Nhiều vị Tổng Thống tham dự Ngày Quốc Tế giới trẻ Panama

Nhiều vị Tổng Thống tham dự Ngày Quốc Tế giới trẻ Panama

Ban tổ chức cho biết có các Tổng thống nước Costa Rica, Guatemala, El Salvador và Honduras. Như thế, tất cả các nước Trung Mỹ đều có các vị Quốc trưởng tham dự biến cố này, ngoại trừ Nicaragua đang bị xáo trộn từ nhiều tháng nay, và nước Belize, quốc gia có văn hóa giống như các nước thuộc quần đảo Caraibí hơn là Trung Mỹ.

 Tổng thống Colombia, quốc gia láng giềng của Panama, cũng đến tham dự. Tổng thống Bồ đào nha, Ông Marcelo Rebelo de Sousa, cũng sẽ có mặt tại Panama và tham dự GMG tại đây. Sự kiện này khiến người ta càng tin nơi tin đồn: Fatima sẽ được chọn làm nơi diễn ra Ngày Quốc Tế giới trẻ lần tới cấp hoàn vũ vào năm 2022.

Nghiêm phạt những kẻ  tấn công các bạn trẻ hành hương

 Mặt khác, mạng thông tin ”Telemetro” trích thuật nguồn tin của Ủy viên Công tố của Panama, Ông Julio Villarreal, cho biết những kẻ nào tấn công các bạn trẻ hành hương tham dự Ngày Quốc Tế giới trẻ tại đây có thể sẽ bị trừng phạt nặng nề tới 18 năm tù.

 Biện pháp trên đây nhắm ngăn ngừa những kẻ bất lương đừng ra tay làm hại các bạn trẻ, đến Panama tham dự Đại hội giới trẻ thế giới từ ngày 22 đến 27-1-2019 sắp tới (KNA, Cath.ch 15-1-2019)

Giuse Trần Đức Anh, OP

Tượng Đức Mẹ Fatima được rước đến ĐHGT ở Panama vào tháng 01/2019

Tượng Đức Mẹ Fatima được rước đến ĐHGT ở Panama vào tháng 01/2019

Ngày 27/08, Đức cha José Domingo Ulloa Mendieta, tổng Giám mục Panama, thông báo rằng tượng Đức Mẹ Fatima sẽ được đưa đến Panama nhân dịp Đại hội Giới trẻ thế giới (ĐHGT) được tổ chức tại đây từ ngày 22-27/01/2019.

Tượng Đức Mẹ Fatima đầu tiên được làm theo sự chỉ dẫn của sơ Lucia – một trong 3 trẻ mục đồng được Đức Mẹ hiện ra ở Fatima – và được đức tổng Giám mục của Évora đội triều thiên vào năm 1947, được tôn kính trong đền thánh ở Fatima, Bồ đào nha, và trong các cuộc thánh du từ 80 năm nay.

Vinh danh thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô – người thành lập ĐHGT thế giới

Đây là lần đầu tiên từ năm 2000 tượng Đức Mẹ Fatima được đưa ra khỏi Fatima. Văn phòng giám đốc đền thánh đã quyết định tượng Đức Mẹ sẽ được đặt tại đền thánh, sau khi đã thánh du 64 quốc gia, nhưng ĐHGT năm 2019 đã xin một ngoại lệ.

Trong một cuộc họp báo, cha Carlos Cabecinhas, giám đốc đền thánh Đức Mẹ Fatima, khẳng định rằng quyết định này dựa trên tầm quan trọng của sự kiện, và trên hết là mối liên hệ với thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, người sáng lập ĐHGT thế giới, và là người có lòng sùng kính đặc biệt Đức Mẹ Fatima; và nguyên nhân cuối cùng là lòng sùng kính sâu sắc của người dân Panama đối với Đức Mẹ. Một phái đoàn đại diện của đền thánh Fatima do cha Marco Daniel Duarte, giám đốc bảo tàng đền thánh Fatima, đã đến Panama để thông báo tin này.

Tượng Đức Mẹ sẽ đến Panama vào ngày 21/01/2019

Tượng Đức Mẹ Fatima sẽ đến Panama vào lúc 17 giờ 15 ngày 21/01/2019 và sẽ được kính viếng tại đây cho đến 17 giờ ngày 29/01. Trong thời gian này, đầu tiên tượng Đức Mẹ sẽ được đặt tại nhà thờ Lộ đức, sau đó từ thứ ba ngày 22/01, tượng sẽ được rước đến nhà nguyện Thánh Thể tại Công viên Tha thứ do các nữ tu dòng Mẹ Têrêsa coi sóc. Tại công viên sẽ có những thời điểm liên kết với chương trình của ĐHGT, từ khi bắt đầu với Thánh lễ khai mạc vào thứ 3. Vào thứ bảy 26/01 và Chúa nhật 27/01, tượng sẽ hiện diện trong trong buổi canh thức, giờ lần hạt Mân côi, và trong Thánh lễ kết thúc vào Chúa nhật.

Hồng Thủy

Thánh tích thánh Gioan Phaolô được tăng cho Ngày Quốc tế Giới trẻ Panama

Thánh tích thánh Gioan Phaolô được tăng cho Ngày Quốc tế Giới trẻ Panama

Roma – Chiều ngày 17/11 vừa qua, tại tòa đại sứ Balan đã diễn ra một nghi thức cảm động: đại sứ Balan cạnh Tòa Thánh, Janusz Kotański, đã trao cho bà Miroslava Rosas Vargas, đại sứ Panama cạnh Tòa Thánh, một thánh tích của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Đây là quà tặng của Đức hồng y Stanisław Dziwisz cho các nhà tổ chức Ngày Quốc tế Giới trẻ lần tới ở Panama vào năm 2019. Chính Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô là người đã thành lập Ngày Quốc tế Giới trẻ. Ngài tin rằng giới trẻ là tương lai của Giáo hội và do đó ngài đã thúc đẩy  những phong trào giới trẻ để có một chỗ trong Giáo hội. Ngày Quốc tế Giới trẻ, được tổ chức lần đầu tiên tại Roma vào năm 1986, là câu trả lời cho những sáng kiến này.

Tại buổi trao tặng thánh tích cũng có sự hiện diện của 3 nhân vật nổi tiếng: Đức hồng y Stanisław Ryłko, hiện là giám quản đền thờ Đức Bà Cả, ngài là nguyên chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân và người tổ chức Ngày Quốc tế Giới trẻ trong nhiều năm; Đức hồng y José Luis Lacunza, giám mục giáo phận David của Panama; và Đức hồng y Óscar Rodríguez Maradiaga, tổng giám mục Tegucigalpa của Hondurad. Sự hiện diện của Đức hồng y của Hondurad muốn nói rằng Ngày Quốc tế Giới trẻ không chỉ liên quan đến Panama nhưng cả các quốc gia lân cận.

Đầu nghi thức, Đức hồng y Stanisław Ryłko nhắc lại rằng Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II là “Giáo hoàng của giới trẻ” bởi vì ngài đã can đảm chú trọng đến giới trẻ để thực hiện việc loan báo Tin mừng cho thế giới. Đại sứ Kotanski hy vọng rằng Ngày Quốc tế Giới trẻ ở Panama sẽ mang lại mùa xuân mới cho Giáo hội. Ông cũng nói với những người hiện diện rằng ngày 22 mỗi tháng, giới trẻ Balan cầu nguyện cho Ngày Quốc tế Giới trẻ ở Panama. Ông khẳng định rằng lời cầu nguyện của giới trẻ Balan và thánh tích của Thánh Giáo hoàng sẽ là một cầu nối giữa Trung Mỹ và châu Âu.

Đại sứ Panama cũng bày tỏ niềm vui khi nhấn mạnh rằng việc tổ chức Ngày Quốc tế Giới trẻ là một vinh dự cho đất nước Panama. Ông nhắc rằng các thánh, như Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, là gương sống cho mọi người, các ngài tạo nên mối liên kết giữa trời và đất và cầu nguyện cho chúng ta. Ông cũng chia sẻ ghi nhớ của mình về “cái nhìn hiền dịu và sâu thẳm của Thánh giáo hoàng, đặc tính của các vị thánh, lời mời gọi đối thoại và truyền thông, đức tin và lòng nhiệt thành truyền giáo cho đến khi nhân loại có thể sống trong một thế giới tốt đẹp hơn. Cho dù Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô không ở giữa chúng ta, các giá trị, các nguyên tắc và tình yêu của ngài vẫn sống động. Ông kết luận rằng với thánh tích của ngài, thánh nhân sẽ luôn hiện diện trong lời cầu nguyện của mọi người chúng ta. (ACI 20/11/2017)

Hồng Thủy

Ngày quốc tế giới trẻ Panama và Thượng hội đồng thế giới về người trẻ

Ngày quốc tế giới trẻ Panama và Thượng hội đồng thế giới về người trẻ

Ngày quốc tế giới trẻ tại Panama và Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về người trẻ: Phỏng vấn ĐHY Kevin Farrell, Tổng trưởng Bộ giáo dân, gia đình và sự sống, và ĐC Giancarlo Bregantini, TGM Campobasso-Boiano

Ngày 20 tháng giêng vừa qua ĐC José Domingo Ulloa Mendieta, TGM giáo phận Thành phố Panama, đã mở cuộc họp báo và cho biết Ngày Quốc Tế Giới Trẻ  lần thứ 34 sẽ tiến hành tại Thành phố Panama trong các ngày từ 22 đến 27 tháng giêng năm 2019. ĐC cũng nói rằng vì lý do khí hậu tuy thời gian đó không phải là kỳ nghỉ tại nhiều nước, nhưng hy vọng đó không phải chướng ngại cản trở các bạn trẻ tới tham dự để gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, từ tay Mẹ Maria và dưới sự hướng dẫn của Người kế vị thánh Phêrô.

Trước đây ĐTGM đã cho biết là muà hè ở bắc bán cầu là mùa mưa ở Panama.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn ĐHY Kevin Farrell Tổng trưởng Bộ giáo dân, gia đình và sự sống về Ngày quốc tế giới trẻ tại Panama, và ĐC Giancarlo Bregantini, TGM Campobasso-Boiano, về Thượng Hội đồng Giám mục về giới trẻ.

Trước hết là ĐHY Farrell. Trong các ngày từ mùng 5 tới mùng 8 tháng 12 năm 2016  ĐHY đã đến Panama tham dự các cuộc họp chuẩn bị.

Hỏi: Thưa ĐHY Farrell, trong các ngày từ 22 đến 27 tháng giêng năm 2019 Ngày quốc tế giới trẻ sẽ diễn ra bên Panama, trong dấu chỉ của Mẹ Maria. Đây có phải là lần đầu tiên Ngày quốc tế giới trẻ có đề tài về Đức Mẹ không?

Đáp: Vâng, đúng thế. Ngày quốc tế giới trẻ lần tới tại Panama trong các ngày 22 đến 27 tháng giêng năm 2019 sẽ là trong dấu chỉ của Mẹ Maria. Đây là lần đầu tiên lộ trình ba năm của Ngày quốc tế giới trẻ sẽ đạt tột đỉnh với việc cử hành Ngày quốc tế giới trẻ, có đề tài về Đức Mẹ. Mục đích là nhấn mạnh sự hiện diện của Mẹ Thiên Chúa trong cuộc sống của người trẻ, nhất là trong đức tin và lòng sùng mộ của các dân tộc Trung Mỹ.

Hỏi: Các HGĐM Trung Mỹ có mạnh mẽ ủng hộ Ngày quốc tế giới trẻ tại Panama không thưa ĐHY?Và lý do tại sao?

Đáp: Có. Các HĐGM Trung Mỹ châu ủng hộ việc đề nghị Ngày quốc tế giới trẻ tại Panama. Và đây là một nét nổi bật khác nữa của Ngày quốc tế giới trẻ. Và lộ trình chuẩn bị lôi cuốn cả các lực lượng của Giáo Hội cũng như của các xã hội tại Trung Mỹ. Lý do vì Panama có vị thế quan trọng, bởi vì chính tại đây Tin Mừng đã vào Mỹ châu. Và giáo phận La Antiqua đã được thành lập năm 1513 là giáo phận đầu tiên tại Mỹ châu.

Hỏi: Thưa ĐHY, Ngày quốc tế giới trẻ 2019 có là dịp giúp suy tư về hiện tượng di cư tỵ nạn hay không, và sứ điệp của nó có được nới rộng cho cả các tôn giáo khác nữa  không?

Đáp: Ngày quốc tế giới trẻ 2019 sẽ không chỉ là một dịp để kỷ niệm, mà cũng là dip để nhìn vào thực tại, qua ống kính ưu tiên của một nơi chốn là trung tâm của biết bao nhiêu lộ trình di cư từ nam lên bắc. Trong thời gian này là thời gian người ta nói nhiều tới người di cư, điểm hẹn tại Panama được đề nghị như là lúc suy tư về một trong các hiện tuợng với các mặt trái xã hội có ý nghĩa nhất  đối với các người nam nữ của thời đại chúng ta.

Tôi cũng đã tiếp nhận tích cực ý tưởng mời các bạn trẻ thuộc các tôn giáo khác thám dự để nới rộng ý nghĩa và sứ điệp  của Ngày quốc tế giới trẻ. Thực ra đây là điều đã luôn luôn được làm, vì tất cả các bạn trẻ kitô đều được mời gọi tham dự Ngày quốc tế giới trẻ, nhưng trong một thực tại như Trung Mỹ nó lại còn có một ý nghĩa lớn hơn nữa, bởi vì nó có thể là một câu trả lời của Giáo Hội công giáo cho các thách đố được đặt ra, đặc biệt bởi khuynh hướng chiêu dụ tín đồ từ phiá các giáo phái.

Hỏi: Thưa ĐHY, đây là lần đầu tiên Ngày quốc tế giới trẻ được triệu tập vào tháng giêng có phải thế không?

Đáp: Không, đây không phải là lần đầu tiên Ngày quốc tế giới trẻ được triệu tập vào tháng giêng. Nó đã xảy ra một lần với Ngày quốc tế giới trẻ trại Manila, và là Ngày quốc tế giới trẻ có số tham dự kỷ lục nhất. Tôi ý thức được các khó khăn mà giới trẻ âu châu có thể gặp phải, vì họ đang phải học, cũng như người trẻ Hoa Kỳ, nhất là các sinh viên đại học, vì đó là thời gian họ phải dấn thân học tập rất bận rộn. Nhưng trong trường hợp này, đặc biệt có các lý do thời tiết và khí hậu, xét vì tại Panama tháng giêng là tháng có ít mưa nhất.

Tiếp theo đây là bài phỏng vấn ĐC Giancarlo Bregantini, TGM Campobasso-Boiano, về Thượng Hội đồng Giám mục về giới trẻ.

Hỏi: Thưa ĐC Bregantini, tiếp theo sau Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới về gia đình là Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới về người trẻ. Nó có thể là một đà tiến mới cho toàn thể Giáo Hội hay không?

Đáp: Trước hết tôi hy vọng rằng ba vấn đề lớn mà người trẻ đang phải sống hiện nay được tiếp nhận. Thứ nhất là nhu cầu lớn của chức làm cha: cần phải tái chiếm lại gương mặt của Thánh Giuse. Ngài đã được đặt bên cạnh Chúa Giêsu, một Giêsu thiếu niên. Vấn đề thứ hai mà THĐGM này phài tiếp nhận đó là sự bấp bênh của người trẻ, và không phải chỉ ở “bên trong” là các vấn đề liên quan tới đức tin, bởi vì đức tin của người trẻ thường bị khủng hoảng vì họ không có công ăn việc làm. Và sự bấp bênh không chỉ là thất nghiệp, mà cả đối với người trẻ có việc làm không thích hợp nữa. Vấn đề thứ ba đó làTHĐGM phải giúp giới trẻ can đảm  hơn trong các lựa chọn ơn gọi, tái phát huy vẻ đẹp là linh mục tu sĩ, nghĩa là trao ban cho Giáo Hội sự nồng nhiệt, sự hăng say, để có thể có một câu trả lời thích hợp trên bình diện ơn gọi, sau một thời gian phân định dài. Điểm thứ nhất, nguời trẻ xin chúng ta đồng hành với họ; điềm thứ hai phải là sự đồng hành của Chúa Giêsu, là Đấng đã làm việc cho tới năm 30 tuổi và cũng ở trong tình trạng bấp bênh của một xưởng mộc. Điểm thứ ba là sự hăng say: giáo Hội Italia và giáo Hội thế giới phải có nhiệt huyết hơn, sốt sắng hơn, đam mê hơn, phải có khả năng sống Niềm vui Phúc Âm hơn.

Hỏi: Thưa ĐC, trong thư ĐTC gửi cho giới trẻ toàn thế giới, chính trong dịp công bố tài liệu này ĐC đã nhấn mạnh rằng Giáo Hội muốn lắng nghe người trẻ, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, đúng thế. Vấn đề là đồng hành với người trẻ, lại càng khó khăn hơn nữa việc ở bên cạnh họ, không để cho họ mất đi. Thế rồi nhất là, như trong các cuộc thảo luận cũng đã có trong các giáo phận, cần thiết là đừng vất đi các năm của sự bấp bênh, nhưng là các năm trong đó chúng ta phải giúp họ  đọc lại Phúc Âm với con mắt của sự bấp bênh. Chẳng hạn các Phúc Thật, dưới ánh sáng của sự bấp bênh, xem ra càng phúc âm hơn. Khi đó sự bấp bênh không còn là tuổi mất đi nữa, nhưng là một tuổi của sự hoán cải của toàn thể Giáo Hội; bởi vi tôi không thể đồng hành với giới trẻ, nếu tôi là linh mục có cuộc sống ổn định: tôi là linh mục trẻ tôi có lương của tôi và bạn là người trẻ làm việc trong một thực tại bấp bênh, bạn không có gì khi chiều đến,  vì họ không trả lương cho bạn… Đó là lý do tại sao để ở bên cạnh người trẻ, để đồng hành với họ, người lớn chúng ta – Giáo Hội – phải hoán cải: giới trẻ là một khiêu khích thánh thiện tích cực đối với chúng ta. Vì thế nó không được là một Thượng Hội Đồng Giám Mục trong đó giới trẻ là “đối tượng”, mà trong đó họ phải là “chủ thể” lôi cuốn cả chúng ta thay đổi. Khi lắng nghe sự bấp bênh của giới trẻ, các linh mục trở thành trung thực hơn, các nữ tu trở thành trung thực hơn, nghèo nàn hơn, các thực tại đan tu trở thành cởi mở hơn. Đó là điều tôi mơ ước cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về giới trẻ.

