Tượng Đức Mẹ Fatima được rước đến ĐHGT ở Panama vào tháng 01/2019

Tượng Đức Mẹ Fatima được rước đến ĐHGT ở Panama vào tháng 01/2019

Ngày 27/08, Đức cha José Domingo Ulloa Mendieta, tổng Giám mục Panama, thông báo rằng tượng Đức Mẹ Fatima sẽ được đưa đến Panama nhân dịp Đại hội Giới trẻ thế giới (ĐHGT) được tổ chức tại đây từ ngày 22-27/01/2019.

Tượng Đức Mẹ Fatima đầu tiên được làm theo sự chỉ dẫn của sơ Lucia – một trong 3 trẻ mục đồng được Đức Mẹ hiện ra ở Fatima – và được đức tổng Giám mục của Évora đội triều thiên vào năm 1947, được tôn kính trong đền thánh ở Fatima, Bồ đào nha, và trong các cuộc thánh du từ 80 năm nay.

Vinh danh thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô – người thành lập ĐHGT thế giới

Đây là lần đầu tiên từ năm 2000 tượng Đức Mẹ Fatima được đưa ra khỏi Fatima. Văn phòng giám đốc đền thánh đã quyết định tượng Đức Mẹ sẽ được đặt tại đền thánh, sau khi đã thánh du 64 quốc gia, nhưng ĐHGT năm 2019 đã xin một ngoại lệ.

Trong một cuộc họp báo, cha Carlos Cabecinhas, giám đốc đền thánh Đức Mẹ Fatima, khẳng định rằng quyết định này dựa trên tầm quan trọng của sự kiện, và trên hết là mối liên hệ với thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, người sáng lập ĐHGT thế giới, và là người có lòng sùng kính đặc biệt Đức Mẹ Fatima; và nguyên nhân cuối cùng là lòng sùng kính sâu sắc của người dân Panama đối với Đức Mẹ. Một phái đoàn đại diện của đền thánh Fatima do cha Marco Daniel Duarte, giám đốc bảo tàng đền thánh Fatima, đã đến Panama để thông báo tin này.

Tượng Đức Mẹ sẽ đến Panama vào ngày 21/01/2019

Tượng Đức Mẹ Fatima sẽ đến Panama vào lúc 17 giờ 15 ngày 21/01/2019 và sẽ được kính viếng tại đây cho đến 17 giờ ngày 29/01. Trong thời gian này, đầu tiên tượng Đức Mẹ sẽ được đặt tại nhà thờ Lộ đức, sau đó từ thứ ba ngày 22/01, tượng sẽ được rước đến nhà nguyện Thánh Thể tại Công viên Tha thứ do các nữ tu dòng Mẹ Têrêsa coi sóc. Tại công viên sẽ có những thời điểm liên kết với chương trình của ĐHGT, từ khi bắt đầu với Thánh lễ khai mạc vào thứ 3. Vào thứ bảy 26/01 và Chúa nhật 27/01, tượng sẽ hiện diện trong trong buổi canh thức, giờ lần hạt Mân côi, và trong Thánh lễ kết thúc vào Chúa nhật.

Hồng Thủy

Kỷ niệm 13 năm Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II về Nhà Cha

Kỷ niệm 13 năm Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II về Nhà Cha

21 giờ 37 phút tối thứ bảy ngày 02/04/2005, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã từ giã cõi đời.

Hàng ngàn và hàng ngàn tín hữu đã tụ họp tại quảng trường thánh Phêrô đọc Kinh Mân Côi. Theo báo chí và theo số liệu của các đơn vị phụ trách an ninh, đã có khoảng 7 triệu tín hữu đổ về Roma trong những ngày này để kính viếng vị cha chung của Giáo hội và tham dự Thánh lễ an táng.

Sau khi Đức Giáo hoàng qua đời, Đức Tổng Giám mục Leonardo Sandri, khi đó là phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh, hiện nay là Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Công giáo Đông phương, đã thông báo với hàng chục ngàn tín hữu đang đứng cầu nguyện tại quảng trường thánh Phêrô: “Anh chị em thân mến, vào lúc 21 giờ 37, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II kính yêu của chúng ta đã trở về Nhà Cha. Chúng ta cầu nguyện cho ngài.”

Nhiều gương mặt đau buồn, những giọt lệ tuôn rơi, cũng không thiếu bàng hoàng, dù đã biết những giây phút cuối đời của ngài đang đến. Tuy vậy, các tín hữu đón nhận tin buồn với niềm tin mạnh mẽ, tin chắc rằng Chúa sẽ ân thưởng hạnh phúc vĩnh cửu cho người tôi tớ trung thành.

Trong những ngày kế tiếp, những hàng dài ngày càng dài với hàng triệu tín hữu từ khắp thế giới, đặc biệt là từ Ba lan, đổ về Vatican để kính viếng thi hài vị cha chung được đặt tại đền thờ thánh Phêrô.

