôn giáo trên internet. Theo “Những Quy Luật Mới” này, việc phổ biến các nghi thức tôn giáo trực tiếp trên internet (live stream), việc cầu nguyện, giảng dạy và cả việc đốt hương hoàn toàn bị cấm.

Những quy luật mới cấm cả những nội dung nhậy cảm như: không được đăng những lời chỉ trích sự lãnh đạo của đảng và chính sách tôn giáo của nhà nước; không được khuyến khích trẻ vị thành niên tham gia vào các nghi thức tôn giáo; không được sử dụng tôn giáo để lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Những quy luật mới này được đăng trên trang thông tin pháp luật của chính quyền Trung quốc với tựa đề “Quy luật xử lý thông tin tôn giáo trên internet.” Dù đây chỉ mới là bản thảo và chờ phản ứng của công chúng, nhưng hầu như bản thảo thực tế đã là bản văn quyết định.

Tài liệu mới này được phân thành 5 chương với 35 điều, lần lượt đề cập đến các quy luật tổng quát, sự chấp thuận về các hoạt động thông tin tôn giáo trên internet, việc xử lý, trách nhiệm pháp luật và một số điều khoản bổ sung.

Theo tài liệu này, ai muốn mở một trang web về tôn giáo phải xin phép chính quyền và phải được xét là lành mạnh về luân lý và đáng tin về chính trị. Không được cải đạo người khác, không được phổ biến tài liệu tôn giáo. Các tổ chức và trường học có giấy phép có thể phổ biến việc giáo dục trên internet nhưng chỉ trên mạng nội bộ của họ, và phải có tên và mật khẩu đăng nhập. Tài liệu nhấn mạnh rằng các tổ chức đó không thể tìm cách cải đạo bất cứ ai và không thể phân phát các tài liệu tôn giáo và tài liệu khác.

So với các “quy định mới” về tôn giáo đã được áp dụng từ tháng 2 vừa qua, tài liệu mới này ngặt hơn. “Quy định mới” (xem Điều 68 và 45) cấm nội dung "phá hoại" sự cùng hiện diện giữa các tôn giáo và người không theo tôn giáo, hoặc phổ biến chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, hoặc không ủng hộ các nguyên tắc độc lập và tự quản trị tôn giáo. Nhưng tài liệu này vẫn chấp nhận các thông tin và tài liệu tôn giáo có thể được phổ biến cho công chúng, miễn là phù hợp với luật pháp. Trong khi đó, “Những Quy Luật Mới” dường như được đưa ra nhắm ngăn chặn sự phổ biến giáo huấn tôn giáo trên internet và ngăn chặn sự quan tâm đến chiều kích tâm linh đang phát triển trong xã hội Trung quốc, nơi mà sự thức tỉnh tôn giáo hiện nay đã đến mức độ không thể kiểm soát được.

Để kiểm soát sự tăng trưởng tôn giáo mạnh mẽ ở Trung Quốc, từ vài năm nay, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát động một chiến dịch "Hán hóa" để đồng hóa các tôn giáo với văn hóa Trung Hoa và trên hết là để đặt các tôn giáo dưới sự bá chủ của đảng cộng sản, biến tôn giáo thành một công cụ chính trị.

Trung quốc là quốc gia mà internet được phổ biến tối đa, nhưng cũng là nơi các thông tin trên mạng bị kiểm duyệt nghiêm ngặt.

Hồng Thủy

Phong Chân Phước cho Mẹ Eppiger tại Strasbourg

Phong Chân Phước cho Mẹ Eppiger tại Strasbourg

Vị tân chân phước tục danh là Elisabette Eppinger sinh năm 1814 tại mạn bắc miền Alsace, con đầu lòng trong số 11 người con của một gia đình nông dân khiêm hạ. Ngay từ nhỏ Elisabette vốn có sức khỏe mong manh và hầu như mù chữ. Elisabette có lòng sùng kính đặc biệt đối với phép Thánh Thể, và sau khi rước lễ lần đầu, Elisabette xin được phép của cha sở cho rước lễ thường xuyên, trái với thói quen thời đó.

 Năm 1846, khi được 32 tuổi, trong cuộc chịu bệnh lâu dài và đau đớn hơn những lần trước đó, Elisabette cảm thấy sự hiện diện huyền nhiệm của Chúa Giêsu, Ngài hiện ra, chuyện vãn và an ủi chị. Sau đó, chị cũng được ơn nói tiên tri, khiến cho tiếng thăm chị lan rộng các nơi ở Pháp và truyền tới Roma. Nhiều hiện tượng thần bí cũng được các chứng nhân tận mắt kể lại. Năm 1848, Đức Cha Andrea Raess, GM giáo phận Strasbourg, đích thân đến làng quê của chị ở Niederbronn để điều tra về những hiện tượng này, và thẩm định về chị, theo lời yêu cầu của Tòa Thánh. Đức GM có cảm tưởng mình đứng trước một tâm hồn mạnh mẽ, với những nhân đức ngoại thường.

 Tháng 9 cùng năm 1848, chị Elisabette Eppinger nhận được thông báo của Chúa dạy thành lập một dòng tu, giúp đỡ người nghèo. Mặc dù vốn bị bệnh nặng, khi ấy chị được khỏi bệnh đột ngột và tận tụy thi hành sứ vụ đã nhận lãnh. Dòng các nữ tu Chúa Cứu Thế Cực Thánh được khai sinh và Đức Cha Andrea Raess phê chuẩn ngày 28-8 năm 1849 và chị Elisabette được ngài bổ nhiệm làm Bề trên Tổng quyền tiên khởi. Chị cai quản dòng trong 18 năm trời và làm cho dòng lan rộng tại các nước Pháp, Đức, Áo và Hungari, thích ứng với các nhu cầu bác ái ở địa phương.

 Chị Alfonsa Maria Elisabette Eppinger qua đời ngày 31-7-1867 lúc mới được 53 tuổi.

Giuse Trần Đức Anh OP

Đức tổng GM Liverpool: tiếp tục loan báo Tin mừng giữa những khủng hoảng lạm dụng tính dục

Đức tổng GM Liverpool: tiếp tục loan báo Tin mừng giữa những khủng hoảng lạm dụng tính dục

Trong bài giảng Thánh lễ bế mạc đại hội Thánh Thể Anh quốc tại nhà thờ chính tòa Chúa Kitô Vua ở Liverpool hôm Chúa nhật 09/09, Đức cha Malcolm McMahon, tổng GM của Liverpool, nhìn nhận thiệt hại do các linh mục sai trái đã gây ra cho Giáo hội Công giáo trên toàn thế giới, nhưng Đức cha McMahon nói với các tín hữu rằng họ phải cố gắng rao giảng Tin mừng bằng cả lời nói và hành động.

Tiếp tục loan báo Tin mừng để người khác nhận ra Chúa Giêsu nơi chúng ta

Đức cha nói. “Như là một cộng đoàn Kitô, chúng ta có thể nói, vì những xì-căng-đan và các vấn đề mới đây trong Giáo hội, chúng ta không còn ngẩng cao đầu. Hãy cúi đầu ăn năn nhưng chúng ta nên đứng thẳng. Có lẽ lời nói và việc làm của chúng ta sẽ không có cùng quyền lực như trước đây và rao giảng Tin mừng sẽ thật khó khăn, nhưng Tin mừng vẫn phải được loan báo và không có ai làm điều này trừ chúng ta, những người tội lỗi khốn khổ.”

Đức cha McMahon khuyến khích các tín hữu tiếp tục loan báo Tin mừng bằng hành động cũng như lời nói để người khác nhìn thấy Chúa Giêsu trong chúng ta – một Chúa Giêsu đang đau khổ, đang hấp hối và Chúa Giêsu phục sinh. Đức cha cũng nhấn mạnh điều cần thiết là các Kitô hữu tỏ cho người khác thấy “tình yêu và quyền năng chữa lành của Chúa qua Chúa Giêsu Kitô.

Khiêm nhường, thống hối về những sai trái trong Giáo hội

Trước đó, trong giờ chầu Thánh thể tối thứ bảy 08/09, ĐHY Vincent Nichols, Tổng GM Westminster và chủ tịch Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales, đã xin các tín hữu tha thứ về sự sai sót của hàng Giám mục.

ĐHY cũng nói rằng, bởi vì các xì-căng-đan, trong cuộc rước kiệu Thánh Thể vào trưa Chúa nhật, sẽ không có một tí sự chiến thắng hay hãnh diện nào trong các bước chân của các Giám mục. Cuộc rước kiệu Thánh Thể cách nào đó là cuộc rước đền tạ vì chúng ta quy hướng về Chúa Giêsu, Đấng chúng ta đã đóng đinh. Tuy thế, chúng ta bước đi với niềm vui khiêm nhường vì Chúa mang lấy thất bại, sự tàn bạo và lừa dối của chúng ta và chiến thắng tất cả những điều này bằng tình yêu và lòng thương xót của Người.

Làm chứng hùng hồn và trung thành cho Chúa Kitô

Hôm 08/09, ĐTC Phanxicô cũng gửi một sứ điệp cho các tín hữu tham dự đại hội Thánh Thể. Ngài khuyến khích các tín hữu tiếp bước các thánh tử đạo tiền nhân của Anh quốc, những người đã đổ máu đào làm chứng hùng hồn và trung thành cho Chúa Kitô được tôn kính trong Thánh Thể. ĐTC nói rằng đau khổ của các vị tử đạo Anh quốc và xứ Wales không nói quá nhiều về sự tàn bạo của con người, nhưng về sự thanh thản và sức mạnh nhờ ơn Chúa khi các ngài chịu xử án. ĐTC nhắc rằng trung thành với gia sản đức tin không chỉ là tưởng nhớ nhưng phải tiếp tục làm chứng cho cùng Chúa Kitô và cho cùng món quá quý giá là Thánh Thể ngày nay vì vinh quang quá khứ luôn luôn là một bắt đầu chứ không phải là một kết thúc.

Thánh lễ kết thúc đại hội Thánh Thể Anh quốc được cử hành trong nhà thờ chính tòa đông đầy người và sau đó, có thêm hàng ngàn người tham dự cuộc rước kiệu Thánh Thể kéo dài nửa giờ trên đường phố Liverpool, dù trời mưa lớn. Đây là cuộc rước kiệu Thánh Thể đầu tiên tại Anh sau 110 năm.

Hồng Thủy

ĐTC Phanxicô kêu gọi hòa bình cho Syria

ĐTC Phanxicô kêu gọi hòa bình cho Syria

ĐTC nói rằng vẫn còn đó những làn gió chiến tranh và những tin tức đáng lo ngại về những rủi ro thảm họa nhân đạo tại mảnh đất này. Ngài kêu gọi Cộng đồng quốc tế và tất cả những ai liên hệ đến sử dụng công cụ ngoại giao, đối thoại và của đàm phán, trong sự tôn trọng Luật nhân đạo quốc tế và để bảo vệ cuộc sống của người dân.

ĐTC cũng nhắn đến việc phong á thánh cho Anna Kolesárová, trinh nữ tử đạo người Slovakia. Anna bị giết vì đã chống lại người muốn vi phạm phẩm giá và trinh khiết của cô. ĐTC nói thiếu nữ can đảm này là mẫu gương giúp các bạn trẻ kitô kiên vững trung thành với Tin Mừng, ngay cả khi đòi hỏi phải lội ngược dòng và phải trả giá bằng chính mạng sống.


Ngọc Yến

ĐHY Oswald Gracias: Giáo hội Á châu ủng hộ ĐGH Phanxicô 100%

ĐHY Oswald Gracias: Giáo hội Á châu ủng hộ ĐGH Phanxicô 100%

“Giáo Hội ở Á Châu kiên quyết ủng hộ Đức Thánh Cha. Như là chủ tịch Hội đồng Giám mục Á Châu, tôi nhắc lại rằng Giáo hội ở Á Châu đứng về phía Đức Giáo hoàng Phanxicô 100%". ĐHY Oswald Gracias, tổng Giám mục Mumbai, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ấn Độ và cũng là Chủ tịch liên Hội đồng Giám mục Á Châu, đã khẳng định như trên với hãng tin Á châu.

Trong chứng thư dài 11 trang công bố tối ngày trước khi ĐTC Phanxicô kết thúc chuyến viếng thăm Ailen và trở về Roma, Đức tổng Giám mục Carlo Maria Viganò, cựu sứ thần Tòa Thánh tại Hoa kỳ, đã tố cáo ĐGH Phanxicô biết về những lời cáo buộc lạm dụng tính dục xảy ra trong Giáo hội tại Hoakỳ nhưng ngài đã im lặng; cụ thể là ngài biết về các vụ lạm dụng tính dục các chủng sinh trẻ của cựu Hồng y Theodore McCarrick.

ĐHY Gracias cho biết ĐHY ngạc nhiên trước quyết định công khai vấn đề của Đức tổng Giám mục Viganò, vì theo ĐHY, Đức tổng Giám mục Viganò là một thành viên có uy tín và được tôn trọng của Vatican và Washington. ĐHY Gracias cũng cho biết ngài thật sự thất vọng vì đây không phải là cách thức đúng để giải quyết các vấn đề tương tự. Cách thức này không trợ giúp trong vấn đề này.

ĐHY Gracias hiện đang ở Seoul để tham dự một diễn đàn vì hòa bình. Ngài cũng nói thêm về chứng thư của Đức tổng Giám mục Viganò: “Có nhiều khoảng trống trong  các lời chứng và các từ ngữ đã được sử dụng cách tinh ranh. Các từ ngữ được sử dụng với sự mơ hồ. Các lời chứng là một nỗ lực được phối hợp để làm sai lệch thực tế. "

Cuối cùng, ĐHY Gracias kết luận: “Tôi hy vọng rằng Đức tổng Giám mục hiểu thiệt hại mà ngài gây nên cho Giáo hội. Tôi chắc chắn rằng Đức Thánh Cha đã có những kết luận về tài liệu này và tôi hài lòng rằng vị Đại diện Chúa Kitô đã chọn cách không trả lời.”

Hồng Thủy

Gia đình hiệp nhất và hòa giải là giấc mơ của Thiên Chúa

Gia đình hiệp nhất và hòa giải là giấc mơ của Thiên Chúa

ĐTC vừa mới công du Ailen về, nên trong bài huấn dụ, ĐTC đã chia sẻ với mọi người một số cảm tưởng trong hai ngày viếng thăm nhân cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình công giáo lần thứ 9. ĐTC giải thích sự hiện diện của ngài trong cuộc gặp gỡ là để củng cố các gia đình Kitô trong ơn gọi và sứ mệnh của mình. Hàng ngàn gia đình gồm ông bà, cha mẹ và con cái đã tụ tập về Dublin với tất cả sự khác biệt ngôn ngữ, nền văn hóa và kinh nghiệm, đã là dấu chỉ hùng hồn vẻ đẹp giấc mơ của Thiên Chúa cho toàn gia đình nhân loại.

Gia đình thực hiện giấc mơ hiệp nhất và hòa giải của Thiên Chúa

Giấc mơ của Thiên Chúa là sự hiệp nhất, hòa hợp, và hòa bình, trong các gia đình và trong thế giới hoa trái của lòng chung thủy, sự tha thứ và hòa giải mà Ngài đã ban cho chúng ta trong Chúa Kitô. Thiên Chúa mời gọi các gia đình tham dự vào giấc mơ đó và làm cho thế giới trở thành một ngôi nhà, nơi không ai phải cô đơn, không ai cảm thấy không được thương mến và bị loại trừ. Vì thế thật là thích hợp khi đề tài của cuộc gặp gỡ quốc tế này là “Tin Mừng gia đình, niềm vui cho thế giới”.

Tiếp đến, ĐTC chia sẻ với tín hữu các sinh hoạt khác nhau trong hai ngày viếng thăm: Khi nói chuyện với chính quyền tại lâu đài Dublin, tôi đã nhấn mạnh rằng Giáo hội là gia đình của các gia đình và như là một thân mình, Giáo Hội nâng đỡ các tế bào của nó trong vai trò không thể thiếu cho sự phát triển một xã hội huynh đệ và liên đới.

Chứng từ của các gia đình trong chuyến viếng thăm Dublin là những điểm sáng

Các điểm sáng đích thực của các ngày này là các chứng từ của tình yêu hôn nhân của các cặp vợ chồng thuộc mọi lứa tuổi. Các câu chuyện của họ đã nhắc nhớ rằng tình yêu hôn nhân là một món quà đặc biệt của Thiên Chúa, cần vun trồng mỗi ngày trong “Giáo hội tại gia” là gia đình. Thế giới cần một cuộc cách mạng của tình yêu, một cuộc cách mạng của sự hiền dịu biết bao để cứu chúng ta khỏi nền văn hóa của sự tam bợ! Và cuộc cách mạng này bắt đầu trong con tim của gia đình.

Trong nhà thờ đồng chính tòa Dublin  tôi đã gặp gỡ các đôi vợ chồng dấn thân và biết bao nhiêu cặp vợ chồng trẻ với nhiều trẻ em. Thế rồi tôi đã gặp vài gia đình đang phải đương đầu với các thách đố và khó khăn đặc biệt. Nhờ các tu sĩ Phanxicô luôn luôn gần gũi dân chúng và nhờ gia đình giáo hội rộng rãi hơn, họ đã sống kinh nghiệm tình liên đới và nâng đỡ là hoa trái của lòng bác ái.

Cao điểm chuyến viếng thăm của tôi là đại lễ với các gia đình chiều thứ bẩy tại vận động trường Dublin, theo sau là thánh lễ Chúa Nhật tại công viên Phoenix. Trong buổi canh thức chúng tôi đã lắng nghe các chứng từ rất đánh động của các gia đình đã đau khổ vì chiến tranh, các gia đình được canh tân bởi sự tha thứ, các gia đình được tình yêu thương cứu thoát khỏi vòng xoáy của sự tùy thuộc nghiện ngập, các gia đình đã học sử dụng tốt các điện thoại di dộng, máy vi tính và dành ưu tiên cho thời gian sống với nhau; và đã nêu bật giá trị của sự thông truyền giữa các thế hệ và vai trò chuyên biệt của các ông bà trong việc củng cố các mối dây gia đình và thông truyền kho tàng đức tin. Ngày nay thật khó nói lên điều này… xem ra các ông bà có vẻ quấy rầy! Trong nền văn hóa gạt bỏ này, các ông bà bị gạt bỏ, lảng xa ra. Các ông bà là sự khôn ngoan, là ký ức của một dân tộc, là ký ức của các gia đình! Và các ông bà phải thông truyền ký ức ấy cho các cháu bé. Các người trẻ và trẻ em phải nói chuyện với các ông bà. Xin làm ơn đừng gạt bỏ các ông bà. Ước chi các vị gẫn gửi con cái cháu chắt cho ông bà.

Tiếp tục bài huấn dụ, ĐTC nói: Sáng Chúa Nhật tôi đã hành hương tới đền thánh Đức Bà Knox, rất thân yêu đối với nhân dân Ailen. Ở đó, trong nhà nguyện được xây trên nơi Đức Trinh Nữ hiện ra, tôi đã phó thác cho sự chở che hiền mẫu của Mẹ mọi gia đình, cách riêng các gia đình của nước Ailen. Và tuy chuyến viếng thăm của tôi không bao gồm miền Bắc Ailen tôi đã hướng lời chào thân ái của tôi tới dân chúng và đã khích lệ tiến trình hòa giải, hòa bình, tình bạn và cộng tác đại kết.

Đương đầu với tệ nạn lạm dụng cách chân thực và can đảm

Đề cập tới vết thương của các vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên xảy ra tại Ailen ĐTC nói: Ngoài niềm vui lớn, chuyến viếng thăm này của tôi tại Ailen cũng phải lãnh trách nhiệm sự đau đớn và cay đắng vì các khổ đau đã xảy ra tại nước này vì nhiều hình thức lạm dụng khác nhau, kẻ cả từ phía các thành phần của Giáo Hội, và của sự kiện các vị thẩm quyền giáo hội trong quá khứ đã không luôn luôn biết đương đầu một cách thích hợp với với tội phạm ấy.

Cuộc gặp gỡ với vài nạn nhân còn sống sót đã để lại một vết sâu đậm. Họ là 8 người. Và nhiều lần tôi đã xin lỗi Chúa vì các tội lỗi này, vì gương mù gương xấu và cảm tưởng bị phản bội đã gây ra. Các Giám Mục Ailen đã bắt đầu một lộ trình nghiêm chỉnh thanh tẩy và hòa giải với những người đã đau khổ vì các vụ lạm dụng và với sự trợ giúp của các quyền bính quốc gia, các vị đã thiết lập một loạt các luật lệ nghiêm khắc để bảo đảm an ninh cho giới trẻ. Rồi trong buổi gặp gỡ của tôi với các Giám Mục tôi đã khích lệ các vị trong nỗ lực sửa chữa các thất bại quá khứ với lòng liêm chính và can đảm, tín thác nơi các lời Chúa hứa và tin cậy nơi đức tin sâu xa của dân tộc Ailen, để khai mào một mùa canh tân của Giáo Hội Ailen.

Cầu nguyện cho ơn gọi

Tại Ailen có đức tin, có người có đức tin: một đức tin với các gốc rễ lớn. Nhưng anh chị em có biết một điều không? Rằng có ít ơn gọi linh mục. Làm sao đức tin này lại không thành công? Nhé.. đối với các vấn đề, các gương mù gương xấu, biết bao nhiêu chuyện…

Chúng ta phải cầu nguyện để Chúa gửi các linh mục thánh thiện tới Ailen, gửi các ơn gọi mới. Và chúng ta cùng nhau làm điều này bằng cách đọc một Kinh Kính Mừng dâng Đức Bà Knock . ĐTC và mọi người đã đọc kinh Kinh Mừng rồi ngài nói: Lậy Chúa Giêsu xin gừi các linh mục thánh thiện tới cho chúng con.

Ly dị không phải là lý tưởng. Gia đình hiệp nhất mới là kiểu mẫu

Anh chị em thân mến, Cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình tại Dublin đã là một kinh nghiệm ngôn sứ, khích lệ của biết bao nhiêu gia đình dấn thân trong cuộc sống phúc âm của hôn nhân và của cuộc sống gia đình, các gia đình môn đệ và truyền giáo, men của lòng tốt, sự thánh thiện, công lý và hòa bình. Chúng ta quên biết bao gia đình – biết bao gia đình – làm cho gia đình tiến tới, các con cái với lòng trung thành bằng cách xin lỗi khi có các vấn đề. Chúng ta quên bởi vì ngày nay trên các nguyệt san, các nhật báo người ta theo mốt nói như thế này: “A, ông này đã ly dị với bà này. Bà đó đã ly dị với ông kia… Và ly thân”. Tôi xin anh chị em: đây là một điều xấu xa.  Đúng: tôi tôn trọng mỗi người, chúng ta phải tôn trọng người khác nhưng lý tưởng không phải là ly dị, lý tưởng không phải là ly thân, không phải là việc phá hủy gia đình, Lý tưởng là gia đình hiệp nhất. Như vậy hãy tiến bước: đó là lý tưởng!

Cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình tới đây sẽ diễn ra tại Roma vào năm 2021: anh chị em hãy chuẩn bị nhé! Chúng ta hãy tín thác mọi gia đình cho sự chở che của Thanh Gia Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse, để trong các nhà, các giáo xứ và cộng đoàn các gia đình có thể thực sự là “niềm vui cho thế giới”.

Linh Tiến Khải

HĐGM Mỹ quyết tâm làm sáng tỏ và xử lý những vụ lạm dụng

HĐGM Mỹ quyết tâm làm sáng tỏ và xử lý những vụ lạm dụng

Trong thông cáo công bố hôm 27-8-2018, ĐHY DiNardo cho biết ngài bày tỏ lập trường trên đây trong niềm hiệp thông với ĐTC và cùng với ban chấp hành của HĐGM Hoa Kỳ, như ĐTC đã nói: ”Vết thương này (do những vụ lạm dụng) thách thức chúng ta phải kiên quyết theo đuổi sự thật và công lý”.

 Thông cáo của ĐHY cũng cho biết: ”Ngày 1-8 vừa qua, tôi đã hứa rằng HĐGM Hoa Kỳ sẽ thi hành trọn vẹn quyền bính của mình, và can thiệp với những quyền bính cao hơn, để làm sáng tỏ nhiều vấn đề quanh vụ Đức TGM McCarrick. Ngày 16-8 vừa qua, tôi đã thỉnh cầu Tòa Thánh thực hiện một cuộc thanh tra tông tòa, làm việc hòa hợp với Ủy ban giáo dân toàn quốc vơi quyền bính độc lập, để tìm kiếm sự thực. Hôm qua 26-8, tôi đã tái triệu tập Ban chấp hành HĐGM và tái khẳng định lời kêu gọi về việc mau lẹ và cứu xét kỹ lưỡng những thiếu sót luân lý của một người anh em GM và làm sao những thiếu sót ấy có thể dung thứ quá lâu như vậy và không có sự ngăn cản nào”.

 Cứu xét chứng từ của Đức TGM Viganò

 ĐHY DiNardo cũng nhắc đến bản chứng từ của Đức TGM Carlo Maria Viganò, cựu Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, công bố hôm 26-8 vừa qua, tố giác về những điều này, và ĐHY nói rằng lá thư này càng đòi sự chú tâm hơn và cấp thiết cứu xét. Những câu hỏi được nêu lên đáng được trả lời đầy đủ và dựa trên các bằng chứng. Nếu không có những câu trả lời như thế, thì những người vô tội có thể bị ô danh vì những lời cáo buộc giả dối và các tội quá khứ có thể tái diễn”.

 Chờ đợi được gặp ĐTC

 ĐHY Chủ tịch HĐGM Hoa Kỳ cho biết đang chờ đợi được ĐTC tiếp kiến để trình bày kế hoạch hành động và được sự hỗ trợ của ngài trong kế hoạch hành động. Trong kế hoạch này có đề nghị làm sao để việc trình báo về sự lạm dụng và sai trái của các GM được dễ dàng hơn, cải tiến các thủ tục giải quyết những đơn kiện chống các GM”.

 ĐHY McCarrick, 89 tuổi, nguyên là TGM giáo phận thủ đô Washington, bị cáo là đã có lối sống sai trái về luân lý, và đã xin từ bỏ chức vị Hồng Y. Hiện nay thủ tục xét xử theo giao luật đang được tiến hành.

Giuse Trần Đức Anh OP

Tượng Đức Mẹ Fatima được rước đến ĐHGT ở Panama vào tháng 01/2019

Tượng Đức Mẹ Fatima được rước đến ĐHGT ở Panama vào tháng 01/2019

Ngày 27/08, Đức cha José Domingo Ulloa Mendieta, tổng Giám mục Panama, thông báo rằng tượng Đức Mẹ Fatima sẽ được đưa đến Panama nhân dịp Đại hội Giới trẻ thế giới (ĐHGT) được tổ chức tại đây từ ngày 22-27/01/2019.

Tượng Đức Mẹ Fatima đầu tiên được làm theo sự chỉ dẫn của sơ Lucia – một trong 3 trẻ mục đồng được Đức Mẹ hiện ra ở Fatima – và được đức tổng Giám mục của Évora đội triều thiên vào năm 1947, được tôn kính trong đền thánh ở Fatima, Bồ đào nha, và trong các cuộc thánh du từ 80 năm nay.

Vinh danh thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô – người thành lập ĐHGT thế giới

Đây là lần đầu tiên từ năm 2000 tượng Đức Mẹ Fatima được đưa ra khỏi Fatima. Văn phòng giám đốc đền thánh đã quyết định tượng Đức Mẹ sẽ được đặt tại đền thánh, sau khi đã thánh du 64 quốc gia, nhưng ĐHGT năm 2019 đã xin một ngoại lệ.

Trong một cuộc họp báo, cha Carlos Cabecinhas, giám đốc đền thánh Đức Mẹ Fatima, khẳng định rằng quyết định này dựa trên tầm quan trọng của sự kiện, và trên hết là mối liên hệ với thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, người sáng lập ĐHGT thế giới, và là người có lòng sùng kính đặc biệt Đức Mẹ Fatima; và nguyên nhân cuối cùng là lòng sùng kính sâu sắc của người dân Panama đối với Đức Mẹ. Một phái đoàn đại diện của đền thánh Fatima do cha Marco Daniel Duarte, giám đốc bảo tàng đền thánh Fatima, đã đến Panama để thông báo tin này.

Tượng Đức Mẹ sẽ đến Panama vào ngày 21/01/2019

Tượng Đức Mẹ Fatima sẽ đến Panama vào lúc 17 giờ 15 ngày 21/01/2019 và sẽ được kính viếng tại đây cho đến 17 giờ ngày 29/01. Trong thời gian này, đầu tiên tượng Đức Mẹ sẽ được đặt tại nhà thờ Lộ đức, sau đó từ thứ ba ngày 22/01, tượng sẽ được rước đến nhà nguyện Thánh Thể tại Công viên Tha thứ do các nữ tu dòng Mẹ Têrêsa coi sóc. Tại công viên sẽ có những thời điểm liên kết với chương trình của ĐHGT, từ khi bắt đầu với Thánh lễ khai mạc vào thứ 3. Vào thứ bảy 26/01 và Chúa nhật 27/01, tượng sẽ hiện diện trong trong buổi canh thức, giờ lần hạt Mân côi, và trong Thánh lễ kết thúc vào Chúa nhật.

Hồng Thủy

ĐTC Phanxicô kêu gọi giới báo chí đừng lên án

ĐTC Phanxicô kêu gọi giới báo chí đừng lên án

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong cuộc phỏng vấn dành cho giới báo chí cùng đi với ngài trong chuyến bay tối chúa nhật 26-8-2018 từ Dublin Ailen trở về Roma.

 Một ký giả hỏi: tại Pháp có một linh mục yêu cầu ĐHY Barbarin, TGM Lyon, hãy từ chức vì bị cáo buộc là bao che các LM bị cáo lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, ĐTC nghĩ sao? Ngài đáp:

 ”Nếu có những ngờ vực, với bằng chứng hoặc bằng chứng một nửa, thì tôi không thấy có gì là xấu khi thực hiện một cuộc điều tra, và luôn luôn cần tiến hành theo nguyên tắc cơ bản về pháp luật: ”Không ai bị coi là xấu nếu người ta không chứng minh được điều đó” (nemo malo nisi probetur). Bao nhiêu lần người ta bị cám dỗ coi ngay người bị cáo là người có tội, như một số cơ quan truyền thông vẫn làm – không phải quí vị ở đây. Cách đây 3 năm tại Granada bên Tây Ban Nha, xảy ra vụ một nhóm 7, 8 linh mục bị cáo là lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên và tổ chức những vụ liên hoan dâm dục. Tôi đã nhận được lời cáo buộc này trong một thư do một người trẻ 23 tuổi viết. Đức TGM Granada đã làm tất cả những gì phải làm và vụ này được đưa tới cả tòa án dân sự. Các LM ấy đã bị báo chí kết án, người ta tạo nên một bầu không khí thù nghịch và oán ghét đối với các linh mục ấy, và họ chịu đau khổ, tủi nhục. Nhưng kết luận là tòa án nhìn nhận các LM ấy là những người vô tội và kẻ tố cáo bị kết án phải trả án phí.

 Và ĐTC nói với các ký giả rằng: ”Công việc của các bạn thật là tế nhị, các bạn đưa tin, nhưng không luôn luôn coi người bị cáo là vô tội theo luật pháp, cho đến khi họ bị kết án, và đừng coi họ là người có tội trước khi có án lệnh chung kết”.

 Chiều kích luân lý của phá thai và đồng tính luyến ái

 Về vấn đề phá thai mới được đa số dân chúng ủng hộ trong cuộc trưng cầu dân ý hồi cuối tháng 5 vừa qua, một ký giả hỏi ĐTC xem ngài cảm thấy thế nào về vụ này, ĐTC đáp:

“Về phá thai, các bạn đã biết tôi nghĩ gì: đây không phải là một vấn đề tôn giáo, chúng ta không chống phá thai vì lý do tôn giáo. Đó là một vấn đề nhân loại học về đặc tính luân lý của hành động loại bỏ một hữu thể đang sống để giải quyết một vấn đề”.

 Về vấn đề đồng tính luyến ái, ĐTC được hỏi xem ngài sẽ nói gì với một người cha khám phá thấy con của ông là một người đồng tính luyến ái? Ngài đáp:

 ”Tôi sẽ nói trước tiên ông hãy cầu nguyện, chứ đừng lên án, rồi đối thoại, tìm hiểu, dành cho con mình, trai hoặc là gái. Sau đó tùy tuổi khi sự đồng tính luyến ái được biểu lộ. Tôi không bao giờ nói im lặng là một giải pháp. Cố tình không biết đến người con mình, trai hoặc gái, đồng tính luyến ái, là một sự lỗi bổn phận làm cha, làm mẹ. Ba là cha của con, mẹ là mẹ của con, chúng ta hãy nói chuyện với nhau, ba hoặc má không đuổi con ra khỏi gia đình”.

Giuse Trần Đức Anh OP

ĐTC Phanxicô: Đừng sống tương quan giả dối với Thiên Chúa

ĐTC Phanxicô: Đừng sống tương quan giả dối với Thiên Chúa

Trong các lễ nghi Do Thái, danh Thiên Chúa được công bố một cách trọng thể trong Ngày Đại Xá, và dân chúng được tha thứ, bởi vì qua danh Chúa, chúng ta tiếp xúc với chính sự sống của Thiên Chúa, là lòng thương xót. Như vậy “kêu tên Chúa” – dịch sát nghĩa là “lấy lên trên mình danh của Thiên Chúa” – có nghĩa là bước vào trong một tương quan mạnh mẽ, chặt chẽ với Ngài, để sống các hành động thường ngày trong sự hiệp thông sâu xa và thực sự với Thiên Chúa. ĐTC Phanxicô đã nói như trên với 8,000 tín hữu và du khách hành hương trong buổi gặp gỡ chung hàng tuần sáng thứ tư hôm qua tại đại thính đường Phaolô VI.

Trong bài huấn dụ, ĐTC đã giải thích ý nghĩa điều răn “Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ” như viết trong sách Xuất Hành: “ Ngươi không được dùng danh Giavê, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì Giavê không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng. (Xh 20,7), và như Chúa Giêsu đã nói trong lời cầu ở bữa Tiệc Ly: “Lạy Cha là Đấng công chính… Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa." (Ga 17,25-26).

 

ĐTC nói: Chúng ta tiếp tục các bài giáo lý về các giới răn và hôm nay chúng ta nói tới điều răn “Ngươi sẽ không nói lên tên của Chúa, là Thiên Chúa ngươi một cách vô ích”. Thật đúng đắn là chúng ta đọc Lời này như việc mời gọi không xúc phạm đến danh của Thiên Chúa và tránh dùng nó một cách không thích hợp. Ý nghĩa rõ ràng này chuẩn bị cho chúng ta đào sâu hơn nữa các lời quý báu này, là không dùng tên của Thiên Chúa một cách vô ích, một cách không thích hợp.

Chúng ta hãy nghe chúng một cách tốt đẹp hơn. “Ngươi sẽ không nói lên” – dịch một kiểu nói có nghĩa theo sát chữ, trong tiếng Do thái cũng như trong tiếng Hy lạp – là “ngươi sẽ không mang lấy trên mình, ngươi sẽ không vác trên ngươi”. Kiểu nói “một cách vô ích” rõ ràng hơn và có nghĩa là “trống rỗng, một cách vô ích”. Nó ám chỉ một cái hộp rỗng, một hình thái không có nội dung. Đó là đặc tính của sự giả hình, của óc hình thức và của sự dối trá. Dùng các lời nói hay dùng tên của Thiên Chúa, nhưng trống rỗng, không có sự thật.

Tên gọi trong Thánh Kinh là sự thực sâu xa của các sự vật, và nhất là của con người. Tên gọi thường diễn tả sứ mệnh. Thí dụ tổ phụ Abraham trong sách Sáng Thế (x. 17.5) và tông đồ Simon Phêrô trong Phúc Âm (x. Ga 1,42) các vị nhận một tên gọi mới để ám chỉ sự thay đổi hướng đi cuộc đời các vị. Và thực sự biết danh Thiên Chúa đưa tới chỗ biến đổi cuộc sống của mình: từ lúc trong đó ông Môshê biết danh Thiên Chúa, lịch sử của ông thay đổi (x. Xh 3,13-15).

Đừng sống tương quan giả dối với Thiên Chúa

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: trong các lễ nghi do thái, danh Thiên Chúa được công bố một cách trọng thể trong Ngày Đại Xá, và dân chúng được tha thứ, bởi vì qua danh người chúng ta tiếp cận với chính sự sống của Thiên Chúa, là lòng thương xót. ĐTC giải thích giới răn như sau:

Như vậy “mang lấy trên mình danh Thiên Chúa” có nghĩa là lãnh nhận trên chúng ta thực tại của Ngài, bước vào trong một tương quan mạnh mẽ, trong một tương quan chặt chẽ với Ngài. Đối với kitô hữu chúng ta, điều răn này là lời mời gọi nhắc nhớ chúng ta rằng chúng ta đã được rửa tội làm sao: “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, như chúng ta khẳng định mỗi khi chúng ta làm dấu Thánh Giá trên mình, để sống các hành động thường ngày trong sự hiệp thông sâu xa và thực sự với Thiên Chúa, nghĩa là trong tình yêu của Ngài.

Và về việc làm dấu thánh giá, tôi muốn nêu bật một lần nữa: anh chị em hãy dậy các trẻ em làm dấu thánh giá. Anh chị em đã thấy trẻ em làm dấu thánh giá như thế nào chưa? Nếu bạn nói với các trẻ em: “Các con hãy làm dấu thánh giá đi, thì chúng làm vầy này – ĐTC bắt chước cử chỉ làm dấu của trẻ em khua khua trước mặt – Chúng làm một điều mà chúng không biết là cái gì. Chúng không biết làm dấu thánh giá. Anh chị em hãy dậy chúng làm “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Cử chỉ đức tin đầu tiên của một em bé. Đây là bài tập cho anh chị em đó nhé! Bài tập phải làm: dậy cho các trẻ em làm dấu thánh giá. Hiểu chưa? Anh chị em sẽ làm điều đó chứ? – Tín hữu trong đại thính đường trả lời: Dạ – “Hiểu hiểu” họ nói ở đây. Xin cám ơn anh chị em.

Chúng ta có thể hỏi: có thể mang lên trên mình danh Thiên Chúa một cách giả hình như một hình thức, trống rỗng hay không? Câu trả lời rất tiếc là có: có, có thể. Người ta có thể sống một tương quan giả dối với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã nói điều này với các tiến sĩ luật; họ đã làm các việc, nhưng đã không làm điều Thiên Chúa muốn. Họ đã nói về Thiên Chúa, nhưng đã không thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Và lời khuyên mà Chúa Giêsu cho là: “Các con hãy làm điều họ nói, nhưng đừng làm điều họ làm”. Người ta có thể sống một tương quan giả dối với Thiên Chúa, như các người ấy. Và Lời này của Mười Điều Răn chính là việc mời gọi sống một liên hệ với Thiên Chúa không giả dối, không giả hình, sống một tương quan trong đó chúng ta tín thác nơi Chúa với tất cả những gì chúng ta là. Nói cho cùng, cho tới ngày trong đó chúng ta không liều mạng sống với Chúa, bằng cách sờ mó bằng tay rằng trong Chúa có sự sống , thì chúng ta chỉ làm các giả thiết.

Đời sống Kitô giáo chân thực mới có thể đáng tin

Đây là Kitô giáo đánh động con tim. Gặp gỡ Thiên Chúa, trong thực tế. Tại sao các thánh có khả năng đánh động con tim? Bởi vì các thánh không chỉ nói, mà các vị chuyển động! Con tim chúng ta chuyển động, khi một người thánh thiện nói với chúng ta, nói với chúng ta các điều. Các vị có khả năng bởi vì nơi các thánh chúng ta trông thấy điều mà con tim chúng ta ước mong một cách sâu xa: sự đích thực, các tương quan thật, sự triệt để. Và điều này người ta cũng trông thấy nơi các vị “thánh của cửa bên cạnh”, chẳng hạn như biết bao cha mẹ trao ban cho con cái gương sáng của một cuộc sống trung thực, đơn sơ, liêm chính và quảng đại. ĐTC quảng diễn thêm như sau:

Nếu có nhiều kitô hữu mang lấy trên mình danh của Thiên Chúa không giả tạo – bằng cách thực thi lời xin thứ nhất của Kinh Lạy Cha “xin cho danh Cha cả sáng” – thì việc loan báo của Giáo Hội được lắng nghe và đáng tin cậy hơn. Nếu cuộc sống cụ thể của chúng ta biểu lộ danh Thiên Chúa, thì ta thấy bí tích Rửa Tội đẹp biết bao nhiêu và Thánh Thể là ơn vĩ chừng nào!, thì sự kết hiệp giữa thân xác chúng ta và Mình Chúa Kitô cao trọng dường bao: Ngài trong chúng ta và chúng ta trong Ngài; Chúa Kitô trong chúng ta, Ngài trong chúng ta và chúng ta trong Ngài! Hiệp nhất! Đây không phải là giả hình, đây là sự thật. Đây không phải là nói hay cầu nguyện như con vẹt, đây là cầu nguyện với con tim, là yêu Chúa.

Thể hiện Danh Chúa trong cuộc sống của chúng ta

Từ thập giá của Chúa Kitô về sau, không ai có thể khinh rẻ chính mình và nghĩ xấu về đời sống của mình. Không ai và không bao giờ! Cho dù bất cứ điều gì họ đã làm đi nữa. Bởi vì tên của từng người trong chúng ta ở trên vai Chúa Kitô. Ngài mang chúng ta. Thật đáng công mang lấy danh Thiên Chúa trên mình, bởi vì Ngài đã mang lấy tên của chúng ta cho tới tột cùng, cả sự dữ có trong chúng ta nữa, Ngài mang lấy để tha thứ cho chúng ta, để đặt vào trong con tim chúng ta tình yêu của Ngài. Vì thế Thiên Chúa công bố trong điều răn này: “Hãy mang lấy Ta trên con, bởi vì Ta đã mang con trên Ta”.

Bất cứ ai cũng có thể kêu danh thánh Chúa, là Tình Yêu trung thành và thương xót, trong bất cứ hoàn cảnh nào họ sống. Thiên Chúa sẽ không bao giờ nói “không” với một con tim kêu cầu Ngài một cách chân thành. Và chúng ta trở lại với các bài tập làm ở nhà: hãy dậy các trẻ em làm dấu thánh giá đàng hoàng. Bạn sẽ làm điều đó chứ? Làm đàng hoàng. Xin cám ơn anh chị em.

Cuộc viếng thăm Ailen: thời điểm ân sủng cho các gia đình Kitô gíao

Cuối bài huấn dụ, ĐTC cũng xin mọi người cầu nguyện cho chuyến đi Dublin của ngài trong hai ngày 25-26 tháng 8  này, nhân dịp cuộc gặp gỡ của các gia đình công giáo thế giới. Ước chi đây là dịp lắng nghe tiếng nói của các gia đình kitô toàn thế giới.

Linh Tiến Khải