Hỏi: Thưa ĐC, Giáo Hội thành công tới mức nào trong việc hiểu biết giới trẻ, để lắng nghe họ và để đồng hành với họ? Cũng có một đề tài  về việc canh tân ngôn ngữ nữa, có đúng thế không?

Đáp: Chắc chắn rồi. Cần phải học từ ĐTC Phanxicô. Bình thường sức mạnh của ngài không ở trong một thứ ngôn ngữ trau truốt, nhưng ở trong một ngôn ngữ chân thực, trong đó bạn trông thấy điều ngài nói với bạn là điều ngài đã sống, đã nội tâm hoá, đã đau khổ…

Hỏi: ĐC đã luôn luôn rất hiện diện trong cuộc sống của người trẻ. Họ đã trao ban cho ĐC những gì? Giới trẻ có thể trao ban gì cho Giáo Hội?

Đáp: Tôi đã học được từ người trẻ rất nhiều trong các trường học, và đây là một trong các điểm nóng mà chúng ta phải tái chiếm. Nghĩa là các linh mục phải gần gũi học đường. Cần phải chế tạo ra một sự hiện diện mới mẻ. Tại sao bạn lại không thể là một tuyên uý trường học? Nghĩa là một linh mục lưu tâm tới một trường học lớn có 500 học sinh: theo dõi chúng, dành cho chúng mỗi tuần một hai ngày ban sáng – hãy tái khám phá ra sự khôn ngoan của cha Milani, không phải “làm gì” ở trường học nhưng là là “dậy học” như thế nào. Theo tôi đó là một trong các không gian cần phải làm việc. Học đường vẫn còn là môt không gian rộng mở: với các cách thức khác nhau, không phải như là giáo sư của môn tôn giáo nữa, nhưng như là việc đồng hành đào tạo của một linh mục trong vùng theo dõi một trường học.

(Oss. Rom 23.24-1-2017)

Linh Tiến Khải

 

CÁC GIÁM MỤC PAMANA KÊU GỌI GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ TRẦM TRỌNG TRONG NƯỚC

CÁC GIÁM MỤC PAMANA KÊU GỌI GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ TRẦM TRỌNG TRONG NƯỚC

THÀNH PHỐ PANAMA: Trong thông cáo công bố sau kỳ họp khoáng đại nhóm từ ngày 7 đến 11 tháng 7 năm 2014 tại Clayton, ngoại ô thủ đô thành phố Panama, các Giám Mục nước này khẳng định rằng chúng ta không thể chỉ than vãn trước sự dữ mà không phản ứng hay tranh đấu chống lại nó.

Theo hãng thông tấn Fides, Đức Cha Pablo Varela Server, Giám Mục phụ tá tổng giáo phận Panama cho biết thông cáo của Hội Đồng Giám Mục Panama yêu cầu giới hữu trách chính quyền, các chính trị gia và toàn thể xã hội dân sự trong nước hãy thực hiện những biện pháp cần thiết để tái chiếm lại niềm tin cậy của dân chúng nơi các cơ cấu chính phủ, đề ra những chính sách thăng tiến công ích, đặt nền tảng trên sự phát triển liên đới, trong đó, con người được đặt ở địa vị cao vượt trên mọi lợi lộc kinh tế.

Cũng trong thông cáo, các Giám Mục Panama kêu mời tôn trọng phẩm giá con người và đẩy mạnh nền dân chủ cộng đồng, đồng thời với một nền công lý xứng hợp. Các vị cũng bày tỏ lo âu về tình hình bất ổn lan tràn cả trong Giáo Hội và gia đình, sự kiện các tài nguyên thiên nhiên như nước dùng và rừng không được quản lý tốt, tình trạng an ninh thực phẩm bấp bênh và nhất là phẩm chất quá thấp của thực tại y tế, giáo dục và mạng lưới lưu thông trong nước, song song với hiện tượng các dịch vụ buôn bán ma túy tăng mạnh. (FIDES 12-07-2014).

Mai Anh – Vatican Radio