Sáng ngày 08/04/2005, Đức Hồng y Joseph Ratzinger –  khi đó là niên trưởng Hồng y đoàn, và một ít ngày sau đó được bầu làm Giáo hoàng với tên Biển đức XVI – đã chủ sự Thánh lễ an táng cho Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô tại quảng trường thánh Phêrô  Tại quảng trường, những tiếng hô vang dội “Santo subito”, những băng rôn với dòng chữ “Santo subito” tràn ngập, thể hiện niềm tin và lòng mong muốn Giáo hội sớm tuyên phong “vị thánh trong lòng mọi người.” (Vatican News 02/04/2018)

Hồng Thủy

Gần 1 tỉ tín hữu bước qua Cửa Thánh

Gần 1 tỉ tín hữu bước qua Cửa Thánh

duc-thanh-cha-dong-cua-thanh-den-tho-thanh-phero

Roma – Trong cuộc họp báo nhân dịp kết thúc Năm Thánh Lòng Thương xót và giới thiệu tông thư mới của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Tổng giám mục Rino Fisichella, chủ tịch Hội đồng cổ võ việc tái truyền giảng Tin mừng cho biết là có khoảng 950 triệu tín hữu trên toàn thế giới đã đi qua Cửa Thánh tại Roma cũng như tại các Giáo phận hay đền thánh trên khắp thế giới.
Đức cha Fisichella cũng cho biết có hơn 21 triệu khách hành hương đến Roma trong Năm Thánh ngoại thường này. Ngài cũng nhấn mạnh ước mong của Đức Thánh Cha, đó là “để cho các tín hữu những trải nghiệm lòng thương xót để trở thành một khí cụ của lòng thương xót.” (RV 21/11/2016)


Hồng Thủy

Đức Thánh Cha chia buồn với Giáo Hội Chính Thống Copte Ai Cập

Đức Thánh Cha chia buồn với Giáo Hội Chính Thống Copte Ai Cập

VATICAN. ĐTC đã gọi điện cho Đức Thượng Phụ Tawadros II, Giáo Chủ Chính Thống Copte Ai cập, để chia buồn về vụ 21 tín hữu thuộc Giáo Hội này bị cái gọi là Nhà Nước Hồi giáo, IS, chặt đầu hôm 16-2 vừa qua ở Libia.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết trong cuộc điện đàm với Đức Thượng Phụ, ĐTC đã bày tỏ sự cảm thông sâu xa với sự đau khổ của Giáo Hội Chính Thống Copte vì vụ sát hại dã man các tín hữu Chính Thống Copte do những người Hồi giáo cực đoan. Ngài hứa cầu nguyện cho các nạn nhân và trong ngày an táng các nạn nhân 17-2 này, ngài dâng lễ ban sáng, hiệp ý cầu nguyện và liên kết với đau khổ của Giáo Hội Copte.

Trong ý hướng đó, trong thánh lễ sáng hôm qua, 17-2-2015, tại nguyện đường Nhà trọ thánh Marta, ĐTC nói với mọi người hiện diện: ”Chúng ta hãy dâng thánh lễ này cho 21 anh em Copte của chúng ta, bị cắt cổ chỉ vì là Kitô hữu. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ, xin Chúa đón nhận họ như người tử đạo, cầu cho gia đình họ, cho người anh em tôi là Thượng Phụ Tawadros đang đau khổ nhiều vì vụ này.”

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC tái kêu gọi những nước liên hệ đừng bán khí giới cho các nước đang có chiến tranh.
Trước đó, trong buổi tiếp kiến phái đoàn Giáo Hội Ecosse hôm 16-2-2015, ĐTC đã ứng khẩu bằng tiếng Tây Ban Nha, để bày tỏ đau buồn vì sự sát hại các tín hữu Chính Thống Copte ở Libia và nhắc lại rằng: ”Khi bị hành quyết, họ chỉ nói: Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con”. Họ đã bị sát hại chỉ vì là Kitô hữu… Máu của các anh em Kitô chúng ta là một chứng từ kêu lớn. Họ là Công Giáo, Chính Thống, Copte, hay Luther, điều đó không quan trọng. Máu vẫn là máu. Máu làm chứng cho Chúa Kitô. Chúng ta nhớ đến các anh em ấy đã chết chỉ vì sự kiện họ làm chứng cho Chúa Kitô, tôi xin chúng ta hãy khích lệ nhau tiến bước trong tinh thần đại kết này, tinh thần đại kết bằng máu, đang khích lệ chúng ta. Các vị tử đạo tất cả đều là Kitô hữu”. (SD 16-2-2015)

Tại Ai Cập, Đức Thượng Phụ Ibrahim Isaac Sidrak, ở thành Alessandria, thủ lãnh của hơn 200 ngàn tín hữu Công Giáo Copte Ai Cập, cũng chia buồn với Giáo Hội Chính Thống tại nước này cũng như với gia đình của các nạn nhân bị sát hại, đồng thời ngài cũng cám ơn tổng thống Abdel Fattah al Sisi cũng như tất cả các tổ chức chính quyền Ai Cập đã mau lẹ phản ứng đối với hành vi khủng bố của nhóm IS.

Tổng thống al Sisi đã ra lệnh cả nước để tang trong 7 ngày 21 tín hữu Copte bị sát hại. Ông cũng ra lệnh cho không lực Ai Cập tấn công các căn cứ của lực lượng Hồi giáo IS ở Libia.

Trong tuyên ngôn được hãng tin Fides của Bộ truyền giáo truyền đi, Đức Thượng Phụ Sidrak cũng mời gọi các tín hữu hãy nhìn cái chết bi thảm của anh em Chính Thống Copte với cái nhìn được đức tin soi sáng. Đồng thời ngài coi sự kiện toàn dân Ai Cập có một phản ứng đồng nhất trước vụ sát hại này là một điều quan trọng, liên kết mọi người, Kitô cũng như Hồi giáo với nhau”. (RG 16-2-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio